CHƯƠNG XII: CHÁNH NIỆM (SAMMÀ- SÀTI)

Không có gì cường điệu quá đáng khi nói rằng đối với chúng ta điều quan trọng nhất trong vũ trụ này chính là Tự ngã (1) của chúng ta. Nói một cách khác, nếu chúng ta cho rằng một điều gì đó, hữu tình hay vô tình, là kỳ diệu thì chính tâm chúng ta là nhân tố đưa ra ý kiến đó. Trong con người chúng ta điều kỳ diệu và quan trọng nhất là tâm hay thức của chúng ta vậy. Nếu cái gọi là con người này được ví với một thanh nam châm, tâm của nó tiêu biểu cho từ lực mà, mặc dù không thể nhận thấy và sờ mó được, có thể làm những điều kỳ diệu, tâm con người cũng kỳ diệu như vậy; nó thể hiện bằng nhiều cách khác nhau. Tâm thống trị, ưu việt và thay thế các lực hiện hữu trong thế gian này, vì nó vượt qua mọi quy luật của hóa học và vật lý.

Như vậy, nếu chúng ta xem Tự ngã của mình là cái quan trọng nhất trong thế gian, chúng ta nên bảo vệ Tự ngã của mình và đồng thời bảo vệ Tự ngã của mọi người.

"Nếu ta yêu quý ta

Phải khéo bảo vệ mình" (2).

Câu chuyện mà Ðức Phật dẫn dụ sau đây sẽ minh hoạ được điểm này.

Thuở trước này các Tỳ kheo, có một người chuyên biểu diễn nhào lộn, sau khi dựng lên một cây tre và trèo lên đó rồi bảo người đệ tử của mình "Này con hãy trèo lên cây tre và đứng trên vai ta". Khi người đệ tử trèo lên và đứng trên vai như vậy xong, người Thầy nói: "Này con, bây giờ hãy bảo vệ ta và ta sẽ bảo vệ con; nhờ trông chừng nhau như vậy, chúng ta sẽ biểu diễn những màn nhào lộn của mình, kiếm nhiều tiền và leo xuống cây tre an toàn".

Tuy nhiên, người đệ tử nói: "Không được, thưa Thầy, làm như vậy không ổn, Thầy hãy tự bảo vệ mình và con sẽ tự bảo vệ con. Nhờ tự bảo vệ mình và canh chừng như vậy chúng ta sẽ biểu diễn những môn nhào lộn của mình, kiếm nhiều tiền và leo xuống cây tre an toàn, đó mới là phương pháp!".

Ðức Thế Tôn tiếp tục:

Này các Tỳ kheo! cũng như người đệ tử nói với ông Thầy của mình: Con sẽ tự bảo vệ mình, các con cũng phải thực hành Tứ Niệm Xứ như vậy (nghĩa là Chánh niệm cần phải thực hành để bảo vệ chính mình). "Con sẽ bảo vệ người khác". Tứ niệm xứ cần phải thực hành như vậy (nghĩa là Chánh niệm cần phải được thực hành để bảo vệ người khác). Nhờ bảo vệ chính mình, ta bảo vệ người khác; nhờ bảo vệ người khác, ta bảo vệ chính mình. Và này, các Tỳ kheo, thế nào là nhờ tự bảo vệ mình, ta bảo vệ người khác? Chính do sự thực hành liên tục, do sự tu tập, do thường xuyên làm cho sung mãn, trong khi tự bảo vệ mình ta bảo vệ người khác.

Và này các Tỳ kheo, thế nào là nhờ bảo vệ người khác, ta bảo vệ chính mình?" Chính do sự kham nhẫn, do không làm hại, do lòng từ và lòng bi mẫn... Này các Tỳ kheo, các con phải thực hành Tứ Niệm Xứ như vậy, tự nhủ "Ta sẽ tự bảo vệ mình", "Ta sẽ bảo vệ người khác".

Ðối với một người đọc có Tư duy, những gì bài kinh này muốn chỉ ra thực đã quá rõ ràng. Sự nhấn mạnh ở đây là Chánh niệm. Ðức Phật khuyến hóa chúng ta nên tu tập Tứ Niệm Xứ nhằm bảo vệ chính mình và bảo vệ người khác.

Kham nhẫn, vô hại, lòng từ và lòng bi là những đức hạnh qua đó ta đem lại sự bảo vệ và an ổn cho người khác. Những đức hạnh này không thể tu tập mà không có Chánh niệm. Người có Chánh niệm là người ý thức được những Tư duy, lời nói và hành động của mình.

Chánh niệm bảo vệ người thực hành Chánh niệm không đi trệch ra khỏi con đường chánh trực, và khuyến khích họ làm những điều thiện. Như vậy, nhờ để khởi Chánh niệm, nhờ thực hành liên tục và nhờ làm cho sung mãn (Chánh niệm), ta bảo vệ chính mình và bảo vệ người khác.

Bảo vệ Tự ngã của mình không phải là chủ nghĩa vị kỷ, không phải là sự bảo vệ ích kỷ cái tôi của mình, mà là tự khép mình vào giới luật, tự rèn luyện mình cả về đạo đức lẫn tinh thần. Cho đến một mức độ nào mà chúng ta cảm thấy vững mạnh về tinh thần và tự tin, khi ấy chúng ta mới khả dĩ giúp được người khác. Nếu chúng ta nhu nhược và thiếu tự tin, thì chúng ta chẳng thể nào giúp được cho bản thân mình huống chi là giúp người khác. Lòng vị tha, như một nguyên tắc hành động, được dựa trên nhân cách và sự phát triển tinh thần của chúng ta.

Câu nói: "Nhờ bảo vệ chính mình (hay Tự ngã) ta bảo vệ người khác, nhờ bảo vệ người khác ta bảo vệ chính mình", loại trừ quan niệm sai lầm cho rằng những người theo Phật giáo Nguyên Thủy, hay Theravàda, là những người ích kỷ và bi quan. Nhiều người, trong sự nhiệt thành quá mức của họ, nghĩ rằng người hành thiền đích thực đang nỗ lực tự rèn luyện mình hay người đang cố gắng bảo vệ mình khỏi mọi điều ác, là người tự coi mình là trung tâm (self- centered: tự kỷ trung tâm), nhưng điều này không hợp lý. Muốn phục vụ người khác trước tiên ta phải tự rèn luyện mình, tự bảo vệ mình (khỏi điều ác) đã. Người thầm lặng (chỉ người hành thiền) như vậy luôn là những người trợ giúp vô hình. Một người có thể được coi là có lòng rộng rãi, nhưng nếu đời tư của họ đáng hoài nghi, và sống một cuộc đời không ích lợi gì cả, trên quan niệm của Ðức Phật họ là người quá dễ duôi với chính bản thân mình, và thực sự không thể giúp ích gì cho người khác, người ấy không phải là người hộ trì thực sự của xã hội.

Ðối với vế sau của câu nói: "Nhờ bảo vệ người khác, ta bảo vệ chính mình" chúng ta cũng nên cảnh giác không quá quan trọng hóa nó trong nhiệt tâm phục vụ người khác của chúng ta. Hai vế của câu nói này cần phải được kết hợp với nhau nếu chúng ta muốn quân bình.

Ðức Bồ tát, như đã được thấy qua Kinh điển, đầu tiên tự rèn luyện mình, tu tập các pháp Ba la mật (Pàrami) cho được viên mãn, trước khi Ngài đạt đến Giải thoát tối thượng. Sau đó vận dụng trí tuệ và Từ bi, hai đức hạnh chính trong lời dạy của Ngài, để hướng dẫn người khác trên chánh đạo và trở thành người hộ trì thực sự của nhân loại. Là một vị Bồ tát trong khi giúp người, Ngài không bao giờ quên giúp chính bản thân mình. Chúng ta phải luôn luôn phục vụ người khác, đồng thời cũng đừng bao giờ quên chính mình và rèn luyện tự thân mình trong Chánh niệm. Ðó là chánh lý đưa đến an lạc và hạnh phúc cho chính bản thân mình và cho người khác.

Trong một bài kinh khác Ðức Phật nói:

"Trước hết tự đặt mình,

Vào nếp sống chơn chánh

Sau mới giáo hóa người

Bậc trí không bị trách" (3).

Trong Kinh điển Phật giáo chúng ta luôn luôn gặp từ Appamàda, chú niệm hay chuyên niệm được coi là rất gần với từ Sati, Chánh niệm. Thực khó mà dịch từ Appamàda này một cách đầy đủ ý nghĩa. Theo chữ thì nó có nghĩa là sự không sao nhãng Chánh niệm. Pamàda nghịch nghĩa với nó, là sao nhãng hay dễ duôi, mà trong nội dung này có nghĩa là để cho tâm lang thang giữa những đối tượng dục lạc (phóng dật). Do vậy, Appamàda hàm ý hằng cảnh giác, hằng chú niệm để tránh điều ác và làm điều thiện. Từ ngữ rõ ràng đã được dùng để biểu thị sự Chánh niệm.

Ðiều đáng chú ý là Ðức Phật rất nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Appamàda (4) (chuyên niệm, không dễ duôi) trong lời di huấn sau cùng của Ngài cho hàng đệ tử: "Hãy Tinh tấn chớ nên dễ duôi" (Appamàdena, sampàdetha). Ðiều đáng chú ý không kém, cần ghi nhận ở đây là những lời cuối cùng của Tôn giả Xá Lợi Phất (Sàriputta), bậc đại đệ tử của Ðức Phật, người nhập diệt trước bậc Ðạo Sư, cũng tán thành giá trị của Appamàda: "Hãy Tinh tấn chớ nên dễ duôi, đây là lời khuyên của Ta đến chư hiền".

Chánh niệm, sự tỉnh thức trọn vẹn và sự hiểu biết rõ ràng đây là những cách nhờ đó ta đưa việc hành thiền đến chỗ viên mãn, người Chánh niệm và tỉnh thức (biết mình) trong mọi lúc mọi nơi, là người đã tới được cửa Bất tử.

Thiền là huyết mạch của đạo Phật, vì dễ duôi (không chú niệm) là tử lộ. Như Ðức Phật nói:

"Chánh niệm là đường sống (5)

Dễ duôi là đường chết,

Người Chánh niệm, không chết (6)

Dễ duôi (còn sống) như chết rồi".

"Biết rõ sai biệt ấy (7)

Bậc trí luôn Chánh niệm

Hoan hỷ, không dễ duôi

An vui trong Thánh cảnh" (8).

"Người hằng tu thiền định

Thường kiên trì Tinh tấn

Giải thoát mọi trói buộc

Ðắc Vô thượng Niết bàn" (9).

Tầm quan trọng của pháp không dễ duôi được bậc Ðạo Sư nhấn mạnh trong những lời sau đây:

"Thí như dấu chân của các loài sinh vật đi trên đất có thể đặt vào trong dấu chân voi vì dấu chân này được coi là lớn nhất trong các dấu chân. Cũng vậy, pháp không dễ duôi là pháp nhờ đó người ta có thể thành tựu an lạc cả đời này lẫn đời sau" (10).

"Pháp không dễ duôi là pháp thúc đẩy các Tư duy thiện chưa sanh được sanh khởi. Nó cũng là pháp làm cho những Tư duy bất thiện đã sanh phải suy giảm. Trong người nào có pháp không dễ duôi này, những Tư duy thiện chưa sanh, sẽ sanh, những Tư duy ác nếu đã sanh sẽ bị diệt".

Người luôn có sự hiện diện của tâm, là người tự bao bọc quanh mình với sự canh chừng của tâm (Satimà), người cam đảm và nhiệt thành - vượt qua được trạng thái hôn trầm và dễ duôi (Pamatto) như con ngựa chiến vượt qua con ngựa già yếu vậy.

"Tinh cần giữa phóng dật

Tỉnh thức giữa quần mê

Người trí như ngựa phi

Bỏ sau con ngựa hèn" (11).

Chánh niệm và Tỉnh giác liên tục là điều thiết yếu để tránh ác và hành thiện. Những Tư duy và cảm xúc của chúng ta cần được chăm sóc và canh chừng thường xuyên để hướng chúng vào con đường thanh tịnh, chính nhờ sự theo dõi liên tục này mà ta thành đạt tiến bộ tâm linh.

Ða văn, học rộng, nhưng nếu thiếu Chánh niệm cũng không đem lại lợi ích gì cho con người, vì không có Chánh niệm họ không thể tận dụng được sở học của mình. Ngay cả những người gọi là trí thức cũng không thấy được sự vật đúng theo thực tánh của nó khi mà họ thiếu đi pháp Chánh niệm vô cùng quan trọng này. Những người có địa vị trong xã hội, do những lời nói thiếu suy xét và không cân nhắc đến hậu quả chúng, luôn luôn phải chịu sự chỉ trích nghiêm khắc và chính đáng, cách ngôn có câu: "Lời đã nói ra không thể lấy lại được, cũng như mũi tên đã buông ra không bao giờ quay lại". Chánh niệm về một ý nghĩa nào đó, là đặc tính chính của mọi thiện pháp có khuynh hướng đem lại lợi ích cho bản thân và cho người khác.

Chúng ta hãy lắng nghe những lời dạy này của Ðức Phật:

"Này các Tỳ kheo, Ta không thấy một pháp nào khác đem lại bất lợi lớn như là pháp dễ duôi này. Ta không thấy một pháp nào khác đem lại lợi ích lớn như pháp không dễ duôi này. Không dễ duôi, quả thực đem lại lợi ích rất lớn" (12).

Bậc Ðạo sư cảnh giác hàng đệ tử không nên dễ duôi bởi vì nó là pháp rất chướng ngại cho tiến bộ của con người, cả về phương diện vật chất lẫn tinh thần, "Hãy Tỉnh giác, hãy Chánh niệm", là lời cảnh báo mà Ngài thường nhắc nhở hàng đệ tử mỗi khi nhận thấy họ thiếu nhiệt tâm tu tập. Khích lệ chỉ bằng một lời đại loại như vậy nhưng rất nhiều người đã thay đổi cả cuộc đời của họ. Kinh điển đã ghi lại trường hợp ở đây sự tình này xảy ra sau một vài lời nhắc nhở như:

"Hãy Tinh tấn, Chánh niệm, giữ giới luật,

Nhiếp thúc ý chí, bảo hộ tự tâm

Ai Tinh tấn trong Pháp và Luật này

Sẽ diệt sanh tử, chấm dứt khổ đau" (13).

Hơn nữa Ðức Thế Tôn còn nói:

"Này các Tỳ kheo! Ta không nói rằng đối với tất cả các Tỳ kheo, có sự việc cần phải làm, nhờ không dễ duôi. Này các Tỳ kheo, Ta cũng không nói rằng đối với tất cả Tỳ kheo không có sự việc cần phải làm nhờ không dễ duôi. Này các Tỳ kheo, đối với những Tỳ kheo là bậc Thánh A la hán, các lậu hoặc đã đoạn tận, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt được lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, Chánh trí Giải thoát; này các Tỳ kheo, đối với những Tỳ kheo như vậy, Ta nói rằng không có sự việc cần phải làm, nhờ không dễ duôi. Vì sao vậy? Vì sự việc ấy đã được các vị này làm, nhờ không dễ duôi. Và này các Tỳ kheo, đối với các Tỳ kheo còn là các bậc hữu học, tâm chưa thành tựu, đang sống cần cầu Vô thượng an ổn khỏi các triền ách, này các Tỳ kheo, đối với những Tỳ kheo như vậy, Ta nói rằng có sự việc cần phải làm, nhờ không dễ duôi. Vì sao vậy? Dầu cho trong khi các vị Tỳ kheo này thọ dụng chỗ trú ngụ thích hợp, thân cận các bậc thiện hữu, chế ngự các căn, các vị ấy (cần phải) tự mình nhờ thượng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại mục đích Vô thượng của Phạm hạnh, vì mục đích này các thiện gia nam tử chân chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Do vậy, này các Tỳ kheo, đối với các Tỳ kheo này, vì thấy quả này của sự không dễ duôi nên Ta nói có sự việc cần phải làm, nhờ không dễ duôi" (14).

Như chúng ta đã thảo luận trong một chương trước, việc hành thiền được thành tựu là nhờ sự kết hợp của ba chi phần cuối của Ðạo Lộ (Bát chánh): Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định, ba chi này tạo thành ba tao của sợi dây, chúng đan xoắn vào nhau và tác động qua lại lẫn nhau. Tuy nhiên Chánh niệm được coi là tao mạnh nhất, vì nó đóng vai trò chủ chốt trong sự thâu thập cả an tịnh lẫn trí tuệ. Chánh niệm là một chức năng của tâm, do đó nó là một Tâm sở. Không có Tâm sở quan trọng này ta không thể nhận thức các đối tượng giác quan, ta không thể ý thức trọn vẹn về hành vi cư xử của mình. Sở dĩ Tâm sở này được gọi là Chánh niệm là vì nó tránh sự tác ý sai hướng, và ngăn tâm không cho tác ý đến các pháp theo cách lầm lạc. Chánh niệm hướng dẫn người có Chánh niệm trên con đường đi đến thanh tịnh và Giải thoát.

Như vậy Chánh niệm này cần phải được áp dụng đối với tất cả mọi việc ta tiếp xúc. Trong mọi chuyển động của chúng ta, chúng ta được trông đợi phải có sự chú niệm này. Dù khi chúng ta đi, đứng, ngồi, nằm hay dù khi chúng ta nói, nín, ăn, uống hay đại tiểu tiện. Nói chung trong mọi hoạt động chúng ta phải có Chánh niệm và tỉnh thức "Chánh niệm, này các Tỳ kheo, ta tuyên bố là pháp thiết yếu nhất trong tất cả các pháp dù ở bất cứ nơi đâu" (15).

Trong nội dung này chúng ta cũng cần chú ý rằng từ Sati (niệm) thường được dùng với một từ khác có ý nghĩa không kém trong Kinh điển đạo Phật, đó là Sampajanna (Tỉnh giác). Hợp từ Sati- Sampajanna (Chánh niệm Tỉnh giác) xuất hiện rất thường xuyên trong các bài pháp cho chúng ta thấy rằng Chánh niệm và Tỉnh giác là hai pháp luôn luôn hợp tác với nhau.

Như một người từ bên ngoài đi vào căn phòng tối dần dần nhận ra được những đồ vật ở trong đó, cũng vậy một người khi Tỉnh giác và Chánh niệm trọn vẹn sẽ tuệ tri rõ các pháp và đem bản chất thực của chúng ra ánh sáng. Thực tánh của các pháp bị vô minh che đậy, được nguỵ trang bằng sự không biết, nhưng Chánh niệm giúp người ta có Chánh kiến hiểu biết và Giải thoát tâm khỏi đám mây mù vô minh này.

"Ví như, này các Tỳ kheo, một ngôi nhà có nóc nhọn, phàm có những cây kèo xà nào, tất cả chúng đều đi đến góc nhọn, đều quy tụ vào góc nhọn, đều châu đầu vào góc nhọn, tất cả chúng đều đâm đầu vào góc nhọn. Cũng vậy, này các Tỳ kheo, phàm có những bất thiện pháp nào, tất cả chúng đều lấy vô minh làm cội rễ, đều lấy vô minh làm điểm tựa, đều châu đầu vào vô minh, tất cả chúng đều đâm đầu vào một gốc. Do vậy, này các Tỳ kheo, các con phải tự rèn luyện mình như thế này "chúng ta sẽ sống với nhau không có dễ duôi" (16).

Vô minh là biết cái không đáng biết, đó là biết cái ác, bất thiện. Hơn nữa vô minh là không nhận thức được bản cất cấu hợp của các uẩn; không nhận thức được bản chất của căn và trần đúng bản chất của căn và trần, không nhận thức được sự rỗng không hay tính tương đối của các Ðại (Tứ Ðại); không nhận thức được tính chất ưu việt của các căn khi đã được chế ngự và không nhận thức được tính thất như thị (thusness), tính chất thật của Tứ Ðế (17).

Và năm Triền cái nuôi dưỡng (tạo điều kiện) cho vô minh này. Chúng ngăn che sự hiểu biết về con đường thoát khổ. Cái gì nuôi dưỡng năm Triền cái này? Ðó là ba hành ác của cuộc sống: Thân hành ác, khẩu hành ác và ý hành ác, ba hành ác này lại được nuôi dưỡng bằng sự không chế ngự các căn. Thức ăn của sự không chế ngự này được trình bày là do thiếu Chánh niệm và Tỉnh giác (Asati - sampajanna). Ở đây sự không chế ngự là do pháp buông thả, do tâm sa đà và quên những đặc tánh của hiện hữu (Vô thường, Khổ, Vô ngã) cũng như thực chất của các pháp.

Chính khi một người không ghi nhớ trong tâm tính chất Vô thường và các đặc tánh khác của vạn pháp, là lúc họ để cho mình buông thả trong lời nói và hành động, và thả lỏng cho tâm tưởng đến các điều ác. Thiếu Tỉnh giác có nghĩa là không có sự hiểu biết rõ ràng về mục đích, về sự thích hợp, về hành xứ và bất si (Sàttha sampajanna, sappàyasampajanna, gocarasampajanna, asammoha- sampajanna). Khi ta làm một điều gì không có mục đích chánh đáng; khi ta suy xét hay làm một điều gì không đem lại lợi ích hay ngăn cản sự tiến bộ; khi ta quên Giáo Pháp (Dhammo), hay hành xứ chân thật của những người đang nỗ lực (Giải thoát); khi ta, vì Si mê, chấp lầm, các pháp là thường, lạc, ngã, tịnh. Lúc ấy sự không chế ngự đã được khuyến khích.

Và nằm đằng sau sự thiếu Chánh niệm Tỉnh giác này là sự tác ý không như lý (ayoniso - manasikàra), mà Kinh điển gọi sự tác ý đó là ra ngoài chánh đạo. Vì nó nhận cái Vô thường là thường, cái khổ là lạc, cái Vô ngã là ngã, cái bất tịnh là tịnh hay cái xấu cho là tốt.

Khi tác ý không như lý tăng trưởng nó làm tròn hai pháp: Vô minh và hữu ái. Vô minh có mặt, sự sanh khởi của toàn bộ ngũ uẩn có mặt. Như vậy một người do tác ý không như lý sẽ xoay lăn bất tận trong vòng sanh tử luân hồi (Samsàra), ví như chiếc thuyền phó mặc cho gió đưa đẩy hay giống như bầy gia súc trong cơn lũ xoáy hoặc như con bò đã bị bắt ách vào chiếc xe vậy.

Chữ Sàti cũng có nghĩa là ký ức hay sự ghi nhớ, chẳng hạn những từ như Anusati, tùy niệm hay gợi nhớ trong tâm; Patissati: Sự nhớ lại, đều để chỉ ký ức, nhưng trong giáo pháp, niệm với nghĩa của sự chú ý hay tỉnh thức là đúng đắn nhất. Cũng như các chi khác của Bát Chánh Ðạo, niệm có hai loại là tà niệm và Chánh niệm. Tà niệm là những niệm hướng đến những pháp ác và bất thiện, trong khi Chánh niệm thì hướng đến các pháp thiện. Ở đây, Chánh niệm trong Bát Chánh Ðạo được giải thích là có bốn chỗ đề khởi Chánh niệm (Satipatthàna), chữ Patthàna, là hình thức rút gọn của Upatthàna, nghĩa đen là đặt gần (tâm người nào), đó là duy trì sự tỉnh thức, thiết lập hay đề khởi niệm như trong câu Satim upatthàna, nghĩa đen là "Sau khi đã duy trì (niệm của vị ấy)".

Nâng người lên ý thức Tỉnh giác bén nhạy đối với một đối tượng và làm phát sanh sự năng động, phát huy, thúc đẩy khả năng kiểm soát, hay năng lực của các Giác chi và yếu tố Chánh niệm là sự Ðề Khởi Niệm đã được thiết lập.

Mọi sự Ðề Khởi Niệm liên quan đến thân, thọ, tâm hay pháp có thể được xem như bước khởi đầu tiên trên con đường đi đến tuệ giác. Và vì vậy những sự "Ðề Khởi" này, trong một ý nghĩa nào đó, là những "Khởi Ðiểm", hơn nữa với sự Ðề Khởi niệm hành giả đánh thức sự không dễ duôi, sự kiên quyết và sự thận trọng, đồng thời ở trong trạng thái tinh thần luôn luôn sẵn sàng đối với bất cứ công việc nào trong tay.

Về đối tượng của Niệm Xứ này có rất nhiều, nhưng trong ý nghĩa tiến hành chỉ có một là đem lại sự yên tĩnh tràn đầy trí tuệ dẫn đến Niết bàn (18).

Bài kinh nói về Tứ Niệm Xứ (Satipatthàna sutta), có thể được gọi là bài kinh quan trọng nhất do Ðức Phật thuyết liên quan đến sự tu tập tâm hay pháp hành thiền quán, kinh này được đề cập hai lần trong Kinh Tạng, đó là bài kinh thứ 10 trong Trung Bộ (Majjhilà Nikàya) và bài kinh thứ 22 của Truờng Bộ (Dighà Nikàya). Ở Trường Bộ, bài kinh có tên là Mahà- Satipatthàna sutta, tức là bài Kinh Lớn, đề cập chi tiết đến Bốn Thánh Ðế, và chính về phương diện này mà nó khác với bài kinh số 10 trong Trung Bộ. Bài kinh được phỏng theo ở cuối chương này chỉ là bài dịch rút gọn của chánh kinh.

Không có một bài kinh nào khác trong toàn bộ Kinh Tạng được những người theo truyền thống Phật giáo rất mực xem trọng và đánh giá cao như bài kinh Tứ Niệm Xứ này. Ở Sri Lanka (Tích Lan) bài kinh được hàng tại gia cư sĩ tụng đọc mỗi khi họ thọ trì bát quan trai giới vào ngày rằm trăng tròn, và dành thời giờ ở tại tu viện. Mặc dù họ không hiểu trọn vẹn ý nghĩa của bài kinh, nhưng họ lắng nghe một cách chăm chú với lòng thành kính sâu xa như thử đang tập trung tâm mình vào kim ngôn của Ðức Phật vậy. Tại Tích Lan người ta cũng thường gặp cảnh một vị sư tụng kinh Tứ Niệm Xứ này bên giường của người đang hấp hối để giúp cho tâm họ có thể hướng về và tập trung vào kim ngôn cao thượng của Ðức Phật và giúp cho những Tư duy cuối cùng trong đời họ được thanh tịnh.

Nếu chúng ta đọc và cố gắng hiểu rõ ý nghĩa của bài kinh này, chúng ta sẽ thấy rằng nó bao trùm những nguyên lý chính của đạo Phật, và rằng Chánh niệm cần phải được áp dụng đối với tất cả thế giới bên trong (nội giới) và bên ngoài (ngoại giới) ở mọi lúc mọi nơi trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Người ta cũng có thể cho rằng nội dung của bài kinh này đã lỗi thời và không còn có thể thực hành được nữa. Ðó là vì con người đã tự thích ứng với môi trường sinh hoạt của mình và sống quá phụ thuộc vào những thói quen và những thói quen này lại được làm với những ước vọng và khuynh hướng không dẫn đến Tư duy và hiểu biết chơn chánh, ngược lại nó chán ghét những gì kéo tâm ra khỏi lề thói thông tục của nó.

Hạng người bình thường giữa những xô bồ của cuộc sống có thể tự hỏi làm thế nào một người bận rộn như họ có thể thực hành Satipatthàna, Niệm Xứ (Ðề Khởi Chánh niệm), như đã mô tả trong kinh được. Thực sự mà nói rằng việc thực hành một số những phương pháp ghi nhận (niệm) đã được đề cập trong kinh cần phải có thời gian và một môi trương yên tĩnh thích hợp, nhưng chắc chắn là nó cũng có thể được tu tập trong công việc hàng ngày của chúng ta. Chẳng hạn, đâu cần phải đi vào những nơi hẻo lánh nào mới chế ngự được các Triền cái. Chính khi chúng ta sống trong xã hội là lúc chúng ta phải thường xuyên đương đầu với những hình ảnh và âm thanh khó chịu... v... v... mà những điều không vừa lòng này có khuynh hướng gợi lên những Tư duy não hại và không lành mạnh, chính lúc ấy chúng ta cần phải có Chánh niệm để tự chế mình không để nuôi dưỡng những Tư duy ác hại đó. Trong lúc chúng ta làm việc những Tư duy Tham dục, Sân hận, ganh tỵ, kiêu mạn, và những Tư duy bất thiện khác chắc chắn sẽ khởi sanh và làm đảo lộn tâm quân bình của chúng ta. Chính khi ấy là lúc chúng ta cần phải tập trung tư tưởng để chặn đứng những yếu tố nguy hại đó. Nếu chúng ta không bị nô lệ cho những dục vọng của chúng ta, nếu chúng ta vững chí, chúng ta có thể tự chế ngự và kềm thúc những xung đột bên trong chúng ta.

Hơn nữa, thời gian dùng trong việc thiền quán ở nơi thanh vắng cũng không phải lãng phí, nó góp phần vào việc cũng cố nhân cách của chúng ta. Nếu chúng ta có thể sắp xếp được thời gian để tách mình ra khỏi nếp sống thông thường và dành một vài ngày thực hành thiền quán trong tĩnh lặng thì đó là một điều lợi ích cho công việc hằng ngày và cho sự tiến bộ của chúng ta. Ðây chắc chắn không phải là sự chạy trốn thực tại hay sống nhàn cư bất thiện. Mà là phương cách hữu hiệu nhất để củng cố tâm và những phẩm chất tinh thần của chúng ta. Ðó là một sự nội quan rất có lợi, chính nhờ xem xét những Tư duy và cảm xúc của mình mà người ta có thể thăm dò vào cái ý nghĩa sâu kín bên trong của mọi vấn đề, và tìm được nguồn sức mạnh tiềm tàng bên trong.

Ðôi lúc, một cuộc sống viễn ly, một sự rút lui của tâm ra khỏi những bề bộn của cuộc sống cũng là một việc làm thiết yếu để vệ sinh tinh thần.

Chánh niệm là một Tâm sở làm bén nhậy khả năng quan sát, và trợ giúp cho Chánh kiến và Chánh tư duy. Tư duy và phản tỉnh có ngăn nắp là do Chánh niệm hoặc sự tỉnh thức của con người trợ duyên. Ý thức tâm dùng năm căn (năm giác quan) như những công cụ để cung cấp thức ăn cho Tư duy. Sự thích hợp hay không của thức ăn chúng ta tiếp nhận vào tùy thuộc mức độ Chánh niệm của chúng ta. Chẳng hạn, nếu những gì chúng ta tiếp nhận vào là do tà niệm hay tác ý không như lý làm duyên, lúc ấy thức ăn này có khuynh hướng làm cho tâm chúng ta bệnh hoạn, và thường đánh lừa chúng ta.

Kinh Niệm Xứ trình bày rất rõ cách làm thế nào để một người có thể ghi nhận những Tư duy của mình. Theo dõi và quan sát với Chánh niệm mọi ý nghĩ thiện ác, có lợi hay không có lợi của mình. Toàn bộ bài kinh cảnh tỉnh chúng ta không nên xao lãng và mơ mộng đồng thời thúc đẩy chúng ta phải Tỉnh giác và theo dõi. Thực vậy, người nghiên cứu nghiêm túc sẽ nhận ra rằng, ngay việc đọc bài kinh này thôi, đôi lúc, cũng làm cho họ phải chú tâm, thận trọng và có tinh thần nghiêm túc rồi. Hiển nhiên mà nói rằng Chánh niệm là một đặc tánh mà không một người sáng suốt nào dám khinh thị. Hơn nữa việc tu tập Chánh niệm trong thời buổi thác loạn khi mà có quá nhiều người bị mất quân bình này thực chất vẫn là một việc làm thiết yếu vậy.

Chánh niệm là một công cụ trợ giúp không chỉ trong việc đem lại định tĩnh mà còn trong việc thúc đẩy Chánh kiến và Chánh mạng. Có thể nói đó là một yếu tố cơ bản trong mọi hành động của chúng ta cả về vật chất lẫn tinh thần "Chánh niệm được ví như muối cần cho canh vậy".

Khi những Tư duy bất thiện xen vào tâm định, nhiệm vụ của Chánh tinh tấn như chúng ta thấy ở trên, là gạt những Tư duy này qua một bên đồng thời thúc đẩy và duy trì những Tư duy thiện, nhưng điều này không thể thực hiện nếu không có Chánh niệm hay sự canh chừng liên tục. Chánh tinh tấn và Chánh niệm phải đi đôi với nhau để chặn đứng sự sanh khởi của những Tư duy ác đồng thời tu tập và thúc đẩy những Tư duy thiện, như bậc Ðạo Sư đã chỉ ra ngay phần mở đầu của bài kinh, Tứ Niệm Xứ là con đường độc nhất trên đó các bậc Giải thoát đã đi đến nơi an toàn. Do vậy kinh nói:

"Ai luôn luôn giữ giới,

Có tuệ khéo thiền định,

Tâm hướng nội Chánh niệm

Vượt bộc lưu khó vượt" (19).

Giờ đây chúng ta hãy quay lại con đường độc nhất đó.

KINH NÓI VỀ CÁC NỀN TẢNG CHÁNH NIỆM ( (20)

(Kinh Niệm Xứ)

Ta nghe như vầy:

Một lần nọ Ðức Thế Tôn đang trú ở xứ Kuru, tại Kammàsadhamma, một thị tứ của người dân kuru.

Lúc bấy giờ Ðức Thế Tôn gọi các vị Tỳ kheo lại và nói như vầy: "Này các Tỳ kheo", chư Tỳ kheo trả lời "Vâng bạch Ðức Thế Tôn". Ðức Thế Tôn nói như sau:

Ðây là con đường độc nhất, này các Tỳ kheo, nhằm tịnh hóa các chúng sanh vượt khỏi sầu bi, đoạn tận khổ, ưu, đưa đến chánh đạo và chứng đắc Niết bàn, đó là con đường Tứ Niệm Xứ. Thế nào là bốn? Ở đây (trong giáo pháp này), vị Tỳ kheo (21) sống thực hành quán thân trên thân, nhiệt tâm, Tỉnh giác và Chánh niệm (trên thân) để vượt qua mọi tham ái, ưu bi ở đời (tức thân); vị ấy sống thực hành quán thọ trên các cảm thọ, nhiệt tâm, Tỉnh giác và Chánh niệm để vượt qua mọi tham ái, ưu bi ở đời (tức cảm thọ); vị ấy sống thực hành quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, Tỉnh giác; Chánh niệm để vượt qua mọi tham ái ưu bi ở đời (tức tâm); vị ấy sống thực hành quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, Tỉnh giác và Chánh niệm để vượt qua mọi tham ái, ưu bi ở đời (tức các pháp).

I. QUÁN THÂN TRÊN THÂN

1) Niệm Hơi Thở:

Như thế nào, này các Tỳ kheo, là một vị Tỳ kheo sống thực hành quán thân trên thân. Ở đây, vị Tỳ kheo sau khi đã đi vào rừng, đến dưới gốc cây, hay một nơi thanh vắng (22), ngồi kiết già giữ lưng thật thẳng và niệm của vị ấy tỉnh táo, Chánh niệm vị ấy thở vào, Chánh niệm vị ấy thở ra. Khi thở vào một hơi dài, vị ấy biết rõ: "Ðang thở vào hơi dài"; khi thở ra một hơi dài, vị ấy biết rõ “Ðang thở ra hơi thở dài”, khi thở vào một hơi ngắn, vị ấy biết rõ "Ðang thở vào hơi ngắn"; khi thở ra một hơi ngắn, vị ấy biết rõ "Ðang thở ra hơi ngắn". Ý thức rõ toàn tiến trình (hơi thở) ta sẽ thở vào, vị ấy tự luyện tập như vậy ý thức rõ toàn tiến trình (23) (hơi thở). Ta sẽ thở ra,vị ấy tự luyện tập như vậy.

Như vậy vị ấy sống thực hành quán thân trên nội thân hay quán thân trên ngoại thân hoặc quán thân trên nội và ngoại thân "đó là quán hơi thở của chính mình và hơi thở của người khác (ngoại thân) và quán xen kẽ hơi thở mình và hơi thở người khác"... Như vậy, vị ấy sống không lệ thuộc, không chấp trước điều gì trên thế gian này.

Vị Tỳ kheo sống thực hành quán thân trên thân là như vậy.

2) Các Oai Nghi Của Thân

Lại nữa, khi đi vị ấy biết rõ: "Ðang đi", khi đứng, khi ngồi, khi nằm, vị ấy biết rõ (đó là vị ấy ý thức rõ các tư thế của thân). Ðang ở trong tư thế nào vị ấy biết rõ rệt như vậy. Như vậy, vị ấy sống thực hành quán thân trên thân... (như trước). Vị ấy sống không lệ thuộc và không chấp trước bất cứ điều gì trên thế gian này.

3) Bốn Loại Tỉnh giác:

Lại nữa, khi đi tới và đi lui, vị ấy ứng dụng trí tuệ Tỉnh giác. Khi nhìn thẳng và nhìn sang hai bên, vị ấy ứng dụng trí tuệ Tỉnh giác; khi co, khi duỗi chân tay, vị ấy ứng dụng trí tuệ Tỉnh giác; khi mặc y, khi mang bát (đi khất thực), khi ăn, khi uống, khi nhai, khi nếm, khi đại tiện, khi tiểu tiện, vị ấy ứng dụng trí tuệ Tỉnh giác, khi đi, đứng, nằm, ngồi (24), khi thức, khi nói năng, khi yên lặng, vị ấy ứng dụng trí tuệ Tỉnh giác.

Như vậy vị ấy sống thực hành quán thân trên thân...

Vị ấy sống không lệ thuộc và chấp trước bất cứ điều gì trên thế gian này.

4) Quán Thân Uế Trược.

Lại nữa, vị ấy quán sát ngay nơi thân này, từ lòng bàn chân trở lên và từ tóc trên đỉnh đầu trở xuống, được bao bọc bởi một lớp da và chứa đầy những thứ bất tịnh, vị ấy quán như vầy: "Trong thân này có tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương v.v...”.

Như vậy vị ấy sống thực hành quán thân trên thân.

Vị ấy sống không lệ thuộc, chấp trước vào bất cứ điều gì trên thế gian này.

5) Quán Sát Tứ Ðại.

Lại nữa, vị Tỳ kheo quán sát ngay trên thân này... Tư duy: "Trong thân có địa đại, thủy đại, hỏa đại và phong đại...”

Như vậy, vị ấy sống thực hành quán thân trên thân... Vị ấy sống không lệ thuộc, không chấp trước vào bất cứ điều gì trên thế gian này.

6) Quán Chín Ðề Mục Tử Thi.

Lại nữa, nếu vị ấy thấy một xác chết... vị ấy quán ngay trên thân mình như vầy: "Quả thực, thân của ta đây cũng có những bản chất như vầy, rồi nó sẽ trở thành như tử thi này, không thể nào thoát khỏi".

Như vậy, vị ấy sống thực hành quán thân trên thân.

Vị ấy sống không lệ thuộc, không chấp trước vào bất cứ điều gì trên thế gian này.

(Bài kinh giải thích rõ chín giai đoạn biến dạng của tử thi như: Tử thi chết một ngày, hai ngày, ba ngày, trương phình lên, xanh đen lại, nát thối ra... mỗi trường hợp như vậy người hành thiền phải quán ngay trên thân mình như vầy: “Quả thực, thân này của ta đây, cũng có những bản chất như vậy, rồi nó sẽ trở thành như thế ấy không thể nào thoát khỏi”).

II. QUÁN CÁC CẢM THỌ

Và, như thế nào là một Tỳ kheo sống thực hành quán thọ trên các cảm thọ? Ở đây, vị Tỳ kheo khi cảm giác một thọ lạc, vị ấy biết rõ: "Ðang cảm giác một thọ lạc"; khi cảm giác một thọ khổ, vị ấy biết rõ: "Ðang cảm giác một thọ khổ"; khi cảm giác một thọ bất lạc bất khổ, vị ấy biết rõ: "Ðang cảm giác một thọ bất lạc, bất khổ", khi cảm giác một thọ lạc thuộc vật chất, vị ấy biết rõ: "Ðang cảm giác một thọ lạc thuộc vật chất"; khi cảm giác một thọ lạc phi vật chất, vị ấy biết rõ: "Ðang cảm giác một thọ lạc phi vật chất"; khi cảm giác một thọ khổ thuộc vật chất, vị ấy biết rõ: "Ðang cảm giác một thọ khổ thuộc vật chất"; khi cảm giác một thọ khổ phi vật chất, vị ấy biết rõ: "Ðang cảm giác một thọ khổ phi vật chất"; khi cảm giác một thọ bất khổ bất lạc thuộc vật chất, vị ấy biết rõ: "Ðang cảm giác một thọ bất lạc bất khổ thuộc vật chất", khi cảm giác một thọ bất lạc bất khổ phi vật chất, vị ấy biết rõ: "Ðang cảm giác một thọ bất lạc bất khổ phi vật chất" (25).

Như vậy vị ấy sống thực hành quán thọ trên các nội thọ, hay sống quán thọ trên các ngoại thọ, hay sống quán thọ trên các nội, ngoại thọ... (như trước)... vị ấy sống không lệ thuộc, không chấp trước vào điều gì trên thế gian này.

III. QUÁN TÂM

Và thế nào là một vị Tỳ kheo sống thực hành quán tâm trên tâm? Ở đây, vị Tỳ kheo khi tâm có tham, biết tâm có tham, khi tâm không tham, biết tâm không tham. Khi tâm có sân, biết tâm có sân... khi tâm không sân, biết là tâm không sân, khi tâm có si, biết tâm có si, khi tâm không si biết tâm không si; tâm đang ở trạng thái co rút biết rằng tâm co rút (đó là một trạng thái trì trệ của tâm). Khi tâm đang ở trạng thái tán loạn, biết tâm tán loạn (đó là một trạng thái bất an của tâm). Khi tâm đang ở trạng thái phát triển (đó là tâm thiền sắc giới và vô sắc giới, nghĩa là tâm định sắc giới và tâm định vô sắc giới). Khi tâm đang ở trạng thái không phát triển, biết tâm không phát triển (phàm tâm thuộc dục giới), khi tâm hữu hạn, biết tâm hữu hạn (tâm dục giới); khi tâm vô hạn, biết tâm vô hạn (tâm sắc giới và vô sắc giới); khi tâm có định biết tâm có định, khi tâm không định biết tâm không định; khi tâm Giải thoát biết tâm Giải thoát, khi tâm không Giải thoát biết tâm không Giải thoát. Như vậy vị ấy sống thực hành quán tâm trên nội tâm, hay quán tâm trên ngoại tâm, hay quán tâm trên nội, ngoại tâm... (như trước).

Vị ấy sống không lệ thuộc, không chấp trước vào điều gì trên thế gian này.

IV. QUÁN PHÁP

Thế nào là vị Tỳ kheo sống thực hành quán pháp trên các pháp?

Năm Triền cái:

Ở đây vị Tỳ kheo sống thực hành quán pháp trên các pháp đối với năm Triền cái (26). Và vị ấy quán pháp trên các pháp đối với năm Triền cái như thế nào?

Ở đây, khi Tham dục có mặt, vị ấy biết rõ: "Nội tâm có Tham dục", hay khi Tham dục vắng mặt, vị ấy biết rõ: "Nội tâm không có Tham dục", vị ấy biết rõ vì sao những tham ái chưa sanh nay sanh khởi, và vị ấy biết rõ vì sao tham ái đã được diệt trừ không còn khởi sanh trong tương lai nữa. (đối với Sân hận cái, hôn trầm thuỵ miên cái, trạo cử phóng dật cái và hoài nghi cái cũng áp dụng như trên).

Như vậy vị ấy sống thực hành quán pháp trên các nội pháp, hay quán pháp trên các ngoại pháp, hoặc quán pháp trên nội pháp, ngoại pháp... (như trước).

Vị ấy sống không lệ thuộc, không chấp trước vào bất cứ điều gì trên thế gian này.

Năm Thủ Uẩn

Ở đây vị Tỳ kheo Tư duy: "Sắc là như vầy, sự sanh khởi của sắc là như vầy, sự đoạn diệt của sắc là như vầy (tương tự như thế đối với thọ, tưởng, hành và thức)". Như vậy vị ấy sống thực hành quán pháp trên các nội pháp... (như trước)...

Vị ấy sống không lệ thuộc, không chấp trước vào bất cứ điều gì trên thế gian này.

Sáu Nội Xứ và sáu Ngoại Xứ (sáu Căn và sáu Trần)

Ở đây, vị Tỳ kheo biết rõ con mắt, biết rõ các sắc và kiết sử phát sanh do duyên con mắt và các sắc ấy, vị ấy biết rõ kiết sử chưa sanh nay sanh khởi như thế nào, vị ấy cũng biết rõ kiết sử đã sanh nay được đoạn trừ như thế nào, và các kiết sử đã được đoạn trừ không còn sanh khởi trong tương lai như thế nào.

Vị ấy biết rõ tai và các tiếng...; mũi và các mùi...; lưỡi và các vị...; thân và các xúc...;ý và các pháp, và biết rõ kiết sử khởi sanh do duyên hai pháp này, vị ấy biết rõ kiết sử chưa sanh nay sanh khởi như thế nào; vị ấy cũng biết rõ kiết sử đã sanh nay được đoạn trừ như thế nào, và kiết sử đã được đoạn trừ không còn khởi sanh trong tương lai như thế nào.

Như vậy vị ấy sống thực hành quán pháp trên các nội pháp... (như trước).

Vị ấy sống không lệ thuộc và không chấp trước vào bất cứ điều gì trên thế gian này.

Thất Giác chi

Ở đây khi Niệm giác chi có mặt, hành giả biết rõ: "Ðang có Niệm giác chi"; hoặc khi Niệm giác chi vắng mặt, vị ấy biết rõ: "Niệm giác chi không có mặt". Vị ấy biết rõ lý do Niệm giác chi chưa sanh nay sanh khởi, và biết rõ lý do Niệm giác chi đã sanh nay được phát triển hoàn mãn (tương tự như vậy đối với sáu Giác chi khác): Trạch pháp (Dhamma) (27) Giác chi; Tinh tấn giác chi; Hỉ Giác chi; Khinh an giác chi; Ðịnh Giác chi và Xả giác chi.

Như vậy vị ấy sống thực hành quán pháp trên các nội pháp hay quán pháp trên các ngoại pháp... (như trước).

Vị ấy sống không lệ thuộc, không chấp trước vào bất cứ điều gì trên thế gian này.

Bốn Thánh Ðế:

Ở đây vị Tỳ kheo như thật rõ biết (biết hợp theo sự thật) "đây là khổ, đây là nhân sanh của khổ; đây là sự diệt khổ; đây là con đường dẫn đến sự diệt khổ".

Như vậy vị ấy sống thực hành quán pháp trên các nội pháp, hay quán pháp trên các ngoại pháp... (như trước).

Vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên các pháp, hay vị ấy sống quán tánh hoại diệt trên các pháp, hay vị ấy sống quán tánh sanh diệt trên các pháp. Hay "chỉ có các pháp hiện tiền"vị ấy an trú Chánh niệm như vậy cho đến mức độ cần thiết đủ để phát triển Chánh trí và Chánh niệm, và vị ấy sống không lệ thuộc, không chấp trước vào bất cứ điều gì trên thế gian này.

Này các Tỳ kheo, vị Tỳ kheo sống thực hành quán pháp trên các pháp đối với Bốn Thánh Ðế là như vậy.

Này các Tỳ kheo, nếu có người nào thực hành Bốn Niệm Xứ này đúng theo cách Như Lai đã giảng giải trong vòng bảy năm, vị ấy có thể trông đợi một trong hai quả; một là Chánh trí (Giải thoát cuối cùng, A la hán quả hay Thánh quả) ngay trong kiếp hiện tại này, hoặc nếu còn hữu dư y, sẽ chứng quả Bất lai (Anàgàmità, A na hàm, tầng Thánh áp chót) (28).

Nói gì đến bảy năm, nếu có người nào thực hành Bốn Niệm Xứ như vậy trong vòng bảy tháng... bốn tháng, ba tháng, hai tháng, một tháng... nửa tháng, lúc ấy vị ấy có thể chứng được một trong hai quả: Một là chứng Chánh trí ngay trong kiếp hiện tại, hoặc nếu còn hữu dư y, sẽ chứng quả Bất lai (A na hàm).

Nói gì đến nửa tháng, nếu có người nào thực hành Bốn Niệm Xứ này trong vòng bảy ngày. Vị ấy vẫn có thể trông đợi một trong hai quả: Một là chứng Chánh trí ngay trong kiếp hiện tại, hoặc nếu còn hữu dư y, sẽ chứng quả Bất lai.

Bởi thế mới nói rằng: "Ðây là con đường độc nhất, này các Tỳ kheo, để tịnh hóa các chúng sanh, để vượt qua sầu muộn và bi ai, để đoạn tận khổ, ưu, để thành tựu chánh đạo, chứng ngộ Niết bàn, đó là Bốn Niệm Xứ".

Ðức Thế Tôn thuyết như vầy, các Tỳ kheo hoan hỉ thọ trì lời dạy của Ðức Thế Tôn.

Ở đây, người đọc thận trọng sẽ nhận ra rằng trong bài kinh này, Chánh niệm đặc biệt chỉ liên quan đến bốn pháp: Thân, Thọ, Tâm và Pháp - tất cả những gì gắn liền với con người, việc quán thân giúp chúng ta hiểu được bản chất thực của nó, không qua bất cứ sự giả cách nào cả, nhờ phân tích nó thành những yếu tố cơ bản, hay những yếu tố cùng tột của nó. Sự quán xét thân này còn giúp chúng ta nhận ra thân con người thuộc loại hiện tượng gì, và hiểu rằng đó chỉ là một tiến trình không có một thực thể hay cốt lõi nào nằm đằng sau nó để có thể được xem là thường hằng hay vĩnh cửu cả.

Hơi thở vào và hơi thở ra được bàn đến ở đây, như chúng ta biết, là tự động, bình thường không ai cố thở một cách có ý thức cả. Song khi thực hành Chánh niệm hơi thở, chúng ta cố gắng thở một cách ý thức và Tỉnh giác về hơi thở của mình. Mục đích của việc làm đó là để tu tập và làm tăng trưởng khả năng tập trung, đồng thời để đạt được sự vắng lặng của thân và tâm. Thật thú vị là hiện nay các nhà tâm lý học cũng đã nhận ra giá trị và tầm quan trọng của hơi thở ý thức như có khuynh hướng làm dịu lại những căng thẳng và bất an của tâm con người.

Lại nữa việc vận dụng Tỉnh giác liên hệ đến các oai nghi và hoạt động của thân như đi, đứng, nằm, ngồi... giúp chúng ta loại trừ những Tư duy lan man, cải thiện khả năng tập trung và phát triển sự tỉnh thức và chú niệm của chúng ta.

Quán thọ là loại Chánh niệm thứ hai được đề cập trong kinh là thuần tuý chủ quan, một "việc làm trong tâm". Chúng ta được trông đợi là phải phân tích những cảm thọ hay cảm giác của chúng ta và quyết định xem chúng là loại gì: Lạc, khổ hay bất lạc bất khổ. Thường thường người ta ngao ngán khi phải tiếp nhận những cảm giác khó chịu hay thọ khổ, họ không thích những loại thọ như vậy, nhưng lại hân hoan với những cảm giác dễ chịu (thọ lạc). Tuy nhiên, sự luyện tập Chánh niệm trên các cảm thọ này giúp cho ta cảm nhận mọi cảm thọ với một thái độ xả ly và tránh trở thành nô lệ cho chúng. Dần dần ta cũng nhận ra rằng chỉ có thọ, mà thọ này cũng chỉ là một hiện tượng thoáng qua, chứ không có Ngã nào cảm thọ (có thọ nhưng không có người cảm thọ).

Quán tâm là loại Chánh niệm thứ ba nói lên cho chúng ta biết tầm quan trọng của việc nghiên cứu bản tâm của chúng ta, về sự Tỉnh giác thích hợp đối với những Tư duy khác nhau của chúng ta, trong trường hợp này, là những Tư duy tham, sân, si, căn để của mọi điều ác, và những Tư duy đối nghịch của chúng có khả năng làm mất tác dụng của những Tư duy bất thiện đó. Chính loại phân biện vô tư của tâm và những Tư duy của nó này giúp cho ta hiểu được chức năng thực sự của tâm, bản chất thực sự và cách hành xử của nó, nó có thể được dùng cho cả hai loại: Hành động đem lại lợi ích (thiện) và hành động không lợi ích (bất thiện) như thế nào. Người thực hành tâm quán niệm xứ này sẽ biết cách kiềm chế nó và không nằm dưới sự thống trị của nó.

Kinh điển có đề cập một câu chuyện khá thú vị về Trưởng lão Màhà Phussa. Trưởng lão thực hành niệm tâm và luôn luôn canh chừng những Tư duy của mình một cách nghiêm ngặt. Nếu trong lúc đang đi mà một Tư duy ác khởi lên trong tâm, Ngài liền dừng lại và sẽ không tiếp tục cho đến khi nào Tư duy bất thiện này đã được đoạn trừ. Người đi đường để ý thấy điều này thường tự hỏi không hiểu Trưởng Lão này có phải bị lạc đường hay đánh rơi vật gì trên đường chăng. Sau đó, nhờ thực hành Chánh niệm liên tục như vậy mà vị ấy trở thành một bậc Thánh A la hán, bậc không còn các cấu uế. Trường hợp của Trưởng Lão đã chỉ cho ta thấy rằng các bậc cổ đức ngày xưa không chỉ Tỉnh giác đối với những Tư duy của họ khi ngồi thiền thôi, mà các Ngài còn thường xuyên thực hành trong mọi lúc mọi nơi.

Tâm quán niệm xứ cũng giúp chúng ta hiểu rằng, cái chúng ta gọi là tâm này chỉ là một tiến trình hằng chuyển bao gồm những Tâm sở cũng luôn luôn thay đổi như vậy, và rằng không có một thực thể thường trú nào gọi là Bản ngã hay Linh hồn cả.

Loại Chánh niệm thứ tư và cuối cùng của Bốn Niệm Xứ bao trùm tất cả các pháp (Dhamma) cơ bản, lời dạy của bậc Ðạo Sư, hầu hết các pháp đó đã được đề cập chi tiết trong tác phẩm này.

Sự mô tả mỗi loại Chánh niệm trong bài kinh này đều kết thúc với những lời: "Vị ấy sống không chấp trước vào bất cứ điều gì trên thế gian này". Ðây là kết quả mà một vị hành giả nhắm đến, một sự thành tựu dành cho người luôn luôn nhiệt tâm và Tinh tấn. Quả thực là rất khó để sống mà không chấp trước (dính mắc) vào bất cứ điều gì trên thế gian này, và những nỗ lực của chúng ta đạt đến những tầng bậc cao của cuộc sống tâm linh như vậy có thể không thành công rực rỡ. Tuy vậy, nó cũng xứng đáng cho ta để nỗ lực mãi mãi. Một ngày nào đó, nếu không ở kiếp sống này, trong kiếp sống tương lai chúng ta có thể đạt đến đỉnh cao mà những ai thực sự cố gắng đã đạt đến. Như ai đó đã nói:

"Hãy gieo một ý nghĩ, bạn sẽ gặt một hành động, hãy gieo một hành động, bạn sẽ gặt một thói quen. Hãy gieo một thói quen bạn sẽ gặt một nhân cách. Hãy gieo một nhân cách, bạn sẽ gặt một định mệnh, vì nhân cách chính là định mệnh vậy".

* Chú thích

(1) Ở đây chỉ có nghĩa là tự mình hay bản thân mà thôi. ND.

(2) Dhp. 157.

(3) Dhp. 158.

(4) Appamàda: ở đây để thống nhất với một số vị đã dịch trước chúng tôi chọn từ "không dễ duôi" N.D.

(5) Amata= Niết bàn (bất tử).

(6) Không chết: điều này không có nghĩa rằng người không dễ duôi là bất tử, ngược lại mọi chúng sanh đều phải chết, ở đây chỉ ngụ ý rằng người không dễ duôi là người sẽ chứng đắc Niết bàn bất từ và vượt ngoài vòng sanh tử, người dễ duôi xem như đã chết vì họ phải chịu sanh tử luân hồi bất tận.

(7) Sự sai biệt ở đây là có một lối thoát ra khỏi vòng sanh tử luân hồi cho người không dễ duôi, nhưng không phải để cho người dễ duôi.

(8) Ariyànam gocare ratà: Thánh cảnh nghĩa là bốn niệm xứ (Satipatthàra).

(9) Dhp: 21,22,23.

(10) A.I.II.

(11) Dhp. 29.

(12) A.3.

(13) Dh. 120.

(14) M. 70.

(15) S.V. 115.

(16) S.II. 262.

(17) S.V.P.134.

(18) The Way of Mindfulness, Bhikkhu Soma (Lake House, Colombo, 1949), P.XVII.

(19) Sn. 174.

(20) Ðây là bài kinh đã được tác giả cô đọng, không bỏ bớt những phần chủ yếu, mà chỉ bỏ những ví dụ.

(21) Tỳ kheo ở đây không để chỉ riêng các bậc xuất gia, mà để gọi chung những ai thực hành pháp môn Tứ Niệm Xứ này.

(22) Nơi thanh vắng ngày nay có thể là trong phòng ngủ hay "Nơi thờ Phật" trong nhà bạn, miễn sao đó là một nơi thanh vắng và riêng tư cho bạn là được.

(23) Sabba-kàya, nghĩa đen: "toàn thân (hơi thở)". Theo Visuddhimagga (Thanh Tịnh Ðạo), "Kàya" ở đây không có nghĩa là thân vật lý, mà là toàn bộ hơi thở và và hơi thở ra.

(24) Người, sau khi nằm xuống và rơi vào giấc ngủ, rồi sau khi thức dậy, phản tỉnh: "Các pháp thuộc thân và tâm hiện hữu trong lúc ngủ cũng đã chấm dứt trong lúc ngủ" được gọi là người có trí tuệ Tỉnh giác trong khi ngủ và khi thức dậy.

(25) Thọ thuộc vật chất (Sàmisa) là những thọ "bị trói buộc với đời sống gia đình", và thọ phi vật chất (Nisàmisa) là những thọ "liên hệ đến sự xuất ly". Thọ khổ phi vật chất là do ý thức được sự bất toàn và tiến bộ của mình trên con đường Giải thoát, trong khi thọ lạc phi vật chất là hạnh phúc phát sanh do hành thiền. Thọ bất khổ bất lạc phi vật chất là trạng thái xả do kết quả của hành thiền.

(26) Chi tiết về năm Triền cái xem Chương kế.

(27) Dhamma (pháp) ở đây đại diện cho Danh và Sắc.

(28) Xem M. 70.