Tăng chi Tập 2, Chương Năm: Năm Pháp

CHƯƠNG NĂM: NĂM PHÁP

I. PHẨM SỨC MẠNH HỮU HỌC

§ (I) (1) TÓM LƯỢC

1. Như vày tôi nghe:

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi tại Jetavana, vườn ông Anàthapindika. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

 - Này các Tỷ-kheo.

 - Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

2. - Này các Tỷ-kheo, có năm sức mạnh này, của bậc Hữu học. Thế nào là năm? Tín lực, tàm lực, quý lực, tinh tấn lực, tuệ lực. Này các Tỷ-kheo, có năm sức mạnh này của bậc Hữu học.

Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải học tập như sau:

3. “Tôi sẽ thành tựu tín lực, được gọi là Hữu học lực. Tôi sẽ thành tựu tàm lực, được gọi là Hữu học lực. Tôi sẽ thành tựu quý lực, được gọi là Hữu học lực. Tôi sẽ thành tựu tinh tấn lực, được gọi là Hữu học lực. Tôi sẽ thành tựu tuệ lực, được gọi là Hữu học lực”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.

§ (II) (2) RỘNG RÃI

1. - Này các Tỷ-kheo, có năm sức mạnh này của bậc Hữu học. Thế nào là năm? Tín lực, tàm lực, quý lực, tinh tấn lực, tuệ lực.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tín lực?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có lòng tin, tin tưởng sự giác ngộ của Như Lai: “Đây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là tín lực.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tàm lực?

3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có lòng hổ thẹn đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, hổ thẹn đối với các pháp ác, bất thiện được thực hiện. Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là tàm lực.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là quý lực?

4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có lòng sợ hãi, sợ hãi đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, sợ hãi đối với các pháp ác, bất thiện được thực hiện. Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là quý lực.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tinh tấn lực?

5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử sống tinh cần tinh tấn, từ bỏ các pháp bất thiện, thành tựu các thiện pháp, nỗ lực, kiên trì tinh tấn, không từ bỏ gánh nặng đối với thiện pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là tinh tấn lực.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tuệ lực?

6. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh diệt, với sự thể nhập bậc Thánh vào con đường đoạn tận khổ đau. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tuệ lực.

Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm sức mạnh của bậc Hữu học. Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải học tập như sau:

7. “Ta sẽ thành tựu tín lực, được gọi là Hữu học lực... tàm lực... quý lực... tinh tấn lực... ta sẽ thành tựu tuệ lực, được gọi là Hữu học lực”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.

§ (III) (3) KHỔ

1. - Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ngay trong hiện tại sống đau khổ, với tổn não, với ưu não, với nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, được chờ đợi là ác thú. Thế nào là năm?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có lòng tin, không có lòng hổ thẹn, không có lòng sợ hãi, biếng nhác, ác tuệ. Thành tựu với năm pháp này, này các Tỷ-kheo, ngay trong hiện tại sống đau khổ, với tổn não, với ưu não, với nhiệt não; sau khi thân hoại mạng chung, được chờ đợi là ác thú.

2. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ngay trong hiện tại sống an lạc, không có tổn não, không có ưu não, không có nhiệt não; sau khi thân hoại mạng chung, được chờ đợi là cõi lành. Thế nào là năm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có lòng tin, có lòng hổ thẹn, có lòng sợ hãi, tinh cần tinh tấn, có trí tuệ. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ngay trong hiện tại sống an lạc, không có tổn não, không có ưu não, không có nhiệt não; sau khi thân hoại mạng chung, được chờ đợi là cõi lành.

§ (IV) (4) TƯƠNG XỨNG

1. - Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tương xứng như vậy, bị rơi vào địa ngục. Thế nào là năm?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có lòng tin, không có lòng hổ thẹn, không có lòng sợ hãi, biếng nhác, có ác tuệ. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tương xứng như vậy, bị rơi vào địa ngục.

2. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tương xứng như vậy, được sanh vào cõi Trời. Thế nào là năm?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có lòng tin, có lòng hổ thẹn, có lòng sợ hãi, tinh cần tinh tấn, có trí tuệ. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tương xứng như vậy được sanh vào cõi Trời.

§ (V) (5) HỌC PHÁP

1. - Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào, này các Tỷ-kheo, từ bỏ Học pháp, trở lui đời sống thế tục, năm vấn đề hợp pháp để tự trách và chỉ trích đến với vị ấy ngay trong hiện tại. Thế nào là năm?

2. “Trong Thầy § (Vị ấy nghĩ) không có lòng tín đối với các thiện pháp; trong Thầy không có lòng hổ thẹn đối với các thiện pháp; trong Thầy không có lòng sợ hãi đối với các thiện pháp; trong Thầy không có tinh tấn đối với các thiện pháp; trong Thầy không có trí tuệ đối với các thiện pháp. “Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào, này các Tỷ-kheo, từ bỏ Học pháp, trở lui đời sống thế tục, năm vấn đề hợp pháp này để tự trách và chỉ trích đến với vị ấy ngay trong hiện tại.

3. Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào, này các Tỷ-kheo, dầu với đau khổ, với ưu tư, với mặt đầy nước mắt, than khóc, vẫn sống đời sống Phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh, năm vấn đề hợp pháp để tự tán thán đến với vị ấy ngay trong hiện tại. Thế nào là năm?”Trong Thầy § (Vị ấy nghĩ) có lòng tin đối với các thiện pháp; trong Thầy có lòng hổ thẹn đối với các thiện pháp; trong Thầy có lòng sợ hãi đối với các thiện pháp; trong Thầy có lòng tinh tấn đối với các thiện pháp; trong Thầy có trí tuệ đối với các thiện pháp; Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo ni nào, này các Tỷ-kheo dầu với đau khổ, với ưu tư, với mặt đầy nước mắt, khóc than vẫn sống đời sống Phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh, năm vấn đề hợp pháp để tự tán thán này đến với vị ấy ngay trong hiện tại.

§ (VI) (6) BƯỚC VÀO

1. - Không có sự bước vào bất thiện, này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào có lòng tin an trú vào các thiện pháp. Khi nào lòng tin biến mất, này các Tỷ-kheo, lòng không tin khởi lên và tồn tại, thời có sự bước vào bất thiện.

2 - 5. Không có sự bước vào bất thiện, này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào có lòng hổ thẹn... lòng sợ hãi... tinh tấn... trí tuệ an trú vào các thiện pháp. Khi nào lòng hổ thẹn... lòng sợ hãi... tinh tấn... trí tuệ biến mất, này các Tỷ-kheo, không xấu hổ... không sợ hãi... biếng nhác... ác tuệ khởi lên và tồn tại, thời có sự bước vào bất thiện.

§ (VII) (7) DỤC VỌNG

1. - Phần lớn, này các Tỷ-kheo, các loại hữu tình tìm được lạc thú trong các dục. Với Thiện nam tử, này các Tỷ-kheo, đã bỏ một bên lưỡi liềm và đòn gánh, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, vị ấy vừa đủ để được gọi: “Vị Thiện nam tử vì lòng tin xuất gia”. Vì cớ sao?

2. Các dục, này các Tỷ-kheo, được tìm thấy với tuổi trẻ, các dục này hay các dục khác. Và này các Tỷ-kheo, các dục hạ liệt, các dục trung đẳng, và các dục tối thắng, tất cả dục ấy đều được chấp nhận là các dục.

3. Ví như, này các Tỷ-kheo, có đứa con nít, trẻ nhỏ, ngây thơ đang nằm ngửa, do người vú vô ý, đứa nhỏ cầm một cây que hay hòn sạn cho vào miệng. Người vú hầu ấy phải mau chóng tác ý. Sau khi mau chóng tác ý, phải mau chóng móc cho ra. Nếu không có thể mau chóng móc ra được, thời với tay trái nắm đầu nó lại, với tay mặt, lấy ngón tay làm như cái móc, móc cho vật ấy ra, dầu có phải chảy máu. Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, làm như vậy, có hại cho đứa trẻ. Ta nói rằng không phải không có hại. Tuy vậy, này các Tỷ-kheo, người vú hầu phải làm như vậy, vì muốn lợi ích, vì tìm hạnh phúc, vì lòng thương tưởng, vì lòng từ mẫn (đứa trẻ). Nhưng này các Tỷ-kheo, khi đứa trẻ ấy đã lớn lên, và có đủ trí khôn, người vú hầu ấy không săn sóc nó nữa, nghĩ rằng: “Nay đứa trẻ đã biết tự bảo vệ mình, không phóng dật nữa”.

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào vị Tỷ-kheo chưa gây được lòng tin đối với các thiện pháp, chưa gây được lòng hổ thẹn đối với các thiện pháp, chưa gây được lòng sợ hãi đối với các thiện pháp, chưa gây được tinh tấn đối với các thiện pháp, chưa gây được trí tuệ đối với các thiện pháp; cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, Ta cần phải phòng hộ Tỷ-kheo ấy. Khi nào, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo gây được lòng tin đối với các thiện pháp, gây được lòng hổ thẹn đối với thiện pháp, gây được lòng sợ hãi đối với các thiện pháp, gây được lòng tinh tấn đối với các thiện pháp, gây được trí tuệ đối với các thiện pháp, thời khi ấy, này các Tỷ-kheo, Ta không còn săn sóc Tỷ-kheo ấy, nghĩ rằng: “Nay Tỷ-kheo ấy đã biết tự bảo vệ mình, không còn phóng dật nữa”.

§ (VIII) (8) TỪ BỎ

1. - Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo từ bỏ, không an trú trong diệu pháp. Thế nào là năm?

2. Không có lòng tin, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo từ bỏ, không an trú trong diệu pháp. Không có lòng hổ thẹn, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo từ bỏ không an trú trong diệu pháp. Không có lòng sợ hãi, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo từ bỏ, không an trú trong diệu pháp. Biếng nhác, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo từ bỏ, không an trú trong diệu pháp. Không có trí tuệ, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo từ bỏ, không an trú trong diệu pháp. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo từ bỏ, không an trú trong diệu pháp.

3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không từ bỏ, an trú trong diệu pháp. Thế nào là năm? Có lòng tin, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không từ bỏ, an trú trong diệu pháp. Có lòng hổ thẹn... có lòng sợ hãi... có tinh tấn... có trí tuệ, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không từ bỏ, an trú trong diệu pháp. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không từ bỏ, an trú trong diệu pháp.

§ (IX) (9) KHÔNG TÔN KÍNH (1)

1. - Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không cung kính, không tôn trọng, từ bỏ, không an trú trong diệu pháp. Thế nào là năm?

2. Không có lòng tin, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không cung kính, không tôn trọng, từ bỏ, không an trú trong diệu pháp. Không có lòng hổ thẹn... không có lòng sợ hãi... biếng nhác... không có trí tuệ, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không cung kính, không tôn trọng, từ bỏ, không an trú trong diệu pháp. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không cung kính, không tôn trọng, từ bỏ, không an trú trong diệu pháp.

3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có cung kính, có tôn trọng, không từ bỏ, an trú trong diệu pháp. Thế nào là năm?

4. Có lòng tin, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có cung kính, có tôn trọng, không từ bỏ, an trú trong diệu pháp. Có lòng hổ thẹn... có lòng sợ hãi... có tinh tấn... có trí tuệ, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có cung kính, có tôn trọng, không từ bỏ, an trú trong diệu pháp. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có cung kính, có tôn trọng, không từ bỏ, an trú trong diệu pháp.

§ (X) (10) KHÔNG TÔN KÍNH (2)

1. - Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không cung kính, không tôn trọng, không có thể lớn lên, tăng trưởng, lớn mạnh trong Pháp và Luật này. Thế nào là năm?

2. Không có lòng tin, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không cung kính, không tôn trọng, không có thể lớn lên, tăng trưởng, lớn mạnh trong Pháp và Luật này. Không có lòng hổ thẹn... không có lòng sợ hãi... biếng nhác... có ác trí tuệ, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không cung kính, không tôn trọng, không có thể lớn lên, tăng trưởng, lớn mạnh trong Pháp và Luật này. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không cung kính, không tôn trọng, không có thể lớn lên, tăng trưởng, lớn mạnh trong Pháp và Luật này.

3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo cung kính, tôn trọng, có thể lớn lên, tăng trưởng, lớn mạnh trong Pháp và Luật này. Thế nào là năm?

4. Có lòng tin, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có cung kính, có tôn trọng, có thể lớn lên, tăng trưởng, lớn mạnh trong Pháp và Luật này. Có lòng hổ thẹn... có lòng sợ hãi... tinh cần tinh tấn... có trí tuệ, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có cung kính, có tôn trọng, có thể lớn lên, tăng trưởng, lớn mạnh trong Pháp và Luật này. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có cung kính, có tôn trọng, có thể lớn lên, tăng trưởng, lớn mạnh trong Pháp và Luật này.

II. PHẨM SỨC MẠNH

§ (I) (11) CHƯA ĐƯỢC NGHE

1. - Này các Tỷ-kheo, Ta tự cho là đã đạt được sự cứu cánh với thắng trí đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe. Này các Tỷ-kheo, có năm sức mạnh này của Như Lai. Thành tựu các sức mạnh ấy, này các Tỷ-kheo, Như Lai tự xem đã đạt được vị trí Ngưu vương, rống tiếng rống con sư tử giữa các hội chúng, làm vận chuyển bánh xe Phạm thiên. Thế nào là năm?

2. Tín lực, tàm lực, quý lực, tinh tấn lực, tuệ lực. Có năm Như Lai lực này của Như Lai, này các Tỷ-kheo. Thành tựu các sức mạnh ấy, Như Lai tự xem đã đạt được vị trí Ngưu vương, rống tiếng rống con sư tử giữa các hội chúng, làm vận chuyển bánh xe Phạm thiên.

§ (II) (12) NÓC NHỌN

1. - Này các Tỷ-kheo, có năm sức mạnh này của bậc Hữu học. Thế nào là năm?

2. Tín lực, tàm lực, quý lực, tinh tấn lực, tuệ lực. Này các Tỷ-kheo, có năm sức mạnh này của bậc Hữu học. Trong năm sức mạnh của bậc Hữu học này, này các Tỷ-kheo, cái này là tối thượng, cái này là tổng nhiếp, cái này là tổng thâu tóm, tức là tuệ lực.

3. Ví như, này các Tỷ-kheo, với ngôi nhà có nóc nhọn, cái này là tối thượng, cái này là tổng nhiếp, cái này là tổng thâu tóm, tức là cái nóc. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, trong năm sức mạnh này của bậc Hữu học, cái này là tối thượng, cái này là tổng nhiếp, cái này là tổng thâu tóm, tức là tuệ lực. Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải học tập như sau:

4. “Tôi sẽ thành tựu tín lực, được gọi là Hữu học lực. Tôi sẽ thành tựu tàm lực, được gọi là Hữu học lực. Tôi sẽ thành tựu quý lực... tinh tấn lực... tuệ lực, được gọi là Hữu học lực.” Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.

§ (III) (13) CÁC SỨC MẠNH TÓM LƯỢC

 - Này các Tỷ-kheo, có năm sức mạnh này. Thế nào là năm? Tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực, tuệ lực. Này các Tỷ-kheo, có năm lực này.

§ (IV) (14) CÁC SỨC MẠNH RỘNG THUYẾT

1. - Này các Tỷ-kheo, có năm sức mạnh này. Thế nào là năm?

2. Tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực, tuệ lực.

Này các Tỷ-kheo, thế nào là tín lực?

3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có lòng tin, tin tưởng ở sự giác ngộ của Như Lai: “Đây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là tín lực.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tấn lực?

4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử sống tinh cần tinh tấn, từ bỏ các pháp bất thiện, thành tựu các thiện pháp, nỗ lực kiên trì tinh tấn, không từ bỏ gánh nặng đối với thiện pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là tấn lực.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là niệm lực?

5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có chánh niệm, thành tựu tối thắng niệm và tuệ. Vị ấy nhớ và gợi lại trong trí nhớ những điều đã nói và đã làm lâu ngày về trước. Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là niệm lực.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là định lực?

6. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử ly các dục, ly các bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Ly hỷ, trú xả, chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm lạc thọ, được các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng đạt và an trú Thiền thứ ba. Đoạn lạc đoạn khổ, chấm dứt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là định lực.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tuệ lực?

7. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh diệt, với sự thể nhập bậc Thánh vào con đường đoạn tận khổ đau. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tuệ lực.

Này các Tỷ-kheo, các pháp này là năm lực.

§ (V) (15) CẦN PHẢI THẤY

 - Này các Tỷ-kheo, có năm sức mạnh này. Thế nào là năm? Tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực, tuệ lực.

Và này các Tỷ-kheo, tín lực cần phải thấy ở đâu? Trong bốn Dự lưu chi phần; ở đấy, tín lực cần phải thấy. Và này các Tỷ-kheo, tấn lực cần phải thấy ở đâu? Trong bốn chánh cần; ở đấy, tấn lực cần phải thấy. Và này các Tỷ-kheo, niệm lực cần phải thấy ở đâu? Trong Bốn niệm xứ; ở đấy, niệm lực cần phải thấy. Và này các Tỷ-kheo, định lực cần phải thấy ở đâu? Ở trong bốn Thiền; ở đấy, định lực cần phải thấy. Và này các Tỷ-kheo, tuệ lực cần phải thấy ở đâu? Ở trong bốn Thánh đế; ở đấy, tuệ lực cần phải thấy. Này các Tỷ-kheo, có năm sức mạnh này.

§ (VI) (16) LẠI NÓC NHỌN

§ (Xin xem kinh 12)

§ (VII) (17) HẠNH PHÚC CHO AI (1)

 - Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đem lại hạnh phúc cho mình, không đem lại hạnh phúc cho người khác. Thế nào là năm?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tự mình đầy đủ giới hạnh, không có khuyến khích người khác đầy đủ giới hạnh; tự mình đầy đủ Thiền định, không có khuyến khích người khác đầy đủ Thiền định; tự mình đầy đủ trí tuệ, không có khuyến khích người khác đầy đủ trí tuệ; tự mình đầy đủ giải thoát; không có khuyến khích người khác đầy đủ giải thoát; tự mình đầy đủ giải thoát tri kiến, không có khuyến khích người khác đầy đủ giải thoát tri kiến. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đem lại hạnh phúc cho mình, không đem lại hạnh phúc cho người khác.

§ (VIII) (18) HẠNH PHÚC CHO AI (2)

 - Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đem lại hạnh phúc cho người khác, không đem lại hạnh phúc cho mình. Thế nào là năm?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không tự mình đầy đủ giới hạnh, khuyến khích người khác đầy đủ giới hạnh; không tự mình đầy đủ Thiền định... không tự mình đầy đủ trí tuệ... không tự mình đầy đủ giải thoát... không tự mình đầy đủ giải thoát tri kiến, khuyến khích người khác đầy đủ giải thoát tri kiến. Đầy đủ năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đem lại hạnh phúc cho người khác, không đem lại hạnh phúc cho mình.

§ (IX) (19) HẠNH PHÚC CHO AI (3)

 - Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không đem lại hạnh phúc cho mình, không đem lại hạnh phúc cho người. Thế nào là năm?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không tự mình đầy đủ giới hạnh, không khuyến khích người khác đầy đủ giới hạnh; không tự mình đầy đủ Thiền định... không tự mình đầy đủ trí tuệ... không tự mình đầy đủ giải thoát... không tự mình đầy đủ giải thoát tri kiến, không khuyến khích người khác đầy đủ giải thoát tri kiến. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo không đem lại hạnh phúc cho mình, không đem lại hạnh phúc cho người.

§ (X) (20) HẠNH PHÚC CHO AI (4)

 - Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đem lại hạnh phúc cho mình và đem lại hạnh phúc cho người. Thế nào là năm?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tự mình đầy đủ giới hạnh và khuyến khích người khác đầy đủ giới hạnh; tự mình đầy đủ Thiền định... tự mình đầy đủ trí tuệ... tự mình đầy đủ giải thoát... tự mình đầy đủ giải thoát tri kiến, và khuyến khích người khác đầy đủ giải thoát tri kiến. Đầy đủ năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đem lại hạnh phúc cho mình và đem lại hạnh phúc cho người.

III. PHẨM NĂM PHẦN

§ (I) (21) KHÔNG CÓ CUNG KÍNH (1)

1. - Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, không cung kính, không thận trọng, không sống tương hòa với các vị đồng Phạm hạnh, sẽ làm cho viên mãn thắng hạnh pháp, sự kiện này không xảy ra. Sau khi không làm cho viên mãn thắng hạnh pháp, vị ấy sẽ làm cho viên mãn Hữu Học pháp, sự kiện này không xảy ra. Không làm cho viên mãn Hữu Học pháp, vị ấy sẽ làm cho viên mãn các giới luật, sự kiện này không xảy ra. Sau khi không làm cho viên mãn các giới luật, vị ấy sẽ làm cho viên mãn chánh tri kiến, sự kiện này không xảy ra. Sau khi không làm cho viên mãn chánh tri kiến, vị ấy sẽ làm cho viên mãn chánh định, sự kiện này không xảy ra.

2. Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, có cung kính có thận trọng, sống tương hòa với các vị đồng Phạm hạnh sẽ làm cho viên mãn thắng hạnh pháp, sự kiện này có xảy ra. Sau khi làm cho viên mãn thắng hạnh, pháp, vị ấy sẽ làm cho viên mãn Hữu Học pháp, sự kiện này có xảy ra. Sau khi làm cho viên mãn Hữu Học pháp, vị ấy sẽ làm cho viên mãn các giới luật, sự kiện này có xảy ra. Sau khi làm cho viên mãn các giới luật, vị ấy sẽ làm cho viên mãn chánh tri kiến, sự kiện này có xảy ra. Sau khi làm cho viên mãn chánh tri kiến, vị ấy sẽ làm cho viên mãn chánh định, sự kiện này có xảy ra.

§ (II) (22) KHÔNG CÓ CUNG KÍNH (2)

1. - Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, không cung kính, không thận trọng, không sống tương hòa với các vị đồng Phạm hạnh, sẽ làm viên mãn thắng hạnh pháp, sự kiện này không xảy ra. Sau khi không làm cho viên mãn thắng hạnh pháp, vị ấy sẽ làm viên mãn Hữu Học pháp, sự kiện này không xảy ra. Sau khi không làm cho viên mãn Hữu Học pháp, vị ấy sẽ làm cho viên mãn giới uẩn, sự kiện này không xảy ra. Sau khi không làm cho viên mãn giới uẩn, vị ấy sẽ làm cho viên mãn định uẩn, sự kiện này không xảy ra. Sau khi không làm cho viên mãn định uẩn vị ấy sẽ làm cho viên mãn tuệ uẩn, sự kiện này không xảy ra.

2. Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, có cung kính, có thận trọng, sống tương hòa với các vị đồng Phạm hạnh, vị ấy sẽ làm cho viên mãn thắng hạnh pháp, sự kiện này có xảy ra. Sau khi làm cho viên mãn thắng hạnh pháp, vị ấy sẽ làm cho viên mãn Hữu Học pháp, sự kiện này có xảy ra. Sau khi làm viên mãn Hữu Học pháp, vị ấy sẽ làm cho viên mãn giới uẩn, sự kiện này có xảy ra. Sau khi làm cho viên mãn giới uẩn, vị ấy sẽ làm cho viên mãn định uẩn, sự kiện này có xảy ra. Sau khi làm cho viên mãn định uẩn, vị ấy sẽ làm cho viên mãn tuệ uẩn, sự kiện này có xảy ra.

§ (III) (23) CÁC UẾ NHIỄM

1. - Có năm uế nhiễm này của vàng, này các Tỷ-kheo, do các uế nhiễm ấy, vàng bị uế nhiễm không được nhu nhuyến, không được dễ sử dụng, không sáng chói, bị bể vụn và không chơn chánh chịu sự tác thành. Thế nào là năm?

2. Sắt, đồng, thiếc, chì và bạc. Có năm uế nhiễm này của vàng, này các Tỷ-kheo, do các uế nhiễm ấy, vàng bị uế nhiễm không được nhu nhuyến, không được dễ sử dụng, không sáng chói bị bể vụn và không chơn chánh chịu sự tác thành.

3. Và khi nào, này các Tỷ-kheo, vàng được giải thoát khỏi năm uế nhiễm này, khi ấy vàng ấy được nhu nhuyến, dễ sử dụng, sáng chói, không bị bể vụn, và chơn chánh chịu sự tác thành. Và các đồ trang sức nào người ta muốn như nhẫn, như bông tai, như vòng cổ, như dây chuyền vàng, vàng ấy có thể dùng tùy theo ước muốn.

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có năm uế nhiễm này của tâm, do các uế nhiễm ấy, tâm bị uế nhiễm, không nhu nhuyến, không dễ sử dụng, không sáng chói, bị bể vụn, không chơn chánh định tĩnh để đoạn diệt các lậu hoặc. Thế nào là năm?

4. Tham dục, sân, hôn trầm thụy miên, trạo hối, nghi. Có năm uế nhiễm này của tâm, này các Tỷ-kheo, do năm uế nhiễm ấy, tâm bị uế nhiễm không được nhu nhuyến, không dễ sử dụng, không sáng chói, bị bể vụn, không chơn chánh, định tĩnh để đoạn diệt các lậu hoặc.

5. Và khi nào, này các Tỷ-kheo, tâm được giải thoát khỏi năm uế nhiễm ấy; khi ấy, tâm ấy được nhu nhuyến, dễ sử dụng, sáng chói, không bể vụn, chơn chánh định tĩnh để đoạn diệt các lậu hoặc. Tùy thuộc theo pháp gì cần phải được giác ngộ với thắng trí, tâm vị ấy hướng đến để được giác ngộ với thắng trí. Tại đây, tại đấy vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến pháp ấy, dầu thuộc loại xứ nào.

6. Nếu vị ấy ước muốn: “Ta sẽ chứng được các loại thần thông, một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân; hiện hình biến hình đi ngang qua vách, qua tường, qua núi như đi qua hư không; độn thổ, trồi lên ngang qua đất liền như ở trong nước; đi trên nước không chìm, như trên đất liền; ngồi kiết-già hay đi trên hư không như con chim; với bàn tay, chạm và sờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy; có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên.” Tại đấy, tại đấy, vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dầu thuộc loại xứ nào.

7. Nếu vị ấy muốn: “Với thiên nhĩ thanh tịnh, siêu nhân, có thể nghe hai loại tiếng chư Thiên và loài Người, xa và gần”. Tại đấy, tại đấy, vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dầu thuộc loại xứ nào.

8. Nếu vị ấy ước muốn: “Mong rằng với tâm của mình có thể biết được tâm của các loại chúng sanh khác, tâm của loài Người khác nhau như sau: “Tâm có tham, biết là tâm có tham. Tâm không tham, biết là tâm không tham. Tâm có sân biết là tâm có sân. Tâm không sân, biết là tâm không sân. Tâm có si biết là tâm có si. Tâm không si biết là tâm không si. Tâm chuyên chú biết là tâm chuyên chú. Tâm tán loạn biết là tâm tán loạn. Đại hành tâm biết là đại hành tâm. Không phải đại hành tâm biết là không phải đại hành tâm. Tâm chưa vô thượng biết là tâm chưa vô thượng. Tâm vô thượng biết là tâm vô thượng. Tâm Thiền định biết là tâm Thiền định. Tâm không Thiền định biết là tâm không Thiền định. Tâm giải thoát biết là tâm giải thoát. Tâm không giải thoát biết là tâm không giải thoát””. Tại đấy, tại đấy, vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dầu thuộc loại xứ nào.

9. Nếu vị ấy ước muốn: “Ta sẽ nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp.” Vị ấy nhớ rằng: “Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, đồ ăn như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sinh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, đồ ăn như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ở đây.” Tại đấy, vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dầu thuộc loại xứ nào.

10. Nếu vị ấy ước muốn: “Với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, ta thấy sự từ bỏ và sanh khởi của chúng sanh. Ta biết rõ chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Các vị chúng sanh ấy làm những ác hạnh về thân, ác hạnh về lời, ác hạnh về ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Các vị chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân, ngữ và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến. Những vị này sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các cõi lành, cõi Trời, trên đời này. Như vậy, với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, ta có thể thấy sự sống chết của chúng sanh. Ta có thể rõ biết rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ”. Tại đấy, tại đấy, vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dầu thuộc loại xứ nào.

11. Nếu vị ấy ước muốn: “Do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí ta chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.” Tại đấy, tại đấy, vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dầu thuộc loại xứ nào.

§ (IV) (24) ÁC GIỚI

1. - Với người ác giới, này các Tỷ-kheo, với người phá giới, chánh định do vậy bị phá hoại. Khi chánh định không có mặt, với người chánh định bị phá hoại, như thật tri kiến do vậy bị phá hoại. Khi như thật tri kiến không có mặt, với người như thật tri kiến bị phá hoại, nhàm chán, ly tham do vậy bị phá hoại. Khi nhàm chán ly tham không có mặt, với người nhàm chán ly tham bị phá hoại, giải thoát tri kiến do vậy bị phá hoại.

2. Ví như, này các Tỷ-kheo, một cây, với cành và lá bị phá hoại, thời đọt cây ấy không đi đến viên mãn, vỏ cây không đi đến viên mãn, giác cây không đi đến viên mãn, lõi cây không đi đến viên mãn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, với người ác giới, với người phá giới, chánh định do vậy bị phá hoại. Khi chánh định không có mặt, với người chánh định bị phá hoại, như thật tri kiến nhân vậy bị phá hoại. Khi như thật tri kiến không có mặt, với người như thật tri kiến bị phá hoại, nhàm chán, ly tham do vậy bị phá hoại. Khi nhàm chán, ly tham không có mặt, với người nhàm chán ly tham bị phá hoại, giải thoát tri kiến do vậy bị phá hoại.

3. Với người có giới, này các Tỷ-kheo, với người gìn giữ giới, chánh định do vậy được đầy đủ. Do chánh định có mặt, với người chánh định được thành tựu, như thật tri kiến do vậy được thành tựu. Do như thật tri kiến có mặt, với người như thật tri kiến có mặt, nhàm chán, ly tham do vậy được thành tựu. Do nhàm chán, ly tham có mặt, với người nhàm chán ly tham được thành tựu, giải thoát tri kiến do vậy được thành tựu.

4. Ví như, này các Tỷ-kheo, một cây, với cành và lá được đầy đủ, thời đọt cây ấy đi đến viên mãn vỏ cây đi đến viên mãn, giác cây đi đến viên mãn lõi cây đi đến viên mãn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, với người có giới, với người giữ gìn giới, chánh định nhân vậy được đầy đủ. Do chánh định có mặt, với người chánh định được thành tựu, như thật tri kiến do vậy được thành tựu. Do như thật tri kiến có mặt, với người như thật tri kiến được thành tựu, nhàm chán, ly tham do vậy được thành tựu. Do nhàm chán, ly tham có mặt, với người nhàm chán, ly tham được thành tựu, giải thoát tri kiến do vậy được thành tựu.

§ (V) (25) NHIẾP THỌ

1. - Do nhiếp thọ năm chi phần, này các Tỷ-kheo, chánh tri kiến được thành thục với tâm giải thoát quả và với các lợi ích của tâm giải thoát quả và với các lợi ích của tâm giải thoát quả với tuệ giải thoát quả và với các lợi ích của tuệ giải thoát quả.

2. Với năm pháp gì? Ở đây, này các Tỷ-kheo, chánh tri kiến được giới nhiếp thọ, được văn nhiếp thọ, được luận nghị nhiếp thọ, được chỉ nhiếp thọ, được quán nhiếp thọ. Do được năm chi phần này nhiếp thọ, này các Tỷ-kheo, chánh tri kiến được thành tựu với tâm giải thoát quả và các lợi ích của tâm giải thoát quả, với tâm giải thoát quả, với tuệ giải thoát quả và các lợi ích của tuệ giải thoát quả.

§ (VI) (26) GIẢI THOÁT XỨ

1. - Có năm giải thoát xứ này, này các Tỷ-kheo, ở đây vị Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, thời tâm chưa giải thoát được giải thoát hay các lậu hoặc chưa được đoạn diệt hoàn toàn, đi đến đoạn diệt hoàn toàn, hay vô thượng an ổn khỏi các khổ ách chưa đạt, được đạt đến.

2. Thế nào là năm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, bậc Đạo sư hay một vị đồng Phạm hạnh đóng vai trò vị Đạo sư thuyết pháp cho vị Tỷ-kheo. Tùy theo bậc Đạo sư, hay một vị đồng Phạm hạnh đóng vai trò vị Đạo sư thuyết pháp cho vị Tỷ-kheo như thế nào, như thế nào tùy theo như vậy, như vậy, vị Tỷ-kheo tín thọ về nghĩa và tín thọ về pháp trong pháp ấy. Do vị ấy tín thọ về nghĩa, tín thọ về pháp, nên hân hoan sanh. Do hân hoan, nên hỷ sanh. Do ý hoan hỷ, thân được khinh an. Do thân được khinh an, vị ấy cảm giác lạc thọ. Do lạc thọ, tâm được định tĩnh. Đây là giải thoát xứ thứ nhất; ở đấy, vị Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, thời tâm chưa giải thoát được giải thoát, hay các lậu hoặc chưa được đoạn diệt hoàn toàn, đi đến đoạn diệt hoàn toàn, hay vô thượng an ổn khỏi các khổ ách chưa đạt, được đạt tới.

3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, bậc Đạo sư hay một vị đồng Phạm hạnh đóng vai trò vị Đạo sư không thuyết pháp cho vị Tỷ-kheo. Và vị Tỷ-kheo ấy thuyết pháp rộng rãi cho các người khác như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Vị Tỷ-kheo ấy thuyết pháp rộng rãi cho các người khác như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng, như thế nào, như thế nào, tùy theo như vậy, như vậy, vị ấy tín thọ về nghĩa và tín thọ về pháp trong pháp ấy. Do vị ấy tín thọ về nghĩa, tín thọ về pháp nên hân hoan sanh. Do hân hoan sanh nên hỷ sanh... tâm được định tĩnh. Đây là giải thoát xứ thứ hai, ở đây vị Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm... được đạt tới.

4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, bậc Đạo sư hay một vị đồng Phạm hạnh đóng vai trò vị Đạo sư không thuyết pháp cho vị Tỷ-kheo. Vị Tỷ-kheo ấy không thuyết pháp một cách rộng rãi cho các người khác như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Vị ấy đọc tụng pháp một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Vị Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo đọc tụng pháp như vậy, như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng, một cách rộng rãi như thế nào, như thế nào, tùy theo như vậy, như vậy vị Tỷ-kheo ấy tín thọ về nghĩa và tín thọ về pháp trong pháp ấy. Do vị ấy tín thọ về nghĩa, tín thọ về pháp nên hân hoan sanh. Do hân hoan, nên hỷ sanh... tâm được định tĩnh. Đây là giải thoát xứ thứ ba, ở đây vị Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm... được đạt tới.

5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, bậc Đạo sư hay một vị đồng Phạm hạnh đóng vai trò vị Đạo sư, không thuyết pháp cho vị Tỷ-kheo. Vị Tỷ-kheo ấy không thuyết pháp như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng một cách rộng rãi cho người khác. Vị ấy không đọc tụng pháp một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Nhưng vị ấy với tâm tùy tầm, tùy tứ, với ý quán sát pháp như đã được nghe, như đã được đọc tụng. Vị Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, do với tâm tùy tầm, tùy tứ, với ý quán sát pháp như đã được nghe, như đã được đọc tụng như thế nào, như thế nào, tùy theo như vậy, như vậy, vị Tỷ-kheo ấy tín thọ về nghĩa, tín thọ về pháp trong pháp ấy. Do vị ấy tín thọ về nghĩa, tín thọ về pháp, nên hân hoan sanh. Do hân hoan, nên hỷ sanh... tâm được định tĩnh. Đây là giải thoát xứ thứ tư, ở đây vị Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm... được đạt tới.

6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, bậc Đạo sư hay một vị đồng Phạm hạnh đóng vai vị Đạo sư không thuyết pháp cho vị Tỷ-kheo. Vị Tỷ-kheo ấy không thuyết pháp một cách rộng rãi cho các người khác, như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Vị ấy không đọc tụng pháp ấy một cách rộng rãi, như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Vị ấy không với tâm tùy tầm, tùy tứ, với ý quán sát pháp như đã được nghe, như đã học thuộc lòng. Nhưng vị ấy khéo nắm giữ một định tướng, khéo tác ý, khéo thọ trì, khéo thông đạt với trí tuệ như thế nào, như thế nào, tùy theo như vậy, như vậy, vị ấy tín thọ về nghĩa, tín thọ về pháp trong pháp ấy. Do vị ấy tín thọ về nghĩa, tín thọ về pháp nên hân hoan. Do hân hoan, nên hỷ sanh... tâm được định tĩnh. Đây là giải thoát xứ thứ năm, ở đây, vị Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm... được đạt tới.

7. Có năm giải thoát xứ này, này các Tỷ-kheo, ở đây vị Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tính cần, thời tâm chưa giải thoát, hay các lậu hoặc chưa đoạn diệt hoàn toàn, đi đến đoạn diệt hoàn toàn, hay vô thượng an ổn khỏi các khổ ách chưa đạt, được đạt đến.

§ (VII) (27) ĐỊNH

1. - Này các Tỷ-kheo, thông minh, thường niệm, hãy tu tập vô lượng định. Với ai thông minh thường niệm, tu tập vô lượng định, tự mỗi người ấy khởi lên năm trí. Thế nào là năm?

2. Định này hiện tại lạc và tương lai có quả dị thục lạc, trong mỗi người, trí (như vậy) khởi lên. Định này thuộc bậc Thánh, không thuộc vật chất, trong mỗi người, trí (như vậy) khởi lên. Định này không do người ác thực hiện, trong mỗi người, trí (như vậy) khởi lên. Định này an tịnh, thù diệu đem đến khinh an, đạt được nhất tâm, không phải là sự chế ngự gò ép thường xuyên, trong mỗi người, trí (như vậy) khởi lên: “An tịnh, ta nhập định này. An tịnh, ta xuất khỏi định này”, trong mỗi người trí (như vậy) khởi lên.

Này các Tỷ-kheo, thông minh, thường niệm, hãy tu tập vô lượng định. Với ai thông minh, thường niệm, hãy tu tập vô lượng định, tự mỗi người ấy, khởi lên năm trí này.

§ (VIII) (28) NĂM CHI PHẦN

1. - Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết giảng sự tu tập Thánh chánh định gồm có năm chi phần. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ. Ta sẽ giảng.

 - Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

 - Này các Tỷ-kheo, như thế nào là sự tu tập Thánh chánh định gồm có năm chi phần?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục... chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất với tầm, với tứ. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần.

3. Ví như, này các Tỷ-kheo, như một người hầu tắm hay đệ tử người hầu tắm, sau khi rắc bột tắm trong thau bằng đồng, liền nhồi bột ấy với nước. Cục bột tắm ấy được thấm nhuần nước ướt, trào trộn với nước ướt, thấm ướt cả trong lẫn ngoài với nước, nhưng không chảy thành giọt. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân này với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần.

Đây là sự tu tập thứ nhất về Thánh chánh định gồm có năm chi phần.

4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo làm cho tịnh chỉ tầm và tứ... chứng đạt và an trú Thiền thứ hai. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân này với hỷ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm nhuần.

5. Ví như, này các Tỷ-kheo, một hồ nước, nước tự trong dâng lên, phương Đông không có lỗ nước chảy ra, phương Tây không có lỗ nước chảy ra, phương Bắc không có lỗ nước chảy ra, phương Nam không có lỗ nước chảy ra, và thỉnh thoảng trời lại mưa lớn. Suối nước mát từ hồ nuớc ấy phun ra, thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy hồ nước ấy với nước mát lạnh, không một chỗ nào của hồ nước ấy không được nước mát lạnh thấm nhuần. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân này với hỷ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm nhuần.

Đây là sự tu tập thứ hai về Thánh chánh định gồm có năm chi phần.

6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và an trú Thiền thứ ba. Vị Tỷ-kheo ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân này, với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần.

7. Ví như, này các Tỷ-kheo, trong hồ sen xanh, hồ sen hồng hay sen trắng, những bông sen ấy sanh trong nước, lớn lên trong nước, không vượt khỏi nước, nuôi sống dưới nước, từ đầu ngọn cho đến gốc rễ đều thấm nhuần, tẩm ướt, tràn đầy thấu suốt bởi nước mát lạnh ấy, không một chỗ nào của toàn thể sen xanh, sen hồng hay sen trắng không được nước mát lạnh ấy thấm nhuần. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân này với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần.

Này các Tỷ-kheo, đây là sự tu tập thứ ba về Thánh chánh định gồm có năm chi phần.

8. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm, thanh tịnh. Tỷ-kheo ấy ngồi thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần.

9. Ví như, này các Tỷ-kheo, một người ngồi dùng tấm vải trắng trùm đầu, không một chỗ nào trên toàn thân không được vải trắng ấy che phủ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ngồi thấm nhuần toàn thân này với tâm thuần tịnh trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần.

Này các Tỷ-kheo, đây là sự tu tập thứ tư về Thánh chánh định gồm có năm chi phần.

10. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, quán sát tướng được vị Tỷ-kheo khéo nắm giữ, khéo tác ý, khéo thọ trì, khéo thể nhập với trí tuệ.

11. Ví như, này các Tỷ-kheo, một người quán sát một người khác, người đứng quán sát người ngồi, hay người ngồi quán sát người nằm. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, quán sát tướng được Tỷ-kheo khéo nắm giữ, khéo tác ý, khéo thọ trì, khéo thế nhập với trí tuệ.

Này các Tỷ-kheo, đây là sự tu tập thứ năm về Thánh chánh định gồm có năm chi phần.

Tu tập như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo với Thánh chánh định gồm có năm chi phần được làm cho sung mãn như vậy, tùy thuộc theo pháp gì cần phải được giác ngộ với thắng trí, tâm vị ấy hướng đến để được giác ngộ với thắng trí. Tại đấy, tại đấy vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến pháp ấy dầu thuộc loại xứ nào.

12. Ví như, này các Tỷ-kheo, một cái ghè nước đặt trên một cái giá, ghè ấy đựng đầy nước, tràn đầy đến nỗi con quạ có thể uống được. Và một người có sức mạnh đến lắc qua lắc lại cái ghè ấy, như vậy nước có đổ ra chăng?

 - Thưa có, bạch Thế Tôn.

 - Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo tu tập như vậy, Thánh chánh định gồm có năm chi phần được làm cho sung mãn như vậy, tùy thuộc theo pháp gì cần phải được giác ngộ với thắng trí, tâm vị ấy hướng đến để được giác ngộ với thắng trí. Tại đấy, tại đấy vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến pháp ấy, dầu thuộc loại xứ nào.

13. Ví như, này các Tỷ-kheo, một hồ nước trên một khoảnh đất bằng, bốn góc có bờ đê đắp cao đầu tràn nước đến nỗi con quạ có thể uống được. Rồi một người có sức mạnh đến tháo bờ đê chỗ này chỗ kia, như vậy nước có đổ ra chăng?

 - Thưa có, bạch Thế Tôn.

 - Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo tu tập như vậy... dầu thuộc loại xứ nào.

14. Ví như, này các Tỷ-kheo, trên đất bằng, tại chỗ ngã tư, có một chiếc xe đang đậu, thắng với ngựa thuần chủng, có gậy thúc ngực đặt ngang sẵn sàng. Có người huấn luyện ngựa thiện xảo, người đánh xe điều ngự các con ngựa đáng được điều ngựa, leo lên xe ấy, tay trái nắm lấy dây cương tay mặt cầm lấy gậy thúc ngựa, có thể đánh xe ngựa ấy đi tới đi lui tại chỗ nào và như thế nào theo ý mình muốn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập như vậy, Thánh chánh định gồm có năm chi phần được làm cho sung mãn như vậy, tùy thuộc theo pháp gì cần phải được giác ngộ với thắng trí, tâm vị ấy hướng đến để được giác ngộ với thắng trí. Tại đấy, tại đấy vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến pháp ấy, dầu thuộc loại xứ nào.

15. Nếu vị ấy ước muốn: “Ta sẽ chứng được các loại thần thông, một thân hiện ra nhiều thân...” § (Xem trước, số 23, mục 6)... dầu thuộc loại xứ nào.

16. Nếu vị ấy ước muốn: “Thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân...” § (Xem trước, số 23, mục 7)

17. Nếu vị ấy ước muốn: “Mong rằng với tâm của mình có thể hiểu biết được tâm của các loại chúng sanh khác...” § (Xem trước, số 23, mục 8)...

18. Nếu vị ấy ước muốn: “Ta sẽ nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, như một đời...” § (Xem trước, số 23, mục 9)...

19. Nếu vị ấy ước muốn: “Với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, ta thấy sự sống chết của chúng sanh...” § (Xem trước, số 23, mục 10)

20. Nếu vị ấy ước muốn: “Do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí ta chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát”. Tại đấy, tại đấy, vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dầu thuộc loại xứ nào.

§ (IX) (29) KINH HÀNH

1. - Này các Tỷ-kheo, có năm lợi ích này của kinh hành. Thế nào là năm?

2. Kham nhẫn được đường trường; kham nhẫn được tinh cần; ít bệnh tật; đưa đến tiêu hóa tốt đẹp các đồ được ăn, được uống, được nhai, được nếm; định chứng được trong khi kinh hành được tồn tại lâu dài. Những pháp này, này các Tỷ-kheo là năm lợi ích của kinh hành.

§ (X) (30) TÔN GIẢ NÀGITA

1. Như vầy tôi nghe:

Một thời, Thế Tôn bộ hành giữa các người Kosala, cùng với đại chúng Tỷ-kheo đi đến một làng Bà-la-môn tên là Icchànangalam. Tại đấy, Thế Tôn trú ở Icchànangalam, trong khóm rừng Icchànangalam.

Các Bà-la-môn Gia chủ ở Icchànangalam được nghe: “Sa-môn Tôn giả Gotama là Thích tử xuất gia từ gia đình họ Thích, đã đến Icchànangalam, trú ở Icchànanagalam trong khóm rừng Icchànangalam. Về Tôn giả Gotama ấy, tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi: “Đây là đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Với thắng trí, Ngài tự thân chứng ngộ thế giới này cùng với Thiên giới, Phạm thiên giới, với chúng Sa-môn, Bà-la-môn các loài Trời và Người. Sau khi đã chứng ngộ, Ngài tuyên thuyết điều Ngài đã chứng ngộ. Ngài thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn. Ngài truyền dạy Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ trong sạch. Tốt đẹp thay, sự chiêm ngưỡng một vị A-la-hán như vậy!””

Rồi các Bà-la-môn Gia chủ ở Icchànangalam, sau khi đêm ấy đã mãn, cầm theo rất nhiều đồ ăn loại cứng và loại mềm, đi đến khóm rừng Icchànangalam, sau khi đến, đứng ở ngoài cổng vào, và lớn tiếng làm huyên náo.

2. Lúc bấy giờ, Tôn giả Nàgita là thị giả của Thế Tôn. Rồi Thế Tôn bảo Tôn già Nàgita:

 - Này Nàgita, những ai đã đến, và làm ồn ào như những hàng cá với đống cá lớn?

 - Các người ấy, bạch Thế Tôn, là các Bà-la-môn Gia chủ ở Icchànangalam, đang đứng ở ngoài cổng vào, đem theo rất nhiều đồ ăn loại cứng và loại mềm cho Thế Tôn và chúng Tăng.

 - Này Nàgita, Ta không có liên hệ gì với danh vọng và danh vọng không có liên hệ gì với Ta. Này Nàgita, những ai tìm được không có khó khăn, tìm được không có mệt nhọc, tìm được không có phí sức, tìm được an ổn, lạc viễn ly lạc, an tịnh lạc, chánh giác lạc, mà Ta đã tìm được không có khó khăn, tìm được không có mệt nhọc, tìm được không có phí sức. Hãy để họ thọ hưởng lạc như phân ấy, thụy miên lạc, lợi dưỡng, cung kính, danh văn lạc.

3. - Bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn hãy chấp nhận! Thiện Thệ hãy chấp nhận! Nay Thế Tôn sẽ đi đến chỗ nào, tại chỗ ấy các Bà-la-môn, Gia chủ ở thị trấn và ở quốc độ cũng sẽ đi đến với tâm hướng về cúng dường. Ví như trời mưa nặng hạt, và nước mưa được chảy tùy theo chiều dốc. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn sẽ đi đến chỗ nào, tại chỗ ấy các Bà-la-môn, Gia chủ ở thị trấn và ở quốc độ họ cũng sẽ đi đến, với tâm hướng về cúng đường. Vì cớ sao? Bạch Thế Tôn, do vì giới hạnh và trí tuệ của Thế Tôn.

4. - Này Nàgita, Ta không có liên hệ gì với danh vọng, và danh vọng không có liên hệ gì với Ta. Này Nàgita, những ai tìm được không có khó khăn, tìm được không có mệt nhọc, tìm được không có phí sức, tìm được an ổn lạc, viễn ly lạc, an tịnh lạc, chánh giác lạc, mà Ta đã tìm được không có khó khăn, tìm được không có mệt nhọc, tìm được không phí sức. Hãy để họ thọ hưởng lạc như phân ấy, thụy miên lạc, lợi dưỡng, cung kính, danh văn lạc. Này Nàgita, với ai ăn, uống, nhai, nếm, thời đại tiện, tiểu tiện, là kết quả tất nhiên cho người ấy. Với những ai nặng nề về ái lạc, này Nàgita, sự biến hoại, đổi khác, sầu bi khổ ưu não khởi lên. Đấy là kết quả tất nhiên cho người ấy. Những ai chuyên chú tâm về tướng bất tịnh, này Nàgita, thời sự nhàm chán đối với tịnh tướng được an trú. Đấy là kết quả tất nhiên cho người ấy. Ai sống tùy quán vô thường trong sáu xúc xứ, này Nàgita, thời sự nhàm chán đối với xúc được an trú. Đấy là kết quả tất nhiên cho người ấy. Ai sống tùy quán sanh diệt đối với năm thủ uẩn, này Nàgita, thời sự nhàm chán đối với chấp thủ được an trú. Đấy là kết quả tất nhiên cho người ấy.

IV. PHẨM SUMANÀ

§ (I) (31) SUMANÀ, CON GÁI VUA

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại khu vườn của Anàthapindika. Rồi Sumanà, con gái vua, với năm trăm thiếu nữ hộ tống trên năm trăm cổ xe, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Sumanà, con gái vua bạch Thế Tôn:

2. - Ở đây, bạch Thế Tôn, có hai đệ tử của Thế Tôn đồng đẳng về tín, đồng đẳng về giới, đồng đẳng về tuệ, một có bố thí, một không bố thí. Sau khi thân hoại mạng chung, cả hai được sanh lên cõi lành Thiên giới. Giữa hai vị thiên ấy, có sự đặc thù gì, có sự sai khác gì?

Thế Tôn đáp:

 - Có sự sai biệt, này Sumanà.

3. Người có bố thí, khi được làm vị Thiên, vượt qua vị Thiên không bố thí trên năm phương diện. Về thiên thọ mạng, về thiên sắc, về thiên lạc, về thiên danh xưng, về thiên tăng thượng. Người có bố thí, này Sumanà, khi được làm vị Thiên, vượt qua vị Thiên không bố thí trên năm phương diện này.

4. - Bạch Thế Tôn, nếu họ sau khi từ đây mạng chung, trở lại trạng thái này, khi họ trở lại làm người, bạch Thế Tôn, có sự đặc thù gì, có sự sai khác gì?

Thế Tôn đáp:

 - Có sự sai biệt, này Sumanà.

5. Người có bố thí, khi được làm người, vượt qua vị làm người không bố thí trên năm phương diện: Về nhân thọ mạng, về nhân sắc, về nhân lạc, về nhân danh xưng, về nhân tăng thượng. Người có bố thí, này Sumanà, khi được làm người, vượt qua vị làm người không bố thí trên năm phương diện này.

6. - Bạch Thế Tôn, nếu cả hai đều xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Giữa hai người xuất gia ấy, bạch Thế Tôn có thể có những đặc thù gì, những sai khác gì?

Thế Tôn đáp:

 - Có sự sai biệt, này Sumanà.

7. Người có bố thí, khi được xuất gia, vượt qua vị xuất gia không có bố thí trên năm phương diện: Thường hay được yêu cầu nhận y, ít khi không được yêu cầu; thường hay được yêu cầu nhận đồ ăn khất thực, ít khi không được yêu cầu; thường hay được yêu cầu nhận sàng tọa, ít khi không được yêu cầu; thường hay được yêu cầu nhận dược phẩm trị bệnh, ít khi không được yêu cầu. Vị ấy sống với những vị đồng Phạm hạnh nào, các vị này đối với vị ấy, xử sự với nhiều thân nghiệp khả ái, với ít thân nghiệp không khả ái, với nhiều khẩu nghiệp khả ái, với ít khẩu nghiệp không khả ái, với nhiều ý nghiệp khả ái, với ít ý nghiệp không khả ái, giúp đỡ với nhiều giúp đỡ khả ái, với ít giúp đỡ không khả ái. Này Sumanà, người có bố thí khi được xuất gia vượt qua vị xuất gia không có bố thí trên năm phương diện này.

8. - Nhưng bạch Thế Tôn, nếu cả hai đều chứng quả A-la-hán. Với hai vị chứng đạt A-la-hán ấy, bạch Thế Tôn có sự đặc thù nào, có sự sai khác nào?

9. - Ở đây, này Sumanà, Ta nói không có sự sai khác nào, tức là so sánh giải thoát với giải thoát.

10. - Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Xa cho đến như vậy là vừa đủ để bố thí, là vừa đủ để làm cho các công đức. Vì rằng chúng là những giúp đỡ, những công đức cho chư Thiên, chúng là những giúp đỡ, những công đức cho loài Người, chúng là những giúp đỡ, những công đức cho các người xuất gia.

 - Sự việc là như vậy, này Sumanà, là vừa đủ, này Sumanà, để bố thí, là vừa đủ để làm các công đức. Chúng là những giúp ích, những công đức cho chư Thiên. Chúng là những giúp ích, những công đức cho loài Người. Chúng là những giúp ích, những công đức cho các người xuất gia.

11. Thế Tôn thuyết như vậy. Bậc Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Đạo sư lại nói thêm:

Như mặt trăng không uế,

Đi giữa hư không giới,

Với ánh sáng bừng chói,

Giữa quần sao ở đời.

Cũng vậy, người đủ giới,

Hạng người có lòng tin,

Với bố thí, bừng chói,

Giữa xan tham ở đời.

Như mây mưa sấm sét,

Vòng hoa chóp trăm đầu,

Tràn đầy cả thung lũng,

Lan tràn cả đất bằng.

Cũng vậy, đầy tri kiến,

Đệ tử bậc Chánh Giác,

Bậc trí vượt xan tham,

Trên cả năm phương diện,

Thọ mạng và danh xưng,

Dung sắc và an lạc,

Với tài sản sung mãn,

Chết hưởng hỷ lạc thiên.

§ (II) (32) CUNDÌ, CON GÁI VUA

1. Một thời, Thế Tôn ở Ràjagaha § (Vương xá), Veluvana (Trúc Lâm), chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Rồi Cundì, con gái vua, với năm trăm thiếu nữ hộ tống trên năm trăm cỗ xe đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Cundì, con gái vua bạch Thế Tôn:

2. - Anh của chúng con, bạch Thế Tôn, Hoàng tử Cunda nói như sau: “Nếu có người đàn bà hay người đàn ông quy y Phật, quy y Pháp, quy y chúng Tăng, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ say đắm rượu men, rượu nấu, người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, nhất định sanh lên cõi lành, không vào cõi dữ”. Nhưng bạch Thế Tôn, con xin hỏi Thế Tôn: Với lòng tin bậc Đạo sư như thế nào, bạch Thế Tôn sau khi thân hoại mạng chung, nhất định được sanh lên cõi lành, không vào cõi dữ? Với lòng tin Pháp như thế nào, sau khi thân hoại mạng chung, nhất định được sanh lên cõi lành, không vào cõi dữ? Với lòng tin chúng Tăng như thế nào, sau khi thân hoại mạng chung, nhất định được sanh lên cõi lành, không vào cõi dữ? Làm cho đầy đủ các giới như thế nào, sau khi thân loại mạng chung, nhất định được sanh lên cõi lành, không vào cõi dữ?

3. - Dầu cho các loại hữu tình nào, này Cundì, không chân hay hai chân, bốn chân hay nhiều chân, có sắc hay không sắc, có tưởng hay không tưởng, hay phi tưởng phi phi tưởng, Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được xem là tối thượng. Những ai đặt lòng tin vào đức Phật, họ đặt lòng tin vào tối thượng. Với những ai đặt lòng tin vào tối thượng, họ được quả dị thục tối thượng.

4. Dầu cho loại pháp nào, này Cundì, hữu vi hay vô vi, ly tham được xem là tối thượng trong tất cả pháp, (tức là) sự chiết phục kiêu mạn, sự nhiếp phục khao khát, sự nhổ lên dục ái, sự chặt đứt tái sanh, sự đoạn diệt tham ái, sự ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn. Những ai đặt lòng tin vào Pháp, ly tham, này Cundì, họ đặt lòng tin vào tối thượng. Với những ai đặt lòng tin vào tối thượng, họ được quả dị thục tối thượng.

5. Dầu cho loại chúng Tăng hay Hội chúng nào, này Cundì, chúng Tăng đệ tử của Như Lai, được xem là tối thượng trong tất cả hội chúng ấy, tức là bốn đôi tám vị. Chúng Tăng đệ tử của Như Lai đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng đường, đáng được chắp tay, là vô thượng phước điền ở đời. Những ai đặt lòng tin vào chúng Tăng, này Cundì, họ đặt lòng tin vào tối thượng. Với những ai đặt lòng tin vào tối thượng, họ được quả dị thục tối thượng.

6. Dầu cho loại giới nào, này Cundì, các giới được bậc Thánh ái kính được gọi là tối thượng trong các giới ấy, tức là giới không bị bể vụn, không bị sứt mẻ, không bị vết chấm, không bị uế nhiễm, đem lại giải thoát, được bậc trí tán thán, không bị chấp thủ, đưa đến chánh định. Với những ai làm cho đầy đủ trong các giới luật, được các bậc Thánh ái kính, họ làm cho đầy đủ những gì tối thượng. Với những ai đặt lòng tin vào tối thượng, họ được quả dị thục tối thượng.

Tin tưởng vào tối thượng,

Biết được pháp tối thượng,

Tin tưởng Phật tối thượng,

Đáng tôn trọng, vô thượng.

Tin tưởng Pháp tối thượng,

Ly tham, an tịnh lạc,

Tin tưởng Tăng tối thượng,

Là ruộng phước vô thượng,

Bố thí bậc tối thượng,

Phước tối thượng tăng trưởng,

Tối thượng về thọ mạng,

Dung sắc và danh văn,

Tối thượng về an lạc

Tối thượng về sức mạnh.

Bậc trí thí tối thượng,

Pháp tối thượng chánh định,

Chư Thiên hay loài Người

Đạt được hỷ tối thượng.

§ (III) (33) UGGAHA, NGƯỜI GIA CHỦ

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Bhaddiya, trong rừng Jàti. Rồi Uggaha, cháu trai của Mendaka đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Uggaha, cháu trai của Mendaka bạch Thế Tôn:

2. - Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy nhận lời mời của con, ngày mai đến dùng bữa ăn, với Thế Tôn là người thứ tư.

Thế Tôn im lặng nhận lời. Rồi Uggaha, cháu trai của Mendaka biết được Thế Tôn đã nhận lời, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi.

3. Rồi Thế Tôn, sau khi đêm ấy đã mãn, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi đến trú xứ của Uggaha, cháu trai của Mendaka; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi Uggaha, cháu trai của Mendaka, với tay của mình thân mời và làm cho thỏa mãn Thế Tôn với các món ăn thượng vị loại cứng và loại mềm. Rồi Uggaha, cháu trai của Mendaka, sau khi Thế Tôn dùng bữa ăn xong, tay rời khỏi bát, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Uggaha, cháu trai của Mendaka bạch Thế Tôn:

 - Những đứa con gái này của con, bạch Thế Tôn, sẽ đi về nhà chồng. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy giáo giới chúng. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy khuyên dạy chúng, để chúng được hạnh phúc an lạc lâu dài.

4. Rồi Thế Tôn nói với các người con gái ấy:

 - Này các thiếu nữ, các Con hãy học tập như sau: “Đối với những người chồng nào, mẹ cha cho các con, vì muốn lợi ích, vì tìm hạnh phúc, vì lòng thương tưởng, vì lòng từ mẫn khởi lên, đối với vị ấy, chúng ta sẽ thức dậy trước, chúng ta sẽ đi ngủ sau cùng, vui lòng nhận làm mọi công việc, xử sự đẹp lòng, lời nói dễ thương.” Như vậy, này các Thiếu nữ, các Con cần phải học tập.

5. Do vậy, này các Thiếu nữ, các Con cần phải học tập như sau: “Những ai, chồng ta kính trọng, như mẹ, cha, Sa-môn, Bà-la-môn, chúng ta sẽ tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường và khi họ đến, chúng ta sẽ dâng hiến họ chỗ ngồi và nước.” Như vậy, này các Thiếu nữ, các Con cần phải học tập.

6. Do vậy, này các Thiếu nữ, các Con cần phải học tập như sau: “Phàm có những công nghiệp trong nhà, hoặc thuộc về len vải hay vải bông, ở đây, chúng ta sẽ phải thông thạo, không được biếng nhác, tự tìm hiểu phương pháp làm, vừa đủ để tự mình làm, vừa đủ để sắp đặt người làm.” Như vậy, này các Thiếu nữ, các Con cần phải học tập.

7. Do vậy, này các Thiếu nữ, các con cần phải học tập như sau: “Trong nhà người chồng, phàm có nô tỳ nào, hay người đưa tin, hay người công thợ, chúng ta sẽ phải biết công việc của họ với công việc đã làm; chúng ta sẽ phải biết sự thiếu sót của họ với công việc không làm. Chúng ta sẽ biết sức mạnh hay sức không mạnh của những người đau bệnh. Chúng ta sẽ chia các đồ ăn, loại cứng và loại mềm, mỗi người tùy theo từng phần của mình”. Như vậy, này các Thiếu nữ, các Con cần phải học tập.

8. Do vậy, này các Thiếu nữ, các Con cần phải học tập như sau: “Phàm có tiền bạc, lúa gạo, bạc và vàng người chồng đem về, chúng ta cần phải phòng hộ, bảo vệ chúng, và sẽ gìn giữ để khỏi ăn trộm, ăn cắp, kẻ uống rượu, kẻ phá hoại”. Như vậy, này các Thiếu nữ, các con cần phải học tập. Thành tựu năm pháp này, này các Thiếu nữ, người đàn bà, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với chư Thiên có thân khả ái.

Hãy thường thương yêu chồng,

Luôn nỗ lực cố gắng,

Người đem lại lạc thú,

Chớ khinh thường người chồng,

Chớ làm chồng không vui,

Chớ làm chồng tức tối,

Với những lời ganh tị.

Chồng cung kính những ai,

Hãy đảnh lễ tất cả,

Vì nàng, người có trí.

Hoạt động thật nhanh nhẹn,

Giữa các người làm việc,

Xử sự thật khả ái,

Biết giữ tài sản chồng.

Người vợ xử như vậy,

Làm thỏa mãn ước vọng,

Ưa thích của người chồng,

Sẽ được sanh tại chỗ,

Các chư Thiên khả ái.

§ (IV) (34) ĐẠI TƯỚNG SÌHA

1. Một thời, Thế Tôn ở Vesàlì, tại Đại Lâm ở giảng đường có nóc nhọn. Rồi tướng quân Sìha đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, tướng quân Sìha bạch Thế Tôn:

 - Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có thể trình bày cho con về quả thiết thực hiện tại của bố thí?

Thế Tôn đáp:

2. - Có thể được, này Sìha! Người bố thí, này Sìha, người thí chủ được quần chúng ái mộ và ưa thích. Này Sìha, người bố thí, người thí chủ được quần chúng ái mộ và ưa thích, đây quả bố thí thiết thực hiện tại.

3. Lại nữa, này Sìha! Bậc thiện, bậc Chân nhân, thân cận người bố thí, người thí chủ. Này Sìha, bậc Thiện, bậc Chân nhân, thân cận người bố thí, người bố thí, người thí chủ. Này Sìha, đây là quả bố thí thiết thực hiện tại.

4. Lại nữa, này Sìha! Người bố thí, người thí chủ được tiếng đồn tốt đẹp truyền đi. Này Sìha, người bố thí, người thí chủ được tiếng đồn tốt đẹp truyền đi. Này Sìha, đây là quả bố thí thiết thực hiện tại.

5. Lại nữa, này Sìha, người bố thí, người thí chủ đi đến hội chúng nào, hoặc hội chúng Sát-đế-lỵ, hoặc hội chúng Bà-la-môn, hoặc hội chúng Gia chủ, hoặc hội chúng Sa-môn. Vị ấy đi đến với tự tín, không có do dự hoang mang. Này Sìha, người bố thí, người thí chủ đi đến hội chúng nào, hoặc hội chúng Sát-đế-lỵ, hoặc hội chúng Bà-la-môn, hoặc hội chúng Gia chủ, hoặc hội chúng Sa-môn; vị ấy đi đến với tự tin, không có do dự hoang mang. Này Sìha, đây là quả bố thí thiết thực hiện tại.

6. Lại nữa, này Sìha! Người bố thí, người thí chủ, sau khi thân hoại mạng chung được sanh lên cõi lành, Thiên giới. Người bố thí, người thí chủ, này Sìha, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên cõi lành, Thiên giới. Này Sìha, đây là quả bố thí thiết thực hiện tại.

7. Được nói vậy, tướng quân Sìha bạch Thế Tôn:

 - Bốn quả bố thí thiết thực hiện tại này, bạch Thế Tôn, được Thế Tôn nói đến, con không nhờ chúng đi đến lòng tin Thế Tôn. Con biết được chúng. Bạch Thế Tôn, con là người bố thí, là thí chủ được quần chúng ái mộ ưa thích. Bạch Thế Tôn, con là người bố thí, người thí chủ được bậc thiện, bậc Chân nhân thân cận với con. Bạch Thế Tôn, con là người bố thí, người thí chủ. Tiếng đồn tốt đẹp được truyền đi về con: “Tướng quân Sìha là người bố thí, là người làm việc, là người hộ trì chúng Tăng.” Bạch Thế Tôn, con là người bố thí, là người thí chủ. Con đi đến hội chúng nào, hoặc hội chúng Sát-đế-lỵ, hoặc hội chúng Bà-la-môn, hoặc hội chúng Gia chủ, hoặc hội chúng Sa-môn. Con đi đến với lòng tự tín, không do dự hoang mang. Bốn quả bố thí hiện tại này, bạch Thế Tôn, được Thế Tôn nói đến, con không nhờ chúng đi lòng tin Thế Tôn. Con biết được chúng. Nhưng bạch Thế Tôn, khi Thế Tôn nói với con: “Người bố thí, này Sìha, người thí chủ sau khi thân hoại mạng chung được sanh lên cõi lành, Thiên giới.” Điều này con không được biết, ở đây con đi đến lòng tin Thế Tôn.

 - Sự kiện là vậy, này Sìha! Sự kiện là vậy, này Sìha! Người bố thí, người thí chủ, sau khi thân hoại mạng chung được sanh lên thiện thú, Thiên giới.

Người cho được ái mộ,

Được nhiều người thân cận,

Được tiếng đồn tốt đẹp,

Danh xưng được tăng trưởng.

Không hoang mang do dự,

Đi vào giữa hội chúng,

Với tâm đầy tự tín,

Là người không xan tham.

Do vậy người có trí,

Thường thường làm bố thí,

Nhiếp phục uế, xan tham,

Tìm cầu chơn an lạc.

Được an trú lâu ngày,

Trên cõi trời Thập Tam

Họ sống vui hoan hỷ,

Đồng bạn với chư Thiên.

Sanh duyên đã làm xong

Thiện hạnh đã làm xong,

Mệnh chung sanh chư Thiên,

Được sống và thọ hưởng,

Tại rừng Nan - da - na

Tại đấy họ hoan hỷ,

Họ vui thích, thoải mái,

Thọ hưởng năm dục lạc,

Đối với lời thuyết giảng

Bậc Vô trước Thế Tôn,

Các đệ tử Thiện Thệ,

Sống hoan hỷ Thiên giới.

§ (V) (35) LỢI ÍCH VÀ BỐ THÍ

 - Này các Tỷ-kheo, có năm lợi ích này của bố thí. Thế nào là năm? Được nhiều người ái mộ, ưa thích; được bậc Thiện nhân, Chân nhân thân cận; tiếng đồn tốt đẹp được truyền đi; không có sai lệch pháp của người Gia chủ; khi thân hoại mạng chung được sanh lên cõi lành, Thiên giới. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là lợi ích của bố thí.

Người cho được ái kính,

Sở hành là hiền thiện,

Bậc Hiền thường thân cận,

Sống Phạm hạnh chế ngự.

Thuyết pháp người bố thí,

Đưa đến khổ đoạn diệt,

Vị ấy biết được pháp,

Lậu hoặc được tịch tịnh.

§ (VI) (36) CHO ĐÚNG THỜI

 - Này các Tỷ-kheo, có năm bố thí đúng thời này. Thế nào là năm?

Bố thí cho người đến, bố thí cho người đi, bố thí cho người đau bệnh, bố thí trong thời đói, phàm có những hoa quả gì mới gặt hái được, dành chúng đầu tiên để cúng dường các bậc giữ giới. Này các Tỷ-kheo, năm pháp này là năm bố thí đúng thời.

Có trí, thí đúng thời,

Lời từ ái, không tham,

Đúng thời, thí bậc Thánh,

Bậc Chánh trực, Thế Tôn.

Cúng dường vậy to lớn,

Đưa đến lòng tịnh tín,

Ở đây người tùy hỷ,

Cùng người làm nghiệp vụ.

Không ai thiếu cúng dường,

Họ san sẻ công đức,

Do vậy hãy bố thí,

Với tâm không hạn chế.

Chỗ nào với bố thí,

Đưa đến kết quả lớn,

Đối với các hữu hình,

Công đức được an lập,

Cho đến trong đời sau.

§ (VII) (37) BỐ THÍ BỮA ĂN

 - Người bố thí bữa ăn, này các Tỷ-kheo, người thí chủ đem lại cho người thọ lãnh năm điều. Thế nào là năm?

Cho thọ mạng, cho dung sắc, cho an lạc, cho sức mạnh, cho biện tài. Cho thọ mạng, vị ấy được chia thọ mạng chư Thiên hay loài Người. Cho dung sắc, vị ấy được chia dung sắc chư Thiên hay loài Người. Cho an lạc, vị ấy được chia an lạc chư Thiên hay loài Người. Cho sức mạnh, vị ấy được chia sức mạnh chư Thiên hay loài Người. Cho biện tài, vị ấy được chia biện tài chư Thiên hay loài Người. Người bố thí bữa ăn, này các Tỷ-kheo, người thí chủ đem lại cho người thọ lãnh năm điều này.

Bậc Hiền cho thọ mạng,

Sức mạnh, sắc, biện tài,

Bậc trí cho an lạc,

Được chia phần an lạc.

Cho thọ mạng, sức mạnh,

Sắc, an lạc, biện tài,

Được sống lâu, danh xưng,

Tại chỗ được tái sanh.

§ (VIII) (38) SỰ LỢI ÍCH LÒNG TIN

1. - Này các Tỷ-kheo, có năm lợi ích này cho Thiện nam tử có lòng tin. Thế nào là năm?

Các Thiện nhân, các Chân nhân, trước hết có lòng thương tưởng đến vị có lòng tin, không có như vậy đối với vị không có lòng tin; khi đến thăm, trước hết họ đến thăm vị có lòng tin, không có như vậy đối với vị không có lòng tin; khi chấp nhận, họ chấp nhận (các món ăn) trước hết từ những người có lòng tin, không từ những người không có lòng tin; họ thuyết pháp trước hết cho những người có lòng tin, không cho những người không có lòng tin; người có lòng tin, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên cõi lành, cõi Trời. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm lợi ích cho Thiện nam tử có lòng tin.

2. Ví như, này các Tỷ-kheo, trên khoảnh đất tốt, tại ngã tư đường, có cây bàng to lớn là chỗ nương tựa cho các loài chim chung quanh. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Thiện nam tử có lòng tin là chỗ nương tựa cho quần chúng, cho các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, cho Nam cư sĩ và cho Nữ cư sĩ.

Như cây bàng to lớn,

Với cành, lá, trái cây,

Với thân, rễ, đầy trái,

Làm chỗ trú loài chim.

Tại trú xứ thoải mái,

Các con chim làm tổ,

Cần bóng mát, hứng mát,

Cần trái cây, ăn trái.

Cũng vậy, vị trì giới,

Người có lòng tịnh tín,

Khiêm nhường và nhu thuận,

Hiền hòa, lời từ tốn,

Tánh tình thật dịu hiền,

Vị đoạn tham, đoạn sân,

Đoạn si, không lậu hoặc,

Là ruộng phước ở đời.

Họ đến người như vậy,

Họ thuyết pháp, người ấy

Đoạn trừ mọi khổ đau,

Vị ấy ở tại đây,

Hiểu biết Chánh pháp ấy,

Viên mãn nhập Niết-bàn,

Hoàn toàn không lậu hoặc.

§ (IX) (39) CON TRAI

 - Thấy năm điểm này, này các Tỷ-kheo, mẹ cha muốn con trai sanh trong gia đình. Thế nào là năm? Được giúp đỡ, sẽ giúp đỡ chúng ta; hay sẽ làm công việc cho chúng ta; sẽ duy trì lâu dài truyền thống gia đình; sẽ tiếp tục di sản thừa hưởng; sẽ cúng dường hiến vật cho các hương linh bị mệnh chung.

Do thấy năm điểm này, này các Tỷ-kheo, mẹ cha muốn con trai sanh trong gia đình.

Do thấy năm sự việc,

Bậc trí muốn con trai.

Được giúp, giúp ta lại,

Sẽ làm việc cho ta,

Sẽ duy trì lâu dài

Truyền thống của gia đình,

Sẽ tiếp tục gìn giữ,

Gia sản được thừa hưởng,

Hay đối với hương linh,

Hiến dâng các vật cúng.

Do thấy sự việc ấy,

Bậc trí muốn con trai,

Bậc Hiền thiện, Chân nhân,

Nhớ ơn, biết trả ơn,

Nhớ đến việc làm xưa,

Họ hiếu dưỡng mẹ cha,

Họ làm mọi công việc,

Như trước làm cho họ.

Thực hiện lời giảng dạy,

Được giúp, hiếu dưỡng lại,

Với truyền thống gia đình,

Duy trì được lâu dài,

Đầy đủ tín và giới,

Con trai được tán thán.

§ (X) (40) CÂY SÀLA LỚN

 - Dựa trên vua núi Tuyết sơn, này các Tỷ-kheo, các cây sàla lớn được lớn lên trên năm phương diện. Thế nào là năm?

Chúng lớn lên về cành cây, về lá, về toàn bộ lá cây; chúng lớn lên về đọt cây, chúng lớn lên về vỏ cây; chúng lớn lên về giác cây; chúng lớn lên về lõi cây. Dựa trên núi Tuyết sơn, này các Tỷ-kheo, các cây sàla lớn, được lớn lên trên năm phương diện này. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, dựa trên Thiện nam tử có lòng tin, các người trong gia đình lớn lên về năm phương diện. Thế nào là năm? Lớn lên về lòng tin; lớn lên về giới; lớn lên về học hỏi; lớn lên về bố thí; lớn lên về trí tuệ. Dựa trên Thiện nam tử có lòng tin, các người trong gia đình được lớn lên về năm sự lớn lên này.

Như hòn đá trên núi,

Trong rừng, trong núi lớn,

Các cây dựa vào đấy,

Các rừng chủ lớn lên.

Cũng vậy, người đủ giới,

Nam tử có lòng tin,

Dựa vị này chúng lớn,

Vợ, con và bà con,

Thân hữu và quyến thuộc,

Cùng các người tùy tùng.

Những ai sở hành tốt,

Với mắt đã được thấy,

Bắt chước giới vị này,

Bắt chước tâm bố thí,

Sau khi hành pháp này,

Tìm con đường cõi lành,

Trong Thiên giới hoan hỷ,

Họ được niềm hoan hỷ,

Hưởng thọ các dục lạc.

V. PHẨM VUA MUNDA

§ (I) (41) TRỞ THÀNH GIÀU

1. Như vầy tôi nghe:

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Rồi Gia chủ Anàthapindika đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Gia chủ Anàthapindika đang ngồi một bên:

2. - Này Gia chủ, có năm lý do này để gầy dựng tài sản. Thế nào là năm?

Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi ra, thâu được một cách hợp pháp; tự làm mình an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc; làm cho mẹ cha an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc; làm cho vợ con, người phục vụ, các người làm công được an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc. Đây là lý do thứ nhất để gây dựng tài sản.

3. Lại nữa, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi ra, thâu được một cách hợp pháp. Vị ấy làm cho bạn bè thân hữu an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc. Đây là lý do thứ hai để gầy dựng tài sản.

4. Lại nữa, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh bàn tay, kiếm được do đổ mổ hôi ra, thâu được một cách hợp pháp. Các tai họa từ lửa, từ nước, từ vua, từ ăn trộm, từ kẻ thù hay từ các người thừa tự được chận đứng, và vị ấy giữ tài sản được an toàn cho vị ấy. Đây là lý do thứ ba để gầy dựng tài sản.

5. Lại nữa, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi ra, thâu được một cách hợp pháp, có thể làm năm hiến cúng. Hiến cúng cho bà con, hiến cúng cho khách, hiến cúng cho hương linh đã chết (peta), hiến cúng cho vua, hiến cúng cho chư Thiên. Đây là lý do thứ tư để gầy dựng tài sản.

6. Lại nữa, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi ra, thâu được một cách hợp pháp, đối với các Sa-môn, Bà-la-môn nào kiêu mạn, ly phóng dật, an trú nhẫn nhục, nhu hòa, nhiếp phục tự mình, an tịnh tự mình, làm lắng dịu tự mình, đối với những Sa-môn, Bà-la-môn như vậy vị ấy tổ chức sự cúng dường tối thượng, đưa đến cảnh giới chư Thiên, được quả dị thục, đưa đến cõi trời. Đây là lý do thứ năm để gầy dựng tài sản.

Này Gia chủ, có năm lý do này để gầy dựng tài sản.

7. Này Gia chủ, đối với vị Thánh đệ tử gầy dựng tài sản với năm lý do này, khi tài sản đi đến hoại diệt, vị ấy suy nghĩ như sau: “Các tài sản do những lý do để gầy dựng, ta đã gầy dựng chúng. Nay các tài sản ấy của ta đi đến hoại diệt”, vị ấy không có hối hận. Này Gia chủ, đối với vị Thánh đệ tử gầy dựng tài sản với năm lý do này, nếu tài sản ấy đi đến tăng trưởng, vị ấy suy nghĩ như sau: “Các tài sản do những lý do để gầy dựng, ta đã gầy dựng chúng. Nay các tài sản ấy của ta đi đến tăng trưởng”. Như vậy, cả hai phương diện, vị ấy không có hối hận.

Tài sản được thọ hưởng,

Gia nhân được nuôi dưỡng,

Chính nhờ các tài sản,

Do ta tránh tai họa.

Là cúng dường tối thượng,

Làm năm loại hiến vật,

Dành cho bậc trì giới

Bậc tự điều, Phạm hạnh.

Mục đích gì bậc Trí,

Trú nhà, cầu tài sản,

Mục đích ấy ta đạt,

Được làm không hối hận.

Người nào nhớ nghĩ vậy,

An trú trên Thánh pháp,

Đời này được tán thán,

Đời sau được hoan hỉ,

Trên cảnh giới chư Thiên.

§ (II) (42) BẬC CHÂN NHÂN

1. - Bậc Chân nhân, này các Tỷ-kheo, sinh ra trong gia đình, đưa lại lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho nhiều người; đưa lại lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho mẹ cha; đưa lại lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho vợ con; đưa lại lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho các người hầu hạ, làm công; đưa lại lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho bạn bè, thân hữu; đưa lại lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho các Sa-môn, Bà-la-môn.

2. Này các Tỷ-kheo, ví như trận mưa lớn đem lại các mùa gặt được nhiều chín muồi, đưa lại lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho nhiều người. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, bậc Chân nhân sanh ra trong gia đình, đưa lại lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho nhiều người; đưa lại lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho mẹ cha; đưa lại lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho vợ con; đưa lại lợi ích, hạnh phúc an lạc cho các người hầu hạ, làm công; đưa lại lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho bạn bè, thân hữu; đưa lại lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho các Sa-môn, Bà-la-môn.

Vì hạnh phúc nhiều người,

Hãy gầy dựng tài sản,

Chư Thiên bảo vệ người

Biết bảo vệ đúng pháp,

Tiếng tốt không từ bỏ,

Người được học, nghe nhiều,

Đầy đủ các cấm giới,

An trú trên Chánh pháp.

Ai có thể chỉ trích,

Bậc trú pháp, trì giới,

Bậc nói thật, tàm quý,

Như trang sức vàng ròng?

Chư Thiên khen người ấy,

Phạm thiên cũng tán thán.

§ (III) (43) KHẢ LẠC

1. Rồi Gia chủ Anàthapindika đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Gia chủ Anàthapindika đang ngồi một bên:

2. - Có năm pháp này, này Gia chủ, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khó tìm được ở đời. Thế nào là năm?

Tuổi thọ khả lạc, khả hỷ, khả ý khó tìm được ở đời; dung sắc khả lạc, khả hỷ, khả ý khó tìm được ở đời; an lạc khả lạc, khả hỷ, khả ý khó tìm được ở đời; tiếng đồn tốt khả lạc, khả hỷ, khả ý khó tìm được ở đời; cõi trời khả lạc, khả hỷ, khả ý khó tìm được ở đời.

Này Gia chủ, năm pháp này, khả lạc, khả ý khó tìm được ở đời. Này Gia chủ, năm pháp khả lạc, khả hỷ, khả ý khó được ở đời này, Ta tuyên bố không phải do nhân cầu xin, không phải do nhân ước vọng mà có được.

3. Này Gia chủ, nếu năm pháp khả lạc, khả hỷ, khả ý khó tìm được ở đời này, do nhân cầu xin, do nhân ước vọng mà có được, thời ai ở đời này lại héo mòn vì một lẽ gì? Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử muốn có thọ mạng, không có thể do cầu xin thọ mạng hay tán thán để làm nhân đem lại thọ mạng. Vị Thánh đệ tử muốn có thọ mạng cần phải thực hành con đường dẫn đến thọ mạng. Do vị ấy thực hành con đường dẫn đến thọ mạng, sự thực hành ấy đưa vị ấy nhận lãnh được thọ mạng, vị ấy nhận lãnh được thọ mạng hoặc Chư Thiên, hoặc loài Người.

4. Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử muốn có dung sắc, không có thể do cầu xin dung sắc hay tán thán để làm nhân đem lại dung sắc. Vị Thánh đệ tử muốn có dung sắc cần phải thực hành con đường dẫn đến dung sắc. Do vị ấy thực hành con đường dẫn đến dung sắc, sự thực hành ấy đưa vị ấy nhận lãnh được dung sắc, vị ấy nhận lãnh được dung sắc hoặc chư Thiên, hoặc loài Người.

5. Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử muốn có an lạc, không có thể cầu xin an lạc hay tán thán để làm nhân đem đến an lạc. Vị Thánh đệ tử muốn có an lạc cần phải thực hành con đường dẫn đến an lạc. Do vị ấy thực hành con đường dẫn đến an lạc, sự thực hành ấy đưa đến vị ấy nhận lãnh được an lạc, vị ấy nhận lãnh được an lạc hoặc chư Thiên, hoặc loài Người.

6. Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử muốn có tiếng tốt, không có thể do cầu xin tiếng tốt hay tán thán để làm nhân đem đến tiếng tốt. Vị Thánh đệ tử muốn có tiếng tốt cần phải thực hành con đường dẫn đến tiếng tốt. Do vị ấy thực hành con đường dẫn đến tiếng tốt, sự thực hành ấy đưa vị ấy nhận lãnh được tiếng tốt, vị ấy nhận lãnh được tiếng tốt hoặc chư Thiên, hoặc loài Người.

7. Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử muốn có được Thiên giới, không có do cầu xin Thiên giới hay tán thán để làm nhân đem đến Thiên giới. Vị Thánh đệ tử muốn có Thiên giới cần phải thực hành con đường dẫn đến Thiên giới. Do vị ấy thực hành con đường dẫn đến Thiên giới, sự thực hành ấy đưa vị ấy nhận lãnh được Thiên giới, vị ấy nhận lãnh được Thiên giới.

Thọ mạng và dung sắc,

Tiếng tốt và danh vọng,

Thiên giới và quý tộc,

Được người đời ngày đêm,

Luôn luôn và rộng lớn,

Cầu xin và cầu nguyện.

Còn bậc Hiền tán thán,

Không phóng dật phước hành,

Bậc Hiền không phóng dật,

Chứng được hai lợi ích,

Lợi ích ngay hiện tại,

Và lợi ích đời sau,

Vị nào thực hiện được,

Lợi ích và mục đích,

Vị ấy đáng được gọi,

Bậc Trí giả, Hiền giả.

§ (IV) (44) CHO CÁC VẬT KHẢ Ý

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàlì, rừng Đại Lâm, tại giảng đường có nóc nhọn. Rồi Thế Tôn, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát đi đến trú xứ của Gia chủ Ugga người Vesàlì, sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi Gia chủ Ugga, người Vesàlì đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Gia chủ Ugga, người Vesàlì bạch Thế Tôn:

2. - Bạch Thế Tôn, con nghe như sau từ miệng Thế Tôn, con có nhận lãnh như sau từ miệng Thế Tôn: “Ai cho vật khả ý, nhận được điều khả ý”. Bạch Thế Tôn, con có cháo nấu từ hoa cây sàla thật là khả ý, có thể ăn được. Mong Thế Tôn nhận lấy cháo ấy, vì lòng từ ái!

Và Thế Tôn nhận lấy, vì lòng từ ái.

 - Bạch Thế Tôn, con nghe như sau từ miệng Thế Tôn, con nhận lãnh như sau từ miệng Thế Tôn: “Ai cho vật khả ý, nhận được điều khả ý”. Bạch Thế Tôn, con có thịt heo nấu chung với trái táo, thật là khả ý. Mong Thế Tôn nhận lấy, vì lòng từ ái (chúng con)!

Và Thế Tôn nhận lấy, vì lòng từ ái.

 - Bạch Thế Tôn, con nghe như sau từ miệng Thế Tôn, con có nhận lãnh như sau từ miệng Thế Tôn: “Ai cho vật khả ý, nhận được điều khả ý”. Bạch Thế Tôn, con có loại rau ống dài có dầu thật là khả ý. Mong Thế Tôn nhận lấy, vì lòng từ ái!

Và Thế Tôn nhận lấy, vì lòng từ ái.

 - Bạch Thế Tôn, con nghe như sau từ miệng Thế Tôn, con nhận lãnh như sau từ miệng Thế Tôn: “Ai cho vật khả ý, nhận được điều khả ý”. Bạch Thế Tôn, con có cháo gạo, các hạt đen được loại bỏ dùng với các món canh, các món đồ ăn nhiều loại, thật là khả ý. Mong Thế Tôn nhận lấy, vì lòng từ ái!

Và Thế Tôn nhận lấy, vì lòng từ ái.

 - Bạch Thế Tôn, con nghe như sau từ miệng Thế Tôn, con có nhận lãnh như sau từ miệng Thế Tôn: “Ai cho vật khả ý, nhận được điều khả ý”. Bạch Thế Tôn, con có các loại vải dệt từ Kàsi thật là khả ý. Mong Thế Tôn nhận lấy, vì lòng từ ái!

Và Thế Tôn nhận lấy, vì lòng từ ái.

 - Bạch Thế Tôn, con nghe như sau từ miệng Thế Tôn, con có nhận lãnh như sau từ miệng Thế Tôn: “Ai cho vật khả ý, nhận được điều khả ý”. Bạch Thế Tôn, con có ghế dài với nệm trải giường bằng lông cừu, chăn len thêu bông, nệm bằng da con sơn dương gọi là kadalimigapavarapaccat - tharanam, tấm thảm có lọng che phía trên, ghế dài có hai đầu gối chân màu đỏ. Bạch Thế Tôn, dầu rằng chúng con được biết: Những vật ấy không phù hợp với Thế Tôn, nhưng bạch Thế Tôn, tấm phản nằm bằng gỗ chiên đàn này đáng giá hơn một trăm ngàn, mong Thế Tôn hãy nhận lấy, vì lòng từ ái!

Và Thế Tôn nhận lấy, vì lòng từ ái.

Rồi Thế Tôn làm cho tùy hỷ Gia chủ Ugga người xứ Vesàlì, với bài kệ tùy hỷ này:

Ai cho vật khả ý,

Nhận được điều khả ý,

Đối với bậc Chánh trực,

Vui lòng đem bố thí,

Vải mặc và giường nằm,

Ăn uống các vật dụng.

Biết được bậc La - hán,

Được ví là phước điền,

Nên các bậc Chân nhân,

Thí những vật khó thí,

Được từ bỏ, giải thoát,

Không làm tâm đắm trước,

Người thí vật khả ý,

Nhận được điều khả ý.

Rồi Thế Tôn sau khi tùy hỷ Gia chủ Ugga với bài kệ tùy hỷ này, liền đứng dậy và ra đi. Rồi Gia chủ Ugga người Vesàlì, sau một thời gian bị mệnh chung. Bị mệnh chung, Gia chủ Ugga người Vesàlì được sanh với một thân rất khả ý.

Lúc bấy giờ, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại khu vườn ông Anàthapindika. Rồi Thiên tử Ugga, sau khi đêm đã gần tàn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi liền đứng một bên. Thế Tôn nói với Thiên tử Ugga đang đứng một bên:

 - Này Ugga, sự việc có được như ý muốn không?

 - Bạch Thế Tôn, sự việc có được như ý con muốn.

Rồi Thế Tôn với bài kệ nói với Thiên tử Ugga:

Ai cho vật khả ý,

Nhận được điều khả ý,

Bố thí vật tối thượng,

Sẽ được quả tối thượng.

Người cho vật thù diệu,

Nhận được điều thù diệu,

Người cho vật tối thắng,

Nhận được điều tối thắng.

Người nào đem bố thí

Vật tối thượng, thù diệu,

Và các vật tối thắng,

Người ấy thọ mạng dài,

Và được cả danh xưng,

Tại chỗ vị ấy sanh.

§ (V) (45) PHƯỚC ĐIỀN

1. - Này các Tỷ-kheo, có năm nguồn sanh phước, nguồn sanh thiện này, là món ăn an lạc, thuộc Thiên giới, là quả lạc dị thục, dẫn đến cõi Trời, đưa đến khả lạc, khả hỷ, khả ý, hạng phúc, an lạc. Thế nào là năm?

2. Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo trong khi hưởng thọ y của ai, đạt đến và an trú vô lượng tâm định, như vậy là nguồn sanh phước vô lượng cho người ấy, là nguồn sanh thiện, là món ăn an lạc, thuộc Thiên giới, là quả lạc di thục, dẫn đến cõi Trời, đưa đến khả lạc, khả hỷ, khả ý, hạng phúc, an lạc.

Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trong khi hưởng thọ đồ ăn khất thực của ai...

Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trong khi hưởng thọ Tinh xá của ai... hưởng thọ giường ghế của ai... hưởng thọ dược phẩm trị bệnh của ai, đạt đến và an trú vô lượng tâm định, như vậy là nguồn sanh phước vô lượng cho người ấy, là nguồn sanh thiện, là món ăn an lạc, thuộc Thiên giới, là quả lạc dị thục dẫn đến cõi Trời, đưa đến khả lạc, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.

Này các Tỷ-kheo, năm nguồn sanh phước, nguồn sanh thiện này là món ăn an lạc, thuộc Thiên giới, dẫn đến cõi Trời, đưa đến khả lạc, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.

3. Và này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu năm nguồn sanh phước, nguồn sanh thiện này, thời không dễ gì để nắm lấy một số lượng phước thiện, và nói rằng: “Có chừng ấy nguồn sanh phước, nguồn sanh thiện, món ăn an lạc, thuộc Thiên giới, là quả lạc dị thục đem đến cõi Trời, đưa đến khả lạc, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc”. Vì rằng cả khối phước thiện lớn được xem là vô số, vô lượng.

Ví như, này các Tỷ-kheo, trong biển lớn, thật không dễ gì nắm lấy một số lượng nước và nói rằng: “Có chừng ấy thùng nước, hay có chừng ấy trăm thùng nước, hay có chừng ấy ngàn thùng nước, hay có chừng ấy trăm ngàn thùng nước.” Vì rằng cả khối lượng lớn nước được xem là vô số, vô lượng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu năm nguồn sanh phước, nguồn sanh thiện này, thời không dễ gì để nắm lấy một số lượng phước thiện và nói rằng: “Có chừng ấy nguồn sanh phước, nguồn sanh thiện, món ăn an lạc, thuộc Thiên giới, là quả lạc dị thục đem đến cõi Trời, đưa đến khả lạc, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc”. Vì rằng cả khối phước thiện lớn được xem là vô số, vô lượng.

Biển lớn không hạn lượng,

Hồ lớn nhiều sợ hãi,

Là kho tàng cất giữ,

Vô số lượng châu báu,

Cũng là chỗ trú ẩn;

Vô số các loại cá,

Là chỗ các sông lớn,

Quy tụ chảy ra biển.

Cũng vậy người bố thí,

Đồ ăn và đồ uống,

Vải mặc và giường nằm,

Chỗ ngồi và thảm nệm,

Bậc Hiền thí như vậy,

Phước đức ùa chảy đến,

Như sông dẫn dòng nước,

Ùa chảy vào biển cả.

§ (VI) (46) CỤ TÚC

 - Này các Tỷ-kheo, có năm cụ túc này. Thế nào là năm? Tín cụ túc, giới cụ túc, văn cụ túc, thí cụ túc, tuệ cụ túc.

Những pháp này, này các Tỷ-kheo là năm cụ túc.

§ (VII) (47) TÀI VẬT

1. - Này các Tỷ-kheo, có năm tài sản này. Thế nào là năm? Tín tài, giới tài, văn tài, thí tài, tuệ tài. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tín tài?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có lòng tin, tin tưởng vào sự giác ngộ của Như Lai: “Đây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác,... Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn”. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tín tài. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là giới tài?

3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử từ bỏ sát sanh... từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là giới tài. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là văn tài?

4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử nghe được nhiều... khéo thể nhập với tri kiến. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là văn tai. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thí tài?

5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử sống ở gia đình, tâm không bị cấu uế xan tham chi phối, bố thí rộng rãi, với bàn tay rộng mở, ưa thích từ bỏ, sẵn sàng để được yêu cầu, ưa thích phân phát vật bố thí. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là thí tài. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tuệ tài?

6. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có trí tuệ, thành tựu trí tuệ đối với sanh diệt và sự thể nhập bậc Thánh đưa đến đoạn tận khổ đau. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tuệ tài.

Các pháp này, này các Tỷ-kheo là năm tài sản.

Ai tin tưởng Như Lai,

Bất động, khéo an trú,

Ai gìn giữ thiện giới,

Thánh ái mộ tán thán.

Ai tịnh tín chúng Tăng,

Được thấy bậc Chánh trực,

Người ấy gọi không nghèo,

Mạng sống không trống không.

Do vậy, tín và giới,

Tịnh tín thấy Chánh pháp,

Bậc trí tâm chuyên chú,

Nhớ đến lời Phật dạy.

§ (VIII). (48) SỰ KIỆN KHÔNG THỂ CÓ ĐƯỢC

1. - Này các Tỷ-kheo, có năm sự kiện này không thể có được bởi Sa-môn hay Bà-la-môn, bởi Ma hay Phạm thiên, hay bởi một ai ở đời. Thế nào là năm?

2. Phải bị già, muốn khỏi già, là một sự kiện không thể có được bởi một Sa-môn hay Bà-la-môn, bởi Ma hay Phạm thiên, hay bởi một ai ở đời.

3. Với kẻ phàm phu không học, này các Tỷ-kheo, phải bị già và già đến; khi già đến, kẻ ấy không suy tư: “Không phải chỉ một mình ta phải bị già và già đến, nhưng đối với loài hữu tình, có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả loài hữu tình đều phải bị già và già đến. Và nếu phải bị già và khi già đến, ta lại sầu, bi, than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh, thời ăn uống không làm ta ưa thích, thân ta trở thành xấu xí; các công việc không có xúc tiến; kẻ thù sẽ hoan hỷ; bạn bè sẽ lo buồn”. Kẻ ấy phải bị già, khi già đến, sầu, bi, than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh.

Này các Tỷ-kheo, đây gọi là kẻ phàm phu không học bị mũi tên sầu muộn tẩm thuốc độc bắn trúng, kẻ ấy tự làm mình ưu não.

4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, với kẻ phàm phu, không học phải bị bệnh và bệnh đến... phải bị chết và chết đến... phải bị hoại diệt và hoại diệt đến... phải bị tiêu diệt và tiêu diệt đến; khi tiêu diệt đến, kẻ ấy không suy tư: “Không phải chỉ một mình ta bị tiêu diệt và tiêu diệt đến, nhưng đối với các loài hữu tình, có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả loài hữu tình đều phải bị tiêu diệt và tiêu diệt đến. Và nếu phải bị tiêu diệt, và khi tiêu diệt đến, ta lại sầu, bi, than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh, thời ăn uống không làm ta ưa thích; thân ta trở thành xấu xí; công việc không có xúc tiến, kẻ thù sẽ hoan hỷ, bạn bè sẽ lo buồn”. Kẻ ấy phải bị tiêu diệt, khi tiêu diệt đến, sầu, bi, than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh.

Này các Tỷ-kheo, đây gọi là kẻ phàm phu không học, bị mũi tên sầu muộn tẩm thuốc độc bắn trúng, kẻ ấy tự làm mình ưu não.

5. Với vị Thánh đệ tử có học, này các Tỷ-kheo, phải bị già và già đến; khi già đến, vị ấy suy tư như sau: “Không phải chỉ một mình ta phải bị già và già đến. Nhưng đối với các loài hữu tình, có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả các loài hữu tình đều phải bị già, và già đến. Và nếu phải bị già và già đến, ta lại sầu, bi, than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh, thời ăn uống không làm ta ưa thích, thân ta trở thành xấu xí; các công việc không có xúc tiến; kẻ thù sẽ hoan hỷ; bạn bè sẽ lo buồn”. Vị ấy phải bị già, khi già đến, không sầu, không bi, không than khóc, không đập ngực, không đi đến bất tỉnh.

Này các Tỷ-kheo, đây gọi là vị Thánh đệ tử có học, được nhổ lên là mũi tên sầu muộn có tẩm thuốc độc, mà kẻ phàm phu không học bị bắn trúng, tự làm mình ưu não. Không sầu muộn, không bị tên bắn, vị Thánh đệ tử làm cho chính mình được hoàn toàn tịch tịnh.

6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, với vị Thánh đệ tử có học, phải bị bệnh và bệnh đến... phải bị chết và chết đến... phải bị hoại diệt và hoại diệt đến... phải bị tiêu diệt và tiêu diệt đến; khi tiêu diệt đến, vị ấy suy tư như sau: “Không phải chỉ một mình ta phải bị tiêu diệt và tiêu diệt đến. Nhưng đối với các loài hữu tình, có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả các loài hữu tình đều phải bị tiêu diệt và tiêu diệt đến. Và nếu phải bị tiêu diệt, và khi tiêu diệt đến, ta lại sầu, bi, than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh, thời ăn uống không làm ta ưa thích, thân ta trở thành xấu xí; các công việc không có xúc tiến; kẻ thù sẽ hoan hỷ; bạn bè sẽ lo buồn”. Vị ấy phải bị tiêu diệt, khi tiêu diệt đến, không sầu, không bi, không than khóc, không đập ngực, không đi đến bất tỉnh.

Này các Tỷ-kheo, đây gọi là vị Thánh đệ tử có học, được nhổ lên là mũi tên sầu muộn có tẩm thuốc độc mà kẻ phàm phu không học bị bắn trúng, tự mình làm ưu não. Không sầu muộn, không bị bắn tên, vị Thánh đệ tử làm cho chính mình được hoàn toàn tịch tịnh.

Các pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm sự kiện không thể có được bởi Sa-môn hay Bà-la-môn, bởi Ma hay Phạm thiên, hay bởi một ai ở đời.

Chớ sầu, chớ than khóc,

Lợi ích được thật ít,

Biết nó sầu, nó khổ,

Kẻ địch tự vui sướng.

Do vậy, bậc Hiền trí,

Giữa các sự bất hạnh,

Không hoảng hốt run sợ,

Biết phân tích lợi ích.

Kẻ địch bị khổ não,

Thấy sắc diện không đổi,

Với tụng niệm văn chú,

Với lời thật khéo nói,

Với bố thí chân chánh,

Với truyền thống khéo giữ.

Chỗ nào được lợi ích,

Chỗ ấy gắng tinh cần.

Nếu biết lợi không được,

Cả ta và người khác,

Không sầu, biết chịu đựng,

Mong vị ấy nghĩ rằng:

Nay ta phải làm gì?

Phải kiên trì thế nào?

§ (IX) (49) NGƯỜI KOSALA

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi § (Xá - vệ), tại Jetavana (Thắng Lâm), khu vườn ông Anàthapindika. Rồi vua Pasenadi nước Kosala đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

Lúc bấy giờ Hoàng hậu Mallikà mệnh chung. Rồi một người đi đến vua Pasenadi nước Kosala; sau khi đến, báo tin kề bên tai vua Pasenadi nước Kosala: “Tâu Đại vương, Hoàng hậu Mallikà đã mệnh chung”. Được nghe nói vậy, vua Pasenadi nước Kosala khổ đau, ưu tư, thụt vai, cúi đầu, sững sờ, không nói nên lời. Rồi Thế Tôn biết được vua Pasenadi nước Kosala đang đau khổ, ưu tư, thụt vai, cúi đầu, sững sờ, không nói nên lời, liền nói với vua Pasenadi nước Kosala:

2. - Thưa Đại vương, có năm sự kiện này không thể có được bởi một Sa-môn hay Bà-la-môn, bởi Ma hay Phạm thiên hay bởi một ai ở đời. Thế nào là năm?

... (Hoàn toàn giống như kinh trước cho đến câu:”... Phải kiên trì thế nào”, với những thay đổi cần thiết, nếu có...)

§ (X) (50) TÔN GIẢ NÀRADA

1. Một thời, Tôn giả Nàrada trú ở Pàtaliputta tại khu vườn Kukkuta (Kê Viên). Lúc bấy giờ, Hoàng hậu Bhaddà của vua Munda mệnh chung, được ái luyến thương yêu. Vì quá thương yêu Hoàng hậu Bhaddà, vua không tắm rửa, không thoa dầu, không ăn uống, không lo các công việc, ngày đêm sầu muộn, ôm ấp thân của Hoàng hậu Bhaddà. Rồi vua Munda bảo Piyaka, người giữ kho bạc:

 - Này Piyaka, hãy đặt thân Hoàng hậu Bhaddà vào trong một hòm sắt đựng đầy dầu, và đậy lại với một hòm bằng sắt khác; nhờ vậy chúng ta có thể thấy thân Hoàng hậu Bhaddà lâu hơn.

 - Thưa vâng, tâu Đại vương.

Piyaka, người giữ kho bạc vâng đáp vua Munda, đặt thân Hoàng hậu Bhaddà vào trong một hòm sắt đều đầy dầu, và đậy lại với một hòm bằng sắt khác. Rồi Piyaka, vị giữ kho bạc cho vua Munda nghĩ như sau: “Hoàng hậu Bhaddà của vua Munda này đã mệnh chung, được ái luyến thương yêu, vì quá thương yêu Hoàng hậu Bhaddà, vua không tắm rửa, không thoa dầu, không ăn uống, không lo các công việc, ngày đêm sầu muộn, ôm ấp thân của Hoàng hậu Bhaddà. Hãy để vua Munda đến yết kiến một vị Sa-môn hay Bà-la-môn, sau khi nghe pháp từ vị ấy, có thể bỏ được mũi tên sầu muộn”. Rồi Piyaka, người giữ kho bạc nghĩ như sau: “Có Tôn giả Nàrada này trú ở Pàtaliputta, tại khu vườn Kukkuta. Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Tôn giả Nàrada: “Bậc Hiền trí, thông minh, bậc trí giả, được nghe nhiều, khéo nói, thiện biện tài, bậc Trưởng lão, bậc A-la-hán”. Hãy để vua Munda đến yết kiến Tôn giả Nàrada. Sau khi nghe pháp từ vị ấy, vua có thể gạt bỏ mũi tên sầu muộn”. Rồi Piyaka, người giữ kho bạc đi đến vua Munda, sau khi đến, nói với vua Munda:

 - Tâu Đại vương, có Tôn giả Nàrada nay trú ở Pàtaliputta, tại khu vườn Kukkuta. Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Tôn giả Nàrada: “Bậc Hiền trí, thông minh, bậc trí giả, được nghe nhiều, khéo nói, thiện biện tài, bậc Trưởng lão, bậc A-la-hán”. Nếu Đại vương yết kiến Tôn giả Nàrada, rất có thể, sau khi nghe pháp từ Tôn giả Nàrada, Đại vương có thể gạt bỏ mũi tên sầu muộn.

 - Vậy này Piyaka, hãy tin cho Tôn giả Nàrada được biết.

Rồi vua nghĩ: “Làm sao ta tự nghĩ, một người như ta, phải đến thăm như thế nào một Sa-môn hay Bà-la-môn sống ở trong quốc độ, từ trước chưa được ai biết?”

 - Thưa vâng, tâu Đại vương.

Pijaka người giữ kho bạc vâng đáp vua Munda; đi đến Tôn giả Nàrada, sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Nàrada rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Piyaka, vị giữ kho bạc bạch Tôn giả Nàrada:

 - Hoàng hậu Bhaddà của vua Munda, thưa Tôn giả, đã mệnh chung, được ái luyến, thương yêu. Vì quá thương yêu Hoàng hậu Bhaddà, nên vua không tắm, không thoa dầu, không ăn uống, không lo các công việc, ngày đêm sầu muộn, ôm ấp thân Hoàng hậu Bhaddà. Lành thay, thưa Tôn giả, nếu Tôn giả Nàrada thuyết pháp cho vua Munda như thế nào để vua Munda sau khi nghe pháp từ Tôn giả Nàrada, có thể gạt bỏ mũi tên sầu muộn.

 - Này Piyaka, nay là thời để vua Munda làm những gì vua nghĩ là phải thời.

Rồi Piyaka, người giữ kho bạc, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Tôn giả Nàrada, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi, và đi đến vua Munda; sau khi đến, thưa với vua Munda:

 - Tâu Đại vương, cơ hội đã được sắp đặt với Tôn giả Nàrada. Này Đại vương hãy làm những gì Đại vương nghĩ là phải thời.

 - Vậy này Piyaka, hãy cho thắng các cỗ xe tốt đẹp.

 - Thưa vâng, tâu Đại vương.

Pikaka, người giữ kho bạc vâng đáp vua Munda, cho thắng các cỗ xe tốt đẹp, rồi thưa với vua Munda:

 - Tâu Đại vương, các cỗ xe tốt đẹp đã thắng xong. Nay Đại vương hãy làm những gì Đại vương nghĩ là phải thời.

2. Rồi vua Munda leo lên cỗ xe tốt đẹp, cùng với các cỗ xe tốt đẹp khác đi đến khu vườn Kukkuta với uy nghi oai lực của nhà vua để yết kiến Tôn giả Nàrada. Vua đi xe xa cho đến đường đất xe có thể đi được, rồi xuống xe, đi bộ vào khu vườn. Rồi vua Munda đi đến Tôn giả Nàrada, sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Nàrada rồi ngồi xuống một bên. Rồi Tôn giả Nàrada nói với vua đang ngồi một bên.

 - Thưa Đại vương, có năm sự kiện này không thể có được bởi một Sa-môn, hay Bà-la-môn, bởi Ma hay Phạm thiên, hay bởi một ai ở đời. Thế nào là năm?

3. Bị già và muốn không già, là một sự kiện không thể có được bởi một Sa-môn hay Bà-la-môn, bởi Ma hay Phạm thiên, hay bởi một ai ở đời. Bị bệnh và muốn không bệnh... bị chết và muốn không chết... bị hoại diệt và muốn không hoại diệt... bị tiêu diệt và muốn không tiêu diệt, là một sự kiện không thể có được bởi một Sa-môn hay Bà-la-môn, bởi Ma hay Phạm thiên, hay bởi một ai ở đời.

4. Với phàm phu không học, thưa Đại vương, phải bị già và già đến; và khi già đến, kẻ ấy không suy tư: “Không phải chỉ một mình ta phải bị già và già đến. Nhưng đối với loài hữu tình, có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả loài hữu tình đều phải bị già và già đến. Và nếu phải bị già và khi già đến, ta lại sầu, bi, than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh, thời ăn uống, không làm ta ưa thích; thân ta trở thành xấu xí; các công việc không có xúc tiến, kẻ thù sẽ hoan hỷ; bạn bè sẽ lo buồn”. Kẻ ấy phải bị già, khi già đến, sầu, bi, than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh.

Thưa Đại vương, đây gọi là kẻ phàm phu không học, bị mũi tên sầu muộn tẩm thuốc độc bắn trúng, kẻ ấy tự làm mình ưu não.

5. Lại nữa, thưa Đại vương, với kẻ phàm phu không học, phải bị bệnh và bệnh đến... phải bị chết và chết đến... phải bị hoại diệt và hoại diệt đến... phải bị tiêu diệt và tiêu diệt đến; khi tiêu diệt đến, kẻ ấy không suy tư: “không phải chỉ một mình ta phải bị tiêu diệt và tiêu diệt đến. Nhưng đối với các loài hữu tình có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả loài hữu tình đều phải bị tiêu diệt và tiêu diệt đến. Và nếu phải bị tiêu diệt, khi tiêu diệt đến, ta lại sầu, bi, than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh, thời ăn uống không làm ta ưa thích; thân ta trở thành xấu xí; các công việc không có xúc tiến; kẻ thù sẽ hoan hỷ, bạn bè sẽ lo buồn”. Kẻ ấy phải bị tiêu diệt, khi tiêu diệt đến, sầu, bi, than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh.

Thưa Đại vương, đây gọi là kẻ phàm phu không học bị mũi tên sầu muộn tẩm thuốc độc bắn trúng, vị ấy tự làm mình ưu não.

6. Với vị Thánh đệ tử có học, thưa Đại vương, phải bị già và già đến; vị ấy có suy tư: “Không phải chỉ một mình ta phải bị già và già đến. Nhưng đối với các loài hữu tình có đến, có đi; có diệt, có sanh, tất cả các loài hữu tình đều phải bị già và già đến. Và nếu phải bị già và khi già đến, ta lại sầu, bi, than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh, thời ăn uống không làm ta ưa thích; thân ta trở thành xấu xí; các công việc không có xúc tiến; kẻ thù sẽ hoan hỷ; bạn bè sẽ lo buồn”. Vị ấy phải bị già, khi già đến, không sầu, không bi, không than khóc, không đập ngực, không đi đến bất tỉnh.

Thưa Đại vương, đây gọi là vị Thánh đệ tử có học, được nhổ lên là mũi tên sầu muộn có tẩm thuốc độc, mà kẻ phàm phu không học bị bắn trúng, tự làm mình ưu não. Không sầu muộn, không bị tên bắn, vị Thánh đệ tử tự làm mình được hoàn toàn tịch tịnh.

7. Lại nữa, thưa Đại vương, với vị Thánh đệ tử có học phải bị bệnh, và bệnh đến... phải bị chết và chết đến... phải bị hoại diệt và hoại diệt đến... phải bị tiêu diệt và tiêu diệt đến; khi tiêu diệt đến, vị ấy có suy tư: “Không phải chỉ một mình ta phải bị tiêu diệt và tiêu diệt đến. Nhưng đối với các loài hữu tình, có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả các loài hữu tình đều phải bị tiêu diệt và tiêu diệt đến. Và nếu phải bị tiêu diệt và khi tiêu diệt đến, ta lại sầu, bi, than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh, thời ăn uống không làm ta ưa thích, thân ta trở thành xấu xí; các công việc không có xúc tiến; kẻ thù sẽ hoan hỷ; bạn bè sẽ lo buồn”. Vị ấy phải bị tiêu diệt, khi tiêu diệt đến, không sầu, không bi, không than khóc, không đập ngực, không đi đến bất tỉnh.

Thưa Đại vương, đây gọi là vị Thánh đệ tử có học, được nhổ lên là mũi tên sầu muộn có tẩm thuốc độc mà kẻ phàm phu không học bị bắn trúng, tự làm mình ưu não. Không sầu muộn, không bị tên bắn, vị Thánh đệ tử tự làm mình được hoàn toàn tịch tịnh.

Các pháp này, thưa Đại vương, là năm sự kiện không thể có được bởi Sa-môn hay Bà-la-môn, bởi Ma hay Phạm thiên, hay bởi một ai ở đời.

Không sầu, không than khóc,

Lợi ích được thật ít,

Biết nó sầu, nó khổ,

Kẻ địch tự vui sướng.

Do vậy, bậc Hiền trí,

Giữa các sự bất hạnh,

Không hoảng hốt run sợ,

Biết phân tích lợi ích.

Kẻ địch bị khổ não,

Thấy sắc diện không đổi,

Với tụng niệm văn chú,

Với lời thật khéo nói,

Với bố thí chơn chánh,

Với truyền thống khéo giữ,

Chỗ nào được lợi ích,

Chỗ ấy gắng tinh cần.

Nếu biết lợi không được,

Cả ta và người khác,

Không sầu, biết chịu đựng,

Mong vị ấy nghĩ rằng:

Nay ta phải làm gì?

Phải kiên trì thế nào?

8. Sau khi được nghe như vậy, vua Munda thưa với Tôn giả Nàrada:

 - Thưa Tôn giả, pháp thoại này tên là gì?

 - Thưa Đại vương, pháp thoại này tên là “Nhổ lên mũi tên sầu muộn”.

 - Thật vậy, thưa Tôn giả, được nhổ lên là mũi tên sầu muộn! Khi con nghe pháp thoại này, mũi tên sầu muộn đã được đoạn tận.

Rồi vua Munda bảo Piyaka, vị gìn giữ kho bạc:

 - Này Piyaka, hãy cho thiêu đốt thân của Hoàng hậu Bhaddà, rồi xây tháp cho Hoàng hậu. Bắt đầu từ hôm sau, chúng ta sẽ tắm rửa, sẽ thoa dầu, sẽ ăn cơm, sẽ lo làm các công việc.

VI. PHẨM TRIỀN CÁI

§ (I) (51) NGĂN CHẶN

1. Như vầy tôi nghe:

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn của ông Anàthapindika. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

 - Này các Tỷ-kheo.

 - Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

2. - Có năm chướng ngại, triền cái này, này các Tỷ-kheo, bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ. Thế nào là năm?

3. Dục tham, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại triền cái bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ. Sân, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại triền cái bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ. Hôn trầm thụy miên, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại triền cái bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ. Trạo hối, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại triền cái bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ. Nghi, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại triền cái bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ.

Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm chướng ngại triền cái bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ.

4. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy không đoạn tận năm chướng ngại triền cái này bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ. Không có sức mạnh, và trí tuệ yếu kém, sẽ biết lợi ích của mình, hay sẽ biết lợi ích của người, hay có thể biết lợi ích của cả hai, hay sẽ chứng ngộ được pháp Thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh; sự kiện này không xảy ra.

Ví như, này các Tỷ-kheo, một con sông chảy, từ núi xuống, chảy thật xa, dòng nước chảy nhanh, cuốn trôi mọi vật. Rồi có người lấy cày mở hai bên bờ sông. Như vậy, này các Tỷ-kheo, dòng sông ấy ở chặng giữa bị trở ngại, tràn rộng, bị chuyển hướng, không còn chảy ra xa, không còn chảy nhanh, không cuốn trôi mọi vật.

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy không đoạn tận năm chướng ngại triền cái này bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ. Không có sức mạnh và trí tuệ yếu kém, sẽ biết được lợi ích của mình, của cả hai, sẽ chứng ngộ được pháp Thượng nhân, tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh; sự kiện này không xảy ra.

5. Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ấy, sau khi đoạn tận năm chướng ngại triền cái này bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ. Có sức mạnh và có trí tuệ, sẽ biết được lợi ích của mình, hay sẽ biết được lợi ích của người, hay sẽ biết được lợi ích cả hai, sẽ chứng ngộ được pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh; sự kiện này có xảy ra.

Ví như, này các Tỷ-kheo, một con sông chảy từ núi xuống, chảy thật xa, dòng nước chảy nhanh, cuốn trôi mọi vật. Có người chận đóng lại các cửa miệng hai bên bờ sông. Như vậy, này các Tỷ-kheo, dòng sông ấy ở chặng giữa không bị trở ngại, không có chảy tràn, không bị chuyển hướng, chảy được thật xa, dòng nước chảy nhanh, cuốn trôi mọi vật. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy sau khi đoạn tận năm chướng ngại triền cái này bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ, có sức mạnh, có trí tuệ, sẽ biết được lợi mình hay sẽ biết được lợi người, hay có thể biết lợi cả hai, sẽ chứng ngộ được pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh; sự kiện này có xảy ra.

§ (II) (52) ĐỐNG

1. - Nói đến một đống bất thiện, này các Tỷ-kheo, nói một cách chơn chánh là nói đến năm triền cái. Thật vậy, này các Tỷ-kheo, toàn bộ đống bất thiện tức là năm triền cái. Thế nào là năm?

2. Dục tham triền cái, sân triền cái, hôn trầm thụy miên triền cái, trạo hối triền cái, nghi triền cái.

Nói đến một đống bất thiện, này các Tỷ-kheo, nói một cách chơn chánh là nói đến năm triền cái. Thật vậy, này các Tỷ-kheo, toàn bộ đống bất thiện này, này các Tỷ-kheo, tức là năm triền cái.

§ (III) (53) CÁC CHI PHẦN

1. - Này các Tỷ-kheo, có năm chi phần tinh cần này. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo có lòng tin, tin tưởng ở sự giác ngộ của Như Lai: “Đây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Phật, Thế Tôn. Ngài ít bệnh, ít não, sự tiêu hóa được điều hòa, không lạnh quá, không nóng quá, trung bình hợp với tinh tấn. Ngài không lừa đảo, dối gạt, nêu rõ mình như chân đối với bậc Đạo sư, đối với các vị sáng suốt hay đối với các vị đồng Phạm hạnh. Ngài sống tinh cần tinh tấn, từ bỏ các pháp bất thiện, thành tựu các thiện pháp, kiên trì, nỗ lực, không tránh né đối với các thiện pháp. Ngài có trí tuệ, thành tựu trí tuệ hướng đến sanh diệt (của các pháp), thành tựu Thánh thể nhập, đưa đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau.”

Các pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm chi phần tinh cần.

§ (IV) (54) THỜI GIAN ĐỂ TINH CẦN

1. - Có năm phi thời để tinh cần, này các Tỷ-kheo. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo già yếu, bị già chinh phục. Này các Tỷ-kheo, đây là phi thời thứ nhất để tinh cần.

3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo bệnh hoạn, bị bệnh hoạn chinh phục. Này các Tỷ-kheo, đây là phi thời thứ hai để tinh cần.

4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, khi có nạn đói, mất mùa, đồ ăn khất thực khó được, không dễ gì để nuôi sống bằng khất thực nỗ lực. Này các Tỷ-kheo, đây là thời gian phi thời thứ ba để tinh cần.

5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, có sự sợ hãi về giặc cướp rừng, dân chúng trong nước leo lên xe đi trốn. Này các Tỷ-kheo, đây là phi thời thứ tư để tinh cần.

6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, chúng Tăng bị chia rẽ. Khi chúng Tăng bị chia rẽ, này các Tỷ-kheo, có sự mắng nhiếc lẫn nhau, có sự đấu khẩu lẫn nhau, có sự kết tội lẫn nhau, có sự tẩn xuất lẫn nhau. Ai không có tịnh tín, không tìm được tịnh tín, và những ai có tịnh tín có thể đổi khác. Này các Tỷ-kheo, đây là phi thời thứ năm để tinh cần.

Các pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm phi thời để tinh cần.

7. Này các Tỷ-kheo, có năm đúng thời này để tinh cần. Thế nào là năm?

8. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo còn trẻ, niên thiếu, còn thanh niên, tóc đen nhánh, trong tuổi thanh xuân, trong sơ kỳ tuổi đời. Này các Tỷ-kheo, đây là đúng thời thứ nhất để tinh cần.

9. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ít bệnh, ít não, sự tiêu hóa được điều hòa, không quá lạnh, không quá nóng, trung bình, hợp với tinh tấn. Này các Tỷ-kheo, đây là đúng thời thứ hai để tinh cần.

10. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, khi ăn uống được đầy đủ, được mùa, đồ ăn khất thực kiếm được thật dễ dàng để nuôi sống bằng khất thực nỗ lực. Này các Tỷ-kheo, đây là đúng thời thứ ba để tinh cần.

11. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, khi ăn uống được đầy đủ, được mùa, đồ ăn khất thực kiếm được thật dễ dàng để nuôi sống bằng khất thực nỗ lực. Này các Tỷ-kheo, đây là đúng thời thứ ba để tinh cần.

12. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, chúng Tăng hòa hợp, cùng nhau hòa hợp, không tranh luận nhau, sống thoải mái cùng chung một lời dạy. Này các Tỷ-kheo, giữa chúng Tăng hòa hợp, không có mắng nhiếc lẫn nhau, không có đấu khẩu lẫn nhau, không có kết tội lẫn nhau, không có sự tẩn xuất lẫn nhau. Ở đây, những ai không có tịnh tín, tìm được tịnh tín, những ai có tịnh tín, được tăng trưởng nhiều hơn. Này các Tỷ-kheo, đây là đúng thời thứ năm để tinh cần.

Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm đúng thời để tinh cần.

§ (V) (55) MẸ VÀ CON

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, tại Sàvatthi, cả hai mẹ và con đều an cư vào mùa mưa, nhân danh Tỷ-kheo và Tỷ-kheo-ni, họ thường xuyên muốn thấy mặt nhau. Mẹ thường xuyên muốn thấy mặt con, và con cũng thường xuyên muốn thấy mặt mẹ. Vì họ luôn luôn thấy nhau, nên có sự liên hệ. Do có sự liên hệ, nên có sự thân mật. Do có sự thân mật, nên có sự sa ngã. Với tâm sa ngã, buông bỏ sự học tập, làm lộ liễu sự yếu đuối, họ rơi vào thông dâm với nhau.

2. Rồi một số đông Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

 - Ở đây, bạch Thế Tôn, tại Sàvatthi, cả hai mẹ con cùng an cư vào mùa mưa, nhân danh Tỷ-kheo và Tỷ-kheo-ni, họ thường xuyên muốn thấy mặt nhau, mẹ thường xuyên muốn thấy mặt con và con cũng thường xuyên muốn thấy mặt mẹ. Vì họ thường xuyên thấy nhau, nên có sự liên hệ. Do có sự liên hệ, nên có sự thân mật. Do có sự thân mật, nên có sự sa ngã. Với tâm sa ngã, buông bỏ sự học tập, làm lộ liễu sự yếu đuối, họ rơi vào thông dâm với nhau.

3. - Sao, này các Tỷ-kheo, kẻ ngu si này lại nghĩ rằng: “Mẹ không tham đắm con, hay con không tham đắm mẹ”? Này các Tỷ-kheo, Ta không thấy một sắc nào khác lại khả ái như vậy, đẹp đẽ như vậy, mê ly như vậy, trói buộc như vậy, say sưa như vậy, chướng ngại như vậy cho sự đạt đến an ổn khỏi các khổ ách, tức là, này các Tỷ-kheo, sắc đẹp của nữ nhân. Và này các Tỷ-kheo, loài hữu tình nào ái nhiễm, tham luyến, tham đắm, say đắm, say mê, sắc đẹp của nữ nhân, chúng sẽ sầu ưu lâu dài, vì bị rơi vào uy lực nữ sắc.

Này các Tỷ-kheo, Ta không thấy một tiếng nào khác... một hương nào khác... một vị nào khác... một xúc nào khác lại khả ái như vậy, đẹp đẽ như vậy, mê ly như vậy, trói buộc như vậy, say sưa như vậy, chướng ngại như vậy cho sự đạt đến an ổn khỏi các khổ ách, tức là, này các Tỷ-kheo, cảm xúc của nữ nhân. Và này các Tỷ-kheo, loài hữu tình nào ái nhiễm, tham luyến, tham đắm, say đắm, say mê cảm xúc nữ nhân, chúng sẽ bị sầu ưu lâu dài, vì bị rơi vào uy lực của nữ xúc. Nữ nhân, khi đang đi, sẽ đứng lại để chinh phục tâm người đàn ông; khi đứng, khi ngồi, khi nằm, khi cười, khi nói, khi hát, khi khóc, khi bất tỉnh, khi chết, sẽ đứng lại để chinh phục tâm người đàn ông.

Này các Tỷ-kheo, nếu có ai nói rằng: “Là bẩy mồi toàn diện của Màra”, thời người ấy đã nói một cách chơn chánh về nữ nhân, thật là “một bẩy mồi hoàn toàn của Màra”.

Hãy nói chuyện với người,

Có kiếm ở trong tay,

Nói chuyện với ác quỷ,

Hay ngồi thật gần kề.

Con rắn có nọc độc,

Bị cắn liền mệnh chung,

Nhưng chớ có một mình,

Nói chuyện với nữ nhân.

Thất niệm, họ trói lại,

Với nhìn, với nụ cười,

Với xiêm áo hở hang,

Với lời nói ngọt lịm,

Người ấy vẫn không thỏa,

Bất tỉnh bị mệnh chung.

Năm dục công đức ấy,

Được thấy trong nữ sắc

Sắc, thanh, hương, vị, xúc,

Hấp dẫn và đẹp ý.

Bị thác nước dục vọng,

Tràn ngập và cuốn trôi,

Kẻ ngu si vô trí,

Không liễu tri các dục.

Loài Người khi mạng chung,

Sanh thú hữu, phi hữu,

Họ phải bị dẫn đầu,

Trong nhiều kiếp luân hồi.

Ai liễu tri các dục,

Sở hành không sợ hãi,

Họ đến bờ bên kia,

Đạt được lậu hoặc tận.

§ (VI) (56) THÂN GIÁO SƯ

1. Rồi một Tỷ-kheo đi đến vị giáo thọ của mình, sau khi đến, thưa với vị giáo thọ của mình như sau:

 - Bạch Thượng tọa, nay thân con cảm thấy như bị say ngọt, con không thấy rõ phương hướng, pháp không được con nhớ đến. Hôn trầm thụy miên chinh phục tâm con và an trú. Không có hoan hỷ, con sống Phạm hạnh. Con có những nghi ngờ đối với Chánh pháp.

2. Rồi Tỷ-kheo ấy đem theo một vị Tỷ-kheo cọng trú, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

 - Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo này nói như sau: “Bạch Thế Tôn, thân con cảm thấy như bị say ngọt, mắt con không thấy rõ phương hướng, pháp không được con nhớ đến. Hôn trầm thụy miên chinh phục tâm con và an trú. Không có hoan hỷ, con sống Phạm hạnh. Con có những nghi ngờ đối với Chánh pháp”.

3. - Sự việc là vậy, này Tỷ-kheo, khi một người sống với các căn không được bảo vệ, với ăn uống không có tiết độ, không có chú tâm cảnh giác, không có quán nhìn các thiện pháp, không có trước đêm và sau đêm chuyên chú tu tập các pháp giác chi. Do vậy, thân Thầy cảm thấy như bị say ngọt, mắt Thầy không thấy rõ phương hướng, pháp không được Thầy nhớ đến. Hôn trầm thụy miên chinh phục tâm Thầy và an trú. Không có hoan hỷ, Thầy sống Phạm hạnh. Thầy có những nghi ngờ đối với Chánh pháp. Do vậy, này Tỷ-kheo, Thầy phải học tập như sau: “Ta sẽ bảo vệ các căn, có tiết độ trong ăn uống, chú tâm cảnh giác, quán nhìn các thiện pháp, trước đêm và sau đêm ta sẽ sống chuyên chú tu tập các pháp giác chi”.

Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.

4. Rồi Tỷ-kheo ấy được Thế Tôn giáo giới với lời giáo giới này, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài rồi ra đi. Rồi Tỷ-kheo ấy sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, không bao lâu chứng được mục đích mà các Thiện nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, chính là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng đạt và an trú. Vị ấy hoàn toàn liễu tri: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không có trở lui trạng thái này nữa”. Tỷ-kheo ấy trở thành một vị A-la-hán.

Rồi Tỷ-kheo đã chứng đắc A-la-hán ấy đi đến vị giáo thọ sư của mình, sau khi đến, thưa với vị giáo thọ sư của mình:

5. - Bạch Thượng tọa, nay thân con không cảm thấy như bị say ngọt, mắt con thấy rõ các phương hướng. Pháp được con nhớ rõ. Với tâm hoan hỷ, con sống Phạm hạnh. Con không còn nghi nhờ đối với các thiện pháp.

6. Rồi Tỷ-kheo ấy đem theo một Tỷ-kheo cọng trú; đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

 - Bạch Thế Tôn, vị Tỷ-kheo này nói như sau: “Bạch Thế Tôn, nay thân con không cảm thấy như bị say ngọt, con thấy rõ các phương hướng. Pháp được con nhớ rõ. Với tâm hoan hỷ, con sống Phạm hạnh. Con không còn nghi ngờ đối với các thiện pháp”.

7. - Như vậy là phải, này Tỷ-kheo, khi một người sống với các căn được bảo vệ, với ăn uống có tiết độ, có chú tâm cảnh giác, có quán nhìn các thiện pháp, trước đêm và sau đêm sống chuyên chú tu tập các pháp giác chi. Do vậy, thân không cảm thấy như bị say ngọt, các phương hướng được hiện rõ, và pháp được người ấy nhớ rõ. Hôn trầm thụy miên không còn chinh phục tâm của vị ấy. Với tâm hoan hỷ, vị ấy sống Phạm hạnh. Vị ấy không còn nghi ngờ đối với các thiện pháp. Vậy này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập như sau: “Ta sẽ bảo vệ các căn, có tiết độ trong ăn uống, chuyên tâm cảnh giác, quán nhìn các thiện pháp, trước đêm và sau đêm, ta sẽ sống chuyên chú tu tập các pháp giác chi”.

Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.

§ (VII) (57) SỰ KIỆN CẦN PHẢI QUÁN SÁT

1. - Có năm sự kiện này, này các Tỷ-kheo, cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. Thế nào là năm?

2. “Ta phải bị già, không thoát khỏi già” là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. “Ta phải bị bệnh, không thoát khỏi bệnh” là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. “Ta phải bị chết, không thoát khỏi chết” là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. “Tất cả pháp khả ái, khả ý đối với ta sẽ phải đổi khác, sẽ phải biến diệt”, là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. “Ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy” là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. Và do duyên lợi ích như thế nào, này các Tỷ-kheo, “Ta phải bị già, không thoát khỏi già”, là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia.

3. Có những loài hữu tình, này các Tỷ-kheo, đang còn trẻ, kiêu mạn trong tuổi trẻ, say đắm trong kiêu mạn ấy, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Do vị ấy thường xuyên quán sát sự kiện này, sự kiêu mạn tuổi trẻ trong tuổi trẻ được hoàn toàn đoạn tận hay được giảm thiểu.

Do duyên lợi ích này, này các Tỷ-kheo, “Ta phải bị già, không thoát khỏi già”, cần phải thường xuyên quán sát như vậy bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. Do duyên lợi ích như thế nào, này các Tỷ-kheo, “Ta phải bị bệnh, ta không thoát khỏi bệnh” là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia?

4. Có những loài hữu tình khỏe mạnh, này các Tỷ-kheo, kiêu mạn trong khỏe mạnh. Do say đắm trong kiêu mạn ấy, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Do vị ấy thường xuyên quán sát sự kiện này, sự kiêu mạn khỏe mạnh trong khỏe mạnh được hoàn toàn đoạn tận hay được giảm thiểu.

Do duyên lợi ích này, này các Tỷ-kheo, “Ta phải bị bệnh, không thoát khỏi bệnh” cần phải thường xuyên quán sát như vậy bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. Do duyên lợi ích như thế nào, này các Tỷ-kheo, “Ta phải bị chết, ta không thoát khỏi chết”, là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia?

5. Có những loài hữu tình đang sống, này các Tỷ-kheo, kiêu mạn trong sự sống. Do say đắm trong kiêu mạn ấy, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Do vị ấy thường xuyên quán sát sự kiện này, sự kiêu mạn sự sống trong sự sống được hoàn toàn đoạn tận hay được giảm thiểu.

Do duyên lợi ích này, này các Tỷ-kheo, “Ta phải bị chết, không thoát khỏi chết”, cần phải thường xuyên quán sát như vậy bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. Do duyên lợi ích như thế nào, này các Tỷ-kheo, “Tất cả pháp khả ái, khả hỷ đối với ta sẽ phải đổi khác, sẽ phải biến diệt” là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia?

6. Có những loài hữu tình, này các Tỷ-kheo, có lòng tham dục đối với các vật khả ái. Do say đắm với lòng tham dục ấy, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Do vị ấy thường xuyên quán sát sự kiện ấy, nên tham dục đối với các vật khả ái được đoạn tận hoàn toàn hay được giảm thiểu.

Do duyên lợi ích này, này các Tỷ-kheo, “Tất cả pháp khả ái, khả hỷ đối với ta sẽ phải đổi khác, sẽ phải biến diệt” là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. Và do duyên lợi ích như thế nào, này các Tỷ-kheo, “Ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy” là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia?

7. Có những loài hữu tình, này các Tỷ-kheo, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Do vị ấy thường xuyên quán sát như vậy, ác hạnh được hoàn toàn đoạn tận hay được giảm thiểu. Do duyên lợi ích này, này các Tỷ-kheo, “Ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy” là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia.

8. Nếu vị Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, suy tư như sau: “Không phải chỉ một mình ta bị già, không thoát khỏi già, nhưng phàm có những loài hữu tình nào có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả loài hữu tình ấy phải bị già, không thoát khỏi già”. Do vị ấy thường xuyên quán sát sự kiện ấy, con đường được sanh khởi. Vị ấy sử dụng con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn. Do vị ấy sử dụng con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn nên các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt. “Không phải chỉ một mình ta bị bệnh, không thoát khỏi bệnh, nhưng phàm có những loài hữu tình nào có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả loài hữu tình ấy phải bị bệnh, không thoát khỏi bệnh”. Do vị ấy thường xuyên quán sát sự kiện ấy, con đường được sanh khởi. Vị ấy sử dụng con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn. Do vị ấy sử dụng con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn, nên các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt. “Không phải chỉ một mình ta bị chết, không thoát khỏi chết, nhưng phàm có những loài hữu tình nào, có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả các loài hữu tình ấy phải bị chết, không thoát khỏi chết...”... “Không phải chỉ có các pháp khả ái, khả ý của riêng một mình ta sẽ phải đổi khác, sẽ phải biến diệt. Phàm có các loài hữu tình nào có đến, có đi, có diệt, có sanh, các pháp khả ái, khả ý của tất cả loài hữu tình ấy sẽ phải đổi khác, sẽ phải biến diệt...”. “Không phải chỉ có một mình ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy”. Phàm có các loài hữu tình nào có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả các loài hữu tình ấy là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào họ sẽ làm thiện hay ác, họ sẽ thừa tự nghiệp ấy.

Do vị ấy thường xuyên quán sát sự kiện ấy, nên con đường được sanh khởi. Vị ấy sử dụng con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn. Do vị ấy sử dụng con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn, nên các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt.

Bị bệnh và bị già,

Lại thêm phải bị chết,

Pháp yếu là như vậy,

Hữu tình là như vậy.

Phàm phu sanh nhàm chán,

Thật không hợp cho Ta,

Nếu Ta cũng nhàm chán,

Đối với các chúng sanh,

Cùng chung một số phận.

Trong khi đời sống Ta,

Không khác gì đời họ,

Ta được sống như vậy,

Biết pháp không sanh y,

Kiêu mạn trong không bệnh,

Trong tuổi trẻ sinh mạng,

Tất cả Ta nhiếp phục

Phát xuất từ an ổn,

Ta thấy hạnh viễn ly,

Ta phát tâm dõng mãnh,

Thấy được cảnh Niết-bàn.

Nay Ta không có thể,

Hưởng thọ các dục vọng,

Ta sẽ không thối đọa,

Chứng cứu cánh Phạm hạnh.

§ (VIII) (58) THANH NIÊN LICCHAVI

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli, tại Đại Lâm, tại giảng đường có nóc nhọn. Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát đi vào Vesàli để khất thực. Sau khi khất thực ở Vesàli xong, sau bữa ăn, trên con đường khất thực trở về, Ngài đi sâu vào Đại Lâm, và ngồi xuống một gốc cây để nghỉ ban ngày.

Lúc bấy giờ, một số đông thanh niên Licchavi cầm các cung được chuẩn bị sẵn sàng với đàn chó bao vây xung quanh, đang đi qua đi lại ở Đại Lâm, thấy Thế Tôn ngồi dưới một gốc cây. Thấy vậy họ liền bỏ các cung được chuẩn bị sẵn sàng xuống, kéo đàn chó về một phía và đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn, rồi yên lặng, yên lặng chắp tay đứng hầu Thế Tôn. Lúc bấy giờ, Mahànàma người Licchavi bộ hành đi qua đi lại trong rừng Đại Lâm, thấy các thanh niên Licchavi đang yên lặng, yên lặng chắp tay đứng hầu Thế Tôn. Thấy vậy, ông đi đến gần Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Mahànàma người Licchavi nói lên lời cảm hứng ngữ:

 - Họ sẽ trở thành người Vajji! Họ sẽ trở thành người Vajji!

 - Này Mahànàma, sao Ông lại nói như vậy: “Họ sẽ trở thành người Vajji! Họ sẽ trở thành người Vajji”?

 - Bạch Thế Tôn, những thanh niên Licchavi này là hung bạo, thô ác, ngạo mạn. Các đồ vật được các gia đình gửi đi như mía, trái táo, bánh ngọt, kẹo ngọt, kẹo đường, họ cướp giật và ăn; họ đánh sau hông các nữ nhân, thiếu nữ các gia đình; nhưng nay họ đứng yên lặng, yên lặng chắp tay hầu hạ Thế Tôn.

 - Đối với Thiện nam tử nào, này Mahànàma, năm pháp này được tìm thấy, dầu là vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, hay là người thôn quê sống trên đất trại của người cha, hay là vị tướng trong quân đội hay là vị thôn trưởng ở làng, hay là vị tổ trưởng các tổ hợp, hay là những vị có quyền thế trong gia tộc, thời được chờ đợi là sự tăng trưởng, không phải là giảm thiểu. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này Mahànàma, Thiện nam tử, với những tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy được do sức mạnh cánh tay, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, thâu hoạch đúng pháp, cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường cha mẹ. Cha mẹ được người ấy cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường với thiện ý, khởi lên lòng thương mến người ấy: “Mong rằng (con ta) được sống lâu! Mong rằng thọ mạng được che chở lâu dài!” Và này Mahànàma, với một Thiện nam tử được cha mẹ thương tưởng, chờ đợi là sự tăng trưởng, không phải là giảm thiểu.

3. Lại nữa, này Mahànàma, Thiện nam tử với những tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn... đúng pháp, thâu hoạch đúng pháp, cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường vợ con, người phục vụ, người làm công và vợ con người phục vụ, người làm công. Vợ con, người phục vụ, người làm công và vợ con người phục vụ, người làm công được người ấy cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường với thiện ý, khởi lên lòng thương tưởng người ấy: “Mong rằng được sống lâu! Mong rằng thọ mạng được che chở lâu dài!” Và này Mahànàma, một Thiện nam tử được vợ con, người phục vụ, người làm công và vợ con người phục vụ, người làm công thương tưởng, chờ đợi là sự tăng trưởng, không phải là giảm thiểu.

4. Lại nữa, này Mahànàma, vị Thiện nam tử với những tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn... đúng pháp, thâu hoạch đúng pháp, cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường các người làm ruộng, các chức sắc ở biên cương. Những người làm ruộng; những chức sắc ở biên cương được người ấy cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường... chờ đợi là sự tăng trưởng, không có giảm thiểu.

5. Lại nữa, này Mahànàma, Thiện nam tử với những tải sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn... đúng pháp, thâu hoạch đúng pháp, cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường chư Thiên nhận lãnh các vật cúng tế. Chư Thiên nhận lãnh các vật cúng tế được người ấy cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường... chờ đợi là sự tăng trưởng, không có giảm thiểu.

6. Lại nữa, này Mahànàma, Thiện nam tử với những tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy được do sức mạnh cánh tay, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, thâu hoạch đúng pháp, tôn trọng, cung kính, đảnh lễ, cúng dường các Sa-môn, Bà-la-môn. Các Sa-môn, Bà-la-môn được người ấy cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường với thiện ý, khởi lên trong lòng thương tưởng người ấy: “Mong rằng được sống lâu! Mong rằng thọ mạng được che chở lâu dài.” Và này Mahànàma, với một Thiện nam tử được các Sa-môn, Bà-la-môn thương tưởng, được chờ đợi là sự tăng trưởng, không phải là giảm thiểu.

Đối với vị Thiện nam tử nào, này Mahànàma, năm pháp này được tìm thấy, dầu là Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, hay là người thôn quê sống trên đất trại của người cha, hay là vị tướng trong quân đội, hay là vị thôn trưởng ở làng, hay là vị tổ trưởng các tổ hợp, hay là những vị có quyền thế trong gia tộc, thời được chờ đợi là sự tăng trưởng, không phải là giảm thiểu.

Mẹ cha lo phục vụ,

Vợ con thường thương tưởng,

Vì hạnh phúc nội nhân,

Cùng với kẻ tùng sự,

Vì hạnh phúc cả hai,

Lời hòa nhã, giữ giới,

Vì hạnh phúc bà con,

Vì hương linh đi trước,

Vì mạng sống hiện tại,

Vì Sa-môn, Phạm chí,

Vì chư Thiên, bậc Trí,

Thành người ban hạnh phúc.

Sống gia đình, đúng pháp,

Vị ấy làm thiện sự,

Được cúng dường tán thán,

Đời này họ được khen,

Đời sau sống hoan hỷ,

Trong cảnh giới chư Thiên.

§ (IX) (59) KHÓ TÌM ĐƯỢC (1)

1. - Này các Tỷ-kheo, thật khó tìm được một người xuất gia lớn tuổi lại thành tựu năm pháp này. Thế nào là năm?

2. Thật khó tìm được, này các Tỷ-kheo, một người xuất gia lớn tuổi lại tế nhị; thật khó tìm được một người có uy nghi tốt đẹp; thật khó tìm được một người nghe nhiều; thật khó tìm được một người thuyết pháp; thật khó tìm được một người trì luật.

Này các Tỷ-kheo, thật khó tìm được một người xuất gia lớn tuổi lại thành tựu năm pháp này.

§ (X) (60) KHÓ TÌM ĐƯỢC (2)

1. Này các Tỷ-kheo, thật khó tìm được một người xuất gia lớn tuổi lại thành tựu năm pháp này. Thế nào là năm?

2. Thật khó tìm được, này các Tỷ-kheo, một người xuất gia lớn tuổi lại khéo nói; thật khó tìm được một người có khả năng nắm giữ cái gì khéo nắm giữ; thật khó tìm được một người có cử chỉ tốt đẹp; thật khó tìm được một người thuyết pháp; thật khó tìm được một người trì luật.

Này các Tỷ-kheo, thật khó tìm được một người xuất gia lớn tuổi lại thành tựu năm pháp này.

VII. PHẨM TƯỞNG

§ (I) (61) CÁC TƯỞNG (1)

1. - Có năm tưởng này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến quả lớn, lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, đưa đến cứu cánh bất tử. Thế nào là năm?

2. Tưởng bất định, tưởng chết, tưởng nguy hại, tưởng ghê tởm các món ăn, tưởng không có hân hoan đối với tất cả thế giới.

Năm tưởng này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến quả lớn, lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, đưa đến cứu cánh bất tử.

§ (II) (62) CÁC TƯỞNG (2)

1. - Có năm tưởng này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến quả lớn, lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, đưa đến cứu cánh bất tử. Thế nào là năm?

2. Tưởng vô thường, tưởng vô ngã, tưởng chết, tưởng ghê tởm các món ăn, tưởng không có hân hoan đối với tất cả thế giới.

Những pháp này là năm tưởng, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến quả lớn, lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, đưa đến cứu cánh bất tử.

§ (III) (63) TĂNG TRƯỞNG (1)

1. - Này các Tỷ-kheo, tăng trưởng với năm tăng trưởng, vị Thánh đệ tử tăng trưởng với Thánh tăng trưởng, đem lại kiên cố, đem lại thù thắng cho tự thân. Thế nào là năm?

2. Tăng trưởng với lòng tin, tăng trưởng với giới, tăng trưởng với học hỏi, tăng trưởng với bố thí, tăng trưởng với trí tuệ.

Tăng trưởng với năm tăng trưởng này, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử tăng trưởng với Thánh tăng trưởng, đem lại kiên cố, đem lại thù thắng cho tự thân.

Tăng trưởng với tín, giới,

Với tuệ, thí, nghe nhiều,

Vị Chân nhân quán sát,

Tự thân được kiên cố.

§ (IV) (64) TĂNG TRƯỞNG (2)

1. - Này các Tỷ-kheo, tăng trưởng với năm tăng trưởng, vị nữ Thánh đệ tử tăng trưởng với Thánh tăng trưởng, đem lại kiên cố, đem lại thù thắng cho tự thân. Thế nào là năm?

2. Tăng trưởng với lòng tin, tăng trưởng với giới, tăng trưởng với học hỏi, tăng trưởng với bố thí, tăng trưởng với trí tuệ.

Tăng trưởng với năm tăng trưởng này, này các Tỷ-kheo, vị nữ Thánh đệ tử tăng trưởng với Thánh tăng trưởng, đem lại kiên cố, đem lại thù thắng cho tự thân.

Tăng trưởng với tín, giới,

Với tuệ, thí, nghe nhiều,

Vị trì giới như vậy,

Vị nữ Thánh đệ tử,

Tự thân được kiên cố,

Ngay liền trong đời này.

§ (V) (65) NÓI CHUYỆN

1. - Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đủ khả năng nói chuyện với các vị đồng Phạm hạnh. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo tự mình đầy đủ giới, trả lời câu hỏi được đề cập đến từ câu chuyện về giới cụ túc; tự mình đầy đủ định, trả lời câu hỏi được đề cập đến từ câu chuyện về định cụ túc; tự mình đầy đủ tuệ, trả lời câu hỏi được đề cập đến từ câu chuyện về tuệ; tự mình đầy đủ giải thoát, trả lời câu hỏi được đề cập đến từ câu chuyện về giải thoát; tự mình đầy đủ giải thoát tri kiến, trả lời câu hỏi được đề cập đến từ câu chuyện về giải thoát tri kiến.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đủ khả năng nói chuyện với các vị đồng Phạm hạnh.

§ (VI) (66) ĐỜI SỐNG

1. - Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo với đời sống (của mình) làm gương cho các vị đồng Phạm hạnh. Thế nào là năm?

2. Ở đây, Tỷ-kheo tự mình đầy đủ giới, trả lời câu hỏi được nói đến từ câu chuyện về giới cụ túc... (như trên)... từ câu chuyện về giải thoát tri kiến.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đủ khả năng, với đời sống của mình, làm gương cho các vị đồng Phạm hạnh.

§ (VII) (67) THẦN THÔNG (1)

1. - Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào, này các Tỷ-kheo, tu tập năm pháp, làm cho sung mãn năm pháp, được chờ đợi là vị ấy được một trong hai quả; ngay trong hiện tại được chánh trí, hay nếu có dư y, chứng được Bất lai. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập thần túc câu hữu với dục định tinh cần hành, tu tập thần túc câu hữu với tinh tấn định tinh cần hành, tu tập thần túc câu hữu với tâm định tinh cần hành, tu tập thần túc câu hữu với tư duy định tinh cần hành, và thứ năm là tăng thượng tinh tấn.

Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào, này các Tỷ-kheo, tu tập năm pháp, làm cho sung mãn năm pháp, được chờ đợi là vị ấy được một trong hai quả: ngay trong hiện tại được chánh trí, hay nếu có dư ý, chứng được Bất lai.

§ (VIII) (68) THẦN THÔNG (2)

1. - Trước khi Ta giác ngộ, này các Tỷ-kheo, khi Ta chưa Chánh Đẳng Chánh Giác, còn là Bồ-tát, Ta đã tu tập năm pháp, làm cho sung mãn năm pháp. Thế nào là năm?

2. Ta đã tu tập thần túc câu hữu với dục định tinh cần hành, đã tu tập thần túc câu hữu với tinh tấn định tinh cần hành, đã tu tập thần túc câu hữu với tâm định tinh cần hành, đã tu tập thần túc câu hữu với tư duy định tinh cần hành, và thứ năm là tăng thượng tinh tấn. Này các Tỷ-kheo, do Ta tu tập và làm cho sung mãn các pháp với tăng thượng tinh tấn là thứ năm, tùy theo Ta hướng tâm đến pháp nào cần được chứng ngộ với thắng trí, để có thể chứng ngộ với thắng trí, Ta có thể đạt đến pháp ấy, dầu thuộc hành xứ nào. Nếu Ta muốn, ta có thể chứng được nhiều loại thần thông... tự thân có thể đạt được Phạm thiên giới; ở đây Ta có thể đến pháp ấy, dầu thuộc hành xứ nào. Nếu Ta muốn... do đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại với thắng trí, Ta tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tại đấy, Ta có thể đạt đến pháp ấy, dầu thuộc hành xứ nào.

§ (IX) (69) NHÀM CHÁN (1)

1. - Có năm pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo trú quán bất tịnh trên thân, với tưởng ghê tởm đối với các món ăn, với tưởng không hoan hỷ đối với tất cả thế giới, quán vô thường đối với tất cả hành, và tưởng về chết, nội tâm khéo an trú.

Này các Tỷ-kheo, năm pháp này được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

§ (X) (70) NHÀM CHÁN (2)

1. - Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến đoạn diệt các lậu hoặc. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo trú quán bất tịnh trên thân, với tưởng ghê tởm đối với các món ăn, với tưởng không hoan hỷ đối với tất cả thế giới, quán vô thường đối với tất cả hành, với tưởng về chết, nội tâm khéo an trú.

Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến đoạn diệt các lậu hoặc.

VIII. PHẨM CHIẾN SĨ

§ (I) (71) TÂM GIẢI THOÁT QUẢ (1)

1. - Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến tâm giải thoát quả, tâm giải thoát lợi ích, tuệ giải thoát quả, tuệ giải thoát lợi ích. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú tùy quán bất tịnh trên thân, với tưởng ghê tởm trong các món ăn, với tưởng không hoan hỷ đối với tất cả thế giới, tùy quán vô thường đối với tất cả hành, với tưởng về chết. Vị ấy nội tâm khéo an trú.

Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến tâm giải thoát quả, tâm giải thoát lợi ích, tuệ giải thoát quả và tuệ giải thoát lợi ích.

3. Này các Tỷ-kheo, khi nào Tỷ-kheo có tâm giải thoát và có tuệ giải thoát, này các Tỷ-kheo, vị ấy được gọi là Tỷ-kheo đã cất đi các vật chướng ngại, đã lấp các thông hào, đã nhổ lên cột trụ, đã mở tung các ổ khóa, là bậc Thánh đã hạ cây cờ xuống, đã đặt gánh nặng xuống, không có gì hệ lụy. Và thế nào là Tỷ-kheo đã cất đi các chướng ngại?

4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đã đoạn trừ vô minh, đã cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây tàla, làm cho không thể hiện hữu, không thể sinh khởi trong tương lai. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo đã cất đi các vật chướng ngại. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo đã lấp các thông hào?

5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đã đoạn trừ tái sanh và sự luân chuyển sanh tử, đã cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây tàla, làm cho không thể hiện hữu, không thể tái sanh trong tương lai. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo đã lấp các thông hào. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là vị Tỷ-kheo đã nhổ lên cột trụ?

6. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đã đoạn trừ tham ái, đã cắt đứt tận gốc rễ, đã làm cho như thân cây tàla, đã làm cho không thể hiện hữu, không thể sanh khởi trong tương lai. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo đã nhổ lên cột trụ. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là vị Tỷ-kheo đã mở tung các ổ khóa?

7. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, đã cắt đứt tận gốc rễ, đã làm cho như thân cây tàla, đã làm cho không thể hiện hữu, không thể tái sanh trong tương lai. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo đã mở tung các ổ khóa. Và này các Tỷ-kheo, thế nào gọi Tỷ-kheo là bậc Thánh đã hạ cây cờ xuống, đã đặt gánh nặng xuống, không có gì hệ lụy?

8. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đã đoạn trừ ngã mạn, đã cắt đứt tận gốc rễ, đã làm cho như thân cây tàla, đã làm cho không thể hiện hữu, không thể sanh khởi trong tương lai. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi Tỷ-kheo là bậc Thánh đã hạ cây cờ xuống, đã đặt gánh nặng xuống, không còn gì hệ lụy.

§ (II) (72) TÂM GIẢI THOÁT QUẢ (2)

1. - Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến tâm giải thoát quả, tâm giải thoát lợi ích, tuệ giải thoát quả và tuệ giải thoát lợi ích. Thế nào là năm?

2. Tưởng vô thường, tưởng khổ trong vô thường, tưởng vô ngã trong khổ, tưởng đoạn tận, tưởng ly tham.

Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến tâm giải thoát quả, tâm giải thoát lợi ích, tuệ giải thoát quả và tuệ giải thoát lợi ích.

3. Khi nào vị Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, có tâm giải thoát và tuệ giải thoát, này các Tỷ-kheo vị ấy được gọi là Tỷ-kheo đã cất đi các vật chướng ngại, đã lấp các thông hào, đã nhổ lên cột trụ, đã mở tung các ổ khóa, là bậc Thánh đã hạ cây cờ xuống, đã đặt gánh nặng xuống, không có gì hệ lụy. Và thế nào là Tỷ-kheo đã cất đi các vật chướng ngại?

4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đã đoạn trừ vô minh, đã cắt đứt tận gốc rễ, đã làm cho như thân cây tàla, đã làm cho không thể hiện hữu, không thể tái sanh trong tương lai. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo đã cất đi các vật chướng ngại. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo đã lấp các thông hào?

5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đã đoạn trừ tái sanh và sự luân chuyển sanh tử, đã cắt đứt tận gốc rễ, đã làm cho như thân cây tàla, đã làm cho không thể hiện hữu, không thể sanh khởi trong tương lai. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo đã lấp các thông hào. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo đã nhổ lên cột trụ?

6. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đã đoạn trừ tham ái, đã cắt đứt tận gốc rễ, đã làm cho như thân cây tàla, làm cho không thể hiện hữu, không thể sanh khởi trong tương lai. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo đã nhổ lên cột trụ. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo đã mở tung các ổ khóa?

7. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, đã cắt đứt tận gốc rễ, đã làm cho như thân cây tàla, đã làm cho không thể hiện hữu, không thể sanh khởi trong tương lai. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo đã mở tung các ổ khóa. Và này các Tỷ-kheo, thế nào gọi Tỷ-kheo là bậc Thánh đã hạ cây cờ xuống, đã đặt gánh nặng xuống, không có hệ lụy?

8. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đã đoạn trừ ngã mạn, đã cắt đứt tận gốc rễ, đã làm cho như thân cây tàla, đã làm cho không thể hiện hữu, không thể sanh khởi trong tương lai. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo bậc Thánh đã hạ cây cờ xuống, đã đặt gánh nặng xuống, không có gì hệ lụy.

§ (III) (73) SỐNG THEO PHÁP (1)

1. Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

 - “Sống theo pháp, sống theo pháp”, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo là vị sống theo pháp?

2. - Ở đây, này Tỷ-kheo, Tỷ-kheo học thông suốt pháp tức là Khế kinh, Ứng tụng, Ký thuyết, Phúng tụng, Không hỏi tự nói, Như thị thuyết, Bổn sanh, Vị tằng hữu pháp, Trí giải hay Phương quảng. Vị ấy dùng trọn cả ngày để học thuộc lòng pháp, bỏ phế sống độc cư an tịnh, không nỗ lực chuyên chú vào nội tâm an chỉ. Này Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo thông đạt nhiều kinh điển, nhưng không sống theo pháp.

3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thuyết pháp cho các người khác một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thông suốt. Vị ấy dùng trọn cả ngày để trình bày pháp cho các người khác, bỏ phế sống độc cư an tịnh, không nỗ lực chuyên chú vào nội tâm an chỉ. Này Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo thuyết trình nhiều, nhưng không sống theo pháp.

4. Lại nữa, này Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đọc tụng pháp một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Vị ấy dùng trọn cả ngày để tụng đọc, bỏ phế sống độc cư an tịnh, không nỗ lực chuyên chú vào nội tâm an chỉ. Này Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo đọc tụng nhiều, nhưng không sống theo pháp.

5. Lại nữa, này Tỷ-kheo, Tỷ-kheo với tâm tùy tầm tùy tứ, với ý tùy quán pháp như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Vị ấy dùng trọn cả ngày suy tầm về pháp, bỏ phế sống độc cư an tịnh, không nỗ lực chuyên chú vào nội tâm an chỉ. Này Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo suy tầm nhiều, nhưng không sống theo pháp.

6. Ở đây, này Tỷ-kheo, Tỷ-kheo học thuộc lòng pháp, tức là Khế kinh, Ứng tụng, Ký thuyết, Phúng tụng, Không hỏi tự nói, Như thị thuyết, Bổn sanh, Vị tằng hữu pháp, Trí giải hay Phương quảng. Vị ấy không dùng trọn cả ngày để học thuộc lòng pháp, không phế bỏ sống độc cư an tịnh, nỗ lực chuyên chú vào nội tâm an chỉ. Này Tỷ-kheo, như vậy Tỷ-kheo sống theo pháp.

7. Này Tỷ-kheo, như vậy Ta đã thuyết về học thuộc lòng nhiều, đã thuyết về thuyết trình nhiều, đã thuyết về đọc tụng nhiều, đã thuyết về suy tầm nhiều, đã thuyết về sống theo pháp. Này Tỷ-kheo, điều gì bậc Đạo sư cần phải làm cho các đệ tử vì hạnh phúc, vì lòng thương tưởng, vì lòng từ khởi lên, các điều ấy, Ta đã làm cho các Thầy. Này Tỷ-kheo, đây là những gốc cây, đây là những căn nhà trống. Này Tỷ-kheo, hãy tu Thiền, chớ có phóng dật, chớ có để về sau sẽ phải hối tiếc. Đấy là lời giáo giới của Ta cho các Thầy.

§ (IV) (74) SỐNG THEO PHÁP (2)

1. Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, vị Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

 - “Sống theo pháp, sống theo pháp”, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là vị Tỷ-kheo sống theo pháp?

2. - Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo học thuộc lòng pháp, tức là Khế kinh, Ứng tụng, Ký thuyết, Phúng tụng, Không hỏi tự nói, Như thị thuyết, Bổn sanh, Vị tằng hữu pháp, Trí giải hay Phương quảng, nhưng không rõ biết mục đích tối thượng với trí tuệ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo học thuộc lòng nhiều, nhưng không sống theo pháp.

3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thuyết pháp cho các người khác một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng, nhưng không rõ biết mục đích tối thượng với trí tuệ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo, thuyết trình nhiều, nhưng không sống theo pháp.

4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đọc tụng pháp một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng, nhưng không rõ biết mục đích tối thượng với trí tuệ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo đọc tụng nhiều, nhưng không sống theo pháp.

5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo với tâm tùy tầm, tùy tứ, với ý tùy quán pháp như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng, nhưng không rõ biết mục đích tối thượng với trí tuệ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo suy tầm nhiều nhưng không sống theo pháp.

6. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo học thuộc lòng pháp, tức là Khế kinh, Ứng tụng, Ký thuyết, Phúng tụng, Không hỏi tự nói, Như thị thuyết, Bổn sanh, Vị tằng hữu pháp, Trí giải hay Phương quảng, và rõ biết mục đích tối thượng với trí tuệ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo sống theo pháp.

7. Này các Tỷ-kheo, như vậy Ta đã thuyết về học thuộc lòng nhiều, đã thuyết về thuyết trình nhiều, đã thuyết về đọc tụng nhiều, đã thuyết về suy tầm nhiều đã thuyết về sống theo pháp. Này các Tỷ-kheo, điều gì bậc Đạo sư cần phải làm cho các đệ tử, vì hạnh phúc, vì lòng thương tưởng, vì lòng từ khởi lên, các điều ấy, Ta đã làm cho các Thầy. Này các Tỷ-kheo, đây là những gốc cây, đây là những căn nhà trống. Này các Tỷ-kheo, hãy tu Thiền, chớ có phóng dật, chớ có để về sau sẽ phải hối tiếc. Đây là lời giáo giới của Ta cho các Thầy.

§ (V) (75) NGƯỜI CHIẾN SĨ (1)

1. - Này các Tỷ-kheo, có năm hạng chiến sĩ này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người chiến sĩ chỉ thấy bụi mù dấy lên đã chùn chân, rủn chí, không còn can đảm, không có thể tham gia chiến trận. Như vậy ở đây, này các Tỷ-kheo, là một hạng người chiến sĩ. Này các Tỷ-kheo, đây là người chiến sĩ thứ nhất có mặt hiện hữu ở đời.

3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có người chiến sĩ có thể chịu đựng bụi mù dấy lên, nhưng khi thấy cờ xí dựng lên, liền chùn chân, rủn chí, không còn can đảm, không có thể tham gia chiến trận. Như vậy ở đây, này các Tỷ-kheo, là một hạng người chiến sĩ ở đời. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người chiến sĩ thứ hai có mặt, hiện hữu ở đời.

4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có người chiến sĩ có thể chịu đựng bụi mù dấy lên, chịu đựng cờ xí dựng lên, nhưng khi nghe tiếng la hét, liền chùn chân, rủn chí, không còn can đảm, không có thể tham gia chiến trận. Như vậy ở đây, này các Tỷ-kheo, là một hạng người chiến sĩ. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người chiến sĩ thứ ba có mặt, hiện hữu ở đời.

5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người chiến sĩ có thể chịu đựng bụi mù dấy lên, chịu đựng cờ xí dựng lên, chịu đựng tiếng la hét, nhưng khi bị thương trong chiến trận, liền thất kinh, thất đảm. Như vậy ở đây, này các Tỷ-kheo, là một hạng người chiến sĩ. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người chiến sĩ thứ tư có mặt, hiện hữu ở đời.

6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người chiến sĩ có thể chịu đựng bụi mù dấy lên, chịu đựng cờ xí dựng lên, chịu đựng tiếng la hét, chịu đựng cuộc xáp chiến. Vị ấy, sau khi thắng trận, dự phần vào chiến thắng, cầm đầu trong chiến thắng. Như vậy ở đây, này các Tỷ-kheo, là một hạng chiến sĩ. Đây là hạng người chiến sĩ thứ năm, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời.

Năm hạng người chiến sĩ này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời.

7. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, được ví dụ với năm hạng chiến sĩ này, có năm hạng người có mặt, hiện hữu giữa các Tỷ-kheo. Thế nào là năm?

8. Ở đây, này các Tỷ-kheo, khi thấy bụi mù dấy lên, liền chùn chân, rủn chí, không còn can đảm, không có thể tiếp tục đời sống Phạm hạnh, sau khi biểu lộ sự yếu kém trong học tập, liền bỏ Học pháp, trở lui lại đời sống thế tục. Thế nào là bụi mù dấy lên đối với vị ấy? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo được nghe: “Tại một làng hay một thị trấn kia, có người phụ nữ hay thiếu nữ đẹp đẽ, khả ái, làm đẹp lòng người với sắc mặt đẹp thù thắng như hoa sen”. Khi được nghe vậy, vị ấy liền chùn chân, rủn chí, không còn can đảm, không thể tiếp tục đời sống Phạm hạnh, sau khi biểu lộ sự yếu kém trong học tập, liền bỏ Học pháp, trở lui lại đời sống thế tục. Đây là nghĩa bụi mù dấy lên đối với vị ấy.

Ví như, này các Tỷ-kheo, hạng người chiến sĩ ấy, khi mới thấy bụi mù dấy lên, liền chùn chân, rủn chí, không còn can đảm, không có thể tham dự chiến trận. Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố người này giống như ví dụ ấy. Như vậy ở đây, này các Tỷ-kheo, là một hạng người. Đây là người, này các Tỷ-kheo, được ví dụ với hạng người chiến sĩ thứ nhất có mặt, hiện hữu giữa các Tỷ-kheo.

9. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, có Tỷ-kheo chịu đựng được bụi mù dấy lên, nhưng khi thấy cờ xí dựng lên, liền chùn chân, rủn chí, không còn can đảm, không có thể tiếp tục đời sống Phạm hạnh, sau khi biểu lộ sự yếu kém trong học tập, liền bỏ Học pháp, trở lui lại đời sống thế tục. Thế nào là cờ xí dựng lên đối với vị ấy? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có nghe: “Tại một làng hay thị trấn kia, có người phụ nữ hay người thiếu nữ đẹp đẽ, khả ái, làm đẹp lòng người với sắc mặt đẹp thù thắng như hoa sen”, nhưng vị ấy tự mình thấy một phụ nữ hay một thiếu nữ đẹp đẽ, khả ái, làm đẹp lòng người với sắc mặt đẹp thù thắng như hoa sen. Vị ấy, sau khi thấy người phụ nữ hay người thiếu nữ ấy, liền chùn chân, rủn chí, không còn can đảm, không có thể tiếp tục đời sống Phạm hạnh, sau khi biểu lộ sự yếu kém trong học tập, liền bỏ Học pháp, trở lui lại đời sống thế tục. Đây là nghĩa cờ xí dựng lên đối với vị ấy.

Ví như, này các Tỷ-kheo, hạng người chiến sĩ ấy chịu đựng được bụi mù dấy lên, nhưng khi thấy cờ xí dựng lên, liền chùn chân, rủn chí, không còn can đảm, không có thể ra trận xáp chiến. Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố người này giống như ví dụ ấy. Như vậy ở đây, này các Tỷ-kheo, là một hạng người. Đây là người, này các Tỷ-kheo, được ví dụ với hạng chiến sĩ thứ hai có mặt, hiện hữu giữa các vị Tỷ-kheo.

10. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chịu đựng được bụi mù dấy lên, chịu đựng được cờ xí dựng lên, nhưng khi nghe tiếng la hét, liền chùn chân, rủn chí, không còn can đảm, không có thể tiếp tục đời sống Phạm hạnh, sau khi biểu lộ sự yếu kém trong học tập, liền bỏ Học pháp, trở lui lại đời sống thế tục. Thế nào là tiếng la hét đối với vị ấy? Ở đây, này các Tỷ-kheo, một nữ nhân đi đến vị Tỷ-kheo tại ngôi rừng, dưới một gốc cây hay tại ngôi nhà trống, cười nhạo Tỷ-kheo, nói mơn trớn, nói cười lớn tiếng, cợt nhả. Tỷ-kheo bị nữ nhân cười nhạo, nói mơn trớn, nói cười lớn tiếng, cợt nhả, liền chùn chân, rủn chí, không còn can đảm, không có thể tiếp tục đời sống Phạm hạnh, sau khi biểu lộ sự hèn kém trong học tập, liền bỏ Học pháp, trở lui lại đời sống thế tục. Đây là nghĩa của tiếng la hét đối với vị ấy.

Ví như người chiến sĩ ấy, này các Tỷ-kheo, chịu đựng được bụi mù dấy lên, chịu đựng được cờ xí dựng lên, nhưng khi nghe tiếng la hét, liền chùn chân, rủn chí, không còn can đảm, không có thể ra trận xáp chiến. Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố người này giống như ví dụ ấy. Như vậy ở đây, này các Tỷ-kheo, là một hạng người. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người được ví dụ với người chiến sĩ thứ ba có mặt, hiện hữu giữa các Tỷ-kheo.

11. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chịu đựng được bụi mù dấy lên, chịu đựng được cờ xí dựng lên, chịu đựng được tiếng la hét, nhưng bị thương trong khi xáp chiến lâm trận liền thất kinh thất đảm. Thế nào là xáp chiến lâm trận đối với vị ấy? Ở đây, này các Tỷ-kheo, khi Tỷ-kheo đi đến ngôi rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, một nữ nhân đến Tỷ-kheo ấy, ngồi sát một bên, nằm sát một bên, vuốt ve mơn trớn. Tỷ-kheo ấy được nữ nhân ngồi sát một bên, nằm sát một bên, được vuốt ve mơn trớn, không từ bỏ học tập, không biểu lộ sự yếu kém trong học tập, hành dâm § (Với nữ nhân ấy). Đây là nghĩa xáp chiến lâm trận đối với vị ấy.

Ví như người chiến sĩ ấy, này các Tỷ-kheo, chịu đựng được bụi mù dấy lên, chịu đựng được cờ xí dựng lên, chịu đựng được tiếng la hét, nhưng khi lâm trận xáp chiến, bị thương, thất kinh, thất đảm. Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố người này giống như ví dụ ấy. Như vậy ở đây, này các Tỷ-kheo, là một hạng người. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người được ví dụ với người chiến sĩ thứ tư có mặt, hiện hữu giữa các Tỷ-kheo.

12. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chịu đựng được bụi mù dấy lên, chịu đựng được cờ xí dựng lên, chịu đựng được tiếng la hét, chịu đựng được xáp chiến lâm trận. Vị ấy sau khi chiến thắng chiến trận ấy, chiến thắng trong chiến trận, vị ấy vẫn đứng hàng đầu trong trận chiến ấy. Thế nào là sự chiến thắng trong chiến trận đối với vị ấy? Ở đây, này các Tỷ-kheo, khi vị Tỷ-kheo đi đến ngôi rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, có nữ nhân đi đến vị ấy, ngồi xuống sát một bên, nằm sát một bên, vuốt ve mơn trớn. Vị ấy, khi được nữ nhân ngồi sát một bên, nằm sát một bên, vuốt ve mơn trớn, liền gỡ mình ra, gỡ thoát ra, và ra đi chỗ nào mình muốn. Và vị ấy đi đến một chỗ trống trải, khu rừng, gốc cây, ngọn núi, khe đá, hang núi, nghĩa địa, cao nguyên, ngoài trời, đống rơm. Rồi vị ấy đi đến khu rừng, đi đến gốc cây hay đi đến ngôi nhà trống, ngồi kiết-già, lưng thẳng và để niệm trước mặt. Vị ấy, sau khi đoạn tận tham, an trú với tâm ly tham, gột sạch tâm khỏi tham, sau khi đoạn tận sân, an trú với tâm ly sân, có lòng thương tưởng đến tất cả loài hữu tình và chúng sanh, gột sạch tâm khỏi sân hận; sau khi đoạn tận hôn trầm thụy miên, an trú với tâm ly thụy miên hôn trầm, với tưởng ánh sáng, chánh niệm, tỉnh giác, gột sách tâm khỏi hôn trầm thụy miên; sau khi đoạn tận trạo cử hối quá, an trú không trạo cử, nội tâm tịch tịnh, gột sạch tâm khỏi trạo cử hối quá; sau khi đoạn tận nghi, an trú với tâm vượt khỏi nghi ngờ đối với các thiện pháp. Vị ấy, sau khi đoạn tận năm triền cái này, những pháp làm uế nhiễm tâm, làm yếu ớt trí tuệ, ly dục, ly các pháp bất thiện... chứng đạt và an trú Thiền thứ tư. Vị ấy với tâm định tĩnh, thanh tịnh, trong sáng, không cấu uế, ly các tùy phiền não, nhu nhuyến, kham nhẫn, kiên trì, bất động, hướng tâm về trí đoạn tận các lậu hoặc. Vị ấy như thật rõ biết: “Đây là Khổ; như thật rõ biết: “Đây là Khổ tập”; như thật rõ biết: “Đây là khổ diệt”; như thật rõ biết: “Đây là con Đường đưa đến khổ diệt”; như thật rõ biết: “Những pháp này là những lậu hoặc”; như thật rõ biết: “Đây là lậu hoặc tập khởi”; như thật rõ biết: “Đây là lậu hoặc đoạn diệt”; như thật rõ biết: “Đây là con đường đưa đến lậu hoặc đoạn diệt”. Do vị ấy biết như vậy, thấy như vậy, tâm được giải thoát khỏi dục lậu, tâm được giải thoát khỏi hữu lậu, tâm được giải thoát khỏi vô minh lậu. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: “Ta đã được giải thoát”. Vị ấy rõ biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, nay không còn trở lui trạng thái này nữa”. Đây là sự chiến thắng trong trận chiến đối với vị ấy.

Ví như, này các Tỷ-kheo, người chiến sĩ chịu đựng được bụi mù dấy lên, chịu đựng được cờ xí dựng lên, chịu đựng được các tiếng la hét, chịu đựng được sự xáp chiến. Vị ấy, sau khi chiến thắng chiến trận ấy, chiến thắng trong chiến trận, vị ấy vẫn đứng hàng đầu trong trận chiến ấy. Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố người này giống như ví dụ ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là một hạng người. Này các Tỷ-kheo, đấy là hạng người được ví dụ với người chiến sĩ thứ năm có mặt, hiện hữu ở đời.

Những người này, này các Tỷ-kheo, được ví dụ với năm chiến sĩ có mặt, hiện hữu ở giữa các vị Tỷ-kheo.

§ (VI) (76) NGƯỜI CHIẾN SĨ (2)

 - Có năm người chiến sĩ này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người chiến sĩ cầm kiếm và mâu, đeo cung và tên, tham gia vào trận chiến ác liệt. Người ấy trong trận chiến ấy nỗ lực hăng hái. Nhưng các người khác, trong khi người ấy nỗ lực và hăng hái như vậy, đánh người ấy và áp đảo người ấy. Như vậy, ở đây này các Tỷ-kheo, có hạng người chiến sĩ như vậy. Đây là hạng chiến sĩ thứ nhất có mặt, hiện hữu ở đời.

3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người chiến sĩ cầm kiếm và mâu, đeo cung và tên, tham gia vào trận chiến ác liệt. Vị ấy, trong trận chiến ấy, nỗ lực, hăng hái. Nhưng các người khác làm cho người ấy bị thương, khiêng người ấy đi, chở người ấy đến các người bà con. Khi chở người ấy đi và chưa đến các bà con, người ấy mệnh chung ở giữa đường. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có một hạng chiến sĩ như vậy. Đây là hạng chiến sĩ thứ hai, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời.

4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người chiến sĩ cầm kiếm và mâu, đeo cung và tên, tham gia vào trận chiến ác liệt. Vị ấy, trong trận chiến ấy, nỗ lực hăng hái. Nhưng các người khác làm cho người ấy bị thương và khiêng người ấy đi, chở người ấy đến các người bà con. Và những người bà con săn sóc và nuôi dưỡng người ấy. Người ấy, trong khi được các người bà con săn sóc và nuôi dưỡng, bị mệnh chung vì vết thương ấy. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có một hạng người chiến sĩ như vậy. Đây gọi là hạng chiến sĩ thứ ba có mặt, hiện hữu ở đời.

5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có người chiến sĩ cầm kiếm và mâu, đeo cung và tên, tham gia vào trận chiến ác liệt. Vị ấy, trong trận chiến ấy, nỗ lực hăng hái. Nhưng các người khác làm cho người ấy bị thương, và khiêng người ấy đi, chở người ấy đến các người bà con. Và những người bà con săn sóc và nuôi dưỡng người ấy. Người ấy, trong khi được các người bà con săn sóc và nuôi dưỡng, được chữa lành khỏi vết thương ấy. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người chiến sĩ như vậy. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng chiến sĩ thứ tư có mặt, hiện hữu ở đời.

6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng chiến sĩ cầm kiếm và mâu, đeo cung và tên, tham gia vào chiến trận ấy, chiến thắng trong chiến trận, vị ấy vẫn đứng hàng đầu trong chiến trận ấy. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng chiến sĩ như vậy. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng chiến sĩ thứ năm có mặt, hiện hữu ở đời.

Năm hạng chiến sĩ này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời.

7. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có những hạng người được ví dụ với năm hạng chiến sĩ này có mặt, hiện hữu giữa các vị Tỷ-kheo. Thế nào là năm?

8. Ở đây, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo sống dựa vào ngôi làng hay thị trấn. Vị ấy, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát đi vào làng hay thị trấn để khất thực, không phòng hộ thân, không phòng hộ lời, không phòng hộ tâm, niệm không an trú, các căn không được bảo vệ. Vị ấy ở đấy thấy một nữ nhân ăn mặc không tề chỉnh, ăn mặc không kín đáo. Được thấy nữ nhân ăn mặc không tề chỉnh, ăn mặc không kín đáo, tham dục tấn công tâm vị ấy. Tâm bị tham dục tấn công, không từ bỏ học tập, không biểu lộ sự yếu kém trong Học pháp, vị ấy rơi vào hành dâm.

Ví như người chiến sĩ ấy, này các Tỷ-kheo, cầm gươm và mâu, đeo cung và tên tham gia vào trận chiến ác liệt. Vị ấy trong trận chiến ấy nỗ lực hăng hái. Nhưng các người khác, trong khi người ấy nỗ lực hăng hái như vậy, đánh người ấy và áp đảo người ấy. Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố người này giống như ví dụ ấy. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có một hạng người như vậy. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người được ví dụ với hạng chiến sĩ thứ nhất có mặt, hiện hữu giữa các Tỷ-kheo.

9. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống dựa vào một làng hay thị trấn. Vị ấy, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát, đi vào làng ấy hay thị trấn ấy để khất thực, với thân không phòng hộ, với lời nói không phòng hộ, với tâm không phòng hộ, với niệm không an trú, với các căn không được bảo vệ. Ở đây, vị ấy thấy một nữ nhân ăn mặc không chỉnh tề, ăn mặc không kín đáo. Được thấy nữ nhân ăn mặc không chỉnh tề, ăn mặc không kín đáo, tham dục tấn công tâm vị ấy. Vị ấy, với tâm bị tham dục tấn công nên thân bị thiêu cháy, tâm bị thiêu cháy. Vị ấy nghĩ: “Ta hãy đi về khu vườn (chỗ Tăng ở) báo tin cho các Tỷ-kheo: “Này các Hiền giả, tôi bị tham dục tràn ngập, bị tham dục ám ảnh, tôi không có thể tiếp tục đời sống Phạm hạnh, tôi biểu lộ sự yếu kém trong học tập, từ bỏ Học pháp, tôi trở về với đời sống thế tục”. Vị ấy, trên con đường đi đến khu vườn, còn ở giữa đường, biểu lộ sự yếu kém trong học tập, từ bỏ Học pháp, trở về đời sống thế tục.

Ví như, này các Tỷ-kheo, người chiến sĩ cầm kiếm và mâu, đeo cung tên, tham gia vào trận chiến ác liệt. Vị ấy, trong trận chiến ấy, nỗ lực hăng hái. Nhưng các người khác, trong khi người ấy nỗ lực hăng hái như vậy, làm cho người ấy bị thương, khiêng người ấy đi, chở người ấy, và đưa người ấy đến các người bà con. Khi chở người ấy đi và chưa đưa đến bà con, người ấy mệnh chung giữa đường. Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố người này giống với ví dụ ấy. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có một hạng người như vậy. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người được ví dụ với người chiến sĩ thứ hai có mặt, hiện hữu giữa các Tỷ-kheo.

10. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo sống dựa vào một làng hay một thị trấn. Vị ấy vào buổi sáng đắp y, cầm y bát đi vào làng hay thị trấn ấy để khất thực, thân không phòng hộ, lời nói không phòng hộ, tâm không phòng hộ, niệm không an trú, các căn không được bảo vệ. Vị ấy ở đấy thấy nữ nhân ăn mặc không tề chỉnh, hay ăn mặc không kín đáo. Sau khi thấy nữ nhân ăn mặc không tề chỉnh, ăn mặc không kín đáo, tham dục tấn công vị ấy. Vị ấy với tâm bị tham dục tấn công, nên thân bị thiêu cháy, tâm bị thiêu cháy. Vị ấy suy nghĩ như sau: “Ta hãy đi đến khu vườn báo tin cho các Tỷ-kheo: “Này các Hiền giả, tôi bị tham dục tràn ngập, bị tham dục ám ảnh. Tôi không có thể tiếp tục đời sống Phạm hạnh, tôi tuyên bố sự yếu kém trong học tập, từ bỏ Học pháp, tôi trở về đời sống thế tục”. Vị ấy đi đến khu vườn, báo tin cho các Tỷ-kheo: “Này các Hiền giả, tôi bị tham dục tràn ngập, bị tham dục ám ảnh. Tôi không có thể tiếp tục đời sống Phạm hạnh; sau khi biểu hiện sự yếu kém trong học tập, tôi từ bỏ Học pháp, sẽ trở về với đời sống thế tục”. Các vị đồng Phạm hạnh giáo giới, khuyên bảo như sau: “Này Hiền giả, Thế Tôn đã nói: “Các dục vị ngọt ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hại ở đây nhiều hơn. Các dục được Thế Tôn ví dụ như một khúc xương, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hại ở đây nhiều hơn. Các dục được Thế Tôn ví dụ như miếng thịt, khổ nhiều, não nhiều, nguy hại ở đây lại nhiều hơn. Các dục được Thế Tôn ví dụ như bó đuốc bằng cỏ, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hại ở đây lại nhiều hơn. Các dục được Thế Tôn ví dụ như một hố than hừng, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hại ở đây lại nhiều hơn. Các dục được Thế Tôn ví dụ như một cơn mộng, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hại ở đây lại nhiều hơn. Các dục được Thế Tôn ví dụ như vật dụng mượn dùng, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hại ở đây lại nhiều hơn. Các dục được Thế Tôn ví dụ như quả của cây, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hại ở đây lại nhiều hơn. Các dục được Thế Tôn ví dụ như lò thịt, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hại ở đây lại nhiều hơn. Các dục được Thế Tôn ví dụ như cây gậy nhọn, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hại ở đây lại nhiều hơn. Các dục được Thế Tôn ví dụ như đầu rắn, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hại ở đây lại nhiều hơn”. Tôn giả hãy tìm sự thoải mái trong Phạm hạnh! Tôn giả chớ biểu lộ sự yếu kém trong học tập, từ bỏ Học pháp và trở lui đời sống thế tục”.

Vị ấy được các đồng Phạm hạnh giáo giới như vậy, khuyên bảo như vậy, liền nói như sau: “Này các Hiền giả, dầu cho Thế Tôn có nói các dục ngọt ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hại ở đây lại nhiều hơn, nhưng tôi không thể tiếp tục sống Phạm hạnh. Sau khi biểu lộ sự yếu kém trong học tập, từ bỏ Học pháp, tôi sẽ trở về đời sống thế tục”. Sau khi biểu lộ sự yếu kém trong học tập, sau khi từ bỏ Học pháp, vị ấy trở lui đời sống thế tục.

Ví như, này các Tỷ-kheo, người chiến sĩ ấy, sau khi cầm kiếm và mâu, đeo cung và tên, tham gia vào trận chiến khốc liệt. Vị ấy, trong chiến trận ấy, nỗ lực, hăng hái. Nhưng các người khác, trong khi người ấy nỗ lực, hăng hái như vậy, làm cho người ấy bị thương, khiêng người ấy đi, chở người ấy, và đưa người ấy đến các người bà con. Các người bà con săn sóc nuôi dưỡng người ấy. Người ấy, tuy được các người bà con săn sóc nuôi dưỡng nhưng bị mệnh chung vì vết thương ấy. Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố người này được ví như ví dụ ấy. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người như vậy. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người được ví dụ với người chiến sĩ thứ ba có mặt, hiện hữu giữa các Tỷ-kheo.

11. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống dựa vào làng hay thị trấn. Vị ấy vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát, đi vào ngôi làng hay thị trấn ấy để khất thực, với thân không phòng hộ, với lời không phòng hộ, với tâm không phòng hộ, với niệm không an trú, với các căn không được bảo vệ. Vị ấy ở đấy, thấy nữ nhân ăn mặc không chỉnh tề, ăn mặc không kín đáo. Sau khi thấy nữ nhân ăn mặc không chỉnh tề, ăn mặc không kín đáo, tham dục tấn công tâm vị ấy. Vị ấy với tâm bị tham dục tấn công, nên thân bị thiêu cháy, tâm bị thiêu đốt. Vị ấy suy nghĩ như sau: “Ta hãy đi đến khu vườn, báo tin cho các Tỷ-kheo: “Này các Hiền giả, tôi bị tham dục tràn ngập, bị tham dục ám ảnh. Tôi không có thể tiếp tục đời sống Phạm hạnh. Tôi tuyên bố sự yếu kém trong học tập, từ bỏ Học pháp, trở về với đời sống thế tục”. Vị ấy đi đến khu vườn, báo tin cho các Tỷ-kheo: “Này các Hiền giả, tôi bị tham dục tràn ngập, bị tham dục ám ảnh. Tôi không thể tiếp tục đời sống Phạm hạnh; sau khi biểu lộ sự yếu kém trong học tập, từ bỏ Học pháp, tôi trở về với đời sống thế tục”. Các vị đồng Phạm hạnh giáo giới, khuyên bảo như sau: “Này Hiền giả, Thế Tôn đã nói: “Các dục ngọt ít, đắng nhiều, não nhiều, sự nguy hại ở đây lại nhiều hơn... Các dục được Thế Tôn ví dụ như đầu rắn, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hại ở đây lại nhiều hơn”. Tôn giả hãy tìm sự thoải mái trong Phạm hạnh. Hiền giả chớ có biểu lộ sự yếu kém trong học tập, từ bỏ Học pháp và trở lui đời sống thế tục”.

Vị ấy được các đồng Phạm hạnh giáo giới như vậy, khuyên bảo như vậy, nói như vầy: “Thưa các Hiền giả, tôi sẽ nỗ lực. Thưa các Hiền giả, tôi sẽ cố gắng. Thưa các Hiền giả, tôi sẽ sống thoải mái. Nay tôi không biểu hiện sự yếu kém trong học tập, từ bỏ Học pháp, trở lui về đời sống thế tục”.

Ví như, này các Tỷ-kheo, người chiến sĩ ấy cầm kiếm và mâu, đeo cung và tên, tham gia vào trận chiến ác liệt. Vị ấy trong trận chiến ấy, nỗ lựa hăng hái. Nhưng các người khác, trong khi người ấy nỗ lực hăng hái như vậy, làm cho người ấy bị thương, khiêng người ấy đi, chở người ấy và đưa người ấy đến các người bà con. Các người bà con săn sóc người ấy, nuôi dưỡng người ấy. Người ấy, nhờ các bà con săn sóc nuôi dưỡng, được chữa lành khỏi vết thương. Ta tuyên bố rằng, này các Tỷ-kheo, người này giống như ví dụ ấy. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người như vậy. Người này, này các Tỷ-kheo, được ví dụ với người chiến sĩ thứ tư có mặt, hiện hữu giữa các vị Tỷ-kheo.

12. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống dựa vào một làng hay một thị trấn. Vị ấy vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, vào làng hay thị trấn ấy để khất thực, với thân được phòng hộ, với lời được phòng hộ, với tâm được phòng hộ, với niệm được an trú, với các căn được bảo vệ. Vị ấy khi mắt thấy sắc, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì nhãn căn không được chế ngự, khiến tham ái ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, vị ấy tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì nhãn căn, thực hành sự hộ trì nhãn căn. Khi tai nghe tiếng... mũi ngửi hương... lưỡi nếm vị... thân cảm xúc... ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, khiến ý căn không được chế ngự, khiến tham ái ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, vị Tỷ-kheo chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn. Vị ấy, sau bữa ăn, trên con đường khất thực trở về, đi đến một chỗ sàng tọa trống trải, khu rừng, gốc cây, ngọn núi, khe núi, hang núi, bãi tha ma, cao nguyên, ngoài trời, đống rơm. Vị ấy đi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, ngồi kiết-già, lưng thẳng, để niệm trước mặt. Vị ấy đoạn tận tham ở đời, an trú với tâm ly tham... § (Xem trang § 125)... chứng đạt và an trú Thiền thứ tư. Vị ấy với tâm định tĩnh, trong sáng, không cấu uế, các phiền não được đoạn trừ, nhu nhuyến, kham nhẫn, kiên trì, bất động, hướng tâm về trí đoạn tận các lậu hoặc. Vị ấy như thật rõ biết: “Đây là Khổ”, như thật rõ biết: “Đây là Khổ tập”, như thật rõ biết: “Đây là Khổ diệt”, như thật rõ biết: “Đây là con Đường đưa đến khổ diệt”... § (Xem trang § 125)... không còn trở lui trạng thái này nữa”.

Ví như, này các Tỷ-kheo, người chiến sĩ ấy cầm kiếm và mâu, đeo cung và tên, tham gia vào chiến trận ác liệt. Người ấy, sau khi chiến thắng trận ấy, chiến thắng trong chiến trận, vị ấy vẫn đứng đầu trong chiến trận ấy. Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố người này giống như ví dụ ấy. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có một hạng người như vậy. Đây là hạng người được ví dụ với người chiến sĩ thứ năm, hiện hữu giữa các Tỷ-kheo.

Này các Tỷ-kheo, có những hạng người được ví dụ với năm người chiến sĩ này, có mặt, hiện hữu giữa các vị Tỷ-kheo.

§ (VIII) (77) SỢ HÃI TRONG TƯƠNG LAI (1)

1. - Này các Tỷ-kheo, do quán thấy năm sợ hãi trong tương lai này, thật là vừa đủ để vị Tỷ-kheo sống ở rừng không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống ở rừng quán sát như sau: “Nay ta sống một mình trong rừng. Khi ta sống một mình trong rừng, con rắn có thể cắn ta, con bò cạp có thể cắn ta, con rít có thể cắn ta. Do vậy, ta có thể mệnh chung. Như vậy là chướng ngại cho ta. Vậy ta hãy cố gắng tinh tấn để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ”.

Này các Tỷ-kheo, do quán thấy sợ hãi thứ nhất này về tương lai, thật là vừa đủ để vị Tỷ-kheo sống ở trong rừng không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.

3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống ở trong rừng quán sát như sau: “Nay ta sống một mình trong rừng. Khi ta sống một mình trong rừng, ta có thể vấp ngã và té xuống, cơm ta ăn có thể làm ta mắc bệnh khi ăn, hay mật có thể làm ta khuấy động, hay niêm dịch (đàm) có thể làm ta khuấy động, các gió như kiếm có thể làm ta khuấy động, do vậy ta có thể mệnh chung. Như vậy là chướng ngại cho ta. Vậy ta hãy hăng hái, cố gắng để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ”.

Này các Tỷ-kheo, do quán thấy sợ hãi thứ hai này về tương lai, thật là vừa đủ để vị Tỷ-kheo sống ở rừng không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chứa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.

4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống ở rừng quán sát như sau: “Nay ta sống một mình trong rừng. Sống một mình trong rừng, ta chung sống với các loài thú nguy hiểm, như sư tử, cọp, báo, gấu, dã can. Chúng có thể đoạt mạng sống của ta, có thể làm ta mệnh chung. Như vậy là một sự chướng ngại cho ta. Vậy ta hãy hăng hái tinh cần để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ”.

Này các Tỷ-kheo, do quán thấy sợ hãi thứ ba này về tương lai, thật là vừa đủ để vị Tỷ-kheo sống ở rừng không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.

5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống ở rừng quán sát như sau: “Nay ta sống một mình trong rừng. Trong khi ta sống một mình trong rừng, ta chung sống với các loài ăn trộm, ăn cắp đã hành nghề. Chúng có thể đoạt mạng sống của ta, chúng có thể làm ta mạng chung và như vậy là một chướng ngại cho ta. Vậy ta hãy hăng hái tinh cần, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ”.

Này các Tỷ-kheo, do quán thấy sợ hãi thứ tư này về tương lai, thật là vừa đủ để vị Tỷ-kheo sống ở rừng không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.

6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống ở rừng quán sát như sau: “Nay ta sống một mình ở trong rừng. Ở trong rừng có những loài phi nhân nguy hiểm, chúng có thể đoạt mạng sống của ta làm ta mệnh chung, như vậy là một chướng ngại cho ta. Vậy ta hãy hăng hái tinh cần để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ”.

Này các Tỷ-kheo, do quán thấy sợ hãi thứ năm này về tương lai, thật là vừa đủ để Tỷ-kheo sống ở rừng... chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.

Này các Tỷ-kheo, do quán thấy năm sợ hãi về tương lai này, thật là vừa đủ để Tỷ-kheo sống ở rừng chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.

§§ (VIII) (78) SỰ SỢ HÃI TRONG TƯƠNG LAI (2)

1. - Này các Tỷ-kheo, do quán thấy năm sự sợ hãi về tương lai này, thật là vừa đủ để Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quán sát như sau: “Nay ta còn trẻ, niên thiếu, còn thanh niên, tóc đen nhánh, trong tuổi thanh xuân, trong sơ kỳ tuổi đời. Nhưng rồi đến thời già sẽ xúc chạm thân này. Khi đã già yếu, và bị già chinh phục, thật không dễ gì để tác ý đến giáo pháp của các đức Phật, thật không dễ gì để sống tại các trú xứ rừng núi cao nguyên xa vắng. Trước khi trạng thái ấy đến với ta, không đáng ưa, không đáng thích, không khả ý, ta hãy hăng hái tinh cần trước khi thời ấy đến, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Và nếu thành tựu trạng thái ấy, có bị già, ta sẽ sống được thoải mái”.

Này các Tỷ-kheo, do quán thấy sợ hãi thứ nhất này về tương lai, như vậy là vừa đủ để Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, để đạt đến... để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.

3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo quán sát như sau: “Nay ta ít bệnh, ít não, sự tiêu hóa được điều hòa, không lạnh quá, không nóng quá, trung bình, hợp với tinh tấn, nhưng rồi đến thời bệnh sẽ xúc chạm thân này. Khi đã bị bệnh và bị bệnh chinh phục, thật không dễ gì để tác ý đến giáo pháp của các đức Phật, thật không dễ gì để sống tại các trú xứ rừng núi cao nguyên xa vắng. Trước khi trạng thái ấy đến với ta, không đáng ưa, không đáng thích, không khả ý, ta hãy hăng hái tinh cần trước khi thời ấy đến, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Và nếu thành tựu trạng thái ấy, dầu có bị bệnh, ta sẽ sống được thoải mái”.

Này các Tỷ-kheo, do quán thấy sợ hãi thứ hai này về tương lai, như vậy là vừa đủ để vị Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, để đạt đến... để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.

4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo quán sát như sau: “Nay không có đói kém, được mùa, đồ ăn khất thực dễ kiếm được, thật dễ dàng để nuôi sống bằng khất thực nỗ lực. Nhưng rồi đến thời có nạn đói, mất mùa, đồ ăn khất thực khó được, không dễ gì để nuôi sống bằng khất thực nỗ lực. Và những người bị nạn đói sẽ dời đến chỗ nào được nhiều đồ ăn; tại đấy, phải sống với quần chúng, phải sống với hỗn tạp. Khi phải sống với quần chúng, phải sống với hỗn tạp, thật không dễ gì để tác ý đến giáo pháp của các đức Phật, thật không dễ gì để sống tại các trú xứ rừng núi cao nguyên xa vắng. Trước khi trạng thái ấy đến với ta, không đáng ưa, không đáng thích, không khả ý, ta hãy hăng hái tinh cần trước khi thời ấy đến, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt... để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Và nếu thành tựu trạng thái ấy, có bị đói kém, ta sẽ sống được thoải mái”.

Này các Tỷ-kheo, do quán thấy sợ hãi thứ ba này về tương lai, như vậy là vừa đủ để vị Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, đạt đến... để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.

5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quán sát như sau: “Nay các loài Người sống với nhau thuận hòa, hoan hỷ với nhau, không cãi lộn nhau, hòa hợp như nước với sữa, sống nhìn nhau với cặp mắt ái kính. Nhưng rồi đến thời có sự sợ hãi về nạn cướp rừng, dân chúng trong nước leo lên xe để đi trốn tại chỗ nào có sự sợ hãi, dân chúng di động đến chỗ có sự an ổn. Tại đấy, phải sống với quần chúng, phải sống với hỗn tạp. Trong khi sống với quần chúng, sống với hỗn tạp, thật không dễ gì để tác ý đến giáo pháp của các đức Phật, thật không dễ gì để sống tại các trú xứ rừng núi cao nguyên xa vắng. Trước khi trạng thái ấy đến với ta, không đáng ưa, không đáng thích, không khả ý, ta phải hăng hái tinh cần trước khi thời ấy đến, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt... để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Và nếu thành tựu trạng thái ấy, có gặp sự sợ hãi, ta sẽ sống được thoải mái”.

Này các Tỷ-kheo, do quán thấy sợ hãi thứ tư này về tương lai, như vậy là vừa đủ để Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, để đạt đến... để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.

6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quán sát như sau: “Nay chúng Tăng hòa hợp, cùng nhau hoan hỷ, không tranh luận nhau, sống thoải mái cùng chung một lời dạy... nhưng rồi đến thời chúng Tăng chia rẽ. Khi chúng Tăng chia rẽ, thật không dễ gì để tác ý đến giáo pháp của các đức Phật. Thật không dễ gì để sống tại các trú xứ rừng núi, cao nguyên xa vắng. Trước khi trạng thái ấy đến với ta, không đáng ưa, không đáng thích, không khả ý, ta hãy hăng hái tinh cần trước khi thời ấy đến, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt... để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Và nếu thành tựu trạng thái ấy, chúng Tăng có chia rẽ, ta sẽ sống được thoải mái”.

Này các Tỷ-kheo, do quán thấy sợ hãi thứ năm này về tương lai, như vậy là vừa đủ để vị Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, để đạt đến... để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.

Này các Tỷ-kheo, do quán thấy năm sợ hãi này về tương lai, thật là vừa đủ để vị Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.

§§ (IX) (79) SỢ HÃI TRONG TƯƠNG LAI (3)

1. - Có năm sợ hãi về tương lai này, này các Tỷ-kheo, nay chưa sanh khởi, nhưng sẽ sanh khởi trong tương lai. Các Thầy cần phải hoàn toàn rõ biết chúng, sau khi rõ biết, cần phải tinh tấn đoạn trừ chúng. Thế nào là năm?

2. Này các Tỷ-kheo, sẽ có những vị Tỷ-kheo trong tương lai, thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập. Do thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, nếu họ thọ đại giới cho các người khác, họ sẽ không có thể huấn luyện trong tăng thượng giới, trong tăng thượng tâm, trong tăng thượng tuệ. Các người ấy sẽ trở thành những người thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập. Do thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, họ sẽ thọ đại giới cho các người khác, họ không có thể huấn luyện trong tăng thượng giới, trong tăng thượng tâm, trong tăng thượng tuệ. Các người ấy sẽ trở thành những người thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập. Như vậy, này các Tỷ-kheo, do Pháp ô nhiễm, nên Luật bị ô nhiễm; do Luật ô nhiễm, nên Pháp bị ô nhiễm.

Này các Tỷ-kheo, đây là sợ hãi thứ nhất về tương lai, nay chưa sanh khởi, nhưng sẽ sanh khởi trong tương lai; các Thầy cần phải hoàn toàn rõ biết chúng. Sau khi hoàn toàn rõ biết, các Thầy cần phải tinh tấn để đoạn trừ chúng.

3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo trong tương lai sẽ trở thành những người thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập. Với thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, họ làm y chỉ sư cho các người khác. Họ không có thể huấn luyện trong tăng thượng giới, trong tăng thượng tâm, trong tăng thượng tuệ. Những người ấy sẽ trở thành những người thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập. Các người ấy, do thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, lại làm y chỉ sư cho những người khác, họ không có thể huấn luyện trong tăng thượng giới, trong tăng thượng tâm, trong tăng thượng tuệ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, do Pháp ô nhiễm, nên Luật bị ô nhiễm. Do Luật ô nhiễm, nên Pháp bị ô nhiễm.

Này các Tỷ-kheo, đây là sự sợ hãi thứ hai về tương lai, nay chưa sanh khởi, nhưng sẽ sanh khởi trong tương lai, các Thầy cần phải hoàn toàn rõ biết chúng. Sau khi hoàn toàn rõ biết, các Thầy cần phải tinh tấn để đoạn trừ chúng.

4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo trong tương lai sẽ trở thành những người thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập. Do thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, khi họ thuyết về Thắng pháp hay về Quảng thuyết (Trí giải luận), họ rơi vào hắc pháp, không có thể giác ngộ rõ ràng. Này các Tỷ-kheo, đây là do ô nhiễm Pháp, nên sanh ô nhiễm Luật; do ô nhiễm Luật, nên sanh ô nhiễm Pháp.

Này các Tỷ-kheo, đây là sợ hãi thứ ba về tương lai, nay chưa sanh khởi, nhưng sẽ sanh khởi trong tương lai, các Thầy cần phải hoàn toàn rõ biết chúng. Sau khi hoàn toàn rõ biết, các Thầy cần phải tinh tấn để đoạn tận chúng.

5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, sẽ có những Tỷ-kheo trong tương lai thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập. Do thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, đối với các kinh tạng do Như Lai tuyên thuyết, thâm sâu, ý nghĩa sâu kín, siêu thế, liên hệ đến không, khi các kinh ấy được thuyết giảng, họ không có nghe, họ không có lắng tai, họ không an trú tâm liễu giải, họ không nghĩ rằng các kinh ấy cần phải học tập, cần phải học thuộc lòng. Còn những kinh điển do các thi sĩ làm, những bài thi, với những chữ văn hoa, với những câu văn hoa, thuộc ngoại điển do các đệ tử thuyết, trong khi các kinh ấy được thuyết giảng, họ sẽ lắng nghe, họ sẽ lóng tai, họ an trú tâm liễu giải. Các pháp ấy, họ sẽ nghĩ cần phải học tập, cần phải học thuộc lòng. Này các Tỷ-kheo, đây là do Pháp ô nhiễm, nên Luật ô nhiễm; do Luật ô nhiễm, nên Pháp ô nhiễm.

Này các Tỷ-kheo, đây là sợ hãi thứ tư về tương lai, nay chưa sanh khởi, nhưng trong tương lai sẽ sanh khởi, các Thầy cần phải hoàn toàn rõ biết chúng. Sau khi hoàn toàn rõ biết, các Thầy cần phải tinh tấn để đoạn tận sợ hãi ấy.

6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, sẽ có những Tỷ-kheo trong tương lai, thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập. Do thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập nên các Trưởng lão Tỷ-kheo sẽ sống đầy đủ, biếng nhác dẫn đầu trong thối đọa, từ bỏ gánh nặng viễn ly, không có hăng hái tinh tấn để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Và quần chúng về sau sẽ đi theo tà kiến của họ. Họ sẽ trở thành những người sống đầy đủ, biếng nhác, dẫn đầu trong thối đọa, từ bỏ gánh nặng, viễn ly, sẽ không hăng hái tinh tấn để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, do nhiễm ô về Pháp, đưa đến nhiễm ô về Luật; do nhiễm ô về Luật, đưa đến nhiễm ô về Pháp.

Này các Tỷ-kheo, đây là sợ hãi thứ năm về tương lai, hiện nay chưa sanh khởi, nhưng sẽ sanh khởi trong tương lai, các Thầy cần phải hoàn toàn rõ biết chúng. Sau khi hoàn toàn rõ biết, cần phải tinh tấn để đoạn tận sợ hãi ấy.

Này các Tỷ-kheo, năm sợ hãi về tương lai này, nay chưa sanh khởi, nhưng sẽ sanh khởi trong tương lai. Các Thầy cần phải hoàn toàn rõ biết chúng. Sau khi hoàn toàn rõ biết, các Thầy cần phải tinh tấn để đoạn tận sự sợ hãi ấy.

§§ (X) (80) SỰ SỢ HÃI TRONG TƯƠNG LAI (4)

1. - Có năm sợ hãi về tương lai này, hiện nay chưa sanh khởi, nhưng sẽ sanh khởi trong tương lai, các Thầy cần phải hoàn toàn rõ biết chúng. Sau khi hoàn toàn rõ biết, các Thầy cần phải tinh tấn để đoạn tận sợ hãi ấy.

2. Này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo trong tương lai sẽ tham muốn các y tốt đẹp. Do họ tham muốn các y tốt đẹp, họ sẽ từ bỏ các y nhặt nơi đống rác, họ sẽ từ bỏ các khu rừng, các vùng cao nguyên, các trú xứ xa vắng, họ sẽ đi đến các làng, thị trấn, kinh đô vua chúa và sống tại các chỗ ấy. Vì nhân y áo, họ sẽ rơi vào những hành vi tầm cầu không thích hợp.

Này các Tỷ-kheo, đây là sợ hãi thứ nhất về tương lai, hiện nay chưa sanh khởi, nhưng sẽ sanh khởi trong tương lai. Các Thầy cần phải hoàn toàn rõ biết chúng. Sau khi hoàn toàn rõ biết, cần phải tinh tấn để đoạn trừ sợ hãi ấy.

3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo trong tương lai sẽ tham muốn các đồ ăn khất thực ngon lành. Do họ tham muốn các đồ ăn khất thực ngon lành, họ sẽ từ bỏ nếp sống khất thực, từ bỏ các khu rừng, các vùng cao nguyên, các trú xứ xa vắng. Họ sẽ đi vào các làng, thị trấn, kinh đô của vua và sinh sống tại đấy, tìm cầu các món ăn thượng vị, như với đầu lưỡi. Do nhân đồ ăn khất thực, họ sẽ rơi vào nhiều hành động tầm cầu không thích hợp.

Này các Tỷ-kheo, đây là sợ hãi thứ hai về tương lai, hiện nay chưa sanh khởi, nhưng sẽ sanh khởi trong tương lai... để đoạn trừ sợ hãi ấy.

4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo trong tương lai sẽ tham muốn sàng tọa tốt đẹp. Do họ tham muốn các sàng tọa tốt đẹp, họ sẽ từ bỏ nếp sống dưới gốc cây, họ sẽ từ bỏ các khu rừng, các vùng cao nguyên, các trú xứ xa vắng. Họ sẽ đi vào các làng, thị trấn, kinh đô của vua và sinh sống tại đấy. Vì nhân sàng tọa, họ sẽ rơi vào nhiều hành động tầm cầu không thích hợp.

Này các Tỷ-kheo, đây là sợ hãi thứ ba về tương lai, hiện nay chưa sanh khởi, nhưng sẽ sanh khởi trong tương lai... để đoạn trừ sợ hãi ấy.

5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, sẽ có những Tỷ-kheo trong tương lai sẽ sống liên hệ với Tỷ-kheo-ni, các chánh học nữ, các Sa-di - ni. Khi sống liên hệ với Tỷ-kheo-ni, chánh học nữ, Sa-di - ni, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi là: Họ sẽ không thích thú sống Phạm hạnh, hay họ sẽ rơi vào một trong những tội lỗi ô nhiễm, sẽ từ bỏ Học pháp và trở lui lại đời sống thế tục.

Này các Tỷ-kheo, đây là sợ hãi thứ tư về tương lai, hiện nay chưa sanh khởi... để đoạn trừ sợ hãi ấy.

6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, sẽ có những Tỷ-kheo trong tương lai sống liên hệ với các người có hệ lụy đến khu vườn, với các Sa-di. Khi sống liên hệ với các người có hệ lụy đến khu vườn và với các Sa-di, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi là họ sẽ sống và tận hưởng các vật liệu cất chứa, và họ sẽ làm các thô tướng đối với đất đai và đối với các sản phẩm trồng trọt.

Này các Tỷ-kheo, đây là sợ hãi thứ năm về tương lai, hiện nay chưa sanh khởi, nhưng sẽ sanh khởi trong tương lai. Các Thầy cần phải hoàn toàn rõ biết chúng. Sau khi hoàn toàn rõ biết, các Thầy cần phải tinh tấn để đoạn tận sự sợ hãi ấy.

Năm sự sợ hãi về tương lai này, này các Tỷ-kheo, hiện nay chưa sanh khởi, nhưng sẽ sanh khởi trong tương lai. Các Thầy cần phải hoàn toàn rõ biết chúng. Sau khi hoàn toàn rõ biết, các Thầy cần phải tinh tấn để đoạn tận những sợ hãi ấy.

IX. PHẨM TRƯỞNG LÃO

§§ (I) (81) KHẢ ÁI

1. - Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo Trưởng lão đối với các vị đồng Phạm hạnh không được ái mộ, không được ưa thích, không được tôn trọng, không được làm gương để tu tập. Thế nào là năm?

2. Bị tham ái bởi những gì khả ái, bị hiềm hận bởi những gì đáng hiềm hận, bị si mê bởi những gì đáng si mê, bị phẫn nộ bởi những gì đáng phẫn nộ, bị say đắm bởi những gì đáng say đắm. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo Trưởng lão đối với các vị đồng Phạm hạnh không được ái mộ, không được ưa thích, không được tôn trọng, không được làm gương để tu tập.

3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo Trưởng lão đối với các vị đồng Phạm hạnh được ái mộ, được ưa thích, được tôn trọng, được làm gương để tu tập. Thế nào là năm?

4. Không bị tham bởi những gì khả ái, không bị hiềm hận bởi những gì đáng hiềm hận, không bị si mê bởi những gì đáng si mê, không bị phẫn nộ bởi những gì đáng phẫn nộ, không bị say đắm bởi những gì đáng say đắm. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo Trưởng lão đối với các vị đồng Phạm hạnh được ái mộ, được ưa thích, được tôn trọng, được làm gương để tu tập.

§ (II) (82) LY THAM

1. - Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo Trưởng lão đối với các vị đồng Phạm hạnh không được ái mộ, không được ưa thích, không được tôn trọng, không được làm gương để tu tập. Thế nào là năm?

2. Không ly tham, không ly sân, không ly si, hư ngụy và não hại.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo Trưởng lão đối với các vị đồng Phạm hạnh không được ái mộ, không được ưa thích, không được kính trọng, không được làm gương để tu tập.

3. Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo Trưởng lão đối với các vị đồng Phạm hạnh được ái mộ, được ưa thích, được tôn trọng, được làm gương để tu tập. Thế nào là năm?

4. Ly tham, ly sân, ly si, không hư ngụy, không não hại. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo Trưởng lão đối với các vị đồng Phạm hạnh được ái mộ, được ưa thích, được tôn trọng, được làm gương để tu tập.

§§ (III) (83) LỪA ĐẢO

1. - Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo Trưởng lão đối với các vị đồng Phạm hạnh không được ái mộ, không được ưa thích, không được tôn trọng, không được làm gương để tu tập. Thế nào là năm?

2. Lừa đảo, siễm nịnh (hư đàm), hiện tướng (gợi ý), gièm pha, lấy lợi cầu lợi. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo Trưởng lão đối với các vị đồng Phạm hạnh không được ái mộ, không được ưa thích, không được tôn trọng, không được làm gương để tu tập.

3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo Trưởng lão đối với các vị đồng Phạm hạnh được ái mộ, được ưa thích, được tôn trọng, được làm gương để tu tập. Thế nào là năm?

4. Không lừa đảo, không siễm nịnh, không hiện tướng, gièm pha, không lấy lợi cầu lợi. Thành tựu năm pháp này, một Tỷ-kheo Trưởng lão đối với các vị đồng Phạm hạnh được ái mộ, được ưa thích, được tôn trọng, được làm gương để tu tập.

§§ (IV) (84) LÒNG TIN

1. - Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo Trưởng lão đối với các vị đồng Phạm hạnh không được ái mộ, không được ưa thích, không được tôn trọng, không được làm gương để tu tập. Thế nào là năm?

2. Không tín, không hổ thẹn, không biết sợ, biếng nhác và ác tuệ. Thành tựu năm pháp này, một Tỷ-kheo Trưởng lão đối với các vị đồng Phạm hạnh không được ái mộ, không được ưa thích, không được tôn trọng, không được làm gương để tu tập.

3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo Trưởng lão đối với các vị đồng Phạm hạnh được ái mộ, được ưa thích, được tôn trọng, được làm gương để tu tập. Thế nào là năm?

4. Có lòng tin, có hổ thẹn, có biết sợ, tinh cần, tinh tấn và có tuệ. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo Trưởng lão đối với các vị đồng Phạm hạnh được ái mộ, được ưa thích, được tôn trọng, được làm gương để tu tập.

§§ (V) (85) KHÔNG KHAM NHẪN

(1-4)... (Như kinh trên, chỉ khác về năm pháp, đó là: không kham nhẫn đối với các sắc, không kham nhẫn đối với các tiếng, không kham nhẫn đối với các hương, không kham nhẫn đối với các vị, không kham nhẫn đối với các xúc. Còn về năm thiện pháp là kham nhẫn đối với các sắc... các tiếng... các hương... các vị và các xúc).

§ (VI) (86) VÔ NGẠI GIẢI

 - Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo Trưởng lão đối với các vị đồng Phạm hạnh được ái mộ, được ưa thích, được tôn trọng, được làm gương để tu tập. Thế nào là năm?

Đạt được nghĩa vô ngại giải, đạt được pháp vô ngại giải, đạt được từ vô ngại giải, đạt được biện tài vô ngại giải, đối với các sự việc, các vị đồng Phạm hạnh cần phải làm, hoặc lớn hay nhỏ, vị ấy thiện xảo, không có biếng nhác, thành tựu trí phương tiện. Ở đây vừa đủ để làm, vừa đủ để khiến người làm.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo Trưởng lão đối với các vị đồng Phạm hạnh được ái mộ, được khả ý, được tôn trọng, được làm gương để tu tập.

§§ (VII) (87) GIỚI

1. - Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo Trưởng lão đối với các vị đồng Phạm hạnh được ái mộ, được ưa thích, được tôn trọng, được làm gương để tu tập. Thế nào là năm?

2. Có giới, sống được bảo vệ với sự bảo vệ của giới bổn, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sự sợ hãi trong các tội nhỏ nhiệm, chấp nhận và học tập các Học pháp, nghe nhiều, thọ trì điều được nghe, tích tập điều được nghe. Các pháp nào sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, đề cao đời sống Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh, những pháp ấy, vị ấy đã nghe nhiều, đã nắm giữ, đã ghi nhớ nhờ đọc nhiều lần, chuyên ý quán sát, khéo thành tựu nhờ chánh kiến; thiện ngôn, dùng lời thiện ngôn, lời nói tao nhã, ý nghĩa minh bạch, giọng nói không bập bẹ, phều phào, giải thích nghĩa lý minh xác, chứng được không khó khăn, chứng được không mệt nhọc, chứng được không phí sức bốn Thiền, thuộc tăng thượng tâm, đem đến hiện tại lạc trú. Do đoạn tận các lậu hoặc, vị ấy tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo Trưởng lão đối với các vị đồng Phạm hạnh được ái mộ, được ưa thích, được tôn trọng, được làm gương để tu tập.

§§ (VIII) (88) VỊ TRƯỞNG LÃO

1. - Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo Trưởng lão đem lại bất hạnh cho đa số, đem lại không an lạc cho đa số, đem lại không lợi ích, bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người. Thế nào là năm?

2. Trưởng lão là bậc kỳ cựu, xuất gia đã lâu ngày, được nhiều người biết đến, có danh vọng, được một số đông người tại gia, xuất gia đoanh vây, nhận được các vật dụng cần thiết như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Bậc nghe nhiều, thọ trì điều được nghe, tích tập điều được nghe. Các pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, đề cao đời sống Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh, những pháp ấy, vị ấy đã nghe nhiều, đã nắm giữ, đã ghi nhớ nhờ đọc nhiều lần, chuyên ý quán sát, khéo thành tựu nhờ chánh kiến. Vị ấy có tà kiến, có tri kiến điên đảo. Vị ấy làm cho nhiều người từ bỏ diệu pháp, chấp nhận phi diệu pháp. Vì Tỷ-kheo là bậc kỳ cựu, xuất gia đã lâu ngày, nhiều người làm theo tri kiến vị ấy. Vì vị Trưởng lão được nhiều người biết đến, có danh vọng, được một số đông người tại gia, xuất gia đoanh vây, nhiều người làm theo tri kiến vị ấy. Vì rằng, Tỷ-kheo Trưởng lão nhận được các vật dụng cần thiết như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, nhiều người làm theo tri kiến vị ấy. Vì rằng Tỷ-kheo Trưởng lão là bậc nghe nhiều, thọ trì điều được nghe, tích tập điều được nghe, nhiều người làm theo tri kiến vị ấy.

Thành tựu năm pháp này, Tỷ-kheo Trưởng lão đem lại bất hạnh cho đa số, đem lại không an lạc cho đa số, đem lại không lợi ích, bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người.

3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo Trưởng lão đem lại hạnh phúc cho đa số, đem lại an lạc cho đa số, đem lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên và loài Người. Thế nào là năm?

4. Trưởng lão là bậc kỳ cựu, xuất gia đã lâu ngày, được nhiều người biết đến, có danh vọng, được một số đông người tại gia, xuất gia đoanh vây, nhận được các vật dụng cần thiết như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Bậc nghe nhiều, thọ trì điều được nghe, tích tập điều được nghe. Các pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, đề cao đời sống Phạm hạnh, hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh, những pháp ấy, vị ấy đã nghe nhiều, đã nắm giữ, đã ghi nhớ nhờ đọc nhiều lần, chuyên ý quán sát, khéo thành tựu nhờ chánh kiến. Vị ấy có chánh kiến, không có tri kiến điên đảo. Vị ấy làm cho nhiều người từ bỏ phi diệu pháp, chấp nhận diệu pháp. Vị Tỷ-kheo Trưởng lão là bậc kỳ cựu xuất gia đã lâu ngày, nhiều người làm theo tri kiến vị ấy. Vị Tỷ-kheo Trưởng lão đã được nhiều người biết đến, có danh vọng, được một số đông người tại gia xuất gia đoanh vây, nhiều người làm theo tri kiến vị ấy. Vì rằng Tỷ-kheo Trưởng lão nhận được các vật dụng cần thiết như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, nhiều người làm theo tri kiến vị ấy. Vì rằng Tỷ-kheo Trưởng lão là bậc nghe nhiều, thọ trì điều được nghe, tích tập điều được nghe, nhiều người làm theo tri kiến vị ấy.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo Trưởng lão đem lại hạnh phúc cho đa số, đem lại an lạc cho đa số, đem lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên và loài Người.

§§ (IX) (89) VỊ TỶ - KHEO HỮU HỌC (1)

1. - Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, khiến Tỷ-kheo Hữu học thối chuyển. Thế nào là năm?

2. Ưa sự nghiệp, ưa đàm luận, ưa ngủ, ưa có quần chúng, không quán sát tâm như đã được giải thoát.

Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, khiến Tỷ-kheo Hữu học thối chuyển.

3. Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, không khiến Tỷ-kheo Hữu học thối chuyển. Thế nào là năm?

4. Không ưa sự nghiệp, không ưa đàm luận, không ưa ngủ, không ưa có quần chúng, quán sát tâm như đã được giải thoát.

Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, không khiến Tỷ-kheo Hữu học thối chuyển.

§§ (X) (90) TỶ - KHEO HỮU HỌC (2)

1. - Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, khiến Tỷ-kheo Hữu học thối chuyển. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo Hữu học có nhiều công việc, có nhiều việc phải làm, khéo léo trong công việc phải làm, từ bỏ độc cư Thiền tịnh, không chuyên chú vào nội tâm tịnh chỉ. Đây là pháp thứ nhất khiến Tỷ-kheo Hữu học thối chuyển.

3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo Hữu học suốt ngày làm những công việc nhỏ nhặt, từ bỏ độc cư Thiền tịnh, không có chuyên chú vào nội tâm tịnh chỉ. Đây là pháp thứ hai khiến vị Tỷ-kheo Hữu học thối chuyển.

4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo Hữu học sống liên hệ nhiều với các vị tại gia và xuất gia, hệ lụy với các sự việc tại gia không thích đáng, từ bỏ độc cư Thiền tịnh, không chuyên chú vào nội tâm tịnh chỉ. Đây là pháp thứ ba khiến Tỷ-kheo Hữu học thối chuyển.

5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo Hữu học đi vào làng quá sớm, từ giã làng quá muộn, từ bỏ độc cư Thiền tịnh, không chuyên chú vào nội tâm tịnh chỉ. Đây là pháp thứ tư khiến vị Tỷ-kheo Hữu học thối chuyển.

6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo Hữu học đối với các câu chuyện nghiêm trang, khai tâm như các câu chuyện về ít dục, câu chuyện về tri túc, câu chuyện về viễn ly, câu chuyện về không hội họp, câu chuyện về tinh cần, tinh tấn, câu chuyện về giới, câu chuyện về định, câu chuyện về tuệ, câu chuyện về giải thoát, câu chuyện về giải thoát tri kiến. Các câu chuyện ấy, vị ấy có được có khó khăn, có được có mệt nhọc, có được có phí sức. Vị ấy từ bỏ độc cư Thiền tịnh, không chuyên chú vào nội tâm tịnh chỉ. Đây là pháp thứ năm khiến vị Tỷ-kheo Hữu học thối chuyển.

7. Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, không khiến vị Tỷ-kheo Hữu học thối chuyển. Thế nào là năm?

8. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo Hữu học không có nhiều công việc, không có nhiều việc phải làm, không khéo léo trong công việc phải làm, không từ bỏ độc cư Thiền tịnh, chuyên chú vào nội tâm tịnh chỉ. Đây là pháp thứ nhất không khiến vị Tỷ-kheo Hữu học thối chuyển.

9. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo Hữu học không suốt ngày làm những công việc nhỏ nhặt, không từ bỏ độc cư Thiền tịnh, chuyên chú vào nội tâm tịnh chỉ. Đây là pháp thứ hai không khiến vị Tỷ-kheo Hữu học thối chuyển.

10. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo Hữu học không sống liên hệ nhiều với các vị tại gia và xuất gia, không hệ lụy với các việc tại gia không thích đáng, không từ bỏ độc cư Thiền tịnh, chuyên chú vào nội tâm tịnh chỉ. Đây là pháp thứ ba không khiến vị Tỷ-kheo Hữu học thối chuyển.

11. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo Hữu học không đi vào làng quá sớm, không từ giã quá muộn, không từ bỏ độc cư Thiền tịnh, chuyên chú vào nội tâm tịnh chỉ. Đây là pháp thứ tư không khiến vị Tỷ-kheo Hữu học thối chuyển.

12. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo Hữu học đối với các câu chuyện nghiêm trang, khai tâm, như câu chuyện về ít dục, câu chuyện về tri túc, câu chuyện về viễn ly, câu chuyện về không hội họp, câu chuyện về tinh cần tinh tấn, câu chuyện về giới, câu chuyện về định, câu chuyện về tuệ, câu chuyện về giải thoát, câu chuyện về giải thoát tri kiến. Các câu chuyện ấy có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức, không từ bỏ độc cư Thiền tịnh, chuyên chú vào nội tâm tịnh chỉ. Đây là pháp thứ năm, này các Tỷ-kheo, không đưa đến thối chuyển cho vị Tỷ-kheo Hữu học.

Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, không khiến vị Tỷ-kheo Hữu học thối chuyển.

X. PHẨM KAKUDHA

§§ (I) (91) ĐẦY ĐỦ (1)

1. - Này các Tỷ-kheo, có năm đầy đủ này. Thế nào là năm?

2. Tín đầy đủ, giới đầy đủ, nghe đầy đủ, thí đầy đủ, tuệ đầy đủ.

Này các Tỷ-kheo, đây là năm đầy đủ.

§§ (II)(92) ĐẦY ĐỦ (2)

1. - Này các Tỷ-kheo, có năm đầy đủ này. Thế nào là năm?

2. Giới đầy đủ, định đầy đủ, tuệ đầy đủ, giải thoát đầy đủ, giải thoát tri kiến đầy đủ.

Này các Tỷ-kheo, đây là năm đầy đủ.

§§ (III) (93) TRẢ LỜI

1. - Này các Tỷ-kheo, có năm cách trả lời về chánh trí này. Thế nào là năm?

2. Vì đần độn, vì ngu si, trả lời về chánh trí; vì ác dục, vì bị dục chi phối, trả lời về chánh trí, vì kiêu mạn, vì tâm tán loạn trả lời về chánh trí; vì tăng thượng mạn, trả lời về chánh trí; vì hoàn toàn chơn chánh, trả lời về chánh trí.

Này các Tỷ-kheo, có năm cách trả lời về chánh trí này.

§§ (IV) (94) LẠC TRÚ

1. - Này các Tỷ-kheo, có năm lạc trú này. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ly dục, ly pháp bất thiện, chứng đạt và an trú sơ Thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ, làm cho tịnh chỉ tầm và tứ... chứng đạt và an trú Thiền thứ hai... Thiền thứ ba... Thiền thứ tư... do đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt, và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

Này các Tỷ-kheo, những pháp này là năm lạc trú.

§§ (V) (95) BẤT ĐỘNG

1. - Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không bao lâu thể nhập vào bất động. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đạt được nghĩa vô ngại giải, đạt được pháp vô ngại giải, đạt được từ vô ngại giải, đạt được biện tài vô ngại giải, quán sát tâm như đã được giải thoát.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không bao lâu thể nhập vào bất động.

§§ (VI) (96) NGHE PHÁP

1. - Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo thực hành Niệm hơi thở vô hơi thở ra, không bao lâu thể nhập vào bất động. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo muốn không có nhiều, công việc không có nhiều, nuôi sống dễ dàng, khéo tri túc với những nhu yếu ở đời, ăn uống ít, không chuyên lo về bao tử; ít thụy miên, chuyên chú trong giác tỉnh; nghe nhiều, thọ trì nhiều, tích lũy điều đã nghe; các pháp nào sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, tán thán Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh, các pháp ấy, Tỷ-kheo đã nghe nhiều, đã nắm giữ, đã ghi nhớ nhờ đọc nhiều lần, chuyên ý quán sát, khéo thành tựu nhờ chánh kiến; quán sát tâm như đã được giải thoát.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thực hành Niệm hơi thở vô hơi thở ra, không bao lâu thể nhập vào bất động.

§§ (VII) (97) NÓI CHUYỆN

1. - Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Niệm hơi thở vô hơi thở ra, không bao lâu thể nhập vào bất động. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo muốn không có nhiều, việc làm không có nhiều, nuôi sống dễ dàng, khéo tri túc với những nhu yếu ở đời; ăn uống ít, không chuyên lo về bao tử; ít thụy miên, chuyên chú vào giác tỉnh; đối với các câu chuyện nghiêm trang, khai tâm, như câu chuyện về ít dục, câu chuyện về tri túc, câu chuyện về viễn ly, câu chuyện về không hội họp, câu chuyện về tinh cần tinh tấn, câu chuyện về giới, câu chuyện về định, câu chuyện về tuệ, câu chuyện về giải thoát, câu chuyện về giải thoát tri kiến, các câu chuyện ấy, vị ấy có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức; vị ấy quán sát tâm như đã được giải thoát.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo tu tập Niệm hơi thở vô hơi thở ra, không bao lâu thể nhập vào bất động.

§§ (VIII) (98) RỪNG

1. - Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo làm cho sung mãn Niệm hơi thở vô hơi thở ra, không bao lâu thể nhập vào bất động. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo muốn không có nhiều, việc làm không có nhiều, nuôi sống dễ dàng, khéo tri túc với những nhu yếu ở đời; ăn uống ít, không chuyên lo về bao tử, ít thụy miên, chuyên chú vào giác tỉnh; sống ở trong rừng, sống tại các sàng tọa xa vắng; quán sát tâm như đã được giải thoát.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo làm cho sung mãn Niệm hơi thở vô hơi thở ra, không bao lâu thể nhập vào bất động.

§§ (IX) (99) CON SƯ TỬ.

1. - Con sư tử, này các Tỷ-kheo, vào buổi chiều, từ hang đi ra, sau khi từ hang đi ra, nó duỗi chân; sau khi nó duỗi chân, nó ngó xung quanh cả bốn phương; sau khi nó ngó xung quanh cả bốn phương, ba lần nó rống tiếng rống con sư tử; sau khi ba lần rống tiếng rống con sư tử, nó ra đi tìm mồi. Nếu nó vồ bắt con voi, nó vồ bắt rất cẩn thận, chu đáo, không phải không cẩn thận, chu đáo. Nếu nó vồ bắt con thủy ngưu, nó vồ bắt rất cẩn thận, chu đáo, không phải không cẩn thận, chu đáo. Nếu nó vồ bắt con báo, nó vồ bắt rất cẩn thận, chu đáo, không phải không cẩn thận, chu đáo. Nếu nó vồ bắt các con vật nhỏ khác như thỏ hay mèo, nó vồ bắt rất cẩn thận, chu đáo, không phải không cẩn thận, chu đáo. Vì cớ sao? “Mong rằng uy lực của ta không có thất bại”.

2. Con sư tử, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác. Khi Như Lai thuyết pháp cho hội chúng, tức là rống tiếng rống con sư tử. Này các Tỷ-kheo, nếu Như Lai thuyết pháp cho các vị Tỷ-kheo, Như Lai thuyết pháp hết sức cẩn thận, chu đáo, không phải không cẩn thận, chu đáo. Nếu Như Lai thuyết pháp cho các Tỷ-kheo-ni, Như Lai thuyết pháp hết sức cẩn thận, chu đáo, không phải hông cẩn thận, chu đáo. Nếu Như Lai thuyết pháp cho các hàng Nam cư sĩ, Như Lai thuyết pháp hết sức cẩn thận, chu đáo, không phải không cẩn thận, chu đáo. Nếu Như Lai thuyết pháp cho các hàng Nữ cư sĩ, Như Lai thuyết pháp hết sức cẩn thận, chu đáo, không phải không cẩn thận, chu đáo. Nếu Như Lai thuyết pháp cho các hàng phàm phu, cho các người bắt chim hay xin ăn, Như Lai thuyết pháp hết sức cẩn thận, chu đáo, không phải không cẩn thận, chu đáo. Vì cớ sao? Vì Như Lai là bậc tôn trọng Pháp, này các Tỷ-kheo, là bậc tôn kính Pháp.

§§ (X) (100) KAKUDHA

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Kosambì, tại khu vườn Ghosita. Lúc bấy giờ Kakudha, người Koliya, là thị giả của Tôn giả Mahàmoggallàna vừa mệnh chung và sanh ra với một thân do ý tạo, thân ấy với tự thể có được (to rộng) ví như hai hay ba thửa ruộng làng ở Magadha. Vị ấy, với tự thể như vậy, không làm cho tự mình hay làm cho người khác bị bệnh. Rồi Thiên tử Kakudha đi đến Tôn giả Mahàmoggallàna; sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Mahàmoggallàna rồi đứng một bên. Thiên tử Kakudha thưa với Tôn giả Mahàmoggallàna:

 - Thưa Tôn giả, Devadatta có khởi lên ý muốn như sau: “Ta sẽ lãnh đạo chúng Tăng”. Với tâm khởi lên như vậy, thưa Tôn giả, thần thông của Devadatta bị thối thất.

Thiên tử Kakudha nói lên như vậy, nói như vậy xong, đảnh lễ Tôn giả Mahàmoggallàna, thân phía hữu hướng về Ngài rồi biến mất tại chỗ. Rồi Tôn giả Mahàmoggallàna đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Mahàmoggallàna bạch Thế Tôn:

 - Bạch Thế Tôn, Kakudha, người xứ Koliya, là thị giả của con, mệnh chung không bao lâu, sanh ra với thân do ý tạo thành, thân ấy với tự thể có được (to rộng) ví như hai hay ba thửa ruộng làng ở Magadha. Vị ấy với tự thể như vậy, không làm cho tự mình hay làm cho người khác bị bệnh. Rồi Thiên tử Kakudha đi đến con; sau khi đến, đảnh lễ con rồi đứng một bên. Sau khi đứng một bên, bạch Thế Tôn, Thiên tử Kakudha thưa với con: “Thưa Tôn giả, Devadatta có khởi lên ý muốn như sau: “Ta sẽ lãnh đạo chúng Tăng”. Với tâm khởi lên như vậy. Thưa Tôn giả, thần thông của Devadatta bị thối thất”. Thiên tử Kakudha, bạch Thế Tôn, nói lên như vậy. Nói như vậy xong, đảnh lễ con, rồi thân phía hữu hướng về con rồi biến mất.

 - Này Moggallàna, có phải Thầy với tâm của mình biết được tâm của Thiên tử Kakudha rằng: “Điều gì Thiên tử Kakudha nói lên, tất cả đều là như vậy, không thể khác được”?

 - Bạch Thế Tôn, với tâm của con, con biết được tâm của Thiên tử Kakudha rằng: “Điều gì Thiên tử Kakudha nói lên, tất cả đều là như vậy, không thể khác được”.

 - Này Moggallàna, hãy phòng hộ lời nói này! Này Moggallàna, hãy phòng hộ lời nói này. Nay kẻ ngu si ấy sẽ tự mình thấy rõ tự mình. Này Moggallàna, có năm bậc Đạo sư này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này Moggallàna, có vị Đạo sư, giới không thanh tịnh lại tự cho rằng: “Ta có giới thanh tịnh. Giới của ta thanh tịnh, chói sáng, không có uế nhiễm”. Nhưng các đệ tử biết về vị ấy như sau: “Tôn giả Đạo sư này có giới không thanh tịnh, lại tự nghĩ rằng: “Ta có giới thanh tịnh. Giới của ta thanh tịnh, trong sáng, không uế nhiễm”. Nếu ta tin cho các cư sĩ biết như vậy, thời vị Đạo sư sẽ không bằng lòng. Và nếu vị ấy không bằng lòng, thời chúng ta sẽ xử sự như thế nào mới được”. Và vị ấy nhận được các vật dụng nhu yếu như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Những gì tự ngã sẽ làm, tự ngã sẽ được biết do việc làm ấy. Như vậy, này Moggallàna, các đệ tử che chở giới cho bậc Đạo sư, và bậc Đạo sư như vậy chờ đợi các đệ tử che chở về giới cho mình.

3. Lại nữa, này Moggallàna ở đây có bậc Đạo sư mạng sống không thanh tịnh, lại tự cho rằng: “Ta có mạng sống thanh tịnh. Mạng sống của ta thanh tịnh chói sáng, không có uế nhiễm”. Nhưng các đệ tử biết về vị ấy như sau: “Vị Tôn giả Đạo sư này có mạng sống không thanh tịnh, lại tự nghĩ rằng: “Ta có mạng sống thanh tịnh. Mạng sống của ta thanh tịnh, trong sáng, không uế nhiễm”. Nếu chúng ta tin cho các cư sĩ biết như vậy, thời vị Đạo sư ấy không bằng lòng, và nếu vị ấy không bằng lòng thời chúng ta sẽ xử sự như thế nào mới được”. Và vị ấy nhận được các vật dụng nhu yếu như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Những gì tự ngã sẽ làm, tự ngã sẽ được biết do việc làm ấy. Như vậy, này Moggallàna, các đệ tử che chở mạng sống cho bậc Đạo sư và bậc Đạo sư như vậy chờ đợi các đệ tử che chở mạng sống cho mình.

4. Lại nữa, này Moggallàna, ở đây có bậc Đạo sư thuyết pháp không thanh tịnh, lại tự cho rằng: “Ta thuyết pháp thanh tịnh. Thuyết pháp của ta thanh tịnh, chói sáng, không có uế nhiễm”. Nhưng các đệ tử biết về vị ấy như sau: “Tôn giả Đạo sư này thuyết giảng không thanh tịnh, lại tự nghĩ rằng: “Ta thuyết pháp thanh tịnh. Thuyết pháp của ta thanh tịnh, trong sáng, không uế nhiễm”. Nếu chúng ta tin cho các cư sĩ biết như vậy, thời vị Đạo sư sẽ không bằng lòng. Và nếu vị ấy không bằng lòng, thời chúng ta sẽ xử sự như thế nào mới được”. Và vị ấy nhận được các vật dụng nhu yếu như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Những gì tự ngã sẽ làm, tự ngã sẽ được biết do việc làm ấy. Như vậy, này Moggallàna, các đệ tử phòng hộ sự thuyết pháp cho bậc Đạo sư, và bậc Đạo sư như vậy chờ đợi các đệ tử che chở thuyết pháp cho mình.

5. Lại nữa, này Moggallàna, ở đây có bậc Đạo sư trả lời không thanh tịnh, lại tự cho rằng: “Ta trả lời thanh tịnh. Trả lời của ta thanh tịnh, chói sáng, không có uế nhiễm”. Nhưng các đệ tử biết về vị ấy như sau: “Tôn giả Đạo sư này trả lời không thanh tịnh, lại nghĩ rằng: “Ta trả lời thanh tịnh. Trả lời của ta thanh tịnh, chói sáng, không uế nhiễm”. Nếu chúng ta tin cho các cư sĩ biết như vậy, thời vị Đạo sư sẽ không bằng lòng và nếu vị ấy không bằng lòng, thời chúng ta sẽ xử sự như thế nào mới được”. Và vị ấy nhận được các vật dụng nhu yếu như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Những gì tự ngã sẽ làm, tự ngã sẽ được biết do việc làm ấy. Như vậy, này Moggallàna, các đệ tử che chở trả lời cho bậc Đạo sư, và bậc Đạo sư như vậy chờ đợi các đệ tử che chở trả lời cho mình.

6. Lại nữa, này Moggallàna, ở đây có bậc Đạo sư tri kiến không thanh tịnh, lại tự cho rằng: “Ta có tri kiến thanh tịnh. Tri kiến của ta thanh tịnh, chói sáng, không có uế nhiễm”. Nhưng các đệ tử biết về vị ấy như sau: “Tôn giả Đạo sư này tri kiến không thanh tịnh, lại tự nghĩ rằng: “Ta có tri kiến thanh tịnh. Tri kiến của ta thanh tịnh, trong sáng, không có uế nhiễm”. Nếu chúng ta tin cho các cư sĩ biết như vậy, thời vị Đạo sư sẽ không bằng lòng và nếu vị ấy không bằng lòng, thời ta phải xử sự như thế nào mới được”. Và vị ấy nhận được các vật dụng nhu yếu như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Những gì tự ngã sẽ làm, tự ngã sẽ được biết do việc làm ấy. Như vậy, này Moggallàna, các đệ tử che chở tri kiến cho mình.

7. Này Moggallàna, Ta có giới thanh tịnh, và Ta tự rõ biết: “Giới của Ta thanh tịnh, trong sáng, không có uế nhiễm”. Các đệ tử không có che chở Ta về giới, và Ta không có chờ đợi các đệ tử che chở Ta về giới. Mạng sống của Ta thanh tịnh. Ta tự rõ biết: “Mạng sống của Ta thanh tịnh, trong sáng, không có uế nhiễm”. Các đệ tử không có che chở Ta về mạng sống, và Ta không có chờ đợi các đệ tử che chở cho Ta về mạng sống. Thuyết pháp của Ta thanh tịnh, Ta tự rõ biết: “Thuyết pháp của Ta thanh tịnh, trong sáng, không có uế nhiễm”. Các đệ tử không có che chở Ta về thuyết pháp và Ta không có chờ đợi các đệ tử che chở Ta về thuyết pháp. Các câu trả lời của Ta thanh tịnh, Ta tự rõ biết: “Các câu trả lời của Ta thanh tịnh, trong sáng, không có uế nhiễm”. Các đệ tử không có che chở Ta về các câu trả lời, và Ta không có chờ đợi các đệ tử che chở Ta về các câu trả lời. Tri kiến của Ta thanh tịnh, Ta tự rõ biết: “Tri kiến của Ta thanh tịnh, trong sáng, không có uế nhiễm”. Các đệ tử không có che chở Ta về tri kiến, và Ta không có chờ đợi các đệ tử che chở Ta về tri kiến.

XI. PHẨM AN ỔN TRÚ

§§ (I) (101) ĐÁNG SỢ HÃI

1. - Này các Tỷ-kheo, có năm pháp này làm cho bậc Hữu học không có sợ hãi. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có lòng tin, có giới, có nghe nhiều, có tinh cần tinh tấn, có trí tuệ. Cái gì làm cho kẻ không có lòng tin sợ hãi, này các Tỷ-kheo, cái ấy không làm cho người có lòng tin sợ hãi. Do vậy, pháp này là pháp làm cho bậc Hữu học không sợ hãi. Cái gì làm cho kẻ ác giới sợ hãi, này các Tỷ-kheo, cái ấy không làm cho người có giới sợ hãi. Do vậy, pháp này là pháp làm cho bậc Hữu học không sợ hãi. Cái gì làm cho kẻ ít nghe sợ hãi, này các Tỷ-kheo, cái ấy không làm cho người nghe nhiều sợ hãi. Do vậy, pháp này là pháp làm cho bậc Hữu học không sợ hãi. Cái gì làm cho kẻ biếng nhác sợ hãi, này các Tỷ-kheo, cái ấy không làm cho kẻ tinh cần tinh tấn sợ hãi. Do vậy, pháp này là pháp làm cho bậc Hữu học không sợ hãi. Cái gì làm cho kẻ ác tuệ sợ hãi, này các Tỷ-kheo, cái ấy không làm cho người có trí tuệ sợ hãi. Do vậy, pháp này là pháp làm cho bậc Hữu học không sợ hãi.

Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, là các pháp làm cho bậc Hữu học không sợ hãi.

§§ (II) (102) ĐÁNG NGHI NGỜ

1. - Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo bị mất tin tưởng và bị nghi ngờ là “ác Tỷ-kheo”, dầu cho vị ấy đã đạt được bất động. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đi đến chỗ dâm nữ, đi đến nhà đàn bà góa, đi đến nhà có con gái già, hay đi đến nhà các hoạn quan, hay đi đến chỗ các Tỷ-kheo-ni.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo bị mất tin tưởng và bị nghi ngờ là ác Tỷ-kheo, dầu cho vị ấy đã đạt được bất động.

§§ (III) (103) KẺ ĂN TRỘM

1. - Thành tựu năm chi phần, này các Tỷ-kheo, một kẻ ăn trộm lớn xâm nhập vào nhà cửa, mang đồ ăn trộm ra đi, thành người ăn trộm riêng rẽ, thành người cướp chận đường. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ ăn trộm lớn dựa vào sự hiểm trở (của con đường), dựa vào sự rậm rạp (của núi rừng), dựa vào quyền thế, là kẻ hối lộ, là kẻ ăn trộm một mình. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là kẻ ăn trộm lớn dựa vào sự hiểm trở?

3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ ăn trộm lớn dựa vào các con sông khó lội qua hay núi non hiểm trở. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là kẻ ăn trộm lớn dựa vào sự hiểm trở. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là kẻ ăn trộm lớn dựa vào sự rậm rạp?

4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ ăn trộm lớn dựa vào sự rậm rạp của cỏ, cây, bụi cây và của rừng rậm hoang vu. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là kẻ ăn trộm lớn dựa vào sự rậm rạp. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là kẻ ăn trộm lớn dựa vào uy lực?

5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ ăn trộm lớn dựa vào vua hay các vị đại thần của vua. Anh ta suy nghĩ như sau: “Nếu có ai nói điều gì về ta, các vị vua này hay các vị đại thần của vua sẽ nói những lời che chở cho ta”. Nếu có ai nói điều gì về anh ta, các vua và các vị đại thần ấy nói che chở cho anh ta. Như vậy, này các Tỷ-kheo, kẻ ăn trộm lớn dựa vào uy lực. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là kẻ ăn trộm lớn dựa vào hối lộ tài sản?

6. Ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ ăn trộm lớn giàu có, có tiền của nhiều, có tài sản lớn. Anh ta nghĩ như sau: “Nếu có ai nói gì đến ta, từ nay ta sẽ hối lộ người ấy với tài sản”. Nếu có người nói gì đến anh ta, anh ta liền hối lộ với tài sản. Như vậy, này các Tỷ-kheo, kẻ ăn trộm lớn hối lộ với tài sản. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là kẻ ăn trộm lớn là kẻ ăn trộm riêng rẽ?

7. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có kẻ ăn trộm lớn đoạt các tài vật một mình. Vì cớ sao? Anh ta suy nghĩ: “Mong rằng không ai bàn bạc chỗ trốn với ta rồi làm ta rối loạn”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, kẻ ăn trộm lớn thành kẻ ăn trộm riêng rẽ.

Thành tựu năm chi phần này, kẻ ăn trộm lớn xâm nhập vào nhà cửa, mang đồ ăn trộm ra đi, thành người ăn trộm riêng rẽ, thành người cướp chận đường.

8. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, thành tựu năm pháp, kẻ ác Tỷ-kheo tự mình xử sự như kẻ mất gốc, bị tổn thương, có tội lỗi, bị những bậc trí quở trách, và làm nhiều điều vô phước. Thế nào là năm?

9. Ở đây, này các Tỷ-kheo, ác Tỷ-kheo dựa vào hiểm trở, dựa vào rậm rạp, dựa vào uy lực, hối lộ tài sản và hành động một mình. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ác Tỷ-kheo dựa vào hiểm trở?

10. Ở đây, này các Tỷ-kheo, ác Tỷ-kheo thành tựu thân nghiệp hiểm nạn, thành tựu ngữ nghiệp hiểm nạn, thành tựu ý nghiệp hiểm nạn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, ác Tỷ-kheo dựa vào hiểm nạn. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo dựa vào rừng rậm?

11. Ở đây, này các Tỷ-kheo, ác Tỷ-kheo có tà kiến và thành tựu tri kiến cực đoan. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là ác Tỷ-kheo dựa vào rừng rậm. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ác Tỷ-kheo dựa vào uy lực?

12. Ở đây, này các Tỷ-kheo, ác Tỷ-kheo dựa vào vua và các vị đại thần của vua. Vị ấy suy nghĩ: “Nếu có ai nói gì về ta, các vua ấy và các đại thần ấy nói lời với mục đích che chở cho ta”. Nếu có ai nói gì về vị ấy, các vua chúa hay các vị đại thần của vua nói lời với mục đích che chở. Như vậy, này các Tỷ-kheo, ác Tỷ-kheo dựa vào uy lực. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ác Tỷ-kheo hối lộ tài sản?

13. Ở đây, này các Tỷ-kheo, ác Tỷ-kheo nhận được các vật dụng nhu yếu như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Vị ấy suy nghĩ như sau: “Nếu có ai nói gì về ta, ta sẽ hối lộ người ấy với vật dụng thâu được!” Và nếu có người nói gì về vị ấy, vị ấy hối lộ với vật dụng thâu được. Như vậy, này các Tỷ-kheo, ác Tỷ-kheo hối lộ với tài sản. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ác Tỷ-kheo hành động một mình?

14. Ở đây, này các Tỷ-kheo, ác Tỷ-kheo sống một mình tức là ở các địa phương biên địa. Tại đấy, vị ấy đến các gia đình và nhận được các lợi dưỡng. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là ác Tỷ-kheo hành động một mình.

Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, ác Tỷ-kheo tự mình xử sự như người bị mất gốc, bị tổn thương, có phạm tội, bị các người trí quở trách, làm nhiều điều vô phước.

§§ (IV) (104) ĐEM LẠI AN LẠC

1. - Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo là người đem lại an lạc của Sa-môn cho các Sa-môn. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo được yêu cầu hưởng thụ nhiều y áo, không phải ít yêu cầu; được yêu cầu hưởng thụ nhiều đồ ăn khất thực, không phải ít yêu cầu; được yêu cầu hưởng thụ nhiều sàng tọa, không phải ít yêu cầu; được yêu cầu hưởng thụ nhiều dược phẩm trị bệnh, không phải ít yêu cầu. Vị này sống với các vị đồng Phạm hạnh, và các vị này xử sự đối với vị ấy với thân hành nhiều khả ý, không phải ít khả ý; xử sự với khẩu hành nhiều khả ý, không phải ít khả ý; xử sự với ý hành nhiều khả ý, không phải ít khả ý. Những vị này giúp đỡ vị ấy với sự giúp đỡ nhiều khả ý, không phải ít khả ý. Và những cảm thọ nào do mật khởi lên, do đàm khởi lên, do gió khởi lên, hay do sự phối hợp (của ba sự kiện trên), hay do sự thay đổi thời tiết, hay do sự săn sóc bất cẩn, hay do sự xâm nhập của một vài sự kiện (như một vài chứng bệnh), hay do kết quả của nghiệp, những sự kiện ấy khởi lên không có nhiều. Vị ấy ít bệnh hoạn và đối với bốn Thiền, thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, § (Vị ấy) chứng được không khó khăn, chứng được không mệt nhọc, chứng được không phí sức. Do đoạn diệt các lậu hoặc, vị ấy ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo là người đem lại sự an lạc của Sa-môn, cho các hàng Sa-môn.

3. Này các Tỷ-kheo, nếu có ai nói một cách chân chánh về vị đem lại an lạc của Sa-môn cho các Sa-môn, thời này các Tỷ-kheo, vị ấy sẽ nói một cách chân chánh về Ta là người đã đem lại an lạc của Sa-môn cho các Sa-môn. Này các Tỷ-kheo, Ta là người được yêu cầu hưởng thọ nhiều y áo, không phải ít yêu cầu; được yêu cầu hưởng thọ nhiều đồ ăn khất thực, không phải ít yêu cầu; được yêu cầu, hưởng thọ nhiều sàng tọa, không phải ít yêu cầu; được yêu cầu hưởng thọ nhiều dược phẩm trị bệnh, không phải ít yêu cầu. Ta sống với các vị đồng Phạm hạnh và các vị này xử sự đối với Ta với thân hành nhiều khả ý, không phải ít khả ý; xử sự với khẩu hành nhiều khả ý, không phải ít khả ý; xử sự với ý hành nhiều khả ý, không phải ít khả ý. Những vị này giúp đỡ Ta với sự giúp đỡ nhiều khả ý, không phải ít khả ý. Và những cảm thọ do mật khởi lên, do đàm khởi lên, do gió khởi lên hay do sự phối hợp của ba sự kiện trên, hay do sự thay đổi thời tiết, hay do sự săn sóc bất cẩn, hay do sự xâm nhập của một vài sự kiện, hay do kết quả của nghiệp, những sự kiện ấy khởi lên nơi Ta không có nhiều. Ta có ít bệnh hoạn, và đối với bốn Thiền, thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, Ta chứng được không khó khăn, chứng được không mệt nhọc, chứng được không phí sức. Do đoạn diệt các lậu hoặc ngay trong hiện tại, Ta tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

Này các Tỷ-kheo, nếu có ai nói một cách chân chánh về vị đem lại an lạc của Sa-môn cho các Sa-môn, thời này các Tỷ-kheo, vị ấy sẽ nói một cách chân chánh về Ta là người đã đem lại an lạc của vị Sa-môn cho các vị Sa-môn.

§ (V) (105) AN ỔN TRÚ

1. - Này các Tỷ-kheo, có năm an ổn trú này, Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo an trú từ thân nghiệp đối với các đồng Phạm hạnh, cả trước mặt và sau lưng; an trú từ khẩu nghiệp đối với các đồng Phạm hạnh, trước mặt và sau lưng; an trú từ ý nghiệp đối với các đồng Phạm hạnh, trước mặt và sau lưng; đối với các giới không bị bể vụn, không bị sứt mẻ, không bị nhiễm ô, không bị uế nhiễm, đem lại giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đưa đến Thiền định, vị ấy sống thành tựu các giới như vậy đối với các đồng Phạm hạnh, trước mặt và sau lưng, và đối với tri kiến này, thuộc bậc Thánh đưa đến xuất ly, được người thực hành chân chánh đoạn diệt khổ đau, vị ấy sống thành tựu tri kiến như vậy đối với các đồng Phạm hạnh, trước mặt và sau lưng.

Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm an ổn trú.

§ (VI) (106) TÔN GIẢ ÀNANDA

1. Một thời, Thế Tôn ở Kosambì, tại khu vườn Ghosita. Rồi Tôn giả Ànanda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ànanda bạch Thế Tôn:

 - Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, chúng Tỷ-kheo Tăng sống an ổn trú?

 - Này Ànanda, khi nào vị Tỷ-kheo tự mình đầy đủ giới và không làm phiền hà người khác với tăng thượng giới. Cho đến như vậy, này Ànanda, chúng Tỷ-kheo Tăng sống an ổn trú.

 - Bạch Thế Tôn, có pháp môn nào khác, nhờ vậy chúng Tỷ-kheo Tăng sống an ổn trú?

 - Có thể có, này Ànanda!

Thế Tôn nói:

 - Này Ànanda, khi nào Tỷ-kheo đầy đủ giới và không làm phiền hà người khác với tăng thượng giới, tự quán sát mình không quán sát người khác. Cho đến như vậy, này Ànanda, chúng Tỷ-kheo Tăng sống an ổn trú.

 - Bạch Thế Tôn, có pháp môn nào khác, nhờ vậy chúng Tỷ-kheo Tăng sống an ổn trú?

 - Có thể có, này Ànanda!

Thế Tôn nói:

 - Này Ànanda, khi nào vị Tỷ-kheo đầy đủ giới và không làm phiền hà người khác với tăng thượng giới, tự quán sát mình, không quán sát người khác, chưa trở thành có danh tiếng, và không cảm thấy bực phiền vì không được có danh tiếng. Cho đến như vậy, này Ànanda, chúng Tỷ-kheo Tăng sống an ổn trú.

 - Bạch Thế Tôn, có pháp môn nào khác, nhờ vậy chúng Tỷ-kheo Tăng sống an ổn trú?

 - Có thể có, này Ànanda!

Thế Tôn nói:

 - Này Ànanda, khi nào Tỷ-kheo đầy đủ giới và không làm phiền hà người khác với tăng thượng giới, tự quán sát mình, không quán sát người khác, chưa trở thành có danh tiếng, và không cảm thấy bực phiền vì không được có danh tiếng, đối với bốn Thiền, thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, chứng được không khó khăn, chứng được không mệt nhọc, chứng được không phí sức. Cho đến như vậy, này Ànanda, chúng Tỷ-kheo Tăng sống an ổn trú.

 - Bạch Thế Tôn, có pháp môn nào khác, nhờ vậy chúng Tỷ-kheo Tăng sống an ổn trú?

 - Có thể có, này Ànanda!

Thế Tôn nói:

 - Này Ànanda, khi nào Tỷ-kheo đầy đủ giới và không làm phiền hà người khác với tăng thượng giới, tự quán sát mình, không quán sát người khác, chưa trở thành có danh tiếng, và không cảm thấy bực phiền vì không được có danh tiếng, đối với bốn Thiền thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, chứng được không khó khăn, chứng được không mệt nhọc, chứng được không phí sức. Do đoạn tận các lậu hoặc, vị ấy tự mình với thắng trí ngay trong hiện tại chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo Tăng sống an ổn trú.

Ngoài các an ổn trú này, này Ànanda, Ta tuyên bố không có một an ổn trú nào khác cao thượng hơn, thù diệu hơn.

§§ (VII) (107) GIỚI

1. - Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ giới, đầy đủ định, đầy đủ tuệ, đầy đủ giải thoát, đầy đủ giải thoát tri kiến.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời.

§§ (VIII) (108) VÔ HỌC

1. - Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời.

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thành tựu Vô học giới uẩn, thành tựu Vô học định uẩn, thành tựu Vô học tuệ uẩn, thành tựu Vô học giải thoát uẩn, thành tựu Vô học giải thoát tri kiến uẩn.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đáng được cung kính... là phước điền vô thượng ở đời.

§§ (IX) (109) NGƯỜI BỐN PHƯƠNG

1. - Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo là người bốn phương. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có giới, sống được bảo vệ với sự bảo vệ của giới bổn, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các tội nhỏ nhiệm, chấp nhận và học tập trong các Học pháp, là bậc nghe nhiều, thọ trì điều đã được nghe, tích tập điều đã được nghe. Đối với các pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, tán thán đời sống Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh, các pháp như vậy, vị ấy nghe nhiều, thọ trì nhiều, đã ghi nhớ nhờ đọc nhiều lần, chuyên ý quán sát, khéo thành tựu nhờ chánh kiến, biết đủ với các vật dụng nhu yếu như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Đối với bốn Thiền thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, vị ấy chứng đắc không khó khăn, chứng đắc không mệt nhọc, chứng đắc không phí sức. Do đoạn diệt các lậu hoặc, vị ấy ngay trong hiện tại tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo là vị bốn phương hướng.

§§ (X) (110) KHU RỪNG

1. - Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sử dụng sàng tọa (trú xứ) thuộc rừng núi cao nguyên xa vắng. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có giới... § (Xem § 109) chấp nhận và học tập trong các Học pháp, là bậc nghe nhiều... chuyên ý quán sát, khéo thành tựu nhờ chánh kiến, sống tinh cần tinh tấn... nỗ lực, kiên trì, không từ bỏ gánh nặng đối với các thiện pháp, đối với bốn Thiền, thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, chứng đắc không khó khăn, chứng đắc không mệt nhọc, chứng đắc không phí sức, do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo là vừa đủ để sử dụng các sàng tọa thuộc rừng núi cao nguyên xa vắng.

XII. PHẨM ANDHAKAVINDA

§§ (I) (111) ĐI ĐẾN CÁC GIA ĐÌNH

1. - Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thân cận các gia đình, không được các gia đình ái mộ, thích ý, kính trọng, noi gương để tu tập. Thế nào là năm?

2. Vị ấy thân mật với người không thân tín, can thiệp vào việc không có thẩm quyền, ra vào với các phần tử chống đối, nói riêng một bên tai, xin quá nhiều.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thân cận các gia đình, không được các gia đình ái mộ, thích ý, kính trọng, noi gương để tu tập.

3. Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thân cận các gia đình, được các gia đình ái mộ, thích ý, kính trọng, noi gương để tu tập. Thế nào là năm?

Vị ấy không thân mật với người không thân tín, không can thiệp vào việc không có thẩm quyền, không ra vào với các phần tử chống đối, không nói riêng một bên tai, không xin quá nhiều.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thân cận các gia đình, được các gia đình ái mộ, thích ý, kính trọng, noi gương để tu tập.

§§ (II) (112) SA-MÔN TÙY TÙNG

1. - Này các Tỷ-kheo, thành tựu năm pháp, một Tỷ-kheo không đáng được nhận làm Sa-môn tùy tùng. Thế nào là năm?

2. Đi quá xa hay đi quá gần, không cầm lấy bình bát đã được chứa đầy, không ngăn chặn lời nói đưa đến phạm tội, ngắt lời nói của người khác, người ác tuệ đần độn, câm điếc.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo không đáng được nhận làm Sa-môn tùy tùng.

3. Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo đáng được nhận làm Sa-môn tùy tùng. Thế nào là năm?

4. Không đi quá xa hay không đi quá gần, cầm lấy bình bát đã được chứa đầy, ngăn chặn lời nói đưa đến phạm tội, không ngắt lời nói của người khác, có trí tuệ, không đần độn, không câm điếc.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo đáng được nhận làm Sa-môn tùy tùng.

§§ (III) (113) THIỀN ĐỊNH

1. - Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có thể đạt đến và an trú chánh định. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không kham nhẫn các sắc, không kham nhẫn các tiếng, không kham nhẫn các hương, không kham nhẫn các vị, không kham nhẫn các xúc.

Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có thể đạt đến và an trú chánh định.

3. Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có thể đạt đến và an trú chánh định. Thế nào là năm?

4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo kham nhẫn các sắc, kham nhẫn các tiếng, kham nhẫn các hương, kham nhẫn các vị, kham nhẫn các xúc.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có thể đạt đến và an trú chánh định.

§§ (IV) (114) TẠI ANDHAKAVINDA

1. Một thời, Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Magadha, tại Andhakavinda. Rồi Tôn giả Ànanda đi đến Thế Tôn; sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Ànanda đang ngồi một bên:

 - Những Tỷ-kheo nào, này Ànanda, là tân học xuất gia không bao lâu, mới đến trong Pháp và Luật này, các Tỷ-kheo ấy, này Ànanda, thật sự cần phải khích lệ, cần phải làm cho nhập vào và làm cho an trú trong năm pháp. Thế nào là trong năm pháp?

2. “Hãy đến, này các Hiền giả, các Thầy cần phải giữ giới, sống được bảo vệ với sự bảo vệ của giới bổn, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhiệm, chấp nhận và học tập trong các Học pháp”. Như vậy, họ cần được khích lệ, cần phải làm cho nhập vào và làm cho an trú trong sự bảo vệ của giới bổn.

3. “Hãy đến, này các Hiền giả, các Thầy cần phải sống với các căn môn phải được chế ngự, thành tựu với niệm được phòng hộ, với niệm thận trọng sáng suốt, với ý được khéo phòng hộ, với tâm được chánh niệm bảo vệ”. Như vậy, họ cần được khích lệ, cần phải làm cho nhập vào, cần làm cho an trú trong sự bảo vệ các căn.

4. “Hãy đến, này các Hiền giả, hãy nói ít lại, hãy hạn chế lời nói”. Như vậy họ cần được khích lệ, cần phải làm cho nhập vào, cần làm cho an trú trong sự hạn chế lời nói.

5. “Hãy đến, này các Hiền giả, hãy là những người sống trong rừng, hãy sử dụng các trú xứ núi rừng cao nguyên xa vắng”. Như vậy, họ cần phải được khích lệ, cần làm cho nhập vào, cần làm cho an trú trong nếp sống thân viễn ly.

6. “Hãy đến, này các Hiền giả, hãy có chánh tri kiến, thành tựu chánh kiến”. Như vậy, họ cần phải được khích lệ, cần làm cho nhập vào, cần làm cho an trú trong chánh kiến.

Này Ànanda, các Tỷ-kheo nào tân học, xuất gia không bao lâu, mới đến trong Pháp Luật này, này Ànanda, các Tỷ-kheo ấy cần phải được các Thầy khích lệ, cần phải làm cho nhập vào, cần làm cho an trú trong năm pháp này.

§ (V) (115) XAN LẪN

1. - Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo-ni tương xứng như vậy bị rơi vào địa ngục. Thế nào là năm?

2. Xan tham về chỗ ở, xan tham về sự giúp đỡ các gia đình, xan tham về các vật dụng được cúng dường, xan tham về tán thán, xan tham về pháp.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo-ni tương xứng như vậy bị rơi vào địa ngục.

3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo-ni tương xứng như vậy được sanh lên cõi Trời. Thế nào là năm?

4. Không xan tham về chỗ ở, không xan tham về sự giúp đỡ các gia đình, không xan tham về các vật dụng được cúng dường, không xan tham về tán thán, không xan tham về pháp.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo-ni tương xứng như vậy được sanh lên cõi Trời.

§§ (VI) (116) TÁN THÁN

1. - Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni tương xứng như vậy bị rơi vào địa ngục. Thế nào là năm?

2. Không suy xét, không thẩm sát, tán thán người không đáng được tán thán; không suy xét, không thẩm sát, không tán thán người đáng được tán thán; không suy xét, không thẩm sát, đặt lòng tin vào những chỗ không đáng được tịnh tín; không suy xét, không thẩm sát, không đặt lòng tin vào những chỗ đáng được tịnh tín; bác bỏ các vật dụng tín thí.

Do thành tựu năm pháp này, Tỷ-kheo-ni như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục.

3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni tương xứng như vậy được sanh lên cõi Trời. Thế nào là năm?

Có suy xét, có thẩm sát, không tán thán người không đáng được tán thán; có suy xét, có thẩm sát, tán thán người đáng được tán thán; có suy xét, có thẩm sát, không đặt lòng tin vào những chỗ không đáng được tịnh tín; có suy xét, có thẩm sát, đặt lòng tin vào những chỗ đáng được tịnh tín; không bác bỏ các vật dụng tín thí.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời.

§§ (VII) (117) GANH TỊ

1. - Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo-ni như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục. Thế nào là năm?

2. Không suy xét, không thẩm sát, tán thán người không đáng được tán thán; không suy xét, không thẩm sát, không tán thán người đáng được tán thán; ganh tị; xan tham; bác bỏ các vật dụng tín thí.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo-ni như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục.

3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo-ni như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời.

4. Có suy xét, có thẩm sát, không tán thán người không đáng được tán thán; có suy xét, có thẩm sát, tán thán người đáng được tán thán; không có ganh tị; không có xan tham; không bác bỏ các vật tín thí.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo-ni như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời.

§§ (VIII) (118) TRI KIẾN

1. - Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo-ni như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục. Thế nào là năm?

2. Không suy xét, không thẩm sát, tán thán người không đáng được tán thán; không suy xét, không thẩm sát, không tán thán người đáng được tán thán; có tà kiến; có tà tư duy; bác bỏ các vật tín thí.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo-ni như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục.

3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo-ni như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời. Thế nào là năm?

Có suy xét, có thẩm sát, không tán thán người không đáng được tán thán; có suy xét, có thẩm sát, tán thán người đáng được tán thán; có chánh tri kiến; có chánh tư duy; không bác bỏ các vật tín thí.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo-ni như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời.

§§ (IX) (119) LỜI NÓI

... (Giống như kinh số § 118) ở trên, chỉ khác trong kinh này: tà ngữ, tà nghiệp thế cho tà tri kiến, tà tư duy; chánh ngữ, chánh nghiệp thế cho chánh tri kiến, chánh tư duy của kinh trước).

§§ (X) (120) TINH TẤN

... (Giống như kinh số § 118) ở trên, chỉ khác trong kinh này: tà tinh tấn, tà niệm thế cho tà tri kiến, tà tư duy và chánh tinh tấn, chánh niệm thế cho chánh tri kiến, chánh tư duy của kinh trước).

XIII. PHẨM BỆNH

§§ (I) (121) NGƯỜI BỊ BỆNH

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàlì, tại Đại Lâm, giảng đường có nóc nhọn. Rồi Thế Tôn vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến hành lang người bệnh. Thế Tôn thấy một Tỷ-kheo ốm yếu bệnh hoạn, thấy vậy, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:

 - Này các Tỷ-kheo, nếu năm pháp này không rời bỏ một kẻ ốm yếu bệnh hoạn, thời người ấy được chờ đợi như sau: Không bao lâu, do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí sẽ chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo sống quán bất tịnh trên thân, với tưởng ghê gớm đối với các món ăn, với tưởng không thích thú đối với tất cả thế giới, quán vô thường trong tất cả hành, và nội tâm khéo an trú trong tưởng về chết.

Này các Tỷ-kheo, nếu năm pháp này không rời bỏ kẻ ốm yếu bệnh hoạn, thời người ấy được chờ đợi như sau: Không bao lâu, do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tai, với thắng trí sẽ chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

§§ (II) (122) NIỆM XỨ

1. - Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào, này các Tỷ-kheo, tu tập làm cho sung mãn năm pháp, một trong hai quả sau đây được chờ đợi cho vị ấy: Ngay trong hiện tại, được chánh trí, hay nếu có dư y, chứng quả Bất hoàn. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo nội tâm niệm được khéo an trú với trí tuệ về sự sanh diệt của các pháp; sống quán bất tịnh trên thân, với tưởng ghê tởm đối với các món ăn, với tưởng không thích thú đối với tất cả thế giới, quán vô thường đối với tất cả hành.

Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào, này các Tỷ-kheo, tu tập năm pháp này, làm cho sung mãn năm pháp này, một trong hai quả sau đây được chờ đợi cho vị ấy: Ngay trong hiện tại, được chánh trí, hay nếu có dư y, chứng quả Bất hoàn.

§§ (III) (123) SĂN SÓC BỆNH (1)

1. - Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một người bị bệnh tự săn sóc bệnh không được tốt đẹp. Thế nào là năm?

2. Làm điều không thích đáng; không biết vừa phải trong khi chữa trị; không sử dụng thuốc; với người săn sóc bệnh muốn lợi ích (cho mình, cho người bệnh); không có như thật nói rõ bệnh hoạn: Khi tăng tiến là tăng tiến như vậy, khi giảm thiểu là giảm thiểu như vậy, khi đứng lại là đứng lại như vậy; đối với các khổ thọ thuộc về thân khởi lên, khốc liệt, cường liệt, mãnh liệt, không thích thú, không thích ý, đoạt mạng, khó lòng nhẫn thọ.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, kẻ bị bệnh không săn sóc bệnh mình cho được tốt đẹp.

3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một người bị bệnh là người săn sóc bệnh mình được tốt đẹp. Thế nào là năm?

4. Làm điều thích đáng; biết vừa phải trong khi chữa trị; có sử dụng thuốc; với người săn sóc bệnh muốn lợi ích (cho mình); như thật nói rõ bệnh hoạn: Khi tăng tiến là tăng tiến như vậy, khi giảm thiểu là giảm thiểu như vậy, khi đứng lại là đứng lại như vậy; đối với các khổ thọ thuộc về thân khởi lên khốc liệt, cường liệt, mãnh liệt, không thích thú, không thích ý, đoạt mạng, có thể nhẫn chịu.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một người bị bệnh là người săn sóc bệnh mình được tốt đẹp.

§§ (IV) (124) SĂN SÓC BỆNH (2)

1. - Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một người săn sóc bệnh không đủ khả năng để săn sóc người bệnh. Thế nào là năm?

2. Không có năng lực pha thuốc; không biết cái gì thích đáng, cái gì không thích đáng; đưa cái gì không thích đáng, không đưa cái gì thích đáng; vì muốn lợi ích vật chất, săn sóc người bệnh, không phải vì lòng từ, cảm thấy ghê tởm khi phải dọn phân, nước tiểu, đồ mửa ra, hay đờm; không có năng lực thỉnh thoảng với pháp thoại trình bày, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ người bệnh.

Thành tựu năm pháp này, một người săn sóc bệnh không đủ khả năng để săn sóc người bệnh.

3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một người săn sóc bệnh có đủ khả năng để săn sóc người bệnh. Thế nào là năm?

4. Có năng lực pha thuốc; biết cái gì thích đáng, cái gì không thích đáng; đưa cái gì thích đáng, không đưa cái gì không thích đáng; vì lòng từ săn sóc người bệnh, không vì lợi ích vật chất, không thấy ghê tởm khi phải dọn phân, nước tiểu, đồ mửa ra, hay đờm; có năng lực thỉnh thoảng với pháp thoại trình bày, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ người bệnh.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một người săn sóc bệnh có đủ khả năng để săn sóc người bệnh.

§§ (V) (125) TUỔI THỌ (1)

1. - Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, không gia tăng tuổi thọ. Thế nào là năm?

2. Làm việc không thích đáng, không biết vừa phải trong việc thích đáng, ăn các đồ không tiêu hóa, du hành phi thời, và sống không Phạm hạnh.

Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, không gia tăng tuổi thọ.

3. Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, gia tăng tuổi thọ. Thế nào là năm?

4. Làm việc thích đáng, biết vừa phải trong việc thích đáng, ăn các đồ ăn tiêu hóa, du hành phải thời và sống Phạm hạnh.

Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, gia tăng tuổi thọ.

§§ (VI) (126) TUỔI THỌ (2)

(... Như kinh trên, chỉ khác hai pháp sau cùng du hành phi thời và sống không Phạm hạnh được thế vào với ác giới và bạn bè ác. Và hai thiện pháp du hành phải thời và sống Phạm hạnh được thế vào với có giới và bạn bè thiện...)

§§ (VII) (127) SỐNG BIỆT LẬP

1. - Thành tựu năm pháp này, vị Tỷ-kheo không đủ điều kiện để sống biệt lập chúng Tăng. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không tự vừa đủ với y nhận được chỗ này chỗ kia; không tự vừa đủ với đồ ăn khất thực nhận được chỗ này chỗ kia; không tự vừa đủ với sàng tọa nhận được chỗ này chỗ kia; không tự vừa đủ với dược phẩm trị bệnh nhận được chỗ này chỗ kia; và sống với nhiều tư duy về dục.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo không đủ điều kiện để sống biệt lập chúng Tăng.

3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo đủ điều kiện để sống biệt lập với chúng Tăng. Thế nào là năm?

4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tự vừa đủ với y nhận được chỗ này chỗ kia; tự vừa đủ với đồ ăn khất thực nhận được chỗ này, chỗ kia; tự vừa đủ với sàng tọa nhận được chỗ này, chỗ kia; tự vừa đủ với dược phẩm trị bệnh nhận được chỗ này chỗ kia; sống nhiều tư duy về viễn ly.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đủ điều kiện để sống biệt lập với chúng Tăng.

§§ (VIII) (128) CÁC ĐIỀU KHỔ CHO SA-MÔN

1. - Có năm điều khổ này cho Sa-môn. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không tự vừa đủ với y nhận được chỗ này, chỗ kia; không tự vừa đủ với đồ ăn khất thực nhận được chỗ này, chỗ kia; không tự vừa đủ với sàng tọa nhận được chỗ này chỗ kia; không tự vừa đủ với dược phẩm trị bệnh nhận được chỗ này, chỗ kia; sống không vui thích trong Phạm hạnh.

Này các Tỷ-kheo, có năm điều khổ này cho Sa-môn.

3. Có năm an lạc này, này các Tỷ-kheo, cho Sa-môn. Thế nào là năm?

4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tự vừa đủ với y nhận được chỗ này, chỗ kia; tự vừa đủ với đồ ăn khất thực nhận được chỗ này, chỗ kia; tự vừa đủ với sàng tọa nhận được chỗ này, chỗ kia; tự vừa đủ với dược phẩm trị bệnh nhận được chỗ này, chỗ kia; và sống vui thích trong Phạm hạnh.

Này các Tỷ-kheo, có năm an lạc này cho vị Sa-môn.

§§ (IX) (129) NGŨ NGHỊCH

1. - Có năm nghịch tội này, này các Tỷ-kheo, đưa đến đọa xứ, đưa đến địa ngục, không có thể chữa trị. Thế nào là năm?

2. Đoạt mạng mẹ, đoạt mạng cha, đoạt mạng vị A-la-hán, với ác tâm làm Như Lai chảy máu, phá hòa hợp Tăng.

Này các Tỷ-kheo, năm pháp ngũ nghịch này, đưa đến đọa xứ, đưa đến địa ngục, không thể chữa trị.

§§ (X) (130) THÀNH TỰU

1. - Này các Tỷ-kheo, có năm điều tổn thất này. Thế nào là năm?

2. Tổn thất bà con, tổn thất tài sản, tổn thất tật bệnh, tổn thất giới, tổn thất tri kiến. Này các Tỷ-kheo, không do nhân tổn thất bà con, hay không do nhân tổn thất tài sản, hay không do nhân tổn thất bệnh hoạn mà các loài hữu tình sau khi thân hoại mạng chung sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Này các Tỷ-kheo, chính do nhân tổn thất giới, hay tổn thất tri kiến mà các loài hữu tình sau khi thân hoại mạng chung sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Này các Tỷ-kheo, có năm tổn thất này.

3. Này các Tỷ-kheo, có năm thành tựu này. Thế nào là năm?

4. Thành tựu bà con, thành tựu tài sản, thành tựu vô bệnh, thành tựu giới, thành tựu tri kiến. Này các Tỷ-kheo, không do nhân thành tựu bà con, hay không do nhân thành tựu tài sản, hay không do nhân thành tựu vô bệnh, mà các loài hữu tình sau khi thân hoại mạng chung được sanh lên cõi lành, Thiên giới, cõi đời này. Này các Tỷ-kheo, chính do nhân thành tựu giới hay do nhân thành tựu tri kiến, mà các loài hữu tình sau khi thân hoại mạng chung được sanh lên cõi lành, Thiên giới, cõi đời này.

Này các Tỷ-kheo, có năm thành tựu này.

XIV. PHẨM VUA

§§ (I) (131) CHUYỂN LUÂN VƯƠNG (1)

1. - Thành tựu năm chi phần, này các Tỷ-kheo, vua Chuyển Luân chuyển bánh xe với pháp; bánh xe ấy không một bàn tay ai có thể chuyển ngược lại, dầu là con của người thù địch. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vua Chuyển Luân biết nghĩa, biết pháp, biết vừa phải, biết thời và biết hội chúng.

Thành tựu năm chi phần, này các Tỷ-kheo, vua Chuyển Luân chuyển bánh xe với pháp; bánh xe ấy, không một bàn tay ai có thể chuyển ngược lại, dầu là con của người thù địch.

3. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, thành tựu năm pháp, Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác chuyển Pháp luân Vô thượng với pháp; bánh xe ấy, không do một ai ở đời có thể chuyển ngược lại, dầu là Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Ma, Phạm thiên hay bất cứ ai ở đời. Thế nào là năm?

4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác biết nghĩa, biết pháp, biết vừa phải, biết thời và biết hội chúng.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác chuyển Pháp luân Vô thượng với pháp; bánh xe ấy, không một ai có thể chuyển ngược lại, dầu là Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Ma, Phạm thiên hay bất cứ ai ở đời.

§§ (II) (132) CHUYỂN LUÂN VƯƠNG (2)

1. - Thành tựu năm chi phần, này các Tỷ-kheo, con trưởng vua Chuyển Luân tiếp tục chuyển vận bánh xe pháp do phụ vương đã chuyển vận; bánh xe ấy, không một bàn tay ai có thể chuyển ngược lại, dầu là con của người thù địch. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, con trưởng vua Chuyển Luân biết nghĩa, biết pháp, biết vừa phải, biết thời và biết hội chúng.

Thành tựu năm chi phần này, này các Tỷ-kheo, con trưởng vua Chuyển Luân tiếp tục chuyển vận bánh xe pháp do phụ vương đã chuyển vận; bánh xe ấy, không một bàn tay ai có thể chuyển ngược lại, dầu là con của người thù địch.

3. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Sàriputta thành tựu năm pháp chơn chánh tiếp tục chuyển vận Vô thượng pháp luân do Như Lai đã chuyển vận; bánh xe ấy, không do một ai có thể chuyển ngược lại, dầu là Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Ma, Phạm thiên hay bất cứ ai ở đời. Thế nào là năm?

4. Ở đây, này các Tỷ-kheo Sàriputta biết nghĩa lợi, biết pháp, biết vừa đủ, biết thời và biết hội chúng.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Sàriputta chơn chánh tiếp tục chuyển vận Vô thượng pháp luân do Như Lai đã chuyển vận; bánh xe ấy, không do một ai có thể chuyển ngược lại, dầu là Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Ma, Phạm thiên hay bất cứ ai ở đời.

§§ (III) (133) CHUYỂN LUÂN VƯƠNG (3)

1. - Này các Tỷ-kheo, ai là vua Chuyển Luân đúng pháp pháp vương, vị ấy chuyển vận bánh xe không phải không thuộc của vua.

Khi nghe nói vậy, một vị Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:

 - Bạch Thế Tôn, ai là vua cho vua Chuyển Luân đúng pháp pháp vương?

 - Chính là pháp, này Tỷ-kheo.

Thế Tôn nói vậy.

2. - Ở đây, này Tỷ-kheo, vua Chuyển Luân đúng pháp pháp vương, y cứ pháp, tôn kính pháp, kính trọng pháp, tôn trọng pháp, lấy pháp làm tràng phan, lấy pháp làm ngọn cờ, lấy pháp làm tăng thượng. Vị này sắp đặt một sự phòng hộ, bảo vệ, chế ngự đúng pháp cho dân chúng trong nước.

3. Lại nữa, này Tỷ-kheo, vua Chuyển Luân đúng pháp pháp vương, y cứ pháp, tôn kính pháp, kính trọng pháp, tôn trọng pháp, lấy pháp làm tràng phan, lấy pháp làm ngọn cờ, lấy pháp làm tăng thượng. Vị này sắp đặt một sự phòng hộ, bảo vệ, chế ngự đúng pháp cho các Sát-đế-lỵ, tùy hành, cho quân đội, cho các Bà-la-môn Gia chủ, cho dân chúng trị trấn và quốc độ, cho các Sa-môn, Bà-la-môn, cho các loài thú và loài chim.

Như vậy, này Tỷ-kheo, vua Chuyển Luân đúng pháp pháp vương ấy, y cứ pháp, tôn kính pháp, kính trọng pháp, tôn trọng pháp, lấy pháp làm tràng phan, lấy pháp làm ngọn cờ, lấy pháp làm tăng thượng, sau khi sắp đặt một sự phòng hộ, bảo vệ, chế ngự đúng pháp cho dân chúng trong nước. Sau khi sắp đặt một sự phòng hộ, bảo vệ, chế ngự đúng pháp cho các Sát-đế-lỵ, tùy tùng, cho quân đội, cho các Bà-la-môn Gia chủ, cho dân chúng thị trấn và quốc độ, cho các Sa-môn, Bà-la-môn, cho các loài thú và loài chim, vị ấy chuyển vận bánh xe với pháp; bánh xe ấy, không một bàn tay ai có thể chuyển ngược lại, dầu là con của người thù địch. Cũng vậy, này Tỷ-kheo, Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đúng pháp pháp vương, y cứ pháp, tôn kính pháp, kính trọng pháp, tôn trọng pháp, lấy pháp làm tràng phan, lấy pháp làm ngọn cờ, lấy pháp làm tăng thượng, sắp đặt một sự phòng hộ, bảo vệ, chế ngự đúng pháp giữa các hàng Tỷ-kheo: Thân nghiệp như vậy cần phải thực hành, thân nghiệp như vậy không nên thực hành; khẩu nghiệp như vậy cần phải thực hành, khẩu nghiệp như vậy không nên thực hành; ý nghiệp như vậy cần phải thực hành, ý nghiệp như vậy không nên thực hành; mạng sống như vậy cần phải thực hành, mạng sống như vậy không nên thực hành; làng, thị trấn như vậy cần phải đi đến; làng, thị trấn như vậy không nên đi đến.

4. Lại nữa, này Tỷ-kheo, Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, đúng pháp pháp vương, y cứ pháp, tôn kính pháp, kính trọng pháp, tôn trọng pháp, lấy pháp làm tràng phan, lấy pháp làm ngọn cờ, lấy pháp làm tăng thượng, sắp đặt một sự phòng hộ, bảo vệ, chế ngự đúng pháp giữa các Tỷ-kheo, giữa các Tỷ-kheo-ni, giữa các Nam cư sĩ, giữa các Nữ cư sĩ: Thân nghiệp như vậy cần phải thực hành, thân nghiệp như vậy không nên thực hành; khẩu nghiệp như vậy cần phải thực hành, khẩu nghiệp như vậy không nên thực hành; ý nghiệp như vậy cần phải thực hành, ý nghiệp như vậy không nên thực hành; mạng sống như vậy cần phải thực hành, mạng sống như vậy không nên thực hành; làng, thị trấn như vậy cần phải đi đến; làng, thị trấn như vậy không nên đi đến.

Như vậy, này Tỷ-kheo, Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, đúng pháp pháp vương, y cứ pháp, tôn kính pháp, kính trọng pháp, tôn trọng pháp, lấy pháp làm tràng phan, lấy pháp làm ngọn cờ, lấy pháp làm tăng thượng, sau khi sắp đặt một sự phòng hộ, bảo vệ, chế ngự đúng pháp giữa các Tỷ-kheo, sau khi sắp đặt một sự phòng hộ, bảo vệ, chế ngự đúng pháp giữa các Tỷ-kheo ni, sau khi sắp đặt một sự phòng hộ bảo vệ, chế ngự đúng pháp giữa các Nam cư sĩ, sau khi sắp đặt một sự phòng hộ, bảo vệ, chế ngự đúng pháp giữa các Nữ cư sĩ, Như Lai làm cho chuyển vận Vô thượng pháp luân với pháp, bánh xe ấy không một Sa-môn hay Bà-la-môn, Thiên, Ma, hay Phạm thiên, hay bất cứ ai ở đời có thể chuyển ngược lại.

§§ (IV) (134) TẠI MỖI PHƯƠNG HƯỚNG

1. - Thành tựu năm chi phần, này các Tỷ-kheo, vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh sống tại phương hướng nào, vị ấy sống trong lĩnh vực mình chiếm đoạt được. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, thiện sanh cả từ mẫu hệ và phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời tổ phụ, không một vết nhơ nào, một gièm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh; là nhà giàu có, đại phú, sung túc tài sản, ngân khố, kho lúa sung mãn; có uy lực, đầy đủ bốn loại binh chủng trung thành và sẵn sàng tuân lệnh. Vị tư lệnh là bậc Hiền trí, tinh luyện, sáng suốt và có suy tư về những vấn đề quá khứ, vị lai, hiện tại. Và bốn pháp này khiến danh xưng vị ấy được chín muồi. Thành tựu với pháp danh xưng thứ năm này, tại phương hướng nào vị ấy trú ở, vị ấy sống trong lãnh vực mình chiếm đoạt được. Vì sao? Vì như vậy là địa hạt của những người thắng trận. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, thành tựu năm pháp, Tỷ-kheo sống tại phương hướng nào, vị ấy sống với tâm giải thoát. Thế nào là năm?

3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có giới, sống hộ trì với sự hộ trì của giới bổn, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhiệm, chấp nhận và học tập trong các Học pháp. Như vậy giống như vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, đầy đủ về thọ sanh. Vị ấy là bậc nghe nhiều, thọ trì điều được nghe, tích tập điều được nghe, đối với các pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, tán thán Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh, đối với các pháp như vậy được nghe nhiều, được thọ trì, được ghi nhớ nhờ đọc nhiều lần, chuyên ý quán sát, khéo thể nhập nhờ chánh kiến. Giống như vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, giàu có, đại phú, sung túc tài sản, ngân khố, kho lúa sung mãn, sống tinh cần tinh tấn đoạn trừ các pháp bất thiện, thành tựu các thiện pháp, nỗ lực, kiên trì, không từ bỏ gánh nặng đối với các thiện pháp. Giống như vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, đầy đủ uy lực, có trí tuệ, thành tựu với trí tuệ về sanh diệt, với sự thể nhập thuộc bậc Thánh vào con đường đưa đến đoạn tận khổ đau. Giống như vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, đầy đủ với vị tư lệnh. Bốn pháp này khiến sự giải thoát của vị ấy được chín muồi. Thành tựu với pháp giải thoát thứ năm này, vị ấy trú tại phương hướng nào, vị ấy trú với tâm giải thoát. Vì sao? Vì như vậy, này các Tỷ-kheo, đây là (địa hạt) của những tâm giải thoát.

§§ (V) (135) MỤC ĐÍCH (1)

1. - Thành tựu năm chi phần, này các Tỷ-kheo, con trưởng của vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh có hy vọng về quốc độ. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, con trưởng của vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, thiện sanh cả từ mẫu hệ và phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời tổ phụ, không một vết nhơ nào, một gièm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh; đẹp trai, khả ái, làm đẹp lòng mọi người với dung sắc thù thắng như hoa sen, được cha mẹ thương yêu ưa thích, được dân chúng quốc độ thị trấn thương yêu ưa thích; đối với các nghề nghiệp thuộc vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, như nghề voi, ngựa, xe, cung và chuôi gươm, vị ấy hoàn toàn được huấn luyện. Vị ấy suy nghĩ như sau: “Ta được thiện sanh cả từ mẫu hệ và phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời tổ phụ, không một vết nhơ nào, một gièm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh; tại sao ta lại không đặt hy vọng về quốc độ? Ta đẹp trai, khả ái, làm đẹp lòng mọi người với dung sắc thù thắng như hoa sen, tại sao ta lại không đặt hy vọng về quốc độ? Ta được cha mẹ thương yêu ưa thích, tại sao ta lại không đặt hy vọng về quốc độ? Ta được dân chúng thị trấn quốc độ thương yêu ưa thích, tại sao ta lại không đặt hy vọng về quốc độ? Đối với các nghề nghiệp thuộc vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh như nghề voi, ngựa xe, cung và chuôi gươm, ta hoàn toàn được huấn luyện, tại sao ta lại không đặt hy vọng về quốc độ?”

Thành tựu năm chi phần này, này các Tỷ-kheo, con trưởng của vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh đặt hy vọng vào quốc độ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, thành tựu năm pháp, Tỷ-kheo đặt hy vọng vào sự đoạn diệt các lậu hoặc. Thế nào là năm?

3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có lòng tin ở sự giác ngộ của Như Lai: “Đây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn”. Tỷ-kheo ấy ít bệnh, ít não, sự tiêu hóa được điều hòa, không lạnh quá, không nóng quá, trung bình, hợp với tinh tấn. Tỷ-kheo ấy không lừa đảo, dối gạt, nêu rõ tự mình như chân đối với bậc Đạo sư, đối với các vị sáng suốt, hay đối với các vị đồng Phạm hạnh. Tỷ-kheo ấy sống tinh cần tinh tấn, từ bỏ các pháp bất thiện, thành tựu với các thiện pháp. Tỷ-kheo ấy có trí tuệ, thành tựu. Vị ấy suy nghĩ như sau: “Ta có lòng tin ở sự giác ngộ của Như Lai: “Đây là Thế Tôn, bậc A-la-hán,... Phật, Thế Tôn”. Tại sao ta lại không đặt hy vọng vào sự đoạn diệt các lậu hoặc? Ta ít bệnh, ít não, sự tiêu hóa được điều hòa, không lạnh quá, không nóng quá, trung bình, hợp với tinh tấn. Ta không lừa đảo, dối gạt, nêu rõ tự mình như chân đối với bậc Đạo sư, đối với các vị sáng suốt, hay đối với các vị đồng Phạm hạnh, tại sao ta lại không đặt hy vọng vào sự đoạn diệt các lậu hoặc? Ta sống tinh cần tinh tấn, từ bỏ các pháp bất thiện, thành tựu các thiện pháp, nỗ lực, kiên trì, không từ bỏ gánh nặng đối với các thiện pháp, tại sao ta lại không đặt hy vọng vào sự đoạn diệt các lậu hoặc? Ta có trí tuệ, thành tựu trí tuệ hướng đến sanh diệt của các pháp, thành tựu sự thể nhập thuộc bậc Thánh, đưa đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau, tại sao ta lại không đặt hy vọng vào sự đoạn diệt các lậu hoặc?”

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đặt hy vọng vào sự đoạn diệt các lậu hoặc.

§ (VI) (136) MỤC ĐÍCH (2)

1. - Thành tựu năm chi phần, này các Tỷ-kheo, con trưởng của vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh đặt hy vọng về phó vương. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, con trưởng của vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, thiện sanh cả từ mẫu hệ và phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời tổ phụ, không một vết nhơ nào, một gièm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh; đẹp trai, khả ái, làm đẹp lòng mọi người với dung sắc thù thắng như hoa sen; được cha mẹ thương yêu, ưa thích; được quân đội thương yêu, ưa thích; có trí tuệ, thiện xảo, thông minh, có khả năng suy nghĩ những vấn đề quá khứ, tương lai, hiện tại. Vị ấy suy nghĩ như sau: “Ta được thiện sanh cả từ mẫu hệ và phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời tổ phụ, không một vết nhơ nào, một gièm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh; tại sao ta lại không đặt hy vọng vào địa vương phó vương? Ta đẹp trai, khả ái, làm đẹp lòng mọi người với dung sắc thù thắng như hoa sen, tại sao ta lại không đặt hy vọng vào địa vị phó vương? Ta được cha mẹ thương yêu, ưa thích, tại sao ta lại không đặt hy vọng vào địa vị phó vương? Ta được quân đội thương yêu, ưa thích; tại sao ta lại không đặt hy vọng vào địa vị phó vương? Ta là bậc có trí tuệ, thiện xảo, thông minh, có khả năng suy nghĩ những vấn đề quá khứ, tương lai, hiện tại; tại sao ta lại không đặt hy vọng vào địa vị phó vương?”.

Thành tựu năm chi phần này, này các Tỷ-kheo, con trưởng của vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh đặt hy vọng vào địa vị phó vương. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thành tựu năm pháp đặt hy vọng vào sự đoạn diệt các lậu hoặc. Thế nào là năm?

3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có giới, sống hộ trì với sự hộ trì của giới bổn, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhiệm, chấp nhận, và học tập trong các Học pháp; là bậc nghe nhiều, giữ gìn điều được nghe, tích tập điều được nghe, đối với các pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, tán thán Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh, đối với các pháp như vậy, được nghe nhiều, được thọ trì, đã được ghi nhớ nhờ đọc tụng, chuyên ý quán sát, khéo thể nhập nhờ chánh kiến; đối với Bốn niệm xứ, tâm khéo an trú; vị ấy sống tinh cần tinh tấn đoạn trừ các pháp bất thiện, làm cho thành tựu các thiện pháp, nỗ lực, kiên trì, không từ bỏ gánh nặng đối với các thiện pháp; có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh diệt, với sự thể nhập thuộc bậc Thánh vào con đường đưa đến đoạn tận khổ đau. Vị ấy suy nghĩ như sau: “Ta có giới, sống hộ trì với sự hộ trì của giới bổn, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhiệm, ta chấp nhận và học tập các thiện pháp; tại sao ta lại không đặt hy vọng vào sự hoại diệt các lậu hoặc? Ta là người nghe nhiều, gìn giữ điều được nghe, tích tập điều được nghe. Đối với các pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, tán thán Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh, đối với các pháp như vậy, ta được nghe nhiều, được thọ trì, được ghi nhớ nhờ đọc tụng, chuyên ý quán sát, khéo thể nhập nhờ chánh kiến; tại sao ta lại không đặt hy vọng vào sự hoại diệt các lậu hoặc? Ta khéo an trú tâm ta vào Bốn niệm xứ; tại sao ta lại không đặt hy vọng vào sự hoại diệt các lậu hoặc? Ta sống tinh cần tinh tấn, đoạn trừ các pháp bất thiện, làm cho thành tựu các thiện pháp, nỗ lực, kiên trì, không từ bỏ gánh nặng đối với các thiện pháp; tại sao ta lại không đặt hy vọng vào sự hoại diệt các lậu hoặc? Ta là bậc có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh diệt, với sự thể nhập thuộc bậc Thánh vào con đường đưa đến đoạn tận khổ đau; tại sao ta lại không đặt hy vọng vào sự hoại diệt các lậu hoặc?”

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đặt hy vọng vào sự hoại diệt các lậu hoặc.

§ (VII) (137) NGỦ RẤT ÍT

1. - Năm hạng người này, này các Tỷ-kheo, ban đêm ngủ ít, thức nhiều. Thế nào là năm?

2. Người đàn bà, này các Tỷ-kheo, thao thức đến đàn ông, ban đêm ngủ ít thức nhiều. Người đàn ông, này các Tỷ-kheo, thao thức đến đàn bà, ban đêm ngủ ít thức nhiều. Người ăn trộm, này các Tỷ-kheo, thao thức đến đồ ăn trộm, ban đêm ngủ ít thức nhiều. Vị vua, này các Tỷ-kheo, lo lắng các công việc của vua, ban đêm ngủ ít thức nhiều. Vị Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, thao thức đến ly hệ phược, ban đêm ngủ ít thức nhiều.

Năm hạng người này, này các Tỷ-kheo, ban đêm ngủ ít thức nhiều.

§ (VIII) (138) ĂN CÁC ĐỒ THỰC VẬT

1. - Thành tựu năm chi phần, này các Tỷ-kheo, một con voi của vua ăn đồ ăn nhiều, choán chiếm nhiều chỗ, vung vãi đại tiện, nắm giữ thẻ đồ ăn được gọi là con voi của vua. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, con voi của vua không kham nhẫn các sắc, không kham nhẫn các tiếng, không kham nhẫn các hương, không kham nhẫn các vị, không kham nhẫn các xúc.

Thành tựu năm chi phần, này các Tỷ-kheo, một con voi của vua ăn đồ ăn nhiều, choán chiếm nhiều chỗ, vung vãi đại tiện, nắm giữ thẻ đồ ăn được gọi là con voi của vua. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, thành tựu năm pháp, Tỷ-kheo ăn đồ ăn nhiều, choán chiếm nhiều chỗ, làm đổ giường nằm và nắm giữ thẻ đồ ăn, được xem chỉ là một Tỷ-kheo. Thế nào là năm?

3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không kham nhẫn các sắc, không kham nhẫn các tiếng, không kham nhẫn các hương, không kham nhẫn các vị, không kham nhẫn các xúc.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo ăn đồ ăn nhiều, choán chiếm nhiều chỗ, làm đổ giường nằm và nắm giữ phiếu đồ ăn, vị ấy được gọi chỉ là một Tỷ-kheo.

§ (IX) (139) KHÔNG CÓ THỂ KHAM NHẪN

1. - Thành tựu năm chi phần, này các Tỷ-kheo, con voi của vua không xứng đáng cho vua, không là tài sản của vua không được xem là một biểu tượng của vua. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, con voi của vua không kham nhẫn các sắc, không kham nhẫn các tiếng, không kham nhẫn các hương, không kham nhẫn các vị, không kham nhẫn các xúc. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con voi của vua không kham nhẫn các sắc?

3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, con voi của vua, khi đi đến chiến trận, thấy đoàn voi hay thấy đoàn ngựa, hay thấy đoàn xe, hay thấy đoàn bộ binh đã chùn chân, rủn chí, không còn can đảm, không thể tham gia chiến trận. Như vậy, này các Tỷ-kheo, con voi của vua không kham nhẫn đối với các sắc. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con voi của vua không kham nhẫn các tiếng?

4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, con voi của vua, đi đến chiến trận, khi nghe tiếng voi, nghe tiếng ngựa, nghe tiếng xe, nghe tiếng bộ binh, hay nghe tiếng trống lớn, thanh la, tiếng tù và, tiếng trống nhỏ, liền chùn chân, rủn chí, không còn can đảm, không thể tham gia chiến trận. Như vậy, này các Tỷ-kheo, con voi của vua không kham nhẫn các tiếng. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con voi của vua không kham nhẫn các hương?

5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, con voi của vua đi đến chiến trận, khi đó ngửi mùi phân và nước tiểu của các con voi của vua thuộc loại quý chủng đã quen chiến trận, liền chùn chân, rủn chí, không còn can đảm, không thể tham gia chiến trận. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là con voi của vua không kham nhẫn các hương. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con voi của vua không kham nhẫn các vị?

6. Ở đây, này các Tỷ-kheo, con voi của vua khi đi đến chiến trận, chán ngấy một máng cỏ và nước, hay chán ngấy hai, ba, bốn hay năm máng cỏ và nước, liền chùn chân, rủn chí, không còn can đảm, không thể tham gia chiến trận. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là con voi của vua không kham nhẫn các vị. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con voi của vua không kham nhẫn các xúc?

7. Ở đây, này các

 Tỷ-kheo, con voi của vua đi đến chiến trận, khi bị trúng một mũi tên, hay hai, hay ba, hay bốn, hay năm mũi tên, liền chùn chân, rủn chí, không còn can đảm, không thể tham gia chiến trận. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là con voi của vua không kham nhẫn các xúc.

Thành tựu năm chi phần, này các Tỷ-kheo, một con voi của vua không xứng đáng của vua, không là tài sản của vua, không được xem là một biểu tượng của vua. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, một vị Tỷ-kheo thành tựu năm pháp không đáng cung kính, không đáng tôn trọng, không đáng cúng dường, không đáng chắp tay, không còn là phước điền vô thượng ở đời. Thế nào là năm?

8. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không kham nhẫn các sắc, không kham nhẫn các tiếng, không kham nhẫn các hương, không kham nhẫn các vị, không kham nhẫn các xúc. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là vị Tỷ-kheo không kham nhẫn các sắc?

9. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi mắt thấy sắc liền tham đắm các sắc khả ái, tâm không thể định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không kham nhẫn các sắc. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo không kham nhẫn các tiếng?

10. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi tai nghe tiếng liền tham đắm các tiếng khả ái, tâm không thể định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không kham nhẫn các tiếng. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo không kham nhẫn các hương?

11. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi mũi ngửi hương liền tham đắm các hương khả ái, tâm không thể định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo không kham nhẫn các hương. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo không kham nhẫn các vị?

12. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi lưỡi nếm vị liền tham đắm các vị khả ái, tâm không thể định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo không kham nhẫn các vị. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là vị Tỷ-kheo không kham nhẫn các xúc?

13. Ở đây, này Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi thân cảm xúc liền tham đắm các xúc khả ái, tâm không thể định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo không kham nhẫn các xúc.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không đáng được cung kính, không đáng được tôn trọng, không đáng được cúng dường, không đáng được chắp tay, không còn là vô thượng phước điền ở đời.

14. Thành tựu năm chi phần, này các Tỷ-kheo, con voi của vua xứng đáng cho vua dùng, là tài sản của vua, và được xem là một biểu tượng của vua. Thế nào là năm?

15. Ở đây, này các Tỷ-kheo, con voi của vua kham nhẫn các sắc, kham nhẫn các tiếng, kham nhẫn các hương, kham nhẫn các vị, kham nhẫn các xúc. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con voi của vua kham nhẫn các sắc?

16. Ở đây, này các Tỷ-kheo, con voi của vua, đi đến chiến trận, khi thấy đoàn voi hay khi thấy đoàn ngựa, hay khi thấy đoàn xe, hay khi thấy đoàn bộ binh, liền không chùn chân, rủn chí, có đủ can đảm, có thể tham gia chiến trận. Như vậy, này các Tỷ-kheo, con voi của vua kham nhẫn các sắc. Và thế nào, này các Tỷ-kheo, con voi của vua kham nhẫn các tiếng?

17. Ở đây, này các Tỷ-kheo, con voi của vua, đi đến chiến trận, khi nghe tiếng voi, hay khi nghe tiếng ngựa, hay khi nghe tiếng xe, hay khi nghe tiếng bộ binh, hay khi nghe tiếng trống lớn, thanh la, tù và, trống nhỏ, không chùn chân, không rủn chí, có đủ can đảm, có thể tham gia chiến trận. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là con voi của vua kham nhẫn các tiếng. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con voi của vua kham nhẫn các hương?

18. Ở đây, này các Tỷ-kheo, con voi của vua đi đến chiến trận, đối với các con voi của vua thuộc loại quý chủng, quen thuộc chiến trận, khi nó ngửi mùi phân và nước tiểu của những con voi ấy, nó không chùn chân, không rủn chí, có đủ can đảm, có thể tham gia chiến trận. Như vậy, này các Tỷ-kheo, con voi của vua kham nhẫn các hương. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con voi của vua kham nhẫn các vị?

19. Ở đây, này các Tỷ-kheo, con voi của vua đi đến chiến trận, khinh miệt một máng cỏ và nước, hoặc hai, hoặc ba, hoặc bốn hoặc năm máng cỏ và nước, không chùn chân, không rủn chí, có đủ can đảm, có thể tham gia chiến trận. Như vậy, này các Tỷ-kheo, con voi của vua kham nhẫn các vị. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con voi của vua kham nhẫn các xúc?

20. Ở đây, này các Tỷ-kheo, con voi của vua đi đến chiến trận, khi bị một mũi tên bắn trúng, hoặc hai, hoặc ba, hoặc bốn, hoặc năm, không chùn chân, không rủn chí, có đủ can đảm, có thể tham gia chiến trận. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là con voi của vua kham nhẫn các xúc.

Thành tựu năm chi phần này, này các Tỷ-kheo, con voi của vua xứng đáng cho vua, là tài sản của vua, và được gọi là biểu tượng của vua. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, thành tựu năm pháp, vị Tỷ-kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là vô thượng phước điền ở đời. Thế nào là năm?

21. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo kham nhẫn các sắc, kham nhẫn các tiếng, kham nhẫn các hương, kham nhẫn các vị, kham nhẫn các xúc. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo kham nhẫn các sắc?

22. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi mắt thấy sắc, không tham đắm các sắc khả ái, có thể giữ tâm định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo kham nhẫn các sắc. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo kham nhẫn các tiếng?

23. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi tai nghe tiếng, không tham đắm các tiếng khả ái, có thể giữ tâm định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo kham nhẫn các tiếng. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo kham nhẫn các hương?

24. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi mũi ngửi các hương, không tham đắm các hương khả ái, có thể giữ tâm định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo kham nhẫn các hương. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo kham nhẫn các vị?

25. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi lưỡi nếm các vị, không tham đắm các vị khả ái, có thể giữ tâm định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo kham nhẫn các vị. Và thế nào, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo kham nhẫn các xúc?

26. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi thân cảm các xúc, không tham đắm các xúc khả ái, có thể giữ tâm định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo kham nhẫn các xúc.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là vô thượng phước điền ở đời.

§ (X) (140) BIẾT NGHE

1. - Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, con voi của vua xứng đáng cho vua, là tài sản của vua, và được xem là một biểu tượng của vua. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, con voi của vua biết nghe, biết sát hại, biết phòng hộ, biết kham nhẫn, biết đi đến. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con voi của vua biết nghe?

3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, con voi của vua, khi người nài sai làm một công tác hoặc đã làm từ trước, hoặc chưa làm từ trước, nhiệt tâm tác ý, hoàn toàn chú tâm, lóng tai và nghe. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là con voi của vua biết nghe. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con voi của vua biết sát hại?

4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, con voi của vua đi đến chiến trận, giết voi, giết kẻ cưỡi voi, giết ngựa, giết kẻ cưỡi ngựa, phá xe, giết kẻ cưỡi xe, giết các bộ binh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là con voi của vua biết sát hại. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con voi của vua biết phòng hộ?

5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, đi đến chiến trận, con voi của vua phòng hộ phần thân trước, phòng hộ phần thân sau, phòng hộ đầu, phòng hộ tai, phòng hộ ngà, phòng hộ vòi, phòng hộ đuôi, phòng hộ người cưỡi voi. Như vậy, này các Tỷ-kheo, con voi của vua biết phòng hộ. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con voi của vua biết kham nhẫn?

6. Ở đây, này các Tỷ-kheo, con voi của vua khi lâm trận, kham nhẫn bị thương đâm, kham nhẫn bị kiếm đâm, kham nhẫn bị trúng tên, kham nhẫn các thứ tiếng, như tiếng trống lớn, tiếng thanh la, tiếng tù và, tiếng trống nhỏ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, con voi của vua biết kham nhẫn. Này các Tỷ-kheo, thế nào là con voi của vua biết đi đến?

7. Ở đây, này các Tỷ-kheo, con voi của vua, khi người nài (huấn luyện voi) sai đi về hướng nào, hoặc trước kia đã có đi, hay trước kia chưa có đi, liền mau mắn đi về chỗ ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, con voi của vua biết đi đến.

Thành tựu năm chi phần này, này các Tỷ-kheo, con voi của vua xứng đáng là của vua, là tài sản của vua, và được gọi là một biểu tượng của vua. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, thành tựu năm pháp, vị Tỷ-kheo xứng đáng được cung kính, xứng đáng được tôn trọng, xứng đáng được cúng dường, xứng đáng được chắp tay, là vô thượng phước điền ở đời. Thế nào là năm?

8. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo là người biết nghe, biết sát hại, biết phòng hộ, biết kham nhẫn, biết đi đến. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo biết nghe?

9. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi Pháp và Luật do Như Lai thuyết được thuyết giảng, nhiệt tâm, tác ý, hoàn toàn chú tâm lắng tai nghe pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo biết nghe. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo biết sát hại?

10. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các dục tầm đã khởi lên, không có gìn giữ, nhưng từ bỏ, gột sạch, làm cho hoại diệt, làm cho đi đến không hiện hữu; đối với sân tầm đã sanh... đối với các hại tầm đã sanh... đối với các pháp ác, bất thiện đã sanh hay chưa sanh, không có gìn giữ nhưng từ bỏ, gột sạch, làm cho hoại diệt, làm cho đi đến không hiện hữu. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo biết sát hại. Và thế nào, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo biết phòng hộ?

11. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi mắt thấy sắc, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì vì nhãn căn không được bảo vệ, khiến cho tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo tự chế ngự nguyên nhân ấy hộ trì nhãn căn, thực hành sự hộ trì nhãn căn. Khi tai nghe tiếng... khi mũi ngửi hương... khi lưỡi nếm vị... khi thân cảm xúc... khi ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì vì ý căn không được chế ngự, khiến cho tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo biết phòng hộ. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo biết kham nhẫn?

12. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo kham nhẫn lạnh, nóng, đói khát, sự xúc phạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát, những cách nói mạ lỵ, phỉ báng, các cảm thọ về thân, những cảm thọ thống khổ, khốc liệt, nhói đau, chói đau, không sung sướng, không thích thú, chết điếng người. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo kham nhẫn. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là vị Tỷ-kheo biết đi đến?

13. Ở đây, này các Tỷ-kheo, phương hướng nào trước kia chưa từng đi, tại đây mọi hành được chỉ tịnh, mọi sanh y được từ bỏ, ái được đoạn diệt, ly tham, hoại diệt, Niết-bàn, vị ấy đi đến chỗ ấy một cách mau chóng. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là vị Tỷ-kheo biết đi đến.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời.

XV. PHẨM TIKANDAKI

§ (I) (141) CHO LÀ KHINH

1. - Năm hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là năm?

2. Sau khi cho, khinh rẽ; sau khi cùng sống, khinh rẽ; miệng nuốt tất cả; người không vững chắc; người ám độn ngu si. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người sau khi cho, khinh miệt?

3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người cho người khác các đồ nhu yếu như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Vị ấy suy nghĩ: “Ta là người cho, người này là người nhận”. Sau khi cho, vị ấy khinh rẽ (người nhận).

Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người sau khi cho, khinh rẽ. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người, sau khi sống chung, khinh rẽ?

4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người cùng sống với người, hai hay ba năm. Do sống với người ấy, vị ấy khinh rẽ người ấy.

Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người sau khi sống chung, khinh rẽ. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người miệng nuốt tất cả?

5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người khi nghe người ta tán thán hay chỉ trích người khác, liền mau mắn thích thú.

Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người miệng nuốt tất cả. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người không vững chắc?

6. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người có lòng tin nhỏ bé, có lòng tín ngưỡng nhỏ bé, có lòng ái mộ nhỏ bé, có tịnh tín nhỏ bé.

Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người không vững chắc. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người ám độn ngu si?

7. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người không biết các pháp thiện, bất thiện, không biết các pháp tội, không tội, không biết các pháp hạ liệt, thù thắng, không biết các pháp dự phần đen trắng.

Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người ám độn ngu si.

Năm hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời.

§ (II) (142) LÀM SAI LẠC

1. - Có năm hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người làm điều vi phạm và hối hận, không như thật biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy; chính ở đây, các pháp ác bất thiện ấy khởi lên được đoạn diệt, không có dư tàn. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người làm điều vi phạm, nhưng không hối hận, không như thật biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy; chính ở đây, các pháp ác bất thiện ấy khởi lên được đoạn diệt, không có dư tàn. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không làm điều vi phạm, có hối hận, không như thật biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy; chính ở đây, các pháp ác bất thiện ấy khởi lên được đoạn diệt, không có dư tàn. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không làm điều vi phạm, không có hối hận, không như thật biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy; chính ở đây, các pháp ác bất thiện ấy khởi lên được đoạn diệt, không có dư tàn. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không làm điều vi phạm, không có hối hận, và như thật biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy; chính ở đây, các pháp ác bất thiện ấy khởi lên được đoạn diệt, không có dư tàn.

3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, hạng người này làm điều vi phạm và hối hận, không như thật biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy; chính ở đây, các pháp ác bất thiện ấy khởi lên được đoạn diệt không có dư tàn. Hạng người này cần phải được nói như sau: “Các lậu hoặc được sanh do làm điều vi phạm đã có mặt nơi Tôn giả. Các lậu hoặc được sanh do hối hận được tăng trưởng. Lành thay, nếu Tôn giả sau khi đoạn tận các lậu hoặc được sanh do làm điều vi phạm, sau khi loại bỏ các lậu hoặc được sanh do hối hận, hãy tu tập tâm và tuệ! Như vậy, Tôn giả sẽ trở thành đồng đẳng với hạng người thứ năm ấy”.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, hạng người làm điều vi phạm, nhưng không hối hận, và không như thật rõ biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy; chính ở đây các pháp ác bất thiện ấy đã sanh, được đoạn diệt không có dư tàn. Người này cần phải được nói như sau: “Các lậu hoặc được sanh do làm điều vi phạm đã có mặt nơi Tôn giả. Các lậu hoặc được sanh do hối hận không có tăng trưởng. Lành thay, nếu Tôn giả sau khi đoạn tận các lậu hoặc được sanh do làm điều vi phạm, hãy tu tập tâm và tuệ! Như vậy, Tôn giả sẽ trở thành đồng đẳng với hạng người thứ năm ấy”.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, hạng người này không làm điều vi phạm, có hối hận, không như thật biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy; chính ở đây các pháp ác bất thiện ấy đã sanh, được đoạn diệt không có dư tàn. Người này cần phải được nói như sau: “Các lậu hoặc được sanh do làm điều vi phạm không có mặt nơi Tôn giả. Các lậu hoặc được sanh do hối hận có tăng trưởng. Lành thay, nếu Tôn giả sau khi loại bỏ các lậu hoặc được sanh do hối hận, hãy tu tập tâm giải thoát, tuệ giải thoát! Như vậy, Tôn giả sẽ trở thành đồng đẳng với hạng người thứ năm ấy”.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, hạng người này không làm điều vi phạm, không hối hận, không như thật biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy; chính ở đây các pháp ác bất thiện ấy đã sanh được đoạn diệt không có dư tàn. Người này cần phải được nói như sau: “Các lậu hoặc được sanh do làm điều vi phạm không có mặt nơi Tôn giả. Các lậu hoặc được sanh do hối hận không có tăng trưởng. Lành thay, Tôn giả hãy tu tập tâm và tuệ! Như vậy, Tôn giả sẽ trở thành đồng đẳng với hạng người thứ năm ấy”.

Như vậy, này các Tỷ-kheo, bốn hạng người này, với hạng người thứ năm được giáo giới như vậy, được khuyên dạy như vậy, dần dần đạt đến sự đoạn diệt các lậu hoặc.

§ (III) (143) TẠI ĐỀN SÀRANDADA

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàlì, tại Đại Lâm, chỗ giảng đường có nóc nhọn. Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Vesàlì để khất thực.

Lúc bấy giờ, khoảng 500 người Licchavì đang ngồi tụ họp tại đền Sàrandada, và câu chuyện sau đây được khởi lên:

2. “Sự hiện hữu của năm châu báu khó tìm được ở đời. Thế nào là năm?

Sự hiện hữu của voi báu khó tìm được ở đời; Sự hiện hữu của ngựa báu khó tìm được ở đời; Sự hiện hữu của ngọc báu khó tìm được ở đời; Sự hiện hữu của nữ báu khó tìm được ở đời; Sự hiện hữu của cư sĩ báu khó tìm được ở đời.

Sự hiện hữu của năm châu báu này khó tìm được ở đời.

3. Rồi các người Licchavì ấy đặt một người ở trên đường và nói:

 - Này Bạn, khi nào Bạn thấy Thế Tôn đi đến, hãy báo cho chúng tôi biết.

Người ấy thấy Thế Tôn từ xa đi đến, thấy vậy, liền đi đến các người Licchavì và nói:

 - Thưa Quý vị, Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy đã đến. Nay Quý vị hãy làm những gì Quý vị nghĩ là hợp thời!

Rồi các người Licchavì ấy đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Đứng một bên, các người Licchavì ấy bạch Thế Tôn:

 - Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn đi đến đền Sàrandada vì lòng thương tưởng chúng con!

Thế Tôn im lặng nhận lời. Rồi Thế Tôn đi đến đền Sàrandada, sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với các người Licchavì ấy:

 - Này các Licchavì, hôm nay các Ông ngồi tụ họp, nói đến vấn đề gì? Và vấn đền gì giữa các Ông đã bị gián đoạn?

 - Ở đây, bạch Thế Tôn, chúng con đang ngồi tụ họp, vấn đề này được khởi lên: “Sự hiện hữu của năm châu báu khó tìm được ở đời. Thế nào là năm? Sự hiện hữu của voi báu khó tìm được ở đời; Sự hiện hữu của ngựa báu khó tìm được ở đời; Sự hiện hữu của ngọc báu khó tìm được ở đời; Sự hiện hữu của nữ báu khó tìm được ở đời; Sự hiện hữu của cư sĩ báu khó tìm được ở đời. Sự hiện hữu của năm châu báu này khó tìm được ở đời!”

4. - Đối với các Ông, người Licchavì đang thiên nặng về dục, cuộc nói chuyện y cứ trên đục được khởi lên. Này các Licchavì, sự hiện hữu của năm châu báu này khó tìm được ở đời. Và thế nào là năm?

Sự hiện hữu của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác khó tìm được ở đời. Hạng người có thể thuyết giảng Pháp và Luật do Như Lai tuyên bố khó tìm được ở đời. Người hiểu được lời thuyết giảng về Pháp là Luật do Như Lai tuyên bố khó tìm được ở đời. Người đem thực hành các pháp và tùy pháp được hiểu từ lời thuyết giảng về Pháp và Luật do Như Lai tuyên bố khó tìm được ở đời. Người biết ơn, và nhớ ơn khó tìm được ở đời.

Sự hiện hữu của năm châu báu này, này các Licchavì, khó tìm được ở đời.

§ (IV) (144) TẠI RỪNG TIKANDAKI

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàketa, tại rừng Tikandaki. Rồi Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

 - Này các Tỷ-kheo!

 - Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

2. - Lành thay, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo thỉnh thoảng sống với tưởng ghê tởm đối với các vật không ghê tởm! Lành thay, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo thỉnh thoảng sống với tưởng không ghê tởm đối với vật ghê tởm! Lành thay, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo thỉnh thoảng sống với tưởng ghê tởm đối với các vật không ghê tởm và ghê tởm! Lành thay, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo thỉnh thoảng sống với tưởng không ghê tởm! Lành thay, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo sau khi từ bỏ cả hai vật không ghê tởm và ghê tởm, trú xả, chánh niệm tỉnh giác! Và này các Tỷ-kheo, do duyên lợi ích gì, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có thể trú với tưởng ghê tởm đối với vật không ghê tởm?

3. “Mong rằng, đối với các pháp khả ái, tham chớ có khởi lên nơi ta”. Do duyên lợi ích này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nên sống với tưởng ghê tởm đối với vật không ghê tởm. Và này các Tỷ-kheo, do duyên lợi ích thế nào. Tỷ-kheo nên sống với tưởng không ghê tởm đối với vật ghê tởm?

4. “Mong rằng đối với các pháp đáng sân hận, lòng sân chớ có khởi lên nơi ta”. Do duyên lợi ích này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nên sống với tưởng không ghê tởm đối với vật ghê tởm. Và này các Tỷ-kheo, do duyên lợi ích thế nào. Tỷ-kheo nên sống với tưởng ghê tởm đối với vật ghê tởm và không ghê tởm?

5. “Mong rằng đối với các pháp khả ái, lòng tham chớ có khởi lên nơi ta. Mong rằng đối với các pháp đáng sân hận, lòng sân chớ có khởi lên nơi ta”. Do duyên lợi ích này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nên sống với tưởng ghê tởm đối với vật không ghê tởm và ghê tởm. Và này các Tỷ-kheo, do duyên lợi ích thế nào. Tỷ-kheo nên sống với tưởng không ghê tởm đối với vật ghê tởm và không ghê tởm?

6. “Mong rằng đối với các pháp đáng được sân hận, lòng sân chớ khởi lên nơi ta”. Do duyên lợi ích này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nên sống với tưởng không ghê tởm đối với vật ghê tởm và không ghê tởm. Và này các Tỷ-kheo, do duyên lợi ích thế nào, Tỷ-kheo sau khi từ bỏ cả hai vật không ghê tởm và ghê tởm, trú xả, chánh niệm tỉnh giác?

7. “Mong rằng dầu là vật gì, tại chỗ nào và như thế nào, đối với các pháp khả ái, lòng tham chớ có khởi lên nơi ta! Mong rằng dầu là vật gì, tại chỗ nào là như thế nào, đối với các pháp đáng được sân hận, lòng sân chớ có khởi lên nơi ta! Mong rằng dầu là vật gì, tại chỗ nào, đối với các pháp có thể làm cho si mê, lòng si không khởi lên nơi ta!” do duyên lợi ích này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sau khi từ bỏ cả hai vật không ghê tởm và ghê tởm, trú xả, chánh niệm tỉnh giác?

§ (V) (145) CON ĐƯỜNG ĐẾN ĐỊA NGỤC

1. - Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng bị quăng vào địa ngục. Thế nào là năm?

2. Sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, đắm say trong rượu men, rượu nấy.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng bị quăng vào địa ngục.

3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng được sanh lên Thiên giới. Thế nào là năm?

4. Từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng được sanh lên Thiên giới.

§ (VI) (146) NGƯỜI BẠN

1. - Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không đáng được làm bạn. Thế nào là năm?

2. Bảo làm việc đồng áng; ưa thích kiện tụng; chống đối các Tỷ-kheo lãnh đạo; sống đời sống không có mục đích, kéo dài đời sống như vậy; không có khả năng thỉnh thoảng trình bày, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ với một bài thuyết pháp.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không đáng được làm bạn.

3. - Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đáng được làm một người bạn. Thế nào là năm?

4. Không bảo làm việc đồng áng; không ưa thích kiện tụng; không chống đối các Tỷ-kheo lãnh đạo; không sống đời sống không có mục đích, không kéo dài đời sống như vậy; có khả năng thỉnh thoảng trình bày, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ với một bài thuyết pháp.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đáng được làm bạn.

§ (VII) (147) BỐ THÍ KHÔNG XỨNG BẬC CHÂN NHÂN

1. - Có năm loại bố thí này, này các Tỷ-kheo, không xứng bậc Chân nhân. Thế nào là năm?

2. Bố thí không cung kính, bố thí không suy nghĩ, bố thí không tự tay mình, bố thí đồ quăng bỏ, bố thí không nghĩ đến tương lai.

Các pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm loại bố thí không xứng bậc Chân nhân.

3. Năm loại bố thí này, này các Tỷ-kheo, là loại bố thí xứng bậc Chân nhân. Thế nào là năm?

4. Bố thí có cung kính, bố thí có suy nghĩ, bố thí tự tay mình, bố thí đồ không quăng bỏ, bố thí có nghĩ đến tương lai.

Các pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm loại bố thí xứng bậc Chân nhân.

§ (VIII) (148) BỐ THÍ XỨNG BẬC CHÂN NHÂN

1. - Này các Tỷ-kheo, có năm loại bố thí này xứng bậc Chân nhân. Thế nào là năm?

2. Bố thí có lòng tin, bố thí có kính trọng, bố thí đúng thời, bố thí với tâm không gượng ép, bố thí không làm thương tổn mình và người.

Này các Tỷ-kheo, sau khi bố thí với lòng tin chỗ nào, chỗ nào, quả dị thục của sự bố thí ấy đem lại kết quả: Người ấy được giàu sang, đại phú, tài sản sung mãn, đẹp trai, dễ ngó, có thành tín và thành tựu dung sắc thù thắng như hoa sen.

Và này các Tỷ-kheo, sau khi bố thí có cung kính, chỗ nào, chỗ nào, quả dị thục của sự bố thí ấy đem lại kết quả: Người ấy được giàu sang, đại phú, tài sản sung mãn; và các con trai, các bà vợ, các người nô tỳ, các người đưa tin, các người làm công, những người ấy đều sẵn sàng vâng theo người ấy, họ lóng tai và phục vụ với tâm hiểu biết.

Và này các Tỷ-kheo, sau khi bố thí đúng thời, chỗ nào, chỗ nào, quả dị thục của sự bố thí ấy đem lại kết quả: Người ấy được giàu sang, đại phú, tài sản sung mãn; và các vật dụng đến với người ấy đúng thời và sung túc.

Và này các Tỷ-kheo, sau khi bố thí với tâm không gượng ép, chỗ nào, chỗ nào, quả dị thục của sự bố thí ấy đem lại kết quả: Người ấy được giàu sang, đại phú, tài sản sung mãn, và hướng tâm thụ hưởng đầy đủ năm dục công đức.

Và này các Tỷ-kheo, sau khi bố thí không làm thương tổn mình và người, chỗ nào, chỗ nào, quả dị thục của sự bố thí ấy đem lại kết quả: Người ấy được giàu sang, đại phú, tài sản sung mãn; và không một tai nạn nào từ đâu đến, đến với tài sản của người ấy, hoặc từ lửa, từ nước, từ vua, từ ăn trộm, từ các người thù địch hay từ các người thừa tự.

Này các Tỷ-kheo, có năm loại bố thí xứng bậc Chân nhân này.

§ (IX) (149) THỜI GIẢI THOÁT (1)

1. - Có năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến sự thối đọa cho Tỷ-kheo đã chứng được thời giải thoát. Thế nào là năm?

2. Ưa thích làm việc § (Về thân), ưa thích nói chuyện, ưa thích ngủ, ưa thích hội chúng, không quan sát tâm như đã được giải thoát.

Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến sự thối đọa cho Tỷ-kheo đã chứng thời giải thoát.

3. Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, không đưa đến sự thối đọa cho vị Tỷ-kheo đã chứng được thời giải thoát. Thế nào là năm?

4. Không ưa thích làm việc § (Về thân), không ưa thích nói chuyện, không ưa thích ngủ, không ưa thích hội chúng, có quan sát tâm như đã được giải thoát.

Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, không đưa đến sự thối đọa cho Tỷ-kheo đã chứng thời giải thoát.

§ (X) (150) THỜI GIẢI THOÁT (2)

1. - Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến sự thối đọa cho Tỷ-kheo đã chứng thời giải thoát. Thế nào là năm?

2. Ưa thích làm việc § (Về thân), ưa thích nói chuyện, ưa thích ngủ, không chế ngự các căn, không biết tiết độ trong ăn uống.

Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến sự thối đọa cho Tỷ-kheo đã chứng được thời giải thoát.

3. - Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, không đưa đến sự thối đọa cho Tỷ-kheo đã chứng thời giải thoát. Thế nào là năm?

4. Không ưa thích làm việc § (Về thân), không ưa thích nói chuyện, không ưa thích ngủ, chế ngự các căn, biết tiết độ trong ăn uống.

Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, không đưa đến sự thối đọa cho Tỷ-kheo đã chứng được thời giải thoát.

XVI. PHẨM DIỆU PHÁP

§ (I) (151) QUYẾT ĐỊNH TÁNH VỀ DIỆU PHÁP (1)

1. Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, một người nghe diệu pháp không có thể nhập vào quyết định tánh, chánh tánh trong các thiện pháp. Thế nào là năm?

2. Khinh lời thuyết giảng, khinh người thuyết giảng, khinh tự mình, nghe pháp với tâm tán loạn, không nhứt tâm và không như lý tác ý.

Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, người nghe diệu pháp không có thể nhập vào quyết định tánh, chánh tánh trong các thiện pháp.

3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một người nghe diệu pháp có thể nhập vào quyết định tánh, chánh tánh trong các thiện pháp. Thế nào là năm?

4. Không khinh lời thuyết giảng, không khinh người thuyết giảng, không khinh tự mình, nghe pháp với tâm tán loạn, nhứt tâm và như lý tác ý.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, người nghe diệu pháp có thể nhập vào quyết định tánh, chánh tánh trong các thiện pháp.

§ (II) (152) QUYẾT ĐỊNH TÁNH VỀ DIỆU PHÁP (2)

1. Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, một người nghe diệu pháp không có thể nhập vào quyết định tánh, chánh tánh trong các thiện pháp. Thế nào là năm?

2. Khinh lời thuyết giảng, khinh người thuyết giảng, khinh tự mình, ác tuệ; đần độn, câm điếc, không tác ý hiểu biết đối với những vấn đề không hiểu biết.

3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một người nghe diệu pháp có thể nhập vào quyết định tánh, chánh tánh trong các thiện pháp. Thế nào là năm?

4. Không khinh lời thuyết giảng, không khinh người thuyết giảng, không khinh tự mình, có trí tuệ; không đần độn, không câm điếc, tác ý hiểu biết đối với những vấn đề không hiểu biết.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, người nghe diệu pháp có thể nhập vào quyết định tánh, chánh tánh trong các thiện pháp.

§ (II) (153) QUYẾT ĐỊNH TÁNH VỀ DIỆU PHÁP (3)

1. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một người nghe diệu pháp không có thể nhập vào quyết định tánh, chánh tánh trong các thiện pháp. Thế nào là năm?

2. Nghe pháp với tâm chê bai, với tâm bị chê bai ám ảnh; nghe pháp với tâm cật nạn, tìm tòi khuyết điểm; trong khi pháp giảng, tâm bị choáng váng, bị chai sạn; ác tuệ; đần độn, câm điếc, không tác ý hiểu biết đối với những vấn đề không hiểu biết.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một người nghe diệu pháp không có thể nhập vào quyết định tánh, chánh tánh trong các thiện pháp.

3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một người nghe diệu pháp có thể nhập vào quyết định tánh, chánh tánh trong các thiện pháp. Thế nào là năm?

4. Nghe pháp với tâm không chê bai, không bị chê bai ám ảnh; nghe pháp với tâm không cật nạn, không tìm tòi khuyết điểm; trong khi pháp giảng, tâm không bị choáng váng, không bị chai sạn; có trí tuệ; không đần độn, không câm điếc, tác ý hiểu biết đối với những vấn đề không hiểu biết.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, người nghe diệu pháp có thể nhập vào quyết định tánh, chánh tánh trong các thiện pháp.

§ (IV) (154) DIỆU PHÁP HỖN LOẠN (1)

1. - Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn, biến mất. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo không cẩn trọng nghe pháp; không cẩn trọng học thuộc lòng pháp; không cẩn trọng thọ trì pháp; không cẩn trọng quan sát ý nghĩa các pháp được thọ trì; không cẩn trọng thực hành pháp và tùy pháp sau khi hiểu ý nghĩa và hiểu pháp.

Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn, biến mất.

3. - Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất. Thế nào là năm?

4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo cẩn trọng nghe pháp; cẩn trọng học thuộc lòng pháp; cẩn trọng thọ trì pháp; cẩn trọng quan sát ý nghĩa các pháp được thọ trì; cẩn trọng thực hành pháp và tùy pháp sau khi hiểu ý nghĩa và hiểu pháp.

Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất.

§ (V) (155) DIỆU PHÁP HỖN LOẠN (2)

1. - Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn, biến mất. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo không học thuộc lòng Khế kinh, Ứng tụng, Ký thuyết, Phúng tụng, Không hỏi tự nói, Như thị thuyết, Bổn sanh, Vị tằng hữu pháp, Trí giải hay Phương quảng. Đây là pháp thứ nhất, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn và biến mất.

3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo không thuyết pháp một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Đây là pháp thứ hai, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn và biến mất.

4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo không để cho các người khác nói pháp một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Đây là pháp thứ ba, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn và biến mất.

5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo không có đọc tụng pháp một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Đây là pháp thứ tư, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn và biến mất.

6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo với tâm không tùy tầm, không tùy tứ, với ý không tùy quán pháp như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Đây là pháp thứ năm, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn và biến mất.

Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn, biến mất.

7. Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, không đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất. Thế nào là năm?

8. Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo học thuộc lòng Khế kinh, Ứng tụng, Ký thuyết, Phúng tụng, Không hỏi tự nói, Như thị thuyết, Bổn sanh, Vị tằng hữu pháp, Trí giải hay Phương quảng. Đây là pháp thứ nhất, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất.

9. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo thuyết pháp một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Đây là pháp thứ hai, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn và không biến mất.

10. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo để cho các người khác nói pháp một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Đây là pháp thứ ba, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp được an trú, không hỗn loạn và không biến mất.

11. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo được đọc tụng pháp một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Đây là pháp thứ tư, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn và không biến mất.

6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo với tùy tầm, tùy tứ, với ý tùy quán pháp như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Đây là pháp thứ năm, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất.

Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất.

§ (VI) (156) DIỆU PHÁP HỖN LOẠN (3)

1. - Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn, biến mất. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo học thuộc lòng kinh điển bị nắm giữ sai lạc, với những văn cú đặt sai lầm. Này các Tỷ-kheo, với văn cú sai lầm, ý nghĩa bị hướng dẫn sai lạc. Đây là pháp thứ nhất, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn và biến mất.

3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo là những người khó nói, đầy đủ những tánh khiến họ trở thành khó nó, khó kham nhẫn, không cung kính đón nhận khi được giảng dạy. Đây là pháp thứ hai, này các Tỷ-kheo, khiến diệu pháp hỗn loạn và biết mất.

4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, đối với các Tỷ-kheo nghe nhiều Thánh giáo được trao truyền, là bậc trì Pháp, trì Luật, trì Toát yếu. Các vị ấy không cẩn trọng để cho các người khác nói pháp. Do duyên này của họ, Khế kinh như bị đứt gốc, không còn là chỗ nương tựa. Đây là pháp thứ ba, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn và biến mất.

5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo Trưởng lão là những vị sống đầy đủ, biếng nhác, dẫn đầu trong thối đọa, từ bỏ gánh nặng viễn ly, không có hăng hái tinh tấn để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Và quần chúng về sau sẽ đi theo tri kiến của họ. Họ cũng sẽ trở thành những người sống đầy đủ, biếng nhác, dẫn đầu trong thối đọa, từ bỏ gánh nặng viễn ly, sẽ không hăng hái tinh tấn để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Đây là pháp thứ tư, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn và biến mất.

6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, chúng Tăng bị chia rẽ. Khi chúng Tăng bị chia rẽ, này các Tỷ-kheo, có sự mắng nhiếc lẫn nhau, có sự đấu khẩu lẫn nhau, có sự tẩn xuất lẫn nhau. Ai không có tịnh tín không tìm được tịnh tín, và những ai có tịnh tín có thể đổi khác. Đây là pháp thứ năm, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn và biến mất.

Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn, biến mất.

7. Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất. Thế nào là năm?

8. Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo học thuộc lòng kinh điển bị nắm giữ tốt đẹp, với những văn cú được phối trí chơn chánh và ý nghĩa được hướng dẫn chơn chánh. Đây là pháp thứ nhất, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biết mất.

9. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo là những người dễ nói, dễ kham nhẫn, cung kính đón nhận khi được giảng dạy. Đây là pháp thứ hai, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất.

10. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, đối với các Tỷ-kheo nghe nhiều Thánh giáo được trao truyền, là bậc trì Pháp, trì Luật, trì Toát yếu. Các vị ấy cẩn trọng để cho các người khác nói pháp. Do duyên này của họ, kinh điển không bị đứt gốc, là chỗ nương tựa. Đây là pháp thứ ba, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất.

11. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo Trưởng lão không sống đầy đủ, không biếng nhác, từ bỏ gánh nặng đọa lạc, dẫn đầu trong đời sống viễn ly, hăng hái tinh tấn để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Và quần chúng về sau sẽ đi theo tri kiến của họ. Họ cũng sẽ trở thành những người không sống đầy đủ, không biếng nhác, dẫn đầu trong đời sống viễn ly, từ bỏ gánh nặng đọa lạc, hăng hái tinh tấn để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Đây là pháp thứ tư, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất.

12. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, chúng Tăng hòa hợp, hoan hỷ, không tranh luận, cùng một giáo lý, sống an ổn. Khi chúng Tăng hòa hợp, này các Tỷ-kheo, không có sự mắng nhiếc lẫn nhau, không có sự đấu khẩu lẫn nhau, không có sự thanh trừng lẫn nhau không có sự tẩn xuất lẫn nhau. Ai không có tịnh tín tìm được tịnh tín, và những ai có tịnh tín không có đổi khác. Đây là pháp thứ năm, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất.

Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất.

§ (VII) (157) ÁC THUYẾT

1. - Lời nói của năm hạng người, này các Tỷ-kheo, là ác thuyết, khi có sự đối chứng giữa người và người. Thế nào là năm?

2. Nói về tín với người không tin, này các Tỷ-kheo, là ác thuyết; nói về giới với người ác giới là ác thuyết; nói về nghe nhiều với người nghe ít là ác thuyết; nói về bố thí với người xan tham là ác thuyết; nói về trí tuệ với người ác tuệ là ác thuyết. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là nói về tín với người không tin là ác thuyết?

3. Người không tin, này các Tỷ-kheo, khi được nói về lòng tin liền tức tối, phẫn nộ, hiềm khích, mất bình tĩnh, biểu lộ phẫn nộ, sân hận, phiền muộn. Vì sao? Vì rằng vị ấy không thấy tự mình có đầy đủ lòng tin, do nhân duyên ấy, không có hỷ và hân hoan. Do vậy, nói về tín với người không có lòng tin là ác thuyết. Và này các Tỷ-kheo, tại sao nói về giới với người ác giới là ác thuyết?

4. Người ác giới, này các Tỷ-kheo, khi được nói về giới liền tức tối, phẫn nộ... Vì sao? Vì rằng vị ấy không thấy tự mình có đầy đủ giới, do nhân duyên ấy, không có hỷ và hân hoan. Do vậy, nói về giới với người ác giới là ác thuyết. Và này các Tỷ-kheo, tại sao nói về nghe nhiều với người nghe ít là ác thuyết?

5. Người nghe ít, này các Tỷ-kheo, khi được nói đến nghe nhiều liền tức tối, phẫn nộ... Vì sao? Vì rằng vị ấy không thấy tự mình có đầy đủ nghe nhiều, do nhân duyên ấy, không có hỷ và hân hoan. Do vậy, nói về nghe nhiều với người nghe ít là ác thuyết. Và này các Tỷ-kheo, tại sao nói về bố thí với người xan tham là ác thuyết?

6. Người xan tham, này các Tỷ-kheo, khi được nói về bố thí liền tức tối, phẫn nộ... Vì sao? Vì rằng vị ấy không thấy tự mình có đầy đủ bố thí, do nhân duyên ấy, không có hỷ và hân hoan. Do vậy, nói về bố thí với người xan tham là ác thuyết. Và này các Tỷ-kheo, tại sao nói về tuệ với người ác tuệ là ác thuyết?

7. Người ác tuệ, này các Tỷ-kheo, khi được nói đến trí tuệ liền tức tối, phẫn nộ... Vì sao? Vì rằng vị ấy không thấy tự mình có đầy đủ trí tuệ, do nhân duyên ấy, không có hỷ và hân hoan. Do vậy, nói về trí tuệ với người ác tuệ là ác thuyết.

Lời nói của năm hạng người này là ác thuyết, khi có sự đối chứng giữa người và người.

8. Lời nói của năm hạng người này là thiện thuyết, khi có sự đối chứng giữa người và người. Thế nào là năm?

9. Thuyết về tín cho người có lòng tin, này các Tỷ-kheo, là thiện thuyết; thuyết về giới cho người giữ giới là thiện thuyết; thuyết về nghe nhiều cho người nghe nhiều là thiện thuyết; thuyết về bố thí cho người bố thí là thiện thuyết; thuyết về trí tuệ cho người trí tuệ là thiện thuyết. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thuyết về lòng tin cho người có lòng tin là thiện thuyết?

10. Người có lòng tin, này các Tỷ-kheo, khi được nói đến lòng tin thì không tức tối, không phẫn nộ, không hiềm khích, không mất bình tĩnh, không biểu lộ phẫn nộ, sân hận, phiền muộn. Vì sao? Vì rằng vị ấy thấy tự mình có đầy đủ lòng tin, do nhân duyên ấy, có hỷ và hân hoan. Do vậy, nói về tín với người có lòng tin là thiện thuyết. Và này các Tỷ-kheo, tại sao nói về giới cho người giữ giới là thiện thuyết?

11. Người giữ giới, này các Tỷ-kheo, khi được nói đến về giới thì không tức tối, không phẫn nộ, không hiềm khích, không mất bình tĩnh, không biểu lộ phẫn nộ, không sân hận, không phiền muộn. Vì sao? Vì rằng vị ấy thấy tự mình có đầy đủ giới, do nhân duyên ấy, có hỷ và hân hoan. Do vậy, nói về giới với người có giữ giới là thiện thuyết. Và này các Tỷ-kheo, tại sao nói về nghe nhiều cho người nghe nhiều là thiện thuyết?

12. Người nghe nhiều, này các Tỷ-kheo, khi được nói đến nghe nhiều thì không tức tối, không phẫn nộ, không hiềm khích... không phiền muộn. Vì sao? Vì rằng vị ấy thấy tự mình có nghe nhiều, do nhân duyên ấy, có hỷ và hân hoan. Do vậy, nói về nghe nhiều với người có nghe nhiều là thiện thuyết. Và này các Tỷ-kheo, tại sao nói về bố thí cho người bố thí là thiện thuyết?

13. Người bố thí, này các Tỷ-kheo, khi được nói đến bố thí thì không tức tối, không phẫn nộ, không hiềm khích... không phiền muộn. Vì sao? Vì rằng vị ấy thấy tự mình có bố thí, do nhân duyên ấy, có hỷ và hân hoan. Do vậy, nói về bố thí với người có bố thí là thiện thuyết. Và này các Tỷ-kheo, tại sao nói về trí tuệ cho người có trí tuệ là thiện thuyết?

14. Người trí tuệ, này các Tỷ-kheo, khi được nói đến trí tuệ thì không tức tối... không phiền muộn. Vì sao? Vì rằng vị ấy thấy tự mình có trí tuệ, do nhân duyên ấy, có hỷ và hân hoan. Do vậy, nói về trí tuệ với người có trí tuệ là thiện thuyết.

Lời thuyết của năm hạng người này, này các Tỷ-kheo, là thiện thuyết khi có sự đối chứng giữa người và người.

§§ (VIII) (158) SỢ HÃI

1. - Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo rơi vào trong sợ hãi. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có lòng tin, giữ ác giới, nghe ít, biếng nhác và ác tuệ.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo rơi vào trong sợ hãi.

3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có sợ hãi. Thế nào là năm?

4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có lòng tin, có giới, có nghe nhiều, tinh cần tinh tấn, có trí tuệ.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có sợ hãi.

§§ (IX) (159) TÔN GIẢ UDÀYI

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Kosambì, tại khu vườn Ghosita. Lúc bấy giờ, Tôn giả Udàyi có hội chúng cư sĩ đông đảo đoanh vây đang ngồi thuyết pháp. Tôn giả Ànanda thấy Tôn giả Udàyi có hội chúng đông đảo đoanh vây đang ngồi thuyết pháp, sau khi thấy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ànanda bạch Thế Tôn:

 - Bạch Thế Tôn, Tôn giả Udàyi có hội chúng cư sĩ đông đảo đoanh vây đang ngồi thuyết pháp.

 - Này Ànanda, thật không dễ gì để thuyết pháp cho các người khác. Để thuyết pháp cho các người khác, này Ànanda, sau khi nội tâm an trú được năm pháp, mới nên thuyết pháp cho các người khác. Thế nào là năm?

2. “Ta sẽ thuyết pháp tuần tự”, thuyết pháp cho người khác cần phải suy nghĩ như vậy. “Ta sẽ thuyết với mắt nhìn vào pháp môn”, thuyết pháp cho người khác cần phải suy nghĩ như vậy. “Ta sẽ thuyết vì lòng từ mẫn”, thuyết pháp cho người khác cần phải suy nghĩ như vậy. “Ta sẽ thuyết pháp, không phải vì tài vật”, thuyết pháp cho người khác cần phải suy nghĩ như vậy. “Ta sẽ thuyết pháp, không làm thương tổn cho mình và cho người”. Thuyết pháp cho người khác cần phải suy nghĩ như vậy.

 - Này Ànanda, thật không dễ gì để thuyết pháp cho các người khác. Để thuyết pháp cho các người khác, này Ànanda, sau khi nội tâm an trú được năm pháp, mới nên thuyết pháp cho các người khác.

§§ (X) (160) KHÓ TRỪ KHỬ

1. - Năm pháp này khởi lên, này các Tỷ-kheo, thật khó trừ khử. Thế nào là năm?

2. Tham khởi lên, thật khó trừ khử; sân khởi lên, thật khó trừ khử; si khởi lên, thật khó trừ khử; ham nói khởi lên, thật khó trừ khử; tâm lang thang thật khó trừ khử.

Năm pháp này đã khởi lên, này các Tỷ-kheo, thật khó trừ khử.

XVII. PHẨM HIỀM HẬN

§§ (I) (161) TRỪ KHỬ HIỀM HẬN (1)

1. - Có năm trừ khử hiềm hận này, này các Tỷ-kheo, ở đây, vị Tỷ-kheo có hiềm hận khởi lên cần phải được trừ khử một cách hoàn toàn. Thế nào là năm?

2. Trong người nào, này các Tỷ-kheo, hiềm hận được sanh, trong người ấy, từ cần phải tu tập. Như vậy trong người ấy, hiềm hận cần phải trừ khử.

3. Trong người nào, hiềm hận được sanh, trong người ấy, bi cần phải tu tập. Như vậy trong người ấy, hiềm hận cần phải trừ khử.

4. Trong người nào, hiềm hận được sanh, trong người ấy, xả cần phải tu tập. Như vậy trong người ấy hiềm hận cần phải trừ khử.

5. Trong người nào, này các Tỷ-kheo, hiềm hận được sanh, trong người ấy, vô niệm, vô tác ý cần được thực hiện. Như vậy trong người ấy hiềm hận cần phải trừ khử.

6. Trong người nào, này các Tỷ-kheo, hiềm hận được sanh, trong người ấy, sự kiện nghiệp do mình tạo cần phải an lập là: “Tôn giả là chủ của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, là khởi nguyên của nghiệp, là bà con của nghiệp, là chỗ nương tựa của nghiệp. Phàm nghiệp thiện hay ác được làm Tôn giả sẽ là người thừa tự nghiệp ấy”. Như vậy, trong người ấy, hiềm hận cần phải được trừ khử.

Này các Tỷ-kheo, có năm trừ khử hiềm hận này, ở đây, hiềm hận khởi lên cho Tỷ-kheo cần phải trừ khử một cách hoàn toàn.

§§ (II) (162) TRỪ KHỬ HIỀM HẬN (2)

1. Ở đây, Tôn giả Sàriputta gọi các Tỷ-kheo:

 - Này các Hiền giả Tỷ-kheo.

 - Thưa Hiền giả.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sàriputta. Tôn giả Sàriputta nói như sau:

2. - Này các Hiền giả, có năm trừ khử hiềm hận này, ở đây, hiềm hận khởi lên cho Tỷ-kheo cần phải được trừ khử một cách hoàn toàn. Thế nào là năm?

3. Ở đây, này các Hiền giả, có người thân hành không thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, trong người như vậy, này các Hiền giả, hiềm hận cần phải trừ khử.

4. Ở đây, này các Hiền giả, có người khẩu hành không thanh tịnh, thân hành thanh tịnh, trong người như vậy, này các Hiền giả, hiềm hận cần phải trừ khử.

5. Ở đây, này các Hiền giả, có người thân hành không thanh tịnh, khẩu hành không thanh tịnh, nhưng thỉnh thoảng tâm được mở rộng, tâm được tịnh tín, trong người như vậy, này các Hiền giả, hiềm hận cần phải trừ khử.

6. Ở đây, này các Hiền giả, có người thân hành không thanh tịnh, khẩu hành không thanh tịnh, và thỉnh thoảng không được tâm rộng mở, không được tâm tịnh tín, trong người như vậy, này các Hiền giả, hiềm hận cần phải trừ khử.

7. Ở đây, này các Hiền giả, có người thân hành thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, và thỉnh thoảng tâm được rộng mở, tâm được tịnh tín, trong người như vậy, này các Hiền giả, hiềm hận cần phải được trừ khử.

8. Ở đây, này các Hiền giả, người này thân hành không thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh. Như thế nào, trong người ấy hiềm hận cần được trừ khử?

9. Ví như, này các Hiền giả, Tỷ-kheo mặc áo lượm từ đống rác, thấy một tấm vải (liệng ở đống rác) trên con đường xe đi, liền lấy chân trái chận lại, lấy chân mặt kéo tấm vải cho rộng ra, đoạn nào là đoạn chánh, làm cho có thể sử dụng được rồi cầm lấy mang đi. Cũng vậy, này các Hiền giả, người này, với thân hành không thanh tịnh, với khẩu hành thanh tịnh; những cái gì thuộc về thân hành không thanh tịnh; lúc bấy giờ vị ấy không nên tác ý; còn những gì thuộc khẩu hành thanh tịnh, lúc bấy giờ vị ấy nên tác ý. Như vậy, trong người ấy hiềm hận cần phải trừ khử.

10. Ở đây, này các Hiền giả, người này với khẩu hành không thanh tịnh, với thân hành thanh tịnh. Như thế nào, trong người ấy hiềm hận cần phải trừ khử?

11. Ví như, này các Hiền giả, một hồ nước đầy bùn và cây lau. Rồi một người đi đến bị nóng nhiệt não, bị nóng bức bách, mệt mỏi, thèm uống nước, khát nước. Người ấy ngụp lặn trong hồ nước ấy, lấy hai tay gạt ra ngoài bùn và lá cây, lấy bàn tay bụm nước lại, uống rồi ra đi. Cũng vậy, này các Hiền giả, người này, với khẩu hành không thanh tịnh, với thân hành thanh tịnh; những cái gì thuộc khẩu hành không thanh tịnh, lúc bấy giờ, vị ấy không nên tác ý; còn những gì thuộc thân hành thanh tịnh, lúc bấy giờ, vị ấy nên tác ý. Như vậy trong người ấy hiềm hận cần phải trừ khử.

12. Ở đây, này các Hiền giả, người này với thân hành không thanh tịnh, với khẩu hành không thanh tịnh, thỉnh thoảng tâm được rộng mở, tâm được tịnh tín. Như thế nào, trong người ấy hiềm hận cần phải trừ khử?

13. - Ví như, này các Hiền giả, ít nước trong dấu chân của con bò. Rồi một người đến, bị nóng nhiệt não, bị nóng bức bách, mệt mỏi, thèm uống nước, khát nước. Người ấy suy nghĩ như sau: “Một ít nước này trong dấu chân con bò, nếu ta uống với núm tay hay với cái chén, ta sẽ làm nước ấy dao động và di động, khiến nước không thể uống được. Vậy ta hãy gieo mình xuống với cả bốn thân phần uống nước rồi ra đi”. Rồi người ấy gieo mình xuống với cả bốn thân phần, uống nước rồi ra đi. Cũng vậy, này các Hiền giả, người này với thân hành không thanh tịnh, với khẩu hành không thanh tịnh, với tâm thỉnh thoảng được rộng mở và tịnh tín; những cái gì thuộc thân hành không thanh tịnh, lúc bấy giờ vị ấy không nên tác ý; những cái gì thuộc khẩu hành không thanh tịnh, lúc bấy giờ vị ấy không nên tác ý; những cái gì thuộc tâm thỉnh thoảng được rộng mở và sáng suốt, lúc bấy giờ vị ấy nên tác ý. Như vậy trong người ấy hiền hận cần phải trừ khử.

14. Ở đây, này các Hiền giả, người này với thân hành không thanh tịnh, với khẩu hành không thanh tịnh, và thỉnh thoảng tâm không được rộng mở và tịnh tín. Như thế nào, trong người ấy hiềm hận cần được trừ khử?

15. - Ví như, này các Hiền giả, có người đau bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh, đang đi giữa đường, có làng xa trước mặt, có làng xa sau lưng, nó không có được các đồ ăn thích đáng, nó không có được các dược phẩm trị bệnh thích đáng, không có được sự giúp đỡ thích đáng, không có người hướng dẫn đưa đến tận cuối làng.

Một người khác cũng đang đi trên đường thấy người ấy. Người này đối với người ấy khởi lên lòng từ, khởi lên lòng thương tưởng, khởi lên lòng từ mẫn: “Ôi, mong rằng người này được các đồ ăn thích đáng, được các dược phẩm trị bệnh thích đáng, được các sự giúp đỡ thích đáng, được người hướng dẫn đi đến cuối làng”. Vì sao? Vì mong rằng người này ở đây không bị suy tổn, tử vong. Cũng vậy, này các Hiền giả, người này, với thân hành không thanh tịnh, với khẩu hành không thanh tịnh, lại thỉnh thoảng tâm không được rộng mở và tịnh tín, người như vậy cần phải khởi lên lòng từ, cần phải khởi lên lòng thương tưởng, cần phải khởi lên lòng từ mẫn: “Ôi, mong rằng Tôn giả này, sau khi đoạn tận thân ác hành cần phải tu tập thân thiện hành, sau khi đoạn tận khẩu ác hành cần phải tu tập khẩu thiện hành, sau khi đoạn tận ý ác hành cần phải tu tập ý thiện hành”. Vì sao? Vì mong rằng Tôn giả ấy sau thân hoại mạng chung, không sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Như vậy trong người ấy hiềm hận cần phải trừ khử.

16. Ở đây, này các Hiền giả, người này với thân hành thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, lại thỉnh thoảng tâm được rộng mở và tịnh tín. Như thế nào, trong người ấy hiềm hận cần phải trừ khử?

17. Ví như, này các Hiền giả, một hồ sen có nước trong, có nước ngọt, có nước mát, có nước trong sáng, có bờ hồ khéo sắp đặt đẹp đẽ và được nhiều loại cây che bóng. Rồi một người đi đến bị nóng nhiệt não, bị nóng bức bách, mệt mỏi, thèm uống nước, khát nước. Người ấy sau khi lặn xuống trong hồ sen ấy, sau khi tắm rửa, uống nước, nó ra khỏi hồ, liền qua ngồi hay nằm dưới bóng cây. Cũng vậy, này các Hiền giả, người này với thân hành thanh tịnh, với khẩu hành thanh tịnh, lại thỉnh thoảng tâm được cởi mở tịnh tín. Những gì thuộc thân hành thanh tịnh, lúc bấy giờ cần phải tác ý; những gì thuộc khẩu hành thanh tịnh, lúc bấy giờ cần phải tác ý và điều gì thỉnh thoảng tâm được rộng mở và tịnh tín, lúc bấy giờ cần phải được tác ý. Như vậy trong người ấy hiềm hận cần phải trừ khử.

Này các Hiền giả, có năm trừ khử hiềm hận này, ở đây Tỷ-kheo có hiềm hận khởi lên cần phải trừ khử một cách hoàn toàn.

§§ (III) (163) CUỘC NÓI CHUYỆN

1. Tại đấy, Tôn giả Sàriputta gọi các Tỷ-kheo:

 - Này các Hiền giả Tỷ-kheo.

 - Thưa Hiền giả.

Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sàriputta. Tôn giả Sàriputta nói như sau:

2. .... (Giống như kinh §65 ở trước)

§ (IV) (164) MỘT VÍ DỤ

(Tôn giả Sàriputta nói lại kinh §66 ở trước).

§ (V) (165) NHỮNG CÂU HỎI

1. Tại đấy, Tôn giả Sàriputta gọi các Tỷ-kheo... (như trên)...

2. Này các Hiền giả, ai hỏi một người khác câu hỏi gì, tất cả đều nằm trong năm trường hợp này, hay một trong năm trường hợp này. Thế nào là năm?

3. Do đần độn ngu si, hỏi người khác câu hỏi; do ác dục, tham dục, hỏi người khác câu hỏi; khinh thường, hỏi người khác câu hỏi; với tâm muốn hiểu biết, hỏi người khác câu hỏi; với tâm phân vân, hỏi người khác câu hỏi, nghĩ rằng nếu do ta hỏi, vị ấy trả lời đúng đắn, thời như vậy tốt đẹp, nhưng nếu do ta hỏi, vị ấy trả lời không chân chánh, thời ta sẽ trả lời chân chánh cho vị ấy.

Này các Hiền giả, ai hỏi một người khác câu hỏi gì đều nằm trong năm trường hợp này, hay một trong năm trường hợp này. Này các Hiền giả, ta với tâm như vậy hỏi người khác câu hỏi. Nếu do ta hỏi, người ấy trả lời một cách chân chánh, thời như vậy thật tốt đẹp.

Nếu ta hỏi và vị ấy trả lời không chơn chánh, thời ta sẽ trả lời chơn chánh.

§§ (VI) (166) DIỆT THỌ TƯỞNG ĐỊNH

1. Tại đấy, Tôn giả Sàriputta bảo các Tỷ-kheo:... (như trên)...

2. Ở đây, này các Hiền giả, Tỷ-kheo đầy đủ giới, đầy đủ định, đầy đủ tuệ có thể nhập vào một cách hoàn toàn và xuất khỏi Diệt thọ tưởng định; sự kiện này có xảy ra. Nếu ngay trong hiện tại, vị ấy không đạt được chánh trí, thời vị ấy chắc chắn vượt khỏi cọng trú với chư Thiên, ăn các món ăn đoàn thực, được sanh với thân do ý làm ra, § (Với điều kiện) vị ấy có thể nhập vào và xuất khỏi Diệt thọ tưởng định; sự kiện này có xảy ra.

Khi được nói vậy, Tôn giả Udàyi nói với Tôn giả Sàriputta:

 - Không có sự kiện này, thưa Hiền giả Sàriputta, không có trường hợp này: “Rằng vị Tỷ-kheo chắc chắn vượt khỏi cọng trú với chư Thiên, ăn các món ăn đoàn thực, được sanh với thân do ý làm ra, vị ấy có thể nhập vào và xuất khỏi Diệt thọ tưởng định”; sự kiện này không xảy ra.

Lần thứ hai... Lần thứ ba, Tôn giả Sàriputta bảo các Tỷ-kheo:

 - Ở đây, này các Hiền giả, Tỷ-kheo đầy đủ giới, đầy đủ định, đầy đủ tuệ có thể nhập vào và xuất khỏi Diệt thọ tưởng định; sự kiện này có xảy ra. Nếu ngay trong hiện tại, vị ấy không đạt được chánh trí, thời vị ấy chắc chắn vượt khỏi cọng trú với chư Thiên, ăn các món ăn đoàn thực, được sanh với thân do ý làm ra, § (Với điều kiện) vị ấy có thể nhập vào và xuất khỏi Diệt thọ tưởng định; sự kiện này có xảy ra.

Lần thứ ba, Tôn giả Udàyi nói với Tôn giả Sàriputta:

 - Không có sự kiện này, thưa Hiền giả Sàriputta: “Không có trường hợp này, rằng Tỷ-kheo chắc chắn vượt khỏi cọng trú với chư Thiên, ăn các món ăn đoàn thực và được sanh với thân do ý làm ra, § (Với điều kiện) vị ấy có thể nhập vào và xuất khỏi Diệt thọ tưởng định”; sự kiện này không xảy ra.

3. Rồi Tôn giả Sàriputta suy nghĩ như sau: “Cho đến lần thứ ba, Tôn giả Udàyi phản kháng ta và không một Tỷ-kheo nào tùy hỷ ta, vậy ta hãy đi đến Thế Tôn”. Rồi Tôn giả Sàriputta đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Sàriputta bảo các Tỷ-kheo:

 - Ở đây, này chư Hiền, Tỷ-kheo đầy đủ giới, đầy đủ định, đầy đủ tuệ... § (Với điều kiện) vị ấy có thể nhập vào và xuất khỏi Diệt thọ tưởng định; sự kiện này có xảy ra...

Lần thứ ba, Tôn giả Udàyi nói với Tôn giả Sàriputta:

 - Không có sự kiện này, thưa Hiền giả Sàriputta, không có trường hợp này, rằng: “Tỷ-kheo chắc chắn vượt khỏi cọng trú với chư Thiên, ăn các món ăn đoàn thực và được sanh với thân do ý làm ra, § (Với điều kiện) vị ấy có thể nhập vào và xuất khỏi Diệt thọ tưởng định”; sự kiện này không xảy ra.

4. Rồi Tôn giả Sàriputta suy nghĩ như sau: “Trước mặt Thế Tôn, Tôn giả Udàyi cho đến ba lần phản kháng ta và không một Tỷ-kheo nào tùy hỷ ta. Vậy ta hãy im lặng”. Rồi Tôn giả Sàriputta giữ im lặng. Rồi Thế Tôn bảo Tôn giả Udàyi:

 - Này Udàyi, Thầy đi đến kết luận ai có thân do ý làm ra?

 - Bạch Thế Tôn, có chư Thiên vô sắc, do tưởng làm ra.

 - Này Udàyi, Thầy nghĩ thế nào mà nói lên câu nói của kẻ ngu, không thông minh sáng suốt?

5. Rồi Thế Tôn bảo Tôn giả Ànanda:

 - Này Ànanda, các Thầy có thể nhìn một cách thản nhiên khi một Tỷ-kheo Trưởng lão bị làm phiền não như vậy. Này Ànanda, lòng từ bi không có thể khởi lên khi một Tỷ-kheo Trưởng lão bị làm phiền não! (mà các Thầy không có phản ứng).

Rồi Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:

 - Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ giới, đầy đủ định, đầy đủ tuệ có thể nhập vào và xuất khỏi Diệt thọ tưởng định; sự kiện này có xảy ra. Nếu ngay trong hiện tại, không thể đạt được chánh trí, vị ấy chắc chắn vượt khỏi cọng trú với chư Thiên, ăn các món ăn đoàn thực, được sanh với thân do ý làm ra, § (Với điều kiện) vị ấy có thể nhập vào và xuất khỏi Diệt thọ tưởng định; sự kiện này có xảy ra.

Thế Tôn nói như vậy. Sau khi nói như vậy, bậc Thiện Thệ từ chỗ ngồi đứng dậy, đi vào Tinh xá.

6. Rồi Tôn giả Ànanda, sau khi Thế Tôn đi không bao lâu, đi đến Tôn giả Upavàna, sau khi đến, nói với Tôn giả Upavàna:

 - Ở đây, này Hiền giả Upavàna, một số người làm phiền não Tỷ-kheo Trưởng lão và chúng ta không ai đặt câu hỏi. Do vậy, thật không có gì kỳ lạ, thưa Hiền giả, rằng Thế Tôn, vào buổi chiều, sau khi từ chỗ Thiền tịnh đứng dậy, nêu lên vấn đề này và sự việc như thế nào, kể lại cho Tôn giả Upavàna nghe tất cả. Nay chúng ta cảm thấy sợ hãi.

7. Rồi Thế Tôn, vào buổi chiều, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến ngôi giảng đường, sau khi đến liền ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với Tôn giả Upanàva:

 - Này Upavàna, thành tựu bao nhiêu pháp, Tỷ-kheo Trưởng lão được các đồng Phạm hạnh ái mộ, thích ý, tôn trọng và noi gương tu tập?

 - Bạch Thế Tôn, thành tựu năm pháp, Tỷ-kheo Trưởng lão được các đồng Phạm hạnh ái mộ, thích ý, tôn trọng và được noi gương tu tập. Thế nào là năm?

8. Ở đây, bạch Thế Tôn, vị Tỷ-kheo Trưởng lão giữ giới, sống được bảo vệ với sự bảo vệ của giới bổn... § (Xem trước §87 số IX Phẩm Trưởng lão) và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

Thành tựu năm pháp này, bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo Trưởng lão đối với các đồng Phạm hạnh được ái mộ, ưa thích, tôn trọng và được noi gương tu tập.

9. - Lành thay, lành thay, này Upavàna! Thành tựu năm pháp này, Tỷ-kheo Trưởng lão đối với các đồng Phạm hạnh ái mộ, ưa thích, tôn trọng và noi gương tu tập. Nếu Tỷ-kheo Trưởng lão không có được năm pháp này, thời có phải các đồng Phạm hạnh cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường vị ấy vì răng rụng, tóc bạc và da nhăn. Do vậy, này Upavàna, do năm pháp này có hiện hữu trong Tỷ-kheo Trưởng lão, cho nên các đồng Phạm hạnh cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường vị ấy.

§§ (VII) (167) BUỘC TỘI

1. Tại đấy, Tôn giả Sàriputta bảo các Tỷ-kheo:

 - Này các Hiền giả, khi Tỷ-kheo buộc tội muốn buộc tội người khác, hãy an trú nội tâm năm pháp rồi hãy buộc tội. Thế nào là năm?

2. “Tôi sẽ nói đúng thời, không phải phi thời”; “Tôi sẽ nói chơn thật, không phải phi chơn”; “Tôi sẽ nói nhu hòa, không phải thô bạo”; “Tôi sẽ nói liên hệ đến lợi ích, không phải lời không liên hệ đến lợi ích”; “Tôi sẽ nói với từ tâm, không phải sân tâm”.

Này các Hiền giả, khi vị Tỷ-kheo buộc tội muốn buộc tội người khác, hãy an trú nội tâm với năm pháp này, rồi hãy buộc tội người khác.

3. Ở đây, này các Hiền giả, tôi thấy có người bị buộc tội phi thời, nhưng phản ứng không đúng thời; có người bị buộc tội phi chơn và có phản ứng không chơn thực; bị buộc tội thô bạo, và có phản ứng không nhu hòa; bị buộc tội không liên hệ đến lợi ích và có phản ứng không liên hệ đến lợi ích; bị buộc tội với sân tâm và có phản ứng không có từ tâm.

4. Tỷ-kheo buộc tội phi pháp, có năm lý do không cần sắp đặt sám hối; “Tôn giả bị buộc tội phi thời, không đúng thời, như vậy vừa đủ để Tôn giả không sám hối”; “Tôn giả bị buộc tội phi chơn, không phải chơn thực, như vậy vừa đủ để Tôn giả không sám hối”; “Tôn giả bị buộc tội thô bạo, không có nhu hòa, như vậy vừa đủ để Tôn giả không sám hối”; “Tôn giả bị buộc tội không liên hệ đến lợi ích, không phải liên hệ đến lợi ích, như vậy vừa đủ để Tôn giả không sám hối”; “Tôn giả bị buộc tội với sân tâm, không với từ tâm, như vậy vừa đủ để Tôn giả không sám hối”.

Tỷ-kheo bị buộc tội một cách phi pháp, có năm lý do này không cần phải sắp đặt sám hối.

5. Tỷ-kheo buộc tội phi pháp, có năm lý do, cần phải sắp đặt sám hối; “Hiền giả đã buộc tội phi thời, không phải đúng thời, như vậy vừa đủ để Hiền giả sám hối”; “Hiền giả đã buộc tội phi chơn, không phải chơn thực, như vậy vừa đủ để Hiền giả sám hối”; “Hiền giả đã buộc tội một cách thô bạo, không có nhu hòa, như vậy vừa đủ để Hiền giả sám hối”; “Hiền giả đã buộc tội liên hệ đến phi lợi ích, không phải liên hệ đến lợi ích, như vậy vừa đủ để Hiền giả sám hối”; “Hiền giả đã buộc tội với sân tâm, không với từ tâm, như vậy vừa đủ để Hiền giả sám hối”.

Tỷ-kheo buộc tội phi pháp, này các Hiền giả, do năm lý do này, cần phải sắp đặt sám hối. Vì sao? Vì rằng nhờ vậy không một Tỷ-kheo nào khác nghĩ rằng có thể buộc tội phi chơn.

6. Ở đây, này các Hiền giả, tôi thấy có người bị buộc tội đúng thời, không phản ứng phi thời; bị buộc tội chơn thực, không phản ứng phi chơn; bị buộc tội nhu hòa, không phản ứng thô bạo; bị buộc tội liên hệ đến lợi ích, không phản ứng không liên hệ đến lợi ích; bị buộc tội với từ tâm, không phản ứng với sân tâm.

7. Tỷ-kheo, này các Hiền giả, bị buộc tội đúng pháp có năm lý do cần phải sắp đặt sám hối: “Tôn giả bị buộc tội đúng thời, không phải phi thời, như vậy vừa đủ để Tôn giả sám hối”; “Tôn giả bị buộc tội chơn thực, không phải phi chơn, như vậy vừa đủ để Tôn giả sám hối”; “Tôn giả bị buộc tội nhu hòa không thô bạo, như vậy vừa đủ để Tôn giả sám hối”; “Tôn giả bị buộc tội liên hệ đến lợi ích, không phải không liên hệ đến lợi ích, như vậy vừa đủ để Tôn giả sám hối”; “Tôn giả bị buộc tội với từ tâm, không với sân tâm, như vậy vừa đủ để Tôn giả sám hối”.

Tỷ-kheo bị buộc tội đúng pháp có năm lý do này, cần phải sắp đặt sám hối.

8. Tỷ-kheo, này các Hiền giả, buộc tội đúng pháp có năm lý do để không phải sắp đặt sám hối: “Hiền giả buộc tội đúng thời, không phải phi thời, như vậy vừa đủ để Hiền giả không sám hối”; “Hiền giả buộc tội chơn thực, không phải phi chơn, như vậy vừa đủ để Hiền giả không sám hối”; “Hiền giả buộc tội nhu hòa, không phải thô bạo, như vậy vừa đủ để Hiền giả không sám hối”; “Hiền giả buộc tội liên hệ đến lợi ích, không phải không liên hệ đến lợi ích, như vậy vừa đủ để Hiền giả không sám hối”; “Hiền giả buộc tội với từ tâm, không với sân tâm, như vậy vừa đủ để Hiền giả không sám hối”.

Này các Hiền giả, Tỷ-kheo buộc tội đúng pháp, do năm lý do này không cần phải sắp đặt sám hối. Vì sao? Vì nhờ vậy, các Tỷ-kheo khác nghĩ rằng buộc tội cần phải đúng pháp.

9. Người bị buộc tội, thưa các Hiền giả, cần phải an trú trong hai pháp: chơn thực và bất động. Này các Hiền giả, nếu các người khác buộc tội tôi, đúng thời hay phi thời, chơn thực hay phi chơn, nhu hòa hay thô bạo, liên hệ đến lợi ích hay không liên hệ đến lợi ích, với từ tâm hay với sân tâm, thì cần phải an trú trong hai pháp: Chơn thực và bất động. Nếu tôi biết: “Pháp này có trong tôi”, nếu tôi nghĩ là “có”, tôi sẽ nói: “Pháp này có trong tôi”. Nếu tôi biết: “Pháp này không có trong tôi”, nếu tôi nghĩ là “không có”, tôi sẽ nói: “Pháp này không có trong tôi”.

10. Thế Tôn nói:

 - Như vậy này Sàriputta, khi Thầy nói như vậy, ở đây có một số người ngu nào không có khả năng nắm được vấn đề?

11. - Bạch Thế Tôn, những người nào không có lòng tin, với mục đích mưu sống, không vì lòng tin xuất gia từ bỏ gia đình; sống không gia đình; những người xảo trá, lường gạt, hư ngụy, mất thăng bằng, cao mạn, dao động, lắm lời, nói phô tạp nhạp, không hộ trì các căn, ăn uống không tiết độ, không chú tâm cảnh giác, thờ ơ với Sa-môn hạnh, không tôn kính học tập, sống quá đầy đủ, uể oải, đi đầu trong thối thất, từ bỏ gánh nặng, viễn ly, biếng nhác, tinh cần thấp kém, thất niệm, không tỉnh giác, không định tâm, tâm tán loạn, liệt tuệ, câm ngọng; khi con nói như vậy, họ không có khả năng nắm được vấn đề. Nhưng các Thiện nam tử, bạch Thế Tôn, vì lòng tin xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, không xảo trá, lường gạt, không hư ngụy, không mất thăng bằng, không cao mạn, không dao động, không lắm lời, không nói phô tạp nhạp, hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, chú tâm cảnh giác, không thờ ơ với Sa-môn hạnh, tôn kính học tập, không sống quá đầy đủ, không uể oải, từ bỏ gánh nặng đọa lạc, đi đầu trong đời sống viễn ly, tinh cần tinh tấn, siêng năng, an trú chánh niệm tỉnh giác, định tĩnh, nhất tâm, có trí tuệ, không câm ngọng. Khi con nói như vậy, các vị này có khả năng nắm giữ vấn đề.

12. - Này Sàriputta, các Thầy không vì lòng tin xuất gia từ bỏ gia đình sống không gia đình... liệt tuệ, câm ngọng, hãy để họ một bên. Nhưng này Sàriputta, những Thiện nam tử, vì lòng tin xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình... không câm ngọng, hãy nói chuyện với họ. Hãy giáo giới các vị đồng Phạm hạnh, hãy giảng dạy, này Sàriputta, các vị đồng Phạm hạnh nghĩ rằng: “Sau khi giúp ra khỏi phi diệu pháp, tôi an trú các vị đồng Phạm hạnh trong diệu pháp”.

Này Sàriputta, hãy như vậy học tập.

§ (VIII) (168) GIỚI

(Ngài Sàriputta nói lại kinh số §24 Tăng Chi III)

§ (IX) (169) ĐƯA ĐẾN BIẾT

1. Rồi Tôn giả Ànanda đi đến Tôn giả Sàriputta; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Sàriputta những lời chào đón hỏi thăm. Sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ànanda thưa với Tôn giả Sàriputta:

2. - Cho đến như thế nào, thưa Hiền giả Sàriputta, Tỷ-kheo mau chóng đi đến hiểu biết đối với thiện pháp, sự nắm giữ của vị ấy là khéo nắm giữ, nắm giữ nhiều và không quên điều đã nắm giữ.

 - Tôn giả Ànanda là vị nghe nhiều, mong Tôn giả Ànanda hãy nói lên.

 - Vậy thưa Hiền giả Sàriputta, hãy khéo tác ý, tôi sẽ nói.

 - Thưa vâng, Hiền giả.

Tôn giả Sàriputta vâng đáp Tôn giả Ànanda. Tôn giả Ànanda nói như sau:

3. - Ở đây, thưa Hiền giả Sàriputta, có Tỷ-kheo thiện xảo về ý nghĩa, thiện xảo về pháp, thiện xảo về văn cú, thiện xảo về địa phương ngữ, thiện xảo về liên hệ trước sau. Cho đến như vậy, thưa Hiền giả Sàriputta, Tỷ-kheo mau chóng đi đến hiểu biết đối với các thiện pháp, sự nắm giữ của vị ấy là khéo nắm giữ, nắm giữ nhiều, và không quên điều đã nắm giữ.

 - Thật là vi diệu, thưa Hiền giả! Thật là hy hữu, thưa Hiền giả! Khó nói thay, điều này được Tôn giả Ànanda nói lên. Chúng tôi tin rằng Tôn giả Ànanda thành tựu năm pháp này. Tôn giả Ànanda thiện xảo về nghĩa, thiện xảo về pháp, thiện xảo về văn cú, thiện xảo về địa phương ngữ, thiện xảo về liên hệ trước sau.

§§ (X) (170) BHADDAJI

1. Một thời, Tôn giả Ànanda trú ở Kosambì, tại khu vườn Ghosita. Rồi Tôn giả Bhaddaji đi đến Tôn giả Ànanda, sau khi đến, nói lên với Tôn giả Ànanda những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Tôn giả Ànanda nói với Tôn giả Bhaddaji đang ngồi một bên:

2. - Thưa Hiền giả Bhaddaji, cái gì là tối thượng trong những điều được thấy? Cái gì là tối thượng trong những điều được nghe? Cái gì là tối thượng trong các lạc? Cái gì là tối thượng trong những điều được tưởng? Cái gì là tối thượng trong các hữu?

 - Thưa Hiền giả, có Phạm thiên, là bậc tối thắng (Tự thắng), là bậc vô địch, bậc biến nhãn, tự tại đối với tất cả loại hữu tình. Thấy Phạm thiên là tối thượng trong những điều được thấy. Thưa Hiền giả, có chư Thiên Quang Âm tràn đầy và biến mãn an lạc. Khi nào và chỗ nào họ thốt lên lời cảm hứng ngữ: “Ôi sung sướng thay! Ôi sung sướng thay!” Ai nghe tiếng ấy, đó là sự nghe tối thượng. Thưa Hiền giả, có chư Thiên Biến Tịnh, họ sống thoải mái trong tịch tịnh, họ cảm giác lạc thọ. Đây là lạc tối thượng. Thưa Hiền giả, có chư Thiên đạt được Vô sở hữu xứ. Đây là tưởng vô thượng. Thưa Hiền giả, có chư Thiên đạt được Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Đây là hữu tối thượng.

3. - Lời nói này của Tôn giả Bhaddaji, đây là lời của quần chúng.

 - Tôn giả Ànanda là vị nghe nhiều. Tôn giả Ànanda hãy nói lên.

 - Vậy này Hiền giả Bhaddaji, hãy nghe và khéo tác ý, tôi sẽ nói.

 - Thưa vâng, Hiền giả.

Tôn giả Bhaddaji vâng đáp Tôn giả Ànanda. Tôn giả Ànanda nói như sau:

 - Khi người ta nhìn, này Hiền giả, không có gián đoạn, các lậu hoặc được đoạn trừ, như vậy là sự thấy tối thượng. Khi người ta nghe không có gián đoạn, các lậu hoặc được đoạn trừ, như vậy là sự nghe tối thượng. Khi người ta cảm giác lạc thọ không có gián đoạn, các lậu hoặc được đoạn trừ, như vậy là an lạc tối thượng. Khi người ta cảm tưởng không có gián đoạn, các lậu hoặc được đoạn trừ, như vậy là tưởng tối thượng. Khi người ta hiện hữu không có gián đoạn, các lậu hoặc được đoạn trừ, như vậy là hữu tối thượng.

XVIII. PHẨM NAM CƯ SĨ

§§ (I) (171) SỢ HÃI

1. Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

 - Này các Tỷ-kheo.

 - Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

2. - Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Nam cư sĩ rơi vào sợ hãi. Thế nào là năm?

Sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, đắm say rượu men, rượu nấu.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Nam cư sĩ rơi vào sợ hãi.

3. - Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, Nam cư sĩ không có sợ hãi. Thế nào là năm?

Từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Nam cư sĩ không có sợ hãi.

§§ (II) (172) KHÔNG SỢ HÃI

1. - Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, Nam cư sĩ sống trong gia đình có sự sợ hãi. Thế nào là năm?

Sát sanh... đắm say rượu men, rượu nấu.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Nam cư sĩ sống ở gia đình có sợ hãi.

2. - Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, Nam cư sĩ sống ở gia đình không có sợ hãi. Thế nào là năm?

Từ bỏ sát sanh... từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Nam cư sĩ sống ở gia đình không có sợ hãi.

§§ (III) (173) ĐỊA NGỤC

1. - Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, Nam cư sĩ như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục. Thế nào là năm?

Sát sanh... đắm say rượu men, rượu nấu.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Nam cư sĩ như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục.

2. - Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, Nam cư sĩ như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời. Thế nào là năm?

Từ bỏ sát sanh... từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Nam cư sĩ như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời.

§§ (IV) (174) SỢ HÃI HẬN THÙ

1. Rồi Gia chủ Anàthapindika đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Gia chủ Anàthapindika đang ngồi xuống một bên:

2. - Này Gia chủ, ai không đoạn tận năm sợ hãi hận thù, được gọi là ác giới và sanh vào địa ngục. Thế nào là năm?

Sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, đắm say rượu men, rượu nấu.

Này Gia chủ, ai không đoạn tận năm sợ hãi hận thù này, được gọi là ác giới và sanh vào địa ngục.

3. Này Gia chủ, ai đoạn tận năm sợ hãi hận thù, được gọi là có giới và sanh lên cõi Trời. Thế nào là năm?

Sát sanh, lấy của không cho... đắm say rượu men, rượu nấu.

Này Gia chủ, ai đoạn tận năm sợ hãi hận thù này, được gọi là có giới và sanh lên cõi Trời.

4. Này Gia chủ, do duyên sát sanh, người sát sanh hiện tại sanh khởi sợ hãi hận thù, đời sau sanh khởi sợ hãi hận thù, tâm cảm thọ khổ ưu. Từ bỏ sát sanh, hiện tại không sanh khởi sợ hãi hận thù, đời sau không sanh khởi sợ hãi hận thù, tâm không cảm thọ khổ ưu. Người từ bỏ sát sanh, như vậy, sợ hãi hận thù ấy được tịnh chỉ.

5. Này Gia chủ, người lấy của không cho... Này Gia chủ, người có tà hạnh trong các dục... Này Gia chủ, người nói láo... Này Gia chủ, người đắm say rượu men, rượu nấu, do duyên đắm say rượu men, rượu nấu, hiện tại sanh khởi sợ hãi hận thù, đời sau sanh khởi sợ hãi hận thù, tâm cảm thọ khổ ưu. Từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu, hiện tại không sanh khởi sợ hãi hận thù, đời sau không sanh khởi sợ hãi hận thù, tâm không cảm thọ khổ ưu. Người từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu như vậy, sợ hãi hận thù ấy được tịnh chỉ.

Ai sát hại sanh linh,

Và nói láo ở đời,

Lấy của cải không cho,

Đi đến vợ người khác,

Và người mãi đắm say,

Uống rượu men, rượu nấu,

Không đoạn năm hận thù,

Được gọi là ác giới,

Mạng chung, sanh ác tuệ,

Bị rơi vào địa ngục.

Ai không hại sanh linh,

Không nói láo ở đời,

Không lấy của không cho,

Không đi đến vợ người,

Người nào không đắm say,

Rượu men và rượu nấu,

Đoạn tận năm hận thù,

Được gọi là có giới,

Mạng chung, sanh trí tuệ,

Được sanh lên cõi lành.

§§ (V) (175) KẺ BỊ VẤT BỎ

1. - Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, Nam cư sĩ là kẻ bị vất bỏ khỏi giới Nam cư sĩ, là cấu uế cho Nam cư sĩ, là tối hạ liệt cho Nam cư sĩ. Thế nào là năm?

Không tin; ác giới; đoán tương lai với những nghi lễ đặc biệt; tin tưởng điềm lành, không tin hành động; tìm kiếm ngoài (Tăng chúng) người xứng đáng tôn trọng và tại đấy phục vụ trước.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Nam cư sĩ là kẻ bị vất bỏ khỏi giới Nam cư sĩ, là cấu uế cho Nam cư sĩ, là tối hạ liệt cho Nam cư sĩ.

2. Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, một Nam cư sĩ là hòn ngọc trong giới Nam cư sĩ, là hoa sen hồng trong giới Nam cư sĩ, là hoa sen trắng trong giới Nam cư sĩ. Thế nào là năm?

Có lòng tin; có giới; không đoán tương lai với những nghi lễ đặc biệt; không tin tưởng điềm lành, tin tưởng ở hành động; không tìm kiếm ngoài Tăng chúng người xứng đáng tôn trọng và tại đấy phục vụ trước.

Thành tựu năm pháp này, người Nam cư sĩ là hòn ngọc trong giới Nam cư sĩ, là hoa sen hồng trong giới Nam cư sĩ, là hoa sen trắng trong giới Nam cư sĩ.

§§ (VI) (176) HOAN HỶ

1. Rồi Gia chủ Anàthapindika với khoảng năm trăm Nam cư sĩ đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Gia chủ Anàthapindika đang ngồi xuống một bên:

2. - Này Gia chủ, Ông đã cung cấp cho chúng Tỷ-kheo các vật dụng cần thiết như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Nhưng Ông chớ có bằng lòng với ý nghĩ: “Chúng ta đã cung cấp cho chúng Tỷ-kheo các vật dụng cần thiết như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh”. Do vậy, này Gia chủ, Ông cần phải học tập như sau:

3. “Với phương tiện nào chúng ta thỉnh thoảng đạt được và an trú hỷ do viễn ly sanh.” Như vậy, này Gia chủ, Ông cần phải học tập.

4. Được nghe nói như vậy, Tôn giả Sàriputta bạch Thế Tôn:

 - Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Khéo nói thay là lời nói này của Thế Tôn: “Này Gia chủ, Ông đã cung cấp các vật dụng cần thiết cho chúng Tỷ-kheo như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Nhưng này Gia chủ, Ông chớ có bằng lòng với ý nghĩ: “Chúng ta đã cung cấp cho chúng Tỷ-kheo các vật dụng cần thiết như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh”. Do vậy, Ông cần phải học tập như sau: “Với phương tiện nào, chúng ta sẽ thỉnh thoảng đạt được và an trú hỷ do viễn ly sanh!” Như vậy, này Gia chủ, Ông cần phải học tập”. Bạch Thế Tôn, khi nào Thánh đệ tử đạt đến và an trú hỷ do viễn ly sanh, trong thời gian ấy, năm sự việc không xảy ra: Khổ và ưu liên hệ đến dục trong thời gian ấy không khởi lên cho người ấy. Lạc và hỷ liên hệ đến dục trong thời gian ấy không khởi lên cho người ấy. Khổ và ưu liên hệ đến bất thiện trong thời gian ấy không khởi lên cho người ấy. Lạc và hỷ liên hệ đến bất thiện trong thời gian ấy không khởi lên cho người ấy. Khổ và ưu liên hệ đến thiện, trong thời gian ấy không khởi lên cho người ấy. Bạch Thế Tôn, khi nào Thánh đệ tử đạt đến và an trú hỷ do viễn ly sanh, trong thời gian ấy, năm sự việc này không xảy ra.

 - Lành thay, lành thay, này Sàriputta, trong khi Thánh đệ tử đạt được và an trú hỷ do viễn ly sanh, trong thời gian ấy, năm sự kiện không xảy ra cho người ấy: Khổ và ưu liên hệ đến dục trong thời gian ấy không xảy ra cho người ấy. Lạc và hỷ liên hệ đến dục trong thời gian ấy không xảy ra cho người ấy. Khổ và ưu liên hệ đến bất thiện trong thời gian ấy không xảy ra cho người ấy. Lạc và hỷ liên hệ đến bất thiện trong thời gian ấy không xảy ra cho người ấy. Khổ và ưu liên hệ đến thiện, trong thời gian ấy không xảy ra cho người ấy. Này Sàriputta, trong khi vị Thánh đệ tử đạt được và an trú hỷ do viễn ly sanh, trong thời gian ấy năm sự kiện này không xảy ra cho người ấy.

§§ (VII) (177) NGƯỜI BUÔN BÁN

1. - Có năm nghề buôn bán này, này các Tỷ-kheo, một Nam cư sĩ không nên làm. Thế nào là năm?

Buôn bán đao kiếm, buôn bán người, buôn bán thịt, buôn bán rượu, buôn bán thuốc độc.

Có năm nghề buôn bán này, này các Tỷ-kheo, một Nam cư sĩ không nên làm.

§§ (VIII) (178) CÁC VUA

1. - Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau không: “Người này đoạn tận sát sanh, từ bỏ sát sanh. Rồi do nhân từ bỏ sát sanh, các vua bắt người ấy sát hại hay bắt trói, hay tẩn xuất, hay làm gì người ấy tùy theo ý muốn”?

 - Thưa không, bạch Thế Tôn.

 - Lành thay, này các Tỷ-kheo! Ta cũng không thấy, cũng không nghe như sau: “Người này đoạn tận sát sanh, từ bỏ sát sanh. Rồi các vua chúa bắt người ấy do nhân từ bỏ sát sanh, sát hại hay bắt trói, hay tẩn xuất, hay làm gì người ấy tùy theo ý muốn!” Nhưng nếu có người nói về ác nghiệp của người ấy như sau: “Người này sát hại sinh mạng của nữ nhân hay nam nhân”. Rồi các vua bắt người ấy, do nhân sát hại sinh mạng, sát hại hay bắt trói, hay tẩn xuất, hay làm gì người ấy tùy theo ý muốn”. Các Thầy có thấy như vậy, hay nghe như vậy chăng?

 - Bạch Thế Tôn, chúng con có thấy và nghe như vậy. Và sẽ được nghe như vậy nữa.

2. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy nghĩ thế nào, các Thầy có thấy hay có nghe như sau không: “Người này đoạn tận lấy của không cho, từ bỏ lấy của không cho. Rồi các vua bắt người ấy, do nhân từ bỏ lấy của không cho, sát hại hay bắt trói, hay tẩn xuất, hay làm gì người ấy tùy theo ý muốn”?

 - Thưa không, bạch Thế Tôn.

 - Lành thay, này các Tỷ-kheo, Ta cũng không thấy, cũng không nghe như sau: “Người này đoạn tận lấy của không cho, từ bỏ lấy của không cho. Rồi các vua bắt người ấy, do nhân từ bỏ lấy của không cho, sát hại hay bắt trói, hay tẩn xuất, hay làm gì người ấy tùy theo ý muốn”. Nhưng nếu có người nói về ác nghiệp của người ấy như sau: “Người này lấy của không cho gọi là ăn trộm, từ làng hay từ khu rừng. Rồi các vua bắt người ấy, do duyên lấy của không cho, sát hại hay bắt trói, hay tẩn xuất, hay làm gì người ấy tùy theo ý muốn”; các Thầy có thấy như vậy hay nghe như vậy chăng?

 - Bạch Thế Tôn, chúng con có thấy và có nghe như vậy, và sẽ được nghe như vậy nữa.

3. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy nghĩ thế nào? Các Thầy có thấy hay có nghe như sau không: “Người này đoạn tận tà hạnh trong các dục, từ bỏ tà hạnh trong các dục. Rồi các vua bắt người ấy, do nhân từ bỏ tà hạnh trong các dục, sát hại hay bắt trói, hay tẩn xuất, hay làm gì người ấy tùy theo ý muốn”?

 - Thưa không, bạch Thế Tôn.

 - Lành thay, này các Tỷ-kheo! Ta cũng không thấy, cũng không nghe như sau: “Người này đoạn tận tà hạnh trong các dục, từ bỏ tà hạnh trong các dục. Rồi các vua bắt người ấy, do nhân từ bỏ tà hạnh trong các dục, sát hại, hay bắt trói, hay tẩn xuất, hay làm gì người ấy tùy theo ý muốn”. Nhưng nếu có người nói về ác nghiệp của người ấy như sau: “Người này có tà hạnh với những người đàn bà của người khác, với những thiếu nữ của người khác. Rồi các vua bắt người ấy, do nhân tà hạnh trong các dục, sát hại hay bắt trói, hay tẩn xuất, hay làm gì người ấy tùy theo ý muốn”; các Thầy có thấy như vậy, hay có nghe như vậy chăng?

 - Bạch Thế Tôn, chúng con có thấy và có nghe như vậy, và sẽ được nghe như vậy nữa.

4. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy nghĩ thế nào, các Thầy có thấy và có nghe như sau không: “Người này đoạn tận nói láo, từ bỏ nói láo. Rồi các vua bắt người ấy, do nhân từ bỏ nói láo, sát hại, hay bắt trói, hay tẩn xuất, hay làm gì người ấy tùy theo ý muốn”?

 - Thưa không, bạch Thế Tôn.

 - Lành thay, này các Tỷ-kheo! Ta cũng không thấy, cũng không nghe như sau: “Người này đoạn tận nói láo, từ bỏ nói láo. Rồi các vua chúa bắt người ấy, do nhân từ bỏ nói láo, sát hại, hay bắt trói, hay tẩn xuất, hay làm gì người ấy tùy theo ý muốn”. Nhưng nếu có người nói về ác nghiệp của người ấy như sau: “Người này do nói láo, phá hoại hạnh phúc của người Gia chủ hay con người Gia chủ”. Rồi các vua bắt người ấy, và do nhân nói láo, sát hại hay bắt trói, hay tẩn xuất, hay làm gì người ấy tùy theo ý muốn”. Các Thầy có thấy như vậy hay có nghe như vậy chăng?

 - Bạch Thế Tôn, chúng con có thấy và nghe như vậy, và sẽ được nghe như vậy nữa.

5. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy nghĩ thế nào, các Thầy có thấy hay có nghe như sau không: “Người này đoạn tận đắm say rượu men, rượu nấu. Rồi các vua bắt người ấy, do nhân từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu, sát hại, bắt trói, hay tẩn xuất, hay làm gì người ấy tùy theo ý muốn”?

 - Thưa không, bạch Thế Tôn.

 - Lành thay, này các Tỷ-kheo, Ta cũng không thấy, cũng không nghe như sau: “Người này đoạn tận đắm say rượu men, rượu nấu. Rồi các vua chúa bắt người ấy, do nhân từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu, sát hại, hay bắt trói, hay tẩn xuất, hay làm gì người ấy tùy theo ý muốn”. Nhưng nếu có người nói về ác nghiệp của người ấy như sau: “Người này do đắm say rượu men, rượu nấu, lấy của không cho, gọi là ăn trộm từ làng hay từ khu rừng; người này do nhân đắm say rượu men, rượu nấu, có tà hạnh đối với những nữ nhân của các người khác, đối với các thiếu nữ của những người khác; người này do nhân đắm say rượu men, rượu nấu, nói láo, phá hoại hạnh phúc người Gia chủ hay con người Gia chủ. Rồi các vua bắt người ấy, do nhân đắm say rượu men, rượu nấu, sát hại hay bắt trói, hay tẩn xuất, hay làm gì người ấy tùy theo ý muốn”. Các Thầy có thấy, có nghe như vậy chăng?

 - Bạch Thế Tôn, chúng con có thấy, có nghe như vậy và sẽ được nghe như vậy nữa.

§§ (IX) (179) GIA CHỦ

1. Rồi Gia chủ Anàthapindika với khoảng 500 Nam cư sĩ đoanh vây, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn bảo Tôn giả Sàriputta:

2. - Này Sàriputta, Thầy có biết người Gia chủ mặc áo trắng nào mà sở hành được bảo vệ trong năm học giới, và có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức bốn tăng thượng tâm hiện tại lạc trú, nếu vị ấy muốn, có thể tự đáp về mình như sau: “Ta sẽ đoạn tận địa ngục, đoạn tận loài bàng sanh, đoạn tận loài ngạ quỷ, đoạn tận cõi dữ, ác thú, đọa xứ. Ta là bậc Dự lưu, không còn phải thối đọa, quyết chắc đạt được Chánh giác”? Sở hành được bảo vệ trong năm học giới nào?

3. Ở đây, này Sàriputta, Thánh đệ tử từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu.

Sở hành được bảo vệ trong năm học giới này.

Vị ấy có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức bốn tăng thượng tâm hiện tại lạc trú nào?

4. Ở đây, này Sàriputta, vị Thánh đệ tử có lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật: “Thế Tôn là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn”. Đây là tăng thượng tâm hiện tại lạc trú thứ nhất đã chứng được nhờ làm cho thanh tịnh tâm chưa được thanh tịnh, làm cho trong sáng tâm chưa được trong sáng.

5. Lại nữa, này Sàriputta, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Pháp: “Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được kẻ trí tự mình giác hiểu”. Đây là tăng thượng tâm hiện tại lạc trú thứ hai đã chứng được nhờ làm cho thanh tịnh tâm chưa được thanh tịnh, làm cho trong sáng tâm chưa được trong sáng.

6. Lại nữa, này Sàriputta, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với chúng Tăng: “Diệu hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn! Trực hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn! Ứng lý hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn! Chơn chánh hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn! Tức là bốn đôi tám chúng. Chúng đệ tử Thế Tôn đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời”. Đây là tăng thượng tâm hiện tại lạc trú thứ ba đã chứng được nhờ làm cho thanh tịnh tâm chưa được thanh tịnh, làm cho trong sáng tâm chưa được trong sáng.

7. Lại nữa, này Sàriputta, vị Thánh đệ tử thành tựu giới được bậc Thánh ái kính, không có bể vụn, không bị sứt mẻ, không tì vết, không ô nhiễm, đem lại giải thoát, được người trí tán thán, làm cho an lạc, hướng đến Thiền định. Đây là tăng thượng tâm hiện tại lạc trú thứ tư đã chứng được, nhờ làm cho thanh tịnh tâm chưa được thanh tịnh, làm cho trong sáng tâm chưa được trong sáng.

Bốn tăng thượng tâm hiện tại lạc trú này được chứng đắc không khó khăn, chứng đắc không mệt nhọc, chứng đắc không phí sức.

8. Này Sàriputta, người Gia chủ mặc áo trắng nào mà Thầy biết sở hành được bảo vệ trong năm học giới, và có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức bốn tăng thượng tâm hiện tại lạc trú; nếu vị ấy muốn, có thể tự đáp về mình như sau: “Ta đã đoạn tận địa ngục, đoạn tận loài bàng sanh, đoạn tận loài ngạ quỷ, đoạn tận cõi dữ, ác thú, đọa xứ. Ta là bậc Dự lưu, không còn phải thối đọa, quyết chắc đạt được Chánh giác”.

Thấy sợ hãi địa ngục,

Hãy tránh xa điều ác,

Khéo chấp nhận Chánh pháp,

Bậc Hiền trí tránh xa,

Không hại các chúng sanh,

Những vật có nỗ lực,

Biết không có nói láo,

Không lấy của không cho,

Tự bằng lòng vợ mình,

Tránh xa vợ người khác,

Người biết không uống rượu,

Khiến tâm trí mê loạn,

Hãy tùy niệm đến Phật,

Hãy tùy niệm đến Pháp,

Hãy tu tâm không sân,

Hãy tu tâm nhiêu ích,

Để xứng đáng được sanh,

Cảnh giới các chư Thiên,

Cầu công đức lợi ích,

Hãy cung cấp vật thí,

Trước thí bậc Chí thiện,

Mới mong có quả lớn,

Này Sàriputta,

Ta sẽ nói cho Thầy,

Các bậc Chí thiện ấy,

Thầy hãy lắng nghe Ta.

Như trong một đàn bò,

Có con đen, trắng, đỏ,

Màu hung hay có đốm,

Có con màu bồ câu,

Dầu con bò màu gì,

Kiếm được con bò thuần,

Con vật kéo sức mạnh,

Đẹp, lanh và hăng hái,

Mặc kệ nó màu gì,

Liền mắc vào gánh nặng,

Cũng vậy, giữa loài Người,

Dầu có sinh chỗ nào,

Hoàng tộc, Bà-la-môn,

Thương gia hay nô bộc,

Kẻ không có giai cấp,

Hay hạ cấp đổ phân,

Giữa những người như vậy,

Ai điều phục, thuần thục,

Ngay thẳng, đủ giới đức,

Nói thực, biết tàm quý,

Sanh tử đã đoạn tận,

Phạm hạnh được vẹn toàn,

Gánh nặng đã hạ xuống,

Không còn bị trói buộc,

Việc cần làm đã làm,

Không còn bị lậu hoặc,

Đã đến bờ bên kia,

Không chấp trước tịch tịnh,

Phước điền ấy vô cấu,

Quả lớn đáng cúng dường.

Những kẻ ngu không biết,

Thiếu trí, ít nghe nhiều,

Chỉ bố thí bên ngoài,

Không đến gần kẻ thiện.

Những ai gần kẻ thiện,

Có tuệ, tôn bậc Hiền,

Họ tin bậc Thiện Thệ,

An trú tận gốc rễ,

Sanh Thiên hay ở đây,

Được sanh gia đình tốt,

Bậc trí tuần tự tiến,

Chứng được cảnh Niết-bàn.

§§ (X) (180) GAVESÌ, NGƯỜI TẦM CẦU

1. Một thời, Thế Tôn đang đi du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Trong khi đang đi trên đường, Thế Tôn thấy một chỗ có khóm rừng cây sàla to lớn; thấy vậy, Ngài bước xuống đường, đi đến khóm rừng cây sàla ấy, đi sâu vào rừng sàla ấy, và tại một địa điểm, Ngài mỉm cười. Rồi Tôn giả Ànanda suy nghĩ: “Do nhân gì, do duyên gì, Thế Tôn tỏ lộ mỉm cười? Không phải không có duyên cớ, các Như Lai tỏ lộ mỉm cười”. Rồi Tôn giả Ànanda bạch Thế Tôn:

 - Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, Thế Tôn tỏ lộ mỉm cười? Không phải không có duyên cớ, các Như Lai tỏ lộ mỉm cười.

2. - Thuở xưa, này Ànanda, tại địa điểm này, có một thành phố phồn thịnh, giàu có và dân cư đông đúc. Tại thành phố ấy, này Ànanda, Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ở gần đây. Này Ànanda, Gavesì là một Nam cư sĩ của Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, nhưng giữ giới không được viên mãn. Rồi này Ànanda, có khoảng 500 Nam cư sĩ được cư sĩ Gavesì thuyết pháp và khích lệ, các người này giữ giới luật không được viên mãn. Rồi này Ànanda, Nam cư sĩ Gavesì suy nghĩ như sau: “Ta giúp đỡ rất nhiều 500 vị Nam cư sĩ này. Ta đi trước, ta khích lệ họ, nhưng ta giữ giới luật không được viên mãn. Như vậy là đồng đẳng giống nhau, không có gì trội hơn, nhiều hơn. Vậy ta hãy làm cái gì trội hơn, nhiều hơn”. Rồi này Ànanda, Nam cư sĩ Gavesì đi đến 500 Nam cư sĩ ấy; sau khi đến, nói với 500 Nam cư sĩ ấy như sau: “Này các Tôn giả, bắt đầu từ hôm nay, ta sẽ thọ trì viên mãn trong các giới luật”.

Rồi này Ànanda, năm trăm Nam cư sĩ ấy suy nghĩ như sau: “Tôn giả Gavesì đã giúp đỡ chúng ta rất nhiều, đã đi trước, đã khích lệ chúng ta. Tôn giả Gavesì sẽ gìn giữ viên mãn trong các giới luật. Tại sao chúng ta lại không như vậy?”. Rồi này Ànanda, 500 Nam cư sĩ ấy đi đến Nam cư sĩ Gavesì; sau khi đến, nói với Nam cư sĩ Gàvesi: “Bắt đầu từ hôm nay, thưa Tôn giả Gavesì, chúng tôi sẽ thọ trì viên mãn trong các giới luật”.

Rồi này Ànanda, Nam cư sĩ Gavesì suy nghĩ như sau: “Ta giúp đỡ rất nhiều cho 500 Nam cư sĩ này, ta đi trước, ta khích lệ họ. Và năm trăm Nam cư sĩ này gìn giữ viên mãn trong các giới luật, như vậy là đồng đẳng giống nhau, không có gì trội hơn, nhiều hơn. Vậy ta hãy làm cái gì trội hơn, nhiều hơn”. Rồi này Ànanda, Nam cư sĩ Gavesì đi đến năm trăm Nam cư sĩ ấy; sau khi đến, nói với 500 vị Nam cư sĩ ấy như sau: “Bắt đầu từ ngày hôm nay, này các Tôn giả, ta sẽ thọ trì Phạm hạnh, sống viễn ly, từ bỏ dâm dục hạ liệt”.

Rồi này Ànanda, 500 Nam cư sĩ ấy suy nghĩ như sau: “Tôn giả Gavesì giúp đỡ chúng ta rất nhiều, đã đi trước và khích lệ chúng ta. Và Tôn giả Gavesì sẽ hành Phạm hạnh, sống viễn ly, từ bỏ dâm dục hạ liệt. Tại sao chúng ta lại không như vậy?”. Rồi này Ànanda, 500 Nam cư sĩ ấy đi đến Nam cư sĩ Gavesì; sau khi đến, nói với Nam cư sĩ Gàvesi: “Bắt đầu từ hôm nay, thưa Tôn giả Gavesì, chúng tôi sẽ thọ trì Phạm hạnh, sống viễn ly, từ bỏ dâm dục hèn hạ”.

Rồi Nam cư sĩ Gavesì suy nghĩ như sau: “Ta giúp đỡ rất nhiều cho 500 Nam cư sĩ này. Ta đi trước, ta khích lệ họ. Ta gìn giữ viên mãn trong các giới luật, 500 Nam cư sĩ này gìn giữ viên mãn trong các giới luật. Và ta hành Phạm hạnh, sống viễn ly, từ bỏ dâm dục hạ liệt. Và 500 Nam cư sĩ này hành Phạm hạnh, sống viễn ly, từ bỏ dâm dục hạ liệt. Như vậy là đồng đẳng giống nhau, không có gì trội hơn, nhiều hơn”. Rồi này Ànanda, Nam cư sĩ Gavesì đi đến 500 Nam cư sĩ ấy; sau khi đến, nói với 500 vị Nam cư sĩ ấy như sau: “Bắt đầu từ ngày hôm nay, này các Tôn giả, ta sẽ ăn mỗi ngày một bữa, không ăn ban đêm, từ bỏ ăn phi thời”.

Rồi này Ànanda, 500 Nam cư sĩ ấy suy nghĩ như sau: “Tôn giả Gavesì giúp đỡ chúng ta rất nhiều, đã đi trước và khích lệ chúng ta. Tôn giả Gavesì sẽ ăn mỗi ngày một bữa, không ăn ban đêm, từ bỏ ăn phi thời. Tại sao chúng ta lại không như vậy?”. Rồi này Ànanda, 500 Nam cư sĩ ấy đi đến Nam cư sĩ Gavesì; sau khi đến, nói với Nam cư sĩ Gàvesi: “Bắt đầu từ hôm nay, thưa Tôn giả Gavesì, 500 Nam cư sĩ này sẽ thọ trì ăn mỗi ngày một bữa, không ăn ban đêm, từ bỏ ăn phi thời”.

Rồi này Ànanda, Nam cư sĩ Gavesì suy nghĩ như sau: “Ta giúp đỡ cho 500 Nam cư sĩ này rất nhiều. Ta đã đi trước và khích lệ họ. Nay ta gìn giữ viên mãn trong các giới luật, Ta hành Phạm hạnh, sống viễn ly, từ bỏ dâm dục hèn hạ, 500 Nam cư sĩ này cũng hành Phạm hạnh, sống viễn ly, từ bỏ dâm dục hèn hạ. Ta ăn mỗi ngày một bữa, không ăn ban đêm, từ bỏ ăn phi thời. 500 Nam cư sĩ này cũng ăn mỗi ngày một bữa, không ăn ban đêm, từ bỏ ăn phi thời. Như vậy là có sự đồng đẳng giống nhau, không có gì trội hơn, nhiều hơn. Vậy ta hãy làm cái gì trội hơn, nhiều hơn”. Rồi này Ànanda, Tôn giả Gavesì đi đến Thế Tôn Kassapa; bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, sau khi đến, bạch Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác:

 - Bạch Thế Tôn, hãy cho con xuất gia với Thế Tôn, hãy cho con thọ đại giới”.

Rồi này Ànanda, Nam cư sĩ Gavesì được xuất gia với Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, được thọ đại giới. Được thọ đại giới không bao lâu này Ànanda, Tỷ-kheo Gavesì sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần và không bao lâu, vị này chứng được mục đính tối cao mà các Thiện nam tử xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến. Đó là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, vị này ngay trong hiện tại tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú. Và vị ấy xác chứng: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, các điều nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”. Và này Ànanda, 500 Nam cư sĩ ấy suy nghĩ như sau: “Tỷ-kheo Gavesì giúp đỡ chúng ta rất nhiều, đã đi trước và khích lệ chúng ta. Nay Tôn giả Gavesì đã cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, sẽ xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Tại sao chúng ta lại không như vậy?” Rồi này Ànanda, 500 Nam cư sĩ ấy đi đến Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, sau khi đến, bạch Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác:

 - “Bạch Thế Tôn, hãy cho chúng con xuất gia với Thế Tôn, cho chúng con thọ đại giới”.

Và này Ànanda, năm trăm Nam cư sĩ ấy được xuất gia với Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, được thọ đại giới. Rồi này Ànanda, Tỷ-kheo Gavesì suy nghĩ như sau: “Ta đã chứng được vô thượng giải thoát này không khó khăn, chứng được không mệt nhọc, chứng được không phí sức. Mong rằng 500 vị Tỷ-kheo ấy có thể chứng được vô thượng giải thoát này không khó khăn, chứng được không mệt nhọc, chứng được không phí sức”. Rồi này Ànanda, 500 vị Tỷ-kheo ấy sống an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm tinh cần, không bao lâu, các vị ấy chứng được mục đích tối cao mà các Thiện nam tử xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến. Đó là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, các vị ấy ngay trong hiện tại, tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú. Và các vị ấy xác chứng: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc phải làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.

3. Như vậy, này Ànanda, năm trăm vị Tỷ-kheo ấy, do Gavesì cầm đầu, trong khi tinh tấn đạt đến những gì cao hơn nữa, những gì tối thắng hơn nữa, đã chứng ngộ vô thượng giải thoát. Do vậy, này Ànanda, cần phải học tập như sau:

4. “Hãy tinh tấn để đạt đến những gì cao hơn nữa, tối thắng hơn nữa, chúng ta sẽ chứng ngộ vô thượng giải thoát”.

Như vậy, này Ànanda, các Thầy cần phải học tập.

XIX. PHẨM RỪNG

§§ (I) (181) RỪNG

1. - Có năm hạng người này sống ở rừng. Thế nào là năm?

2. Hạng đần độn ngu si sống ở rừng; hạng ác dục ác tánh sống ở rừng; hạng kiêu mạn loạn tâm sống ở rừng; hạng ở rừng vì được nghe Thế Tôn và các đệ tử Phật tán thán; hạng vì ít dục, vì biết đủ, vì đoạn giảm, vì viễn ly, vì cầu thiện hành này sống ở rừng;

Này các Tỷ-kheo, có năm hạng người sống ở rừng này.

3. Trong năm hạng người này sống ở rừng, này các Tỷ-kheo, hạng sống ở rừng vì ít dục, vì biết đủ, vì đoạn giảm, vì viễn ly, vì cầu thiện hành này sống ở rừng. Hạng người này trong năm hạng người ấy là đệ nhất, là tối thắng, là thượng thủ, là tối thượng, là tối diệu.

Ví như này các Tỷ-kheo, từ con bò có sữa, từ sữa có lạc, từ lạc có sanh tô, từ sanh tô có thục tô, từ thục tô có đề hồ. Đây được gọi là đệ nhất. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, trong năm hạng người sống ở rừng, hạng sống ở rừng vì ít dục, vì biết đủ, vì đoạn giảm, vì viễn ly, vì cầu thiện hành này sống ở rừng. Hạng người này trong năm hạng người ấy là đệ nhất, là tối thắng, là thượng thủ, là tối thượng, là tối diệu.

§§ (II - IX) (182 - 189) CÁC HẠNG NGƯỜI KHÁC

1. - Này các Tỷ-kheo, năm hạng người mặc y nhặt từ đống rác này...

2. Này các Tỷ-kheo, năm hạng người sống dưới gốc cây này...

3. Này các Tỷ-kheo, năm hạng người sống ở nghĩa địa này...

4. Này các Tỷ-kheo, năm hạng người sống ở ngoài trời này...

5. Này các Tỷ-kheo, năm hạng người ngồi không chịu nằm này...

6. Này các Tỷ-kheo, năm hạng người nằm bất cứ chỗ nào được mời này...

7. Này các Tỷ-kheo, năm hạng người chỉ ngồi ăn một lần này...

8. Này các Tỷ-kheo, năm hạng người theo hạnh ăn xong, sau không ăn nữa...

§§ (X) (190) ĂN TỪ BÌNH BÁT.

1. - Này các Tỷ-kheo, có năm hạng người ăn từ bình bát này. Thế nào là năm?

2. Hạng đần độn ngu si ăn từ bình bát; hạng ác dục ác tánh ăn từ bình bát; hạng kiêu mạn loạn tâm ăn từ bình bát; hạng ăn từ bình bát vì được nghe Thế Tôn và các đệ tử Phật tán thán; hạng vì ít dục, vì biết đủ, vì đoạn giảm, vì viễn ly, vì cầu thiện hành này, ăn từ bình bát.

Này các Tỷ-kheo, có năm hạng người ăn từ bình bát này.

3. Trong năm hạng người ăn từ bình bát này, này các Tỷ-kheo, hạng ăn từ bình bát vì ít dục, vì biết đủ, vì đoạn giảm, vì viễn ly, vì cầu thiện hành này ăn từ bình bát. Hạng người này trong năm hạng người ấy là đệ nhất, là tối thắng, là thượng thủ, là tối thượng, là tối diệu.

Ví như này các Tỷ-kheo, từ con bò có sữa, từ sữa có lạc, từ lạc có sanh tô, từ sanh tô có thục tô, từ thục tô có đề hồ. Đây được gọi là đệ nhất. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, trong năm hạng người này ăn từ bình bát, hạng ăn từ bình bát vì ít dục, vì biết đủ, vì đoạn giảm, vì viễn ly, vì cầu thiện hành. Hạng người này trong năm hạng người ấy là đệ nhất, là tối thắng, là thượng thủ, là tối thượng, là tối diệu.

XX. PHẨM BÀ-LA-MÔN

§§ (I) (191) VÍ DỤ CON CHÓ

1. Có năm cựu Bà-la-môn pháp này, này các Tỷ-kheo, nay được thấy giữa các con chó, không được thấy giữa các Bà-la-môn. Thế nào là năm?

2. Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, các nam Bà-la-môn chỉ đi đến nữ Bà-la-môn, không đến phi nữ Bà-la-môn. Ngày nay, này các Tỷ-kheo, các nam Bà-la-môn đi đến nữ Bà-la-môn, cũng đi đến phi nữ Bà-la-môn. Ngày nay, này các Tỷ-kheo, các con chó đực chỉ đi đến con chó cái, không đi đến không phải con chó cái. Đây là cựu Bà-la-môn pháp thứ nhất, này các Tỷ-kheo, nay chỉ được thấy giữa các loài chó, không thấy được giữa các Bà-la-môn.

3. Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, các nam Bà-la-môn chỉ đi đến nữ Bà-la-môn trong thời có thể thụ thai, không có đi trong thời kỳ không thể thụ thai. Ngày nay, này các Tỷ-kheo, các nam Bà-la-môn đi đến nữ Bà-la-môn trong thời có thể thụ thai và cũng trong thời không thể thụ thai. Ngày nay, này các Tỷ-kheo, các con chó đực chỉ đi đến con chó cái trong thời có thể thụ thai, không đi đến trong thời không thể thụ thai. Đây là cựu Bà-la-môn pháp thứ hai, này các Tỷ-kheo, nay chỉ được thấy giữa các loài chó, không thấy được giữa các Bà-la-môn.

4. Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, các nam Bà-la-môn không mua, không bán nữ Bà-la-môn, cọng trú trong tình tương ái, tiếp tục trong sự thuận hòa. Ngày nay, này các Tỷ-kheo, các nam Bà-la-môn mua và bán nữ Bà-la-môn, cọng trú trong tình tương ái, tiếp tục trong sự thuận hòa. Ngày nay, này các Tỷ-kheo, các con chó đực không mua, không bán con chó cái, cọng trú trong tình tương ái, tiếp tục trong sự thuận hòa. Đây là cựu Bà-la-môn pháp thứ ba, này các Tỷ-kheo, nay chỉ được thấy giữa các loài chó, không thấy được giữa các Bà-la-môn.

5. Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, các Bà-la-môn không cất chứa tài sản, ngũ cốc, bạc và vàng. Ngày nay, này các Tỷ-kheo, các Bà-la-môn cất chứa tài sản, ngũ cốc, bạc và vàng. Ngày nay, này các Tỷ-kheo, các loài chó không cất chứa tài sản, ngũ cốc, bạc và vàng. Đây là cựu Bà-la-môn pháp thứ tư, này các Tỷ-kheo, nay chỉ được thấy giữa các loài chó, không được thấy giữa các Bà-la-môn.

6. Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, các Bà-la-môn vào buổi chiều tìm đồ ăn buổi chiều, vào buổi sáng tìm đồ ăn buổi sáng. Ngày nay, này các Tỷ-kheo, các Bà-la-môn ăn cho đến no nê thỏa bụng, rồi lấy các đồ ăn còn lại và mang đi. Ngày nay, này các Tỷ-kheo, các con chó, vào buổi chiều tìm đồ ăn buổi chiều, vào buổi sáng tìm đồ ăn buổi sáng. Đây là cựu Bà-la-môn pháp thứ năm, này các Tỷ-kheo, nay chỉ được thấy giữa các loài chó, không được thấy giữa các Bà-la-môn.

Năm cựu Bà-la-môn pháp này, này các Tỷ-kheo, nay được thấy giữa các loài chó, không được thấy giữa các Bà-la-môn.

§§ (II) (192) BÀ-LA-MÔN DONA

1. Rồi Bà-la-môn Dona đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Dona bạch Thế Tôn:

2. - Thưa Tôn giả Gotama, tôi có nghe như sau: “Sa-môn Gotama không đảnh lễ, hay không đứng dậy, hay không mời ngồi ghế các vị Bà-la-môn già yếu, tuổi lớn, Trưởng lão, đời đã được trải qua, đã đến đoạn cuối cuộc đời.” Thưa Tôn giả Gotama, sự thể là như vậy; Tôn giả Gotama không đảnh lễ, hay không đứng dậy, hay không mời ngồi ghế các vị Bà-la-môn già yếu, tuổi lớn, Trưởng lão, đời đã được trải qua, đã đến đoạn cuối cuộc đời. Như vậy, thưa Tôn giả Gotama, thật là không tốt đẹp.

 - Này Dona, Ông có tự cho mình là Bà-la-môn không?

 - Thưa Tôn giả Gotama, nếu có ai nói một cách chân chánh, vị ấy phải nói rằng: “Vị Bà-la-môn thiện sanh cả từ mẫu hệ và phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời tổ phụ, không một vết nhơ nào, một gièm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh; là nhà phúng tụng, nhà trì chú, thông hiểu ba tập Vedà với danh nghĩa, lễ nghi, ngữ nguyên, chú giải và lịch sử truyền thống là thứ năm, thông hiểu ngữ pháp và văn phạm, biện tài về thuận thế (tự nhiên học) và tướng của vị Đại nhân”. Thưa Tôn giả Gotama, nói về tôi, nói một cách chơn chánh là nói như vầy. Thưa Tôn giả Gotama, tôi là Bà-la-môn, thiện sanh cả từ mẫu hệ đến phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời tổ phụ, không một vết nhơ nào, một gièm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh; là nhà phúng tụng, nhà trì chú, thông hiểu ba tập Vedà với danh nghĩa, lễ nghi, ngữ nguyên, chú giải và lịch sử truyền thống là thứ năm, thông hiểu ngữ pháp và văn phạm, biện tài về thuận thế và tướng của vị Đại nhân.

 - Này Dona, có phải các vị Bà-la-môn thời xưa, những vị ẩn sĩ giữa các Bà-la-môn, những tác giả các chú thuật, những nhà tụng tán các chú thuật đã hát, đã nói lên, đã sưu tầm những Thánh cú mà nay những Bà-la-môn hiện tại cũng hát lên, nói lên, đọc lên giống như các vị trước đã làm? Những vị ẩn sĩ ấy tên là Atthaka, Vàmaka, Vàmadeva, Vessàmitta, Yamadaggi, Angìrasa, Bharadvàja, Vàsettha, Kassapa, Bhagu. Những vị ấy tuyên bố có năm hạng Bà-la-môn này: “Đồng đẳng với Phạm thiên, đồng đẳng với chư Thiên, các vị biết giới hạn, các vị vượt lên giới hạn và thứ năm là Bà-la-môn bị vứt bỏ”. Này Dona, Ông là ai giữa các vị ấy?

 - Thưa Tôn giả Gotama, chúng tôi không biết năm vị Bà-la-môn này. Nhưng chúng tôi biết chúng tôi là Bà-la-môn. Lành thay, nếu Tôn giả Gotama thuyết pháp cho tôi để tôi biết được năm vị Bà-la-môn này.

 - Vậy này Bà-la-môn, hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.

 - Thưa vâng, Tôn giả.

Bà-la-môn Dona vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

3. - Thế nào, này Dona, là Bà-la-môn đồng đẳng với Phạm thiên?

Ở đây, này Dona, vị Bà-la-môn thiện sanh cả từ mẫu hệ đến phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời tổ phụ, không một vết nhơ nào, một gièm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh. Vị ấy trong 48 năm sống Phạm hạnh đồng trinh, học tập chân ngôn (chú thuật). Sau khi sống 48 năm Phạm hạnh đồng trinh, sau khi học tập chân ngôn, vị ấy tìm kiếm tài sản Đạo sư cho bậc Đạo sư một cách đúng pháp, không phải phi pháp. Ở đây, này Dona, pháp là gì? Không phải nhờ cày bừa, không phải nhờ buôn bán, không phải nhờ chăn bò, không phải do cung tên, không phải do làm người của vua, không phải do một nghề gì khác, hoàn toàn chỉ do khất thực, không khinh thường bình bát của người khất sĩ. Sau khi giao lại tài sản Đạo sư cho bậc Đạo sư, sau khi cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, vị ấy xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị ấy xuất gia như vậy, biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, cũng vậy, phương thứ hai, cũng vậy, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Với tâm câu hữu với bi... với hỷ... với xả. Cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Vị ấy, sau khi tụ tập bốn Phạm trú này, khi thân hoại mạng chung, được sanh thiện phú Phạm thiên giới. Như vậy, này Dona, là vị Bà-la-môn đồng đẳng với Phạm thiên.

4. Và này Dona, thế nào là Bà-la-môn đồng đẳng với chư Thiên?

Ở đây, này Dona, Bà-la-môn thiện sanh cả tử mẫu hệ và phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời tổ phụ, không một vết nhơ nào, một gièm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh. Vị ấy trong 48 năm sống Phạm hạnh đồng trinh, học tập chân ngôn. Sau khi sống 48 năm Phạm hạnh đồng trinh, sau khi học tập chân ngôn, vị ấy tìm kiếm tài sản Đạo sư cho vị Đạo sư một cách đúng pháp, không phải phi pháp. Ở đây, này Dona, pháp là gì? Không phải nhờ cày bừa, không phải nhờ buôn bán, không phải nhờ chăn bò, không phải nhờ cung tên, không phải do làm người của vua, không phải do một nghề gì khác, hoàn toàn chỉ do khất thực, không khinh thường bình bát của người khất sĩ. Sau khi giao lại tài sản Đạo sư cho bậc Đạo sư, vị ấy đi tìm vợ một cách đúng pháp, không phải phi pháp. Và này Dona, ở đây, pháp là gì? Không phải do mua, không phải do bán, nhưng chỉ với một nữ Bà-la-môn đã được nước tưới lên, vị ấy đi đến nữ Bà-la-môn, không đi đến nữ Sát-đế-lỵ, nữ Tỳ-xá, nữ Thủ-đà, nữ Chiên-đà-la, nữ săn bắn, nữ đan tre, nữ làm xe, nữ thổ dân, không đi đến người đàn bà có mang, không đi đến người đàn bà cho con bú, không đi đến người đàn bà trong thời kỳ không thể thụ thai. Và này Dona, vì sao người Bà-la-môn không đi đến người đàn bà có mang? Này Dona, nếu người Bà-la-môn đi đến người đàn bà có mang, thời đứa đồng nam hay đồng nữ được sanh hoàn toàn bị ô uế; do vậy, này Dona, vị Bà-la-môn không đi đến người đàn bà có mang. Và vì sao, này Dona, Bà-la-môn không đi đến người đàn bà cho con bú? Này Dona, nếu Bà-la-môn đi đến người đàn bà cho con bú, thời này Dona, đứa đồng nam hay đồng nữ bú sữa không được thanh tịnh; do vậy, này Dona, vị Bà-la-môn không đi đến người đàn bà cho con bú. Và vì sao, này Dona, Bà-la-môn không đi đến người đàn bà trong thời kỳ không thể thụ thai? Này Dona, nếu vị Bà-la-môn đi đến người đàn bà trong thời không thể thụ thai, thời nữ Bà-la-môn ấy trở thành một phương tiện để thỏa lòng dục, để vui đùa, để thỏa thích. Nữ Bà-la-môn đối với nam Bà-la-môn chỉ có mục đích đẻ con. Vị ấy từ dâm dục (đúng pháp) sinh con rồi, liền cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị ấy xuất gia như vậy, ly dục, ly pháp bất thiện... chứng đạt và an trú Thiền thứ tư. Vị ấy, sau khi tu tập bốn Thiền, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên cõi lành, Thiên giới, cõi đời này. Như vậy, này Dona, là Bà-la-môn đồng đẳng với chư Thiên.

5. Và thế nào, này Dona, là một Bà-la-môn có giới hạn?

Ở đây, này Dona, Bà-la-môn thiện sanh cả từ mẫu hệ và phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời tổ phụ, không một vết nhơ nào, một gièm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh. Vị ấy trong 48 năm sống Phạm hạnh đồng trinh, học tập chân ngôn. Sau khi sống 48 năm Phạm hạnh đồng trinh, sau khi học tập chân ngôn, vị ấy tìm kiếm tài sản Đạo sư cho vị Đạo sư một cách đúng pháp, không phải phi pháp. Ở đây, này Dona, pháp là gì? Không phải nhờ cày bừa, không phải nhờ buôn bán, không phải nhờ chăn bò, không phải nhờ cung tên, không phải do làm người của vua, không phải do một nghề gì khác, hoàn toàn chỉ do khất thực, không khinh thường bình bát của người khất sĩ. Sau khi giao lại tài sản Đạo sư cho bậc Đạo sư, vị ấy đi tìm vợ một cách đúng pháp, không phải phi pháp. Và này Dona, ở đây, pháp là gì? Không phải do mua, không phải do bán, nhưng chỉ với một nữ Bà-la-môn được nước tưới lên. Vị ấy đi đến nữ Bà-la-môn, không đi đến nữ Sát-đế-lỵ, nữ Tỳ-xá, nữ Thủ-đà, nữ Chiên-đà-la, nữ săn bắn, nữ đan tre, nữ làm xe, nữ thổ dân, không đi đến người đàn bà có mang, không đi đến người đàn bà cho con bú, không đi đến người đàn bà trong thời kỳ không thể thụ thai. Và này Dona, vì sao Vị Bà-la-môn không đi đến người đàn bà có mang? Này Dona, nếu vị Bà-la-môn đi đến người đàn bà có mang... (như trên)... Nữ Bà-la-môn đối với nam Bà-la-môn chỉ có mục đích đẻ con. Vị ấy từ dâm dục (đúng pháp) sinh con rồi, do ưa thích con nít, sống trong gia đình, không xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Cho đến sự giới hạn của các Bà-la-môn thời xưa, vị ấy đứng tại đấy, không vượt qua giới hạn ấy. Cho đến giới hạn của các Bà-la-môn thời xưa, vị ấy đứng ở đấy, không vượt qua giới hạn ấy. Này Dona, do vậy Bà-la-môn được gọi là có giới hạn. Như vậy, này Dona, là Bà-la-môn có giới hạn.

6. Và này Dona, thế nào là một Bà-la-môn vượt qua giới hạn?

Ở đây, này Dona, vị Bà-la-môn thiện sanh cả từ mẫu hệ và phụ hệ... về vấn đề huyết thống thọ sanh. Vị ấy trong 48 năm sống Phạm hạnh đồng trinh, học tập chân ngôn. Sau khi sống 48 năm Phạm hạnh đồng trinh, sau khi học tập chân ngôn, vị ấy tìm kiếm tài sản Đạo sư cho vị Đạo sư một cách đúng pháp, không phải phi pháp. Ở đây, này Dona, pháp là gì? Không phải nhờ cày bừa, không phải nhờ buôn bán, không phải nhờ chăn bò, không phải nhờ cung tên, không phải do làm người của vua, không phải do một nghề gì khác, hoàn toàn chỉ do khất thực, không khinh thường bình bát của người khất sĩ. Sau khi giao lại tài sản Đạo sư cho bậc Đạo sư, vị ấy đi tìm vợ đúng pháp và phi pháp. Do mua, do bán với nữ Bà-la-môn được nước tưới lên. Vị ấy đi đến nữ Bà-la-môn, cũng đi đến nữ Sát-đế-lỵ, cũng đi đến nữ Tỳ-xá, cũng đi đến nữ Thủ-đà, cũng đi đến nữ Chiên-đà-la, cũng đi đến nữ săn bắn, cũng đi đến nữ đan tre, cũng đi đến nữ làm xe, cũng đi đến nữ thổ dân, cũng đi đến người đàn bà có mang, cũng đi đến người đàn bà đang cho con bú, cũng đi đến người đàn bà trong thời kỳ không thể thụ thai. Nữ Bà-la-môn đối với vị ấy là phương tiện để thỏa lòng dục, để vui đùa, để thỏa thích. Nữ Bà-la-môn đối với nam Bà-la-môn có mục đích đẻ con. Cho đến sự giới hạn của các Bà-la-môn thời xưa, vị ấy không đứng tại đấy, vị ấy vượt qua giới hạn ấy. Cho đến giới hạn của các Bà-la-môn thời xưa, vị ấy không đứng ở đấy, vị ấy vượt qua giới hạn ấy. Này Dona, do vậy Bà-la-môn được gọi là vị đã vượt qua giới hạn. Như vậy, này Dona, là Bà-la-môn vượt qua giới hạn.

7. Và này Dona, thế nào là Bà-la-môn Chiên-đà-la?

Ở đây, này Dona, Bà-la-môn thiện sanh cả từ mẫu hệ và phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời tổ phụ, không một gièm pha nào, không một vết nhơ nào về vấn đề huyết thống thọ sanh. Vị ấy trong 48 năm, sống Phạm hạnh đồng trinh, học tập chân ngôn. Sau khi sống trong 48 năm Phạm hạnh đồng trinh, sau khi học tập chân ngôn, vị ấy tìm kiếm tài sản Đạo sư cho vị Đạo sư một cách đúng pháp và phi pháp. Ở đây, này Dona, pháp là gì? Không phải nhờ cày bừa, nhờ buôn bán, nhờ chăn bò, nhờ cung tên, nhờ làm người của vua, nhờ làm một nghề gì khác, hoàn toàn chỉ do khất thực, không khinh thường bình bát của người khất sĩ. Sau khi giao lại tài sản Đạo sư cho bậc Đạo sư, vị ấy đi tìm vợ đúng pháp và phi pháp. Do mua, do bán với nữ Bà-la-môn được nước tưới lên. Vị ấy đi đến nữ Bà-la-môn, cũng đi đến nữ Sát-đế-lỵ, cũng đi đến nữ Tỳ-xá, cũng đi đến nữ Thủ-đà, cũng đi đến nữ Chiên-đà-la, cũng đi đến nữ săn bắn, cũng đi đến nữ đan tre, cũng đi đến nữ làm xe, cũng đi đến nữ thổ dân, cũng đi đến người đàn bà có mang, cũng đi đến người đàn bà đang cho con bú, cũng đi đến người đàn bà trong thời kỳ không thể thụ thai. Nữ Bà-la-môn đối với vị ấy là phương tiện để thỏa lòng dục, để vui đùa, để thỏa thích. Nữ Bà-la-môn đối với nam Bà-la-môn có mục đích đẻ con. Vị ấy để nuôi mạng sống, làm tất cả nghề. Rồi các Bà-la-môn nói với vị ấy như sau: “Sao Tôn giả tự cho mình là Bà-la-môn, lại làm tất cả nghề để nuôi mạng sống?” Vị ấy trả lời như sau: “Như lửa đốt vật sạch, cũng đốt vật nhớp, nhưng không phải vì vậy mà ngọn lửa bị uế nhiễm”. Cũng vậy, này các Tôn giả, nếu Bà-la-môn làm tất cả nghề để nuôi mạng sống, nhưng không phải vì vậy mà Bà-la-môn bị uế nhiễm. Vì làm tất cả nghề để nuôi mạng sống, này Dona, nên Bà-la-môn được gọi là Bà-la-môn Chiên-đà-la. Như vậy, này Dona, là Bà-la-môn Chiên-đà-la.

8. Này Dona, có phải các Bà-la-môn thời xưa, những vị ẩn sĩ giữa các Bà-la-môn, những tác giả các chú thuật, những nhà tụng tán các chú thuật đã hát, đã nói lên, đã sưu tầm những Thánh cú mà nay, những Bà-la-môn hiện tại cũng hát lên, đọc lên giống như các vị trước đã làm. Những vị ấy tên là Atthaka, Vàmaka, Vàmadeva, Vessàmitta, Yamadaggi, Angìrasa, Bhàradvàja, Vàsettha, Kassapa, Bhagu. Những vị ấy tuyên bố có năm hạng Bà-la-môn này: “Vị đồng đẳng với Phạm thiên, vị đồng đẳng với chư Thiên, các vị có giới hạn, các vị vượt lên giới hạn và thứ năm là Bà-la-môn Chiên-đà-la”. Này Dona, Ông là ai giữa các vị ấy?

 - Như vậy, thưa Tôn giả Gotama, chúng con chưa thành tựu đầy đủ Bà-la-môn Chiên-đà-la. Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật hy hữu thay, Tôn giả Gotama!.. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cư sĩ. Từ nay cho đến mạng chung con trọn đời quy ngưỡng.

§ (III) (193) BÀ-LA-MÔN SANGÀRAVA

1. Rồi Bà-la-môn Sangàrava đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Sangàrava thưa với Thế Tôn:

2. - Do nhân gì, do duyên gì, thưa Tôn giả Gotama, có khi các chú thuật học thuộc lòng lâu ngày (đọc tụng) lại không thể nhớ lên được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng? Do nhân gì, do duyên gì, thưa Tôn giả Gotama, có khi các chú thuật không học thuộc lòng lâu ngày (đọc tụng) lại nhớ lên được, còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng!

3. - Này Bà-la-môn, khi trú với tâm bị dục tham xâm chiếm, bị dục tham chi phối, và không như thật rõ biết sự xuất ly khỏi dục tham đã khởi lên; trong khi ấy, người ấy không như thật biết và thấy lợi ích của mình, trong khi ấy, người ấy không như thật biết và thấy lợi ích của người; trong khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích cả hai, cho nên các chú thuật được học thuộc lòng lâu ngày lại không thể nhớ lên được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng!

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước trộn lẫn với thuốc nhuộm gôm lặc, hay màu đỏ tía, hay màu xanh hay màu vàng và ở đây, một người có mắt muốn ngắm bóng mặt của mình, không có thể như thật biết được, thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm bị dục tham xâm chiếm, bị dục tham chi phối, không như thật rõ biết sự xuất ly khỏi dục tham đã khởi lên; trong khi ấy, người ấy không như thật biết và thấy lợi ích của mình; trong khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích của người; trong khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích của cả hai, cho nên các chú thuật được học thuộc lòng lâu ngày lại không nhớ lên được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng!

4. Lại nữa, này Bà-la-môn, khi trú với tâm bị sân xâm chiếm, bị sân chi phối, không như thật biết sự xuất ly khỏi sân đã khởi lên; trong khi ấy, người ấy không như thật biết và thấy lợi ích của mình; trong khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích của người; trong khi ấy, không như thật biết và thấy được lợi ích của cả hai, cho nên các chú thuật được học thuộc lòng lâu ngày lại không thể nhớ lên được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng!

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước được lửa đun sôi, sôi lên sùng sục, sôi lên cuồn cuộn. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm bóng mặt của mình, không thể như thật biết và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm bị sân xâm chiếm... cho nên các chú thuật được học thuộc lòng không thể nhớ lên được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng!

5. Lại nữa, này Bà-la-môn, khi trú với tâm bị hôn trầm thụy miên xâm chiếm, bị hôn trầm thụy miên chi phối, không như thật biết sự xuất ly ra khỏi hôn trầm thụy miên, đã khởi lên; trong khi ấy, người ấy không như thật biết và thấy lợi ích của mình; trong khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích của người; trong khi ấy, không như thật biết và thấy được lợi ích cả hai, cho nên các chú thuật được học thuộc lòng lâu ngày lại không thể nhớ lên được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng!

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước bị rong rêu che phủ. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm khuôn mặt của mình, không thể như thật biết và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm bị hôn trầm thụy miên xâm chiếm... còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng!

6. Lại nữa, này Bà-la-môn, khi trú với tâm bị trạo hối xâm chiếm, bị trạo hối chi phối, không như thật biết sự xuất ly ra khỏi trạo hối đã khởi lên; trong khi ấy, người ấy không như thật biết và thấy lợi ích của mình; trong khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích của người; trong khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích cả hai, cho nên các chú thuật được học thuộc lòng lâu ngày lại không thể nhớ lên được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng!

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước bị gió thổi, dao động, chấn động, nổi sóng. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm khuôn mặt của mình, không thể như thật biết và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm bị trạo hối xâm chiếm... còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng!

7. Lại nữa, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm bị nghi hoặc xâm chiếm, bị nghi hoặc chi phối, và không như thật biết sự xuất ly khỏi nghi hoặc đã khởi lên; trong khi ấy, người ấy không như thật biết và thấy lợi ích của mình; trong khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích của người; trong khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích cả hai, cho nên các chú thuật được học thuộc lòng lâu ngày lại không thể nhớ lên được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng!

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước bị khuấy động, khuấy đục, khuấy bùn, đặt trong bóng tối. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm khuôn mặt của mình, không thể như thật biết được và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, khi trú với tâm bị nghi hoặc xâm chiếm bị nghi hoặc chi phối... còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng!

8. Này Bà-la-môn, khi trú với tâm không bị dục tham xâm chiếm, không bị dục tham chi phối, lại như thật rõ biết sự xuất ly dục tham đã khởi lên; trong khi ấy, như thật biết và thấy lợi ích của mình; trong khi ấy, như thật biết và thấy lợi ích của người; trong khi ấy, như thật biết và thấy lợi ích cả hai, cho nên các chú thuật không được học thuộc lòng lâu ngày được nhớ lên, còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng!

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước không trộn lẫn với thuốc nhuộm gôm lặc, hay màu đỏ tía, hay màu xanh, hay màu vàng, và ở đây, một người có mắt muốn ngắm bóng mặt của mình, có thể như thật biết và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, khi trú với tâm không bị dục tham xâm chiếm... còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng!

9. Lại nữa, này Bà-la-môn, khi trú với tâm không bị sân xâm chiếm... còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng!

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước sôi không bị lửa đun sôi, không sôi lên sùng sục, không nổi lên cuồn cuộn. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm bóng mặt của mình, có thể như thật biết được và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, khi trú với tâm không bị sân xâm chiếm, không bị sân chi phối... còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng!

10. Lại nữa, này Bà-la-môn, khi trú với tâm không bị hôn trầm thụy miên xâm chiếm, không bị hôn trầm thụy miên chi phối... còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng!

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước không bị rong rêu che phủ. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm bóng mặt của mình, có thể như thật biết và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm không bị hôn trầm thụy miên xâm chiếm, không bị hôn trầm thụy miên chi phối... còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng!

11. Lại nữa, này Bà-la-môn, khi trú với tâm không bị trạo hối xâm chiếm, không bị trạo hối chi phối... còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng!

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước không bị gió thổi, không bị dao động, không bị chấn động, không bị nổi sóng. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm bóng mặt của mình, có thể như thật biết được và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm không bị trạo hối miên xâm chiếm, không bị trạo hối chi phối... còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng!

12. Lại nữa, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm không bị nghi hoặc xâm chiếm, không bị nghi hoặc chi phối... còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng!

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước thuần tịnh, trong sáng, khong bị khuấy động, đặt giữa ánh sáng. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm bóng mặt của mình, có thể như thật biết và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm không bị nghi hoặc xâm chiếm, không bị nghi hoặc chi phối và như thật biết sự xuất ly ra khỏi nghi hoặc đã khởi lên; trong khi ấy, như thật biết và thấy lợi ích của mình; trong khi ấy, như thật biết và thấy lợi ích của người; trong khi ấy, như thật biết và thấy lợi ích cả hai. Cho nên các chú thuật không được học thuộc lòng lâu ngày được nhớ lên, còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng!

Đây là nhân, đây là duyên, này Bà-la-môn, có khi các chú thuật không được học thuộc lòng lâu ngày, lại có thể nhớ lên được, còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng!

13. Khi được nói vậy, Bà-la-môn Sangàrava bạch Thế Tôn:

 - Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn... từ này cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

§§ (IV) (194) BÀ-LA-MÔN KÀRANAPÀLI

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàlì, tại Mahàvana, chỗ giảng đường có nóc nhọn. Lúc bấy giờ, Bà-la-môn Kàranapàli đang xây dựng nhà cho Licchavì. Bà-la-môn Kàranapàli thấy Bà-la-môn Pingiyàni từ đường xa đi đến, sau khi thấy, liền nói với Bà-la-môn Pingiyàni:

 - Tôn giả Pingiyàni đi từ đâu đến sớm như vậy?

 - Thưa Tôn giả, tôi đi từ chỗ Sa-môn Gotama về.

 - Tôn giả Pingiyàni nghĩ thế nào về trí tuệ sáng suốt của Sa-môn Gotama? Ngài có nghĩ vị ấy là một bậc Hiền trí chăng?

 - Tôi là ai, thưa Tôn giả, lại có thể biết được trí tuệ sáng suốt của Sa-môn Gotama. Chỉ có ai như vị ấy, mới có thể biết được trí tuệ sáng suốt của Sa-môn Gotama.

Thật là cao thượng lời Tôn giả Pingiyàni tán thán Sa-môn Gotama. “Tôi là ai, thưa Tôn giả, lại có thể nói lời tán thán Sa-môn Gotama”. Được tán thán bởi những bậc được tán thán là Tôn giả Gotama, bậc tối thắng giữa chư Thiên và loài Người. Tôn giả Pingiyàni thấy những lợi ích gì lại cực lực tin tưởng Sa-môn Gotama như vậy?

 - Thưa Tôn giả, ví như một người đã thỏa mãn với vị ngọt tối thượng sẽ không còn thèm muốn các vị ngọt hạ liệt khác. Cũng vậy, thưa Tôn giả, khi đã nghe pháp của Tôn giả Gotama, như Khế kinh, Phúng tụng, Ký thuyết, Vị tằng hữu pháp..., thời không còn thèm muốn các lý thuyết của những người khác, của các Sa-môn, Bà-la-môn thấp kém. Ví như, thưa Tôn giả, một người bị đói lả và mệt mỏi, tìm được một bánh mật, cứ mỗi miếng vị ấy được nếm, cứ mỗi miếng vị ấy được thưởng thức vị ngọt thuần nhất. Cũng vậy, thưa Tôn giả, khi đã được nghe pháp của Tôn giả Gotama, như Khế kinh, Phúng tụng, Ký thuyết, Vị tằng hữu pháp... vị ấy được hoan hỷ, tâm được tịnh tín. Ví như, thưa Tôn giả, một người tìm được một cành cây chiên-đàn, chiên-đàn vàng hay chiên-đàn đỏ, chỗ nào người ấy ngửi hoặc từ nơi rễ, hoặc từ nơi chặng giữa, hoặc từ nơi ngọn, người ấy được hương thơm thuần diệu. Cũng vậy, thưa Tôn giả, khi đã được nghe pháp của Tôn giả Gotama, như Khế kinh, Phúng tụng, Ký thuyết, Vị tằng hữu pháp... thời vị ấy được thưởng thức hân hoan, được thưởng thức hoan hỷ. Ví như, thưa Tôn giả, một người bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh, rồi có vị lương y lập tức chữa cho khỏi bệnh. Cũng vậy, thưa Tôn giả, khi đã được nghe pháp của Tôn giả Gotama, như Khế kinh, Phúng tụng, Ký thuyết, Vị tằng hữu pháp... khi ấy, sầu bi khổ ưu não đi đến tiêu diệt. Ví như, thưa Tôn giả, một hồ sen, có nước trong, có nước ngọt, có nước mát, có nước mát trong, có bờ hồ khéo sắp đặt, đẹp đẽ, rồi một người đi đến, bị nóng nhiệt não, bị nóng bức bách, mệt mỏi, thèm uống nước, khát nước. Người ấy, sau khi lặn xuống trong hồ sen ấy, sau khi tắm rửa, uống nước, tất cả khổ cực mệt mỏi, nhiệt não đều được lắng dịu. Cũng vậy, thưa Tôn giả, trong khi đã được nghe pháp của Tôn giả Gotama, như Khế kinh, Phúng tụng, Ký thuyết, Vị tằng hữu pháp... khi ấy tất cả khổ cực, mệt mỏi, nhiệt não đều được chỉ tức.

2. Khi được nói vậy, Bà-la-môn Karanapàli từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y qua một bên vai, đầu gối bên phải quỳ trên mặt đất, chắp tay hướng đến Thế Tôn, và ba lần thốt lên lời cảm hứng sau đây:

 - Đảnh lễ Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác! Đảnh lễ Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác! Đảnh lễ Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác!

 - Thật vi diệu thay, Tôn giả Pingiyàni! Thật vi diệu thay, Tôn giả Pingiyàni! Thưa Tôn giả Pingiyàni, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho những kẻ đi lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích. Thưa Tôn giả Pingiyàni, con nay xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp và chúng Tỷ-kheo. Tôn giả Pingyàni hãy chấp nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

§§ (V) (195) BÀ-LA-MÔN PINGIYÀNI

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàlì, tại Mahàvana, tại giảng đường có nóc nhọn, có khoảng 500 người Licchavi hầu hạ Thế Tôn. Một số người Licchavi toàn xanh, màu sắc xanh, mặc vải màu xanh, mang đồ trang sức màu xanh. Một số người Licchavi toàn vàng, màu sắc vàng, mặc vải màu vàng, mang đồ trang sức màu vàng. Một số người Licchavi toàn đỏ, màu sắc đỏ, mặc vải màu đỏ, mang đồ trang sức màu đỏ. Một số người Licchavi toàn trắng, màu sắc trắng, mặc vải màu trắng, mang đồ trang sức màu trắng. Nhưng thật sự Thế Tôn đã chói sáng với dung sắc và sự huy hoàng. Rồi Bà-la-môn Pingiyàni từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y vào một bên vai, chắp tay hướng đến Thế Tôn và bạch Thế Tôn:

 - Điều này được nói lên cho con, bạch Thế Tôn! Điều này được nói lên cho con, bạch Thế Tôn!

 - Hãy nói lên, này Pingiyàni!

Thế Tôn nói như vậy. Rồi Bà-la-môn Pingiyàni trước mặt Thế Tôn, nói lên bài kệ thích đáng:

Như loại hoa sen hồng,

Buổi sáng hương ngào ngạt,

Khi đóa hoa càng nở,

Hương thơm càng ngát hương.

Xem Angìrasa,

Chiếu hào quang sáng chói,

Chói sáng thật rực rỡ,

Như mặt trời trên không.

Rồi các người Licchavi ấy đem 500 thượng y dâng đắp cho Bà-la-môn Pingiyàni. Và Bà-la-môn Pingiyàni đem 500 thượng y ấy dâng đắp cho Thế Tôn. Thế Tôn nói với các vị ấy:

2. - Này các Licchavì, sự xuất hiện của năm châu báu khó tìm được ở đời. Thế nào là năm?

3. Sự xuất hiện của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác khó tìm được ở đời. Người thuyết được Pháp Luật do Như Lai tuyên bố khó tìm được ở đời. Người hiểu được Pháp và Luật do Như Lai tuyên bố khó tìm được ở đời. Người thực hành pháp và tùy pháp, sau khi đã hiểu rõ lời thuyết giảng về Pháp và Luật do Như Lai tuyên thuyết, khó tìm được ở đời. Người biết ơn, nhớ ơn khó tìm được ở đời.

Này các Licchavi, sự xuất hiện của năm loại châu báu này khó tìm được ở đời.

§§ (VI) (196) MỘNG

1. - Trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, này các Tỷ-kheo, khi chưa Chánh Đẳng Giác, còn là Bồ-tát, có năm mộng lớn hiện ra. Thế nào là năm?

2. Này các Tỷ-kheo, trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, khi chưa Chánh Đẳng Giác, còn là Bồ-tát mộng thấy đất lớn này là giường lớn, Tuyết sơn, vua các loài núi là các gối, tay trái đặt nằm trên biển phía Đông, tay mặt nằm trên biển phía Tây, hai chân nằm trên biển phía Nam. Trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, khi chưa Chánh Đẳng Giác, còn là Bồ-tát, mộng lớn thứ nhất này được hiện ra.

3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, khi chưa Chánh Đẳng Giác, còn là Bồ-tát, mộng thấy từ nơi lỗ rún, cỏ tiriya mọc ra, mọc cho đến khi chạm đến trời rồi mới dừng lại. Trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, khi chưa Chánh Đẳng Giác, còn là Bồ-tát, mộng lớn thứ hai này được hiện ra.

4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, khi chưa Chánh Đẳng Giác, còn là Bồ-tát, mộng thấy các con sâu trắng, đầu đen, bò ra từ chân cho đến đầu gối và che đậy chúng. Trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, khi chưa Chánh Đẳng Giác, còn là Bồ-tát, mộng lớn thứ ba này được hiện ra.

5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, khi chưa Chánh Đẳng Giác, còn là Bồ-tát mộng thấy bốn con chim màu sắc khác nhau, từ bốn phương bay đến, rơi xuống chân Ngài và trở thành trắng toát. Trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, khi chưa Chánh Đẳng Giác, còn là Bồ-tát, mộng lớn thứ tư này được hiện ra.

6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, khi chưa Chánh Đẳng Giác, còn là Bồ-tát mộng thấy Ngài đi kinh hành qua lại trên hòn núi đầy phân, nhưng không bị nhớp vì phân. Trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, khi chưa Chánh Đẳng Giác, còn là Bồ-tát, mộng lớn thứ năm này được hiện ra.

7. Này các Tỷ-kheo, trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, khi chưa Chánh Đẳng Giác, còn là Bồ-tát mộng thấy quả đất lớn này làm giường nằm lớn, núi Tuyết sơn, vua các loài núi làm các gối, tay trái đặt nằm trên biển phía Đông, tay mặt đặt nằm trên biển phía Tây, hai chân đặt nằm trên biển phía Nam. Này các Tỷ-kheo, đối với Như Lai bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Ngài chứng được Vô thượng Chánh giác ngộ, Chánh Đẳng Giác. Trong khi Ngài Chánh giác ngộ, mộng lớn thứ nhất này được hiện ra.

8. Này các Tỷ-kheo, trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, khi chưa Chánh Đẳng Giác, còn là Bồ-tát mộng thấy từ nơi lỗ rún, cỏ titiya mọc ra, mọc cho đến khi chạm đến trời rồi mới dừng lại. Này các Tỷ-kheo, đối với Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Thánh đạo tám ngành được hoàn toàn giác ngộ và khéo tuyên bố cho chư Thiên và loài Người. Trong khi Ngài chánh giác ngộ, mộng lớn thứ hai này được hiện ra.

9. Này các Tỷ-kheo, trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, khi chưa Chánh Đẳng Giác, còn là Bồ-tát, mộng thấy các con sâu trắng, đầu đen, bò ra từ chân cho đến đầu gối, và che đậy chúng. Này các Tỷ-kheo, nhiều Gia chủ bận áo trắng quy y Như Lai cho đến trọn đời. Trong khi Ngài chánh giác ngộ, mộng lớn thứ ba này được hiện ra.

10. Này các Tỷ-kheo, trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, khi chưa Chánh Đẳng Giác, còn là Bồ-tát, mộng thấy bốn con chim màu sắc khác nhau, từ bốn phương bay đến, rơi xuống chân Ngài và trở thành trắng toát. Bốn giai cấp này, này các Tỷ-kheo, Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn, Tỳ-xá, Thủ-đà, sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai tuyên thuyết, các vị ấy chứng ngộ vô thượng giải thoát. Trong khi Ngài chánh giác ngộ, mộng lớn thứ tư này được hiện ra.

11. Này các Tỷ-kheo, trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, khi chưa Chánh Đẳng Giác, còn là Bồ-tát, mộng thấy Ngài đi kinh hành qua lại trên hòn núi đầy phân, nhưng không bị nhớp vì phân. Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn được các vật dụng cần thiết như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Và ở đây, Như Lai thọ hưởng không bị trói buộc không bị tham đắm, không bị mê say, thấy sự nguy hại có trí tuệ và xuất ly. Trong khi Ngài chánh giác ngộ, mộng lớn thứ năm này được hiện ra.

Này các Tỷ-kheo, trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, trước khi thành Chánh Đẳng Giác, còn là Bồ-tát năm mộng lớn này được hiện ra.

§§ (VII) (197) MƯA

1. - Có năm chướng ngại cho mưa này, các người đoán tướng không biết được, ở đây, mắt của những người đoán tướng không thể kham nhẫn. Thế nào là năm?

2. Trên hư không, này các Tỷ-kheo, hỏa giới phẫn nộ, do vậy các mây đã khởi lên bị tán loạn. Này các Tỷ-kheo, đây là chướng ngại thứ nhất cho mưa, các người đoán tướng không biết được, ở đây mắt của những người đoán tướng không thể kham nhẫn.

3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trên hư không, phong giới phẫn nộ, do vậy các mây đã khởi lên bị tán loạn. Này các Tỷ-kheo, đây là chướng ngại thứ hai cho mưa, các người đoán tướng không biết được, mắt của những người đoán tướng không thể kham nhẫn.

4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Ràhu, vua các loài A-tu-la dùng tay thâu lấy nước rồi đổ xuống biển lớn. Này các Tỷ-kheo, đây là chướng ngại thứ ba cho mưa, các người đoán tướng không thể biết được, mắt của những người đoán tướng không thể kham nhẫn.

5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, chư Thiên của các loại mây đem mưa trở thành biếng nhác. Đây là chướng ngại thứ tư cho mưa, các người đoán tướng không thể biết được, mắt của những người đoán tướng không thể kham nhẫn.

6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, khi loài Người trở thành phi pháp, này các Tỷ-kheo, đây là chướng ngại thứ năm cho mưa, các người đoán tướng không biết được, mắt của những người đoán tưởng không thể kham nhẫn.

Này các Tỷ-kheo, có năm sự chướng ngại cho mưa này, các người đoán tướng không thể biết được, mắt của những người đoán tưởng không thể kham nhẫn.

§§ (VIII) (198) LỜI NÓI

1. - Thành tựu năm chi phần, này các Tỷ-kheo, các lời là thiện thuyết, không phải ác thuyết, không có phạm tội và không bị những người có trí chỉ trích. Thế nào là năm?

2. Nói đúng thời, nói đúng sự thật, nói lời nhu hòa, nói lời liên hệ đến lợi ích, nói lời với từ tâm.

Thành tựu năm chi phần này, này các Tỷ-kheo, các lời nói là thiện thuyết, không phải là ác thuyết, không có phạm tội và không bị những người có trí chỉ trích.

§§ (IX) (199) GIA ĐÌNH

1. - Khi nào, này các Tỷ-kheo, các người xuất gia giữ giới đi đến với gia đình, tại đấy các người do năm trường hợp, được nhiều công đức. Thế nào là năm?

2. Khi nào, này các Tỷ-kheo, các người xuất gia giữ giới đi đến với gia đình, các người sau khi thấy họ tâm được tịnh tín. Này các Tỷ-kheo, như vậy là đưa đến cõi Trời, và gia đình ấy trong lúc ấy đã bước được trên con đường ấy.

3. Khi nào, này các Tỷ-kheo, các người xuất gia giữ giới đi đến với gia đình, các người đứng dậy, đảnh lễ họ, mời họ ngồi. Này các Tỷ-kheo, như vậy đưa đến được sanh vào các gia đình cao sang, và gia đình ấy trong lúc ấy đã bước được trên con đường ấy.

4. Khi nào, này các Tỷ-kheo, các người xuất gia giữ giới đi đến với gia đình, các người từ bỏ cấu uế của xan tham. Này các Tỷ-kheo, như vậy đưa đến đại uy lực, và gia đình ấy trong lúc ấy, đã bước được trên con đường ấy.

5. Khi nào, này các Tỷ-kheo, các người xuất gia giữ giới đi đến với gia đình, các người tùy theo khả năng, tùy theo năng lực, san sẻ vật bố thí. Này các Tỷ-kheo, như vậy đưa đến tài sản lớn, và gia đình ấy trong lúc ấy đã bước được trên con đường ấy.

6. Khi nào, này các Tỷ-kheo, các người xuất gia giữ giới đi đến với gia đình, các người hỏi những câu hỏi, đặt những câu hỏi, nghe pháp. Này các Tỷ-kheo, như vậy đưa đến đại trí tuệ, và gia đình ấy trong lúc ấy đã bước được trên con đường ấy.

Khi nào, này các Tỷ-kheo, các người xuất gia giữ giới đi đến với gia đình, tại đấy các người do năm trường hợp này được nhiều công đức.

§§ (X) (200) XUẤT LY

1. - Này các Tỷ-kheo, có năm giới đưa đến xuất ly này. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tác ý về dục tâm không phấn chấn trong các dục, không tịnh tín, không an trú, không quyết định. Nhưng khi tác ý đến viễn ly, tâm liền phấn chấn trong viễn ly, được tịnh tín, được an trú, được quyết định. Tâm ấy của vị ấy là khéo làm, khéo tụ tập, khéo tăng trưởng, khéo giải thoát, khéo không liên hệ đến dục. Và do duyên với dục, khởi lên các lậu hoặc, não hại, nhiệt não, vị ấy giải thoát khỏi chúng, không cảm giác thọ ấy. Đây gọi là xuất ly khỏi các dục.

3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tác ý về sân, tâm không phấn chấn trong sân, không tịnh tín, không an trú, không quyết định. Nhưng khi tác ý đến vô sân, tâm liền phấn chấn trong vô sân, được tịnh tín, được an trú, được quyết định. Tâm ấy của vị ấy là khéo làm, khéo tụ tập, khéo tăng trưởng, khéo giải thoát, khéo không liên hệ đến sân. Và do duyên với sân, khởi lên các lậu hoặc, não hại, nhiệt não, vị ấy giải thoát khỏi chúng, không cảm giác thọ ấy. Đây gọi là xuất ly khỏi sân.

4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tác ý về hại, tâm không phấn chấn trong hại, nhưng không tịnh tín, không an trú, không quyết định. Nhưng khi tác ý đến vô hại, tâm liền phấn chấn trong vô hại, được tịnh tín, được an trú, được quyết định. Tâm ấy của vị ấy là khéo làm, khéo tụ tập, khéo tăng trưởng, khéo giải thoát, khéo không liên hệ đến hại. Và do duyên với hại, khởi lên các lậu hoặc não hại, nhiệt não, vị ấy giải thoát khỏi chúng, không cảm giác thọ ấy. Đây gọi là xuất ly ra khỏi hại.

5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tác ý về sắc, tâm không phấn chấn trong sắc, không tịnh tín, không an trú, không quyết định. Nhưng khi tác ý đến vô sắc, tâm liền phấn chấn trong vô sắc, được tịnh tín, được an trú, được quyết định. Tâm ấy của vị ấy là khéo làm, khéo tụ tập, khéo tăng trưởng, khéo giải thoát, khéo không liên hệ đến sắc. Và do duyên với sắc, khởi lên các lậu hoặc, não hại, nhiệt não, vị ấy giải thoát khỏi chúng, không cảm giác thọ ấy. Đây gọi là xuất ly khỏi sắc.

6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tác ý về có thân, tâm không phấn chấn trong có thân, không tịnh tín, không an trú, không quyết định. Nhưng khi tác ý đến đoạn diệt có thân, tâm liền phấn chấn trong đoạn diệt có thân, được tịnh tín, được an trú, được quyết định. Tâm ấy của vị ấy là khéo làm, khéo tụ tập, khéo tăng trưởng, khéo giải thoát, khéo không liên hệ đến có thân. Và do duyên với có thân, khởi lên các lậu hoặc não hại, nhiệt não, vị ấy giải thoát khỏi chúng, không cảm giác thọ ấy. Đây gọi là xuất ly ra khỏi có thân.

Đối với vị ấy, dục hỷ không có tùy miên, sân hỷ không có tùy miên, hại hỷ không có tùy miên, sắc hỷ không có tùy miên, hữu thân hỷ không có tùy miên. Vị ấy không có tùy miên đối với dục hỷ, không có tùy miên đối với sân hỷ, không có tùy miên đối với hại hỷ, không có tùy miên đối với sắc hỷ, không có tùy miên đối với hữu thân hỷ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo được thoát khỏi tùy miên, đã chặt đứt khát ái, giải tỏa kiết sử, do chánh nhiếp phục kiêu mạn, đoạn tận khổ đau.

Này các Tỷ-kheo, có năm giới đưa đến xuất ly này.

XXI. PHẨM KIMBILA

§§ (I) (201) KIMBILA

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Kimbilà, tại Veluvana. Rồi Tôn giả Kimbila đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả kimbila bạch Thế Tôn:

2. - Do nhân gì, do duyên gì, bạch Thế Tôn, sau khi Như Lai nhập diệt, Chánh pháp không được an trú lâu ngày?

 - Ở đây, này Kimbila, khi Như Lai nhập diệt, các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, Nam cư sĩ, Nữ cư sĩ sống không tôn trọng, không vâng lời bậc Đạo sư, sống không tôn trọng, không vâng lời Pháp, sống không tôn trọng, không vâng lời chúng Tăng, sống không tôn trọng, không vâng lời Học pháp, sống không tôn trọng, không vâng lời lẫn nhau. Do nhân này, do duyên này, này Kimbila, khi Như Lai nhập diệt, diệu pháp không được an trú lâu ngày.

3. Do nhân gì, do duyên gì, bạch Thế Tôn, sau khi Như Lai nhập diệt, Chánh pháp được an trú lâu ngày?

 - Ở đây, này Kimbila, khi Như Lai nhập diệt, các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, Nam cư sĩ, Nữ cư sĩ sống tôn trọng và vâng lời bậc Đạo sư, sống tôn trọng và vâng lời Pháp, sống tôn trọng và vâng lời chúng Tăng, sống tôn trọng và vâng lời Học pháp, sống tôn trọng và vâng lời lẫn nhau. Đây là nhân, đây là duyên, này Kimbila, khi Như Lai nhập diệt diệu pháp được tồn tại lâu dài.

§§ (II) (202) NGHE PHÁP

1. - Này các Tỷ-kheo, nghe pháp có năm lợi ích này. Thế nào là năm?

2. Được nghe điều chưa nghe, làm cho trong sạch điều được nghe, đoạn trừ nghi, làm cho tri kiến chánh trực, làm cho tâm tịnh tín.

Này các Tỷ-kheo, nghe pháp có năm lợi ích này.

§§ (III) (203) CON NGỰA THUẦN

1. Thành tựu năm chi phần, này các Tỷ-kheo, một con ngựa hiền thiện thuần chủng của vua, xứng đáng là của vua, là tài sản của vua và được gọi là biểu tượng của vua. Thế nào là năm?

2. Trực hành, chạy nhanh, nhu nhuyến lanh lẹ, nhẫn nhục, hiền lành. Thành tựu năm chi phần này, này các Tỷ-kheo, một con ngựa hiền thiện thuần chủng của vua, xứng đáng là của vua, là tài sản của vua và được gọi là biểu tượng của vua.

3. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, thành tựu năm pháp, Tỷ-kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng đường, đáng được chắp tay, là vô thượng phước điền ở đời. Thế nào là năm?

4. Trực hành, chạy nhanh, nhu nhuyến, nhẫn nhục, hiền lành.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng đường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời.

§§ (IV) (204) CÁC SỨC MẠNH

1. - Này các Tỷ-kheo, có năm sức mạnh này. Thế nào là năm?

2. Tín lực, tàm lực, quý lực, tinh tấn lực, tuệ lực.

Này các Tỷ-kheo, có năm sức mạnh này.

§§ (V) (205) TÂM HOANG VU

1. - Này các Tỷ-kheo, có năm tâm hoang vu này. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nghi ngờ bậc Đạo sư, do dự, không quyết đoán, không có tịnh tín. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào nghi ngờ bậc Đạo sư, do dự, không quyết đoán, không có tịnh tín, thời tâm của vị này không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn. Như vậy là tâm hoang vu thứ nhất.

3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nghi ngờ Pháp... nghi ngờ Tăng... nghi ngờ Học pháp... phẫn nộ đối với các vị đồng Phạm hạnh, không có hoan hỷ, tâm tư chống đối cứng rắn. Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo nào phẫn nộ đối với các vị đồng Phạm hạnh, không có hoan hỷ, tâm tư chống đối cứng rắn, thời tâm của vị này không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn. Nếu tâm của ai không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm hoang vu thứ năm.

Này các Tỷ-kheo, có năm tâm hoang vu này.

§§ (VI) (206) TÂM TRIỀN PHƯỢC

1. Này các Tỷ-kheo, có năm tâm triền phược này. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các dục, không phải không tham ái, không phải không dục cầu, không phải không ái luyến, không phải không khao khát, không phải không nhiệt não, không phải không khát ái. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào đối với các dục, không phải không tham ái... không phải không khát ái, tâm của vị ấy không hướng về nổ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn. Nếu tâm của ai không hướng về nổ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm triền phược thứ nhất.

3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đối với thân không phải không tham ái... đối với sắc... Tỷ-kheo nào ăn cho đến thỏa thê, cho đến bụng chứa đầy, sống thiên nặng về khoái lạc sàng tọa, về khoái lạc ngủ nghỉ, về khoái lạc thụy miên, Tỷ-kheo nào sống Phạm hạnh với mong cầu được sanh Thiên giới, với ý nghĩ: “Ta với giới này, với hạnh này, với khổ hạnh này, với Phạm hạnh này sẽ được sanh làm chư Thiên này hay chư Thiên khác!” Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào sống Phạm hạnh... như vậy là tâm triền phược thứ năm.

Này các Tỷ-kheo, có năm tâm triền phược này.

§§ (VII) (207) CHÁO

1. - Này các Tỷ-kheo, có năm lợi ích này của cháo. Thế nào là năm?

2. Trị đói, trừ khát, điều hòa phong, làm sạch bọng đái (hay thuyết quản) và tiêu hóa các đồ ăn sống còn lại.

Này các Tỷ-kheo, có năm lợi ích này của cháo.

§§ (VII) (208) TĂM XỈA RĂNG

1. - Này các Tỷ-kheo, có năm điều nguy hại do không dùng tăm xỉa răng. Thế nào là năm?

2. Con mắt bị ảnh hưởng, miệng hôi thúi, thần kinh vị không trong sạch, nước mật và đàm dính vào đồ ăn, ăn không thấy ngon.

Này các Tỷ-kheo, có năm điều nguy hại này do không dùng tăm xỉa răng.

3. Này các Tỷ-kheo, có năm điều lợi ích nhờ dùng tăm xỉa răng. Thế nào là năm?

4. Con mắt không bị ảnh hưởng, miệng không hôi thúi, thần kinh vị được trong sạch, nước mật và đàm không dính vào đồ ăn, ăn thấy ngon.

Này các Tỷ-kheo, có năm điều lợi ích nhờ dùng tăm xỉa răng.

§§ (IX) (209) THUYẾT PHÁP VỚI GIỌNG CA

1. - Này các Tỷ-kheo, có năm điều nguy hại với người thuyết pháp với giọng ca kéo dài. Thế nào là năm?

2. Tự mình say đắm trong âm giọng ấy; người khác say đắm trong âm giọng ấy; các người Gia chủ phê bình: “Như chúng ta hát, cũng vậy, các Sa-môn Thích tử này ca hát. Vì vị ấy cố gắng rèn luyện cho âm thanh điêu luyện nên định bị gián đoạn; các thế hệ theo sau bắt chước.”

Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này đối với người thuyết pháp với giọng ca kéo dài.

§§ (X) (210) THẤT NIỆM

1. - Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này đối với người thất niệm, không tỉnh giác rơi vào giấc ngủ. Thế nào là năm?

2. Ngủ một cách khổ sở; thức dậy một cách khổ sở; thấy ác mộng; chư Thiên không phòng hộ; bất tịnh chảy ra, mộng tinh, di tinh.

Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này đối với người thất niệm, không tỉnh giác rơi vào giấc ngủ.

3. Này các Tỷ-kheo, có năm lợi ích này đối với người trú niệm, tỉnh giác rơi vào giấc ngủ. Thế nào là năm?

4. Ngủ một các ngon lành; thức dậy một cách ngon lành; không thấy ác mộng; chư Thiên phòng hộ; bất tịnh không chảy ra.

Này các Tỷ-kheo, có năm lợi ích này đối với người trú niệm, tỉnh giác rơi vào giấc ngủ.

XXII. PHẨM MẮNG NHIẾC

§§ (I) (211) MẮNG NHIẾC

1. - Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, mắng nhiếc, mạ lỵ, các vị tu Phạm hạnh, phỉ báng bậc Thánh, vị ấy được chờ đợi năm sự nguy hại. Thế nào là năm?

2. Phạm tội bị tẩn xuất, chặt đứt con đường hướng thượng; hay phạm một tội nhiễm; hay cảm xúc bệnh hoạn trầm trọng; khi mạng chung tâm bị mê loạn; sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, mắng nhiếc, mạ lỵ, các vị tu Phạm hạnh, phỉ báng bậc Thánh, vị ấy được chờ đợi năm sự nguy hại này.

§§ (II) (212) ĐẤU TRANH

1. - Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, là người gây ra cãi cọ, là người gây ra tranh luận, là người gây ra đấu tranh, là người gây ra các cuộc đấu khẩu, là người gây ra kiện tụng trong Tăng chúng. Vị ấy được chờ đợi năm sự nguy hại. Thế nào là năm?

2. Không chứng điều chưa chứng được; thối thất điều đã chứng được; tiếng ác đồn khắp; khi mạng chung, tâm bị mê loạn; sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, gây ra cãi cọ, gây ra tranh luận, gây ra đấu tranh, gây ra các cuộc đấu khẩu, gây ra kiện tụng trong Tăng chúng, vị ấy được chờ đợi năm sự nguy hại này.

§§ (III) (213) ÁC GIỚI, PHÁ GIỚI

1. - Này các Tỷ-kheo, có năm sự nguy hại này cho kẻ ác giới, phá giới. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ ác giới, phá giới, do nhân phóng dật, bị tổn thất tài sản lớn. Này các Tỷ-kheo, đây là sự nguy hại thứ nhất cho kẻ ác giới, phá giới.

3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, đối với kẻ ác giới, phá giới, tiếng ác đồn xa. Này các Tỷ-kheo, đây là nguy hại thứ hai cho kẻ ác giới, phá giới.

4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, kẻ ác giới, phá giới, khi đến hội chúng nào, hoặc hội chúng Sát-đế-lỵ, hoặc hội chúng Bà-la-môn, hoặc hội chúng Gia chủ, hoặc hội chúng Sa-môn, vị ấy đi đến hội chúng ấy, có sợ hãi, có hoang mang. Này các Tỷ-kheo, đây là nguy hại thứ ba cho kẻ ác giới, phá giới.

5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, kẻ ác giới, phá giới khi mạng chung, tâm bị mê loạn. Này các Tỷ-kheo, đây là sự nguy hại thứ tư cho kẻ ác giới, phá giới.

6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, kẻ ác giới, phá giới, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ ác thú, đọa xứ, địa ngục. Này các Tỷ-kheo, đây là nguy hại thứ năm cho kẻ ác giới, phá giới.

Này các Tỷ-kheo, có năm sự nguy hại này cho kẻ ác giới, phá giới.

7. Này các Tỷ-kheo, có năm lợi ích cho vị có giới, đầy đủ giới. Thế nào là năm?

8. Ở đây, này các Tỷ-kheo, người giữ giới, đầy đủ giới, do nhân không phóng dật, thâu được tài sản lớn. Này các Tỷ-kheo, đây là lợi ích thứ nhất cho vị giữ giới, đầy đủ giới.

9. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, với người giữ giới, đầy đủ giới, tiếng lành được đồn xa. Này các Tỷ-kheo, đây là lợi ích thứ hai cho kẻ giữ giới, đầy đủ giới.

10. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, người giữ giới, đầy đủ giới, có đi đến hội chúng nào, hoặc hội chúng Sát-đế-lỵ, hoặc hội chúng Bà-la-môn, hoặc hội chúng Gia chủ, hoặc hội chúng Sa-môn, vị ấy đến không sợ hãi, không hoang mang. Này các Tỷ-kheo, đây là lợi ích thứ ba cho người giữ giới, đầy đủ giới.

11. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, người giữ giới, đầy đủ giới, khi mạng chung, tâm không bị mê loạn. Này các Tỷ-kheo, đây là sự lợi ích thứ tư cho người giữ giới, đầy đủ giới.

12. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, người giữ giới, đầy đủ giới, khi thân hoại mạng chung sanh lên cõi lành, Thiên giới, cõi đời này. Này các Tỷ-kheo, đây là lợi ích thứ năm cho người giữ giới, đầy đủ giới.

Này các Tỷ-kheo, có năm sự lợi ích này cho vị giữ giới, đầy đủ giới.

§§ (IV) (214) NGƯỜI NÓI NHIỀU

1. - Có năm nguy hại này cho người nói nhiều. Thế nào là năm?

2. Nói láo; nói lời hai lưỡi; nói lời độc ác; nói lời phù phiếm; sau khi thân hoại hạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này cho kẻ nói nhiều.

3. Này các Tỷ-kheo, có năm lợi ích này cho người nói vừa phải. Thế nào là năm?

4. Không nói láo; không nói hai lưỡi; không nói lời độc ác; không nói lời phù phiếm; sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này.

Này các Tỷ-kheo, có năm lợi ích này cho kẻ nói vừa phải.

§ (V) (215) KHÔNG KHAM NHẪN (1)

1. - Có năm nguy hại này cho người không kham nhẫn. Thế nào là năm?

2. Quần chúng không ái mộ, không ưa thích; nhiều người hận thù; nhiều người tránh né; khi mạng chung, tâm bị mê loạn; sau khi thân hoại mạng chung; sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Này các Tỷ-kheo, đây là năm nguy hại cho người không kham nhẫn.

3. Này các Tỷ-kheo, có năm lợi ích này cho người có kham nhẫn. Thế nào là năm?

4. Quần chúng ái mộ và ưa thích; không có nhiều người hận thù; không có nhiều người tránh né; khi mạng chung, tâm không bị mê loạn; sau khi thân hoại mạng chung, được sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này.

Này các Tỷ-kheo, có năm lợi ích này cho người có kham nhẫn.

§§ (VI) (216) KHÔNG KHAM NHẪN (2)

(Như kinh trên §215 chỉ thế vào mục 2, thay câu nhiều người hận thù, nhiều người tránh né, bằng câu là người hung bạo, là người không hối quá.)

§§ (VII) (217) KHÔNG TỊNH TÍN (1)

1. - Có năm nguy hại này, này các Tỷ-kheo, cho người không tịnh tín. Thế nào là năm?

2. Tự mình chỉ trích mình; bậc có trí sau khi suy xét, quở trách; tiếng ác đồn xa; khi mạng chung, tâm bị mê loạn; sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này, cho người không có tịnh tín.

3. Này các Tỷ-kheo, có năm lợi ích này, cho vị có tịnh tín. Thế nào là năm?

4. Tự mình không chỉ trích mình; bậc có trí sau khi suy xét, tán thán; tiếng lành đồn xa; khi mạng chung, tâm không mê loạn; sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này.

Này các Tỷ-kheo, có năm lợi ích này, cho người có tịnh tín.

§§ (VIII) (218) KHÔNG TỊNH TÍN (2)

1. - Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này, cho kẻ không tịnh tín. Thế nào là năm?

2. Những tư tưởng bất tín không được tịnh tín; một số tư tưởng đã tịnh tín có thể đổi khác; không làm theo lời dạy của bậc Đạo sư; thế hệ tiếp bắt chước theo tà kiến; tâm không được tịnh tín.

Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này, cho những người không có tịnh tín.

3. Này các Tỷ-kheo, có năm lợi ích này, cho những người có tịnh tín. Thế nào là năm?

4. Những tư tưởng bất tín được tịnh tín; những tư tưởng tịnh tín được tăng trưởng; lời dạy của bậc Đạo sư được làm theo; thế hệ tiếp bắt chước theo tri kiến; tâm được tịnh tín.

Này các Tỷ-kheo, có năm lợi ích này, cho người có tịnh tín.

§§ (IX) (219) LỬA

1. - Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này trong lửa. Thế nào là năm?

2. Có hại cho mắt; tổn hại dung sắc; tổn hại sức mạnh; quần chúng tụ họp tăng trưởng; các câu chuyện về bàng sanh được nói lên.

Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này ở trong lửa.

§§ (X) (220) TẠI MADHURÀ

1. - Có năm nguy hại này tại Madhurà. Thế nào là năm?

2. Không bằng phẳng; nhiều bụi bặm; có chó dữ; có các loại dạ xoa bạo ngược; đồ ăn khất thực khó kiếm.

Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này ở Madhurà.

XXIII. PHẨM DU HÀNH DÀI

§§ (I) (221) DU HÀNH DÀI (1)

1. - Có năm điều nguy hại này, này các Tỷ-kheo, cho người sống du hành dài, du hành không có mục đích. Thế nào là năm?

2. Không nghe điều chưa được nghe: không làm cho thanh tịnh điều đã được nghe: có sợ hãi một phần điều đã được nghe: cảm xúc bệnh hoạn trầm trọng; không có bạn bè.

Có năm nguy hại này, này các Tỷ-kheo, cho người sống du hành dài, du hành không có mục đích.

3. Này các Tỷ-kheo, có năm lợi ích này cho người sống có mục đích. Thế nào là năm?

4. Nghe điều chưa được nghe: làm cho thanh tịnh điều đã được nghe: không có sợ hãi một phần điều đã được nghe: không cảm xúc bệnh hoạn trầm trọng; có bạn bè.

Có năm lợi ích này, này các Tỷ-kheo, cho người sống có mục đích.

§§ (II) (222) DU HÀNH DÀI (2)

(Giống như kinh trên §221, chỉ có khác là thay vì: “Không nghe điều chưa được nghe, không làm cho thanh tịnh điều đã được nghe, có sợ hãi một phần điều đã được nghe”, thời được thế vào “Không chứng đắc điều chưa được chứng đắc, không làm cho thanh tịnh điều đã được chứng đắc, không có không sợ hãi một phần điều đã được chứng đắc...” với những thay đổi cần thiết)

§§ (III) (223) SỐNG QUÁ LÂU (1)

1. - Có năm nguy hại này, này các Tỷ-kheo, nếu sống quá lâu tại một chỗ. Thế nào là năm?

2. Đồ dùng nhiều, cất chứa nhiều đồ dùng; nhiều dược phẩm, cất chứa nhiều dược phẩm; nhiều việc làm, nhiều công việc phải làm, không khéo léo trong những công việc gì phải làm; sống lẫn lộn với Gia chủ và xuất gia, tùy thuận trong sự liên hệ với Gia chủ; và khi ra đi bỏ trú xứ ấy, ra đi với sự luyến tiếc.

Này các Tỷ-kheo, đó là năm nguy hại nếu sống quá lâu tại một chỗ.

3. Có năm lợi ích này, này các Tỷ-kheo, nếu sống đồng đều mỗi một chỗ. Thế nào là năm?

4. Đồ dùng không nhiều, không cất chứa nhiều đồ dùng; dược phẩm không nhiều, không cất chứa nhiều dược phẩm; không có nhiều việc làm, không nhiều công việc phải làm, khéo léo trong những công việc phải làm; không sống lẫn lộn với Gia chủ và xuất gia, không tùy thuận trong sự liên hệ với Gia chủ; và khi ra đi bỏ trú xứ ấy, ra đi không với sự luyến tiếc.

Này các Tỷ-kheo, đó là năm lợi ích nếu sống đồng đều tại một chỗ.

§§ (IV) (224) SỐNG QUÁ LÂU (2)

1. - Có năm nguy hại này, này các Tỷ-kheo, nếu sống quá lâu tại một chỗ. Thế nào là năm?

2. Xan tham đối với trú xứ; xan tham đối với gia đình; xan tham đối với đồ vật cúng dường; xan tham đối với công đức; xan tham đối với pháp.

Có năm nguy hại này, này các Tỷ-kheo, nếu sống quá lâu tại một chỗ.

3. Có năm lợi ích này, này các Tỷ-kheo, nếu sống đồng đều tại một chỗ. Thế nào là năm?

4. Không xan tham đối với trú xứ; không xan tham đối với gia đình; không xan tham đối với đồ được cúng dường; không xan tham đối với công đức; không xan tham đối với pháp.

Có năm lợi ích này, này các Tỷ-kheo, nếu sống đồng đều tại mỗi chỗ.

§§ (V) (225) VIẾNG THĂM GIA ĐÌNH (1)

1. - Có năm nguy hại này, này các Tỷ-kheo, cho người viếng thăm gia đình. Thế nào là năm?

2. Phạm lỗi không mời mà đến; phạm lỗi ngồi một mình; phạm lỗi ngồi chỗ kín đáo; phạm lỗi thuyết pháp cho nữ nhân hơn năm, sáu chữ; sống với nhiều suy tư về dục.

Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này cho người viếng thăm gia đình.

§§ (VI) (226) VIẾNG THĂM GIA ĐÌNH (2)

1. - Có năm nguy hại này, này các Tỷ-kheo, đối với vị Tỷ-kheo sống liên hệ quá nhiều với các gia đình. Thế nào là năm?

2. Luôn luôn thấy nữ nhân; do thấy, nên có liên hệ; do có liên hệ nên có sự thân mật; do có sự thân mật nên có cơ hội (để tư thông); khi tâm đã có tư thông, thời được chờ đợi như sau: Sẽ không có hoan hỷ sống Phạm hạnh; hay sẽ rơi vào trong một tội nhiễm ô; hay từ bỏ học giới; trở lui lại đời sống thế tục.

Này các Tỷ-kheo, đây là năm nguy hại đối với vị Tỷ-kheo sống liên hệ quá nhiều với các gia đình.

§§ (VII) (227) TÀI SẢN

1. - Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này trong các tài sản. Thế nào là năm?

2. Tài sản bị nguy hiểm về lửa; bị nguy hiểm về nước; bị nguy hiểm về vua; bị nguy hiểm về trộm cướp; bị nguy hiểm về các người thừa tự không khả ái.

Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này trong các tài sản.

3. Này các Tỷ-kheo, có năm lợi ích này trong các tài sản. Thế nào là năm?

4. Nhờ tài sản, tự làm cho được an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc ấy; làm cho mẹ cha được an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc ấy; làm cho vợ con, các người phục vụ, các người làm công được an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc ấy; làm cho bạn bè thân hữu được an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc ấy; đối với các vị Sa-môn, Bà-la-môn, cung cấp các sự cúng dường hướng thượng, đưa đến an lạc, dị thục liên hệ đến cõi trời và dẫn lên Thiên giới.

Này các Tỷ-kheo, có năm lợi ích này trong các tài sản.

§§ (VIII) (228) BỮA ĂN

1. - Có năm nguy hại này, này các Tỷ-kheo, trong gia đình ăn cơm phi thời, sau giờ ngọ. Thế nào là năm?

2. Đối với các khách đến thăm, không cúng dường đúng thời; đối với chư Thiên lãnh thọ các vật cúng, không cúng dường đúng thời; đối với các Sa-môn, Bà-la-môn, chỉ ăn mỗi ngày một bữa, không ăn ban đêm, từ bỏ không ăn phi thời, không cúng dường đúng thời; các người phục vụ, người làm công, làm công việc không được thoải mái; lại nữa, khi còn ăn phi thời, thời các món ăn thiếu chất bổ dưỡng.

Này các Tỷ-kheo, đây là năm nguy hại trong gia đình ăn cơm quá chiều, sau giờ ngọ.

3. Có năm lợi ích này, này các Tỷ-kheo, trong gia đình ăn cơm đúng thời. Thế nào là năm?

4. Đối với các khách đến thăm, cúng dường đúng thời; đối với chư Thiên lãnh thọ các vật cúng, cúng dường đúng thời; đối với các Sa-môn, Bà-la-môn, chỉ ăn mỗi ngày một bữa, không ăn ban đêm, từ bỏ ăn phi thời, cúng dường đúng thời; các người phục vụ, người làm công, làm công việc được thoải mái; lại nữa, khi ăn đúng thời, thời các món ăn đầy đủ chất bổ dưỡng.

Có năm lợi ích này, này các Tỷ-kheo, trong gia đình ăn cơm đúng thời.

§§ (IX) (229) RẮN ĐEN (1)

1. - Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này trong con rắn đen. Thế nào là năm?

2. Không thanh thịnh, hôi thúi, sợ hãi rụt rè, đáng sợ hãi, làm hại bạn.

Này các Tỷ-kheo, đây là năm nguy hại trong con rắn đen.

3. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này trong nữ nhân. Thế nào là năm?

4. Không thanh tịnh, hôi thúi, sợ hãi rụt rè, đáng sợ hãi, làm hại bạn.

Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này trong nữ nhân.

§§ (X) (230) RẮN ĐEN (2)

1. - Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này trong con rắn đen. Thế nào là năm?

2. Phẫn nộ, hiềm hận, có nọc đọc, lưỡi chia hai, làm hại bạn.

Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này trong con rắn đen.

3. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này trong nữ nhân. Thế nào là năm?

4. Phẫn nộ, hiềm hận, có nọc độc, lưỡi chia hai, làm hại bạn.

5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, nọc độc của nữ nhân là như sau: Này các Tỷ-kheo, nữ nhân phần lớn hay tham đắm. Ở đây, này các Tỷ-kheo, lưỡi chia hai của nữ nhân là như sau: Này các Tỷ-kheo, nữ nhân phần lớn nói hai lưỡi. Ở đây, này các Tỷ-kheo, nữ nhân làm hại bạn như sau: Này các Tỷ-kheo, nữ nhân phần lớn ngoại tình!

Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này trong nữ nhân.

XXIV. PHẨM TRÚ TẠI CHỖ

§§ (I) (231) TRÚ TẠI CHỖ

1. - Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo trú tại chỗ trở thành không đáng được làm gương để tụ tập. Thế nào là năm?

2. Không đầy đủ về uy nghi, không đầy đủ về trách nhiệm; không nghe nhiều, không thọ trì điều được nghe: không biết sống đoạn giảm, không ưa thích sống Thiền tịnh; lời nói không hiền thiện, không là người nói lời hiền thiện; ác tuệ, đần độn, câm điếc.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú tại chỗ trở thành không đáng được làm gương để tụ tập.

3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú tại chỗ trở thành đáng được làm gương để tụ tập. Thế nào là năm?

4. Đầy đủ về uy nghi, đầy đủ về trách nhiệm; nghe nhiều, thọ trì điều được nghe: biết sống đoạn giảm, ưa thích Thiền tịnh; lời nói hiền thiện, là người nói lời hiền thiện; có trí tuệ, không đần độn, không câm điếc.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo trú tại chỗ trở thành đáng được làm gương để tụ tập.

§§ (II) (232) ĐƯỢC ÁI MỘ

1. - Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo trú tại chỗ được các vị đồng Phạm hạnh ái mộ, ưa thích, kính trọng, và đáng được làm gương để bắt chước. Thế nào là năm?

2. Có giới, sống được bảo vệ với sự bảo vệ của giới bổn, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các tội nhỏ nhiệm, chấp nhận và học tập các Học pháp; nghe nhiều, thọ trì điều được nghe, tích tập điều được nghe: các pháp nào sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, đề cao đời sống Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh, những pháp ấy, vị ấy đã nghe nhiều, đã nắm giữ, đã ghi nhớ nhờ đọc nhiều lần, chuyên ý quan sát, khéo thành tựu nhờ chánh kiến; thiện ngôn, dùng lời thiện ngôn, nói lời tao nhã, ý nghĩa minh bạch, giọng nói không bập bẹ phều phào, giải thích nghĩa lý minh xác; chứng được không có khó khăn, chứng được không có mệt nhọc, chứng được không có phí sức bốn Thiền, thuộc tăng thượng tâm, đem đến hiện tại lạc trú; do đoạn tận các lậu hoặc vị ấy tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú tại chỗ được các vị đồng Phạm hạnh ái mộ, ưa thích, kính trọng, và đáng được làm gương để tu tập.

§§ (III) (233) LÀM CHO CHÓI SÁNG

1. - Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú tại chỗ làm chói sáng chỗ ấy. Thế nào là năm?

2. Có giới, sống được bảo vệ với sự bảo vệ của giới bổn... và học tập trong các Học pháp; nghe nhiều... khéo thành tựu nhờ chánh kiến; thiện ngôn, dùng lời thiện ngôn... giải thích nghĩa lý minh xác; có năng lực với pháp thoại nêu rõ, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ những người đến yết kiến; chứng được không khó khăn, chứng được không mệt nhọc, chứng được không phí sức bổn Thiền, thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú tại chỗ làm chói sáng chỗ ấy.

§§ (IV) (234) GIÚP ĐỠ NHIỀU

1. - Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú tại chỗ giúp đỡ rất nhiều cho trú xứ ấy. Thế nào là năm?

2. Có giới... và học tập trong các Học pháp; nghe nhiều... khéo thành tựu nhờ chánh kiến; vị ấy sữa chữa những gì bị gãy, bị hủy hoại. Khi đại chúng Tỷ-kheo đi đến từ nhiều địa phương khác nhau, vị ấy nói với các Gia chủ đi đến như sau: “Nay đại chúng Tỷ-kheo đã đến từ nhiều địa phương khác nhau. Các vị hãy làm các phước đức. Nay là thời làm các phước đức”; chứng được không khó khăn, chứng được không mệt nhọc, chứng được không phí sức bốn Thiền, thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú tại chỗ giúp đỡ rất nhiều cho trú xứ ấy.

§§ (V) (235) CÓ LÒNG TỪ MẪN

1. - Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú tại chỗ có lòng từ mẫn đối với các Gia chủ. Thế nào là năm?

2. Khích lệ tăng thượng giới; khiến chúng sống theo gương pháp; khi đến thăm người bệnh, an trú niệm cho người bệnh như sau: “Các vị hãy an trú niệm vào hướng đến quả A-la-hán”; khi đại chúng Tỷ-kheo đi đến từ nhiều địa phương khác nhau, vị ấy nói với các Gia chủ đi đến như sau: “Nay đại chúng Tỷ-kheo đã đến từ nhiều địa phương khác nhau. Các vị hãy làm các phước đức. Nay là thời làm các phước đức”; họ có cúng dường các món ăn gì, hoặc thô hoặc tế, tự mình thọ dụng, không làm cho của tín thí rơi rớt.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú tại chỗ có lòng từ mẫn đối với các Gia chủ.

§§ (VI) (236) KHÔNG TÁN THÁN TƯƠNG XỨNG

1. - Thành tựu năm pháp, Tỷ-kheo trú tại chỗ như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục. Thế nào là năm?

2. Không có suy xét, không thẩm sát, tán thán người không đáng được tán thán; không suy xét, không thẩm sát, không tán thán người đáng được tán thán; không suy xét, không thẩm sát, đặt lòng tin (làm rõ ràng) vào những chỗ không đáng được tịnh tín; không suy xét, không thẩm sát, không đặt lòng tin vào những chỗ đáng được tịnh tín; làm rơi rớt các vật tín thí.

Do thành tựu năm pháp này, Tỷ-kheo trú tại chỗ như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục.

3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú tại chỗ như vậy tương xứng được sanh lên cõi trời. Thế nào là năm?

4. Có suy xét, có thẩm sát, không tán thán người không đáng được tán thán; có suy xét, có thẩm sát, tán thán người đáng được tán thán; có suy xét, có thẩm sát, không đặt lòng tin vào những chỗ không đáng không được tịnh tín; có suy xét, có thẩm sát, đặt lòng tin vào những chỗ đáng được tịnh tín; không làm rơi rớt các vật tín thí.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú tại chỗ như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời.

§§ (VII) (237) XAN THAM (1)

1. - Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú tại chỗ như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục. Thế nào là năm?

2. Không suy xét, không thẩm sát, tán thán người không đáng được tán thán; không suy xét, không thẩm sát, không tán thán người đáng được tán thán; xan tham trú xứ, tham đắm trú xứ; xan tham gia đình, tham đắm gia đình; làm cho rơi rớt các vật tín thí.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú tại chỗ như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục.

3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú tại chỗ như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời. Thế nào là năm?

4. Có suy xét, có thẩm sát, không tán thán người không đáng được tán thán; có suy xét, có thẩm sát, tán thán người đáng được tán thán; không xan tham trú xứ, không tham đắm trú xứ; không xan tham gia đình, không tham đắm gia đình; không làm cho rơi rớt vật tín thí.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú tại chỗ như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời.

§§ (VIII) (238) XAN THAM (2)

(Như kinh trước §237, bỏ “tham đắm trú xứ”, bỏ “tham đắm gia đình”, thay thế “làm cho rơi rớt vật thí” bằng “xan tham lợi dưỡng”. Phần sau có những thay đổi cần thiết.)

§§ (IX) (239) XAN THAM (3)

1. - Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú tại chỗ như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục. Thế nào là năm?

2. Xan tham chỗ ở, xan tham gia đình, xan tham lợi dưỡng, xan tham tán thán, làm cho các vật tín thí rơi rớt.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú tại chỗ như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục.

3. Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú tại chỗ như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời. Thế nào là năm?

4. Không xan tham trú xứ, không xan tham gia đình, không xan tham lợi dưỡng, không xan tham tán thán, không làm cho vật tín thí rơi rớt.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú tại chỗ như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời.

§§ (X) (240) XAN THAM (4)

(Hoàn toàn giống như kinh §239, chỉ khác pháp thứ năm là “xan tham pháp”, thế cho “làm cho vật tín thí rơi rớt”)

XXV. PHẨM ÁC HÀNH

§§ (I) (241) NGƯỜI ÁC HÀNH (1)

1. - Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này cho người ác hành. Thế nào là năm?

2. Tự mình chỉ trích mình; sau khi suy xét, các bậc trí quở trách; tiếng ác đồn khắp; khi mạng chung, tâm bị mê loạn; sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Này các Tỷ-kheo, đây là năm nguy hại cho người ác hành.

3. Này các Tỷ-kheo, có năm lợi ích này cho người thiện hành. Thế nào là năm?

4. Tự mình không chỉ trích mình; sau khi suy xét, các bậc trí tán thán; tiếng tốt đồn khắp; khi mạng chung, tâm không bị mê loạn; sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào thiện thú, thiên giới, cõi đời này.

Này các Tỷ-kheo, đây là năm lợi ích cho người thiện hành.

§§ (II - IV) (242 - 244) NGƯỜI ÁC HÀNH (2)

1. - Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này cho người thân ác hành... cho người khẩu ác hành... cho người ý ác hành (giống như §241 với những sữa đổi cần thiết).

§§ (V) (245) NGƯỜI ÁC HÀNH (3)

(Như kinh §241 chỉ thay hai đoạn sau: “Từ bỏ diệu pháp, an trú phi diệu pháp”, với những thay đổi cần thiết).

§§ (VI - VIII) (246 - 248) NGƯỜI ÁC HÀNH (4)

1. - Có năm nguy hại này, này các Tỷ-kheo, cho người thân ác hành... cho người thân thiện hành... cho người khẩu ác hành... cho người khẩu thiện hành... người ý ác hành... cho người ý thiện hành.

2. Từ mình không chỉ trích mình; sau khi suy xét, các bậc trí tán thán; tiếng lành đồn khắp; từ bỏ phi diệu pháp; an trú diệu pháp.

Có năm lợi ích này, này các Tỷ-kheo, cho người ý thiện hành.

§§ (IX) (249) NGHĨA ĐỊA

1. - Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này trong nghĩa địa. Thế nào là năm?

2. Bất tịnh, hôi thúi, đáng sợ hãi, trú xứ các phi nhân hung bạo, làm cho quần chúng than khóc.

Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này trong nghĩa địa.

3. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này trong người được ví như nghĩa địa. Thế nào là năm?

4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thành tựu thân nghiệp bất tịnh, thành tựu khẩu nghiệp bất tịnh, thành tựu ý nghiệp bất tịnh. Ta nói rằng đây là sự bất tịnh của người ấy. Ví như, này các Tỷ-kheo, sự bất tịnh ấy của nghĩa địa. Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, người này giống như ví dụ ấy.

5. Ai thành tựu thân nghiệp bất tịnh, thành tựu khẩu nghiệp bất tịnh, thành tựu ý nghiệp bất tịnh, tiếng ác được đồn khắp. Ta nói rằng đây là mùi hôi thúi cho người ấy. Ví như, này các Tỷ-kheo, mùi hôi thúi ấy của nghĩa địa. Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, người này giống như ví dụ ấy.

6. Với vị thành tựu thân nghiệp bất tịnh, thành tựu khẩu nghiệp bất tịnh, thành tựu ý nghiệp bất tịnh, các vị thuần tịnh đồng Phạm hạnh tránh né đứng xa. Ta nói rằng đây là sự đáng sợ hãi của người ấy. Ví như, này các Tỷ-kheo, sự đáng sợ hãi ấy của nghĩa địa. Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, người này giống như ví dụ ấy.

7. Ai thành tựu thân nghiệp bất tịnh, thành tựu khẩu nghiệp bất tịnh, thành tựu ý nghiệp bất tịnh, sống chung với những hạng người cũng đồng chung với nếp sống ấy. Ta nói rằng đây là trú xứ hung bạo của người ấy. Ví như, này các Tỷ-kheo, trú xứ các phi nhân hung bạo của nghĩa địa, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, người này giống như ví dụ ấy.

8. Với vị thành tựu thân nghiệp bất tịnh, thành tựu khẩu nghiệp bất tịnh, thành tựu ý nghiệp bất tịnh này, các vị thuần tịnh đồng Phạm hạnh thấy vậy trở thành bất mãn và nói: “Ôi thật là khổ cho chúng tôi, chúng tôi phải chung sống với những người như vậy”. Ta nói rằng đây là làm cho quần chúng than khóc của người ấy. Ví như này các Tỷ-kheo, nghĩa địa là chỗ làm cho nhiều người than khóc, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, người này giống như ví dụ ấy.

Đây là năm nguy hại, này các Tỷ-kheo, trong người được ví như nghĩa địa.

§§ (X) (250) TỊNH TÍN ĐỐI VỚI MỘT NGƯỜI

1. - Có năm nguy hại này, này các Tỷ-kheo, trong lòng tịnh tín đối với một người. Thế nào là năm?

2. Trong người nào, này các Tỷ-kheo, một người có lòng tịnh tín, và người ấy rơi vào một tội phạm, và tùy theo tội phạm ấy, chúng Tăng ngưng chức vị ấy. Người này suy nghĩ: “Người mà ta ái mộ ưa thích, vị ấy bị chúng Tăng ngưng chức”, và người này không còn nhiều tịnh tín đối với các Tỷ-kheo, người này không có liên hệ với các Tỷ-kheo khác. Do không liên hệ với các Tỷ-kheo khác, người này không nghe diệu pháp. Do không nghe diệu pháp, người này thối đọa khỏi Chánh pháp. Đây là nguy hại thứ nhất, này các Tỷ-kheo, trong sự tịnh tín đối với một người.

3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong người nào, một người có lòng tịnh tín, và vị ấy rơi vào một tội phạm, và tùy theo tội phạm ấy, chúng Tăng bắt vị ấy ngồi vào phía cuối. Người này suy nghĩ: “Người mà ta ái mộ ưa thích, vị ấy bị chúng Tăng bắt ra ngồi phía cuối”, và người này không còn nhiều tịnh tín đối với các Tỷ-kheo. Do không còn nhiều tịnh tín đối với các Tỷ-kheo, người này không có liên hệ đến các Tỷ-kheo khác. Do không liên hệ với các Tỷ-kheo khác, người này không nghe diệu pháp. Do không nghe diệu pháp, người này thối đọa khỏi Chánh pháp. Đây là nguy hại thứ hai, này các Tỷ-kheo, trong sự tịnh tín đối với một người.

4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong người nào, một người có lòng tịnh tín, rồi người ấy đi một địa phương khác... người ấy bị loạn tâm... người ấy mạng chung. Người này suy nghĩ: “Người mà ta ái mộ ưa thích, vị ấy mạng chung”. Người này không liên hệ đến các Tỷ-kheo khác. Do không liên hệ với các Tỷ-kheo khác, người này không nghe diệu pháp. Do không nghe diệu pháp, người này thối đọa khỏi Chánh pháp. Đây là nguy hại thứ năm, này các Tỷ-kheo, trong sự tịnh tín đối với một người.

XXVI. PHẨM CỤ TÚC GIỚI

§(251) CỤ TÚC GIỚI

1. - Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo cần được trao cụ túc giới. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thành tựu Vô học giới uẩn, thành tựu Vô học định uẩn, thành tựu Vô học tuệ uẩn, thành tựu Vô học giải thoát uẩn, thành tựu Vô học giải thoát tri kiến uẩn.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo cần được trao cụ túc giới.

§(252 - 253) CHE CHỞ VÀ PHỤC VỤ

1. - Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo cần phải cho sở y chỉ... cần phải được một Sa-di làm thị giả. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thành tựu Vô học giới uẩn, thành tựu Vô học định uẩn, thành tựu Vô học tuệ uẩn, thành tựu Vô học giải thoát uẩn, thành tựu Vô học giải thoát tri kiến uẩn.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo cần phải được một Sa-di làm thị giả.

§(254) XAN THAM

1. - Này các Tỷ-kheo, có năm xan tham này. Thế nào là năm?

2. Xan tham trú xứ, xan tham gia đình, xan tham lợi dưỡng, xan tham tán thán, xan tham pháp.

Này các Tỷ-kheo, có năm xan tham này. Trong năm xan tham này, này các Tỷ-kheo, cái này là tối hạ liệt, tức là xan tham pháp.

§(255) PHẠM HẠNH

1. - Do đoạn tận, cắt đứt năm xan tham, này các Tỷ-kheo, Phạm hạnh được thực hiện. Thế nào là năm?

2. Do đoạn tận, cắt đứt xan tham trú xứ, Phạm hạnh được thực hiện. Do đoạn tận, cắt đứt xan tham gia đình... xan tham lợi dưỡng... xan tham tán thán... xan tham pháp, Phạm hạnh được thực hiện.

Do đoạn tận, cắt đứt năm xan tham này, này các Tỷ-kheo, Phạm hạnh được thực hiện.

§(256) THIỀN

1. - Do không đoạn tận năm pháp này, này các Tỷ-kheo, không có thể chứng đạt và an trú sơ Thiền. Thế nào là năm?

2. Xan tham trú xứ, xan tham gia đình, xan tham lợi dưỡng, xan tham tán thán, xan tham pháp.

Do không đoạn tận năm pháp này, này các Tỷ-kheo, không có thể chứng đạt và an trú sơ Thiền.

3. Do đoạn tận năm pháp này, này các Tỷ-kheo, có thể chứng đạt và an trú sơ Thiền. Thế nào là năm?

4. Xan tham trú xứ, xan tham gia đình, xan tham lợi dưỡng, xan tham tán thán, xan tham pháp.

Do đoạn tận năm pháp này, này các Tỷ-kheo, có thể chứng đạt và an trú sơ Thiền.

§(257 - 263) THIỀN VÀ THÁNH QUẢ (1)

1. - Do không đoạn tận năm pháp này, này các Tỷ-kheo, không có thể chứng đạt và an trú Thiền thứ hai... Thiền thứ ba... Thiền thứ tư... không thể có giác ngộ Dự lưu quả... Nhất lai quả... Bất lai quả... A-la-hán quả. Thế nào là năm?

2. Xan tham trú xứ, xan tham gia đình, xan tham lợi dưỡng, xan tham tán thán, xan tham pháp.

Do không đoạn tận năm pháp này, này các Tỷ-kheo, không có thể chứng ngộ A-la-hán quả.

3. Do đoạn tận năm pháp này, này các Tỷ-kheo, có thể chứng đạt và an trú Thiền thứ hai... Thiền thứ ba... Thiền thứ tư... có thể chứng ngộ Dự lưu quả... Nhất lai... Bất lai... A-la-hán quả. Thế nào là năm?

Do đoạn tận năm pháp này... A-la-hán quả.

§ (264 - 271) THIỀN VÀ THÁNH QUẢ (2)

(Như các kinh trên, chỉ thay pháp thứ năm xan tham pháp bằng không biết ơn, không nhớ ơn)...

§ (272) NGƯỜI TRI PHẠN (Coi bữa ăn)

1. - Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không được lựa chọn là người tri phạn. Thế nào là năm?

2. Đi đến dục, đi đến sân, đi đến si, đi đến sợ hãi, không biết chỉ định và không chỉ định.

Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không được lựa chọn là người tri phạn.

3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo được lựa chọn là người tri phạn. Thế nào là năm?

4. Không đi đến dục, không đi đến sân, không đi đến si, không đi đến sợ hãi, biết chỉ định và không chỉ định.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo được lựa chọn là người tri phạn.

§ (273 - 277) TRI PHẠN

1. - Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo đã được lựa chọn là tri phạn, thời không nên gửi đi... được lựa chọn, nên gửi đi... cần phải biết là một người ngu... cần phải biết là người trí... tự mình xử sự như kẻ bị mất gốc, bị thương tích... tự mình xử sự không như người bị mất gốc, bị thương tích... như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục... như vậy tương xứng được sanh lên Thiên giới... Thế nào là năm?

2. Không đi đến dục, không đi đến sân, không đi đến si, không đi đến sợ hãi, biết chỉ định và không chỉ định.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, người tri phạn như vậy tương xứng được sanh lên Thiên giới.

§ (278 - 342) CÁC NGƯỜI KHÁC

1. - Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không nên lựa chọn là người chỉ định phân phối sàng tọa, nên lựa chọn là người phân phối sàng tọa... không biết phân phối và không phân phối... biết phân phối và không phân phối... không nên lựa chọn là người giữ kho... nên lựa chọn là người giữ kho... không biết bảo vệ và không bảo vệ... biết bảo vệ và không bảo vệ... không nên lựa chọn là người nhận y... nên lựa chọn là người nhận y... không biết lấy và không lấy... biết lấy và không lấy... không nên lựa chọn là người chia y... nên lựa chọn là người chia y... không nên lựa chọn là người chia cháo... nên lựa chọn là người chia cháo... không nên lựa chọn là người chia trái... nên lựa chọn là người chia trái... không nên lựa chọn là người chia bánh... nên lựa chọn là người chia bánh... không biết chia và không chia... biết chia và không chia... không nên lựa chọn là người phân phát các vật dụng nhỏ nhặt... nên lựa chọn là người phân phát các vật dụng nhỏ nhặt... không biết phân phát và không phân phát... biết phân phát và không phân phát... không nên lựa chọn là người lãnh thọ nội y... nên lựa chọn là người lãnh thọ nội y... không nên lựa chọn là người nhận lấy bình bát... nên lựa chọn là người nhận lấy bình bát... không biết nhận lấy và không nhận lấy... biết nhận lấy và không nhận lấy... không nên lựa chọn là người quản đốc người làm vườn... nên lựa chọn là người quản đốc người làm vườn... không nên lựa chọn là người giám sát Sa-di... nên lựa chọn là người giám sát Sa-di... được lựa chọn không nên gửi đi... được lựa chọn nên gửi đi... cần phải biết là một người ngu... cần phải biết là một người Hiền trí... tự xử sự như bị mất gốc, bị thương tích... tự xử sự như không bị mất gốc, không bị thương tích... như vậy tương xứng rơi vào địa ngục... như vậy tương xứng được sanh lên Thiên giới... Thế nào là năm?

2. Không đi đến dục, không đi đến sân, không đi đến si, không đi đến sợ hãi, biết gửi đi và không gửi đi.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, người giám sát Sa-di như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục.

§ (343) NĂM PHÁP (1)

1. - Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục. Thế nào là năm?

2. Sát sanh; lấy của không cho; sống không Phạm hạnh; nói láo; đắm say rượu men, rượu nấu.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục.

3. Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời. Thế nào là năm?

4. Từ bỏ sát sanh; từ bỏ lấy của không cho; từ bỏ không Phạm hạnh; từ bỏ nói láo; từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo như vậy tương xứng được sanh lên Thiên giới.

§ (344 - 350) NĂM PHÁP (2)

1. - Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ni... vị chánh học nữ... vị nam Sa-di... vị nữ Sa-di, vị Nam cư sĩ, vị Nữ cư sĩ như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục. Thế nào là năm?

Tỷ-kheo (2-4) (như trên... §343, với những thay đổi cần thiết”).

§ (351 - 360) NĂM PHÁP (3)

1. - Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, vị tà mạng ngoại đạo ly hệ... đệ tử trọc đầu... bện tóc... các Du sĩ... các đệ tử của Magandika... kẻ theo phái cầm chỉa ba... người theo phái không phản đối... người theo phái Gotama... người theo thiện pháp, như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục. Thế nào là năm?

2. Sát sanh, lấy của không cho, không có Phạm hạnh, nói láo, đắm say rượu men, rượu nấu.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, người theo thiện pháp như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục.

§ (361) THAM (1)

1. - Muốn thắng tri tham, này các Tỷ-kheo, năm pháp cần phải tu tập. Thế nào là năm?

2. Bất tịnh tưởng, tư tưởng, nguy hại tưởng, tưởng yếm ly đối với đồ ăn, tưởng không có gì đáng ai lạc ở đời.

Muốn thắng tri tham, này các Tỷ-kheo, năm pháp này cần phải tu tập.

§ (362-363) THAM (2)

1. - Muốn thắng tri tham, này các Tỷ-kheo, năm pháp cần phải tu tập. Thế nào là năm?

2. Vô thường tưởng, vô ngã tưởng, tử tưởng, tưởng yếm ly đối với đồ ăn, tưởng không có gì đáng ai lạc ở đời... Vô thường tưởng, khổ tưởng trong vô thường, vô ngã tưởng trong khổ, tưởng từ bỏ, tưởng ly tham.

Muốn thắng tri tham, này các Tỷ-kheo, năm pháp này cần phải tu tập.

§ (364 - 365) THAM (3)

1. - Muốn thắng tri tham, này các Tỷ-kheo, năm pháp cần phải tu tập. Thế nào là năm?

2. Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn... Tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực, tuệ lực.

Muốn thắng tri tham, này các Tỷ-kheo, năm pháp này cần phải tu tập.

§ (366 - 400) THAM (4)

1. - Này các Tỷ-kheo, muốn biến tri tham... muốn đoạn diệt... muốn đoạn tận... muốn hủy diệt... muốn hoại diệt... muốn ly tham... muốn diệt tận... muốn xả bỏ... muốn từ bỏ tham, năm pháp này cần phải tu tập...

Muốn biến tri... muốn đoạn diệt... muốn đoạn tận... muốn hủy diệt... muốn hoại diệt... muốn ly tham... muốn diệt tận... muốn xả bỏ... muốn từ bỏ sân... si... phẫn nộ... hiềm hận... giả dối... não hại... tật đố... xan tham... man trá... phản trắc... cứng đầu... cuồng nhiệt... mạn... quá mạn... kiêu căng... phóng dật... năm pháp này cần phải tu tập.

HẾT TẬP II

MC LC KINH TĂNG CHI B TP II

Chương Bốn Pháp (Tiếp theo)

11. Phẩm Mây Mưa  

12. Phẩm Kesi

13. Phẩm Sợ Hãi

14. Phẩm Loài Người

15. Phẩm Ánh Sáng

16. Phẩm Các Căn    

17. Phẩm Ðạo Hành

18. Phẩm Tư Tâm Sở

19. Phẩm Chiến Sĩ

20. Ðại Phẩm

21. Phẩm Bậc Chân Nhân

22. Phẩm Ô Uế

23. Phẩm Diệu Hạnh

24. Phẩm Nghiệp

25. Phẩm Sợ Hãi Phạm Tội

26. Phẩm Thắng Trí  

27. Phẩm Nghiệp Ðạo

28. Phẩm Tham

Chương Năm Pháp

01. Phẩm Sức Mạnh Hữu Học

02. Phẩm Sức Mạnh

03. Phẩm Năm Phần

04. Phẩm Sumana     

05. Phẩm Vua Munda

06. Phẩm Triền Cái

07. Phẩm Tưởng

08. Phẩm Chiến Sĩ

09. Phẩm Trưởng Lão

10. Phẩm Kakudha   

11. Phẩm An Ổn Trú

12. Phẩm Andhakavinda

13. Phẩm Bệnh

14. Phẩm Vua

15. Phẩm Tikandaki

16. Phẩm Diệu Pháp 

17. Phẩm Hiềm Hận 

18. Phẩm Nam Cư Sĩ

19. Phẩm Rừng

20. Phẩm Bà-la-môn

21. Phẩm Kimbila

22. Phẩm Mắng Nhiếc

23. Phẩm Du Hành Dài

24. Phẩm Trú Tại Chỗ

25. Phẩm Ác Hành   

26. Phẩm Cụ Túc Giới     

HẾT TẬP II KINH TĂNG CHI BỘ