Kinh Trường A Hàm

MỤC LỤC KINH TRƯỜNG A HÀM

1. Kinh đại bản 16. Kinh thiện sanh
2. Kinh du hành 17. Kinh thanh tịnh
3. Kinh điển tôn 18. Kinh tự hoan hỷ
4. Kinh xà ni sa 19. Kinh đại hội
5. Kinh tiểu duyên 20. Kinh A-ma-trú
6. Kinh chuyển luân vương tu hành 21. Kinh Phạm võng
7. Kinh tệ tú 22. Kinh chủng đức
8. Kinh tán đà na 23. Kinh Cứu-la-bàn-đầu
9. Kinh chúng tập 24. Kinh kiên cố
10. Kinh thập thượng 25. Kinh lõa hình Phạm chí
11. Kinh tăng nhất 26. Kinh tam minh
12. Kinh tam tụ 27. Kinh sa môn quả
13. Kinh đại duyên phương tiện 28. Kinh Bố-tra-bà-lâu
14. Kinh Thích đề hoàn nhân vấn 29. Kinh Lộ-già
15. Kinh a nậu di 30. Phẩm thế kỷ

MỤC LỤC KINH TRƯỜNG A HÀM 30 KINH HẾT

佛 陀 耶 舍 共 竹 佛 念 譯

T1n1

 

KINH TRƯỜNG A-HÀM

Hán Dịch:

Phật Đà Da Xá và Trúc Phật Niệm

Việt dịch:

Tuệ Sỹ

 

PHÀM LỆ

 

1. Bản dịch Việt, Trường A hàm, được thực hiện theo bản Hán dịch Trường A hàm kinh 長 阿 含 經, 22 quyển, do Phật-đà-da-xá 佛 陀 耶 舍 (Buddhayaśsa) tuyên đọc thuộc lòng (ám độc) bản Phạn, và Trúc Phật Niệm truyền dịch sang Hán văn.

2. Về để bản, bản dịch Việt căn cứ trên ấn bản “Đại chánh Tân tu Đại tạng kinh” 大 正 新 修 大 藏 經, 100 tập, mỗi tập hơn 1000 trang chữ Hán cỡ 10pt. Trong đó, “A hàm bộ” gồm hai tập, 151 kinh (No.1- No.151). Trường A hàm kinh (No.1), thuộc “A hàm bộ” I, tập 1, từ trang 1-149.

3. “Đại chánh Tân tu Đại tạng kinh”, từ No.2-No.25, là những bản Hán dịch lẻ tẻ các kinh thuộc Truờng A hàm. Đây là những bản kinh thuộc nhiều bộ phái khác nhau, do đó nội dung chứa đựng ít nhiều dị biệt. Trường A hàm hiện tại được phần đông các nhà nghiên cứu cho rằng thuộc Pháp tạng bộ (Dharmagupta), tức cùng bộ phái với Tứ phần luật 四 分 律 (Đại chánh, tập 22, No.1428). Công trình Việt dịch trong hiện tại chỉ thực hiện trên bản Hán Trường A hàm (Đại chánh, No.1). Các bản Hán dịch lẻ tẻ khác (Đại chánh, No.2-151) được dùng làm tư liệu đối chiếu.

4. Về xử lý văn bản trong khi phiên dịch, phần lớn căn cứ công trình hiệu đính và đối chiếu của Đại chánh. Ngoài ra, tham khảo thêm các công trình hiệu đính và đối chiếu khác, trong đó chủ yếu:

- Phật quang Đại tạng kinh, A hàm bộ 佛 光 大 藏 經, 阿 舍 部; Phật quang xuất bản xã, Đài bắc, 1993.

- Trường A hàm kinh 長 阿 舍 經, bản dịch bạch thoại, Thích Ngộ Từ (Shi Wu Ci) 釋 悟 慈; Đài nam, 1997.

- “Kokuyaku-issaikyoâ”,A-gom-bu,Choâ-a-gon-kyoâ,國 譯 一 切 經 阿 舍 部, 長 阿 經, bản dịch tiếng Nhật của Shin-Ô Iwano 岩  野 真 雄; Tokyo 1969.

5. Giữa các ấn bản có những điểm khác nhau, bản Việt sẽ lựa chọn hoặc hiệu đính theo nhận thức của người dịch.

6. Trong bản Hán, nếu chỗ nào xét thấy văn dịch hay từ ngữ không phù hợp với giáo nghĩa truyền thống phổ biến, người dịch sẽ tham khảo các Kinh, Luật, Luận cần thiết để hiệu chính. Những hiệu chính này được giải thích ở phần cước chú.

7. Bản Hán dịch thực hiện căn cứ trên sự truyền khẩu. Do đó những từ phát âm tương tự dễ đưa đến ngộ nhận, như sam Pāli hay sama và samyak; cala và jala; muti và muṭṭhi,v.v…

Trong những trường hợp này, người dịch sẽ tham chiếu các kinh tương đương, các bản Hán biệt dịch, suy đoán tự dạng nguyên thủy có thể có trong Phạn bản để hiệu chính. Những hiệu chính này đều được ghi ở phần cước chú.

8. Do các truyền bản khác nhau giữa các bộ phái, để có nhận thức về giáo nghĩa nguyên thuỷ, chung cho tất cả, cần có những nghiên cứu đối chiếu sâu rộng. Công việc này ngoài khả năng hiện tại của các dịch giả. Tuy nhiên, trong trường hợp có thể, những điểm dị biệt giữa các truyền bản sẽ được ghi nhận và đối chiếu. Những ghi nhận này được nêu ở phần cước chú.

9. Bản Hán dịch được phân thành 22 quyển. Bản dịch Việt không chia số quyển như vậy, nhưng sẽ ghi ở phần cước chú mỗi khi bắt đầu một quyển khác.

10. Nội dung bản Hán dịch được xếp thành bốn phần, mỗi phần   gồm số kinh nhiều ít khác nhau. Bản dịch Việt giữ nguyên sự phân chia này.

11. Các bản Hán biệt dịch được dùng làm tài liệu tham chiếu đều là các ấn bản của Đại chánh Đại tạng kinh. Số quyển được dẫn sẽ ghi là “Đại” theo sau là số La-mã chỉ  thứ tự số quyển. Thí dụ: Đại XXII, nghĩa là, Đại chánh Tân tu Đại tạng kinh, tập thứ 22. Mặc dù ấn bản Đại tạng này được tái bản nhiều lần, với nhiều nhà xuất bản khác nhau, nhưng số quyển và số trang mỗi quyển được xem là cố định. Do đó, trong các trích dẫn không cần thiết ghi năm và nơi  tái bản.

12. Mỗi trang của ấn bản Đại chánh chia làm ba phần. Trong trích dẫn, các phần này được ghi là a, b, và c ngay sau số trang. Trường hợp cần thiết, có thể ghi cả số dòng. Thí dụ: Đại X, tr.125b, hay Đại X, tr,125b24.

13. Vì lý do phải thường xuyên di chuyển trú xứ, mà khi di chuyển không thể mang theo các tài liệu cần thiết, do đó, khi tham chiếu các bản Pāli tương đương, người dịch đã phải sử dụng nhiều ấn bản Pāli khác nhau. Chủ yếu là ấn bản Latinh, ấn bản Devanagari, và bản CD Rom. Số trang, số đoạn các bản không đồng nhất. Do đó các trích dẫn Pāli đối chiếu thường không thống nhất. Khi nào điều kiện thuận tiện, hoàn cảnh cho phép, những sự bất nhất này sẽ phải được chỉnh lý cho thống nhất.

14. Phần lớn các từ Phật học trong bản Hán dịch này không phổ biến. Do đó có thể gây khó khăn cho việc đọc và nghiên cứu. Trong các trường hợp như vậy, tuy vẫn giữ nguyên dịch ngữ của bản Hán, nhưng dịch ngữ tương đương thông dụng hơn sẽ được ghi trong phần cước chú. Trong trường hợp có thể, sẽ ghi luôn dịch giả của những dịch ngữ này và xuất xứ của chúng từ bản dịch nào để tiện việc tham khảo.

15. Theo thói quen, trong các bản dịch Việt từ Hán văn, những từ   phiên âm tiếng Phạn đều được viết hoa, không phân biệt từ riêng hay từ chung. Thí dụ, do trang phục dị biệt, trong Hán văn không từ nào chính xác tương đương với uttarāsaṅga của tiếng Phạn, nên phần lớn được phiên âm là uất-đa-la-tăng, và trong các bản dịch Việt, từ phiên âm này luôn luôn viết hoa. Bản dịch Việt Trường A hàm sẽ cố gắng chuẩn hóa cách viết các từ , phiên âm, cũng như các từ dịch nghĩa, để có thể phân biệt từ riêng và từ chung.

- Vì tiếng Phạn là ngôn ngữ đa âm tiết, trong khi Hán là ngôn ngữ đơn âm. Để phiên âm một tiếng Phạn, cần nhiều từ Hán. Những từ Hán phiên âm này sẽ được liên kết nhau bằng dấu nối. Thí dụ: Xá-lợi-phất, là phiên âm của một từ tiếng Phạn: Śāriputra (Skt) hay Sāriputta (Pāli). Nhưng nếu viết Xá-lợi Tử, đó là hai từ ghép với nhau, một từ phiên âm, và một từ dịch nghĩa. Sự phân biệt này rất cần thiết để tránh nhầm lẫn đã xảy ra như từ đàn việt, được giải thích là bố thí để siêu việt tam giới, do nhận thức rằng từ này ghép một phiên âm Phạn của dāna (bố thí) và một từ nghĩa Hán. Thực tế, nếu đàn-việt được viết với dấu nối, nhất định đó là phiên âm của dāna-pati (thí chủ).

- Những từ phiên âm, nếu là từ riêng, không phân biệt nhân danh hay địa danh, đều được viết với chữ hoa ở đầu. Các chữ tiếp theo đều viết thường và liên kết với nhau bằng dấu nối. Nếu tên riêng do ghép nhiều từ Phạn, mỗi từ bắt đầu bằng chữ hoa ở phiên âm. Thí dụ: Ni-kiền-đà Nhã-đề Tử, cách viết cho thấy có ba từ Phạn ghép lại với nhau: Nirgrantha-Jñaṭi-putra.

- Những tên riêng được dịch nghĩa, nếu là địa danh, chỉ chữ đầu được viết hoa, và không có dấu nối. Thí dụ: Vương xá thành. Nhưng nếu là tên người, tất cả đều viết hoa, không có dấu nối. Thí dụ: Khánh Hỷ.

16. Cuối cùng là các sách dẫn. Sách dẫn chủ yếu lá các từ Hán, bao gồm danh từ Phật học, nhân danh và địa danh. Một số từ không phải là thuật ngữ, nhưng trong Hán dịch tối nghĩa, cần suy đoán nguyên hình tiếng Phạn để xác định ngữ nghĩa. Những từ này cũng được liệt kê trong bảng sách dẫn.

17. Một số câu dịch Hán văn tối nghĩa, cần đối chiếu Pāli để suy đoán cú pháp Phạn bản, tìm ý nghĩa gần chính xác để chuyển thành Việt ngữ. Một số câu như vậy cũng được liệt kê trong phần sách dẫn các từ Hán.

18. Mỗi từ Hán trong bảng sách dẫn đều có phụ chú Pāli và Sanskrit để tiện việc tham chiếu.

19. Tài liệu đối chiếu chủ yếu là Pāli, nếu có phụ chú Skt. thì phần lớn là suy đoán. Vì vậy, ở đây chỉ đưa ra một sách dẫn Pāli, xem như bổ túc cho sách dẫn từ Hán dịch.

 

Quảng Hương Già-lam

Mùa an cư, Pl. 2543

Tuệ - Sỹ  Cẩn Chí

Nguồn: phatviet.com

1. Kinh đại bản

PHẦN I

1. KINH ĐẠI BẢN

[1b12] Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở động Hoa lâm[1] vườn cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ, cùng với chúng đại Tỳ-kheo một nghìn hai trăm năm mươi người.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi khất thực, tụ họp ở Hoa lâm đường[2], cùng nhau bàn luận rằng:

“Các Hiền giả Tỳ-kheo! Duy chỉ đấng Vô Thượng Tôn, rất là kỳ diệu, hy hữu, có thần thông thấu đến chỗ xa, có oai lực lớn lao, mới biết rõ quá khứ vô số đức Phật; các Ngài đã nhập Niết-bàn, dứt sạch các kết sử, tiêu diệt các hý luận. Và cũng biết rõ kiếp số các đức Phật ấy dài hay ngắn; cho đến danh hiệu, dòng họ thác sinh, sự ăn uống, thọ mệnh dài ngắn, cảm thọ lạc và cảm thọ khổ như thế nào[3]; lại biết rõ các đức Phật ấy có giới như vậy, có pháp như vậy, có tuệ như vậy, có giải thoát như vậy, trụ như vậy. Thế nào, này Chư Hiền, đó là do đức Như Lai thông rõ các pháp tính mà biết được, hay do Chư Thiên kể lại?”

Lúc bấy giờ Thế Tôn đang ở chỗ thanh vắng, bằng thiên nhĩ thanh tịnh, nghe rõ các Tỳ-kheo luận bàn như thế, bèn từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến Hoa lâm đường, ngồi vào chỗ ngồi dọn sẵn. Bấy giờ, Thế Tôn tuy đã biết nhưng vẫn hỏi:

“Này chư Tỳ-kheo! Các ngươi tụ tập nơi đây bàn luận chuyện gì?”

Các Tỳ-kheo bèn đem hết mọi việc bạch lại với Phật. Rồi thì, đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Lành thay, lành thay! Các ngươi đã với tâm chánh tín[4] xuất gia học đạo, nên làm hai việc: một là nói năng theo pháp Hiền Thánh, hai là im lặng theo pháp Hiền Thánh. Những điều các ngươi luận bàn phải nên như thế. Thần thông và oai lực của Như Lai vô cùng lớn lao; Ngài biết khắp mọi việc từ vô số kiếp quá khứ, như thế là do [1c] thông rõ các pháp tính, đồng thời cũng do Chư Thiên nói lại.”

Bấy giờ Phật nói bài tụng:

Tỳ-kheo họp pháp đường

Giảng luận pháp Hiền Thánh.

Như Lai từ am vắng

Nghe rõ bằng thiên nhĩ.

Mặt trời Phật rọi khắp,

Phân tích nghĩa pháp giới.

Cũng biết việc quá khứ,

Chư Phật[5] bát-niết-bàn,

Tên, dòng họ, chủng tộc.

Cũng biết thọ sanh phần.

Vị ấy ở nơi nào,

Ghi nhận bằng tịnh nhãn.

Chư thiên uy lực lớn,

Dung mạo rất đoan nghiêm,

Cũng đến bẩm báo Ta

Chư Phật bát-niết-bàn,

Chỗ sinh, tên, chủng tộc,

Âm thanh vi diệu tỏ[6].

Đấng Chí Tôn trong đời

Biết rõ Phật quá khứ.

Phật lại bảo các Tỳ-kheo:

“Này các Tỳ-kheo! Các ngươi có muốn Như Lai, bằng trí túc mạng biết nhơn duyên của chư Phật quá khứ, nói cho nghe chăng?”

Các Tỳ-kheo liền bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nay chính là lúc. Chúng con muốn nghe. Lành thay, Thế Tôn! Lúc này thích hợp để giảng thuyết. Chúng con sẽ phụng hành.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Hãy lắng nghe, hãy suy gẫm kỹ! Ta sẽ phân biệt giải thuyết cho các ngươi nghe.”

Lúc bấy giờ, các Tỳ-kheo vâng lời, lắng nghe.

Phật nói:

“Này các Tỳ-kheo! Quá khứ cách đây chín mươi mốt kiếp có đức Phật hiệu là Tỳ-bà-thi[7], Như Lai, Chí Chân, xuất hiện ở thế gian.

“Lại nữa, Tỳ-kheo, trong quá khứ cách đây ba mươi mốt kiếp có đức Phật hiệu là Thi-khí[8], Như Lai, Chí Chân, xuất hiện ở thế gian.

“Lại nữa, Tỳ-kheo, cũng trong ba mươi mốt kiếp đó có đức Phật hiệu là Tỳ-xá-bà[9] Như Lai, Chí Chân, xuất hiện ở thế gian.

“Lại nữa, Tỳ-kheo, trong Hiền kiếp[10] này có Phật hiệu là Câu-lưu-tôn,[11] Câu-na-hàm,[12] Ca-diếp.[13] Ta nay cũng ở trong Hiền kiếp này mà thành Tối Chánh Giác.”

Bấy giờ, Phật nói bài tụng:

Qua chín mươi mốt kiếp

Có Phật Tỳ-bà-thi.

Ba mươi mốt kiếp kế

Có Phật hiệu Thi-khí.

Cũng ở trong kiếp này,

Xuất hiện Phật Tỳ-xá.

[2a] Nay trong Hiền kiếp này,

Vô số na-duy[14] tuổi,

Có bốn Đại Tiên Nhân,

Xuất hiện vì thương đời:

Câu-lưu-tôn, Na-hàm,

Ca-diếp, Thích-ca-văn.

“Các ngươi nên biết, thời đức Phật Tỳ-bà-thi, nhân loại sống đến tám vạn tuổi. Thời đức Phật Thi-khí, nhân loại sống đến bảy vạn tuổi. Thời đức Phật Tỳ-xá-bà, nhân loại sống đến sáu vạn tuổi. Thời đức Phật Câu-lưu-tôn, nhân loại sống đến bốn vạn tuổi. Thời đức Phật Câu-na-hàm, nhân loại sống đến ba vạn tuổi. Thời đức Phật Ca-diếp, nhân loại sống đến hai vạn tuổi. Và nay Ta ra đời, nhân loại sống đến một trăm tuổi, tăng thì ít mà giảm thì nhiều.”

Rồi Phật nói bài tụng:

Người thời Tỳ-bà-thi,

Thọ tám vạn bốn nghìn,

Người thời Phật Thi-khí

Thọ mạng bảy vạn tuổi.

Người thời Tỳ-xá-bà

Thọ mạng sáu vạn tuổi.

Người thời Câu-lâu-tôn

Thọ mạng bốn vạn tuổi.

Người thời Câu-na-hàm

Thọ mạng ba vạn tuổi.

Người thời Phật Ca-diếp

Thọ mạng hai vạn tuổi.

Người thời Ta hiện nay

Tuổi thọ không quá trăm.

“Đức Phật Tỳ-bà-thi sinh về dòng Sát-lị, họ Câu-lị-nhã[15]. Phật Thi-khí và Phật Tỳ-xá-bà, dòng họ cũng vậy. Phật Câu-lưu-tôn sinh trong dòng Bà-la-môn, họ Ca-diếp[16]. Phật Câu-na-hàm, Phật Ca-diếp, dòng họ cũng vậy. Còn nay Ta, Như Lai, Chí Chân thì sinh trong dòng Sát-lị, họ Cồ-đàm[17].”

Phật lại nói bài tụng:

Tỳ-bà-thi Như Lai,

Thi-khí, Tỳ-xá-bà;

Ba vị Đẳng Chánh Giác,

Sinh họ Câu-lị-nhã.

Ba đức Như Lai kia,

Sinh vào họ Ca-diếp.

Ta nay, bậc Vô thượng,

Dẫn dắt các chúng sanh.

Bậc nhất trong trời người,

Họ Cù-đàm dũng mãnh.

Ba đức Chánh giác đầu,

Sinh vào dòng Sát-lị.

Ba đức Như Lai sau

Thuộc dòng Bà-la-môn.

Ta nay đấng Tối Tôn,

Dòng Sát-lị dũng mãnh.

“Đức Phật Tỳ-bà-thi ngồi dưới cây ba-ba-la[18] chứng thành bậc Tối Chánh Giác. Phật Thi-khí ngồi dưới cây phân-đà-lị[19], thành bậc Tối Chánh Giác. Phật Tỳ-xá-bà [2b] ngồi dưới cây sa-la[20] thành bậc Tối Chánh Giác. Phật Câu-lâu-tôn ngồi dưới cây thi-lị-sa[21] thành bậc chánh giác. Phật Câu-na-hàm ngồi dưới cây ô-tạm-bà-la[22] thành bậc chánh giác. Phật Ca-diếp ngồi dưới cây ni-câu-luật[23] thành bậc chánh giác. Ta nay, Như Lai, Chí Chân, ngồi dưới cây bát-đa[24] thành bậc Chánh giác.”

Rồi Phật nói bài tụng:

Tỳ-bà-thi Như Lai

Đi đến cây ba-la*

Và ngay tại chỗ ấy

Đắc thành Tối Chánh Giác.

Thành đạo, dứt nguồn hữu.

Tỳ-xá-bà Như Lai

Ngồi dưới gốc sa-la[25]

Đ kiến.

Thần túc không trở ngại.

Câu-lâu-tôn Như Lai

Ngồi gốc thi-lị-sa

Vô nhiễm, vô sở trước.

Câu-na-hàm Mâu-ni[26]

Ngồi dưới gốc ô-tạm

Và ngay tại chỗ ấy

Diệt các tham, ưu não.

Đức Ca-diếp Như Lai

Ngồi dưới ni-câu-lâu,[27]

Và ngay tại chỗ ấy

Trừ diệt gốc rễ hữu.

Ta nay, Thích-ca Văn

Ngồi dưới cây bát-đa.

Đấng Như Lai, mười lực,

Đoạn diệt các kết sử,

Hàng phục đám ma oán,

Diễn ánh sáng giữa chúng.

Bảy Phật, sức tinh tấn,

Phóng quang, diệt tăm tối;

Mỗi vị ngồi gốc cây,

Ở đó thành Chánh giác.

“Đức Phật Tỳ-bà-thi có ba hội thuyết pháp. Hội đầu có mười sáu vạn tám ngàn đệ tử. Hội hai có mười vạn đệ tử. Hội ba có tám vạn đệ tử. Phật Thi-khí cũng có ba hội thuyết pháp: Hội đầu có mười vạn đệ tử. Hội hai có tám vạn đệ tử. Hội ba có bảy vạn đệ tử. Phật Tỳ-xá-bà có hai hội thuyết pháp. Hội đầu có bảy vạn đệ tử. Hội hai có sáu vạn đệ tử. Đức Câu-lưu-tôn Như Lai, một hội thuyết pháp, đệ tử bốn vạn người. Đức Câu-na-hàm Như Lai, một hội thuyết pháp, đệ tử ba vạn người. Đức Ca-diếp Như Lai, một hội thuyết pháp, đệ tử hai vạn [2c] người. Ta nay một hội thuyết pháp, đệ tử một nghìn hai trăm năm mươi người.”

Bấy giờ Phật nói bài tụng rằng:

Tỳ-bà-thi tên Quán,[28]

Trí tuệ không thể lường,

Thấy khắp[29], không sợ hãi,

Ba hội chúng đệ tử.

Thi-khí, sáng,[30] bất động,

Diệt trừ các kết sử,

Vô lượng đại oai đức,

Không thể trắc lượng được,

Ngài cũng có ba hội,

Tụ hội các đệ tử.

Tỳ-xá-bà đoạn kết,

Đấng Đại tiên tụ hội,

Tiếng tăm khắp các phương,

Pháp mầu được tán thán;

Chúng đệ tử hai hội,

Diễn rộng nghĩa thâm áo.

Câu-lưu-tôn một hội,

Thương xót, trị các khổ,

Đạo sư dạy chúng sanh,

Chúng đệ tử một hội.

Câu-na-hàm Như Lai,

Bậc Vô Thượng cũng vậy,

Thân sắc vàng ròng tía,[31]

Dung mạo thảy toàn hảo,

Chúng đệ tử một hội,

Rộng diễn pháp nhiệm mầu.

Ca-diếp, mỗi sợi lông[32],

Nhất tâm không loạn tưởng,

Không một lời rườm rà,[33]

Chúng đệ tử một hội.

Năng nhân Ý Tịch Diệt,[34]

Ta, Sa-môn họ Thích,

Chí Tôn, Trời trên Trời,

Có một hội đệ tử;

Hội ấy, Ta hiện nghĩa,

Quảng diễn giáo thanh tịnh.

Trong tâm thường hoan hỷ,

Lậu tận, không tái sinh,

Tỳ Bà, Thi-khí, ba;

Phật Tỳ-xá-bà, hai;

Bốn Phật mỗi vị một

Hội Tiên Nhân diễn thuyết.

“Đức Phật Tỳ-bà-thi có hai đệ tử là Khiên-trà và Đề-xá[35], là bậc nhất trong các đệ tử. Đức Phật Thi-khí có hai đệ tử là A-Tỳ-phù và Tam-bà-bà[36], là bậc nhất trong các đệ tử. Phật Tỳ-xá-bà có hai đệ tử là Phò-du và Uất-đa-ma[37], là bậc nhất trong các đệ tử. Phật Câu-lưu-tôn có hai đệ tử là Tát-ni và Tỳ-lâu[38], là bậc nhất trong các đệ tử. [3a] Đức Phật Câu-na-hàm có hai đệ tử là Thư-bàn-na và Uất-đa-lâu[39], là bậc nhất trong các đệ tử. Đức Phật Ca-diếp có hai đệ tử là Đề-xá và Bà-la-bà, [40] là bậc nhất trong các đệ tử. Còn nay Ta có hai đệ tử là Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên[41], là bậc nhất trong các đệ tử.”

Bấy giờ, Phật nói bài tụng:

Khiên-trà và Đề-xá:

Đệ tử Tỳ-bà-thi.

A-Tỳ-Phù, Tam-bà:

Đệ tử Phật Thi-khí.

Phò-du, Uất-đa-ma,

Bậc nhất hàng đệ tử;

Cả hai hàng ma oán:

Đệ tử Tỳ-xá-bà.

Tát-ni và Tỳ-lâu:

Đệ tử Câu-lâu-tôn.

Thư-bàn, Uất-đa-lâu:

Đệ tử Câu-na-hàm.

Đề-xá, Bà-la-bà:

Đệ tử Phật Ca-diếp.

Xá-lợi-phất, Mục-liên:

Bậc nhất đệ tử Ta.

“Đức Phật Tỳ-bà-thi có vị đệ tử thị giả[42] là Vô Ưu[43]. Phật Thi-khí có vị đệ tử chấp sự là Nhẫn Hành[44]. Phật Tỳ-xá-bà có vị đệ tử chấp sự là Tịch Diệt[45]. Phật Câu-lưu-tôn có vị đệ tử chấp sự là Thiện Giác[46]; Phật Câu-na-hàm có vị đệ tử chấp sự là An Hòa[47]; Phật Ca-diếp có vị đệ tử chấp sự là Thiện Hữu[48]; còn Ta có vị đệ tử chấp sự là A-nan[49].”

Vô Ưu và Nhẫn Hành,

Tịch Diệt và Thiện Giác,

An Hòa và Thiện Hữu

Thứ bảy là A-nan.

Ấy là thị giả Phật

Đầy đủ các nghĩa thú,

Ngày đêm không buông lung,

Lợi mình và lợi người.

Bảy Thánh đệ tử ấy

Hầu tả hữu bảy Phật

Hoan hỷ và cúng dường,

Tịch nhiên vào diệt độ[50].

“Đức Phật Tỳ-bà-thi có con tên Phương Ưng[51]. Phật Thi-khí có con tên Vô Lượng. Tỳ-xá-bà có con tên Diệu Giác. Câu-lâu-tôn có con tên Thượng Thắng. Câu-na-hàm có con tên [3b] Đạo Sư. Ca-diếp có con tên Tập Quân. Ta nay có con tên là La-hầu-la.”

Phật lại nói bài tụng:

Phương Ưng, và Vô Luợng,

Diệu Giác và Thượng Thắng,

Đạo Sư và Tập Quân,

Thứ bảy La-hầu-la.

Các con hào quý ấy

Nối dõi hạt giống Phật;

Yêu Pháp, ưa bố thí,

Trong Thánh Pháp, vô úy.

“Đức Phật Tỳ-bà-thi có cha tên Bàn-đầu[52], dòng vua Sát-lị; mẹ tên Bàn-đầu-bà-đề[53]. Quốc thành vua trị tên là Bàn-đầu-bà-đề[54].”

Phật bèn nói bài tụng:

Biến Nhãn[55], cha Bàn-đầu,

Mẹ Bàn-đầu-bà-đề.

Thành Bàn-đầu-bà-đề,

Phật thuyết pháp trong đó.

“Đức Phật Thi-khí có cha tên Minh Tướng,[56] dòng vua Sát-lị; mẹ tên Quang Diệu;[57] quốc thành vua cai trị tên là Quang tướng[58].”

Phật lại nói tụng:

Thi-khí, cha Minh Tướng,

Mẹ tên gọi Quang Diệu;

Ở trong thành Quang tướng,

Uy đức dẹp ngoại địch.

“Đức Phật Tỳ-xá-bà có cha tên Thiện Đăng,[59] dòng vua Sát-lị; mẹ tên Xưng Giới,[60] quốc thành vua cai trị tên Vô dụ[61].”

Phật nói tụng:

Cha Phật Tỳ-xá-bà,

Vua Sát-lị Thiện Đăng;

Mẹ tên gọi Xưng Giới;

Quốc thành tên Vô dụ.

“Đức Phật Câu-lưu-tôn có cha tên Tự Đắc[62], dòng Bà-la-môn; mẹ tên Thiện Chi.[63] Vua tên An Hòa[64] và quốc thành cũng theo đó mà có tên là An hòa.[65]

Bà-la-môn Tự Đắc,

Mẹ tên gọi Thiện Chi.

Vua tên là An Hòa,

Cai trị thành An hòa.

“Đức Phật Câu-na-hàm có cha tên Đại Đức,[66] dòng Bà-la-môn; mẹ tên Thiện Thắng.[67] Vua tên Thanh Tịnh[68] và quốc thành này cũng theo đó mà có tên là Thanh tịnh[69].”

Bà-la-môn Đại Đức,

Mẹ tên là Thiện Thắng;

Vua tên là Thanh Tịnh,

Ở trong thành Thanh tịnh.

“Đức Phật Ca-diếp có cha tên Phạm Đức,[70] dòng Bà-la-môn; mẹ tênb [3c] Tài Chủ.[71] Vua thời đó tên Cấp-Tỳ[72], trị vì quốc thành tên Ba-la-nại.[73]

Bà-la-môn Phạm Đức,

Mẹ tên là Tài Chủ;

Thời vua tên Cấp-Tỳ,

Trị thành Ba-la-nại.

“Còn Ta có thân phụ tên là Tịnh Phạn[74] dòng vua Sát-lị, mẹ tên Đại Thanh Tịnh Diệu[75]; trị sở thành của vua là Ca-tỳ-la-vệ.[76]

Cha: Sát-lị Tịnh Phạn,

Mẹ tên Đại Thanh Tịnh;

Đất rộng, dân sung túc;

Ta sinh ra ở đó.

“Đó là nhơn duyên, danh hiệu, chủng tộc và chỗ xuất sinh của chư Phật. Kẻ trí nào nghe đến nhơn duyên đó mà không vui mừng sinh tâm ưa muốn!”

Bấy giờ[77], Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Này các Tỳ-kheo! Nay Ta muốn, bằng túc mạng trí, sẽ nói về sự tích của chư Phật quá khứ. Các ngươi muốn nghe không?”

Các Tỳ-kheo trả lời:

“Nay thật thích hợp. Chúng con muốn nghe.”

Phật nói:

“Này các Tỳ-kheo, hãy nghe kỹ, hãy suy ngẫm kỹ! Ta sẽ phân biệt giải thuyết cho các ngươi.”

“Này các Tỳ-kheo, nên biết, pháp thường của chư Phật như vầy:

“Đức Bồ-tát Tỳ-bà-thi từ cõi trời Đâu-suất giáng thần vào thai mẹ, do hông phải mà vào, chánh niệm không tán loạn. Ngay lúc ấy cõi đất rung chuyển; ánh sáng rực rỡ soi khắp thế gian; những chỗ mặt trời mặt trăng không soi tới cũng đều mong nhờ chiếu sáng. Chúng sinh chốn u minh nhờ đó được trông thấy lẫn nhau và tự biết mình hiện đang sinh ở chỗ nào. Ánh quang minh đó lại soi đến cung điện Ma vương, Chư Thiên, Đế Thích, Phạm thiên, Sa-môn, Bà-la-môn và các chúng sanh khác; tất cả thảy đều được mong nhờ ánh sáng. Ánh sáng của Chư Thiên tự nhiên biến mất.”

Rồi Phật nói bài tụng:

Mây dày kín hư không,

Ánh chớp chiếu thiên hạ;

Tỳ-bà-thi giáng thai,

Ánh sáng chiếu cũng vậy.

Chỗ nhật nguyệt không tới,

Thảy đều được chiếu sáng,

Thai thanh tịnh, vô nhiễm:

Pháp chư Phật đều vậy.

“Này các Tỳ-kheo, nên biết, pháp thường của chư Phật như vậy. Bồ-tát Tỳ-bà-thi, lúc ở thai mẹ, [4a] chuyên niệm, không tán loạn; thường có bốn vị thiên thần tay cầm qua mâu, hộ vệ cho mẹ ngài, dẫu loài người hay loài phi nhân đều không thể xâm phạm. Đó là pháp thường.”

Rồi Phật nói bài tụng:

Bốn phương bốn thiên thần,

Có tiếng tăm, uy đức,

Thiên đế Thích sai khiến,

Khéo thủ hộ Bồ tát.

Tay thường cầm qua mâu,

Hộ vệ không chút rời.

Nhân, phi nhân không hại.

Ấy pháp thường chư Phật.

Được Chư Thiên hộ vệ,

Như thiên nữ hầu Trời;

Quyến thuộc đều hoan hỷ.

Ấy pháp thường chư Phật.

“Lại nữa, này các Tỳ-kheo, đây là pháp thường của chư Phật: Bồ-tát Tỳ-bà-thi từ trời Đâu-suất giáng thần vào thai mẹ, chuyên niệm, không tán loạn, khiến thân mẹ được an ổn, không có những điều lo lắng, trí tuệ càng tăng trưởng. Mẹ tự xem thai mình, thấy rõ thân Bồ-tát đủ các căn, tốt đẹp như chất vàng tía, không chút tỳ vết, khác nào kẻ có mắt sáng, xem vào đồ lưu ly trong sạch, thấy suốt cả trong ngoài không chút ngăn ngại. Này các Tỳ-kheo, đó là pháp thường của chư Phật.”

Bấy giờ Thế Tôn nói bài kệ:

Như ngọc lưu li sáng,

Ánh sáng như trời trăng;

Nhân Tôn trong thai mẹ,

Khiến mẹ không não hoạn.

Trí tuệ càng tăng thêm.

Thấy thai như vàng ròng;

Mẹ mang thai an lạc.

Ấy pháp thường chư Phật.

“Này các Tỳ-kheo, Bồ-tát Tỳ-bà-thi từ trời Đâu-suất giáng thần vào thai mẹ, chuyên niệm, không tán loạn, khiến tâm mẹ lúc nào cũng thanh tịnh, không có các dục tưởng, không bị lửa dục thiêu đốt. Ấy là pháp thường của chư Phật.”

Thế Tôn lại nói bài kệ:

Bồ-tát trụ thai mẹ,

Phước trời trên cõi trời,

Tâm mẹ Ngài thanh tịnh,

Không có các dục tưởng.

Dứt bỏ các dâm dục,

Không nhiễm, không gần gũi,

Không bị lửa dục thiêu,

Mẹ chư Phật thường tịnh.

“Này các Tỳ-kheo, pháp thường của chư Phật: Bồ-tát Tỳ-bà-thi từ trời Đâu-suất giáng thần vào thai mẹ, chuyên niệm, không tán loạn, khiến mẹ Ngài giữ trọn năm giới, [4b] phạm hạnh thanh tịnh, thuần tín và nhân từ, thành tựu mọi điều lành, an lạc không sợ hãi; và khi thân hoại mệnh chung, được sanh cõi trời Đao-lị. Ấy là pháp thường của chư Phật.”

 Bấy giờ Thế Tôn lại nói kệ:

Hoài thai đấng Chí Tôn,

Tinh tấn, Giới đầy đủ;

Mạng chung lại sinh thiên.

Duyên ấy, nói mẹ Phật.

“Này các Tỳ-kheo, pháp thường của chư Phật: Bồ-tát Tỳ-bà-thi, khi sanh, từ hông phải của mẹ mà ra, cõi đất rung động, ánh sáng chiếu khắp nơi. Khi mới vào thai, những chỗ tối tăm thảy đều được chiếu sáng. Ấy là pháp thường của chư Phật.”

Thái tử sinh, đất động,

Ánh sáng rọi khắp nơi,

Cõi này và cõi khác,

Trên dưới và các phương.

Phóng quang, cho mắt sáng,

Trọn đủ nơi thân trời,

Bằng tịnh tâm hoan hỷ,

Chuyển xưng tên Bồ-tát

“Này các Tỳ-kheo, pháp thường của chư Phật: Bồ-tát Tỳ-bà-thi, lúc sanh, do hông phải của mẹ mà ra, chuyên niệm, không tán loạn. Khi ấy mẹ Bồ-tát tay vin cành cây, không ngồi không nằm, có bốn thiên thần bưng nước hương đứng trước Mẹ mà thưa rằng: ‘Tâu Thiên mẫu, nay Ngài sanh thánh tử, chớ có lo lắng.’ Đó là pháp thường của chư Phật.”

Mẹ Phật không nằm, ngồi;

Trụ giới, tu phạm hạnh;

Không lười; sinh Chí Tôn,

Được trời người phụng thờ.

“Này các Tỳ-kheo, pháp thường chư Phật: Bồ-tát Tỳ-bà-thi lúc sanh, do hông phải của mẹ mà ra, chuyên niệm, không tán loạn, thân Ngài thanh tịnh không bị ô nhiễm bởi các thứ ô uế. Ví như kẻ có mắt sáng, liệng hạt minh châu sáng sạch lên lụa trắng, thấy rõ cả hai đều không làm bẩn nhau, vì cả hai đều sạch. Bồ-tát ra khỏi thai cũng như vậy. Đó là pháp thường của chư Phật.”

Như minh châu sáng sạch,

Trên lụa, không vấy bẩn;

Bồ-tát khi xuất thai,

Thanh tịnh, không nhiễm ô.

“Này các Tỳ-kheo, pháp thường của chư Phật: Bồ-tát Tỳ-bà-thi, khi sanh, do hông phải của mẹ mà ra, chuyên niệm không tán loạn. Ngài từ hông phải ra, vừa xuống đến đất, [4c] không cần người đỡ, liền đi bảy bước, nhìn khắp bốn phương, rồi đưa tay lên nói rằng: ‘Trên trời dưới đất, duy Ta là tôn quý. Ta sẽ cứu độ chúng sanh khỏi sinh, già, bệnh, chết[78].’ Ấy là thường pháp của chư Phật.”

Giống như sư tử bước,

Nhìn khắp cả bốn phương;

Nhân Sư Tử khi sanh,

Đi bảy bước cũng thế.

Lại như rồng lớn đi,

Khắp nhìn cả bốn phương,

Đấng Nhân Long khi sanh,

Đi bảy bước cũng thế.

Khi đấng Lưỡng Túc sanh,

Đi thong thả bảy bước,

Nhìn bốn phương rồi nói:

Sẽ dứt khổ sinh tử.

Ngay lúc mới sanh ra,

Đã không ai sánh bằng,

Tự xét gốc sinh tử,

Thân này thân tối hậu.

“Này các Tỳ-kheo, pháp thường của chư Phật: Bồ-tát Tỳ-bà-thi, khi sanh do hông phải của mẹ mà ra, chuyên niệm, không tán loạn, tức thì có hai suối nước, một ấm, một mát, tự nhiên ở dưới đất tuôn ra, để cúng dường tắm rửa cho Bồ tát. Đó là thường pháp của chư Phật.”

Đấng Lưỡng Túc khi sinh,

Hai suối tự tuôn ra,

Để cúng Bồ-tát dùng;

Biến Nhãn tắm sạch sẽ.

Hai suối tự tuôn ra,

Nước suối rất trong sạch;

Một ấm, một lạnh mát,

Tắm đấng Nhất thiết trí.

“Lúc Thái tử mới sanh, Phụ vương Bàn-đầu mời các tướng sư và đạo sĩ đến xem tướng Thái tử để biết sự tốt xấu. Bấy giờ, các tướng sư vâng lệnh đến xem, và ngay trước khi chưa mặc áo, họ nhìn rõ các tướng đầy đủ. Bèn đoán rằng: ‘Người có tướng này sẽ có hai con đường, chắc chắn không nghi ngờ. Nếu tại gia, sẽ là Chuyển Luân Thánh vương, trị vì bốn châu thiên hạ, đủ bốn thứ quân binh, bằng Chánh pháp trị dân, không thiên lệch; thi ân khắp thiên hạ; tự nhiên có bảy thứ báu qui tụ; có ngàn người con dũng kiện hay dẹp trừ ngoại địch; không cần dùng đao binh mà thiên hạ thái bình. Còn nếu xuất gia học đạo, sẽ thành bậc Chánh giác, đầy đủ mười hiệu.”

Rồi các tướng sư tâu vua:

“Con trai của Đức Vua có ba mươi hai tướng, sẽ có hai con đường, chắc chắn không nghi ngờ. Nếu tại gia sẽ là vị Chuyển luân thánh vương. Nếu xuất gia sẽ thành bậc Chánh giác, đầy đủ mười hiệu.”

[5a] Bấy giờ, Phật nói bài tụng:

Thái tử trăm phước sinh,

Được tướng sư ghi nhận,

Như chép trong điển sách,

Chắc chắn theo hai đường:

Nếu ngài vui tại gia,

Sẽ là Chuyển luân vương,

Được bảy báu hiếm có,

Báu tự hiện cho vua.

Bánh xe vàng nghìn căm,

Với lưới vàng bao quanh;

Bánh xe hay bay khắp,

Nên gọi bánh xe trời.

Voi bảy ngà khéo luyện,

Cao lớn trắng như tuyết,

Có thể bay trên trời:

Voi báu là thứ hai.

Ngựa đi khắp thiên hạ,

Sớm đi, chiều về ăn,

Lông đỏ, bờm khổng tước,

Là báu vật thứ ba.

Ngọc lưu ly trong sáng,

Chiếu rọi một do-tuần,

Đêm sáng như ban ngày,

Là báu vật thứ tư.

Sắc, thanh, hương, vị, xúc,

Không ai có thể sánh,

Bậc nhất hàng nữ nhân:

Đó là báu thứ năm.

Hiến vua ngọc lưu ly,

Châu ngọc các thứ quí,

Hoan hỷ mà phụng cống:

Đó là báu thứ sáu.

Theo ý niệm Luân vương,

Quân binh tiến thoái nhanh,

Nhậm lẹ theo ý vua:

Đó là báu thứ bảy.

Đó là bảy báu vật:

Bánh xe, voi, ngựa trắng,

Cư sĩ báu, nữ báu,

Quân binh báu thứ bảy.

Nhìn xem mà không chán,

Ngũ dục tự vui thú.

Như voi bứt dây trói,

Xuất gia, thành Chánh giác.

Vua có con như thế,

Đấng Lưỡng Túc loài người,

Chuyển Pháp luân trong đời,

Đạo thành, không biếng nhác.

“Lúc bấy giờ, Phụ vương ân cần hỏi lại tướng sư ba lần: ‘Các ngươi hãy xem lại, ba mươi hai tướng của Thái tử gồm những gì?’ Các tướng sư bèn khoác áo lại cho Thái tử, và kể rõ ba mươi hai tướng: 1. Bàn chân bằng phẳng đầy đặn, đi đứng vững vàng. 2. Dưới bàn chân có dấu chỉ như bánh xe có ngàn căm, ánh sáng rọi lẫn nhau. [5b] 3. Có màng lưới mỏng giữa kẽ ngón tay, chân như chân ngỗng chúa. 4. Tay chân mềm mại như áo trời. 5. Ngón tay chân thon dài không ai bằng. 6. Gót chân đầy đặn trông không chán. 7. Ống chân thon dài như của nai. 8. Các khớp xương móc lấy nhau như xích chuyền. 9. Mã âm tàng. 10. Đứng thẳng tay duỗi dài quá gối. 11. Mỗi chân lông đều có một sợi lông; sợi lông ấy xoáy hữu, màu lưu ly xanh biếc. 12. Lông mọc xoay phía hữu, màu xanh biếc thẳng lên. 13. Thân sắc huỳnh kim. 14. Da thịt mịn màng không dính bụi nhơ. 15. Hai vai ngang bằng, đầy đặn, tròn đẹp. 16. Giữa ngực có chữ vạn.[79] 17. Thân cao gấp đôi người thường. 18. Bảy chỗ trong người đầy đặn. 19. Mình cao, to lớn như cây ni-câu-lô.[80] 20. Hai má như sư tử. 21. Ngực vuông đầy như ngực sư tử. 22. Có bốn mươi cái răng. 23. Răng ngang bằng, đầy đặn. 24. Răng khít nhau không hở. 25. Răng trắng, trong sáng. 26. Yết hầu thanh sạch, ăn thức gì cũng thích hợp. 27. Lưỡi rộng dài có thể liếm tới mép tai. 28. Tiếng nói trong rõ như tiếng Phạm thiên. 29. Con mắt màu xanh biếc. 30. Mắt như mắt trâu chúa, trên dưới có hai mí[81]. 31. Có lông trắng giữa hai chân mày, mềm mại, kéo ra dài một tầm, thả thì xoáy trôn ốc về phía hữu, như chơn châu. 32. Trên đỉnh có chỗ thịt nổi. Ấy là 32 tướng đại nhân.”[82]

Bèn nói bài tụng:

Đứng vững, chân mềm mại,

Không dẫm đất, hiện dấu;

Trang nghêim tướng nghìn căm;

Đủ màu sắc tươi sáng;

Thân cao rộng ngay thẳng,

Như cây ni câu loại;

Như Lai, chưa từng có,

Mã âm tàng ẩn kín;

Vàng báu trang nghiêm thân,

Các tướng chói lẫn nhau;

Tuy lưu hành[83] theo tục,

Song bụi đất không dính;

Như sắc trời mịn màng;

Lọng trời tự nhiên che;

Phạm âm, thân vàng tía,

Như hoa vươn khỏi ao.

Vua bèn hỏi tướng sư.

Tướng sư kính tâu vua.

Ngợi khen tướng Bồ-tát,

Sáng chói khắp toàn thân,

Các gân khớp tay chân,

Trong ngoài đều hiện rõ;

[5c]Thực vị thảy vi diệu;

Thân ngay ngắn không vẹo;

Bánh xe hiện dưới chân;

Tiếng nói như chim oanh;

Tướng bắp đùi đầy đặn,

Ấy do túc nghiệp thành;

Cùi chỏ tròn đầy đẹp;

Mày mắt rất đoan nghiêm;

Đấng Sư Tử giữa người,

Có oai lực hơn hết.

Hai má đều đầy đặn;

Nằm nghiêng như sư tử;

Bốn mươi răng đều đặn;

Dày khít không kẽ hở;

Tiếng Phạm âm ít có,

Xa gần tùy duyên nghe;

Đứng thẳng thân không nghiêng,

Hai tay sờ đến gối;

Ngón tay đều, mềm mại;

Đủ các tướng tôn quí.

Mỗi chân lông một sợi;

Màng lưới kẽ tay chân;

Nhục kế, mắt xanh biếc;

Mắt trên dưới hai mí;

Hai vai ngang, tròn, đầy;

Đủ ba mươi hai tướng.

Gót chân không cao thấp;

Đùi thon như đùi nai.

Đấng Chí Tôn xuất hiện,

Như voi bứt dây trói,

Độ chúng sanh thoát khổ,

Khỏi sanh già bệnh chết.

Ngài đem tâm đại bi,

Truyền dạy bốn chân đế,

Diễn bày các pháp nghĩa,

Được mọi người tôn quý.

Phật lại bảo các Tỳ-kheo:

“Này các Tỳ-kheo, lúc Phật Tỳ-bà-thi sinh ra, Chư Thiên ở phía trên, giữa hư không, tay cầm lọng trắng, quạt báu, để ngăn che lạnh, nóng, gió, mưa, bụi bặm.”

Hiếm có trong loài người,

Đấng Lưỡng Túc ra đời,

Được Chư Thiên cung kính,

Dâng lọng báu, quạt báu.

“Bấy giờ, Phụ vương cấp bốn người vú: một, cho bú; hai, tắm rửa; ba, bôi hương; bốn, vui đùa. Họ vui vẻ nuôi nấng, không hề biếng nhác.”

Nhũ mẫu lòng từ ái,

Nuôi dưỡng con mới sinh:

Cho bú và tắm rửa,

Bôi hương và vui đùa.

Hương bậc nhất trong đời,

Bôi xoa đấng Chí Tôn.

[6a]“Lúc còn là đồng tử, con trai con gái cả nước ngắm nhìn Ngài không chán.”

Được nhiều người thương kính,

Như tượng vàng mới thành,

Trai gái cùng nhìn ngắm,

Nhìn mãi không biết chán.

“Lúc còn là đồng tử, con trai và con gái cả nước chuyền nhau ẵm bồng, như ngắm hoa báu.”

Phật nói bài kệ:

Khi Lưỡng Túc Tôn sanh,

Được nhiều người thương kính,

Chuyền tay nhau bồng ẵm,

Như ngắm hương hoa báu.

“Bồ-tát khi mới sanh, mắt Ngài không nháy như Chư Thiên trời Đao-lị[84]. Do cặp mắt không nháy mà có hiệu là Tỳ-bà-thi.”

Đấng Chí Tôn không nháy,

Như Chư Thiên Đao-lị,

Thấy sắc mà chánh quán,

Nên hiệu Tỳ-bà-thi.

“Bồ-tát khi sanh, âm thanh của Ngài trong suốt, êm dịu, hòa nhã như tiếng chim ca-la-tần-già[85].”

Như chim trên núi Tuyết,

Uống nước hoa mà hót,

Đấng Lưỡng Túc Tôn ấy,

Tiếng trong suốt cũng vậy.

“Bồ-tát khi mới sinh, mắt có thể nhìn thấy suốt một do-tuần.”

Do nghiệp quả[86] thanh tịnh,

Ánh sáng trời mầu nhiệm,

Mắt Bồ-tát nhìn thấy,

Khắp suốt một do-tuần.

“Bồ-tát khi sinh, tuổi lớn dần, ở tại Thiên chánh đường để khai hóa theo lẽ đạo. [87] Ân đức ban đến thứ dân, đức lớn đồn xa[88].”

Thơ ấu, ngồi Chánh đường,

Xử thiên hạ đúng luật,

Quyết đoán các sự vụ,

Nên gọi Tỳ-bà-thi.

Trí thanh tịnh quảng bác,

Sâu thẳm như biển cả,

Hài lòng với mọi người,

Khiến trí tuệ tăng trưởng.

“Một hôm, Bồ-tát muốn ra khỏi thành để dạo chơi và quan sát, bèn ra lịnh người đánh xe[89] sửa soạn xe báu để Ngài đi đến công viên [90] tuần hành và du ngoạn. Người đánh xe sau khi sửa soạn xa giá xong, tâu Thái tử: ‘Giờ đã thích hợp.’ Thái tử cỡi xe báu đi đến khu vườn công cộng[91] kia. Giữa đường, Ngài gặp một người già, đầu bạc, răng rụng, lưng còm, mặt nhăn, rung rinh trên chiếc gậy, thở khò khè theo nhịp bước khó khăn. Thái tử liền xoay hỏi quân hầu: ‘Đó là [6b] người gì?’ Đáp rằng: ‘Đó là người già.’ Lại hỏi: ‘Già là thế nào?’ Đáp: ‘Già là người mà tuổi thọ sắp hết, không còn sống bao lăm nữa.’ Thái tử lại hỏi: ‘Ta đây cũng sẽ như thế, không tránh khỏi tai họa này chăng?’ Đáp: ‘Phàm đã có sinh tất có già, đâu kể gì sang hèn.’ Nghe vậy Thái tử buồn bã không vui, liền bảo quân hầu đánh xe về. Ngài lặng lẽ suy niệm: ‘Ta cũng sẽ như vậy, chịu nỗi khổ vì bệnh này.’”

Bấy giờ Phật bèn nói bài kệ:

Thấy già, mạng sắp chết,

Chống gậy bước đi run,

Bồ-tát tự suy ngẫm:

Ta chưa khỏi nạn này.

“Bấy giờ Phụ vương hỏi quân hầu: ‘Thái tử xuất du có vui không?’ Đáp: ‘Không vui.’ Vua hỏi lý do: ‘Tại sao vậy?’ Đáp: ‘Tại giữa đường Ngài gặp người già nên không vui.’ Phụ vương mới âm thầm nhớ lại: ‘Ngày trước tướng sư xem tướng, đoán Thái tử sẽ xuất gia; nay Thái tử không vui, hẳn đúng như thế chăng? Ta hãy dùng mọi cách giữ Thái tử lại thâm cung, đem ngũ dục làm nguôi lòng Thái tử, để Thái tử đừng xuất gia.’ Nghĩ xong vua liền hạ lệnh trang sức cung quán, chọn hàng thế nữ để giúp vui Thái tử.”

Phật nói bài tụng:

Phụ vương nghe lời ấy,

Sai trang hoàng cung quán,

Tăng thêm bằng ngũ dục,

Muốn khiến không xuất gia.

“Một thời gian sau, Thái tử bảo quân hầu đánh xe đi dạo. Giữa đường, Ngài gặp một người bệnh, thân gầy, bụng lớn, mày mặt sạm đen, nằm một mình trên phân dơ, không ai chăm sóc. Bệnh rất khổ, miệng cứng không nói được. Thái tử xoay lại hỏi quân hầu: ‘Đó là người gì?’ Đáp: ‘Đó là người bệnh.’ Hỏi: ‘Bệnh là thế nào?’Đáp: ‘Bệnh là là bị các thứ đau nhức hành hạ, chết sống không biết lúc nào.’ Hỏi: ‘Ta cũng sẽ như thế, không tránh khỏi tai họa này sao?’ Đáp: ‘Phải. Phàm có sanh thì có bệnh, không kể gì sang hèn.’ Nghe vậy, Thái tử trở nên buồn bã không vui, liền bảo quân hầu đánh xe trở về. Ngài lặng lẽ suy nghĩ: ‘Ta cũng sẽ như vậy, chịu nỗi khổ vì bệnh này.’”

Rồi Phật nói bài kệ:

Thấy người bịnh lâu kia,

Nhan sắc bị suy tổn,

Im lặng tự suy ngẫm:

Ta chưa khỏi hoạn này.

“Bấy giờ, Phụ vương lại hỏi quân hầu: ‘Thái tử đi dạo có vui không?’ Đáp: [6c] ‘Không vui.’ Quân hầu đáp. ‘Tại sao thế?’ ‘Tại giữa đường Ngài gặp người bệnh, nên không vui.’ Phụ vương âm thầm suy nghĩ: ‘Ngày trước tướng sư xem tướng Thái tử, đoán rằng sẽ đi xuất gia. Ngày nay Thái tử không vui, hẳn đúng thế chăng? Ta sẽ tỳm cách tăng thêm mọi thứ dục lạc làm nguôi lòng Thái tử. khiến cho khỏi xuất gia’. Vua liền hạ lệnh nghiêm sức cung quán, chọn thêm thể nữ để giúp vui.”

Phật lại nói kệ:

Sắc, thanh, hương, vị, xúc,

Vi diệu, đáng ưa thích;,

Bồ-tát phước tột cùng,

Nên sống trong hoan lạc.

“Lại một lúc khác, Thái tử bảo quân hầu đánh xe đi dạo. Giữa đường, Ngài gặp một người chết; phan lụa nhiều màu dẫn đường trước sau; dòng họ, thân quyến, tiếc thương than khóc, đưa ra khỏi thành. Thái tử lại hỏi: ‘Đó là người gì?’ ‘Đó là người chết.’, quân hầu đáp. Hỏi: ‘Chết là thế nào?’ Đáp: ‘Chết tức là hết. Hết gió đến hết lửa, các căn bại hoại. Kẻ còn kẻ mất đôi đường, gia đình ly biệt. Đó gọi là chết’ Thái tử lại hỏi người đánh xe: ‘Ta đây cũng sẽ như thế, chưa khỏi tai hoạn này chăng?’ Đáp: ‘Phải. Phàm đã có sanh tất có chết, chẳng kể sang hèn.’ Nghe vậy, Thái tử lại càng buồn bã không vui, bảo đánh xe về. Ngài trầm ngâm suy nghĩ: ‘Ta cũng sẽ như vậy, chịu nỗi khổ vì bệnh này.’”  

Phật liền dạy bài kệ:

Lần đầu thấy người chết,

Biết họ còn tái sanh;

Thầm lặng tự suy nghĩ:

Ta chưa khỏi hoạn này.

“Phụ vương lại hỏi quân hầu: ‘Thái tử đi dạo lần này có vui không?’ - ‘Không vui’, quân hầu đáp: - ‘Tại sao thế’? - ‘Tại giữa đường Ngài gặp người chết, nên không vui.’ Phụ vương âm thầm suy nghĩ: ‘Ngày trước tướng sư xem Thái tử, đoán rằng sẽ đi xuất gia. Ngày nay Thái tử không vui, hẳn là đúng thế chăng? Ta hãy tỳm cách tăng thêm các thứ kỹ nhạc để làm nguôi lòng Thái tử, khỏi xuất gia.’ Liền hạ lệnh trang sức cung cấm, chọn thêm thể nữ để khiến cho giúp vui.”

Tuổi thơ đã nổi tiếng,

Các thể nữ vây quanh,

Tự vui thú ngũ dục,

Như thú vui Thiên đế.

[7a]“Lại một lúc khác, Thái tử bảo quân hầu đánh xe đi dạo. Giữa đường, Ngài gặp một vị Sa-môn, bận pháp phục, tay cầm bát, mắt nhìn xuống đất mà bước đi. Thái tử liền hỏi quân hầu: ‘Đó là người gì?’ ‘Đó là vị Sa-môn’, quân hầu đáp. - ‘Sao gọi là Sa-môn?’-‘Sa-môn là người xa lìa ân ái, xuất gia tu đạo, chế ngự các căn, không nhiễm ngoại dục, có tâm từ đối với hết thảy, không làm tổn hại vật gì; gặp khổ cũng không buồn, gặp vui cũng không mừng, hay nhẫn như đất. Đó gọi là Sa-môn.’ Thái tử bèn nói: ‘Lành thay! Đó là đạo chân chính, tuyệt hẳn mọi trần lụy, chỉ vui thú với cái vi diệu thanh hư.’ Thái tử liền bảo quân hầu đưa xe đến gần, và hỏi Sa-môn rằng: ‘Ông cạo bỏ râu toc, bận pháp phục, cầm bát như vậy, chí ông muốn cầu chuyện gì?’ Sa-môn đáp: ‘Phàm người xuất gia là cốt điều phục tâm ý, xa lìa trần cấu, thương xót cứu giúp quần sanh, không làm điều gì xâm hại, trong lòng rỗng rang tịch mịch, chỉ có bề giữ đạo mà thôi.’ Thái tử khen: ‘Hay lắm! Đạo này rất chân chính.’ Liền bảo quân hầu: ‘Mang áo trân bảo của Ta và xa giá về, tâu lại Phụ vương biết rằng ngay tại đây, Ta sẽ cắt bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo. Vì Ta muốn điều phục tâm ý, xa lìa trần cấu, giữ mình thanh tịnh để cầu chánh đạo.’ Quân hầu liền đem xa giá và y phục của Thái tử về tâu lại phụ vương, còn Thái tử thì cắt bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Này các Tỳ-kheo! Thái tử nhân thấy người già, người bệnh mà thấu rõ cõi đời là khổ não; nhân thấy người chết mà lòng tham luyến thế thế tiêu tan; nhân thấy Sa-môn mà tâm được quách nhiên đại ngộ. Trong khi Thái tử xuống xe bước đi, cứ mỗi bước tiến tới là mỗi bước rời xa triền phược. Thế ấy là chân xuất gia, chân viễn ly.

“Bấy giờ, nhân dân trong nước nghe Thái tử đã cạo bỏ râu tóc, bận pháp phục, cầm bát, xuất gia hành đạo, bèn bảo nhau rằng: ‘Đạo ấy chắc là đạo chân chính, mới khiến Thái tử bỏ nước, bỏ ngôi vị cao sang, cùng mọi sự quý trọng.’ Lúc ấy có tới tám vạn bốn ngàn người trong nước đến xin Thái tử cho làm đệ tử xuất gia tu đạo.”

Phật nói bài tụng:

Lựa chọn pháp thâm diệu,

Nghe xong, liền xuất gia,

Thoát khỏi ngục ân ái,

Không còn các trói buộc.

“Thái tử bèn thâu nhận, cho cùng đi theo, giáo hóa khắp nơi, từ thôn này sang thôn khác, từ nước nọ đến nước kia. Ngài đến chỗ nào cũng được cung kính, [7b] cúng dường tứ sự. Bồ-tát nghĩ rằng: ‘Ta cùng đại chúng thường đi qua các nước, chỗ nhân gian ồn ào; sự này không thích hợp với ta lắm. Lúc nào ta mới xa được đám đông này ở chỗ nhàn tịnh mà suy tầm đạo lý?’

“Sau đó, Ngài được như chí nguyện, đi đến chỗ nhàn tịnh, chuyên tinh tu đạo. Ngài lại suy nghĩ: ‘Chúng sanh thật đáng thương, thường ở trong tăm tối, mang lấy cái thân nguy khốn, mong manh, nào sanh, nào già, nào bệnh, nào chết, đủ mọi thứ khổ não. Chúng chết đây sanh kia, chết kia sanh đây, cứ duyên theo cái khổ uẩn này mà trôi nổi, không bao giờ cùng. Ta lúc nào mới có thể thấu triệt khổuẩn, diệt hết sanh, già, chết?’

“Ngài lại suy nghĩ rằng: ‘Sanh tử từ đâu, duyên cái gì mà có?’[92] Ngài liền dùng trí tuệ quán sát sở do, thấy rằng do sanh mà có già và chết; sanh là duyên của già-chết. Sanh lại do hữu mà khởi; hữu là duyên của sanh. Hữu do thủ mà khởi; thủ là duyên của hữu. Thủ do ái mà khởi; ái là duyên của thủ. Ái do thọ mà khởi; thọ là duyên của ái. Thọ do xúc mà khởi; xúc là duyên của thọ. Xúc do sáu xứ[93] mà có; sáu xứ là duyên của xúc. Sáu xứ do danh sắc mà khởi; danh sắc là duyên của sáu xứ. Danh sắc do thức mà khởi; thức là duyên của danh sắc. Thức do hành mà khởi, hành là duyên của thức.[94] Hành do si mà khởi, si là duyên của hành. Thế tức là do duyên là si có hành, do duyên là hành có thức, do duyên là thức có danh sắc, do duyên là danh sắc có sáu xứ, do duyên là sáu xứ có xúc, do duyên là xúc có thọ, do duyên là thọ có ái, do duyên là ái có thủ, do duyên là thủ có hữu, do duyên là hữu có sanh, do duyên là sanh có già, bệnh, chết, sầu, buồn, khổ, não. Khổ uẩn[95] này do duyên là sanh mà có. Chính đó là sự tập khởi của khổ.’  

“Khi Bồ-tát tư duy về sự tập khởi của khổ uẩn ấy, liền phát sinh trí, phát sinh con mắt, phát sinh giác, phát sinh minh, phát sinh thông, phát sinh tuệ, phát sinh chứng ngộ.[96]

“Bồ-tát lại suy nghĩ: ‘Do cái gì không có mà già-chết không có? Do cái gì diệt thì già-chết diệt?’ Rồi bằng trí tuệ, Ngài quán sát nguyên do, biết rằng, do sanh không có nên già-chết không có; do sanh diệt nên già-chết diệt; do hữu không có nên sanh không có, hữu diệt nên sanh diệt; do thủ không có nên hữu không có, thủ diệt nên hữu diệt; do ái không có nên thủ không có, ái diệt nên thủ diệt; do thọ không có nên ái không có, thọ diệt nên ái diệt; do xúc không có nên thọ không có, xúc diệt nên thọ diệt; do sáu xứ không có nên xúc không có, sáu xứ diệt nên xúc diệt; do danh sắc không có nên sáu xứ không có, danh sắc diệt nên sáu xứ diệt; do thức không có nên danh sắc không có, thức diệt nên danh sắc diệt; do hành không có nên thức không có, hành diệt nên thức diệt; do si không có nên hành không có, [7c] si diệt nên hành diệt. Thế tức là vì si diệt nên hành diệt, hành diệt nên thức diệt, thức diệt nên danh sắc diệt, danh sắc diệt nên sáu xứ diệt, sáu xứ diệt nên xúc diệt, xúc diệt nên thọ diệt, thọ diệt nên ái diệt, ái diệt nên thủ diệt, thủ diệt nên hữu diệt, hữu diệt nên sanh diệt, sanh diệt nên già, chết, ưu, bi, khổ, não diệt.

“Khi Bồ-tát suy nghĩ về sề diệt tận của khổ uẩn như thế liền phát sinh trí, phát sinh con mắt, phát sinh giác, phát sanh minh, phát sanh thông, phát sanh tuệ, sanh chứng.

“Sau khi Bồ-tát quán mười hai duyên khởi theo hai chiều thuận nghịch, biết như thật, thấy như thật, tức thì ngay tại chỗ, Ngài chứng được đạo quả A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề.”

Phật bèn nói bài tụng:

Lời này nói giữa chúng,

Các ngươi nên lắng nghe.

Bồ-tát quá khứ quán          

Pháp vốn chưa từng nghe:

Già, chết từ duyên gì?

Do nhân gì mà có?

Quán sát đúng như vậy,

Biết già, chết do sanh.

Sanh lại từ duyên gì,

Nhân gì mà có ra?

Suy nghĩ đúng như vậy,

Liền biết sanh do hữu.

Chấp thủ đây, kia rồi,[97]

Hữu lần lượt chồng chất.

Vậy nên Như Lai dạy:

Thủ là duyên của hữu.

Như đống chứa dơ bẩn[98].

Gió thổi, ác tuôn chảy[99],

Như vậy nhân của thủ,

Do ái mà rộng sâu.

Ái do từ thọ sanh,

Nảy sinh gốc lưới khổ,

Vì nhân duyên nhiễm trước,

Cùng tương ưng khổ lạc.

Thọ vốn do duyên gì,

Nhân gì mà có thọ?

Suy nghĩ như thế rồi,

Biết thọ do xúc sanh.

Xúc vốn do duyên gì,

Nhân gì mà có xúc?

Suy nghĩ như thế rồi,

Biết xúc từ sáu xứ.

Sáu xứ do duyên gì,

Nhân gì có sáu xứ?

Suy nghĩ như vậy, biết,

Sáu xứ do danh sắc.

Danh sắc do duyên gì,

Nhân gì có danh sắc?

Suy nghĩ như vậy biết

Danh sắc từ thức sanh.

Thức vốn do duyên gì,

Nhân gì mà có thức?

[8a]Suy nghĩ như vậy rồi,

Biết thức từ hành sanh.

Hành vốn do duyên gì,

Nhân gì mà có hành?

Suy nghĩ như vậy rồi

Biết hành từ si sanh.

Nhân duyên như vậy đó,

Mới thật nghĩa nhân duyên.

Bằng phương tiện  trí tuệ,

Quán thấy gốc nhân duyên.

Khổ không do Thánh hiền,

Cũng không phải vô cớ.

Nên với khổ biến dịch,

Kẻ trí lo đoạn trừ.

Nếu vô minh dứt sạch,

Lúc đó không còn hành.

Nếu đã không có hành,

Thời cũng không có thức.

Nếu thức vĩnh viễn diệt,

Thì danh sắc không còn.

Danh sắc đã dứt rồi,

Làm gì có sáu xứ.

Nếu sáu xứ trọn dứt,

Thời cũng không có xúc.

Nếu xúc đã dứt hẳn,

Thời cũng không có thọ.

Nếu thọ dứt hết rồi,

Thời cũng không có ái.

Nếu ái dứt hết rồi

Thời cũng không có thủ.

Nếu thủ đã dứt rồi,

Thời cũng không có hữu.

Nếu hữu dứt hết rồi,

Thời cũng không có sanh.

Nếu sanh dứt hết rồi,

Thời không khổ già-chết.

Hết thảy đều dứt sạch.

Đó lời người trí nói,

Mười hai duyên sâu xa,

Khó thấy, khó hiểu biết;

Duy Phật mới biết rõ,

Tại sao có, sao không.       

Nếu hay tự quán sát,

Thời không còn các nhập.

Người thấu triệt nhân duyên

Không cần tỳm thầy ngoài.

Ai đối uẩn, giới, xứ,

Lìa dục, không nhiễm trước,

Xứng đáng nhận bố thí;

Thí chủ được báo lành.

Nếu đặng bốn biện tài,

Thành tựu quyết định chứng;

Giải trừ mọi ràng buộc,

Đoạn trừ, không buông lung,[100]

Sắc, thọ, tưởng, hành, thức,

Giống như xe cũ mục.

Quán rõ được như vậy,

Thời thành bậc Chánh giác.

[8b]Như chim bay giữa không,

Đông tây theo ngọn gió;

Bồ-tát đoạn kết sử,

Như gió thổi áo nhẹ.

Tỳ-bà-thi tịch tịnh,

Quán sát rõ các pháp:

Già-chết duyên đâu có?

Từ đâu già-chết dứt?

Ngài quán như vậy rồi,

Phát sanh trí thanh tịnh,

Biết già-chết do sanh.

Sanh dứt, già-chết dứt.

“Lúc Phật Tỳ-bà-thi vừa mới thành đạo, Ngài tu tập nhiều về hai phép quán, là an ẩn quán và xuất ly quán[101].”

Phật liền dạy bài tụng:

Như Lai bậc tối thượng,

Thường tu hai phép quán,

An ẩn và xuất ly,

Đại Tiên sang bờ kia.

Tâm Ngài được tự tại,

Đoạn trừ mọi kết sử,

Lên núi nhìn bốn phương,

Nên hiệu Tỳ-bà-thi.

Ánh đại trí trừ tối,

Như gương sáng soi mình.

Trừ ưu khổ cho đời;

Dứt khổ sanh, già, chết.

“Phật Tỳ-bà-thi, lại ở chỗ nhàn tịnh suy nghĩ như vầy: ‘Ta nay đã chứng được pháp vô thượng thậm thâm vi diệu là pháp khó thấy khó hiểu, tịch tĩnh, thanh tịnh, chỉ có người trí mới thấu biết chứ kẻ phàm phu không thể nào hiểu thấu được. [102] Bởi vì chúng sanh có những nhẫn dị biệt, kiến dị biệt, chấp thủ dị biệt, sở kiến dị biệt. Dựa theo kiến thức dị biệt đó mỗi người chỉ thích điều mình mong cầu, làm theo tập quán của mình[103], cho nên chúng không thể thấu hiểu đối với lý nhân duyên thâm diệu này.[104] Đối với Niết-bàn diệt tận khát ái lại càng khó hiểu gấp bội phần. Nếu Ta dầu vì chúng mà nói ra thì chắc chúng không hiểu nổi còn trở lại gây phiền nhiễu.’ Suy nghĩ như thế rồi, Ngài im lặng không muốn thuyết pháp.

“Lúc ấy vị Vua trời Phạm thiên, biết đức Tỳ-bà-thi đã nghĩ gì, liền tự nhủ: ‘Thưong thay, thế gian này đang bị sụp đổ! Đức Phật Tỳ-bà-thi vừa chứng được pháp thâm diệu như thế mà không muốn nói ra.’ Tức thì, trong khoảnh khắc, như lực sĩ co duỗi tay, ông từ cung Phạm thiên bỗng nhiên hiện xuống, đến trước mặt Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng lui một bên, đầu gối phải quỳ sát đất, chấp tay bạch rằng: ‘Ngưỡng mong đức Thế Tôn kịp thời thuyết pháp. Nay bụi bặm nơi các chúng sanh này   mỏng nhẹ; chúng có các căn bén nhạy, có lòng cung kính, dễ bề khai hóa. Chúng đã biết sợ những tội lỗi không thể cứu chữa trong đời sau, biết dứt trừ diệt pháp ác, [8c] là phát sinh con đường thiện.’

“Phật bảo Phạm vương: ‘Thật vậy, thật vậy, đúng như lời Ông nói! Nhưng Ta ở chỗ nhàn tịnh, thầm lặng suy nghĩ: ‘Nếu Ta nói pháp thâm thâm vi diệu mà Ta chứng đắc cho chúng, tất nhiên chúng không thể hiểu, lại gây thêm điều xúc phạm, Vì vậy, Ta im lặng không muốn thuyết pháp. Ta trải qua vô số a-tăng-kỳ kiếp cần khổ không biếng nhác tu tập những công hạnh vô thượng, nay mới chứng đắc pháp khó chứng đắc này, nếu nói cho hạng chúng sanh còn dâm, nộ, si, tất chúng không làm theo, chỉ thêm luống uổng. Pháp vi diệu này trái nghịch với đời. Chúng sanh bị dục nhiễm, ngu si che ngăn không tin hiểu nổi. Này Phạm vương, Ta thấy rõ như thế, nên im lặng không muốn thuyết pháp.’

“Khi ấy, Phạm vương lại ân cần khẩn thiết thưa thỉnh một lần nữa, rồi một lần nữa, ân cần khẩn thiết thỉnh cầu đến ba lần rằng: ‘Bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn không thuyết pháp, thì nay thế gian này phải bị sụp đổ, rất đáng thương xót. Ngưỡng mong Thế Tôn kịp thời giảng dạy, chớ để chúng sanh sa đọa nẻo dữ.’

“Đức Thế Tôn nghe Phạm vương ba lần ân cần thưa thỉnh, liền dùng Phật nhãn soi khắp thế giới, thấy sự cáu bẩn của chúng sanh có dày có mỏng, căn tánh có lanh lợi, có chậm lụt; có kẻ dễ khai hóa, có kẻ khó khai hóa. Hạng dễ khai hóa biết sợ tội lỗi đời sau, nên gắng lo dứt trừ pháp ác, làm phát sanh đường lành. Chúng như hoa ưu-bát-la, hoa bát-đầu-ma, hoa câu-vật-đầu, hoa phân-đà-lị, có cái vừa ra khỏi bùn nhưng chưa tới mặt nước; có cái đã ra khỏi bùn lại lên ngang mặt nước, có cái tuy lên khỏi mặt nước mà chưa nở; nhưng cái nào cũng không bị dính bẩn, mà dễ dàng nở ra. Chúng sanh trong thế gian này cũng như thế.

“Đức Thế Tôn bảo Phạm vương: ‘Ta vì thương tưởng các ông nay sẽ mở rộng cửa pháp cam lồ.[105] Pháp ấy thâm diệu khó hiểu, khó biết, nay Ta sẽ nói cho những người tín thọ, muốn nghe, chứ không phải vì hạng người quấy nhiễu, vô ích’.

“Phạm vương biết Phật đã nhận lời thỉnh cầu, nên vui mừng hớn hở, đi quanh Phật ba vòng, cúi đầu đảnh lễ rồi biến mất.

“Phạm vương đi chưa bao lâu, đức Như Lai lại tĩnh mặc suy nghĩ: ‘Nay ta nên nói pháp cho ai trước hết?’ Rồi Ngài lại suy nghĩ: ‘Ta hãy đi vào thành Bàn-đầu, trước hết mở cánh cửa cam lộ cho Vương tử Đề-xá và con Đại thần là Khiên-đồ.’ Rồi thì, liền trong khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi tay, Thế Tôn bỗng biến mất khỏi cây đại thọ; Ngài đi đến thành Bàn-đầu, vào vườn Lộc dã của vua Bàn-đầu, trải chỗ ngồi rồi ngồilên.”

Bấy giờ, Phật nói bài tụng:

Như sư tử trong rừng,

Mặc tình mà đi dạo.

[9a] Phật kia cũng như vậy,

Du hành không trở ngại.

“Phật Tỳ-bà-thi bảo người giữ vườn: ‘Ngươi hãy vào thành nói với Vương tử Đề-xá và Khiên-đồ con Đại thần rằng: Các ngài có biết không, đức Phật Tỳ-bà-thi hiện ở trong vườn Lộc dã, muốn gặp các ngài? Các ngài nên biết bây giờ là phải thời.’ Người giữ vườn vâng mệnh tỳm đến chỗ hai người trình đủ những điều Phật dạy. Hai người nghe xong, liền đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ, rồi đứng lại một bên. Phật lần lượt thuyết pháp cho họ nghe, chỉ bày, giáo huấn, khiến cho lợi ích, khiên hoan hỷ.[106] Ngài giảng về bố thí, trì giới, sanh thiên; dục là xấu ác, bất tịnh, là hữu lậu, là nguy hiểm; tán dương sự xuất ly là pháp rất vi diệu tối thượng, thanh tịnh bậc nhất. [107] Khi Phật thấy tâm ý của hai người đã nhu thuận, hoan hỷ, tin vui, đủ sức lãnh thọ Chánh pháp, Ngài bèn nói cho họ về Khổ thánh đế; phân tích, giảng giải, mở bày rành rẽ; về Khổ tập thánh đế, Khổ diệt thánh đế, và Khổ xuất yếu thánh đế. Bấy giờ Vương tử Đề-xá và con trai Đại thần là Khiên-đồ ngay trên chỗ ngồi mà xa lìa trần cấu, được sự thanh tịnh của con mắt pháp, như tấm vải trắng dễ nhuộm sắc màu.

“Lúc ấy, Địa thần bèn xướng lên rằng: ‘Đức Tỳ-bà-thi Như Lai ở vườn Lộc dã, thành Bàn-đầu, chuyển Pháp luân vô thượng mà các Sa-môn, Bà-la-môn, Chư thiên, Ma Phạm và các người khác trong thế gian không thể chuyển được.’ Tiếng nói ấy lần lượt vang đến cõi Tứ thiên vương, cho đến cõi trời Tha Hóa Tự Tại, rồi trong khoảnh khắc vang đến cõi Phạm thiên.”

Phật liền dạy bài kệ:

Tâm vui mừng hớn hở,

Xưng tán đức Như Lai.

Tỳ-bà-thi thành Phật,

Chuyển Pháp luân vô thượng.

Bắt đầu từ Đạo thọ,

Đi đến thành Bàn-đầu.

Vì Đề-Xá, Khiên-đồ

Chuyển Pháp luân Tứ đế.

Đề-xá và Khiên-đồ

Nghe xong lời Phật dạy,

Ở trong pháp thanh tịnh

Được phạm hạnh tối cao.

Thiên chúng trời Đao-lị

Cho đến Thiên đế Thích,

Vui mừng bảo lẫn nhau,

Nghe khắp cả Chư Thiên:

Phật xuất hiện thế gian,

Chuyển Pháp luân vô thượng;

Tăng thêm hàng chư Thiên,

Giảm bớt A tu la.

Đấng Thế Tôn danh vang

Thiện trí[108] lìa thế biên.

[9b]Tự tại đối các pháp,

Đại trí chuyển Pháp luân.

Quán sát pháp bình đẳng,

Tâm dứt sạch cấu bẩn,

Để lìa ách sanh tử,

Đại trí chuyển Pháp luân.

Diệt khổ, lìa các ác,

Ly dục được tự tại,

Xa lìa ngục ái ân,

Đại trí chuyển Pháp luân.

Đấng Chánh giác Tối Tôn,

Đấng Điều ngự Lưỡng túc,

Giải thoát mọi ràng buộc,

Đại trí chuyển Pháp luân.

Đạo sư khéo giáo hóa,

Hay uốn dẹp oán ma,

Xa lìa mọi điều ác,

Đại trí chuyển Pháp luân.

Sức vô lậu hàng ma,

Các căn định, không lười,

Lậu tận, lìa ma trói,

Đại trí chuyển Pháp luân.

Nếu học pháp quyết định,

Biết các pháp vô ngã,

Đó là pháp cao tột,

Đại trí chuyển Pháp luân.

Không vì cầu lợi dưỡng

Cũng chẳng vì danh dự,

Chỉ vì thương chúng sanh,

Đại trí chuyển Pháp luân.

Thấy chúng sanh khổ ách,

Già, bệnh, chết bức bách,

Vì ba đường ác đó,

Đại trí chuyển Pháp luân.

Đoạn tham, sân nhuế, si;

Nhổ sạch gốc tham ái,

Được giải thoát bất động,

Đại trí chuyển Pháp luân.

Ta thắng việc khó thắng

Thắng để tự hàng phục,

Đã thắng ma khó thắng,

Đại trí chuyển Pháp luân.

Pháp luân vô thượng đó,

Duy Phật mới chuyển nổi.

Hàng Thiên, Ma, Thích, Phạm,

Không ai vận  chuyển được.

Thân cận chuyển Pháp luân,

Làm ích lợi thiên nhơn;

Bậc Thiên Nhân Sư đó,

Đã vượt đến bờ kia.

“Lúc ấy vương tử Đề-xá và công tử Khiên-đồ đã thấy pháp, đắc quả, chân thật không dối, thành tựu vô úy, liền bạch Phật rằng: ‘Chúng con muốn tịnh tu phạm hạnh trong giáo pháp của Như Lai.’ Phật nói: ‘Hãy đến đây, Tỳ-kheo. Pháp Ta thanh tịnh, tự tại; hãy tự mình tu hành để dứt trừ hết thống khổ.’ Ngay lúc ấy hai người liền [9c] đắc cụ túc giới. Họ đắc giới chưa bao lâu, Như Lai lại thị hiện bằng ba sự kiện: một là thần túc, hai là quán tha tâm, ba là giáo giới[109], tức thì chứng đắc tâm giải thoát vô lậu[110], phát sinh vô nghi trí.[111]

“Bấy giờ số đông nhân dân ở thành Bàn-đầu nghe hai người xuất gia học đạo, bận pháp y, cầm bát, tịnh tu phạm hạnh, họ nói nhau rằng: ‘Đạo ấy chắc là đạo chân thật, mới khiến các người kia bỏ vinh vị ở đời, bỏ các thứ quý trọng để tu theo.’ Rồi thì, trong thành có tám vạn bốn ngàn người đi đến vườn Lộc dã, chỗ Phật Tỳ-bà-thi, cúi đầu đảnh lễ, ngồi lại một bên. Phật lần lượt thuyết pháp, chỉ bày, giáo huấn, khiến cho lợi ích, khiến hoan hỷ; nói về bố thí, về trì giới, về sinh thiên; chỉ rõ dục là xấu ác, bất tịnh, là hữu lậu, nguy hiểm; tán thán sự xuất ly là vi diệu tối thượng, thanh tịnh bậc nhất. Khi Đức Thế Tôn thấy tâm ý của đại chúng đã nhu thuận, hoan hỷ tín thọ, đủ sức lãnh thọ Chánh pháp, Ngài liền nói về Khổ thánh đế; phân tích, giảng giải, công bố; về Khổ tập thánh đế, Khổ diệt thánh đế, Khổ xuất yếu thánh đế. Ngay tại chỗ, cả bốn vạn tám ngàn người đều xa lìa trần cấu, được sự thanh tịnh của con mắt pháp, như tấm vải trắng dễ nhuộm sắc màu; họ được thấy pháp, chứng quả, chân thật không dối, thành tựu vô úy, liền bạch Phật rằng: ‘Chúng con muốn ở trong giáo pháp Như Lai mà tịnh tu phạm hạnh.’ Phật dạy: ‘Hãy đến đây, Tỳ-kheo! Pháp ta thanh tịnh, tự tại; hãy theo đó tu hành để dứt trừ thống khổ.’ Khi đó tám vạn bốn ngàn người đều đắc cụ túc giới. Họ đắc giới chưa bao lâu, Như Lai lại thị hiện bằng ba việc để giáo hóa: một là thần túc, hai là quán tha tâm, ba là giáo giới. Họ tức thì chứng đắc tâm giải thoát vô lậu, phát sinh trí vô nghi.

“Hiện tiền có tám vạn bốn ngàn người khác, nghe Phật ở trong vườn Lộc dã chuyển Pháp luân vô thượng mà hàng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma Phạm và các người khác trong thế gian không thể chuyển được, liền đến thành Bàn-đầu chỗ Phật Tỳ-bà-thi, cúi đầu đảnh lễ, ngồi lại một bên.”

Phật lại nói bài tụng:

Như người cứu đầu cháy,

Nhanh chóng tỳm chỗ dập;

Người kia cũng như vậy,

Vội đến trước Như Lai.

“Phật cũng nói pháp cho họ nghe như trước.

“Đến lúc này tại thành Bàn-đầu đã có đại chúng tỳ kheo gồm mười sáu vạn tám ngàn[112] vị đại Tỳ-kheo. Tỳ-kheo Đề-xá và Tỳ-kheo Khiên-đồ, ở giữa đại chúng, bay lên không trung, thân tuôn ra nước lửa, hiện các thần thông biến hóa, nói pháp vi diệu cho đại chúng nghe. Bấy giờ đức Như Lai thầm nghĩ: ‘Nay [10a] tại trong thành này đã có mười sáu vạn tám ngàn đại Tỳ-kheo, Ta nên sai đi du hóa; chớ đi hai người một nhóm[113], đến khắp các nơi, đúng sáu năm lại trở về thành này để thuyết cụ túc giới’[114]

“Bấy giờ, có vị trời Tịnh cư[115] biết được tâm tư của Như Lai, trong khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi cánh tay, biến mất khỏi cõi trời kia mà hiện đến nơi này, đến trước đức Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ, đứng lại một bên; giây lát, bạch Phật rằng: ‘Bạch Thế Tôn, thật như vậy, trong thành Bàn-đầu này có nhiều Tỳ-kheo, Ngài nên phân bố đi khắp mọi nơi, đúng sáu năm sẽ trở lại thành này để thuyết giới, con sẽ ủng hộ, khiến không ai tỳm cơ hội quấy phá được.’ Như Lai sau khi nghe lời ấy, im lặng nhận lời. Vị trời Tịnh cư thấy Phật im lặng nhận lời, bèn đảnh lễ Phật xong, hốt nhiên biến mất, trở lại cõi trời.

“Không bao lâu sau, Phật bảo các Tỳ-kheo: ‘Nay trong thành này Tỳ-kheo đã đông, nên mỗi người phân bố đi mỗi hướng du hành giáo hóa. Sau sáu năm hãy trở về, tập họp thuyết giới.’ Các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy, khóac y cầm bát, đảnh lễ Phật rồi đi.”

Phật bèn nói bài tụng:

Phật sai[116] chúng không loạn,

Ly dục, không luyến ái,

Oai như chim Cánh vàng;

Như hạc bỏ ao hoang.

“Sau đó một năm, trời Tịnh cư nhắc lại các Tỳ-kheo: ‘Các ngài đi du hóa đã qua một năm, còn năm năm nữa, các ngài nên nhớ trọn sáu năm rồi hãy nhóm về thành mà thuyết giới.’ Cứ như thế, đến năm thứ sáu, trời lại nhắc rằng: ‘Sáu năm đã mãn, nên trở về thành mà thuyết giới.’ Các Tỳ-kheo nghe lời nhắc xong, thu xếp y bát, trở lại thành Bàn-đầu, đến Lộc dã chỗ Phật Tỳ-bà-thi, cúi đầu đảnh lễ, ngồi lui một bên.”

Phật nói bài tụng:

Như voi khéo huấn luyện,

Tùy ý sai khiến đi;

Đại chúng cũng như vậy,

Vâng lời mà trở về.

“Bấy giờ, ở trước mặt đại chúng, Như Lai bay lên không trung, ngồi kiết già, giảng nói Giới kinh:

Nhẫn nhục là bậc nhất,

Niết-bàn là tối thượng,

Cạo tóc, não hại người,

Không phải là Sa-môn.[117]

“Trời Tịnh cư lúc ấy ở cách Phật không xa, dùng bài kệ tán Phật rằng:

Như Lai đại trí,

Vi diệu độc tôn,

[10b]Chỉ, quán đầy đủ,

Thành Tối Chánh Giác.

Vì thương quần sanh,

Ở đời thành đạo.

Đem bốn chân đế

Dạy hàng Thanh-văn.

Khổ cùng khổ nhân,

Chân lý diệt khổ;

Tám đạo Thánh hiền;

Đưa đến an lạc.

Phật Tỳ-bà-thi

Xuất hiện thế gian;

Ở giữa đại chúng

Như ánh mặt trời.

“Nói xong bài kệ, vị ấy hốt nhiên biến mất.”

Bấy giờ, Phật lại bảo các Tỳ-kheo:

“Ta nhớ lại, thuở xưa, khi ở tại núi Kỳ-xà-quật, thành La-duyệt, có một lần sinh tâm nghĩ rằng: ‘Chỗ Ta tái sinh vào khắp mọi nơi, duy trừ cõi trời Tịnh cư. Giả sử Ta sanh cõi trời kia, thời đã không trở lại đây. Này các Tỳ-kheo, khi ấy Ta lại nghĩ rằng: khi Ta muốn đến cõi trời Vô phiền[118], tức thì trong khoảnh khắc như tráng sĩ co duỗi cánh tay, Ta biến mất ở đây mà hiện ở kia. Chư thiên lúc đó thấy Ta đến, liền đảnh lễ, đứng lại một bên, bạch với ta rằng: ‘Chúng con đều là đệ tử đức Phật Tỳ-bà-thi, được Ngài giáo hóa nên sanh đến cõi này.’ Rồi họ kể lại nhân duyên sự tích của đức Phật Tỳ-bà-thi. Họ lại nói: ‘Các đức Phật Thi-khí, Tỳ-xá-bà, Câu-lưu-tôn, Câu-na-hàm, Ca-diếp, Thích-ca Mâu-ni, thảy đều là Thầy của con. Con được các Ngài giáo hóa mà sinh lên đây.’ Họ cũng nói nhân duyên sự tích chư Phật. Cho đến Chư Thiên ở cõi trời Sắc cứu cánh,[119] cũng kể với ta như thế.”

Bấy giờ Phật nói bài tụng:

Ví như lực sĩ,

Co duỗi cánh tay

Ta, bằng thần thông,

Đến trời Vô phiền.

Đại Tiên thứ bảy[120],

Hàng phục hai ma,

Vô nhiệt[121] vô kiến

Chắp tay kính lễ.

Như cây trú độ,[122]

Tiếng đồn Thích sư,

Tướng tốt đầy đủ,

Đến trời Thiện kiến.[123]

Ví như hoa sen,

Không bị dính nước.

Thế Tôn vô nhiễm,

Đến Đại thiện kiến[124].

Mặt trời mới mọc,

Không chút bụi che;

[10c]Sáng như trăng thu,

Đến Nhất cứu cánh.[125]

Năm Tịnh cư này,

Chúng sanh hành tịnh,

Tâm tịnh nên đến

Trời không phiền não.

Tịnh tâm mà đến,

Làm đệ tử Phật.

Xả ly nhiễm thủ,

Vui nơi vô thủ.

Thấy pháp quyết định,

Con Tỳ-bà-thi.

Tịnh tâm mà đến

Với Đại Tiên Nhân.

Đệ tử Thi-khí

Vô cấu, vô vi,

Tịnh tâm mà đến

Với đấng Ly Hữu.

Đệ tử Tỳ-xá,

Các căn đầy đủ.

Tịnh tâm đến Ta,

Như mặt trời chiếu.

Con Câu-lâu-tôn,

Xả ly các dục.

Tịnh tâm đến Ta,

Sáng mầu rực ánh.

Đệ tử Câu-na-hàm,

Vô cấu vô vi.

Tịnh tâm đến Ta,

Sáng nhu trăng đầy.

Đệ tử Ca-diếp,

Các căn đầy đủ,

Tịnh tâm đến Ta,

Như bắc thiên niệm.[126]

Đại tiên Bất loạn.[127]

Thần túc bậc nhất,

Bằng tâm kiên cố,

Làm đệ tử Phật.

Tịnh tâm mà đến,

Làm đệ tử Phật.

Kính lễ Như Lai,

Kể rõ Chí Tôn,

Chỗ sinh, thành Đạo,

Danh tính, chủng tộc,

Tri kiến thâm pháp,

Thành Đạo vô thượng.

Tỳ-kheo nơi vắng,

Xa lìa bụi dơ,

Siêng năng không lười.

Ðoạn trừ hữu kết.

Ấy là nhân duyên,

Sự tích chư Phật,

Mà được diễn giải,

Bởi đứcThích-ca.

Phật nói kinh “Đại nhân duyên” xong, các Tỳ-kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.[128]

 


* 第一分初[13]大本經第一

[1] Hán: Hoa lâm quật 華 林 窟. No 2,  3, Không đề cập. No 4: Phật cùng 500 Tỳ kheo thọ thực tại nhà Bà Vô-diên Mẫu 無延
母 (Pl. Migāramātu), mẹ của ông Vô-diên 無延 (Pl. Migāra).  D. 14 : Karerikuṭikā, am cốc Kareri, ở trong khu vườn của ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc).  

[2] Hán: Hoa lâm đường 華 林 堂. No 2: Ca-lí-lê đạo tràng 迦里梨道場. No 4: Ngồi trên điện, trong nhà Bà Vô-diên Mẫu (Pl. Migāramātupāsāda). D. 14: Karerimaṇḍalamāle: trong sảnh đường hình tròn Kareri, viên đường Kareri.

[3] Hán: sở canh khổ lạc 所 更 苦 樂.

[4] Nguyên Hán: bình đẳng tín 平 等 信.

[5] Nguyên Hán: tam-Phật 三 佛, tức tam-Phật-đà 三 佛 陀 (Pl./Skt. Sambuddha): Chánh giác 正 覺.

[6] Nguyên Hán: ai loan âm tận tri 哀 鸞 音 盡 知; ai loan âm 哀 鸞 音, tức ca-lăng-tần-già âm 迦 菱 頻 伽 音 tiềng chim Skt. kalaviṅka/ Pl. karavīka, một loại sáo sống trên Tuyết sơn.

[7] Tỳ-bà-thi 毗 婆 尸; No2, 3: đồng. No 4: Duy-vệ 維衛. Pl.: Vipassin.  

[8] Thi-khí 尸 棄. No 2: đồng. No 4: Thức 式.  Pl.: Sikkhin.

[9] Tỳ-xá-bà 毗 舍 婆. No 2: Tỳ-xá-phù 毗 舍 浮. No 4: Tùy-diệp 隨葉. Pl.. Vessabhū.

[10] Hiền kiếp 賢 劫. No 4: Phi-địa-la kiếp 披
地羅劫. Pl.: Bhaddakappa.

[11] Câu-lâu-tôn hay 拘 樓 孫. No 2: Câu-lưu-tôn 俱留孫. No 4: Câu-lâu-tần 拘樓秦. Pl.: Kakusandha.

[12] Câu-na-hàm 拘 那 含. No 2: Câu-na-hàm Mâu-ni 俱那含牟尼. No 4: Câu-na-hàm Mâu-ni 拘那[04]含牟尼. Pl. Konāgamana.

[13] Ca-diếp 迦 葉. No 4: đồng. No 2: Ca-diệp-ba 迦
葉波. Pl.: Kassapa.

[14] Na-duy 那 維. Skt. nayuta; Pl.: nahuta; số đếm.

[15] Câu-lị-nhã 拘 利 若; TNM: Kiều-trần-nhã 憍 陳 若. No 2: Câu-lân 拘隣. Pl.: Koṇḍañña.

[16] Ca-diếp 迦 葉. Pl.: Kassapa.

[17] Cù-đàm 瞿 曇; Pl.: Gotama.

[18] Ba-ba-la 波 波 羅; TNM: ba-bà-la 波 婆 羅. No 4: ba-đà-la 波陀羅. D 14: pāṭali.

[19] Phân-đà-lị 分 阤 利. No 4: phân-đồ-lị 分塗利. D 14: puṇḍarīka.

[20] Sa-la 娑羅; TNM: bác-lạc-xoa 博 洛 叉. No 4: tát-la thọ 薩羅樹. D 14; sāla.

[21] Thi-lị-sa 尸 利 沙. No 4: tư-lị thọ 斯
利樹. D 14: sirīsa.

[22] Để bản: Ô-tạm-bà-la 烏 暫 婆 羅; TNM: ưu-đàm-ba-la 優 曇 婆 羅. No 4: ô-tạm thọ 烏暫
樹. D 14: udumbara.

[23] Ni-câu-luật 尼 拘 律; TNM: ni-câu-loại 尼 拘 類. No 4: đồng. D 14: nigrodha.

[24] Bát-đa 缽多. No 4: a-phái-đa 阿沛多. D 14: assattha, Skt. aśvattha.

[25] TNM: bác-xoa 博 洛 叉.

[26]  Để bản: vô-ni 無尼. TNM: mâu-ni 牟尼.

[27] Ni-câu-lâu 尼拘樓; TNM: ni-câu-loại 尼拘類.

[28] Quán 觀; dịch nghĩa của âm Tỳ-bà-thi, do động từ Skt. vipaśyati (Pl. vipassati): nhìn rõ.

[29] Hán: biến kiến 遍見,  hấy khắp; do hiệu Phật Vipassin (Pl.) hay Vipaśyin (Skt.), cũng được dịch: quán 觀, kiến 見, thắng quán 勝觀, diệu quán sát 妙觀察, chủng chủng quán覺種種觀.

[30] Quang 光; từ nguyên của Thi-khí, Skt. śikhin/ Pl. sikhin < śikhā: tia sáng; chóp đỉnh.

[31] Tử ma kim sắc thân紫磨金色身; từ nguyên của Phật hiệu < Skt. kanaka: vàng tía.

[32] Hán: nhất nhất mao 一 一 毛, không rõ nghĩa. Có lẽ liên hệ từ nguyên Skt. keśa thay vì kaśati: chiếu sáng.

[33] Nhất ngữ bất phiền trọng一語不煩重. Minh: nhị ngữ…二語…

[34] Năng nhân ý tịch diệt 能 仁 意 寂 滅, dịch nghĩa của Skt. Śākya-muni/ Pl.: Sakya-muni hay Sakka-muni.

[35] Để bản: Khiên-trà 騫 茶; TNM: Khiên-đồ 騫 荼. Đề-xá 提 舍; TNM: Chất-sa 躓 沙; No 2: đệ tử đại trí là Khiếm-noa Để-tả 欠拏底寫. No 4: Phật Duy-vệ có đệ tử số một là Tắc 塞, số hai là Chất-xá 質舍. D 14:  Khaṇḍa  và Tissa.     

[36] A-tỳ-phù 阿 毗 浮, Tam-bà-bà 三 婆 婆. No 2: Bộ, Tam-bà-phạ 部三
婆嚩. No 4: đệ tử số một là A-tỉ-vụ 阿比務, số hai là Tam-tham 三參. D 14.: Abhibhū và Sambhava.

[37] Phò (phù)-Du 扶 遊 và Uất-đa-ma 鬱 多 摩 (Pl.: Uttama?). No 2: đại đệ tử Dã Thâu-đa-la (Pl: Yasodhara?). No 4: Phật-đề 佛提 (Pl: Cakkavattī?) và Uất-đa 欝多; hình như có sự nhầm lẫn với đệ tử của Phật Câu-na-hàm, xem cht. 39. D 14.: Soṇa.- Uttara.

[38] Tát-ni 薩 尼 và Tỳ lâu 毗 樓. No 2: Tán Lận-phạ 散躪嚩. No 4: Tăng-kì 僧耆 và Duy-lưu 維
留. D 14: Sañjīva-Vidhūra.  

[39] Thư-bàn-na 舒 盤 那 (TNM: Ưu-ba-tư-đa 優 波 斯 多) và Uất-đa-lâu 鬱多樓 (TNM: Uất-đa-la 鬱多羅). No 2: Tô-rô Nỗ-đa-la 穌嚕[04]努多囉. No 4: Chuyển luân 轉 輪 (Pl.: Cakkavattī ?) và Uất-đa; xem cht. 38..D 14:  Bhiyyosa và Uttara.

[40] Đề-xá 提 舍 và Bà-la-bà 婆 羅 婆. No 2: Bà-la-đặc-phạ-nhạ 婆囉特嚩惹 (Một người). No 4: Chất-da-luân 質耶輪 và Ba-đạt-hòa 波達和.  D 14l.: Tissa và Bhāradvāja.

[41] Xá- lị-phất 舍 利 弗 và Mục-kiền-liên 目 犍 連. No 2: chỉ kể Xá-lị-phất. No 4: Xá-lị-phất-la 舍利弗羅 và Ma-mục-kiền-liên 摩目[02]乾
連. D 14: Sāriputta và Moggallāna.

[42] Nguyên Hán: chấp sự đệ tử 執 事 弟 子. Pl.: upaṭṭhāka.

[43] Vô Ưu 無 優. No 2: A thâu ca 阿 輸 迦. No 4: A-luân 阿輪 (Thâu 輸?). D 14: Asoka.

[44] Nhẫn Hành 忍 行No 2: Sát-ma-ca-rô 殺 摩 迦 嚕. No 4: Sai-ma-kiệt 差摩竭. D 14: Khemaṃkara.

[45] Tịch diệt 寂 滅No 2: Ô-ba-phiến-đổ; 烏 波 扇 睹. No 4: Phục Chi Diệp (?). D 14: Upasanta.

[46] Thiện Giác 善 覺. No 2: Một-đề-dũ 沒 提 逾. No 4: Phù-đề 浮提. D 14: Buddhija.

[47] An Hòa 安 和No 2: Tô-rô-đế-lí-dã 蘇 嚕 帝 里 野. No 4: Tát-chất 薩質. D 14: Sotthija.

[48] Thiện Hữu 善 友No 2: Tát-lí-phạ-mật-đát-ra 薩 里 縳 瞇 怛 囉. No 4: Tát-ba-mật 薩波[11]蜜. D 14: Sabbamitta.

[49] A-nan 阿 難No 2: A-nan-đà 阿難陀. No 4: A-nan. D 14: Ānanda.

[50] Tịch nhiên 寂 然, TNM: tịch diệt 寂 滅.

[51] Phương ưng 方 膺. Vô lượng 無 量. Diệu giác 妙 覺. Thượng thắng 上 勝. Đạo sư 道 師. Tập Quân 集軍. La-hầu-la 羅睺羅. No 4: Tu-viết-kiền-đà 須曰多鞬陀, A-đâu-la 阿兜羅, Tu-ba-la-viết 須波羅曰, Uất-đa-la欝多羅, Đọa-di-đà-tiên-na墮夷陀
先那, Sa-đa-hòa 沙多和, La-vân 羅云. No 2 và D 14 không đề cập. 

[52] Bàn-đầu 盤 頭, TNM: Bàn-đầu-ma-đa 盤 頭 摩 多. No 2, No 3: Mãn-độ-ma 滿度摩. No  4: Bàn-nậu sát-lị vương 槃
裱剎利王. D 14: Bandhumant.

[53] Bàn-đầu-ba-đề 盤 頭 婆 提, TNM: Bàn-đầu-ma-na 盤 頭 摩 那. No 2: Mãn-độ-ma-đế 滿度摩帝. No 4: Bàn-đầu-mạt-đà 槃頭末陀. D 14: Bandumatī.  

[54] Bàn-đầu-ma-đề 槃頭婆提. No 2: Mãn-đô-ma 滿度摩. No 4: Sát-mạt-đề 剎末提. D 14: Bandumatī.

[55] Xem cht. 28, 29.

[56] Minh Tướng 明 相. No 2: A-rô-noa 阿嚕拏. No 4: A-luân-noa 阿輪[06]拏. D 14: A ruṇa.

[57] Quang Diệu 光 耀. No 2: 阿嚕拏. No 4: 波羅呵越提. D 14: Pabhāvati,

[58] Quang tướng 光 相. No 2: A-rô-phạ-đế 阿嚕嚩帝. No 4: A-lâu-na-hòa-đề 阿樓那惒提. D 14: Aruṇavatī.

[59] Thiện Đăng 善 燈. No 2: Tô-bát-ra-để 穌鉢囉底. No 4: Tu-ba-la-đề-hòa 須波羅提惒.  D 14: Suppatīta.

[60] Xưng giới 稱 戒. No 2: Bát-ra-bà-phạ-để 鉢囉婆嚩底. No 4: Da-xá-việt-đề 耶舍
越提.  D 14: Yasavatī

[61]. Vô Dụ 無 喻. No 2: N-nỗ-bát-ma阿努鉢麼. No 4: A-nậu-ưu-ma 阿耨憂摩. D 14:  Anopama.  

[62] Tự đắc 祀 得 (TNM: Lễ Đức 禮 德). No 2: Dã-nghê-dã-na-đa 野倪也那多. No 4: A-chi-vi-đâu 阿枝違兜. D 14: Aggidatta.

[63] Thiện Chi 善枝. No 2: Vĩ-xá-khư 尾舍佉. No 4: Tùy-xá-ca 隨
舍迦. D 14: Visākhā.

[64] An Hòa 安 和. No 2: Sát-mô-sát-ma 剎謨剎摩. No 4: Tu-ha-đề 須訶提. D 14: Khema.

[65] An hòa 安 和. No 2: Sát-ma 剎摩. No 4: Luân-ha-rị-đề-na 輪訶唎提那. D 14: Khemavatī.

[66] Đại Đức 大 德. No 2: Dã-nghe-dã-na-đỗ 野倪也那覩. No 4: Da-thiễm-bát-đa 耶[07]睒鉢多. D 14: Yaññadatta.

[67] Thiện Thắng 善 勝. No 2: Ô-đa-ra 烏多囉. No 4: Uất-đa-la 欝多羅. D 14:Uattarā.

[68] Thanh Tịnh 清淨. No 2: Thâu-bộ 輸部. No 4: Sai-ma 差
摩. D 14: Sobha.

[69]. Thanh tịnh thành 清 淨. No 2: Thâu-bà-phạ-đế 輸婆嚩帝. No 4: Sai-ma-việt-đề 差摩越提. D 14: Sobhavatī.  

[70] Phạm Đức 梵 德. No 2: Tô-một-ra-hạ-ma 穌沒囉賀摩. No 4: A-chi-đạt-da 阿枝達耶. D 14: Brahmadatta.

[71] Tài-Chủ 財主. No 2: Một-ra-hạ-ma-ngu-bát-ma 沒囉賀摩虞鉢多. No 4: Đàn-na-việt-đề-da 檀那
越提耶. D 14: Dhanavatī.

[72] Cấp-tỳ 汲 毗 (TNM: Ba-la-tỳ 波 羅 毗; có lẽ nhầm tự dạng cấp 汲và ba 波. No 2: Ngật-lí-kế 訖
里計. No 4: Thậm Đọa 甚墮. D 14: Kikī.

[73] Ba-la-nại 波羅奈. No 2: đồng. No 4: Ba-la-tư 波羅私. D 14: Bārāṇasī.

[74] Tịnh Phạn 淨飯. No 2: đồng. No 4: Duyệt-đầu-đàn 閱頭檀. D 14: Suddhodana.  

[75] Đại Thanh Tịnh Diệu 大 清 淨 妙, TNM.: Đại Hóa 大 化. No 2: Mô-ha-ma-da 謨訶摩耶. No 4: Ma-ha-ma-da 摩訶[08]摩耶. D 14: Mahamāya.

[76] Ca-tỳ-la-vệ 迦毗羅衛. No 2: Ca-tỳ-la 迦毘羅. No 4: Ca-duy-la-vệ 迦維羅衛. D 14: Kapilavatthu.

[77] D. 14 (D.i.i. 8 ): Phật giảng xong đoạn trên liền đi vào tịnh xá. Truyện kể được tiếp tục vào buổi chiều hôm đó.

[78] D. 14 (D.i.i  15): aggo’ham asmi lokassa, jeṭṭho ‘ham asmi lokassa, seṭṭho ‘ham asmi lokassa, ayam antimā jāti, n ‘atthi ‘dāni punabhavo ti, “Ta là đấng tối thượng của thế gian, là tối thắng của thế gian, là tối tôn của thế gian. Đây là sự sanh cuối cùng, không còn đời nào nữa.” 

[79] Vạn tự 萬字.

[80] Ni-câu-lô 尼拘盧; TNM: ni-câu-loại 尼拘類. Pl: nigrodha.

[81] Nguyên Hán: nhãn thượng hạ câu huyến 眼 上 下 俱 眴, nếu dịch sát: mắt trên dưới cùng nháy; không rõ nghĩa. So sánh Pl.: gopakhuma, có mí mắt như của bò cái; nghĩa là, mắt hai mí.

[82] Xem thêm: Trung 11 (tr. 493c19); Đại Bát-nhã 573 (tr. 960a28); Đại Tỳ-bà-sa 177 (tr. 888a6); Đại trí độ 29 (tr. 273c1). Pali, D.i.i 17.

[83] Để bản: lưu hành 流行. NM: lưu ô 流汙: đổ mồ hôi?

[84] Hán: kỳ mục bất huyến, như Đao lợi thiên 其 目 不 眴 如 刀 利 天  D. 14 (D.i.i  17): animisanto pekkhati seyyathāpi devā tāvatiṃsā, animisanto kumāro pekkhatā’ti kho… ‘vipassī vipassī’ tveva samaññā udapādi. “nhìn thẳng sự vật bằng cặp mắt không nháy như Chư Thiên Tāvatimsa, vì vậy, gọi là Vipassī (người quan sát).”

[85] Ca-la-tần-già 迦 羅 頻 伽; xem cht. 6.

[86] D 14 (ii 20): kammavipākajam, phát sinh từ dị thục của nghiệp.

[87] Thiên chánh đường 天 正 堂; TNM: Đại chánh đường 大 正 堂. D 14: atthakaraṇa: công đường hay pháp đường, để xử kiện. Tham chiếu, D. 14 (D.i.i  20): bandhumā rājāatthakaraṇe nisinno vipassiṃ kumāraṃ aṅke nisīdāpetvā atthe anusāsati, “Vua Bandhumā khi ngồi ở pháp đinh, đặ Vương tử Vipassī trên đùi, dạy xử án.”

[88] Tham chiếu, D. 14 (ii 20): “…do hoàng tử Vipassī có thể quan sát và phán quyết đúng chánh lý nên càng được gọi tên là Vipassī.”

[89] No 4: Du-nga 瑜誐.

[90]  Viên lâm 園 林. Pl.: uyyānabhumi; Skt. udyāna: công viên, viên quán.

[91] Hán: viên quán 園 觀, tức viên lâm. Xem cht. 90.  

[92] Sanh tử 生死, nên dọc là lão tử 老死, già và chết. Cf. Pali, D. ii 30: kimhi nu kho sati jarāmaraṇaṃ hoti, kiṃpaccayā jarāmaraṇan’ti?

[93] Nguyên Hán: lục nhập 六入.

[94] Cf. Pali, D.i.i 32: kimhi nu kho sati viññāṇaṃ hoti, kiṃpaccayā viññāṇan’ti? … nāmarūpe kho sati viññāṇaṃ hoti, nāmarūpapaccayā viññāṇan’ti. ..paccudāvattati kho idaṃ viññāṇaṃ nāmarūpamhā, nāparaṃ  gacchati. “Do có cái gì mà có thức? Do duyên là gì mà có thức? … Do có danh sắc mà có thức; do duyên là danh sắc mà có thức… Thức này từ danh sắc mà quay trở lui, không đi lên nữa. 

[95] Nguyên Hán: khổ thạnh ấm苦盛陰. Pl.: kevala-dukkhakkhanda: toàn bộ khổ uẩn.

[96] Hán: 生智, 生眼, 生覺, 生明, 生通, 生慧, 生證 sinh trí, snh nhãn, sinh giác, sinh minh, sinh thông, sinh tuệ, sinh chứng. Pali,  D.i.i 29: pubbe ananussutesu dhammesu cakkhuṃ udapādi, ñāṇaṃ udapādi, paññā udapādi, vijjā udapādi, āloko udapādi., “phát sinh con mắt thấy được các pháp chưa từng được nghe từ trước, phát sanh trí, phát sanh tuệ, phát sanh minh, phát sanh ánh sáng.

[97] Hán: thủ bỉ thủ bỉ 取彼取彼. Cf. D. ii 58: upādānañca hi… nābhavissa sabbena sabbaṃ sabbathā sabbaṃ kassaci kimhici, “nếu không có thủ với bất cứ  lọai nào, trong bất cứ trường hợp nào…”

[98] Hán: như chúng uế ác tụ 如 眾 穢 惡 聚; TNM: dĩ thâm uế ác tụ 以 深 穢 惡 聚.

[99] Hán: phong xuy ác lưu diễn 風 吹 惡 流 演; TNM: phong xuy vô lưu diễn 風 吹 無 流 演. Có lẽ muốn nói, do gió nghiệp thổi, ác pháp hay uế pháp từ ngoài rò chảy vào tâm.

[100] Đoạn trừ vô phóng dật 斷除無放逸. TNM: đoạn ấm vô phóng dật 斷陰無放逸.

[101] An ổn quán 安隱觀, xuất ly quán 出離觀.

[102] Hán: tức diệt thanh tịnh 息滅清淨 (TNM: tĩnh huyên 靜 喧). Cf. D.i.i 36:  adhigato  kho  myāyaṃ  dhammo  gambhīro duddaso duranubodho santo paṇīto atakkāvacaro nipuṇo paṇḍitavedanīyo. “Pháp mà Ta đã chứng đắc này thật là sâu xa, khó thấy, khó giác ngộ, tịch tĩnh, vi diệu, siêu việt tư duy, thâm áo, chỉ có thể biết được bởi kẻ trí.”

[103] Hán: dị kiến, dị nhẫn, dị thọ, dị học. Y bĩ sở kiến, các lạc sở cầu, các vụ sở tập (…) 異見異忍異受異學依彼所見各樂所求各務所習 (…). Đoan kinh Pali tương đương không đồng nhất với bản Hán, mà Vô Trước và Thế Thân dẫn để chứng minh sự tồn tại của thức A-lại-da: ālayarāmā kho panāyaṃ pajā ālayaratā ālayasammuditā ālayarāmāya kho pana pajāya ālayaratāya ālayasammuditāya duddasaṃ idaṃ ṭhānaṃ yadidaṃ idappaccayatā paṭiccasamuppādo. “Chúng sanh này do ham muốn ái dục (= a-lại-da), tham đắm ái dục, vui thích ái dục … do đó, khó thấy pháp này, đó là y duyên tánh và duyên khởi pháp.”

[104].    Pl., sđd.: idappaccayatapaṭiccasamuppāda, y tánh duyên khởi (cái này có do cái kia có, …)

[105] Hán: cam lộ pháp môn 甘 露 法 門; Pl.: amatassa dvāra, cánh cửa dẫn vào bất tử.

[106] Thị giáo lợi hỷ 示教利喜, tuần tự thuyết pháp của Phật: khai thị, giáo huấn, khích lệ, làm cho hoan hỷ. Pali, định cú: dhammiyā kathāya  sandassesi  samādapesi  samuttejesi  sampahaṃsesi.

[107] Dục ác bất tịnh thượng lậu vi hoạn 欲 惡 不 淨 上 漏 為 患. So sánh Pl., D. ii 44: kāmānaṃ  ādīnavaṃ   okāraṃ   saṃkilesaṃ  nekkhamme  ānisaṃsaṃ  pakāsesi, “Ngài soi sáng sự nguy hiểm, sự thấp kém, sự ô nhiễm của các dục, chỉ rõ ích lợi của sự xuất ly.”

[108].    Thiện trí 善 智, TNM: khổ trí 苦 智.

[109] Ba sự thị hiện 三事示現; xem Trường 8 (tr. 50b04), ba biến hóa 三變; Trường 16 (tr. 101c08), ba thần túc 三神足; Tạp 8 (tr. 50b16), ba thị hiện giáo hóa 三種示現教化; Tăng 15 (tr. 622b10), ba sự giáo hóa 三事教化; Đại Bát nhã 469 (tr. 372c23), ba thị đạo 三種示導; Tập dị 6 (tr. 389b17), ba thị đạo 三示導.

[110] Vô lậu tâm giải thoát 無漏心 解 脫; Pl. định cú: anupādāya āsavehi cittāni vimucciṃsu, do không còn chấp thủ mà tâm giải thoát khỏi các lậu.

[111] Để bản: sinh tử vô nghi trí 生死無疑智; TNM: sinh vô nghi trí生無疑智, không còn nghi ngờ về bốn Thánh đế.

[112] TNM: 34 vạn 8 nghìn. D 14: aṭṭhasaṭṭhibhikkhusatasahassaṃ, sáu trăm tám mươi vạn (6 800 000) tỳ kheo.

[113] Nguyên trong bản: các nhị nhơn câu 各 二 人 俱. Nên đọc là vật 勿: chớ có, thay vì các 各. Tham chiếu Pl. D. ii. 45: mā ekena dve agamittha, chớ đi hai người thành một nhóm.

[114] D 14 (ii 45): pātimokkhuddesāyā, để tụng đọc Ba-la-đề-mộc-xoa (Giới bổn của Tỳ kheo)

[115] Nguyên Hán: Thủ-đà-hội 首陀會, phiên âm của Skt. Śuddhāvasa (Pl: Suddhāvasa), dịch là Tịnh cư thiên 淨 居 天, trú xứ của các Thánh giả Bất hoàn 不 還 (Anagāmin). D. 14: aññataro mahābrahmā, một vị Đại Phạm thiên kia

[116] Nguyên Hán: Phật tất vô loạn chúng 佛悉無亂眾; TNM: Phật khiển vô loạn chúng 佛 遣無亂眾.

[117] Xem, luật Tứ phần, giới bổn tỳ kheo. Cf. Dh. 184. khantī paramaṃ tapo titikkhā, nibbānaṃ paramaṃ vadanti buddhā; na hi pabbajito parūpaghātī, na samaṇo hoti paraṃ viheṭhayanto.

[118] Nguyên Hán: Vô tạo 無造. thừong gọi là Vô phiền 無煩.  Pl.: Avīha, Skt. Avriha: 1 trong 5 Tịnh cư thiên.

[119] Nguyên bản: A-ca-nị-trá 阿迦膩咋 , dịch là Sắc cứu cánh 色究竟, tầng chót trong 5 Tịnh cư thiên. Pàli: akaniṭṭha, Skt. Akaniṣṭha.

[120] Đệ thất Đại tiên 第七大仙, chỉ đức Thích tôn; Skt. Saptamarsi, Pl: Isisattama.

[121] Vô nhiệt 無熱, Pl.; Atappa, phía trên Vô phiền thiên (Pl.. Avīha); 1 trong 5 Tịnh cư thiên.

[122] Trú đạc (độ) 晝度 cây thần thoại, tín hiệu cho ban ngày trên trời Đao-lị. Pl: Pāricchattaka.  

[123] Thiện kiến thiên 善見天, Pl.: Sudassa (Skt. Sudṛśa), 1 trong 5 cõi Tịnh cư của Thánh giả A-na-hàm.

[124] Đại Thiện kiến 大善見, Pl.: Sudassī (Skt. Sudarśana) tức chỗ khác gọi Thiện hiện, 1 trong 5 cõi Tịnh cư của Thánh giả A-na-hàm.

[125] Nhất cứu cánh 一 究 竟, tức Sắc cứu cánh, xem cht. 119.

[126] Như bắc thiên niệm 如 北 天 念, không rõ nghĩa. Để bản sót; chép theo TNM.

[127] Bất loạn 不亂; TNM: bất năng 不能, đều không rõ nghĩa.

[128] Bản Hán. hết quyển 1.

2. Kinh du hành

2. KINH DU HÀNH

I

[11a8] Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật,[1] thành La-duyệt[2] cùng với chúng đại Tỳ-kheo một nghìn hai trăm năm mươi người.

Bấy giờ, A-xà-thế[3], vua nước Ma-kiệt,[4] muốn chinh phạt nước Bạt-kỳ[5], mới tự nghĩ: “Nước ấy tuy mạnh, dân chúng giàu mạnh, nhưng lấy sức ta để thắng họ không phải là khó”.

Rồi vua A-xà-thế sai Đại thần Bà-la-môn Vũ-xá[6]: “Khanh hãy đến núi Kỳ-xà-quật, chỗ đức Thế Tôn, nhân danh ta đảnh lễ dưới chân Thế Tôn, và thăm hỏi đức Thế Tôn, Ngài đời sống thường nhật có thoải mái không, đi đứng có khỏe mạnh không. Sau đó lại bạch đức Thế Tôn, người nước Bạt-kỳ tự ỷ hùng cường, dân chúng giàu mạnh, không chịu thần phục ta. Ta muốn chinh phạt chúng. Không hiểu đức Thế Tôn có dạy bảo gì không? Nếu Ngài có dạy thế nào, ngươi hãy ghi nhớ cho kỹ, chớ để quên sót, hãy nói lại cho ta hay những gì khanh đã nghe. Những điều Như Lai nói không bao giờ hư dối.”

Đại thần Vũ-xá lãnh mạng, cỡi xe báu đi đến núi Kỳ-xà-quật. Đến chỗ phải dừng, ông xuống xe, đi bộ đến chỗ Thế Tôn, thăm hỏi xong, ngồi lại một bên, bạch đức Thế Tôn rằng:

“Vua nước Ma-kiệt là A-xà-thế cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật và ân cần kính hỏi Ngài, đời sống thường nhật có thoải mái chăng, lui tới có được mạnh khỏe không?”

 Ông lại thưa tiếp:

“Người nước Bạt-kỳ tự thị dũng mãnh, dân chúng giàu mạnh, không chịu thần phục Vua, nên Vua muốn chinh phạt. Chẳng hay đức Thế Tôn có dạy bảo gì không?”

Lúc đó, A-nan đang cầm quạt đứng hầu sau Phật. Phật hỏi A-nan:

“Ngươi có nghe dân nước Bạt-kỳ thường nhóm họp, bàn luận chính sự[7] không?”

A-nan đáp:

“Con có nghe.”

Phật nói với A-nan:

“Nếu được như thế, lớn nhỏ hòa thuận, nước đó lại càng thịnh vượng. Nước ấy sẽ an ổn lâu dài, không thể xâm hại được.

“Này A-nan, ngươi có nghe người nước Bạt-kỳ vua tôi hòa thuận, trên dưới kính nhường nhau không?”

“Con có nghe.”

“Nếu được như vậy, lớn nhỏ hòa thuận, nước đó càng thêm thịnh vượng, [11b] và được yên ổn lâu dài, không thể xâm hại được.

“Này A-nan, ngươi có nghe dân nước Bạt-kỳ thường tôn trọng pháp luật, tỏ rõ cấm kỵ, chẳng trái lễ độ không?”[8]

“Con có nghe.”

“Này A-nan, nếu được như vậy, lớn nhỏ hoà thuận, nước đó càng thêm thịnh vượng và yên ổn lâu dài, không thể xâm hại được.

“Này A-nan, ngươi có nghe dân nước Bạt-kỳ hiếu dưỡng cha mẹ, kính thuận sư trưởng không?”

“Con có nghe.”

“Này A-nan, nếu vậy, lớn nhỏ hòa thuận, nước đó càng thêm thịnh vượng và yên ổn lâu dài, không thể xâm hại được.

“Này A-nan, ngươi có nghe dân nước Bạt-kỳ thường tôn trọng tông miếu, kính nể quỉ thần không?”

“Con có nghe.”

“Này A-nan, nếu được như vậy thì lớn nhỏ hòa thuận, nước đó càng thêm thịnh vượng và yên ổn lâu dài, không thể xâm hại được.

“Này A-nan, ngươi có nghe dân nước Bạt-kỳ giữ gìn khuê môn trinh chính, thanh khiết, không tạp uế, cho đến sự vui đùa, nói năng cũng không tà vạy không?”

“Con có nghe.”

“Này A-nan, nếu được như vậy thì lớn nhỏ hòa thuận, nước đó càng thêm thịnh vượng và yên ổn lâu dài, không thể xâm hại được.

“Này A-nan, ngươi có nghe dân nước Bạt-kỳ tôn thờ Sa-môn, kính người trì giới và thân cận ủng hộ chẳng hề biếng nhác không?”

“Con có nghe.”

“Này A-nan, nếu được như vậy thì nước đó càng thêm thịnh vượng và yên ổn lâu dài, không thể xâm hại được.”[9]

Bấy giờ, Đại thần Vũ-xá liền bạch Phật:

“Nhân dân nước kia nếu chỉ thi hành có một điều còn không mong gì thắng họ, huống nay họ đủ cả bảy điều. Vì việc nước quá bận, con xin từ tạ trở về.”

Phật nói:

“Nên biết đúng thời.”

Vũ-xá liền đứng dậy đi quanh Phật ba vòng rồi vái chào mà lui.

Vũ-xá đi chưa bao lâu, Phật bảo A-nan:

“Ngươi hãy truyền cho các Tỳ-kheo ở chung quanh thành La-duyệt-kỳ nhóm hết lại giảng đường.”

A-nan thưa:

Kính vâng.”

Rồi vâng lệnh đi đến thành La-duyệt-kỳ tập họp hết các Tỳ-kheo vào giảng đường; sau đó bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, các Tỳ-kheo đã nhóm đủ. Kính mong Đức Thánh biết thời.”

Bấy giờ, Thế Tôn liền rời chỗ ngồi đi đến giảng đường, ngồi lên chỗ ngồi dọn sẵn, bảo các Tỳ-kheo:

“Này các Tỳ-kheo, Ta sẽ giảng cho các ngươi bảy pháp bất thối.[10] Các ngươi hãy lắng nghe, lắng nghe, suy nghĩ kỹ!”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Kính vâng, bạch Thế Tôn. Chúng con muốn nghe.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Này các Tỳ-kheo, bảy pháp bất thối là:

“1. Thường hội họp luận bàn chánh nghĩa, thời lớn nhỏ hòa thuận mà Chánh pháp không bị suy thoái.[11]

“2. Trên dưới hòa đồng, kính thuận không trái, thời lớn nhỏ hòa thuận mà Chánh pháp không bị suy thoái.

“3. Trọng pháp, tỏ rõ cấm kỵ, không trái qui chế, thời lớn nhỏ hòa thuận mà Chánh pháp không bị suy thoái.

“4. Nếu có Tỳ-kheo nào có năng lực hộ chúng, được nhièu người biết đến, hãy nên kính thờ Tỳ-kheo ấy, thời lớn nhỏ hòa thuận mà Chánh pháp không bị suy thoái.

“5. Niệm hộ tâm ý, lấy sự hiếu kính làm đầu,[12] thời lớn nhỏ hòa thuận mà Chánh pháp không bị suy thoái.

“6. Tịnh tu phạm hạnh, không chạy theo hình thái của dục[13], thời lớn nhỏ hòa thuận mà Chánh pháp không bị suy thoái.

“7. Trước người rồi sau mình, không tham lam danh lợi,[14] thời già trẻ hòa thuận mà Chánh pháp không bị suy thoái.

“Này các Tỳ-kheo, lại có bảy pháp làm cho Chánh pháp tăng trưởng không tổn giảm.

“1. Ưa ít việc, không ưa nhiều việc[15], thời Chánh pháp tăng trưởng không bị tổn giảm.

“2. Ưa yên lặng, không ưa nói nhiều.

“3. Bớt sự ngủ nghỉ, tâm không hôn muội.

“4. Không tụ họp nói việc vô ích.

“5. Không tự khen ngợi khi mình thiếu đức[16].

“6. Không kết bè bạn với người xấu ác.

“7. Ưa ở một mình nơi chỗ nhàn tịnh, núi rừng.

“Này Tỳ-kheo, được như vậy, thời Chánh pháp sẽ được tăng trưởng, không bị tổn giảm.

“Này các Tỳ-kheo! Lại có bảy pháp làm cho Chánh pháp tăng trưởng không bị tổn giảm.

“1. Có tín tâm; tin đức Như Lai, Chí Chân, Chánh giác, đủ mười đức hiệu.

“2. Có tàm, biết hổ với điều thiếu sót của mình.

“3. Có quý, biết thẹn với việc ác mình đã làm.

“4. Đa văn, những điều đã được thọ trì đều tốt ở đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối, nghĩa và vị thâm áo, thanh tịnh không bẩn, phạm hạnh đầy đủ.

“5. Siêng năng cần khổ, bỏ ác tu lành, chuyên tâm tập luyện mãi không ngừng.

“6. Điều đã học tập được, ghi nhớ mãi không quên.

“7. Tu tập trí tuệ, biết pháp sanh diệt, hướng đến Hiền Thánh, dứt hết gốc khổ.

“Với bảy pháp như thế thời Chánh pháp tăng trưởng không bị hao tổn.

“Này các Tỳ-kheo! Lại có bảy pháp làm cho Chánh pháp tăng trưởng không bị hao tổn: 1. Kính Phật. 2. Kính Pháp. 3. Kính Tăng. 4. Kính giới luật. 5. Kính thiền định. 6. Kính thuận cha mẹ. 7. Kính pháp không buông lung.

“Bảy pháp như vậy làm cho Chánh pháp tăng trưởng mãi không bị hao tổn.

“Này các Tỳ-kheo! Lại có bảy pháp làm cho Chánh pháp tăng trưởng không bị hao tổn: 1. Quán sự bất tịnh nơi thân. 2. Quán sự bất tịnh nơi thức ăn. 3. Chẳng mê đắm thế gian. 4. Thường suy niệm về sự chết. 5. Suy niệm về vô thường. 6. Suy niệm về vô thường tức khổ. 7. Suy niệm khổ tức vô ngã.

“Bảy pháp như vậy làm cho Chánh pháp tăng trưởng không bị hao tổn.

“Này các Tỳ-kheo! Lại có bảy pháp làm cho Chánh pháp tăng trưởng không bị hao tổn: 1. Tu niệm giác chi[17], nhàn tịnh, vô dục, xuất ly, vô vi[18]; 2. Tu pháp giác chi; 3. Tu tinh tấn giác chi; 4. Tu hỷ giác chi; 5. Tu khinh an giác chi;[19] 6. Tu định giác chi; 7. Tu xả giác chi.[20]

“Bảy pháp như vậy làm cho Chánh pháp tăng trưởng không bị hao [12a] tổn.

“Này các Tỳ-kheo! Có 6 pháp bất thối làm cho Chánh pháp tăng trưởng không bị hao tổn.

“1. Thân thường hành xử từ ái, không hại chúng sanh.

“2. Miệng nói nhân từ, không diễn lời dữ.

“3. Ý niệm từ tâm, không ôm lòng gây tổn hại.

“4. Được vật lợi dưỡng hợp lẽ, chia cùng chúng hưởng, bình đẳng không hai.

“5. Giữ giới Thánh Hiền không để khuyết lậu, cũng không cấu uế, đưa đến định, không dao động.[21]

“6. Thấy đạo Thánh Hiền để dứt hết thống khổ.

“Sáu pháp như vậy làm cho Chánh pháp tăng trưởng không bị hao tổn.[22]

“Này các Tỳ-kheo, lại có 6 pháp bất thối làm cho Chánh pháp tăng trưởng không bị hao tổn: 1. Niệm Phật; 2. Niệm Pháp; 3. Niệm Tăng; 4. Niệm giới; 5. Niệm thí; 6. Niệm thiên. Sáu niệm ấy làm cho Chánh pháp tăng trưởng không bị hao tổn.

Bấy giờ, Thế Tôn sau khi tùy nghi trú ở La-duyệt-kỳ, Ngài bảo A-nan rằng:

“Các ngưoi hãy sẵn sàng. Ta muốn đi đến Trúc viên[23].

Đáp: “Thưa Vâng.”

Rồi Ngài sửa soạn y bát, cùng đại chúng theo hầu Thế Tôn, theo ngã đường từ Ma-kiệt đi đến Trúc viên. Sau khi lên giảng đường an tọa, Phật dạy các Tỳ-kheo về giới, định, tuệ. Tu giới đắc định, được quả báo lớn [24];  tu định đắc trí, được quả báo lớn; tu trí tâm tịnh, được giải thoát hoàn toàn[25], dứt hết ba thứ lậu hoặc là dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. Sau khi đã giải thoát liền phát sanh trí về sự giải thoát[26], biết rằng sanh tử dứt hết, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau nữa.”

Bấy giờ, Thế Tôn sau khi tùy nghi trú ở Trúc viên, Ngài bảo A-nan:

“Các ngươi hãy sửa soạn để đi đến thành Ba-lăng-phất[27].

Đáp: “Kính vâng.”

Rồi Ngài sửa soạn y bát, cùng với đại chúng theo hầu Thế Tôn, từ Ma-kiệt đi đến thành Ba-lăng-phất, và ngồi ở gốc cây ba-lăng.[28] Lúc ấy các thanh tín sĩ[29] tại đó nghe Phật cùng đại chúng từ xa đến nghỉ dưới cây ba-lăng, bèn cùng nhau ra khỏi thành. Từ xa họ trông thấy Thế Tôn ngồi [12b]dưới gốc cây ba-lăng, dung mạo đoan chính, các căn vắng lặng, hoàn toàn tự chế ngự, như con rồng lớn, như nước lắng trong không chút bợn nhơ, đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm tột bực. Thấy rồi, ai nấy hoan hỷ, lần đến chỗ Phật, đầu mặt lễ chân Phật, rồi ngồi lại một bên. Đức Thế Tôn theo thứ lớp nói pháp, khai thị, giáo huấn, khiến cho lợi ích, khiến hoan hỷ. Các thanh tín sĩ sau khi nghe Phật nói pháp liền bạch Phật rằng:

“Chúng con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Thánh chúng. Ngưỡng mong đức Thế Tôn thương xót chấp nhận cho chúng con được làm ưu-bà-tắc. Từ nay về sau, nguyện không giết, không trộm, không tà dâm[30], không nói dối, không uống rượu. Chúng con sẽ giữ giới không bao giờ quất.[31] Ngày mai chúng con xin cúng dường. Ngưỡng mong Thế Tôn cùng đại chúng giũ lòng hạ cố.”

Đức Thế Tôn im lặng nhận lời. Các thanh tín sĩ thấy Phật đã im lặng nhận lời, liền đứng dậy đi quanh Phật ba vòng, vái lễ mà lui.

Họ họ dựng ngôi nhà lớn cho Như Lai, ban sửa đất đai, quét tước, rưới nước, xông hương, trang hoàng bảo tọa. Khi thiết cúng xong, họ đến bạch Phật:

“Cỗ đã dọn xong, cúi mong đức Thánh biết thời.”

Khi ấy, Thế Tôn liền rời chỗ ngồi, mang y, cầm bát, cùng đại chúng đến giảng đường. Đến nơi, rửa tay chân xong, Phật ngồi giữa, các Tỳ-kheo ngồi bên tả, các thanh tín sĩ ngồi bên hữu.

Bấy giờ, Thế Tôn nói với các thanh tín sĩ rằng:

“Phàm người phạm giới thời có năm điều suy hao. Những gì là năm? 1. Cầu tài lợi không được toại nguyện. 2. Dẫu có được tài lợi, ngày mỗi hao mòn. 3. Bất cứ đến đâu cũng không được mọi người kính nễ. 4. Tiếng xấu đồn khắp thiên hạ. 5. Thân hoại mệnh chung sa vào địa ngục. Trái lại, này các thanh tín sĩ, phàm người giữ giới sẽ có năm công đức. Những gì là năm? 1. Cầu gì đều được như nguyện. 2. Tài sản đã có thì thêm mãi không hao sút. 3. Ở đâu cũng được mọi người kính mến. 4. Tiếng tốt đồn khắp thiên hạ. 5. Thân hoại mệnh chung được sanh lên cõi trời.”

Bấy giờ, đã nửa đêm, Phật bảo các thanh tín sĩ hãy trở về. Các thanh tín sĩ vâng lời, đi quanh Phật ba vòng, rồi đảnh lễ mà lui.

Bấy giờ, khi đêm vừa qua, ánh sáng vừa tỏ, Thế Tôn đi tới chỗ thanh vắng,[32] bằng thiên nhãn thanh tịnh, thấu suốt, thấy các vị đại thiên thần[33] mỗi vị phong giữ đất đai nhà cửa[34] riêng. Các thần trung, thần hạ cũng phong giữ đất đai nhà cửa. Thế Tôn liền trở lại giảng đường, lên chỗ ngồi. Tuy đã biết, nhưng Ngài vẫn hỏi:

“Này A-nan, ai tạo lập thành Ba-lăng-phất này?”

[12c]A-nan bạch Phật:

“Thành này do Đại thần Vũ-xá tạo ra để phòng ngự nước Bạt-kỳ.”

Phật nói với A-nan:

“Người tạo ra thành này rất hợp ý trời[35]. Lúc đêm đã tàn, trời vừa sáng, Ta đi tới chỗ thanh vắng, bằng thiên nhãn, xem thấy các đại thiên thần mỗi vị phong giữ đất đai nhà cửa riêng, các trung thần, hạ thần cũng phong giữ đất đai nhà cửa. A-nan! Nên biết chỗ đất đai nhà cửa nào được đại thiên thần phong giữ, ai ở đó tất được an lạc nhiều[36]; còn chỗ trung thần phong giữ thì hàng trung nhân ở; chỗ hạ thần phong giữ thì hạ nhân ở và công đức nhiều ít cũng tùy theo chỗ ở ấy.

“Này A-nan, chỗ này là chỗ hiền nhân ở, kẻ bán buôn qui tụ, phép nước đúng đắn không dối ngụy[37]. Thành này rất tốt, được mọi nơi suy tôn, không thể phá hoại. Lâu về sau nếu có bị phá chăng chỉ do ba việc: một là bị nước lớn, hai là bị lửa lớn và ba là bị người trong thông mưu với người ngoài, do thế thành này bị phá hoại.”

Trong lúc đó các thanh tín sĩ Ba-lăng-phất suốt đêm cùng bày biện. Đúng giờ, họ đến bạch Phật:

“Cỗ đã dọn xong, cúi mong đức Thánh biết là đã đến giờ.”

Bấy giờ, các thanh tín sĩ bưng dọn, tự tay bưng sớt đồ ăn. Thọ thực xong dùng nước rửa. Rồi họ dọn một chỗ ngồi nhỏ trước Phật. Phật khai thị  rằng:

Đây trú xứ các ngươi,

Chỗ ở bậc Hiền trí;

Đa phần trì tịnh giới,

Và tịnh tu phạm hạnh,

Nên Chư Thiên hoan hỷ.[38]

Rồi Ngài chú nguyện cho họ:

Kính trọng bậc đáng kinh;

Kính thờ bậc đáng thờ;

Rộng thí và nhân từ;

Hằng có tâm từ mẫn;

Được Chư Thiên tán thán;

Thường sống chung người thiện,

Không tụ hội kẻ ác.[39]

Bấy giờ, sau khi thuyết pháp xong, đức Thế Tôn liền rời khỏi chỗ, đại chúng hầu quanh mà đưa Ngài trở về. Đại thần Vũ-xá đi theo sau Phật, nghĩ rằng:

“Hôm nay, nhân đức Sa-môn Cù-đàm đi qua cửa thành này, ta hãy gọi cửa này là cửa Cù-đàm.[40]

Lại nhân bến sông mà Phật sang ngang, liền đặt tên chỗ đó là bến Cù-đàm[41].

Đức Thế Tôn ra khỏi thành Ba-lăng-phất, đi đến bờ sông. Lúc ấy, trên bờ sông có nhiều người, trong số đó có người thì dùng thuyền có người dùng bè, có người dùng phà mà sang sông. Đức Thế Tôn cùng đại chúng, chỉ trong khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi cánh tay, đã đến cả bên kia sông. Sau khi quán sát nghĩa này, Thế Tôn liền nói bài tụng:

Phật là Hải thuyền sư;

Pháp là cầu sang sông,

Là chiếc xe Đại thừa,

Đưa hết thảy trời, người.

Cũng tự mnhf cởi trói,

Sang sông, lên bậc Tiên[42],

[13a]Khiến tất cả đệ tử,

Cởi trói, đến Niết-bàn.

Thế Tôn lại từ nước Bạt-kỳ đi đến thôn Câu-lị,[43] nghỉ ở dưới một lùm cây.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Có bốn pháp thâm diệu: một là Thánh giới; hai là Thánh định; ba là Thánh tuệ và bốn là Thánh giải thoát.[44] Đó là pháp vi diệu khó hiểu, khó biết, mà Ta với các ngươi xưa kia vì không hiểu rõ nên mãi trôi lăn không cùng trong vòng sống chết.”

Quán xét theo nghĩa đó, Phật liền dạy bài kệ:

Giới, định, tuệ, giải thoát,

Duy Phật phân biệt rõ.

Lìa khổ độ chúng sanh,

Khiến dứt mầm sanh tử.

Bây giờ, Thế Tôn sau khi tùy nghi trú ở Câu-lị thôn lại bảo A-nan cùng đi đến thôn Na-đà[45]. A-nan vâng lời, khoác y ôm bát cùng với đại chúng đi theo Phật, theo con đường từ Bạt-kỳ đến Na-đà và dừng lại trú xứ Kiền-chùy[46].

Bấy giờ, A-nan ở chỗ thanh vắng yên lặng suy nghĩ: “Thôn Na-đà này có mười hai cư sĩ là 1. Già-già-la, 2. Già-lăng-già, 3. Tỳ-già-đà, 4. Gia-lê-du, 5. Giá-lâu, 6. Bà-da-lâu, 7. Bà-đầu-lâu, 8. Tẩu-bà-đầu-lâu, 9. Đà-lê-xá- nậu, 10. Tẩu-đạt-lê-xá-nậu, 11. Gia-du, 12. Gia-du-đa-lâu đã qua đời.[47] Hiện nay không biết họ sinh về đâu? Lại có năm mươi người khác mệnh chung, lại năm trăm người khác nữa mệnh chung, nay không biết họ sanh về chỗ nào?”

A-nan suy nghĩ như thế xong, rời khỏi nơi nhàn tịnh, đến chỗ Thế Tôn, đầu mặt lễ chân Phật xong, ngồi xuống một bên, bạch Phật:

“Thế Tôn, vừa rồi con ở chỗ nhàn tịnh, lặng lẽ suy nghĩ: Tại thôn Na-đà này có mười hai cư sĩ, Già-gia-la, v.v…, mạng chung; lại có năm mươi người nữa mạng chung; lại có năm trăm người mạng chung. Không biết họ sinh về đâu. Cúi mong Thế Tôn nói rõ cho con.”

Phật bảo A-nan:

“Mười hai cư sĩ kia, Già-già-la, v.v…, đã đoạn năm hạ phần kết nên mệnh chung sinh thiên;[48]  họ nhập Niết-bàn[49] ở đó chứ không trở lại cõi này nữa. Còn năm mươi người kia mạng chung, do đoạn trừ ba kết sử, dâm, nộ, si mỏng, đắc quả Tư-đà-hàm,[50] sẽ trở lại cõi này để dứt hết gốc khổ. Còn năm trăm người kia mạng chung, do đoạn trừ ba kết sử, đắc quả Tu-đà-hoàn,[51] không còn bị đọa vào ác thú, chắc chắn thành đạo, chỉ trở lại cõi này bảy lần để dứt hết gốc khổ rồi thôi.

“Này A-nan, phàm có sinh thì có chết, đó là lẽ thường của cuộc đời, có gì là quái lạ. Nếu [13b] thấy mỗi người chết, ngươi đều tới hỏi Ta, như vậy chẳng là quấy rầy ư?”

A-nan đáp:

“Đúng vậy, bạch Thế Tôn, quả là  quấy rầy.”

Phật bảo:

“A-nan, nay Ta sẽ nói cho ngươi về Gương Pháp,[52] để các Thánh đệ tử biết chỗ thọ sanh; dứt hết ba đường dữ, chứng quả Tu-đà-hoàn, không quá bảy đời sẽ tận cùng biên tế của khổ; và cũng có thể nói việc ấy cho người khác nghe.

“Này A-nan! Gương Pháp là, Thánh đệ tử đã đạt được bất hoại tín[53], hoan hỷ tin Phật là đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, đầy đủ mười hiệu. Hoan hỷ tin Pháp, là giáo pháp chân chính vi diệu, Phật tự ý nói ra[54], không cuộc hạn thời tiết, dạy bày con đường đi đến Niết-bàn; được thực hành bởi kẻ trí.[55] Hoan hỷ tin Tăng là, chúng khéo hòa đồng, sở hành chất trực không dối trá, và chứng thành đạo quả, trên dưới thuận hòa, đầy đủ pháp thân, hướng Tu-đà-hoàn, quả Tu-đà-hoàn, hướng Tư-đà-hàm và quả Tư đà hàm, hướng A-na-hàm và quả A-na-hàm, hướng A-la-hán và quả A-la-hán. Ấy là bốn đôi tám bậc, chúng Hiền Thánh của Như Lai, xứng đáng được cung kính, làm ruộng phước cho đời.[56] Tin giới của Hiền Thánh là thanh tịnh, không uế tạp, không bị sứt mẻ, không rò rỉ, được các bậc minh triết tu theo mà chứng đến tam-muội định vậy.

“A-nan, đó là Gương Pháp, khiến Thánh đệ tử biết chỗ thọ sanh, dứt sạch ba đường dữ, chứng đắc Tu-đà-hoàn, không quá bảy đời hoàn tất tận cùng biên tế của khổ; và cũng có thể nói cho người khác sự việc ấy.”

Bấy giờ, Thế Tôn sau khi tùy nghi trú ở đó, bèn bảo A-nan hãy cùng đi đến nước Tỳ-xá-li[57]. A-nan vâng lời, mang y cầm bát, cùng với đại chúng theo hầu Thế Tôn, theo con đường từ Bạt-kỳ đến Tỳ-xá-li và ngồi nghỉ ở một gốc cây.

Bấy giờ có một dâm nữ tên Am-bà-bà-lê[58] vừa nghe Phật cùng các đệ tử đến Tỳ-xá-li, đang ngồi dưới một gốc cây, liền sửa soạn xe báu, muốn đi đến chỗ Phật để lễ bái cúng dường. Khi chưa đến nơi, từ xa nàng đã thấy đức Thế Tôn diện mạo đoan chánh, các căn đặc biệt khác thường, tướng tốt đầy đủ, như mặt trăng ở giữa những vì sao. Nàng rất hoan hỷ, xuống xe đi bộ lần tới chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ, ngồi lại một bên.

Rồi Thế Tôn, theo thứ lớp thuyết pháp, khai thị, giáo huấn, khiến cho lợi ích, khiên cho hoan hỷ. Nghe Phật nói xong, nàng phát tâm hoan hỷ, quỳ bạch Phật rằng:

“Kể từ hôm nay, con quy y Tam tôn. Cú nguyện Phật nhận lời cho con được làm ưu-bà-di ở trong Chánh pháp, trọn đời con không giết, không trộm, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu.”

Lại bạch Phật:

“Cúi mong Thế Tôn cùng các đệ tử ngày mai nhận lời thỉnh cầu của con. Còn tối nay, xin nghỉ tại vườn của con.”[13c]

Khi ấy Phật im lặng nhận lời.

Nàng thấy Phật đã im lặng nhận lời, liền đứng dậy đi quanh Phật ba vòng rồi đảnh lễ mà trở về. Nàng đi chưa bao lâu, Phật bảo A-nan:

“Ta cùng các ngươi đi đến khu vườn kia.”

Đáp:

“Thưa vâng.”

Phật bèn rời chỗ ngồi, ôm y cầm bát cùng chúng đệ tử một nghìn hai trăm năm mươi người đi đến khu vườn ấy.

Lúc bấy giờ, nhóm người Lệ-xa[59] ở Tỳ-xá-li, nghe Phật đến nghỉ tại vườn của Am-bà-bà-lê liền thắng những cỗ xe báu năm sắc lộng lẫy; có người cỡi xe xanh, ngựa xanh, phướn, lọng, áo mão đều xanh; ngựa xe năm sắc đều như vậy. Rồi thì, những người Lệ-xa với y phục đồng sắc, cả năm trăm người kéo đến Phật. Nàng Am-bà-bà-lê sau khi từ giã Phật trở về, giữa đường gặp xe họ. Lúc đó, xe nàng chạy rất nhanh, cùng với xe báu của họ móc kéo nhau, khiến phướn lọng gãy đổ cả, mà vẫn không chịu tránh đường. Các người Lệ-xa trách:

“Nàng ỷ thế gì mà không tránh đường cho chúng tôi đi, để tông xe cộ chúng tôi khiến phướn lọng gãy cả?”

Am-bà đáp:

“Thưa quý ngài, tôi đã thỉnh Phật ngày mai đến nhà tôi thọ trai. Tôi phải về gấp sửa soạn đồ cúng dường, thành phải đi mau, không tránh kịp.”

Nhóm Lệ-xa liền bảo nàng:

“Nàng khoan hãy thỉnh. Để chúng tôi thỉnh trước. Chúng tôi sẽ cho nàng một trăm ngàn lượng vàng.”

Nàng đáp:

“Tôi đã thỉnh trước rồi; không thể nhường được.”

Nhóm Lệ-xa tiếp:

“Chúng tôi sẽ tặng nàng gấp mười sáu lần trăm ngàn lượng vàng. Hãy để chúng tôi thỉnh trước.”

Nàng vẫn không chịu:

“Tôi đã thỉnh rồi. Nhất định không thể làm như thế được.”

Các Lệ-xa lại nói:

“Chúng tôi sẽ tặng bằng số tài bảo nửa nước; nàng hãy để chúng tôi thỉnh trước.”

Nàng trả lời:

“Giả sử đem tài bảo của cả nước cấp tôi, tôi cũng không nhận. Vì sao? Vì Phật hiện ở tại vườn tôi, Ngài đã nhận lời tôi thỉnh trước. Việc ấy đã xong, không thể nhường được.”

Các Lệ-xa khoa tay than tiếc rằng:

“Hôm nay cô gái này đã dành mất mất phúc đầu của chúng ta.”

Họ liền tiến tới khu vườn Phật đang ở. Khi đức Thế Tôn từ xa thấy năm trăm người Lệ-xa, với ngựa xe số vạn, chật đường đang tiến đến, Ngài bảo các Tỳ-kheo:

“Các ngươi nên biết Chư Thiên Đao-lị khi đi dạo công viên, uy nghi và sự trang sức cũng không khác đoàn người đó mấy. Này các Tỳ-kheo, hãy tự nhiếp tâm, gìn giữ oai nghi đầy đủ. Tỳ-kheo tự nhiếp tâm mình như thế nào? Tỳ-kheo quán thân trên nội thân, siêng năng không lười biếng, ghi nhớ không quên, trừ bỏ tham ưu ở đời. Quán thân trên ngoại thân,… quán nội ngoại thân,… [14a] trừ bỏ tham ưu ở đời. Quán thọ, quán tâm,[60] quán pháp cũng như thế.[61]

Thế nào là Tỳ-kheo đầy đủ oai nghi? Ở đây, Tỳ-kheo, khi đi thì biết là đi, dừng thì biết là dừng, quay nhìn tả hữu, co duỗi, cúi ngước, mang y cầm bát, cho đến việc ăn uống, thuốc thang, đều không để mất nghi tắc. Khôn khéo tỳm phương tiện trừ bỏ ấm cái[62], đi ở nằm ngồi, ngủ thức, nói năng hay im lặng đều nhiếp tâm đừng cho loạn động. Đấy gọi là Tỳ-kheo đầy đủ oai nghi.”

Bấy giờ năm trăm người Lệ-xa đi đến vườn Am-bà-bà-lê. Gần đến chỗ Phật, xuống xe đi bộ đến, đầu mặt đảnh lễ chân Phật, rồi lui ngồi một bên. Như Lai ở trên chỗ ngồi, ánh sáng độc nhất tỏa sáng che mờ đại chúng, như trăng mùa thu; lại như trời đất trong sáng sạch sẽ không chút bụi dơ, mặt trời giữa hư không độc nhất tỏa sáng. Rồi thì, năm trăm người Lệ-xa  ngồi hầu vây quanh; Phật ở giữa đại chúng, ánh sángđọc nhất tỏa sáng. Lúc ấy, giữa hội chúng có một người Phạm-chí tên là Tịnh-kí[63], từ chỗ ngồi đứng dậy, trật áo vai hữu, đầu gối hữu quỳ xuống đất, chắp tay hướng về Phật, tán thán bằng bài kệ rằng:

Vua Ma-kiệt Ương-già,[64]

Vốn được nhiều thiện lợi,

Khoác khôi giáp bảo châu:

Phật hiện ở nước ấy.

Uy đức động Ba nghìn,

Tiếng vang như núi Tuyết.

Như hoa sen đã nở,

Mùi hương thật mầu nhiệm.

Nay thấy ánh sáng Phật,

Như mặt trời mới mọc;

Như trăng qua bầu trời,

Không bị mây che khuất.

Thế Tôn cũng như vậy,

Sáng chiếu cả thế gian.

Quán trí tuệ Như Lai

Như tối gặp đuốc sáng;

Đem mắt sáng cho đời,

Quyết trừ các nghi hoặc.[65]

Năm trăm người Lệ-xa sau khi nghe bài kệ ấy lại bảo Tịnh-kí:

“Ngươi hãy lặp lại.”

Rồi Tịnh-kí ở trước Phật lặp lại ba lần. Năm trăm Lệ-xa sau khi nghe lặp lại bài kệ, mỗi người cởi y báu mà cho Tịnh-kí. Tịnh-kí bèn đem y báu dâng đức Như Lai. Phật vì lòng từ mẫn nên thọ nhận.

Bấy giờ, Thế Tôn nói với những người Lệ-xa ở Tỳ-xá-li rằng:

“Ở đời có năm thứ báu rất khó có được. Những gì là năm? Một là Như Lai, Chí Chân, xuất hiện ở đời, điều này rất khó có được. Hai là người có thể giảng thuyết Chánh pháp của Như Lai; người ấy rất khó có được. Ba là người có thể tín giải pháp mà Như Lai diễn thuyết; người ấy [14b] rất khó có được. Bốn là người có thể thành tựu pháp mà Như Lai diễn thuyết; người ấy rất khó có được. Năm là hiểm nguy được cứu ách mà biết đáp trả, hạng người ấy cũng rất khó có.[66] Ấy là 5 thứ báu rất khó có được.”

Năm trăm người Lệ-xa sau khi nghe Phật khai thị, giáo huấn, khiến cho lợi ích, hoan hỷ, liền bạch Phật;

“Cúi mong Thế Tôn và chúng đệ tử ngày mai nhận lời thỉnh cầu của chúng con.”

Phật nói với các người Lệ-xa:

“Các khanh đã thỉnh Ta. Ta nay như thế là đã được cúng dường rồi. Kỹ nữ Am-bà-bà-lê đã thỉnh trước.”

Năm trăm người Lệ-xa nghe Am-bà-bà-lê nữ đã thỉnh Phật trước, ai nấy đều vung tay mà nói rằng:

“Chúng ta muốn cúng dường Như Lai, mà nay người đàn bà kia đã phổng tay trên ta rồi.”

Rồi họ rời chỗ ngồi, đầu mặt lễ Phật, đi quanh Phật ba vòng, sau đó ai về nhà nấy.                    

Bấy giờ, Am-bà-bà-lê nữ bèn bày dọn thực phẩm thượng diệu để cúng Phật và Tăng. Sau khi ăn xong, thâu bát, dẹp bàn ghế. Rồi kỹ nữ tay bưng bình bằng vàng dâng nước rửa xong, nàng đến trước Phật bạch rằng:

“Trong số những khu vườn trong thành Tỳ-xá-li này, vườn của con là hơn hết. Nay con đem vườn ấy dâng cúng Như Lai. Ngưỡng nguyện Như Lai vì thương tưởng con mà thọ nhận.”

Phật nói với người kỹ nữ:

“Cô hãy đem khu vườn này cúng dường Phật là vị đứng đầu và chiêu-đề tăng[67]. Vì sao vậy? Các thứ vườn tược, phòng xá, y bát, sáu vật mà Như Lai sở hữu, ngay dù những Ma, Thích, Phạm, Chư Thiên có đại oai lực, không ai có khả năng kham thọ sự cúng dường ấy.”

Kỹ nữ thọ lãnh lời dạy, bèn đem khu vườn mà cúng dường Phật là vị đứng đầu và chiêu-đề tăng. Phật vì lòng từ mẫn đối với nàng nên thọ nhận. Rồi Ngài nói bài kệ:

Dựng tháp, lập tinh xá,

Cúng vườn cây mát mẻ;

Cầu thuyền để đưa người;

Đồng hoang cho cỏ, nước;

Và cho cả nhà, gác:

Phước ấy ngày đêm tăng.

Cho người giới thanh tịnh,

Ắt sẽ đến chỗ lành.[68]

Sau đó, kỹ nữ Am-bà-bà-lê mang một cái giường nhỏ đến ngồi trước Phật. Phật theo thứ lớp nói pháp, khai thị, giáo huấn, khiến cho lợi ích, hoan hỷ. Ngài giảng về thí, về giới, về sinh thiên, về dục là đại hoạn, ô uế, bất tịnh, là hữu lậu, là chướng ngại, xuất ly là tối thượng.

Khi Thế Tôn biết tâm ý của nàng đã nhu nhuyến, hòa duyệt, các triền cái vơi mỏng, rất dễ hoá độ, như pháp của chư Phật, Ngài bèn giảng cho nàng về Khổ thánh đế, Khổ tập thánh đế, Khổ diệt và Khổ diệt xuất yếu thánh đế. Bấy giờ Am-bà-bà-lê, tín tâm thanh tịnh, như tấm lụa trắng trong sạch dễ nhuộm màu, ngay trên chỗ ngồi mà xa lìa trần cấu, con mắt pháp của các pháp sanh, thấy pháp, đắc pháp, quyết định chánh trụ, không còn đọa ác đạo, thành tựu vô úy. Nàng bèn bạch Phật:

“Con nay quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng.” Nói ba lần như vậy. “Cúi mong Như Lai nhận con làm một ưu bà di trong Chánh pháp. Từ nay về sau, cho đến trọn đời, không giết, không trộm, không tà dâm, không dối trá, không uống rượu.”

Người nữ ấy sau khi thọ lãnh năm giới từ Phật, xả bỏ tập quán từ trước, tiêu trừ những cấu uế, rời khỏi chỗ ngồi, lễ Phật rồi lui.

Bấy giờ, Thế Tôn tùy nghi trú ở Tỳ-xá-li, rồi bảo A-nan:

“Các ngươi hãy sửa soạn. Ta muốn đi đến Trúc lâm[69].

Đáp:

 “Kính vâng.”

Rồi sửa soạn y bát, cùng đại chúng hầu quanh Thế Tôn, đi theo con đường từ Bạt-kỳ đến Trúc lâm kia.

Lúc ấy có người Bà-la-môn tên là Tỳ-sa-đà-da[70], nghe Phật cùng đại chúng đến Trúc lâm này, liền thầm nghĩ: “Sa-môn Cù-đàm này có tiếng tốt đồn khắp bốn phương, mười hiệu đầy đủ, ở giữa chư Thiên, Thích, Phạm, Ma hay Thiên ma, Sa-môn, Bà-la-môn, mà tự mình tác chứng, rồi thuyết pháp cho người khác, với những ngôn từ mà khoảng đầu, giữa và cuối thảy đều chân chánh, nghĩa vị thâm áo, phạm hạnh đầy đủ. Bậc Chân nhân như thế, ta nên đến thăm viếng.”

Rồi Bà-la-môn ra khỏi thành, đi đến Thế Tôn chỗ rừng trúc; chào hỏi xong, ngồi sang một bên. Thế Tôn theo thứ lớp thuyết pháp cho ông, khai thị, giáo huấn, khiến cho ích lợi, hoan hỷ. Nghe xong, hoan hỷ, ông bèn thỉnh Thế Tôn cùng đại chúng ngày mai đến nhà thọ thực. Phật im lặng nhận lời. Bà-la-môn biết Ngài đã nhận lời, liền đứng dậy, nhiễu quanh Phật ba vòng rồi cáo về.

Vào ngay đêm đó dọn bày các thứ ẩm thực. Sáng mai, lúc đã đến giờ, bèn báo tin:

“Cúi mong đức Thánh biết biết thời.”

Bấy giờ Thế Tôn khoác y ôm bát, cùng đại chúng vây quanh, đi đến nhà kia, ngồi lên chỗ dọn sẵn. Rồi thì, Bà-la-môn dâng đủ các thực phẩm ngon cúng Phật và Tăng. Ăn xong, thâu bát, dùng nước rửa xong, ông mang một cái giường nhỏ đến ngồi trước Phật. Thế Tôn vì Bà-la-môn mà nói một bài tụng:

Nếu đem ẩm thực,

Y phục, ngọa cụ,

Cho người trì giới,

Tất được quả lớn.

[15a]Đó là bạn thật,

Chung thủy theo nhau;

Đến bất cứ đâu,

Như bóng theo hình.

Vậy nên gieo thiện,

Làm lương đời sau.

Phước là nền tảng,

Chúng sanh an trụ.

Phước là thiên hộ,

Đường đi không nguy.

Sống không gặp nạn;

Chết được sanh thiên.

Rồi Thế Tôn nói pháp vi diệu cho Bà-la-môn; khai thị, giáo huấn, khiến cho lợi ích, hoan hỷ. Sau đó, Ngài rời chỗ ngồi mà đi.

Lúc ấy, ở địa phương này thóc quý, đói kém, nên khất thực khó được. Phật bảo A-nan:

“Hãy gọi các Tỳ-kheo hiện ở địa phương này tập họp ở giảng đường.”

 A-nan đáp vâng, rồi thừa lệnh Phật kêu gọi các Tỳ-kheo xa gần về tập họp hết ở giảng đường. Sau khi đại chúng trong nước này đều đã tập họp, A-nan bạch Phật:

“Đại chúng đã tập họp. Cúi mong đức Thánh biết thời.”

Bấy giờ, Phật rời chỗ ngồi, đi đến giảng đường, ngồi lên chỗ dọn sẵn, bảo các Tỳ-kheo:

“Đất này đói kém, khất thực khó khăn, các ngươi nên chia thành từng nhóm, tùy theo chỗ quen biết, hãy đến Tỳ-xá-li và nước Việt-kỳ[71] mà an cư ở đó để có thể không bị thiếu thốn. Ta một mình cùng với A-nan an cư ở đây.”

Các Tỳ-kheo vâng lời dạy, ra đi. Riêng Phật với A-nan ở lại. Về sau, trong lúc an cư, thân Phật nhuốm bịnh, khắp cả mình đều đau nhức. Phật tự nghĩ: “Ta nay cả người đều đau nhức mà các đệ tử đều không ở đây. Nếu Ta nhập Niết-bàn thì không thích hợp. Vậy Ta hãy tinh cần tự lực lưu lại thọ mạng”. Rồi Thế Tôn ra khỏi tịnh thất, đến ngồi chỗ mát mẻ. A-nan trông thấy liền vội đến, bạch Phật rằng:

“Nay con xem gương mặt Thế Tôn, bịnh hình như có bớt.”

A-nan lại nói:

“Thế Tôn bịnh, tâm con sợ hãi, lo buồn thắt chặt, hoang mang không biết phương hướng. Nhưng hơi thở chưa dứt, còn chút tỉnh táo, con thầm nghĩ rằng: Thế Tôn chưa diệt độ ngay, con mắt của đời chưa tắt, Đại pháp chưa suy tổn, sao nay Ngài không có điều gì dạy bảo các đệ tử?”[72]

Phật bảo A-nan:

“Chúng Tăng còn có điều gì cần ở Ta nữa? Nếu có ai tự nói: ‘Ta duy trì chúng Tăng, ta nhiếp hộ chúng Tăng’, thì người ấy nên có giáo mệnh cho chúng Tăng. Như Lai không nói: ‘Ta duy trì chúng tăng. Ta nhiếp hộ chúng tăng.’[73] Vậy tại sao Ta lại phải có giáo mệnh cho chúng tăng? [15b] Này A-nan, những pháp Ta đã giảng thuyết, trong cũng như ngoài đều đã hoàn tất.[74] Ta không bao giờ tự xưng sở kiến thông đạt.[75] Ta nay đã già rồi, tuổi đã đến tám mươi rồi. Cũng như cỗ xe cũ kỹ, nhờ lực phương tiện tu sửa mà có thể đi đến nơi. Thân ta cũng vậy, nhờ sức phương tiện còn hơi duy trì được tuổi thọ, tự lực tinh tấn mà nhẫn chịu sự đau nhức này. Không suy niệm tất cả tưởng, khi nhập vô tưởng định[76], thân an ổn, không có não hoạn. Vì vậy, A-nan, hãy tự mình thắp sáng; thắp sáng nơi pháp, chớ thắp sáng nơi khác. Hãy tự nương tựa mình, nuơng tựa nơi pháp, chớ nương tựa nơi khác.[77] Thế nào là ‘Hãy tự mình thắp sáng, thắp sáng nơi pháp, chớ thắp sáng nơi khác; hãy tự nương tựa mình, nương tựa pháp, chớ nương tựa nơi khác’? Này A-nan, Tỳ-kheo quán nội thân, tinh cần không biếng nhác, ghi nhớ không quên, trừ bỏ tham ưu ở đời.[78] Quán ngoại thân; quán nội ngoại thân, tinh cần không biếng nhác, ghi nhớ không quên, trừ bỏ tham ưu ở đời. Quán thọ, quán ý, quán pháp cũng vậy. Này A-nan, đó gọi là ‘Hãy tự thắp sáng; thắp sáng nơi pháp, chớ thắp sáng nơi khác. Hãy tự nương tựa mình, nương tựa nơi pháp, chớ nương tựa nơi khác…’ Này A-nan, sau khi Ta diệt độ, nếu có ai có thể tu hành pháp này, người đó là đệ tử chân thật của Ta, là bậc nhất hữu học.”

Phật bảo A-nan, hãy cùng đi đến tháp Giá-bà-la[79]. A-nan vâng lời. Như Lai bèn rời chỗ mgồi, mang y cầm bát đến dưới một gốc cây, bảo A-nan:

“Hãy trải chỗ ngồi. Ta đau lưng, muốn nghỉ lại đây.”

An-nan đáp:

“Vâng.” Rồi trải chỗ ngồi. Sau khi Như Lai đã ngồi xuống, A-nan dọn một chỗ ngồi nhỏ ngồi trước Phật. Phật nói:

“Này A-nan, những ai tu bốn thần túc, tu tập nhiều, thường ghi nhớ không quên, người ấy tùy theo ý muốn có thể kéo dài tuổi thọ hơn một kiếp. A-nan, Phật đã tu tập nhiều bốn thần túc, chánh niệm, chánh tri, tùy theo ý muốn, Như Lai có thể sống hơn một kiếp, để trừ minh ám cho đời, đem lại nhiều lợi ích, trời và người đều được an ổn.”

Lúc bấy giờ A-nan im lặng không trả lời. Phật nói như vậy ba lần, A-nan cũng im lặng không trả lời. Khi ấy A-nan bị ma ám, mê muội không tỏ rõ. Phật đã ba lần hiện tướng, nhưng A-nan không biết mà thỉnh cầu. Phật bảo A-nan: “Hãy biết thời”. A-nan vâng ý chỉ của Phật, đứng dậy lễ Phật rồi lui. A-nan đi cách Phật không xa, ngồi dưới một gốc cây, tĩnh ý tư duy. Trong khoảng thời gian không lâu, Ma Ba-tuần[80] đến bạch Phật:

“Ý Phật chưa muốn vào Niết-bàn sớm[81]. Nay chính [15c] là lúc, Phật nên nhanh chóng diệt độ.”

Phật bảo ma Ba-tuần:

“Hãy thôi! Hãy thôi! Ta tự biết thời. Như Lai nay chưa nhập Niết-bàn, vì còn đợi chúng Tỳ-kheo của Ta hội đủ, lại có thể tự điều phục, dũng mãnh, không khiếp sợ, đã đến chỗ an ổn, đã đạt được mục đích của mình, là hướng đạo của loài người, rao giảng kinh giáo, hiển bày cú nghĩa, nếu có dị luận thì có thể hàng phục bằng Chánh pháp, lại có thể bằng thần biến mà tự mình tác chứng.[82] Các đệ tử như thế chưa hội đủ. Lại còn có các Tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, tất cả cũng như thế, đều chưa tụ hội đủ. Nay cần phải quảng bố phạm hạnh, diễn rộng giác chi, khiến cho Chư Thiên và loài người thảy đều thấy được sự thần diệu.”

Bấy giờ Ma Ba-tuần lại bạch Phật:

“Thuở xưa, ở Uất-bệ-la bên dòng sông Ni-liên-thuyền,[83] dưới gốc cây a-du-ba ni-câu-luật[84], Phật khi mới thành chánh giác, tôi đã đến chỗ Như Lai mà khuyên mời Ngài hãy nhập Niết-bàn rằng: ‘Nay thật là đúng lúc, Ngài hãy nhanh chóng nhập Niết-bàn.’ Khi ấy Như Lai trả lời tôi rằng: ‘Hãy thôi đi, này Ba-tuần. Ta tự biết thời. Như Lai nay chưa nhập Niết-bàn, vì còn đợi đệ tử Ta hội đủ đã, v.v... cho đến, Chư Thiên và loài người thấy được sự thần thông biến hóa, khi ấy Ta mới nhập Niết-bàn.’ Nay chính là lúc ấy, sao Ngài không nhập Niết-bàn?”

Phật nói:

“Hãy thôi đi, này Ba-tuần. Phật tự biết thời. Ta không trụ thế bao lâu nữa. Sau ba tháng nữa, tại trú xứ Bản sanh,[85] thành Câu-thi-na-kiệt[86], vườn sa-la, giữa đôi cây, Ta sẽ diệt độ.”

Lúc ấy, Ma Ba-tuần nghĩ rằng Phật tất không nói dối, nhất định sẽ diệt độ, bèn vui mừng phấn khởi, hốt nhiên biến mất. Ma đi chưa bao lâu, Phật ở nơi tháp Giá-bà-la, bằng định ý tam-muội, xả mạng, an trú thọ.[87] Ngay lúc đó, đại địa chấn động. Nhân dân cả nước thảy đều kinh sợ, lông tóc dựng ngược. Phật phóng ánh sáng rọi suốt đến vô cùng, nơi chỗ tối tăm cũng được soi sáng, thảy đều trông thấy nhau. Bấy giờ Thế Tôn nói kệ tụng rằng:

Trong hai hành hữu vô,

Ta nay xả hữu vi.

Trong chuyên tam-muội định

Như chim ra khỏi trứng. [88]

Lúc bấy giờ Hiền giả A-nan tâm kinh sợ, lông tóc dựng ngược, vội vàng đi đến chỗ Phật, đầu mặt lễ chân Phật rồi đứng sang một bên, bạch Phật:

“Lạ thay, Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà đất rung động?”

Phật bảo A-nan:

“Ở đời, có tám nguyên nhân khiến đất rung động. Những gì là tám? Đất y trên nước. Nước y trên gió. Gió y trên hư không. [16a] Trong hư không có ngọn gió lớn có khi tự nổi lên, khi ấy khối lớn nước bị khuấy động. Khối nước lớn bị khấy động thì khắp cả đất rung động. Đó là một nguyên nhân.

“Lại nữa, này A-nan, có khi có Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni đắc đạo, hoặc tôn thiên Đại thần[89] quán thể tánh nước nhiều, quán thể tánh đất ít, muốn tự thử năng lực của mình, khi ấy khắp cõi đất rung động. Đó là nguyên nhân thứ hai.

“Lại nữa, này A-nan, khi Bồ-tát từ trời Đâu-suất giáng thần vào thai mẹ, chuyên niệm không tán loạn, khi ấy khắp cõi đất rung động. Đó là nguyên nhân thứ ba.

“Lại nữa, A-nan, khi Bồ-tát ra khỏi thai mẹ, sanh từ hông phải, chuyên niệm không tán loạn, khi ấy khắp cõi đất rung động. Đó là nguyên nhân thứ tư.

“Lại nữa, A-nan, khi Bồ-tát vừa thành Vô thượng Chánh giác, ngay lúc ấy khắp cõi đất rung động. Đó là nguyên nhân thứ năm.

“Lại nữa, A-nan, khi Phật vừa thành đạo chuyển Vô thượng Pháp luân mà Ma hoặc Thiên Ma, Sa-môn, Bà-la-môn thảy đều không thể chuyển, khi ấy khắp cõi đất rung động. Đó là nguyên nhân thứ sáu.

“Lại nữa, A-nan, khi sự giáo giới của Phật gần hoàn tất, chuyên tâm không tán loạn, Phật xả bỏ mạng căn,[90] khi đó khắp cõi đất rung động. Đó là nguyên nhân thứ bảy.

“Lại nữa, này A-nan, khi Như Lai nhập Niết-bàn trong Niết bàn giới vô dư, khi ấy khắp cõi đất rung động. Đó là nguyên nhân thứ tám.

“Do tám nguyên nhân ấy mà đất rung động.”

Rồi Thế Tôn nói bài kệ:

Đấng Lưỡng Túc Tối Tôn,

Đại Sa-môn soi sáng đời,

Được A-nan thưa hỏi:

Nguyên nhân gì đất rung?

Như Lai diễn từ âm,

Tiếng như chim ca-lăng:

Ta nói, hãy lắng nghe,

Nguyên do đất rung động.

Đất nhân y trên nước;

Nước nhân y trên gió.

Nếu gió trổi hư không,

Đất vì thế rung mạnh.

Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni

Muốn thử thần thông lực,

Núi, biển, trăm cây cỏ,

Cõi đất thảy rung động.

Thích, Phạm, các Tôn Thiên,

Ý muốn đất rung động,

Các quỷ thần núi, biển,

Cõi đất thảy rung động.

Bồ tát, Lưỡng Túc Tôn,

Trăm phước tướng đã đủ,

Khi mới nhập thai mẹ,

Khi ấy đất rung động.

Mười tháng trong thai mẹ,

Như rồng nằm thảm đệm;

Từ hông hữu xuất sanh,

Khi ấy đất rung động.

[16b]Phật khi còn trai trẻ

Tiêu diệt dây kết sử,

Thành đạo thắng vô thượng;

Khi ấy đất rung động.

Thành Phật, chuyển Pháp luân,

Ở trong vườn Lộc dã;

Đạo lực hàng phục ma,

Khi ấy đất rung động.

Thiên Ma nhiều phen thỉnh,

Khuyên Phật nhập Niết-bàn;

Khi Phật xả mạng căn,

Khi ấy đất rung động.

Đại đạo sư, Chí Tôn,

Thần Tiên, không tái sanh,

Vào tịch diệt, bất động;

Khi ấy đất rung động.

Tịnh Nhãn, nói các duyên,

Đất rung vì tám sự.

Do đây và khác nữa,

Khi ấy đất rung động.[91]

II

[16b18]Phật nói với A-nan:

“Này A-nan! Thế gian có tám chúng: một là chúng Sát-lị; hai là chúng Bà-la-môn; ba là chúng Cư sĩ; bốn là chúng Sa-môn; năm là chúng Tứ thiên vương; sáu là chúng Đao-lị thiên; bảy là chúng Ma; tám là chúng Phạm thiên.

“Ta nhớ xưa kia, Ta từng qua lại trong chúng Sát-lị, cùng họ nói năng, ngồi đứng, chẳng biết đã bao nhiêu lần. Nhờ định lực tinh tấn mà nơi nào Ta hiện đến, hễ họ có sắc đẹp thì sắc Ta đẹp hơn; họ có tiếng hay thì tiếng Ta hay hơn. Họ từ giã Ta mà đi, nhưng Ta không từ giã họ. Điều họ nói được, Ta cũng nói được. Điều họ không thể nói được, Ta cũng nói được. Ta thường thuyết pháp cho họ, khai, giáo huấn, khiến cho lợi ích, hoan hỷ, rồi biến mất khỏi nơi đó, mà họ không biết Ta là trời hay là người. Như thế cho đến, Ta từng qua lại trong chúng Phạm thiên không biết là bao nhiêu lần để thuyết pháp cho họ, mà họ cũng đều chẳng biết Ta là ai.”

“A-nan bạch Phật:

“Thế Tôn, thật là kỳ diệu, chưa từng có, mới có thể thành tựu đuợc như thế.”

Phật nói:

“Pháp vi diệu chưa từng có như vậy, này A-nan, [16c] thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, duy chỉ Như Lai mới thành tựu được.”

Phật lại bảo A-nan:

“Như Lai có thể biết rõ sự sanh khởi, tồn tại và biến mất của thọ;[92] biết rõ sự sanh khởi, tồn tại và biến mất của tưởng; sự sanh khởi, tồn tại và biến mất của tầm[93]. Đó mới thật là pháp kỳ diệu chưa từng có của Như Lai, ngươi nên ghi nhớ.”

Bấy giờ đức Thế Tôn lại bảo A-nan cùng đi đến Hương tháp[94], rồi tới một gốc cây trải tọa ngồi và bảo A-nan nhóm hết các Tỳ-kheo hiện có mặt chung quanh Hương tháp lại giảng đường. A-nan vâng lời Phật dạy, tập họp tất cả, rồi bạch Phật:

“Đại chúng đã tụ tập. Cúi xin đức Thánh biết thời.”

Thế Tôn bèn đi đến giảng đường, ngồi trên chỗ dọn sẵn. Rồi Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Các ngươi nên biết, Ta do những pháp sau đây mà tự thân tác chứng, thành Tối Chánh Giác. Đó là bốn niệm xứ, bốn chánh cần[95], bốn thần túc, bốn thiền, năm căn, năm lực, bảy giác chi và tám Thánh đạo.[96] Các ngươi hãy nên cùng nhau tu tập ở trong pháp đó, cùng nhau hòa đồng kính thuận, chớ sinh tranh tụng. Cùng đồng một thầy học hãy cùng đồng hòa hợp như nước với sữa. Ở trong pháp Ta, hãy tinh cần tu học, cùng soi sáng cho nhau, cùng nhau hoan hỷ.

“Này các Tỳ-kheo, các ngươi nên biết, Ta tự thân chứng ngộ pháp này, rồi công bố ra nơi đây, tức là, Khế kinh, Kỳ dạ kinh, Thọ ký kinh, Kệ kinh, Pháp cú kinh, Tương ưng kinh, Bản duyên kinh, Thiên bản kinh, Quảng kinh, Vị tằng hữu kinh, Chứng dụ kinh, Đại giáo kinh.[97] Các ngươi hãy ghi nhớ kỹ, tùy khả năng mà phân tích, tùy sự mà tu hành. Vì sao vậy? Như Lai không bao lâu nữa, sau ba tháng nữa, sẽ vào Niết-bàn.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe lời ấy, rất đỗi kinh ngạc, sửng sốt hoang mang, vật mình xuống đất, cất tiếng kêu than:

“Nhanh chóng làm sao, Thế Tôn diệt độ! Đau đớn làm sao, con mắt của thế gian sắp tắt! Chúng ta từ nay mãi mãi mất mát!”

Hoặc có Tỳ-kheo vật vã buồn khóc, lăn lộn kêu ca, không tự kềm chế được, khác nào như rắn bị đứt làm hai khúc, lăn lộn ngắc ngoải, không biết đi về đâu.

Phật bảo:

“Này các Tỳ-kheo, các ngươi chớ ôm lòng ưu bi như vậy. Từ trời đất đến người vật, không có cái gì sanh ra mà không kết thúc. Muốn các pháp hữu vi không bị biến dịch, thì không thể nào được. Trước đây Ta đã từng dạy ân ái là vô thường, có hội hiệp tất có chia ly. Thân này không phải của ta, mạng này không tồn tại lâu được.”

Bấy giờ Thế Tôn nói bài kệ:

Ta nay tự tại

Đến chỗ an ổn;

[17a]Hòa hiệp đại chúng

Mà nói nghĩa nầy

Ta nay già rồi,

Mạng còn không lâu.

Việc làm đã xong,

Nay nên xả thọ.

Niệm không buông lung,

Tỳ-kheo giới đủ;

Thâu nhiếp định ý,

Thủ hộ tâm mình.

Ở trong Pháp Ta,

Ai không buông lung,

Sẽ dứt gốc khổ,

Khỏi sanh già-chết.

Phật lại bảo các Tỳ-kheo:

“Ta nay sở dĩ khuyên dạy các ông như thế, vì Thiên Ma Ba-tuần  vừa rồi đến thỉnh cầu Ta, nói rằng: ‘Ý Phật chưa muốn vào Niết-bàn sớm. Nay đã phải thời rồi, xin ngài mau diệt độ.’ Ta bảo Ma Ba-tuần: ‘Hãy thôi! Hãy thôi! Ta tự biết thời. Ta còn đợi chúng Tỳ-kheo của Ta hội đủ… cho đến, khiến cho Chư Thiên và loài người thảy đều thấy được sự thần diệu.’ Bấy giờ Ma Ba-tuần lại nói với Ta rằng: ‘Thuở xưa, ở Uất-bệ-la, bên dòng sông Ni-liên-thuyền, dưới gốc cây a-du-ba ni-câu-luật, Phật khi mới thành chánh giác, tôi đã thưa Ngài rằng: ‘Ý Phật không muốn Niết-bàn sớm. Nay thật là đúng lúc. Ngài hãy nhanh chóng nhập Niết-bàn.’ Khi ấy Như Lai trả lời tôi rằng: ‘Hãy thôi đi, này Ba-tuần. Ta tự biết thời. Như Lai nay chưa nhập Niết-bàn, vì còn đợi đệ tử Ta hội đủ đã,... cho đến, Chư Thiên và loài người thấy được sự thần thông biến hóa, khi ấy Ta mới nhập Niết-bàn.’ Nay đây, đệ tử của Như Lai đã hội đủ,… cho đến, Chư Thiên và loài người đều thấy được sự thần thông biến hóa. Nay chính là lúc ấy, sao Ngài không nhập Niết-bàn?’ Ta nói: ‘Hãy thôi đi, này Ba-tuần. Phật tự biết thời. Ta không trụ thế bao lâu nữa. Sau ba tháng nữa, Ta sẽ diệt độ.’ Lúc ấy Ma Ba-tuần nghĩ rằng Phật tất không nói dối, bèn vui mừng phấn khởi, hốt nhiên biến mất. Ma đi chưa bao lâu, ở nơi tháp Giá-bà-la, bằng định ý tam-muội, Ta xả mạng, an trú thọ. Ngay lúc đó, đại địa chấn động. Trời người thảy đều kinh sợ, lông tóc dựng ngược. Phật phóng ánh sáng rọi suốt vô cùng, nơi chỗ tối tăm cũng được soi sáng, thảy đều trông thấy nhau. Bấy giờ Ta nói kệ tụng rằng:

Trong hai hành hữu vô,

Ta nay xả hữu vi.

Nội chuyên tam-muội định

Như chim ra khỏi trứng.”

Bấy giờ, Hiền giả A-nan đứng dậy, trịch áo bày vai hữu, quỳ gối phải sát đất, chấp tay bạch Phật:

“Cúi mong đức Thế Tôn lưu trú một kiếp, chớ vội diệt độ, vì lòng thương tưởng chúng sanh, để làm ích lợi cho trời, người.”

Đức Thế Tôn im lặng không đáp. A-nan thưa thỉnh đến ba lần. Phật bảo:

“A-nan! Ngươi có tin đạo chính giác của Như Lai[98] không?”

A-nan đáp:

“Thưa vâng, con tin chắc thật lời Phật nói.”

Phật nói:

“Nếu ngươi có tin, sao ba lần quấy rầy Ta? Ngươi đã trực tiếp nghe từ Phật, trực tiếp lãnh thọ từ Phật rằng, những ai đã tu tập bốn thần túc, tu tập nhiều lần, chánh niệm, chánh tri, thì có thể tùy ý muốn mà kéo dài tuổi thọ trong một kiếp hoặc một kiếp hơn. Phật đã tu tập bốn thần túc, tu tập nhiều lần, chánh niệm, chánh tri, tùy theo ý muốn có thể sống hơn một kiếp, để trừ sự tối tăm cho đời, làm lợi ích nhiều người, cho trời và người được an lạc. Tại sao lúc đó ngươi không thỉnh cầu Như Lai chớ diệt độ? Nghe lần thứ hai, còn khả dĩ. Cho đến lần thứ ba, ngươi cũng không khuyến thỉnh Như Lai sống thêm một kiếp hoặc một kiếp hơn, để trừ tối tăm cho đời, đem lại lợi ích an lạc cho hàng thiên nhân. Nay ngươi mới nói, há chẳng muộn lắm ư? Ta ba lần hiện tướng, ngươi ba lần im lặng. Sao lúc ấy ngươi không nói với Ta rằng ‘Như Lai hãy sống thêm một kiếp hoặc một kiếp hơn, để trừ sự tối tăm cho đời, vì lợi ích cho nhiều người, để cho trời người được an lạc’?

“Hãy thôi, A-nan, nay Ta đã xả mạng căn, đã bỏ, đã nhổ ra rồi. Muốn Như Lai trái với lời đã nói ra, không bao giờ có trường hợp đó. Ví như một người hào quí đã nhổ đồ ăn xuống đất, họ còn lấy ăn trở lại được không?”

A-nan đáp: “Không.”

“Nay Như Lai cũng vậy, đã bỏ, đã nhổ ra rồi đâu còn tự mình ăn lại nữa.”

Phật bảo A-nan cùng đi đến thôn Am-bà-la. A-nan xếp y ôm bát, cùng với đại chúng đi theo Thế Tôn, do theo đường từ Bạt-kỳ đến Am-bà-la. Khi đến thôn Am-bà-la, tới một đồi cây, Phật dạy các Tỳ-kheo về giới, định, tuệ; tu giới đắc định, được quả báo lớn; tu định đắc trí, được quả báo lớn; tu trí tâm tịnh, được giải thoát hoàn toàn, dứt hết ba thứ lậu hoặc là dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. Sau khi đã giải thoát liền phát sanh trí giải thoát, biết rằng sanh tử dứt hết, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn phải tái sinh nữa.”

Bấy giờ, sau khi tùy nghi an trú ở thôn Am-bà-la, đức Thế Tôn lại bảo A-nan: “Hãy sửa sọan để đi thôn Chiêm-bà, thôn Kiền-đồ, thôn Ba-lê-bà và thành Phụ-di[99]. A-nan đáp: “Thưa vâng”. Rồi xếp y ôm bát, cùng đại chúng theo hầu Thế Tôn, theo con đường từ Bạt-kỳ đi lần đến các thành khác, đến phía Bắc thành Phụ-di[100], nghỉ lại trong rừng Thi-xá-bà[101].

Phật nói với các Tỳ-kheo:

[17c]“Ta sẽ nói cho các ngươi nghe bốn đại giáo pháp[102]. Hãy lắng nghe, hãy suy ngẫm kỹ.”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Kính vâng, bạch Thế Tôn! Chúng con muốn nghe.”

Phật nói:

“Bốn pháp ấy là gì? Nếu có vị Tỳ-kheo nào nói như vầy: ‘Này Chư Hiền, tôi từng ở tại thôn kia, thành kia, nước kia, đích thân được nghe từ Phật, được lãnh thọ giáo pháp này.’ Nghe như vậy, các ngươi cũng không nên vội tin, cũng không nên bài bác. Hãy nương theo kinh mà xét chỗ hư thật. Nương theo luật, nương theo pháp mà xét rõ gốc ngọn. Nếu thấy lời nói ấy không phải kinh, không phải luật, không phải pháp, thì các ngươi hãy nói lại người kia rằng: ‘Phật không nói như thế, thầy đã ghi nhớ nhầm chăng? Bởi vì chúng tôi y kinh, y luật, y pháp, mà điều thầy vừa nói trái với pháp. Vậy này Hiền sĩ, thầy chớ có thọ trì và chớ đem nói cho người khác. Hãy từ bỏ điều đó đi.’ Trái lại, nếu xét thấy lời kia đúng kinh, đúng luật, đúng pháp thì hãy nói với người kia rằng: ‘Điều thầy vừa nói, đúng là lời Phật nói. Vì chúng tôi nương kinh, nương luật, nương pháp. Mà điều thầy vừa nói phù hợp với pháp. Vậy, Hiền sĩ, hãy thọ trì và rộng nói cho người nghe, cẩn thận chớ có từ bỏ.’ Đó là đại giáo pháp thứ nhất.

“Lại nữa, nếu có Tỳ-kheo nào nói như vầy: ‘Này Chư Hiền, tôi từng ở tại thôn kia, thành kia, nước kia, đích thân nghe từ chúng Tăng hoà hợp với các vị kỳ cựu đa văn, được lãnh thọ pháp, luật này, giáo này.’ Nghe như vậy, các ngươi cũng không nên vội tin, cũng không nên bài bác. Hãy nương theo kinh mà xét chỗ hư thật. Nương theo luật, nương theo pháp mà xét rõ gốc ngọn. Nếu thấy lời nói ấy không đúng kinh, không đúng luật, không đúng pháp, thì các ngươi hãy nói lại người kia rằng: ‘Phật không nói như thế, thầy đã nghe, ghi nhớ nhầm chăng? Bởi vì chúng tôi y kinh, y luật, y pháp. Mà điều vừa nói trái với pháp. Vậy, này Hiền sĩ, thầy chớ có thọ trì và chớ đem nói cho người khác. Hãy từ bỏ nó đi.’ Trái lại nếu xét thấy lời kia đúng kinh, đúng luật, đúng pháp thì hãy nói với người kia rằng: ‘Điều thầy vừa nói, đúng là lời Phật nói. Vì chúng tôi y kinh, y luật, y pháp. Mà điều thầy vừa nói phù hợp với pháp. Vậy, Hiền sĩ, hãy thọ trì và rộng nói cho người nghe, cẩn thận chớ có từ bỏ.’ Đó là đại giáo pháp thứ hai.

“Lại nữa, nếu có Tỳ-kheo nào nói như vầy: ‘Này Chư Hiền, tôi từng ở tại thôn kia, thành kia, nước kia, đích thân nghe từ nhiều vị Tỳ-kheo, là những người trì pháp, trì luật, trì luật nghi, được lãnh thọ pháp này, luật này, giáo này.’Nghe như vậy, các ngươi cũng không nên tin, cũng không nên bài bác. Hãy nương theo kinh [18a] mà xét chỗ hư thật. Nương theo luật, nương theo pháp mà xét rõ gốc ngọn. Nếu thấy lời nói ấy không đúng kinh, không đúng luật, không đúng pháp, các ngươi hãy nói lại người kia rằng: ‘Phật không nói như thế, thầy đã nghe, ghi nhớ nhầm chăng? Bởi vì chúng tôi y kinh, y luật, y pháp. Mà điều thầy vừa nói trái với pháp. Vậy, này Hiền sĩ, thầy chớ có thọ trì và chớ đem nói cho người khác. Hãy từ bỏ điều đó đi.’ Trái lại nếu xét thấy lời kia đúng kinh, đúng luật, đúng pháp, hãy nói với người kia rằng: ‘Điều thầy vừa nói, đúng là lời Phật nói. Vì chúng tôi y kinh, y luật, y pháp. Mà điều thầy vừa nói phù hợp với pháp. Vậy, Hiền sĩ, hãy thọ trì và rộng nói cho người nghe, cẩn thận chớ có từ bỏ.’ Đó là đại giáo pháp thứ ba.

“Lại nữa, nếu có Tỳ-kheo nào đến nói như vầy: ‘Này Chư Hiền, tôi từng ở tại thôn kia, thành kia, nước kia, đích thân từ một vị Tỳ-kheo kia, là người trì pháp, trì luật, trì luật nghi, được lãnh thọ giáo pháp này.’ Nghe như vậy, các ngươi cũng không tin, cũng không nên bài bác. Hãy nương theo kinh mà xét chỗ hư thật. Nương theo luật, nương theo pháp mà xét rõ gốc ngọn. Nếu thấy lời nói ấy không đúng kinh, không đúng luật, không trúng pháp, các ngươi hãy nói lại người kia rằng: ‘Phật không nói như thế, thầy đã ghi nhớ nhầm chăng? Bởi vì chúng tôi y kính, y luật, y pháp. Mà điều thầy vừa nói trái với pháp. Vậy, này Hiền sĩ, thầy chớ có thọ trì và chớ đem nói cho người khác. Hãy từ bỏ điều đó đi.’ Trái lại nếu xét thấy lời kia đúng kinh, đúng luật, đúng pháp thì hãy nói với người kia rằng: ‘Điều thầy vừa nói, đúng là lời Phật nói. Vì chúng tôi y kinh, y luật, y pháp. Mà điều thầy vừa nói phù hợp với pháp. Vậy, Hiền sĩ, hãy thọ trì và rộng nói cho người nghe, cẩn thận chớ có từ bỏ.’ Đó là đại giáo pháp thứ tư.”

Bấy giờ đức Thế Tôn sau khi tùy nghi trú ở thành Phụ-di, lại bảo A-nan cùng đi đến thành Ba-bà[103]. A-nan đáp: “Kính vâng”, rồi xếp y ôm bát, với đại chúng đi theo Thế Tôn, theo con đường Mạt-la đi vườn Xà-đầu[104], thành Ba-bà. Nơi đây có con trai của một người thợ tên là Châu-na[105] nghe Phật từ Mạt-la kia đến thành này, liền y phục chỉnh tề tỳm đến chỗ Phật, đầu mặt lễ chân Phật, rồi ngồi lại một bên. Phật theo thứ lớp thuyết pháp cho Châu-na, khai thị, giáo huấn, khiến cho lợi ích, hoan hỷ. Châu-na sau khi nghe phát tín tâm hoan hỷ, bèn [18b] thỉnh Phật ngày mai đến nhà cúng dường. Phật im lặng nhận lời. Châu-na biết Phật đã nhận lời, liền đứng dậy lễ Phật, rồi lui về. Ngay đêm đó ông sửa soạn thức ăn. Ngày mai, vào thời gian thích hợp, ông trở lại thỉnh Phật.

Bấy giờ, Thế Tôn khoác y cầm bát cùng với đại chúng tùy tùng đến nhà ông, ngồi lên chỗ ngồi dọn sẵn. Sau khi Phật và đại chúng đã an tọa, Châu-na đem món ăn dâng Phật và chúng tăng. Ông lại nấu riêng một thứ nấm chiên-đàn[106] là thức ăn trân quý kỳ lạ ít thấy, đem dâng riêng cho Phật. Phật bảo Châu-na chớ đem thứ nấm ấy cho chúng tăng ăn. Châu-na vâng lời, không dám dọn cho chúng Tăng.

Lúc bấy giờ, trong đại chúng Tỳ-kheo có một Tỳ-kheo già, xuất gia lúc tuổi xế chiều, ngay trên mâm ăn, dùng đồ đựng khác để lấy.[107]

Châu-na, sau khi thấy chúng tăng thọ thực xong, cất bình bát, và dùng nước rửa xong, liền đến trước Phật mà hỏi bằng bài kệ rằng:

Xin hỏi Đại Thánh Trí,

Đấng Chánh Giác Chí Tôn:

Đời có mấy Sa-môn,

Khéo huấn luyện điều phục?

Phật đáp bằng bài kệ:

Theo như ngươi vừa hỏi,

Có bốn hạng Sa-môn,

Chí hướng không đồng nhau,

Ngươi hãy nhận thức rõ:

Một, hành đạo thù thắng;

Hai, khéo giảng đạo nghĩa;

Ba, y đạo sinh sống;

Bốn, làm ô uế đạo.

Sao gọi ‘đạo thù thắng’?

Sao ‘khéo nói đạo nghĩa’?

Sao ‘y đạo sanh hoạt’?

Sao ‘làm đạo ô uế’?

Bẻ gai nhọn ân ái,

Quyết chắc vào Niết-bàn;

Vượt khỏi đường Thiên nhân,

Là hành đạo thù thắng.

Khéo hiểu đệ nhất nghĩa

Giảng đạo không cấu uế,

Nhân từ giải nghi ngờ,

Là hạng khéo thuyết đạo.

Khéo trình bày pháp cú

Nương đạo mà nuôi sống,

Xa mong cõi vô cấu;

Là hạng sống y đạo.

Trong ôm lòng gian tà,

Ngoài như tuồng thanh bạch.

Hư dối không thành thật,

Là hạng làm nhơ đạo.

Sao gọi ‘gồm thiện ác’,

Tịnh, bất tịnh xen lẫn.

Mặt ngoài hiện tốt đẹp,

Như chất đồng mạ vàng,

[18c]Người tục thấy liền bảo:

“Đó là Thánh đệ tử,

Các vị khác không bằng,

Ta chớ bỏ lòng tin”.

Người gìn giữ đại chúng,

Trong trược giả ngoài thanh.

Che dấu điều gian tà,

Kỳ thật lòng phóng đãng.

Chớ trông dáng bề ngoài,

Đã vội đến thân kính.

Che dấu điều gian tà,

Kỳ thật lòng phóng đãng.

Rồi Châu-na lấy một cái giường nhỏ đặt ngồi trước Phật. Phật lần lượt thuyết pháp, khai thị, giáo huấn, khiến cho lợi ích, hoan hỷ. Sau đó, với đại chúng theo hầu, Phật trở về. Vừa đến giữa đường, Phật dừng lại dưới một gốc cây và bảo A-nan:

“Ta đau lưng, ngươi hãy trải chỗ ngồi.”

A-nan đáp vâng, rồi trải chỗ ngồi. Phật nghỉ ngơi. Bấy giờ, A-nan lại trải một chỗ ngồi thấp hơn và ngồi trước Phật. Phật hỏi A-nan:

“Vừa rồi ông thấy Châu-na có ý gì hối hận không? Nếu có hối hận là tự đâu?” A-nan đáp:

“Châu-na vừa cúng dường Phật như vậy không được phúc lợi gì cả. Vì sao? Tại vì sau khi Như Lai thọ thực ở nhà ông thì Ngài vào Niết-bàn!”

Phật nói:

“A-nan chớ nói như vậy, chớ nói như vậy! Hiện nay Châu-na được nhiều lợi lớn, được sống lâu, được sắc đẹp, được sức lực, được tiếng tốt, được nhiều tài lợi, chết được lên trời, cầu điều gì đều được. Tại sao vậy? Vì người cúng dường cho Phật lúc mới thành Đạo với người cúng dường cho Phật lúc sắp Niết-bàn, công đức hai bên ngang nhau không khác. Ngươi hãy đến nói với Châu-na rằng: Tôi trực tiếp nghe từ Phật, trực tiếp lãnh thọ từ Phật, rằng Châu-na nhờ công đức cúng dường Phật mà được lợi lớn, quả báo lớn.”

A-nan vâng lời, đi đến chỗ Châu-na, nói rằng:

“Tôi trực tiếp nghe từ Phật, trực tiếp lãnh thọ từ Phật, rằng ông Châu-na nhờ công đức cúng dường Phật mà được lợi lớn, quả báo lớn. Tại sao vậy? Vì người cúng dường Phật lúc mới thành Đạo với người cúng dường Phật lúc sắp Niết-bàn, công đức hai bên ngang nhau không khác.”

Thọ trai nhà Châu-na,

Mới nghe lời nói này:

Bịnh Như Lai thêm nặng,

Thọ mệnh đã sắp tàn,

Tuy ăn nấm chiên-đàn,

Mà bịnh vẫn càng tăng.

Ôm bệnh mà lên đường,

Lần đến thành Câu-thi.

[19a]Bấy giờ, Thế Tôn đứng dậy, đi về phía trước được một quãng ngắn, đến dưới một gốc cây, lại bảo A-nan:

“Ta đau lưng quá, hãy dọn chỗ ngồi.”

A-nan đáp: “Vâng”. Rồi dọn một chỗ ngồi. Như Lai nghỉ ngơi. A-nan lễ chân Phật, rồi ngồi sang một bên.

Lúc đó, có người đệ tử A-la-hán tên là Phúc-quý[108], đi từ thành Câu-di- na-kiệt[109] nhắm đến thành Ba-bà, khi vừa đến giữa đường, trông thấy Phật tại bên gốc cây, dung mạo đoan chính, các căn tịch tịnh, tâm ý hoàn toàn chế ngự, tuyệt đối vắng lặng, ví như con rồng lớn, như hồ nước đứng trong không chút cáu bợn. Sau khi thấy, ông phát sinh thiện tâm hoan hỷ, đi đến gần Phật, đảnh lễ rồi ngồi lại một bên và bạch Phật rằng:

“Bạch đức Thế Tôn, người xuất gia, ở tại chỗ thanh tịnh, ưa thích sự nhàn cư. Thật hy hữu thay! Dẫu cả một đoàn xe có những năm trăm cỗ đi ngang qua một bên mà vẫn không hay biết! Thầy tôi có lần ngồi tĩnh tọa dưới một gốc cây bên đường thuộc địa phận giữa hai thành Câu-di-na-kiệt và Ba-ba. Lúc đó có đoàn xe năm trăm cỗ đi ngang qua một bên. Tiếng xe cộ rần rần. Tuy thức tỉnh nhưng không nghe thấy. Sau đó có người đến hỏi: ‘Ông có thấy đoàn xe vừa đi qua đây không?’ Đáp: ‘Không thấy.’Lại hỏi: ‘Ông có nghe không?’ Đáp: ‘Không nghe.’ Lại hỏi: ‘Nãy giờ ông ở đây hay ở chỗ khác?’ Trả lời: ‘Tôi ở đây.’ Lại hỏi: ‘Nãy giờ ông tỉnh hay mê?’ Trả lời: ‘Tỉnh.’ Lại hỏi: ‘Nãy giờ ông thức hay ngủ?’ Trả lời: ‘Không ngủ.’ Người kia thầm nghĩ: ‘Đây thật là hy hữu. Người xuất gia chuyên tinh mới như thế. Cho dẫu tiếng xe rần rộ, thức mà vẫn không hay.’Rồi người ấy nói với thầy tôi rằng: ‘Vừa có năm trăm cỗ xe rần rộ đi qua con đường này, tiếng xe chấn động mà còn không nghe thấy, có đâu lại nghe thấy chuyện khác!’ Rồi người kia làm lễ, hoan hỷ từ tạ.”

Phật nói:          

“Này Phúc-quý! Nay Ta hỏi ông. Hãy tùy ý trả lời. Đoàn xe rần rộ đi qua, tuy thức nhưng không nghe; và sấm sét vang động đất trời, tuy thức nhưng không nghe. Trong hai điều đó, điều nào khó hơn?”

Phúc-quý thưa:

“Tiếng động của ngàn chiếc xe đâu sánh bằng tiếng sấm sét. Không nghe tiếng xe còn dễ chứ không nghe sấm sét ấy mới thật là rất khó.”

Phật nói:

“Này Phúc-quý, Ta có một lần ở tại một thảo lư trong thôn A-việt[110], lúc đó có đám mây lạ vụt nổi lên, rồi tiếng sấm sét vang rầm dữ dội, đánh chết hết bốn con bò và hai anh em người đi cày, thiên hạ tụ đến chật ních. Lúc ấy Ta đang ra khỏi thảo lư, đi kinh hành thong thả. Một người từ đám đông kia đi lại chỗ Ta, đầu mặt lễ sát chân, rồi theo sau Ta kinh hành. Dẫu biết nhưng Ta vẫn hỏi: [19b] ‘Đám đông kia đang tụ tập để làm gì vậy?’ Người kia liền hỏi lại Ta rằng: ‘Nãy giờ Ngài ở đâu, thức hay ngủ?’ Ta trả lời: ‘Ở đây, không ngủ.’ Người kia tán thán cho là hy hữu, chưa thấy ai đắc định như Phật; sấm chớp vang rền cả trời đất thế mà riêng mình tịch tịnh, thức mà không hay. Rồi người ấy bạch Phật: ‘Vừa rồi có đám mây lạ vụt nổi lên, rồi tiếng sấm sét vang rầm dữ dội đánh chết hết bốn con bò và hai người đi cày. Đám đông tụ tập chính là vì chuyện ấy.’ Người ấy trong lòng vui vẻ, liền được pháp hỷ, lễ Phật rồi lui.”

Lúc đó Phúc-quý đang khoác hai tấm vải vàng[111], trị giá cả trăm ngàn, rời chỗ ngồi đứng dậy, rồi quỳ xuống, chắp tay bạch Phật:

“Nay con đem tấm vải này dâng Thế Tôn. Cúi mong Thế Tôn nạp thọ.”

Phật bảo Phúc-quý:

“Ngươi để một tấm cho Ta và một tấm cho A-nan.”

Phúc-quý vâng lời. Một tấm dâng Phật, một tấm cho A-nan. Phật thương tưởng ông cho nên nhận. Phúc-quý đảnh lễ Phật và ngồi lại một bên. Phật lần lượt thuyết pháp cho ông, khai thị, giáo huấn, khiến cho được ích lợi, hoan hỷ. Ngài giảng về bố thí, trì giới, sinh thiên, dục là đại hoạn, bất tịnh, ô uế, là hữu lậu, là pháp chướng đạo, xuất yếu là tối thắng. Khi Phật biết tâm ý Phúc-quý đã hoan hỷ, nhu nhuyến, không bị triền cái trùm lấp, rất dễ khai hóa; như thường pháp của chư Phật, Ngài giảng cho Phúc-quý về Khổ thánh đế, Khổ tập, Khổ diệt và Khổ xuất yếu thánh đế. Phúc-quý liền phát tín tâm thanh tịnh, ví như tấm vải sạch rất dễ nhuốm màu, ngay trên chỗ ngồi mà xa lìa trần cấu, phát sinh pháp nhãn, thấy pháp, chứng pháp, an trú quyết định chánh tánh, không còn bị sa đọa ác đạo, thành tựu vô úy, bèn bạch Phật:

“Con nay quy y Phật, Pháp, Tăng. Cúi mong Thế Tôn nhận con làm một ưu-bà-tắc trong Chánh pháp. Từ nay cho đến trọn đời con nguyện không sát, không trộm, không tà dâm, không dối, không uống rượu. Cúi mong Thế Tôn nhận con là ưu-bà-tắc ở trong Chánh pháp.”

Lại bạch Phật:

“Lúc nào Phật đến giáo hóa tại thành Ba-bà, xin Ngài hạ cố đến xóm nghèo. Bởi vì con muốn đem hết những vật thực, sàng tọa, y phục, thuốc thang sẵn có trong nhà để dâng cúng Thế Tôn. Thế Tôn lãnh thọ cho thì trong cả nhà con được an lạc.”

Phật nói:

“Ngươi nói rất phải.”

Rồi Thế Tôn lại nói pháp cho Phúc-quý; khai thị, giáo huấn, khiến cho được lợi ích, hoan hỷ. Phúc-quý đảnh lễ Phật rồi đi.

Phúc-quý đi chưa bao lâu, A-nan liền đem tấm vải vàng của mình dâng Phật. Phật do tâm từ mẫn nhận lãnh và [19c] khoác lên trên mình. Bấy giờ, đức Thế Tôn hiện ra một dung mạo thung dung, oai quang hớn hở, các căn thanh tịnh, sắc diện tươi vui.

A-nan trông thấy, thầm nghĩ: “Ta được hầu gần Phật hai mươi lăm năm[112] nay chưa khi nào thấy Phật có một sắc diện tươi sáng như ngày nay”. Bèn đứng dậy, quỳ gối phải xuống đất, chắp tay hỏi Phật:

“Từ khi con được hầu Phật, đã hai mươi lăm năm nay, chưa từng thấy sắc diện Phật như hôm nay. Chẳng hiểu do duyên gì? Con mong nghe được ý Phật.”

Phật bảo A-nan:

“Có hai duyên cớ mà sắc diện Như Lai tươi sáng khác lúc bình thường: một là lúc Phật mới đắc Đạo, thành bậc Vô Thượng Chánh Giác, hai là lúc Phật xả bỏ mạng căn để nhâp Niết-bàn. A-nan, do hai duyên ấy mà sắc diện khác thường.”

Rồi Thế Tôn nói bài tụng:

Y màu vàng sáng vui,

Mịn, mềm, rất tươi sạch,

Phúc-quý dâng Thế Tôn,

Hào quang trắng như tuyết.

Phật bảo:

“A-nan, Ta đang khát. Ta muốn uống nước. Ngươi hãy đi lấy nước đem đến đây.”

A-nan thưa:

“Vừa rồi có năm trăm cỗ xe lội qua khúc trên sông làm nước đục cả. Chỉ có thể dùng rửa chân, không thể dùng uống được.”

Phật nói đến ba lần như thế. A-nan thưa:

“Hiện chỉ có sông Câu-tôn[113] cách đây không xa, là có nước trong mát. Uống hay tắm rửa đều được.”

Lúc đó có một vị thần ở tại núi Tuyết, vốn dốc lòng tin Phật đạo, lấy bát đựng nước quí tịnh đủ tám công đức đem đến dâng Phật. Phật thương xót lãnh thọ, và đọc bài tụng:

Phật bằng tám thứ âm,

Bảo A-nan lấy nước:

Ta khát, nay muốn uống.

Uống xong đến Câu-thi.

Âm êm dịu, hòa nhã,

Ai nghe cũng vui lòng.

Hầu hạ hai bên Phật,

Liền bạch Thế Tôn rằng:

Vừa có năm trăm xe,

Lội sông sang bờ kia,

Đã làm đục dòng nước,

Uống chắc không thể được.

Sông Câu-lưu không xa,

Nước tốt, rất trong mát;

Có thể lấy nước uống,

Cũng có thể tắm rửa.

Tuyết sơn có Quỷ thần,

Đem nước dâng Như Lai.

Uống xong, uy dũng mãnh,

Đấng Sư Tử bước đi.

[20a]Nước ấy thần long ở,

Trong sạch không đục dơ.

Thánh nhan như Tuyết sơn

Thong thả qua Câu-tôn.

Rồi Thế Tôn đi đến sông Câu-tôn, lấy nước uống và tắm rửa xong rồi, cùng đại chúng lần đi nữa. Giữa đường, Phật dừng lại tại dưới một gốc cây và bảo Châu-na[114] :

“Ngươi lấy y tăng-già-lê bốn lớp[115] trải cho Ta nằm. Ta đau lưng. Muốn tạm nghỉ tại đây.”

Châu-na vâng lời, trải chỗ xong, Phật ngồi lên chỗ đó. Châu-na lễ Phật rồi ngồi lại một bên mà thưa rằng:

“Con muốn nhập Niết-bàn. Con muốn nhập Niết-bàn.”

Phật dạy:

“Nên biết phải thời.”

Châu-na liền nhập Niết-bàn ở ngay trước Phật.

Phật bèn nói bài tụng:

Phật đến sông Câu-tôn,

Trong mát, không đục dơ.

Đấng Chí Tôn xuống nước,

Tắm rửa, sang bờ kia.

Vị đứng đầu đại chúng,

Sai khiến bảo Châu-na:

Ta nay thân mỏi mệt,

Ngươi trải ngọa cụ nhanh.

Châu-na liền vâng lời,

Gấp tư y mà trải.

Như Lai đã nghỉ ngơi;

Châu-na ngồi phía trước.

Tức thì bạch Thế Tôn:

Con muốn nhập Niết-bàn,

Vào chốn không yêu, ghét.

Con nay đến chỗ đó.

Biển công đức vô luợng,

Đấng Tối thắng trả lời:

Phận sự ngươi đã xong,

Nên biết thời thích hợp.

Được Phật hứa khả rồi,

Châu-na càng tinh tấn.

Diệt hành, vô hữu dư.

Như hết củi, lửa tắt.

Bấy giờ A-nan từ chỗ ngồi đứng dậy bạch Phật:

“Sau khi Phật diệt độ, phép tẩn táng nên làm thế nào?”

Phật bảo A-nan:

“Ông hãy im lặng. Hãy lo nghĩ đến công việc của mình. Việc ấy đã có các thanh tín sĩ hoan hỷ lo liệu.”

A-nan hỏi đến ba lần:

“Sau khi Phật diệt độ, phép tẩn táng nên làm thế nào?

Phật dạy:

“Muốn biết phép tẩn táng thế nào thì nên làm theo cách tẩn táng Chuyển Luân Thánh vương.”

A-nan lại hỏi:

“Phép tẩn táng Chuyển Luân Thánh vương như thế nào?

Phật nói:

“Về phép tẩn táng Chuyển Luân Thánh vương, trước hết lấy nước thơm tắm rửa thân thể; lấy vải bông mới quấn thân thể; dùng năm trăm tấm vải lần lượt quấn vào, rồi đặt thân vào kim quan. Sau khi đã tẩm dầu mè, lại đặt kim quan trong một cái quách thứ hai lớn, bằng sắt, [20b] bên ngoài là lớp quách bằng gỗ hương chiên-đàn. Chất các thứ vải dày, hương thơm lên trên mà hỏa thiêu.[116] Thiêu xong, lượm lấy xá-lợi, dựng tháp treo phan, thờ tại ngã tư đường, để dân chúng đi ngang trông thấy tháp của Pháp vương mà tưởng nhớ lại chánh hóa của vua, đã làm lợi ích cho nhiều người.

“A-nan, ngươi muốn táng Ta, trước hết lấy nước thơm tắm rửa thân thể; lấy vải bông mới quấn thân thể; dùng năm trăm tấm vải lần lượt quấn vào, đặt thân vào kim quan. Sau khi đã tẩm dầu mè, lại đặt kim quan trong một cái quách thứ hai lớn bằng sắt, bên ngoài là lớp quách bằng gỗ hương chiên-đàn. Chất các thứ vải dày, hương thơm lên trên mà hỏa thiêu. Thiêu xong, lượm lấy xá-lợi, dựng tháp treo phan thờ tại ngả tư đường để dân chúng đi ngang trông thấy tháp của Phật mà tưởng nhớ lại Đạo hóa của Pháp vương Như Lai, sống thì được phước lợi, chết thì sanh Thiên.”

Rồi Thế Tôn muốn trùng tuyên lại ý nghĩa này, Ngài thuyết bằng bài kệ:

A-nan rời chỗ ngồi,

Quỳ chắp tay bạch Phật:

Như Lai diệt độ rồi,

Phép táng nên thế nào?

A-nan, hãy im lặng,

Hãy lo phận sự mình.

Các thanh tín trong nước

Sẽ hoan hỷ lo liệu.

A-nan ba lần hỏi.

Phật giảng táng Luân vương.

Muốn táng thân Như Lai,

Quấn thân, đặt vào quách.

Dựng tháp ngã tư đường,

Vì lợi ích chúng sanh.

Những ai đến kính lễ

Đều được phước vô lượng.

Phật bảo A-nan:

“Trong thiên hạ có bốn hạng người nên dựng tháp và cúng dường hương hoa, phướn lụa, âm nhạc. Đó là những ai? Là Như Lai, Bích-chi-Phật, Thanh-văn và Chuyển luân vương. Này A-nan, bốn hạng người này nên được dựng tháp và dùng hương, hoa, phướn lụa, âm nhạc để cúng dường.”

Bấy giờ Thế Tôn nói bài kệ:

Thứ nhất là tháp Phật,

Bích-chi-Phật, Thanh-văn,

Và Chuyển Luân Thánh vương

Chủ tể trị bốn phương.

Bốn nơi đáng cúng này,

Được Như Lai chỉ dạy:

Phật, Bích-chi, Thanh-văn,

Và tháp Chuyển luân vương.

[20c]Bấy giờ, Thế Tôn bảo A-nan hãy cùng đi đến thành Câu-thi, tới giữa đám cây song thọ của dòng họ Mạt-la. A-nan đáp vâng. Rồi cùng với đại chúng đi theo Thế Tôn mà lên đường. Có một người Phạm-chí từ thành Câu-thi đi đến thành Ba-bà, giữa đường, từ xa trông thấy Thế Tôn dung mạo đoan chính, các căn tịch định. Thấy vậy, tự nhiên sanh tâm hoan hỷ, liền đi đến trước Phật, thăm hỏi rồi đứng sang một bên, bạch Phật rằng:

“Thôn tôi ở cách đây không xa. Kính mong đức Cù-đàm đến đó nghỉ đêm. Sáng mai thọ thực xong hãy đi.”

Phật nói:

“Thôi đủ rồi, Phạm-chí. Ngươi nay đã cúng dường Ta rồi đó.”

Phạm-chí ân cần thưa thỉnh tới ba lần, Phật vẫn đáp như trước; lại bảo Phạm-chí:

“A-nan đàng sau kia, người đến đó tỏ ý.”

Phạm-chí nghe Phật bảo, đến ông A-nan, thăm hỏi xong, đứng sang một bên, thưa rằng:

“Thôn tôi ở cách đây không xa. Tôi muốn thỉnh đức Cù-đàm đến đó nghỉ đêm. Sáng mai thọ thực xong hãy đi.”

A-nan đáp:

“Thôi đủ rồi, Phạm-chí. Ngươi nay đã cúng dường rồi đó.

Phạm-chí ân cần thưa thỉnh tới ba lần.

A-nan đáp:

“Trời đã nóng bức, thôn kia lại xa, mà đức Thế Tôn thì quá nhọc, không thể đến được đâu.”

Bấy giờ, Thế Tôn sau khi quán sát ý nghĩa này, bèn nói bài kệ:

Đấng Tịnh Nhãn tiến bước,

Mệt nhọc, hướng song thọ.

Phạm-chí xa thấy Phật,

Vội bước đến, cúi đầu:

Thôn tôi hiện gần đây,

Xin thương, lưu một đêm.

Sáng mai, cúng dường nhỏ,

Rồi hãy đến thành kia.

Phạm-chí, thân Ta mệt,

Đường xa không thể qua.

Người hầu Ta đi sau.

Hãy đến mà hỏi ý.

Vâng lời Phật dạy thế,

Bèn đến chỗ A-nan:

Xin mời đến thôn tôi,

Sáng mai, ăn rồi đi.

A-nan ngăn: Thôi, thôi!

Trời nóng, không đi được.

Ba lần mời không toại,

Vẻ buồn rầu không vui.

Ôi! Pháp hữu vi này,

Biến chuyển, không thường hằng.

Nay giữa cây song thọ,

Diệt thân vô lậu Ta.

Phật, Bích-chi, Thanh-văn

Chung quy thảy đều quy diệt.

[21a]Vô thường không chọn lựa,

Như lửa đốt núi rừng.

Bấy giờ, Thế Tôn vào thành Câu-thi, đi về phía Bản sanh xứ, giữa khu rừng song thọ của dòng họ Mạt-la[117], và bảo A-nan:

“Ngươi hãy dọn chỗ nằm ở giữa cây song thọ cho Như Lai, đầu xây hướng Bắc, mặt xây hướng Tây. Sở dĩ như thế, vì giáo pháp của Ta sẽ lưu truyền lâu dài ở phương Bắc.”

A-nan đáp: “Vâng.” Rồi dọn chỗ, cho đầu xây về phương Bắc. Thế Tôn tự mình lấy y tăng-già-lê bốn lớp[118] đắp lên mình, nằm nghiêng hông tay mặt như sư tử chúa, hai chân chồng lên nhau. Lúc đó giữa đám cây song thọ có các quỉ thần vốn dốc lòng tin Phật, rải các thứ hoa sái mùa khắp mặt đất. Phật bảo A-nan rằng:

“Vị Thần cây song thọ ấy cúng dường hoa sái mùa cho Ta như thế, chưa phải cúng dường Như Lai.”

A-nan thưa:

“Sao mới là cúng dường Như Lai ?”

Phật dạy:

“Người nào biết lãnh thọ và thật hành đúng Chánh pháp, mới là người cúng dường Như Lai.”

Quán sát ý nghĩa này, Phật nói bài kệ:

Phật ở giữa song thọ,

Nằm nghiêng, tâm không loạn.

Thần cây tâm thanh tịnh,

Rải hoa lên trên Phật.

A-nan hỏi Phật rằng:

Thế nào là cúng dường?

Nghe pháp và thực hành,

Cúng dường bằng hoa giác.

Hoa vàng như bánh xe,

Chưa phải cúng dường Phật.

Uẩn, giới, xứ vô ngã,

Là cúng dường bậc nhất.

Lúc đó ông Phạm-ma-na[119] cầm quạt đứng hầu quạt trước Phật, Phật bảo:

“Ngươi hãy tránh ra, chớ đứng ở trước Ta.”

A-nan nghe vậy thầm nghĩ: “Phạm-ma-na thường ở hai bên Phật, hầu hạ mọi điều cần thiết, tôn kính Như Lai không hề biết chán. Nay vào ngày cuối cùng, lẽ để cho ông chăm sóc, sao Phật lại đuổi đi, là có ý gì?” Rồi A-nan sửa lại y phục, đến trước Phật, bạch rằng:

“Phạm-ma-na thường ở hai bên Phật, hầu hạ mọi điều cần thiết, tôn kính Như Lai không hề biết chán. Nay vào ngày cuối cùng, lẽ để cho ông chăm sóc, sao Phật lại đuổi đi, là có ý gì?”

Phật nói:

“Mười hai do-tuần phía ngoài thành Câu-thi này, thảy đều là chỗ[120] các vị đại thiên thần, chật ních không có khoảng trống. Họ hiềm vì [21b]Tỳ-kheo này đứng choán trước Phật rằng ‘Nay giờ phút cuối cùng Phật sắp vào Niết-bàn, chúng ta các thần muốn đến chiêm bái một lần, mà vị Tỳ-kheo đó với oai đức lớn lao, ánh sáng chói che không cho chúng ta được gần Phật để lễ bái cúng dường.’ A-nan, vì thế mà Ta bảo tránh ra.”

A-nan bạch Phật:

“Chẳng hay vị Tỳ-kheo đó xưa kia chứa phúc đức gì, tu hành nghiệp gì mà nay có oai đức như thế?”

Phật dạy: “Vào kiếp thứ chín mươi mốt trong đời quá khứ, có đức Phật ra đời hiệu là Tỳ-bà-thi. Vị Tỳ-kheo đó, lúc ấy với tâm hoan hỷ cầm cây đuốc cỏ soi sáng vào ngôi tháp của Phật, nhờ đó nay ông được có oai quang chiếu suốt cả hai mươi tám từng trời, ánh sáng của Chư Thiên thần không thể sánh kịp”.

Rồi thì, A-nan rời khỏi chỗ ngồi, trịch áo bày vai hữu, quỳ xuống, chắp tay bạch Phật:

“Xin Phật chớ diệt độ tại chỗ đất hoang vu trong thành chật hẹp thô lậu này. Vì sao? Hiện có các nước lớn như Chiêm-bà, nước Tỳ-xá-li, thành Vương xá, nước Bạt-kỳ, nước Xá-vệ, nước Ca-Tỳ-la-vệ, nước Ba-la-nại. Ở đó nhân dân đông đúc, nhiều người tín mộ Phật pháp. Phật diệt độ tại các chỗ đó, ắt nhiều người cung kính, cúng dường xá-lợi.”

Phật dạy: “Thôi, đủ rồi! Chớ có nhận xét như thế. Chớ cho nơi này là bỉ lậu. Vì sao thế?

“Khi xưa tại nước này, có vị vua tên Đại Thiện Kiến[121] và thành này lúc đó tên là Câu-xá-bà-đề[122]. Đô thành của vua dài 480 dặm, rộng 280 dặm. Bấy giờ được mùa lúa rẻ, dồi dào, nhân dân phồn thịnh. Thành này có bảy lớp, bao quanh cũng có bảy lớp lan can, chạm trổ văn vẻ, linh báu treo xen. Móng thành bề sâu ba nhẫn, lên cao mười hai nhẫn. Lâu đài trên thành cao mười nhẫn. Vòng cột ba nhẫn. Thành vàng thì cửa bạc, thành bạc thì cửa vàng, thành lưu ly thì cửa thủy tinh, thành thủy tinh thì cửa lưu ly. Quanh thành trang nghiêm bằng bốn loại bảo, xen kẽ lan can bằng tứ bảo. Lầu vàng thì treo linh bạc, lầu bạc thì treo linh vàng. Có hào bảy lớp, mọc đầy hoa sen xanh, vàng, đỏ, trắng. Đáy hào toàn lát bằng cát vàng. Hai bên bờ hào có nhiều cây đa-lân.[123] Cây vàng thì lá hoa trái bạc. Cây bạc thì lá hoa trái vàng. Cây thủy tinh thì hoa trái lưu ly. Cây lưu ly thì hoa trái thủy tinh. Giữa đám cây đa-lân có các ao tắm. Dòng nước sâu, trong, thanh khiết không dơ. Hai bên bờ ao lát bằng gạch tứ bảo. Thang bằng vàng thì bậc thang bằng bạc. Thang lưu ly thì bậc bằng vàng. Thềm cấp bằng lưu ly [21c] thì bậc thềm bằng thủy tinh. Thềm cấp bằng thủy tinh thì lưu ly làm bậc. Chung quanh, lan can vây bọc liên tiếp nhau. Trong thành ấy nơi nào cũng sanh cây đa-lân. Cây vàng thì lá hoa trái bạc. Cây bạc thì lá hoa trái vàng. Cây thủy tinh thì hoa trái lưu ly. Cây lưu ly thì hoa trái thủy tinh. Khoảng giữa các cây có các ao bằng bốn loại bảo, sanh bốn loại hoa. Đường xá ngay ngắn, hàng ngũ tương đương. Gió thổi, hoa rơi, lá bay hai bên đường. Gió nhẹ thổi qua các cây báu, phát ra âm thanh dịu dàng như thiên nhạc. Người trong nước, trai gái lớn nhỏ, dạo chơi vui vẻ giữa các cây. Nước ấy thường có mười loại âm thanh[124]: Tiếng vỏ sò, tiếng trống, tiếng ba-la, tiếng ca, tiếng múa, tiếng thổi, tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng xe cộ, tiếng ẩm thực, tiếng cười đùa.

“Vua Đại Thiện Kiến có đủ bảy báu. Vua cũng có đủ bốn đức. Bảy báu là: báu bánh xe vàng, báu voi trắng, báu ngựa xanh, báu thần châu, báu ngọc nữ, báu cư sĩ báu và báu quân binh.

“Thiện Kiến Đại vương thành tựu báu Bánh xe vàng như thế nào?

“Thường vào ngày rằm trăng tròn, vua tắm gội nước hương, lên ngồi tại bảo điện, có thể nữ bao quanh, tự nhiên có bánh xe báu hiện ra trước mặt; vành xe có ngàn căm sáng chói, do thợ trời làm chứ không phải đời có được. Bánh xe toàn bằng chân kim, đường kính bằng một trượng tư. Khi ấy vua Đại Thiện Kiến thầm nghĩ: ‘Ta từng nghe các bậc tiên túc kỳ cựu nói: nếu vua Quán đảnh dòng Sát-lị, đến ngày rằm trăng tròn, tắm gội nước hương, lên ngồi tại bảo điện, có thể nữ bao quanh, tự nhiên có bánh xe vàng hiện đến trước mặt, bánh xe có nghìn căm, ánh sáng rực rỡ, là tác phẩm của thợ nhà trời chứ không phải do con người làm, được làm thành bằng vàng thiệt, đường kính trượng tư, khi đó được gọi là Chuyển Luân Thánh vương.[125] Nay có bánh xe báu ấy hiện đến, há không là đây chăng? Ta hãy thử xem xe đó thế nào?’

“Vua Đại Thiện Kiến liền triệu bốn thứ binh, hướng về phía bánh xe vàng, trịch áo bày vai phải, đầu gối phải quỳ sát đất, rồi lấy tay mặt vỗ lên bánh xe và nói: ‘Ngươi hãy theo đúng pháp mà vận chuyển về phương Đông, chớ trái lệ thường.’ Bánh xe liền chuyển về phương Đông. Vua bèn dẫn bốn chủng quân binh đi theo bánh xe vàng, trước bánh xe vàng có bốn vị thần dẫn đường. Đến chỗ xe vàng ngừng thì vua cũng dừng xe. Bấy giờ, các Tiểu quốc phương Đông thấy Đại vương đến, họ đem bát vàng đựng lúa bạc, bát bạc đựng lúa vàng đến trước vua, cúi đầu [22a] tâu rằng: “Hoan nghênh Đại vương đến! Nay phương Đông này đất ruộng phì nhiêu, nhân dân sung túc, chí tánh nhân hòa, từ hiếu trung thuận. Cúi mong Thánh vương trị hóa chốn này. Chúng tôi xin chầu hầu phục vụ, vâng làm mọi việc cần thiết.’ Vua Đại Thiện Kiến nói với các Tiểu vương: ‘Thôi thôi Chư Hiền! Thế là các ngươi đã cúng dường ta rồi đó. Các ngươi hãy theo pháp chánh mà trị dân, chớ làm cho thiên lệch, không để cho quốc nội có hành vi phi pháp. Đó tức là ta trị hóa.’ Các tiểu vương vâng lệnh. Họ liền theo vua đi tuần khắp nước, đến tận mé biển Đông mới trở về.

“Vua lần lượt đi về phương Nam, rồi phương Tây, phương Bắc. Hễ bánh xe vàng đến ở đâu thì các Quốc vương đều đến cống hiến như các Tiểu quốc phương Đông vậy.

“Bấy giờ, vua Đại Thiện Kiến sau khi đã theo bánh xe vàng đi khắp bốn biển, đem chánh đạo khai hóa, an ủi dân chúng xong, trở về thành Câu-xá-bà-đề của bổn quốc, thì bánh xe vàng dừng lại trên không trung ngay cửa cung điện. Vua Đại Thiện Kiến vui mừng phấn khởi nói: ‘Bánh xe vàng báu này thật là điềm tốt của ta. Nay ta chính thật là Chuyển Luân Thánh vương.’ Đó là sự thành tựu báu Bánh xe vàng.

“Vua Đại Thiện Kiến thành tựu báu Voi trắng như thế nào?

“Lúc bấy giờ, vào buổi sáng sớm, Thiện Kiến Đại Vương đang ngồi trên chánh điện, tự nhiên voi báu hốt nhiên xuất hiện trước mặt. Lông nó thuần trắng. Bảy chỗ đầy đặn. Có thể bay được. Đầu nó tạp sắc. Sáu ngà thon nhọn, xen cẩn bằng vàng ròng. Sau khi nhìn thấy, vua tự nghĩ: ‘Con voi này khôn. Nếu khéo huấn luyện, có thể cưỡi.’ Bèn sai huấn luyện thử. Tập các khả năng đều đủ. Khi ấy Thiện Kiến Đại Vương muốn tự mình thử voi, bèn cưỡi lên, rồi vào lúc sáng sớm, ra khỏi thành, chu du khắp bốn biển. Đến giờ cơm thì đã về tới. Thấy thế, Thiện Kiến Vương phấn khởi nói: ‘Con voi trắng báu này thật sự là điềm lành cho ta. Nay ta thật sự là Chuyển Luân Thánh vương’. Đó là sự thành tựu báu Voi trắng.

“Thiện Kiến Đại Vương thành tựu báu Ngựa như thế nào?

“Bấy giờ, vào lúc sáng sớm, Đại Thiện Kiến Vương đang ngồi trên chánh điện, tự nhiên ngựa báu hốt nhiên xuất hiện trước mắt. Lông nó màu xanh, bờm đỏ. Đuôi, đầu và cổ, như voi. Nó có khả năng bay. Khi ấy Thiện Kiến Vương tự nghĩ: ‘Con ngựa này khôn. Nếu huấn luyện kỹ, có thể cưỡi.’ Rồi vua sai huấn luyện thử. Tập đủ các khả năng. Khi vua Thiện Kiến muốn tự mình thí nghiệm ngựa báu, bèn cưỡi lên, vào lúc sáng sớm, ra khỏi thành, chu du bốn biển. Đến giờ ăn thì đã về tới. Thiện Kiến Vương phấn khởi nói: ‘Con ngựa báu màu xanh này thật sự là điềm lành cho ta. Ta nay thật sự là Chuyển Luân Thánh vương.’ Đó là sự thành tựu báu Ngựa trắng.

[22b]“Thiện Kiến Đại vương thành tựu báu Thần châu như thế nào?

“Bấy giờ, vào lúc sáng sớm, Đại Thiện Kiến Vương đang ngồi trên chánh điện, tự nhiên thần châu báu hốt nhiên xuất hiện trước mắt. Màu sắc tinh chất, trong suốt, không có tỳ vết. Thấy rồi, vua nói: ‘Hạt châu này đẹp quá. Ánh sáng của nó có thể rọi sáng cả nội cung.’ Rồi vua muốn thử hạt châu ấy, bèn gọi bốn chủng quân binh vào, đặt bảo châu này ở trên tràng phan. Vào lúc nửa đêm trời tối, mang nó ra ngoài thành. Ánh sáng của hạt châu này rọi sáng tất cả quân binh, chẳng khác gì ban ngày. Ở vòng ngoài quân binh, nó lại chiếu sáng cả một do-tuần. Người trong thành đều thức dậy làm việc, vì cho là ban ngày. Thiện Kiến Đại Vương phấn khởi nói: ‘Nay hạt thần châu báu này thật sự là điềm lành cho ta. Ta nay thật sự là Chuyển Luân Thánh vương.’ Đó là sự thành tựu báu Thần châu.

“Thiện Kiến Đại vương thành tựu báu Ngọc nữ như thế nào?

“Khi ấy Ngọc nữ báu hốt nhiên xuất hiện. Nhan sắc thung dung, diện mạo xinh đẹp, không cao, không thấp, không thô, không tế, không đen, không trắng, không cương, không nhu. Đông thì thân ấm. Hè thì thân mát. Các lỗ chân lông trên khắp thân thể toát ra mùi hương chiên-đàn. Miệng thở ra hương hoa ưu-bát-la. Nói năng dịu dàng. Cử động khoan thai. Đứng dậy trước, ngồi xuống sau, không hề mất nghi tắc. Vua Thiện Kiến lúc bấy giờ thanh tịnh không nhiễm trước. Tâm không hề có chút ý niệm gì, huống hồ gần gũi. Bấy giờ vua Thiện Kiến phấn khởi nói: ‘Ngọc nữ này thật là điềm lành của ta. Ta nay thật sự là Chuyển Luân Thánh vương.’ Đó là sự thành tựu báu Ngọc nữ.

“Thiện Kiến Đại vương thành tựu báu Cư sĩ như thế nào?

“Khi ấy Cư sĩ trượng phu hốt nhiên tự xuất hiện. Kho báu tự nhiên có. Tài sản vô lượng. Cư sĩ có túc phước nên con mắt có thể nhìn suốt thấy mỏ báu dưới lòng đất. Vật hữu chủ hay vô chủ, đều nhìn mà biết hết. Nếu có chủ, ông có thể gìn giữ hộ. Nếu vô chủ, ông thu lấy đem hiến cho vua dùng. Cư sĩ báu đi đến tâu vua: ‘Đại vương, có vật cống hiến, vua đừng lo buồn. Tôi có thể tự giải quyết.’ Bấy giờ, vua Đại Thiện Kiến muốn thử cư sĩ báu, bèn ra lịnh chuẩn bị thuyền để đi du hí. Vua bảo cư sĩ: ‘Ta cần vàng. Ngươi hãy kiếm nhanh cho ta.’ Cư sĩ tâu: ‘Đại vương, xin hãy chờ giây lát. Đợi lên bờ đã.’ Vua tỳm cách thúc hối: ‘Ta dừng đây. Đang cần dùng. Ngươi đem đến ngay.’ Khi ấy cư sĩ bị vua ra lịnh nghiêm, bèn quỳ ngay trên thuyền, dùng tay mặt thọc vào trong nước. Bình báu từ trong nước cùng lên theo tay. Như con sâu leo cây, cũng như thế, với cư sĩ báu, bảo vật từ trong nước duyên theo tay mà xuất hiện đầy thuyền. [22c] Rồi ông tâu vua: ‘Vừa rồi Đại vương nói cần báu. Nhưng cần bao nhiêu?’ Vua Thiện Kiến nói với cư sĩ: ‘Thôi, đủ rồi! Ta không cần dùng gì. Chỉ là để thử nhau mà thôi. Ngươi nay như thế là đã cống hiến cho ta rồi đó.’ Cư sĩ kia nghe vua nói như vậy liền ném trả bảo vật xuống nước. Thiện Kiến Vương phấn khởi nói: ‘Cư sĩ báu này thật sự là điềm lành cho ta. Ta nay thật sự là Chuyển Luân Thánh vương.’ Đó là thành tựu báu Cư sĩ.

“Thiện Kiến Đại vương thành tựu báu Chủ binh như thế nào?

“Khi ấy Chủ binh bảo hốt nhiên xuất hiện, trí mưu, hùng mãnh, thao lược, quyết đoán. Rồi chủ binh đi đến chỗ vua, tâu: ‘Đại vương, nếu có chỗ cần chinh phạt, xin đừng lo lắng. Tôi có thể tự mình giải quyết.’ VuaThiện Kiến lúc ấy muốn thử chủ binh báu, liền cho tập họp bốn chủng binh và nói với chủ binh rằng: ‘Ngươi nay dụng binh, chưa tập họp hãy tập họp. Đã tập họp hãy giải tán. Chưa nghiêm hãy nghiêm. Đã nghiêm hãy cho buông lỏng. Chưa đi hãy bảo đi. Đã đi hãy bảo dừng.’ Chủ binh báu nghe vua nói xong, liền điều khiển bốn chủng quân khiến cho chưa tập họp thì tập họp. Đã tập họp thì giải tán. Chưa nghiêm thì nghiêm chỉnh. Đã nghiêm chỉnh thì cho buông lỏng. Chưa đi, bảo đi. Đã đi, bảo dừng. Thiện Kiến Vương lúc ấy phấn khởi nói: ‘Chủ binh báu này thật sự là điềm lành cho ta. Ta nay thật sự là Chuyển Luân Thánh vương.’ Đó là báu Chủ binh.

“Này A-nan, đó là Thiện Kiến đại vương thành tựu bảy báu.

“Thế nào là bốn thần đức? Một là sống lâu, không yểu, không ai sánh bằng. Hai là thân thể cường tráng, không bịnh hoạn, không ai sánh bằng. Ba là nhan mạo đoan chánh, không ai sánh bằng. Bốn là kho báu tràn đầy, không ai sánh bằng.

“Đó là Chuyển Luân Thánh vương thành tựu bảy báu và bốn thần đức.

“A-nan, một thời gian lâu Thiện Kiến Vương mới bảo đánh xe xuất du hậu viên. Vua bảo người đánh xe: ‘Ngươi đánh xe đi thong thả. Vì sao vậy? Ta muốn xem xét kỹ nhân dân có được an lạc, không hoạn nạn xảy ra chăng.’ Lúc bấy giờ, nhân dân trong nước dọc theo đường đứng xem, họ nói với kẻ đánh xe: ‘Ông hãy cho đi chậm. Tôi muốn ngắm rõ uy nhan của Thánh vương.’ Này A-nan, khi ấy Thiện Kiến vương vỗ về trìu mến nhân dân như cha yêu con. Quốc dân kính mộ vua như con kính cha. Có gì quí hiếm họ đem dâng vua: ‘Cúi xin Đức Vua nạp thọ, tùy ý sử dụng.’ Vua bảo: ‘Thôi đủ rồi, các khanh! Ta có đủ tài bảo cần dùng rồi. Các khanh hãy cất lấy mà dùng.’

“Vào lúc khác vua nghĩ: ‘Ta muốn xây dựng cung điện.’ Khi vừa có ý nghĩ đó thì người trong nước đến chỗ vua, tâu: ‘Tôi xin xây dựng cung điện cho vua.’ [23a] Vua bảo: ‘Ta cho như vậy là đã được các ngươi cúng dường rồi. Ta sẵn có tài bảo để lo liệu.’ Quốc dân lặp lại thỉnh cầu: ‘Chúng tôi xin xây dựng cung điện cho vua.’Vua bảo: ‘Tùy ý các ngươi muốn’. Quốc dân được lệnh, liền đem tám mươi bốn ngàn chiếc xe chở vàng đến thành Câu-xá-bà để tạo lập Chánh pháp điện[126]. Khi ấy vị thiên thần thợ khéo[127] ở trời Đao-lị tự nghĩ: ‘Chỉ có ta mới có khả năng xây dựng Chánh pháp điện cho vua Đại Thiện Kiến.’

“Này A-nan, khi ấy thiên thần khéo xây dựng Chánh pháp điện dài sáu mươi dặm, rộng ba mươi dặm, được trang sức bằng tứ bảo. Mặt nền bằng phẳng. Thềm được lát bảy lớp với gạch báu. Pháp điện có tám muôn ngàn cây cột. Thân cột bằng vàng thì chóp cột bằng bạc. Thân cột bạc thì chóp cột vàng. Bằng lưu ly và thủy tinh cũng vậy. Bao quanh điện là bốn lớp lan can, đều được làm bằng bốn loại bảo. Lại có bốn thềm cấp cũng bằng bốn loại bảo. Trên pháp điện ấy có tám vạn bốn ngàn lầu báu. Lầu bằng vàng thì các cửa sổ bằng bạc. Lầu bằng bạc, cửa sổ bằng vàng. Bằng thủy tinh và lưu ly cũng vậy. Lầu vàng thì giường bạc. Lầu bạc, giường vàng. Chăn đệm mềm mại được dệt bằng kim lũ trải trên giường. Bằng thủy tinh và lưu ly cũng vậy. Ánh sáng của cung điện chói lọi làm hoa mắt mọi người, như mặt trời lúc cực sáng không ai có thể nhìn được.

“Bấy giờ, Thiện Kiến vương phát sanh ý nghĩ: ‘Nay ở hai bên điện, ta hãy lập nhiều ao và vườn cây đa-lân.’ Vua bèn cho lập vườn. Ngang dọc một do-tuần. Vua lại nghĩ: ‘Ở trước pháp điện ta hãy lập một ao Pháp.[128] Bèn cho xây ao pháp, ngang dọc một do-tuần. Nước ao trong lắng, tinh khiết, không bợn dơ. Đáy ao lát bằng gạch tứ bảo. Bao quanh ao là lan can, đều làm bằng bốn thứ báu: hoàng kim, bạch ngân, thủy tinh và lưu ly. Nước trong ao, mọc xen lẫn các thứ hoa như ưu-bát-la, ba-đầu-ma, câu-vật-đầu, phân-đà-lị. Hoa tỏa ra hương thơm sực nức khắp nơi. Khoảng đất ở bốn mặt ao mọc các thứ hoa như a-hê-vật-đa, chiêm-bặc, ba-la-la, tu-mạn-đà, bà-sư-ca, đàn-cu-ma-lê. Vua sai người trông coi ao. Những ai đi ngang qua, dẫn xuống ao tắm, mát mẻ vui đùa tùy ý thích. Cần nước uống thì cho nước uống. Cần thức ăn thì cho thức ăn. Y phục, hương hoa, xe ngựa, tài bảo các thứ, đều không để nghịch ý người.

“A-nan, bấy giờ vua Thiện Kiến có tám vạn bốn ngàn voi, trang sức bằng vàng bạc, tua dải bằng bảo châu, Trai tượng vương[129] là bậc nhất. Có tám [23b]vạn bốn ngàn ngựa, trang sức bằng vàng bạc, tua dải bằng bảo châu, Lực mã vương[130] là bậc nhất. Có tám vạn bốn ngàn cỗ xe, lót bằng da sư tử, trang nghiêm bằng tứ bảo, Kim luân bảo là bậc nhất. Có tám muôn bốn ngàn hạt châu, Thần châu bảo là bậc nhất. Tám vạn bốn ngàn ngọc nữ, Ngọc nữ bảo là bậc nhất. Tám vạn bốn ngàn cư sĩ, Cư sĩ bảo là bậc nhất. Tám vạn bốn ngàn Sát-lị, chủ binh bảo là bậc nhất. Tám vạn bốn ngàn thành, Câu-thi-bà-đề là bậc nhất. Tám vạn bốn ngàn cung điện, Chánh pháp điện là bậc nhất. Tám vạn bốn ngàn lầu, Đại chánh lầu là bậc nhất. Tám vạn bốn ngàn giường, thảy đều bằng các thứ báu hoàng kim, bạch ngân; bên trên giường trải nệm lông, chăn lông các thứ[131]. Tám vạn bốn ngàn ức áo bằng các thứ vải như sơ-ma, ca-thi, kiếp-ba[132] là bậc nhất. Tám vạn bốn ngàn thức ăn, mỗi ngày dọn mỗi món khác nhau.

“A-nan, bấy giờ, vào buổi sáng sớm, vua Thiện Kiến cưỡi Trai tượng vương, cùng với tám vạn bốn ngàn thớt voi, ra khỏi thành Câu-thi, xem xét thiên hạ, đi khắp bốn biển. Trong khoảng chốc lát, trở về thành ăn cơm. Rồi cỡi Lực mã bảo, cùng với tám vạn bốn ngàn ngựa, vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành xuất du, xem xét thiên hạ, đi khắp bốn biển. Trong chốc lát, trở về thành ăn cơm. Cỡi xe Kim luân, Lực mã bảo kéo, cùng với tám vạn bốn ngàn cỗ xe, vào buổi sáng sớm xuất du, xem xét thiên hạ, đi khắp bốn biển. Trong chốc lát trở về thành ăn cơm. Cùng với tám vạn bốn ngàn minh châu, dùng Thần châu bảo soi sáng nội cung. Ngày đêm luôn luôn sáng. Với tám vạn bốn ngàn ngọc nữ, Ngọc nữ bảo khôn ngoan, khéo léo, hầu hạ phục thị hai bên. Với tám vạn bốn ngàn cư sĩ, mọi thứ nhu yếu đều giao cho Cư sĩ bảo lo. Với tám vạn bốn ngàn Sát-lị, nếu có chinh phạt, giao cho Chủ binh bảo. Với tám vạn bốn ngàn thành, thủ đô trụ sở thường trực ở Câu-thi thành. Với tám vạn bốn ngàn cung điện, vua thường ngự ở Chánh pháp điện. Với tám vạn bốn ngàn lầu, chỗ vua thường nghỉ là Đại chánh lầu. Với tám vạn bốn ngàn chỗ ngồi, vua thường ngồi trên tòa pha lê, vì để an thiền. Với tám vạn bốn ngàn ức y, trang sức bằng thượng diệu bảo, tùy ý mà mặc để che người cho khỏi hổ thẹn. Với tám vạn bốn ngàn thức ăn, Vua thường ăn thức ăn tự nhiên. Vì là tri túc.

“Khi tám vạn bốn ngàn thớt voi hiện đến, chúng dày xéo, dẫm đạp, làm hại chết chúng sanh không kể xiết. Vua bèn tự nghĩ: ‘Đám voi này làm thương tổn chúng sanh quá nhiều. Từ nay về sau, cứ một trăm năm mới cho hiện một con voi. Lần lượt như vậy cho đến hết vòng thì quay trở lại’.”[133]

 

III

[23c8] Bấy giờ, Thế Tôn nói với A-nan:

“Vua Đại Thiện Kiến thầm nghĩ: ‘Ta sẵn chứa công đức gì, tu được điều lành gì mà nay được quả báo đẹp đẽ như thế?’ Vua lại nhớ rằng nhờ ba nhân duyên mà gây được phúc báo đó. Ba nhân duyên ấy là gì? Một là bố thí, hai là trì giới, ba là thiền tứ.[134] Vua lại suy nghĩ: ‘Nay ta đã được thọ hưởng phúc báo nhân gian, ta hãy tiến tu thêm về phúc nghiệp cõi trời. Ta hãy tự hạn chế và bớt đi; lánh chỗ ồn ào; ẩn ở chỗ yên tĩnh để tu luyện đạo thuật.’ Rồi vua liền sai gọi ngọc nữ Thiện Hiền đến, bảo rằng: ‘Nay ta đã được thọ hưởng phúc báo nhân gian, ta hãy tiến tu thêm về phúc nghiệp cõi trời. Ta hãy tự hạn chế và bớt đi; lánh chỗ ồn ào; ẩn ở chỗ yên tĩnh để tu luyện đạo thuật.’ Ngọc nữ đáp: ‘Kính vâng. Xin tuân lời Đại vương dạy.’ Rồi sắc lịnh cho cả trong ngoài từ nay miễn sự chầu hầu. Vua liền lên Pháp điện, vào tòa lầu bằng vàng, ngồi trên giường ngự bằng bạc, tư duy, lìa tham dục, ác bất thiện, có tầm và có tứ[135], có hỷ và lạc phát sanh từ sự viễn ly, chứng đắc thiền thứ nhất. Trừ diệt tầm và tứ, nội đẳng tịnh[136], nhiếp tâm chuyên nhất, khôngtầm không tứ, có hỷ và lạc do định sanh, chứng thiền thứ hai. Lìa hỷ, an trú xả[137] chuyên niệm không loạn, tự thân cảm giác lạc, điều mà Hiền Thánh nói là xả, an trú lạc có niệm[138], chứng đắc thiền thứ ba. Xả bỏ khổ và lạc, trừ diệt ưu và hỷ từ trước, không khổ, không lạc, xả và niệm thanh tịnh[139], chứng đắc thiền thứ tư.

“Rồi Vua Thiện Kiến rời khỏi giường ngự bằng bạc, ra khỏi lầu vàng, đi đến lầu Đại chánh, ngồi trên giường lưu ly tu tập từ tâm, rải lòng từ đầy khắp một phương này rồi đến một phương khác cũng vậy; an trú với tâm tư câu hữu với từ trùm khắp, rộng lớn, không hai, không hạn lượng, trừ mọi kết hận, tâm không thù oán. Tu tập bi tâm, hỷ tâm, xả tâm cũng như thế.

“Bấy giờ, Ngọc nữ bảo thầm nghĩ: ‘Đã lâu không thấy tôn nhan, tưởng nên đến hầu thăm một phen. Nay nên diện kiến Đức Vua.’ Rồi bảo nữ Thiện Hiền [24a] nói với tám vạn bốn ngàn các thể nữ rằng: ‘Các ngươi mỗi người hãy tắm gội nước thơm, trang điểm y phục. Sở dĩ như vậy vì đã lâu chúng ta không gặp tôn nhan, nên hãy hầu thăm một phen.’ Thể nữ nghe thế, thảy đều trang điểm y phục, tắm gội sạch sẽ. Rồi Ngọc nữ nói với Chủ binh bảo thần tập họp bốn chủng quân, rằng: ‘Đã lâu chúng ta không gặp tôn nhan, nên hãy hầu thăm một phen.’ Chủ binh bảo thần liền tập họp bốn chủng quân, thưa với Bảo nữ: ‘Bốn chủng quân đã tập. Nên biết thời.’ Rồi Bảo nữ dẫn tám vạn bốn ngàn thể nữ, cùng với bốn thứ quân đi đến vườn Kim đa-lân[140]. Âm thanh chấn động của đại chúng vang đến Vua. Nghe thế, Vua đi đến cửa sổ để xem. Bảo nữ lúc ấy đứng một bên trước cửa. Thấy Bảo nữ, Vua liền nói: ‘Ngươi khỏi bước tới. Ta sẽ ra xem.’ Thiện Kiến Vương rời tòa pha lê, ra khỏi lầu Đại chánh, đi xuống Chánh pháp điện, cùng với Ngọc nữ đi đến vườn Đa-lân, ngồi lên chỗ soạn sẵn. Lúc ấy dung sắc Thiện Kiến Vương tươi sáng hơn hẳn bình thường. Bảo nữ Thiện Hiền tự nghĩ: ‘Nay, sắc mặt Đại vương hơn hẳn bình thường. Có điềm lạ gì chăng?’ Rồi Bảo nữ tâu vua: ‘Đại vương, nay nhan sắc khác thường. Há không phải là điềm sắp xả thọ mạng chăng? Nay tám vạn bốn ngàn voi này, Bạch tượng bảo là bậc nhất, được trang sức bằng vàng bạc, với bảo châu làm tua dải; tất cả là sở hữu của vua. Mong vua lưu ý một chút, cùng chung vui hưởng, chớ xả bỏ tuổi thọ mà bỏ rơi vạn dân. Lại tám vạn bốn ngàn ngựa, Lực mã vương bậc nhất. Tám vạn bốn ngàn cỗ xe, Kim luân bảo bậc nhất. Tám vạn bốn ngàn minh châu, Thần châu bảo bậc nhất. Tám vạn bốn ngàn ngọc nữ, Ngọc nữ bảo bậc nhất. Tám vạn bốn ngàn cư sĩ, Cư sĩ bảo bậc nhất. Tám vạn bốn ngàn Sát-lị, Chủ binh bảo là bậc nhất. Tám vạn bốn ngàn thành, Câu-thi thành bậc nhất. Tám vạn bốn ngàn cung điện, Chánh pháp điện bậc nhất. Tám vạn bốn ngàn tòa lầu, Đại chánh lầu bậc nhất. Tám vạn bốn ngàn tòa ngồi, bảo sức tòa bậc nhất. Tám vạn bốn ngàn ức y, nhu nhuyến y bậc nhất. Tám vạn bốn ngàn thức ăn, mỗi vị đều quý hiếm. Hết thảy bảo vật ấy đều thuộc về Vua. Mong Vua lưu ý một chút, cùng chung vui thú, chớ xả thọ mạng, bỏ rơi vạn dân.’

“Thiện Kiến Vương đáp Bảo nữ: ‘Từ trước đến nay, ngươi cung phụng ta một cách từ hòa kính thuận, chưa bao giờ nói lời thô lậu, sao nay ngươi lại có lời ấy?’ Ngọc nữ tâu: ‘Chẳng hay lời ấy có gì không thuận.’ Vua nói: ‘Những thứ mà ngươi vừa nói, [24b] voi, ngựa, xe cộ, đền đài, y phục, hào soạn quý báu kia, thảy đều vô thường, không giữ gìn lâu được, mà khuyên ta lưu lại hưởng thụ, như thế có thuận chăng?’ Ngọc nữ tâu: ‘Chẳng hay phải nói thế nào mới là thuận?’ Vua bảo: ‘Giá ngươi nói, các thứ voi, ngựa xe cộ, đền đài, y phục, hào soạn đều vô thường, không giữ gìn lâu được, mà khuyên ta đừng mê luyến đến làm gì cho lao thần tổn tứ. Vì mạng Vua chẳng còn bao lâu sẽ qua đời khác. Hễ có sanh tất có chết, có hợp tất có ly, đâu phải sống đời ở đây được. Vậy hãy cắt đứt ân ái để chuyên tâm vào đạo lý. Nếu ngươi nói như thế mới là kính thuận.’

“Này A-nan, nghe lời Vua dạy như thế, Ngọc nữ buồn khóc than thở, gạt nước mắt mà nói: ‘Các thứ voi, ngựa xe cộ, đền đài, y phục, hào soạn đều vô thường, không giữ gìn lâu được, đừng mê luyến đến làm gì cho lao thần tổn tứ. Vì mạng Vua chẳng còn bao lâu sẽ qua đời khác. Hễ có sanh tất có chết, có hợp tất có ly, đâu phải sống đời ở đây được. Vậy hãy cắt đứt ân ái để chuyên tâm vào đạo lý’.

“Này A-nan, Ngọc nữ bảo kia vừa nói xong giây lát, Thiện Kiến Vương bỗng nhiên mệnh chung, không chút đau khổ, như kẻ tráng sĩ trong một bữa ăn ngon, hồn thần sanh lên cõi trời Phạm thiên thứ bảy.[141]

“Sau khi Vua băng bảy ngày, các thứ Luân bảo, Thần châu biến mất, Voi báu, Ngựa báu, Ngọc nữ báu, Cư sĩ báu, Quân binh báu cũng một ngày chết hết; thành trì, ao hồ, Pháp điện, đền đài, các thứ trang sức bằng báu, vườn Kim đa-lân, đều biến thành gỗ, đất.”

Phật bảo A-nan:

“Này A-nan, pháp hữu vi này là vô thường, biến dịch, chung qui hao mòn, hoại diệt. Tham dục không chán. Mạng người tiêu tán. Mê say ân ái không hề biết đủ. Chỉ người nào chứng đắc Thánh trí, thấy rõ đạo lý, mới biết đủ mà thôi.

“Này A-nan, Ta nhớ đã từng ở nơi này, Ta sáu lần tái sanh làm Chuyển Luân Thánh vương và cuối cùng bỏ xác tại chỗ này. Nay Ta thành Vô thượng Chánh giác, lại cũng muốn xả bỏ mạng căn, gởi thân tại đây. Từ nay về sau, Ta đã dứt tuyệt sanh tử, không còn có chỗ nào là nơi bỏ xác Ta nữa. Đây là đời cuối cùng. Ta không còn thọ sinh trở lại nữa.”

Bấy giờ, Thế Tôn tại thành Câu-thi-na-kiệt, Bản sanh xứ, trong vuờn Sa-la, giữa hai cây song thọ, vào lúc sắp gần diệt độ, nói với A-nan rằng:

“Này A-nan! Ngươi hãy vào thành Câu-thi-na-kiệt, báo tin cho những người Mạt-la rằng: ‘Chư Hiền nên biết, Như Lai nửa đêm nay sẽ vào Niết-bàn tại giữa cây song thọ trong vườn Sa-la. Các người nên kịp thời đến thưa hỏi [24c] các điều nghi ngờ và trực tiếp nghe Phật chỉ dạy, để sau khỏi hối tiếc.”

A-nan vâng lời Phật dạy, rời chỗ ngồi đứng dậy, lễ Phật mà đi. Cùng với một Tỳ-kheo khác, nước mắt chảy ròng, mà vào thành Câu-thi-na. Khi vào thành, gặp năm trăm Mạt-la nhân có chuyện đang họp cả một chỗ. Họ thấy A-nan đến, đều đứng dậy chào hỏi rồi đứng về một bên, và bạch rằng:

“Không hiểu Tôn giả có việc gì mà phải vào thành lúc chiều tối thế này?”

A-nan rơi lệ vừa nói:

“Tôi vì ích lợi các người, đến tin các người hay Đức Như Lai đến nửa đêm nay sẽ vào Niết-bàn. Các người nên kịp thời đến thưa hỏi những điều hoài nghi, trực tiếp nghe Phật chỉ dạy, để sau khỏi hối tiếc.”

Vừa nghe xong, những người Mạt-la cất tiếng kêu than, vật vã xuống đất, có người ngất đi tỉnh lại. Ví như cây lớn khi trốc gốc thì các nhánh cành đều đổ gãy. Họ đồng than:

“Phật diệt độ sao mà nhanh thế! Phật diệt độ làm sao nhanh thế! Con mắt của thế gian mà diệt mất, thì chúng sanh bị suy hại lâu dài!”

A-nan an ủi họ:

“Thôi, các người chớ buồn! Trời đất, muôn vật, hễ có sanh đều có chết. Muốn cho pháp hữu vi tồn tại mãi là điều không thể có được. Phật há chẳng dạy: ’Có hợp tất có ly, có sanh tất có diệt‘ đó sao!”

Rồi thì, các người Mạt-la bảo nhau:

“Chúng ta hãy về nhà, đem cả gia thuộc và năm trăm khổ vải trắng, cùng đến Song thọ.”

Những người Mạt-la ai về nhà nấy, rồi đem cả gia thuộc, và mang cả năm trăm tấm lụa trắng ra khỏi thành Câu-thi, đến giữa rừng Song thọ, và đi đến chỗ A-nan. A-nan vừa trông thấy từ xa, thầm nghĩ: ‘Bọn họ rất đông. Nếu để cho từng người một vào yết kiến Phật, e rằng chưa khắp hết thì Như Lai đã diệt độ rồi. Ta nên bảo họ vào đầu hôm đồng một lượt đến bái yết Phật’.”

A-nan liền dắt năm trăm người Mạt-la và gia thuộc đến trước Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng sang một bên và bạch rằng:

“Nay có các Mạt-la tên như thế và gia thuộc, xin thăm hỏi đức Thế Tôn sức khoẻ có bình thường không?”

Phật nói:

“Phiền các ngươi đến thăm. Ta chúc cho các ngươi sống lâu, vô bịnh.”

A-nan bằng cách đó đã có thể dẫn hết các người Mạt-la và gia thuộc của họ vào thăm Phật. Khi ấy, các Mạt-la đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi sang một bên.

Thế Tôn thuyết giảng cho họ về vô thường, khai thị, giáo huấn, khiến cho được lợi ích, hoan hỷ.

Nghe pháp xong, các Mạt-la ai nấy đều hoan hỷ, liền đem năm trăm khổ vải trắng dâng Phật. Phật thụ lãnh. [25a] Các Mạt-la rời khỏi chỗ ngồi, đảnh lễ Phật rồi lui ra.

Lúc đó, trong thành Câu-thi có một vị Phạm-chí tên Tu-bạt[142] là bực kỳ cựu đa trí, đã một trăm hai mươi tuổi, nhân nghe đức Sa-môn Cù-đàm đêm nay sẽ diệt độ tại giữa cây song thọ, ông tự nghĩ: ‘Ta đối với pháp có điều hoài nghi. Chỉ có đức Cù-đàm mới khai mở được tâm ý ta. Ta nên kịp thời cố hết sức mình đi đến Phật.’ Ngay đêm ấy ông gắng ra khỏi thành, đi đến Song thọ, đến chỗ A-nan. Sau khi chào hỏi xong, ông thưa:

“Tôi nghe Sa-môn Cù-đàm sắp vào Niết-bàn đêm nay, nên đến đây mong được bái yết một lần. Tôi đối với pháp có điều hoài nghi, mong được gặp Cù-đàm để Ngài quyết nghi cho. Vậy Ngài có được rỗi rảnh cho tôi vào bái yết không?”

A-nan bảo: “Thôi đừng, Tu-bạt! Phật đang có bịnh. Không nên quấy rầy Ngài.”

Tu-bạt cố nài xin đến ba lần rằng:

“Tôi nghe đức Như Lai ra đời như hoa ưu-đàm, rất lâu mới xuất hiện một lần, nên đến đây mong bái yết để được giải quyết nghi ngờ. Ngài có rỗi rảnh cho tôi gặp một lát được không?”

A-nan cũng vẫn trả lời như trước:

“Phật đang có bịnh. Không nên quấy rầy Ngài.”

Khi ấy Phật bảo A-nan:

“A-nan, ngươi chớ ngăn cản. Hãy để cho ông ấy vào. Ông muốn giải quyết sự nghi ngờ, không có gì phiền nhiễu. Nếu nghe được pháp của Ta, ắt được khai ngộ.”

A-nan liền bảo Tu-bạt:

“Nếu ông muốn vào thăm Phật, xin mời vào.”

Tu-bạt được vào, chào hỏi Phật xong, ngồi một bên và bạch Phật:

“Tôi đối với pháp có điều hoài nghi. Ngài có rỗi rảnh quyết nghi cho không?”

Phật nói: “Ông cứ tùy ý hỏi”.

Tu-bạt hỏi:

“Bạch Cù-đàm, có những giáo phái khác, tự xưng bậc thầy, như các ông Phất-lan Ca-diếp, Mạt-già-lê Kiều-xá-lợi, A-phù-đà Sí-xá-kim-bạt-la, Ba-phù Ca-chiên, Tát-nhã Tỳ-da-lê-phất, Ni-kiền Tử.[143] Những bậc Thầy đó đều có pháp riêng, đức Sa-môn Cù-đàm có biết hết hay không?”

Phật đáp: “Thôi, thôi! Nói về điều ấy có ích gì? Những giáo pháp ấy Ta đều rõ cả. Nay Ta sẽ nói cho Ông ngươi pháp thâm diệu, Ông hãy lắng nghe và khôn khéo suy nghiệm. Này Tu-bạt! Trong giáo pháp nào mà không có tám Thánh đạo thời ở đó không có quả vị Sa-môn thứ nhất, thứ nhì, thứ ba, thứ tư. Trong giáo pháp nào có tám Thánh đạo thời ở đó có quả vị Sa-môn thứ nhất, thứ nhì, thứ ba, thứ tư. Nay trong giáo pháp này có tám Thánh đạo nên có qủa vị Sa-môn thứ nhất, [25b] quả vị Sa-môn thứ hai, thứ ba, thứ tư. Trong các chúng ngoại đạo không có”.

Rồi Thế Tôn đọc bài kệ:

Ta hai mươi chín tuổi,

Xuất gia tỳm Chánh đạo.

Từ khi Ta thành Phật,

Đến nay năm mươi năm.[144]

Các hành giới, định, tuệ,

Sông đơn độc tư duy.

Nay Ta giảng pháp yếu:

Ngoại đạo không Sa-môn.

Phật bảo:

“Này Tu-bạt! Nếu các Tỳ-kheo thảy đều có thể tự nhiếp tâm thời cõi thế gian này không trống vắng A-la-hán.

Khi ấy Tu-bạt thưa với A-nan:

“Những ai theo đức Sa-môn Cù-đàm đã tu hành phạm hạnh, hiện đang tu hành và sẽ tu hành, thảy đều có lợi ích lớn. A-nan, ông theo Như Lai tu hành phạm hạnh cũng được lợi ích lớn. Tôi nay được gặp mặt Như Lai, hỏi những điều nghi ngờ, cũng được lợi ích lớn. Nay Như Lai cũng đã ký biệt cho tôi như là ký biệt cho đệ tử.”

Rồi ông bạch Phật:

“Con nay có thể ở trong pháp của Như Lai mà xuất gia thọ giới cụ túc được chăng?”

Phật nói:

“Này Tu-bạt, nếu có dị học Phạm-chí muốn tu hành ở trong giáo pháp của Ta, phải được thử qua bốn tháng để xét coi hành vi họ, chí nguyện, tánh nết họ. Nếu thấy đủ các oai nghi không điều gì thiếu sót, mới cho phép thọ cụ túc giới ở trong giáo pháp Ta. Tu-bạt, nên biết, còn do bởi tánh hạnh của mỗi người vậy.”

Tu-bạt lại bạch Phật:

“Dị học Phạm-chí muốn tu hành ở trong Phật pháp, phải được thử qua bốn tháng để xét coi hành vi, chí nguyện, tánh nết. Nếu thấy đủ các oai nghi không điều gì thiếu sót, mới cho phép thọ cụ túc giới ở trong Phật pháp. Nay con có thể phục dịch bốn năm ở trong Phật pháp, khi đủ các oai nghi không còn gì thiếu sót mới xin thọ cụ giới.”

Phật dạy:

“Này Tu-bạt, Ta đã nói trước rồi, còn do bởi tánh hạnh của mỗi người vậy.”

Ngay trong đêm đó, Tu-bạt được xuất gia thọ giới, thanh tịnh tu hành, ngay trong hiện tại, tự thân tác chứng, biết như thật rằng, “Sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh”. Lúc gần nửa đêm, ông đã chứng quả A-la-hán, là đệ tử cuối cùng của Phật và diệt độ trước Phật.

Bấy giờ, A-nan đứng hầu sau Phật vỗ giường than khóc,[145] không thể tự chế,  rằng:  

“Như Lai diệt độ sao mà vội thế! Thế Tôn diệt độ sao mà vội thế! Đại pháp chìm lặng làm sao nhanh quá! Con mắt thế gian diệt mất thì chúng sanh suy đọa lâu dài! Ta nhờ ơn Phật xuất gia mà chỉ đạt được bậc [25c] học địa, nhưng sự nghiệp tu chưa thành mà Như Lai đã diệt độ!”

Khi ấy đức Thế Tôn dù biết mà cố hỏi:

“Tỳ-kheo A-nan đâu rồi?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Tỳ-kheo A-nan đang ở sau Phật, vỗ giường than khóc, không thể tự chế,  rằng: Như Lai diệt độ sao mà vội thế! Đại pháp chìm lặng làm sao mau quá! Con mắt thế gian diệt mất thì chúng sanh suy đọa lâu dài! Ta nhờ ơn Phật xuất gia mà chỉ đạt được bậc học địa, nhưng sự nghiệp tu chưa thành mà Như Lai đã diệt độ!”

Phật bảo A-nan:

“Thôi, thôi, A-nan! Chớ có buồn phiền than khóc. Từ trước đến nay ngươi hầu hạ Ta với thân hành từ ái không hạn lượng, không phân hai; ngữ hành từ ái, ý hành từ ái không hạn lượng, không phân hai. A-nan, ngươi đã cúng dường Ta, công đức rất lớn. Nếu có sự cúng dường nào của chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn và Bà-la-môn, cũng không sao sánh bằng được. Ngươi hãy siêng năng lên, không bao lâu sẽ thành Đạo”

Rồi Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Này các Tỳ-kheo! Đệ tử thị giả[146] của chư Phật quá khứ cũng chỉ như A-nan. Đệ tử thị giả của chư Phật vị lai cũng chỉ như A-nan. Nhưng đệ tử thị giả của chư Phật quá khứ đượcPhật nhắc bảo mới biết. Còn A-nan nay, Ta vừa đưa mắt là đã biết Như Lai cần gì, Thế Tôn cần gì. Đó là pháp vị tằng hữu hữu của A-nan, các ông hãy ghi nhớ.

“Chuyển Luân Thánh vương có bốn pháp vị tằng hữu, kỳ đặc. Những gì là bốn? Khi Thánh vương đi, người dân khắp cả nước đều đến nghinh đón; thấy vua rồi thì hoan hỷ, nghe lời dạy cũng hoan hỷ, chiêm ngưỡng uy nhan không hề biết chán. Khi Thánh vương đứng, khi Thánh vương ngồi và khi Thánh vương nằm, quốc dân đều đến bái yết, được thấy vua họ vui mừng, được nghe vua họ vui mừng, họ trông ngắm dung nhan vua không biết chán. Đó là bốn pháp hy hữu của Chuyển Luân Thánh vương. A-nan cũng có bốn pháp đặc biệt ấy. Khi A-nan im lặng đi vào chúng Tỳ-kheo, chúng đều hoan hỷ; thuyết pháp cho chúng, ai nghe cũng hoan hỷ; nhìn ngắm nghi dung, nghe lời thuyết pháp không hề biết chán. Khi A-nan im lặng vào chúng Tỳ-kheo-ni, khi A-nan vào chúng Ưu bà tắc, khi A-nan vào chúng Ưu-ba-di, nơi nào được trông thấy A-nan cũng vui mừng, được nghe A-nan thuyết pháp cũng vui mừng; họ trông nhìn nghi dung và lời A-nan thuyết pháp không biết chán. Đó là bốn pháp vị tằng hữu, kỳ đặc của A-nan.”

Bấy giờ, A-nan trịch áo bày vai phải, quỳ gối phải xuống đất, bạch Phật:

“Thế Tôn, hiện nay các Sa-môn khắp bốn phương, gồm những vị kỳ cựu đa văn, thấu hiểu kinh luật, đức hạnh [26a] thanh cao, thường đến bái yết Phật, nhân đó con được lễ kính và gần gũi hỏi han. Nhưng sau khi Phật diệt độ rồi, họ không đến nữa, con không còn biết hỏi ai nữa, thì làm sao?”

Phật bảo A-nan:

“Ngươi chớ lo. Các con nhà dòng dõi[147] thường có bốn chỗ tưởng nhớ: 1. Tưởng tới chỗ Phật sanh, hoan hỉ muốn thấy, nhớ mãi không quên, sanh tâm luyến mộ. 2. Tưởng tới chỗ Phật thành đạo, hoan hỉ muốn thấy, nhớ tưởng không quên, sanh tâm luyến mộ. 3. Tưởng tới chỗ Phật chuyển Pháp luân đầu tiên, hoan hỉ muốn thấy, nhớ tưởng không quên, sanh tâm luyến mộ. 4. Tưởng tới chỗ Phật vào Niết-bàn, hoan hỷ muốn thấy, nhớ tưởng không quên, sanh tâm luyến mộ.

“Này A-nan, sau khi Ta diệt độ, trai hay gái con nhà dòng dõi nhớ nghĩ khi Phật giáng sinh có những công đức như thế, khi Phật đắc đạo có những thần thông như thế, khi Phật chuyển Pháp luân có những sự hóa độ như thế, khi Phật diệt độ có những lời di huấn như thế. Rồi mỗi người đi đến bốn chỗ đó kính lễ, dựng chùa tháp cúng dường. Khi chết đều được sanh lên cõi trời, chỉ trừ người đắc đạo.”

Phật lại bảo A-nan:

“Này A-nan, sau khi Ta diệt độ, có các người dòng họ Thích đến cầu đạo, hãy nhận cho họ xuất gia thọ giới cụ túc chớ để lâu. Những người Phạm-chí dị học đến cầu đạo cũng nhận cho xuất gia thọ giới cụ túc, chớ có để thử qua bốn tháng.[148] Vì những người kia vốn có học sẵn các luận thuyết khác, nếu để lâu thì các kiến giải trước của họ sẽ phát sanh lại.”

Bấy giờ A-nan quỳ xuống, chắp tay bạch Phật:

“Tỳ-kheo Xiển-nộ[149] thô lỗ, tự chuyên, sau khi Phật diệt độ, phải đối xử thế nào?”

Phật dạy:

“Sau khi Ta diệt độ, nếu Tỳ-kheo Xiển-nộ không tuân oai nghi, không chịu nghe giáo huấn, các ông hãy cùng xử trị theo phép phạm-đàn[150] là truyền hết các Tỳ-kheo không ai được cùng nói chuyện, cùng tới lui, chỉ bảo, giúp đỡ.”

A-nan lại bạch Phật: “Sau khi Phật diệt độ, các hạng nữ nhân đến thọ giáo huấn[151] cần được đối xử như thế nào?”

Phật dạy:

“Đừng gặp họ.”

“Giả sử phải gặp thì làm sao?”

“Chớ cùng nói chuyện.”

“Giả sử phải cùng nói chuyện thì làm sao?”

“Hãy tự thu nhiếp tâm ý.

“Này A-nan, ngươi chớ nghĩ sau khi Ta diệt độ, các ngươi mất chỗ nương tựa, không ai che chở. Chớ có quan niệm như vậy. Nên biết những Kinh và Giới mà Ta đã dạy từ khi thành Đạo đến nay là chỗ nương tựa, che chở các ngươi đó!

“Này A-nan, từ nay trở đi, cho phép các Tỳ-kheo tùy nghi bỏ các giới cấm nhỏ nhặt.[152] Kẻ trên, người dưới xưng hô nhau phải thuận lễ độ[153]. Đó là pháp [26b] kính thuận của người xuất gia.”

Rồi Phật nói với các Tỳ-kheo:

“Này các Tỳ-kheo, đối với Phật, Pháp và chúng Tăng, đối với Chánh đạo, các ông có điều gì hoài nghi nữa không, nên kịp thời hỏi han để sau khỏi hối tiếc. Kịp lúc Ta còn, Ta sẽ giảng thuyết cho các ngươi.”

Các Tỳ-kheo đều im lặng. Phật lại nói:

“Các ngươi, đối với Phật, Pháp và Chúng tăng, đối với Chánh đạo, các ông có điều gì hoài nghi nữa không, nên kịp thời hỏi han để sau khỏi hối tiếc. Kịp lúc Ta còn, Ta sẽ giảng thuyết cho các ngươi.”

Các Tỳ-kheo cũng vẫn im lặng. Phật lại nói:

“Nếu các ngươi e ngại không dám hỏi, hãy mau nhờ các vị hiểu biết hỏi giúp cho; nên kịp thời để sau khỏi hối tiếc.”

Các Tỳ-kheo cũng vẫn lặng thinh. A-nan bạch Phật:

“Con tin rằng đại chúng ở đây ai nấy đều đã có lòng tin thanh tịnh, không một ai còn hoài nghi đối với Phật, Pháp, Tăng và Chánh đạo nữa.”

Phật dạy:

“A-nan, Ta cũng biết trong chúng này dù một vị Tỳ-kheo nhỏ nhất cũng thấy được dấu Đạo[154], không còn đọa vào đường ác, chỉ trải qua bảy lần sanh lại cõi Dục này để tu hành là dứt hết thống khổ.”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền thọ ký cho một ngàn hai trăm đệ tử đã được đạo quả.

Rồi Thế Tôn khoác lên uất-đa-la-tăng để lộ cánh tay sắc màu vàng ròng, bảo với các Tỳ-kheo:

“Các ngươi hãy quán sát rằng, Như Lai mỗi khi xuất thế, như hoa ưu-đàm-bát lâu lắm mới hiện một lần.”

Quan sát ý nghĩa này, Thế Tôn đọc bài kệ:

Tay phải màu tử kim,

Phật hiện như linh thụy.

Đi, đến, hành vô thường;

Hiện diệt, chớ buông lung.

“Thế nên các Tỳ-kheo chớ có buông lung. Ta chính nhờ không buông lung mà được thành Chánh giác. Vô lượng điều lành toàn nhờ không buông lung mà có được. Hết thảy vạn vật đều vô thường, đó là lời dạy cuối cùng của Như Lai.”[155]

Thế rồi, Thế Tôn nhập sơ thiền; rồi từ sơ thiền xuất, nhập nhị thiền; từ nhị thiền xuất, nhập tam thiền; từ tam thiền xuất, nhập tứ thiền, từ tứ thiền xuất, nhập không vô biên xứ định; từ không vô biên xứ định xuất, nhập thức vô biên xứ; từ thức vô biên xứ định xuất, nhập vào vô sở hữu xứ; từ vô sở hữu xứ định xuất, nhập phi tưởng phi phi tưởng xứ định; từ phi tưởng phi phi tưởng xứ định xuất, nhập diệt thọ tưởng định.

Lúc ấy A-nan hỏi A-na-luật[156]:

“Thế Tôn đã vào Niết-bàn rồi chăng?”

A-na-luật nói:

“Chưa, A-nan. Thế Tôn hiện đang ở trong định diệt thọ tưởng. Tôi lúc trước được thân nghe từ Phật rằng, khi Phật từ tứ thiền xuất mới vào Niết-bàn.”

[26c] Rồi Thế Tôn từ diệt thọ tưởng định xuất, nhập phi tưởng phi phi tưởng, từ phi tưởng phi phi tưởng xuất, nhập vô sở hữu định; từ vô sở hữu định xuất, nhập thức vô biên xứ định; từ thức vô biên xứ định xuất, nhập không vô biên xứ định; từ không vô biên xứ định xuất, nhập tứ thiền; từ tứ thiền xuất, nhập tam thiền; từ tam thiền xuất, nhập nhị thiền; từ nhị thiền xuất, nhập sơ thiền; rồi lại từ sơ thiền xuất lần lượt đến tứ thiền, rồi từ tứ thiền xuất, Phật vào Niết-bàn.[157] Ngay lúc đó, cõi đất rung động, trời người kinh hoàng. Những chỗ tối tăm mà mặt trăng mặt trời không rọi đến được đều được chói sáng. Chúng sanh ở đó trông thấy nhau, và bảo nhau: ‘Người kia (bỗng nhiên) sinh ra ở đây! Người kia (bỗng nhiên) sinh ra ở đây!’ Ánh sáng ấy chiếu khắp, hơn cả ánh sáng của Chư Thiên.

Bấy giờ, trời Đao-lị, ở giữa hư không, dùng hoa văn đa-la, hoa ưu-bát-la, hoa ba-đầu-ma, hoa câu-ma-đầu, hoa phân-đà-lị[158], tán rải trên thân Phật và chúng hội. Rồi lại lấy bột hương chiên-đàn tán rải trên thân Phật và chúng hội.

Phật diệt độ rồi, khi ấy Phạm thiên vương ở giữa hư không ngâm bài kệ rằng:

Hết thảy loài sinh linh,[159]

Đều phải bỏ các uẩn.

Phật là đấng Vô Thượng,

Thế gian không ai bằng.

Như Lai, Đại Thánh Hùng,

Có thần lực vô úy,

Đáng lẽ ở đời lâu,

Nhưng nay diệt độ rồi!

Trời Thích Đề-hoàn Nhơn[160] đọc bài kệ:

Ấm hành đều vô thường

Chỉ là pháp hưng suy.

Có sanh đều có chết,

Phật tịch diệt là lạc.[161]

Tỳ-sa-môn Thiên vương đọc bài kệ:

Đại tòng lâm, cây phúc,

Sa-la phước vô thượng.

Đấng Ruộng phước Ứng cúng,

Diệt độ giữa rừng cây.

Tỳ-kheo A-na-luật đọc bài kệ:

Phật an trú vô vi,

Không cần thở ra vào.

Vốn từ Tịch diệt đến,[162]

Sao Thiêng[163] nay đã tắt.

Tỳ-kheo Phạm-ma-na đọc bài kệ:

[27a]Không sanh tâmbiếng nhác;

Tự chế, tu thượng tuệ.

Không nhiễm, không bị nhiễm,

Đấng Chí Tôn lìa ái.[164]

Tỳ-kheo A-nan đọc bài kệ:

Trời người lòng kinh sợ,

Toàn thân lông dựng lên.

Tất cả đã thành tựu,

Thế Tôn vào Niết-bàn.

Thần Kim-tỳ-la làm bài tụng:

Thế gian mất che chở,

Chúng sanh vĩnh viễn mù,

Không còn thấy Chánh giác,

Đấng sư tử giữa người.

Mật Tích lực sĩ đọc bài kệ:

Các thiên, nhân, ma, phạm,

Đời nay và đời sau,

Không còn thấy được Phật,

Bậc sư tử giữa người.

Phật mẫu Ma-da đọc bài kệ:

Phật sanh vườn Lâm-tỳ; [165]

Đạo Ngài lưu bố rộng.

Trở lại Bản sinh xứ,

Ngài xả thân vô thường.

Thần Song thọ đọc bài kệ:

Bao giờ tôi lại lấy

Hoa sái mùa cúng dâng

Đấng Mười Lực công đức,

Như Lai vào Niết-bàn?

Thần rừng cây Sa-la đọc bài kệ:

Cõi này lạc tối thượng,

Phật sanh trưởng tại đây;

Ở đây chuyển Pháp luân,

Lại ở đây Niết-bàn.

Tứ Thiên vương đọc bài kệ:

Như Lai Vô thượng trí,

Thường diễn lẽ vô thường,

Cởi trói chúng sanh khổ,

Cuối cùng vào Niết-bàn.

Đao-lị Thiên vương đọc bài kệ:

Trải ức nghìn vạn kiếp,

Cầu thành Đạo vô thượng.

Cởi trói chúng sanh khổ,

Cuối cùng vào Niết-bàn.

Diệm Thiên vương đọc bài kệ:

Đây mảnh y tối hậu

Dùng quấn thân Như Lai.

Nay Phật diệt độ rồi,

Y này để cúng ai.

[27b]Đâu-suất-đà Thiên vương đọc bài kệ:

Đây là thân cuối cùng,

Uẩn, giới diệt ở đây.

Không tưởng ưu, tưởng hỷ,

Không tai hoạn già-chết.

Hóa Tự Tại Thiên vương đọc bài kệ:

Đúng vào giữa đêm nay,

Phật nằm nghiêng bên hữu.

Ở tại rừng Sa-la,

Thích Sư Tử diệt độ.

Tha Hóa Tự Tại Thiên vương đọc bài kệ:

Thế gian mãi tối tăm,

Trăng sao đều rơi rụng,

Mây vô thường che kín,

Mặt trời Đại trí mờ.

Các Tỳ-kheo đọc bài kệ:

Thân này như bèo bọt,

Mong manh có gì vui.

Phật được thân kim cang,

Còn bị vô thường hoại.

Thể kim cang chư Phật,

Cũng đều qui vô thường;

Tiêu tan như nhúm tuyết,

Huống những người thế gian.

Sau khi Phật nhập Niết-bàn, các Tỳ-kheo buồn đau, vật vã, gieo mình xuống đất, lăn lộn kêu than không tự kềm chế nổi, nức nở mà nói rằng:

“Như Lai diệt độ sao chóng thay! Thế Tôn diệt độ sao sớm thay! Đại pháp sao chìm lặn sớm thay! Quần sanh mãi mãi suy sụp; con mắt của thế gian đã tắt”

Như thân cây lớn, trốc rễ, gãy cành. Lại như con rắn bị đứt khúc, bò trườn, uốn lượn, không biết trườn đi lối nào. Các Tỳ-kheo cũng vậy, buồn đau, vật vã, gieo mình xuống đất, lăn lộn kêu than không tự kềm chế nổi, nức nở mà nói rằng: ‘Như Lai diệt độ sao chóng thay! Thế Tôn diệt độ sao sớm thay! Đại pháp sao chìm lặn sớm thay! Quần sanh mãi mãi suy sụp; con mắt của thế gian đã tắt!’

Bấy giờ, Trưởng lão A-na-luật khuyên:

“Thôi các Tỳ-kheo, các ngài chớ buồn khóc, kẻo có hàng Chư Thiên trông xuống nhìn thấy, họ có thể cho là quái lạ.”

Các Tỳ-kheo hỏi A-na-luật:

“Trên ấy có bao nhiêu thiên thần?”

A-na-luật nói:

“Đầy kín hư không. Kể sao hết. Thảy đều ở trong hư không, bồi hồi, bứt rứt, bước đi khập khiễng, gạt nước mắt mà than rằng: ‘Như Lai diệt độ sao chóng thay! Thế Tôn diệt độ sao sớm thay! Đại pháp sao chìm lặn sớm thay! Quần sanh mãi mãi suy sụp; con mắt của thế gian đã tắt!’ Như thân cây lớn, trốc rễ, gãy cành. Lại [27c] như con rắn bị đứt khúc, bò trườn, uốn lượn, không biết trườn đi lối nào. Các Chư Thiên cũng vậy, thảy đều ở trong hư không, bồi hồi, bứt rứt, bước đi khập khiễng, gạt nước mắt mà than rằng: ‘Như Lai diệt độ sao chóng thay! Thế Tôn diệt độ sao sớm thay! Đại pháp sao chìm lặn sớm thay! Quần sanh mãi mãi suy sụp; con mắt của thế gian đã tắt!’

Các Tỳ-kheo suốt đêm đến sáng cùng nhau giảng luận pháp ngữ.

Trưởng lão A-na-luật bảo A-nan đi vào thành báo tin cho dân chúng dòng Mạt-la biết Phật đã diệt độ, như họ có muốn cúng dường thế nào thì mau đến kịp thời. A-nan vâng lời, đứng dậy, lễ chân Phật, rồi dắt theo một Tỳ-kheo, vừa khóc vừa đi vào thành. Từ xa A-nan trông thấy năm trăm người Mạt-la do có chút duyên sự đang nhóm tại một chỗ. Trông thấy A-nan, họ đều đứng dậy nghinh tiếp, đảnh lễ và hỏi:

“Tôn giả có việc gì đến đây sớm vậy?”

A-nan đáp:

“Vì lợi ích các ngài, nên mới sáng sớm tôi đã đến đây. Các ngài nên biết, Như Lai đêm qua đã diệt độ rồi. Các ngài muốn cúng dường thế nào thì nên đến kịp thời.”

Chúng Mạt-la vừa nghe tin, ai nấy bi cảm buồn rơi lệ than kể: “Phật vào Niết-bàn sao vội quá! Con mắt của thế gian đã diệt!”

A-nan khuyên:

“Thôi, thôi, các ngài! Chớ có buồn khóc! Muốn cho pháp hữu vi không bị biến hoại, không thể nào được. Đức Như Lai đã dạy, hễ có sanh tức có chết, có hội hiệp tức có chia ly, hết thảy ân ái đều vô thường cả.”

Chúng Mạt-la mới bàn nhau rằng:

“Chúng ta hãy trở về nhà mang hương hoa, kỹ nhạc, đi nhanh đến rừng cây Song thọ để cúng dường Kim thân[166] suốt một ngày, rồi thỉnh Kim thân Phật đặt lên một cái giường, khiến thanh niên Mạt-la nâng bốn góc giường khiêng đi; có tràng phan, lọng tàn, đốt hương, rải hoa, trỗi nhạc, cúng dường. Đưa vào thành cửa Đông khắp các nẻo cho dân chúng cúng dường, rồi đưa ra cửa thành Tây, đến một đồi cao rộng mà hỏa thiêu.”

Bàn xong, ai về nhà nấy, sắm sửa các thứ hương hoa, kỹ nhạc, rồi đi đến rừng Song thọ, cúng dường xá-lợi. Suốt một ngày rồi, họ đặt xá-lợi Phật lên trên một cái giường. Chúng Mạt-la cùng đến khiêng. Nhưng dở không lên.

Trưởng lão A-na-luật mới bảo:

“Này các ngài, chớ nhọc công khiêng! Hiện nay có các Chư Thiên muốn đến khiêng giường.”

Các người Mạt-la hỏi:

“Ý Chư Thiên thế nào mà lại muốn khiêng giường?”

A-na-luật đáp:

“Các người muốn mang hương hoa, kỹ nhạc cúng dường Kim thân [28a] suốt một ngày, rồi thỉnh Kim thân Phật đặt lên một cái giường, khiến thanh niên Mạt-la nâng bốn góc giường khiêng đi; có tràng phan, lọng tàn, đốt hương, rải hoa, trỗi nhạc cúng dường. Đưa vào thành cửa Đông khắp các nẻo cho dân chúng cúng dường, rồi đưa ra thành cửa Tây, đến một đồi cao rộng mà hỏa thiêu. Ý Chư Thiên muốn lưu Kim thân lại trong bảy ngày để kính lễ cúng dường bằng các thứ hoa hương, kỹ nhạc, sau mới thỉnh lên giường, cho các thanh niên Mạt-la nâng bốn góc rước vào thành cửa Đông, đi khắp các nẻo để cho dân chúng cúng dường, rồi đưa ra thành cửa Bắc, qua sông Hi-liên-thiền[167] đến chùa Thiên quan[168] mà hỏa thiêu. Ý Chư Thiên là như vậy nên khiến cho giường bất động.”

Các Mạt-la nói:

“Hay lắm! Xin theo ý Chư Thiên!”

Chúng Mạt-la bảo nhau:

“Chúng ta hãy vào thành trước, đi đến các ngõ đường, dọn bằng phẳng các con đường, quét tước, đốt hương, rồi trở lại đây để cúng dường Kim thân trong bảy ngày.”

Rồi các Mạt-la cùng vào thành, đi đến các ngõ đường, dọn bằng phẳng các con đường, quét tước, đốt hương, xong rồi ra khỏi thành, trở lại rừng Song thọ, dùng hương hoa, kỹ nhạc để cúng dường Kim thân. Sau bảy ngày, vào lúc trời chiều, họ thỉnh Kim thân Phật đặt lên một cái giường, khiến các thanh niên Mạt-la nâng bốn góc khiêng đi thong thả giữa đám đông người hộ tống, có tràng phan, hương hoa, âm nhạc cúng dường. Từ không trung các vị trời Đao-lị dùng hoa văn-đà-la, hoa ưu-đàm-bát-la, hoa ba-đầu-ma, hoa câu-vật-đầu, hoa phân-đà-lị, và bột hương chiên-đàn nhà trời rải trên kim thân và tràn ngập các ngã đường, Chư Thiên tấu nhạc, quỷ thần ca ngâm.

Khi ấy các người Mạt-la nói với nhau:

“Hãy bỏ qua nhạc loài người. Xin tấu nhạc trời để cúng dường xá-lợi.”

Rồi các người Mạt-la khiêng giường tiến tới dần, vào cửa thành phía Đông, đến mỗi ngã đường thì dừng lại để cho dân chúng đốt hương, tán hoa, trỗi nhạc cúng dường. Lúc ấy có nàng Lộ-di dòng Mạt-la[169] vốn dốc lòng tin Phật, cầm một đóa hoa vàng lớn như bánh xe cúng dường kim thân. Khi ấy một bà lão cất tiếng tán thán rằng: “Các Mạt-la này may được phúc lợi lớn. Như Lai cuối cùng diệt độ tại đây. Khắp nước nhân dân hớn hở cúng dường”.

Họ cúng dường xong, đưa Kim thân ra thành cửa bắc, qua sông Ni-liên-thuyền đến chùa Thiên quan, đặt giường xuống đất rồi thưa với A-nan:

“Chúng tôi [28b] bây giờ nên cúng dường cách nào nữa?”

A-nan bảo:

“Tôi trực tiếp nghe từ Phật, lãnh thọ lời Phật dạy rằng: muốn tẩn táng xá-lợi hãy làm như pháp tẩn táng Chuyển Luân Thánh vương.”

Hỏi: “Phép táng Chuyển Luân Thánh vương là thế nào?”

Đáp: “Về phép táng Chuyển Luân Thánh vương, trước hết lấy nước thơm tắm rửa thân thể, rồi lấy vải bông mới quấn thân thể, rồi lấy năm trăm tấm vải lần lượt quấn vào, đặt thân vào kim quan. Sau khi đã tẩm dầu mè, lại đặt kim quan trong một cái quách thứ hai lớn bằng sắt, bên ngoài là lớp quách bằng gỗ hương chiên-đàn. Chất các thứ vải dày, hương thơm lên trên mà hỏa thiêu. Thiêu xong lượm lấy xá-lợi, dựng tháp treo phan thờ tại ngã tư đường để dân chúng đi ngang trông thấy tháp của pháp vương mà tưởng nhớ lại chánh hóa của vua đã làm lợi ích cho nhiều người. A-nan, ngươi muốn táng Ta, trước hết lấy nước thơm tắm rửa thân thể, rồi lấy vải bông mới quấn thân thể, rồi lấy năm trăm tấm vải lần lượt quấn vào, đặt thân vào kim quan. Sau khi đã tẩm dầu mè, lại đặt kim quan trong một cái quách thứ hai lớn bằng sắt, bên ngoài là lớp quách bằng gỗ hương chiên-đàn. Chất các thứ vải dày, hương thơm lên trên mà hỏa thiêu. Thiêu xong lượm lấy xá-lợi, dựng tháp treo phan thờ tại ngã tư đường để dân chúng đi ngang trông thấy tháp của Phật mà tưởng nhớ lại Đạo hóa của Pháp vương Như Lai, sống thì được phước lợi, chết thì sanh thiên. Trừ người đã đắc đạo”.

Chúng Mạt-la bảo nhau:

“Chúng ta về thành sắm sửa các đồ tẩn táng, các thứ hương hoa, bông gòn, quan quách, dầu thơm và vải lụa trắng.”

Những người Mạt-la vào thành sắm sửa các thứ xong, trở lại chùa Thiên quan, dùng nước hương tắm rửa thân Phật, rồi lấy vải bông mới bọc quanh, tiếp quấn năm trăm lớp vải trắng, rồi đặt vào trong kim quan đã tẩm dầu thơm, lại đặt kim quan vào một cái quách lớn bằng sắt, rồi một cái quách gỗ chiên-đàn bọc ngoài. Xong, lấy củi thơm chất đầy lên trên.

Tiếp đó, vị Đại thần dòng Mạt-la tên Lộ-di,[170] cầm cây đuốc lớn châm lửa vào giàn hỏa, song lửa không cháy. Các người Mạt-la trưởng lão cũng cầm lửa châm theo, song lửa vẫn không cháy. Trưởng lão A-na-luật bảo chúng Mạt-la:

“Thôi các Ngài, chẳng phải sức các ngài đốt được đâu! Lửa không cháy là vì ý Chư Thiên vậy.”

Chúng Mạt-la hỏi:

“Tại sao Chư Thiên lại khiến cho lửa không cháy?”

A-na-luật đáp:

“Chư Thiên nhân thấy Đại Ca-diếp đang dẫn năm trăm đệ tử từ nước Ba-bà[171] đi về cho kịp được thấy Phật khi chưa hỏa thiêu. [28c] Hiện Tôn giả đang ở nửa đường. Chư Thiên biết ý nên khiến cho lửa không cháy.”

Chúng Mạt-la nói: “Xin để toại ý ấy”.

Lúc bấy giờ, Đại Ca-diếp dắt năm trăm đệ tử, từ nước Ba-bà đi về, vừa ngang giữa đường, gặp một người Ni-kiền Tử[172] trong tay cầm một đóa hoa văn-đà-la.[173] Đại Ca-diếp đến gần hỏi:

“Này bạn! Bạn từ đâu lại?”

Ni-kiền Tử đáp: “Tôi từ thành Câu-thi lại”.

Ca-diếp lại hỏi: “Bạn có biết Thầy của tôi không?”

“Có biết.”

Lại hỏi: “Thầy tôi hiện nay thế nào?”

Đáp: “Đã diệt độ cách đây bảy ngày. Tôi từ đó lại, nên lượm được đóa thiên hoa này”.

Ca-diếp nghe xong lòng rất buồn bã. Năm trăm Tỳ-kheo nghe Phật diệt độ, đều buồn khóc, quay cuồng kêu than không tự kềm chế nổi rằng: “Như Lai diệt độ làm sao vội quá! Thế Tôn diệt độ sao vội quá! Đại pháp chìm lặn làm sao nhanh quá! Con mắt của thế gian đã diệt, chúng sanh mãi mãi suy đọa!” Ví như cây lớn bị trốc gốc, cành nhánh gãy đổ. Lại như rắn bị chặt đuôi, quay cuồng lăn lóc, không biết trườn đi đâu. Nhưng trong chúng ấy có một Tỳ-kheo tên Bạt-nan-đà[174] dòng họ Thích, ngăn các Tỳ-kheo rằng:

“Các ngươi chớ lo buồn. Thế Tôn diệt độ thì chúng ta được tự do. Ông già[175] ấy trước đây thường hay bảo chúng ta nên làm thế này, không nên làm thế này. Nhưng từ nay về sau thì tùy ý chúng ta làm.”

Ca-diếp nghe rồi, lòng càng buồn, mới bảo các Tỳ-kheo sửa soạn y bát đi nhanh đến Song thọ trước khi chưa hỏa thiêu, để có thể trông thấy Phật. Các Tỳ-kheo nghe Đại Ca-diếp nói xong đều đứng dậy tùy tùng Ca-diếp đến thành Câu-thi, qua sông Ni-liên-thuyền đến chùa Thiên quan, rồi đến chỗ A-nan. Hỏi han xong, đứng sang một bên, nói với A-nan:

“Chúng tôi muốn được thấy Phật một lần chót khi chưa hỏa thiêu, có thể được không?”

A-nan đáp:

“Tuy chưa hỏa thiêu, nhưng khó mà thấy được, vì thân Phật đã được tắm nước hương, quấn một lớp kiếp-ba ngoài bọc năm trăm lớp vải trắng, đặt trong một kim quan. Kim quan lại đặt trong một cái quách bằng sắt, ngoài hết có bọc một cái quách bằng gỗ chiên-đàn, nên khó thấy được.”

Ca-diếp năn nỉ xin tới ba lần, A-nan vẫn trả lời như cũ, là khó mà thấy Phật được nữa! Ngài Đại Ca-diếp mới hướng mặt về hỏa đàn để chiêm bái, thì ngay khi ấy bỗng nhiên từ trong ba lớp quan quách, Phật đưa hai bàn chân ra ngoài. Chân có màu sắc khác lạ. Ca-diếp thấy vậy, ngạc nhiên hỏi A-nan:

“Thân Phật kim sắc, [29a] sao bây giờ lại có đổi khác?”

A-nan đáp: “Trước đây có một bà già, tiếc thương Đức Như Lai, tiến tới lấy tay vỗ vào chân Phật, để rơi nước mắt trên chân Ngài, cho nên có màu sắc đổi khác như thế”. Nghe xong, Ca-diếp lại không vui, liền hướng tới hỏa đàn đảnh lễ Kim thân Phật. Bốn bộ chúng và Chư Thiên trên không trung cũng đồng thời tác lễ. Chân Phật bỗng không hiện nữa. Ngài Đại Ca-diếp vừa đi quanh hỏa đàn ba vòng vừa tán dương rằng:

Con nay cúi đầu lễ   

Đức Đạo sư Vô thượng,

Thánh trí không nghĩ lường,

Thánh trí cao tột bực.

Đại Sa-môn Tối cao,

Tối thượng,i không tỳ uế,

Đức Mâu-ni tuyệ ái,

Đấng Đại Tiên tối tôn.

Con nay cúi đầu lễ

Đấng Đại Hùng bậc nhất,

Khổ hạnh chẳng ai bằng,

Dạy người dứt nhiễm trước.

Kính lễ Vô Thượng Tôn

Không nhiễm ô trần cấu;

Tham, sân, si dứt sạch;

Vui sống đời Không tịch.

Kính lễ đấng Thập Lực,

Không hai, không thể sánh.

Đấng Thiện Thế tối thượng,

Chí Tôn giữa trời người.

Kính lễ An Ổn Ttrí,

Ngộ tứ đế, tịch tĩnh,                 

Vô thượng trên Sa-môn,

Khiến bỏ tà về chánh.

Kính lễ Đạo trạm nhiên,

Nơi Thế Tôn tịch diệt.

Không nóng bức, tỳ uế,

Thân tâm thường vắng lặng.

Kính lễ đấng Vô Cấu,

Trừ sạch các uế trược,

Tuệ nhãn không hạn lượng,

Cõi bất tử[176] danh xưng.

Kính lễ đấng Vô đẳng,

Hy hữu, khó nghĩ nghì,

Tiếng nói như sư tử,

Trong rừng, không khiếp sợ.

Hàng ma, vượt bốn tộc;[177]

Cho nên con kính lễ.

Đại Ca-diếp oai đức lớn lao, đầy đủ bốn biện tài, vừa đọc xong bài kệ trên, thì hỏa đàn không đốt mà tự nhiên bừng cháy. Chúng Mạt-la bảo nhau:

“Ngọn lửa cháy mạnh quá khó ngăn, e cháy tiêu hết xá-lợi ! Hãy tỳm đâu lấy nước dập tắt.”

Lúc đó có vị Thần cây song thọ đang đứng bên giàn hỏa, vốn dốc lòng tin Phật, dùng thần lực làm tắt ngọn lửa. Chúng Mạt-la [29b] lại bảo nhau: “Mười hai do-tuần chung quanh thành Câu-thi này, có bao nhiêu hoa thơm hái hết, đem về dâng cúng xá-lợi”.

Rồi họ đi ra hai bên thành tỳm các thứ hoa thơm đem về cúng dường xá-lợi.

Lúc đó dân Mạt-la nước Ba-bà[178] nghe Phật diệt độ tại Song thọ, tự nghĩ: “Ta nên đến đó cầu lấy phần xá-lợi về dựng tháp cúng dường tại trong nước”. Các người Mạt-la nước Ba-bà liền hạ lệnh đem bốn thứ binh là tượng binh, mã binh, xa binh, bộ binh, đi đến thành Câu-thi và cử sứ giả nói:

“Chúng tôi nghe đức Phật đã diệt độ tại đây. Phật cũng là Thầy chúng tôi. Vì lòng kính mộ Ngài, chúng tôi đến xin phần xá-lợi về nước dựng tháp cúng dường.”

Vua Câu-thi đáp:

“Thật vậy, đúng như ngài nói. Nhưng vì đức Thế Tôn đã giáng lâm và diệt độ tại đây. Nhân dân trong nước tôi tự lo cúng dường. Phiền các ngài từ xa đến cầu xá-lợi. Nhưng điều đó hẳn là không được!”

Đồng thời dân Bạt-ly nước Giá-la-phả, dân Câu-lị nước La-ma-già, dân chúng dòng Bà-la-môn nước Tỳ-lưu-đề, dân chúng dòng họ Thích nước Ca-duy-la-vệ, dân chúng dòng Lệ-xa nước Tỳ-xá-li, và vua A-xà-thế nước Ma-kiệt, nghe đức Như Lai diệt độ tại cây Song thọ ở thành Câu-thi, đều tự nghĩ: “Ta nay nên đến đó chia phần xá-lợi”.[179]

A-xà-thế và các vua kia mới hạ lệnh trong nước đem bốn thứ binh mã tiến qua sông Hằng. Vua A-xà-thế sai Bà-la-môn Hương Tánh[180]:

“Ngươi nhân danh ta vào thành Câu-thi hỏi thăm vua Mạt-la, đời sống thường nhật có thoải mái chăng, lui tới có khỏe mạnh chăng, và nói ta với quí quốc xưa nay vốn tôn kính nhau, láng giềng hòa nghĩa, chưa có xảy ra điều chi tranh tụng. Nay ta nghe Như Lai diệt độ tại quý quốc. Đối với đức Thế Tôn, lòng ta thật hết sức tôn kính, nên chẳng quản xa xôi, đến thỉnh phần di cốt, đem về nước dựng tháp cúng dường. Nếu nhận lời, ta sẽ chia bớt tài bảo trong nước ta cho.”

Bà-la-môn Hương Tánh vâng lệnh, đến thành Câu-thi nói với các người Mạt-la:

“Đại vương nước Ma-kiệt có lời thăm hỏi vô vàn. Các ngài đi đứng có nhẹ nhàng không? Bước đi có khoẻ mạnh không? Và nhắn rằng: ‘Ta với quí quốc xưa nay vốn tôn kính nhau, láng giềng hòa nghĩa, chưa có xảy ra điều chi tranh tụng. Nay ta nghe Như Lai diệt độ tại quý quốc. Đối với đức Thế Tôn, lòng ta thật hết sức tôn kính, nên chẳng quản xa xôi, đến thỉnh phần di cốt, đem về nước dựng tháp cúng dường. Nếu nhận lời, [29c] ta sẽ chia bớt tài bảo trong nước ta cho’.”

Các người Mạt-la trả lời:

“Quả như vậy! Quả như lời ông nói. Nhưng vì đức Thế Tôn đã giáng lâm và diệt độ tại đây, thì nhân dân trong nước tôi tự lo cúng dường. Phiền các ngài từ xa đến cầu xin xá-lợi. Nhưng điều đó hẳn không thể được.”

Các quốc vương liền triệu tập quần thần lập nghị, tụng cáo rằng:

Chúng ta hòa nghị,

Xa đến cúi đầu,

Khiêm tốn yêu cầu.

Như không chấp nhận,

Bốn binh đã sẵn.

Không tiếc thân mạng.

Dùng nghĩa không được;

Tất phải dùng lực.

Vua Câu-thi cũng triệu tập quần thần lập nghị trả lời:

Các người xa nhọc,

Khuất nhục cầu xin

Như Lai di thể.

Nhưng không cho được.

Kia muốn dùng binh,

Ta đây cũng sẵn.

Chống trả đến cùng,

Chưa từng biết sợ.

Bấy giờ, Bà-la-môn Hương Tánh đứng ra hiểu dụ mọi người:

“Chư Hiền, các ngài lãnh thụ giáo huấn của Phật đã lâu, miệng tụng pháp ngôn, tâm phục theo giáo hóa nhân ái, thường mong cho chúng sanh thảy được an lành, nay há lẽ vì dành xá-lợi của Phật mà trở nên tàn hại nhau sao? Di thể Như Lai, nếu muốn có lợi ích rộng rãi, thì xá-lợi hiện tại nên chia ra nhiều phần.”

Chúng đều khen phải. Họ lại bàn nghị nên nhờ ai đủ sức chia giúp. Mọi người đều nói Bà-la-môn Hương Tánh là người nhân và trí đều có đủ, có thể chia được. Các quốc vương bèn sai Hương Tánh:

“Ngươi hãy vì chúng ta mà chia xá-lợi làm tám phần bằng nhau.”

Được lệnh của các quốc vương, Hương Tánh đến ngay chỗ xá-lợi, cúi đầu đảnh lễ, xong từ từ trước hết nhặt lấy răng trên của Phật để riêng một nơi. Rồi bảo sứ giả mang cái răng trên của Phật đến chỗ vua A-xà-thế rằng:

“Ngươi nhân danh ta tâu lên Vua rằng: ‘Đại vương, đời sống thường nhật có thoải mái chăng? Bước đi có khỏe không? Xá-lợi chưa đến, chắc Đại vương trông lắm? Nay tôi giao sứ giả mang răng trên của Như Lai để kịp cúng dường, cho thỏa lòng Đại vương trông ngóng. Sáng mai, lúc sao Mai mọc, xá-lợi chia xong, tôi sẽ đích thân dâng đến’.”

Khi ấy, sứ giả vâng lời, đi đến chỗ vua A-xà-thế, tâu rằng:

“Bà-la-môn Hương Tánh kính lời thăm hỏi vô vàn: ‘Đại vương, đời sống thường nhật có thoải mái không? Bước đi có khỏe không. Xá-lợi chưa đến, [30a] chắc Đại vương trông lắm? Nay tôi giao sứ giả mang răng trên của Như Lai để kịp cúng dường, cho thỏa lòng Đại vương trông ngóng. Sáng mai, lúc sao Mai mọc, xá-lợi chia xong, tôi sẽ đích thân dâng đến’.”

Tiếp đó Hương Tánh lấy một bình dung lượng chừng một thạch, rồi chia đều xá-lợi ra làm tám phần, xong, ông nói với mọi người:

“Các ngài bàn bạc cho tôi xin cái bình đó để dựng tháp thờ tại nhà riêng.”

Mọi người đều nói:

“Trí tuệ thay. Như thế là thích hợp.”

Và họ đồng ý cho.

Lúc đó, có người thôn Tất-bát[181] cũng đến xin phần tro còn lại để dựng tháp cúng dường. Mọi người cũng bằng lòng.

Sau khi người nước Câu-thi được xá-lợi liền dựng tháp cúng dường. Các nước Ba-bà, Giá-la, La-ma-già, Tỳ-lưu-đề, Ca-duy-la-vệ, Tỳ-xá-li, Ma-kiệt sau khi được xá-lợi đều đem về nước dựng tháp cúng dường. Bà-la-môn Hương Tánh đem cái bình dùng chia xá-lợi về nhà dựng tháp cúng dường. Dân chúng thôn Tất-bát đem phần tro còn lại về dựng tháp cúng dường.

Như vậy, xá-lợi Phật được chia thờ ở tám tháp, tháp thứ chín là cái bình, tháp thứ mười[182] là tháp tro và tháp thứ mười một là tháp tóc, thờ tóc Phật khi còn tại thế.

Phật sanh giờ nào? Thành đạo giờ nào? Diệt độ thời nào?

Sanh khi sao Phất[183] mọc. Xuất gia khi sao Phất mọc. Thành đạo khi sao Phất mọc. Diệt độ khi sao Phất mọc.[184]

Lưỡng Túc Tôn sanh khi nào?

Xuất gia tu khổ khi nào?

Đắc Đạo tối thượng khi nào?

Nhập Niết-bàn thành thế nào?

Mồng tám: Như Lai sanh.

Mồng tám: Phật xuất gia.

Mồng tám: thành Bồ đề.

Mồng tám: vào diệt độ.

Sao Phất mọc, Thế Tôn sanh.

Sao Phất mọc, Phật xuất gia.

Sao Phất mọc, thành Chánh giác.

Sao Phất mọc, nhập Niết-bàn.

Mồng tám, sanh Lưỡng túc tôn.

Mồng tám, vào rừng tu khổ.

Mồng tám, thành Đạo tối thượng.

Mồng tám, vào thành Niết-bàn.

Tháng hai, Như Lai sanh.

Tháng hai, Phật xuất gia.

Tháng hai, thành Bồ-đề.

Tháng hai, vào diệt độ.

Tháng hai, sanh Lưỡng Túc Tôn.

Tháng hai, vào rừng tu khổ.

Tháng hai thành Đạo tối thượng.

Tháng hai, vào thành Niết-bàn.

Sa-la hoa nở rộ,

Đủ màu ánh chói nhau,

Tại Bản sanh xứ ấy,

Như Lai nhập Niết-bàn.

Đức Đại từ Niết-bàn,

Nhiều người xưng tán lễ.

Vượt qua các sợ hãi

Quyết định nhập Niết-bàn.[185]

 


* 第一分[04]遊行經第二[05]初

[1] Kỳ-xà-quật (hay khốt) 耆 闍 崛. No 5, 6: Diêu sơn 鷂山.Pl.: Gijjhakūṭa

[2] La-duyệt(-kì) 羅 閱祇.  No 5: Vương xá quốc 王舍國. Pl.: Rājagaha, thành Vương xá 王 舍.

[3] A-xà-thế 阿闍世. Pl: Ajātasattu Vedehiputto.

[4] Ma-kiệt 摩竭. Pl: Māgadha.

[5] Bạt-kỳ 跋 祇. No 5, 6: Việt-kỳ 越祇. Pl.: Vajji.

[6] Vũ-xá 禹 舍. No 5, 6: Vũ-xá 雨舍. Pl.: Vassakāra.   

[7] Để bản: chính 正, nên chép lại là 政. Cf. No 5 &6.

[8] No 5 & 6: “Cùng nhau tuân thủ luật pháp, không ban hành những điều không thích hợp, không dám vượt quá.” D 16 (ii 74):  apaññattaṃ  na  paññapenti,  paññattaṃ  na  samucchindanti, yathāpaññatte poāṇe vajjidhamme  samādāya  vattantī, “không chế lập điều không đáng chế lập, không bỏ phế điều đã chế lập, tuân thủ điều đã được chế lập.”

[9] No 5: Phật dạy 7 pháp bất thối này cho dân chúng Việt-kì (Bạt-kì) khi Ngài trú tại miếu thần Cấp Tật 急疾神舍 (No 6: Chánh tháo正躁神舍). D 16: tại thần miếu Sāranda, thành Vesāli.

[10] Bất thối pháp 不 退 法. Pl.: aparihāniya-dhamma, không suy thoái. Trong kinh này, có hai loại bảy pháp bất thối: 7 bất thối của quốc vương (rājā-aparihāniya-damma) và 7 bất thối của Tỳ-kheo (bhikkhu-aparihāniya-dhamma). No 5: thất giới pháp 七戒法. No 6: thất giáo 七教.

[11] D 16: vuddhiyeva,  bhikkhave, bhikkhūnaṃ pāṭikaṅkhā, no parihāni, chúng tỳ kheo hy vọng hưng thịnh, không suy vong.

[12] Hộ niệm tâm ý 護念心意 (…); Pl.: paccattaññeva  satiṃ  upaṭṭhapessanti–  ‘kinti  anāgatā  ca  pesalā sabrahmacārī  āgaccheyyuṃ, āgatā ca pesalā sabrahmacārī phāsu  vihareyyun, mỗi người tự mình phát khởi tâm niệm, làm sao để các vị đồng phạm hạnh khả ái chưa đến thì đến; vị đã đến thì sống an lạc.

[13] Dục thái 欲態. D 16: bhikkhū (…) taṇhāya  ponobbhavikāya na vasaṃ gacchassanti, các Tỳ-kheo không bị chi phối bởi khát ái dẫn đến tái sinh.

[14] D 16: bhikkhū āraññakesu senāsanesu sāpekkhā bhavissanti, các Tỳ kheo ưa thích sống tại a-lan-nhã.

[15] D. 16 (ii 32): na kammārāmā bhavissanti, không ưa thích tác nghiệp (thế sự).

[16] D. 16: na pāpicchā bhavissanti, không có những ham muốn xấu (ác dục).

[17] Niệm giác ý 念 覺 意.

[18] Tham chiếu, Trường 9 (tr. 54b17): y vô dục, y tịch diệt, y viễn ly 依無欲依寂滅依遠離;  (tr.103b19): y chỉ tức, y vô dục, y xuất yếu 止息依無欲依出要. No 6: (giác ỷ) tịnh vô dâm tịch (xả) phân tán ý (覺倚)淨無淫寂(捨)分散意.

[19] Nguyên Hán: ỷ giác ý 猗覺意.

[20] Nguyên Hán: hộ giác ý 護覺意.  

[21] Hán: tất định bất động 必定不動. D. 16 (ii 80): kāni  sīlāni (…) aparāmaṭṭhāni samādhisaṃvattanikāni…” những giới (…) không bị lệch lạc, dẫn đến tăng trưởng định .”

[22] Cf. Trường 9 (tr. 54a10), sáu trọng pháp 六重法. Trung 52 (tr. 755b21), sáu pháp ủy lạo六慰勞法; Tăng 29 (tr. 708c12), sáu pháp tôn trọng 六重法; Tập dị 15 (tr. 431b26), sáu pháp khả hỷ 六可喜法. Pali, D 16 (ii 80), D 33 (iii 245): cha  sāraṇīyā dhammā.

[23] Trúc viên 竹園.D 16: Phật đến Ambalaṭṭhika.

[24] Hán: tu giới hoạch định 修 戒 獲 定. Pl., D. 15, sđd.: sīlaparibhāvito samādhi mahapphalo  hoti mahānisaṃso, tu giới hoàn hảo, định có kết quả lớn, lợi ĩch lớn.

[25] Hán: tu trí tâm tịnh đắc đẳng giải thoát 修智心淨得等解脫. D 16 (ii 81): paññāparibhāvitaṃ cittaṃ sammadeva āsavehi vimuccati, tu tuệ viên mãn, tâm hoàn toàn giải thoát khỏi các lậu.

[26] Giải thoát trí 解脫智, tức giải thoát tri kiến.  

[27] Ba-lăng-phất 巴陵弗, bản Minh: Ba-liên-phất 巴連弗. No 5: Ba-lân tưu 巴鄰陬. Giữa Ma-kiệt và xóm Ba-lân có xóm La-trí 羅致 (?); Phật dứng chân tại đó. D. 16: Pāṭaligāma: làng Pāṭali.

[28] Ba–lăng-thọ 巴 陵 樹. Pl.: Pāṭalī, cây hoa kèn.

[29] Thanh tín sĩ 清 信 士, hay ưu bà tắc 優 婆 塞. No 5: thệ tâm lý gia 逝心理家. No 6: Phạm chí cư sỹ 諸梵志居士. Pl.: upāsaka.  

[30] Dâm 淫 (bộ thủy 水): tham sắc quá độ; phân biệt với dâm 婬 bộ nữ 女: dâm dục. Do đó, bất dâm 不 淫 ở đây được hiểu không tà dâm, tức Pl.: kāmesu micchācāro, hành vi tà vạy trong các dục lạc.

[31] Bất vong 不 忘; TNM: bất vọng 不 妄: không xằng bậy.

[32] No 6: Phật đi đến xóm A-vệ 阿衛聚(?).

[33] Đại thiên thần 大天神. Pl: mahesakkhā devatā, các thiên thần có đại oai lực.

[34] Hán: phong trạch địa 封 宅 地. Pl.: vatthuṃ pariggaṇhāti, chiếm hữu (hoặc thủ hộ) đất đai.

[35] Hán: chánh đắc thiên ý 正 得 天 意. D 16: (ii. 87): seyyathāpi devehi Tāvatiṃsehi saddhiṃ mantetvā, giống như sau khi đã hỏi ý các thiên thần Tāvatiṃsa (Đao lợi).

[36] D 16, đd: yasmim padese mahesakkhā devatā vatthūni pariggan            hanti mahesakkhānam tattha raññam rājamahāmattānam cittāni namanti nivesa     nāni māpetum; “nơi ở nào có thiên thần có đại oai lực thủ hộ (chiếm lĩnh) đất đai, nơi ấy tâm thức các vua chúa và các đại thần có thế lực được hướng đến việc xây dựng các trú xứ.

[37] D 16, đd: yāvatā, Ānanda, ariyaṃ āyatanaṃ, yāvatā vaṇippatho, idaṃ agganagaraṃ pāṭaliputtaṃ puṭabhedanaṃ, “nơi nào là căn cứ địa của những người Ariyan, nơi nào là đô hội của các thương gia, nơi ấy một đô thị bậc nhất tên là Pāṭaliputta được thiết lập.” Trong đoạn này, Pl: āriya, Hán: hiền nhân 賢人, các bả Hán đều hiểu là Thánh giả. Đây cũng có thể hiểu là người Ariya.  

[38] Thể kệ tụng, nhưng trong nguyên bản chép liền như thể văn trường hàng. Kệ tụng tương đương trong bản Pali.

[39] Thể kệ, như trên.

[40] Hán: Cù-đàm môn 瞿 曇 門. Pl.: Gotama-dvāra

[41] Cù-đàm độ 瞿 曇 渡. Pl.: Gotama-titthaṃ

[42] Hán: đắc thăng tiên 得 昇 仙. Tức thành Phật.

[43] Câu lị 拘 利. No 5: xóm Câu-lân 拘鄰聚. No 6: Câu-lị ấp 拘利邑. Pl.: Koṭigāma.  

[44] D 16: bốn Thánh đế.

[45] Na đà thôn 那陀村. No 5: Hỷ dự quốc 喜豫國. No 6: Hỷ dự ấp 喜豫邑.  Pl.: Nādikā.

[46] Kiền chùy xứ 犍椎處. No 5: Kiền-đề thọ 揵提樹. No 6: KiỀN-kì thọ 揵祇樹. Pl.: Ginjakāvasatha, cũng nói là Kiền chùy tinh xá 犍 椎 精 舍 hay Luyện ngõa đường 煉 瓦 堂, ngôi nhà lợp ngói.

[47] Danh sách 12 cư sĩ ở Na-đà: Già-già-la 伽伽 羅, Gia-lăng-gia 伽陵伽, Tỳ-già-đà 毗伽陀, Già-lị-(TNM: lê)thâu 伽 利(梨)輸, Giá-lâu 遮樓, Bà-da-lâu 婆耶樓, Bà-đầu-lâu 婆頭樓, Tẩu-bà-đầu-lâu 藪婆頭樓, Đà-lê-xá-nậu 陀梨舍耨, Tẩu-đạt-lị-xá-nậu 藪達利 舍 耨, Da-thâu (du) 耶 輸, Da-thâu (du)-đa-lâu 耶 輸 多 樓. No 5, danh sách 10 người: Huyền Điểu 玄鳥, Thời Tiên 時仙, Sơ Động 初動, Thức Hiền 式賢, Thục Hiền 淑賢, Khoái Hiền 快賢, Bá Tông  伯宗, Kiêm Tôn 兼尊, Đức Cử 德舉. Thượng Tịnh 上淨. Danh sách 10 người theo N0 6: Huyền Thảm 玄黮, Thời Tiên 時仙, Sơ Động 初動, Hoặc Chấn [11]或震, Thục Lương [12]叔良, Khoái Hiền 快賢, Bá Tông
伯宗, Kiêm Dốc 兼篤, Đức Xưng 德稱, Tịnh Cao 淨高. Pali, Danh sách những người chết được đề cập, D. 16: Tỳ-kheo Sālada, Tỳ-kheo-ni Nandā, cư sĩ Sudatta, nữ cư sĩ Sujatā, và các cư sĩ Kakudha, Kāliṅga, Nikata, Katissabha, Tuttha, Santuttha, Bhadda.

[48] No5: Đăc Bất hoàn đạo 不還道. No 6: Đến Bất hoàn địa 不還地.

[49] No 5: đắc Ứng chân đạo 應
真道 (A-la-hán).

[50] No 6: thăng Tần lai địa昇頻來地.

[51] No 5, No 6: đắc Cấu cảng (đạo) 溝[07]港(道).

[52] Pháp kính 法 鏡. D 16 (ii 93): dhammādāsa, tấm gương pháp, gương để soi rọi sự thật.

[53] Bốn bất hoại tín 不 壞 信. No 6: tứ hỷ 四喜. Cf. Tập dị 5 (tr. 393b7): bốn chứng tịnh 四證淨. Pl.: aveccappasāda/ Skt. Avetya-prasāda.  

[54] Hán: tự tứ sở thuyết 自恣所說. Pl.: svākhāto (Skt. Svākhyāta), thiện thuyết: pháp được Thế Tôn giảng thuyết khéo léo. Bản Hán ở đây có lẽ hiểu svākhāto là sva(tự mình)-ākhāta, thay vì su(khéo léo)-ākhāta.

[55] Tập dị, ibid, Pháp chứng tịnh: Phật chánh pháp, thiện thuyết, hiện kiến, vô nhiệt, ứnh thời, dẫn đạo, cận quán, trí giả nội chứng 佛正
法善說現見無熱應時引導近觀智者內證. Pl, định cú: svākkhāto bhagavatā dhammo sandiṭṭhiko akāliko ehipassiko opaneyyiko paccattaṃ veditabbo viññūhī’ti.

[56] Tập dị, ibid., Tăng chứng tịnh: Phật đẹ tử cụ túc diệu hành, chất trực hành, như lý hành, pháp tùy pháp hành (..) , như vậy tổng quất có bốn đôi tám bậc, Phật đệ tử chngú giứoi cụ túc, định cụ túc, tuệ cụ túc, giải thoát cụ túc, giải thoát trí kiến cụ túc, ứng thỉnh, ứng khuất, ứng cung kỉnh, vô thượng phước điền, thế sở ứng cúng  佛弟子具足妙行質直行如理行法隨
法行和敬行隨法行如是總有四
雙八隻補特伽羅 佛弟子眾戒具足定具足
慧具足解脫具足解脫智見具足應請應屈
應恭敬無上福田世所應供. Pli: định cú: suppaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho, ujuppaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho,   ñāyappaṭipanno   bhagavato   sāvakasaṅgho,   sāmīcippaṭipanno  bhagavato  sāvakasaṅgho  yadidaṃ cattāri  purisayugāni  aṭṭha purisapuggalā, esa bhagavato sāvakasaṅgho āhuneyyo pāhuneyyo dakkhiṇeyyo añjalikaraṇīyo anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassā’ti.

[57] Tỳ-xá-ly 毗 舍 離. No 5, No 6: Duy-da-li quốc 維耶梨國. Pl: Vesāli.

[58] Am-ba-bà-lê 菴 婆 婆 梨. No 5. No 6: Nại nữ 奈女. Pl.: Ambapālīganikā.

[59] Lệ xa 隸 車. No 6: Li-xa 離車. Pl.: Licchavi.

[60] Nguyên Hán: quán ý意. Pl:  citte  cittānupassī.

[61] Bốn niệm xứ 念 處, hay niệm trụ 念 住 (Pl.: satipaṭṭhāna), D 16: Phật giảng trước khi kỹ nữ Ambapālī đến, theo Sớ giải, để cảnh giác các Tỳ kheo trẻ hãy giữ chánh niệm vì cô nang quá đẹp.

[62] Ấm cái 陰 蓋, tức 5 triền cái 纏 蓋. Pl., Skt.: nivāraṇa.  

[63] Tịnh Ký 并 暨 (?). No 5: Tân-tự 賓自. No 6: Tịnh-tiêm 并[10]纎. Tứ phần 40, tr. 856b3: bà-la-môn Tân-kì-dưong-nậu 賓耆羊菟. Ngũ phần 20, tr. 135c19: Ma-nạp Tân-kì-da 摩納賓祇耶. Pali:? 

[64] Ngũ phần 20, tr. 135c21: vua Bình-sa 瓶沙. Pali, Vin. ii 27: Aṅgamagadha, chỉ vua Bimbisāra.

[65] Nguiyên văn Hán dịch bài tụng, như Tứ phần 40, tr. .856b7.

[66] Cf.  Tứ phần 40, năm thứ báu khó có trong đời: 1. gặp Phật ra đời; 2. Nghe Phật nói pháp rồi nói lại cho người khác; 3. tin hiểu pháp của Phật; 4. như pháp tu hành; 5. Lần lượt giáo hoá lẫn nhau để cùng được lợi ích.

[67] Chiêu đề tăng 招 提 僧, hay tứ phương tăng 四 方 僧; Pl.: cātuddisa-saṅgha. Cf. Ngũ phần 20, tr. 136a14: “Hãy cúng dường Tăng, trong đó có Ta.

[68] Bài tụng, xem Tứ phần 40, tr. 856c14.

[69] Trúc lâm 竹林叢. No 5: đi đến xóm Trúc phương 竹[05]芳
聚. No 6: tụ lạc Vệ-sa 衛沙聚. D 16: Phật từ vườn Ambapālī đi đến làng Beluva (=Veḷuvagāmaka).

[70] Tỳ-sa-đà-da 毘沙陀耶.

[71] Việt-kỳ 越 祇, có lẽ âm khác của Bạt-kỳ. D. 16: năm đó Phật an cư ở Veluvā còn chúng Tỳ-kheo an cư ở Vesāli. Không nhắc đến vụ đói, nhưng có nhắc đến Thế Tôn bịnh. No 5: Duy-da-lê 維耶梨 gặp nạn đói. Phật và A-nan ở lại Trúc phương, còn các Tỳ kheo đi đến nước Sa-la-đề 沙羅提 đang hồi sung túc.

[72] D 16 (ii. 100): na tāva bhagavā parinibbāyissati, na yāva bhagavā bhikkhusaṅghaṃ ārabbha kiñcideva udāharatī, “chừng nào Thế Tôn chưa có di giáo cho chúng Tỳ kheo, khi ấy Thế Tôn chưa nhập diệt.”

[73] D. 16 (ii tr. 100): tathāgatassa kho, ananda, na evaṃ hoti: ahaṃ bhikkhusaṅghaṃ pariharissāmī ti vā mam uddesiko bhikkhusaṅgho” ti vā: Như Lai không nghĩ rằng: “Ta lãnh đạo chúng tỳ kheo, hay chúng Tỳ-kheo y tựa nơi Ta.”

[74] Hán: nội ngoại dĩ ngật 內外已訖. D. 16, ibid.: anantaram abāhiram karitvā: không phân biệt trong và ngoài, tức nội truyền hay ngoại truyền, bí mật giáo hay hiển thị giáo.

[75] Hán: chung bất tự xưng sở kiến thông đạt 終不自稱所見通達. Có thể bản Hán dịch sai. D. 16, ibid.: na tatth’ānanda tathagatassa dhammesu ācariyamuṭṭhi, “Này A-nan, trong giáo pháp, Như Lai không bao giờ là vị thầy có bàn tay nắm chặt.” Nghĩa là, không bao giờ dấu diếm không chịu dạy hết. Bản Hán đọc nhầm ācariyamuṭṭhi: vị thầy có bàn tay nắm chặt, với ācariyamuti: vị thầy có trí sáng suốt.  

[76] Vô tưởng định 無 想 定. Chính xác nên là vô tướng định, hay vô tướng tâm định. D. 16, ibid.: animittam cetosamādhim upasampajja, chứng nhập vô tướng tâm định.

[77] Hán: đương tự xí nhiên… 當自熾然.D 16 ibid..: attadīpā viharatha attasaraṃā anaññasaraṃā, dhammadīpā dhammasaraṃā anaññasaraṃnā: hãy sống tự mình là ngọn đèn (hoặc hòn đảo) của chính mình; tự mình là chỗ tựa của chính mình, không nương tựa nơi nào khác. Pháp là ngọn đèn (hòn đảo), pháp là chỗ tựa, không chỗ tựa nào khác... Pl. dīpa, vừa có nghĩa là ngọn đèn  ( = Skt.), vừa có nghĩa là hòn đảo (Skt. dvīpa).

[78] Pali, định cú: atāpī  sampajāno  satimā, vineyya loke abhijjhādomanassaṃ, (…) nhiệt hành, chánh trí, chánh niệm, chế ngự tham ưu ở đời.

[79] Giá-bà-la tháp 遮婆羅塔. No 7: Giá-ba-la chi-đề 遮波羅支提.Pl.: Cāpāla-cetiya.

[80] Ma Ba tuần 魔波旬. No 5: Tệ Ma 弊魔.  Pl.: Māra pāpimant, Ác ma.

[81] Nguyên văn: Phật ý vô dục khả bát Niết-bàn 佛意無欲可般涅槃. TNM không có từ Phật. No 6: “Ý Phật muốn chưa thể nhập Niết-bàn. Chừng nào giáo hóa đã xong, mới diệt độ.”

[82]D 16 (ii 104): na tāvāhaṃ,   pāpima,   parinibbāyissāmi,   yāva   me   bhikkhū  na  sāvakā  bhavissanti  viyattā  vinītā  visāradā (…) sappāṭihāriyaṃ dhammaṃ desessantī’ti,”Ta chưa nhập Niết-bàn, chừng nào các Tỳ kheo đệ tử của Ta chưa thành những người có năng lực, được điều phục, tự tín… chưa thể diễn thuiyết pháp thần diệu.

[83] Uất-tỳ-la Ni-liên-thiền 鬱鞞羅尼連禪. No 6: bên sông Ẩu-lưu 傴留河. Pl: Nerañjara ở Uruvela.

[84]. A-du-ba ni-câu-luật 阿遊波尼俱律樹. Pl. ajapāla-nigrodha.

[85] Bản sanh xứ 本 生 處. Pl.: upavattana Mallānaṃ, tức Lực sĩ Bản sanh xứ, sinh địa của chủng tộc Malla.

[86] Câu thi na kiệt 拘 尸 那 竭. Pl.: Kusinagara.

[87] Hán: xả mạng trú thọ捨命住壽: xả mạng căn, giữ lại thọ hành. No 5: phóng khí thọ mạng 放棄壽命. No 6: bất trú tánh mạng, khí dư thọ hành不住性命棄餘壽行. D 16 (ii  106) sato  sampajāno  āyusaūkhāraṃ ossaji, chánh niệm, chánh trí, xả bỏ thọ hành.

[88] D 16 (ii 107): tulamatulañca sambhavaṃ, bhavasaṅkhāramavassaji muni;

ajjhattarato samāhito, abhindi kavacamivattasambhavan”ti., “Đức Muni đã xả bỏ nhân tố của tồn tại, vốn là sự sinh khởi hữu hạn và vô hạn; nội tâm hoan hỷ, chánh định, như hủy bỏ áo giáp đã sanh ” Liên hệ các từ hữu hành, vô hành, hữu vi trong bản Hán với các từ sambhava, bhavasankhāra trong bản Pl..

[89] Đại thần tôn thiên 大神尊天. Pl: devo mahiddhiko mahānubhāvo, thiên thần coa đại uy đức, đại thần lực.

[90] Nguyên Hán: tánh mạng 性命.

[91] Bản Hán, hết quyển 2.

[92] Cf. Trung 8 (tr. 471c21); M. 123 (iii 124).

[93]  Nguyên Hán: quán 觀, thường đồng nhất với tứ 伺 (Pl vicāra). M. 123 ibid.: viditā vedanā…, viditā saññā…, viditā vitakkā.

[94] Hương tháp 香 塔, không rõ địa danh. No. 7 (tr. 192b): giảng đường Trùng các, trong rừng Đại lâm. D. 16 (ii 119): đoạn kinh tương đương được nói tại Kuṭagārasāla, Mahāvana.

[95]  Nguyên Hán: bốn ý đoạn四意斷:  chánh cần 正斷,  chánh thắng 正勝, chánh cần 正 勤. Cf. Tập dị 5 (tr. 391c6). D.i.ii 225: cattāri padhānāni.

[96] Nguyên Hán: tám Đạo Hiền Thánh 賢聖八道.

[97] Chín bộ phận Thánh giáo. Pali: navaṅga; M i 134: suttaṃ, geyyaṃ, veyyākaraṇaṃ, gāthaṃ, udānaṃ,   itivuttakaṃ,  jātakaṃ,  abbhutadhammaṃ,  vedallaṃ. Cf. Trung 1 (tr. 421a17). Pháp hoa 1 (tr. 7c25). Đoạn sau, kinh 29 “Thanh tịnh” (h. 74b19), kể 12 bộ.

[98] Hán: Như Lai chánh giác đạo 如來正覺道. D 16 (ii  115): tathāgatassa bodhiṃ: trí giác (bồ-đè) của Như Lai. 

[99] Am-bà-la 菴 婆 羅 (Ambagāma), Chiêm-bà 瞻 婆 (Jambugāma), Kiền-đồ 犍 荼 (Bhaṇḍagāma), Bà-lê-bà 婆梨婆 (?), Phụ-di 負 彌 (Bhoganagara). N0 5: Phù-diên 夫延.

[100] Lộ trình theo No 5: Phật từ Duy-da-lê 維耶梨 đên thôn Câu-lân 拘鄰聚, ngụ trong vườn Thi-xá-hoàn 尸舍洹. Từ Câu-lân, đi Kiền-lê 揵梨聚 (Pl. Bhaṇḍagāma), đến Kim tụ 金聚 (am,bugāma?). rồi đến xóm Thọ thủ 授手聚 (Hatthigāma), Yêm mãn 掩滿聚 (Ambagāma), Hỷ dự 喜豫聚 (Nādika?), Hoa thị 華氏聚 (Pāṭaligāma), Phù-diên thành 夫延城 (Bhoganagara).  No. 7 (tr. 195b14): đến Tượng thôn 象村 (Hatthigāma), Am-ba-la thôn菴
婆羅村(Ambagāma), Diêm-phù thôn 閻浮村 (Jambugāma), cuối cùng là Thiện già thành 善伽城 (Bhoganagara), tức Phù-di. Lộ trình theo D 16: từ Cāpāla-cetiya, Phật quay trở lại Vesāli, sau đó đi đến thôn Bhaṇḍagāma, từ đó đi Hatthigāma, Ambagāma, Jambugāma, Bhoganagara.   

[101] Thi-xá-bà 尸舍婆, tên loại cây lớn, Pl.: siṃsāpa. D 16 ibid.: tại Bhoganagara (Phụ-di), Phật ngụ trong miếu Ānanda-cetiya. Tại đây, Phật nói bốn đại giáo pháp (catumahāpadesa). No 5: vườn Thi-xá-hoàn 尸舍洹.

[102] Bốn đại giáo pháp 四大教法; No 7: bốn quyết định thuyết 四決定說. Pl.: cattāro mahāpadesā.  

[103] Ba bà 波 婆; No 5, No 6: Ba-tuần quốc 波旬國. No 7: từ Thiện-già thành đi Cưu-sa thôn 鳩[02]娑村 (?). D 16: từ Bhoganagara đi Pāvā.

[104] Xà đầu viên 闍 頭 園, No 5, No 6: Thiền-đầu viên 禪頭園. Pl.: Pāvāyaṃ viharati Cundassa kammāraputtassa ambavane, trú ở Pāvā trong vườn xoài của con trai người thợ sắt tên là Cunda.  

[105] Hán: công sư tử Châu-na 工師子周那. No 5: Thuần 淳, con trai của ông Hoa thị華氏
子(Mallaputta?). No. 7: Thuần Đà 純陀, công xảo tử 工巧子. Pl.: cundo kammāraputto, Cunda, con trai người thợ luyện kim.

[106] Hán: chiên-đàn thọ nhĩ 旃 檀 樹 耳. Pl.: sūkara-maddava.

[107] Hán: dư khí thủ 餘 氣 取. Bản Tống, dư thủ khí 餘 取 氣. Các bản Nguyên Minh: dư nhĩ khí 餘 耳 氣. No 5: Một Tỳ kheo xấu lấy đồ đựng nước uống hủy đi. Phật biết (?). No 6: Có Tỳ kheo xấu, đã ăn xong, lấy đồ đựng. Phật biết (?). Các bản không thống nhất, nghĩa không rõ ràng. Có lẽ muốn nói Tỳ-kheo này lấy chỗ nấm Phật đã ăn còn lại. D. 16 (ii 127): Phật bảo Cunda đem chôn chỗ nấm còn lại trong một cái hố (taṃ sobbhe nikhaṇāhi).

[108] Hán: A-la-hán đệ tử danh viết Phúc-quý 阿羅漢弟子名曰福貴. Có lẽ dư chữ hán 漢. No 5: một đại thần trong nước của người Hoa thị (Mallaputta) tên là Bào-mân 胞[05]罠. No 6: đại thần người Hoa tên là Phúc-kế 福罽.   No. 7: Con trai của Mãn-la Tiên nhân滿羅仙人tên Phất-ca-sa 弗迦沙, vốn là đệ tử của Ka-lam Tiên nhân 迦
蘭仙人. 滿羅仙人之子名弗迦沙. D. 16: Pukkusa, con trai của Malla, đệ tử của Alāra Kālāma.  

[109] Câu-di-na-kiệt 拘夷那竭. No 5: Cưu-di-na-kiệt quốc 鳩夷那竭國. No 6: Câu-di ấp 拘夷邑. No 7: Cưu-thi-na thành 鳩尸那. Pl.: Kusinagara (Kusināra).

[110] A-việt 阿越. No 5: Ưu-đàm tụ 優曇聚. No 6: A-trầm 阿沈. No 7: thôn A-xa-ma 阿車摩村. Pl.: Atuma.

[111] Hán: hoàng điệp 黃 疊; TNM: hoàng kim điệp 黃 金 氎, lụa màu hoàng kim. No 5, No 6: lụa (khuê bố 圭布) dệt bằng hoàng kim.  D 16 (ii 133): siṅgīvaṇṇaṃ yugamaṭṭhaṃ. 

[112] No 5, No 6: hơn 20 năm.

[113] Câu-tôn 拘 孫. No 5: Cưu-đối 鳩對. No 6: Câu-di 拘[21]遺. No 7: Ca-khuất-ta 迦屈[09]嗟.Pl.: Kakutthā.

[114] Châu Na 周那, một tỳ kheo, không phải người thợ sắt. Pl.: Cundaka.  

[115] Nguyên Hán: thủ tăng-già-lê tứ điệp nhi phu 取僧伽
梨四[03]牒而敷; đây không phải nói gấp tăng-già-lê làm bốn lớp rồi trải, mà là trải y tăng-già-lê được may thành bốn lớp. Cf. Tứ phần 40 (tr. 857b10): nhược cố y thính nhị trùng uất-đa-la-tăng, tứ trung tăng-già-lê  若故衣聽(…) 二重欝多羅僧四
重僧伽梨, nếu là y (vải) cũ,  y uất-đa-la-tăng được phép may thành hai lớp, y tăng-già-lê được phép may thành bốn lớp.  Pāli. Vin. i. 290 (Mahāvagga): anujānāmi …. dussānaṃ catugguṇaṃ saṅghātiṃ diguṇaṃ uttarāsaṅgaṃ. Tăng-già-lê của Phật ở đây có bốn lớp cóa nghĩa là y đã cũ.

[116] Nguyên bản: xà-duy 闍維. No 5: xà-duy 蛇維. Pl.: jhāpeti.

[117] Bản sanh xứ Mạt-la song thọ 本生處末羅雙樹; No. 7 (tr. 199a): Lực sĩ sanh địa sa-la lâm力士生地娑羅林. Pl: Kusinārā-Upavattana-Mallānaṃ antarena yamaka-sālānaṃ: Kusinārā, sinh địa của Malla, giữa những cây song thọ.

[118] Xem cht. 115 No 1(2) kinh Du hành.

[119] Phạm-ma-na 梵 摩 那, No 5: Ưu-hòa-hoàn 優和洹. N6: Hóa Tỳ-kheo 化比丘. No. 7: Ưu-bà-ma-na 優 婆 摩 那; Pl.: Upavāna.  

[120] Nguyên văn: cư trạch 居 宅, nghĩa đen là nhà ở.

[121] Đại Thiện Kiến 大 善 見, No 5, No 6: Đại Khoái Kiến 大快見.  Pl.: Mahāsudassana.

[122] Câu-xá-bà-đề 拘舍婆提. Pl.: Kusāvati.

[123] Đa lân 多 鄰, Pl.: tāla, loại cây cao, lá dùng chép sách.

[124] No 5., No 6: mười hai loại âm thanh.

[125] No 5, No 6: Phi hành Hoàng đế 飛行皇帝.

[126] Chánh pháp điện 正法殿. No 5: điện Ba-la-sa-đàn 波羅沙檀. No 6: Trị pháp điện 治法殿. No 7: Thuyết pháp điện 說法殿. Pl.: Sudhamma-sabhā, hội trường Chánh pháp.  

[127] No 7: Đế Thích sai Tỳ-thủ-kiến-ma (Pl.: vissakamma) xuống dựng cung điện.

[128] Pháp trì 法池. D 17 (ii 184).: dhammaṃ  nāma  pokkharaṇiṃ, ao sen tên là Dhamma.

[129] Tề 齊, TNM 齎. Đọc đúng là Trai 齋, tương đương Pali: Uposatha, cf. D.i.i 174; M iii 173.

[130] Lực mã vương 力馬王. Pali: Valahaka.

[131] Hán: cù lũ sáp đắng uyển diên 氍 氀 毾 㲪綩 綖 .

[132] Sơ-ma 初摩, Pl.: khoma; ca-thi 迦尸, Pl.: kāsika; kiếp-ba 劫波; Pl.: kappāsika.

[133] Bản Hán, hết quyển 3.

[134] D 17 (ii 186): ba pháp: dāna (bố thí), dama (điều phục), saṃyama (tự chế).

[135] Nguyên Hán: hữu giác hữu quán有覺有觀.  Pl.: savitakka-savicāra.

[136] Nguyên Hán: Nội tín hoan duyệt 內 信 歡 悅. Chân Đế dịch: Nội trừng tịnh 內澄淨; Huyền Trang: Nội đẳng tịnh 內等淨. Pali, thành cú: ajjham sampasādana. Do sampasādana vừa có nghĩa sự lắng đọng, vừa có nghĩa sự hoan hỉ. Trong trạng thái thiền, đây nên hiểu là sự an tịnh nội tâm.

[137] Nguyên Hán: Xả hỷ thủ hộ 捨喜取護. Pali, thành cú.: pītiyā ca virāgā upekkhako ca viharati, lìa bỏ hỷ, an trú xả. Upekkhaka, thường dịch là xả, trong bản Hán trên được hiểu là hộ.

[138] Nguyên Hán: tự tri thân lạc hiền thánh sở cầu hộ niệm lạc hành 自知身樂賢聖所求 護念樂行. Pali, thành cú.: sukhañca kāyena paṭisaṃvedeti yaṃ tam āriyā ācikkhanti upekkhako satimā sukhavihārī: cảm nghiệm lạc bằng tự thân, điều các bậc Thánh nói là sự an trú lạc cùng với xả và niệm. Trong đây, ācikkhanti, vừa có nghĩa nói, vừa có nghĩa tỳm tòi. Hán: lạc hành; Pl.: sukhaviharī: sống an lạc hay an trú trong cảm giác lạc.

[139] Hộ niệm thanh tịnh 護念清淨, Pali, thành cú.: upekkhāsāti parisuddhim, xả niệm thanh tịnh.

[140] Kim đa-lân viên 金多鄰園, vườn cây đa la (Pl.: tāla) bằng vàng.

[141] Đệ thất Phạm thiên 第七梵天. No 6: cũng vậy. D 17 (ii 196): sugatiṃ brahmalokaṃ upapajji, tái sinh thượng thiên, Phạm thiên giới. No 5, No 7, như Pali.

[142] Tu-bạt 須拔. No 7: Tu-bạt-đà-la 須
跋陀羅. Pl.: Subhadaparibbājaka, ngoại đạo xuất gia Subhada.  

[143] No 5: Tấm người đồng chí hướng của Tu-bạt: Cố Quy (No 6: Cô Quy), Vô Tiên (No 6: Vô Thất), Chí Hành, Vô Tiên, Bạch Lộ Tử, Diên Thọ, Kế Kim Phàn, Đa Tích Nguyện, Ni-kiền Tử 故龜氏,
無先氏, 志行, 有白鷺子, 有延壽氏,
有計金樊氏, 多積願氏, 尼揵子.

[144] D 16 (ii 151): ekūnatiṃso vayasā subhadda, yaṃ pabbajiṃ kiṃkusalānu-esī; vassāni paññāsa samādhikāni, yato ahaṃ pabbajito subhadda: 29 tuổi xuất gia;  51 năm, kể từ khi xuất gia cho đến khi nhập Niết-bàn. No 7: 29 tuổi xuất gia, 36 tuổi thành Đạo. No 5: 49 năm khai hóa dẫn dắt. No 6: xuất gia, sau 12 năm mới thành Đạo, 50 khai diễn kinh pháp.

[145] Hán: phủ sàng bi khấp撫床悲泣. D 16 (ii 143): kapisīsaṃ ālambitvā rodamāno  ṭhito, “dựa cột cửa, đứng khóc.”

[146] Cấp thị đệ tử 給侍弟子.

[147] Hán: tộc tánh tử 族 姓 子, người thuộc trong bốn giai cấp. Cũng dịch là thiện gia nam tử 善 家 男 子, hay thiện nam tử  善 男 子.

[148] Bỏ quy định 4 tháng biệt trú (cattāro māse parivasati) cho ngoại đạo xuất gia, không có trong các bản khác. Ngoại đạo Tu-bạt(-đà-la) cũng đã được miễn.

[149] Xiển-nộ 闡 怒. No 7: Xa-nặc 闡 匿. Cf. Ngũ phần 3 (tr. 21b5), Tăng-kì luật 6 (tr. 284c22); Tứ phần 5 (tr. 599a16), Căn bản Hữu bộ luật 15 (tr. 707a25): Xiển-đà 闡陀. Thập tụng  4 (tr. 27c6): Xiển-na 闡那. Pl.: Channa.

[150]Phạm-đàn phạt 梵檀伐. No 7: trọng phạt 重罰. Pl.: brahma-daṇḍa.

[151] Vị thọ hối 未受悔 chưa nhận được sự giáo huấn. TNM: lai thọ hối 來受悔 đến thọ giáo huấn.

[152] Tiểu tiểu giới 小小戒. Pl.: khuddānukhuddakāni sikkhāpadāni.

[153]  D 16 (ii 154): Khi Phật còn tại thế, các Tỳ-kheo xưng hô với nhau là āvuso (huynh đệ, hiền giả, nhân giả). Sau khi Phật diệt độ, Tỳ-kheo niên trưởng nên gọi Tỳ-kheo nhỏ tuổi hơn bằng tên hay họ (nāmena vā gottena vā); Tỳ-kheo nhỏ tuổi gọi Tỳ-kheo lớn tuổi hơn là bhante (đại đức) hay āyasmā (trưởng lão, cụ thọ).

[154]  Kiến đạo tích 見道跡. D 16 (ii 155): “Tỳ-kheo thấp nhất đã chứng quả Dự lưu.”

[155] Cf. D 16 (ii 156): “handa dāni, bhikkhave, āmantayāmi vo, vayadhammā saṅkhārā appamādena sampādethā”ti. ayaṃ tathāgatassa pacchimā vācā, “Ôi, này các Tỳ kheo, nay Ta nói với các ngươi, các hành là vô thường, hãy tinh tấn chớ buông lung.” Đây là những lời cuối cùng của Như Lai.

[156] A-na-luật. No 7: A-ngỗ-lâu-đà 阿珸樓駄.

[157] No 7: Phật nhập (trở lại) tứ thiền, và nhập Niết-bàn ngay tại địa này. D 16, ibid., catutthajjhānā vuṭṭhahitvā samanantarā bhagavā parinibbāyi., sau khi xuất tứ thiền, tức thì Phật nhập Niết-bàn.

[158].    Văn-đà-la 文 沱 羅, TNM: mạn đà la 曼 陀 羅, Pl.: mandarāva (thiên diệu hoa). Ba đầu ma 波 頭 摩, TNM: bát-đầu-ma 鉢 頭 摩, Pl.: paduma, Skt. padma. Câu ma đầu 拘 摩 頭, TNM: câu vật đầu 拘 勿 頭, Pl. (Skt. id): kumuda.

[159] Hán: hôn manh loại 昏萌類. D 16 ibid.: sabbeva … bhūtā.

[160] No 6: Thiên đế Thích thứ hai 第二天帝釋 (?).

[161] Pali, thành cú: (…) tesaṃ vūpasamo sukho, “sự tĩnh chỉ của chúng (sinh diệt) là an lạc.”

[162] Cf. No 7: các căn không dao động  諸根不搖動. D 16 ibid.: anejo santimārabbha, với tâm tịch tĩnh bất động (Phật nhập Niết-bàn).

[163] Hán: Linh diệu 靈曜. Cf. No 7: như đèn tắt ánh sáng mất. D 16 ibid.: pajjotasseva nibbānaṃ.

[164] Ly ái 離愛, có bản chép ly thọ 離受.

[165] Nguyên bản: lâu-tỳ 樓毘.

[166] Nguyên Hán: xá-lị 舍利, Pali: sarīra, chỉ thân thể, nhục thân (chưa thiêu); cũng chỉ xá-lợi, tro cốt đã thiêu.

[167] Hi-liên thiền 熙 連 禪. Pl.: Hirannavatī.

[168] Thiên quan tự 天 冠 寺. Pl.: Makuṭa-(bandhana)-cetiya, đền thờ phía đông ngoài thị trấn Kusinagara. No6: hỏa thiêu tại miếu thần Âu-trà 漚
荼神地. No 5: khiêng ra cửa Tây, đên miếu Chu-lê-ba-đàn 周黎波
檀殿. No 7: đên miếu Bảo quan 寶冠支提.

[169] Lộ-di Mạt-la nữ 路夷末羅女.

[170] Lộ-di 末羅大臣路夷. No 6: Âu-tô đại thần  漚蘇大臣. D 16 (ii 163): cattāro  mallapāmokkhā, bốn vị đứng đầu trong dòng họ Mallā.

[171] No 7: đang ở tại nước Đạc-xoa-na-kì-lị 鐸叉那耆利國.

[172] No 5: Dị học tên Ưu-vi 優為. No 6: A-di-duy 阿夷維. D 16: aññataro ājīvako,  một người Tà mạng ngoại đạo.

[173] No 5: hoa mạn-đà-lặc 曼
陀勒.

[174] Bạt-nan-đà 拔難陀. No 6: Đàn-đầu-giả 檀
頭者. No 7: Một số (nhiều) các Tỳ-kheo. D 16: subhaddo  nāma  vuddhapabbajito, một Tỳ kheo lão niên xuất gia tên Subhada.

[175] Để bản: bỉ giả 彼 者, TNM: bỉ lão 彼 老.  

[176] Nguyên Hán: cam lộ diệt 甘露滅.

[177] Nguyên Hán: tứ tánh 四姓, chỉ bốn giai cấp.

[178] Bộ tộc Mạt-la thuôc nhánh ở thủ phủ Ba-bà (Pali: Pāveyyaka-Mallā), phân biệt với nhánh ở Câu-thi (Pali gọi là Kosinārakā-Mallā).

[179] Các nước đến yêu sách chia xá-lợi: người Bạt-li 跋離 nước Giá-la-phả 遮羅頗; người Câu-lị 拘利 nước La-ma-già 羅摩伽; chúng Bà-la-môn nước Tỳ-lưu-đề 毘留提; dồng họ Thích nước Ca-duy-la-vệ迦維羅衛; người Li-xa 離車 nước Tỳ-xá-li 毘舍離; và A-xà-thế, vua nước Ma-kiệt 摩竭王阿闍世. No 5: 8 nước biên cảnh邊境八國, nhưng không liệt kê danh sách. No 6: người Hoa thị 華氏 nước Ba-tuần 波旬; người Câu-lân 拘鄰 nước Khả lạc 可樂; người Mãn-li 滿離 nước Hành 衡國; các Phạm chí nứớc Thần châu 神州; người Li-kiền 離揵 nước Duy-da 維耶; cuối cùng,  A-xà-thế vua nước Ma-kiệt. Danh sách Pali, D 16 (ii 165): rājā  Māgadho  Ajātasattu, Vesālikā  Licchavī, Kapilavatthuvāsī Sakyā, Allakappakā Bulayo, Rāmagāmakā Koḷiyā, Veṭṭhadīpako  Brāhmaṇo, Pāveyyakā  Mallā, Kosinārakā Mallā.

[180] Hương Tánh 香姓. No 6: Phạm chí Mao Quệ 梵志毛蹶. No 7: Đồ-lô-na 徒盧那. No 5: Thiên đế hóa hiện làm một người Phạm chí tên là Đồn-khuất 屯屈 để phân xử tranh chấp. D 16: Doṇo brāhmaṇo

[181] Tất-bát 畢 鉢 羅. D 16 (ii 166): Pippalivaniyā  Moriyā. No 5: đạo sĩ Hoàn-vi 桓違. Phạm chí tên Ôn-vi 溫違.

[182] Cuối cùng, những người họpc Lực sĩ (Mallā) thâu lượm tro còn lại, dựng tháp thờ, kể tất cả có 10 chỗ.

[183] Phất tinh 沸星. Cũng gọi là Phất-sa. Phiên dịch danh nghĩa (tr. 1058b25): “Phất-sa, cjính xác âm là Phú-sa… Hoặc gọi là Bột-sa. Dịch là Tăng thạnh… Tức sao Quỷ trong 28 tú.” Skt. Puṣya-nakṣtra. Thánh sao Phất, khoảng tháng 12- Giêng, dương lịch.

[184] Phụ chú trong nguyên bản: “Đơn bản chú rằng: trong các câu hỏi, đúng ra phải có câu: ‘Xuất gia giờ nào?’ Các bản thảy đều khuyết.”

[185] Bản Hán, hết quyển 4.

3. Kinh điển tôn

3. KINH ĐIỂN TÔN

[30b11]Tôi nghe như vầy.

Một thời, Phật ở núi Kỳ-xà-quật,[1] thành La-duyệt-kỳ, cùng chúng đại Tỳ-kheo một nghìn hai trăm năm mươi người. Bấy giờ có nhạc thần, con của Ban-giá-dực[2], trong lúc đêm thanh vắng không người, phóng ánh sáng rọi sáng núi Kỳ-xà-quật, đi đến chỗ Phật, đầu mặt đảnh lễ chân Phật rồi đứng sang một bên, bạch đức Thế Tôn rằng:

“Gần đây[3] Phạm thiên vương đến cõi trời Đao-lị bàn nghị với Đế Thích. Con ở đó chính mình được nghe; nay có thể thuật lại đức Thế Tôn nghe chăng?”

Phật đáp:

“Ngươi muốn nói thì nói.”

Ban-giá-dực nói:

“Một thời, Chư Thiên Đao-lị nhóm ở Pháp giảng đường[4] để luận nghị. Lúc đó bốn Thiên vương ngồi bốn phía theo phương hướng mình. Đề-đế-lại-tra[5] Thiên vương ngồi ở phía Đông, mặt day về hướng Tây. Đế Thích ngồi trước mặt. Tỳ-lâu-lặc Thiên vương ngồi ở phía Nam, mặt day về hướng Bắc; Đế Thích ngồi trước mặt. Tỳ-lâu-bác-xoa Thiên vương ngồi ở phía Tây, mặt day về hướng Đông; Đế Thích ngồi trước mặt. Tỳ-sa-môn Thiên vương ngồi phía Bắc, mặt day về hướng Nam; Đế Thích ngồi trước mặt. Sau khi các Thiên vương ngồi xong, con mới ngồi. Lại còn có các đại thiên thần khác nữa, toàn là những người đã từng theo Phật tu hành phạm hạnh, khi mệnh chung ở đây, được sanh lên cõi trời Đao-lị, khiến cho Chư Thiên ở đó thêm được năm thứ phước: tuổi thọ cõi trời, sắc đẹp cõi trời, danh xưng cõi trời, lạc thú cõi trời, và oai đức trời.[6] Bấy giờ Chư Thiên Đao-lị vui mừng phấn khởi nói rằng:

“Mong chúng Chư Thiên tăng gia, chúng A-tu-la giảm thiểu.”

“Lúc ấy, Thích Đề-hoàn Nhân[7] [30c] biết Chư Thiên có điều vui mừng, bèn đọc bài tụng cho Chư Thiên Đao-lị nghe rằng:

Chúng Chư Thiên Đao-lị,

Cùng Đế Thích hoan lạc,

Cung kính lễ Như Lai,

Đấng Pháp vương tối thượng.

Chư thiên thọ phước báo,

Thọ, sắc, danh, lạc, uy.

Theo Phật tu phạm hạnh,

Nên sanh vào nơi đây.

Lại có các Thiên nhân,

Ánh màu sáng chói lọi.

Đệ tử trí tuệ Phật,

Sanh đây càng trỗi vượt.

Đao-lị và Nhân Đề,[8]

Nghĩ thế mà sung sướng.

Cung kính lễ Như Lai,

Đấng Pháp vương tối thượng.

Chư thiên Đao-lị sau khi nghe bài kệ ấy, lại càng vui mừng không thể tự chế:

“Mong chúng Chư Thiên gia tăng, chúng A-tu-la giảm thiểu.”

Thích Đề-hoàn Nhân thấy Chư thiên Đao-lị vui mừng hớn hở, bèn bảo họ rằng:

“Chư Hiền có muốn nghe tám pháp vô đẳng của Như Lai[9] không?”

Chư thiên đáp:

“Chúng tôi muốn nghe.”

Đế Thích nói:

“Hãy lắng nghe, hãy khéo suy nghĩ. Này Chư Hiền, Đức Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, đầy đủ mười hiệu. Ta không thấy có ai trong quá khứ, vị lai, hiện tại có đủ mười hiệu: Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, như Phật.

“Pháp Phật vi diệu, được khéo giảng thuyết, được người trí thật hành. Ta không thấy có ai trong quá khứ, vị lai, hiện tại có giáo pháp vi diệu như Phật.

“Phật do pháp ấy mà tự giác ngộ, thông đạt vô ngại và  an trú[10]. Ta không thấy có ai trong quá khứ, vị lai, hiện tại có thể ở nơi pháp ấy mà tự giác ngộ, thông đạt vô ngại và an trú như Phật.

“Chư Hiền! Phật do pháp ấy mà tự giác ngộ rồi còn có thể khai thị con đường dẫn đến Niết-bàn, dẫn đến gần và dần dần đến chỗ hội nhập tịch diệt. [11]  Ví như nước sông Hằng,[12] và nước sông Diệm-ma[13], cả hai dòng sông đều chảy vào biển cả. Phật cũng vậy. Có thể khai thị con đường dẫn đến Niết-bàn, dẫn đến gần và dần dần đến chỗ hội nhập tịch diệt. Ta không thấy có ai trong quá khứ, vị lai, hiện tại có thể khai thị con đường dẫn đến Niết-bàn được như Phật.

“Chư Hiền! Như Lai thành tựu quyến thuộc, gồm những người có trí tuệ, Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ, Sa-môn. Ta không thấy có ai trong quá khứ, vị lai, hiện tại [31a] có được quyến thuộc như Phật.

“Chư Hiền! Như Lai thành tựu đại chúng. Đó là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di. Ta không thấy ai trong quá khứ, vị lai, hiện tại thành tựu đại chúng như Phật.

“Chư Hiền! Ngôn và hành của Như Lai tương ưng. Nói đúng như làm, làm đúng như nói, thành tựu pháp tùy pháp.[14] Ta không thấy có ai trong quá khứ, vị lai, hiện tại mà ngôn hành tương ưng, thành tựu pháp tùy pháp như Phật.

“Chư Hiền! Như Lai làm lợi ích cho mọi người, đem an lạc cho mọi người; với lòng từ mẫn, Ngài làm lợi ích cho Chư Thiên và nhân loại. Ta không thấy có ai trong quá khứ, vị lai, hiện tại làm lợi ích cho mọi người, đem an lạc cho mọi người như Phật.

“Chư Hiền, đó là tám pháp vô đẳng về Như Lai.”

Khi ấy có vị Đao-lị nói:

“Giả sử thế gian được tám đức Phật ra đời một lượt, thời sẽ làm tăng nhiều Chư Thiên mà giảm bớt chúng A-tu-la.”

Vị trời khác nói:

“Đừng nói chi tám đức Phật, dẫu cho có bảy Phật, sáu Phật đến hai đức Phật ra đời, cũng làm cho thêm nhiều chúng chư Thiên mà giảm bớt chúng A-tu-la.”

Thích Đề-hoàn Nhân liền nói với trời Đao-lị:

“Ta được nghe từ Phật, trực tiếp lãnh giáo từ Phật, thì không bao giờ có thể có hai đức Phật ra đời một lần. Nhưng nếu Đức Như Lai mà ở đời lâu dài, vì thương tưởng mọi người, vì ích lợi cho nhiều người, vì an lạc cho Chư Thiên và nhân loại, thời cũng có thể tăng nhiều chúng Chư Thiên mà giảm bớt chúng A-tu-la vậy.”

Rồi Ban-giá-dực bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, Chư Thiên Đao-lị sở dĩ tập họp tại Pháp giảng đường, ấy là để bàn luận, tư duy, thương lượng, xem xét giáo lệnh được ban ra. Rồi trao cho Tứ thiên vương. Tứ thiên vương sau khi thọ lãnh, mỗi vị ngồi đúng theo chỗ của mình. Không bao lâu, có ánh sáng lớn kỳ lạ chiếu sáng bốn phương. Chư thiên Đao-lị nhìn thấy ánh sáng ấy thảy đều kinh sợ: ‘Nay có ánh sáng lạ này, sắp có điều gì quái lạ chăng?’ Các đại thiên thần có oai đức cũng đều kinh sợ: ‘Nay có ánh sáng lạ này, sắp báo điều gì quái lạ chăng?’

“Khi ấy, Đại Phạm vương tức thì hóa làm Đồng tử đầu có năm chõm[15], đứng giữa hư không, bên trên đại chúng, gương mặt xinh đẹp vượt hẳn đám đông, thân màu vàng tía, che mờ ánh sáng Chư Thiên. Chư Thiên Đao-lị không đứng dậy nghinh đón, cũng không cung kính, không mời ngồi. Khi Phạm Đồng tử ngồi vào chỗ ngồi của vị trời nào thì vị ấy rất hoan hỷ. Ví như vua Quán đảnh thuộc dòng Sát-lị, khi làm lễ đăng quang, khi ấy vua rất hoan hỷ phấn khởi.

“Ngồi chưa lâu, Đại Phạm lại tự biến thành hình tượng đồng tử [31b]đầu có năm chõm, ngồi giữa hư không, bên trên đại chúng, như một lực sĩ ngồi trên chỗ ngồi vững chắc, vòi vọi bất động, và làm bài tụng:

Chúng Chư Thiên Đao-lị,

Cùng Đế Thích hoan lạc,

Cung kính lễ Như Lai,

Đấng Pháp vương tối thượng.

Chư Thiên thọ phước báo:

Thọ, sắc, danh, lạc, uy.

Theo Phật tu phạm hạnh,

Nên sanh vào nơi đây.

Lại có các Thiên nhân,

Ánh màu sáng chói lọi.

Đệ tử trí tuệ Phật,

Sanh đây càng trỗi vượt.

Đao-lị và Nhân Đề,           

Nghĩ thế mà sung sướng.

Cung kính lễ Như Lai,

Đấng Pháp vương tối thượng.

“Rồi thì, Chư Thiên Đao-lị nói với Đồng tử: ‘Chúng tôi đã nghe Thiên đế Thích tán thán tám pháp vô đẳng của Như Lai, thảy đều hoan hỷ phấn khởi không thể tự chế.’ Phạm Đồng tử bèn nói với Chư Thiên: ‘Tám pháp vô đẳng về Như Lai là những gì? Ta cũng muốn nghe.’ Thiên Đế Thích bèn nói cho Đồng tử nghe tám pháp vô đẳng của Như Lai. Chư Thiên Đao-lị nghe lần nữa, bội phần hoan hỷ phấn khởi không kể xiết: ‘Mong chúng chư Thiên tăng thịnh, chúng A-tu-la giảm thiểu.’

“Khi ấy Đồng tử thấy chư Thiên hoan hỷ lại càng phấn khởi, bèn nói với chư Thiên Đao-lị rằng: ‘Các ngươi muốn nghe một pháp vô đẳng không?’ Đao-lị thiên đáp: ‘Hay lắm, chúng tôi muốn nghe.’ Đồng tử nói: ‘Hãy lắng nghe, ta sẽ nói cho’.”

“Này Chư Thiên Đao-lị! Đức Như Lai xưa kia, lúc Ngài còn làm Bồ tát, sanh bất cứ chỗ nào thảy đều thông minh túc trí.

“Này Chư Hiền, vào thời quá khứ xa xưa, có vị vua tên Địa Chủ.[16] Đệ nhất Thái tử tên Từ Bi.[17] Đại thần của vua tên Điển Tôn[18] và con Đại thần tên Diệm Man.[19] Thái tử Từ Bi có bạn, và bạn này thường kết giao với sáu vị Đại thần dòng Sát-lị khác. [20]

“Đại vương Địa Chủ mỗi khi muốn vào thâm cung du hý, bèn đem quốc sự ủy thác lại Đại thần Điển Tôn, rồi sau đó mới vào cung hát xướng, hoan lạc với ngũ dục.

“Đại thần Điển Tôn khi muốn xử lý quốc sự, trước đem việc đó hỏi con, sau mới quyết định. Hoặc có phân xử điều gì cũng nghe theo ý con. Sau bỗng nhiên Đại thần Điển Tôn mệnh chung. Vua Địa Chủ nghe tin, buồn thương [31c] thảm thiết, đấm ngực mà than rằng: ‘Quái thay! Sao vô phúc! Quốc gia mất người lương bật.’ Thái tử Từ Bi thầm nghĩ: ‘Vua vì mất Điển Tôn mà sinh ưu khổ. Ta hãy đến can Vua, chớ nên vì cái tang ấy mà buồn khổ. Vì sao? Vì Đại thần Điển Tôn hiện có con tên là Diệm Man còn thông minh túc trí hơn cha. Nay Vua có thể triệu vào để giao xử lý quốc sự’.

“Rồi Thái tử Từ Bi liền đến Vua tâu bày ý kiến. Vua nghe lời, cho triệu Diệm Man đến bảo rằng: ‘Nay ta bổ sung ngươi vào chức vị của cha ngươi, trao cho ngươi ấn phụ tướng.’ Diệm Man lãnh ấn phụ tướng xong, khi vua muốn vào thâm cung thì đem quốc sự giao cho Diệm Man.

“Diệm Man vốn đã biết rõ việc trị lý. Chẳng những những điều trước kia cha làm Diệm Man biết rõ, mà điều trước kia cha không thể làm Diệm Man cũng biết rõ. Về sau danh Diệm Man truyền khắp quốc nội, nên thiên hạ đều tôn xưng là Đại Điển Tôn.[21]

“Mộ thời, Đại Điển Tôn lại nghĩ: ‘Vua Địa Chủ nay tuổi đã già yếu, sống chẳng bao lâu. Nếu bây giờ Thái tử nối ngôi cũng chưa phải là việc khó. Có lẽ ta nên đến nói với sáu Đại thần Sát-lị: ‘Vua Địa Chủ nay tuổi đã già yếu, sống chẳng bao lâu. Nếu bây giờ Thái tử nối ngôi cũng chưa phải là việc khó. Nhưng các ông cũng nên cầu phong vương thổ cho riêng mình. Ngày Thái tử lên ngôi, chớ quên nhau vậy.’

“Thế rồi Đại Điển Tôn đi đến sáu Đại thần Sát-lị kia, nói rằng: ‘Thưa các Ngài, nên biết, Vua Địa Chủ nay tuổi đã già yếu, chẳng còn sống bao lâu; việc Thái tử lên nói Vương vị chưa phải là việc khó. Các ông nên đến tỏ ý này với Thái tử rằng: ‘Chúng tôi với ngài biết nhau từ nhỏ. Ngài khổ chúng tôi khổ, ngài vui chúng tôi vui. Nay vua đã già yếu, chẳng còn sống bao lâu, việc Thái tử lên nối ngôi vua không phải là việc khó. Nếu ngài lên ngôi, xin ngài hãy phong đất cho chúng tôi.’

“Sáu Đại thần Sát-lị liền đến tỏ với Thái tử. Thái tử trả lời: ‘Nếu ta lên ngôi mà chia đất phong quốc, ta còn phong cho ai khác hơn?’ Không bao lâu, bỗng vua thăng hà. Đại thần trong nước đến bái yết Thái tử, tôn lên kế vị. Lên ngôi xong, Tân vương thầm nghĩ: ‘Nay lập chức Tể tướng nên chuẩn theo Tiên vương. Nhưng người nào xứng đáng để cử chức đó? Hẳn phải là Đại Điển Tôn mới được.’ Vua Từ Bi liền triệu Đại Điển Tôn đến bảo: ‘Nay ta cử ngươi lên chức vị Tể tướng và trao [32a] ấn tín cho. Ngươi hãy chuyên cần tổng lý quốc sự.’ Đại Điển Tôn vâng lệnh, lãnh ấn.

“Mỗi khi vua lui vào cung, bao nhiêu quốc sự đều phó thác cả cho Đại Điển Tôn. Đại Điển Tôn thầm nghĩ: ‘Ta nay nên đến sáu vị Sát-lị để hỏi thử xem họ có nhớ lời trước kia không.’ Bèn đi đến nói với sáu Đại thần Sát-lị: ‘Các ngài có nhớ lời đã nói khi trước không? Nay Thái tử đã lên ngôi vua, ở kín trong thâm cung, vui thú ngũ dục. Các ngài nay nên đến tâu hỏi vua: ‘Vua ở ngôi trời, vui thú ngũ dục, vậy còn có nhớ lời nói trước kia chăng?’

“Sáu vị Sát-lị nghe lời ấy xong liền đến chỗ vua, tâu: ‘Vua ở ngôi trời, vui thú ngũ dục, vậy còn có nhớ lời nói trước kia chăng? Rằng: Cắt đất phong ấp, ai xứng đáng ở đó?’ Vua đáp: ‘Ta không quên! Xưa ta có nói, chia đất phong ấp, phi các khanh còn ai được.’

“Tiếp đó vua thầm nghĩ: ‘Cõi đất Diêm-phù-đề này trong rộng ngoài hẹp[22]. Người nào có khả năng phân nó làm bảy phần?’ Rồi lại nghĩ: ‘Chỉ có Đại Điển Tôn mới làm được việc này.’ Vua liền triệu Đại Điển Tôn đến nói rằng: ‘Ngươi hãy chia cõi đất Diêm-phù-đề này ra làm bảy phần.’ Đại Điển Tôn sau đó liền phân nó làm bảy phần. Thành, thôn ấp, quận quốc do vua cai trị, thảy làm một phần. Sáu nước do Sát-lị Đại thần được chia cho mỗi nước một phần. Vua lấy làm hài lòng nói: ‘Nguyện vọng của ta đã thỏa.’ Sáu Đại thần Sát-lị cũng sung sướng cho nguyện vọng mình đã thỏa. Công việc này thành được là nhờ Đại Điển Tôn vậy.

‘Sáu vua dòng Sát-lị lại tự nghĩ: ‘Nước ta mới lập, phải cần có vị phụ tướng. Nhưng biết ai có thể đảm đương được? Nếu có ai như Đại Điển Tôn, ta sẽ khiến kiêm thông lãnh quốc sự.’

‘Sáu vua Sát-lị đều mời Đại Điển Tôn đến bảo: ‘Nước ta cần phụ tướng. Khanh hãy vì ta kiêm thông, lãnh quốc sự.’ Cả sáu nước đều trao cho ấn phụ tướng. Đại Điển Tôn nhận tướng ấn xong, sáu vua lui vào hậu cung hưởng thụ dục lạc. Đại Điển Tôn được giao luôn quốc sự, và xử lý luôn công việc cả bảy nước; thảy đều thành tựu cả.

‘Đồng thời, trong nước có bảy đại Cư sĩ, Đại Điển Tôn cũng xử lý luôn việc nhà giúp họ. Ông lại có thể dạy bảo cho bảy trăm Phạm-chí đọc tụng kinh điển.’

‘Bảy Quốc vương kính xem ông như thần minh. Bảy đại Cư sĩ kính xem ông như Đại vương. Còn bảy trăm Phạm-chí kính xem ông như Phạm thiên. Họ đều thầm nghĩ rằng: ‘Tể tướng Đại Điển Tôn thường gặp gỡ Phạm thiên, chuyện trò, đi đứng, thân thiện với Phạm thiên.’

“Bấy giờ, Đại Điển Tôn thầm biết ý tưởng bảy Vua, Cư sĩ, và Phạm-chí, bèn tự nhủ rằng: ‘Họ nói ta thường gặp gỡ Phạm thiên, chuyện trò, đi đứng, thân thiện với Phạm thiên. Nhưng ta thật chưa từng thấy Phạm thiên, chưa từng nói chuyện với Phạm thiên. Ta không thể im lặng để vọng nhận tiếng khen đó. Ta cũng từng nghe các vị kỳ túc nói: Ai trong bốn tháng mùa hạ ở nơi nhàn tĩnh tu tập bốn vô lượng[23] thời Phạm thiên sẽ xuống gặp. Nay ta có nên tu bốn vô lượng để được Phạm thiên xuống gặp chăng?’

‘Rồi thì, Đại Điển Tôn tỳm đến bảy quốc vương nói rằng: ‘Tâu Đại vương, mong Đại vương hãy trông nom quốc sự. Tôi muốn vào bốn tháng mùa hạ tu bốn vô lượng.’ Bảy vua nói: ‘Khanh tự biết thời.’

‘Đại Điển Tôn lại đến nói với bảy Cư sĩ: ‘Các ông hãy tự lo công việc của mình. Ta muốn vào bốn tháng mùa hạ, tu bốn vô lượng.’ Các cư sĩ đáp: ‘Vâng. Ngài tự biết thời.’

“Ông lại nói với bảy trăm Phạm-chí: ‘Các khanh hãy siêng năng đọc tụng và chỉ bảo lẫn nhau. Ta muốn vào bốn tháng mùa hạ tu bốn vô lượng.’ Các Phạm-chí đáp: ‘Vâng. Đại sư tự biết thời.’

“Rồi Đại Điển Tôn ở phía Đông thành ấy dựng một am thất, vào bốn tháng mùa hạ, nghỉ ở đó mà tu bốn vô lượng. Nhưng Phạm thiên vẫn không hiện xuống. Đại Điển Tôn thầm nghĩ: ‘Ta nghe các bậc túc cựu nói, tu bốn vô lượng trong bốn tháng hạ thì sẽ có Phạm thiên hiện xuống, nhưng nay sao tịch nhiên không thấy phảng phất gì?’

“Đến ngày rằm trăng tròn, Đại Điển Tôn ra khỏi tịnh thất, đến ngồi trên chỗ đất trống. Ngồi đó chưa bao lâu, bỗng có ánh sáng lạ hiện tới. Đại Điển Tôn tự nghĩ: ‘Nay ánh sáng lạ đó là điềm Phạm thiên sắp hiện xuống chăng?’

“Ngay khi ấy Phạm thiên hóa làm một Đồng tử đầu có năm chỏm, ngồi giữa không, bên trên chỗ Đại Điển Tôn. Đại Điển Tôn sau khi thấy bèn nói bài tụng rằng:

Đây là thiên tượng gì,

Ở ngay giữa hư không,

Sáng chói cả bốn phương,

Như đống củi cháy hực?

Phạm Đồng tử đáp lại bằng bài kệ:

Duy Chư Thiên cõi Phạm

Biết ta Phạm đồng tử.

Những người khác bảo ta

Thờ tự như Đại thần.[24]

Đại Điển Tôn đáp bằng bài kệ:

Nay tôi sẽ vâng bẩm,

Phục vụ chi thành kính,

Dâng các thứ thượng vị,

Nguyện Trời biết lòng tôi.

[32c]Phạm Đồng tử lại nói kệ:

Nay dọn cúng dường này,

Điển Tôn, ngươi cần gì?

Muốn gì, chí cầu gì?

Ta sẽ trao cho ngươi.

“Phạm thiên lại bảo Điển Tôn: ‘Ngươi muốn hỏi gì tùy ý hỏi. Ta sẽ nói cho.’ Đại Điển Tôn thầm nghĩ: ‘Ta nên hỏi việc hiện tại chăng? Hay việc vị lai?’ Rồi lại tự nghĩ: “Việc hiện tại đời này, cần gì nữa hỏi. Ta hãy hỏi việc chưa tỏ. Ông liền hướng đến Phạm Đồng tử nói bài kệ:

Tôi xin hỏi Phạm đồng,

Để giải quyết mối nghi:

Học và trụ pháp gì,

Được sanh lên Phạm thiên ?

“Phạm Đồng tử đáp:

Dứt ý tưởng ta, người;[25]

Độc cư, tu từ tâm;[26]

Trừ dục, không xú uế,

Được sanh lên Phạm thiên.

“Đại Điển Tôn nghe xong bài kệ, liền suy nghĩ: ‘Phạm Đồng tử thuyết kệ là nên trừ xú uế. Ta không hiểu điều này. Vậy cần hỏi thêm nữa’. Bèn nói kệ:

Phạm kệ nói xú uế,

Xin giải rõ tôi hay:

Ai đóng[27] cửa thế gian,

Đọa ác, không sanh thiên?

‘Phạm Đồng tử đáp bằng bài kệ:

Dối trá và tật đố,

Ngã mạn, tăng thượng mạn

Tham dục, sân nhuế, si

Mặc tỳnh chứa đầy tâm,

Là thế gian xú uế;

Ta nói cho ngươi rõ.

Nó mở cửa thế gian;

Đọa ác, không sanh thiên.

“Nghe xong, Đại Điển Tôn thầm nghĩ: ‘Theo lời của Phạm Đồng tử, bây giờ ta đã hiểu nghĩa chữ xú uế. Nhưng tại gia thì không thể dứt trừ được. Tốt hơn ta có nên bỏ đời, xuất gia, cạo bỏ râu tóc, bận pháp phục, tu đạo chăng?’ Khi ấy Phạm Đồng tử biết được ý nghĩ của ông, bèn nói bài kệ:

Nếu ngươi hay dũng mãnh,

Chí đó thật tuyệt vời;

Là hành vi bậc trí;

Chết tất sanh Phạm thiên.

[33a] “Thế rồi Phạm đồng tử hốt nhiên biến mất.

“Bấy giờ, Đại Điển Tôn trở về, đi đến bảy vua, tâu rằng: ‘Tâu Đại vương, mong ngài đem sức thần mà xử lý quốc sự. Nay tôi có ý xuất gia, bỏ đời, bận pháp phục tu đạo. Vì sao vậy? Tôi thân nghe từ Phạm thiên nói đến sự xú uế mà lòng rất ghét. Nếu tại gia thì không sao loại trừ được nó.’ Bảy Quốc vương thầm nghĩ: ‘Bọn Bà-la-môn thường hay tham tài bảo, có lẽ ta nên mở rộng kho tàng cho ông ta cần dùng gì tùy ý, để đừng xuất gia.’ Rồi vời Đại Điển Tôn đến bảo: ‘Ngươi muốn cần dùng gì ta đều cấp cả, không cần xuất gia.’ Đại Điển Tôn tâu đáp: ‘Tôi đã được Vua ân tứ rồi. Tôi cũng có nhiều tài bảo. Nay xin để lại hết dâng Đại vương. Xin cho tôi được thỏa chí nguyện xuất gia thôi.’

“Bảy Quốc vương lại thầm nghĩ: ‘Những người Bà-la-môn thường ham mỹ sắc. Có lẽ ta đem thể nữ trong cung cấp cho vừa ý, để khỏi xuất gia.’ Rồi nói với Đại Điển Tôn: ‘Nếu cần thể nữ, ta cấp hết cho ngươi. Không cần xuất gia nữa.’ Đại Điển Tôn đáp: ‘Nay tôi đã được Vua ân tứ rồi. Nhưng trong nhà tôi thể nữ có nhiều, nay cho về hết. Tôi chỉ mong lìa ân ái để xuất gia hành đạo. Vì tôi thân nghe Phạm Đồng tử nói điều xú uế mà lòng nhàm ghét. Nếu tại gia thì không sao trừ được.’

“Rồi Đại Điển Tôn nói bài kệ cho vua Từ Bi  nghe:

Vua hãy nghe tôi nói

Vua là bậc Nhân tôn,

Cho tài bảo, thể nữ.

Thứ ấy phi sở thích.

“Vua Từ Bi đáp bằng bài kệ:

Thành Đàn-đặc: Già-lăng.

Thành A-bá: Bố-hòa.

Thành A-bàn: Đại-thiên.

Thành Ương-già:, Chiêm-bà.

Số-di: Tát-la thành

Tây-đà: Lộ-lâu thành

Thành Bà-la: Già-thi.[28]

Thảy do Điển Tôn dựng.

Có bao nhiêu ngũ dục,

Ta sẽ cùng cho ngươi.

Hãy cùng trông việc nước.

Không nên bỏ xuất gia.

“Điển Tôn trả lời bằng bài kệ:

Ngũ dục, tôi không thiếu.

Chỉ không ham thế gian.

[33b]Sau khi nghe Trời nói,

Không còn muốn tại gia.

“VuaTừ Bi đáp lại bằng bài kệ:

Lời Đại Điển Tôn nói,

Được nghe từ Trời nào,

Mà dứt bỏ ngũ dục?

Nay hỏi, mong trả lời.

“Đại Điển Tôn nói kệ:

Xưa tôi ở chỗ vắng,

Một mình, tự suy tư.

Rồi Phạm Thiên vương đến,

Tỏa hào quang rực sáng.

Tôi nghe được từ Ngài.

Không còn ham thế gian.

“Vua Từ Bi nói kệ:

Hãy chờ, Đại Điển Tôn!

Để cùng hoằng thiện pháp;

Rồi sau cùng xuất gia.

Khanh là thầy của ta.

Ví như trong hư không,

Thanh tịnh, đầy lưu ly;

Nay ta tín thanh tịnh,

Đầy khắp trong Phật pháp.

“Rồi Đại Điển Tôn lại làm bài tụng:

Chư thiên và người đời,

Đều nên xả ngũ dục;

Chùi sạch các ô uế,

Mà tịnh tu phạm hạnh.

“Bấy giờ bảy vị Quốc vương nói với Đại Điển Tôn:

“Ngươi nên hoãn lại bảy năm để cùng nhau vui thú ngũ dục. Sau đó chúng ta cùng bỏ nước, giao lại cho con em, cùng xuất gia. Há không hay hơn sao? Những gì ngươi sở đắc, chúng ta cũng đồng.’

“Đại Điển Tôn đáp: ‘Thế gian vô thường, mạng người mau chóng, chỉ trong hơi thở còn khó bảo toàn. Nay hoãn đến bảy năm chẳng quá lâu lắm sao?” Bảy vua nói: ‘Bảy năm lâu thì sáu, năm... hoặc một năm cũng được. Chúng ta lưu lại trong tĩnh cung để cùng chung vui hưởng ngũ dục tuyệt thế. Sau đó chúng ta cùng bỏ nước, giao lại cho con em, cùng xuất gia. Há không hay hơn sao? Những gì ngươi sở đắc, chúng ta cũng đồng.’

“Đại Điển Tôn vẫn đáp: ‘Thế gian vô thường, mạng người mau chóng, chỉ trong hơi thở còn khó bảo toàn. Nên dầu cho một năm vẫn còn lâu; thậm chí bảy tháng, hay một tháng cũng không thể được.’ Bảy vua nói tiếp: ‘Thôi hoãn bảy ngày.’ [33c] Đại Điển Tôn đáp: ‘Bảy ngày không lâu, có thể hoãn được. Xin Đại vương chớ sai lời. Quá bảy ngày nếu vua không xuất gia thì tôi xuất gia một mình.’

“Rồi Đại Điển Tôn lại đến bảy Cư sĩ, bảo họ: ‘Mỗi người hãy tự lo lấy công việc của mình. Tôi muốn xuất gia, tu đạo vô vi. Vì sao vậy? Ta thân nghe từ Phạm thiên, nói đến sự xú uế mà lòng rất ghét. Nếu tại gia thì không sao dứt trừ được.’

“Bảy Cư sĩ đáp Đại Điển Tôn: ‘Lành thay, chí hướng ấy! Ông hãy làm những gì thích hợp. Chúng tôi cũng muốn cùng xuất gia theo. Những gì ông sở đắc, chúng tôi cũng nên đồng.’

“Đại Điển Tôn lại đến nói với bảy trăm Phạm-chí: ‘Các khanh, hãy siêng năng phúng tụng, tỳm rộng đạo nghĩa, rồi dạy bảo lẫn nhau. Ta muốn xuất gia tu đạo vô vi. Vì sao? Ta thân nghe từ Phạm thiên nói đến xú uế mà lòng rất ghét. Nếu tại gia thì không thể dứt trừ được.’ Bấy giờ bảy trăm Phạm-chí nói với Đại Điển Tôn: ‘Đại sư, chớ xuất gia. Sống gia đình thì an vui, hưởng thụ ngũ dục, có nhiều người hầu hạ, tâm không ưu khổ. Người xuất gia sống một mình ở chỗ hoang vắng; muốn gì đều không có, chẳng ham lấy được gì.’ Đại Điển Tôn đáp: ‘Nếu ta cho tại gia là vui, xuất gia là khổ, hẳn ta không xuất gia. Nhưng ta đã cho tại gia là khổ, xuất gia là vui, nên ta xuất gia.’ Các Phạm-chí nói: Đại sư xuất gia, chúng tôi cũng xuất gia. Đại sư làm gì, chúng tôi làm theo cả.’

“Đại Điển Tôn lại đến nói với các bà vợ: ‘Nay các ngươi được tùy nghi. Ai muốn ở thì ở. Ai muốn về thì về. Nay ta muốn xuất gia cầu đạo vô vi.’ Rồi kể hết sự việc như trên, và nói rõ ý muốn xuất gia. Các phu nhân đáp: ‘Đại Điển Tôn nếu còn ở nhà, thì vừa là chồng cũng vừa như cha chúng tôi. Nay nếu xuất gia, chúng tôi sẽ xin đi theo. Việc gì Đại Điển Tôn làm, chúng tôi cũng sẽ làm.’

“Sau bảy ngày, Đại Điển Tôn cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, bỏ nhà mà đi. Đồng thời, bảy Quốc vương, bảy Cư sĩ, bảy trăm Phạm-chí, bốn mươi phu nhân, cũng lần lượt xuất gia. Lần hồi lên tới tám vạn bốn ngàn người, đồng thời theo Đại Điển Tôn xuất gia. Đại Điển Tôn thường cùng đại chúng dạo qua các nước, hóa độ rộng rãi, đem lại ích lợi cho nhiều người.

“Bấy giờ Phạm vương nói với Thiên chúng: Các ngươi chớ nghĩ Đại thần Điển Tôn lúc đó là ai đâu khác. Chính là tiền thân của đức Phật Thích-ca hiện nay vậy. [34a] Thế Tôn vào lúc ấy, sau bảy ngày, xuất gia tu đạo, dẫn các đại chúng du hành các nước, hóa độ rộng rãi, làm lợi ích cho nhiều người. Nếu có nghi lời ta nói, các ngươi hãy đến đức Thế Tôn hiện ngự tại núi Kỳ-xà-quật để hỏi. Như những gì Phật dạy, hãy gắng nhớ lấy.”

Nhạc thần Ban-giá-dực bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn! Vì duyên cớ đó nên hôm nay con đến đây. Bạch Thế Tôn, Đại Điển Tôn kia chính là Thế Tôn đó phải không? Thế Tôn qua bảy ngày thì xuất gia tu đạo; cùng với bảy Quốc vuơng, cho đến tám vạn bốn nghìn người đồng thời xuất gia, cùng chúng đi du hành các nước, giáo hóa rộng rãi, làm lợi íchh cho nhiều người, phải không?”

Phật đáp Ban-giá-dực:

“Đại Điển Tôn lúc đó là ai khác chăng? Chớ nghĩ như vậy. Chính thân Ta đó vậy. Lúc bấy giờ, gái trai cả nước mỗi khi đi lại, cử động, có điều gì nguy khốn, họ liền cất tiếng niệm: Nam mô Đại Điển Tôn, vị Tể tướng của Bảy Vua! Nam mô Đại Điển Tôn, vị Tể tướng của Bảy Vua! Niệm đến ba lần như vậy.

“Này Ban-giá-dực! Đại Điển Tôn lúc đó tuy có oai đức lớn, nhưng không thể vì đệ tử giảng nói đạo cứu cánh, không thể khiến đệ tử được cứu cánh phạm hạnh, không thể khiến đến được chỗ cứu cánh an lạc. Pháp của Đại Điển Tôn nói ra, nếu đệ tử nào thật hành thì khi thân hoại mệnh chung chỉ được sanh lên cõi trời Phạm thiên. Người nào thật hành cạn hơn thì sanh lên cõi trời Tha Hóa Tự Tại. Thứ nữa sanh Hóa Tự Tại, Đâu-suất-đà, Diệm ma, Đao-lị, Tứ thiên vương, hoặc Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ tại gia. Muốn gì cũng được vừa ý.

“Này Ban-giá-dực! Đệ tử của Đại Điển Tôn đều là kẻ xuất gia không phải ngu si. Có quả báo, có giáo giới, nhưng chưa phải là đạo cứu cánh, chẳng khiến đệ tử chứng được cứu cánh phạm hạnh, chẳng đưa đệ tử đến chỗ an ổn hoàn toàn. Chỗ cao tột của đạo kia chỉ đến cõi trời Phạm thiên là cùng. Còn nay giáo pháp của Ta dạy cho đệ tử có thể khiến họ chóng được đạo cứu cánh, được cứu cánh phạm hạnh, cứu cánh an ổn và cuối cùng thì vào Niết-bàn. Pháp của Ta nói, nếu đệ tử nào thật hành thì xả bỏ hữu lậu mà thành vô lậu, ngay trong đời này mà tự mình chứng ngộ tâm giải thoát, tuệ giải thoát, sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa. Người nào thật hành cạn hơn thì đoạn được năm kết sử hạ giới và có thể nhập Niết-bàn tại thiên giới, chứ không trở lại cõi này. Thứ nữa thì đoạn ba kết sử, dâm, nộ, si mỏng, chỉ phải một lần sanh vào cõi này nữa là sẽ nhập Niết-bàn. Và thứ nữa thì đoạn được ba kết sử, chứng quả Tu-đà-hoàn, không còn bị đọa vào ác đạo, nhiều lắm là bảy lần sanh đến cõi này nữa là chắc chắn được Niết-bàn.

“Này Ban-giá-dực! Các đệ tử Ta xuất gia không phải ngu si, có quả báo, có giáo giới, được cứu cánh đạo pháp, cứu cánh phạm hạnh, cứu cánh an ổn và cuối cùng vào Niết-bàn.”

Ban-giá-dực nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

 


* 第一分[12]典尊經第三

[1] No 8: Thứ phong sơn 鷲峯山.

[2] Chấp nhạc thiên Ban-giá-dực Tử 執樂天般遮翼子. No 8: Ngũ Kế Cần-thát-bà Vương tử 五髻乾闥婆王子. Pl.: Pañcasikha Gandhabbaputta, Ngũ Kế (5 búi tóc), con trai của Nhạc thần; cũng gọi là Ngũ Kế Càn-đà-bà tử 五髻乾陀婆子.

[3] Để bản: tạc 昨 (đêm qua), TNM: cận 近 (gần đây).  

[4] Pháp giảng đường 法講堂. Pl.: Sudhamma-sabhā (Thiên pháp đường); hội trường của Chư Thiên Đao-lị.

[5] Bốn vị Thiên vương: Đề-đế-lại-tra 提帝賴吒; Pl.: Dhataraṭṭha (Trì Quốc): Tỳ-lâu-lặc 毗樓勒; Pl.: Virūḷhaka (Tăng Trưởng); Tỳ-lâu-bác-xoa 毗樓博叉; Pl.: Virūpaka (Quảng Mục). Tỳ-sa-môn 毗沙門; Pl.: Vessavana (Đa Văn).

[6] No 8, 5 điều cực ái lạc: thọ mạng, sắc tướng, danh xưng, cát tường, quyến thuộc 壽命色相名
稱吉祥眷屬.

[7] Thích Đề-hoàn Nhân 釋提桓因,  Thiên đế Thích 天帝釋; Pl.: Sakka devānam Inda.

[8] Nhân Đề 因提: (Thích) Đề-hoàn Nhân.

[9] Như Lai bát vô đẳng pháp 如來八無等法; No 8: tám pháp hu hữu của Thế Tôn 世尊八希有法. D 19 (ii 222): attha yathābhuccavannā: tám sự tán thán Như Lai một cách chân thật.

[10] Hán: thông đạt vô ngại dĩ tự ngu lạc 通達無礙以自娛樂.

[11] Thân cận (…) tịch diệt  親 近 (…) 寂滅. Cf. D 19 ibid.: samsandati nibbābañ ca patipadā ca, “hợp lưu Niết-bàn và đạo.”

[12] No 8: Căng-già hà 殑伽河.

[13] Diệm-ma 炎摩. No 8: Diêm-mâu-na 閻
牟那. Pl.: Yamunā, chi lưu của sông Hằng.

[14] Hán: pháp pháp thành tựu法法成就. Pl. thành cú: dhammānudhammappaṭipannaṃ. 

[15] Đồng tử đầu ngũ giác kế 童子頭五角. D. 19 (ii 230): Phạm thiên Sanaṅkumāra (Thường Đồng Hình) hoá làm đồng tử có tên Pañcasikha. (Ngũ Kế đồng tử). Bản Hán không coi Sanaṅkumāra và Pañcasikha là những tên người.

[16] Địa Chủ 地主. No 8: Vực Chủ 域主. Pl.: Disampati (Phương Chủ).

[17] Từ Bi 慈悲. No 8: Lê-nỗ 黎
努. Pl.: Reṇu.

[18] Điển Tôn 典尊. No 8: Kiên Cố 堅固. Pl.: Govinda.

[19] No 8: Hộ Minh 護明. Diệm Man 焰鬘. Pl.: Jotipāla (Hộ Minh).

[20] D 19: Reṇu, Jotipāla và sáu người Khattiyā: tám người bạn tất cả.

[21] Đại Điển Tôn 大典尊. No 8: Đai Kiên Cố 大堅
固. Pali: Mahā-Govinda.

[22]. D 19 (ii 235): imam mahāpathaviṃ uttarena āyataṃ dakkhiṇena sakaṭamukhaṃ, “đại địa này phía bắc rộng, phía nam có hình như phần trước cỗ xe.

[23] D 19 (ii 237): karuṇaṃ jhānaṃ jhāyati, thiền tứ về thiền bi tâm.

[24] Đại thần; TNM: hòa thần. Nhưng, D 19 ibid.: sabbe jānanti maṃ devā, “Tất cả đều biêt ta là Thiên thần.”

[25] Hán: xả ngã nhân tưởng 捨我人想. Cf. D 19 ibid.: hitvā mamattaṃ manujesu brahme, Hitv± mamattaṃ manujesu brahme “Bà-la-môn, giữa mọi người xả bỏ ngã và ngã sở.”

[26] D 19, ibid.: ekodibhūto karuṇedhimutto, “chuyên nhất cảnh tu bi thắng giải.” No 8: tâm trú nhất cảnh bi giải thoát心住一境悲解脫.

[27] Để bản: khai 開 mở; TNM: bế 閉, đóng. D. 19 ibid..: kenāvaṭā vāti pajā kurutu āpāyikā nivutabrahmalokā ti, “sanh loại bị cái gì đóng kín, bốc mùi xú uế, để đọa lạc, bị bít lối Phạmm thiên giới.”

[28] Đàn-đặc 檀特 (Dantapura) cho bộ tộc Già-lăng 伽 陵 (Kaliṅga); Bố-hòa 布和 (Potana) cho bộ tộc  A-bà 阿婆 (hay sa 娑? Assaka); Đại thiên 大天 (Mahesa, hay Mahissatī) cho bộ tộc A-bàn 阿槃 (Avantī); Chiêm-bà 瞻婆 (Campā) cho bộ tộc Ương-già 鴦伽 (Aṅga); Bà-la 婆羅 (Bārāṇasī) cho Già-thi 伽尸 (Kāsī). Còn lại 2 thành, bản Hán khó dò. Có thể: Lộ-lâu thành 路 樓 (Roruka) cho dân Số-di 數 彌 (Sovīra); Tát-la thành 薩 羅 (Mithila) cho dân Tây-đà 西 陀 (Videha). Cf 19 (ii 235). No 8: danh sách 7 nước/ thành, không nêu bộ tộc: Ca-lăng-nga 迦陵誐國, Nại-đa-bố-ra 奈多布囉城, Ma-thấp-ma-ca 摩濕摩迦國, Bao-châm-na 褒箴那城, Vãn-đế-na  晚帝那國, Ma-hê-sa-ma 摩呬沙摩城, Tô-vĩ-ra 蘇尾囉國, Lao-rô-ca 勞嚕迦城, Di-thể-la 彌體羅國, Vĩ-đề-hê 尾提呬城, Ma-già-đà 摩伽陀國, Chiêm-ba 瞻波大城, Ba-la-nại 波羅奈國, Ca-thi  迦尸大城.

 

4. Kinh xà ni sa

PHẦN II

4. KINH XÀ-NI-SA

[34b5]Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật du hành Na-đề[1], trú xứ Kiền-chùy[2], cùng với chúng đại Tỳ-kheo một nghìn hai trăm năm mươi người.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan ngồi ở tịnh thất, thầm nghĩ: “Kỳ diệu thay, hy hữu thay, Như Lai ký biệt[3] cho nhiều người, làm lợi ích cho nhiều người. Thứ nhất[4], Đại thần Già-già-la mạng chung, Như Lai ghi nhận rằng, người này mạng chung, đoạn trừ năm hạ phần kết, được sanh lên trời mà diệt độ ở đó, không trở lại đời này.”

“Thứ hai, Ca-lăng-già; thứ ba, Tỳ-già-đà; thứ tư, Già-lị-du; thứ năm, Giá-lâu; thứ sáu, Bà-giá-lâu; thứ bảy, Bà-đầu-lâu; thứ tám, Tẩu-bà-đầu; thứ chín, Tha-lê-xa-nậu; thứ mười, Tẩu-dạt-lê-xá-nậu; thứ mười một, Da-du; thứ mười hai, Gia-du-đa-lâu. Các Đại thần này mạng chung, họ cũng được ghi nhận, đoạn trừ năm hạ phần kết, liền sinh lên trời mà diệt độ ở đó, không phải sinh ở đây.

“Lại có năm mươi người khác nữa mạng chung, Phật cũng đều ký biệt cho, đoạn trừ ba kết, dâm, nộ, si mỏng, chứng đắc Tư-đà-hàm, một lần tái sinh đời này rồi tận diệt biên tế của khổ.

“Lại có năm trăm người nữa mạng chung, Phật cũng ghi nhận, ba kết đã diệt tận, chứng đắc Tu-đà-hoàn, không đọa ác thú, tối đa bảy lần tái sinh, chắc chắn sẽ diệt tận biên tế của khổ.

“Có đệ tử của Phật mệnh chung ở nơi này nơi kia, Phật đều ký biệt cho, người này sanh ở chỗ này, người kia sanh ở chỗ kia.

“Nước Ương-già, nước Ma-kiệt, nước Ca-thi, nước Cư-tát-la, nước Bạt-kỳ, nước Mạt-la, nước Chi-đề, nước Bạt-sa, nước Cư-lâu, nước Ban-xà-la, nước Phả-thấp-ba, nước A-bàn-đề, nước Bà-ta, nước Tô-la-sa, nước Càn-đa-la, nước Kiếm-phù-sa[5]. Ở mười sáu nước này có người mạng chung Phật đều ký biệt. Nhưng, những người nước Ma-kiệt đều là người dòng họ vua, được vua thân tín nhiệm;[6] có người mạng chung mà Phật không ký biệt.”

Rồi thì A-nan rời tịnh thất đi đến chỗ Thế Tôn, đầu mặt lễ Thế Tôn, rồi ngồi sang một bên, và bạch Phật rằng:

“Vừa rồi ở tịnh thất con thầm nghĩ rằng: ‘Kỳ diệu thay, hy hữu thay, Phật ký biệt cho nhiều người, làm lợi ích cho nhiều người. Trong mười sáu nước lớn có người mạng chung Phật đều ký biệt cho. Duy người nước Ma-kiệt được vua thân yêu; có người mạng chung, [34c] độc nhất không được ký biệt.’ Cúi mong Thế Tôn hãy ký biệt cho người đó! Cúi mong Thế Tôn hãy ký biệt cho người đó. Vì lợi ích cho tất cả; vì sự an lạc của Chư Thiên và loài người.

“Lại nữa, Phật đắc đạo ở nước Ma-kiệt. Nhưng riêng người nước ấy khi mạng chung không được ký biệt. Cúi mong Thế Tôn hãy ký biệt cho người ấy! Cúi mong Thế Tôn hãy ký biệt cho người ấy.

“Lại nữa, vua Bình-sa[7], vua nước Ma-kiệt, là ưu-bà-tắc dốc lòng thành tín nơi Phật, đã nhiều lần thiết lễ cúng dường, sau đó mạng chung. Do vua ấy mà có nhiều người tin hiểu, cúng dường Tam Bảo. Nhưng nay Như Lai không thọ ký cho. Cúi mong Thế Tôn hãy thọ ký cho người ấy, vì ích lợi cho chúng sinh khiến cho trời và người đều an lạc.”

A-nan sau khi vì người Ma-kiệt thỉnh cầu Thế Tôn, bèn rời khỏi chỗ ngồi, lễ Phật rồi lui ra.

Bấy giờ, Thế Tôn đắp y ôm bát vào thành Na-già[8]. Sau khi khất thực, Ngài đi đến rừng lớn[9], ngồi dưới một gốc cây, tư duy về chỗ mà người Ma-kiệt tái sinh sau khi mạng chung.

Lúc ấy cách Phật không xa có một vị Quỷ thần[10] tự xưng tên mình, bạch Thế Tôn rằng:

“Con là Xà-ni-sa. Con là Xà-ni-sa[11]

Phật nói:

“Ngươi do sự việc gì mà xưng tên mình là Xà-ni-sa? Ngươi nhân bởi pháp gì mà bằng những lời vi diệu, tự xưng là đã thấy đạo tích?[12]

Xà-ni-sa nói:

“Không phải ở đâu khác mà con vốn là vua ở loài người,[13] là ưu-bà-tắc ở trong pháp của Như Lai nhất tâm niệm Phật và mệnh chung, do đó được sanh là Thái tử của Tỳ-Sa-môn Thiên vương. Từ đó đến nay con thường soi sáng các pháp, chứng đắc Tu-đà-hoàn không còn đọa ác đạo, ở trong bảy đời tái sinh, đều có tên là Xà-ni-sa.”

Thế Tôn sau khi tùy nghi nghỉ ở đại lâm lại đi đến trú xứ Kiền-chùy ở Na-đà[14], ngồi lên chỗ dọn sẵn rồi nói với một Tỳ-kheo: “Ngươi mang lời Ta đi kêu A-nan đến đây:”

Tỳ-kheo đáp: “Kính vâng”. Rồi vâng lời Phật dạy đi gọi A-nan. Lát sau A-nan đến chỗ Thế tôn, đầu mặt lễ dưới chân rồi ngồi sang một bên và bạch Phật rằng:

“Nay con xem Như Lai nhan sắc hơn hẳn bình thường, các căn tịch định. Thế Tôn đang an trú tư duy gì mà nhan sắc như vậy?”

Phật bảo A-nan:

“Ngươi vừa rồi vì người nước Ma-kiệt đến chỗ ta thỉnh cầu ký biệt, sau đó lui đi. Lát sau ta khoác y ôm bát vào thành Na-la[15] khất thực. Sau khi khất thực, ta đi đến đại lâm kia ngồi dưới một gốc cây, tu duy về chỗ mà người Ma-kiệt tái sinh. Lúc đó cách ta không xa có một vị Quỉ thần tự xưng tên và bạch ta rằng: [35a] ‘Con là Xà-ni-sa.’ A-nan, ngươi đã từng nghe tên Xà-ni-sa kia chưa?”

A-nan bạch Phật:

“Con chưa từng nghe. Nay nghe tên ấy, con cảm thấy sợ hãi, lông tóc dựng ngược. Thế tôn, vị Quỷ thần ấy ắt có oai đức lớn nên mới có tên Xà-ni-sa.”

Phật nói:

“Ta hỏi vị ấy trước rằng: ‘Ngươi nhân pháp gì mà bằng lời nói vi diệu tự xưng là đã thấy đạo tích?’ Xà-ni-sa nói: ‘Con không phải ở nơi khác; không phải tại pháp khác. Xưa con là vua của loài người, là đệ tử của Thế tôn, với tín tâm chí thành con là một ưu-bà-tắc nhất tâm niệm Phật, sau đó mạng chung làm con trai của Tỳ-Sa-môn thiên vương, chứng đắc Tu-đà-hoàn, không còn đọa ác thú, tối đa bảy lần tái sanh rồi diệt biên tế của khổ, ở trong bảy đời tái sinh có tên thường là Xà-ni-sa. Một thời Thế Tôn ở tại Đại lâm ngồi ở một gốc cây. Khi ấy con cỡi cỗ xe báu có nghìn căm. Do có nhân duyên nhỏ, muốn đến Tỳ-lâu-lặc Thiên vương,[16] từ xa con thấy Thế Tôn ngồi ở dưới một gốc cây, nhan mạo đoan chánh, các căn tịch định, ví như ao sâu trong veo, tĩnh lặng, trong sáng. Sau khi thấy, con tự nghĩ: Ta nên đến hỏi thăm Thế Tôn rằng người nước Ma-kiệt có người mạng chung sẽ tái sinh ở chỗ nào.

“Lại nữa, một thời Tỳ-Sa-môn Thiên vương tự mình ở trong đại chúng mà nói kệ rằng:

Chúng ta không tự nhớ,

Việc trải qua quá khứ

Nay may gặp Thế Tôn

Thọ mạng được tăng thêm.

“Lại nữa, một thời Chư Thiên Đao-lị do chút nhân duyên, tập họp tại một chỗ. Khi ấy Tứ Thiên vương mỗi người ngồi đúng trên chỗ ngồi của mình. Đề-đầu-lại-tra  ngồi ở phương đông xoay mặt phía tây; Đế Thích ở phía trước. Tỳ-lâu-lặc Thiên vương ngồi ở phía nam xoay mặt hướng bắc, Đế Thích phía trước. Tỳ-lâu-bát-xoa Thiên vương ngồi phía tây xoay mặt hướng đông; Đế Thích ở phía trước. Tỳ-Sa-môn Thiên vương ngồi ở phía Bắc, xoay mặt hướng nam; Đế Thích ở phía trước.

“Sau khi bốn Thiên vương ngồi xong con mới ngồi. Lại còn có các đại thiên thần khác đã từng theo Phật tịnh tu phạm hạnh, chết ở đây mà sanh lên trời Đao-lị, làm tăng thêm Chư Thiên, hưởng thọ năm phước báo nhà trời: 1. Tuổi thọ trời. 2. Nhan sắc trời. 3. Danh tiếng trời. 4. Phước lạc trời. 5. Oai đức trời. Khi ấy Chư Thiên Đao-lị vui mừng phấn khởi nói: Tăng thêm chúng Chư Thiên, giảm thiểu chúng [35b] A-tu-la.

“Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân, biết Chư Thiên Đao-lị có tâm hoan hỷ, liền nói kệ rằng:

Chúng Chư Thiên Đao-lị,

Cùng Đế Thích hoan lạc,

Cung kính lễ Như Lai,

Đấng Pháp vương tối thượng.

Chư thiên thọ phước báo,

Thọ, sắc, danh, lạc, uy.

Theo Phật tu phạm hạnh,

Nên sanh vào nơi đây.

Lại có các Thiên nhân,

Ánh màu sáng chói lọi.

Đệ tử trí tuệ Phật,

Sanh đây càng trổi vượt.

Đao-lị và Nhân Đề,

Nghĩ thế mà sung sướng.

Cung kính lễ Như Lai,

Ðấng Pháp vương tối thượng.”

Thần Xà-ni-sa-lại nói:

“Sở dĩ Chư Thiên Đao-lị tập hợp ở Pháp đường ấy là để cùng thương nghị, tư duy, quan sát, thương lượng, giáo lệnh được ban hành, rồi sau đó trao cho bốn Thiên vương. Bốn Thiên vương sau khi nhận giáo lệnh mỗi người tự ngồi vào vị trí của mình. Họ ngồi chưa bao lâu, có ánh sáng dị thường to lớn chiếu khắp cả bốn phương, khi Chư Thiên Đao-lị thấy ánh sáng dị thường này thảy đều hết sức kinh ngạc: ‘Nay ánh sáng dị thường này chắc có sự quái lạ gì chăng?’ Các thiên thần lớn có oai đức khác cũng đều kinh ngạc: ‘Nay ánh sáng dị thường này chắc có sự quái lạ gì chăng?’ Rồi thì Đại Phạm vương bèn hóa làm đồng tử, đầu có năm chõm đứng trong hư không bên trên thiên chúng, nhan sắc đoan chánh siêu tuyệt mọi người, thân màu vàng tía che mờ ánh sáng Chư Thiên. Khi ấy, Chư Thiên Đao-lị không đứng dậy nghinh đón cũng không cung kính lại cũng không mời ngồi. Lúc bấy giờ, Phạm Đồng tử ngồi qua chỗ ngồi của vị trời nào thì vị ấy hoan hỷ. Ví như vua Quán đảnh dòng Sát-lị khi làm lễ đăng quang thì hoan hỷ phấn khởi. Đồng tử ngồi chưa lâu, lại tự mình biến thân làm hình tượng Đồng tử đầu có năm chỏm ngồi trên hư không, bên trên đại chúng. Ví như lực sĩ ngồi trên chỗ ngồi vững vàng, vòi vọi bất động,[17] và làm bài tụng rằng:

Đấng Chí Tôn, điều phục,

Dạy đời sinh chỗ sáng,

Sáng bừng, diễn pháp sáng,

Chứng phạm hạnh tuyệt luân,

Khiến chúng sanh thanh tịnh,

Sinh lên trời Tịnh diệu.

“Phạm Đồng tử sau khi nói bài kệ này, bảo Chư Thiên Đao-lị rằng: ‘Những âm thanh nào có năm thứ thanh tịnh thì được gọi là Phạm thanh.[18] Những gì là năm? Một là, âm ấy chánh trực. [35c] Hai là âm ấy hòa nhã. Ba là, âm ấy trong suốt. Bốn là, âm ấy đầy sâu. Năm là nghe xa khắp nơi. Đủ năm âm ấy mới được gọi là Phạm âm. Nay ta lại nói, vậy các ngươi hãy lắng nghe. Đệ tử của Như Lai, Ưu-bà-tắc Ma-kiệt, mạng chung có người chứng đắc A-na-hàm, có người chứng đắc Tư-đà-hàm, có người chứng đắc Tu-đà-hoàn, có người sinh lên trời Tha Hóa Tự Tại, có người sinh lên trời Hóa Tự Tại, trời Đâu-suất, trời Diệm, trời Đao-lị, Tứ thiên vương. Có người sinh vào gia đình lớn của Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ, ngũ dục tự nhiên.

“Rồi Phạm Đồng tử đọc bài kệ:

Ưu-bà-tắc Ma Kiệt,

Có những ai mạng chung,

Tám vạn bốn ngàn người,

Ta nghe đều đắc đạo.

Thành tựu Tu-đà-hoàn,

Không còn đọa ác thú.

Đều đi đường bình chánh,

Đắc đạo, hay cứu tế.

Những đám quần sanh này,

Phù trì bởi công đức,

Trí tuệ xả ân ái,

Tàm quí, lìa dối trá.

Đại chúng Chư Thiên kia,

Phạm Đồng ghi nhận thế,

Rằng đắc Tu-đà-hoàn,

Chư Thiên đều hoan hỉ.

“Tỳ-sa-môn Thiên vương sau khi nghe bài kệ này thì hoan hỷ và nói: ‘Thế Tôn ra đời nói pháp chân thật, kỳ diệu thay, hy hữu thay, chưa từng có vậy! Ta trước không biết Như Lai ra đời nói Pháp như vậy. Trong đời vị lai lại sẽ có Phật nói Pháp như vậy có thể khiến Chư Thiên Đao-lị sanh tân hoan hỷ.’

“Bấy giờ Phạm Đồng tử nói với Tỳ-sa-môn thiên vương: ‘Vì sao ngươi nói lời này: Như Lai ra đời nói pháp như vậy, kỳ diệu thay, hy hữu thay, chưa từng có vậy! Như Lai bằng năng lực phương tiện nói thiện và bất thiện, nói pháp một cách đầy đủ mà vô sở đắc. Nói pháp Không tịch mà hữu sở đắc. Pháp ấy vi diệu như đề hồ.’

“Rồi Phạm Đồng tử nói với Chư Thiên Đao-lị rằng: ‘Các ngươi hãy lắng nghe, hãy suy nghĩ kĩ, ta sẽ nói cho các ngươi nghe! Như Lai, Chí Chân khéo léo phân biệt nói bốn niệm xứ. Những gì là bốn? Quán nội thân trên thân[19], tinh cần không biếng nhác, chánh niệm, chánh tri, trừ tham ưu ở đời. Quán ngoại thân trên thân, tinh cần không biếng nhác, chánh niệm, chánh tri, trừ tham ưu ở đời. Quán nội ngoại thân, tinh cần không biếng nhác, chánh niệm, chánh tri, trừ tham ưu ở đời. Quán thọ, quán tâm, quán pháp cũng [36a] vậy, tinh cần không biếng nhác, chánh niệm, chánh tri, trừ tham ưu ở đời. Sau khi quán nội thân, phát sinh trí về thân khác.[20] Sau khi quán thọ bên trong, phát sinh trí về thọ khác. Sau khi quán tâm ở bên trong phát sinh trí về tâm khác. Sáu khi quán pháp ở bên trong, phát sinh trí về pháp khác. Ấy là Như Lai khéo léo phân biệt thuyết bốn niệm xứ.

“ ‘Lại nữa, Chư Thiên, các người hãy lắng nghe, ta sẽ nói thêm nữa! Như Lai khéo léo phân biệt nói bảy định cụ[21]. Những gì là bảy? Chánh kiến, chánh tư duy,[22] chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn,[23] chánh niệm. Ấy là Như Lai khéo léo phân biệt nói bảy định cụ.

“ ‘Lại nữa, Chư Thiên, Như Lai khéo léo phân biệt nói bốn thần túc, Những gì là bốn? Một, tu tập dục định đoạn hành thành tựu thần túc.[24] Hai, tinh tấn định đoạn hành thành tựu thần túc. Ba, tâm định đoạn hành thành tựu thần túc. Bốn, tư duy định đoạn hành thành tựu thần túc.[25] Ấy là Như Lai khéo léo phân biệt giảng thuyết bốn thần túc.”

“ Lại bảo Chư Thiên: ‘Quá khứ các Sa-môn, Bà-la-môn, bằng vô số phương tiện, hiện vô lượng thần túc, đều khởi lên từ bốn thần túc này. Giả sử tương lai các Sa-môn, Bà-la-môn, bằng vô số phương tiện hiện vô lượng thần túc, cũng từ do bốn thần túc này mà khởi lên. Hiện tại các Sa-môn, Bà-la-môn, bằng vô số phương tiện hiện vô lượng thần túc, cũng từ do bốn thần túc này mà khởi lên.’

“Rồi Phạm Ðồng tử bèn tự biến hóa hình thành ba mươi ba thân cùng với ba mươi ba vị thiên thần từng cặp cùng ngồi và bảo rằng: ‘Ngươi nay có thấy năng lực thần biến của ta không?’ Đáp: ‘Thưa vâng, đã thấy.’ Phạm Đồng tử nói: ‘Ta cũng do tu bốn thần túc cho nên có thể biến hóa vô số như thế.’ Rồi ba mươi ba vị thiên mỗi người riêng nghĩ: ‘Nay Phạm Đồng tử ngồi riêng với ta mà nói lời nói như vậy.’ Nhưng khi một hóa thân của Phạm Đồng tử kia nói thì các hóa thân khác cũng nói; một hóa thân im lặng các hóa thân khác cũng im lặng.

“Bấy giờ, Phạm Đồng tử ấy thâu lại thần túc rồi ngồi trên chỗ ngồi của Đế Thích, nói với Chư Thiên Đao-lị rằng: ‘Ta nay sẽ nói. Các ngươi hãy lắng nghe! Như Lai, Chí Chân tự mình bằng năng lực của mình đã mở ra ba lối đi[26] và tự mình đã đi đến Chánh giác. Những gì là ba? Hoặc có chúng sanh thân cận tham dục, tập nhiễm hành vi bất thiện. Người ấy về sau gặp thiện tri thức, được nghe nói pháp, thành tựu pháp  tùy pháp. Rồi thì người ấy ly dục, dứt bỏ hành vi bất thiện được tâm hoan hỷ điềm nhiên khoái lạc. Lại ở trong lạc mà phát sanh đại hỷ.[27] Như người bỏ đồ ăn thô mà ăn thức ăn có trăm vị, [36b] sau khi đã no, lại còn muốn hơn nữa. Hành giả cũng vậy. Lìa pháp bất thiện được hoan hỷ lạc. Lại ở trong lạc mà phát sanh đại hỷ. Ấy là Như Lai tự mình bằng năng lực của mình đã mở ra lối đi thứ nhất mà thành Chánh giác.

“ ‘Lại có chúng sanh phần nhiều hay sân hận, không dứt bỏ ác nghiệp của thân, của khẩu và ý. Người ấy về sau gặp thiện tri thức, được nghe nói pháp, thành tựu pháp tùy pháp, xa lìa ác hạnh của thân, ác hạnh của khẩu và ý, sinh tâm hoan hỷ, điềm nhiên khoái lạc. Lại ở trong lạc mà sanh đại hỷ. Như người xả bỏ thức ăn thô mà ăn thức ăn trăm vị, sau khi đã no đủ rồi còn cầu cái ngon hơn nữa. Hành giả cũng vậy. Lìa pháp bất thiện, được hoan hỷ lạc. Lại ở trong lạc mà phát sinh đại hỷ. Ấy là Như Lai mở ra lối đi thứ hai.

“ ‘Lại có chúng sanh ngu tối, vô trí, không biết thiện ác, không thể biết như thật về Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Người ấy về sau gặp thiện tri thức, được nghe nói pháp, thành tựu pháp tùy pháp, biết rõ thiện và bất thiện, có thể biết như thật Khổ Tập Diệt Đạo, dứt bỏ hành vi bất thiện, sinh tâm hoan hỷ, điềm nhiên khoái lạc. Lại ở trong lạc mà sinh đại hỷ. Như người xả bỏ thức ăn thô mà ăn thức ăn trăm vị, sau khi đã no đủ rồi còn cầu cái ngon hơn nữa. Hành giả cũng vậy. Lìa pháp bất thiện, được hoan hỷ lạc. Lại ở trong lạc mà phát sinh đại hỷ. Ấy là Như Lai mở ra lối đi thứ ba.’”

Sau khi Phạm Đồng tử giảng nói Chánh pháp này cho Chư Thiên Đao-lị; Tỳ-Sa-môn Thiên vương lại nói Chánh pháp ấy cho thuộc hạ của mình. Thần Xà-ni-sa-lại ở trước Phật nói Chánh pháp ấy. Thế Tôn lại nói Chánh pháp ấy cho A-nan. A-nan lại nói Chánh pháp ấy cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di.

Bấy giờ A-nan, sau khi nghe những điều Phật nói, hoan hỷ phụng hành.[28]

 


*  佛說長阿含第一分[05]闍尼沙經第四

[1] Na-đề 那提; No 9: Na-dề-ca 那提迦. Pl.: Nādikā, tên ấp.

[2] Kiền chùy trú xứ 揵椎住處. No 9: Côn-tả-ca tinh xá崐左迦精舍. Pl.: Ginjakāvasatha, ngôi nhà ngói (Luyện ngõa đường 煉 瓦 堂).  

[3] Ký biệt 記 別: thọ ký. Pl.: vyākaroti.

[4] Danh sách 12 cư sĩ được thọ ký, xem đoạn trên, kinh Du hành, tr.59 cht. 47

[5] Danh sách 16 nước lớn thời Phật: Ương-già 鴦伽, Ma-kiệt 摩竭, Ca-thi 迦尸, Cư-tát-la 居薩羅, Bạt-ky 拔祇, Mạt-la 末羅, Chi-đề 支提, Bạt-sa 拔沙, Cư-lâu 居樓, Ban-xà-la 般闍羅, Phả-tháp (TNM: thấp)-ba 頗(   溼)波, A-bàn-đề 阿槃提, Bà-ta 婆蹉, Tô-la-bà 蘇羅婆, Càn-đà-la 乾陀羅, Kiếm-bình (TNM: phù)-sa 劍浮沙. Danh sách theo No 9: Ương-nga 盎誐國, Ma-ca-đà 摩迦陀國, Ca-thi 迦尸國, Kiêu-tát-la 憍薩
羅國, Mật-lận-sa 蜜躪沙國, Đại lực sỹ 大力士國, Bôn-noa 奔拏國, Tô-ma 蘇摩國, A-thuyết-ca
阿說迦國, Phậ-đè 嚩帝國, Câu-rô 俱嚕國, Bán-tả 半左國, Phạ-ta 嚩蹉國, Thú-ra-tây-na
戍囉西那國, Dạ-phạ-na 夜嚩那國, Cam-mô-nhạ 甘謨惹國. Đối chiếu Pl.: Aṅga, Magadha, Kasi, Kosala, Vajji, Malla, Ceti, Vaṃsa, Kuru, Pañcala, Assaka, Avanti, Maccha, Surasena, Gandhara, Kamboja.

[6] Vương sở thân nhiệm 王 所 親 任. Cf. D. 18 (ii 202): te  … ahesuṃ buddhe pasannā

dhamme  pasannā  saṅghe  pasannā  sīlesu  paripūrakārino, “họ (những người Magadha) tin Phật, tin Pháp, tin Tăng, có giới hoàn hảo.”

[7] Bình-sa 缾沙. No 9: Tần-bà-sa-la 頻婆娑羅. Pl.: Bimbisāra.

[8] Na già thành 那伽 城. Để bản có lẽ chép nhầm. Đoạn trên, Na-đề. No 9: “Thế Tôn vào thành Na-đè-ca khấtthực.” D. 18 ibid.:… nādikaṃ pindāya pāvisi: “vào Nādika để khất thực.”

[9] Đại lâm 大 林, không phải khu Đại lâm (Mahāvana) ở Tỳdali (Vesāli).

[10] Pl.: antarahito yakkho, một dạ xoa ẩn mình.

[11] Phụ chú trong bản Hán: “Xà-ni-sa 闍尼沙, tiếng nước Tần là Thắng kết sử 勝 結 使. ” Pl.: Janavasabha, hay Janesabha, “trâu chúa giữa loài người.” Phụ chú trong bản Hán, đọc Jina-kẻ chiến thắng, thay vì Jana, con người. No 9: Giữa hư không có tiếng kêu: “Thế Tôn, con là Nhân Tiên人仙! Thiện Thệ, con là Nhân Tiên!”

[12] Kiến đạo tích 見道跡 (Pl.: paṭipada-dassana), đã thấy lối đi, chỉ vị đã chứng quả Dự lưu.

[13] D 18 : vị Dạ-xoa này sau đó hiện hình và tự xác nhận: bimbisāro ahaṃ bhagavā;  bimbisāro  ahaṃ sugatā, “Thế Tôn, con là Bimbisāra! Thiện Thệ, con là Bimbisāra!”

[14] Na-đà 那 陀, ở trên đọc là Na-đề 那 提 . Xem cht. 1, tr. 147.

[15] Na-la 那 羅, ở trên nói là Na-già, có khi nói là Na-đà, cũng tức là Na-đề. Xem cht. 1, tr. 147.

[16] No 9: Tăng Trưởng Thiên vương ở phương Nam 南方增長天王.

[17] Xem kinh số 3. Đại điển tôn ở trên.

[18] No 9, năm loại tiếng của Phạm thiên: tiếng chim ca-lăng-tần-già, tiếng trống lớn, tiếng sấm lớn, tiếng ái lạc. D 18 (ii 211): 8 loại tiếng.

[19] Để bản: nNội thân quán 內 身 觀, sót một chữ thân; TNM: nội thân thân quán 內 身 身 觀. Pali, thành cú: ajjhattaṃ kāye kāyānupassī viharati.

[20] Cf. D 18 (ii 216): bahiddhā parakāye ñāṇadassanaṃ abhinibbatteti, sinh khởi tri kiến về thân (người) khác ở bên ngoài. Sớ giải: attano   kāyato   parassa  kāyābhimukhaṃ  ñāṇaṃ  peseti, từ thân của chính mình dẫn sinh nhận thức hướng đến thân của người khác.

[21] Định cụ 定 具. Pl.: samādhi-parikkhara, bảy tư cụ, hỗ trợ định.

[22] Nguyên Hán: chánh chí正志.

[23] Nguyên Hán: chánh phương tiện正方便.

[24] Nguyên Hán: dục định diệt hành thành tựu tu tập thần túc 定滅行成就修習神足. Pali, thành cú: chanda(vīriya, citta, vīmaṃsa)samādhippadhānasaṅkhārasamannāgataṃ iddhipādaṃ  bhāveti. Cf. Tập dị 5 (tr. 391c26): dục (cần, tâm, quán) tam-ma-địa đoạn hành thành tựu thần túc.

[25].     Bốn thần túc, tham chiếu Tập dị môn luận 6, Đại xxvi tr. 391c: 1. Dục tam ma địa đoạn hành thành tựu thần túc 欲 三 摩 地 斷 行 成 就 神 足(Pl.. chanda-samādhippadhānasankhārasamannāgatam iddhipādam), 2. Cần tam ma địa 勤 三 摩 地 (Pl.. viriya-samādhi), 3. Tâm tam ma địa 心 三 摩 地 (cittasamādhi), 4. Quán tam ma địa 觀 三 摩 地 (vimaṃsā-samādhi-padhāna-saṃkhāra-samannāgata iddhipāda)

[26] Kính lộ 徑 路, Pl.: okāsadhigama, con đường tắt.

[27] Pl.: sukhā bhiyyo somanassaṃ, lại phát sinh hoan hỷ thù thắng hơn lạc.

[28] Bản Hán, hết quyển 5.

5. Kinh tiểu duyên

5. KINH TIỂU DUYÊN

 [36b29]Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú tại Xá-vệ, trong vườn Thanh tín, giảng đường Lộc Mẫu[1], cùng chúng đại Tỳ-kheo một nghìn hai trăm năm mươi người.

Lúc ấy, có hai người Bà-la-môn với lòng tin kiên cố tỳm đến chỗ Phật xin xuất gia học đạo, một tên là Bà-tất-tra[2] một tên là Bà-la-đọa[3].

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn rời khỏi tịnh thất, đang kinh hành thong thả trên giảng đường. Bà-tất-tra vừa trông thấy Phật liền vội vàng đến bảo Bà-la-đọa:

“Anh biết không, Như Lai hiện đang rời khỏi tịnh thất, kinh hành tại giảng đường. Chúng ta nên đến đó, hoặc có nghe Ngài dạy bảo điều gì chăng?”

Bà-la-đọa nghe nói thế liền cùng đi đến chỗ Phật, đầu mặt đảnh lễ chân Phật, rồi đi theo sau Phật.

Phật nói với Bà-tất-tra:

“Hai người vốn sanh trong dòng Bà-la-môn, với lòng tin kiên cố, muốn xuất gia tu hành ở trong giáo pháp Ta phải không?”

Hai người đáp:

“Thưa phải.”

Phật nói:

“Này Bà-la-môn, nay các ngươi xuất gia tu hành ở trong giáo pháp Ta, các người Bà-la-môn khác há không hiềm trách các ngươi?”

Hai người đáp:

“Thưa có. Nhưng mong ơn lớn của Phật được xuất gia tu đạo, thật sự chúng con không khỏi bị các người Bà-la-môn hiềm trách.”

Phật dạy:

“Họ lấy lẽ gì mà hiềm trách các ngươi?”

Hai người đáp:

“Họ nói rằng: ‘Dòng Bà-la-môn ta tối cao bậc nhất, các dòng khác thấp hèn. Dòng ta trắng trẻo, các dòng khác đen điu. Dòng Bà-la-môn ta xuất xứ từ Phạm thiên, từ miệng Phạm thiên sanh ra, hiện tại thanh tịnh[4], về sau cũng thanh tịnh. Cớ gì các ngươi lại bỏ dòng thanh tịnh của mình mà vào trong dị pháp của Cù-đàm kia?’ Bạch Thế Tôn, thấy chúng con ở trong Phật pháp mà xuất gia tu đạo nên họ lấy lời lẽ như thế chê trách chúng con.”

Phật bảo Bà-tất-tra:

“Này Bà-tất-tra, ngươi hãy xem, những kẻ ngu si vô thức như cầm thú ấy dối trá tự xưng rằng: ‘Dòng Bà-la-môn là tối cao bậc nhất, còn ngoài ra là hèn hạ. Dòng ta trắng trẻo, các dòng khác đen điu. Dòng Bà-la-môn ta xuất xứ từ Phạm thiên, từ miệng Phạm thiên sanh, ở ngay trong hiện tại mà được thanh tịnh giải, về sau cũng thanh tịnh.’ Này Bà-tất-tra, nay trong Đạo vô thượng chân chánh của Ta không cần kể dòng dõi, không ỷ vào tâm kiêu mạn ngô ngã. Pháp thế tục cần thứ đó. Pháp của Ta không phải vậy. Nếu có Sa-môn hay Bà-la-môn nào tự thị chủng tộc, ôm lòng kiêu mạn thì ở trong giáo pháp Ta trọn không chứng đắc vô thượng. Nếu ai có thể khước từ chủng tánh, trừ bỏ tâm kiêu mạn, người ấy mới có thể chứng được đạo quả trong giáo pháp Ta, mới kham lãnh thọ được Chánh pháp. Người đời gớm ghét kẻ hạ lưu, [37a] còn giáo pháp Ta không thế.”

“Này Bà-tất-tra! Có bốn chủng tánh, trong đó có cả người lành lẫn người dữ; có kẻ được người trí khen, cũng có kể bị người trí chê. Bốn chủng tánh ấy là: Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ, Thủ-đà-la.[5]

“Này Bà-tất-tra! Hẳn ngươi từng nghe trong dòng Sát-lị có kẻ sát sinh, có kẻ trộm cắp, có kẻ dâm loạn, kẻ dối trá, kẻ nói hai lưỡi, kẻ nói ác độc, có kẻ ỷ ngữ, có kẻ xan tham, có kẻ tật đố, có kẻ tà kiến, thì trong dòng Bà-la-môn, Cư-sĩ, Thủ-đà-la cũng có lẫn lộn đủ hạng người làm mười ác hạnh đó? Này Bà-tất-tra! Phàm làm điều bất thiện thì có quả báo bất thiện, làm điều hắc ám thì có quả báo hắc ám. Nếu nói rằng quả báo đó chỉ có với dòng Sát-lị, Cư-sĩ, Thủ-đà-la chứ không có với dòng Bà-la-môn, khi ấy người Bà-la-môn mới nên tự cho dòng Bà-la-môn ta là tối cao bậc nhất, còn các dòng khác thấp hèn, dòng ta trắng trẻo, các dòng khác đen điu; dòng Bà-la-môn ta xuất hiện từ Phạm thiên, từ miệng Phạm thiên sinh ra, hiện tại thanh tịnh, về sau cũng thanh tịnh. Trái lại nếu nói rằng làm điều bất thiện thì có quả báo bất thiện, làm điều hắc ám thì có quả báo hắc ám, quả báo đó bất cứ Bà-la-môn, Sát-lị, hay Thủ-đà-la đều có như nhau, thời người Bà-la-môn không thể tự xưng chỉ dòng ta là thanh tịnh tối cao bậc nhất.

“Này Bà-tất-tra! Nếu trong dòng Sát-lị có kẻ không giết, không trộm, không tà dâm, không nói dối, không hai lưỡi, không ác khẩu, không ỷ ngữ, không xan tham, không tật đố, không tà kiến, thời trong dòng Bà-la-môn, Cư sĩ, Thủ-đà-la cũng đều có hạng người tu mười điều thiện như thế. Phàm làm điều lành, tất có quả báo lành, làm điều thanh bạch tất có quả báo thanh bạch. Nếu nói rằng quả báo đó chỉ có với dòng Bà-la-môn mà không có với dòng Sát-lị, Cư sĩ, Thủ-đà-la khi ấy người dòng Bà-la-môn mới nên tự xưng dòng mình thanh tịnh tối cao bậc nhất. Trái lại, nếu cả bốn chủng tánh đều có quả báo đó, thời người Bà-la-môn không thể tự xưng chỉ dòng ta là thanh tịnh tối cao bậc nhất.

“Này Bà-tất tra! Nay hiện thấy dòng Bà-la-môn có gả cưới, có sinh sản không khác người đời[6], thế mà lại dối xưng ta là dòng Phạm thiên, từ miệng Phạm thiên sinh ra, hiện tại được thanh tịnh, về sau cũng thanh tịnh.

“Này Bà-tất-tra! Ngươi nên biết, hiện nay trong chúng đệ tử của Ta dòng dõi không đồng, xuất xứ khác nhau, xuất gia tu hành ở trong giáo pháp Ta. Nếu có ai hỏi: ‘Người thuộc dòng nào?’ thì nên trả lời [37b] rằng: ‘Tôi là Sa-môn, con dòng họ Thích[7].’ Hoặc có thể tự xưng: ‘Tôi dòng Bà-la-môn[8], tôi đích thực sanh ra từ miệng Phật, hóa sinh từ Pháp, hiện tại được thanh tịnh, về sau cũng thanh tịnh.’ Tại sao thế? vì các danh xưng Đại Phạm tức là đức hiệu Như Lai. Như Lai là con mắt của thế gian, là trí tuệ của thế gian, là pháp của thế gian, là Phạm của thế gian, là Pháp luân của thế gian, là Cam lồ của thế gian, là Pháp chủ của thế gian vậy.[9]

“Này Bà-tất-tra, nếu trong dòng Sát-lị có người thành tín Phật, là Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, mười hiệu đầy đủ. Người ấy thành tín Pháp, tin pháp của Như Lai, là thanh tịnh vi diệu, có thể tu hành ngay hiện tại, được nói ra không hạn cuộc thời tiết, là pháp đưa đến Niết-bàn, duy người trí mới thấu rõ, chẳng phải kẻ phàm phu ngu si thấu rõ được. Người ấy thành tín Tăng, tánh thiện chất trực, đạo quả thành tựu, quyến thuộc thành tựu, là đệ tử chân chính của Phật, thành tựu pháp tùy pháp. Nói đó là Chúng, tức là nói Chúng thành tựu giới, Chúng thành tựu định, Chúng thành tựu tuệ, Chúng giải thoát, Chúng giải thoát tri kiến. Đó là Chúng Tu-đà-hoàn hướng, Tu-đà-hoàn quả; Chúng Tư-đà-hàm hướng, Tư-đà-hàm quả; Chúng A-na-hàm hướng, A-na-hàm quả; Chúng A-la-hán hướng; Chúng A-la-hán quả; gồm bốn đôi tám bậc. Đó là Chúng đệ tử của Như Lai, rất đáng kính, đáng tôn trọng, làm ruộng phước của thế gian; xứng đáng lãnh thọ sự cúng dường người. Người ấy thành tín giới, là giới luật Thánh Hiền đầy đủ, không khuyết lậu, không tỳ vết, cũng không dính nhơ, được người trí ngợi khen, đầy đủ thiện tịch. Này Bà-tất-tra, người dòng Bà-la-môn, Cư sĩ, Thủ-đà-la cũng có thể như thế, là thành tín Phật, tin Pháp, tin Tăng và tin thánh giới thành tựu.

“Này Bà-tất-tra, trong dòng Sát-lị cũng có người cúng dường, cung kính, lễ bái A-la-hán. Dòng Bà-la-môn, Cư sĩ, Thủ-đà-la cũng đều có người cúng dường, cung kính, lễ bái A-la-hán như thế.

‘Này Bà-tất-tra, nay thân tộc Ta, dòng họ Thích, cũng tôn phụng vua Ba-tư-nặc, tôn thờ lễ kính. Nhưng vua Ba-tư-nặc[10] cũng lại đến cúng dường, kính lễ Ta. Vua không nghĩ rằng: ‘Vì Sa-môn Cù-đàm sinh từ dòng hào quí còn ta sinh dòng hạ tiện. Sa-môn Cù-đàm sinh trong nhà đại tài phú, đại oai đức còn ta sinh nhà hạ cùng bỉ lậu ty tiện. Cho nên ta phải đến cúng dường Như Lai.’ Nhưng Ba-tư-nặc căn cứ trên pháp, quán sát pháp, biết rõ chân ngụy, cho nên mới sanh lòng tịnh tín đến kính lễ cúng dường Như Lai.

“Này Bà-tất-tra, nay Ta sẽ vì ngươi nói rõ nhân duyên của bốn chủng tánh ấy.

“Trời đất thủy chung, khi kiếp tận băng hoại, chúng sanh mệnh chung đều sanh lên cõi trời Quang Âm[11]. Tự nhiên hóa sanh, [37c] ăn bằng niệm, mình phát ánh sáng và có thần túc bay trong hư không[12].

“Về sau, cõi đất này thảy biến thành nước trùm ngập tất cả. Vào lúc ấy không có mặt trời, mặt trăng, các sao, cũng không có kể ngày đêm, năm, tháng, số tuổi. Duy có một vùng tối tăm bao la. Sau dần dần biển nước đó lại biến thành cõi đất. Các vị trời Quang Âm đến lúc hết phước, mệnh chung, sinh xuống nơi này. Tuy sinh xuống đó, song vẫn ăn bằng niệm, còn có thần túc bay đi, thân còn tỏa sáng. Chúng sống như thế một thời gian lâu và ai cũng gọi nhau là ‘chúng sanh! chúng sanh!’

“Về sau nữa, từ trong cõi đất nầy có suối ngọt chảy ra giống như mật bơ[13]. Chúng khi mới đến, thiên tánh còn nông nổi[14], thấy vậy nghĩ thầm: ‘Đó là vật gì, ta hãy nếm thử?’ Liền nhúng ngón tay vào suối để nếm thử, nếm tới ba lần, cảm thấy ngon, chúng mới lấy tay bụm ăn không chút e ngại, và cứ mê say ăn như thế chẳng biết nhàm. Các chúng sanh khác nhìn thấy, bắt chước làm theo, nếm đến ba lần, cảm thấy ngon rồi cũng tiếp tục ăn mãi, do đó, thân chúng trở nên thô kệch, da thịt cứng rắn, mất cả màu sắc đẹp đẽ nhà trời, thần túc không còn, phải đi trên đất, ánh sáng nơi thân cũng mất, cả trời đất tối tăm.

“Này Bà-tất-tra, nên biết pháp thường của trời đất: sau thời gian tối tăm thì có thiên tượng: mặt trời, trăng, sao, xuất hiện ở không trung, rồi từ đó bắt đầu có ngày đêm, tối sáng, năm tháng, số tuổi. Chúng sanh lúc này chỉ nhờ ăn vị đất mà sống lâu trong thế gian. Người nào ham ăn nhiều thì nhan sắc thô xấu, người nào ăn ít thì nhan sắc còn tươi nhuận, do đó mới bắt đầu có sự tốt xấu, xinh đẹp. Người xinh đẹp thì sinh tâm kiêu mạn khinh người xấu xí. Người xấu xí thì sanh tâm tật đố ghét người xinh đẹp. Chúng sanh do đó thù nghịch với nhau.

“Bấy giờ suối ngọt tự nhiên cạn khô. Về sau, cõi đất tự nhiên lại sanh ra chất béo của đất[15] có đủ mùi vị thơm tho ăn được. Chúng sanh lại lấy đất ấy mà ăn, sống lâu trong thế gian. Người nào ham ăn nhiều thì nhan sắc trở nên xấu, người nào ăn ít thì nhan sắc còn tươi nhuận; người đẹp đẽ sanh tâm kiêu mạn khinh người xấu xí; người xấu xí sinh tâm tật đố ghét người đẹp đẽ. Chúng sanh vì thế cùng nhau tranh tụng mãi. Rồi thì, chất béo của đất không còn sinh như trước. Về sau, đất này lại sinh thứ chất béo của đất dày mà thô,[16] tuy cũng thơm ngon ăn được nhưng không bằng trước. Chúng sanh bấy giờ lại lấy đất này ăn mà sống lâu ở thế gian. Người ham ăn nhiều thì nhan sắc trở nên xấu, người ăn ít thì nhan sắc còn tươi nhuận. Người xinh đẹp, kẻ xấu xí cứ thị phi nhau rồi sinh điều tranh tụng mãi. Từ đó chất đất tốt không sinh lại nữa. [38a] Về sau, đất này lại sinh ra thứ lúa tự niên không có trấu,[17] sắc vị đầy đủ, thơm tho ăn được. Chúng sanh lại lấy lúa gạo ăn, sống lâu ở thế gian. Con trai con gái nhìn nhau, dần dần móng tâm tỳnh dục, mới tỳm gần gũi nhau. Nhưng chúng sanh khác thấy thế nói: ‘Ngươi làm bậy! Ngươi làm bậy!’ Và kẻ làm quấy bị tẩn xuất khỏi nhóm người, sau ba tháng mới cho trở lại.

“Này Bà-tất-tra, những điều trước kia người ta cho là quấy, thì bây giờ người ta cho là phải. Rồi chúng sanh kia thực hành theo phi pháp, mặc tỳnh buông thả theo tỳnh dục, không kể gì thời tiết. Rồi vì sự hổ thẹn chúng mới tạo lập phòng xá và từ đó thế gian khởi đầu có phòng xá. Quen thói thực hành điều quấy, dâm dục ngày càng tăng, mới có bào thai sanh ra từ bất tịnh, và thế gian mới bắt đầu có bào thai vậy.

“Chúng sanh lúc ấy ăn loại lúa gạo tự nhiên; thu hoạch xong nó lại sinh ra, vô cùng vô tận. Mãi về sau, trong chúng sanh đó có kẻ lười nhác thầm nghĩ rằng: ‘Cứ sáng ăn sáng lấy, chiều ăn chiều lấy, thế thì nhọc nhằn. Chi bằng lấy luôn cất đủ ăn một ngày.’ Nó liền lấy cất để ăn đủ một ngày. Sau đó có bạn gọi nó đi lấy lúa, nó đáp: ‘Tôi đã lấy đủ để ăn một ngày rồi. Bạn muốn lấy thì cứ tùy ý.’ Người ấy bèn suy nghĩ: ‘Anh này khôn ngoan, chứa lương thực trước. Ta nay cũng muốn tích trữ lương thực đủ cho ba ngày.’ Nó bèn trữ lương thực dư cho ba ngày. Khi có chúng sanh khác đến rủ đi lấy gạo, nó đáp: ‘Tôi đã cất trước đủ ăn ba ngày rồi. Bạn muốn lấy cứ tự ý đi mà lấy tùy ý.’ Người đó lại nghĩ rằng: ‘Gã kia khôn ngoan, đã biết cất lương thực trước đủ ăn ba ngày. Vậy ta hãy bắt chước nó, cất đủ năm ngày.’ Nó đi lấy cất ăn đủ năm ngày.

“Chúng sanh sau khi cạnh tranh nhau tích trữ, thóc lúa trở nên hoang dại, bắt đầu có vỏ trấu. Cắt rồi, nó không tự nhiên sinh lại như trước nữa. Chúng sanh thấy thế, trong lòng không vui, mới có sự ưu lo suy nghĩ: ‘Chúng ta lúc đầu mới sinh ra, chỉ sống bằng niệm, thân chúng ta có ánh sáng, và có thần túc để bay đi. Sau đó đất này tuôn ra suối ngọt, chảy ra giống như mật bơ, thơm ngon ăn được. Chúng ta cùng ăn, tiếp tục ăn mãi. Ai ăn nhiều thì nhan sắc thô xấu, người ăn ít thì sắc còn tươi nhuận. Do thức ăn này mà nhan sắc chúng ta trở nên khác nhau. Chúng ta do vậy ai nấy ôm lòng thị phi, ganh ghét lẫn nhau. Bấy giờ suối ngọt tự nhiên cạn khô. Về sau, cõi đất tự nhiên lại sanh ra chất béo của đất có mùi vị thơm tho ăn được. Khi ấy, [38b] chúng ta lại lấy đất ấy mà ăn. Ai ăn nhiều thì nhan sắc thô xấu, người ăn ít thì sắc còn tươi nhuận. Chúng ta do vậy ai nấy ôm lòng thị phi, ganh ghét lẫn nhau. Rồi thì, chất béo của đất không còn sinh như trước mà lại sinh thứ chất thô dày, tuy cũng thơm ngon ăn được. Chúng ta lại lấy mà ăn. Ai ăn nhiều thì nhan sắc thô xấu, người ăn ít thì sắc còn tươi vui. Chúng sanh do vậy ai nấy ôm lòng thị phi, ganh ghét lẫn nhau. Rồi thì, chất béo của đất không còn sinh như trước, mà lại sinh ra thứ lúa tự nhiên không có trấu. Chúng ta lại lấy mà ăn để sống lâu ở đời. Rồi những kẻ biếng nhác tranh nhau tích trữ, nên lúa gạo trở nên hoang dại, bắt đầu có vỏ trấu, cắt rồi nó không sanh trở lại. Bây giờ phải làm sao đây?’

“Rồi chúng bảo nhau: ’Chúng ta hãy phân chia đất và cắm mốc.’ Chúng chia đất và cắm mốc. Này Bà-tất-tra, do nhân duyên ấy mới phát sinh danh từ ‘đất ruộng.’[18]

“Bấy giờ chúng sanh đó phân chia ruộng đất, ai lập bờ cõi nấy, nên dần dần sinh ra tâm lén lút cắp trộm thóc lúa của nhau. Những chúng sanh khác trông thấy bảo: ‘Ngươi làmbậy! Ngươi làm bậy! Ngươi đã có ruộng đất mà còn lấy trộm của người ta. Từ nay về sau không được làm thế nữa.’ Nhưng chúng sanh kia vẫn lấy cắp mãi. Các chúng sanh khác vẫn tiêp tục khiển trách, nhưng nó không thôi. Chúng bèn lấy tay đánh nó, và tố cáo với mọi người rằng: ‘Người nầy đã có ruộng lúa mà còn lấy trộm của người khác.’ Gã này lại bảo: ‘Người này đánh tôi.’ Mọi người thấy hai bên cãi nhau mãi, thì ưu sầu không vui, nói nhau một cách áo não: ‘Chúng sanh càng trở nên xấu ác, nên thế gian mới có xảy ra sự bất thiện đó, snh ra điều uế ác, bất tịnh. Đó chính là nguyên nhân của sanh, già, bệnh, chết, phiền não khổ báo, đọa trong ba đường dữ. Bởi có ruộng đất riêng nên mới sinh kiện cáo. Vậy tốt hơn chúng ta nên lập lên một người làm chủ để xử trị. Hễ ai đáng bảo hộ thì bảo hộ, ai đáng khiển trách thì khiển trách. Mỗi người chúng ta đều giảm phần gạo mà cung cấp cho người ấy để lo việc xét xử kiện cáo.’ Chúng mới lựa chọn trong đại chúng mà tôn lên một người có hình vóc to lớn, nhan mạo đoan chánh, có oai đức, và bảo rằng: ‘Ông nay hãy vì bọn ta mà lên làm Bình đẳng chủ[19]. Hễ thấy ai đáng bảo hộ thì bảo hộ, ai đáng khiển trách thì khiển trách, ai đáng đuổi thì đuổi. Bọn ta sẽ góp gạo cung cấp cho.’

“Người kia nhận lời lên làm chủ, trông coi xử đoán kiện cáo. Mọi người cùng góp gạo cung cấp.

“Người kia thường lấy lời hay đẹp ủy lạo mọi người, và mọi người đều hoan hỷ tôn xưng rằng: “Lành thay Đại vương! Lành thay Đại [38c] vương!” Từ đó thế gian mới bắt đầu có danh từ Vua[20]. Đúng theo pháp mà trị dân, nên gọi là Sát-lị[21], và thế gian bắt đầu có tên “Sát-lị”.

“Thời gian sau, trong quần chúng độc nhất có một người suy nghĩ như vầy: ‘Nhà là đại hoạn, nhà là gai độc. Ta nên bỏ cư gia nàymà sống một mình trên rừng núi nhàn tịnhđể tu đạo.’ Người ấy liền bỏ cư gia mà vào rừng, trầm lặng tư duy, đến giờ ăn thì cầm bát vào xóm khất thực. Mọi người trông thấy, thảy đều vui vẻ cúng dường, tán thán: ‘Lành thay, người nầy đã lìa bỏ cư gia, một mình sống trong núi rừng, trầm lặng tu đạo, xa lìa mọi điều xấu ác.’ Từ đó trong thế gian mới bắt đầu có tên Bà-la-môn[22].

“Nhưng trong đám Bà-la-môn có kẻ không ưa ở chỗ nhàn tịnh tọa thiền tư duy, mà chỉ ưa vào nhân gian chuyên nghề tụng đọc, và tự nói: ‘Ta là người không tọa thiền.’ Người đời nhân đó gọi là ‘Bất thiền Bà-la-môn’[23] và cũng vì hay đi vào nhân gian nên lại có tên là ‘Nhân gian Bà-la-môn.’[24] Bắt đầu từ đó trong thế gian có dòng Bà-la-môn hiện ra.

“Lại trong đám chúng sanh kia, có người ưa kinh doanh sự nghiệp,[25] chất chứa tài bảo, nhân đó người ta kêu hạng này là hạng Cư sĩ.[26] Trong đám chúng sinh kia có người có nhiều cơ xảo, làm được nhièu thứ kiến tạo, nên thế gian mới có thêm một hạng nữa gọi là công xảo Thủ-đà-la.[27]

“Này Bà-tất-tra! Nay thế gian có tên gọi bốn chủng tánh và thêm hạng thứ năm là chúng Sa-môn. Như thế là vì có khi trong chúng Sát-lị, có người tự thấy nhàm chán pháp của mình, bèn cắt bỏ râu tóc, mặc pháp y tu đạo. Do đó, tên gọi Sa-môn bắt đầu có từ đó. Trong chúng Bà-la-môn, Cư sĩ, Thủ-đà-la, có khi có người tự thấy nhàm chán pháp của mình, bèn cắt bỏ râu tóc, mặc pháp y tu đạo. Do đó, tên Sa-môn bắt đầu có từ đó.

“Này Bà-tất-tra! người dòng Sát-lị mà thân làm bất thiện, miệng nói bất thiện, ý nghĩ bất thiện, khi thân hoại mạng chung phải thọ ác báo. Dòng người Bà-la-môn, dòng Cư sĩ, dòng Thủ-đà-la mà thân làm bất thiện, miệng nói bất thiện, ý nghĩ bất thiện, khi thân hoại mệnh chung họ cũng phải thọ ác báo như thế.

“Này Bà-tất-tra! Nếu người dòng Sát-lị mà thân làm lành, miệng nói lành, ý nghĩ lành, khi thân hoại mệnh chung được hưởng thiện báo, thì người dòng Bà-la-môn, dòng Cư-sĩ, dòng Thủ-đà-la mà thân làm lành, miệng nói lành, ý nghĩ lành, khi thân hoại mệnh chung cũng được hưởng thiện báo như thế.

“Này Bà-tất-tra! Nếu người dòng Sát-lị mà làm cả hai điều vừa thiện vừa ác nơi thân, miệng, ý, khi thân hoại mệnh chung phải gặt lấy quả báo vừa khổ vừa vui, thì người dòng Bà-la-môn, dòng Cư sĩ, dòng Thủ đà la mà làm cả hai điều thiện ác về nơi thân, miệng, ý, đến khi thân [39a] hoại mệnh chung, cũng phải thọ lấy quả báo vừa khổ vừa vui như thế.

“Này Bà-tất-tra! Trong dòng Sát-lị có kẻ cắt tóc cạo râu, mặc y tu đạo, tu bảy pháp giác chi, không bao lâu là được thành Đạo. Vì sao? Con nhà tộc tánh ấy mặc pháp y xuất gia, tu các phạm hạnh cao thượng, thì chính ngay trong hiện tại tự thân tác chứng, sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh. Trong dòng Bà-la-môn, dòng Cư sĩ, dòng Thủ-đà-la mà có kẻ cắt bỏ râu tóc, mặc pháp y tu đạo, tu bảy pháp giác chi, không bao lâu cũng sẽ được thành Đạo như thế. Vì sao? Con nhà tộc tánh ấy xuất gia, mặc pháp y, tu các phạm hạnh vô thượng, chính ngay trong hiện tại tự thân tác chứng, sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh.

“Này Bà-tất-tra! Cả bốn chủng tánh đó, đều có thể xuất sinh bậc La-hán thành tựu viên mãn trí minh và đức hạnh, là bậc đứng nhất ở trong năm chủng tánh ấy.

“Này Bà-tất-tra! Phạm thiên có bài kệ rằng:

Trong đời, Sát-lị nhất.

Bỏ chủng tánh xuất gia,

Thành bậc đủ Minh Hạnh:

Bậc nhất trong thế gian.

“Này Bà-tất-tra! Phạm thiên nói như thế là đúng chớ không phải không đúng, khéo thọ[28] chứ không phải không khéo thọ. Lúc đó Ta liền ấn khả lời nói ấy của Phạm thiên. Vì nay Ta, Như Lai, Chí chơn, cũng nói nghĩa như thế đó:

Trong đời, Sát-lị nhất.

Bỏ chủng tánh xuất gia,

Thành bậc Minh Hạnh đủ ,

Bậc nhất trong thế gian.”

Bấy giờ, sau khi nghe đức Thế Tôn nói pháp, Bà-tất-tra, Bà-la-đọa liền được tâm giải thoát vô lậu. Nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

 


*  第二分初小緣經第一

[1] Thanh tín viên lâm Lộc Mẫu giảng đường 清 信 園 林 鹿 母 講 堂. No 10: Giảng đường Lộc Mẫu trong khu từng hoang phế 廢園林鹿
母堂. N0 26(154): Đông viên Lộc Tử Mẫu đương東園鹿子
母堂. D 27:  Pubbārama Migāramātupāsāda.

[2] Bà-tất-tra 婆悉吒. No 10: Bạch Y 白衣. No 26(154): Bà-tư-tra 婆私吒. D 28: Vāseṭṭha..

[3] Bà-la-đọa 婆 羅 墮, No 10: Kim Tràng 金幢. No 26(154): Bà-la-bà 婆羅婆. D 28: Bhāradvāja.

[4] Ư hiện pháp trung đắc thanh tinh giải 得 清 淨 解.: ngay trong đoiừ hiện tại mà được sự giải thoát thanh tịnh. Nhưng đoạn dưới: hiện đắc thanh tịnh hậu diệc thanh tịnh 現得清淨後亦清淨. Ý nghĩa: dòng họ thuần chủng, đời này cho đến đời sau. Pali, thành cú: brahmuno  puttā  orasā  mukhato  jātā  brahmajā  brahmanimmitā brahmadāyādā, “là con trai, đích tự của Phậm thiên; sinh từ miệng Phậm thiên; được sáng tạo bởi Phạm thiên; là kẻ thừa tự Phạm thiên.”

[5] No 10: bốn tộc 四族: sát-lị剎帝利族, bà-la-môn 婆羅門族, tỳ-xá
毘舍族, thủ-đà 首陀族. No 26(154): ba chủng (tánh) 三
種: sát-lị 剎利種, phạm chí 梵志種, cư sỹ 居士
種. Pali, bốn sắc tộc”  cattārome vaṇṇā– khattiyā, brāhmaṇā, vessā, suddā.

[6] D. 27: dissanti kho (…) brāhmaṇānaṃ brāhmaṇiyo utuniyo pi gabbhiniyo pi vijāyamānā pi pāyamānā pi, người ta thấy các bà vợ của những người Bà-la-môn cũng kinh nguyệt, cũng mang thai, cũng sanh con, cũng cho bú.

[7] Sa-môn Thích chủng tử 沙門釋種子.           Pl.: samaṇā sakyaputtiyāmhā: Chúng tôi là Sa-môn, con trai nhà họ Sakya.                             

[8] Ngã thị Bà-la-môn chủng 我是婆羅門種, TNM: … Sa-môn chủng 沙 門 種. D 27, ibid.: bhagavatomhi putto oraso mukhato jāto dhammajāto dhammanimitto dhammadāyādo’ti: “Tôi là con đích thực của Thế Tôn, sinh ra từ miệng, được sinh bởi pháp, hóa sinh bởi pháp, thừa tự của pháp.”

[9] D 27 (iii 84): tathāgatassa  hetaṃ,  vāseṭṭha, adhivacanaṃ ‘dhammakāyo’ itipi, ‘brahmakāyo’ itipi, ‘dhammabhūto’ itipi, ‘brahmabhūto’ itipi, những từ sau đây đồng nghĩa vơi từ Như Lai (tathāgata): dhammakāya (Pháp thân), brahmakāya (Phạm thân), brahmabhūta (Phạm thể).

[10] No 10: Kiêu-tát-la chủ Thắng Quân Đại vương 憍薩羅主勝軍大王. No 26(154): Ba-tư-nặc Câu-sa-la vương 波斯匿拘娑羅王. Pali: rājā  Pasenadi Kosalo.

[11] Quang âm thiên 光音天. No 26(154): Hoảng dũ thiên 晃昱天. Pl.: Ābhassara.

[12] D 27 (iii 84): manomayā pītibhakkhā sayaṃpabhā antalikkhacarā, được sanh bởi ý, ăn bằng hỷ, tự mình phát ánh sáng, phi hành trong hư không.

[13] Hán: tô mật 酥蜜. No 10: như sắc như sữa bơ 酥乳, vị như mía 甘蔗 hoặc như mật 蜜. No 26(164): như sữa đặc đun chín 熟酪. D 27 (iii 85): …seyyathāpi nāma payaso takkassa nibbāyamānassa upari sanānakaṃ hoti… seyyathāpi nāma sampannaṃ vā sappi sampannaṃ vā navanītaṃ…seyyathāpi nāma khuddamadhuṃ aneḷakaṃ: như bọt nổi lên trên mặt cháo sữa đun sôi đang nguội dần… như đề hồ hay thuần túy như tô… như mật ong thuần tịnh.

[14] Thiên tánh khinh dị 天性輕易. No 26(154): xan tham bất liêm 貪[18]
餮不廉. D 27 ibid.: aññataro satto lolajātiko, một chúng sanh nọ có tính háu tham.

[15] Hán: địa phì 地 肥. No. 10: địa bính 地 餅, bánh bằng đất, màu như tư-ca-na 飡那迦, vị như mía. Pl.; (bhūmipa)ppaṭaka, loại bánh làm từ sữa và gạo: bánh (sữa gạo) đất? Cf. Skt. parpaṭaka: bánh, cao (Wogihara).

[16] Thô hậu địa phì 麤厚地肥. No 10: sinh loại dây leo rừng 林藤, giống như cành ca-lung-phạ-ca 迦籠嚩
迦枝 có bốn màu. No 26(154): sinh bà-la婆羅, màu như hoa gia-đàm 加曇華. D 27 ibid.: Pl.: badālatā, một loại dây leo.

[17] Tự nhiên canh mễ, vô hữu khang khoái 自然粳米無有糠糩. No. 10: hương đạo 香稻, lúa thơm. D 27: akaṭṭhapāko  sāli, thứ lúa không do canh tác.  

[18] Điền địa 田地; từ nguyên không được đề cập trong bản Pali.

[19] Hán: bình đẳng chủ平等主. No 10, no 26(154): lập làm Điền chủ 田主. D 27.: mahāsammato, người được bầu lên từ đại chúng., do động từ sammannati, đồng ý. Bản Hán hiểu  từ nguyên là sama: đồng đẳng.

[20] Hán: vương 王. No 10: Do khéo nói ra lời an ủi đói với mọi người, gọi là :người an ủi 慰安.” Người an ủi ấy tức là vua 王. Đó là nguồn gốc của từ “vua”. No 26(154): Khiến cho chúng sanh được như an lạc đúng như pháp, bảo vệ và thi hành kỹ luật, đó là vua. “Vua” có nghĩa là “làm vua 王謂之[10]王.  D 27: dhammena pare rañjetīti rājā rājā, “đúng theo pháp, làm người khác hài lòng, đó gọi là vua”: rāja, vua, do gốc động từ rajenti, làm hài lòng.

[21] Hán: sát-lỵ 剎利. No 10: “Lảm chủ và bảo hộ địa giới, nên được gọi là Sát-đé-lị.”  D 27 ibid.: khettānaṃ adhipati… khattiyo khattiyo, ông chủ của các ruộng đất (khetta) được người ta gọi: Khaatiyo ! Khattiyo! (= điền chủ).

[22] D 27  (iii 94): pāpake akusale dhamme vāhentī ti… brāhmaṇā brāhmaṇā: do loại bỏ các pháp ác, bất thiện mà được gọi Brāhmaṇā ! Brāhmaṇā. Ở đây, từ brāhmana có gốc từ động từ vāhenti: loại bỏ.  

[23] Bất thiền bà-la-môn 不禪婆羅門. D 27 ibid.: na  dānime jhāyantīti kho, vāseṭṭha, ‘ajjhāyakā ajjhāyakā’, “những người tụng đọc, vì những người này không thiền tứ.” Từ nguyên của ajjhāyaka, chỉ Bà-la-môn thông hiểu kinh văn Vệ đà. Ở đây nó được coi có gốc động từ jhāyati: thiền tịnh hay tư duy: a-jjhāyaka: người không thiền tứ = người tụng đọc. No 10: : “Những người ấy không còn được gọi là những kẻ tu thiền, mà được gọi là giáo thọ giả 教授者.”

[24] Nhân gian bà-la-môn 人間婆羅門.

[25] Doanh cư nghiệp 營居業.

[26] No 26(154): “Vì mỗi người đi về các phương khác nhau để làm ruộng, nên gọi là ‘tỳ-xá’.” D 27 ibid.: methunaṃ dhammaṃ samādāya visukammante payojentīti kho, vāseṭṭha, ‘vessā, vessā’, “sau khi thọ trì pháp dâm dục, chúng theo đuổi nhiều loại chức nghiệp, cho nên chúng được gọi là vessā.” Ngữ nguyên của từ vessā, giai cấp thứ ba, được giải thích là do từ “visu(ṃ): mỗi mỗi riêng biêt” trong từ visukammanta: nhiều chức nghiệp khác nhau.

[27] Thủ-đà-la công xảo 首陀羅工巧. D 27 ibid.: . luddācārā khuddācārāti  kho,  vāseṭṭha,  ‘suddā,  suddā’, “Những người hành nghề hung ác (nghề săn bắt), hành nghề vụn vặt,  chúng được gọi là sudda.”

[28] Hán: thiện thọ 善 受.Pl.: sugīta (được hát rất hay), có lẽ trong bản Hán đọc là sugahitā (nắm giữ kỹ). No 26(154): thiện ca 善
歌.

 

6. Kinh chuyển luân vương tu hành

6. KINH CHUYỂN LUÂN VƯƠNG TU HÀNH

[39a22] Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại Ma-la-hê-sưu[1], du hành nhân gian, cùng với một nghìn hai trăm năm mươi Tỳ-kheo, dần dần đi đến nước Ma-lâu[2].

Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Này các Tỳ-kheo, các ngươi hãy tự thắp sáng.[3] Thắp sáng trong Pháp, chớ đừng thắp sáng ở nơi khác. Hãy tự mình nương tựa nơi mình, nương tựa nơi Pháp, chớ đừng nương tựa vào một nơi nào khác.

“Này các Tỳ-kheo, thế nào là hãy tự thắp sáng; thắp sáng trong Pháp, chớ đừng thắp sáng ở nơi khác; hãy tự mình nương tựa nơi mình, nương tựa nơi Pháp, chớ đừng nương tựa vào một nơi nào khác?

“Ở đây, Tỳ-kheo quán thân trên nội thân, tinh cần không biếng nhác, ức niệm không quên, trừ bỏ tham ưu ở đời. Quán thân trên ngoại thân, quán thân trên nội ngoại thân, tinh cần không biếng nhác, [39b] ức niệm không quên, trừ bỏ tham ưu ở đời. Quán thọ, quán tâm, quán pháp cũng vậy. Đó là Tỳ-kheo hãy tự thắp sáng; thắp sáng trong Pháp, chớ đừng thắp sáng ở nơi khác; hãy tự mình nương tựa nơi mình, nương tựa nơi Pháp, chớ đừng nương tựa vào một nơi nào khác. Thực hành như thế sẽ không bị Ma nhiễu hại, công đức ngày một thêm. Tại vì sao?

“Vào thời quá khứ xa xưa, có vị vua tên là Kiên Cố Niệm[4], là vua Quán đảnh dòng Sát-lị, làm Chuyển Luân Thánh vương, thống lãnh cả bốn châu thiên hạ. Bấy giờ Vua là vị tự tại, cai trị đúng theo pháp, là người tối thắng trong loài người. Vua có đủ bảy thứ báu: báu bánh xe vàng, báu voi trắng, báu ngựa xanh, báu thần châu, báu ngọc nữ, báu cư sĩ, báu chủ binh. Và có một nghìn người con hùng dũng, đủ sức dẹp địch. Vua không cần dùng binh mà thiên hạ tự thái bình.

“Vua Kiên Cố Niệm trị vì đã lâu ngày, một hôm báu bánh xe vàng ở không trung bỗng tự nhiên rời khỏi chỗ cũ. Người coi bánh xe vội đến tâu vua: ‘Tâu Đại vương, nên biết, bánh xe báu nay rời khỏi chỗ cũ.’ Sau khi nghe thế, vua Kiên Cố Niệm nghĩ: ‘Ta từng nghe các bậc tiền túc kỳ cựu nói: Nếu bánh xe báu rời khỏi chỗ cũ thì thọ mệnh của Chuyển luân vương không còn được lâu. Ta nay đã thụ hưởng phước lạc ở cõi người, nên tỳm phương tiện để thọ hưởng phước lạc thiên thượng. Ta hãy lập Thái tử lên thống lãnh bốn châu thiên hạ và phong riêng một ấp cho người hớt tóc để khiến cắt bỏ râu tóc cho ta, rồi ta mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo.’

“Rồi vua Kiên Cố Niệm sai gọi Thái tử và bảo: ‘Khanh biết không? Ta từng nghe các bậc tiền túc kỳ cựu nói, nếu bánh xe báu rời khỏi chỗ cũ thì thọ mệnh của Chuyển luân vương không còn được lâu. Ta nay đã thụ hưởng phước lạc ở cõi người, nên tỳm phương tiện để thọ hưởng phước lạc trên Trời. Nay ta muốn cạo bỏ râu tóc, bận ba pháp y, xuất gia tu đạo. Ta đem bốn châu thiên hạ ủy thác cho ngươi. Ngươi hãy gắng sức, thương yêu dân chúng.’ Sau khi Thái tử lãnh mạng. Vua Kiên Cố Niệm liền cạo bỏ râu tóc, bận ba pháp y, xuất gia tu đạo.

“Vua xuất gia được bảy ngày thì bánh xe vàng báu bỗng nhiên không hiện ra nữa. Người coi bánh xe đến tâu vua: ‘Đại vương nên biết, nay bánh xe vàng báu bỗng nhiên biến mất.’ Vua không vui, bèn tỳm đến chỗ vua Kiên Cố Niệm. Sau khi đến, bạch rằng: ‘Phụ vương nên biết, nay bánh xe vàng báu bỗng nhiên không hiện ra nữa.’ Vua Kiên Cố Niệm trả lời con: ‘Ngươi chớ lo lắng cho là điều không vui. Bánh xe vàng báu đó không phải là của cha ngươi sản xuất ra. Ngươi chỉ cần [39c] gắng thi hành chánh pháp cuta Thánh vương, rồi đến ngày rằm trăng tròn, tắm gội nước hương, lên ngồi tại Chánh pháp điện, có thể nữ bao quanh, tức thì có thần bảo là bánh xe vàng tự nhiên hiện đến. Bánh xe có nghìn căm, màu sắc đầy đủ, là tác phẩm của thợ nhà trời chứ không phải của loài người.’

“Thái tử tâu phụ vương: ‘Phụ vương, chánh pháp của Chuyển Luân Thánh vương là thế nào? Phải làm như thế nào?’ Vua bảo con: ‘Hãy nương trên pháp, an lập trên pháp, thành tựu nơi pháp; cung kính, tôn trọng, quán sát pháp; lấy pháp làm đầu, thủ hộ chánh pháp. Lại nữa, hãy răn dạy các thể nữ bằng pháp. Lại nữa, hãy chăm sóc dạy dỗ các Vương tử, Đại thần, các quan liêu, trăm quan và thứ dân bằng pháp. Hãy hộ trì, chăm sóc các Sa-môn, Bà-la-môn, cho đến cầm thú.’ Rồi vua lại bảo con: ‘Lại nữa, trong cõi nước ngươi, nếu có các Sa-môn, Bà-la-môn, tu hành thanh chơn, công đức đầy đủ, chuyên cần tinh tấn, xa lìa kiêu mạn, nhẫn nhục nhân ái, một mình ở chỗ nhàn tịnh tu tập, một mình yên nghỉ, một mình đạt đến Niết-bàn; tự mình diệt trừ tham dục, dạy người khác diệt trừ tham dục; tự diệt trừ sân nhuế, dạy người khác diệt trừ sân nhuế; tự diệt trừ ngu si, dạy người khác diệt trừ ngu si; ở trong chỗ ô nhiễm họ không ô nhiễm, trong chỗ tội ác họ không tội ác, trong chỗ ngu si họ không ngu si, chỗ có thể đắm trước họ không đắm trước, chỗ có thể trụ họ không trụ, chỗ có thể ở họ không ở, thân hành chất trực; miệng nói lời chất trực, ý nghĩ chất trực; thân hành thanh tịnh, miệng nói thanh tịnh, ý nghĩ thanh tịnh, chánh niệm thanh tịnh, nhân huệ, không hề chán; biết đủ trong sự ăn mặc, và cầm bát đi khất thực để gây phước lành cho chúng sanh. Nếu có những người như thế, ngươi hãy thường nên tỳm đến, tùy thời hỏi han: phàm những điều tu hành, sao là thiện, sao là ác, sao gọi là phạm, sao gọi không phạm, cái nào đáng thân, cái nào không đáng thân, việc gì đáng làm, việc gì không đáng làm, và thi hành pháp gì để được an lạc lâu dài? Ngươi hỏi xong rồi lấy ý mình quán xét thấy việc nên làm thì gắng làm, việc nên bỏ thì gắng bỏ. Trong nước nếu có kẻ mồ côi, già cả, hãy nên chẩn cấp. Người nghèo cùng, yếu kém đến xin, cẩn thận chớ trái nghịch. Trong nước có luật pháp cũ, ngươi chớ thay đổi. Đó là những pháp mà Chuyển Luân Thánh vương tu hành, ngươi hãy phụng hành.’”

Phật nói với các Tỳ-kheo:

“Này các Tỳ-kheo, khi Chuyển Luân Thánh vương nghe lời phụ vương dạy xong, thì như lời dạy mà tu hành. Đến ngày rằm trăng tròn, tắm gội nước hương, lên ngồi tại bảo điện, có thể nữ bao quanh, tự nhiên có bánh xe báu hiện ra trước mặt, vành xe có ngàn tăm sáng chói, do thợ trời làm chớ không phải đời có được. Bánh xe toàn bằng chân kim, đường kính bánh xe một trượng tư.[40a] Khi ấy, Chuyển Luân Thánh vương thầm nghĩ: ‘Ta từng nghe các bậc tiên túc kỳ cựu nói: Nếu vua Quán đảnh dòng Sát-lị, đến ngày rằm trăng tròn, tắm gội nước hương, lên ngồi tại bảo điện, có thể nữ bao quanh, thời tự nhiên có bánh xe vàng hiện đến trước mặt, bánh xe có nghìn căm, ánh sáng rực rỡ, là tác phẩm của thợ nhà trời chứ không phải do con người làm, được làm thành bằng vàng thiệt, đường kính trượng tư, khi đó được gọi là Chuyển Luân Thánh vương. Nay có bánh xe báu ấy hiện đến, há không là đây chăng? Ta hãy thử coi bánh xe đó thế nào?’

“Khi ấy, vua Chuyển luân liền triệu bốn thứ binh, hướng về phía bánh xe vàng, trịch áo bày vai phải, đầu gối phải quỳ sát đất, rồi lấy tay mặt vỗ lên bánh xe và nói: ‘Ngươi hãy theo đúng pháp mà vận chuyển về phương Đông, chớ trái lệ thường.’ Bánh xe liền chuyển về phương Đông. Vua bèn dẫn bốn thứ quân binh đi theo bánh xe vàng, trước bánh xe vàng có bốn vị thần dẫn đường. Đến chỗ bánh xe vàng ngừng thì vua cũng dừng xe. Bấy giờ, các Tiểu quốc phương Đông thấy Đại vương đến, họ đem bát vàng đựng lúa bạc, bát bạc đựng lúa vàng đến trước vua, cúi đầu tâu rằng: “Hoan nghênh Đại vương đến! Nay phương Đông này đất ruộng phì nhiêu, nhân dân sung túc, tánh khí nhân hòa, từ hiếu trung thuận. Cúi mong Thánh vương đem chánh pháp trị hóa chốn này, chúng tôi xin cung cấp hầu hạ, phục vụ mọi thứ cần dùng.’ Vua Chuyển luân nói với các Tiểu vương: “Thôi, thôi, Chư Hiền! Thế là các ngươi đã cúng dường ta rồi đó. Các ngươi hãy nên lấy chánh pháp mà trị dân, chớ làm cho thiên lệch, không để cho quốc nội có hành vi phi pháp. Như vậy tức là ta trị hóa đó.’ Các Tiểu vương vâng lệnh. Họ liền theo vua đi tuần khắp nước, đến tận mé biển Đông mới trở về.

“Vua lần lượt đi về phương Nam, rồi phương Tây, phương Bắc. Hễ bánh xe vàng đến ở đâu thì các Quốc vương đều đến cống hiến như các Tiểu quốc phương Đông vậy.

“Bấy giờ, vua Chuyển luân, sau khi đã theo bánh xe vàng đi khắp bốn biển, đem chánh đạo khai hóa, an ủi dân chúng xong, trở về nước, thì bánh xe vàng dừng lại trên không trung ngay cửa cung điện. Vua Chuyển luân vui mừng phấn khởi nói: ‘Bánh xe vàng báu này thật là điềm tốt của ta. Nay ta chính thật là Chuyển Luân Thánh vương.’

“Đó là sự thành tựu báu bánh xe vàng.

“Vua ấy trị đời một thời gian lâu, rồi bánh xe vàng báu giữa hư không lại bỗng nhiên rời chỗ cũ. Người coi bánh xe vội đến tâu vua: ‘Đại vương nên biết, nay bánh xe báu đã rời chỗ.’ Vua nghe xong liền tự mình suy nghĩ: ‘Ta từng nghe nơi các bậc tiên túc kỳ cựu rằng, nếu bánh xe báu dời chỗ, Chuyển Luân Thánh vương sống chẳng còn bao lâu nữa. [40b] Ta nay đã hưởng thọ phước lạc của loài người, cũng nên tỳm phương tiện thọ phước lạc trên trời. Ta hãy lập Thái tử thống lãnh bốn thiên hạ, phong riêng một ấp cho người hớt tóc và ra lệnh cạo bỏ râu tóc cho ta, rồi ta mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo.’

“Rồi vua sai gọi Thái tử và bảo: ‘Khanh biết không? Ta từng nghe các bậc tiền túc kỳ cựu nói, nếu bánh xe báu rời khỏi chỗ cũ thì thọ mệnh của Chuyển luân vương không còn được lâu. Ta nay đã thụ hưởng phước lạc ở cõi người, nên tỳm phương tiện để thọ hưởng phước lạc thiên thượng. Nay ta muốn cạo bỏ râu tóc, bận ba pháp y, xuất gia tu đạo. Ta đem bốn châu thiên hạ ủy thác cho ngươi. Ngươi hãy gắng sức, thương yêu dân chúng.’ Sau khi Thái tử lãnh mạng. vua liền cạo bỏ râu tóc, bận ba pháp y, xuất gia tu đạo.

“Vua xuất gia được bảy ngày thì bánh xe vàng bỗng nhiên không hiện nữa. Người coi bánh xe đến báo tin vua: ‘Tâu Đại vương, bánh xe báu nay bỗng nhiên biến mất.’ Vua nghe xong chẳng cho đó là điều đáng lo, cũng chẳng chịu đến hỏi ý phụ vương.

“Rồi vua cha bỗng nhiên thăng hà.

“Kể từ đây về trước có sáu vua Chuyển luân, cứ đắp đổi trao ngôi và lấy chánh pháp trị dân, duy một ông vua sau này tự chuyên trị nước, không theo pháp cũ, chánh trị bất công khiến thiên hạ oán thán, quốc độ tổn giảm, nhân dân điêu linh. Thấy vậy, có một Đại thần dòng Bà-la-môn đến tâu vua: ‘Đại vương biết cho, nay quốc độ Tôn giảm, nhân dân điêu linh, không được như trước. Hiện nay trong nước của Vua có nhiều vị tri thức, thông tuệ, bác đạt, rõ thấu cổ kim, biết đủ pháp chánh trị của Tiên vương, sao Vua không vời lại để hỏi những điều họ biết. Nếu được hỏi, họ sẽ đáp.’ Vua liền vời quần thần đến hỏi đạo trị chánh của Tiên vương, các vị thần tá có trí đáp đủ mọi việc. Vua nghe xong bèn thi hành theo pháp cũ, lấy chánh pháp cứu hộ nhân dân, nhưng vẫn không thể chẩn tế những kẻ cô lão, cấp thí cho người hạ cùng, nhân dân trong nước càng lúc càng trở nên nghèo khổ; chúng bèn xâm đọat lẫn nhau mà thành có nạn đạo tặc hoành hành. Mỗi khi có ai bị rình bắt được đem đến vua, tâu rằng: ‘Người này làm giặc cướp, xin Vua trị tội nó.’ Vua hỏi: ‘Có thật ngươi là giặc cướp không?’ Người ấy đáp: ‘Thật! Vì tôi nghèo cùng, đói khát, không tự sống nổi, nên phải làm giặc.’ Vua liền xuất kho, lấy của cấp cho và dặn: ‘Ngươi đem của này về cung cấp cha mẹ, giúp đỡ bà con, từ nay chớ làm giặc nữa!’

[40c] “Những người khác thấy vậy, đồn nhau: ‘Có kẻ làm giặc được vua cấp cho tài bảo’. Rồi chúng cũng bắt chước làm theo. Chúng lại bị rình bắt được đem đến vua, tâu rằng: ‘Người này làm giặc cướp, xin vua trị tội nó.’ Vua lại hỏi: ‘Có thật ngươi là giặc cướp không?’ Người kia đáp: ‘Dạ thật! Vì tôi nghèo cùng, đói khát, không tự sống nổi, nên phải làm giặc.’ Vua lại xuất kho lấy của cấp cho và bảo: ‘Ngươi đem của này về cung cấp cha mẹ, giúp đỡ bà con, từ nay chớ làm giặc nữa!’

 “Lại có những người khác nghe nói có kẻ làm giặc được vua cấp cho tài bảo, nên họ bắt chước rủ nhau làm theo, và lại bị rình bắt đem đến vua, tâu: ‘Người này làm giặc cướp, xin vua trị tội nó.’ Vua lại hỏi: ‘Có thật ngươi làm giặc không?’ Người kia đáp: ‘Dạ thật! Vì tôi nghèo cùng, đói khát, không tự sống nổi nên phải làm giặc.’ Lần này vua nghĩ: ‘Trước có người làm giặc, ta thấy nghèo đói cấp cho tài vật, dặn thôi đừng làm. Người khác nghe thế lại bắt chước làm. Nạn đạo tặc nhân đó tràn lan mãi. Thôi, bây giờ tốt hơn ta phải hạ lệnh gông cùm người này dắt đi các ngõ đường, sau đưa ra ngoài thành, đến chỗ đồng trống mà hành hình, để răn người sau.’ Vua liền sắc tả hữu bắt người ấy trói lại, rồi đánh trống xướng lệnh, đưa đi khắp ngõ đường. Xong rồi đem tới chỗ đồng trống ở ngoài thành mà hành hình. Mọi người khác thấy vậy truyền nhau: ‘Nếu chúng ta làm giặc, cũng phải bị xử như thế chẳng khác gì.’ Từ đây quốc dân, để tự phòng hộ, mới tạo ra những binh trượng, gươm đao, cung tên, tàn hại nhau, công kích, cướp giật lẫn nhau.

“Kể từ vua này mới bắt đầu có sự nghèo cùng. Nhân có nghèo cùng mới có đạo tặc. Nhân có đạo tặc mới có đao trượng. Nhân có đao trượng mới có sát hại. Nhân có sát hại nên nhan sắc con người mới tiều tụy, thọ mệnh ngắn ngủi. Chúng sống từ bốn vạn tuổi, sau lần xuống còn hai vạn tuổi. Trong số đó có người sống lâu; có người chết yểu; có người khổ; có người sướng. Những người khổ thì sinh tâm tà dâm, tham thủ, bày đủ phương tiện để mưu đoạt của nhau, nên tai nạn nghèo cùng, trộm cướp, đao trượng, sát hại càng ngày càng nhiều, làm cho mạng người lại giảm dần xuống chỉ sống một vạn tuổi.

“Trong thời gian người sống một vạn tuổi, chúng sanh vẫn lại cướp bóc lẫn nhau. Mỗi khi bị rình bắt đem đến vua, tâu rằng: ‘Người này làm giặc, xin vua trị nó.’ Vua hỏi: ‘Có thật ngươi làm [41a] giặc không?’ Người kia đáp: ‘Tôi không làm.’ Và ở giữa đám đông nó cố ý nói dối. Như vậy chúng sanh lúc đó vì nghèo cùng nên trộm cướp. Vì trộm cướp nên có đao binh. Vì đao binh nên có giết hại. Vì giết hại nên có tham thủ, tà dâm. Vì tham thủ tà dâm nên có nói dối. Vì có nói dối, do đó tuổi thọ lại giảm lần, chỉ còn sống được một ngàn tuổi.

“Trong thời gian sống một ngàn tuổi, bấy giờ có thêm ba ác hành thuộc về miệng xuất hiện ở đời là nói hai lưỡi, nói độc ác và ỷ ngữ.[5] Ba ác nghiệp đó càng tăng thì tuổi thọ con người giảm bớt xuống, chỉ còn sống được năm trăm tuổi.

“Trong thời gian sống năm trăm tuổi, chúng sanh lại gây thêm ba ác hành nữa là dâm dục phi pháp, tham lam phi pháp và tà kiến.[6] Ba ác nghiệp này tăng dần lên thì tuổi thọ con người giảm bớt xuống, chỉ còn sống đến ba trăm rồi hai trăm tuổi và nay, nhân loại trong thời Ta, chỉ còn sống được một trăm tuổi. Số tuổi thọ được tăng thì ít mà giảm thì nhiều. Hễ cứ làm ác mãi thì tuổi thọ cứ như thế giảm xuống mãi cho đến khi nhân loại chỉ còn sống mười tuổi.

“Trong thời gian nhân loại sống mười tuổi này, con gái vừa sinh ra năm tháng[7] đã gả chồng. Ở vào thời ấy, những vị ngon ngọt như bơ, dầu, đường mía, đường đen[8] không còn nghe tên. Lúa, nếp biến thành cỏ dại. Những thứ danh phục, lụa là, gấm vóc, vải trắng, kiếp-ba, lụa tơ, lãnh nhiễu như bây giờ không thấy mặc, mà phải bện lông gai xô xảm lấy làm áo mặc thượng hạng. Bấy giờ, toàn cõi đất này mọc đầy gai gốc, sanh đầy mòng muỗi, ruồi lằng, chấy rận, rắn rết, ong, bò cạp, trùng độc. Vàng bạc, lưu ly, trân châu, danh bảo đều lặn hết xuống đất, chỉ còn ngói đá, sạn sỏi thì nổi cả lên trên. Nhân loại lúc đó tuyệt nhiên không còn nghe đến tên thập thiện mà chỉ có thập ác dẫy đầy thế gian. Nhằm lúc cái tên thiện pháp còn không nghe thấy, nhân loại không biết đâu để tu tập hạnh lành, do đó hễ người nào làm điều cực ác, bất hiếu với cha mẹ, bất kính với sư trưởng, bất trung bất nghĩa, phản nghịch vô đạo, thì được dân chúng tôn sùng như hiện nay người ta tôn sùng kẻ làm điều lành, hiếu dưỡng cha mẹ, kính thuận sư trưởng, trung tín tiết nghĩa, thuận đạo tu nhân vậy.

“Nhân loại thời ấy, phần nhiều tạo mười điều ác nên sa vào nẻo dữ nhiều. Chúng sanh vừa trông thấy nhau là muốn tàn sát nhau như thợ săn trông thấy bầy nai.

“Cõi đất lúc ấy đầy dẫy hố hầm, khe suối, hang hóc; đất hoang người hiếm, đi lại ghê sợ. Nhằm lúc ấy thì có nạn đao binh nổi lên. Cọng cỏ nhánh cây cầm trong tay cũng đều biến thành qua mâu, giết hại nhau trong vòng bảy ngày. Khi ấy, những kẻ có trí, tỳm lánh vào rừng sâu, nương ở hang hố, trong bảy ngày [41b] lòng quá sợ hãi mà phát lời từ thiện rằng: ‘Ngươi không hại ta, ta không hại ngươi.’ Họ nhờ ăn cỏ cây mà sống còn. Qua khỏi bảy ngày họ từ núi đi ra, hễ gặp người sống sót, vừa thấy nhau đã mừng rỡ nói: ‘Ngươi không chết ư? Ngươi không chết ư?’ Giống như cha mẹ chỉ có con một, xa cách lâu ngày, nay gặp lại mừng không xiết kể. Họ đem lòng mừng rỡ chúc hỏi nhau như thế xong, sau mới thăm hỏi đến nhà, thì hay rằng thân thuộc nhà họ đã chết đi nhiều, nên họ lại buồn khóc, than van, kêu ca với nhau trong suốt bảy ngày tiếp.

“Hết bảy ngày buồn khóc, tiếp đến bảy ngày họ cùng nhau chúc mừng, hoan lạc, và tự nghĩ: ‘Vì chúng ta chứa ác quá nhiều nên gặp phải tai nạn, khiến thân tộc chết chóc, gia quyến mất tiêu. Vậy nay ta nên chung nhau tu tập điều lành, nhưng hãy tu điều lành gì? Ta nên đừng sát sinh.’

“Bấy giờ nhân loại lại phát từ tâm, không tàn hại nhau, nhờ đó nhân loại được tăng dần sắc lực và thọ mệnh, từ mười tuổi nay sống lên hai mươi tuổi. Trong lúc sống hai mươi tuổi. chngs lại suy nghĩ: ‘Chúng ta nhờ tu chút ít hạnh lành, không tàn hại nhau, mà thọ mệnh tăng lên hai mươi tuổi. Vậy ta hãy nên tu thêm ít điều lành nữa. Nhưng nên tu điều lành gì? Trước kia đã không sát sinh rồi, giờ ta nên không trộm cắp.’ Và do tu điều không trộm cắp mà thọ mệnh tăng lên bốn mươi tuổi. Trong lúc sống bốn mươi tuổi, chúng lại suy nghĩ: ‘Chúng ta nhờ tu chút ít lành mà thọ mệnh tăng lên, nay có lẽ ta nên tu thêm ít điều lành nữa. Nhưng nên tu điều lành gì? Ta nên tu điều không tà dâm.’ Từ đó mọi người đều không tà dâm, và thọ mệnh tăng lên tám mươi tuổi. Trong lúc sống tám mươi tuổi, chúng lại suy nghĩ: ‘Chúng ta nhờ tu chút ít lành mà thọ mệnh tăng lên, nay có lẽ ta nên tu thêm ít điều lành nữa. Nhưng nên tu điều lành gì? Ta nên không nói dối.’ Từ đó mọi người thảy đều không nói dối, và thọ mạng tăng lên đến một trăm sáu mươi tuổi. Trong lúc sống một trăm sáu mươi tuổi, chúng lại suy nghĩ: ‘Chúng ta nhờ tu chút ít điều lành mà thọ mạng tăng lên. Nay có lẽ ta nên tu thêm ít điều lành nữa. Nhưng nên tu điều lành gì? Ta nên không nói hai lưỡi.’ Từ đó mọi người đều không nói hai lưỡi, và thọ mạng tăng lên ba trăm hai mươi tuổi. Trong lúc sống ba trăm hai mươi tuổi, chúng lại suy nghĩ: ‘Chúng ta nhờ tu chút ít điều lành mà thọ mạng tăng lên. Nay có lẽ ta nên tu thêm ít điều lành nữa. Nhưng nên tu điều lành gì? Ta nên không ác khẩu.’ Từ đó mọi người không ác khẩu, và thọ mạng tăng lên sáu trăm bốn mươi tuổi. Trong lúc sống sáu trăm bốn mươi tuổi, chúng lại [41c]suy nghĩ: ‘Chúng ta nhờ tu chút ít điều lành mà thọ mạng tăng lên. Nay có lẽ ta nên tu thêm ít điều lành nữa. Nhưng nên tu điều lành gì? Ta nên không nói ỷ ngữ.’ Từ đó mọi người không nói ỷ ngữ, và thọ mạng tăng lên đến hai nghìn tuổi. Trong lúc sống hai nghìn tuổi, chúng lại suy nghĩ: ‘Chúng ta nhờ tu chút ít điều lành mà thọ mạng tăng lên. Nay có lẽ ta nên tu thêm ít điều lành nữa. Nhưng nên tu điều lành gì? Ta nên không xan tham.’ Từ đó mọi người không xan tham, và thọ mạng tăng lên đến năm nghìn tuổi. Trong lúc sống năm nghìn tuổi, chúng lại suy nghĩ: ‘Chúng ta nhờ tu chút ít điều lành mà thọ mạng tăng lên. Nay có lẽ ta nên tu thêm ít điều lành nữa. Nhưng nên tu điều lành gì? Ta nên không tật đố, từ tâm tu thiện.’ Từ đó mọi người không tật đố, từ tâm tu thiện, và thọ mạng tăng lên đến một vạn tuổi. Trong lúc sống một vạn tuổi, chúng lại suy nghĩ: ‘Chúng ta nhờ tu chút ít điều lành mà thọ mạng tăng lên. Nay có lẽ ta nên tu thêm ít điều lành nữa. Nhưng nên tu điều lành gì? Ta nên tu chánh kiến, không sanh điên đảo.’ Từ đó mọi người tu chánh kiến, không sanh điên đảo, và thọ mạng tăng lên đến hai vạn tuổi. Trong lúc sống bốn vạn tuổi, chúng lại suy nghĩ: ‘Chúng ta nhờ tu chút ít điều lành mà thọ mạng tăng lên. Nay có lẽ ta nên tu thêm ít điều lành nữa. Nhưng nên tu điều lành gì? hãy tu để diệt ba pháp bất thiện là phi pháp dâm, phi pháp tham và tà kiến.’ Rồi những người ấy tận diệt ba pháp bất thiện, thọ mạng liền kéo dài lên đến bốn vạn tuổi. Khi thọ mạng kéo dài đên bốn vạn tuổi, người bấy giơ lại suy nghĩ: ‘Chúng ta do tu thiện mà tuổi thọ kéo dài thêm. Vậy nay hãy tăng thêm một ít điều thiện nữa. Nên tu tập điều thiện gì? Ta nên hiếu dưỡng cha mẹ, kính thờ sư trưởng.’ Từ đó mọi người đều hiếu dưỡng cha mẹ, kính thờ sư trưởng, và thọ mạng tăng lên đến tám vạn tuổi.

“Trong lúc nhân loại sống tám vạn tuổi, con gái đến năm trăm tuổi mới gả chồng, và có chín thứ bịnh là lạnh, nóng, đói, khát, đại tiện, tiểu tiện, tham dục, ham ăn và già.[9] Cõi đất lúc ấy bằng phẳng không có rạch hầm, gò nổng gai gốc, cũng không mòng muỗi, rắn rết, trùng độc. Ngói, đá, cát, gạch thì biến thành lưu ly. Nhân dân sung túc, ngũ cốc rẻ thường, dồi dào, phước lạc không xiết tả. Có tám vạn thành lớn được dựng lên, thôn thành san sát gần nhau, gà gáy cùng nghe được.

“Vào thời kỳ ấy thì có đức Phật ra đời hiệu là Di-lặc[10] Như Lai, [42a] Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, mười hiệu đầy đủ, như đức Thích-ca Như Lai ngày nay không khác. Đức Di-lặc kia ở giữa hàng Chư Thiên, Đế Thích, Ma, Thiên Ma, Sa-môn, Bà-la-môn, và nhân gian, mà tự thân tác chứng, cũng như Ta ngày nay ở ngay giữa hàng Chư Thiên, Đế Thích, Ma hoặc Thiên Ma, Sa-môn, Bà-la-môn và nhân gian mà tự mình tác chứng vậy.

“Đức Di-lặc sẽ thuyết pháp, khoảng đầu, giữa và cuối đều trọn lành, đầy đủ nghĩa vị, tịnh tu phạm hạnh, như ngày nay Ta thuyết pháp, khoảng đầu, giữa, cuối đều chân chánh, nghĩa vị đầy đủ, phạm hạnh thanh tịnh vậy.

“Đức Di-lặc có chúng đệ tử vô số ngàn vạn, như Ta ngày nay có đệ tử vài trăm. Nhân dân lúc ấy gọi đệ tử ngài là Từ tử như gọi đệ tử ta nay là Thích tử.

“Lúc ấy, có vua tên là Tương-già[11], là vua Quán đảnh dòng Sát-lị, làm Chuyển Luân Thánh vương, cai trị bốn châu thiên hạ. Vua lấy chánh pháp trị dân, ai nấy đều mến phục. Vua có đủ bảy thứ báu là bánh xe vàng, voi trắng, ngựa xanh, thần châu, ngọc nữ, cư sĩ, chủ binh và ngàn người con dõng mãnh hùng nghị, đủ sức dẹp ngoại địch, được bốn phương kính thuận, không cần binh đao mà thiên hạ thái bình.

“Vua thiết lập một Đại bảo tràng[12] vòng vây mười tầm, cao một ngàn tầm, được trang nghiêm với ngàn sắc lẫn lộn. Bảo tràng có một trăm góc[13]; mỗi góc có trăm nhánh, dệt bằng chỉ báu, có các châu bảo xen lẫn. Sau khi lập bảo tràng, vua đem cúng thí cho hàng Sa-môn, Bà-la-môn và người nghèo trong nước. Sau đó, vua cắt bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo, tu vô thượng hành, ngay trong pháp hiện tại mà tự thân tác chứng, sanh tử dứt hết, phạm hạnh thành tựu, việc làm hoàn mãn, không còn phải chịu thân sau nữa.”

Phật dạy:

“Này các Tỳ-kheo! Các ngươi hãy nỗ lực tu các thiện hành. Nhờ tu thiện hành mà thọ mệnh lâu dài, nhan sắc thêm tươi, an ổn khoái lạc, tài bảo phong nhiêu, oai lực đầy đủ. Cũng như các vua thuận làm theo cựu pháp của Chuyển Luân Thánh vương thời thọ mệnh lâu dài, nhan sắc thêm tươi, an ổn khoái lạc, tài bảo phong nhiêu, oai lực đầy đủ. Tỳ-kheo cũng vậy, nên tu thiện pháp, thọ mạng lâu dài, nhan sắc thêm tươi, an ổn khoái lạc, tài bảo phong phú, oai lực đầy đủ.

“Thế nào gọi là Tỳ-kheo được thọ mệnh lâu dài? Tỳ-kheo tu tập dục định đoạn hành thành tựu thần túc [14]. Tu tập tinh tấn định, tâm định, tư duy định đoạn hành thành tựu [42b] thần túc. Như thế là Tỳ-kheo thọ mệnh lâu dài.

“Thế nào gọi là Tỳ-kheo được nhan sắc thêm tươi? Ở đây, Tỳ-kheo có giới cụ túc, thành tựu oai nghi, thấy có tội nhỏ đã sanh lòng sợ lớn, học tập đầy đủ trong các học giới[15], hoàn toàn không thiếu sót. Như thế là Tỳ-kheo nhan sắc thêm tươi.

“Thế nào gọi là Tỳ-kheo được an ổn khoái lạc? Ở đây, Tỳ-kheo đoạn trừ dâm dục, xả bỏ pháp bất thiện, có tầm cótứ, có hỷ lạc phát sanh do viễn ly, chứng đệ nhất thiền. Trừ diệt tầm và tứ, nội đẳng tịnh, tâm chuyên nhất, không tầm không tứ, có hỷ lạc phát sanh do định, chứng đệ nhị thiền. Lìa hỷ, an trú xả, chuyên tâm không tán loạn, tự thân cảm giác lạc, điều mà Hiền Thánh nói là xả, an trú lạc với  niệm, chứng đệ tam thiền. Dứt khổ dứt lạc, ưu và hỷ đã loại trừ từ trước, không khổ không lạc, xả và niệm thanh tịnh, chứng đệ tứ thiền. Như thế là Tỳ-kheo an ổn, khoái lạc.

“Thế nào gọi là Tỳ-kheo được tài bảo phong nhiêu? Ở đây, Tỳ-kheo tu tập từ tâm, trùm khắp một phương, rồi đến các phương khác cũng vậy; an trú với tâm tư câu hữu với từ trùm khắp, rộng lớn, không hai, không hạn lượng, trừ mọi kết hận, tâm không thù oán. Bi tâm, hỷ tâm, xả tâm cũng như thế. Như thế là Tỳ-kheo được tài bảo phong nhiêu.

“Thế nào gọi là Tỳ-kheo được oai lực đầy đủ? Ở đây, Tỳ-kheo biết như thật Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế. Như thế là Tỳ-kheo được oai lực đầy đủ.

“Này các Tỳ-kheo! Nay Ta xem khắp những người có sức lực không ai hơn Ma lực, nhưng Tỳ-kheo đã đoạn trừ hết hoặc lậu, thì lại thắng được bọn ma đó.”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.[16]

 


*  佛說長阿含第二分[03]轉輪聖王修行經第二

[1] Ma-la-hê-sưu 摩醯搜, bản Tống: Ma-hê-lâu 摩醯樓, bản Nguyên, Minh: Ma-la-hê-lâu 摩羅醯樓. Chưa rõ địa danh này. No. 26(70): Phật tại Ma-đâu-lệ 摩兜隸. trong rừng xoài bên bờ Sử hà奈
林駛河岸. D 26: Mātulā, một thị trấn của Magadha.

[2] Ma-lâu, TNM: Ma-la-lâu 摩羅樓.Pali: Mātulā?

[3] Đương tự xí nhiên 當自熾燃; cf. No 1(2), tr. 15a26. No 26(70), tr. 520b18: đương tự nhiên pháp đăng當
自然法燈.

[4] Kiên Cố Niệm 堅 固 念; No. 26(70): Kiên Niệm 堅念. D 26: Daḷhanemi.

[5] D 26 (iii 69): khi loài người thọ 5 nghin tuổi, hai pháp tăng trưởng: thô ác ngữ (pharusāvācā) và ỷ ngữ (samphappalāpa)… Khi tuỏi thọ giảm còn 1 nghìn, tà kiến (micchādiṭṭhi) tăng trưởng.

[6] D 26 (iii 70), ba pháp tăng trưởng: adhammarāga, phi pháp dục; visamalobha, phi lý tham; micchādhamma, tà kiến pháp.

[7] D 26: pañcavassikā kumārikā alaṃpateyyā bhavissanti, con gái năm tuổi sẽ đi lấy chồng.

[8] Hán: tô, du, thạch mật, hắc thạch mật  酥油石蜜黑石蜜. No 26(70): bơ, dầu, muối, mật, mía, đường 酥油鹽蜜 [03]甘蔗 [04]糖. D 26: sappi navanītaṃ telaṃ madhu phāṇitaṃ loṇaṃ, bơ trong, bơ tươi, dầu mè, mật, đường mía, muối.

[9] D 26, chỉ có ba thứ bệnh: ham muốn, đói và già (manussesu tayo ābādhā bhavissanti, icchā, anasanaṃ, jarā).

[10] Di-lặc 彌 勒, Pl.: Metteyya.

[11] Để bản: Tương-già 儴伽; bản Tống: Nhương-khư 禳佉 các bản Nguyên Minh: Nhương-khư 儴佉. No 26(70): vua tên Loa 螺. Pl.: Saṅkha.  

[12] Đại bảo tràng 大 寶 幢, cây phướn lớn. D. 26 (iii 76): so  yūpo raññā mahāpanādena kārāpito, vua cho dựng cung điện được thiết lập bởi vua Mahāpanāda. Trong đó, yūpa: cột tế đàn, cũng có nghĩa cung điện.

[13] Bách cô 百 觚 (TNM:柧). Không hình dung được.

[14] Thư nhất trong bốn thần túc. Thay vì là tập hợp từ, bản Hán diễn thành mệnh đề: “Tu tập dục định, tinh cần khong giải đãi, thành tựu bởi diệt hành, để tu thần túc.”

[15] Hán: đẳng học 等 學. Pl.: samādāya sikkhati, sau khi thọ lãnh, vị ấy học tập.

[16] Bản Hán, hết quyển 6.

7. Kinh tệ tú

7. KINH TỆ-TÚ

[42b25] Lúc bấy giờ,[1] Đồng nữ Ca-diếp[2] cùng năm Tỳ-kheo du hành từ nước Câu-tát-la lần đến thôn Bà-la-môn tên là Tư-bà-hê[3]. Rồi Đồng nữ Ca-diếp nghỉ tại phía bắc rừng Thi-xá-bà[4]. Lúc đó có người Bà-la-môn tên Tệ-tú[5], xưa nay ở thôn Tư-bà-hê, một thôn giàu vui, nhân dân đông đúc, cây cối sầm uất do vua Ba-tư-nặc đã phong riêng cho Bà-la-môn Tệ-tú coi như là một ân điển.[6] Bà-la-môn Tệ-tú là người thường chấp giữ dị kiến và dạy mọi người rằng: “Không có thế giới khác, cũng không có hóa sinh,[7] không quả báo thiện ác[8].”

Lúc bấy giờ, người trong thôn Tư-bà-hê nghe có Đồng nữ Ca-diếp cùng năm trăm Tỳ-kheo từ nước Câu-tát-la đi lần đến nghỉ tại rừng Thi-xá-bà, họ bàn nhau rằng: “Vị Đồng nữ Ca-diếp này có tiếng tăm lớn, đã chứng đắc A-la-hán, là bậc kỳ cựu trưởng túc, đa văn, quảng bác, thông minh duệ trí, biện tài ứng cơ, giỏi cách nghị luận, nếu chúng ta gặp được, há không tốt đẹp sao?” Rồi người trong thôn ấy ngày ngày lũ lượt tỳm đến Ca-diếp. Bấy giờ Tệ-tú đang đứng trên lầu cao trông thấy người trong thôn từng đoàn nối nhau kéo đi mà chẳng biết đi đâu, mới hỏi người cầm lọng hầu rằng:

“Những người kia vì sao họp thành đoàn nối nhau mà đi như thế?”

Người hầu đáp:

“Tôi nghe nói Đồng nữ Ca-diếp cùng năm trăm Tỳ-kheo từ nước Câu-tát-la đến nghỉ tại rừng Thi-xá-bà. Lại nghe đồn người ấy có tiếng tăm lớn, đã chứng đắc La-hán, là bậc kỳ cựu trưởng túc, đa văn quảng bác, thông minh duệ trí, biện tài ứng cơ, giỏi cách nghị luận. Những người kia họp thành đoàn nối nhau là muốn đến gặp Ca-diếp đấy.”

Tệ-tú liền sai người hầu:

“Ngươi hãy mau tới nói mấy người ấy, bảo hãy dừng lại, chờ ta cùng đi gặp với. Vì sao? Vì người kia ngu si, nhầm lẫn, lừa dối thế gian, nói có thế giới khác, có hóa sinh, có quả báo thiện ác. Song kỳ thật không có thế giới khác, không có hóa sinh, không có quả báo thiện ác.”

Người hầu vâng lời đến nói với người thôn Tư-bà-hê kia rằng:

“Ông Bà-la-môn bảo các người hãy dừng lại chờ, để cùng đi gặp gỡ.”

Người trong thôn đáp:

“Hay lắm, nếu muốn đi, chúng ta hãy cùng đi.”

Người hầu về thưa lại:

“Những người kia đang dừng lại đợi. Đi được thì đi.”

Tệ-tú liền xuống lầu, sai người hầu sắp sửa xe cộ, rồi với đoàn người trong thôn vây quanh nhau, ông đi đến rừng Thi-xá-bà. Khi đến nơi, ai nấy đều xuống xe đi bộ đến chỗ Ngài Ca-diếp, hỏi han xong, ngồi lại một bên. Người trong thôn ấy, hoặc Bà-la-môn, hoặc Cư sĩ, có người lễ bái Ca-diếp rồi mới ngồi, có người hỏi han rồi ngồi, có người tự xưng tên mình rồi ngồi, có người chắp tay xá rồi ngồi, có người chỉ lặng lẽ ngồi xuống.

Bấy giờ Bà-la-môn Tệ-tú nói với Ca-diếp:

“Nay tôi có điều muốn hỏi. Ngài có rỗi rảnh cho phép được hỏi không?”

Ca-diếp đáp:

“Tùy theo chỗ ông [43a] hỏi, nghe rồi mới biết.”

Tệ-tú nói:

“Luận thuyết của tôi là, không có thế giới khác, không có hóa sinh, không có quả báo tội phước. Luận thuyết của ngài thế nào?”

Ca-diếp đáp:

“Nay tôi hỏi ông. Ông hãy trả lời theo ý nghĩ của mình. Hiện mặt trời mặt trăng ở trên kia thuộc về thế giới này hay thế giới khác? Thuộc về trời hay về người?”

Bà-la-môn đáp:

“Mặt trời, mặt trăng thuộc về thế giới khác chớ không phải thế giới này, thuộc về trời chớ không phải người.”

Ca-diếp nói:

“Như vậy có thể biết tất phải có thế giới khác, phải có hóa sinh, phải có quả báo thiện ác.”

Bà-la-môn nói:

“Tuy ngài nói có thế giới khác, có hóa sinh, có quả báo thiện ác, nhưng theo ý tôi thì không có tất cả.”

Ca-diếp hỏi:

“Có nhân duyên gì để biết không có thế giới khác, không có hóa sinh, không có quả báo thiện ác?”

“Có nhân duyên.”

“Do nhân duyên gì mà nói không có thế giới khác?”

Bà-la-môn nói:

“Này Ca-diếp! Nguyên tôi có người bà con quen biết, mắc phải bịnh ngặt. Tôi đến người ấy yêu cầu rằng: ‘Các Sa-môn, Bà-la-môn thường chấp theo dị kiến, cho rằng những người sát sinh, trộm cắp, tà dâm, hai lưỡi, nói dối, nói ỷ ngữ, xan tham, tật đố, tà kiến, sau khi chết đều bị đọa địa ngục. Nhưng tôi không tin vì tôi chưa hề thấy người nào chết rồi trở lại nói cho biết họ đọa vào chỗ nào. Nếu có người trở lại nói cho biết chỗ họ đọa vào, thì tôi tin ngay. Nay anh là chỗ thân thuộc của tôi. Anh đã tạo đủ mười điều ác. Nếu quả như lời Sa-môn nói thì anh chết tất phải sa vào địa ngục. Nay tôi tin cậy ở anh, tùy theo anh để quyết định. Nếu xét có cảnh địa ngục thật, anh hãy trở lại nói cho tôi biết. Sau đó tôi sẽ tin.’ Nhưng, này Ca-diếp, từ khi người ấy chết đến nay biệt mất không hề trở lại. Người ấy là người thân của tôi, không thể dối tôi, hứa rồi không trở lại. Do đó tôi biết chắc không có thế giới khác.”

Ca-diếp trả lời:

“Những ai có trí nhờ thí dụ mà hiểu rõ. Tôi sẽ dẫn ví dụ để giải bày. Ví như một tên đạo tặc, thường ôm lòng gian trá, vi phạm phép cấm nhà vua, bị người rình bắt đem đến vua và tâu: ‘Người này là giặc cướp, xin vua trị nó.’ Vua liền hạ lệnh tả hữu bắt trói kẻ kia bêu rêu khắp các ngõ đường, rồi chở ra khỏi thành, giao cho đao phủ xử hình. Khi tả hữu mang tên cướp đó giao cho đao phủ, tên giặc cướp ấy dùng lời mềm mỏng xin với thủ vệ rằng: ‘Xin ông thả cho tôi về thăm bà con xóm làng để nói vài lời từ biệt, xong tôi trở lại.’ Này Bà-la-môn, ông nghĩ sao, thủ vệ kia có chịu thả không?”

Đáp:

[43b] “Không thể”.

Ca-diếp nói:

“Họ cùng là loài người, ở cùng một đời hiện tại mà còn không chịu thả, huống gì bà con ông tạo đủ mười điều ác, chết tất đọa địa ngục. Ngục quỷ không có từ tâm, lại không cùng một loại, thế giới chết sống khác nhau. Khi đó bà con ông nếu lấy lời ngon ngọt xin quỷ ngục rằng: ‘Ngươi hãy tạm tha ta, để ta trở lại nhân gian thăm bà con, từ biệt vài lời xong ta sẽ trở lại.’ Người ấy có được thả không?”

Đáp: “Không”.

Ca-diếp nói:

“Cứ so sánh theo đó đủ biết. Sao Ông còn giữ chặt chỗ mê lầm, sinh điều tà kiến như thế?”

Tệ-tú nói:

“Tuy ngài dẫn dụ bảo có thế giới khác, nhưng tôi vẫn cho là không có.”

Ca-diếp hỏi:

“Ông còn duyên cớ gì khác để biết không có thế giới khác?”

“Có duyên cớ khác để biết không có thế giới khác.”

“Duyên cớ gì?”

“Này Ca-diếp! Nguyên tôi có người bà con mắc phải bệnh nặng. Tôi đến nói với nó rằng: ‘Các Sa-môn, Bà-la-môn, chấp theo dị kiến, bảo có thế giới khác. Rằng ai không giết, không trộm, không tà dâm, không dối trá, không hai lưỡi, không nói dữ, không vọng ngữ, không ỷ ngữ, không tham lam, không tật đố, không tà kiến, thì khi chết được sinh lên cõi trời. Tôi trước kia không tin điều đó, vì từ trước tôi chưa từng thấy người nào chết rồi trở lại nói cho biết họ đã sinh tới chỗ nào. Nếu có ai trở lại nói cho biết chỗ họ sinh đến thì tôi tin ngay. Nay anh là chỗ bà con tôi, anh đã tạo đủ mười điều lành. Nếu quả như lời Sa-môn, Bà-la-môn nói thì anh chết rồi sẽ được sanh lên cõi trời. Bây giờ tôi tin cậy anh để quyết định. Vậy nếu xét thật có quả báo cõi trời, anh phải nhớ trở lại nói cho tôi biết để tôi tin.’ Nhưng, này Ca-diếp, từ ngày anh ta chết đến nay không hề trở lại. Anh ta là người thân của tôi, không thể dối tôi, hứa rồi không trở lại. Nên nhất định không có thế giới khác.”

Ca-diếp nói:

“Những ai có trí nhờ thí dụ mà hiểu rõ. Ta sẽ dẫn ví dụ cho Ông rõ. Ví như có người bị rơi xuống hầm xí, đầu mình chìm ngủm. May được vua cho người vớt lên. Lấy tre làm lược, cạo trên thân người ấy ba lần, rồi lấy nước tháo đậu, tro sạch rửa lần. Sau đó lại lấy nước thơm tắm gội, lấy các thứ bột hương xoa khắp mình và bảo thợ cạo sạch râu tóc cho. Lại cho người tắm gội thêm ba lần như thế, lấy nước thơm rửa, lấy bột hương xoa mình và lấy áo tốt mặc cho, làm đẹp thân thể người ấy. Tiếp đến, người ta đem thức ngon vị ngọt cho ăn, rồi đưa đến ở ngôi nhà cao đẹp, cho hưởng thú ngũ dục. Này Tệ-tú, về sau người kia có muốn rớt xuống hầm xí nữa không?”

[43c] “Không. Chỗ dơ thối đó, còn trở lại làm gì!”

“Chư Thiên cũng thế. Họ cho cõi Diêm-phù[9] này là nơi tanh hôi bất tịnh. Họ ở cách trên xa hàng trăm do-tuần còn nghe mùi hôi của nhân gian xông lên không khác hầm xí. Như vậy, này Bà-la-môn, bà con của ông đầy đủ thập thiện, tất nhiên sanh thiên, hưởng thú ngũ dục, khoái lạc vô cùng, phỏng có chịu trở lại cõi Diêm-phù hầm xí này không?”

Đáp: “Không thể”.

“Cứ so sánh theo đó đủ biết, sao Ông còn giữ chặt mê lầm, sinh điều tà kiến thế!”

Bà-la-môn nói:

“Tuy ngài dẫn dụ nói có thế giới khác, song tôi vẫn cho là không có.”

Ca-diếp hỏi:

“Ông còn duyên cớ gì khác để biết không có thế giới khác?”

“Có duyên cớ khác.”

“Duyên cớ gì?”

“Này Ca-diếp! Nguyên tôi có người bà con mắc bệnh trầm trọng, tôi đến nói rằng: ‘Các Sa-môn, Bà-la-môn, chấp theo dị kiến, bảo có đời sau. Rằng người nào không sát, không trộm cắp, không tà dâm, không dối, không uống rượu thì khi chết được sinh lên cõi trời Đao-lị. Nhưng tôi không tin vì tôi chưa từng thấy có ai chết rồi trở lại nói cho biết chỗ họ đã sanh tới. Nếu có ai trở lại cho biết thì tôi tin ngay. Nay anh là bà con tôi, anh tu đủ ngũ giới, chết rồi tất được sinh lên cõi Đao-lị. Giờ tôi chỉ còn tin cậy anh để quyết định. Vậy nếu quả có cõi thiên phước, anh hãy trở lại nói cho tôi biết để tôi tin.’ Nhưng này Ca-diếp, từ ngày anh ta chết đến nay không hề trở lại. Anh ta là bà con tôi, không lẽ dối tôi, hứa rồi không lại? Nên tôi nhất định không có đời sau.”

Ca-diếp đáp:

“Ở cõi này một trăm năm chỉ bằng một ngày một đêm ở cõi trời Đao-lị. Cõi Đao-lị cũng lấy ba mươi ngày làm một tháng, mười hai tháng làm một năm, mà người ở cõi trời kia lại sống lâu một ngàn năm như thế. Bà-la-môn, ông nghĩ thế nào? Khi người bà con ông giữ gìn đủ ngũ giới, chết được sinh lên cõi trời Đao-lị, bèn nghĩ rằng: ‘Ta đã được sinh lên đây. Ta hãy vui chơi trong hai, ba ngày, sau trở lại báo tin cho bà con ta hay.’ Như thế, chừng có gặp được không?”

“Không. Khi ấy tôi đã chết mất lâu rồi, làm sao gặp được? Nhưng tôi không tin. Ai đã nói với ngài cõi trời Đao-lị có sự sống lâu như thế?”

“Những ai có trí nhờ thí dụ mà hiểu rõ. Ta sẽ dẫn ví dụ để Ông hiểu rõ. Ví như có người [44a] sinh ra đã bị mù, không hiểu năm màu xanh, vàng, đỏ, trắng, thô, tế, dài, vắn; cũng không thấy mặt trời, mặt trăng, sao, gò nổng, ngòi, rãnh gì gì cả. Nếu có ai hỏi nó xanh, vàng, đỏ, trắng như thế nào, thì nó trả lời ngay: ‘Không có năm màu sắc.’ Cũng vậy, nếu hỏi đến thô, tế, dài, vắn, mặt trời, mặt trăng, sao, gò, nổng, ngòi, rãnh, thì nó cũng trả lời không có. Bà-la-môn, ông nghĩ thế nào, người mù trả lời như thế có đúng không?”

“Không đúng. Vì sao? Thế gian hiện có năm màu xanh, vàng, đỏ, trắng, thô, tế, dài, vắn, mà người mù bảo không.”

“Này Bà-la-môn, Ông cũng như thế. Sự sống lâu của trời Đao-lị có thật, không hư dối; Ông chỉ vì không thấy mà nói là không có.”

Bà-la-môn nói:

“Tuy ngài nói có, nhưng tôi vẫn không tin.”

Ca-diếp hỏi:

“Ông còn có duyên cớ gì mà biết là không có?”

“Này Ca-diếp! Nguyên người trong phong ấp của tôi có kẻ ăn cướp bị người rình bắt được đem đến tôi và nói: ‘Người này là giặc cướp, xin ông trị nó.’ Tôi liền bảo trói người ấy lại bỏ vào trong một cái vạc, đậy nắp trét kín với một lớp bùn dày, không để cho cái gì tiết ra được, rồi lấy lửa vây đốt. Lúc đó tôi cố tỳm thử thần thức người ấy thoát ra chỗ nào, nên khiến kẻ thị tùng bao quanh cái vạc nhìn kỹ, song không ai thấy chỗ thần thức chui ra ở đâu. Sau tôi lại bổ cái vạc ra tỳm, cũng chẳng thấy chỗ nào là chỗ thần thức qua lại. Vì duyên cớ đó nên tôi biết chắc không có thế giới khác.”

Ca-diếp nói:

“Nay tôi hỏi ông, nếu trả lời được thì tùy ý mà trả lời.

“Này Bà-la-môn! Khi ông nằm ngủ trên lầu cao, có lúc nào ông ngủ mộng thấy núi, rừng, sông, hói, vườn quán, ao hồ, quốc ấp, đường sá không?”

Đáp: “Có mộng thấy”.

“Này Bà-la-môn! Lúc ông đang nằm mộng, quyến thuộc trong nhà có hầu quanh ông không?”

Đáp: “Có hầu”.

“Quyến thuộc của ông khi đó có thấy thần thức ông đi ra, đi vào không?”

“Không thấy.”

“Ông hiện còn sống mà thần thức ra vào còn không thấy được, huống nơi người chết. Ngươi không thể chỉ dựa vào việc trước mắt mà quán sát chúng sanh.

“Này Bà-la-môn! Có những vị Tỳ-kheo, từ đầu đêm chí cuối đêm không ngủ, tinh cần chuyên niệm đạo phẩm, lấy sức tam-muội mà tịnh tu thiên nhãn. Rồi bằng năng lực thiên nhãn mà quán thấy chúng sanh chết chỗ này sinh chỗ kia, chết chỗ kia sinh chỗ này, sống lâu hay chết yểu, nhan sắc tốt hay xấu, tùy hành vi mà thọ báo ở cảnh giới tốt hay xấu, đều thấy biết hết. Ông không nên vì lẽ [44b] con mắt thịt uế trược không nhìn thấy suốt chỗ thú hướng của chúng sanh mà vội cho là không có. Này Bà-la-môn, do đó có thể biết chắc chắn có thế giới khác.”

Bà-la-môn nói:

“Tuy ngài dẫn dụ nói có thế giới khác, nhưng theo chỗ tôi biết thì hẳn không có.”

Ca-diếp hỏi:

“Ông còn có duyên cớ gì cho là không có thế giới khác?”

Đáp: “Có”.

“Duyên cớ gì?”

Bà-la-môn nói:

“Nguyên Người ở thôn tôi, có kẻ làm giặc cướp, bị người rình bắt được đem đến tôi và nói: ‘Người này làm giặc cướp, xin ông trị nó.’ Tôi liền sai tả hữu bắt trói người ấy lại, để sống vậy mà lột da tỳm thần thức. Nhưng không trông thấy gì cả. Lại sai tả hữu cắt thịt ra tỳm thần thức, cũng chẳng thấy. Lại sai xẻ xương, gân, vạch ra tỳm cũng chẳng thấy. Lại sai đập xương tỳm trong tủy, cũng chẳng thấy. Này Ca-diếp, vì cớ đó, tôi biết chắc không có thế giới khác.”

Ca-diếp nói:

“Những ai có trí nhờ thí dụ mà được rõ. Để tôi dẫn chuyện này cho Ông rõ. Vào thời quá khứ xa xưa, có một quốc độ bị điêu tàn hoang phế mà chưa hồi phục. Bấy giờ có đoàn lái buôn gồm năm trăm cỗ xe đi ngang qua quốc độ này, gặp một người Phạm-chí thờ phụng thần Lửa thường nghỉ tại một khu rừng. Các người lái buôn mới đến xin ngủ trọ. Sáng ngày, sau khi bọn lái buôn đi, ông Phạm-chí thầm nghĩ: ‘Ta hãy đến chỗ mấy người lái buôn ngủ khi đêm xem thử họ có bỏ sót gì chăng?’ Ông liền đến xem thì không thấy gì trừ một đứa con nít mới sanh độ một năm, đang ngồi một mình ở đó. Ông Phạm-chí nghĩ: ‘Ta đâu có thể nhẫn tâm thấy đứa nhỏ này chết trước mặt mình. Ta có nên mang đứa nhỏ này về chỗ mình để nuôi chăng?’ Ông liền bồng về chỗ mình ở mà nuôi. Đứa trẻ mỗi ngày mỗi lớn, được mười tuổi hơn. Lúc đó ông Phạm-chí có chút việc muốn đi vào nhân gian, mới dặn đứa nhỏ: ‘Ta có chút việc, tạm đi khỏi ít hôm. Con khéo giữ gìn ngọn lửa này chớ để tắt. Nếu lửa có tắt, hãy lấy hai thanh củi cọ lại với nhau mà lấy lửa đốt lên.’ Dặn xong, Phạm-chí ra đi. Sau khi ông đi, đứa nhỏ ham chơi, không chịu trông nom lửa cho thường, để lửa tắt. Đứa nhỏ khi hết chơi, trở về thấy lửa đã tắt, áo não than thầm: ‘Ta làm hỏng rồi! Cha ta khi đi có dặn bảo ta phải trông coi ngọn lửa này đừng để tắt. Nay ta ham [44c] chơi đến nỗi để cho lửa tắt. Phải làm gì đây?’ Nó liền thổi tro tỳm lửa. Chẳng thấy lửa đâu. Lại lấy búa chẻ củi ra tỳm, cũng chẳng thấy. Lại chặt củi thành khúc bỏ vào cối giã để tỳm. Cũng chẳng thấy. Sau đó, Phạm-chí từ ngoài trở về, đến khu rừng mà ông trú ngụ, hỏi đứa nhỏ: ‘Trước khi đi ta đã dặn con trông nom lửa. Lửa có tắt không?’ Đứa nhỏ đáp: ‘Vừa rồi con chạy ra ngoài chơi, không trông nom lửa thường xuyên, nên lửa đã tắt.’ Phạm-chí lại hỏi: ‘Người làm cách nào để lấy lửa lại?’ Đứa nhỏ đáp: ‘Lửa phát ra từ củi. Con lấy búa bửa củi ra tỳm mà chẳng thấy. Lại chặt nhỏ, bỏ vào trong cối mà giã để tỳm, cùng chẳng thấy.’ Ông Phạm-chí liền lấy hai thanh củi cọ nhau, bỗng phát ra lửa. Ông chất củi lên đốt và bảo đứa nhỏ: ‘Muốn tỳm lửa phải làm đúng cách này. Không nên chẻ củi, giã nát củi ra mà tỳm.’

“Này Bà-la-môn, Ông cũng giống như thế. Chẳng có phương tiịen nào đi lột da người chết ra mà tỳm thần thức. Ông không thể dựa vào việc trước mắt mà xem xét chúng sanh.

“Này Bà-la-môn, có những vị Tỳ-kheo, từ đầu đêm chí cuối đêm không ngủ, tinh cần chuyên niệm đạo phẩm, lấy sức tam-muội mà tịnh tu thiên nhãn. Rồi bằng năng lực thiên nhãn mà quán thấy chúng sanh chết chỗ này sinh chỗ kia, chết chỗ kia sinh chỗ này, sống lâu hay chết yểu, nhan sắc tốt hay xấu, tùy hành vi mà thọ báo ở cảnh giới tốt hay xấu, đều thấy biết hết. Ông không nên vì lẽ con mắt thịt uế trược không nhìn thấy suốt chỗ thú hướng của chúng sanh mà vội cho là không có.

“Này Bà-la-môn, do đó có thể biết, tất phải có thế giới khác vậy.”

Tệ-tú nói:

“Tuy ngài dẫn dụ nói có thế giới khác, song theo chỗ tôi biết thì hẳn không có.”

Ca-diếp hỏi:

“Ông còn có duyên cớ gì cho là không có thế giới khác?”

“Có.”

“Duyên cớ gì?”

Bà-la-môn nói:

“Ở phong ấp của tôi, có kẻ làm giặc cướp, bị người rình bắt được, đem đến tôi và nói: ‘Người này làm giặc, xin ông trị nó.’ Tôi liền sai tả hữu đem người ấy ra cân. Người hầu vâng mạng, đem nó đi cân. Tôi lại bảo người hầu: ‘Ngươi mang người này đi giết từ từ, êm thấm, không làm hao tổn lấy một chút da thịt.’ Người hầu vâng lịnh giết mà không để chút hao hụt. Tôi sai tả hữu đem xác người ấy cân lại. Nó lại nặng hơn trước.

“Này Ca-diếp! Thân người ấy khi sống, thần thức đang còn, nhan sắc tốt tươi, [45a] còn nói năng được mà đem cân thì nhẹ. Đến khi chết, thần thức đã mất, nhan sắc không còn tươi tốt, không nói năng được mà đem cân thì lại thấy nặng. Vì cớ đó nên tôi biết không có thế giới khác.”

Ca-diếp nói:

“Tôi nay hỏi ông. Tùy ý trả lời.

“Ví như người cân sắt. Khi sắt còn nguội đem cân thì nặng. Sau đốt đỏ đem cân lại nhẹ. Tại sao khi sắt nóng, mềm, có màu đỏ sáng mà nhẹ; khi sắt nguội, cứng, không màu đỏ sáng mà lại nặng?”

Bà-la-môn nói:

“Sắt nóng có màu đỏ và mềm, nên nhẹ; sắt nguội không màu đỏ mà cứng, nên nặng.”

Ca-diếp nói:

“Con người cũng thế. Khi sống có nhan sắc, mềm mại mà nhẹ. Khi chết không nhan sắc, cứng đơ mà nặng. Do đây mà biết tất có thế giới khác.”

Tệ-tú nói:

“Tuy ngài dẫn dụ nói có thế giới khác. Nhưng theo tôi biết thì không có thế giới khác.”

Ca-diếp hỏi:

“Ông còn có duyên cớ gì mà cho là không có thế giới khác?”

“Có. Nguyên tôi có người bà con mắc bịnh nặng. Tôi đến thăm, bảo người đỡ nằm nghiêng tay mặt. Người ấy liếc nhìn, co duỗi, nói năng như thường. Tôi lại bảo đỡ nằm nghiêng tay trái, người ấy cũng còn liếc nhìn, co duỗi, nói năng như thường. Rồi nó chết. Tôi lại bảo đỡ xác người ấy nằm nghiêng tay mặt, tay trái, lật sấp, lật ngửa, xem kỹ thì không thấy người ấy co duỗi, liếc nhìn, nói năng gì cả. Do đó tôi biết chắc không có thế giới khác.”

Ca-diếp nói:

“Người trí nhờ thí dụ mà được rõ. Ta sẽ dẫn ví dụ cho ông rõ.

“Xưa có một quốc độ không ai từng nghe tiếng tù và. Hôm nọ có người thổi tù và giỏi, đến nước đó, đi vào trong một thôn nọ, cầm tù và thổi ba tiếng rồi bỏ xuống đất. Khi ấy, trai gái trong thôn nghe tiếng lạ kinh động, rủ nhau đến hỏi: ‘Thứ tiếng gì mà trong trẻo, hòa dịu như thế?’ Người chủ chỉ vào tù và mà nói ‘Tiếng của cái đó.’ Người trong thôn liền lấy tay vỗ vào tù và, bảo: ‘Ngươi hãy kêu lên! Ngươi hay kêu lên!’ Nhưng tù và bặt không kêu. Người chủ lại cầm tù và lên thổi thêm ba tiếng rồi bỏ xuống đất. Người trong thôn nói: ‘Cái thứ tiếng hay ho ta nghe khi nãy chẳng phải do sức tù và làm, mà cần có tay, có miệng, có hơi thổi, nó mới kêu.’ Con người cũng thế. Phải có thọ mạng, có thần thức và hơi thở ravào mới co duỗi, liếc nhìn, nói năng được. Không thọ, không thức, không hơi thở ra vào thời không thể co duỗi, liếc nhìn, nói năng được.”

Ca-diếp lại khuyên:

“Ông nên từ bỏ cái ác tà kiến đó. Chớ nên vì nó nó mà mãi mãi tăng thêm khổ não.”

Bà-la-môn nói:

“Tôi không thể bỏ được. Vì sao? Tôi từ sinh ra đến giờ đã mãi tụng đọc, ôn tập [45b] kiên cố. Đâu có thể bỏ được.”

Ca-diếp nói:

“Những ai có trí nhờ thí dụ mà hiểu rõ. Tôi nay sẽ dẫn ví dụ thêm cho Ông rõ.

“Thuở xa xưa, có một quốc độ mà nhân dân ở biên cương của quốc độ ấy bỏ đi hết.[10] Trong nước có hai người, một anh trí và một anh ngu, bảo nhau: ‘Tôi lvới anh, chúng ta kết bạn, cùng nhau đi khỏi thành tỳm của cải[11]. Rồi họ cùng đi. Khi đến một xóm hoang, thấy có cây gai mọc đầy đất, người trí bảo người ngu chung nhau lấy đem về, mỗi người mỗi gánh. Sau đi ngang xóm trước, họ thấy có đám chỉ gai. Người trí nói: ‘Chỉ gai này đã làm thành, nhỏ và mịn, đáng lấy hơn.’ Người kia nói: ‘Tôi đã lấy cây gai bó buộc chặt chẽ rồi, không thể bỏ được.’ Người trí một mình lấy một gánh nặng chỉ gai đem về. Họ cùng nhau đi, bỗng lại gặp có đám vải gai. Người trí nói: ‘Vải gai này đã làm thành, nhẹ và mịn đáng lấy hơn.’ Người kia nói: ‘Tôi đã lấy cây gai đó buộc chặt chẽ rồi, nay không bỏ được.’ Người trí liền bỏ gánh chỉ gai mà lấy vải gai làm một gánh nặng. Họ lại cùng nhau đi tới. Bỗng lại gặp đống bông gòn. Người trí nói: ‘Bông gòn có giá, nhẹ và mịn, đáng lấy hơn.’ Người kia nói: ‘Tôi đã lấy cây gai, bó buộc chắc chắn, gánh đi đã xa đường rồi nay không bỏ được.’ Người trí một mình bỏ vải gai mà lấy bông gòn gánh đi. Lần lượt, họ gặp chỉ bông, gặp vải bông; rồi gặp đồng trắng, rồi gặp bạc, gặp vàng. Người trí nói: ‘Nếu không vàng ta hãy lấy bạc, không bạc ta hãy lấy đồng, hay ta hãy lấy chỉ gai, nếu không chỉ gai ta mới lấy cây gai, nhưng nay tại thôn này có nhiều vàng, là thứ quý hơn các bảo vật khác, anh nên bỏ cây gai, ta sẽ bỏ bạc để chung nhau lấy vàng, mỗi người gánh lấy gánh nặng đem về.’ Nhưng người kia nói: ‘Tôi đã lấy cây gai bó buộc chắc chắn gánh đi đã xa, nay không thể bỏ được. Anh muốn lấy vàng thì lấy, tùy ý.’ Người trí liền bỏ bạc mà lấy vàng, gánh một gánh nặng đem về. Đến nhà, bà con người trí vừa thấy bóng anh ta gánh nhiều vàng thì hoan hỷ nghinh đón. Người trí thấy được bà con nghinh đón lại càng vui mừng hơn. Người ngu gánh cây gai về, bà con trông thấy không chút vui mừng, không thèm nghinh đón. Người ngu gánh gai cũng càng thêm buồn và hổ thẹn.

“Này Bà-la-môn! Ông nên vứt bỏ cái xu hướng ác tà kiến ấy đi, chớ để suốt đời chuốc thêm khổ não. Như người gánh cây gai, cứ chấp chặt ý ngu, không chịu lấy vàng, lại cứ gánh gai đem về, [45c] luống chịu lao nhọc, bà con không vui, mãi mãi nghèo cùng, tự mình tăng thêm buồn khổ.”

Bà-la-môn đáp:

“Tôi không bao giờ bỏ kiến thức sẵn có của tôi được. Vì sao? Vì tôi nhờ thứ kiến thức đó mà dạy vẽ cho nhiều người, đem lại nhiều ích lợi. Vua chúa bốn phương đều nghe danh tôi, đều biết rõ tôi là người học theo chủ trương đoạn diệt cả rồi.”

Ca-diếp lại nói:

“Những ai có trí nhờ thí dụ mà hiểu rõ. Tôi nay sẽ dẫn ví dụ thêm cho ông rõ.

“Thuở xa xưa, có một quốc độ mà nhân dân biên cương của quôsc độ ấy bỏ đi hết. Lúc đó có một đoàn buôn gồm một ngàn cỗ xe đi ngang qua nước đó. Vì không đủ nước, thóc, củi và cỏ, thương chủ bèn nghĩ: ‘Bọn ta đông người, không thể tự lo đủ nước, thóc, củi và cỏ. Nay ta hãy chia đoàn thành hai bộ phận.’ Một bộ phận lên đường trước. Người dẫn đạo của toán đi đầu gặp một người thân thể to lớn, mắt đỏ, mặt đen, mình mẩy dính đầy bùn. Trông thấy người ấy từ xa đi lại, người dẫn đầu toán bèn hỏi: ‘Ông từ đâu lại?’ Đáp: ‘Tôi từ xóm phía trước lại.’ Lại hỏi: ‘Chỗ đó có nhiều nước, thóc, củi và cỏ không?’ Đáp: ‘Chỗ ấy có rất nhiều nước, thóc, củi và cỏ, không thiếu. Tôi giữa đường gặp mưa lớn. Chỗ ấy nước nhiều mà củi, cỏ cũng nhiều.’ Lại bảo thương chủ: ‘Trên xe các ông, nếu có thóc và cỏ, có thể bỏ hết đi. Đằng kia dư dã, không cần chở nặng xe.’ Rồi thương chủ ấy nói với các thương nhân rằng: ‘Tôi có gặp một người thân thể to lớn, mắt đỏ mặt đen, dính bùn khắp mình, từ xa đi lại, tôi hỏi: Ông từ đâu lại? Người đó trả lời: Từ thôn đàng trước kia lại. Tôi hỏi: Ở thôn đó có nước gạo củi cỏ nhiều không? Người đó trả lời: Thôn ấy giàu có; nước, gạo, củi, cỏ không thiếu. Người ấy lại bảo tôi: Tôi vừa đi giữa đường thì gặp trời mưa lớn. Chỗ này có nhiều nước; và củi, cỏ cũng nhiều. Rồi ông ta lại bảo tôi: Nếu trên xe các người có chở thóc, cỏ gì thì nên bỏ xuống hết. Thôn kia giàu có, không cần chở xe nặng làm gì. Vậy các bạn nên bỏ thóc, cỏ đi cho nhẹ xe.’ Rồi như lời ấy, cả toán bỏ hết thóc, cỏ xuống để cho xe nhẹ đi nhanh tới trước. Đi như thế một ngày, chẳng thấy cỏ, nước đâu. Đi hai ngày, ba ngày, cho đến bảy ngày, cũng không thấy đâu. Bọn người buôn phải khốn cùng nơi đầm vắng và bị ác quỉ bắt ăn thịt hết.

“Toán thứ hai tiếp tục lên đường. Người chủ buôn đi đầu, lại gặp một người to lớn mắt đỏ, mặt đen, mình mẩy dính đầy bùn. Trông thấy người ấy từ xa đi lại, người dẫn đầu hỏi: ‘Ông từ đâu lại?’ Người kia đáp: ‘Tôi từ xóm [46a] trước lại.’ Lại hỏi: ‘Chỗ đó có nhiều nước, thóc, củi và cỏ không?’ Đáp: ‘Chỗ ấy có rất nhiều.’ Rồi lại bảo thương chủ: ‘Tôi ở giữa đường gặp cơn mưa lớn. Chỗ ấy nước nhiều, cũng có nhiều củi, cỏ.’ Lại bảo thương chủ: ‘Trên xe các ông, nếu có thóc, cỏ thì có thể bỏ đi. Đằng kia dư dả; không cần chở nặng xe làm gì.’ Khi ấy, thương chủ trở lại nói với mọi người: ‘Ta vừa đến phía trước, gặp một người; y nói với ta rằng: Trên xe các ông, nếu có thóc cỏ thì có thể vứt bỏ hết đi. Đằng kia dư dã, không cần chở nặng xe.’ Rồi thương chủ dặn: ‘Thóc, cỏ; các ngươi hãy cẩn thận chớ vất bỏ đi. Bao giờ có cái mới rồi hãy bỏ. Vì sao? Cái mới, cái cũ nối tiếp luôn mới mong qua khỏi bãi hoang.’ Cả đoàn buôn cứ chở xe nặng mà đi. Đi được một ngày, chẳng thấy cỏ, nước đâu. Đi hai ngày, ba ngày, đến bảy ngày, cũng chẳng thấy đâu, chỉ thấy xương cốt ngổn ngang của toán người đi trước bị quỉ bắt ăn thịt để lại.

“Này Bà-la-môn, người mặt đỏ mặt đen kia chính là quỉ la-sát. Những người nghe theo lời nó, suốt đời chịu khổ, chẳng khác toán buôn đầu vì vô trí nghe theo người dẫn đường mà phải thiệt mạng. Những Sa-môn, Bà-la-môn tinh tấn, trí tuệ; họ có dạy gì, ai nghe theo thì thời mãi mãi được an ổn như toán buôn sau, nhờ có trí nên khỏi bị tai nạn.

“Này Bà-la-môn, ông hãy bỏ thứ ác kiến đó đi, chớ để mãi mãi chuốc thêm khổ não.”

Bà-la-môn nói:

“Tôi không thể nào bỏ kiến thức đó được. Nếu có ai đến cố gượng khuyên can tôi, thì chỉ làm tôi phát giận, chớ tôi quyết không bao giờ bỏ.”

Ca-diếp tiếp:

“Những kẻ có trí nhờ thí dụ mà được rõ. Tôi sẽ dẫn ví dụ cho ông.

“Thuở xưa, có một quốc độ mà nhân dân ở biên cương bỏ đi hết. Lúc đó có một người thích nuôi heo. Nhân anh ta đi đến một thôn vắng, thấy có nhiều phân khô, mới nghĩ thầm: ‘Chỗ này nhiều phân, mà heo ta ở nhà đang đói. Ta nên lấy cỏ gói phân này đội trên đầu đem về.’ Rồi anh ta liền lấy cỏ gói phân đội đi. Bất ngờ giữa đường gặp cơn mưa lớn, nước phân chảy xuống thấu gót chân. Mọi người thấy vậy chê anh ta điên dại: ‘Đồ phân dơ ấy, giả sử trời tạnh còn không nên đội thay, huống giữa lúc trời mưa lại đội mà đi.’ Anh ta nổi giận mắng lại: ‘Các ngươi là đồ ngu, không biết [46b] heo ta ở nhà đang đói. Nếu các ngươi biết, chắc không nói ta ngu.’

“Này Tệ-tú! Ông nên bỏ thứ ác kiến đó đi, chớ giữ chặt sự ngu mê mà mãi mãi chịu khổ. Như người ngu kia đã đội phân mà đi, bị kẻ khác chê trách, can ngăn, lại trở mắng người ta vô trí!”

Bà-la-môn nói với Ca-diếp:

“Các ngài nếu bảo làm lành được lên trời, chết hơn sống, sao các ngài không lấy dao tự vẫn hoặc uống thuốc độc chết đi, hoặc trói tay chân rồi gieo mình từ trên bờ cao? Nhưng nay thảy đều tham sống, không ai tự sát cả. Như thể đủ biết chết không hơn sống!”

Ca-diếp nói:

“Những ai có trí nhờ thí dụ mà hiểu rõ. Tôi nay sẽ dẫn ví dụ thêm cho Ông rõ.

“Xưa ở thôn Tư-ba-hê này có một người Phạm-chí, kỳ cựu trưởng lão, tuổi đã một trăm hai mươi, có hai người vợ, một người có con trước, còn một người mới có thai. Phạm-chí ấy không bao lâu thì chết. Con người mẹ lớn nói với người mẹ nhỏ rằng: ‘Bao nhiêu gia tài này đều thuộc về tôi cả, bà không có phần’. Người mẹ nhỏ nói: ‘Cậu hãy chờ ít lâu để tôi sinh. Nếu là con trai thì nó phải có một phần gia tài. Nếu là con gái, cậu cưới nó thì nó sẽ có tiền của”. Nhưng con của người vợ lớn cứ nằn nì ba lần đòi chia gia tài cho được, người vợ nhỏ vẫn trả lời như trước. Con của người vợ lớn bức ép mãi. Người vợ nhỏ bèn lấy dao tự mổ bụng mình để xem cho biết con trai hay con gái.

“Này Bà-la-môn, người mẹ này tự sát, lại hại luôn đứa con trong bào thai. Bà-la-môn các ngươi cũng như thế, đã tự giết mình còn muốn giết kẻ khác. Nếu các Sa-môn, Bà-la-môn tinh cần tu thiện, đầy đủ giới đức mà sống lâu ở đời thì đem lại nhiều ích lợi, an lạc cho nhân thiên.

“Nay tôi sẽ dẫn một ví dụ cuối cùng để cho Ông rõ tai hại của ác kiến.

“Xưa ở thôn Tư-bà-hê này có hai tay nghề giỏi luyện trò chơi bi.[12] Một hôm họ đấu nghề với nhau, một người hơn cuộc. Người thua nói với người thắng rằng: ‘Thôi, ngày nay nghỉ để ngày mai đấu lại.’ Người thua trở về nhà lấy mấy hòn bi để chơi đem tẩm thuốc độc, phơi khô, ngày mai đem tới chỗ người hơn đòi đấu nghề lại. Trước khi cùng chơi, người thua lấy một hòn bi đã tẩm thuốc độc trao cho người thắng, người thắng lấy mà nuốt.[13] Người thua trao nữa, người thắng nuốt nữa, bị chất độc chạy, làm toàn thân run rẩy. Bấy giờ người thua bèn mắng bằng một bài kệ:

Ta bôi thuốc vào bi,

Ngươi nuốt mà không hay.

[46c]Nghề mọn, cho ngươi nuốt;

Về sau khắc tự biết.

“Này Bà-la-môn! Ông nên nhanh chóng xả bỏ ác kiến đó đi, chớ để mê muội mãi càng thêm khổ độc, như tay chơi kia nuốt độc vào mình mà không biết!”

Bấy giờ Bà-la-môn bạch Ca-diếp rằng:

“Khi Tôn giả mới nêu dụ mặt trăng, tôi đã hiểu rồi. Tôi sở dĩ nhiều phen không chấp nhận, vì muốn thấy chỗ trí tuệ biện tài của ngài để thêm chắc lòng tin. Nay tôi xin tín thọ quy y Ca-diếp.”

Ca-diếp đáp:

“Ông chớ quy y tôi, mà nên quy y nơi đấng Vô Thượng Tôn như tôi đã quy y.”

Tệ-tú hỏi:

“Không hiểu đấng Vô Thượng Tôn mà ngài đã quy y nay ở đâu?”

Ca-diếp đáp:

“Đức Thế Tôn Thầy tôi đã diệt độ chưa bao lâu[14].”

Tệ-tú nói:

“Nếu Thế Tôn hãy còn, dù xa gần tôi cũng tỳm đến để tự thân nhìn thấy, quy y lễ bái. Nay nghe Ca-diếp nói Như Lai đã diệt độ, vậy tôi xin quy y đức Như Lai diệt độ, quy y Phật Pháp và Chúng Tăng. Xin Ca-diếp cho tôi được làm Ưu-bà-tắc ở trong Chánh pháp; từ nay về sau, tôi thề trọn đời không giết, không trộm, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Nay tôi sẽ mở đại thí tất cả[15].”

Ca-diếp nói:

“Nếu ông giết mổ chúng sanh, đánh đập tôi tớ để mở hội, đó không phải phước thanh tịnh. Ví như trên chỗ đất cạn, sạn sỏi, gai mọc nhiều, đem gieo giống vào tất không gặt hái được gì. Nếu ông giết, mổ chúng sanh, đánh đập tôi tớ để mở hội đại thí cho chúng tà kiến, đó không phải là phước thanh tịnh. Nếu Ông mở hội đại thí mà không sát hại chúng sanh, không dùng roi gậy đánh đập tôi tớ, đem lòng hoan hỷ mở hội để thí cho hạng người thanh tịnh thì Ông sẽ thâu được phước lớn. Ví như chỗ ruộng tốt, đúng mùa đem gieo giống tất được gặt hái nhiều.”

“Thưa Ca-diếp, từ nay về sau tôi sẽ luôn luôn tịnh thí cho Chúng tăng, không để gián đoạn.”

Lúc đó có một Phạm-chí niên thiếu tên là Ma-đầu,[16] đứng sau lưng Tệ-tú. Tệ-tú quay lại bảo:

“Nay ta muốn mở hội đại thí tất cả, ngươi hãy thay ta sắp đặt và phân xử.”

Phạm-chí trẻ vâng lời Tệ-tú sắp đặt và phân xử. Khi sắp đặt xong, nó cất tiếng nói rằng:

“Nguyện cho ông Tệ-tú đời nay, đời sau, chẳng được phúc báo gì cả.”

Tệ-tú nghe được, gọi Phạm-chí đến hỏi:

“Ngươi có nói như thế chăng?”

Phạm-chí đáp:

“Đúng như vậy. Tôi thật có nói như vậy. [47a] Bởi vì các thức ăn thô kém như vầy nay ngài bày dọn để thí Chúng tăng, nếu thử đem cho ngài, ngài còn không thèm sờ tay tới huống là lấy ăn. Những thứ được dọn bày hiện tại không thể vui mắt đẹp lòng, làm sao đời sau có được quả báo thanh tịnh! Ngài bố thí y phục cho Chúng tăng mà thí toàn vải gai, nếu thử đem nó cho ngài, ngài còn không lấy chân sờ tới huống hồ lấy mặc. Những thứ được dọn bày hiện tại không thể vui mắt đẹp lòng làm sao đời sau có được quả báo thanh tịnh!”

Khi ấy Bà-la-môn lại bảo Phạm-chí:

“Từ nay về sau ngươi hãy lấy thứ vật ta ăn, thứ áo ta mặc mà bố thí chúng Tăng.”

Phạm-chí trẻ vâng lời làm theo, lấy thứ vật vua ăn, thứ áo vua mặc mà bố thí chúng Tăng.

Bà-la-môn khi thiết tịnh thí này, sau khi thân hoại mạng chung sinh lên một cõi trời hạ liệt. Phạm-chí trẻ trông nom mở hội thì sau khi chết lại được sinh lên cõi trời Đao-lị.

Bấy giờ, Bà-la-môn Tệ-tú, Phạm-chí trẻ và chúng Bà-la-môn, Cư sĩ trong thôn Tư-bà-hê, sau khi nghe những điều Đồng tử Ca-diếp thuyết, hoan hỷ phụng hành.[17]

 


*  第二分[12]弊宿經第三

[1] Kinh không mở đầu bằng “Như thị ngã văn.” Các bản tương đương đều có.

[2] Đồng nữ Ca-diếp 童女迦葉, Tỳ-kheo chứ không phải Tỳ-kheo ni, mặc dù bản Hán gọi là Đồng nữ; No. 26 (71): Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp 鳩摩羅迦葉; No 45: Tôn giả Đồng tử Ca-diếp 童子迦葉. Pl.: Kumāra-Kassapa (Đồng tử Kassapa).

[3] Tư-bà-hê 斯婆醯, No. 26 (71): Tư-hòa-đề 斯惒提. Pl.: Setāvyā.

[4] Thi-xá-bà 尸舍婆, No. 26 (71): Thi-nhiếp-hòa 尸攝惒林. No 45: Thi-lị-sa lâm 尸利沙林. Pl.: Siṃsapā, tên 1 một loại cây lớn.

[5] Tệ-tú 弊 宿, No. 26(71): Tỳ-tứ 蜱肆, No 45: Đại Chánh Cú 大正句.  Pl.: Pāyāsi.

[6] Hán: Phạm phần 梵分No. 26(71): phong thụ 封受. Pl.: brahma-deyya: phạm tứ,  đặc ân của vua ban cho thuộc hạ của mình.

[7] Cánh sanh. No 26(71): chúng sanh sanh. No 45: hóa sanh. Pl.: (sattā) opapātikā: hóa sanh (hữu tỳnh).

[8] Cf. D23 (ii 319): natthi  paro loko, natthi sattā opapātikā, natthi sukatadukkaṭānaṃ kammānaṃ phalaṃ vipāko, không có thế giới này, không có thế giới khác, không có chúng sanh hóa sanh, không có quả dị thục của nghiệp thiện hành hay ác hành (hư vô luận, natthivāda).

[9] Hán: Diêm-phù-lị-địa 閻浮利地. Pl.: Jambudīpa.

[10] Kỳ … nhân dân hoang hoại其…人民荒壞. D 23: aññataro janapado vuṭṭhāsi, “một quốc độ nọ bị dời đi (Sớ giải: vuṭṭhitagāmapadeso vuccati).

[11] Để bản: (thái) lữ (採)侶: bạn. Bản Tống: lữ 梠, cái chốt cửa. Bản Nguyên, Minh: lữ 穭, lúa mọc hoang.

[12] Hán: lộng hoàn 弄 丸. Xem cht. 12. No. 26(71): đổ bính 睹 餅: đánh bạc ăn bánh?

[13] No. 26(71): một người lén lấy bánh ăn. Người kia bèn tẩm thuốc độc vào bánh. D. 23: một người  mồi lần thua thì lén ngậm con xúc xắc. Người kia bèn tẩm thuộc độc vào con xúc xắc (?).

[14] Các bản tương đương không có chi tiết này.

[15] Hán: nhất thiết đại thí 一切大施. D 23: mahāyaññaṃ, đại tế đàn.

[16] Ma-đầu 摩頭. No 26(71): người giám trù (bếp) tên Uất-đa-la 優多羅. Pl.: Uttaramāṇava

[17] Bản Hán, hết quyển 7.

8. Kinh tán đà na

8. KINH TÁN-ĐÀ-NA

[47a18] Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại động cây Thất diệp[1], núi Tỳ-ha-la,[2] thành La-duyệt-kỳ cùng chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người.

Lúc đó, ở thành Vương xá có một cư sĩ tên Tán-đà-na[3], tính ưa đi dạo. Hằng ngày ông ra khỏi thành, đến chỗ đức Thế Tôn. Một hôm, ông xem bóng mặt trời rồi thầm nghĩ: “Giờ này chưa phải lúc đến thăm viếng Phật. Giờ nầy Phật còn nhập định tư duy tại tịnh thất, và các Tỳ-kheo cũng đang thiền tĩnh. Ta hãy đi đến rừng của nữ Phạm-chí Ô-tạm-bà-lị[4], đợi đến giờ thích hợp sẽ đến Phật để lễ bái và gặp các Tỳ-kheo cung kính thăm viếng”.

Trong rừng của nữ Phạm-chí lúc bấy giờ có Phạm-chí tên Ni-câu-đà[5] cùng năm trăm đệ tử đang tụ tập một chỗ, lớn tiếng bàn luận, suốt ngày chỉ nói những điều phù phiếm, chướng ngại đạo. Hoặc luận bàn quốc sự. Hoặc bàn việc đao binh chiến tranh. Hoặc bàn [47b] việc quốc gia hòa nghĩa. Hoặc bàn việc đại thần, việc thứ dân. Hoặc bàn chuyện xe ngựa, công viên, rừng. Hoặc bàn chuyện chiếu giường, y phục, ăn uống, phụ nữ. Hoặc bàn việc núi, biển, rùa, trạnh. Nghĩa là họ chỉ bàn những điều chướng ngại đạo như thế cho hết ngày.

Khi Phạm-chí kia vừa trông thấy Cư sĩ Tán-đà-na từ xa đi lại, liền ra lệnh cho chúng của ông: “Các người hãy tĩnh lặng. Vì sao vậy? Vì có đệ tử của Sa-môn Cù-đàm đang từ ngoài đến. Trong hàng đệ tử bạch y của Sa-môn Cù-đàm, ông đó thuộc vào hạng trưởng thượng. Ông ấy chắc đi đến đây. Các ngươi hãy tĩnh lặng”. Các Phạm-chí đều giữ im lặng.

Cư sĩ Tán-đà-na đi đến chỗ Phạm-chí, chào hỏi xong, ngồi một bên và nói với Phạm-chí:

“Thầy tôi, Đức Thế Tôn, thường ưa nhàn tĩnh, chẳng ưa huyên náo. Không như các ông và đệ tử các ông ưa ở giữa đám đông cao tiếng luận đàm. Nhưng chỉ toàn những lời chướng ngại đạo, vô ích.”

Phạm-chí nói lại:

“Sa-môn Cù-đàm có bao giờ đàm luận với mọi người không? Mọi người do đâu mà biết được Sa-môn có đại trí tuệ? Thầy của Ông thường ưa một mình ở chỗ biên địa.[6] Cũng như con bò chột ăn cỏ, chỉ đuổi theo chỗ mà nó thấy.[7] Thầy ông là Cù-đàm cũng thế. Cứ ham điều độc kiến riêng nên mới ưa chỗ không người. Nếu thầy ngươi lại đây, chúng ta sẽ gọi ông ấy là con bò chột. Sa-môn Cù-đàm thường tự cho là có đại trí tuệ, nhưng ta chỉ cần một câu là đủ làm cho cùng bí và bắt phải im lặng. Ví như con rùa thun hết mình vào vỏ cho thế là yên ổn rồi. Nhưng chỉ cần một mũi tên là nó không còn chỗ tránh.”

Lúc đó, Thế Tôn đang ở tại tịnh thất, bằng thiên nhĩ, nghe câu chuyện giữa Phạm-chí và Cư sĩ như thế, liền ra khỏi động Thất-diệp, đi đến rừng nữ Phạm-chí Ô-tạm-bà-lị.

Khi Phạm-chí vừa từ xa thấy Phật đi lại, bảo các đệ tử:

“Các ngươi hãy giữ im lặng. Sa-môn Cù-đàm sắp đến đây. Các ngươi chớ đứng dậy nghinh đón, cung kính lễ bái, cũng đừng mời ngồi. Chỉ riêng một chỗ cho ông ta ngồi thôi. Khi y ngồi xong các ngươi hãy hỏi: ‘Sa-môn Cù-đàm, từ trước đến nay ông dạy bảo cho đệ tử những pháp gì để họ được an ổn,[8] tịch định, phạm hạnh tịnh tu’.”

Bấy giờ, Thế Tôn vừa đi đến khu vườn, Phạm-chí bất giác đứng dậy, nghinh đón Thế Tôn và nói rằng:

“Xin mời đến đây, Cù-đàm. Xin mời đến đây, Sa-môn. Từ lâu không được gặp, nay có việc gì Ngài đến đây? Xin mời ngồi tạm ở đàng trước.”

Khi ấy, đức Thế Tôn ngồi xuống, vui vẻ mỉm cười và thầm [47c] nghĩ: ‘Các người ngu nầy không tự chủ được. Trước đã đặt lệnh ước với nhau mà rốt cuộc không giữ toàn.’ Sở dĩ vậy, là vì thần lực của Phật khiến ác tâm của chúng tự nhiên tiêu tan.

Cư sĩ Tán-đà-na đảnh lễ chân Phật rồi ngồi một bên.

Phạm-chí Ni-câu-đà chào hỏi Phật xong cũng ngồi một bên và bạch Phật:

“Sa-môn Cù-đàm từ trước đến nay dạy bảo hàng đệ tử những pháp gì khiến họ được tịch định, an ổn, tịnh tu phạm hạnh?”

Phật nói:

“Hãy thôi, Phạm-chí! Pháp Ta sâu rộng. Những điều mà từ trước đến nay Ta dạy các đệ tử được an lạc, tịnh tu phạm hạnh, không phải là những điều mà Ông có thể hiểu kịp.”

Rồi Phật lại nói với Phạm-chí:

“Dẫu đến cả đạo pháp mà Thầy của Ông và các đệ tử của Ông tu hành, tịnh hay bất tịnh[9], Ta cũng nói hết được cả.”

Lúc đó năm trăm đệ tử Phạm-chí nầy đều cất tiếng bảo nhau: “Sa-môn Cù-đàm có oai thế lớn, có thần lực lớn thật. Người ta hỏi nghĩa lý mình, mình lại giảng trở lại nghĩa lý của người ta!” Phạm-chí bạch Phật:

“Lành thay Cù-đàm! Xin Ngài phân biệt cho.”

Phật bảo Phạm-chí:

“Này Phạm-chí, hãy lắng nghe, hãy lắng nghe! Ta sẽ nói.”

Phạm-chí đáp:

“Rất vui lòng được nghe.”

Phật nói:

“Những điều sở hành của Ông toàn là thấp hèn. Như việc, cởi bỏ y phục để trần truồng[10], hoặc lấy tay che[11], hoặc không nhận đồ ăn đựng trong cái ghè[12], không nhận đồ ăn đựng trong chậu, không nhận đồ ăn giữa hai bức vách[13], không nhận đồ ăn giữa hai người, không nhận đồ ăn giữa hai con dao[14], không nhận đồ ăn giữa hai cái chậu[15], không nhận đồ ăn từ gia đình đang ăn chung[16], không nhận đồ ăn từ nhà có thai, không nhận đồ ăn từ nhà được thấy có chó đứng trước cửa, không nhận đồ ăn từ nhà có nhiều ruồi, không nhận lời mời ăn, không nhận đồ ăn từ người nói đã có biết từ trước, không ăn cá, không ăn thịt, không uống rượu, không ăn với hai chén bát, một bữa ăn, một lần nuốt cho đến bảy lần nuốt thì thôi,[17] nhận thức ăn được thêm[18], không quá bảy lần thêm, hoặc mỗi ngày ăn một bữa, hoặc hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, bảy ngày ăn một bữa, hoặc chỉ ăn rau[19], hoặc chỉ ăn cỏ lúa[20], hoặc chỉ uống nước cơm, hoặc chỉ ăn mè, hoặc ăn gạo lứt, hoặc ăn phân bò, hoặc ăn phân nai, hoặc ăn rễ, nhánh lá, trái, hột cây, hoặc ăn trái cây tự rụng, hoặc choàng áo, hoặc mặc áo cỏ cú[21], hoặc mặc vỏ cây, hoặc lấy cỏ quấn mình, hoặc mặc da nai, hoặc để đầu tóc[22], hoặc mang tấm lông bện, hoặc mặc áo vất ở gò mả, hoặc thường đưa tay lên, hoặc không ngồi giường chiếu, hoặc thường ngồi chồm hổm, hoặc cạo tóc chừa râu, hoặc nằm trên [48a] chông gai, hoặc nằm trên dưa quả, hoặc lõa hình nằm trên phân bò, hoặc một ngày tắm ba lần, hoặc một đêm tắm ba lần. Tóm lại là lấy vô số chuyện khổ cực hành hạ xác thân. Ni-câu-đà, ý ngươi nghĩ sao? Tu những hạnh như thế, đáng gọi là thanh tịnh pháp chăng?”

Ni-câu-đà đáp:

“Pháp đó là tịnh, chớ chẳng phải bất tịnh.”

Phật nói:

“Ngươi bảo là tịnh, nhưng Ta sẽ từ trong cái tịnh của Ong đó chỉ ra điều cấu uế cho Ong xem.”

Ni-câu-đà nói: “Hay lắm, Cù-đàm! Ngài cứ nói, tôi xin nghe”.

Phật nói:

“Những người kia trong khi tu khổ hạnh mà tâm thường tính nghĩ rằng: ‘Ta làm như thế này sẽ được mọi người cúng dường, cung kính, lễ bái.’ Thế là cấu uế. Người tu khổ hạnh kia khi được cúng dường rồi thì say đắm giữ chặt, tham luyến không rời, không biết xa lìa, không biết cách thoát ra. Thế là cấu uế. Người tu khổ hạnh kia mà vừa trông thấy bóng ai đi đến, thì cùng nhau ngồi thiền. Khi không ai thì mặc ý nằm ngồi. Thế là cấu uế. Người tu khổ hạnh kia mà nếu nghe đến chánh nghĩa của người khác, không chịu nhìn nhận. Thế là cấu uế. Người tu khổ hạnh kia nếu mà có ai hỏi thẳng, thì tiêc lẫn mà không trả lời. Thế là cấu uế. Người tu khổ hạnh kia mà hễ thấy người nào cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn thì la rầy, ngăn cản. Thế là cấu uế. Người tu khổ hạnh kia nếu thấy Sa-môn, Bà-la-môn ăn vật có thể sinh sản nữa[23] liền đến chê trách. Thế là cấu uế. Người tu khổ hạnh kia có thức ăn bất tịnh, không chịu cho người khác mà tham ăn một mình, không thấy lỗi lầm của mình, không biết con đường xuất ly.[24] Thế là cấu uế. Người tu khổ hạnh kia tự khen mình hay, chê bai người khác. Thế là cấu uế. Người tu khổ hạnh kia mà giết, trộm, tà dâm, hai lưỡi, ác khẩu, nói dối, nói ỷ ngữ, tham lam, tật đố, tà kiến điên đảo. Thế là cấu uế. Người tu khổ hạnh kia mà lười biếng, hay lãng quên[25], không tập thiền, không có trí tuệ, chẳng khác nào cầm thú. Thế là cấu uế. Người tu khổ hạnh kia mà cống cao, kiêu mạn, mạn, tăng thượng mạn. Thế là cấu uế. Người tu khổ hạnh kia mà không có tín nghĩa, lại không báo đáp, không trì tịnh giới, không hay tinh cần chịu nghe người khuyên răn, thường kết bạn bọn xấu làm điều xấu ác không dừng. Thế là cấu uế. Người tu khổ hạnh kia mà ôm nhiều sân hận, ưa làm xảo quyệt, cậy mình hiểu biết, tỳm tòi hay dở của người, thường chấp tà kiến, biên kiến. Thế là cấu uế. Ni-câu-đà, ý Ông nghĩ thế nào? Tu khổ hạnh như trên, đáng gọi là thanh tịnh ư?”

Ni-câu-đà đáp:

“Đó là bất tịnh chứ không phải [48b] tịnh.”

Phật nói: “Nay Ta từ trong pháp cấu uế ấy của Ông mà chỉ ra phần thanh tịnh, vô cấu cho Ông hiểu”.

Phạm-chí nói: “Xin hãy nói”.

Phật nói:

“Những người tu khổ hạnh kia, nếu không tính nghĩ rằng ta tu như thế này sẽ được sự cúng dường cung kính, lễ bái. Đó là pháp khổ hạnh không cấu uế. Người tu khổ hạnh nếu được cúng dường mà tâm không tham đắm, thông tỏ xa lìa, rõ biết con đường xuất ly. Đó là pháp khổ hạnh không cấu uế. Người tu khổ hạnh tọa thiền như thường lệ, không vì có người không người mà thay đổi. Đó là pháp khổ hạnh thanh tịnh. Người tu khổ hạnh, nếu nghe ai nói chánh nghĩa thì hoan hỷ tín nhận. Đó là pháp khổ hạnh thanh tịnh. Người tu khổ hạnh nếu gặp ai hỏi thẳng thì hoan hỷ đáp. Đó là pháp khổ hạnh thanh tịnh. Người tu khổ hạnh hễ thấy ai cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn thì hoan hỷ thay họ, chứ không la rầy ngăn cản. Đó là pháp khổ hạnh thanh tịnh. Người tu khổ hạnh nếu thấy Sa-môn, Bà-la-môn ăn vật sanh lại mà không tới chê bai. Đó là pháp khổ hạnh thanh tịnh. Người tu khổ hạnh mà gặp món ăn bất tịnh, tâm không lẫn tiếc, gặp món ăn tịnh tâm không say đắm, xét thấy lỗi mình, biết pháp xuất ly. Đó là pháp khổ hạnh thanh tịnh. Người tu khổ hạnh không tự khen mình, không chê kẻ khác. Đó là pháp khổ hạnh thanh tịnh. Người tu khổ hạnh không giết, không trộm, không dâm dật, không hai lưỡi, không ác khẩu, không nói dối, không ỷ ngữ, không tham lam, không tật đố, không tà kiến. Đó là pháp khổ hạnh thanh tịnh. Người tu khổ hạnh mà tinh cần không lãng quên, ưa tập thiền định, tu nhiều trí tuệ, chẳng ngu như thú. Đó là pháp khổ hạnh thanh tịnh. Người tu khổ hạnh mà không cống cao, kiêu mạn, tự đại. Đó là pháp khổ hạnh thanh tịnh. Người tu khổ hạnh mà có lòng tín nghĩa, tập hạnh báo bổ, giữ gìn tịnh giới, siêng năng học hỏi, thường kết bạn với người lành, chứa điều lành mãi. Đó là pháp khổ hạnh thanh tịnh. Người tu khổ hạnh mà không ôm lòng sân hận, không xảo ngụy, không cậy mình biết, không tỳm sở đoản của người, không chấp chặt tà kiến cũng không biên kiến. Đó là pháp khổ hạnh thanh tịnh. Phạm-chí nghĩ thế nào? Pháp khổ hạnh như thế, đáng gọi là pháp thanh tịnh vô cấu không?”

Ni-câu-đà đáp:

“Quả như vậy, quả thật đó là pháp khổ hạnh thanh tịnh vô cấu.”

Rồi Phạm-chí hỏi Phật:

“Khổ hạnh đến chừng mực như vậy đã được gọi là bậc nhất, kiên cố[26] [48c]chưa?”

Phật nói:

“Chưa! Đó mới là khổ hạnh vỏ ngoài.”

Ni-câu-đà thưa:

“Xin Phật cho biết mắt cây.”

Phật nói:

“Ông hãy lắng nghe. Ta sẽ nói cho.”

Phạm-chí thưa:

“Vâng. Bạch Thế Tôn, tôi mong muốn được nghe.”

Phật nói:

“Này Phạm-chí! Người tu khổ hạnh mà tự mình không giết, không dạy người giết, tự mình không trộm cắp, không dạy người trộm cắp, tự mình không tà dâm, không dạy người tà dâm, tự mình không nói dối, không dạy người nói dối. Người ấy đem tâm từ rải khắp một phương, rồi các phương khác cũng vậy, từ tâm quảng đại, bình đẳng vô lượng, khắp cả thế gian, không chút oán kết. Bi tâm, hỷ tâm, xả tâm cũng như thế. Chính đó mới là pháp khổ hạnh thuộc cốt lõi.”

Phạm-chí bạch Phật:

“Xin Ngài dạy cho cái nghĩa khổ hạnh lõi cây[27].”

Phật nói:

“Này Phạm-chí, hãy lắng nghe, hãy lắng nghe, Ta sẽ nói cho.”

Phạm-chí đáp:

“Thưa vâng. Bạch Thế Tôn, tôi mong muốn được nghe.”

Phật nói:

“Này Phạm-chí, người tu khổ hạnh mà tự mình không giết còn dạy người không giết, tự mình không trộm cắp còn dạy người không trộm cắp, tự mình không tà dâm còn dạy người không tà dâm, tự mình không nói dối còn dạy người không nói dối. Người ấy đem từ tâm rải khắp một phương, rồi các phương khác cũng vậy, từ tâm quảng đại, bình đẳng vô lượng, khắp cả thế gian, không chút oán kiết. Bi tâm, hỷ tâm, xả tâm cũng như thế. Người khổ hạnh kia lại có thể biết được việc xảy ra vô số kiếp trước, hoặc một đời, hai đời cho đến vô số đời, quốc độ thành hoại hay kiếp số trước sau, đều thấy đều biết cả. Lại còn thấy biết mình từng sanh vào chủng tộc đó, tên tuổi như thế, ăn uống như thế, sống lâu như thế, thọ khổ, thọ lạc như thế, từ kia sanh đây, từ đây sanh kia như thế. Những việc từ vô số kiếp như thế đều nhớ cả. Ấy gọi là khổ hạnh cốt lõi, không bị hủy hoại của Phạm-chí.”

Phạm-chí bạch Phật:

“Còn thế nào gọi là khổ hạnh bậc nhất?”

Phật nói:

“Này Phạm-chí, hãy lắng nghe, hãy lắng nghe, Ta sẽ nói cho.”

Phạm-chí đáp:

“Thưa vâng. Bạch Thế Tôn, tôi mong muốn được nghe.”

Phật nói:

“Này Phạm-chí, những người tu khổ hạnh mà tự mình không giết còn dạy người không giết, tự mình không trộm cắp còn dạy người không trộm cắp, tự mình không tà dâm còn dạy người không tà dâm, tự mình không nói dối còn dạy người không nói dối. Người ấy đem từ tâm rải khắp một phương, các phương khác cũng vậy, từ tâm rộng lớn, trùm khắp, vô nhị vô lượng, không có kết hận, cùng khắp thế gian. Bi, hỷ và xả tâm cũng như vậy.

“Người khổ hạnh ấy tự biết sự việc vô số kiếp quá khứ về trước, một đời, hai đời, cho đến vô số đời, quốc độ, thành hoại, kiếp số chung thủy, thảy đều thấy hết biết hết. Lại tự mình thấy biết: Ta [49a] đã từng sanh vào chủng tánh kia, tên họ như vậy, ăn uống, thọ mạng như vậy, cảm nghiệm khổ lạc như vậy, từ đây sanh kia, từ kia sanh đây. Như thế, nhớ hết sự việc vô số kiếp. Vị ấy bằng thiên nhãn thanh tịnh xem xét các loài chúng sanh chết đây sanh kia, nhan sắc đẹp xấu, chỗ hướng đến tốt hay xấu, tùy theo hành vi mà bị đọa lạc; thảy đều thấy hết biết hết.

“Lại biết chúng sanh với thân hành bất thiện, khẩu hành bất thiện, ý hành bất thiện, phỉ báng Hiền Thánh, tà tín điên đảo, sau khi thân hoại mạng chung sẽ đọa vào ba đường dữ. Hoặc có chúng sanh với thân hành thiện, khẩu hành thiện, ý hành thiện, không phỉ báng Hiền Thánh, tu hạnh chánh tín, khi thân hoại mệnh chung được sinh vào cõi trời, cõi người. Bằng thiên nhãn thanh tịnh vị ấy xem thấy các chúng sanh có hành vi nào sinh tới chỗ nào, đều thấy biết hết. Đó gọi là khổ hạnh thù thắng bậc nhất.”

Phật lại nói với Phạm-chí:

“Này Phạm-chí, ở trong pháp này lại có pháp thù thắng hơn nữa mà Ta thường đem dạy cho Thanh-văn. Họ nhờ pháp đó tu được phạm hạnh.”

Bấy giờ năm trăm đệ tử Phạm-chí lớn tiếng bảo nhau:

“Nay chúng ta mới thấy đức Thế Tôn là bậc tối thượng, Thầy chúng ta không bằng.”

Rồi Cư sĩ Tán-đà-na nói với Phạm-chí:

 “Lúc nãy Ông nói ‘nếu gặp Cù-đàm đến thì chúng ta gọi là con bò chột.’ Nay đức Thế Tôn đến, sao ông không gọi? Lúc nãy Ông nói ‘chỉ cần một câu là đủ làm cho Cù-đàm cùng bí mà phải im lặng. Như con rùa thun cả vào vỏ cho thế là yên ổn, nhưng ta chỉ cần một mũi tên là khiến nó không có chỗ trốn’, sao nay ông không đem một câu làm cùng bí Như Lai ?”

Phật hỏi Phạm-chí:

“Thật Ông có nói lời đó chăng?”

Đáp: “Thưa có”.

Phật nói với Phạm-chí:

“Ông há không nghe các vị Tiên túc Phạm-chí nói: chư Phật Như Lai ưa ở chỗ núi rừng nhàn tịnh, như Ta ngày nay ưa chỗ nhàn tĩnh, chẳng phải như pháp của các ông chỉ ưa chỗ huyên náo, nói chuyện vô ích suốt ngày ư?”

Phạm-chí nói:

“Tôi có nghe nói chư Phật quá khứ ưa chỗ nhàn tĩnh, một mình sống ở núi rừng, như Thế Tôn ngày nay. Không như pháp chúng tôi ưa chỗ huyên náo, nói những chuyện vô ích để cho hết ngày.”

Phật nói: “Ngươi há không suy nghĩ rằng, Sa-môn Cù-đàm thuyết pháp để giác ngộ,[28] tự điều phục mình và điều phục người khác; tự tịch tịnh và khiến người khác tịch tịnh; tự mình qua bờ bên kia và đưa người khác sang bờ bên kia; tự mình giải thoát và khiến người khác giải thoát; tự mình diệt độ và khiến người khác được diệt độ?”

Lúc bấy giờ, Phạm-chí bèn rời chỗ ngồi đứng dậy, đầu mặt làm lễ, hai tay sờ bàn chân Phật, tự xưng tên mình, nói rằng:

“Con [49b] là Phạm-chí Ni-câu-đà. Con là Phạm-chí Ni-câu-đà. Nay tự mình quy y, làm lễ dưới chân Thế Tôn.”

Phật nói với Phạm-chí:

“Thôi đủ rồi, hãy dừng lại! Miễn sao tâm Ông tỏ rõ, đó là kính lễ.”

Phạm-chí lại lễ dưới chân Phật một lần nữa, rồi ngồi xuống một bên. Phật bảo Phạm-chí:

“Ông sẽ chẳng nói rằng Phật vì lợi dưỡng mà thuyết pháp chăng?[29] Chớ móng tâm như thế. Nếu có sự lợi dưỡng nào, Ta cũng cho Ông hết.[30] Pháp được Ta nói, là vi diệu đệ nhất, vì để diệt trừ bất thiện, tăng trưởng thiện pháp.”

Rồi Phật lại bảo Phạm-chí:

“Ông sẽ chẳng nói rằng Phật vì tiếng tăm mà thuyết pháp chăng? Vì để được tôn trọng, vì để đứng đầu, vì để có những người tùy thuộc, ví để có chúng đông, mà thuyết pháp chăng? Chớ móng khởi tâm ấy. Nay những người tùy thuộc Ông vẫn là tùy thuộc của Ông. Pháp mà Ta nói là để diệt trừ bất thiện, tăng trưởng thiện pháp.”

Rồi Phật lại bảo Phạm-chí:

“Ông sẽ không nói rằng Phật đặt Ông vào trong nhóm bất thiện, nhóm tối tăm chăng? Chớ nghĩ như vậy. Các tụ bất thiện và các tụ tối tăm, Ông hãy loại bỏ đi.[31] Ta vì Ông mà nói pháp thiện tịnh.”

Lại bảo Phạm-chí:

“Ông sẽ không nghĩ rằng Phật truất ngươi ra khỏi nhóm thiện pháp, nhóm thanh bạch chăng? Chớ nghĩ như vậy. Ông vẫn cứ ở trong nhóm thiện pháp, nhóm thanh bạch mà tinh cần tu hành.[32] Ta vì Ông mà nói nhóm thiện tịnh, nhóm thanh bạch, diệt trừ hành vi bất thiện, tăng thêm thiện pháp.”

Bấy giờ năm trăm đệ tử Phạm-chí đều đoan tâm chánh ý nghe Phật thuyết pháp.

Thấy vậy, Ma Ba-tuần nghĩ rằng: “Năm trăm đệ tử Phạm-chí đang đem tâm ý đoan chính nghe theo Phật pháp. Ta hãy đến phá hoại tâm ý đó đi”. Rồi Ác ma liền đem hết sức mình phá hoại thiện ý của năm trăm đệ tử ấy.

Phật bảo với cư sĩ Tán-đà-na:

“Năm trăm đệ tử Phạm-chí này đoan tâm chánh ý nghe Ta nói pháp. Thiên ma Ba-tuần đã phá hoại ý ấy. Ta muốn trở về, ngươi hãy cùng đi với Ta!”

Phật liền lấy tay mặt đón Cư sĩ Tán-đà-na đặt trong bàn tay, rồi nương hư không mà trở về.

Cư sĩ Tán-đà-na, Phạm-chí Ni-câu-đà và năm trăm đệ tử, sau khi nghe những điều Phật nói, hoan hỷ phụng hành.

 


第二分[04]散陀那經第四

[1] Thất diệp thọ quật 七葉樹窟, hang cây bảy lá. nơi kết tập kinh điển lần thứ nhất. No. 11, Phật tại Ca lan đà, Trúc lâm tinh xá 迦 闌 陀 竹 林 精 舍. No. 26(104) cũng vậy. Pl.: sđd.: Rājagahe viharati Jigghakūṭe pabbate, trú ở Vương xá, trong núi Jigghakūṭa.

[2] Tỳ-ha-la 毗訶羅山.

[3] Tán-đà-na 散陀那; No. 11: trưởng giả tên Hòa Hợp 和合. No. 26(104): cư sĩ tên Thật Ý 實意. Pl.: Sandhāna.

[4] Ô-tạm-bà-lị Phạm chí nữ lâm 烏暫婆利梵志女林; No. 11: Ưu-đàm-bà-la lâm dị học viên 優曇婆羅林異學園. Pl.: Udumbarikāya paribbājakārāmo; khu vườn của Vương phi (devī) Udumbarika dành cho các ngoại đạo xuất gia.

[5] Phạm chí Ni-câu-đà 尼俱陀. No. 11: Phạm chí Ni-câu-đà 尼拘陀梵志. No 26(104):  một người dị học tên Vô Nhuế 異學無恚. Pl.: Nigrodho pabbājako.

[6] Biên địa 邊地. No 11: “Vì không thể làm được gì với trí tuệ như ngôi nhà trống (không xá tuệ 空舍慧), nên mới sống nơi hoang dã.” D 25 (iii 36): suññāgārahatā samaṇassa  gotamassa  paññā, “trí tuệ của Sa-môn Gotama bị hủy hoại như ngôi nhà trống/ hay bởi chỗ hoang vắng? Sớ giải: suññāgārahatāti suññāgāresu  naṭṭhā, samaṇena hi gotamena bodhimūle appamattikā paññā adhigatā, “bị hủy hoại bởi không xứ tuệ/ không xá tuệ (suññāgāra): trí tuệ mà Sa-môn Gotama sở đắc dưới gốc bồ-đề chỉ là một chút ít; nó bị hủy hoại trong những chỗ hoang vắng.”

[7] No 11: Như con bò một mắt chỉ đi vòng quanh bên ngoài. No 26(104): Như con bò chột ăn ở biên địa. D 25: seyyathāpi nāma  gokāṇā  pariyantacārinī, như con bò chột chỉ đi ngoài biên.

[8] An ổn 安隱. No 11: an ổn địa 安隱地. Pl.: assāsa: tô tức, sự/ trạng thái tươi tỉnh (của vị A-la-hán)..

[9] D. 25: kathaṃ… tapojigucchā paripuṇṇā hoti, kathaṃ aparipuṇṇā? Như thế nào là sự khổ hạnh hoàn hảo, và không hoàn hảo?

[10] Ly phục lõa hình 離服裸形; Pl.: tapassī acelako hoti: người tu khổ hạnh trần truồng.

[11] No. 26(104): hoặc dĩ thủ vi y 或以手為衣, lấy tay làm y phục. Pl., D 25: tr. 32: hatthāpalekhano, người tu theo hạnh liếm tay. Có lẽ bản Hán đọc từ hatthaparicchana.

[12] Bất thọ giang thực 不受瓨食; D 15: na kumbhimukhā paṭigaṇhāti, không nhận (thức ăn) từ miệng vò.

[13] Hán: lưỡng bích trung gian 兩壁中間;D 25: eḷakamantaraṃ, giữa khung cửa

[14] Hán: lưỡng đao trung gian 兩刀中間. Pl.: daṇḍamantaraṃ: giữa hai cây gậy.

[15] Hán: lưỡng vu trung gian 兩盂中間; Pl.: musalamantaraṃ, giữa hai cái chày.

[16] Hán: cọng thực gia 共食家: Pl.: dvinnaṃ bhuñjamānānaṃ, từ hai người đang ăn.

[17] Nhất xan nhất yết nãi chí thất yết 一餐一咽乃至七咽. No. 26(104): hoặc đạm nhất khẩu dĩ nhất khẩu vi túc… nãi chí tất khấu dĩ thất khẩu vi túc 或噉一口以一口為足乃至 七口以七口為足, “hoặc nhai một miếng và một miếng là đủ… bảy miếng là đủ.”

[18] Hán: thọ nhân ích thực 受人益食.

[19] Trong bản: hoặc phục thực quả 或復食果 “chỉ ăn trái cây.” TNM: thực thái 食 菜”, ăn rau.” No. 26(104): hoặc thực thái nhứ 或食菜茹.

[20] Thực dữu 食莠, Khang hi: loại cỏ có thân như cây lúa. No. 26(104): thực bại tử 食 稗 子, ‘ăn hạt lúa’.

[21] Bị (NM: phi) sa y 被(披)莎衣. Khang hi: sa 莎, một loại cỏ, tức hương phụ tử.  

[22] Lưu đầu phát 留頭髮: không hề hớt tóc. TNM: lộ đầu phát露頭髮: để trần đầu tóc. Pl.: kesamassu-locako: người theo hạnh nhổ râu tóc.

[23]  Cánh sanh vật 更生物. No 11: “Chê bai các sa-môn, bà-la-môn khác rằng: các ông ăn đủ các thứ mà sống, như ăn hạt giống từ rễ, hạt giống từ thân…”  

[24] Cf. D 25:  tapassī  bhojanesu  vodāsaṃ  āpajjati– ‘idaṃ me khamati, idaṃ me nakkhamatī’ti. so yañca khvassa nakkhamati, taṃ sāpekkho pajahati. yaṃ panassa khamati, taṃ gadhito mucchito ajjhāpanno anādīnavadassāvī anissaraṇapañño paribhuñjati, “Người tu khổ hạnh phan biệt thức ăn: thứ này tôi thích. Thứ này tôi không thích. .. bị trói chặt mà không thấy sự nguy hiểm (lõi lầm), không biêt sự xuất ly.”

[25] Hán: hỷ vong 喜忘; bản Tống: hỷ vọng 喜妄: ưa thích điều dối trá.

[26] Hán: đệ nhất kiên cố 第 一 堅 固. D 25: aggappattā ca sārappattā, đã đạt đến đỉnh cao và đạt đến cốt lõi?

[27] Hán: kiên cố堅 固. Pl.: sāra, lõi cây hay chắc thật như lõi cây.

[28] Nguyên Hán: năng thuyết bồ-đề 能說菩提. No 11: “Tự minh giác ngộ, rồi là nói pháp giác ngộ cho người khác.”Cf. D 25 (iii 54): buddho so bhagavā bodhāya dhammaṃ deseti, “Thế Tôn là đấng Giac ngộ (Phật); và Ngài thuyết pháp dẫn đến giác ngộ.”

[29] D 25 (iii 56): ājīvā no cāvetukāmo samaṇo gotamo evamāhā, “Sa-môn Gotama vì muốn tước đoạt sự sinh nhai của chúng ta mà nói như vậy.”

[30] D 25 ibid.: yo eva vo ājīvo, so eva vo ājīvo hotu, “sự sinh hoát của các ông là gì, hãy là sự sinh hoạt như vậy.”

[31] D 25 ibid.: những pháp bất thiện của các Ông là gì mà các tôn sư xem là bất thiện, hãy vẫn là như vậy.

[32] D 25 ibid.: Những pháp thiện gì của các Ông mà các tôn sư cho là thiện, hãy vẫn là như vậy.

9. Kinh chúng tập

9. KINH CHÚNG TẬP

[49b27]Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật du hành ở Mạt-la[1] cùng với một nghìn hai trăm năm mươi Tỳ-kheo, rồi đi dần đến thành Ba-bà,[2] vườn Am-bà của Xà-đầu.[3]

Bấy giờ, vào ngày mười lăm lúc trăng tròn[4], Thế Tôn ngồi ở giữa khoảng đất trống với các Tỳ-kheo vây quanh trước sau. Thế tôn đêm ấy sau khi đã thuyết pháp nhiều, bèn nói với Xá-lợi-phất :

“Các Tỳ-kheo bốn phương tụ tập về, thảy đều siêng năng, dẹp bỏ ngủ nghỉ. Nhưng Ta đau lưng, muốn nghỉ một chút. Ngươi nay hãy thuyết pháp cho các Tỳ-kheo.”

Xá-lợi-phất đáp:

“Kính vâng. Con sẽ làm theo Thánh giáo.”

Thế Tôn trải tăng-già-lê bốn lớp[5] rồi nằm nghiêng phía hữu như con sư tử, hai chân chồng lên nhau.

Khi ấy Xá-lợi-phất nói với các Tỳ-kheo:

“Nay trong thành Ba-bà này có Ni-kiền Tử[6] mạng chung chưa bao lâu, nhưng các đệ tử chia ra làm hai bộ, luôn luôn tranh chấp nhau, tỳm sở trường và sở đoản của nhau, mắng nhiếc nhau, thị phi với nhau rằng: ‘Ta biết pháp này. Ngươi không biết pháp này. Ngươi theo tà kiến. Ta theo chánh kiến. Ngươi nói năng hỗn loạn, chẳng có trước sau, tự cho điều mình nói là chân chính. Lập ngôn của ta thắng. Lập ngôn của ngươi bại. Nay ta làm chủ cuộc đàm luận, ngươi có điều muốn hỏi thì đến hỏi ta.’

“Này các Tỳ-kheo, lúc bấy giờ nhân dân trong nước những ai theo Ni-kiền Tử đều chán ghét những tiếng cãi vã của bọn này. Đó là vì pháp ấy không chân chính. Pháp không chân chính thì không có con đường xuất ly[7]. Ví như ngôi tháp đã đổ thì không còn tô trét gì[8] được nữa. Đó không phải là điều mà đấng Chánh giác[9] đã dạy.

“Các Tỳ-kheo, duy chỉ Pháp vô thượng tôn của đức Thích-ca ta là chân chánh mới có thể có con đường xuất ly. Cũng như ngôi tháp mới thì có thể được dễ dàng trang hoàng. Vì đó là điều mà đấng Chánh giác giảng dạy.

“Các Tỳ-kheo, hôm nay chúng ta cần phải kết tập pháp luật để ngăn ngừa sự tranh cãi, khiến cho phạm hạnh tồn tại lâu dài làm lợi ích cho số đông, cho Chư Thiên và nhân loại được an lạc.

 

PHÁP MỘT

“Như Lai nói một Chánh pháp: Hết thảy chúng sanh đều y thức ăn mà tồn tại.

“Như Lai lại nói một Chánh pháp: tất cả chúng sanh đều y các hành mà tồn tại.

“Đó là một pháp đã được Như Lai giảng dạy. Chúng ta hãy cùng kết tập để ngăn ngừa sự tranh cãi, khiến cho phạm hạnh tồn tại lâu dài làm lợi ích cho số đông, cho Chư Thiên và nhân loại được an lạc.

 

PHÁP HAI

“Các Tỳ-kheo, Như Lai nói hai Chánh pháp: một là danh, hai là sắc.

“Lại có hai pháp: một là si, hai là ái[10].

“Lại có hai pháp: hữu kiến và vô kiến.[11]

“Lại có hai pháp: không biết tàm và không biết quí.

“Lại có hai pháp: có tàm và có quí.

“Lại có hai pháp: tận trí và vô sanh trí.

“Lại có hai pháp, hai nhân hai duyên sanh ra ái dục: một, sắc tịnh diệu; hai, không tư duy.

“Lại có hai pháp, hai nhân, hai duyên sanh nơi sân nhuế: thù ghét và không tư duy.

[50a] “Lại có hai pháp, hai nhân, hai duyên sanh nơi tà kiến: nghe từ người khác và tà tư duy.

“Lại có hai pháp, hai nhân, hai duyên sanh nơi chánh kiến: nghe từ người khác và chánh tư duy.

“Lại có hai pháp, hai nhân, hai duyên: giải thoát hữu học và giải thoát vô học.

“Lại có hai pháp hai nhân, hai duyên: hữu vi giới và vô vi giới.

“Các Tỳ-kheo, đó là hai pháp đã được Như Lai giảng dạy. Chúng ta hãy cùng kiết tập để ngăn ngừa sự tranh cãi, khiến cho phạm hạnh tồn tại lâu dài làm lợi ích cho số đông, cho Chư Thiên và nhân loại được an lạc.

 

PHÁP BA

“Các Tỳ-kheo, Như Lai nói ba pháp, tức là ba bất thiện căn: tham dục, sân nhuế và ngu si.

“Lại có ba pháp, tức là ba thiện căn: không tham, không nhuế và không si.

“Lại có ba pháp, tức là ba bất thiện hành: thân hành bất thiện, khẩu hành bất thiện và ý hành bất thiện.

“Lại có ba pháp, tức là ba bất thiện hành: bất thiện hành của thân, bất thiện hành của khẩu và bất thiện hành của ý.

“Lại nữa, có ba pháp, tức là ba ác hành: ác hành của thân, ác hành của khẩu và ác hành của ý.

“Lại có ba pháp, tức là ba thiện hành[12]: thiện hành của thân, thiện hành của khẩu và thiện hành của ý.

“Lại có ba pháp, tức là ba tưởng bất thiện[13]: dục tưởng, sân tưởng và hại tưởng.

“Lại có ba pháp tức là ba tưởng thiện[14]: vô dục tưởng, vô sân tưởng và vô hại tưởng.

“Lại có ba pháp tức là ba tư bất thiện[15]: dục tư, nhuế tư và hại tư

“Lại có ba pháp tức là ba tư thiện: vô dục tư, vô nhuế tư và vô hại tư.

“Lại có ba loại phước nghiệp: nghiệp bố thí, nghiệp bình đẳng và nghiệp tư duy.[16]

“Lại có ba pháp, tức là ba thọ: lạc thọ, khổ thọ và phi khổ phi lạc thọ.

“Lại có ba pháp tức là ba ái: dục ái, hữu ái, vô hữu ái.

“Lại có ba pháp tức là ba hữu lậu: dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu.

“Lại có ba pháp, tức là ba thứ lửa: lửa dục, lửa sân và lửa si.

“Lại có ba pháp tức là ba cầu[17]: dục cầu, hữu cầu và phạm hạnh cầu.

“Lại có ba pháp tức là ba tăng thịnh: ngã tăng thịnh, thế tăng thịnh và pháp tăng thịnh.[18]

“Lại có ba pháp tức là ba giới: dục giới, sân giới và hại giới[19].

“Lại có ba pháp tức là ba giới: xuất ly giới, vô sân giới và vô hại giới.

“Lại có ba pháp tức là ba giới: sắc giới, vô sắc giới, tận giới[20].

“Lại có ba pháp tức là ba tụ: giới tụ, định tụ và huệ tụ.

“Lại có ba pháp tức là ba giới: tăng thượng giới (cấm), tăng thượng tâm, tăng thịnh tuệ.[21]

“Lái có ba pháp tức là ba tam-muội: không tam-muội, vô nguyện tam-muội, và vô tướng tam-muội.[22]

“Lại có ba pháp tức là ba tướng: chỉ tức tướng, tinh cần tướng, và xả tướng.

“Lại có ba pháp tức là ba minh: tự thức túc mạng trí minh, thiên nhãn trí minh, và lậu tận trí minh.

“Lại có ba pháp tức là ba biến hóa: thần túc biến hóa, biết tâm người mà tùy ý thuyết pháp và giáo giới.[23]

“Lại có ba pháp tức là ba căn bổn dục sinh[24]: 1. Do hiện dục[25] hiện tiền sinh trời người; 2.  do hóa dục[26] sinh trời Hóa tự tai; 2. do tha hóa dục[27] sinh trời Tha Hóa Tự Tại.

“Lại có ba pháp tức là ba lạc sinh[28]: 1. Chúng sanh tự nhiên thành biện sanh hoan hỷ tâm[29] như trời Phạm chúng[30] vào lúc mới sinh. 2. Có chúng sanh lấy niệm làm an vui[31] tự xướng ‘lành thay’ như trời Quang Âm. 3. Lạc do được chỉ tức[32] như trời Biến Tịnh.

“Lại có ba pháp tức là ba khổ: dục khổ, hành khổ, và biến dịch khổ.[33]

“Lại có ba pháp tức là ba căn: vị tri dục tri căn, tri căn, tri dĩ căn.[34]

“Lại có ba pháp tức là ba trụ: Hiền Thánh trụ, thiên trụ, phạm trụ.[35]

“Lại có ba pháp tức là ba sự cử tội[36]: cử tội do thấy, cử tội do nghe và cử tội do nghi.

“Lại có ba pháp tức là ba ngôn y[37]: Quá khứ có sự như thế, có ngôn luận như thế. Vị lai có sự như thế, có ngôn luận như thế. Hiện tại có sự như thế có ngôn luận như thế.

“Lại có ba pháp tức là ba tụ[38]: chánh định tụ, tà định tụ, và bất định tụ.

“Lại có ba pháp tức là ba ưu: thân ưu, khẩu ưu, và ý ưu.

“Lại có ba pháp, tức ba trưởng lão: trưởng lão do tuổi tác, trưởng lão do pháp và trưởng lão do tác thành[39].

“Lại có ba pháp tức là ba con mắt: con mắt thịt, con mắt trời và con mắt tuệ.

“Các Tỳ-kheo, đó là ba pháp đã được Như Lai giảng dạy. Chúng ta hãy cùng kết tập để ngăn ngừa sự tranh cãi, khiến cho phạm hạnh tồn tại lâu dài làm lợi ích cho số đông, cho Chư Thiên và nhân loại được an lạc.

 

PHÁP BỐN

“Các Tỳ-kheo, Như Lai nói bốn pháp, tức là bốn ác hành do miệng: 1. nói dối; 2. hai lưỡi; 3. ác khẩu; 4. ỷ ngữ.[40]

“Lại có bốn pháp, tức là bốn thiện hành của miệng: 1. nói sự thật; 2. nói dịu dàng; 3. không ỷ ngữ; 4. không hai lưỡi.

“Lại có bốn pháp tức là bốn phi thánh ngôn:[41] 1. không thấy nói thấy; 2. không nghe nói nghe; 3. không cảm thấy nói cảm thấy; 4. không biết nói biết.[42]

“Lại có bốn pháp tức là bốn thánh ngôn: 1. thấy nói thấy; 2. nghe nói nghe; 3. hay nói hay; [50c]4. biết nói biết.

“Lại có bốn pháp tức là bốn loại thực phẩm: 1. đoạn thực[43]; 2. xúc thực; 3. ý tư thực[44]; 4. thức thực.

“Lại có bốn pháp tức là bốn pháp thọ[45]: 1. khổ hành trong hiện tại thọ khổ báo về sau; 2. khổ hành hiện tại thọ lạc báo về sau; 3. lạc hành hiện tại thọ khổ báo về sau; 4. lạc hành hiện tại thọ lạc báo về sau.

“Lại có bốn pháp tức là bốn thủ[46]: 1. dục thủ, 2. ngã thủ, 3. giới cấm thủ, 4. kiến thủ.

“Lại có bốn pháp tức là bốn phược[47]: 1. thân phược bởi dục tham, 2. thân phược bởi sân nhuế, 3. thân phược bởi giới đạo, 4. thân phược bởi ngã kiến.

“Lại có bốn pháp, tức bốn gai nhọn: 1. gai nhọn dục; 2. gai nhọn nhuế; 3. gai nhọn kiến; 4. gai nhọn mạn.

“Lại có bốn pháp tức là bốn sanh: 1. sanh từ trứng, 2. sanh từ thai, 3. sanh do thấp, 4. sanh do biến hóa.

“Lại có bốn pháp tức bốn niệm xứ: 1. Ở đây, Tỳ-kheo quán thân trên nội thân tinh cần không biếng nhác, ức niệm không quên, trừ bỏ tham ưu ở đời; quán thân trên ngoại thân tinh cần không biếng nhác, ức niệm không quên, trừ bỏ tham ưu ở đời; quán thân trên nội ngoại thân tinh cần không biếng nhác, ức niệm không quên, trừ bỏ tham ưu ở đời. 2. Quán thọ, 3. Quán tâm, 4. Quán pháp, cũng vậy.

“Lại có bốn pháp tức là bốn chánh cần[48]: 1. Ở đây Tỳ-kheo ác pháp chưa khởi, phương tiện khiến không khởi, 2. Ác pháp đã khởi phương tiện khiến diệt, 3. Thiện pháp chưa khởi pháp, phương tiện khiến khởi, 4. Thiện pháp đã khởi phương tiện khiến tăng trưởng.

“Lại có bốn pháp tức là bốn thần túc: 1. Ở đây Tỳ-kheo tư duy dục định đoạn[49] hành thành tựu, 2. Tinh tấn định, 3. Tâm định, 4. Tư duy định cũng vậy.

“Lại có bốn pháp tức là bốn thiền: 1. Ở đây, Tỳ-kheo trừ dục, ác bất thiện pháp, có tầm có tứ, hỷ lạc phát sanh do viễn ly, nhập sơ thiền, 2. Diệt tầm và tứ, nội tịnh,[50] nhất tâm, không tầm không tứ, có hỷ lạc do định sanh, nhập đệ nhị thiền; 3. Lìa hỷ, an trú xả chuyên niệm không loạn, tự thân cảm giác lạc, điều mà Hiền Thánh nói là xả, an trú lạc có niệm, nhập đệ tam thiền; 4. Xả bỏ khổ và lạc, trừ diệt ưu và hỷ từ trước, không khổ, không lạc, xả và niệm thanh tịnh, nhập đệ tứ thiền.

“Lại có bốn pháp tức là bốn phạm trụ[51]: từ, bi, hỷ và xả.

“Lại có bốn pháp tức là bốn vô sắc định: 1. Ở đây, Tỳ-kheo siêu việt hết thảy sắc tưởng, sân tưởng đã diệt từ trước, không niệm các tưởng khác, tư duy vô lượng không vô biên xứ; 2. Sau khi xả không vô biên xứ, nhập thức vô biên xứ; 3. Sau khi xả thức vô biên xứ nhập vô hữu xứ; 4. Sau khi xả vô hữu xứ nhập phi tưởng phi phi tưởng xứ.

“Lại có bốn pháp tức là bốn pháp tích[52]: Pháp tích không tham, pháp tích không sân, pháp tích chánh niệm và [51a] pháp tích chánh định.

“Lại có bốn pháp tức là bốn Thánh chủng[53]: 1. Ở đây, Tỳ-kheo tri túc về y thực, được thứ tốt không mừng, được cái xấu không buồn; không nhiễm không trước, biết điều cấm kỵ, biết con đường xuất yếu; ở trong pháp này tinh cần không biếng nhác; thành tựu sự ấy không khuyết không giảm và cũng dạy người thành tựu sự ấy. Đó là thứ nhất; tri túc, an trú trong sự truyền thừa của Hiền Thánh, từ xưa đến nay chưa thường não loạn. Chư thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, Trời và Người không ai có thể chê trách. 2. Thức ăn. 3. Vật dụng nằm ngồi, 4. Thuốc thang trị bệnh, tất cả đều cũng tri túc như thế.

“Lại có bốn pháp tức là bốn nhiếp sự: bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự.

“Lại có bốn pháp, tức là bốn chi của Tu-đà-hoàn[54]: Tỳ-kheo thành tựu tín tâm bất hoại đối với Phật, đối với Pháp, đối với Tăng và đối với Giới.

“Lại có bốn pháp tức là bốn thọ chứng[55]: 1. Thọ chứng do thấy sắc;[56] 2. thọ chứng do thân hoại diệt;[57] 3. thọ chứng do nhớ về túc mạng;[58] 4. thọ chứng do biết hữu lậu đã bị diệt tận.[59]

“Lại có bốn pháp tức là bốn thông hành[60]: khổ đắc chậm, khổ đắc nhanh, lạc đắc chậm và lạc đắc nhanh.

“Lại có bốn pháp tức là bốn Thánh đế: Khổ thánh đế, Khổ tập thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ xuất yếu thánh đế.

“Lại có bốn pháp tức là bốn Sa-môn quả: Tu-đà-hoàn quả, Tư-đà-hàm quả, A-na-hàm quả, A-la-hán quả.

“Lại có bốn pháp tức là bốn xứ: thật xứ, thí xứ, trí xứ, chỉ tức xứ.[61]

“Lại có bốn pháp tức là bốn trí: pháp trí, vị tri trí, đẳng trí, và tha tâm trí.[62]

“Lại có bốn pháp tức là bốn biện tài: pháp biện tài, nghĩa biện tài, từ biện tài, ứng thuyết biện tài.

“Lại có bốn pháp tức là bốn trú xứ của thức: sắc là trú xứ của thức, duyên sắc mà trú, sắc và ái cùng tăng trưởng. Thọ, tưởng, hành, cũng đều như vậy.

“Lại có bốn pháp tức là bốn ách[63]: dục là ách, hữu là ách, kiến là ách, vô minh là ách.

“Lại có bốn pháp tức là bốn vô ách: vô dục ách, vô hữu ách, vô kiến ách, vô vô minh ách.[64]

“Lại có bốn pháp tức là bốn tịnh: giới tịnh, tâm tịnh, kiến tịnh, và độ nghi tịnh.

“Lại nữa có bốn pháp tức là bốn sự biết: đáng thọ biết thọ, đáng hành biết hành, đáng lạc biết lạc, đáng xả biết xả.

“Lại có bốn pháp tức là bốn oai nghi: đáng đi biết đi, đáng đứng biết đứng, đáng ngồi biết ngồi, đáng nằm biết nằm.

“Lại có bốn pháp tức là bốn tư duy: tư duy ít, tư duy rộng, tư duy vô lượng, không tư duy gì cả.[65]

“Lại có [51ab] bốn pháp tức là bốn ký luận[66]: quyết định ký luận, phân biệt ký luận, cật vấn ký luận, chỉ trú ký luận.

“Lại có bốn tức là bốn pháp không cần phòng hộ của Phật: 1. Như Lai thân hành thanh tịnh, không khiếm khuyết, không rò rỉ; có thể tự phòng hộ; 2. khẩu hành thanh tịnh; 3. ý hành thanh tịnh; 4. mạng hành thanh tịnh cũng đều như vậy.

“Các Tỳ-kheo, đó là bốn pháp đã được Như Lai giảng dạy. Chúng ta hãy cùng kết tập để ngăn ngừa sự tranh cãi, khiến cho phạm hạnh tồn tại lâu dài làm lợi ích cho số đông cho Chư Thiên và nhân loại được an lạc.

 

PHÁP NĂM

“Như Lai nói năm Chánh pháp, tức là năm xứ[67]: mắt, sắc; tai, tiếng; mũi, hương; lưỡi, vị; thân, xúc.

“Lại có năm pháp tức là năm thủ uẩn[68]: sắc thủ uẩn; thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn.

“Lại có năm pháp, tức là năm cái:[69] tham dục cái, sân nhuế cái, thùy miên cái, trạo cử cái, nghi cái.

“Lại có năm pháp tức là năm hạ phần kết: thân kiến, giới đạo[70], nghi, tham dục và sân nhuế.

“Lại có năm pháp tức là năm thuận thượng phần kết: sắc ái, vô sắc ái, vô minh, mạn, trạo hối.[71]

“Lại có năm pháp tức là năm căn: tín, tấn, niệm, định, huệ.

“Lại có năm pháp tức là năm lực: tín, tấn, niệm, định, huệ.

“Lại có năm pháp tức là năm thắng chi[72]: 1. Tỳ-kheo tin Phật, Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, mười hiệu thành tựu. 2. Tỳ-kheo không bịnh, thân thường an ổn. 3. Chất trực, không dua xiểm. Được như thế thì Như Lai chỉ bày con đường đi đến Niết-bàn.[73] 4. Tự chuyên tâm không để thác loạn. Những điều đã tụng đọc từ trước ghi nhớ không quên. 5. Khéo quán sát sự sinh và diệt của các pháp bằng sự thực hiện của Hiền Thánh[74] mà diệt tận gốc rễ của khổ.

“Lại có năm pháp tức là năm sự phát ngôn[75]: phát phi thời, phát hư dối, phát phi nghĩa, phát hư ngôn[76], phát không từ tâm.

“Lại có năm pháp tức là năm thiện phát: phát đúng thời, phát sự thật, phát có nghĩa, phát lời nói hòa, phát khởi từ tâm.

“Lại có năm pháp tức là năm sự tật đố: tật đố về trú xứ, tật đố về thí chủ, tật đố về lợi dưỡng, tật đố về sắc, tật đố về pháp.

“Lại có năm pháp tức là năm thú hướng giải thoát: tưởng về thân bất tịnh, tưởng về thức ăn bất tịnh, tưởng hết thảy các hành vô thường, tưởng hết thảy thế gian không đáng vui, tưởng về sự chết.[77]

“Lại có năm pháp tức là năm xuất ly giới: 1. Tỳ-kheo đối với dục không hoan hỷ, bất động, cũng không thân cận, mà chỉ niệm sự thoát ly, hoan hỷ nơi sự viễn ly, thân cận không giải đãi, tâm mềm mại, xuất ly, ly dục. Vị ấy đối với [51b] các lậu triền do nhân dục mà khởi, cũng dứt sạch, xả ly diệt trừ mà được giải thoát. Đó gọi là dục thoát ly. 2. Sân nhuế xuất ly, 3. Tật đố xuất ly, 4. Sắc xuất ly, 5. Thân kiến xuất ly cũng vậy.

“Lại có năm pháp tức năm hỷ giải thoát nhập[78]. Nếu Tỳ-kheo tinh cần không biếng nhác, ưa ở nơi nhàn tĩnh, chuyên niệm nhất tâm, chưa giải thoát thì được giải thoát, chưa an thì được an. Những gì là năm? 1. Ở đây Tỳ-kheo nghe Như Lai thuyết pháp, hoặc nghe đồng phạm hạnh thuyết pháp, hoặc nghe sư trưởng thuyết pháp, tư duy, quán sát, phân biệt pháp nghĩa, tâm đắc hoan hỷ. Sau khi được hoan hỷ thì được pháp ái, sau khi được pháp ái thân tâm an ổn, sau khi thân tâm an ổn thì chứng đắc thiền định. Đắc thiền định rồi, đắc như thật kiến. Đó là giải thoát xứ thứ nhất. 2. Ở đây, Tỳ-kheo sau khi nghe pháp hoan hỷ. 3. Thọ trì đọc tụng cũng lại hoan hỷ. 4. Thuyết cho người khác cũng lại hoan hỷ. 5. Tư duy phân biệt cũng lại hoan hỷ, ở nơi pháp mà đắc định cũng như vậy.

“Lại có năm pháp tức là năm hạng người[79]: trung bát-niết-bàn, sanh bát-niết-bàn,[80] vô hành bát-niết-bàn, hữu hành bát-niết-bàn, thượng lưu sắc cứu cánh.[81]

“Các Tỳ-kheo, đó là năm Chánh pháp đã được Như Lai giảng dạy. Chúng ta hãy cùng kiết tập để ngăn ngừa sự tranh cãi, khiến cho phạm hạnh tồn tại lâu dài làm lợi ích cho số đông cho Chư Thiên và nhân loại được an lạc.

 

PHÁP SÁU

“Lại nữa, các Tỳ-kheo, Như Lai nói sáu Chánh pháp tức là sáu nội xứ[82]: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.

“Lại có sáu pháp tức là sáu ngoại xứ: sắc, tiếng, hương, vị, xúc, pháp.

“Lại có sáu pháp tức là sáu thức thân: nhãn thức thân, nhĩ thức thân, tỷ thức thân, thiệt thức thân, thân thức thân, ý thức thân.

“Lại nữa có sáu pháp tức là sáu xúc thân: nhãn xúc thân, nhĩ xúc thân, tỷ xúc thân, thiệt xúc thân, thân xúc thân, ý xúc thân.

“Lại có sáu pháp tức là sáu thọ thân: nhãn thọ thân, nhĩ thọ thân, tỷ thọ thân, thiệt thọ thân, thân thọ thân, ý thọ thân.

“Lại có sáu pháp tức là sáu tưởng thân: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp tưởng thân.

“Lại có sáu pháp tức sáu tư thân: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp tư thân.

“Lại có sáu pháp tức là sáu ái thân:[83] sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp ái thân.

“Lại có sáu pháp tức là gốc rễ tranh cãi[84]: 1. Nếu Tỳ-kheo ưa sân không bỏ,[85] không kính Như Lai, cũng không kính Pháp, cũng không kính Chúng tăng, ở nơi giới có lọt, có rĩ, nhiễm ô bất tịnh, ở trong Chúng ưa gây tranh cãi mà ai cũng ghét, tranh chấp nhiễu loạn, trời và người bất an. Các Tỳ-kheo, các ngươi hãy tự mình [52a] quán sát bên trong, giả sử có sự sân hận như kẻ nhiễu loạn kia, hãy tập hợp hòa hợp chúng, rộng đặt phương tiện, nhỗ sạch gốc rễ tranh cãi ấy. Các ngươi lại hãy chuyên niệm, tự quán sát. Nếu kết hận đã diệt lại hãy thêm phương tiện ngăn cản tâm ấy không để sinh khởi trở lại. 2. Các Tỳ-kheo ngoan cố không chịu nghe.[86] 3. Xan tham, tật đố.[87] 4. Xảo ngụy, hư vọng.[88] 5. Cố chấp kiến giải của mình không chịu bỏ.[89] 6. Nghe lầm nơi tà kiến cùng với biên kiến[90] cũng như vậy.

“Lại có sáu pháp tức là sáu giới: địa giới, hỏa giới, thủy giới, phong giới, không giới, thức giới.

“Lại có sáu pháp tức là sáu sát hành[91]: con mắt sát hành sắc, tai đối với tiếng, mũi đối với hương, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp.

“Lại có sáu pháp tức là sáu xuất ly giới[92]: 1. Nếu Tỳ-kheo nói như vầy: ‘Tôi tu từ tâm[93] nhưng lại tâm sanh sân nhuế.’ Các Tỳ-kheo khác bảo: ‘Ngươi chớ nói như vậy. Chớ báng bổ Như Lai. Như Lai không nói như vậy. Giả sử tu từ giải thoát mà sanh sân nhuế tưởng, không có trường hợp ấy. Phật nói: trừ sân nhuế rồi sau mới đắc từ.’[94] 2. Nếu Tỳ-kheo nói: ‘Tôi thực hành bi giải thoát nhưng tâm sanh tật đố.’[95] 3. ‘Thực hành hỷ giải thoát nhưng sanh tâm ưu não.’[96] 4. ‘Thực hành xả giải thoát nhưng sanh tâm yêu ghét.’[97] 5 ‘Thực hành vô ngã nhưng sanh tâm hồ nghi.’[98] 6. ‘Thực hành vô tưởng[99] nhưng sanh tâm loạn tưởng;’[100] cũng giống như vậy.

“Lại có sáu pháp tức là sáu vô thượng: kiến vô thượng, văn vô thượng, lợi dưỡng vô thượng, giới vô thượng, cung kính vô thượng, ức niệm vô thượng.[101]

“Lại có sáu pháp tức là sáu tư niệm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí, niệm thiên.

“Các Tỳ-kheo, đó là sáu pháp đã được Như Lai giảng dạy. Chúng ta hãy cùng kết tập để ngăn ngừa sự tranh cãi, khiến cho phạm hạnh tồn tại lâu dài làm lợi ích cho số đông, cho Chư Thiên và nhân loại được an lạc.

 

PHÁP BẢY

“Các Tỳ-kheo, Như Lai nói bảy Chánh pháp, tức là bảy phi pháp: không có tín, không có tàm, không có quí, ít học hỏi, biếng nhác, hay quên, vô trí.

“Lại có bảy pháp tức là bảy Chánh pháp: có tín, có tàm, có qúi, đa văn. tinh tấn, tổng trì, đa trí.

“Lại có bảy pháp tức là bảy thức trụ: 1. Hoặc có chúng sanh với thân sai biệt, với tưởng sai biệt, tức là Chư Thiên và loài người. [102] Đó là trú xứ thứ nhất của thức. 2. Hoặc có chúng sanh với nhiều thân khác nhau nhưng chỉ một tưởng, đó là trời Phạm chúng,[103] tối sơ mới thọ sinh. Đó là trú xứ thứ hai của thức. 3. Hoặc có chúng sanh với một thân nhưng nhiều tưởng sai biệt tức là trời Quang Âm. Đó là trú xứ thứ ba của thức. 4. Hoặc có chúng sanh với một thân và một tưởng đó là trời Biến Tịnh. Đó là trú xứ thứ tư của thức. 5. Hoặc có chúng sanh trú ở không vô biên xứ.[104] 6. Trú ở thức vô biên xứ.[105] 7. Trú ở vô hữu xứ.[106]

“Lại có bảy pháp, [52b] tức là bảy tinh cần: 1. Tỳ-kheo tinh cần nơi sự thực hành giới. 2. Tinh cần diệt tham dục. 3. Tinh cần phá tà kiến. 4. Tinh cần nơi đa văn. 5. Tinh cần nơi tinh tấn. 6. Tinh cần nơi chánh niệm. 7. Tinh cần nơi thiền định.

“Lại có bảy pháp tức là bảy tưởng: tưởng về thân bất tịnh, tưởng về thức ăn bất tịnh, tưởng về hết thảy thế gian không đáng ưa thích, tưởng về sự chết, tưởng về vô thường, tưởng về vô thường là khổ, tưởng về khổ là vô ngã.

“Lại có bảy pháp tức là bảy tam-muội cụ[107]: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm.

“Lại có bảy pháp tức là bảy giác chi: niệm giác chi, trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác giác chi, khinh an giác chi, định giác chi, xả giác chi.

“Các Tỳ-kheo, đó là bảy pháp đã được Như Lai giảng dạy. Chúng ta hãy cùng kết tập để ngăn ngừa sự tranh cãi, khiến cho phạm hạnh tồn tại lâu dài làm lợi ích cho số đông, cho Chư Thiên và nhân loại được an lạc.

 

PHÁP TÁM

“Các Tỳ-kheo, Như Lai nói tám Chánh pháp tức là tám pháp ở đời: đắc, thất, vinh, nhục, khen, chê, lạc và khổ.

“Lại có tám pháp tức là tám giải thoát: 1. Sắc quán sắc giải thoát.[108] 2. Nội không sắc tưởng quán ngoại sắc giải thoát. 3. Tịnh giải thoát, 4. Vượt quá sắc tưởng, diệt hữu đối[109] tưởng, an trú hư không vô biên xứ giải thoát.[110] 5. Vượt hư không vô biên xứ an trú hư không vô biên xứ giải thoát.[111] 6. Vượt thức vô biên xứ an trú vô hữu xứ giải thoát, vượt vô sở hữu xứ an trú phi phi tưởng xứ giải thoát. 8. Vượt phi tưởng phi phi tưởng xứ, an trú diệt tận định giải thoát.

“Lại có tám pháp tức là tám thánh đạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

“Lại có tám pháp tức tám hạng người: Tu-đà-hoàn hướng, Tu-đà-hoàn quả, Tư-đà-hàm hướng, Tư-đà-hàm quả, A-na-hàm hướng, A-na-hàm quả; A-la-hán hướng, A-la-hán quả.

“Các Tỳ-kheo, đó là tám pháp đã được Như Lai giảng dạy. Chúng ta hãy cùng kết tập để ngăn ngừa sự tranh cãi, khiến cho phạm hạnh tồn tại lâu dài, làm lợi ích cho số đông cho Chư Thiên và nhân loại được an lạc.

 

PHÁP CHÍN

“Các Tỳ-kheo, Như Lai nói chín Chánh pháp, tức là chín chúng sanh cư: 1. Hoặc có chúng sanh có nhiều thân khác nhau, với nhiều tưởng khác nhau, tức là Chư Thiên và loài người. Đó là nơi cư trú thứ nhất của chúng sanh. 2. Lại có chúng sanh có nhiều thân khác nhau, nhưng với một tưởng giống nhau, tức là trời Phạm chúng lúc mới sanh thời kiép sơ. Đó là cư trú thứ hai của chúng sinh. 3. Lại có chúng sanh với một thân giống nhau, nhưng với nhiều tưởng khác nhau, tức là trời Quang Âm. Đó là cư trú thứ ba của chúng sanh. 4. Lại có chúng sanh với một thân một tưởng giống nhau, tức là trời Biến Tịnh. Đó là cư trú thứ tư của chúng sanh. 5. Lại có chúng sanh không có tưởng và không có giác tri, tức là trời Vô tưởng. Đó là cư trú thứ năm của chúng sanh. [52c] 6. Lại có chúng sanh an trú hư không vô biên xứ. Đó là cư trú thứ sáu của chúng sanh. 7. Lại có chúng sanh an trú thức vô biên xứ. Đó là cư trú thứ bảy của chúng sanh. 8. Lại có chúng sanh an trú vô sở hữu xứ. Đó là cư trú thứ tám của chúng sanh. 9. Lại có chúng sanh an trú phi tưởng phi phi tưởng xứ. Đó là cư trú thứ chín của chúng sanh.[112]

“Các Tỳ-kheo, đó là chín pháp đã được Như Lai giảng dạy. Chúng ta hãy cùng kết tập để ngăn ngừa sự tranh cãi, khiến cho phạm hạnh tồn tại lâu dài, làm lợi ích cho số đông, cho Chư Thiên và nhân loại được an lạc.

 

PHÁP MƯỜI

“Các Tỳ-kheo, Như Lai nói mười Chánh pháp, tức là mười pháp vô học: vô học chánh kiến, vô học chánh tư duy, vô học chánh ngữ, vô học chánh nghiệp, vô học chánh mạng, vô học chánh niệm, vô học chánh tinh tấn, vô học chánh định, vô học chánh trí, vô học chánh giải thoát.

“Các Tỳ-kheo, đó là mười pháp đã được Như Lai giảng dạy. Chúng ta hãy cùng kết tập để ngăn ngừa sự tranh cãi, khiến cho phạm hạnh tồn tại lâu dài, làm lợi ích cho số đông, cho Chư Thiên và nhân loại được an lạc.”

Bấy giờ, Thế Tôn ấn khả những điều Xá-lợi-phất đã nói. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Xá-lợi-phất đã nói, hoan hỷ phụng hành.[113]

 


*  佛說長阿含第二分[06]眾集經第五

[1] Mạt-la 末羅. Pl.: Malla. No 1536: Lực sỹ sanh xứ 力士生處.

[2] Ba-bà thành 波婆城. No. 1356: Ba-bà ấp 波婆邑. Pl.: Pāva.

[3] Xà-đầu Am-bà viên 闍頭菴婆園. No. 1356: rừng Chiết-lộ-ca 折路迦
林. D 33: Pāvāyaṃ viharati Cundassa kammāraputtassa ambavane, du hành Pāva, trong rừng xoài của thợ rèn Cunda.  

[4] No. 1356, Phật được những người Lực sỹ mời đến ở ngôi đền mới dựng là Ôn-bạt- nặc-ca 嗢跋諾迦舊制多. D 33, duyên khởi cũng vậy, hội trường tên là Ubbhataka. Tên gọi này liên hệ đến từ uposatha, chỉ ngày trai giới tức ngày 15, có thể giải thích sự khác biệt trong bản Hán trên.

[5] Xem cht. 115 No 1(2)

[6] No 12: Ni-kiền-đà Nhạ-đề Tử 尼乾陀惹提子.

[7] Hán: vô do xuất yếu 無 由 出 要; D 33: aniyyānike, không có khả năng hướng dẫn.

[8] Để bản: bất phục khả hủ 不可復圬. TNM: (…) trị 治. Nghi là (…) y 依.Xem đoạn sau, kinh 11 “Thanh tịnh” (h. 73a19). Cf. No 26(196, 753b09):băng hoại vô trụ vô sở y hỗ崩壞無柱無所依怙. Cf. D 33: bhinnathūpe appaṭisaraṇe: tháp đã đổ, không thể nương tựa.

[9] Nguyên Hán: Tam-da-tam-phật 三耶三佛; Pl.: sammāsambuddha.

[10] Hán: si 痴, ái 愛; No. 1536: vô minh 無 明 và hữu ái 有愛. Pl.: avijjā ca bhavataṇhā ca

[11] Hữu kiến vô kiến 有見無見, Pl.: bhava-diṭṭhi, vibhavadiṭṭhi.

[12] No 1536: ba diệu hành 三妙行. Pl.: sucarrita.

[13] No 1536: ba bất thiện tầm 不善尋. Pl.: akusalavitakkā.

[14] No 1536: thiện tầm 善尋. Pl. kusalavitakkā.

[15] Pl.: akusalasaṅkappā.

[16] No. 1536: ba phước nghiệp sự 福 業 事, cơ sở của phước nghiệp: 1. Thí loại phước nghiệp sự 施類福業事, 2. Giới loại phước nghiệp sự 戒類福業事. 3. Tu loại phước nghiệp sự 修類福業事. Pl.: tīṇi  puññakiriyavatth³ni: dānamaya, sīla, bhavanāmaya.

[17] Ba cầu, Pl.: tisso esanā.

[18] No. 1536: Ba tăng thượng, thế tăng thượng 世增上, tự tăng thượng 自增 上, pháp tăng thượng 法增上. Pl.: attādhipateyyem lokādhipateyyam dhammādhi            pateyyam. No 12: thế tăng thượng, pháp tăng thượng, ngã tăng thượng.

[19] No 12: ba bất thiện giới 不善界: nhiễm dục giới 染欲界, sân nhuế giới瞋恚
界, tổn hạ giới損害界. Pl.: tisso dhātuyo (ba bất thiện giới): kāma(dục), vyāpāda (sân nhuế), vihiṃsa (hại)

[20] No. 1536 ba giới: sắc, vô sắc và diệt. Pl.: tisso dhātuyo, rūpa, arūpa, nirodha.

[21] Nguyên Hán: tăng thịnh giới增盛戒, tăng thịnh ý 增盛意, tăng thịnh tuệ. 增盛慧; Pl. tisso sikkhā, 3 điều học: adhisīla (tăng thượng giới), adhicitta (tăng thượng tâm), adhipaññha (tăng thượng tuệ).

[22] Tam tam-muội 三三昧; Pl.: tayo samādī: suññato animitto appaṇihito.

[23] Tam biến hóa 三 變 化; No. 1536, tam thị đạo 三示導: thần biến thị đạo 神變, ký tâm thị đạo 記心, giáo giới thị đạo 教誡. Pl.: tīni pāṭihāriyāni: iddhi-, ādesana-, anusāsanī- pātihāriyam. N0 12: ba thông: thần cảnh thông 神境通, thuyết pháp thông 說法通, giáo giới thông 教
誡通.

[24] Dục sanh bổn 欲生本. No 1536: ba dục sanh. Pl.: kāmūpapatti.

[25] Hiện dục 現欲. No. 1536 giải thích: hiện tiền chư diệu dục cảnh, do những đối tượng ham muốn đẹp đẽ trong hiện tại. Pl.: paccupaṭṭhitakāmā, ái dục trong đời hiện tại, hiện tiền dục. No 12: hiên xứ dục 現處欲.

[26] Hóa dục  化欲. No. 1536: do những đối tượng ham muốn vi diệu do tự mình biến hiện ra. Pl.: nimmitakāmā.

[27] Tha hoá dục 他化欲. No. 1536: do những đối tượng ham muốn vi diệu được người khác biến hiện ra. Pl.: paraṇimmitakāmā.

[28] Lạc sanh 樂生, Pl.; sukhūpapatti: tái sanh do cảm thọ lạc (phát sanh từ các trạng thái thiền).

[29] Pl.: uppādetvā uppādetvā sukham viharati, sau khi thường xuyên làm phát sanh lạc, nó sống an lạc.

[30] Hán: Phạm quang âm thiên 梵光音天 (?). No 1536: Phạm chúng thiên 梵眾天. Pl.: Brahma-kāyikā.

[31] Dĩ niệm vi lạc 以念為樂. Pl.: sukhena abhisannā, sung mãn với cảm giác lạc.

[32] Chỉ tức lạc 止息樂. Pl.: santaṃyeva tusitā sukhaṃ.

[33] No. 1536, ba khổ tánh: khổ khổ tánh 苦苦性, hoại khổ tánh 壞苦性, hành khổ tánh行苦性. Pl.: tisso dukkhatā, dukkha-, saṅkhāra-, viparināma-dukkhatā. No 12: luân hồi khổ 輪迴苦, khổ khổ 苦苦, hoại khổ 壞苦.

[34] No. 1536: vị tri đương tri căn 未知當知根, dĩ tri căn 已知根 và cụ tri căn 具知根. Pl.: anaññātaññassāmītindriyaṃ, aññitindriyaṃ, aññatāvindriyaṃ.

[35] Nguyên Hán: tam đường 三堂; No. 1536, tam trú 三住. Pl.: tayo vihārā: dibbo brahmā ariyo.

[36] Nguyên Hán: tam phát 三發: ba trường hợp phát hiện hay tố giác vi phạm luật. No. 1536: tam cử tội 三舉罪. Pl.: tīni codanāvatthūni.

[37] Nguyên Hán: tam luận三論. No 1536: ba ngôn y 三言依.  Pl.: tīṇi  kathāvatthūni. No 12: ba ngôn thuyết sự 三言說事.

[38] Tam tụ 三聚; Pl.: tayo rāsī: ba nhóm, chánh định tụ (sammattaniyatarāsi): nhóm nhất định thành tựu Thánh trí trong hiện tại; tà định tụ (micchattaniyatarāsī), nhóm nhất định dẫn đến tà kiến, không thể thành tựu Thánh trí trong hiện tại; bất định tụ (aniyata), bẩm tính chưa xác định.

[39] Tam trưởng lão 三長老; No. 1536, tam thượng tọa 三上座: sanh niên thượng tọa 生年上座, thế tục thượng tọa 世俗上座, pháp tánh thượng tọa 法性上座. Pl.: tayo thero– jātithero, dhammathero, sammutithero.

[40] Ỷ ngữ 綺語, No. 1536: tạp uế ngữ 雜穢語. Pl.: samphappalāpa.

[41] No 12: bốn phi- A-duệ-ra hành 非阿曳囉行. Pl.: anariyavohārā.

[42] Kiến, văn, giác, tri 見 聞 覺 知. Pl.: diṭṭha, suta, muta, viñānata.

[43] Đoàn (viên tròn) thực 團食. No. 1536: đoạn (phiến) thực 段食. Pl.: kabalīkāro.

[44] Nguyên Hán: niệm thực . No 1536: 意思食. Pl.: manosañcetanā.  

[45] Tứ thọ 四受. No 1536: bốn pháp thọ 四法受. Pl.: cattāti dhamma-samādānā. No 12: bốn sa-ma-na-nẵng pháp 娑摩那曩法.

[46] Nguyên Hán:tứ thọ 四 受. No. 1536: tứ thủ 四取. Pl.: cattāti upādānāni.

[47] No 1536: bốn thân hệ 四身繫. Pali: cattāro  ganthā.

[48] Nguyên Hán: tứ ý đoạn 四意斷. No. 1536: tứ chánh cần 四正斷. Cũng thường nói là chánh cần 正勤. Pl.: sammappadhāna.

[49] Nguyên Hán: diệt hành thành tựu 滅行成就. No 1536: đoạn hành thành tựu 斷行成就. Pl.: padhānasaṅkhārasamannāgataṃ.

[50] Hán: nội tín 內 信.

[51] Nguyên Hán: phạm đường 梵堂. No 1536: phạm trụ 梵住. Pl.: brahmavihāra.

[52] Nguyên Hán: pháp túc 法足, “chân của pháp”. No. 1536: pháp tích 法跡. Pl.: dhammapada. No 12: bốn pháp cú 法句.

[53] Tứ hiền thánh chủng 四賢聖種. No. 1536 : bốn thánh chủng. Pl. ariyavaṃsā, 4 sự truyền thừa của Thánh.

[54] Tu-đà-hoàn chi 須陀洹支. No. 1536: bốn Dự lưu chi 預流支. Pl.: cattāri   sotāpannassa aāgāni. No 12: bốn Dự lưu thân 預流身.

[55] Tứ thọ chứng 四受證. No 1536: bốn pháp ứng chứng (cần được tác chứng) 應證法. Pl.: cattāro  sacchikaraṇāyā  dhammā.

[56] No 1536: nhãn ưng chứng 眼應證 (thấy sự sống và chết của chúng sanh). Pl.: sattānaṃ cutūpapāto cakkhunā.

[57] No 1536: thân ưng chứng 身應證: tám giải thoát. Pl. aṭṭha vimokkhā kāyena sacchikaraṅīyā.

[58] No 1536: niệm ưng chứng 念應證: nhớ đời trước. Pl.: pubbenivāso  satiyā sacchikaraṇīyo.

[59] No 1536: tuệ ưng chứng 慧應證: biệt lậu tận. Pl.: āsavānaṃ khayo paññāya sacchikaraṇīyo.

[60] Bốn đạo 四道, No. 1536: bốn thông hành 四通行: khổ trì, khổ tốc, lạc trì, lạc tốc thông hành. Pl.: catasso paṭipadā. No 12: boấn thần thông đạo 神通道.

[61] No. 1536: tuệ xứ 慧處, đế xứ 諦處, xả xứ 捨處, tịch tĩnh xứ 寂靜處. Pl.: cattāri adiṭṭhānāni: paññā, saccā, cagā, upasamā.  

[62]. No. 1536: pháp trí 法智, loại trí 類智, tha tâm trí 他心智, thế tục trí 世俗智. Pl.: cattāri ñānāni: dhamme ñāṇaṃ, anvaye ñāṇaṃ, pariye ñāṇaṃ, sammutiyā ñāṇaṃ.

[63] Bốn ách 四扼 (No1536:軛). Pl.: cCattāro yogā.

[64].No. 1536: tứ ly hệ 四離繫 thoát khỏi gông cùm của dục, hữu, kiến và vô minh. Pl.: cattaro visaññogo (visaṃyogo).

[65] No 1536: bốn tương 四想.

[66] No. 1536, tứ ký vấn 四記問, 4 trường hợp trả lời câu hỏi: nhất hướng 一 向, phân biệt 分 別, cật vấn 詰 問, xả trí 捨 置. Pl.: cattāri  pañhabyākaraṇāni.

[67] Năm nhập, hay năm xứ.

[68] Thọ ấm 受陰. .

[69] Ngũ cái. No 12: ngũ chướng 五障. Pl.: pañca  nīvaraṇāni.

[70] Giới đạo 戒道, No. 1536: giới cấm thủ 戒禁取. Pl.: sīlabbataparāmāso.

[71] No 1536: sắc tham 色貪, vô sắc tham 無色貪, trạo cử 掉舉, mạn 慢, vô minh
無明. Pl.: pañca uddhambhāgiyāni saññojanāāni– rūparāgo, arūparāgo, māno, uddhaccaṃ, avijjā.

[72]. Nguyên hán: diệt tận chi 滅盡支. No. 1536: thắng chi 勝 支. Pl.: padhāniyaṅgāni. Bản Hán hiểu là pahāniyaṅgāni.

[73].     No. 1536: “Tự hiển thị một cách như thật đối với Đại sư và đồng phạm hạnh có trí.” Pl.: yathābhūtam attānam avikattā satthari vā viññūsu vā brahmacārīsu.

[74] Hiền Thánh hành 賢聖行. Pl.: ariya nibbedhikāya: bằng sự quyết trạch (sự sắc bén) của Thánh.

[75] Ngũ phát 五發. No. 1536: ngũ ngữ lộ 五 語 路. Pl.: pañca codānā, 5 trường hợp chỉ trích (kết tội).

[76] No 1536, phát thô khoáng ngữ 發粗礦語, nói lời thô lỗ.

[77] No 1536: 5 thành thục giải thoát tưởng 成熟解脫想.               Pl.: pañca vimuttiparipācaniyā saññā, 5 suy tưởng đưa đến sự thành thục của giải thoát.

[78] No. 1536: ngũ giải thoát xứ 五解脫處.

[79] Hán: ngũ nhân 五 人. No 1536: ngũ Bất hoàn 五 不 還. Pl.: pañca anāgāmino.

[80] Sanh bát-niết-bàn 生般涅槃, cf. Pl.: upahacca-parinibbāyī.

[81] Nguyên Hán: thượng lưu A-ca-nị-trá上流阿迦尼吒. Pl.: uddhaṃsoto-akaniṭṭhagāmī.

[82] Nội nhập 內 入. No. 1536 nội xứ 內 處; Pl.: ajjhattāyatana, hay ajjhattikāni āyatāni.

[83] Pl.: cha taṇhākāyā.

[84] Tránh bổn 諍 本. No. 1536: tránh căn 諍 根. Pl.: vivādamūlāni.

[85] No 1536: hữu phẫn hữu hận 有忿有
恨. Pl.: kodhano hoti upanāhī.

[86] No 1536: hữu phú, nào 有覆惱. Pl.: makkhī  hoti  paḷāsī.

[87] No 1536: hữu tật, xan 有嫉慳. Pl.: issukī  hoti  maccharī.

[88] No 1536: hữu cuống, siểm 有[01]誑諂. Pl.: saṭho  hoti  māyāvī.

[89] No 1536: thủ trước tự kiến 取著自見. Pl.: sandiṭṭhiparāmāsī hoti ādhānaggāhī.

[90] No 1536: tà kiến, đảo kiến 邪見倒見. Pl.: pāpiccho  hoti  micchādiṭṭhī.

[91] Sát hành 察 行. TNM: pháp sát 法 察.

[92] Xuất yếu giới. No 1536: xuất ly giới. Pl.: nissaraṅiyā  dhātuyo.

[93] No 1536: từ tâm định 慈心定. Pl.: mettā hi kho me cetovimutti bhāvitā, tu tập từ tâm giải thoát.

[94] Pl.: nissaraṇaṃ hetaṃ byāpādassa, yadidaṃ mettā cetovimuttī’ti, xuât ly sân, ấy là từ tâm giải thoát.

[95] No 1536: vẫn bị chi phối bởi hại (tâm) 害. Pl.: vihesā cittaṃ pariyādāya.

[96] No 1536: bất lạc 不樂. Pl.: arati.

[97] No 1536: tham sân 貪嗔. Pl.: rāgo.

[98] No 1536: do dự 猶豫. Pl.:  vicikicchākathaṅkathāsallaṃ.

[99] No 1536: vô tướng tâm định 無相心定. Pl.: animittā cetovimutti.

[100] No 1536: tùy tướng thức 隨相識.Pl.: nimittānusāri  viññāṇaṃ.

[101] No 1536: kiến, văn, lợi, học, hành, niệm 見, 聞, 利, 學, 行, 念. Pl.: cha  anuttariyāni–  dassana, savana, lābha, sikkhā,  pāricariyā, anussati.

[102] No 1536: loài người và một phần Chư Thiên. Pl.: manussā  ekacce ca devā ekacce ca vinipātikā.

[103] Phạm quang âm 梵光音天. No 1536: Phạm chúng thiên vào thời kiếp sơ. Pl.: devā  brahmakāyik±  paṭhamābhinibbattā.

[104] No 1536: Không vô biên xứ thiên 空
無邊處天. Pl.: ākāsānañcāyatanūpagā.

[105] No 1536: Thức vô biên xứ thiên 識
無邊處天. Pl.: viññāṇñcāyatanūpagā.

[106] Nguyên Hán: Bất dụng xứ 不用處. No 1536: Vô sở hữu xứ thiên 無所
有處天. Pl.: ākiñcaññāyatanūpagā.

[107] No 1536: bảy định cụ 七定具. Pl.: satta  samādhiparikkhārā.

[108] No 1563: có sắc, quán các sắc. Pl.: rūpī rūpāni passati.

[109] Nguiyên: diệt sân nhuế tưởng 滅 瞋 恚 想. No. 1536: diệt hữu đối tưởng 滅 有 對 想. Pl.: paṭighasaññānaṃ atthaṅgamā.

[110] No 1536: nhập vô biên không, trú Không vô biên xứ.

[111] No 1536: nhập vô biên thức, trú thức vô biên xứ.

[112] Đối chiếu bảy thức trú đoạn trên.

[113] Bản Hán, hết quyển 8.

10. Kinh thập thượng

10. KINH THẬP THƯỢNG

[52c18]Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật du hành nước Ương-già, cùng chúng đại Tỳ-kheo một nghìn hai trăm năm mươi người, đến thành Chiêm-bà[1], nghĩ đêm bên bờ hồ Già-già[2]. Vào ngày mười lăm trăng tròn, Thế Tôn ngồi ở khoảng đất trống, với đại chúng vây quanh, thuyết pháp cho đến hết đêm. Rồi Ngài bảo Xá-lợi-phất:

“Nay các Tỳ-kheo bốn phương tập hợp về đây, thảy đều tinh cần, dẹp bỏ sự ngủ nghỉ, muốn nghe thuyết pháp. Nhưng Ta đau lưng, muốn nghỉ ngơi một chút. Ngươi giờ hãy thuyết pháp cho các Tỳ-kheo.”

Sau khi Xá-lợi-phất vâng lời Phật dạy, Thế Tôn bèn trải tăng-già-lê bốn lớp,[3] nằm nghiêng về hông phải như sư tử, chồng hai chân lên nhau.

Bấy giờ, trưởng lão Xá-lợi-phất[4] nói với các Tỳ-kheo:

“Nay tôi nói pháp, khoảng đầu, khoảng giữa, khoảng cuối thảy đều chân chánh, có đầy đủ nghĩa và vị, phạm hạnh thanh tịnh. Các thầy hãy lắng nghe, hãy suy ngẫm kỹ. Tôi sẽ giảng thuyết.”

Các Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe. Xá-lợi-phất nói:

“Có pháp thập thượng[5], trừ các kết phược, dẫn đến [53a] Niết-bàn[6], dứt sạch biên tế của khổ, lại có thể đầy đủ năm trăm năm mươi pháp. Nay tôi sẽ phân biệt. Các thầy hãy lắng nghe.

 

MỘT

“Này các Tỳ-kheo, có một thành pháp, một tu pháp, một giác pháp, một diệt pháp, một thối pháp, một tăng pháp, một nan giải pháp, một sanh pháp, một tri pháp, một chứng pháp.[7]

“Thế nào là một thành pháp? Đó là: không buông lung trong các pháp thiện.

“Thế nào là một tu pháp? Đó là: thường tự niệm thân.

“Thế nào là một giác pháp? Đó là: xúc hữu lậu[8].

“Thế nào là một diệt pháp? Đó là: ngã mạn.

“Thế nào là một thối pháp? Đó là: bất ố lộ quán.[9]

“Thế nào là một tăng pháp? Đó là: ố lộ quán.[10]

“Thế nào là một nan giải pháp? Đó là: vô gián định.[11]

“Thế nào là một sanh pháp? Đó là: hữu lậu giải thoát.[12]

“Thế nào là một tri pháp? Đó là: hết thảy chúng sanh đều do thức ăn mà tồn tại.

“Thế nào là một chứng pháp? Đó là: vô ngại tâm giải thoát.[13]

 

HAI

“Lại nữa, có hai thành pháp, hai tu pháp, hai giác pháp, hai diệt pháp, hai thối pháp, hai tăng pháp, hai nan giải pháp, hai sanh pháp, hai tri pháp, hai chứùng pháp.

“Thế nào là hai thành pháp? Biết tàm và biết quí.[14]

“Thế nào là hai tu pháp? Chỉ và quán.

“Thế nào là hai giác pháp? Danh và sắc.

“Thế nào là hai diệt pháp? Vô minh và ái.

“Thế nào là hai thối pháp? Hủy giới và phá kiến[15].

“Thế nào là hai tăng pháp? Có giới và có kiến.

“Thế nào là hai nan giải pháp? Có nhân, có duyên, khiến chúng sanh sanh cáu bẩn. Có nhân, có duyên khiến chúng sanh đắc tịnh.

“Thế nào là hai sanh pháp? Tận trí và vô sanh trí.

“Thế nào là hai tri pháp? Thị xứ và phi xứ.[16]

“Thế nào là hai chứng pháp? Minh và giải thoát.

 

BA

“Lại nữa, có ba thành pháp, ba tu pháp, ba giác pháp, ba diệt pháp, ba thối pháp, ba tăng pháp, ba-nan giải pháp, ba sanh pháp, ba tri pháp, ba chứng pháp.

“Thế nào là ba thành pháp? 1. Thân cận thiện hữu 2. Tai nghe pháp âm 3. Thành tựu pháp tùy pháp.[17]

“Thế nào là ba tu pháp? Đó là ba định: định có tầm có tứ, định không tầm có tứ, định không tầm không tứ.[18]

“Thế nào là ba giác pháp? Đó là ba thọ: khổ thọ, lạc thọ, phi khổ phi lạc thọ.

“Thế nào là ba diệt pháp? Đó là ba ái: dục ái, hữu ái, vô hữu ái.

“Thế nào là ba thối pháp? Đó là ba bất thiện căn: tham bất thiện căn, nhuế bất thiện căn, si bất thiện căn.

“Thế nào là ba tăng pháp? Đó là ba thiện căn: vô tham thiện căn, vô nhuế thiện căn, vô si thiện căn.

“Thế nào là ba nan giải pháp? Đó là ba điều khó hiểu: khó hiểu về các bậc Hiền Thánh, khó hiểu về nghe Pháp, khó hiểu về Như Lai.[19]

“Thế nào là ba sanh pháp? Đó là ba tướng: tức chỉ tướng, tinh tấn tướng, xả ly tướng[20].

“Thế nào là ba tri pháp? Đó là ba xuất yếu giới: 1. Xuất ly dục lên sắc giới, 2. Xuất ly sắc giới lên vô sắc giới, 3. Xả ly hết thảy các pháp hữu vi, đó được gọi là diệt tận.[21]

“Thế nào là ba chứng pháp? Đó là ba minh: túc mạng trí, thiên nhãn trí và lậu tận trí.

“Các Tỳ-kheo, đó là ba mươi pháp như thật, không hư dối, Như Lai đã biết, rồi thuyết pháp một cách xác thực.

 

BỐN

“Lại nữa, có bốn thành pháp, bốn tu pháp, bốn giác pháp, bốn diệt pháp, bốn thối pháp, bốn tăng pháp, bốn nan giải pháp, bốn sanh pháp, bốn tri pháp, bốn chứng pháp.

“Thế nào là bốn thành pháp? Đó là luân pháp[22]: 1. Sống ở giữa nước.[23] 2. Gần thiện hữu. 3. Tự cẩn thận[24]. 4. Có gốc rễ thiện đã được trồng từ đời trước.

“Thế nào là bốn tu pháp? Đó là bốn niệm xứ: 1. Tỳ-kheo quán thân trên nội thân, tinh cần không biếng nhác, ức niệm không quên, trừ tham ưu ở đời. Quán thân trên ngoại thân, tinh cần không biếng nhác, ức niệm không quên, trừ tham ưu ở đời. Quán thân trên nội ngoại thân, tinh cần không biếng nhác, ức niệm không quên, trừ tham ưu ở đời; 2. Quán thọ; 3. Quán tâm; 4. Quán pháp cũng như vậy.

“Thế nào là bốn giác pháp? Đó là bốn lọai thực phẩm: đoạn thực, xúc thức, ý tứ thực, thức thực.

“Thế nào là bốn diệt pháp? Đó là bốn thủ[25]: dục thủ, ngã ngữ thủ, giới cấm thủ, và kiến thủ.

“Thế nào là bốn thối pháp? Đó là bốn ách[26]: dục là ách, hữu là ách, kiến là ách, vô minh là ách.

“Thế nào là bốn tăng pháp? Đó là bốn vô ách:[27] không có ách là dục, không có ách là hữu, không có ách là kiến, không có ách là vô minh.

“Thế nào là bốn nan giải pháp? Đó là bốn thánh đế: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế.[28]

“Thế nào là bốn sanh pháp: đó là bốn trí: pháp trí, vị tri trí, đẳng trí, tha tâm trí[29].

“Thế nào là bốn tri pháp? Đó là bốn biện tài: pháp biện, nghĩa biện, từ biện, vô ngại biện.[30]

“Thế nào là bốn chứng pháp? Đó là bốn Sa-môn quả: Tu-đà-hoàn quả, Tư-đà-hàm quả, A-na-hàm quả, A-la-hán quả.

“Các Tỳ-kheo, đó là bốn mươi pháp, như thật, không hư dối, Như Lai đã biết, rồi thuyết pháp một cách xác thực.

 

NĂM

“Lại nữa, có năm thành pháp, năm tu pháp, năm giác pháp, năm diệt pháp, năm thối pháp, năm tăng pháp, năm nan giải pháp, năm sanh pháp, năm tri pháp, năm chứng pháp.

“Thế nào là năm thành pháp? Đó là năm diệt tận chi[31]: 1. Tin Phật Như Lai, Chí Chân, mười hiệu thành tựu 2. Không bệnh, thân thường an ổn 3. Chất trực, không [53c] dua xiểm, hướng thẳng đến con đường dẫn đến Niết-bàn của Như Lai[32]. 4. Chuyên tâm không tán loạn, đọc tụng cũng không quên lãng 5. Khéo léo quán sát sự sinh diệt của pháp, bằng thực hành của Hiền Thánh mà diệt tận gốc rễ khổ.

“Thế nào là năm tu pháp? Đó là năm căn[33]: tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, và tuệ căn.

“Thế nào là năm giác pháp? Đó là năm tthủ uẩn: sắc thủ uẩn, thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn.

“Thế nào là năm diệt pháp? Đó là năm cái: tham dục cái, sân nhuế cái, thụy miên cái, trạo hối cái, và nghi cái.

“Thế nào là năm thối pháp? Đó là năm tâm ngại kết[34]: 1. Tỳ-kheo nghi Phật. Nghi Phật rồi thì không thân cận. Không thân cận rồi thì không cung kính. Đó là tâm ngại kết thứ nhất. 2-4. Lại nữa, Tỳ-kheo, đối với Pháp, đối với Chúng, đối với giới, có lọt, có rỉ, có hành vi không chân chánh, có hành vi ô nhiễm, không thân cận giới, cũng không cung kính. Đó là bốn tâm ngại kết. 5. Lại nữa, Tỳ-kheo đối với người đồng phạm hạnh sanh tâm ác hại, tâm không hỷ lạc, mắng chửi bằng những lời thô lỗ. Đó là tâm ngại kết thứ năm.

“Thế nào là năm tăng pháp? Đó là năm gốc rễ của hỷ: 1. hoan hỷ, 2. niệm, 3. khinh an, 4. lạc, 5. định[35].

“Thế nào là năm nan giải pháp? Đó là năm giải thoát xứ[36], nếu Tỳ-kheo tinh cần không biếng nhác, ưa chỗ nhàn tĩnh, chuyên niệm nhất tâm, chưa giải thì được giải, chưa diệt tận thì được diệt tận, chưa an thì được an. Những gì là năm? 1. Ở đây Tỳ-kheo nghe Như Lai thuyết pháp, hoặc nghe đồng phạm hạnh thuyết pháp, hoặc nghe sư trưởng thuyết pháp, tư duy, quán sát, phân biệt pháp nghĩa, tâm đắc hoan hỷ. Sau khi được hoan hỷ thì được pháp ái, sau khi được pháp ái thân tâm an ổn, sau khi thân tâm an ổn thì chứng đắc thiền định. Đắc thiền định rồi, đắc như thật kiến. Đó là giải thoát xứ thứ nhất. 2. Ở đây, Tỳ-kheo sau khi nghe pháp hoan hỷ. 3. Thọ trì đọc tụng cũng lại hoan hỷ. 4. Thuyết cho người khác cũng lại hoan hỷ. 5. Tư duy phân biệt cũng lại hoan hỷ, ở nơi pháp mà đắc định cũng như vậy.

“Thế nào là năm sanh pháp? Đó là năm trí định của Hiền Thánh: 1. Tu tam-muội: nay an lạc về sau cũng an lạc, sanh nội ngoại trí[37]. 2. Định thuộc Hiền Thánh vô ái[38], sanh nội ngoại trí. 3. Định mà chư Phật và các Hiền Thánh tu hành, sanh nội ngoại trí. 4. Định êm dịu, tịch diệt tướng, độc nhất không gì sánh ngang,[39] sanh nội ngoại trí; 5. đối với tam-muội nhứt tâm nhập, nhứt tâm khởi, sanh nội ngoại trí.

“Thế nào là năm tri pháp? Đó là năm xuất yếu giới: 1. Tỳ-kheo đối với dục không lạc, không niệm tưởng, cũng không [54a] thân cận, mà luôn luôn chỉ niệm tưởng sự xuất yếu, hoan lạc nơi sự viễn ly, thân cận không biếng nhác, tâm vị ấy nhu nhuyến, xuất yếu, ly dục. Lậu khởi do bởi dục cũng bị diệt tận mà đắc giải thoát. Đó là dục xuất yếu. 2. Sân nhuế xuất yếu. 3. Tật đố xuất yếu. 4. Sắc xuất yếu. 5. Thân kiến xuất yếu cũng giống như vậy.

“Thế nào là năm chứng pháp? Đó là năm tụ vô học[40]: tụ vô học giới, tụ vô học định, tụ vô học tuệ, tụ vô học giải thoát, tụ vô học giải thoát tri kiến.

“Các Tỳ-kheo, đó là năm mươi pháp, như thật, không hư dối. Như Lai đã biết, rồi thuyết pháp một cách xác thực.

 

SÁU

“Lại nữa, có sáu thành pháp, sáu tu pháp, sáu giác pháp, sáu diệt pháp, sáu thối pháp, sáu tăng pháp, sáu nan giải pháp, sáu sanh pháp, sáu tri pháp, sáu chứng pháp.

“Thế nào là sáu thành pháp? Đó là sáu trọng pháp[41]: nếu có Tỳ-kheo tu sáu pháp tôn trọng, đáng kính đáng trọng, hòa hợp với chúng không có tranh tụng, hiệp nhất, không hỗn tạp. Những gì là sáu? 1. Ở đây, Tỳ-kheo thân thường hành từ, kính đồng phạm hạnh, sống với tâm nhân ái. Đó gọi là trọng pháp, đáng kính, đáng trọng, hòa hợp với chúng, không có tranh tụng, độc hành không hỗn tạp[42]. 2-4. Lại nữa, Tỳ-kheo khẩu hành từ, ý hành từ; được vật lợi dưỡng đúng pháp và những thức ăn ở trong bát cũng đều đem chia cho các đồng phạm hạnh khác dùng chung, không phân biệt đây kia. 5. Lại nữa, Tỳ-kheo, đối với các đồng phạm hạnh, khéo thọ trì đầy đủ giới mà bậc Thánh hành trì, không phạm, không hủy, không nhiễm ô, được bậc trí khen ngợi, dẫn đến thành tựu tâm định. 6. Lại nữa, Tỳ-kheo, đối với các đồng phạm hạnh, thành tựu chánh kiến của Thành Hiền, dẫn đến xuất yếu, chân chánh diệt tận khổ, đó gọi là trọng pháp, đáng kính đáng trọng, hòa hợp với chúng, không có tranh tụng, hiệp nhất, không tạp.

“Thế nào là sáu tu pháp? Đó là sáu tu niệm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí, niệm thiên.

“Thế nào là sáu giác pháp? Đó là sáu nội xứ: nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, thân xứ, ý xứ.

“Thế nào là sáu diệt pháp? Đó là sáu ái thân: sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái, xúc ái, pháp ái.

“Thế nào là sáu thối pháp? Đó là sáu pháp bất kính: không kính Phật, không kính Pháp, không kính Tăng, không kính giới, không kính định, không kính cha mẹ.

“Thế nào là sáu tăng pháp? Đó là sáu pháp kính: kính Phật, kính Pháp, kính Tăng, kính giới, kính định, kính cha mẹ.

“Thế nào sáu nan giải pháp? Đó là sáu vô thượng: kiến vô thượng, văn vô thượng, lợi dưỡng vô thượng, giới vô thượng, cung kính vô thượng, niệm vô thượng.

“Thế nào là sáu sanh pháp? Đó là sáu đẳng pháp[43]: ở đây, Tỳ-kheo, mắt thấy sắc, không ưu, không hỷ, an trú xả, chánh niệm. Tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, [54b] ý tưởng pháp, không ưu, không hỷ, an trú xả, chánh niệm.

“Thế nào là sáu tri pháp? Đó là sáu xuất yếu giới. Nếu có Tỳ-kheo nói như vầy: ‘Tôi tu từ tâm, lại còn sanh sân nhuế’, các Tỳ-kheo khác nên nói: ‘Ngươi đừng nói như thế. Chớ hủy báng Như Lai. Như Lai không nói như thế. Giả sử tu từ giải thoát mà lại sanh sân nhuế, không có trường hợp đó. Phật nói, trừ sân nhuế rồi sau đó mới đắc từ’. Nếu có Tỳ-kheo nói: ‘Tôi thực hành bi giải thoát lại sanh tâm tật đố. Hành hỷ giải thoát, sanh tâm ưu não. Hành xả giải thoát, sanh tâm yêu ghét. Hành vô ngã hành sanh tâm hồ nghi. Hành vô tưởng hành, sanh các loạn tưởng’, thì cũng giống như vậy.[44]

“Thế nào là sáu chứng pháp? Đó là sáu thần thông: 1. Thần túc thông, 2. Thiên nhĩ thông, 3. Tri tha tâm thông, 4. Túc mạng thông, 5. Thiên nhãn thông. 6. Lậu tận thông.

“Các Tỳ-kheo, đó là sáu mươi pháp, như thật không hư dối. Như Lai đã biết, rồi thuyết pháp một cách xác thực.

 

BẢY

“Lại nữa, có bảy thành pháp, bảy tu pháp, bảy giác pháp, bảy diệt pháp, bảy thối pháp, bảy tăng pháp, bảy nan giải pháp, bảy sanh pháp, bảy tri pháp, bảy chứng pháp.

“Thế nào là bảy thành pháp? Đó là bảy tài sản: tín là tài sản, giới là tài sản, tàm là tài sản, quí là tài sản, đa văn là tài sản, huệ thí là tài sản.

“Thế nào là bảy tu pháp? Đó là bảy giác chi: ở đây, Tỳ-kheo tu niệm giác chi, y vô dục, y tịch diệt, y viễn ly. Tu pháp, tu tinh tấn, tu hỷ, tu khinh an, tu định, tu xả, y vô dục, y tịch diệt, y viễn ly.

“Thế nào là bảy giác pháp? Đó là bảy trú xứ của thức: 1. Hoặc có chúng sanh với thân sai biệt, với tưởng sai biệt, tức là Chư Thiên và loài người. Đó là trú xứ thứ nhất của thức. 2. Hoặc có chúng sanh với nhiều thân khác nhau nhưng chỉ một tưởng, đó là trời Phạm chúng, kiếp sơ mới thọ sinh. Đó là trú xứ thứ hai của thức. 3. Hoặc có chúng sanh với một thân nhưng nhiều tưởng sai biệt tức là trời Quang Âm. Đó là trú xứ thứ ba của thức. 4. Hoặc có chúng sanh với một thân và một tưởng đó là trời Biến Tịnh. Đó là trú xứ thứ tư của thức. 5. Hoặc có chúng sanh trú ở không vô biên xứ. 6. Trú ở thức vô biên xứ. 7. Trú ở vô hữu xứ.[45]

“Thế nào là bảy diệt pháp? Đó là bảy tùy miên[46]: dục ái tùy miên, hữu ái tùy miên,  kiến tùy miên,  mạn tùy miên, sân nhuế tùy miên, vô minh tùy miên,  nghi tùy miên.

“Thế nào là bảy thối pháp? Đó là bảy phi pháp: ở đây, Tỳ-kheo không có tín, không có tàm, không có quí, ít học, biếng nhác, hay quên,[47] vô trí.[48]

[54c]“Thế nào là bảy tăng pháp? Đó là bảy Chánh pháp: ở đây Tỳ-kheo có tín, có tàm, có quí, đa văn, không biếng nhác, nhớ dai,[49] có trí.[50]

“Thế nào là bảy nan giải pháp? Đó là bảy chánh thiện pháp:[51] ở đây, Tỳ-kheo biết nghĩa, biết pháp, biết thời, biết đủ,  biết tiết chế, biết tập chúng, biết phân biệt người.[52]

“Thế nào là bảy sanh pháp? Đó là bảy tưởng: tưởng về sự bất tịnh của thân, tưởng về sự bất tịnh của thức ăn, tưởng về sự hết thảy thế gian không đáng ưa thích, tưởng về sự chết, tưởng về vô thường, tưởng vô thường là khổ, tưởng khổ là vô ngã.

“Thế nào là bảy tri pháp? Đó là bảy sự tinh cần:[53] tinh cần nơi giới, tinh cần diệt tham dục, tinh cần phá tà kiến, tinh cần nơi đa văn, tinh cần nơi tinh tấn, tinh cần nơi chánh niệm, tinh cần nơi thiền định.

“Thế nào là bảy chứng pháp? Đó là bảy năng lực diệt tận lậu hoặc[54]: 1. Ở đây, Tỳ-kheo lậu tận biết như thật, thấy như thật hết thảy sự tập khởi của khổ, sự diệt trừ, vị ngọt, sự tai hại, và sự xuất ly.[55] 2. Quán sát dục như hầm lửa, và cũng như đao kiếm, biết dục, thấy dục, không tham nơi dục, tâm không trụ nơi dục. 3. Tỳ-kheo lậu tận, quán sát thuận và nghịch, sau khi đã như thật giác tri, như thật thấy; tham, tật, ác bất thiện pháp của thế gian, không rò rỉ, không sinh khởi. 4. Tu tứ niệm xứ, tu tập nhiều lần, thực hành nhiều lần. 5. Tu năm căn, năm lực, 6. bảy giác chi, 8. tám Hiền Thánh đạo, tu tập nhiều lần.

“Các Tỳ-kheo, đó là bảy mươi pháp như thật không hư dối. Như Lai đã biết, rồi thuyết pháp một cách xác thực.

 

TÁM

“Lại nữa, có tám thành pháp, tám tu pháp, tám giác pháp, tám diệt pháp, tám thối pháp, tám tăng pháp, tám nan giải pháp, tám sanh pháp, tám tri pháp, tám chứng pháp.

“Thế nào là tám thành pháp? Đó lá tám nhân duyên khiến cho chưa sở đắc phạm hạnh nhưng có thể sở đắc trí[56], và nếu đã sở đắc phạm hạnh thì trí tăng trưởng. Những gì là tám? 1. Ở đây, Tỳ-kheo sống nương tựa Thế Tôn, hoặc nương tựa sư trưởng, hoặc nương tựa đồng phạm hạnh có trí tuệ, sanh tâm tàm quý, có ái, có kính. Đó là nhân duyên thứ nhất, chưa chứng đắc phạm hạnh mà chứng đắc trí; đã chứng đắc phạm hạnh thì trí tăng gia. 2. Lại nữa, sống nương tựa Thế Tôn (hoặc đồng phạm hạnh có trí),[57] tùy thời mà thưa hỏi: ‘Pháp này có ý nghĩa gì? Dẫn đến đâu?’ Khi ấy các Tôn trưởng liền mở bày cho nghĩa lý thậm thâm. Đó là nhân duyên thứ hai. 3. Sau khi nghe pháp, thân tâm an lạc, an tĩnh[58]. Đó là nhân duyên thứ ba. 4. Sau khi đã được an lạc, an tĩnh, sẽ không luận bàn những tạp luận làm chướng ngại đạo. Vị ấy đến giữa đại chúng hoặc tự mình thuyết pháp, hoặc thỉnh người khác thuyết, mà vẫn không bỏ sự im lặng của Hiền Thánh.[59] Đó là nhân duyên thứ tư. 5. Đa văn, quảng bác, ghi nhớ không quên các pháp thâm áo, thiện xảo ở khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng cuối, có nghĩa có vị, chân thật, [55a] đầy đủ phạm hạnh. Sau khi nghe thì ghi nhớ trong lòng, kiến giải không lay động.[60] Đó là nhân duyên thứ năm. 6. Tu tập tinh cần, diệt ác tăng thiện, gắng sức thực hành không bỏ pháp ấy. Đó là nhân duyên thứ sáu. 7. Bằng trí tuệ mà nhận thức pháp sanh diệt, chỗ thú hướng của Hiền Thánh, tận cùng biên tế của khổ. Đó là nhân duyên thứ bảy. 8. Quán tướng sanh và tướng diệt của năm thủ uẩn: Đây là sắc, đây là sự tập khởi của sắc, đây là sự diệt tận của sắc. Đây là thọ, tưởng, hành, thức. Đây là sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức, sự diệt tận của thọ, tưởng, hành, thức. Đó là nhân duyên thứ tám, khiến cho chưa sở đắc phạm hạnh mà sở đắc trí, nếu đã sở đắc phạm hạnh thì trí tuệ tăng trưởng.

“Thế nào là tám tu pháp? Đó là tám đạo của Hiền Thánh: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

“Thế nào là tám giác pháp? Đó là tám pháp ở đời: lợi, suy, vinh, nhục, khen, chê, khổ, lạc.

“Thế nào là tám diệt pháp? Đó là tám tà: tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định.

“Thế nào là tám thối pháp? Đó là tám pháp giải đãi. Tám pháp giải đãi là những gì? 1. Tỳ-kheo lười biếng, khất thực nhưng không được thực, bèn nghĩ: ‘Hôm nay ta khất thực dưới xóm nhưng không được thực, thân thể mệt mỏi, không đủ sức tọa thiền, kinh hành. Ta nên nghỉ ngơi.’ Tỳ-kheo lười biếng suy nghĩ như vậy và nằm nghỉ, không chịu nỗ lực để sở đắc những điều chưa sở đắc, thu hoạch những điều chưa thu hoạch, chứng những điều chưa chứng. Đó là giải đãi sự thứ nhất.

“2. Tỳ-kheo lười biếng nhận được thức ăn đầy đủ, lại nghĩ: ‘Sáng nay ta vào xóm khất thực, nhận được thức ăn và ăn quá no, thân thể nặng nề không thể tọa thiền, kinh hành. Ta nên ngủ nghỉ.’ Tỳ-kheo lười biếng liền ngủ nghỉ, không chịu nỗ lực để sở đắc những điều chưa sở đắc, thu hoạch những điều chưa thu hoạch, chứng những điều chưa chứng. Đó là giải đãi sự thứ hai.

“3. Tỳ-kheo lười biếng, giả sử có làm chút công việc, bèn suy nghĩ: ‘Ngày nay ta làm việc, thân thể mệt mỏi không thể tọa thiền, kinh hành. Ta nên ngủ nghỉ.’ Tỳ-kheo lười biếng liền ngủ nghỉ, không chịu nỗ lực để sở đắc những điều chưa sở đắc, thu hoạch những điều chưa thu hoạch, chứng những điều chưa chứng. Đó là giải đãi sự thứ ba.

“4. Tỳ-kheo lười biếng, giả sử có chút việc sẽ phải làm, bèn suy nghĩ: ‘Ngày mai ta sẽ làm việc, thân thể sẽ mệt mỏi, vậy hôm nay không thể tọa thiền, kinh hành. Ta nên nghỉ ngơi trước.’ Tỳ-kheo lười biếng liền ngủ nghỉ. Đó là giải đãi sự thứ tư.

“5. Tỳ-kheo lười biếng, giả sử có đi lại chút ít bèn suy nghĩ: ‘Sáng nay ta đi lại, thân thể mệt mỏi, không thể tọa thiền, kinh hành. Ta nên ngủ nghỉ.’ Tỳ-kheo lười biếng liền ngủ nghỉ. Đó là giải đãi sự thứ năm.

“6. Tỳ-kheo lười biếng, giả sử sẽ phải đi lại chút ít, bèn suy nghĩ: ‘Ngày mai ta sẽ phải đi lại, thân thể sẽ mệt mỏi, vậy hôm nay không thể tọa thiền kinh hành. Ta nên nghỉ ngơi trước.’ Tỳ-kheo lười biếng liền [55b] ngủ nghỉ, không chịu nỗ lực để sở đắc những điều chưa sở đắc, thu hoạch những điều chưa thu hoạch, chứng những điều chưa chứng. Đó là giải đãi sự thứ sáu.

“7. Tỳ-kheo lười biếng, giả sử gặp chút bịnh hoạn, bèn suy nghĩ: ‘Nay ta bịnh nặng, mệt nhọc gầy yếu, không thể tọa thiền, kinh hành. Ta nên ngủ nghỉ.’ Tỳ-kheo lười biếng liền ngủ nghỉ, không chịu nỗ lực để sở đắc những điều chưa sở đắc, thu hoạch những điều chưa thu hoạch, chứng những điều chưa chứng. Đó là giải đãi sự thứ bảy.

“8. Tỳ-kheo lười biếng, khi bịnh đã bớt, bèn suy nghĩ: ‘Ta khỏi bịnh chưa lâu, thân thể gầy yếu, không thể tọa thiền, kinh hành. Ta nên ngủ nghỉ.’ Tỳ-kheo lười biếng liền ngủ nghỉ, không chịu nỗ lực để sở đắc những điều chưa sở đắc, thu hoạch những điều chưa thu hoạch, chứng những điều chưa chứng. Đó là giải đãi sự thứ tám.

“Thế nào là tám tăng pháp? Đó là tám sự không biếng nhác. 1. Tỳ-kheo vào xóm khất thực nhưng không được thức ăn, bèn suy nghĩ: ‘Ta thân thể nhẹ nhàng, ít buồn ngủ, vậy ta hãy tinh tấn tọa thiền, kinh hành, để sở đắc những điều chưa sở đắc, thu hoạch những điều chưa thu hoạch, chứng những điều chưa chứng.’ Rồi Tỳ-kheo ấy liền nỗ lực. Đó là tinh tấn sự thứ nhất.

“2. Tỳ-kheo khất thực được đủ, bèn suy nghĩ: ‘Nay ta vào xóm khất thực được no đủ, khí lực sung túc, ta hãy tinh tấn tọa thiền, kinh hành, để sở đắc những điều chưa sở đắc, thu hoạch những điều chưa thu hoạch, chứng những điều chưa chứng.’ Rồi Tỳ-kheo ấy liền nỗ lực. Đó là tinh tấn sự thứ hai.

“3. Tỳ-kheo siêng năng giả sử có chút công việc phải làm, bèn suy nghĩ: ‘Ta vừa làm công việc mà bỏ phế sự hành đạo. Nay ta hãy tinh tấn tọa thiền, kinh hành, để sở đắc những điều chưa sở đắc, thu hoạch những điều chưa thu hoạch, chứng những điều chưa chứng.’ Rồi Tỳ-kheo ấy liền nỗ lực. Đó là tinh tấn sự thứ ba.

“4. Tỳ-kheo siêng năng giả sử có công việc sẽ phải làm, bèn suy nghĩ: ‘Ngày mai ta sẽ làm công việc mà bỏ phế sự hành đạo. Nay ta hãy tinh tấn tọa thiền, kinh hành, để sở đắc những điều chưa sở đắc, thu hoạch những điều chưa thu hoạch, chứng những điều chưa chứng.’ Rồi Tỳ-kheo ấy liền nỗ lực. Đó là tinh tấn sự thứ tư.

“5. Tỳ-kheo siêng năng giả sử có chút đi lại, bèn suy nghĩ: ‘Ta sáng nay đi lại mà bỏ phế sự hành đạo. Nay ta hãy tinh tấn tọa thiền, kinh hành, để sở đắc những điều chưa sở đắc, thu hoạch những điều chưa thu hoạch, chứng những điều chưa chứng.’ Rồi Tỳ-kheo ấy liền nỗ lực. Đó là tinh tấn sự thứ năm.

“6. Tỳ-kheo siêng năng giả sử sẽ phải đi lại, bèn suy nghĩ: ‘Ngày mai ta sẽ phải đi lại mà bỏ phế sự hành đạo. Nay ta hãy tinh tấn tọa thiền, kinh hành, để sở đắc những điều chưa sở đắc, thu hoạch những điều chưa thu hoạch, chứng những điều chưa chứng.’ Rồi Tỳ-kheo ấy liền nỗ lực. Đó là tinh tấn sự thứ sáu.

“7. Tỳ-kheo siêng năng giả sử bị bịnh hoạn, bèn suy nghĩ: ‘Ta nay bịnh nặng, có thể mạng chung. Nay ta hãy tọa thiền kinh hành, để sở đắc những điều chưa sở đắc, thu hoạch [55c] những điều chưa thu hoạch, chứng những điều chưa chứng.’ Rồi Tỳ-kheo ấy liền nỗ lực. Đó là tinh tấn sự thứ bảy.

“8. Tỳ-kheo siêng năng khi bịnh có chút thuyên giảm bèn suy nghĩ: ‘Ta bịnh mới khỏi, biết đâu nó tăng trở lại mà phế bỏ sự hành đạo. Nay ta hãy tinh tấn tọa thiền, kinh hành, để sở đắc những điều chưa sở đắc, thu hoạch những điều chưa thu hoạch, chứng những điều chưa chứng.’ Rồi Tỳ-kheo ấy liền nỗ lực. Đó là tinh tấn sự thứ tám.

“Thế nào là tám nan giải pháp? Đó là tám sự không thuận lợi, cản trở sự tu tập phạm hạnh[61]. Những gì là tám? 1. Như Lai, Chí Chân, xuất hiện ở đời, nói pháp vi diệu, tịch diệt, vô vi, dẫn đến đạo giác ngộ, mà có người sanh vào địa ngục. Đó là trường hợp không thuận lợi, không thể tu tập phạm hạnh. 2. Như Lai, Chí Chân xuất hiện ở đời, nói pháp vi diệu, tịch diệt, vô vi, dẫn đến đạo giác ngộ, mà có người sanh vào súc sanh ngạ quỷ, cõi trời trường thọ, biên địa vô thức, chỗ không có Phật pháp. Đó là trường hợp không thuận lợi, không thể tu tập phạm hạnh. 3. Như Lai, Chí Chân xuất hiện ở đời, nói pháp vi diệu, tịch diệt, vô vi, dẫn đến đạo giác ngộ, hoặc có người sanh ở trung ương, nhưng có tà kiến, mang tâm điên đảo, thành tựu ác hành chắc chắn vào địa ngục. Đó là trường hợp không thuận lợi, không thể tu tập phạm hạnh. 4. Như Lai, Chí Chân xuất hiện ở đời, nói pháp vi diệu, tịch diệt, vô vi, dẫn đến đạo giác ngộ, hoặc có chúng sanh sanh ở trung ương nhưng mù, 5. điếc, 6. câm, 7. ngọng, không thể nghe pháp, tu hành phạm hạnh. Đó là trường hợp không thuận lợi, không thể tu tập phạm hạnh. 8. Như Lai, Chí Chân xuất hiện ở đời, nói pháp vi diệu, tịch diệt, vô vi, dẫn đến đạo giác ngộ, hoặc có chúng sanh sanh ở trung ương, các căn đầy đủ để lãnh thọ Thánh giáo nhưng không gặp Phật, không được tu hành phạm hạnh. Đó là tám pháp không thuận lợi.

“Thế nào là tám sanh pháp? Đó là tám sự tỉnh giác của bậc đại nhân.[62] Đạo phải là ít dục; nhiều dục không phải là đạo. Đạo phải là tri túc; không biết nhàm đủ không phải là đạo. Đạo cần phải nhàn tĩnh; ưa đám đông không phải là đạo. Đạo cần phải tự chế; cười giỡn không phải là đạo. Đạo cần phải tinh tấn; biếng nhác không phải là đạo. Đạo cần phải chánh niệm; hay quên lãng không phải là đạo. Đạo cần phải tâm định; loạn ý không phải là đạo. Đạo cần phải có trí tuệ; ngu si không phải là đạo.

“Thế nào là tám tri pháp? Đó là tám trừ nhập[63]: 1. Bên trong có sắc tưởng, quán ngoại sắc ít, hoặc đẹp hoặc xấu, thường quán thường niệm. Đó là trừ nhập thứ nhất. 2. Bên trong có sắc tưởng, quán ngoại sắc vô lượng, hoặc đẹp hoặc xấu, thường quán thường niệm. Đó là trừ nhập thứ hai. 3. Bên trong không có sắc tưởng, quán ngoại sắc ít, [56a] hoặc xấu hoặc đẹp, thường quán thường niệm. Đó là trừ nhập thứ ba. 4. Bên trong không có sắc tưởng, quán ngoại sắc vô lượng, hoặc đẹp hoặc xấu, thường quán thường niệm. Đó là trừ nhập thứ tư. 5. Bên trong không sắc tưởng, quán ngoại sắc xanh, màu xanh, ánh sáng xanh, cái thấy xanh[64]. Ví như màu xanh của sen xanh. Cũng như vải ba-la-nại màu xanh, thuần nhất. Màu xanh, ánh sáng xanh, cái thấy xanh cũng được tưởng như vậy, thường quán thường niệm. Đó là trừ nhập thứ năm. 6. Bên trong không sắc tưởng, quán ngoại sắc vàng; màu vàng, ánh sáng vàng, cái thấy vàng. Ví như màu vàng của hoa vàng; vải ba-la-nại vàng. Màu vàng, ánh sáng vàng, cái thấy vàng cũng được tưởng như vậy, thường quán, thường niệm. Đó là trừ nhập thứ sáu. 7. Bên trong không sắc tưởng quán ngoại sắc đỏ. Màu đỏ, ánh sáng đỏ, cái nhìn đỏ. Ví như ba màu đỏ, vải ba-la-nại đỏ, thuần nhất màu đỏ, ánh sáng đỏ, cái nhìn đỏ, cũng được tưởng như vậy thường quán, thường niệm. Đó là trừ nhập thứ bảy. 8. Bên trong không sắc tưởng quán ngoại sắc trắng. Màu trắng, ánh sáng trắng, cái nhìn trắng. Cũng như màu trắng của hoa trắng, vải ba-la-nại trắng, thuần nhất. Cũng tưởng như vậy, màu trắng, ánh sáng trắng, cái thấy trắng, thường quán, thường niệm. Đó là trừ nhập thứ tám.

“Thế nào là tám chứng pháp? Đó là tám giải thoát. Bên trong có sắc tưởng, quán sắc: giải thoát thứ nhất. Bên trong có sắc tưởng, quán ngoại sắc: giải thoát thứ hai. Tịnh giải thoát: giải thoát thứ ba. Vượt sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng tưởng, an trú không vô biên xứ: giải thoát thứ tư. Vượt qua không vô biên xứ, an trú thức vô biên xứ: giải thoát thứ năm. Vượt qua thức vô biên xứ, an trú vô sở hữu xứ: giải thoát thứ sáu. Vượt qua vô sở hữu xứ, an trú phi tưởng phi phi tưởng xứ: giải thoát thứ bảy. Vượt phi tưởng phi phi tưởng xứ, an trú tưởng thọ diệt: giải thoát thứ tám.

“Các Tỳ-kheo, đó là tám mươi pháp như thật không hư dối. Như Lai đã biết, rồi thuyết pháp một cách xác thực.

 

CHÍN

“Lại nữa, có chín thành pháp, chín tu pháp, chín giác pháp, chín diệt pháp, chín thối pháp, chín tăng pháp, chín nan giải pháp, chín sanh pháp, chín tri pháp, chín chứng pháp.

“Thế nào là chín thành pháp? Đó là chín tịnh diệt chi[65]: giới tịnh diệt chi, tâm tịnh diệt chi, kiến tịnh diệt chi, độ nghi tịnh diệt chi, phân biệt tịnh diệt chi, đạo tịnh diệt chi, trừ tịnh diệt chi, vô dục tịnh diệt chi, giải thoát tịnh diệt chi.[66]

“Thế nào là chín tu pháp? Đó là chín gốc rễ của hỷ: 1. hỷ, 2. ái, 3. duyệt, 4. lạc, 5. định, 6. như thật tri, 7. trừ xả, 8. vô dục, 9. giải thoát.[67]

“Thế nào chín giác pháp? Đó là chín nơi cư trú của chúng sanh. 1. Hoặc có chúng sanh có nhiều thân khác nhau, với nhiều tưởng khác nhau, tức là một phần Chư Thiên và loài người. Đó là nơi cư trú thứ nhất của chúng sanh. [56b] 2. Lại có chúng sanh có nhiều thân khác nhau, nhưng với một tưởng giống nhau, tức là trời Phạm chúng lúc mới sanh thời kiếp sơ. Đó là nơi cư trú thứ hai của chúng sinh. 3. Lại có chúng sanh với một thân giống nhau, nhưng với nhiều tưởng khác nhau, tức là trời Quang Âm. Đó là nơi cư trú thứ ba của chúng sanh. 4. Lại có chúng sanh với một thân một tưởng giống nhau, tức là trời Biến Tịnh. Đó là nơi cư trú thứ tư của chúng sanh. 5. Lại có chúng sanh không có tưởng và không có giác tri, tức là trời Vô tưởng[68]. Đó là nơi cư trú thứ năm của chúng sanh. 6. Lại có chúng sanh an trú không vô biên xứ. Đó là nơi cư trú thứ sáu của chúng sanh. 7. Lại có chúng sanh an trú thức vô biên xứ. Đó là an trú thứ bảy của chúng sanh. 8. Lại có chúng sanh an trú vô sở hữu xứ. Đó là nơi cư trú thứ tám của chúng sanh. 9. Lại có chúng sanh an trú phi tưởng phi phi tưởng xứ. Đó là nơi cư trú thứ chín của chúng sanh.

“Thế nào là chín diệt pháp? Đó là chín gốc rễ của ái.[69] Nhân ái có tầm cầu. Nhân tỳm cầu có lợi. Nhân lợi có dụng. Nhân dụng có dục. Nhân dục có chấp trước. Nhân chấp trước có tật đố. Nhân tật đố có thủ. Nhân thủ có hộ.[70]

“Thế nào là chín thối pháp? Đó là chín não pháp.[71] Có người đã xâm hại ta. Nó đang xâm hại ta. Nó sẽ xâm hại ta. Nó đã xâm hại cái (người) mà ta thương yêu. Nó đang xâm hại cái (người) mà ta thương yêu. Nó sẽ xâm hại cái (người) mà ta thương yêu. Nó đã yêu kính cái (người) mà ta ghét. Nó đang yêu kính cái (người) mà ta ghét. Nó sẽ yêu kính cái (người) mà ta ghét.

“Thế nào là chín tăng pháp? Đó là chín vô não.[72] Người kia đã xâm hại ta; nghĩ vậy chẳng có ích gì: đã không sanh não, đang không sanh não, sẽ không sanh não. Nó xâm hại cái ta yêu thương; nghĩ như vậy chẳng có ích gì: đã không sanh não, đang không sanh não, sẽ không sanh não. Nó yêu thương cái ta ghét; nghĩ như vậy chẳng có ích gì: đã không sanh não, đang không sanh não, sẽ không sanh não.

“Thế nào là chín nan giải pháp? Đó là chín phạm hạnh. Nếu Tỳ-kheo có tín nhưng không trì giới, thì phạm hạnh không đầy đủ. Tỳ-kheo có tín và có giới thì phạm hạnh đầy đủ. Nếu Tỳ-kheo có tín, có giới, nhưng không có đa văn, thì phạm hạnh không đầy đủ. Tỳ-kheo có tín, có giới, có đa văn thì phạm hạnh đầy đủ. Nếu Tỳ-kheo có tín, có giới, có đa văn, nhưng không thể thuyết pháp, thì phạm hạnh không đầy đủ. Tỳ-kheo có tín, có giới, có đa văn, có thể thuyết pháp, thì phạm hạnh đầy đủ. Nếu Tỳ-kheo có tín, có giới, có đa văn, có thể thuyết pháp, nhưng không thể nuôi chúng, thì phạm hạnh không đầy đủ. Tỳ-kheo có tín, có giới, có đa văn, có thể thuyết pháp, có thể nuôi chúng, thì phạm hạnh đầy đủ. Nếu Tỳ-kheo có tín, có giới, có đa văn, có thể thuyết pháp, có thể nuôi chúng, nhưng giữa đại chúng không thể quảng diễn pháp ngôn, thì phạm hạnh không đầy đủ. Tỳ-kheo có tín, có giới, có đa văn, có thể thuyết pháp, có thể nuôi chúng, có thể quảng diễn pháp ngôn giữa đại chúng thì phạm hạnh đầy đủ. Nếu Tỳ-kheo có tín, có giới, có đa văn, có thể thuyết pháp, có thể nuôi chúng, giữa đại chúng có thể quảng diễn pháp ngôn, nhưng không chứng đắc tứ thiền, thì phạm hạnh không đầy đủ. Tỳ-kheo có tín, có giới, có đa văn, có thể thuyết pháp, có thể nuôi chúng, có thể quảng diễn pháp ngôn giữa đại chúng, lại đắc tứ thiền, thì phạm hạnh đầy đủ. Nếu Tỳ-kheo có tín, có giới, có đa văn, có thể thuyết pháp, có thể nuôi chúng, giữa đại chúng có thể quảng diễn pháp ngôn, lại chứng đắc tứ thiền, nhưng đối với tám giải thoát không thể thuận nghịch du hành, thì phạm hạnh không đầy đủ. Tỳ-kheo có tín, có giới, có đa văn, có thể thuyết pháp, có thể nuôi chúng, có thể quảng diễn pháp ngôn giữa đại chúng, lại đắc tứ thiền, đối với tám giải thoát có thể thuận nghịch an trú, thì phạm hạnh đầy đủ. Nếu Tỳ-kheo có tín, có giới, có đa văn, có thể thuyết pháp, có thể nuôi chúng, giữa đại chúng có thể quảng diễn pháp ngôn, lại chứng đắc tứ thiền, đối với tám giải thoát có thể thuận nghịch an trú, nhưng không thể diệt tận các lậu, thành vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong hiện tại mà tự thân tác chứng, sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa, thì phạm hạnh không đầy đủ. Tỳ-kheo có tín, có giới, có đa văn, có thể thuyết pháp, có thể nuôi chúng, có thể quảng diễn pháp ngôn giữa đại chúng, lại đắc tứ thiền, đối với tám giải thoát có thể thuận nghịch an trú, có thể diệt tận các lậu, thành vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong hiện tại mà tự thân tác chứng, sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa, thì phạm hạnh đầy đủ.

“Thế nào là chín sanh pháp? Đó là chín tưởng. Tưởng về sự bất tịnh, tưởng về sự bất tịnh của thức ăn, tưởng về sự hết thảy thế gian không đáng ưa thích, tưởng về sự chết, tưởng về vô thường, tưởng vô thường là khổ, tưởng khổ là vô ngã, tưởng về sự diệt tận, tưởng về vô dục.

“Thế nào là chín tri pháp? Đó là chín dị pháp. Sanh quả dị nhân quả dị, sanh xúc dị nhân xúc dị, sanh thọ dị nhân thọ dị, sanh tưởng dị nhân tưởng dị, sanh tập dị nhân tập dị, sanh dục dị nhân dục dị, sanh lợi dị nhân lợi dị, sanh cầu dị nhân cầu dị, sanh phiền não dị nhân phiền não dị.

“Thế nào là chín chứng pháp? Đó là chín thứ đệ diệt.[73] Nếu nhập sơ thiền, thì gai nhọn là âm thanh bị diệt trừ. Nhập đệ nhị thiền, thì gai nhọn là tầm và tứ [57a] bị diệt trừ. Nhập đệ tam thiền, thì gai nhọn là hỷ bị diệt trừ. Nhập đệ tứ thiền, thì gai nhọn là hơi thở ra vào bị diệt trừ. Nhập không vô biên xứ thì gai nhọn là sắc tưởng bị diệt trừ. Nhập thúc vô biên xứ thì gai nhọn là không tưởng bị diệt trừ. Nhập vô sở hữu xứ thì gai nhọn là thức tưởng bị diệt trừ. Nhập phi tưởng phi phi tưởng xứ thì gai nhọn là vô sở hữu tưởng bị diệt trừ. Nhập diệt tận định thì gai nhọn là tưởng và thọ bị diệt trừ.

“Các Tỳ-kheo, đó là chín mươi pháp như thật không hư dối. Như Lai đã biết, rồi thuyết pháp một cách xác thực.

 

MƯỜI

“Lại nữa, có mười thành pháp, mười tu pháp, mười giác pháp, mười diệt pháp, mười thối pháp, mười tăng pháp, mười nan giải pháp, mười sanh pháp, mười tri pháp, mười chứng pháp.

“Thế nào là mười thành pháp? Đó là mười pháp cứu hộ.[74] 1. Tỳ-kheo đầy đủ hai trăm năm mươi giới, đầy đủ oai nghi, thấy lỗi nhỏ nhặt sanh tâm lo sợ lớn, chân chánh thọ trì học giới[75], tâm không nghiêng lệch. 2. Có được thiện tri thức. [76]3. Ngôn ngữ trung chánh, nhẫn nhịn được nhiều điều[77]. 4. Ưa cầu thiện pháp, phân bố không tiếc lẫn.[78] 5. Các đồng phạm hạnh có việc phải làm liền đến giúp đỡ mà không lấy làm mệt nhọc, làm được những việc khó làm và cũng dạy người khác làm. 6. Nghe nhiều; nghe xong thì ghi nhớ không hề quên 7. Tinh tấn, diệt trừ bất thiện pháp, tăng trưởng thiện pháp. 8. Thường tự chánh niệm, không có tưởng khác, nhớ những hành vi thiện từ trước như thấy trước mắt. 9. Thành tựu trí tuệ, quán sự sanh diệt của các pháp, bằng pháp luật Hiền Thánh[79] mà đoạn trừ gốc khổ. 10. Vui với sự nhàn cư, chuyên niệm tư duy, ở trung gian thiền, không có đùa giỡn.

“Thế nào là mười tu pháp? Đó là mười chánh hành. Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, chánh giải thoát, chánh trí.

“Thế nào là mười giác pháp? Đó là mười sắc xứ. Nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân xứ; sắc, thanh, hương, vị, xúc xứ.

“Thế nào là mười diệt pháp? Đó là mười tà hạnh. Tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà định, tà giải thoát, tà tuệ.

“Thế nào là mười thối pháp. Đó là mười bất thiện nghiệp đạo.[80] Thân có sát, đạo, dâm, khẩu có hai lưỡi, ác khẩu, nói dối, ỷ ngữ, ý có tham lam, tật đố, tà kiến.

“Thế nào là mười tăng pháp? Đó là mười thiện hành. Thân không sát, đạo, dâm; khẩu không hai lưỡi, ác khẩu, nói dối, ỷ nggữ; ý không tham lam, tật đố, tà kiến.

“Thế nào là mười nan giải pháp? Đó là mười Hiền Thánh cư[81]. 1. Tỳ-kheo trừ diệt năm chi[82], 2. thành tựu sáu chi[83], 3. xả một chi[84], 4. y trên bốn[85], 5. diệt dị đế[86], 6. thắng diệu cầu[87], 7. không trược tưởng[88], 8. thân hành đã lập[89], 9. tâm giải thoát. 10. tuệ giải thoát.

“Thế nào là mười sanh pháp? Đó là mười trường hợp khen ngợi. Nếu Tỳ-kheo tự mình đã có được tín tâm rồi lại nói cho người khác, và cũng khen ngợi những người có được tín tâm. Tự mình đã trì giới rồi lại nói cho người khác, và cũng khen ngợi những người trì giới. Tự mình thiểu dục rồi lại nói cho người khác, và cũng khen ngợi những người thiểu dục. Tự mình tri túc rồi lại nói cho người khác và cũng khen ngợi những người tri túc. Tự mình ưa nhàn tĩnh rồi lại nói cho người khác, và cũng khen ngợi những người ưa nhàn tĩnh. Tự mình đa văn rồi lại nói cho người khác và cũng khen ngợi những người đa văn. Tự mình tinh tấn rồi lại nói cho người khác, và cũng khen ngợi những người tinh tấn. Tự mình chuyên niệm rồi lại nói cho người khác, và cũng khen ngợi những người chuyên niệm. Tự mình đắc thiền định rồi lại nói cho người khác, và cũng khen ngợi những người đắc thiền định. Tự mình đắc trí tuệ rồi lại nói cho người khác, và cũng khen ngợi những người đắc trí tuệ.

“Thế nào là mười tri pháp? Đó là mười diệt pháp[90]. Người chánh kiến có thể diệt trừ tà kiến. Và cũng diệt trừ sạch những gì là vô số ác duyên tà kiến mà khởi lên. Và cũng thành tựu những gì là vô số thiện nhân chánh kiến mà sanh khởi. Chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, chánh giải thoát, chánh trí. Người có chánh trí có thể diệt trừ tà trí, và vô số ác nhân tà trí sanh khởi cũng hoàn toàn bị diệt tận. Và vô số thiện pháp, nhân chánh trí sanh khởi, thảy đều được thành tựu.

“Thế nào là mười vô học pháp? Vô học chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, chánh giải thoát, chánh trí.

“Các Tỳ-kheo, đó là trăm pháp như thật không hư dối. Như Lai đã biết, rồi thuyết pháp một cách xác thực.”

Bấy giờ, Xá-lợi-phất được Phật ấn khả. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Xá-lợi-phất thuyết, hoan hỷ phụng hành.

 


*  第二分[12]十上經第六

[1] Chiêm-bà 瞻婆. Pl.: Campā.

[2] Già-già trì 伽伽池, Pl.: Gaggarā-pokkhara, hồ sen Gaggarā.

[3] Xem cht. 115 No 1(2).

[4]  Nguyên Hán: kỳ niên Xá-lợi-phất 耆 年 舍 利 弗. Pl.: āyasmā Sariputto.

[5] Thập thượng pháp 十上法, tức pháp thập tiến. Pl.: dasuttara-dhamma.

[6] Trong bản: nê-hoàn 泥 洹.

[7] Thành pháp 成法, Pl. dhammo bahukāro (phấp đa sở tác), pháp đem lại nhiều lợi ích; tu pháp 修法, bhāvitabbo (ưng tu), cần phải tu tập; giác pháp 覺法, pariññeyyo (ưng biến tri), cần được nhận thức toàn diện; diệt pháp 滅法, pahātabbo (ưng đoạn), cần phải loại trừ; thối pháp 退法, hānabhāgiyo (thuận thối phần), dẫn đến thoái hóa; tăng pháp 增法, visesabhāgiyo (thắng tiến phần), dẫn đến sự thăng tiến; nan giải pháp 難解法, duppativijjho (nan giải), khó hiểu; sanh pháp 生法, uppādetabbo (ưng sanh pháp) , cần phải làm cho phát sanh; tri pháp 知法, abhiññeyyo (ưng thắng tri), cần được chứng tri; chứng pháp 證法, sacchikātabbo (ưng tác chứng), cần được chứng nghiệm. Cf. D 34 (iii 272);  No 13: hành giả 行者, khả tư duy 可思惟, khả thức 可識, khả khí 可棄, khả trước ý 可著意, đa tác 多作, nan thọ 難受, khả thành 可成, đương tri 當知, đương chứng 當證; (thứ tự không tương ứng).

[8] Hữu lậu xúc 有 漏 觸; D 34.: phasso sāsavo upādāniyo, xúc có tính chất hữu lậu dẫn đến chấp thủ (hữu lậu thủ).

[9] Bất ố lộ quán 不惡露觀 (?). Pl.: ayoniso manasikāro, không như lý tác ý. Có lẽ bản Hán hiểu yoniso phái xuất từ yoni: tử cung, hay âm hộ, thay vì nghĩa triệt để hay căn bản. Trong các kinh khác, ố lộ được hiểu là bất tịnh: cf. No 26 (56), (86); No 99(809); No 125(iv. 1, v.5),  

[10] Ố lộ quán 惡露觀. (? xem cht. 8 trên) Pl.: yoniso manasikāra: như lý tác ý.

[11]  Vô gián định 無間定; Pl.: ānantariko cetosāmadhi, vô gián tâm định.

[12] Hữu lậu giải thoát 有漏解脫; D 34.: akuppam ñānam: bất động trí.

[13] Vô ngại tâm giải thoát 無礙心解脫; Pl.: akuppā cetovimutti, bất động tâm giải thoát.

[14] D 34.: sati ca sampajaññañca, chánh niệm và chánh tri.

[15] Pāli: dovocassatā ca pāpa-mittatā, ác ngôn và ác hữu.

[16] Thị xứ phi xứ 是處非處. D 34: saṅkhatā dhātu ca asaṇkhatā dhātu ca, hữu vi giới và vô vi giới.

[17] Pháp pháp thành tựu 法 法 成 就; Pl.: dhammānudhammappatipatti.

[18]. Để bản, ba tam-muội:      Không, vô tướng, vô tác 空無相無作; nhưng TNM: hữu giác hữu quán tam muội 有覺有觀三昧, vô giác hữu quán tam-muội 無覺有觀三昧, vô giác vô quán tam-muội 無覺無觀三昧. D 34: tayo  samādhī– savitakko savicāro samādhi, avitakko savicāro samādhi, avitakko avicāro samādhi.

[19] Hiền Thánh nan giải 賢聖難解, văn pháp nan giải 聞法難解, Như Lai nan giải  如來難解; TNM: tam-ma-đề tướng nan giải 三摩提相難解, khó hiểu về dấu hiệu của sự nhập định; tam-ma-đề trú tướng nan giải 三摩提住相難解, khó hiểu về dấu hiệu an trú trong định;  tam-ma-đề khởi tướng nan giải 三摩提起相難解, khó hiểu về dấu hiệu xuất định; D 34: tisso nissaraṇiyā dhātuyo: kāmānam etaṃ nissaraṇaṃ yaD.i.daṃ nekkhammaṃ, rūpānam etaṃ nissaraṇaṃ yaD.i.daṃ arūpaṃ, yaṃ kho pana kiñca bhūtaṃ saṅkhataṃ paṭiccasamuppannaṃ nirodho tassa nissaraṇaṃ: ba pháp khó thể nhập: ba xuất ly giới: viễn ly, tức xuất ly dục; vô sắc, tứcxuất ly sắc; diệt, tức xuất ly những gì là tồn tại, hữu vi, duyên khởi.

[20] TNM, ba tướng: không, vô tướng, vô tác 空無相無作. D 34: tīṇi ñāṇāni: atītaṃse ñāṇaṃ, anāgataṃse ñāṇaṃ, paccuppannaṃse ñāṇaṃ: ba trí: quá khứ trí, vị lai trí, hiện tại trí.

[21] D 34  đặt 3 xuất ly giới này vào loại pháp khó hiểu khó thể nhập (duppaṭivijjhā).

[22] Tứ luân 四輪. D 34: cattāri cakkāni, bốn bánh xe.

[23] D 34: paṭirūpadesavāso: sống ở địa phương thích hợp.

[24] Tự cẩn thận 自謹慎; TNM: túc tằng phát tinh nguyện 宿曾發精願, ước nguyện đã phát từ đời trước.D 34: attasammāpaṇidhi, tự chánh nguyện.

[25] Nguên Hán: tứ thọ 四受, đây chỉ 4 chấp thủ. D 34: cattāro oghā, 4 bộc lưu.  

[26] Tứ ách 四扼; Pl.: cattāro yogā.

[27] Bôn vô ách, tức bốn ly hệ; xem kinh Chúng tập No 1(9) trên. D 34: cattāro visaṃyogo.

[28] Bốn Thánh đế, trong D 34 thuộc 4 pháp cần nhận thức toàn diện. Bốn nan giải, trong bản D 34: cattāro samādhi: hānabhāgiyo samādi, ṭhitibhāgiyo samādhi, visesabhāgiyo samādhi nibbedhabhāgiyo samādhi: bốn định: thuận thối phần hay xả phần định, thuận trú phần hay chỉ phần định, thuận thắng tiến phần hay thắng phần định, thuận quyết trạch phần định.

[29] Bốn trí 四智. D 34: cattāri ñāṇāni: dhamme ñāṇaṃ, anvaye ñāṇaṃ, pariye ñāṇaṃ, sammutiyā ñāṇaṃ, pháp trí, loại trí, tha tâm trí, thế tục trí.

[30] TNM: tri tiểu, tri đại, tri vô lượng, tri vô biên pháp 知小知大知無量知無邊法.-Bản Pl.: katame cattāro dhammā abhiññeyyā ? Cattāri ariyasaccāni, bốn pháp cần nhận thức toàn diện là gì ? Đó là bốn Thánh đế.

[31] Diệt tận chi 滅 盡 支, D34: padhāniyaṅga (padhānaṅga), tinh cần chi. Xem kinh Chúng tập No 1(9) trên.

[32] Văn đoạn này so với mục năm pháp trong kinh Chúng tập có hơi khác. Có những chữ thừa trong kinh Chúng tập.

[33] D 34: dhammā bhāvetabbā: pañcaṅgiyo sammā samādhi, phấp cần tu: chánh định có 5 chi.

[34] Tâm ngại kết: tâm xơ cứng. No 1536: ngũ tâm tài 五心栽. D 34: cetokhīla.

[35] Ngũ hỷ bổn 五喜本: duyệt 悅, niệm 念, ỷ 猗, lạc 樂, định 定. D34: pañcindriyāni: saddhindriyaṃ, viriyindriyaṃ, satindriyaṃ, samādhindriyaṃ, paññindriyaṃ, năm căn: tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn.  

[36] Giải thoát nhập 解脫入. No. 1536: ngũ giải thoát xứ 五解脫處. kinh Chúng tập No 1(9), hỷ giải thoát nhập 喜解脫入. D 34: 5 giải thoát xứ (pañca vimuttāyatāni) thuộc pháp cần nhận thức toàn diện (abhiññeyya); thuộc năm nan giải pháp là xuất ly giới (duppaṭivijjha) tức 5 tri pháp trong bản Hán.

[37] Sanh nội ngoại trí 生 內 外 智. Pl.: paccattam ñānam upajjato: “Nội tâm khởi lên nhận thức như thế.”

[38] D 34: ariyo nirāmiso, ( loại tam muội đang được tu này) là Thánh, là phi vật dục.

[39] Nguyên Hán: ỷ, tịch diệt tướng, độc nhi vô lữ, nhi sanh nội ngoại trí 猗滅相獨而無侶而生內外智. Pl.: ayaṃ samādhi santo paṇīto paṭippassaddhaladdho ekodhibhāvādhigato, định này tịch tĩnh, vi diệu, đưa đến chỗ an ổn, đạt đến trạng thái chuyên nhất.

[40] Ngũ vô học tụ 五無學聚; Pl.: pañca dhammakkhandhā, 5 pháp uẩn, hay pháp tụ.

[41] Lục trọng pháp 六 重 法. No 1536: lục khả hỷ pháp 六可喜法. D 34: cha sārāṇīyā dhammā, sáu pháp khả niệm, hay hòa kính.

[42] Độc hành vô tạp 獨行無雜. Pl.: sāmaggiyā ekobhāvāya saṃvattati, đưa đến sự hòa hợp, nhất trí.

[43] Lục đẳng pháp 等法. No 1536: sáu hằng trụ 六恒住 . D 34: cha satata-vihārā.

[44] Xem kinh Chúng tập, No 1(9) trên.

[45] Xem kinh Chúng tập, No 1(9) trên.

[46] Nguyên Hán: sử 使.         Pl.: ānusayā.  

[47] Pl.: muṭṭha, thất niệm.

[48] Pl.: duppaññā, ác tuệ.

[49] Cường ký 強記. Pl.: upaṭṭhitassati, niệm hiện tiền (chánh niệm)

[50] Pl.: paññavā, cụ tuệ.

[51] D 34: satta  sappurisadhammā, bảy thượng nhân pháp (thiện sỹ pháp).

[52] Cf. No 26(1).

[53] D 34:  satta   niddasavatthūni, bảy thù diệu sự.

[54] Thất lậu tận lực 七漏盡力. D 34: satta khiṇāsava-balāni, bảy lậu tận lực.

[55] Cf. D 34: (…) aniccato sabbe saṅkhārāyathābhūtaṃ  sammappaññāya (..), bằng chánh trị, như thật quán hết thảy các hành vô thường.

[56] D 34: ādibrahmacariyikāya paññāya appaṭiladdhāya paṭilābhāya… nếu chưa chứng đắc trí tuệ thuộc căn bản phạm hạnh, thì sẽ đưa đến chứng đắc.

[57] Trong ngoặc, không có trong bản hán. Y theo D 34 thêm vào cho đủ nghĩa.

[58] D 34: thành tựu 2 viễn ly nhàn tĩnh: thân viên ly và tâm viền ly (kāyavūpakāsena  ca  cittavūpakāsena  ca).

[59] D 34: Tỳ kheo cụ giới, thủ hộ biệt giải thoát luật nghi…

[60] Kiến bất lưu động 見不流動. D 34: diṭṭhiyā suppaæividdhā, kiến giải thông đạt.

[61].     Bát bất nhàn phương tu phạm hạnh 八 不 閑 妨 修 梵 行; Pl.: aṭṭha akkhanā asamayā brahmacariya-vāsāya: tám trường hợp trái thời trái tiết đối với đời sống phạm hạnh.

[62] Bát đại nhân giác 八大人覺. D 34: aṭṭha mahāpurisavitakkā, tám suy niệm của bậc đại nhân.

[63] Bát trừ nhập 八除入 (bát bội xả 八背捨) No. 1536:  bát thắng xứ 八勝處. Pl.: attha abhibhāyatanāni.

[64] Thanh sắc, thanh quang, thanh kiến 青色青光青見. No. 1536: thanh hiển, thanh hiện, thanh quang 青顯青現青光. Pl.: nīlavannāni nīladassanāni nīlabhāsāni.

[65]  Tịnh diệt chi 淨滅支. D 34: parisuddhipadhāniyaṅga, thành phần cần nỗ lực để thanh tịnh: biến tịnh tinh cần chi. Chín pháp này, trong D. 34 thuộc về các pháp cần tu tập (bhāvetabhā).

[66] Liệt kê của D 34: sīla (giới), citta (tâm), diṭṭhi (kiến), kaṅkhāvitaraṇa (đoạn nghi), maggāmaggañānadassana (đạo phi đạo tri kiến), paṭipadāñānadassana (đạo tích tri kiến), ñāṇadassana (tri kiến), paññā (tuệ), vimutti (giải thoát).

[67] Không thấy tương đương trong D. 34.

[68] Vô tưởng vô sở giác tri 無 想 無 所 覺 知; No. 1536: vô tưởng vô biệt tưởng 無想無別 想. Pl.: asaññino appaṭīsamvedino.

[69] Pl. taṇhāmūlakā, ái căn,

[70] Hán: ái 愛, cầu 求, lợi 利, dụng 用, dục, trước 著, tật 嫉, thủ 守, hộ 護. Liệt kê Pl.: taṇhaā, pariyesanā, lābho, vinicchayo, chandarāgo, ajjhosānaṃ, pariggaho, macchariyaṃ, ārakkho.

[71] Não pháp惱法. Pl.: āghātavatthu, hiềm hận sự.

[72] Pl.: āghātapaṭininaya, điều phục hiềm hận (hại tâm).

[73]  Cửu tận 九盡. Pl.: nava anupubbanirodhā, chín sự diệt tận theo thứ tự.

[74] Cứu pháp救法 Pl.: nāthakaraṇa: tác nhân che chở.

[75] Nguyên Hán: bình đẳng học giới 平等學戒. D 34: samādāya sikkhati sikkhapa  desu, sau khi thọ lãnh, tu học trong các học xứ.

[76] D 34: thứ hai, Tỳ kheo đa văn; thứ ba: Tỳ kheo là thiện hữu…

[77] Đa sở hàm thọ 多所含受. D 34: điều 4, Tỳ kheo thiện ngôn và kham nhẫn thiên ngôn.

[78] Tỳ kheo tri túc…

[79] D 34: āriyāya nibbedhikāya, bằng Thánh quyết trạch.

[80]. Nguyên Hán: Thập bất thiện hành tích 十不善行跡. Pl.: dasa akusalakammapathā.

[81] Mười thánh cư; Pl.: dasa ariyavāsā.

[82]. Tức diệt năm triền cái.

[83] Tức thành tựu sự chế ngự sáu căn môn.

[84] Pl.: ekārakho (…) satārakkhena cetasā samannāgato, một hộ trì, thành tựu sự hộ trì, tức chuyên niệm không xao lãng. Eka (một) + ārakkha (thủ hộ), bản Hán: eka+ arakkha: không thủ hộ= xả.

[85] Tứ y 四依, No. 1536: tư trạch một pháp cần viễn ly, một pháp cần thọ dụng, một pháp cần trừ khử, một pháp cần nhẫn thọ. Pl.: caturāpasseno: sankhāyekam paṭisevati, adhivāseti, parivajjeti, vinodeti, sau khi tư duy, thọ dụng một pháp, nhẫn thọ (một pháp), viễn ly (một pháp), trừ khử (một pháp).

[86] Diệt dị đế 滅異諦; Pl.: paṇunnapaccekasacco, loại trừ thiên kiến, tức giáo điều cố chấp của ngoại đạo.

[87] Thắng diệu cầu 勝妙求; Pl.: samavayasaṭṭhesana: đoạn tận các dục cầu.

[88] Vô trược tưởng; Pl.: anāvilasankappo, tư duy không ô trược.

[89] Thân hành dĩ lập 身行已立; Pl.; passaddhakāyasaṅkhāro, thân hành khinh an.

[90] Thập diệt pháp 十滅法; dasa nijjaravatthūni, mười cơ sở diệt trừ.

11. Kinh tăng nhất

11. KINH TĂNG NHẤT[1]

[57b26] Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại nước Xá-vệ, rừng cây Kỳ-đà, vườn Cấp cô độc, cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người.

Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nay Ta sẽ nói pháp cho các ngươi nghe; pháp vi diệu, khoảng đầu, khoảng giữa, khoảng cuối thảy đều chân chánh, có đầy đủ nghĩa và vị, phạm hạnh thanh tịnh. Đó là pháp tăng nhất. Các ngươi hãy lắng nghe, hãy suy ngẫm kỹ! Ta sẽ giảng thuyết.”

Các Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe. Phật nói với các Tỳ-kheo:

“Pháp tăng nhất ấy là, một thành pháp, một tu pháp, một giác pháp, một diệt pháp, một chứng pháp.

“Thế nào là một thành pháp? Đó là: không bỏ các pháp thiện.

“Thế nào là một tu pháp? Đó là: thường tự niệm thân.

“Thế nào là một giác pháp? Đó là: xúc hữu lậu.

“Thế nào là một diệt pháp? Đó là: ngã mạn.

“Thế nào là một chứng pháp? Đó là: vô ngại tâm giải thoát.

“Lại nữa, có hai thành pháp, hai tu pháp, hai giác pháp, hai diệt pháp, hai chứng pháp.

“Thế nào là hai thành pháp? Biết tàm và biết quí.

“Thế nào là hai tu pháp? Chỉ và quán.

“Thế nào là hai giác pháp? Danh và sắc.

“Thế nào là hai diệt pháp? Vô minh và hữu ái.

“Thế nào là hai chứng pháp? Minh và giải thoát.

“Lại nữa, có ba thành pháp, ba tu pháp, ba giác pháp, ba diệt pháp, ba chứng pháp.

“Thế nào là ba thành pháp? 1. Thân cận thiện hữu, 2. Tai nghe pháp âm, 3. Thành tựu pháp tùy pháp.

“Thế nào là ba tu pháp? Đó là ba tam-muội: không tam-muội, vô tướng tam-muội, vô nguyện tam-muội[2].

“Thế nào là ba giác pháp? Đó là ba thọ: khổ thọ, lạc thọ, phi khổ phi lạc thọ.

“Thế nào là ba diệt pháp? Đó là ba ái: dục ái, hữu ái, vô hữu ái.

“Thế nào là ba chứng pháp? Đó là ba minh: túc mạng trí, thiên nhãn trí và lậu tận trí.

“Lại nữa, có bốn thành pháp, bốn tu pháp, bốn giác pháp, bốn diệt pháp, bốn chứng pháp.

“Thế nào là bốn thành pháp? Đó là luân pháp: 1. Sống ở trung ương của đất nước, 2. Gần thiện hữu, 3. Tự cẩn thận, 4. Có gốc rễ thiện đã được trồng từ đời trước.

“Thế nào là bốn tu pháp? Đó là bốn niệm xứ: Tỳ-kheo quán thân trên nội thân, tinh cần không biếng nhác, ức niệm không quên, trừ tham ưu ở đời. Quán thân trên ngoại thân, tinh cần không biếng nhác, ức niệm không quên, trừ tham ưu ở đời. Quán thân trên nội ngoại thân, tinh cần không biếng nhác, ức niệm không quên, trừ tham ưu ở đời. 2. Quán thọ, 3. Quán tâm, 4. Quán pháp cũng như vậy.

“Thế nào là bốn giác pháp? Đó là bốn loại thực phẩm: đoạn thực, xúc thực, ý tư thực, thức thực.

“Thế nào là bốn diệt pháp? Đó là bốn thủ: dục thủ, ngã ngữ thủ, giới cấm thủ, và kiến thủ.

“Thế nào là bốn chứng pháp? Đó là bốn Sa-môn quả: Tu-đà-hoàn quả, Tư-đa-hàm quả, A-na-hàm quả, A-la-hán quả.

“Lại nữa, có năm thành pháp, năm tu pháp, năm giác pháp, năm diệt pháp, năm chứng pháp.

“Thế nào là năm thành pháp? Đó là năm tinh cần chi[3]: 1. Tin Phật, Như Lai, Chí Chân, mười hiệu thành tựu. [58a] 2. Không bệnh, thân thường an ổn. 3. Chất trực, không dua xiểm, hướng thẳng đến con đường dẫn đến Niết-bàn của Như Lai. 4. Chuyên tâm không tán loạn, đọc cũng không quên lãng. 5. Khéo léo quán sát sự sinh diệt của pháp, bằng thực hành của Hiền Thánh mà diệt tận gốc rễ khổ.

“Thế nào là năm tu pháp? Đó là năm căn: tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, và tuệ căn.

“Thế nào là năm giác pháp? Đó là năm thủ uẩn: sắc thủ uẩn, thọ, tưởng, hành thức thủ uẩn.

“Thế nào là năm diệt pháp? Đó là năm cái: tham dục cái, sân nhuế cái, thụy miên cái, trạo hối cái, và nghi cái.

“Thế nào là năm chứng pháp? Đó là năm tụ vô học: tụ vô học giới, tụ vô học định, tụ vô học tuệ, tụ vô học giải thoát, tụ vô học giải thoát tri kiến.

“Lại nữa có sáu thành pháp, sáu tu pháp, sáu giác pháp, sáu diệt pháp, sáu chứng pháp.

“Thế nào là sáu thành pháp? Đó là sáu pháp tôn trọng: Nếu có Tỳ-kheo tu sáu pháp tôn trọng, đáng kính, đáng trọng, hòa hợp với chúng không có tranh tụng, hiêp nhất, không hỗn tạp. Những gì là sáu? 1. Ở đây, Tỳ-kheo thân thường hành từ, kính đồng phạm hạnh, sống với tâm nhân ái. Đó gọi là pháp, tôn trọng, đáng kính, đáng trọng, hòa hợp với chúng, không có tranh tụng, hiệp nhất, không tạp. 2-4. Lại nữa, Tỳ-kheo khẩu hành từ, ý hành từ; được vật lợi dưỡng đúng pháp và những thức ăn ở trong bát cũng đều đem chia cho đồng phạm hạnh khác dùng chung, không phân biệt đây kia. 5. Lại nữa, Tỳ-kheo, đối với đối với đồng phạm hạnh, khéo thọ trì đầy đủ giới mà bậc thánh hành trì, không phạm, không hủy, không nhiễm ô, được bậc trí khen ngợi, thành tựu tâm định. 6. Cùng với các đồng phạm hạnh, thành tựu chánh kiến dẫn đến sự xuất yếu của hiền thánh, chân chánh diệt tận khổ, đó gọi là pháp tôn trọng, đáng kính đáng trọng, hòa hợp với chúng, không có tranh tụng, độc hành không hỗn tạp.

“Thế nào là sáu tu pháp? Đó là sáu tu niệm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí, niệm thiên.

“Thế nào là sáu giác pháp? Đó là sáu nội xứ: nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, thân xứ, ý xứ.

“Thế nào là sáu diệt pháp? Đó là sáu ái thân: sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái, xúc ái, pháp ái.

“Thế nào là sáu chứng pháp? Đó là sáu thần thông: 1. Thần túc thông chứng, 2. Thiên nhĩ thông chứng, 3. Tri tha tâm thông chứng, 4. Túc mạng thông chứng, 5. Thiên nhãn thông chứng. 6. Lậu tận thông chứng.

“Lại nữa, có bảy thành pháp, bảy tu pháp, bảy giác pháp, bảy diệt pháp, bảy chứng pháp.

“Thế nào là bảy thành pháp? Đó là bảy tài sản: tín là tài sản, giới là tài sản, tàm là tài sản, quí là tài sản, đa văn là tài sản, huệ thí là tài sản.

“Thế nào là bảy tu pháp? Đó là bảy giác chi: ở đây, Tỳ-kheo [58b] tu niệm giác chi, y vô dục, y tịch diệt, y viễn ly. Tu pháp, tu tinh tấn, tu hỷ, tu khinh an, tu định, tu xả, y vô dục, y tịch diệt, y viễn ly.

“Thế nào là bảy giác pháp? Đó là bảy trú xứ thức: Hoặc có chúng sanh với nhiều thân khác nhau, nhiều tưởng khác nhau, đó là một phần chư thiên và lòai người vậy. Đó là thức trú thứ nhất. Lại có chúng sanh, với nhiều thân khác nhau nhưng một tưởng, đó là trời Phạm chúng lúc mới sanh thời kiếp sơ. Đó là thức trú thứ hai. Lại có chúng sanh với một thân nhưng nhiều tưởng khác nhau, đó là trời Quang Âm. Đó là thức trú thứ ba. Lại có chúng sanh với một thân và một tưởng giống nhau, đó là trời Biến Tịnh. Đó là thức trú thứ tư. Lại có chúng sanh trú không vô biên xứ. Đó là thức trú thứ năm. Lại có chúng sanh trú ở thức vô biên xứ. Đó là thức trú thứ sáu. Hoặc trú vô sở hữu xứ. Đó là thức trú thứ bảy.

“Thế nào là bảy diệt pháp? Đó là bảy tùy miên: tùy miên dục ái, tùy miên hữu ái, tùy miên kiến, tùy miên mạn, tùy miên sân nhuế, tùy miên vô minh, tùy miên nghi.

“Thế nào là bảy chứng pháp? Đó là bảy năng lực diệt tận lậu hoặc: ở đây, Tỳ-kheo, đối với hết thảy khổ, sự tập khởi của khổ, sự diệt trừ, vị ngọt, sự tai hại, và sự xuất ly của khổ mà biết như thật, thấy như thật; quán sát dục như hầm lửa, và cũng như đao kiếm, biết dục, thấy dục, không tham nơi dục, tâm không trụ nơi dục. Ở trong đó lại khéo quán sát; sau khi đã như thật giác tri, như thật thấy, tham, tật, ác bất thiện pháp của thế gian không rò rỉ, không sinh khởi. Tu tứ niệm xứ, tu tập nhiều lần, thực hành nhiều lần. Tu năm căn, năm lực, bảy giác chi, tám Hiền Thánh đạo, tu tập nhiều lần, thực hành nhiều lần.

“Lại nữa, có tám thành pháp, tám tu pháp, tám giác pháp, tám diệt pháp, tám chứng pháp.

“Thế nào là tám thành pháp? Đó là tám nhân duyên khiến cho chưa sở đắc phạm hạnh nhưng có thể sở đắc trí, và nếu đã sở đắc phạm hạnh thì trí tăng trưởng. Những gì là tám? Ở đây, Tỳ-kheo sống nương tựa Thế Tôn, hoặc nương tựa sư trưởng, hoặc nương tựa đồng phạm hạnh có trí tuệ, sanh tâm tàm quý, có ái, có kỉnh. Đó là nhân duyên thứ nhất, khiến cho chưa đắc phạm hạnh mà chứng đắc trí; nếu đắc phạm hạnh rồi thì trí tăng trưởng. Lại nữa, nương tựa Thế Tôn (hoặc đồng phạm hạnh), tùy thời mà thưa hỏi: ‘Pháp này có ý nghĩa gì? Dẫn đến đâu?’, khi ấy các Tôn trưởng liền mở bày cho nghĩa lý thậm thâm. Đó là nhân duyên thứ hai. Sau khi nghe pháp thân tâm an lạc, an tĩnh. Đó là nhân duyên thứ ba. Không luận bàn những tạp luận vô ích làm chướng ngại đạo; vị ấy đến giữa đại chúng, hoặc tự mình thuyết pháp, hoặc thỉnh người khác thuyết, mà vẫn không bỏ sự im lặng của Hiền Thánh. Đó là nhân duyên thứ tư. Đa văn, quảng bác, ghi nhớ không quên các pháp thâm áo, thiện xảo ở khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng cuối, [58c] có nghĩa có vị, chân thật, đầy đủ phạm hạnh. Sau khi nghe thì ghi nhớ trong lòng, kiến giải không lay động. Đó là nhân duyên thứ năm. Tu tập tinh cần, diệt ác tăng thiện, gắng sức thực hành không bỏ pháp ấy. Đó là nhân duyên thứ sáu. Bằng trí tuệ mà nhận thức pháp sanh diệt, chỗ thú hướng của Hiền Thánh, tận cùng biên tế của khổ. Đó là nhân duyên thứ bảy. Quán tướng sanh và tướng diệt của năm thủ uẩn: Đây là sắc, đây là sự tập khởi của sắc, đây là sự diệt tận của sắc. Đây là sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức, sự diệt tận của thọ, tưởng, hành, thức. Đó là nhân duyên thứ tám, khiến cho chưa sở đắc phạm hạnh mà sở đắc trí, nếu đã sở đắc phạm hạnh thì trí tuệ tăng trưởng.

“Thế nào là tám tu pháp? Đó là tám con đường của Hiền Thánh: chánh kiến, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

“Thế nào là tám giác pháp? Đó là tám pháp ở đời: lợi, suy, vinh, nhục, khen, chê, khổ, lạc.

“Thế nào là tám diệt pháp? Đó là tám tà: tà kiến, tà tư, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định.

“Thế nào là tám chứng pháp? Đó là tám giải thoát. Bên trong có sắc tưởng, quán sắc: giải thoát thứ nhất. Bên trong có sắc tưởng, quán ngoại sắc: giải thoát thứ hai. Tịnh giải thoát: giải thoát thứ ba. Vượt sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, an trú không vô biên xứ: giải thoát thứ tư. Vượt qua không vô biên xứ, an trú thức vô biên xứ: giải thoát thứ năm. Vượt qua thức vô biên xứ, an trú vô sở hữu xứ: giải thoát thứ sáu. Vượt qua vo sở hữu xứ, an trú phi tưởng phi phi tưởng xứ: giải thoát thứ bảy. Vượt phi tưởng phi phi tưởng xứ, an trú tưởng thọ diệt: giải thoát thứ tám.

“Lại nữa, có chín thành pháp, chín tu pháp, chín giác pháp, chín diệt pháp, chín chứng pháp.

“Thế nào là chín thành pháp? Đó là chín tịnh diệt chi: giới tịnh diệt chi, tâm tịnh diệt chi, kiến tịnh diệt chi, độ nghi tịnh diệt chi, phân biệt tịnh diệt chi, đạo tịnh diệt chi, trừ tịnh diệt chi, vô dục tịnh diệt chi, giải thoát tịnh diệt chi.

“Thế nào là chín tu pháp? Đó là chín gốc rễ của hỷ: 1. hỷ, 2. ái, 3. duyệt, 4. lạc, 5. định, 6. như thật tri, 7. trừ xả, 8. vô dục, 9. giải thoát.

“Thế nào chín giác pháp? Đó là chín chúng sanh cư. 1. Hoặc có chúng sanh có nhiều thân khác nhau, với nhiều tưởng khác nhau, tức là một phần chư Thiên và loài Người. Đó là nơi cư trú thứ nhất của chúng sanh. 2. Lại có chúng sanh có nhiều thân khác nhau, nhưng với một tưởng giống nhau, tức là trời Phạm chúng lúc mới sanh thời kiếp sơ. Đó là cư trú thứ hai của chúng sinh. 3. Lại có chúng sanh với một thân giống nhau, nhưng với nhiều tưởng khác nhau, tức là trời Quang Âm. Đó là cư trú thứ ba của chúng sanh. 4. Lại có chúng sanh với một thân một tưởng giống nhau, tức là trời Biến Tịnh. Đó là cư trú thứ tư của chúng sanh. 5. Lại có chúng sanh không có tưởng và không có giác tri, tức là trời Vô tưởng. Đó là cư trú thứ năm của chúng sanh. 6. Lại có chúng sanh [59a] an trú hư không vô biên xứ. Đó là cư trú thứ sáu của chúng sanh. 7. Lại có chúng sanh an trú thức vô biên xứ. Đó là an trú thứ bảy của chúng sanh. 8. Lại có chúng sanh an trú vô sở hữu xứ. Đó là cư trú thứ tám của chúng sanh. 9. Lại có chúng sanh an trú phi tưởng phi phi tưởng xứ. Đó là cư trú thứ chín của chúng sanh.

“Thế nào là chín diệt pháp? Đó là chín gốc rễ của ái. Nhân ái có tầm cầu. Nhân cầu có lợi. Nhân lợi có dụng. Nhân dụng có dục. Nhân dục có chấp trước. Nhân trước có tật đố. Nhân tật có thủ. Nhân thủ có hộ.

“Thế nào là chín chứng pháp? Đó là chín thứ đệ diệt. Nếu nhập sơ thiền, thì gai nhọn là âm thanh bị diệt trừ. Nhập đệ nhị thiền, gai nhọn là tầm và tứ bị diệt trừ. Nhập đệ tam thiền, gai nhọn là hỷ bị diệt trừ. Nhập đệ tứ thiền, gai nhọn là hơi thở ra vào bị diệt trừ. Nhập không vô biên xứ, gai nhọn là sắc tưởng bị diệt trừ. Nhập thức vô biên xứ, gai nhọn là không tưởng bị diệt trừ. Nhập vô sở hữu xứ, gai nhọn là thức tưởng bị diệt trừ. Nhập phi tưởng phi phi tưởng xứ, gai nhọn là vô sở hữu tưởng bị diệt trừ. Nhập diệt tận định, gai nhọn là tưởng và thọ bị diệt trừ.

“Lại nữa, có mười thành pháp, mười tu pháp, mười giác pháp, mười diệt pháp, mười chứng pháp.

“Thế nào là mười thành pháp? Đó là mười cứu hộ pháp. 1. Tỳ-kheo đầy đủ hai trăm năm mươi giới, đầy đủ oai nghi, thấy lỗi nhỏ nhặt sanh tâm lo sợ lớn, chân chánh học giới, tâm không nghiêng lệch. 2. Có được thiện tri thức. 3. Ngôn ngữ trung chánh, nhẫn nhịn được nhiều điều. 4. Ưa cầu thiện pháp, phân bố không tiếc lẫn. 5. Các đồng phạm hạnh có việc phải làm liền đến giúp đỡ không lấy làm mệt nhọc, làm được những việc khó làm và cũng dạy người khác làm. 6. Nghe nhiều; nghe xong thì ghi nhớ không hề quên. 7. Tinh tấn, diệt trừ bất thiện pháp, tăng trưởng thiện pháp. 8. Thường tự chuyên niệm, không có tưởng khác, nhớ những hành vi thiện từ trước như thấy trước mắt. 9. Thành tựu tri tuệ, quán sự sanh diệt của các pháp, bằng pháp luật Hiền Thánh mà đoạn trừ gốc khổ. 10. Vui với sự nhàn cư, chuyên niệm tư duy, ở trung gian thiền, không có đùa giỡn.

“Thế nào là mười tu pháp? Đó là mười chánh hạnh. Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, chánh giải thoát, chánh tri.

“Thế nào là mười giác pháp? Đó là mười sắc xứ. Nhãn nhập, nhĩ, tỉ, thiệt, thân nhập; sắc, thanh, hương, vị, xúc nhập.

“Thế nào là mười diệt pháp? Đó là mười tà hạnh. Tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định, tà giải thoát, tà trí.

“Thế nào là mười chứng pháp? Đó là mười vô học pháp. Vô [59b] học chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, chánh giải thoát, chánh trí.

“Các Tỳ-kheo, đó tăng nhất pháp. Ta nay đã nói cho các ngươi pháp như vậy. Ta, Như Lai, đã làm đầy đủ những điều cần làm cho đệ tử. Với lòng thương yêu, Ta đã răn dạy các ngươi. Các ngươi cũng nên tinh tấn phụng hành.

“Này các Tỳ-kheo, hãy ở chỗ thanh vắng, dưới gốc cây hay bãi đất trống, tinh cần tọa thiền, chớ tự để mình buông lung. Nay không nỗ lực, về sau hối hận nào có ích gì. Đó là lời Ta răn dạy, hãy tinh tấn thọ trì.”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.[4]

 


*  佛說長阿含第二分增[09]一經第七

[1] Bản Hán, quyển 9, Đại I tr. 57b-59b. Đại thể, đồng nhất với kinh số 10. “Thập thượng” ở trên. Kinh này có các hạng mục ngắn hơn và do chính Phật thuyết.

[2] Vô tác tam muội.

[3] Nguyên Hán: diệt tận chi.

[4] Bản Hán, hết quyển 9.

12. Kinh tam tụ

12. KINH TAM TỤ

[59b15]Tôi nghe như vầy.

Một thời, Phật ở tại nước Xá-vệ, rừng Kỳ thọ, vườn Cấp cô độc, cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người.

Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Này các Tỳ-kheo, Ta sẽ nói cho các ngươi nghe pháp vi diệu, có nghĩa, có vị, thanh tịnh, đầy đủ phạm hạnh. Đó là pháp ba tụ. Các ngươi hãy lắng nghe, hãy suy nghĩ kỹ. Ta sẽ nói.”

Các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy, chú ý lắng nghe.

Phật nói:

“Tỳ-kheo, pháp ba tụ ấy là: một pháp dẫn đến ác thú; một pháp dẫn đến thiện thú; một pháp dẫn đến Niết-bàn.

“Thế nào là một pháp dẫn đến ác thú? Không có nhân từ, ôm lòng độc hại. Đó là một pháp dẫn đến ác thú.

“Thế nào là một pháp dẫn đến thiện thú? Không đem ác tâm gia hại chúng sanh. Đó là một pháp dẫn đến thiện thú.

“Thế nào là một pháp dẫn đến Niết-bàn? Thường tinh cần tu niệm xứ về thân. Đó là một pháp dẫn đến Niết-bàn.

“Lại có hai pháp thú hướng ác thú. Lại có hai pháp thú hướng thiện thú. Lại có hai pháp thú hướng Niết-bàn.

“Thế nào là hai pháp dẫn đến ác thú? Hủy giới và phá kiến.

“Thế nào là hai pháp dẫn đến thiện thú? Có đủ giới và có đủ kiến.

“Thế nào là hai pháp dẫn đến Niết-bàn? [59c] Chỉ và quán.

“Lại có ba pháp thú hướng ác thú. Ba pháp thú hướng thiện thú. Ba pháp thú hướng Niết-bàn.

“Thế nào là ba pháp hướng đến ác thú? Ba bất thiện căn: tham bất thiện căn, nhuế bất thiện căn, si bất thiện căn.

“Thế nào là ba pháp dẫn đến thiện thú? Ba thiện căn: vô tham thiện căn, vô nhuế thiện căn, vô si thiện căn.

“Thế nào là ba pháp dẫn đến Niết-bàn? Ba tam-muội: không tam-muội, vô tướng tam-muội, vô nguyện tam-muội.

“Lại có bốn pháp dẫn đến ác thú. Bốn pháp dẫn đến thiện thú. Bốn pháp thú hướng Niết-bàn.

*  第二分三聚經第八 

“Thế nào là bốn pháp thú hướng ác thú? Lời nói thiên vị, lời nói thù hận, lời nói sợ hãi, lời nói ngu si.

“Thế nào là bốn pháp dẫn đến thiện thú? Lời nói không thiên vị, lời nói không thù hận, lời nói không sợ hãi, lời nói không ngu si.

“Thế nào là bốn pháp dẫn đến Niết-bàn? Bốn niệm xứ: thân niệm xứ, thọ niệm xứ, tâm niệm xứ, pháp niệm xứ.

“Lại có năm pháp dẫn đến ác thú, năm pháp dẫn đến thiện thú, năm pháp dẫn đến Niết-bàn.

“Thế nào là năm pháp dẫn đến ác thú? Phá năm giới: giết, trộm, dâm dật, nói dối, uống rượu.

“Thế nào là năm pháp dẫn đến thiện thú? Thọ trì năm giới: không giết, không trộm, không dâm dật, không dối, không uống rượu.

“Thế nào là năm pháp dẫn đến Niết-bàn? Năm căn: tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn.

“Lại có sáu pháp dẫn đến ác thú, sáu pháp dẫn đến thiện thú, sáu pháp thú hướng Niết-bàn.

“Thế nào là sáu pháp dẫn đến ác thú? Sáu bất kính: không kính Phật, không kính Pháp, không kính Tăng, không kính giới, không kính định, không kính cha mẹ.

“Thế nào là sáu pháp dẫn đến thiện thú? Kính Phật, kính Pháp, kính Tăng, kính giới, kính định, kính cha mẹ.

“Thế nào là sáu pháp dẫn đến Niết-bàn? Sáu tư niệm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm thí, niệm giới, niệm thiên.

“Lại có bảy pháp dẫn đến ác thú, bảy pháp dẫn đến thiện thú, bảy pháp dẫn đến Niết-bàn.

“Thế nào là bảy pháp dẫn đến ác thú? Giết, trộm, dâm dật, nói dối, nói hai luỡi, ác khẩu, ỷ ngữ.

“Thế nào là bảy pháp dẫn đến thiện thú? Không giết, không trộm, không dâm dật, không nói dối, không nói hai lưỡi, không ác khẩu, không ỷ ngữ.

“Thế nào là bảy pháp dẫn đến Niết-bàn? Bảy giác chi: niệm giác chi, trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, khinh an giác chi, định giác chi, hỷ giác chi, xả giác chi.

“Lại có tám pháp dẫn đến ác thú, tám pháp dẫn đến thiện thú, tám pháp dẫn đến Niết-bàn.

“Thế nào là tám pháp dẫn đến ác thú? Tám tà hạnh: tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, [60a] tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định.

“Thế nào là tám pháp dẫn đến thiện thú? Thế gian chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

“Thế nào là tám pháp dẫn đến Niết-bàn? Tám Hiền Thánh đạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

“Lại có chín pháp dẫn đến ác thú, chín dẫn đến thiện thú, chín pháp dẫn đến Niết-bàn.

“Thế nào là chín pháp dẫn đến thiện thú? Chín ưu não: Có người xâm hại ta: nó đã xâm hại, đang xâm hại, sẽ xâm não. Có người xâm hại cái ta yêu: nó đã xâm hại, đang xâm hại, sẽ xâm hại. Có người yêu kính cái ta ghét: nó đã yêu kính, đang yêu kính, sẽ yêu kính.

“Thế nào là chín pháp dẫn đến thiện thú? ‘Có người xâm hại ta’, ích gì mà ta sanh não: đã không sanh não, đang không sanh não, sẽ không sanh não. ‘Có người xâm hại cái ta yêu’, ích gì ta sanh não: đã không sanh não, đang không sanh não, sẽ không sanh não. ‘Có người yêu kính cái ta ghét’, ích gì ta sanh não: đã không sanh não, đang không sanh não, sẽ không sanh não.

“Thế nào là chín pháp dẫn đến Niết-bàn? Chín thiện pháp: 1. hỷ, 2. ái, 3. duyệt, 4. lạc, 5. định, 6. thật tri, 7. trừ xả, 8. vô dục, 9. giải thoát.

“Lại có mười pháp dẫn đến ác thú, mười pháp dẫn đến thiện thú, mười pháp dẫn đến Niết-bàn.

“Thế nào là mười pháp dẫn đến ác thú? Mười bất thiện: thân với giết, trộm, tà dâm; khẩu với nói dối, hai lưỡi, ác khẩu,ỷ ngữ; ý với tham lam, tật đố, tà kiến.

“Thế nào là mười pháp dẫn đến thiện thú? Mười thiện hành: thân với không giết, không trộm, không tà dâm; khẩu với không nói dối, không hai lưỡi, không ác khẩu, không ỷ ngữ; ý với không tham lam, không tật đố, không tà kiến.

“Thế nào là mười pháp dẫn đến Niết-bàn? Mười trực đạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, chánh giải thoát, chánh trí.

“Này các Tỳ-kheo, mười pháp như vậy đưa đến Niết-bàn. Đó là Chánh pháp vi diệu gồn ba tụ. Ta, là Như Lai, đã làm đầy đủ những điều cần làm cho đệ tử, vì nghĩ đến các ngươi nên chỉ bày lối đi. Các ngươi cũng phải tự lo cho thân mình, hãy ở nơi thanh vắng, dưới gốc cây mà tư duy, chớ lười biếng. Nay không gắng sức, sau hối không ích gì.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

13. Kinh đại duyên phương tiện

13. ĐẠI DUYÊN PHƯƠNG TIỆN

[60a29] Tôi nghe như vầy:

Một thời gian Phật ở tại nước Câu-lưu-sa, trú xứ Kiếp-ma-sa[1], cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người.

Bấy giờ, A-nan ở tại chỗ thanh vắng suy nghĩ: “Kỳ diệu thay! Hy hữu thay! Ánh sáng của mười hai duyên khởi[2] mà đức Thế Tôn đã dạy thật là sâu xa, khó hiểu! Nhưng theo ý ta quán xét thì như thấy ở trước mắt, có gì mà gọi là sâu xa?”

Rồi thì, A-nan liền rời khỏi tịnh thất đi đến chỗ Phật; đầu mặt lễ chân Phật, rồi ngồi sang một bên, bạch Thế Tôn rằng:

“Vừa rồi, ở nơi tịnh thất, con tự thầm nghĩ: ‘Kỳ diệu thay! Hy hữu thay! Ánh sáng của mười hai duyên khởi mà Đức Thế Tôn đã dạy thật là sâu xa, khó hiểu! Nhưng theo ý ta quán xét thì như thấy ở trước mắt, có gì mà gọi là sâu xa?’”

Bấy giờ, Phật bảo A-nan:

“Thôi, thôi, A-nan! Chớ nói như vậy. Ánh sáng của mười hai duyên khởi rất sâu xa, khó hiểu. Mười hai duyên khởi này khó thấy, khó biết. Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, những người chưa thấy duyên, nếu muốn tư lương, quán sát, phân biệt nghĩa lý của nó, đều bị hoang mê không thể thấy nổi.

“Này A-nan, nay Ta nói với ngươi: Già-chết có duyên. Nếu có người hỏi: Cái gì là duyên của già-chết? Hãy trả lời người ấy: Sanh là duyên của già-chết. Nếu lại hỏi: Cái gì là duyên của sanh. Hãy trả lời: Hữu là duyên của sanh. Nếu lại hỏi: Cái gì là duyên của hữu? Hãy trả lời: Thủ là duyên của hữu. Nếu lại hỏi: Cái gì là duyên của thủ? Hãy trả lời: Ái là duyên của thủ. Nếu lại hỏi: Cái gì là duyên của ái? Hãy trả lời: ‘Ái là duyên của thủ. Nếu lại hỏi: Cái gì là duyên của ái? Hãy trả lời: Thọ là duyên của ái.[3] Nếu lại hỏi: Cái gì là duyên của thọ? Hãy trả lời: Xúc là duyên của thọ.Nếu lại hỏi: Cái gì là duyên của xúc? Hãy trả lời: Sáu xứ là duyên của xúc. Nếu lại hỏi: Cái gì là duyên của sáu xứ? Hãy trả lời: Danh sắc là duyên của sáu xứ. Nếu lại hỏi: Cái gì là duyên của danh sắc? Hãy trả lời: Thức là duyên của danh sắc. Nếu lại hỏi: Cái gì là duyên của thức? Hãy trả lời: Hành là duyên của thức[4]. Nếu lại hỏi: Cái gì là duyên của hành? Hãy trả lời: Vô minh[5] là duyên của hành.

“Này A-nan, như vậy duyên vô minh có hành, duyên hành có thức, duyên thức có danh sắc, duyên danh sắc có sáu xứ, duyên sáu xứ có xúc, duyên xúc có thọ, duyên thọ có ái, duyên ái có thủ, duyên thủ có hữu, duyên hữu có sanh, duyên sanh có già, chết, lo, rầu, khổ, não, tập thành một khối đại hoạn. Đó là duyên của khối đại khổ uẩn vậy[6].

“Này A-nan, duyên sanh có già-chết: điều này có ý nghĩa gì? Giả sử hết thảy chúng sanh không có sanh,[7] thì có già-chết không?”[8]

“A-nan đáp: “Không”.

“Vậy nên, A-nan, Ta do lẽ đó, biết già-chết do sanh, duyên sanh có già-chết, nghĩa của Ta nói thế đó.[9]

“Lại nữa, này A-nan, duyên hữu mà có sanh là nghĩa thế nào? Giả sử hết thảy chúng sanh không có dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu, thế thì có sanh không?”

Đáp: “Không”.

“Này A-nan, Ta do lẽ đó, biết sanh do hữu, duyên hữu có sanh. Điều mà Ta nói, ý nghĩa là ở đó.

“Lại nữa, này A-nan, duyên thủ mà có hữu là nghĩa thế nào? Giả sử hết thảy chúng sanh không có dục thủ, kiến thủ, giới thủ, ngã thủ, thế thì có hữu không?”

Đáp: “Không”.

“Này A-nan, Ta do lẽ đó, biết hữu do thủ, duyên thủ có hữu. Nghĩa của Ta nói tại đó.

“Lại nữa, này A-nan, duyên ái mà có thủ là nghĩa thế nào? Giả sử hết thảy chúng sanh không có dục ái, hữu ái, vô hữu ái,[10] thế thì có thủ không?”

Đáp: “Không”.

“Này A-nan, Ta do lẽ đó, biết thủ do ái, duyên ái có thủ. Nghĩa của Ta nói tại đó.

“Lại nữa, này A-nan, duyên thọ mà có ái, là nghĩa thế nào? Giả sử hết thảy chúng sanh không có cảm thọ lạc, cảm thọ khổ, cảm thọ không lạc không khổ[11], thế thì có ái không?”

Đáp: “Không”.

“Này A-nan, Ta do lẽ đó, biết ái do thọ, duyên thọ có ái. Nghĩa của Ta nói tại đó.

“A-nan, nên biết, nhân tham ái mà có tỳm cầu, nhân tỳm cầu mà đắc lợi, nhân đắc lợi mà thọ dụng, nhân thọ dụng mà tham muốn, nhân tham muốn mà tham chấp, nhân tham chấp mà tật đố, nhân tật đố mà chấp thủ, nhân chấp thủ mà phòng hộ[12]. Này A-nan! Do phòng hộ nên mới có dao gậy, tranh cãi, gây vô số điều ác. Nghĩa của Ta nói là ở đó. Này A-nan! Nghĩa đó thế nào? Giả sử hết thảy chúng sanh không phòng hộ thế thì có dao gậy, tranh cãi, gây ra vô số ác không?”

Đáp: “Không”.

“Này A-nan, Ta do lẽ đó, biết dao gậy, tranh cãi là do tâm phòng hộ, nhân bởi tâm phòng hộ mà sinh ra. Nghĩa của Ta nói là ở đó. Lại này A-nan, nhân chấp thủ mà có phòng hộ[13] là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sanh không tâm chấp thủ thế thì có phòng hộ không?”

Đáp: “Không”.

“Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết có phòng hộ là do chấp thủ; nhân chấp thủ mà có sự phòng hộ. Nghĩa của Ta nói là ở đó. Lại này A-nan! Nhân tật đố có chấp thủ là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sanh không có tâm tật đố thế thì có chấp thủ không?”

Đáp: “Không”.

“Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết chấp thủ do tật đố; nhân tật đố mà có chấp thủ. Nghĩa của ta nói là ở đó. Lại này A-nan! Nhân tham chấp mà có tật đố là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sanh không tham chấp thế thì có tật đố không?”

Đáp: “Không”.

“Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết tật đố do tham chấp; nhân tham chấp mà có tật đố. Nghĩa của Ta nói là ở đó. Lại này A-nan! Nhân ham muốn mà có tham chấp là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sanh không ham muốn thế thì có đắm trước không?”

Đáp: “Không”.

“Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết tham chấp do ham muốn; nhân ham muốn mà có tham chấp. Nghĩa của Ta nói là ở đó. Lại này A-nan! Nhân thọ dụng mà có ham muốn là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sanh không thọ dụng thế thì có ham muốn không?”

Đáp: “Không”.

“Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết ham muốn do thọ dụng; nhân thọ dụng mà có ham muốn. Nghĩa của Ta nói là ở đó. Lại này A-nan! Nhân đắc lợi mà có thọ dụng là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sanh không đắc lợi thế thì có thọ dụng không?”

Đáp: “Không”.

“Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết thọ dụng do đắc lợi; nhân đắc lợi mà có thọ dụng. Nghĩa của Ta nói là ở đó. Lại này A-nan! Nhân tỳm cầu mà có đắc lợi là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sanh không tỳm cầu thế thì có đắc lợi không?”

Đáp: “Không”.

“Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết đắc lợi do tỳm cầu; nhân tỳm cầu mà có đắc lợi. Nghĩa của Ta nói là ở đó. Lại này A-nan! Nhân tham ái mà có tỳm cầu là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sanh không tham ái thế thì có tỳm cầu không?

Đáp: “Không”.

“Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết tỳm cầu do tham ái; nhân tham ái mà có tỳm cầu. Điều mà Ta nói, ý nghĩa là ở đó.”

Lại bảo A-nan:

“Nhân tham ái mà có tỳm cầu, cho đến có thủ hộ. Thọ cũng vậy. Nhân thọ có tỳm cầu, cho đến thủ hộ.”

Phật lại bảo A-nan:

“Duyên xúc mà có thọ, là nghĩa thế nào? Giả sử không có con mắt, không có sắc, không có thức con mắt, thế thì có xúc không?”

Đáp: “Không”.

“Nếu không có tai, không có tiếng, không có thức của tai; không có mũi, không có hương, không có thức của mũi; không có lưỡi, không có vị, không có thức của lưỡi; không có thân, xúc, thức của thân; không có ý, pháp, ý thức, thế thì có xúc không?”

Đáp: “Không”.

“Này A-nan! Giả sử chúng sanh không [61b] có xúc, thế thì có thọ không?”

Đáp: “Không”.

“A-nan, Ta do nghĩa đó, biết thọ do xúc; duyên xúc mà có thọ. Điều mà Ta nói, ý nghĩa là ở đó.

“Này A-nan! Duyên danh sắc mà có xúc, là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sanh không có danh sắc, thế thì có tâm xúc[14] không?”

Đáp: “Không”.

“Nếu chúng sanh không có hình sắc, tướng mạo, thế thì có thân xúc không?[15]

Đáp: “Không”.

“Nếu không có danh sắc, thế thì có xúc không?”

Đáp: “Không”.

“A-nan, Ta do lẽ đó, biết xúc do danh sắc; duyên danh sắc mà có xúc. Điều mà Ta nói, ý nghĩa là ở đó.

“Này A-nan, duyên thức mà có danh sắc, là nghĩa thế nào? Nếu thức không nhập thai mẹ thì chừng có danh sắc không?”

Đáp: “Không”.

“Nếu thức nhập thai mẹ rồi không sinh ra[16], thế thì có danh sắc không?”

Đáp: “Không”.

“Nếu thức ra khỏi thai mẹ mà đứa hài nhi bị hỏng thì danh sắc có được tăng trưởng không?”

Đáp: “Không”.

“A-nan, nếu không có thức, thế thì có danh sắc không?”

Đáp: “Không”.

“A-nan, Ta do lẽ đó, biết danh sắc do thức; duyên thức mà có danh sắc. Nghĩa của ta nói là ở đó.

“A-nan, duyên danh sắc có thức là nghĩa thế nào? Nếu thức không trụ nơi danh sắc thời thức không có trú xứ. Nếu thức không có trú xứ, thế thì có sanh, già, bịnh, chết, ưu bi khổ não không?”

Đáp: “Không”.

“Này A-nan, nếu không danh sắc thì có thức không?”

Đáp: “Không”.

“A-nan, Ta do lẽ đó, biết thức do danh sắc; duyên danh sắc mà có thức. Nghĩa của Ta nói là ở đó. Vậy nên, danh sắc duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên sáu xứ, sáu xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên già-chết, ưu bi khổ não, tập thành một đại khổ uẩn.

“Này A-nan, trong giới hạn ấy là ngôn ngữ, trong giới hạn ấy là sự thích ứng, trong giới hạn ấy là hạn lượng, trong giới hạn ấy là sự phô diễn, trong giới hạn ấy là trí quán, trong giới hạn ấy là chúng sanh[17].

“Này A-nan, các Tỳ-kheo nào ở trong pháp này mà như thật chánh quán, với tâm giải thoát vô lậu, Tỳ-kheo ấy được gọi là tuệ giải thoát[18]. Tỳ-kheo giải thoát như vậy có thể biết Như lai tồn tại hay không tồn tại sau khi chết, cũng biết Như lai vừa tồn tại vừa không tồn tại sau khi chết, cũng biết Như Lai chẳng phải vừa tồn tại vừa không tồn tại sau khi chết. Vì sao? Này A-nan, trong giới hạn ấy là ngôn ngữ, trong giới hạn ấy là sự thích ứng, trong giới hạn ấy là hạn lượng, trong giới hạn ấy là sự phô diễn, trong giới hạn ấy [61c] là trí quán, trong giới hạn ấy là chúng sanh. Sau khi đã hiểu biết tận cùng, Tỳ-kheo với tâm giải thoát vô lậu không biết không thấy tri kiến như vậy[19].

“Này A-nan, nói rằng chấp ngã, cho đến mức nào thì được gọi là ngã kiến? Danh sắc và thọ đều được chấp là ngã.

“Có người nói, ‘thọ không phải ngã; ngã là thọ.’ Có người nói, ‘thọ không phải ngã, ngã không phải thọ; nhưng thọ pháp là ngã.’ Có người nói, ‘thọ không phải ngã, ngã không phải thọ, thọ pháp không phải ngã; nhưng thọ là ngã[20]’.

“Này A-nan, đối với người thấy có ngã, nói rằng ‘thọ là ngã’, hãy nói với người ấy: Như Lai nói có ba thọ là cảm thọ lạc, cảm thọ khổ, cảm thọ không lạc không khổ. Trong lúc hiện hữu thọ lạc thì không có thọ khổ, không có thọ không lạc không khổ. Trong khi hiện hữu thọ khổ thì không có thọ lạc, không có thọ không lạc không khổ. Trong lúc hiện hữu thọ không lạc không khổ thì không có thọ lạc, không có thọ khổ. Sở dĩ như vậy, A-nan, là vì do duyên là xúc lạc mà phát sanh thọ lạc. Nếu xúc lạc diệt mất, thì thọ lạc cũng diệt mất. A-nan, do duyên là xúc khổ mà phát sinh cảm thọ khổ. Nếu xúc khổ diệt mất thì thọ khổ cũng diệt mất. Này A-nan, do duyên là xúc không lạc không khổ mà phát sanh thọ không lạc không khổ. Nếu xúc không lạc không khổ diệt mất thì thọ không lạc không khổ cũng diệt mất. A-nan, ví như hai khúc cây cọ lại với nhau thì lửa bật ra; hai khúc cây rời nhau thì lửa không có. Ở đây cũng vậy, nhân bởi duyên là xúc lạc mà thọ lạc phát sanh; nếu xúc lạc diệt thì thọ cũng đồng thời diệt. Nhân bởi duyên là xúc khổ mà thọ khổ phát sanh; nếu xúc khổ diệt thì thọ cũng đồng thời diệt. Nhân bởi duyên là xúc không lạc không khổ mà thọ không lạc không khổ phát sanh; nếu xúc không lạc không khổ diệt thì thọ cũng đồng thời diệt. Này A-nan! Ba thọ đó là hữu vi, vô thường, duyên khởi, là pháp phải tận, phải diệt, là pháp hủ hoại, nó chẳng phải sở hữu của ngã; ngã không phải là sở hữu của nó. Hãy chánh quán điều đó một cách như thật với chánh trí. A-nan, ai thấy có ngã, cho rằng ‘thọ là ngã’, người ấy sai lầm.

“A-nan, với những ai thấy có ngã, nói rằng, ‘thọ không phải là ngã; (nhưng) ngã là thọ’, hãy nói với người ấy rằng: Như Lai nói có ba thọ: thọ khổ, thọ lạc, thọ không khổ không lạc. Nếu thọ lạc là ngã; khi thọ lạc diệt mất, sẽ có hai ngã. Điều ấy sai lầm. Nếu thọ khổ là ngã; khi thọ khổ diệt mất thì sẽ có hai ngã. Điều ấy sai lầm. Nếu thọ không lạc không khổ là ngã; khi thọ không lạc không khổ diệt, thì sẽ có hai ngã. Điều ấy sai lầm. A-nan, những ai thấy có ngã, nói rằng ‘thọ không phải là ngã; ngã là thọ’, người ấy sai lầm.[21]

“A-nan, với những ai chủ trương có ngã, nói rằng: ‘thọ không phải là ngã; ngã không phải là [62a] thọ, thọ pháp là ngã’,[22] hãy nói với người ấy rằng: ‘Hết thảy không thọ, làm sao ông nói được có thọ pháp. Ông là thọ pháp chăng’?[23] Đáp: ‘Không phải.’

“Vì vậy, A-nan, những ai chủ trương có ngã, nói rằng: ‘thọ không phải là ngã, ngã không phải là thọ; thọ pháp là ngã’, người ấy sai lầm.

“A-nan, với những ai chủ trương có ngã, nói rằng: ‘thọ không phải là ngã, thọ pháp không phải là ngã; nhưng thọ là ngã[24] ”, nên nói với người ấy: ‘Hết thảy không có thọ, làm sao có thọ. Ông chính là thọ chăng?[25] ’ Đáp: ‘Không phải.’ Vì vậy, A-nan, những ai chủ trương có ngã, nói rằng: ‘thọ không phải là ngã, ngã không phải là thọ, thọ pháp không phải là ngã; thọ là ngã’, người ấy sai lầm.

“A-nan, trong giới hạn ấy là ngôn ngữ; trong giới hạn ấy là sự thích ứng; trong giới hạn ấy là hạn lượng; trong giới hạn ấy là sự phô diễn; trong giới hạn ấy là trí quán; trong giới hạn ấy là chúng sanh.

“A-nan, các Tỳ-kheo ở trong pháp này mà như thật chánh quán, với tâm giải thoát vô lậu, A-nan, Tỳ-kheo ấy được gọi là tuệ giải thoát. Với Tỳ-kheo tâm giải thoát như vậy, có ngã cũng được biết, không có ngã cũng được biết, vừa có ngã vừa không có ngã cũng được biết, không phải có ngã không phải không có ngã cũng được biết. Vì sao? Này A-nan, trong giới hạn ấy là ngôn ngữ; trong giới hạn ấy là sự thích ứng; trong giới hạn ấy là hạn lượng; trong giới hạn ấy là sự phô diễn; trong giới hạn ấy là trí quán; trong giới hạn ấy là chúng sanh. Sau khi biết rõ thấu suốt như vậy, Tỳ-kheo với tâm giải thoát vô lậu không biết không thấy tri kiến như vậy.”[26]

Phật nói A-nan:

“Với những người chủ trương có ngã, cho đến giới hạn nào thì được xác định?”

“Với những người chủ trương có ngã, hoặc nói: ‘Ít, sắc, là ngã’;[27] hoặc nói: ‘Nhiều, sắc, là ngã’;[28] hoặc nói: ‘Ít, vô sắc, là ngã’;[29] hoặc nói: ‘Nhiều, vô sắc, là ngã.[30]

“A-nan, những người nói ít, sắc, là ngã, xác định rằng ‘Ít, sắc, là ngã: sở kiến của ta là đúng, ngoài ra đều sai.’ Những người nói nhiều, sắc, là ngã, xác định rằng ‘Nhiều, sắc, là ngã: sở kiến của ta là đúng, ngoài ra đều sai.’ Những người nói ít, vô sắc, là ngã, xác định rằng ‘Ít, vô sắc, là ngã: sở kiến của ta là đúng, ngoài ra đều sai.’ Những người nói nhiều, vô sắc, là ngã, xác định rằng ‘Nhiều, vô sắc, là ngã: sở kiến của ta là đúng, ngoài ra đều sai.’”

Phật nói với A-nan:

“Có bảy trú xứ của thức[31], và hai nhập xứ[32], mà các Sa-môn, Bà-la-môn nói: ‘Chỗ này là nơi an ổn, nơi cứu vớt, nơi hộ trì; là cái nhà, là ngọn đèn, là ánh sáng, là nơi qui tựa, là không hư dối, là không phiền não.’

“Những gì là bảy? Hoặc có hạng chúng sanh, với nhiều thân khác nhau và nhiều tưởng khác nhau, tức (một phần) chư Thiên và loài Người. Đó là trú xứ thứ nhất của thức, mà các Sa-môn, Bà-la-môn nói: ‘Chỗ này là nơi an ổn, nơi cứu vớt, nơi hộ trì; [62b] là cái nhà, là ngọn đèn, là ánh sáng, là nơi qui tựa, là không hư dối, là không phiền não.’ Này A-nan, nếu Tỳ-kheo biết trú xứ thứ nhất của thức, biết sự tập khởi, biết sự diệt trừ, biết vị ngọt, biết sự tai hại, biết sự xuất ly, biết một cách như thật; A-nan, Tỳ-kheo ấy nói: ‘Cái ấy không phải là ta. Ta không phải là cái ấy’[33] với tri kiến như thật.

“Hoặc có hạng chúng sanh với thân đồng nhất nhưng với nhiều tưởng khác nhau, như trời Phạm chúng. Hoặc có hạng chúng sanh với thân đồng nhất, tưởng đồng nhất, tức trời Biến Tịnh. Hoặc có hạng chúng sanh trú nơi không vô biên xứ xứ. Hoặc có hạng chúng sanh trú nơi thức vô biên xứ. Hoặc có hạng chúng sanh trú nơi vô sở hữu xứ. Đó là bảy trú xứ của thức mà các Sa-môn, Bà-la-môn nói: ‘Chỗ này là nơi an ổn, nơi cứu vớt, nơi hộ trì; là cái nhà, là ngọn đèn, là ánh sáng, là nơi qui tựa, là không hư dối, là không phiền não.’ Này A-nan, nếu Tỳ-kheo biết bảy trú xứ của thức, biết sự tập khởi, biết sự diệt trừ, biết vị ngọt, biết sự tai hại, biết sự xuất ly, biết một cách như thật; A-nan, Tỳ-kheo ấy nói: ‘Cái ấy không phải là ta. Ta không phải là cái ấy’ với tri kiến như thật.

“Thế nào là hai nhập xứ? Vô tưởng xứ và phi tưởng phi phi tưởng xứ[34]. A-nan, đó là hai nhập xứ mà các Sa-môn, Bà-la-môn nói: ‘Chỗ này là nơi an ổn, nơi cứu vớt, nơi hộ trì; là cái nhà, là ngọn đèn, là ánh sáng, là nơi qui tựa, là không hư dối, là không phiền não.’ Này A-nan, nếu Tỳ-kheo biết hai nhập xứ, biết sự tập khởi, biết sự diệt trừ, biết vị ngọt, biết sự tai hại, biết sự xuất ly, biết một cách như thật; A-nan, Tỳ-kheo ấy nói: ‘Cái ấy không phải là ta. Ta không phải là cái ấy’ với tri kiến như thật.

“A-nan, lại có tám giải thoát.[35] Những gì là tám? Có sắc, quán sắc; giải thoát thứ nhất. Bên trong có sắc tưởng, quán ngoại sắc; giải thoát thứ hai. Tịnh giải thoát; giải thoát thứ ba. Vượt sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không niệm tạp tưởng, an trú không vô biên xứ; giải thoát thứ tư. Vượt không vô biên xứ, an trú thức vô biên xứ xứ; giải thoát thứ năm. Vượt thức vô biên xứ, an trú vô sở hữu xứ; giải thoát thứ sáu. Vượt vô sở hữu xứ, an trú phi tưởng phi phi tưởng xứ; giải thoát thứ bảy. Diệt tận định, giải thoát thứ tám. A-nan, các Tỳ-kheo an trú trong tám giải thoát này theo chiều thuận và nghịch, xuất nhập tự tại; Tỳ-kheo như vậy chứng đắc câu giải thoát.[36]

Bấy giờ, A-nan sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

 


*  佛說長阿含第二分[03]大緣方便經第九

[1] Câu-lưu-sa quốc Kiếp-ma-sa trú xứ 拘流沙國劫摩沙住處; Pl.: Kurūsu viharati Kammāsadhammaṃ nāma Kurūnaṃ nigamo, trú giữa những người Kuru, tại một ấp của người Kuru gọi là Kammāsadhamma. No 14: Câu-loại quốc, Pháp trị xứ 拘類國法治處.

[2] Thập nhị nhân duyên chi quang minh thậm thâm nan giải 十二因緣之光明甚深難解; D 15 (ii 55): yāva gambīro cāyaṃ bhante, paṭiccasamuppādo gambīrāvabhāso ca, lý duyên khởi thật sâu xa, sự biểu hiện (ánh sáng) cũng rất sâu xa. No 26(97): Thử duyên khởi thậm kỳ; cực thậm thâm; minh diệc thậm thâm. 此緣起甚奇極甚深明亦甚深: duyên khởi này thật kỳ diệu, rất sâu thẳm; ánh sáng của nó cũng rất sâu thẳm.

[3] No 14: lần ngược từ lão tử lên đến ái thì trở lui: ái cầu 愛求 nhân duyên thọ 受 (thủ); thọ (thủ) nhân duyen hữu 有; hữu nhân duyên sanh 生; sanh nhân duyên lão tử 老死.

[4] D 15 ibid.: kiṃpaccayā    viññāṇan’ti iti ce vadeyya, nāmarūpaccayā viññāṇan’ti iccassa vacanīyaṃ  iti kho, ānanda, nāmarūpapaccayā viññāṇaṃ, viññāṇapaccayā nāmaūpaṃ: duyên gì có thức? Duyên danh sắc có thức. “Duyên danh sắc có thức, duyên thức có danh sắc.” Cf. D 14. Lưu ý, trong các bản Pàli dẫn trên, không đề cập đến hai chi cuối là hành (saṅkhāra) và vô minh (avijja). Nhưng, bản Hán, trong phần quảng diễn sau, cũng chỉ truy lên đến “thức duyên danh sắc và danh sắc duyên thức”, không lên đến hành và vô minh.

[5] Nguiyên Hán: si 痴.

[6] D 25 ibid.: evam etassa kevalassa dukkhakkhandassa samudayo hoti, đó là sự tập khởi của khối đau khổ toàn diện này.

[7] No 26(97): “giả sử không có sanh; cá…, chim…, trời..., người…, không có cái gì, không có bất cứ nơi đâu có sanh…” Cf. No 14.

[8] D 15, ibid.: sabbaso jātiyā asati jātinirodhā api nu kho jarāmaraṇaṃ paññāyethā”ti? “Nếu hoàn toàn không có sự sanh, hay sanh đã diệt, thì có thể có khái niệm về già-chết không?”

[9] Pali, ibid.: eseva hetu etaṃ nidānaṃ esa samudayo esa paccayo jarāmaraṇassa, yadidaṃ jāti, như vậy là nhân, nhân do, tập khởi, duyên của già-chết. đó là sanh. No 26(97): đó là nhân 因, là tập習, là bản 本, là duyên 緣 của già-chết, tức là sanh.

[10] Pali, ibid.: sáu ái thân, sắc ái (rūpataṇhā), cho đến pháp ái (dhammataṇhā).

[11] Pali, ibid.: sáu thọ thân: thọ sanh bởi nhãn xúc (cakkhusamphassajā vedanā), cho đến thọ sanh bởi ý xúc (manosamphassajā vedanā).

[12] Chuỗi quan hệ, Hán: ái 愛, cầu 求, lợi 利, dụng 用, dục 欲, trước 著, tật 嫉, thủ 守, hộ 護. Pl.: taṇhā (khát ái), pariyesanā (tỳm cầu), lābho (thủ đắc), vinicchayo (quyết định, sử dụng), chandarāgo (ham muốn), ajjhosānaṃ (tham chấp), pariggaho (giữ chặt), macchariyaṃ (keo kiệt), ārakkho (canh giữ). Cf. No 26(97): ái 愛, cầu 求, lợi 利, phân 分, nhiễm dục 染欲, trước 著, xan 慳, gia 家, thủ 守. No 14: ái 愛, cầu 求, lợi 利, kế 計, lạc dục 樂欲, vãng ái 往愛, xan 慳, hữu gia 有家, thủ 守.

[13] Pali, ibid.: nhân keo kiệt mà có canh gữ (macchariyaṃ paṭicca ārakkho’ti.).

[14] Hán: tâm xúc 心觸. No 14: tâm cánh 心更. Cf. 15 (ii 52).: yehi … ākārehi yehi lingehi yehi nimittehi yehi uddesehi nāmakāyassa paññatti hoti, tesu (…) asati api nu kho rūpakāye adhivacanasamphasso paññāyethā ti ? “Với những hình thái, dấu hiệu, hình tướng, biểu hiện, mà danh thân (danh trong danh sắc) được khái niệm, nếu những hình thái ấy không tồn tại, thì có thể có khái niệm về xúc chạm tinh thần nơi sắc thân (sắc trong danh sắc) được không ?” adhivacana-samphassa: tăng ngữ xúc, danh mục xúc, sự xúc chạm do bởi các yếu tố tinh thần hay tâm lý (danh); tương đối với paṭigha-samphassa, hữu đối xúc.

[15] Hán: thân xúc 身觸. Cf. D 15, ibid. : yehi … ākārehi yehi liṅgehi yehi nimittehi yehi uddesehi rūpakāyassa paññatti hoti, tesu (…) asati api nu kho nāmakāye paṭighasamphasso paññāyethā ti ? “Với những hình thái, những dấu hiệu, những hình tướng, những biểu hiện mà có khái niệm về sắc thân; nếu những cái ấy không tồn tại, thì có thể có khái niệm về xúc chạm bởi vật chất (sắc) nơi danh thân được không; paṭigha-samphassa: hữu đối xúc, xúc chạm do đối ngại, tức sự tiếp xúc bởi vật chất, trái với adhivacana-samphassa, sự tiếp xúc bởi tinh thần.

[16] Hán: nhập thai bất xuất 入胎不出; Pl.: viññāṇaṃ mātukucchismiṃ okkamitvā vokkamissatha, thức sau khi vào thai mẹ mà lại đi ra (bị trụy thai).

[17] Hán: tề thị vi ngữ, tề thị vi ứng, tề thị vi hạn, tề thị vi diễn thuyết, tề thị vi trí quán, tề thị vi chúng sanh 齊是為語齊是為應齊是為限齊是為演說齊是為智觀齊是為眾生. D 15.: ettātavā adhivacanapatho, ettāvatā niruttipatho, ettāvatā paññattipatho, ettāvatā paññāvacaraṃ, ettāvatā vaṭṭaṃ vattati itthattaṃ paññāpānāya yadidaṃ nāmarūpaṃ saha viññaṇa aññamaññapaccayatā pavattati, trong giới hạn ấy là con đường của danh ngôn; … “là con đường của ngữ nghĩa, … là con đường của sự giả lập (khái niệm), … là cảnh giới của trí tuệ, là sự lưu chuyển luân hồi để giả lập (có khái niệm) thế giới này, tức là danh sắc cùng với thức xoay chuyển làm điều kiện cho nhau.”

[18] Tuệ giải thoát (Pl.: paññā-vimutti), chỉ vị A-la-hán do tuệ mà đoạn trừ sở tri chướng, chứng đắc giải thoát; khác với vị A-la-hán do định mà đoạn trừ phiền não chướng, chứng đắc giải thoát, và được gọi là tâm giải thoát (Pl.: citta-vimutti).

[19] Hán: (…) bất tri bất kiến như thị tri kiến 不知不見如是知見; cf. D 15: evaṃ vimutticittaṃ…bhikkhuṃ yo evaṃ vadeyya: ‘hoti Tathāga(…) tad abhiññāvi        muttaṃ bhikkhuṃ yo paraṃ maraṇā(…)’ itissa diṭṭhī ti, tad akallaṃ, ‘na jānāti na passati itissa diṭṭhī’ ti, tad akallaṃ: “ai nói, Tỳ-kheo với tâm giải thoát như vậy mà có quan điểm rằng ‘Như Lai tồn tại sau khi chết (…)’, người ấy sai lầm. (…). nói rằng, Tỳ-kheo với thắng trí giải thoát như vậy mà ‘không biết, không thấy quan điểm như vậy;’ điều ấy sai lầm.”

[20] Bốn quan điểm về tự ngã theo bản Hán: thọ thị ngã 受是我; thọ phi ngã, ngã thị thọ 受非我我是受; thọ phi ngã, ngã phi thọ, thọ pháp thị ngã 受非我我非受受法是我; thọ phi ngã, ngã phi thọ, thọ pháp phi ngã, đản thọ (bản khác: ái) thị ngã 受非我我非受受法非我但受(愛)是我. Cf. D 15 (ii 56): vedanā me attā ti: na heva kho me vedanā attā, appaṭisaṃvedano me attā; na heva kho pana vedanā attā, no pi appaṭisaṃvedano ime attā, attā me vediyate, vedanādhammo hi me attā, thọ là tự ngã của tôi; thọ không phải là tự ngã của tôi, (vì) tự ngã của tôi không cảm thọ; không phải thọ là tự ngã của tôi, cũng không phải tự ngã của tôi không có cảm thọ, (nhưng) ngã của tôi được (bị) cảm thọ, pháp cảm thọ là tự ngã của tội. Bốn trường hợp này trả lời câu hỏi: phải quán sát ngã như thế nào? (kittāvatā attānaṃ samanupassamāno samanupassati).

[21] Bản Hán và Pali không thông nhất về trường hợp này.

[22] Cf. D 15: ne heva kho me vedanā attā, appaṭisaṃvedano me attā: thọ không phải là ngã của tôi; (nhưng) ngã của tôi (là cái) không có cảm thọ.

[23] (…): yattha panāvuso sabbaso vedayitaṃ natthi api nu kho tattha ‘ayam ahamasmī” ti? nơi nào hoàn toàn không được cảm thọ, nơi đó sao có thể nói: tôi đang hiện hữu?”

[24] Cf. D 15: na heva kho me vedanā attā, nopi appaṭisaṃvedano me attā, attā me vediyati, vedanādhammo hi me attā’ ti, “không phải rằng ngã của tôi là thọ, cũng không phải rằng ngã của tôi là cái không cảm thọ; (nhưng) ngã của tôi được (bị) cảm thọ, pháp thọ thật vậy là ngã của tôi.””

[25] Cf. ibid.: vedanā ca hi, āvuso, sabbena sabbaṃ sabbathā sabbaṃ aparisesā nirujjheyyuṃ, sabbaso vedanāya asati vedanānirodhā api nu kho tattha ayam aham asmī ti siyā’ ti ? “Này bạn, nếu tất cả các loại cảm thọ, một cách triệt để, đều bị diệt hoàn toàn; vậy trong khi cảm thọ không tồn tại, cảm thọ diệt, thế thì ở đó có thể nói: ‘tôi đang hiện hữu’ được chăng ?”

[26] Bản Pali: với Tỳ kheo vô lậu tâm giải thoát như vậy, ai nói vị ấy không thấy, không biếtquan điêm như vây; người ấy sai lầm.

[27] Hán: thiểu sắc thị ngã 少色是我. D 15: rūpī me paritto attā, “ngã của tôi có sắc, có hạn lượng.”

[28] Hán: đa sắc thị ngã 多色是我. D 15: rūpī me ananto attā, “ngã của tôi có sắc, vô biên.”

[29] Hán: thiểu vô sắc thị ngã 少無色是我. D 15: arūpī me paritto attā, “ngã của tôi là vô sắc, có hạn lượng.”

[30]. Hán: đa vô sắc thị ngã 多無色是我. Pl.: arūpī me ananto attā, “ngã của tôi là vô sắc, vô biên.”

[31] Thất thức trú 七 識 住; Pl.: satta viññāṇaṭṭhitiyo, bảy trạng thái tồn tại của thức. Tham chiếu các kinh số 9 “Chúng tập”, số 10 “Thập thượng”, số 11 “Tăng nhất”, mục 7 pháp.

[32] Nhị nhập xứ 二入處; Pl.: dve āyatanāni.  

[33].     Hán: bĩ phi ngã, ngã phi bĩ 彼 非 我 我 非 彼. Tham chiếu Pl.: (…) kallaṃ nu tena tad abhinandituṃ ti ? Có thích hợp chăng nếu vị ấy thích thú với trú xứ này?

[34].     Vô tưởng nhập 無 想 入; Pl.: asaññāsattāyatanaṃ, cảnh vực của chúng sanh không có tưởng. Hán: phi tưởng phi vô tưởng nhập 非 想 非 無 想 入; Pl.: nevasaññānāsaññāyatanaṃ, cảnh vực phi có tưởng phi không có tưởng.

[35].     Xem các kinh, số 9 “Chúng tập”, số 10 “Thập thượng.”

[36] Câu giải thoát, hay câu phần giải thoát 俱分解脫 (Pl.: ubhatobhāga-vimutti), chỉ vị A-la-hán chứng đắc diệt tận định, với hai phần giải thoát là tâm giải thoát (Pl.: citta-vimutti) và tuệ giải thoát (paññā-vimutti).

14. Kinh Thích đề hoàn nhân vấn

14. THÍCH-ĐỀ-HOÀN-NHÂN VẤN

[62b28] Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở tại nước Ma-kiệt-đà, trong hang Nhân-đà-bà-la,[1] núi Tỳ-la,[2] phía Bắc thôn Am-bà-la[3].

Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân phát khởi thiện tâm vi diệu, muốn đến thăm Phật: “Nay ta hãy đi đến chỗ Thế Tôn”.

Khi ấy, Chư Thiên Đao-lị hay rằng Thích Đề-hoàn Nhân phát khởi thiện tâm vi diệu muốn đi đến chỗ Phật, bèn tỳm gặp Đế Thích, tâu rằng:

“Lành thay, Đế Thích! Ngài phát khởi thiện tâm vi diệu muốn đến Như Lai. Chúng tôi cũng rất vui sướng nếu được theo hầu ngài đi đến chỗ Thế Tôn.”

Thích Đề-hoàn Nhân liền nói với thần chấp nhạc là Ban-giá-dực[4] rằng:

“Ta nay muốn đi đến chỗ Thế Tôn. Ngươi có thể đi theo. Chư thiên Đao-lị này cũng muốn theo ta đến chỗ Phật.”

Đáp: “Thưa vâng”.

Rồi Ban-giá-dực cầm cây đàn lưu ly,[5] ở trong chúng, trước mặt Đế Thích, gảy đàn cúng dường.

Rồi Thích Đề-hoàn Nhân, Chư Thiên Đao-lị, cùng Ban-giá-dực, hốt nhiên biến mất khỏi Pháp đường. Trong khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi cánh tay họ đến phía Bắc nước Ma-kiệt-đà, trong núi Tỳ-đà.

Bấy giờ Thế Tôn nhập hỏa diệm tam-muội,[6] khiến cho cả núi Tỳ-đà đồng một màu lửa. Khi ấy, người trong nước thấy vậy, bảo nhau rằng:

“Núi Tỳ-đà này đồng một màu lửa. Phải chăng là do thần lực của Chư Thiên?”

Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân nói với Ban-giá-dực rằng:

“Đức Như Lai, Chí Chân, rất khó được gặp. Nhưng Ngài lại rũ lòng đi xuống chỗ thanh vắng này, lặng lẽ không tiếng động, làm bạn với muông thú. Chỗ này thường có các đại thiên thần thị vệ Thế Tôn. Ngươi hãy đi trước tấu đàn lưu ly để làm vui lòng Thế Tôn. Ta cùng chư Thiên sẽ đến sau.”

Đáp: “Kính vâng”.

Rồi ông cầm đàn lưu ly đi đến Phật trước. Cách Phật không xa, ông tấu đàn lưu ly, và hát lên bài kệ[7] rằng:

Bạt-đà[8] ơi, kính lễ phụ thân nàng.

Phụ thân nàng đẹp rực rỡ,

Sinh ra nàng cát tường

Mà tâm ta rất thương yêu.

Vốn do nhân duyên nhỏ,

Dục tâm[9] sinh trong đó;

Càng ngày càng lớn thêm.

Như cúng dường La-hán.

Thích tử chuyên bốn thiền,

Thường ưa chốn thanh vắng,

Chánh ý cầu cam lồ;

Tâm niệm ta cũng vậy.

Đức Năng Nhân phát đạo tâm,

Tất muốn thành Chánh giác;

Như tôi nay cũng vậy,

Ước ao hội họp với người con gái ấy.

Tâm tôi đã đắm đuối,

Yêu thương không dứt được.

[63a]Muốn bỏ, không thể bỏ,

Như voi bị móc câu kềm chế.

Như nóng bức mà gặp gió mát;

Như khát mà gặp con suối lạnh;

Như người nhập Niết-bàn;

Như nước rưới tắt lửa;

Như bịnh, gặp lương y;

Đói, gặp thức ăn ngon,

No đủ, khoái lạc sanh;

Như La-hán an trú Pháp.

Như voi bị câu móc kềm chặt,

Mà vẫn chưa khứng phục,

Bươn chạy, khó chế ngự,

Buông lung chẳng chịu dừng.

Cũng như ao trong mát,

Mặt nước phủ đầy hoa;

Voi mệt, nóng, vào tắm,

Toàn thân cảm mát rượi.

Những gì trước, sau, tôi bố thí,

Cúng dường các La-hán;

Và phước báo tôi có trong đời;

Thảy mong được cùng nàng.

Nàng chết, tôi cùng chết;

Không nàng, sống làm gì?

Chẳng thà tôi chết đi,

Còn hơn sống không nàng.

Chúa tể trời Đao-lị,

Thích chúa[10], nay cho tôi ước nguyện.

Tôi đã ca ngợi người đủ lễ tiết.

Xin người suy xét kỹ.

Khi ấy, Thế Tôn xuất khỏi tam-muội, nói với Ban-giá-dực rằng:

“Hay lắm! Hay lắm, Ban-giá-dực! Ngươi đã có thể bằng âm thanh thanh tịnh hòa với đàn lưu ly mà tán thán Như Lai. Tiếng của đàn và giọng của ngươi không dài, không ngắn, buồn và thương uyển chuyển, làm rung động lòng người. Khúc đàn mà ngươi tấu hàm đủ các ý nghĩa. Nó nói đến sự trói buộc của dục, và cũng nói đến phạm hạnh, cũng nói đến Sa-môn, cũng nói đến Niết-bàn.”[11]

Khi ấy Ban-giá-dực bạch Phật rằng:

“Con nhớ lại, thủa xưa khi Thế Tôn vừa mới thành Đạo dưới gốc cây A-du-ba-đà ni-câu-luật[12], bên dòng sông Ni-liên-thiền[13], thôn Uất-tỳ-la[14]; lúc ấy có người con trai của Thiên đại tướng là Thi-hán-đà[15] và con gái của Chấp nhạc Thiên vương[16] đang cùng ở một chỗ, họ cùng ưa muôn nhau.[17] Con khi ấy thấy được tâm tư họ, bèn làm một bài tụng. Bài tụng ấy nói đến sự trói buộc của dục; và cũng nói đến phạm hạnh, cũng nói Sa-môn, cũng nói Niết-bàn. Vị Thiên nữ kia khi nghe bài kệ của con, đưa mắt lên cười và nói với con rằng: ‘Ban-giá-dực, tôi chưa hề gặp Như Lai. Ở trên Pháp đường của trời Đao-lị tôi đã từng nghe Chư Thiên xưng tán Như Lai, có công đức như vậy, năng lực như vậy. Ông hằng có lòng thành tín, thân cận Như Lai. Nay tôi muốn [63b] cùng ông làm bạn.’ Thế Tôn, con sau khi nói chuyện với nàng một lần ấy, rồi không nói chuyện thêm lần nào nữa.”

Lúc bấy giờ Thích Đề-hoàn Nhân nghĩ như vầy: 'Ban-giá-dực này đã làm vui lòng Thế Tôn rồi, nay ta hãy nghĩ đến người ấy”. Rồi Thiên đế Thích tức thì nghĩ đến người ấy. Lúc ấy Ban-giá-dực lại có ý nghĩ như vầy: “Thiên Đế Thích đang nghĩ đến ta”. Tức thì ông cầm cây đàn lưu ly đi đến chỗ Đế Thích. Đế Thích bảo rằng:

“Ngươi mang danh ta cùng ý của trời Đao-lị đến thăm hỏi Thế Tôn: ‘Đi đứng có nhẹ nhàng không? Lui tới có khỏe mạnh không?’”

Ban-giá-dực vâng lời chỉ giáo của Đế Thích, đi đến chỗ Thế Tôn, đầu mặt lễ chân Phật, rồi đứng sang một bên, bạch Thế Tôn rằng:

“Thích Đề-hoàn Nhân và Chư Thiên Đao-lị sai con đến thăm Thế Tôn, hỏi Ngài đi đứng có nhẹ nhàng không? Lui tới có khỏe mạnh không?”

Thế Tôn trả lời:

“Mong Đế Thích của ngươi và Chư Thiên Đao-lị thọ mạng lâu dài, khoái lạc, không bịnh. Sở dĩ như vậy là vì chư Thiên, người đời, A-tu-la, và các chúng sanh khác đều ham sống lâu, an lạc, không bịnh hoạn.”

Bấy giờ Đế Thích lại suy nghĩ: “Chúng ta nên đến lễ viếng Thế Tôn”. Tức thì ông cùng với Chư Thiên Đao-lị đi đến chỗ Phật, đầu mặt lễ chân Phật, rồi đứng sang một bên. Khi ấy, Đế Thích bạch Phật rằng:

“Không biết nay con có thể ngồi cách Thế Tôn bao xa?”[18]

Phật bảo Đế Thích:

“Thiên chúng các ngươi nhiều. Nhưng ai gần Ta thì ngồi.”

Khi ấy, hang Nhân-đà-la mà Thế Tôn đang ở tự nhiên trở nên rộng rãi, không bị ngăn ngại. Bấy giờ Đế Thích cùng Chư Thiên Đao-lị và Ban-giá-dực đều lễ chân Phật, rồi ngồi sang một bên. Đế Thích bạch Phật:

“Một thời, Phật ở tại nhà một người Bà-la-môn ở nước Xá-vệ[19]. Lúc bấy giờ Thế Tôn nhập hỏa diệm tam-muội.[20] Con khi ấy nhân có chút việc, cỡi xe báu nghìn căm, đi đến chỗ Tỳ-lâu-lặc Thiên vương. Bay ngang không trung, trông thấy một Thiên nữ chắp tay đứng trước Thế Tôn. Con liền nói với Thiên nữ ấy rằng: ‘Khi Thế Tôn ra khỏi tam-muội, nàng hãy xưng tên ta mà thăm hỏi Thế Tôn, đi đứng có nhẹ nhàng không, lui tới có khỏe mạnh không?’ Không biết Thiên nữ ấy sau đó có chuyển đạt tâm tư ấy giùm con không?”

Phật nói:

“Ta có nhớ. Thiên nữ ấy sau đó có xưng tên ngươi mà thăm hỏi Ta. Ta ra khỏi thiền định mà còn nghe tiếng xe của ngươi.”

Đế Thích bạch Phật:

“Thủa xưa, nhân có chút duyên sự, con cùng Chư Thiên Đao-lị tập họp tại Pháp đường. Các vị thiên thần cố cựu khi ấy đều nói rằng: ‘Nếu Như Lai xuất hiện ở đời, thì Thiên chúng gia tăng, mà chúng[63c] A-tu-la giảm thiểu.’ Nay con chính tự thân gặp Thế Tôn, tự thân biết, tự thân chứng nghiệm, rằng Như Lai xuất hiện ở đời thì các Thiên chúng gia tăng, mà chúng A-tu-la giảm thiểu.

“Có Cù-di Thích nữ[21] này, theo Thế Tôn tu hành phạm hạnh, thân hoại mạng chung, sanh lên cung trời Đao-lị, làm con của con. Chư thiên Đao-lị đều khen: ‘Cù-di con cả của trời[22] có công đức lớn, có uy lực lớn.’

Lại có ba Tỳ-kheo khác theo Thế Tôn tịnh tu phạm hạnh, thân hoại mạng chung, sanh trong hàng các thần chấp nhạc thấp kém,[23] hằng ngày đến để con sai khiến. Cù-di thấy vậy, làm bài kệ chọc tức[24] rằng:

Ông là đệ tử Phật;

Khi tôi là tại gia,

Cúng dường ông cơm áo,

Lễ bái rất cung kính.

Các ông là những ai?

Tự thân được Phật dạy.

Lời dạy đấng Tịnh nhãn,

Mà ngươi không suy xét.

Ta xưa lễ kính ngươi,

Nghe Phật pháp vô thượng,

Sinh trời Tam Thập Tam,

Làm con trời Đế Thích.

Các ông sao không xét,

Công đức mà tôi có.

Trước vốn là thân gái,

Nay là con Đế Thích.

Trước vốn cùng các ông

Đồng tu nơi phạm hạnh;

Nay riêng sinh chỗ thấp,

Để cho tôi sai khiến.

Xưa ông hành vi xấu,

Nên nay chịu báo này.

Riêng sinh chỗ ti tiện,

Để cho ta sai khiến.

Sinh chỗ bất tịnh này,

Bị người khác xúc phạm.

Nghe vậy, hãy nhàm chán

Chỗ đáng nhàm tởm này.

Từ nay hãy siêng năng,

Chớ để làm tôi người[25].

Hai ông siêng tinh tấn,

Tư duy Pháp Như Lai.

Xả bỏ điều mê luyến,

Hãy quán, dục bất tịnh,

Dục trói, không chân thật,

Chỉ lừa dối thế gian.

Như voi bứt xiềng xích,

Siêu việt trời Đao-lị.

Đế Thích, trời Đao-lị,

Tập pháp trên giảng đường.

[64a]Kia với sức dũng mãnh,

Siêu việt trời Đao-lị.

Thích khen chưa từng có.

Chư thiên cũng thấy qua.

Đấy con nhà họ Thích,

Siêu việt trời Đao-lị.

Đã chán dục trói buộc;

Cù-di nói như vậy.

Nước Ma-kiệt có Phật,

Hiệu là Thích-ca Văn.

Người kia vốn thất ý;

Nay phục hồi chánh niệm.

Một trong số ba người,

Vẫn làm thần Chấp nhạc.

Hai người thấy Ðạo đế,

Siêu việt trời Đao-lị.

Pháp Thế Tôn đã dạy,

Đệ tử không hoài nghi.

Cũng đồng thời nghe Pháp;

Hai người hơn người kia.

Tự mình thấy thù thắng,

Đều sinh trời Quang Âm.

Con quan sát họ rồi,

Nên nay đến chỗ Phật.

Đế Thích bạch Phật:

“Kính mong Thế Tôn bỏ chút thời gian, giải quyết cho con một điều nghi ngờ.”

Phật nói:

“Ngươi cứ hỏi, Ta sẽ giải thích cho từng điều một.”

Bấy giờ Đế Thích liền bạch Phật rằng:

“Chư Thiên, người thế gian, Càn-thát-bà[26], A-tu-la cùng các chúng sanh khác, tất cả tương ưng với kết phược[27] gì mà cho đến thù địch nhau, dao gậy nhắm vào nhau?”

Phật nói với Đế Thích:

“Sự phát sanh của oán kết đều do tham lam, tật đố[28]. Vì vậy, chư Thiên, người thế gian, cùng các chúng sanh khác dùng dao gậy nhắm vào nhau.”

Đế Thích liền bạch Phật:

“Thật vậy, bạch Thế Tôn. Oán kết sanh do bởi tham lam, tật đố; khiến cho chư Thiên, người đời, A-tu-la và các chúng sanh khác, sử dụng dao gậy đối với nhau. Con nay nghe lời Phật dạy, lưới nghi đã được dứt bỏ, không còn nghi ngờ nữa. Nhưng con không hiểu sự phát sanh của tham lam và tật đố, do đâu mà chúng khởi lên; do bởi nhân duyên gì; cái gì làm nguyên thủ; từ cái gì mà có, do cái gì mà không?”

Phật bảo Đế Thích:

“Sự phát sanh của tham lam, tật đố, tất cả đều do bởi yêu và ghét[29]; yêu ghét là nhân; yêu ghét là nguyên thủ; từ đó mà có, từ đó mà không.”

Bấy giờ, Đế Thích liền bạch Phật:

“Thật vậy, Thế Tôn. Tham lam, tật đố phát sanh do bởi yêu ghét; yêu ghét là nhân; yêu ghét làm duyên; yêu ghét làm nguyên thủ; từ đó mà có, từ đó mà không. Con nay nghe lời Phật dạy, mê hoặc đã được dứt bỏ, không còn nghi ngờ nữa. Nhưng con không hiểu yêu ghét do dâu mà sanh; do bởi nhân gì, duyên gì; cái gì làm nguyên thủ; từ cái gì mà có, do cái gì mà không?”

Phật bảo Đế Thích:

“Yêu ghét phát sanh ở nơi dục[30]; do nhân là dục, do duyên là dục; dục là nguyên thủ, từ đó mà có; không cái này thì nó không.”

Đế Thích liền bạch Phật:

“Thật vậy, Thế Tôn, yêu ghét phát sanh ở nơi dục; do nhân là dục, do duyên là dục; dục là nguyên thủ, từ đó mà có; không cái này thì nó cũng không. Con nay nghe lời Phật dạy, mê hoặc đã được dứt bỏ, không còn nghi ngờ nữa. Nhưng con không hiểu dục này do dâu mà sanh; do bởi nhân gì, duyên gì; cái gì làm nguyên thủ, do cái gì mà có, do cái gì mà không?”

Phật bảo Đế Thích:

 “Ái[31] do tầm[32] sanh; do nhân là tầm, duyên là tầm; tầm làm nguyên thủ, từ đó mà có; cái đó không thì nó không.”

Đế Thích liền bạch Phật:

“Thật vậy, Thế Tôn, ái do tầm sanh; do nhân là tầm, do duyên là tầm; tầm là nguyên thủ, từ đó mà có; không cái này thì nó không. Con nay nghe lời Phật dạy, mê hoặc đã được dứt bỏ, không còn nghi ngờ nữa. Nhưng con không hiểu tầm do đâu mà sanh; do bởi nhân gì, duyên gì; cái gì làm nguyên thủ, do cái gì mà có, do cái gì mà không?”

Phật bảo Đế Thích:

“Tầm phát sanh do nơi điệu hý[33];  nhân điệu hý, duyên điệu hý; điệu hý làm nguyên thủ, từ đó mà có, cái đó không thì không.

“Này Đế Thích, nếu không có điệu hý thì không có tầm. Không có tầm thì không có dục. Không có dục thì không có yêu ghét. Không có yêu ghét thì không có tham lam, tật đố. Nếu không có tham lam, tật đó thì tất cả chúng sanh không tàn hại lẫn nhau.

“Này Đế Thích, chỉ duyên điệu hý làm gốc; nhân điệu hý, duyên điệu hý; điệu hý làm nguyên thủ, từ đó có tầm. Từ tầm có dục. Từ dục có yêu ghét. Từ yêu ghét có tham lam, tật đố. Do tham lam, tật đố mà chúng sanh tàn hại lẫn nhau.”

Đế Thích bạch Phật:

“Thật vậy, Thế Tôn, do điệu hý mà có tầm; nhân điệu hý, duyên điệu hý; điệu hý làm nguyên thủ, từ đó có tầm. Từ tầm có dục. Từ dục có yêu ghét. Từ yêu ghét có tham lam, tật đố. Do tham lam, tật đố, chúng sanh tàn hại lẫn nhau. Nếu vốn không có điệu hý thì không có tầm. Không có tầm thì không có dục. Không có dục thì không có yêu ghét. Không có yêu ghét thì không có tham lam tật đố. Nếu không có tham lam tật đố thì tất cả chúng sanh không tàn hại lẫn nhau. Nhưng tầm do điệu hý sanh; nhân điệu hý, duyên điệu hý; điệu hý làm nguyên thủ, từ đó có tầm. Từ tầm có dục. Từ dục có yêu ghét. Từ yêu ghét có tham lam, tật đố. Do tham lam, tật đố, chúng sanh tàn hại lẫn nhau. Con nay nghe những điều Phật dạy, mê hoặc đã trừ, không còn nghi ngờ gì nữa.”

Rồi Đế Thích bạch Phật:

“Hết thảy Sa-môn, Bà-la-môn đều ở trên con đường diệt trừ[64c] điệu hý chăng? Hay không ở trên con đường diệt trừ điệu hý[34]?”

Phật nói:

“Không phải hết thảy Sa-môn, Bà-la-môn đều ở trên con đường diệt trừ điệu hý. Sở dĩ như vậy, này Đế Thích, vì thế gian có nhiều chủng loại giới khác nhau. Mỗi chúng sanh y trên giới của mình, ôm giữ chặt cứng, không thể dứt bỏ; cho rằng điều của mình là thật, ngoài ra là dối. Vì vậy, Đế Thích, không phải hết thảy Sa-môn, Bà-la-môn đều ở trên con đường diệt trừ điệu hý.”

Đế Thích liền bạch Phật:

“Thật vậy, Thế Tôn, thế gian có nhiều chủng loại giới khác nhau. Mỗi chúng sanh y trên giới của mình, ôm giữ chặt cứng, không thể dứt bỏ; cho rằng điều của mình là thật, ngoài ra là dối. Vì vậy, không phải hết thảy Sa-môn, Bà-la-môn đều ở trên con đường diệt trừ điệu hý. Con nay nghe những điều Phật dạy, mê hoặc đã trừ, không còn nghi ngờ gì nữa.”

Đế Thích lại bạch Phật:

“Trong chừng mực nào là con đường diệt trừ điệu hý?”

Phật bảo Đế Thích:

“Điệu hý có ba; một là miệng, hai là tầm, ba là cầu[35]. Sau khi xả bỏ nhừng lời nói nào do miệng người nói mà hại mình, hại người, hại cả hai; và nói những gì không hại mình, không hại người, không hại cả hai; Tỳ kheo biết nói đúng thời, đúng như những điều được nói, chuyên niệm không tán loạn. Sau khi xả bỏ những điều được tưởng mà hại mình, hại người, hại cả hai; với những gì được tưởng mà không hại mình, không hại người, không hại cả hai, Tỳ-kheo biết thời, đúng như những điều được tưởng, chuyên niệm không tán loạn. Đế Thích, cầu cũng hại mình, hại người, hại cả hai; sau khi xả bỏ cầu ấy, đúng những gì được tỳm cầu, không hại mình, không hại người, không hại cả hai, Tỳ-kheo biết thời đúng như những gì được tỳm cầu chuyên niệm không tán loạn.”

Bấy giờ, Đế Thích bạch Phật:

“Con nghe những điều Phật dạy, không còn hồ nghi nữa.”

Lại hỏi:

“Trong chừng mực nào thì gọi là xả tâm của Hiền Thánh?”

Phật nói với Đế Thích:

“Xả tâm có ba: một là hỷ thân, hai là ưu thân, ba là xả thân. Đế Thích; hỷ thân nào mà hại mình, hại người, hại cả hai; sau khi xả bỏ hỷ ấy, như điều được hoan hỷ, không hại mình, không hại người, không hại cả hai; Tỳ-kheo biết đúng thời, chuyên niệm không tán loạn, liền được gọi là thọ giới cụ túc. Đế Thích, ưu thân nào mà hại mình, hại người, hại cả hai; sau khi xả bỏ ưu ấy, như điều ưu tư, không hại mình, không hại người, không hại cả hai, Tỳ-kheo biết đúng thời, chuyên niệm không tán loạn, liền được gọi là thọ giới cụ túc. Lại nữa, Đế Thích, xả thân nào mà hại mình, hại người, hại cả hai; sau khi xả bỏ [65a] xả thân ấy, như điều được xả, không hại mình, không hại người, không hại cả hai, Tỳ-kheo biết đúng thời, chuyên niệm không tán loạn, liền được gọi là thọ giới cụ túc.”

Đế Thích bạch Phật:

“Con nghe những điều Phật dạy, không còn hồ nghi nữa.”

Lại bạch Phật:

“Trong chừng mực nào thì được gọi là sự đầy đủ các căn của bậc Hiền Thánh[36]?”

Phật bảo Đế Thích:

“Con mắt biết sắc, Ta nói có hai: đáng thân cận và không đáng thân cận. Tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm ý biết pháp, Ta nói có hai: đáng thân cận và không đáng thân cận.”

Đế Thích bạch Phật:

“Thế Tôn, Như Lai nói vắn tắt mà không phân biệt rộng rãi. Theo chỗ hiểu biết đầy đủ của con thì như thế này: ‘Mắt biết sắc, Ta nói có hai: đáng thân cận và không đáng thân cận. Tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý biết pháp, Ta nói có hai: đáng thân cận và không đáng thân cận. Thế Tôn, như con mắt quán sát sắc, mà pháp thiện không tổn giảm, pháp bất thiện tăng. Mắt thấy sắc như thế, Ta nói không đáng thân cận. Tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý biết pháp, mà pháp thiện tổn giảm, pháp bất thiện tăng trưởng, Ta nói không đáng thân cận. Như mắt biết sắc mà pháp thiện tăng trưởng, pháp bất thiện giảm; sự biết sắc của mắt như vậy, Ta nói đáng thân cận. Tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý biết pháp, mà pháp thiện tăng trưởng, pháp bất thiện tổn giảm, Ta nói đáng thân cận’.”

Phật bảo Đế Thích:

“Lành thay, lành thay, đó gọi là sự đầy đủ các căn của Hiền Thánh.”

Đế Thích bạch Phật:

“Con nghe những điều Phật nói, không còn hồ nghi nữa.’

Lại bạch Phật:

“Trong chừng mực nào Tỳ-kheo được nói là cứu cánh, cứu cánh phạm hạnh, cứu cánh an ổn, cứu cánh vô dư?”

Phật bảo Đế Thích:

“Thân bị khổ bởi ái đã diệt tận, là cứu cánh, cứu cánh phạm hạnh, cứu cánh an ổn, cứu cánh vô dư.”

Đế Thích bạch Phật:

“Những mối hoài nghi mà con ôm ấp lâu dài nay đã được Như Lai mở bày, không còn gì nghi ngờ nữa.”

Phật nói với Đế Thích:

“Trước đây ngươi có bao giời đi đến các Sa-môn, Bà-la-môn hỏi ý nghĩa này chưa?”

Đế Thích bạch Phật:

“Con nhớ lại, thủa xưa, con đã từng đến Sa-môn, Bà-la-môn để hỏi nghĩa này. Xưa, có một thời, chúng con tập họp tại giảng đường, cùng các Thiên chúng bàn luận: ‘Như Lai sẽ ra xuất hiện ở đời chăng? Chưa xuất hiện ở đời chăng?’ Rồi chúng con cùng suy tỳm, không thấy có Như Lai xuất hiện ở đời. Mỗi vị trở về cung điện của mình, hưởng thụ ngũ dục. Thế Tôn, về sau, con lại thấy các đại thiên thần sau khi tự thỏa mãn với ngũ dục, dần dần từng vị mạng chung. Lúc ấy, bạch Thế Tôn, con rất kinh sợ, lông tóc dựng đứng. Khi [65b] gặp các Sa-môn, Bà-la-môn sống nơi thanh vắng, lìa bỏ gia đình, lìa bỏ dục lạc, con bèn tỳm đến hỏi họ rằng: ‘Thế nào là cứu cánh?’ Con hỏi ý nghĩa ấy, nhưng họ không thể trả lời. Đã không thể trả lời, họ hỏi ngược lại con: ‘Ông là ai?’ Con liền đáp: ‘Tôi là Thích Đề-hoàn Nhân.’ Kia lại hỏi: ‘Ông là Thích nào?’Con đáp: ‘Tôi là Thiên đế Thích. Trong lòng có mối nghi nên đến hỏi.’ Rồi con và vị ấy theo chỗ thấy biết của mình cùng giải thích ý nghĩa. Vị kia nghe con nói, lại nhận làm đệ tử của con. Nay con là đệ tử Phật, chứng đắc Tu-đà-hoàn đạo, không còn đọa cõi dữ; tái sanh tối đa bảy lần tất thành đạo quả. Cúi mong Thế Tôn thọ ký con là Tư-đà-hàm.”

Nói xong, Đế Thích lại làm bài tụng:

Do kia nhiễm uế tưởng,

Khiến con sanh nghi ngờ.

Cùng chư Thiên, lâu dài

Suy tỳm đến Như Lai.

Gặp những người xuất gia

Thường ở nơi thanh vắng,

Tưởng là Phật Thế Tôn,

Con đến cúi đầu lễ.

Con đến và hỏi họ

‘Thế nào là cứu cánh?’

Hỏi, nhưng không thể đáp,

Dấu đạo đi về đâu.

Ngày nay đấng Vô Đẳng,

Mà con đợi từ lâu,

Đã quán sát, đã hành,

Tâm đã chánh tư duy.

Đấng Tịnh Nhãn đã biết

Sở hành của tâm con

Và nghiệp đã tu lâu dài,

Cúi mong thọ ký con.

Quy mạng đấng Chí Tôn,                          

Đấng siêu việt tam giới,

Đã bứt gai ân ái.

Kính lễ đấng Nhật quang[37].

Phật bảo Đế Thích:

“Ngươi có nhớ trước đây có khi nào ngươi có hỷ lạc, cảm nghiệm lạc chăng?”

Đế Thích đáp:

“Đúng vậy, Thế Tôn. Con nhớ hỷ lạc, cảm nghiệm lạc mà con có trước đây. Thế Tôn, xưa có lần con đánh nhau với A-tu-la. Khi đó con chiến thắng, A-tu-la bại trận. Con trở về với sự hoan hỷ, cảm nghiệm lạc. Nhưng hoan hỷ ấy, cảm nghiệm lạc ấy duy chỉ là hỷ lạc của dao gậy uế ác, là hỷ lạc của đấu tranh. Nay hỷ lạc, cảm nghiệm lạc mà con có được ở nơi Phật không phải là hỷ lạc của dao gậy, của đấu tranh.”

Phật hỏi Đế Thích:

“Hỷ lạc, cảm nghiệm lạc mà ngươi có hiện nay, trong đó muốn tỳm cầu những kết quả công đức [65c] gì?”

Bấy giờ, Đế Thích bạch Phật:

“Con ở trong hỷ lạc, cảm nghiệm lạc, muốn tỳm cầu năm kết quả công đức[38]. Những gì là năm? Rồi Đế Thích liền đọc bài kệ:

Nếu sau này con chết,

Xả bỏ tuổi thọ trời,

Đầu thai không lo lắng[39],

Khiến tâm con hoan hỷ.[40]

Phật độ người chưa độ;

Hay nói đạo chơn chánh;

Ở trong pháp chánh giác[41],

Con cần tu phạm hạnh.

Sống với thân trí tuệ,

Tâm tự thấy chơn đế;

Chứng đạt điều cần chứng[42],

Do thế sẽ giải thoát[43].

Nhưng phải siêng tu hành,

Tu tập chơn trí Phật.

Dù chưa chứng đạo quả;

Công đức vẫn hơn trời.

Các cõi trời thần diệu,

A-ca-ni[44], vân vân;

Cho đến thân cuối cùng,

Con sẽ sanh nơi ấy.[45]

Nay con ở nơi này,

Được thân trời thanh tịnh;

Lại được tuổi thọ tăng;

Tịnh Nhãn, con tự biết.

Nói bài kệ xong, Đế Thích bạch Phật:

“Con ở trong hỷ lạc, cảm nghiệm lạc, mà được năm kết quả công đức như vậy.”

Bấy giờ Đế Thích nói với Chư Thiên Đao-lị:

“Các ngươi ở trên trời Đao-lị đã cung kính hành lễ trước Phạm Đồng tử. Nay trước Phật lại cũng hành lễ cung kính như vậy, há không tốt đẹp sao?”

Nói xong, phút chốc Phạm Đồng tử bỗng xuất hiện giữa hư không, đứng bên trên các Thiên chúng, hướng về phía Đế Thích mà đọc bài kệ rằng:

Thiên vương hành thanh tịnh,

Nhiều lợi ích chúng sanh;

Ma-kiệt, chúa Đế Thích,

Hỏi Như Lai ý nghĩa.

Bấy giờ, Phạm Đồng tử sau khi nói kệ, bỗng nhiên biến mất. Khi ấy Đế Thích rời chỗ ngồi đứng dậy, lễ dưới chân Thế Tôn, đi quanh Phật ba vòng, rồi lui về. Chư thiên Đao-lị cùng Ban-giá-dực cũng lễ dưới chân Phật rồi lui về.

Thiên đế Thích đi trước một đỗi, quay lại nói với Ban-giá-dực:

“Lành thay, lành thay! Ngươi đã đi trước đến gảy đàn trước Phật cho vui vẻ, sau đó ta mới cùng Chư Thiên Đao-lị đến sau. Ta nay bổ ngươi vào địa vị của cha ngươi, làm thượng thủ trong các Càn-thát-bà, và sẽ gả Bạt-đà con gái của vua Càn-thát-bà cho ngươi làm vợ.”

Khi Thế Tôn nói pháp này, tám vạn bốn nghìn Chư Thiên xa lìa trần cấu, con mắt Chánh pháp phát sanh đối với các pháp.

Bấy giờ Thích Đề-hoàn Nhân, Chư Thiên Đao-lị và Ban-giá-dực sau khi nghe những điều Phật dạy hoan hỷ phụng hành.[46]

 


*  佛說長阿含第二[08]分釋提桓因問經第十

[1] Nhân-đà-sa-la quật 因陀娑羅窟. No 15: Đế thích nham 帝釋巖. No 26(134): Nhân-đà-la thạch thất 因陀羅石室. Pl.: Indasāla-gūha.

[2] Tỳ-đà sơn 毘陀山. No 15: Tỳ-đề-hê sơn 毘提呬
山. No 26(134): Ti-fđà-đề sơn 鞞陀提山. Pl.: Vediyaka.

[3]  Am-bà-la thôn 菴婆菴婆羅村, No 26(134): Nại lâm thôn 奈林
村. Pl.: Ambasaṇḍā.

[4] Chấp nhạc thần Ban-giá-dực 執樂神般遮翼.             Xem cht. 2 kinh số 3 “Điển tôn.” No 15: Ngũ Kế Càn-thát-bà Vương tử 五髻乾闥婆王子. No 26(134): Ngũ Kết Nhạc tử五
結樂子. Pali: Pañcasikha-Gandhaputta.

[5] Lưu ly cầm 琉璃琴. No 15: lưu ly bảo trang nghiêm không hầu 瑠璃寶裝箜篌, đàn không hầu làm bằng lưu ly. Pl.: beluvapaṇḍuvīṇa.

[6] Hỏa diệm tam-muội 火焰三昧.

[7] No 26(134): Bài kệ liên hệ đến ái dục, liên hệ đến rồng, liên hệ Sa-môn, liên hệ A-la-ha (Thánh nhân). D 21: bài ca liên hệ Phật, Pháp, Thánh nhân, ái dục (buddhūpasaṃhitā, dhammūpasaṃhitā saṅghūpasaṃhitā arahantūpasaṃhitākāmūpasaṃhitā)..

[8] Bạt-đà 跋 陀. Hiên Nữ 賢女. No 26(134): Hiền 賢.  Pl.: Bhaddā, con gái của Timbaru, Chấp nhạc Thiên vương.

[9] Chỉ tỳnh yêu của nhạc thần với thiên nữ.

[10] Thích, chỉ Thích Đề-hoàn Nhân.

[11] No 15: trong già-tha này chứa ba loại âm thanh: âm thanh của ái lạc, âm thanh của rồng và của A-la-hán.

[12] A-du-ba-đà ni-câu-luật 阿遊波陀尼俱律, Pl.: Ajapāla-nigrodha.

[13] Ni-liên-thiền 尼連禪, Pl.: Nerañjarā.

[14] Uất-tỳ-la 鬱鞞羅, Pl.: Uruvelā.

[15] Thi-hán-đà, Thiên đại tướng tử 尸漢陀天大將子; Pl.: Sikkhaṇḍī nāma Mātalissa saṭthāhakassa putto, Sikkhandi, vốn là con trai của thần đánh xe Mātali. No 26(134): Vị thiên tên là Kết 結, con của thần đánh xe Ma-đâu-lệ 摩兜麗.

[16] No 15: vị Càn-thát-bà vương tên Đống-mẫu-la 凍
母囉 (Pl.: Timbura), có con gái tên Nhật Quang 日光 (Pl.: Sūriya Vacchasā). No 26(134) Con gái của Nhạc vương Đam-phù-lâu 躭浮樓 tên là Hiền Nguyệt Sắc 賢月色.

[17] No 26(134): “Vị trời kia yêu cô gái ấy. Com cũng yêu cô gái ấy mà không được.”

[18] No 15: vị Thiên chủ nghĩ: Hang này quá hẹp, mà chư thiên đông, làm sao ngồi?

[19] D 21: trú ở Sāvatthi, trong am thất Salāla.

[20] No 15: nhập hỏa giới tam-muội 火界三昧 trong vườn Cấp cô độc.

[21] Cù-di Thích nữ 瞿夷釋女, Pl.: Gopikā nāma Sakya-dhītā, con gái dòng họ Thích tên Gopikā. No 15: Mật Hành 密
行. No 26(134): Cù-tỳ Thích nữ 瞿毘釋女.

[22] Cù-di đại thiên tử 瞿夷大天子, Pl.: Gopaka deva-putta, con trai của trời tên Gopaka. No 26(134): Cù-bà thiên tử 瞿婆天子.

[23] No 15: làm con của Càn-thát-bà Vĩ-na 尾那乾闥婆.

[24] Xúc não 觸 惱, Pl.: paṭicodeti, trách mắng.

[25] Trở lên, lời của Cù-di. Từ đây trở xuống, thuật chuyện nỗ lực tu của hai trong số ba thần chấp nhạc mà tiền thân là ba tỳ kheo.

[26] Càn-đạp-hòa 乾踏和. Pl.: gandhabba.

[27] Kết 結, Pl.: saṃyojana.

[28] Tham tật 貪嫉, Pl.: issāmachariyasaṃyojana, sự trói buộc của tham lam và ganh tị.

[29] Do ái tắng 由愛憎; Pl.: piyāppiyanidānaṃ, nhân duyên là yêu và ghét. No 15: oán thân 怨親. No 26(134): ái bất ái 愛不愛.

[30] Dục 欲, Pl.: chanda: ham muốn. No 15: sở dục 所欲.

[31] Ái 愛 đoạn trên nói là dục. Xem cht. 26.

[32]  Ái do tưởng sanh 愛由想生; Pl.: chando (... ) vitakkanidāno, dục có nguyên nhân là tầm 尋, tức suy nghĩ tỳm tòi. No 26(134): niệm 念. No 15: sở dục từ  nghi hoặc 疑惑.

[33] Điệu hý 調戲, nghĩa đen: đùa giỡn. No 15: hư vọng 虛妄. No 26(134): tư 思. Pl.: papañca-saññā-saṃkhā, hý luận vọng tưởng. Sớ giải, có ba loại papañca (hý luận): taṇhā-papañca (ái hý luận), māna-papañca (mạn hý luận), diṭṭhi-papañca (kiến hý luận).

[34]Hán: tận trừ điệu hý tại diệt tích (... ) 盡除調戲在滅跡. No 15: “Phải chăng dục lạc, ức niệm, sắc tướng của tất cả chúng sanh thảy đều bất đồng?” No 26(134): “Vì sao hết thảy sa-môn, phạm chí không đồng một thuyết, một dục, một ái, một lạc, một ý?” D 21: sabbeva nu kho samaṇabrāmaṇā ekantavādā ekantasīlā ekantachandā ekanta-ajjhosānā’ ti? Phảt chăng hết thảy sa-môn, bà-la-môn đều đồng nhất thuyết, đồng nhất giới, đống nhất dục, đồng nhất thú hướng?”

[35] Nguyên hán: Khẩu 口, tưởng 想 (= tầm, Pl. vitakka), cầu 求 (Pl.: pariyesanā). No 26(134): niệm 念, ngôn 言, cầu 求.   

[36] Hiền Thánh luật chư căn cụ túc 賢聖律諸根具足; Pl.: indriyasaṃvarapaṭi        panno, thành tựu sự phòng hộ các căn.

[37] Hán: Nhật quang tôn 日光尊. Pl.: ādicca-bandhuna, thân tộc của mặt trời, mỹ từ chỉ Phật.

[38] Pl.: cha atthavase: 6 ích lợi.

[39] Hán: bất hoài hoạn 不 懷 患 Pl.: amūḷho gabbhamessāmi: không si ám, đầu thai (theo ý muốn).

[40] Công đức thứ hai trong bản Pali (dutiyaṃ atthavasaṃ).

[41] Hán: tam Phật pháp 三 佛 法, tức nói đủ: tam miệu tam Phật đà pháp.

[42] Để bản: bổn sơ khởi 本初起; TNM: bổn sơ thú 本初趣.

[43] Cf D 21 (ii 286): aññātā viharissāmi, sveva anto bhavissati, con sẽ sống với chánh trí; đây sẽ là đời cuối cùng.

[44] A-ca-ni, tức A-ca-ni-trá  阿迦尼吒, sắc cứu cánh thiên 色究竟天. Pl.: Akaniṭṭha.

[45] Công đức thứ sáu trong bản Pali.

[46] Bản hán, hết quyển 10.

15. Kinh a nậu di

15. KINH A-NẬU-DI

[66a10] Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại nước Minh-ninh, đất A-nậu-di[1]. Cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người.

Bấy giờ, Thế Tôn khoác y cầm bát vào thành A-nậu-di khất thực. Rồi Thế Tôn thầm nghĩ: “Bây giờ còn quá sớm để di khất thực. Ta hãy đến khu vườn của Phạm-chí Phòng-già-bà[2]. Tỳ-kheo cần phải đúng giờ mới đi khất thực”.

Thế Tôn đi đến khu vườn kia. Khi ấy Phạm-chí từ xa trông thấy Phật liền đứng dậy nghinh tiếp, cùng chào hỏi, rằng: “Hoan nghinh Cù-đàm. Từ lâu không đến. Nay do duyên gì lại khuất tất đến đây? Xin mời Cù-đàm ngồi chỗ này.”

Thế Tôn liền ngồi vào chỗ ấy. Phạm-chí ngồi một bên, bạch Thế Tôn:

“Đêm hôm qua có Tỳ-kheo Thiện Tú người Lệ-xa[3] đến chỗ tôi nói rằng: ‘Đại sư, tôi không theo Phật tu phạm hạnh nữa. Sở dĩ vậy là vì Phật bỏ tôi ra ngoài.’[4] Người ấy nói với tôi những khuyết điểm của Cù-đàm. Tuy có nói như vậy, nhưng tôi không chấp nhận.”

Phật nói với Phạm-chí:

“Ta biết ông không chấp nhận điều mà Thiện Tú kia nói. Xưa, một thời, Ta đang ở trên Tập pháp đường, bên bờ hồ Di hầu[5], thuộc Tỳ-da-li. Khi ấy Thiện Tú này đi đến chỗ Ta, nói với Ta rằng: ‘Như Lai bỏ con ra ngoài. Con không theo Như Lai tu phạm hạnh nữa.’ Ta khi ấy nói rằng: ‘Ngươi vì sao nói rằng ‘Con không theo Như Lai tu phạm hạnh nữa, vì Như Lai bỏ con ra ngoài’?’ Thiện Tú đáp: ‘Như Lai không hiện thần túc biến hóa cho con thấy.’

“Ta khi ấy nói rằng: ‘Ta có vời ngươi đến trong pháp Ta tịnh tu phạm hạnh, rằng Ta sẽ hiện thần túc cho ngươi thấy không? Hoặc ngươi có nói với Ta rằng ‘Nếu Như Lai [66b] hiện thần túc biến hóa cho con thấy, nhiên hậu con mới tu phạm hạnh’ chăng?’ Khi ấy Thiện Tú trả lời Ta rằng: ‘Không, bạch Thế Tôn’.”

Phật nói với Thiện Tú[6]:

“Ta cũng không nói với ngươi: ‘Ngươi hãy ở trong Pháp của Ta mà tịnh tu phạm hạnh, Ta sẽ hiện thần túc biến hóa cho thấy.’ Ngươi cũng không nói: ‘Hãy hiện thần túc cho con thấy, con sẽ tu phạm hạnh.’ Thế nào, Thiện Tú, theo ý ngươi, dù Như Lai có hiện thần thông hay không, pháp mà Ta giảng thuyết, pháp ấy có khả năng dẫn đến xuất ly, tận cùng biên tế của khổ chăng?”

Thiện Tú bạch Phật:

“Đúng vậy, Thế Tôn. Dù Như Lai có thị hiện thần túc hay không, pháp được giảng dạy đều có khả năng dẫn đến xuất ly, diệt tận biên tế của khổ, chứ không phải không diệt tận.”[7]

“Cho nên, này Thiện Tú, ai tu hành phạm hạnh theo pháp mà Ta giảng dạy thì có thể hiện thần túc chứ không phải không thể. Vì pháp ấy dẫn đến xuất ly, không phải không thể xuất ly. Ngươi còn mong cầu cái gì đối với pháp ấy?”

Thiện Tú nói:

“Thế Tôn không tùy thời dạy con bí thuật của cha con[8] mà Thế Tôn biết hết nhưng vì keo kiệt nên không dạy cho con.”

Phật nói:

“Thiện Tú, Ta có bao giờ nói với ngươi rằng: Ngươi hãy ở trong pháp Ta tu phạm hạnh, Ta sẽ dạy cho ngươi bí thuật của cha ngươi chăng?”

Đáp: “Không”.

“Cho nên, này Thiện Tú, trước đây Ta không nói như vậy. Ngươi cũng không nói. Vậy tại sao nay nói như thế?

“Thế nào, Thiện Tú, dù Như Lai có nói bí thuật của cha ngươi, hay không nói, pháp mà Ta giảng dạy có dẫn đến xuất ly, diệt tận biên tế của khổ chăng?”

Thiện Tú nói:

“Như Lai có nói bí thuật của cha con hay không nói, pháp đã được giảng dạy có thể dẫn đến xuất ly, diệt tận biên tế của khổ, chứ không phải không thể.”

Phật lại bảo Thiện Tú:

“Dù Ta có nói bí thuật của cha ngươi hay không, nhưng pháp mà Ta nói có thể dẫn đện sự xuất ly, sự lìa khổ, thì ngươi còn tỳm cái gì trong pháp của Ta?”[9]

Phật lại nói với Thiện Tú:

“Ngươi, trước kia ở trong lãnh thổ của người Bạt-xà[10], thuộc Tỳ-xá-li, đã bằng vô số phương tiện xưng tán Như Lai, xưng tán Chánh pháp, xưng tán Chúng tăng. Cũng như một người khen ngợi một cái ao trong mát kia bằng tám cách khiến mọi người ưa thích: một, lạnh; hai, nhẹ, ba, mềm, bốn, trong; năm, ngọt; sáu, không bẩn; bảy, uống không chán; tám, khỏe người. Ngươi cũng vậy, ở trong lãnh thổ Bạt-xà, Tỳ-xá-li, xưng tán Như Lai, xưng tán Chánh pháp, xưng tán Chúng tăng, khiến mọi người tin vui. Thiện Tú, nên biết, ngày nay ngươi bị lui sụt, người đời sẽ nói rằng: [66c] ‘Tỳ-kheo Thiện Tú được nhiều người biết đến, lại thân cận Thế Tôn, và cũng là đệ tử Thế Tôn; nhưng không thể trọn đời tịnh tu phạm hạnh; đã xả giới, hoàn tục, sống đời sống thấp hèn.’ Phạm-chí, nên biết, khi ấy Ta nói đủ lời, nhưng Thiện Tú không thuận lời dạy của Ta, mà đã xả giới hoàn tục.

“Phạm-chí, một thời Ta ở tại Tập pháp đường bên bờ hồ Di hầu[11]; khi ấy có Ni-kiền Tử tên là Già-la-lâu[12] dừng chân tại chỗ kia, được mọi người sùng kính, tiếng tăm đồn xa, được nhiều người biết đến, lợi dưỡng đầy đủ. Khi ấy Tỳ-kheo Thiện Tú khoác y cầm bát vào thành Tỳ-xá-li khất thực; đi lần đến chỗ Ni-kiền Tử. Bấy giờ, Thiện Tú hỏi Ni-kiền Tử bằng ý nghĩa sâu xa. Ni-kiền Tử ấy không đáp được, liền sanh tâm sân hận. Thiện Tú nghĩ thầm: ‘Ta làm người này bực bội[13], sẽ phải chịu quả báo lâu dài chăng?’ Phạm-chí, nên biết, Tỳ-kheo Thiện Tú sau khi khất thực về, cầm y bát đến chỗ Ta, đầu mặt lễ dưới chân, rồi ngồi xuống một bên. Thiện Tú khi ấy không đem duyên cớ ấy mà kể lại với Ta. Ta nói với Thiện Tú rằng: ‘Người ngu kia, ngươi há có thể tự nhận mình là Sa-môn Thích tử chăng?’ Thiện Tú giây lát hỏi Ta rằng: ‘Thế Tôn vì duyên cớ gì mà gọi con là người ngu? Không vô biên xứng đáng tự nhận là Sa-môn Thích tử?’ Ta nói: ‘Người ngu kia, có phải ngươi đã đến Ni-kiền Tử mà hỏi ý nghĩa sâu xa, nhưng người kia không đáp được bèn sanh sân hận. Ngươi nghĩ thầm: ‘Ta nay làm người này bực bội, há sẽ phải chịu quả báo đau khổ lâu dài chăng?’ Ngươi có nghĩ như vậy không?’ Thiện Tú bạch Phật rằng: ‘Người kia là A-la-hán. Sao Thế Tôn có tâm ganh tị, thù ghét ấy[14]?’ Ta khi ấy trả lời rằng: ‘Người ngu kia, La-hán làm sao lại có tâm ganh tị, thù ghét? Ta, La-hán, không có tâm ganh tị, thù ghét. Ngươi nay tự cho người kia là La-hán. Người kia có bảy sự khổ hạnh đã được gìn giữ lâu ngày. Bảy khổ hạnh ấy là gì? Một, suốt đời không mặc quần áo. Hai, suốt đời không uống rượu, ăn thịt, cũng không ăn cơm và bột các thứ[15]. Ba, suốt đời không vi phạm phạm hạnh. Bốn, trọn đời không rời bốn tháp bằng đá[16] ở Tỳ-xá-li; phía Đông là tháp Ưu viên, phía Nam tháp Voi, phía Tây tháp Đa tử, phía Bắc tháp Thất tụ[17]. Trọn đời không rời khỏi bốn tháp ấy, coi đó là bốn sự khổ hạnh. Nhưng người ấy về sau vi phạm bảy khổ hạnh này và mạng chung ở ngoài thành Tỳ-xá-li. Cũng như con chó sói bịnh suy vì ghẻ lỡ mà chết trong bãi tha ma[18]. Ni-kiền Tử kia cũng vậy. Tự mình đặt cấm pháp, sau lại phạm hết. [67a]Trước tự thề rằng suốt đời không mặc quần áo, sau đó lại mặc. Trước tự mình thề rằng suốt đời không uống rượu, ăn thịt và không ăn các thứ bột, nhưng về sau lại ăn hết. Trước vốn tự mình thề rằng suốt đời không vượt qua khỏi bốn cái tháp: phía đông tháp Ưu viên, nam tháp Voi, tây tháp Đa tử, bắc tháp Thất tụ. Nay trái lời hết, rời xa không còn gần gũi nữa. Người ấy sau khi vi phạm bảy lời thề ấy rồi, ra khỏi thành Tỳ-xá-li, chết trong bãi tha ma.’ Phật bảo Thiện Tú: ‘Người ngu kia, ngươi không tin lời Ta. Ngươi hãy tự mình đi xem, sẽ tự mình biết’.”

Phật nói với Phạm-chí:

“Một thời, Tỳ-kheo Thiện Tú khoác y cầm bát vào thành khất thực. Khất thực xong, lại ra khỏi thành, đi đến một khoảng trống trong bãi tha ma, thấy Ni-kiền Tử kia chết ở đó. Sau khi thấy như vậy, về đến chỗ Ta, đầu mặt lễ dưới chân, rồi ngồi sang một bên, nhưng không kể lại chuyện ấy với Ta. Phạm-chí, nên biết, lúc ấy Ta nói với Thiện Tú: ‘Thế nào, Thiện Tú, những điều Ta ghi nhận về Ni-kiền Tử trước đây, có đúng như vậy không?’ Đáp rằng: ‘Đúng vậy, đúng như lời Thế Tôn đã nói.’ Phạm-chí, nên biết, Ta đã hiện thần thông chứng minh cho Thiện Tú, nhưng kia lại nói: ‘Thế Tôn không thị hiện thần thông cho con’.”

“Lại một thời, Ta ở tại ấp Bạch thổ nước[19] Minh-ninh, lúc bấy giờ có Ni-kiền Tử tên là Cứu-la-đế[20], trú tại Bạch thổ, được mọi người sùng kính, tiếng tăm đồn xa, được nhiều lợi dưỡng. Khi ấy, Ta khoác y cầm bát vào thành khất thực. Tỳ-kheo Thiện Tú lúc bấy giờ đi theo Ta, thấy Ni-kiền Tử Cứu-la-đế đang nằm phục trên một đống phân mà liếm bã trấu[21]. Phạm-chí, nên biết, khi Tỳ-kheo Thiện Tú thấy Ni-kiền Tử này nằm phục trên đống phân mà ăn bã trấu, liền suy nghĩ rằng: ‘Các A-la-hán hay những vị đang hướng đến quả A-la-hán trong thế gian không ai kịp vị này. Đạo của vị Ni-kiền Tử này là bậc nhất hơn hết. Vì sao? Người khổ hạnh mới được như vậy, dứt bỏ kiêu mạn, nằm trên đống phân mà liếm bã trấu.’

“Phạm-chí, bấy giờ Ta xoay người theo hướng phải, nói với Thiện Tú rằng: ‘Người ngu kia[22], ngươi há có thể tự nhận là Thích tử chăng?’ Thiện Tú bạch Phật rằng: ‘Thế Tôn, vì sao gọi con là người ngu, không vô biên xứng đáng tự nhận là Thích tử?’ Phật nói với Thiện Tú: ‘Ngươi ngu si, ngươi quan sát Cứu-la-đế này ngồi chồm hỗm trên đống phân mà ăn bã trấu liền nghĩ rằng: Trong các A-la-hán hay những vị đang hướng đến quả La hán, Cứu-la-đế này là tối tôn, [67b] tối thượng. Vì sao? Nay Cứu-la-đế này có thể hành khổ hạnh, trừ kiêu mạn, ngồi chồm hỗm trên đống phân mà ăn bã trấu. Ngươi có ý nghĩ như vậy không?’ Đáp rằng: ‘Thật vậy.’ Thiện Tú lại nói: ‘Thế Tôn vì sao sanh tâm ganh tị với một vị A-la-hán?’ Phật nói: ‘Người ngu kia, Ta không hề sanh tâm ganh tị đối với một vị A-la-hán. Tại sao nay lại sanh tâm tật đố đối với một vị A-la-hán? Ngươi, người ngu kia, bảo Cứu-la-đế là một vị chân A-la-hán. Nhưng người này sau bảy ngày nữa sẽ sình bụng mà chết[23], tái sanh làm quỉ đói thây ma biết đi[24], thường chịu khổ vì đói. Sau khi mạng chung, được buộc bằng cọng lau mà lôi vào bãi tha ma. Nếu người không tin, hãy đến báo trước cho người ấy biết.’

“Rồi Thiện Tú liền đi đến chỗ Cứu-la-đế, bảo rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm kia tiên đoán rằng bảy ngày nữa ông sẽ bị sình bụng mà chết, sanh vào trong loài quỉ đói thây ma biết đi; sau khi chết, được buộc bằng sợi dây lau và lôi vào bãi tha ma.’ Thiện Tú lại dặn: ‘Ông hãy ăn uống cẩn thận, chớ để lời ấy đúng.’ Phạm-chí, nên biết, qua bảy ngày, Cứu-la-đế bị sình bụng mà chết, tức thì sanh vào trong loài quỉ đói thây ma; sau khi chết, được buộc bằng dây lau và lôi vào bãi tha ma. Thiện Tú sau khi nghe Phật nói, co ngón tay tính ngày. Cho đến ngày thứ bảy, Tỳ-kheo Thiện Tú đi đến xóm lõa hình, hỏi người trong xóm: ‘Này các bạn, Cứu-la-đế nay đang ở đâu?’ Đáp rằng: ‘Chết rồi.’ Hỏi: ‘Vì sao chết?’ Đáp: ‘Bị sình bụng.’ Hỏi: ‘Chôn cất thế nào?’ Đáp: ‘Được buộc bằng dây lau và lôi vào bãi tha ma.’

“Phạm-chí, Thiện Tú sau khi nghe như vậy, liền đi đến bãi tha ma. Khi sắp sửa đến nơi, hai đầu gối của thây ma động đậy, rồi bồng nhiên ngồi chồm hỗm dậy. Tỳ-kheo Thiện Tú vẫn cứ đi đến trước thây ma, hỏi: ‘Cứu-la-đế, ông chết rồi phải không?’ Thây ma đáp: ‘Ta chết rồi.’ Hỏi: ‘Ông đau gì mà chết?’ Đáp: ‘Cù-đàm đã tiên đoán ta sau bảy ngày sình bụng mà chết. Quả như lời, qua bảy ngày, ta sình bụng mà chết.’ Thiện Tú lại hỏi: ‘Ông sanh vào chỗ nào?’ Đáp: ‘Như Cù-đàm tiên đoán, ta sẽ sanh vào loài quỉ đói thây ma biết đi. Nay ta sanh vào trong quỉ đói làm thây ma biết đi.’ Thiện Tú hỏi: ‘Khi ông chết, được chôn cất như thế nào?’ Thây ma đáp: ‘Như Cù-đàm đã tiên đoán, ta sẽ được buộc bằng dây lau rồi lôi vào bãi tha ma. Quả như lời, ta được buộc bằng dây lau rồi lôi vào bãi tha ma.’ Rồi [67c] thây ma nói với Thiện Tú: ‘Ngươi tuy xuất gia mà không được điều thiện lợi. Sa-môn Cù-đàm nói như vậy, mà ngươi thường không tin.’ Nói xong, thây ma lại nằm xuống.

“Phạm-chí, bấy giờ Tỳ-kheo Thiện Tú đi đến chỗ Ta, đảnh lễ xong, ngồi xuống một bên, nhưng không kể lại chuyện ấy với Ta. Ta liền nói: ‘Như lời Ta tiên đoán, Cứu-la-đế có thật như vậy không?’ Đáp: ‘Thật vậy, đúng như Thế Tôn nói.’ Phạm-chí, Ta nhiều lần như vậy thị hiện thần thông chứng cho Tỳ-kheo Thiện Tú, nhưng kia vẫn nói: ‘Thế Tôn không hiện thần thông cho con thấy’.”

Phật lại nói với Phạm-chí:

“Một thời, Ta ở tại Tập pháp đường, bên bờ hồ Di hầu[25]. Khi ấy có Phạm-chí tên là Ba-lê Tử[26], đang ngụ tại chỗ kia, được mọi người sùng kính, có nhiều lợi dưỡng. Người ấy ở giữa quần chúng Tỳ-xá-li nói như vậy: ‘Sa-môn Cù-đàm tự nhận là có trí tuệ; ta cũng có trí tuệ. Sa-môn Cù-đàm tự nhận có thần túc; ta cũng có thần túc. Sa-môn Cù-đàm đã đạt được đạo siêu việt; ta cũng đạt được đạo siêu việt. Ta sẽ cùng ông ấy hiện thần thông. Sa-môn hiện một, ta sẽ hiện hai. Sa-môn hiện hai, ta sẽ hiện bốn. Sa-môn hiện tám, ta sẽ hiện mười sáu. Sa-môn hiện mười sáu, ta sẽ hiện ba mươi hai. Sa môn hiện ba mươi hai, ta hiện sáu mươi tư. Tùy theo Sa-môn ấy hiện nhiều hay ít, ta sẽ hiện gấp đôi.’

“Phạm-chí, khi ấy Tỳ-kheo Thiện Tú khoác y cầm bát vào thành khất thực. Trông thấy Phạm-chí Ba-lê Tử đang nói như vậy giữa quần chúng: ‘Sa-môn Cù-đàm tự nhận là có trí tuệ; ta cũng có trí tuệ. Sa-môn Cù-đàm tự nhận có thần túc; ta cũng có thần túc. Sa-môn Cù-đàm đã đạt được đạo siêu việt; ta cũng đạt được đạo siêu việt. Ta sẽ cùng ông ấy hiện thần thông. Sa-môn hiện một, ta sẽ hiện hai. Sa-môn hiện hai, ta sẽ hiện bốn. Sa-môn hiện tám, ta sẽ hiện mười sáu. Sa-môn hiện mười sáu, ta sẽ hiện ba mươi hai. Sa môn hiện ba mươi hai, ta hiện sáu mươi tư. Tùy theo Sa-môn ấy hiện nhiều hay ít, ta sẽ hiện gấp đôi.’ Tỳ-kheo Thiện Tú sau khi khất thực xong, về đến chỗ Ta, đảnh lễ rồi ngồi xuống một bên, nói với Ta rằng: ‘Sáng nay, con khoác y cầm bát vào thành khất thực, nghe Ba-lê Tử ở Tỳ-xá-li đang nói như vầy: ‘Sa-môn Cù-đàm tự nhận là có trí tuệ; ta cũng có trí tuệ. Sa-môn Cù-đàm tự nhận có thần túc; ta cũng có thần túc. Sa-môn Cù-đàm đã đạt được đạo siêu việt; ta cũng đạt được đạo siêu việt. Ta sẽ cùng ông ấy hiện thần thông. Sa-môn hiện một, ta sẽ hiện hai; cho đến, tùy theo Sa-môn ấy hiện nhiều hay [68a] ít, ta sẽ hiện gấp đôi.’ Sự việc ấy được kể lại cho Ta đầy đủ. Ta nói với Thiện Tú: ‘Ba-lê Tử ở giữa quần chúng, nếu không từ bỏ lời ấy mà đi đến Ta, sẽ không có trường hợp ấy. Nếu người kia nghĩ rằng: ‘Ta không từ bỏ lời ấy, không từ bỏ quan điểm ấy, không xả bỏ kiêu mạn ấy, mà cứ đi đến Sa-môn Cù-đàm, thì đầu ông ấy sẽ bị vỡ làm bảy mảnh. Không có trường hợp người ấy không từ bỏ lời ấy, không từ bỏ kiêu mạn ấy, mà vẫn đi đến Ta.’

“Thiện Tú nói: ‘Thế Tôn hãy giữ miệng. Như Lai hãy giữ miệng.’ Phật hỏi Thiện Tú: ‘Vì sao ngươi nói: Thế Tôn hãy giữ miệng. Như Lai hãy giữ miệng?’ Thiện Tú nói: ‘Ba-lê Tử kia có uy thần lớn, có uy lực lớn. Giả sử ông ấy đến thật, há không phải Thế Tôn hư dối sao?’ Phật bảo Thiện Tú: ‘Như Lai có bao giờ nói hai lời không?’ Đáp: ‘Không.’ Phật lại bảo Thiện Tú: ‘Nếu không có hai lời, tại sao ngươi lại nói: Thế Tôn hãy giữ miệng. Như Lai hãy giữ miệng?’ Thiện Tú bạch Phật: ‘Thế Tôn do tự mình thấy biết Ba-lê Tử, hay do Chư Thiên nói?’ Phật nói: ‘Ta tự mình biết, và cũng do Chư Thiên đến nói cho nên biết. Đại tướng A-do-đà[27] ở Tỳ-xá-li này sau khi thân hoại mạng chung sanh vào trời Đao-lị. Ông đến nói với Ta rằng: ‘Phạm-chí Ba-lê Tử kia không biết xấu hổ, phạm giới, vọng ngữ, ở Tỳ-xá-li, giữa quần chúng, nói lời phỉ báng như vầy: Đại tướng A-do-đà sau khi thân hoại mạng chung sanh vào loài quỷ thây ma biết đi[28]. Nhưng thật sự con thân hoại mạng chung sanh vào trời Đao-lị.’ Ta đã tự mình biết trước việc Ba-lê Tử, và cũng do Chư Thiên nói lại nên biết.’”

Phật nói:

“Kẻ ngu si, Thiện Tú, ngươi không tin Ta, thì hãy vào thành Tỳ-xá-li, tùy ý mà rao lên. Ta sau bữa ăn sẽ đi đến chỗ Phạm-chí Ba-lê Tử.’”

Phật lại nói với Phạm-chí:

“Bấy giờ, Thiện Tú kia sau khi qua đêm khoác y cầm bát vào thành khất thực. Khi ấy Thiện Tú kia hướng đến các Bà-la-môn, Sa-môn, Phạm-chí trong thành Tỳ-xá-li kể đủ câu chuyện rằng: ‘Phạm-chí Ba-lê Tử ở giữa đại chúng đã tuyên bố lời này: ‘Sa-môn Cù-đàm tự nhận là có trí tuệ;ta cũng có trí tuệ. Sa-môn Cù-đàm có đại uy lực; ta cũng có đại uy lực. Sa-môn Cù-đàm tự nhận có Đại thần túc; ta cũng có Đại thần túc. Sa-môn hiện một, ta sẽ hiện hai; cho đến, tùy theo Sa-môn ấy hiện nhiều hay ít, ta sẽ hiện gấp đôi.’ Nhưng nay Sa-môn Cù-đàm sẽ đi đến chỗ Ba-lê Tử kia. Các vị cũng nên đến đó hết.’

“Khi ấy Phạm-chí Ba-lê đang đi trên đường. Thiện Tú trông thấy, vội vã đến gần, nói rằng: ‘Ông ở giữa đám đông của Tỳ-xá-li đã tuyên bố như vầy: ‘Sa-môn Cù-đàm có đại trí tuệ, ta cũng có đại trí tuệ, cho đến, tùy theo Sa-môn ấy hiện nhiều hay ít, ta sẽ hiện gấp đôi.’ Sa-môn Cù-đàm nghe lời tuyên bố ấy, nay muốn đến chỗ ông. Ông hãy về nhanh đi.’ Đáp rằng: ‘Ta sẽ về ngay. Ta sẽ về ngay.’ Nói như thế rồi, giây lát cảm thấy hoảng sợ, lông tóc dựng đứng, không trở về chỗ cũ, mà đi đến khu rừng của Phạm-chí Đạo-đầu-ba-lê[29], ngồi trên võng[30], rầu rĩ, mê loạn.”

Phật bảo Phạm-chí:

“Ta, sau bữa ăn, cùng với nhiều người Lệ-xa, Sa-môn, Bà-la-môn, Phạm-chí, Cư sĩ, đi đến trú xứ của Ba-lê-tử, ngồi lên chỗ ngồi. Trong đám đông ấy có một Phạm-chí tên là Giá-la[31]. Khi ấy, mọi người kêu Giá-la, bảo rằng: ‘Ông hãy đi đến rừng Đạo-đầu nói với Ba-lê Tử: ‘Nay nhiều người Lệ-xa, Sa-môn, Bà-la-môn, Phạm-chí, Cư sĩ đều tụ tập hết nơi rừng của ông. Mọi người cùng bàn luận rằng, Phạm-chí Ba-lê ở giữa đám đông tự mình xướng lên lời này: ‘Sa-môn Cù-đàm có đại trí tuệ, ta cũng có đại trí tuệ, cho đến, tùy theo Sa-môn ấy hiện nhiều hay ít, ta sẽ hiện gấp đôi.’ Sa-môn Cù-đàm vì vậy đã đến nơi rừng của ông. Ông hãy đến xem.’ Rồi thì, Già-la sau khi nghe mọi người nói, bèn đi đến rừng bảo Đạo-đầu Ba-lê Tử rằng: ‘Nay nhiều người Lệ-xa, Sa-môn, Bà-la-môn, Phạm-chí, Cư sĩ đều tụ tập hết nơi rừng của ông. Mọi người cùng bàn luận rằng, Phạm-chí Ba-lê ở giữa đám đông tự mình xướng lên lời này: ‘Sa-môn Cù-đàm có đại trí tuệ, ta cũng có đại trí tuệ, cho đến, tùy theo Sa-môn ấy hiện nhiều hay ít, ta sẽ hiện gấp đôi.’ Sa-môn Cù-đàm nay đang ở nơi rừng kia. Ba-lê, ông có về không?’ Khi ấy, Phạm-chí Ba-lê liền đáp: ‘Sẽ về. Sẽ về.’ Nói như vậy xong, ở trên võng mà day trở không yên. Bấy giờ, võng lại làm cho vướng chân, khiến ông không thể rời khỏi võng, huống hồ đi đến Thế Tôn.

“Thế rồi, Già-la nói với Phạm-chí Ba-lê: ‘Ngươi tự vô trí, chỉ có tiếng nói rỗng không: ‘Sẽ về. Sẽ về.’ Nhưng vẫn không thể rời khỏi [68c] cái võng ấy, sao có thể đi đến chỗ đại chúng?’ Trách mắng Ba-lê Tử xong, ông bèn trở về chỗ đại chúng, báo rằng: ‘Tôi nhân danh đại chúng, đi đến đó nói với Ba-lê Tử. Y trả lời: ‘Sẽ về. Sẽ về.’ Ngay lúc ấy, ônt ta ở trên võng  chuyển động thân thể, nhưng võng dính vào chân không rời được. Y còn không thể rời khỏi cái võng, sao có thể đến đại chúng này được?’

“Bấy giờ, có một Lệ-xa Tử là Đầu-ma[32] đang ngồi trong chúng, liền đứng dậy, trịch áo bày vai phải, quỳ dài, chắp tay, bạch đại chúng rằng: ‘Đại chúng hãy đợi một lát. Tôi sẽ tự mình đến dẫn người ấy lại đây’.”

Phật nói:

“Ta khi ấy nói với Lệ-xa Tử Đầu-ma rằng: ‘Người kia đã tuyên bố như vậy, ôm giữ kiến giải như vậy, khởi kiêu mạn như vậy; mà muốn khiến cho người ấy đi đến chỗ Phật, thì không thể được. Đầu-ma Tử, giả sử ông lấy dây quấn nhiều lớp, rồi khiến bầy bò cùng kéo, cho đến thân thể người ấy bị rã rời, cuối cùng người ấy vẫn sẽ không thể từ bỏ lời nói như vậy, kiến giải như vậy, kiêu mạn như vậy, để đến chỗ Ta. Nếu không tin lời Ta, ngươi hãy đến đó tự mình khắc biết.’

“Bấy giờ, Lệ-xa Tử Đầu-ma vẫn cố đi đến chỗ Ba-lê-tử, nói với Ba-lê Tử rằng: ‘Nhiều người Lệ-xa, Sa-môn, Bà-la-môn, Phạm-chí, cư sĩ đều tụ tập hết nơi rừng của ông. Mọi người cùng bàn luận rằng, Phạm-chí Ba-lê ở giữa đám đông tự mình xướng lên lời này: ‘Sa-môn Cù-đàm có đại trí tuệ, ta cũng có đại trí tuệ, cho đến, tùy theo Sa-môn ấy hiện nhiều hay ít, ta sẽ hiện gấp đôi.’Sa-môn Cù-đàm nay đang ở nơi rừng kia. Ông hãy về đi.’ Lúc ấy, Ba-lê Tử đáp: ‘Sẽ về. Sẽ về.’ Nói như vậy rồi, ông ở trên võng mà chuyển động thân mình, nhưng khi ấy võng lại vướng vào chân, khiến ông không thể rời khỏi võng, huống nữa là đi đến chỗ Thế Tôn.

“Thế rồi, Đầu-ma nói với Ba-lê Tử rằng: ‘Ngươi tự vô trí, chỉ có tiếng nói rỗng không: Sẽ về, sẽ về. Nhưng tự mình còn không thể rời khỏi cái võng này, đâu có thể đi đến chỗ đại chúng!’

“Đầu-ma lại nói với Ba-lê Tử: ‘Những người có trí, do thí dụ mà được hiểu rõ.[33] Thuở lâu xa xưa có một sư tử chúa tể loài thú sống trong rừng sâu. Vào buổi sáng sớm, sư tử ra khỏi hang, nhìn ngắm bốn phía, vươn mình rống lên ba tiếng, sau đó rảo quanh kiếm thịt mà ăn. Này Ba-lê Tử, sư tử chúa tể loài thú kia ăn xong rồi trở về rừng, thường có một con [69a] dã can đi theo sau ăn tàn, khí lực sung mãn, bèn tự bảo: Sư tử trong rừng kia cuối cùng là con thú gì? Hơn ta được chăng? Nay ta hãy độc chiếm một khu rừng, sáng sớm ra khỏi hang, nhìn quanh bốn phía, vươn mình rống lên ba tiếng, sau đó rảo quanh. Nó muốn học tiếng rống sư tử, nhưng lại ré lên tiếng dã can. Này Ba-lê Tử, ngươi ở đây cũng vậy. Nhờ uy đức của Phật mà sống còn ở đời, được người cúng dường; nhưng nay lại tranh đua với Như Lai.’ Rồi Đầu-ma nói bài kệ chỉ trích:

Dã can xưng sư tử

Tự cho mình vua thú

Muốn rống tiếng sư tử

Lại ré tiếng dã can.

Một mình trong rừng vắng

Tự cho mình vua thú

Muốn rống tiếng sư tử

Lại ré tiếng dã can.

Quỳ xuống kiếm chuột hang,

Tha ma tỳm xác chết;

Muốn rống tiếng sư tử,

Lại ré tiếng dã can.

“Đầu-ma nói rằng: ‘Ngươi cũng vậy. Nhờ ơn Phật mà sống còn ở đời, được người cúng dường; nhưng nay lại tranh đua với Như Lai.’ Khi ấy Đầu-ma lấy bốn thí dụ, trách mắng thẳng mặt, sau đó, trở về chỗ đại chúng, báo rằng: ‘Tôi đã nhân danh đại chúng đi gọi Ba-lê Tử. Người kia trả lời tôi: ‘Sẽ về. Sẽ về.’ Rồi ông ta ở trên võng chuyển động thân, nhưng võng liền vướng chân không thể rời ra được. Ông ta vẫn không thể rời khỏi võng, nói gì chuyện đi đến đại chúng này!’

“Bấy giờ Thế Tôn nói với Đầu-ma: ‘Ta đã nói trước với ngươi, muốn cho người ấy đi đến chỗ Phật, không thể được. Giả sử ngươi lấy sợi dây da bó nhiều lớp rồi cho bầy bò kéo, cho đến thân thể rã rời, cuối cùng ông kia vẫn không xả bỏ lời ấy, kiến giải ấy, kiêu mạn ấy, để đi đến Ta.’

“Này Phạm-chí, bấy giờ, Ta liền thuyết nhiều pháp khác nhau cho đại chúng, khai thị, giáo huấn, làm cho ích lợi, hoan hỷ. Ở trong chúng, Ta ba lần cất tiếng rống sư tử, rồi cất mình bay lên hư không, Ta trở về chỗ cũ.”

Phật nói với Phạm-chí:

“Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn nói rằng: ‘Tất cả thế gian đều do Phạm- Tự tại thiên[34] sáng tạo.’Ta hỏi họ: ‘Hết thảy thế gian có thật do Phạm-Tự tại thiên sáng tạo chăng?’ Họ không thể trả lời,[35] nhưng lại hỏi Ta rằng: ‘Cù-đàm, [69b] sự ấy là thế nào?’

“Ta trả lời họ:

“Có một thời, khi thế giới này bắt đầu hủy diệt, có một chúng sanh nọ[36] mà mạng hết, hành hết, từ trời Quang Âm mạng chung, [37] sanh đến trú xứ Phạm thiên còn trống không[38]. Rồi ở nơi đó, nó khởi tham ái, sanh tâm đắm trước,[39] lại mong muốn có chúng sanh khác cũng sanh đến chỗ này. Những chúng sanh khác khi mạng hết, hành hết, lại sanh vào chỗ này. Bấy giờ, chúng sanh kia[40] tự nghĩ như vầy: ‘Ta nay là Đại Phạm vương, ngẫu nhiên mà hiện hữu, không do ai sáng tạo. Ta có thể thấu suốt mục đích của các ý nghĩa, [41] tuyệt đối tự tại trong một nghìn thế giới, có thể tác thành, có thể biến hóa, vi diệu bậc nhất, là tổ phụ của loài người.[42] Ta đến đây trước nhất, một mình không bầu bạn; do năng lực của ta mà có chúng sanh này. Ta sáng tạo ra chúng sanh này.’ Các chúng sanh còn lại kia cũng thuận tòng, gọi đó là Phạm vương, ngẫu nhiên hiện hữu, có thể thấu suốt mục đích của các ý nghĩa, tuyệt đối tự tại trong một nghìn thế giới, có thể tác thành, có thể biến hóa, vi diệu bậc nhất, là cha mẹ của người, là vị duy nhất hiện hữu trước, còn chúng ta hiện hữu sau. Chúng ta do vị Đại Phạm vương ấy sáng tạo.’ Các chúng sanh này tùy theo khi tuổi thọ của chúng hết, tái sanh vào thế gian này; rồi dần dần trưởng thành, cạo bỏ râu tóc, bận ba pháp y, xuất gia tu đạo. Vị ấy nhập định ý tam-muội, tùy với tâm định tĩnh mà nhớ đời sống trước của mình. Vị ấy nói như vậy: ‘Vị Đại Phạm vương này ngẫu nhiên mà hiện hữu, không do ai sáng tạo; có thể thấu suốt mục đích của các ý nghĩa; tuyệt đối tự tại trong một nghìn thế giới; có thể tác thành, có thể biến hóa, vi diệu bậc nhất, là cha mẹ của người. Đại Phạm thiên kia thường trụ, không biến chuyển, không phải là pháp biến dịch. Chúng ta đều do Phạm thiên sáng tạo, cho nên không thường hằng, không tồn tại lâu dài, là pháp biến dịch.’ Như vậy, Phạm-chí, các Sa-môn, Bà-la-môn kia do duyên này, thảy đều nói Phạm-Tự tại thiên sáng tạo thế giới này. Này Phạm-chí, sự sáng tạo của thế giới không phải là điều mà những vị ấy có thể vươn tới; duy chỉ Phật mới có thể biết. Lại còn vượt qua sự ấy, Phật cũng đều biết cả. Tuy biết nhưng không tham trước, mà biết một cách như thật về khổ, tập khởi, diệt khổ, vị ngọt, tai hoạn, và sự xuất yếu; bằng chánh quán mà giải thoát vô dư. Ấy gọi là Như Lai.”

Phật bảo Phạm-chí:

“Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn nói như vầy: ‘Hý tiếu và giải đãi là khởi thủy của chúng sanh[43].’ Ta nói với họ: ‘Có thật các ngươi nói rằng: Hý tiếu và giải đãi là khởi thủy của chúng sanh?’ Họ không thể trả lời[44] mà hỏi ngược lại rằng: ‘Cù-đàm, sự ấy là thế nào?’ Ta đáp: ‘Một số chúng sanh ở trời Quang Âm do chơi bời và biếng nhác,[45] khi thân hoại mạng chung, tái sanh vào thế gian này; rồi dần trưởng thành, cạo bỏ râu [69c] tóc, bận ba pháp y, xuất gia tu đạo, cho đến khi nhập tâm định tam-muội[46]; do năng lực tam-muội, nhận thức được đời sống trước, bèn nói như vầy: ‘Các chúng sanh kia do không chơi bời biếng nhác nên thường hằng ở chỗ ấy, tồn tại lâu dài, không biến chuyển. Chúng ta do thường xuyên chơi bời dẫn đến pháp vô thường, biến dịch này.’ Như vậy, Phạm-chí, Sa-môn, Bà-la-môn kia do duyên ấy nói rằng hý tiếu là khởi thủy của chúng sanh. Những điều ấy Phật biết tất cả, lại còn biết hơn thế nữa. Biết nhưng không đắm trước, do không đắm trước mà như thật biết khổ, sự tập khởi, sự diệt trừ, vị ngọt, tai hoạn, sự xuất yếu; bằng chánh quán mà giải thoát vô dư. Ấy gọi là Như Lai.”

Phật nói với Phạm-chí:

“Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn nói rằng: ‘Thất ý[47] là khởi thủy của chúng sanh.’ Ta nói với họ: ‘Có thật các ngươi nói rằng sự thất ý là khởi thủy của chúng sanh chăng?’ Họ không biết trả lời, bèn hỏi lại Ta rằng: ‘Cù-đàm, sư ấy thế nào?’ Ta nói với họ: ‘Một số chúng sanh do dòm ngó nhau một thời gian sau bèn thất ý;[48] do thế, mạng chung tái sanh vào thế gian này; rồi lớn dần, cạo bỏ râu tóc, bận ba pháp y, xuất gia tu đạo, bèn nhập tâm định tam-muội; do năng lực tam-muội vị ấy nhận thức được đời sống trước, bèn nói như vầy: Như chúng sanh kia do không dòm ngó nhau nên không thất ý, do vậy mà mà thường hằng bất biến. Chúng ta do thường xuyên dòm ngó nhau bèn thất ý; do thế dẩn đến pháp vô thường, biến dịch.’ Như vậy, Phạm-chí, Sa-môn, Bà-la-môn kia do duyên ấy nói rằng sự thất ý là khởi thủy của chúng sanh. Điều như vậy, duy Phật mới biết; lại còn biết hơn thế nữa. Biết nhưng không đắm trước; do không đắm trước mà như thật biết khổ, sự tập khởi, sự diệt tận, vị ngọt, tai hoạn, sự xuất yếu; do chánh quán mà giải thoát vô dư.”

Phật nói với Phạm-chí:

“Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn nói: ‘Ta xuất hiện từ vô nhân.’[49] Ta đến nói với họ rằng: ‘Có thật các ông nói: bản lai do vô nhân mà xuất hiện chăng?’ Họ không thể trả lời Ta được, mà lại hỏi ngược lại Ta. Khi ấy Ta trả lời họ rằng:

“Hoặc có chúng sanh vô tưởng vô tri.[50] Khi chúng sanh ấy khởi tưởng thì mạng chung mà tái sanh vào thế gian này. Rồi người ấy trưởng thành dần dần, sau đó cạo bỏ râu tóc, bận ba pháp ya, xuất gia tu đạo, bèn nhập tam muội tâm định. Do lực của tam-muội mà biết được đời sống trước kia, vị ấy bèn nói như vầy: ‘Ta trước kia không, nay hốt nhiên có. Thế gian này trước kia, nay có.[51] Đây là sự thật.’ “Này Phạm-chí, Sa-môn, Bà-la-môn do bởi duyên này mà nói sự xuất hiện là vô nhân. Duy Phật biết rõ điểu đó; lại còn biết hơn thế nữa. Biết [70a] vậy rồi nhưng không nhiễm trước. Sau khi như thật biết khổ, sự tập khởi, sự diệt tận, sự xuất yếu, bằng chánh quán mà giải thoát vô dư. Do đo hiệu là Như Lai.”

Phật nói với Phạm-chí:

“Những điều Ta thuyết là như vậy. Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn ở sau lưng[52] Ta mà chê bai Ta rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm tự cho rằng đệ tử mình chứng nhập giải thoát thanh tịnh [53], thành tựu hành thanh tịnh. Vị ấy biết sự thanh tịnh, thì biết khắp cả đều bất tịnh[54].’ Nhưng Ta không nói như vậy: ‘Đệ tử của Ta khi chứng nhập giải thoát thanh tịnh, thành tựu  hành thanh tịnh, vị ấy khi biết thanh tịnh, thì biết khắp cả đều bất tịnh. ’ Này Phạm-chí, chính Ta nói rằng: ‘Đệ tử Ta chứng nhập giải thoát thanh tịnh, thành tựu hành thanh tịnh; vị ấy biết thanh tịnh, thì cũng biết tất cả đều thanh tịnh[55]’.”

Lúc bấy giờ, Phạm-chí bạch Phật:

“Người kia không được thiện lợi khi phỉ báng Sa-môn Cù-đàm rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm tự nói đệ tử của mình nhập giải thoát thanh tịnh, thành tựu hành thanh tịnh; vị ấy khi biết thanh tịnh, thì biết khắp cả đều bất tịnh.’ Nhưng Thế Tôn không nói như vậy. Chính Thế Tôn nói: ‘Đệ tử Ta chứng nhập giải thoát thanh tịnh, thành tựu hành thanh tịnh; vị ấy biết thanh tịnh, thì cũng biết tất cả đều thanh tịnh.”

Rồi ông lại bạch Phật:

“Tôi cũng sẽ nhập nhập giải thoát thanh tịnh, thành tựu hành thanh tịnh này, để biết tất cả đều thanh tịnh[56].”

Phật bảo Phạm-chí:

“Ngươi muốn nhập, quả thật rất khó. Ngươi do kiến giải dị biệt, kham nhẫn dị biệt, sở hành dị biệt, mà muốn y trên kiến giải đó để chứng nhập giải thoát thah tịnh, thì thật là quá khó. Nhưng nếu ngươi tin vui nơi Phật, tâm không đoạn tuyệt, thì trong lâu dài sẽ luôn luôn được an lạc.”

Bấy giờ, Phạm-chí Phòng-già-bà, sau khi nghe những điều Phật nói, hoan hỷ phụng hành.

 


第二分[06]阿珸夷經第十一

[1] Minh ninh quốc A-nậu-di thổ 冥寧國阿耨夷土. D. 24: Mallesu viharati anupiyaṃ nāma mallānaṃ nigamo, trú giữa những người Malla, trong thôn Anupiya của người Malla

[2] Phòng-già-bà Phạm chí viên quán 房伽婆梵志園觀; D 24: Bhaggava-gottassa paribbājakassa āramo: tinh xá của ngoại đạo xuất gia thuộc dòng họ Bhaggava.

[3] Lệ-xa tử Thiện Tú Tỳ-kheo 隸車子善宿比丘; D 24: Sunakkhatto Licchaviputto.

[4] Hán: Phật sơ ngoại ngã 佛疏外我. Cf. Pl.: nāhaṃ bhagavantaṃ uddissa viharissāmi: “tôi không sống nương theo Thế Tôn nữa.” Hình như bản Hán hiểu uddissa, Skt. uddeśa với nghĩa “phương trên” thay vì là bất biên từ uddissa, Skt. uddiśya: hướng đến. nương tựa.

[5] Di hầu trì 彌 猴 池, ao Vượn. D 24 không có chi tiết này.

[6] Văn tự thuật chuyển sang văn tường thuật.

[7] Đoạn trên, hỏi và đáp, theo nguyên văn hán: Như Lai có khả năng hay không có khả năng hiện thần thông (…)? Đáp: Như Lai có khả năng, chứ không phải không có (…). Nhưng hỏi đáp như vậy không phu hợp với nội dung văn mạch, Ở đây phỏng theo ý của bản Pali.

[8] Hán: ngã phụ bí thuật 我父祕術. Cf. D 24: na hi pana me bhagavā aggaññaṃ paññapeti, “Thế Tôn không nói cho con về khởi nguyên (của thế giới).” Pali:  aggañña-paññatti (aggaññaṃ paññapeti), Skt, agraprajñapti: tuyên bố khởi nguyên (tối sơ, hay thượng đỉnh), từ đó: bí thật của tổ phụ!

[9] Xem cht. 7 trên.

[10] Hán: Tỳ-xá- ly Bạt-xà thổ 毗舍離跋闍土. D. 214: Vajjigāme: tại làng Vajji.

[11]. D 24: ở Vesāli, trong rừng Đại lâm, Trùng các giảng đường.

[12] Ni-kiền tử Già-la-lâu 尼乾子伽羅樓. D 24. bản Devanagari: Kāḷāramaṭṭako, bản Roman: Kandaramasuko; một người tu lõa thể (acela).

[13] D 24: arahantaṃ samaṇaṃ āsādimhase: ta đã đả kích vị Sa-môn A-la-hán.

[14] D 2: kiṃ pana, bhante, bhagavā arahattassa maccharāyatī ti, Thế Tôn, sao Thế Tôn ganh tị với một vị A la hán ?

[15] Hán: xiêu miến 麨麵.       Cf. D 24: yāvajīvaṃ …na odanakummā            saṃ bhuñjeyyaṃ, trọn đời không ăn comư cháo.

[16] Hán: thạch tháp 石 塔, Pl.: cetiya.

[17] Ưu viên tháp憂園塔, Pl.: Udena-cetiyaṃ. Tượng tháp象塔 (Gāya-cetiya?), Pl.: Gotamaka-cetiyaṃ  ở phía nam Vesāli. Đa tử tháp多子塔; Pl.: Bahuputta-cetiyaṃ, ở phía bắc Vesāli. Thất tụ tháp 七聚塔, Pl.: Sattamba-cetiyaṃ ở phía tây Vesāli.

[18]D 24: so (...) yasā nihīno kālaṃ karissati, người ấy sẽ chết, mất hết tiếng tăm.

[19] Bạch thổ ấp白土邑; Pl. (D. 21): Uttarakā nāma Thūlūnaṃ nigamo, tại xóm Uttaraka của người Thūlu. (Bản Devanagari: Thūlu, bản Roman: Bhumu).

[20] Cứu-la-đế 究羅帝; Pl.: acelo Korakkhattiyo kukkuravatiko, lõa thể Kotakkhattiya, tu theo kiểu chó.

[21] Hán: thỉ khang tao 舐糠糟. D 24: chamānikiṇṇaṃ bhakkasaṃ mukhen eva khādati mukhen eva bhuñjati, lấy miệng mà cắn hay nhai đồ ăn vung vải trên đất.

[22] Để bản: nhữ ý ngu nhơn 汝意愚人; TNM: nhữ ngu nhơn.

[23] Hán: phúc trướng mạng chung 腹脹命終. D 24: alasakena kālaṃ karissati.Sớ thích: alasakena – ajīraṇena āmarogena, bị bịnh thức ăn sống không tiêu hóa.

[24] Hán: sanh khởi thi ngạ quỷ 生起屍餓鬼, sanh loài quỉ đói thây ma. D 24: kalakañjā nāma asurā sabbanihīno asurakāyo tatra upajjissati, sẽ tái sanh làm thân A-tu-la tối hạ tiện, được gọi là Kalakañja.

[25]D 24: tại Vesāli, trong Đại lâm, giảng đường Trùng các. Xem đoạn trên.

[26] Ba-lê Tử 波梨子. Pl.: acela Pātithaputta (bản Roman: Pāṭikaputta), lõa thể Pāṭikaputta.

[27] A-do-đà đại tướng 阿由陀大將. Pl.: Ajita,  vị tướng quân người Licchavi.

[28] Khởi thi quỷ 起尸鬼. D  24: mahānirayaṃ upapanno, sanh vào địa ngục lớn.

[29] Đạo-đầu-ba-lê Phạm chí lâm 道頭波梨梵志林. Pl.:Tindukkhānu-paribbājaka-ārāma.

[30] Hán: thằng sàng 繩床.

[31] Giá-la 遮羅. Pali: Jāliya? D 24 (iii 22): jāliyo dāruputtikantevāsī, Jāliya, đệ tử của Dāruputtika.

[32] Hán: nhất Đầu-ma Lệ-xa tử 一 頭 摩 隸 車 子; bản Pl.: aññatara Licchavi-mahāmatta, một đại thần người Lệ-xa.

[33] Trong bản Pali, thí dụ này do Jāliya nói.

[34] Phạm Tự tại thiên sở tạo 梵自在天梵自在天所造. D 24 (iii 28): issarakuttaṃ brahmakuttaṃ, được sáng tạo bởi Issara (Tự Tại Thiên), được sáng tạo bởi Brahma (Phạm Thiên).

[35] D 24: “Ta hỏi: Có thật….(khởi nguyên của thế giới)? Họ đáp: Thật vậy. Ta hỏi:  được tác thành như thế nào (kathaṃvihitakaṃ)…? Họ không trả lời được.” 

[36] Nguyên Hán: dư chúng sanh 餘眾生. Đây cần hiểu số ít để phù hợp với ý niệm về Phạm thiên tiếp theo đoan sau. Pl.: aññataro satto, một cúng sanh nọ.

[37] Rõ ràng bản Hán nhảy sót một đoạn. Cf. kinh số 5 “Tiểu duyên” trên, kinh 21 “Phạm võng (Phạm động” sau; Pali D 24: vào thời kiếp hoại (ayaṃ loko saṃvaṭṭati), phần lớn chúng sanh sanh lên Cực quang thiên (ābhassara) (…). Sau một thời gian dài, khi thế giới chuyển thành (ayaṃ loko vivaṭṭati), chúng sanh từ Cực quang thiên, thọ hết, phước hết, mạng chung (āyukkhayā vā puññakkhayā vā cavitvā) …

[38] Dư không Phạm xứ 餘空梵處. Pl., thành cú: suññaṃ brahmavimānaṃ, Phạm cung trống không.

[39] Cf. D 24: sau một thời gian dài sống một mình, nó không vui, chán nãn, ước muốn khởi lên (tassa tattha ekassa dīgharattaṃ nivusitattā anabhirati paritassanā upapajjati) …

[40] Pl.: yo so satto paṭhamaṃ upapanno, chúng sanh sanh ra đầu tiên kia.

[41] Hán: tận đạt chư nghĩa sở thú 盡達諸義所趣. Pl.: aññadatthudaso; đấng thấy khắp tất cả (biến nhẫn), theo phân tích hợp từ: aññad-atthu-dasa; nhưng Hán phân tích khác: añña-da(dā)-attha-dasa. xem kinh 21 “Phạm vong”. cht. 34.

[42] Nguyên Hán: vi nhân phụ mẫu 為人父母, chép dư chữ mẫu. Xem kinh 21 “Phạm võng.”

[43] Hán: hý tiếu giải đãi thị chúng sanh thủy 戲笑懈怠是眾始, Pl.: khiḍdāpadosikaṃ ācariyakaṃ aggaññaṃ, theo truyền thuyết, sự đam mê tiêu khiển là khởi nguyên của thế giới.

[44] D 24, hỏi và đáp, xem cht. 35 trên.

[45] Sớ giải Vibhaṅga (tr. 519) nói: một loại Chư Thiên trong trời Tứ thiên vương (Pl.: Cātummahārājikā) được gọi là Khiḍḍđāpadosikā (Đam hý thiên). Cf. Câu-xá 5 (26c15): Hý vong niệm thiên 戲忘念天, một hạng chư thiên ở Dục giới.

[46] Đoạn trên, Hán dịch là định ý tam muội.

[47] Hán: thất ý 失意; Pl.: manopadosika, loạn ý. Sớ giải kinh Brahmajāla: manena padussanti vinassantī’ti manopadosik, ete cātumahārājikā, do bởi ý (issāpakatattā, bản chất  đố kỵ) mà chúng bị hư hỏng, bị tiêu vong; chúng là chư thiên trong Tứ thiên vương thiên. Cf. Câu-xá 5 (tr.26c15): Ý phẫn nhuế thiên 意憤恚天, một hạng chư thiên ở Dục giới.

[48] D 24: te ativelaṃ aññamaññaṃ upanijhāynti … cittāni nappadūsenti, trong một thời gian dài chúng đốkỵ lẫn nhau, do đó tâm của chúng bị ô nhiễm.

[49] D 24 (iii 33): adhiccasamuppannaṃ, xuât hiện không từ cơ sở nào cả: vô nhân.

[50] Pl.: asaññasattā nāma devā, có loại Chư Thiên tên là Vô tưởng hữu tỳnh.

[51] Pl.: so evam āha: adhiccasamuppanno attā ca loko ca, người ấy nói: ‘Ta và thế giơi hiện khởi do bởi đâu.’

[52] Hán: ư bình xứ 於屏處: lén lút.

[53][53] Hán: tịnh giải thoát 淨解脫; không chỉ riêng tinh giải thoát trong tám giải thoát (xem kinh Chúng tập, mục tám pháp trên). Pl.: subhaṃ vimkkhaṃ, sớ giải nói, chỉ các biến xứ về hiển sắc (vaṇṇakasiṇa) như nàu xanh tiết, màu vàng tinh khiết, v.v. (sunīlaka- supītakādi-vaṇṇakasiṇaṃ)

[54] Hán: bất biên tri tịnh 不遍知淨. Bản Hán có thể chép sai, nên cần đọc lai: biến tri bất tịnh 遍知不淨, cho phù hợp với nội dung giáo nghĩa được Phật xác định ngay đoạn tiếp theo. Cf D 24 (iii 34): Samaṇo Gotamo evam āha: Yasmiṃ samaye subhaṃ vimokkhaṃ upasampajja viharati, sabbaṃ tasmiṃ samaye asubhaṃ t’ eva sañjānāti, Sa-môn Gotama nói như vầy: vị nào khi chứng nhập và an trú tịnh giải thoát, vị ấy khi ấy nhận thức tất cả đều bất tịnh.

[55] Hán: nhất thiết biến tịnh 一切遍淨; nên đọc: nhất thiết biến tri 知 tịnh. Xem cht. 44 dưới. Cf. Pl.: evañca khvāhaṃ vādāmi – yasmiṃ samaye subhaṃ vimokkhaṃ upasampajja viharati, subhantveva tasmiṃ samaye pajānāti, “Ta nói: khi chứng nhập và an trú giải thoát thanh tịnh, khi ấy cũng biết tất cả đều thanh tịnh.”

[56] Hán: nhất thiết biến tri一切遍知; xem các đoạn trên và các cht..

16. Kinh thiện sanh

16. KINH THIỆN SINH

[70a20] Tôi nghe như vầy.

Một thời Phật ở tại núi Kỳ-xà-quật, thành La-duyệt-kỳ[1] cùng với chúng đại Tỳ-kheo một nghìn hai trăm năm mươi người.

Bấy giờ, đã đến giờ, đức Thế Tôn khoác y cầm bát vào thành khất thực. Tại thành La-duyệt-kỳ lúc bấy giờ có con trai của trưởng giả tên là Thiện Sanh[2], vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành, đi đến khu công viên[3] sau khi vừa tắm gội xong, cả mình còn ướt, hướng đến các phương, Đông, Tây, Nam, Bắc, trên, dưới, mà lạy khắp cả.

Đức Thế Tôn thấy Thiện Sinh, con trai nhà trưởng giả, sau khi đi đến khu công viên, vừa tắm xong, cả thân mình còn ướt sũng, bèn đến gần và hỏi:

“Vì sao, ngươi vào buổi sáng sớm ra khỏi thành, đi đến khu công viên, với cả người còn ướt đẫm, mà ngươi lại lạy các phương như thế?”

Thiện Sinh bạch Phật:

“Khi cha con sắp chết có dặn, “Nếu con [70b]muốn lạy, trước hết hãy lạy các phương Đông, Tây, Nam, Bắc, trên và dưới”. Con vâng lời cha dạy không dám chống trái, nên sau khi tắm gội xong, chấp tay hướng mặt về phương Đông mà lễ phương Đông trước, rồi tiếp theo lễ khắp các phương Tây, Nam, Bắc, trên, dưới.”

Phật bảo Thiện Sinh:

“Này con trai trưởng giả! Quả có cái tên các phương đó chứ không phải không. Nhưng trong pháp Hiền Thánh của ta chẳng phải lễ sáu phương như thế là cung kính đâu.”

Thiện Sinh thưa:

“Cúi xin đức Thế Tôn thương dạy cho con cách lễ sáu phương theo pháp Hiền Thánh.”

Phật bảo con trai trưởng giả:

“Hãy lắng nghe, hãy suy ngẫm kỹ! Ta sẽ nói cho ngươi nghe.”

Thiện Sinh đáp:

“Thưa vâng. Con rất muốn nghe.”

Phật bảo Thiện Sinh:

“Nếu trưởng giả hay con trưởng giả nào biết tránh bốn nghiệp kết[4] không làm ác theo bốn trường hợp và biết rõ sáu nghiệp hao tổn tài sản. Như thế, này Thiện Sinh, nếu trưởng giả hay con trai trưởng giả nào tránh được bốn việc ác là lễ kính sáu phương; thì đời này tốt đẹp và cả đời sau cũng được quả báo tốt đẹp; đời này có căn cơ và đời sau có căn cơ[5]; trong hiện tại được người trí ngợi khen, được quả bậc nhất[6], sau khi chết được sanh lên trời, cõi thiện.

(i) “Này Thiện Sinh, nên biết, hành bốn kết là: Sát sinh, trộm cắp, dâm dật, vọng ngữ.

(ii) “Thế nào là bốn trường hợp ác? Đó là: tham dục, sân hận, sợ hãi, ngu si.[7] Ai làm những việc ác theo bốn trường hợp đó sẽ bị hao tổn. Nói như vậy xong, Phật lại nói bài tụng:

Ai làm theo bốn pháp,

Tham, sân, sợ hãi, si,

Thì danh dự mất dần,

Như trăng về cuối tháng.

“Này Thiện Sinh, người nào không làm ác theo bốn trường hợp thì sự ích lợi ngày càng tăng thêm.”

Người nào không làm ác,

Do tham, hận, sợ, si,

Thì danh dự càng thêm,

Như trăng hướng về rằm.

(iii) “Này Thiện Sinh, sáu nghiệp tổn tài là: 1. đam mê rượu chè, 2. cờ bạc, 3. phóng đãng,[8] 4. đam mê kỹ nhạc, 5. kết bạn người ác và 6. biếng lười.

“Này Thiện Sinh, nếu trưởng giả hay con trai trưởng giả biết rõ bốn kết hành,[9] không làm ác theo bốn trường hợp, lại biết sáu nghiệp tổn tài, ấy là, này Thiện Sinh, tránh được bốn trường hợp, [70c] cúng dường sáu phương, thì đời này tốt đẹp, đời sau tốt đẹp; đời này căn cơ và đời sau căn cơ; trong hiện tại được người trí ngợi khen, được quả báo bậc nhất; sau khi chết được sanh lên trời, cõi thiện.

(1) “Lại nữa, này Thiện Sinh, nên biết, uống rượu có sáu điều lỗi: một, hao tài; hai, sanh bệnh; ba, đấu tranh; bốn, tiếng xấu đồn khắp; năm, bộc phát nóng giận; sáu, tuệ giảm dần.

“Này Thiện Sinh, nếu trưởng giả hay con trai trưởng giả ấy uống rượu không thôi thì nghiệp gia sản ngày mỗi tiêu tán.

(2) “Này Thiện Sinh, cờ bạc có sáu điều tai hại: một, tài sản ngày một hao hụt; hai, thắng thì gây thù oán; ba, bị kẻ trí chê; bốn, mọi người không kính nễ tin cậy; năm, bị xa lánh; và sáu, sanh tâm trộm cắp. Thiện Sinh, nếu trưởng giả hay con trai trưởng giả mê đánh bạc mãi thì gia sản ngày mỗi tiêu tán.

(3) “Này Thiện Sinh, phóng đãng có sáu lỗi: một, không tự phòng hộ mình; hai, không phòng hộ được tài sản và hàng hóa; ba, không phòng hộ được con cháu; bốn, thường hay bị sợ hãi; năm, bị những điều khốn khổ ràng buộc xác thân; sáu, ưa sinh điều dối trá. Đó là sáu điều lỗi. Nếu trưởng giả hay con trai trưởng giả phóng đãng mãi không thôi thì gia sản ngày mỗi tiêu tán.

(4) “Này Thiện Sinh, say mê kỹ nhạc có sáu lỗi: một, tỳm đến chỗ ca hát; hai, tỳm đến chỗ múa nhảy; ba, tỳm đến chỗ đàn địch;[10] bốn, ba-nội-tảo[11]; năm, đa-la-bàn[12]; sáu, thủ-ha-na.[13] Đó là sáu tai hại của kỹ nhạc. Nếu trưởng giả hoặc con trai trưởng giả say mê kỹ nhạc mãi không thôi thì gia sản ngày mỗi tiêu tán.

(5) “Này Thiện Sinh, giao du với bạn xấu có sáu lỗi: một, tỳm cách lừa dối; hai, ưa chỗ thầm kín; ba, dụ dỗ vợ người; bốn, mưu đồ chiếm đoạt tài sản của người; năm, xoay tài lợi về mình; sáu, ưa phanh phui lỗi người. Đó là sáu tai hại về bạn xấu. Nếu trưởng giả hay con trai trưởng giả làm bạn với kẻ ác mãi thì gia sản mỗi ngày mỗi tiêu tán.

(6) “Này Thiện Sinh, lười biếng có sáu lỗi: một, khi giàu sang không chịu làm việc; hai, khi nghèo không chịu siêng năng; ba, lúc lạnh không chịu siêng năng; bốn, lúc nóng không chịu siêng năng; năm, lúc sáng trời không chịu siêng năng; sáu, lúc tối trời không chịu siêng năng. Đó là sáu điều tai hại của sự lười biếng. Nếu trưởng giả hay con trưởng giả lười biếng mãi, thì gia sản mỗi ngày mỗi tiêu tán.”

Nói như vậy xong, Phật làm bài tụng:

Người mê say rượu chè,

Lại có bè bạn rượu,

[71a] Tài sản đã tích lũy,

Liền theo mình tiêu tan.

Uống rượu không tiết độ;

Thường ưa ca, múa, nhảy;

Ngày rong chơi nhà người:

Nhân thế tự đọa lạc.

Theo bạn ác không sửa;

Phỉ báng ra nhà người.

Tà kiến bị đời chê:;

Làm xấu bị người truất.

Cờ bạc, đắm ngoại sắc;

Chỉ bàn việc hơn thua.

Bạn ác, không đền trải:

Làm xấu bị người truất.

Bị rượu làm hoang mê;

Nghèo khó không tự liệu;

Tiêu xài chẳng tiếc của;

Phá nhà gây tai ương.

Đánh bạc, xúm uống rượu;

Lén lút vợ con người.

Tập quen nết bỉ ổi:

Như trăng về cuối tháng.

Gây ác phải chịu ác.

Chung làm cùng bạn ác;

Đời này và đời sau,

Rốt không đạt được gì.

Ngày thời ưa ngủ nghỉ,

Đêm thức những mơ tưởng,

Mê tố,i không bạn lành;

Chẳng gây nổi gia vụ.

Sáng chiều chẳng làm việc;

Lạnh, nóng lại biếng lười.

Làm việc không suy xét;

Trở lại uổng công toi.

Nếu không kể lạnh nóng,

Sáng chiều siêng công việc,

Sự nghiệp gì chẳng thành?

Suốt đời khỏi âu lo.

(iv) Phật bảo Thiện Sinh:

“Có bốn hạng kẻ thù mà như người thân, ngươi nên biết. Bốn kẻ ấy là những ai? Một, hạng uý phục; hai, hạng mỹ ngôn; ba, hạng kính thuận; bốn, hạng ác hữu[14].

(1) “Hạng úy phục thì thường hay làm bốn việc: một, cho trước đoạt lại sau; hai, cho ít mong trả nhiều; ba, vì sợ gượng làm thân; bốn, vì lợi gượng làm thân.

(2) “Hạng mỹ ngôn thì thường hay làm bốn việc: một, lành dữ đều chiều theo; hai, gặp hoạn nạn thì xa lánh; ba, ngăn cản những điều hay; bốn, thấy gặp nguy tỳm cách đun đẩy.

(3) “Hạng kính thuận thì thường làm bốn việc: một, việc trước dối trá; hai, việc sau dối trá; ba, việc hiện dối trá; bốn, thấy có một chút lỗi nhỏ [71b] đã vội trách phạt.

(4) “Hạng bạn ác thì thường làm bốn việc: một, bạn lúc uống rượu; hai, bạn lúc đánh bạc; ba, bạn lúc dâm dật; bốn bạn lúc ca vũ.”

Đức Thế Tôn nói như vậy rồi, bèn làm một bài tụng:

Úy phục, gượng làm thân;

Hạng mỹ ngôn cũng thế.

Kính thuận, thân nhưng dối.

Ác hữu là ác thân.

Bạn thế chớ tin cậy,

Người trí nên biết rõ.

Nên gấp rút lìa xa

Như tránh con đường hiểm.

(v) Phật lại bảo Thiện Sinh:

“Có bốn hạng người thân đáng thân vì thường đem lại lợi ích và che chở. Những gì là bốn? Một, ngăn làm việc quấy; hai, thương yêu; ba, giúp đỡ; bốn, đồng sự. Đó là bốn hạng người thân đáng thân cận.

(1) Này Thiện Sinh, hạng ngăn quấy thì thường làm bốn việc đem lại nhiều lợi ích và hay che chở: thấy người làm ác thì hay ngăn cản, chỉ bày điều chánh trực, có lòng thương tưởng, chỉ đường sinh Thiên. Đó là bốn trường hợp ngăn cản việc quấy đem lại nhiều lợi ích và hay che chở.

(2) Hạng thương yêu thì thường làm bốn việc: Mừng khi mình được lợi, lo khi mình gặp hại, ngợi khen đức tốt mình, thấy mình nói ác thì tỳm cách ngăn cản. Đó là bốn điều thương yêu đem lại nhiều lợi ích và hay che chở.

(3) Hạng giúp đỡ có bốn việc. Những gì là bốn? Đó là: che chở mình khỏi buông lung, che chở mình khỏi hao tài vì buông lung, che chở mình khỏi sợ hãi, khuyên bảo mình trong chỗ vắng người.

(4) Hạng đồng sự thì thường làm bốn việc: không tiếc thân mạng với bạn, không tiếc của cải với bạn, cứu giúp bạn khỏi sợ hãi, khuyên bảo bạn lúc ở chỗ vắng người.”

Nói như vậy xong, đức Thế Tôn lại nói bài tụng:

Bạn ngăn ngừa điều quấy,

Bạn từ mẫn thương yêu,

Bạn làm lợi ích bạn,

Bạn đồng sự với bạn.

[71c]Đó bốn hạng đáng thân,

Người trí đáng thân cận;

Thân hơn người thân khác,

Như mẹ hiền thân con.

Muốn thân người đáng thân;

Hãy thân bạn kiên cố.

Người bạn đủ giới hạnh,

Như lửa sáng soi người.

Phật lại bảo Thiện Sinh:

“Ngươi nên biết ý nghĩa sáu phương. Sáu phương là gì? Phương Đông là cha mẹ, phương Nam là sư trưởng, phương Tây là thê thiếp, phương Bắc là bạn bè thân thích,[15] phương trên là các bậc trưởng thượng, Sa-môn, Bà-la-môn, phương dưới là tôi tớ.

(i.a) “Này Thiện Sinh, kẻ làm con phải kính thuận cha mẹ với năm điều. Những gì là năm? 1. Cung phụng không để thiếu thốn. 2. Muốn làm gì thưa cha mẹ biết. 3. Không trái điều cha mẹ làm. 4. Không trái điều cha mẹ dạy. 5. Không cản chánh nghiệp mà cha mẹ làm.

(i.b.) “Kẻ làm cha mẹ phải lấy năm điều này chăm sóc con cái: 1. Ngăn con đừng để làm ác. 2. Chỉ bày những điều ngay lành. 3. Thương yêu đến tận xương tủy. 4. Chọn nơi hôn phối tốt đẹp. 5. Tùy thời cung cấp đồ cần dùng.

“Này Thiện Sinh, kẻ làm con kính thuận và cung phụng cha mẹ thế thì phương ấy được an ổn không có điều lo sợ.

(ii.a) “Đệ tử cung phụng sư trưởng có năm việc: 1. Hầu hạ cung cấp điều cần. 2. Kính lễ cúng dường. 3. Tôn trọng qúi mến. 4. Thầy có dạy bảo điều gì không trái nghịch. 5. Thầy có dạy bảo điều gì nhớ kỹ không quên. Kẻ làm đệ tử cần phải thờ kính sư trưởng với năm điều ấy.

(ii.b) “Thầy cũng có năm điều để săn sóc đệ tử: 1. Tùy thuận pháp mà huấn luyện. 2. Dạy những điều chưa biết. 3. Giải nghĩa rành rõ những điều trò hỏi. 4. Chỉ cho những bạn lành. 5. Dạy hết những điều mình biết không lẫn tiếc.

“Này Thiện Sinh, nếu đệ tử kính thuận, cung kính sư trưởng, thì phương ấy được an ổn không có điều lo sợ.

(iii.a) “Này Thiện Sinh, chồng cũng phải có năm điều đối với vợ: 1. Lấy lễ đối đãi nhau. 2. Oai nghiêm không nghiệt. 3. Tùy thời cung cấp y, thực. 4. Tùy thời cho trang sức. 5. Phó thác việc nhà.

(iii.b) “Này Thiện Sinh, chồng đối đãi vợ có năm điều, [72a]vợ cũng phải lấy năm việc cung kính đối với chồng[16]. Những gì là năm? 1. Dậy trước. 2. Ngồi sau. 3. Nói lời hòa nhã. 4. Kính nhường tùy thuận. 5. Đón trước ý chồng.

“Này Thiện Sinh, ấy là vợ đối với chồng cung kính đối đãi nhau, như thế thì phương ấy được an ổn không điều gì lo sợ.

(iv.a) “Này Thiện Sinh, người ta phải lấy năm điều thân kính đối với bà con: 1. Chu cấp. 2. Nói lời hiền hòa. 3. Giúp ích. 4. Đồng lợi[17]. 5. Không khi dối.

(iv.b) “Bà con cũng phải lấy năm điều đối lại: 1. Che chở cho mình khỏi buông lung. 2. Che chờ cho mình khòi hao tài vì buông lung. 3. Che chở khỏi sự sợ hải. 4. Khuyên răn nhau lúc ở chỗ vắng người. 5. Thường ngợi khen nhau.

Này Thiện Sinh! Người biết thân kính bà con như vậy thì phương ấy được yên ổn không điều chi lo sợ.

(v.a) “Này Thiện Sinh, chủ đối với tớ có năm điều để sai bảo: 1. Tùy khả năng mà sai sử. 2. Tùy thời cho ăn uống. 3. Phải thời thưởng công lao. 4. Thuốc thang khi bệnh. 5. Cho có thời giờ nghỉ ngơi.

(v.b) “Tôi tớ phải lấy năm điều phụng sự chủ: 1. Dậy sớm. 2. Làm việc chu đáo. 3. Không gian cắp. 4. Làm việc có lớp lang. 5. Bảo tồn danh giá chủ.

“Này Thiện Sinh, nếu chủ đối với tớ được như vậy thì phương ấy được an ổn không điều chi lo sợ.

(vi.a) “Kẻ đàn việt cung phụng hàng Sa-môn, Bà-la-môn với năm điều. 1. Thân hành từ. 2. Khẩu hành từ. 3. Ý hành từ. 4. Tùy thời cúng thí. 5. Không đóng cửa khước từ.

(vi.b) “Sa-môn, Bà-la-môn cũng khuyên dạy theo sáu điều: 1. Ngăn ngừa chớ để làm ác. 2. Chỉ dạy điều lành. 3. Khuyên dạy với thiện tâm. 4. Cho nghe những điều chưa nghe. 5. Những gì đã được nghe làm cho hiểu rõ. 6. Chỉ vẻ con đường sanh thiên.

“Này Thiện Sinh, nếu đàn việt kính phụng hàng Sa-môn, Bà-la-môn như thế thì phương ấy được an ổn không điều gì lo sợ.”

Đức Thế Tôn nói như vậy xong, lại làm một bài tụng:

Cha mẹ là phương Đông,

Sư trưởng là phương Nam,

Vợ chồng là phương Tây,

Thân tộc là phương Bắc,

[72b]Tôi tớ là phương dưới,

Sa-môn là phương trên.

Những người con trưởng giả

Kính lễ các phương ấy.

Thuận thảo không lỗi thời,

Khi chết được sanh thiên.

Huệ thí, nói hòa nhã,

Giúp người đạt mục đích.

Ta  ngườilợi  đồng đẳng,

Mình có người hưởn chung.

Bốn việc[18] ấy như xe,

Chở tất cả nặng nề.

Đời không bốn việc ấy,

Sẽ không có hiếu dưỡng.

Bốn việc ấy ở đời,

Được người trí chọn lựa.

Làm thời kết quả lớn,

Tiếng tốt đồn vang xa.

Trang sức chỗ nằm ngồi,

Dọn thức ăn bậc nhất,

Cung cấp sẽ đạt được

Tiếng tốt đồn vang xa.

Không bỏ người thân cũ;

Chỉ bày việc lợi ích;

Trên dưới thường hòa đồng,

Tất được danh dự tốt.

Trước hãy tập kỹ nghệ,

Sau mới có tài lợi.

Khi có tài lợi rồi:

Hãy khéo lo gìn giữ;[19]

Tiêu dùng không xa xí,

Hãy lựa chọn người trước;[20]

Gặp việc dối, đột ngột,

Hãy cầu chỗ chưa dùng [21].

Của dồn từ khi ít;

Như ong góp nhụy hoa.

Tài bảo ngày chứa dồn,

Trọn đời không hao tổn.

Một, ăn biết vừa đủ;

Hai, làm việc siêng năng;

Ba, lo dồn chứa trước,

Đề phòng khi thiếu hụt;

Bốn, cày ruộng buôn bán,

Và lựa đất chăn nuôi;

Năm, xây dựng tháp miếu;

Sáu, lập tăng phòng xá.

Tại gia sáu việc ấy,

Siêng lo chớ lỗi thời.

Ai làm được như thế

Thời nhà khỏi sa sút,

Tài sản ngày một thêm,

Như trăm sông về biển.

Bấy giờ Thiện Sinh bạch Phật:

“Lành thay, bạch Thế Tôn! Thật quá chỗ mong ước của con xưa nay, vượt xa những lời dạy của cha con. Như lật ngửa những gì bị úp xuống; như mở ra những gì bị đóng kín; như người mê được tỏ, đang ở trong nhà tối được gặp đèn, có mắt liền thấy. Những gì được Như Lai thuyết giảng [72c] cũng như thế; bằng vô số phương tiện khai ngộ cho kẻ ngu tối; làm rõ pháp thanh bạch. Phật là Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, do đó có thể chỉ bày, hướng dẫn cho đời. Nay con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Cúi xin đức Thế Tôn chấp thuận cho con được làm ưu-bà-tắc ở trong Chánh pháp. Kể từ hôm nay cho đến trọn đời, con nguyện không giết, không trộm, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu.”

Bấy giờ, Thiện Sinh sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. [22]

 


佛說長阿含第二分[02]善生經第十二

[1] No. 16: Vương xá quốc Kê sơn 王舍國雞山. No 17: La-duyệt-kì, Xà-quật sơn 羅閱耆闍崛山. No. 26. 135: Vương xá thành, Nhiêu hà mô lâm 王舍城饒蝦蟆林. Pl.: Rajagaha, Veluvana. Kalandaka-       nivapa.

[2] Trưởng giả tử Thiện Sanh 長者子善生. No.16: Trưởng giả tử Thi-ca-la-việt 長者子尸迦羅越. No. 17: cư sĩ Thiện Sinh 居士善生 (tên người cha). No. 26. 135: Thiện Sinh cư sĩ tử 善生居士子. Pl.: Singalakam gahapatiputtam, con trai gia chủ tên là Singalaka.

[3] Hán: viên du quán 園 遊 觀.

[4] Tứ kết nghiệp 四結業. No. 17: tứ diện cấu ác chi hành 四面垢惡之行. No. 26. 135: tứ chủng nghiệp tứ chủng uế 四種業四種穢. Pl.: cattāro kammakilesā: bốn sự ô nhiễm của nghiệp, hay bốn nghiệp phiền não hay bốn phiền não của nghiệp.

[5] Pl.: ubholokavijayāya… tassa ayañceva loko āraddho hoti paroca loko: thắng lợi cả hai đời, người ấy thu hoạch lợi ích trong đời này và đời sau.

[6] Hoạch thế nhất quả 獲 世 一 果. TNM: 三十一 果 Tam thập nhất quả (?).

[7] Pl.: chandāgatiṃ, dosāgatiṃ, mohāgatiṃ, bhayāgatiṃ gacchanto pāpakammaṃ karoti, hành ác nghiệp do tham, do sân, do si, do sợ hãi.

[8] Pl.: vikālavisikhācariyānuyogo: rong chơi đường phố phi thời. No 26. 135: phi thời hành cầu tài vật 非時行求財物.

[9] Kết hành 結行; trên kia dịch là kết nghiệp.

[10] Hán: ca 歌, Pl.: gīta; vũ 舞, Pl.: nacca; cầm săt  琴瑟, Pl.: vādita.

[11] Ba-nội-tảo 波內早 , Pl.: pāṇissara: nhạc bàn tay, thủ linh? No 26(135): Hỷ lộng linh 喜弄鈴.

[12] Đa-la-bàn 多羅盤, Pl. ? No 26(135): Hỷ phách lưỡng thủ 喜拍兩手: Skt. talavant (không tỳm thấy Pali tương đương).

[13] Thủ-ha-na 首呵那 (Pl. sobhanaka: diễn tuồng thần tiên ? No 26(135): Hỷ đại tụ hội 喜大聚會).

[14] No. 16: ác tri thức có bốn: 1. trong lòng thù oán, ngoài gượng làm bạn; 2. trước mặt nói tốt sau lưng nói xấu; 3. gặp lúc người hoạn nạn trước mặt ra vẻ buồn nhưng sau lưng thích thú; 4. ngoài mặt như thân hậu trong lòng tính chuyện mưu oán.

[15].     Hán: thân đảng 親 黨. Đoạn dưới nói là thân tộc.

[16] No. 26. 135: Vợ kính thuận chồng theo 13 điều.

[17] Tức bốn nhiếp sự: bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự. Pl.: dāna, peyyavajja, atthacariya, samānatta.

[18] Đây chỉ bốn nhiếp sự (nhiếp pháp).

[19] Cf. No 17 và No 26(135): sau khi thu hoạch, chia tài sản ra làm bốn phần: tiêu dùng, làm vốn, cất giữ, phòng khi nguy cấp.

[20] Hán: đương soạn trạch tiền nhân當撰擇前人: không rõ nghĩa.

[21] Ninh khất vị cử dử 寧乞未舉與 ?

[22] Bản Hán, hết quyển 11.

17. Kinh thanh tịnh

17. KINH THANH TỊNH

[72c13] Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại nước Ca-duy-la-vệ[1], trong khu rừng của Ưu-bà-tắc Miên-kỳ[2], cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người.

Bấy giờ, có sa-di Châu-na[3], ở tại nước Ba-ba[4], sau an cư mùa hạ, cầm y bát, đi lần đến nước Ca-duy-la-vệ, trong vườn Miên-kỳ; đến chỗ A-nan, cúi đầu lễ dưới chân, rồi đứng sang một bên, bạch A-nan rằng:

“Có Ni-kiền Tử trong thành Ba-ba, chết chưa bao lâu, mà các đệ tử của ông đã chia làm hai phe. Họ tranh chấp nhau, trực diện mắng chửi nhau, không còn phân biệt trên dưới; tỳm tòi khuyết điểm của nhau, ganh đua kiến thức với nhau rằng: ‘Ta có thể biết điều này; ngươi không thể biết điều này. Hành động của ta chân chính, còn ngươi là tà kiến. Ngươi đặt cái trước ra sau; để cái sau ra trước; điên đảo, thác loạn, không có phép tắc. Những điều ta làm thật là vi diệu. Những điều ngươi nói thì sai lầm. Ngươi có điều gì nghi ngờ, cứ hỏi ta.’ Bạch Đại đức A-nan, bấy giờ, những người thờ Ni-kiền Tử trong nước này nghe những tranh tụng như vậy sinh lòng chán ghét.”

A-nan nói với sa-di Châu-na:

“Ta có điều muốn bạch Thế Tôn. Ngươi hãy đi với ta, trình bày Thế Tôn về sự việc này. Nếu Thế Tôn có răn dạy điều gì, chúng ta hãy cùng phụng hành.”

Rồi thì, sa-di Châu-na sau khi nghe A-nan nói bèn cùng đi theo đến chỗ Thế Tôn. Sau khi cúi lạy dưới chân Thế Tôn, bèn đứng sang một bên. Lúc bấy giờ, A-nan bạch Thế Tôn rằng:

“Sa-di Châu-na này, sau an cư mùa hạ ở nước Ba-ba, cầm y bát, đi lần đến đây. Sau khi đảnh lễ [73a]dưới chân con, nói với con rằng: ‘Có Ni-kiền Tử trong thành Ba-ba, chết chưa bao lâu, mà các đệ tử của ông đã chia làm hai phe. Họ tranh chấp nhau, trực diện mắng chửi nhau, không còn phân biệt trên dưới; tỳm tòi khuyết điểm của nhau, ganh đua kiến thức với nhau rằng: ‘Ta có thể biết điều này; ngươi không thể biết điều này. Hành động của ta chân chính, còn ngươi là tà kiến. Ngươi đặt cái trước ra sau; để cái sau ra trước; điên đảo, thác loạn, không có phép tắc. Những điều ta làm thật là vi diệu. Những điều ngươi nói thì sai lầm. Ngươi có điều gì nghi ngờ, cứ hỏi ta.’ Bấy giờ, những người thời Ni-kiền Tử trong nước này nghe những tranh tụng như vậy sinh lòng chán ghét.’”

Thế Tôn nói với Châu-na:

“Quả vậy, Châu-na, trong phi pháp ấy không có gì đáng để nghe. Đó không phải là những điều được nói bởi một vị Chánh Đẳng Chánh Giác[5]. Cũng như ngôi tháp đổ nát, khó có thể tô trét[6]. Kia tuy có thầy, nhưng thảy đều ôm giữ tà kiến. Tuy có pháp, nhưng thảy đều không chân chánh, không đáng để nghe theo, không có khả năng xuất ly, không phải là những điều được nói bởi Chánh Đẳng Chánh Giác. Cũng như ngôi tháp đổ nát không thể tô trét được nữa vậy.

“Trong số các đệ tử của vị ấy có người không thuận theo pháp ấy, dứt bỏ tà kiến ấy, đi theo chánh kiến. Châu-na, nếu có người đến nói với các đệ tử ấy rằng: ‘Này Chư Hiền, pháp của thầy ông là chân chánh, nên tu hành trong pháp ấy, sao lại bỏ đi?’ Nếu người đệ tử này mà tin lời ấy, thì cả hai đều thất đạo, mắc tội vô lượng. Vì sao vậy? Kia tuy có pháp, nhưng không chân chánh.

“Châu-na, nếu thầy không tà kiến, và pháp ấy chân chánh, có thể khéo léo nghe theo, có khả năng xuất yếu, là pháp được nói bởi ChánhĐẳng Chánh Giác. Cũng như ngôi tháp mới có thể dễ dàng tô trét. Nhưng nếu các đệ tử,  ở trong pháp ấy, không tinh cần tu tập, không thể thành tựu, bỏ con đường bình đẳng, đi vào tà kiến. Nếu có người đến nói với các đệ tử ấy rằng: ‘Này Chư Hiền, pháp của thầy các người là chân chánh, nên ở trong đó mà tu hành, sao lại bỏ đi mà đi vào tà kiến?’ Các đệ tử ấy nếu tin lời ấy, thì cả hai đều thấy chân chánh, được phước vô lượng. Vì sao vậy? Vì pháp ấy chân chánh.”

Phật bảo Châu-na:

“Những người kia tuy có thầy, nhưng ôm giữ tà kiến. Tuy cũng có pháp, nhưng thảy đều không chân chánh, không có khả năng xuất yếu, không phải là pháp được thuyết bởi Chánh Đẳng Chánh Giác. Cũng như ngôi tháp đổ nát không thể tô trét. Các đệ tử kia thành tựu pháp tùy pháp, tùy thuận theo mà tu hành, nhưng lại khởi tà kiến. Châu-na, nếu có người đến nói đệ tử ấy rằng: ‘Pháp của thầy ngươi là chân chánh. Điều ngươi làm là đúng. Nay ngươi tu hành cần khổ như vậy, có thể ở trong đời này ngươi sẽ thành tựu đạo quả.’ Các [73b] đệ tử kia tin lời ấy, thì cả hai đều thất đạo, mắc tội vô lượng. Vì sao vậy? Vì pháp không chân chánh vậy.

“Này Châu-na, nếu bậc thầy không tà kiến; pháp của vị ấy chân chánh, có thể khéo léo nghe theo, có khả năng xuất ly, là pháp được thuyết bởi Chánh Đẳng Chánh Giác. Cũng như ngôi tháp mới thì dễ tô trét. Nay đệ tử của vị ấy thành tựu pháp tùy pháp, tùy thuận tu hành mà sanh chánh kiến. Nếu có người đến nói với các đệ tử ấy rằng: ‘Pháp của thầy ngươi là chân chánh. Sở hành của ngươi là đúng. Nay cần khổ tu hành như vậy, có thể ở trong đời này mà thành tựu đạo quả.’ Các đệ tử kia tin lời ấy, cả hai đều chánh kiến, được phước vô lượng. Vì sao vậy? Vì pháp ấy chân chánh.

“Này Châu-na, hoặc có bậc Đạo sư xuất thế khiến cho các đệ tử buồn rầu. Hoặc có Đạo sư xuất thế khiến các đệ tử không ưu sầu.

“Thế nào là Đạo sư xuất thế khiến các đệ tử sinh ưu sầu?

“Này Châu-na! Đạo sư mới xuất hiện thế gian, thành Đạo chưa lâu, pháp của vị ấy đầy đủ phạm hạnh thanh tịnh, như thật chơn yếu nhưng không được phân bố rộng khắp, rồi vị Đạo sư ấy lại chóng diệt độ. Các đệ tử vì thế không được tu hành, thảy đều ưu sầu mà nói rằng: ‘Thầy vừa mới xuất thế, thành Đạo chưa lâu, pháp của Thầy đầy đủ phạm hạnh thanh tịnh, như thật chơn yếu, nhưng rốt cùng lại không được phân bố rộng khắp, mà nay Đạo sư lại nhanh chóng diệt độ, khiến cho đệ tử chúng ta không được tu hành.’ Đấy là có vị Đạo sư xuất thế nhưng đệ tử lại ưu sầu.

“Thế nào là Đạo sư xuất thế, đệ tử không ưu sầu?

“Có vị Đạo sư xuất thế, pháp của vị ấy thanh tịnh, đầy đủ phạm hạnh, như thật chơn yếu, lại được lưu bố rộng rãi, rồi sau đó mới vào diệt độ. Các đệ tử vì thế mà được tu hành, không ưu sầu, mà nói rằng: ‘Thầy mới xuất hiện thế gian, thành Đạo chưa lâu, pháp của Thầy thanh tịnh, đầy đủ phạm hạnh, như thật chơn yếu, lại được lưu bố rộng rãi, rồi sau đó mới vào diệt độ, khiến cho đệ tử chúng ta thảy đều được tu hành.’ Này Châu-na, như vậy, Đạo sư xuất thế, đệ tử không ưu sầu.”

Phật lại bảo Châu-na:

“Phạm hạnh thành tựu với những chi này, nhưng Đạo sư xuất thế mà xuất gia chưa bao lâu, danh tiếng chưa rộng, đó gọi là phạm hạnh chưa đầy đủ với chi này[7]. Này Châu-na! Đạo sư xuất thế mà xuất gia đã lâu, danh tiếng đã rộng rãi, đó gọi là phạm hạnh đầy đủ với chi này.

“Này Châu-na, Đạo sư xuất thế, xuất gia đã lâu, danh tiếng đã rộng, nhưng các đệ tử chưa nhận được sự dạy dỗ,[8] chưa đầy đủ phạm hạnh, chưa đến nơi an ổn, chưa đạt được mục đích của mình, chưa thể phân bố diễn thuyết pháp đã được thọ lãnh; nếu có dị luận nổi lên thì không [73c] thể như pháp mà diệt, chưa chứng đắc thần thông có khả năng biến hóa[9]. Đó là phạm hạnh chưa đầy đủ với chi này.

“Này Châu-na! Đạo sư xuất thế, xuất gia đã lâu, danh tiếng đã rộng, mà các đệ tử thảy đều chịu giáo huấn, phạm hạnh đầy đủ, đã đến nơi an ổn, đã đạt được mục đích của mình, lại có thể phân biệt diễn thuyết pháp được lãnh thọ; nếu có dị luận khởi thì có thể như pháp mà diệt, đã chứng đắc thần thông có khả năng biến hóa đầy đủ. Đó là phạm hạnh đầy đủ với chi này.

“Này Châu-na! Đạo sư xuất thế, xuất gia chưa lâu, danh tiếng chưa rộng, các Tỳ-kheo ni chưa nhận được sự dạy dỗ, chưa đến chỗ an ổn, chưa đạt được mục đích của mình, chưa thể phân bố diễn thuyết pháp đã được lãnh thọ; nếu có dị luận khởi lên chưa thể như thật diệt trừ bằng Chánh pháp, chưa chứng đắc thần thông có khả năng biến hóa. Đó là phạm hạnh chưa đầy đủ với chi này.

“Này Châu-na! Đạo sư xuất thế, xuất gia đã lâu, danh tiếng đã rộng, các Tỳ-kheo ni thảy đều nhận được giáo huấn, phạm hạnh đầy đủ, đã đến nơi an ổn, có thể phân biệt diễn thuyết pháp đã lãnh thọ; nếu có dị luận khởi lên thì như pháp mà trừ diệt, đã chứng đắc thần thông có khả năng biến hóa. Đó là phạm hạnh đầy đủ với chi này.

“Này Châu-na! Các Ưu bà tắc, Ưu bà di rộng tu phạm hạnh... cho đến... đã chứng đắc thần thông có khả năng biến hóa, cũng vậy.

“Này Châu-na, nếu Đạo sư không còn ở đời, không có danh tiếng, sự lợi dưỡng tổn giảm; đó là phạm hạnh không đầy đủ với chi này. Nếu Đạo sư tại thế, danh tiếng và lợi dưỡng đều có đủ, không có tổn giảm; đó là phạm hạnh đầy đủ với chi này.

“Nếu Đạo sư còn ở đời, danh tiếng và lợi dưỡng thảy đều đầy đủ, nhưng các Tỳ-kheo không thể đầy đủ danh tiếng và lợi dưỡng; đó là phạm hạnh không đầy đủ với chi này. Nếu Đạo sư tại thế, danh tiếng và lợi dưỡng đầy đủ không tổn giảm, chúng các Tỳ-kheo cũng đầy đủ như vậy; đó là phạm hạnh đầy đủ với chi này.

“Chúng Tỳ-kheo ni cũng vậy.

“Châu-na, Ta xuất gia đã lâu, danh tiếng rộng xa, các Tỳ-kheo của Ta đã nhận lãnh giáo huấn, đã đến chỗ an ổn, đã tự mình đạt được mục đích, lại có thể nói cho người khác pháp đã lãnh thọ; nếu có dị luận khởi lên có thể như pháp mà diệt, đã chứng đắc thần thông có khả năng biến hóa. Các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, cũng vậy.

“Châu-na, Ta đã lưu bố rộng rãi phạm hạnh... cho đến, đã chứng đắc thần thông có khả năng biến hóa.

“Này Châu-na! Hết thảy Đạo sư trong thế gian, không thấy có ai có danh tiếng và [74a] lợi dưỡng như Ta, Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác.

 “Này Châu-na, hết thảy đồ chúng có trong thế gian, không thấy ai có danh tiếng và lợi dưỡng như chúng của Như Lai.

“Châu-na, nếu muốn nói cho chân chánh, thì nên nói ‘thấy mà không thấy.’[10] Thế nào là thấy mà không thấy? Hết thảy phạm hạnh thanh tịnh cụ túc, đã được tuyên thuyết, được lưu bố hiển thị.[11] Đó gọi là thấy mà không thấy.”

Rồi thì, đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Uất-đầu-lam Tử[12], ở giữa đại chúng, nói như vậy: ‘Thấy mà không thấy. Thế nào là thấy mà không thấy? Như có thể thấy con dao nhưng không thể thấy sự bén nhọn.’ Này các Tỳ-kheo, vị ấy chỉ dẫn lời nói không nhận thức của phàm phu mà ví dụ. Như vậy, này Châu-na, nếu muốn nói một cách chân chánh, nên nói: ‘Thấy mà không thấy.’ Thế nào là thấy mà không thấy? Ngươi cần phải nói một cách chân chánh rằng: ‘Hết thảy phạm hạnh thanh tịnh đầy đủ, được tuyên thị, lưu bố. Đó là thấy mà không thấy.’

“Này Châu-na, pháp tương tục kia không đầy đủ nhưng có thể đạt được. Pháp không tương tục kia tuy đầy đủ nhưng không thể đạt được[13]. Này Châu-na, phạm hạnh trong các pháp, là đề hồ trong các thứ tô lạc.”

Rồi Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Những pháp này mà Ta đã tự thân tác chứng, đó là bốn niệm xứ, bốn thần túc, bốn chánh cần, bốn thiền, năm căn, năm lực, bảy giác chi, tám đạo Hiền Thánh. Các ngươi tất cả hãy cùng hòa hiệp chớ sanh tranh cãi. Cùng theo học một Thầy, cũng như nước và sữa hòa một, ở trong Chánh pháp của Như Lai, hãy tự thắp sáng cho mình, nhanh chóng được an lạc. Sau khi đã được an lạc, nếu có Tỳ-kheo nào, trong lúc có Tỳ-kheo đang thuyết pháp, mà nói rằng: ‘Điều được nói của vị kia, văn cú không chánh; nghĩa lý không chánh.’ Tỳ-kheo nghe như thế không nên nói đấy là đúng, cũng không nên nói đấy là sai, mà hãy nói với Tỳ-kheo ấy rằng: ‘Thế nào, Chư Hiền? Câu của tôi như vậy. Câu của các ngài như vậy. Nghĩa của tôi như vậy. Nghĩa của các ngài như vậy. Cái nào hơn? Cái nào kém?’ Nếu Tỳ-kheo kia nói rằng: ‘Câu của tôi như vậy. Câu của ngài như vậy. Nghĩa của tôi như vậy. Nghĩa của ngài như vậy. Câu của ngài hơn. Nghĩa của ngài cũng hơn.’ Tỳ-kheo kia nói vậy, nhưng cũng chớ cho là đúng, cũng chớ cho là sai, mà nên can gián Tỳ-kheo ấy, nên khuyến cáo hãy từ bỏ, hãy cùng suy cầu. Như vậy, cùng nhau hòa hiệp, chớ sanh tranh chấp. Cùng một Thầy học, như sữa và nước hiệp nhất, ở trong Chánh pháp của Như Lai, hãy tự mình thắp sáng, chóng được an lạc.

“Sau khi đã an lạc, nếu có Tỳ-kheo nào trong khi có Tỳ-kheo đang thuyết pháp mà nói như vậy: ‘Điều mà vị ấy nói, văn cú không chánh, nhưng nghĩa thì chánh.’ Tỳ-kheo nghe như vậy, không nên nói đấy là đúng, [74b] cũng không nên nói đấy là sai, mà nên nói với Tỳ-kheo ấy rằng: ‘Thế nào, Tỳ-kheo? Câu của tôi như vậy. Câu của ngài như vậy. Câu nào đúng? Câu nào sai?’ Nếu Tỳ-kheo ấy nói: ‘Câu của tôi như vậy. Câu của ngài như vậy. Câu của ngài hơn.’ Tỳ-kheo kia nói như vậy, nhưng cũng không nên nói đấy là đúng, cũng không nên nói thế là sai, mà nên can gián Tỳ-kheo ấy, nên khuyến cáo hãy dứt bỏ, hãy cùng suy cầu. Như vậy tất cả cùng hòa hiệp, chớ sanh tranh chấp, đồng một Thầy học, như nước sữa hiệp nhất, ở trong Chánh pháp của Như Lai, hãy tự mình thắp sáng, nhanh chóng được an lạc.

“Sau khi đã an lạc, nếu có Tỳ-kheo nào trong khi có Tỳ-kheo đang thuyết pháp mà nói như vậy: ‘Điều mà vị kia nói, văn cú chánh, nhưng nghĩa không chánh.’ Tỳ-kheo nghe như vậy, không nên nói đấy là đúng, cũng không nên nói đấy là sai, mà nên nói với Tỳ-kheo ấy rằng: ‘Thế nào, Tỳ-kheo? Câu của tôi như vậy. Câu của ngài như vậy. Câu nào đúng? Câu nào sai?’ Nếu Tỳ-kheo ấy nói: ‘Câu của tôi như vậy. Câu của ngài như vậy. Câu của ngài hơn.’ Tỳ-kheo kia nói như vậy, nhưng cũng không nên nói đấy là đúng, cũng không nên nói thế là sai, mà nên can gián Tỳ-kheo ấy, nên khuyến cáo hãy dứt bỏ, hãy cùng suy cầu. Như vậy tất cả cùng hòa hiệp, chớ sanh tranh chấp, đồng một Thầy học, cùng hòa hiệp như nước với sữa, ở trong Chánh pháp của Như Lai, hãy tự mình thắp sáng, chóng được an lạc.

“Sau khi được an lạc, nếu có Tỳ-kheo trong khi có Tỳ-kheo đang thuyết pháp mà nói như vậy ‘Điều được thuyết kia, văn cú chánh, nghĩa chánh.’ Tỳ-kheo nghe như vậy, không nên nói là sai, mà hãy nên khen ngợi Tỳ-kheo ấy rằng: ‘Điều ngài nói là đúng. Điều ngài nói là đúng.’ Vì vậy, này Tỳ-kheo, trong mười hai bộ kinh[14] hãy tự mình chứng nghiệm, rồi lưu bố rộng rãi. Một là Quán kinh. Hai là Kỳ-dạ kinh. Ba là Thọ ký kinh. Bốn là Kệ kinh. Năm là Pháp cú kinh. Sáu là Tương ưng kinh. Bảy là Bổn duyên kinh. Tám là Thiên bổn kinh. Chín là Quảng kinh. Mười là Vị tằng hữu kinh. Mười một là Thí dụ kinh. Mười hai là Đại giáo kinh. Các ngươi hãy khéo thọ trì, hãy tùy năng lực mà suy xét, phân bố rộng rãi.

“Này các Tỳ-kheo, y mà Ta quy định, hoặc y lấy từ bãi tha ma, hoặc y của trưởng giả, hoặc y xấu hèn; các thứ y ấy đủ để che nóng che lạnh, muỗi mòng; đủ để trùm kín bốn chi thể.

“Này các Tỳ-kheo, ẩm thực mà Ta quy định,[15] hoặc thực phẩm do khất thực, hoặc từ cư sỹ; các loại thực phẩm ấy đủ no. Nếu thân thể khổ não, các bệnh hoạn bức thiết mình, sợ rằng có thể vì thế mà chết, cho nên Ta cho phép các loại thực phẩm ấy, để tri túc thì thôi.

“Này các Tỳ-kheo, trú xứ mà Ta quy định, hoặc dưới gốc cây, hoặc chỗ trống, hoặc ở [74c] trong phòng, hoặc trên lầu gác, hoặc trong hang, hoặc tại các trú xứ khác; các trú xứ ấy đủ để ngăn che nóng lạnh, che nắng, che mưa, muỗi mòng, cho đến chỗ vắng vẻ để nghỉ ngơi.

“Này các Tỳ-kheo, thuốc men mà Ta quy định, hoặc từ đại tiểu tiện, [16] hoặc bơ, dầu, hoặc mật, đường đen; các thứ thuốc ấy tự đủ, nếu thân thể phát sanh đau nhức, các thứ bịnh hoạn bức thiết mình, sợ rằng có thể chết, cho nên Ta quy định các thứ thuốc ấy.”

Phật lại nói:

“Hoặc có Phạm-chí ngoại đạo[17] đến nói điều này: ‘Sa-môn Thích tử sống chỉ cầu an lạc.[18]’ Nếu có người nói như vậy, nên trả lời rằng: ‘Ông chớ nói như vậy, rằng Sa-môn Thích tử sống chỉ cầu lạc.’ Vì sao? Có thứ lạc trú bị Như Lai chê trách. Có thứ lạc trú được Như Lai khen ngợi. Nếu Phạm-chí ngoại đạo hỏi: ‘Thứ lạc trú bị Cù-đàm chê trách?’ Nếu có hỏi như vậy, nên trả lời rằng: ‘Năm phẩm chất của dục[19], đáng ưa đáng thích, mọi người đều đam mê. Thế nào là năm? Sắc được biết bới mắt, đáng ưa đáng thích, mọi người đều đam mê. Tiếng nghe bởi tai, hương ngửi bởi mũi, vị nếm bởi lưỡi, xúc cảm bởi thân, đáng ưa đáng thích, mọi người đều đam mê. Này Chư Hiền, hỷ lạc phát sanh do bởi duyên là năm dục, đó là điều mà Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác chê trách. Cũng như có người cố tỳnh sát hại chúng sanh, tự cho thế là lạc; đó là điều mà Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác chê trách. Cũng như có người lén lút trộm cắp của người, cho thế là lạc; đó là điều mà Như Lai chê trách. Cũng như có người xâm phạm tịnh hạnh của người khác, tự cho thế là lạc; đó là điều mà Như Lai chê trách. Cũng như có người cố ý nói dối, tự cho thế là lạc; đó là điều mà Như Lai chê trách. Cũng có người sống phóng đãng buông thả; đó là diều Như Lai chê trách. Cũng có người hành khổ hạnh bề ngoài, không phải là hành chân chánh mà Như Lai dạy, tự cho thế là lạc; đó là điều Như Lai chê trách.

“Này các Tỳ-kheo, năm phẩm chất của dục vốn đáng chê trách, mà mọi người tham đắm. Những gì là năm? Sắc được biết bới mắt, đáng ưa đáng thích, là cái mà con người tham đắm. Tiếng nghe bởi tai, hương ngửi bởi mũi, vị nếm bởi lưỡi, xúc cảm bởi thân, đáng ưa đáng thích, mọi người tham đắm. Sa-môn Thích tử không có những thứ lạc như vậy. Cũng như có người cố ý sát sanh, cho đó là lạc; Sa-môn Thích tử không có cái lạc như vậy. Cũng như có người trộm cướp, cho thế là lạc; Sa-môn Thích tử không có cái lạc như vậy. Cũng như [75a] có người phạm phạm hạnh, cho thế là lạc; Sa-môn Thích tử không có cái lạc như vậy. Cũng như người cố ý nói dối, cho đó là lạc; Sa-môn Thích tử không có cái lạc như vậy Cũng như có người phóng đãng buông trôi, cho thế là lạc; Sa-môn Thích tử không có cái lạc như vậy. Cũng như có người hành khổ hạnh bề ngoài, cho thế là lạc. Sa-môn Thích tử không có cái lạc như vậy.

“Nếu có Phạm-chí ngoại đạo hỏi như vậy: ‘Thứ lạc trú nào mà Sa-môn Cù-đàm khen ngợi?’ Này các Tỳ-kheo, nếu người kia có nói như vậy, các ngươi nên trả lời rằng: ‘Này Chư Hiền, năm phẩm chất của dục, đáng ưa đáng thích, được người đời tham đắm. Những gì là năm? Sắc được biết bởi mắt... cho đến, xúc biết bởi thân, đáng ưa đáng thích, được người đời tham đắm. Này Chư Hiền, lạc phát sanh do bởi nhân duyên là năm dục, nên nhanh chóng diệt trừ. Cũng như có người cố ý sát sanh, tự cho thế là lạc; lạc như thế, nên nhanh chóng diệt trừ. Có người trộm cắp, tự cho thế là lạc; lạc ấy nên nhanh chóng diệt trừ. Cũng như có người phạm tịnh hạnh, tự cho thế là lạc; lạc ấy nên chóng diệt trừ. Cũng như có người phóng đãng buông trôi, tự cho thế là lạc; lạc ấy nên nhanh chóng diệt trừ. Cũng như có người hành khổ hạnh bề ngoài, cho thế là lạc; lạc ấy nên chóng diệt trừ. Cũng như có người ly dục, lìa bỏ pháp ác bất thiện, có tầm có tứ, có hỷ lạc phát sanh do ly dục, nhập sơ thiền. Lạc như thế là điều Phật khen ngợi. Cũng như có người diệt tầm tứ, nội tĩnh, nhất tâm, không tầm không tứ, có hỷ lạc do định sanh, nhập nhị thiền. Lạc như thế được Phật khen ngợi. Cũng như có người trừ hỷ, an trú xả, tự thân cảm giác lạc, điều mà Hiền Thánh là xả, an trú lạc có niệm, nhất tâm, nhập đệ tam thiền. Lạc như thế được Phật khen ngợi. Lạc hết, khổ hết, ưu và hỷ trước đã diệt, không khổ không lạc, xả, niệm thanh tịnh, nhập đệ tứ thiền. Lạc như vậy được Phật khen ngợi.

“Nếu có Phạm-chí ngoại đạo nói như vầy: ‘Trong lạc ấy, các ông tỳm kết quả gì, công đức gì?’ Nên trả lời rằng: ‘Lạc ấy sẽ đưa đến bảy quả, bảy công đức[20]. Những gì là bảy? Ngay trong đời này, chứng đắc Thánh đạo[21]. Giả sử chưa chứng, thì ngay khi chết,[22] sẽ [75b] chứng đắc thánh đạo. Nếu trong khi chết mà chưa chứng đắc, thì sẽ đoạn trừ năm hạ phần kết, sẽ chứng đắc trung bát Niết-bàn, sanh bát Niết-bàn, hành bát Niết-bàn, vô hành bát Niết-bàn, thượng lưu a-ca-nị-trá Niết-bàn[23]. Này Chư Hiền, lạc ấy có bảy công đức là như vậy.

“Chư hiền, hoặc có Tỳ-kheo đang ở bậc học địa mà muốn hướng thượng, tỳm cầu chỗ an ổn, nhưng chưa trừ năm triền cái. Những gì là năm? Tham dục triền cái, sân nhuế triền cái, thụy miên triền cái, trạo hý triền cái, nghi triền cái. Tỳ-kheo hữu học kia muốn cầu hướng thượng, tỳm chỗ an ổn, nhưng chưa diệt trừ năm triền cái, không hay tinh cần nơi bốn niệm xứ, không hay tinh cần với bảy giác chi, nhưng lại muốn chứng được pháp thượng nhân, tăng thượng tuệ của Hiền Thánh, mong cầu muốn biết, muốn thấy; không có trường hợp ấy.

“Chư hiền, Tỳ-kheo hữu học muốn cầu hướng thượng, tỳm cầu chỗ an ổn, mà có thể diệt trừ năm triền cái là tham dục triền cái, sân nhuế triền cái, thụy miên triền cái, trạo hý triền cái, nghi triền cái, hay tinh cần với bốn niệm xứ lại, như thật tu hành bảy giác chi; nếu vị ấy muốn được pháp thượng nhân, tăng thượng tuệ của Hiền Thánh, muốn biết muốn thấy; có trường hợp như vậy.

“Chư hiền, có Tỳ-kheo là A-la-hán lậu tận, điều cần làm đã làm xong, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích của mình, đã dứt sạch các kết sử của hữu, với chánh trí đã giải thoát; vị ấy không làm chín việc. Những gì là chín? Một là không giết. Hai là không lấy trộm. Ba là không dâm. Bốn là không nói dối. Năm, không xả đạo[24]. Sáu, không bị dục chi phối. Bảy, không bị sân chi phối. Tám, không bị sợ hãi chi phối. Chín, không bị nghi chi phối. Chư hiền, ấy là vị lậu tận A-la-hán đã làm xong điều cần làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích của mình, đã dứt sạch kết sử của hữu, chánh trí giải thoát, xa lìa chín sự.[25]

“Hoặc có Phạm-chí ngoại đạo nói như vầy: ‘Sa-môn Thích tử có pháp bất trụ.’[26] Nên trả lời vị ấy rằng: ‘Chư hiền, chớ nói như vậy, rằng Sa-môn Thích tử có pháp bất trụ. Vì sao vậy? Pháp của Sa-môn Thích tử là thường trụ, không bị dao động. Cũng như ngưỡng cửa[27] thường trụ không động. Pháp của Sa-môn Thích tử cũng vậy, thường trụ không di động.’[28]

“Hoặc có Phạm-chí ngoại đạo nói như vậy: ‘Sa-môn Cù-đàm biết suốt việc trong đời quá khứ, nhưng không biết việc trong đơì vị lai.’ Tỳ-kheo kia, cùng Phạm-chí dị học ấy bằng trí này mà quán sát trí kia[29], cho nên lời nói hư dối. Như Lai đối với việc quá khứ kia, không gì không thấy biết, rõ như ở trước mắt. Đối với đời vị lai, Như Lai có trí phát sanh từ [75c] đạo[30]. Việc trong đời quá khứ vốn hư dối không thật, không đáng vui thích, không lợi ích gì, Như Lai không ghi nhận. Hoặc việc quá khứ có thật, nhưng không đáng ưa thích, không ích lợi gì, Phật cũng không ghi nhận. Nếu việc quá khứ có thật, đáng ưa, nhưng không lợi ích, Phật cũng không ghi nhận. Nếu việc quá khứ có thật, đáng ưa, có lợi ích, Như Lai biết suốt, sau đó mới ghi nhận. Vị lai, hiện tại, cũng vậy.

“Như Lai đối với quá khứ, vị lai, hiện tại, nói đúng thời, nói sự thật, nói có nghĩa, có lợi, nói đúng pháp, đúng luật, không có lời hư dối. Phật từ đêm đầu tiên thành Vô thượng chánh giác cho đến đêm cuối cùng, trong khoảng giữa, có nói điều gì, thảy đều như thật; do đó gọi là Như Lai.

“Lại nữa, những điều Như Lai nói đúng như sự; sự đúng như lời; do đó gọi là Như Lai.

“Do nghĩa gì mà gọi là Đẳng Chánh Giác? Những gì mà Phật thấy biết, diệt trừ, giác ngộ, Phật thảy đều giác ngộ, biết rõ, nên gọi là Đẳng Chánh Giác.

“Hoặc có Phạm-chí ngoại đạo nói như vậy: ‘Thế gian thường hằng. Duy chỉ điều này là thật; ngoài ra đều là hư dối.’ Hoặc có người lại nói: ‘Thế gian này là không thường hằng. Duy chỉ điều này là thật; ngoài ra đều hư dối.’ Hoặc có người lại nói: ‘Thế gian vừa thường hằng vừa không thường hằng. Duy chỉ điều này là thật; ngoài ra đều hư dối.’ Hoặc có người nói: ‘Thế gian không phải thường hằng, không phải không thường hằng. Duy chỉ điều này là thật; ngoài ra là hư dối.’

“Hoặc có người nói: ‘Thế gian hữu biên. Duy chỉ điều này là thật; ngoài ra đều hư dối.’ Hoặc có người nói: ‘Thế gian vô biên. Duy chỉ điều này là thật; ngoài ra đều hư dối.’ Hoặc có người nói: ‘Thế gian vừa hữu biên vừa vô biên. Duy chỉ điều này là thật; ngoài ra đều hư dối.’ Hoặc nói: ‘Thế gian không phải hữu biên không phải vô biên. Duy chỉ điều này là thật; ngoài ra đều hư dối.’

“Hoặc nói: ‘Chính mạng[31] tức là thân. Duy chỉ điều này là thật; ngoài ra đều dối.’ Hoặc nói: ‘Mạng không phải là thân. Đây là thật; ngoài ra là dối.’ Hoặc nói: ‘Mạng khác thân khác. Đây là thật; ngoài ra là dối.’ Hoặc nói: ‘Không phải mạng khác thân khác. Đây là thật; ngoài ra là dối.’

“Hoặc nói: ‘Như Lai tồn tại sau khi chết.[32] Đây là thật, ngoài ra là dối.’ Hoặc nói: ‘Như Lai không tồn tại sau khi chết. Đây là thật còn ngoài ra là dối.’ Hoặc nói: ‘Như Lai vừa c tồn tại sau khi chết vừa không tồn tại sau khi chết, đây là thật còn ngoài ra là dối.’ Hoặc nói: ‘Như Lai không phải tồn tại sau khi chết cũng không phải không tồn tại sau khi chết, đây là thật còn ngoài ra là dối.’

“Những ai có quan điểm như vậy, gọi là bổn sanh bổn kiến[33]. Nay ta ký thuyết cho ngươi rằng: ‘Thế gian là thường hằng ... cho đến, Như Lai không phải tồn tại sau khi chết cũng không phải không tồn tại sau khi chết. Đây là thật còn ngoài ra là [76a] dối.’ Đó là bổn kiến bổn sanh. Hãy ghi nhớ lấy.

“Gọi là ‘Mạt[34] kiếp mạt sanh,’[35] Ta cũng đã ký thuyết. Những gì là mạt kiếp mạt sanh được ta ký thuyết? Sắc là ta, tùy theo tưởng mà có cuối cùng;[36] đây là thật còn ngoài ra là dối. Vô sắc là ta, tùy theo tưởng có cuối cùng. Vừa có sắc vừa vô sắc là ta, tùy theo tưởng mà có cuối cùng. Không phải có sắc không phải không sắc là ta, tùy theo tưởng mà có cuối cùng. Ta là hữu biên, ta là vô biên, ta vừa hữu biên vừa vô biên, ta không phải hữu biên cũng không phải vô biên, tùy theo tưởng mà có cuối cùng. Ta có lạc, tùy theo tưởng mà có cuối cùng. Ta không có lạc, tùy theo tưởng mà có cuối cùng. Ta vừa có khổ vừa có lạc, tùy theo tưởng mà có cuối cùng. Ta không khổ cũng không lạc, tùy theo tưởng mà có cuối cùng. Một tưởng là ta, tùy theo tưởng mà có cuối cùng. Nhiều tưởng là ta, tùy theo tưởng mà có cuối cùng. Ít tưởng là ta, tùy theo tưởng mà có cuối cùng. Vô lượng tưởng là ta, tùy theo tưởng mà có cuối cùng. Đây là thật ngoài ra là dối. Đó là tà kiến bổn kiến bổn sanh, được Ta ký thuyết.

“Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn, có luận như vầy, có kiến như vầy: ‘thế gian này thường hằng: đây là thật, ngoài ra là dối ... cho đến, vô lượng tưởng là ta: đây là thật, ngoài ra là dối.’ Sa-môn, Bà-la-môn kia  lại nói như vầy, thấy như vầy: ‘Đây là thật ngoài ra là hư dối’. Nên trả lời người ấy rằng: Có phải ông chủ trương rằng, thế giới này là thường hằng: đây là thật còn ngoài ra là dối? Lời nói như vậy Phật không chấp nhận. Vì sao? Trong các kiến giải đó mỗi thứ đều có kết sử. Ta lấy lý mà suy, trong các Sa-môn, Bà-la-môn, không ai bằng Ta, huống hồ muốn hơn Ta. Các tà kiến như vậy chỉ có nơi lời nói mà thôi, không đáng cùng bàn luận... Cho đến vô lượng tưởng là ta, cũng vậy.

“Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn nói như vầy: ‘Thế gian này tự tạo.’ Lại có Sa-môn, Bà-la-môn nói: ‘Thế gian này do cái khác tạo.’ Hoặc nói: ‘Vừa tự tạo vừa do cái khác tạo.’Hoặc nói: ‘không phải tự tạo cũng không phải do cái khác tạo nhưng ngẫu nhiên mà có.’ Sa-môn, Bà-la-môn nào nói rằng thế gian là tự tạo thì các Sa-môn, Bà-la-môn ấy đều nhân bởi nhân duyên là xúc. Nếu lìa xúc là nhân mà có thể nói được; không có trường hợp ấy. Vì sao? Do sáu xứ thân[37] mà phát sanh xúc. Do xúc mà sanh thọ. Do thọ mà sanh ái. Do ái mà sanh thủ. Do thủ mà sanh hữu. Do hữu mà sanh sanh. Do sanh mà có già, chết, ưu, buồn, khổ, não, khối lớn khổ đau. Nếu không có sáu xứ, thì không có xúc. Không có xúc thì không có thọ. [76b] Không có thọ thì không có ái. Không có ái thì không có thủ. Không có thủ thì không có hữu. Không có hữu thì không có sanh. Không có sanh thì không có già, chết, ưu, buồn, khổ, não, khối lớn khổ đau.

“Lại nói, ‘thế gian này do cái khác tạo’; lại nói, ‘thế gian này vừa tự tạo vừa do cái khác tạo’; lại nói, ‘thế gian này không phải tự tạo cũng không phải do cái khác tạo, nhưng ngẫu nhiên mà có’; cũng vậy. Nhân xúc mà có, không có xúc thì không.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu muốn diệt trừ các quan điểm tà ác ấy, nên tu ba hành[38] nơi bốn niệm xứ. Thế nào Tỳ-kheo diệt trừ các tà ác, nên tu ba hành với bốn niệm xứ? Tỳ-kheo quán thân trên nội thân, tinh cần không biếng nhác, ghi nhớ không quên, trừ tham ưu ở đời. Quán thọ, tâm, pháp, cũng vậy. Đó là muốn diệt trừ ba hành đối với bốn niệm xứ.

“Có tám giải thoát. Những gì là tám? Có sắc, quán sắc, đó là giải thoát thứ nhất. Bên trong có sắc tưởng, quán ngoại sắc; giải thoát thứ hai. Tịnh giải thoát, giải thoát thứ ba. Vượt sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, trú không vô biên xứ, giải thoát thứ tư. Xả không vô biên xứ trú thức vô biên xứ; giải thoát thứ năm. Xả thức vô biên xứ, trú vóowr xứ[39]; giải thoát thứ sáu. Xả sở hữu xứ, trú phiu tưởng phi phi tưởng xứ; giải thoát thứ bảy. Diệt tận định, giải thoát thứ tám.”

Bấy giờ, A-nan đang đứng sau Thế Tôn, cầm quạt quạt Phật, bèn trịch áo bày vai phải, quỳ gối phải xuống đất, chấp tay bạch Phật rằng:

“Kỳ diệu thay, Thế Tôn. Pháp này thanh tịnh, vi diệu bậc nhất, nên gọi là gì? Nên phụng trì như thế nào?”

Phật bảo A-nan:

“Kinh này gọi là “Thanh tịnh”. Ngươi hãy phụng trì như thế.”

Bấy giờ, A-nan sau khi nghe những lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

 


*  第二分[19]清淨經第十三

[1] Ca-duy-la-vệ 迦維羅衛 (Ca-tỳ-la-vệ). Pl.: Kapilavatthu.

[2] Miến-kỳ ưu-bà-tắc lâm trung 綿祇優婆塞林 中. Phiên âm Miến-kỳ không tỳm thấy Pl. tương đương chính xác. D. 29: Phật ở giưa người họ Thích (Sakkesu), trong ngôi nhà lầu trong khu vườn xoài của một người họ Thích có tên là Vadhaññā.

[3] Châu-na 周那. Pl.: Cunda Samaṇuddesa.

[4] Ba-ba 波波. Pl.: Pāvā,   một thị trấn gần Vương xá (Pl.: Rājagaha), thủ phủ của bộ tộc Malla.

[5] Nguyên Hán: tam-da-tam-Phật-đà 三耶三佛陀. Pl.: sammā-sambuddha.

[6] Hán: nan khả ô sắc 難可污色, nên sữa lại: nan khả ô dã 難可圬也. Xem kinh 9 “Phúng tụng” (h. 49c15).

[7] Văn cú đảo trang nên dễ gây hiểu nhầm. Cf. Pl. (D 29, ii 123): etehi cepi aṅgehi samannāgataṃ brahmacariyaṃ hoti, no ca satthā hoti thero rattaññū (…), evaṃ taṃ brahmacariyaṃ aparipūraṃ hoti tenaṇgena, “Phạm hạnh có đầy đủ những chi (thành phần) này, nhưng Đạo sư không phải là bậc Kỳ túc danh tiếng, … phạm hạnh như vậy là không viên mãn với (một) chi này.”

[8] Pl. ibid.: (…) no ca khvassa therā bhikkhū sāvakā viyattā vinītā…,  “nhưng các đệ tử Tỳ kheo Trưởng lão của vị ấy không có kham năng, chưa được điều phục…”

[9] Pl.ibid.: (na…) sappāṭihāriyam dhammam desetum: (không có…) khả năng tuyên thuyết pháp kỳ diệu (thần biến)..

[10] Hán: kiến bất khả kiến 見不可見. Pl.: passan na passati. Sớ giải: passanto na passati, “nó đang nhìn mà không thấy.”

[11] D.i.i  162: sabbākārasampannam sabbākāraparipūram anūnam anadhikam svākha               tam kevalam paripūraṃ brahmacariyaṃ suppakāsan’ ti: phạm hạnh được mô tả là thành tựu hết thảy tướng (hình thái), tròn đầy hết thảy tướng, không thiếu sót, không dư thừa, được khéo tuyên thuyết, tuyệt đối viên mãn.

[12] Uất-đầu-lam Tử 鬱頭藍子. Pl.: Uddaka-Rāmaputta.

[13] Hán: bỉ tương tục pháp bất cụ túc nhi khả đắc; bất tương tục pháp cụ túc nhất khả đắc 彼相續法不具足而可得。不相續法具足而不可得, nghĩa không rõ, nên cố dịch sát. Cf. D 29 ibid.: idam ettha apakaḍḍheyya evam tam parisuddhataram assāti iti hetam na passati, idam ettha upakaḍḍheyya evam tam paripūraṃ assāti iti hetam na passati: “ (nếu nghĩ rằng) ở đây nên bớt đi cái này thì nó sẽ thanh tịnh hơn, thế thì không thấy cái ấy; (nếu nghĩ rằng) ở đây nên thêm cái này thì nó sẽ đầy đủ hơn, thế thì không thấy cái ấy.”

[14] Mười hai bộ kinh, 12 bộ phận của Thánh điển: 1. Quán kinh 貫經 (Pl.. sutta),  2. Kì-dạ 祇夜 (Pl.. geyya), 3. Thọ ký 授記 (Pl.. veyyekāraṇa), g 4. Kệ 偈 (Pl.., Skt. gāthā),5. Pháp cú 法 (udāna) 6. Tương ưng 相應 (Pl.. itivuttaka), 7. Bản duyên 本緣 (Pl.. jātaka), 8. Thiên bổn 天本 (Pl.. nidāna). 9. Quảng kinh 廣經 (Pl.. vedalla)10. Vị tằng hữu 未曾有 (Pl.. abbhutadhamma), 11. Thí dụ 譬喻 (Pl.. apadāna) 12. Đại giáo大教 (Pl.. upadesa). Đoạn trên, kinh 2 “Du hành” kể có chín.

[15] Pl.: piṇḍipāto  anuññtto: quy đinh khất thực.

[16] Để bản: đại tiểu tiện 大小便; TNM: trần khí dược 陳棄藥  (Pl.: pūtimutta), thường được hiểu là thuốc từ nước đài quỷ.

[17] Ngoại đạo Phạm chí 外道梵志, Pl.: aññatitthiya paribbājaka, ngoại đạo xuất gia.

[18] Hán: dĩ chúng lạc tự ngộ 以眾樂自娛. Cf. Pl.: sukkhallikānuyogam anuyuttā viharanti, sống chuyen tâm cầu sự an lạc hành.

[19] Hán: Ngũ dục công đức 五欲功德, Pl.: pañca kāma-guṇa.  

[20] Bảy quả. Bản Pl.: bốn quả, bốn lợi ích (cattāri phālāni cattāro ānisaṃsā).

[21] Chỉ trường hợp A-la-hán.

[22] Hán: lâm mạng chung thời 臨命終時, nên hiểu ngay khi, chứ không phải sau khi chết. Trường hợp chứng A-la-hán ngay trước khi chết.

[23] 5 trường hợp nhập Niết-bàn của A-na-hàm (Bất hoàn).

[24] D. 29: không cất chứa tiền bạc để hưởng thụ dục lạc.

[25] Có sự đảo lộn đoạn mạch trong bản Hán so với bản Pali. Xem cht. 26 tiếp theo.

[26] Hán: bất trụ pháp 不住法. D 29 (iii 133): aṭṭhadhammā... viharanti, sống với pháp không ổn định, sống không có lập trường. Sớ giải: không có bản chất ổn định (naṭṭhitasabhāvā = anavaṭṭhitasabhāvā), không tin tưởng có Đạo, Quả, Niết bàn.

[27] Hán: môn khổn 門閫. D. 29: indakhīla, cột Inda, cột nêu ở cỗng chợ.

[28] Trong bản Pali, D 29, chín pháp không hành của A-la-hán, đoạn trước trong bản Hán, được nêu để giải đáp nghi vấn này.

[29] Hán: trí dị, trí quán diệc dị 智異觀亦異. Pl.: aññavihitakena ñāṇadassan             ena aññavihitakam ñāṇadassanam paññapetabbaṃ, (cho rằng) có thể nhận biết tri kiến bị vô tri che lấp này bằng tri kiến bị vô tri che lấp khác.

[30] Hán: sanh ư đạo trí 生於道智. Pl.: bodhijaṃ ñāṇaṃ, trí phát sanh từ bồ đề hay giác ngộ.

[31] Mạng, chỉ linh hồn; Pl.: jīva, một khái niệm khác về tự ngã - attā.

[32] Hán: Như Lai hữu chung 如來有終 v.v... Pl.: hoti tathāgato paraṃ maraṇnā: Như Lai tồn tại sau khi chết, v.v…

[33] Bổn sanh bổn kiến 本生本見, so sánh với bổn kiếp bổn kiến trong kinh Phạm võng (Phạm động, kinh 21). Pl.: pubbantasahagatadiṭṭhinissayā, y chỉ cho kiến chấp liên hệ quá  khứ.

[34] Để bản: vị 未;Tnm: mạt末.  

[35] Mạt kiến mạt sanh 末見末生.       Pl.; aparanta-sahagata-diṭṭhi-nissaya. Quan điểm liên hệ vị lai.

[36] Không tồn tại sau khi chết. Cf. D 29 (ii 139): rūpī attā hoti arogo paraṃ maraṇāṃ, ngã có sắc, sau khi chết (tồn tại)  không bịnh; bốn trường hợp.

[37] Sáu nhập thân 六入身, tức sáu xứ y trên thân; 6 sở y của thức.

[38] Ba hành: thân hành (Pl.. kāyasaṅkhāra), khẩu hành (vacasaṅkhāra), ý hành (manosaṅkhāra).

[39].     Bất dụng xứ 不 用 處, hay vô sở hữu xứ 無 所 有 處. Pl.: ākiñcanāyatana.

18. Kinh tự hoan hỷ

18. KINH TỰ HOAN HỶ

[76b24] Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại thành Na-nan-đà[1], trong rừng Ba-ba-lị am-bà[2], cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người.

Bấy giờ trưởng lão Xá-lợi-phất đang ở nơi nhàn tĩnh, thầm lặng tư duy rằng:

“Ta biết với tâm quyết định rằng trong các Sa-môn, Bà-la-môn trong quá khứ, vị lai và hiện tại, không ai có trí tuệ, công đức lực của thần túc,[3] sánh bằng Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác.

Rồi Xá-lợi-phất rời khỏi tịnh thất, đi đến chỗ Phật; cúi đầu lễ chân Phật, rồi ngồi sang một bên, [76c] bạch Phật rằng:

“Vừa rồi ở tịnh thất, con thầm lặng tư duy rằng: ‘Các Sa-môn, Bà-la-môn trong quá khứ, vị lai và hiện tại, không ai có trí tuệ, công đức lực của thần túc, sánh bằng Như Lai, bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác.’.”

Phật bảo Xá-lợi-phất :

“Lành thay, lành thay, ngươi có thể trước Phật mà nói lời như vậy! Với tin tưởng xác quyết[4], ngươi thật sự cất tiếng rống sư tử. Các Sa-môn, Bà-la-môn không ai bằng ngươi được. Thế nào, Xá-lợi-phất, ngươi có thể biết những điều được suy nghĩ trong tâm của chư Phật quá khứ chăng? Biết đức Phật ấy có giới như vậy, pháp như vậy, trí tuệ như vậy, giải thoát như vậy, giải thoát an trú[5] như vậy chăng?”

Đáp rằng: “Không biết”.

“Thế nào, Xá-lợi-phất, ngươi có thể biết những điều được suy nghĩ trong tâm của chư Phật đương lai chăng? Biết đức Phật ấy có giới như vậy, pháp như vậy, trí tuệ như vậy, giải thoát như vậy, giải thoát an trú như vậy chăng?”

Đáp rằng: “Không biết”.

“Thế nào, Xá-lợi-phất, nay, như Ta, Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, những gì được suy nghĩ trong tâm, có giới như vậy, pháp như vậy, trí tuệ như vậy, giải thoát như vậy, giải thoát an trú như vậy, ngươi có thể biết được chăng?”

Đáp rằng: “Không biết”.

Phật lại bảo Xá-lợi-phất :

“Ngươi không thể biết những điều được suy nghĩ trong tâm của Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác trong quá khứ, vị lai, hiện tại, vì sao ngươi lại suy nghĩ một cách xác quyết như thế? Nhân bởi sự kiện gì mà ngươi phát sanh ý nghĩ như vậy, với tin tưởng xác quyết, cất tiếng rống sư tử? Nhưng các Sa-môn, Bà-la-môn khác nghe ngươi nói: ‘Ta biết với tâm quyết định rằng các Sa-môn, Bà-la-môn trong quá khứ, vị lai và hiện tại, không ai có trí tuệ, công đức lực của thần túc, sánh bằng Như Lai ’, họ sẽ không tin lời ngươi.”

Xá-lợi-phất bạch Phất rằng:

“Con tuy không thể biết những điều suy nghĩ trong tâm của Chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại; nhưng con có thể biết pháp tổng tướng[6] của Phật. Như Lai thuyết pháp cho con, càng lúc càng cao, càng lúc càng vi diệu; nói về pháp đen, pháp trắng, pháp duyên, không duyên; pháp chiếu, không chiếu[7]. Những điều Như Lai dạy, càng cao, càng vi diệu. Con sau khi nghe, biết từng pháp một[8]; đạt đến chỗ rốt ráo của pháp,[9] con tin Như Lai là đấng Chí Chân, Đẳng Chánh Giác; tin Pháp của Như Lai được khéo phân biệt; tin Chúng của Như Lai thành tựu sự diệt khổ. Trong các pháp thiện xảo[10], đây là tối thượng. Thế Tôn có trí tuệ vô dư, thần thông vô dư[11]. Các Sa-môn, Bà-la-môn trong đời không ai có thể sánh bằng Như Lai, huống hồ muốn vượt lên trên.

“Pháp mà Thế Tôn đã dạy, lại có pháp cao hơn nữa; đó là các chế pháp[12]. Các chế pháp đó là, bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn thần túc, bốn thiền, năm căn, năm lực, bảy giác chi, [77a] tám Hiền Thánh đạo. Đó là các chế pháp vô thượng, trí tuệ vô dư[13], thần thông vô dư. Các Sa-môn, Bà-la-môn trong đời không ai có thể sánh bằng Như Lai, huống hồ muốn vượt lên trên.

“Pháp mà Thế Tôn đã dạy, lại có pháp cao hơn nữa, đó là thiết chế các nhập xứ[14]. Các xứ là mắt và sắc, tai và thanh, mũi và hương, lưỡi và vị, xúc và thân, ý và pháp. Cũng như Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác quá khứ đã thiết chế các nhập xứ này, tức là mắt và sắc,... cho đến, ý và pháp. Giả sử Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác vị lai cũng thiết chế nhập xứ ấy, tức là, mắt và sắc,... cho đến, ý và pháp. Nay Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, cũng thiết chế nhập xứ ấy, tức là, mắt và sắc,... cho đến, ý và pháp. Pháp ấy vô thượng, không gì có thể vượt qua; trí tuệ vô dư, thần thông vô dư; các Sa-môn, Bà-la-môn trong đời không ai có thể sánh ngang Như Lai, huống hồ vượt lên trên.

“Pháp mà Thế Tôn đã dạy, lại có pháp trên nữa; đó là thức nhập thai.[15] Nhập thai là, một, loạn nhập thai[16], loạn trú và loạn xuất; hai, không loạn nhập, nhưng loạn trú, loạn xuất; ba, không loạn nhập, không loạn trú nhưng loạn xuất; bốn, không loạn nhập, không loạn trú, không loạn xuất. Kia không loạn nhập, không loạn trú, không loạn xuất, là sự nhập thai bậc trên. Pháp ấy vô thượng, không gì có thể vượt qua; trí tuệ vô dư, thần thông vô dư; các Sa-môn, Bà-la-môn trong đời không ai có thể sánh ngang Như Lai, huống hồ vượt lên trên.

“Pháp Như Lai thuyết, lại có pháp trên nữa, đó là đạo[17]. Nói là đạo, tức là, các Sa-môn, Bà-la-môn bằng đủ các phương tiện nhập tâm định[18]; rồi bằng tâm định mà tu niệm giác chi, y dục, y viễn ly, y diệt tận, y pháp xuất yếu; tinh tấn, hỷ, khinh an, định, xả giác chi, y dục, y viễn ly y diệt tận, y pháp xuất yếu[19]. Pháp ấy vô thượng, không gì có thể vượt qua; trí tuệ vô dư, thần thông vô dư; các Sa-môn, Bà-la-môn trong đời không ai có thể sánh ngang Như Lai, huống hồ vượt lên trên.

“Pháp Như Lai thuyết lại còn có pháp trên nữa; đó là hành[20]. Hành, tức là, hành thì khổ nhưng chứng đắc chậm [21], cả hai[22] đều thấp kém. Hành thì mà chứng đắc nhanh[23], duy chỉ khổ hành là thấp kém. Hành thì lạc, mà chứng đắc chậm, duy chỉ sự chậm là thấp kém. Hành thì lạc[24], và chứng đắc nhanh[25], nhưng không phổ rộng; vì không phổ rộng nên nói là thấp kém[26]. Như nay Như Lai diệt bằng lạc, chóng chứng đắc, mà lại phổ rộng, cho đến trời và người đều thấy biến hóa thần diệu.”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Những điều Thế Tôn dạy vi diệu bậc nhất, cho đến nữ nhân cũng có thể thọ trì, dứt sạch lậu, thành vô lậu, [77b] tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự thân tác chứng ngay trong đời này: sanh tử đã tận, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn hậu hữu. Đó là hành trì[27] vô thượng được Như Lai dạy. Pháp ấy vô thượng, không gì có thể vượt qua; trí tuệ vô dư, thần thông vô dư; các Sa-môn, Bà-la-môn trong đời không ai có thể sánh ngang Như Lai, huống hồ vượt lên trên.

“Pháp Như Lai dạy còn có trên nữa; đó là ngôn thanh tịnh[28]. Ngôn thanh tịnh, tức là, Thế Tôn đối với các Sa-môn, Bà-la-môn không nói lời hư dối vô ích; nói không cốt để hơn, không vì phe đảng, lời nói nhu hòa, không sai thời tiết, lời nói không phát suông. Đó gọi là ngôn thanh tịnh. Pháp ấy vô thượng, không gì có thể vượt qua; trí tuệ vô dư, thần thông vô dư; các Sa-môn, Bà-la-môn trong đời không ai có thể sánh ngang Như Lai, huống hồ vượt lên trên.

“Pháp Như Lai dạy còn có trên nữa, đó là kiến đẳng chí[29]. Nói kiến đẳng chí, là nói rằng, có Sa-môn, Bà-la-môn, bằng đủ phương tiện tinh cần[30] chứng nhập tâm định. [31] Với tâm định tĩnh ấy, vị ấy quán từ đầu đến chân, từ chân đến đầu, trong ngoài lớp da, chỉ toàn những thứ bất tịnh như tóc, lông, móng, gan, phổi, ruột, dạ dày, lá lách, thận tức là năm tạng, mồ hôi, mỡ, tuỷ, não, phân, nước tiểu, nước mũi, nước mắt, chỗ hôi thối bất tịnh, không một cái gì đáng tham. Đó là kiến đẳng chí thứ nhất.

“Các Sa-môn, Bà-la-môn, bằng đủ phương tiện tinh cần chứng nhập tâm định. Với tâm định tĩnh ấy, vị ấy loại trừ các thứ bất tịnh bên trong và ngoài da, chỉ quán xương trắng và răng. Đó là kiến đẳng chí thứ hai.

“Các Sa-môn, Bà-la-môn, bằng đủ phương tiện tinh cần, chứng nhập tâm định. Với tâm định tĩnh ấy, vị ấy loại trừ xương trắng và các thứ bất tịnh trong ngoài da, chỉ quán tâm thức[32] trú ở chỗ nào, ở đời này hay đời sau? Đời này không gián đoạn, đời sau không gián đoạn; đời này không giải thoát, đời sau không giải thoát.[33] Đó là kiến đẳng chí thứ ba.

“Các Sa-môn, Bà-la-môn, bằng đủ phương tiện tinh cần chứng nhập tâm định. Với tâm định tĩnh ấy, vị ấy loại bỏ các thứ bất tịnh trong ngoài da và xương trắng, lại trùng quán thức. Thức ở đời sau, không ở đời này; đời nay gián đoạn, đời sau không đoạn; đời nay giải thoát, đời sau không giải thoát. Đó là kiến đẳng chí thứ tư.[34]

“Các Sa-môn, Bà-la-môn, bằng đủ phương tiện tinh cần chứng nhập tâm định. Với tâm định tĩnh ấy, vị ấy loại bỏ các thứ bất tịnh trong ngoài da và xương trắng, lại trùng quán thức; không ở đời này, không ở đời sau, cả hai đều gián đoạn, cả hai đều giải thoát. Đó là [77c] kiến đẳng chí thứ năm. Pháp ấy vô thượng, không gì có thể vượt qua; trí tuệ vô dư, thần thông vô dư; các Sa-môn, Bà-la-môn trong đời không ai có thể sánh ngang Như Lai, huống hồ vượt lên trên.

“Pháp Như Lai thuyết lại còn có trên nữa, đó là pháp thường hằng [35]. Thường pháp là, các Sa-môn, Bà-la-môn, bằng đủ phương tiện tinh cần chứng nhập tâm định. Với tâm định tĩnh ấy, vị ấy nhớ lại hai mươi thành kiếp và hoại kiếp của thế gian, vị ấy nói: ‘Thế gian thường hằng, đây là thật, ngoài ra là dối. Vì sao? Vì do tôi nhớ lại, cho nên biết có thành kiếp và hoại kiếp ấy. Quá khứ còn lại thì tôi không biết. Thành kiếp, hoại kiếp vị lai, tôi cũng không biết.’ Người ấy sáng và chiều do vô trí mà nói rằng: ‘Thế gian thường hằng, duy chỉ đây là thật, ngoài ra là dối.’ Đó là pháp thường hằng thứ nhất.

“Các Sa-môn, Bà-la-môn, bằng đủ phương tiện tinh cần chứng nhập tâm định. Với tâm định tĩnh ấy, vị ấy nhớ lại bốn mươi kiếp thành và kiếp hoại, vị ấy nói: ‘Thế gian này thường hằng, duy chỉ đây là thật, ngoài ra là dối. Vì sao? Vì tôi nhớ lại nên biết có thành kiếp, hoại kiếp. Tôi còn biết hơn thế nữa, biết thành kiếp, hoại kiếp. Nhưng tôi không biết sự thành và hoại của vị lai.’ Điều đó nói, biết khởi thuỷ mà không biết chung cuộc. Người ấy sáng mai, chiều tối, do vô trí mà nói rằng: ‘Thế gian thường tồn, duy chỉ đây là thật, ngoài ra là dối.’ Đó là pháp thường hằng thứ hai.

“Các Sa-môn, Bà-la-môn, bằng đủ phương tiện tinh cần chứng nhập tâm định. Với tâm định tĩnh ấy, vị ấy nhớ lại tám mươi thành kiếp, hoại kiếp, vị ấy nói rằng: ‘Thế gian này thường, ngoài ra là dối. Vì sao? Tôi nhớ lại mà biết có thành kiếp, hoại kiếp; lại còn biết thành kiếp, hoại kiếp quá khứ hơn thế nữa. Thành kiếp, hoại kiếp vị lai tôi cũng biết cả.’ Người ấy sớm chiều do vô trí mà nói lời này: ‘Thế gian thường hằng, chỉ đây là thật, ngoài ra là dối.’ Đây là pháp thường hằng thứ ba. Pháp ấy vô thượng, không gì có thể vượt qua; trí tuệ vô dư, thần thông vô dư; các Sa-môn, Bà-la-môn trong đời không ai có thể sánh ngang Như Lai, huống hồ vượt lên trên.

“Pháp mà Như Lai thuyết còn có trên nữa, đó là quán sát[36]. Quán sát là, có Sa-môn, Bà-la-môn, do tướng mà quán sát[37], ‘tâm kia xu hướng như thế, tâm này xu hướng như thế.’ Tâm ấy khi phát tưởng như vậy, hoặc hư hoặc thật.[38] Đó là quán sát thứ nhất.

“Các Sa-môn, Bà-la-môn, không do tướng mà quán sát, nhưng hoặc nghe lời của Chư Thiên và phi nhân, mà nói với người kia rằng: ‘Tâm ngươi như[78a] vậy, tâm ngươi như vậy.’ Điều này cũng hoặc thật, hoặc hư. Đó là quán sát thứ hai.

“Các Sa-môn, Bà-la-môn, không do tưởng mà quán sát, cũng không nghe lời của Chư Thiên hay phi nhân, mà tự quán sát thân mình, lại nghe lời nói của người khác, mà nói với người kia[39] rằng: ‘Tâm của ngươi như vậy, tâm của ngươi như vậy.’ Điều này cũng có thật, cũng có hư. Đó là quán sát thứ ba.

“Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn, không do tưởng quán sát, cũng không nghe lời Chư Thiên và phi nhân nói, lại không tự quán sát, hay quán sát người khác; nhưng, sau khi diệt trừ tầm tứ rồi, đạt đến tâm định, quán sát tâm người khác, mà nói với người ấy rằng[40]: ‘tâm của ngươi như vậy, tâm của ngươi như vậy.’ Quán sát như thế là chân thật. Đó là quán sát thứ tư. Pháp ấy vô thượng, không gì có thể vượt qua; trí tuệ vô dư, thần thông vô dư; các Sa-môn, Bà-la-môn trong đời không ai có thể sánh ngang Như Lai, huống hồ vượt lên trên.

“Pháp Như Lai thuyết lại còn có trên nữa, đó là giáo giới[41]. Giáo giới là, hoặc có trường hợp có người không trái với giáo giới mà dứt sạch hữu lậu thành vô lậu, tâm giải thoát, trí tuệ giải thoát, ngay trong đời này tự thân tác chứng: sanh tử đã hết, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn hậu hữu. Đó là giáo giới thứ nhất.

“Có người không trái với giáo giới mà dứt sạch năm hạ phần kết, sau khi diệt độ chốn này sẽ không trở lại cõi này nữa. Đó là giáo giới thứ hai.

“Hoặc có người không trái giáo giới, ba kết đã hết, dâm, nộ, si mỏng, đắc Tư-đà-hoàn, sẽ trở lại đời này (một lần) rồi diệt độ. Đó là giáo giới thứ ba.

“Hoặc có người không trái giáo giới, ba kết đã hết, đắc Tu-đà-hoàn, tối đa bảy lần trở lại, ắt sẽ thành đạo quả, không đọa ác thú. Đó là giáo giới thứ tư. Pháp ấy vô thượng, không gì có thể vượt qua; trí tuệ vô dư, thần thông vô dư; các Sa-môn, Bà-la-môn trong đời không ai có thể sánh ngang Như Lai, huống hồ vượt lên trên.

“Pháp mà Như Lai thuyết lại còn có trên nữa, là thuyết pháp cho người khác, khiến cho giới thanh tịnh[42]. Giới thanh tịnh là, có Sa-môn, Bà-la-môn, có lời nói chí thành, không hề hai lưỡi, thường tự kính cẩn, dẹp bỏ ngủ nghỉ, không mang lòng tà siểm, miệng không nói dối, không dự đoán cát hung cho người, không tự mình xưng thuyết, đem sở đắc của người này tỏ cho người khác để cầu thêm lợi từ người khác, tọa thiền tu trí, biện tài vô ngại, chuyên niệm không loạn, tinh cần không biếng nhác. Pháp ấy vô thượng, không gì có thể vượt qua; trí tuệ vô dư, thần thông vô dư; các Sa-môn, Bà-la-môn trong đời không ai [78b] có thể sánh ngang Như Lai, huống hồ vượt lên trên.

“Pháp mà Như Lai thuyết lại còn có trên nữa, đó là giải thoát trí[43]. Nói là giải thoát trí, đó là, Thế Tôn do nhân duyên của người khác mà nội tâm tư duy rằng: Người này là Tu-đà-hoàn; người này là Tư-đà-hoàn; người này là a na hàm, người này là A-la-hán. Pháp ấy vô thượng, không gì có thể vượt qua; trí tuệ vô dư, thần thông vô dư; các Sa-môn, Bà-la-môn trong đời không ai có thể sánh ngang Như Lai, huống hồ vượt lên trên.

“Pháp mà Như Lai thuyết lại còn có trên nữa, đó là tự thức túc mạng trí chứng[44]. Các Sa-môn, Bà-la-môn, bằng đủ phương tiện tinh cần chứng nhập tâm định. Với tâm định tĩnh ấy, vị ấy tự mình nhớ lại vô số việc đời từ trước, một đời, hai đời, ... cho đến trăm nghìn thành kiếp, hoại kiếp, vô số như vậy, ta sanh ở chỗ kia, có tên như vậy, chủng tộc như vậy, họ như vậy, thọ mạng như vậy, ẩm thực như vậy, khổ lạc như vậy; từ chỗ này sanh nơi kia; từ nơi kia sanh đến chỗ này, với nhiều tướng dạng khác nhau, tự nhớ vô số kiếp sự đời xưa, ngày đêm thường nghĩ nhớ những nơi đã trải qua. Đây là sắc. Đây là vô sắc. Đây là tưởng. Đây là vô tưởng. Đây là phi vô tưởng, thảy đều nhớ biết hết. Pháp ấy vô thượng, không gì có thể vượt qua; trí tuệ vô dư, thần thông vô dư; các Sa-môn, Bà-la-môn trong đời không ai có thể sánh ngang Như Lai, huống hồ vượt lên trên.

“Pháp Như Lai thuyết còn có pháp trên nữa, đó là thiên nhãn trí[45]. Thiên nhãn trí là, các Sa-môn, Bà-la-môn, bằng đủ phương tiện tinh cần chứng nhập tâm định. Với tâm định tĩnh ấy, vị ấy quán thấy chúng sanh, hoặc sống, hoặc chết, có sắc tốt, sắc xấu, thúhướng lành, thú hướng dữ[46], hoặc đẹp, hoặc xấu, tùy theo chỗ làm, thảy đều thấy hết, biết hết. Hoặc có chúng sanh thành tựu thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, phỉ báng Hiền Thánh, tin theo tà kiến điên đảo, khi thân hoại mạng chung đọa ba đường dữ. Hoặc có chúng sanh có thân hành thiện, khẩu hành thiện, ý hành thiện, không báng bổ Hiền Thánh, chánh kiến, tín hành, khi thân hoại mạng chung sanh lên trời người. Bằng thiên nhãn thanh tịnh, quán chúng sanh, thấy biết như thật. Pháp ấy vô thượng, không gì có thể vượt qua; trí tuệ vô dư, thần thông vô dư; các Sa-môn, Bà-la-môn trong đời không ai có thể sánh ngang Như Lai, huống hồ vượt lên trên.

“Pháp mà Như Lai thuyết lại còn có trên nữa, đó là thần túc chứng[47]. Thần túc chứng là, các Sa-môn, Bà-la-môn, bằng đủ phương tiện tinh cần chứng nhập tâm định. Với tâm định tĩnh ấy, vị ấy thực hiện vô số thần lực; có thể biến một thân thành vô số thân; [78c] từ vô số thân hiệp làm một thân; vách đá không trở ngại; ngồi kiết già giữa hư không, cũng như chim bay; vào ra lòng đất như ở trong nước; đi trên nước như đi trên đất; thân mình bốc khói, bốc lửa, như đống lửa cháy rực; lấy tay sờ mặt trời, mặt trăng; đứng cao đến trời Phạm thiên. Nếu Sa-môn, Bà-la-môn gọi đó là thần túc, thì nên bảo họ rằng: có thần túc như vậy, không phải không có. Nhưng loại thần túc ấy thấp kém, hèn hạ, là việc làm của phàm phu, không phải điều mà Hiền Thánh tu tập. Nếu Tỳ-kheo đối với sắc thế gian yêu thích mà không nhiễm[48], sau khi xả ly sắc ấy, làm việc đáng làm, ấy mới gọi là thần túc của Hiền Thánh. Đối với sắc không đáng ưa cũng không ghét, sau khi xả ly sắc ấy, làm việc nên làm, ấy mới gọi là thần túc của Hiền Thánh. Đối với sắc mà thế gian yêu, sắc mà thế gian không yêu, lìa bỏ cả hai, tu bình đẳng xả[49], chánh niệm, chánh tri[50], ấy mới gọi là thần túc của Hiền Thánh[51].

“Do bởi đức Thế Tôn tinh tấn dũng mãnh, có đại trí tuệ, có tri có giác, đắc đệ nhất giác, cho nên gọi là Đẳng Giác. Thế Tôn nay cũng không vui thích nơi dục, không ưa thích nơi điều tu tập của phàm phu thấp kém, cũng không nhọc nhằn siêng năng để chịu các thứ khổ não. Thế Tôn nếu muốn loại trừ pháp ác, có tầm có tứ, có hỷ lạc do định sanh, chứng nhập sơ thiền, thì như thế Ngài liền có thể loại trừ pháp ác, có tầm có tứ, có hỷ lạc do định sanh, chứng nhập sơ thiền. Nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, cũng vậy. Ngài tinh tấn, dũng mãnh, có đại trí tuệ, có tri, có giác, đắc đệ nhất giác, nên gọi là Đẳng giác.”

Phật bảo Xá-lợi-phất:

“Nếu có dị học ngoại đạo đến hỏi ngươi rằng’[52]: ‘Trong các Sa-môn, Bà-la-môn quá khứ có ai sánh bằng Sa-môn Cù-đàm chăng?’ ngươi sẽ trả lời như thế nào? Người ấy lại hỏi: ‘Trong các Sa-môn, Bà-la-môn vị lai có ai sánh bằng Sa-môn Cù-đàm chăng?’ ngươi sẽ trả lời như thế nào? Kia lại hỏi: ‘Trong các Sa-môn, Bà-la-môn hiện tại có ai sánh bằng Sa-môn Cù-đàm chăng?’ ngươi sẽ trả lời như thế nào?’”

Xá-lợi-phất liền trả lời:

“Giả sử được hỏi rằng: ‘Trong các Sa-môn, Bà-la-môn quá khứ có ai sánh bằng Sa-môn Cù-đàm chăng?’ con sẽ trả lời rằng: ‘Có.’ Giả sử được hỏi: ‘Trong các Sa-môn, Bà-la-môn vị lai có ai sánh bằng Sa-môn Cù-đàm chăng?’ con sẽ trả lời rằng: ‘Có.’ Giả sư được hỏi: ‘Trong các Sa-môn, Bà-la-môn hiện tại có ai sánh bằng Sa-môn Cù-đàm chăng?’ con sẽ trả lời rằng: ‘Không.’”

Phật bảo Xá-lợi-phất :

“Dị học ngoại đạo kia lại hỏi: ‘Vì sao nói là có? Và vì sao nói là không?’ ngươi sẽ trả lời như thế nào?”

Xá-lợi-phất [79a] đáp:

“Con sẽ trả lời người ấy rằng: ‘Các vị Chánh Đẳng Chánh Giác quá khứ cùng sánh bằng Như Lai. Các vị Chánh Đẳng Chánh Giác vị lai cùng sánh bằng Như Lai. Nhưng con tự thân nghe từ Phật, rằng không có trường hợp có thể nói có vị Chánh Đẳng Chánh Giác hiện tại nào khác cùng sánh với Như Lai.’ Bạch Thế Tôn, con theo chỗ được nghe, y pháp, thuận pháp, mà trả lời như vậy, có phải là trả lời đúng chăng?”

Phật nói:  

“Trả lời như vậy là y pháp, thuận pháp, không trái. Sở dĩ như vậy là vì, có các vị Chánh Đẳng Chánh Giác quá khứ sánh bằng Ta. Có những vị Chánh Đẳng Chánh Giác vị lai sánh bằng Ta. Nhưng không có trường hợp để nói rằng có hai đức Phật cùng xuất hiện thế gian cùng một lần.”

Lúc bấy giờ Tôn giả Uất-đà-di[53] đứng sau Phật, đang cầm quạt quạt Phật. Phật nói với Uất-đà-di:

“Uất-đà-di, ngươi hãy quán sát sự ít dục, biết đủ của Thế Tôn. Nay Ta có thần lực lớn, có uy đức lớn, mà ít dục, biết đủ, không vui thích trong các dục[54]. Uất-đà-di, nếu các Sa-môn, Bà-la-môn khác ở trong pháp này mà có thể tinh cần khó nhọc, chứng đắc một pháp, vị ấy sẽ dựng phướn mà bố cáo bốn phương xa rằng: ‘Nay Như Lai[55] này ít dục, biết đủ. Nay hãy quán sát sự ít dục, biết đủ của Như Lai. Như Lai có thần lực lớn, có uy đức lớn, không cần đến các dục.’”

Rồi thì, Tôn giả Uất-đà-di sửa y phục ngay ngắn, trịch áo bày vai hữu, qùy gối phải xuống đất, chắp tay bạch Phật rằng:

“Kỳ diệu thay, bạch Thế Tôn, ít dục, biết đủ như Thế Tôn. Thế Tôn có thần lực lớn, có uy đức lớn, không cần đến các dục. Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn khác, ở trong pháp này mà tinh cần khó nhọc chứng đắc một pháp, vị ấy sẽ dựng phướn tuyên cáo bốn phương xa rằng: ‘Thế Tôn[56] hiện nay là bậc ít dục, biết đủ.’ Xá-lợi-phất, ngài hãy thuyết pháp này cho các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di. Những người ấy nếu có điều nghi ngờ đối với Phật, Pháp, Tăng, thì sau khi nghe pháp này sẽ không còn ở trong lưới nghi nữa.”

Bấy giờ Thế Tôn nói với Xá-lợi-phất :

“Ngươi hãy nhiều lần giảng thuyết pháp này cho các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di. Vì sao? Vì những người ấy nếu có nghi ngờ đối với Phật, Pháp, Tăng, đối với Đạo, thì sau khi nghe ngươi giảng thuyết sẽ được thông tỏ.”

Xá-lợi-phất đáp:

“Kính vâng, bạch Thế Tôn.”

Rồi thì, Xá-lợi-phất nhiều lần giảng thuyết pháp này cho các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, vì để khiến họ được tự mình thanh tịnh, do đó được gọi là “Thanh tịnh kinh”.[57]

Lúc bấy giờ, Xá-lợi-phất sau khi nghe những lời Phật dạy hoan hỷ phụng hành.

 


*  佛說長阿含第二分[08]自歡喜經第十四

[1] Na-nan-đà 那難陀. Pl.: Naḷandā.

[2] Ba-ba-lị-am-bà lâm 波波利菴婆林. D 28: khu vườn Xoài Pāvarika ở Naḷandā. No 18: trong vườn Am-la, thành A-noa-ca 阿拏迦城菴羅園.

[3] Hán: trí tuệ thần túc công đức lực 智慧神足功德力, nên hiểu: “công đức lực của thần túc, tức là trí tuệ.” Cf. D 28: (…) bhagavatā bhiyyobhiññataro yadidaṃ sambodhiyam, “ có thắng trí (thần thông) hơn Thế Tôn, tức là Chánh giác.

[4] Hán: nhất hướng thọ trì 一向受持. Pl.: ekaṃso gahito, nắm vững (vấn đề) một cách xác quyết.

[5] Nguyên Hán: giải thoát đường 解脫堂. No 18: thần thông diệu hành神通妙行.  D 28: evaṃ sīlā... evaṃ-dhammā... evaṃ-paññā... evaṃ-vihārī... evaṃ-vimuttā..., “giới như vậy, pháp như vậy, giải thoát như vậy, an trụ như vậy.”

[6] Tổng tướng pháp 總相法. Pl.: dhammanvaya, pháp loại cú, pháp thứ đệ, sự diễn dịch, loại suy theo pháp; chỉ giáo nghĩa tổng quát hay tinh yếu của giáo nghĩa.

[7] Pl.: kaṇha-sukka-sappaṭibhāga, có sự đối chiếu giữa pháp đen và pháp trắng.

[8] Hán: nhất nhất pháp 一一法, pháp cá biệt, đối với pháp tông tướng nói trên.

[9] Hán: ư pháp cứu cánh 於法究竟. Pl.: idh’ ekaccaṃ dhammaṃ dhammesu niṭṭham agamaṃ, đạt đến chỗ rốt ráo từng pháp một trong các pháp này.

[10] Thiện pháp, chỉ giáo pháp được thiết lập hoàn hảo. Pl.: etad ānuttariyam bhante kusalesu dhammesu.

[11] Trí tuệ vô dư 智慧無餘, Pl.: asesam abhijānāti, (Ngài) hiểu biết một cách toàn diện, không còn sót điều gì. Bản Pl. không có “thần thông vô dư.” Pl.: abhiññā, dịch thần thông hay thắng tri, cùng gốc với động từ abhijānāti.

[12] Chế pháp 制法, pháp được chế định, thiết định; tức thiện pháp nói trên. Pl.: dhamma-paññatti. D 29: tatrime kusalā dhammā seyyathidaṃ, cattaro satipaṭṭhānā,,,. đây là các pháp thiện xảo, tức là bốn niệm xứ…

[13] Văn dịch thiếu chủ từ. Nên hiểu: các pháp ấy đã được Thế Tôn hiểu biết một cách toàn diện. Xem cht. 15.

[14] Chế chư nhập 制 諸入; Pl.: āyatana-paññatti, sự chế định, thiết lập về (sáu) xú. No 18: phân biệt thập nhị xứ 分別十二處. D 28: bhagavā dhâmaṃ deseti āyatanapaṇṇattīsu, Thế Tôn thuyết pháp trong các (nhập) xứ.

[15] Nhập thai 入胎. Pl.: gabbhāvakkanti.

[16] Hán: loạn nhập thai 亂入胎, Pl.: asampajāno.. mātu kucchim okkamati, không chánh tri nhập mẫu thai: vào thai mẹ mà không biết.

[17] Đạo, đây chỉ Bồ đề, tức gồm bảy giác chi. D 28: yathā bhagavatā dhammaṃ deseti padhānesu, Thế Tôn thuyết pháp trong các tinh cần.

[18] Định ý tam muội 定意三昧.  

[19] Trong đoạn này chỉ kể 6 giác chi, không có trạch pháp. Pl.: satta bhojjaṅgā.

[20] Nguyên Hán: diệt 滅. Xem Tập dị 7 (tr. 395b11), kinh số 9 “Chúng tập’mục bốn pháp. Pl.: paṭipada.

[21] Nguyên Hán: khổ diệt trì đắc 苦滅遲得.  Pl.: dukkhā paṭipadā dandhābhiññā.

[22] Cả hai, chỉ thực hành và chứng đắc.

[23] Nguyên Hán: Khổ diệt tốc đắc 苦滅速得. Pl.: dukkhā paṭipadā khippābhññnā.

[24] Nguyên Hán: Lạc diệt trì đắc 樂滅遲得. Pl.: sukhā paṭipadā dandhābhññnā.

[25] Nguyên Hán: Lạc diệt tốc đắc 樂滅速得. Pl.: sukhā paṭipadā khīppābhiññnā.

[26] Pl. nói khác: ayaṃ... paṭipadā ubhayen’ eva paṇitā akkhāyati sukhattā ca khippattā ca, cả hai thông hành nay đều vi diệu, tức là lạc và nhanh.

[27] Nguyên Hán: diệt 滅. Cf. D 28: etadānuttariyaṃ, yathā bhagavā dhammaṃ deseti paṭipadesu.

[28] Ngôn thanh tịnh 言清淨. D 28 (iii 106): bhassa-samācara, ngôn thuyết chánh hành hay sự chân chánh của ngôn ngữ.

[29] Nguyên Hán: kiến định 見定, trạng thái tập trung đạt được do thấy, tức do quán sát. D 28: catasso dassana-samāpattiyo: bốn kiến đẳng chí, kiến chánh thọ. No 18: năm tam-ma-bát-để 三摩缽底.

[30] Hán: chủng chủng phương tiện 種種方便. Pl.: ātappamanvāya padhānamanvāya      anuyogamanvāya  appamādamanvāya sammāmanasikāramanvāya, bằng nhiệt thành, bằng tinh cần, bằng nỗ lực, bằng không phóng dật, bằng chân chánh tác ý.

[31] Hán: nhập định ý tam-muội入定意三昧. P.: cettosamādhiṃ phusati.

[32] Hán: tâm thức 心識; Pl.; viññnā-sota, thức lưu, dòng chảy của thức.

[33] Cf. D28 (iii 105): ubhayato abbocchinnaṃ idha loke patiṭṭhitañca paraloke patiṭṭhitañca, “dòng chảy của thức) không gián đoạn trong cả hai đời, tồn tại trong đòi này, tồn tại trong đời sau. Sớ giải: do dục tham chi phối nên nó vẫn tồn tại trong đời này (chandarāgavasena imasmiṃ loke patiṭṭhitaṃ).

[34] Pl. không nói đến kiến định này.

[35] Thường pháp 常 法; D 28 (iii 108): sassata-vāda, thường trú luận, chủ trương thế giới thường tồn, vĩnh hằng.

[36] Quán sát 觀察. D 28 (iii 103): ādesana-vidhā, ký tâm sai biệt, các trường hợp khác nhau về sự đọc được ý nghĩ của người khác.

[37] Hán: dĩ tưởng quán sát 以想觀察. Pl.: nimmittena ādesati, nói ý nghĩ của người khác bằng cách dựa vào các hình tướng.

[38] D 28, ibid.: so bahuṃ ce pi ādasati, tath’eva taṃ hoti, no aññathā, vị ấy quán sát nhiều lần như vậy, biết xác thật là như thế, không sai lầm.

[39] D 28 ibid.: vitakkayato vicārayato vitakka-vipphāra-saddaṃ sutvā ādati, y nơi tầm, y nơi tứ, vị ấy sau khi nghe âm thanh khuếch đại bởi tầm, bèn dự đoán rằng... (Đây chỉ trường hợp người đã chứng sơ thiền).

[40] D 28 ibid.: avitakkaṃ avicāraṃ samādhiṃ samāpannassa cetasā ceto paricca pajānāti, vị ấy, do thành tựu chánh định không tầm không tứ, bằng vào tâm của mình mà biết rằng... Chỉ trường hợp một vị đã chứng nhị thiền hay cao hơn.

[41] Giáo giới 教誡. D 28 (iii 107): anusāsana.

[42] Giới thanh tịnh 戒清淨.  D 28 (iii 106): Bhagavā dhammaṃ deseti purisasīla- samācāre, Thế Tôn thuyết pháp liên quan đến chánh hạnh về giới của con người.

[43] D 28 (iii 108): parapuggalavimuttiñāṇa, tha nhân giải thoát trí, nhận thức về sự giải thoát của người khác; ấn chứng sự giải thoát cho người khác.

[44] Tự thức túc mạng trí chứng 自識宿命智證. D 28 (iii 110): pubbenivāsānussatiñāṇa, túc trú tùy niệm trí, nhận thức nhớ lại các đời sống trước.

[45] Thiên nhãn trí 天眼智. D 28 (iii 111): cutūpapāta-ñāṇa, sanh tử trí, nhận thức về sự sống và sự chết của chúng sanh.  

[46] Hán: thiện thú ác thú 善趣惡趣. Pl.: sugata, duggata.  

[47] Thần túc chứng 神足證.                D 28 (iii  112): iddhividhā.

[48]. Cf. D 28, ibid.: appaṭikkūe paṭikkūlasaññī vihareyyan, tôi có thể an trú với ý tưởng kinh tởm nơi cái không kinh tởm. Hán: ái sắc 愛色, Pl.: appaṭikkūla; bất ái sắc 不愛色, Pl.: paṭikkūla; chỉ tính chất đáng nhàm tởm và không đáng nhàm tởm nơi vật chất.

[49] Nguyên Hán dịch: tu bình đẳng hộ 修平等護. D 28 ibid: paṭikūlañca appaṭikūlañca tadubhayaṃ abhinivijjetvā upekkhako vihareyyaṃ sato sampajāno’ti, “sau khi loại bỏ cả hai, cái kinh tơm và cái không kinh tởm, tôi an trú với xả, chánh niệm, chánh tri.”

[50] Hán: chuyên niệm bất vong 專念不忘, Pl.: sato sampajāno, chánh niệm, chánh tri (tỉnh giác).

[51] Pl.: ayam... iddhi anāsavā anupadhikā ariyā vuccati, thần thông vô lậu, vô y này được gọi là Thánh.

[52] Trước đoạn này, Pl. còn có một đoạn: “trong quá khứ,... vị lai,... hiện tại,... có ai hơn...” và được Xá-lợi-phất trả lời “không” cho cả ba trường hợp.

[53] Uất-đà-di 鬱陀夷. Pl.: Udāyi.

[54] Hán: bất lạc tại dục 不樂在欲. D 28 (iii 114): atha ca pana na attānaṃ pātukarissati, nhưng Ngài không làm hiển lộ tự kỷ. Nghĩa là, không tự khoe khoang.

[55] Chỉ ngoại đạo tự xưng; không phải Phật tự nói.

[56] Như trên, cht. 55.

[57] Thanh tịnh kinh 清淨經. D 28 (iii 116): iti hidaṃ āyasmā sāriputto bhagavato sammukhā sampasādaṃ pavedesi, tasmā imassa veyyākaraṇassa sampasādanīyaṃ tveva adhivacanan’ ti, “Ở đay, Trưởng lẫo Xá-lợi-phẩt trước mặt Thế Tôn nói lên sự hoan hỷ xác tín của mình, do đó kinh này được ghi nhận có danh xưng là “tự hoan hỷ.”

19. Kinh đại hội

19. KINH ĐẠI HỘI

[79b02] Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật tại nước Thích-kiều-sưu[1], trong rừng Ca-duy[2], cùng với chúng Đại Tỳ-kheo năm trăm người, thảy đều là A-la-hán. Lại có mười phương các Trời thần diệu cũng đến tập hội, kỉnh lễ Như Lai và Tỳ-kheo Tăng.

Lúc bấy giờ, bốn vị Tịnh cư thiên đang ở trên cõi trời ấy, mỗi người, tự nghĩ rằng: “Nay Thế Tôn đang ở tại Thích-kiều-sưu trong rừng Ca-duy cùng chúng đại Tỳ-kheo năm trăm người, thảy đều đã chứng đắc A-la-hán. Lại có mười phương các Trời thần diệu cũng đến tập hội, kỉnh lễ Như Lai và Tỳ-kheo Tăng. Nay chúng ta cũng nên đi đến chỗ Thế Tôn, mỗi người sẽ xưng tán Như Lai bằng bài kệ của mình.”

Rồi thì, bốn vị Tịnh cư thiên, trong khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi cánh tay, biến mất khỏi các cõi trời kia, đến Thích-kiều-sưu trong rừng Ca-duy. Bấy giờ, bốn vị Tịnh cư thiên, sau khi đến nơi, cúi đầu lễ chân Phật, rồi đứng sang một bên. Lúc ấy một vị Tịnh cư thiên ở trước Phật đọc bài kệ tán thán rằng:

Ngày nay đại chúng hội;

Chư thiên cùng đến dự.

Tất cả đến vì pháp;

Muốn lễ Chúng vô thượng.

Nói xong bài kệ này rồi đứng sang một bên. Một vị Tịnh cư thiên khác lại đọc bài kệ rằng:

Tỳ-kheo thấy ô nhiễm,

Tâm ngay, tự phòng hộ.

Như biển nạp các sông;

Bậc trí hộ các căn.

Nói xong bài kệ ấy rồi đứng sang một bên. Một vị Tịnh cư thiên khác lại đọc bài kệ:

Bứt gai, lấp hố ái,[3]

San bằng hào vô minh;

Độc cư trường thanh tịnh

Như voi khéo thuần thục.

Nói bài kệ này xong, đứng sang một bên. Một Tịnh cư thiên khác đọc bài kệ:

Những ai quy y Phật,

Trọn không đọa đường dữ;

Khi xả bỏ thân người,

Thọ thân trời thanh tịnh.

Sau khi bốn Tịnh cư thiên đọc các bài kệ xong, Phật liền ấn khả. Họ bèn lễ chân Phật, đi quanh Phật ba vòng, thoạt biến mất. Họ đi chưa bao lâu, Phật bảo [79c] các Tỳ-kheo:

“Nay Chư Thiên đại tập hội. Mười phương các thần diệu thiên đều đến đây lễ viếng Như Lai và Tỳ-kheo Tăng. Này các Tỳ-kheo, quá khứ các Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác cũng có Chư Thiên đại tập hội như Ta ngày nay. Đương lai các Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, cũng có Chư Thiên đại tập hội, như Ta ngày nay.

“Này các Tỳ-kheo, nay Chư Thiên đại tập hội. Mười phương các thần diệu thiên không ai không đến đây lễ viếng Như Lai và Tỳ-kheo tăng. Ta sẽ nói lên danh hiệu của họ, và cũng nói kệ về họ. Tỳ-kheo, nên biết:

Chư thiên nương hang núi,

Ẩn tàng, trông đáng sơ [4].  

Mình khoác áo toàn trắng,

Tinh sạch không vết dơ.

Trời người nghe thế rồi,

Đều quy y Phạm thiên.

Ta nay nói tên họ,

Thứ tự không nhầm lẫn.

Các thiên chúng nay đến;

Tỳ-kheo, ngươi nên biết,

Trí phàm phu thế gian

Trong trăm, không thấy một.

Vì sao có thể thấy,

Bảy vạn chúng quỷ thần?

Nếu thấy mười vạn quỷ,

Một bên còn không thấy,

Hà huống các quỷ thần

Đầy khắp cả thiên hạ.

Địa thần dẫn theo bảy nghìn duyệt-xoa[5] đủ các loại, thảy đều có thần túc, hình mạo, sắc tượng, danh xưng, thảy đều với tâm hoan hỷ đến chỗ chúng Tỳ-kheo trong rừng.

Lúc ấy, có thần Tuyết sơn dẫn theo sáu nghìn quỷ duyệt-xoa[6] đủ các loại, thảy đều có thần túc, hình mạo, sắc tượng, danh xưng, thảy đều với tâm hoan hỷ đến chỗ chúng Tỳ-kheo trong rừng.

Có một thần Xá-la dẫn theo ba nghìn quỷ duyệt-xoa[7] đủ các loại, thảy đều có thần túc, hình mạo, sắc tượng, danh xưng, thảy đều với tâm hoan hỷ dến chỗ chúng Tỳ-kheo trong rừng.

Một vạn sáu nghìn quỷ thần duyệt-xoa đủ các loại này thảy đều có thần túc, hình mạo, sắc tượng, danh xưng, thảy đều với tâm hoan hỷ đến chỗ chúng Tỳ-kheo trong rừng.

Lại có thần Tỳ-ba-mật[8], trú ở Mã quốc[9], dẫn năm trăm quỷ, đều có thần túc, oai đức.

Lại có thần Kim-Tỳ-la[10], trú ở núi Tỳ-phú-la[11], thành Vương xá, dẫn vô số quỷ thần, cung kính vây quanh.

Lại có, phương Đông, Đề-đầu-lại-trá Thiên vương[12], thống lãnh các thần Càn-thát-bà[13], có đại oai đức, [80a] có chín mươi mốt người con, tất cả đều có tên là Nhân-đà-la[14], có đại thần lực.

Phương Nam, Tỳ-lâu-lặc[15] Thiên vương thống lãnh các long vương, có đại oai đức, có chín mươi mốt người con, thảy đều có tên là Nhân-đà-la, có Đại thần lực.

Phương Tây, Tỳ-lâu-bác-xoa[16] Thiên vương, thống lãnh các quỷ cưu bàn trà, có đại oai đức, có chín mươi mốt người con, thảy đều tên là Nhân-đà-la, có đại thần lực.

Phương Bắc, Tỳ-sa-môn[17] Thiên vương thống lãnh các quỷ duyệt-xoa, có đại oai đức, có chín mươi mốt người con, thảy đều tên là Nhân-đà-la, có đại thần lực.

Bốn vị Thiên vương hộ trì thế gian này có đại oai đức, mình phát ánh sáng, đi đến rừng Ca-duy.

Bấy giờ, Thế Tôn muốn hàng phục tâm huyễn ngụy hư dối của họ[18] nên kết chú rằng:

“ma câu lâu la ma câu lâu la[19], tỳ lâu la tỳ lâu la[20], chiên đà na, gia ma thế trí, ca, ni diên đậu, ni diên đậu, ba na lỗ[21], ô hô nô[22] nô chủ, đề bà tô mộ, Ma-đầu la, chi đa la tư na, càn đạp ba, na la chủ, xà ni sa, thi ha, vô liên đà la, tỷ ba mật đa la, thọ trần đà la, na lư ni[23] kha, thăng[24] phù lâu, thâu chi bà tích[25] bà.[26]

Như vậy, các vua càn-đạp-bà và la-sát đều có thần túc, hình mạo, sắc tượng, với tâm hoan hỷ đi đến chúng Tỳ-kheo trong khu rừng. Bấy giờ, Thế Tôn lại kết chú:

“A hê, na đà sắt, na đầu, tỳ-xá-li, sa[27] ha, đái xoa xà, bà đề, đề đầu lại trá, đế bà sa ha, nhã lị[28] da, gia[29] tỳ la, nhiếp ba[30] na già, a đà già ma, thiên đề già, y la bà đà, ma ha na già, tỳ ma na già đa, đà[31] già đà dư, na già la xà, bà ha sa ha, xoa kỳ đề, bà đề la đế, bà đề la đế, tỳ mai đại tích thiễm, tỳ ha tứ, bà nanh, a bà bà tứ, chất đa la, tốc hòa ni na, cầu tứ đa, a bà do, na già la trừ, a tứ, tu bạt la, tát đế nô, a già, phật đà sái, thất la-nanh, bà da, ưu la đầu bà diên lâu, tố bàn nậu, phật đầu, xá la nậu, già loại lâu[32].

Rồi Thế Tôn lại kết chú cho A-tu-la:

“kỳ đà, bạt xà, ha đế, tam vật đệ, a tu la, a thất đà, bà [80b] diên địa, bà tam ba[33] tứ, y đệ a đà, đề bà ma, thiên địa, già lê diệu, ma ha bí ma, a tu la, đà na bí la đà, bệ ma chất đâu lâu, tu chất đế lệ, bà la ha lê, vô di liên na bà, xá lê a tế, bạt lê, phất đa la na, tát bệ, tát lâu da na na mê, tát na mê đế, bà lê, tế như, la da bạt đâu lâu, y ha am bà la mê, tam ma do y, đà na, bạt đà nhã, tỷ khâu na, tam di thế, nê bạt[34].

Rồi Thế Tôn lại kết chú cho Chư Thiên:

“a phù, đề bà, bế lê, hê bệ, đề dự, bà do, đa đà nậu bạt lâu nậu bạt lâu ni, thế đế tô di, da xá a đầu, di đa la bà, già la na di bà a lã đề bà, ma thiên thê dữ, đà xà đề xá, già dư, tát bệ, na-nan đa la bà bạt na, y địa bàn đại, thù địa ban na bàn đại, da xá ti nậu, mộ đà bà na[35], a hê kiền đại, Tỳ khâu na, bà[36] vị[37] đệ, bà ni.

“bệ noa, đề bộ, xá già lị, a hê địa dũng mê, na sát[38] đế lệ phú la tức ky đại a đà man đà la bà la, bệ chiên đại tô, bà ni sao đề bà, a đa, chiên đà, phú la kiều chi đại, tô lê da tô bà ni sao đề ba, a đa, tô đề da, phú la kièu đại, ma già đà, bà tô nhân, đồ lô a đầu, thích câu, phú la đại lô.

“thúc già, già la ma, la na a đại, bệ ma ni bà, ô bà đề kỳ ha, ba la vô ha bệ bà la vi a ni, tát đà ma đa a ha lê, di sa a ni bát thù nậu, thán nô a, lô dư đề xá, a hê bạt sa.

“xa ma, ma ha xa ma, ma nậu sa ha, ma nậu sơ đa ma, khất đà ba đầu sái a, đa ma nậu đầu sái a hê a la dạ đề bà a đà lê đà da bà tư, ba la ma ha ba la a đa đề bà ma thiên thê da.

“sai ma đâu suất đà, dạ ma, già sa ni a, ni, lam bệ, lam bà chiết đế, thọ đề na ma y sái, niệm ma la đề, a đà hê ba la niệm di đại.

“a hê đề bà đề bà xà lan đề, a kỳ, thi hu ba, ma a lật trá lô da, ô ma, phù phù ni bà tư viễn giá bà đà mo, a châu đà, a ni thâu đậu đàn[39] da nậu, a đầu [81a] a lã, tỳ sa môn y sái[40].

Đấy là sáu muơi chủng loại trời.

Rồi Thế Tôn lại kết chú cho sáu mươi tám vị Bà-la-môn đắc ngũ thông[41] :

“la da lê xá da hà[42] hê kiền đại bà ni già tỳ la bạt đâu bệ địa xà nậu a đầu sai mộ tát đề ương kỳ bệ địa mâu ni a đầu bế lê da sai già thi lê sa bà ha nhã nậu a đầu phạm ma đề bà đề na bà bệ địa mâu ni a đầu câu tát lê y ni lô ma xà lã ương kỳ lã dã bàn xà[43] ø a lâu ô viên đầu, ma ha la dã a câu đề[44] lâu dặc[45], nậu a đầu lục bế câu tát lê a lâu già lăng ỷ già di la đàn hê tội[46] phủ phù dã phúc đô lô lê sái tiên đà bộ a đầu[47] đề na già phủ bà, a di già da la dã đa đà[48] a già độ bà la man đà nậu ca mục la dã a đầu nhân đà la lâu mê[49] ca phù đà lô mộ ma già hê a sắc thương câu ty dư[50] a đầu hê lan nhã già phủ bệ lê vị dư lê đa tha a già độ a hê bà hảo la tử[51] di đô lô đa đà a già độ bà tư phật ly thủ đà la la dư đa đà a già độ y lê da sai ma ha la dư tiên a bộ đa đà a già độ ban xà bà dư bà lê địa kiều a[52] la dư đa đà a già độ, uất a lan ma ha dư tiện bị bà lê ma lê thâu bà hê đại na ma a bàn địa khổ ma lê la[53] dư a cụ tư lị đà na bà địa a đầu kiều bệ la dư[54] thi y nế[55] di nế ma ha la dư phục[56] bà lâu đa đà a già độ bạt đà bà lị ma ha la dư câu tát lê ma đề thâu thi hán đề chiêm bà lê[57] la dư tu đà la[58] lâu đa tha a già độ a ha[59] nhân đầu lâu a đầu ma la dư dư tô lị dữ tha bệ địa đề bộ a ha bệ lị tứ a đầu hằng a[60] da lâu bà la mục giá da mộ a di nậu a đầu nhất ma da xá phê na bà sai ma la dư hà lê kiền độ dư phê độ bát chi dư thị số ba na lộ ma tô la dư da tứ đa do hê lan nhã tô bàn na bí sầu độ trí dạ số la xá ba la bệ đà uất đà bà a bà sái bà ha bà bà mưu sa ha sa[61] tham phú xa đại xa pháp[62] xà sa lệ la đà na ma ban chi sấu [81b] đa la càn đạp bà sa ha bà tát đa đề tô bệ la dư a hê kiền sấu[63] tỷ khâu tam di địa bà ni địa bà ni[64].

Bấy giờ, có một nghìn bà môn đắc ngũ thông cũng được Như Lai kết chú cho.

Lúc ấy, trong thế giới này, vị Phạm thiên vương đứng đầu[65] cùng với các Phạm thiên[66] khác, thảy đều có thần thông, và có một Phạm Đồng tử tên gọi Đề-xá[67], có Đại thần lực. Lại có Phạm thiên vương khác trong mười phương đến dự cùng với quyến thuộc vây quanh.

Lại vượt qua một nghìn thế giới, có Đại Phạm vương[68], thấy các đại chúng ở tại chỗ Thế Tôn, bèn cũng đến dự với quyến thuộc vây quanh.

Bấy giờ Ma vương thấy các đại chúng ở tại chỗ Thế Tôn bèn sinh tâm độc hại, suy nghĩ rằng: Ta hãy dẫn các quỷ binh đi đến phá hoại chúng kia, bao vây chúng lại, không để sót một ai. Rồi thì, Ma vương triệu tập bốn binh chủng, tay vỗ xe, tiếng rền như sấm dậy. Những ai trông thấy không khỏi kinh sợ. Ma vương phóng ra gió to mưa lớn, sấm chớp vang rền, hướng đến rừng Ca-duy, bao vây đại chúng.

Phật nói với các Tỳ-kheo ưa thích chúng hội này rằng:

“Các ngươi nên biết, hôm nay, Ma chúng mang ác tâm đến đây.”

Nhân đó tụng bài kệ rằng:

Các ngươi hãy kính thuận,

Đứng vững trong Phật pháp;

Hãy diệt Ma chúng này,

Như voi dày đống hoa.

Chuyên niệm, không buông lung,

Đầy đủ nơi tịnh giới;

Tâm định, tự tư duy,

Khéo hộ trì chí ý.

Nếu ở trong Chánh pháp

Mà hay không buông lung,

Sẽ vượt cõi già, chết,

Diệt tận các gốc khổ,

Các đệ tử nghe rồi,

Hãy càng tinh tấn hơn;

Vượt khỏi mọi thứ dục,

Sợi lông không lay động.

Chúng này là tối thắng,

Có tiếng tăm, đại trí;

Đệ tử đều dũng mãnh,

Được đại chúng kính trọng.

Bấy giờ, Chư Thiên thần, Quỷ, Tiên nhân ngũ thông, thảy đều hội về trong vườn Ca-duy, nhìn thấy việc làm của Ma, quái lạ chưa từng có.

Phật nói pháp này, lúc ấy tám vạn bốn nghìn Chư Thiên xa lìa trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh. Chư thiên, Rồng, Quỷ, Thần, A-tu-la, Ca-lâu-la, Chân-đà-la, Ma-hầu-la-già, nhân và phi nhân, sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.[69]

 


*  佛說長阿含第二分[05]大會經第十五

[1] Để bản: Thích-kiều-đề 釋翅提, chép nhầm, nên sửa lai:            Thích-kiều-sưu 釋翹搜. No 100(105): Thích-sí 釋翅.  Pl.: Sakkeṣu, giữa những người Thích-ca.

[2] Ca-duy lâm 迦維林. No 19: Ca-tỳ-la lâm 迦毘羅林. No 99(1192): Ca-tỳ-la-vệ lâm 迦毘
羅衛林. D 20: tại rừng Đại lâm (Mahāvana) trong Kapilavatthu..

[3] Hán: đoạn thích, bình ái khanh 斷刺平愛坑. Pl.: chetvā khilaṃ chetvā palighaṃ, bẻ cùm, bẻ khóa.

[4]Cf. D 20 (ii 255): ye sitā girigabbharaṃ, pahitattā samāhitā./ puthū sīhāv’asallīnā lomahaṃsabhisambhuno, họ nương nơi các hang động, tinh cần, an tĩnh, như từng con sư tư đang co mình lại, lông tóc dựng đứng.

[5] Hán: Địa thần hữu... duyệt-xoa 地神有悅叉. Pl.: yakkhā bhummā Kāpilavatthavā, các dạ xoa sống trên mặt đất, ở Ca tỳ la vệ.

[6] Pl.: Hemavatā yakkhā, các dạ-xoa sống ở Tuyết sơn.

[7] Pl.: Sātāgirā yakkhā, các dạ xoa ở núi Sātāgiri. Xá-la thần 舍羅神, có lẽ chỉ thần núi Sātāgiri. No 19: ba nghìn dạ-xoa sống trên núi Sa-đa 娑多山.

[8] Tỳ-ba-mật 毗波密, Pl.: Vessamitta (bạn của Vessa, giai cấp Phệ xá).

[9] Mã quốc 馬國 (Pl.: Assaka). Bản Pl. không đề cập tên nước này.

[10] Kim-tỳ-la 金毗羅. Pl.: Kumbhila, thần cá sấu. No 19: Cúng-tỳ-la 供毘羅, sống trên núi Vĩ-bố-la 城尾布羅, Vương xá.

[11] Tỳ-phú-la 毗富羅, Pl.: Vepulla.

[12] Đề-đầu-lại-tra 提 頭 賴 吒 (Trì Quốc). Pl.: Dhataraṭṭa. No 19: Địa-lí-đa-ra-sắt-trá-ra 地里多囉瑟姹囉.

[13] Càn-đạp-hòa 乾沓和. Pl.: Gandhabba.

[14] Nhân-đà-la 因陀羅. Pl.: Inda.

[15] Tỳ-lâu-lặc 毗樓勒 (Tăng Trưởng). Pl.: Virūḷha. Trong bản Hán, thần thống lãnh chúng Long vương. Trong bản Pl., thống lãnh chúng Cưu-bàn-trà (Kumbhaṇḍa). No 19: Cưu-bàn-na chúa Vĩ-rô-trà-ca 鳩槃拏主尾嚕茶迦.

[16] Tỳ-lâu-bác-xoa 毗樓博叉 (Quảng Mục). Pl.: Virūpakkha. Trong bản Hán, thống lãnh chúng Cưu-bàn-trà quỷ (Kumbaṇḍa), trong bản Pl., chúng Long vương. No 19: Đại long chúa Vĩ-rô-bác-xoa 大龍主尾嚕博叉.

[17] Tỳ-Sa-môn 毗沙門 (Đa Văn). Pl.: Vessavaṇa, lãnh chúng Dạ-xoa. No 19: Đại dược-xoa chúa Câu-phệ-ra大藥叉主俱吠囉 (Pl.: Kubera)

[18] Pl.: tesaṃ māyāvino dāsā vañcanikā saṭhā, những bộ hạ này vốn huyễn ngụy, hư vọng, ác tâm, lừa dối.

[19] TNM: ma ma câu câu lâu lâu la la 摩摩拘拘樓樓羅羅.

[20] TNM: tỳ tỳ lâu lâu la la 毘毘樓樓羅羅.

[21] Na lỗ 那 攎, TNM: đà na da lô 陀那耶盧.

[22] Nô 奴, TNM: xoa 杈.

[23] Ni 尼, TNM: thi 尸.

[24] TNM: thăng 升; Cao ly: đẩu 斗.

[25] Tích 跡, TNM: giá 這.

[26] Cf. Pl.: Māyā Kuṭeṇḍu Viṭeṇḍu Viṭuc ca Viṭucco saha/ Candano Kāmaseṭṭho ca kinnughaṇḍu Nighaṇḍu ca/ Panādo Opamañño ca devasūto ca Mātali. / Cittaseno ca gandhabbo Nalo rājā Janesabho/ Āgu Pañcasikho c’ eva Timbarū Suriyavaccasā/ Ete c’ aññe ca rājāno gandhabbā saha rājubhi/ Modamānā abhikkāmuṃ bhikkhūnaṃ samitiṃ vanaṃ.

[27] Sa 沙, TNM: bà 婆.

[28] Lị 利, TNM: lê 黎.

[29] Gia 加, TNM: ca 迦.

[30] Ba 波, TNM: bà 婆.

[31] Đà 陀, TNM: tha 咃.

[32] Tham chiếu Pl.: Ath’ āgu Nābhasā nāgā Vesālā saha Tacchakā, / Kambalassatarā āgu Pāyāgā saha ñātibhi. / Yāmunā Dhataraṭṭhā ca āgu nāgā yasassino, / Erāvano mahā-nāgo so p’āga samitiṃ vanaṃ. / Ye nāga-rāje sahasā haranti/ Dibbā dijā pakkhi visuddha-cakkhū/ Vehāsayā te vana-majjha-pattā/ Citrā Supaṇṇā iti tesaṃ nāmaṃ/ Abhayan tadā nāga-rājānam āsi/ Supaṇṇato khemam akāsi Budho. / Saṇhāhi vācāhi upavhayantā/ Nāgā Supaṇṇā saraṇaṃ agaṃsu Buddhaṃ.

[33] Bà 婆, TNM: sa 娑.

[34] Tham chiếu Pl.: Jitā Vajira-hatthena samuddaṃ Asurā sitā/ Bhātaro Vāsavass’ ete iddhimanto yasassino/ Kālakañjā mahābhiṃsā asurā Dānaveghasā/ Vepacitti Sucitti ca Pahārādo Namucī saha/ Satañ ca Bali-puttānaṃ sabbe Veroca-nāmakā/ Sannayhitvā baliṃ senaṃ Rāhubhaddam upāgamuṃ: ‘Samayo dāni bhaddan te bhikkhūnaṃ samitiṃ vanaṃ’.

[35] Na 那, TNM: na-đà 那 陀.

[36] Cc bản Hán đều đọc bà 婆. Có lẽ nên đọc sa 娑; tham chiếu Pl.: samitim.

[37] TNM: vị, Cao ly: chu 朱.

[38] Sát 殺, TNMh: lị (lợi) 利.

[39] Đàn 檀, TNM: ni lô 尼 櫨.

[40] Tham chiếu Pl.: Āpo ca devā Paṭhavī Tejo Vāyo tad āgamuṃ, / Varuṇā Varuṇā devā Somo ca Yasasā saha, / Mettā-karuṇā-kāyikā āgu devā yasassino / Das’ ete dasadhā kāyā sabbe nānatta-vaṇṇino/ iddhimanto jutīmanto vaṇṇavanto yasassino/ Modamānā abhikkāmuṃ bhikkhūnaṃ samitiṃ vanaṃ. // Veṇhū ca devā Sahaḷi ca Asamā ca duve Yamā, / Candaassūpanisā devā Candaṃ āgu purakkhatvā, / Suriyassūpanisā devā Suriyam āgu purakkhatvā, / Nakkhattāni purakkhatvā āgu Manda-Vlāhakā, / Vasūnaṃ Vāsavo seṭṭho Sakko p’āga purindado. // Sukkā karumhā Aruṇā āgu Veghanasā saha, / Odāta-gayhā pāmokkhā āgu devā Vicakkhaṇā, / Sadāmattā Hāragajā Missakā ca yasassino, / Thanayaṃ āga Pajjunno yo disā abhivassati. // Samānā Mahā-samānā Mānusā Mānsuttamā/ Khiḍḍāpadūsikā āgu, āgu Manopadūsikā, / Ath’āgu Harayo devā ye ca Lohita-vāsino/ Pāragā Mahā-pāragā āgu devā yasassino // Khemiyā Tusitā Yā mā kaṭṭhakā ca yasassino, / Lambītakā Lāma-seṭṭhā Joti-nāmā ca Āsavā, / Nimmānāratno āgu, ath’ āgu paranimmitā. // Ath’āgu Sahabhū devā jalam aggi-sikhā-r-iva, / Ariṭṭhakā ca Rojā ca ummāpuppha-nibhāsino, / Varuṇā Saha-dhammā ca Accutā ca Anejakā, / Sūleyyarucirā āgu, āgu Vāsavanesino //

[41] Ngũ thông: thần cảnh trí chứng thông, thiên nhãn trí chứng thông, thiên nhĩ trí chứng thông, tha tâm trí chứng thông, túc mạng trí chứng thông. Pl.: pañcābhiññā.

[42] Hà 何, Tống: a 阿, Nguyên: ha 訶, Minh: ha (kha) 呵.

[43] Sau xà 闍, TNM thêm: lâu 樓.

[44] Câu-đề 拘 提, TNM: đề câu 提 拘.

[45] Dặc 杙, TNM: bí 秘.

[46] Tội 罪, TNM: la 羅.

[47] Sau đầu 頭, TNM thêm: a 阿.

[48] Đà 陀, TNM: tha 他.

[49] Sau mê 迷, TNM thêm: bà 婆.

[50] Sau dư 予, TNM thêm: già 伽.

[51] Tử 子,TNM: dư 予.

[52] A 阿, TNM: đế 帝.

[53] Sau la 羅, TNM thêm: la 羅.

[54] Sau dư 予, TNM thêm: già 伽.

[55] Nế 昵 (bộ nhật), TNM: nế 眤, bộ mục.

[56] Phục 復, TNM: ưu 優.

[57] Lê 梨, TNM: lị 利.

[58] TNM không có la 羅.

[59] TNM không có ha 呵.

[60] Hằng a 恒 阿, TNM: hằng hà 恒 河.

[61] Sa a sa 娑 呵 娑, TNM: bà a bà 婆 呵 婆.

[62] Pháp 法, TNM: khư 佉.

[63] Kiền sấu 揵瘦, TNM: kiền độ 揵 度.

[64] Bài chú này chưa tỳm thấy Pl. tương đương để tham chiếu.

[65] Đệ nhất Phạm vương, Pl.: Subrahmā Paramatthah.

[66] Phạm thiên, Pl.: Brahma-deva.

[67] Phạm Đồng tử Đề-xá 梵 童 子 提 舍, Pl.: Sanamkumāra Tissa.

[68] Đại Phạm vương, Pl.: Mahābrahmā.

[69] Bản Hán, hết quyển 12.

20. Kinh A-ma-trú

20. KINH A-MA-TRÚ

[82a07] Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật du hành nước Câu-tát-la[1], cùng chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người, rồi đến Y-xa-năng-già-la[2], thôn của một người Bà-la-môn ở Câu-tát-la. Ngài nghỉ đêm tại rừng Y-xa[3].

Lúc ấy, có một người Bà-la-môn tên Phất-già-la-sa-la[4], đang dừng chân ở thôn Úc-già-la[5]. Thôn ấy sung túc, nhân dân đông đúc, là một thôn được vua Ba-tư-nặc[6] phong cho Bà-la-môn Phất-già-la-sa-la làm phạm phần[7]. Người Bà-la-môn này, từ bảy đời nay cha mẹ đều chơn chánh, không bị người khác khinh thường[8]; đọc tụng thông suốt ba bộ cựu điển[9], có thể phân tích các loại kinh thư, lại giỏi phép xem tướng đại nhơn, nghi lễ tế tự; có năm trăm đệ tử, dạy dỗ không bỏ phế. Ông có một đệ tử Ma-nạp[10] tên là A-ma-trú[11], từ bảy đời nay cha mẹ đều chơn chánh, không bị người khác khinh thường, đọc tụng thông suốt ba bộ cựu điển, có thể phân tích các loại kinh thư, và cũng giỏi phép xem tướng đại nhơn, nghi lễ tế tự, và cũng có năm trăm đệ tử Ma-nạp, dạy dỗ không bỏ phế, không khác với thầy mình.

Lúc ấy, Bà-la-môn Phất-già-la-sa-la nghe đồn Sa-môn Cù-đàm Thích tử, xuất gia, thành Đạo, cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người, đến Y-xa-năng-già-la, thôn của Bà-la-môn, đang nghỉ trong rừng Y-xa. Ngài có tiếng tăm lớn lưu truyền trong thiên hạ, là Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, đầy đủ mười hiệu, ở giữa chư Thiên, người đời, Ma, hoặc Ma thiên, Sa-môn, Bà-la-môn, đã tự mình chứng nghiệm[12], rồi thuyết pháp cho người khác, khéo léo khoảng đầu, khoảng giữa, khoảng cuối, có đủ nghĩa và vị[13], phạm hạnh thanh tịnh.[14] Ông nghĩ: “Với bậc chơn nhơn như vậy[15], ta nên đến thăm viếng. Ta nay nên đến xem Sa-môn Cù-đàm để xác định vị ấy có ba mươi hai tướng, tiếng tăm đồn khắp, điều đó có đúng sự thật chăng? Nên bằng duyên cớ nào để có thể thấy tướng của Phật?” Rồi lại nghĩ: “Nay đệ tử ta A-ma-trú, từ bảy đời trở lại cha mẹ đều [82b] chơn chánh, không bị người khác khinh thường, đọc tụng thông suốt ba bộ cựu điển, có thể phân tích các loại kinh thư, lại giỏi phép xem tướng đại nhơn, nghi lễ tế tự; duy chỉ người này có thể sai đi xem Phật, để biết có các tướng ấy không.”

Khi ấy Bà-la-môn liền sai đệ tử A-ma-trú đến, bảo rằng:

“Con hãy đến xem Sa-môn Cù-đàm kia có thật có ba mươi hai tướng hay không, hay là dối?”

A-ma-trú liền thưa thầy ngay rằng:

“Con làm thế nào để nghiệm xét tướng của Cù-đàm, để biết thật hay dối?”

Người thầy trả lời:

“Nay ta bảo cho con biết, nếu thật có ba mươi hai tướng đại nhân, chắc chắn có hai đường, không nghi ngờ gì nữa. Nếu tại gia, sẽ làm Chuyển Luân Thánh vương, cai trị bốn thiên hạ, đúng theo pháp mà trị hóa, thống lãnh nhân dân, đầy đủ bảy báu: 1. báu bánh xe vàng, 2. báu voi trắng, 3. báu ngựa xanh, 4. báu thần châu, 5. báu ngọc nữ, 6. báu cư sĩ, 7. báu điển binh. Vua có một nghìn người con, dũng mãnh, đa trí, hàng phục kẻ thù, không cần dùng vũ khí mà thiên hạ thái bình, nhân dân trong nước không có điều kinh sợ. Còn nếu không ham thích thế gian, vị ấy xuất gia cầu đạo, sẽ thành Như Lai, Chí nhân, Đẳng Chánh Giác đầy đủ mười hiệu. Theo đó mà có thể biết thực hư của Cù-đàm.”

A-ma-trú vâng lời thầy sai bảo, bèn thắng cỗ xe báu, dẫn theo năm trăm đệ tử Ma-nạp, vào lúc sáng sớm, ra khỏi thôn, đi đến rừng Y-xa. Đến nơi, xuống xe, đi bộ đến chỗ Thế Tôn. Trong lúc cùng đàm luận nghĩa lý, nếu Thế Tôn đang ngồi thì Ma-nạp này đứng; nếu Thế Tôn đứng thì Ma-nạp này ngồi. Phật nói với Ma-nạp rằng:

“Phải chăng ngươi đã từng đàm luận với các Bà-la-môn trưởng thượng, kỳ cựu như thế?”

Ma-nạp bạch Phật:

“Nói như vậy nghĩa là sao?”

Phật bảo Ma-nạp:

“Trong lúc cùng đàm luận, Ta ngồi thì ngươi đứng; Ta đứng thì ngươi ngồi. Phép đàm luận của thầy ngươi phải là như vậy chăng?”

Ma-nạp bạch Phật:

“Theo phép Bà-la-môn của tôi, ngồi thì cùng ngồi, đứng thì cùng đứng, nằm thì cùng nằm. Nay với hạng Sa-môn hủy hình, không vợ không con, hèn hạ, thấp kém, tập theo pháp đen tối[16], thì khi tôi cùng bọn người ấy luận nghĩa, không theo phép ngồi đứng.”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói với Ma-nạp ấy rằng:

“Khanh, Ma-nạp, chưa được dạy dỗ[17].

Khi Ma-nạp nghe Thế Tôn gọi mình bằng “khanh”,[18] lại nghe bị chê là chưa được dạy dỗ, tức thì nổi giận, kích bác Phật rằng:

“Con nhà họ Thích này hay có lòng độc ác, không có phép tắc.”

Phật bảo Ma-nạp:

“Những người họ Thích có lỗi gì với khanh?”

Ma-nạp nói:

“Xưa, một lần, [82c] tôi có chút duyên sự của thầy tôi với họ Thích ở nước Ca-duy-việt[19]. Khi ấy có nhiều người họ Thích có chút nhân duyên nên tập họp tại giảng đường. Thấy tôi từ xa đến, họ khinh mạn, đùa cợt, không thuận nghi pháp, không biết kính trọng nhau.”

Phật bảo Ma-nạp:

“Các người họ Thích kia khi ở trong nước mình có thể vui đùa thỏa thích. Cũng như chim bay, đối với khu rừng có tổ của nó, ra vào tự tại. Cũng vậy, các người họ Thích khi ở trong nước mình có thể vui đùa tự tại.”

Ma-nạp bạch Phật:

“Đời có bốn chủng tánh: Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ, Thủ-đà-la. Ba chủng tánh kia thường tôn trọng, cung kính, cúng dường Bà-la-môn. Những người họ Thích kia không nên như vậy. Họ Thích là tôi tơ[20] kia, hèn mọn, thấp kém, mà không cung kính Bà-la-môn như ta.”

Bấy giờ, Thế Tôn nghĩ thầm rằng: “Gã Ma-nạp này nhiều lần mắng nhiếc, và nói đến từ ‘tôi tớ.’ Vậy Ta có nên nói nguồn gốc của nó để nó khuất phục chăng?”

Rồi Phật bảo Ma-nạp:

“Dòng họ[21] ngươi là gì?”

Ma-nạp trả lời:

“Tôi thuộc dòng họ Thanh vương[22].”

Phật bảo Ma-nạp:

“Dòng họ ngươi như thế là thuộc dòng dõi tôi tớ[23] của dòng họ Thích.”

Lúc ấy, năm trăm đệ tử Ma-nạp kia thảy đều lớn tiếng nói với Phật rằng:

“Chớ nói như vậy. Chớ nói Ma-nạp này thuộc dòng dõi tôi tớ của dòng họ Thích. Vì sao? Đại Ma-nạp này thật sự là con nhà tông tộc, nhan mạo xinh đẹp, tài biện luậnứng cơ, nghe nhiều, học rộng, đủ để cùng đàm luận trao đổi với Cù-đàm.”

Thế Tôn nói với năm trăm Ma-nạp:

“Nếu thầy của các ngươi không đúng như lời các ngươi nói, Ta sẽ bỏ qua thầy ngươi mà luận nghĩa với các ngươi. Nếu thầy ngươi có đúng như lời các ngươi nói, các ngươi nên im lặng để Ta luận với thầy các ngươi.”

Năm trăm Ma-nạp bấy giờ bạch Phật rằng:

“Chúng tôi tất cả sẽ im lặng. Xin Ngài luận với thầy của tôi.”

Bấy giờ Thế Tôn nói với A-ma-trú:

“Trong thời quá khứ lâu dài xa xưa, có vị vua tên Thanh Ma[24]. Vua có bốn người con trai, Thứ nhất tên Diện Quang. Thứ hai tên Tượng Thực. Thứ ba tên Lộ Chỉ. Thứ tư tên Trang Nghiêm[25]. Bốn người con của vua có chút vi phạm bị vua đuổi khỏi nước[26], đến phía nam Tuyết sơn, sống trong rừng Cây ngay[27]. Mẹ của bốn người con cùng với các gia thuộc đều nghĩ nhớ họ, cùng nhau nhóm họp bàn, rồi đi đến chỗ Thanh Ma vương, tâu rằng:

“Đại vương, nên biết, bốn người của chúng ta xa cách đã lâu, nay tôi muốn đi thăm.”

Vua nói:

“Muốn đi thì tùy ý.”

“Người mẹ và các quyến thuộc nghe vua dạy, liền đi đến phía Nam Tuyết sơn, trong rừng Cây ngay, [83a] đến chỗ bốn người con. Các bà mẹ nói:

“Con gái của ta gả cho con trai ngươi. Con trai ngươi gả cho con gái ta[28].
             “Rồi họ phối nhau thành vợ chồng. Sau sinh con trai[29], dung mạo xinh đẹp.

“Lúc ấy, vua Thanh Ma nghe bốn người con mình được các bà mẹ gã cho các con gái làm vợ, sanh con trai xinh đẹp, vua rất vui mừng, thốt lên lời này: ‘Đích thực là con nhà họ Thích! Đích tực là con trai họ Thích![30] Vì chúng có thể tự lập.’ Nhân đó đặt tên là Thích. Thanh Ma vương chính là tiên tổ họ Thích vậy.

“Vương có một người áo xanh, tên gọi Phương Diện, [31] nhan mạo cinh đẹp, cùng thông giao với một người Bà-la-môn bèn có thai, sanh một Ma-nạp[32], vừa rớt xuống đất là biết nói. Nó nói với cha mẹ rằng: ‘Hãy tắm cho con, trừ sạch dơ bẩn. Sau này lớn lên, con sẽ báo ơn.’ Vì mới sanh đã biết nói nên đặt tên Thanh vương. Như nay kẻ mới sanh mà biết nói thì ai cũng sợ, đặt tên là Đáng Sợ[33]. Kia cũng vậy. Vừa sanh đã biết nói nên được đặt tên là Thanh vương. Từ đó đến nay, Bà-la-môn lấy Thanh vương làm họ.”

Lại bảo Ma-nạp:

“Ngươi có bao giờ nghe các Bà-la-môn kỳ cựu, trưởng thượng, nói về nguồn gốc dòng họ này chưa?”

Lúc ấy Ma-nạp im lặng không trả lời. Hỏi lần nữa. Lại cũng không trả lời. Phật hỏi đến ba lần, bảo Ma-nạp rằng:

“Ta hỏi đến ba lần. Ngươi hãy nhanh chóng trả lời. Nếu ngươi không trả lời, Mật Tích Lực sĩ[34], tay cầm chày vàng đứng hai bên Ta, sẽ đánh cho đầu ngươi vỡ thành bảy mảnh.”

Lúc ấy Mật Tích Lực sĩ tay cầm chày vàng, đang đứng giữa hư không, ngay trên đầu Ma-nạp. Nếu Ma-nạp không trả lời câu hỏi đúng lúc, sẽ hạ chày vàng đánh vỡ đầu Ma-nạp. Phật bảo Ma-nạp:

“Ngươi hãy ngước nhìn xem.”

Ma-nạp ngước nhìn, thấy Mật Tích Lực sĩ tay cầm chày vàng đứng giữa hư không. Thấy vậy, rất đỗi kinh hãi, toàn thân lông dựng đứng, liền rời chỗ ngồi, đến gần Thế Tôn, nương tựa nơi Thế Tôn để được cứu hộ. Ma-nạp bạch Phật:

“Thế Tôn hãy hỏi. Con sẽ trả lời.”

Phật hỏi Ma-nạp:

“Ngươi có bao giờ nghe các Bà-la-môn kỳ cựu, trưởng thượng, nói về nguồn gốc dòng họ này chưa?”

Ma-nạp đáp:

“Tôi tin là đã từng nghe. Thật có sự kiện ấy.”

Khi ấy năm trăm Ma-nạp thảy cùng cất tiếng bảo nhau rằng:

“A-ma-trú này thật sự thuộc dòng họ tôi tớ của Thích-ca. Sa-môn Cù-đàm nói sự thật, chúng ta vô cớ ôm lòng khinh mạn.”

Bấy giờ Thế Tôn nghĩ thầm: “Năm trăm Ma-nạp này về sau [83b] tất có lòng khinh mạn, gọi Ma-nạp này là tôi tớ. Nay hãy phương tiện làm mất cái tên gọi ‘tôi tớ’ ấy.”

Phật liền nói với năm trăm Ma-nạp:

“Các ngươi cẩn thận, chớ xem người này thuộc dòng họ nô tài. Vì sao? Tiên tổ Bà-la-môn của người này là một Đại Tiên nhân[35], có oai lực lớn, gây chiến với Thanh Ma vương, đòi lấy con gái. Vì sợ, vua bèn gã con gái cho.”

Do lời này của Phật, Ma-nạp thoát khỏi danh xưng tôi tớ.

Rồi Thế Tôn bảo A-ma-trú:

“Thế nào, Ma-nạp? Nếu con gái Sát-lị có bảy đời cha mẹ chơn chánh không bị khinh khi, được gã cho một người Bà-la-môn làm vợ, sanh một người con trai, là Ma-nạp, dung mạo xinh đẹp. Người con trai này khi đi vào giữa những người Sát-lị, nó có đuợc mời ngồi, nhận nước, tụng đọc pháp Sát-lị không?”

Đáp: “Không được”.

“Có được sự nghiệp tài sản của cha không?”

Đáp: “Không được”.

“Có được kế thừa chức của cha không?”[36]

Đáp: “Không được”.

“Thế nào, Ma-nạp? Nếu con gái Bà-la-môn, có cha mẹ bảy đời chơn chánh không bị người khinh khi, được gã cho người Sát-lị làm vợ, sanh một người con, dung mạo xinh đẹp. Người này khi vào giữa chúng Bà-la-môn, có được mời ngồi, được nhận nước không?”

Đáp: “Được”.

“Được tụng đọc pháp Bà-la-môn, được hưởng gia tài của cha, thừa kế chức vụ của cha không?”[37]

Đáp: “Được”.

“Thế nào, Ma-nạp? Nếu người Bà-la-môn bị Bà-la-môn tẩn xuất, chạy vào chủng tánh Sát-lị, có được chỗ ngồi, được nước, được tụng đọc pháp Sát-lị không?”

Đáp: “Không được”.

“Được hưởng di sản của cha, kế thừa chức vụ của cha không?”

Đáp: “Không”.

“Nếu chủng tánh Sát-lị bị Sát-lị tẩn xuất sang Bà-la-môn, có được chỗ ngồi, được mời nước, tụng đọc pháp Bà-la-môn chăng?”

Đáp: “Được”.

“Vậy thì, này Ma-nạp, giữa người nữ, nữ Sát-lị trỗi hơn. Giữa người nam, nam Sát-lị trỗi hơn. Không phải là Bà-la-môn vậy.”

Phạm thiên tự mình nói bài kệ rằng:

Sanh[38], Sát lị tối thắng,

Chủng tánh cũng thuần chơn.[39]

Minh, Hành thảy đầy đủ,

Tối thắng giữa Trời Người.

Phật bảo Ma-nạp:

“Phạm thiên nói bài kệ này, thật là nói khéo chớ không phải không khéo. Ta công nhận như vậy. Vì sao? Nay, như Ta, Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, cũng nói nghĩa đó:

Sanh, Sát-lị tối thắng,

Chủng tánh cũng thuần chơn.

Minh, Hành thảy đầy đủ,

Tối thắng giữa Trời Người.

[83c] Ma-nạp bạch Phật:

“Cù-đàm, Vô Thượng Sỹ Minh Hành Cụ Túc[40] là thế nào?”

Phật bảo Ma-nạp:

“Hãy nghe kỹ, hãy nghe kỹ, hãy suy nghĩ kỹ! Ta sẽ nói cho.”

Đáp: “Kính vâng. Rất muốn được nghe”.

Phật bảo Ma-nạp:

“Nếu đức Như Lai xuất hiện ở đời, là bậc Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, là đấng Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn; Ngài ở giữa chư Thiên, người đời, Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên ma, Phạm vương mà tự mình chứng ngộ, rồi thuyết pháp cho người. Lời nói khoảng đầu thiện[41], khoảng giữa thiện, khoảng cuối cũng thiện, đầy đủ nghĩa và vị, khai mở phạm hạnh thanh tịnh.[42] Hoặc Cư sĩ, con trai Cư sĩ, và các chủng tánh khác, nghe Chánh pháp mà sanh lòng tín ngưỡng, do tâm tín ngưỡng mà nghĩ như vầy: ‘Ta nay tại gia, vợ con ràng buộc, không thể thanh tịnh thuần tu phạm hạnh. Ta hãy cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo.’ Người ấy, sau đó từ bỏ gia đình tài sản, từ giã thân tộc, cạo bỏ râu tóc, bận ba pháp y, xuất gia tu đạo. Cũng đồng với những người xuất gia, xả bỏ các thứ trang sức, đầy đủ các giới hạnh, không làm hại chúng sanh.

“Xả bỏ dao gậy, tâm hằng tàm quý, từ niệm đối với hết thảy. Đó là không giết.

“Xả bỏ tâm trộm cắp, không lấy vật không cho, tâm hằng thanh tịnh, không có ý lén lút lấy cắp. Đó là không trộm cắp.

“Xả ly dâm dục, tịnh tu phạm hạnh, ân cần tinh tấn, không bị nhiễm dục, sống trong sạch. Đó là không dâm.

“Xả ly vọng ngữ, chí thành không lừa dối, không gạt người. Đó là không nói dối.

“Xả ly nói hai lưỡi; nếu nghe lời người này, không truyền lại người kia; nếu nghe lời người kia, không truyền lại người này. Những người chia rẽ thì làm cho hòa hiệp, khiến cho thân kính lẫn nhau. Những lời nói ra đều hoà thuận, đúng thời. Đó là không nói hai lưỡi.

“Xả ly ác khẩu. Những lời nào là thô lỗ, thích gây não người khác, khiến sanh phẫn kết; xả những lời như vậy. Lời nói dịu dàng, không gây oán hại, đem nhiều lợi ích, được mọi người yêu kính, thích nghe những lời như vậy. Đó là không ác khẩu.

“Xả ly ỷ ngữ; lời nói hợp thời, thành thật như pháp, y luật diệt trừ tranh chấp; có duyên cớ mới nói; lời nói không phát suông. Đó là xả ly ỷ ngữ.

“Xả ly uống rượu, xa lìa chỗ buông lung.

“Không đeo hương hoa, anh lạc.

“Không đi xem và nghe các thứ ca, múa, xướng, hát.

“Không ngồi giường cao

“Không ăn phi thời.

“Không cất chứa, sử dụng vàng bạc, bảy báu.

“Không cưới thê thiếp; không nuôi nô tỳ, voi, [84a] ngựa, trâu bò, gà, chó, heo, dê; không tích chứa ruộng, nhà, vườn tược. Không gạt người bằng cân đấu dối trá.

“Không lôi kéo nhau bằng bàn tay, nắm tay. Cũng không cầm đồ. Không vu dối người, không làm điều ngụy trá. Xả bỏ những thứ xấu ác như vậy. Diệt trừ các tranh tụng, các điều bất thiện. Đi thì biết thời. Không phải thời thì không đi. Lường dạ mà ăn, không tích chứa dư thừa. Che thân bằng y phục, vừa đủ thì thôi. Pháp phục, bình bát[43], thường mang theo mình. Như chim bay mang theo mình hai cánh. Cũng vậy, Tỳ-kheo không chứa dư thừa.

“Này Ma-nạp, như các Sa-môn, Bà-la-môn khác, nhận sự tín thí của người mà vẫn tỳm cách tích chứa; với y phục, ẩm thực, không hề biết đủ. Ai vào trong pháp Ta, không có việc ấy.

“Ma-nạp, như các Sa-môn, Bà-la-môn khác, tuy ăn của do người tín thí, vẫn tự mình kinh doanh buôn bán, gieo trồng cây cối, sở y của quỷ thần[44]. Ai vào trong pháp Ta, không có việc ấy.

“Ma-nạp, như các Sa-môn, Bà-la-môn khác, tuy ăn của người tín thí, vẫn tỳm phương tiện cầu các lợi dưỡng, các thứ ngà voi, tạp bảo, giường lớn cao rộng, với các loại chăn nệm thêu thùa sặc sỡ. Ai vào trong pháp ta, không có việc ấy.

“Ma-nạp, như các Sa-môn, Bà-la-môn khác tuy nhận của người tín thí, vẫn tỳm phương tiện, tỳm cách trang điểm mình, bôi dầu  vào thân, tắm gội bằng nước thơm, thoa các thứ bột thơm, chải đầu thơm láng, đeo tràng hoa đẹp, nhuộm mắt xanh biếc, bôi mặt cho đẹp đẽ, đeo vòng xuyến sáng chói, dùng gương soi mặt, giày da đủ màu, áo trên thuần trắng, dao gậy, người hầu, lọng báu, quạt báu, xe báu trang nghiêm. Ai vào trong pháp Ta, không có những việc ấy.

“Ma-nạp, như các Sa-môn, Bà-la-môn khác tuy ăn của người tín thí mà chuyên việc vui chơi, chơi bài, chơi cờ loại tám đường, mười đường[45], trăm đường, cho đến đủ hết mọi đường[46], với đủ các loại vui chơi khác nhau. Ai vào trong pháp Ta, không có những việc ấy.

“Ma-nạp, như các Sa-môn, Bà-la-môn khác tuy ăn của người tín thí vẫn nói những lời vô ích, chướng ngại đạo: bàn các việc vương giả, việc chiến đấu, quân mã; việc quần liêu, đại thần, cưỡi ngựa, đánh xe ra vào, dạo chơi vườn quán; bàn luận việc nằm, việc đứng, việc đi bộ, việc nữ nhân, việc y phục, ẩm thực, thân lý; lại nói chuyện vào biển tỳm ngọc. Ai vào pháp Ta, không có việc ấy.

“Ma-nạp, như các Sa-môn, Bà-la-môn khác, tuy ăn của người tín thí, bằng vô số phương tiện, chỉ sinh hoạt tà mạng: mỹ từ dua siểm, hiện tướng khen chê, lấy lợi cầu lợi. Ai vào pháp Ta, không có việc ấy.

“Ma-nạp, như các Sa-môn, Bà-la-môn khác tuy ăn [84b] của người tín thí, lại chỉ tranh cãi nhau, hoặc nơi vườn quán, hoặc nơi ao tắm, hoặc ở sảnh đường, chỉ trích lẫn nhau, rằng: ‘Ta biết kinh luật. Ngươi không biết gì. Ta đi đường chánh. Ngươi đi lối tà. Ngươi đặt cái trước ra sau, đặt cái sau ra trước. Ta nhịn ngươi được. Ngươi không biết nhịn. Những điều ngươi nói đều không chân chánh. Nếu có điều gì nghi ngờ, cứ đến hỏi ta, ta giải đáp được hết.’ Ai vào pháp Ta, không có việc ấy.

“Ma-nạp, như các Sa-môn, Bà-la-môn tuy ăn của người tín thí, lại làm các phương tiện, cầu làm sứ giả; hoặc làm sứ giả thông tin cho vua, đại thần của vua, bà-la-môn, cư sĩ; từ người này đến người kia, từ người kia đến người này; đem lời người này trao cho người kia, đem lời người kia trao cho người này; hoặc tự mình làm, hoặc sai người khác làm. Ai vào trong pháp Ta, không có việc ấy.

“Ma-nạp, như các Sa-môn, Bà-la-môn khác, tuy ăn của người tín thí, lại chỉ luyện tập các việc chiến trận, tỷ đấu; hoặc luyện tập dao, gậy, cung tên; hoặc nuôi gà chọi, chó, heo, dê, voi, ngựa, bò, lạc đà; hoặc đấu nam nữ; hoặc tấu các thứ tiếng: tiếng loa, tiếng trống, tiếng ca, tiếng múa, leo cột phướn, leo xuôi, leo ngược, đủ các thứ trò chơi. Ai vào pháp Ta, không có việc ấy.

“Ma-nạp, như các Sa-môn, Bà-la-môn khác, tuy ăn của người tín thí, lại hành pháp chướng ngại đạo, sinh hoạt bằng tà mạng: xem tướng trai gái, cát hung, đẹp xấu, và tướng súc sanh, lấy lợi cầu lợi. Ai vào pháp Ta, không có việc ấy.

“Ma-nạp, như các Sa-môn, Bà-la-môn khác tuy ăn của người tín thí vẫn hành pháp chướng ngại đạo, sinh sống tà mạng: kêu gọi quỷ thần, hoặc đuổi đi, hoặc bảo dừng, các thứ ếm đảo, vô số phương thuật, khiến người sợ hãi, có thể tụ có thể tán, có thể khổ có thể vui, lại có thể an thai, trục thai, cũng có thể chú ếm người khiến làm lừa ngựa, cũng có thể khiến người đui, mù, câm, ngọng, hiện bày các mánh khóe, chấp tay hướng về mặt trời, mặt trăng, làm các khổ hạnh để cầu lợi. Ai vào trong pháp Ta, không có những việc ấy.

“Ma-nạp, như các Sa-môn, Bà-la-môn khác, tuy ăn của người tín thí, mà hành các pháp chướng ngại đạo, sinh sống bằng tà mạng: chú bịnh cho người, hoặc tụng ma thuật ác, hoặc tụng chú thuật lành, hoặc làm thầy thuốc, châm cứu, thuốc thang, liệu trị các thứ bịnh. Ai vào pháp Ta, không có những việc ấy.

“Ma-nạp, như các Sa-môn, Bà-la-môn khác, tuy ăn của người tín thí, nhưng hành các pháp chướng ngại đạo, sinh sống bằng tà mạng: hoặc chú nước, chú lửa, hoặc chú ma quỷ, hoặc tụng chú [84c] sát-lị, hoặc tụng chú chim, hoặc tụng chú chi tiết, hoặc bùa chú trấn nhà, trấn cửa, hoặc bùa chú giải trừ lửa cháy, chuột gặm, hoặc tụng kinh thư ly biệt sanh tử, hoặc đọc sách đoán mộng, hoặc xem tướng tay tướng mặt, hoặc đọc sách tất cả âm. Ai vào pháp Ta, không có việc ấy.

“Ma-nạp, như các Sa-môn, Bà-la-môn khác, tuy ăn của người tín thí, mà hành pháp chướng ngại đạo, sinh sống bằng tà mạng: xem tướng thiên thời, đoán mưa hay không mưa, thóc cao hay thóc kém, bịnh nhiều hay bịnh ít, kinh sợ hay an ổn, hoặc nói động đất, sao chổi, nhật thực, nguyệt thực, tinh thực, hoặc nói không thực, điềm lành như vậy, điềm xấu như vậy. Ai vào pháp Ta, không có việc ấy.

“Ma-nạp, như các Sa-môn, Bà-la-môn khác tuy ăn của người tín thí, mà hành pháp chướng ngại đạo, sinh sống bằng tà mạng: hoặc nói nước này hơn nước kia, nước kia không bằng; hoặc nói nước kia hơn nước này, nước này không bằng; xem tướng tốt xấu, đoán việc thịnh suy. Ai vào pháp Ta, không có việc ấy. Nhưng tu Thánh giới, không nhiễm trước tâm, trong lòng hỷ lạc[47].

“Mắt tuy nhìn thấy sắc nhưng không nắm bắt các tướng, mắt không bị sắc trói buộc, kiên cố tịch nhiên, không điều tham đắm, cũng không buồn lo, không rò rỉ các ác, kiên trì giới phẩm, khéo thủ hộ nhãn căn. Tai, mũi, lưỡi, thân và ý, cũng như vậy. Khéo chế ngự sáu xúc, hộ trì điều phục, khiến cho được an ổn, cũng như đi xe bốn ngựa trên đường bằng phẳng, người đánh xe khéo cầm roi khống chế không để trật lối. Tỳ-kheo cũng vậy, chế ngự con ngựa sáu căn, an ổn không mất.

“Vị ấy có Thánh giới như vậy, khéo hộ trì các căn theo Thánh pháp, ăn biết đủ[48], cũng không tham vị, chỉ với mục đích nuôi thân để không bị khổ hoạn mà không cống cao, điều hòa thân mình khiến cho cái khổ cũ diệt, cái khổ mới không sanh, có sức, vô sự, khiến thân an lạc. Cũng như người dùng thuốc bôi ghẻ, cốt để ghẻ lành chứ không phải để trang sức, không vì tự cao.

“Ma-nạp, Tỳ-kheo như vậy, ăn đủ để duy trì thân, không có lòng kiêu mạn phóng túng. Cũng như xe được bôi mỡ, cốt để trơn tru khiến vận hành thông suốt, đi đến đích. Tỳ-kheo cũng vậy, ăn uống cốt đủ duy trì thân để mà hành đạo.

“Ma-nạp, Tỳ-kheo như vậy thành tựu Thánh giới, được các căn của Thánh, ăn biết vừa đủ; bấy giờ, đầu hôm cuối hôm, tinh tấn tỉnh giác. Lại vào lúc ban ngày, hoặc đi hoặc dừng, thường niệm nhất tâm, trừ các ấm cái. Vị ấy, vào khoảng đầu hôm, hoặc [85a] đi hoặc ngồi, thường niệm nhất tâm, trừ các ấm cái. Cho đến giữa đêm, nằm nghiêng hông phải, tưởng niệm sẽ trỗi dậy, đặt ý tưởng vào ánh sáng, tâm không loạn tưởng. Đến lúc cuối đêm, liền dậy tư duy, hoặc đi hoặc ngồi, trừ các ấm cái. Tỳ-kheo có Thánh giới như vậy đầy đủ, được các căn bậc Thánh, ăn uống biết đủ, đầu hôm cuối hôm, tinh cần tỉnh giác, thường niệm nhất tâm, không có loạn tưởng.

“Thế nào là Tỳ-kheo niệm không thác loạn? [49] Tỳ-kheo như vậy, quán thân trên nội thân, tinh cần không biếng nhác, chánh niệm, chánh tri, trừ tham ưu ở đời. Quán thân trên ngoại thân; quán thân trên nội ngoại thân, tinh cần không biếng nhác,chánh niệm, chánh tri, trừ tham ưu ở đời. Quán thọ, quán tâm, quán pháp cũng vậy. Đó là Tỳ-kheo niệm không thác loạn.

“Thế nào là nhất tâm? Tỳ-kheo như vậy hoặc tản bộ, hoặc ra vào, hoặc quay nhìn hai bên, co duỗi, cúi ngước, cầm y bát, tiếp nhận ẩm thực, hoặc tả hữu tiện lợi, hoặc ngủ hoặc thức, hoặc ngồi hoặc đứng, nói năng hay im lặng, vào bất cứ lúc nào, thường niệm nhất tâm, không mất oai nghi. Đó là nhất tâm. Cũng như một người đi giữa đám đông, hoặc đi ở trước, ở giữa hay ở cuối, thường an ổn, không có điều sợ hãi. Ma-nạp, Tỳ-kheo như vậy,... cho đến, nói năng im lặng, thường niệm nhất tâm, không buồn không sợ.

“Tỳ-kheo có Thánh giới như vậy, được các căn bậc Thánh, ăn thì biết đủ, đầu hôm, cuối hôm, tinh cần tỉnh thức, thường niệm nhất tâm, không có thác loạn. Thích ở nơi vắng, dưới gốc cây, trong bãi tha ma, hoặc trong hang núi, hoặc ở đất trống hay trong chỗ đống phân[50]; đến giờ khất thực, lại rửa tay chân, đặt yên y bát, ngồi kiết già, ngay người chánh ý, buộc chặt niệm trước mắt. Trừ bỏ xan tham, tâm không đeo theo[51]; diệt tâm sân hận, không có oán kết, tâm trú thanh tĩnh, thường giữ lòng từ; trừ dẹp ngủ nghỉ[52], buộc tưởng nơi ánh sáng[53], niệm không thác loạn; đoạn trừ trạo hý[54], tâm không khuấy động, nội tâm an tịnh[55], diệt tâm trạo hý; đoạn trừ nghi hoặc, đã vượt lưới nghi, tâm chuyên nhất ở nơi pháp thiện. Cũng như đồng bộc được đại gia ban cho chủng tánh, an ổn giải thoát, miễn khỏi sai khiến, tâm hoan hỷ, không còn lo, sợ.[56]

“Lại như có người mượn tiền đi buôn bán[57], được lợi lớn mà trở về, trả vốn cho chủ, còn dư tiền đủ dùng, bèn nghĩ rằng: ‘Ta trước mượn tiền đi buôn, e không như ý. Nay được lợi mà trở về, trả vốn cho chủ, tiền còn dư đủ dùng, không [85b] còn lo, sợ nữa.’ Người ấy rất đỗi vui mừng.’

“Như người bịnh lâu, nay bịnh đã khỏi; ăn uống được tiêu hóa, sức lực dồi dào, bèn nghĩ rằng: ‘Ta trước có bịnh, mà nay đã khỏi; ăn uống được tiêu hóa, sức lực dồi dào, không còn lo và sợ.’ Người ấy rất đỗi vui mừng.

“Cũng như người bị nhốt trong ngục đã lâu, nay bình yên ra tù, bèn nghĩ thầm rằng: ‘Ta trước đây bị giam giữ, nay được giải thoát, không còn lo và sợ.’ Người ấy rất đỗi vui mừng.

“Lại như có người cầm nhiều tài bảo, đi qua chỗ hoang mạc, không gặp cướp, bình an qua khỏi, bèn tự nghĩ rằng: ‘Ta cầm tài bảo qua khỏi chỗ hiểm nạn này, không còn lo và sợ.’ Người ấy rất đỗi vui mừng, tâm tư an lạc.

“Ma-nạp, Tỳ-kheo bị năm triền cái bao phủ cũng giống như vậy. Như người mang nợ, bịnh lâu, bị giam giữ, đi qua hoang mạc[58], tự thấy mình chưa thoát ly các ấm che trùm tâm, bị trùm kín trong tối tăm, mắt tuệ không sáng; vị ấy bèn tinh cần, xả dục, xả pháp ác, bất thiện, có tầm có tứ có hỷ do viễn ly sanh, chứng nhập sơ thiền. Vị ấy có hỷ lạc nhuần thấm nơi thân, tràn đầy cùng khắp, không đâu là không sung mãn. Như người khéo biết cách tắm, cho thuốc đầy bồn tắm, rồi chế nước vào, trong ngoài đều nhuần thấm[59], không đâu là không cùng khắp. Tỳ-kheo cũng vậy, chứng nhập sơ thiền, hỷ lạc nhuần thấm khắp thân, không đâu không sung mãn. Như vậy, này Ma-nạp, đó là hiện thân chứng đắc lạc thứ nhất. Vì sao? Ấy là do tinh tấn, niệm không thác loạn, ưa chỗ nhàn tĩnh mà được vậy.

“Vị ấy xả tầm, tứ, nội tĩnh[60], chuyên niệm nhất tâm, không tầm không tứ, có hỷ lạc do định sanh, chứng nhập đệ nhị thiền. Vị ấy có hỷ lạc và nhất tâm thấm nhuần châu thân, cùng khắp, tràn đầy, không đâu không sung mãn. Cũng như nước suối trong mát từ đỉnh núi chảy ra[61], không phải từ ngoài đến, mà nước trong mát chảy ra ngay từ trong con suối ấy, trở lại thấm nhuần chính nó, không đâu không cùng khắp. Ma-nạp, Tỳ-kheo cũng vậy, nhập nhị thiền, có hỷ lạc do định sanh không đâu không sung mãn. Đó là hiện thân chứng đắc lạc thứ hai.

“Vị ấy lìa hỷ, an trú xả, có chánh niệm, chánh tri[62], thân cảm thọ lạc, điều mà Thánh nói là xả, an trú lạc, có niệm, chứng nhập tam thiền. Vị ấy thân không hỷ, có lạc thấm nhuần, cùng khắp, tràn đầy, không đâu không sung mãn. Cũng như hoa ưu-bát, hoa bát-đầu-ma, hoa câu-vật-đầu, hoa phân- đà-lị, mới nhô khỏi bùn mà chưa ra khỏi nước, với cọng, rễ, cành, lá còn chìm ngập trong nước, nước thấm không đâu không cùng khắp. Ma-nạp, Tỳ-kheo cũng vậy, chứng nhập tam thiền, [85c] lìa hỷ, an trú lạc, nhuần thấm khắp thân, không đâu không cùng khắp. Đó là hiện thân chứng đắc lạc thứ ba.

“Vị ấy xả hỷ và lạc; ưu và hỷ đã diệt từ trước, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh, nhập tứ thiền. Thân, tâm thanh tịnh, tràn đầy cùng khắp, không chỗ nào không thấm nhuần. Cũng như một người đã tắm gội sạch sẽ, khoác lên mình tấm lụa trắng mới tinh, toàn thân thanh tịnh. Ma-nạp, Tỳ-kheo cũng vậy, nhập tứ thiền, tâm thanh tịnh, tràn khắp thân, không chỗ nào không thấm.

“Lại nhập tứ thiền, tâm không tăng giảm, cũng không dao động, an trú trên mảnh đất không ái, không nhuế, không động. Cũng như mật thất, trong ngoài được sơn quét, đóng chặt các cửa nẻo, không gió, không bụi lọt vào, bên trong đốt đèn, không bị khuấy động, ngọn lửa bốc thẳng mà không lay động. Ma-nạp, Tỳ-kheo cũng vậy, nhập đệ tứ thiền, tâm không tăng giảm, cũng không khuynh động, an trú trên đất không ái, không nhuế, không dao động. Đó là hiện thân chứng lạc thứ tư.

“Vị ấy với tâm định tĩnh, thanh tịnh không dơ, nhuần nhuyễn, khéo được huấn luyện, an trú trạng thái bất động, tự mình trong thân khởi tâm biến hóa, hoá thành thân khác, chân tay đầy đủ, các căn không khuyết.[63] Vị ấy quán như vầy: ‘Thân này, với sắc bốn đại, hoá thành thân kia. Thân này và thân kia cũng khác nhau, nhưng từ thân này khởi tâm hóa thành thân kia; các căn đầy đủ, chân tay không khuyết.’ Cũng như người rút con dao khỏi bao, bèn nghĩ rằng: ‘Bao khác với dao, nhưng dao được rút ra từ bao.’ Lại như một người se gai làm giây, nghĩ rằng: ‘Gai khác với giây. Nhưng giây xuất xứ từ gai.’ Lại như một người cho rắn bò ra khỏi hộp[64], nghĩ rằng: ‘Rắn khác hộp khác, nhưng rắn từ hộp mà ra.’ Lại như một người lấy áo ra khỏi giỏ tre, nghĩ rằng: ‘Giỏ tre khác, áo khác; nhưng áo được lấy ra từ giỏ.’ Ma-nạp, Tỳ-kheo cũng vậy. Đây là thắng pháp thứ nhất được chứng đắc.[65] Vì sao? Ấy do tinh tấn, niệm không thác loạn, ưa chỗ nhàn tĩnh mà được vậy.

“Vị ấy với tâm định tĩnh, thanh tịnh không dơ, nhu nhuyến, đuợc khéo huấn luyện, an trú trạng thái bất động, từ sắc thân bốn đại của mình mà khởi tâm, hoá thành thân khác,[66] đủ cả tay chân và các căn, nghĩ rằng: ‘Thân này do bốn đại hiệp thành. Thân kia từ thân này hóa ra. Thân này với thân kia khác nhau. Tâm này trú trong thân này, y thân này mà an trú, [86a] rồi đi đến trong thân biến hóa kia. Cũng như lưu ly, ma ni, được lau chùi sáng loáng, trong sạch không dơ; hoặc được xâu bằng chỉ xanh, chỉ vàng, chỉ đỏ; người có mắt đặt chúng trong lòng tay mà nhìn, biết rằng ngọc và giây xâu khác nhau. Nhưng giây dựa ngọc, từ hạt này đến hạt khác. Ma-nạp, Tỳ-kheo quán thấy tâm nương thân này mà an trú, rồi đi đến thân kia cũng như vậy. Đó là Tỳ-kheo chứng đắc thắng pháp thứ hai.[67] Vì sao? Ấy do tinh cần, niệm không tán loạn, ưa chỗ nhàn tĩnh mà được vậy.

“Vị ấy, với tâm định tĩnh, thanh tịnh không cáu bẩn, nhu nhuyến, dễ điều phục, an trú bất động địa, nhất tâm tu tập thần thông trí chứng, có thể biến hóa các thứ: hoặc biến một thân thành vô số thân; từ vô số thân hiệp thành một thân; thân có thể bay đi, vách đá không ngăn ngại; trú trong hư không như chim; đi trên nước như đi trên đất; mình bốc khói lửa, như đống lửa lớn; tay sờ mặt trời, mặt trăng, đứng cao đến Phạm thiên; muốn làm gì tùy ý, đều có thể tự tại thành tựu, làm ích lợi cho nhiều người. Lại như thợ ngà khéo xử lý ngà voi. Cũng như thợ vàng khéo luyện chơn kim, tùy ý mà làm, ích lợi cho nhiều người. Ma-nạp, Tỳ-kheo như vậy, tâm định tĩnh, thanh tịnh, an trú bất động địa, tùy ý biến hoá, cho đến, tay sờ mặt trời, mặt trăng, đứng cao đến Phạm thiên. Đó là thắng pháp thứ ba của Tỳ-kheo.[68]

“Vị ấy với tâm đã định, thanh tịnh không cáu bẩn, nhu nhuyến, khéo điều phục, an trú bất động địa, nhất tâm tu tập chứng thiên nhĩ trí. Vị ấy, với thiên nhĩ thanh tịnh vượt qua lỗ tai con người, nghe được hai loại tiếng: tiếng Chư Thiên và tiếng loài người. Cũng như trong thành có đại giảng đường, cao lớn, rộng rãi, có người thính tai ở trong giảng đường; những âm thanh có trong giảng đường, không phải cố gắng để nghe, người ấy nghe rõ hết. Cũng vậy, Tỳ-kheo do tâm đã định, với thiên nhĩ thanh tịnh, nghe được hai thứ tiếng. Ma-nạp, đó là thắng pháp thứ tư của Tỳ-kheo.[69]

“Vị ấy với tâm đã định, thanh tịnh không cáu bẩn, nhu nhuyến, khéo điều phục, an trú bất động địa, nhất tâm tu tập chứng tha tâm trí. Vị ấy đúng như tâm của người, có dục hay không dục, có cấu uế hay không cấu uế, có si hay không si, tâm rộng hay hẹp, tâm lớn hay nhỏ, tâm định hay loạn, tâm bị trói buộc hay cởi mở, tâm cao thượng hay hạ liệt, cho đến, tâm vô thượng, thảy đều biết hết. Cũng như một người rọi bóng mình trong nước trong, đẹp hay xấu đều xét biết cả. Tỳ-kheo như vậy, vì tâm định tĩnh cho nên có thể biết tâm người. Ma-nạp, đó là [86b] thắng pháp thứ năm của Tỳ-kheo.[70]

“Vị ấy tâm định, thanh tịnh không cấu uế, mềm dịu, khéo điều phục, an trú bất động địa, nhất tâm tu tập túc mạng trí chứng, liền có thể biết được đời trước, với vô số sự việc; có thể nhớ một đời cho đến vô số đời, số kiếp thành hoại; chết đây sanh kia; danh tánh, chủng tộc, ẩm thực, xấu tốt, thọ mạng dài vắn, cảm thọ khổ lạc, hình sắc tướng mạo thế nào, tất cả đều nhớ biết hết. Cũng như một người từ chòm xóm của mình đi đến nước khác; ở tại chỗ kia, hoặc đi hoặc đứng, hoặc nói, hoặc im lặng; rồi lại từ nước này đến nước khác. Lần lượt như vậy, sau đó quay về chốn cũ. Không cần nhọc sức mà vẫn có thể nhớ những nước đã đi qua; từ chỗ này đến chỗ kia, từ chỗ kia đến chỗ này; đi, đứng, nói năng, im lặng, thảy đều nhớ hết. Ma-nạp, Tỳ-kheo như vậy, do tâm đã định tĩnh, thanh tịnh không cấu uế, an trú bất động địa, có thể bằng túc mạng trí mà nhớ đời trước vô số sự việc trong vô số kiếp. Đó là Tỳ-kheo chứng đắc minh thứ nhất[71]. Vô minh vĩnh viễn diệt, pháp đại minh phát sanh; cái tối tăm tiêu diệt, pháp sáng chói phát sanh. Đấy là Tỳ-kheo đắc túc mạng trí minh. Vì sao? Ấy do tinh cần, niệm không tán loạn, ưa chỗ thanh nhàn vắng vẻ mà được như vậy.

“Vị ấy, với tâm định tĩnh, thanh tịnh không cấu uế, nhu nhuyến khéo điều phục, an trú bất động địa, nhất tâm tu tập sanh tử trí chứng minh. Vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, thấy các chúng sanh sanh đây chết kia; chết ở kia, sanh đến nơi này, hình sắc đẹp xấu, quả báo thiện ác, tôn quý, ty tiện, tùy nghiệp báo đã tạo mà phù hợp với nhân duyên, tất cả đều biết rõ. Người này thân hành ác, khẩu nói ác, ý nghĩ ác, phỉ báng Hiền Thánh, tin theo tà kiến điên đảo, thân hoại mạng chung đọa ba đường ác. Người này thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện, không phỉ báng Hiền Thánh, hành theo chánh kiến, thân hoại mạng chung, sanh lên trời, người. Bằng thiên nhãn thanh tịnh, thấy chúng sanh tùy theo duyên của nghiệp đã làm, qua lại trong năm đường. Cũng như khoảng đất bằng cao rộng trong thành nội, đầu ngã tư đường cất một ngôi lầu cao lớn, người mắt sáng đứng trên lầu mà nhìn, thấy các bộ hành Đông, Tây, Nam, Bắc, mọi cử động, tất cả đều thấy hết. Ma-nạp, Tỳ-kheo như vậy, với tâm định tĩnh, không cấu uế, thanh tịnh, nhu nhuyến dễ điều phục, an trú bất động địa, chứng sanh tử trí. Bằng thiên nhãn thanh tịnh, thấy hết chúng sanh với những việc thiện ác mà chúng đã làm, tùy nghiệp thọ sanh, qua lại năm đường, thảy đều biết cả. Đó là minh thứ hai của Tỳ-kheo. Đoạn trừ vô minh, sanh tuệ minh, xả bỏ tối tăm, phát ra [86c] ánh sáng trí tuệ. Đó là kiến chúng sanh sanh tử trí minh[72] vậy. Vì sao? Ấy do tinh cần niệm không tán loạn, ưa một mình nơi thanh vắng mà được vậy.

“Vị ấy với tâm định tĩnh, thanh tịnh không cấu uế, nhu nhuyến dễ điều phục, an trú bất động địa, nhất tâm tu tập vô lậu trí chứng. Vị ấy như thật biết Khổ Thánh đế, như thật biết hữu lậu tập, như thật biết hữu lậu diệt tận, như thật biết con đường dẫn đến vô lậu. Vị ấy biết như vậy, thấy như vậy; tâm giải thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu, đắc giải thoát trí, biết rằng: ‘sanh tử đã hết, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau nữa.’ Cũng như trong nước trong, có gỗ, đá, cá, ba ba, các loại thủy tộc du hành đông tây, người có mắt sáng thấy rõ hết: đây là gỗ, đá; đây là cá, ba ba. Ma-nạp, Tỳ-kheo như vậy, với tâm định tĩnh, an trú bất động địa, đắc vô lậu trí chứng, cho đến, không còn tái sanh. Đó là Tỳ-kheo đắc minh thứ ba. Đoạn trừ vô minh, phát sanh tuệ minh, xả bỏ tối tăm, phát ra ánh sáng đại trí. Đó là lậu tận trí minh.[73] Vì sao? Ấy do tinh cần, niệm không tán loạn, ưa một mình nơi thanh vắng vậy.

“Ma-nạp, đó là Minh và Hành vô thượng được đầy đủ. Ý ngươi nghĩ sao, minh và hạnh như vậy là đúng, hay sai?”

Phật bảo Ma-nạp:

“Có người không thể chứng đắc đầy đủ minh hạnh vô thượng, do bởi thực hành bốn phương tiện[74]. Những gì là bốn? Ma-nạp, hoặc có người không thể đạt được đầy đủ minh hạnh vô thượng, nhưng vác rựa, ôm lồng[75], đi vào rừng tỳm thuốc, ăn rễ cây. Đó là không thể đạt được minh hạnh vô thượng mà hành phương tiện thứ nhất. Thế nào, Ma-nạp, phương tiện thứ nhất này, ngươi và thầy các ngươi có làm không?”

Đáp: “Không”.

Phật bảo Ma-nạp:

“Ngươi tự mình thấp kém, không hay biết chơn ngụy, lại cứ phỉ báng, khinh mạn Thích tử, tự gieo mầm tội lỗi, nuôi lớn gốc rễ địa ngục.

“Lại nữa, Ma-nạp, không thể đạt được thành tựu minh hạnh vô thượng, mà tay cầm bình nước rửa, vác gậy toán thuật[76], vào núi rừng, ăn trái cây tự rụng. Ma-nạp, đó là không được thành tựu minh hạnh vô thượng mà hành phương tiện thứ hai. Thế nào, Ma-nạp, ngươi và thầy ngươi có hành pháp này chăng?”

Đáp: “Không”.

Phật bảo Ma-nạp:

“Ngươi tự mình thấp kém, không rõ chân ngụy, bèn phỉ báng, khinh mạn Thích tử, tự gieo mầm ác, nuôi lớn gốc [87a] địa ngục lâu dài.

“Lại nữa, Ma-nạp, không thể thành tựu minh hạnh vô thượng, mà bỏ lối hái thuốc và lượm trái cây rụng trên đây, trở về thôn xóm, sống nương người đời, cất am tranh, ăn lá cây, lá cỏ[77]. Ma-nạp, đó là không được thành tựu minh hạnh vô thượng mà thực hành phương tiện thứ ba. Thế nào, Ma-nạp, ngươi và thầy ngươi có hành pháp này chăng?”

Đáp: “Không”.

Phật bảo Ma-nạp:

“Ngươi tự mình thấp kém, không rõ chân ngụy, bèn phỉ báng, khinh mạn Thích tử, tự gieo mầm ác, nuôi lớn gốc địa ngục lâu dài.

“Lại nữa, Ma-nạp, không được thành tựu minh hạnh vô thượng, nhưng không ăn cỏ thuốc, không ăn trái cây rụng, không ăn lá cỏ, mà dựng nhà gác to lớn nơi thôn xóm thành ấp. Những người đi đường từ Đông sang Tây ngang qua đó đều được cấp dưỡng tùy khả năng. Đó là không được vô thượng mà thực hành phương tiện thứ tư. Thế nào, Ma-nạp, ngươi và thầy ngươi cóù hành pháp ấy không?”

Đáp: “Không”.

Phật bảo Ma-nạp:

“Ngươi tự mình thấp kém, không rõ chơn ngụy, bèn phỉ báng, khinh mạn Thích tử, tự gieo mầm tội, nuôi lớn gốc địa ngục.

“Thế nào, Ma-nạp, các Bà-la-môn kỳ cựu, và các tiên nhơn, với nhiều kỷ thuật, tán thán, xưng tụng những điều mình học tụng, như nay những điều được các người Bà-la-môn, tán thán, ca ngợi. Đó là: 1. A-tra-ma, 2. Bà-ma, 3. Bà-ma-đề-bà, 4. Tỷ-ba-mật-đa, 5. Y-đâu-lâu-tất, 6. Da-bà-đề-già, 7. Bà-bà-bà-tất-tra, 8. Ca-diệp, 9. A-lâu-na, 10. Cù-đàm, 11. Thủ-di-bà, 12. Tổn-đà-la.[78] Các đại tiên, Bà-la-môn này, có đào hào, xây dựng nhà gác, như chỗ mà thầy trò ngươi đang ở không?”

Đáp: “Không”.

“Các Đại Tiên ấy có dựng thành quách vây quanh nhà cửa, rồi ở trong đó, như chỗ ở của thầy trò ngươi hiện nay không?

Đ áp: “Không”.

“Các Đại Tiên ấy có nằm trên giường cao, chăn đệm dày, mềm mại, như thầy trò ngươi nay không?”

Đáp: “Không”.

“Các Đại Tiên kia có tự mình vui thú với vàng, bạc, chuỗi anh lạc, tràng hoa nhiều màu, và mỹ nữ, như thầy trò ngươi hiện nay không? Các Đại Tiên kia có đi xe báu, cầm gậy sắt dẫn đường, che đầu bằng lọng trắng, tay cầm phất báu, mang guốc báu nhiều màu, lại bận toàn lụa trắng, như thầy trò ngươi hiện nay đang mặc không?”

Đáp: “Không”.

“Ma-nạp, ngươi tự mình thấp hèn, không rõ chơn ngụy, mà [87b] lại phỉ báng, khinh mạn Thích tử, tự gieo mầm tội, nuôi lớn gốc địa ngục.

“Thế nào, Ma-nạp, như các Đại Tiên, các Bà-la-môn kỳ cựu kia, như A-tra-ma, tán thán, đề cao những gì mà họ vốn đọc tụng, nay những điều được các Bà-la-môn tán thán, đề cao cũng giống như vậy. Nếu truyền những điều ấy, để dạy vẽ người khác, mà muốn sanh lên Phạm thiên, không có trường hợp đó. Cũng như, này Ma-nạp, vua Ba-tư-nặc cùng nói chuyện với người khác, hoặc cùng bàn luận với các vua, hoặc với Đại thần, Bà-la-môn, Cư sĩ, mà những người nhỏ mọn khác nghe được, bèn vào thành Xá-vệ, gặp người, liền thuật chuyện vua Ba-tư-nặc có nói như vậy. Thế nào, Ma-nạp, vua có cùng bàn luận với người ấy không?”

Đáp: “Không”.

“Ma-nạp, người đọc thuộc lời vua cho những người khác nghe, há có thể làm Đại thần cho vua được chăng?”

Đáp: “Không có chuyện ấy”.

“Ma-nạp, ngươi ngày nay truyền lời của Đại Tiên đời trước, Bà-la-môn kỳ cựu, đọc tụng, dạy cho người, mà muốn sanh Phạm thiên, không có chuyện ấy.

“Thế nào, Ma-nạp, các ngươi tiếp nhận sự cúng dường của người có thể tùy pháp mà thực hành được chăng?”

Đáp: “Đúng như vậy, Cù-đàm, nhận cúng dường của người khác thì phải như pháp mà hành”.

“Ma-nạp, thầy ngươi Phất-già-la-sa-la nhận phong ấp của vua, nhưng khi cùng nghị luận với vua Ba-tư-nặc, lại nói những lời vô ích mà vua không nên bàn đến, không đem sự việc chân chánh mà cùng bàn luận, cùng khuyên nhủ. Ngươi nay tự mình xem xét lỗi lầm của thầy ngươi và của chính ngươi; nhưng hãy gác qua chuyện ấy, mà nên tỳm hiểu nguyên nhân ngươi đến đây.”

Ma-nạp liền ngước mắt lên nhìn thân của Như Lai, tỳm các tướng tốt. Thấy đủ các tướng khác, duy chỉ hai tướng không thấy, trong lòng hoài nghi. Bấy giờ, Thế Tôn thầm nghĩ: “Nay Ma-nạp này không thấy hai tướng nên sanh nghi ngờ như thế”. Ngài bèn cho ra tướng lưỡi rộng dài, liếm đến tai, phủ kín mặt. Lúc ấy, Ma-nạp còn nghi ngờ một tướng nữa. Thế Tôn lại nghĩ: “Nay Ma-nạp này vẫn còn nghi ngờ một tướng nữa”. Ngài bèn dùng thần lực khiến cho duy chỉ Ma-nạp thấy được tướng mã âm tàng. Ma-nạp thấy đủ các tướng rồi, không còn hồ nghi gì nơi Như Lai nữa, bèn rời chỗ ngồi đứng dậy, vòng quanh Phật rồi đi.

Khi ấy, Bà-la-môn Phất-già-la đứng ngoài cửa, từ xa trông thấy đệ tử đang đi đến, bèn đón lại, hỏi rằng:

“Ngươi xem Cù-đàm có thật đủ các tướng không? Công đức thần thông có thật như lời đồn không?”

Ma-nạp tức thì bạch thầy rằng:

“Sa-môn Cù-đàm đầy đủ cả ba mươi hai tướng. Công đức thần lực đều như tiếng đồn.”

Thầy lại hỏi:

“Ngươi có [87c] bàn luận ý nghĩa gì với Cù-đàm không?”

Đáp: “Thật con có trao đổi qua lại với Cù-đàm”.

Thầy lại hỏi:

“Ngươi với Cù-đàm thảo luận chuyện gì?”

Bấy giờ Ma-nạp kể hết câu chuyện cùng Phật luận bàn. Vị thầy bèn nói:

“Ta có người đệ tử thông minh như vậy, lại khiến xảy ra như vậy! Chúng ta chẳng bao lâu sẽ đọa địa ngục! Vì sao? Lời nói của ngươi, vì muốn hơn mà kích bác Cù-đàm, khiến cho ông ấy không vui lòng, đối với ta lại càng thêm sơ. Ngươi được coi là đệ tử thông minh mà khiến đến mức ấy, thì khiến ta vào địa ngục sớm.”

Thế rồi người thầy ấy lòng rất tức giận, bèn đạp Ma-nạp té xuống đất, và ông tự mình đánh xe lấy. Ma-nạp kia khi vừa té xuống đất thì toàn thân nổi vảy trắng.[79]

Khi ấy Bà-la-môn Phất-già-la-sa-la ngước nhìn mặt trời, nghĩ thầm rằng: “Nay chưa phải là lúc thăm viếng Sa-môn Cù-đàm. Ta hãy chờ sáng mai rồi đi thăm hỏi”.

Sáng hôm sau, ông thắng cỗ xe báu, cùng với năm trăm đệ tư tuỳ tùng, đi đến rừng Y-xa; đến nơi, xuống xe, đi bộ đến chỗ Thế Tôn, chào hỏi xong, ngồi xuống một bên. Ông ngước nhìn thân Như Lai, đầy đủ các tướng, duy thiếu hai tướng. Bà-la-môn do đó có ý nghi ngờ về hai tướng. Phật biết ý nghĩ của ông, bèn làm lộ tướng lưỡi rộng dài, liếm đến tai và phủ kín mặt. Bà-la-môn lại còn nghi ngờ một tướng nữa. Phật biết ý nghĩ của ông, bèn dùng thần lực, khiến cho thấy tướng mã âm tàng. Bà-la-môn khi thấy đủ ba mươi hai tướng của Như Lai, trong lòng khai ngộ, không còn hồ nghi, liền bạch với Phật rằng:

“Nếu khi đi giữa đường mà gặp Phật, tôi dừng xe một lát, mong Ngài biết cho là tôi đã kính lễ Thế Tôn. Vì sao? Tôi nhận được phong cho thôn này. Nếu tôi xuống xe, sẽ mất thôn ấy, và tiếng xấu đồn khắp.”

Ông lại bạch Phật:

“Nếu tôi xuống xe, cởi kiếm, lui tàn lọng, và dẹp bỏ giải phướn, bình nước rửa và giày dép, nên biết ấy là tôi đã lễ kính Như Lai. Vì sao? Tôi nhận được phong cho thôn này. Nếu tôi xuống xe, sẽ mất thôn ấy, và tiếng xấu đồn khắp.”

Lại bạch Phật:

“Nếu ở giữa đám đông, thấy Phật mà tôi đứng dậy, hoặc trật áo bày vai phải, tự xưng tên họ, nên biết, ấy là tôi đã lễ kính Như Lai. Vì sao? Tôi nhận được phong cho thôn này. Nếu tôi xuống xe, sẽ mất thôn ấy, và tiếng xấu đồn khắp.”

Lại bạch Phật:

“Tôi quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Xin nhận tôi làm ưu-bà-tắc trong Chánh pháp. Từ nay về sau, tôi không giết, không trộm, không tà dâm, không dối, không uống rượu. Cúi [88a] mong Thế Tôn cùng các Đại chúng nhận lời mời của tôi.”

Đức Thế Tôn im lặng nhận lời.

Bà-la-môn thấy Phật im lặng, biết Ngài đã hứa khả, bèn rời chỗ ngồi đứng dậy, bất giác lễ Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi đi. Về nhà, ông sửa soạn thức ăn. Sau khi bày biện mâm cỗ xong, ông quay trở lại thưa: “Đã đến giờ”.

Bấy giờ, Thế Tôn khoác y ôm bát cùng với đại chúng một ngàn hai trăm năm mươi người đi đến nhà ông ấy, rồi ngồi lên chỗ soạn sẵn.

Lúc ấy, Bà-la-môn tự tay chăm chước thức ăn, cúng Phật và Tăng các thứ ngon ngọt. Ăn xong, dẹp cất bát, dùng nước rửa xong, Bà-la-môn tay phải nắm cánh tay đệ tử là A-ma-trú đến trước Thế Tôn bạch rằng:

“Cúi mong Thế Tôn nghe lời hối lỗi của nó.”

Nói như vậy ba lần, rồi lại bạch Phật:

“Cũng như voi, ngựa đã được huấn luyện khéo; người này cũng vậy, tuy có sơ suất, cúi mong Ngài nhận lời hối lỗi.”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Cầu cho ngươi thọ mạng dài lâu, đời này an ổn. Mong cho chứng vảy trắng của đệ tử ngươi được trừ.”

Phật nói vừa xong, người đệ tử kia liền khỏi chứng vảy trắng.

Rồi thì, Bà-la-môn lấy một cái giường nhỏ để trước Thế Tôn. Thế Tôn bèn nói pháp cho Bà-la-môn, khai thị, giáo huấn, khiến cho được ích lợi, hoan hỷ. Ngài giảng về thí, giới, sanh thiên, dục là ô uế, là hưu lậu, là tai hoạn, xuất yếu là trên hết, diễn bày thanh tịnh. Khi Thế Tôn biết tâm người Bà-la-môn đã nhu nhuyến, thanh tịnh, không cáu bẩn, có thể nhận lãnh đạo giáo; như thường pháp của chư Phật, Ngài nói Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ xuất yếu Thánh đế. Bà-la-môn lúc ấy ngay trên chỗ ngồi mà xa lìa trần cấu, được pháp nhãn tịnh, cũng như tấm lụa trắng tinh dễõ nhuộm màu, Bà-la-môn Phất-già-la-sa-la cũng vậy, thấy pháp, đắc pháp, quyết định đạo quả, không còn tin ở đạo khác, được vô sở úy, tức thì bạch Phật rằng:

“Con nay ba lần xin quy y Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Xin nhận con làm ưu-bà-tắc trong Chánh pháp. Suốt đời không giết, không trộm, không tà dâm, không dối, không uống rượu. Cúi mong Thế Tôn cùng Đại chúng thương tưởng con, nhận lời mời bảy ngày.”

Thế Tôn im lặng nhận lời. Bà-la-môn tức thì trong bảy ngày cúng dường Phật và Đại chúng đủ các thứ. Bấy giờ, qua bảy ngày, Thế Tôn lại du hành nhân gian.

Phật đi chưa bao lâu, Phất-già-la-sa-la ngộ bịnh, mạng chung. Các Tỳ-kheo nghe Bà-la-môn này sau khi cúng dường Phật trong bảy ngày, sau đó mạng chung, bèn tự nghĩ thầm: Người này mạng chung, sanh vào cõi nào? Rồi chúng Tỳ-kheo đi đến chỗ Phật, lễ Phật xong, ngồi sang bên, bạch Phật rằng:

“Bà-la-môn sau khi cúng dường Phật suốt bảy ngày thì thân hoại mạng chung. Người ấy sanh vào chỗ nào?”

Phật nói với các Tỳ-kheo:

“Tộc tánh tử ấy đã tập hợp rộng rãi các điều thiện, đầy đủ pháp và tùy pháp, không trái pháp hành, đoạn trừ năm hạ phần kết, Niết-bàn ở nơi kia[80], không trở lại đời này nữa.”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.[81]

 


*  第三分阿摩晝經第一

[1] Câu-tát-la 俱薩羅, D 3: Kosala. No. 20: Việt-kỳ 越 祇.

[2] Y-xa-năng-già-la 伊車能伽羅, D 3.: Icchānaṅkala, tên thôn. No. 20: Cổ xa thành 古 車 城.

[3] Y-xa 伊車林, D 3: Icchānaṅkalavanasaṇḍa, tên khu rừng.  

[4] Phất-già-la-sa-la 沸伽羅娑羅, Pl.: Pokkharasādi. No. 20: Phí-ca-sa 費迦沙.

[5] Úc-già-la 郁伽羅, D 3.: Ukkaṭṭha.  

[6] Ba-tư-nặc 波斯匿, D 3.: Pasenadi, vua nước Câu-tát-la.

[7] Phạm phần 梵分 (phạm thí 梵施, tịnh thí 淨施); Pl.: brahmadeyya, vật, thường là đất đai, do vua ban tặng.

[8] Bảy đời thuần chủng, không lai.

[9] Ba bộ cựu điển, chỉ ba bộ Vệ đà. Pl. tiṇṇa veda.

[10] Ma nạp đệ tử 摩納弟子, Pl.: māṇavo antevāsi, thiếu niên đệ tử, người học trò (hầu cận) trẻ tuổi.

[11] A-ma-trú 阿摩晝, No. 20: A-bạt 阿颰; Pl.: Ambaṭṭha.

[12] Pl. thành cú: so imaṃ lokaṃ sadevakaṃ samarākaṃ sabrahmakaṃ sasamaṇa- brāhmaṇiṃ pajaṃ sadevamanussaṃ sayaṃ abhiññā sacchikatvā, Ngài bằng thắng trí đã tự mình chứng nghiệm thế giới này bao gồm Thiên giới, Ma, Phạm, Sa-mon Bà-la-môn, sanh loại cùng chư thiên nhân loại.

[13] Hán: nghĩa vị cụ túc 義味具足. Pl., thành cú: sātthaṃ savyājanaṃ, có ý nghĩa (có mục đích) và có văn.

[14] Phạm hạnh thanh tịnh 梵行清淨. Pl., thành cú: kevelaparipuṇṇaṃ parisuđhaṃ brahmacariyaṃ pakāseti, “Ngài nêu rõ Phạm hạnh tuyệt đối viên mãn, hoàn toàn thanh tịnh.

[15] Chơn nhơn 真人, Pl.: arahataṃ, A-la- hán; đây chỉ chung các Thánh giả.

[16] Hán: hủy hình, quan độc, ti lậu, hạ liệt, tập hắc minh pháp 毀形鰥獨卑陋下劣習黑 冥法. Pl., thành cú: muṇḍakā samaṇakā ibbhā kaṇhā bandhupādāpaccā, hạng Sa-môn trọc đầu, ti tiện, đen đui, sanh từ chân của bà con ta (Phạm thiên).

[17] Hán: vị điều phục 未調伏; Pl.: avusitavā, chưa được hoàn hảo, chưa được dạy dỗ, vô giáo dục.

[18] Hán: khanh 卿. Bản Pali không có chi tiết này.

[19] Ca-duy việt 迦維越 (Ca-tỳ-la-vệ). Pl.: Kapilavatthu.

[20] Hán: xí tư 廁斯; Pl.: ibbha, tôi tớ hèn mọn.

[21] Hán: tánh 姓; Pl.: gotta, chủng tánh, dòng dõi.

[22] Hán: Thanh Vương 聲王. D 3: Kaṇhāyana, chỉ hậu duệ thổ dân bị chủng tộc Arya chinh phục; ám chỉ có nguồn gốc da đen. Hán dịch không phù hợp với từ này.

[23] Hán: Thích-ca nô chủng 釋迦奴種. D 3.: dāsiputto Sakyānam, con cháu của một nữ tỳ của họ Thích.

[24] Hán: Thanh Ma 聲摩; Pl.: Okkāka, thường dịch là Cam giá vương 甘 蔗, thủy tổ dòng họ Thích. No 20: Cổ-ma-sàng 鼓摩[13]床.

[25] Bốn ngườic con: Diện Quang 面光, Pl.: Okkamukha, Tượng thực 象食, Pl.: Hatthinīya, Lộ chỉ 路指, Pl.: Karakaṇḍa, Trang nghiêm 莊嚴, Pl.: Sīnipura. No 20: Úc-kiềm 郁鉗, Kiền-ni 虔尼,  Độ 度 Thuần 淳.

[26] Theo bản Pl., Okkāka muốn truyền ngôi cho con trai một ái phi nên đuổi những người con lớn đi. No 20: bốn người con tranh ngôi; vua buồn chán, bỏ nước mà đi.

[27] Hán: trực thọ lâm 直樹林. Pl.: sāka-saṇḍo, rừng cây sāka, có lẽ chỉ cây sồi.

[28] Theo văn, 4 người con khác mẹ. D 3 (i 92).: te jātisambhedabhayā sakāhi bhaginīhi saddhiṃ saṃvāsaṃ kappesuṃ: Vì sợ phá hoại huyết thống, họ bèn phối hợp với các chị em của mình.

[29] Để bản, sanh nam tử 生男子. TNM: sinh nam nữ 生男女: sanh con cái.

[30] Hán: chân thích tử, chân Thích đồng tử 真釋子, 真釋童子. Bản Hán chua thêm: “Thích 釋, tiếng nước Tần nói là năng 能 (khả năng). Vì ở trong rừng Trực thọ nên gọi là Thích. Thích, tiếng Tần cũng có nghĩa là trực 直 (thẳng).” Pl.: Sakyā vata bho kumārā, paramasakyā vata bho kumārā: “Giỏi thay (có năng lực) các Vương tử! Rất giỏi thay các Vương tử!” Ở đây, Sākya được hiểu là “có năng lực.”

[31] Hán: thanh y Phương Diện 青衣方面,  một nữa tỳ tên Phương Diện. D 3.: Okkākassa Disā nāma dāsī ahosi, Vua có một nữ tỳ tên Disā (Phương hướng).

[32] Hán: ma-nạp tử 摩納子; đây chỉ con của Bà-la-môn được gọi là ma-nạp. D 3.: kaṇhaṃ janesi, sanh một người con da đen.

[33] Hán: khả úy 可 畏. D 3.: pisāca, ác quỷ.

[34] Mật Tích Lực sĩ 密跡力士, Pl.: vajirapāṇī yakkho, Kim cang thủ Dạ-xoa, dạ-xoa cầm chày kim cang.

[35] Pl.: uḷāro so kaṇho isi ahosi, Kaṇha trở thành một Tiên nhân vĩ đại.

[36] Trong bản Pali, D 3, các quyền lợi trên đều được phép, chỉ trừ quyền thừa kế, vì cha không phải Sát-lị (pitito anupapanno).

[37] Theo bản Pali, D 3, cha Sát-lị, mẹ Bà-la-môn, con trai không được làm lễ Quán đảnh để thừa kế (khattiyā khattiyābhisekena abhisiñceyyuṃ). Vì mẹ không phải Sát-lị (mātito anupapanno).

[38] Hán: sanh 生; Pl.: jana, chỉ chúng sanh, lòai người.

[39] Pl., thành cú: ye gottapaṭisāriṇo, những ai  tin tưởng vào chủng tộc.

[40] Hán: Vô Thượng Sỹ, Minh Hành cụ túc 無上士明行具足. D 3: Ambaṭṭha hỏi: “Hành ấy là gì? Minh ấy là gì? (katamaṃ pana taṃ caraṇaṃ. katamā ca pana sā vijjā ti)

[41] Hán: thượng ngữ diệc thiện 上語亦善. Pl.: So dhammaṃ deseti ādi-kalyānaṃ (...), Ngài tuyên thuyết pháp mà páhp ấy phần đầu thiện (...).

[42] Hán: khai thanh tịnh hạnh 開清淨行. Pl.thành cú: kevalaparipuṇṇaṃ parisuddhaṃ brahmacariyaṃ pakāseti, Ngài thuyết minh phạm hạnh hoàn toàn viên mãn, thanh tịnh.

[43] Nguyên hán: ứng khí 應器.

[44] Hán: quỷ thần sở y 鬼神所依. Pl.: bhūta-gāma, làng quỷ thần, chỉ thực vật, các loại cây cỏ.

[45] Hán: bát đạo, thập đạo 八道十道; Pl.: aṭṭhapadaṃ dasapadaṃ ākāsam, bát mục kỳ, thập mục kỳ: cờ tám ô, cờ mười ô.

[46] Bản Pl. không có các loại cờ này.

[47] Đoạn trên, nói về Tỳ-kheo thành tựu giới (bhikkhu sīlasampanno). Đoạn tiếp theo, Tỳ-kheo phòng hộ căn môn (bhikkhu indriyesu guttadvāro hoti).

[48] Từ đây trở xuống, Tỳ-kheo sống tri túc (bhikkhu santuṭṭho hoti).

[49] Tỳ kheo thành tựu chánh niệm, chánh tri (bhikkhu satisampajaññena samannāgato).

[50] Hán: phẩn tụ 糞聚; có lẽ Pl.: palālapuñja, đống rơm.

[51] Hán: tâm bất dữ câu 心不與俱; Pl.: abhijjhāya cittaṃ parisodheti, tâm gột sạch xan tham.

[52] Pl.: thīnamiddhaṃ pahāya, loại bỏ trạng thái buồn ngủ và dã dượi.

[53] Hán: hệ tưởng tại minh 繫想在明; phương pháp trừ buồn ngủ bằng cách thực tập quang minh tưởng. Pl.: ālokasaññī sato, ý niệm với ảnh tượng ánh sáng.

[54] Trạo (điệu) hý 掉 戲, hay trạo hối 掉 悔, trạo cử và hối tiếc; chỉ trạng thái bứt rứt và bồn chồn; Pl.: uddhaccakukkucca.

[55] Nội hành tịch diệt 內行寂滅. Pl.: ajjhattaṃ vūpasantacitto, nội tâm an tĩnh, tĩnh chỉ.

[56] Cf. D.i. 72.

[57] Hán: cử tài trị sanh 舉財治生.  Cf. D.i. 71. : iṇaṃ ādāya kammante payojeyya, người mắc nợ, bèn làm các nghề nghiệp (để trả nợ)

[58] Bản Hán kể thiếu: như cảnh nô lệ. Thứ tự 5 thí dụ cho 5 triền cái hơi khác bản Pl..

[59] Bột thấm nước và do đó hòa tan với nước.

[60] Hán: tiện sanh vi tín 便生為信. Pl.: ajjhattaṃ sampasādaṃ.

[61]  Cf. D.i. 74.: udakarahado ubbhidodako, nước phun lên từ hồ nước sâu.

[62] Hán: bĩ xả hỷ trú hộ niệm bất thố loạn 彼捨喜住護念不措亂.

[63]D 3 (ii. 77): (…) manomayaṃ kāyaṃ abhinimmānāya cittaṃ abhinīharati abhininnāmeti, “vi ấy hướng tâm đến sự biên hóa ra thân do ý thành.” Xem cht. 64 tiếp theo.

[64] Hán: khiệp trung xuất xà 篋中出蛇. Cf. D.i. 77.: ahiṃ karaṇḍa uddhareyya, con rắn lột vỏ. (karaṇḍa: cái giỏ; hoặc xác/ vỏ rắn).

[65] Trong Pali, D 3 ibid., đây là thắng pháp thứ hai: thần thông trí về ý thành thân (manomaya-iddhiñāṇa), khả năng biến hóa thành một thân khác hoàn toàn do ý tạo ra.

[66] Cf. D 3 (ii 76): (…) ñāṇadasanāya cittaṃ abhinīharati, “hướng tâm đến tri kiến.” Tức hướng tấm đến chánh quán về bốn đại, chứ không phải biến hóa như trong bản hán. Xem thêm cht. 67 tiếp theo.

[67] Pl., D 3 ibid.: thắng pháp thứ nhất: chánh quán trí (vipassanāñāṇa) về bốn đại.

[68] Thắng pháp thứ ba: thần thông trí神通智. Pl.: iddhividhāñāṇa.

[69] Thắng pháp thứ tư: thiên nhĩ trí chứng 天耳智證. Pl. dibbasotañāṇa.

[70] Thắng pháp thứ năm: tha tâm trí 他心智. Pl. cetopariyañāṇa.

[71] Nguyên Hán: đệ nhất thắng 第一勝. Theo các đoan tiếp theo, đọc là minh 明. Túc mạng trí minh 宿命智明. Pl. pubbenivāsānúatiñāṇa (túc trụ tùy niệm trí).

[72] Minh thứ hai: Sanh sanh tử trí chứng minh 生死智證明. Pl. dibbacakkhuñāṇa: thiên nhãn trí; hoặc cutūpapātañāṇa: sanh tử trí.

[73] Vô lậu trí minh 無漏智明. Pl.: āsavakkhayañāṇa.

[74] Hán: nhi hành tứ phương tiện 而行四方便. Pl.: cattāri apāyamukhāni bhavanti, có bốn phương diện tổn thất. Bản hán đọc là upāya (phương tiện) thay cho apāya (tổn thất, đọa xứ). Cf. D.i. 101: anuttarāya vijjācaraṇasampadāya cattāri apāyamukhāni, bốn cửa ngõ dẫn đến sự thoái thất minh hành túc vô thượng.

[75] Hán: trì chước phụ lung 持 斫 負 籠. Pl.: kuddāla-piṭakaṃ ādāya, mang theo cuốc và giỏ. Trong bản Pl., đây là tổn thất thứ hai.

[76] Hán: thủ chấp tháo bình, trì trượng toán thuật 手執澡瓶持杖算術, Pl.: khāri- vividhaṃ ādāya, mang dụng cụ của đạo sĩ. Trong bản Pali, đây là một phần thực hành của tổn thất thứ nhất.

[77] Bản Pl., trường hơp thứ ba: agyāgāraṃ karitvā aggiṃ paricaranto acchati, dựng Thánh hỏa đường và thờ lửa.

[78]  Danh sách các tiên nhơn cổ đại: A-tra-ma 阿吒摩, Bà-ma 婆摩, Bà-ma-đề-bà 婆摩提婆, Tỉ-ba-mật-đa 鼻波密多, Y-đâu-lại-tất 伊兜瀨悉, Da-bà-đề-già 耶婆提伽, Bà-bà bà-tất-tra 婆婆婆悉 吒, Ca-diệp 迦葉, A-lâu-na 阿樓那, Cù-đàm 瞿曇, Thủ-di-bà 首夷婆, Tổn-đà-la 損陀羅. Danh sách trong bản Pl.: Aṭṭaka, Vāmaka, Vāmadeva, Vessāmitta, Yamataggi, Aígirassa, Bharadvāja, Vāseṭṭha, Kassapa, Bhagu.

[79] Bạch lại 白癩.

[80] Chỉ trường hợp Thánh giả Bất hoàn tái sanh lên Tịnh cư thiên và nhập Niết-bàn tại đó.

[81] Bản Hán, hết quyển 13.

21. Kinh Phạm võng

21. KINH PHẠM VÕNG[1]

[88b13] Tôi nghe như vầy.

Một thời, Phật du hành đến nước Ma-kiệt[2], cùng chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người, du hành nhân gian, đến Trúc lâm[3], nghỉ đêm tại nhà của Vua[4].

Lúc bấy giờ có vị Phạm-chí tên là Thiện Niệm[5] và đệ tử tên là Phạm-ma- đạt[6]; hai thầy trò thường cùng đi theo sau Phật, mà Phạm-chí Thiện Niệm thì dùng vô số phương tiện hủy báng Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng, đệ tử Phạm-ma-đạt thì bằng vô số phương tiện tán thán Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Hai thầy trò mỗi người một tâm tư, mâu thuẫn chống trái nhau. Vì sao vậy? Ấy là do xu hướng dị biệt, kiến giải dị biệt, thân cận dị biệt.

Bây giờ, số đông Tỳ-kheo sau khi khất thực về, nhóm tại giảng đường, bàn câu chuyện như sau:

“Kỳ diệu thay, hy hữu thay!Thế Tôn có Đại thần lực, đầy đủ oai đức, biết hết mọi xu hướng của chúng sanh. Nhưng nay có hai thầy trò Thiện Niệm cùng đi theo sau Phật và Chúng Tăng, mà Phạm-chí Thiện Niệm thì dùng vô số phương tiện hủy báng Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Đệ tử Phạm-ma-đạt thì bằng vô số phương tiện tán thán Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Hai thầy trò mỗi người một tâm tư, mâu thuẫn chống trái nhau vì do xu hướng dị biệt, kiến giải dị biệt, thân cận dị biệt vậy.”

Bấy giờ, Thế Tôn đang ở trong tịnh thất, bằng thiên nhĩ thanh tịnh quá hơn người thường, nghe các Tỳ-kheo đang luận bàn như thế, liền rời khỏi tịnh thất, đi đến giảng đường, ngồi trước đại chúng. Tuy đã biết Ngài vẫn hỏi:

“Này các [88c] Tỳ-kheo, do nhân duyên gì mà các ông nhóm lại đây và đang bàn luận câu chuyện gì?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Chúng con sau khi khất thực về, tập họp ở giảng đường này và cùng bàn luận như vầy: ‘Kỳ diệu thay, hy hữu thay! Thế Tôn có Đại thần lực, đầy đủ oai đức, biết hết mọi xu hướng của chúng sanh. Nhưng nay có hai thầy trò Thiện Niệm cùng đi theo sau Phật và Chúng Tăng, mà Phạm-chí Thiện Niệm thì dùng vô số phương tiện hủy báng Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Đệ tử Phạm-ma-đạt thì bằng vô số phương tiện tán thán Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Hai thầy trò mỗi người một tâm tư, mâu thuẫn chống trái nhau vì do xu hướng dị biệt, kiến giải dị biệt, thân cận dị biệt vậy.’”

Thế Tôn bèn nói với các Tỳ-kheo:

“Này các Tỳ-kheo, nếu có ai dùng phương tiện hủy báng Như Lai, hủy báng Chánh pháp và Chúng Tăng, các ngươi không nên ôm lòng phẫn nộ, có ý nghĩ ác hại đối với người ấy. Vì sao vậy? Vì nếu có ai dùng phương tiện hủy báng Như Lai, hủy báng Chánh pháp và Chúng Tăng mà các ngươi ôm lòng phẫn nộ, có ý nghĩ ác hại đối với người ấy thì tự các ngươi đã tự hãm nịch rồi. Vì vậy các ngươi không nên ôm lòng oán giận hay có ý nghĩ ác hại đối với người ấy.

“Này các Tỳ-kheo, nếu có ai khen ngợi Phật, Pháp, và Chúng Tăng, các ngươi cũng vội chớ lấy điều đó làm vui mừng, hãnh diện. Vì sao vậy? Vì nếu các ngươi sinh tâm vui mừng là đã bị hãm nịch rồi. Do đó các ngươi không nên vui mừng. Tại sao thế? Vì đó chỉ là duyên cớ nhỏ nhặt về oai nghi giới hạnh, mà hàng phàm phu ít học, không thấu rõ thâm nghĩa, chỉ bằng vào sở kiến để tán thán một cách chân thật.

“Thế nào là duyên cớ nhỏ nhặt về oai nghi giới hạnh, mà hàng phàm phu ít học, không thấu rõ thâm nghĩa, chỉ bằng vào sở kiến để tán thán một cách chân thật?

“Người ấy tán thán rằng[7] Sa-môn Cù-đàm đã bỏ nghiệp sát, dứt nghiệp sát, xả bỏ dao gậy, có tàm quí, có tâm thương xót hết thảy. Đó chỉ là duyên cớ nhỏ nhặt về oai nghi giới hạnh mà hàng phàm phu ít học dựa lấy để tán thán Như Lai.

“Lại tán thán rằng: Sa-môn Cù-đàm đã bỏ sự lấy của không cho, dứt trừ sự lấy của không cho, không có tâm trộm cắp.

“Sa-môn Cù-đàm đã dứt bỏ sự dâm dục, tịnh tu phạm hạnh, một mực giữ giới, không tập thói dâm dật, sở hành tinh khiết.

“Sa-môn Cù-đàm đã dứt bỏ nói dối, mà nói lời nói chí thành, nói điều chân thật, không dối gạt người đời.

“Sa-môn Cù-đàm đã dứt bỏ nói hai lưỡi, không đem lời người này đến phá rối người kia, đem lời người kia đến phá rối người này, gặp kẻ tranh tụng làm cho hòa hiệp, kẻ đã hòa hiệp làm cho vui thêm, nói ra lời gì cũng cốt đem đến sự hòa hiệp, thành thật đưa vào lòng người và nói phải lúc.

“Sa-môn Cù-đàm đã dứt bỏ [89a] ác khẩu. Những lời thô lỗ nào mà thương tổn đến người, tăng thêm mối hận, kéo dài mối thù; những lời như vậy đều không nói. Thường nói lời hay, đẹp lòng người, ai cũng ưa, nghe không chán. Chỉ nói những lời như vậy.

“Sa-môn Cù-đàm đã dứt bỏ ỷ ngữ, chỉ nói phải lúc, nói thành thật, nói có lợi, nói đúng pháp đúng luật, nói để ngăn ngừa sai quấy.

“Sa-môn Cù-đàm đã dứt bỏ uống rượu; không trang sức hương hoa; không xem ca múa; không ngồi giường cao; không ăn phi thời; không cầm vàng bạc; không chứa vợ con, tớ trai, tớ gái; không nuôi heo ngựa, voi, dê, gà, chó, và các thứ chim muông; không chứa binh voi, binh ngựa, binh xe, binh bộ; không chứa ruộng nhà, gieo trồng ngũ cốc; không nắm quyền đánh đấm với người; không dùng cân đấu lường gạt; không mua bán, khoán ước, giao kèo; không cho vay cầm đồ lấy lãi bất chánh[8]. Cũng không âm mưu, trước mặt khác sau lưng khác; phi thời không đi; để nuôi sống thân, lường bụng mà ăn; đi đến chỗ nào thì y bát mang theo như chim không lìa hai cánh. Nhưng đó cũng chỉ là nhân duyên nhỏ nhặt về sự trì giới mà hàng phàm phu ít học nương lấy để tán thán Như Lai.[9]

“Như các Sa-môn, Bà-la-môn khác dầu đã nhận của tín thí vẫn tỳm cách tích trữ; y phục, ẩm thực không hề biết chán. Sa-môn Cù-đàm không như vậy.

“Như các Sa-môn, Bà-la-môn khác tuy ăn của người tín thí, nhưng vẫn kinh doanh sinh kế, trồng cây, gieo giống[10]. Còn Sa-môn Cù-đàm không có việc đó.

“Như các Sa-môn, Bà-la-môn khác tuy ăn của người tín thí nhưng vẫn tỳm phương tiện mong cầu lợi dưỡng, chứa ngà voi tạp bảo, ghế giường cao rộng, thảm thêu, đệm bông, chăn len các thứ thêu thùa. Sa-môn Cù-đàm không có việc ấy.

“Như các Sa-môn, Bà-la-môn khác tuy ăn của người tín thí nhưng vẫn tỳm phương tiện để trang sức, dùng dầu mỡ thoa mình, nước thơm tắm gội, bột thơm xông ướp, chải đầu thơm láng, hoặc mang tràng hoa đẹp, nhuộm mắt xanh biếc, tô điểm mặt mày, xâu bông tai, soi gương, mang dép da quí, mặc áo trắng mịn, che dù, cầm phất lộng, trang sức cờ hiệu, còn Sa-môn Cù-đàm không có các việc đó.

“Như các Sa-môn, Bà-la-môn khác chuyện trò du hí, chơi cờ, đánh bạc, cờ tám đường, mười đường cho đến trăm ngàn đường, đủ các trò chơi. Sa-môn Cù-đàm không như vậy.

“Như các Sa-môn, Bà-la-môn khác tuy [89b] ăn của người tín thí, nhưng vẫn nói lời vô ích chướng ngại đạo[11], hoặc bàn việc vua chúa, quân mã, chiến đấu, việc quân liêu Đại thần, xe ngựa ra vào, dạo chơi vườn quán, và luận việc nữ nhân, nằm ngồi đi đứng, việc y phục, ăn uống, thân thích; lại nói chuyện vào biển tỳm châu báu. Sa-môn Cù-đàm không có các việc đó.

“Như các Sa-môn, Bà-la-môn khác tuy đã nhận thức ăn của tín thí, bằng vô số phương tiện, làm điều tà mạng, chuốt lời dua nịnh, gợi ý, chê bai[12], lấy lợi cầu lợi. Sa-môn Cù-đàm không có các việc đó.

“Như các Sa-môn, Bà-la-môn khác tuy ăn của người tín thí, nhưng cùng nhau tranh cãi, hoặc nơi vườn quán, hoặc ở ao tắm, trong nhà, thị phi lẫn nhau, rằng: ‘Ta biết kinh luật, ngươi không biết gì; ta đi đường chánh, ngươi đi đường tà, đem trước để sau, lấy sau để trước; ta nhẫn ngươi được, ngươi không nhẫn được; ngươi nói điều gì đều không chánh đáng; nếu có nghi ngờ hãy đến hỏi ta, ta đáp cho cả.’ Sa-môn Cù-đàm không có các việc đó.

“Như các Sa-môn, Bà-la-môn khác tuy đã ăn của tín thí, nhưng tỳm đủ phương tiện làm thông sứ cho vua, Đại thần, Bà-la-môn, Cư sĩ; đi từ đây đến kia, từ kia đến đây; đem tin qua lại, hoặc tự làm, hoặc dạy người làm. Sa-môn Cù-đàm không có các việc đó.

“Như các Sa-môn, Bà-la-môn khác tuy đã ăn của tín thí, nhưng lo luyện tập chiến trận, đấu tranh, đao gậy cung tên, chọi gà, chó, heo, dê, voi, ngựa, trâu, lạc đà. Hoặc đấu tài trai gái, hoặc luyện các thứ tiếng, tiếng thổi, tiếng trống, tiếng ca, tiếng múa, luyện các trò kỹ thuật, leo cột phướn, leo xuôi leo ngược. Sa-môn Cù-đàm không có các việc đó.[13]

“Như các Sa-môn, Bà-la-môn khác tuy ăn của tín thí, nhưng hành pháp chướng ngại đạo, nuôi sống bằng cách tà vạy, như xem tướng trai gái tốt xấu lành dữ, xem tướng súc sinh, để cầu lợi dưỡng. Sa-môn Cù-đàm không có các việc đó.

“Như các Sa-môn, Bà-la-môn khác tuy ăn của người tín thí, nhưng hành pháp chướng ngại đạo, nuôi sống bằng cách tà vạy, như kêu gọi quỷ thần, hoặc lại đuổi đi, các thứ ếm đảo, vô số phương đạo, làm người khiếp sợ; có thể tụ, có thể tán; có thể làm cho khổ, có thể làm cho vui; có thể an thai, trục thai; hoặc phù chú người ta hóa làm lừa, ngựa; có thể khiến người điếc, đui, câm, ngọng; hiện các kỹ thuật; hoặc chắp tay hướng về mặt trời, mặt trăng; hành các khổ hạnh để [89c] cầu lợi dưỡng. Sa-môn Cù-đàm không có các việc đó.

“Như các Sa-môn, Bà-la-môn khác tuy ăn của người tín thí, nhưng hành pháp chướng ngại đạo, nuôi sống bằng cách tà vạy; hoặc vì người mà chú đảo bệnh tật, đọc ác thuật, tụng thiện chú; làm thuốc thang, châm chích, trị liệu bệnh tật. Sa-môn Cù-đàm không có việc đó.

“Như các Sa-môn, Bà-la-môn tuy ăn của người tín thí, nhưng hành pháp chướng ngại đạo[14], sinh hoạt bằng tà mạng: hoặc chú[15] nước lửa, hoặc chú quỷ thần[16], hoặc chú Sát-lị, hoặc chú voi, hoặc chú chân tay[17], hoặc bùa chú an nhà cửa; hoặc giải chú lửa cháy, chuột gặm; hoặc đọc sách đoán việc sống chết; hoặc đọc sách giải mộng; hoặc xem tướng tay, tướng mặt; hoặc đọc sánh thiên văn; hoặc đọc sách hết thảy âm.[18] Sa-môn Cù-đàm không có những việc ấy.

“Như các Sa-môn, Bà-la-môn khác tuy ăn của người tín thí, hành pháp chướng ngại đạo, sinh hoạt bằng tà mạng: xem tướng thiên thời, nói có mưa hay không mưa, thóc quý hay thóc rẻ, nhiều bịnh hay ít bịnh, kinh sợ hay an ổn; hoặc dự đoán đất động, sao chỗi, nhật thực, nguyệt thực, tinh tú thực, hay không thực, phương hướng ở đâu[19]; thảy đều ghi nhận cả. Sa-môn Cù-đàm không có các việc ấy.

“Như các Sa-môn, Bà-la-môn khác tuy ăn của người tín thí, nhưng hành pháp chướng ngại đạo, sinh hoạt bằng tà mạng: hoặc nói nước này sẽ thắng, hoặc nói nước này chẳng bằng; xem tướng tốt xấu, bàn chuyện thịnh suy. Sa-môn Cù-đàm không có việc ấy.

“Các Tỳ-kheo, đấy chỉ là nhân duyên trì giới nhỏ nhặt, mà phàm phu ít học kia dựa vào để khen Phật.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Lại còn có pháp khác, là ánh sáng của đại pháp sâu xa vi diệu, duy chỉ đệ tử Hiền Thánh mới có thể tán thán Như Lai bằng pháp này. Thế nào là pháp đại quang minh, mà đệ tử Hiền Thánh tán thán Như Lai ? Có các Sa-môn, Bà-la-môn, y vào bổn kiếp bổn kiến[20], mạt kiếp mạt kiến[21], mà tùy ý lập thuyết với vô số trường hợp khác nhau. Tất cả được tóm thâu vào trong sáu mươi hai kiến. Bổn kiếp bổn kiến, mạt kiếp mạt kiến, với vô số trường hợp khác nhau, tùy ý lập thuyết, không thể vượt ra ngoài sáu mươi hai kiến. Các Sa-môn, Bà-la-môn kia, do duyên gì, y vào bổn kiếp bổn kiến, mạt kiếp mạt kiến, mà tùy ý lập thuyết với vô số trường hợp khác nhau; tất cả được tóm thâu vào trong sáu mươi hai kiến; chỉ chừng ấy, không hơn?

(i) “Các Sa-môn, Bà-la-môn, y bổn kiếp bổn kiến, với vô số trường hợp khác nhau, mỗi người tùy ý lập thuyết; tất cả được thâu tóm [90a] trong mười tám trường hợp[22]. Các Sa-môn, Bà-la-môn ấy do duyên gì, y bổn kiếp bổn kiến, với vô số trường hợp khác nhau, tùy ý lập thuyết, tất cả được thâu tóm trong mười tám trường hợp; chừng ấy không hơn?

(i.1) “Những Sa-môn, Bà-la-môn nào y bổn kiến khởi thường luận[23], nói rằng: ‘Bản ngã và thế giới thường tồn.’ Tất cả thuyết này được thâu tóm vào trong bốn trường hợp. Y bổn kiếp bổn kiến mà nói: ‘Bản ngã và thế giới thường tồn’, tất cả được thâu tóm vào trong bốn trường hợp; chừng ấy không hơn.

“Các Sa-môn, Bà-la-môn kia do duyên gì, y bổn kiếp bổn kiến, khởi thường trú luận, nói rằng, ‘bản ngã và thế giới thường tồn’, tất cả được thâu tóm trong bốn trường hợp, chừng ấy không hơn?

(i.1.a) “Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn, bằng vô số phương tiện tinh cần mà chứng nhập tâm định. Với tâm đinh tĩnh, vị ấy nhớ lại hai mươi thành kiếp và hoại kiếp. Vị ấy bèn nói như vầy: ‘Bản ngã và thế gian thường tồn. Đây là thật, ngoài ra là dối. Vì sao? Tôi bằng vô số phương tiện tinh cần mà nhập tâm định. Với tâm định tĩnh ấy, tôi nhớ lại hai mươi thành kiếp và hoại kiếp. Trong đó, chúng sanh không tăng, không giảm, thường tụ hội, không tán[24]. Tôi vì thế mà biết, ‘bản ngã và thế gian thường tồn.’ Đó là quan điểm thứ nhất. Sa-môn, Bà-la-môn nhân đó y bổn kiếp bổn kiến chủ trương bản ngã và thế giới thường tồn, thuộc trong bốn quan điểm, chừng ấy không hơn.

(i.1.b) “Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn, bằng vô số phương tiện tinh cần mà chứng nhập tâm định. Với tâm đinh tĩnh, vị ấy nhớ lại bốn mươi thành kiếp và hoại kiếp. Vị ấy bèn nói như vầy: ‘Bản ngã và thế gian thường tồn. Đây là thật, ngoài ra là dối. Vì sao? Tôi bằng vô số phương tiện tinh cần mà chứng nhập tâm định. Với tâm đinh tĩnh, tôi nhớ lại bốn mươi thành kiếp và hoại kiếp. Trong đó, chúng sanh không tăng, không giảm, thường tụ, không tán. Tôi vì thế mà biết, ‘bản ngã và thế gian thường tồn.’ Đó là trường hợp điểm thứ hai. Sa-môn, Bà-la-môn nhân đó y bổn kiếp bổn kiến chủ trương bản ngã và thế giới thường tồn, thuộc trong bốn trường hợp, chừng ấy không hơn.

(i.1.c) “Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn, bằng vô số phương tiện tinh cần mà chứng nhập tâm định. Với tâm đinh tĩnh, vị ấy nhớ lại tám mươi thành kiếp và hoại kiếp[25]. Vị ấy bèn nói như vầy: ‘Bản ngã và thế gian thường tồn. Đây là thật, ngoài ra là dối. Vì sao? Tôi bằng vô số phương tiện tinh cần mà chứng nhập tâm định. Với tâm đinh tĩnh, tôi nhớ lại tám mươi thành kiếp và hoại kiếp. Trong đó, chúng sanh không tăng, không giảm, thường tụ, không tán. Tôi [90b] vì thế mà biết, ‘bản ngã và thế gian thường tồn.’ Đó là quan điểm thứ ba. Sa-môn, Bà-la-môn nhân đó y bổn kiếp bổn kiến chủ trương bản ngã và thế giới thường trú, thuộc trong bốn trường hợp, chừng ấy không hơn.

(i.1.d) “Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn, là người có trí tuệ nhạy bén, có năng lực quán sát khéo, và bằng trí tuệ nhạy bén ấy, phương tiện quán sát, nghĩa là suy xét kỹ, rồi bằng những điều mà mình đã thấy, và bằng tài biện thuyết của mình, tuyên bố rằng: ‘Bản ngã và thế gian thường tồn.’ Đó là quan điểm thứ tư. Sa-môn, Bà-la-môn nhân đó đối với bổn kiếp bổn kiến chủ trương ‘bản ngã và thế gian thường tồn’, thuộc trong bốn trường hợp, chừng ấy không hơn.

“Duy chỉ Như Lai biết rõ những cơ sở quan điểm này[26] được nắm bắt như vậy, được giữ chặt như vậy, và cũng biết sẽ có báo ứng như vậy. Sở tri của Như Lai vượt qua những thứ ấy. Tuy biết nhưng không chấp trước. Do không chấp trước nên được tịch diệt[27]. Biết sự tập khởi của thọ; biết sự diệt tận, vị ngọt, sự tai hại và sự xuất yếu của thọ, bằng chánh quán mà được vô dư giải thoát, vì vậy được gọi là Như Lai.

“Đó gọi là, còn có pháp khác, là ánh sáng của đại pháp sâu xa vi diệu, để cho đệ tử Hiền Thánh có thể tán thán Như Lai một cách chơn thật, bình đẳng.[28]

(i.2) “Lại còn có pháp khác, là ánh sáng của đại pháp sâu xa vi diệu, để cho đệ tử Hiền Thánh có thể tán thán Như Lai một cách chơn thật, bình đẳng. Đó là pháp gì?

“Một số Sa-môn, Bà-la-môn y bổn kiếp bổn kiến đề lên luận thuyết rằng ‘Bản ngã và thế gian, một nửa thường hằng và một nửa không thường hằng.[29] ’ Các Sa-môn, Bà-la-môn nào nhân đó đối với bổn kiếp bổn kiến chủ trương bản ngã và thế gian một nửa thường hằng và một nửa không thường hằng, đều thuộc trong bốn trường hợp này; chừng ấy không hơn.

(i.2.a) “Hoặc có một thời gian, kiếp này bắt đầu chuyển thành[30]. Một số chúng sanh khác phước hết, mạng dứt, hành dứt, từ trời Quang Âm[31] mạng chúng sanh vào Phạm thiên trống không[32], tức thì ở nơi ấy nó sanh tâm yêu thích[33], lại ước nguyện có các chúng sanh khác cùng sanh đến chỗ này. Chúng sanh này sau khi sanh tâm yêu thích và có ước nguyện như vậy rồi, lại có các chúng sanh khác mà mạng, hành và phước đều hết, chết ở trời Quang Âm sanh đến Phạm thiên trống không. Chúng sanh này bèn nghĩ: ‘Ở đây, Ta là Phạm, Đại phạm. Ta tự nhiên hiện hữu, không có ai tạo ra ta. Ta biết hết thảy nghĩa thú[34]. Ta tự tại trong một nghìn thế giới, là tôn quý bậc nhất, có khả năng biến hóa, vi diệu bậc nhất. Là tổ phụ của chúng sanh, độc nhất mình ta hiện hữu trước nhất. Chúng sanh khác [90c] đến sau. Chúng sanh đến sau này đều do ta hóa thành.’ Chúng sanh sanh đến sau kia lại có ý nghĩ như vầy: ‘Vị kia là Đại Phạm. Vị kia có khả năng tự tạo, không có ai là người sáng tạo ra vị ấy. Ngài biết rõ hết nghĩa thú; tự tại trong một nghìn thế giới, tôn quý bậc nhất, có khả năng biến hóa, vi diệu bậc nhất. Là cha của chúng sanh, riêng vị ấy hiện hữu trước nhất. Chúng ta hiện hữu sau. Chúng sanh chúng ta đều do vị ấy hóa thành.’

“Chúng sanh ở Phạm thiên kia khi mạng và hành đã hết bèn sanh đến thế gian này. Rồi trưởng thành dần, và rồi cạo bỏ râu tóc, bận ba pháp y, xuất gia tu đạo, cho đến nhập tâm định. Do tâm định tĩnh, người ấy tự mình biết được đời trước, bèn nói như vầy: ‘Đại Phạm kia có khả năng tự tạo; không do ai tạo ra. Ngài biết hết nghĩa thú, tự tại trong một nghìn thế giới, là tôn quý bậc nhất, có khả năng biến hóa, vi diệu bậc nhất. Là cha của chúng sanh, thường hằng bất biến. Nhưng các chúng sanh do Phạm thiên kia sáng tạo như chúng ta, chúng ta thì vô thường biến dịch, không tồn tại lâu dài. Vì vậy biết rằng bản ngã và thế gian nửa thường hằng và nửa không thường hằng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’ Đó là trường hợp thứ nhất. Sa-môn, Bà-la-môn nhân đó y bổn kiếp bổn kiến đề khởi luận thuyết nửa thường hằng nửa không thường hằng, thuộc trong bốn trường hợp, chừng ấy không hơn.

(i.2.b) “Hoặc có chúng sanh thích vui đùa, biếng nhác, [35] thường[36] vui đùa lấy làm thỏa thích. Các chúng sanh ấy khi vui đùa thỏa thích, thân thể mệt mỏi, bèn thất ý[37]. Do thất ý mà mạng chung, sanh đến thế gian; tuổi lớn dần, cạo bỏ râu tóc, bận ba pháp y, xuất gia tu đạo, nhập định ý tam-muội, do với tâm định tĩnh, tự mình biết được đời trước, bèn nói như vầy: ‘Các chúng sanh còn lại kia do không vui đùa thỏa thích nhiều nên thường trú ở chỗ kia. Ta do vui đùa thỏa thích nhiều nên phải chịu vô thường, là pháp biến dịch. Vì vậy, ta biết rằng: bản ngã và thế gian nửa thường hằng nửa không thường hằng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’ Đó là trường hợp thứ hai; Sa-môn Bà-la-môn nhân đó đối với bổn kiếp bổn kiến đề khởi luận thuyết rằng bản ngã và thế giới nửa thường nửa vô thường; thuộc trong bốn trường hợp. Chừng ấy không hơn.

(i.2.c) “Hoặc có chúng sanh sau khi dòm ngó nhau, liền thất ý[38]. Do thất ý mà mạng chung, sanh đến thế gian; tuổi lớn dần, cạo bỏ râu tóc, bận ba pháp y, xuất gia tu đạo, nhập định ý tam-muội, tùy với tâm định tĩnh, tự mình biết được đời trước, bèn nói như vầy: ‘Các chúng sanh còn lại kia do không dòm ngó nhau nên không thất ý. Vì vậy, chúng thường trú bất biến. Chúng ta vì thường xuyên [91a] dòm ngó nhau; sau khi dòm ngó nhau thường xuyen liền thất ý, khiến cho phải vô thường, là pháp biến dịch. Ta vì vậy biết rằng bản ngã và thế gian nửa thường hằng nửa không thường hằng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’ Đó là trường hợp thứ ba, các Sa-môn, Bà-la-môn nhân đó y bổn kiếp bổn kiến đề xuất luận thuyết rằng bản ngã và thế giới nửa thường nửa vô thường; thuộc trong bốn trường hợp. Chừng ấy không hơn.

(1.2.d) “Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn, là người có trí tuệ nhạy bén, có năng lực quán sát khéo, và bằng trí tuệ quán sát nhạy bén ấy, và bằng trí biện thuyết của mình, tuyên bố rằng: ‘Bản ngã và thế gian nửa thường nửa không thường.’ Đó là quan điểm thứ tư, Sa-môn, Bà-la-môn nhân đó y bổn kiếp bổn kiến chủ trương ‘bản ngã và thế gian thường tồn’, thuộc trong bốn trường hợp. Chừng ấy không hơn.

“Duy chỉ Như Lai biết rõ những cơ sở quan điểm này được nắm bắt như vậy, được giữ chặt như vậy, và cũng biết sẽ có báo ứng như vậy. Sở tri của Như Lai vượt qua những thứ ấy. Tuy biết nhưng không bị chấp trước. Do không bị chấp trước nên được tịch diệt. Biết sự tập khởi của thọ; biết sự diệt tận, vị ngọt, sự tai hại và sự xuất yếu của thọ, do chánh quán mà được vô dư giải thoát, vì vậy được gọi là Như Lai.

“Đó gọi là, còn có pháp khác, là ánh sáng của đại pháp sâu xa vi diệu, để cho đệ tử Hiền Thánh có thể tán thán Như Lai một cách chơn thật, bình đẳng.

(3) “Lại còn có pháp khác, là ánh sáng của đại pháp sâu xa vi diệu, để cho đệ tử Hiền Thánh có thể tán thán Như Lai một cách chơn thật, bình đẳng. Đó là pháp gì?

“Một số Sa-môn, Bà-la-môn y bổn kiếp bổn kiến đề lên luận thuyết rằng ‘Bản ngã và thế gian là hữu biên và vô biên.[39] ’ Các Sa-môn, Bà-la-môn nào nhân đó y bổn kiếp bổn kiến chủ trương bản ngã và thế gian hữu biên và vô biên, thuộc trong bốn trường hợp. Chừng ấy không hơn.

(i.3.a) “Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn, bằng vô số phương tiện tinh cần mà chứng nhập tâm định. Với với tâm định tĩnh, vi ấy quán sát thế gian và khởi lên biên tưởng[40], nói rằng: ‘Thế gian là hữu biên[41]. Đây là thật, ngoài ra là dối. Vì sao? Ta bằng vô số phương tiện nhập định ý tam-muội. Với với tâm định tĩnh, tôi quán sát thấy rằng thế gian có biên tế. Vì vậy biết rằng thế gian là hữu biên. Đây là thật, ngoài ra là dối.’ Đó là trường hợp thứ nhất, Sa-môn, Bà-la-môn nhân đó y bổn kiếp bổn kiến đề xướng luận thuyết rằng bản ngã và thế giới hữu biên, thuộc trong bốn trường hợp. Chừng ấy không hơn.

(i.3.b) “Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn, bằng vô số phương tiện tinh cần mà chứng nhập tâm định. Với với tâm định tĩnh, vị ấy quán sát thế gian [91b] và khởi lên vô biên tưởng, nói rằng: ‘Thế gian là vô biên. Đây là thật, ngoài ra là dối. Vì sao? Ta bằng vô số phương tiện nhập định ý tam-muội. Với với tâm định tĩnh, quán sát thấy rằng thế gian không có biên tế. Vì vậy biết rằng thế gian là hữu biên. Đây là thật, ngoài ra là dối.’ Đó là trường hợp thứ hai, Sa-môn, Bà-la-môn nhân đó y bổn kiếp bổn kiến đề xướng luận thuyết rằng bản ngã và thế giới vô biên, thuộc trong bốn trường hợp. Chừng ấy không hơn.

(i.3.c) “Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn, bằng vô số phương tiện tinh cần mà chứng nhập tâm định. Với với tâm định tĩnh, vi ấy quán sát thế gian, thấy rằng phương trên có biên, bốn phương không có biên[42], vị ấy nói rằng: ‘Thế gian vừa hữu biên vừa vô biên. Đây là thật, ngoài ra là dối. Vì sao? Ta bằng vô số phương tiện nhập định ý tam-muội. Với với tâm định tĩnh, quán sát thấy phương trên có biên còn bốn phương không có biên. Vì vậy biết rằng thế gian vừa hữu biên vừa vô biên. Đây là thật, ngoài ra là dối.’ Đó là trường hợp thứ ba, Sa-môn, Bà-la-môn nhân đó y bổn kiếp bổn kiến đề xướng luận thuyết rằng bản ngã và thế giới vô biên, thuộc trong bốn trường hợp. Chừng ấy không hơn.

(i.3.d) “Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn, là người có trí tuệ nhạy bén, có năng lực quán sát khéo, rồi bằng trí tuệ quán sát nhạy bén, và bằng trí biện thuyết của mình, tuyên bố rằng: ‘Bản ngã và thế gian không phải hữu biên, không phải vô biên.’ Đó là trường hợp thứ tư, Sa-môn, Bà-la-môn nhân đó y bổn kiếp bổn kiến chủ trương ‘bản ngã và thế gian hữu biên hay vô biên’, thuộc trong bốn trường hợp. Chừng ấy không hơn.

“Duy chỉ Như Lai biết rõ những cơ sở quan điểm này được nắm bắt như vậy, được giữ chặt như vậy, và cũng biết sẽ có báo ứng như vậy. Sở tri của Như Lai vượt qua những thứ ấy. Tuy biết nhưng không bị chấp trước. Do không bị chấp trước nên được tịch diệt; biết sự tập khởi của thọ; biết sự diệt tận, vị ngọt, sự tai hại và sự xuất yếu của thọ, do chánh quán mà được vô dư giải thoát, vì vậy được gọi là Như Lai.

“Đó gọi là, còn có pháp khác, là ánh sáng của đại pháp sâu xa vi diệu, để cho đệ tử Hiền Thánh có thể tán thán Như Lai một cách chơn thật, bình đẳng.

(i.4) “Lại còn có pháp khác, là ánh sáng của đại pháp sâu xa vi diệu, để cho đệ tử Hiền Thánh có thể tán thán Như Lai một cách chơn thật, bình đẳng. Đó là pháp gì?

“Có các Sa-môn, Bà-la-môn, y bổn kiếp bổn kiến, được hỏi khác nhưng trả lời khác[43]. Những vị ấy mỗi khi có người hỏi điều này hay điều khác, được hỏi khác, trả lời khác, thuộc trong bốn trường hợp. Chừng ấy không hơn. Các Sa-môn, Bà-la-môn nhân đó y bổn kiếp bổn [91c] kiến, hỏi khác đáp khác, thuộc trong bốn trường hợp. Chừng ấy không hơn.

(i.4.a) “Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn có luận thuyết như vầy, quan điểm như vầy: ‘Tôi không thấy, không biết rằng thiện ác có quả báo chăng? không có quả báo chăng?’ Vì tôi không thấy, không biết nên nói như vầy: ‘Thiện ác có quả báo chăng? không có quả báo chăng? Thế gian có những Sa-môn, Bà-la-môn quảng bác, đa văn, thông minh, trí tuệ, thường ưa nhàn tĩnh, cơ biện tinh vi, được người đời tôn trọng, có thể bằng trí tuệ phân tích khéo léo các quan điểm. Giả sử họ hỏi tôi những nghĩa lý sâu sắc, tôi không thể đáp. Vì thẹn với vị ấy; vì sợ vị ấy, tôi phải dựa vào sự trả lời ấy làm chỗ quy y, làm hòn đảo, làm mái nhà, làm cứu cánh đạo. Giả sử kia có hỏi, tôi sẽ đáp như vầy: ‘Việc này như thế. Việc này là thật. Việc này khác. Việc này không khác. Việc này không phải khác, không phải không khác.’ Đó là trường hợp thứ nhất, Sa-môn, Bà-la-môn nhân đó hỏi khác đáp khác, thuộc trong bốn trường hợp. Chừng ấy không hơn.

(i.4.b) “Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn có luận thuyết như vầy, quan diểm như vầy: ‘Tôi không thấy, không biết có thế giới khác chăng? không có thế giới khác chăng? Trong đời có các Sa-môn, Bà-la-môn, bằng thiên nhãn trí, tha tâm trí, có thể thấy những việc xa xôi. Những việc ấy tuy gần người khác nhưng người khác không thấy. Những người như vậy có thể biết có thế giới khác hay không có thế giới khác. Tôi không biết, không thấy có thế giới khác hay không có thế giới khác. Nếu tôi nói, thì đó là nói dối. Vì ghét nói dối, sợ nói dối. Vì vậy, để làm chỗ quy y, làm hòn đảo, làm mái nhà, làm cứu cánh đạo, giả sử kia có hỏi, tôi sẽ đáp như vầy: ‘Việc này như vậy. Việc này là thật. Việc này khác. Việc này không khác. Việc này không phải khác, không phải không phải không khác.’ Đó là trường hợp thứ hai, Sa-môn, Bà-la-môn nhân đó hỏi khác đáp khác, thuộc trong bốn trường hợp. Chừng ấy không hơn.

(i.4.c) “Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn có quan điểm như vầy, có luận thuyết như vầy: ‘Tôi không thấy, không biết thiện là gì, bất thiện là gì. Nếu tôi không thấy, không biết mà nói như vầy: đây là thiện, đây là bất thiện, thì do đây tôi sanh ái, từ ái sanh sân nhuế. Có ái, có nhuế, thì có thủ[44] sanh. Tôi vì muốn diệt trừ thủ nên xuất gia tu hành.’ Kia do ghét thủ, kinh sợ thủ, để làm chỗ quy y, làm hòn đảo, làm mái nhà, làm cứu cánh đạo, nên giả sử kia có hỏi, tôi sẽ trả lời như vầy: ‘Việc này như vậy. Việc này là thật. Việc này khác. Việc này không khác. Việc này không phải khác, không phải không khác.’ [92a] Đó là trường hợp thứ ba, Sa-môn, Bà-la-môn nhân đó hỏi khác đáp khác, thuộc trong bốn trường hợp. Chừng ấy không hơn.

(i.4.d) “Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn ngu si ám độn, khi có người hỏi, thì tùy theo người hỏi mà trả lời rằng: ‘Việc này như vậy. Việc này là thật. Việc này khác. Việc này không khác. Việc này không phải khác, không phải không khác.’ Đó là trường hợp thứ tư, Sa-môn, Bà-la-môn nhân đó hỏi khác đáp khác, thuộc trong bốn trường hợp. Chừng ấy không hơn.

“Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn, y bổn kiếp bổn kiến, hỏi khác đáp khác, tất cả thuộc trong bốn trường hợp. Chừng ấy không hơn.

“Duy chỉ Phật mới có thể biết rõ những cơ sở quan điểm này được nắm bắt như vậy, được giữ chặt như vậy, và cũng biết sẽ có báo ứng như vậy. Sở tri của Như Lai vượt qua những thứ ấy. Tuy biết nhưng không chấp trước. Do không chấp trước nên được tịch diệt. Biết sự tập khởi của thọ; biết sự diệt tận, vị ngọt, sựï tai hại và sự xuất yếu của thọ, do chánh quán mà được vô dư giải thoát, vì vậy được gọi là Như Lai.

“Đó gọi là, còn có pháp khác, là ánh sáng của đại pháp sâu xa vi diệu, để cho đệ tử Hiền Thánh có thể tán thán Như Lai một cách chơn thật, bình đẳng

(1.5) “Lại còn có pháp khác, là ánh sáng của đại pháp sâu xa vi diệu, để cho đệ tử Hiền Thánh có thể tán thán Như Lai một cách chơn thật, bình đẳng. Đó là pháp gì?

“Có các Sa-môn, Bà-la-môn, y bổn kiếp bổn kiến, chủ trương rằng không có nguyên nhân mà xuất hiện có thế gian này. Chủ trương ấy thuộc hai trường hợp. Y bổn kiếp bổn kiến, chủ trương vô nhân mà xuất hiện có thế gian này[45], thuộc trong hai trường hợp. Chừng ấy không hơn.

“Sa-môn, Bà-la-môn kia nhân sự kiện gì, y bổn kiếp bổn kiến, chủ trương vô nhân mà có, thuộc trong hai trường hợp, chừng ấy không hơn?

(i.5.a) “Có hạng chúng sanh vô tưởng, vô tri[46]. Khi chúng sanh kia sanh khởi tưởng, tức thì mạng chung, sanh đến thế gian này; rồi dần dần khôn lớn, cạo bỏ râu tóc, bận ba pháp y, xuất gia tu đạo, cho đến chứng nhập tâm định. Bằng với tâm định tĩnh mà biết được gốc đời trước của mình, vị ấy bèn nói như vầy: ‘Tôi vốn không có. Nay bỗng nhiên có. Thế gian này vốn không, nay có. Đây là thật, ngoài ra là dối.’ Đó là trường hợp thứ nhất, các Sa-môn, Bà-la-môn nhân đó, y bổn kiếp bổn kiến, chủ trương không nhân mà có, thuộc trong hai trườnghợp, chừng ấy không hơn.

(i.5.b) “Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn có trí tuệ nhạy bén, có khả năng quán sát khéo léo. Vị ấy bằng trí tuệ quán sát nhạy bén, bằng trí tuệ biện luận của mình, nói như vầy: ‘Thế gian này hiện hữu không do nhân. Đây là thật, ngoài ra là dối.’ Đó là trường hợp thứ hai, các Sa-môn, Bà-la-môn nhân đó, y bổn kiếp bổn kiến, chủ trương không nhân mà [92b] hiện hữu, mà có thế gian này, thuộc trong hai trường hợp, chừng ấy không hơn.

“Duy chỉ Phật mới có thể biết… (như trên).

“Các Sa-môn, Bà-la-môn, y bổn kiếp bổn kiến, với vô số trường hợp khác nhau, mỗi người tùy ý lập thuyết; tất cả được thâu tóm trong 18 trường hợp. Bổn kiếp bổn kiến, với vô số trường hợp, tùy ý lập thuyết, thuộc trong mười tám trường hợp, chừng ấy không hơn. Duy chỉ Phật mới có thể biết… (như trên).

 

(ii) “Lại có pháp khác, là ánh sáng của đại pháp vi diệu, thâm sâu. Đó là pháp gì? Có các Sa-môn, Bà-la-môn, y mạt kiếp mạt kiến, với vô số trường hợp, tùy ý lập thuyết, gồm bốn mươi bốn trường hợp, chừng ấy không hơn.

“Các Sa-môn, Bà-la-môn kia, nhân sự kiện gì, y mạt kiếp mạt kiến, với vô số trường hợp, tùy lý lập thuyết, thuộc trong bốn mươi bốn trường hợp, chừng ấy không hơn?

(ii.1) “Có các Sa-môn, Bà-la-môn, y mạt kiếp mạt kiến, sanh hữu tưởng luận, nói rằng thế gian có tưởng, tất cả thuộc trong mười sáu trường hợp. Y mạt kiếp mạt kiến, sanh hữu tưởng luận, nói rằng thế gian có tưởng, thuộc trong mười sáu trường hợp, chừng ấy không hơn.

“Các Sa-môn, Bà-la-môn kia, nhân sự kiện gì, y mạt kiếp mạt kiến, sanh tưởng luận, nói rằng thế gian có tưởng, thuộc trong mười sáu trường hợp, chừng ấy không hơn?

(ii.1.a) “Có các Sa-môn, Bà-la-môn có luận thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: ‘Ta, sau đời này,[47] sanh có tưởng có sắc. [48] Đây là thật, ngoài ra là dối.’72 Đó là trường hợp thứ nhất, các Sa-môn, Bà-la-môn nhân đó, y mạt kiếp mạt kiến, sanh hữu tưởng luận, nói thế gian có tưởng, thuộc trong mười sáu luận chấp, chừng ấy không hơn.

(ii.1.b) “Có người nói: ‘Ta, sau đời này, sanh không sắc, có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’ 

(ii.1.c) “Có người nói: ‘Ta, sau đời này, sanh vừa có sắc vừa không sắc, có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’

(ii.1.d) “Có người nói: ‘Ta, sau đời này, sanh không phải có sắc không phải không sắc, có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’

(ii.1.e) “Có người nói: ‘Ta, sau đời này, sanh có biên,[49] có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’   

(ii.1.f)  “Có người nói: ‘Ta, sau đời này, sanh không biên, có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’           

(ii.1.g)  “Có người nói: ‘Ta, sau đời này, sanh vừa có biên vừa không biên, có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’

(ii.1.h) “Có người nói: ‘Ta, sau đời này, sanh không phải có biên cũng không phải không biên, có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’

(ii.1.i) “Có người nói: ‘Ta, sau đời này, sanh mà thuần có [92c] lạc, có tuởng.[50] Đây là thật, ngoài ra là dối.’       

(ii.1.j) “Có người nói: ‘Bản ngã, sau đời này, sanh mà thuần có khổ, có tưởng[51]. Đây là thật, ngoài ra là dối.’

(ii.1.k) “Có người nói: ‘Bản ngã, sau đời này, sanh vừa có khổ vừa có lạc, có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’          

(ii.1.l) “Có người nói: ‘Ta, sau đời này, sanh không phải khổ, không phải lạc, có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’

(ii.1.m) “Có người nói: ‘Ta, sau đời này, sanh có một tưởng[52]. Đây là thật, ngoài ra là dối.’

(ii.1.n) “Có người nói: ‘Ta, sau đời này, sanh có đa biệt tưởng[53]. Đây là thật, ngoài ra là dối.’

(ii.1.o) “Có người nói: ‘Ta, sau đời này, sanh có ít tưởng[54]. Đây là thật, ngoài ra là dối.’

(ii.1.p) “Có người nói: ‘Ta, sau đời này, sanh có vô lượng tưởng[55]. Đây là thật, ngoài ra là dối.’

“Đó là mười sáu trường hợp, các Sa-môn, Bà-la-môn nhân đó, y mạt kiếp mạt kiến, sanh hữu tưởng luận, nói thế gian có tưởng, thuộc trong mười sáu trường hợp, chừng ấy không hơn.

“Duy chỉ Phật mới có thể biết, cũng như vậy… (như trên).

(ii.2) “Lại có pháp khác, là ánh sáng của đại pháp vi diệu, thâm sâu. Đó là pháp gì? Có các Sa-môn, Bà-la-môn, y mạt kiếp mạt kiến, sanh vô tưởng luận[56], nói thế gian không có tưởng. Tất cả thuộc vào trong tám trường hợp. Y mạt kiếp mạt kiến, sanh vô tưởng luận, thuộc trong tám trường hợp này, chừng ấy không hơn.

“Các Sa-môn, Bà-la-môn kia, nhân sự kiện gì, y mạt kiếp mạt kiến, sanh vô tưởng luận, nói thế gian không có tưởng, thuộc trong tám trường hợp, chừng ấy không hơn?

(ii.2.a) “Có các Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như vầy, quan điểm như vầy: ‘Ta, sau đời này, sanh có sắc, không có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’

(ii.2.b) “Có người nói: ‘Ta, sau đời này, sanh không có sắc, không có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’

(ii.2.c) “Có người nói: ‘Ta, sau đời này, sanh vừa có sắc vừa không sắc, không có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’

(ii.2.d) “Có người nói: ‘Ta, sau đời này, không phải có sắc cũng không phải không có sắc, không có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’

(ii.2.e)  “Có người nói: ‘Ta, sau đời này, sanh có biên, không có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’

(ii.2.f) “Có người nói: ‘Ta, sau đời này, sanh không có biên, không có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’

(ii.2.g) “Có người nói: ‘Ta, sau đời này, sanh vừa có biên vừa không có biên, không có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’

(ii.2.h) “Có người nói: ‘Ta, sau đời này, sanh không phải có biên không phải không có biên, không có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’

“Đó là tám trường hợp. Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nhân đó, y mạt kiếp mạt kiến, sanh vô tưởng luận, nói thế gian không có tưởng; tất cả thuộc trong tám trường hợp, chừng ấy không hơn.

“Duy chỉ Phật mới có thể biết, cũng vậy (như trên).

(ii.3) “Lại có pháp khác, là ánh sáng của đại pháp vi diệu, sâu xa. Đó là pháp gì? Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn, y mạt kiếp mạt kiến, sanh phi tưởng phi phi tưởng luận[57], nói thế gian không phải có tưởng không phải không có tưởng. [93a] Tất cả thuộc trong tám trường hợp. Y mạt kiếp mạt kiến, chủ trương phi tưởng phi phi tưởng luận, thuộc trong tám trường hợp, chừng ấy không hơn.

“Sa-môn, Bà-la-môn kia, nhân sự kiện gì, y mạt kiếp mạt kiến, chủ trương phi tưởng phi phi tưởng luận, thuộc trong tám trường hợp, chừng ấy không hơn?

(ii.3.a) “Có Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như vầy, quan điểm như vầy: ‘Ta, sau đời này, sanh có sắc, không phải có tưởng không phải không có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’

(ii.3.b) “Có Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như vầy, quan điểm như vầy: ‘Ta, sau đời này, sanh không có sắc, không phải có tưởng không phải không có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’

(ii.3.c) “Có Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như vầy, quan điểm như vầy: ‘Ta, sau đời này, sanh vừa có sắc vừa không sắc, không phải có tưởng không phải không có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’

(ii.3.d) “Có Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như vầy, quan điểm như vầy: ‘Ta, sau đời này, sanh không phải có sắc không phải không có sắc, không phải có tưởng không phải không có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’

(ii.3.e) “Có Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như vầy, quan điểm như vầy: ‘Ta, sau đời này, sanh có biên, không phải có tưởng không phải không có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’

 (ii.3.f) “Có Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như vầy, quan điểm như vầy: ‘Ta, sau đời này, sanh không có biên, không phải có tưởng không phải không có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’

(ii.3.g) “Có Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như vầy, quan điểm như vầy: ‘Ta, sau đời này, sanh vừa có biên vừa không có biên, không phải có tưởng không phải không có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’

(ii.3.h) “Có Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như vầy, quan điểm như vầy: ‘Ta, sau đời này, sanh không phải có biên không phải không có biên, không phải có tưởng không phải không có tưởng. Đây là thật, ngoài ra là dối.’

“Đó là tám trường hợp. Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào nhân đó, y mạt kiếp mạt kiến, sanh phi hữu tưởng phi vô tưởng, nói thế gian không phải có tưởng không phải không có tưởng, thảy đều thuộc trong tám trường hợp, chừng ấy không hơn.

“Duy chỉ Phật mới có thể biết, cũng vậy… như trên.

(ii.4) “Lại có pháp khác, là ánh sáng của pháp vi diệu, sâu xa. Pháp đó là gì? Có các Sa-môn, Bà-la-môn, y mạt kiếp mạt kiến, khởi lên đoạn diệt luận[58], nói rằng chúng sanh hoàn toàn đoạn diệt; tất cả thuộc trong bảy trường hợp. Y mạt kiếp mạt kiến, khởi đoạn diệt luận, nói rằng chúng sanh hoàn toàn đoạn diệt, thuộc trong bảy trường hợp, chừng ấy không hơn.

“Sa-môn, Bà-la-môn kia, nhân sự kiện gì, y mạt kiếp mạt kiến, khởi đoạn diệt luận, nói chúng sanh hoàn toàn đoạn diệt, thuộc trong bảy trường hợp, chừng ấy không hơn?

(ii.4.a) “Có Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như vầy, quan điểm như vầy: ‘Ta, với thân bốn đại, sáu xứ, do cha mẹ sanh, được nuôi nấng bằng sữa; trưởng thành nhờ áo cơm, nhờ vuốt ve, bồng ẳm; nhưng là vô thường, chắc chắn đi đến chỗ huỷ diệt.’[59]  Cho đến mức ấy, được gọi là đoạn diệt. Đó là trường hợp thứ nhất.

(ii.4.b) “Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn nói như vầy: ‘Cái ta đây không thể gọi là đoạn diệt. Cái ta [93b] dục giới thiên[60] mới đoạn diệt hoàn toàn; cho đến mức ấy mới là đoạn diệt.’ Đó là trường hợp thứ hai.

(ii.4.c) “Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn nói như vầy: ‘Đấy không phải là đoạn diệt. Ta sắc giới,  có thân hóa sanh, các căn đầy đủ[61], đoạn diệt hoàn toàn không còn gì; chừng mức ấy mới gọi là đoạn diệt.’

(ii.4.d) “Hoặc có người nói: ‘Đấy không phải là đoạn diệt. Ta vô sắc giới, ở không vô biên xứ xứ mới đoạn diệt.’

(ii.4.e) “Hoặc có người nói: ‘Đấy không phải là đoạn diệt. Ta vô sắc, thuộc thức vô biên xứ mới đoạn diệt.’

(ii.4.f) “Hoặc có người nói: ‘Đấy không phải đoạn diệt. Ta vô sắc, thuộc vô sở hữu xứ mới đoạn diệt.’

(ii.4.g) “Hoặc có người nói: ‘Đấy không phải là đoạn diệt. Ta vô sắc, ở phi thưởng phi tưởng xứ mới đoạn diệt.’ Đó là đoạn diệt thứ bảy.

“Đó là bảy trường hợp, các Sa-môn, Bà-la-môn nhân đó, y mạt kiếp mạt kiến, nói các loại chúng sanh đoạn diệt hoàn toàn, thuộc trong bảy trường hợp, chừng ấy không hơn.

“Duy chỉ Phật mới có thể biết, cũng vậy …(như trên).

(ii.5) “Lại có pháp, là ánh sáng của đại pháp vi diệu, sâu xa. Đó là pháp gì? Có Sa-môn, Bà-la-môn, y mạt kiếp mạt kiến, đề xuất hiện tại Niết-bàn luận[62], nói rằng chúng sanh trong hiện tại có Niết-bàn; thảy đều thuộc trong năm trường hợp. Y mạt kiếp mạt kiến, chủ trương hiện tại Niết-bàn luận, thuộc trong năm kiến, chừng ấy không hơn.

“Sa-môn, Bà-la-môn kia, nhân sự kiện gì, y mạt kiếp mạt kiến, nói rằng chúng sanh trong hiện tại có Niết-bàn, thuộc trong năm trường hợp, chừng ấy không hơn?

(ii.5.a)“Có Sa-môn, Bà-la-môn có quan điểm như vầy, luận thuyết như vầy: ‘Ta trong hiện tại phóng túng theo năm dục, ấy là ta đạt Niết-bàn trong hiện tại.’ Đó là trường hợp thứ nhất.

(ii.5.b) “Lại có Sa-môn, Bà-la-môn nói như vầy: ‘Đó là hiện tại Niết-bàn, chớ không phải là không đúng. Nhưng còn có Niết-bàn vi diệu bậc nhất mà ngươi không biết; chỉ ta biết mà thôi.[63] Như ta ly dục, ly ác bất thiện pháp, có tầm có tứ, hỷ lạc do định sanh, nhập sơ thiền. ’ Đây mới là hiện tại Niết-bàn.’ Đó là trường hợp thứ hai.

(ii.5.c) “Lại có Sa-môn, Bà-la-môn nói như vầy: ‘Đó là hiện tại Niết-bàn, chớ không phải là không đúng. Nhưng có Niết-bàn hiện tại vi diệu bậc nhất mà ngươi không biết; [64] chỉ mình ta biết mà thôi. Như ta diệt tầm tứ, nội tâm tịch tĩnh, nhất tâm, không tầm không tứ, hỷ lạc do định sanh, nhập đệ nhị thiền. Chừng ấy mới gọi là hiện tại Niết-bàn.’ Đó là trường hợp thứ ba.

(ii.5.d) “Lại có Sa-môn, Bà-la-môn nói như vầy: ‘Đó là hiện tại Niết-bàn, chớ không phải là không đúng. Nhưng có Niết-bàn hiện tại vi diệu bậc nhất mà ngươi không biết; chỉ mình ta biết mà thôi. Như ta lìa hỷ, an trú[93c] xả và niệm, nhất tâm, thân cảm thọ lạc, điều mà Thánh nói, an trú lạc và xả, nhập đệ tam thiền. Chừng ấy mới là hiện tại Niết-bàn.’ Đó là trường hợp thứ tư.

(ii.5.e) “Lại có Sa-môn, Bà-la-môn nói như vầy: ‘Đó là hiện tại Niết-bàn, không phải là không đúng. Nhưng còn hiện tại Niết-bàn vi diệu bậc nhất mà ngươi không biết. Chỉ mình ta biết thôi. Như ta lạc diệt, khổ diệt, ưu hỷ đã diệt trừ trước, không khổ không lạc, xả, niệm thanh tịnh, nhập đệ tứ thiền. Ấy mới gọi là hiện tại Niết-bàn.’ Đó là trường hợp thứ năm. Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương hiện tại Niết-bàn luận, thuộc trong năm trường hợp, chừng ấy không hơn.

“Duy Phật mới có thể biết, cũng vậy… (như trên).

“Các Sa-môn, Bà-la-môn, y mạt kiếp mạt kiến, với vô số trường hợp, tùy ý lập thuyết, thuộc trong bốn mươi bốn trường hợp, chừng ấy không hơn.

“Duy Phật mới có thể biết các cơ sở quan điểm này, cũng như vậy (như trên).

“Các Sa-môn, Bà-la-môn, y bổn kiếp bổn kiến, mạt kiếp mạt kiến, với vô số trường hợp, tuỳ ý lập thuyết, tất cả thuộc trong sáu mươi hai trường hợp. Y bổn kiếp bổn kiến, mạt kiếp mạt kiến, với vô số trường hợp, tùy ý lập thuyết, tất cả thuộc trong sáu mươi hai trường hợp, chừng ấy không hơn.

“Duy chỉ Như Lai mới biết các cơ sở quan điểm ấy, cũng vậy (như trên).

“Các Sa-môn, Bà-la-môn, y bổn kiếp bổn kiến, chủ trương thường luận, nói: ‘Bản ngã và thế giới là thường.’ Sa-môn, Bà-la-môn kia ở nơi đó mà phát sanh trí. Nghĩa là, do tín dị biệt, dục dị biệt, văn dị biệt, duyên dị biệt, giác dị biệt, kiến dị biệt, định dị biệt, nhẫn dị biệt; họ nhân bởi đó mà phát sanh trí. Các vị đó vì có dao động, sợ hãi, [65] ấy là do bởi ái,[66] ... cho đến, hiện tại Niết-bàn, cũng lại như vậy.

“Các Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương thường trú luận, nói: ‘Thế gian là thường’, các vị ấy nhân bởi duyên là thọ mà khởi ái, sanh khởi ái, mà tự mình không hay biết, bị nhiểm trước bởi ái, bị khuất phục bởi ái[67], ... cho đến hiện tại Niết-bàn; cũng lại như vậy.

“Các Sa-môn, Bà-la-môn, y bổn kiếp bổn kiến, chủ trương thường trú luận, nói ‘Thế gian là thường’, các vị ấy do bởi duyên là xúc. Nếu lìa xúc duyên thì không thể lập luận, ... cho đến hiện tại Niết-bàn, cũng lại như vậy.

“Các Sa-môn, Bà-la-môn, y bổn kiếp bổn kiến, mạt kiếp mạt kiến, mỗi người tùy theo sở kiến mà nói; tất cả đều gồm trong sáu mươi hai kiến. Mỗi người tùy ý thuyết; thảy đều y trên đó, ở trong đó, chừng ấy không hơn. Cũng như người chài khéo, bằng tấm lưới dày mắt giăng trên ao nhỏ, nên biết, hết thảy các loài thủy tộc trong ao [94a] đều lọt vào lưới, không chỗ tránh thoát, chừng ấy không hơn. Cũng vậy, các Sa-môn, Bà-la-môn, y bổn kiếp bổn kiến, mạt kiếp mạt kiến, với nhiều thuyết khác nhau, tất cả thuộc vào sáu mươi hai kiến, chừng ấy không hơn.

“Nếu Tỳ-kheo, đối với sự tập khởi của sáu xúc, sự diệt tận, vị ngọt, tai họa và sự xuất ly, mà biết rõ như thật, Tỳ-kheo ấy là người tối thắng, vượt ngoài các kiến ấy. Như Lai tự biết, sự sanh đã dứt, sở dĩ có thân là để phước độ Chư Thiên, nhân loại.[68] Nếu Như Lai không có thân, người đời không chỗ nương cậy. Cũng như cây đa-la bị chặt ngọn không còn sống trở lại nữa. Phật cũng vậy, đã đoạn sanh tử, vĩnh viễn không còn tái sanh.”

Khi Phật nói pháp này, đại thiên thế giới ba lần chuyển mình với sáu cách rung động. Lúc ấy, A-nan[69] đứng sau Phật đang cầm quạt hầu Phật, liền trịch áo bày vai phải, quỳ gối chắp tay bạch Phật rằng:

“Pháp này rất sâu xa, nên gọi tên là gì? Nên phụng trì như thế nào?’

Phật bảo A-nan:

“Nên đặt kinh này là Nghĩa động, Pháp động, Kiến động, Ma động, Phạm động[70].”

Bấy giờ A-nan sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.[71]

 


*  第三分[12]梵動經第二

 [1] Nguyên Hán: Phạm động 梵動.   Nhưng từ Phạm võng 梵網 được biến rộng rãi hơn. Hán dịch ở đây có lẽ đọc Brahmacala, thay vì Brahmajala. Xem Tỳ-bà-sa 8, 98, 126, 199; Du-già 64; Đại trí độ 4.

[2] Ma-kiệt  摩竭.  Pl.: Magadha.  No 21: Phật ở nước Câu-lưu 俱留國.

[3] Để bản: Trúc lâm 竹林. TNM: Trúc thôn 竹村. D. 1:Phật đang đi trên con đường giữa Rājagaha (thủ phủ của Magadha) và Nalandā.

[4]Hán: tại vuơng đường thượng 在王堂上. D 1.: tại Ambalatthikā, trong nhà nghỉ của vua.

[5] Phậm chí Thiện Niệm 梵志善念. Pl.: Supiyo paribbājako. No 21: Dị đạo Tu-ti 異道人須卑.

[6] Phạm-ma-đạt 梵摩達. Pl.: Brahmadatta. No 21. Pham-đạt ma-nạp 梵達摩納.

[7] Từ đây trở xuống cho hết phần về giới, nội dung đồng nhất với kinh “A-ma-trú”, nhưng văn dịch nhiều chỗ bất nhất.

[8] Hán: khoán yếu đoán đương,  thủ thọ để trái, hoạnh sanh vô đoan 券要斷當 … 取受觝債橫生無端. A-ma-trú: bất để trái, bất vu võng 不觝債不誣網.  

[9] Dứt phần tiểu giới (Pl. cūḷasīla).

[10] Hán: chủng thực thọ mộc qủy thần sở y 種植樹木鬼神所依, trồng các thứ cây cối có quỷ thần ở. Dịch nghĩa đen của từ Pl.: bhūta-gāma (Skt. bhūta-grama), thôn xóm quỷ thần; nghĩa thực chỉ các loại thực vật,cây cỏ.

[11] Hán: vô ích già đạo chi ngôn 無益遮道之言. Pl.: tiracchānakāham, súc sanh luận, chuyện thú vật, chuyện vô ích, không ích lợi cho sự tu đạo.

[12]  Hán: hiện tướng hủy thụ 現相毀呰; Pl.: nemittikā ca nippesikā.

[13] Dứt phần trung giới (majjhimasīla).

[14] Hán: hành già đạo pháp 行遮道法. Pl.: tiracchāna-vijjāya, bằng học thuật vô ích (súc sanh minh).

[15] Các khoa chú được kể, Pl.: vijjā, môn học, ngành học; cũng có nghĩa chú thuật (minh chú).

[16] Quỷ thần chú 鬼神咒; môn học liên quan đến quỷ thần; ma thuật. Pl.: bhūtavijjā; Sớ giải: bhūtavejjamanto, chú thuật chữa trị các thứ bịnh quỷ thần ám.

[17] Hán: chi tiết chú 支節咒; Pl.: aṅga-vijjā, chú (khoa học về) chân tay. Sớ giải: sau khi xem thấy xương ngón tay bèn luận đoán ‘người này là con nhà gia thế, hay không phải, vinh quang hay không.’

[18] Hán: nhất thiết âm thư 一切音書. Có lẽ Pali: saraparitta, Sơ giải: sararakkhaṇaṃ, chú hộ mạng, cứu hộ bằng âm vận.

[19] Phương diện sở tại 方面所在. Chưa xác định nghĩa. Gần tương đương Pl.: disāḍāha, lửa cháy ở các phương. Sớ giải: disākālusiyaṃ aggisikhadhūmasikhādihi ākulabhāvo, phương trời bị bao phủ bởi chóp lửa, hay chóp khói các thứ.

[20] Bổn kiếp bổn kiến 本劫本見, quan điểm về khởi nguyên của thế giới dựa kiếp quá khứ, nguyên thuỷ sáng thế luận. D 1.: pubbantakappikā pubbantādiṭṭhino

[21] Mạt kiếp mạt kiến 末劫末見, thế mạt luận. D 1.: aparanta-kappikā aparanta-diṭṭhiṃ.

[22] Hán: kiến 見. Pl.: vatthu, sự vật, cơ sở.

[23] Hán: thường luận 常論. Pl.: sassata-vādā, thuyết thường hằng, vĩnh cửu.

[24]. Cf. D 1 (i 14):so evaṃ āha: sassato attā ca loko ca vañjho kūṭaṭṭho esikaṭṭhāyiṭṭhito, te ca sattā sandhāvanti saṃsaranti cavanti upapajjanti, atthi tveva sassatisamaṃ... Vị ấy nói: “Bản ngã và thế giới là vĩnh hằng, không sinh sản (như thạch nữ), đứng thẳng, bất động như trụ đá. Các chúng sanh trong đó lưu chuyển, luân hồi, chết rồi tái sanh, tuy nhiên chúng vẫn thường tồn.”

[25] Trong bản Pl., ba trình độ nhớ thành ba quân điềm thường tồn: 1. Nhớ từ một đời cho đến trăm nghìn đời. 2. Nhớ từ một cho đến mười thành kiếp hoại kiếp. 3. Nhớ cho đến bốn mươi thành kiếp hoại kiếp.

[26] Hán:    kiến xứ 見處; Pl.: diṭṭhiṭṭhānā.

[27] Pl.: aparāmasato c’ assa paccattaṃ yeva nibbuti viditā, do không thủ trước nên nội tâm tịch tĩnh.

[28] Pl.: yathābhuccaṃ… sammā.

[29] Hán: bán thường bán vô thường 半常半無常. Pl.: ekaccaṃ sassataṃ ekaccaṃ asassataṃ.

[30] Trong bản Pl., trước đoạn này có một đoạn nói về thế giới chuyển hoại (ayaṃ loko saṃvaṭṭati).

[31] Quang âm thiên 光音天 (Cực quang thiên). Pl.: Ābhassara. No 21: A-vệ-hóa-la thiên 阿衛貨羅天.

[32] Không Phạm thiên 空梵天. Pl.: suññaṃ brahmaṇavimānaṃ, cung điện Phậm thiên trống không.  

[33] Sanh ái trước tâm  生愛著心. Pl.: (…) anabhirati paritassanā upapajjati, nó buồn chấn (không vui), khởi lên ước nguyện. Trong bản hán, hình như đọc abhirati (hoan hỷ) thay vì ananbhirati.

[34] Để bản: nghĩa điển 義 典, nên sửa lại nghĩa thú 義趣. Xem cht. 41, kinh 15 “A-nậu-di.” Pali: aññadatthudaso; Pl.: aññadatthudaso; đấng thấy khắp tất cả (biến nhẫn), theo phân tích hợp từ: aññad-atthu-dasa; nhưng Hán phân tích khác: añña-da(dā)-attha-dasa.  No 21: giải nghĩa 解義, cũng phân tch từ như bản Hán này.

[35] Pl.: khiḍḍapadosikā devā, có hạng Chư Thiên được gọi là Đam mê Hỷ tiếu. Cf. Câu-xá 5 (26c15): Hý vong niệm thiên 戲忘念天, một hạng chư thiên ở Dục giới. Xem thêm kinh 15 “A-nâụ-di” cht. 44. No 21: Cóa hạng trời gọi là Kỉ-đà-ba-đồ 幾陀波屠.

[36] Hán: sác sác 數 數; Pl.: ativelaṃ, quá lâu dài.

[37] Thất ý 失意.     Pl.: sati sammussati, thất niệm, mất chánh niệm, quên lãng.  

[38] Pl.: Có một hạng chư thiên gọi là manopadosikā, trong một thời gian dài chúng đố kỵ lẫn nhau, do đó tâm của chúng bị ô nhiễm (te ativelaṃ aññamaññaṃ upanijhāynti … cittāni nappadūsenti). Cf. Câu-xá 5 (tr.26c15): Ý phẫn nhuế thiên 意憤恚天, một hạng chư thiên ở Dục giới. No 21: Có hạng chư thiên gọi là Tán-đề 散提. nhìn nhau mà sân hận bèn rời khỏi bản tòa.

[39] Hán: Ngã cập thế gian hữu biên vô biên 我及世間有邊無邊. Các bản Hán đều có chữ ngã. Theo văn mạch tiếp theo, chữ ngã có thể này dư. Cf. No 21: ngã dữ thế gian hữu hạn vô hạn 我與世間有限無限. Cf. D.i. : antānantikā antānantaṃ lokassa paññapenti, nhãng nhà biên/ vô biên luận chủ trương thế giới hữu biên/ vô biên.

[40] Hán: khởi biên tưởng 起邊想. D.i. 22 ibid. yathā samāhite citte antasaññī lokasmiṃ viharati, “với tâm định tĩnh như vậy, vị ấy an trú trong thế giới với tưởng hữu biên (hữu hạn).”

[41] D.i.. ibid.: antavā ayaṃ loko parivaṭumo, thế giới này có biên tế, có giới hạn (có đường viền chung quanh). Sớ giải: nhận thức thế giới với hình ảnh phản chiếu là đường biên của vòng thiết luân (paṭibhāganimittaṃ cakkavāḷapariyantaṃ); không làm cho đường biên ấy lớn thêm, vị ấy an trú với ấn tượng hữu hạn.

[42] D.i.. ibid.: uddhamaddho antasaññī lokasmiṃ viharati, tiriyaṃ anantasaññī, vị ấy sống trong thế gian với ý tưởng phía trên và phía dưới hữu biên; chiều ngang vô biên.

[43] Hán: dị vấn dị đáp異問異答. Pl.: amarāvikkhepika, nhà ngụy biện (uốn lượn trườn lươn).

[44] Nguyên Hán: thọ 受. Pl.: upādāna. Cf. D.i. 25: tattha me assa chando vā rāgo vā doso vā paṭigho vā, (…), taṃ mamassa upādānaṃ … vighāto, “như vậy tôi sẽ có dục, cáo ái, có sân, có nhuế, … do đó có thủ, … do đó có tổn hại.

[45] Hán: vô nhân nhi xuất hữu thử thế gian 無因而出有此世間: vô nhân sanh khởi luận, voo nhân luận. Pl.: adhiccasamuppannavāda; Sớ giải: adhiccasamuppannan’ti akāraṇasamuppannaṃ.  D.i. 28:  adhiccasamuppannaṃ attānañ ca lokañ ca paññāpenti, chủ trương bản ngã và thế gian xuất hiện không do nguyên nhân nào.

[46] D.i. ibid.: asaññasattā nāma devā, có Chư Thiên được gọi là vô tưởng hữu tỳnh.

[47] Hán: thử chung hậu 此終後, sau khi chung cuộc, tức sau khi chết. Pl.: paraṃ maraṇā.

[48] Pl., thành cú: rūpī attā hoti arogo paraṃ maraṇā saññī, sau khi chết, tự ngã không bịnh, có sắc, có tưởng.

[49] Hán: hữu biên hữu tưởng 有邊有想. Pl.: antavā hoti... saññī, ngã là hữu biên (hữu hạn).

[50] Hán: nhất hướng lạc hữu tưởng 一向樂有想. Pl.: ekantasukhī… saññī.

[51] Nhất hướng hữu khổ 一向有苦. Pl.: ekantadukkhī .  

[52] Hán: hữu nhất tưởng 有一想. Pl.: ekattasaññī attā hoti, ngã chỉ có một tưởng.

[53] Hán: hữu nhược can tưởng 有若干想. Pl.: nānattasaññī attā hotit.

[54] Hán: hữu thiểu tưởng 有少想. Pl.: parittāsaññī..

[55] Hán: hữu vô lượng tưởng 有無量想. Pl.: appamāṇāsaññī.

[56] Vô tưởng luận 無想論. Pl.: uddhamāghatanikā asaññīvādā, chủ trương sau khi chết không có tưởng.

[57] Pl.: n’evasaṇṇīnāsaññīvādā.

[58] Đoạn diệt luận 斷滅論. Pl.: ucchedavādā, sattassa ucchedaṃ vināsaṃ vibhavaṃ, đoạn diệt luận, chúng sanh đoạn diệt, tiêu diệt, không tồn tại (sau khi chết).

[59] D.i. 34: ayaṃ attā rūpī cātummahābhutiko mātāpettikasambhavo; kayassa bhedā ucchijjati vinassati, na hoti param maraṇā, tự ngã này, có sắc, do 4 đại tạo thành, do cha mẹ sanh, khi bản thân bị rã, sau khi chết, thì nó bị đoạn diệt, tiêu diệt.

[60] Hán: ngã dục giới thiên 我欲界天. D.i.. ibid.: añño attā dibbo rūpī kāmāvacaro kabaliṅkārāhārabhakkho, có tự ngã khác, thuộc thiên giới, ở dục giới, có sắc, ăn bằng đoàn thực. Tức chỉ tự ngã của chư thiên thuộc Dục giới.

[61] Hán: ngã sắc giới hóa thân, chư căn cụ túc 我色界化身諸根具足. Tham chiếu Pl.: añño attā dibbo rūpī manomayo sabbaṅga-paccaṅgī ahīndriyo, có tự ngã khác, thuộc thiên giới, có sắc, do ý sanh, có đầy đủ tay chân chi tiết.

[62] Nguyên Hán: hiện tại nê-hoàn luận 現在泥洹論. Pl.: diṭṭhadhammanibbānavādā.

[63] Cf. D.i..ibid.: no ca kho bho ayaṃ attā ettavā paramadiṭṭhadhammanibbānapatto hoti. Taṃ kissa hetu ? Kāmā hi bho aniccā dukkhā vipariṇāma-dhammā, (...). Đó chưa phải là hiện tại tối thượng Niết-bàn. Vì sao ? Dục là vô thường, khổ, là pháp hoại diệt.

[64] Cf. D.i.. ibid.: taṃ kissa hetu? yadeva tattha vitakkitaṃ vicāritaṃ etenetaṃ oḷārikaṃ akkhāyati: Vì sao? Vì có tầm, có tứ, được nói thô. 

[65]  Để bản: hy hiện 希現, TNM: bố hiện 布現. Đề nghị đọc: bố hiện 怖現: sợ hãi hiện; nhưng chính xác hơn, nên hiểu là “sợ hãi và dao động.” Từ tương đương Pali: paritassitavipphandita. Xem thêm cht. 66 tiếp theo.

[66] Nguyên bản: thọ 受, đề nghị đọc là ái 愛. Cf. D.i. : tesaṃ… taṇhāgatānaṃ paritassita- vipphanditameva, “đó là sự kinh sợ, dao động, của những vị bị ái chi phối.” 

[67] Pl.: tad api tesaṃ bhavataṃ samaṇa-brāhmaṇānaṃ ajānataṃ apassataṃ vedayitaṃ taṇhāgatānaṃ paritasitavipphanditam eva, chủ trương ấy là cái không biết, không thấy, của các Sa-môn, Bà-la-môn ấy; là cái được cảm thọ, tức là cái dao động, kinh sợ bị chi phói bới khát ái.

[68] Cf. D.i. 46: ucchinnabhavanettiko tathāgatassa kāyo tiṭṭhati. yāvassa kāyo ṭhassati, tāva naṃ dakkhanti devamanussā.  thân Như lai tồn tại, đó là sự dẫn đạo của hữu đã bị cứt đứt. Chừng nào thân ấy còn tồn tại, khi ấy chư thiên và loài người còn nhìn thấy Như lai.

[69] No 21: Tỳ-kheo Na-da-hòa-lưu 那耶和留(?).

[70] Nghĩa động 義動, Pl.: Atthajāla: Nghĩa võng, cái lưới thâu tóm các ý nghĩa; Pháp động 法動, Pl.: Dhammajāla: Pháp võng, lưới của Pháp; Kiến động 見動, Pl.: Diṭṭhijāla: Kiến võng, lưới quan điểm; Ma động 魔動, không có từ này, nhưng tương đương: Anuttaro saṅgāmavijayo: Vô thượng chiến thắng. Vè từ Phạm động 梵動. Hình như trong bản Hán, các từ jāla: võng, lưới, đều được đọc là cāla: dao động.  No 21: Khi Phật Câu-lâu-tần nói kinh này, gọi là “Pháp võng” 法網 (Pl. Dhammajāla): . Khi Phật Ca-diếp nói kinh này, gọi là “Kiến võng” 見網 (Pl.: diṭṭhijāla). Nay Ta nói kinh này, gọi là “Phạm võng” 梵網 (Brahmajāla). Xem thêm cht. 1.

[71] Bản Hán, hết quyển 14.

22. Kinh chủng đức

22. KINH CHỦNG ĐỨC

[94a19] Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở tại Ương-già[1], cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người, du hành trong nhân gian, nghỉ đêm tại thành Chiêm-bà bên bờ hồ Già-già.

Lúc ấy có Bà-la-môn tên Chủng Đức[2] sống ở Chiêm-bà. Thành ấy nhân dân đông đúc, sầm uất, sung túc. Vua Ba-tư-nặc phong thành này cho Bà-la-môn ấy làm phạm phần[3].

Người Bà-la-môn này, bảy đời cha mẹ trở lại đều chơn chánh không bị người khác khi dễ[4], đọc tụng thông suốt ba bộ sách của dị học[5], có thể phân tích các thứ kinh thư; chỗ sâu xa của thế điển không thứ nào không nghiền ngẫm; lại giỏi xem tướng đại nhơn, xem thời tiết tốt xấu, nghi lễ tế tự. Ông có năm trăm đệ tử, dạy dỗ không bỏ phế.

Bấy giờ, trong thành Chiêm-bà các Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ, nghe tin Sa-môn Cù-đàm, con nhà họ Thích, xuất gia và thành đạo, từ Ương-già, du hành trong nhân gian, [94b] đến thành Chiêm-bà, ở bên bờ hồ Già-già. Ngài có tiếng tăm lớn, đồn khắp thiên hạ, là Như Lai, Chí chơn, Đẳng Chánh Giác, đầy đủ mười hiệu, ở giữa Chư Thiên, người đời, Ma hoặc Ma thiên, Sa-môn, Bà-la-môn, tự thân chứng ngộ, rồi thuyết pháp cho người[6], lời nói khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng cuối thảy đều chơn chánh, đầy đủ nghĩa và vị, phạm hạnh thanh tịnh. Bậc chơn nhơn như vậy nên đến viếng thăm. Nay ta cũng nên đến thăm Ngài.’ Nói như vậy xong, bèn rủ nhau ra khỏi thành Chiêm-bà, từng đoàn lũ lượt nối nhau, muốn đến chỗ Phật.

Lúc ấy, Bà-la-môn Chủng Đức đang ngồi trên đài cao, từ xa trông thấy đoàn người lũ lượt nối nhau, bèn quay hỏi người hầu:

“Những người ấy vì nhân duyên gì mà lũ lượt nối nhau, muốn đi đâu vậy?”

Người hầu thưa:

“Tôi nghe nói Sa-môn Cù-đàm, con nhà họ Thích, xuất gia và thành đạo, từ Ương-già, du hành trong nhân gian, đến thành Chiêm-bà, ở bên bờ hồ Già-già. Ngài có tiếng tăm lớn, đồn khắp thiên hạ, là Như Lai, Chí chơn, Đẳng Chánh Giác, đầy đủ mười hiệu, ở giữa Chư Thiên, người đời, Ma hoặc Ma thiên, Sa-môn, Bà-la-môn, tự thân chứng ngộ, rồi thuyết pháp cho người, lời nói khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng cuối thảy đều chơn chánh, đầy đủ nghĩa và vị, phạm hạnh thanh tịnh. Các Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ trong thành Chiêm-bà này tụ họp, nối nhau để đến thăm viếng Sa-môn Cù-đàm vậy.”

Rồi Bà-la-môn Chủng Đức liền ra lệnh cho người hầu rằng:

“Ngươi hãy nhanh chóng mang lời ta đến với các người ấy rằng: ‘Các khanh hãy dừng lại một lát, hãy đợi ta đến, rồi cùng đi đến chỗ Cù-đàm kia’.”

Người hầu tức thì mang lời của Chủng Đức đến nói với các người ấy rằng: “Các người hãy dừng lại một lát, hãy đợi ta đến, rồi cùng đi đến chỗ Cù-đàm kia.”

Lúc ấy, mọi người trả lời rằng:

“Ngươi hãy nhanh chóng trở về thưa với Bà-la-môn rằng, nay thật là phải thời, nên cùng nhau đi.”

Người hầu trở về thưa:

“Những người ấy đã dừng rồi. Họ nói: nay thật là phải thời, nên cùng nhau đi.”

Bà-la-môn liền xuống đài, đến đứng cửa giữa.

Bấy giờ có năm trăm Bà-la-môn khác, có chút duyên sự, trước đó đã tụ tập dưới cửa. Thấy Bà-la-môn Chủng Đức đến, thảy đều đứng dậy nghinh đón, hỏi rằng:

“Đại Bà-la-môn, ngài muốn đi đâu đây?”

Chủng Đức đáp:

“Có Sa-môn Cù-đàm, con nhà họ Thích, xuất gia và thành Đạo, từ Ương-già, du hành trong nhân gian, đến thành Chiêm-bà, ở bên bờ hồ Già-già. Ngài có tiếng tăm lớn, đồn khắp thiên hạ, là Như Lai, Chí Chơn, Đẳng Chánh Giác, đầy đủ mười hiệu, ở giữa Chư Thiên, người đời, Ma hoặc [94c] Ma thiên, Sa-môn, Bà-la-môn, tự thân chứng ngộ, rồi thuyết pháp cho người, lời nói khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng cuối thảy đều chơn chánh, đầy đủ nghĩa và vị, phạm hạnh thanh tịnh. Bậc chơn nhơn như vậy nên đến viếng thăm. Nay ta muốn đến thăm Ngài.”

Năm trăm người Bà-la-môn liền thưa với Chủng Đức:

“Ngài chớ đi thăm. Vì sao? Kia nên đến đây chứ đây không nên đến kia. Nay Đại Bà-la-môn, bảy đời cha mẹ đều chơn chánh không bị người khác khinh chê. Nếu ngài đã có đủ điều kiện như vậy, thì đàng kia nên đến đây, chớ đây không nên đến kia. Lại nữa, Đại Bà-la-môn tụng đọc thông suốt ba bộ sách dị học, có thể phân tích các loại kinh thư, những chỗ sâu xa của thế điển, không chỗ nào không nghiền ngẫm. Lại giỏi xem tướng đại nhân, xem tướng tốt xấu, nghi lễ tế tự. Ngài đã thành tựu những pháp ấy, thì đàng kia nên đến đây, chứ đây không nên đến kia.

“Lại nữa, Đại Bà-la-môn dung mạo đoan chánh, có dáng vẻ của Phạm thiên [7]. Ngài đã thành tựu pháp ấy thì đàng kia nên đến đây chớ đây không nên đến kia.

“Lại nữa, Đại Bà-la-môn có giới đức tăng thượng[8], trí tuệ thành tựu. Đã thành tựu pháp ấy, thì kia nên đến đây, chớ đây không nên đến kia.

“Lại nữa, Đại Bà-la-môn có lời nói nhu hòa, biện tài đầy đủ, nghĩa và vị thanh tịnh. Ngài đã thành tựu pháp ấy thì đàng kia nên đến đây chớ đây không nên đến kia.

“Lại nữa, Đại Bà-la-môn là đại tôn sư, có đông đệ tử. Ngài đã thành tựu pháp ấy thì đàng kia nên đến đây chớ đây không nên đến kia.

“Lại nữa, Đại Bà-la-môn thường dạy dỗ năm trăm Bà-la-môn. Đã thành tựu pháp ấy, thì kia nên đến đấy, chớ đây không nên đến kia.

“Lại nữa, Đại Bà-la-môn có học giả bốn phương đến xin thọ giáo; ai hỏi các kỹ thuật, các pháp tế tự, ngài thảy đều trả lời được cả. Ngài đã thành tựu pháp ấy thì đàng kia nên đến đây chớ đây không nên đến kia.

“Lại nữa, Đại Bà-la-môn được vua Ba-tư-nặc và vua Bình-sa cung kính cúng dường. Ngài đã thành tựu pháp ấy thì đàng kia nên đến đây chớ đây không nên đến kia.

“Lại nữa, Đại Bà-la-môn trí tuệ sáng suốt, nói năng thông lợi, không hề khiếp nhược. Ngài đã thành tựu pháp ấy thì đàng kia nên đến đây chớ đây không nên đến kia.”

Chủng Đức nói với các Bà-la-môn:

“Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như điều các ông nói. Tôi có đủ các đức ấy, chớ không phải không [95a] có. Nhưng các ông hãy nghe tôi nói. Sa-môn Cù-đàm có công đức mà chúng ta nên đến kia chớ đàng kia không nên đến đây. Sa-môn Cù-đàm từ bảy đời trở lại cha mẹ đều chơn chánh, không bị người khác khinh chê. Vị ấy đã thành tựu pháp này, chúng ta nên đến kia, chớ kia không nên đến đây.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm có dung mạo đoan chánh, xuất thân từ giai cấp Sát-lị. Đã thành tựu pháp này, chúng ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm sanh chỗ tôn quý, nhưng đã xuất gia hành đạo. Thành tựu pháp này, ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm sắc sáng đầy đủ, chủng tánh chơn chánh, nhưng đã xuất gia tu đạo. Đã thành tựu pháp này, thì ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm sanh vào gia đình giàu có, có uy lực lớn, nhưng đã xuất gia hành đạo. Đã thành tựu pháp này, ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm có đủ giới Hiền Thánh, thành tựu trí tuệ. Đã thành tựu pháp này, ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm khéo léo nơi ngôn ngữ, dịu dàng hòa nhã. Đã thành tựu pháp này, thì ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm là bậc Đạo sư của đại chúng, có đông đệ tử. Đã thành tựu pháp này, ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm vĩnh viễn diệt trừ dục ái, không có sơ suất thô tháo[9], ưu tư và sợi hãi đã trừ, lông tóc không dựng đứng[10], hoan hỷ, hòa vui; được mọi người khen ngợi, khéo nói quả báo của hành vi[11], không chê bai đạo khác. Đã thành tựu pháp này, thì ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm thường được vua Ba-tư-nặc và vua Bình-sa lễ kính cúng dường. Đã thành tựu pháp này, thì ta nên đến kia, chớ kia không nên đến đây.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm được Bà-la-môn Phất-già-la-sa-la[12] lễ kính cúng dường; cũng được Bà-la-môn Phạm[13], Bà-la-môn Đa-lị-già[14], Bà-la-môn Cứ Xỉ[15], Thủ-ca Ma-nạp Đô-da Tử[16] thăm gặp cúng dường. Đã thành tựu pháp ấy, thì ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm được Thanh-văn đệ tử sùng phụng, lễ kính cúng dường; cũng được Chư Thiên và các chúng quỷ thần khác cung kính. Các dòng họ Thích-ca, Câu-lị, Minh-ninh, Bạt-kỳ, Mạt-la, Tô-ma[17], thảy đều tông phụng. Đã thành tựu pháp này, ta nên đến kia chớ kia không nên đến ta.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm truyền trao cho vua Ba-tư-nặc và vua Bình-sa ba quy và năm giới. Đã thành tựu [95b] pháp này, ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm truyền trao ba quy năm giới cho Bà-la-môn Phất-già-la-sa-la vân vân. Đã thành tựu pháp này, ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.

“Lại nữa, đệ tử của Sa-môn Cù-đàm thọ ba quy năm giới; Chư Thiên, dòng họ Thích, Câu-lị, vân vân, thảy đều thọ ba quy năm giới. Đã thành tựu pháp này, ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm khi du hành được hết thảy mọi người cung kính cúng dường. Đã thành tựu pháp này, ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.

“Lại nữa, những thành quách, tụ lạc mà Sa-môn Cù-đàm đã đến, đều được mọi người cúng dường. Đã thành tựu pháp này, ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.

“Lại nữa, những nơi Sa-môn Cù-đàm đi đến, các loài phi nhân, quỷ thần không dám xúc nhiễu. Đã thành tựu pháp này, ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.

“Lại nữa, những nơi Sa-môn Cù-đàm đi đến, nhân dân ở đó đều thấy ánh sáng, nghe âm nhạc trời. Đã thành tựu pháp này thì ta nên đến kia chớ kia không nên đến ta.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm khi muốn rời khỏi chỗ đã đến, mọi người đều luyến mộ, khóc lóc mà tiễn đưa. Đã thành tựu pháp này thì ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.

“Sa-môn Cù-đàm khi mới xuất gia, cha mẹ khóc lóc, thương nhớ tiếc nuối. Đã thành tựu pháp này thì ta nên đến kia chớ kia không nên đến ta.

“Sa-môn Cù-đàm xuất gia khi còn trai trẻ, dẹp bỏ các thứ trang sức, voi, ngựa, xe báu, ngũ dục, anh lạc. Đã thành tựu pháp này, thì ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm khước từ ngôi vị Chuyển luân vương, xuất gia hành đạo. Nếu Ngài tại gia, sẽ trị vì bốn thiên hạ, thống lãnh dân vật, thì chúng ta đều là thần thuộc. Đã thành tựu pháp ấy, thì ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm hiểu rõ Phạm pháp[18], có thể nói cho người khác, và cũng nói chuyện trao đổi với Phạm thiên. Đã thành tựu pháp ấy, thì ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm đầy đủ cả ba hai tướng. Đã thành tựu pháp này, thì ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm có trí tuệ [95c] thông suốt, không có khiếp nhược. Đã thành tựu pháp này, thì ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.

“Cù-đàm kia nay đến thành Chiêm-bà này, ở bên bờ hồ Già-già, đối với ta là tôn quý, vả lại là khách. Ta nên thân hành đến thăm viếng.”

Năm trăm Bà-la-môn khi ấy thưa với Chủng Đức rằng:

“Kỳ diệu thay, hy hữu thay, công đức của vị kia đến như vậy chăng? Trong các đức, vị kia chỉ cần có một đức là đã không nên đến đây rồi, huống hồ nay gồm đủ cả. Vậy ta hãy kéo hết đi thăm hỏi.”

Chủng Đức đáp:

“Các người muốn đi thì nên biết thời.”

Rồi Chủng Đức cho thắng cỗ xe báu, cùng với năm trăm Bà-la-môn và các trưởng giả trong thành Chiêm-bà trước sau vây quanh, đi đến hồ Già-già. Cách hồ không xa, ông thầm nghĩ rằng: ‘Giả sử ta hỏi Cù-đàm, mà hoặc giả không vừa ý Ngài, thì vị Sa-môn ấy sẽ chê trách ta, bảo rằng: ‘Nên hỏi như vầy. Không nên hỏi như vầy.’ Mọi người mà nghe được, cho rằng ta vô trí, sẽ tổn hại cho thanh danh của ta. Giả sử Sa-môn Cù-đàm hỏi ta về nghĩa, mà ta đáp hoặc không vừa ý Ngài, vị Sa-môn ấy sẽ khiển trách ta, bảo rằng: ‘Nên trả lời như vầy. Không nên trả lời như vầy.’ Mọi người mà nghe được, cho rằng ta vô trí, sẽ tổn hại cho thanh danh của ta. Giả sử ở đây ta im lặng rồi trở về, mọi người sẽ nói: ‘Ông này chẳng biết gì. Cuối cùng, không thể đến chỗ Sa-môn Cù Đàm.’ Thế thì cũng tổn hại thanh danh của ta. Nếu Sa-môn Cù-đàm hỏi ta về pháp của Bà-la-môn, ta sẽ trả lời Cù-đàm đầy đủ, hiệp ý Ngài.”

Khi ấy, Chủng Đức ở bên bờ hồ suy nghĩ như vậy rồi, liền xuống xe đi bộ dẫn đầu đến chỗ Thế Tôn, chào hỏi xong, ngồi sang một bên. Bấy giờ các Bà-la-môn, Trưởng giả, Cư sĩ thành Chiêm-bà, có người lễ Phật xong rồi ngồi; có người chào hỏi xong rồi ngồi; hoặc có người xưng tên rồi ngồi; hoặc có người chắp tay hướng về Phật rồi ngồi; hoặc có người im lặng mà ngồi xuống. Khi mọi người đã ngồi yên, Phật biết ý nghĩ trong lòng của Chủng Đức, bèn bảo rằng:

“Điều mà ông suy nghĩ, hãy theo ước nguyện của ông.”

Rồi Phật hỏi Chủng Đức:

“Bà-la-môn của ông, có mấy pháp để thành tựu?”

Bấy giờ Chủng Đức nghĩ thầm rằng:

“Kỳ diệu thay, hy hữu thay, Sa-môn Cù-đàm có đại thần lực mới thấy được tâm của người, đúng theo ý nghĩ của ta mà hỏi.”

Bà-la-môn Chủng Đức bèn ngồi thẳng người lên, nhìn bốn phía đại chúng, tươi cười hớn hở, rồi mới trả lời Phật rằng:

“Bà-la-môn của tôi [96a] có năm pháp cần thành tựu, để cho lời nói mới chân thành, không có hư dối. Những gì là năm? 1. Bà-la-môn có bảy đời cha mẹ chơn chánh không bị người dèm pha.[19] 2. Đọc tụng thông lợi ba bộ dị học, có thể phân tích các thứ kinh thư, những chỗ u vi của thế điển, không chỗ nào không tổng luyện, lại có thể giỏi phép xem tướng đại nhân, xét rõ cát hung, nghi lễ tế tự.[20] 3. Dung mạo đoan chánh.[21] 4. Trì giới đầy đủ.[22] 5. Trí tuệ thông suốt.[23] Đó là năm. Thưa Cù-đàm, Bà-la-môn thành tựu năm pháp này, thì lời nói mới chí thành, không có hư dối.”

Phật nói:

“Lành thay, Chủng Đức, vả có Bà-la-môn nào, trong năm pháp, bỏ một, thành tựu bốn, mà lời nói chí thành, không có hư dối chăng?”

Chủng Đức bạch Phật:

“Có. Vì sao? Thưa Cù-đàm, cần gì dòng họ[24]? Nếu Bà-la-môn đọc tụng thông suốt ba bộ dị học, phân tích các loại kinh thư, những chỗ u vi của thế điển, không đâu là không tổng luyện, lại giỏi phép xem tướng đại nhân, xét rõ cát hung, tế tự nghi lễ, dung mạo đoan chánh, trì giới đầy đủ, trí tuệ thông suốt; có bốn pháp thì lời nói thành thật, không có hư dối.”

Phật nói với Chủng Đức:

“Lành thay, lành thay, nếu trong bốn pháp này, bỏ một, thành tựu ba, mà lời nói vẫn thành thật, không có hư dối, vẫn được gọi là Bà-la-môn chăng?”

Chủng Đức trả lời:

“Có. Cần gì dòng dõi. Cần gì đọc tụng. Nếu Bà-la-môn có dung mạo đoan chánh, trì giới đầy đủ, trí tuệ thông suốt; thành tựu ba pháp này, thì lời nói chân thành, không có hư dối; được gọi là Bà-la-môn.”

Phật nói:

“Lành thay, lành thay. Thế nào, nếu trong ba pháp, bỏ một pháp, thành hai, mà kia lời nói vẫn chí thành, không có hư dối; được gọi là Bà-la-môn chăng?”

Đáp: “Có. Cần gì dòng dõi, đọc tụng và đoan chánh?””

Lúc bấy giờ năm trăm Bà-la-môn ai nấy đều lớn tiếng, nói với Bà-la-môn Chủng Đức:

“Sao lại chê bỏ dòng dõi, đọc tụng và đoan chánh, cho là không cần?”

Thế Tôn nói với năm trăm Bà-la-môn rằng:

“Nếu Bà-la-môn Chủng Đức có dung mạo xấu xí, không có dòng dõi, đọc tụng không thông suốt, không có biện tài, trí tuệ, khéo trả lời, không đủ khả năng nói chuyện với Ta, thì các ngươi nên nói. Nếu Bà-la-môn Chủng Đức có dung mạo đoan chánh, chủng tánh đầy đủ, đọc tụng thông suốt, trí tuệ biện tài, giỏi vấn đáp, [96b] đủ khả năng cùng Ta luận nghị, thì các ngươi hãy im lặng, nghe người này nói.”

Bấy giờ, Bà-la-môn Chủng Đức bạch Phật:

“Xin Cù-đàm tạm ngừng giây lát. Tôi sẽ tự mình đúng theo pháp đi khuyên bảo những người này.”

Chủng Đức ngay sau đó nói với năm trăm Bà-la-môn:

“Ương-già Ma-nạp[25] nay đang ở trong chúng này. Đó là cháu của ta. Các ngươi có thấy không? Nay các đại chúng cùng tụ hội hết ở đây. Duy trừ Cù-đàm có dung mạo đoan chánh, kỳ dư có ai bằng Ma-nạp này? Nhưng nếu Ma-nạp này sát sanh, trộm cướp, dâm dật, vô lễ, dối trá, lừa gạt, lấy lửa đốt người, chận đường làm chuyện ác. Này các Bà-la-môn, nếu Ương-già Ma-nạp này làm đủ chuyện ác, thế thì đọc tụng, xinh đẹp, để làm gì?”

Năm trăm Bà-la-môn lúc ấy im lặng không trả lời. Chủng Đức bạch Phật:

“Nếu trì giới đầy đủ, trí tuệ thông suốt, thế thì lời nói chí thành, không hư dối, được gọi là Bà-la-môn.”

Phật nói:

“Lành thay, lành thay! Thế nào, Chủng Đức, trong hai pháp ấy, nếu bỏ một mà thành tựu một, thì lời nói vẫn thành thật, không có hư dối, được gọi là Bà-la-môn chăng?”

Đáp:

“Không thể được. Vì sao? Giới tức trí tuệ. Trí tuệ tức giới. Có giới, có trí, sau đó lời nói mới thành thật, không có hư dối, tôi gọi là Bà-la-môn.”

Phật nói:

“Lành thay, lành thay! Đúng như ông nói. Có giới thì có tuệ. Có tuệ thì có giới. Giới làm thanh tịnh tuệ. Tuệ làm thanh tịnh giới. Chủng Đức, như người rửa tay, tay trái và tay phải cần cho nhau. Tay trái rửa sạch tay phải, tay phải rửa sạch tay trái. Cũng vậy, có tuệ thì có giới. Có giới thì có tuệ. Giới làm sạch tuệ. Tuệ làm sạch giới. Bà-la-môn, ai đầy đủ giới và tuệ, ta gọi người đó là Tỳ-kheo.[26]

Bấy giờ, Chủng Đức bạch Phật:

“Thế nào là giới?”

Phật nói:

“Hãy lắng nghe, hãy lắng nghe! Hãy suy ngẫm kỹ! Ta sẽ phân biệt từng điều một cho ông nghe.”

Đáp rằng: “Kính vâng. Vui lòng muốn nghe”.

Bấy giờ, Phật nói với Chủng Đức:

“Nếu Như Lai xuất hiện ở đời, là vị Ứng cúng, Chánh biến tri,[27] Minh hành túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn, ở giữa Chư Thiên, người đời, Sa-môn, Bà-la-môn, mà tự thân chứng ngộ, rồi giảng thuyết cho người; lời nói khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng cuối thảy đều chân chánh, đầy đủ nghĩa và vị, phạm hạnh thanh tịnh. Nếu có trưởng giả, hay con trai trưởng giả, sau khi nghe pháp này, tín tâm thanh tịnh. Do tín tâm thanh tịnh, người ấy suy xét như vầy: ‘Tại gia [96c] thật khó, ví như gông cùm; muốn tu hành phạm hạnh mà không thể tự tại. Ta nay hãy cạo bỏ râu tóc, bận ba pháp y, xuất gia tu đạo.’ Người ấy, sau đó, từ bỏ gia đình, bỏ sản nghiệp, từ giã thân tộc, bận ba pháp y, dẹp các trang sức, đọc tụng tỳ-ny, đầy đủ giới luật, từ bỏ không sát sanh,... cho đến, tâm pháp tứ thiền[28], đạt được an lạc ngay trong hiện tại. Vì sao? Ấy là do tinh tấn, chánh niệm, chánh tri, ưa sống một mình chỗ thanh vắng mà được vậy. Bà-la-môn, đó gọi là giới.”

Lại hỏi:

“Sao gọi là tuệ?” Phật nói:

“Nếu Tỳ-kheo, bằng với tâm định tĩnh, thanh tịnh không cấu uế, mềm mại, dễ điều phục, an trú trạng thái bất động,… cho đến, chứng đắc ba minh, trừ khử vô minh, phát sanh trí tuệ, diệt trừ tối tăm, phát sanh ánh sáng đại pháp, xuất trí lậu tận. Vì sao? Ấy là do tinh cần, chánh niệm, chánh tri, ưa sống một mình nơi thanh vắng mà được vậy. Bà-la-môn, đó là đầy đủ trí tuệ.”

Khi ấy, Chủng Đức liền bạch Phật rằng:

“Nay con quy y Phật, Pháp, Thánh Chúng. Cúi mong Thế Tôn nhận con làm ưu-bà-tắc trong Chánh pháp. Từ nay về sau, suốt đời không giết, không trộm, không tà dâm, không dối, không uống rượu.”

Bấy giờ, Chủng Đức Bà-la-môn sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

 


*  第三分[04]種德經第三

[1] Ương-già 鴦伽, Pl.: Aṅga. Chiêm-bà 瞻婆 , Pl.: Campā. Già-già trì 伽 伽 池, Pl.: Gaggarā pokkharaṇī. Xem kinh 1o “Thập thượng”.

[2] Chủng Đức. Pl.: Soṇadaṇḍa.

[3] Xem cht. 7, kinh số 20 “A-ma-trú.”.

[4] Xem cht. 8, kinh số 20 “A-ma-trú.”.

[5] Hán: dị học tam bộ 異 學 三 部. Xem cht. 9 kinh số 20 “A-ma-trú.”.

[6] Xem cht. 12, kinh số 20 “A-ma-trú.”

[7] Hán: Phạm thiên sắc tượng 梵天色像. Pl.: brahmavaṇṇī brahmavaccasī: có dung sắc như Phạm thiên, uy nghi như Phạm thiên.

[8] Giới đức tăng thượng 戒德增上; Pl.: vuddhasīlā, đạo đức được trọng vọng.

[9] Hán: vĩnh diệt dục ái, vô hữu thốt bạo 永滅欲愛無有卒暴. D 4 (i. 114): khīṇakāmarāgo vigatacāpallo, đã diệt ái dục, không phù phiếm.

[10] Hán: y mao bất thụ 衣毛不豎.

[11] Hán: thiện thuyết hành báo 善說行報. Pl.: kammavādī kiriyavādī, là người chủ trương về nghệp, chủ trương về hành vi.

[12] Phất-gìa-la-sa-la, Pl.: Pokkharasādi, xem kinh số 20 “A-ma-trú”, tr 55 tt.

[13] Phạm Bà-la-môn 梵婆羅門 (?).

[14] Đa-lợi-giá 多利遮, Pl.: Tārukkha.

[15] Cứ Xỉ 鋸齒 tức Cứu-la-đàn-đầu 究羅檀頭, xem kinh số 23 “Cứu-la-đàn-đầu”. Pl.: Kuṭadanta.

[16] Thủ-ca-ma-nạp Đô-da tử 首迦摩納都耶子, Pl.: Sukhamāṇava-Toddeyaputta.

[17] Một số nước lớn thời Phật: Thích chủng 釋種, dòng họ Thích, Pl.: Sakka; Câu-lị 俱 利, Pl.: Koḷiyā; Minh-ninh 冥寧, Pl.: Mithilā; Bạt-kì 跋祇, Pl.: Vajji; Mạt-la  末羅, Pl.: Mallā; Tô-ma 酥摩, Pl.: Soma.

[18] Phạm pháp 梵法, pháp tế tự Phạm thiên. Pl.: Brahmadhamma

[19] Pl.: ubhato sujāto hoti…

[20] Pl.: ajhāyako hoti…

[21] Pl.: abhirūpo hoti …

[22] Pl.: sīlavā hoti …

[23] Pl.: paṇḍito hoti …

[24] Hán: hà dụng sanh 何 用 生, (huyết thống) thọ sanh mà làm gì ? Pl.: Kiṃ hi vaṇṇo karissati: dung sắc mà làm gì ? Trong bản Hán, dung sắc được loại trừ ở cấp thứ ba, ngược với Pl., huyết thống thọ sanh được loại bỏ ở cấp thứ ba.

[25] Ương-gia-ma-nạp 鴦伽摩納. Pl.: Aṅgako nāma māṇavako.

[26] Pl.: sīlapaññānañ ca pana lokasmiṃ aggam akkhāyatīti: giới và tuệ được nói là bậc nhất trong thế gian.

[27] Ứng cúng, Chánh biến tri 應供正遍知, trong các đoạn khác, bản Hán cũng nói là Chí chân, Đẳng chánh giác. Pl.: arahaṃ sammāsambuddho.

[28] Trong bản Pl., từ chứng đắc tứ thiền trở đi, thuộc phần tuệ.

23. Kinh Cứu-la-bàn-đầu

23. KINH CỨU-LA-ĐÀN-ĐẦU

[96c16] Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại nước Câu-tát-la, cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người du hành trong nhân gian, đến phía Bắc xóm Bà-la-môn Khư-nậu-bà-đề[1] ở Câu-tát-la, nghỉ đêm trong rừng Thi-xá-bà[2].

Bấy giờ, có Bà-la-môn tên Cứu-la-đàn-đầu[3] đang nghỉ tại thôn Khư-nậu- bà-đề. Xóm ấy sung túc, nhân dân đông đúc, vườn quán, ao tắm, cây cối, trong xanh, tươi mát. Vua Ba-tư-nặc phong thôn ấy cho Bà-la-môn Cứu-la-đàn-đầu làm phạm phần. Bà-la-môn này từ bảy đời trở lại cha mẹ đều chơn chánh, không bị người khinh nhờn, đọc tụng thông suốt ba bộ dị học, có khả năng phân tích các loại kinh thư. Thế điển u vi, không thứ nào không tổng luyện; lại giỏi phép xem tướng đại nhơn, dự đoán cát hung, tế tự nghi lễ. Ông có năm trăm đệ tử, dạy dỗ không hề bỏ phế. Khi ấy, Bà-la-môn muốn thiết lễ đại tế[4], chuẩn bị năm trăm con bò đực,[5] năm trăm con bò cái,[6] năm trăm con bê đực,[7] năm trăm con bê cái,[8] năm trăm con dê đực[9] và năm trăm con cừu,[10] để dâng cúng.

Lúc bấy giờ,[11] các Bà-la-môn, [97a] trưởng giả, cư sĩ trong thôn Khư-nậu-bà-đề nghe tin Sa-môn Cù-đàm, con trai dòng họ Thích, đã xuất gia và thành đạo, từ nước Câu-tát-la, du hành trong nhân gian, đến nghỉ ở rừng Thi-xá-bà. Ngài có tiếng tăm lớn, lan truyền khắp thiên hạ, là Như Lai, Chí chơn, Đẳng Chánh Giác, mười hiệu đầy đủ, ở giữa chư Thiên, Người đời, Ma hoặc Ma thiên, Sa-môn, Bà-la-môn mà tự thân chứng ngộ, rồi giảng pháp cho người, lời nói khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng cuối đều chơn chánh, đầy đủ nghĩa và vị, phạm hạnh thanh tịnh. “Bậc chơn nhơn như vậy, nên đến thăm viếng. Nay chúng ta hãy cùng đi thăm viếng Ngài”. Nói như vậy rồi, họ kéo nhau ra khỏi thôn Khư-nậu-bà-đề, từng đoàn nối tiếp nhau, cùng đến chỗ Phật.

Khi ấy Bà-la-môn Cứu-la-đàn-đầu đang ở trên lầu cao, từ xa trông thấy từng đoàn người nối tiếp nhau, bèn quay lại hỏi người hầu:

“Những người kia do nhân duyên gì mà từng đoàn nối tiếp nhau, muốn đi đâu vậy?”

Người hầu thưa:

“Tôi nghe đồn, Sa-môn Cù-đàm, con trai dòng họ Thích, đã xuất gia và thành đạo, từ nước Câu-tát-la, du hành trong nhân gian, đến nghỉ ở rừng Thi-xá-bà. Ngài có tiếng tăm lớn, lan truyền khắp thiên hạ, là Như Lai, Chí chơn, Đẳng Chánh Giác, mười hiệu đầy đủ, ở giữa Chư Thiên, người đời, Ma hoặc Ma thiên, Sa-môn, Bà-la-môn mà tự thân chứng ngộ, rồi giảng thuyết pháp cho người, lời nói khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng cuối đều chơn chánh, đầy đủ nghĩa và vị, phạm hạnh thanh tịnh. Những người Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ trong thôn này, từng đoàn nối tiếp nhau, muốn đến thăm viếng Sa-môn Cù-đàm vậy.”

Rồi Bà-la-môn Cưu-la-đàn-đầu liền ra lệnh cho người hầu rằng:

“Ngươi hãy nhanh chóng mang lời ta đến với các người ấy rằng: ‘Các khanh hãy dừng lại một lát, hãy đợi ta đến, rồi cùng đi đến chỗ Cù-đàm kia’.”

Người hầu tức thì mang lời của Cứu-la-đàn-đầu đến nói với các người ấy rằng: “Các người hãy dừng lại một lát, hãy đợi ta đến, rồi cùng đi đến chỗ Cù-đàm kia”.

Lúc ấy, mọi người trả lời rằng:

“Ngươi hãy nhanh chóng trở về thưa với Bà-la-môn rằng, nay thật là phải thời, nên cùng nhau đi.”

Người hầu trở về thưa:

“Những người ấy đã dừng rồi. Họ nói: nay thật là phải thời, nên cùng nhau đi.”

Bà-la-môn liền xuống đài, đến đứng cửa giữa.

Bấy giờ có năm trăm Bà-la-môn khác đang ngồi bên ngoài cửa giữa, giúp Cứu-la-đàn-đầu thiết lễ đại tự. Thấy Bà-la-môn Cứu-la-đàn-đầu đến, thảy đều đứng dậy nghinh đón, hỏi rằng:

“Đại Bà-la-môn, ngài muốn đi đâu đây?”

Cứu-la-đàn-đầu đáp:

“Có Sa-môn Cù-đàm, con nhà họ Thích, xuất gia và thành đạo, đang ở Câu tát là, du hành trong [97b] nhân gian, đến rừng Thi-xá-bà, phía Bắc thôn Khư-nậu-bà-đề. Ngài có tiếng tăm lớn, đồn khắp thiên hạ, là Như Lai, Chí chơn, Đẳng Chánh Giác, đầy đủ mười hiệu, ở giữa Chư Thiên, người đời, Ma hoặc Ma thiên, Sa-môn, Bà-la-môn, tự thân chứng ngộ, rồi thuyết pháp cho người, lời nói khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng cuối thảy đều chơn chánh, đầy đủ nghĩa và vị, phạm hạnh thanh tịnh. Bậc chơn nhơn như vậy nên đến viếng thăm. Này các ngài Bà-la-môn, ta lại nghe nói Cù-đàm biết ba loại tế tự[12], mười sáu tư cụ tế tự[13]. Ta tuy là hàng tiên học cựu thức trong chúng, nhưng có chỗ chưa biết rõ. Nay ta muốn cử hành đại tế tự, bò và dê đã đủ. Ta muốn đến Cù-đàm để hỏi về ba pháp tế tự và mười sáu tư cụ tế tự. Nếu chúng ta có được pháp tế tự rồi, công đức đầy đủ, tiếng tăm sẽ đồn xa.”

Năm trăm người Bà-la-môn liền thưa với Cứu-la-đàn-đầu:

“Đại sư chớ đi. Vì sao? Kia nên đến đây chứ đây không nên đến kia. Đại sư có bảy đời cha mẹ đều chơn chánh, không bị dèm pha. Nếu đã có đủ yếu tố như vậy, thì kia nên đến đây, chớ đây không nên đến kia. Lại nữa, Đại sư tụng đọc thông suốt ba bộ sách dị học, có thể phân tích các loại kinh thư, thế điển u vi, không thứ nào là không tổng luyện. Lại giỏi xem tướng đại nhân, xem tướng tốt xấu, nghi lễ tế tự. Đã thành tựu những pháp ấy, thì kia nên đến đây, chứ đây không nên đến kia.

“Lại nữa, Đại sư dung mạo đoan chánh, có sắc tướng của Phạm thiên. Đã thành tựu pháp ấy thì kia nên đến đây chớ đây không nên đến kia.

“Lại nữa, Đại sư có giới đức tăng thượng, trí tuệ thành tựu. Đã thành tựu pháp ấy, thì kia nên đến đây, chớ đây không nên đến kia.”

“Lại nữa, Đại sư có lời nói nhu hòa, biện tài đầy đủ, nghĩa và vị thanh tịnh. Đã có đủ pháp ấy, thì kia nên đến đây chớ đây không nên đến kia.

“Lại nữa, Đại sư là vị dẫn đầu đại chúng, có đông đệ tử. Đã có đủ pháp ấy, thì kia nên đến đây, chớ đây không nên đến kia.

“Lại nữa, Đại sư thường dạy dỗ năm trăm Bà-la-môn. Đã thành tựu pháp ấy, thì kia nên đến đây, chớ đây không nên đến kia.

“Lại nữa, Đại sư có học giả bốn phương đến xin thọ giáo; ai hỏi các kỹ thuật, các pháp tế tự, thảy đều trả lời được cả. Đã thành tựu pháp ấy, thì kia nên đến đây, chớ đây không nên đến kia.

“Lại nữa, Đại sư được vua Ba-tư-nặc và vua Bình-sa cung kính cúng dường. Đã thành tựu pháp ấy thì kia nên đến đây chớ đây không nên đến kia.

“Lại nữa, Đại sư giàu có nhiều tài bảo, kho tàng đầy ắp. Đã thành tựu [97c] pháp ấy thì kia nên đến đây chớ đây không nên đến kia.

“Lại nữa, Đại sư có trí tuệ sáng suốt, nói năng thông lợi, không hề khiếp nhược. Đã thành tựu pháp ấy, thì kia nên đến đây, chớ đây không nên đến kia.

“Đại sư nếu đã đủ mười một pháp như vậy, thì kia nên đến đây, chớ đây không nên đến kia.

Cứu-la-đàn-đầu nói với các Bà-la-môn:

“Đúng vậy, đúng vậy! Đúng như điều các ông nói. Tôi thật có đủ các đức ấy, chớ không phải không có. Nhưng các ông hãy nghe tôi nói. Sa-môn Cù-đàm có công đức để chúng ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây. Sa-môn Cù-đàm từ bảy đời trở lại cha mẹ đều chơn chánh không bị dèm pha. Kia đã thành tựu pháp này, chúng ta nên đến kia, chớ kia không nên đến đây.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm có dung mạo đoan chánh, xuất thân từ giai cấp Sát-lị. Đã thành tựu pháp này, chúng ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm sanh chỗ tôn quý, nhưng đã xuất gia hành đạo. Thành tựu pháp này, ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm sắc sáng đầy đủ, chủng tánh chơn chánh, nhưng đã xuất gia tu đạo. Đã thành tựu pháp này, thì ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm sanh vào gia đình giàu có, có uy lực lớn, nhưng đã xuất gia hành đạo. Đã thành tựu pháp này, ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm có đủ giới Hiền Thánh, thành tựu trí tuệ. Đã thành tựu pháp này, ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm khéo léo nơi ngôn ngữ, dịu dàng hòa nhã. Đã thành tựu pháp này, thì ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm là bậc Đạo sư của đại chúng, có đông đệ tử. Đã thành tựu pháp này, ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm vĩnh viễn diệt trừ dục ái, không có sơ suất thô tháo, ưu tư và sợ hãi đã trừ, lông tóc không dựng đứng hoan hỷ, hòa vui; được người khen thiện, khéo nói quả báo của hành vi, không chê bai đạo khác. Đã thành tựu pháp này, thì ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm thường được vua Ba-tư-nặc và vua Bình-sa lễ kính cúng dường. Đã thành tựu pháp này, thì ta nên đến kia, chớ kia không nên đến đây.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm được Bà-la-môn Phất-già-la-sa-la lễ kính cúng dường; cũng được Bà-la-môn Phạm, Bà-la-môn Đa-lị-gia, Bà-la-môn Chủng Đức, Thủ-ca Ma-nạp Đâu-da Tử thăm gặp cúng dường. Đã thành tựu pháp ấy, thì ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm [98a] được Thanh-văn đệ tử tôn thờ, lễ kính cúng dường; cũng được Chư Thiên và các chúng quỷ thần khác cung kính. Các dòng họ Thích-ca, Câu-lị, Minh-ninh, Bạt-kỳ, Mạt-la, Tô-ma, thảy đều tôn thờ. Đã thành tựu pháp này, ta nên đến kia chớ kia không nên đến Ta.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm truyền trao cho vua Ba-tư-nặc và vua Bình-sa ba quy y và năm giới. Đã thành tựu pháp này, ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm truyền trao ba quy năm giới cho Bà-la-môn Phất-già-la-sa-la vân vân. Đã thành tựu pháp này, ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.

“Lại nữa, đệ tử của Sa-môn Cù-đàm thọ ba quy năm giới; Chư Thiên, dòng họ Thích, Câu-lị…, thảy đều thọ ba quy năm giới. Đã thành tựu pháp này, ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm khi du hành được hết thảy mọi người cung kính cúng dường. Đã thành tựu pháp này, ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.

“Lại nữa, những thành quách, thôn ấp mà Cù-đàm đã đến, không đâu là không khuynh động, cung kính cúng dường. Đã thành tựu pháp này, ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.

“Lại nữa, những nơi Sa-môn Cù-đàm đi đến, các loài phi nhân, quỷ thần không dám xúc nhiễu. Đã thành tựu pháp này, ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.

“Lại nữa, những nơi Sa-môn Cù-đàm đi đến, nhân dân ở đó đều thấy ánh sáng, nghe âm nhạc trời. Đã thành tựu pháp này thì ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm khi muốn rời khỏi chỗ đã đến. Mọi người đều luyến mộ, khóc lóc mà tiễn đưa. Đã thành tựu pháp này thì ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.

“Sa-môn Cù-đàm khi mới xuất gia, cha mẹ, tông thân, khóc lóc, thương nhớ tiếc nuối. Đã thành tựu pháp này thì ta nên đến kia chớ kia không nên đến ta.

“Sa-môn Cù-đàm xuất gia khi còn trai trẻ, dẹp bỏ các thứ trang sức, voi, ngựa, xe báu, ngũ dục, anh lạc. Đã thành tựu pháp này, thì ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm khước từ ngôi vị Chuyển luân vương, xuất gia hành đạo. Nếu Ngài tại gia, sẽ trị vì bốn thiên hạ, thống lãnh dân vật, thì chúng ta đều là thần thuộc. Đã thành tựu pháp ấy, thì ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm hiểu rõ Phạm pháp, có thể nói cho người khác, và cũng nói chuyện trao đổi với Phạm thiên. Đã thành tựu pháp này, thì ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm hiểu rõ ba loại tế tự, mười sau tư cụ. Chúng ta tuy là hàng túc cựu nhưng vẫn có điều [98b] không biết. Đã thành tựu pháp này, thì ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm đầy đủ cả ba mươi hai tướng. Đã thành tựu pháp này, thì ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm có trí tuệ thông suốt, không có khiếp nhược. Đã thành tựu pháp này, thì ta nên đến kia chớ kia không nên đến đây.

“Cù-đàm kia nay đến thôn Khư-nậu-bà-đề này, đối với ta là tôn quý, vả lại là khách. Ta nên thân hành đến thăm viếng.”

Năm trăm Bà-la-môn khi ấy thưa với Cứu-la-đàn-đầu rằng:

“Kỳ diệu thay, hy hữu thay! Công đức của vị kia đến như vậy chăng? Trong các đức, giả sử Cù-đàm chỉ cần có một đức là đã không nên đến đây rồi, huống hồ nay gồm đủ cả. Vậy ta hãy kéo hết đi thăm hỏi.”

Cứu-la-đàn-đầu đáp:

“Các ngươi muốn đi thì nên biết thời.”

Rồi Bà-la-môn liền thắng cỗ xe báu, cùng với năm trăm Bà-la-môn và các Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ ở Khư-nậu-bà-đề, trước sau vây quanh, đi đến rừng Thi-xá-bà. Đến nơi, họ xuống xe, đi bộ tiến đến chỗ Thế Tôn, chào hỏi xong, ngồi xuống một bên. Trong lúc ấy, trong số các Bà-la-môn, Trưởng giả, Cư sĩ, có người lễ Phật rồi ngồi xuống; có người chào hỏi xong rồi ngồi xuống; có người chỉ xưng tên rồi ngồi xuống; có người chắp tay hướng về Phật rồi ngồi xuống; có người im lặng ngồi xuống. Khi mọi người ngồi yên chỗ, Cứu-la-đàn-đầu bạch Phật rằng:

“Tôi có điều muốn hỏi. Nếu Ngài có rỗi, cho phép, tôi mới dám hỏi.

Phật nói:

“Xin cứ hỏi tùy ý.”

Bà-la-môn bạch Phật:

“Tôi nghe nói Cù-đàm thông hiểu ba loại tế tự và mười sáu tư cụ tế tự, là những điều mà chúng tôi, tiên túc kỳ cựu, không hiểu biết. Nay chúng tôi muốn cử hành đại tế tự; đã chuẩn bị đủ năm trăm bò đực, năm trăm bò cái, năm trăm bê đực, năm trăm bê cái, năm trăm con dê, năm trăm con cừu. Hôm nay cố ý đến đây, tôi muốn hỏi ba pháp tế tự và mười sáu tế cụ. Nếu tế tự này mà được thành tựu, sẽ được quả báo lớn, tiếng tăm đồn xa, được trời và người kính trọng.”

Bấy giờ, Thế Tôn nói với Cứu-la-đàn-đầu rằng:

“Nay ông hãy lắng nghe, hãy lắng nghe, hãy suy ngẫm kỹ, tôi sẽ giảng thuyết cho.”

Bà-la-môn nói:

“Xin vâng, thưa Cù-đàm, tôi rất muốn nghe.”

Rồi Phật nói với Cứu-la-đàn-đầu:

“Vào một thời quá khứ xa xưa, có vị vua Quán đảnh thuộc dòng Sát-lị, muốn thiết lễ đại tự, bèn tập họp Đại thần Bà-la-môn[14] đến bảo rằng:

“Ta nay rất giàu có, tài bảo [98c] dồi dào, ngũ dục thỏa mãn. Tuổi ta đã già yếu. Dân chúng cường thịnh, không có sự khiếp nhược. Kho tàng đầy ắp. Nay ta muốn thiết lễ đại tự. Theo các ngươi, pháp tế tự cần những gì?”

“Khi ấy, vị Đại thần kia tâu vua rằng:

“Tâu Đại vương, quả như lời Đại vương, nước giàu, binh mạnh, kho tàng đầy ắp. Nhưng dân chúng phần nhiều ôm ác tâm, tập các phi pháp. Nếu tế tự vào lúc này thì không thành phép tế tự. Như sai ăn cướp đuổi ăn cướp, thì sự sai khiến chẳng thành.

“Tâu Đại vương, chớ nghĩ rằng, đây là dân của ta; ta có thể đánh, có thể giết, có thể khiển trách, có thể ngăn cấm. Những kẻ gần gũi vua, nên cung cấp chúng những thứ cần yếu. Những người buôn bán, nên cung cấp chúng tài bảo. Nhưng người chuyên tu điền sản, hãy cung cấp chúng bò, bê, hạt giống. Chúng mỗi người tự mình kinh doanh. Vương không bức bách dân, thì dân được an ổn, nuôi nấng con cháu, cùng nhau vui đùa.”

Phật lại nói với Cứu-la-đàn-đầu:

“Rồi thì, sau khi nghe lời của các Đại thần, vua liền cung cấp y phục ẩm thực cho những người thân cận, tài bảo cho những người buôn bán, trâu bò, thóc giống cho những người làm ruộng. Bấy giờ nhân dân mỗi người tự lo công việc của mình, không xâm hại nhau, nuôi nấng con cháu, cùng nhau vui đùa.”

Phật lại nói:

“Sau đó, vua lại triệu quần thần đến bảo rằng: ‘Ta nước giàu, binh mạnh, kho tàng đầy ắp. Ta cung cấp cho nhân dân không thiếu thốn cái gì. Chúng nuôi dưỡng con cháu, cùng nhau vui đùa. Nay ta muốn thiết lễ đại tự. Theo các ngươi, phép tế tự cần có những gì?’

“Các Đại thần tâu: ‘Đúng vậy, đúng vậy! Như lời Đại vương nói: ‘Nước giàu, binh mạnh, kho tàng đầy ắp. Ta cung cấp cho nhân dân không thiếu thốn cái gì. Chúng nuôi dưỡng con cháu, cùng nhau vui đùa.’ Nếu Đại vương muốn tế tự, có thể truyền lệnh cho cung nội biết.’

“Vua làm như lời các Đại thần; vào truyền lệnh cung nội: ‘Ta nước giàu, binh mạnh, kho tàng đầy ắp. Ta cung cấp cho nhân dân không thiếu thốn cái gì. Chúng nuôi dưỡng con cháu, cùng nhau vui đùa. Nay ta muốn thiết lễ đại tự.’

“Các phu nhân liền tâu vua: ‘Đúng vậy, đúng vậy, như lời Đại vương, nước giàu binh mạnh, kho tàng đầy ắp, tài bảo dồi dào. Nếu muốn tế tự, nay thật đúng lúc.’

“Vua trở ra, báo cho quần thần biết: ‘Ta nước giàu, binh mạnh, kho tàng đầy ắp. Ta cung cấp cho nhân dân không thiếu thốn cái gì. Chúng nuôi dưỡng con cháu, cùng nhau vui đùa. Nay ta muốn thiết lễ đại tự. Ta đã truyền lệnh cung nội. Các ngươi hãy nói hết cho ta, cần có những thứ gì?’           “Bấy giờ, các Đại thần liền tâu vua rằng: ‘Đúng vậy, đúng vậy, như lời Đại vương nói. Đại vương muốn tế tự. Đã truyền cho nội cung biết, nhưng chưa nói cho Thái tử, Hoàng tử, Đại thần, Tướng sĩ biết[15]. [99a] Đại vương nên lệnh truyền cho biết.’

“Vua nghe lời các Đại thần, bèn truyền lệnh cho Thái tử, Hoàng tử, Đại thần, Tướng sĩ rằng: ‘Ta nước giàu binh mạnh, kho tàng đầy ắp. Nay ta muốn thiết lễ đại tự.’

“Khi ấy, Thái tử, Hoàng tử, quần thần và các tướng sĩ, tâu vua rằng: ‘Đúng vậy, đúng vậy, như lời Đại vương, nước giàu binh mạnh, kho tàng đầy ắp, tài bảo dồi dào. Nếu muốn tế tự, nay thật đúng lúc.’

“Vua lại báo cho quần thần biết: ‘Ta nước giàu, binh mạnh, kho tàng đầy ắp. Tài bảo dồi dào. Nay ta muốn thiết lễ đại tự. Ta đã truyền lệnh cung nội, Thái tử, Hoàng tử, cho đến tướng sĩ. Nay muốn thiết lễ đại tự, cần có những thứ gì?’

“Các Đại thần liền tâu: ‘Như lời Đại vương. Muốn thiết lễ đại tự, nay chính là lúc.’

“Vua nghe lời, cho dựng những ngôi nhà mới ở thành Đông. Vua đi vào nhà mới. Mình khoác áo da hươu, thoa mình bằng dầu bơ thơm, lại đội sừng hươu lên đầu. Sai trét phân bò lên đất, rồi ngồi nằm trên đó. Trong lúc đó, Đệ nhất phu nhân, Đại thần Bà-la-môn, chọn một con bò cái màu vàng. Một phần sữa để Vua ăn; một phần sữa để cho Phu nhân ăn; một phần sữa để cho Đại thần ăn; một phần sữa cúng dường đại chúng. Còn lại, cho bê. Bấy giờ, nhà Vua thành tựu tám pháp, Đại thần thành tựu bốn pháp.

“Những gì là tám pháp nhà Vua thành tựu?  

“Nhà vua thuộc dòng Sát-lị, từ bảy đời trở lại cha mẹ đều chơn chánh, không bị người khinh chê; đó là thành tựu pháp thứ nhất. Nhà vua thuộc dòng tộc Sát-lị, có dung mạo đoan chánh; đó là pháp thứ hai. Nhà vua có giới đức tăng thạnh, trí tuệ đầy đủ; đó là pháp thứ ba. Nhà vua tập đủ các loại kỹ thuật: cưỡi voi, xe ngựa, đao mâu, cung tên, phương pháp chiến đấu; không thứ nào là không biết; đó là pháp thứ tư. Nhà vua có uy lực lớn, thâu nhiếp các Tiểu vương; không ai không thần phục; đó là pháp thứ năm. Nhà vua khéo léo về ngôn ngữ, lời nói dịu dàng, đầy đủ nghĩa và vị; đó là pháp thứ sáu. Nhà vua có tài bảo dồi dào, kho tàng đầy ắp; đó là pháp thứ bảy. Nhà vua có trí mưu, dũng mãnh, quả cảm, không hề run sợ; đó là pháp thứ tám.[16] Nhà vua thuộc dòng Sát-lị kia thành tựu tám pháp này.

“Thế nào là Đại thần[17] thành tựu bốn pháp? Đại thần Bà-la-môn kia từ bảy đời nay cha mẹ đều chơn chánh không bị người khinh chê; đó là pháp thứ nhất. Đại thần đọc tụng thông suốt ba bộ dị học, có khả năng phân tích các loại kinh thư; thế điển u vi, không thứ nào không tổng luyện; lại giỏi phép xem tướng đại nhân, dự đóan tốt xấu, tế tự nghi lễ; đó là pháp thứ hai. Lại nữa, Đại thần giỏi về [99b] ngôn ngữ, lời nói dịu dàng, nghĩa vị đầy đủ; đó là pháp thứ ba. Lại nữa, Đại thần có trí mưu, dũng cảm, quả quyết, không hề run sợ; thấu hiểu tất cả mọi pháp tế tự; đó là pháp thứ tư.[18]

“Bấy giờ, Vua thành tựu tám pháp; Đại thần Bà-la-môn thành tựu bốn pháp; và Vua có đủ bốn viện trợ. Đó là, ba pháp tế tự, với mười sáu tư cụ tế tự.

“Bấy giờ, Đại thần Bà-la-môn ở nơi ngôi nhà mới khai giải tâm ý của Vua bằng mười sáu việc, dứt trừ ý tưởng nghi ngờ của Vua. Mười sáu việc ấy là gì? Đại thần tâu Vua:

“Hoặc có người nói, nay vua Sát-lị muốn cử hành đại tự, nhưng từ bảy đời trở lại cha mẹ vua không chơn chánh, thường bị người khinh chê. Giả sử có lời ấy, Đại vương vẫn không bị ô uế. Vì sao? Đại vương từ bảy đời nay cha mẹ đều chơn chánh.

“Hoặc có người nói, nay vua Sát-lị muốn cử hành đại tự, nhưng dung mạo xấu xí, không thuộc dòng dõi Sát-lị. Giả sử có lời ấy, Đại vương vẫn không bị ô uế. Vì sao? Đại vương có dung mạo đoan chánh, thuộc dòng dõi Sát-lị.

“Hoặc có người nói, nay vua Sát-lị muốn cử hành đại tự, nhưng không có giới tăng thượng, trí tuệ không đầy đủ. Giả sử có lời như vậy, Đại vương vẫn không bị ô uế. Vì sao? Đại vương giới đức tăng thượng, trí tuệ đầy đủ.

“Hoặc có người nói, nay vua Sát-lị muốn cử hành đại tự, nhưng không giỏi các thuật: cỡi voi, xe ngựa, các thứ binh pháp cũng không biết. Giả sử có lời như vậy, Đại vương vẫn không bị ô uế. Vì sao? Đại vương giỏi các kỹ thuật, binh pháp chiến trận, không thứ nào không biết

“Hoặc có người nói, nay vua Sát-lị muốn cử hành đại tự, nhưng không có uy lực lớn để thống nhiếp các Tiểu vương. Giả sử có lời như vậy, Đại vương vẫn không bị ô uế. Vì sao? Đại vương có uy lực lớn, thống nhiếp các Tiểu vương.

“Hoặc có người nói, nay vua Sát-lị muốn cử hành đại tự, nhưng không giỏi ngôn ngữ; lời nói thô lỗ, không đủ nghĩa vị. Giả sử có lời như vậy, Đại vương vẫn không bị ô uế. Vì sao? Đại vương giỏi ngôn ngữ, lời nói dịu dàng, đầy đủ nghĩa và vị.

“Hoặc có người nói, nay vua Sát-lị muốn cử hành đại tự, nhưng không có nhiều tài bảo. Giả sử có lời như vậy, Đại vương vẫn không bị ô uế. Vì sao? Đại vương có nhiều tài bảo, kho lẫm tràn đầy.

“Hoặc có người nói, nay vua Sát-lị muốn cử hành đại tự, nhưng không có trí mưu, ý chí khiếp nhược. Giả sử có lời như vậy, Đại vương vẫn không bị ô uế. Vì sao? Đại vương có trí mưu, dũng mãnh và quả cảm, không hề khiếp nhược.

“Hoặc có người nói, nay vua Sát-lị muốn cử hành đại tự, nhưng không nói với [99c] nội cung. Giả sử có lời như vậy, Đại vương vẫn không bị ô uế. Vì sao? Đại vương muốn tế tự, trước đã nói cho nội cung.

“Hoặc có người nói, nay vua sát lợi muốn cử hành đại tự, nhưng không nói với Thái tử và các hoàng tử. Giả sử có lời như vậy, Đại vương vẫn không bị ô uế. Vì sao? Đại vương muốn tế tự, trước đã nói với Thái tử và các hoàng tử.

“Hoặc có người nói, nay vua Sát-lị muốn cử hành đại tự, nhưng không nói với quần thần. Giả sử có lời như vậy, Đại vương vẫn không bị ô uế. Vì sao? Đại vương muốn tế tự, trước đã nói với quần thần.

“Hoặc có người nói, nay vua Sát-lị muốn cử hành đại tự, nhưng không nói với tướng sĩ. Giả sử có lời như vậy, Đại vương vẫn không bị ô uế. Vì sao? Đại vương muốn tế tự, trước đã nói với tướng sĩ.

“Hoặc có người nói, nay vua Sát-lị muốn cử hành đại tự, nhưng Bà-la-môn Đại thần từ bảy đời trở lại cha mẹ không chơn chánh, bị người khinh chê. Giả sử có lời như vậy, Đại vương vẫn không bị ô uế. Vì sao? Tôi bảy đời trở lại cha mẹ chơn chánh, không bị người khinh chê.

“Hoặc có người nói, nay vua Sát-lị muốn cử hành đại tự, nhưng Bà-la-môn Đại thần không đọc tụng thông suốt ba bộ dị học, không có khả năng phân tích các thứ kinh thư, thế điển u vi không hề lão luyện, không giỏi phép xem tướng đại nhân, dự đoán cát hung, tế tự nghi lễ. Giả sử có lời như vậy, Đại vương vẫn không bị ô uế. Vì sao? Tôi đọc tụng thông suốt ba bộ dị học, có khả năng phân tích các thứ kinh thư, thế điển u vi không thứ nào không lão luyện, lại giỏi phép xem tướng đại nhân, dự đoán cát hung, tế tự nghi lễ.

“Hoặc có người nói, nay vua Sát-lị muốn cử hành đại tự, nhưng Bà-la-môn Đại thần không giỏi ngôn ngữ; nói năng thô lỗ, nghĩa vị không đủ. Giả sử có lời như vậy, Đại vương vẫn không bị ô uế. Vì sao? Tôi khéo léo nơi ngôn ngữ; nói năng dịu dàng, đầy đủ nghĩa và vị.

“Hoặc có người nói, nay vua Sát-lị muốn cử hành đại tự, nhưng Bà-la-môn Đại thần không đủ mưu trí, ý chí khiếp nhược, không hiểu rõ phép tế tự. Giả sử có lời như vậy, Đại vương vẫn không bị ô uế. Vì sao? Tôi đủ mưu trí, ý chí không khiếp nhược, không phép tế tự nào mà không hiểu rõ.”

Phật bảo Cứu-la-đàn-đầu:

“Nhà Vua có mười sáu chỗ ngờ vực, mà Đại thần kia cởi mở ý vua bằng mười sáu việc như thế.”

Rồi Phật nói tiếp:

“Bấy giờ, vị Đại thần ở nơi ngôi nhà mới, bằng mười sự hành,[19] chỉ bày, khuyến khích, khiến cho được ích lợi, hoan hỷ cho nhà vua. Những gì là mười?

“Vị Đại thần nói: Khi Đại vương tế tự, những kẻ sát sanh hay những kẻ không sát sanh cùng tụ hội đến. Hãy bố thí cho họ một cách bình đẳng. Nếu có những kẻ sát sanh [100a] đến, cũng bố thí cho, và kẻ kia sẽ tự biết lấy. Kẻ không sát sanh đến, cũng bố thí cho, vì lý do ấy mà bố thí; bố thí với tâm như vậy.[20] Nếu có những kẻ trộm cắp, tà dâm, hai lưỡi, ác khẩu, nói dối, ỷ ngữ, tham lam, tật đố, tà kiến, cùng tụ hội đến, hãy bố thí cho họ. Kẻ kia sẽ tự biết lấy. Nếu những kẻ không trộm cắp, cho đến, có chánh kiến, cùng đến, cũng hãy bố thí cho họ, vì sự ấy mà bố thí, bố thí với tâm như vậy.”

Phật lại nói với Bà-la-môn:

“Vị Đại thần kia, bằng mười sự hành này, chỉ bày, khuyến khích, khiến cho được lợi ích, hoan hỷ.

“Rồi thì, vua Sát-lị kia ở nơi ngôi nhà mới sanh ba tâm hối tiếc. Vị Đại thần khiến cho được dứt trừ. Ba tâm hối là gì?

“Nhà vua sanh tâm hối tiếc rằng: Ta nay tổ chức đại tự, đã làm đại tự, sẽ làm đại tự, đang làm đại tự. Tốn nhiều tài bảo. Đại thần tâu vua: Đại vương đã tổ chức đại tự, đã bố thí, sẽ bố thí, đang bố thí. Không nên sanh hối tiếc đối với tế tự có phước này.

“Như thế, nhà vua khi ở ngôi nhà mới có ba sự hối tiếc, đã được Đại thần dứt trừ.”

Phật lại nói với Bà-la-môn:

“Bấy giờ, vua Quán đảnh dòng Sát-lị, vào ngày 15, khi trăng tròn, ra khỏi ngôi nhà mới, tại khoảng đất trống trước nhà, đốt lên một đống lửa lớn. Tay Vua cầm bình dầu rót lên ngọn lửa, xướng lên rằng: ‘Hãy cho! Hãy cho!’[21]

“Khi ấy Phu nhân của Vua hay tin nhà Vua vào ngày 15 trăng tròn ra khỏi nhà mới, tại khoảng đất trống trước nhà, đốt lên một đống lửa lớn, tay cầm bình dầu rót lên ngọn lửa, xướng lên rằng: ‘Hãy cho! Hãy cho!’. Bà cùng với thể nữ cầm nhiều tài bảo, đi đến chỗ vua, tâu vua rằng: Các tạp bảo này, giúp Đại vương làm tế tự.’ Này Bà-la-môn, nhà Vua liền nói với Phu nhân và thể nữ rằng: ‘Thôi, đủ rồi! Các ngươi như thế là đã cúng dường rồi. Ta có sẵn tài bảo riêng mình, đủ để tế tự.’ Phu nhân và các thể nữ suy nghĩ: ‘Chúng ta không nên mang các bảo vật này trở về nội cung. Nếu khi đức vua thiết lễ đại tự ở phương Đông, chúng ta sẽ dùng để hỗ trợ. Này Bà-la-môn, sau đó nhà vua ở phương Đông thiết lễ đại tự, khi ấy Phu nhân và các thể nữ liền đem các bảo vật ấy trợ giúp thiết lễ đại tự.

“Bấy giờ, Thái tử, hoàng tử, hay tin nhà vua, vào ngày 15 trăng tròn, ra khỏi nhà mới, tại khoảng đất trống trước nhà, đốt lên một đống lửa lớn, tay cầm bình dầu rót lên ngọn lửa, xướng lên rằng: ‘Hãy cho! Hãy cho!’ Thái tử, hoàng tử cầm nhiều tài bảo, đi đến chỗ vua, tâu vua rằng: ‘Các tạp bảo này, giúp Đại vương làm tế tự.’ Này Bà-la-môn, nhà vua liền nói với Thái tử và hoàng tử: ‘Thôi, đủ rồi! Các ngươi như thế là đã cúng dường rồi. Ta có sẵn tài bảo riêng mình, đủ để tế tự.’ [100b] Thái tử, hoàng tử suy nghĩ: ‘Chúng ta không nên mang các bảo vật này trở về. Nếu khi đức vua thiết lễ đại tựï ở phương Nam, chúng ta sẽ dùng để hỗ trợ.’ Này Bà-la-môn, sau đó nhà vua ở phương thiết lễ đại tự, khi ấy Thái tử, hoàng tử liền đem các bảo vật ấy trợ giúp thiết lễ đại tự.

“Cũng vậy, Đại thần cầm tài bảo đến, hỗ trợ Vua tế tự ở phương Tây. Tướng sĩ cầm tài bảo đến hỗ trợ vua tế tự ở phương Bắc[22].”

Phật lại nói với Bà-la-môn:

“Nhà vua kia khi cử hành đại tự không giết bò, dê và các chúng sanh; chỉ dùng bơ, sữa, dầu mè, mật, đường đen, đường mía[23] để tế tự.”

Phật lại nói với Bà-la-môn:

“Vua Sát-lị kia khi cử hành đại tự, khoảng đầu hoan hỷ, khoảng giữa hoan hỷ, khoảng cuối hoan hỷ. Đó là phép tổ chức tế tự.”

Phật lại nói với Bà-la-môn[24] :

“Vua Sát-lị kia, sau khi cử hành đại tự, cạo bỏ râu tóc, bận ba pháp y, xuất gia hành đạo, tu bốn vô lượng tâm. Khi thân hoại mạng chung, sanh lên cõi Phạm thiên.

“Phu nhân của Vua, sau khi cử hành đại tự, cũng cạo tóc, bận ba pháp y, xuất gia hành đạo, hành bốn phạm hạnh. Khi thân hoại mạng chung, sanh lên cõi Phạm thiên.

“Đại thần Bà-la-môn sau khi chỉ dẫn Vua tế tự bốn phương, cũng tổ chức đại thí, sau đó cạo bỏ râu tóc, bận ba pháp y, xuất gia hành đạo, hành bốn phạm hạnh. Khi thân hoại mạng chung, sanh lên cõi Phạm thiên.”

Phật lại nói với Bà-la-môn:

“Bấy giờ, nhà Vua bằng ba pháp tế tự, mười sáu tư cụ tế tự, đã tổ chức thành công đại tự. Ý ông nghĩ sao?”

Cứu-la-đàn-đầu nghe Phật nói, im lặng không trả lời. Lúc ấy, năm trăm Bà-la-môn hỏi Cứu-la-đàn-đầu:

“Những điều Sa-môn Cù-đàm nói thật vi diệu, sao Đại sư im lặng không trả lời?”

Cứu-la-đàn-đầu đáp:

“Những điều Sa-môn Cù-đàm nói thật là vi diệu. Không phải tôi không thừa nhận. Lý do mà tôi im lặng, là vì có điều suy nghĩ. Sa-môn Cù-đàm nói sự việc này, không nói là nghe từ người khác. Tôi thầm nghĩ: Há Sa-môn Cù-đàm không phải là vua Sát-lị kia chăng? Hoặc giả là vị Đại thần Bà-la-môn kia chăng?”

Bấy giờ Thế Tôn nói với Cứu-la-đàn-đầu:

“Lành thay, lành thay! Ông quán sát Như Lai, thật sự là thích hợp. Vua Sát-lị cử hành đại tự lúc ấy há phải là ai khác chăng? Chớ nhận xét như thế. Người ấy chính bản thân Ta vậy. Ta lúc bấy giờ đã huệ thí rất lớn.”

Cứu-la-đàn-đầu bạch Phật rằng:

“Chừng ấy thôi, ba loại tế tự và mười sáu tư cụ tế tự, là được quả báo lớn, hay còn có cái gì hơn thế nữa không?”

Phật nói: “Có”.

Hỏi: “Đó là cái gì?”

Phật nói:

“So với ba tế tự và mười sáu tế cụ, nếu thường [100c] cúng dường Chúng Tăng, không để gián đoạn, công đức còn hơn nhiều.”

Lại hỏi:

“So với ba tế tự và mười sáu tế cụ, nếu thường cúng dường Chúng Tăng, không để gián đoạn, do thế công đức tối thắng. Nhưng còn có cái tối thắng nữa không”

Phật nói: “Có”.

Lại hỏi: “Đó là cái gì?”

Phật nói:

“Nếu bằng ba tế tự và mười sáu tế cụ, và thường cúng dường Chúng Tăng không để gián đoạn, chẳng bằng vì chiêu-đề tăng mà dựng tăng phòng, nhà cửa, lầu gác. Thí ấy tối thắng.”

Lại hỏi:

“Bằng ba tế tự và mười sáu tế cụ, và thường cúng dường Chúng Tăng không để gián đoạn, và vì chiêu đề tăng mà dựng tăng phòng, nhà cửa, lầu gác; phước ấy tối thắng. Những có cái gì hơn thế chăng?”

Phật nói: “Có”.

Lại hỏi:

“Đó là cái gì?”

Phật nói:

“Nếu bằng ba tế tự và mười sáu tế cụ, và thường cúng dường Chúng Tăng không để gián đoạn, và vì chiêu đề tăng mà dựng tăng phòng, nhà cửa, lầu gác; chẳng bằng khởi tâm hoan hỷ, miệng tự phát thành lời rằng: Tôi quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Phước này tối thắng.”

Lại hỏi:

“Chừng ấy ba pháp quy y được quả báo lớn, hay còn có cái gì hơn nữa?”

Phật nói: “Có”.

Hỏi: “Đó là cái gì?”

Phật nói:

“Nếu với tâm hoan hỷ thọ và hành năm giới, suốt đời không giết, không trộm, không tà dâm, không dối, không uống rượu; phước này tối thắng.”

Lại hỏi: “Chừng ấy ba pháp tế tự (...), cho đến năm giới, được quả báo lớn hay còn có cái gì hơn nữa?”

Phật nói: “Có”.

Lại hỏi: “Đó là cái gì?”

Phật nói:

“Nếu có thể bằng từ tâm nhớ nghĩ chúng sanh bằng khoảnh khắc vắt sữa bò; phước ấy tối thắng.”

Lại hỏi: “Chừng ấy ba pháp tế tự, cho đến từ tâm, được quả báo lớn, hay còn có cái gì hơn nữa?”

Phật nói: “Có”.

Lại hỏi: “Đó là cái gì?”

Phật nói:

“Nếu Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời, có người theo Phật pháp xuất gia tu đạo, mọi đức đều hoàn bị, cho đến, đầy đủ ba minh, diệt các sự tối tăm, đầy đủ tuệ minh. Vì sao? Vì không buông lung, ưa sống nơi thanh vắng; phước này tối thắng.”

Cứu-la-đàn-đầu bạch Phật:

“Thưa Cù-đàm! Tôi vì tế tự mà chuẩn bị bò, dê mỗi thứ năm trăm con. Nay sẽ thả hết, mặc chúng tùy ý đi tỳm cỏ, nước. Tôi nay quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, xin nhận tôi làm ưu-bà-tắc trong Chánh pháp. Từ nay về sau, cho đến hết đời, không giết, không trộm, không tà dâm, không dối, không uống rượu. Cúi mong Thế Tôn cùng đại chúng nhận lời mời sáng mai của tôi.”

Bấy giờ, [101a] Thế Tôn im lặng nhận lời.

Bà-la-môn thấy Phật im lặng nhận lời, liền đứng dậy lễ Phật, đi quanh ba vòng, rồi lui ra.

Trở về nhà, ông sửa soạn đủ các loại hào soạn. Sáng hôm sau, khi đến thời, Thế Tôn khoác y, cầm bát, cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người, đi đến nhà Bà-la-môn, ngồi trên chỗ dọn sẵn. Khi ấy Bà-la-môn tự tay châm chước, cúng Phật và Tăng. Ăn xong, thâu y bát, dùng nước rửa xong, Phật đọc cho Bà-la-môn nghe một bài tụng:

Tế tự, lửa là nhất.

Đọc tụng, thơ là nhất.       

Loài người, vua là nhất.

Các sông, biển là nhất.

Các sao, trăng là nhất.

Ánh sáng, mặt trời nhất.

Trên, dưới và bốn phương,

Phàm sanh vật hiện hữu,

Chư thiên và người đời,

Duy Phật là tối thượng.

Ai muốn cầu đại phúc,

Hãy cúng dường Tam bảo.

Bấy giờ Cứu-la-đàn-đầu lấy một cái ghế nhỏ ngồi trước Phật. Thế Tôn thuyết pháp cho ông theo thứ tự, chỉ bày, khuyến khích, khiến được lợi ích, hoan hỷ. Ngài nói về thí, về giới, về sanh thiên; nói dục là tai họa, là hữu lậu, là chướng ngại, xuất ly là tối thượng, phân bố, hiển thị các hạnh thanh tịnh.

Rồi Thế Tôn quán sát Bà-la-môn, ý chí đã mềm dịu, ấm cái đã vơi nhẹ, dễ được điều phục. Như thường pháp của chư Phật, Ngài giảng thuyết cho ông về Khổ thánh đế, phân biệt hiển thị, thuyết Tập thánh đế, Tập diệt thánh đế, Xuất yếu thánh đế. Cứu-la-đàn-đầu ngay trên chỗ ngồi mà xa lìa trần cấu, đắc pháp nhãn tịnh. Cũng như tấm lụa trắng rất dễ nhuộm màu, Bà-la-môn Cứu-la-đàn-đầu cũng vậy, thấy pháp, đắc pháp, thành tựu đạo quả, quyết định an trú, tự tín không do ai, đắc vô sở úy, bèn bạch Phật rằng:

“Nay con ba lần xin quy y Phật, Pháp, Thánh chúng. Nguyện Phật chấp thuận con là một ưu-bà-tắc ở trong Chánh pháp. Từ nay về sau, cho đến trọn đời, không giết, không trộm, không tà dâm, không dối, không uống rượu.”

Rồi lại bạch Phật tiếp rằng:

“Cúi mong Thế Tôn nhận lời mời của con trong bảy ngày.”

Thế Tôn khi ấy im lặng nhận lời.

Trong bảy ngày ấy, Bà-la-môn tự tay châm chước, cúng Phật và Tăng. Qua bảy ngày, Thế Tôn du hành trong nhân gian.[25]

Phật đi chưa bao lâu, Cứu-la-đàn-đầu mắc bịnh mà mạng chung. Khi ấy, số đông Tỳ-kheo nghe tin Cứu-la-đàn-đầu sau khi cúng dường Phật bảy ngày, và khi Phật đi chưa lâu, ông lâm bịnh mà mạng chung. Các Tỳ-kheo này bèn nghĩ thầm rằng: “Người kia nay mạng chung, sẽ sanh về đâu?” Rồi các Tỳ-kheo đi đến chỗ Phật, lễ dưới chân Phật xong, ngồi xuống một bên, bạch Phật rằng:

“Cứu-la-đàn-đầu nay mạng chung, sẽ sanh về đâu?”

Phật nói với các Tỳ-kheo:

“Người ấy tịnh tu phạm hạnh, thành tựu pháp và tùy pháp, và cũng không bị xúc nhiễu bởi pháp[26], do đã đoạn trừ năm hạ phần kết, hiện bát Niết-bàn ở nơi kia, không trở lại cõi này nữa.”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.[27]

 


*  佛說長阿含第三分[15]究羅檀頭經第四

[1] Câu-tát-la Khư-nậu-bà-đề-Bà-la-môn thôn 俱薩羅佉 [少/兔] 婆提婆羅門村. D 5: một làng Bà-la-môn ở Magadha tên là Khānu           mata.

[2] Thi-xá-bà 尸舍婆 (Pl.: Siṃsapa). D 5: trong rừng cây Ambalatthika ở Khānumata.

[3] Cứu-la-đàn-đàu 究羅檀頭. Pl.: Kūṭadanto.

[4] Đại tự 大 祀.  Pl.: Mahāyañña.

[5] Đặc ngưu 特 牛. Pl.: usabha, bò đực.

[6] Tự ngưu 牸牛.

[7] Đặc độc 特 犢. Pl.: vacchatara, bê đực.

[8] Tự độc 牸 犢, Pl.: vacchatarī, bê cái.

[9] Cổ dương 羖 羊. Pl.: urabbha, dê đực.

[10]. yết dương 羯 羊, Pl.: aja, sơn dương đực. Mỗi thứ bảy trăm con, theo bản Pl., và chỉ kể 5 loại thú hy sinh. Bản Hán, 6 loại.

[11] Chi tiết từ đây trở xuống, giống như trong kinh 22 “Chủng đức”, với một ít thay đổi nhỏ.

[12] Tam chủng tế tự 三種祭祀. Pl.: tividhayaññasampadam: tế ngựa, tế bò, tế dê; hoặc như kinh giải thích ở đoạn sau.

[13] Thập lục tự cụ 十六祀具.  Pl.: soḷasaparikkhāram, chi tiết sẽ được kể sau.

[14] Bà-la-môn đại thần 婆羅門大臣, chỉ người Bà-la-môn làm tư tế cho vua, hoặc làm quốc sư, phụ tướng. Pl.: purohita brāhmaṇa.

[15] Bốn tư trợ của đại tự, theo bản Hán: hoàng hậu, Thái tử, quần thần và tướng sĩ. Theo bản Pl., cattāro anumatipakkhā (bốn tư trợ thuận tùng): 1. Hoàng tộc (janapade khattiyā), 2. Triều thần (amaccā parisajjā), 3. Bà-la-môn phú hào (brāhmaṇa-mahāsāla), 4. Cư sĩ phú hào (gahapati-necayikā).

[16] Tám yếu tố này hơi khác với bản Pl. (D.i. 137): 1. thuần chủng (sujāta), 2. dung sắc (abhirūpa), 3. giàu có (aḍḍha), 4. uy lực (balavā), 5. tín tâm (saddha), 6. học rộng (bahussuta), 7. giỏi ngôn ngữ (bhāsitassa attham janāti), 8. hiền minh (paṇdta).

[17] Đây chỉ đại thần Bà-la-môn, tức vị tư tế của vua (purohita-brāhmaṇa).

[18] Bốn đức tính theo bản Pl. (D.i.. ibid.): 1. huyết thống (sujāta), 2. tụng đọc (ajjhāyaka), 3. có giới đức (sīlavā), 4.hiền minh (paṇḍita)

[19] Sự hành 事行. D.i. 131: dasa-ākārā, 10 hành tướng: pubbeva yaññā das’ ākārehi paṭigghāhakesu vippaṭisāraṃ paṭivinodetuṃ, trước khi tế tự, bằng 10 phương pháp để loại trừ những sự hối tiếc.

[20] D.i.ibid.: pāṇātipātā paṭiviratā te ārabbha yajataṃ bhavaṃ, sajjataṃ, modataṃ bhavaṃ cittam eva bhavaṃ antaraṃ pasādetu, những người không sát sanh, đối với họ, bố thí, cúng dường, hoan hỉ, nội tâm sanh khởi tịnh tín.

[21] Bản Pl. không có chi tiết này.

[22] Bốn tư trợ, đã nói đoạn trên. Xem cht. 15. Bản Pl. nói 4 tư trợ của đại tự tổ chức tuỳ hậu tế (anuyāgino homā).

[23] Hán: tô 酥, nhủ 乳, ma du 麻油, mật 蜜, hắc mật 黑蜜, thạch mật 石蜜. D.i. 142: sappi-tela-navanīta-dadhi-madhu-phāṇita: bơ, dầu mè, bơ sống (sanh tô), sữa đông, mật, đường mía.

[24] Các chi tiết kể sau đó không có trong bản Pl..

[25] Chi tiết tiếp theo không có trong bản Pali.

[26] Hán: diệc bất ư pháp hữu sở xúc nhiễu 亦不於法有所觸 擾.

[27] Bản hán, hết quyển 15.

24. Kinh kiên cố

24. KINH KIÊN CỐ

[101b15] Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại thành Na-lan-đà, [1] trong rừng Ba-bà-lị-yểm,[2] cùng chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người.

Bấy giờ, có người con trai trưởng giả, tên gọi Kiên Cố[3], đi đến chỗ Phật, cúi lạy sát chân Phật, rồi ngồi xuống một bên. Khi ấy, con trai trưởng giả Kiên Cố bạch Phật rằng:

“Lành thay, Thế Tôn. Cúi mong Thế Tôn giáo sắc các Tỳ-kheo, nếu có Bà-la-môn, Trưởng giả tử hay Cư sĩ đến, hãy hiện thần thông[4], hiển thị pháp thượng nhơn[5].”

Phật nói với Kiên Cố:

“Ta không bao giờ dạy các Tỳ-kheo hiện thần túc, pháp thượng nhân, cho Bà-la-môn, Trưởng giả, Cư sĩ[6]. Ta chỉ dạy các đệ tử ở nơi thanh vắng nhàn tĩnh mà trầm tư về đạo. Nếu có công đức, nên dấu kín. Nếu có sai lầm, nên tự mình bày tỏ.”

Kiên Cố, con trai trưởng giả, lại bạch Phật:

“Cúi mong Thế Tôn giáo sắc các Tỳ-kheo, nếu có Bà-la-môn, Trưởng giả tử hay Cư sĩ đến, hãy hiện thần thông, hiển thị pháp thượng nhơn.”

Phật lại nói với Kiên Cố:

“Ta không bao giờ dạy các Tỳ-kheo hiện thần túc, pháp thượng nhân, cho Bà-la-môn, Trưởng giả, Cư sĩ. Ta chỉ dạy các đệ tử ở nơi thanh vắng nhàn tĩnh mà trầm tư về đạo. Nếu có công đức, nên dấu kín. Nếu có sai lầm, nên [101c] tự minh bày tỏ.”

Khi ấy Kiên Cố, con trai trưởng giả, bạch Phật rằng:

“Con đối với pháp thượng nhơn không có gì nghi ngờ. Nhưng thành Na-lan-đà này, quốc thổ thịnh vượng, nhân dân đông đúc, nếu ở đó mà hiện thần túc, sẽ ích lợi cho nhiều người. Phật và Chúng Tăng khéo hoằng hóa đạo.”

Phật nói với Kiên Cố:

“Ta không bao giờ dạy các Tỳ-kheo hiện thần túc, pháp thượng nhân, cho Bà-la-môn, Trưởng giả, Cư sĩ. Ta chỉ dạy các đệ tử ở nơi thanh vắng nhàn tĩnh mà trầm tư về đạo. Nếu có công đức, nên dấu kín. Nếu có sai lầm, nên tự bày tỏ. Vì sao vậy? Có ba loại thần túc. Những gì là ba? Một, thần túc; hai, quán sát tâm người; ba, giáo giới[7].

“Thế nào là thần túc? Này con trai trưởng giả, Tỳ-kheo tập[8] vô lượng thần túc, có thể từ một thân biến thành vô số; từ vô số thân hiệp trở lại thành một thân; hoặc xa, hoặc gần, núi, sông, vách đá, thảy đều tự tại vô ngại, như đi trong hư không. Ở giữa hư không mà ngồi kết già y như chim bay. Ra, vào lòng đất y như trong nước. Hoặc đi trên nước như đi trên đất. Mình bốc khói, lửa, như đống lửa lớn. Tay sờ mặt trời, mặt trăng. Đứng cao đến Phạm thiên. Nếu có trưởng giả hay cư sĩ đã có tín tâm thấy Tỳ-kheo hiện vô lượng thần túc, đứng cao đến Phạm thiên, sẽ đi đến các trưởng giả, cư sĩ chưa có tín tâm khác, mà nói rằng: ‘Tôi thấy Tỳ-kheo hiện vô lượng thần túc, đứng cao đến Phạm thiên.’ Trưởng giả hay cư sĩ kia, những người chưa có tín tâm, nói với những người đã có tín tâm rằng: ‘Tôi nghe nói có thần chú cù-la[9] có khả năng hiện vô lượng thần biến như vậy..., cho đến, đứng cao đến Phạm thiên.”

Phật bảo Kiên Cố, con trai trưởng giả:

“Những người chưa có tín tâm kia nói như vậy há không phải là hủy báng sao?”

Kiên Cố đáp:

“Đó thật sự là lời hủy báng vậy.”

Phật nói:

“Ta vì vậy không giáo sắc các Tỳ-kheo hiện thần túc, pháp thượng nhân, mà chỉ dạy các đệ tử ở nơi thanh vắng nhàn tĩnh mà trầm tư về đạo. Nếu có công đức, nên dấu kín. Nếu có sai lầm, nên tự bày tỏ. Như vậy, này con trai trưởng giả, đó chính là loại thần túc mà các đệ tử Ta thị hiện.

“Sao gọi là thần túc quán sát tâm người? Ở đây, Tỳ-kheo hiện vô luợng thần túc quán sát; quán sát những pháp được nhớ nghĩ trong tâm chúng sanh; những việc được làm trong xó tối cũng có thể nhận biết. Nếu có trưởng giả hay cư sĩ đã có tín tâm thấy Tỳ-kheo hiện vô lượng thần túc quán sát; quán sát những pháp được nhớ nghĩ trong tâm chúng sanh; [102a] những việc được làm trong xó tối cũng có thể nhận biết, sẽ đi đến các trưởng giả, cư sĩ chưa có tín tâm khác, mà nói rằng: ‘Tôi thấy Tỳ-kheo hiện vô lượng thần túc quán sát; quán sát những pháp được nhớ nghĩ trong tâm chúng sanh; những việc được làm trong xó tối cũng có thể nhận biết.’ Trưởng giả hay cư sĩ kia, những người chưa có tín tâm, nói với những người đã có tín tâm rằng: ‘Tôi nghe nói có thần chú càn-đà-la[10] có khả năng hiện vô lượng thần biến như vậy... cho đến, đứng cao đến Phạm thiên.”

Phật bảo Kiên Cố, con trai trưởng giả:

“Những người chưa có tín tâm kia nói như vậy há không phải là hủy báng sao?”

Kiên Cố bạch Phật:

“Đó thật sự là lời hủy báng vậy.”

Phật nói:

“Ta vì vậy không giáo sắc các Tỳ-kheo hiện thần túc, pháp thượng nhân, mà chỉ dạy các đệ tử ở nơi thanh vắng nhàn tĩnh mà trầm tư về đạo. Nếu có công đức, nên dấu kín. Nếu có sai lầm, nên tự bày tỏ. Như vậy, này con trai trưởng giả, đó chính là loại thần túc quán sát mà các đệ tử Ta thị hiện.

“Thế nào là giáo giới thần túc? Này con trai trưởng giả, nếu Như Lai, Chí chơn, Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời, mười hiệu đầy đủ, ở giữa chư Thiên, Người đời, Ma hoặc Ma thiên, Sa-môn, Bà-la-môn, mà tự thân chứng ngộ, rồi giảng thuyết cho người khác, với lời khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng cuối thảy đều chơn chánh, nghĩa vị thanh tịnh, phạm hạnh đầy đủ. Nếu có trưởng giả hoặc cư sĩ, sau khi nghe, ở trong đó phát sanh tín tâm. Khi đã có tín tâm, vị ấy ở trong đó quán sát, suy nghĩ rằng: ‘Ta không nên sống tại gia. Nếu sống tại gia, trói buộc liên miên, không thể thanh tịnh tu hành phạm hạnh. Nay ta hãy cạo bỏ râu tóc, bận ba pháp y, xuất gia tu đạo, đủ các công đức, cho đến thành tựu ba minh, diệt trừ những sự tối tăm, phát sanh ánh sáng đại trí. Vì sao vậy? Ấy là do tinh cần, ưa sống một mình chỗ thanh vắng, chánh niệm, chánh tri, mà được vậy. Này con trai trưởng giả, đó là giáo giới thần túc mà Tỳ-kheo của Ta thị hiện vậy.”

Bấy giờ, Kiên Cố, con trai trưởng giả, bạch Phật rằng:

“Có Tỳ-kheo nào thành tựu ba thần túc ấy không?

Phật nói với con trai trưởng giả:

“Ta không nói phần lớn các Tỳ-kheo đều thành tựu ba thần túc ấy. Nhưng, này con trai trưởng giả, có một Tỳ-kheo[11] của Ta ở trong chúng này thầm suy nghĩ rằng: ‘Thân này, với bốn đại: đất, nước, lửa, gió, vĩnh viễn diệt tận ở đâu?’. Tỳ-kheo ấy phút chốc hướng vào con đường thiên giới,[12] đi đến chỗ Tứ thiên vương,[13] hỏi Tứ thiên vương rằng: ‘Thân này, với bốn đại: đất, nước, lửa, gió, vĩnh viễn diệt tận ở đâu?’

“Này con trai trưởng giả, Tứ thiên vương kia trả lời Tỳ-kheo rằng: ‘Tôi không biết bốn đại vĩnh viễn diệt tận ở đâu. Trên tôi còn có trời, gọi là Đao-lị, vi diệu đệ nhất, có đại trí tuệ.[102b] Trời kia có thể biết bốn đại vĩnh viễn diệt tận ở đâu.’

“Tỳ-kheo nghe xong, phút chốc hướng theo thiên đạo, đi lên trời Đao-lị, hỏi Chư Thiên: ‘Thân này, với bốn đại: đất, nước, lửa, gió, vĩnh viễn diệt tận ở đâu?’ Chư thiên Đao-lị trả lời: ‘Tôi không biết bốn đại vĩnh viễn diệt tận ở đâu. Bên trên còn có trời, gọi là Diệm-ma,[14] vi diệu đệ nhất, có đại trí tuệ. Trời ấy có thể biết.’ Tỳ-kheo liền lên đó hỏi, nhưng nơi ấy vẫn không biết.

“Lần lượt như thế, lên Đâu-suất,[15] lên Hóa Tự Tại,[16] lên Tha Hóa Tự Tại thiên,[17] thảy đều nói: ‘Tôi không biết bốn đại vĩnh viễn diệt tận ở đâu. Bên trên còn có trời, gọi là Phạm-ca-di[18], vi diệu đệ nhất, có đại trí tuệ. Trời ấy có thể biết bốn đại vĩnh viễn diệt tận ở đâu.’Tỳ-kheo ấy phút chốc hướng vào Phạm đạo[19]. Lên đến đây, Tỳ kheo hỏi chư thiên Phạm thiên: ‘Thân này, với bốn đại: đất, nước, lửa, gió, vĩnh viễn diệt tận ở đâu?’ Vị Phạm thiên kia trả lời Tỳ-kheo: ‘Tôi không biết bốn đại vĩnh viễn diệt tận ở đâu. Nay có Đại Phạm Thiên vương, đấng Vô Năng Thắng, thống lãnh một nghìn thế giới, phú quý, tôn quý, hào quý, hoàn toàn được tự tại, có khả năng tạo hóa mọi vật, là cha mẹ của chúng sanh. Ngài có thể biết bốn đại vĩnh viễn diệt tận ở đâu.’ Này con trai trưởng giả, Tỳ-kheo kia liền hỏi ngay rằng: ‘Ngài Đại Phạm Thiên vương kia hiện đang ở đâu?’ Vị trời ấy đáp: ‘Không rõ Đại Phạm nay đang ở đâu. Nhưng theo ý tôi mà xét, Ngài sẽ xuất hiện giây lát.’ Chưa bao lâu, Phạm vương hốt nhiên xuất hiện. Này con trai trưởng giả, Tỳ-kheo kia đến Phạm vương và hỏi: ‘Thân này, với bốn đại: đất, nước, lửa, gió, vĩnh viễn diệt tận ở đâu?’ Đại Phạm vương kia nói với Tỳ-kheo: ‘Ta là Đại Phạm, là đấng Vô năng thắng, thống lãnh một nghìn thế giới, phú quý, tôn quý, hào quý, hoàn toàn được tự tại, có khả năng tạo hóa mọi vật, là cha mẹ của chúng sanh.’ Tỳ-kheo kia khi ấy nói với Phạm thiên vương: ‘Tôi không hỏi việc ấy. Tôi hỏi, bốn đại: đất, nước, lửa, gió, vĩnh viễn diệt tận ở đâu.’

“Này con trai trưởng giả, Phạm vương kia vẫn trả lời Tỳ-kheo: ‘Ta là Đại Phạm Vương, cho đến, sáng tạo vạn vật, cha mẹ của chúng sanh.’ Tỳ-kheo lại nói: ‘Tôi không hỏi việc ấy. Tôi hỏi, bốn đại vĩnh viễn diệt tận ở đâu.’ Này con trai trưởng giả, Phạm Thiên vương, như vậy đến ba lần, không thể trả lời Tỳ-kheo, bốn đại này vĩnh viễn diệt tận ở đâu. Rồi thì, Đại Phạm Vương bèn nắm lấy tay phải của Tỳ-kheo, kéo ra chỗ kín đáo, nói rằng: ‘Này Tỳ-kheo, nay các Phạm thiên đều bảo rằng ta là trí tuệ bậc nhất, không có gì không biết, không thấy. Vì vậy ta không trả lời Thầy, vì ta không biết, không [102c] thấy, bốn đại này nơi đâu vĩnh viễn diệt tận.’ Rồi lại nói tiếp với Tỳ-kheo: ‘Thầy thật là đại ngu ngốc mới bỏ Như Lai mà đi tra vấn Chư Thiên về việc này. Thầy nên đến Thế Tôn mà hỏi việc này. Như những gì Phật nói, hãy ghi nhớ kỹ.’ Lại bảo Tỳ-kheo: ‘Nay Phật ở tại Xá-vệ, trong vườn Cấp cô độc. Thầy hãy đến đó mà hỏi.’

“Này con trai trưởng giả, bấy giờ, Tỳ-kheo hốt nhiên biến mất khỏi Phạm thiên giới, và trong khoảnh khắc như tráng sĩ co duỗi cánh tay, đến Xá-vệ, trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà. Tỳ-kheo đi đến chỗ Ta, cúi lạy chân Ta, ngồi sang một bên, bạch Ta rằng: ‘Thế Tôn, nay bốn đại này, đất, nước, lửa, gió, vĩnh viễn diệt tận ở đâu?’

Bấy giờ, Ta nói rằng:

“Tỳ-kheo! Cũng như thương nhơn mang một con ưng[20] vào biển. Ở giữa biển, thả chim ưng bay các phương Đông, Tây, Nam, Bắc trong hư không. Nếu nhìn thấy đất liền, chim bèn dừng trên đó. Nếu không nhìn thấy, chim bay trở về thuyền. Tỳ-kheo, ngươi cũng vậy. Ngươi lên cho đến Phạm thiên để hỏi ý nghĩa đó, cuối cùng không thành tựu mới trở về Ta. Nay Ta sẽ khiến cho ngươi thành tựu ý nghĩa đó.”

Liền nói bài kệ rằng:

Do đâu không bốn đại:

Đất, nước, lửa và gió?[21]

Do đâu không thô, tế,

Và dài, ngắn, đẹp, xấu?

Do đâu không danh-sắc,

Vĩnh diệt, không dư tàn?[22]

Nên đáp: thức vô hình,

Vô lượng, tự tỏa sáng[23];

Nó diệt, bốn đại diệt;

Thô, tế, đẹp, xấu diệt.

Nơi này danh sắc diệt,

Thức diệt, hết thảy diệt.[24]

Khi ấy, Kiên Cố, con trai trưởng giả, bạch Phật rằng:

“Thế Tôn, Tỳ-kheo ấy tên gì? Làm sao ghi nhớ?”

Phật đáp:

“Tỳ-kheo ấy tên là A-thất-dĩ[25]. Hãy ghi nhớ như vậy.”

Bấy giờ, Kiên Cố, con trai trưởng giả, nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

 


*  第三分[14]堅固經第五

[1] Na-lan-đà thành 那闌陀城. Pl.: Nālanda.

[2] Ba-bà-lị-yểm lâm 波婆利 掩 林. Pl.: Pāvārikambavana.

[3] Trưởng giả tử Kiên Cố 長者子堅固. Pl.: Kevaddho gahapati-putto.

[4] Thần túc 現神足. Pl.: iddhi-pāṭihāriya, thần biến thị đạo.

[5] Thượng nhơn pháp 上人法. Pl.: uttarimanussadhamma.

[6] D 11.: gihīnaṃ odātavasanānaṃ, cho những người tại gia áo trắng.

[7] Thần túc 神 足, trong bản Hán dịch này, từ thần túc được dùng cho hai từ khác nhau. (a) Pl.: iddhi-pāda (Skt. ṛddhi-pāda), thần túc, hoặc nói thần thông 神通, thần biến 神 變 hay như ý túc 如意足. (b) Pl.: pāṭihāriya (Skt. prātihārya), nơi khác dịch là thị đạo 示導 (hướng dẫn, lôi cuốn chú ý). Xem giải thích của kinh đoạn sau. Ở đây, ba loại thần túc: 1. thần túc 神足; 2, quán sát tha tâm 觀察他心; 3, giáo giới 教誡;  hay ba thị đạo, theo Huỳen Trang: 1. thần biến thị đạo 神變示導 (Pl.: iddhi-pāṭihāriya, Skt. ṛddhi- prātihārya), 2. ký tâm thị đạo 記心示導 (Pl.: ādesanā-pāṭihāriya, Skt. ādeśanā-prātihārya), 3. giáo giới thị đạo 教誡示導 (Pl.: anusāsani-pāṭihāriya, Skt. anuśāsana-prātihārya). Xem No 1536 (Tập dị), tr. 389b17.

[8] Tập 習. Pl.: paccanubhoti, thể nghiệm.

[9] Cù-la chú 瞿羅咒 (Pl.?). D 11.: gandhārī vijjā. Trong bản Hán, chú gandhārī (càn-đà-la) này dùng cho thuật đọc ý nghĩ người khác. Sớ giải: có hai loại chú gandhārī, tiểu chú cūḷa-gandhārī và đại chú mahāgandhārī.

[10] Càn-đà-la chú 乾陀羅咒; Pl. gandhāra. D 11: chú gandhāra dùng cho thuật biến hóa. Đọc ý nghĩ người khác bằng chú  maṇikā.

[11] Xem cht. 20.

[12] Thiên đạo 天道. Pl.: devayāniyo maggo, con đường dẫn đến chư thiên (Dục giới).

[13] Tứ thiên vương 四天王. Pl.: Cātumahārājika.

[14] Diệm-ma 焰摩. Pl.: Yāma.

[15] Đâu-suất 兜率. Pl.:Tuṣita.

[16] ḥoa tự tại 化自在. Pl.: Nimmānarati.

[17] Tha Hóa Tự Tại 他化自在. Pl.: Paranimmaitavasavattī.

[18] Phạm-ca-di 梵迦夷: Phạm thân thiên 梵身天(Phạm chúng thiên 梵眾天), tầng thứ nhất trong 3 tầng thuộc Sơ thiền thiên. Pl.: Brahmakāyika.

[19] Phạm đạo 梵道 .             Pl.: brahmayāniyo maggo, con đường dẫn lên Phạm thiên giới.

[20] Ưng 鷹. Pl.: tīradassaiṃ sakunaṃ, con chim tỳm bờ; không nói chim gì. Sớ giải: một con quạ (kāka) hay một con ó (kulala).

[21] D.i 224.: kattha āpo ca paṭhavī tejo vāyo na gādhati ? Nơi nào nước, đất, lửa và gió không trụ vững ?

[22] D.i. ibid.:kattha nāmañ ca rūpañ ca asesaṃ uparujjhati ? Nơi nào danh và sắc hoại diệt không dư tàn ?

[23] D.i. ibid.: viññāṇaṃ anidassanaṃ anantaṃ sabbato pabhaṃ: Thức vô hình, vô hạn, tỏa sáng khắp tất cả. Từ Pali: pabha, trong bản Miến điện. Sớ thích: kenaci anupakkiliṭṭhatāya samanantato phabhassaran’ti, với ai không xcòn phiền não ô nhiễm, người ấy tỏa ssáng khắp nơi. Cũng có bản chép là pahaṃ, hoặc do gốc động từ pajahati: loại bỏ hoàn toàn; hoặc gốc động từ pabhāti: tỏa sáng.

[24] D.i. ibid.: vññāṇassa nirodhena eth’ etaṃ uparujjhatīti: Do thức diệt, nơi (tất cả) cái đó diệt.

[25].    A-thất-dĩ  阿室已. D 11 cũng không nói rõ tên. Cf. Tỳ-bà-sa  52 (tr.271b23): Tôn giả Mã Thắng 馬勝 (Assaji).

25. Kinh lõa hình Phạm chí

25. KINH LÕA HÌNH PHẠM CHÍ

[102c25] Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại nước Úy-nhã,[1] trong rừng Kim bàn Lộc dã,[2] cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người.

Bấy giờ, có một phạm-chí lõa hình họ là Ca-diệp[3] đi đến chỗ Thế Tôn, sau khi chào hỏi xong, ngồi xuống một bên. Phạm-chí lõa hình Ca-diệp bạch Phật rằng:

“Sa-môn Cù-đàm chê bai tất cả các pháp tế tự; mắng những người khổ hạnh là dơ dáy[4]. Cù-đàm, nếu có người nói rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm chê bai tất cả các pháp tế tự; mắng những người khổ hạnh là dơ dáy.’ Nói như vậy có phải là nói tùy thuận pháp không? Có nói tùy thuận pháp không?[5] Không phỉ báng Sa-môn Cù-đàm chăng?”

Phật nói:

“Ca-diệp, người kia nói: ‘Sa-môn Cù-đàm chê bai tất cả các pháp tế tự; mắng những người khổ hạnh là dơ dáy.’ Đó không phải là lời nói đúng pháp, không phải tùy thuận pháp, là phỉ báng Ta, không phải là lời nói thành thật. Vì sao? Này Ca-diệp, Ta thấy, trong những người khổ hạnh kia, có người khi thân hoại mạng chung đọa vào địa ngục; lại thấy có người khổ hạnh khi thân hoại mạng chung được sanh thiên, sanh chỗ thiện. Hoặc thấy người khổ hạnh ưa làm việc khổ hành[6], khi thân hoại mạng chung, sanh vào địa ngục. Hoặc thấy người khổ hạnh ưa làm việc khổ hạnh, khi thân hoại mạng chung, sanh thiên, sanh chỗ thiện. Ta đối với trường hợp thọ báo với hai thú hướng ấy[7], thấy hết biết hết, làm sao có thể Ta chỉ trích người tu khổ hạnh cho là dơ dáy? Điều Ta rõ ràng nói là phải, người kia nói là không phải. Điều Ta rõ ràng nói không phải, người kia nói là phải.

“Này Ca-diệp, có pháp đồng với Sa-môn, Bà-la-môn. Có pháp không đồng với Sa-môn, Bà-la-môn[8]. Ca-diệp, pháp nào không đồng, Ta bỏ qua, vì pháp ấy không đồng Sa-môn, Bà-la-môn vậy.

“Này Ca-diệp, những người có trí kia quán sát[9] như vầy: đối với pháp bất thiện, nặng nề ô trược, tối tăm, không phải là pháp Hiền Thánh, giữa Sa-môn Cù-đàm và các Tông sư dị học kia, ai là người có khả năng diệt trừ pháp này? Ca-diệp, người có trí kia khi quán sát như vậy, liền thấy biết như vầy: duy chỉ Sa-môn Cù-đàm có khả năng diệt trừ pháp ấy. Ca-diệp, người có trí kia khi quán sát như vậy, suy cầu như vậy, luận thuyết như vậy, Ta ở trong đó có được danh xưng.[10]

“Lại nữa, Ca-diệp, vị có trí kia quán sát như vầy: đệ tử của Sa-môn Cù-đàm, đối với pháp bất thiện, nặng nề ô trược, tối tăm, không phải pháp Hiền Thánh; hay đệ tử các Tông sư dị học kia, đối với pháp bất thiện, nặng nề, ô trược, tối tăm, không phải pháp Hiền Thánh; ai có khả năng diệt trừ pháp này? Ca-diệp, vị có trí kia quán sát như vậy, liền thấy, biết như vầy: duy chỉ đệ tử của Sa-môn Cù-đàm có khả năng diệt trừ pháp ấy. Ca-diệp, vị có trí kia khi quán sát như vậy, suy cầu như vậy, luận như vậy, đệ tử Ta có được danh xưng.

“Lại nữa, Ca-diệp, vị có trí kia quán sát như vầy: Sa-môn Cù-đàm, đối với pháp thiện, [103b] thanh bạch, vi diệu, và là pháp Hiền Thánh; hay các Tông sư dị học kia, đối với pháp thiện, thanh bạch, vi diệu, và là pháp Hiền Thánh; ai là người có khả năng làm lớn rộng để tu hành?[11] Ca-diệp, vị có trí kia quán sát như vậy, liền thấy biết như vầy: duy chỉ có Sa-môn Cù-đàm có khả năng làm lớn rộng, tu hành pháp ấy. Ca-diệp, người có trí kia khi quán sát như vậy, suy cầu như vậy, luận thuyết như vậy, Ta ở trong đó có được danh xưng.

“Lại nữa, Ca-diệp, vị có trí kia quán sát như vầy: đệ tử của Sa-môn Cù-đàm, đối với pháp thiện, thanh bạch, vi diệu, và là pháp Hiền Thánh; hay đệ tử của các tông sư dị học kia, đối với pháp thiện, thanh bạch, vi diệu, và là pháp Hiền Thánh; ai là người có khả năng làm lớn rộng, tu hành? Ca-diệp, vị có trí kia quán sát như vậy, liền thấy biết như vầy: duy chỉ có đệ tử của Sa-môn Cù-đàm có khả năng làm lớn rộng, tu hành pháp ấy. Ca-diệp, người có trí kia khi quán sát như vậy, suy cầu như vậy, luận thuyết như vậy, đệ tử Ta ở trong đó có được danh xưng.

“Ca-diệp, có đạo, có tích[12], để Tỳ-kheo ở trong đó tu hành mà tự mình thấy, tự mình biết: Sa-môn Cù-đàm nói đúng thời, nói sự thật, nói có nghĩa, nói đúng pháp, nói đúng luật.

“Ca-diệp, thế nào là đạo, thế nào là tích, để Tỳ-kheo ở trong đó tu hành mà tự mình thấy, tự mình biết: Sa-môn Cù-đàm nói đúng thời, nói sự thật, nói có nghĩa, nói đúng pháp, nói đúng luật? Này Ca-diệp, ở đây Tỳ-kheo tu niệm giác chi, y tịch diệt[13], y vô dục, y xuất ly. Tu pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định, xả giác ý, y tịch diệt, y vô dục, y xuất yếu[14]. Ca-diệp, đó là đạo, đó là tích, để Tỳ-kheo ở trong đó tu hành mà tự mình thấy, tự mình biết: Sa-môn Cù-đàm nói đúng thời, nói sự thật, nói có nghĩa, nói đúng pháp, nói đúng luật.”

Ca-diệp nói:

“Cù-đàm, duy chỉ đạo ấy, tích ấy, Tỳ-kheo ở trong đó tu hành mà tự mình thấy, tự mình biết: Sa-môn Cù-đàm nói đúng thời, nói sự thật, nói có nghĩa, nói đúng pháp, nói đúng luật. Nhưng với khổ hạnh ô uế, có trường hợp đựơc gọi là Bà-la-môn, có trường hợp được gọi là Sa-môn.

“Những khổ hạnh ô uế nào, mà có trường hợp được gọi là Bà-la-môn, có trường hợp được gọi là Sa-môn?

“Thưa Cù Đàm, đó là: khỏa thân[15], cởi bỏ y phục, rồi lấy tay che; không nhận đồ ăn từ nồi chảo; không nhận đồ ăn từ chậu nước; không nhận đồ ăn giữa hai vách tường; không nhận đồ ăn giữa hai người, không nhận đồ ăn giữa hai cái chày[16]; không nhận đồ ăn từ gia đình đang ăn; không nhận đồ ăn từ nhà có thai; không ăn đồ ăn có chó đứng trước cửa; [103c] không nhận đồ ăn nơi nhà có ruồi; không nhận mời ăn; không nhận của người nói đã biết trước; không ăn cá; không ăn thịt; không uống rượu, không ăn bằng hai bát; một bữa ăn một lần nuốt, cho đến bảy bữa thì thôi[17]; nhận thức ăn thêm của người, không nhận quá bảy lần thêm[18]; hoặc một ngày ăn một bữa; hoặc hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, bảy ngày ăn một bữa; hoặc chỉ ăn quả; hoặc chỉ ăn cỏ vực[19]; hoặc chỉ uống nước cơm; hoặc ăn mè[20]; hoặc chỉ ăn lúa liêm[21]; hoặc ăn phân bò; hoặc ăn phân nai; hoặc ăn rễ, cành, lá, hoa, hạt của cây; hoặc ăn trái cây tự rụng[22]; hoặc mặc áo;[23] hoặc mặc áo sa thảo[24]; hoặc mặc áo vỏ cây; hoặc lấy cỏ đắp lên mình[25]; hoặc khoác áo da hươu; hoặc bện tóc; hoặc áo bện bằng lông; hoặc áo lượm từ bãi tha ma; hoặc thường đưa tay lên; hoặc không ngồi giường chiếu; hoặc thường ngồi chồm hổm; hoặc có người cạo tóc nhưng để râu; hoặc có người nằm trên gai; hoặc có người nằm trên bầu trái; hoặc có người khỏa thân nằm trên phân bò; hoặc một ngày ba lần tắm; hoặc một đêm ba lần tắm. Bằng vô số sự khổ mà làm khổ thân này. Cù-đàm, đó gọi là khổ hạnh ô uế, có trường hợp được gọi là Sa-môn pháp, có trường hợp được gọi là Bà-la-môn pháp.”

Phật nói:

“Những người khỏa thân cởi bỏ y phục, bằng vô số phương tiện làm khổ thân này; nhưng nếu những người ấy không đầy đủ giới, không đầy đủ kiến, không thể tinh cần tu tập, thì cũng không phát triển rộng lớn[26].”

Ca-diệp bạch Phật:

“Thế nào là giới đầy đủ, kiến đầy đủ[27], vượt xa các khổ hạnh, vi diệu bậc nhất? ”

Phật bảo Ca-diệp:

“Hãy lắng nghe, hãy suy ngẫm kỹ! Ta sẽ nói cho ông nghe.”

Ca-diệp nói:

“Thưa vâng. Vui lòng xin được nghe.”

Phật nói với Ca-diệp:

“Nếu Như Lai xuất hiện ở đời, cho đến, tứ thiền, ở ngay trong hiện tại mà được an lạc. Vì sao vậy? Ấy do tinh cần, chuyên niệm nhất tâm, ưa ở chỗ nhàn tĩnh, không buông lung vậy. Ca-diệp, đó là giới đầy đủ, kiến đầy đủ, thù thắng hơn các thứ khổ hạnh.”

Ca-diệp nói:

“Cù-đàm, tuy nói rằng giới đầy đủ, kiến đầy đủ, vượt hơn các thứ khổ hạnh, vi diệu bậc nhất; nhưng thật khó thay là pháp Sa-môn; thật khó thay là pháp Bà-la-môn.”[28]

Phật nói:

“Ca-diệp, đó là pháp bất cộng của thế gian[29], tức là, Sa-môn pháp, Bà-la-môn pháp thật là khó. Ca-diệp, ngay cả cho đến ưu-bà-di[30] cũng biết được pháp đó, là khỏa thân cởi bỏ y phục, cho đến, bằng vô số phương tiện làm khổ mình. Nhưng không biết rằng tâm của người ấy là tâm có nhuế, hay tâm không có nhuế; [104a] tâm có hận hay tâm không có hận; tâm có hại hay tâm không có hại. Nếu biết tâm của người ấy, thì không nói rằng pháp Sa-môn, Bà-la-môn là khó. Vì không biết, cho nên nói pháp Sa-môn, Bà-la-môn khó.”

Bấy giờ, Ca-diệp bạch Phật rằng:

“Thế nào là Sa-môn, thế nào là Bà-la-môn có giới cụ túc, kiến cụ túc, là tối thượng, là tối thắng, vi diệu bậc nhất?”

Phật nói:

“Hãy lắng nghe, hãy suy ngẫm kỹ! Ta sẽ nói cho ông nghe.”

“Thưa vâng, Cù-đàm. Vui lòng xin được nghe.”

Phật nói:

“Ca-diệp, Tỳ-kheo kia, bằng với tâm định tĩnh, cho đến, chứng đắc ba minh, diệt trừ các si mê tối tăm, sanh ánh sáng trí tuệ, gọi là lậu tận trí. Vì sao? Ấy là do tinh cần, chánh niệm, chánh tri, ưa chỗ nhàn tĩnh, không buông lung vậy. Ca-diệp, đó gọi là Sa-môn, Bà-la-môn có giới cụ túc, kiến cụ túc, là tối thượng, là tối thắng, vi diệu bậc nhất.”

Ca-diệp nói:

“Cù-đàm, tuy nói đó gọi là Sa-môn, Bà-la-môn có giới cụ túc, kiến cụ túc, là tối thượng, là tối thắng, vi diệu bậc nhất, nhưng pháp Sa-môn, Bà-la-môn thật quá khó, quá khó! Sa-môn cũng khó biết, Bà-la-môn cũng khó biết[31].”

Phật nói:  

“Ưu-bà-tắc[32] cũng có thể tu hành được pháp ấy, nói rằng: ‘Tôi, kể từ hôm nay, có thể khỏa thân cởi bỏ y phục, cho đến, bằng vô số phương tiện gieo khổ cho thân này.’ Không thể do hành vi này mà được gọi là Sa-môn, Bà-la-môn. Nếu chỉ do hành này mà có thể được gọi là Sa-môn, Bà-la-môn, thì không thể nói pháp Sa-môn là quá khó, pháp Bà-la-môn là quá khó. Nhưng không vì hành ấy mà được gọi là Sa-môn, Bà-la-môn, cho nên nói rằng Sa-môn rất khó, Bà-la-môn rất khó.”

Phật lại nói với Ca-diệp:

“Xưa, một thời, Ta ở tại La-duyệt-kỳ, trong hang Thất diệp trên Cao sơn[33], đã từng giảng về khổ hạnh thanh tịnh cho Phạm-chí Ni-câu-đà[34]. Khi ấy Phạm-chí sanh tâm hoan hỷ, được tín tâm thanh tịnh; cúng dường Ta, xưng tán Ta, cúng dường, tán thán Ta một cách tối thượng.”

Ca-diệp nói:

“Thưa Cù-đàm, ai đối với Cù-đàm mà không phát sanh hoan hỷ, tịnh tín, cúng dường, xưng tán một cách tối thượng? Tôi nay đối với Cù-đàm cũng phát sanh hoan hỷ, tịnh tín, cúng dường, xưng tán một cách tối thượng. Tôi quy y Cù-đàm.”

Phật nói với Ca-diệp:

“Những gì là giới trong thế gian, không có giới nào sánh bằng tăng thượng giới này, huống hồ muốn nói hơn. Những gì là tam-muội, trí tuệ, giải thoát kiến, giải thoát tuệ[35], không có cái gì sánh ngang với tăng thượng tam-muội, trí tuệ, giải thoát kiến, giải thoát tuệ; huống hồ muốn nói là [104b] hơn.

“Này Ca-diệp, được nói là sư tử, là chỉ cho Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác. Như Lai, khi ở giữa đại chúng tuyên bố Chánh pháp một cách rộng rãi, tự tại, vô úy. Do đó được gọi là sư tử. Thế nào, Ca-diệp, Như Lai khi rống tiếng sư tử, lúc ấy không dũng mãnh[36] sao? Chớ nghĩ như vậy. Như Lai ở giữa đại chúng cất tiếng rống sư tử một cách dũng mãnh. Ca-diệp, ngươi bảo rằng Như Lai ở giữa đại chúng cất tiếng rống sư tử một cách dũng mãnh, nhưng không thể thuyết pháp chăng?[37] Chớ nghĩ như vậy. Vì sao? Như Lai ở giữa đại chúng cất tiếng rống sư tử một cách dũng mãnh và thuyết pháp một cách thiện xảo.

“Thế nào, Ca-diệp, ngươi bảo rằng Như Lai ở giữa đại chúng dũng cảm, vô uý mà cất tiếng rống sư tử, thuyết pháp một cách thiện xảo, nhưng thính giả trong chúng hội không nhất tâm chăng? Chớ nghĩ vậy. Vì sao? Như Lai ở giữa đại chúng dũng cảm, vô uý mà cất tiếng rống sư tử, thuyết pháp một cách thiện xảo, những người đến hội thảy nhất tâm lắng nghe. Thế nào, Ca-diệp, ngươi bảo rằng Như Lai ở giữa đại chúng dũng cảm, vô uý mà cất tiếng rống sư tử, thuyết pháp một cách thiện xảo, những người đến hội thảy nhất tâm lắng nghe, nhưng không hoan hỷ tín thọ phụng hành chăng? Chớ nghĩ như vậy. Vì sao? Như Lai ở giữa đại chúng dũng cảm, vô uý mà cất tiếng rống sư tử, thuyết pháp một cách thiện xảo, những người đến hội thảy nhất tâm lắng nghe, và hoan hỷ tín thọ. Ca-diệp, ngươi bảo rằng Như Lai ở giữa đại chúng dũng cảm, vô uý mà cất tiếng rống sư tử, thuyết pháp một cách thiện xảo, những người đến hội thảy nhất tâm lắng nghe, và hoan hỷ tín thọ, nhưng không cúng dường chăng? Chớ nghĩ như vậy. Vì sao? Như Lai ở giữa đại chúng dũng cảm, vô uý mà cất tiếng rống sư tử, thuyết pháp một cách thiện xảo, những người đến hội thảy nhất tâm lắng nghe, hoan hỷ tín thọ, và thi thiết cúng dường.

“Ca-diệp, ngươi bảo rằng, Như Lai ở giữa đại chúng dũng cảm, vô uý mà cất tiếng rống sư tử, cho đến, tín kính cúng dường, nhưng không cạo bỏ râu tóc, bận ba pháp y, xuất gia tu đạo chăng? Chớ nghĩ như vậy. Vì sao? Như Lai ở giữa đại chúng dũng cảm, vô uý mà cất tiếng rống sư tử, cho đến, tín kính cúng dường, rồi cạo bỏ râu tóc, bận ba pháp y, xuất gia tu đạo.

“Ca-diệp, ngươi bảo rằng Như Lai ở giữa đại chúng dũng cảm, vô uý mà cất tiếng rống sư tử, cho đến, tín kính cúng dường, rồi cạo bỏ râu tóc, bận ba pháp y, xuất gia tu đạo, nhưng không cứu cánh phạm hạnh, đến chỗ an ổn, vô dư Niết-bàn chăng? Chớ nghĩ như vậy.[104c] Vì sao? Như Lai ở giữa đại chúng dũng cảm, vô uý mà cất tiếng rống sư tử, cho đến, tín kính cúng dường, cạo bỏ râu tóc, bận ba pháp y, xuất gia tu đạo, rồi cứu cánh phạm hạnh, đến chỗ an nổn, vô dư Niết-bàn.”

Bấy giờ, Ca-diệp bạch Phật rằng:

“Thế nào, thưa Cù-đàm, tôi có thể xuất gia thọ cụ giới trong pháp này được chăng?”

Phật bảo Ca-diệp:

“Nếu dị học muốn đến xuất gia tu đạo trong giáo pháp của Ta, phải lưu bốn tháng quán sát[38], làm hài lòng chúng tăng, sau đó mới có thể xuất gia thọ giới. Ca-diệp, tuy có pháp như vậy, nhưng cũng xét theo người.[39]

Ca-diệp nói:

“Nếu dị học muốn đến xuất gia tu đạo trong Phật pháp, phải lưu bốn tháng quán sát, làm hài lòng chúng tăng, sau đó mới có thể xuất gia thọ giới. Con nay có thể ở trong Phật pháp bốn năm quán sát, làm hài lòng chúng tăng, sau đó mới xuất gia thọ giới.”

Phật bảo Ca-diệp:

“Ta đã có nói, cũng còn xét theo người.”

Bấy giờ, Ca-diệp liền ở trong Phật pháp xuất gia thọ cụ túc giới. Rồi thì, Ca-diệp xuất gia thọ giới chưa bao lâu, bằng tín tâm, tu phạm hạnh vô thượng, ở ngay trong đời này mà tự thân chứng ngộ: sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã đứng vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa; tức thời thành A-la-hán.

Bấy giờ, Ca-diệp nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

 


*  佛說長阿含第三分[23]倮形梵志經第六

[1] Ủy-nhã 委若國, Pl.: Ujuññā.

[2] Kim bàn Lộc dã lâm 金槃鹿野林, Pl.: Kaṇṇakatthaka-magadāya. 

[3] Lõa hình Phạm chí Ca-diệp倮
形梵志姓[27]迦葉, Pl.: acela Kassapa.

[4] Hán: tệ uế 弊穢.                  Pl: lūkhājīviṃ, có lối sống khắc khổ, tồi tàn.

[5] Hán: pháp pháp thành tựu 法法成就: thành tựu tùy theo của pháp, có đầu đủ pháp thuận thứ của pháp. Pl.: dhammassa cānudhammaṃ vyākaronti, Sớ giải: “Nói tùy thuận theo điều được Tôn giả Gotama nói.” (bhotā gatamena vuttakāraṇassa anukāraṇaṃ kathenti).

[6] D 8: ekaccaṃ tapassiṃ appadukkhavihāriṃ (...), một số người tu khổ hạnh sống ít khổ.

[7] Nhị thú 二趣, chỉ thiện thú 善 趣 (Pl.. sugata) và ác thú 惡 趣 (duggata).

[8] D 8  ibid.: tehi pi me saddhiṃ ekaccesu ṭhānesu sameti, ekaccesu ṭhānesu na sameti, Ta tương đồng với họ (các Sa-môn, Bà-la-môn) trong một số trường hợp; không tương đồng với họ trong một số trường hợp.

[9] Văn thiếu đoạn chuyển mạch. Nên hiểu: trong những vấn đề tương đồng, cấn phải quán sát...

[10] D 8. ibd.: amhe va tattha yebhuyyena pasaṃseyyuṃ, “ở đây họ hầu hết tán thưởng chúng tôi.”  Theo sớ giải, “chúng tôi (amheva),” chỉ Phật và Chúng tăng. Vì tán thán Phật cũng là tán thán Tăng.

[11] Hán: tăng trưởng tu hành 增長修行.  D 8. ibid.: (…) samādāya vattati, sau khi tiếp nhận rồi, thực hiện (các pháp ấy).

[12] Hữu đạo hữu tích 有道有跡. D 8: atthi maggo atthi paṭipadā, có con đường và có sự hành trì.

[13] Nguyên Hán: chỉ tức 止息.

[14] Trong bản Pl.: con đường và phương pháp đó là Thánh đạo tám chi.

[15] Từ đây trở xuống, nói về các thực hành khổ hạnh, tham chiếu kinh số 8 “Tán-đà-na” ở trên.

[16] Để bản: ô 朽 (cái bay để trét) ; TNM: xử 杵 (cái chày).

[17] D 8: ekāgāriko va hoti ekālopiko, mỗi gia đình là một miếng ăn (chỉ nhận một miếng).

[18] Khất thực một nhà không đủ, phải khất thực thêm nhà khác, không quá 7 nhà.

[19] Hán: dữu 莠.

[20] Hán: ma mễ 麻 米. Pl.: piññāka, bột mè ?

[21] Hán: liêm đạo [禾*鹹] 稻, có lẽ gạo lứt.

[22] Từ “hoặc chỉ ăn quả, cho đến, ăn trái cây tự rụng”, D 8 (i. 166): sākabhakkho vā hoti, sāmākabhakkho hoti, nīvārabhakkho vā hoti, daddulabhakkho kho vā hoti, haṭabhakkho vā hoti, kaṇabhakkho vā hoti, ācāmabhakkho vā hoti, piññākabhakkho vā hoti, tiṇabhakkho vā hoti, gomayabhakkho vā hoti, vanamūlapalāhāro yāpeti pavattaphala- bhojī, vị ấy hoặc ăn rau sống, hoặc ăn lúa tắc, ăn gạo sống, ăn lúa daddula, ăn rêu tươi, ăn trấu, ăn nước cơm, ăn bột mè, ăn cỏ, ăn phân bò, ăn rễ, hạt quả tự rụng trong rừng mà sống.

[23] Hán: hoặc phi y 或披衣. Không nói rõ áo (vải) thứ gì. Hoặc chỉ để giới thiêu các loại áo khổ hạnh trong đoạn tiếp.

[24] Hán: phi sa y 披莎衣. D 8: sāṇāni pi dhāreti, masāṇāni pi dhāreti, mặc áo vải gai thuần, hoặc mặc áo vải gai lẫn các thứ vải khác.

[25] Hán: thảo xiêm thân 草襜身?

[26] Bất quảng phổ 不廣普.  Cf. D 8: atha kho so ārakā va sāmaññā, ārākā va brahmaññā, vị ấy còn cách xa Sa-môn pháp, còn cách xa Bà-la-môn pháp.

[27] Hán: kiến cụ túc 見具足. D 8: cittasampadā, paññāsampadā, tâm thành tưu (cụ túc), tuệ thành tựu (cụ túc).

[28] Cf. D 8: dukkaraṃ sāmaññaṃ, khó hành thay là pháp Sa-môn.

[29] Thế gian bất cộng pháp 世間不共法; pháp chỉ riêng cho thế gian, chỉ riêng thế gian có. Ở dây co sthê hiểu: “Đó là cách nói phổ thông của thế giàn, rằng: hành pháp Sa-môn thật quá khó!”  D 8: pakati kho esā lokasimṃ, đó là lẽ tự nhiên trong đời. Sớ giải:đó là theo cách nói tự nhiên, phổ thông (pakatikathā).

[30] D 8 (i. 169): gahapatinā … antamaso kumbhadāsiyāpi, gia chủ,…, thậm chí cho đến một nữ tỳ đội ghè nước (cũng có thể hành).

[31] D 8: dujjāno samaṇo, dujjāno brāhmaṇo: khó biết Sa-môn, khó biết Bà-la-môn.

[32] D 8: sakkā abhavissa ñātuṃ gahapatinā, … antamaso kimbhadāsiyāpi, gia chủ, cho đên nữ tỳ đôi nước cũng thê biết được.

[33] Cao sơn Thất diệp quật 高山七葉窟, hang núi (Pl.: Sattapaṇṇi-guhā), trên một ngọn núi phía Nam thành Vương xá. D 8: Phật ở tại Gijjha-kūṭta pabbata, núi Linh thứu, phía Đông-bắc thành Vương xá.

[34] Phạm chí Ni-câu-đà 尼 俱 陀; Pl.: tapasa-brahmacārī Nigrodha, một người Phạm chí tu khổ hạnh tên Nigrodha. Xem kinh số 8 “ Tán-đà-na.”

[35] Giới, tam-muội, trí tuệ, giải thoát kiến, giải thoát tuệ, tức giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến. Bản Pl. nêu bốn: ariyam param sīlam, tối thượng thánh giới, ariyā paramā tapojigucchā, tối thượng thánh khổ hạnh, ariyā paramā paññā, tối thượng thánh tuệ, ariyā paramā vimutti, tối thượng thánh giải thoát.

[36] Dũng hãn 勇捍; Pl.: visārado: vô úy, tự tín. Cf. D 8: parisāsu ca nadati no ca visārado nadati, “ông ấy rống tiếng sư tử giữa đại chúng, nhưng không tự tín..” Lưu ý thứ tự đoạn mạch Hán đảo ngược với Pali.

[37] D 8.: visārado ca nadati (...) na ca kho naṃ pañhaṃ pucchanti, cất tiếng sư tử một cách tự tín, nhưng không có ai hỏi câu hỏi nào.

[38] Hán: lưu tứ nguyệt quán sát 留四月觀察. Pl. thành cú: so cattāro māse parivasati, người ấy sống biệt trú bốn tháng.

[39] Pl. thành cú: api ca m’ettha puggalavemattatā viditā’ ti, nhưng ở đây Ta cũng nhận biết cá tánh của con người.

26. Kinh tam minh

26. KINH TAM MINH

Tôi nghe như vầy:

[104c17] Một thời, Phật ở tại nước Câu-tát-la, du hành nhân gian, cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người, đến Y-xa-năng-già-la, thôn Bà-la-môn ở Câu-tát-la. Ngài nghỉ đêm trong rừng Y-xa.[1]

Bấy giờ, có Bà-la-môn tên Phất-già-la-sa-la,[2] Bà-la-môn tên Đa-lê-xa[3], có duyên sự nên cùng đến thôn Y-xa-năng-già-la. Bà-la-môn Phất-già-la-sa- la này, từ bảy đời nay cha mẹ chơn chánh không bị người khinh chê, tụng đọc thông suốt ba bộ dị điển, có khả năng phân tích các loại kinh thư, lại giỏi phép xem tướng đại nhơn, quán sát cát hung, tế tự nghi lễ. Ông có năm trăm đệ tử, dạy dỗ không bỏ phế. Trong số đó có một đệ tử tên Bà-tất-tra[4], từ bảy đời nay cha mẹ chơn chánh không bị người khinh chê, tụng đọc thông suốt ba bộ dị điển, có khả năng phân tích các loại kinh thư, lại giỏi phép xem tướng đại nhơn, quán sát cát hung, tế tự nghi lễ; cũng có năm trăm đệ tử, dạy dỗ không bỏ phế.

Bà-la-môn [105a] Đa-lê-xa cũng từ bảy đời nay cha mẹ chơn chánh không bị người khinh chê, tụng đọc thông suốt ba bộ dị điển, có khả năng phân tích các loại kinh thư, cũng giỏi phép xem tướng đại nhơn, quán sát cát hung, tế tự nghi lễ. Ông cũng có năm trăm đệ tử, dạy dỗ không bỏ phế. Trong số đó có một đệ tử tên Phả-la-đọa[5] từ bảy đời nay cha mẹ chơn chánh không bị người khinh chê, tụng đọc thông suốt ba bộ dị điển, có khả năng phân tích các loại kinh thư, lại giỏi phép xem tướng đại nhơn, quán sát cát hung, tế tự nghi lễ; cũng có năm trăm đệ tử, dạy dỗ không bỏ phế.

Lúc bấy giờ, Bà-tất-tra và Phả-la-đọa, hai người vào lúc tảng sáng đi đến khu vườn cùng nhau bàn luận. Bà-tất-tra nói với Phả-la-đọa:

“Con đường của tôi là chơn chánh, có khả năng xuất yếu, dẫn đến Phạm thiên. Đó là điều mà Đại sư Phất-già-la-sa-la Bà-la-môn dạy.”

Phả-la-đọa lại nói:

“Con đường của tôi chơn chánh, có khả năng xuất yếu, dẫn đến Phạm thiên. Đó là điều mà Đại sư Đa-lê-xa Bà-la-môn dạy.”

Như vậy, Bà-tất-tra ba lần tự khen đạo mình chơn chánh. Phả-la-đọa cũng ba lần tự khen đạo mình chơn chánh. Hai người cùng bàn luận mà không thể quyết định.

Rồi Bà-tất-tra nói với Phả-la-đọa rằng:

“Tôi nghe nói Sa-môn Cù-đàm, con nhà dòng họ Thích, xuất gia và đã thành Đạo, ở Câu-tát-la, du hành nhân gian, nay đang nghỉ tại rừng Ya-xa-năng-già-la. Ngài có tiếng tăm lớn, lưu truyền khắp thiên hạ, rằng, Ngài là bậc Như Lai, Chí chơn, Đẳng Chánh Giác, đầy đủ mười hiệu, ở giữa Chư Thiên, người đời, Sa-môn, Bà-la-môn, tự mình chứng ngộ, rồi thuyết pháp cho người khác; lời nói khoảng đầu, khoảng giữa, khoảng cuối thảy đều chơn chánh, nghĩa vị đầy đủ, phạm hạnh thanh tịnh. Bậc chơn nhơn như vậy, ta nên đến thăm viếng. Tôi nghe nói Sa-môn Cù-đàm kia biết con đường Phạm thiên, có thể giảng thuyết cho người. Ngài thường nói chuyện, trao đổi với Phạm thiên. Chúng ta hãy cùng nhau đi đến Cù-đàm để giải quyết ý nghĩa này. Nếu Sa-môn có nói điều gì, chúng ta sẽ vâng nhớ.”

Bấy giờ, Bà-tất-tra và Phả-la-đọa, hai người theo nhau đi vào rừng Y-xa-năng-già-la, đến chỗ Thế Tôn, chào hỏi xong, ngồi xuống một bên.

Thế Tôn biết ý nghĩ trong lòng hai người, bèn hỏi Bà-tất-tra:

“Các ngươi hai người vào lúc tảng sáng đi vào khu vườn, cùng nhau thảo luận như vậy, cùng bài bác lẫn nhau. Một người nói: ‘Con đường của tôi chơn chánh, có khả năng xuất yếu, dẫn đến Phạm thiên. Đó [105b] là điều mà Đại sư Phất-già-la-sa-la Bà-la-môn dạy.’ Người kia nói: ‘Con đường của tôi chơn chánh, có khả năng xuất yếu, dẫn đến Phạm thiên. Đó là điều mà Đại sư Đa-lê-xa Bà-la-môn dạy.’ Như vậy ba lần, các ngươi bài bác nhau. Có sự việc như vậy không?”

Bà-tất-tra và Phả-la-đọa khi nghe lời này của Phật thảy đều kinh ngạc, lông tóc dựng đứng, trong lòng nghĩ thầm: ‘Sa-môn Cù-đàm có Đại thần đức, biết trong tâm người. Những điều mà chúng ta muốn thảo luận, Sa-môn Cù-đàm đã nói trước rồi. Rồi Bà-tất-tra bạch Phật:

“Con đường này và con đường kia, đều tự xưng là chơn chánh, đều có khả năng xuất yếu, dẫn đến Phạm thiên. Điều mà Bà-la-môn Phất-già-la-sa-la nói đúng hay điều mà Đa-lê-xa nói đúng?”

Phật nói:

“Giả sử, Bà-tất-tra, con đường này, con đường kia đều chơn chánh, xuất yếu, dẫn đến Phạm thiên, các ngươi sao lại đi vào khu vườn lúc tảng sáng mà bài bác lẫn nhau, cho đến ba lần?”

Bà-tất-tra bạch Phật:

“Có những Bà-la-môn thông ba minh[6] giảng thuyết các con đường khác nhau, con đường tự tại dục, con đường tự tác, con đường Phạm thiên.[7] Cả ba con đường ấy đều dẫn đến Phạm thiên. Cũng như những con đường trong xóm, tất cả đều dẫn về thành, các Bà-la-môn tuy nói những con đường khác nhau, nhưng đều hướng đến Phạm thiên.”

Phật hỏi Bà-tất-tra:

“Có phải các con đường kia thảy đều thú hướng Phạm thiên ?

Đáp: “Thảy đều thú hướng”.

Phật lặp lại câu hỏi ba lần:

“Có phải các con đường kia thảy đều thú hướng Phạm thiên ?”

Đáp: “Thảy đều thú hướng”.

Thế Tôn sau khi đã xác định lời ấy rồi, bèn hỏi Bà tất-tra:

“Thế nào, trong số các Bà-la-môn tinh thông tam minh, có ai đã từng thấy Phạm thiên chưa?”

Đáp: “Không có ai thấy”.

“Thế nào, Bà-tất-tra, tiên sư của Bà-la-môn thông tam minh,  có ai từng thấy Phạm thiên chưa?”

Đáp: “Không ai thấy”.

“Thế nào, Bà-tất-tra, các Bà-la-môn kỳ cựu, các tiên nhơn thông tam minh thời cổ, đọc tụng thông suốt, có thể thuyết cho người khác nghe các tán tụng cổ, các ca vịnh, thi thư, những vị có tên là A-tra-ma Bà-la-môn, Bà-ma-đề-bà Bà-la-môn, Tỳ-bà-thẩm-tra Bà-la-môn, Y-ni-la-tư Bà-la-môn, Xà-bà-đề-già Bà-la-môn, Bà-bà-tất Bà-la-môn, Ca-diệp Bà-la-môn, A-lâu-na Bà-la-môn, Cù-đàm-ma Bà-la-môn, Thủ-chỉ Bà-la-môn, Bà-la-tổn-đà Bà-la-môn[8]; những vị này có được thấy Phạm thiên không?”

Đáp: “Không có ai thấy”.

Phật nói:

“Nếu trong các Bà-la-môn thông tam minh kia, [105c] không một ai từng thấy Phạm thiên; tiên sư của Bà-la-môn thông tam minh cũng không thấy Phạm thiên, các Bà-la-môn thông tam minh, những cựu tiên nhơn, như A-tra-ma vân vân, cũng không một ai thấy Phạm thiên, thế thì biết rằng những điều mà Bà-la-môn thông tam minh nói không phải là sự thật.[9]

Phật lại nói với Bà-tất-tra:

“Như có một người dâm, nói rằng: ‘Tôi cùng với người nữ đẹp đẽ kia thông giao, ca ngợi dâm pháp.’ Những người khác liền hỏi: ‘Ông có biết người nữ ấy không? Cô ấy ở đâu? Phương Đông, phương Tây, phương Nam, hay phương Bắc?’ Đáp: ‘Không biết.’ Lại hỏi: ‘Ông có biết đất, đai, thành ấp, chòm xóm mà người nữ ấy ở không?’ Đáp: ‘Không biết.’Lại hỏi: ‘Ông có biết cha mẹ cô ấy tên gì không?’ Đáp: ‘Không biết.’ Lại hỏi: ‘Ông có biết người nữ ấy là Sát-lị, hay Bà-la-môn, hay Cư sĩ, hay Thủ-đà-la không?’ Đáp: ‘Không.’ Lại hỏi: ‘Ông có biết người nữ ấy cao hay thấp, mập hay gầy, đen hay trắng, đẹp hay xấu không?’ Đáp: ‘Không.’ Thế nào, Bà-tất-tra, sự ca ngợi của người kia có phải sự thật không?”

Đáp: “Không thật”.

“Như vậy, Bà-tất-tra, những điều mà Bà-la-môn thông tam minh nói cũng như vậy, không có sự thật. Thế nào, Bà-tất-tra, Bà-la-môn thông tam minh của ngươi nhìn thấy nơi chốn mà mặt trời, mặt trăng mọc, lặn, du hành, bèn chắp tay cúng dường, và như thế mà có thể nói như vầy: ‘Con đường này chơn chánh, có thể dẫn đến xuất yếu, đến chỗ mặt trời, mặt trăng’ được chăng?”

Đáp: “Thật vậy, Bà-la-môn thông tam minh nhìn thấy chốn mà mặt trời, mặt trăng mọc, lặn, du hành, rồi chắp tay cúng dường, nhưng không thể nói như vầy: ‘Con đường này chơn chánh, có thể dẫn đến xuất yếu, đến chỗ mặt trời, mặt trăng.’”

Phật nói:

“Như vậy, Bà-tất-tra, Bà-la-môn thông tam minh nhìn thấy nơi chốn mà mặt trời, mặt trăng mọc, lặn, du hành, chắp tay cúng dường, nhưng không thể nói như vầy: ‘Con đường này chơn chánh, có thể dẫn đến xuất yếu, đến chỗ mặt trời, mặt trăng.’ Nhưng lại thường chắp tay cúng dường cung kính, há không phải là hư dối sao?”

Đáp: “Thật vậy, thưa Cù-đàm, kia thật sự hư dối”.

Phật nói:

“Ví như có người dựng thang nơi khoảng đất trống; những người khác hỏi: ‘Ngươi bắc thang làm gì?’ Đáp: ‘Tôi muốn lên nhà trên’. Hỏi: ‘Nhà ở chỗ nào? Đông, hay Tây, hay Nam, hay Bắc?’ Đáp rằng: ‘Không biết.’

Thế nào, Bà-tất-tra, người ấy dựng thang để lên nhà, há không phải là hư dối sao?’

Đáp: ‘Thật vậy, kia thật sự hư dối’.

Phật nói:

“Bà-la-môn thông tam minh cũng vậy, hư dối không thật.

“Bà-tất-tra, đây là năm dục khiết tịnh, rất đáng yêu thích. Những gì là năm? Sắc thấy bởi mắt, rất đáng yêu thích. Tiếng nghe bởi tai, [106a] hương ngưi bởi mũi, vị nếm bởi lưỡi, xúc chạm bởi thân, rất đáng yêu thích, ở trong pháp Hiền Thánh của Ta, được gọi là chấp trước, là trói buộc, là xiềng xích. Bà-la-môn thông tam minh kia bị nhiễm bởi năm dục, ái dục dính chặt, nhưng không thấy lỗi lầm, không biết lối xuất yếu. Kia đã bị năm dục trói buộc, giả sử có phụng sự nhật, nguyệt, thủy, hỏa, và xướng lên rằng: ‘Xin tiếp đỡ tôi sanh lên Phạm thiên.’ Không có trường hợp ấy. Ví như con sông A-di-la[10], có mức nước ngang bờ. Có người ở bờ bên này, mình bị quấn chặt, kêu suông bờ bên kia rằng: ‘Lại đây, đưa tôi sang.’ Bờ kia có đến đưa người ấy sang không?”

Đáp: “Không”.

“Bà-tất-tra, năm dục khiết tịnh, rất đáng yêu thích, ở trong pháp Hiền Thánh của Ta, được gọi là chấp trước, là trói buộc, là xiềng xích. Bà-la-môn thông tam minh kia bị nhiễm bởi năm dục, ái dục dính chặt, nhưng không thấy lỗi lầm, không biết lối xuất yếu. Kia đã bị năm dục trói buộc, giả sử có phụng sự nhật, nguyệt, thủy, hỏa, và xướng lên rằng: ‘Xin tiếp đỡ tôi sanh lên Phạm thiên’, thì cũng giống như vậy. Trọn không thể xảy ra.

“Bà-tất-tra, ví như con sông A-di-la, nước tràn ngang bờ, con quạ có thể uống được. Có người muốn sang, không bằng vào sức của tay chân, thân mình, không nhân thuyền bè, mà có thể sang được không?”

Đáp: “Không”.

“Bà-tất-tra, Bà-la-môn thông tam minh cũng vậy, không tu hạnh thanh tịnh của Sa-môn, lại tu theo hạnh không thanh tịnh của đạo khác, mà muốn cầu sanh Phạm thiên, không có trường hợp đó.

“Bà-tất-tra, cũng như nước trong núi vọt mạnh ra, cuốn trôi khá nhiều nhân dân, vả lại không có thuyền, bè, cũng không có cầu bến. Người kia nghĩ thầm: ‘Ta nên thâu lượm thật nhiều cỏ và cây, buộc thành chiếc bè thật chắc chắn, rồi bằng sức của thân mình mà sang bờ một cách an ổn. Bà-tất-tra, cũng vậy, nếu Tỳ-kheo xả hạnh bất tịnh phi Sa-môn, tu hành phạm hạnh thanh tịnh của Sa-môn, muốn sanh Phạm thiên ; trường hợp ấy có xảy ra.

“Thế nào, Bà-tất-tra, Phạm thiên có nhuế tâm hay không có nhuế tâm?”

Đáp: “Không có nhuế tâm”.

Lại hỏi:

“Bà-la-môn thông tam minh có nhuế tâm hay không có nhuế tâm?”

Đáp: “Có nhuế tâm”.

“Bà-tất-tra, Phạm thiên không có nhuế tâm. Bà-la-môn thông tam minh có nhuế tâm. Nhuế tâm và không nhuế tâm không cùng sống chung, [106b] không cùng giải thoát, không thú hướng đến nhau. Vậy Phạm thiên và Bà-la-môn không sống chung.

“Thế nào, Bà-tất-tra, Phạm thiên có sân tâm, hay không có sân tâm.”

Đáp: “Không có sân tâm”.

Lại hỏi:

“Bà-la-môn thông tam minh có sân tâm, hay không có sân tâm?”

Đáp: “Có sân tâm“.

“Bà-tất-tra, Phạm thiên không có sân tâm. Bà-la-môn thông tam minh có sân tâm. Sân tâm và không sân tâm không cùng sống chung, không cùng giải thoát, không thú hướng đến nhau. Vậy Phạm thiên và Bà-la-môn không sống chung.

“Thế nào, Bà-tất-tra, Phạm thiên có hận tâm, hay không có hận tâm?”

Đáp: “Không có hận tâm.” 

Lại hỏi:

“Bà-la-môn thông tam minh có hận tâm, hay không có hận tâm?

Đáp: “Có hận tâm”.

Phật nói:

“Phạm thiên không có hận tâm. Bà-la-môn thông tam minh có hận tâm. Hận tâm và không hận tâm không cùng sống chung, không cùng giải thoát, không thú hướng đến nhau. Vậy Phạm thiên và Bà-la-môn không sống chung.

“Thế nào, Bà-tất-tra, Phạm thiên có gia thuộc, sản nghiệp không?”

Đáp: “Không”

Lại hỏi:

“Bà-la-môn tam minh có gia thuộc, sản nghiệp không?”

Đáp: “Có”.

Phật nói:

“Phạm thiên không có gia thuộc, sản nghiệp. Bà-la-môn thông tam minh có gia thuộc, sản nghiệp. Người có gia thuộc, sản nghiệp và người không gia thuộc, sản nghiệp không cùng sống chung, không cùng giải thoát, không thú hướng đến nhau. Vậy Phạm thiên và Bà-la-môn không sống chung.

“Thế nào, Bà-tất-tra, Phạm thiên có được tự tại hay không được tự tại?”

Đáp: “Được tự tại”.

Lại hỏi:

“Bà-la-môn tam minh có được tự tai, hay không được tự tại?

Đáp: “Không được tự tại”.

Phật nói:

“Phạm thiên được tự tại. Bà-la-môn thông tam minh không được tự tại. Người được tự tại và người không được tự tại cùng sống chung, không cùng giải thoát, không thú hướng đến nhau. Vậy Phạm thiên và Bà-la-môn không sống chung.”

Phật lại nói:

“Bà-la-môn tam minh kia, giả sử có người đến hỏi ý nghĩa sâu xa, không thể trả lời đầy đủ, có thật như vậy không?”

Đáp: “Thật như vậy”.

Bấy giờ, Bà-tất-tra và Phả-la-đọa, hai người đều bạch Phật rằng:

“Hãy để sang một bên các đề tài khác. Tôi nghe Sa-môn Cù-đàm biết rõ con đường Phạm thiên[11], có thể giảng thuyết điều đó cho người khác; lại đã cùng Phạm thiên gặp gỡ, qua lại chuyện trò. Cúi mong Sa-môn Cù-đàm vì lòng từ mẫn, xin thuyết con đường Phạm thiên, xin khai thị, phô diễn.”

Phật nói với Bà-tất-tra:

“Ta nay hỏi ngươi. Hãy tùy ý trả lời. Thế nào, Bà-tất-tra, nước Tâm niệm[12] kia cách đây gần xa?”

Đáp: “Gần”.

“Giả sử có người sanh trưởng ở nước này được người khác hỏi đường đi đến nước này. Thế nào, Bà-tất-tra, người sanh trưởng ở nước ấy trả lời đường đi cho người hỏi kia, há có đáng nghi ngờ chăng?”

Đáp: “Không nghi. Vì sao? Vì y sanh trưởng ở nước này”.

Phật nói:

“Dù cho người sanh trưởng ở nước này kia cũng có thể đáng nghi ngờ, nhưng nếu có người hỏi Ta về con đường Phạm thiên, không có điều gì nghi ngờ. Vì sao? Ta đã từng nhiều lần nói về con đường Phạm thiên ấy.”

Bà-tất-tra và Phả-la-đọa, cả hai cùng bạch Phật:

“Hãy gác qua một bên các đề tài khác. Tôi nghe Sa-môn Cù-đàm biết rõ con đường Phạm thiên, có thể giảng thuyết điều đó cho người khác; lại đã cùng Phạm thiên gặp gỡ, qua lại chuyện trò. Cúi mong Sa-môn Cù-đàm vì lòng từ mẫn, xin thuyết con đường Phạm thiên, xin khai thị, phô diễn.”

Phật nói:

“Hãy lắng nghe, hãy suy ngẫm kỹ. Ta sẽ nói cho ngươi nghe.”

Đáp: “Kính vâng. Xin vui lòng được nghe.”

Phật nói:

“Nếu Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời, đầy đủ mười hiệu, cho đến, tứ thiền, ở ngay trong đời này mà hưởng thọ an lạc. Vì sao? Ấy do tinh cần, chánh niệm, chánh tri, ưa sống một mình nơi thanh vắng, không buông lung vậy. Vị ấy với từ tâm tràn khắp một phương; các phương khác cũng vậy, rộng khắp không biên tế, không hai, vô lượng, không hận, vô hại, an trú với tâm ấy và hưởng thọ an lạc. Bi, hỷ, xả tâm biến mãn một phương, phương khác cũng vậy, rộng khắp không biên tế, không hai, vô lượng, không kết hận, không có ý não hại, an trú với tâm ấy và hưởng thọ an lạc.

“Thế nào, Bà-tất-tra, Phạm thiên có nhuế tâm không?”

Đáp: “Không”.

Lại hỏi:

“Tỳ-kheo hành từ tâm có nhuế tâm, hay không có nhuế tâm?”

Đáp: “Không có nhuế tâm”.

Phật nói:

“Phạm thiên không có nhuế tâm. Tỳ-kheo hành từ tâm không có nhuế tâm. Không nhuế tâm và không nhuế tâm cùng hướng đến nhau, đồng giải thoát. Vì vậy, Phạm thiên và Tỳ-kheo cùng sống chung.

“Thế nào, Bà-tất-tra, Phạm thiên có sân tâm, hay không có sân tâm?”

Đáp: “Không”.

Lại hỏi:

“Tỳ-kheo hành từ tâm có sân tâm, hay không có sân tâm?”

Đáp: “Không có sân tâm”.

Phật nói:

“Phạm thiên không có sân tâm. Tỳ-kheo hành từ tâm không có sân tâm. Không sân tâm và không sân tâm cùng hướng đến nhau, đồng giải thoát. Vì vậy, Phạm thiên và Tỳ-kheo cùng sống chung.

“Thế nào, Bà-tất-tra, Phạm thiên có hận tâm, hay không có hận tâm?”

Đáp: “Không”.

Lại hỏi:

“Tỳ-kheo hành từ tâm có hận tâm, hay không có hận tâm?”

Đáp: “Không có hận tâm“.

Phật nói:

“Phạm thiên không có hận tâm. Tỳ-kheo hành từ tâm không có hận tâm. Không hận tâm và không hận tâm cùng hướng đến nhau, đồng giải thoát. Vì vậy, Tỳ-kheo [107a] và Phạm thiên cùng sống chung.

“Thế nào, Bà-tất-tra, Phạm thiên có gia thuộc sân nghiệp hay không?”

Đáp: “Không”.

Lại hỏi:

“Tỳ-kheo hành từ tâm có gia thuộc, sản nghiệp hay không?”

Đáp: “Không có gia thuộc, sản nghiệp”.

Phật nói:

“Phạm thiên không có gia thuộc, sản nghiệp. Tỳ-kheo hành từ tâm không có gia thuộc, sản nghiệp. Không gia thuộc, sản nghiệp và không gia thuộc sản nghiệp cùng hướng đến nhau, đồng giải thoát. Vì vậy, Phạm thiên và Tỳ-kheo cùng sống chung.

“Thế nào, Bà-tất-tra, Phạm thiên có được tự tại không?”

Đáp: “Được tự tại”.

Lại hỏi:

“Tỳ-khe hành từ tâm có được tự tại không?”

Đáp: “Được tự tại”.

Phật nói:

“Phạm thiên được tự tại. Tỳ-kheo hành từ tâm được tự tại. Được tự tại và được tự tại cùng hướng đến nhau, đồng giải thoát. Vì vậy, Phạm thiên và Tỳ-kheo cùng sống chung.”

Phật lại nói với Bà-tất-tra:

“Nên biết, Tỳ-kheo hành từ tâm, khi thân hoại mạng chung, trong khoảnh khắc như mũi tên được bắn đi, sanh lên Phạm thiên.”

Khi Phật nói kinh này, Bà-tất-tra và Phả-la-đọa ngay trên chỗ ngồi mà xa lìa trần cấu, phát sanh con mắt thấy pháp ở trong các pháp.

Bấy giờ, Bà-tất-tra và Phả-la-đọa sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.[13]

 


*  佛說長阿含第三分[12]三明經第七

[1] Xem kinh số 20 “A-ma-trú.” D 13, Phật trú tại Manasākaṭa, bên bờ sông Aciravatī. Chúng Tỳ-kheo năm trăm người.

[2] Phất-già-la-sa-la 沸伽羅娑羅, xem kinh số 20 “A-ma-trú.” Pl.: Pokkharasāti.

[3] Đa-lê-xa 多梨車, Pl.: Tārukkha. D 13. còn kể thêm: Jāṇussoni, Todeyya.

[4] Bà-tất-tra 婆悉咤, Pl.: Vāseṭṭha. Xem cht. 3, kinh số 5 “Tiểu duyên.”

[5] Phả-la-đọa 頗羅墮, Pl.: Bhāradva. Xem cht. 3, kinh số 5 “Tiểu duyên.”

[6] Tam minh Bà-la-môn 三明婆羅門. Pl.: tevijja-brāhmaṇa, Bà-la-môn tinh thông ba bộ Veda.

[7] Tự tại dục đạo, tự tác đạo, Phạm thiên đạo自在欲道,自作道,梵天道. D13 không kể tên các học thuyết, mà kể tên các người đề xướng: Addhāriyā, Tittiriyā, Chandoka, Bavhārijjhā,.

[8] Danh sách các Bà-la-môn cổ: xem kinh số 20 “A-ma-trú”, cht. 78.

[9] D 13: appāṭihīrakatā, lời nói ngu ngốc.

[10] A-di-la hà 阿夷羅河, tên sông, 1 trong 5 sông lớn. Pl.: Aciravatī.

[11] Phạm thiên đạo 梵天道. D. 13: brahmānaṃ sahavyatāya maggaṃ: con đường dẫn đến cộng trú (làm bạn) với Phạm thiên.

[12] Tâm niệm quốc 心念國, dịch nghĩa địa danh Manasākaṭa. Bản Hán nói là quốc, nhưng, D. 13 nói đó lá một làng Bà-la-môn ở Kosala.

[13] Bản Hán, hết quyển 16.

27. Kinh sa môn quả

27. KINH SA-MÔN QUẢ

[0107a21] Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú tại La-duyệt-kỳ, trong vườn Am-bà của Kỳ Cựu Đồng tử[1], cùng với Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người.

Bấy giờ, A-xà-thế, con trai bà Vi-đề-hi[2], vào ngày rằm, lúc trăng tròn,[3] sai gọi một Phu nhân đến, bảo rằng:

“Đêm nay trong sáng không khác gì ban ngày. Ta nên làm gì?”

Phu nhân tâu:

“Đêm nay rằm trăng tròn, như ban ngày không khác. Nên tắm gội sạch sẽ, cùng các thể nữ hưởng thụ ngũ dục.”

Vua lại lệnh gọi Thái tử thứ nhất là Ưu-da-bà-đà[4] đến hỏi:

“Đêm nay rằm trăng tròn, không khác gì ban ngày. Ta nên làm gì?”

Thái tử tâu:

“Đêm nay rằm trăng tròn, [107b] như ban ngày không khác. Nên tập họp bốn thứ quân, cùng bàn mưu chinh phạt phản nghịch biên cương, sau đó trở về cùng hưởng thụ dục lạc.”

Vua lại ra lệnh triệu Đại tướng Dũng Kiện[5] đến hỏi:

“Nay ngày rằm trăng tròn, đêm sáng trong không khác gì ban ngày. Ta nên làm gì?”

Đại tướng tâu:

“Đêm nay trong sáng, không khác gì ban ngày, nên tập họp bốn thứ quân, đi tra xét thiên hạ để biết có sự thuận hay nghịch[6].”

Vua lại sai triệu Bà-la-môn Vũ-xá[7] đến hỏi:

“Nay ngày rằm trăng tròn, đêm sáng trong không khác gì ban ngày. Ta nên đến Sa-môn, Bà-la-môn nào, để có thể khai ngộ tâm ta?”

Khi ấy Vũ-xá tâu vua:

“Đêm nay trong sáng, không khác ban ngày. Có Bất-lan Ca-diệp[8], là người lãnh đạo, đứng đầu chúng lớn, được nhiều người biết đến, tiếng tăm đồn xa, cũng như biển cả dung nạp được nhiều, được mọi người cúng dường.[9] Đại vương, nên đến kia thăm viếng. Nếu Đại vương gặp vị ấy, hoặc giả tâm được khai ngộ.”

“Vua lại lệnh gọi em Vũ-xá là Tu-ni-đà[10] đến hỏi: “Nay ngày rằm trăng tròn, đêm sáng trong không khác gì ban ngày. Ta nên đến Sa-môn, Bà-la-môn nào, để có thể khai ngộ tâm ta?”

Khi ấy Tu-ni-đà tâu vua:

“Đêm nay trong sáng, không khác ban ngày. Có Mạt-già-lê Cù-xá-lê[11], là người lãnh đạo, đứng đầu chúng lớn, được nhiều người biết đến, tiếng tăm đồn xa, cũng như biển cả dung nạp được nhiều, được mọi người cúng dường. Đại vương, nên đến kia thăm viếng. Nếu Đại vương gặp vị ấy, hoặc giả tâm được khai ngộ.”

Vua lại sai triệu Điển tác Đại thần[12] đến hỏi:

“Nay ngày rằm trăng tròn, đêm sáng trong không khác gì ban ngày. Ta nên đến Sa-môn, Bà-la-môn nào, để có thể khai ngộ tâm ta?”

Khi ấy Điển tác Đại thần tâu vua:

“Đêm nay trong sáng, không khác ban ngày. Có A-kỳ-đa Sí-xá-khâm-bà-la[13], là người lãnh đạo, đứng đầu chúng lớn, được nhiều người biết đến, tiếng tăm đồn xa, cũng như biển cả dung nạp được nhiều, được mọi người cúng dường. Đại vương, nên đến kia thăm viếng. Nếu Đại vương gặp vị ấy, hoặc giả tâm được khai ngộ.”

Vua lại sai triệu tướng thủ thành môn là Già-la[14] đến hỏi:

“Nay ngày rằm trăng tròn, đêm sáng trong không khác gì ban ngày. Ta nên đến Sa-môn, Bà-la-môn nào, để có thể khai ngộ tâm ta?”

Khi ấy tướng thủ thành môn là Già-la tâu vua:

“Đêm nay trong sáng, không khác ban ngày. Có Bà-phù-đà Già-chiên-na[15], là người lãnh đạo, đứng đầu chúng lớn, được nhiều người biết đến, tiếng tăm đồn xa, cũng như biển cả dung nạp được nhiều, được mọi người cúng dường. Đại vương, nên đến kia thăm viếng. Nếu Đại vương gặp vị ấy, [107c] hoặc giả tâm được khai ngộ.”

Vua lại sai triệu Ưu-đà-di Mạn-đề Tử[16] đến hỏi:

“Nay ngày rằm trăng tròn, đêm sáng trong không khác gì ban ngày. Ta nên đến Sa-môn, Bà-la-môn nào, để có thể khai ngộ tâm ta?”

Khi ấy Ưu-đà-di tâu vua:

“Đêm nay trong sáng, không khác ban ngày. Có Tán-nhã-di Tỳ-la-lê-phất[17], là người lãnh đạo, đứng đầu chúng lớn, được nhiều người biết đến, tiếng tăm đồn xa, cũng như biển cả dung nạp được nhiều, được mọi người cúng dường. Đại vương, nên đến kia thăm viếng. Nếu Đại vương gặp vị ấy, hoặc giả tâm được khai ngộ.”

Vua lại sai triệu em là Vô Úy[18] đến hỏi:

“Nay ngày rằm trăng tròn, đêm sáng trong không khác gì ban ngày. Ta nên đến Sa-môn, Bà-la-môn nào, để có thể khai ngộ tâm ta?”

Khi ấy Vô Úy tâu vua:

“Đêm nay trong sáng, không khác ban ngày. Có Ni-kiền Tử[19], là người lãnh đạo, đứng đầu chúng lớn, được nhiều người biết đến, tiếng tăm đồn xa, cũng như biển cả dung nạp được nhiều, được mọi người cúng dường. Đại vương, nên đến kia thăm viếng. Nếu Đại vương gặp vị ấy, hoặc giả tâm được khai ngộ.”

Vua lại sai triệu Thọ Mạng đồng tử[20] đến hỏi:

“Nay ngày rằm trăng tròn, đêm sáng trong không khác gì ban ngày. Ta nên đến Sa-môn, Bà-la-môn nào, để có thể khai ngộ tâm ta?”

Thọ Mạng đồng tử tâu:

“Có Phật, Thế Tôn, nay đang ở trong vườn xoài của tôi. Đại vương nên đến đó thăm hỏi. Nếu Đại vương gặp Phật, tâm tất khai ngộ.”

Vua bèn sắc lệnh Thọ Mạng:

“Hãy thắng kiệu con voi báu mà ta thường cỡi,[21] cùng với năm trăm thớt voi trắng.”

Kỳ Cựu vâng lệnh, cho trang nghiêm con voi của vua cùng với năm trăm thớt voi xong, tâu vua rằng:

“Xa giá đã trang nghiêm. Xin Đại vương biết thời.”

A-xà-thế tự mình cỡi voi báu; cho năm trăm Phu nhân cỡi năm trăm voi cái, tay mỗi người đều cầm một bó đuốc, thể hiện uy nghi của vua, ra khỏi La-duyệt-kỳ, hướng đến chỗ Phật. Tiến đi được một đoạn, [22] Vua bảo Thọ Mạng:

“Ngươi nay gạt ta, hãm hại ta, dẫn ta và đại chúng đến cho kẻ thù.”

Thọ Mạng tâu:

“Đại vương, thần không dám lừa dối Đại vương. Không dám hãm hại Đại vương, dẫn Đại vương và đại chúng đến cho kẻ thù. Đại vương cứ tiến về phía trước, tất thu hoạch được phúc khánh.”

Rồi thì, tiến tới một quãng ngắn, vua lại bảo Thọ Mạng:

“Ngươi nay gạt ta, hãm hại ta, dẫn ta và đại chúng đến cho kẻ thù.”

Vua nói ba lần như vậy.

“Vì sao? Nơi kia có một ngàn hai trăm năm mươi người, nhưng lại vắng lặng không tiếng động. Hẳn là có âm mưu rồi.”

Thọ Mạng ba lần tâu:

“Đại vương, thần không dám lừa dối Đại vương. Không dám hãm hại Đại vương, dẫn Đại vương và đại chúng đến cho kẻ thù. Đại vương cứ tiến về phía trước, tất thu hoạch được phúc khánh. [108a] Vì sao? Sa-môn kia theo pháp thường ưa sự thanh vắng, do đó không có tiếng động. Đại vương cứ tiến tới. Khu vườn đã hiện ra rồi.”

Vua A-xà-thế đi đến cổng vườn, xuống voi, giải kiếm, cất lọng, dẹp bỏ năm thứ uy nghi[23], bước vào cổng vườn, nói với Thọ Mạng:

“Phật Thế Tôn đang ở đâu?”

Thọ Mạng trả lời:

“Đại vương, Phật đang ở trên cao đường kia[24], phía trước Ngài có ngọn đèn. Thế Tôn ngồi trên tòa sư tử, mặt hướng về phía Nam. Đại vương đi tới một chút, tự mình gặp Thế Tôn.”

Bấy giờ, A-xà-thế đi đến chỗ giảng đường, rửa chân ở bên ngoài, sau đó mới bước lên giảng đường, im lặng nhìn bốn phía, sanh tâm hoan hỷ, miệng tự phát lên lời:

“Nay các Sa-môn yên tĩnh lặng thinh, đầy đủ chỉ quán[25]. Mong sao Thái tử Ưu-bà-da[26] của tôi cũng chỉ quán thành tựu[27], như thế này không khác.”

Khi ấy, Phật nói với vua A-xà-thế:  

“Đại vương nghĩ đến con, nên từ miệng mình phát ra lời[28] : ‘Mong sao Thái tử Ưu-đà-di cũng chỉ quán thành tựu như vậy không khác.’ Đại vương hãy ngồi phía trước đó.”

A-xà-thế bèn đảnh lễ Phật, rồi ngồi sang một bên, bạch Phật rằng:

“Nay có điều muốn hỏi, nếu Ngài có rảnh, tôi mới dám hỏi.”

Phật nói:

“Đại vương, có điều gì muốn hỏi, xin cứ hỏi.”

(i) A-xà-thế bạch Phật:

“Thế Tôn, như nay người cỡi voi, xe ngựa, tập luyện đao, mâu, kiếm, cung tên, binh khí, phép chiến đấu; vương tử, lực sĩ, đại lực sĩ, tôi tớ, thợ da, thợ hớt tóc, thợ bện tóc, thợ đóng xe, thợ gốm, thợ đan, thợ dệt cói; mỗi người đều sinh sống bằng các kỹ thuật khác nhau, tự mình hưởng thụ dục lạc; và cùng với cha, mẹ, vợ con, nô bộc vui hưởng lạc thú. Các nghề nghiệp như vậy đều có quả báo trong hiện tại. Nay các Sa-môn hiện tại tu hành, được những quả báo hiện tại[29] gì”

Phật nói với vua A-xà-thế:

“Đại vương đã từng đến các Sa-môn, Bà-la-môn để hỏi ý nghĩa như vậy chưa?”

Vua bạch Phật:

“Tôi đã từng đi đến các Sa-môn, Bà-la-môn để hỏi ý nghĩa như vậy.

(i.1) “Nhớ lại, một thời tôi đến Bất-lan Ca-diệp, hỏi rằng: ‘như người cỡi voi, xe ngựa, tập luyện binh pháp … cho đến, bằng các sự mưu sinh khác nhau, đều có quả báo trong hiện tại. Nay chúng đây hiện tại tu đạo, có được quả báo trong hiện tại không?’ Bất-lan Ca-diệp kia trả lời tôi rằng: ‘Đại vương nếu tự mình làm. Hay sai bảo người khác làm. Chặt, bửa, tàn hại, nấu, nướng, cắt, xẻ, não loạn chúng sanh, khiến cho sầu ưu, than khóc; sát sanh, trộm cắp, dâm dật, vọng ngữ, trèo tường cướp bóc, phóng lửa thiêu đốt, chận đường làm chuyện ác. Đại vương, [108b] hành động như vậy không phải là ác. Đại vương, nếu lấy kiếm bén mà lóc thịt chúng sanh, làm thành một đống thịt, ngập tràn cả thế gian; đó không phải là sự ác, cũng không tội báo. Ở bờ Nam sông Hằng, lóc thịt chúng sanh, cũng không có ác báo. Ở phía Bắc sông Hằng, thiết hội bố thí lớn, bố thí tất cả chúng sanh, lợi cho tất cả mọi người, cũng không có quả báo của tội phước[30]’.”

Rồi vua bạch Phật:

“Cũng như một người hỏi về dưa thì trả lời về mận; hỏi mận thì trả lời dưa. Kia cũng vậy. Tôi hỏi hiện tại có được quả báo không, nhưng kia trả lời tôi là không có quả báo của tội phước. Tôi bèn suy nghĩ rằng: ‘Ta là vua Quán đảnh dòng Sát-lị, không duyên cớ mà lại giết người xuất gia, bắt trói, đuổi đi. ’ Khi ấy, trong lòng tôi phẫn nộ, suy nghĩ như vậy rồi, bèn bỏ mà đi.”

Rồi nhà vua lại bạch Phật:

(i.2) “Nhớ lại, một thời tôi đến Mạt-già-lê Câu-xá-lê, hỏi rằng: ‘như người cỡi voi, xe ngựa, tập luyện binh pháp, v.v..., cho đến, bằng các sự mưu sinh khác nhau, đều có quả báo trong hiện tại. Nay chúng đây hiện tại tu đạo, có được quả báo trong hiện tại không?’ Kia trả lời tôi rằng: ‘Đại vương, không có bố thí, không có sự cho[31], không có pháp tế tự[32]. Cũng không có thiện ác; không có quả báo của thiện ác. Không có đời này, không có đời sau. Không có cha, không có mẹ, không có Chư Thiên, không có sự hóa sanh, không có chúng sanh[33]. Ở đời không có Sa-môn, Bà-la-môn, bình đẳng hành giả[34], và họ cũng không tự mình chứng ngộ đời này hay đời sau, rồi phô diễn cho người hay. Những ai nói có, thảy đều hư dối.[35]

“Cũng như một người hỏi về dưa thì trả lời về mận; hỏi mận thì trả lời dưa. Kia cũng vậy. Tôi hỏi hiện tại có được quả báo không, nhưng kia trả lời bằng thuyết vô nghĩa[36]. Tôi bèn suy nghĩ rằng: ‘Ta là vua Quán đảnh dòng Sát-lị, không duyên cớ mà lại giết người xuất gia, bắt trói, đuổi đi.’ Khi ấy, trong lòng tôi phẫn nộ, suy nghĩ như vậy rồi, bèn bỏ mà đi.”

Rồi nhà vua lại bạch Phật:

(i.3) “Một thời, tôi đến A-kỳ-đa Sí-xá-khâm-bà-la, hỏi rằng: ‘Đại đức, như người cỡi voi, ngựa xe, luyện tập binh pháp, cho đến, các loại mưu sinh khác nhau, đều có quả báo trong hiện tại. Nay đây chúng hội này hiện tại tu đạo, có được quả báo trong hiện ại không?’ Kia trả lời tôi rằng: ‘Con người lãnh thọ bốn đại, khi mạng chung, đất trở về đất, nước trở về nước, lửa trở về lửa, gió trở về gió; thảy đều hư rã, các căn trở về hư không. Khi người chết, nhà đòn khiêng xác để trong bãi tha ma, lửa đốt cháy thành xương như màu bồ câu, hoặc biến thành tro đất. Hoặc ngu, hoặc trí, [108c] đến lúc mạng chung thảy đều hư rã, là pháp đoạn diệt[37]’.

“Cũng như một người hỏi về dưa thì trả lời về mận; hỏi mận thì trả lời dưa. Kia cũng vậy. Tôi hỏi hiện tại có được quả báo không, nhưng kia trả lời bằng thuyết đoạn diệt[38]. Tôi bèn suy nghĩ rằng: ‘Ta là vua Quán đảnh dòng Sát-lị, không duyên cớ mà lại giết người xuất gia, bắt trói, đuổi đi.’ Khi ấy, trong lòng tôi phẫn nộ, suy nghĩ như vậy rồi, bèn bỏ mà đi.”

Rồi nhà vua lại bạch Phật:

(i.4) “Một thời, tôi đến Ba-phù-đà Già-chiên-diên, hỏi rằng: ‘Đại đức, như người cỡi voi, ngựa xe, luyện tập binh pháp, cho đến, các loại mưu sinh khác nhau, đều có quả báo trong hiện tại. Nay đây chúng hội này hiện tại tu đạo, có được quả báo trong hiện tại không?’ Kia trả lời tôi rằng: ‘Không có lực, không có tinh tấn, con người không sức mạnh, không có tinh cần[39].  Không nhân, không duyên  cho sự nhiễm trước của chúng sanh. Không nhân, không duyên  cho sự thanh tịnh của chúng sanh. Hết thảy chúng sanh, những loài có mạng, thảy đều không sức mạnh, không được tự tại, không có cái gì được gọi là oán là thù[40], ở trong sáu sanh loại[41] mà thọ các khổ hay lạc.’[42]

“Cũng như một người hỏi về dưa thì trả lời về mận; hỏi mận thì trả lời dưa. Kia cũng vậy. Tôi hỏi hiện tại có được quả báo không, nhưng kia trả lời bằng thuyết vô lực[43]. Tôi bèn suy nghĩ rằng: ‘Ta là vua Quán đảnh dòng Sát-lị, không duyên cớ mà lại giết người xuất gia, bắt trói, đuổi đi.’ Khi ấy, trong lòng tôi phẫn nộ, suy nghĩ như vậy rồi, bèn bỏ mà đi.”

Rồi nhà vua lại bạch Phật:

(i.5) “Một thời, tôi đến Tán-nhã Tỳ-la-lê Tử, hỏi rằng: ‘Đại đức, như người cỡi voi, ngựa, xe, luyện tập binh pháp, cho đến, các loại mưu sinh khác nhau, đều có quả báo trong hiện tại. Nay đây chúng hội này hiện tại tu đạo, có được quả báo trong hiện tại không?’ Kia trả lời tôi rằng: ‘Đại vương, đều có quả báo trong hiện tại của Sa-môn. Hỏi như vậy, đáp sự việc ấy như vậy. Sự việc này là thật, sự việc này là khác; sự việc này không phải khác cũng không phải không khác. Đại vương, hiện tại không có quả báo của Sa-môn. Hỏi như vậy, đáp sự việc ấy như vậy; sự việc này là thật, sự việc này là khác; sự việc này không phải khác cũng không phải không khác. Đại vương, hiện tại vừa có vừa không có quả báo của Sa-môn. Hỏi như vậy, đáp sự việc ấy như vậy; sự việc này là thật, sự việc này là khác; sự việc này không phải khác cũng không phải không khác. Đại vương, hiện tại không phải có cũng không phải không có quả báo của Sa-môn. Hỏi như vậy, đáp sự việc ấy như vậy; sự việc này là thật, sự việc này là khác; sự việc này không phải khác cũng không phải không khác. Hỏi như vậy, đáp sự việc ấy như vậy; sự việc này là thật, sự việc này là khác; sự việc này không phải khác cũng không phải không khác[44].’ Thế Tôn, cũng như một người hỏi về dưa thì trả lời về mận; hỏi mận thì trả lời dưa. Kia cũng vậy. Tôi hỏi hiện tại có được quả báo không, nhưng kia trả lời bằngmột vấn đề khác.[45] Tôi [109a] bèn suy nghĩ rằng: ‘Ta là vua Quán đảnh dòng Sát-lị, không duyên cớ mà lại giết người xuất gia, bắt trói, đuổi đi.’ Khi ấy, trong lòng tôi phẫn nộ, suy nghĩ như vậy rồi, bèn bỏ mà đi.”

Rồi nhà vua lại bạch Phật:

(i.6) “Một thời, tôi đến Ni-kiền Tử, hỏi rằng: ‘Đại đức, như người cỡi voi, ngựa xe, luyện tập binh pháp, cho đến, các loại mưu sinh khác nhau, đều có quả báo trong hiện tại. Nay đây chúng hội này hiện tại tu đạo, có được quả báo trong hiện tại không?’ Kia trả lời tôi rằng: ‘Đại vương, tôi là bậc Nhất thiết trí, là người thấy tất cả, biết thấu suốt không sót. Hoặc đi, hoặc đứng, hoặc nằm, hoặc ngồi, hoặc ngủ, hoặc thức, bất cứ lúc nào, trí thường hiện tiền.’ Thế Tôn, cũng như một người hỏi về dưa thì trả lời về mận; hỏi mận thì trả lời dưa. Kia cũng vậy. Tôi hỏi hiện tại có được quả báo không, nhưng kia trả lời bằng một vấn đề khác.[46] Tôi bèn suy nghĩ rằng: ‘Ta là vua Quán đảnh dòng Sát-lị, không duyên cớ mà lại giết người xuất gia, bắt trói, đuổi đi.’ Khi ấy, trong lòng tôi phẫn nộ, suy nghĩ như vậy rồi, bèn bỏ mà đi.

(ii) “Thế Tôn, hôm nay tôi đến đây để hỏi ý nghĩa như vầy: như người cỡi voi, ngựa xe, luyện tập binh pháp, cho đến, các loại mưu sinh khác nhau, đều có quả báo trong hiện tại. Nay đây Sa-môn hiện tại tu đạo, hiện tại có được quả báo không?”

Phật nói với vua A-xà-thế:

“Nay Ta trở lại hỏi Đại vương, xin tùy ý trả lời.

(ii.1) Thế nào, Đại vương, có đồng bộc của Đại vương, những người đồng bộc, sai sử, làm các công việc trong và ngoài, đều thấy Đại vương vào ngày rằm, lúc trăng tròn, tắm gội sạch sẽ, ở trên điện cao cùng hưởng thụ dục lạc với các thể nữ, bèn suy nghĩ như vầy: ‘Lạ thay, quả báo của hành vi[47] đến như thế sao? Vua A-xà-thế này vào ngày rằm, lúc trăng tròn, tắm gội sạch sẽ, ở trên điện cao cùng hưởng thụ dục lạc với các thể nữ. Ai có thể biết được đấy lại là quả báo của hành vi?’ Người kia, một thời gian sau, cạo bỏ râu tóc, bận ba pháp y, xuất gia tu đạo,tu hành chân chánh[48]. Thế nào, Đại vương, Đại vương từ xa thấy người ấy đi đến, há có khởi lên ý nghĩ rằng: Đấy là nô bộc của ta?”

Vua bạch Phật:

“Không, bạch Thế Tôn. Nếu thấy người ấy đến, tôi phải đứng dậy nghinh đón, mời ngồi.”

Phật nói:

“Đó không phải là quả báo có được ngay trong hiện tại của Sa-môn[49] sao?”

Vua đáp: “Đúng như vậy, Thế Tôn, đó là quả báo có được ngay trong hiện tại của Sa-môn vậy”.

(ii.2) “Lại nữa, Đại vương, có người khách cư ngụ trong cương giới của Đại vương, ăn thóc lúa mà Đại vương ban cho. [50] Người ấy thấy Đại vương vào ngày rằm trăng tròn, tắm gội sạch sẽ, ở trên điện cao cùng các thể nữ vui thú ngũ dục, bèn nghĩ thầm rằng: ‘Lạ thay, quả báo hành vi của người kia [109b] đến như vậy sao? Ai có thể biết đó là quả báo của hành vi?’ Một thời gian sau, người ấy cạo bỏ râu tóc, bận ba pháp y, xuất gia tu đạo, tu hành chân chánh. Thế nào, Đại vương? Nếu Đại vương từ xa thấy người ấy đi đến, có khởi lên ý nghĩ rằng; ‘Người ấy là khách dân của Ta, ăn thóc lúa mà Ta ban cho’ hay không?”

Vua nói: “Không. Nếu tôi thấy người ấy từ xa đến, tôi sẽ đứng dậy nghinh đón, chào hỏi, mời ngồi.”

“Thế nào, Đại vương, đó không phải l quả báo có được ngay trong hiện tại của Sa-môn chăng?”

Vua nói: “Đúng như vậy, hiện tại được quả báo của Sa-môn vậy”.

(iii.) “Lại nữa, Đại vương, Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời, (…) vào trong pháp Ta,[51] cho đến tam minh, diệt trừ các tối tăm, phát sanh ánh sáng đại trí, gọi là lậu tận trí chứng. Vì sao? Ấy là do tinh cần, chánh niệm, chánh tri, ưa sống một mình nơi thanh vắng, không buông lung vậy. Thế nào, Đại vương, đó không phải là quả báo có được ngay trong hiện tại của Sa-môn sao?”

Vua đáp: “Thật vậy, Thế Tôn, đó thật là quả báo có được ngay trong hiện tại của Sa-môn”.

Bấy giờ, vua A-xà-thế rời chỗ ngồi đứng dậy, đầu mặt lễ chân Phật, bạch Phật rằng:

“Cúi mong Thế Tôn nhận sự hối hận của con. Con vì cuồng, ngu si, tối tăm, không nhận thức. Cha con là Bình-sa vương, vua nước Ma-kiệt-đà, cai trị đúng theo pháp, không có thiên vạy. Nhưng con bị ngũ dục mê hoặc, thật sự đã hại Phụ vương. Cúi mong Thế Tôn rũ lòng thương xót, nhận sự sám hối của con.”

Phật bảo vua:

“Ngươi ngu si, không nhận thức. Nhưng đã tự mình hối cải. Ngươi vì mê say ngũ dục mà hại Phụ vương. Nay trong pháp Hiền Thánh mà biết hối cải, tức là tự làm ích lợi cho mình. Ta vì thương tưởng ngươi, nhận sự sám hối của ngươi.”

Bấy giờ, vua A-xà-thế sau khi lễ Phật, được Phật giảng pháp cho nghe, được khai thị, giáo giới, làm cho ích lợi, hoan hỷ. Sau khi nghe những điều Phật dạy, Vua liền bạch Phật:

“Con nay quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Xin chấp nhận con là Ưu-bà-tắc trong Chánh pháp. Từ nay về sau, suốt đời không giết, không trộm, không tà dâm, không dối, không uống rượu. Cúi mong Thế Tôn cùng đại chúng sáng ngày mai nhận lời thỉnh của con.”

Bấy giờ, Thế Tôn im lặng nhận lời. Khi Vua thấy Phật im lặng nhận lời, liền đứng dậy lễ Phật, đi quanh ba vòng sau đó cáo lui.

Vua đi chưa bao lâu, Phật nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Vua A-xà-thế này, tội lỗi đã vơi bớt, đã nhổ trọng tội. Nếu A-xà-thế không giết cha, thì ngay tại chỗ này đã được con mắt thanh tịnh thấy pháp. Nhưng vua A-xà-thế nay đã hối lỗi, tội lỗi đã vơi bớt, [109c] đã nhổ trọng tội.”

Bấy giờ, A-xà-thế, đang trên đường đi, gọi Thọ Mạng Đồng tử bảo rằng:

“Lành thay, lành thay! Ngươi nay làm được nhiều điều lợi ích cho ta. Ngươi trước đã tán thán Như Lai, chỉ dẫn, khơi mở, sau đó đưa ta đến gặp Thế Tôn, nhờ thế ta được khai ngộ. Ta rất cám ơn ngươi, trọn không bao giờ quên.”

Rồi thì, vua trở về cung sửa soạn các món hào soạn, các loại thức ăn. Sáng hôm sau, khi đã đến giờ, báo đức Thánh biết đã đến giờ.

Bấy giờ, Thế Tôn khoác y cầm bát, cùng với chúng đệ tử một ngàn hai trăm năm mươi người, đi đến Vương cung, ngồi trên chỗ ngồi dọn sẵn. Rồi, Vua tự tay châm chước, cúng Phật và Tăng. Ăn xong, cất bát, dùng nước rửa xong, vua đảnh lễ Phật, bạch rằng:

“Con nay ba lần xin sám hối. Con vì cuồng dại, ngu si, tối tăm, không nhận thức. Cha con là Bình-sa vương, vua nước Ma-kiệt-đà, cai trị đúng theo pháp, không có thiên vạy. Nhưng con vì mê say ngũ dục, thật sự đã hại Phụ vương. Cúi mong Thế Tôn rủ lòng thương xót, nhận sự sám hối của con.”

Phật bảo vua:

“Ngươi ngu si, không nhận thức. Ngươi vì mê say ngũ dục mà hại Phụ vương. Nay trong pháp Hiền Thánh mà biết hối cải, tức là tự làm ích lợi cho mình. Ta vì thương tưởng ngươi, nhận sự sám hối của ngươi.”

Rồi thì, sau khi đảnh lễ Phật, Vua lấy một ghế nhỏ ngồi trước Phật. Phật giảng pháp cho vua nghe, khai thị, giáo giới, khiến cho được ích lợi, hoan hỷ. Sau khi nghe Phật dạy, Vua lại bạch Phật:

“Con nay ba lần xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Cúi mong nhận con làm Ưu-bà-tắc trong Chánh pháp. Từ nay cho đến trọn đời, không giết, không trộm, không tà dâm, không dối, không uống rựơu.”

Bấy giờ, Thế Tôn sau khi giảng pháp cho vua nghe, khai thị, giáo giới, khiến cho được ích lợi, hoan hỷ, bèn rời chỗ ngồi ra về.

Vua A-xà-thế và Thọ Mạng Đồng tử sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

 


第三分[08]沙門果經第八

[1] Kỳ Cựu đồng tử Am-bà viên 耆舊童子菴婆 園. Đoạn sau, Hán dịch là Thọ Mạng Đồng tử; xem cht. 19. sau.No 22: Kì-vực Nại viên耆域奈園. D 2:  Jīvaka-komārabhaccassa ambavane, trong vườn xoài của Jīvaka-Komārabhacca.

[2] A-xà-thế Vi-đề-hi Tử 阿闍世韋提希子. Pl.: Ajātasattu Vedehi-putta.

[3] No 22: Ngày rằm tháng bảy, qua ngày lạp năm mới.

[4] Ưu-da-bà-đà 優耶婆陀. Đoạn sau nói là Ưu-bà-da 優婆耶. Pl.: Udayībhadda (Udayabhadda).

[5] Dũng Kiện Đại tướng 勇健大將; có thể là một mỹ từ chứ không phải tên riêng.

[6] Từ đoạn hỏi phu nhân, cho đến đại tướng, không có trong No 22 và trong bản Pl. D. 2.

[7] Vũ-xá 雨舍. Xem kinh 2 “Du hành”.

[8] Bất-lan Ca-diệp 不蘭迦葉. Pl.: Pūraṇa-kassapa.

[9] Chúng sở cúng dường 眾所供養; Pl.: sādhusammato bahujanassa, được nhiều người tôn kính.

[10] Tu-ni-đà 須尼陀 (Tu-ni-đề); Pl.: Sunidha (?). D. 2 không nêu tên này.

[11] Mạt-già-lê Cù-xá-lị 末伽梨瞿舍利. No 22: Mạc-kha-li-duy Cù-lâu莫軻離惟瞿樓; Pl.: Makkhali-Gosāla.

[12] Điển tác Đại thần  典作大臣 (?). Không tỳm thấy Pl. tương đương.  

[13] A-kì-đa Sí-xá-khâm-bà-la 阿耆多翅舍欽婆羅, No 22: A-di-chuyên(đoan) Kì-da-kim- li.  Pl.: Ajita-Kesakambala.

[14] Già-la thủ môn tướng 伽羅守門將. Không tỳm thấy Pl. tương đương.

[15]  Bà-phù-đà Già-chiên-na 婆俯陀伽旃那, No 22: Ba-hưu Ca-chiên 波休迦旃. Pl.: Pakudha- Kaccāyana.

[16] Ưu-đà-di Mạn-đề Tử 優陀夷漫提子. D. 2 không đề cập.

[17] Tán-nhã-di Tỳ-la-lê-phất 散若夷毗羅梨沸, No 22: Tiên Tỉ-lô-trì 先比盧持.  Pl.: Sañjaya Balaṭṭhiputta.  

[18] Vô Úy (Vương tử) 無畏 (王子).  Pl.: Abhaya-rājakumāra. D. 2 không nêu tên này.

[19] Ni-kiền (Thân) Tử, 尼乾(親)子; No 22: Ni-kiề Tử  尼揵子.Pl.: Nigaṇṭha-Nāta-putta.

[20] Thọ Mạng đồng tử 壽命童 , cùng nhân vật trên kia dịch là Kỳ Cựu đồng tử. No 22: Kì-vực 耆域, chú: Cố Hoạt 固活. Pl.: Jīvaka-Komārabhacca.   

[21] No 22: con voi tên Nhân Điều 仁調.

[22] Cf. D 2: avidure ambavanassa, cách vườn Xoài không xa.

[23] Ngũ uy nghi 五威儀, tức 5 nghi trượng của vua. No 22: ngũ sự 五事, và liệt kê. Bản Pl. không có chi tiết này.  

[24] Cao đường, tức giảng đường. Trong bản Pl.: ngôi nhà hình tròn, hay viên đường (maṇḍa-māḷa).

[25] Chỉ quán cụ túc止觀具足. D. 2: rahadam iva vippasanaṃ, như hồ nước tĩnh lặng. Pl.: vippasana (hai chữ p một s): tĩnh lặng, trong suốt, trong bản Hán đọc là vipassanā (một chữ p hai s): quán hay quán chiếu.

[26] Ưu-bà-da 優婆耶; trên kia nói là Ưu-da-bà-đà 優耶婆陀. Pl.: Udayabhadda. No 22: nói đên một đồng tử tên Bạch Hiền 帛賢 (dịch nghĩa từ Udayabbhadda), nhưng không nói rõ là con của Vua.

[27] Hán: (...) chỉ quán thành tựu 止觀成就. Cf. D 2: upasamena samannāgato, có đầy đủ sự tỳnh lặng. Xem cht. 25 trên..

[28] D 2: agamā kho tvaṃ mahārāja yathā peman ti ? Đại vương cũng tràn ngập yêu thương như vậy sao ? Ý Phật muốn nhắc vua về việc giết cha.  

[29] D 2 (i. 51): diṭṭh’ eva dhamme sandiṭṭhikam sāmaññaphalam: kết quả thiết thực (thấy được) của Sa-môn trong hiện tại.

[30] Pl.: akiriyaṃ vyakāsi (= akiriyavāda),  thuyết minh về sự không có hành động, thuyết phi nghiệp, hay vô tác.

[31] Hán: vô dữ 無與; Pl.: n’atthi yiṭṭhaṃ, không có sự hiến tế sinh vật; đôi khi cũng dùng theo nghĩa bố thí, cấp dưỡng. Sớ giải: yiṭṭhaṃ: mahāyāgo, đại hiến tế, đại thí.

[32] Hán: tế tự pháp 祭祀法. Pl.: huta, phẩm vật cúng tế, vật cúng hy sinh.

[33] Hán: vô hóa, vô chúng sanh 無化無眾生; Pl.: n’ atthi sattā opapātikā, không có chúng sanh hóa sanh. Bản Hán đọc sattā vā oppātikā thành hai danh từ độc lập.

[34] Hán: bình đẳng hành giả 平等行者; Pl.: sammāpaṭipannā (chánh hành): những người đang hướng thẳng đến (Thánh quả), bản Hán đọc là sama-paṭipanna (bình đẳng hành).

[35] Trong bản Pl., trên đây là phần đầu học thuyết của Ajita-Kesakambali, được gọl là đoạn diệt luận (Pl.: ucchedavāda); phần sau, xem đoạn tiếp. Ở đây, dẫn phần đầu: D. 2: n’ atthi dinnaṃ n’ atthi yiṭṭhaṃ n’ atthi hutaṃ n ‘atthi sukaṭadukkaṭānaṃ kammānaṃ phalaṃ vipako, n’ atthi ayaṃ loko n’ atthi paraṃ loko, n’atthi mātā, n’ atthi pitā, n’ atthi sattā opapātikā, n’ atthi loke samaṇabrāhmaṇā sammaggatā sammāpaṭipaṇṇā ye imañ ca lokaṃ parañ ca lokaṃ sayaṃ abhiññā sacchikatvā pavedenti: “không có bố thí, không có lễ hiến sinh, không có cúng tế, không có kết quả chín muồi của các nghiệp tịnh hay bất tịnh, không có thế gian này, không có thế gian khác, không có cha, không có mẹ, không có hữu tỳnh hoá sanh, trong đời này không có Sa-môn, Bà-la-môn chánh hành chánh hướng, không có những vị đã tự mình chứng nghiệm thế gian này và thế gian khác, sau khi chứng ngộ rồi tuyên thuyết điều ấy.”

[36] Hán: vô nghĩa đáp 無義答. D.i.ibid.: ucchedaṃ vyākāsi: thuyết minh chủ nghĩa đoạn diệt (ucchedavāda).

[37] Trong bản Pl., đây là phần hai chủ nghĩa đoạn diệt (ucchedavāda) của Ajita- Kesakambali (phần đầu, xem cht. 35), D. 2 (i. 156): cātumahābhūtiko ayaṃ puriso, yadā kālaṃ karoti paṭhavī paṭhavikāyaṃ anupeti anupagacchati, āpo āpokāyaṃ anupeti anupa- gacchati, tejo tejokāyaṃ anupeti anupagacchati, vāyo vāy-kāyaṃ anupeti anupagacchati, ākāsaṃ indriyāni saṃkamanti. āsandipañcamā purisā mataṃ ādāya gacchanti, yāva āḷāhanā padāni paññāpenti, kāpotakāni aṭṭhīni bhavanti, bhassantāhutiyo. dattupaññattaṃ yadidaṃ dānaṃ, tesaṃ tucchaṃ musā vilāpo ye keci atthikavādaṃ vadanti. bāle ca paṇḍite ca kāyassa bhedā ucchijjanti vinassanti, na honti param maraṇā ti: “con người vốn là sản phẩm của bốn đại, khi thời gian đến, thân thuộc đất đi theo đất trở về đất, thân thuộc nước đi theo nước trở về với nước, thân thuộc lửa đi theo lửa trở về với lửa, thân thuộc gió đi theo gió trở về với gió; các căn hội nhập hư không. Với người thứ năm trong quan tài, người ta khiêng xác đến giàn hỏa, đặt ra những vần thơ. Xương trắng sẽ trở thành màu bồ câu, vật cúng tế biến thành tro. Sự bố thí là thuyết cho kẻ ngu độn. Những ai chủ trương chủ nghĩa tồn tại, người ấy hư ngụy, dối trá, hý luận. Kẻ ngu hay người trí, khi thân xác tan rã, sẽ tiêu diệt, không còn tồn tại sau khi chết.”

[38] Hán: đoạn diệt 斷滅. Pl.: ucchedaṃ vyākāsi.

[39] Nguyên Hán: vô phương tiện. Những từ phương tiện trong bản hán này phần lớn có nghĩa tinh cần. Pl.: natthipurisaparakkamo: không có sự nỗ lực của con người.

[40] Hán: vô hữu oan thù định tại số trung 無有冤讎定在數中. Pl. (?): niyatisaṅgatibhāva- pariṇatā: chúng bị biến chuyển bởi hữu (tồn tại, bởi tụ hội (chủng tộc), bởi quyết định (định mệnh).

[41] Hán: lục sanh 六生; Pl.: chass’ abhijāti, chỉ sáu giống người, phân biệt theo màu da: đen, xanh, đỏ, vàng, trắng, thuần trắng.

[42] Trong bản Pl., D. 2 (i. 50), đây là phần đầu thuyết luân hồi tịnh hóa (saṃsārasuddhi) của Makkhali Gosāla: n’ atthi hetu n’ atthi paccayo sattānaṃ saṃkilesāya, ahetuapaccayā sattā saṃkilissanti. n’ atthi hetu n’ atthi paccayo sattānaṃ visuddhiyā, ahetuapaccayā sattā visujjhanti. n ‘atthi attakāre n’ atthi parakāre, n’ atthi purisa-kāre; n’ atthi balaṃ n’ atthi viriyaṃ. n’ atthi purisathāmo n’atthi purisaparakkamo. sabbe sattā sabbe pāṇā sabbe bhūtā sabbe jīvā avasā abalā aviriyā niyatisaṅgatibhāvapariṇatā chass’ evābhijāisu sukhadukkhaṃ paṭisaṃvedenti: “không có nguyên nhân, không có điều cho sự ô nhiễm của chúng sanh. Chúng sanh bị nhiễm ô không do nhân duyên gì. Không có nguyên nhân, không có điều kiện cho sự thanh tịnh của chúng sanh. Chúng sanh được thanh tịnh không do bởi nhân duyên gì. Không có cái tự tác, không có cái tha tác, không có cái nhân tác. Không có lực, không có tinh tấn, không có nghị lực của con người, không có sự nỗ lực của con người. Tất cả chúng sanh, tất cả loài có hơi thở, tất cả loài có sự sống, tất cả loài có linh hồn, đều không tự do, bất lực, không tinh tấn, được biến đổi theo định mệnh, kết hợp, tính cách, cảm thọ khổ và lạc trong sáu giống.”

[43] Hán: vô lực 無力, tức Pl.: akiriya, mà trong bản Pl., là thuyết của Pūrana-Kassapa tức Bất-lan Ca-diệp.

[44] Chủ trương ngụy biện (vikhepaṃ vyākāsi) của Sañjaya Belaṭṭhiputta, Hán và Pl. đại thể tương đồng, tham chiếu, D. 2 (i.: atthi paro loko  ti iti ce taṃ pucchasi, atthi paro loko ti iti ce me assa, atthi paro loko ti iti te naṃ vyākareyyeṃ. evam pi me no tathā ti pi me no, aññathā ti pi me no no ti pi me no no no ti pi me no: “Nếu ngươi hỏi Ta, ‘Có thế giới khác hay không’, và nếu ta nghĩ rằng ‘Có thế giới khác’, ta sẽ trả lời ngươi rằng ‘Có thế giới khác.’ Nhưng, ta không nghĩ như vậy. Ta không nghĩ sự thật như vậy. Ta không nghĩ một cách khác. Không nghĩ không phải như vậy. Không nghĩ không phải không như vậy.”

[45] Hán: dị luận 異論.

[46] Xem cht. 45 trên. Trong bản Pl. (D.i. 157), Nigaṇṭha Nāṭaputta trả lời bằng bốn phòng hộ (cātuyāmasaṃvarasaṃvutto: phòng hộ bằng bốn luật nghi).

[47] Cf. Pl.: puññānaṃ gati puññānaṃ vipāko, thú hướng (hành) của phước, kết quả (dị thục) của phước.

[48] Hán: hành bình đẳng pháp 行平等法.

[49] Hiện đắc Sa-môn báo 現得沙門報. Pl.: diṭṭheva dhamme sandiṭṭhikaṃ sāmaññaphalaṃ.

[50] D 2: assa puriso kassako gahapatiko karakāro rāsivaḍḍho, một người kia, là nông phu, là gia chủ, là người tiến nạp (tô thuế), là người tích tụ (kho lẫm cho vua).

[51] Tóm tắt, nội dung chitiết như trong kinh 20 “A-ma-trú”

28. Kinh Bố-tra-bà-lâu

28. KINH BỐ-TRA-BÀ-LÂU

[109c23] Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại nước Xá-vệ, trong vườn Kỳ-thọ Cấp cô độc, cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người.

Bấy giờ, vào lúc sáng sớm, Thế Tôn khoác y cầm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Khi ấy, Thế Tôn nghĩ rằng:

“Ngày hôm nay khất thực, thời gian còn sớm, Ta hãy đến thăm khu rừng của Phạm-chí Bố-tra-bà-lâu[1]; đợi đến giờ rồi hãy đi khất thực”. Rồi Ngài đi đến rừng của Phạm-chí. Phạm-chí Bố-tra-bà-lâu từ xa trông thấy Phật đi đến, liền đứng dậy nghinh đón rằng:

“Hoan nghinh, Sa-môn Cù-đàm! Lâu nay không đến [110a] đây. Nay vì duyên cớ gì lại khuất mình chiếu cố? Xin mời ngồi phía trước đây.”

Thế Tôn ngồi xuống chỗ ấy, nói với Bố-tra-bà-lâu rằng:

“Các ông tập họp tại đây, để làm gì? Để bàn chuyện gì?”

Phạm-chí bạch Phật:

“Thế Tôn, mấy ngày qua[2] có nhiều Sa-môn, Bà-la-môn tập họp tại giảng đường, bàn luận sự việc như vậy[3]. Những vấn đề chống trái nhau.

“Cù-đàm, hoặc có Phạm-chí nói như vầy: ‘Con người phát sanh tưởng không do nhân gì duyên gì. Tưởng diệt, không do nhân duyên gì. Tưởng có đến, có đi. Khi tưởng đến thì tưởng sanh. K thì tưởng diệt[4]’.

“Cù-đàm, hoặc có Phạm-chí nói như vầy: ‘Do mạng, có tưởng sanh; do mạng, có tưởng diệt. Tưởng kia đi, đến. Đến thì tưởng sanh. Đi thì tưởng diệt.[5]

“Cù-đàm, hoặc có Phạm-chí nói như vầy: ‘Các thuyết nói trước đó không đúng sự thật. Có vị đại quỷ thần, có uy lực lớn, mang tưởng đi; mang tưởng đến. Khi vị ấy mang tuởng đi thì tưởng diệt. Khi vị ấy mang tưởng đến thì tưởng sanh[6]’.

“Tôi nhân đó có suy nghĩ, nghĩ rằng Sa-môn Cù-đàm tất biết rõ ý nghĩa này, tất có thể biết rõ tưởng tri diệt định[7].”

Bấy giờ Thế Tôn nói với Phạm-chí rằng:

“Các luận thuyết ấy đều có chỗ sai lầm. Tức là nói không do nhân, không do duyên mà có tưởng sanh; không do nhân, không do duyên mà có tưởng diệt; tưởng có đến, đi; đến thì tưởng sanh, đi thì tưởng diệt. Hoặc nói nhân bởi mạng mà tưởng sanh, nhân bởi mạng mà tưởng diệt; tưởng có đến, đi; đến thì tưởng sanh, đi thì tưởng diệt. Hoặc nói, không hề có chuyện đó, mà là có một vị đại quỷ thần mang tưởng đến và mang tưởng đi; khi vị ấy mang đến thì tưởng sanh; khi mang đi thì tưởng diệt. Những lời như vậy thảy đều sai lầm. Vì sao? Này Phạm-chí, có nhân, có duyên để tưởng sanh. Có nhân, có duyên để tưởng diệt.

“Nếu Như Lai xuất hiện ở đời; là bậc Chí chơn, Đẳng Chánh Giác, mười hiệu đầy đủ. Có người ở trong Phật pháp mà xuất gia tu đạo, cho đến, diệt năm triền cái che lấp tâm, trừ khử dục, ác bất thiện pháp, có tầm có tứ, hỷ lạc do định sanh, nhập sơ thiền. Trước diệt tưởng về dục, rồi phát sanh tưởng về hỷ và lạc. Phạm-chí, vì vậy biết có nhân duyên cho tưởng sanh, có nhân duyên cho tưởng diệt.

“Diệt tầm, tứ, nội tâm tịch tĩnh, nhất tâm, không tầm, không tứ, có hỷ và lạc do định sanh, nhập đệ nhị thiền. Phạm-chí, kia tưởng của sơ thiền diệt, tưởng của nhị thiền sanh, vì vậy nên biết có nhân duyên để tưởng diệt; có nhân duyên để tưởng sanh.

“Dứt hỷ, an trú xả, chánh niệm, [110b] chánh tri, tự biết thân lạc, điều mà Hiền Thánh nói là xả, an trú lạc có niệm, nhập đệ tam thiền. Phạm-chí, kia tưởng của nhị thiền diệt, tưởng của tam thiền sanh. Vì vậy nên biết có nhân duyên để tưởng diệt, có nhân duyên để tưởng sanh.

“Dứt khổ, dứt lạc, ưu và hỷ từ trước đã diệt, xả, niệm thanh tịnh, nhập đệ tứ thiền. Phạm-chí, kia tưởng tam thiền diệt, tưởng tứ thiền sanh. Vì vậy biết rằng có nhân duyên để tưởng diệt; có nhân duyên để tưởng sanh.

“Vượt qua[8] thảy tưởng về sắc, diệt tưởng hữu đối[9], không niệm các tưởng sai biệt[10], nhập không vô biên xứ. Này Phạm-chí, tưởng về hết thảy sắc diệt, tưởng về không vô biên xứ sanh. Vì vậy biết rằng có nhân duyên để tưởng sanh, có nhân duyên để tưởng diệt.

“Vượt qua hết thảy không vô biên xứ, nhập thức vô biên xứ. Này Phạm-chí, tưởng về không vô biên xứ diệt, tưởng về thức vô biên xứ sanh. Vì vậy biết rằng có nhân duyên để tưởng sanh, có nhân duyên để tưởng diệt.

“Vượt qua hết thảy thức vô biên xứ, nhập vô sở hữu xứ. Này Phạm-chí, tưởng về thức vô biên xứ diệt, tưởng về vô sở hữu sanh. Vì vậy biết rằng có nhân duyên để tưởng sanh, có nhân duyên để tưởng diệt.

“Vượt qua vô sở hữu xứ, nhập phi tưởng phi phi tưởng xứ.[11] Này Phạm-chí, tưởng về vô sở hữu xứ diệt, tưởng về phi tưởng phi phi tưởng xứ sanh. Vì vậy biết rằng có nhân duyên để tưởng sanh, có nhân duyên để tưởng diệt.

“Kia vượt qua phi tưởng phi phi tưởng xứ, nhập tưởng thọ diệt định. Này Phạm-chí, tưởng về phi tưởng phi phi tưởng xứ diệt; tưởng thọ diệt định sanh. Vì vậy biết rằng có nhân duyên để tưởng sanh, có nhân duyên để tưởng diệt.

“Vị ấy khi đạt đến tưởng này rồi[12], suy nghĩ như vầy: ‘Có tư niệm[13] là xấu, không tư niệm là tốt. Nếu khi ta tư duy như vậy, thì tưởng vi diệu kia (không) diệt, mà tưởng thô lại sanh[14].’ Vị ấy lại suy nghĩ: ‘Nay ta không nên niệm hành, không khởi tư duy[15].’ Vị ấy khi không niệm hành, không khởi tư duy, tưởng vi diệu diệt, tưởng thô không sanh. Khi vị ấy không niệm hành, tưởng vi diệu diệt, tưởng thô không sanh, liền nhập định tưởng thọ diệt[16].

“Thế nào, Phạm-chí, từ trước đến nay ông đã bao giờ nghe nhân duyên của thứ tự diệt tưởng[17] này chưa?”

Phạm-chí bạch Phật:

“Tôi tin là từ trước đến nay chưa bao giờ nghe đến nhân duyên của thứ tự diệt tưởng này.”

Phạm-chí lại bạch Phật:

“Nay tôi có ý nghĩ như vầy, tức là: đây là có tưởng; (tiếp theo) đây là không có tưởng. rồi lại có tưởng.[18] Sau khi có tưởng[19] như vậy rồi, vị ấy suy nghĩ như vầy: có tư niệm là xấu, không niệm là tốt. Vị ấy khi suy nghĩ như vậy, tưởng vi diệu của vị ấy không diệt, mà tưởng thô lại sanh. Vị ấy lại suy nghĩ: Nay ta không nên niệm hành, không khởi tư duy. Vị ấy khi [110c] không niệm hành, không khởi tư duy, tưởng vi diệu diệt, tưởng thô không sanh. Khi vị ấy không niệm hành, tưởng vi diệu diệt, tưởng thô không sanh, liền nhập định tưởng thọ diệt[20].”

Phật nói với Phạm-chí:

“Lành thay, lành thay, đó là theo thứ tự đạt diệt tưởng định trong pháp của Hiền Thánh.”

Phạm-chí lại bạch Phật:

“Trong các tưởng này, tưởng nào là tối thượng bậc nhất?”

Phật nói với Phạm-chí:

“Những gì được nói là có tưởng, và những gì được nói là không có tưởng, ở khoảng trung gian đó mà có thể thứ tự đạt được tưởng thọ diệt định, đó là tưởng tối thượng bậc nhất.”[21]

Phạm-chí lại hỏi:

“Là một tưởng, hay nhiều tưởng[22]?”

Phật nói:

“Có một tưởng. Không có nhiều tưởng[23].”

Phạm-chí lại hỏi:

“Trước có tưởng sanh sau đó mới trí? Hay trước có trí sanh sau đó mới tưởng? Hay tưởng và trí cùng sanh một lượt?”

Phật nói:

“Trước có tưởng sanh, sau đó mới trí. Do tưởng mà có trí.” [24]

Phạm-chí lại hỏi:

“Tưởng tức là ngã chăng?”[25]

Phật hỏi:

“Ngươi nói ngã của con người như thế nào?”

Phạm-chí nói:

“Tôi không nói con người là ngã. Tôi tự nói, sắc thân với bốn đại, sáu xứ, do cha mẹ sanh, được nuôi nấng mà lớn, trang sức bằng y phục, nhưng là pháp vô thường, biến hoại. Tôi nói, con người đó là ngã.”

Phật nói với Phạm-chí:

“Ngươi nói, sắc thân với bốn đại, sáu xứ, do cha mẹ sanh, được nuôi nấng mà lớn, trang sức bằng y phục, nhưng là pháp vô thường, biến hoại. Nói con người đó là ngã. Này Phạm-chí, hãy gác qua tự ngã đó[26]. Nhưng, tưởng của con người sanh, tưởng của con người diệt[27].”

Phạm-chí nói:

“Tôi không nói con người là ngã. Tôi nói, Dục giới thiên là ngã[28].”

Phật nói:

“Này Phạm-chí, hãy gác qua Dục giới thiên là tự ngã đó. Nhưng, tưởng của con người sanh, tưởng của con người diệt[29].”

Phạm-chí nói:

“Tôi không nói con người là ngã. Tôi tự nói, Sắc giới thiên là ngã.[30]

Phật nói:

“Này Phạm-chí, hãy gác qua Sắc giới thiên là tự ngã đó. Nhưng, tưởng của con người sanh, tưởng của con người diệt.”

Phạm-chí nói:

“Tôi không nói con người là ngã. Tôi tự nói không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ, Vô sắc thiên, là ngã.”

Phật nói:

“Hãy gác qua không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ[31], phi tưởng phi phi tưởng xứ, vô sắc thiên, là ngã. Nhưng, tưởng của con người sanh, tưởng của con người diệt.”

Phạm-chí bạch Phật:

“Thế nào, thưa Cù-đàm, tôi có thể biết được tưởng của con người sanh, tưởng của con người diệt không[32]? ”

Phật nói:

“Ngươi muốn biết tưởng của con người sanh, tưởng của con người diệt, thật quá khó! Thật quá khó! Vì sao vậy? Vì do ngươi, y pháp khác mà có kiến giải khác, tập hành khác [111a], nhẫn khác, thọ khác[33].”

Phạm-chí bạch Phật:

“Thật vậy, thưa Cù-đàm, tôi y theo pháp khác mà có kiến giải khác, tập hành khác, nhẫn khác, thọ khác, cho nên, muốn biết tưởng của con người sanh, tưởng của con người diệt, thật quá khó! Thật quá khó! Vì sao vậy? Ngã, thế gian là thường hằng: đây là thật, ngoài ra là dối. Ngã, thế gian là không thường hằng: đây là thật, ngoài ra là dối. Ngã, thế gian vừa thường vừa vô thường: đây là thật, ngoài ra là dối. Ngã, thế gian không phải thường không phải không thường: đây là thật, ngoài ra là dối. Ngã, thế gian là hữu biên: đây là thật, ngoài ra là dối. Ngã, thế gian là vô biên: đây là thật, ngoài ra là dối. Ngã, thế gian vừa hữu biên vừa vô biên: đây là thật, ngoài ra là dối. Ngã, thế gian không phải hữu biên không phải vô biên: đây là thật, ngoài ra là dối. Thân tức là mạng: đây là thật, ngoài ra là dối. Mạng khác thân khác: đây là thật, ngoài ra là dối. Thân, mạng không phải khác không phải không khác: đây là thật, ngoài ra là dối. Không mạng, không thân: đây là thật, ngoài ra là dối. Như Lai tồn tại sau khi chết: đây là thật, ngoài ra là dối. Như Lai không tồn tại sau khi chết: đây là thật, ngoài ra là dối. Như Lai không phải tồn tại không phải không tồn tại sau khi chết: đây là thật, ngoài ra là dối.”

Phật nói với Phạm-chí:

“Thế gian là thường hằng, cho đến, Như Lai hông phải tồn tại không phải không tồn tại sau khi chết: là những câu hỏi Ta không trả lời.[34]

Phạm-chí bạch Phật:

“Cù Đàm, vì sao không trả lời, Ngã và thế gian là thường hằng, cho đến, Như Lai hông phải tồn tại không phải không tồn tại sau khi chết?”

Phật nói:  

“Vì chúng không phù hợp ý nghĩa[35], không phù hợp pháp, không phải phạm hạnh, không phải vô dục, không phải vô vi, không phải tịch diệt, không phải chỉ tức, không phải chánh giác, không phải Sa-môn, không phải Niết-bàn. Vì vậy Ta không trả lời.”

Phạm-chí lại hỏi:

“Thế nào là phù hợp nghĩa, phù hợp pháp? Thế nào là phạm hạnh sơ bản[36]? Thế nào là vô vi[37]? Thế nào là vô dục[38]? Thế nào là tịch diệt[39]? Thế nào là chỉ tức[40]? Thế nào là chánh giác[41]? Thế nào là Sa-môn[42]? Thế nào là nê-hoàn[43]? Thế nào là vô ký[44]? ”

Phật nói:

“Điều mà Ta trả lời là về Khổ đế, Về khổ tập, Khổ diệt, Khổ xuất yếu đế. Vì sao vậy? Vì phù hợp nghĩa, phù hợp pháp, là phạm hạnh sơ thủ, là vô dục, vô vi, tịch diệt, chỉ tức, chánh giác, Sa-môn, Niết-bàn. Vì vậy Ta trả lời.”

Bấy giờ, Thế Tôn thuyết pháp cho Phạm-chí nghe xong, chỉ bày, khuyến khích, làm cho ích lợi, hoan hỷ, Ngài đứng dậy mà đi.

Phật đi chưa bao lâu, sau đó các Phạm-chí khác nói với Phạm-chí Bố-tra-bà-lâu rằng:

“Tại sao ông nghe theo những lời của Sa-môn Cù-đàm? Chấp nhận những lời của Cù-đàm rằng: ‘Ngã và thế gian là thường hằng, cho đến, Như Lai không hông phải tồn tại không phải không tồn tại sau khi chết, là những vấn đề không phù hợp nghĩa nên Ta không trả lời.’ Tại sao ngươi ấn khả những lời như vậy? Chúng ta không chấp nhận[111b] sở thuyết như vậy của Sa-môn Cù-đàm[45].”

Bố-tra-bà-lâu trả lời các Phạm-chí:  

“Sa-môn Cù-đàm nói rằng: ‘Ngã và thế gian là thường hằng, cho đến, Như Lai không phải tồn tại không phải không tồn tại sau khi chết, là những vấn đề không phù hợp nghĩa nên Ta không trả lời.’ Tôi cũng không ấn khả lời ấy. Nhưng Sa-môn Cù-đàm kia y trên Pháp, trụ trên Pháp[46], đúng Pháp mà nói, đúng theo Pháp mà xuất ly; làm sao tôi có thể chống lại lời nói có trí tuệ ấy? Pháp ngôn vi diệu như thế của Sa-môn Cù-đàm, không thể chống trái được.”

Rồi, một lúc khác[47], Phạm-chí Bố-tra-bà-lâu cùng với Tượng Thủ Xá-lợi-phất[48] đến chỗ Thế Tôn, chào hỏi xong, ngồi xuống một bên. Tuợng Thủ lễ Phật xong rồi ngồi xuống. Phạm-chí bạch Phật:

“Trước đây Phật tại chỗ tôi. Khi Ngài đi chưa lâu, sau đó các Phạm-chí khác nói với tôi rằng: ‘Tại sao ông nghe theo những lời của Sa-môn Cù-đàm? Chấp nhận những lời của Cù-đàm rằng: ‘Ngã và thế gian là thường hằng, cho đến, Như Lai không phải tồn tại không phải không tồn tại sau khi chết, là những vấn đề không phù hợp nghĩa nên Ta không trả lời.’ Tại sao ngươi ấn khả những lời như vậy? Chúng ta không chấp nhận sở thuyết như vậy của Sa-môn Cù Đàm.’Tôi trả lời các Phạm-chí: ‘Sa-môn Cù-đàm nói rằng: ‘Ngã và thế gian là thường hằng, cho đến, Như Lai không phải tồn tại không phải không tồn tại sau khi chết, là những vấn đề không phù hợp nghĩa nên Ta không trả lời.’ Tôi cũng không ấn khả lời ấy. Nhưng Sa-môn Cù-đàm kia y trên Pháp, trụ trên Pháp, đúng Pháp mà nói, đúng theo Pháp mà xuất ly; làm sao chúng ta có thể chống lại lời nói có trí tuệ ấy? Pháp ngôn vi diệu như thế của Sa-môn Cù-đàm, không thể chống trái được’.”

Phật nói với Phạm-chí:

“Các Phạm-chí nói: ‘Ông tại sao nghe những điều Sa-môn Cù-đàm nói mà ấn khả?’ Lời ấy sai lầm. Vì sao vậy? Pháp mà Ta nói, có trường hợp được ghi nhận xác quyết, có trường hợp không được ghi nhận xác quyết[49]. Thế nào gọi là không ghi nhận xác quyết? Ngã, thế gian thường hằng, cho đến, không phải tồn tại không phải không tồn tại sau khi chết. Ta cũng nói lời ấy, nhưng không ghi nhận xác ký. Sở dĩ như vậy, vì những lời ấy không phù hợp nghĩa, không phù hợp pháp, không phải là phạm hạnh sơ bản, không phải vô dục, không phải vô vi, không phải tịch diệt, không phải chỉ tức, không phải chánh giác, không phải Sa-môn, không phải Nết-bàn. Vì vậy, này Phạm-chí, Ta tuy nói những lời ấy nhưng không ghi nhận xác quyết. Thế nào gọi là ghi nhận xác quyết? Ta ghi nhận Khổ đế, Khổ tập, Khổ diệt, Khổ xuát yếu đế. Vì sao vậy? Điều đó phù hợp nghĩa, phù hợp pháp, là phạm hạnh sơ thủ, vô dục, vô vi, tịch diệt, chỉ tức, chánh giác, Sa-môn, [111c] Niết-bàn. Vì vậy, Ta nói được ghi nhận xác quyết.

“Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn, chủ trương ở một nơi thế gian chỉ có hoàn toàn lạc[50]. Ta nói với vị ấy rằng: ‘Các ông có thật chủ trương ở một nơi thế gian chỉ có hoàn toàn lạc chăng?’ Những vị ấy trả lời Ta rằng: ‘Thật vậy.’ Ta lại nói với họ rằng: ‘Các ông có thấy, biết một nơi thế gian chỉ có hoàn toàn lạc không?’ Họ trả lời: ‘Không thấy, không biết.’ Ta lại nói với họ: ‘Chư thiên ở một nơi thế gian chỉ có hoàn toàn lạc[51]; các ông đã từng thấy chưa?’ Kia đáp: ‘Không biết, không thấy.’ Ta lại hỏi: ‘Chư thiên ở một nơi thế gian kia, có bao giờ các ông từng cùng đứng ngồi trò chuyện, tinh tấn tu định chưa?’ Đáp rằng: ‘Chưa.’ Ta lại hỏi: ‘Chư thiên ở một nơi thế gian hoàn toàn sung sướng kia, có bao giờ đến nói với các ông chưa, rằng: ‘Việc làm của ngươi chất trực, ngươi sẽ sanh lên cõi trời hoàn toàn sung sướng kia. Ta do việc làm chất trực, nên được sanh lên kia cùng hưởng thọ dục lạc?’ Kia đáp rằng:’Chưa.’ Ta lại hỏi: ‘Các ông có thể ở nơi thân của mình, khởi tâm biến hóa thành thân tứ đại khác, thân thể đầy đủ, các căn không khuyết, hay không?’ Kia đáp: ‘Không thể.’ Thế nào, Phạm-chí, những điều mà Sa-môn, Bà-la-môn kia nói có thành thật chăng? Có thích ứng với pháp chăng?”

Phạm-chí bạch Phật:

“Đấy không phải là thành thật; không phải là lời nói đúng pháp.”

Phật bảo Phạm-chí:

“Như có người nói: ‘Tôi đã giao thông với người nữ xinh đẹp kia, khen ngợi dâm nữ kia.’ Người khác hỏi: ‘Ngươi có biết người nữ ấy không? Ở tại địa phương nào: Đông, Tây, Nam, Bắc?’ Đáp: ‘Không biết.’ Lại hỏi: ‘Ngươi có biết đất đai, thành ấp, chòm xóm mà người nữ ấy cư ngụ không?’Đáp: ‘Không biết.’ Lại hỏi: ‘Ngươi có biết người kia là Sát-lị, hay Bà-la-môn, hay Cư sĩ, hay Thủ-đà-la không?’ Đáp: ‘Không.’ Lại hỏi: ‘Ngươi có biết người kia cao hay thấp, thô kệch hay thanh lịch. Đen hay trắng, xấu hay đẹp không?’ Đáp: ‘Không.’ Thế nào, Phạm-chí, những điều mà người này nói có thành thật chăng?’

Đáp: ‘Không.’

“Phạm-chí, Sa-môn, Bà-la-môn kia cũng vậy, không có sự chân thật. Phạm-chí, cũng như có người dựng thang nơi khoảng đất trống. Những người khác hỏi: ‘Dựng thang để làm gì?’ Đáp: ‘Tôi muốn leo lên nhà trên.’ Thế nào, Phạm-chí, người dựng thang kia há không phải là dối sao?”

Đáp: “Kia thật sự hư dối”.

Phật nói:

“Các [112a] Sa-môn, Bà-la-môn kia cũng vậy, hư dối, không thật.”

Phật bảo Bố-tra-bà-lâu:

“Thân ta[52], sắc gồm bốn đại, sáu xứ, do cha mẹ sanh, được nuôi lớn bằng bú mớm, trang sức bằng y phục, vô thường hoại diệt; thân đó được cho là ngã. Ta nói đó là ô nhiễm, là thanh tịnh, là được giải thoát[53]. Ý của ngươi hoặc giả cho rằng pháp nhiễm ô không thể diệt, pháp thanh tịnh không thể sanh, luôn luôn tồn tại trong đau khổ[54]. Chớ nghĩ như vậy. Vì sao? Vì, pháp nhiễm ô có thể bị diệt tận, pháp thanh tịnh có thể xuất sanh, an trú nơi lạc địa, hoan hỷ, ái lạc, chuyên niệm, nhất tâm, trí tuệ rộng lớn[55]. Phạm-chí, Ta đối với Dục giới thiên, Sắc giới thiên, Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng thiên, nói là ô nhiễm, và cũng nói là thanh tịnh, cũng nói là được giải thoát. Ý ngươi có thể cho rằng pháp nhiễm ô không thể diệt, pháp thanh tịnh không thể sanh, luôn luôn tồn tại trong đau khổ. Chớ nghĩ như vậy. Vì sao? Vì, pháp nhiễm ô có thể bị diệt tận, pháp thanh tịnh có thể xuất sanh, an trú nơi lạc địa, hoan hỷ, ái lạc, chuyên niệm, nhất tâm, trí tuệ rộng lớn[56]. ”

Bấy giờ Tượng Thủ Xá-lợi-phất bạch Phật rằng:

“Thế Tôn, khi đang hiện hữu thân người thuộc Dục giới, với bốn đại và các căn, khi ấy thân thuộc Dục giới thiên, thân thuộc Sắc giới thiên, thân thuộc Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiên, lúc ấy có đồng thời cùng hiện hữu không[57]?

“Bạch Thế Tôn, khi đang hiện hữu thân thuộc Dục giới thiên, khi ấy thân người thuộc Dục giới với bốn đại và các căn, thân thuộc Sắc giới thiên, thân thuộc Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiên, lúc ấy có đồng thời cùng hiện hữu không?

“Bạch Thế Tôn, khi đang hiện hữu thân thuộc Sắc giới thiên, khi ấy thân người thuộc Dục giới với bốn đại và các căn, thân thuộc Dục giới thiên, thân thuộc Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ có đồng thời cùng hiện hữu không?

“Cũng vậy, cho đến, khi đang hiện hữu thân thuộc Phi tưởng phi phi tưởng xứ, khi ấy thân người thuộc Dục giới với bốn đại và các căn, thân thuộc Dục giới thiên, thân thuộc Sắc giới thiên, thân thuộc Không vô biên xứ, thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ thiên có đồng thời cùng hiện hữu không?”

Phật nói với Tượng Thủ Xá-lợi-phất :

“Khi đang hiện hữu thân người thuộc Dục giới với bốn đại và các căn, thì ngay khi ấy là thân người thuộc Dục giới với bốn đại và các căn, chứ không phải là thân thuộc Dục giới thiên, thân Sắc giới thiên, thân Không vô biên xứ thiên, thân Thức vô biên xứ thiên, thân Vô sở hữu xứ thiên, thân Phi tưởng phi phi tưởng thiên. Cũng vậy, cho đến, nếu khi đang hiện hữu thân Phi tưởng phi phi tưởng thiên, thì ngay khi ấy là thân Phi tưởng phi phi tưởng thiên, chứ không phải là thân người Dục giới với bốn đại và các căn, không phải là thân Dục giới thiên, thân Sắc giới thiên, thân Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, [112b] Vô sở hữu xứ thiên.

“Này Tưởng Thủ, ví như sữa bò. Sữa biến thành tô. Tô biến thành lạc. Lạc biến thành sanh tô. Sanh tô biến thành thục tô. Thục tô biến thành đề hồ. Đề hồ là bậc nhất. Khi là sữa, thì chỉ được gọi là sữa mà không gọi là lạc, tô, đề hồ. Cũng vậy, lần lượt cho đến khi là đề hồ, thì khi ấy chỉ được gọi là đề hồ mà không gọi là lạc, tô.

“Tượng Thủ, ở đây cũng vậy, khi đang hiện hữu thân người thuộc Dục giới với bốn đại và các căn, thì ngay khi ấy là thân người thuộc Dục giới với bốn đại và các căn, chứ không phải là thân thuộc Dục giới thiên, cho đến, không phải là thân Phi tưởng phi phi tưởng thiên. Cũng vậy, lần lượt cho đến, khi đang hiện hữu thân Phi tưởng phi phi tưởng thiên, thì ngay khi ấy chỉ có thân Phi tưởng phi phi tưởng thiên, chứ không phải là thân người Dục giới với bốn đại và các căn, cho đến, thân Vô sở hữu xứ thiên.

“Tượng Thủ, ý ngươi nghĩ sao? Nếu có người hỏi ngươi: ‘Khi đang hiện hữu thân quá khứ; khi ấy thân vị lai và thân hiện tại có cùng nhất thời hiện hữu không? Khi đang hiện hữu thân vị lai, khi ấy thân quá khứ và thân hiện tại có đồng thời hiện hữu không? Khi đang hiện hữu thân hiện tại, khi ấy thân quá khứ và thân vị lai có đồng thời hiện hữu không?’ Giả sử được hỏi như vậy, ngươi sẽ trả lời như thế nào?”

Tượng Thủ đáp:

“Giả sử có người hỏi như vậy, con sẽ trả lời người ấy rằng: ‘Khi đang hiện hữu thân quá khứ, khi ấy duy chỉ là thân quá khứ, mà không phải là thân hiện tại và vị lai. Khi đang hiện hữu thân vị lai, khi ấy duy chỉ là thân vị lai. Chứ không phải là thân quá khứ và hiện tại. Khi đang hiện hữu thân hiện tại, khi ấy chỉ là thân hiện tại, chứ không phải là thân quá khứ và thân vị lai’.”

Phật nói:

“Tượng Thủ, ở đây cũng vậy, khi đang hiện hữu thân người thuộc Dục giới với bốn đại và các căn, thì ngay khi ấy là thân người thuộc Dục giới với bốn đại và các căn, chứ không phải là thân thuộc Dục giới thiên, cho đến, không phải là thân Phi tưởng phi phi tưởng thiên. Cũng vậy, lần lượt cho đến, khi đang hiện hữu thân Phi tưởng phi phi tưởng thiên, thì ngay khi ấy chỉ có thân Phi tưởng phi phi tưởng thiên, chứ không phải là thân người Dục giới với bốn đại và các căn, cho đến, thân Vô sở hữu xứ thiên.

“Lại nữa, Tượng Thủ, giả sử có người hỏi ngươi: ‘Có phải ngươi trong quá khứ đã từng hiện hữu và đã diệt; vị lai sẽ sanh, và hiện tại đang tồn tại chăng?’ Nếu được hỏi như vậy, ngươi sẽ trả lời như thế nào?”

Tượng Thủ bạch phật:

“Giả sử có người hỏi như vậy, con sẽ trả lời người ấy rằng: ‘Trong quá khứ tôi đã từng hiện hữu; không phải không hiện hữu. Trong vị lai, tôi sẽ sanh, chứ không phải không có; trong hiện tại, tôi đang tồn tại. Chứ không phải không có.”

Phật nói:

“Tượng Thủ, ở đây cũng vậy, khi đang hiện hữu thân người thuộc Dục giới với bốn đại và các căn, thì ngay khi ấy là thân người thuộc Dục giới với bốn đại và các căn, chứ không phải là thân thuộc Dục giới thiên, cho đến, không phải là thân Phi tưởng phi phi tưởng thiên. [112c] Cũng vậy, lần lượt cho đến, khi đang hiện hữu thân Phi tưởng phi phi tưởng thiên, thì ngay khi ấy chỉ có thân Phi tưởng phi phi tưởng thiên, chứ không phải là thân người Dục giới với bốn đại và các căn, cho đến, thân Vô sở hữu xứ thiên.”

Bấy giờ, Tượng Thủ[58] bạch Phật:

“Con nay quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Xin nhận con là Ưu-bà-tắc trong Chánh pháp. Từ nay đến trọn đời, nguyện không giết, không trộm, không tà dâm, không dối, không uống rượu.”

Khi ấy Phạm-chí Bố-tra-bà-lâu bạch Phật:

“Con có thể ở trong Phật pháp xuất gia, thọ giới cụ túc được không?”

Phật nói với Phạm-chí:

“Nếu có người dị học muốn được xuất gia thọ giới trong Pháp của Ta, trước hết phải cần bốn tháng quán sát, làm hài lòng đại chúng, sau đó mới được xuất gia thọ giới. Tuy có quy định như vậy, nhưng cũng còn nhận xét tùy người.”

Phạm-chí bạch Phật:

“Nếu có các người dị học muốn được xuất gia thọ giới trong Phật Pháp, trước hết phải cần bốn tháng quán sát, làm hài lòng đại chúng, sau đó mới được xuất gia thọ giới. Như con nay, có thể ở trong Phật pháp qua bốn tháng quan sát, khi đại chúng hài lòng, con mới xin xuất gia thọ giới cụ túc.”

Phật nói với Phạm-chí:

“Ta đã có nói với ngươi trước rồi. Tuy có quy định như vậy, nhưng cũng còn nhận xét tùy người.”

Bấy giờ Phạm-chí liền được xuất gia thọ giới cụ túc ở trong Chánh pháp. Như vậy không bao lâu, do tín tâm kiên cố, tịnh tu phạm hạnh, ở ngay trong đời này mà tự thân tác chứng, sanh tử đã dứt, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa; tức thành A-la-hán.

Bấy giờ, Bố-tra-bà-lâu sau khi nghe những điều Phật dạy hoan hỷ phụng hành.

 


[1] Bố-tra-bà-lâu Phạm-chí 布吒婆樓梵志. D. 9: Ngoại đạo xuất gia  Poṭṭhapāda ngụ cư trong khu vườn của hoàng hậu Mallika, trong đại giảng đường luận nghị được bao quanh bởi cây tinduka, cùng với giáo đoàn ngoại đạo gồm ba trăm người.

[2] Hán: tạc nhật 昨 日. D. 9 § 6: purimāni divasāni purimatarāni: vài ngày trước đây.

[3] Hán: thuyết như thị sự 說如是事, không nói rõ nội dung. Pl. ibid.: abhisaññānirodha, sự diệt tận của tăng thượng tưởng. Đoạn tiếp theo nói rõ ý nghĩa này.

[4] D 9 (178): ahetuapaccayā purisassa saññā upajjanti pi nirujjanti pi. Yasmiṃ samaye uppajjanti saññī tasmiṃ samaye hoti, yasmiṃ samaye nirujjanti, asaññī tasmiṃ samaye hotīti: các tưởng của con người sanh khởi hay hủy diệt không do bởi nhân gì duyên gì. Khi chúng sanh khởi, lúc đó con người là có tưởng. Khi chúng diệt, lúc đó con người là không có tưởng.

[5] Pl.ibid.: saññā hi bho purussa attā, sā ca kho upeti pi apeti pi. yasmiṃ samaye  upeti (...), tưởng là tự ngã của con người. Tự ngã có đến, có đi. Khi nó đến, tưởng sanh (...). Trong bản Hán: mạng (Pl.: jīva); trong bản Pl.: attā (tự ngã). Phổ thông, jīva hay attā đều có nội hàm là ṭự ngã.

[6] Pl.ibid.: santi hi bho devatā mahaddhikā mahānubhāvā. tā purissa saññāṃ upakaḍḍhanti pi apakaḍḍhanti pi. yasmiṃ samaye upakaḍḍhanti saññī (...), có những thiên thần có đại thần thông, có đại uy lực đưa vào và đưa ra tưởng của con người. Khi đưa vào thì có tưởng (...).

[7] Hán: tưởng tri diệt định想知滅定; Cf. D. 9 ibid. : bhagavā pakataññū abhisaññānirodhassa: Thế Tôn là người thấu rõ sự diệt tận của tăng thượng tưởng. Có thể có sự nhầm lẫn trong bản Hán.

[8] Hán: xả 捨.

[9] Diệt nhuế 滅恚.

[10] Bất niệm dị tưởng 不念異想.

[11] Bản Pl. chỉ nói đến nhập vô sở hữu xứ. Trên đó, không có nữa, vì ở đó không còn tưởng. Xem thêm cht. 12 tiếp theo.

[12] Pl., D. 9: tassa saññagge ṭhitassa evaṃ hoti: khi đã đạt đến đỉnh cao của tưởng. Đỉnh cao của tưởng là vô sở hữu xứ (ākiñcaññāyatanaṃ).

[13] Hán: niệm 念. Pl. ibid.: cetayamānassa me pāpiyo, có tư duy là xấu cho ta.

[14] Hán: bỉ tác thị niệm thời 彼作是念時 (…): có thể có sự nhầm lẫn trong bản Hán; đề nghi bỏ bơt chữ bỉ để đọan văn phù hợp với nội dung đang đề cập. D. 9 ibid.: ahañ ceva kho pana ceteyyaṃ abhisaṃkhareyyaṃ, imā ca me saññā nirujjheyyaṃ, aññā ca oḷārukā saññā uppajjeyyaṃ: “Nếu ta tư lự, tác ý, các tưởng này của ta diệt, các tưởng thô khác sanh.” Sớ giải: các tưởng này của ta, là các tưởng vô sở hữu xứ. Các tưởng thô khác, là các ưởng của hữu phần (aññā ca oḷārikā bhavaṅgasaññā). Trong bản Hán, vi diệu tưởng, đối lại với thô tưởng.

[15] Pl.ibid: na ceva ceteyyaṃ na ceva abhisaṃkharyeyyaṃ, “ta không tư duy, không tác ý.”.

[16] Pl.ibid..: so nirodhaṃ phusati: vị ấy đạt đến trạng thái diệt tận (của các tưởng). Sớ giải: khi hành như vậy, Tỳ-kheo nhập tượng thọ diệt tận định (saññāvedayitanirodhaṃ).

[17] Thứ đệ diệt tưởng 次第滅想. Pl.: anupubbābhisaññānirodhasampajānasamapatti: sự chứng nhập (đẳng chí) qua các giai đoạn lần lượt diệt tưởng.

[18] Một cách hiểu thứ tự diệt tưởng.

[19] Đây chỉ thứ tự diệt tưởng lên đến tưởng cao nhất là tưởng vô sở hữu xứ.

[20] Phạm chí lặp lại lời Phật. Nội dung đoạn này và đoạn trên giống nhau, nhưng văn cú hơi khác.

[21] Đoạn này trả lời một phần cho câu hỏi theo sau: tưởng đỉnh điểm là một hay là nhiều. Đại ý đoan này: đỉnh điểm của tưởng có nhiều.

[22] D. 9 (i. 185): ekaṃ yeva saññaggaṃ paññāpeti, udāhu puthu pi saññagge paññāpetīti: tưởng cực đảnh là một, hay là nhiều?

[23] D 9 ibid.: ekaṃ pi (…) phuthu pi saññagge paññāpemīti:  Ta nói cực đảnh của tưởng là một, cũng nói là nhiều. Trong bản Pali, tiếp theo là giải thích thế nào gọi là tưởng cực đảnh tức đỉnh cao của tưởng (saññagga), từ đó xác đinh có nhiểu đỉnh của tưởng khác nhau. Trong bản Hán, ý nghĩa có nhiều đỉnh cao của tưởng được đề cập trong câu trả lời “tưởng nào là tối thượng?”

[24] Pali còn có thêm giải thích cho trả lời: idappaccayā kira me ñāṇaṃ udapādī ti (…), “Do duyên cái này mà trí của tôi sanh. Do đó mà biết: tưởng sanh hởi trước rồi trí mới khởi sau.” Sớ giải: đối với Tỳ kheo nhập diệt định phải chẳng tưởng khởi lên trước (saññā nu kho paṭhamaṃ uppajjati)? Tưởng. Nếu tưởng là tĩnh lự (jhānasaññā), thì trí là quán (vipassanañāṇa); nếu tưởng là quán (vipassanasaññā) thì trí là đạo (maggañāṇa); nếu trí là đạo thì quán là quả (phalañāṇa).

[25] Pl. D.2. ibid.: saññā purissa attā udāhu ñña saññā añño attā, “ tưởng là tự ngã của con người? hay tường và tự ngã dị biệt?

[26] D. 9 ibid.: Theo lý thú đó, tưởng và tự ngã dị biệt (aññāva saññā bhavissati añño attā)

[27] D 9 ibid.: atha imassa purisassa aññā va saññā uppajjanti, aññā vā saññā nirujjhānti: thế thì, đối với con người này, những tưởng này sanh, những tưởng khác diệt.

[28] D 9 ibid.: manomayaṃ (...) attānaṃ paccemi sabbaṅgapaccaṅgiṃ ahīnindriyan ti: tôi hiểu rằng ngã là (thân) do ý sanh, có đầy đủ các chi và các căn. Thân do ý thành này bao gồm chư thiên của Sắc và Vô sắc, va một phần của Dục giới.

[29] Câu trả lời như trên, xem cht. 27.

[30] Xem cht. 28..

[31].     Vô sở hữu xứ 無 所 有 處, trong bản dịch Hán; cũng trong bản Hán này, những nơi khác và ngay trong câu trên, dịch là bất dụng xứ 不 用 處; xem đoạn trên, cht. 21.

[32]  D. 9 (i. 187): saññā purisassa attā’ ti vā, aññā saññā añño attā’ ti vā: tưởng của người là tự ngã, hay tưởng và tự ngã khác nhau?

[33] Dị kiến, dị tập, dị nhẫn, dị thọ, y dị pháp cố 異見異習異忍異受依異法故. Pl., thành cú: aññadiṭṭhena aññakhantikena aññarucikena aññatrāyogena aññatthācari              yakena: bởi vì ngươi y theo sở kiến khác, tín nhẫn khác, chấp nhận khác, học tập khác, hành trì khác.

[34] Sở bất ký 所不記. Pl.: avyākataṃ.

[35] Hán: bất dữ nghĩa hợp 不與義合. Pl., thành cú: na h’ ethaṃ atthasaṃhitaṃ: không phù hợp với mục đích (giải thoát). Đối chiếu từ ngữ, xem các chú thích tiếp dưới.

[36] Phạm hạnh sơ 梵 行 初, Pl.: ādibrahmacariyaka, căn bản phạm hạnh, thuộc về những nguyên tắc căn bản hay nền tảng của đời sống đạo đức.

[37] Vô vi 無為, thông thường dịch từ Skt, asaṃskṛta hay Pali: saṃkhata; nhưng trong đoạn Pl. tương đương (D. 9, i. 189): nibbidā (yểm ly, nhàm tởm thế gian).

[38] Vô dục 無欲, Pl.: virāga, ly tham, ly dục hay dứt trừ tham dục hat dục nhiễm.

[39] Tịch diệt 寂滅, Pl.: nirodha, diệt, huỷ diệt, diệt tận, tiêu diệt.

[40] Chỉ tức 止息, nghĩa đen: dừng nghỉ; Pl.: upasama: an tĩnh, tĩnh chỉ, bình an, trầm lặng.

[41] Chánh giác 正覺, Pl.: sambodha

[42] Không đề cập trong đoạn Pl. tương đương.

[43] Nê-hoàn 泥 洹, tức Niết-bàn; Pl.: nibbāna.

[44] Vô ký 無 記, Pl.: avyākata, không được trả lời, không được giải thích.

[45] Cf. D. 9, i, 189: na kho pana mayaṃ kiñci samanassa gotamassa ekaṅsikaṃ dhammaṃ desitaṃ (...): chúng ta nhận thấy rõ rằng đối Sa-môn Gotama pháp (những vấn đề thường và vô thường của ngã và thế giới, v.v...,  không được thuyết minh một cách xác quyết.

[46] Hán: y pháp, trụ pháp 依法住法, Pl.: dhammaṭṭhita: pháp trụ, dhammaniyāma: pháp quyết định (= pháp vị). Hai từ này thường dùng đồng nghĩa với từ duyên khởi (paṭiccasamuppāda); nhưng ở đây cóa nghĩa: lập cwosc trên pháp (tanh), tuân thủ pháp (tánh).

[47] D. 9, i. 190: atha kho dvīhatīhassa accayena, rồi hay, ba ngày sau.  

[48] Tượng Thủ Xá-lợi-phất 象首舍利弗, Pl.: Citta Hatthisāriputta, tên Tỳ-kheo. Xuất gia, rồi hoàn tục, rồi xuất gia lại; cuối cùng chứng A-la-hán. Trong kinh này, ông là cư sĩ.

[49] Hán: hữu quyết định ký, bất quyết định ký 有決定記不決定記. D. 9, ibid.: ekaṅsikā dhammā desitā (nhất hướng pháp thuyết), anekaṅsikā dhammā desitā (phi nhất hướng pháp thuyết), có những pháp được công bố một cách xác quyết (khẳng định), có những pháp được công bố một cách không xác quyế (không khẳng định).

[50] Hán: nhất hướng lạc 一向樂. D. 9 i. 193: ekantasukhī attā arogo paraṃ maraṇnā hoti: Sau khi chết, tự ngã hoàn toàn sung sướng, không bịnh.

[51].     Pl., sđd. nt.: tā devatā ekanta-sukhaṃ lokaṃ upannā: Chư Thiên kia sanh vào thế giới hoàn toàn sung sướng.

[52] Đoạn này nói về 4 loại ngã chấp (Pl. phân biệt chỉ có 3, attapaṭilābha  - ngã đắc): 1. thân tứ đại là ngã, (Pl.: oḷārika attapaṭilābha: thô ngã đắc); 2. thân Dục giới thiên và 3. Sắc giới thiên là ngã (Pl.: manomaya attapaṭilābha: ý sở thành ngã đắc); 4. thân Vô sắc là ngã (Pl.: arūpo attapaṭilābha: vô sắc ngã đắc).

[53] D. 9, i. 195: oḷārikassa kho ahaṃ, poṭṭhapāda, attapaṭilābhassa pahānāya dhammaṃ desemi, yathā paṭipannānaṃ vo saṃkilesikā dhammā pahīyissanti, vodāniyā dhammā abhivaḍḍhissanti, paññāpāripūriṃ vepullatañ ca diṭṭhe va dhamma sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja vihararissathāti: Ta thuyết pháp để đoạn trừ tự ngã thô. Như thế mà thực hành, các pháp ô nhiễm sẽ bị đoạn trừ, các pháp thanh tịnh sẽ được tăng trưởng, và ngay trong đời này mà tự mình thắng tri và chứng ngộ trí tuệ viên mãn và quảng đại, thông đạt và an trú.

[54] D 9 ibid.: siyā kho pane te vam assa: ‘saṃkilesā dhammā pahīyissanti (...), dukkho ca khi vihāro ti: Các ngươi có thể nghĩ rằng: các pháp nhiễm ô được diệt trừ (...) nhưng vẫn sống trong đau khổ.

[55] Xem cht. 56.

[56] D 9 ibid: saṃkilesikā c’ eva dhammā pahīyissanti, vodāniyā dhammā abhivaḍḍhissanti (...) pāmujjaṃ c’ eva bhavissati pīti ca passaddhi ca sati ca sampajaññañ ca sukho ca vihāro: khi các pháp nhiễm ô bị diệt trừ, pháp thanh tịnh được tăng trưởng (...), khoái lạc sẽ sanh, cùng với hỷ, khinh an, chánh niệm, chánh tri, và sống an lạc.

[57] D. 9 i. 199: yasmiṃ bhante samaye oḷāriko attapṭilābho hoti, mogh’ assa tasmiṃ samaye manomayo attapṭilābho hoti, mogho arūpo attapaṭilābho hoti: trong khi sở đắc ngã thô tồn tại, thì có đồng thời tồn tại sở đắc ngã do ý sanh và sở đắc ngã vô sắc không ?

[58] Đoạn này, Bản hánvà Pali trái ngược nhau. Trong bản pali, Poṭṭhapāda (Bố-tra-bà-lâu) chỉ quy y làm Ưu-ba-tắc, còn Cittahatthíāriputta (Tượng Thủ Xa-lị-phất) thì xuất gia, thọ cụ túc và thành A-la-hán.

29. Kinh Lộ-già

29. KINH LỘ GIÀ

[112c21] Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở Câu-tát-la, cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người, du hành nhơn gian, đi đến thôn Bà-la-môn Sa-la-bà-đề[1], dừng nghỉ ở phía Bắc khu rừng Thi-xá-bà[2].

Khi ấy, có Bà-la-môn tên là Lộ-già[3] trú ở trong rừng Sa-la[4]. Thôn ấy giàu có, an vui, nhơn dân đông đúc. Vua Ba-tư-nặc phong thôn nầy cho Bà-la-môn để làm phạm phần. Vị Bà-la-môn này, bảy đời cha mẹ trở lại đây chân chánh, không bị người khác khinh chê, phúng tụng thông suốt ba bộ dị điển, có khả năng phân biệt hết các loại kinh sách, lại giỏi về tướng pháp đại nhơn bói xem kiết hung, nghi lễ tế tự, nghe Sa-môn Cù-đàm là con dòng họ Thích xuất gia [113a] thành đạo đang ở nước Câu-tát-la, du hành nhơn gian, đến lại rừng Thi-xá-bà, có đại danh xưng lưu truyền thiên hạ, là Như Lai, Chí chơn, Đẳng Chánh Giác,... đầy đủ mười hiệu, ở trong chúng chư Thiên, Người đời, ma hoặc ma thiên, Sa-môn, Bà-la-môn, tự thân tác chứng, rồi thuyết pháp cho người khác; pháp ấy có khoảng đầu khoảng giữa, khoảng cuối đều thiện, nghĩa vị đầy đủ, phạm hạnh thanh tịnh. “Với vị Chơn nhơn như vậy, nên đến thăm hỏi. Nay ta phải đến để tương kiến”.[5]

Khi ấy, Bà-la-môn liền ra khỏi thôn, đến rừng Thi-xá-bà, tới chỗ Thế Tôn, thăm hỏi rồi, ngồi một bên. Phật vì ông thuyết pháp,khai thị, giáo giới, làm cho lợi ích, hoan hỷ. Bà-la-môn nghe pháp rồi, bạch Phật: “Cúi xin Thế Tôn và chư đại chúng ngày mai nhận lời thỉnh mời của con!” Bấy giờ, Thế Tôn im lặng thọ thỉnh.[6]

Bà-la-môn kia thấy Phật im lặng, biết là đã chấp thuận, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vòng quanh Phật rồi lui. Ông đi khỏi Phật không xa, bèn khởi ác kiến: “Các Sa-môn, Bà-la-môn biết nhiều thiện pháp, có nhiều điều được chứng thành. Nhưng không nên nói cho người khác, mà chỉ nên tự biết an nghỉ[7]. Chẳng khác nào một người đã phá ngục cũ rồi, lại tạo ngục mới. Đó chỉ là pháp tham, ác bất thiện[8]”.

Khi ấy, Bà-la-môn về đến rừng Sa-la rồi, ngay trong đêm ấy bày biện đủ loại thức ăn thức uống ngon lành. Đến giờ, bảo người thợ cạo[9]:

“Ngươi mang lời ta đến rừng Thi-xá-bà bạch với Sa-môn Cù-đàm: ‘Ngày giờ đã đến, nên biết đúng thời.”

Người thợ hớt tóc vâng lời ra đi, đến chỗ Phật, lạy chân Thế Tôn, bạch: “Thời giờ đã đến, nên biết đúng thời”.

Bấy giờ, Thế Tôn liền khoác y, cầm bát, cùng các đệ tử, một ngàn hai trăm năm mươi người, đến rừng Sa-la.

Người thợ cạo theo hầu Thế Tôn, để trần vai phải, quì thẳng chấp tay bạch Phật:

“Bà-la-môn Lộ-già kia khi đi cách Phật chưa xa, khởi sanh ác kiến rằng: ‘Có các Sa-môn, Bà-la-môn biết nhiều thiện pháp, chứng đắc nhiều điều, nhưng không nên nói cho người khác, mà chỉ tự mình biết an nghỉ. Cũng như một người phá ngục cũ, rồi lại tạo ngục mới. Đó chỉ là pháp tham, ác bất thiện.’ Cúi xin Thế Tôn trừ ác kiến ấy!”

Phật bảo người thợ cạo:

“Đây là việc nhỏ, dễ khai hóa thôi.”

Bấy giờ, Thế Tôn đến nhà Bà-la-môn, ngồi lên chỗ ngồi dọn sẵn. Khi ấy, Bà-la-môn với đủ các loại ngon ngọt, tự tay phục dịch, cúng Phật và Tăng. Ăn xong, cất bát, và sau khi dùng nước rửa, [113b] bắc một cái gường nhỏ ngồi trước Phật. Phật bảo Lộ-già:

“Hôm qua, ông đi khỏi Ta chẳng xa, phát sanh ác kiến rằng: ‘Các Sa-môn, Bà-la-môn biết nhiều thiện pháp, chứng đắc nhiều điều, nhưng không nên nói cho người khác, ... cho đến, chỉ là pháp tham, ác bất thiện.’ Có thật nói như vậy chăng?”

Lộ-già đáp:      

“Vâng! Thật có việc đó.”

Phật bảo Lộ-già:

“Ngươi chớ sanh ác kiến như thế nữa. Vì sao? Đời có ba hạng Thầy đáng bị chỉ trích. [10] Những gì là ba?  

“Hạng Thầy thứ nhất, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo, để rằng ngay trong hiện tại này mà có thể trừ các phiền não, lại có thể tăng trưởng được pháp thượng nhân. Nhưng vị ấy ở trong hiện tại này mà không thể trừ các phiền não, không chứng đắc pháp thượng nhân; đạo nghiệp của mình chưa thành mà lại thuyết pháp cho đệ tử. Các đệ tử ấy không cung kính phụng thờ, nhưng vẫn nương tựa, cùng sống chung với nhau. Nầy Lộ-già! Các đệ tử ấy nói với Thầy rằng: ‘Nay Thầy cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo, ở trong đời này đáng lẽ đã có thể trừ được các phiền não, được pháp thượng nhân. Nhưng nay ở trong hiện này mà Thầy không thể trừ các phiền não, không chứng đắc pháp thượng nhân; đạo nghiệp của mình chưa thành tựu mà lại nói pháp cho đệ tử, khiến các đệ tử chẳng cung kính, thờ phụng, cúng dường, mà chỉ cùng sống chung, nương tựa nhau thôi.’”

Phật nói :

“Này Lộ-già, cũng như có người đã phá bỏ ngục tù cũ, rồi lại xây ngục tù mới. Như thế gọi là pháp tham, ô trược, xấu xa. Đó là hạng thầy thứ nhất đáng bị chỉ trích. Chỉ trích như vậy là giới Hiền Thánh, luật giới, nghi giới, thời giới[11].”

Phật lại nói với Lộ-già:

“Hạng Thầy thứ hai, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo, để rằng ngay trong đời hiện tại này có thể trừ các thứ phiền não, lại có thể tăng trưởng được pháp thượng nhân. Nhưng vị ấy ở trong hiện tại này mà không thể trừ các phiền não; tuy có chứng đắc một ít pháp thượng nhân, nhưng đạo nghiệp của mình chưa thành tựu mà lại thuyết pháp cho đệ tử. Các đệ tử ấy không cung kính phụng thờ, nhưng lại chỉ nương tựa, cùng sống chung với nhau mà thôi. Nầy Lộ-già! Các đệ tử ấy nói với Thầy rằng: ‘Thầy đã cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo, đáng lẽ ở trong hiện tại này đã có thể trừ được các phiền não, được pháp thượng nhân. Nay ở trong hiện tại này Thầy lại không thể trừ các phiền não; tuy đã có chứng đắc một ít pháp thượng nhân, nhưng đạo nghiệp của mình chưa thành tựu, mà lại nói pháp cho để tử, khiến các đệ tử chẳng cung kính, thờ phụng, cúng dường, mà chỉ cùng sống chung, nương tựa nhau mà thôi’.”

Phật [113c] nói:  

 “Này Lộ-già! Giống như có người đi theo sau người khác, đưa tay xoa lưng kẻ ấy; đây gọi là pháp tham, ô trược, xấu xa. Đó là hạng thầy thứ hai đáng bị chỉ trích. Chỉ trích như vậy là giới Hiền Thánh, luật giới, nghi giới, thời giới.”

Lại bảo Lộ-già:

“Hạng Thầy thứ ba là, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo, ở trong hiện tại này, đáng lẽ có thể trừ phiền não, lại có thể tăng trưởng được pháp thượng nhơn; nhưng ở trong hiện này lại không thể trừ các thứ phiền não; tuy có chứng đắc một ít pháp thượng nhơn, nhưng việc lợi mình chưa thành tựu, mà lại nói pháp cho đệ tử. Các đệ tử ấy không cung kính phụng thờ, mà chỉ là nương tựa, cùng sống chung vậy thôi. Này Lộ-già, các đệ tử kia nói với thầy rằng: ‘Thầy nay đã cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo, ở trong hiện tại này đáng lẽ có thể trừ được các thứ phiền não, được ít nhiều pháp thượng nhơn; nhưng nay ở trong hiện tại này đã chẳng thể trừ các phiền não, tuy được ít nhiều pháp thượng nhơn, nhưng việc lợi mình chưa thành tựu mà lại nói pháp cho đệ tử. Các đệ tử không cung kính phụng thờ, mà chỉ nương tựa, cùng sống chung thôi’.”

Phật nói:

“Lộ-già, cũng như có người bỏ lúa má của mình, đi cày ruộng người khác. Đó gọi là pháp tham ô trược, xấu xa. Đó là hạng thầy thứ ba đáng bị chỉ trích. Chỉ trích như vậy là giới Hiền Thánh, luật giới, nghi giới, thời giới.

“Nầy Lộ-già, có một vị Tôn Sư bậc nhất[12] chẳng ở thế gian, chẳng thể khuynh động[13]. Một vị đó là ai? Khi Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời,... cho đến, chứng đắc ba minh, diệt trừ vô minh, sanh trí tuệ minh, trừ bỏ các tối tăm, phát sanh ánh sáng đại pháp; gọi là lậu tận trí chứng. Vì sao? Vì đây là do tinh cần, chánh niệm, chánh tri, ưa một mình ở chỗ thanh vắng mà sở đắc. Này Lộ-già, đó là có một đức Tôn Sư bậc nhất[14] chẳng ở thế gian, chẳng thể khuynh động.

“Lộ-già, có bốn quả Sa-môn. Những gì là bốn? Đó là quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán.

“Lộ-già, ý ngươi nghĩ sao? Có người nghe pháp, có thể chứng đắc bốn quả Sa-môn nầy; nếu có người ngăn lại nói: ‘Chớ nói pháp cho người này.’ Giả sử nghe theo lời ấy thì người nghe pháp có chứng đắc quả chăng?

Đáp: “Không được”.

Phật lại hỏi:

“Nếu không chứng đắc quả, nhưng có thể sanh thiên chăng?

Đáp: “Không thể”.

Lại hỏi:

“Ngăn người khác nói pháp, khiến người không chứng đắc quả, khiến người chẳng được sanh thiên; đó là thiện tâm chăng? hay là bất thiện tâm?”

Đáp: “Bất thiện tâm”.

Lại hỏi:

“Người có tâm bất thiện, sanh về cõi lành hay sanh cõi dữ?”

Đáp: “Sanh cõi [114a] dữ”.

Phật nói:

“Lộ-già, cũng như có người nói với vua Ba-tư-nặc: ‘Tất cả tài vật thuộc trong lãnh thổ mà Đại vương sở hữu, thảy đều do Đại vương tự mình sử dụng, chớ ban phát cho người khác.’ Lộ-già, ý ngươi nghĩ sao, nếu nghe theo lời người kia thì có cắt đứt sự cung cấp cho người khác chăng?”

Đáp: “Sẽ cắt đứt.”

Lại hỏi:

“Cắt đứt sự cung cấp cho người là tâm thiện hay là tâm bất thiện?”

Đáp: “Tâm bất thiện”.

Lại hỏi:

“Người có tâm bất thiện sẽ sanh vào cõi lành hay đọa vào đường dữ?”

Đáp: “Đọa vào đường dữ.”

Phật nói:

“Lộ-già, người kia cũng vậy. Có người nghe pháp, có thể chứng đắc bốn quả Sa-môn, nhưng nếu có người khác nói: ‘Chớ nên nói pháp cho nó.’ Nếu nghe theo lời nói ấy, thì người kia có thể nghe pháp để chứng đắc quả chăng?”

Đáp: “Không được”.

Lại hỏi:

“Nếu không chứng đắc quả, nhưng có được sanh thiên chăng?”

Đáp: “Không được”.

Lại hỏi:

“Ngăn người khác nói pháp, khiến người không chứng đắc đạo quả, chẳng được sanh thiên, thì người ấy có tâm thiện, hay là tâm bất thiện?”

Đáp: “Bất thiện”.

Lại hỏi:

“Người có tâm bất thiện sẽ sanh cõi lành chăng? Sẽ đọa vào đường dữ chăng?”

Đáp: “Đọa vào đường dữ.”

“Lộ-già, nếu có người nói với ngươi rằng: ‘Trong thôn Sa-la-bà-đề này, tất cả những tài vật được phong tặng kia, này Ông Lộ-già, hãy nên tự mình dùng, chớ có cấp phát cho người khác. Có tài vật thì nên tự mình dùng, sao lại cấp phát cho người? Ý ngươi nghĩ sao, Lộ-già, nếu nghe lời khuyên của người ấy, có phải là cắt đứt sự cung cấp cho các người khác chăng?”

Đáp: “Sẽ cắt đứt”.

Lại hỏi:

“Khiến người cắt đứt sự cung cấp cho người khác là tâm thiện hay tâm bất thiện?”

Đáp: “Bất thiện”.

Lại hỏi:

“Người có tâm bất thiện được sanh cõi lành hay đọa đường dữ?”

Đáp rằng: “Đọa đường dữ.”

Phật nói:

“Lộ-già, người kia cũng vậy. Có người nghe pháp, đáng lẽ chứng đắc bốn quả Sa-môn. Nhưng nếu có người khác nói: ‘Chớ có nói.’ Nếu nghe lời ấy, thì người kia có thể nghe pháp, chứng đắc quả chăng?”

Đáp: “Không thể”.

Lại hỏi:

“Nếu không đắc quả, nhưng có được sanh thiên chăng?”

Đáp: “Không được”.

Lại hỏi:

“Ngăn người khác nói pháp, khiến người không đắc quả, không được sanh thiên, là tâm thiện hay tâm bất thiện?”

Đáp: “Bất thiện”.

Lại hỏi:

“Người có tâm bất thiện sanh cõi thiện hay đọa ác đạo?”

Đáp: “Đọa ác đạo”.

Bấy giờ, Bà-la-môn Lộ-già bạch Phật:

“Con quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Xin nhận con ở trong Chánh pháp làm Ưu-bà-tắc! Từ nay về sau, trọn đời, không giết, không trộm, không tà dâm, không dối, không uống rượu.”

Phật nói pháp này rồi; Bà-la-môn Lộ-già nghe những điều Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.[15]

 


*  佛說長阿含第三分露遮經第十

[1] Để bản Bà-la-bầ-đè 婆羅婆提. Theo âm Pali tương đương, sửa lại là Sa-la-bà-đề. Pl.: Sālavatika

[2] Xem kinh số 23 “Cứu-la-đàn-đầu.”

[3] Lộ-già 露 遮, Pl.: Lohicca.

[4] Để bản Bà-la 婆羅林. Sửa lại, đọc là Sa-la. Vì làng Sa-la-bà-đề (Pl. Sālavatika) được nói là có cây sa-la bao quanh, theo Sớ giải Pali )so kira vuya samanantato sālapantuyā parikkhito).

[5] Chi tiết, xem kinh 22 “Chủng đức”.

[6] Trong bản Pl., Lohicca không tự thân thỉnh Phật, mà sai người thợ cạo thỉnh, sau đó lại sai đi báo tin đã đến giờ ăn.

[7] Trong bản Pl., đây là chủ trương của Lohicca trước khi gặp Phật. Quan điểm này sau đó được người thợ cạo thuật lại với Phật.

[8] Pl.: pāpakaṃ lobhadhammaṃ.

[9] Thế đầu sư 剃頭 師; Pl., bản Ro: Bhesikaṃ nahāpitaṃ, người thợ hớt tóc tên Rosika (hay Bhesika). Nhưng bản Deva: Rosikaṃ Nahāpitaṃ,

[10] Hán: khả dĩ tự giới; dịch sát: có thể tự răn mình. Ở đây căncứ theo nội dung được nói trong đoạn tiếp mà dịch như vậy Cf. Pl.: tayo satthāro ye loke codanārahā, yo ca panevarūpaṃ satthāraṃ codeti sā codanā bhūtā tacchā dhammikā anavajjā, “Có ba loại Thầy, mà trong đời họ đáng bị chỉ trích. Ai chỉ trích những hạng Thầy như vậy, sự chỉ trích ấy là chân thật, hợp pháp, vô tội.”

[11] Hiền Thánh giới, luật giới, nghi giới, thời giới 賢 聖 戒 律 戒 儀 戒 時 戒, ý nghĩa không rõ. Ở dây, dựa theo ý của bản Pali. Xem cht. 10 trên.

[12] Hán: hữu nhất Thế tôn 有一世尊, có thể là “đệ nhất Tôn (sư)” bị chép nhầm.

[13] Hán: bất tạo thế gian, bất khả khuynh động 不在世間不可傾動. Nghĩa không rõ. Pl.: atthi (…) satthā yo loke na codanāraho, trong đời, có vị Đạo sư không thể bị chỉ trích. 

[14] Hán: đệ nhất Thế Tôn 第一世尊, có thể chép nhầm. Xen cht. 12 trên.

[15] Bản Hán, hết quyển 17.

30. Phẩm thế kỷ

30. KINH THẾ KÝ

Phẩm 1: CHÂU DIÊM PHÙ ĐỀ

 

[114b08]Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong hang Câu-lị[1], rừng Kỳ thọ, vườn Cấp cô độc, cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người.

Bấy giờ, số đông Tỳ-kheo, sau bữa ăn, tập trung trên giảng đường cùng bàn luận rằng:

“Chư Hiền! Thật chưa từng có, nay đây trời đất này do đâu mà tan hoại? Do đâu mà hình thành? Quốc độ mà chúng sanh ở là như thế nào?”

Khi ấy, Thế Tôn ở chỗ thanh vắng, bằng thiên nhĩ nghe suốt, nghe các Tỳ-kheo, sau bữa ăn, tập trung tại giảng đường, bàn luận như thế. Rồi thì, Thế Tôn rời tĩnh thất, đi đến giảng đường, và ngồi xuống. Tuy đã biết nhưng Thế Tôn vẫn hỏi các Tỳ-kheo:

“Vừa rồi các ngươi đang bàn luận về vấn đề gì?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Sau bữa ăn, chúng con tập trung tại pháp giảng đường bàn luận rằng: ‘Chư Hiền! Thật chưa từng có, nay đây trời đất này do đâu mà tan hoại? Do đâu mà hình thành? Quốc độ mà chúng sanh ở là như thế nào?’ Chúng con tập trung tại giảng đường bàn luận vấn đề như thế.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Lành thay! Lành thay! Phàm người xuất gia nên hành hai pháp: một là sự im lặng của Hiền Thánh, hai là giảng luận pháp ngữ. Các ngươi tập trung tại giảng đường cũng nên hành sự im lặng của Hiền Thánh hoặc giảng luận Chánh pháp. Này các Tỳ-kheo! Các ngươi muốn nghe Như Lai nói về việc trời đất thành, hoại và quốc độ mà chúng sanh ở chăng?”

Khi ấy, các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Kính vâng, bạch Thế Tôn! Nay thật là phải thời. Chúng con mong ước được nghe. Thế Tôn nói xong, chúng con sẽ phụng trì!”

Phật nói:

“Này các Tỳ-kheo! Hãy lắng nghe! Hãy lắng nghe! Hãy suy nghĩ chín chắn. Ta sẽ nói cho các ngươi nghe.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Như trong chỗ mà một mặt trời, mặt trăng vận hành khắp quanh bốn thiên hạ[2], tỏa ánh sáng chiếu; có một ngàn thế giới như vậy. Trong ngàn thế giới có một ngàn mặt trời, mặt trăng; có một ngàn núi chúa Tu-di[3]; có bốn ngàn thiên hạ, bốn ngàn đại thiên hạ, bốn ngàn biển, bốn ngàn biển lớn, bốn ngàn rồng, bốn ngàn rồng lớn, bốn ngàn chim cánh vàng[4], bốn ngàn chim cánh vàng lớn, [114] bốn ngàn đường dữ[5], bốn ngàn đường ác lớn, bốn ngàn vị vua, bốn ngàn vị vua lớn, bảy ngàn cây lớn, tám ngàn địa ngục lớn[6], mười ngàn núi lớn, ngàn Diêm-la vương[7], ngàn Tứ thiên vương[8], ngàn trời Đao-lị[9], ngàn trời Diệm-ma[10], ngàn trời Đâu-suất[11], ngàn trời Hóa Tự Tại[12], ngàn trời Tha Hóa Tự Tại[13], ngàn trời Phạm[14]. Đó là Tiểu thiên thế giới[15]. Như một Tiểu thiên thế giới, ngàn tiểu thiên thế giới như thế là một Trung thiên thế giới[16].

“Như một Trung thiên thế giới, một ngàn trung thiên thế giới như vậy là một Tam thiên Đại thiên thế giới[17]. Phạm vi thế giới thành hoại như thế là nơi chúng sanh cư trú, gọi là một cõi Phật[18].”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Cõi đất nầy dày mười sáu vạn tám ngàn do-tuần[19], biên giới vô hạn. Đất nương trên nước. Nước sâu ba ngàn ba mươi do-tuần, biên giới vô hạn. Nước ở trên gió; gió dày sáu ngàn bốn mươi do-tuần, biên giới vô hạn.

“Này các Tỳ-kheo! Nước của biển lớn ấy sâu tám vạn bốn ngàn do-tuần, biên giới vô hạn. Núi chúa Tu-di, phần chìm xuống biển là tám vạn bốn ngàn do-tuần; phần trên mặt nước cao tám vạn bốn ngàn do-tuần; chân núi sát đất, phần lớn là phần đất cứng chắc. Núi ấy thẳng đứng, không có lồi lõm, sanh các loại cây; cây tỏa ra các mùi hương, thơm khắp núi rừng, là nơi mà phần nhiều các Hiền Thánh, các trời Đại thần diệu. Móng chân núi toàn là cát vàng ròng. Bốn phía núi có bốn mô đất rắn doi ra, cao bảy trăm do-tuần, nhiều màu đan xen, được tạo thành bởi bảy báu. Bốn mô đất thoai thoải, uốn cong sát mặt biển.

“Núi chúa Tu-di có đường cấp[20] bằng bảy báu; đường cấp ở dưới núi rộng sáu mươi do-tuần; sát hai bên đường có bảy lớp tường báu, bảy lớp lan can[21], bảy lớp lưới giăng, bảy lớp hàng cây. Tường vàng thì cửa bạc, tường bạc thì cửa vàng. T ường thủy tinh thì cửa lưu ly, tường lưu ly thì cửa thủy tinh. T ường xích châu thì cửa mã não; tường mã não thì cửa xích châu. T ường xa cừ thì cửa các báu. Còn lan can thì, cây ngang vàng thì cây dọc bạc, cây ngang bạc thì cây dọc vàng. Cây ngang thủy tinh thì cây dọc lưu ly, cây ngang lưu ly thì cây dọc thủy tinh. Cây ngang xích châu thì cây dọc mã não, cây ngang mã não thì cây dọc xích châu. Cây ngang xa cừ thì cây dọc các báu. Trên lan can ấy, có lưới báu. Ở dưới lưới vàng ấy có treo linh bạc. Dưới lưới bạc, treo linh vàng. Dưới lưới lưu ly treo linh thủy tinh. Dưới lưới thủy tinh treo linh lưu ly. Dưới lưới xích châu treo linh mã não. Dưới lưới mã não treo linh xích châu. Dưới lưới xa cừ treo linh các báu. Còn cây vàng [115a] thì rễ vàng, nhánh vàng, lá, hoa, quả bạc. Còn cây bạc thì rễ bạc, cành bạc, lá hoa quả vàng. Còn cây thủy tinh thì rễ, nhánh thủy tinh; hoa, lá, lưu ly. Còn cây lưu ly thì rễ, nhánh lưu ly; hoa, lá thủy tinh. Còn cây xích châu thì rễ, nhánh xích châu; hoa, lá mã não. Còn cây mã não thì rễ nhánh mã não; hoa, lá xích châu. Còn cây xa cừ thì rễ, nhánh xa cừ; hoa lá các báu.

“Về bảy lớp tường ấy, tường có bốn cửa; cửa có lan can. Trên bảy lớp tường đều có lầu, gác, đài, quán[22]; bao bọc chung quanh là vườn cảnh,[23] ao tắm, mọc các loài hoa lá báu. Cây báu sắp thành hàng. Hoa quả tốt tươi. Gió hương tỏa bốn phía làm vui lòng người. Chim le le, nhạn, uyên ương, các loại chim kỳ lạ, có hàng ngàn giống loại không kể xiết, cùng hòa âm kêu hót. Lại nữa, đường cấp[24] ở giữa núi chúa Tu-di rộng bốn mươi do-tuần, sát hai bên đường có bảy lớp tường báu, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây báu... cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót, cũng như đường cấp ở dưới núi. Còn đường cấp ở trên rộng hai mươi do-tuần, sát hai bên đường có bảy lớp tường, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây báu... cho đến vô số các loài chim, cùng nhau ca hót, cũng như đường cấp ở giữa.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Đường cấp ở dưới có quỉ thần tên là Già-lâu-la Túc[25] ở. Đường cấp ở giữa có quỉ thần tên là Trì Man[26] ở. Đường cấp ở trên có quỉ thần tên là Hỷ lạc[27] ở. Bốn doi đất cao bốn vạn hai ngàn do-tuần. Ở đó có cung điện, chỗ ở của Tứ thiên vương; có bảy hàng thành, bảy hàng lan can, bảy hàng lưới, bảy hàng cây báu, các linh báu... cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót, cũng lại như thế.

“Trên đảnh núi Tu-di có cung trời Tam Thập Tam[28], có bảy vòng thành, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây báu... cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót, cũng lại như thế.

“Vượt lên trời Tam Thập Tam một do-tuần, lại có cung trời Diệm-ma; qua khỏi cung trời Diệm-ma một do-tuần, lại có cung trời Đâu-suất; qua khỏi cung trời Đâu-suất một do-tuần, lại có cung trời Hóa Tự Tại; qua khỏi cung trời Hóa Tự Tại một do-tuần, lại có cung trời Tha Hóa Tự Tại; qua khỏi trời Tha Hóa Tự Tại một do-tuần, lại có cung trời Phạm-gia-di[29].

“Khoảng giữa trời Tha Hóa Tự Tại và trời Phạm-gia-di có cung điện Ma thiên[30], cao rộng sáu ngàn do-tuần, có bảy lớp tường cung, bảy lớp lan can, [115b] bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây... cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót cũng lại như thế. Qua khỏi cung trời Phạm-gia-di một do-tuần, lại có cung trời Quang Âm[31]; qua khỏi cung trời Quang Âm một do-tuần lại có cung trời Biến Tịnh[32]; qua khỏi cung trời Biến Tịnh một do-tuần, lại có cung trời Quả Thật[33]; qua khỏi cung trời Quả Thật một do-tuần, lại có cung trời Vô Tưởng[34]; qua khỏi cung trời Vô Tưởng một do-tuần, lại có cung trời Vô Tạo[35]; qua khỏi cung trời Vô Tạo một do-tuần, lại có cung trời Vô Nhiệt[36]; qua khỏi cung trời Vô Nhiệt một do-tuần, lại có cung trời Thiện Hiện[37]; qua khỏi cung trời Thiện Hiện một do-tuần, lại có cung trời Đại Thiện hiện[38]; qua khỏi cung trời Đại Thiện Hiện một do-tuần, lại có cung trời Sắc Cứu Cánh[39], qua khỏi trời Sắc Cứu Cánh, trên có trời Không Vô Biên Xứ [40], trời Thức Vô Biên Xứ [41], trời Vô Sở Hữu Xứ [42], trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ [43], ngang đây gọi là giới hạn của chúng sanh, thế giới chúng sanh, tất cả chúng sanh sanh, lão, bệnh, tử, thọ ấm, thọ hữu ngang đây, không vượt qua.

Phật bảo các Tỳ-kheo: Phía Bắc núi Tu-di có một thiên hạ tên là Uất-đan-viết[44]. Lãnh thổ vuông vức, ngang rộng một vạn do-tuần; mặt người cũng vuông, giống như hình đất.

“Phía Đông núi Tu-di có một thiên hạ tên là Phất-vu-đãi[45]; lãnh thổ tròn trịa, ngang rộng chín ngàn do-tuần. Mặt người cũng tròn, giống như hình đất.

“Phía Tây núi Tu-di có thiên hạ tên là Câu-da-ni[46], địa hình như nửa mặt trăng, ngang rộng tám ngàn do-tuần; mặt người cũng vậy, giống như hình đất.

“Phía Nam núi Tu-di có thiên hạ tên là Diêm-phù-đề[47], đất đai thì phía Nam hẹp, phía Bắc rộng, ngang rộng bảy ngàn do-tuần, mặt người cũng vậy, giống như hình đất.

“Mặt Bắc núi Tu-di có ánh sáng được tạo thành do bởi vàng chiếu sáng phương Bắc. Mặt Đông núi Tu-di có ánh sáng tạo thành bởi bạc chiếu sáng phương Đông. Mặt Tây núi Tu-di có ánh sáng tạo thành bởi thủy tinh chiếu sáng phương Tây. Mặt Nam núi Tu-di có ánh sáng tạo thành bởi lưu ly chiếu sáng phương Nam.

“Ở Uất-đan-viết có một đại thọ chúa tên gọi là Am-bà-la[48], vòng thân bảy do-tuần, cao một trăm do-tuần, cành lá tỏa ra bốn phía năm mươi do-tuần. Cõi Phất-vu-đãi có một đại thọ, tên là Gia-lam-phù[49], vòng thân bảy do-tuần, cao một trăm do-tuần, cành lá tỏa ra bốn phía năm mươi do-tuần. Cõi Câu-da-ni có một đại thọ, tên là Cân-đề[50], vòng thân bảy do-tuần, cao một trăm do-tuần, cành lá tỏa ra bốn phía năm mươi do-tuần; dưới cây ấy, có tảng Thạch Ngưu Tràng[51], cao một do-tuần. Cõi Diêm-phù-đề [115c] có một đại thọ tên là Diêm-phù[52], vòng thân bảy do-tuần, cao trăm do-tuần, cành lá tỏa ra bốn phía năm mươi do-tuần. Điểu vương cánh vàng và Long vương có cây tên là Câu-lợi-thiểm-bà-la[53], vòng thân bảy do-tuần, cao trăm do-tuần, cành lá tỏa ra bốn phía năm mươi do-tuần. A-tu-la-vương có cây tên là Thiện-trú[54], vòng thân bảy do-tuần, cao trăm do-tuần, cành lá tỏa ra bốn phía năm mươi do-tuần. Trời Đao-lị có cây tên là Trú-độ[55], vòng thân bảy do-tuần, cao trăm do-tuần, cành lá tỏa ra bốn phía năm mươi do-tuần.

“Bên núi Tu-di có núi tên là Già-đà-la[56], cao bốn vạn hai ngàn do-tuần, ngang dọc bốn vạn hai ngàn do-tuần, hai bên rất rộng, nhiều màu đan xen, do bảy báu tạo thành; núi nầy cách núi Tu-di tám vạn bốn ngàn do-tuần, khoảng giữa mọc toàn hoa ưu-bát-la, hoa bát-đầu-ma, hoa câu-vật-đầu, hoa phân-đà-lị[57], lau, tùng, trúc mọc trong đó, tỏa ra các loại hương, mùi thơm lan khắp. Cách núi Khư-đà-la[58] không xa, có núi tên là Y-sa-đà-la[59], cao hai vạn một nghìn do-tuần, ngang dọc hai vạn một nghìn do-tuần, hai bên rất rộng nhiều màu đan xen, bảy báu tạo thành; cách núi Khư-đà-la bốn vạn hai nghìn do-tuần, khoảng giữa mọc toàn hoa ưu-bát-la, hoa bát-dầu-ma, hoa câu-vật-đầu, hoa phân-đà-lị; lau, tùng, trúc mọc trong đó, tỏa ra các loại hương, mùi thơm lan khắp. Cách núi Y-sa-đà-la không xa, có núi tên là Thọ-cự-đà-la[60], cao một vạn hai ngàn do-tuần, ngang dọc một vạn hai ngàn do-tuần, hai bên rất rộng, nhiều màu đan xen, bảy báu tạo thành; cách núi Y-sa-đà-la hai vạn một ngàn do-tuần, khoảng giữa mọc thuần bốn loài hoa tạp; lau, tùng, trúc cũng mọc trong đó, tỏa ra các loại hương, mùi thơm lan khắp. Cách núi Thọ Cự-đà-la không xa, có núi tên là Thiện kiến[61], cao sáu ngàn do-tuần, ngang dọc sáu ngàn do-tuần, hai bên rất rộng, nhiều màu đan xen, bảy báu tạo thành, cách núi Thọ Cự-đà-la một vạn hai ngàn do-tuần, khoảng giữa mọc toàn bốn loại tạp hoa; lau, tùng, trúc cũng mọc trong đó, tỏa ra các loại hương, mùi hương xông khắp.

“Cách núi Thiện Kiến không xa, có núi tên là Mã Thực[62], cao ba ngàn do-tuần, ngang dọc ba ngàn do-tuần, hai bên rất rộng, nhiều màu đan xen, bảy báu tạo thành; cách núi Thiện Kiến sáu ngàn do-tuần, ở khoảng giữa mọc toàn bốn loại tạp hoa; lau, tùng, trúc [116a] cũng mọc trong đó, tỏa ra các loại hương, mùi thơm lan khắp. Cách núi Mã thực không xa, có núi tên là Ni-dân-đà-la[63], cao một ngàn hai trăm do-tuần, ngang dọc một ngàn hai trăm do-tuần, cao một ngàn hai trăm do-tuần, ngang dọc một ngàn hai trăm do-tuần, bảy báu tạo thành; cách núi Mã Thực ba ngàn do-tuần, ở khoảng giữa mọc toàn bốn loại tạp hoa; lau, tùng, trúc cũng mọc trong đó, tỏa ra các loại hương, mùi thơm lan khắp. Cách núi Ni-dân-đà-la không xa, có núi tên là Điều Phục[64], cao sáu trăm do-tuần, ngang dọc sáu trăm do-tuần, hai bên rất rộng, nhiều màu đan xen, bảy báu tạo thành; cách núi Ni-dân-đà-la một ngàn hai trăm do-tuần, khoảng giữa mọc toàn bốn loại tạp hoa; lau, tùng, trúc cũng mọc trong đó, tỏa ra các loại hương, mùi thơm lan khắp. Cách núi Điều Phục không xa, có núi tên là Kim Cang Vi[65], cao ba trăm do-tuần, ngang dọc ba trăm do-tuần; hai bên rất rộng, nhiều màu đan xen, bảy báu tạo thành; cách núi Điều Phục sáu trăm do-tuần, khoảng giữa mọc toàn bốn loại tạp hoa; lau, tùng, trúc cũng mọc trong đó, tỏa ra các loại hương mùi thơm lan khắp.

“Cách núi Đại Kim Cang[66] không xa, có biển lớn, bờ phía Bắc của biển lớn có cây đại thọ vương tên là Diêm-phù[67], vòng thân bảy do-tuần, cao một trăm do-tuần, cành lá tỏa ra bốn phía năm mươi do-tuần, khoảng đất trống hai bên lại có khu rừng tên là Am-bà-la[68], ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Diêm-bà[69], ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Sa-la[70], ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Đa-la[71], ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Na-đa-la[72], ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Nam[73], ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Nữ[74], ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Tán-na[75], ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Chiên-đàn[76], ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Khư-châu-la[77], ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Ba-nại-bà-la[78], ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Tỳ-la[79], ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Hương Nại[80], ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Lê[81], [116b] ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là An-thạch-lưu[82], ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Cam[83], ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Ha-lê-lặc[84], ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Tỳ-hê-lặc[85], ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là A-ma-lặc[86], ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là A-ma-lê[87], ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Nại[88], ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Cam Giá[89], ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Vi[90], ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Trúc[91], ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Xá-la[92], ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Xá-la-nghiệp[93], ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Mộc Qua[94], ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên Đại Mộc Qua[95], ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Giải thoát hoa[96], ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Chiêm-bà[97], ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Bà-la-la[98], ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Tu-ma-na[99], ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Bà-sư[100], ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên Đa-la-lê[101], ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Già-da[102], ngang dọc năm mươi do-tuần; lại có khu rừng tên là Bồ đào[103], ngang dọc năm mươi do-tuần.

“Qua khỏi đó thì đất trống. Trong khoảng đất trống ấy lại có ao hoa, ngang dọc năm mươi do-tuần. Lại có ao hoa bát-đầu-ma, ao hoa câu-vật-đầu, ao hoa phân-đà-lị; rắn độc[104] đầy trong đó. Mỗi ao ngang dọc năm mươi do-tuần.

“Qua khỏi đó, đất trống. Trong khoảng đất trống ấy có biển lớn tên là Uất-thiền-na[105]. Dưới biển nầy có con đường của Chuyển Luân Thánh vương, rộng mười hai do-tuần; sát hai bên đường có bảy lớp tường, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây. Các trang hoàng chung quanh đều do bảy báu tạo thành. Khi Chuyển Luân Thánh vương ra đời trên cõi Diêm-phù đề thì nước tự nhiên rút đi, đường ấy hiện ra.

“Cách biển không xa, có núi tên là [116c] Kim Bích[106]. Trong núi có tám vạn cái hang. Tám vạn tượng vương sống ở trong hang ấy. Thân chúng thuần trắng; đầu có nhiều màu; miệng có sáu ngà, giữa các răng có trám vàng.

“Qua khỏi núi Kim Bích rồi, có núi tên là Tuyết sơn[107], ngang dọc năm trăm do-tuần, sâu năm trăm do-tuần, phía Đông và Tây nhập vào biển. Ở giữa núi Tuyết có núi báu, cao hai mươi do-tuần.

“Doi đất núi Tuyết trồi lên một trăm do-tuần, trên đảnh núi ấy có ao A-nậu-đạt[108], ngang dọc năm mươi do-tuần; nước ao trong mát, lóng sạch không cáu bẩn; có bảy bậc bờ thềm, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới giăng, bảy lớp hàng cây, nhiều loại màu sắc khác lạ, do bảy báu tạo thành. Lan can thì, trụ vàng, tay nắm bạc; trụ bạc, tay nắm vàng; trụ lưu ly, tay nắm thủy tinh; trụ thủy tinh, tay nắm lưu ly; trụ xích châu, tay nắm mã não; trụ mã não, tay nắm xích châu; trụ xa cừ, tay nắm bằng các báu. Lưới vàng, linh bạc; lưới bạc, linh vàng; lưới lưu ly, linh thủy tinh; lưới thủy tinh, linh lưu ly; lưới xa cừ, linh bằng bảy báu. Cây đa-la[109] vàng, gốc vàng, nhánh vàng, lá bạc, quả bạc; cây đa la bạc, gốc bạc, nhánh bạc, lá vàng quả vàng; cây thủy tinh, gốc nhánh thủy tinh, hoa, quả lưu ly; cây xích châu, gốc nhánh xích châu, lá mã não, hoa quả mã não; cây xa cừ, gốc nhánh xa cừ, hoa quả bằng các báu. Bên cạnh ao A-nậu-đạt có vườn cảnh, ao tắm, các hoa tích tụ, các loại cây lá hoa quả đều tốt tươi; các loại hương thơm, lan tỏa bốn phương, các loài chim lạ cùng cất tiếng hót họa nhau buồn bã. Dưới đáy ao A-nậu-đạt cát vàng đầy ắp, bốn phía ao đều có thềm bậc; bậc vàng, thềm bạc, bậc bạc, thềm vàng; bậc lưu ly, thềm thủy tinh, bậc thủy tinh, thềm lưu ly; bậc xích châu, thềm mã não, bậc mã não, thềm xích châu; bậc xa cừ, thềm bằng các báu, bao bọc chung quanh đều có lan can, có bốn loài hoa: xanh vàng đỏ trắng, nhiều màu đan xen; hoa như bánh xe, rễ như ổ trục xe; rễ hoa ra nhựa màu trắng như sữa, vị ngọt như mật. Phía Đông ao A-nậu-đạt có sông Hằng-già[110], từ miệng trâu[111] chảy ra, dẫn theo năm trăm con sông, chảy vào biển Đông. Phía Nam ao A-nậu-đạt, có sông Tân-đầu[112], từ miệng sư tử[113] chảy ra, dẫn theo năm trăm dòng sông chảy vào biển Nam. Phía Tây ao A-nậu-đạt có sông Bà-xoa[114], từ miệng ngựa[115] chảy ra, dẫn theo năm trăm dòng sông nhập vào biển Tây. Phía Bắc ao A-nậu đạt có sông Tư-đà[116], từ miệng voi[117] chảy ra, dẫn theo năm trăm dòng sông chảy vào biển Bắc. Trong cung A-nậu-đạt [117a] có nhà Năm cột,[118] Long vương A-nậu-đạt[119] thường ở trong đó.”

Phật nói:

“Vì sao gọi là A-nậu-đạt? A-nậu-đạt nghĩa là gì? Các Long vương ở Diêm-phù-đề nầy có đủ ba hoạn nạn, chỉ có A-nậu-đạt không có ba hoạn nạn. Những gì là ba? Một là, toàn thể Long vương ở Diêm-phù-đề đều bị gió nóng, cát nóng chạm vào thân, thiêu đốt da thịt và thiêu đốt xương tủy làm cho khổ não; chỉ có long vương A-nậu-đạt không có hoạn nầy. Hai là, toàn thể Long cung ở Diêm-phù-đề bị gió dữ thổi mạnh, thổi vào trong cung, làm mất y báu phục sức, thân rồng lộ ra, làm cho khổ não; chỉ có Long vương A-nậu-đạt không có hoạn nạn như thế. Ba là toàn thể Long vương ở Diêm-phù-đề, khi ở trong cung vui chơi đều bị chim lớn Cánh vàng bay vào cung dắt đi, hoặc mới nghĩ cách muốn bắt rồng để ăn thịt; các rồng sợ hãi, thường ôm lòng lo sầu; chỉ có Long vương A-nậu-đạt không bị hoạn nầy; nếu chim Cánh vàng khởi niệm muốn ở thì liền mạng chung, cho nên gọi là A-nậu-đạt.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Bên phải núi Tuyết có thành tên là Tỳ-xá-li[120], phía Bắc của thành ấy có bảy núi Đen[121]. phía bắc của bảy núi Đen có núi Hương[122], núi ấy thường có tiếng âm nhạc, ca xướng, kỹ nhạc. Núi có hai hang[123], một hang tên là Trú[124], hang thứ hai tên là Thiện Trụ[125], do bảy báu trời tạo thành, mềm mại thơm sạch, giống như áo trời. Diệu Âm Càn-thát-bà[126] vương cùng năm trăm Càn-thát-bà ở trong hang Trú đó. Phía Bắc hang Thiện Trú có Thọ vương lớn ta-la, tên là Thiện Trụ[127], có bốn ngàn thọ vương vây quanh bốn phía. Dưới Thiện Trụ Thọ vương có Tượng vương, cũng tên là Thiện Trụ[128], ở dưới cây nầy, thân thể toàn trắng, bảy chỗ đầy đặn[129], có thể bay đi; đầu nó màu đỏ, lông có nhiều màu; sáu ngà đều thon, giữa được trám vàng, có tám ngàn voi vây quanh tùy tùng. Dưới tám ngàn Thọ vương ấy, có tám ngàn voi, cũng lại như thế.

“Phía Bắc thọ vương Thiện Trụ có ao tắm lớn, tên là Ma-đà-diên[130]; ngang dọc năm mươi do-tuần; có tám ngàn ao tắm bao bọc chung quanh, nước ao trong mát, không có cáu bẩn, được bao quanh các bờ lũy đắp bằng bảy báu. Ao có bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây đều do bảy báu tạo thành: tay nắm vàng thì trụ bạc, tay nắm bạc thì trụ vàng; tay nắm thủy tinh thì trụ lưu ly, tay nắm lưu ly thì trụ thủy tinh; tay nắm xích châu thì trụ mã não, tay nắm [117b] mã não thì trụ xích châu; tay nắm xa cừ thì trụ bằng các báu; dưới lưới vàng treo linh bạc, dưới lưới bạc treo linh vàng; lưới thủy tinh treo linh lưu ly, lưới lưu ly treo linh thủy tinh; lưới xích châu treo linh mã não, lưới mã não treo linh xích châu; lưới xa cừ treo linh các báu. Cây vàng thì rễ vàng, nhánh vàng, lá hoa quả bạc; cây bạc thì rễ bạc, nhánh bạc, lá hoa quả vàng; cây thủy tinh thì rễ, nhánh thủy tinh, hoa quả lưu ly; cây lưu ly thì rễ, nhánh lưu ly, hoa quả thủy tinh; cây xích châu thì rễ, nhánh xích châu, hoa quả mã não; cây mã não thì rễ, nhánh mã não, hoa quả xích châu cây xa cừ thì rễ nhánh xa cừ, hoa, quả các báu.

“Lại nữa, dưới đáy ao ấy, cát vàng rải khắp, bọc chung quanh ao có đường thềm cấp bằng bảy báu; thềm vàng cấp bạc, thềm bạc cấp vàng; thềm thủy tinh cấp lưu ly, thềm lưu ly cấp thủy tinh; thềm xích châu, cấp mã não, thềm mã não, cấp xích châu; thềm xa cừ, cấp các báu. Sát hai bên thềm có lan can báu. Lại trong ao ấy, sanh bốn loài hoa: xanh, vàng, đỏ, trắng, nhiều màu đan xen; hoa như bánh xe, rễ như ổ trục xe. Rễ hoa ra nhựa, màu trắng như sữa, vị ngọt như mật. Vòng quanh bốn phía ao có vườn cảnh, rừng, ao tắm, mọc đủ các loại hoa; cây cối xanh tươi, hoa quả dồi dào, vô số các loài chim cùng nhau ca hót, cũng giống như trước. Tượng vương Thiện Trụ khi nghĩ muốn dạo chơi vào ao tắm thì liền nghĩ đến tám ngàn voi khác. Khi ấy tám ngàn voi lại tự nghĩ: “Tượng vương Thiện Trụ đang nghĩ đến chúng ta, chúng ta nên đến chỗ Tượng vương”. Khi ấy, bầy voi liền đi đến đứng trước Tượng vương.

“Bấy giờ, Tượng vương Thiện Trụ theo tám ngàn voi đến ao Ma-đà-diên. Trong bầy voi ấy, có con cầm lọng che tượng vương, có con cầm quạt báu quạt tượng vương; trong đó có con tấu xướng kỹ nhạc đi trước mở đường. Khi ấy, Tượng vương Thiện Trụ vào ao tắm rửa, tấu xướng kỹ nhạc, cùng nhau vui chơi; có con rửa vòi cho Tượng vương, có con rửa miệng, gội đầu; rửa ngà, rửa tai, rửa bụng, kỳ lưng, rửa đuôi, rửa chân; trong đó có con nhổ gốc hoa rửa sạch dâng voi ăn, có con lấy bốn loại hoa rải trên voi.

“Bấy giờ, Tượng vương Thiện Trụ tắm rửa, ăn uống, cùng nhau vui chơi xong, liền lên bờ, đi đến đứng ở cây Thiện Trụ. Tám [117c] ngàn con voi, sau đó, mới vào ao tắm rửa, ăn uống, cùng nhau vui chơi, xong rồi trở ra, đến chỗ tượng vương.

“Khi ấy, Tượng vương theo tám ngàn voi tùy tùng sau trước, đến chỗ Thọ vương Thiện Trụ; trong đó có con cầm lọng che Tượng vương; có con cầm quạt quạt Tượng vương; trong đó có con tấu xướng kỹ nhạc đi trước mở đường. Khi Tượng vương Thiện Trụ đến chỗ thọ vương rồi, ngồi nằm đi đứng tùy ý, tám ngàn voi khác ở dưới các cây, tự do ngồi nằm đi đứng tùy ý. Trong rừng cây ấy, có cây chu vi tám tầm, có cây chu vi chín tầm, cho đến mười tầm, mười lăm tầm, chỉ có Thọ vương Ta-la của Tượng vương Thiện Trụ chu vi mười sáu tầm. Khi cành lá của tám ngàn cây ta-la rơi rụng thì có luồng gió mát thổi bay xa ra ngoài khu rừng. Lại khi tám ngàn voi đại tiểu tiện thì các quỉ dạ xoa hốt bỏ ngoài rừng.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Tượng vương Thiện Trụ có đại thần lực, công đức như thế; tuy là loài súc sanh mà hưởng phước như vậy.”

 

Phẩm 2: UẤT-ĐAN-VIẾT[131]

[117c15] Phật bảo Tỳ-kheo:

“Cõi Uất-đan-viết có nhiều núi. Bên cạnh các núi ấy, có các vườn cảnh, ao tắm, mọc nhiều loài hoa, cây cối mát mẻ, hoa quả dồi dào, vô số các loài chim cùng nhau hót. Lại trong các núi ấy có nhiều dòng nước; nước ấy xuôi dòng ra biển, không chảy xiết; các loại hoa phủ trên mặt nước, chảy bình lặng êm ả. Sát hai bên bờ, có nhiều cây cối, cành nhánh mềm mại, hoa quả sum sê. Đất mọc cỏ mềm xoay về bên phải, màu như đuôi công[132], mùi thơm  như bà-sư[133], mềm như áo trời. Đất ở đó mềm; dùng chân đạp đất, đất lún bốn tấc, giở chân lên, trở lại như cũ, mặt đất bằng như bàn tay, không có cao thấp.

“Này Tỳ-kheo! Cõi Uất-đan-viết kia bốn phía có bốn ao A-nậu-đạt; mỗi ao ngang dọc một trăm do-tuần. Nước ao lắng trong, không có cáu bẩn. Có hào cùng bậc thềm bằng bảy báu chung quanh ... cho đến, vô số các loài chim cùng nhau cất tiếng hót buồn bã,[134] giống như sự trang trí của ao Ma-đà-diên không khác. Bốn ao lớn ấy, rộng mười do-tuần, nước sông xuôi dòng ra biển êm đềm, không có chảy xiết; các loại hoa phủ trên mặt nước, chảy từ từ êm ả. Sát hai bên bờ sông có nhiều cây cối, cành nhánh mềm mại, hoa quả dồi dào. Đất mọc cỏ mềm, xoay về phía phải, màu như đuôi công, hương [118a] như bà-sư, mềm mại như áo trời. Đất đó mềm mại, dùng chân đạp đất, đất lún bốn tấc, giở chân lên, trở lại như cũ. Đất bằng như bàn tay, không có cao thấp. Lại đất đai kia không có ngòi rảnh, khe suối, hầm hố, gai góc, gốc cây, cũng không có muỗi mòng, rắn, rết, ong, bò cạp, cọp, beo, thú dữ. Đất thuần châu báu, không có đất cát; âm dương điều độ, bốn mùa thuận hòa, chẳng lạnh chẳng nóng, không có các sự bực bội khó chịu. Đất đai thấm ướt, bụi dơ không dậy, như dầu bôi trên đất, không có bụi bay. Trăm thứ cây cỏ thường mọc, không có mùa Đông rét mướt, mùa Hạ nóng bức. Cây cối tốt tươi; hoa trái xum xuê. Đất mọc cỏ mềm, xoay về phía phải, màu như lông công, hương như bà-sư, mềm như áo trời. Đất ở đó mềm mại; dùng chân đạp đất, đất lún bốn tấc, giở chân lên lại, trở lại như cũ. Đất bằng như bàn tay, không có chỗ cao, chỗ thấp.

“Cõi ấy thường có lúa thơm tự nhiên, chẳng gieo trồng mà tự mọc, không có vỏ trấu, như đóa hoa trắng, giống như thức ăn trời Đao-lị, đầy đủ các vị. Cõi ấy luôn có nồi, vạc tự nhiên; có ngọc ma-ni tên là Diệm Quang[135] được đặt dưới nồi nấu. Khi cơm chín thì ánh sáng tắt, chẳng cần lửa củi, không nhọc sức người. Cõi ấy có cây tên là Khúc Cung[136], lá cây dày đặc chồng lên nhau theo thứ lớp, trời mưa không dột. Đàn ông, đàn bà cư ngụ dưới cây đó. Lại có cây Hương[137] cao bảy mươi dặm, hoa quả đầy cành. Khi quả ấy chín, vỏ nó tự nứt, tự nhiên xuất ra các loại hương. Hoặc có cây cao sáu mươi dặm, hoặc năm mươi dặm, bốn mươi dặm; cây nhỏ nhất cao năm dặm, hoa quả đầy cành. Khi quả ấy chín, vỏ nó tự nứt, tự nhiên hương tỏa.

“Lại có cây Y[138] cao bảy mươi dặm, hoa quả đầy cành; khi quả ấy chín vỏ tự nứt ra, tuôn ra các loại y phục; hoặc có cây cao sáu mươi dặm, năm mươi, bốn mươi, nhỏ nhất là năm dặm, hoa quả đầy cành, tuôn ra các loại y phục. Lại có cây Trang Nghiêm[139], cao bảy mươi dặm, hoa quả đầy cành; khi quả ấy chín, vỏ tự nứt ra, tuôn ra các thứ đồ trang nghiêm thân thể; hoặc có cây cao sáu mươi dặm, năm mươi dặm, đều đầy cành hoa quả, tuôn ra đủ các đồ trang nghiêm thân thể. Lại có cây Hoa Man[140] cao bảy mươi dặm, hoa quả đầy cành; khi quả ấy chín, vỏ tự nứt ra, xuất ra các loại tràng hoa; hoặc có cây cao sáu mươi dặm, năm mươi, bốn mươi dặm, cây nhỏ nhất cao năm dặm, hoa quả cũng đầy cành, xuất ra các loại tràng hoa. Lại có cây Khí[141], cao bảy mươi dặm, hoa quả đầy cành. Khi quả ấy chín [118b] vỏ tự nứt ra. Xuất ra các khí cụ; hoặc có cây sáu mươi dặm, năm mươi, bốn mươi cây nhỏ nhất cao năm dặm, hoa quả đều đầy cành, xuất ra các loại khí cụ. Lại có cây Quả[142] cao bảy mươi dặm, hoa quả đầy cành; khi quả ấy chín, vỏ tự nứt ra, xuất ra các loại quả; hoặc có cây cao sáu mươi dặm, năm mươi, bốn mươi, cây nhỏ nhất cao năm dặm, hoa quả đều đầy cành, xuất ra các loại quả. Lại có cây Nhạc Khí[143] cao bảy mươi dặm, hoa quả đầy cành; quả ấy khi chín, vỏ tự nứt ra, xuất ra các loại nhạc khí, hoặc có cây cao sáu mươi dặm, năm mươi, bốn mươi, cây nhỏ nhất cao năm dặm, đều đầy cành hoa quả, xuất ra các loại nhạc khí.

“Cõi ấy có ao tên là Thiện Kiến[144], ngang dọc một trăm do-tuần, nước ao trong vắt, không có cáu bẩn. Các bên ao được xây lát bằng hào bảy báu. Bốn mặt quanh ao có bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây… cho đến, vô số các loài chim cùng nhau ca hót, cũng giống như trước.

“Phía Bắc ao Thiện Kiến có cây tên là Am-bà-la[145], vòng thân bảy dặm, cao một trăm dặm, cành lá tỏa ra bốn phía năm mươi dặm. Phía Đông của ao Thiện Kiến phát xuất sông Thiện Đạo[146], rộng một do-tuần, nước sông chảy chậm, không có dòng xoáy, có nhiều loại hoa phủ trên mặt nước; sát hai bên bờ cây cối tốt tươi, cành nhánh mềm mại, hoa quả đầy cành; đất mọc cỏ mềm, xoay về phía phải, màu như lông công, hương như bà-sư, mềm như áo trời; đất ở đó mềm mại, khi đạp chân xuống, đất lún bốn tấc, giở chân lên, trở lại như cũ; đất bằng như bàn tay, không có cao thấp.

“Lại nữa, trong sông ấy, có các thuyền báu. Nhân dân ở nơi ấy khi muốn vào sông tắm rửa vui chơi, cởi y phục để trên bờ. Lên thuyền ra giữa dòng; nô đùa vui vẻ xong, lên bờ gặp y phục thì mặc, lên trước mặc trước, lên sau mặc sau, chẳng tỳm lại y phục cũ. Sau đó, đi đến cây Hương. Cây cong mình xuống; những người ấy lấy các loại tạp hương để xoa trên mình. Rồi đến cây Y. Cây cong mình xuống; những người ấy lấy các loại y phục, tùy ý mặc vào. Tiếp đến, đi đến cây Trang Nghiêm, cây cong mình xuống, những người ấy lấy các thứ trang nghiêm để tự trang sức. Xong, đến cây Hoa Man; cây cong mình xuống, những người ấy lấy các thứ tràng hoa, để đội trên đầu. Rồi đến cây Khí, cây cong mình xuống; những người ấy lấy các loại khí vật báu; lấy khí vật báu xong, tiếp theo, đến cây Quả, cây cong mình xuống, những người ấy [118c] hái các quả đẹp, hoặc có người ăn nuốt, có người ngậm, có người vắt nước uống. Kế tiếp, đến cây Nhạc Khí; cây cong mình xuống, những người ấy lấy các loại nhạc khí, chơi đàn, đánh trống, và dùng âm thanh vi diệu hòa với tiếng đàn mà đi đến khu vườn, tùy ý vui chơi, hoặc một ngày, hai ngày cho đến bảy ngày, sau đó lại đi, không có chỗ nhất định.

“Phía Nam ao Thiện Kiến, phát xuất sông Diệu Thể[147] Phía tây ao Thiện Kiến, phát xuất sông Diệu Vị[148]. Phía Bắc ao Thiện Kiến, phát xuất sông Quang Ẩnh[149], cũng giống như trên. Phía Đông ao Thiện Kiến có khu vườn tên là Thiện Kiến[150], ngang dọc một trăm do-tuần; vòng quanh bốn bên khu vườn có bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, nhiều màu đan xen bảy báu tạo thành. Bốn phía vườn ấy có bốn cửa lớn, lan can bao quanh, đều do bảy báu tạo thành; trong vườn sạch sẽ, không có gai gốc, đất đai bằng phẳng, không có ngòi rãnh khe suối, hầm hố, đồi gò, cũng không có muỗi mòng, ruồi, rệp, rận, rắn rết, ong, bò cạp, hổ báo, ác thú; đất toàn các báu, không có cát, âm dương điều độ, bốn mùa thuận hòa, chẳng lạnh chẳng nóng, không có các hoạn nạn; đất đai nhuận thấm, không có bụi bặm, như có dầu xoa đất, đi bụi không bốc lên, hằng trăm loài cỏ thường mọc, không có Đông rét Hạ bức; cây cối tươi tốt, hoa quả đầy cành; đất mọc cỏ mềm, xoay về phía phải, màu như lông công, hương như bà-sư, mềm như áo trời; đất đai mềm mại, khi đạp chân xuống, đất lún bốn tấc, giở chân lên, đất lại như cũ.

“Vườn ấy thường mọc lúa thơm tự nhiên, không có vỏ trấu, trắng như đóa hoa, đầy đủ các vị, như cơm trời Đao-lị. Vườn ấy thường có nồi chõ tự nhiên; có ngọc ma ni, tên là Diệm Quang đặt dưới nồi chõ; khi cơm chín, ánh sáng tắt, chẳng cần lửa củi, chẳng nhọc công người. Vườn ấy có cây tên là Khúc Cung, lá chồng lên nhau theo thứ lớp, trời mưa không dột. Các nam nữ ấy cư ngụ ở đó. Lại có cây Hương, cao bảy mươi dặm, hoa quả đầy cành; khi quả ấy chín, vỏ tự nứt ra, xuất ra các loại hương, có cây cao sáu mươi dặm, năm mươi, bốn mươi, cho đến cao năm dặm, hoa quả đầy cành, xuất ra các loài hương... cho đến cây Khí, cũng giống như trên.

“Nhân dân ở cõi ấy đến vườn ấy vui chơi giải trí, một ngày, hai ngày... cho đến bảy ngày. Vườn Thiện Kiến ấy không người bảo vệ, tùy ý dạo chơi, sau đó lại đi.

“Phía Nam ao Thiện Kiến có khu vườn tên là Đại Thiện Kiến, phía Tây ao Thiện Kiến [119a] có khu vườn tên là Ngu Lạc[151]; phía Bắc ao Thiện Kiến có khu vườn tên là Đẳng Hoa[152], cũng giống như thế.

“Ở cõi ấy, vào nửa đêm, cuối đêm, Long vương A-nậu-đạt thường thường vào lúc thích hợp khởi mây lành cùng khắp thế giới rồi mưa nước ngọt xuống, giống như khi vắt sữa bò; nước đủ tám vị, thấm nhuận khắp nơi; nước không đọng lại, đất không bùn lầy. Giống như thợ làm tràng hoa dùng nước rưới hoa, khiến không khô héo, thấm ướt tốt tươi. Khi ấy, ở cõi đó vào lúc gần sáng không có mây che, bầu trời trong vắt; biển nổi gió mát, trong lành hiu hiu, chạm nhẹ vào người, toàn thân sảng khoái.

“Cõi ấy trù mật, nhân dân sung túc. Nếu khi cần ăn thì dùng gạo thơm tự nhiên bỏ vào trong chõ, dùng ngọc Diệm Quang để ở dưới chõ; cơm tự nhiên chín, ánh sáng ngọc tự tắt. Các người đi đến, tự do ăn cơm. Người ăn không đứng dậy thì cơm không hết; người ăn đứng dậy thì cơm cũng hết. Cơm ấy tinh khiết như đóa hoa trắng, đầy đủ mùi vị như cơm cõi trời Đao-lị. Người ăn cơm đó không có các bệnh, khí lực dồi dào, nhan sắc tươi vui, không có gầy còm.

“Lại ở cõi ấy, thân thể con người như nhau, hình mạo giống nhau, không thể phân biệt. Dáng người trẻ trung, như người khoảng hai mươi tuổi ở Diêm-phù-đề. Người cõi ấy, răng họ bằng đều, trắng sạch, kín sát không hở; tóc màu xanh biếc, không có cáu bẩn; tóc xỏa xuống bằng tám ngón tay, ngang vai thì dừng, không dài không ngắn. Người ở cõi đó, nếu khi khởi tâm dục thì nhìn chăm chăm nữ nhơn rồi bỏ đi. Người nữ ấy liền theo sau vào trong vườn. Nếu nữ nhơn và người nam kia là cha, mẹ hoặc liên hệ trong cốt nhục, không phải là người nên hành dục thì cây không cong xuống che lại, và họ tự chia tay. Nếu chẳng phải cha, mẹ, và nhiều liên hệ đến cốt nhục, đúng là đối tượng hành dâm thì cây cong xuống che phủ thân họ, tùy ý hưởng lạc, một ngày, hai ngày... hoặc đến bảy ngày, khi ấy mới thôi. Người nữ ấy mang thai; bảy hoặc tám ngày thì sanh. Sanh ra con trai hay con gái, cũng mang đặt ở ngã tư đường, đầu trục lộ giao thông, bỏ đó rồi đi. Các người đi đường, đi ngang qua bên nó, đưa ngón tay cho nó mút, ngón tay chảy ra sữa ngọt, nuôi lớn thân bé. Qua bảy ngày rồi, bé ấy trưởng thành, bằng với người lớn; nam thì theo nhóm nam, nữ thì theo nhóm nữ.

“Người cõi ấy khi mạng chung, không ai khóc lóc, trang nghiêm tử thi, đặt ở ngã tư đường, bỏ đó rồi đi. Có loài chim tên là Ưu-úy-thiền-già[153] gắp [119b] tử thi ấy để ở phương khác.

“Lại nữa, người ở cõi ấy khi đại tiểu tiện, đất liền nẻ ra; đại tiểu tiện rồi, đất khép trở lại. Nhân dân cõi ấy không lệ thuộc sự tham luyến, cũng không cất chứa, thọ mạng có hạn định; chết rồi sanh lên trời. Vì sao người cõi ấy thọ mạng luôn có hạn định? Đời trước người cõi ấy tu mười hành vi thiện, khi thân hoại mạng chung sanh vào cõi Uất-đan-viết, thọ mạng ngàn tuổi, chẳng hơn chẳng kém. Vì thế, người cõi ấy thọ mạng như nhau.

“Lại nữa, người sát sanh đọa vào đường dữ; người không sát sanh sanh vào nẻo lành. Kẻ trộm cắp, tà dâm, hai lưỡi, ác khẩu, nói dối, ỷ ngữ, tham lam, ganh ghét, tà kiến đều đọa vào đường dữ. Người không trộm cắp, không tà dâm, không hai lưỡi, không ác khẩu, không nói dối, không ỷ ngữ, không tham lam, không ganh ghét, không tà kiến thì khi thân hoại mạng chung sanh cõi Uất-đan-viết, thọ mạng ngàn năm, chẳng hơn chẳng kém. Vì vậy, người ở cõi kia thọ mạng bằng nhau. Lại nữa, tham lam keo kiệt chẳng thường bố thí thì chết đọa đường dữ; tâm thoáng không keo thường hành bố thí sanh chốn thiện. Có người bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn và bố thí cho người bần cùng, ăn xin, bệnh ghẻ, khốn khổ, cho họ y phục, thức ăn uống, xe cộ, tràng hoa, hương thơm, giường chõng, phòng xá; lại tạo lập tháp miếu, đèn đuốc cúng dường, thì người ấy khi mạng chung sanh vào cõi Uất-đan-viết, thọ mạng ngàn tuổi, chẳng hơn chẳng kém, vì vậy, người cõi kia thọ mạng bằng nhau.

“Vì sao gọi người Uất-đan-viết là hơn hết? Vì nhân dân cõi ấy chẳng thọ thập thiện nhưng toàn bộ hành vi của họ tự nhiên hợp với thập thiện, khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi lành. Vì vậy, người ở đó được khen là Uất-đan-viết hơn hết. Uất-đan-viết, ý nghĩa như thế nào? Đối với ba cõi kia, cõi nầy là tối thắng, tối thượng cho nên gọi là Uất-đan-viết[154].

 

Phẩm 3: CHUYỂN LUÂN THÁNH VƯƠNG[155]

Phật nói với các Tỳ-kheo:

“Thế gian có Chuyển Luân Thánh vương[156], thành tựu bảy báu, có bốn thần đức.

“Những gì là bảy báu mà Chuyển Luân Thánh vương thành tựu[157]? Một, báu bánh xe vàng; hai, báu voi trắng; ba, báu ngựa xanh; bốn, báu thần châu; năm, báu ngọc nữ; sáu, báu cư sĩ; bảy, báu chủ binh.

“Chuyển Luân Thánh vương thành tựu báu bánh xe vàng như thế nào?

[119c] “Nếu Chuyển Luân Thánh vương hiện trong cõi đất Diêm-phù-đề; khi ấy, vua Quán đảnh thuộc dòng Sát-lị[158], vào ngày rằm trăng tròn, tắm gội bằng nước thơm, rồi lên điện cao, cùng với thể nữ hưởng thụ hoan lạc. Bảo vật là bánh xe trời bằng vàng[159] bỗng nhiên xuất hiện trước mặt. Bánh xe có nghìn căm, với màu sắc sáng chói, được làm bằng vàng trời, do thợ trời chế tạo, không phải người đời làm được. Đường kính bánh xe là bốn trượng. Khi nhìn thấy bánh xe, Chuyển Luân Thánh vương thầm nghĩ: Ta từng nghe từ các bậc tiên túc, kỳ cựu nói rằng: ‘Nếu vua Sát-lị Quán đảnh, vào ngày rằm lúc trăng đầy, tắm gội bằng nước thơm, lên ngồi trên Pháp điện, với thể nữ vây quanh. Bánh xe vàng tự nhiên xuất hiện trước mặt. Bánh xe có nghìn căm, với màu sắc sáng chói, được làm bằng vàng trời, do thợ trời chế tạo, không phải người đời làm được. Đường kính bánh xe là bốn trượng. Bấy giờ được gọi là Chuyển Luân Thánh vương.’ Nay bánh xe này xuất hiện, há không phải là điều ấy chăng? Ta nay hãy thử bảo vật là bánh xe này.

“Rồi Chuyển luân vương bèn triệu tập bốn binh chủng, hướng về bảo vật bánh xe vàng, bày vai phải, quỳ gối phải xuống đất, lấy tay phải sờ bánh xe vàng mà nói rằng: ‘Ngươi hãy nhắm hướng Đông, đúng như pháp mà chuyển, chớ có trái qui tắc thông thường’. Bánh xe liền chuyển về phương Đông. Khi ấy Chuyển luân vương liền dẫn bốn binh chủng đi theo sau. Phía trước bảo vật bánh xe vàng có bốn vị thần dẫn đường. Bánh xe ngừng chỗ nào, vua đình giá chỗ đó. Bấy giờ các Tiểu Quốc vương thấy Đại vương đến, lấy bát vàng đựng đầy thóc bạc; bát bạc đựng đầy thóc vàng; đi đến chỗ Đại vương, cúi đầu bạch rằng: ‘Lành thay, Đại vương! Nay, ở phương Đông này, đất đai phong phú, vui tươi, có nhiều trân bảo, nhân dân đông đúc, tâm chí nhân ái, hòa thuận, từ hiếu, trung thuận. Cúi nguyện Thánh vương hãy ở đây mà trị chính. Chúng tôi sẽ gần gũi hầu hạ, cung cấp những thứ cần dùng.’ Khi ấy, Chuyển luân vương nói với các Tiểu vương: ‘Thôi, thôi! Này Chư Hiền, các người như vậy là đã cúng dường ta rồi. Nhưng hãy theo đúng pháp mà cai trị giáo hóa, chớ để thiên lệch; không để quốc nội có hành vi phi pháp. Tự mình không sát sanh; khuyên bảo người khác không sát sanh, trộm cướp, tà dâm, hai lưỡi, ác khẩu, nói dối, ỷ ngữ, tham lam, tật đố, tà kiến. Đó gọi là sự cai trị của ta vậy.’

“Các Tiểu vương sau khi nghe lời dạy, liền đi theo Đại vương, tuần hành các nước. Cho đến tận cùng bờ biển[160] phía Đông.

“Sao đó, lần lượt đi về phương nam, phương Tây, phương Bắc. Bất cứ chỗ nào mà bánh xe lăn đến, các Quốc vương ở đó đều dâng hiến quốc thổ; cũng như các Tiểu vương ở phương Đông vậy.

“Tất cả đất đai có trong Diêm-phù-đề này, màu mỡ, phong phú, sản xuất nhiều trân bảo, những nơi có rừng, có nước trong sạch, bánh xe [120a] đều lăn khắp; ấn định biên giới, vẽ bản đồ[161], Đông Tây mười hai do-tuần, Nam Bắc mười do-tuần. Vào ban đêm, các thần ở trong đó xây dựng thành quách. Thành có bảy lớp, với bảy lớp lan can[162], bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, những trang hoàng chung quanh, đều được làm bằng bảy báu… cho đến, vô số các loài chim cùng họa nhau mà hót. Thành được xây xong, bánh xe vàng lại xuất hiện trong thành, qui định địa giới Đông Tây bốn do-tuần, Nam Bắc hai do-tuần. Vào ban đêm, các thần ở trong đó xây dựng cung điện. Tường cung có bảy lớp, được làm bằng bảy báu,… cho đến vô số các loài chim cùng họa nhau mà hót, như đã kể trên.

“Cung điện được dựng xong, khi ấy bảo vật bánh xe vàng trụ giữa hư không, ngay phía trước cung điện, hoàn toàn không chuyển động. Chuyển Luân vương phấn khởi nói: ‘Nay bảo vật bánh xe vàng này thật sự là điềm lành cho ta. Ta nay thật sự là Chuyển Luân Thánh vương.’

“Đó là sự thành tựu bánh xe vàng.

“Voi trắng được thành tựu[163] như thế nào? Chuyển Luân Thánh vương, vào buổi sáng sớm, ngồi trên chánh điện. Tự nhiên voi trắng bỗng xuất hiện trước mặt. Lông của nó thuần trắng, bảy chỗ bằng phẳng[164], có khả năng phi hành. Đầu của có nhiều màu; sáu ngà thon dài được cẩn bằng vàng ròng. Thấy thế vua liền nghĩ thầm: ‘Con voi này khôn. Nếu khéo huấn luyện, có thể cỡi.’ Bèn cho huấn luyện thử; đầy đủ các kỹ năng. Khi ấy, Chuyển luân vương muốn thử voi, bèn cỡi lên nó, vào buổi sáng sớm, xuất thành, đi quanh khắp bốn biển. Cho đến giờ ăn trưa thì trở về. Chuyển luân vương phấn khởi nói: ‘Bảo vật voi trắng này thật sự là một điềm lành cho ta. Ta nay thật sự là Chuyển Luân Thánh vương.’

“Đó là sự thành tựu báu voi.

“Thế nào là sự thành tựu ngựa xanh[165] của Chuyển Luân vương? Khi ấy, Chuyển Luân Thánh vương, vào buổi sáng sớm, ngồi tại chánh điện, Tự nhiên bảo vật là ngựa bỗng xuất hiện trước mặt. Màu nó xanh thẩm, bờm và đuôi đỏ.[166] Thấy thế, vua liền nghĩ thầm: ‘Con ngựa này khôn. Nếu khéo huấn luyện, có thể cỡi.’ Bèn cho huấn luyện thử; đầy đủ các kỹ năng. Khi ấy, Chuyển luân vương muốn thử ngựa, bèn cỡi lên nó, vào buổi sáng sớm, xuất thành, đi quanh khắp bốn biển. Cho đến giờ ăn trưa thì trở về. Chuyển Luân vương phấn khởi nói: ‘Bảo vật ngựa xanh này thật sự là một điềm lành cho ta. Ta nay thật sự là Chuyển Luân Thánh vương.’

“Đó là sự thành tựu ngựa xanh.

“Báu thần châu được thành tựu[167] như thế nào? Chuyển Luân Thánh vương, vào buổi sáng sớm, ngồi trên chánh điện. Tự nhiên thần châu bỗng xuất hiện trước mặt. Màu chất[168] trong suốt, không có Tỳ vết. Sau khi thấy, vua tự nghĩ: ‘Châu này thật tuyệt vời. Nếu có ánh sáng, nó có thể [120b] rọi cung nội.’ Rồi Chuyển Luân Thánh vương muốn thử hạt châu này, bèn triệu tập bốn binh chủng. Đặt bảo châu trên cây phướn cao. Trong lúc đêm tối, cầm cây phướn xuất thành. Ánh sáng của hạt châu này rọi đến một do-tuần. Những người ở trong thành đều thức dậy làm việc, cho rằng bây giờ là ban ngày. Chuyển Luân vương khi ấy phấn khởi nói: ‘Nay thần châu này thật sự là điềm lành cho ta. Ta nay thật sự là Chuyển Luân Thánh vương’.

“Đó là sự thành tựu báu thần châu.

“Báu Ngọc nữ được thành tựu[169] như thế nào? Khi ấy, báu Ngọc nữ bỗng nhiên xuất hiện, nhan sắc thung dung, diện mạo đoan chánh; không dài, không vắn; không thô, không nhỏ; không trắng, không đen; không cương, không nhu; mùa đông thì thân ấm, mùa hè thì thân mát. Từ các lỗ chân lông khắp mình phát ra mùi hương chiên-đàn; miệng phát ra mùi hương của hoa ưu-bát-la; nói năng dịu dàng; cử động khoan thai; đứng dậy trước (vua) nhưng ngồi xuống sau (vua), không mất nghi tắc. Chuyển Luân Thánh vương sau khi thấy, tâm không mê đắm, không chút mơ tưởng, huống hồ gần gũi. Chuyển luân vương sau khi thấy, phấn khởi mà nói: ‘Báu ngọc nữ này thật sự là điềm lành cho ta. Ta nay thật sự là Chuyển Luân Thánh vương.’

“Đó là sự thành tựu báu Ngọc nữ.

“Báu Cư sĩ được thành tựu[170] như thế nào? Khi ấy, người đàn ông cư sĩ[171] bỗng nhiên tự xuất hiện; kho báu tự nhiên, tài sản vô lượng. Cư sĩ do phước báu đời trước có cặp mắt có thể nhìn thấu suốt các hầm mỏ[172] dưới lòng đất; biết rõ hết thảy có chủ hay vô chủ. Kho nào có chủ, ông có thể giữ gìn hộ. Kho nào vô chủ, ông lấy lên cho vua tiêu dùng. Rồi thì, báu Cư sĩ đi đến tâu vua: ‘Đại vương, cần cung cấp thứ gì, xin đừng lo lắng. Tôi tự mình có thể giải quyết.’

“Khi ấy, Chuyển Luân Thánh vương muốn thử báu cư sĩ, bèn ra lệnh sửa soạn thuyền để du ngoạn thủy, bảo cư sĩ rằng: ‘Ta cần bảo vật vàng, ngươi hãy đưa nhanh đến cho.’ Báu Cư sĩ tâu rằng: ‘Đại vương đợi một chút; cần phải lên bờ đã.’ Vua lại hối thúc: ‘Ta nay đang cần dùng. Ngươi hãy mang đến liền cho ta.’ Khi báu Cư sĩ bị vua ra nghiêm lệnh, bèn quỳ mọp trên thuyền, dùng tay mặt thọc xuống nước. Khi ông rút tay lên thì một cái bình báu từ trong nước cũng lên theo. Giống như con sâu leo cây. Báu Cư sĩ kia cũng vậy. Khi rút bàn tay lên khỏi nước thì bình báu cũng lên theo, để đầy cả thuyền. Rồi ông tâu vua: ‘Vừa rồi Vua cần bảo vật để dùng. Mà cần bao nhiêu?’ Chuyển Luân Thánh vương khi ấy nói với Cư sĩ: ‘Thôi, thôi! Ta không cần dùng gì. Vừa rồi, ta chỉ muốn thử mà thôi. Ngươi nay như thế là đã cúng dường ta rồi.’ Cư sĩ nghe vua nói như vậy, liền đem bảo vật trả lại trong nước. Khi ấy, Chuyển Luân Thánh vương phấn khởi nói rằng: ‘Báu Cư sĩ này thật sự là [120c]điềm lành của ta. Ta nay thật sự là Chuyển Luân Thánh vương.’

“Đó là sự thành tựu báu Cư sĩ.

“Báu Chủ binh được thành tựu[173] như thế nào? Khi ấy, báu Chủ binh bỗng nhiên xuất hiện, đủ trí mưu, hùng mãnh, sách lược sáng suốt, quyết đoán; đi ngay đến chỗ vua, tâu rằng: ‘Đại vương, cần chinh phạt chỗ nào, xin đừng lo. Tôi có thể đảm trách.’ Rồi Chuyển Luân Thánh vương muốn thử báu Chủ binh, bèn tập hợp bốn binh chủng, bảo rằng: ‘Ngươi nay hãy điều binh. Chưa tập họp thì tập họp lại. Đã tập họp thì giải tán. Chưa nghiêm, hãy làm cho nghiêm. Đã nghiêm, hãy cởi mở. Chưa đi, hãy khiến đi. Đã đi, hãy khiến dừng.’ Báu Chủ binh nghe vua nói xong, bèn điều động bốn binh chủng, Chưa tập họp thì tập họp lại. Đã tập họp thì giải tán. Chưa nghiêm, làm cho nghiêm. Đã nghiêm, thì cởi mở. Chưa đi, thì khiến đi. Đã đi, thì khiến dừng. Khi ấy Chuyển Luân Thánh vương phấn khởi nói rằng: ‘Báu Chủ binh này thật sự là điềm lành của ta. Ta nay thật sự là Chuyển Luân Thánh vương.’

“Đó là sự thành tựu báu Chủ binh.

“Thế nào là bốn thần đức[174]? Một là không ai bì kịp về tuổi thọ, không yểu số. Hai, không ai bì kịp về thân thể cường tráng, không bịnh hoạn. Ba, không ai bì kịp về nhan mạo đoan chánh. Bốn, không ai bì kịp về sự giàu có, kho tàng châu báu đầy dẫy.

“Đó là Chuyển Luân Thánh vương thành tựu bảy báu và bốn thần đức.

“Vào một lúc, rất lâu về sau, Chuyển Luân Thánh vương ra lệnh ngự giá xuất du ở hậu viên, bèn bảo người đánh xe: ‘Ngươi hãy đánh xe đi cho khéo. Ta muốn quan sát rõ nhân dân trong quốc thổ có an lạc, không tai họa gì chăng.’

“Bấy giờ nhân dân trong nước đứng dọc các con đường, nói với người đánh xe rằng: ‘Ông cho xe đi chậm lại. Chúng tôi muốn nhìn ngắm rõ uy nhan của Thánh vương.’

“Chuyển Luân Thánh vương thương yêu chăm sóc nhân dân như cha yêu con. Quốc dân mến mộ vua cũng như con trông lên cha. Có những gì trân quý đều đem cống vua, tâu rằng: ‘Xin nguyện hạ cố thọ nhận, tùy ý sử dụng.’ Khi ấy vua trả lời: ‘Thôi đủ rồi, các người! Ta tự mình có đủ tài bảo. Các người hãy tự thọ dụng của mình.’

“Khi Chuyển Luân Thánh vương cai trị Diêm-phù-đề này, cõi đất ấy bằng phẳng, không có gai gốc, hầm hố, gò nỗng; cũng không có muỗi mòng, ruồi nhặng, ong, bò cạp, rắn rết, sâu độc, đá cát, sạn sỏi; tất cả lặn mất. Vàng, bạc, báu ngọc hiện lên mặt đất. Bốn mùa điều hòa, không nóng, không lạnh. Đất ấy mềm mại, không có bụi bẩn. Như đất được bôi dầu, sạch sẽ, trơn láng, không có bụi bẩn. Khi Chuyển Luân Thánh vương cai trị ở đời, cõi đất cũng như vậy. Từ đất tuôn ra các dòng suối, trong sạch, không bao giờ cạn, sanh loại cỏ mềm mại, mùa đông vẫn xanh tươi. Cây cối sầm uất, hoa trái xum xuê. Đất sanh [121a] cỏ mềm, màu như đuôi lông công, mùi hương hoa bà-sư[175], mềm mại như lụa trời. Khi đạp chân xuống đất; đất lõm xuống bốn tấc. Khi dở chân lên, đất trở lại như cũ, không có chỗ khuyết rỗng. Có loại lúa tẻ mọc tự nhiên[176], có không có vỏ trấu, đủ các mùi vị. Bấy giờ có cây hương, hoa trái xum xuê. Khi trái chín, trái tự nhiên nứt, tỏa ra mùi hương tự nhiên; hương thơm sực nức. Lại có cây vải, hoa trái xum xuê. Khi trái chín, vỏ nó tự nứt ra, cho ra các loại vải khác nhau. Lại có cây trang sức, hoa trái xum xuê. Khi trái chín, vỏ nó tự nứt ra, cho ra các đồ trang sức khác nhau. Lại có cây tràng hoa, hoa trái xum xuê. Khi trái chín, vỏ nó tự nứt ra, cho ra các loại tràng hoa khác nhau. Lại có cây dụng cụ, hoa trái xum xuê. Khi trái chín, vỏ nó tự nứt ra, cho ra các thứ dụng cụ khác nhau. Lại có cây nhạc cụ, hoa trái xum xuê. Khi trái chín, vỏ nó tự nứt ra, cho ra các loại nhạc cụ khác nhau.

“Khi Chuyển Luân Thánh vương cai trị ở đời, Long vương A-nậu-đạt, vào lúc giữa đêm và cuối đêm, nổi lên đám mây lớn dày đặc, giăng bủa khắp cả thế giới, trút xuống cơn mưa lớn. Như trong khoảng thời gian vắt sữa bò; mưa xuống thứ nước có tám vị, thấm ướt khắp nơi. Đất không đọng nước, cũng không bùn sình,[177] thấm nhuần, đẫm ướt, sanh trưởng các loại cỏ cây. Cũng như thợ hớt tóc, rưới nước tràng hoa, khiến hoa tươi thắm, không để héo úa. Những cơn mưa phải thời thấm nhuần cũng như vậy.

“Lại nữa, bấy giờ vào lúc giữa đêm và cuối đêm, bầu trời trong sáng, tịnh không chút mây, từ biển nổi cơn gió mát, trong sạch mát dịu, chạm đến thân thể khiến sanh khoan khoái.

“Khi Thánh vương cai trị, trong cõi Diêm-phù-đề này ngũ cốc dồi dào, nhân dân đông đúc, tài bảo phong phú, không thiếu thốn thứ gì.

“Đương thời, Chuyển Luân Thánh vương trị nước đúng theo pháp, không có dua vạy, tu mười hành vi thiện. Lúc bấy giờ, nhân dân cũng tu chánh kiến, đủ mười hành vi thiện.

“Một thời gian lâu, rất lâu về sau, vua nhuốm bịnh nặng mà mạng chung. Cũng như một người do sung sướng mà ăn hơi nhiều, thân thể có hơi không thích hợp[178], cho nên mạng chung, sanh lên cõi trời. Khi ấy, báu Ngọc nữ, báu Cư sĩ, báu Chủ binh, cùng nhân dân trong nước tấu các kỹ nhạc, làm lễ táng thân vua. Rồi báu Ngọc nữ, báu Cư sĩ, báu Chủ binh và sĩ dân trong nước, tắm gội thân thể vua bằng nước thơm, quấn quanh bằng năm trăm tấm lụa kiếp-bối; theo thứ lớp mà quấn. Rồi khiêng thi thể vua đặt vào quan tài bằng vàng, rưới lên dầu thơm, bọc bên ngoài cỗ quách bằng sắt; rồi lại dùng một cỗ quách bằng gỗ bao ngoài bằng lớp vải. [121b] Chất các củi thơm, phủ lên nhiều lớp vải. Sau đó thì hỏa táng.[179] Ở ngã tư đường dựng tháp bảy báu, dọc ngang một do-tuần, xen kẽ nhiều màu sắc được tạo thành bởi bảy báu. Ở bốn mặt tháp, mỗi mặt có một cửa, bao quanh bằng lan can được làm bằng bảy báu. Khoảng đất trống chung quanh bốn mặt tháp dọc ngang năm do-tuần. Có bảy lớp tường bao quanh vườn, với bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây. Tường bằng vàng, cửa bằng bạc; tường bằng bạc, cửa bằng vàng. Tường lưu ly, cửa thủy tinh; tường thủy tinh, cửa lưu ly. Tường xích châu, cửa mã não; tường mã não, cửa xích châu. Tường xa cừ, cửa bằng các loại báu.

“Về lan can, thanh ngang bằng vàng, thanh đứng bằng bạc; thanh đứng bằng bạc, thanh ngang bằng vàng. Thanh ngang thủy tinh, thanh đứng lưu ly; thanh đứng lưu ly, thanh ngang thủy tinh. Thanh ngang xích châu, thanh đứng mã não; thanh ngang mã não, thanh đứng xích châu. Thanh ngang bằng xa cừ, thanh đứng bằng các thứ báu khác.

“Dưới lớp lưới bằng vàng treo linh bằng bạc, lưới bạc treo linh vàng. Dưới lưới lưu ly treo linh thủy tinh, dưới lưới thủy tinh treo linh lưu ly. Dưới lưới xích châu treo linh mã não, dưới lưới mã não treo linh xích châu. Dưới lưới xa cừ treo linh bằng các thứ báu khác.

“Cây bằng vàng thì lá, hoa, trái bằng bạc. Cây bạc thì lá, hoa, trái vàng. Cây lưu ly, hoa lá thủy tinh; cây thủy tinh, hoa lá lưu ly. Cây xích châu, hoa lá mã não; cây mã não, hoa lá xích châu. Cây xa cừ, hoa lá bằng các thứ báu khác.

“Bốn vách tường của vườn lại có bốn cửa, bao quanh bằng lan can. Trên tường đều có lầu các, đài báu. Bốn mặt tường có các vườn cây, suối, hồ tắm, sinh nhiều loại hoa khác nhau; cây cối sầm uất, hoa trái xum xuê, các loại hương thơm sực nức. Nhiều giống chim lạ ca hót điệu buồn. Khi tháp được dựng xong, báu ngọc nữ, báu cư sĩ, báu điển binh, và sĩ dân cả nước đều đến cúng dường tháp này. Họ bố thí cho những người nghèo khốn, cần ăn thì cho ăn; cần mặc thì cho mặc. Voi, ngựa, xe cộ, các thứ cần dùng đều được chu cấp, tùy ý mà cho.

“Công đức oai thần của Chuyển Luân Thánh vương, sự tích là như vậy.”[180]

 

Phẩm 4: ĐỊA NGỤC

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Bên ngoài của bốn châu thiên hạ này, có tám nghìn thiên hạ bao quanh [121c] ngoài. Lại có biển lớn bao quanh tám nghìn thiên hạ. Kế đó có núi Đại Kim Cang[181] bao bọc biển lớn. Bên ngoài núi Đại Kim cang này lại có núi Đại Kim cang thứ hai. Giữa hai núi này là một cảnh giới mờ mịt, tối tăm; mặt trời, mặt trăng, các vị thần, trời dù có uy lực cũng không thể dùng ánh sáng soi chiếu đến đó được.

“Ở nơi này có tám địa ngục lớn[182], mỗi địa ngục lớn có mười sáu địa ngục nhỏ. Địa ngục lớn thứ nhất gọi là Tưởng[183]. Thứ hai là địa ngục Hắc thằng[184]. Thứ ba là địa ngục Đôi áp[185]. Thứ tư là địa ngục Khiếu hoán[186]. Thứ năm là địa ngục Đại khiếu hoán[187]. Thứ sáu là địa ngục Thiêu chích[188]. Thứ bảy là địa ngục Đại thiêu chích[189]. Thứ tám là địa ngục Vô gián[190].

“Trong địa ngục Tưởng có mười sáu ngục nhỏ[191]; mỗi địa ngục nhỏ ngang dọc năm trăm do-tuần. Ngục nhỏ thứ nhất là Hắc sa, hai là Phất thỉ, ba là Ngũ bách đinh, bốn là Cơ, năm là Khát, sáu là một Đồng phủ, bảy là Đa đồng phủ, tám là Thạch ma, chín là Nùng huyết, mười là Lượng hỏa, mười một là Hôi hà, mười hai là Thiết hoàn, mười ba là Cân phủ mười bốn là Sài lang, mười lăm là Kiếm thọ, mười sáu là Hàn băng.

“Vì sao gọi là địa ngục Tưởng?[192] Vì chúng sanh ở trong đó, trên tay của chúng mọc móng sắt; móng này vừa dài vừa bén. Chúng thù hận nhau, luôn có ý tưởng độc hại, dùng móng tay cào cấu lẫn nhau, chạm tay vào chỗ nào là chỗ đó thịt rớt xuống, tưởng là đã chết; có cơn gió lạnh thổi đến, da thịt sinh ra trở lại, giây lát chúng sống lại, đứng dậy, tự mình có ý tưởng rằng: ‘Ta nay đã sống lại.’ Chúng sanh khác nói: ‘Ta có ý tưởng ngươi đang sống.’ Vì sự tưởng này cho nên gọi là địa ngục Tưởng[193].

“Lại nữa, chúng sanh ở trong địa ngục Tưởng này, lúc nào cũng nghĩ đến sự độc hại, phá hại lẫn nhau. Tay chúng cầm một loại đao kiếm tự nhiên[194], vừa nhọn vừa bén, đâm chém lẫn nhau, lóc da xẻ thịt, bằm nát thân thể rớt xuống đất, và họ tưởng mình đã chết, nhưng bỗng một cơn gió lạnh thổi đến, da thịt sanh ra lại, làm cho họ sống lại đứng dậy, tự nghĩ và nói: ‘Ta nay đã sống lại.’ Chúng sanh khác nói: ‘Ta cũng nghĩ là ngươi đã sống lại.’ Vì lý do đó nên gọi là địa ngục Tưởng.

“Lại nữa, những chúng sanh ở trong địa ngục Tưởng đó, lúc nào cũng ôm trong lòng ý tưởng độc hại; chúng quấy phá lẫn nhau. Tay chúng cầm một loại đao kiếm tự nhiên, vừa nhọn vừa bén, đâm chém lẫn nhau, lóc da xẻ thịt, thân thể rã rời dưới đất, tưởng là đã chết, nhưng một cơn gió lạnh thổi đến, da thịt sanh ra lại, giây lát sống lại, đứng dậy, tự có ý tưởng rằng: ‘Ta nay đã sống lại.’ Chúng sanh khác nói: ‘Ta có ý tưởng ngươi đang sống.’ Vì lý do đó nên gọi là địa ngục Tưởng.

“Lại nữa, địa ngục Tưởng là nơi mà những chúng sanh lúc nào cũng ôm lòng độc hại, quấy phá lẫn nhau. Tay chúng cầm một loại đao kiếm, vừa nhọn vừa bén, đâm chém lẫn nhau, lóc da xẻ thịt, và tưởng là đã chết, nhưng bỗng một cơn gió lạnh thổi đến, da thịt sanh ra lại, giây lát sống lại đứng dậy, tự có ý tưởng rằng: ‘Ta nay đã sống lại.’ Chúng sanh khác nói: ‘Ta có ý tưởng ngươi đang sống.’ Vì lý do đó nên gọi là địa ngục Tưởng.

“Lại nữa, địa ngục Tưởng là nơi mà những chúng sanh lúc nào cũng ôm ý tưởng độc hại, quấy phá lẫn nhau. Tay chúng cầm một loại dao bóng dầu[195], vừa nhọn vừa bén, đâm chém lẫn nhau, lóc da xẻ thịt, tưởng là đã chết, nhưng bỗng một cơn gió lạnh thổi đến, [122a] da thịt sanh ra lại, giây lát sống lại, đứng dậy, tự có ý tưởng rằng: ‘Ta nay đã sống lại.’ Chúng sanh khác nói: ‘Ta có ý tưởng ngươi đang sống.’ Vì lý do đó nên gọi là địa ngục Tưởng.

“Lại nữa, địa ngục Tưởng là nơi mà những chúng sanh lúc nào cũng ôm ý tưởng độc hại, quấy phá lẫn nhau. Tay chúng cầm một loại dao nhỏ, vừa nhọn vừa bén, đâm chém lẫn nhau, lóc da xẻ thịt, tưởng là đã chết, nhưng bỗng một cơn gió lạnh thổi đến, da thịt sanh ra lại, giây lát sống lại, đứng dậy, tự mình có ý tưởng rằng: ‘Ta nay đã sống lại.’ Chúng sanh khác nói: ‘Ta có ý tưởng ngươi đang sống.’ Vì lý do đó nên gọi là địa ngục Tưởng.

“Những chúng sanh ở trong đó, sau khi chịu khổ lâu, ra khỏi địa ngục Tưởng, hoảng hốt chạy càn để tự cứu mình. Nhưng vì tội quá khứ lôi kéo, nên bất ngờ lại đến địa ngục Hắc sa.[196] Bấy giờ, có một cơn gió nóng dữ dội bốc lên, thổi cát đen nóng dính vào thân nó, khiến toàn thân đều đen, giống như đám mây đen. Cát nóng đốt da, hết thịt, vào tận xương. Sau đó, trong thân tội nhơn có một ngọn lửa đen bộc phát, đốt cháy quanh thân rồi vào bên trong, chịu các khổ não, bị thiêu nướng, cháy nám. Vì nhân duyên tội, nên chịu khổ báo này. Nhưng vì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhơn không chết được.

“Sau một thời gian, chịu khổ khá lâu ở trong đó, nó ra khỏi địa ngục Hắc sa, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình. Nhưng vì tội quá khứ lôi kéo, nên bất ngờ lại đến địa ngục Phất thỉ.[197] Trong địa ngục này có những hòn sắt là phân sôi tự nhiên đầy dẫy trước mặt, đuổi bức tội nhơn phải ôm hòn sắt nóng, đốt cháy thân và tay, đến đầu và mặt tội nhơn; không đâu là không bị đốt cháy; lại khiến cho tội nhơn bốc hòn sắt bỏ vào miệng, đốt cháy cả môi, lưỡi, từ yết hầu đến bụng, từ trên đến dưới đều bị cháy tiêu hết. Có một loài trùng mỏ sắt ăn da thịt, tận cả xương tủy, đau đớn nhức nhối, lo sợ vô cùng. Nhưng vì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhơn không chết được.

“Sau một thời gian, chịu khổ lâu ở trong địa ngục Phất thỉ, tội nhơn ra khỏi địa ngục này, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình, không ngờ lại đến địa ngục Thiết đinh[198]. Sau khi đã vào đó, ngục tốt đánh tội nhân cho té xuống, nằm mọp trên sắt nóng, căng thẳng thân thể nó ra, dùng đinh đóng tay, đóng chân, đóng vào tim. Toàn thân bị đóng hết thảy năm trăm cái đinh. Nó đau đớn nhức nhối, kêu la rên xiết. Nhưng vì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhơn không chết được.

“Sau một thời gian, chịu khổ lâu, tội nhơn ra khỏi địa ngục Thiết đinh, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình, không ngờ lại đến địa ngục Đói.[199] Ngục tốt đến hỏi: ‘Các người đến đây muốn điều gì?’ Tội nhơn đáp: ‘Tôi đói quá.’ Tức thì ngục tốt bắt tội nhơn quăng lên bàn sắt nóng, căng thân thể ra, dùng móc câu cạy miệng cho há ra, rồi lấy hòn sắt nóng bỏ vào trong miệng, đốt cháy môi lưỡi, từ [122b] cổ họng cho đến bụng, chạy tuốt xuống dưới, không chỗ nào không đốt cháy, đau rát nhức nhối, khóc la rên xiết. Nhưng vì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhơn không chết được.

“Sau một thời gian, chịu khổ lâu, tội nhơn ra khỏi địa ngục Đói, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình, không ngờ lại đến địa ngục Khát.[200] Ngục tốt liền hỏi: ‘Các ngươi đến đây, muốn cầu điều gì?’ Tội nhơn đáp: ‘Tôi khát quá.’ Ngục tốt liền bắt tội nhơn quăng lên bàn sắt nóng, căng thân thể ra rồi dùng móc câu cạy miệng tội nhơn ra, lấy nước đồng sôi rót vào trong miệng đốt cháy môi, lưỡi, từ cổ cho đến bụng, suốt từ trên xuống dưới, không chỗ nào không đốt cháy, đau rát nhức nhối, khóc la rên xiết. Nhưng vì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhơn không chết được.

“Sau một thời gian, chịu khổ lâu, tội nhơn ra khỏi địa ngục Khát, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình, không ngờ lại đến địa ngục một Đồng phúc[201]. Ngục tốt trợn mắt giận dữ, nắm chân tội nhơn ném vào trong vạc đồng, theo nước sôi sùng sục, trồi lên hụp xuống, từ đáy đến miệng, rồi từ miệng cho đến đáy, hoặc ở giữa vạc, cả thân thể bị nấu nhừ. Cũng như nấu đậu, hạt đậu tùy theo nước sôi, trào lên lộn xuống, các hạt đậu cả trong ngoài đều được nấu nhừ. Tội nhơn trồi lên sụp xuống trong vạc dầu sôi cũng như vậy. Kêu gào bi thảm, hàng vạn độc hại cùng đến; nhưng vì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhơn không chết được.

“Sau một thời gian, chịu khổ lâu, tội nhơn ra khỏi địa ngục một Đồng phúc, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình, nhưng bị tội đời trước lôi kéo, bất ngờ lại rơi vào địa ngục Đa đồng phúc. Địa ngục này ngang dọc năm trăm do-tuần. Ngục tốt trợn mắt giận dữ, nắm chân tội nhơn ném vào trong vạc đồng, theo nước sôi sùng sục, trồi lên hụp xuống, từ đáy đến miệng, rồi từ miệng cho đến đáy, hoặc ở giữa vạc, cả thân thể bị nấu nhừ. Cũng như nấu đậu, hạt đậu tùy theo nước sôi, trào lên lộn xuống, các hạt đậu cả trong ngoài đều được nấu nhừ. Tội nhơn trồi lên sụp xuống trong vạc dầu sôi cũng như vậy, tùy theo nước sôi mà trồi lên sụp xuống, từ miệng vạc cho đến đáy vạc, rồi từ đáy cho đến miệng, hoặc tay chân nổi lên, hoặc lưng bụng nổi lên, hoặc đầu mặt nổi lên. Ngục tốt dùng lưỡi câu móc để trong vạc đồng khác. Nó kêu khóc thảm thiết, đau đớn nhức nhối. Nhưng vì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhơn không chết được.

“Sau một thời gian, chịu khổ lâu, tội nhơn ra khỏi địa ngục Đa đồng phúc, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình, nhưng bị tội đời trước lôi kéo, không ngờ lại rơi vào địa ngục Thạch ma.[202] Địa ngục này ngang dọc năm trăm do-tuần. Ngục tốt thịnh nộ, bắt tội nhơn quăng lên tảng đá nóng, căng tay chân ra, dùng đá tảng nóng lớn đè trên thân tội nhơn, mài tới mài lui làm cho xương nát vụn, máu [122c] mủ chảy ra, đau đớn nhức nhối, khóc la thảm thiết. Nhưng vì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhơn không chết được.

“Sau một thời gian, chịu khổ lâu, tội nhơn ra khỏi địa ngục Thạch ma, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình, nhưng bị tội đời trước lôi kéo, không ngờ lại rơi vào địa ngục Nùng huyết.[203] Địa ngục này ngang dọc năm trăm do-tuần. Trong địa ngục này tự nhiên có máu mủ nóng sôi sục trào vọt. Tội nhơn ở trong đó chạy Đông, chạy Tây, bị máu mủ sôi nóng luộc chín toàn thân, đầu, mặt, tay, chân, tất cả đều nát nhừ. Tội nhơn còn phải ăn máu mủ nóng, miệng, môi đều bị bỏng, từ cổ cho đến bụng, suốt trên xuống dưới không chỗ nào không nát nhừ, đau đớn nhức nhối, không thể chịu nổi. Nhưng vì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhơn không chết được.

“Sau một thời gian, chịu khổ lâu, tội nhơn ra khỏi địa ngục Nùng huyết, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình, nhưng bị tội đời trước lôi kéo, không ngờ lại rơi vào địa ngục Lượng hỏa.[204] Địa ngục này ngang dọc năm trăm do-tuần. Trong địa ngục này có một đống lửa lớn, tự nhiên xuất hiện trước mặt, lửa cháy hừng hực. Ngục tốt hung dữ, bắt tội nhơn tay cầm cái đấu bằng sắt, để đong đống lửa ấy. Khi họ đong lửa, thì lửa đốt cháy tay chân và cả toàn thân, họ đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhơn không chết được.

“Sau một thời gian, chịu khổ lâu, tội nhơn ra khỏi địa ngục Lượng hỏa, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình, nhưng bị tội đời trước lôi kéo, không ngờ lại rơi vào địa ngục Hôi hà.[205] Địa ngục này ngang dọc năm trăm do-tuần, sâu năm trăm do-tuần. Tro sôi sùng sục, độc khí xông lên phừng phực, các dòng xoáy vỗ nhau, âm vang thật đáng sợ, từ đáy lên bên trên có gai sắt dọc ngang với mũi nhọn dài tám tấc. Bên bờ sông lại có một loại dao kiếm dài, có cả ngục tốt, sài lang. Hai bên bờ sông mọc những đao kiếm dài, nhánh, lá, hoa, trái đều là đao kiếm, vừa nhọn vừa bén, cỡ tám tấc, đứng bên là những ngục tốt, sài lang. Trên bờ sông có rừng mà cây là gươm với cành, lá, hoa, trái đều là đao kiếm, mũi nhọn tám tấc. Tội nhơn vào trong sông, tùy theo lượn sóng lên xuống, mà trồi lên hụp xuống. Toàn thân đều bị gai sắt đâm thủng từ trong ra ngoài, da thịt nát bét, máu mủ dầm dề, đau đớn muôn chiều, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhơn không chết được.

“Sau một thời gian chịu khổ lâu, tội nhơn ra khỏi địa ngục Hôi hà, lên được trên bờ, nhưng ở trên bờ lại có nhiều gươm dáo sắc bén đâm thủng toàn thân, tay chân bị thương tổn. Bấy giờ quỷ sứ hỏi tội nhơn: ‘Các ngươi đến đây muốn cầu điều chi? Tội nhơn đáp: ‘Chúng tôi đói quá.’ Ngục tốt liền bắt tội nhơn quăng lên sắt nóng, căng thân thể ra rồi dùng móc câu cạy miệng tội nhơn ra, lấy nước đồng sôi rót vào, cháy bỏng môi, lưỡi, từ cổ đến bụng, suốt [123a] trên xuống dưới, không chỗ nào không rục. Lại có loài lang sói răng nanh vừa dài vừa bén đến cắn tội nhơn, ăn thịt khi tội nhơn đang sống. Rồi thì, tội nhơn bị sông tro đun nấu, bị gai nhọn đâm thủng, bị rót nước đồng sôi vào miệng, và bị sài lang ăn thịt xong, thì lại leo lên rừng kiếm; khi leo lên rừng kiếm thì bị đao kiếm chỉa xuống; khi tuột xuống rừng kiếm thì bị đao kiếm chỉa lên, khi tay nắm thì cụt tay, chân dẫm lên thì cụt chân; mũi nhọn đâm thủng toàn thân từ trong ra ngoài, da thịt rơi xuống, máu mủ đầm đìa, chỉ còn xương trắng, gân cốt liên kết với nhau. Bấy giờ, trên cây kiếm có một loại quạ mỏ sắt đến mổ nát đầu và xương để ăn não của tội nhơn. Nó đau đớn nhức nhối kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhơn không chết được, lại bị trở lại địa ngục Hôi hà. Tội nhơn này theo lượn sóng lên xuống, mà trồi lên sụp xuống, gươm dáo đâm thủng toàn thân trong ngoài, da thịt tan nát, máu mủ đầm đìa, chỉ còn xương trắng trôi nổi bên ngoài. Bấy giờ, có một cơn gió lạnh thổi đến làm cho da thịt phục hồi, giây lát nó đứng dậy đi, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình, nhưng vì tội quá khứ lôi kéo, tội nhơn lại không ngờ sa vào địa ngục Thiết hoàn.[206] Địa ngục này ngang dọc năm trăm do-tuần. Khi tội nhơn vào đây, thì tự nhiên có những hòn sắt nóng hiện ra trước mặt. Ngục quỷ cưỡng bức tội nhân nắm bắt, tay chân rã rời, toàn thân lửa đốt, đau đớn kêu la thảm, muôn vàn khổ độc dồn đến chết. Nhưng vì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhơn không chết được.

“Sau một thời gian chịu khổ lâu, tội nhơn ra khỏi địa ngục Thiết hoàn, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình; nhưng vì bị tội quá khứ lôi kéo, tội nhơn bất ngờ lại sa vào địa ngục Cân phủ.[207] Địa ngục này ngang dọc năm trăm do-tuần. Khi tội nhơn vào địa ngục này, ngục tốt hung dữä, bắt tội nhơn để trên bàn sắt nóng, dùng búa rìu bằng sắt nóng chặt thân thể, tay, chân, cắt tai, xẻo mũi, làm cho đau đớn nhức nhối, kêu la thảm thiết; nhưng vì tội chưa hết, nên họ không chết được.

“Sau một thời gian chịu khổ lâu, tội nhơn ra khỏi địa ngục Cân phủ, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình; nhưng vì bị tội quá khứ lôi kéo, tội nhơn không ngờ lại sa vào địa ngục Sài lang.[208] Địa ngục này ngang dọc năm trăm do-tuần. Khi tội nhơn vào địa ngục này, thì có bầy lang sói tranh nhau cắn xé tội nhơn, làm cho da thịt nhầy nhụa, xương gãy, thịt rơi, máu chảy đầm đìa, làm đau đớn muôn vàn, kêu la thảm thiết; nhưng vì tội cũ chưa hết, nên họ không chết được.

“Sau một thời gian chịu khổ lâu, tội nhơn ra khỏi địa ngục Sài lang, hoảng hốt chạy càn, mong cầu cứu hộ; nhưng vì bị tội quá khứ lôi kéo, tội nhơn bất ngờ lại sa vào địa ngục Kiếm thọ.[209] Địa ngục này ngang dọc năm trăm do-tuần. Khi tội nhơn vào địa ngục này, thì có một cơn gió mãnh liệt [123b] nổi lên, thổi lá cây bằng gươm dao rớt trên thân thể tội nhơn, hễ chạm vào tay thì cụt tay, dính vào chân thì cụt chân, thân thể, đầu mặt không đâu là không bị thương hoại. Có một loại quạ mỏ sắt, đứng trên đầu mổ đôi mắt tội nhơn, làm cho đau đớn muôn vàn, kêu la thảm thiết; nhưng vì tội cũ chưa hết, nên không chết được.

“Sau một thời gian chịu khổ lâu, tội nhơn ra khỏi địa ngục Kiếm thọ, hoảng hốt chạy càn, mong cầu cứu hộ; nhưng vì bị tội quá khứ lôi kéo, tội nhơn bất ngờ lại sa vào địa ngục Hàn băng.[210] Địa ngục này ngang dọc năm trăm do-tuần. Khi tội nhơn vào địa ngục này, thì có một cơn gió lạnh buốt, thổi đến làm cho thân thể bị lạnh cóng, máu huyết đông đặc, da thịt nứt nẻ, rớt ra từng mảnh, làm họ đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Sau đó thì mạng chung.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Địa ngục lớn Hắc thằng[211] có mười sáu địa ngục nhỏ bao bọc chung quanh, mỗi địa ngục ngang dọc năm trăm do-tuần. Vì sao gọi là địa ngục Hắc thằng? Vì ở đó các ngục tốt bắt tội nhơn quăng lên bàn sắt nóng, căng thân hình ra rồi dùng sợi dây sắt kéo ra cho thẳng, rồi dùng búa bằng sắt nóng xẻ theo đường sợi dây, xẻ tội nhơn kia thành trăm nghìn đoạn. Giống như thợ mộc dùng dây kẻ vào cây rồi dùng búa bén theo đường mực mà bổ ra thành trăm nghìn đoạn, thì cách hành hạ tội nhơn ở đây cũng như vậy, đau đớn vô cùng, không thể diễn tả hết được. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhơn không thể chết được. Vì thế nên gọi là địa ngục Hắc thằng.

“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục Hắc thằng bắt tội nhơn quăng lên bàn sắt nóng, căng thân hình ra, dùng dây sắt nóng kéo ra cho thẳng, dùng cưa để cưa tội nhơn. Giống như người thợ mộc dùng dây mực kẻ trên thân cây, rồi dùng cưa để cưa cây, thì cách hành hạ tội nhơn ở đây cũng như vậy, đau đớn vô cùng, không thể diễn tả hết được. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhơn không thể chết được. Vì thế gọi là địa ngục Hắc thằng.

“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục Hắc thằng bắt tội nhơn quăng lên bàn sắt nóng, căng thân thể ra, dùng dây sắt nóng để trên thân tội nhơn, làm cho da thịt bị thiêu đốt, tiêu xương chảy tủy đau đớn vô cùng, không thể diễn tả hết được. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhơn không thể chết được. Vì thế gọi là địa ngục Hắc thằng.

“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục Hắc thằng dùng vô số dây sắt nóng treo ngang, rồi bắt tội nhơn đi giữa những sợi dây này, lúc đó lại có cơn gió lốc nổi lên, thổi những sợi dây sắt nóng quấn vào thân, đốt cháy da thịt, tiêu xương chảy tủy đau đớn vô cùng, không thể diễn tả hết được. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhơn không thể chết được. Vì thế gọi là địa ngục Hắc thằng.

“Lại nữa, ngục tốt ở trong địa ngục Hắc thằng buộc tội nhơn mặc áo bằng dây sắt nóng, [123c] đốt cháy da thịt, tiêu xương chảy tủy đau đớn vô cùng, không thể diễn tả hết được. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhơn không thể chết được. Vì thế gọi là địa ngục Hắc thằng.

“Sau thời gian chịu khổ lâu, tội nhơn ra khỏi địa ngục Hắc thằng, hoảng hốt chạy càn, mong cầu cứu hộ; nhưng vì bị tội quá khứ lôi kéo, tội nhơn bất ngờ lại sa vào địa ngục Hắc sa… cho đến địa ngục Hàn băng. Sau đó thì tội nhơn mạng chung.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Địa ngục lớn Đôi áp[212] có mười sáu địa ngục nhỏ bao bọc chung quanh; mỗi ngục nhỏ ngang dọc năm trăm do-tuần. Vì sao gọi là địa ngục Đôi áp? Vì trong ngục đó có núi đá lớn, từng cặp đối nhau. Khi tội nhơn vào giữa thì hai hòn núi tự nhiên khép lại, ép thân thể tội nhơn, xương thịt nát vụn, xong rồi trở lại vị trí cũ, giống như hai thanh củi cọ vào nhau, khi cọ xong dang ra, thì cách trị tội nhơn của địa ngục này cũng như vậy, đau đớn vô cùng, không thể diễn tả hết được. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhơn không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Đôi áp.

“Lại nữa, ở địa ngục Đôi áp, có voi sắt lớn, toàn thân bốc lửa, vừa kêu rống, vừa chạy đến dày xéo thân thể tội nhơn, dẫm đi dẫm lại, làm cho thân thể bị nghiền nát, máu mủ tuôn chảy, đau đớn muôn vàn, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhơn không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Đôi áp.

“Lại nữa, các ngục tốt ở địa ngục Đôi áp, bắt tội nhơn đặt lên bàn đá mài, rồi lấy đá mài mà mài, làm cho xương thịt vụn nát, máu mủ chảy dầm dề, đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhơn không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Đôi áp.

“Lại nữa, các ngục tốt ở địa ngục Đôi áp, bắt tội nhơn nằm trên tảng đá lớn, rồi lấy một tảng đá khác đè lên, làm cho xương thịt vụn nát, máu mủ chảy đầm đìa, đau đớn nhức nhối, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhơn không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Đôi áp.

“Lại nữa, các ngục tốt ở địa ngục Đôi áp, bắt tội nhơn nằm trong các cối sắt, rồi dùng chày sắt để giã tội nhơn, từ đầu đến chân, làm cho xương thịt vụn nát, máu mủ chảy đầm đìa, đau đớn nhức nhối, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhơn không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Đôi áp.

“Sau thời gian chịu khổ lâu, tội nhơn ra khỏi địa ngục Đôi áp, hoảng hốt chạy càn, mong cầu cứu hộ; nhưng vì bị tội quá khứ lôi kéo, tội nhơn bất ngờ lại sa vào địa ngục Hắc sa… cho đến địa ngục Hàn băng, rồi sau đó thì tội nhơn mạng chung.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Địa ngục lớn Khiếu hoán[213] có mười sáu địa ngục nhỏ bao [124a] quanh; mỗi ngục nhỏ ngang dọc năm trăm do-tuần. Vì sao gọi là địa ngục Khiếu hoán? Vì các ngục tốt trong ngục này bắt tội nhơn bỏ vào trong vạc lớn, với nước nóng sôi sục, nấu nhừ tội nhơn, khiến chúng kêu la gào thét, đau đớn nhức nhối, muôn vàn độc hại. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhơn không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Khiếu hoán.

“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục Khiếu hoán bắt tội nhơn bỏ vào trong vò sắt lớn, dùng nước nóng sôi sục, nấu nhừ tội nhơn, khiến chúng đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhơn không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Khiếu hoán.

“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục Khiếu hoán bắt tội nhơn bỏ vào trong nồi sắt lớn, dùng nước nóng sôi sục, nấu nhừ tội nhơn, khiến họ đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhơn không thể chết được. Vì thế nên gọi là địa ngục Khiếu hoán.

“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục Khiếu hoán bắt tội nhơn ném vào trong nồi nhỏ, dùng nước nóng sôi sục, nấu nhừ tội nhơn, khiến chúng đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhơn không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Khiếu hoán.

“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục Khiếu hoán bắt tội nhơn bỏ lên trên cái nồi hầm, hầm đi hầm lại, khiến cho kêu gào, la thét, đau đớn vô cùng. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhơn không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Khiếu hoán.

“Sau thời gian chịu khổ lâu, tội nhơn ra khỏi địa ngục này, hoảng hốt chạy càn, mong cầu cứu hộ; nhưng vì bị tội quá khứ lôi kéo, tội nhơn không ngờ lại sa vào địa ngục Hắc sa … cho đến địa ngục Hàn băng, và sau đó thì tội nhơn mạng chung.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Địa ngục Đại khiếu hoán[214] lớn có mười sáu địa ngục nhỏ bao quanh; mỗi ngục nhỏ ngang dọc năm trăm do-tuần. Vì sao gọi là địa ngục Đại khiếu hoán? Vì các ngục tốt trong ngục này bắt tội nhơn bỏ vào trong nồi sắt lớn, dùng nước nóng sôi sục, nấu nhừ tội nhơn, khiến chúng kêu la gào thét, khóc lóc thảm thiết, đau đớn vô cùng. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhơn không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Đại khiếu hoán.

“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục Đại khiếu hoán bắt tội nhơn bỏ vào trong vò sắt lớn, dùng nước sôi sùng sục, nấu nhừ tội nhơn, khiến họ đau đớn vô cùng. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhơn không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Đại khiếu hoán

“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục Đại khiếu hoán bắt tội nhơn bỏ vào trong vạc sắt, dùng nước sôi sùng sục, nấu nhừ tội nhơn, khiến chúng đau đớn vô cùng. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhơn không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Đại khiếu hoán.

“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục Đại khiếu hoán bắt tội nhơn bỏ vào trong nồi nhỏ, dùng nước sôi sùng sục, nấu nhừ tội nhơn, khiến chúng đau đớn vô cùng. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhơn không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục  [124b] Đại khiếu hoán.

“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục Đại khiếu hoán, bắt tội nhơn ném lên trên chảo lớn, rồi trở qua trở lại tội nhơn, khiến kêu la gào thét, kêu la lớn, đau đớn vô cùng. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhơn không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Đại khiếu hoán.

“Sau thời gian chịu khổ lâu, tội nhơn ra khỏi địa ngục này, hoảng hốt chạy càn, mong cầu cứu hộ; nhưng vì bị tội quá khứ lôi kéo, tội nhơn bất ngờ lại sa vào địa ngục Hắc sa… cho đến địa ngục Hàn băng, rồi sau đó thì tội nhơn mạng chung.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Địa ngục lớn Thiêu chích,[215] có mười sáu địa ngục nhỏ bao bọc chung quanh. Vì sao gọi là địa ngục lớn Thiêu chích? Vì các ngục tốt trong địa ngục đó bắt tội nhơn vào trong thành sắt. Thành này bốc cháy, cả trong lẫn ngoài đều đỏ rực, thiêu nướng tội nhơn, da thịt tiêu tan, đau đớn vô cùng kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhơn không thể chết được. Vì vậy gọi là địa ngục Thiêu chích.

“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục này, bắt tội nhơn bỏ vào trong nhà sắt, rồi cho nhà này bốc cháy, trong ngoài đều đỏ rực, thiêu nướng tội nhơn, da thịt tiêu tan, đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhơn không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Thiêu chích.

“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục này, bắt tội nhơn bỏ vào trên lầu sắt, rồi cho lầu bốc cháy, trong ngoài đỏ rực, thiêu nướng tội nhơn, da thịt tiêu tan, đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhơn không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Thiêu chích.

“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục này, bắt tội nhơn bỏ vào trong lò gốm sắt lớn, rồi cho lò này cháy, trong ngoài đỏ rực, thiêu nướng tội nhơn, da thịt tiêu tan, đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhơn không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Thiêu chích.

“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục này, bắt tội nhơn bỏ vào trong nồi hầm lớn, rồi cho nồi này bốc cháy, trong ngoài đều đỏ rực, thiêu nướng tội nhơn, da thịt tiêu tan, đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhơn không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Thiêu chích.

“Sau thời gian chịu khổ lâu, tội nhơn ra khỏi địa ngục này, hoảng hốt chạy càn, mong cầu cứu hộ; nhưng vì bị tội quá khứ lôi kéo, tội nhơn [124c] bất ngờ lại sa vào địa ngục Hắc sa… cho đến địa ngục Hàn băng, và sau đó thì tội nhơn mạng chung.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Địa ngục Đại thiêu chích có mười sáu địa ngục nhỏ bao bọc chung quanh; mỗi ngục nhỏ ngang dọc năm trăm do-tuần. Vì sao gọi là địa ngục Đại thiêu chích? Vì các ngục tốt trong địa ngục này, bắt tội nhơn vào trong thành sắt, rồi cho thành này bốc cháy, cả trong lẫn ngoài đều đỏ rực, thiêu nướng tội nhơn, thiêu nướng nhiều lần, da thịt tiêu tan, đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhơn không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Đại thiêu chích.

“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục này, bắt tội nhơn bỏ vào trong nhà sắt, rồi cho nhà này bốc cháy, trong ngoài đều đỏ rực, thiêu nướng tội nhơn, thiêu nướng nhiều lần, da thịt tiêu tan, khiến họ đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhơn không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Thiêu nướng lớn.

“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục này, bắt tội nhơn bỏ vào trên lầu sắt, rồi cho lầu bốc cháy, trong ngoài đỏ rực, thiêu nướng tội nhơn, thiêu nướng nhiều lần, da thịt tiêu tan, đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhơn không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Đại thiêu chích.

“Lại nữa, ngục tốt ở địa ngục này, bắt tội nhơn bỏ vào trong lò gốm sắt lớn, rồi cho lò này bốc cháy, trong ngoài đều đỏ rực, thiêu nướng tội nhơn, thiêu nướng nhiều lần, da thịt tiêu tan, đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhơn không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Đại thiêu chích.

“Lại nữa, ở địa ngục này, thiêu nướng nhiều lần, tự nhiên có hầm lửa lớn, lửa cháy phừng phừng, hai bên bờ hầm có núi lửa lớn. Các ngục tốt ở đây bắt tội nhơn ghim vào trên chỉa sắt, rồi dựng đứng trong lửa đỏ, làm cho thân thể bị thiêu nướng, thiêu nướng nhiều lần, da thịt tiêu tan, đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhơn không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Đại thiêu chích.

“Sau thời gian chịu khổ lâu, tội nhơn ra khỏi địa ngục này, hoảng hốt chạy càn, mong cầu cứu hộ; nhưng vì bị tội quá khứ lôi kéo, tội nhơn bất ngờ lại sa vào địa ngục Hắc sa… cho đến địa ngục Hàn băng, và sau đó thì tội nhơn mạng chung.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Địa ngục lớn Vô gián,[216] có mười sáu địa ngục nhỏ bao bọc chung quanh, mỗi địa ngục ngang dọc năm trăm do-tuần. Vì sao gọi là địa ngục lớn Vô gián? Vì [125a] các ngục tốt trong địa ngục này, bắt tội nhơn lột da từ đầu đến chân, rồi dùng da ấy cột thân tội nhơn vào bánh xe lửa, rồi cho xe lửa chạy đi chạy lại trên nền sắt nóng, làm cho thân thể nát tan, da thịt rời ra từng mảnh, khiến đau đớn vô cùng kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhơn không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Vô gián.

“Lại nữa, ở địa ngục này, có thành sắt lớn[217], bốn mặt thành lửa cháy dữ dội, ngọn lửa từ Đông lan sang Tây, ngọn lửa từ Tây lan sang Đông, ngọn lửa từ Nam lan đến Bắc, ngọn lửa từ Bắc lan đến Nam, ngọn lửa từ trên lan xuống dưới, ngọn lửa từ dưới lan lên trên, lửa cháy vòng quanh, không có một chỗ nào trống. Tội nhơn ở trong đây cứ chạy Đông chạy Tây, toàn thân bị thiêu nướng, da thịt cháy nám, đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhơn không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Vô gián.

“Lại nữa, ở địa ngục Vô gián này có thành bằng sắt, lửa cháy hừng hực, tội nhơn bị lửa đốt thân, da thịt tiêu tan, đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhơn không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Vô gián.

“Lại nữa, tội nhơn ở địa ngục Vô gián này, sau thời gian chịu khổ lâu thì cửa mở, tội nhơn liền chạy về hướng cửa mở, trong khi chạy thì các bộ phận của thân đều bốc lửa, cũng như chàng lực sĩ tay cầm bó đuốc lớn bằng cỏ, chạy ngược gió, lửa ấy cháy phừng phực, khi tội nhơn chạy lửa cũng bộc phát như vậy. Khi chạy đến gần cửa, tự nhiên cửa khép lại. Tội nhơn bò càng, nằm phục trên nền sắt nóng, toàn thân bị thiêu nướng, da thịt tiêu tan, đau đớn vô cùng, như muôn thứ độc cùng kéo đến một lúc. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhơn không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Vô gián.

“Lại nữa, tội nhơn ở địa ngục Vô gián này, những gì mà mắt thấy, chỉ thấy toàn là màu ác; những gì tai nghe, toàn là âm thinh ác; những gì mũi ngửi, toàn là mùi thối ác; những gì thân xúc chạm, toàn là những sự đau đớn; những gì ý nhớ, chỉ nghĩ điều ác. Lại nữa, tội nhơn ở nơi đây, trong khoảnh khắc búng tay, không có một giây phút nào là không khổ. Vì vậy nên gọi là địa ngục Vô gián.

“Sau thời gian chịu khổ lâu, tội nhơn ra khỏi địa ngục này, hoảng hốt chạy càn, mong cầu cứu hộ; nhưng vì bị tội quá khứ lôi kéo, tội nhơn bất ngờ lại sa vào địa ngục Hắc sa… cho đến địa ngục Hàn băng lạnh, và sau đó thì tội nhơn mạng chung.”

Bấy giờ đức Thế Tôn liền nói bài kệ:

Thân làm nghiệp bất thiện,

Miệng, ý cũng bất thiện,

[125b] Đều vào địa ngục Tưởng,

Sợ hãi, lông dựng đứng.

Ý ác đối cha mẹ,

Phật, và hàng Thinh văn,

Thì vào ngục Hắc thằng,

Khổ đau không thể tả.

Chỉ tạo ba nghiệp ác,

Không tu ba hạnh lành,

Thì vào ngục Đôi áp,

Khổ đau nào tả được.

Ôm lòng sân độc hại,

Sát sanh máu nhơ tay,

Tạo linh tinh hạnh ác,

Vào địa ngục Khiếu hoán.

Thường tạo những tà kiến,

Bị lưới ái phủ kín;

Tạo hạnh thấp hèn này,

Vào ngục Đại khiếu hoán.

Thường làm việc thiêu nướng,

Thiêu nướng các chúng sanh;

Sẽ vào ngục Thiêu chích,

Bị thiêu nướng luôn luôn.

Từ bỏ nghiệp thiện quả,

Quả thiện, đạo thanh tịnh;

Làm các hạnh tệ ác,

Vào ngục Đại thiêu chích.

Tạo tác tội cực nặng,

Tất sinh nghiệp đường ác;

Vào địa ngục Vô gián,

Chịu tội không thể tả.

Ngục Tưởng và Hắc thằng,

Đôi áp, hai Khiếu hoán;

Thiêu chích Đại thiêu chích,

Vô gián là thứ tám.

Tám địa ngục lớn này,

Hoàn toàn rực màu lửa;

Tai họa do ác xưa,

Có mười sáu ngục nhỏ.

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Giữa hai ngọn núi Đại Kim cang kia có cơn gió lớn trỗi lên, tên là Tăng-khư[218]. Nếu như ngọn gió này thổi đến bốn châu thiên hạ, và tám mươi nghìn thiên hạ khác, thì gió sẽ thổi đại địa này và các danh sơn cùng chúa Tu-di bay khỏi mặt đất từ mười dặm cho đến trăm dặm, tung lên bay liệng giữa trời; tất cả thảy đều vỡ vụn. Giống như tráng sĩ tay nắm một nắm trấu nhẹ tung lên giữa hư không. Dưới ngọn gió lớn kia, giả sử thổi vào thiên hạ này, cũng giống như vậy. Vì có hai ngọn núi Đại Kim cang ngăn chận ngọn gió ấy, nên gió không đến được. Này Tỳ-kheo, nên biết, hai ngọn núi Đại Kim cang này có rất nhiều lợi ích, và cũng do nghiệp báo của chúng sanh chiêu cảm nên.

“Lại nữa, gió ở khoảng giữa hai núi này nóng hừng hực; nếu như gió này thổi đến bốn châu thiên hạ, thì những chúng sanh trong đó, và những núi non, biển cả, sông ngòi, cây cối, rừng rậm đều sẽ bị [125c] cháy khô. Cũng như giữa cơn nắng mùa hè, cắt một nắm cỏ non để ngay dưới mặt trời, cỏ liền khô héo, thì ngọn gió kia cũng như vậy; nếu ngọn gió đó thổi đến thế giới này, thì sức nóng đó sẽ tiêu rụi tất cả. Vì có hai ngọn núi Kim cang này ngăn chận được ngọn gió đó, nên không thể đến đây được. Các Tỳ-kheo, nên biết, ngọn núi Kim cang này có rất nhiều lợi ích, và cũng do nghiệp báo của chúng sanh chiêu cảm nên vậy.

“Lại nữa, gió giữa hai núi này hôi thối, bất tịnh, tanh tưởi nồng nặc; nếu như ngọn gió này thổi đến bốn châu thiên hạ này, thì sẽ xông lên làm cho chúng sanh bị mù lòa. Nhưng vì có hai núi Đại Kim cang này ngăn chận nên ngọn gió ấy không thể đến được. Tỳ-kheo, nên biết, núi Kim cang này có rất nhiều lợi ích, và cũng do nghiệp báo của chúng sanh chiêu cảm nên vậy.

“Lại nữa, giữa hai núi này lại có mười địa ngục[219] : một là Hậu vân, hai là Vô vân, ba là Ha ha, bốn là Nại hà, năm là Dương minh, sáu là Tu-càn-đề, bảy là Ưu-bát-la, tám là Câu-vật-đầu, chín là Phân-đà-lợi, mười là Bát-đầu-ma. Vì sao gọi là địa ngục Hậu vân[220]? Vì tội nhơn trong ngục này tự nhiên sinh ra thân thể như đám mây dày, cho nên gọi là Hậu vân. Vì sao gọi là Vô vân? Vì chúng sanh chịu tội trong ngục này, tự nhiên thân thể sinh ra như một cục thịt nên gọi là Vô vân[221]. Vì sao gọi là Ha-ha? Vì chúng sanh chịu tội trong ngục này, thường thì thân thể đau đớn, rồi rên la ‘ối ối!’, nên gọi là Ha ha. Vì sao gọi là Nại hà? Vì chúng sanh chịu tội trong ngục này, thường thân thể đau khổ vô cùng, không có nơi nương tựa, nên thốt lên ‘Sao bây giờ!’, nên gọi là Nại hà! Vì sao gọi là Dương minh? Vì chúng sanh chịu tội trong ngục này, thường thân thể, đau đớn vô cùng, muốn thốt lên lời nhưng lưỡi không cử động được, chỉ giống như Dê kêu, nên gọi là Dương minh. Vì sao gọi là Tu-càn-đề[222]? Vì trong ngục này chỉ toàn là màu đen, cũng như màu hoa Tu-càn-đề, nên gọi là Tu-càn-đề. Vì sao gọi là Ưu-bát-la? Vì trong ngục này chỉ toàn là màu xanh, như màu hoa ưu-bát-la, nên gọi là ưu-bát-la. Vì sao gọi là Câu-vật-đầu? Vì trong ngục này toàn là màu hồng, như màu hoa câu-vật-đầu, nên gọi là câu-vật-đầu. Vì sao gọi là Phân-đà-lợi? Vì trong ngục này toàn là màu trắng, như màu hoa phân-đà-lợi, nên gọi là phân-đà-lợi. Vì sao gọi là Bát-đầu-ma? Vì trong ngục này toàn là màu đỏ, cũng như màu hoa bát-đầu-ma, nên gọi là bát-đầu-ma.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Thí dụ[223] như có một cái thùng có sáu mươi bốn hộc, mỗi hộc đựng đầy [126a] hạt mè, và có một người cứ một trăm năm lấy đi một hột, như vậy cho đến hết. Thời gian này vẫn chưa bằng thời gian chịu tội trong địa ngục Hậu vân. Chúng sanh hai mươi tuổi ở địa ngục Hậu vân bằng một tuổi ở địa ngục Vô vân; chúng sanh hai mươi tuổi ở địa ngục Vô vân bằng chúng sanh một tuổi ở địa ngục Ha-ha; chúng sanh hai mươi tuổi ở địa ngục Ha-ha, bằng chúng sanh một tuổi ở địa ngục Nại hà; chúng sanh hai mươi tuổi ở địa ngục Nại hà, bằng chúng sanh một tuổi ở địa ngục Dương minh; chúng sanh hai mươi tuổi ở địa ngục Dương minh bằng một tuổi ở ngục Tu-càn-đề; chúng sanh hai mươi tuổi ở địa ngục Tu-càn-đề, bằng một tuổi ở địa ngục Ưu-bát-la; chúng sanh hai mươi tuổi ở địa ngục Ưu-bát-la, bằng một tuổi ở địa ngục Câu-vật-đầu; chúng sanh hai mươi tuổi ở địa ngục Câu-vật-đầu, bằng một tuổi ở địa ngục Phân-đà-lợi; chúng sanh hai mươi tuổi ở địa ngục Phân-đà-lợi, bằng một tuổi ở địa ngục Bát-đầu-ma; chúng sanh hai mươi tuổi ở địa ngục Bát-đầu-ma, thì gọi là một trung kiếp; hai mươi trung kiếp thì gọi là một đại kiếp.

“Trong địa ngục Bát-đầu-ma lửa cháy hừng hực, dù tội nhơn chỉ còn cách ngọn lửa khoảng trăm do-tuần cũng đã bị lửa thiêu nướng; nếu cách tội nhơn sáu mươi do-tuần, thì hai tai bị điếc, không còn nghe gì cả; nếu cách năm mươi do-tuần, thì đôi mắt bị mù lòa, không còn thấy gì cả. Tỳ-kheo Cù-ba-lê[224] dùng tâm độc ác, hủy báng Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền- liên, nên sau khi mạng chung phải đọa vào địa ngục Bát-đầu-ma này.”

Bấy giờ, vị Phạm vương[225] liền nói bài kệ:

Phàm con người ở đời,

Búa rìu từ cửa miệng;

Sở dĩ giết chết mình,

Là do lời nói độc.

Người đáng chê thì khen,

Người đáng khen thì chê;

Miệng làm theo nghiệp ác.

Thân phải chịu tội ấy.

Mánh lới cướp của cải,

Tội ấy cũng còn nhẹ;

Nếu hủy báng Thánh Hiền,

Thì tội ấy rất nặng.

Vô vân, tuổi trăm nghìn,

Hậu vân, tuổi bốn mốt;

Hủy Thánh mắc tội này,

Do tâm, miệng làm ác.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Vị Phạm thiên đã nói bài kệ như vậy, đó là lời nói chơn chánh, được đức Phật ấn khả. Vì sao? Vì nay Ta là đấng Như Lai, Chí Chơn, Đẳng Chánh Giác, cũng nói ý nghĩa như vậy.

[126b] Phàm con người ở đời,

Búa rìu từ cửa miệng;

Sở dĩ giết chết mình,

Là do lời nói độc.

Người đáng chê thì khen,

Người đáng khen thì chê;

Miệng làm theo nghiệp ác.

Thân phải chịu tội ấy.

Mánh lới cướp của cải,

Tội ấy cũng còn nhẹ;

Nếu hủy báng Thánh hiền,

Thì tội ấy rất nặng.

Vô vân, tuổi trăm nghìn,

Hậu vân, tuổi bốn mốt;

Hủy Thánh mắc tội này,

Do tâm, miệng làm ác.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Về phía Nam cõi Diêm-phù-đề, trong núi Đại kim cang có cung điện của vua Diêm-la, chỗ vua cai trị ngang dọc sáu nghìn do-tuần. Thành này có bảy lớp, với bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, và vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy. Tại chỗ vua Diêm-la cai trị, ngày đêm ba thời đều có vạc đồng lớn, tự nhiên xuất hiện trước mặt. Nếu vạc đồng đã xuất hiện ở trong cung thì nhà vua cảm thấy sợ hãi, liền bỏ ra ngoài cung; nếu vạc đồng xuất hiện ngoài cung thì vua cảm thấy sợ hãi, liền bỏ vào trong cung. Có ngục tốt to lớn bắt vua Diêm-la nằm trên bàn sắt nóng, dùng móc sắt cạy miệng cho há ra rồi rót nước đồng sôi vào, làm cháy bỏng môi, lưỡi từ cổ đến bụng, thông suốt xuống dưới, không chỗ nào không chín nhừ. Sau khi chịu tội xong, nhà vua cùng thể nữ vui đùa. Các vị Đại thần ở đây lại cũng cùng hưởng phúc báo như vậy.”

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Có ba vị sứ giả.[226] Những gì là ba? Một là già, hai là bệnh, ba là chết. Nếu có chúng sanh nào thân làm ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ điều ác, thì sau khi qua đời bị đọa vào địa ngục. Lúc này, ngục tốt dẫn tội nhơn đến chỗ vua Diêm-la. Đến nơi rồi, thưa rằng: ‘Đây là người Thiên sứ cho đòi. Vậy xin Đại vương hỏi cung hắn.’ Vua Diêm-la hỏi người bị tội: ‘Ngươi không thấy sứ giả thứ nhất sao?’ Người bị tội đáp: ‘Tôi không thấy.’ Vua Diêm-la nói tiếp: ‘Khi nhà ngươi còn ở trong loài người, có thấy người nào già nua, đầu bạc, răng rụng, mắt lờ, da thịt nhăn nheo, lưng còm chống gậy, rên rỉ mà đi, hay thân thể run rẩy, vì khí lực hao mòn; ngươi có thấy người này không?’ Người bị tội đáp: ‘Có thấy.’ Vua Diêm-la nói tiếp: ‘Tại sao ngươi không tự nghĩ rằng mình cũng sẽ như vậy?’ Người kia đáp: ‘Vì lúc đó tôi buông lung, không tự hay biết được.’ Vua Diêm-la nói: ‘Ngươi [126c] buông lung không tu tập thân, miệng và ý, bỏ ác mà làm lành. Nay Ta sẽ cho ngươi biết cái khổ của sự buông lung.’ Vua lại nói tiếp: ‘Nay ngươi phải chịu tội, không phải là lỗi của cha mẹ, không phải là lỗi của anh em, cũng không phải là lỗi của Thiên đế, cũng không phải là lỗi của tổ tiên, cũng không phải là lỗi của hàng tri thức, đầy tớ, sứ giả; cũng không phải là lỗi của Sa-môn, Bà-la-môn. Chính ngươi làm ác, nên chính ngươi phải chịu tội’.

“Bấy giờ, vua Diêm-la cho hỏi tội nhơn về vị Thiên sứ thứ nhất xong, lại hỏi về Thiên sứ thứ hai: ‘Thế nào, nhà ngươi có thấy vị Thiên sứ thứ hai không?’ Đáp rằng: ‘Không thấy.’ Vua lại hỏi: ‘Khi nhà ngươi còn ở trong loài người, ngươi có thấy kẻ bị bệnh tật, khốn đốn, nằm lăn lóc trên giường, thân thể lăn lộn trên phẫn dãi hôi thối, không thể đứng dậy được; cần phải có người đút cơm cho; đau nhức từng lóng xương, nước mắt chảy, rên rỉ, không thể nói năng được; ngươi có thấy người như thế chăng?’ Tội nhơn đáp: ‘Có thấy.’ Vua Diêm-la nói tiếp: ‘Tại sao nhà ngươi không tự nghĩ: rồi đây ta cũng sẽ bị tai hoạn như vậy?’ Tội nhơn đáp: ‘Vì khi ấy buông lung tôi không tự hay biết được.’ Vua Diêm-la nói tiếp: ‘Vì chính ngươi buông lung, nên không thể tu tập thân, miệng và ý, không bỏ việc ác mà làm điều lành. Nay ta sẽ cho ngươi biết thế nào là cái khổ của sự buông lung.’ Vua lại nói: ‘Nay ngươi phải chịu tội, không phải là lỗi của cha mẹ, không phải là lỗi của anh em, cũng không phải là lỗi của Thiên đế, cũng không phải là lỗi của tổ tiên, cũng không phải là lỗi của hàng tri thức, đầy tớ, sứ giả, cũng không phải là lỗi của Sa-môn, Bà-la-môn. Chính ngươi làm ác, nên chính ngươi phải chịu tội.’

“Khi vua Diêm-la hỏi người bị tội về Thiên sứ thứ hai xong, bấy giờ lại hỏi về Thiên sứ thứ ba: ‘Thế nào, nhà ngươi không thấy vị Thiên sứ thứ ba chứ?’ Đáp: ‘Không thấy.’ Vua Diêm-la hỏi tiếp: ‘Khi còn làm người, ngươi có thấy người chết, thân hư hoại, mạng chung, các giác quan đều bị diệt hẳn, thân thể ngay đơ cũng như cây khô, vứt bỏ ngoài gò mả để cho cầm thú ăn thịt, hoặc để trong quan tài, hoặc dùng lửa thiêu đốt chăng?’ Tội nhơn đáp: ‘Có thấy.’ Vua Diêm-la nói tiếp: ‘Tại sao nhà ngươi không tự nghĩ: rồi đây ta cũng sẽ bị chết như người đó không khác gì?’ Người bị tội đáp: ‘Vì khi ấy buông lung tôi không tự hay biết được.’ Vua Diêm-la nói tiếp: ‘Vì chính ngươi buông lung, nên không thể tu tập thân, miệng và ý, không cải đổi việc ác mà thực hành điều thiện. Nay ta sẽ cho ngươi biết thế nào là cái khổ của sự buông lung.’ Vua lại nói: ‘Nay ngươi phải chịu tội, không phải là lỗi của cha mẹ, không phải là lỗi của anh em, cũng không phải là lỗi của Thiên đế, cũng không phải là lỗi của tổ tiên, cũng không phải là lỗi của hàng tri thức, đầy tớ, sứ giả, cũng không phải là lỗi của Sa-môn, Bà-la-môn. Chính ngươi làm ác, nên chính ngươi phải chịu tội.’ Bấy giờ, vua Diêm-la hỏi về Thiên sứ thứ ba xong, [127a] bèn giao lại cho ngục tốt. Khi đó ngục tốt liền dẫn đến địa ngục lớn. Địa ngục lớn này ngang dọc một trăm do-tuần, sâu một trăm do-tuần.”

Bấy giờ đức Thế Tôn liền nói bài kệ:

Bốn hướng có bốn cửa,

Ngõ ngách đều như nhau;

Dùng sắt làm tường ngục,

Trên che võng lưới sắt.

Dùng sắt làm nền ngục,

Tự nhiên lửa bốc cháy;

Ngang dọc trăm do-tuần,

Đứng yên không lay động.

Lửa đen phừng phực cháy,

Dữ dội khó mà nhìn;

Có mười sáu ngục nhỏ,

Lửa cháy do ác hạnh.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Khi ấy vua Diêm-la tự nghĩ: ‘Chúng sanh ở thế gian, vì mê lầm không ý thức, nên thân làm ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ điều ác. Do đó sau khi lâm chung, ít có ai không chịu khổ này. Nếu như những chúng sanh ở thế gian, sửa đổi điều ác, sửa thân, miệng, ý để thực hành theo điều lành, thì sau khi lâm chung sẽ được an vui như hàng Chư Thiên vậy. Sau khi ta lâm chung được sinh vào trong cõi người, nếu gặp được đức Như Lai, thì sẽ ở trong Chánh pháp, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo, đem lòng tin trong sạch để tu hành Phạm hạnh thanh tịnh. Những điều cần làm đã làm xong, đã đoạn trừ sanh tử, tự mình tác chứng ngay trong hiện tại, không còn tái sinh’.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn đọc bài kệ:

Tuy là thấy Thiên sứ,

Nhưng vẫn còn buông lung;

Người ấy thường âu lo

Sanh vào nơi ti tiện.

Nếu người có trí tuệ,

Khi gặp thấy Thiên sứ,

Gần gũi pháp Hiền Thánh,

Mà không còn buông lung.

Thấy thụ sinh mà sợ,

Do sanh, già, bệnh, chết.

Không thụ sinh, giải thoát,

Hết sanh, già, bệnh, chết.

Người đó được an ổn.

Hiện tại chứng vô vi,

Đã vượt qua lo sợ,

Chắc chắn nhập Niết-bàn.

 

Phẩm 5: LONG ĐIỂU

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Có bốn loại rồng. Những gì là bốn? Một, sanh ra từ trứng; hai, sanh ra từ bào thai; ba, sanh ra từ nơi ẩm thấp; bốn, sanh ra từ hóa sinh. Đó là bốn loại rồng.

[127b] “Có bốn loại Kim sí điểu[227]. Những gì là bốn? Một, sinh ra từ trứng; hai, sinh ra từ bào thai; ba, sinh ra từ nơi ẩm thấp; bốn, sinh ra từ hóa sinh. Đó là bốn loại Kim sí điểu.

“Ở dưới đáy nước đại dương có cung điện của vua rồng Sa-kiệt[228], ngang dọc là tám vạn do-tuần. Tường cung điện có bảy lớp với bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, chung quanh trang hoàng bằng bảy thứ báu,… cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, lại cũng như vậy.

“Giữa hai ngọn núi chúa Tu-di cùng núi Khư-đà-la[229] có hai cung điện của vua rồng Nan-đà và Bạt-nan-đà.[230] Mỗi cung điện ngang dọc sáu mươi do-tuần. Tường cung điện có bảy lớp với bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, chung quanh trang hoàng bằng bảy thứ báu,... cho đến, vô số các loài chim ca hót líu lo, lại cũng như vậy.

“Phía Bắc bờ đại dương có một cây lớn tên là Cứu-la-thiểm-ma[231]. Loại cây này cả vua rồng và Kim sí điểu cũng có, gốc cây to bảy do-tuần, cao trăm do-tuần, tàn cây  phủ  chung  quanh  năm  mươi do-tuần. Phía Đông của cây lớn này có cung điện của loài vua rồng sinh ra từ trứng, và cung điện của loài Kim sí điểu sinh ra từ trứng. Mỗi cung điện ngang dọc là sáu nghìn do-tuần, tường của cung điện có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, chung quanh trang hoàng bằng bảy thứ báu,… cho đến, vô số các loài chim ca hót líu lo, lại cũng như vậy.

“Phía Nam của cây lớn này có cung điện của loài vua rồng sinh ra từ thai, và cung điện của loài Kim-sí điểu sinh ra từ thai. Mỗi cung điện ngang dọc là sáu nghìn do-tuần; tường của cung điện có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp võng lưới, bảy lớp hàng cây, chung quanh trang hoàng bằng bảy thứ báu,… cho đến, vô số các loài chim ca hót líu lo, lại cũng như vậy.

“Phía Tây của cây lớn này có cung điện của loài vua rồng sinh ra từ ẩm thấp, và cung điện của loài Kim-sí điểu sinh ra từ nơi ẩm thấp. Mỗi cung điện ngang dọc sáu nghìn do-tuần; tường của cung điện có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, chung quanh trang hoàng bằng bảy thứ báu,… cho đến, vô số các loài chim ca hót líu lo, lại cũng như vậy.

“Phía Bắc của cây lớn này có cung điện của loài vua rồng sinh ra từ hóa sinh, và cung điện của loài Kim-sí điểu sinh ra từ hóa sinh. Mỗi cung điện ngang dọc là sáu nghìn do-tuần; tường của cung điện có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, chung quanh trang hoàng bằng bảy thứ báu,… cho đến, vô số các loài chim ca hót líu lo, lại cũng như vậy.

“Khi nào loài Kim-sí điểu sinh ra từ trứng, nếu muốn bắt loài rồng để ăn, thì từ nhánh phía Đông của cây Cứu-la-diêm-ma-la [127c] bay xuống, dùng đôi cánh quạt nước đại dương; khi nước rẽ ra hai bên rộng hai trăm do-tuần, mới bắt loài rồng cũng sinh ra từ trứng để ăn một cách tùy ý tự tại. Nhưng không thể bắt loài rồng được sinh ra từ thai, từ ẩm thấp, từ hóa sinh được.

“Khi nào loài Kim-sí điểu sinh ra từ thai, nếu muốn bắt loài rồng sinh ra từ trứng để ăn, thì từ nhánh phía Đông cây này bay xuống, dùng đôi cánh quạt nước đại dương; khi nước rẽ ra hai bên rộng hai trăm do-tuần, mới bắt loài rồng sinh ra từ trứng để ăn một cách tùy ý tự tại. Khi nào loài Kim-sí điểu sinh ra từ thai muốn ăn loài rồng sinh ra từ thai, thì từ nhánh phía Nam của cây này bay xuống, và dùng đôi cánh quạt nước đại dương; khi nước rẽ ra hai bên rộng bốn trăm do-tuần, mới bắt loài rồng cũng sinh ra từ thai để ăn một cách tùy ý tự tại. Nhưng không thể bắt loài rồng sinh ra từ ẩm thấp, từ hóa sinh được.

“Khi nào loài Kim-sí điểu sinh ra từ ẩm thấp, nếu muốn bắt loài rồng sinh ra từ trứng để ăn, thì từ nhánh phía Đông bay xuống, dùng đôi cánh quạt nước đại dương; khi nước rẽ ra hai bên rộng hai trăm do-tuần, mới bắt loài rồng sinh ra từ trứng để ăn một cách tùy ý tự tại. Khi nào loài Kim-sí điểu sinh ra từ ẩm thấp, nếu muốn bắt loài rồng sinh ra từ thai để ăn, thì từ nhánh phía Nam cây này bay xuống, dùng đôi cánh quạt nước đại dương; khi nước rẽ ra hai bên rộng bốn trăm do-tuần, thì bắt loài rồng cũng sinh ra từ trứng để ăn một cách tùy ý tự tại. Khi nào loài Kim-sí điểu sinh ra từ ẩm thấp muốn ăn loài rồng sinh ra từ nơi ẩm thấp, thì từ nhánh phía Tây của cây này bay xuống, và dùng đôi cánh quạt nước đại dương; khi nước rẽ ra hai bên rộng tám trăm do-tuần, thì bắt loài rồng cũng sinh ra từ thai để ăn một cách tùy ý tự tại. Nhưng không thể bắt loài rồng sinh ra từ hóa sinh được.

“Khi nào loài Kim-sí điểu sinh ra từ hóa sanh, nếu muốn bắt loài rồng sinh ra từ trứng để ăn, thì từ nhánh phía Đông bay xuống, dùng đôi cánh quạt nước đại dương; khi nước rẽ ra hai bên rộng hai trăm do-tuần, thì bắt loài rồng sinh ra từ trứng để ăn một cách tùy ý tự tại. Khi nào loài Kim-sí điểu sinh ra từ biến hóa, nếu muốn bắt loài rồng sinh ra từ thai để ăn, thì từ nhánh phía Nam cây này bay xuống, dùng đôi cánh quạt nước đại dương; khi nước rẽ ra hai bên rộng bốn trăm do-tuần, thì bắt loài rồng sinh ra từ thai để ăn một cách tùy ý tự tại. Khi nào loài Kim-sí điểu sinh ra từ biến hóa muốn ăn loài rồng sinh ra từ ẩm thấp, thì từ nhánh phía Tây của cây này bay xuống, và dùng đôi cánh quạt nước đại dương; khi nước rẽ ra hai bên rộng tám trăm do-tuần, thì bắt loài rồng sinh ra từ nơi ẩm thấp để ăn. Khi nào Kim-sí điểu sinh ra từ biến hóa, nếu muốn ăn loài rồng sinh ra từ biến hóa, thì từ nhánh phía Bắc cây này bay xuống, dùng đôi cánh quạt nước đại dương; khi nước rẽ ra hai bên rộng một nghìn sáu trăm do-tuần, thì bắt loài rồng sanh ra từ biến hóa để ăn một cách tùy ý tự tại. Đó là loài rồng bị loài Kim-sí điểu ăn thịt.

“Tuy nhiên có những loại rồng lớn mà loài Kim-sí điểu không thể ăn thịt được. Đó là[232]: Vua rồng Sa-kiệt-la, Nan-đà, Bạt-nan-đà, Y-na-bà-la, [128a] Đề-đầu-lại-tra, Thiện-kiến, A-lô, Ca-câu-la, Ca-Tỳ-la, A-bà-la, Ca-nậu-đạt, Thiện-trú, Ưu-diệm-ca-bà-đầu, Đắc-xoa-ca. Đó là các loài vua rồng lớn không bị loài Kim-sí điểu bắt ăn thịt.”

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu có chúng sanh nào thọ trì giới rồng[233], tâm ý nghĩ đến loài rồng, đầy đủ pháp của rồng, thì sẽ sinh về trong loài rồng. Nếu có chúng sanh nào trì giới Kim sí điểu, tâm ý nghĩ đến loài Kim sí điểu, đầy đủ pháp của Kim sí điểu, thì sẽ sinh về trong loài Kim-sí điểu. Hoặc có chúng sanh trì giới của thỏ, tâm ý nghĩ về loài thỏ, cắt[234]; đầy đủ pháp của thỏ, thì sẽ sinh vào loài thỏ, cắt. Hoặc có chúng sanh trì giới của chó, hoặc trì giới của trâu, hoặc trì giới của nai, hoặc trì giới câm, hoặc trì giới Ma-ni-bà-đà[235], hoặc trì giới lửa, hoặc trì giới mặt trăng, hoặc trì giới mặt trời, hoặc trì giới nước, hoặc trì giới cúng dường lửa, hoặc trì pháp khổ hạnh ô uế[236]. Những người ấy nghĩ rằng: ‘Ta trì pháp câm này, pháp Ma-ni-bà-đà, pháp lửa, pháp mặt trăng, mặt trời, pháp nước, pháp cúng dường lửa, các pháp khổ hạnh; ta trì công đức này là để sinh lên cõi Trời.’ Đây là những thứ tà kiến.”

Phật dạy:

“Ta nói những người tà kiến này chắc chắn sẽ đi vào hai nơi: Hoặc sinh vào địa ngục, hay sinh vào hàng súc sanh. Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào có những lý luận như vầy, những quan điểm như vầy: ‘Ngã và thế gian là thường hằng, đây là thật, ngoài ra đều hư dối’, hoặc ‘Ngã và thế gian là không thường hằng, đây là thật, ngoài ra đều hư dối’, hoặc ‘Ngã và thế gian vừa thường vừa là không thường, đây là thật ngoài ra đều hư dối’, hoặc ‘Ngã và thế gian chẳng phải thường cũng chẳng phải không thường, đây là thật ngoài ra đều hư dối’; ‘Ngã và thế gian là hữu biên, đây là thật ngoài ra đều hư dối’, hoặc ‘Ngã và thế gian là vô biên, đây là thật ngoài ra đều hư dối’, hoặc ‘Ngã và thế gian vừa hữu biên vừa vô biên, đây là thật ngoài ra đều hư dối’, hoặc ‘Ngã và thế gian chẳng phải hữu biên cũng chẳng phải vô biên, đây là thật ngoài ra đều hư dối’; ‘Thân tức mạng, đây là thật ngoài ra đều hư dối’ hoặc ‘thân khác mạng khác, đây là thật ngoài ra đều hư dối’, hoặc ‘chẳng phải có mạng chẳng phải không mạng, đây là chắc thật ngoài ra đều là hư dối’; hoặc ‘không mạng không thân, đây là thật ngoài ra đều là hư dối.’

“Hoặc có người nói: ‘Sau khi chết còn tồn tại[237], đây là thật ngoài ra đều là hư dối.’ Có người nói: ‘Sau khi chết không tồn tại, đây là thật ngoài ra đều là hư dối.’ Hoặc có người nói: ‘Sau khi chết vừa tồn tại vừa không tồn tại, đây là thật ngoài ra đều hư dối.’ Lại có người nói: ‘Sau khi chết chẳng phải tồn tại chẳng phải không tồn tại, đây là thật ngoài ra đều hư dối.’

“Nếu [128b] Sa-môn, Bà-la-môn nào có những lý luận như vầy, những kiến giải như vầy: ‘Thế gian là thường, đây là lời nói chắc thật ngoài ra đều hư dối’, những người ấy hành với[238] kiến chấp về ngã, kiến chấp về thân, kiến chấp về mạng, kiến chấp về thế gian, cho nên nói rằng: ‘Ngã và thế gian là thường.’ Những ai chủ trương là không thường, những người ấy hành với kiến chấp về ngã, kiến chấp về mạng, kiến chấp về thân, kiến chấp về thế gian cho nên nói rằng: ‘Ngã và thế gian là không thường.’ Những ai chủ trương là vừa thường vừa không thường, những người ấy hành với kiến chấp về ngã, kiến chấp về mạng, kiến chấp về thân, kiến chấp về thế gian, cho nên nói rằng: ‘Thế gian vừa thường vừa vô thường.’ Những ai chủ trương rằng chẳng phải thường cũng chẳng phải vô thường, những người ấy hành với kiến chấp về ngã, có kiến chấp về mạng, có kiến chấp về thân, có kiến chấp về thế gian, cho nên nói rằng: ‘Ngã và thế gian chẳng phải thường chẳng phải vô thường.’

“Những ai chủ trương thế gian là hữu biên, những người ấy hành với kiến chấp về ngã, kiến chấp về mạng, kiến chấp về thân, kiến chấp về thế gian, cho nên nói rằng: ‘Mạng là hữu biên; thân là hữu biên; thế gian là hữu biên.’ Từ lúc mới thụ thai cho đến khi bị vứt bỏ nơi gò mả, thì những gì thuộc về thân bốn đại đều chuyển di như vậy tối đa cho đến bảy đời. Khi các hành thân, mạng đã hết thì ngã nhập vào thanh tịnh tụ[239], cho nên nói rằng: ‘Ngã là có biên.’ Những người chủ trương ngã và thế gian là vô biên, những người này hành với kiến chấp về ngã, kiến chấp về mạng, kiến chấp về thân, kiến chấp về thế gian, cho nên nói rằng: ‘Mạng là vô biên, thân là vô biên, thế gian là vô biên.’ Từ lúc mới thụ thai cho đến khi bị vứt bỏ nơi gò mả, những gì thuộc về thân bốn đại đều chuyển di như vậy tối đa cho đến bảy đời. Khi các hành thân, mạng đã hết thì ngã nhập thanh tịnh tụ, cho nên nói rằng: ‘Ngã và thế gian là vô biên.’ Những ai chủ trương thế gian này vừa hữu biên vừa vô biên, những người ấy hành với kiến chấp về ngã, kiến chấp về mạng, kiến chấp về thân, kiến chấp về thế gian, cho nên nói rằng: ‘Mạng vừa hữu biên vừa vô biên.’ Từ lúc mới thụ thai cho đến khi bị vứt bỏ nơi gò mả, những gì thuộc về thân bốn đại đều chuyển di như vậy tối đa cho đến bảy đời. Khi các hành thân, mạng đã hết thì ngã nhập thanh tịnh tụ, cho nên nói rằng: ‘Ngã vừa hữu biên vừa vô biên.’ Những ai chủ trương ngã và thế gian là không phải hữu biên không phải vô biên, những người ấy hành với kiến chấp về ngã, kiến chấp về mạng, kiến chấp về thân, kiến chấp về thế gian, cho nên nói rằng: ‘Mạng và thân chẳng phải hữu biên chẳng phải vô biên.’ Từ lúc mới thụ thai cho đến khi bị vứt bỏ nơi gò mả, những gì thuộc về thân bốn đại đều chuyển di như vậy tối đa cho đến bảy đời. Khi các hành thân, mạng đã hết thì ngã nhập thanh tịnh tụ, cho nên nói rằng: ‘Ngã chẳng phải hữu biên chẳng phải là vô biên.’

“Những người chủ trương mạng tức là thân, thì thấy có mạng nơi thân này, và cũng thấy có mạng nơi thân khác, cho nên nói rằng: ‘Mạng tức là thân.’ Những người chủ trương mạng khác với thân, là dở nơi thân này thi thấy có mạng nhưng ở nơ thân khác thì không thấy có mạng, cho nên nói rằng: ‘Mạng khác với thân.’ Những ai chủ trương mạng chẳng phải có, chẳng phải không, thì nơi thân này không thấy có mạng, nơi thân khác lại thấy có mạng, cho nên nói rằng: ‘Chẳng phải có, chẳng phải không.’ Những ai chủ trương không có thân, mạng, thì ở nơi thân này họ không thấy có mạng, cho nên nói rằng: ‘Không có mạng, không có thân.’

“Có người bảo ‘Có tồn tại sau khi chết, vì thấy hiện tại có thân mạng, và đời sau cũng có thân mạng tồn tại[240], cho nên họ bảo rằng: ‘Co tồn tại sau khi chết.’ Có người bảo ‘Không tồn tại sau khi chết’, vì người này bảo đời hiện tại có mạng, nhưng đời sau không có mạng, cho nên nói rằng: ‘Không tồn tại sau khi chết.’ Có người bảo ‘Vừa tồn tại vừa không tồn tại sau khi chết’, vì người ấy bảo đời hiện tại mạng bị đoạn diệt, đời sau mạng tồn tại, cho nên nói rằng: ‘Vừa có mạng[241] của đời khác như vậy, không có mạng của đời khác như vậy.’ Có người bảo ‘Chẳng phải tồn tại chẳng phải không tồn tại sau khi chết’, vì người ấy bảo thân, mạng hiện tại bị đoạn diệt; thân, mạng đời sau bị đoạn diệt, cho nên bảo rằng: ‘Chẳng phải tồn tại chẳng phải không tồn tại sau khi chết’.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Lâu xa về thời quá khứ có vị vua tên là Kính Diện[242]. Một hôm nhà vua tập họp những người mù lại một chỗ và hỏi: ‘Này những người mù từ khi mới sinh, các ngươi có biết con voi không?’ Họ đáp: ‘Tâu đại vương, chúng tôi không biết!’ Nhà vua lại hỏi: ‘Các ngươi có muốn biết hình loại con voi ra sao không?’ Họ đáp: ‘Muốn biết.’ Bấy giờ nhà vua ra lệnh cho người hầu dắt con voi đến, và bảo những người mù này dùng tay của mình sờ thử. Trong đó có người sờ trúng vòi voi, thì vua nói rằng đấy là con voi; có người sờ trúng ngà voi, có người sờ trúng tai voi, có người sờ trúng đầu voi, có người sờ trúng lưng voi, có người sờ trúng bụng voi, có người sờ trúng bắp đùi voi, có người sờ trúng cái chân voi, có người sờ trúng bàn chân voi, có người sờ trúng đuôi voi, thì vua cứ theo chỗ sờ được của họ mà bảo: ‘Đó là con voi.’

“Rồi vua Kính-diện liền ra lệnh dắt voi lui, và hỏi những người mù: ‘Voi giống như cái gì?’ Trong những người mù này, người sờ trúng vòi thì bảo voi giống như cái càng xe bị cong; người sờ trúng ngà thì bảo voi giống như cái chày; người sờ trúng tai thì bảo voi giống như cái nia; người sờ trúng đầu thì bảo voi giống như cái vạc; người sờ trúng lưng thì bảo voi giống như gò đất; người sờ trúng bụng thì bảo voi giống như bức tường; người sờ trúng bắp đùi thì bảo voi giống như gốc cây; người sờ trúng cái chân thì bảo voi giống như trụ cột; người sờ trúng bàn chân thì bảo voi giống như cái cối; người sờ trúng đuôi thì bảo voi giống như cây chổi. Họ tranh cãi nhau về việc đúng sai, người này bảo như vậy, người kia bảo không phải như vậy, [129a] vân, vân và vân, vân không dứt, đưa đến việc đấu tranh nhau.

“Lúc ấy nhà vua thấy vậy, hoan hỷ cười to. Rồi thì, vua Kính Diện nói bài tụng:

Những người mù tụ tập,

Tranh cãi tại nơi này,

Thân voi vốn một thể,

Tưởng khác sinh thị phi”.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Các dị học ngoại đạo lại cũng như vậy; không biết Khổ đế, không biết Tập đế, Tận đế, và Đạo đế, sinh ra những kiến giải khác nhau, tranh chấp thị phi với nhau. Họ tự cho mình là đúng, nên đưa đến mọi việc tranh tụng. Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào có thể biết như thật về Khổ Thánh đế, khổ Tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, và Khổ xuất yếu Thánh đế, những vị ấy sẽ tự tư duy, và khéo cùng nhau hòa hợp, cùng một lãnh thọ, cùng một Thầy học, như nước với sữa, thì pháp Phật mới rực rỡ, sống an lạc lâu dài.”

Bấy giờ đức Thế Tôn nói bài kệ:

Nếu người không biết khổ,

Không biết chỗ khổ sinh;

Lại cũng không biết khổ,

Sẽ diệt tận ở đâu;

Lại cũng không thể biết,

Con đường diệt khổ tập;

Thì mất tâm giải thoát,

Tuệ giải thoát cũng mất.

Không thể biết gốc khổ,

Nguồn sanh, già, bệnh, chết.

Nếu biết thật về khổ,

Biết nhân sinh ra khổ;

Cũng biết rõ khổ kia,

Sẽ diệt tận nơi nào;

Lại hay khéo phân biệt,

Con đường diệt khổ tập;

Thì được tâm giải thoát,

Tuệ giải thoát cũng vậy.

Người này chấm dứt được,

Cội gốc của khổ ấm;

Hết sanh, già, bệnh, chết,

Nguồn gốc của thủ, hữu[243].”

Này các Tỳ-kheo, cho nên các ngươi nên siêng cầu phương tiện tư duy về Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, và Khổ xuất yếu Thánh đế.[244]

 

Phẩm 6: A-TU-LA[245]

[129b2] Phật bảo các Tỳ kheo:

“Trong đáy nước biển lớn ở phía Bắc của núi Tu-di, có một thành của La-ha A-tu-la[246], bề ngang rộng khoảng tám vạn do-tuần, thành của nó có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang điểm chung quanh đều bằng bảy thứ báu tạo thành. Chiều cao của thành là ba nghìn do-tuần, rộng hai nghìn do-tuần. Cửa thành của nó cao một nghìn do-tuần, rộng cũng một nghìn do-tuần. Thành vàng thì cửa bạc, thành bạc thì cửa vàng,… cho đến, vô số các loài chim cùng nhau ríu rít cũng lại như trên[247]. Tiểu thành, chỗ ngự trị của vị vua A-tu-la này ở ngay trong thành lớn có tên là Luân-thâu-ma-bạt-tra[248], dọc ngang sáu vạn do-tuần. Thành của nó gồm bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang điểm chung quang bằng bảy thứ báu tạo thành. Thành cao ba nghìn do-tuần, rộng hai nghìn do-tuần. Cửa thành của nó cao hai nghìn do-tuần, rộng một nghìn do-tuần. Thành vàng thì cửa bạc, cửa bạc thì thành vàng,… cho đến, vô số các loài chim cùng nhau ríu rít cũng lại như trên.

“Ở trong thành này, xây dựng riêng nhà hội nghị có tên là Thất-thi-lị-sa[249], bảy lớp tường hào, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang điểm chung quanh bằng bảy thứ báu tạo thành. Nền nhà hội nghị hoàn toàn dùng bằng xa cừ; cột nhà, sà nhà hoàn toàn đều dùng bảy báu. Chu vi những trụ cột ở chính giữa một nghìn do-tuần, cao một vạn do-tuần. Ở dưới những trụ cột này có tòa Chánh pháp[250], dọc ngang bảy trăm do-tuần, đều dùng bảy báu chạm trổ mà thành. Nhà này có bốn cửa, được bao quanh bằng bảy lớp đình thềm lan can[251], bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy báu,… cho đến, các loài chim cùng nhau ríu rít, cũng lại như đã kể.

“Ở phía Bắc nhà hội nghị này có cung điện A-tu-la, dọc ngang một vạn do-tuần. Cung điện có bảy lớp tường, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy báu, cho đến, vô số các loài chim cùng nhau ríu rít, cũng như đã kể.

“Phía Đông nhà hội nghị này có một khu rừng vườn tên là Sa-la[252], dọc ngang một vạn do-tuần. Vườn có bảy lớp tường, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy báu,… cho đến, vô số các loài chim cùng nhau ríu rít, cũng lại như đã kể.

“Phía Nam nhà hội nghị này có một khu vườn rừng tên là Cực diệu[253], dọc ngang một vạn do-tuần như vườn Sa-la.

“Phía Tây nhà hội nghị có một khu vườn rừng tên là Thiểm-ma[254], dọc [129c] ngang một vạn do-tuần cũng như vườn rừng Sa-la.

“Phía Bắc nhà hội nghị này có một khu vườn rừng, tên là Nhạc lâm[255], bề ngang một vạn do-tuần cũng như vườn rừng Sa-la.

“Giữa hai khu vườn Sa-la và Cực diệu có cây Trú độ[256], vây bên dưới là bảy do-tuần cao thì một trăm do-tuần, cành lá vươn ra bốn phía cỡ năm mươi do-tuần, cây có bảy lớp bờ tường, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy báu,… cho đến, vô số các loài chim cùng nhau ríu rít, cũng lại như đã kể. Lại nữa, giữa hai khu vườn Thiểm-ma và Nhạc-lâm này có ao Bạt-nan-đà[257], nước của nó trong mát, không có cáu bẩn, hào báu bảy lớp, chung quanh cạnh thềm là bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu. Ở trong ao này sinh ra bốn loài hoa, lá hoa bề ngang rộng một do-tuần, hương thơm bay phảng phất cũng một do-tuần; rễ như ổ trục xe, nhựa của nó lưu xuất ra có màu trắng như sữa, vị ngọt như mật, và vô số các loài chim cùng nhau hót líu lo. Hơn nữa, bên cạnh ao này có bảy lớp đình thềm, bảy lớp tường cửa, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu,… cho đến, vô số các loài chim cùng nhau hót líu lo, cũng lại như vậy.

“Cung điện thần hạ của vua A-tu-la, dọc ngang một vạn do-tuần, rồi chín nghìn, tám nghìn, và cho đến cung điện nhỏ nhất là một nghìn do-tuần. Cung điện có bảy lớp tường, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu,… cho đến, vô số các loài chim cùng nhau hót líu lo, cũng lại như vậy.

“Cung điện của Tiểu A-tu-la, dọc ngang một nghìn do-tuần, rồi chín trăm, tám trăm, và cho đến cung điện cực nhỏ là một trăm do-tuần. Cung điện có bảy lớp tường, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu,… cho đến, vô số các loài chim cùng nhau hót líu lo, cũng lại như vậy.

“Phía Bắc nhà hội nghị có bảy đường cấp báu dẫn vào trong cung điện; lại có đường cấp dẫn đến vườn Sa-la; có đường cấp dẫn đến vườn Cực diệu; có đường dẫn đến vườn Thiểm-ma; có đường cấp dẫn đến vườn Nhạc lâm; có đường cấp dẫn đến cây Trú độ; có đường cấp dẫn đến ao Bạt-nan-đà; có đường cấp dẫn đến cung điện Đại thần; có đường cấp dẫn đến cung điện của Tiểu A-tu-la.

“Nếu khi nào vua A-tu-la muốn đến vườn Sa-la để ngoạn cảnh, chỉ cần nghĩ đến vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa [258], [130a] khi ấy  vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa lại tự nghĩ rằng: ‘Vua La-ha A-tu-la đang nghĩ đến ta.’ Liền tự sửa soạn trang bị, đóng ngựa vào xe báu, cùng vô số người hầu kẻ hạ vây quanh theo sau, đến trước vua La-ha A-tu-la, đứng một bên.

“Lại khi Vua A-tu-la lại nghĩ đến vua Ba-la-ha A-tu-la[259], thì vua Ba-la-ha A-tu-la nghĩ rằng: ‘Nay vua đang nghĩ đến ta.’ Liền tự sửa soạn trang bị, đóng ngựa vào xe báu, cùng với vô số kẻ hầu người hạ vây quanh theo sau đến đứng một bên trước vua La-ha.

“Khi vua A-tu-la lại nghĩ đến vua A-tu-la Thiểm-ma [260], thì vua A-tu-la Thiểm-ma lại tự nghĩ rằng: ‘Hiện nay Vua đang nghĩ đến ta.’ Liền tự sửa soạn trang bị đóng ngựa vào xe báu, cùng vô số kẻ hầu người hạ vây quanh theo sau, đến đứng một bên trước vua La-ha.

“Khi vua lại nghĩ đến Đại thần của vua A-tu-la, thì Đại thần của A-tu-la lại nghĩ rằng: ‘Nay Vua đang nghĩ đến ta.’ Liền tự sửa soạn trang bị đóng ngựa vào xe báu, cùng vô số kẻ hầu người hạ vây quanh theo sau, đến đứng một bên trước vua La-ha. Lúc này, vua lại nghĩ đến Tiểu A-tu-la, thì Tiểu A-tu-la lại nghĩ rằng: ‘Nay Vua đang nghĩ đến ta.’ Liền tự sửa soạn trang bị cùng mọi người đến đứng một bên trước vua La-ha.

“Lúc này, vua La-ha mình mặc áo báu, đóng ngựa vào xe báu, cùng với vô số mọi người vây quanh trước sau đến trong rừng Sa-la, tự nhiên có gió thổi cửa tự mở, tự nhiên gió thổi đất sạch, tự nhiên gió thổi hoa rụng xuống đất, ngập đến đầu gối. Sau khi vua La-ha vào vườn này rồi, cùng nhau vui đùa từ một ngày, hai ngày,… cho đến bảy ngày. Sau khi vua đùa xong, liền trở về lại cung điện mình. Sau đó việc ngoạn cảnh đối với vườn Cực diệu, vườn Thiểm-ma, vườn Nhạc lâm, cũng lại như vậy. Lúc này, vua La-ha luôn luôn có năm Đại A-tu-la hầu cận và bảo vệ hai bên: một tên là Đề Trì, hai tên là Hùng Lực, ba tên là Võ Di, bốn tên là Đầu Thủ, năm tên là Tồi Phục.[261] Năm Đại A-tu-la này luôn luôn hầu cận bảo vệ hai bên. Cung điện của vua La-ha này ở dưới nước biển lớn. Nước biển ở trên được duy trì bởi bốn thứ gió: một là trụ phong, hai là trì phong, ba là bất động, bốn là kiên cố[262]; chúng giữ cho nước biển lớn, treo ngược giữa hư không, giống như mây nổi, cách cung điện A-tu-la một vạn do-tuần, không bao giờ bị rớt. Oai thần, công đức, và phước báo của vua A-tu-la là như vậy.”

 

Phẩm 7: TỨ THIÊN VƯƠNG[263]

[130b02] Phật bảo Tỳ-kheo:

“Cách phía Đông Tu-di sơn vương một nghìn do-tuần có thành của Đề-đầu-lại-tra Thiên vương[264] tên là Hiền Thượng[265], dọc ngang sáu nghìn do-tuần. Thành này có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu,… cho đến, có vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như đã kể.

“Cách phía Nam Tu-di sơn vương một nghìn do-tuần có thành của Tỳ-lâu-lặc Thiên vương[266] tên là Thiện Kiến[267], dọc ngang sáu nghìn do-tuần. Thành này có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu,… cho đến, có vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy.

“Cách phía Tây Tu-di sơn vương một nghìn do-tuần có thành Tỳ-lâu-bà-xoa[268] Thiên vương, tên là Chu-la Thiện kiến[269], dọc ngang sáu nghìn do-tuần. Thành có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu,… cho đến, có vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy.

“Cách phía Bắc Tu-di sơn vương một nghìn do-tuần có thành của Tỳ-sa-môn[270] Thiên vương. Vua có ba thành[271]: một tên là Khả úy, hai là Thiên kính, ba là Chúng qui; mỗi thành dọc ngang sáu nghìn do-tuần. Thành này có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu,… cho đến, có vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy.

“Phía Bắc thành Chúng qui có vườn rừng, tên là Già-Tỳ-diên-đầu[272], dọc ngang bốn nghìn do-tuần, tường của vườn có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu,… cho đến, có vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy. Ở quãng giữa vườn và thành có ao tên là Na-lân-ni[273] rộng bốn mươi do-tuần. Nước của nó lắng trong không bợn nhơ. Ven hồ được lát bằng mương nước được làm bằng bảy báu; bảy lớp lan can, bảy lớp võng lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu; hoa sen xanh, vàng, đỏ, trắng, lẫn lộn màu sắc ở trong đó, ánh sáng phản chiếu cả nửa do-tuần, hương thơm phảng phất nghe khắp cả nửa do-tuần. Vả lại rễ của nó lớn như ổ trục xe. Nhựa của nó lưu xuất ra màu trắng như sữa, và có vị ngọt như mật,… cho đến, có vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, lại cũng như vậy.

“Trừ cung điện mặt trời, mặt trăng ra, cung điện của các Tứ thiên vương, rộng độ bốn mươi do-tuần. Tường cung điện có bảy lớp với bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, [130c] bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu,… cho đến có vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy.

“Các cung điện này rộng bốn mươi do-tuần, hai mươi do-tuần, và nhỏ nhất bề ngang rộng năm do-tuần. Từ thành Chúng qui có đường cấp báu dẫn đến thành Hiền thượng; lại có đường cấp dẫn đến thành Thiện kiến; lại có đường cấp dẫn đến thành Châu-la Thiện kiến; lại có đường cấp dẫn đến thành Khả úy, thành Thiên kính; lại có đường cấp dẫn đến vườn Già-Tỳ-diên-đầu; lại có đường cấp dẫn đến ao Na-lân-ni, lại có đường cấp dẫn đến cung điện Đại thần của Tứ thiên vương.

“Khi Tỳ-Sa-môn thiên vương muốn đến ngoạn cảnh tại vườn Già-Tỳ-diên-đầu, thì lập tức nghĩ đến Đề-đầu-lại Thiên vương; Đề-đầu-lại Thiên vương lại nghĩ rằng: ‘Hiện tại Tỳ-Sa-môn Thiên vương đang nghĩ đến ta.’ Liền tự mình sửa soạn trang bị, đóng ngựa vào xe báu, cùng với vô số thần Càn-thát-bà[274] vây quanh trước sau, đến đứng một bên trước Tỳ-Sa-môn Thiên vương. Khi vua Tỳ-Sa-môn nghĩ đến Tỳ-lâu-lặc Thiên vương, thì Tỳ-lâu-lặc Thiên vương lại tự nghĩ rằng: ‘Nay vua Tỳ-Sa-môn đang nghĩ đến ta.’ Liền tự mình sửa soạn trang bị đóng ngựa vào xe báu, cùng với vô số thần Cứu-bàn-trà[275] vây quanh trước sau, đến đứng một bên trước Tỳ-Sa-môn Thiên vương. Khi vua Tỳ-Sa-môn nghĩ đến Tỳ-lâu-bà-xoa, thì Tỳ-lâu-bà-xoa lại tự nghĩ rằng: ‘Hiện tại Tỳ-Sa-môn Thiên vương đang nghĩ đến ta.’ Liền tự mình sửa soạn trang bị, đóng ngựa vào xe báu, cùng với vô số Long thần vây quanh trước sau, đến đứng một bên trước vua Tỳ-sa-môn. Khi vua Tỳ-Sa-môn nghĩ đến Đại thần của Tứ thiên vương, thì Đại thần của Tứ thiên vương lại tự nghĩ rằng: ‘Nay vua Tỳ-Sa-môn đang nghĩ đến ta.’ Liền tự mình sửa soạn trang bị, đóng ngựa vào xe báu, cùng dẫn theo với vô số Chư Thiên, đến đứng một bên trước Tỳ-Sa-môn Thiên vương.

“Lúc này, Tỳ-Sa-môn Thiên vương liền sửa soạn trang bị, mặc y báu, đóng ngựa vào xe báu, cùng với vô số trăm nghìn thiên thần đến vườn Tỳ-diên-đầu, tự nhiên có gió thổi cửa tự mở, tự nhiên có gió thổi sạch đất, tự nhiên có gió thổi hoa rụng khắp mặt đất, ngập đến đầu gối. Nhà vua ở trong vườn này cùng nhau vui đùa, từ một ngày, hai ngày,… cho đến bảy ngày; sau khi ngoạn cảnh xong trở về cung điện của mình. Vua Tỳ-Sa-môn luôn luôn có năm vị đại quỷ thần[276] hầu cận bảo vệ hai bên: một là Bát-xà-lâu, hai là Đàn-đà-la, ba là Hê-ma-bạt-đề, bốn là Đề-kệ-la, năm là Tu-dật-lộ-ma, năm vị quỷ thần này luôn luôn theo hầu bảo vệ. Oai thần, công đức, phước báo của vua Tỳ-Sa-môn là như vậy.”

 

Phẩm 8: ĐAO-LỊ THIÊN[277]

[131a4] Phật bảo Tỳ-kheo:

“Trên đỉnh Tu-di sơn vương có thành của trời Tam Thập Tam. Thành dọc ngang rộng tám vạn do-tuần; có bảy lớp với bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu. Thành cao một trăm do-tuần, phần trên rộng sáu mươi do-tuần. Cửa thành cao sáu mươi do-tuần, rộng ba mươi do-tuần. Cách nhau năm trăm do-tuần là có một cái cửa; tại mỗi cửa này có năm trăm quỷ thần giữ gìn bảo vệ trời Tam Thập Tam. Thành bằng vàng thì cửa bằng bạc, thành bạc thì cửa vàng,… cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót bi thương, cũng lại như vậy.

“Trong thành lớn này lại có thành nhỏ, dọc ngang rộng sáu vạn do-tuần. Thành có bảy lớp với bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu. Thành cao một trăm do-tuần, rộng sáu mươi do-tuần. Cửa thành cách nhau năm trăm do-tuần, cao sáu mươi do-tuần, rộng ba mươi do-tuần; tại mỗi cửa thành có năm trăm quỷ thần thị vệ tại bên cửa, để giữ gìn trời Tam Thập Tam. Thành bằng vàng thì cửa bằng bạc, thành bằng bạc thì cửa bằng vàng; thành bằng thủy tinh thì cửa bằng lưu ly, thành bằng lưu ly thì cửa bằng thủy tinh; thành bằng xích châu thì cửa bằng mã não, thành bằng mã não thì cửa bằng xích châu; thành bằng xa cừ thì cửa bằng các thứ báu khác.

“Về lan can này: nếu lan can bằng vàng thì tam cấp bằng bạc, lan can bằng bạc thì tam cấp bằng vàng; lan can bằng thủy tinh thì tam cấp bằng lưu ly, lan can bằng lưu ly thì tam cấp bằng thủy tinh; lan can bằng xích châu thì tam cấp bằng mã não, lan can bằng mã não thì tam cấp bằng xích châu; lan can bằng xa cừ thì tam cấp bằng các thứ báu khác. Trên những lan can này có lưới báu; dưới lưới vàng thì treo linh bạc, dưới lưới bạc thì treo linh vàng; lưới bằng lưu ly thì treo linh bằng thủy tinh, lưới bằng thủy tinh thì treo linh bằng lưu ly; lưới bằng xích châu thì treo linh bằng mã não, lưới bằng mã não thì treo linh bằng xích châu; lưới bằng xa cừ thì treo linh bằng các thứ báu khác. Về cây vàng: nếu rễ vàng, cành vàng thì lá hoa bằng bạc ròng. Về cây bạc: nếu rễ bạc, cành bạc thì lá hoa bằng vàng ròng. Về cây thủy tinh: nếu rễ, cành bằng thủy tinh thì lá, hoa bằng lưu ly. Về cây lưu ly: nếu rễ, cành bằng lưu ly thì lá hoa bằng thủy tinh. Về cây xích châu: nếu rễ, cành bằng xích châu thì lá hoa bằng mã não. Về cây mã não: nếu rễ, cành bằng mã não thì lá hoa bằng xích châu. Về cây xa cừ: nếu rễ, cành bằng xa cừ thì lá hoa bằng các thứ báu khác.

“Về bảy lớp thành này: thành có bố [231b]n cửa, cửa có lan can. Trên bảy lớp thành đều có đền đài, lầu các bao bọc chung quanh, có vườn rừng ao tắm, sinh ra các loài hoa quí nhiều màu sắc xen lẫn nhau, cây báu thành hàng, hoa trái tốt tươi đầy dẫy, hương thơm bay phảng phất khắp nơi làm đẹp lòng mọi người. Có chim le le, chim nhạn, uyên ương, cùng các loài chim kỳ lạ, vô số hàng nghìn loại, cùng nhau ca hót.

“Khoảng giữa bên ngoài thành nhỏ này có cung điện của Long vương Y-la-bát[278], dọc ngang rộng sáu nghìn do-tuần. Vách tường của cung điện có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu… cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy.

“Trong thành Thiện kiến[279] này có Thiện pháp đường[280], dọc ngang một trăm do-tuần; có bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu. Nền nhà hoàn toàn bằng vàng ròng, trên mặt phủ lưu ly. Chu vi những cây cột trong nhà này là mười do-tuần, cao một trăm do-tuần, dưới những trụ cột của ngôi nhà này là nơi đặt ngự tòa của Thiên đế[281], bề ngang rộng độ một do-tuần, có nhiều màu sắc xen lẫn nhau được tạo thành bởi bảy thứ báu. Ngự tòa này êm ái, mềm mại như lụa trời, và bên tả bên hữu, giáp hai bên tòa, có mười sáu chỗ ngồi.

“Pháp đường này có bốn cửa; chung quanh là lan can bằng bảy thứ báu. Đường cấp của ngôi nhà này dọc ngang năm trăm do-tuần, có bảy lớp cửa ngoài, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu... cho đến, vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy.

“Phía Bắc ngôi nhà Thiện kiến có cung điện Đế Thích, dọc ngang một nghìn do-tuần; tường vách cung điện có bảy lớp với bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu,... cho đến, vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy.

“Phía Đông ngôi nhà Thiện kiến có vườn rừng tên là Thô sáp[282], ngang rộng độ một nghìn do-tuần; tường vách cung điện có bảy lớp với bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu... cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy. Trong vườn Thô sáp có hai ụ đá do vàng trời trang sức, một gọi là Hiền, hai gọi là Thiện hiền[283], bề ngang mỗi ụ rộng năm mươi do-tuần, đá này mềm mại, độ mềm mại của nó như vải trời.

“Phía Nam cung điện Thiện kiến có khu vườn tên là Họa lạc[284], ngang rộng một nghìn do-tuần; vách tường của khu vườn có bảy lớp với bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu,... cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy. Trong vườn này [231c] có hai ụ đá bằng bảy thứ báu, một là Họa, hai là Thiện họa[285], bề ngang mỗi ụ rộng độ năm mươi do-tuần, ụ đá này mềm mại, độ mềm mại của nó như thiên y.

“Phía Tây ngôi nhà Thiện kiến có khu vườn tên là Tạp[286], ngang rộng một nghìn do-tuần, bờ tường của khu vườn có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu,... cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy. Trong khu vườn này có hai ụ đá, một là Thiện kiến, hai là Thuận thiện kiến,[287] do vàng trời trang sức và do bảy báu tạo thành, bề ngang mỗi ụ rộng độ năm mươi do-tuần, ụ đá này mềm mại, và độ mềm mại của nó như thiên y.

“Phía Bắc ngôi nhà Thiện kiến có khu vườn tên là Đại hỷ[288], ngang rộng một nghìn do-tuần, bờ tường của khu vườn có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp võng lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu,... cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy. Trong vườn này có hai ụ đá, một gọi là Hỷ, hai gọi là Đại hỷ, do xa cừ trang sức, ngang rộng năm mươi do-tuần, ụ đá này mềm mại, độ mềm mại của nó như thiên y.

“Ở quãng giữa vườn Thô sáp và vườn Họa lạc có ao Nan-đà[289], ngang rộng một trăm do-tuần; nước của nó lắng trong, không có một chút bợn nhơ, chung quanh bên cạnh thềm là bảy lớp hào báu, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu. Bốn phía hồ này có bốn bậc thang, chung quanh lan can làm bằng bảy báu,… cho đến có vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, lại cũng như vậy.

“Lại nữa trong ao này lại sinh ra bốn loại hoa xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, xanh nhạt, nhiều màu xen lẫn nhau; bóng rợp của một lá hoa này che một do-tuần; hương thơm phảng phất khắp một do-tuần; rễ của nó như ổ trục xe, nhựa của nó lưu xuất ra có màu trắng như sữa, vị ngọt như mật. Bốn phía ao này lại có những khu vườn.

“Giữa hai khu vườn Tạp và khu vườn Đại hỷ có cây tên là Trú độ[290], chu vi độ bảy do-tuần, cao một trăm do-tuần, cành lá bao trùm ra bốn phía độ năm mươi do-tuần, ngoài cây có ngôi đình trống, bề ngang rộng năm trăm do-tuần, bờ tường của cung điện có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp võng lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu,... cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại [131a] như vậy.

“Ngoài ra các cung điện khác của Đao-lị thiên, ngang rộng một nghìn do-tuần, tường cung điện có bảy lớp với bảy lớp lan can, bảy lớp võng lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu,... cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy. Những cung điện này ngang rộng từ chín trăm, tám trăm cho đến nhỏ nhất là một trăm do-tuần, bờ tường cung điện có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp võng lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu,... cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy. Những cung điện nhỏ, ngang rộng từ một trăm do-tuần, chín mươi, tám mươi, cho đến cực nhỏ là mười hai do-tuần, bờ tường của cung điện có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp võng lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu,... cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy.

“Phía Bắc ngôi nhà Thiện kiến có hai đường cấp dẫn đến cung điện Đế Thích. Phía Đông ngôi nhà Thiện kiến có hai đường cấp dẫn đến khu vườn Thô sáp; lại có hai đường cấp dẫn đến vườn Họa lạc; lại có đường cấp dẫn đến trong khu vườn Tạp; lại có đường cấp dẫn đến khu vườn Đại hỷ; lại có đường cấp dẫn đến ao Đại hỷ[291]; lại có đường cấp dẫn đến cây Trú độ; lại có đường cấp dẫn đến cung điện Tam Thập Tam thiên; lại có đường cấp dẫn đến cung điện Chư thiên; lại có đường cấp dẫn đến cung điện Y-la-bát Long vương.

“Nếu khi Thiên Đế Thích muốn du ngoạn đến trong vườn Thô sáp, liền nghĩ đến vị Đại thần của trời Tam Thập Tam, tức thì Đại thần Tam Thập Tam thiên nghĩ rằng: ‘Hiện nay Đế Thích đang nghĩ đến ta.’ Liền tự mình sửa soạn trang bị, đóng ngựa vào xe báu, cùng với vô số mọi người vây quanh trước sau đến đứng một bên trước Đế Thích. Khi Đế Thích nghĩ đến Chư thiên khác, thì Chư thiên nghĩ rằng: ‘Hiện nay Đế Thích đang nghĩ đến ta.’ Liền tự mình sửa soạn trang bị, cùng với vô số chúng Chư Thiên theo nhau đến đứng một bên trước Đế Thích. Khi Đế Thích nghĩ đến Y-la-bát Long vương, thì Y-la-bát Long vương lại tự nghĩ rằng: ‘Hiện nay Đế Thích đang nghĩ đến ta.’ Long vương liền tự biến hóa thân hình ra ba mươi ba cái đầu, mỗi cái đầu có sáu cái răng, mỗi cái răng có bảy hồ tắm, mỗi hồ tắm có bảy hoa sen lớn,mỗi hoa sen có một trăm lá, mỗi lá hoa có bảy ngọc nữ, ca nhạc, múa xướng, đánh trống, khảy đàn, vỗ nhịp ở trên đó. Sau khi vị Long vương biến hóa như vậy rồi, đi đến đứng một bên trước Đế Thích.

“Lúc này, Thích Đề-hoàn Nhân mặc vào thân mình những đồ trang sức quý báu cùng anh lạc, ngồi trên đầu thứ nhất của Y-la-bát Long vương, kế đó, hai bên mỗi đầu còn có mười sáu vị thiên vương ở trên đỉnh đầu Long vương này, theo thứ tự mà ngồi. Bấy giờ, Thiên đế Thích cùng với vô số quyến thuộc Chư thiên vây quanh đến vườn Thô sáp, tự nhiên có gió thổi cửa tự động mở, tự nhiên có gió thổi khiến cho đất sạch; [131b] tự nhiên có gió thổi làm những đóa hoa rơi khắp mặt đất, và tích tụ hoa rụng lại ngập đến cả đầu gối. Lúc này Thiên Đế Thích ngồi trên hai ụ đá Hiền và Thiện hiền theo ý thích, còn Ba mươi ba vị thiên vương mỗi người tự theo thứ tự mà ngồi. Lại nữa, có những Chư thiên không được phép theo hầu để đến tham quan viên quán này, không được vào vườn để vui đùa ngũ dục. Vì sao? Vì công đức mà họ vốn thực hành không đồng. Lại có những Chư thiên thấy được khu vườn mà không vào được, và không được cùng nhau vui đùa ngũ dục. Vì sao? Vì công đức mà họ vốn thực hành không đồng. Lại có những Chư thiên thấy được, vào được, nhưng không được cùng nhau vui đùa ngũ dục. Vì sao? Vì công đức mà họ vốn thực hành không đồng. Lại có những Chư thiên vào được, thấy được, và vui đùa ngũ dục được. Vì sao? Vì công đức mà họ vốn thực hành đồng nhau.

“Sau thời gian du hí trong vườn, Chư thiên đã tự vui ngũ dục, từ một ngày, hai ngày, cho đến bảy ngày, họ đã cùng nhau vui đùa xong, và mỗi người tự trở về cung điện. Khi Thiên đế Thích ngoạn du vườn Họa lạc, vườn Tạp, vườn Đại hỷ cũng lại như vậy.

“Vì sao gọi là vườn Thô sáp? Vì lúc vào trong vườn này, thì thân thể trở nên thô nhám[292]. Vì sao gọi là vườn Họa lạc? Vì lúc vào vườn này, thì thân thể tự nhiên có những sắc màu như vẽ[293] dùng để vui đùa. Vì sao gọi là vườn Tạp? Vì thường những ngày mùng tám, ngày mười bốn, ngày mười lăm của mỗi tháng, ngoại trừ người nữ A-tu-la, các thể nữ được thả tự do để cùng các Thiên tử ở trong vườn này cùng du hí hỗn tạp[294] với nhau, cho nên gọi là vườn Tạp. Vì sao gọi là vườn Đại hỷ? Vì lúc vào vườn này, thì có thể vui đùa một cách hoan hỷ, cho nên gọi là Đại hỷ[295]. Vì sao gọi là nhà Thiện pháp? Vì ở trên ngôi nhà này mà tư duy về pháp vi diệu[296], nhận lãnh cái vui thanh tịnh, cho nên gọi là nhà Thiện pháp. Vì sao gọi là cây Trú độ? Vì cây này có vị thần tên là Mạn-đà[297] thường thường tấu nhạc để tự vui đùa, cho nên gọi là Trú độ. Lại nữa, cành nhánh của cây lớn này vươn ra bốn phía, hoa lá rậm rạp tốt tươi như đám mây báu lớn, cho nên gọi là Trú độ[298].

“Hai bên tả hữu của Thích Đề-hoàn Nhân thường có mười đại Thiên tử[299] theo sau để hầu hạ và bảo vệ đó là: một tên là Nhân-đà-la, hai tên là Cù-di, ba tên là Tỳ-lâu, bốn tên là Tỳ-lâu-bà-đề, năm tên là Đà-la, sáu tên là Bà-la, bảy tên là Kỳ-bà, tám tên là Linh-hê-nậu, chín tên là Vật-la, mười tên là Nan-đầu. Thích Đề-hoàn nhân có thần lực lớn và oai đức như vậy.

Các loại hoa mọc trong nước mà người Diêm-phù-đề quí như: Ưu-bát-la, Bát-đầu-ma, Câu-vật-đầu, Phân-đà-lợi, Tu-càn-đầu, [132c] hương thơm của chúng thanh khiết nhẹ nhàng. Cũng vậy, các loại hoa mọc ra trên đất liền; đó là: Giải thoát hoa, Đảm-bặc-hoa, Bà-la-đà-hoa, Tu-mạn-châu-na hoa, Bà-sư hoa, Đồng nữ hoa. Giống như những hoa sinh ra ở nước, ở đất liền, thì những hoa sinh ra ở Câu-da-ni, Uất-đan-viết, Phất-vu-đãi, Long cung, Kim sí điểu cung cũng lại như vậy. Những hoa sinh ra ở trong thủy cung của A-tu-la: Hoa Ưu-bát-la, hoa Bát-đầu-ma, hoa Câu-vật-đầu, hoa Phân-đà-lợi, hương thơm của chúng nhẹ nhàng thanh khiết. Những hoa sinh ra nơi đất liền: hoa Thù-hảo, hoa Tần-phù, hoa đại Tần-phù, hoa Già-già-lợi, hoa đại Già-già-lợi, hoa Mạn-đà-la, hoa đại Mạn-đà-la. Những hoa sinh ra ở nước, ở đất liền này được Tứ thiên vương, Tam Thập Tam thiên, Diễm-ma thiên, Đâu-suất thiên, Hóa Tự Tại thiên, Tha Hóa Tự Tại thiên yêu quý cũng lại như vậy.

“Cõi Trời có mười loại pháp; đó là: một, bay đi không hạn số; hai, bay đến không hạn số; ba, đi vô ngại; bốn, đến vô ngại; năm, thân Trời không có da, xương, gân, mạch, máu, thịt; sáu, thân không có việc đại, tiểu tiện bất tịnh; bảy, thân không mệt nhọc; tám, thiên nữ không sinh đẻ; chín, mắt Trời không nháy; mười, thân tùy thuộc vào màu sắc của ý mình, như thích xanh thì hiện xanh, thích vàng thì vàng, đỏ, trắng và các màu khác tùy theo ý mình mà hiện. Đó là mười pháp của Chư thiên.

“Con người có bảy màu sắc, đó là: Có người màu lửa, có người màu xanh, có người màu vàng, có người màu đỏ, có người màu đen, có người màu trắng. Chư thiên, A-tu-la cũng có bảy màu sắc như vậy.

“Các Tỳ-kheo, ánh sáng của con đom đóm không bằng đèn, nến; ánh sáng của đèn, nến không bằng bó đuốc; ánh sáng của bó đuốc không bằng đống lửa; ánh sáng của đống lửa không bằng ánh sáng của sắc thân, y phục, anh lạc, thành quách, cung điện của Tứ thiên vương; ánh sáng của sắc thân, y phục, anh lạc, thành quách, cung điện của Tứ thiên vương không bằng ánh sáng của Tam Thập Tam thiên; ánh sáng của Tam Thập Tam thiên không bằng ánh sáng của Diệm-ma thiên; ánh sáng của Diệm-ma thiên không bằng ánh sáng của Đâu-suất thiên, ánh sáng của Đâu-suất thiên không bằng ánh sáng của Hóa Tự Tại thiên; ánh sáng của Hóa Tự Tại thiên không bằng ánh sáng của Tha Hóa Tự Tại thiên; ánh sáng của Tha Hóa Tự Tại thiên không bằng ánh sáng của sắc thân, y phục, cung điện Phạm-ca-di thiên; ánh sáng của sắc thân, y phục, cung điện Phạm-ca-di thiên không bằng ánh sáng của Quang Âm thiên; ánh sáng của Quang Âm thiên không bằng ánh sáng của Biến Tịnh thiên; ánh sáng của Biến Tịnh thiên không bằng ánh sáng của Quả thật thiên; [133a] ánh sáng của Quả thật thiên không bằng ánh sáng của Vô tưởng thiên; ánh sáng của Vô tưởng thiên không bằng ánh sáng của Vô phiền thiên thiên; ánh sáng của Vô phiền thiên không bằng ánh sáng của Vô nhiệt thiên; ánh sáng của Vô nhiệt thiên không bằng ánh sáng của Thiện kiến thiên; ánh sáng của Thiện kiến thiên không bằng ánh sáng của Thiện hiện thiên; ánh sáng của Thiện hiện thiên không bằng ánh sáng của Sắc cứu cánh thiên; ánh sáng của Sắc cứu cánh thiên không bằng ánh sáng của Tha Hóa Tự Tại thiên; ánh sáng của Tha Hóa Tự Tại thiên không bằng ánh sáng của Phật. Từ ánh sáng của con đom đóm đến ánh sáng của Phật, mà kết hợp những thứ ánh sáng như vậy lại, thì cũng không bằng ánh sáng của Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, và Đạo đế. Cho nên, các Tỳ-kheo, muốn tỳm cầu ánh sáng, thì phải cầu ánh sáng của Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, và Đạo đế. Các ngươi nên như vậy mà tu hành.

“Thân người ở cõi Diêm-phù-đề cao ba khủy tay rưỡi; y (phục) dài bảy khủy tay, rộng ba khủy tay rưỡi[300]. Thân người ở Cù-da-ni, Phất-vu-đãi cũng cao ba khủy tay; y (phục) dài bảy khủy tay, rộng ba khủy tay rưỡi. Thân người Uất-đan-viết cao bảy khủy tay; y dài mười bốn khủy tay, rộng bảy khủy tay. Thân A-tu-la cao một do-tuần; y dài hai do-tuần, rộng một do-tuần, y dày sáu lạng. Thân của Tứ thiên vương cao nửa do-tuần; y dài một do-tuần, rộng nửa do-tuần, y dày nửa lạng. Thân của Đao-lị thiên cao một do-tuần; y dài hai do-tuần, rộng một do-tuần, y dày sáu lạng. Thân của Diệm-ma thiên cao hai do-tuần; y dài bốn do-tuần, rộng hai do-tuần, y dày ba lạng. Thân của Đâu-suất thiên cao bốn do-tuần; y dài tám do-tuần, rộng bốn do-tuần, y dày một lạng rưỡi. Hóa Tự Tại thiên cao tám do-tuần; y dài mười sáu do-tuần, rộng tám do-tuần, y dày một lạng. Thân của Tha Hóa Tự Tại thiên cao mười sáu do-tuần; y dài ba mươi hai do-tuần, rộng mười sáu do-tuần, y dày nửa lạng. Từ Chư thiên trở lên, mỗi nơi tùy theo thân hình của họ mà mặc y phục.

“Tuổi thọ của người Diêm-phù-đề là một trăm năm, ít ai vượt qua khỏi; mà phần nhiều là dưới. Tuổi thọ của người Câu-da-ni là hai trăm năm, ít ai vượt qua khỏi, mà phần nhiều là dưới. Tuổi thọ của người Phất-vu-đãi là ba trăm năm, ít ai vượt qua khỏi, mà phần nhiều là dưới. Tuổi thọ của người Uất-đan-viết là một nghìn năm, không có tăng hay giảm. Tuổi thọ của ngạ quỷ là bảy vạn năm, ít ai vượt qua khỏi, mà phần nhiều là dưới. Tuổi thọ của loài rồng, và kim sí điểu là một kiếp, hoặc có giảm đi. Tuổi thọ của A-tu-la là một nghìn năm của cõi trời, ít ai vượt qua khỏi, mà phần nhiều là dưới. Tuổi thọ của Tứ thiên vương là năm trăm năm của cõi trời, ít ai vượt qua khỏi, mà phần nhiều là dưới. Tuổi thọ của Đao-lị thiên là một nghìn năm của cõi trời, ít ai vượt qua khỏi, mà phần nhiều là dưới. [133b] Tuổi thọ của Diệm-ma thiên là hai nghìn năm của cõi trời, ít ai vượt qua khỏi, mà phần nhiều là dưới. Tuổi thọ của Đâu-suất thiên là bốn nghìn năm của cõi trời, ít ai vượt qua khỏi, mà phần nhiều là dưới. Tuổi thọ của Hóa Tự Tại thiên là tám nghìn năm của cõi trời, ít ai vượt qua khỏi, mà phần nhiều là dưới. Tuổi thọ của Tha Hóa Tự Tại thiên là sáu nghìn năm của cõi trời, ít ai vượt qua khỏi, mà phần nhiều là dưới. Tuổi thọ của Phạm-ca-di thiên là một kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Quang Âm thiên là hai kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Biến Tịnh thiên là ba kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Quả thật thiên là bốn kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Vô tưởng thiên là năm trăm kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Vô tạo thiên là một nghìn kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Vô nhiệt thiên là hai nghìn kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Thiện kiến thiên là ba nghìn kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Đại Thiện kiến thiên là bốn nghìn kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Sắc cứu cánh thiên là năm nghìn kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Không vô biên xứ thiên là một vạn kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Thức vô biên xứ thiên là hai vạn một nghìn kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Vô sở hữu xứ thiên là bốn vạn hai nghìn kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Phi tưởng phi phi tưởng thiên là tám vạn bốn nghìn kiếp, hoặc có giảm bớt. Trong giới hạn ấy, được gọi là chúng sanh; trong giới hạn ấy được gọi là tuổi thọ; trong giới hạn ấy được gọi là thế giới; trong giới hạn ấy là sự luân chuyển của tập hợp uẩn, xứ, giới, qua lại trong các cõi, sanh, già, bịnh, chết.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Tất cả chúng sanh do bốn loại thức ăn mà tồn tại. Một là đoàn thực có thô có tế[301]. Hai là xúc thực. Ba là ý tư thực. Bốn là thức thực. Những loại thức ăn này chúng sanh ăn không giống nhau. Như người cõi Diêm-phù-đề dùng các loại cơm, bột, cá thịt, gọi là loại đoàn thực[302]. Y phục, tắm giặt, được gọi là tế hoạt thực[303]. Người Câu-da-ni, Phất-vu-đãi cũng ăn các loại cơm, bột, cá thịt được gọi là đoàn thực; y phục, tắm giặt là tế hoạt thực. Người Uất-đan-viết thì chỉ ăn lúa gạo chín tự nhiên, đầy đủ vị trời lấy là đoàn thực; cũng lấy y phục, tắm giặt làm tế hoạt thực. Loài rồng, kim sí điểu, thì ăn các con giải, con đà, con cá, con ba-ba lấy làm đoàn thực, và tắm gội, y phục làm tế hoạt thực. A-tu-la thì ăn đoàn thực sạch[304] lấy làm đoàn thực, và lấy tắm giặt, y phục làm tế hoạt thực. Tứ thiên vương, Đao-lị thiên, Diệm-ma thiên, Đâu-suất thiên, Hóa Tự Tại thiên, Tha Hóa Tự Tại thiên ăn loại đoàn thực sạch lấy làm đoàn thực, và tắm giặt, y phục làm tế hoạt thực. Chư thiên từ đây trở lên dùng hỷ lạc thiền định làm thức ăn.

[133c] “Những chúng sanh nào dùng xúc thực? Những chúng sanh, sinh ra từ trứng dùng xúc thực.

“Những chúng sanh nào dùng ý tư thực? Có chúng sanh nhờ vào ý tư thực mà được tồn tại, tăng trưởng các căn, tuổi thọ không dứt, đó là ý tư thực.

“Những chúng sanh nào dùng thức thực? Những chúng sanh ở địa ngục và cõi Vô sắc thiên, những loại chúng sanh này dùng thức thực.

“Người cõi Diêm-phù-đề dùng các thứ vàng bạc, đồ quý báu, lúa gạo, lụa là, nô bộc để mưu sinh buôn bán mà tự nuôi sống. Người Câu-da-ni dùng bò, dê, châu báu để trao đổi mà nuôi sống. Người Phất-vu-đãi dùng thóc, vải, châu ngọc[305] để trao đổi mà tự nuôi sống. Người Uất-đan-viết tuy không dùng cách trao đổi nhưng cũng mưu sinh để tự nuôi sống.

“Người cõi Diêm-phù-đề có sự mai mối hôn nhân, con trai lấy vợ, con gái lấy chồng. Người Câu-da-ni, và người Phất-vu-đãi, cũng có mai mối hôn nhân, con trai lấy vợ, con gái lấy chồng. Người Uất-đan-viết, thì không có vấn đề hôn nhân, không có sự lấy chồng, lấy vợ của con trai và con gái. Loài rồng và kim sí điểu cùng A-tu-la, thì cũng có hôn nhân, có giá thú giữa con trai và con gái. Tứ thiên vương, Đao-lị thiên,… cho đến Tha Hóa Tự Tại thiên cũng có hôn nhân, và có giá thú giữa người nam và người nữ. Chư thiên từ đây trở lên không còn có nam và nữ.

“Người cõi Diêm-phù-đề, vì giữa nam và nữ giao hội nhau, thân và thân xúc chạm nhau, nên sanh ra âm dương. Những người Câu-da-ni, người Phất-vu-đãi, người Uất-đan-viết cũng dùng thân với thân xúc chạm nhau nên cũng sanh ra âm dương. Các loài rồng, kim sí điểu cũng dùng thân với thân xúc chạm nhau nên cũng sanh ra âm dương. Loài A-tu-la thì thân với thân gần gũi nhau phát sanh khí mà trở thành âm dương. Tứ thiên vương, Đao-lị thiên thì cũng lại như vậy. Diệm-ma thiên, thì gần gũi nhau mà thành âm dương. Đâu-suất thiên thì cầm tay nhau mà thành âm dương. Hóa Tự Tại thiên thì nhìn kỹ nhau mà thành âm dương. Tha Hóa Tự Tại thiên thì láy mắt nhìn nhau mà thành âm dương. Chư thiên từ đây trở lên thì không còn dâm dục nữa.

“Nếu có chúng sanh nào, với thân làm ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ điều ác, thì sau khi thân hoại mạng chung, sau đó thức người đời diệt mất; thức nê lê bắt đầu sinh ra. Nhân thức nên có danh sắc. Nhân danh sắc nên có sáu xứ. Hoặc có chúng sanh với thân làm ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ điều ác, thì sau khi thân hoại mạng chung, bị đọa vào trong loài súc sanh; sau đó thức người đời bị diệt; thức súc sanh bắt đầu sinh ra; nhân thức nên có danh sắc; nhân danh sắc nên có sáu xứ. Hoặc có chúng sanh với thân làm ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ điều ác, thì sau khi thân hoại mạng chung, sẽ đọa vào trong ngạ quỷ; sau đó thức người đời bị diệt, thức ngạ quỷ bắt đầu sinh ra; nhân thức nên có danh sắc; nhân danh sắc nên có sáu xứ. Hoặc có chúng sanh với thân làm thiện, miệng nói những lời thiện, ý nghĩ điều thiện, thì sau khi thân hoại mạng chung, sẽ được sinh vào trong cõi người; sau đó thức đời trước diệt, thức loài người bắt đầu sinh ra; nhân thức nên có danh sắc; nhân danh sắc nên có sáu xứ.

[134a] “Hoặc có chúng sanh với thân làm thiện, miệng nói lời thiện, ý nghĩ điều thiên, thì sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sinh về cõi Tứ thiên vương; sau đó thức đời trước diệt; thức loài trời Tứ thiên vương bắt đầu sinh ra; nhân thức nên có danh sắc; nhân danh sắc nên có sáu xứ.

“Lúc bắt đầu sinh ở cõi Trời, hình dạng cũng giống hệt như con nít chừng hai, ba tuổi của cõi người này, tự nhiên hóa hiện, ngồi trên đầu gối Trời. Vị Trời ấy liền nói: ‘Đây là con ta.’ Do quả báo của hành vi, nên tự nhiên mà có nhận thức; liền tự nghĩ rằng: ‘Ta do đã làm những gì, mà nay ta sinh ra nơi này?’ Rồi tự nhớ lại: ‘Đời trước ta ở nhân gian, thân làm việc thiện, miệng nói lời thiện, ý nghĩ điều thiện. Vì đã làm những việc này nên nay được sanh về cõi Trời. Giả như ở đây ta mạng chung, mà sinh vào cõi nhân gian trở lại, thì phải thanh tịnh thân, khẩu, ý, và siêng năng gấp đôi trong việc tu tập các hạnh lành.’ Sau khi sinh ra chưa lâu, hài nhi tự biết đói, lúc ấy tự nhiên trước mặt hài nhi này có đồ để đựng quí, trong đó đựng thức ăn thanh tịnh của cõi Trời, tự nhiên có, đủ cả trăm mùi vị. Nếu phước báo nhiều thì thức ăn màu trắng. Nếu phước báo mà vừa thì thức ăn có màu xanh. Còn nếu phước báo ít thì thức ăn có màu đỏ. Đứa trẻ này dùng tay lấy thức ăn đưa vào miệng, thức ăn tự nhiên tiêu mất, như váng sữa được chế vào trong lửa. Khi đứa trẻ ăn xong, mới tự cảm thấy khát, thì tự nhiên có đồ đựng quý, đựng đầy nước cam lồ. Nếu là người có nhiều phước báo thì nước này có màu trắng; nếu người này phước báo vừa vừa thì nước này có màu xanh; nếu là ngưới có phước báo ít thì nước này có màu đỏ. Đứa trẻ này lấy nước uống; nước tự động tiêu mất như váng sữa được chế vào lửa vậy.

“Đứa trẻ này sau khi ăn uống xong, thì thân thể cao lớn cũng như các chư Thiên khác, liền vào trong hồ nước mà tự mình thưởng thức sự tắm gội rửa ráy. Khi đã tự mình thưởng thức xong thì ra khỏi hồ tắm, đến dưới cây Hương. Cây hương sẽ cong xuống; nó dùng tay lấy các loại hương tự thoa vào thân mình. Sau đó lại đến cây Y kiếp-bối. Cây cong xuống, nó lấy các loại y mặc vào thân mình. Tiếp đến nơi cây Trang nghiêm. Cây cong xuống, nó lấy các thứ đồ trang sức, để tự trang điểm thân. Tiếp đến cây Hoa man[306], cây nghiêng xuống môït bên, lấy tràng hoa đội lên đầu. Tiếp đến cây Khí, cây nghiêng xuống một bên, để lấy các thứ đồ vật báu. Tiếp đến cây Quả, cây nghiêng xuống một bên, hái trái tự nhiên, hoặc ăn hay ngậm, hoặc lọc nước mà uống. Tiếp đến cây nhạc khí, cây nghiêng xuống một bên, lấy nhạc khí Trời, khảy lên âm thanh trong trẻo vi diệu hòa cùng lời ca. Khi đứa trẻ cõi Trời hướng đến các khu vườn, thì thấy vô số thiên nữ đang khảy đàn đánh trống ca hát nói cười với nhau. Bấy giờ đứa trẻ cõi Trời dạo chơi thấy những cảnh như vậy, bèn sinh lòng đắm nhiễm, nhìn Đông mà quên Tây, nhìn Tây mà quên Đông. Lúc mà đứa trẻ này mới sinh, tự biết mà tự nghĩ rằng: ‘Do hành vi gì mà nay ta được sinh ra nơi này?’ [134b] Khi đang dạo chơi xem cảnh nơi kia, thì lại quên hết ý nghĩ này. Thế rồi, liền có thể nữ theo hầu.

“Hoặc có chúng sanh với thân làm thiện, miệng nói lời thiên, ý nghĩ điều thiện, thì sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh về cõi Đao-lị thiên; sau đó thức đời trước diệt; thức kia bắt đầu sinh ra; nhân thức này nên có danh sắc, nhân danh sắc nên có sáu xứ. Kẻ mới bắt đầu sinh của cõi Trời kia, giống như đứa trẻ hai hay ba tuổi ở cõi Diêm-phù-đề, tự nhiên biến hiện ra ở trên đầu gối của Trời, và vị Trời ấy nói: ‘Đây là con trai của ta. Đây là con gái của ta.’ Cũng lại như đã kể trên.

“Hoặc có chúng sanh với thân, miệng, ý đều thiện, thì sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh về cõi Diệm-ma thiên; kẻ mới bắt đầu sinh của cõi trời kia, giống như đứa trẻ ba, bốn tuổi ở cõi Diêm-phù-đề này.

“Hoặc có chúng sanh với thân, miệng ý đều thiện, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh về cõi Đâu-suất thiên; kẻ mới sinh ở cõi Trời này, giống như đứa trẻ bốn, năm tuổi ở thế gian này.

“Hoặc có chúng sanh với thân, miệng, ý đều thiện, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh về cõi Hóa-tự-tại thiên; kẻ mới sinh ở cõi Trời này, giống như đứa trẻ năm, sáu tuổi ở thế gian này.

“Hoặc có chúng sanh với thân, miệng, ý đều thiện, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh về cõi Tha Hóa Tự Tại thiên; kẻ mới sinh ở cõi Trời này, giống như đứa trẻ sáu, bảy tuổi ở thế gian này, cũng lại như vậy.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Mỗi nửa tháng có ba ngày trai[307], đó là: ngày mồng tám, ngày mười bốn, và ngày mười lăm.[308] Đó là ba ngày trai. Vì sao trong mỗi nửa tháng lấy ngày mùng tám làm ngày trai? Vì vào ngày mồng tám của mỗi nửa tháng là ngày Tứ thiên vương thường bảo sứ giả rằng: ‘Các ngươi nên đi khảo sát thế gian, xem xét mọi người, có biết hiếu thuận với cha mẹ, có kính thuận với Sa-môn, Bà-la-môn, có tôn kính các bậc trưởng lão, có trai giới, bố thí, có cứu giúp người cùng thiếu hay không?’ Sau khi sứ giả nghe những lời dạy này rồi, liền đi khảo sát khắp trong thiên hạ, để biết có người hiếu thuận với cha mẹ, tôn kính Sa-môn, Bà-la-môn, kính trọng các bậc trưởng lão, trì giới giữ trai, bố thí cho người cùng thiếu. Sau khi xem xét đầy đủ rồi, thấy có những người bất hiếu với cha mẹ, bất kính sư trưởng, không tu trai giới, không cứu giúp người cùng thiếu, về thưa với nhà vua rằng: ‘Tâu Thiên vương, ở thế gian những người hiếu thuận với cha mẹ, kính trọng sư trưởng, tịnh tu trai giới, giúp đỡ những người cùng thiếu thì rất ít! rất ít!’ Sau khi Tứ thiên vương nghe xong, sầu lo không vui, đáp rằng: ‘Than ôi! nếu người thế gian, có nhiều kẻ ác, bất hiếu với cha mẹ, không kính trọng sư trưởng, không tu tập trai giới, không giúp đỡ người cùng thiếu, thì chúng chư Thiên sẽ tổn giảm, và chúng A-tu luân sẽ tăng thêm.’ Trường hợp nếu sứ giả thấy ở thế gian mà có người hiếu kính mẹ cha, kính trọng sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp đỡ người nghèo, thì trở về bạch với [134c] Thiên vương rằng: ‘Ở thế gian có người hiếu thuận mẹ cha, kính trọng sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp đỡ người cùng thiếu.’ Tứ thiên vương sau khi nghe xong rất là hoan hỷ, xướng lên rằng: ‘Lành thay! Ta đã nghe những lời tốt lành, rằng thế gian nếu có những người có thể hiếu thuận mẹ cha, kính trọng sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp đỡ những người nghèo thiếu, thì chúng chư Thiên sẽ tăng thêm, và chúng A-tu-la sẽ giảm bớt.’

“Vì sao lấy ngày mười bốn làm ngày trai? Vì ngày mười bốn là ngày mà Tứ thiên vương bảo Thái tử rằng: ‘Ngươi nên đi khảo sát khắp thiên hạ, xem xét mọi người, để biết có người hiếu thuận mẹ cha, kính trọng sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp đỡ người nghèo thiếu hay không?’ Sau khi vâng lời dạy của vua xong, Thái tử liền đi khảo sát thiên hạ, xem xét mọi người, có biết hiếu thuận mẹ cha, tôn trọng sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp đỡ người nghèo thiếu hay không. Khi đã quán sát tất cả rồi, nhận thấy thế gian có người không hiếu thuận mẹ cha, không kính sư trưởng, không tu trai giới, không giúp đỡ người nghèo thiếu, trở về thưa vua rằng: ‘Tâu Thiên vương, ở thế gian người hiếu thuận với cha mẹ, tôn kính sư trưởng, tu hành trai giới thanh tịnh, giúp đỡ những người nghèo thiếu thì rất ít! rất ít!’ Tứ thiên vương nghe xong, sầu lo không vui, bảo rằng: ‘Than ôi! Nếu thế gian có nhiều kẻ ác, không hiếu thuận mẹ cha, không tôn trọng sư trưởng, không tu tập trai giới, không giúp đỡ những người nghèo thiếu, thì chúng Chư Thiên sẽ giảm bớt, chúng A-tu-la sẽ tăng thêm.’ Nếu Thái tử nhận thấy thế gian có người hiếu thuận mẹ cha, tôn kính sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp đỡ những người nghèo thiếu, thì liền trở về thưa vua rằng: ‘Tâu Thiên vương, ở thế gian có người hiếu thuận với mẹ cha, kính trọng sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp đỡ những người nghèo thiếu.’ Tứ thiên vương nghe xong, lòng rất vui mừng, xướng lên rằng: ‘Lành thay! Ta nghe được những lời tốt lành, là ở thế gian nếu có những người hiếu thuận với mẹ cha, tôn trọng sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp đỡ những người nghèo thiếu, thì chúng Chư Thiên sẽ tăng thêm, chúng A-tu-la sẽ giảm bớt.’ Cho nên ngày mười bốn là ngày trai.

“Vì sao lấy ngày mười lăm làm ngày trai? Vì ngày mười lăm là ngày Tứ thiên vương đích thân tự đi khảo sát thiên hạ, xem xét mọi người ở trong thế gian, có hiếu thuận mẹ cha, kính trọng sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp đỡ những người nghèo thiếu hay không? Nếu nhận thấy người thế gian phần nhiều bất hiếu với mẹ cha, không tôn trọng sư trưởng, không siêng trai giới, không giúp đỡ kẻ nghèo thiếu, Tứ thiên vương đến điện Thiện pháp tâu với Đế Thích: ‘Đại vương biết cho, chúng sanh ở thế gian [135a] phần nhiều bất hiếu với mẹ cha, không kính trọng sư trưởng, không tu trai giới, không giúp đỡ kẻ nghèo thiếu!’ Sau khi Đế Thích và Chư Thiên Đao-lị nghe xong lòng buồn lo không vui nói rằng: ‘Than ôi! Nếu chúng sanh ở thế gian phần nhiều là ác, không hiếu thuận mẹ cha, không tôn kính sư trưởng, không tu trai giới, không giúp kẻ cùng thiếu, thì chúng Chư Thiên sẽ giảm bớt, chúng A-tu-la sẽ tăng lên.’ Nếu Tứ thiên vương nhận thấy thế gian có người hiếu thuận với mẹ cha, tôn kính sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp đỡ kẻ nghèo thiếu, thì trở về điện Thiện pháp tâu với Đế Thích: ‘Người thế gian có kẻ hiếu thuận với mẹ cha, tôn kính sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp kẻ nghèo thiếu.’ Sau khi Đế Thích và Chư Thiên Đao-lị nghe xong lòng rất là hoan hỷ, xướng lên rằng: ‘Lành thay! Nếu ở thế gian mà có kẻ hiếu thuận mẹ cha, tôn kính sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp kẻ nghèo thiếu, thì chúng chư Thiên sẽ tăng, chúng A-tu-la sẽ giảm.’ Cho nên lấy ngày mười lăm là ngày trai giới. Vì lý do trên nên có ba ngày trai. Bấy giờ, Đế Thích muốn cho Chư Thiên càng thêm hoan hỷ hơn, liền nói bài kệ:

Thường lấy ngày mồng tám,

Mười bốn, rằm mỗi tháng,

Cải hóa, tu trai giới,

Người này đồng với ta.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Đế Thích nói bài kệ này, không phải là khéo thọ, không phải là khéo nói; Ta cũng không ấn khả. Vì sao? Vì Đế Thích chưa dứt hết dâm dục, sân hận, si mê, chưa thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ não. Ta bảo người này chưa lìa khỏi gốc khổ. Tỳ-kheo nào của Ta, nếu lậu hoặc đã hết, đắc A-la-hán, những gì cần làm đã làm xong, đã trút bỏ gánh nặng, đã được tự lợi, đã sạch hết kết sử các hữu, chân chánh giải thoát, thì Tỳ-kheo đó mới đáng nói bài kệ này:

Thường lấy ngày mồng tám,

Mười bốn, rằm mỗi tháng,

Vâng lời tu trai giới,

Người này đồng với ta.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Tỳ-kheo kia nói bài kệ này mới gọi là khéo thọ, mới gọi là khéo nói, được Ta ấn khả. Vì sao? Vì Tỳ-kheo kia đã dứt sạch dâm dục, sân hận, si mê, đã thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ não. Ta bảo người kia đã lìa khỏi gốc khổ.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Tất cả chỗ ở như nhà cửa của mọi người đều có quỷ thần,[309] không có chỗ nào là không có cả. Tất cả mọi đường sá, mọi ngã tư, hàng thịt, chợ búa, cùng bãi tha ma đều có quỷ thần, không có chỗ nào là không có cả. Phàm [135b] các loài quỷ thần đều tùy thuộc vào chỗ nương náu mà có tên. Như nếu nương vào người thì gọi là người; nương vào thôn thì gọi là thôn; nương vào thành thì gọi là thành; nương vào nước thì gọi là nước; nương vào đất thì gọi là đất; nương vào núi thì gọi là núi, nương vào sông thì gọi là sông.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Tất cả mọi loại cây cối dù là cực nhỏ như trục xe cũng đều có quỷ thần nương tựa, không có chỗ nào là không có. Tất cả mọi người nam, người nữ khi mới bắt đầu sinh ra đều có quỷ thần theo bên ủng hộ; nếu khi nào họ chết thì quỷ thần giữ gìn họ, thu nhiếp tinh khí của họ, nên người này sẽ chết ngay.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Giả như có Phạm-chí ngoại đạo hỏi rằng: ‘Chư hiền! Nếu như tất cả nam nữ khi bắt đầu sinh ra đều có quỷ thần theo bên giữ gìn, ủng hộ; khi người kia sắp chết, quỷ thần giữ gìn ủng hộ kia sẽ thu nhiếp tinh khí họ, thì người này chết. Nhưng tại sao người hiện nay lại có người bị quỷ thần quấy nhiễu, có người không bị quỷ thần quấy nhiễu?’ Nếu có người hỏi câu này, thì các ngươi nên trả lời cho họ rằng: ‘Người thế gian hành động phi pháp, tà kiến điên đảo, tạo ra mười nghiệp ác, những người như vậy, trong trăm hay nghìn mới có một thần theo bảo hộ thôi. Giống như đàn bò, đàn dê, trong trăm hay nghìn con cũng chỉ có một người chăn giữ. Ở đây cũng như vậy, vì hành động phi pháp, tà kiến điên đảo, tạo ra mười nghiệp ác, nên những người như vậy, trong trăm hay nghìn người mới có một thần bảo hộ thôi. Nếu có người nào tu hành pháp thiện, chánh kiến, chánh tín, chánh hạnh, đầy đủ mười nghiệp thiện, chỉ một người như vậy, thì cũng có trăm nghìn thần bảo hộ rồi. Giống như quốc vương, Đại thần của quốc vương có trăm nghìn người hộ vệ một người. Ở đây cũng như vậy, người tu hành pháp thiện, đầy đủ mười nghiệp thiện, như một người có trăm nghìn thần hộ vệ. Vì nhân duyên này cho nên, người thế gian có nguời bị quỷ thần quấy nhiễu, có người không bị quỷ thần quấy nhiễu.

“Người cõi Diêm-phù-đề có ba điều hơn người Câu-da-ni, đó là: một, dõng mãnh, nhớ dai, có khả năng tạo nghiệp hành; hai, dõng mãnh, nhớ dai, siêng tu phạm hạnh; ba, vì dõng mãnh, nhớ dai, nên Phật ra đời ở cõi này. Do có ba điều này nên hơn người Câu-da-ni. Người Câu-da-ni có ba điều hơn người Diêm-phù-đề, đó là: một, nhiều bò; hai, nhiều dê; ba, nhiều châu ngọc. Do có ba điều này nên hơn người Diêm-phù-đề.

“Người Diêm-phù-đề có ba điều hơn người Phất-vu-đãi, đó là: một, dõng mãnh, nhớ dai, [135c] có khả năng tạo ra nghiệp hành; hai, dõng mãnh, nhớ dai, thường tu phạm hạnh; ba, dõng mãnh, nhớ dai, Phật ra đời ở cõi này. Vì ba điều này nên hơn Phất-vu-đãi. Người Phất-vu-đãi có ba điều hơn người Diêm-phù-đề, đó là: một, cõi này rất rộng; hai, cõi này rất lớn; ba, đất đai cõi này rất vi diệu. Vì ba điều này nên hơn người Diêm-phù-đề.

“Người Diêm-phù-đề có ba điều hơn người Uất-đan-viết, đó là: một, mạnh mẽ, nhớ dai, có khả năng tạo ra hành nghiệp; hai, mạnh mẽ, nhớ dai, thường tu hành phạm hạnh; ba, mạnh mẽ, nhớ dai, Phật ra đời ở cõi này. Đó là ba điều hơn người Uất-đan-viết. Người Uất-đan-viết có ba điều hơn người Diêm-phù-đề, đó là: một, không bị ràng buộc lệ thuộc; hai, không có vật sở hữu của ngã; ba, tuổi thọ cố định là nghìn năm. Vì ba điều này nên hơn người Diêm-phù-đề.

“Người Diêm-phù-đề cũng với ba điều trên mà hơn đường ngạ quỷ. Đường ngạ quỷ có ba điều hơn Diêm-phù-đề, đó là: một, sống lâu; hai, thân to lớn; ba, người khác làm mà mình chịu. Vì ba điều này nên hơn Diêm-phù-đề.”

“Người Diêm-phù-đề cũng vì ba điều trên nên hơn loài rồng, kim sí điểu. Loài rồng, kim sí điểu lại có ba điều hơn người Diêm-phù-đề, đó là: một, sống lâu; hai, thân to lớn; ba, cung điện. Vì ba điều này nên hơn người Diêm-phù-đề.

“Người Diêm-phù-đề vì ba điều trên nên hơn A-tu-la. A-tu-la lại có ba điều hơn người Diêm-phù-đề, đó là: một, cung điện cao, rộng; hai, cung điện trang nhiêm; ba, cung điện thanh tịnh. Vì ba điều này nên hơn người Diêm-phù-đề.

“Người Diêm-phù-đề vì ba điều trên mà hơn Tứ thiên vương. Tứ thiên vương lại có ba điều hơn người Diêm-phù-đề, đó là: một, sống lâu; hai, đoan chánh; ba, an vui nhiều; vì ba điều này nên hơn người Diêm-phù-đề.

“Người Diêm-phù-đề cũng vì ba điều trên mà hơn Đao-lị thiên, Diệm-ma thiên, Đâu-suất thiên, Hóa-tự-tại thiên, Tha-hóa-tự-tại thiên. Các hàng Chư Thiên này lại có ba điều hơn người Diêm-phù-đề, đó là: một, sống lâu; hai, đoan chánh; ba, an vui nhiều.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Chúng sanh cõi Dục có mười hai loại, đó là: 1. Địa ngục, 2. Súc sanh, 3. Ngạ quỷ, 4. Người, 5. A-tu-la, 6. Tứ thiên vương, 7. Đao-lị thiên, [136a] 8. Diệm-ma thiên, 9. Đâu-suất thiên, 10. Hóa Tự Tại thiên, 11. Tha-hóa-tự-tại thiên, 12. Ma thiên.[310]

“Chúng sanh cõi Sắc có hai mươi hai loại, đó là: 1. Phạm thân thiên, 2. Phạm phụ thiên, 3. Phạm chúng thiên, 4. Đại Phạm thiên, 5. Quang thiên, 6. Thiểu quang thiên, 7. Vô lượng quang thiên, 8. Quang Âm thiên, 9. Tịnh thiên, 10. Thiểu tịnh thiên, 11. Vô lượng tịnh thiên, 12. Biến Tịnh thiên, 13. Nghiêm sức thiên, 14. Tiểu nghiêm sức thiên, 15. Vô lượng nghiêm sức thiên, 16. Nghiêm thắng quả thật thiên, 17. Vô tưởng thiên, 18. Vô phiền thiên, 19. Vô nhiệt thiên, 20. Thiện kiến thiên, 21. Đại thiện kiến thiên, 22. A ca nị trá thiên.[311]

“Chúng sanh cõi Vô sắc có bốn loại, đó là: 1. Không trí thiên, 2. Thức trí thiên, 3. Vô sở hữu trí thiên, 4. Hữu-tưởng vô tưởng trí thiên.”[312]

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Có bốn loại đại thiên thần, đó là: 1. Địa thần, 2. Thủy thần, 3. Phong thần, 4. Hỏa thần. Xưa kia Địa thần nảy sinh ra nhận thức sai lầm rằng: ‘Trong đất không có nước, lửa, và gió.’Lúc đó Ta biết rõ tâm niệm của Thần đất này, liền đến bảo rằng: “Ngươi đang nảy sanh ra ý nghĩ rằng: ‘Trong đất không có nước, lửa và gió phải không?’ Địa thần đáp: ‘Trong đất quả thực không có nước, lửa và gió.’ Lúc ấy Ta bảo rằng: ‘Ngươi chớ nảy sanh ý niệm này là trong đất không có nước, lửa và gió. Vì sao? Vì trong đất có nước, lửa và gió, chỉ vì yếu tố đất nhiều nên lấy đất mà gọi tên.’”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Lúc ấy Ta vì Địa thần mà lần lượt nói pháp để dứt trừ nhận thức sai lầm này, và chỉ bày, khuyến khích, làm cho lợi ích, làm cho hoan hỷ; nói về thí, về giới, về sinh thiên; nói dục là bất tịnh, là ô nhiễm, là tai họa; xuất yếu là trên hết, và trình bày khai mở phạm hạnh thanh tịnh. Lúc ấy Ta biết rõ tâm niệm Địa thần đã thanh tịnh, nhu nhuyến, không còn năm ấm cái, dễ dàng khai hóa. Như pháp thường của chư Phật, Ta chỉ bày giảng rộng về Khổ thánh đế, Khổ tập đế, Khổ diệt đế, và Khổ xuất yếu thánh đế. Bấy giờ Địa thần liền ngay tại chỗ xa lìa trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh. Ví như áo trắng sạch sẽ dễ được nhuộm màu, Địa thần cũng như vậy, lòng tin đã thanh tịnh, nên được mắt pháp, không còn hồ nghi, thấy pháp quyết định, không còn rơi vào đường ác, không [136b] hướng theo đạo khác, thành tựu được pháp vô úy, mà bạch với Ta rằng: ‘Nay con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, suốt đời không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, cho phép con được làm Ưu-bà-di ở trong Chánh pháp’.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Xưa kia, Thủy thần nảy sanh ác kiến, nói rằng: ‘Trong nước không có đất, lửa và gió.’ Lúc ấy Địa thần biết rõ tâm niệm Thủy thần sinh ra nhận thức này, nên đến nói với Thủy thần rằng: ‘Thật sự Ngươi có sinh ra kiến giải này, là trong nước không có đất, lửa và gió phải không?’ Đáp rằng: ‘Có thật như vậy.’ Địa thần nói: ‘Ngươi chớ sinh ra kiến giải này, là trong nước không có đất, lửa và gió. Vì sao? Vì trong nước có đất, lửa và gió, nhưng chỉ vì yếu tố nước nhiều quá, nên dùng yếu tố nước để gọi tên.’ Bấy giờ, Địa thần liền vì y mà nói pháp, dứt trừ kiến giải sai lầm này, và chỉ bày, khuyến khích, làm cho lợi ích, làm cho hoan hỷ; nói về thí, về giới, về sinh thiên; nói dục là bất tịnh, là ô nhiễm, là tai họa; xuất yếu là trên hết, và trình bày khai mở phạm hạnh thanh tịnh. Lúc ấy Địa thần biết rõ tâm niệm Thủy thần đã thanh tịnh, nhu nhuyến, không còn năm ấm cái, dễ dàng khai hóa. Như pháp thường của chư Phật, chỉ bày giảng rộng về Khổ thánh đế, Khổ tập đế, Khổ diệt đế, và Khổ xuất yếu thánh đế. Bấy giờ Thủy thần liền ngay tại chỗ xa lìa trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh. Ví như áo trắng sạch sẽ dễ được nhuộm màu, Thủy thần cũng như vậy, lòng tin đã thanh tịnh, nên được mắt pháp, không còn hồ nghi, thấy pháp quyết định, không còn rơi vào đường ác, không theo đường khác, thành tựu được pháp vô úy, mà bạch với Địa thần rằng: ‘Nay tôi xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, suốt đời không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, xin nhận tôi là Ưu-bà-di ở trong Chánh pháp’.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Xưa kia Hỏa thần nảy sanh ra ác kiến, nói rằng: ‘Trong lửa không có đất, nước và gió.’ Lúc ấy Địa thần và Thủy thần biết rõ tâm niệm Thủy thần sinh ra nhận thức này, nên cùng nói với Hỏa thần rằng: ‘Thật sự ngươi có sinh ra kiến giải này phải không?’ Đáp rằng: ‘Có thật như vậy.’ Hai thần nói: ‘Ngươi chớ sinh ra kiến giải này. Vì sao? Vì trong lửa có đất, nước và gió, nhưng chỉ vì yếu tố lửa nhiều quá, nên dùng yếu tố lửa để gọi tên.’ Bấy giờ, hai vị thần Địa và Thủy liền vì y mà nói pháp, dứt trừ kiến giải sai lầm này, và chỉ bày, khuyến khích, làm cho lợi ích, làm cho hoan hỷ; nói về thí, về giới, về sinh thiên; nói dục là bất tịnh, là ô nhiễm, là tai họa; xuất yếu là trên hết, và trình bày khai mở phạm hạnh thanh tịnh. Lúc ấy hai thần biết rõ tâm niệm Hỏa thần đã thanh tịnh, nhu nhuyến, không còn năm ấm cái, dễ dàng khai hóa. Như pháp thường của chư Phật, chỉ bày giảng rộng về Khổ thánh đế, Khổ tập đế, [136c]Khổ diệt đế, và Khổ xuất yếu thánh đế. Bấy giờ Hỏa thần liền ngay tại chỗ xa lìa trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh. Ví như áo trắng sạch sẽ dễ được nhuộm màu, Hỏa thần cũng như vậy, lòng tin đã thanh tịnh, nên được mắt pháp, không còn hồ nghi, thấy pháp quyết định, không còn rơi vào đường ác, không theo đường khác, thành tựu được pháp vô úy, mà bạch với hai thần rằng: ‘Nay tôi xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, suốt đời không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, xin nhận tôi là Ưu-bà-di ở trong Chánh pháp’.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Xưa kia Phong thần nảy sanh ra nhận thức sai lầm rằng: ‘Trong gió không có đất, nước và lửa.’ Lúc ấy Địa thần, Thủy thần, Hỏa thần biết rõ tâm niệm Thủy thần sinh ra nhận thức này, nên đến nói rằng: ‘Thật sự Ngươi có sinh ra kiến giải này phải không?’ Đáp rằng: ‘Có thật như vậy.’ Ba vị thần nói: ‘Ngươi chớ sinh ra kiến giải này. Vì sao? Vì trong gió có đất, nước và lửa, nhưng chỉ vì yếu tố gió nhiều quá, nên dùng yếu tố gió để gọi tên.’ Bấy giờ, ba vị thần liền vì y mà nói pháp, dứt trừ kiến giải sai lầm này, và chỉ bày, khuyến khích, làm cho lợi ích, làm cho hoan hỷ; nói về thí, về giới, về sinh thiên; nói dục là bất tịnh, là ô nhiễm, là tai họa; xuất yếu là trên hết, và trình bày khai mở phạm hạnh thanh tịnh. Lúc ấy ba thần biết rõ tâm niệm của Phong thần đã thanh tịnh, nhu nhuyến, không còn năm ấm cái, dễ dàng khai hóa. Như pháp thường của chư Phật, chỉ bày giảng rộng về Khổ thánh đế, Khổ tập đế, Khổ diệt đế, và Khổ xuất yếu thánh đế. Bấy giờ Phong thần liền ngay tại chỗ xa lìa trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh. Ví như tấm vải trắng sạch sẽ dễ được nhuộm màu, Phong thần cũng như vậy, lòng tin đã thanh tịnh, nên được mắt pháp, không còn hồ nghi, thấy pháp quyết định, không còn rơi vào đường ác, không theo đường khác, thành tựu được pháp vô úy, mà bạch với ba thần rằng: ‘Nay tôi xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, suốt đời không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, xin nhận tôi là Ưu-bà-di ở trong Chánh pháp’.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Mây có bốn thứ, đó là: một là màu trắng; hai là màu đen; ba là màu đỏ; bốn là màu hồng. Mây có màu trắng vì yếu tố đất đặc biệt nhiều; mây có màu đen vì yếu tố nước đặc biệt nhiều hơn; mây có màu đỏ vì yếu tố lửa đặc biệt nhiều hơn; mây có màu hồng vì yếu tố gió đặc biệt nhiều hơn. Mây cách mặt đất từ hai mươi dặm, ba mươi dặm, bốn mươi dặm,…cho đến bốn nghìn dặm; ngoại trừ kiếp sơ, còn sau đó thì mây lên đến cõi Quang-âm thiên. Chớp có bốn loại, đó là: Chớp ở phương Đông gọi là Thân quang; chớp ở phương Nam gọi là Nan hủy; chớp ở phương Tây [137a] gọi là Lưu diễm; chớp ở phương Bắc gọi là Định minh[313]. Vì sao mây ở trong hư không có hiện tượng ánh chớp này? Có lúc Thân quang cùng Nan hủy chạm nhau, có khi Thân quang cùng với Lưu diễm chạm nhau, có khi Thân quang cùng với Định minh chạm nhau, có khi Nan hủy cùng với Lưu diễm chạm nhau, có khi Nan hủy cùng với Định minh chạm nhau, có khi Lưu diễm cùng với Định minh chạm nhau; vì những nhân duyên này nên mây giữa hư không sinh ra ánh chớp. Và vì sao mây ở giữa hư không lại sinh ra sấm chớp? Vì ở giữa hư không có khi địa đại cùng với thủy đại chạm nhau, có khi địa đại cùng với hỏa đại chạm nhau, có khi địa đại cùng với phong đại chạm nhau, có khi thủy đại cùng với hỏa đại chạm nhau, có khi thủy đại cùng với phong đại chạm nhau; vì những nhân duyên này mà mây giữa hư không sinh ra sấm chớp.

“Có năm lý do mà các thầy tướng không thể tiên đoán, và không thể biết được một cách chắc chắn về mưa nên dẫn đến việc sai lầm trong lúc đoán, đó là: một, trong mây có sấm chớp, đóan rằng sắp mưa; nhưng vì hỏa đại nhiều nên nó thiêu hủy mây đi, vì vậy mà không mưa. Đó là lý do thứ nhất khiến cho các thầy tướng đoán sai lầm. Hai, trong mây có sấm chớp, đoán rằng sắp mưa, nhưng vì phong đại nổi lên, thổi mây bay tứ tán vào trong các núi, vì lý do này nên khiến cho các thầy tướng đoán sai lầm. Ba, trong mây có sấm chớp, đoán rằng sắp mưa, nhưng bấy giờ Đại A-tu-la đem phù vân đặt giữa biển cả, vì lý do này mà thầy tướng đoán sai lầm. Bốn, trong mây có sấm chớp, đoán rằng sắp mưa, nhưng vì thần mây, thần mưa đang buông lung dâm loạn, nên rốt cùng không làm mưa, vì lý do này nên thầy tướng đoán sai lầm. Năm, trong mây có sấm chớp, đoán rằng sắp mưa, nhưng vì mọi người trong thế gian hành động buông lung phi pháp, làm hạnh bất tịnh, tham lam, keo kiệt, ghen ghét, kiến giải điên đảo, nên khiến trời không mưa xuống, vì lý do này nên thầy tướng đoán sai. Đó là năm lý do làm cho các thầy tướng không thể biết để đoán mưa một cách chắc chắn được.” [314]

 

Phẩm 9: TAM TAI

[137b2] Phật bảo Tỳ-kheo:

“Có bốn sự kiện[315] trường cửu, không lường, không giới hạn, không thể dùng năm, tháng, ngày để mà tính kể được. Bốn sự kiện, đó là: Một, ở thế gian có những thứ tai nạn khởi lên từ từ; khi thế giới này tan hoại, trung gian là một khoảng thời gian trường cửu, không lường, không giới hạn, không thể dùng năm, tháng, ngày để mà tính kể được. Hai, sau khi thế giới này tan hoại rồi, thì trung gian là một khoảng trống vắng mênh mông, không có thế giới; thời gian này là mịt mù trường cửu, không thể dùng số lượng năm, tháng, ngày để mà tính được. Ba, khi trời đất mới bắt đầu khởi hướng nhắm đến sự hình thành, khoảng thời gian này là trường cửu, không thể dùng số lượng năm, tháng, ngày để mà tính được. Bốn, sau khi trời đất đã hoàn thành rồi, tồn tại lâu dài không hoại, không thể dùng số lượng năm, tháng, ngày để mà tính được. Đó là bốn sự kiện trường cửu, không lường, không có giới hạn, không thể dùng số lượng năm, tháng, ngày để tính toán được.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Ở thế gian có ba thứ tai kiếp[316]; đó là: Một, tai kiếp lửa. Hai, tai kiếp nước. Ba, tai kiếp gió. Có giới hạn phía trên của ba tai kiếp. Thế nào là ba? Đó là: một, Quang Âm thiên[317]; hai, Biến Tịnh thiên[318]; ba, Quả thật thiên[319]. Khi tai kiếp lửa khởi lên, cháy lên cho đến Quang Âm thiên, thì Quang Âm thiên là giới hạn. Khi tai kiếp nước khởi lên, ngập cho đến Biến Tịnh thiên, thì Biến Tịnh thiên là giới hạn. Khi tai kiếp gió khởi lên, thổi cho đến Quả thật thiên, thì Quả thật thiên là giới hạn.

“Thế nào là tai kiếp lửa? Khi tai kiếp lửa bắt đầu sắp sửa khởi, con người thế gian này lúc đó đều thực hành Chánh pháp, đều chánh kiến không điên đảo, đều tu mười thiện hành. Khi thực hành pháp này, có người đạt được nhị thiền, liền có thể cất mình bay lên ở giữa hư không, trụ vào Thánh nhơn đạo, Thiên đạo, Phạm đạo[320], và lớn tiếng xướng lên rằng: ‘Các Hiền giả! Sung sướng thay, đệ nhị thiền không tầm không tứ! Sung sướng thay, đệ nhị thiền![321] ’ Lúc ấy, người thế gian nghe những lời này rồi, liền ngửa mặt lên trời nói với họ rằng: ‘Lành thay! Lành thay! xin vì tôi mà nói đạo của đệ nhị thiền không tầm, không tứ.’ Khi ấy, người ở giữa hư không nghe những lời của người kia rồi liền nói về đạo của nhị thiền không tầm, không tứ. Sau khi người thế gian nghe nói rồi, liền tu đạo của nhị thiền không tầm, không tứ, nên khi thân hoại mạng chung được sinh về Quang Âm thiên.

“Lúc ấy, những chúng sanh có tội trong địa ngục, sau khi mạng chung lại được sinh vào cõi Người, và tu tập pháp của đệ nhị thiền không tầm, không tứ, nên sau khi thân hoại mạng chung được sinh về Quang Âm thiên. Những chúng sanh ở trong các loài Súc sanh, Ngạ quỷ, A-tu-la, Tứ thiên vương, Đao-lị thiên, Diệm-ma thiên, Đâu-suất thiên, Hóa Tự Tại thiên, Tha Hóa Tự Tại thiên, Phạm thiên, sau khi thân hoại mạng chung [137c] sanh lại cõi nhơn gian; sau đó tu tập nhị thiền không tầm, không tứ, thân hoại mạng chung sẽ sinh về Quang Âm thiên. Vì những nhân duyên này nên đường địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, A-tu-la, cho đến Phạm thiên tất cả đều diệt. Ngay lúc bấy giờ, trước tiên là địa ngục diệt, sau đó súc sanh diệt; súc sanh diệt rồi thì ngạ quỷ diệt; ngạ quỷ diệt rồi thì A-tu-la diệt; A-tu-la diệt rồi thì Tứ thiên vương diệt; Tứ thiên vương diệt rồi thì Đao-lị thiên diệt; Đao-lị thiên diệt rồi thì Diệm-ma thiên diệt; Diệm-ma thiên diệt rồi thì Đâu-suất thiên diệt; Đâu-suất thiên diệt rồi thì Hóa Tự Tại thiên diệt; Hóa Tự Tại thiên diệt rồi thì Tha Hóa Tự Tại thiên diệt; Tha Hóa Tự Tại thiên diệt rồi thì Phạm thiên diệt; Phạm thiên diệt rồi thì sau đó con người diệt, không còn sót gì lại sau này. Khi con người đã diệt, không còn gì nữa, thế gian này sẽ hủy hoại cho đến thành là tai. Sau đó trời không mưa, trăm thứ lúa thóc, cỏ cây tự nhiên chết khô.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tỳm con đường giải thoát, vượt qua thế gian.

“Sau đó, qua một thới gian rất lâu, có một trận bão lớn[322] bạo khởi, thổi nước biển lớn, làm cho nước biển, sâu tám vạn bốn ngàn do-tuần, bị tách làm hai; mang cung điện mặt trời đem đặt lưng chừng núi Tu-di; cách mặt đất bốn vạn hai nghìn do-tuần, đặt làm quỹ đạo của mặt trời[323]. Do nhân duyên này mà thế gian có hai mặt trời xuất hiện. Sau khi hai mặt trời xuất hiện, những giòng sông, ngòi, kênh, rạch nhỏ có được trên thế gian này, đều khô kiệt.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tỳm con đường giải thoát vượt qua thế gian.

“Sau đó một thời gian rất lâu có một trận bão lớn bạo khởi, thổi nước biển lớn, làm cho nước biển, sâu tám vạn bốn ngàn do-tuần, bị tách làm hai; mang cung điện mặt trời, đem đặt lưng chừng núi Tu-di; cách mặt đất bốn vạn hai nghìn do-tuần, an trí quỹ đạo mặt trời. Do nhân duyên này mà thế gian có ba mặt trời xuất hiện. Sau khi ba mặt trời xuất hiện, những nơi có nước nhiều như: sông Hằng, sông Da-bà-na, sông Bà-la, sông A-di-la-bà-đề, sông A-ma-khiếp, sông Tân-đà, sông Cố-xá tất cả đều khô cạn, không còn một giọt.

“Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ, Các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tỳm con đường giải thoát vượt qua thế gian.

“Sau đó một thời gian rất lâu có một trận bão lớn bạo khởi, thổi nước biển lớn, làm cho nước biển, sâu tám vạn bốn [138a] ngàn do-tuần, bị tách làm hai; mang cung điện mặt trời, đem đặt lưng chừng núi Tu-di; cách mặt đất bốn vạn hai nghìn do-tuần, an trí quỹ đạo mặt trời. Do nhân duyên này mà thế gian có bốn mặt trời xuất hiện. Sau khi bốn mặt trời xuất hiện, thì những con suối, nguồn nước, hồ, vực, trong thế gian như ao lớn Thiện kiến, ao lớn A-nậu-đạt, ao Tứ-phương-đà-diên, ao Ưu-bát-la, ao Câu-vật-đầu, ao Phân-đà-lợi, ao Ly; dọc ngang rộng năm mươi do-tuần, thảy đều khô cạn hết.

“Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tỳm con đường giải thoát vượt qua thế gian.

“Sau đó, một thời gian lâu dài, có một trận bão lớn bạo khởi, thổi nước biển lớn, làm cho nước biển, sâu tám vạn bốn ngàn do-tuần, bị tách làm hai; mang cung điện mặt trời, đem đặt lưng chừng núi Tu-di; cách mặt đất bốn vạn hai nghìn do-tuần, an trí quỹ đạo mặt trời. Do nhân duyên này mà thế gian có năm mặt trời xuất hiện. Sau khi năm mặt trời xuất hiện, thì nước trong biển lớn bị vơi dần từ một trăm do-tuần cho đến bảy trăm do-tuần.

“Vì vậy nên biết rằng: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tỳm con đường giải thoát vượt qua thế gian.

“Bấy giờ, nước biển lớn vơi dần hết chỉ còn có từ bảy trăm do-tuần, rồi sáu trăm do-tuần, rồi năm trăm do-tuần, rồi bốn trăm do-tuần, và… cho đến chỉ tồn tại một trăm do-tuần. Vì vậy nên biết rằng: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tỳm con đường giải thoát vượt qua thế gian.

“Bấy giờ, nước biển lớn từ từ vơi dần chỉ còn từ bảy do-tuần, rồi sáu do-tuần, rồi năm do-tuần, và… cho đến chỉ còn tồn tại một do-tuần.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Vì vậy nên biết: ‘Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tỳm con đường giải thoát vượt qua thế gian.

“Sau đó nước biển vơi dần chỉ còn từ bảy cây đa-la, rồi sáu cây đa-la, và… cho đến chỉ còn bằng một cây đa-la.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy, nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tỳm con đường giải thoát vượt qua thế gian.

“Sau đó nước biển chuyển cạn dần từ bảy người, rồi sáu người, rồi năm người, rồi bốn người, rồi ba người, rồi hai người, rồi một người, cho đến chỉ còn từ thắt lưng, rồi đầu gối, rồi đến… mắt cá chân người.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng để cho con người chán nản và lo sợ, nên tỳm đạo giải thoát độ thế gian.

“Sau đó, nước biển chỉ còn giống như sau cơn mưa xuân; cũng giống như nước trong dấu chân trâu, từ từ cạn hết, không đủ thấm ướt [138b] ngón tay người’.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tỳm con đường giải thoát vượt qua thế gian.

“Sau đó, qua một thời gian lâu dài, có trận bão lớn bạo khởi, thổi cát đáy biển, độ sâu tám vạn bốn nghìn do-tuần, dạt lên hai bờ; mang cung điện mặt trời đem đặt lưng chừng núi Tu-di, an trí quỹ đạo mặt Trời. Do nhân duyên này mà thế gian có sáu mặt trời xuất hiện. Sau khi sáu mặt trời xuất hiện, thì bốn châu thiên hạ, cùng tám vạn núi trong thiên hạ, núi lớn, Tu-di sơn vương… đều bốc khói cháy xém, giống như thợ gốm khi bắt đầu đun đồ gốm, thì lúc sáu mặt trời xuất hiện lại cũng như vậy.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tỳm con đường giải thoát vượt qua thế gian.

“Sau đó, qua một thời gian lâu dài, có trận bão lớn bạo khởi, thổi cát đáy biển, độ sâu tám vạn bốn nghìn do-tuần, dạt lên hai bờ; mang cung điện mặt trời đem đặt lưng chừng núi Tu-di, an trí quỹ đạo mặt trời. Do nhân duyên này mà. thế gian có bảy mặt trời xuất hiện. Sau khi bảy mặt trời xuất hiện, thì bốn châu thiên hạ này, cùng tám vạn núi trong thiên hạ, các núi lớn, Tu-di sơn vương… tất cả đều rực lửa. Cũng như thợ gốm khi đốt to, ngọn lửa bốc lên, lúc bảy mặt trời xuất hiêïn lại cũng như vậy.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tỳm con đường giải thoát vượt qua thế gian. Bốn châu thiên hạ này, cùng tám vạn núi trong thiên hạ, các núi lớn, Tu-di sơn vương… tất cả đều rực lửa. Cùng lúc, cung điện Tứ thiên vương, cung điện Đao-lị thiên, cung điện Diệm-ma thiên, Đâu-suất thiên, Hóa Tự Tại thiên, Tha Hóa Tự Tại thiên, cung điện Phạm thiên cũng đều rực lửa.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tỳm con đường giải thoát vượt qua thế gian.

“Sau khi bốn châu thiên hạ này… cho đến Phạm thiên, thảy đều rực lửa, gió thổi ngọn lửa đến cõi Quang Âm thiên. Các Thiên tử sơ sinh khi thấy ngọn lửa này đều sanh lòng sợ hãi, nói rằng: ‘Ối! Vật gì đây?’ Chư thiên sinh trước nói với Chư Thiên sinh sau rằng: ‘Chớ sợ hãi! Lửa kia đã từng đến và dừng lại ngang đó.’ Vì nghĩ đến ánh lửa trước nên gọi là Quang niệm thiên[324].

“Khi bốn thiên hạ này,… cho đến Phạm thiên, bốc lửa, thì Tu-di sơn vương dần dần [138c] sụp lở, từ một trăm do-tuần, hai trăm do-tuần,… cho đến bảy trăm do-tuần.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tỳm con đường giải thoát vượt qua thế gian.

“Sau khi bốn châu thiên hạ này,… cho đến Phạm thiên đều bị lửa đốt sạch, sau đó đại địa cùng Tu-di sơn không còn chút tro tàn nào hết. Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tỳm con đường giải thoát vượt qua thế gian.”

“Sau khi đại địa bị lửa đốt cháy sạch rồi, thì nước ở bên dưới đất cũng hết; gió ở bên dưới nước cũng hết. Vì vậy nên biết: Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tỳm con đường giải thoát vượt qua thế gian.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Khi tai kiếp lửa khởi lên, thì trời không mưa xuống, trăm thứ lúa, cỏ, cây tự nhiên bị khô chết. Ai sẽ tin? Chỉ có ai đã thấy thì sẽ tự biết mà thôi! Cũng vậy, cho đến, nước ở bên dưới đất hết, gió ở bên dưới nước cũng hết; ai sẽ tin? Chỉ có ai đã thấy thì sẽ tự biết mà thôi!

“Đó là tai kiếp lửa.

“Thế nào là sự phục hồi của kiếp lửa[325] ? Sau đó rất lâu, rất lâu, có đám mây đen lớn ở giữa hư không, cho đến cõi Quang Âm thiên; mưa đổ xuống khắp nơi, giọt mưa như bánh xe. Mưa như vậy trải qua vô số trăm nghìn năm, nước mưa lớn dần, cao đến vô số trăm nghìn do-tuần, cho đến cõi Quang Âm thiên.

“Bấy giờ, có bốn trận gió lớn nổi lên, giữ nước này trụ lại. Những gì là bốn? Một là trụ phong, hai là trì phong, ba là bất động, bốn là kiên cố[326]. Sau đó nước này vơi bớt một trăm nghìn do-tuần, rồi vô số trăm nghìn vạn do-tuần. Bốn mặt của nước này khởi lên trận gió lớn tên gió là tăng già[327], thổi nước khiến chúng dao động, nổi dậy ba đào, tạo thành bọt nước mà tích tụ lại; đám bọt nước tích tụ này bị gió thổi lìa khỏi mặt nước bắn lên không trung, và tự nhiên chúng rắn chắc, biến thành Thiên cung. Thiên cung trang sức bằng bảy báu. Do nhân duyên này mà có thiên cung Phạm-ca-di. Khi nước kia vơi mãi cho đến vô số trăm nghìn vạn do-tuần, bốn mặt của nước này lại nổi lên gió lớn, được gọi là tăng-già, thổi nước khiến chúng dao động, nổi dậy ba đào, tạo thành bọt nước mà tích tụ lại; đám bọt nước tích tụ này bị gió thổi lìa khỏi mặt nước bắn lên không trung, và tự nhiên chúng rắn chắc, biến thành Thiên cung. Thiên cung này trang sức bằng bảy báu. Do nhân duyên này mà có thiên cung Tha Hóa Tự Tại.

“Khi nước kia vơi bớt mãi cho đến vô số nghìn vạn do-tuần, bốn mặt nước này nổi lên gió lớn, có gió tên là tăng-già, thổi nước khiến chúng dao động, [140a] nổi dậy ba đào, tạo thành bọt nước mà tích tụ lại; đám bọt nước tích tụ này bị gió thổi lìa khỏi mặt nước bắn lên không trung, và tự nhiên chúng rắn chắc, biến thành Thiên cung. Thiên cung này trang sức bằng bảy báu. Do nhân duyên này mà có thiên cung Hóa Tự Tại.

“Khi nước kia rút xuống vô số trăm nghìn do-tuần, có gió tên là tăng-già, thổi nước khiến chúng dao động, nổi dậy ba đào, tạo thành bọt nước mà tích tụ lại; đám bọt nước tích tụ này bị gió thổi lìa khỏi mặt nước bắn lên không trung, và tự nhiên chúng rắn chắc, biến thành Thiên cung. Thiên cung này trang sức bằng bảy báu. Do nhân duyên này mà có thiên cung Đâu-suất.

“Khi nước kia rút xuống vô số trăm nghìn do-tuần, có gió tên là tăng-già, thổi nước khiến chúng dao động, nổi dậy ba đào, tạo thành bọt nước mà tích tụ lại; đám bọt nước tích tụ này bị gió thổi lìa khỏi mặt nước bắn lên không trung, và tự nhiên chúng rắn chắc, biến thành Thiên cung. Thiên cung này trang sức bằng bảy báu. Do nhân duyên này mà có thiên cung Diệm-ma.

“Khi nước kia rút xuống vô số trăm nghìn do-tuần, trên nước có bọt, và sâu sáu mươi vạn tám nghìn do-tuần, các biên của nó không có bờ mé. Cũng như dòng nước suối nguồn hang động ở thế gian này, trên nước của nó có bọt; thì kia cũng như vậy.

“Vì nhân duyên gì mà có núi Tu-di? Vì có cuồng phong nổi dậy, nên thổi bọt nước này tạo thành núi Tu-di, cao sáu mươi vạn tám nghìn do-tuần, dọc ngang tám vạn bốn nghìn do-tuần, và do bốn báu tạo thành: Vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly.

“Vì nhân duyên gì mà có bốn cung điện A-tu-la? Sau đó, cuồng phong thổi đám bọt nước lớn, ở tại bốn mặt của núi Tu-di nổi lên cung điện lớn; mỗi cung điện dọc ngang tám vạn do-tuần, tự nhiên biến thành cung điện bảy báu.

“Lại vì nhân duyên gì mà có cung điện của Tứ thiên vương? Về sau, cuồng phong thổi đám bọt nước lớn lên lưng chừng nửa núi Tu-di, độ bốn vạn hai nghìn do-tuần, tự nhiên biến thành cung điện bảy báu. Vì vậy cho nên gọi là cung điện Tứ thiên vương.

“Vì nhân duyên gì có cung điện Đao-lị thiên? Về sau, cuồng phong thổi đám bọt nước lớn lên tới đỉnh núi Tu-di, tự nhiên biến thành cung điện bảy báu.

“Lại vì nhân duyên gì mà có núi Già-đà-la[328]? Về sau, cuồng phong thổi đám bọt nước lớn lên cách núi Tu-di không xa, tự nhiên hóa thành núi báu, chân núi ăn sâu vào trong đất bốn vạn hai nghìn do-tuần, dọc ngang bốn vạn hai nghìn do-tuần, biên ngoài thì không hạn, sắc tạp bên cạnh do bảy báu mà thành, vì nhân duyên này nên có núi Già-đà-la.

“Lại vì nhân duyên gì mà có núi Y-sa? Về sau, cuồng phong thổi đám bọt nước lớn lên cách núi Già-đà-la không xa, tự nhiên hóa thành núi Y-sa, cao hai vạn một nghìn do-tuần, dọc ngang hai vạn một nghìn do-tuần, ngoài biên [139b] thì không hạn, nhiều màu sắc xen nhau, do bảy báu mà thành. Vì nhân duyên này nên có núi Y-sa. Sau khi cuồng phong thổi đám bọt nước lớn lên cách núi Y-sa không xa, tự nhiên hóa thành núi Thọ thần đà-la[329], cao một vạn hai nghìn do-tuần, dọc ngang một vạn hai nghìn do-tuần, ngoài biên thì không hạn, nhiều màu xen nhau, do bảy báu mà thành. Vì nhân duyên này nên có núi Thọ-thần-đà-la.

“Về sau, cuồng phong thổi đám bọt nước lớn lên cách núi Thọ-cự-đà-la không xa, tự nhiên hóa thành núi A-bát-ni-lâu[330], cao sáu nghìn do-tuần, dọc ngang sáu nghìn do-tuần, biên ngoài thì không hạn, nhiều sắc xen nhau, do bảy báu mà thành. Vì nhân duyên này nên có núi A-bát-ni-lâu.

“Sau đó, cuồng phong thổi đám bọt nước lớn lên cách núi A-bát-ni-lâu không xa, tự nhiên hóa thành núi Ni-lân-đà-la[331], cao ba nghìn do-tuần, dọc ngang ba nghìn do-tuần, biên ngoài thì không hạn, nhiều sắc tạp xen, do bảy báu mà thành. Vì nhân duyên này nên có núi Ni-lân-đà-la.

“Sau đó, cuồng phong thổi đám bọt nước lớn lên cách núi Ni-lân-đà-la không xa, tự nhiên hóa thành núi Tỳ-ni-đà[332], cao một nghìn hai trăm do-tuần, dọc ngang một nghìn hai trăm do-tuần, biên ngoài thì không hạn, sắc tạp xen nhau, do bảy báu mà thành, vì nhân duyên này nên có núi Tỳ-ni-đà.

“Sau đó, cuồng phong thổi đám bọt nước lớn lên cách núi Tỳ-ni-đà không xa, tự nhiên hóa thành núi Kim cang luân[333], cao ba trăm do-tuần, dọc ngang ba trăm do-tuần, biên ngoài thì không hạn, sắc tạp xen nhau, do bảy báu mà thành, vì nhân duyên này nên có núi Kim cang luân.

“Vì sao có một cung điện mặt trăng, bảy cung điện mặt trời? Một thời gian sau, cuồng phong thổi đám bọt nước lớn, thì tự nhiên biến thành một cung điện mặt trăng, bảy cung điện mặt trời, sắc tạp xen nhau, do bảy báu mà thành, vì bị bão thổi ngược trở lại chỗ cũ nên vì nhân duyên này mà có cung điện mặt trời và cung điện mặt trăng.

“Sau đó, cuồng phong thổi đám bọt nước lớn, thì tự nhiên biến thành bốn châu thiên hạ, cùng tám vạn thiên hạ. Vì nhân duyên này nên có bốn châu thiên hạ cùng tám vạn thiên hạ.

“Sau đó, cuồng phong thổi bọt nước lớn, thì tại tứ thiên hạ cùng tám vạn thiên hạ, tự nhiên biến thành núi Đại Kim cang luân, cao mười sáu vạn tám nghìn do-tuần, dọc ngang rộng mười sáu vạn tám nghìn do-tuần, biên giới của nó thì không có hạn; kim cang rắn chắc không thể hủy hoại. Vì nhân duyên này nên có núi Đại Kim cang luân.

“Sau đó một thời gian rất lâu, rất lâu, có mây tự nhiên phủ đầy không trung, và mưa lớn khắp nơi, [139c] những giọt nước mưa như bánh xe; nước này tràn đầy khắp nơi dìm bốn châu thiên hạ cùng núi Tu-di v.v…

“Sau đó, cuồng phong thổi đất làm thành hầm hố lớn; nước khe suối đều chảy vào hết trong đó, nhân đây mà làm thành biển. Vì nhân duyên này nên có bốn biển nước lớn. Nước biển mặn đắng có ba nhân duyên. Những gì là ba? Một, mây tự nhiên giăng khắp hư không cho đến Quang Âm thiên, mưa khắp mọi nơi, tẩy rửa cung trời, rửa sạch thiên hạ; từ cung trời Phạm-ca-di, cung trời Tha Hóa Tự Tại xuống đến cung trời Diệm-ma, bốn thiên hạ, tám vạn thiên hạ, các núi, núi lớn, Tu-di sơn vương, thảy đều được tẩy rửa sạch sẽ; trong những nơi này, tất cả các thứ nước dịch bất tịnh, dơ dáy và mặn, đều trôi xuôi xuống mà vào trong biển cả hợp thành một vị, nên nước biển có vị mặn. Hai, vì xưa kia có vị Đại Tiên trì cấm chú vào nước biển, muốn cho lúc nào nó cũng mặn đắng, người không uống được, cho nên chúng mặn đắng. Ba, vì trong nước biển lớn này có nhiều loại chúng sanh cư trú, thân hình chúng to dài đến, hoặc trăm do-tuần, hai trăm do-tuần… cho đến bảy trăm do-tuần, thở hít, ăn vào mửa ra, đại tiểu tiện đều ở trong đó, nên nước biển mặn.

“Đó là tai kiếp lửa[334].”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Thế nào là tai kiếp nước?

“Khi tai kiếp nước bắt đầu, con người trong thế gian này đều phụng hành Chánh pháp, đều chánh kiến, không theo tà kiến, mà tu tập mười thiện nghiệp. Sau khi tu tập thiện hành, có người đạt được đệ tam thiền không có hỷ, thân họ có thể cất lên ở giữa hư không, an trụ Thánh nhơn đạo, Thiên đạo, Phạm đạo, và lớn tiếng xướng lên rằng: ‘Các Hiền giả! Sung sướng thay, đệ tam thiền không có hỷ!’ Lúc ấy, người thế gian nghe những lời này rồi, liền ngửa mặt lên trời nói với họ rằng: ‘Lành thay! Lành thay! xin vì tôi mà nói đạo của tam thiền không có hỷ.’ Lúc này, người ở giữa hư không nghe những lời của người kia rồi liền nói về đạo của tam thiền không có hỷ. Sau khi người thế gian nghe nói rồi, liền tu đạo của tam thiền không có hỷ, nên khi thân hoại mạng chung họ được sinh về Biến Tịnh thiên.

“Bấy giờ, những chúng sanh ở trong địa ngục, sau khi tội nghiệp của họ đã mãn, thân hoại mạng chung tái sinh vào nhơn gian. Rồi cũng tu tập đạo của đệ tam thiền; sau khi tu tập đạo thiền, thân hoại mạng chung, được sinh về Biến Tịnh thiên. Những chúng sanh của các loài súc sanh, ngạ quỷ, A-tu-la, Tứ thiên vương, Đao-lị thiên, Diệm-ma thiên, Đâu-suất thiên, Hóa Tự Tại thiên, Tha Hóa Tự Tại thiên, Phạm thiên, Quang Âm thiên sau khi thân hoại mạng chung cũng tái sinh vào cõi nhơn gian; nếu họ cũng tu tập đạo của đệ tam thiền, khi thân hoại mạng chung họ cũng sẽ được sinh về Biến Tịnh thiên. Vì nhân duyên này nên đạo địa ngục [140a] bị diệt tận, và súc sanh, ngạ quỷ, A tu luân, Tứ thiên vương,… cho đến cõi Quang Âm thiên cũng đều diệt tận. Vào lúc bấy giờ, trước tiên là địa ngục biến mất, sau đó súc sanh biến mất; súc sanh biến mất rồi, thì ngạ quỷ biến mất; ngạ quỷ biến mất rồi, thì A-tu-la biến mất; khi A-tu-la biến mất rồi, thì Tứ thiên vương biến mất; khi Tứ thiên vương biến mất rồi, thì Đao-lị thiên biến mất, khi Đao-lị thiên biến mất rồi, thì Diệm-ma thiên biến mất; Diệm-ma thiên biến mất rồi, thì Đâu-suất thiên biến mất; khi Đâu-suất thiên biến mất rồi, thì Hóa Tự Tại thiên biến mất; khi Hóa Tự Tại thiên biến mất rồi, thì Tha Hóa Tự Tại thiên biến mất; khi Tha Hóa Tự Tại thiên biến mất rồi, thì Phạm thiên biến mất; khi Phạm thiên biến mất rồi, thì Quang Âm thiên biến mất; khi Quang Âm thiên biến mất, sau đó thì loài người hoàn toàn biến mất. Sau khi loài người hoàn toàn biến mất, thế gian này hủy diệt. Như thế là hoàn thành tai kiếp.[335]

“Rất lâu sau đó, rất lâu, có đám mây đen lớn bạo khởi, trên cho đến Biến Tịnh thiên, mưa khắp mọi nơi, mưa xuống hoàn toàn là nước nóng. Thứ nước này sôi sục, đun nấu thiên hạ, làm cho các cung điện cõi trời thảy đều bị tiêu hết, không còn sót thứ gì, giống như đặt dầu bơ[336] vào trong lửa, đều bị chảy tiêu hết, không còn sót thứ gì, cung điện Quang Âm thiên cũng lại như vậy. Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, là pháp biến dịch, không đáng tin cậy; phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tỳm con đường giải thoát vượt khỏi thế gian.

“Sau đó, mưa này lại xâm phạm đến cung điện cõi trời Phạm-ca-di, cũng đun chảy tiêu hết, không sót thứ gì, giống như dầu bơ đem đặt vào trong lửa, không còn sót thứ gì, thì cung điện Phạm-ca-di lại cũng như vậy.

“Sau đó, nước mưa này lại xâm phạm đến các cung điện Tha Hóa Tự Tại thiên, Hóa Tự Tại thiên, Đâu-suất thiên, Diệm-ma thiên, cũng bị đun chảy tiêu hết, không còn sót thứ gì, giống như dầu bơ đem đặt vào trong lửa, không còn sót thứ gì, thì các cung điện Chư Thiên lại cũng như vậy.

“Sau đó, nước mưa này lại xâm phạm đến bốn châu thiên hạ, cùng tám vạn thiên hạ, các núi, núi lớn, Tu-di sơn vương cũng đều bị đun nấu tiêu hết, không còn sót thứ gì, giống như dầu bơ đem đặt vào trong lửa, đều bị nung chảy tiêu hết, không còn sót thứ gì, những thứ này lại cũng như vậy. Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, là pháp biến dịch, không đáng tin cậy; phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tỳm con đường giải thoát vượt khỏi thế gian.

“Sau đó, nước này đã đun nấu đại địa không còn sót gì nữa rồi, thì nước bên dưới đất cũng hết, gió bên dưới nước cũng hết. Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, là pháp biến dịch, không đáng tin cậy; phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tỳm đạo giải thoát vượt khỏi thế gian.”

Phật bảo [140b] Tỳ-kheo:

“Sự nung chảy, tiên tận ngang đến cung điện Biến Tịnh thiên này, ai là người có thể tin? Chỉ có ai thấy mới có thể biết mà thôi!

“Từ cung điện Phạm-ca-di bị nung chảy tiêu hết… cho đến, nước bên dưới đất cũng hết, gió bên dưới nước cũng hết, ai là người có thể tin? Chỉ có ai thấy, mới có thể biết mà thôi!

“Đó là tai họa do nước.

“Thế nào là sự hồi phục của tai kiếp nước? Sau đó một thời gian rất lâu, rất lâu, xuất hiện đám mây đen lớn bao phủ khắp hư không, lên đến cõi Biến Tịnh thiên, mưa khắp nơi, những giọt nước mưa như bánh xe. Mưa kéo dài vô số trăm nghìn vạn năm như vậy, nước mưa này lớn dần dần cho đến cõi Biến Tịnh thiên. Có bốn loại gió lớn giữ nước này lại một chỗ đó là: một là trụ phong, hai là trì phong, ba là bất động, bốn là kiên cố.

“Sau đó, nước này vơi giảm vô số trăm nghìn do-tuần, bốn mặt gió lớn nổi dậy gọi là tăng-già, thổi nước khiến chúng dao động, nổi dậy ba đào, tạo thành bọt nước mà tích tụ lại, rồi bị gió thổi lìa khỏi mặt nước bắn lên không trung, và tự nhiên chúng biến thành cung điện Quang Âm thiên, trang sức bằng bảy báu. Vì nhân duyên này mà có cung điện Quang Âm thiên.

“Khi nước kia vơi giảm dần cho đến vô số trăm nghìn do-tuần, gió tăng-già thổi nước khiến chúng dao động, nổi dậy ba đào, tạo thành bọt nước mà tích tụ lại, rồi bị gió thổi lìa khỏi mặt nước bắn lên không trung, và tự nhiên chúng biến thành cung điện Phạm-ca-di, trang sức bằng bảy báu. Như đã kể, cho đến, nước biển có cùng một vị mặn đắng, cũng như lúc tai họa do lửa phục hồi, đó là tai kiếp nước.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Thế nào là tai kiếp gió[337]? Khi tai kiếp gió bắt đầu khởi, con người trong thế gian này đều phụng hành Chánh pháp, đều chánh kiến, không theo tà kiến, mà tu tập mười thiện nghiệp. Khi tu tập hành vi thiện, có người đạt được đệ tứ thiền với xả và niệm thanh tịnh[338], họ ở giữa hư không, trụ vào Thánh nhơn đạo, Thiên đạo, Phạm đạo, và lớn tiếng xướng lên rằng: ‘Các Hiền giả! Nên biết, sung sướng thay, đệ tứ thiền với xả và niệm thanh tịnh! Sung sướng thay, đệ tứ thiền với xả và niệm thanh tịnh!’ Lúc ấy, người thế gian nghe những lời này rồi, liền ngửa mặt lên trời nói với họ rằng: ‘Lành thay! Lành thay! xin vì tôi mà nói về đạo của tứ thiền với xả và niệm thanh tịnh!’ Lúc này, người ở giữa hư không nghe những lời của người kia rồi liền nói về đạo của tứ thiền. Sau khi người thế gian nghe nói rồi, liền tu đạo của tứ thiền, nên khi thân hoại mạng chung được sinh về Quả thật thiên.

“Bấy giờ, những chúng sanh ở trong địa ngục, sau khi tội nghiệp đã mãn, thân hoại mạng chung, tái sinh vào nhơn gian. Rồi cũng tu tập đạo của đệ tứ thiền; sau khi tu tập đạo thiền, thân hoại mạng chung, tái sinh về Quả thật thiên. Còn những chúng sanh của các loài súc sanh, ngạ quỷ, A-tu-la, Tứ thiên vương,… cho đến Biến Tịnh thiên, sau khi thân hoại mạng chung cũng sẽ tái sinh vào cõi nhơn gian; nếu cũng tu tập đạo của đệ tứ thiền, khi thân hoại mạng chung cũng sẽ tái sinh về Quả thật thiên. Vì nhân duyên này nên đạo địa ngục được diệt tận, và súc sanh, [140c] ngạ quỷ, A-tu-la, Tứ thiên vương,… cho đến cõi Biến Tịnh thiên cũng đều diệt tận.

“Vào lúc bấy giờ, trước tiên là địa ngục diệt tận, sau đó súc sanh diệt tận; súc sanh diệt tận rồi, thì ngạ quỷ diệt tận; khi ngạ quỷ diệt tận rồi, thì A-tu-la diệt tận; khi A-tu-la diệt tận rồi, thì Tứ thiên vương diệt tận; khi Tứ thiên vương diệt tận rồi… như vậy lần lượt cho đến Biến Tịnh thiên diệt tận; khi Biến Tịnh thiên diệt tận rồi, sau đó, con người bị diệt tận không còn sót. Khi con người đã bị diệt tận không còn sót, thì thế gian này bị tan hoại, thế là hoàn thành tai kiếp.

“Rất lâu, rất lâu sau đó, có gió lớn nổi lên, tên là đại tăng -già,… cho đến Quả thật thiên. Gió lan khắp mọi nơi, thổi cung điện Biến Tịnh thiên, Quang Âm thiên, khiến cho các cung điện va chạm nhau tan vỡ ra thành phấn bụi, giống như lực sĩ cầm hai cái chày đồng, làm cho chúng va chạm nhau, cả hai đều vỡ vụn không còn gì hết, thì hai cung điện va chạm nhau cũng lại như vậy. Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, là pháp biến dịch, không đáng tin cậy; phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tỳm đạo giải thoát vượt khỏi thế gian.’

“Sau đó, gió này thổi cung điện Phạm-ca-di thiên, Tha Hóa Tự Tại thiên, các cung điện va chạm nhau, tan vỡ ra thành phấn bụi không còn gì hết, giống như lực sĩ cầm hai cái chày đồng, làm cho chúng va chạm nhau, cả hai đều vỡ không còn gì hết, thì hai cung điện va chạm nhau cũng lại như vậy. Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, là pháp biến dịch, không đáng tin cậy; phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tỳm đạo giải thoát vượt thế gian.

“Sau đó, gió này thổi cung điện Hóa Tự Tại thiên, Đâu-suất thiên, Diệm-ma thiên, các cung điện này va chạm nhau, tan vỡ ra thành phấn bụi không còn lại gì hết, giống như lực sĩ cầm hai cái chày đồng, làm cho chúng va chạm nhau, cả hai đều vỡ vụn không còn gì hết, thì những cung điện này va chạm nhau không còn gì hết cũng lại như vậy. Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, là pháp biến dịch, không đáng tin cậy; phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tỳm con đường giải thoát vượt khỏi thế gian.”

“Sau đó, gió này thổi bốn thiên hạ, cùng tám vạn thiên hạ, các núi, núi lớn, Tu-di sơn vương đem đặt giữa hư không, cao trăm nghìn do-tuần, những ngọn núi này va chạm nhau, tan vỡ ra thành phấn bụi, giống như lực sĩ tay cầm vỏ trấu nhẹ rải vào không trung, thì tứ châu thiên hạ, Tu-di, các núi này vỡ vụn, phân tán ra, cũng lại như vậy. Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, là pháp biến dịch, không đáng tin cậy; phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tỳm con đường giải thoát vượt khỏi thế gian.

“Sau đó, gió thổi sạch đại địa; nước bên dưới đất hết, gió bên dưới nước hết. Cho nên [141a] phải biết: Tất cả hành là vô thường, là pháp biến dịch, không đáng tin cậy; phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm nên tỳm con đường giải thoát vượt khỏi thế gian.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Khi hai cung điện Biến Tịnh thiên và Quang Âm thiên va chạm nhau, tan vỡ ra thành phấn bụi, ai là người có thể tin? Chỉ có độc nhất người thấy mới có thể biết mà thôi. Như vậy cho đến nước bên dưới đất hết, gió bên dưới nước hết, ai là người sẽ tin? Chỉ có độc nhất người thấy mới có thể biết mà thôi.

“Đó là tai kiếp gió.

“Thế nào là sự hồi phục của tai kiếp?

“Sau một thời gian rất lâu xuất hiện đám mây đen lớn bao phủ khắp hư không, lên đến cõi Quả thật thiên. Rồi mưa xuống khắp nơi; những giọt nước mưa như bánh xe, mưa kéo dài vô số trăm nghìn vạn năm, nước này lớn dần, cho đến Quả thật thiên. Lúc bấy giờ, có bốn loại gió lớn giữ nước này lại một chỗ. Những gì là bốn? Một là trụ phong, hai là trì phong, ba là bất động, bốn là kiên cố. Sau đó, nước này dần dần rút xuống vô số trăm nghìn do-tuần; bốn phía mặt nước gió lớn nổi dậy, gọi là tăng già, thổi nước khiến chúng dao động, nổi dậy ba đào, tạo thành bọt nước mà tích tụ lại, bị gió thổi lìa khỏi mặt nước bắn lên không trung, và tự nhiên chúng biến thành cung điện Biến Tịnh thiên, được trang sức bằng bảy báu, xen lẫn các loại tạp sắc. Vì nhân duyên này mà có cung điện Biến Tịnh thiên.

“Khi nước kia rút dần cho đến vô số trăm nghìn do-tuần, thì gió tăng-già kia thổi nước khiến chúng dao động, nổi dậy ba đào, tạo thành bọt nước mà tích tụ lại, bị gió thổi lìa khỏi mặt nước bắn lên không trung, và tự nhiên chúng biến thành cung điện Quang Âm thiên, được trang sức bằng bảy báu, xen lẫn các loại tạp sắc… cho đến nước biển có cùng một vị mặn đắng, cũng như đã nói về tai kiếp lửa.

“Đó là tai kiếp gió. Đó là ba tai kiếp, và là ba lần phục hồi[339].”

 

Phẩm 10: CHIẾN ĐẤU

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Vào thuở xưa, khi chư Thiên cùng A-tu-la chiến đấu. Bấy giờ Thích đề-hoàn Nhân lệnh gọi Chư Thiên Đao-lị đến bảo rằng: ‘Nay các ngươi đi đánh nhau với bọn chúng. Nếu thắng, hãy bắt A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la[340], trói với năm chỗ trói[341], rồi mang đến giảng đường Thiện pháp[342]. Ta muốn nhìn thấy.’ Rồi, Chư Thiên Đao-lị sau khi vâng lệnh Đế Thích, mỗi người tự trang bị cho mình.

“Lúc bấy giờ, A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la ra lệnh các A-tu-la rằng: ‘Nay các ngươi hãy đi đánh nhau với bọn chúng. Nếu thắng, hãy bắt Thích đề-hoàn Nhân, trói với năm chỗ trói, rồi mang đến giảng đường Thất diệp[343]. Ta muốn nhìn thấy.’ [141b] Các A-tu-la sau khi vâng lệnh của A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa, mỗi người tự trang bị cho mình.

“Bấy giờ, chư Thiên cùng chúng A-tu-la chiến đấu với nhau. Chư Thiên đắc thắng, và A-tu-la bại trận. Chư thiên Đao-lị bắt vua A-tu-la trói lại với năm chỗ trói, mang về chỗ Thiện pháp đường cho Thiên Đế Thích nhìn thấy. Khi ấy vua A-tu-la thấy sự khoái lạc ở trên Trời, sanh lòng quyến luyến vui thích, liền tự nghĩ: ‘Nơi này thù thắng, khả dĩ ở được; trở lại cung điện A-tu-la làm gì?’ Khi khởi lên ý nghĩ này, thì năm nơi đang bị trói trên thân lập tức được mở ra, và năm thứ dục lạc ở trên Trời hiện ra trước mắt. Nhưng khi A-tu-la nghĩ đến việc trở lại cung điện trước kia, thì năm nơi trên thân liền bị trói chặt trở lại, và năm thứ dục lạc tự biến mất. Khi ấy những nơi bị trói buộc trên thân của A-tu-la trở nên bền chắc hơn. Sự trói buộc của Ma còn hơn thế nữa. Chấp ta và của ta[344] là sự trói buộc của Ma. Không chấp ta và của ta thì sự trói buộc của Ma được cởi mở. Chấp thủ ngã[345] là bị trói, chấp thủ ái là bị trói, ‘ngã sẽ tồn tại’ là bị trói, ‘ngã sẽ không tồn tại’ là bị trói; ‘ngã có sắc[346] ’ là bị trói, ‘ngã không sắc’ là bị trói, ‘ngã vừa có sắc vừa không có sắc’ là bị trói, ‘ngã có tưởng’ là bị trói, ‘ngã không có tưởng’ là bị trói, ‘ngã vừa có tưởng vừa không có tưởng’ là bị trói; ngã là tai hoạn lớn, là ung nhọt, là gai nhọn. Cho nên, đệ tử Hiền Thánh biết rằng ngã là tai hoạn lớn, là ung nhọt, là gai nhọn, nên xả bỏ ý tưởng về ngã mà tu vô ngã hành[347]. Hãy quán sát tự ngã kia là một gánh nặng, là buông lung, là hữu[348]; ‘sẽ tồn tại tự ngã’ là hữu vi, ‘sẽ không tồn tại tự ngã’ là hữu vi; ‘tự ngã có sắc’ là hữu vi, ‘tự ngã không có sắc’ là hữu vi, ‘tự ngã vừa có sắc vừa không có sắc’ là hữu vi; ‘tự ngã có tưởng’ là hữu vi, ‘tự ngã không có tưởng’ là hữu vi, ‘tự ngã vừa có tưởng vừa không có tưởng’ là hữu vi; hữu vi là tai hoạn lớn, là ung nhọt, là gai nhọn. Cho nên, đệ tử Hiền Thánh biết rằng hữu vi là tai hoạn lớn, là ung nhọt là gai nhọn, nên xả bỏ hữu vi mà thực hành vô vi hành.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Vào thuở xưa, khi Chư thiên cùng A-tu-la chiến đấu. Bấy giờ Thích đề-hoàn Nhân lệnh gọi Chư Thiên Đao-lị đến bảo rằng: ‘Nay các ngươi đi đánh nhau với bọn chúng. Nếu thắng, hãy bắt A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la, trói với năm chỗ trói, rồi mang đến giảng đường Thiện pháp. Ta muốn nhìn thấy.’ Chư Thiên Đao-lị sau khi vâng lệnh Đế Thích, mỗi người tự trang bị cho mình.

“Lúc bấy giờ, A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la ra lệnh các A-tu-la rằng: ‘Nay các ngươi hãy đi đánh nhau với bọn chúng. Nếu thắng, hãy bắt Thích đề-hoàn Nhân [141c] trói với năm chỗ trói, rồi mang đến giảng đường Thất diệp. Ta muốn nhìn thấy.’ Các A-tu-la sau khi vâng lệnh của A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la, mỗi người tự trang bị cho mình.

“Rồi thì, chư Thiên cùng chúng A-tu-la chiến đấu với nhau. Chư Thiên đắc thắng, và A-tu-la bại trận. Chư thiên Đao-lị bắt vua A-tu-la trói chặt với năm chỗ trói, mang về chỗ Thiện pháp đường cho Thiên đế Thích nhìn thấy. Lúc ấy, Thiên đế Thích thong thả dạo trên Thiện pháp đường. Vua A-tu-la từ xa trông thấy Đế Thích, tuy đang bị trói chặt với năm chỗ trói, vẫn mở miệng mắng chửi.         

“Lúc bấy giờ, người hầu của Thiên đế, ở trước mặt Thiên đế liền nói kệ rằng:

Việc gì Thiên đế sợ,

Tự lộ yếu kém mình?

Bị mắng thẳng vào mặt,

Sao lặng nghe lời ác?”

“Thiên đế Thích đáp lại người hầu bằng bài kệ rằng:

Nó cũng không sức mạnh,

Ta cũng không sợ hãi.

Việc gì, người đại trí,

Hơn thua với kẻ ngu?

“Lúc bấy giờ, người hầu lại làm bài tụng tâu Đế Thích rằng:

Nay không bẻ đứa ngu,

E sau càng khó nhịn.

Hãy đánh nó bằng gậy,

Khiến kẻ ngu hối lỗi.

“Bấy giờ, Thiên đế Thích lại làm bài tụng trả lời người hầu rằng:

Ta thường bảo, người trí

Không tranh cùng kẻ ngu;

Nếu ngu mắng, trí im,

Là thắng kẻ ngu này.

“Khi ấy, người hầu lại làm bài tụng tâu Đế Thích rằng:

Thiên vương sở dĩ im,

Vì e giảm đức trí;

Nhưng kẻ ngu độn kia,

Cho rằng Vua sợ hãi.

Kẻ ngu không tự lượng,

Cho có thể địch Vua;

Liều chết đến xúc phạm,

Muốn Vua lui như bò.

“Bấy giờ, Thiên đế Thích lại làm bài tụng trả lời người hầu rằng:

Ngu kia không thấy biết,

Bảo ta lòng sợ hãi.

Ta quán đệ nhất nghĩa:

Nhịn im là tối thượng.

Điều xấu trong các xấu:

Trong sân lại nổi sân;

Ở trong sân không sân,

Là chiến đấu tối thượng.

Con người có hai duyên,

Vì mình cũng vì người;

[142a]Mọi người có tranh tụng,

Ai không tranh là thắng.

Con người có hai duyên,

Vì mình cũng vì người;

Thấy người không tranh tụng,

Lại cho là ngu đần.

Nếu người có sức lớn,

Nhịn được người không sức;

Sức này là đệ nhất,

Là tối thượng trong nhẫn.

Ngu tự cho mình mạnh,

Sức này chẳng là sức;

Người mạnh nhẫn như pháp,

Sức này không ngăn được.

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Lúc bấy giờ, Thiên đế Thích há là người nào khác sao? Không nên có ý nghĩ như vậy. Lúc ấy, Thiên đế Thích chính là bản thân Ta vậy. Vào lúc bấy giờ, Ta tu tập nhẫn nhục, không hành động nóng vội, thường thường khen ngợi người hay nhẫn nhục. Nếu có người trí nào muốn hoằng dương đạo của Ta, thì phải tu tập nhẫn nhục im lặng, chớ ôm lòng phẫn hận đấu tranh.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Thuở xa xưa, Chư Thiên Đao-lị cùng A-tu-la đánh nhau. Bấy giờ Thích đề-hoàn Nhân nói với A-tu-la Chất-đa rằng: ‘Tại sao các khanh lại ôm lòng sân hại, trang bị binh khí, đánh nhau để làm gì? Nay ta sẽ cùng khanh giảng luận đạo lý, để biết rõ thắng thua.’ Lúc ấy, Chất-đa A-tu-la kia nói với Đế Thích rằng: ‘Giả sử, nếu vất bỏ binh khí, chỉ bàn luận tranh tụng về nghĩa lý thôi, vậy thì ai biết thắng bại?’ Đế Thích dạy rằng: ‘Chỉ cần bàn luận thôi, hiện tại trong chúng của ngươi, và trong chúng chư Thiên của Ta, tự có người có trí tuệ biết rằng ai thắng, ai bại.’ Lúc ấy, A-tu-la nói với Đế Thích rằng: ‘Nhà ngươi nói kệ trước đi.’ Đế Thích trả lời: ‘Nhà ngươi là Cựu thiên[349], nhà ngươi nên nói trước đi.’ Bấy giờ, Chất-đa A-tu-la liền đọc kệ cho Đế Thích nghe:

Nay không bẻ đứa ngu,

E sau càng khó nhịn.

Hãy đánh nó bằng gậy,

Khiến kẻ ngu hối lỗi.

“Sau khi A-tu-la nói bài kệ này xong, chúng A-tu-la phấn khởi vui mừng, cao tiếng khen hay. Chỉ có chúng chư Thiên là im lặng không nói. Rồi vua của A-tu-la nói với Đế Thích rằng: ‘Đến lượt ngươi nói kệ.’ Bấy giờ, Đế Thích liền nói kệ cho A-tu-la nghe:

Ta thường bảo, người trí

Không tranh cùng kẻ ngu;

Nếu ngu mắng, trí im,

Là thắng kẻ ngu này.

[142b] “Sau khi Thiên đế Thích nói bài kệ này xong, Chư Thiên Đao-lị đều rất đỗi vui mừng, cất tiếng khen hay. Lúc này chúng A-tu-la im lặng không nói. Bấy giờ, Thiên Đế Thích nói với A-tu-la rằng: ‘Đến lượt nhà ngươi nói kệ.’ Lúc này, A-tu-la lại nói kệ:

Thiên vương sở dĩ im,

Vì e giảm đức trí;

Nhưng kẻ ngu độn kia,

Cho rằng Vua sợ hãi.

Kẻ ngu không tự lượng,

Cho có thể địch Vua;

Liều chết đến xúc phạm,

Muốn Vua lui như bò.

“Sau khi A-tu-la nói bài kệ này xong, chúng A-tu-la nhảy nhót vui mừng, lớn tiếng khen hay. Lúc này chúng Đao-lị thiên im lặng không nói. Bấy giờ, A-tu-la vương nói với Đế Thích rằng: ‘Đến lượt nhà ngươi nói kệ.’ Thiên đế Thích bèn nói kệ cho A-tu-la nghe rằng:

Người ngu không thấy biết,

Bảo ta lòng sợ hãi.

Ta quán đệ nhất nghĩa:

Nhịn im là tối thượng.

Điều xấu trong các xấu:

Trong sân lại nổi sân;

Ở trong sân không sân,

Là chiến đấu tối thượng.

Con người có hai duyên,

Vì mình cũng vì người;

Mọi người có tranh tụng,

Ai không tranh là thắng.

Con người có hai duyên,

Vì mình cũng vì người;

Thấy người không tranh tụng,

Lại cho là ngu đần.

Nếu người có sức lớn,

Nhịn được người không sức;

Sức này là đệ nhất,

Là tối thượng trong nhẫn.

Ngu tự cho mình mạnh,

Sức này chẳng là sức;

Người mạnh nhẫn như pháp,

Sức này không ngăn được.

“Sau khi Thích Đề-hoàn Nhân nói bài kệ này xong, chúng Đao-lị thiên nhảy nhót vui mừng, cất tiếng khen hay; chúng A-tu-la thì im lặng không nói. Lúc này, chúng Trời, và chúng A-tu-la, tạm thời tự rút lui, cùng bảo nhau rằng: ‘Những bài kệ tụng của A-tu-la nói ra có điều xúc phạm, dấy lên sự đáp trả bằng đao kiếm, làm nảy sinh ra gốc rễ của đấu tranh và kiện tụng, nuôi lớn các oán kết, dựng lập gốc cây tam hữu. Còn những bài kệ tụng của Thiên đế Thích nói ra không gây kích động, [142c] không đưa đến đao kiếm, không sinh ra tranh đấu kiện tụng, không nuôi lớn oán kết, tuyệt gốc tam hữu. Những lời nói của Thiên Đế Thích là tốt lành; Chư thiên đã thắng, A-tu-la đã bại.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Lúc bấy giờ, Thiên đế Thích là người nào khác sao? Chớ có quan niệm này. Vì sao? Vì đó chính là bản thân Ta. Vào lúc bấy giờ, Ta dùng những lời nhu hòa mà thắng chúng A-tu-la.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Thuở xa xưa, khi Chư thiên lại đánh nhau với A-tu-la lần nữa. Bấy giờ A-tu-la thắng, Chư thiên bại. Lúc ấy, Thích đề-hoàn Nhân sợ hãi, cỡi xe báu nghìn căm bỏ chạy. Giữa đường, ông thấy trên cây thiểm-bà-la[350] có một tổ chim, trong tổ có hai con chim con, liền dùng kệ tụng bảo người điều khiển xe rằng:

Cây này có hai chim,

Người nên lui xe tránh,

Chẳng thà giặc hại ta,

Chớ thương tổn hai chim.

“Người điều khiển xe nghe Đế Thích nói kệ, liền dừng xe và quay xe tránh chim trên cây. Khi ấy, đầu xe quay về phía A-tu-la. Chúng A-tu-la từ xa nhìn thấy xe báu quay đầu lại, quân của chúng bảo nhau: ‘Giờ Thiên đế Thích cỡi xe báu nghìn căm quay đầu nhắm về phía chúng ta, có lẽ muốn giao đấu trở lại. Chúng ta không thể đương cự được!’[351] Chúng A-tu-la liền thối lui và tan rã, nhân đây mà chư Thiên chiến thắng, và A-tu-la bại tẩu.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Lúc bấy giờ, Đế Thích há là người nào khác sao? Chớ có quan niệm như vậy. Vì sao? Vì chính đó là bản thân Ta. Vào lúc bấy giờ, Ta đối với chúng sanh phát khởi lòng thương xót. Này các Tỳ-kheo, các ngươi ở trong pháp của Ta xuất gia tu đạo, thì nên phát khởi lòng từ bi, thương xót chúng sanh.”

Phật bảo [143a] Tỳ-kheo:

“Thuở xa xưa, khi chư Thiên cùng A-tu-la đánh nhau. Bấy giờ chư Thiên đắc thắng, và A-tu-la bại trận. Sau khi chiến thắng, Thiên đế Thích trở về cung, xây dựng một ngôi nhà đặt tên là Tối thắng[352], Đông Tây dài một trăm do-tuần, Nam Bắc rộng sáu mươi do-tuần. Ngôi nhà này gồm trăm gian, trong mỗi gian có bảy đài lưới giăng[353]. Trên mỗi đài có bảy ngọc nữ; mỗi ngọc nữ có bảy người để sai. Thích đề-hoàn Nhân cũng không lo cung cấp các thứ trang điểm, áo chăn, đồ ăn thức uống; mà tất cả tùy theo hành vi đã tạo từ trước, mỗi người tự thọ lãnh phước báo ấy. Do chiến thắng A-tu-la, nên nhân đây lòng sinh vui mừng mà xây dựng ngôi nhà này, cho nên gọi là Tối thắng đường. Lại nữa, những ngôi nhà có được trong nghìn thế giới xem ra không có ngôi nhà nào bằng ngôi nhà này, cho nên gọi là Tối thắng.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Thuở xa xưa, A-tu-la tự nghĩ rằng: ‘Ta có oai đức lớn, thần lực không phải ít, nhưng Đao-lị-thiên, mặt trời, mặt trăng, Chư Thiên thường ở nơi hư không, du hành tự tại trên đỉnh đầu ta. Nay ta hãy lấy mặt trời, mặt trăng này làm ngọc đeo tai, thử chúng có còn du hành tự tại được không?’

“Rồi, vua A-tu-la nổi lòng sân hận cực độ, liền nghĩ đến A-tu-la Chùy Đỏa[354]; A-tu-la Chùy Đỏa lại nghĩ rằng: ‘Hiện nay, vua A-tu-la đã nghĩ đến ta, chúng ta nên nhanh chóng trang bị.’ Liền ra lệnh tả hữu chuẩn bị binh khí đầy đủ, cỡi cỗ xe báu, cùng với vô số chúng A-tu-la theo dẫn đường trước sau, đến trước vua A tu luân, đứng một bên.

“Bấy giờ, vua lại nghĩ đến A-tu-la Xá-ma-lê[355]. A-tu-la Xá-ma-lê lại tự nghĩ rằng: ‘Hiện nay, vua đã nghĩ đến ta, chúng ta nên nhanh chóng trang bị.’ Liền ra lệnh tả hữu chuẩn bị binh khí đầy đủ, cỡi cỗ xe báu, cùng với vô số chúng A-tu-la theo dẫn đường trước sau, đến trước chỗ vua A tu luân, đứng một bên.

“Bấy giờ, vua lại nghĩ đến Tỳ-ma-chất-đa A tu luân[356]. Tỳ-ma-chất-đa A-tu-la lại tự nghĩ rằng: ‘Hiện nay, vua đang nghĩ đến ta, chúng ta nên nhanh chóng trang bị.’ Liền ra lệnh tả hữu chuẩn bị binh khí đầy đủ, cỡi cỗ xe báu, cùng với vô số chúng A-tu-la theo dẫn đường trước sau, đến trước chỗ vua A tu luân, đứng một bên.

“Bấy giờ, vua lại nghĩ đến Đại thần A tu luân; Đại thần A-tu-la lại tự nghĩ rằng: ‘Hiện nay, vua đang nghĩ đến ta. Chúng ta nên nhanh chóng trang bị.’ Liền ra lệnh tả hữu chuẩn bị binh khí đầy đủ, cỡi cỗ xe báu, cùng với vô số chúng A-tu-la theo dẫn đường trước sau, đến trước vua A tu luân, đứng một bên.

“Bấy giờ, vua lại nghĩ đến các Tiểu A tu luân. Các Tiểu A-tu-la lại tự nghĩ rằng: ‘Hiện nay, vua đang nghĩ đến ta. Chúng ta nên nhanh chóng trang bị.’ Liền ra lệnh tả hữu chuẩn bị binh khí đầy đủ, cỡi cỗ xe báu, cùng với vô số chúng A-tu-la theo dẫn đường trước sau, đến trước vua A tu luân, đứng một bên.

“Bấy giờ, vua A-tu-la là La-ha liền tự mình trang bị, mình mặc áo giáp đồng báu, đóng ngựa vào các cỗ xe báu, cùng với vô số trăm nghìn chúng A-tu-la và binh khí trang bị, vây quanh trước sau, ra khỏi chỗ ở của chúng, muốn đến đánh nhau cùng chư Thiên.

“Bấy giờ, Nan-đà Long vương, và Bạt-nan-đà Long vương dùng thân mình quấn quanh núi Tu-di bảy vòng làm chấn động cả sơn cốc, trải một lớp mỏng mây mờ, lơ thơ từng giọt mưa rơi, và dùng đuôi đập vào nước biển làm cho nước biển dậy sóng, dâng lên đến đỉnh núi Tu-di. Lúc bấy giờ, Đao-lị thiên liền tự nghĩ: ‘Nay, mây mờ giăng mỏng, [143b] lơ thơ từng giọt mưa rơi, nước biển dậy sóng, lên đến tận nơi này, chắc thế nào A-tu-la cũng muốn đến đây gây chiến, nên có những điềm lạ này chăng?’

“Lúc này, nhiều vô số ức vạn binh chúng các loài rồng trong biển, đều cầm dáo mác, cung tên, đao kiếm, áo giáp đồng dày, và trang bị binh khí tề chỉnh, đối đầu cùng quân binh A-tu-la chiến đấu. Khi binh chúng các loài rồng mà thắng, thì lập tức đuổi A-tu-la vào trong cung điện của chúng. Nếu các loài rồng mà bị bại, các loài rồng không trở lại cung điện, mà sẽ chạy đến chỗ quỷ thần Già-lâu-la[357] báo cáo rằng: ‘Chúng A-tu-la muốn đánh nhau với Chư thiên. Chúng tôi đã đón đánh. Nhưng hiện chúng đang đắc thắng. Các ngươi nên chuẩn bị các thứ binh khí, binh chúng cùng sức mạnh, để chiến đấu cùng với chúngï.’

“Các quỷ thần Già-lâu-la nghe vậy, lập tức tự trang bị, chuẩn bị các đồ binh khí, áo giáp đồng dày, cùng các loài rồng hợp tác chiến đấu chống lại A tu luân. Nếu mà thắng, họ lập tức đuổi A-tu-la vào trong cung điện của chúng. Nếu mà bị bại, họ không trở lại cung điện, mà sẽ chạy lui đến chỗ quỷ thần Trì Hoa[358] báo cáo rằng: ‘Chúng A-tu-la muốn chiến đấu cùng Chư thiên. Chúng tôi đã đón đánh. Nhưng hiện chúng đang thắng. Các ngươi nên chuẩn bị các thứ binh khí, binh chúng cùng sức mạnh, để đánh nhau với chúng.’

“Các quỷ thần Trì Hoa nghe các loài rồng (và các quỷ thần Già-lâu-la) bao cáo, liền tự trang bị, chuẩn bị các đồ binh khí, áo giáp đồng dày, binh chúng cùng sức mạnh, cùng chiến đấu lại A tu luân. Nếu mà thắng, họ lập tức đuổi A-tu-la vào trong cung điện của chúng. Nếu mà bị bại, họ không trở lại cung điện, mà sẽ chạy đến chỗ quỷ thần Thường Lạc[359] báo cáo rằng: ‘Chúng A-tu-la muốn đánh nhau cùng Chư thiên. Chúng tôi đã đón đánh. Nhưng hiện chúng đang thắng. Các ngươi nên chuẩn bị các thứ binh khí, cùng sức mạnh, để đánh nhau với chúng.’

“Sau khi các quỷ thần Thường Lạc nghe báo cáo vậy, liền tự trang bị, chuẩn bị các đồ binh khí, áo giáp đồng dày, binh chúng cùng sức mạnh, cùng chiến đấu lại A tu luân. Nếu mà thắng, họ lập tức đuổi A-tu-la vào trong cung điện của chúng. Nếu mà bị bại, họ không trở lại cung điện, mà sẽ chạy đến Tứ thiên vương báo cáo rằng: ‘Chúng A-tu-la muốn chiến đấu cùng Chư thiên. Chúng tôi đã đón đánh. Nhưng hiện chúng đang thắng. Các ngài nên chuẩn bị các thứ binh khí, binh chúng cùng sức mạnh, để đánh nhau với chúng.’

“Sau khi Tứ thiên vương nghe những báo cáo này rồi, liền tự trang bị, chuẩn bị các đồ binh khí, áo giáp đồng dày, binh chúng cùng sức mạnh, cùng chiến đấu lại A tu luân. Nếu mà thắng, họ lập tức đuổi A-tu-la vào trong cung điện của chúng. Nếu không thắng, [143c] Tứ thiên vương sẽ đến giảng đường Thiện pháp, tâu Thiên Đế Thích và Chư thiên Đao-lị rằng: ‘Chúng A-tu-la muốn chiến đấu cùng Chư thiên. Nay Chư thiên Đao-lị hãy tự trang bị, chuẩn bị binh khí, binh chúng cùng sức mạnh, để đi đánh nhau với chúng.’

“Bấy giờ, Thiên đế Thích ra lệnh cho người hầu[360] rằng: ‘Ngươi đem lời nói của ta đến báo lại cho Diệm-ma thiên, Đâu-suất thiên, Hóa Tự Tại thiên, Tha Hóa Tự Tại thiên rằng: ‘A-tu-la cùng vô số chúng muốn đến chiến đấu. Nay Chư thiên nên tự trang bị, chuẩn bị các đồ binh khí để hổ trợ ta chiến đấu.’

“Bấy giờ, người hầu này vâng lệnh của Đế Thích, liền đến Diệm-ma thiên,… cho đến Tha Hóa Tự Tại thiên, đem những lời của Đế Thích mà báo cáo rằng: ‘A-tu-la cùng vô số chúng muốn đến chiến đấu. Nay Chư thiên nên tự trang bị, chuẩn bị binh khí để hổ trợ ta chiến đấu.’

“Diệm-ma thiên sau khi nghe những lời này rồi, liền tự trang bị, chuẩn bị các đồ binh khí, áo giáp đồng dày, đóng xe báu vào ngựa, cùng vô số trăm nghìn thiên chúng trước sau vây quanh, đóng binh tại phía Đông của núi Tu-di. Thiên tử Đâu-suất nghe những báo cáo này rồi, cũng liền tự trang bị, chuẩn bị các đồ binh khí, áo giáp đồng dày, đóng xe báu vào ngựa, cùng vô số trăm nghìn thiên chúng, đóng binh tại phía Nam của núi Tu-di. Các thiên tử Hóa Tự Tại thiên nghe những lời này rồi, cũng trang bị binh chúng, đóng binh tại phía Tây của núi Tu-di. Các thiên tử Tha Hóa Tự Tại thiên nghe những lời này rồi, cũng trang bị binh chúng, đóng binh tại phía bắc của núi Tu-di.

“Khi Thiên đế Thích nghĩ đến ba mươi ba vị thiên thần của Đao-lị thiên, ba mươi ba vị thiên thần của Đao-lị thiên tự nghĩ rằng: ‘Hiện tại Thiên đế Thích đang nghĩ đến ta. Vậy chúng ta nên nhanh chóng trang bị.’ Họ liền ra lệnh tả hữu chuẩn bị các đồ binh khí, cỡi cỗ xe báu, cùng vô số chúng Chư thiên trước sau vây quanh, đến trước Thiên đế Thích, đứng một bên.

“Khi Thiên đế Thích nghĩ đến các thiên thần khác của Đao-lị, các thiên thần khác của Đao-lị liền tự nghĩ rằng: ‘Hiện tại Đế Thích đang nghĩ đến ta. Vậy chúng ta nên nhanh chóng trang bị.’ Họ liền ra lệnh tả hữu chuẩn bị các đồ binh khí, đóng xe báu vào ngựa, cùng vô số chúng Chư thiên trước sau vây quanh, đến trước Đế Thích, đứng một bên.

“Khi Thiên đế Thích nghĩ đến quỷ thần Diệu Tượng[361], quỷ thần Diệu Tượng liền tự nghĩ rằng: ‘Hiện tại Đế Thích đã nghĩ đến ta. Vậy chúng ta nên nhanh chóng trang bị.’ Liền ra lệnh tả hữu chuẩn bị các đồ binh khí, đóng xe báu vào ngựa, cùng vô số thiên chúng trước [144a] sau vây quanh, đến đứng trước Đế Thích.

“Khi Đế Thích nghĩ đến Long vương Thiện Trụ[362], Long vương Thiện Trụ tự nghĩ rằng: ‘Nay Thiên đế Thích nghĩ đến ta, nay ta nên đến.’ Long vương liền đi đến đứng trước Đế Thích.

“Lúc bấy giờ, Đế Thích liền tự trang bị, chuẩn bị các đồ binh khí, mình mặc áo giáp đồng báu, cỡi trên đỉnh đầu Long vương Thiện Trụ, cùng vô số Chư thiên quỷ thần trước sau vây quanh, tự ra khỏi thiên cung, đánh nhau với A-tu-la.

“Đồ vật trang bị như các thứ binh khí, đao kiếm, dáo, mác, cung tên, rìu, đục, búa lớn, búa nhỏ, bánh xe quay, dây tơ cột, binh khí, áo giáp đồng, tất cả đều dùng bảy báu để tạo thành. Lại dùng mũi nhọn đâm thêm vào người A-tu-la, nhưng thân ông ta vẫn không bị thương tổn, chỉ chạm vào bên ngoài khi đâm mà thôi. Chúng A-tu-la tay cũng cầm đao kiếm bảy báu, dáo mác, cung tên, rìu đục, búa lớn, búa nhỏ, bánh xe quay, dây cột bằng tơ, và dùng mũi nhọn đâm thêm vào thân Chư thiên, nhưng cũng chỉ chạm đến bên ngoài mà thôi, không gây bất cứ thương tổn nào.

“Như vậy, chính do dục mà khiến chư Thiên cùng A-tu-la đánh nhau; do bởi nhân là dục như vậy.”[363]

 

Phẩm 11: BA TRUNG KIẾP

[44a19] Phật bảo Tỳ-kheo:

“Có ba trung kiếp[364]. Những gì là ba? Một là kiếp đao binh. Hai là kiếp đói kém. Ba là kiếp tật dịch[365].

“Thế nào là kiếp đao binh[366]?

“Người thế gian này vốn thọ bốn vạn tuổi. Sau đó giảm xuống, thọ hai vạn tuổi. Sau đó lại giảm nữa, thọ một vạn tuổi. Lần lượt giảm, thọ một ngàn năm, năm trăm năm, ba trăm năm, hai trăm năm. Như nay con người thọ một trăm tuổi, với số ít vượt quá, mà phần nhiều là dưới.

“Sau đó, tuổi thọ con người giảm dần xuống còn mười tuổi. Khi đó, người nữ sinh ra chừng năm tháng[367] là đi lấy chồng. Bấy giờ, các loại mỹ vị có được trong thế gian như bơ sữa, mật, đường mía, đường đen[368], những gì có vị ngon, tự nhiên biến mất; ngũ cốc không sinh sản, chỉ còn có loại lúa hoang[369] mà thôi. Lúc bấy giờ, các loại y phục cao cấp như gấm vóc, lụa là[370], kiếp bối[371], sô-ma[372], tất cả đều không còn nữa, mà chỉ còn có loại vải dệt thô sơ bằng cỏ. Bấy giờ, mặt đất này hoàn toàn chỉ sinh gai gốc, muỗi mòng, ong, bọ cạp, rắn, rết, trùng độc; còn vàng bạc, lưu ly, bảy báu,[144c] châu ngọc, tự nhiên chúng bị vùi vào đất hết, và chỉ có đá, cát, các thứ xấu xí là dẫy đầy. Lúc này chúng sanh chỉ làm mười điều ác càng ngày càng tăng, không còn nghe đến danh từ mười điều thiện, cho đến không có cả danh từ thiện, huống chi là có người làm việc thiện! Bấy giờ, trong loài người ai không có hiếu với cha mẹ, không kính trọng sư trưởng, hay làm việc ác thì được cúng dường, được mọi người cung kính hầu hạ. Cũng người nay ai hiếu thuận mẹ cha, kính trọng sư trưởng, thường làm việc lành, thì được cúng dường, được mọi người cung kính hầu hạ, thời bấy giờ người làm việc ác kia lại cũng được cúng dường như vậy. Bây giờ, con người thân hoại mạng chung bị đọa vào trong súc sanh, cũng như con người hiện tại được sinh lên cõi trời. Lúc đó con người gặp nhau thường ôm lòng độc hại, chỉ muốn giết nhau. Cũng giống như thợ săn gặp được đàn nai, chỉ muốn giết chúng, không có bất cứ một ý nghĩ thiện nào; con người lúc đó cũng như vậy, chỉ muốn giết nhau, không có một chút ý nghĩ thiện nào. Bấy giờ, mặt đất này chỉ là sông ngòi, khe suối, núi đồi, đất đống, không có chỗ đất nào bằng phẳng cả. Khi có người đi đến, tức thì kinh sợ, run rẩy, lông tóc dựng đứng.

“Bấy giờ, trong vòng bảy ngày có sự nổi lên của kiếp đao kiếm. Lúc ấy, những thứ cỏ, cây, ngói, đá mà con người cầm trong tay đều biến thành đao kiếm; những thứ đao kiếm này rất bén nhọn, đụng đến vật gì thì vật đó đều sẽ bị cắt đứt. Chúng sát hại lẫn nhau. Trong lúc này có người có trí tuệ thấy đao binh sát hại nhau nên hoảng sợ tránh vào núi rừng, hang động, khe suối, những chỗ không người. Trốn tránh trong vòng bảy ngày, tâm nghĩ miệng tự nói: ‘Ta không hại người, người chớ hại ta.’ Trong vòng bảy ngày người này chỉ ăn rễ cây cỏ để tự nuôi sống mình. Qua bảy ngày, sau đó mới lại ra khỏi rừng núi. Lúc này, gặp được một người, vui mừng nói rằng: ‘Nay gặp được người còn sống! Nay gặp được người còn sống!’ Cũng giống như cha mẹ vì gặp lại một người con bị thất lạc lâu ngày không thấy nhau, nên vui mừng nhảy nhót mà không thể tự kiềm chế chính mình được, thì sự kiện người này cũng như vậy, vì sự vui mừng nên nhảy nhót mà không thể tự kiềm chế được cảm xúc vui nơi chính mình. Khi ấy thì người dân trong vòng bảy ngày chỉ có khóc lóc mà thôi; cũng trong vòng bảy ngày này họ lại cùng gặp vui nên vui vẻ chúc mừng nhau. Người lúc bấy giờ khi thân hoại mạng chung đều đọa vào địa ngục. Vì sao? Vì con người ấy luôn luôn ôm lòng sân hận và phẫn nộ, họ chỉ có một tâm hại nhau mà thôi, vì không có tâm nhân từ nên gọi là kiếp đao binh.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Thế nào gọi là kiếp đói kém?[373] Con người bấy giờ phần nhiều làm những việc phi pháp, tà kiến điên đảo, làm mười nghiệp ác. Vì làm mười nghiệp ác nên trời không mưa xuống, làm cho trăm thứ cỏ cây chết khô, ngũ cốc không thành, mà chỉ có gốc rạ mà thôi.

“Thế nào gọi là đói kém? Vì lúc bấy giờ, người dân phải thu quét những hạt thóc còn rơi rớt lại các nơi như ruộng vườn, đường sá, đầu ngõ, và trong phân đất [144c] để tự sống còn, nên mới gọi là đói kém[374].

“Lại nữa, lúc đói kém, người bấy giờ lượm nhặt xương cốt từ những nơi như lò sát sanh, chợ búa, các đường sá và các bãi tha ma, rồi nấu nước trấp mà uống, nhờ vậy mà họ sống, nên gọi là ‘đói xương trắng’[375].

‘Lại nữa, vào kiếp đói kém, ngũ cốc được gieo trồng đều biến thành cỏ cây. Con người lúc này lấy bông nấu nước trấp để uống. Lại nữa, vào thời đói kém, bông của các loài cây cỏ rụng phủ kín cả mặt đất, lúc ấy mọi người phải đào đất lấy bông để nấu ăn, nhờ vậy mà tự tồn tại, nên gọi là ‘đói cây cỏ’[376]. Bấy giờ, chúng sanh thân hoại mạng chung đọa vào trong ngạ quỷ. Sao vậy? Vì những người sống trong kiếp đói kém này, thường ôm lòng tham lam keo bẩn, không có lòng bố thí nhân ái, không chịu chia xẻ cùng người, và không nhớ nghĩ đến những tai ách của người khác.

“Đấy là kiếp đói kém.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Thế nào là kiếp tật dịch[377] ? Người đời bấy giờ, tu hành Chánh pháp, chánh kiến không điên đảo, đầy đủ thập thiện hành. Có quỷ thần thế giới phương khác đến, mà quỷ thần ở đây thì buông lung dâm loạn, không thể hộ vệ con người được. Quỷ thần thế giới khác xâm lấn, nhiễu loạn con người thế gian này, họ dùng tay đánh đập, dùng gậy quật ngã, rồi hút lấy tinh khí, khiến cho tâm người loạn lên, rồi cưỡng bức mang đi. Giống như quốc vương ra lệnh cho các tướng soái những thứ phải bảo vệ, nhưng giặc cướp ở phương khác đến xâm phạm quấy nhiễu, mà các tướng soái ở đây lại buông lung, nên nước nhà bị chúng cướp mất. Ở đây cũng vậy, những quỷ thần ở thế giới khác đến bắt giữ mọi người ở thế gian này, chúng đánh đập, quật ngã, rồi hút lấy tinh khí mọi người, và cưỡng bức mang đi.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Giả sử quỷ thần ở thế gian này dù không buông lung dâm loạn, nhưng khi quỷ thần có sức mạnh lớn ở thế giới khác đến, thì quỷ thần ở thế gian này cũng phải sợ hãi mà đi trốn. Các đại quỷ thần kia bèn xâm lấn, quấy nhiễu người ở đây, đánh đập, quật ngã, hút lấy tinh khí, giết chết rồi bỏ đi. Giống như Quốc vương, hay Đại thần của quốc vương sai khiến các tướng soái bảo vệ nhơn dân; tuy tất cả các tướng lãnh này đều trong sạch thận trọng, không buông lung, nhưng khi các tướng soái mạnh bạo, có binh lính đông đảo kia lại đến khuấy phá thành ấp, làng xóm, mà cướp đoạt người vật. Ở đây lại cũng như vậy, nếu quỷ thần ở thế gian này dù không dám buông lung đi nữa, nhưng khi các quỷ thần có sức mạnh lớn ở thế giới khác đến, thì các quỷ thần thế gian này cũng sẽ sợ hãi tránh đi, và những hàng quỷ thần lớn mạnh kia sẽ xâm đoạt, nhiễu hại người thế gian này; đánh đập, quật ngã, hút lấy tinh khí, và giết hại mọi người rồi bỏ đi.

“Khi ấy, người dân trong kiếp tật dịch, sau khi thân hoại mạng chung đều sinh lên cõi trời. Vì sao? Vì con người lúc ấy đều hướng tâm từ bi đến nhau, thăm hỏi nhau: ‘Bệnh tật của bạn có giảm không? Thân thể có được an ổn không?’ Vì những nhân duyên này, nên họ được sinh lên cõi trời. Cho nên gọi là kiếp tật dịch.

“Đó là ba trung kiếp.”

 

Phẩm 12: THẾ BỔN DUYÊN[378]

[145a6] Phật bảo Tỳ-kheo:

“Sau khi qua khỏi hỏa tai, khi trời đất của thế gian này sắp sửa thành tựu trở lại, một số chúng sanh khác phước hết, hành hết, mạng hết, mạng chung ở cõi trời Quang Âm thiên, sinh vào cung điện Phạm thiên trống không[379], rồi sinh tâm đắm nhiễm chỗ đó, yêu thích chỗ đó, nên nguyện cho chúng sanh khác cũng sinh vào nơi này. Sau khi phát sanh ý nghĩ này rồi, thì những chúng sanh khác phước hết, hành hết, mạng hết, từ cõi trời Quang Âm thiên, sau khi thân hoại mạng chung, sinh vào cung điện Phạm thiên trống không. Bấy giờ, vị Phạm thiên sinh ra trước liền tự nghĩ rằng: ‘Ta là Phạm vương, là Đại Phạm thiên vương, không có ai sáng tạo ra ta, ta tự nhiên mà có, không bẩm thọ cái gì từ ai hết; ở trong một nghìn thế giới ta hoàn toàn tự tại, thông rõ các nghĩa lý, giàu có sung mãn, có khả năng tạo hóa vạn vật; ta là cha mẹ của tất cả chúng sanh.’

“Các Phạm thiên sanh sau lại tự nghĩ rằng: ‘Vị Phạm thiên sanh trước kia là Phạm vương, là Đại Phạm thiên vương. Vị ấy tự nhiên mà có, không do ai có sáng tạo; là đấng Tối Tôn ở trong một nghìn thế giới, không bẩm thọ từ ai cái gì, thông rõ các nghĩa lýù, giàu có sung mãn, có khả năng sáng tạo vạn vật, là cha mẹ của tất cả chúng sanh. Ta từ vị ấy mà có.’

“Nhan sắc dung mạo của vị Phạm thiên vương này thường như đồng tử, cho nên Phạm vương được gọi là Đồng tử[380].

“Hoặc có lúc, khi thế giới này chuyển thành trở lại[381], phần lớn chúng sanh có kẻ sinh về Quang Âm thiên, bằng hóa sinh tự nhiên[382], sống bằng thức ăn là sự hoan hỉ[383], mình phát ra ánh sáng[384], có thần túc bay trong hư không, an vui không ngại, mạng sống lâu dài. Sau đó thế gian này biến thành đại hồng thủy, tràn ngập khắp nơi. Vào lúc bấy giờ thiên hạ hoàn toàn tối tăm, không có mặt trời mặt trăng, tinh tú, ngày đêm, và cũng không có năm tháng hay con số bốn mùa. Sau đó, khi thế gian này bắt đầu sắp chuyển biến, một số chúng sanh khác phước hết, hành hết, mạng hết, từ cõi Quang Âm thiên sau khi mạng chung sinh đến thế gian này, bằng hóa sinh, và ăn bằng sự hoan hỷ, tự thân phát sáng, có thần túc bay trong hư không, an vui không ngại, sống lâu dài ở đây. Khi ấy, không có nam nữ, tôn ty, trên dưới, cũng không có những tên khác nhau. Các chúng cùng sinh ở thế gian này, cho nên gọi là chúng sinh.

“Bấy giờ, đất này tự nhiên phát sinh ra vị đất[385], ngưng tụ trong đất. Cũng như đề hồ[386], [145b] vị đất khi xuất hiện cũng như vậy; giống như sanh tô[387], vị ngọt như mật. Sau đó chúng sanh dùng tay nếm thử để biết vị ra sao. Vừa mới nếm, liền có cảm giác ngon, nên sanh ra mê đắm vị ấy. Như vậy, lần lượt nếm mãi không thôi nên sanh ra tham đắm, bèn lấy bàn tay mà vốc, dần thành thói ăn bốc[388]. Ăn bốc mãi như thế, những chúng sanh khác thấy vậy lại bắt chước ăn, và cách ăn này không bao giờ chấm dứt. Khi ấy, những chúng sanh này thân thể trở nên thô kịch, ánh sáng mất dần, không còn có thần túc, không thể bay đi. Bấy giờ, chưa có mặt trời mặt trăng. Ánh sáng của chúng sanh biến mất. Khi ấy, trời đất hoàn toàn tối om, không khác như trước. Một thời gian lâu, rất lâu về sau, có một trận cuồng phong mạnh nổi lên thổi nước biển lớn, sâu tám vạn bốn nghìn do-tuần, khiến cho biển bị tách làm hai, mang cung điện mặt Trời đặt ở lưng núi Tu-di, an trí quỹ đạo mặt Trời, mọc ở phương Đông và lặn ở phương Tây, đi quanh khắp thiên hạ.

“Nhật cung thứ hai mọc từ phương Đông, lặn phương Tây. Chúng sanh khi ấy nói: ‘Đấy là ngày hôm qua’[389] hoặc nói: ‘Không phải ngày hôm qua.’[390]

“Nhật cung thứ ba đi quanh núi Tu-di, mọc ở phương Đông, lặn ở phương Tây. Chúng sanh khi ấy bảo rằng: ‘Nhất định là một ngày’. Ngày, có nghĩa là nhân của ánh sáng đi trước[391], do đó gọi là ngày. Mặt trời có hai nghĩa: một, trụ thường độ[392]; hai, cung điện.[393] Nhìn xa từ bốn hướng, cung điện có hình tròn. Nóng lạnh dễ chịu, được tạo thành bởi vàng của trời; được xen bằng pha lê. Hai phần là vàng trời, thuần chân không pha tạp; trong suốt từ trong ra ngoài, ánh sáng rọi xa. Một phần là pha lê, thuần chân không tạp, trong suốt từ trong ra ngoài, ánh sáng rọi xa.

“Nhật cung rộng năm mươi mốt do-tuần. Đất và vách tường của cung điện mỏng như bẹ lau[394].

“Tường cung có bảy lớp, với bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp chuông báu, bảy lớp hàng cây, các trang trí chung quanh đều được làm bằng bảy báu. Tường bằng vàng thì cửa bằng bạc, tường bạc thì cửa vàng; tường lưu ly thì cửa thủy tinh, tường thủy tinh thì cửa lưu ly; tường ngọc đỏ thì cửa mã não, tường mã não thì cửa ngọc đỏ; tường xa cừ thì cửa bằng các thứ báu, tường bằng các thứ báu thì cửa xa cừ. Lại nữa, các lan can kia, nếu thanh ngang bằng vàng thì cọc bằng bạc, thanh ngang bạc thì cọc vàng; thanh ngang lưu ly thì cọc thủy tinh, thanh ngang thủy tinh thì cọc lưu ly; thanh ngang ngọc đỏ thì cọc mã não, thanh ngang mã não thì cọc ngọc đỏ; thanh ngang bằng các loại báu thì cọc bằng xa cừ, thanh ngang xa cừ thì cọc là các loại báu. Lưới vàng thì linh bạc, lưới bạc thì linh vàng; lưới thủy tinh thì linh lưu ly, lưới lưu ly thì linh thủy tinh; lưới ngọc đỏ thì linh mã não, lưới mã não thì linh ngọc đỏ; lưới xa cừ thì linh bằng các loại báu, lưới bằng các loại báu thì linh xa cừ. Những cây bằng vàng này thì lá, hoa, quả bạc; cây bằng bạc thì [145c] lá, hoa, quả bằng vàng; cây bằng lưu ly thì hoa quả thủy tinh, cây thủy tinh thì hoa quả lưu ly; cây bằng ngọc đỏ thì hoa quả mã não, cây mã não thì hoa quả ngọc đỏ; cây bằng xa cừ thì hoa quả các loại báu, cây là các loại báu thì hoa quả là xa cừ. Tường của cung điện có bốn cửa, cửa của nó có bảy bực thềm, bao quanh bằng lan can; có lầu các đền đài, ao tắm, vườn rừng đều theo thứ lớp đối nhau, sanh các loại hoa báu, hàng nào hàng nấy đều xứng nhau; có nhiều loại cây ăn trái, hoa lá nhiều màu sắc, hương thơm ngạt ngào của cây cỏ lan tỏa xa khắp bốn phương, cùng các loài chim ríu rít hòa vang.

“Nhật cung điện kia, được duy trì bởi năm loại gió[395]. Một là trì phong, hai là dưỡng phong, ba là thọ phong, bốn là chuyển phong, năm là điều phong. Điện chính, nơi Nhật thiên tử ngự, hoàn toàn được xây dựng bằng vàng ròng, cao mười sáu do-tuần. Điện có bốn cửa, đều có lan can bao quanh. Tòa của Nhật thiên tử rộng nửa do-tuần, làm bằng bảy báu, trong sạch mềm mại, giống như thiên y. Nhật thiên tử tự thân phóng ra ánh sáng chiếu điện vàng; ánh sáng điện vàng chiếu khắp Nhật cung; ánh sáng của Nhật cung lại chiếu ra khắp bốn phương thiên hạ. Tuổi thọ của Nhật thiên tử năm trăm năm nhà trời; con cháu đều kế thừa nhau không bao giờ gián đoạn. Cung điện này không bao giờ bị hoại diệt, trong vòng thời gian là một kiếp. Khi cung điện mặt trời di chuyển, thì Nhật thiên tử không có ý di chuyển rằng: ‘Ta đi. Ta dừng.’Mà chỉ luôn luôn hưởng thụ ngũ dục. Lúc mà cung điện mặt trời vận hành thì vô số trăm nghìn Chư Thiên, thiên thần đi theo dẫn đường trước, hoan hỷ không mệt mỏi, thích đi nhanh nhẹn, vì vậy Nhật thiên tử được gọi là ‘Nhanh nhẹn.’[396]

“Thân Nhật thiên tử phát ra nghìn tia sáng; năm trăm tia sáng chiếu xuống, và năm trăm tia sáng chiếu chung quanh, đó là vì công đức của nghiệp đời trước nên có nghìn tia sáng này. Thế nên Nhật thiên tử còn gọi là Thiên Quang[397]. Thế nào là công đức của nghiệp đời trước? Hoặc có một người phát tâm cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn, cùng cứu giúp những người đói khát cùng khốn, cho họ đồ ăn thức uống, y phục, thuốc thang, voi ngựa, xe cộ, phòng xá, đèn đuốc, tùy thời ban phát, tùy theo nhu cầụ, không trái ý người, và cúng dường cho các vị Hiền Thánh trì giới. Do bởi nhân duyên vô số pháp hỷ quang minh khác nhau kia, mà thiện hoan hỷ. Như vua Quán đảnh dòng Sát-lị lúc bắt đầu lên ngôi, thiện tâm hoan hỷ cũng lại như vậy. Do nhân duyên này, thân hoại mạng chung làm Nhật thiên tử, được Nhật cung điện, có nghìn tia sáng, cho nên nói là nghiệp lành được nghìn tia sáng.

“Lại nữa, do duyên gì mà gọi là ánh sáng của nghiệp đời trước? Hoặc có người không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không hai lưỡi, không ác khẩu, [146a] không nói dối, không ỷ ngữ, không tham giữ, không sân nhuế, không tà kiến, vì những nhân duyên này mà tâm lành hoan hỷ. Giống như đầu ngã tư đường có hồ tắm lớn trong mát không nhơ, có người đi xa, mệt mỏi nóng khát, lại vào trong hồ nước này tắm rửa cho mát mẻ rồi cảm thấy vui mừng yêu thích; người thực hành mười điều lành, tâm lành vui mừng của họ lại cũng như vậy. Thân người này sau khi thân hoại mạng chung, làm Nhật thiên tử, sống ở Nhật cung điện, có nghìn tia sáng, vì nhân duyên này cho nên gọi là ánh sáng nghiệp lành.

“Lại nữa, vì duyên gì gọi là nghìn tia sáng? Hoặc có người không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không dối, không uống rượu; do những nhân duyên này, mà thiện tâm hoan hỷ; thân hoại mạng chung, làm Nhật thiên tử, sống ở Nhật cung điện, có nghìn tia sáng. Do những nhân duyên như vậy nên gọi là nghìn tia sáng nghiệp lành.

“Trong sáu mươi niệm khoảnh[398] gọi là một la-da[399], ba mươi la-da gọi là ma-hầu-đa[400], trăm ma-hầu-đa gọi là ưu-ba-ma[401]. Nhật cung điện mỗi năm có sáu tháng đi theo hướng Nam, mỗi ngày di chuyển ba mươi dặm; cực Nam không vượt qua khỏi Diêm-phù-đề. Mặt trời di chuyển về hướng Bắc, cũng vậy.

“Vì duyên gì nên ánh sánh mặt trời nóng bức? Có mười nhân duyên. Những gì là mười? Một, ngoài núi Tu-di có núi Khư-đà-la[402] cao bốn vạn hai nghìn do-tuần, rộng bốn vạn hai nghìn do-tuần, biên núi không ước lượng được; núi được tạo thành bởi bảy báu. Khi ánh sáng mặt trời chiếu đến núi, xúc chạm mà phát sinh ra nhiệt. Đây là duyên thứ nhất ánh sáng mặt trời nóng bức.

“Hai, bên ngoài núi Khư-đà-la có núi Y-sa-đà[403] cao hai vạn một nghìn do-tuần, rộng cũng hai vạn một nghìn do-tuần, chu vi là vô lượng, tạo thành bởi bảy báu, khi ánh sáng chiếu đến núi này, xúùc chạm mà phát sinh ra nhiệt. Đó là duyên thứ hai ánh sáng mặt trời nóng bức.

“Ba, bên ngoài núi Y-sa-đà có núi Thọ-đề-đà-la[404], bên trên cao một vạn hai nghìn do-tuần, rộng một vạn hai nghìn do-tuần, chu vi là vô lượng, tạo thành bởi bảy báu. Khi ánh sáng mặt trời chiếu đến núi này, xúc chạm mà phát sinh ra nhiệt. Đó là duyên thứ ba ánh sáng mặt trời nóng bức.

“Bốn, ở ngoài cách núi Thọ-đề-đa-la không xa có núi gọi là Thiện kiến[405], cao sáu nghìn do-tuần, rộng sáu nghìn do-tuần, chu vi là vô lượng, núi được hình thành bởi bảy báu, khi ánh sáng mặt trời chiếu đến sẽ phát sinh ra nhiệt, đó là duyên thứ tư để ánh sáng mặt trời nóng bức.

“Năm, ở ngoài núi Thiện kiến có núi Mã tự[406] cao ba nghìn do-tuần, ngang rộng cũng ba nghìn do-tuần, chu vi là vô lượng, núi được hình thành bởi bảy báu, khi ánh sáng mặt trời chiếu đến sẽ phát sinh ra nhiệt, đó là duyên thứ năm để ánh sáng mặt trời nóng bức.

“Sáu, ở ngoài cách núi Mã tự không xa có núi Ni-di-đà-la[407], [146b] cao một nghìn hai trăm do-tuần, rộng một nghìn hai trăm do-tuần, chu vi thì vô lượng, núi được hình thành bởi bảy báu, khi ánh sáng mặt trời chiếu đến sẽ phát sinh ra nhiệt, đó là duyên thứ sáu để ánh sáng mặt trời nóng bức.

“Bảy, ở ngoài cách núi Ni-di-đà-la không xa có núi Điều phục[408], cao sáu trăm do-tuần, rộng cũng sáu trăm do-tuần, chu vi thì vô lượng, núi được hình thành bởi bảy báu, khi áng sáng mặt trời chiếu đến sẽ phát sinh ra nhiệt. Đó là duyên thứ bảy để ánh sáng mặt trời nóng bức.

“Tám, ở ngoài núi Điều phục có núi Kim cang luân[409], cao ba trăm do-tuần, rộng ba trăm do-tuần, chu vi thì vô lượng, tạo thành bởi bảy báu, khi ánh sáng mặt trời chiếu đến sẽ phát ra nhiệt. Đó là duyên thứ tám để ánh sáng mặt trời nóng bức.

“Lại nữa, bên trên một vạn do-tuần có cung điện Trời gọi là Tinh tú, tạo thành bởi lưu ly. Khi ánh sáng mặt trời chiếu vào nó, xúc chạm mà phát sinh ra nhiệt. Đó là duyên thứ chín để ánh sáng mặt trời nóng bức.

“Lại nữa, ánh sáng cung điện mặt trời chiếu xuống đại địa, xúc chạm mà phát sinh ra nhiệt.

“Đó là muời duyên thứ mười làm cho ánh sáng mặt trời nóng bức.”

Bấy giờ, Thế Tôn nói bài tụng:

Do mười nhân duyên này,

Mặt trời gọi Thiên quang;

Ánh sáng phát nóng bức:

Được nói mặt trời Phật.

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Tại sao cung điện mặt trời mùa đông thì lạnh để không thể ở gần được? Có ánh sáng mà sao lạnh? Có mười ba duyên, tuy có ánh sáng nhưng vẫn lạnh, Những gì là mười ba?

“Một, vì giữa hai núi Tu-di và Khư-đà-la có nước, rộng tám vạn bốn nghìn do-tuần, chu vi thì vô lượng. Nước này sinh ra rất nhiều loại hoa khác nhau như: hoa ưu-bát-la, hoa câu-vật-đầu, hoa bát-đầu-ma, hoa phân-đà-lợi, hoa tu-kiền-đề; khi ánh sáng mặt trời chiếu xuống, xúc chạm mà sinh ra lạnh. Đó là duyên thứ nhất để ánh sáng mặt trời lạnh.

“Hai, khoảng cách giữa hai núi Khư-đà-la và Y-sa-đà-la có nước, rộng bốn vạn hai nghìn do-tuần, dọc ngang bốn vạn hai nghìn do-tuần, chu vi thì vô lượng. Nước này sinh ra các loài hoa khác nhau. Khi ánh sáng chiếu đến, xúc chạm mà sinh ra lạnh. Đó là duyên thứ hai để ánh sáng mặt trời lạnh.

“Ba, giữa hai núi Y-sa-đà-la và Thọ-đề-đà-la có nước, rộng hai vạn một nghìn do-tuần, chu vi thì vô lượng, sinh ra các loài hoa khác nhau. Khi ánh sáng mặt trời chiếu xuống, xúc chạm mà sinh ra lạnh. Đó là duyên thứ ba ánh sáng mặt trời lạnh.

“Bốn, giữa hai núi Thiện kiến và núi Thọ-đề có nước, rộng hai ngàn do-tuần, chu vi thì vô lượng, nơi này có nước, sinh ra các loài hoa khác nhau; khi ánh sáng mặt trời chiếu xuống [146c] thì sinh ra lạnh, đó là duyên thứ tư để ánh sáng mặt trời lạnh.

“Năm, giữa hai núi Thiện kiến và núi Mã tự có nước, rộng sáu nghìn do-tuần, sinh ra các loài hoa khác nhau; khi ánh sáng mặt trời chiếu xuống thì sinh ra lạnh, đó là duyên thứ năm để ánh sáng mặt trời lạnh.

“Sáu, giữa hai núi Mã tự và núi Ni-di-đà-la có nước, rộng một nghìn hai trăm do-tuần, chu vi thì vô lượng, sinh ra các loài hoa khác nhau; khi ánh sáng mặt trời chiếu xuống thì sinh ra lạnh, đó là duyên thứ sáu để ánh sáng mặt trời lạnh.

“Bảy, giữa hai núi Ni-di-đà-la và núi Điều phục rộng sáu trăm do-tuần, chu vi thì vô lượng, sinh ra các loài hoa khác nhau; khi ánh sáng mặt trời chiếu xuống thì sinh ra lạnh, đó là duyên thứ bảy để sinh ra ánh sáng mặt trời lạnh.

“Tám, giữa hai núi Điều phục và núi Kim cang luân có nước, rộng ba trăm do-tuần, chu vi thì vô lượng, sinh ra các loài hoa khác nhau; khi ánh sáng mặt trời chiếu xuống thì sinh ra lạnh, đó là duyên thứ tám để ánh sáng mặt trời lạnh.

“Lại nữa,[410] các sông ngòi, bển cả trong Diêm-phù-lị-địa khi được ánh sáng mặt trời chiếu xuống một lần chạm nhau thì sinh ra lạnh, đó là duyên thứ chín để ánh sáng mặt trời lạnh.

“Đất Diêm-phù-đề có sông ít, đất Câu-da-ni có nước nhiều. Khi ánh sáng mặt trời chiếu xuống, xúc chạm mà sinh ra lạnh. Đó là duyên thứ mười để ánh sáng mặt trời lạnh.

“Sông ngòi của cõi Câu-da-ni thì ít, nước của cõi Phất-vu-đãi thì nhiều; khi ánh sáng mặt trời chiếu xuống, xúc chạm mà sinh ra lạnh. Đó là duyên thứ mười một để ánh sáng mặt trời lạnh.

“Sông ngòi của Phất-vu-đãi thì ít, sông ngòi của Uất-đơn-viết thì nhiều; khi ánh sáng mặt trời chiếu xuống, xúc chạm nhau thì sinh ra lạnh, đó là duyên thứ mười hai để ánh sáng mặt trời lạnh.

“Lại nữa, ánh sáng của cung điện mặt Trời chiếu xuống nước của biển cả, thì khi ánh sáng mặt trời chiếu, xúc chạm mà sinh ra lạnh, đó là duyên thứ mười ba để ánh sáng mặt trời lạnh.”

Bấy giờ, Phật nói bài tụng:

Do mười ba duyên này.

Mặt trời gọi Thiên quang

Ánh sáng này lạnh trong:

Được nói Mặt Trời Phật.

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Cung điện mặt Trăng, chất của nó là tổn, khi đầy khi vơi[411], ánh sáng sút giảm, cho nên Nguyệt cung được gọi là tổn[412]. Mặt trăng có hai nghĩa: một là trụ thường độ, hai gọi là cung điện. Do từ bốn phương xa mà nhìn, thấy là tròn. Lạnh ấm điều hòa, được tạo thành bởi bạc trời và lưu ly. Hai phần là thuần bạc trời ròng không pha tạp, trong suốt trong ngoài, ánh sánh chiếu xa; một phần bằng lưu ly ròng không pha tạp, trong suốt trong ngoài, ánh sáng chiếu xa. Cung điện mặt trăng, rộng bốn mươi chín do-tuần, tường cung điện cùng đất mỏng như bẹ lau[413]. Tường cung điện có bảy lớp, với bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, [147a] bảy lớp linh báu, bảy lớp hàng cây, trang sức chung quanh bằng bảy báu,… cho đến, vô số các loài chim ríu rít hòa vang.

“Cung điện mặt trăng này được năm thứ gió giữ gìn: một là trì phong, hai là dưỡng phong, ba là thụ phong, bốn là chuyển phong, năm là điều phong. Chánh điện, nơi ngự của Nguyệt thiên tử, làm bằng lưu ly, cao mười sáu do-tuần. Điện có bốn cửa, chung quanh là lan can. Tòa của Nguyệt thiên tử, rộng nửa do-tuần, được làm thành bởi bảy báu, trong sạch và mềm mại, giống như thiên y. Thiên tử mặt trăng trên thân phóng ra ánh sáng, chiếu soi điện lưu ly; ánh sáng của điện lưu ly chiếu soi cung điện mặt trăng, và ánh sáng cung điện mặt trăng chiếu soi bốn cõi thiên hạ. Tuổi thọ của thiên tử mặt trăng là năm trăm năm, con cháu thừa kế nhau không có hệ khác[414]. Cung điện này không bị hủy hoại trong vòng một kiếp. Lúc cung điện mặt trăng di chuyển, thiên tử của mặt trăng này không có ý niệm di chuyển, rằng: ‘Ta đi. Ta dừng.’ Mà chỉ luôn luôn hưởng thụ ngũ dục. Khi cung điện mặt trăng di chuyển, thì có vô số trăm nghìn các Đại thiên thần, thường ở trước dẫn đường, hoan hỷ không mệt mỏi, ưa thích nhanh nhẹn, vì vậy nên Nguyệt thiên tử được gọi là ‘nhanh nhẹn[415].

“Thân Nguyệt thiên tử phát ra nghìn tia sáng, năm trăm tia sáng chiếu xuống, và năm trăm tia sáng chiếu hai bên. Đó là do công đức của nghiệp đời trước nên có ánh sáng này, thế nên Nguyệt thiên tử còn gọi là Thiên quang[416]. Thế nào là công đức nghiệp đời trước? Thế gian có một người phát tâm cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn, cùng bố thí cho những người đói khát cùng cực, cho họ đồ ăn thức uống, y phục, thuốc thang, voi ngựa, xe cộ, phòng xá, đèn đuốc, tùy thời ban phát, tùy theo nhu cầu, mà không trái ý người, và cúng dường cho các vị Hiền Thánh trì giới. Do vô số pháp hỷ khác nhau ấy, thiện tâm quang minh. Như vị vua Quán đảnh dòng Sát lợi, khi mới đang vương vị, thiện tâm hoan hỷ, cũng lại như vậy. Vì nhân duyên này, nên thân hoại mạng chung làm Nguyệt thiên tử, cung điện mắt trăng có nghìn tia sáng, cho nên nói là nghiệp lành được nghìn tia sáng.

“Lại nữa, do nghiệp gì được nghìn ánh sáng? Thế gian có người không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không hai lưỡi, không ác khẩu, không nói dối, không ỷ ngữ, không tham giữ, không sân nhuế, không tà kiến; do những nhân duyên này mà thiện tâm hoan hỷ. Giống như đầu ngã tư đường có hồ tắm lớn trong mát không dơ, có người đi xa, mệt mỏi nóng khát, vào trong hồ nước này, tắm rửa mát mẻ, hoan hỷ khoái lạc; người thực hành mười điều lành, thiện tâm hoan hỷ, lại cũng như vậy. Người này sau khi thân hoại mạng chung, sẽ làm Nguyệt thiên tử, sống ở cung điện mặt trăng, có nghìn tia sáng. Do nhân duyên này [147b] cho nên gọi là nghìn ánh sáng nghiệp lành.[417]

“Lại nữa, do duyên gì được nghìn tia sáng? Thế gian có người không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không lừa dối, không uống rượu, vì những nhân duyên này, thiện tâm hoan hỷ; thân hoại mạng chung, làm Nguyệt thiên tử, sống ở cung điện mặt trăng, có nghìn tia sáng. Do những nhân duyên như vậy nên gọi là nghìn tia sáng nghiệp lành.

“Trong sáu mươi niệm khoảnh[418] gọi là một la-da, ba mươi la-da gọi là ma-hầu-đa, trăm ma-hầu đa gọi là ưu-bà-ma. Nếu cung điện mặt trời mỗi năm có sáu tháng đi về phía Nam, mỗi ngày di chuyển ba mươi dặm, cực Nam không vượt qua khỏi Diêm-phù-đề; thời gian ấy, cung điện mặt Trăng nửa năm đi về phía nam, không vượt qua khỏi Diêm-phù-đề. Nguyệt Bắc hành cũng như vậy.

“Vì duyên gì mà cung điện mặt trăng khuyết giảm mỗi khi một ít? Có ba nhân duyên nên cung điện mặt trăng khuyết giảm mỗi khi một ít: Một, mặt trăng phát xuất từ phương góc, là duyên thứ nhất để mặt trăng tổn giảm. Lại nữa, trong cung điện mặt trăng có các Đại thần đều mặc y phục màu xanh, theo thứ tự mà lên, trú xứ cũng trở thành xanh, cho nên mặt trăng bị tổn giảm; đó là duyên thứ hai để mặt trăng mỗi ngày mỗi giảm. Lại nữa, cung điện mặt trời có sáu mươi tia sáng, tia sáng này chiếu vào cung điện mặt trăng, ánh chiếu khiến cho không hiện, do đó nơi có ánh chiếu, nơi ấy của mặt trăng bị tổn giảm; đó là duyên thứ ba để ánh sáng mặt trăng tổn giảm.

“Lại nữa, vì duyên gì mà ánh sáng cung điện mặt trăng đầy dần? Có ba nhân duyên khiến cho ánh sáng mặt trăng đầy dần. Những gì là ba? Một, mặt trăng hướng về phương vị chánh cho nên ánh sáng mặt trăng đầy. Hai, các thần cung điện mặt trăng hết thảy đều mặt y phục màu xanh, và Thiên tử mặt trăng vào ngày rằm ngồi vào giữa, cùng nhau hưởng lạc, ánh sáng chiếu khắp, lấn át ánh sáng Chư Thiên, nên ánh sáng đầy khắp. Giống như bó đuốc lớn được đốt lên trong đám đèn đuốc, sẽ át hẳn ánh sáng các ngọn đèn. Thiên tử mặt trăng cũng lại như vậy. Vào ngày rằm, ở giữa chúng Chư Thiên, át hẳn tất cả các ánh sáng khác, chỉ có ánh sáng của ông độc chiếu, cũng như vậy. Đó là duyên thứ hai. Ba, Thiên tử mặt trời tuy đã có sáu mươi tia sáng chiếu soi cung điện mặt trăng, nhưng vào ngày rằm, thiên tử mặt trăng cũng có thể dùng ánh sáng chiếu nghịch lại, khiến cho nó không thể che khuất được. Đó là ba nhân duyên cho cung điện mặt trăng tròn đầy mà không bị tổn giảm.

“Lại nữa vì duyên gì mà mặt trăng có bóng đen? Vì cái bóng cây Diêm phù in vào trong mặt trăng, nên mặt trăng có bóng.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Tâm hãy như mặt trăng, trong mát không nóng bức, khi đến nhà đàn-việt, chuyên niệm không tán loạn.

“Lại vì duyên gì mà có các sông ngòi? Vì mặt trời, [147c] mặt trăng có độ nóng. Do độ nóng này mà có nung đốt. Do có nung đốt nên có mồ hôi. Do mồ hôi mà thành sông ngòi. Do đó thế gian có sông ngòi.

“Vì nhân duyên gì mà thế gian có năm loại hạt giống? Có cuồng phong dữ từ thế giới chưa bị hủy diệt thổi hạt giống đến sanh ở quốc độ này. Một là hạt từ rễ; hai, hạt từ cọng; ba, hạt từ đốt; bốn, hạt từ ruột rỗng; năm, hạt từ hạt. Đó là năm loại hạt. Vì nhân duyên này mà thế gian có năm loại hạt giống xuất hiện.

“Lúc ở Diêm-phù-đề đang là giữa trưa thì ở Phất-vu-đãi mặt trời lặn, ở Câu-da-ni mặt trời mọc, ở Uất-đơn-viết là nửa đêm. Câu-da-ni giữa trưa thì ở Diêm-phù-đề mặt trời lặn. Uất-đan-viết mặt trời mọc, ở Phất-vu-đãi là nửa đêm; ở Uất-đan-viết giữa trưa thì ở Câu-da-ni mặt trời lặn; ở Phất vu đãi mặt trời mọc, thì Diêm-phù-đề là nửa đêm. Nếu ở Phất-vu-đãi là giữa trưa, thì ở Uất-đan-viết mặt trời lặn; ở Diêm-phù-đề mặt trời mọc, thì ở Câu-da-ni là nửa đêm. Phương Đông của Diêm-phù-đề, thì là phương Tây ở Phất-vu-đãi; phương Tây của Diêm-phù-đề là phương Đông của Câu-da-ni; phương Tây của Câu-da-ni là phương Đông của Uất-đơn-viết; phương Tây của Uất-đơn-viết là phương Đông của Phất-vu-đãi.

“Diêm-phù-đề[419], sở dĩ được gọi là Diêm-phù vì ở dưới có núi vàng cao ba mươi do-tuần, do cây Diêm-phù[420] sanh ra nên được gọi là vàng Diêm-phù[421]. Cây Diêm-phù có trái của nó như tai nấm[422], vị của nó như mật; cây có năm góc[423] lớn, bốn mặt bốn góc, ở trên có một góc. Những trái ở bên góc phía Đông của nó được Càn-thát-bà ăn. Trái ở góc phía Nam của nó được người bảy nước ăn. Bảy nước[424] là: một, nước Câu-lâu; hai, Câu-la-ba; ba, Tỳ-đề; bốn, Thiện-Tỳ-đề; năm, Mạn-đà; sáu, Bà-la; bảy, Bà-lị. Trái ở góc phía Tây được hải trùng[425] ăn. Trái ở góc phía Bắc được cầm thú ăn. Trái ở phía góc trên được Tinh tú thiên ăn.[426] Phía Bắc của bảy nước lớn có bảy hòn núi Đen lớn, một là Lõa thổ, hai là Bạch hạc, ba là Thủ cung, bốn là Tiên sơn, năm là Cao sơn, sáu là Thiền sơn, bảy là Thổ sơn. Trên mặt của bảy núi đen này có bảy vị Tiên nhơn Bà-la-môn. Trú xứ của bảy Tiên nhơn[427] này, một là Thiện đế, hai là Thiện quang, ba là Thủ cung, bốn là Tiên nhơn, năm là Hộ cung, sáu là Già-na-na, bảy là Tăng ích.”

Phật bảo Tỳ-kheo[428]:

“Khi kiếp sơ[429], chúng sanh sau khi nếm vị đất, rồi tồn tại một thời gian lâu dài. Những ai ăn nhiều, nhan sắc trở nên thô kịch, khô héo. Những ai ăn ít, nhan sắc tươi sáng, [148a] mịn màng. Từ đó về sau mới phân biệt nhan sắc tướng mạo của chúng sanh có hơn có kém, và sinh ra thị phi với nhau, nói rằng: ‘Ta hơn ngươi; ngươi không bằng ta.’ Do tâm của chúng phân biệt kia và ta, ôm lòng cạnh tranh, cho nên vị đất tiêu hết.

“Sau đó sinh ra một loại da đất[430], hình dáng giống như cái bánh mỏng; màu sắc, hương vị của nó rất là thanh khiết. Bấy giờ chúng sanh tụ tập lại một chỗ, tất cả đều ảo não buồn khóc, đấm ngực mà nói: ‘Ối chao là tai họa! Vị đất nay bỗng biến mất.’ Giống như hiện nay người được đầy ắp vị ngon, bảo là ngon lành, nhưng sau đó lại bị mất đi nên lấy làm buồn lo. Kia cũng như vậy buồn lo hối tiếc. Sau đó, chúng ăn lớp da đất, dần quen cái vị của nó. Những ai ăn nhiều thì nhan sắc trở thành thô kịch khô héo. Những ai ăn ít thì nhan sắc tươi sáng mịn màng. Từ đó mới phân biệt nhan sắc tướng mạo của chúng sanh có xấu có đẹp, và sinh chuyện thị phi với nhau, nói rằng: ‘Ta hơn ngươi. Ngươi không bằng ta.’ Do tâm chúng phân biệt kia và ta, ôm lòng cạnh tranh, nên nấm đất cạn tiêu hết.

“Sau đó lại xuất hiện một loại da ngoài của đất[431], càng lúc càng dày thêm, màu của nó như thiên hoa[432], mềm mại của nó như thiên y, vị của nó như mật. Bấy giờ, các chúng sanh lại lấy nó cùng ăn, sống lâu ngày ở thế gian. Những ai càng ăn nhiều thì nhan sắc càng sút kém. Những ai ăn ít thì nhan sắc tươi sáng mịn màng. Từ đó phân biệt nhan sắc tướng mạo của chúng sanh có xấu có đẹp, và do thế mà sinh chuyện thị phi với nhau rằng: ‘Ta hơn ngươi. Ngươi không bằng ta.’ Vì tâm chúng phân biệt ta và người, sinh lòng cạnh tranh, nên lớp da ngoài của đất tiêu hết.

“Sau đó, lại xuất hiện loại lúa tẻ[433] mọc tự nhiên, không có vỏ trấu[434], không cần phải gia thêm chế biến mà chúng đã đầy đủ các thứ mỹ vị. Bấy giờ, chúng sanh tụ tập nhau lại nói: ‘Ối chao là tai họa! Nay màng đất bỗng nhiên biến mất.’ Giống như hiện tại người gặp họa gặp nạn thì than rằng: ‘Khổ thay!’ Bấy giờ chúng sanh ảo não, buồn than, cũng lại như vậy.

“Sau đó, chúng sanh cùng nhau lấy lúa tẻ tự nhiên này ăn, và thân thể chúng, trở nên thô xấu, có hình dáng nam nữ, nhìn ngắm nhau, sinh ra dục tưởng; họ cùng nhau tỳm nơi vắng làm hành vi bất tịnh, các chúng sanh khác thấy than rằng: ‘Ôi, việc làm này quấy! Tại sao chúng sanh cùng nhau sinh ra chuyện này?’ Người nam làm việc bất tịnh kia, khi bị người khác quở trách, tự hối hận mà nói rằng: ‘Tôi đã làm quấy.’Rồi nó gieo mình xuống đất. Người nữ kia thấy người nam này vì hối lỗi mà gieo mình xuống đất, không đứng lên, liền đưa thức ăn đến. Chúng sanh khác thấy vậy, hỏi người nữ rằng: ‘Ngươi đem thức ăn này để cho ai?’ Đáp: ‘Chúng sanh hối lỗi kia đọa lạc[435] thành kẻ làm điều bất thiện, tôi đưa thức ăn cho nó.’ Nhân lời nói này, nên thế gian liền có danh từ ‘người chồng bất thiện’,[436] và vì việc đưa [148b] cơm cho chồng nên được gọi là vợ[437].

“Sau đó, chúng sanh bèn làm chuyện dâm dật, pháp bất thiện tăng. Để tự che dấu, chúng tạo ra nhà cửa. Do vì nhân duyên này, bắt đầu có danh từ ‘nhà.’[438]

“Sau đó, sự dâm dật của chúng sanh càng ngày càng tăng, nhân đây đã trở thành chồng vợ. Có các chúng sanh khác, khi tuổi thọ hết, hành hết, phước hết, từ cõi trời Quang Âm sau khi mạng chung lại sinh vào thế gian này, ở trong thai mẹ, nhân đây thế gian có danh từ ‘mang thai.’[439]

“Bấy giờ, trước tiên tạo thành Chiêm-bà, kế đến tạo thành Già-thi, Ba-la-nại, và tiếp theo là thành Vương xá[440]. Lúc mặt trời mọc thì bắt đầu kiến tạo, tức thì lúc mặt trời mọc hoàn thành[441]. Do nhân duyên này nên thế gian liền có tên thành, quách, quận, ấp, là chỗ nhà vua cai trị.

“Bấy giờ, khi chúng sanh bắt đầu ăn lúa tẻ mọc tự nhiên, sáng sớm gặt thì chiều tối lại chín, chiều tối gặt thì sáng sớm lại chín. Sau khi được gặt, lúa sinh trở lại, hoàn toàn không có thân cuống lúa.

“Rồi thì, có chúng sanh thầm nghĩ rằng: ‘Sao ta mỗi ngày mỗi gặt chi cho mệt nhọc? Nay hãy gom lấy đủ cho nhiều ngày.’ Nó bèn gặêt gộp lại, chứa số lương đủ cho nhiều ngày. Người khác sau đó gọi nó: ‘Nay chúng ta hãy cùng đi lấy lúa.’ Người này bèn trả lời: ‘Tôi đã chứa đủ sẵn rồi, không cần lấy thêm nữa. Anh muốn lấy, cứ tùy ý đi lấy một mình.’ Người kia bèn nghĩ thầm: ‘Gã này có thể lấy đủ lương cho hai ngày, sao ta không thể lấy đủ cho ba ngày?’ Người ấy bèn chứa dư ba ngày lương. Lại có những người khác gọi nó: ‘Hãy cùng đi lấy lương.’ Nó liền đáp: ‘Ta đã lấy dư ba ngày lương rồi. Các người muốn lấy, tùy ý đi mà lấy.’ Các người kia bèn nghĩ: ‘Người kia có thể lấy ba ngày lương, sao ta không thể lấy năm ngày lương?’ Rồi chúng lấy năm ngày lương. Bấy giờ, chúng sanh tranh nhau cất chứa lương dư, nên lúa tẻ ấy bèn sanh ra vỏ trấu; sau khi được gặt, không mọc trở lại nữa; chỉ còn trơ cọng khô mà thôi.

“Bấy giờ chúng sanh tụ tập lại một chỗ, ảo não buồn khóc, đấm ngực than: ‘Ôi, đây là một tai họa!’ và tự thương trách rằng: ‘Chúng ta vốn đều do biến hóa mà sinh, ăn bằng tư niệm, tự thân phát ánh sáng, có thần túc bay trên không, an vui không ngại. Sau đó vị đất bắt đầu sinh ra, sắc vị đầy đủ. Khi ấy chúng ta nếm thử vị đất này, rồi tồn tại lâu trong đời này. Những ai ăn nhiều thì nhan sắc trở thành thô xấu. Những ai ăn nó ít thì nhan sắc tươi sáng, mịn màng; từ đó tâm chúng sanh có phân biệt ta và người, sinh tâm kiêu mạn, bảo rằng: ‘Sắc ta hơn. Sắc ngươi không bằng.’ Do kiêu mạn, tranh nhau sắc, nên vị đất tiêu diệt. Lại sanh ra lớp da đất, có đầy đủ sắc hương vị. Chúng ta lúc ấy cùng thu lấy để ăn, tồn tại lâu dài ở thế gian. Những ai [148c] ăn nhiều thì da sắc trở thành thô xấu. Những ai ăn ít đi thì da sắc tươi sáng mịn màng, từ đó có phân biệt ta và người, sinh tâm kiêu mạn bảo rằng: ‘Sắc ta hơn, sắc ngươi không bằng.’ Vì tranh nhau về sắc mà kiêu mạn nên lớp da đất biến mất, và xuất hiện lớp da ngoài của đất, càng lúc càng dày lên, đủ cả sắc, hương, mùi vị. Chúng ta khi ấy lại cùng nhau thu lấy ăn, tồn tại dài ở thế gian. Những ai ăn nhiều thì sắc da trở thành thô xấu. Những ai ăn ít thì sắc da tươi sáng mịn màng, từ đó có phân biệt ta và người, sinh tâm kiêu mạn bảo rằng: ‘Sắc ta hơn, sắc ngươi không bằng.’ Vì sắc tranh nhau mà kiêu mạn, nên lớp da ngoài của đất biến mất, để rồi sinh ra loại lúa tẻ mọc tự nhiên, đầy đủ sắc, hương, vị. Chúng ta lúc ấy lại cùng nhau thu lấy ăn, sớm mai thu hoạch buổi chiều lại chín, buổi chiều thu hoạch sáng mai lại chín, vì thu hoạch xong thì sinh trở lại nên không cần phải gom thu. Nhưng vì chúng ta lúc này tranh nhau tích lũy, nên lúa này sinh ra vỏ trấu, và sau khi thu gặt xong không sinh trở lại nữa, mà hiện tại chỉ còn có rễ và thân mà thôi. Nay chúng ta hãy cùng nhau phân phối ruộng nhà, phân chia bờ cõi.’

“Rồi chúng phân chia ruộng đất, vạch bờ cõi khác nhau, phân biệt của người và của ta. Sau đó mọi người tự cất dấu lúa thóc của mình, trộm lấy lúa ruộng người khác. Các chúng sanh khác trông thấy, nên nói: ‘Việc ngươi làm là quấy! Việc ngươi làm là quấy! Tại sao cất dấu vật của chính mình, mà đi trộm tài vật của người?’ Chúng bèn quở trách rằng: ‘Từ nay về sau không được tái phạm việc trộm cắp nữa!’ Nhưng những việc trộm cắp như vậy vẫn tái phạm không dứt, mọi người lại phải quở trách: ‘Việc ngươi làm sai quấy! Tại sao không chịu bỏ?’ Rôi chúng lấy tay mà đánh, lôi đến giữa đám đông, báo cáo cùng mọi người rằng: ‘Người này tự cất dấu thóc lúa, đi trộm lúa ruộng của người.’ Người ăn trộm nói lại: ‘Người kia đã đánh tôi.’ Mọi người nghe xong, ấm ức rơi lệ, đấm ngực nói rằng: ‘Thế gian trở nên xấu ác, nên đã sinh ra pháp ác này chăng?’ Nhân đấy mà sinh ra ưu kếtnhiệt nãokhổ báo; rằng: ‘Đây là cội nguồn của của sinh, già, bệnh, chết; là nguyên nhân rơi vào đường ác. Do có ruộng nhà, bờ cõi riêng khác, nên sinh ra tranh dành kiện tụng, đưa đến oán thù, không ai có thể giải quyết. Nay chúng ta hãy lập lên một người chủ bình đẳng[442], để khéo léo giữ gìn nhơn dân, thưởng thiện phạt ác. Mọi người trong chúng ta đều cùng nhau giảm bớt phần của mình để cung cấp cho người chủ này.’

“Lúc đó, trong chúng có một người hình thể vạm vỡ, dung mạo đoan chánh, rất có oai đức. Mọi người bảo rằng: ‘Nay, chúng tôi muốn tôn bạn lên làm chủ, để khéo léo giữ gìn nhơn dân, thưởng thiện phạt ác. Chúng tôi sẽ giảm bớt phần của mình mà cung cấp.’ Người này nghe xong, liền nhận làm chủ. Ai đáng thưởng thì thưởng; ai đáng phạt thì phạt. Từ đây mới bắt đầu có danh từ ‘dân chủ’[443].

“Dân chủ ban đầu có con tên là Trân Bảo[444];  [149a] Trân Bảo có con tên là Hảo Vị; Hảo Vị có con tên là Tĩnh Trai; Tĩnh Trai có con tên là Đảnh Sanh; Đảnh Sanh có con tên là Thiện Hành; Thiện Hành có con tên là Trạch Hành; Trạch Hành có con tên là Diệu Vị; Diệu Vị có con tên là Vị Đế; Vị Đế có con tên là Thủy Tiên; Thủy Tiên có con tên là Bách Trí; Bách Trí có con tên là Thị Dục; Thị Dục có con tên là Thiện Dục; Thiện Dục có con tên là Đoạn Kết; Đoạn Kết có con tên là Đại Đoạn Kết; Đại Đoạn Kết có con tên là Bảo Tạng; Bảo Tạng có con tên là Đại Bảo Tạng; Đại Bảo Tạng có con tên là Thiện Kiến; Thiện Kiến có con tên là Đại Thiện Kiến; Đại Thiện Kiến có con tên là Vô Ưu; Vô Ưu có con tên là Châu Chử; Châu Chử có con tên là Thực Sanh; Thực Sanh có con tên là Sơn Nhạc; Sơn Nhạc có con tên là Thần Thiên; Thần Thiên có con tên là Khiển Lực; Khiển Lực có con tên là Lao Xa; Lao Xa có con tên là Thập Xa; Thập Xa có con tên là Bách Xa; Bách Xa có con tên là Lao Cung; Lao Cung có con tên là Bách Cung; Bách Cung có con tên là Dưỡng Mục; Dưỡng Mục có con tên là Thiện Tư.

“Từ Thiện Tư trở về sau có mười họ, Chuyển Luân Thánh vương nối tiếp nhau không dứt: Một tên là Già-nậu-thô, hai tên là Đa-la-bà, ba tên là A-diệp-ma, bốn tên là Trì-thí, năm tên là Già-lăng-già, sáu tên là Chiêm-bà, bảy tên là Câu-la-bà, tám tên là Bác-đồ-la, chín tên là Di-tư-la, mười tên là Thanh Ma.

“Giòng Vua Già-nậu-thô có năm vị Chuyển Luân Thánh vương. Giòng vua Đa-la-bà có năm vị Chuyển Luân Thánh vương. Giòng vua A-diệp-ma có bảy vị Chuyển Luân Thánh vương. Giòng vua Trì-thí có bảy vị vua Chuyển Luân Thánh vương. Giòng vua Già-lăng-già có chín vị vua Chuyển Luân Thánh vương. Giòng vua Chiêm-bà có mười bốn vị Chuyển Luân Thánh vương. Giòng vua Câu-la-bà có ba mươi mốt vị Chuyển Luân Thánh vương. Giòng vua Bát-xà-la có ba mươi-hai vị Chuyển Luân Thánh vương. Giòng vua Di-tư-la có tám vạn bốn nghìn vị Chuyển Luân Thánh vương. Giòng vua Thanh Ma có một trăm lẻ một vị Chuyển Luân Thánh vương. Và vị vua cuối cùng có tên là Đại Thiện Sanh Tùng.

“Vua Thanh Ma[445] của giòng thứ mười có vương tử tên là Ô-la-bà. Vua Ô-la-bà có vương tử tên là Cừ-la-bà. Vua Cừ-la-bà có vương tử tên là Ni-cầu-la. Vua Ni-cầu-la [149b] có vương tử tên là Sư Tử Giáp. Vua Sư tử Giáp có vương tử tên là Bạch Tịnh vương[446]. Vua Bạch Tịnh vương có vương tử tên là Bồ-tát[447]. Bồ-tát có con tên là La-hầu-la. Do bản duyên này mà có tên gọi Sát-lị[448].

“Bấy giờ, có một chúng sanh suy nghĩ như vầy: ‘Tất cả mọi sở hữu như gia đình, quyến thuộc, muôn vật ở thế gian đều là gai nhọn, ung nhọt, nay nên lìa bỏ, vào núi hành đạo, ở nơi vắng vẻ mà tư duy.’ Rồi thì, người ấy liền lìa bỏ gai nhọn là gia đình, vào núi, ở nơi vắng vẻ, ngồi dưới gốc cây mà tư duy, hằng ngày ra khỏi núi, vào thôn xóm mà khất thực. Mọi người trong thôn thấy vậy, càng cung kính cúng dường. Mọi người đều cùng khen ngợi rằng: ‘Người này có thể lìa bỏ hệ lụy của gia đình để vào núi tỳm đạo.’ Vì người này có thể xa lìa được pháp ác bất thiện, nên nhân đó mà gọi là Bà-la-môn[449].

“Trong chúng Bà-la-môn có người không hành Thiền được, nên ra khỏi rừng núi, du hành trong nhơn gian, và tự nói: ‘Ta không thể tọa thiền.’ Nhân đó gọi là Vô thiền Bà-la-môn[450]. Rồi đi qua các thôn xóm, nó làm pháp bất thiện, thi hành pháp độc, nhân đó tương sinh, nên được gọi đó là độc[451]. Do nhân duyên này mà có chủng tánh Bà-la-môn ở thế gian.

“Trong chúng sanh kia, chúng học tập các thứ nghề để tự mưu sống, nhân đây nên có chủng tánh Cư sĩ ở thế gian.

“Trong chúng sanh kia, chúng học tập các kỹ nghệ để tự nuôi sống, nhân đây mới có chủng tánh Thủ-đà-la ở thế gian.

“Trước đó trong thế gian đã có giòng họ Thích này xuất hiện rồi, sau đó mới có giòng Sa-môn. Trong giòng Sát-lị có người tự tư duy: ‘Thế gian ân ái là ô uế, bất tịnh, đáng gì mà tham đắm?’ Rồi người ấy lìa bỏ gia đình, cạo bỏ râu tóc, mặc pháp phục mà cầu đạo và nói: ‘Ta là Sa-môn! Ta là Sa-môn!’

“Trong chủng tánh Bà-la-môn, chủng tánh Cư sĩ, chủng tánh Thủ-đà-la, có người suy nghĩ: ‘Thế gian ân ái là ô uế, bất tịnh, đáng gì mà tham đắm?’ Rồi người ấy lìa bỏ gia đình, cạo bỏ râu tóc, mặc pháp phục mà cầu đạo và nói: ‘Ta là Sa-môn! Ta là Sa-môn!

“Nếu trong chúng Sát-lị, có người thân hành bất thiện, khẩu hành bất thiện, ý hành bất thiện; sau khi hành bất thiện rồi, thân hoại mạng chung nhất định sẽ phải thọ khổ. Hoặc có Bà-la-môn, Cư sĩ, Thủ-đà-la thân hành bất thiện, khẩu hành bất thiện, ý hành bất thiện; sau khi hành bất thiện rồi, thân hoại mạng chung nhất định sẽ phải thọ khổ.

“Chủng tánh Sát-lị thân hành thiện, khẩu hành thiện, ý hành thiện, khi thân hoại mạng chung nhất định sẽ thọ lạc. Bà-la-môn, cư sĩ, thủ-đà-la thân hành thiện, khẩu hành thiện, ý hành thiện, khi thân hoại mạng chung nhất định sẽ được [149c] thọ lạc.

“Thân của người sát lợi thân có hai loại hành, miệng và ý cũng có hai loại hành. Sau khi thân, miệng, và ý đã hành hai loại ấy rồi, thân hoại mạng chung nhất định sẽ thọ báo hoặc khổ hoặc lạc. Bà-la-môn, cư sĩ, thủ-đà-la, thân, miệng, ý có hai loại hành. Sau khi thân, miệng, và ý đã hành hai loại này rồi, thân hoại mạng chung chắc chắn sẽ thọ báo hoặc khổ hoặc vui.

“Trong chúng Sát-lị, như có người cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia cầu đạo. Vị ấy tu tập bảy giác ý. Với tín tâm kiên cố vị ấyï xuất gia hành đạo, tu phạm hạnh vô thượng, ngay trong đời này, tự thân tác chứng: ‘Sự sanh của ta đã dứt, phạm hạnh đã vững, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’

“Ở trong chúng Bà-la-môn, Cư sĩ, Thủ-đà-la, có người cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia cầu đạo. Vị ấy tu tập bảy giác ý. Vị ấy do lòng tin kiên cố mà xuất gia hành đạo, tu phạm hạnh vô thượng, ở ngay trong đời này mà tự thân tác chứng: ‘Sự sanh của ta đã dứt, phạm hạnh đã vững, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’

“Trong bốn chủng tánh này, đều có thể thành tựu minh và hành, chứng đắc A-la-hán, là đệ nhất tối thượng.”

Bấy giờ, Phạm thiên liền nói kệ:

Thọ sanh, Sát-lị nhất,

Hay tập các chủng tánh.

Minh-hành thành đầy đủ,

Là nhất trong Trời-Người.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Phạm thiên kia nói bài kệ này rất hay, chứ không phải không hay; là khéo lãnh thọ, chứ không phải không khéo lãnh thọ, được Ta ấn chứng. Vì sao? Vì Ta nay, là Như Lai, Chí Chân, là Đẳng Chánh Giác, cũng nói như bài kệ này.

Sát lợi, sanh là nhất,

Hay tập các chủng tánh,

Minh-hành thành đầy đủ,

Là nhất trong Trời-Người.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ thực hành.

Trường A hàm hoàn tất.

 

Quy mạng Nhất thiết trí.

Tất cả chúng an vui.

Chúng sanh trú vô vi,

Tôi cũng ở trong đó.[452]

 


[1] Câu-lị quật 俱利窟, tên một am cốc trong vườn Cấp Cô Độc; kinh số 1 “Đại bản” dịch là Hoa lâm khốt 華林窟. Pl.: Karerikuṭikā. Trong bản Hán, Kuṭikā, am cốc nhỏ, được hiểu là hang động (Pl.: guhā)

[2] Tứ thiên hạ, hay tứ châu thiên hạ 四州天下, chỉ bốn đại lục nằm chung quanh núi Tu-di. Pl.: cattaro dīpā.

[3] Tu-di sơn vương 須彌山王; Pl.: Sumeru-pabbata-rājā.

[4] Kim sí điểu 金翅鳥, Pl.: garuḷā hay garuḍā.

[5] Ác đạo 惡 道, chỉ các định hướng tái sinh xấu ở địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Pl.: duggati.

[6] Trong bản, đại nê-lê 大泥梨; Pl.: mahāniraya hay mahāniraka.

[7] Diêm-la vương 閻羅王, gọi tắt là Diêm vương, vua địa ngục. Pl.: Yama.

[8] Tứ thiên vương thiên 四天王天, tầng thấp nhất trong 6 tầng trời Dục giới. Pl.: Cātumahārājikā Devā hay Cātummahārājikā Devā..

[9] Đao-lị thiên 忉 利天, dịch là Tam Thập Tam thiên 三十三天, cõi của 33 vị trời. Tầng thứ 2, Dục giới thiên. Pl.: Tāvatiṃsa

[10] Diệm-ma thiên 焰摩天, tầng thứ ba trong Dục giới. Pl.: Yāmā devā.

[11]  Đâu-suất thiên 兜率天, tầng thứ tư trong 6 tầng trời Dục giới. Pl.: Tusitā devā.

[12] Hóa Tự Tại thiên 化 自 在 天, hay Hóa Lạc thiên 化 樂 天, tầng thứ 5 trong 6 tầng Dục giới thiên. Pl.: Nimmānaratī devā. Skt. Nirmāṇarati.

[13] Tha Hóa Tự Tại 他化自在天, tầng thứ 6 trong 6 tầng Dục giới thiên. Pl.: Para-nimmita-vasa-vattino.

[14] Phạm thiên 梵天, Brahma-devā.

[15] Tiểu thiên thế giới 小 世界, ngàn thế giới số nhỏ. Pl.: sahassadhā lokadhātu.

[16] Trung thiên thế giới 中千世界; ngàn thế giới số trung. Pl.: dvisahassī majjhimikā lokadhātu hay sahassa majjhimakā lokadhātu.

[17] Tam thiên Đại thiên thế giới 三千大千世界, ba ngàn thế giới số lớn. Pali: ti-sahassī mahāsahassī lokadhātu.

[18] Phật-sát 佛 剎, quốc độ Phật. Pl.: Buddhakhetta.

[19] Do-tuần 由旬, đơn vị đo đường dài. Skt. = Pl.: yojana; 1 yojana= 4 hay 8 krośa (câu-lô-xá), khoảng 7 hay 8 dặm Anh.

[20] Câu xá 11 (tr. 59b26): Núi Tô-mê-lô (Skt. Sumeru) có bốn tầng bậc (Skt. pariṣaṇḍāś catasro, Hán: tầng cấp 層級).

[21] Hán: lan thuẫn 闌楯, lan can, với thanh gỗ ngang để vịn tay gọi là lan; thanh gỗ đứng gọi là thuẫn; Pl., Skt. vedikā.

[22] Hán: quán 觀, chỉ nhà dựng trên đài cao. Đây chỉ chung các loại nhà sàn, nhà tầng kiểu Ấn độ.

[23] Hán: viên quán 園觀, chỉ công viên; thường đẻ dịch từ ārāma (pl.=Skt.): lạc viên, công viên, nơi mọi người đến giải trí.

[24] Hán; cấp giai đạo 級階道, đương đi có thềm cấp.

[25] Già-lâu-la Túc 伽樓羅足, nghĩa đen: chân của Già-lâu la. Câu xá 11 (tr. 59c2): có thần Dược-xoa tên là, Kiên Thủ 堅 手 (bàn tay cứng; Skt. Karoṭapāṇi) .

[26] Trì Man 持 鬘; Câu xá 11 (tr. 59c3; Skt.Mālādhara).

[27] Hỷ lạc 喜 樂; Câu xá 11 (tr. 59c3): Hằng kiêu 恆 憍 (Skt. Sadāmatta).

[28] Tam Thập Tam thiên 三十三天, tức Đao-lị thiên 忉利天 (Pl.: Tāvatiṃsa). Cf. Câu xá 11 (tr. 59c19).

[29] Phạm-gia-di 梵加夷, Skt.= Pl.: Brahmakāyika, tầng thấp nhất trong 3 tầng sơ thiền. Câu-xá 11 (tr. 61a23): Phạm chúng thiên 梵眾天.

[30] Ma thiên 魔天, trong trời Tha Hóa Tự Tại (Pl.: Paranimmitavasavatta) có một số Chư Thiên gọi là Ma thiên (Pl.: devaputtamāra). Đại trí độ 56 (tr. 458b9); Sớ giải MA i. 33: so kuhiṃ vasavati? paranimmitavasavattidevaloke. (Thiêm ma Ba-tuần, Pāpiman) ở đâu? Nó ở trong cõi trời Tha Hóa Tự Tại.

[31] Quang âm thiên 光音天. Câu-xá 8 (tr. 41a18): Cực Quang Tịnh thiên 極光淨天. Skt.Ābhāsvarā, Pl.: Ābhassara.  

[32] Biến tịnh thiên 遍淨天, tầng thứ ba thuộc Sắc giới tam thiền thiên. Skt. Śubhākṛtsnā; Pl.: Subha-kiṇṇā.

[33]  Quả Thật thiên 果實天. Câu-xá 8 (tr. 41a20): Quảng Quả thiên 廣果天, tầng thứ ba thuộc Sắc giới tứ thiền thiên. Skt. Bṛhatphalā; Pl.: Vehapphalā devā.

[34] Vô Tưởng thiên 無想天,  một hạng Chư Thiên đặc biệt trong Quảng Quả thiên, hay được xếp bên trên Quảng Quả thiên. Pl.: Asaññā-sattā devā.

[35] Vô Tạo thiên 無 造 天; Câu-xá 8 (tr. 41a20): Vô Phiền thiên 無煩天; Pl.: Avihā devā; Skt. Abṛha; tầng thứ tư thuộc Sắc giới tứ thiền; một trong 5 Tịnh Cư thiên (Skt. Śuddhāvāsika; Pl.: Suddhāvāsa)

[36]      Vô Nhiệt thiên 無熱天, tầng thứ tư, Sắc giới tứ thiền, một trong 5 Tịnh Cư thiên. Skt., Pl.: Atapā.

[37] Thiện hiện thiên 善現天, tầng thứ 6 Sắc giới tứ thiền, một trong 5 Tịnh Cư; 天. Skt. Sudṛśa, Pl.: Sudassī devā.

[38] ĐạI thiện Hiện 大善現; Câu-xá 8 (tr. 41a21): Thiện Kiến thiên 善 見 天, tầng thứ 7 Sắc giới tứ thiền, một trong 5 Tịnh Cư. Skt. Sudarśanā, Pl.: Sudassanā.    

[39] Sắc Cứu Cánh 色究竟, phiên âm A-ca-nị-trá thiên 阿迦尼吒天, tầng cao nhất của Sắc giới. Skt. Akaniṣṭhā; Pl.: Akaniṭṭāa.

[40] Không Xứ Trí thiên 空處智天;Câu-xá 8 (tr. 41a28): Không Vô Biên Xứ thiên 空無邊處 天. Skt. Ākāśanantāyatana, Pl.: Ākāsānañcāyatanūpagā devā.

[41] Tthức Xứ Trí thiên 識處智 天, Cau-xá ibid.: Thức Vô Biên Xứ thiên 識無邊處天. Skt. Vijñāṇāntāyatana; Pl.: Viññāṇañcāyatanūpagā.

[42] Vô Sở Hữu Trí thiên 無所有智天; Câu-xá ibid.: Vô Sở Hữu Xứ thiên 無所有處天. Skt. Ākiñcanayayātana; Pl.: Ākiñcaññāyatanūpagā.

[43] Hữu Tưởng Vô Tưởng Xứ Trí 有想無想處智, Câu-xá ibid.: Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ thiên 非 想 非 非 想 處 天. Skt. Naivasaṃjñāsaṃjñāyatana; Pl.: Nevasaññāsaññāyatanūpagā.

[44] Uất-đan-viết (việt) 鬱單曰(越); Câu-xá 11:(tr. 58a6) Bắc Câu-lô châu 北俱(拘)盧州. Skt., Pl.: Uttara-kuru.

[45] Phất-vu-đãi 沸予逮, hoặc Đông-tỳ-đề-ha 東毗提訶, Câu-xá ibid.: Đông Thắng thân châu 東勝身州. Skt. Pūrva-videha; Pl.: Pubba-videha.

[46] Câu-da-ni 俱耶尼, hoặc Cù-đà-ni-da 瞿 陀 尼 耶, Câu-xá ibid.: Tây Ngưu hoá châu 西牛貨州. Skt., Pl.: Godānīya.

[47] Diêm-phù-đề 閻浮提, Câu-xá ibid: Nam Thiệm-bộ châu 南贍部州. Skt. Jambudvīpa, Pl.: Jambudīpa.

[48] Am-bà-la 菴婆羅.

[49] Gia-lam-phù 加藍浮.

[50] Cân-đề 斤提.

[51] Thạch ngưu tràng 石牛幢.

[52] Diêm-phù 閻浮.

[53] Câu-lợi (lị)-thiểm-bà-la 俱利晱婆羅.

[54] Thiện trú 善晝; Pl.: cittapāṇali ?

[55] Trú độ (đạc) 晝度, Câu-xá 11 (tr. 59c18): Viên sanh thọ 圓生樹; Skt. pārijātaka (hoặc pāriyātra); Pl.: pāricchattaka.

[56] Già-đà-la 伽陀羅, đoạn dưới nói là Khư-đà-la. Có lẽ lẫn tự dạng khư 佉 với già 伽. Câu-xá: Du-kiện-đạt-la 踰健達羅. Skt., Pl.: Yugandhara.

[57] Ưu-bát-la 優缽羅, Skt. utpala, Pl.: uppala; Bát-đầu ma 缽頭摩, Skt. padma, Pl.: paduma; câu-vật-đầu 拘物頭, Skt. kumuda; phân-đà-lị 分陀利, Skt., Pl.: puṇḍarīkā.

[58] Khư-đà-la 佉陀羅, ở trên nói là Già-đà-la. Có lẽ do lẫn lộn tự dạng. Xem cht. 55.

[59] Y-sa-đà-la 伊娑陀羅, Huyền Tráng: Y-sa-đà-la 伊沙馱羅 Skt. Īṣādhara, Pl.: Īsadhara.

[60] Thọ-Cự-đà-la 樹巨陀羅, Huyền Tráng: Kiết-địa-lạc-ca 羯地洛迦. Skt. Khadiraka, Pl.: Karavīka.

[61] Thiện kiến 善見; Huyền Tráng: Tô-đạt-lê-xá-na 蘇達梨舍那. Skt. Sudarśana, Pl.: Sudassana.

[62] Mã thực 馬食; Huyền Tráng: A-thấp-phược-kiết-noa 阿濕縛羯駑. Skt. Aśvakarṇa, Assakaṇṇa.

[63] Ni-dân-đà-la 尼民陀羅; Câu-xá-đạt-la 尼民達羅. Skt. Nimindhara, Pl.: Nemindhara.

[64] Điều phục 調伏. Câu-xá: Tỳ-đát-ca 毗 那怛迦; Skt., Pl.: Vinataka.

[65] Kim Cang Vi 金 剛 圍, đoạn dưới ghi là Đại kim cang. Huyền Tráng: Thiết luân vi 鐵 輪 圍. Skt. Cakravāa Pl.: Cakkavāḷa.

[66] Đoạn trên nói là Kim Cang Vi.

[67] Đại thọ vương Diêm-phù 大樹王閻浮, Câu-xá: Thiệm-bộ lâm thọ 贍部林樹. Skt., Pl.: Jambu.

[68] Am-bà-la-lâm 菴婆羅林.

[69] Diêm-bà 閻婆.

[70] Sa-la 娑 羅, các bản khác: Bà-la 婆羅.

[71] Đa-la 多 羅.

[72] Na-đa-la 那多羅.

[73] Nam 男.

[74] Nữ 女.

[75] Tán-na 散 那.

[76] Chiên-đàn 旃 檀.

[77] Khư-châu-la 佉 詶 羅.

[78] Ba-nại-bà-la 波 奈 婆 羅.

[79] Tỳ-la 毗 羅.

[80] Hương Nại 香 奈.

[81] Lê 梨.

[82] An-thạch-lưu 安 石 留.

[83] Cam 甘.

[84] Ha-lê-lặc 呵 梨 勒.

[85] Tỳ-hê-lặc 毗 醯 勒 .

[86] A-ma-lặc 阿 摩 勒.

[87] Am-ma-lê 阿 摩 犁.

[88] Nại 奈.

[89] Cam Giá 甘 蔗.

[90] Vi 葦.

[91] Trúc 竹.

[92] Xá-la 舍 羅.

[93] Xá-la-nghiệp 舍 羅 業.

[94] Mộc Qua 木 瓜.

[95] Đại mộc qua 大 木 瓜.

[96] Giải thoát hoa 解 脫 花.

[97] Chiêm-bà 瞻 婆.

[98] Bà-la-la 婆 羅 羅.

[99] Tu-ma-na 修 摩 那 .

[100] Bà-sư 婆 師.

[101] Đa-la-lê 多 羅 梨.

[102] Già-da 伽 耶.

[103] Bồ-đào 莆 萄; Tống-Nguyên: 蒲 桃; Minh: 蒲 萄.

[104] Độc xà 毒蛇, tên một loại hoa?

[105] Uất-thiền-na 鬱 禪 那.

[106] Kim Bích 金 壁.

[107] Tuyết sơn 雪 山; Skt. Himavat, Pl.: Himavā hay Himavanta, tức Himalaya.

[108] A-nậu-đạt 阿耨達; Câu-xá: Vô Nhiệt trì 無熱池 Skt. Anavatapta, Pl.: Anotatta.

[109] Đa-la thọ 多 羅 樹.

[110] Hằng-già 恆 伽; Huyền Tráng: Căng-già 殑 伽. Skt. Gaṅgā

[111] Ngưu khẩu 牛口.

[112] Tân-đầu 新 頭; Huyền Tráng: Tín-độ 信 度. Skt. Sindhu

[113] Sư tử khẩu 師子口.

[114] Bà-xoa 婆叉; Huyền Tráng: Phược-sô 縛芻. Skt. Vakṣu

[115] Mã khẩu 馬口.

[116] Tư-đà 斯 陀; Huyền Tráng: Tỉ-đa 徙 多. Sītā.

[117] Tượng khẩu 象口.

[118] Ngũ trụ đường 五柱堂.

[119] A-nậu-đạt long vương 阿 耨 達 龍 王.

[120] Tỳ-xa-li 毗 舍 離; Skt. Vaiśāli, Pl.: Vesāli.

[121] Hắc sơn 黑 山. Skt. Kīṭādri, núi con kiến; Chân Đế: Nghị sơn 蟻 山.

[122] Hương sơn 香山; Câu-xá: Hương Tuý sơn 香醉山. Skt. Gandhamādana.

[123] Truyền thuyết Pl., trong núi Gandhamādana có ba hang: Suvaṭṭa-gūha (hang vàng), Maṭi-gūha (hang ngọc), Rajata-gūha (hang bạc).

[124] Trú 晝 (hang Ban ngày).

[125] Thiện Trú 善 晝.

[126] Diệu Âm Càn-thát-bà vương 妙 音 乾 闥 婆 王, thủ lãnh thần âm nhạc.

[127] Thiện trụ ta-la thọ vương 善 住 娑 羅 樹 王.

[128] Thiện trụ tượng vương 善 住 象 王

[129] Thất xứ bình trụ 七 處 平 住. Bảy chỗ: lòng 2 bàn chân, 2 bàn tay, 2 vai và chỏm đầu.

[130] Ma-đà-diên 摩 陀 延.

[131]* 佛說長阿含第四分世記經鬱單曰品第二

[132] Khổng thúy sắc 孔 翠 色

[133] Bà-sư, tức bà-sư-ca 婆師迦; Skt. vāsikā, một loại hoa lài.

[134] Bi minh 悲鳴.

[135] Diệm-quang 焰 光.

[136] Khúc-cung 曲 躬.

[137] Hương thọ 香 樹.

[138] Y thọ 衣 樹.

[139] Trang nghiêm thọ 莊 嚴 樹.

[140] Hoa man thọ 花 鬘 樹.

[141] Khí thọ 器 樹.

[142] Quả thọ 果 樹.

[143] NHạC khí thọ 樂 器 樹.

[144] Thiện kiến trì 善 見 池.

[145] Am-bà-la thọ 菴 婆 羅 樹.

[146] Thiện đạo hà 善 道 河.

[147] Diệu Thể hà 妙 體 河.

[148] Diệu Vị hà 妙 味 河.

[149] Quang Ẩnh hà 光 影 河.

[150] Thiện Kiến viên lâm 善見園林.

[151] Ngu Lạc 娛 樂.

[152] Đẳng Hoa 等 花.

[153] Ưu-úy thiền-già 憂 畏 禪 伽.

[154] Do từ uttara: trên hết.

[155] *佛說長阿含第四分世記經轉輪聖王品第三

[156] Chuyển luân Thánh vương; Skt. Cakravarti(-rājan); Pl.: (rāja) cakkavattin. Hán, các phiên âm: Chước-ca-la-phạt-lạt-để 斫迦羅伐剌底, Chước-ca-la-phạt-lạt-để 斫迦羅伐辣 底, Chước-ca-ra-bạt-để 斫迦羅跋底, Già-ca-la-bạt-đế 遮迦羅跋帝; dịch nghĩa: Chuyển Luân vương 轉輪王, Chuyển Luân Thánh đế 轉 輪 聖 帝, Phi Hành Luân đế 飛 行 輪 帝, Phi Hành Hoàng đế 飛 行 皇 帝. Các tư liệu khác liên quan Chuyển Luân vương, Hán: Trung A-hàm, quyển 13, 15; Tăng nhất A-hàm quyển 13, 33; Phật bản hành tập kinh 1-15; Hiền ngu kinh quyển, 13; Đại tỳ bà sa quyển 150, 183; Đại trí độ quyển 4, 24, 82. Tài liệu Pl.: các kinh thuộc Dīgha-Nikāya: Mahāsudassana, Mahāpadāna, Cakkacattisīhanāda, Ambaiha, và thuộc Majjhima- Nikāya: Bālapaṇḍita.

[157] Thành tựu thất bảo 成就七寶, Pl.: sattaratanasamannāgato: kim luân bảo 金輪寶, bạch tượng bảo 白象寶, cám mã bảo 紺馬寶, thần châu bảo 神珠寶, ngọc nữ bảo 玉女寶, cư sĩ bảo 居士寶, chủ binh bảo 主兵寶. Tham chiếu Pl. (D. iii. 59): tass’imāni satta ratanāni ahesuṃ, seyyathīdaṃ cakka-ratanaṃ, hatthi-rata-naṃ, assa-ratanaṃ, maṇi-ratanaṃ, itthi-ratanaṃ, gahapati-ratanaṃ, pariṇaïyaka-ratanam eva sattamaṃ.

[158] Nguyên Hán: Sát-lị (lợi) thủy nhiểu đầu chủng 剎利水澆頭 , vua Sát-lợi được truyền ngôi bằng phép quán đỉnh (rưới nước lên đầu). Pl.: khattiya-abhiseka-rāja.

[159] Thiên luân bảo 天輪 , Pl.: dibba-cakka-ratana.

[160].    Hải biểu 海 表; Pl.: sāgara-pariyanta.

[161].    Phong họa đồ độ 封畫圖 度; No 24 (tr. 318a): qui độ vi giới phận 規度為界分.

[162] Hán: lan thuẫn 欄楯, tức câu lan 勾欄, hay lan can 欄杆. Pl.: vedikā.

[163] Bạch tượng bảo thành tựu 白象寶成就; Pl.: (seta-)hatthi-ratanasamannāgata.

[164] Thất xứ bình trụ 七處平住, cũng nói là thất xứ bình mãn 七處平滿, chỉ thịt nơi hai bàn tay, hai bàn chân, hai vai và cổ đầy đặn, gồ lên cao. Skt. saptotsada; Pl.: sattussada.

[165] Cám mã bảo thành tựu 紺寶馬成就; Pl.: (nīla-)assaratanasamannāgata. Cám 紺, hay cám thanh 紺青, màu xanh thẩm, xanh pha đỏ. Pl., Skt.: nīla.

[166] Chu tông vĩ 朱騣尾; các bản TNM: châu mao vĩ 珠毛尾: đuôi có lông (màu) hạt châu.

[167] Thần châu bảo thành tựu 神珠寶成就; Pl.: maṇiratanasamannāgata.

[168] Chất sắc 質色; các bản TNM: kỳ sắc 其色.

[169] Ngọc nữ bảo thành tựu 玉女寶成就; Pl.: itthiratanasamannāgata.

[170] Cư sĩ bảo thành tựu 居士寶成就 ; Pl.: gahapatiratanasamannāgata.

[171] Cư sĩ trượng phu 居士丈夫; Skt. gṛhapati(mauṣya). Pl.: gahapati.

[172].    Phục tạng 伏 藏; Pl.: ākara.

[173].    Chủ binh bảo thành tựu 主 兵 寶 成 就; Pl.: pariṇāyaka-ratana-samannāgata.

[174] Tứ thần đức 四神德; Pl.: catu-iddhisamannāgata, thành tựu bốn năng lực (phồn vinh) siêu tự nhiên.

[175] Bà-sư hay bà-sư-ca 婆師迦; Pl.: vassika hay vessika (Skt. vārṣika), hoa mùa mưa hay mùa hè (hạ sanh hoa 夏生花)

[176] Tự nhiên canh mễ 自然粳米; Pl.: aṭṭhapākasāli, loại lúa thơm mọc, vàng chín tự nhiên, không cần cày cấy. Xem kinh 5 “Tiểu duyên”.

[177] Hán: nê hoàn 泥 洹; cùng tự dạng với nê-hoàn 泥 洹, không nhầm với phiên âm khác của Niết-bàn.

[178] Thời do như lạc nhân, thực như tiểu quá, thân tiểu bất thích 時猶如樂人食如小過身小不適 ; nghĩa không rõ ràng. Cf. No 24 (tr. 375a29): “Như có một người mà thân thể mảnh khảnh, yếu ớt, khi ăn nhiều thức ăn ngon, nếu có vận động chút xíu gì, chỉ thấy hơi mệt. Nhưng giây lát thì tiêu hóa hết.”

[179] Hán: xà(đồ)-duy 闍維; Pl.: jhāpeti, hỏa táng, ta quen gọi là trà-trì 荼-毗.

[180] Bản Hán, hết quyển 18.

第四分世記經地獄品第四

[181] Xem cht. 64, 65 phẩm 1 châu Diêm-phù-đề.

[182] Địa ngục 地 獄, Skt. naraka, hay niraya, Câu-xá, âm: nại-lạc-ca 奈 落 迦, hoặc nơi khác âm: nê-lê 泥 梨. Pl.: niraya. Thứ tự trong bản Hán này ngược với thứ tự trong Câu xá 1, và trong các tài liệu Pl..

[183] Tưởng 想; Câu-xá: Đẳng hoạt 等 活; Skt., Pl.: Saṃjīva. Bản Hán đọc Skt. lā Saṃjñī(va), hoặc Pl.: Saññnī(va)

[184] Hắc thằng 黑 繩; Skt. Kālasūtra, Pl.: Kālasutta.

[185] Đôi áp 堆 壓; Câu-xá: Chúng hợp 眾 合; Skt. Saṃghāta, Pl. đồng. Bản Hán đọc Skt. lā Saṃkata.

[186] Khiếu hoán 叫 喚; Câu-xá: Hào khiếu 號 叫; Skt. Raurava, Pl.: Jālaroruva.

[187] Đại khiếu hoán 大 叫 喚; Câu-xá: Đại khiếu 大 叫; Skt. Mahāraurava; Pl.: Dhūmaroruva.    

[188] Thiêu chích 燒 炙; Câu-xá: Viêm nhiệt 炎 熱; Skt. Tapana, Pl. đồng.

[189] Đại thiêu chích 大 燒 炙; Câu-xá: Cực nhiệt 極 熱; Skt. Pratāpana; Pl.: Patāpana.

[190] Vô gián 無 間; Câu-xá, phiên âm: A-tỳ-chỉ 阿 毗 旨; Skt. Avīci, Pl.: Mahāvici.

[191] Thập lục tiểu ngục 十 六 小 獄; Câu-xá: thập lục tăng 十 六 增. Danh sách theo bản Hán: Hắc sa 黑 沙 (cát đen), Phất (Phí) thỉ 沸 屎 (phân sôi), Ngũ bách đinh (năm trăm đinh) 五 百 釘, Cơ (đói) 飢, Khát 渴, Đồng phủ 銅 釜 (nồi đồng), Đa đồng phủ 多 銅 釜 (nhiều nồi đồng), Thạch ma 石 磨 (mài bằng đá), Nùng huyết 膿 血 (máu mũ), Lượng hỏa 量 火 (đống lửa), Hôi hà 灰 河 (sông tro), Thiết hoàn 鐵 丸 (hòn sắt), Cân phủ 釿 斧 (búa rìu), Sài lang 豺 狼 (chó sói), Kiếm thọ 劍 樹 (rừng cây bằng gươm), Hàn băng 寒 冰 (băng lạnh). Câu xá luận 11 (Kośa-kārikā iii 59): ngoài 4 cửa ngục lớn, mỗi cửûa có 4 ngục nhỏ, danh sách, Huyền Tráng: Đường ôi 煻 煨 (Skt. Kukūla), Thi phẩn 屍 糞 (Skt. Kuṇapa), Phong nhẫn 鋒 刃 (Skt. Kṣura), Liệt hà (Skt. Vaitaraṇī). Trong đó, Phong nhẫn có ba: Đao nhẫn lộ 刀 刃 路 (Skt. Kṣuramārga, hay Kṣuradhārāmārga), Kiếm diệp lâm 劍 葉 林 (Skt. Asipattravana) Kiếm thích lâm 劍 刺 林 (Skt. Ayahśalmalīvana).

[192] Tưởng địa ngục 想地獄. No 23: Tưởng nê-lê 想泥犁. No 24, No 25: Hoạt đại địa ngục 活大地獄.

[193] Định nghĩa của Câu xá 11: Đẳng hoạt (Saṃjīva), chúng sanh trong đó bị hành hạ cho đến chết, sau đó có ngọn gió mát thổi qua, chúng sống lại để tiếp tục chịu hình phạt.

[194] Tự nhiên đao kiếm 自然刀劍. No 23: tự nhiên tiểu đao 自然小刀.. 

[195] Du ảnh đao 油 影刀 (?).Các loại dao kể trong No 25: thiết đao tử 鐵刀子, bán thiết đao tử 半鐵刀子

[196] Hắc sa địa ngục 黑沙地獄. No 23: Hắc giới 黑界. No 24, No 25: Hắc vân sa tiểu địa ngục 黑雲沙小地獄. 

[197] Phất thỉ địa ngục 沸屎地獄. No 24: Nhiệt phẩn thỉ nê tiểu địa ngục熱糞屎
泥小地獄.

[198] Thiết đính 鐵 釘, đinh sắt; trên kia nói là Ngũ bách đinh. No 23: Ngũ bách đinh 五百釘. No 24: Ngũ xoa tiểu đia ngục 五叉
小地獄.

[199] Cơ ngạ địa ngục 飢餓地獄. No 24, No 25: cũng vậy. No 23: từ địa ngục Ngũ bách đinh chạy ra, lại vào địa ngục Xa thiếp 車
[03]怗.

[200] Khát địa ngục 渴地獄. No 23: Ẩm 飲. No 24, No 25: Tiều khát địa ngục 燋渴地獄.

[201] Đồng phúc 銅 鍑; trên kia dịch là Đồng phủ, cùng nghĩa. No 23: Nhất đồng ohủ 一銅釜. Tiếp theo là Đa đồng phủ多銅釜. No 24, không thấy địa ngục tương đương.

[202] Thạch ma địa ngục 石磨地獄. No 23: từ Đa đồng phủ chạy vào địa ngục Ma 磨. No 24, 25 không có tương đương.

[203] Nùng huyết địa ngục 膿血地獄. No 23, No 24, No 25: cũng vậy.

[204] Lượng hỏa địa ngục 量火地獄. No 23: từ ngục Nùng huyết chạy vào địa ngục Cao tuấn 高峻. Từ Cao tuấn chạy vào Chước bản 斫板. Từ Chước bản chạy vào Hộc斛.  No 25: từ Nùng huyết chạy vào Nhất đồng phủ 一銅釜, sau đó lại vào Đa đồng phủ 多銅釜, tiếp theo chạy vào Cai điệp 磑疊. Từ Cai điệp, chạy vào Hộc lượng 斛
量. No 24: từ Nung huiýet ra, chạy vào lần lượt: Nhất đồng phủ, Đa đồng phủ, Thiết cai 鐵磑, Hàm lượng 凾量.

[205] Hôi hà địa ngục 灰河地獄. No 23: từ địa ngục Hộc chạy vào Kiếm thọ diệp 劍樹
葉; tiếp theo chạy vào địa ngục Nạo lạo hà 撓撈河. No 24: sau Hàm lượng đến Kê tiểu địa ngục 雞小地獄, rồi chạy vào Hôi hà. No 25: từ Hộc lương chạy vào Kê rồi vào Hôi hà.

[206] Thiết hoàn địa ngục 鐵丸地獄. No 23: từ Nạo lạo hà (Hôi hà) chạy ra lại vào Lang dã can 狼
野[05]干. Tiếp theo là Hàn băng 寒氷. No 24: từ Hôi hà chạy vào Chước triệt 斫截, rồi vào Kiếm diệp 劍葉, lạ vào Sài lang 狐狼. và sau đó, Hàn băng. No 25: từ Hôi hà lần lượt chạy vào Chước bản 斫板, Đao diệp lâm 刀葉林, Hồ lang 狐狼, cuối cùng là Hàn băng.

[207] Cân phủ địa ngục 釿斧地獄.

[208] Sài lang địa ngục 豺狼地獄.

[209] Kiếm thọ địa ngục 劍樹地獄.

[210] Hàn băng địa ngục 寒冰地獄.

[211] No 23: Hắc nhĩ nê-lê 黑耳泥犁. No 24, No 25: Hắc thằng.

[212] No 23: Tăng-càn nê-lê 僧乾泥犁. No 24, No 25: Chúng hiệp 眾合.

[213] No 23: Lâu-lạp nê-lê 樓
獵泥犁. No 24, No 25: Khiếu hoán.

[214] Đại khiếu hoán, các bản đồng.

[215] No 24, No 25: Nhiệt não. 熱惱.

[216] No 23: A-tỳ-ma-ha 阿鼻摩訶. No 24: A-ti-chí 阿毘至. No 25: A-ti-chi 阿毘脂.

[217] Đại thiết vi thành 大鐵圍城.

[218] Tăng-khư 增 佉, trên kia âm là tăng-già 僧 伽. No 24, No 25: gió tên Nhiệt não 熱惱.

[219] Mười địa ngục: Hậu vân 厚 雲, Vô vân 無 雲, Ha ha 呵 蚵, Nại hà 奈 合, Dương minh 羊 鳴, Tu-càn-đề 須 乾 提, Ưu-bát-la 優 鱚 羅, Câu-vật-đầu 拘 物 頭, Phân-đà-lợi 分 陀 利, Bát-đầu-ma 鱚 頭 摩. So sánh tám ngục lạnh, Câu xá 1 tám địa ngục lạnh: Át-bộ-đà 頞部陀 (Skt. Arbuda), Ni-lạt-bộ-đà 尼剌部陀 (Niratbuda), An-tích-tra頞[口*析]吒(Aṭaṭa) , Hoắc-hoắc-bà 臛臛婆 (Hahava), Hổ-hổ-bà 虎虎婆 (Huhuva), Ốn-bát-la 嗢缽羅 (Utpala), Bát-đặc-ma 缽特摩(Padma). Xem các cht. tiếp theo.  Danh sách No 23: A-phù  阿浮, Ni-la-phù 尼羅浮, A-ha-phủ 阿呵不,  A-ba-phù 阿波浮, A-la-lưu 阿羅留, Ưu-bát 優鉢, Tu-kiền  修揵, Liên hoa 蓮花, Câu-văn 拘文, Phân-đà-lị 分陀利. No 24: Át-phù-đà  頞浮陀, Nê-la-phù-đà 泥羅浮陀, A-hô 阿呼, Hô-hô-bà 呼呼婆, A-tra-tra 阿吒吒, Tảo-kiền-đè-ca 搔揵提迦, Ưu-bát-la 優鉢羅, Ba-đàu-ma 波頭摩, Bôn-trà-lê 奔茶梨, Câu-vật-đà拘牟陀.

[220] Hậu vân: mây dày; Arbuda (Pl.: Abbuda) ở đây được đọc là ambuda (mây)

[221] Vô vân: không mây; Skt. Nirambuda, thay vì Nirarbuda; xem cht. 19.

[222] Tu-càn-đề 須 乾 提, Skt., Pl.: Sugandha (hoặc Sugandhi).

[223] Câu xá 11:: Lượng một vāha mè (Huyền Tráng: ma-bà-ha) của nước Magadha là 20 khār (Huyền Tráng: khư-lê) đựng đầy mè. Cứ một trăm năm lấy đi một hạt mè. Cho đến khi vāha mè hết nhưng tuổi thọ ở ngục lạnh Arbuda chưa hết. Hai mươi lần tuổi thọ của Arbuda bằng một lần tuổi Nirbuda.

[224] Cù-ba-lê 瞿波梨, Pl.: Kokālika (hoặc Kokāliya). No 99(1193), tr. 323b13: Cù-ca-lê Tỳ kheo 瞿迦梨比丘. Pali,  S. i. 149, A. v. 171.  

[225] Tài liệu Pl., Kokālika là đệ tử của Tudu. Tỳ-kheo Tudu chứng quả A-na-hàm rồi tái sinh lên thiên giới là vị Pacceka Brahamā (Phạm thiên độc hành). Chính Tudu khuyên Kokālika sám hối vì đã nói xấu hai vị Đại tôn giả. Nhưng Kokālika không chịu, dù phải đọa địa ngục.

[226] Xem kinh “Thiên sứ” No 26(64).

[227] Kim sí điểu 金翅鳥, chim cánh vàng; Pl.: garuḍa

[228] Sa-kiệt Long vương 娑竭龍王, No 24, No 25: Sa-già-la Long vương 娑伽羅龍王. Skt. Sāgara-nāgarājan.

[229] Xem phẩm 1 châu Diêm-phù-đề.

[230] Nan-đà 難陀, Skt., Pl.: Nanda; Bà-nan-đà 婆難陀, Skt., Pl.: Upananda. Hai anh em Long vương. No 23: Nan-đad Hòa-nan-đà Long vương 難頭和難龍王. No 25: nan-đà và Ưu-ba-nan-đà 難陀優波難陀.

[231] Cứu-la-thiểm-ma 究 羅 晱 摩. No 23: Cú-lê-thiểm 句梨睒. No 24, No 25: Cư-tra-xa-ma-li 居吒奢摩離, với phụ chú: nước Tùy gọi là Lộc tụ 鹿聚.

[232] Danh sách các đại long: Sa(Ta)-kiệt-la 娑竭羅 (Skt., Pl.: Sāgara-nāgarājan), Nan-đà 難 陀 (Nanda-nāgarājan), Bạt-nan-đà 跋難陀 (Upananda), Y-na-ba-la 伊那婆羅 (Airāvaṇa)), Đề-đầu-lại-tra 提頭賴吒 (Skt. Dhataraṣṭha Pl.: Dhataraṭṭha), Thiện Kiến 善 見 (Skt. Sudarśana), A-lô 阿盧 (?), Già-câu-la 伽拘羅 (?), Già-tỳ-la 伽毗羅 (Kapila?), A-ba-la 阿波羅 (Abala), Già-nậu 伽耨 (?), Cù-già-nậu 瞿伽耨 (?), A-nậu-đạt 阿耨  (Anavatapta), Thiện Trụ 善住 (Skt. (Supratiṣṭhita)), Ưu-thiểm-già-bà-đầu 優晱伽婆頭 ( ?), Đắc-xoa-già 得叉 伽 (Skt. Takṣaka ). No 23: Sa-kiệt-la 娑竭, A-nậu-đạt 阿耨
達, Nan-đầu Hòa-nan 難頭和難, Thiện Kiến 善見, Đe-đầu-lại-tra 提頭賴, Y-ra-mạc 伊羅[34]募, Thiện Trụ 善
住, Ca-cú 迦[*]句, A-vu-lâu 阿于樓, Uất-chiên-đàn-bát 欝旃鉢, Kiền-ha-cụ-đàm 揵[01]呵具曇, Lam-ba 監波. No 24, No 25: Ma-đa-xa-ca 摩多車迦 , Đức-xoa-ca 德叉迦 , Yế-lặc-noa-kiều-đa đa-ma-già 羯勒拏橋多
摩[01]伽, Xí-bà-đà-phất- tri-lê-gia 熾婆陀弗知梨迦, Thương-cư-ba-đà-ca 商居波
陀迦, Cam-bà-la 甘婆羅, A-thấp-ba 阿濕婆多羅.

[233] Long giới 龍 戒, Pl.: nāga-sīla, nāga-vata.

[234] Thố kiêu giới 兔 梟 戒

[235] Ma-ni-bà-đà 摩 尼 婆 陀; No 23: Ma-ni-việt thiên 摩尼越天.  Pl.: Maṇibhadda, tên một dạ-xoa (Yakkha), S. 208.

[236] Khổ hành uế ô pháp 苦 行 穢 汙 法; Pl.: tapajigucchādhamma.

[237] Hán: hữu như thị tha tử 有如是他死. Có lẽ chính xác của câu này được đọc tương đương là: tathā paraṃ maraṇā hoti, thay vì đọc là: tathāgato paraṃ maraṇā hoti: Như Lai tồn tại sau khi chết; paraṃ maraṇā, thay vì hiểu: sau khi chết, ở đây hiểu “tha tử”: cái chết khác”. Trên đây, dịch y theo nghĩa được chấp nhận.

[238] Bản Cao-ly: hành ư 行 於; các bản TNM: ư hành 於 行, đối với (các) hành (mà có những kiến chấp).

[239] Thanh tịnh tụ 清 淨 聚; Pl.: suddha-rāsi (?). No 23: bảy lần qua lại sanh tử, rồi đắc Đạo. No 24: thất tẩu thất hành thành tưu mạng cập nhập mạng tụ 七走七行成就命及入命聚.

[240].    Hán: du hành 遊 行, thường được hiểu là an trú, sống, tồn tại hay lưu ngụ.

[241] Trong bản Hán: mạng 命; có lẽ tử 死 nhưng chép nhầm. Xem cht. 211.

[242] Kính Diện 鏡面; No 23: Bất Hiện Diện 不現面. Pl.: Ādāsamukha, J. ii. 297-310.

[243] Thọ hữu 受有, tức thủ (Pl.: upādāna) và hữu (bhava).

[244] Bản Hán, hết quyển 19.

* 第四分世記經阿須倫品第六

[245] Hán: A-tu-la 阿須倫, đây đọc theo phiên âm thông dụng: A-tu-la 阿 修 羅. Pl. = Skt. Asura

[246] La-ha A-tu-luân 羅呵阿須倫; có lẽ Pl.: Rāhu-asura, A-tu-la gây nguyệt thực. No 23: A-tu-la La-hô 羅呼 (Rāhu) ở phía bắc của Sa-đa-thi-lị. A-tu-luân tên là Sao-đa-thi-lị 抄多尸利 (Sapta-śrī?) ở sâu 40 vạn dăm dưới núi Tu-di. No 24: phía Đông Tu-di có A-tu-la vương là Tỳ-ma-chất-đa-la 鞞摩質多羅阿修
羅王.(Pl.: Vepacitti/ Vemacitra)

[247] Như các mẫu mô tả trong phẩm 1.

[248] Luân-thâu-ma-bạt-đà 輪輸摩跋陀. No 24: Thiết-ma-bà-đế 設摩婆帝.

[249] Thất Thi-lị (lợi)-sa 七尸利沙. No 24: Thất Đầu 七頭. Skt. Sapta-śīrṣa.

[250] Chánh pháp tòa 正法座. No 24: một cột báu 一
寶柱.

[251] Lan thuẫn giai đình 欄楯階亭.

[252] Sa-la viên lâm 娑羅園林. Skt. Sālavana.

[253] Cực diệu viên lâm 極妙園. Cf. No 24: rừng Nan-đà-na 難陀那林 (phía Nam), Skt. Nandana-vana.

[254] Thiểm-ma 晱 摩. No 25: Xa-ma-lê lâm 奢摩梨林 (phía Nam).

[255] Nhạc lâm 樂 林. Cf. No 24: rừng Câu-tỳ-đà-la  俱毘陀羅, ở phía Tây; Skt. Kovidāra.

[256] Trú độ thọ 晝度樹; Pl.: pāricchattaka; Skt. pārijataka. Cf. No 24: khoảng giữa rừng Nan-đà-na (phía Nam) và Câu-tỳ-đà-la (phía Tây) có cây lớn tên Tô-chất-đát-la-ba-tra-la 蘇質怛
邏波吒羅; Skt. Sucitrapatra?

[257] Bạt-nan-đà 跋難陀. No 24: khoảng giữa rừng Sa-la và Xa-ma-lê có ao lớn tên là Nanđà 難陀; Skt. Nandā.

[258] Tỳ-ma-chất-đa A-tu-la 毗摩質多阿須倫. No 24, No 25: Tỳ-ma-chất-đa-la 鞞
摩質多囉 có cung thành ở phía Đông Tu-di. Pl.: Vepacitti Asura, Skt. Vemacitra.

[259] Ba-la-ha A-tu-la 波 羅 呵 阿 須 倫; Pl.: Pahārāda Asura, một trong ba thủ lãnh của Asura. No 23: Ba-đà-ha 波陀呵.

[260] Thiểm-ma A-tu-la 晱 摩 阿 須 倫; Pl.: Sambara Asura.; St. Śambara.

[261] Ngũ đại A-tu-la 五 大 阿 須 倫: Đề Trì 提 持, Hùng Lực 雄 力, Võ Di 武 夷, Đầu Thủ 頭 首, Tồi Phục 摧 伏. No 24, No 25: Tùy Hỷ 隨喜, Thường Hữu 常有, Thường Túy 常醉, Mâu-chân-lân-đà 牟
真隣陀,  Tỳ-ha-đa-la 鞞呵多羅.

[262] Tứ phong 四 風: trụ phong 住 風, trì phong 持 風, bất động 不 動 風, kiên cố 堅 固 風. No 23,  bốn loại gió: bất khả hoại 不可壞風, kiên trụ 堅住風, trì 持風,thượng
風. No 24, No 25: trụ 住, an trú 安住, bất trụy 不墮, lao cố 牢
固.

佛說長阿含第四分世記經四天王品第七

[263] Tứ thiên vương 四天王. Pl.: Cātummmahārājikā.

[264] Đề-đầu-lại-tra 提頭賴吒, Hán dịch: Trì Quốc Pl.: Dhataraṭṭha

[265] Hiền Thượng 賢上.

[266] Tỳ-lâu-lặc 毗樓勒. No 24, No 25: Tỳ-lâu-lặc-ca 毘[08]樓
勒迦. Hán dịch: Tăng Trưởng 增 長; Pl.: Virūḷhaka.

[267] Thiện kiến 善 見; No 24, No 25: Thiện hiện 善現. Pl.: Sudassana, Skt. Sudarśana.

[268] Tỳ-lâu-bà (bác)-xoa 毗 樓 婆 (博) 叉. Hán dịch: Quảng Mục 廣 目. Pl.: Virūpakkha.

[269] Chu (châu)-la Thiện kiến 周 羅 善 見. No 24, No 25: Thiện quán 善觀. Pl.: Cūla- Sudassana.

[270] Tỳ-Sa-môn 毗 沙 門, Hán dịch: Đa Văn 多 聞. Pl.: Vessavaṇa.

[271] Ba thành: Khả úy 可 畏, Thiên kính 天 敬, Chúng quy 眾 歸. No 23: Sa-ma 沙摩, Ba-ca-la-viêt  [24]波迦羅曰, A-ni-bàn 阿尼
槃. No 24, No 25: Tỳ-xá-la-bà 毘舍羅
婆, Già-bà-bạt-đế 伽婆鉢帝, A-trà-bàn-đa 阿荼槃多.

[272] Già-tỳ-diên-đầu 伽 毗 延 頭. No 23: Ca-tỉ-diên 迦比延 (tên núi). No 24, No 25: Ca-tỳ-diên-đa 迦毘延多 (tên vườn).

[273] Na-lân-ni 那 鄰 尼. No 23: Na-lị 那
利. No 24: Na-trỉ-ni 那稚尼. No 25: Na-trì-ni 那墀
尼.

[274] Càn-đạp-hòa 乾 沓 和.

[275] Cứu-(cưu)-bàn-trà 究(鳩)盤荼, các thần thuộc hạ của Tỳ-lâu-lặc. Pl.: Kumbaṇḍha.

[276] Ngũ đại quỷ thần 五大鬼神 (Pl.: Pañca mahāyakkhā): Bàn-xà-lâu 盤闍樓, Đàn-đà-la 檀陀羅 (Daṇḍadhāra), Hê-ma-bạt-đà 醯摩跋陀 (Skt. Hemaparvata), Đề-kệ-la 提偈羅, Tu-dật-lộ-ma 修逸路摩 (Skt. Suciloma). No 24: Ngũ Trượng 五
丈, Khoáng Dã 曠野, Kim Sơn 金山, Trường Thân 長身, Châm Mao 針
毛.

佛說長阿含第四分世記經忉利天品第八

[277] Đao-lị thiên 忉利天, Hán dịch: Tam Thập Tam thiên. Pl.: Tāvatiṃsa, Skt. Trāyastiṃsa.

[278] Y-la-bát long vương 伊羅 鉢龍王. No 24: Y-la-bát-na đại long tượng vương 伊羅鉢那大
龍象王Pl.: Erakapatta.

[279] Thiện kiến thành 善 見 城. No 23: Tu-đà-diên 須
陀延. Pl.: Sudassana-devanagara; Skt. Sudarśana.

[280] Thiện pháp đường 善 法 唐. No 23: Tham nghị điện xá 參議殿
舍. Pl.: Sudhammā-sālā, Skt. Sudharmā devasabhā.

[281] Thiên đế 天 帝, tức Thiên Đế Thích 天 帝 釋, hay Thích Đề-hoàn Nhân 釋 提 桓 因, chúa tể các thiên thần trời Đao lị (Pl.: Tāvatiṃsa). Pl.: Sakka devānam Inda.

[282] Thô sáp viên lâm 麤 澀 園 林; một trong bốn công viên trên trời Đao lợi. No 23: Thô kiên 麤堅. No 24, No 25: vườn Ba-lũ-sa 波婁沙
Câu-xá, bốn khu vườn trên Đao-lị: Chúng xa 眾 車 (Skt. Caitraratha), Thô ác 麤 惡 (Skt. Pāruṣyaka), Tạp lâm 雜 林 (Skt. Miśraka), Hỷ lâm 喜 林 (Nandana).

[283] Hiền 賢, Skt. Bhadra; Thiện hiền 善 賢, Skt. Subhadra.

[284] Họa lạc 畫 樂, Hán dịch từ Skt. Caitrarata, thay vì Skt. Caitraratha mà Huyền Tráng dịch là Chúng xa. Xem cht. 282. No 24, No 25: Tạp sắc xa 雜色車.

[285] Họa 畫, Skt. Caitra ? Thiện họa 善 畫, Skt. Sucaitra ? No 24, No 25: Tạp sắc 雜色, và Thiện tạp sắc 善雜色.

[286] Tạp雜, tức Tạp lâm; xem cht. 282. No 23: Hội loạn viên 憒亂園. No 24, No 25: vườn Tạp loạn 雜亂.

[287] Thiện kiến 善見 và Thuận thiện kiến 順善見 No 24, No 25: Thiện hiện 善現 và Tiểu thiện hiện 小善
現. No 23: Nan 難陀 và Hòa-nan 和難. 

[288] Đại hỷ 大喜, tức Hỷ lâm; xem cht. 282.

[289] Nan-đà trì 難 陀 池. Đoạn dưới, dịch nghĩa là Đại hỷ. Pl.: Nandā-pokkharaṇī.

[290] Trú độ 晝度; Pl.: Pāricchattaka, Skt. Pārijātaka. No 23: Trú quá độ 晝過度. No 24, 25: Ba-lị-da-đát-la-câu- tỳ-đà-la  波利夜怛邏俱毗陀羅.

[291] Trên kia, âm là Nan-đà.

[292] Thô sáp 麤 澀, Skt. pāruṣya. Xem cht. 282.

[293] Caitrarati, tên vườn theo bản Hán (Xem cht. 282), do ghép citra, hình dung từ, có màu sắc sặc sỡ; và rati, danh từ, sự vui thích. Những giải thích này gần với từ Pl.: Cittalatā-vana hơn.

[294] Tên vườn Miśraka (Xem cht. 282) do hình dung từ miśra, được pha trộn.

[295] Tên vườn Nandanavana (Xem cht.282) do hình dung từ nandana, làm cho vui vẻ.

[296] Hán: diệu pháp 妙 法, Skt. sudharma, Pl.: sudhamma.

[297] Mạn-đà 漫 陀.

[298] Định nghĩa này gần với từ Pl.: Pāricchattaka, hơn là Skt. Pārijātaka hay Pāriyātra. Do động từ Pl.: pari-cchādeti: che phủ khắp.

[299] Thập đại thiên tử 十 大 天 子, Nhân-đà-la 因 陀 羅, Cù-di 瞿 夷, Tỳ-lâu 毗 樓, Tỳ-lâu-bà-đề 毗 樓 婆 提, Đà-la 陀 羅, Bà-la 婆 羅, Kỳ-bà 耆 婆, Linh-hê-nậu 靈 醯 嵬, Vật-la 物 羅, Nan-đầu 難 頭. No 23: Căn 根, Câu-giới 具戒, Tỉ-lưu 比流, Tỉ-lưu-tàng 比流藏, A-lưu
阿流, ba-lưu 波流, Lị-hằng 利桓, Lâu-hán 樓漢, Câu-hòa-nan 拘和[03]難, Nan 難. No 24, 25: Nhân-đà-la-ca 因陀羅迦, Cù-ba-ca 瞿波迦,。Tần-đầu-ca
頻頭迦, Tần-đầu-bà-ca 頻頭婆迦, A-câu-tra-ca 阿俱吒迦, Tra-đo-đa-ca 吒都多迦, Thì-bà-ca 時婆迦, Hồ-lô-kì-na 胡盧祇那, Nan-trà-ca 難[05]茶迦, Hồ-lô-bà-ca 胡盧婆迦.

[300] Kích thước trung bình khăn quấn của người Ấn.

[301] Hán: đoàn tế hoạt thực 摶 細 滑 食. Pl.: kabaḷikāro āhāro olāriko vā sukhumo. Xem kinh số 9 “Chúng tập.”

[302] Chỉ thực phẩm vật chất: thức ăn được nắn thành viên, do tục ăn bốc của người Ấn.

[303] Tham chiếu, Câu xá 10: đoạn thực 段 食 (Skt. Kavaḍīkāra āhāra; Pl.: kabaḷikāro āhāro) có hai loại: thô (Skt. audārika, Pl.: olāriko) và tế (Skt. sūkṣuma, Pl.: sukhumo): (…) như thức ăn chư Thiên được gọi là tế, vì không phải bài tiết.

[304] Tịnh đoàn thực 淨 摶 食.

[305] Hán: châu ky 珠 璣, chỉ chung cho các kim loại quý làm vật ngang giá.

[306] Man thọ 鬘 樹; xem “Phẩm uất-đan-viết.”

[307] Trai 齋, thường dịch âm là Bồ-tát 布薩 (Skt. Upavasatha hay upoṣaḍha, Pl.: uposatha).

[308] Tính theo tháng 15 ngày. Nếu tính theo tháng 30 ngày thì có tất cả 6 ngày.

[309] Quỷ thần 鬼神. Pl.=Skt. bhūta. Về từ nguyên, từ này chỉ cho tất những gì tồn tại, như trong các đại chủng (mahābhūta). Thứ đến, chỉ tất cả những gì có mầm sống, như cây rỏ, trong từ bhūta-gama mà hán thương dịch là “quỷ thần thôn.” Diễn thêm nữa, nó chỉ các loài chúng sanh, và hạn hẹp hơn, chỉ các loại quỷ thần, các loại u linh.

[310] No 23, 12 hạng ở Dục giới: 1. nê-lê 泥犁, 2. cầm thú   [03]禽[04]獸, 3. tiết-lệ
薛荔, 4. người thế gian 世間人. 5. A-tu-luân 阿須倫. 6 Tứ thiên vương 四天[05]
王, 7. Đao-lị 忉利天, Diệm thiên [*]焰天, 9. Đâu-suất 兜率天, 10 Vô cống cao 無貢高天, 11 Tha hóa tự chuyển 他化自轉天, 12. Ma thiên 魔
天. No 24, 25: địa ngục 地獄, súc sanh 畜
生, ngạ quỷ 餓鬼. người 人. A-tu-la 阿修羅, Tứ thiên vương 四天王天, Tam thập tam 三十三天, Dạ-ma 
夜摩天, Đâu-suất-đà 兜率陀天, Hóa lạc 化樂天, Tha hóa tự tại 他化自在天, Ma thân thiên 魔
身天等.

[311] No 23, Sắc giới, 18 tầng: 1. Phạm-da-di 梵[06]加夷天, Phậm-bất-số-lâu 梵不數樓天, Phạm-ba-lị-sa 梵
波利沙天, Đại Phạm 大梵天, A-duy-tỉ 阿維比天, Ba-lị-đáp 波利答天, A-ba-la-na 阿波
羅那天, Ba-lị-đa-thủ 波利多首天, A-ba-la 阿波羅天, Ma-thủ-la 摩首天, A-phi-ba-la 阿披
波羅天, Duy-a 維阿天, Ba-lị-đa-uy 波利多維天, A-ba-ma-duy-ha 阿波摩維[07]呵
天, Duy-ha 維呵天, Duy-a-bát 維阿鉢天 , A-đáp-hòa 阿答和天, Thiện kiến 善見天, Sắc thiên
[08]色天, A-ca-ni-tra 阿迦尼吒天. No 24, 25, Sắc giới có 22 tầng: Phận thân  梵身天, Phạm phụ 梵輔天, Phạm chúng 梵眾天, Đại Phạm 大梵天, Qaung thiên 光天, Thiểu quang  少
光天, Vô lượng quang 無量光天, Quang âm 光音天, Biến tịnh 淨天, Thiểu tịnh 少淨天, Vô lượng tịnh 無
量淨天, Biến tịnh 遍淨天. Quảng thiên 廣天, Thiểu quảng 少廣天, Vô lượng quảng 無量廣天, Quảng quả
廣果天, Vô tưởng 無想天, Vô phiiền 無煩天, Vô não 無惱天, Thiện kiến 善見天, Thiện hiện 善
現天. A-ca-nị-tra 阿迦膩吒天 .

[312] No 23, bốn Vô sắc giới thiên: Hư không trí 虛空智天, Thức trí 識
智天, A-kiệt-nhiên 阿竭然天, Vô tư tương diệc hữu tư tưởng 無思想亦有思想
天. No 24, 25: Không vô biên 空無邊天, Thức vô biên 識無邊
天, Vô sở hữu 無所有天, Phi tương phi phi tưởng 非想非非想天.

[313] Bốn loại chớp: thân quang 身 光, ánh sáng của thân; nan hủy 難 毀, khó hủy diệt; lưu diệm 流 焰, ngọn lửa trôi; định minh 定 明, ánh sáng cố định. No 23, phwong Đông, Bách chủ 百主; phương Nam, Thân vị 身味; phương Tây, A-kiệt-la 阿竭羅; phương Bắc, A-chú-lam 阿祝藍. No 24, No 25: phương Đông, Vô hậu [01]無厚; phương Nam, Thuận lưu 順流; phương Tây, Trụy quang minh 墮光明; phương bắc, Bạch thọ sanh 百生樹.

[314] Bản hán, hết quyển 20.

第四分世記經三災品第九

[315] Hán: tứ sự 四事 chỉ bốn sự kiện, hay biến cố lớn xảy ra cho thế giới, gọi là bốn đại kiếp 四大劫 (Pl.: cattāro mahākappā): 1. thành kiếp (Pl.: vivaṭṭa-kappa, Skt. vivarta-kalpa), 2.  trụ kiếp (Pl.: vivaṭṭaṭṭhāyin, Skt. vivṛṭṭāvasthā), 3. hoại kiếp (Pl.: saṃvaṭṭa-kappa, Skt. saṃvartna-kalpa), 4. không kiếp (Pl.: saṃvaṭṭathāyin, Skt. saṃvṛṭṭāvasathā).

[316] Tam tai 三 災 (Skt. tisro saṃvartanyah): 1. hỏa tai 火 災 (Skt. tejahsaṃvartanī), 2. thủy tai 水 災 (apsaṃvartanī), 3. phong tai 風 災 (vāyusaṃvartanī).

[317] Quang âm thiên 光音天, cao nhất trong ba tầng trời Nhị thiền; Skt. Ābhāsvara, Pl.: Ābhassara, Huyền Tráng: Cực quang tịnh thiên 極 光 淨 天. No 23: A-vệ-hóa-la thiên 阿衛貨羅天.

[318] Biến tịnh thiên 遍 淨 天, cao nhất trong ba tầng Tam thiền thiên; Skt. Śubhakṛtsana, Pl.: Subhakiṇṇa.

[319] Quả thật thiên 果實天, tầng thứ ba Tứ thiền thiên; Skt. Bṛhatphala, Pl.: Vehapphala; C âu-xá: Quảng quả thiên 廣果天.

[320] Thiên đạo 天 道 (Pl.: deva-yāniyo maggo), Phạm đạo 梵 道 (Pl.: Brahma-yāniyo maggo), xem kinh số 24 “Kiên Cố.”

[321] Câu xá luận 12: “Định sanh hỷ lạc, thậm lạc, thậm tĩnh !” 定生喜樂甚樂甚靜.

[322] Hán: đại hắc phong 大 黑 風; Pl.: mahā-kāla-vāta.

[323] Hán: an nhật đạo trung 安 日 道 中.

[324] Quang niệm thiên 光念天, các đoạn trên Hán dịch Quang âm thiên, cho thấy Skt. Ābhāsvara (Pl.: Ābhassara) liên hệ giữa svara: âm thanh, và smara, ký ức. 

[325] Kiếp hỏa hoàn phục 劫 火 還 復; nội dung, diễn tả chu kỳ thế giới được tái tạo sau tai kiếp của lửa. Pl.: tejo-vivaṭṭana, Skt. tejo-vivartani.

[326] Tứ đại phong 四大風: trụ phong 住風, trì phong 持風, bất động 不動, kiên cố 堅固.

[327] Tăng già 僧伽. No 23: trụ phong 住風, trợ phong 助
風, bất động phong 不[31]動風, kiên phong 堅風. No 24, 25: trụ 住, an trụ 安住, bất trụy 不墮, lao chủ 牢主.

[328] Xem phẩm 1: Châu-Diêm-phù-đề.

[329] Các bản: Thọ thần đà la 樹 辰 陀 羅; trên kia, Thọ Cự-đà-la 樹 巨 陀 羅. Có lẽ nhầm lẫn tự dạng. Xem cht. 59 phẩm 1 châu Diêm-phù-đề.

[330] A-bát-ni-lâu 阿般尼樓, có lẽ trên kia gọi là núi Mã thực 馬 食, Skt. Aśvakarṇa. Xem phẩm 1 châu Diêm-phù-đề.

[331] Ni (để bản: di)-lân-đà-la 尼 (彌) 鄰 陀 羅, trên kia âm là Ni-dân-đà-la 尼 民 陀 羅. Xem phẩm 1 châu Diêm-phù-đề.

[332] Tỳ-ni-đà 毗 尼 陀, ở trên gọi là núi Điều phục 調 伏; xem cht. 63, phẩm 1 Châu Diêm-phù-đề.

[333] Kim cang luân 金 剛 輪, ở trên dịch là Kim cang vi 金 剛 圍. Xem phẩm 1 Châu Diêm-phù-đề.

[334] Hỏa tai 火 災.

[335] Nãi thành vi tai 乃 成 為 災. Trong bản Hán, từ tai 災 và bại 敗 đồng một từ gốc Skt.: saṃvartanī. Tham chiếu, Câu xá 12: Nãi chí khí tận, tổng danh hoại kiếp 乃至器盡總 名 壞 劫.

[336] Tô du 酥油.

[337] Thủy tai 水 災, Skt. apsaṃvartanī.

[338] Hán: hộ niệm thanh tịnh 護念清淨; Pl.: upekkhāsāti parisuddhim.

[339] Tức ba đợt hủy diệt (Skt. saṃvartana), và ba đợt sáng tạo (Skt. vivartana).

[340] Tỳ-ma-chất-đa-la 毗摩質馱羅. No 23: Duy-ma-chất 維摩質. Pl.: Vepacitta, Skt. Vemacitra; xem phẩm 6 A-tu-la trên..  

[341] Ngũ phược 五 縳; No 23: ngũ hệ五繫:  cột cổ, trói hai tay và hai chân.  

[342] Thiện pháp giảng đường 善 法 講 堂, Pl.: sudhamma-sālā.

[343] Thất diệp giảng đường 七 葉 講 堂, Pl.: Sattapatta-sālā, hay Cittapāṭali ?

[344] Hán: ngô ngã nhân 吾我人.

[345] Để bản: ái ngã 愛 我. TNM: thọ ngã 受 我;

[346] Bản Hán chỉ nói: hữu sắc vi phược Để bản: ái ngã 愛 我.為縛; theo nội dung, đây thêm ‘tự ngã’ cho rõ. Các mệnh đề tiếp theo cũng thế.

[347] Vô ngã hành 無 我 行, Pl.: anatta-saṃkhāra.

[348] Hữu 有 (Pl.: bhava), đẩy chỉ 1 chi trong 12 chi duyên khởi.

[349] Cựu thiên 舊 天, một danh hiệu khác chỉ A-tu-la, vì nguyên trước là Chư Thiên Đao-lợi; Pl.: Pubbadevā.

[350] Thiểm-bà-la 晱婆羅. No 23: Cư-tra-xa-ma-lê 居
吒奢摩梨. có con Kim sí điểu vương ở trênđó đang đẻ trứng.

[351] No 23: chúng nghĩ, chắc Đế Thích có phục binh nên tháo lui.

[352] Tối thắng 最 勝 堂, Pl.: Vejayanta-pāsāda.

[353] Nguyên hán: giao lộ đài 交露臺. Các đoạn trên kia đều dịch là “la võng”.

[354] Chùy Đỏa A-tu-la 捶打. Vua A-tu-la huy đông Duy-ma-chất 維摩質, Xá-ma-lê 舍摩
利, Mãn-do 滿由 và Kì-la 祇羅 chiến đấu. No 24, 25: A-tu-la vương La-hầu-la 羅睺羅 huy đông Tỳ-ma-chất-đa-la 鞞摩
質多羅, Dũng Dược 踊躍 và Huyển Hóa 幻
化.

[355] Xá-ma-lê A-tu-la 舍摩犁, Pl.: Sambara (?) Xem cht.3254 trên.

[356].    Tỳ-ma-chất-đa A-tu-la 毗摩質多. Xem cht. 354 trên.

[357] Già-lâu-la 伽 樓 羅; Skt. Karoṭapāṇi. Xem châu Diêm-phù-đề. N0 23, các lớp phong thủ của trời Đao-li chống lại A-tu-la: Long vương 龍, quỷ thần Câu-đế 拘蹄, Trì Hoa 持華, Thái-đà-mạt 蔡陀末, và Tứ thiên vương. Các lớp theo No 24, 25: rồng, địa cư Dạ-xoa 地居
夜叉, Bát thủ dạ-xoa 鉢手夜
叉 (No 25: Bát túc 鉢足), Trì man dạ xoa 持鬘夜叉, Thường túy dạ-xoa 常醉夜叉, Tứ thiên vương.

[358] Trì Hoa 持華, trên kia dịch là Trì Man 持鬘; Skt. Mālādhara. Xem phẩm 1 châu Diêm-phù-đề. Xem thêm cht. 357.

[359] Thường Lạc 常 樂, trên kia dịch là Hỷ Lạc 喜 樂; Skt. Sadāmatta. Xem phẩm châu Diêm phù đề. Xem thêm cht. 357.

[360] No 24, 25: Ma-na-bà 摩那婆.

[361] Diệu Tượng 妙 匠. Có lễ là Tỳ-thủ-kiết-ma, tức Pl.: Vissakamma, kiến trúc sư trưởng của Đế Thích.

[362].    Thiện Trụ long vương 善 住 龍 王.

[363] Bản hán, hết quyển 21.

第四分世記經三中劫品第十一

[364] Trung kiếp 中 劫, Skt. antarakalpa, kiếp trung gian; nhưng đối lại với mahākalpa, đại kiếp 大 劫, nên cũng thường gọi là tiểu kiếp 小 劫.

[365] Đao binh 刀 兵, cốc quý 穀 貴, tật dịch 疾 疫. Tham chiếu, Câu xá 12: ba tiểu tam tai trung kiếp: đao binh, tật dịch, cơ cẩn. (Skt. kalpasya śastrarogābhyāṃ durbhikṣeṇa nirgamah).

[366] Đao binh kiếp 刀兵劫, Skt. śastra-kalpa., Pl.: sattha-kappa.

[367] Xem kinh 6 “Chuyển luân vương tu hhành”.

[368] Tô du 酥油 (Skt., Pl.: navanīta), mật 蜜 (madhu), thạch mật 石 蜜 (Pl.: madhu-phāṇita), hắc thạch mật 黑石蜜 (kāḷamadhuphāṇita, kāḷa-loṇa ?).

[369] Hán: để bại 稊 稗, chỉ loại cỏ có hạt nhỏ như hạt lúa.

[370] Hán: cẩm 錦, lăng 綾, tắng 繒, quyến 絹.

[371] Kiếp-bối 劫 貝, Pl.: kappāsa, Skt. karpāsa, vải bông (gòn).

[372] Sô-ma 芻 麻; Pl.: khoma; Skt. kṣauma, vải gai.

[373] Cơ ngạ kiếp 饑餓劫, Skt. durbhikṣa-kalpa, Pl.: dubbhikha-kappa; ở trên gọi là cốc quý kiếp.

[374] Cơ ngạ; định nghĩa từ đồng nghĩa của Skt. durbhikṣa (Pl.: dubbhikkha); Kośa-kārikā iii. 99: cañcu (sự mổ bằng mỏ chim), Chân Đế: chiên giá lương 旃遮糧, Huyền Tráng: tụ tập 聚集; Câu xá 12: thời kỳ đói kém cũng được gọi là tư tập, vì con người bấy giờ cực đói, thây chết gom thành đống; cũng vì người sau, người ta cất các thứ hạt giống trong những cái giỏ.

[375] Bạch cốt cơ ngạ 白骨餓; Câu xá ibid. (Skt. śvetāsthi, Pl.: setaṭṭhika).

[376] Thảo mộc cơ ngạ 草木飢餓; (Skt.śalākāvṛtti); Huyền Tráng: vận trù 運籌, Chân Đế: trù lương 籌糧.

[377] Tật dịch kiếp 疾 疫 劫, Skt. roga-kalpa, rogābhyā; Pl.: roga-kappa.

佛說長阿含第四分世記經世本緣品第十二

[378] Tham chiếu, kinh số 4, “Tiểu duyên”.

[379] Không Phạm xứ 空 梵 處, Pl.: suñña Brahma-vimāna.

[380] Các chỗ khác, bản dịch Hán gọi là Phạm Đồng tử 梵 童 子, Pl.: Sanaṃkumāra, Thường Đồng hình 常 童 形

[381] Hán: hoàn thành 還 成, Skt. Vivartnana, Pl.: vivaṭṭana.

[382] Tự nhiên hóa sanh 自 然 化 生. Pl.: manomāya. Được sáng tạo do ý.

[383] Hán: hoan hỉ vi thực 歡 喜 為 食, Pl.: pītibhakkha, ăn bằng hỷ.

[384] Hán: thân quang tự chiếu 身 光 自 照, Pl.: sayaṃpabhā.

[385] Đia vị 地 味, Pl.: rasa-paṭhavī.

[386] Đề hồ 醍 醐, Pl.: sappi-maṇḍa.

[387] Sanh tô 生 酥, Pl.: navanīta.

[388] Đoàn thực 摶食, giải thích ngữ nguyên của ý niệm thực phẩm vật chất.

[389] Hán: tạc nhật 昨 日.

[390] Từ nguyên của từ nội hàm hôm nay: a-dya (Pl.: ajja).

[391] Định nghĩa từ Skt. divasa, ngày, Hán: nhật 日; theo ngữ nguyên, do động từ căn: dīv, chiếu sáng.

[392] Hán: trú thường độ 住常度; cùng định nghĩa với mặt trăng. Xem đoạn sau.

[393]Cung điện 宮 殿; cùng định nghĩa với mặt trăng, xem đoạn sau.

[394] Để bản: tử bá 梓 柏. TNM: vi thác 葦籜.

[395] Ngũ phong 五 風: trì phong 持 風, dưỡng phong 養 風, thọ phong 受 風, chuyển phong 轉 風, điều phong 調 風.

[396] Hán: tiệp tật 捷 疾; liên hệ ngữ nguyên: sūrya (do SVAR) và jvala.

[397] Thiên Quang 千光, Skt. Sahasrakirraṇa.

[398] Niệm khoảnh 念頃, Skt. kṣaṇa, Pl.: khaṇa. Nhưng, Câu xá 12: 120 kṣaṇa (sát-na) là một tatkṣaṇa (Huyền Tráng: đát sát-na 怛 剎 那); 60 tatkṣaṇa là 1 lava (Huyền Tráng: lạp phược 臘 縛). Xem cht. tiếp theo.

[399] La-da 羅 耶, Huyền Tráng: lạp phược 臘 縛, Skt. lava.

[400] Ma-hầu-đa 摩 喉 多, Huyền Tráng: mâu-hô-lật-đa 牟 呼 栗 多; Skt. muhūrta.

[401] Ưu-ba-ma 優 波 摩, Huyền Tráng: trú dạ 晝 夜, ahorātra.

[402] Khư-đà-la sơn, xem phẩm 1 châu Diêm-phù-đề, cht. 55. 57.

[403] Y-sa-đà sơn, xem phẩm 1 châu Diêm-phù-đề.

[404] Thọ đề đà la 樹 提 陀 羅, ở trên là Thọ cự-đà-la 樹 巨 陀 羅. Có lẽ do nhầm tự dạng.

[405] Thiện kiến sơn xem phẩm 1 châu Diêm-phù-đề, cht. 60.

[406] Mã tự sơn 馬 祀 山, ở trên là Mã thực sơn, xem phẩm 1 châu Diêm-phù-đề.

[407] Ni-di-đà-la 尼 彌 陀 羅, ở trên là Ni-dân-đà-la; xem phẩm 1 châu Diêm phù đề.

[408] Xem phẩm 1 châu Diêm-phù-đề.

[409] Xem phẩm 1 châu Diêm-phù-đề.

[410] TNM: “giữa núi Kim cang luân và Diêm-phù-đề địa có nước, khi ánh sáng mặt trời chạm đến…”

[411] Để bản: tổn chất 損 質; TNM: viên chất 圓 質.

[412] Tổn 損; định nghĩa indu (mặt trăng) theo ngữ nguyên là ūna ?

[413] Hán: tử bá 梓柏; xem cht. 394.

[414] Để bản: dị hệ 異系; TNM: dị kế 異繼.

[415] Tiệp tật 捷疾.  Xem cht. 396.

[416] Thiên quang 千光;         xem cht. 397.

[417] Thiện nghiệp thiên quang 善業千光.

[418] Xem các cht. 398 - 401.

[419] Diêm-phù-đề 閻浮提, Skt.Jambudvīpa, Pl.: Jambudīpa. TNM: Diêm-phù-địa 閻浮地.

[420] Diêm-phù-thọ 閻浮樹, Skt., Pl.: jambu, tên loại cây lớn ở Ấn độ, tên khoa học: Eugenia jambolana.

[421] Diêm-phù kim, nói đủ: diêm-phù-đàn kim 閻浮檀金 (Skt., jambonada-suvarna; Pl.: jambonada-suvaṇṇa), thứ vàng xuất xứ từ cát của con sông chảy qua rừng cây jambu.

[422] Tẩm 蕈; TNM: đan 簞.

[423] Cô 孤; TNM: 觚.

[424] Bảy nước: 1. Câu-lâu 拘 樓, 2. Câu-la-bà 拘 羅 婆, 3. Tỳ-đề 毗 提, 4. Thiện-tỳ-đề 善 毗 提, 5. Mạn-đà 漫 陀, 6. Bà-la 婆 羅, 7. Bà-lê 婆 梨.

[425] Hải trùng 海 蟲, loài sâu biển (?).

[426] Bảy Hắc sơn 黑山: 1. Lõa thổ 裸土, 2. Bạch hạc 白鶴, 3. Thủ cung 守宮, 4. Tiên sơn 仙山. 5. Cao sơn 高山, 6. Thiền sơn 禪山, 7. Thổ sơn 土山.

[427] Thất tiên nhân trú xứ 七仙人住處: 1. Thiện đế 善帝, 2. Thiện quang 善光, 3. Thủ cung 守宮, 4. Tiên nhân 仙 人, 5. Hộ cung 護宮, 6. Già-na-na 伽那那, 7. Tăng ích 增益.

[428] Từ đây trở xuống, xem kinh số 5 “Tiểu duyên.”

[429] Kiếp sơ 劫 初, thời kỳ nguyên thủy. Pl.: aggañña; Skt. kalpāgra.

[430] Hán: địa bì 地 皮, Ở trên, kính số 5 “Tiểu duyên”: địa phì 地 肥. Huyền Tráng: địa bì bính 地 皮 餅; Chân Đế: địa bì càn 地 皮 乾. Pl.: bhūmipappaṭaka; Skt. pṛthivīparpaṭaka. Xem cht. 17, kinh số 5 “Tiểu duyên.”

[431] Hán: địa phu 地 膚; Huyền Tráng, Chân Đế: lâm đằng 林 藤, dây leo rừng. Pl.: badālatā; Skt. vanalatā.

[432] Thiên hoa 天 華.

[433] Hán: canh mễ 粳 米. Huyền tráng: hương đạo 香 稻; Chân Đế: xá-lị (lợi) 舍 利; Skt. śāli, Pl.: sāli. Xem cht. 18, kinh số 5 “Tiểu duyên.”

[434] Hán: khang khoái 糠 糩. Pl.: kaṇa-thusa.

[435] Hán: đọa 墮; Pl.: patti, nghĩa đen: té, đọa lạc; chuyển thành nghĩa: tội lỗi.

[436] Hán: phu chủ bất thiện 夫主不 善. Định nghĩa danh từ chồng (Hán: phu chủ). Pl.: pati (người chồng), coi như đồng âm với patti, do gốc động từ PAD: rơi, té, đọa lạc.

[437] Nguồn gốc của danh từ vợ; bhariyā (vợ), do động từ bharati: mang cho.

[438] Nguồn gốc của từ Pl.: gaha (nhà), do gūhati: che dấu.

[439] Hán: xử thai 處 胎; Pl.: gabba.

[440] Các thành: Chiêm-bà 瞻 婆, Pl.: Campā; Già-thi 伽 尸, Pl.: Kāsi; Bà-la-nại 婆 羅 奈, Pl.: Bārāṇasī; Vương xá 王 舍, Pl.: Rājagaha.

[441] Có lẽ xác định ngữ nguyên của nagara, thành trì hay đô thị, là do naga: mặt trời.

[442] Bình đẳng chủ 平 等 主.

[443] Xem kinh số 5 “Tiểu duyên”: bắt đầu có danh từ vương 王, Pl.: rāja.

[444] Phả hệ dòng vua đầu tiên: Dân Chủ 民主, Trân Bảo 珍寶, Hảo Vị 好味, Tĩnh Trai 靜齋, Đảnh Sanh 頂生, Thiện Hành 善行, Trạch Hành 宅行. Diệu Vị 妙味, Vị Đế 味帝, Thủy Tiên 水仙, Bách Trí 百智, Thị Dục 嗜欲, Thiện Dục 善欲, Đoạn Kết 斷結, Đại Đoạn Kết 大斷結, Bảo Tàng 寶藏, Đại Bảo Tàng 大寶藏, Thiện Kiến 善見, Đại Thiện Kiến 大善見, Vô Ưu 無優, Châu Chữ 洲渚, Thực Sanh 殖生, Nhạc Sơn 岳山, Thần Thiên 神天, Khiển Lực 遣力, Lao Xa 牢車, Thập Xa 十車, Bách Xa 百車, Lao Cung 牢弓, Bách Cung 百弓, Dưỡng Mục 養牧, Thiện Tư 善思.

[445] Thanh Ma vương, xem kinh số 20: “A-ma-trú.”.

[446] Bạch Tịnh vương 白 淨 王, hoặc dịch là Tịnh Phạn vương 淨 飯 王, Pl.: Suddhodāna, vua nước Ca-tỳ-la-vệ (Pl.: Kapilavatthu), phụ vương của đức Thích Tôn.

[447] Chỉ đức Thích Tôn.

[448] Ngữ nguyên của từ sát-lị, xem kinh số 5 “Tiểu duyên.”

[449] Ngữ nguyên của từ Bà-la-môn, kinh số 5 “Tiểu duyên.”

[450] Vô thiền Bà-la-môn 無 禪 婆 羅 門, kinh Tiểu duyên: Bất thiền Bà-la-môn; xem kinh số 5 “Tiểu duyên.”

[451] Hán: độc 毒.

[452] Bản hán, hết quyển 22.