Ánh Sáng Á Châu

Kính mời các bạn cùng tham gia sáng tác và sưu tầm kệ thi ca Phật giáo.
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Ánh Sáng Á Châu

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

PHẦN THỨ TƯ

Nhưng khi trải đủ ngày đêm,
Thế Tôn thực hiện cái điềm ra đi.
Đền vàng kêu khóc ai bì,
Vua cha rầu rĩ, dân thì đau thương.
Nhưng rồi có sự lạ thường:
Chúng sanh giải thoát, Đạo đương phổ truyền.
Những ai nghe Lý diệu huyền,
Trở nên tự tại, được quyền tự do.

oOo

Màn đêm trải khắp đồng to,
Trời xuân, trăng tỏ, người lo cúng thần(1).
Trên cây xoài đỏ lần lần,
Vô Ưu(2) nương gió, hương phản phức cùng.
Thị thành, làng xóm, ruộng đồng,
Đâu đâu cũng hưởng phước hồng duyên may.
Từ từ, đêm xuống cung nầy,
Bầu trời hương tỏa, sao đầy không gian;
Gió xuân trên đỉnh Tuyết san,
Hiu hiu thổi xuống nghe man mác người.
Hướng đông sau đỉnh núi khơi,
Kìa vầng nguyệt rạng lần hồi vượt lên;
Ánh trăng chiếu khắp bốn bên
Sông Rô Hi Ni và trên núi rừng.
Đồng bằng, sủng vực sáng trưng,
Chiếu trên cung điện đương chừng ngủ say.
Cửa ngoài, lính gác nghiêm bày,
Trống canh đổi hiệp, hô ngay khẩu truyền.
Đêm khuya ai nấy ngủ yên,
Chỉ nghe chó sói hú rền xa xa;
Lại trong mấy cụm vườn hoa,
Nỉ non tiếng dế tấu hòa chẳng ngơi.
CHÚ THÍCH:

(1) Vào khoảng tháng ba dương lịch, tức nhằm đêm mồng tám tháng hai âm lịch, ngày sanh nhựt đức Rama.
(2) Vô ưu (Phạn: Asôka), cây dùng để dâng lên đức Shiva.
oOo

Trăng lòn đá chạm thông hơi,
Rọi ngay vách phấn, chiếu nơi rền nhà;
Trăng soi thấy nhóm gái ta,
Cảnh như phòng ốc Tiên nga Thiên đàng(3),
Đó là mỹ nữ dịu dàng,
Lọc lừa kỹ lưỡng mới mang vào đền.
Mỗi cô đương lúc nghỉ yên,
Dường như ngọc tốt ở bên đá thường.
Lần hồi nhìn khắp cung đường,
Cô nầy thấy đẹp hơn nàng bên kia.
Càng nhìn càng thấy thích mê,
Cũng như xem ngọc nằm kề với nhau;
Hạt nào cũng chiếu đủ màu,
Khó mà phân biệt hơn nhau những gì!
Các cô cung nữ nằm đây,
Tay chơn nửa kín, nửa bày lộ ra;
Tóc huyền gài thắt dây hoa,
Hoặc buông phủ ót như là sóng xao.
Qua cơn mệt mỏi giỡn nhào,
Bây giờ ngon giấc mộng đào đêm xuân.
Tỷ như chim chóc tập quần,
Trọn ngày ca hát, lần vần yêu nhau;
Mệt rồi lấy cánh phủ đầu,
Sáng ra thì lại mặc dầu ca yêu.
Trên trần, có những đèn treo,
Bình, dây bạc chạm, chế nhiều dầu thơm,
Đèn soi hiệp với trăng dòm,
Các nàng đề đạm nằm gom thấy tường:
Phập phồng mấy bộ ngực dương,
Tay son nắm chặt hoặc trương ra ngoài;
Mặt hồng với cặp mày ngài,
Đôi môi hơ hở, răng ngời như châu;
Mắt thời hai mí nhuyễn nhu,
Lông nheo dài chấm đôi bầu má non.
Cổ tay tròn trịa thon thon,
Chơn đeo lục lạc với lòn thủy tinh;
Cô kia trở giấc cựa mình,
Tức thì reo tiếng lanh tanh ngọt ngào.
Kia kìa nằm đó cô nào,
Cây đờn để sát má đào mỹ nhơn;
Tay măng còn vịn dây đờn,
Như đương gẫy khúc, chập chờn ngủ quên.
Một cô khác nữa nằm bên,
Tay ôm con lộc đã quen hơi nàng;
Thú nầy hiền hậu dễ thương,
Mảng mê ăn những hoa hường nàng trao;
Tớ thầy vào giấc mộng đào,
Hoa còn nửa đóa ở vào tay cô;
Đương khi con lộc kê đầu,
Hoa hường một cánh dính vào mép môi.
Đàng kia hai ả thành đôi,
Kết hoa rồi lại ngủ ngồi bên hoa.
Lại thêm cô khác nữa là,
Xỏ nhiều thứ ngọc cho ra chuỗi chuyền;
Dây hồng một sợi nối liền,
Quanh cườm tay đẹp, ngọc hiền chiếu ra;
Cuối cùng, ngọc bích đó là,
Khắc hình Thần Thánh, mạ qua vàng ròng.
Khi nàng xỏ chuỗi vừa xong,
Buông mình xuống đó, vào trong giấc hoè.
Trong vườn con rạch ro re,
Ru như mỹ nữ đê mê giấc nồng;
Tỷ như hường mới đơm bông,
Chờ khi rựng sáng nở tung ánh trời.
Đó là cung cấm phòng Ngài,
Phía trong là trướng những người đẹp hơn;
Gôn Ga, Gô Tá Mi(4) nương,
Hai cô hầu cận cung loan ái tình.
Trướng buông, màu thắm lẫn xanh,
Thêu toàn kim tuyến chận ranh cửa đền.
CHÚ THÍCH:

(3) Những cung nữ ấy cũng như các tiên nữ ở thiên đường của đức Đế Thích (Indra).
(4) Gôn Ga (Gunga), Gô Tá Mi (Gotsani), hai cung phi kế tiếp Du Đà La, vợ chánh.
oOo


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Ánh Sáng Á Châu

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

Cửa chiên đàn chạm khắc tên,
Vào ba bước nữa là bên loan phòng.
Phòng nầy lộng lẫy vô song,
Dưới đông sàng có bệ rồng lụa nhung;
Bước chơn lên đó thung dung,
Như đi trên khảm bằng bông nem(5) đều.
Vách tường gắn ngọc rất nhiều,
Vốn là ngọc điệp Hải triều Tích Lan(6).
Trần nhà bạch ngọc một gian,
Cẩn hồ văn đẹp, dùng toàn bửu châu;
Đỏ, xanh, vàng, tím đủ màu,
Tạo hình sen với chim sâu, chim rừng;
Hoa hoè một cảnh tưng bừng,
Đỉnh bầu vòng nguyệt ở chừng trên cao.
Vách tường, cửa sổ, song rào,
Xen theo kẻ hở, trăng vào, gió vô,
Bìm, lài với các hoa mùa,
Hương theo chiều gió, tỏa lùa phòng trung.
Mặc dầu cảnh đẹp tình trong,
Chẳng chi sánh kịp đôi lòng mến yêu:
Thích Ca Hoàng tử mỹ miều,
Da Du bạn ngọc đủ chiều đoan trang.

oOo

Màn loan ngồi tựa bên chàng,
Áo xiêm để hở tuột hàng đôi bên,
Hai tay ôm trán, buồn rên,
Từ từ lụy nhỏ ở trên má hồng.
Ba phen hôn hít tay chồng,
Thưa rằng: "Quân tử đem lòng dạy khuyên",
Ngài rằng: "Bạn có chi phiền?"
Nhưng nàng chẳng đáp, chỉ riêng than thầm.
Cuối cùng nàng mới phát âm:
Thiếp vừa nằm mộng, suy tầm không ra.
Ban đầu vui thích đó là,
Con mang bên dạ nó đà cựa hông;
Tim thiếp đương nhảy nơi lòng,
Hòa cùng nhựa sống tình nồng, phước may.
Nhưng khi vừa chợp mắt nầy,
Thấy ba mộng dữ, lòng đây kinh hoàng:
Một con bò trắng nghinh ngang,
Đôi sừng to lớn ngưu vương đồng bằng.
Ngang đường, bò ấy lướt băng,
Bửu châu giữa trán chiếu lằn như sao.
Như hoàn Căn Thá(7) ánh hào,
Rạng soi Địa phủ khác nào ban trưa.
Từ từ ngang lộ chân đưa,
Ngưu vương đến cửa chẳng chừa nhà ai.
Ngăn bò, không một sức ai,
Trong đền Đế Thích, ứng lời nói to:
"Các ngươi chẳng chận được bò,
Ôi thôi Đô thị! Vinh hoa dứt lìa".
Chẳng ai cản nổi bò kia,
Thiếp liền kêu khóc, ôm ghì cổ to.
Thiếp đem hết sức cản bò,
Và truyền cửa nẻo tấn cho vững vàng.
Nhưng rồi rống tiếng Ngưu vương,
Lắc đầu nhè nhẹ, thoát ngang tay nầy.
Lật nhào chướng ngại đó đây,
Lướt đi đụng ngã những tay vệ phòng.
Đó là điềm trước vừa xong,
Bốn vì rực rỡ hiện trong điềm nhì:
Mắt chiếu sáng, vẻ phương phi,
Dường như bốn chúa Tu Di ngự thường(8).
Trên trời, rạng tỏ hào quang,
Bay quanh Bốn Vị là hàng Thần Tiên.
Cùng nhau đáp xuống đây liền,
Cửa thành phấp phới ngọn Thiên đế tràng.
Cờ nầy tuột xuống vội vàng,
Thay vào một ngọn bảo tràng oai vinh.
Phất phơ, ngọc đỏ chói anh,
Cờ viền dây bạc, chữ linh thêu vào,
Chúng sanh hoan hỉ kính chào,
Gió đông rựng sáng lao xao tung cờ,
Mọi người đọc chữ thiên cơ,
Hoa trời thơm đẹp như mưa túa đầy".
CHÚ THÍCH:

(5) Nem, tiếng Pháp: Nim
(6) Tích Lan (Ceylan): Tiếng xưa là Lăng già (Lanka) hiện nay là một quốc gia độc lập, đảo ở phía Nam Ấn Độ; tên mới là Sri Lanka.
(7) Căn Thá (Kantha): Viên ngọc mà Rồng lớn giữ. Rồng nầy ở phía dưới mặt đất.
(8) Tứ Đại Thiên Vương cai trị bốn cõi trời, ở lưng chừng núi Tu Di.
oOo

Đông cung phán dạy lời nầy:
"Đó nàng thấy được mộng hay điềm lành".
Công nương liền mới thưa trình:
"Rồi em nghe tiếng hãi kinh hô rền:
Thì giờ sắp đến một bên!
Thì giờ sắp đến, chẳng nên lơ là!"
"Kế em trông thấy điềm ba:
Toan rờ quân tử, chỉ là gối không;
Màn loan lạnh ngắt như đồng,
Cẩm bào bỏ đó, ông chồng hà phang?
Vía em thức giấc vội vàng,
Thấy dây ngọc đái của chàng quấn em;
Nó liền hóa rắn cắn em;
Xuyến vòng rơi rớt, lấm lem, tan tành,
Hoa lài kết mái tóc xanh,
Lần lần biến thể mà thành bụi nhơ.
Nệm giường nghiêng ngã xơ rơ,
Trướng đào xài xể, xác xơ thế là!
Bạch ngưu kêu rống xa xa ,
Cờ thêu một bức tỏa ra trước đền.
Lại nghe có tiếng vang rền,
"Thì giờ đã đến, chớ nên chần chờ!"
Tiếng la làm tỉnh giấc mơ,
Những điềm thấy đó triệu cơ thế nào?
Em đây sắp chết hay sao?
Hoặc Chàng bỏ thiếp? Kẻ nào bắt Anh?"
Trông nàng với vẻ hiền lành,
Đạt Đa bèn nói: "Hãy đành làm vui!
Nỗi buồn thôi hãy lấp vùi,
Nếu nàng để dạ yêu tôi vững bền.
Đành rằng mộng triệu nói trên,
Hẳn là bóng dáng việc bên sau nầy;
Đành rằng Thần Thánh ngôi vì,
Cũng còn rúng động, đổi thay nữa là;
Đành rằng trần thế trải qua,
Một cơn chờ đợi người ta cứu nàn.
Dầu sao nàng hãy chắc an,
Luôn luôn ta mến bạn loan những ngày.
Đã từ nhiều tháng đến nay,
Ta từng nghĩ xét phương hay cứu trần;
Nhằm khi cơ hội một lần,
Việc chi phải vẹn, chắc phần vẹn xong.
Tâm ta quảng đại bao dong,
Với người xa lạ, chạnh lòng xót thương.
Ta đây cũng khổ thường thường,
Mặc dầu khổ não chẳng vương lấy mình.
Huống chi những kẻ thân tình,
Cùng ta chung sống, ta đành bỏ quên?
Nhứt là bạn ngọc hữu duyên,
Lòng ta khắn khít theo bên với nàng.
Nàng là từ mẫu rõ ràng,
Cùng ta chăn gối mơ màng canh khuya.
Tâm ta vượt biển trời kia,
Đầy tình thương xót người quê kẻ thành.
Như chim câu liệng trời xanh,
Nhớ thương tổ ấm, dẫu mình bay xa;
Tâm ta cũng trở lại nhà,
Nặng tình cô bạn diệu hòa thanh tao.
Tương lai dầu có thế nào,
Nhớ con bò rống với hào cờ thêu.
Nàng nên biết chắc một điều:
Bao giờ ta cũng mến yêu bạn đời;
Việc ta tìm kiếm hiện thời,
Kiếm cho bá tánh, cho người tình chung.
Nàng nên dập mối sầu nung,
Hai ta chịu khổ, người đồng an vui.
Hôn nàng, cảm tạ bồi hồi,
Cầu nàng được phước về hồi thuở sau;
Hôn ta, nàng phải biết câu:
Tình ta thương chúng, chẳng sâu bằng nàng.
Thôi em nằm nghỉ trên giường,
Ta thì bước xuống, đêm trường thức luôn".

oOo


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Ánh Sáng Á Châu

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

Công nương nằm xuống, lụy tuôn,
Ngủ và kêu mớ, thấy luôn điềm rồi.
Lại nghe tiếng thúc liên hồi:
"Thì giờ đã đến! Đến rồi đó chi!"
Đạt Đa vội ngảnh mặt đi,
Chị Hằng hướng Bắc, sao bầy tấu lia:
"Đây là cảnh tối trời khuya,
Hai đường chọn một: Ngôi kia, Từ nầy,
Hoặc làm Quốc chủ trị vì,
Hoặc Nhà tịch tĩnh ra đi cứu đời".
Gió khuya thầm thỉ bên tai,
Nhắc lời khuyên của các ngài Thần Tiên.
Mảng nhìn tinh tú liên miên;
Chư Thần hầu chực quanh miền Thế Tôn.
Ngài rằng: "Thời khắc tới dồn,
Hãy đi cho kịp, bồn chồn nữa chi?
Bạn ơi đương ngủ ở đây,
Má đào xui khiến hành vi cứu đời.
Đôi ta cần phải tách rời,
Vận ta ghi rõ trong trời lặng yên.
Ngày đêm lần bước tiếp liên,
Nay mình đến đích hiển nhiên đó là.
Chẳng mong kế vị vua cha,
Chẳng ham thống lãnh, can qua phải dùng,
Loan xa chẳng ngự Tây Đông,
Càng nhiều oanh liệt, máu hồng càng tuôn.
Thà rằng lần bước đường truông,
Nằm giường cát bụi, ở luôn ruộng đồng;
Bạn ta nhơn vật nghèo cùng,
Áo quần thô xấu, ăn dùng đồ xin,
Khi thì động tối lần vin,
Có khi bụi rậm gót in trong ngoài.
Quyết làm như vậy chẳng sai,
Vì ta nghe rõ tiếng đời kêu than;
Chạnh lòng bi xót thế gian,
Xả thân nầy đề cứu an hồng trần.
Chư thiên lớn nhỏ xa gần,
Vị nào quyền thế, trọn phần Từ Bi?
Có ai thấy được chư vì?
Những người thờ phụng được chi hưởng nhờ?
Ích chi cho kẻ nguyện thờ?
Ích chi cơm bánh, dầu bơ nạp thần?
Ích chi niệm chú có vần,
Tế sinh vật, cất đền thần nguy nga?
Nuôi chi thầy cúng vậy mà?
Xi Hoa, Tỳ Nữu, Xu Rà(9) cứu ai?
Kệ kinh tụng đọc hôm mai,
Chỉ lời sợ sệt với lời a dua.
Cứ theo phép đó mà hùa,
Ai người có thể đuổi đùa Khổ Sanh?
Khổ biệt ly, khổ ái tình,
Khổ vì Bệnh rét thân hình run en,
Khổ chết thảm, khổ đọa hèn,
Sanh đi sanh lại bao phen khổ sầu!
Nhiều dục vọng, lắm buồn rầu,
Bạn nào thoát khỏi vực sâu khổ phiền?
Nữ nhơn chay lạc cữ kiêng,
Những ai đắc Đạo, tên biên mấy người?
Những cô ca kệ chẳng lười,
Có ai gặt hái quả tươi, hạt lành?
Cô nào cúng sữa trắng tinh,
Tuôn-xi lá quý kính thành chưng ra,
Đến khi nở nhụy khai hoa,
Thử xem có khỏi kêu la khóc ròng?
Thiên Thần thiện, ác khác dòng,
Thảy đều yếu sức, không mong thi hành;
Tuy thương xót, lại chẳng bênh,
Cũng như người thế, chuyển sanh, đổi dời.
Kìa Kinh điển dạy phải lời,
Kiếp sanh phát khởi từ nơi thấp cùng:
Hết nguyên tử tới vi trùng,
Loài sâu, loài rắn, cá cùng chim bay,
Thú, người, quỉ dữ, thần ngay,
Lần lên Thiên thượng, đến Vì tuyệt cao.
Rồi đành lui bước chớ sao,
Cát bùn, nguyên tử trở vào như xưa.
Những loài sanh sống sớm trưa,
Từng làm quyến thuộc thích ưa với mình.
Độ người dứt cuộc tử sinh,
Thế gian tỏ ngộ, vô minh vén màn;
Hết lòng lo sợ bất an,
Bỏ đi ích kỷ, bạo tàn hết len,
Ai người cứu thế một phen,
Ắt gồm phương tiện, chúng bèn qui y!
Tưởng thời tiền sử xa đây,
Mùa đông gió lạnh phân thây bao người!
Bỗng đâu có kẻ khéo bươi,
Từ nơi toại thạch mà khơi lửa hồng.
Người xưa săn thịt ăn dùng,
Cũng như lang cẩu chạy dông bắt mồi;
Có người gieo hạt trên đồi,
Bắt đầu có lúa lần hồi nuôi nhau.
Người xưa ra dấu u au,
Về sau chế đặt tiếng, câu sách bài,
Có ai tọa hưởng cuộc đời,
Mà không nhờ ở công người phát minh?
Khen người tầm tỏi, đấu tranh,
Đem lòng bác ái quên mình, làm nhân!
Như ai quyền thế ở trần,
Giàu to, mạnh khoẻ, định phần làm vua;
Như ai chưa tới già nua,
Trẻ trung , hạnh phúc, đương mùa ái ân;
Như ai da mặt chẳng nhăn,
Hưởng đầy khoái lạc, duyên phần cõi ni,
Mặc tình chọn lựa tùy nghi,
Như ta đây vậy, không chi, thiếu, buồn,
Chẳng qua thấy kẻ lệ tuôn,
Chạnh lòng thương xót, khổ luôn tới mình!
Người như vậy, đủ sức lành,
Của đem thí hết, vì lòng thương dân.
Kế người xả bỏ tấm thân,
Suy cầu Chơn lý, kéo phăng bí huyền.
Người đem ý chí cần chuyên,
Tìm nơi Địa ngục, cảnh Tiên, cõi người,
Sau cùng, màn kín vén khơi,
Con đường mở trống, mười mươi vẹn tròn.
Đáng công thí xả nước non,
Làm Thầy thắng phục hoàn toàn Tử- Sanh.
Việc nầy ta sắp thi hành,
Ta đành bỏ Nước, vì tình Nước, Dân,
Tâm ta thông cảm người trần,
Hôn nay ta quyết xả thân cứu đời.
Ớ sao nhấp nhánh bên trời!
Ta ra đi, thuận lời mời các ngươi.
Nầy đất thảm! vì mọi người ,
Ta đành bỏ cả: vui cười, tuổi xanh,
Ngôi vàng, ngày đẹp, đêm thanh,
Với nàng Công Chúa dứt tình khó thay!
Cứu em, cứu cả cõi nầy,
Cứu luôn con trẻ chuyển lay dạ nàng;
Nay còn cương quyết dễ dàng,
Đến ngày bồng ẵm, lỡ làng chí ta,
Vợ, con, thân phụ, bá gia!
Hãy dằn sầu não cho qua một thời,
Rồi đây Ánh sáng bựt ngời,
Pháp ta sẽ dạy người đời, chúng sanh.
Hôm nay ta quyết cất mình,
Chừng nào trở lại, tất thành công tu".
CHÚ THÍCH:

(9) Xi Hoa (Shiva), Tỳ Nữu (Vichnou), Xu Rà (Sourya) là những Thiên Thần đạo Bà la môn.
oOo

Trên chân Công chúa, cọ đầu,
Lặng nhìn mặt vợ, cùng nhau giã từ,
Quanh giường chân bước từ từ,
Hai tay chắp lại, kính như bàn thờ.
Ngài rằng :"Nệm ấm chăn tơ,
Trượng phu thôi chẳng bao giờ nằm đây".
Ba lần Ngài cất bước đi,
Ba lần trở lại, ấy vì Da Du.
Kế Ngài kéo áo lên đầu,
Lui ra, vén bước trướng châu phía ngoài.
Ở đây thiêm thiếp giấc dài,
Gôn Đa, Gô Tá là hai cận hầu,
Kế là mỹ nữ nhiều cô,
Nằm như những cánh sen đâu trên tòa.
Ngài rằng: "Nét ngọc mặn mà,
Khổ tâm ta lắm vì xa các nàng;
Ví bằng chẳng tách nẻo đường,
Cái già, cái chết, sẽ vương chúng mình.
Các cô đương ngủ đã đành,
Cũng như người thác, có hành động chi.
Kìa hoa hường nọ chết đi,
Mùi thơm, sắc đẹp còn gì ở đâu?
Tỷ như đèn thắp hết dầu,
Ánh hồng tia sáng bay đâu mất rồi?
Đêm ôi! kéo mắt bịt môi,
Đừng cho ai khóc, đặng tôi lên đường!
Nhờ vào các bạn mỹ nương,
Đời ta đã được thường thường sướng vui.
Lòng ta chạnh tưởng bồi hồi:
Đó đây như đám cây đồi đứng chung;
Mùa xuân, sanh nẩy mạnh hùng,
Sang đông tàn tạ, sống cùng xuân sau;
Hoặc khi rìu búa chém nhàu,
Cây nào cũng ngã, còn đâu lâm tòng?
Cảnh tình ấy, ta chẳng mong,
Vì không nỡ thấy những dòng lệ rơi.
Giã từ các bạn nữ ơi!
Đời đương xuân đẹp, ta thời hy sinh.
Đi tầm giải thoát, Quang minh";
Đông cung nhẹ bước, lách mình trong đêm.

oOo


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Ánh Sáng Á Châu

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

Ngàn sao yêu thích nhìn xem,
Gió khuya hôn vạt áo xiêm của Ngài;
Kiểng hoa ngự uyển đua khai,
Tỏa mùi thơm phức tận nơi mũi rồng.
Trên mặt đất, khắp núi đồng,
Từ non Hy Mã tới vùng Ấn Dương,
Xảy ra rúng động bất thường,
Tâm hồn Đại địa như dường cầu mong,
Chư kinh thuật tích Thế hùng,
Chép rằng thiên nhạc trổi cung ngọt ngào.
Tiên Thần chen chúc lao xao,
Đường đêm tăm tối, ánh hào sáng trong,
Bấy giờ trong chốn hư không,
Tấm tình hỷ lạc cảm thông đầy trời.
Thiên vương Bốn vị quyền oai,
Từ miền Thượng giới giáng nơi cửa đền;
Thần binh, thần tướng hầu bên,
Can qua bằng ngọc, cung tên bạc vàng;
Chắp tay ngó sững vị Hoàng,
Ngài đương đươm lệ nhìn hàng sao giăng;
Miệng môi ngậm lại chẳng rằng,
Chương trình Bác ái phải phăng thế nào?
Bước vào đêm tối, kêu gào:
"Xa Nặc! thắng Càn Trắc(10) vào cho ta!"
Xa phu nhè nhẹ ló ra,
Tâu rằng: Hoàng tử dạy qua việc gì?
Trời khuya đường lối đó đây,
Ngựa làm sao chở tớ thầy được cho?
Ngài rằng: "Đừng nói tiếng to,
Mau đem ngựa đến, kẻo lo trễ giờ.
Đền vàng là ngục giam thưa,
Muốn tìm chơn lý, phải chừa hoàng cung.
Nay ta quyết định lướt xông,
Kiếm cho được Đạo để dùng cứu nhơn".
Chàng Xa Nặc tỏ thiệt hơn:
"Ngày xưa các vị thiên văn đã truyền:
Con trai Tịnh Phạn vua hiền,
Về sau thống lãnh, cầm quyền chư vương.
Nay sao Ngài lại lên đường,
Bỏ lìa trần thế, giàu sang, quyền hành?
Tại sao ôm bát quẩn quanh,
Vào đồng cát cháy, bỏ thành thị vui?"
Ngài rằng: "Chỉ muốn vậy thôi,
Ta nào có thích chi ngôi trị vì.
Nước ta là Cõi Cực kỳ,
Hơn chư quốc thổ đổi thay, chết, già.
"Hãy đem Càn Trắc cho ta".
Xa phu lại nói thiết tha mấy lời:
"Hãy nên nghĩ tới Cha Ngài,
Đức vua sẽ khổ vì rời Đông cung;
Cũng nên tưởng nghĩa vợ chồng,
Công nương chỉ biết cậy trông nơi Ngài.
Nay đành lìa bỏ cả hai,
Cha già, vợ yếu, lấy ai đỡ đần?"
Đạt Đa giải đáp thiệt hơn:
"Nếu ai yêu vật mình cần phải theo,
Đặng riêng hưởng thú cho nhiều,
Đó là yêu quấy mà đeo khổ sầu.
Thương cha, mến vợ rất sâu,
Còn hơn yêu chỗ vui cầu của ta;
Nhưng nay đành phải lìa xa,
Tầm phương cứu vợ, cứu cha, cứu đời.
Mau mau dắt ngựa đến nơi."
Tức thì Xa Nặc vâng lời đi mau.
Buồn rầu bước tới nơi tàu,
Vói lên máng cỏ mà thâu vật thường:
Hàm thiếc bạc, bộ dây cương,
Có thêm xà tích, dây ràng ức cu.
Siết dây, móc khóa tiếp nhau,
Đem con Càn Trắc buộc đầu vào khoen.
Chải rồi, tra bộ đồ quen,
Vuốt ve lông mịn, tuyết ghen ánh ngời!
Nhung vuông trải đắp ngựa tài,
Phủ thêm chiếc nệm, yên thời để trên,
Dây chằng nhận ngọc quấn bên,
Buộc từ hông, bụng lần lên mũi, đầu,
Bàn đạp vàng chạm thả sâu,
Cuối cùng phủ lưới, ngọc châu lòng thòng.
Trang hoàng, tuấn mã vừa xong,
Dắt ra đến cửa, Đông cung sẵn chờ.
Thấy gia chủ, ngựa mừng ưa,
Hý vui lớn tiếng, mũi vừa phồng lên.
Trong Kinh có dạy cũng nên :
"Tiếng con Càn Trắc hý rền trong đêm,
Ngựa chòi móng sắt dội thêm,
Nhưng mà ai nấy ngủ êm như thường;
Chư Thiên phép lạ khó lường,
Ngăn ngừa tiếng dội, không phương lọt ngoài".
CHÚ THÍCH:

(10) Càn (Kiền) Trắc (Kantaka) là một con ngựa hay nhất triều vua Tịnh Phạn.
oOo

Gục đầu con ngựa hùng oai.
Đạt Đa nựng cổ láng ngời, phán qua:
Nầy Bạch mã! đừng hý la,
Hãy đưa ta đến nơi xa ngàn trùng;
Đêm nay ta phải thẳng xông,
Quyết tìm chơn lý, thành công mới đành.
Nầy tuấn mã! hãy liệt oanh,
Trước ngàn gươm nhọn, chớ sanh ngại ngần;
Tường cao, hào hố đón ngăn,
Cũng đừng sợ sệt, cứ phăng lướt đường,
Thúc hông, hô chạy, buông cương,
Ngươi nên vượt lẹ cũng dường gió giông;
Chạy mau như lửa cháy bùng,
Tớ nên đem hết lòng trung giúp thầy.
Tức là ngươi có công dày,
Cùng ta cứu thoát cõi nầy cho xong.
Chẳng riêng nhơn loại nầy không,
Ta đi là để giúp trong các loài;
Mặc dầu chúng chẳng nói lời,
Kém bề trí huệ, nhưng hoài đớn đau.
Vậy nay ngươi hãy mau mau,
Mạnh hùng chở chủ mà thâu đường trường.

oOo

Thót lên yên rất nhẹ nhàng,
Vuốt ve lông gáy, ngựa giương cất mình.
Dưới móng sắt, sỏi nhánh anh,
Cái hàm thiết động, âm thinh khua rền.
Không ai nghe được tiếng trên,
Thiên Thần Xu Đá(11) theo bên ém liền.
Trong Kinh lại cũng có biên:
Đương khi người, ngựa đến miền cửa trong,
Dạ xoa lót vải lạ lùng,
Gót chơn ngựa đạp mà không tiếng gì.
Đại môn bước tới một khi,
Cửa nầy ba lớp sắt dày tiếp liên.
Trăm người khó mở ra liền,
Êm đềm cửa chánh tự nhiên vẹt rồi.
Bình thường tiếng dội xa xôi,
Chốt to xiềng nặng, nay thôi chẳng rền.
Hai giàn cửa kế như trên,
Ngựa Đông cung tới, tự ên mở chờ.
Trên đường êm lặng như tờ,
Quân canh tinh nhuệ nằm đờ dọc ngang ;
Bỏ rơi kiếm, thuẫn, cung, thương,
Có luồng gió thổi mê man lính tuần.
Thừa cơ họ ngủ quây quần,
Đông cung cỡi ngựa phi thân khỏi thành.

oOo

Sao mai xuống mí trời xanh,
Rạng đông gió mát thổi quanh địa cầu;
A Nô Ma(12) sóng lau chau,
Sông nầy biên giới địa đầu quốc gia.
Gò cương, nhảy xuống cỏ hoa,
Ngài ôm Bạch mã hôn xoa trán đầu.
Phán cùng Xa Nặc như ru:
"Công người xứng đáng, sẽ thâu phước lành;
Phước nầy phổ khắp chúng sanh,
Ta yêu mến mãi tấc thành của người,
Vậy ngươi dắt ngựa phản hồi,
Mão châu, áo ngự, đây thôi chẳng cần;
Dây ngọc đái, chiếc gươm thần,
Tóc dài đậm đuộc, ta lần cắt xong;
Hãy đem về tận trào trung,
Dâng lên Chúa thượng, cúc cung tỏ bày:
Vua cha đừng nhớ lo chi,
Chừng ta về Nước, uy nghi đến mười,
Đạo mầu sẽ được sáng tươi,
Do nhờ tu ẩn, chẳng lười đấu tranh.
Tâu dùm với đức vua lành;
Ta thâu thế giới, nếu thành Đạo cao,
Vì là công trạng lớn lao,
Lại vì từ ái gồm bao vật người!
Chỉ người hy vọng ở người,
Không ai chịu khó tìm tòi như ta,
Bỏ lìa trần thế chăng là,
Để mà cứu độ cả và chúng sanh.

CHÚ THÍCH:

(11) Xu Đá (Soudhas): Trong sạch. Tiếng Xu Đá dùng để gọi giai cấp cao sang, hoặc giống người A Ry An.
(12) A Nô Ma (Anoma): Con sông làm ranh giới miền trên của nước vua Tịnh Phạn.
oOo


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Ánh Sáng Á Châu

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

PHẦN THỨ NĂM

Chung quanh Vương xá(1) đô thành,
Năm non đẹp đẽ giương mình chở che:
Bai Ba Ra(2) núi xanh lè,
Lác thơm, thốt nốt bao che bên ngoài;
Bi Bu La(3) núi thứ hai,
Núi Sa Xu Tí lai rai dưới triền;
Ta Bô Hoăng(4) có ao liền,
Nước gương soi bóng, đá viên đen sì;
Đông Nam núi Sái La Ri(5)
Là nơi diều ó kết bầy náu nương;
Rát Na Di Rí(6) Đông phương,
Núi nầy bảo thạch thường thường hiện ra.
Một đường cong quẹo lại qua,
Mặc dầu lát đá, người ta đi mòn;
Băng vườn trồng nghệ, tre tròn,
Dưới cây hồng táo, xoài hòn, xoài thanh,
Đi gần ngọc thạch trắng, xanh,
Những hòn đá dựng, những cành hoa thơm,
Cuối cùng, vách núi đứng chờm,
Phía Tây quẹo lại, đá dòm chơi vơi;
Trong là cảnh động thanh bai,
Nhiều cây sung mọc, bao ngoài, phủ che.
Đến đây bạn hãy kiêng dè,
Cổi giày, cúi mặt, còn e lỗi niềm?
Bao la cõi thế rộng kiêm,
Đây là Thánh địa tôn nghiêm, báu mầu.
Chốn nầy Đức Phật ngồi lâu,
Chịu cơn nắng lửa, mưa dầu, tiết đông;
Chỉ mang một tấm áo sồng,
Ăn nhờ bá tánh nhủ lòng làm duyên.
Đêm nằm trên cỏ tạm yên,
Sài lang ngoài động liền liền sủa tru;
Rừng trồi cọp đói gầm lâu,
Thế Tôn vững chí ngồi tu đêm ngày.
Đem thân vàng ngọc đọa đày,
Kiêng ăn, cữ mặc, canh chày nghĩ sâu.
Trong cơn thẳm định hằng lâu,
Trơ như bàn thạch, mặc dầu ngồi yên.
Trên đầu gối, sóc nhảy lên,
Con chim cúc mẹ ấp bên chơn Thầy;
Bát cơm để sẵn gần tay,
Bồ câu bu lại cả bầy mổ ăn.
CHÚ THÍCH:

(1) Vương xá (Rajagriha): Kinh đô nước Ma kiệt đề (Magatha). Vua Tần Bà Sa La (Bimbasâra) trị vì ở đó hồi đức Phật ra đời. Thuở ấy, tại Ấn Độ thành Vương Xá là oai vinh hơn hết, vì vua Tần Bà Sa La là chúa tể ở Ấn Độ.
(2) Bai Ba Ra (Baihâra).
(3) Bi Bu La (Bipoula).
(4) Ta Bô Hoăng (Topovan).
(5) Sái La Ri (Sailâgiri).
(6) Rát Na Di Ri (Ratnagiri).
oOo

Giữa trưa, Ngài nhập định thần,
Nắng nung mặt đất, vách ngăn nực nồng;
Trời chiều tỏa ánh cuối cùng,
Ngài không nhìn thấy vầng hồng miền Tây.
Màn đêm bao phủ cỏ cây,
Bầu trời tinh tú đó đây nháng ngời,
Trống chiêng thành thị bời bời,
Chim mèo kêu hú, nhiều nơi tranh giành.
Cảnh tình ban tối diễn quanh,
Ngài không nghe thấy, vì mình nghĩ suy.
Đến khuya còn hãy ngồi đây,
Bấy giờ mặt đất tiếng gì cũng êm.
Chỉ trừ những vật ăn đêm,
Bụi cây bò lết lại thêm kêu gào;
Những niềm sợ, oán rêu rao,
Tham lam, sẻn, giận lết vào tâm si.
Kế Ngài ngủ tạm vài thì,
Trời chưa rựng sáng, thường khi thức rồi.
Ra nơi hòn đá lặng ngồi,
Nhìn xem thế giới đương hồi ngủ mê;
Mắt Ngài bừng chói sáng ghê;
Tâm tư bao quát mọi bề chúng sanh;
Trên đồng gợn sóng xanh xanh,
Tiếng xì xào khiến giựt mình những ai;
Mọi người thức giấc ban mai,
Phương Đông lố thấy cảnh trời lạ thay!
Ban đầu màn tối còn dày,
Kế lần lần sáng, đổi thay nhiều màu,
Sau cùng tỏ rõ làu làu,
Thái dương lộ chiếu địa cầu ánh vui.

oOo

Tu Tiên hạnh chẳng thụt lùi,
Ngài chào Mặt Nhựt vừa hồi mọc ra;
Kế làm lễ tắm đó là,
Theo con đường quẹo mà qua thị thành.
Làm theo khất sĩ hạnh lành,
Tay ôm bình bát đi quanh các đường.
Trông Ngài tướng Thánh phi thường,
Nhơn dân chen chúc cúng dường rất mau.
Thấy Ngài đi đứng ở đâu,
Mấy bà sai trẻ lạy hầu dưới chơn:
Chúng hôn chéo áo, cười mơn,
Kính dâng sữa, bánh Thượng nhơn thọ dùng.
Tướng đi khả ái, thung dung,
Mặt mày sáng rỡ vì lòng Đại Bi;
Vẻ người lo lắng tràn đầy,
Lo cho đồng loại đó đây khắp cùng.
Nhiều cô thiếu nữ nhìn trông,
Đem lòng luyến ái, mơ màng oai nghi.
Nhưng Ngài ôm bát đắp y,
Chúc nguyền thí chủ rồi thì về non;
Ngài cùng đạo sĩ vầy tròn,
Nghe và hỏi Lý để còn đạt thông.

oOo


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Ánh Sáng Á Châu

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

Rát Na Di Rí non tòng,
Ở lưng chừng núi, mắt trông xuống thành;
Trên là động cốc u thanh,
Nhiều thầy tu ẩn chuyên hành khổ thân:
Xác nầy nghịch với hồn thần,
Thể như con vật mình cần trói, thâu;
Phải nhiều khổ hạnh ghê sầu,
Đến khi hết cảm khổ đau mới đành,
Các thầy khảo kẹp thần kinh,
Cũng như ngục tối đương hành tội nhơn.
Tỳ kheo(7), Du Chỉ(8) lâm sơn,
Các thầy Phạm chí(9) cô đơn, ốm gầy.
Thầy nầy dở hỏng hai tay,
Để luôn như vậy đêm ngày thịt teo;
Tay đờ, lắt léo rụi queo,
Như thân cây héo có đèo cành khô.
Thầy kia nắm cứng tay vô,
Lâu ngày móng nhọn phủng nhô khỏi lòng(10).
Có thầy đi dép cặm chông,
Hoặc dùng đá bén xẻ hông, trán, đùi;
Hoặc là lấy lửa tự thui,
Cây gai, sắt nhọn đem giùi thịt da.
Bùn tro mình mẩy trét thoa,
Nằm trên đống rác, áo là giẻ tơi.
Có người ở chỗ thây phơi,
Ngồi trên giàn hỏa tại nơi nhị tỳ;
Chung quanh diều ó có bầy,
Kêu la trên mảnh tử thi vụn vằn.
Xi Hoa, tên một vị thần,
Có người niệm cả ngàn lần ngày đêm;
Ngồi lâu, chơn bại như nêm,
Quanh mình rắn quấn lại thêm hú rền.
Nhóm người ghê tởm như trên,
Phơi mình dưới nắng, ghẻ lên đầy đầu;
Mắt ghèn, gân rút, úa xàu,
Dường như kẻ chết để lâu năm ngày!
Ở đây nằm cứng một thầy,
Đong ngàn hột thóc tự tay mình lường.
Rồi nhai từng hột thấy thương,
Lâu ngày chết đói là thường đó a!
Một người nghiền đậu nát ra,
Ăn cùng lá đắng, tránh quà ngọt ngon.
Có thầy khốn khổ hư mòn,
Thân hình tự hủy, chẳng còn mắt, môi;
Chơn què, tai điếc hỡi ơi,
Cam bề khổ hạnh để bồi phước sau!
Thế Tôn ngó một thầy tu,
Là người thượng thủ, giây lâu phán rằng:
"Các ông chịu khổ ai bằng!
Trải qua nhiều tháng tôi hằng ở đây.
Tôi tầm Chơn lý cao vi,
Các ông lại chỉ rõ hay ép mình.
Đời người xấu tệ hẳn đành,
Tại sao lại phải thêm hành khổ thân?"
Thầy kia nhỏ nhẹ phân trần:
"Kinh rằng nếu kẻ thịt gân hãm kềm,
Chịu đau càng bữa càng thêm,
Đến chừng hơi thở sắp êm muốn ngừng,
Chỉ chờ cái chết đáng mừng,
Khổ hành như vậy, tội phừng cũng tiêu;
Thần hồn trong sạch phiêu phiêu,
Vượt lò lửa thảm, cao siêu ngàn trùng".
Đông cung khi ấy phán cùng:
"Kìa vầng mây nổi như nhung trên trời,
Cất mình khỏi sóng biển khơi,
Rồi như giọt lệ mưa rơi phũ phàng;
Kế theo đường hiểm, ngách, mương,
Kinh, ngòi, sông, rạch mà sang Hằng hà;
Cuối cùng trở lại biển xa,
Là nơi mây ấy tách ra lúc đầu,
Thánh hiền khổ hạnh khá lâu,
Kế là hưởng phước, rồi sau cũng hoàn.
Há không phải thế mà bàn?
Có lên phải xuống, mua an thì xài,
Máu dùng để chuộc cảnh Trời,
Xong rồi, lao khổ lại vời chẳng thôi".
Thầy kia than thở bồi hồi:
"Khổ lao trở lại, biết ôi thế nầy ?
Chúng tôi chẳng chắc chuyện gì,
Tối rồi, lại sáng, nguy đi yên về.
Xác thân là vật chán chê,
Làm cho Thần Trí khó bề lên cao,
Muốn cho hồn hưởng phước hào,
Hãy đem khổ vắn đổi trao vui bền!"
Đạt Đa chận lại, hỏi lên:
"Dẫu cho phước lạc báo đền triệu năm,
Rồi ra tàn tạ, bặt tăm,
Hoặc chăng có cảnh bao lăm chẳng dời?
Các huynh hoan hỷ trả lời:
Thần Tiên địa vị có đời đời chăng?"
Mấy sư Du Chỉ đáp rằng:
"Riêng ngài Đại Phạm thường hằng trên ngôi,
Thần Tiên có số mà thôi."
Bấy giờ Đức Phật khuyên đôi ba điều:
"Dường như trong sạch, dám liền,
Quý ông hãy ráng tỏ chiều thông minh.
Bỏ đi những lối hủy mình,
Há đem sầu thảm mà rinh mơ mòng?
Hồn tôn trọng, xác phế vong,
Gớm nhờm, đày đọa, hủy trong thân hình,
Chẳng kham đảm phụ trí minh,
Ác vàng chưa lặng, bỏ mình đường xa!
Tỷ như tuấn mã thuần hòa,
Trải cơn vất vả cũng là bỏ đi;
Buồn thay tu sĩ các thầy,
Cảnh xưa lao nhọc phá chi tan tành?
Nơi nầy song dũ bao quanh,
Cho nguồn ánh sáng đặng mình trông ra:
Rạng đông lố dạng chăng là?
Phía nào đường tốt để mà dời chơn?"
Mấy thầy ẩn sĩ la rân:
"Chúng tôi chọn nẻo, rồi lần chơn đi;
Dẫu cho lửa dữ phủ đầy,
Sẵn lòng chờ chết, cớ chi thối từ?
Đường nào tốt, Ngài biết ư?
Nếu không thì cứ thư thư phản hồi!"
CHÚ THÍCH:

(7) Tỳ kheo (bhikchou, bhiksou): những người phát nguyện cử kiêng ba mục đích của người đời: vui sướng, giầu sang, tình ái. Tu trì đạo lý; dứt bỏ lòng ham muốn, lòng lo sợ, tánh tự cao.
(8) Du Chỉ (Yoghis): Những thầy tu luyện Du già là các phương pháp để đạt trí huệ, bỏ ảnh hưởng của vật chất đối với tâm linh, dứt trừ bản ngã.
(9) Phạm Chí (brahmacharis): thầy tu khổ hạnh phái Bà la môn.
oOo

Ngài đành từ giã, than ôi,
Người ta sợ chết, lôi thôi sợ hoài.
Có người lại muốn sống dai,
Nhưng không dám mến cuộc đời mình đây,
Họ bèn hành khổ thân nầy,
Đặng làm đẹp dạ các vì Thần Tiên?
Họ sa Địa ngục triền miên,
Lửa nầy chưa dứt, đốt liền lửa sau?
Hoặc cơn cuồng tín rất sâu,
Thần hồn dễ bỏ xác đau đớn nầy?
Đạt Đa phân tỏ như vầy:
"Hỡi hoa đồng nội, cánh xây theo trời!
Khoái vui dưới ánh sáng ngời,
Thỏa thay hương dịu, sắc tươi áo là.
Chưa từng thấy một đóa hoa,
Bỏ đời trong sạch, liệng xa sắc lành!
Ớ nầy các cội dừa xinh!
Ngọn toan lên tới trời xanh kia là,
Chí lâm hít gió Hy Ma?
Cùng luồng gió mát biển xa thổi vào.
Hỡi dừa có bí thuật nào,
Thích vui từ thuở mới chào ngày xuân?
Nay dừa có trái đeo thân,
Chuyển tàu lá rậm như ngân ca cầm.
Kìa loài vui chốn thọ lâm,
Chim sâu, anh võ, phi cầm các ngươi!
Há chê mạng sống hiện thời,
Cũng không khổ hạnh, tìm đời tốt sau,
Người ta, chúa tể hoàn cầu,
Giết loài chim chóc, đứng đầu thông minh,
Trí người nuôi bởi máu tanh,
Gia tăng trong sự khổ mình hại thân".

oOo


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Ánh Sáng Á Châu

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

Thế Tôn đương nói vân vân,
Bụi bay lên núi quây quần như mây.
Chiên dê đen trắng một bầy,
Từ từ bước tới lại hay nghỉ ngừng:
Con thì ăn cỏ ven rừng,
Con thì tách lộ, lưng chừng suối khe.
Có con ra khỏi bạn bè,
Mục đồng kêu lại, đá que chọi liền;
Tiếp đưa đoàn thú thuận hiền,
Từ trên gò nổng xuống miền đồng quê.
Đôi chiên theo mẹ dựa kề,
Một con trúng đá, mà tê liệt giò;
Máu tuôn, phải nhắc cò cò,
Con kia vượt trước, mẹ lo chạy càn;
Cảnh tình chiên mẹ bất an,
Theo con nầy, sợ lạc đàn con kia.
Thế Tôn nhìn thấy việc ni,
Ôm con chiên bệnh, vân vi mấy lời:
"Yên lòng, hỡi mẹ chiên ơi!
Ta bồng con bậu, theo ngươi lên đường;
Dầu xa, ta cũng coi thường,
Thà rằng cứu giúp thú đương ngặt mình.
Còn hơn cùng bạn tu hành,
Trong hang ngồi ngắm thế tình khổ đau".
Hỏi chư mục tử lời sau:
"Cớ chi trời xế dẫn đầu chiên dê?
Chiều tà người thú đề huề,
Hồi nào đã có luật lề nầy ư?"
Mấy người Sằn Dã đáp từ:
"Trăm dê hiệp với trăm trừu nầy đây,
Chúng tôi được lệnh dắt đi,
Đức vua sẽ giết đêm ni tế thần".
Đức Thầy vội để lời phân:
"Ta cùng đến đó, theo chân các người".
Dưới ánh nắng, bụi mịt trời,
Ôm con chiên nhỏ, thảnh thơi bước đều.
Kìa con chiên mẹ chăm chìu;
Bí be nhỏ nhẹ mà theo chơn Ngài.

oOo

Cả đoàn đến mé sông dài,
Một nàng thiếu phụ tỏ lời nỉ non:
"Hôm qua, Ngài đoái đến con,
Tấm thân cô quạnh chỉ còn một trai,
Dưới hoa, trẻ dại, giỡn chơi,
Bỗng đâu rắn lại quấn ngoài cổ tay.
Lưỡi le như chỉa ghê thay;
Con tôi cười cợt, quấy rầy lưỡi kia;
Trẻ liền nín lạnh, xanh lè,
Tại sao hết giỡn, môi lìa sữa tôi?
Kẻ nầy nói: Bị nọc rồi;
Kẻ kia lại bảo: Chết thôi còn gì!
Tiếc con, há để mất đi,
Tôi tìm hỏi thuốc duy trì mắt xanh.
Dấu răng nhỏ tí khó minh,
Rắn kia cợt giỡn, há đành cắn sao?
Một người mách: "Ở non cao,
Có ông Đạo sĩ thanh tao, áo vàng;
Kìa Ngài đi tới trên đàng,
Hỏi cho con bậu phép phương cứu nàn."
Đến Ngài, tôi khiếp sợ than,
Dở lên tấm vải che làn mặt con.
Tôi xin thành kính, cúi lòn,
Hỏi Ngài linh dược, giữ còn anh nhi.
Ngài không hất hủi tôi đi,
Nhưng Ngài nhìn trẻ, mà đầy lòng yêu;
Tay Ngài rờ nó nhẹ chiều,
Kế Ngài kéo vải phủ đều mặt tai,
Dạy rằng : "Thiếu phụ nàng ơi!
Ta rành môn thuốc cứu đời, mẹ, con,
Tô La(11) hột cải hỏi đôn,
Tránh nhà của kẻ bà con từ trần,
Ráng xin hột cải thuốc thần,
Đó Ngài phán dạy ân cần với tôi".
Mỉm cười, Phật đáp: "Thế thôi,
Mà nàng kiếm giống được rồi hay chưa?"
Tôi ôm thân lạnh, trẻ thơ,
Núi rừng, thành thị, đến thưa từng nhà:
"Cho tôi hột cải Tô La".
Bạn nghèo thương mến, lấy ra tặng liền.
Nhưng tôi tiếp hỏi chẳng quên :
"Trong nhà trước đã qui tiên người nào:
Vợ, chồng, con, cái, cần lao?"
Họ đồng đáp lại: "Chị sao hỏi kỳ?
Thác nhiều, sống ít đó chi"
Tôi bèn trả cải, lần đi mỗi nhà.
Kẻ nầy nói: "Cải đây là,
Nhưng mà đứa tớ ngày qua mãn phần".
Kẻ nọ bảo: "Ấy vật cần,
Nhưng chồng tôi đã lánh trần từ lâu".
Có kẻ thốt: "Giống sẵn hầu,
Mà người trồng tỉa chết đâu mùa rồi".
"Qui hoàn hột cải vậy thôi,
Nhà nào lại chẳng có người tử vong?
Tôi đành để trẻ bờ sông,
Lạy Ngài cầu thuốc để hòng cứu con."
Phật rằng: "Cô chớ lo toan,
Thuốc nầy chẳng được, lại còn thuốc kia,
Trẻ thơ vú mẹ đã lìa,
Từ hôm qua ngủ giấc hòe ngàn thu.
Nay nàng nên biết lấy câu:
Khắp trong thế giới khóc sầu như ngươi;
Khổ riêng dầu nặng mười mươi,
Hòa đồng chung chịu, lưng vơi nhiều phần,
Ta đành tuôn hết huyết thân,
Nếu công việc ấy dứt ngăn lệ nàng,
Nếu thông bí mật phũ phàng,
Khiến tình Luyến ái đeo mang khổ sầu.
Kẻ đưa người đến giàn lầu,
Cũng như đoàn thú dê trừu thấy đây.
Ta đương tìm kiếm Lẽ nầy;
Nàng về an táng tử thi con mình";
CHÚ THÍCH:

(11) Tô La (Tôla): Cân lường Ấn độ, nặng bằng một ru pi (roupie) tức tám grammes.
oOo

Mục đồng, Thái tử vào thành,
Trên sông Xô Ná(12) quang minh cuối cùng!
Bóng to tỏa xuống lộ trung,
Lòn theo cửa lớn có đông lính tuần,
Ngài ôm chiên nhỏ đến gần,
Làm cho lính tráng tần ngần trở lui.
Người ta sắp đặt xe rồi,
Kẻ buôn, người bán, mừng vui nhìn Thầy:
Thợ rèn đương nện, ngừng tay,
Chức công buông cửi, ký nầy nghỉ biên.
Kìa người đổi bạc, lãng tiền,
Bạch ngưu ăn lúa người quên giữ gìn;
Sữa tươi tràn chảy khỏi bình,
Mấy người bán sữa cố nhìn Tôn nhan.
Nhiều cô tựu hội hỏi han:
"Ông kia ôm lễ có doan lạ thường!
Vốn Ngài Đế Thích đó ư?
Hay là Chúa thượng hiện cư Thiên đường?"
Mấy người khác nói rõ ràng:
"Thượng nhơn ở núi với hàng tu Tiên".
Ngài đi, trí nghĩ triền miên:
"Tiếc thay thiếu kẻ chăn chiên giữ trừu!
Chúng đi đêm tối mịt mù,
Không người dắt nẻo, dao tu sẵn bày,
Khác chi đoàn thú hiện đây,
Chiên ta biết nói, thú nầy lại câm!
Có người tâu lệnh Muôn năm:
"Một nhà ẩn sĩ giáng lâm kinh thành;
Dắt theo đoàn vật hy sinh,
Mà vua định hiến chư Linh nơi đàn".

oOo

Tế phòng vua đã ngự an,
Bạch y tu sĩ(13) bày ban tụng trì;
Bàn thờ đặt giữa phòng nầy,
Trên thì ngọn lửa mấy thầy khéo nung,
Trầm hương giụm lại, ngọn xông,
Vì vèo, quày liếm rượu nồng, mỡ tươi.
Một dòng suối đỏ, đặc, lười,
Lượn quanh giàn hỏa, khói khươi nực nồng.
Đó là huyết thú chảy ròng,
Mặc dầu thấm cát, cũng không bớt gì.
Một con dê cái nằm ghì,
Thân hình lốm đốm, sừng thì nhô ra;
Kề dao trên cổ dê ta,
Mấy ông thầy cúng ngâm nga mấy lời:
"Kính trình Thần Thánh đến nơi!
Tần Bà Đại Đế đương thời khởi dâng.
Quí vì nên tỏ lòng mừng,
Trong dòng máu đỏ, thịt hừng thơm tho.
Tội vua từ nhỏ đến to,
Xin đem đổ trút vào cho dê nầy;
Thiêu dê, thiêu cả tội lây,
Bây giờ tôi sắp ra tay một lần".
Nhẹ nhàng, Phật bảo vua Tần:
"Đừng cho kẻ ấy sát thân mạng nầy".
Đồng thời, Ngài tháo hết dây,
Chẳng ai ngăn cản Bực đầy oai phong.
Kế Ngài xin phép giải thông :
Mọi người đều dễ dứt xong mạng đời;
Bảo tồn thì chẳng có ai;
Chúng sanh ham sống, so tài đấu tranh;
Sống là quí báu, tốt xinh,
Phận hèn cũng thích đời sanh kéo dài.
Lòng lành tôn trọng cuộc đời,
Thương người yếu thế, chống loài cường gian.
Ngài thay đoàn thú, thở than,
Đem lời phương tiện kêu oan, phân trần:
Loài người van vái Thiên Thần,
Đối cùng thú vật, không phần xót thương.
Những loài sanh sống thế thường,
Thảy đều liên đới bởi đường tông thân;
Thú mà mình giết để ăn,
Vẫn thường dâng nạp những phần sữa, lông.
Chúng tin ta thật trọn lòng,
Nhưng ta cắt cổ mà không ngại gì!
Ngài nương Kinh điển giải bày:
Có người đời tới đọa đày thú, chim;
Thú, cầm mang lốt hiện kim,
Mãn đời rồi sẽ tấn lên làm người.
Tế sanh là phạm tội rồi,
Vì mình chận cuộc Luân hồi định phân.
Phật bèn phán tiếp ân cần:
Há đem huyết rửa tinh thần được ư?
Thánh Tiên nếu sẵn hiền từ,
Ắt không ham thích máu chư thú cầm;
Các ngài nếu có ác tâm,
Máu không mua chuộc mà tầm hiến dâng!
Tội làm thì trả mới ưng,
Lẽ nào đổ trút trên lưng thú lành?
Chiếu theo Nhân Quả rành rành:
Thiện thì thiện trả, ác đành ác lai;
Thân làm, miệng nói, lòng khai,
Báo nương ba nghiệp, không sai lạc gì;
Cùng nhau liên tiếp ba thì(14),
Nhân đi, Quả lại, vần xây chẳng ngừng.
Từ Bi, Phật giải đúng chừng,
Lại thêm cốt cách, lẫy lừng oai nghiêm.
Đồ trang bị đã dẹp dìm,
Trên tay thầy cúng còn triêm máu hồng!
Đức vua tỏ vẻ khiêm cung,
Đến gần, tay chắp ngưỡng trông, vái chào.
CHÚ THÍCH:

(12) Xô Ná (Sona).
(13) Mấy thầy Bà la môn mặc lễ phục trắng.
(14) Ba thì: Quá khứ, Hiện tại, Vị lai.
oOo


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Ánh Sáng Á Châu

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

Bấy giờ, Đức Phật truyền trao:
Thế gian hưởng phước thanh cao thâm trầm,
Nếu chư vạn vật hảo tâm,
Kết giao, yêu mến, không tầm ăn nhau.
Hạt vàng, trái láng, cải rau,
Lại thêm nước sạch, mặc dầu no nê.
Lời Ngài phán dạy cao xuê,
Khiến chư tu sĩ bỏ bê cúng thờ.
Hôm sau có sắc chỉ đưa,
Truyền rao bằng miệng, lại vừa khắc ghi:
"Đức vua tuyên lệnh như vầy:
Súc sanh bị giết xưa rày để ăn,
Hoặc dùng cúng tế Thiên Thần,
Từ nay cấm nhặt sát thân mạng nào.
Cần gì món thịt thú sao?
Mạng sinh vốn một, vật nào khác ta!
Từ bi nên bủa ra xa,
Ta thương súc vật như là thương thân".
Đó là sắc chỉ định phân,
Chúng sanh từ đấy hưởng ân thái bình,
Loài người, chim chóc, súc sinh,
Vui nghe đức Phật giảng kinh sông Hằng.

oOo

Tâm Ngài bác ái công bằng,
Đối cùng mọi vật sức năng sinh tồn,
Thú cầm vẫn có tâm hồn,
Cũng như người thế, khổ buồn, sướng vui.
Trong Kinh, có chép việc rồi:
Thuở xưa đức Phật làm người La môn(15),
Ở gần Đa Lít(16) hương thôn,
Trong Muôn Đa(17) động đương lâm hạn càn.
Ruộng đồng lúa chết khô khan,
Ao hồ theo trảng lại hoàn đất teo.
Cỏ rau, cây cối héo queo,
Chúng sanh xuống núi qua đèo kiếm ăn.
Một con cọp cái đói nằm,
Bốn bề vách đá nắng hâm nực nồng;
Lưỡi le khỏi miệng lòng thòng,
Thở hơi hào hển, mắt trông xanh lè;
Áo rằn xếp lớp phủ che,
Xương sườn lộ ngắn như tre mái nhà;
Cọp con đôi trẻ rên la,
Kéo chằng, rút rỉa vú đà cạn khô.
Mẹ gầy liếm trẻ như ru,
Thấy con thiếu sữa, bèn tru vang rền.
Trước tình cảnh thảm như trên,
Thế Tôn từ ái phát lên ý nầy:
"Mau dùng phương tiện sẵn đây,
Cứu thân cọp mẹ với bầy hai con.
Chiều nay chúng chẳng sống còn,
Nếu không vật thực tươi giòn cấp cho.
Không ai thương xót liệu lo,
Cọp nầy thiếu máu, nằm co chết gầy.
Nếu ta tiếp dưỡng thú nầy,
Chẳng ai bị hại, riêng đây thiệt mình;
Cảnh tình thúc giục hy sinh,
Tấm lòng từ ái há đành hư hao?"
Nghĩ rồi đức Phật chẳng nao:
Cổi giầy, bỏ trượng, bạch bào, với khăn,
Cổi luôn dây quí đạo căn(18),
Bước ra khỏi bụi, đi phăng đến gần.
Đứng trên cát, Ngài tỏ phân:
"Ớ trang hổ mẫu! đồ cần ăn đây".
Thú đương hấp hối tỉnh ngay,
Hét gầm, nhảy tới, lật xây tặng phần;
Cẳng vồ, móc thịt ra ăn,
Máu theo móng hổ tua văng ra ngoài,
Hơi nồng thú mẹ hòa hài,
Với hơi hấp hối đức Ngài Từ Bi!
CHÚ THÍCH:

(15) La môn, tức Bà la môn (Brahmane), người đạo Bà la môn trong chủng tánh Bà la môn.
(16) Đa Lít (Dâlidd).
(17) Muôn Đa (Mounda).
(18) Dây quí đạo căn; Tiếng Pháp dịch: cordon sacré, sợi dây quấn bằng ba sợi chỉ mà người dòng Bà la môn đeo nơi cổ, trước ngực, tượng trưng dòng quí phái tu sĩ, lãnh đạo tinh thần. Người Bà la môn, khi được tám tuổi thì thọ lễ đeo dây ấy.
oOo

Chẳng riêng độ chúng hôm nay,
Dứt ngăn việc sát tế tay ác thần,
Ngàn xưa Phật đã thi ân,
Cứu loài sinh vật qua cơn tử nàn.
Vua Tần(19) nghe tiếng đồn loan:
Ngài là Thái tử mưu toan Đạo lành.
Vua cầu Ngài ở với mình:
"Thân là Hoàng tử, há hành khổ sao?
Tay Ngài để nắm quyền cao,
Sướng gì ôm bát, nhà nào cũng xin?
Đông cung, Trẫm sẽ nhận nhìn,
Dạy dân giúp nước, rồi gìn giữ ngôi,
Đền vua, Ngài ngự với tôi,
Trẫm tầm thục nữ sánh đôi với Ngài".
Đạt Đa chí hướng chẳng dời,
Đáp rằng: "Việc ấy ta thời hưởng qua;
Bỏ mà tầm Lý sâu xa,
Dẫu ngôi Đế Thích, lòng ta chẳng màng.
Đã toan làm bực Pháp vương,
Rừng Già Da(20) ấy ta đương tiến hành;
Chốn nầy tu tập chẳng thành,
Tuy dày khổ hạnh, có Kinh, bạn hiền,
Chừng nào đắc Đạo vẹn tuyền,
Bấy giờ trở lại đáp đền nghĩa ông".

oOo

Đi quanh Thái tử ba vòng,
Vua Tần đỉnh lễ, cầu mong cho Ngài.
U-Ran huy hóa (21) đến nơi,
Lòng Ngài chưa vững, mặt Ngài xanh xao;
Sáu năm tầm tỏi công lao,
Thân hình ốm yếu, hư hao thảm phiền.
Ngài còn ghé viếng chư hiền:
A La Ra(22), Ú Ra(23) miền cao sơn;
Viếng luôn Năm vị Đạo nhơn,
Luận bàn, vấn đáp, họ còn tự ty;
Đồ theo Kinh điển xưa ni,
Không cầu Giải thoát, tôn vì Phạm thiên,
Trí căn họ vẫn đảo điên,
Càng nghe càng chán, Ngài liền tách xa,
CHÚ THÍCH:

(19) Vua Tần Bà Sa La (Bimbisâra) ở thành Vương Xá (Rajagriha)
(20) Già Da (Gâya).
(21) U Ran Huy Hó (Ouralvilva)
(22) A La Ra (Alâra)
(23) Ú Ra (Oudra).
oOo


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Ánh Sáng Á Châu

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

PHẦN THỨ SÁU

Ở theo lưu vực Hằng hà,
Có ngàn vườn tược cùng là non xanh,
Rạch sông uốn khúc chảy quanh,
Cây cao bóng mát đơm cành quả, hoa.
Có rừng tên gọi Già Da(1),
Và miền đỏ thắm Bà Rà Bà sơn(2);
Sông Phan Gu(3) nước trong ngần,
Lượn theo vùng ấy, chảy gần Ưu Lâu(4);
Chốn nầy là cảnh hoang vu,
Bụi gai động cát lù lù đó đây.
Cuối cùng một cảnh rừng cây,
Tàng cao, lá sậm hiện ngay giữa trời,
Một con rạch ẩn dưới chồi,
Sen xanh lẫn trắng bời bời cá, quy.
Dựa bờ, thôn Xớ Ná Ni(5),
Nhà tranh yên ổn, bao vây những dừa;
Dân làng chất phát có thừa,
Quanh năm chuyên việc cày bừa ruộng nương.

oOo

Miền này yên tĩnh đủ đường,
Ở nơi rừng vắng Phật thường nghĩ suy.
Người đời trăm mối khổ nguy,
Mạng căn nhiều lối, kinh nghì nhiều môn.
Xét xem cầm thú sinh tồn,
Gẫm trong thanh tĩnh chứa dồn huyền linh.
Ở nơi cảnh giới u minh,
Có nhiều bí mật phải phanh cho tường;
Nghĩ cho cuộc sống bình thường,
Là dây liên lạc hai đường viễn khơi(6):
Tỷ như cầu móng trên trời,
Nối liền hai áng mây lài hai bên;
Bỗng đâu nhập cõi vô biên,
Các màu cực đẹp tự nhiên rã lìa.
Tháng này rồi đến tháng kia,
Ở trong rừng ấy, sớm khuya tham thiền.
Mảng ngồi lẳng lặng triền miên,
Giờ ăn đã tới, Ngài quên nhiều lần.
Có khi ra khỏi định thần,
Bát không để đó, tìm ăn sơ sài.
Trái rừng vài quả bên Ngài,
Khỉ quơ, két mổ, rụng rơi khỏi cành.
Vậy nên duyên úa dáng xanh,
Nhiệt thành tuyệt thực thân hình mòn hao;
Lần hồi mất vẻ thanh tao,
Băm hai tướng quý chẳng sao lộ bày.
Trẻ trung Hoàng tử mọi ngày,
Bây giờ còn lại xác gầy đáng thương!
Tỷ như chiếc lá héo vàng,
Chẳng còn giữ vẻ mịn màng tươi xanh.
CHÚ THÍCH:

(1) Già Da (Gâya).
(2) Bà Ra Ba (Barabar).
(3) Phan Gu (Phalgou).
(4) Ứu Lâu Tần Loa (Ourouvelaya).
(5) Xớ Ná Ni ( Senânni).
(6) Cuộc sống nối liền cho hai cảnh cách nhau: cảnh thanh tĩnh và cảnh u minh vừa nói trên.
oOo

Một hôm đuối mất sức mình,
Ngã ra trên đất như hình tử thi;
Hơi thở dứt, mạch ngừng đi,
Toàn thân lợt lạt, tứ chi chẳng dời,
Một chàng mục tử đến nơi,
Thấy Ngài nhắm mắt, nằm dài như đau;
Trời giờ ngọ chiếu xuống đầu,
Chàng đi bẻ nhánh dụm đâu che Người.
Sẵn đem sữa nóng còn tươi,
Bóp ra từng giọt nhểu môi cho Ngài.
Tránh ra chẳng đụng hình hài,
E thân hạ tiện phạm đời thanh cao(7).
Kinh rằng những nhánh dụm vào,
Tức thì hoa nở, mọc cao, trái đầy;
Bạc vàng xen lẫn lùm cây,
Trông như trướng gấm khi vua ngự hành.
Mục đồng lễ kính chí thành,
Tưởng Ngài là bực Thánh linh cõi Trời.
Thế Tôn vừa lúc tỉnh lai,
Ngài lần ngồi dậy muốn xơi sữa bò,
Mục đồng phúc đáp đắn đo:
"Bạch Ngài! không thể tiện cho sữa này,
Thủ Đà(8) giai cấp tiện ti,
Đụng Ngài, lo sợ nhiễm lây thân lành".
Thế Tôn phân giải đành rành:
"Nhu cầu, trắc ẩn tạo thành bà con,
Sang, hèn máu vẫn màu son,
Mặn là nước mắt, há toan lựa dòng?
Ai sanh trán sẵn điểm hồng(9),
Và nơi cổ ngực lòng thòng dây linh?
Công bằng thì được thăng vinh,
Gây điều tệ ác, bị khinh, đọa đày.
Em cho ta sữa hôm nay,
Chừng ta thành Đạo em lây hưởng nhờ".
Chàng nghe vui khoái lòng tơ,
Hai tay bưng sữa mà đưa Ngài dùng.

oOo

Một hôm có một đám đông,
Những trang thiếu nữ chung cùng đi qua;
Áo quần lòe loẹt tố sa,
Ấy là vũ nữ múa ca đền thờ.
Mấy chàng nhạc sĩ theo đưa,
Chàng này vỗ trống, cặm cờ lông công;
Chàng kia thổi địch hiệp cùng,
Một chàng trỗi nhịp tơ đồng ba dây.
Mấy cô theo lối đường mây,
Từ trên gò nổng xuống vầy lễ vui;
Dưới chân, lục lạc khua hồi,
Trên tay, vòng xuyến từng hồi chạm kêu.
Dây đờn trỗi nhịp với tiêu,
Mấy cô vũ nữ họa theo ít bài:
"Tiếng đàn khởi bản thanh bai,
Tức thời khiêu vũ hòa hài thêm vui;
Lên cung, dùn, thẳng vừa hồi,
Ắt làm thích thú khách ngồi dự xem.
So cung, thẳng lắm chẳng êm,
Dây đồng phải đứt, nhạc thêm bất thành;
Dây dùn thì lại mất thinh,
Giữ nơi Trung Đạo mới tinh sắt cầm".
Lời ca vũ nữ bỗng trầm,
Hòa cùng tiếng địch, tiếng cầm bay xa;
Dường như hồ điệp phớt qua,
Lan tràn khoảng trống rừng già đường truông,
Nào dè giọng hát khéo luồn,
Thánh nhơn ngồi tĩnh nghe luôn đủ bài.
CHÚ THÍCH:

(7) Bên Ấn Độ theo tục lệ Bà la môn, người giai cấp dưới chẳng dám đụng người giai cấp trên, e mình làm hoen ố sự trong sạch của người.
(8) Thủ Đà (Soudra): Bên Ấn Độ theo truyền thống Bà la môn, có bốn hạng người; Tứ chủng:
  • a. Bà la Môn chủng;
    b. Sát Đế Lỵ chủng;
    3. Phệ Xá chủng;
    4. Thủ Đà chủng.
Thủ đà cũng viết: Thú Đà La, là giai cấp làm ruộng rẫy, nông dân. Ngoài ra còn có giai cấp cùng đinh (Chiên Đà La).
(9) Người hạng Bà la môn và hạng Sát Đế Lỵ có vẽ giữa trán một điểm đỏ, để tượng trưng; điểm đỏ ấy kêu là Tin Ca (Tilka).
oOo


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Ánh Sáng Á Châu

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

Nhạc đoàn đi phía trước Ngài,
Thế Tôn ngước trán hùng oai phán rằng:
"Đây là một chuyện thường hằng:
Kẻ ngu thuyết dạy cho hàng trí khôn.
Cứu đời, muốn trỗi nhạc ngôn,
Nhưng ta lại kéo thẳng chồn sợi dây.
Bây giờ Chơn lý hiển bày,
Mắt ta mờ đục nào hay thấy tường?
Sức ta tới mức cùng đường,
Chính là phải lúc ta đương cần dùng.
Ước mong có kẻ ứng cung,
Nếu ta thác sớm đời không hưởng gì".

oOo

Ở trong xóm Xớ Ná Ni,
Có người thôn trưởng hành vi hiền từ.
Bò dê, tiền bạc có dư,
Thường hay bố thí cho chư bần hàn.
Cả nhà vui vẻ bằng an,
Tu Đà Xa(10) vợ khôn ngoan mỹ miều,
Hiền lương trung hậu đáng yêu,
Nói lời êm dịu, có chiều cao vinh.
Thật là hạt ngọc tốt lành,
Thờ chồng trọn đạo, gia đình yên vui.
Chỉ còn một nỗi buồn thôi :
Chưa sanh trai trẻ tiếp mồi lửa hương.
Nàng hay chiêm bái điện đường,
Lục Mi(11) thần nữ nàng thường cúng dâng.
Linh Gam(12) đá dựng to vầng,
Nhiều đêm trăng tỏ nàng tầng đến nơi,
Đi quanh thần đá kính mời:
Hương hoa, cơm bánh đồng thời cầu con.
Nàng còn cúng vái cơm ngon,
Đồ ăn mỹ vị bát toàn vàng y.
Hiến cho thần chúa rừng cây,
Nếu nàng sanh hạ hài nhi nối dòng.
Bây giờ đã được thỏa lòng,
Con trai ba tháng nằm trong bọc nàng.
Tu Xà Đa bước vội vàng,
Vào rừng cúng lễ Thần hoàng tạ ơn.
Tay nầy bồng trẻ báu trân,
Tay kia vịn lấy thức ăn trên đầu.
Ra Đa(13) là một gái hầu,
Đã đi từ trước quét lau đàn nầy.
Quấn dây thắm trọn thân cây,
Rồi nàng đi đến trình bày chủ nhơn:
"Thưa cô! kìa vị linh thần,
Hiện ra ngồi đó, tay chân kiết già.
Quanh đầu ánh sáng chói lòa,
Vẻ người cao lớn, hiền hòa anh linh.
Phúc thay cô cháu chúng mình,
Gặp hàng tiên thánh thình lình như nay!"
Ngỡ là Thần chúa rừng cây,
Tu Xà Đa sợ, lạy quỳ vái van:
"Thánh linh sức rộng phước ban,
Nay Ngài hiện lại, chúng con thấy tường;
Xin Ngài nhận lễ tầm thường,
Thức ăn bằng sữa, trắng dường tuyết đông".
Múc đồ vào bát vừa xong,
Rưới lên tay Phật nước hồng thơm tho.
Ngài ngồi lẳng lặng ăn no,
Tu Xà cung kính, đứng cho xa Ngài.
Thức ăn công hiệu không hai,
Làm cho sanh lực phục lai tức thì.
Đêm ngày kiêng cữ bấy nay,
Chỉ là giấc mộng, còn gì hại đâu?
Thân tráng kiện, tâm vững mầu,
Quyết còn cất cánh, há cầu nghỉ yên?
Tỷ như chim chán cảnh hèn,
Bỏ lìa sa mạc, làm quen giang hà.
Mặc tình lượn lại bay qua,
Nước trong tẩy sạch cổ và đầu chim.
Thấy Ngài mặt mũi trang nghiêm,
Nàng càng tôn kính, hỏi thêm mấy lời:
"Phải chăng Thiên chủ là Ngài?
Lễ con hiến cúng hợp xơi chăng là?"
Thế Tôn phán hỏi Tu Xà:
"Thức ăn đem đó vốn là món chi?"
Tu Xà Đa bạch tức thì:
"Chuồng bò có sẵn đủ bầy trăm con,
Thảy đều đẻ, sữa căng tròn,
Tự tôi nặn lấy, nuôi còn năm mươi;
Năm mươi bò trắng sữa tươi,
Tôi dùng bổ dưỡng hai mươi lăm bò.
Kế dùng sữa ấy đem cho,
Mười hai bò khác uống no nê lòng,
Rồi đem sữa ấy chuyển dùng,
Dưỡng nuôi sáu lứa đẹp trong các bầy.
Cuối cùng nặn sữa bò nầy,
Nấu trong nồi bạc, gia vì chất thơm,
Chiên đàn trộn lộn với cơm,
Hiệp thành một món mà đơm cúng dường.
Trước tôi phát nguyện rõ ràng,
Nếu sanh nam tử, liệu lường lễ chay.
Nay tôi có đứa con này,
Đời tôi hạnh phúc đủ đầy vậy thôi".
CHÚ THÍCH:

(10) Tu Xà Da (Soudjâta, Sujata).
(11) Lục Mi (loukshmi), nữ thần ban bố sự phong phú thạnh vượng, vợ của Thần Vishou (Tỳ Nữu).
(12) Linh Gam (lingam) đá nhọn đầu, biểu hiện Sức tạo tác.
(13) Ra Da (Radha).
oOo

Thế Tôn dở nhẹ vải nôi,
Rờ đầu đứa bé, miệng vui phán rằng:
"Nguyện ngươi phước lạc, an bằng,
Nguyện cho đứa trẻ đời hằng nhẹ lo.
Công ngươi giúp mỗ rất to,
Ta người đồng loại, chớ cho là Thần.
Vốn ta Thái tử anh quân,
Nay làm lữ khách dò lần Quang minh.
Sáu năm khổ nhọc tu hành,
Cũng chưa nhìn thấy ánh linh chói lòa.
Sẽ tầm cho đặng đó mà,
Ánh kia vừa lố, thân ta ngã nhào,
Khỏe nhờ thực phẩm nàng trao,
Đồ ăn rất bổ vì vào nhiều thân.
Cũng như sanh tử lắm lần,
Người thêm tấn hóa, bớt phần u mê.
Phải chăng nàng những chấp nê,
Cuộc đời đủ sức tạo bề sướng vui?
Sống đời, tình ái thế thôi,
Chỉ hai món ấy đủ rồi phải chăng?"

oOo

Tu Xà Đa đáp lại rằng:
"Bạch Ngài! bụng dạ thiếp hằng nhỏ nhoi,
Đám mưa thưa thớt hẹp hòi,
Làm cho hoa huệ nước oi đầy tràn.
Chồng vui ve, trẻ cười ran,
Nhà thường hòa ái, phước ban đủ rồi.
Tháng ngày thích thú lần trôi,
Lo tròn nội trợ là tôi thỏa lòng.
Trời lố mọc, tôi thức xong,
Nguyện cầu, dâng cúng chư vong thánh thần.
Sửa vườn, tưới nước, vun phân,
Kêu người ăn ở chia phân việc làm.
Giữa trưa chồng thiếp đi nằm,
Đầu kê bụng vợ đương cầm quạt quơ.
Trời chiều phẳng lặng như tờ,
Vợ chồng đoàn tụ, thiếp đưa bánh mời.
Dưới đèn chong ánh sao trời,
Nguyện cầu, chuyện vãn rồi thời ngủ nghê.
Sống đầy hạnh phúc, phải lề,
Tôi còn roi chút trai kề lửa hương.
Trong Kinh có dạy rõ ràng:
Ai trồng cây mát che đàng mà đi,
Cùng là đào giếng cứu nguy,
Sanh trai tuấn tú, thác thì siêu thăng.
Tôi tin Kinh điển lẽ bằng,
Vốn không trí tuệ cho bằng Thánh xưa;
Các Ngài biết rõ huyền cơ,
Luận đàm đạo lý với chư linh thần.
Tôi nay suy xét cân phân,
Thiện thì thiện đến, ác lần ác theo.
Sự tình như vậy thảy đều,
Xưa nay khắp chốn một chiều như trên.
Cội lành, trái ngọt mọc lên,
Cây loài độc địa, quả nên đắng chằng.
Tôi xem: dữ tạo thù hằn,
Làm lành vầy bạn, nhẫn bằng yên thân.
Đến khi mình tách cõi trần,
Cũng là có đủ phước phần như nay,
Biết đâu càng được thêm hay,
Lúa gieo một hột, sanh rày năm mươi.
Trong rừng cây nhỏ yếu lười,
Ẩn hoa chiêm bặc, sắc tươi trắng vàng.
Có khi sự khổ đa mang,
Người không nhẫn nỗi lang thang bụi hồng.
Tỷ như con thiếp mạng chung,
Tim này sẽ nát, mà không tiếc gì!
Bấy giờ hôn hít tử thi,
Rồi theo phu tướng mà đi khắp cùng.
Cam lòng giữ vẹn chữ tòng,
Chờ chồng thác trước mới mong tới mình.
Một mai nếu mất bạn tình,
Tôi lên giàn hỏa, hai hình đồng thiêu.
Kinh xưa có chép dạy điều:
Phụ nhơn tử tiết mà theo với chồng,
Tình yêu như vậy đắc công,
Muôn năm chồng hưởng phước trong Thiên đường.
Cho nên lòng thiếp vui thường,
Không lo, không sợ, xót thương nghèo hèn,
Làm lành tùy phận nhỏ nhen,
Tuân theo pháp luật, giữ bền lạc quan".
Thế Tôn ứng tỏ lời ban;
"Ngươi cho bài học cả ngàn vị sư;
Dầu cho giản dị danh từ,
Nhưng còn thông rõ hơn chư khóa trình.
Thà ngươi không có học hành,
Miễn là nghĩa vụ, công bình vẹn xong.
Sống đời như một cụm bông,
Bóng ngươi che mát, giữ trông trẻ nầy.
Ánh quang Chơn lý gắt gay,
Không dùng chiếu diệu lá cây mịn màng;
Phải chờ nhiều thuở khác sang,
Lá hoa sẽ trổ vinh quang dưới trời.
Ngươi tôn ta bực đức tài,
Ta nay kính trọng ngươi thời hảo tâm;
Ngươi thông đường lối chẳng lầm,
Như chim câu nọ xa xăm biết về.
Giúp người hy vọng giữ bề,
Ngươi còn chỉ cách tu tề chí cao.
Nguyện ngươi được phước dồi dào,
Nguyện ta thành đạt công lao cứu trần!
Vốn ngươi tưởng mỗ là Thần;
Xin ngươi hộ niệm ân cần cho ta".

oOo


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Ánh Sáng Á Châu

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

Nàng rằng: "Tôi rất thiết tha
Cầu Ngài Đạo nghiệp cao xa mau thành!"
Nàng vừa nhìn đứa con mình,
Nó đưa hai cánh hoan nghinh đức Thầy!
Bấy giờ, Ngài khoẻ khoắn ngay,
Nhờ dùng món bổ vừa dâng của nàng.
Ăn xong, đứng dậy gọn gàng,
Ngài đi đến một cội tàng lớn kia;
Cây nầy, sau gọi Bồ Đề(14),
Tươi xanh muôn thuở chứng ghi Đạo Lành.
Cội cây, Chơn lý viên thành,
Đó là tiền định sẵn dành Thánh ngôi.
Đức Thầy vẫn biết vậy rồi,
Nghiêm trang bước tới, sắp ngồi dưới cây.
Ớ nầy trần thế đó đây!
Tỏ niềm vui thoả vì Thầy đến nơi!
Tàng cao giăng rộng trên khơi,
Rễ như cột trụ điện đài thông nhau;
Đất đai cảm động Lẽ mầu,
Trổ sanh hoa đẹp, cỏ màu xanh tươi.
Cành cây hạ xuống che Người,
Gió sông thổi tới, đượm rười mùi sen.
Cọp, beo, heo, lộc lẫn xen,
Đêm nay hòa thuận, nhìn xem mặt Ngài.
Một con rắn độc hiện lai,
Tỏ niềm cung kính mà quơ cái đầu.
Mấy con bướm đẹp đủ màu,
Lắc lư đôi cánh, quạt hầu Thế tôn.
Chim diều đánh rớt mồi ngon,
Sóc rằn chuyền nhánh, ngó dòm Như lai.
Chim hoành hoạch dựa ổ dài,
Kêu lên vui vẻ, chào Ngài Thích Ca.
Giống bay, giống chạy xướng ca,
Đến loài bò lết cũng là hân hoan.
Dưới mặt đất, trên không gian,
Hòa đồng tiếng hát, ngân loan mấy lời:
"Kính chào Cứu thế Thương đời!
Giận, Kiêu, Dục, Sợ, Nghi ngờ dẹp lui!
Hiến thân cho thế hẳn rồi,
Vậy Ngài bước tới mà ngồi Cội cây;
Thế trần hộ niệm Ngài đây,
Chúng nhờ đức Phật dứt dây khổ nàn.
Ngài nên chinh phục hoàn toàn!
Nay là đêm chót thế gian trông chờ!"

oOo

Màn đêm vừa phủ bụi mờ,
Cội cây đại thọ bấy giờ ngồi yên.
Ma vương rất đổi ưu phiền,
Biết Ngài là Phật tới phiên đắc thành;
Ngài toan giải thoát chúng sanh,
Ra đi cứu độ hữu tình trần ai.
Ma vương liền phát lệnh sai
Âm binh, quỉ mỵ các nơi tụ về.
Trích Na, Ra Gá, Ra Ti(15),
Các đoàn mê dục, ngu si, tham tàn,
Những phường u ám, nhát gan,
Chúng sanh ghét Phật, mưu toan bất tường.
Dầu ai trí huệ phi thường,
Cũng không biết được chiến trường ra sao.
Quỷ ma dùng cách thế nào,
Đêm nay dẹp phá Lý cao Phật đà?
Có khi giữa cuộc bão sa,
Sấm vang, sét giáng, chớp lòa bao giăng,
Dường như chỉa nhọn nhiều răng,
Bầu trời đỏ rực đứt phăng đủ chiều.
Khi dùng mưu chước mỹ miều,
Chúng cho xuất hiện sắc nhiều cảm mê.
Trỗi câu hát xướng tình huê,
Đem lời rủ rỉ dựa kề gợi duyên!
Có khi hứa hẹn oai quyền,
Hoặc cho Chơn lý là phiền luống công.
Giặc ma như vậy ở trong,
Hay là cảnh tượng ngoài vòng thân tâm?
Các ngài thử xét thậm thâm,
Tôi theo Kinh cổ chép cầm thi ca.
CHÚ THÍCH:

(14) Bồ đề (Boudhi): Vì Phật đắc Bồ đề (Đạo) nơi cội cây ấy, nên về sau người ta gọi là cây Bồ đề. Ấy là cây Pipal, ficus religiousa, hiện còn ở gần tỉnh Bihar ngày nay (Bodh Gaya, Bồ đề đạo tràng).
(15) Trishna, Raga, Arati.
oOo

Mười điều tội lỗi hiện ra,
Có nhiều thế lực, Vua Ma kết bè.
Tội đầu, Vị ngã(16) chẳng e,
Miễn mình cao vượt, há dè đến ai!
Xướng rằng: "Ngài tới Phật đài,
Mặc cho kẻ khác miệt mài âm u,
Miễn Ngài đầy đủ công tu,
Mau lên Thiên Thượng mặc dầu hưởng Vui".
Phật rằng: "Lẽ đó là tồi,
Bất công đưa lại lôi thôi tai nàn,
Gạt ta, ngươi chớ có toan,
Hãy đi lừa kẻ chỉ an phận mình".
Tội hai, Nghi hoặc(17) hẳn đành,
Kề bên tai Phật dỗ dành khúc nôi:
"Việc chi cũng ảnh bào thôi,
Thấy xa hiểu rộng, than ôi ích gì!
Ngài theo bóng dáng đó chi,
Hãy đi cho khỏi chốn nầy còn hơn.
Đành cam, chẳng cứu người trần,
Làm sao cản được xa luân quay hoài?"
Phật rằng: "Nghi hoặc chàng ơi!
Gã là nghịch tặc tinh bai hại người!
Ngụy tài đó đến vẹn mười,
Ta không bị gạt bởi ngươi đâu mà".
Chấp nê giới cấm(18) tội ba,
Tín tâm mù quáng, mê sa lạy quì;
Hiện thân phụ nữ một khi,
Có hai chìa khóa cầm tay lù lù:
Chìa nầy đóng cửa Ngục tù,
Chìa kia mở nẻo lên khu Thiên đường.
Nàng rằng: "Nếu đó can trường,
Dẹp như Kinh Kệ, phế hàng Thần Tiên,
Bỏ đi tượng ảnh trong đền,
Phá luôn tôn giáo từng phen hộ trì".
Phật rằng: "Ngươi xúi bỏ đi,
Chẳng qua bỏ cái hình hay đổi dời:
Nhưng còn Chơn lý đời đời,
Vậy ngươi mau trở vào nơi tối mò".
Thứ tư, một gã thử dò,
Có tuồng dạn dĩ, ra trò lẳng lơ;
Ca Ma Vua cả tình tơ(19),
Tiên, Người kính phục, trông chờ duyên may.
Tươi cười, bước đến dưới cây,
Cung vàng cầm sẵn, kết dây hoa hồng;
Mang theo dục tiễn lòng thòng,
Mũi là năm ngọn lửa nồng đốt tâm.
Quanh chàng, trong khoảng sơn lâm,
Nhiều đoàn mỹ nữ mày tằm, mắt xinh,
Tay trổi nhạc, miệng ca tình,
Đêm thanh lẳng lặng nghe trình bản hay;
Chị Hằng, tinh tú ngừng xây,
Lắng nghe giọng hát tỏ bày, nguyệt hoa.
Các nàng cám dỗ Phật đà,
Ca rằng: "Tam giới, đàn bà là hơn;
Mông thơm ngát, ngực hoa hờn,
Vóc mình đề đạm, cân phân thấy thèm,
Máu sôi vì mảnh thân em,
Lòng chàng nên chuộng, mà xem tót vời;
Thiên đường hẳn thật là nơi,
Người trần vui thỏa phước đời như Tiên.
Dầu cho lao khổ há phiền,
Miễn là thú hứng liền liền đổi thay!
Khi cùng bạn ngọc choàng tay,
Trăm ngàn khổ não cũng bay mất rồi!
Một hơi thở sướng đủ thôi,
Trần gian phó mặc, kề môi với nàng".
Miệng ca, tay múa dịu dàng,
Mắt ngời tình tứ, môi hường cười duyên.
Khiêu dâm vũ khúc tiếp liền,
Trích đôi hán ngọc, chơn tiên, tay mềm,
Dường như hoa lú lom lem,
Lộ màu, nhưng nhụy còn kèm ở trong
Đêm thanh vũ nữ trổ hồng,
Há còn cảnh sắc mặn nồng hơn đây?
Mỗi cô lần đến cội cây,
Cô sau càng đẹp, càng gây men tình.
Thưa rằng: "Tất Đạt đại huynh,
Em hầu bên bạn, miệng xinh hiến chàng;
Bạn nên nhìn thiếp rõ ràng,
Xuân xanh hương vị em đang vừa thì."
Thế Tôn trí chẳng lung lay,
Ca Ma thấy vậy, quơ cây cung thần.
Cả đoàn vũ nữ lui chân,
Một hình tuyệt đẹp bước lần tới nơi:
Da Du hiền nội của Ngài,
Mắt sa giọt thảm, đưa hai tay bầu.
Nàng rên ngọt dịu, ưu sầu,
Kêu tên Thái tử, yêu cầu thở than:
"Thưa Ngài em khổ muôn ngàn,
Xa nhau, em những lệ tràn vì ai!
Nhớ chăng hạnh phúc cả hai,
Cảnh nhà khoái lạc, sông dài Rô Hi?
Nhiều năm chàng đã ra đi,
Nay xin trở lại xum vầy với nhau!
Kề môi, dựa má, nghiêng đầu,
Dứt cơn mơ mộng, héo xàu đó đi.
Chàng nên đoái tới thiếp đây,
Vẫn là bạn ngọc những ngày ấp yêu!"
Phật rằng: "Hỡi bóng mỹ miều!
Giả làm hiền nội, đánh liều gạt ta.
Không đành quở mắng đó a,
Vậy ngươi vội vã lánh xa cho rồi".
Trong rừng, dội tiếng như lôi,
Trọn đoàn mỹ nữ đều lui gót hài.
Đương khi mưa gió mịt trời,
Tội tình tiếp tục tới nơi đủ mười:
Thứ năm, Sân(20) hiện ra người,
Ngực đầy những rắn bám bươi vú nàng;
Giận nhau hút gió kêu vang,
Xen cùng tiếng chửi rủa quàng chửi xiên.
Nàng Sân sức chẳng đáng kiêng,
Thánh nhơn nhìn tới, nàng liền nín ngay;
Rắn kia thun lại tức thì,
Răng tua lưỡi nhọn một khi thụt vào.
Sáu là Luyến Sắc giới(21) cao,
Hiện ra Thiên thượng cảnh nào cũng xuê.
Bảy là Vô Sắc ái(22) kia,
Mối lòng tham trước của bề siêu linh;
Công tu Giải thoát sắp thành,
Nhưng còn mong hưởng Thiên đình vô biên,
Tám là Kiêu mạn(23) chẳng hiền,
Chín là Tự ái(24) ưa thiên trong mình,
Thứ mười nữ tặc vô minh(25),
Dắc theo một lũ dị hình gớm ghê,
Lết bò, bay nhảy, cà tê,
Cũng như cóc nhái, dơi kia đen sì.
Vô minh, nữ quái xấu hì,
Màn đêm vì nó, càng dày mịt thêm;
Núi non rúng động dưới thềm,
Gió gào, mây lủng, mưa đêm dầm dề.
Sao băng, đất động bốn bề,
Bầu trời chớp nháng, tiếng ghê vang rền:
Hăm he, nguyền rủa, kêu rên,
Quỉ thần Hắc ám ứng lên phá Thầy.
Phật đà chẳng kể đếm chi,
Ngài ngồi an tĩnh, đức dày chở che;
Giữ cơn giông tố nặng đè,
Cây Bồ đề vẫn không hề động diêu,
Lá êm chiếu ánh đều đều,
Cũng như những buổi trời chiều trăng trong,
Hét la, chấn động hãi hùng,
Đạo tràng yên ổn như không việc gì.
CHÚ THÍCH:

(17) Nghi hoặc: Pháp: Doute; Phạn: Visikitcha; Hồ nghi đối với chánh pháp.
(18) Chấp nê Giới cấm (Phạn: Silabbat-paramâsa): chấp nệ giới hạnh nhỏ mà bỏ Đại đạo, ham lễ bái cầu nguyện mà không tĩnh tâm Giải thoát.
(19) Phạn: Kama, lòng áidục, mong cuộc vui sướng tình ái vợ chồng, vui thích Năm dục (Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc) trong Dục giới, từ cảnh Người tới cảnh Tiên.
(20) Sân: Pháp: Haine; Phạn: Patigha.
(21) Luyến Sắc giới, Phạn: Rouparaga, Thích hưởng các cảnh Thần Tiên trong cõi Sắc giới, cao hơn Dục giới (Kama).
(22) Vô sắc ái tức Vô sắc giới ái, Vô sắc giới dục; Phạn: Arouparaga. Lòng mong hưởng cảnh Tiên Vô sắc giới. Vô sắc giới có bốn cảnh từ thấp đến cao là:
  • a. Không vô biên xứ.
    b. Thức vô biên xứ.
    c. Vô sở hữu xứ.
    d. Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
(23) Kiêu mạn: Phạn: Mano; Pháp: Orgueil.
(24) Tự ái: Phạn: Ouddhatcha; Pháp: Amour-propre.
(25) Vô minh: Phạn: Avidya; Pháp: Ignorance.
oOo


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Ánh Sáng Á Châu

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

Canh ba, cảnh vật thanh di,
Quỷ ma tản lạc, gió lay mát trời.
Tam Bồ đề định(26) tới nơi,
Thế Tôn nhìn thấy mọi đời đã qua;
Thấy gần rồi lại thấy xa,
Năm trăm năm chục số là tiền thân.
Tỷ như người nọ đăng sơn,
Quay nhìn cảnh vật dưới chơn của mình:
Đây là đường nhỏ uốn quanh,
Dài theo vực, hố, rừng xanh rậm rì.
Nọ là mấy chỗ bưng, lầy,
Người từng mỏi mệt trở xây dưới bùn.
Kìa là mấy đảnh hãi hùng.
Thiếu đều trật té nhưng vùng gượng lên.
Dưới kia, đồng cỏ tươi bền,
Động hang, thác nước gần bên ao hồ.
Ruộng đồng mút mắt tít mù,
Đó là khởi điểm lộ đồ non cao.
Lịch trình Phật chẳng khác nào,
Ngoái nhìn những thuở lao nhao, thấp hèn,
Lần lên đời đẹp đáng khen,
Đến nay đạt Cảnh cao ven trọn lành.
Tiền thân gieo giống đã đành,
Hậu thân gặt hái quả mình tạo ra.
Tạm ngừng, rồi lướt đường xa,
Duy trì phước cũ, lỗi qua phải đền;
Mỗi đời, lành tạo việc hên,
Dữ thì chuyện xấu theo bên thân mình.
Chết rồi chẳng dứt sự tình,
Thiếu, thừa tạm gác để dành về sau,
Đó là toán thuật rất mầu,
Phước kia tội nọ ghi sâu chẳng lầm;
Đến khi đời khác tái lâm,
Được, thua, thân, ý do mầm thuở xưa.

oOo

Nửa đêm khi ấy cũng vừa,
A Bì Nhã(27) trí thừa ưa đắc liền;
Phật nhìn khắp cả các miền :
Địa cầu, nhựt, nguyệt tiếp liên tinh thần;
Vô lường, vô số khó phân,
Thảy đều tuần tự chuyển vần tự nhiên.
Tỷ như biển cả vô biên,
Chứa nhiều hải đảo đứng yên ngàn đời;
Không gian ví tợ biển khơi,
Hoàn cầu như đảo số thời biết bao!
Thế Tôn thấy các ngôi sao,
Cái nào vua chúa, cái nào quan, dân;
Nhỏ hầu theo lớn hưởng ân,
Ở trong vũ trụ, tách phân từng đoàn,
Cùng nhau dìu dắt, bảo toàn,
Đem nguồn ánh sáng chiếu tràn lẫn nhau.
Ngài nhìn thấy cõi xa sâu,
Những ngôi nhỏ bé xây hầu ngôi to,
Cứ theo thế ấy lần dò,
Mà sanh năm, tháng, ngày, giờ phân minh.
Ngài tường tuổi thọ chư tinh,
Đó là kiếp số(28) nhơn tình khó thông.
Các ngôi tinh tú đều đồng:
Sanh rồi Trụ, Dị, Diệt cùng nối nhau.
Phật nhìn từ chỗ chí sâu,
Lần lên đỉnh thượng hoàn cầu mỗi nơi;
Lặng xem hình thức, chuyển dời,
Pháp nghi chế định khiến sai âm thầm,
Pháp nầy thế lực cao thâm,
Tối tăm nhờ đó đi tầm quang minh;
Tử rồi thì lại hoàn sinh,
Trống không thành có, sắc hình hiện ra;
Vật chi trước đã xấu xa,
Lần hồi tốt đẹp, sau là toàn chân.
Pháp nầy có trật tự ngầm,
Không ai ban bố, cản ngăn được nào;
Còn hơn các vị Tiên cao,
Toàn quyền, bất biến, không sao luận bàn.
Quyền nầy tạo tác, phá tan,
Tạo ra trở lại, trị an muôn loài.
Tốt xinh, thành thật, ích đời,
Là ba lẽ Đạo hạp nơi quyền hành.
Thuận theo đạo ấy là lành,
Ví bằng chống nghịch, chẳng thành công đâu.
Côn trùng tùy phận há cầu?
Chim diều xớt thịt để hầu nuôi con;
Sương mai chói, ánh sao tròn,
Cũng đem công tác xen bò việc chung,
Sanh rồi, kế đến tử vong,
Con người phải biết thác trong nhơn nghì;
Ở ăn hạp lễ chúng vì,
Giúp nhơn cứu vật trong khi lâm nàn;
Đừng làm trở ngại Tuần hoàn,
Chớ ngăn sức tiến muôn ngàn tánh linh.
Lý như vậy, Ngài thấy rành,
Giữa đêm ngồi tĩnh dưới cành cây cao.
CHÚ THÍCH:

(26) Tam Bồ đề định: Phạn: Sammâ-Sambouddh. Cũng viết: Tam miệu Tam Bồ đề; Dịch nghĩa: Chánh đẳng Chánh giác.
(27) A Bì Nhã: Abhidjna. Đắc cảnh trí nầy, Phật nhìn thấy các thế giới, các tinh tú trong hoàn vũ. Cũng như đắc phép định Sammâ-Sambouddh nói trên, Phật thấy đủ các tiền thân của Ngài.
(28) Kiếp hay Kiếp ba (Kalpa); Dịch giả Arnold chú giải: Một Kiếp có 4.320 triệu năm. Có Tiểu kiếp, Trung kiếp, Đại kiếp. Theo Phật học từ điển: 1 Tiểu kiếp: 16.800.000 năm; 1 Trung kiếp: 336.000.000 năm; 1 Đại kiếp: 1.344.000.000 năm.
oOo


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.15 khách