VƯỜN NAI

Kính mời các bạn cùng tham gia sáng tác và sưu tầm kệ thi ca Phật giáo.
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: VƯỜN NAI

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

Phần III - PHỤ CHÚ
SANH, GIÀ, BỆNH, CHẾT TRÊN TÂM
Bốn tướng sanh, già, bệnh, chết được nhìn trên một tâm.

1. SANH: Niệm được đẻ ra. Có ra niệm, thành ra ý niệm. Thành ra một ý nghĩ. Có khởi nghĩ. Tình trạng dấy niệm, khởi niệm.

2. GIÀ: Niệm được nẩy nở, lớn lên, lan ra, kéo dài. Thành ra dòng niệm, chuỗi niệm, thành dòng tư tưởng. Trải qua một thời gian. Đơn vị thời gian này được tính bằng sát na (một sát na bằng 1/90 niệm). Một niệm, một ý niệm trải qua nhiều sát na thì trở nên già đi.

Khi già đi thì nó khắn chặt, kết đọng. Niệm, ý niệm, khư khư, dai dẳng, lằng nhằng. Tình trạng niệm chồng niệm, niệm niệm liên tục.

3. BỆNH: Niệm, ý niệm, dòng tư tưởng bị lở lói, đổi tới đổi lui, bị đứt quảng, bất chừng, có quên, có lẫn, có chồng chéo, có nhập cục, lỗ đỗ, rời rạc (như bị mối ăn). Tình trạng niệm bị suy thoái.

Lại bệnh vì có vi trùng độc (tham), phát bệnh nóng sốt (sân), bệnh lạnh rét (si). Nóng lạnh không chừng, tức âm - dương bất hòa sinh ra các bệnh khác (mạn, nghi v.v...).

4. CHẾT: Niệm, ý niệm bị tan hoại, biến mất. Tình trạng niệm vô thường (tự diệt), ở dạng lặng lờ, vô ký, mờ mịt, cứng đơ.

Bốn tình trạng này đưa đến sự bất an trong tâm. Thì đây là khổ.

Cái khổ, sự khổ nầy mở đầu từ sanh. Nên sanh là khổ. Có sanh nên có khổ.

Ở trên thân xác thì có sanh ra thân xác nên có già, bệnh, chết xảy ra trên xác thân, nên khổ thân.

Ở trên tâm hồn, thì có sanh ra niệm. Niệm tạo thành thân xác của dòng tư tưởng, nên có già, bệnh, chết xảy ra trên thân xác niệm. Đây là cái khổ và là nguồn gốc khổ (Làm khổ tâm mà khổ cả thân).

Sinh hoạt tư tưởng của con người là sinh hoạt trong vòng bốn tướng sanh, già, bệnh, chết. Hết chu kỳ sanh - chết này lại tiếp nối sanh - chết khác. Cứ như vậy mà diễn ra. Đây là sinh hoạt trong vòng luân hồi. Một dòng sanh - chết bất tận. Đây là cõi khổ mênh mông có thể gọi là cõi Ta bà vậy. (Ta bà: Tạp ác, tạp sanh thế giới. Cõi đầy dẫy viếc ác xấu, đủ các loại chúng sanh).

Và đúng vậy, từ cõi Ta bà trong tâm mà chiêu cảm cảnh Ta bà thuộc thế giới hiện tượng thành cõi luân hồi cụ thể, có đủ sáu loài: trời, người, A tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.
  • TỨ NIỆM XỨ
Tứ Niệm Xứ là cụm từ chữ Hán. Thông thường được dịch là: Bốn Niệm Xứ. Tứ là bốn; Niệm là nhớ, ghi nhớ đến, ghi lòng; Xứ là chỗ, nơi, chỗ nơi.

Vậy Tứ Niệm Xứ là bốn chỗ nhớ đến, hay bốn chỗ để ghi lòng.

Hoặc có thể là ghi lòng bốn chỗ, nhớ bốn chỗ, hay bốn nhớ. Ta có thể gọi là Bốn nhớ. Bốn chỗ này cần phải quan tâm, phải để ý, chú ý đến. Bốn đó là:
  • 1. Thân.
    2. Thọ.
    3. Tâm.
    4. Pháp.
Bốn này, ở một con người đời là bốn chỗ gây khổ, tạo khổ, chịu khổ. Khổ vô cùng cũng từ bốn chỗ. Thế nên với người tu, con người hiểu đạo phải luôn luôn đề cao cảnh giác bốn chỗ này. Nhớ mà giải khổ bốn nơi. Để giải khổ này gọi là tu, gọi là quán, gọi là tu quán, tu quán Tứ Niệm Xứ.

Quán Tứ Niệm Xứ, nhằm quán để trừ tâm dính mắc, chấp bám trên bốn chỗ:
  • - Trừ tâm dính mắc trên Thân.
    - Trừ tâm dính mắc trên Thọ.
    - Trừ tâm dính mắc trên Tâm.
    - Trừ tâm dính mắc trên Pháp.
Tất cả chỉ là "trừ tâm dính mắc". Tâm dính mắc tức là cái tâm ý, tâm vọng phân biệt, là tâm vọng thức (tâm ma mị, tráo trở, giả).

Tâm vọng thức hay là ý niệm phân biệt. Thế nên quán tức là trừ ý niệm phân biệt. Gọn hơn là trừ niệm phân biệt, hay gọn hơn nữa là trừ niệm.

Niệm là vọng, không thật, không nên bám vào cái không thật, nên phải bằng trí mà rõ niệm. Xả niệm tức là xả vọng, xả cái giả, lìa cái giả - bỏ đi cái vọng (xả là bỏ).

Như vậy quán hay tu Tứ Niệm Xứ là:

Xả niệm, xả đến tận cùng. Có niệm là xả, dù niệm thiện hay ác. Vì có niệm là có chấp một trong bốn chỗ, chấp là khổ. Phải xả triệt để và rồi cũng phải xả luôn hạnh xả.
  • ĐỐN TIỆM QUA PHÁP THIỀN TỨ NIỆM XỨ

    I. ĐỐN TIỆM
Bài kinh Niệm Xứ thứ mười trong kinh Trung Bộ tập 1 (trang 148-150, Đại Tạng kinh Việt Nam Ap2) có đoạn:

"Này các Tỳ kheo, vị nào tu tập Bốn Niệm Xứ này như vậy trong bảy năm, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, chứng quả Bất Hoàn. Này các Tỳ kheo, không cần gì đến bảy năm, một vị nào tu tập Bốn Niệm Xứ này như vậy trong sáu năm, trong năm năm, vị ấy có thể chứng một trong hai quả vị sau đây: Một là chứng chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, chứng quả Bất Hoàn. Này các Tỳ kheo, không cần gì đến một năm, một vị nào tu tập Bốn Niệm Xứ này như vậy trong vòng bảy tháng, vị ấy có thể chứng một trong hai quả vị sau đây: Một là chứng chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, chứng quả Bất Hoàn. Này các Tỳ kheo, không cần gì đến bảy tháng, một vị nào tu tập Bốn Niệm Xứ này như vậy trong vòng sáu tháng, trong năm tháng, trong ba tháng, trong hai tháng, trong một tháng, trong nửa tháng, vị ấy có thể chứng một trong hai quả vị sau đây: Một là chứng chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, chứng quả Bất Hoàn. Này các Tỳ kheo, không cần gì đến nửa tháng, một vị nào tu tập Bốn Niệm Xứ này như vậy trong bảy ngày, vị ấy có thể chứng một trong hai quả vị sau đây: Một là chứng chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, chứng quả Bất Hoàn(*)... Này các Tỳ kheo đây là con đường độc nhất, đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết bàn. Đó là Bốn Niệm Xứ".

Qua lời kinh đã thấy rõ vấn đề thời gian cho việc tu pháp Tứ Niệm Xứ. Thời gian này có hai mức rõ rệt: hoặc là bảy năm, hoặc là bảy ngày. Điều này cho phép ta nói rằng: pháp thiền Tứ Niệm Xứ có Đốn và có Tiệm (Đốn là mau, Tiệm là chậm). Đốn là bảy ngày, Tiệm là bảy năm.

1. Thiền Tiệm (Niệm Xứ Tiệm):

Tiệm hay tiệm tiến là chậm từ từ mà tiến đến, tiến lên hay tiến tới mục tiêu. Hành thiền Tứ Niệm Xứ, nếu từng bước quán thân trên thân, quán thọ trên thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên pháp, quán từ từ diệt lần lần những niệm trên thân, thọ, tâm, pháp, diệt từng tâm, từng niệm một thì đây là lối hành Thiền tiệm.

Lối tu quán niệm để diệt niệm. Diệt niệm sanh ra là một điều đúng. Vì có sanh nên có khổ não ưu bi. Từ nơi niệm mà có tham, sân, si, mạn, nghi v.v... có chấp thân, chấp tâm, chấp cảnh sắc, có chấp căn, trần, thức. Có khổ xảy ra.

Nhưng niệm thì nhiều vô số ở một con người. Vì vậy để diệt sạch hết tất cả niệm thì công trình này phải thật dài hạn. Theo kinh thì phải mất bảy năm. Thật ra với thời gian bảy năm, không phải là dài lâu so với đời người. Với thời gian này quá "khiêm nhượng" để diệt sách tất cả niệm ở một con người, nếu bằng cách diệt trừ lần lần, từng niệm một.

Thế nên thời gian bảy năm là xong, hay gần xong là một thời gian quá lý tưởng! Việc này khó có người đạt được.

Xong thì được chánh trí, được Niết bàn. Chưa xong thì được quả Bất hoàn tức là quả thứ ba A na hàm, được hữu dư y Niết bàn. Với thời gian này được quả Bất hoàn là khả dỉ, còn đối quả Niết bàn thì thật xa vời vợi. Thời gian bảy năm vì thế có thể gọi là thời gian "khuyến khích" hơn là thời gian hạn định.

Trong pháp thiền này, phải luôn luôn có sự đối đầu, luôn có hai: Có ta và niệm. Lại thấy "ta" là thiệt (cái trí quán), cái "niệm" là thiệt (cái bị quán). Và niệm sanh khổ cũng là thiệt (niệm thiệt, sanh thiệt, khổ thiệt). Thấy cái nào cũng thiệt cả đến tham, sân, si... cũng cho là thiệt.

Cho đến thấy cái "diệt", "sự diệt" cũng thiệt luôn. Niệm sanh cũng là thiệt, niệm diệt cũng là thiệt. Do vì thấy món nào cũng là thiệt hết, nên vô tình chấp pháp có tự tánh mà không hay. Thấy pháp có tự tánh là trái với tánh thể, trái với chân thật, trái Niết bàn, nên ra công rất nhiều, rất lâu mà chậm đến mục tiêu.

Chính vì thấy thiệt ở các món nên thành ra chướng ngại, sự thật chúng nào có thiệt. Chúng chỉ là huyễn thôi. Có mà chỉ là giả có.

Con đường tiệm tu. Thiền tiệm ngỡ rằng dễ hành mà lại có chướng ngại không hay nên lại là khó (dễ đầu khó cuối). Vì rằng hành Thiền tiệm tu, Thiền tiệm là hành thiền ở trên cái tướng của tâm. Chấp vào tướng mà tu, nên đối với tâm chân thật nó chỉ là cái bóng mà thôi. Thế nên thật khó nối ráp, hòa nhập tâm thể, nên khó chứng ngộ Niết bàn.

Niệm đã là thật thì làm sao diệt được. Cố diệt nên chỉ sanh mệt mỏi. Tiếc thay! Không hiểu ra niệm chỉ là một bóng trong tâm mà thôi!

Đó chính vì không nhận ra tự tâm, mà lại khởi tu. Cõi Niết bàn là ở ngay tại tự tâm. Thế nên khó chứng, khó đạt đến Niết bàn là vậy. Chỉ tạm thời có được hữu dư y Niết bàn, một thứ Niết bàn giả. Tu theo Thiền tiệm là xây dựng nhân trái quả (gieo nhân sanh diệt). Nhân sanh diệt nên quả sanh diệt mà Niết bàn lại là vô sanh. Nên không vào được Niết bàn.

Đối pháp Tứ Đế có bốn bước, thì Thiền gọi là tiệm là khởi hành từ bước thứ tư, từ Đạo đế.

2. Thiền Đốn (Niệm Xứ Đốn):

Đốn là nhanh lẹ, mau chóng. Thiền Đốn là con đường hành thiền mau lẹ, nhanh chóng đến mục tiêu. Là con đường hành thiền mau đến Niết bàn, chóng hòa nhập Niết Bàn. Con đường thiền này vì chóng trừ Tập nhân, chóng giải khổ nên chóng chứng Niết bàn.

Thiền này đi từ ngộ mà tu, nên được gọi là Thiền đốn ngộ.

Với pháp Tứ Đế có bốn bước, thì người gọi là hành Thiền đốn ngộ là người khởi hành từ bước thứ ba, từ Diệt đế. Người đến bước thứ ba của Tứ đế, được nghe, được chỉ cho thấy về cõi tịch diệt, người này ngay đây nhận ra được cõi tịch diệt tự nơi lòng mình. Nhận ra cõi tịch diệt tức hay ra được cõi vắng lặng an vui đã sẵn nơi chính mình. Đây được gọi là ngộ.

Ngộ "tịch diệt" là ngộ cõi Niết bàn. Nơi đây vắng bặt mọi khổ đau, không có bóng dáng phiền não. Vô minh mất hút. Tham, sân, si, mạn, nghi... rõ ra là không thật, chúng hoàn toàn không dính dáng, không có mặt trong đây. Bao nhiêu niệm lự cũng không có nốt. Vắng và vắng, bặt và bặt - là "tịch diệt". Đây chính là tánh tự tâm, tánh chân thật của tâm chân thật (tâm bản thể). Tánh này trong sáng rõ ràng, không vật, rỗng không, thênh thang trùm khắp, chan hòa bất động, như như, sừng sững không lay động (Cũng gọi là tánh thật của tham, sân, si..., tánh thật của phiền não).

Vì vậy tánh này được gọi là tánh không, là chơn không. Tánh không này đích thực là tánh mình, là mặt mũi xưa nay của chính mình, là tự tánh, là thân chân thật. Đây mới thiệt là cái thật nhất. Ngoài ra không có chi thật cả.

Người một phen ngộ tánh này, biết rõ rằng tham, sân, si v.v... dù có mà không thật; niệm dù có mà không thật. Cái khổ, sự khổ dù có mà không thật v.v... tất cả những cái đã từng cho là có thiệt thảy đều là không thật, chúng chỉ là giả có mà thôi (Khổ đế, Tập đến chỉ có với người mê, là thật khi đang mê).

Chúng chỉ như là bóng trong gương, trăng đáy nước, chớp trong trời không. Có chỉ là giả có, có như huyễn, như ảo mà thôi. Chúng nó dù có và diễn ra trong tâm, nhưng chúng đều mang tánh chất của tâm. Thành ra cái tánh thật của chúng cũng chỉ là tánh tự tâm, cũng chỉ là tánh không (Không là tánh của tâm).

Niệm, tham, sân, si ..., tánh thật của chúng cũng thảy là tánh không. Vì tánh thật của chúng là tánh không, nên chúng không thật có. Chúng giống như những bọt nước có ra từ nước vậy. Bọt nào không mang tánh nước, không mang chất ướt. Ướt là tánh nước nên cũng là tánh bọt. Vậy khi bọt tan thì về nước. Dạng bọt thì không thật mà chất ướt, nước mới thật.

Như chất bọt côca côla chính là chất nước côca côla.

Lại như những bóng trăng trong nước. Bóng trăng nào không mang tánh nước, không mang chất ước. Thế nên tánh bóng trăng chính là tánh nước. Tánh nước là ướt mới thật, còn trăng trong nước thấy như có mà nào có thật đâu. Bóng trăng chỉ là giả có thôi!

Cũng giống như bóng trong gương vậy. Bóng trong gương có đó mà chúng đều phải mang tánh của gương. Tánh của gương là sáng soi, trong suốt, thì bóng phải mang tánh trong suốt ấy. Vì vậy bóng trong gương có nhưng không thật, cái thật là tánh trong suốt của gương.

Rồi lại như có sấm chớp, có tối sáng trong hư không. Sấm chớp, tối sáng thấy dường như có nhưng thực ra chúng không thật có. Vì chúng có từ hư không nên phải mang tánh hư không. Mà tánh hư không là rỗng không, nên chúng cũng phải mang tảnh rỗng không. Đã rỗng nên chúng không thật có, có nháng lửa, có sấm rền, có tối, có sáng, mà thật thì không, nên rồi chúng có mà không. Chúng là giả, còn tánh rỗng không của hư không mới là thật.

Người ngộ, rõ được niệm, tham, sân, si... như vậy.

Nhưng dù có ngộ mà người ấy chưa phải là xong, vẫn còn dư tập, vẫn còn tham, sân, si, vẫn còn niệm trong lòng nên vẫn phải còn tu. Người này phải xử dụng Tứ Niệm Xứ để tu, để phá chấp thân, chấp tâm, chấp cảnh sắc (ngộ là tình trạng "hay ra" sự thật liền đó tức thì, tức khắc. Nhưng dư tập hãy còn. Ngay khi ngộ không có thời gian).

Có điều người này đã thấy rõ sự thực ở ngay tâm mình, rõ thế nào là tâm ta và thế nào là niệm hư vọng. Rõ tánh tâm và tánh niệm, tánh tham, sân, si v.v... (người này đã phát sanh trí huệ, thấy đúng như thật).

Giờ đây người tu cũng còn có niệm, nhưng không phải đối đầu để diệt trừ nữa. Không còn gây nên cảnh chiến tranh mà tâm làm chiến trường nữa. Người đã ngộ tâm, ngộ tánh nên rõ niệm là hư vọng, tham, sân, si cũng là hư vọng, như là huyễn, là bóng nên không còn hơn thua, xua đuổi, hủy diệt gì nữa. Chúng là bóng nên không trừ (khi đã gọi là ngộ thì bao nhiêu lầm mê, chấp bám, bao loạn tâm lọan tưởng ngay đó sụp đổ cái ào. Cái ngu, cái chấp muôn đời liền đó không còn nữa. Rõ ràng sự thật gọi là kiến tánh. Từ đây có kiến giải chân chánh mà khởi tu.

Trừ bóng là si, là ngu. Cố trừ bóng là tham, sân - tự mình chuốc khổ, chuốc nhọc nhằn. Người này không làm việc: muốn gương sạch lại gia công chùi bóng, lau bóng. Muốn nước trong lại đi mò vớt, đập vỡ bóng trăng trong nước. Muốn uống nước côca côla mà lại đi gạt bọt, vớt bọt bỏ đi. Muốn trời trong sáng lại đi trừ sấm diệt chớp, diệt tối, diệt sáng.

Mà người này chỉ bằng ánh nhìn trong lặng, vô hiệu quá niệm, tham, sân si v.v.... Chúng chỉ là cùng dòng máu của mình thôi mà bấy lâu không biết, để chúng hoang tàn phá phách. Nên không giết, không trừ chúng, mà chỉ phát huy dòng máu, phát huy năng lực "lặng trong" mà lặng trong chúng gọi là hòa giải, là tiêu dung, là nối dòng máu thắm, xóa thù hằn xưa. Đây là phát huy năng lực tự tánh.

Năng lực này mang tánh trong suốt, không nhiễm ô, lặng yên bất động. Có khả năng hóa tán si mê, nên gọi là trí huệ. Một thứ trí huệ chân chánh, nên cũng gọi là chánh trí.

Bằng sức sống chánh trí (trí tự tâm) mà:
  • - Soi nhìn đến thân, gọi là quán thân.
    - Soi nhìn đến Thọ, gọi là quán thọ.
    - Soi nhìn đến Tâm (ý), gọi là quán tâm.
    - Soi nhìn đến Pháp, gọi là quán pháp.
Soi thân thì thân chơn Tịnh; soi Thọ thì thọ chơn Lạc; soi tâm thì tâm chơn Thường; soi pháp thì pháp chơn Ngã (Vì thân, thọ, tâm, pháp thảy đều mang tánh không, thảy không ngoài cõi tâm).

Người này đã tu quán Tứ Niệm Xứ một cách thần tình lỳ diệu, được gọi là Quán Tự Tại. Người này đã thâm ngộ được chỗ mầu nhiệm của pháp (ngộ pháp), thế nên công phu trở nên nhanh chóng. Chóng trừ Tập nhân, chóng diệt khổ đau, chóng sanh chánh trí, chóng chứng Niết bàn. Vì tu được như vậy nên trong thời gian ngắn thôi, thì pháp tu trở nên viên mãn, xong việc quán niệm. Người được dúng như lời kinh, chỉ tu trong bảy ngày là xong.

"Này các Tỳ kheo, không cần gì đến nửa tháng, một vị nào tu tập Bốn Niệm Xứ này như vậy trong bảy ngày, vị ấy có thể chứng một trong hai quả vị sau đây: Một là chứng chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, chứng quả Bất Hoàn"... Nếu theo kinh Trung A Hàm thì chỉ trong vòng sớm tối, người này đã hành Tứ Niệm Xứ kỳ diệu như vậy. Đây là công phu Đốn, là thứ Thiền đốn ngộ. Có chứng nghiệm được pháp thiền này nên mới hay lời Phật nói trong kinh là dúng đắn, chí lý.

Này các Tỳ kheo đây là con đường độc nhất, đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết bàn. Đó là Bốn Niệm Xứ
".

Như vậy mới thấy, chỉ có tu Thiền đốn mới đúng như chỗ mong muốn của Phật, mới thực hiện đúng điều Phật nói, Phật dạy.

Thiền đốn vì vậy là pháp thiền rất trung thật với pháp Tứ Niệm Xứ. Việc ngộ Tứ đế, chứng thánh quả tức thì này được diễn ra ở pháp hội "Vườn Nai" với năm anh em ông Kiều Trần Như. Các vị nghe đức Phật điểm hóa vừa xong là liền giác ngộ, chứng Thánh quả (A la hán), trở thành Tăng bảo đầu tiên.

  • II. THIỀN TIỆM NGỘ:
Giữa khoảng thiền tiệm và Thiền đốn, có người hiểu được lý bản thể gọi là ngộ lý (ngộ giải). Người này hiểu có cái tâm chân thật và hiểu được niệm là giả, không thật chỉ là vọng, là huyễn (tâm vọng). Dù có hiểu được vậy mà chưa phải thật ngộ, chưa nhận ra cõi tịch diệt, chưa ngộ tánh không. Người này từ sự hiểu biết mà khởi tu (tu Tứ Niệm Xứ). Bước đầu cũng đối đầu với niệm, đối đầu với vọng niệm. Người này biết niệm chỉ là vọng (vọng = không thiệt), những cái tâm chợt nổi, chợt lặn, biết nó chỉ là vọng, là không thiệt, là giả nên không theo. Chỉ không theo "tâm sinh diệt", không theo (vọng) niệm, chứ không phải cố diệt, cố trừ. Đây gọi là "biết vọng không theo" hay gọi là "giác sát vọng tưởng", hoặc là "chỉ quán".

Do công phu như vậy trải qua một thời gian, một lúc nào đó "vọng" chợt lặn và "chợt" nhận ra chỗ không vọng. Người hoát nhiên tỏ rõ, muôn duyên đều bặt, đất trời dường thênh thang. Như người chiêm bao chợt tỉnh, như người qua cái chết chợt hồi sinh, như người từ trong hang tối bước ra ánh sáng, như người mù được sáng, như người bịt mắt buông tay, rõ rằng hư không lồng lộng mà bấy lâu đi tìm lại không thấy. Người này hay ra "sự thật" là như vậy: Một "sự thật rất an bình", là sự thật rỗng không mênh mông bất tận, bất động dao, không một vọng nào. Người này được gọi là ngộ.

Đây cũng là ngộ cái mình đã hiểu từ trước. Là ngộ "tịch diệt", là ngộ chơn tâm, là ngộ tánh không, hay ngộ đạo, ngộ pháp, hoặc là kiến đạo, kiến tánh.

Như vậy, người này do tu lần lần, tức Tiệm tu, hành Thiền tiệm mà đưa đến tình trạng ngộ này, nên ngọi là Thiền tiệm ngộ.

Và rồi kể từ khi ngộ này mà khởi tu tiếp, người này sẽ trở thành người hành Thiền đốn. Pháp thiền đã được chuyển từ Tiệm sang Đốn (cũng hành Tứ Niệm Xứ). Người này giờ đây cũng là đốn ngộ, đốn tu, đốn chứng, chánh trí phát sanh, tấn nhập Niết bàn, Tập nhân đau khổ được giải trừ. Đời sống trở nên an vui bất tận (như trường hợp II - Thiền Đốn).

Chú Thích:

(*) Bất hoàn Chỗ này ở kinh Trung A Hàm tập II cũng qua bài kinh tựa "Niệm Xứ" tại trang 578 có thêm một đoạn như sau: "Không cần phải đến bảy ngày đêm, sáu, năm, bốn, ba hay hai ngày đêm, cũng không cần trong một ngày đêm, nếu Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni nào trong từng khoảng khắc lập tâm chánh trụ nơi Bốn Niệm Xứ, nếu buổi sáng thực hành như vậy thì buổi tối liền được thăng tấn, nếu buổi tối thực hành như vậy thì nhất định sáng hôm sau sẽ được thăng tấn". (Kinh Trung A Hàm, nói về hai quả chứng: hoặc chứng cứu cánh trí ngay trong hiện tại, hoặc chứng A na hàm nếu còn hữu dư).


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: VƯỜN NAI

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

TINH TẤN - HỶ - KHINH AN (THẤT GIÁC CHI)
Trong Thất Giác Chi có ba món liên quan mật thiết, đó là: Tinh tấn - Hỷ - Khinh an.

- Tinh tấn là siêng năng tiến tới, gắng gổ miệt mài, nỗ lực thực hiện, nhiệt tâm làm việc, sốt sắng không lơi là lơi lỏng. Ở đây tinh tấn thực hiện pháp tu mình đã chọn. Tinh tấn khơi công phu, siêng năng bắt tay vào việc hành trì pháp tu

Nhưng tinh tấn như thế nào? Tinh tấn trong tư thế, tâm thái nào?

Đó chính là tinh tấn trong tư thế, tâm thái Hỷ và Khinh an.
  • - Hỷ là vui tươi, tươi tắn, tươi tỉnh, tươi cười, tươi mát, tươi thắm. Là một trạng thái tâm hồn nhiên, thư thái, thảnh thơi, phấn chấn, tỉnh táo. Một tâm hoan hỷ.

    - Khinh an là nhẹ nhàng, yên ổn, điềm đạm, ung dung, khoan thai, tinh tế, an bình, tự tại. Là một trạng thái tâm nhẹ nhàng thư thả, an tỉnh. Là một cử động êm nhẹ, yên lành, không bộp chộp, không nóng nảy, không gấp gáp, không vội vàng. Một sự cất nhăc đề khởi chính xác, êm thắm, yên lành.
Như vậy tinh tấn siêng năng phải bằng thái độ Hỷ và Khinh an làm nhân. Tinh tấn siêng tu trong tâm thái vui và yên nhẹ. Tinh tấn trong sư tươi tỉnh ung dung nhẹ nhàng. Tức tinh tấn trong sự an vui. Siêng tu mà phải siêng tu trong sự an vui. Vui mà tu, yên mà tu. Đề khởi công phu trong sự tỉnh táo nhẹ nhàng.

Có lấy an vui làm nhân thì mới có quả an vui. Đây là điều quyết định phải như vậy. Tinh tấn như vầy là chánh tinh tấn, là sự siêng năng đúng đắn vì đúng nhân quả.

Vả lại có siêng năng được như vậy mới đủ an vui tỉnh táo mà phát triển pháp tu, mới đủ sức vượt khó, mới đủ sức đi hết con đường quán niệm. Có tỉnh táo, có ung dung nhẹ nhàng, có thư thái, mới phát huy tiềm năng trí quán đến tối đa, đến vô cùng.

Nhớ rằng đường tu không dễ dàng, không đơn giản. Đây là một con đường khó khăn nhất trần gian. Vì thế phải có nguồn khởi nhân tu thật tốt, thật an lành thì mới đủ để cung cấp sức lực cho trí quán. Phải bằng vui mà tu. Phải bằng an ổn nhẹ nhàng cất nhắc đề khởi công phu quán niệm.

Tu bằng an vui, nhẹ nhàng, thư thả thì tu hoài không nản, không chán, không mệt mỏi. Và lúc nào cũng thấy rõ đối tượng dù thô hay tế, dù nhỏ nhiệm tinh vi đến bực nào. Cho đến khi nào triệt tiêu tất cả đối tượng.

Như vậy tức là lúc đầu, lúc giữa, lúc cuối, lúc nào cũng vẫn là bình tỉnh, ung, dung, nhẹ nhàng phát động công phu. Dù tình trạng xấu tốt như thế nào vẫn phải giữ vững tư thế. Giữ vững Hỷ, Khinh an sẽ đưa đến thành công.

Tu như vầy là vừa tu vừa an vui, vừa an vui vừa tu. Sự lợi ích có ra liền theo sự ra công, không phải đợi lâu, chờ xa. Việc này giống như vừa ăn, vừa đi, vừa đi vừa ăn, nên đi bao xa cũng được, đi bao lâu cũng không ngán, không nản. Phải nhớ thật kỹ, thật rõ hai tâm thái này trong sự tinh tấn. Ta phải nhớ và thực hiện đúng công thức như sau:
  • TINH TẤN - HỶ - KHINH AN
Bộ ba này là nguồn lực phi thường để thực hiện một pháp tu được thành công. Chớ đừng tinh tấn mà không biết gì đến Hỷ và Khinh an. Tinh tấn mà thiếu hai yếu tố Hỷ và Khinh an là tinh tấn trong thiếu hiểu biết, tinh tấn trong mù quán, thiếu phương pháp. Sự tinh tấn mù quáng thiếu hiểu biết sẽ đưa đến nhiều sai lầm trên đường công phu. Như vậy sự thành công sẽ không đạt, hay nếu có, chỉ là kết quả sai lầm không giá trị.

Tinh tấn không phải là sốt sắng ào ạt trong nhăn mày, nhíu mắt, trong cắn răng, cắn lợi, trong sự bậm trợn, trong sự nặng nề, ạch đụi. Trong sự ra công tới tấp, hốp tốp, hấp tấp, nóng vội, gấp rút, bướng bỉnh. Trong vụt chạt, trong thô tháo. Hay trong bực bội, trong tức tối, trong bức xúc, bức bách, bức rứt.

Trong một trạng thái tâm rối loạn, mất bình tĩnh, thiếu sáng suốt, muốn mau lẹ, muốn xong ngay, xong liền. Tinh tấn siêng năng như vậy sẽ tạo một sự căng thẳng cho thần kinh, sẽ bất lợi cho sức khỏe và bất lợi cho công phu, cho tâm thần.

Nghe nói: "Sinh tử sự đại, vô thường tấn tốc" (việc sanh tử là lớn, việc vô thường mau chóng lắm) hay "Cần tu như lửa cháy dầu" v.v... Rồi nóng nả ra công ráo riết. Ra công vội vàng, ra công tốc chiến tốc thắng... để cho được giống như lời dạy trên. Quyết liệt ra công mà không cần biết gì khác (không hỷ, không khinh an), việc này giống như người sợ bị ma đuổi, cắm đầu cắm cổ chạy, mà lại chạy trong đêm tối, không đèn đuốc. Chạy như vậy sẽ bị vấp rễ cây, chướng ngại vật mà té, sẽ bị sụp hầm hố.... rất là nguy hiểm. Việc chết chóc sẽ rất dễ xảy ra.

Tưởng chạy liền, chạy lẹ, chạy quýnh quán, sợ mà chạy là hay sao? Lầm rồi, rất lầm. Lại như đá banh, khi bắt được banh rồi cứ lo dẫn banh, cố dẫn, nóng lòng dẫn một lèo đến khung thành (nóng lòng gỡ thua) sút vào, banh tung tưới... Tưởng như vậy là hay sao! Banh tung lưới mà không nghe một tiếng vỗ tay, tiếng reo hò nào! Tại sao? Vì việt vị. Đường banh vất vả tung lưới đó chỉ là vô giá trị, không được tính điểm. Uổng công hoàn toàn!

Cầu thủ này vì chỉ biết có banh, có chân cẳng, có sự nóng lòng gỡ huề mà lại cái đầu không có con mắt. Thế nên tinh tấn siêng năng mà thiếu phương pháp, thiếu hiểu biết, đó là siêng năng tai hại, đáng trách.

Biết bao nhiêu thí dụ cho sự siêng năng thiếu phương pháp này. Trong kinh đức Phật đã dạy điều này cho một vị Tỳ kheo, khi vị này tu tinh tấn đến nỗi sanh ra áo não. Đức Phật hỏi vị Tỳ kheo rằng:
  • - Khi ở nhà ông làm nghề gì?
    - Con làm thợ đờn.
    - Dây đờn dùn thì sao?
    - Không kêu được.
    - Dây thẳng thì sao?
    - Tiếng kêu cụt ngẳn.
    - Dùn thẳng vừa chừng thì sao?
    - Dạ, đủ các âm thanh.
KIẾN ĐẠO - TU ĐẠO
Trên đường hành thiền có hai bước:
  • - Kiến đạo sở đoạn hoặc (thấy đạo dứt mê lầm).
    - Tu đạo sở đoạn hoặc (Tu đạo dứt mê lầm).
Thì lối Thiền tiệm chưa gọi là kiến đạo, nên còn "hoặc", chưa đoạn "hoặc", tức là chưa dứt được lầm mê. Vậy người tu Thiền tiệm hãy còn lầm. Dù đã biết ứng dụng Đạo đế để mà tu. Nhưng phải hiểu nghĩa thật đúng của chữ đạo.

Kiến đạo là thấy đạo, nghĩa là xả cái thấy đời (Đạo đối với đời). Đời là ràng buộc, khổ. Đạo là giải thoát, an vui.

Vậy Kiến đạo là thấy cái cõi giải thoát, chỗ an vui. Đây là chỗ không bóng dáng Tập nhân, phiền não, vô minh, khổ (Cõi này không một pháp, không một vật).

Có thấy đạo như đây mới đoạn dứt "hoặc", đoạn dứt mê lầm. Mới không còn cái thấy sai, cái thấy chưa tới nơi, chưa đúng, chưa chính xác đối với chân lý, với sự thật tự tâm.

Kiến đạo như vậy tức là ngộ đạo. Ngộ đạo là chánh kiến. Từ đây mới có kiến giải chân chánh, và mới rõ ra rằng Đạo chính tâm - chơn tâm. Vậy ngộ đạo chính là ngộ tâm. Ngộ đạo như vậy mới thực sự là trừ tất cả tà kiến, mê chấp.

Nếu ngộ đạo này, thì Đạo đế trở thành siêu phương tiện, chứ không còn là một phương tiện, phương pháp bình thường như bao phương tiện, phương pháp khác (Nó không còn như là chiếc bè nữa).

Khi này thì người kiến đạo không còn có nghĩa là thấy Đạo đế, Bát chánh đạo bình thường nữa, mà người này gọi là kiến đạo tức kiến Diệt, kiến Tịch diệt, kiến Niết bàn, tức là kiến Diệt đế.

Vậy, Đạo đế khi này tức là Diệt đế. Diệt đế tức là Đạo đế. Đây là con đường không đường, pháp không pháp và được gọi là tâm pháp.

Bằng cái thấy như vầy mà tu gọi là tu theo "Nhân quả đồng thời". Là hình ảnh đức Phật ngồi trên tòa sen. (Hoa sen đồng thời có bông, quả và gương - có hoa và có quả).

Thế nên bước thứ hai "Tu đạo đoạn sở hoặc" là bước hóa giải vô minh, phiền não, Tập nhân. Sự hóa giải này thật là kỳ diệu. Từ thể Đạo mà hóa tán "hoặc", làm tan biến lầm, tiêu dung tất cả vi tế hoặc; những lầm lẫn nhỏ nhiệm sâu kín được giải tỏa hết. Vì: tánh thật vô minh tức tánh đạo.

Nên bao nhiêu vô minh, phiền não đều triệt tiêu tan nhanh vào cõi Đạo. Không trừ, không diệt mà tự tiêu. Như ngọn đèn pha sáng rực rọi vào bóng tối, rọi đến đâu bóng tối liền hóa sáng đến đó. Như mặt trời lên, bóng đêm sương tuyết đều tan biến. Đây gọi là tu, gọi là hành thiền. Tu như vậy được gọi là "xứng tánh khởi tu". Là ngộ thiền, đạt thiền.

Đây là tu mà không tu, không tu mà tu. Tu vầy mới thật là chơn tu. Công phu này được gọi là "vô công dụng hạnh", hay "vô công dụng đạo".

Và do vì kiến đạo mà khởi tu nên đạo mới thành, gọi là thành đạo, đạt đạo, chứng đạo. (Bởi thế nếu khởi tu mà không kiến đạo thì đạo đâu mà thành, đạo đâu mà đạt, đạo đâu mà chứng?)

Người tu được như vầy được gọi là "Trực nhập đốn siêu đăng thánh địa", chỉ là "một nhảy vào đất Như Lai".

Đây gọi là đốn tu, đốn chứng, vì là đốn ngộ. Và được gọi là đốn siêu phương tiện.

Từ kiến đạo, tu đạo như trên để thấy rõ nếu chỉ biết đến kiến đạo qua Đạo đế và tu qua ba mươi bảy món trợ đạo đơn thuần thì đó chỉ là kiến đạo. Tu đạo ở bước ban đầu, ở bước tạm thời mà thôi.

Nhớ rằng ba mươi bảy món này được gọi là trợ đạo. Nên chúng chỉ là trợ mà thôi, trợ giúp, phụ vào cho việc tu đạo. Chỉ "trợ" nên là vai trò phụ, không phải là vai chánh. Thế nên khi phải dùng vào thì nên biết rõ vai trò mà đừng lầm, đừng mắc kẹt.

Chúng ta nên biết Đạo đế như là con đường băng của sân bay. Là con đường trải nhựa để máy bay chạy lấy trớn mà vọt lên không gian, bay lên trời (Đường băng là phương tiện thô, tạm thời nhờ vào).

Quan trọng là phải biết lấy trớn để cất cánh. Việc chính yếu là đường bay trên không trung chứ không phải là đường băng. Thế nên chớ vì thấy đường băng tráng nhựa láng đẹp mà sanh ham thích rồi bám chấp không bỏ được, không xả được, để rồi không cất cánh được. Đừng để tình trạng dáng tiếc này xảy ra! (Đường bay trên không là siêu phương tiện). Lên được không trung tha hồ mà vọt hết ga, bay khắp trời. Năng lực hết sức phi thường. Không như cứ chạy hoài trên đường nhựa, dù cố gắng nhiều cũng lòng vòng trên con đường nhựa mà thôi.

Nếu máy bay loại siêu thanh, phản lực thì lại bay trên mấy rất êm, rất lẹ. Lại nếu máy bay là phi thuyền không gian thì vượt tầng khí quyển ra ngoài trái đất đến các vì tinh đẩu khác.

Theo thí dụ trên thì đạo, kiến đạo, tu đạo phải được hiểu suốt như vậy. (Kiến đạo phải được hiểu tượng trưng với ngộ đạo).
LỜI CUỐI SÁCH
TÁN THÁN PHÁP TỨ ĐẾ
Tứ Đế, một pháp thật hay, Đúng là Diệu - Diệu Đế. Tứ Đế quả là một con đường đưa đến đạo Thánh, quả Thánh - Đúng là Tứ Thánh Đế. Pháp Tứ Đế vì vậy xứng là: "Vô thượng, thậm thâm vi diệu pháp" (Vòi vọi rất sâu pháp thật hay).

Với pháp này đức Phật đã nêu lên cõi tịch diệt qua Diệt đế. Đức Phật đã nêu lên cõi Niết bàn. Đây là nêu lên cõi Phật. Nêu lên để tất cả cùng thấy - thấy cõi Phật - cõi không một chút khổ đau, cõi an vui trọn vẹn, vắng bặt hoàn toàn bóng dáng tham, sân, si, phiền não, vô minh. Vắng mặt Tập nhân!

Nêu lên cõi Phật là nêu lên tánh Phật, dòng giống Phật (họ Phật). Nêu lên tánh Phật để người chịu nhìn, thấy được họ mình, dòng giống mình - thấy được tánh Phật. Thấy tánh Phật, tức là thấy Phật chủng, thấy được mình là dòng giống phật. Biết được mình là dòng giống Phật, tức rõ mình thuộc dòng giống giác.

Dòng giống giác là dòng họ an vui hạnh phúc trọn vẹn. Vì dòng giống này ngự trị khắp cả đất trời, khắp cả tam thiên đại thiên thế giới. Dòng giống này vì thế là của báu đầy ắp cả mười phương, không một dòng họ nào có thể sánh được.

Và giống Phật, dòng giác có tuổi thọ ngang trời đất - vô lượng thọ - nên không có sanh, già, bệnh, chết trong đó. Đây là dòng họ vô sanh, vô diệt, thường còn bất biến.

Lại là một dòng giống đầy ánh sáng - vô lượng quang - ánh sáng chói tỏa rạng ngời khắp tham thiên, vượt hơn mặt trời, mặt trăng trong khắp thái dương hệ. Nên không có một bóng tối nào trong đó. Đây là dòng họ trí huệ siêu việt sáng soi không ngằn mé, luôn luôn hiện hữu.

Dòng họ này lại đầy đủ muôn ngàn công đức - vô lượng công đức - Công đức chan rải cho khắp cả muôn loài, gây ích lợi cho tất cả chúng sanh. Công đức này không bao giờ hao hụt, khiếm khuyết. Công đức tràn đầy như hư không trùm khắp. Nên công đức đến chúng sanh thật đầy đủ, thật viên mãn, không có lẫn tiếc.

Qua Tứ Đế, đức Phật nêu lên tánh Phật để hàng đệ tử hữu duyên đón nhận mà tiếp nối giống Phật chủng, tiếp nối dòng giống Phật. Có sự tiếp nối mới không làm đoạn tuyệt dòng Phật. Người nhận được chính là con Phật - là Phật tử. Người này là con mắt sáng trong hàng trời người để dẫn đạo trời người, nhưng ai cần ra khỏi đêm dài sanh tử, cánh rừng vô minh dầy đặc. Người có được như vậy mới xứng gọi là báo ơn Phật.

Quy y Phật là cốt nối dòng giống Phật, cốt nối Phật chủng. Đây cũng là vì chúng sanh mà phải như vậy. Thế nên, khi đức Phật đã nêu lên thì hãy dồn hết thân tâm mà đón nhận. Dồn thân tâm chính là xả thân tâm. Hãy khéo xả thân tâm mà đón nhận. Hãy hồn nhiên mà đón nhận. Chớ cô phụ đức Từ phụ.

Đức Phật đã thương chúng sanh biết bao, đã khéo léo làm sao, vì muốn cứu độ chúng sanh khỏi khổ sanh tử mà nêu lên pháp Tứ Đế. Ngài đã nêu lên một cách rõ ràng về Diệt đế. Nêu lên để chỉ cho kho báu vô tận, mà từ kho báu này có thể tạo cho mình cõi an vui tột cùng - một cõi Cực Lạc.

Đức Phật đã từ bi, đã trí huệ, đã phương tiện thiện xảo là vậy, ta nỡ cô phụ ngài sao?

Ngài đã đại từ, đại bi khai phương tiện là vậy, hãy thấy đây là việc hy hữu, ít có nhất trên thế gian. Được thấy sự khai thị này, vì thế phải hiểu là ta có đại phước. Phải hiểu đây là con rùa mù ngoài biển cả ngàn năm vớ được bộng cây. Vì vậy hãy khéo xả tất cả kiến chấp đã có mà đón nhận.

Ôi! Pháp Phật mầu diệu biết bao. Đúng là diệu pháp.

Diệu pháp nở ngay thân tâm bất tịnh này, giống như hoa sen thơm đẹp nở ngay bùn lầy.

Thế mới hay, chẳng những năm anh em Kiều Trần Như đã hoan hỷ đón nhận Phật đà. Các vị đã nở nụ cười tươi tắn, hồn nhiên như nụ cười đầu đời của đứa trẻ được mụ bà dạy, sau khi nhìn đức Phật nêu lên pháp Tứ Đế, nêu lên đóa hoa Niết bàn.

Và ngài Ca Diếp cũng nở nụ cười già trước cành sen vàng trong tay đức Phật, khi ngài vừa nêu lên. Việc này nay đã trở thành huyền thoại - một huyền thoại sâu xa. Huyền thoại này làm nát tim nát óc của những ai muốn biết đến việc bí mật giữa đại chúng này. Chao ôi! Huyền thoại hay bạch thoại.

Huyền hay bạch cũng đều kỳ diệu, cũng đều giá trị phi thường. Đó là cái thật nhất trên cõi đời gió bụi này, là cái thật nhất ngay nơi ta.

Sự thật này, Đế này nói sao cho cùng, nói sao cho tột. Ôi! Diệt đế! Ôi Đạo đế! Ôi! Diệu đế cao thâm, lợi ích trời người biết bao cùng.

Thân tứ đại của Phật dù có chết, dù có ra tro bụi, nhưng Diệu pháp của ngài vẫn đọng lại cõi Ta Bà, vẫn hiện hữu trong lòng người con Phật. Vì đây là Đế.
  • Hư không dù có hao mòn,
    Tâm này Diệu đế vẫn còn sáng soi.
Nam mô Phật. Nam mô Pháp. Nam mô năm tôn giả Kiều Trần Như. Nam mô tôn giả Ma Ha Ca Diếp. Nam mô tất cả Tăng già.
    • Nguyện đem công đức này,
      Hướng về khắp tất cả.
      Đệ tử và chúng sanh,
      Đều trọn thành Diệu đế.
  • ÁNH SÁNG VƯỜN NAI
Rừng cây thưa mặt trời du ngoạn,
Bờ cỏ non mơn mởn sương hồng.
Bên dòng suối nhỏ rì rào đổ,
Trong ngần suối ngọt hiện trời xanh.
Chú rắn nhỏ lưỡi dài liếm nước,
Hòn đá chim con chíu chít kêu.
Gió thoảng mây bay mát khung trời,
Thong dong nhẹ gót nai vàng hiện.
Nai gạc, nai tơ ngơ ngác trông,
Ðây vườn Nai, đây Lộc dã uyển.
Ðây thiên đàng của chốn rừng hoang,
Ðây đạo tràng năm vị Trần Na.
Kiều Trần Như năm kẻ xuất gia,
Năm người chuyên tâm tu chăm chỉ.
Qua bao năm tháng đạo còn xa,
Chưa hay ra được nguồn đạo cả.
Khắc khoải hành trì dạ chẳng yên,
Hôm nay trời đẹp lòng thư thả.
Nhác thấy bóng vàng thoáng xa xa,
Dáng người trông giống đức Thích Ca.
Ấy quả là Sa môn Cù Ðàm,
Năm anh em định lánh xa người.
Nhưng không được, ánh vàng thu hút,
Ðức Thích Ca hiển hiện uy nghi.
Hào quang chói sáng quyện chân người,
Ngài thanh tú ba mươi tuổi ngọc.
Manh áo bạc màu tơi tả bay,
Phất phơ gió nắng buổi mai hồng.
Ðạo vàng rực sáng chiếu vườn Nai,
Nai tơ, chim, rắn đều long mắt.
Ngơ ngác êm đềm mây vương vương,
Rừng thiêng tỏa ngát hương đồng nội.
"Lộc dã uyển" thành pháp hội đầu,
Vườn Nai mầu nhiệm vươn vai lớn.

  • - Ðức Cù Ðàm sau khi thành đạo,
    Nhớ lời nguyền ước thuở xa xưa.
    Rằng: ai thành đạo tìm nhau độ,
    Thực hiện ước nguyền Phật đến đây.
    Không gian sáng lạng huy hoàng tỏa,
    Chào đón Cha lành của thế gian.
    Nai vàng ngơ ngác trông người lạ,
    Không lạ đâu nào, Ðức Thế Tôn.
    Phật đà đỉnh đạc từng tấc bước,
    Thong dong ôm bát thoát trần ai.
    Ðầu trần chân đất lòng không rỗng,
    Ánh sáng chan hòa khắp thế gian.
    Vườn Nai tỏa rạng Kiều Trần Như,
    Năm người kính cẩn ân cần đón.
    Thỉnh Phật vào ngồi dưới cội cây,
    Là chỗ tôn nghiêm vào đệ nhất.
    Qua dung nghi đức Phật Cù Ðàm,
    Kiều Trần Như biết ngài thành đạo.
    Trần Như kính cẩn cúi đầu thưa:
    - Cù Ðàm hãy vì chúng tôi nói.
Vì bạn Thế Tôn nói đạo mầu,
Mở đầu Ngài chỉ đời người khổ.
Khổ sanh, già, bệnh, chết vân vân,
Bước hai, Ngài dạy nguyên nhân khổ.
Tham, sân, si, mạn, nghi... các não,
Bước ba, Ngài khai nguồn tịch diệt.
Chỉ chỗ không nhân không cảnh khổ,
Cái chỗ lặng trong, trong lặng rỗng.
Chỗ mà không một niệm dấy sanh,
Cái chỗ xưa nay không một vật.
Chỗ vắng bặt tuyệt cùng trong tâm,
Cái chỗ xưa nay chưa từng diệt.
Sanh diệt hoàn toàn vắng mất tiêu,
Cái chỗ không già bệnh chết sinh.
Cái chỗ không dơ sạch não phiền,
Không thiên đường, địa ngục, Trời người.
Không ba cõi, sáu nẽo luân hồi,
Không ta, không người, không chúng sanh,
Không thương, không ghét, không vui buồn...
Không và không, không lặng hoàn toàn.
Cõi bất động mênh mông trùm khắp,
Rộng tợ hư không, không mé bờ.
Là chơn không, rỗng sáng vô biên,
Là cõi Tâm vắng lặng diệu huyền.
Là cõi tuyệt đối dứt khổ đau,
Là cõi an cư, vui trọn vẹn.
Cõi Niết Bàn, Tịch mặc - Mâu Ni,
Ấy là cõi Phật, là đạo cả...

  • Anh em Kiều Trần Như lắng lặng,
    Lời Như Lai lọt đến óc tim.
    Gây xúc chạm tận cùng lòng dạ,
    Tâm xưa bùng vỡ, tánh tỏ thông.
    Hoát nhiên bật dậy cõi Chơn không,
    Năm Tôn giả hay ra cõi mầu.
    Liền giác ngộ chỗ mà Phật chỉ,
    Quả đúng như lời Phật dạy bày.
    Cõi Tịch diệt, thật là tịch diệt!
    Vắng lặng, bằn bặt, hết khổ đau,
    An vui thật sự, an vui lắm!
    Khắc khoải bao ngày tan biến bay,
    Năm Tôn giả mừng vui lễ Phật.
    Phật cười nhẹ nhỏm, việc mình xong,
    Phật đà dạy tiếp bước thứ tư.
    Bước bốn đạo ấy pháp hành trì,
    Là bước bảo nhậm, hộ trì tu.
    Là Tứ Niệm Xứ gìn bốn chỗ,
    Quán Tâm, Thân, Thọ, Pháp suốt xuyên.
    Và sáu nhóm nữa cùng phụ gia,
    Nghe qua pháp Phật dạy đà xong.
    Các vì Tôn giả lòng thông suốt,
    Chứng vào cõi Thánh thành Tăng bảo.
Bao nhiêu phiền não xưa nay mất,
Mới biết pháp mầu của Như Lai.
Là pháp hay, pháp thật hay thay,
Là Tứ đế, là Tứ diệu đế.
Pháp đưa thành thánh - Tứ thánh đế,
Pháp hay chỉ có một thời thôi.
Năm vì Tôn giả khai chánh trí,
Trở thành bậc Thánh trong Phật đạo.
Vườn Nai thơm ngát pháp Như lai,
Từ đây thành tựu ba ngôi báu.
Là Phật, là Pháp, là Tăng bảo,
Là ba báu quí nhất thế gian...

  • Vườn Nai, Nai đã thôi ngơ ngác,
    Nai tơ, nai gạc, nai vàng vui.
    Chim, rắn, trời xanh trong lòng suối,
    Tắm mát, uống no nước suối lành.
    Suối lành tuôn chảy khắp Ta Bà,
    Người Trời sáu cõi đều cùng tắm.
    Cùng uống no lòng suối ngọt trong,
    Ai hay sự việc hôm này.
    Bước lên trời đất, bước rày thong dong...


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.17 khách