Độ nhóm ngài Kiều Trần Như

Kính mời các bạn cùng tham gia sáng tác và sưu tầm kệ thi ca Phật giáo.
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Độ nhóm ngài Kiều Trần Như

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

Hình ảnh

ĐỘ NHÓM NGÀI KIỀU TRẦN NHƯ
Chánh Lý Kiều Thế Đức
(Sách: "Trường Thi: Đời Đức Phật", trang 201 - 205)

Một chiều, sau lúc thọ trai
Nhóm Kiều Như đoán xem ngài ở đâu.
Mới vừa nhắc tới chưa lâu
Ngài đà đi tới, nhiệm mầu vậy thay.
Năm người lập kế hoạch ngay
Dặn nhau đừng có mảy may động lòng.
Nhưng cùng lúc đó họ trông
Hào quang sáng rực mà không thấy người.
Dầu rằng quay ngó khắp nơi
Khi ngài cho thấy, vội mời nghỉ chân.
Như mừng gặp được ân nhân
Bấy lâu tìm để đền ân đôi phần.
Hân hoan, thư thái tâm thần
Họ cùng tiếp Phật ân cần, rất thân:
Người đi múc nước rửa chân
Kẻ thăm sức khỏe mấy lần chẳng thôi.
Lát sau, đức Phật chọn ngồi
Trên hòn đá lớn, năm người quỳ quanh.
Gần ngài hoa đỏ, tím, xanh
Trắng, vàng khoe sắc, bức tranh tuyệt vời.
Cành cây lay động chơi vơi
Lá vàng quay, múa để rồi nhẹ rơi.
Hương thơm tỏa dịu nơi nơi
Muôn ngàn cánh bướm dưới trời lượn bay.
Chim Lăng thật quyến rũ thay
Hót hay kỳ diệu, dễ say lòng người.
Một con nai nhỏ rong chơi
Tiến dần tới chỗ Phật ngồi như quen
Rồi nằm phục xuống kề bên
An bình giương mắt nhìn lên nền trời
Đáy hồ, vài áng mây trôi
Một đàn cá lội kiếm mồi tung tăng.
Nụ sen trông tợ búp măng
Nhiều bông nở lớn, nhụy vàng đẹp tươi.
Và trong khung cảnh chói ngời
Phật thuyết Tứ Đế một thời cho nghe:(235)

- Này, xin thức tỉnh cơn mê
Năm ông mắc bệnh, khó bề cứu ra.
Chấp thiên một phía là tà
Con đường Trung Đạo mới là đích tu.
Bắt thân thể chịu khổ ư?
Càng thêm phiền não, tâm tư rối bời.
Còn cho hưởng lạc thú thời
Tăng thêm tham ái, thích đời lợi danh
Vậy nên, khi đã tu hành
Xa rời Khổ, Lạc, tâm lành lớn nhanh.
Lại cần thấu triệt ngọn ngành
Con đường Bát Chánh và hành chẳng ngơi.
Một là Chánh kiến, nhờ đời
Thấy nghe chân chánh không rời phút giây.
Hai là tư tưởng chánh ngay
Tư duy thánh thiện, không thay đổi nào.
Ba là Chánh ngữ, nói sao
Hiền hòa, chân thiện, thanh tao, ích đời.
Bốn là Chánh nghiệp cao vời
Hành sao chánh đáng, vật, người đều ơn.
Năm là Chánh mạng giữ tròn
Mưu sinh hợp đạo, tâm hồn tịnh trong.
Sáu là Tinh tấn vun trồng
Thiện căn tích cực, chờ không biếng lười.
Bảy là Chánh niệm, chớ lơi
Tưởng về thiện pháp, năng bồi trí, bi.
Tám là Chánh định, nhớ ghi
Tâm bình, không động, dẫu chi mặc tình.
Một lòng tin, kính, không khinh
Siêng năng tu tập tâm minh, tánh bày.
Khổ phiền tích tụ sâu dầy
Từ bao nhiêu kiếp rồi đây chẳng còn.
Thân tâm an lạc gì hơn
Trí, Bi tới chỗ vuông tròn chẳng lâu
Các ông hãy nghĩ thật sâu
Chúng sanh ai thoát khổ đau được nào?
Khổ do Sanh, Tử tránh sao
Khổ do Bệnh, Lão gán vào nhục thân.
Phong tai, Thủy, Hỏa lan tràn
Cũng gây đau khổ trăm phần thảm thương.
Ái ân ly biệt, khổ vương
Oán cừu chung đụng cũng thường khổ đau.
Muốn mà không được cũng sầu
Ấm kia thiêu đốt, khổ đau kém gì.
Tu trừ hết hận, tham, si
Con đường Bát chánh không chi sánh đồng.
Chỉ người Thánh trí hội thông
Phàm nhân thật khó trông mong hiểu, hành.
Các ông giờ liệu đã rành
Những lời ta giảng ngọn ngành cho nghe?

Kiều Như tỉnh trước hết mê
Quy y Phật pháp, một bề kính tin.(236)
Về sau bốn vị kia xin
Được quy y Phật, vững tin, hết ngờ.
Thế gian mãi đến bây giờ
Mới có Tam Bảo ngóng chờ từ lâu:(237)
Một là Phật bảo đứng đầu
Hai là Pháp bảo nhiệm mầu sáng tươi.(238)
Ba là Tăng bảo năm người
Đắc A la hán khoảng mười ngày sau.(239)
Khi cùng thấu hiểu được mau
Bài kinh Vô ngã đã thâu tóm rồi.(240)

GHI CHÚ:

(235) Nơi này gọi là vườn Lộc giả hay Lộc uyển ở Isipatna (Sarnath) gần thành Ba la nại. Ba la nại là một trong sáu thành phố lớn của xứ Thiên Trúc (Ấn Độ)

(236) Quy y là sự trở về để nương tựa (quy: trở về; y: nương tựa theo). Quy y Phật là trở về nương tựa Phật. Quy y Pháp là trở về nương tựa Pháp. Quy y Tăng là trở về nương tựa Tăng.

(237) Phật, Pháp Tăng là ba thứ tôn quý nhất của Phật tử, nên gọi là Tam bảo (bảo: quý)

(238) Pháp bảo ở đây là Tứ Diệu Đế. Pháp này là căn bản trong Phật giáo. Nó cho ta thấy rõ trong Phật giáo sự thực hành quan trọng hơn giáo điều. Nghi thức và cúng tế không đóng vai trò nào trong Phật giáo. Không có thần linh để con người phải khép nép, kinh sợ. Giới, định, tuệ là chánh yếu đẻ thành tựu mục tiêu Niết bàn. Đức Kiếu Trần Như là vị đệ tử đầu tiên của đức Phật mà đắc A la hán quả và cũng là đệ tử cao hạ nhất trong giáo hội tăng già.

(239) Mười ngày sau khi vị cuối cùng trong năm vị đắc Tu đà hoàn quả. Có sách nói rằng hai tháng sau khi ngài Kiều Trần Như đắc A la hán thì hai ngài Bạt Đà Đồ và Bạt Đề đắc A la hán rồi một thời gian sau đến Ma Nam Câu Ly và A Thuyết Thị (xin xem lại ghi chú 169). Nên biết rằng đắc Tu đà hoàn tới Tư đà hàm, tới A na hàm rồi mới tới A la hán:

- Tu đà hoàn còn gọi là Nhập lưu hay Dự lưu nghĩa là bắt đầu nhập vào dòng Thánh.
- Tư đà hàm còn gọi là Nhất lai nghĩa là còn phải đầu thai vào Dục giới một lần cuối cùng nữa để tu hành cho rốt ráo trước khi vĩnh viễn xa rời cõi này.
- A na hàm còn gọi là Bất lai nghĩa là không còn đầu thai vào cõi Dục nữa.
- A la hán còn gọi là Ứng cúng hay Vô sanh nghĩa là dứt bỏ được các điều mê lầm, không còn phiền não, không còn chịu sanh tử luân hồi, vượt ra ba cõi. Bậc này cũng còn gọi là bậc Vô học. Ba bậc trước đều được coi là bậc Hữu học vì còn phải tu học.


(240) Bài kinh Vô ngã tướng gồm: Sắc,Thọ, Tưởng, Hành, Thức.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.28 khách