Ông Cấp Cô Độc và Kỳ Viên Tịnh Xá

Kính mời các bạn cùng tham gia sáng tác và sưu tầm kệ thi ca Phật giáo.
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Ông Cấp Cô Độc và Kỳ Viên Tịnh Xá

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

ÔNG CẤP CÔ ĐỘC VÀ KỲ VIÊN TỊNH XÁ(333)
Chánh Lý Kiều Thế Đức
(Sách: "Trường Thi: Đời Đức Phật", trang 259 - 271)

Có người quả phước lớn thay
Đó là Tu Đạt duyên may khác thường.(334)
Một hôm may mắn dọc đường
Tại thành Vương Xá ông thường vẫn qua
Nghe rồi Phật pháp cao xa
Thế Tôn giảng giải thế là ông xin
Phật tới trải rộng niềm tin
Tại thành La Phiệt cùng nghìn Thánh tăng.(335)
Nhưng về tìm hết tuần trăng
Vẫn không được chỗ tâm hằng ước mong.
Sau cùng, việc khó cũng xong
Chọn vườn xoài rộng của ông Kỳ Đà.(356)
Hỏi mua, ông được bảo là
Trải vàng xuống đất kín đà bao nhiêu
Thì đổi đất được bấy nhiêu
Nhưng cây thì nhớ một điều là không.
Ông về, ra lệnh nhân công
Chở vàng trải khắp vườn trồng mới thôi.
Khi công việc sắp xong xuôi
Ông đang lặng nghĩ rối bời, bỗng đâu
Kỳ Đà trêu tức mở đầu:
"Hết vàng hay tiếc mà rầu với lo?"
Ông rằng: "Ngài đã nhầm to
Tôi đang nhẩm tính xem kho nào gần
Để mua trọn vẹn một lần
Hết luôn thửa đất vì cần lập ngay
Giảng đường, tư thất kịp ngày
Thế Tôn đã định về đây độ đời".
Ông Hoàng nghe nói rụng rời
Nghĩ rằng: "Ta phải rút lời trước đây
Người này thiện chí thật dày
Vậy ta tiếc cái vườn này nữa chi?
Phật pháp vi diệu chẳng nghi
Thậm thâm, bất khả tư nghì, luận suy".
Và ông đề nghị tức thì:
"Lòng tin Trưởng giả khôn bì, khó đong.
Bây giờ tôi chỉ ước mong
Cúng phần cây cối để trông kịp ngày
Thế Tôn về ngự tại đây
Mang tên tôi vậy, ý ngài ra sao?"
Trưởng giả từ tốn, ngọt ngào
Hoan nghênh hảo ý rồi vào việc ngay:
"Kỳ Viên tịnh xá tên này(337)
Hoặc Kim Bối tự, chịu hay không nào?"(338)
Xây xong ông thấy tự hào
Thiện nam, tín nữ ra vào như nêm.
....................
....................

Tới đây cần phải rõ thêm
Pháp môn Niệm Phật ta xem tối cần
Vì rằng được Phật đích thân
Tự đem thuyết giảng dưới trần tại đây:
Người mà niệm Phật đêm, ngày
Nhất tâm bất loạn, không lay, chẳng rời
Thì khi nhắm mắt, qua đời
Quyết là được Phật rước ngồi tòa sen.
Văn Thù đại trí khuyến nên
Pháp môn niệm Phật xếp lên hàng đầu
Phổ Hiền đại hạnh khuyến cầu
Sanh về Lạc quốc ta hầu chẳng quên.
Ai ơi niệm Phật vững bền
Là tu THẬP NGUYỆN PHỔ HIỀN chẳng sai.
Nào ta cùng hãy triển khai
Để cho thấu hiểu, miệt mài xiển dương:(339)

  • Một, chuyên kính lạy mười phương
    Hai, tán Như Lai đức khác thường
    Ba, rộng cúng dường Tam thế Phật
    Bốn, hằng sám hối tội từng vương
    Năm, luôn tùy hỷ suốt trong đời
    Công đức Thánh, phàm chẳng mỏi lơi.
    Sáu, thỉnh Thế Tôn ban pháp vũ
    Bảy, xin trụ thế mãi không thôi.
    Tám, noi gương Phật, học không ngừng
    Chín, thuận chúng sanh, giúp khắp cùng
    Thoát khỏi đau phiền, vào Phật đạo
    Mười, hồi hướng rộng tợ không trung.(340)
Thập Nguyện luận giải khôn cùng
Nay xin ghi những điều từng đọc qua:
Kính lạy chư Phật là ta
Dùng Thân, Khẩu, Ý thật là tịnh trong
Mà siêng cung kính, dốc lòng
Nhất tâm đảnh lễ, mãi không chán nhàm.
Luôn thấy chư Phật trong tâm
Hoặc đang dự thính pháp âm tuyệt vời
Cũng là lễ, lạy không ngơi
Dầu cho đi, đứng, nằm, ngồi chẳng lơi
Vi trần chư Phật ba đời
Ta đều kính lễ không rời phút giây
Hoặc bằng năm vóc tiếp bày(341)
Hoặc là nghiêm chỉnh chắp tay, cúi đầu
Hoặc là chiêm ngưỡng giây lâu
Hoặc bằng tịnh ý dầu mau thế nào.
Tránh không cãi, nói lao xao
Lạy như chiếc máy, cống cao, khinh thường
Tránh không nhìn ngó, loạn phương
Một lòng ngưỡng Phật, giới hương trọn lành.
Tránh như nghiêm chỉnh, chân thành
Nhưng suy nghĩ ác, tâm hành giáo, đao.
Kính lạy chỉ dứt khi nào
Hư không tận hoặc khi nao tới ngày
Chúng sanh phiền não vốn dày
Dứt đi nghiệp quả mãy may chẳng còn.
Vậy người theo niệm Phật môn
Là siêng lễ Phật, vẹn tròn nào hơn?
Dụng từ xưng tán công ơn
Ba đời chư Phật lớn hơn biển, trời
Từ, Bi, Hỷ, Xả tuyệt vời
Đức lành bủa khắp, nơi nơi thấm nhuần
Là ta đã dụng thiệt căn
Khiến cho Biện nữ nhận phần kém, thua(342)
Hư không chưa tận, ta chưa
Ngừng lời xưng tán, lại ưa diễn bày
Biển công đức của Như Lai
Bằng tâm hoan hỷ, bằng tài ca, ngâm
Bằng lời nói tự trong tâm
Hoặc bằng tịnh ý khen thầm Như Lai
Pháp môn niệm Phật triển khai
Là năng xưng tán các ngài, chẳng sai
Rộng tu tinh tấn, miệt mài
Cúng dường chư Phật mãi hoài, chẳng ngơi:
Hương hoa, âm điệu tuyệt vời
Hoặc y, tán, lọng, ý, lời, đèn, nhang.
Riêng về Phật pháp cao sang
Không gì có thể sánh ngang, so bì:
Như theo chánh pháp tu trì
Hoặc làm lợi ích chỉ vì chúng sanh
Hoặc siêng tu các pháp lành
Giúp cho Tam nghiệp biến thành tịnh thanh.
Hoặc nâng quả vị tu hành
Hạnh lành Bồ tát nhớ rành, chẳng lơi
Bồ đề tâm chẳng phút rời
Dầu cho thọ khổ, không lời oán than.(343)
Hư không chưa tận, chưa tan
Cúng dường còn tiếp, không tàn, chẳng vơi.
Khuyên người niệm Phật không ngơi
Là cúng dường pháp, nhớ đời, ai ơi.
Sám hối nghiệp chướng là thôi
Không hành Thập ác, đồng thời hối năn
Tội do Khẩu, Ý và Thân
Phạm từ vô thỉ, ta cần chớ quên.
Nhớ rằng Tam độc là nền
Gây ra ác nghiệp, ưu phiền, khổ đau.
Vậy nên hối cải, tin sâu
Giúp lìa biển khổ, lên cầu lạc an.
Dù người ác nhất trần gian
Hồi tâm hắc nghiệp cũng tan biến dần
Luôn luôn phải thấy tự thân
Như đang hầu Phật, trăm phần chẳng nghi.
Để cho ác nghiệp biến đi
Lo tu Thiện nghiệp, Trí, Bi sớm tròn.
Lại hằng Trí quán hiểu làu trơn
Thân người khó được, không sờn chí tu
Để trừ tham ái, mê ngu
Xa lìa ác pháp, tâm Từ rộng hơn.
Hư không chưa tận, ta còn
Giữ lời sám hối vuông tròn, thiết tha.
Niệm Phật liên tục đó a!
Chính là sám hối để mà tiến xa.
Tùy hỷ công đức là ta
Vui cùng thiện hạnh người và chẳng ganh.
Bao nhiêu kết quả tột lành
Ba đời chư Phật tu hành dày công
Như siêng tinh tấn vun trồng
Thiện căn, Lục độ, mãi không mỏi, rời
Giả thân không tiếc, đồng thời
Chịu muôn khổ hạnh người đời chẳng kham
Cùng bao công đức Thánh, phàm
Ta đều tùy hỷ nguyện làm theo gương.
Tụng kinh, lễ Phật, cúng dường
Hoặc làm công quả, thắp hương, quét chùa
Ta đều kính phục, thích ưa
Hư không chưa hết, ta chưa chán, nhàm.
Niệm Phật tới mức cao thâm
Dễ sanh tùy hỷ, dứt tâm mê lầm.
Xin Phật nói pháp là làm
Một điều hữu ích, Thánh, phàm đều khen.
Giữ thân, khẩu, ý tịnh bền
Thành tâm mãi mãi dâng lên thỉnh cầu:
Xin ngài giảng giải pháp mầu
Giúp cho chúng thoát khổ sầu, tối, mê
Giúp mau thức tỉnh quay về
Trụ trong chánh pháp, thấy nghe tỏ tường
Tới khi ác nghiệp hết vương
Vào đường giải thoát, hưởng hương tột lành.
Ngoài ra, tìm hiểu Kinh rành
Hộ trì hoặc nói pháp lành Như Lai
Nhiệt thành, đứng đắn, không sai
Khác chi cung thỉnh Như Lai giảng rồi.
Trong thời Tượng pháp đang trôi(344)
Hoặc thời Mạt pháp đang thời giảm suy.
Hư không chưa tận quyết thì
Còn xin Phật giảng, không gì để nghi.
Khuyến người niệm Phật khác chi
Giúp người thính pháp, ta trì đức Bi.
Khẩn cầu chư Phật đại bi
Thương không nhập diệt mà vì chúng sanh
Mãi không ngưng giảng pháp lành
Là ta nuôi dưỡng, thực hành tình thương.
Còn thời xa Phật là thường
Nhất tâm tưởng Phật, không vương ý nhàm
Lại hằng mong mỏi quyết tâm
Khuyến răng kẻ khác cũng làm như ta.
Hư không lớn, rộng, bao la
Nếu chưa cùng tận thì ta vẫn còn
Giữ lời thỉnh mãi vuông tròn
Không hề chán mỏi, bảo tồn chẳng thôi.
Với người niệm Phật không lơi
Phật luôn trước mặt chẳng rời, ai ơi.
Noi gương Phật học không ngơi
Tu hành quyết đạt tới nơi tột cùng.
Qua vô lượng kiếp không ngừng
Phật hằng tu học, thường dùng máu da
Để làm giấy mực, tiến xa
Chẻ xương làm bút, thật là quyết tâm
Lại trừ mê muội, hôn trầm
Dứt lìa tham ái, chẳng ham ngọc ngà
Cùng là cung điện nguy nga
Thực hành Bi hạnh cao xa tuyệt vời.
Đắc thành, ngài hiện khắp nơi
Đạo tràng, giáo hội, cung Trời, tại gia
Từ bi rộng trải bao la
Pháp lành Phật mãi ban ra chan hòa
Những điều trên đã dạy ta
Kiên trì tu học ắt là tới nơi
Chân Như Diệu Hữu khôn vơi
Đi vào Diệu giác chói ngời, tuyệt luân
Hư không dù có biến tan
Vẫn tùy học Phật trăm phần tinh chuyên.
Pháp môn Tịnh Độ Phật khuyên
Thậm thâm, tối thắng, diệu huyền vô biên.
Thuận theo nguyện vọng thiện hiền
Của chúng sanh tức thường xuyên kính thờ
Y như cũng phụng chăm lo(345)
Sư thầy, cha mẹ, chú cô, bác dì
Hoặc ngôi Chánh giác Đại bi
Khi hành bình đẳng, không vì thấp cao.
Với người bệnh khổ, quyết sao
Ta là thầy thuốc dẫn vào lạc an.
Với người mê tối, ngu đần
Ta là ánh đuốc giúp dần sáng ra.
Với người bước lạc đường tà
Ta đưa về Chánh, dẫn xa vũng lầy.
Còn người túng đói không may
Giúp nên sự nghiệp chánh ngay, tột lành,
Bồ tát tùy thuận chúng sanh
Khác gì là đã tín, hành hòa hai.
Cúng dường tùy thuận hỡi ai!
Chúng sanh mừng tức Như Lai mừng rồi
Chỉ do nơi chúng sanh thôi
Mà tâm Bồ tát chẳng rời thể Bi
Để rồi dẫn tới chẳng nghi
Quả lành Diệu giác không chi sánh bì.
Hư không chưa tận quyết thì
Chưa thôi lời nguyện, mãi vì chúng sanh
Từ, Bi, Hỷ, Xả viên thành
Là nhờ phụng sự chúng sanh, nhớ rành.
Pháp môn niệm Phật, hiểu, hành
Dễ sanh tùy thuận, tâm lành lớn nhanh.
Đem dồn công đức ngọn ngành
Của luôn chín nguyện, tâm thành ban ra
Hư không pháp giới chan hòa
Chúng sanh cùng hưởng ấy là người tu
Hồi hướng công đức đặc thù
Vào trong muôn loại, không trừ loại nao
Đồng thời cầu nguyện mãi sao
Chúng sanh an lạc, đức cao, hạnh lành:
Ác thời thực hiện không thành
Thiện thì thành tựu tốt, nhanh khác thường.
Nẻo vào ác thú không vương
Lối vào Cực Lạc là đường phải nương.
Bồ tát thực hiện tình thương
Lãnh muôn khổ, bệnh chúng thường phải mang.
Giúp người tu tiến dễ dàng
Trên đường giải thoát huy hoàng tuyệt luân
Hư không dù tận, dù tan
Hạnh tâm hồi hướng không tàn, chẳng lu
Ai ơi liệu cuộc viễn du(345)
Phổ Hiền thập nguyện gắng tư tự giờ
Vãng sanh Cực Lạc dành cho
Những ai sớm tỉnh, sớm lo hành trì.


GHI CHÚ:

(333) Ông Cấp Cô Độc là một đại thần thuộc triều vua Ba Tư Nặc xứ Kiều Tất La (Kosala). Nhờ phước lớn ông đã làm mà sau khi thác, ông được tái sanh vào cảnh trời Đâu Xuất. Tên thật ông là Tu Bồ Đề. Cấp Cô Độc là tên người ta gán cho ông vì ông hay bố thí, giúp đỡ kẻ nghèo, ông già bà cả và cât nhà nuôi dưỡng những người cô độc. Kỳ Viện tịnh xá còn có tên là Kỳ Thọ Cấp Cô Độc Viên, ngụ ý nhà, đất là do ông Cấp Cô Độc dâng cúng và cây là của thái tử Kỳ Đà dâng cúng.

(334) Tu Đạt cũng là tên của ông Cấp Cô Độc.

(335) Thành Thất La Phiệt hay Xá Vệ thành thuộc xứ Kosala, cùng với xư Ma Kiệt Đà là hai trung tâm văn hóa sáng chói bậc nhất của toàn cõi Ấn Độ thời đức Phật. Khi nghe pháp xong, ông đắc Tu đà hoàn (tức quả Nhập lưu).

(336) Ông Kỳ Đà là Đông cung thái tử, con vua Ba Tư Nặc, xứ Kosala.

(337) Kỳ Viên tịnh xá gồm nhiều phòng ngủ và phòng ở, kể có hàng trăm. Ngoài ra, còn có lễ đường, giảng đường,tụ hội đường, nhà dưỡng bệnh, nhà tắm, nhà đọc sách... Nhà cao, sân rộng không thua gì trong Vương cung của vua Ba Tư Nặc. Còn Trúc Lâm tịnh xá thì có 16 ngôi nhà, mỗi ngôi 60 phòng, 500 lầu gác, 72 giảng đường... Tại Kỳ Viên tịnh xá, đức Phật nhập hạ có tới 19 lần và phần lớn các bài pháp cũng được đức Phật thuyết tại đây. Cũng tại đây, có lần ngài A Nan bạch với Phật rằng: "Bạch hóa đức Thế Tôn, khi ngài đi thuyết giảng phương xa, tịnh xá Kỳ Viên rộng lớn như thế này không còn nơi nương tựa và thiện tín đến đây không biết hướng vào đâu để lễ bái, cúng dường. Bạch hóa đức Thế Tôn, xin ngài hoan hỷ cho phép con lấy một hạt Bồ đề của cây Bồ đề mẹ tại Già Da để gieo trồng trước cổng tịnh xá. Đức Phật cho phép và cây Bồ đề này có tên là cây Bồ đề A Nan Đà và là cây lịch sử cao niên nhất được sùng bái.

(338) Đặt là Kim Bối tự để nhắc tích trải vàng nói ở trên.

(339) Thập Nguyện Phổ Hiền là mười đại nguyện rộng lớn (Nguyện vương) của hàng Bồ tát mà ngài Phổ Hiền khuyến dạy Thiện tài đồng tử, khi Thiện Tài đến thỉnh giáo ngài trên bước đường tầm Sư học đạo. Thập nguyện là một phương pháp tu hành nhờ đó người tu, sau khi bỏ xác thân tàn, được vãng sanh Cực Lạc. Với mười đại nguyện này, đức Phổ Hiền được tán dương là một bậc Đại hạnh vì chính ngài đã thực hành đúng những đại nguyện đó. Những người có cơ duyên căn lành được nghe mười điều nguyện chúa tể này, thì công đức của người cúng dường, bố thí tài vật nhiều đầy cả cõi hư không cũng không thể so với công đức của người nghe được mười đại nguyện đó. Nếu người được nghe mà còn đem lòng tin, hiểu, thọ trì, đọc tụng, biên chép thì người đó còn có thể tiêu trừ được năm tội nơi ngục Vô gián là những trọng tội như giết cha mẹ, A la hán, phá hòa hiệp tăng, làm thân Phật chảy máu hoặc khởi ác ý đối với sở hành của Phật. Ngoài ra, các loài ma quỷ cùng các hung thần đều phải lánh xa không dám đến gần quấy nhiễu người đó.

Chúng sanh trong giờ phút lâm chung, xác thân, quyến thuộc, oai quyền, danh vọng, trân châu, bảo vật... đều không đem đi được, duy chỉ mười điều nguyện lớn lao này mà người đó thường đọc, tụng đi theo và hướng dẫn người đó về Tây cảnh, vì người đó chắc chắn được Phật A Di Đà cùng các ngài Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Thế Âm, Di Lặc... hoan hỷ đón về Tây phương Cực lạc.

(340) Tôi dịch ra thơ mười điều nguyên trên từ đoạn văn sau:

  • Nhất giả lễ kính chư Phật
    Nhị giả xưng tán Như Lai
    Tam giả quảng tu cúng dường
    Tứ giả sám hối nghiệp chướng
    Ngũ giả tùy hỷ công đức
    Lục giả thỉnh chuyển pháp luân
    Thất giả thỉnh Phật trụ thế
    Bát giả thường tùy học Phật
    Cửu giả hằng thuận chúng sanh
    Thập giả phổ giai hồi hướng.
(341) Năm vóc sát đất:

- Đầu gối hữu chạm đất mang ý nghĩa: Nguyện chúng sanh cùng đặng giải thoát vào chánh giác.
- Đầu gối tả chạm đất: Nguyện chúng sanh không tà kiến, vững trong chánh đạo.
- Tay hữu chạm đất: Nguyện chúng sanh đắc đạo Bồ đề.
- Tay tả chạm đất: Nguyện chúng sanh lìa ngoại đạo và nguyện dùng Tứ nhiếp pháp giúp vào chánh đạo.
- Đầu chạm đất: Nguyện chúng sanh bớt kiêu ngạo, đặng quả Vô thượng Bồ đề.

  • "Xây một ngôi chùa là phá hủy một nhà lao. Thêm một đoàn thể Phật học là bớt một số người tù tôi".

    Phật dạy ông Cấp Cô Độc: "Kẻ mất ngủ mới thấy đêm dài, người lữ hành kiệt sức mới thấy đường xa, nhưng người không chứng ngộ chánh pháp thì con đường luân hồi mới thật là vô tận".


(342) Người nữ vốn tính nói nhiều, Biện nữ là Biện Tài Thiên nữ tức một người nữ có tài biện luận không ai qua được. Ấy vậy mà còn chịu thua, nhận không xưng tán Như Lai giỏi bằng ta.

(343) Trong đạo Phật, chữ Không biểu diễn cho chúng sanh. Vì chúng sanh mà thọ khổ cũng vui nhận mà không lời oán than.

(344) Phật pháp trụ ở đời gồm có ba thời kỳ là Chánh pháp, Tượng pháp và Mạt pháp. Sau khi Phật nhập diệt, thời kỳ đầu người tu cùng giáo pháp và sự chứng quả... hệt như khi Phật còn tại thế nên được gọi là thời Chánh pháp. Dần dần người tu và sự chứng quả giảm sút, còn tương tự như thời kỳ Chánh pháp nhưng không bằng nên được gọi là thời kỳ Tượng pháp. Sau thời kỳ Tượng pháp thì đến thời kỳ Mạt pháp.

(345) Cúng phụng là cúng dường và phụng sự.

(346) Ý nói về Cực Lạc.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.17 khách