Thập Địa Bồ Tát

Kính mời các bạn cùng tham gia sáng tác và sưu tầm kệ thi ca Phật giáo.
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Thập Địa Bồ Tát

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

THẬP ĐỊA BỒ TÁT
Chánh Lý Kiều Thế Đức
(Sách: "Trường Thi: Đời Đức Phật", trang 216 - 231)

Về BỒ TÁT THỪA, tu ngay
Pháp mầu Lục Độ hàng ngày gắng công.
Khi cùng Thập Thiện làu thông
Bước vào Thập Địa mới mong độ đời.(257)
Tới đây thật rất đúng thời
Tóm thâu Thập địa ít lời hiểu qua:
THẬP ĐỊA BỒ TÁT cao xa
Là pháp tu chứng chia ra mười phần
Người tu đạt quả cao dần
Khởi từ Sơ Địa tới dần Pháp Vân.
Hành Bồ Tát đạo, ta cần
Xuyên qua Thập địa, trăm phần chẳng nghi.
Phật pháp bất khả tư nghì
Cũng nương vào đó, vậy chi sánh bì?
Với Đại Hùng, Lực, Dũng, Bi
Quyết tâm loại hết những gì cản ta.
Hành, Tu hợp nhất mới là
Viên dung Sự, Lý chói lòa thậm sâu.
Thập địa, vùng đất tốt mầu
Giúp tăng trí tuệ, giúp trau hạnh lành.
Giúp cho công việc tu hành
Cùng Nhất Thiết Trí viên thành sơm, mau.

1. Người tu SƠ ĐỊA, ban đầu
Vui gần chư Phật, hỷ cầu lợi sanh.(258)
Phát thêm đại nguyện tột lành
Thọ trì Phật pháp và hành tới nơi
Nhiếp thâu Phật trí chói ngời
Giữ gìn Phật giáo, xa rời lợi danh.
Sống trong hòa hợp, tịnh thanh
Xa lìa ác đạo, đường lành tiến tu.
Xa lìa tâm tánh phàm phu
Chuyên tu Bố thí, dụng từ dịu êm.(259)
Loại trừ tham xẻn, tỵ hiềm
Không còn ích kỷ, tánh thêm nhu mềm.
Viên thành Tàm, Quý trang nghiêm(260)
Đạo tâm tăng trưởng, mang niềm tịnh tin.
Xả thí với mọi người xin
Pháp thì y giáo, giữ gìn ngày đêm
Không còn kinh sợ khởi thêm
Đại bi, trí tuệ, khéo đem dụng, hành
Để mà cứu độ chúng sanh
Đưa vào Phật đạo tột lành an vui
Tâm Từ cũng được rèn, trui
Nâng cao được Tuệ đẩy lùi bóng đêm
Siêng tu Đại xả tăng thêm
Đàn na, nhẫn nại, nhu mềm, hết sân
Kinh thơ khéo dụng như thần
Kỹ năng, chú, luận trăm phần tuyệt luân
Phát Nhất Thiết Trí, tiến gần
Chỗ lìa Ngã tướng, tâm dần tịnh trong
Cùng muôn Bồ tát một lòng
Không ganh, cùng chí, sống trong hòa đồng
Khi Tương Tục Tướng trừ xong(261)

2. Bước sang LY CẤU, vun trồng thiện căn.
Dứt trừ tham uế, chu toàn(262)
Đàn na, Trì giới, lớn dần đức Bi
Chấp Ta tiếp được xả ly
Hạnh lành sáng sạch, oai nghi hiện bày.
Chúng sanh tà kiến vốn đầy
Trong vòng sanh tử lăn xoay nổi, chìm.
Biển tâm dậy sóng chẳng im
Làm sao biết sợ, quay tìm lối ra.
Bồ tát thuận hạnh vị tha
Xót thương cứu thoát đưa qua chốn lành.
Giúp lìa Tam độc, ghét ganh
Giúp lìa ác nghiệp, giúp thành chánh, ngay.
Các ngài còn gắng từ nay
Tu lìa Trí tướng hăng say chẳng rời.(263)
Hành trí Ái ngữ không ngơi
Nên người tin, kính, suốt đời, lành thay!

3. PHÁT QUANG tu tập từ đây
Quán trừ Thọ, Tưởng, hăng say tu thiền
Đạt Vô Sắc Định, tâm yên
Trí quang chói sáng hiện tiền từ nay.(264)
Thần thông vô lượng hiện bày
Ngũ thông, xuyên núi, ngồi bay nhẹ nhàng(265)
Đi trên mặt nước thênh thang
Phát ra khói lửa, dễ dàng làm mưa
Bung vầng Nhật, Nguyệt lại ưa
Quán lìa Dục phược, quán ngừa Vô minh.(266)
Căn lành ngày một luyện tinh
Không còn thâm hiểm, tâm bình, tịnh trong.
Hữu vi mọi pháp rõ trông(267)
Vô thường, vô ngã, uế, không tịnh nào
Xả thí cầu pháp chẳng nao
Thực hành cung kính, khó sao chẳng sờn
Kiêu mạn lìa trọn, hết còn
Kính thờ khi gặp, làm tròn ngại chi
Cần khổ, gánh chịu vì Bi
Tiếc chi thân mạng, chê, nghi được nào?
Lợi Hành tu tập gắng sao
Hợp cùng Tín, Nhẫn, nâng cao đức Từ(268)
Tánh sân nay được loại trừ
Khoan hồng tăng trưởng, hận thù tàn, lu.
Chúng sanh tam dục, mê ngu
Được dần cứu khỏi ngục tù khổ đau.

4. Tiến lên DIỆM HUỆ liền sau
Dùng Tam muội hỏa nhiệm mầu đốt tan
Khổ phiền chồng chất miên man
Lại tu Trợ đạo chuyên cần, chẳng lơi.(269)
Tu hành Đồng sự không ngơi
Cùng là Tinh tấn để rồi quán thông
Nội tâm, ngoại cảnh đều không
Vô tướng, Vô tác, rõ trông thấy rằng(270)
Các Thọ đều huyễn, không màng
Quyết tu hạnh Xã, theo đàng thuận sanh
Quyết lìa uế trước, lợi danh
Quyết lìa chấp trước, tâm thành tịnh quang.
Trí minh tỏa chiếu mênh mang(271)
Phật thân khả hiện, sẵn sàng độ sanh
Cùng bao quyến thuộc vây quanh
Đều là Bồ tát hóa thành trợ duyên
Lại dùng phương tiện diệu huyền
Giúp cho chúng thoát khổ phiền, si mê
Giúp lìa Thân kiến quay về
Trụ trong Chánh kiến, thấy, nghe tỏ tường.

5. Ngũ địa NAN THẮNG là đường
Tục, Chân lưỡng đế hai luồng tương dung(272)
Loại trừ mâu thuẫn khắp cùng
Hiểu sâu duyên khởi trùng trùng tự đây(273)
Học, hành mọi pháp hăng say
Như ca, vũ, nhạc hoặc hay chuyên cần
Trau dồi toán, họa, y, văn
Để gieo lợi ích khi gần chúng sanh.
Nguyện lòng bất thối viên thành
Giữ gìn tịnh giới tâm lành lớn nhanh
Gắng công tinh tấn tu hành
Không rời Thiền định, không sanh vọng nào.
Tâm bình, không tán, chẳng chao
Dù cho tám gió thổi vào chẳng nao
Xà na phát chiếu như sao
Tới nơi bình đẳng đi vào Nhất như
Đoạn trừ việc khó do từ
Chấp Ta, ngã ái, mê mờ tạo ra
Dạy lìa tập nghiệp, ác tà
Dạy lìa sanh tử, sống hòa tình thương.


GHI CHÚ:

(257) Nhân thừa và Thiên thừa được gọi là thế gian thừa vì chưa thoát luân hồi. Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ tát thừa được gọi là xuất thế gian thừa, vì kết quả đạt được là hành giả không còn trong vòng luân hồi nữa. Từ trước tới giờ Phật nói Niết bàn là vì các chúng sanh căn độn, tánh vô minh nên dùng các phương tiện để dẫn dắt chúng sanh dần vào Phật huệ. Phật chia ra làm nhiều thừa không ngoài mục đích đưa đến Nhất thừa là Phật thừa. Mọi Thừa chỉ là những danh từ tạm đặt cho từng mức thang, nhưng chung quy chỉ có Nhất thừa là Phật thừa mà thôi. Trong kỳ hội nghị Phật giáo Thế giới tại Kathmandu (Népal) vào tháng 11 năm 1956, các vị lãnh đạo Phật giáo Thế giới quyết định bỏ danh từ Tiểu thừa vì sợ hiểu lầm danh từ Tiểu đối với Đại mà gọi là Phật giáo Nguyên thủy cho đúng với nghĩa lịch sử Phật giáo. Ta nên biết rằng không thiếu gì vị tu sĩ trong một ngôi chùa mà ta thường coi là thuộc phái Tiểu thừa nhưng mang hạnh Đại thừa, tự độ độ tha, tự giác giác tha và cũng không thiếu gì tu sĩ trong một ngôi chùa mà ta thường coi là thuộc phái Đại thừa nhưng lại mang hạnh Tiểu thừa. Như vậy, Tiểu hay Đại là do riêng từng cá nhân chưa tới mức phát tâm độ người, độ vật mà thôi. Từ đó, ta chẳng nên khinh ai là Tiểu và cũng chẳng nên ngã mạn tự coi mình là Đại và phải lấy Lục hòa làm phương châm. Người nào cũng bình đẳng về Phật tánh, sớm tới hay chậm tới bờ giác mà thôi. Theo thiển ý của tôi, muốn chứng quả Thanh văn thì buộc phải hành Bồ tát đạo, vì nếu không hành Bồ tát đạo thì làm sao có thể trừ được rốt ráo tham, sân, si... Như thế, phân chia Thanh văn thừa và Bồ tát thừa rồi nặng, nhẹ với nhau là do lòng ngã mạn, sân hận, ta người mà ra vậy.

Có vị chỉ nghe một thời Kinh mà đắc quả A la hán là vì trong những kiếp quá khứ, các ngài đã hành Bồ tát đạo, phước trí sắp đủ ví như chén nước sắp đầy, chỉ cần một giọt nước nữa là đủ đầy tràn. Nếu các vị bên Nguyên thủy đã không đi độ sanh thì có lẽ Phật pháp đã bị tiêu diệt chẳng bao lâu sau khi Phật tịch, chẳng còn đợi đến mấy trăm năm sau để phân hóa và phân chia ra Tiểu, Đại do vô minh và ngã mạn.

Ta cũng nên biết rằng trong mười pháp giới thì có bốn pháp giới thánh là Phật, Bồ tát, Duyên giác, Thanh văn, và sáu pháp giới phàm tức là Lục phàm gồm Thiên, Nhân, A tu la, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục. Trong kinh Kim Cang, Phật có dạy các vị đại Bồ tát phải hàng phục vọng tâm nghĩa là diệt đi tất cả chúng sanh nơi lòng mình mới chứng được Vô Trụ Xứ Niết bàn (ý nói chứng Niết bàn khi tâm không còn vào đâu nữa, tức trụ nơi Vô Sở Trụ: Sắc, Không như một, Sanh tử tức Niết bàn, cõi Ta bà không khác cõi Tịnh độ, Địa ngục, Thiền đàng không hơn không kém...). Các chúng sanh nơi lòng mình nhiềuvô số kể. Tỉ như lòng mình mưu sâu, kế độc thì là rắn rết; biếng nhác, tham sắc dục thì là lợn heo; hung dữ, bạo tàn thì hùm beo; giả dối thì là yêu quỷ.

Chẳng gì quý bằng Đạo, chẳng gì đẹp bằng Đức".


(258) Do đây nên gọi là Hoan Hỷ địa. Ngoài ra, ta cũng nên biết rằng:

Vì vô minh, vọng động nên có Nghiệp tướng. Tâm động thì có năng phân biệt và có cảnh bị phân biệt do đó có Chuyển tướng (có phân biệt, thấy bậy) và Hiện tướng (có cảnh giới bị phân biệt). Ba món Nghiệp tướng, Chuyển tướng và Hiện tướng được gọi là ba món Tế của vô minh. Do có cảnh giới hiện ra mà sanh tâm phân biệt, yêu ghét, tốt xấu... và vì vậy có Trí tướng. Rồi do tâm yêu ghét, phân biệt mà liên tục sanh ra các niệm khổ vui, mừng lo... và như thế phát sanh Tương Tục tướng. Do các niệm tương tục khổ vui, mừng lo mà tâm bị vướng mắc, chấp lấy mọi sự vật nên có Chấp Thủ tướng. Vì chấp lấy mọi sự vật nên dùng danh từ giả để đặt tên cho chúng, do đó phát sanh Chấp Danh Tự tướng. Do Chấp danh tự tốt xấu mà tạo ra các nghệp lành dữ và có Nghiệp Khổ tướng. Tạo nghiệp thì bị các nghiệp kéo đi lãnh thọ quả khổ, hết còn tự tại và như thế là có Nghiệp Hệ Khổ tướng. Sáu món Trí tướng, Tương tục tướng, Chấp thủ tướng, Chấp danh tự tướng, Nghiệp khổ tướng và Nghiệp hệ khổ tướng được coi là sáu món Thô của vô minh.

Các vị ở địa vị Thập Tín giác ngộ được niệm Diệt, tức mới phá trừ được hai món Thô sau cùng là Nghiệp Khổ tướng và Nghiệp hệ khổ tướng. Sự phá trừ này còn quá thô sơ so với việc giác ngộ chân tâm nên các vị này còn được gọi là Bất Giác, tức là chưa giác ngộ.

Đến địa vị Tam Hiền, tức Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng thì mới giác ngộ được niệm Dị, tức mới phá trừ được hai món thô bậc trung là Chấp thủ tướng và Chấp danh tự tướng. Các vị này tương tự như giác ngộ được chân tâm và chứng được Pháp thân thanh tịnh nhưng thật ra thì chưa phải thật giác ngộ và thật chứng nên được gọi là Tương Tợ giác. Tới địa vị Thập Địa thì Bồ tát mới giác ngộ được niệm Trụ, tức mới phá trừ được Tương tục tướng, Trí tướng, Hiện tướng và Chuyển tướng. Các vị Bồ tát này phá vô minh từng phần nên được gọi là Tùy Phần giác. Khi lên tới bậc Đẳng giác thì các ngài mới giác ngộ được niệm Sanh, tức phá trừ được Nghiệp tướng, trở thành bậc Diệu giác và lúc đó các ngài đã phá trừ được hết vô minh cả Thô lẫn Tế.

(259) Dụng từ êm dịu tức là tu Ái ngữ, một pháp tu trong Tứ Nhiếp pháp. Như thế, tại Hoan Hỷ địa, Bồ tát tu Bố thí (hay Đàn na), ái ngữ và mang chánh tín là chánh. Ngoài ra còn tu Tứ vô lượng tâm nữa

(260) Bồ tát vì Tàm, Quý mà siêng tu đạo hạnh tự lợi, lợi tha nên thành tựu Tàm, Quý trang nghiêm (Tàm là tự thẹn, Quý là thẹn với người). Vì vậy, đức Phật dạy hàng xuất gia phải luôn tự hỏi: "Ta có thể bị các bậc tri thức chê trách về giới luật chăng để nhắc nhở tâm luôn hổ thẹn và ghê sợ các điều tội lỗi.

(261) Tương Tục tướng còn gọi là Nhiễm Ô Bất Đoạn và là món Thô thứ hai. Như vậy, ở Hoan Hỷ địa, Bồ tát trừ xong Tương tục tướng.

(262) Vì lý do này nên được gọi là Ly Cấu địa. Tại Lý Cấu địa, Bồ tát tu thêm Trì giới và gắng tu lìa Trí tướng.

(263) Trí tướng là món Thô thứ nhất của Vô minh và phát lên tới Thất địa tức lên với Viễn hành địa mới đoạn trừ xong.

  • Muốn biết nhân đời trước, nên nghiệm xét quả đời nay.
    Muốn biết quả đời sau, nên nhận xét nhân hiện tại"
    .
(264) Vì trí huệ chói sáng nên Địa này được gọi là Phát quang địa.

(265) Ngũ thông là lục thông trừ bỏ đi Lậu Tận thông.

(266) Phược là dây trói buộc tỉ như Thê thằng, Tử phược (Vợ là dây buộc, con là dây trói).

(267) Các pháp hữu vi là những pháp tùy thế, thuộc Thế gian pháp, và có một hay nhiều nguyên nhân tạo điều kiện để phát sanh. Những pháp vô vi thì bất tùy thế, không cần nguyên nhân hay điều kiện nào để có.

(268) Do lòng Đại bi, đại nguyện mà Phật và chư Bồ tát từ diệu dụng của chân như, tùy theo sự phát tâm cầu đạo của chúng sanh mà ứng hiện ra các loại thân hình để trợ duyên, giúp cho chúng sanh được mau đạt thành đạo quả như hiện làm cha mẹ do lòng từ ái để dẫn dắt, làm kẻ tôi tớ do ý muốn gần gũi, hầu hạ để dẫn dắt, làm thiện hữu tri thức do muốn cộng tu để dẫn dắt, làm kẻ oan gia do muốn xúc kích để dẫn dắt... Như thế, ở Phát Quang địa, Bồ tát tu thêm Nhẫn nại và Lợi hành.

(269) Tu Trợ đạo là tu 37 phẩm trợ đạo gồm Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần và Bát Chánh Đạo.

  • "Người đời tánh vốn thanh tịnh, muôn pháp đều do nơi tự tánh mà sanh ra. Hễ suy nghĩ các sự dữ liền sanh ra nết dữ, hễ suy nghĩ các sự lành liền sanh ra nết lành. Tánh tức là Tâm. Tâm tức là Phật vậy".

    Phật dạy trong kinh Lăng Nghiêm: "Dâm tâm bất trừ, trần lao bất khả xuất", nghĩa là tâm nghĩ ngợi đến việc dâm dục nếu không trừ thì cảnh hồng trần này không biết bao giờ ra khỏi"
    .


(270) Vô tướng: Không có tướng mạo, hình dung, giả hợp, không trụ vào cảnh nào, vật nào, không có mười tướng sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, trụ, diệt, nam, nữ. Có tướng thì có hư hoại, vô tướng thì không hư hoại vậy. Vô tướng là Thật tướng.

Vô tác: Không tạo ra, không làm ra, không mưu cầu, không có nhân duyên tạo tác, tự nhiên, không tạo ra bốn tướng, Sanh, Trụ, Dị, Diệt và đồng nghĩa với Vô vi. Như thế, ở Huệ Diệm Địa, Bồ tát tu thêm Tinh tấn, Đồng sự và các phẩm trợ đạo.

(271) Do đây là có Diệm Quang địa.

(272) Chân đế là đạo lý có tính giải thoát, diệt khổ vô lậu. Tục đế là đạo lý vừa với trí thức của người phàm, không có tính diệt khổ vô lậu. Thế gian pháp là Tục đế. Xuất thế gian pháp là Chân đế hoặc Thật đế. Bồ tát đem cái Chân đế tức những lẽ mà người xuất thế biết được thuyết thành Thế đế tức thành những lẽ mà người thế tục biết được và đem cái Thế đế thuyết thành Thật đế, tùy theo căn cơ của chúng sanh mà phương tiện để độ sanh. Như thế, ở Ngũ địa, Bồ tát tu thêm Thiền định, làm Tục đế và Chân đế tương dung.

(273) Do đây gọi là Nan Thắng địa vì làm được những việc khó làm.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Thập Địa Bồ Tát

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

6. HIỆN TIỀN tu tập là đường
Dụng tâm bình đẳng quán tường dày công
Vô minh, Ái, Thủ rõ trông
Là Phiền não đạo nếu không dứt trừ.
Hữu, Hành đáng sợ kia ư
Chính là Nghiệp đạo, không từ là Si
Bảy chi còn lại khác gì
Chính là Khổ đạo những khi chẳng phòng(274)
Thấy ra vạn pháp tịch không
Tâm thành bình lặng, hết mong, chẳng cầu.
Ba môn giải thoát liền nhau
Hiện tiền giúp lớn tâm mầu Đại bi(275)
Không còn trụ tại hữu vi
Hay trong tịch diệt, lại vì chúng sanh.
Mà năng thực hiện pháp lành
Nguyện cầu Bát nhã, tu hành thậm sâu.
Si mê, ngu tối, chẳng lâu
Biến đi vì bị đuốc mầu hút thâu.
Vô Phân Biệt trí hiện mau
Xà na lớn mạnh, làu làu chiếu soi.(276)

7. VIỄN HÀNH, quán sát không ngơi
Nguyên nhân các pháp để rồi rõ trông
Thật tướng, Vô tướng nên không
Phân bì, so sánh, lấp xong ái hà.(277)
Không màn thế pháp, tiến xa
Khổ phiền chẳng thể khởi ra hiện hành.(278)
Tu trừ đối dãi viên thành
Lìa xong Trí tướng đức lành tỏ hơn
Vô sanh Pháp nhẫn vuông tròn
Còn cầu Phật trí và còn dụng công.
Suốt trong bảy địa liền thông
Chân Như Diệu Dụng vẫn không đạt nào.
Tuy nhiên Bản thể đã vào
Mức tu cũng rất thâm cao, khó cầu.
Viễn hành, tóm gọn ít câu
Tâm mầu đã lớn tợ hầu không trung.
Từ bi, Tứ nhiếp tương dung
Tu Phương tiện huệ, chẳng ngừng phút giây.

8. Bước sang BẤT ĐỘNG từ đây
Lìa Tưởng, Tướng, Chấp, lành thay địa này!
Vô công dụng pháp đạt ngay
Viên thành mọi sự, chẳng hay ỷ mình.
Chê khen, cám dỗ, mặc tình(279)
Tâm không thối chuyển, tịnh bình như không(280)
Trí minh chẳng thể lường, đong (281)
Không còn mắc lỗi, không trong buộc ràng.(282)
Hiện tướng lìa bỏ dễ dàng(283)
Năng cùng Sở tác song hàng bặt luôn.
Vô công diệu dụng bắt nguồn(284)
Từ nơi nguyện lực, ai còn dám nghi.
Đạt thành bất khả tư nghì(285)
Viên minh trí tuệ, Đại bi dẫn đầu.(286)
Nguyện Ba la mật, chí cầu
Lại tu Quyết định thâm sâu tột chừng.(287)
Chân như Diệu dụng không cùng
Thuận sanh, thị hiện, trùng trùng tương ưng
Chúng sanh pháp được viên dung(288)
Đạt mười Tự tại, khắp cùng hiện thân(289)
Khéo dùng phương tiện dần dần
Giúp cho chúng vốn si đần tiến mau
Tới nơi tin, hiểu pháp mầu
Đi vào Phật đạo, khổ sầu biến tan.

9. Tiến lên THIỆN HUỆ rất cần
Từ, Bi, Hỷ, Xả sát gần mới xong
Dứt lìa chuyển Tướng rõ trông(290)
Lục Ba la mật sớm trong đạt thành
Như Lai Trí tuệ tu hành
Thường trong Chánh định, tâm lành khắp soi
Đắc Vô ngại trí tuyệt vời
Chuyển vòng xe pháp chói ngời khắp nơi.
Siêng tu Tinh tấn, không ngơi
Dẫn đưa chúng tới tận nơi tột lành.

10. PHÁP VÂN, thập địa viên thành
Siêng tu Trí, Xả, quán hành chẳng ngơi(291)
Cùng dùng nguyện lực tuyệt vời
Nổi mây Bi Phước đúng thời độ sanh.
Rưới mưa đại pháp tột lành
Lửa phiền não được biến thành thanh lương.
Ma quân xô dẹp bên đường
Khẩu, Thân, Ý tịnh, hết vương lỗi lầm.
Trí quang diệt ám, hôn trầm
Tùy duyên thị hiện để làm lợi sanh
Thọ danh Đại trí, đắc thành
Bồ đề mật hạnh, đức lành, phẩm cao
Lại dùng Thắng Giới Huệ vào
Như Lai Cảnh giới, địa nào sánh ngang?
Trí minh tợ ánh kim quang
Niệm nào cũng có ẩn tàng Dũng, Bi
Đồng thời an thọ, nhiếp, trì
Như Lai Đại pháp không chi sánh bì
Giác ngộ niệm Trụ chẳng nghi(292)
Chứng lên Đẳng giác, oai nghi rạng ngời.
Kim Cang trí dụng không ngơi
Trừ xong Nghiệp tướng, phá rồi Vô minh(293)
Hết còn vọng hoặc tế tinh
Chứng lên Diệu giác, tâm bình khắp soi(294)
Trăng thu không vướng mây trời
Đêm rằm mới dám sánh thôi, tuyệt vời!


GHI CHÚ:

(274) Xem chú thích (138) trong bài Thập Nhị Nhân Duyên.

(275) Do đây mà gọi là Hiền Tiền địa, đại Bồ tát quán các duyên khởi biết là Vô ngã, Vô nhân, Vô thọ mạng, tự tánh không, chẳng có tác giả, không có thọ giả liền được môn Không Giải thoát Hiện tiền.

Quán các hữu chi đều là tự tánh diệt, rốt ráo giải thoát, không có chút pháp tướng sanh liền được môn Vô Tướng Giải thoát Hiện tiền. Nhập Không, Vô Tướng rồi không nguyện cầu, chỉ trừ Đại bi làm đầu giáo hóa chúng sanh liền được môn Vô Nguyện Giải thoát Hiện tiền. Tóm lại, ba giải thoát môn, gồm:

- Không Giải Thoát môn (do duyên, thể vốn không).
- Vô Tướng Giải Thoát môn (không chút Pháp tướng sanh mà tự tánh diệt)
- Vô Nguyện Giải Thoát môn (không nguyện cầu, lấy Đại bi làm đầu để giáo hóa chúng sanh).

(276) Bát nhã là trí tuệ. Vô phân biệt trí (ngài Văn Thù là tiêu biểu) là Căn bản trí, nhìn sự vật bằng Hiện lượng (theo sát na đầu). Đừng nhầm với Sai biệt trí (ngài Trí Tích là tiêu biểu) tức là Hậu đức trí, nhìn sự vật bằng Tỉ lượng (bằng so sánh). Xà na (Djna) là trí huệ (tiếng Sanscrit) hay là Phá Thông trí (Trí huệ của Phật và Bồ tát). Như thế, ở Hiện tiền địa (Địa thứ sáu) Bồ tát tu thêm trí Bát nhã và pháp Thập Nhị Nhân duyên, từ Phân biệt trí trở về Vô phân biệt trí (tức Căn bản trí). Cũng nên biết rằng trong Nam hay dùng chữ Huệ, ngoài Bắc hay dùng chữ Tuệ, cùng nghĩa như nhau, không khác.

(277) Như thế là trừ xong Trí tướng, tu bắt đầu từ Ly Cấu địa.

(278) Ở địa này, phiền não chẳng hiện hành nên chẳng gọi là có. Vì còn cầu Phật trí, tâm chưa mãn toại nên chẳng gọi là không. Trong địa này, Bồ tát đã trừ xong Trí tướng, tu thêm pháp Phương tiện Ba la mật, đắc Vô sanh Pháp nhẫn nhưng chưa có Chân như Diệu dụng.

(279) Do đây có danh từ Bất Động địa.

(280) Do đây nên gọi là Bất thối chuyển địa.

(281) Do đây nên gọi là Nan đắc địa.

(282) Do đây nên gọi là Đồng chân địa hoặc Sanh địa.

(283) Như thế là trừ được món Tế thứ ba trong Tam tế ở địa này.

(284) Do đây nên gọi là Vô công dụng địa.

(285) Do đây nên gọi là Thành địa.

(286) Do đây nên gọi là Cứu cánh địa.

(287) Pháp quyết định có thể so sánh với một tòa nhà lớn. Nhờ nó mà các Bồ tát phá tan các chướng ngại ngổn ngang trên đường, như Bồ tát Gotama đã quyết định từ bỏ ngai vàng, vợ đẹp, con thơ mà ra đi tìm chân lý. Bệnh hoạn, phiền não, thất bại... không làm ngài lùi bước và không làm ngài quên đi sứ mạng thiêng liêng của mình. Ở địa này, Bồ tát tu thêm Nguyện Ba la mật và lìa được Hiện tướng.

(288) Chúng sanh pháp là Tứ nhiếp pháp gồm Bố thí, Ái ngữ, Đồng sự, Lợi hành.

(289) Mười Tự tại gồm:

- Mạng tự tại (tự do sắp đặt cuộc đời mình, chẳng ai ngăn trở, tới lui chỗ nào cũng được như ý).
- Tâm tự tại (rời bỏ sự trói buộc của phiền não, thảnh thơi, tự tại).
- Tài tự tại (tiền của đủ dùng tự tại).
- Nghiệp tự tại (nghiệp quả tự do, không có báo ứng đau khổ).
- Sanh tự tại (tùy theo tâm niệm của mình, muốn sanh ở cõi nào cũng được, chẳng bị ràng buộc).
- Giải tự tại (sự hiểu biết được tự tại).
- Nguyện tự tại (nguyện được tự tại, như ý).
- Thần lực tự tại (sức thần thông tự tại, muốn biến hiện thế nào cũng được.
- Pháp tự tại (tài thuyết pháp vô ngại, việc thi hành đạo đức tự tại).
- Trí tự tại (trí huệ được tự tại).

(290) Chuyển tướng là Kiến tướng, món Tế thứ hai của Vô minh. Trong địa này Bồ tát tu thêm Lục Ba la mật và Như Lai Trí tuệ là trí hiểu biết tất cả để đưa chúng sanh vào Phật thừa.

(291) Hạnh Xả cực kỳ quan trọng. Nhờ nó mà Bồ tát không vui, không buồn khi được ca tụng hoặc bị chê trách, cũng không bị ảnh hưởng của Dục vọng, Sân hận, Si mê... Sống giữa chợ người mà không luyến ái những lạc thú huyền ảo, vô thường của cuộc đời, được ví như hoa sen từ bùn dơ nước đục vượt lên trên tất cả quyến rũ của thế gian. Bồ tát luôn luôn sống vì mọi người mà không mang tâm đòi hỏi sự trả ơn. Vì thế, ngài luôn luôn yên tịnh, tinh khiết và an vui.

(292) Tới đây Bồ tát đã phá xong hai phần Thô còn lại của Vô minh là Trí tướng và Tương tục tướng, đồng thời phá xong hai phần Tế của Vô minh là Hiện tướng và Chuyển tướng tức Cảnh giới tướng và Năng kiến tướng.

(293) Nghiệp tướng hay Sanh tướng Vô minh là phần tế khó trừ nhất của Vô minh và như vậy tới đây Bồ tát giác ngộ được niệm Sanh. Tóm lại, khi Vô minh tức Nghiệp tướng diệt thì tâm không còn vọng động do đó Chuyển tướng diệt. Chuyển tướng diệt kéo theo Cảnh tướng diệt nghĩa là Hiện tướng diệt. Vô minh và Cảnh giới diệt thì các Tướng vọng nhiễm của tâm cũng diệt hết vậy Lục Thô diệt hết. Lúc bấy giờ Bồ tát chứng Niết Bàn và được Diệu dụng không thể nghĩ bàn.

(294) Chứng quả Diệu giác hay Cứu cánh giác là chứng quả vị Phật. Tóm lại, ta thấy:

- Từ Sơ địa đến Tam địa, Bồ tát được Tín nhẫn tức có Chánh tín.
- Từ Tứ địa đến Lục địa, Bồ tát có Thuận nhẫn tức thuận theo đạo Bồ đề và hướng về quả Vô sanh.
- Từ Thất địa đến Cửu địa, Bồ tát ngộ dần cái lý Vô sanh pháp nhẫn. Khi phá trừ được Ngã chấp và Pháp chấp thì được gọi là chứng Nhị không chân như tức là đặng Vô sanh pháp nhẫn (tức chứng đặng Ngã, Pháp đều không). Bồ tát đạt Vô công dụng địa và thường ở trong Chánh định.
- Từ Thập địa tới địa vị Diệu giác, Bồ tát đi dần tới Tịch diệt nhẫn tức mọi sự lầm đều dứt hết và đạt Niết Bàn tịch tĩnh. Bồ tát có vô lượng hạnh, tất cả hạnh đều căn cứ vào Tứ Hoằng Thệ Nguyện, tức bốn điều thệ nguyện lớn mà thực hiện công đức tự giác giác tha, tự độ độ tha để đi vào Thanh tịnh Diệu giác. Bốn thệ nguyện đó là:

  • * Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ.
    * Phiền não vô biện thệ nguyện đoạn.
    * Pháp môn vo lượng thệ nguyện học.
    * Phật đạo vôl ượng thệ nguyền thành.
Bồ tát chẳng bị trói buộc, chẳng chánh sanh tử, chẳng yêu Niết bàn, không có tu và không có thành tựu, không trọng người tu học lâu, không khinh người mới tu học... Vì các ngài là những bậc giác không còn yêu ghét, đối đãi nên chẳng còn mê lầm, phiền muộn. Chư Bồ tát còn thấy giữa các ngài và chúng sanh không có ngăn cách, lấy thiện trả ác, thương xót, giúp đỡ kẻ đã hại các ngài, bị ai nhục mạ không nhục mạ lại, bị ai đánh đập không đánh đập lại... Ví như quả đất mênh mông đang mang tải các đồ vật, các ngài Từ, Bi, Hỷ, Xả, Duy tha, nhẫn nại chịu đựng những tai hại và đau khổ mà chúng sanh có thể đem lại cho các ngài. Phật tử chúng ta hằng ngày hãy cố gắng theo chân các ngài làm những việc lợi ích cho chúng sanh. Vì người quên mình, đó là hành động của những ai muốn đi sâu vào con đường giải thoát.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.2 khách