Đức Phật Tổ Vi Lai Di Lặc

Kính mời các bạn cùng tham gia sáng tác và sưu tầm kệ thi ca Phật giáo.
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Đức Phật Tổ Vi Lai Di Lặc

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

ĐỨC PHẬT TỔ VỊ LAI DI LẶC
Chánh Lý Kiều Thế Đức
(Sách: "Trường Thi: Đời Đức Phật", trang 367 - 383)

Tiếp theo kể ít vần thơ
Về ngài Thái tử khôn so trên đời
Mà gương mặt thật sáng ngời
Con A Xà Thế là người hiện đương
Cai trị thay Bình Sa Vương
Tiểu bang giàu đẹp, hùng cường Kiệt da(418)
Ngài tên gọi A Dật Đa(419)
Tôn thờ, kính Phật thật là sạch trong.
Sáng kia, ngài tự nhủ lòng
Quyết noi gương Phật để mong có ngày
Oai đức cũng được như ngài
Vậy nên dứt bỏ tiền tài, lợi danh.
Tục lụy là bẫy hôi tanh
Ngai vàng cũng thế, chẳng giành làm chi.
Thế là Thái tử quyết đi
Trình lên vương phụ những gì nghĩ qua
Kế rồi, xin phép xuất gia
Để theo hầu Phật, cùng là học Kinh.
Đức vua mừng thấy con mình
Có lòng như vậy, thật tình thuận ngay.
Từ đây, tu tập hăng say
Ngài thông giáo pháp, ngang tay, ít người.

Một hôm đức Phật chuyển dời
Về thành La Vệ độ đời ít lâu(420)
Có ngài A Dật theo hầu
Chính là Phật Tổ toàn cầu vị lai.(421)
Phật về, Hoàng hậu mừng thay!(422)
Và bà quyết định tự tay cấy, trồng
Một vườn cây lấy sợi bông
Hàng ngày tưới bón, Bà trông một mình
Kế rồi chỉ đẹp, mịn, xinh
Cũng do Bà kéo, nhiệt tình xiết bao!
Sao bà tuyển thợ khéo vào
Trong cung để dệt, vải nào sánh ngang?
Cuối cùng, để gọn mâm vàng
Rồi mang dâng Phật thứ hàng vô song.
Nhưng Bà thật đã não lòng
Phật không thọ nhận, lại mong rằng Bà
Chẳng nên nhầm lẫn sâu xa
Hãy dành vải ấy để mà cúng Tăng.
Như thế, phước đức nào bằng
Cúng riêng đức Phật, phải chăng chọn người?
Không chọn, phước gấp mấy mươi(423)
Chọn thì liệu phước sáng ngời được ru?
Dọc đường nghĩ Phật ghét ư?
Và Bà mang một tâm tư thảm sầu
Cuối cùng còn nước yêu cầu
A Nan đại đức, người hầu Phật thôi"
"Xin ngài nói phụ đôi lời
Làm sao Phật nhận giúp tôi được mừng".
A Nan đến nhắc Phật từng
Bú Bà lúc nhỏ, viện chưng cớ là
Xưa, kia Phật mẫu tbăng hà
Bà bỏ con đẻ Nan Đà chẳng nuôi
Chỉ để phi tần coi thôi
Và nuôi Phật mãi tới hồi lớn khôn
Bây giờ Bà lại làu trơn
Về Tứ Diệu Đế nên ơn Phật nhiều.
Nay Bà xin Phật một điều
Nhận hai tấm vải, bấy nhiêu mừng rồi"

"A Nan chẳng rõ đấy thôi
Cá nhân tuyển thí, người đời lạ thay!
Kẻ thì không cúng mảy may
Kẻ thì dâng cúng, hại ngay chính mình
Nếu mà tu tập tấn tinh
Gặp ai cần giúp, thật tình giúp luôn
Thực thi không tiếc, không buồn
Chẳng cần biết đến cội nguồn, họ tên".
Hoàng hậu nghe hiểu cho nên
Cầm hai tấm vải dâng lên từng người.
Tất cả từ chối liên hồi
Riêng ngài thấp nhất thuận lời, nhận cho(424)
Hoàng hậu tủi hận, khóc to
Đâu hay phước ấy gì so sánh bằng.
Thế Tôn thấy vậy phán rằng:
"Hãy đưa chiếc Bát ta hằng dụng mau!"
Cầm lên, ngài nguyện như sau:
"Mọi người không biết Bát đâu để dò
Trừ kẻ phước nhất thì cho"
Kế rồi thảy bát, dạy lo kiếm tìm.
Mọi người đều chịu, đứng im
Riêng ngài A Dật thì tìm được ngay.
Điều này chứng tỏ cho hay
Bát kia chỉ chịu vào tay vị nào
Là bậc Đại giác tối cao
Thế nhưng vị khác không vào tay đâu.
Hoàng hậu chợt thấu pháp mầu
Vui mừng lễ Phật, hết sầu, về cung.
A Di Ta nghĩ thật lung:
Dầu cho vải đẹp, ta dùng ích chi?
Thân này ổ khổ, báu gì
Nguyên nhân sanh tội ta thì chán luôn
Duy kẻ thiếu trí chịu luồn
Cái thân giả tạo nên buồn, khổ đau
Còn người có trí giống nhau
Vô thường thân ấy là đầu mối lo
Mang bao tội lỗi nhỏ, to
Thế nên không đúng để cho ta dùng.
Hai tấm vải quý tột cùng
Chỉ đấng Giác ngộ xứng dùng mà thôi.
Vậy ta quyết định cho rồi
Làm trần nơi Phật, dư thời kết hoa.(425)
. . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . .
(Còn tiếp)


GHI CHÚ:

(418) Kiệt Da còn gọi là Ma Kiệt Dà, Ma Kiệt Đà, Ma Kiệt Đề, Ma Dà Đà, Ma Yết Đà.

(419) Ngài A Dật Đa kêu tắt là A Dật, dịch là Vô Năng Thắng. Đó là tên tự của đức Di Lặc Bồ tát. Ngài còn có tên là A Di Ta phiên âm ở chữ Ajita.

(420) La Vệ là Ca Tỳ La Vệ.

(421) Đó là đức Phật Tổ vị lai Di Lặc.

(422) Đó là hoàng hậu Gô Ta Mi, di mẫu của đức Phật Thích Ca.

(423) Cúng dường mà chấp vào hình, tướng thì phước đức rất nhỏ hẹp so với sự cúng dường mà không chấp vào hình, tướng, vì không chấp vào hình, tướng mới được gọi là tinh khiết. Ta cũng nên biết qua xem thế nào là Phước điền. Phước điền là ruộng phước bao gồm:

- Kính điền: Đối với Tam Bảo, cung kính cúng dường.
- Ân điền: Đối với cha mẹ, sư trưởng thì hiếu thuận, phụng thờ.
- Bi điền: Đối với chúng sanh khổ não thì cứu giúp, bố thí.

(424) Đó là Tỳ kheo A Di Ta có chức vị thấp nhất.

(425) Trần đây là trần nhà nơi Phật ngự.

  • "Kẻ xuất gia lấy Pháp vị làm mùi ngon ngọt, chẳng quên lòng báo thuở mớm cơm. Lấy Phật sự làm việc cần lao nhưng chẳng bỏ lễ tục của đạo đời".

    "Cúng dường không do nơi phẩm vật mà do nơi thành tâm".

    "Nếu phải sống trăm tuổi mà không thông suốt tất cả sự vật phải phát sanh và tiêu diệt như thế nào, thì tốt hơn, quả thật vậy, chỉ sống một ngày mà thấu triệt pháp sanh diệt của vạn vật".

    "Dầu trẻ tuổi, thầy Tỳ Khưu, để hết tâm trí vào giáo lý của Phật, sẽ rọi sáng thế gian này như mặt trăng ra khỏi vầng mây".


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Đức Phật Tổ Vi Lai Di Lặc

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

Tới đây, xin hãy kể qua
Đương lai Tôn Phật để ta hiểu tường.
Xót thương Phật đã soi đường
Khuyến ta hằng giữ giới hương tột lành
Vì rằng quả tốt sẵn dành
Trong Tiểu kiếp tới nếu hành Nhẫn, Bi
Kinh này Phật thuyết, chẳng nghi
Tại non Linh Thứu, xin ghi tự đầu:

  • Vào Tiểu kiếp mười, Thiệm Bộ Châu(426)
    Giảm dần mực nước biển nhiều, sâu
    Xuống ba ngàn lẻ ba trăm Thiện(427)
    Diện tích trồng tăng, đất tốt mầu.
Ngang, dọc đều do vạn Thiện trường
Thiệm Châu giàu thịnh, chúng hiền lương
Đất không gai góc, xanh mềm cỏ
Mịn tựa như nhung các nẻo đường.

  • Lúa, y, bông, trái thật dư thừa
    Cảnh sắc huy hoàng, dễ mến ưa
    Sống tám muôn năm, người rất thọ(428)
    An vui, tướng đẹp, ít hiềm dua.
Con đường kinh lý rộng thênh thang
Của Chuyển Luân Vương trải đá vàng(429)
Ngự tại trên xe, ngài dạo khắp
Giáp vòng thiên hạ mới đăng quang.

  • Luân Vương đóng tại Diệu Trang thành
    Bảy dãy Ta la chạy bọc quanh
    Ngang bảy do tuần, thành lớn, rộng(430)
    Dọc mười hai, tráng lệ lừng danh.
Lâu đài, khước địch, lũy, mương, ao(431)
Cẩn ngọc chói ngời, sáng tựa sao
Gió thổi, cây reo dường tấu nhạc
Dưới hồ sen báu cảnh thanh tao.

  • Danh hiệu vua là Thánh Hướng Khư
    Bốn châu thiên hạ đặng gồm thu
    Ngài giàu đạo đức, nhiều uy lực
    Mạnh khỏe, ngàn con, thiện nghiệp dư.(432)
Luân Vương có bốn đạo hùng binh
Mã, Tượng, Bộ, Xa bảo vệ mình
Nhưng chẳng bao giờ mang sát phạt
Vì dùng chánh pháp dạy quần sinh.

  • Bốn kho châu báu đẹp vô ngần
    Thất bửu, ma ni quý bội phần
    Chủ Tạng, chủ Binh, cùng Tượng, Mã
    Xa luân, Nữ bửu diệu, kỳ trần.(433)
Trong nước, đại thần có Quốc sư
Kêu danh Thanh Tịnh, giỏi thiên thư
Tứ minh thông hiểu, không ngăn ngại(434)
Khéo dạy, nghe nhiều, chẳng vị tư.

  • Phu nhân Tịnh Diệu rất đoan trang
    Bố thí, từ tâm, ít kẻ ngang
    Vương quốc sánh bì về của cải
    Người người tôn kính, tướng hiền sang.
Ngày nọ, đức Từ Đại trượng phu
Biệt trời Đâu Xuất, vĩnh thiên thu
Chọn bà Tịnh Diệu làm phương tiện
Để hiện xuống trần, chót kiếp tu.

  • Thời đó, tại vườn rộng Diệu hoa
    Rừng bông ngát tỏa, trải hương xa
    Trong hồ, sen quý khoe màu sắc
    Ẩn hiện từng bầy lớn bạch nga.
Nắng vàng đổ xuống khắp nơi nơi
Đỉnh các chòm cây sáng chói ngời
Gió thổi, bóng đùa trên mặt đất
Ngàn hoa trút nhẹ tựa mưa rơi.

  • Muôn chim tấu nhạc khúc huyền mơ
    Khiến kẻ nghe rồi luống ngẩn ngơ
    Bướm lượn, ong đùa, say với nhụy
    Khu vườn thật quyến rũ, nên thơ.
Một sáng, Phu nhân dưới nắng hồng
Ra vườn dạo cảnh, hái cành bông
Lúc Bà vin chắc cành hoa quý
Là đức Thắng Tôn được lọt lòng.(435)

  • Tam giới qua mau phút ngỡ ngàng
    Ngài như mặt nhật chói hào quang
    Như hoa sen báu khi vừa nở
    Không nhiễm bùn nhơ, rực ánh vàng.
Trên cành chim hót, tiếng hòa vang
Ánh sáng không còn vẻ chói chang
Gió bỗng nhu hòa, thêm mát dịu
Bầu trời thắm đẹp tựa Xuân sang.

  • Đế Thích tự tay đỡ Thắng Tôn
    Lớn chào: "Mừng gặp đức Từ Tôn"
    Rồng mưa tắm gội thân Bồ tát
    Trời rải hương hoa, tiếng sáo dồn.
Thiên chủ bồng ngài cẩn trọng trao
Qua tay Thánh mẫu, nhạc vang chào
Kế rồi hộ tống về thành nội
Dân chúng chờ xem chật lối vào.

  • Nhiều đấng tùy tùng đức Thắng Tôn(436)
    Thác thai vào thể nữ quyền môn
    Chào đời trí, dũng bao gồm đủ
    Nhờ phước lực ngài Lưỡng Túc Tôn(437)
Quốc sư xem tướng, ngắm con ngài
Thấy đủ ba hai tướng, diệu khai(438)
Thế tục là Luân Vương chắc chắn
Xuất gia thành Chánh giác, không sai.

  • Lớn lên mắt tợ lá sen xanh(439)
    Ngài vóc tròn đầy, mặt rộng, thanh
    Tướng mạo đoan nghiêm, mình rắn chắc
    Thân vàng, mặt lộ vẻ tinh anh.
Dung nhan sáng đẹp, hệt kim quang
Tài, trí dội đồn tựa sấm vang
Giọng nói sang như trời Đại Phạm(440)
Từ bi khó kẻ sanh bì ngang.

  • Ngài thường quán sát chúng quần sanh
    Thấy bị khổ đau mãi mãi hành
    Sanh tử, luân hồi trong sáu nẻo
    Không lo, còn đố kỵ, hiềm tranh.
Khéo léo, thông minh, giỏi mọi nghề
Ngài ưa huấn nghệ, giảng cho nghe
Những người theo học đông vô kể
Tám vạn bốn ngàn sẽ dứt mê.

  • Ngài kia vua mở hội Vô Cha(441)
    Cho cất bửu tràng, thí phát ra
    Tài, Pháp không phân hèn, quý, tiện
    Bị ngàn Phạm chí, giật giành, la.(442)
Đến nỗi bửu tràng sập, gãy tan
Từ Tôn thấy cảnh xót, buồn, than:
"Hữu vi, mọi pháp vô thường hết
Bệnh, tử, già, sanh, sống khổ nàn".

  • Nghĩ vậy, ngài vui xả xuất gia
    Ngay trong đêm ấy diệt quần ma
    Và ngài thoát khỏi vòng sanh tử
    Chứng quả Bồ đề, biển khổ qua.
Ngài ngồi tịnh tại cội Long Hoa
Cả phá vô minh, thắng nhiễu tà(443)
Tại chính nơi này thành chánh giác
Để rồi khai mở hội Long Hoa.(444)

  • Tám vạn bốn ngàn kẻ kể trên
    Nhàm lìa cảnh thế trắng viền đen
    Xuất gia cùng nguyện trong đêm đó
    Tín, giới, hành, trì tới giác viên.
Thắng Tôn thuyết pháp độ quần sanh
Ngài dụng Bát âm, tạo nghiệp lành
Giảng giải cho hay rành Tứ Đế
Khiến người nghe thấy pháp mầu nhanh.

  • Luân Vương thính pháp thậm thâm sâu
    Xả hết bửu trân, hiểu pháp mầu
    Từ bỏ ngai vàng, tu giải thoát
    Nhiều ngàn đồng tử tiếp liền sau.(445)
Thiện Tài chủ tạng cũng noi gương
Xin đức Từ Tôn hãy xót thương
Cho được cùng với ngàn quyến thuộc
Theo đường giới hạnh, dưỡng tình thương.(446)

  • Bảo nữ Tỳ Khư đến kính xin
    Xuất gia với trọn vẹn niềm tin
    Cùng bao quyến thuộc và hầu cận
    Kế đến nhân dân, tới vạn, nghìn.
Đức Từ Tôn thuyết giảng cho hay
Những kẻ đang trong pháp hội này
Là kẻ đã từng theo chánh đạo
Ngài Mâu Ni dạy, thiện hiền thay!

  • Hoặc đã cúng dường đức Thích Tôn
    Quy y, hộ Phật pháp trường tồn
    Hoặc là tu học và vâng giữ
    Không phạm giới điều, đủ hạnh môn.
Hoặc giữ ngày chay, hoặc cúng dường(447)
Tăng Ni tứ sự, chẳng nài phương
Hoặc là vẽ, đúc, tô hình Phật
Thọ Bát quan trai, chánh pháp tường.(448)

  • Thắng Tôn đã vận dụng Tam thông:(449)
    Thần cảnh giúp cho được rõ trông
    Nghiệp cảm mà lo trừ khổ não
    Tu hành chứng quả, trí ngời trong.
Ký tâm, giúp nhớ kỹ, ghi sâu
Đoạn Hoặc, chứng chân, hiểu pháp mầu
Giáo giới, giúp nghe mau thấu lý
Để rồi chứng quả hết phiền đau.

  • Lần hội đầu tiên độ được cho
    Chín mươi sáu ức dứt phiền lo(450)
    Lần hai kém trước tròn hai ức(451)
    Qua biển vô minh, tới giác bờ.
Lần hội thứ ba, thính pháp âm
Chín mươi hai ức đã bình tâm
Tự mình điều phục nên thuần thiện
Như thế pháp luân chuyển đúng tầm.(452)

  • Ngài đưa chúng đệ tử vào thành
    Khất thực, gieo thêm hạt giống lành
    Đường phố đều trang hoàng lộng lẫy
    Dòng người tợ thác đến hầu quanh.
Vua Trời, Thiên chúng đã thi đua(453)
Phủ kín vòm trời, chẳng khác mưa
Hương bột, Mạn đà dâng cúng Phật(454)
Mùi thơm trước gió mãi còn đưa.

  • Toàn thành được điểm khắp bằng hoa
    Sắc phục dân mang đẹp chói lòa
    Ânh nhạc, Trời, Người cùng Đế Thích
    Tán dương Phật đức rộng bao la.
Tiếng Nam Mô Phật dội vang trời
Dưới ánh quang minh sáng chói ngời
Trời, Chúng, Phạm vương đi nhiễu Phật
Tỏ lòng sùng mộ mãi không ngơi.

  • Ma vương cảm phước Phật tròn đầy
    Cũng đến quy y kể tự nay
    Thế giới từ đây toàn Sắt tặc(455)
    Chỉ trừ một số ít, lành thay!
Nhân, Phi nhân, tám Bộ hân hoan(456)
Ca tụng Thắng Tôn phước, trí toàn
Đại chúng siêng trừ nghi, bỏ chướng
Tu thiền, dứt ngã sở, tâm an.

  • Đức Thắng Tôn thương xót chúng sanh
    Độ đời suốt sáu vạn năm xinh
    Hữu duyên và được lên bờ giác
    Có tới ngàn, muôn, ức hữu tình.
Khi đức Thắng Tôn nhập diệt rồi
Lưu đời, chánh pháp mãi còn trôi
Tới khi sáu vạn năm tròn đủ
Tượng pháp mới khai, Chánh pháp dời.


GHI CHÚ:

(426) Đức Phật Thích Ca ở vào Tiểu kiếp thứ chín, đức Phật Di Lặc ở vào Tiểu kiếp thứ mười, mỗi Tiểu kiếp cách nhau 16,798,000 năm. Thật thế, một Tiểu kiếp gồm có một kỳ tăng kiếp và một kỳ giảm kiếp. Lấy đời sống của con người là 10 tuổi mà khởi sự thì cứ qua một thế kỷ, tuổi thọ con người tăng thêm lên một tuổi cho đến lúc tuổi thọ con người từ 10 tuổi lên đến 84,000 tuổi, đó là tăng kiếp chí cực. Rồi lại lấy đời sống của con người là 84,000 tuổi mà tính, cứ qua một thế kỷ tuổi thọ lại giảm đi một tuổi cho đến tuổi thọ xuống tới chỉ còn 10 tuổi, đó là giảm kiếp chí cực.

Như thế, một kỳ tăng kiếp trải qua từ tuổi thọ 10 tuổi đến tuổi thọ 84,000 tuổi là 84,000 - 10 = 83,990 thế kỷ tức 8,990,000 năm và một kỳ giảm kiếp trải qua 8,990,000 năm nữa, cộng thành 16,798,000 cho một tiểu kiếp.

Tuổi thọ trung bình khi Phật Thích Ca tại thế là 100. Giảm dần tuổi thọ xuống tới 10 tuổi phải trải qua 90 thế kỷ tức 9,000 năm. Tuổi thọ từ 10 lên tới tuổi thọ 84,000 tuổi trải qua 83,990 thế kỷ tức là 8,399,000. Rồi từ tuổi thọ 84,000 tuổi xuống tới tuổi thọ 80,000 tuổi trải qua 4,000 thế kỷ tức 400,000 năm. Như thế, từ khi đức Phật Thích Ca thị hiện cho đến lúc Bồ tát Di Lặc hạ sanh thành Phật trải qua một thời gian là 9,000 + 8,399,000 + 400,000 = 8,808,000 năm.

Thiệm Bộ Châu (Jambudvipa) là quả địa cầu của chúng ta, ở về phương Nam của núi Tu Di nên còn gọi là Nam Thiệm Bộ Châu. Nó cũng được gọi là Diêm Phù Đề hay Nam Diêm Phù Đề. Thiệm Bộ Châu cũng là tiếng gọi cõi Thiên Trúc (Ấn Độ).

(427) Thiện tức là một do tuần và kêu là tắt của Du thiện na. Một do tuần bằng 80 dặm Tàu và một dặm Tàu bằng 1/3 dặm Anh tức vào khoảng 536.10 mét.

(428) Tám muôn năm tức là tám mươi ngàn năm.

(429) Luân Vương là Chuyển Luân Thánh Vương. Có bốn vị Chuyển Luân Thánh Vương là Kim Ngân Vương, Ngân Luân Vương, Đồng Luân Vương, Thiếc Luân Vương. Luân Vương ở đây là Kim Luân Vương, ngài cai trị của bốn châu trong thiên hạ gồm Đông Thắng Thần Châu, Nam Thiệm Bộ Châu (ở phía Nam núi Tu Di), Tây Ngưu Hóa Châu và Bắc Cu Lô Châu.

(430) Một do tuần bằng 80 hoặc 60 hoặc 40 dặm Tàu. Ở đây lấy con số 80.

  • "Như ta nhìn bọt nước. Như ta nhìn ảo ảnh. Nếu người kia nhìn thế gian này như vậy, tử thần không còn thấy người ấy nữa".
(431) Khước địch là cái đài canh, tháp canh.

(432) Ngàn con của Luân Vương đều sanh nở do hóa sanh nên mới có nhiều như vậy. Đó là phước đức tu Thập thiện mà có.

(433) Thất bảo (bửu) của Chuyển Luân Thánh Vương ngoài Ma ni gồm có:

- Luân bảo tức xe quý có thể bay đi trên không để hàng phục bốn châu.
- Tượng bảo tức con voi quý, hiếm không ai có.
- Mã bảo tức con ngựa quý báu, chẳng ngựa nào sánh kịp.
- Nữ bảo tức bà Phu nhân đoan chánh nhất, đức hạnh nhất.
- Chủ Tạng thần tức quan đại thần cai quản kho tàng, tài chánh.
- Chủ Binh thần tức quan đại thần có tài điều binh, khiển tướng.

(434) Tứ minh gồm Thanh minh, Công xảo minh, Y phương minh, Nhân minh.

(435) Đức Di Lặc được gọi là đức Vô Năng Thắng hay đức Từ Thị, đức Thắng Tôn, đức Từ Đại Trượng Phu, đức Vô Thượng... Đức Thắng Tôn sanh ra đời nhằm kiếp giảm nhưng nhân dân đều có hưởng phước của Pháp tu nhân lành nên ngài lấy sự giáo hóa làm chủ, không cần dùng đến uy thế Độc tôn; còn đức Thích Ca thị hiện xuống trần trong cung Quốc vương là vì lúc đó nhằm kiếp giảm nhưng chúng sanh tâm tánh cang cường, ít phước, khó điều phục nên phương tiện mà sanh vào nhà Đế vương rồi xuất gia để cảm hóa chúng sanh.

(436) Thác thai vào thể nữ quyền môn có nghĩa là ngày Bồ tát Di Lặc đản sanh thì đồng thời có những đấng tùy tùng theo xuống giáng sanh vào thể nữ các nhà quyền thế. Nhân nhờ lực của Bồ tát mà các thể nữ đều sanh ra các bé trai đầy đủ trí, dũng. Khi đức Di Lặc còn ở cõi trời Đâu Xuất là cõi trời mà chúng sanh tại đó sống rất có hạnh phúc thì tại cõi trời ấy, ngài đã giáo hóa chư Thiên trong suốt một khoảng thời gian ước bằng 8,808,000 năm dưới trần thế theo như ước tính ở phần ghi chú số (426).

(437) Lưỡng Túc Tôn là vị được trời, người tôn kính và có đầy đủ phước trí.

(438) Ba hai tướng là 32 tướng tốt. Diệu khai là được sanh ra một cách kỳ diệu.

(439) Mắt như lá sen xanh là dụ cho con mắt đẹp, hiếm có và quí. Bên Ấn Độ có thứ sen sanh, lá dài và rộng, nom rất thanh, đẹp và hiếm có, có cái tướng mắt người lớn nên dùng để tỉ dụ cho con mắt của Phật.

(440) Giọng nói như tiếng vua trời Đại Phạm là ngụ ý nói có cái năng lực tột cao, trong sạch hóa được các tư tưởng.

(441) Hội Vô Cha là hội 5 năm thiết lập một lần, còn gọi là Ngũ niên công đức hội. Đó là một pháp hội thực hành bình đẳng. Bố thí cả tài lẫn pháp không phân biệt đạo, tục, quý, tiện, thượng, hạ, giai cấp.

(442) Phạm Chí ở đây chỉ cho những người cầu tu Phạm hạnh tức cầu tu những giới hạnh thanh tịnh của hàng xuất gia.

(443) Thắng nhiễu tà là ý nói thắng sự nhiễu loạn của những cám dỗ tà mị của ma vương, của ái dục, của si mê... Qua một đêm mà ngài đã thành Phật, điều này cũng không làm ta khó hiểu vì trước khi xuống trần, ngài đã giáo hóa chư Thiên một thời gian lâu dài trên cõi trời Đâu Xuất. Ta nên hiểu rằng cái nhân để thành Phật một cách chân chánh phải là một vị Độc Tôn giáo hóa trong một cõi Tam thiên đại thiên thế giới mà không phải dễ dàng như qua một đêm mà thành Phật được. Cõi trời Đâu Xuất là một cõi trong Tam thiên đại thiên thế giới và chính là nơi ngài đã giáo hóa chư Thiên một thời gian dài (theo chú thích 436)

(444) Ngài tu pháp Quán các pháp Duy Thức. Tất cả chúng sanh mê lầm chấp các pháp thế gian là thật có (Biến kế sở chấp) nên bị sanh tử, luân hồi. Sự thật, các pháp đều do nhân duyên sanh khởi (Y tha khởi) in tưởng như có mà không thật. Chung quy, các pháp không ngoài tánh chân thật, viên mãn (Viên thành thật), lúc nào cũng tròn đầy, sáng suốt, không biến hoại. Quán như vậy phá được mê chấp phàm phu, thấy hiện tướng các pháp do duyên hợp, thấu đạt chân tánh các pháp là chân thật, tròn đầy. Đó là giác ngộ, chứng quả.

Khi ngài chứng quả dưới cội cây Long hoa, pháp hội của ngài nhóm ngay dưới cội cây này vì thế mới có tên là Long Hoa hội. Cây Long hoa hình con rồng và trổ hoa màu vàng. Cây này là Bồ đề thụ đối với Phật Di Lặc, giống như cây Tát Bát La là Bồ đề thụ đối với Phật Thích Ca.

(445) Nhiều ngàn đồng tử tiếp liền sau là là ý nói khi thấy Luân Vương xuất gia thì ngàn đồng tử cũng xuất gia theo.

(446) Con đường giới hạnh là con đường gồm có ba mươi bảy yếu tố dẫn đến giải thoát mà ta thường gọi là 37 phẩm trợ đạo.

(447) Chẳng nài phương là chẳng cần lựa chọn xem từ phương nào tới.

(448) Giới Bát quan trai mà người cư sĩ thường giữ vào các ngày 1, 8, 15, 23 âm lịch gồm ngũ giới và ba điều sau:

- Không ăn sau giờ ngọ.
- Không khiêu vũ, ca hát, nghe âm nhạc, xem tuồng hát không thích hợp, không dùng trang hoa, nước hoa, dầu trang sức.
- Không ngồi ghế cao và tốt đẹp.

(449) Tam thông gồm: Thàn cảnh thông, Ký tâm thông, Giáo giới thông.

- Thần cảnh thông là khiến cho chúng trông thấy cảnh nghiệp cảm mà đoạn Hoặc, tức đoạn trừ vô minh, phiền não mà chứng quả. Nghiệp cảm có nghĩa là do nghiệp như thế nào thì cảm thọ cái thân và cảnh như thế ấy. Ví dụ, nếu tạo nghiệp Nhân thì đời sau đầu thai lại, chánh báo (hay căn thân) vẫn là người, Y báo (hay cảnh vật) tức sơn hà đại địa vẫn như hiện nay nhìn thấy. Nếu tạo nghiệp Dữ thì chánh báo ở đời sau sẽ là súc sanh hay ngạ quỷ và y báo tức là cảnh giới chung quanh không còn giống cảnh giới hiện nay của người nữa, nghĩa là vũ trụ, vạn vật sẽ biến đổi theo tầm mắt và sự hiểu biết của loài ấy (gỗ đối với mọt nay là thức ăn, phân của ta đối với giòi là thức ăn...).
- Ký tâm thông là khiến cho chúng ghi nhớ được chánh pháp mà đoạn Hoặc chứng chân.
- Giáo giới thông là dạy cho nghe hiểu chánh pháp mà đoạn Hoặc, chứng quả.

(450) Một ức là mười vạn hay 100,000.

(451) Lần hai kém trước tròn hai ức tức là 94 ức.

(452) Ý nói chuyển đúng tầm mức, đến đây là xong và bắt đầu dẫn đệ tử vào thành khất thực.

(453) Vua Trời tức Phạm vương, Tứ đại Thiên vương...

(454) Mạn đà là hoa Mạn đà la mà chư Thiên thường cúng dường vào những dịp Bồ tát giáng sanh vào lòng mẹ trong kiếp chót, khi ra đời, lúc xuất gia, ngày thành đạo và ngày nhập diệt.

(455) Sát tặc là A la hán, vì vị A la hán là vị giết thứ giặc vô minh, phiền não nó làm hại giới thân, huệ mạng của chúng sanh.

(456) Phi nhân gồm có Trời, Rồng, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lâu la, Khẩn na la, Ma hầu la già được gọi chung là Bát Bộ chúng. Còn Nhân gồm tứ chúng: Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di.

Càn thát bà là thần âm nhạc của trời Đế Thích. A tu la là thần Phi Thiên, có cung điện nhưng hình thể thì không đoan chính như chư Thiên. Ca lâu la là loài Kim Sí Điểu tức chim đại bàng cánh vàng. Khẩn na la là thần múa hát của trời Đế Thích, giống như người có sừng. Ma hầu la già là thần Đại mãng xà.

(457) Bỏ chướng là bỏ hai thứ chướng gồm Phiền não chướng và Sở tri chướng.

- Phiền não chướng gồm có kiến hoặc (tức sự lầm của cái thấy phân biệt) và Tư hoặc (tức sự lầm của cái nghĩ tham ái). Cả hai đèugốc ở ngã chấp mà ra. Phiền não chướng làm chướng ngại cho trí Bát nhã Bồ đề.

Phiền não chướng (tức phiền não là chướng ngại) là sự tối tăm, phiền buồn do Tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, mến tríu... làm não loạn tâm thần nên không hiển phát được cái chân tánh diệu minh của mình, nghĩa là làm chướng ngại trí Bát nhã Bồ đề.

- Sở tri chướng gồm thủ cảnh (tức sanh lòng hí cầu, chấp thủ) và đối với pháp tu chứng thì chưa đạt tới chỗ tánh Không, nên sanh tâm luyến ái. Cả hai đều thuộc pháp chấp. Sở trí chướng làm chướng ngại con đường giải thoát, Niết bàn.

Sở tri chướng (sự hiểu biết hay trí khôn là chướng ngại) là sự chấp mê chỗ biết, chỗ chứng của mình do đó làm chướng ngại con đường giải thoát, Niết bàn.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.38 khách