Vô Tướng, Vô Ngã

Kính mời các bạn cùng tham gia sáng tác và sưu tầm kệ thi ca Phật giáo.
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Vô Tướng, Vô Ngã

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

VÔ THƯỜNG, VÔ NGÃ
Chánh Lý Kiều Thế Đức
(Sách: "Trường Thi: Đời Đức Phật", trang 116 - 120)

Sau này, đắc ánh đạo vàng
Ngài luôn thuyết pháp rõ ràng, thậm sâu
Về VÔ THƯỜNG, NGÃ nhiệm mầu
Giúp cho chúng rõ là đâu cội nguồn:

VÔ THƯỜNG: biến đổi luôn luôn
Qua bốn giai đoạn bắt nguồn như sau:
Sanh, Trụ, Dị, Diệt theo nhau(126)
Như hoa nở, héo, rụng sau mấy ngày(127)
Muôn vật biến chuyển, đổi thay
Tợ như ngựa chạy, mây bay cuối trời.
Như làn sóng cả ngoài khơi
Như dòng sông chảy, đổi dời nào hay.
Vậy nên từ cổ tới nay
Loài nào không chết, sống hoài được chưa?
Còn ta biến đổi đâu thưa
Qua bốn giai đoạn chẳng chừa một ly.
Dù cho phân tích tinh vi
Cũng không thể cãi, chê, nghi được nào.
Mỗi giây ngàn, triệu tế bào
Chết đi thay bởi tế bào mới hơn.
Điều này minh chứng hùng hồn
Xác thân biến đổi nhanh hơn Niệm rồi.
Liên tục như dòng nước trôi
Thân này là Quả, thân rồi là Nhân(128)
Cảm giác hoan lạc lên trần
Hay là hạnh phúc cũng dần dần phai.
Sớm muộn tới một ngày mai
Biến thành đau khổ nào ai có lường.
Đúng theo vạn vật vô thường
Khổ này nhiều, ít tùy trường tạo Nhân.(129)

VÔ NGÃ chẳng nói xa gần
Vì ta rõ hiểu, nhận chân đó là
Điều mà dễ giải thích ra
Mọi vật chẳng có cái ta riêng nào:
Chỉ có phần tử Duyên vào
Đến khi duyên hết, vật nào còn Ta?
Xác thân chẳng phải là Ta(130)
Vì rằng không thể bảo là :"Chớ đau!"
Dù thân trẻ, đẹp tới đâu
Cũng không thể bảo: "Trẻ lâu, chớ già!"
Tâm linh chẳng thể là Ta(131)
Vì vui, buồn, giận rất là đổi thay
Thế nên, trong vũ trụ này
Muôn hình, muôn vật, cả ngay con người
Đều là tạm, giả mười mươi
Hiểu được, ta xót thương người lầm sai
Chạy theo cái bả tiền tài
Xác thân, danh vọng là tai hại đời
Ái, tham luyến tiếc không rời
Tạo ra cái nghiệp luân hồi khổ đau.


GHI CHÚ:

(126) Sanh ra, lớn lên, già, chết (hay tan rã), hoặc Thành, Trụ, Hoại, Không. Một làn sóng khi mới nhô lên là Sanh (hay Thành). Khi nhô lên cao nhất là Trụ, khi hạ xuống là Dị (hay Hoại), khi tan rã là Diệt (hay Không).

(127)Hoa qua bốn giai đoạn: sanh ra, lớn lên rồi nở, héo, rụng.

(128) Thân này là quả của thân liền trước mà ta gọi là nhân.

(129) Tùy trường là tùy theo trường hợp. Lý Vô thường là một phương thuốc thần diệu để trừ bệnh tham, ái, mê mờ. Chúng ta đau khổ về màu sắc đẹp xấu, với tiếng hay tiếng dỡ, vì mùi vị ngọt đắng, vì mùi thơm mùi hôi và vật ghét vật ưa...

Biết lý Vô thường, ta giữ được bình tĩnh, thản nhiên trước cảnh đổi thay bất ngờ, dám hy sinh tài sản, sinh mạng làm việc nghĩa, biết chán ngán những thú vui tạm bợ, giả trá và sáng suốt tìm những cái vui chân thật, thường còn mà không để cái sanh mạng vô thường, mong manh này kết liễu đời ta trong sự vô ích, ích kỷ và nhỏ nhen. Như thế, hiểu lý Vô thường, ta đập tan sự chán nản, tranh thủ mãnh liệt với thời gian, tích cực ngưng ác, hành thiện, vượt ra ngoài sự bao vây, xiềng xích của phiền não, khổ đau, sống một đời giải thoát, đem ánh sáng chân lý tu chứng được soi rọi vào thế giới mù mịt, tối tăm.

(130) Xác thân theo Phật học là Sắc: đó là hình tường gồm tứ đại là chất cứng (Địa) như thịt, xương; chất lỏng, chất nước (Thủy), máu, nước miếng; chát nóng (Hỏa) như hơi ấm; chất hơi (Phong) như không khí ta thở ra hít vào. Sắc uẩn hằng tiêu hoại, đổi thay, vô tri, thường được ví như bọt nước.

(131) Tâm linh gồm bốn yếu tố: Thọ, Tưởng, Hành, Thức.

- Thọ: cảm giác như vui, khổ, buồn chẳng hạn khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần. Như vậy, Thọ uẩn là nhóm cảm thọ gồm có năm thứ khổ, lạc, ưu, hỉ, xả và do căn, cảnh hòa đồng.

- Tưởng (tri giác): suy tưởng, chiêm nghiệm, nhận ra nhỏ to, đen trắng, nam nữ... và nhận biết được sự vật là vật lý hay tâm linh. Tự tâm xúc đối với ngoại cảnh sanh ra cảm thọ rồi mới có tư tưởng mà ta gọi là Tưởng uẩn. Như vậy, Tưởng uẩn là nhóm ký ức nhớ lại, nhận ra, hồi tưởng gồm sáu thứ Sắc tưởng, thanh tưởng, hương tưởng, vị tưởng, xúc tưởng và pháp tưởng. Nó do Trần, Ý, Căn mà thành.

- Hành: hoạt động thiện hay ác của ý chí. Hành uẩn là cái suy nghĩ của chúng ta và niệm niệm sanh diệt. Thọ (cảm giác) và Tưởng (tri giác) không phải là những hoạt động ý chí, do đó chúng không phát sanh những nghiệp quả. Chỉ có những hoạt động do ý chí như muốn, tham, thù, ghét... mới phát sanh nghiệp quả. Như vậy, Hành uẩn là nhóm hành động thiện và bất thiện (các nghiệp hiện bày gọi là Hành uẩn, tươ tưởng vận hành tạo ra các nghiệp). Nó do ý thức duyên với đối tượng mà khởi lên (đối tượng ở đây là cảnh vật, là mắt thấy, là tai nghe...)

- Thức: đó là nhóm năng tri (biết phân biệt cảnh) gồm nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức. Trong Thức uẩn thì Thức có nghĩa là phân biệt (ví như nhãn thức thì phân biệt về sáu trần) và Thức do căn, trần tạo dựng.

Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức thường được gọi là năm uẩn (Uẩn có nghĩa là tập hợp, tích chứa. Phật giáo cho năm món Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức là năm món tích góp lại làm che lấp mất cả chân tính của con người). Uẩn còn được gọi là Ấm. Thân ta được gọi là thân ngũ uẩn. Được người khen chẳng mừng, bị người chê chẳng giận cũng chưa chắc hết Ngã tướng. Trong khi được khen hay bị chê mà không thấy có người khen chê, như thế mới là Vô ngã. Trái lại, nếu còn thấy có người khen, chê thì tức là phải có cái Ta được khen hay bị chê và như vậy là Ngã tướng vẫn còn.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.26 khách