Độ Ca Diếp

Kính mời các bạn cùng tham gia sáng tác và sưu tầm kệ thi ca Phật giáo.
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Độ Ca Diếp

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

ĐỘ CA DIẾP
Chánh Lý Kiều Thế Đức
(Sách: "Trường Thi: Đời Đức Phật", trang 264 - 258)

Có câu chuyện Thánh hiền
Đẹp như giấc mơ Tiên
Êm, vui và thanh nhẹ
Tợ hương đóa hồng liên:

  • Ca Diếp sống trọn đầy
    Hạnh Đầu đà tuyệt hay(322)
    Thế Tôn khen đệ nhất
    Nêu gương tròn, sáng thay!
Với chí lớn bao la
Ngài sớm nghĩ cao xa
Chờ cha mẹ khuất núi
Sẽ yên lòng xuất gia.

  • Thuở nhỏ, trông khả ái
    Khuôn mặt tợ hoa khai
    Thân vàng, dáng thanh thoát
    Chẳng khác đóa Hoàng mai.
Nhiều người xem tướng nói
Ngài dung nhan tuyệt vời
Đời trước phước thù thắng
Kiếp này ắt Tổ thôi.

  • Song thân ngài rất lo
    Suốt ngày bàn nhỏ to
    Cưới vợ cho ngài sớm
    Sẽ hết nỗi phiền lo.
Ngài sẽ không đi xa
Chỉ quanh quẩn trong nhà
Cạnh vợ hiền trẻ, đẹp
Và nhụt chí xuất gia.

  • Ngài là con chí hiếu
    Tuy rất được cưng chiều
    Hầu song thân sớm, tối
    Trọn nột niềm kính yêu.
Mẹ ngài vẫn thường nói:
"Nay đã lớn khôn rồi
Nên nghĩ chuyện lấy vợ
Con hiền của mẹ ơi".

  • Để làm vui lòng mẹ
    Ngài đã quyết định thuê
    Đúc một tượng thiếu nữ
    Ai nhìn cũng cảm mê.
Tượng khoác áo choàng đỏ
Xinh tươi, đẹp không ngờ
Chẳng khác chi người thật
Khuôn mặt hiền, ngây thơ.

  • Khắp người đeo nữ trang
    Hòa nhập thân sắc vàng
    Cổ đeo xâu ngọc bích
    Tướng vô cùng quý sang.
Ngài trình thưa lên mẹ
"Con chẳng dám không nghe
Ai được như pho tượng
Con vui lòng không chê".

  • Mẹ ngài đã sai người
    Đi khắp chốn, mọi nơi
    Tìm cho được thiếu nữ
    Hệt pho tượng xinh tươi.
Ngày kia, nhóm gia nhân
Thấy mệt mỏi trăm phần
Tới một bờ sông vắng
Nản, cùng nghỉ, dừng chân.

  • Đúng khi ấy có bà
    Vú nuôi nàng Bà Da(323)
    Đi ra sông tắm mát
    Lòng đang rộn tiếng ca.
Bỗng trông thấy pho tượng
Nên tức giận khôn cùng
Tưởng Bà Da đứng đó
Lại tát mạnh không nương(324)

  • Nhưng vừa mới tát xong
    Bà thấy hổ trong lòng
    Vì chỉ là pho tượng
    Bà đã nhầm lẫn trông.
Sau khi nghe kể qua
Bà rõ, hiểu ngay ra
Dẫn mọi người về gặp
Gia đình của Bà Da.

  • Vừa nhìn thấy Bà Da
    Ai cũng ngẩn người ra
    Ôi thật giống pho tượng
    Chẳng còn phải kiếm xa!
Mẹ ngài khi được hay
Đã đến dạm, hỏi ngay
Nhưng ý nàng chẳng muốn
Lập gia đình, khổ thay!

  • Ngài cùng nàng Bà Da
    Viết thư thật thiết tha
    Nhắn nhau cùng từ chối
    Mong chờ ngày xuất gia
Nhưng hai người đưa thư
Đã thay đổi ngôn từ
Bằng hai lá thư giả
Chứa nỗi niềm tương tư.

  • Thế là việc đến nhanh
    Lễ cưới mau sớm thành
    Nhưng luôn luôn hai vị
    Giữ trọn phần tịnh thanh.
Ngay từ đêm tân hôn
Hai vị hứa giữ tròn
Mãi trọng nhau như bạn
Thật cao quý nào hơn!

  • Về tiền kiếp xin ghi
    Khi Phật Tỳ Bà Thi
    Đã đi vào tịch diệt
    Chánh pháp thịnh, chưa suy
Dân chúng xây tháp thờ
Buồn khổ như trẻ thơ
Mất mẹ hiền, từ phụ
Sống lạc lõng, bơ vơ.

  • Quay về nương tựa pháp
    Theo lời của Tăng, Ni
    Năng tới chùa sám hối
    Tu xả Hận, Tham, Si.
Có cô con gái nghèo
Lạy Phật dạy hằng theo
Ưa làm việc bố thí
Thiện nghiệp vẫn thường gieo.

  • Cô thấy trong một tháp
    Tượng một Đại Đạo sư
    Lâu ngày mặt lở, khuyết
    Nên khởi niệm suy tư:
"Ta có đồng tiền vàng
Duy nhất nhưng sẽ mang
Nấu ra sửa tượng Phật
Để rạng ánh từ quang".

  • Nghĩ rồi, cô liền mang
    Đến Ca Diếp, thợ vàng
    Nhờ nấu ra tô lại
    Mặt tượng Phật lở loang.
Ngài sanh tâm hoan hỉ
Vì cô quyết thực thi
Và chu toàn công việc
Chẳng khiếm khuyết một ly.

  • Nhân đó, thời gian sau
    Hai người hiểu tính nhau
    Nguyện đời đời chung sống
    Trong số kiếp dài, lâu.
Coi nhau như tri kỷ
Kính nhau chẳng hề suy
Quyết không vì tình dục
Cùng nhau hành đức Bi.

  • Nhờ quả phước bền lâu
    Chín mốt kiếp liền sau
    Sắc hai vị như vàng
    Biển phước rộng mênh mang.
Cho tới kiếp hiện nay
Quả phước luôn tròn đầy
Hai vị thành phu phụ
Ôi nhiệm mầu vậy thay!

  • Cha mẹ ngài mệnh chung
    Cả hai quyết tâm cùng
    Khoác y vàng, cắt tóc
    Lấy bình bát nương dung.
Lúc đầu, đi cùng nhau
Nhưng chỉ ít ngày sau
Cảm thấy rằng bất tiện
Nên chọn đường khác nhau.

  • Thế Tôn rõ nguyên nhân
    Khen giới đức tinh cần
    Đón đường, giúp cho gặp
    Ban ngài một đặc ân.
Khi gặp đức Thế Tôn
Mừng rỡ tưởng gì hơn
Ngài cúi mình đảnh lễ
Xin theo hầu Thế Tôn.(325)

  • Và rồi, chẳng lâu xa
    Luôn giữ hạnh Đầu đà
    Ngài chứng quả La hán
    Trong vòng tám ngày qua.
Có lần, một số tăng
Khởi khinh mạn, kiêu căng
Khi thấy ngài tới Phật
Y rách, vá dọc, ngang.

  • Phật biết, dạy ngay rằng:
    "Ca Diếp vẫn hằng mang
    Trong người muôn hạnh quý
    Như ngọc tỏa hào quang.
Lại đây, Như Lai mời
Ca Diếp yên tâm ngồi
Ta sẽ nhượng nửa tòa
Chẳng phải kiếm đâu xa".

  • Thấy ngài không dám ngồi
    Phật tiếp: "Chúng Tăng ơi
    Ca Diếp cũng như Phật
    Hạnh đức tợ biển khơi.
Có muôn vàn Tam muội
Đại từ bi cao vời
Tự trang nghiêm, chẳng lỗi
Xứng được kính nơi nơi".

  • Từ đó, số Tỳ kheo
    Thường khinh chê ngài nghèo
    Đối ngài rất tôn kính
    Lời Phật dạy hằng theo.
Phật thương ngài già, yếu
Khuyến dạy: "Hãy nghe ta
Ở yên mà thọ hưởng
Cúng dường, chớ đi xa".

  • Ngài thưa cùng Thế Tôn:
    "Tuy sức con yếu mòn
    Nhưng không dám ngồi hưởng
    Vật thực cúng dường con.
Vì sợ về dài, lâu
Các Tỳ kheo đời sau
Sẽ nương vào đó nói
Chẳng cần khất thực đâu.

  • Năm xưa đệ tử Phật
    Là Ca Diếp đại sư
    Chẳng ở yên một chỗ
    Thọ cúng dường đó ư?
GHI CHÚ:

(322) Hạnh Đầu đà là hạnh nhẫn nhục và khất thực (sinh hoạt bằng bát và một ngọa cụ, ăn một bữa, khất thực không phân giàu nghèo...). Cũng nên biết rằng ngài Ca Diếp người xứ Ma Kiệt Đà thuộc Trung Ấn, dòng Bà la môn. Thân phụ ngài là Ẩn Trạch và thân mẫu là Hương Chí.

Xin đừng nhầm Ma Ha Ca Diếp với ba anh em Ca Diếp (Tam Ca Diếp), thờ Thần Lửa, gồm: Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp, Già Da Ca Diếp và Na Đề Ca Diếp.

(323) Bà Da phiêm âm của chữ Bhaddà, tên của nàng và cũng còn được gọi là Bạt Đà. Sau này, nàng trở thành một trong Thập Lục La Hán của Phật.

(324) Vú nuôi tát mạnh vì nhầm tưởng Bà Da, con nhà gia giáo mà dám ra bờ sông chơi một mình, không có vú nuôi đi kèm.

(325) Khi đức Phật cho hàng phụ nữ xuất gia, ngài có báo cho Bà Da đến quy y Phật pháp, Bà Da lúc đó đang tu theo ngoại đạo tại thành Hoa Thị (Pataliputra).


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Độ Ca Diếp

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

Ngày kia, đức Thế Tôn
Đăng đàng tại Thứu sơn(326)
Nhưng không nói gì cả
Lạ lùng nào lớn hơn?

  • Phật giơ một cành hoa
    Đại chúng tọa, gần, xa
    Không ai hiểu ý Phật
    Thắc mắc thật bao la!
Ca Diếp nhìn Đạo sư
Cũng chẳng dụng ngôn từ
Tủm tỉm cười đáp lại
Để biểu lộ suy tư.

  • Phật liền dụng Bát âm(327)
    Giải bày ý cao thâm
    Bằng cách dạy: "Ta có
    Đặng Niết bàn diệu tâm.
Tức có tâm nhiệm mầu
Rõ Niết bàn, gồm thâu
Có con mắt thấu suốt
Chánh pháp tạng, thâm sâu.

  • Khi tịch, ta truyền lại
    Cho Ca Diếp chẳng sai
    Làm Sơ Tổ đệ nhất
    Của giáo hội tương lai".
Như thế, khi Phật tịch
Ngài Ca Diếp lên thay
Và trông nom giáo hội
Vững vàng, chẳng chuyển lay.

  • Lễ trà tỳ xong rồi
    Chỉ bảy ngày sau thôi
    Ngài triệu các La hán
    Về từ khắp mọi nơi.
Họp tại Kỳ Xà Quật
Trong động Tất Ba La
Triều đại A Xà Thế
Thuộc xứ Ma Kiệt Đà.

  • Mở kết tập lần đầu
    Ghi lại Pháp thâm sâu
    Mà Phật đã giảng giải
    Để truyền bá dài, lâu.(328)
Ngài dạy: "Xá lợi Phật
Nên dành cho trời người
Xây tháp làm ruộng phước
Ta lo kinh điển thôi.

  • Giữ chức vụ Thượng thủ
    Là Ca Diếp Tổ sư
    Đức vua làm Hộ pháp
    Lo mọi việc trơn tru.
Có năm trăm La hán
Tập trung để luận bàn
Về ba tạng kinh Phật
Nhưng chẳng có A Nan.

  • Vì khi Phật nhập diệt
    Ngài tôn giả A Nan
    Vẫn chưa thành La hán
    Chỉ đắc Tu đà hoàn.
Quyết tâm, ngài A Nan
Đêm ấy vượt thời gian
Nhờ hành thiền tinh tấn
Dứt sạch lậu, tâm an.

  • Biết ngài thành La hán
    Tổ Ca Diếp trưởng ban
    Mời ngài vào tham dự
    Giúp giải điều nghi nan.
Trước mặt La hán Tăng
Tổ Ca Diếp chứng rằng
Ngài A Nan nhớ giỏi
Không người sánh bì ngang.

  • Tất cả đồng hoan nghinh
    Cùng nhất trí tôn vinh
    Ba Ly đọc tạng Luật
    A Nan đọc tạng Kinh.
Còn lo về tạng Luận
Tổ Ca Diếp đại sư
Được mọi người đề cử
Sau bàn luận suy tư.

  • Tổ vẫn luôn dạy rằng:
    "Kẻ ẩn sĩ thường hằng
    Đến gia đình dân chúng
    Loạn động ắt dần tăng.
Những ai biết Tàm, Quý
An trú trong định tâm
Sẽ dứt vòng sanh tử
Phạm hạnh mãi cao thâm".

  • Có người hỏi ngài rằng:
    "Đã già sao thường năng
    Mãi leo lên đồi, núi
    Ngài không sợ mệt chăng?"
Ngài an nhiên trả lời:
"Leo núi đá chơi vơi
Một số người mất mạng
Ta tỉnh giác không lơi.(329)

  • Thừa tự Thiên Nhân Sư(330)
    Giữ chánh niệm ta tu
    Dựa trên sức thần lực
    Núi đồi, há sợ ư?
Phật dạy ta làm xong
Tự tại, yên trong lòng
Gánh nặng đã đặt xuống
Gốc sanh tử nhổ xong".

  • Mãn duyên, trao tâm ấn
    Cho tôn giả A Nan
    Ngài vào non Kê Túc(331)
    Nhập thiền định, ẩn thân.
Ngài A Nan lên thay
Trông giáo hội tới ngày
Tam Tổ lãnh y bát(332)
Thế bước ngài từ đây.


GHI CHÚ:

(326) Thứu sơn là cảnh núi có hình giống chim ó. Tiếng Phạn kêu là Kỳ Xà Quật sơn (Grudhakuta) gần thành Vương Xá. Hồi đức Phật Thích Ca thành đạo, ngài từng thuyết pháp tại Thứu phong sơn còn có tên là Linh Sơn.

(327) Bát âm là thứ âm thanh tổng hợp của tám thứ âm thanh sau:

  • - Cực hảo âm: Thứ âm thanh khiến chúng nghe mà hướng vào đường thiện, tốt.

    - Nhu huyễn âm: Thứ âm thanh khiến chúng nghe đều cảm thấy cái đức từ nhu nhuyễn rải ra nơi Phật mà sanh tâm vui mừng, xả bỏ cái tánh cang cường và hướng vào giới luật thanh tịnh.

    - Hòa thích âm: Thứ âm thanh khiến người nghe tự dung hòa mà lãnh hội được lý Trung đạo.

    - Bất nữ âm: Thứ âm thanh khiến người nghe ly dục, khắc phục được thiên ma và ngoại đạo chướng.

    - Bất ngộ âm: Thứ âm thanh khiến người nghe hiểu rõ, không lầm mà đặng chánh kiến, xa lìa tà kiến.

    - Tôn huệ âm: Thứ âm thanh khiến người nghe tôn trọng và khai minh trí huệ.

    - Thâm viễn âm: Thứ âm thanh khiến người nghe ở gần nghe chẳng lớn, ở xa nghe không nhỏ.

    - Bất kiệt âm: Thứ âm thanh còn lưu lại mãi chẳng cùng, khiến người nghe đều được ngộ đạo.
(328) Kinh là những sách ghi chép lời giảng dạy của đức Phật hoặc của chư Bồ tát và chư Tổ. Khi còn tại thế, đức Phật giảng dạy bằng lời mà không viết thành sách.

Bảy ngày sau khi triệu tập để kết tập kinh Tạng và ba tháng sau thì họp tại thành Vương Xá trong động Tất Ba La (Indrasala) của núi Linh Thứu (Gradhakuta) vào năm thứ 8 triều vua A Xà Thế. Vua A Xà Thế làm Hộ pháp ở ngoài và ngài Đại Ca Diếp tôn giả làm Thượng Thủ để ghi lại giáo pháp của Phật. A Nan đọc tạng Kinh, Ưu Ba Ly đọc tạng Luật, Tổ Ca Diếp soạn tạng Luận và được ghi trên lá bối (hay lá buôn). Tam Tạng (Tạng là kho chứa đựng), gồm:

  • a. Tạng Kinh: ghi chép những lời giảng dạy về Đạo, về chân lý.

    b. Tạng Luật: ghi chép những nghi thức và giới luật mà đức Phật đã đặt ra để truyền bá và giữ gìn Đạo.

    c. Tạng Luận: hay Vi Diệu Pháp, ghi chép những luận bàn và vấn đáp về giáo lý Vi diệu của đức Phật, phần nhiều do các đại đệ tử viết dựa vào phần chánh yếu mà đức Phật dạy để khởi thảo.
Tạng Luật gồm giáo lý cùng tột trong khi tạng Kinh gồm giáo lý thông thường. Vi diệu pháp gồm bảy bộ và đề cập đến triết lý, đạo lý siêu hình, phong hóa, nghiêm luật, nghĩa là đề cập đến:
  • - Cái gì ở bên trong ta.
    - Cái gì ở chung quanh ta.
    - Cái gì ta cố thành đạt cho được.
Đại cương người ta thường chia những kinh Phật ra làm Quyền giáo và Thật giáo:
  • * Quyền giáo nghĩa là tạm dùng. Để cho những người có trình độ chưa cao hiểu được chân lý dễ dàng, đức Phật dùng Quyền giáo. Lối giảng này giống như lối kể chuyện cổ tích, ngụ ngôn hoặc dạy những việc phải làm mà không giảng lý ẩn sâu xa. Người Phật tử nghe mãi những chuyện ấy hoặc làm mãi những chuyện ấy tự nhiên lần lần sẽ nhận ra được chân lý.

    * Thật giáo giảng rõ đạo lý cao siêu, phân tách tinh vi đời sống giả tạo của vũ trụ. Bởi thế, có khi Phật giảng tuần tự theo thứ lớp, đưa Phật tử dần dần đến chỗ ngộ nhập chân lý, ấy là Tiệm giáo (Tiệm là từ từ), có khi Phật giảng cấp tốc, đi nhanh chóng ngay tới đích đối với người căn cơ cao, ấy là Đốn giáo (Đốn tức là cắt ngắn).
Quyền giáo và Thật giáo là hai phương pháp giảng dạy chân lý. Đức Phật có khi đồng thời dùng cả hai phương pháp ấy, bởi vậy trong một quyển kinh, có khi có cả Quyền giáo và Thật giáo.

Kinh, Luật, Luận của Phật giáo được dùng hai thứ ngôn ngữ Pàli và Sanscrit. Đại tạng kinh điển Pàli tức ngôn ngữ bình dân dành cho Phật giáo Nam Tông (tôn trọng hình thức, chỉ tôn thờ đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni mà thôi, chỉ ăn một bữa lúc ăn ngọ và giáo lý cứu cánh là pháp Tứ Diệu Đế). Đại tạng kinh điển Sanscrit tức ngôn ngữ văn chương dành cho Phật giáo Bắc Tông (nặng về nội dung, xem nhẹ hình thức, ngoài sự tôn thờ đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni còn tôn thờ hằng trăm vị Phật khác, hàng ngàn vị Bồ tát và ăn chay trường).

  • Hãy tự tạo cho mình một hòn đảo, hãy gấp rút tinh cần để trở thành người trí huệ, hãy thanh lọc mọi bợn nhơ và thành người không dục vọng, như thế con sẽ không trở lại con đường Sanh, Lão" (Kinh Pháp Cú).
(329) Đoạn này có ý nói trên bước đường tu hành để đi đến đích giải thoát rốt ráo, nhiều người đã thiếu tinh tấn, nhẫn nại và bỏ ngang nhưng ngài, thừa tự bậc Đại giác, đã luôn luôn tỉnh giác, giữ vững chánh niệm và dựa trên sức thần lực mà ngài đi tới đích giải thoát.

(330) Thiên Nhân Sư là bậc thầy của trời và người tức là đức Phật.

(331) Kê Túc sơn là một tên khác của Linh Thứu sơn vì núi này ngoài sự giống hình con ó, còn trông giống như chân con gà. Kê Túc sơn cũng còn gọi là Lang Tích sơn (vì có nhiều dấu chân chó sói) hoặc Tôn Túc sơn (vì núi Linh Thứu có hình bàn chân). Sơ Tổ Ca Diếp, sau khi truyền y bát cho nhị tổ A Nan bèn vào non Kê Túc mà tịch diệt. Theo truyền thuyết thì ngài ngồi thiền định trong núi mà chờ Phật Di Lặc giáng sinh.

(332) Tam Tổ là Thương Na Hòa Tu. Ngài người xứ Ma Đột La (còn gọi là Ma Độ La hay Ma Thâu La, dịch là thành Khổng Tước hoặc Mật Thiên). Thành này ở về phía Đông thành Vương Xá chừng bốn, năm dặm và thuộc Trung Ấn. Trong thành có tháp thờ ngài Xá Lợi Phất và tháp thờ ngài Văn Thù.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.32 khách