Con đường Trung Đạo

Kính mời các bạn cùng tham gia sáng tác và sưu tầm kệ thi ca Phật giáo.
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Con đường Trung Đạo

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

  • CON ĐƯỜNG TRUNG ĐẠO
    Chánh Lý Kiều Thế Đức
    (Sách: "Trường Thi: Đời Đức Phật", trang 155 - 159)


Thái tử tâu về với Phạn vương:
"Đời là bể khổ với đau thương
Nay con đã quyết tìm chân lý
Chẳng quả mưa dầm, tuyết, gió sương.

  • Phụ vương hãy bảo vệ mình vàng
    Con đã quyết rồi chẳng bỏ ngang
    Cho tới khi tìm ra ánh đạo
    Sẽ về độ kẻ khó, người sang.
Đức vua đành phái nhóm Kiều Như(169)
Đến chỗ hiện giờ Thái tử tu
Để cùng tu và hầu Thái tử
Lo rằng Thái tử quá sầu tư.

  • Thái tử thiền na quá miệt mài(170)
    Mặc cho đàn sóc nhảy trên vai
    Mặc cho đàn rắn bò qua vế
    Có rất nhiều ngày chẳng thọ trai.
Bao lần trời dông bão, mưa sa
Khi xả thiền xong, bóng xế tà
Không biết lấy gì ăn đỡ dạ
Ngài đành nhận quả rớt chim tha.

  • Như thế, mỗi ngày sức kém đi
    Tham thiền mê mãi, chẳng hay chi
    Ba hai tướng tốt dần dần biến(171)
    Sức khỏe tới hồi đã quá suy.
Thân hình tiều tụy, chỉ còn xương
Tục thế không màng, chẳng vấn vương
Kiên nhẫn mong tìm ra ánh đạo
Quên mình, chỉ nghĩ đến tình thương.

  • Một lần Thái tử quá mê say
    Thiền định qua đêm tới sáng ngày(172)
    Kiệt sức, ngài lăn ra ngất liệm
    Lúc này mạng sống chỉ cầu may.
Vừa hay có một gã chăn chiên
Chợt tới, nhìn ra, tiếp cứu liền
Cắm vội nhành cây che nắng yếu
Không sờ Thái tử để nằm yên(173).

  • Tiếp rồi gã rót sữa trong bầu
    Thái tử uống vào được lúc lâu
    Mở mắt mơ màng nhìn, khẻ hỏi:
    "Người là nhân vật đến từ đâu?
Sao chẳng cho ta uống tiếp đi"
"Thưa ngài tôi hạ tiện nên chi
Sợ làm ô uế thân danh giá
Chẳng dám dâng ngài sợ bảo khi".

  • Thái tử ngồi lên, giọng thật êm:
    "Từ bi kết chặt chúng sanh thêm
    Nhu cầu cũng vậy, không chia rẽ
    Phân biệt là người tối tựa đêm.
Máu ai cũng đỏ giống như nhau
Nước mắt ai người chẳng mặn đâu

Hãy rót cho ta thêm sữa nữa
Làm lành hưởng quả tốt, bền lâu".

  • Nghe xong, gã sáng mắt, hân hoan
    Cử chỉ như là một bé ngoan
    Rót sữa, dâng lên ngài miệng nói:
    "Từ bi, chìa khóa mở dây oan"
. . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . .

  • Một buổi bình minh thật sáng trong
    Muôn hoa khoe sắc trước bầy ong
    Từng đàn bướm lượn trên đồng cỏ
    Chim hót vang lừng tiễn rạng đông.
Có đoàn vũ nữ nhẹ nhàng qua(174)
Xiêm y lấp lánh tợ sao sa
Theo sau dàn nhạc gồm ba vị
Hòa nhịp rất đều với tiếng ca.

  • Tiếng kèn eo óc thật bi ai
    Tiếng trống đều đều rất dịu tai
    Cùng với tiếng đàn ngân trong gió
    Nhịp hòa theo tiếng hát khoan thai.
Tình tang,
Tình tang, tích tịch tình tang
Tiếng đàn ngân vang
Đời là bể khổ tình tang
Hơi đâu hành xác để mang thân tàn
Tình tang
Tình tang, tích tịch tình tang
Vũ trụ mênh mang
Đời bỗng dứt ngang
Chọn đường không đúng, tình tang
Hơi đâu hành xác để mang thân tàn
Tình tang,
Tình tang, tích tịch tình tang

. . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . .

  • Âm thanh cao vút mãi ngân vang
    Thái tử giật mình, ngửa mặt than:
    "Ta đã căng đời ta thái quá
    Phút này chân lý hết mênh mang(175).
Sáu năm ta đã uổng công phu
Khổ hạnh, hành thân chẳng khác tù
Lăn với con đường tu ép xác
Lối này thái quá, chẳng nên tu.

  • Bây giờ Trung Đạo vững đường tu
    Lục dục, ngũ trần quyết chẳng thu(176)
    Khổ hạnh thôi luôn, không tiếp tục
    Đường này theo đuổi tất êm, chu"(177).
Nghĩ đoạn, ngài ra suối nước trong
Tẩy thân như đã định trong lòng
Ngày ngày ăn uống, không còn nhịn
Kiên nhẫn quyết rồi đạt ước mong...

GHI CHÚ:

(169) Kiều Như: là Kiều Trần Như, một vị đệ tử của Uất Đầu Lam Phât (Udrakaramaputra). Nhóm của ngài có năm vị là Kiều Trần Như (Kaundihya), Bạt Đề (Bhadrika), Bật Đà Đồ (Badraka) mà có nơi viết là Bà Sa Ba (Vâshpa), Ma Nam Câu Ly (Mahânâman-Kulika) và A Thuyết Thị (Asvajit) mà ta còn gọi là Át Bệ.

(170) Thiền Na: Người Tàu dịch là Tĩnh Lự. Tĩnh tức là Chỉ (Định), Lự tức là Quán (Huệ).

- Pháp Xa Ma Tha (Samâtha) thì tu về Chỉ tức là Định. Chỉ là dừng hẳn các vọng niệm đang khởi và sẽ khởi ra bên trong. Khi vọng niệm không còn thì chân tánh tự hiện bày. Ta phải chú ý rằng: không có giới thì không thể trừ được các vọng niệm.

- Pháp Tam Ma Bạt Đề (Samâdhi) tu về Quán tức là Huệ. Nhờ pháp Quán mới rõ cảnh hiện tiền như huyễn để đối trị tâm tham luyến thân và cảnh và xa lìa được ngã chấp, pháp chấp. Khi ngã, pháp hết thì tánh Viên giác hiện bày. Cũng nên nhớ rằng thấy cảnh hiện tiền như huyễn không thể ngoài chánh niệm, chánh tư duy được.


(171) Ba hai: Là ba mươi hai.

(172): Ngoài rời khỏi tướng tức là Thiền, trong chẳng loạn tức là Định. Ngoài Thiền trong Định, đó là Thiền Định. Thiền Định tẩy sách tâm tưởng hết những bất định, vọng động như dâm dục, sân hận, ác độc, biếng nhác, phiền não, bất an, hoài nghi và đào luyện những đức tính như tập trung, sáng suốt, thông minh, ý chí, nghị lực, tin tưởng, hoan hỷ, an bình, khả năng phân tích để cuối cùng đưa đến trí tuệ cao cả, thấy rõ bản chất của sự vật như thật và thực chứng chân lý tối hậu là Niết bàn. Mới vào định gọi là nhập định, đang trong cõi định gọi là trụ, từ cõi định ra gọi là xuất định. Nhờ Giới ta đi vào Định, nhờ Định có Huệ, rồi nhờ Huệ ta Giới tốt hơn, Định tốt hơn rồi Huệ tốt hơn nữa và cái vòng Giới, Định, Huệ càng ngày càng đi vào chỗ cao cả tuyệt vời.

  • Cá đớp mồi không biết là vạ. Tằm kéo kén tự trói buộc, từ chằng. Con thiêu thân đâm đầu vào lửa tự thiêu, tự đốt. Chúng sanh vì ham muốn mà bị nhốt trong ngục ngu si và chìm sâu trong dòng sông sanh tử
(173): Vì gã là một kẻ ty tiện thuộc đẳng cấp hèn mọn nên không dám đụng đến kẻ tu hành. Theo luật thời bấy giờ, dân Ấn chia ra làm bốn giai cấp:
  • - Bà la môn: chuyên về lễ bái, học hành uyên bác, giới hạnh đoan nghiêm. Văn hóa, học thuật của dân tộc đều ở trong tay họ.
    - Xá lợi đế: lo về chánh trị và quân bị.
    - Phệ xá: trông về thương mãi và nông nghiệp
    - Thủ đà la: có bổn phận phụng dưỡng ba giai cấp trên, vậy gồm có những tôi tớ, lao động, Gã chăn chiên thuộc giai cấp này.
(174): Đó là đoàn vũ nữ trong đền Ân Đà La, nơi thờ Thiên vương Đế Thích.

(175): Vì lóe ra ánh sáng của chân lý do đó, bỏ lối tu khổ hạnh mà tu theo lối Trung Đạo là lối tu không lẫn với sự lạc thú trong ngũ trần, lục dục và cũng không cho thân quá khổ.

(176) Ngũ trần, lục dục: Lục dục là những tình dục do lục căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý sanh ra. Đừng nhầm với Thất tình gồm: mừng, giận, thương, sợ, yêu, ghét, muốn. Ngũ trần gồm: Sắc, thanh, hương, vị, xúc. Thêm ý thì thành lục trần.

(177) Trung Đạo: là con đường tránh hai cực đoan. Một là chạy theo lục dục thấp kém, tầm thường. Hai là sự tìm kiếm hạnh phúc qua sự ép xác. Lối này cũng không thích đáng vì làm khổ thêm nên cũng vô dụng. Trung đạo chính là Bát chánh đạo mà ta đã nói ở phần Tứ Diệu Đế. Theo trong cuốn Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn thì Trung đạo là không khoảng giữa, không hai bên. Giữa và hai bên là do thế đối đãi mà có và thảy đều vô thường, sanh diệt vì vậy lìa bỏ hai bên thì giữa cũng lấy đâu mà còn.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.24 khách