Ẩn dục, phòng ý

Truyện sưu tầm và sáng tác - truyện của ngày ấy, mỗi cuộc đời là một trường thiên tiểu thuyết. Kính mời các bạn hãy ghi lại những cảm nghĩ, dòng tư tưởng của mình.
Thiện hữu
Bài viết: 62
Ngày: 22/12/14 20:12
Giới tính: Nam
Phật tử: Xuất gia
Đến từ: nước Hoa Kỳ

Ẩn dục, phòng ý

Bài viết chưa xem gửi bởi Thiện hữu »

Xưa, lúc đức Phật còn tại thế, có một Đạo nhân ở dưới cội cây bên bờ sông học đạo. Trong mười hai năm, ý tưởng tham dục chẳng trừ, tâm ý tán loạn, chỉ nghĩ đến sáu món dục: Mắt thích sắc, tai thích tiếng, mũi thích mùi, lưỡi thích vị, thân ưa chạm xúc, ý tưởng pháp trần. Thân ngồi yên mà ý thì lăng xăng không dừng nên trải qua mười hai năm vẫn chưa đắc đạo.

Đức Phật biết vị Đạo nhân nầy là người đáng được độ. Phật bèn hóa làm một vị Sa môn đi đến chỗ Đạo nhân ở, và cùng ở chung dưới một cội cây. Một lát sau, trăng sáng, có một con rùa từ dưới sông nổi lên bơi đến cội cây. Lại có một con thủy cẩu đang đói đi kiếm ăn, gặp rùa, muốn bắt rùa để ăn thịt. Rùa bèn thụt đầu đuôi và bốn chân lại vào trong mai. Thủy cẩu không thể ăn được. Đợi thủy cẩu bỏ đi xa, rùa lại thò đầu, thò chân ra bò đi như cũ, không bị tổn hại.

Khi ấy, Đạo nhân hỏi vị Hóa Sa môn:

- Con rùa này có áo giáp bảo hộ tánh mạng nên thủy cẩu chẳng hại được tánh mạng, phải chăng?

Vị Hóa Sa môn đáp:

- Tôi nghĩ người đời không bằng con rùa nầy, vì họ chẳng biết vô thường, buông thả sáu tình (1) nên bị ngoại ma làm hại, thân thể hư hoại, thần thức ra đi. Sự sanh tử không có mối manh, xoay vần trong năm [hay sáu] đường (2) chịu trăm ngàn sự khổ não là đều do tâm ý tạo ra. Vậy phải nên tự cố gắng cầu sự an lành diệt độ.

Khi ấy, vị Hóa Sa môn liền nói kệ rằng:

Có thân không bền
Sẽ trả về đất
Thân chết, thần (3) đi
Dựa đâu để tham?
Tâm hay tạo nghiệp
Qua lại không ngừng
Nghĩ nhiều điều khuấy
Tự chuốc lấy họa.
Ý nầy tự tạo
Chẳng phải mẹ cha
Khá nên chân chánh
Làm phước, chớ lui.
Ẩn dục như rùa
Phòng ý như thành
Huệ chiến đấu ma
Thắng lợi, không họa.

Đạo nhân nghe bài kệ này xong liền dứt hết tham dục, đắc đạo A La Hán. Khi biết được vị Hóa Sa môn nầy là đức Phật Thế Tôn, Đạo nhân liền sửa sang y phục nghiêm trang đảnh lễ dưới chân Phật.

Kinh Pháp Cú Thí Dụ
Phẩm Tâm ý thứ 1

Giải thích: (1) Sáu tình là sáu thức do sáu căn hợp với sáu trần tạo thành, gồm có: Cái biết của mắt, cái biết của tai, cái biết của mũi, cái biết của lưỡi, cái biết của thân, cái biết của ý.
(2) Lục đạo luân hồi có sáu đường chứ không phải là năm đường. Có thể là do lỗi của người chuyển ngữ. Năm đường (ngũ đạo): Trời, người, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục. Một đường khác là đường A Tu La hay A Tu La đạo. Những tên gọi khác của A Tu La là ác thần, thần chiến tranh, thần A tu la, thuộc một trong tám bộ thần Kim Cang theo hộ trì những người tu hành chân chánh. Những chánh nhân của A Tu La là làm phước nhiều nhưng tạo ác cũng nhiều và tánh hay sân. Cùng với tam đồ, A Tu La được xếp vào một trong bốn đường ác hay bốn đường khổ. Chúng sanh trong tam đồ chịu nhiều thống khổ về thân và tâm. A Tu La chịu nhiều thống khổ về tâm hơn là về thân.
(3) Thần là thần thức hay thân trung ấm.


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.5 khách