TỤNG SUÔNG VÔ ÍCH

Truyện sưu tầm và sáng tác - truyện của ngày ấy, mỗi cuộc đời là một trường thiên tiểu thuyết. Kính mời các bạn hãy ghi lại những cảm nghĩ, dòng tư tưởng của mình.
Thiện hữu
Bài viết: 62
Ngày: 22/12/14 20:12
Giới tính: Nam
Phật tử: Xuất gia
Đến từ: nước Hoa Kỳ

TỤNG SUÔNG VÔ ÍCH

Bài viết chưa xem gửi bởi Thiện hữu »

Một thưở nọ, Phật ở nước Xá Vệ, trong vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc. Lúc ấy, đệ tử của ngài Mục Liên và đệ tử của ngài A Nan cùng nhau luận bàn:

- Hai người chúng ta đồng thanh tụng kinh, coi ai là người tụng hay.

Khi đó có nhiều vị Tỳ kheo nghe hai người luận bàn với nhau. Nghe xong, các vị ấy liền đến chỗ Thế Tôn cúi đầu đãnh lễ dưới chân Phật rồi ngồi qua một bên. Các vị Tỳ kheo ấy bạch Phật rằng:

- Nay có hai người luận bàn với nhau: "Hai người chúng ta cùng nhau tụng kinh, coi ai là người tụng hay?"

Lúc ấy, đức Thế Tôn bảo một vị Tỳ kheo:

- Ông hãy đi gọi hai thầy Tỳ kheo ấy đến đây.

Vị Tỳ kheo thưa:

- Bạch Thế Tôn! Xin vâng.

Vị Tỳ kheo theo lời Phật dạy đi đến chỗ hai người ấy và nói rằng:

- Đức Thế Tôn cho gọi hai thầy.

Hai người nghe vị Tỳ kheo nói, liền đi đến chỗ Thế Tôn cúi đầu đãnh lễ rồi đứng qua một bên.

Lúc ấy, đức Thế Tôn bảo hai người:

- Các ông là người ngu nên mới nói như vầy: "Chúng ta cùng tụng kinh, coi ai là người tụng hay?".

Hai người đáp:

- Bạch Thế Tôn! Quả thật như thế.

Phật bảo:

- Các ông nghe ta nói pháp cùng nhau cạnh tranh chăng? Pháp như thế đâu có khác gì Phạm chí.

Các thầy Tỳ kheo thưa:

- Chúng con chẳng nghe Như Lai nói pháp này.

Phật bảo:

- Do vì ta chẳng nói pháp này cùng các thầy Tỳ kheo, mà các ông tranh hơn thua chăng? Vậy hôm nay ta nói pháp là vì muốn hàng phục, muốn giáo hóa. Nếu có thầy Tỳ kheo nào lúc thọ nhận pháp thì nên ghi nhớ suy tư về pháp tứ duyên, xem ý có tương ưng với Khế kinh (1), A tỳ đàm (2), Luật chăng? Giả sử cùng tương ưng thì nên ghi nhớ phụng hành.

Khi ấy đức Thế Tôn nói kệ rằng:

Tụng suông nhiều vô ích
Việc này chẳng phải hay
Như đếm trâu của người
Là việc chẳng cần thiết
Của các bậc Sa môn.
Nếu tụng tập dù ít
Mà theo pháp tu hành
Việc này là hơn hết
Đáng là pháp Sa môn.
Dù cho tụng ngàn chương
Vô nghĩa có ích gì!
Chẳng bằng chỉ một câu
Nghe qua được đắc đạo.
Dù cho tụng ngàn lời
Vô nghĩa có ích gì!
Chẳng bằng chỉ một nghĩa
Nghe qua được đắc đạo.
Ngàn ngàn kẻ thù địch
Một mình thắng được hết
Chưa bằng tự thắng mình
Vì nhẫn là trên hết.


Thế nên, các thầy Tỳ kheo từ nay về sau chớ còn có tâm hơn thua tranh cãi, nên nghĩ đến sự hàng phục tất cả phiền não. Nếu còn có thầy Tỳ kheo nào có tâm hơn thua, tâm tranh cãi cãi lẫy với nhau thì phải dùng luật để trị tội người đó. Nầy các thầy! Vì lý do đó nên các thầy phải tự tu hành.

Hai thầy Tỳ kheo ấy nghe Phật nói xong, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đãnh lễ dưới chân đức Thế Tôn cầu xin sám hối lỗi lầm:

- Từ nay về sau, chúng con chẳng dám tái phạm. Cúi xin đức Thế Tôn nhận cho chúng con được sám hối.

Đức Thế Tôn dạy:

- Trong đại pháp hãy mau chừa lỗi; các ông tự biết có tâm tranh cãi, ta nhận cho các ông sám hối. Nầy các thầy Tỳ kheo! Các ông chớ còn như thế. Như vậy, các Tỳ kheo phải học điều này.

Kinh Tăng Nhất A Hàm
Phẩm Tăng thượng thứ 31


Giải thích: (1) Khế kinh là Tu đa la (Sutra).
(2) A tỳ đàm (Abhidharma) dịch là Vô Tỷ Pháp, cũng dịch là Luận.


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.19 khách