SADEC, QUÊ HƯƠNG TÔI

Truyện sưu tầm và sáng tác - truyện của ngày ấy, mỗi cuộc đời là một trường thiên tiểu thuyết. Kính mời các bạn hãy ghi lại những cảm nghĩ, dòng tư tưởng của mình.
Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

SADEC, QUÊ HƯƠNG TÔI

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Đây là những bài viết đăng trong quyển Nhật Ký vào những năm 2002-2006, khi tôi cùng gia đình định cư tại nước Mỹ từ năm 1997, tôi đã lục lại tất cả những hình ảnh chụp tại quê hương miền Nam Việt Nam, viết lên quyển Nhật Ký này để hồi tưởng lại những năm còn chung sống với cha mẹ tại quê nhà khi lớn lên làm nghề ruộng rẫy để nuôi sống gia đình.

Mỗi một đoạn trong bài viết này có kèm theo hình ảnh chụp tại quê nhà, nhưng rất tiếc là không thể nào đăng vào trong Diễn Đàn Đại Tạng được.
SADEC, QUÊ HƯƠNG TÔI
Nguyên Thu

- Bài thơ: Làng Tôi.

Làng tôi chẳng núi có sông
Có vườn hoa thắm có đồng lúa xanh.
Có con chim hót trên cành.
Có nhiều trò nhỏ học hành siêng năng.
Những đêm trời tốt sáng trăng,
Cụ già dạy trẻ đạo hằng thế nhân.
Vài cô thôn nữ ra sân,
Ngắm trăng trao đổi chuyện gần chuyện xa.
Trai tơ tụ hợp năm ba,
Hòa đàn, thi họa xướng ca thái bình...

- Ngôi chùa Minh Hương:

Ngôi chùa che chở hồn dân tộc
Mái ấm muôn đời của tổ tông.

- Hồ sen trước ngôi chùa Minh Hương:

Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng,
Nhụy vàng bông trắng lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

- Đường Trần Hưng Đạo chạy dọc theo bờ sông Sa Giang đến phố chợ:

Phố phường tấp nập người đông đúc,
Xe cộ dập dìu chạy ngược xuôi.

Con đường xưa tôi đi, có nhiều lần say trong tiếng ca giữa quê nhà.
Con đường xưa tôi mơ, những nẻo đường xa tìm vần thơ trên lối đi.
Ði về Hà Tiên tắm biển xanh, qua đường về Châu Ðốc, Gò Công,
Miền Tây lộng gió trăng mơ màng, lúa thơm hương nồng...

- Sông Sa Giang:

Sa giang ai qua còn nhớ,
Sa giang một trời nên thơ..
- Sa giang trăng nước sáng tươi mơ màng,
Thuyền về trên sông hát vang,
Câu hò theo gió lùa sang,
Xuôi về Rạch Rắn, Bình Tiên...

Trên dòng Cửu long vẫn oai hùng, đây sông Sa giang vẫn êm ấm,
Sống vui thanh bình, tình chan chứa trên nước sông...

- Bài thơ Duyên Quê:

Sông quê nước chảy lững lờ,
Bên bồi bên lỡ câu hò ngân nga.
Anh về thăm lại quê nhà,
Sang sông rộng quá giang đò của em.
Tóc dài buông xỏa vai mềm,
Áo bà ba nón lá duyên mặn mà.
Bồng bềnh trời nước bao la,
Nắng hồng đôi má, gió đùa áo em.
Câu hò ngọt lịm cất lên,
Ngọt như đường cát ru hồn người nghe.

Hò, ớ...ơ...
Quê em xanh ngát bờ tre,
Dòng sông uốn khúc, con đê ngăn vườn.
Gái quê chân lấm tay bùn,
Thật thà trong trắng... hò, ớ.. ơ...
Thật thà trong trắng, trăng còn kém xa.

Hò, ớ... ơ...
Bấy lâu xa cách mẹ già,
Lưng còm, tóc bạc... hò, ớ.. ơ...
Lưng còm tóc bạc, mắt hoa cả rồi.
Nhớ anh nước mắt mẹ rơi,
Bao giờ lấy vợ... hò, ớ.. ơ...
Bao giờ lấy vợ mẹ thôi mong chờ.

Hò, ớ.. ơ...
Nhà quê đám cưới đi đò,
Giăng hoa, trướng rũ, lộng cờ bay bay.
Họ hàng cô bác vui vầy.
Rễ hiền dâu thảo... hò, ớ.. ơ...
Rễ hiền dâu thảo cầm tay xuống đò.

Bát canh rau đắng, trái cà,
Cá rô kho tộ đậm đà tình em.
Ðơm cơm với nụ cười hiền,
Nhà tranh vách lá... hò, ớ.. ơ...
Nhà tranh vách lá, ngập tràn yêu thương.

Bôn ba dong ruổi dặm trường,
Tình quê thắm đượm nỗi lòng người xa.
Lần này ở lại quê nhà,
Với sông nước, với mẹ già với em.

- Ngồi xe lôi đi chợ và về nhà:

Ði xe lôi từ phố chợ,
Về làng quê Thạnh Phú, Tân Xuân.

Trên đường về nhớ đầy,
Chiều chậm đưa chân ngày...
Xe lăn êm êm dưới nắng chiều tàn,
Ai đang suy tư, tưởng nhớ mơ màng.
Xe đang đưa ta về thăm quê cũ,
Xóm làng thân thương...

- Bến nước đầu làng:

...Qua bến nước xưa lá hoa về chiều,
Lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa.
Khi đến cuối thôn chân bước không hồn,
Nhớ sao là nhớ đến người ngày xưa...

Tôi yêu quê tôi, yêu hàng dừa nước đẹp xinh,
Yêu con kênh xanh dâng cát hoe vàng bên đình...
Yêu con đường xưa đưa lối qua chợ làng quê,
Và yêu mấy nhịp cầu tre,
Là đây anh chờ em về...

Kìa cùng đùa chơi, trẻ thơ ca hát say đời,
Dù nghèo mà vui, hỡi ai không hé môi cười.

- Ngôi nhà thân yêu giữa đồng lúa xanh rì.

Tôi yêu đơn sơ qua mái tranh nghèo mẹ quê,
Yêu duyên nên thơ trong tiếng khoan hò ước thề.
Yêu trăng buông lơi trên má cô nàng dệt tơ,
Và yêu cánh đồng vời xa,
Ngàn tay đang dựng mùa hoa.

- Các cô thôn nữ trong làng cấy lúa trên ruộng.

Người ta đi cấy lấy công,
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề.
Trông trời, trông đất, trông mây,
Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm.
Trông cho chân cứng đá mềm,
Trời êm bể lặng mới an tấm lòng...

Kìa đồng ruộng xanh, xanh ngát, những chiều vàng rơi trên sông,
Gió nhẹ vờn nghiêng sóng lúa ôm bờ đê...
Mưa nắng ơn trời, cánh đồng sáng đẹp lúa ngời,
Xóm làng đón mùa chiêm mới, ấm no ấp ủ lòng tôi...
Ðường cày hôm qua, nay lên tràn bông lúa mới, ôi duyên dáng đồng ơi!
Ðến mai sẽ là ngày muôn hạt lúa chín lã lơi, mình ngắm nhau cười...

Lúa chín vàng đầy đồng, người sống với tình mặn nồng,
Chung cùng nhau xây tình yêu sông núi,
Tô màu cho nước Việt ngày thêm tươi...

Ðây miền quê tôi, bao người mến thương,
Không màn sương mưa siêng năng cày cấy.
Nắng cháy nhọc nhằn tươi thắm trên môi,
Cho lúa hai mùa lên khắp nơi...

- Trẻ quê chăn trâu.

Ai bảo chăn trâu là khổ,
Chăn trâu sướng lắm chứ...
"Thả trâu về lại nẻo đường quen,
Tiếng sáo đưa chiều ráng nhá nhem.
Mỗi phách, mỗi ca vô hạn ý,
Tri âm há chẳng nức lời khen..."
Kìa mục đồng vui vui hát, hát bài tình quê chan chứa,
Ngắm nhìn bầy trâu nhai cỏ dưới bóng dừa...

- Cây cầu khỉ bằng những cây tre bắc ngang qua những con kinh.

Dòng sông xanh, đáy nước in sâu,
Nhịp cầu tre ngắm bóng say sưa.
Nắng vẫn chiếu trên làn sóng nhấp nhô,
Nắng vẫn chiếu trên gò má hây hây,
Mơ màng ngất ngây.
Cô thôn quê đi chợ sớm bên sông,
Tiếng sáo vẵng trên đồng lúa xanh xanh.
Trâu lang thang, mục đồng hát nghêu ngao,
Êm đềm ngây thơ...

- Cây mai vàng trước ngỏ và những chậu bông vạn thọ chất dưới gốc cây mai trong dịp đón mừng năm mới.

Tin Xuân đã có cành mai đó,
Chẳng lịch song mà cũng biết giêng...
Xuân về rực rỡ muôn màu,
Mai vàng, vạn thọ ngạt ngào hương Xuân.

- Những cây nhà lá vườn như cây mận, cây mít nghệ, cây xoài thanh ca, cây chuối già, chuối xiêm v.v... được trồng rải rác trong các liếp vườn chạy dài ra đến mười công ruộng.

Cây nhà lá vườn chẳng mất tiền mua,
Mùa nào thứ nấy chẳng thua kém gì...

"Chùm mận đỏ giải khát buổi trưa hè...
Trái mít thơm tho đậm đà hương vị,
Chuối già ngon ngọt những khi đói lòng".

...Ðây quê hương, thân yêu miền Nam,
Nắng lên huy hoàng, đẹp mùa vui sang...

...Tình quê hương đây, muôn năm không hề phai, muôn năm vương lòng ai, dù sống xa vời,
Tình quê hương đây, mỗi lúc sương chiều rơi, quyến luyến dâng đầy vơi, xao xuyến hồn tôi.

NGUYÊN THU
Ngày 29.11. 2002
(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.
Sửa lần cuối bởi Nguyenthu vào ngày 05/06/20 04:54 với 2 lần sửa.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: SADEC, QUÊ HƯƠNG TÔI

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Bài viết này thuật lại một câu chuyện tôi leo lên cây vú sữa mỡ gà (màu vàng nhạt), bên hông chùa Phước Thành của cố Hòa Thượng Thích từ Nhơn, để hái vú sữa cúng chùa vào ngày lễ Phật Đản. Nhà của ba mẹ tôi gần ngôi chùa này, trong Khu Gia Binh của Quân Đội Miền Nam Việt Nam vào năm tôi mười ba tuổi.
QUYỂN KINH XƯA
Nguyên Thu
  • Boong.. boong... boong....
    Cốc, cốc, cốc, cốc, cốc...
"Như thị ngã văn, nhất thời Phật tại Xá Vệ quốc....", từng lời kinh đều đặn tiếp nối, xen lẫn với tiếng mõ nhịp nhàng, thỉnh thoảng điểm vài tiếng chuông thánh thoát ngân vang trong bầu không khí trang nghiêm trước bàn thờ Phật, khói hương trầm thoang thoảng bay trong không gian mờ tối, ấm cúng tại căn phòng làm nơi thờ cúng tổ tiên, ông bà tại nước Mỹ.

Trước mắt tôi, quyển Tam Bảo Tôn Kinh đang mở rộng, những trang kinh lần lượt lật qua theo từng lời tụng nhịp nhàng... cho đến hết thời công phu Tịnh Độ hằng đêm tại tư gia.

Quyển kinh xưa giờ đây đã quá cũ nhưng vẫn còn nguyên vẹn, dấu ấn thời gian đã thể hiện qua những trang giấy ố vàng, những dòng chữ đậm nét đều đặn cũng theo thời gian nhạt phai màu mực; nhưng dòng chữ rõ ràng sáng tỏ những lời Phật thuyết còn vang vọng mãi trong tâm.

Một chút suy tư thả hồn về quá khứ... Ngôi chùa Phước Thành hôm nay bận rộn chuẩn bị lễ Phật Đản vào ngày rằm tháng tư âm lịch hàng năm. Ngày này cũng là ngày đánh dấu một kỷ niệm không quên của thời niên thiếu cắp sách đến trường, vẫn thường theo cha mẹ đến chùa lễ Phật, tụng kinh vào những ngày lễ lớn. Tuổi trẻ vô tư chóng quên, nhưng kỷ niệm này khó mờ nhạt vì quyển kinh xưa là một dấu ấn hùng hồn vẫn còn đây.

Bên hông chùa, gần ao nước sừng sững một cây vú sữa có từ bao giờ, tàng lá xum xuê phủ mát một khoảng sân rộng bên hông chùa. Đó đây vài người đang ngồi làm công quả, kẻ lặt rau, người nấu nước v.v... Trên cây, từng trái vú sữa mỡ gà chín vàng bóng láng, đung đưa nhẹ nhàng theo cơn gió như mời mọc, tuổi trẻ háo hức không chịu đứng yên. Bỗng có tiếng gọi của chú Tư: "Ba ơi! Cháu theo chú leo lên cây, hái vú sữa để chùa làm mâm ngũ quả cúng Phật nghe cháu!". Ôi, còn gì thích thú cho bằng! Thế rồi kẻ trước người sau, tôi theo chú Tư leo lên cây vú sữa, thoắt một cái tôi ngồi chễm chệ trên một nhánh lớn vững chắc, nhiều trái vú sữa chín vàng lắc lư theo nhịp rung rinh của nhánh cây. Sau gần nửa tiếng, hái được hai giỏ cần xé nhỏ đầy ấp, chú Tư bảo: "Thôi đủ rồi, ta xuống đi cháu!". Đang chuẩn bị trở xuống, nhưng trước mắt tôi còn một trái vú sữa lớn vàng mọng, bóng lưởng tít ngoài xa. Tôi lần theo nhánh cây di chuyển ra ngoài hái trái vú sữa, vừa lúc miệng đang cắn cái cuống trái vú sữa, chân lần lượt bước thụt lùi để trở vào phía trong thì bỗng nhiên "rắc...!". Tôi cảm thấy mình hụt hẩng, rơi từ trên xuống dưới, hai tay chới với trên không. Sự việc xảy ra rất nhanh, tai tôi nghe tiếng la thất thanh của chú Tư: "Ôi, Bà con ơi! Thằng Ba nó đang rơi xuống, phen này chắc chết mất!". Đang rơi từ trên xuống dưới, hai tay tôi bỗng nhiên dang rộng ra, thình lình một vật gì cọ vào nách bên phải, theo phản ứng sinh tồn, tôi liền khép chặt tay phải lại. Cả thân hình tôi theo đà rơi quay đảo lộn một vòng từ bên phải sang trái rồi vòng xuống dưới, tôi dùng tay trái còn lại chụp vào nhánh cây, cả thân hình tôi tự nhiên đong đưa trên một nhánh cây lớn gần dưới gốc khoảng năm thước. Nhiều tiếng la lên: "Mô Phật! Thoát rồi, xuống nhanh đi cháu".

Xuống tới gốc cây trong khi miệng tôi còn cắn chặt cái cuống trái vú sữa, nhìn lên phía trên chỗ tôi vừa rơi xuống, bỗng nhiên tôi rùng mình toát mồ hôi ra như tắm, thân hình run rẩy, trái vú sữa rời khỏi miệng tôi rơi xuống đất từ hồi nào. Tôi đang nghĩ gì? Tôi vừa thoát nạn trong gang tấc, nếu không chết thì cũng bị rách da nát thịt. Vì phía dưới nhánh cây chỗ tôi vừa rơi xuống là một cái chòi nhỏ của chú Tư dựng ở dưới gốc cây vú sữa, trên nóc có giăng một lớp rào kẽm gai để ngăn ngừa những nhánh cây khô rớt xuống làm thủng nóc chòi. Nếu tôi rơi vào đó thì ôi thôi còn gì là thân thể! Cảm giác lúc đó như đang phiêu bồng trên chín tầng mây trôi về phương trời nào... thoạt biến thành nỗi vui mừng khi biết mình vừa thoát chết, tôi đứng lặng người trong khi miệng thầm niệm: "Nam mô đại từ, đại bi, cứu khổ, cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát".

Một bàn tay của ai đó đặt lên đầu tôi với một gịong nói hiền hòa, từ tốn: "A Di Đà Phật! Mừng con vừa thoát nạn". Tôi ngẩng đầu nhìn lên, thầy trụ trì Thích Từ Nhơn đứng trước mặt tôi từ bao giờ, ánh mắt từ bi với nụ cười an lạc của thầy như xóa tan bao nỗi hãi hùng còn sót lại, thay vào đó là một nguồn an lạc vô biên tràn ngập khắp tâm hồn. Tôi cung kính chắp tay lễ thầy: "Dạ, kính bạch Thầy ạ!" Thầy nhìn những người đang vây quanh, trong đó có mẹ tôi đang phập phồng như muốn hỏi những điều gì đó. Thầy bảo: "Tới giờ rồi, bà con mau chóng thu xếp công việc vào chùa làm lễ". Nói xong thầy xoay mình đi thẳng vào chùa. Hai mẹ con tôi cùng mọi người theo sau thầy, lần lượt tiến vào chánh điện trong hồi chuông trống Bát nhã trầm hùng. Mọi người trang nghiêm chắp tay cung nghinh vào đạo tràng thanh tịnh. Tôi đứng cạnh mẹ, bên phải ngôi chánh điện trước mặt tôi là hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm, dung nghi thanh thoát đứng trên đài sen, tay phải cầm nhành dương, tay trái chấp tịnh bình, ánh mắt từ bi với nụ cười tự tại hình như đang nhìn xuống chỗ tôi đứng. Nhìn ngài, tôi cảm thấy một nguồn an lạc tràn ngập thân tâm. Tôi cung kính chắp tay, quỳ xuống cúi đầu thầm niệm và lạy: "Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát".

Trong nguồn phúc lạc vô biên, tôi hòa nhập theo lời kinh tiếng kệ trầm hùng của mọi người cho đến khi kết thúc buổi lễ. Khi chúng tôi đến gặp thầy để từ biệt, thầy đưa một quyển kinh màu vàng nhạt, nói với tôi rằng: "Thầy không có vật gì quý giá tặng con ngoài quyển kinh Tam Bảo này, con hãy nương vào đó rèn luyện thân tâm ngõ hầu có ích cho bản thân sau này".

Quyển kinh xưa, giờ đây hiện diện trong gia đình tôi, khi lên chùa nhập chúng vào những ngày lễ tiết, lúc tại tư gia xong việc gia đình, cả nhà đều chăm chỉ, cung kính tụng niệm hằng đêm. Lời kinh vi diệu thấm nhập vào tâm thức, lý kinh sáng tợ như đèn, rọi vào tâm trí tối đen sáng liền. Mỗi trang kinh khai mở một chân lý tuyệt vời, phương tiện thiện xảo chỉ bày nẻo giác bờ mê. Nào là:
  • Phép phương tiện Hồng Danh sám hối,
    Phẩm Di Đà chỉ lối Tây phương.
    Phổ Môn thị hiện dẫn đường,
    Tầm thanh cứu khổ vớt người lầm mê.
    Vu Lan Bồn, Thanh Đề thoát khổ,
    Mục Kiền Liên cứu độ mẫu thân.
    Kim Cang, Bát Nhã oai thần,
    Ưng vô sở trụ, diệu tâm sáng ngời.
Trong chuyến về quê hương thọ tang cha(1), sau một trăm lẻ năm ngày khóc mẹ(2). Định luật vô thường khắc nghiệt đã cướp đi của tôi cả mẹ lẫn cha trong niềm đau quặn thắt tâm can. Dù tiếc thương tràn đầy, chúng con cũng cố nén niềm đau, nuốt dòng lệ tủi hờn, vì những lời Phật dạy còn văng vẳng bên tai:
  • Chớ thấy kẻ khác chết,
    Khởi lòng đau xót xa.
    Phải hằng luôn quán xét,
    Rồi sẽ đến phiên ta...
Trên bàn thờ, di ảnh của mẹ để lại cho chúng con với ánh mắt sáng ngời, nụ cười tự tại trên vành môi khô héo. Chúng con khóc không vì đau buồn thương xót, chúng con khóc vì nụ cười an lạc của mẹ, khi biết rằng mẹ đã tự tại trước cảnh vô thường. Ngoài kia trên nắp quan tài, hình ảnh cha với nụ cười hiền, mặc dù cơn bệnh ngặt nghèo đang hành hạ, trước giờ ra đi cha cũng nén niềm đau, nở nụ cười như nhắn nhủ các con hãy can đảm, đừng quá bi thương. Cha không nuối tiếc, ân hận điều gì, khi biết các con đã nên người, sống yêu thương đùm bọc nhau trong tình ruột thịt.

- Ô kìa! Một quyển kinh của ai đó đang nằm trên bàn thờ của mẹ, tôi vội cầm lên, thì đây quyển Tam Bảo Tôn Kinh. Trước dòng sinh diệt vô thường, quyển kinh cũng chịu chung một quy luật bất di bất dịch, dòng thời gian đã thể hiện dấu vết tàn phá trên những trang giấy vàng nhạt sút chỉ long bìa, góc uốn cong đã sờn mép vẫn còn hằn dấu tay màu xám nhạt, từng dòng chữ đậm nét màu mực đã nhạt phai. Nhưng lời kinh vi diệu vẫn như kiên gan thách đố cùng tuế nguyệt, vì đó là những chân lý ngàn đời bất diệt được thốt lên từ kim khẩu của Phật đà, là chơn tâm tỏ sang vô biên của loài giác hữu tình, là tánh không Bát nhã diệu huyền bao trùm khắp pháp giới. Mỗi người con Phật hằng nương theo đấy, ngày đêm quán tưởng nghĩa lý, rèn luyện thân tâm:
  • Pháp mầu vô thượng rất thẩm sâu,
    Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu.
    Nay con nghe thấy chuyên trì tụng,
    Nguyện tỏ Như Lai nghĩa nhiệm mầu.
- Ôi! Quyển kinh xưa thân thương, tôi ôm nó vào lòng nâng niu như một bảo châu vô giá, gói ghém ân đức của thầy, công khó của mẹ cha. Tôi như gã cùng tử tha hương trở về quê cha đất tổ, tuy mất đi cả mẹ lẫn cha, nhưng tôi vô cùng sung sướng như vừa được trao cho một gia tài quý báu nhất trên đời. Đó là nụ cười an lạc, tự tại của cha mẹ như đóa hoa ưu đàm ngàn năm mới nở. Trong nguồn phúc lạc vô biên, chúng con kính cẩn khấn nguyền cầu cho cha mẹ:
  • Đài vàng sen báu gởi thân,
    Tây phương Cực lạc chơn tâm vĩnh hằng.
Quyển kinh xưa, đang hiện diện đêm nay cũng vào mùa Phật đản, trước mắt tôi trong gian phòng ấm cúng nơi đất khách quê người. Từng trang kinh vơi dần theo lời tụng cuối cùng, cũng là lúc ngoài trời, màn đêm đã bao trùm lên vạn vật...

GHI CHÚ:

(1) Cha mất vào ngày 24 tháng 8 âm lịch năm 1999.
(2) Mẹ mất vào ngày mùng 9 tháng 5 âm lịch năm 1999.
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


quang_tam3
Điều Hành Viên
Bài viết: 684
Ngày: 03/10/08 05:48
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: HCM
Đã cảm ơn: 21 time
Được cảm ơn: 1 time

Re: SADEC, QUÊ HƯƠNG TÔI

Bài viết chưa xem gửi bởi quang_tam3 »

Còn đăng ảnh được đó bác.
Hình ảnh
Bác vào facebook đăng ảnh, xong rồi lấy link của ảnh cho qua bên này.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: SADEC, QUÊ HƯƠNG TÔI

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

quang_tam3 thân mến,

Tôi đã chép đường link hình đức Phật vào ngày lễ Phật Đản trong trang Facebook của tôi để đăng vào trong diễn đàn này. Sau đó bấm vào đường link ở dưới trong bài viết thì nó hiện ra cái hình thông báo của trang Facebook như sau: "Trang này không khả dụng" và mình phải đăng nhập vào trang Facebook để xem lại hình ảnh của mình đã đăng trong trang Facebook cá nhân, chứ không hiện lên trong diễn đàn như hình ảnh bảng hiệu ngôi chùa Vạn Đức ở Saigon mà đạo hữu đã đăng vào.



Hai bài nhật ký tôi đăng vào trong diễn đàn Đại Tạng có rất nhiều hình ảnh, trong bài "Sadec, quê hương tôi", mỗi một đoạn thơ là một hình ảnh tôi chụp tại quê nhà kèm theo, có đăng trong Facebook sáu năm về trước (2014), bây giờ tìm lại không còn thấy nữa, nhưng trong dĩa CD, hình ảnh lưu trữ của tôi vẫn còn đầy đủ.

Kể từ năm 2014, tôi tạo trang Facebook cá nhân, tôi đã đăng rất nhiều kinh sách nói về Tịnh Độ và những hình ảnh sinh hoạt của tôi ngoài đời.

Từ lúc trở lại diễn đàn Đại Tạng, tôi đã thử đăng hình ảnh nhiều lần, bằng cách chép đường link của tấm hình đó vào trong này, thế mà vẫn không thể xem được, đành chịu thua không biết làm sao được nữa.

Cám ơn đạo hữu đã cho tôi xem lại tấm bảng hiệu của ngôi chùa Vạn Đức tại Saigon. Tôi cũng đã xem được một tấm hình ngôi chùa Vạn Linh trên núi Cấm của cố Hòa Thượng trên một trang mạng khác và có lưu trữ vào dĩa CD để dành.
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: SADEC, QUÊ HƯƠNG TÔI

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

BÔNG SÚNG ÐỎ
Bình minh... Vài tia sáng hồng nhạt xuyên qua khe hở vách lá, chập chờn trên đôi mắt khép kín, đánh thức buổi sáng hành thiền. Tôi ngồi trong mùng trên bộ ván nhỏ, nhìn ra ngoài qua cánh cửa sổ mở rộng, vầng dương màu đỏ ối ở đằng Ðông từ từ vượt lên rặng cây. Ánh sáng chan hòa phủ khắp vạn vật còn đắm mình trong làn sương sớm, phản chiếu ánh ngọc đủ màu lấp lánh trên cành cây kẻ lá. Dưới cái mương rộng chạy dài song song với hai liếp vườn, những bông súng đỏ cũng từ từ thức giấc, đón nhận ánh sáng ban mai như truyền một nguồn sinh lực dồi dào cho vạn vật. Những cánh hoa súng đỏ mịn màng xòe nở, sau một đêm tắm gội những giọt sương tinh khiết, bây giờ đang đón nhận những tia sáng ấm áp của mặt trời như gột rửa những trần cấu não phiền trong tâm thức sau buổi thiền tọa...
  • Hoa súng đỏ gội nhuần sương sáng,
    Tâm lặng soi thiền quán nơi lòng.
    Sương tan hoa đượm sắc hồng,
    Mê tan vọng hết tâm trong an lành...
Một ngày mới bắt đầu khơi nguồn cho cuộc sống mới tiếp diễn, hội nhập theo dòng chuyển của thời gian vô tận...

Sau những ngày tháng tạm ổn định cuộc sống hồi cư tại ngôi nhà của ba mẹ ở thị xã Sadec, vào một sáng mùa đông cuối năm 1975(1), tôi theo mẹ đáp chuyến xe lôi về một vùng quê hẻo lánh tại xã Tân Xuân, để đến một nơi tôi sẽ làm chốn an cư kiến lập cuộc đời mới. Từ con lộ lớn qua một cây cầu ván bắc ngang con kênh nhỏ, chúng tôi đi trên con đường đất gồ ghề, khúc khuỷu lượn quanh xóm nghèo. Chúng tôi phải qua mười ba cây cầu khỉ, bắc qua mười ba cái mương ranh của mười ba hộ gia đình. Nhìn mẹ gọn gàng, nhẹ nhàng, tự tại đi trên các cây cầu khỉ không chút e ngại mệt nhọc, tôi chợt mỉm cười thích thú, nhớ lại những tháng ngày thơ ấu nơi quê ngoại:
  • "Yêu con đường xưa, đưa lối qua chợ làng quê,
    Và yêu mấy nhịp cầu tre, là đây con chờ mẹ về..."
Tôi nhanh nhẹn vượt qua tất cả những cây cầu khỉ không chút ngại ngùng. Ði hơn hai cây số đường làng, tới một miếng đất nằm trơ trọi giữa đồng không mông quạnh, mẹ dừng lại nói: "Ðây là nơi con sẽ làm lại cuộc đời từ con số không". Vâng! Tất cả là con số không. Bỏ lại những vướng mắc đàng sau, nhìn về phía trước um tùm, rậm rạp đầy gai góc, cỏ tranh, lác, đế, sậy cao lút đầu như khu rừng chứa đầy những bất trắc của phiền não lo âu...

Mười công đất chạy dài từ đầu con kênh này đến cuối đầu đất tiếp nối một con kênh khác, ở giữa là đồng trống mênh mông không một bóng người. Trước chiến tranh, đây là vùng oanh kích tự do, nên cảnh vườn không nhà trống hầu như thường xuyên, chỉ thấy bóng người vào những dịp cấy xạ, gặt lúa... Khu vực tôi đang đứng nằm trong vòng đai bảo vệ của ấp gồm hai công vườn, còn tám công ruộng nằm ngoài tầm kiểm soát. Chỉ vào khoảng trống trước mặt trong đám cỏ cao lút đầu, mẹ nói: "Cậu Ba đã cắm cọc đâu đó xong xuôi, ngày mai sẽ trở lại làm cỏ, đào đất đắp một cái nền nhà, sau nửa tháng khi dọn xong cây cỏ xung quanh, sẽ cất lên một cái chòi nhỏ để tạm che mưa đỡ nắng. Bây giờ Mẹ sẽ dẫn con lại nhà cậu Ba gần đây để giới thiệu với gia đình cậu".

Chúng tôi đi ngược lại con đường cũ, qua hai cái mương ranh, tới một ngôi nhà lá ba gian hai chái vừa mới cất lại còn thơm mùi lá mới. Từ trong nhà, một người đàn ông tuổi khoảng bảy mươi còn tráng kiện với hàm râu ba chòm trắng cước, mặc quần lá nem, áo sống lưng màu nâu bước ra đón chào Mẹ. Tưởng ai xa lạ, té ra đây là cậu Ba vẫn thường đến nhà ba mẹ đàm đạo, thỉnh thoảng gia đình cậu đến tạm trú nhà ba mẹ ở đường Tạ Thu Thâu một thời gian vì lệnh di tản.

Sáng hôm sau, tôi cùng với người em trai theo mẹ đáp chuyến xe sớm, mang theo phần cơm trưa, trở lại địa điểm cũ. Mẹ thầm dặn, trong đó còn nhiều chướng ngại, gặp việc nhớ bình tỉnh niệm Phật, hai anh em nhìn nhau mỉm cười. Sau khi ghé nhà cậu Ba để lấy dao, cuốc, len, xuổng đã gởi từ trước, chúng tôi bắt tay vào việc khai quang khu vườn, trước tiên là khu vực quanh cái nền nhà. Những nhát dao tự tại chặt tới đâu, cỏ cây rạp tới đó, nhường chỗ cho cảnh phong quang sáng sủa hiện bày, như những trầu cấu trong tâm được quét sạch. Mọi người chăm chú vào công việc duy nhất mặc cho thời gian lần lượt trôi qua. Ðến trưa những cỏ tranh, đế, sậy quanh nền nhà đã dọn sạch, được Mẹ trải mỏng vào một góc vườn, phơi nắng cho khô để dùng vào việc nấu nướng sau này. Sau khi dùng cơm trưa và nghỉ ngơi dưỡng sức, hai anh em bắt đầu đào đất đắp nền nhà theo phương hướng đã định sẵn bởi bốn cây cọc nhỏ ở bốn góc. Công việc lần lượt trôi qua theo sức lao động cần cù, những giọt mồ hôi thắm ướt lưng áo, cái nóng rát bỏng trên gò má hồng hào vì say nắng. Ðến chiều, cái nền nhà đã cao dần, những nhát len cũng lơi dần vì mệt nhọc, rã rời, vì hăng say lao động. Mẹ mỉm cười như khuyến khích hãy cố gắng chịu đựng, vì thử thách còn dài, những chông gai còn đang đợi trước mắt.

Ðúng theo chương trình đã hoạch định, sau nửa tháng đi về với sự hoạt động hăng say quyết tâm tạo lập một cuộc đời mới, một cái chòi lá nhỏ được dựng lên với những tiện nghi thô sơ, góp nhặt từ những vật dụng có sẵn trong vườn. Gần cuối năm, gia đình tôi gồm bốn người: hai vợ chồng với đứa con trai đầu lòng ba tuổi và một đứa gái còn nằm trong bụng mẹ, dọn vào nhà mới để chuẩn bị đón mừng một năm mới, một khung cảnh mới, một cuộc đời mới với một hy vọng mới hướng về tương lai.

Nắng sớm mưa chiều đã biến đổi tôi từ một chàng trai bạch diện thư sinh, thành một chú nông dân bất đắc dĩ, cần cù, chăm chỉ với hai bàn tay chai cứng, thân hình chắc nịch sạm nắng, đôi chân cứng cáp vì băng đồng, lướt bụi. Tất cả những thay đổi đó tiếp sức cho nguồn tâm ngày càng kiên cố, an bình trước những biến đổi, phiền lụy của cuộc đời, mộc mạc bình dị như những màu hồng nhạt thanh cao của hoa súng nở trong bùn.

Năm năm sau, vì không chịu được cảnh ồn ào náo nhiệt nơi phố thị, ba mẹ dọn về ở chung với gia đình để cùng hưởng bầu không khí an lành với cuộc đời tự tại, không muộn phiền lo lắng. Ông cháu vui đùa hồn nhiên với cây kiểng, hoa lá, mẹ và vợ chăm bón vườn rau để tăng thêm mức thu hoạch. Tôi sớm chiều với ruộng lúa, vồng khoai. Cuộc đời bình dị hòa nhịp trong nếp sinh hoạt bình thường. Cả nhà đều thức dậy trước lúc rạng động, vợ bên bếp hồng reo vui ánh lửa bập bùng, cha ngồi trầm ngâm bên tách trà thơm bốc khói, tôi từng bước nhẹ nhàng cầm chổi quét sân, mẹ gọn gàng linh hoạt trong các động tác(2):
  • Với gậy dưỡng sinh,
    Rèn luyện thân thể.
    Một bước mẹ đi,
    Ðất rung sáu cách.
    Một gậy mẹ múa,
    Càn khôn xoay chuyển.
    Tiến trước lùi sau,
    Phải trái theo nhau.
    Dưới trên tự tại,
    Nhịp thở đều hòa.
    Lành mạnh thân xác,
    Tâm bình an lạc...
Thời gian trôi dần theo nhịp sống an cư lạc nghiệp với: cơ ngơi mở rộng cho nhà thắm đượm tình người, cải tiến đất đai truyền nhựa sống trên bông lúa. Tăng mức thu hoạch cho người sắm thêm phương tiện, bếp hồng reo vui truyền lửa sưởi ấm đêm đông. Cơm canh đậm đà hương vị hoa đồng cỏ nội, gia đình thuận thảo ấm êm rộn rả tiếng cười. Tâm an bình kiên cố giữa cuộc đời điên đảo, hoa đạo tươi sắc mầu bông súng tắm sương mai. Giữa khung trời tự tại vọng tiếng chuông thu không, hòa theo khói lam chiều trên mái nhà thương yêu...

Ðó là tất cả những hình ảnh sinh hoạt bình thường, giản dị, mộc mạc như hoa súng cũng phối hợp nhịp nhàng trong dòng sinh diệt của một kiếp người.

Bông súng đỏ, nằm một mình trơ trọi trong một cái mương cạn ở cuối vườn, chỉ có vài bông với ít chiếc lá thô sơ. Từ bụi bông súng này tôi nhân ra thành những bụi bông súng khác đều đặn ngay thẳng trên cái mương dài được nạo vét lại, dùng để chứa nước tưới những liếp cải, luống rau. Dưới sự chăm bón, vun phân tưới nước, liếp cải, luống rau ngày càng xanh tốt thì các bụi bông súng cũng dần dần phát triển từng bụi to với những bông nở xòe những cánh sắc hồng nhạt, bao bọc một đài gương nhỏ với những nhụy phấn vàng rung rinh theo làn gió. Hoa súng có đài gương, nhưng không bao giờ có hạt, đó là một điểm khác biệt với hoa sen, tuy cả hai vẫn mọc trong bùn. Bông súng cũng là một thức ăn không thể thiếu trong những bữa cơm đạm bạc, với vài cọng bông súng ta có được một dĩa gỏi bông súng hay một nồi canh chua với những vật liệu cây nhà lá vườn, giải nhiệt trong những ngày nắng hè oi ả.

Bông súng đỏ, trong những đêm trăng tỏ, những búp bông súng con lần lượt nở xoè những cánh hoa mịn màng, lá màu xám nhạt phản chiếu ánh trăng như những tấm gương con cùng phản xạ tia sáng tạo nên một hình sắc mờ ảo, kỳ bí... Những lúc đó, tâm tôi như hòa nhập vào một cảnh giới sắc không diệu huyền, một nguồn an lạc tự tại tràn ngập trong tâm theo nhịp thở điều hòa xen lẫn với tiếng thầm niệm Phật...

Bông súng đỏ, giờ đây đã xa rồi, tất cả đều thay đổi, kể cả cuộc đời tôi cũng thay đổi và bắt đầu lại từ con số không như lời mẹ nói. Có còn chăng là những dư hương vang vọng, âm ỉ trong tâm hồn của những con người mang một hoài cảm chung, mỗi khi ngồi nhớ lại không khỏi bùi ngùi cảm động.
  • Mùa xuân đầu tiên trên đất Mỹ.
    Alexandria, ngày 14 tháng 4 năm 1997.(3)
GHI CHÚ:

(1) Năm 1965, tôi làm việc tại Saigon. Sau ngày giải phóng miền Nam 30 tháng 4 năm 1975, tôi về quê nhà sống với cha mẹ tại đường Tạ Thu Thâu, Sadec.

Nói về tám công ruộng nằm ngoài vòng kiểm soát, là vùng oanh kích tự do. Miếng ruộng này khi tôi về canh tác, có vài chỗ là hố bom rất lớn của phi cơ Pháp dội bom xuống ruộng khi thấy có những bóng người mặc đồ đen cầm vũ khí trong tay v.v... Khi trở về quê nhà làm ruộng, mỗi ngày tôi phải đội đất trong cái thúng để lấp những hố bom nói trên cho được bằng phẳng, xong rồi mới mướn thợ cày ruộng, lật đất lên phơi nắng vài ngày cho cỏ dại chết dần, sau đó mướn thợ dẫn trâu vào bừa cho dập đất để chuẩn bị cấy lúa. Từ giai đoạn đầu cày ruộng đến lúc lúa mọc lên cao, trổ bông, kết hạt và gặt lúa, phải trải qua nhiều giai đoạn: làm cỏ dại, bơm nước vào ruộng, cấy lúa, bón phân cho lúa được tươi tốt. Những giai đoạn này tôi được mẹ hướng dẫn, vì mẹ tôi hồi còn trẻ là một thôn nữ tại quê nhà, nên việc làm ruộng mẹ rất giỏi.

(2) Mẹ tập Gậy Dưỡng Sinh.

(3) Bài nhật ký này tôi viết lại những kỷ niệm làm ruộng tại quê nhà, sau khi tôi cùng gia đình định cư tại nước Mỹ ngày 14 tháng 4 năm 1997, ngụ tại thành phố Alexandria.

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


quang_tam3
Điều Hành Viên
Bài viết: 684
Ngày: 03/10/08 05:48
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: HCM
Đã cảm ơn: 21 time
Được cảm ơn: 1 time

Re: SADEC, QUÊ HƯƠNG TÔI

Bài viết chưa xem gửi bởi quang_tam3 »

Cho con xin phép chen ngang bài viết lần nữa, bác xem cách đăng ảnh ở bài này.
http://www.diendan.daitangkinhvietnam.o ... 54&t=12266


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: SADEC, QUÊ HƯƠNG TÔI

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Bài này tôi viết vào ngày Lễ Tạ Ơn đầu tiên trên đất Mỹ, tôi mượn những ca dao, bài hát, vần thơ Phật giáo ca tụng tình cha mẹ với tựa đề: "ÂN NGHĨA SANH THÀNH".
ÂN NGHĨA SANH THÀNH
Nguyên Thu

Ca dao:

Công cha như núi Thái sơn,
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ Mẹ kính Cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

TẠ ƠN SANH THÀNH

Lạy tạ ơn Mẹ, sứ mệnh thiêng liêng,
Lời Mẹ êm ái thiết tha dịu hiền.
Lạy tạ ơn Cha, vũ trụ muôn lối,
Hiến dâng cuộc đời vui buồn đầy vơi.
Lạy tạ ơn Mẹ, suốt đời hy sinh,
Cần cù năm tháng biết bao ơn tình.
Lạy tạ ơn Cha, dãi dầu mưa nắng,
Xá chi nhọc nhằn gieo mầm ngày mai.
Lạy tạ ơn Mẹ, mạch máu luân lưu,
Con vươn sức sống từ lời Mẹ ru.
Lạy tạ ơn Cha, khuyên dạy ân cần.
Tâm hoài nguyện ước con mình thành nhân.
Lạy tạ ơn Mẹ, tình những bao la,
Cho con ánh sáng vượt nghìn trùng xa.
Lạy tạ ơn Cha, ơn thầy, ơn bạn.
Ơn của Tổ quốc, ơn người gần xa.
Lạy tạ ơn Mẹ, có Mẹ trong tâm,
Tình Mẹ nhung gấm chứa chan vô vàn.
Lạy tạ ơn Cha, vững lòng đi tới,
Bước chân vào đời an lành thảnh thơi.
Lạy tạ ơn Mẹ, bóng Mẹ lung linh,
Mẹ là tia sáng chiếu soi đưa đường.
Lạy tạ ơn Cha, sánh bằng non Thái,
Khắc ghi trong lòng muôn đời nào quên,
Ân Cha, nghĩa Mẹ, con nguyền đền ơn.

THƯƠNG MẸ, KHÓC CHA(1)

Ngày Mẹ mất hoa tươi bỗng rụng,
Tâm hồn con xao xuyến không an.
Hung tin đưa đến bàng hoàng,
Mẹ già khuất bóng tâm can rụng rời.

Ngày Cha mất mưa rơi tầm tã,
Ðất trời sao buồn bã thê lương.
Mưa rơi hoang vắng phố phường
Núi đồi lặng lẽ khóc thương Cha già...

Mẹ đi bỏ Cha về quê trước,
Cha bước theo Mẹ đến nhà sau.
A Di Ðà Phật đồng rước thỉnh,
Tây phương Cực Lạc hẹn nhau về.

NÉN NHANG KHÓC MẸ(2)

Ngoài nước được tin Mẹ mất rồi,
Chúng con đau xót lắm Mẹ ơi!
Xót thân viễn xứ về không được,
Thương Mẹ lòng thêm tan nát thôi.
Tưởng niệm hằng đêm nước mắt sa,
Nén nhang cháy vội khói bay nhòa.
Không về khác với về không được,
Lạy Mẹ trăm ngàn xin thứ tha.

VU LAN KHÓC CHA

Tình Ba thương con đậm đà biết mấy,
Tuổi thơ nào đủ trí để nhìn ra.
Mê sự nghiệp đến hôm nào chợt thấy,
Dáng nghiêm đường phút chốc đã lìa xa.
Tình Ba thương con thâm trầm biết mấy,
Nén niềm đau khi quất trận roi đòn.
Hiện tướng dữ dạy răn điều phải quấy,
Trao gia tài trí thức quý nào hơn.
Cởi áo thư sinh, mặc vào áo đạo,
Thầm nhủ lòng tu học đến vuông tròn.
Một tiếng quát nghe đất trời đảo lộn,
Giờ phút này xin đền đáp công ơn.
Chiều mưa lạnh trước đài sen thành kính,
Tụng lời kinh hồi hướng đến Ba thương.
Lời Ba dặn năm xưa con nguyền giữ,
Ðem bình sanh thắp sáng lẽ chơn thường.

MẸ TÔI

Mẹ tôi tóc xanh nhuộm bạc tháng ngày,
Mẹ tôi ưu buồn nặng trĩu đôi vai.
Bao năm nuôi đàn trẻ thơ nhỏ dại,
Cầu mong con mình có một ngày mai.

Mẹ tôi nắng mưa chẳng ngại nhọc nhằn,
Mẹ tôi mỉm cười nhìn bóng con ngoan.
Không than không phiền dù lâm hoạn nạn,
Lòng tin con mình xứng thành người dân.

Chiều chiều bên túp lều tranh,
Mẹ tôi đứng đợi đàn con.
Trước gió tóc trắng lòa xòa,
Ðôi mắt dịu hiền người kể tình thương.

Lòng người mong ước ngày sau.
Ðàn con xứng thành người dân,
Nhưng nay con đã nên người,
Thì nay còn đâu bà Mẹ hiền xưa...

Chiều nay đốt hương tưởng niệm trước mồ,
Nhìn khói đau lòng tưởng nhớ năm xưa.
Công ơn sanh thành ngày nào đền trả,
Mẹ ơi! Con nguyện nhớ lời Mẹ khuyên.

BÀ MẸ QUÊ

Vườn rau, vuờn rau xanh ngát một màu,
Có đàn, có đàn gà con nương náu,
Mẹ quê, mẹ quê vất vả trăm chiều,
Nuôi một, nuôi một đàn con chắt chiu.

Bà bà mẹ quê, gà gáy trên đầu ngọn tre,
Bà bà mẹ quê, chợ sớm đi chưa thấy về,
Chờ nụ cười con, đồng quà ngon...

Trời mưa, trời mưa ướt áo mẹ già,
Mưa nhiều, mưa nhiều càng tươi bông lúa,
Trời soi, trời soi bốc khói sân nhà,
Nắng nhiều, nắng nhiều phơi củi, lúa ra.

Bà bà mẹ quê, hôm sớm không nề hà chi,
Bà bà mẹ quê, ngày tháng không ao ước gì,
Nhỏ giọt mồ hôi, vì đời trẻ vui...

Miệng khô, miệng khô nhớ bát nước đầy,
Nhớ bà, nhớ bà mẹ quê xưa ấy,
Mùa đông, mùa đông mảnh chiếu thân gầy,
Cháu bà, cháu bà ngủ yên giấc say.

Bà bà mẹ quê, chân bước ra đời rời xa,
Bà bà mẹ quê, từ lúc quê hương xóa nhòa.
Nhìn về miền quê, mà giọt lệ sa...

LỜI MẸ RU

Lời Mẹ ru con, mãi về sau còn rung tiếng người,
Một ngày trong nôi, tay Mẹ nâng giấc mơ vào đời.
Dạt dào thương yêu, trong đêm khuya mẹ thức từng đêm,
Xót xa trong lòng, mai sớm đời con sẽ về đâu?
Lời Mẹ ru con, trên đồi xanh ngàn năm vẫn còn,
Tình Mẹ thương con, lấy gì đong mấy sông cho vừa,
Biển đời mênh mông, đôi bàn tay Mẹ dắt dìu con,
Ðến khi bạc đầu, Mẹ vẫn là sao sáng trên cao.
Ôi tiếng ru, ôi tiếng ru, mãi ngân dài đến trong lòng,
Lời mẹ trong trái ngọt ngon...
Ðường trần còn lắm khổ đau, lắm cuộc đời trong bóng tối,
Mẹ đã soi đường con đi.
Từng mùa đông sang, mang lửa thiêng sưởi con ấm lòng,
Mẹ là cây xanh, che đời con mỗi khi hạ về,
Tình Mẹ thênh thang, qua ngàn năm còn mãi lời ca,
Khắc sâu vào lòng, trong những ngày con buớc chân qua...

CON TRONG LÒNG MẸ

Ðường đóng băng trơn trợt,
Trên con dốc mùa Ðông.
Từng bước đi thận trọng,
Mẹ mang con trong lòng.
Lòng Mẹ vui rộn rã,
Con ơi! Con biết không?
Mẹ nghe tim con đập,
Những nhịp đập đầu đời.
Từ khi chưa thấy mặt,
Mẹ đã thương con rồi.

Ðường đóng băng trơn trợt,
Trên con dốc mùa Ðông.
Từng bước đi nặng nhọc,
Mẹ đẩy chiếc xe nôi.
Tuyết trắng bay đầy trời,
Lòng Mẹ nghe ấm áp.
Con bập bẹ nói cười,
Lớn lên từng ngày tháng.
Bằng nguồn sữa tinh tuyền,
Mẹ chia con sự sống.

Trên con dốc mờ sương,
Mẹ đưa con đến trường.
Con như cánh chim non,
Tập bay bầu trời rộng.
Mẹ bồi hồi cảm động,
Ðưa con bước vào đời.
Mẹ muốn là ánh trăng,
Dõi bước con thầm lặng.
Là mái nhà êm ấm,
Chở che con gió mưa.
Là nguồn suối trong lành,
Cho con về tắm mát.
Trên đường đời gian nan,
Mẹ nâng con từng bước.
Khi con đi vững vàng,
Mẹ chân chùn, gối mỏi.

Cuối con dốc mùa Ðông,
Trong căn phòng dưỡng lão.
Mẹ từng ngày tựa cửa,
Nhìn xuống con đường xưa.
Mẹ và con qua đó,
Bao nhiêu mùa nắng mưa.
Nhìn bóng mẹ bây giờ,
Ngồi cô đơn lặng lẽ.
Con ơi! Con có tới,
Từng sáng lại từng chiều.
Thời gian như nước chảy,
Mẹ nhìn lại cuộc đời.
Bóng hạnh phúc xa vời,
Buồn vui như gió thoảng.
Chỉ một điều mãi còn,
Là con trong lòng Mẹ.

MẸ

Vu Lan, mùa báo hiếu,
Kính dâng lên Mẹ,
Với lòng biết ơn của chúng con.

Như vạn mùa Xuân nắng xôn xao,
Mẹ đã thương con từ thuở nào.
Âm thầm như suối reo đêm vắng,
Róc rách đi hoài dưới trăng sao.
Như triều sóng vỗ, vỗ miên man,
Lòng Mẹ yêu con cao ngút ngàn.
Cho tình mẫu tử đơm hoa trái,
Xanh mãi đời con mãi không tàn.
Mẹ nuôi con qua nắng gió sương,
Dẫn đưa con trên những nẻo đường.
Theo từng hơi thở dài năm tháng,
Cho nỗi ưu phiền bớt vấn vương.
Nay con khôn lớn thì ơi hỡi!
Mẹ đã về tiên, tiển biệt rồi.
Hòa khói hương trầm xin tưởng nhớ,
Khấn nguyện lời kinh với bồi hồi...

DÂNG MẸ

Bao năm rồi con lưu lạc ngàn phương,
Con nhớ mẹ suốt canh trường khắc khoải.
Ơn dưỡng dục mẹ ôi! Sao xiết kể,
Công sinh thành con nghĩ: quặn lòng đau.
Gốc mai già xơ xác đã từ lâu,
Chơ vơ đứng giữa trường đời gió lộng,
Dòng sông chảy: ấy đời con trong mộng,
Lững lờ trôi, trôi mãi đến bao giờ?
Có những đêm con thiêm thiếp trong mơ,
Con mơ thấy hồn con về thăm mẹ.
Được ấp ủ trong tình thương của mẹ,
Mảnh hồn con ấm dịu biết bao nhiêu?
Bốn phương trời con tìm kiếm đã nhiều,
Nhưng không có một tình yêu của mẹ.
Vu Lan đến, cõi lòng con quạnh quẽ,
Bóng người xưa như phảng phất đâu đây.
Một chiều thu lạnh, dâng bát cơm đầy,
Tình nghĩa ấy, mẹ ôi! Bao thấm thía.
Phương trời này con ngậm ngùi rơi lệ,
Đức cù lao muôn một trả chưa xong.

Những bài hát, những vần thơ ca ngợi tình Cha Mẹ,
Những người con, những tấm lòng thương nhớ mãi khôn nguôi.
GHI CHÚ:

(1) Mẹ mất trước, cha mất sau cách nhau một trăm lẻ năm ngày trong năm 1999.
(2) Ngày mẹ mất, tôi không được về để thọ tang.
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: SADEC, QUÊ HƯƠNG TÔI

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

QUÊ HƯƠNG
Tác giả: Đỗ Trung Quân

Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều.

Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay.

Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông.

Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Là hương hoa đồng cỏ nội
Bay trong giấc ngủ đêm hè.

Quê hương là vòng tay ấm
Con nằm ngủ giữa mưa đêm
Quê hương là đêm trăng tỏ
Hoa cau rụng trắng ngoài thềm.

Quê hương là vàng hoa bí
Là hồng tím dậu mồng tơi
Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tinh khôi.

Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nỗi làm người.

(Trong bài thơ này thiếu một câu cuối cùng: "Sẽ không lớn nỗi làm người", khi tôi nhớ lại đã có đọc bài thơ này hồi xưa).

TÌNH QUÊ HƯƠNG ĐÂY, MUÔN NĂM KHÔNG HỀ PHAI, MUÔN NĂM VƯƠNG LÒNG AI DÙ SỐNG XA VỜI.
TÌNH QUÊ HƯƠNG ĐÂY, MỖI LÚC SƯƠNG CHIỀU RƠI, QUYẾN LUYẾN DÂNG ĐẦY VƠI TRONG TÂM HỒN TÔI...


(Hai câu trên là đoạn kết của tôi khi viết bài: "Sadec, Quê Hương Tôi").
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.11 khách