VỀ QUÊ HƯƠNG

Truyện sưu tầm và sáng tác - truyện của ngày ấy, mỗi cuộc đời là một trường thiên tiểu thuyết. Kính mời các bạn hãy ghi lại những cảm nghĩ, dòng tư tưởng của mình.
Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

VỀ QUÊ HƯƠNG

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

VỀ QUÊ HƯƠNG

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Từ khi cất tiếng khóc chào đời, đến lúc lớn khôn, trôi lăn theo dòng đời biến chuyển khổ nhiều hơn vui, chơn tâm chìm đắm trong vũng bùn nhơ sắc tài danh lợi, thân xác đọa đày trong nẻo ngục tối, ngạ quỷ, súc sanh. Mệt mỏi chán chường, một lúc nào đó lắng lòng nhìn lại thử hỏi đâu là quê hương?

- Việt Nam chăng? Ðất mẹ sanh nuôi dưỡng ta mà! Nhưng tại sao ta rời bỏ nó?
- Mỹ quốc chăng? Xứ tạm dung bao bọc ta ư! Vì lẽ gì ta mến ưa nó? Bỏ kia lấy đây đều là vọng trần trói buộc.

- Ðịa ngục chăng? Tội ác oan khiên chập chùng nghiệp báo. Thân mạng dứt phải chịu luân hồi?
- Thiên đường chăng? Khoái lạc miên trường mê mờ thiên tánh. Phước đức hết vẫn bị đầu thai. Họa phúc hai đường cũng do bổn tâm phan duyên.

Quê hương xa vời, sức người có hạn, thọ mệnh mong manh, lấy gì làm kim chỉ nam trên con đường chông gai trắc trở. Ðừng thấy ngăn sông cách núi, than rằng khó mà không tiến bước, nhưng quỷ vô thường có đợi ta đâu? Hãy xem bài ca của Ðại sư Ấn Quang:
  • - Khắp nơi đồng phát lòng thành, nguyện cầu vãng sanh.
    Ðất khách suối non hiểm nhiều, mặc ai luyến tình.
    Tự mình không muốn về thôi, quyết về tất được.
    Ðường quê có ai tranh dành, gió mát trăng thanh.
CÂU ÐỐI:

- Bỏ Cha trốn chạy, lưu lạc xứ người, khổ thay A Di Ðà Phật.
Tìm Mẹ trở về, tái ngộ gia hương, vui thay A Di Ðà Phật.

- Tịnh dưỡng chơn tâm, vui đạo thanh bần, Tin chuyên niệm Phật.
Tẩy sạch bụi trần, sống đời tự tại, Hạnh Nguyện thường chơn.
Phật pháp rất cao sâu huyền diệu, mà chúng sanh phần nhiều nghiệp chướng nặng dày, khó đạt đến nghĩa lý uyên thâm.

Trong kinh Ðịa Tạng nói: "Nghiệp lực thậm đại, năng địch Tu Di, năng thâm cự hải, năng chướng Thánh đạo", nghĩa là: sức nghiệp rất lớn, có thể sánh với núi Tu Di, sâu như biển cả, làm ngăn đạo Thánh. Chúng sanh nghiệp lực nặng nề như thế, lại ở trong đời ác ngũ trược, mây mù dày đặc che tối chơn tâm, nên phải trôi lăn trong vòng sanh tử, đời đời kiếp kiếp chẳng ngỏ thoát ra.

Chúng ta vì thân, khẩu, ý từ vô thủy tới nay đã tạo nhiều nghiệp chướng và tâm ta đã quá vọng theo duyên trần, nên phải luân hồi trong sáu nẽo. Nay muốn ra khỏi nhà lửa Tam giới, đều phải sửa phải tu, phải kềm chế. Mỗi mỗi chơn lý trong Phật pháp đều phải tu tập hết. Nếu ta không chịu kềm chế thân tâm, hay không giữ gìn cho thanh tịnh thì đã thất đức, lỗi trước không tiêu lại còn nặng thêm, khó mong đạt đến bờ kia.

Sở dĩ chúng ta lạc lối đi, không biết đường về, do nơi một niệm tâm vọng động. Ban sơ vì vô minh tạo nghiệp, gây tội, rồi càng tạo càng gây, tâm càng vọng động, phóng túng, theo duyên trần trôi lăn theo bánh xe nhân quả, sanh tử, tử sanh không ngừng nghỉ.

"Nhứt thất nhơn thân tái phục nan": thân người mất đi khó trở lại đặng, nay trở lại làm người cũng là việc hy hữu. Thân người khó được, nhưng còn có thể được; Phật pháp khó nghe, khó gặp do quả chướng tội sâu, gây nghiệp dày, núi sầu lên xuống, biển thảm vào ra, mây mù che ám, ba độc triền miên, nay gặp Phật pháp là việc hiếm có. Nay đã gặp Phật pháp, biết rõ tội lỗi, thì càng tinh tấn tu trì, khắc niệm công dày, lâu ngày ắt quả Bồ đề thành tựu.

Trước vì tam nghiệp thọ khổ báo trong ba đường dữ, nay dùng tam nghiệp tu trì dứt quả nhân ba đường ác, nghĩa là phải dùng ngũ thể đầu địa, lạy Phật ân đức là cầu cho tiêu nghiệp thân; dùng miệng niệm danh hiệu Phật hay tụng kinh điển là cầu cho nghiệp khẩu tiêu trừ; dùng tâm ý quán tưởng Phật, suy xét nghĩa lý Phật pháp là cầu cho ý nghiệp diệt tận. Lạy Phật là cầu cho thân được thanh tịnh dứt trừ ngã mạn; đọc kinh niệm Phật là cầu cho học hỏi thấu suốt các pháp; tưởng Phật, suy xét nghĩa lý là cầu cho được thông suốt liễu ngộ.

Nay đã biết rõ tự tánh mình là Phật, tự tánh mình sẵn đủ muôn pháp, tự tánh mình vốn thanh tịnh thì hãy tự mình tìm con đường để về quê hương. Nào hãy dấn thân vào!

Hướng về Cực Lạc không phải phiêu lưu đi tìm một đối tượng xa lạ ngoài tâm thể chúng ta. Hướng về Cực Lạc là gạn lọc tâm hồn, xóa nhòa những biên giới cố chấp. Hội nhập tâm linh vào thực tại phong phú bình an, để từ đó niềm an lạc vô ưu bắt đầu nẩy nở.

Về phương diện tuyệt đối thì một Thích Ca hay một Di Ðà đều chỉ là hóa thân của thực tại. Tất cả những hóa thân đó đều soi chiếu, biến hiện lẫn nhau, dung họp lẫn nhau trong một pháp thân thường trú. Thích Ca hay Di Ðà trên chót vót của tuệ giác chỉ là một, đều là hình ảnh của thực tại vô tận vô cùng.

Một khi đã tin về sự hiện hữu của đức A Di Ðà, chúng ta không thể nào không tin về một thế giới Cực lạc ở phương Tây. Ðó không phải là một thế giới do thần thông biến hóa, mà chỉ là kết quả của tâm nguyện. Mỗi đức Phật đều có những bổn nguyện phát khởi bởi tâm Bồ đề. Một khi Nguyện đã phát, thì Hạnh phải xuất hiện. Nguyện để thực hiện cho Hạnh và Hạnh để hoàn thành cho Nguyện. Cực Lạc thế giới chính là hạnh của bốn mươi tám lời nguyện vĩ đại của đức A Di Ðà vậy.

Chúng ta nên nhớ rằng, dù Tây phương hay Ðông phương, Cực Lạc thế giới không thể nào nằm ngoài tâm thể của chúng ta. Và chẳng có một đức Di Ðà nào tồn tại ngoài tâm thể của chúng ta. Niệm quán đức Di Ðà, chúng ta đình chỉ những tạp niệm vọng động bên ngoài và thể nhập sâu vào tâm thể của chính mình, trong giây phút đó chúng ta đi vào Cực lạc thế giới trong ta và chính ta là đức A Di Ðà chứ không ai khác. Một khi đã kết hợp và hòa nhập với thực tại, thì chúng ta đã là Phật.

Căn bản của kinh Di Dà là thuần niệm, để kết hợp với chân thực tại, với tuệ giác tuyệt đối. Thế giới Cực Lạc chỉ là một viễn tượng, sự dấn thân của chúng ta là tự lực và tự cứu. Sự tiếp dẫn của Di Ðà chỉ là mối liên hệ tương ứng giữa tuệ giác siêu thoát với thực tại siêu thoát. Di Ðà là thực tại siêu thoát. Trạng thái chánh định của chúng ta là tuệ giác siêu thoát.

Chúng ta tin có đức A Di Ðà và cõi Cực Lạc là tin có tâm thể giác chiếu, tin có khả năng biến hiện, hoán cải và khả năng tự lực thành Phật. Tin như vậy là tự tin. Có tin mới nỗ lực hành động (Hạnh) trong diệu dụng của Bồ đề tâm, để thành tựu ý chí thực hiện (Nguyện).

Về phương diện tương đối, chúng ta phải nghĩ đến một thực tại tương đối đầy dẫy khổ đau và tuyệt vọng. Chúng ta tin vào khả năng của mình, nhất tâm hoán cải tâm niệm, chuyển bạt nghiệp lực trần gian để thế giới khổ đau thành thế giới Cực Lạc.

Tây phương Cực Lạc cách xa chúng ta bao nhiêu triệu dặm đường mờ mịt, với tốc lực của một con người đầy nghiệp khổ, chúng ta vĩnh viễn không bao giờ đi tới. Nhưng dù cách xa bao nhiêu chăng nữa, thì không gian và thời gian chỉ là mê vọng. Nếu rời được mê vọng, rời được mọi ý niệm sai biệt thì khoảng cách dù vô cùng cũng nằm trong gang tấc và thời gian có lâu xa vô lượng cũng thu gọn thành phút giây. Thực tại vốn bình đẳng, đồng nhất và hồn nhiên. Cực Lạc, Ta Bà đều do nơi tâm niệm và nghiệp báo của chúng ta tạo ra. Vì vậy thế giới Cực Lạc có thể nhìn thấy trong cuộc sống ô trọc và khổ đau này. "Tâm bình tịnh thì thế giới bình tịnh".

Trong kinh Phật Thích Ca nói: "Khỏi quốc độ mười muôn ức cõi, có bửu thành tên gọi Lạc Bang. Di Ðà hiện tại phóng quang, nay đương nói pháp độ toàn chúng sanh". Chúng ta trong nhân địa tu hành chưa vào hàng Thánh, mười muôn ức cõi được sánh ví với mười pháp lành tức Thập thiện. Nghĩa là giữ cho thân, khẩu, ý được thanh tịnh; tam nghiệp thanh tịnh thì tâm thanh tịnh, do tâm thanh tịnh thì quốc độ thanh tịnh; quốc độ thanh tịnh thì cõi Phật thanh tịnh, nên nói Cực Lạc trong tâm chúng sanh. Trong quả vị Thánh tức hàng Bồ Tát, mười muôn ức cõi được sánh ví với Lục độ Ba la mật và thêm Tứ Vô lượng tâm, hay là các quả vị Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa v.v... hành Bồ tát đạo, chẳng trụ ngôi bất thối chuyển, hóa thân vào cỏi uế để độ chúng sanh, thì khoảng cách và cõi nước không còn thành vấn đề.

Chúng ta đã biết có nơi để về, có pháp để tu và có phương tiện để thực hành, hãy dồn hết tâm lực. Vô thường chóng vánh, xin đừng lần lựa, nay hẹn mai chờ, uổng mất tâm cơ, ngàn năm khó gặp lại.
  • A Di Ðà Phật thân vàng,
    Tướng xinh sắc tốt minh quang ai bì.
    Bạch hào như núi Tu Di,
    Mắt trông bốn bể so bì vẫn hơn.
    Hào quang hóa Phật vô ngần,
    Hóa Bồ tát chúng vô cùng vô biên.
    Ðộ sanh bốn tám lời nguyền,
    Hàm linh chính phẩm đồng lên giác ngàn.
Ðây chính là bài kệ Quán tưởng Phật A Di Ðà. Phật A Di Ðà tướng hảo quang minh, thành tựu công đức viên mãn, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, toàn thân phóng ra ánh sắc vàng không gì so sánh được. Tướng sáng lông trắng giữa chặn mày to lớn, xoay quanh như năm hòn núi Tu Di. Mắt to lớn sáng ngời bao trùm bốn biển. Trong ánh sáng của đức Phật hiện ra nhiều hóa Phật, Bồ tát vô cùng vô biên không tính đếm được. Phật A Di Ðà lập bốn mươi tám lời nguyện cứu độ tất cả chúng sanh, đều lên chín phẩm sen vàng giải thoát.
  • SÁM DI ÐÀ

    Muốn đi có một đàng này,
    Nhất tâm niệm Phật không gì thoát ra.
    Một lòng giữ niệm Di Ðà,
    Hồng danh sáu chữ thật là rất cao.
    Năng trừ tám vạn trần lao,
    Tham thiền, quán tưởng pháp nào cũng thua.
    Di Ðà xưa cũng làm vua,
    Bỏ ngôi bỏ nước vô chùa mà tu.
    Xét ra từ kiếp đã lâu,
    Hiệu là Pháp Tạng Tỳ kheo đó mà.
    Trong khi Ngài mới xuất gia,
    Bốn mươi tám nguyện phát ra một lần.
    Nguyện nào cũng lắm oai thần,
    Nguyện nào cũng trọng về phần độ sanh.
    Vì thương thế giới bất bình,
    Nên khi đầu Phật mà đành bỏ ngôi.
    Thầy là Bảo Tạng như Lai
    Bạn là Bảo Hải tức ngài Thích Ca,
    Thích Ca nguyện độ Ta bà,
    Di Ðà nguyện mở cửa nhà Lạc bang.
    Mở ao chín phẩm sen vàng,
    Xây thành bá bửu đổ đàng thất trân.
    Lưu ly quả đất sáng ngần,
    Lầu châu các ngọc mười phần trang nghiêm.
    Hoa trời rưới cả ngày đêm,
    Có cây rất báu, có chim rất kỳ.
    Lạ lùng cái cảnh phương Tây,
    Mười phương cõi Phật, cảnh nào cũng thua
    Phong quang vui vẻ bốn mùa,
    Nước reo pháp Phật, gió khua nhạc trời.
    Di Ðà có thệ một lời,
    Mở ra cõi ấy tiếp người vãng sanh.
    Mười phương ai phát lòng thành,
    Nhất tâm mà niệm hồng danh của Ngài.
    Hằng ngày trong lúc hôm mai,
    Niệm từ mười tiếng đến rày ba trăm.
    Ðứng, đi hoặc lúc ngồi, nằm,
    Chuyên trì niệm Phật lòng chăm phát nguyền.
    Nguyện sanh về cõi Bảo Liên,
    Là nơi Cực lạc ở miền Tây phương.
    Ðến khi thọ mạng vô thường,
    Thì ngài phóng ngọn hào quang rước liền.
    Biết bao phước đức nhân duyên,
    Ðã về Cực Lạc còn phiền não chi.
    Sự vui trời cũng chẳng bì,
    Ðêm đêm thong thả ngày thì vui chơi.
    Sống lâu kiếp kiếp đời đời,
    Không già không chết không dời đi đâu.
Sự tích, tiền thân của đức Phật A Di Ðà có rất nhiều kinh sách ghi chép, ở đây căn cứ vào bài Sám nói trên, xin lược ghi ra hai sự tích như sau:

1. Kinh Bi Hoa, chép:

Đời quá khứ hằng hà sa kiếp trước, ngài là vua Chuyển Luân Vương tên là Vô Tránh Niệm. Ngài có một quan đại thần tên là Bảo Hải, rất giàu lòng tín ngưỡng. Một hôm vua nghe đức Phật Bảo Tạng đến thuyết pháp tại vườn Diêm Phù ở gần bên thành, gài với quan đại thần Bảo Hải liền đến nghe và rất hài lòng. Vua phát tâm thỉnh Phật và đại chúng vào vương cung cúng dường trọn ba tháng để cầu phúc báu.

Đức Phật khuyên vua nên phát Bồ đề tâm cầu đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Khi đó đức Phật Bảo Tạng liền phóng hào quang sáng ngời, soi khắp cả thế giới của như Phật mười phương, cho chúng hội đồng thấy. Bảo Hải đại thần liền tâu với vua Vô Tránh Niêm: "Nay Bệ hạ nhờ oai thần của Phật, được thấy các thế giới, vậy Bệ hạ muốn cầu lấy thế giới nào?"

Vua đảnh lễ Phật, quỳ gối chắp tay phát lời đại nguyện, cầu xin sau khi tu hành thành Phật, quốc độ và nhân dân của ngài, đều được trang nghiêm thanh tịnh. Do nhơn duyên ấy, sau ngài thành Phật hiệu là A Di Đà ở cõi Tây phương Cực lạc.

Theo bài kinh trên, ta đã biết tiền thân của Phật A Di Ðà là vua Vô Tránh Niệm, quan đại thần Bảo Hải tức là tiền thân của Phật Thích Ca Mâu Ni.

2. Phật Thích Ca nói:

"Đời quá khứ lâu xa, cách hơn mười kiếp kiếp, có một nước tên là Diệu Hỷ, vua cha là Nguyệt Thượng Luân Vương, mẹ là Thù Thắng Diệu Nhan. Vương hậu sanh ra ba người con: người con trưởng là Nhựt Nguyệt Minh, người con thứ hai là Kiều Thi Ca, người con thứ ba là Nhật Đế Chúng. Khi ấy có đức Phật ra đời hiệu là Thế Tự Tại Vương Như Lai. Kiều Thi Ca bỏ ngôi vinh quí theo Phật Thế Tự Tại xuất gia, thụ Kỳ kheo giới, Phật cho hiệu là Pháp Tạng Tỳ kheo. Ngài Pháp Tạng đối trước Phật, phát bốn mươi tám lời nguyện rộng lớn, độ khắp tất cả mười phương chúng sanh; nếu có một nguyện nào chẳng viên mãn, thì ngài thề chẳng thành Phật". Khi ấy chư thiên rải hoa, tán thán, quả đất rúng động, giữa không trung có tiếng khen rằng: "Pháp Tạng quyết định sẽ thành Phật hiệu là A Di Đà".

Ðây là tiền thân và nhân địa của Kiều Thi Ca, con thứ hai của vua Nguyệt Thượng Luân Vương theo Phật Thế Tự Tại xuất gia thọ giới Tỳ kheo, hiệu là Pháp Tạng, tu hành thành Phật A Di Ðà.

Trong kinh Tiểu Bổn A Di Ðà, đức Phật Thích Ca đã thuyết về cảnh giới Cực Lạc của Phật A Di Ðà như sau:

- Từ cõi Ta Bà này hướng về phương Tây, cách đây hơn mười muôn ức cõi Phật, có thế giới tên là Cực Lạc. Vị giáo chủ thế giới này là Phật A Di Ðà thường hay nói pháp. Cõi ấy có bảy lớp câu lơn, bảy lớp lưới giăng, bảy hàng cây xinh đẹp, có hồ thất bảo đầy nước tám công đức, đáy hồ lót toàn cát bằng vàng. Bốn phía bờ hồ đều cẩn vàng ngọc, châu báu, trong hồ có những hoa sen bốn màu xanh, đỏ, trắng, vàng lớn bằng bánh xe, hương thơm ngào ngạt, màu nào cũng có hào quang chiếu sáng. Quanh hồ là những lầu đài nguy nga xinh đẹp toàn bằng thất bảo.

Trên không trung, hòa lẫn trong tiếng nhạc của chư thiên, có những tiếng chim báu, do Phật hóa hiện, thuyết pháp ngày đêm sáu thời cho chúng sanh nghe. Người nghe rồi phát tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Cho đến tiếng nước chảy, gió thổi, cây reo cũng đều phát ra tiếng pháp nhiệm mầu...
  • TÍN, HẠNH, NGUYỆN

    Một câu A Di Ðà,
    Là đường tắt về nguồn.
    Những hành trang cần thiết,
    Tín, Hạnh, Nguyện gọn suông.

    Một câu A Di Ðà,
    Cần ở điểm Tin sâu.
    Mầm hoa sen chín phẩm,
    Từ tâm đây nhô đầu.

    Một câu A Di Ðà,
    Cần ở nơi Nguyện thiết.
    Lòng về tợ lửa nung,
    Mắt thương khóc ra huyết.

    Một câu A Di Ðà,
    Cần ở chỗ Hạnh chuyên.
    Chỉ nêu cao một niệm,
    Dứt sạch cả muôn duyên.

    Tín, Hạnh, Nguyện thi hành hằng bữa
    Gắng ghi luôn trau thuở tấc lòng
    Bồ đề nẩy nhánh đơm bông
    Lên thuyền Bát nhã hội đồng pháp thân.
Muốn được vãng sanh phải đủ ba yếu tố: Tín, Hạnh và Nguyện. Tín là tin chắc có tự tha, nhơn quả, sự lý. Hạnh là chấp trì danh hiệu Phật cho được nhất tâm bất loạn. Nguyện là quyết thoát khỏi Ta ba, cầu sanh về cõi Cực Lạc.
  • TRÌ DANH NIỆM PHẬT

    Nam Mô A Di Ðà Phật,
    Không gấp cũng không lơi.
    Tâm tiếng hiệp với nhau,
    Thường niệm cho rành rõ.

    Nhất tâm là Ðịnh học,
    Nhận rõ chánh Huệ học.
    Chánh niệm trừ vọng hoặc,
    Giới thể đồng thời đủ.

    Niệm lực được tương tục,
    Ðúng nghĩa chấp trì danh.
    Nhất tâm Phật hiện tiền,
    Tam muội sự thành tựu.

    Ðương niệm tức vô niệm,
    Niệm tánh vốn tự không.
    Tâm làm Phật là Phật,
    Chứng lý Pháp thân hiên.

    Nam Mô A Di Ðà!
    Nam Mô A Di Ðà!
    Cố gắng hết sức mình,
    Cầu đài sen thượng phẩm.
- Nhiều phước đức không chi bằng chấp trì danh hiệu, nhiều thiện căn không chi qua phát Bồ đề tâm. Niệm Phật giây lát hơn bố thí cả năm, phát Bồ đề tâm hơn tu hành nhiều kiếp.

Trong mọi hoàn cảnh, thời gian, trong bốn oai nghi đứng, đi, nằm, ngồi, trong lúc ngủ nghĩ, ăn uống... chỉ chuyên tâm chấp trì niệm danh hiệu của Phật A Di Ðà luôn luôn thuần thục, đừng cho gián đoạn, không còn thấy có mình là người chuyên niệm, Phật là đối tượng bị niệm, chỉ còn một tâm yên lặng chiếu soi, không năng sở, bỉ thử, không hữu vô. Niệm đến trình độ này gọi là nhất tâm bất loạn, hay là niệm đến chỗ vô niệm mới là chơn niệm.

Niệm Phật cần nhất phải rành rõ và tương ưng. Rành rõ là nghe cho đủ tiếng rõ ràng, không lộn xộn lờ mờ. Tương ưng là giữ tiếng niệm và tai nghe liên tục không gián đoạn.
  • OAI ÐỨC, DIỆU DỤNG CÂU NIỆM PHẬT

    Nam Mô sáu chữ thật oai linh,
    Lòng nên tha thiết niệm chí tình.
    Tự tánh Di Ðà hằng sáng tỏ,
    Duy tâm Tịnh Ðộ liễu vô sanh...

    Ngồi niệm chú Di Ðà Phật Tổ,
    Không riêng cầu Tịnh Ðộ siêu sanh.
    Mà còn cầu Phật giúp mình,
    Ngọn đèn thần tuệ sớm minh trong lòng.

    Ngày sáu khắc vẫn không quên Phật,
    Ðêm năm canh thường nhắc Di Ðà.
    Phật trong lòng chẳng rời xa,
    Có ngày Phật đến giúp ta vừa lòng...
Niệm Phật được Tam muội sẽ phát khởi diệu dụng như nghe tiếng gió thổi, tiếng mưa rơi, nước chảy, hoa cười, chim hót đều nhiếp về một câu Nam Mô A Di Ðà Phật. Non xanh, mây trắng, hoa vàng, trúc biếc đều là pháp thân biến hiện cảnh giới Cực Lạc.
  • TỈNH GIÁC NIỆM PHẬT

    Thân người như sắt trên đe,
    Búa trời nhật nguyệt đánh đè ngày đêm.
    Qua một phút chết thêm một phút,
    Cứ lần đi đến lúc tắt hơi,
    Đêm ngày nào được nghỉ ngơi,
    Nếu người hẹn mốt hẹn mơi là lầm.
    Chết bất đắc đâu kham niệm Phật,
    Già lãng tâm đạo đức sao xong.
    Chi bằng trong lúc sự không,
    Trì tâm niệm Phật, già công tu hiền...
Muốn cầu giải thoát, phải xem niệm Phật là điều khẩn yếu, biết được lúc nào phải thực hành ngay lúc ấy, không nên chờ hẹn.

Ðức Phật đã từng dạy, mạng sống của con người ngắn ngủi trong hơi thở. Vì thở ra mà không trở vào tức là mạng người dứt, thế thì năm tháng ngày giờ, cho đến mỗi phút giây, đều có cái chết rình rập, không hẹn chờ chúng ta; chẳng ai dám quyết đoán mạng sống của mình dài được bao lâu.
  • NIỆM PHẬT DỰ BỊ LÚC LÂM CHUNG

    Gần đứt thở vững vàng trong trí,
    Dũ sạch không nhớ nghĩ sự đời.
    Chỉ còn lòng nhớ Phật thôi,
    Cũng là được Phật đến nơi rước về.
    Lòng đại độ tràn trề khắp chốn,
    Sức thần thông rộng lớn vô biên.
    Chúng sanh vừa mới phát nguyền,
    Thì là có Phật tới liền rất nhanh.
    Trong nháy mắt siêu sanh Tịnh Ðộ,
    Khỏi phải cần hành khổ, dụng công.
    Tức là dũ sạch bụi hồng,
    Trước giây phút trút linh hồn ra đi...
Lúc lâm chung muốn được chánh niệm, chúng ta phải nhờ sức tụng niệm ở thời gian mạnh khỏe. Chúng ta phải chuẩn bị một hành trang đầy đủ, tức là chúng ta phải niệm Phật cho nhiều, liên tục, chắc thiệt. Ngay từ lúc bắt đầu niệm ít và phải giữ cho điều hòa lần tới niệm nhiều, liên tục, chắc thật trong bất cứ mọi hoàn cảnh, mọi oai nghi, mọi thời thiết. Chỉ còn một câu niệm Phật huân đi huân lại trong tâm, không còn nghĩ nhớ sự đời thì chắc chắc lúc lâm chung sẽ có phần vãng sanh.
  • TỰ LỰC VÀ THA LỰC

    Người tự độ cầu thêm Phật độ,
    Như nước xuôi gặp gió thuận chiều.
    Ðường về chóng biết bao nhiêu,
    Gặp hai sức độ mau siêu phàm trần.
    Tuy có được tinh thần bác ái,
    Cũng nhớ nên tưởng vái Di Ðà.
    Kỳ nầy có Phật ấy qua,
    Rước về Cực lạc ngồi tòa kim liên.
    Cõi ấy chẳng não phiền đau khổ,
    Tuổi sống lâu vô số vô biên.
    Muốn chi thì có được liền,
    Thân người nào cũng bằng sen hóa thành.
    Cõi ấy vốn trọn lành trọn sáng,
    Cõi ấy không ai chết ai già.
    Thường ngày có đức Di Ðà,
    Dùng thần thông hóa hiện ra muôn hình.
    Người nào cũng quanh mình đều sáng,
    Ai cũng đều viên mãn thần thông.
    Ðường xa muôn dặm Tây Ðông,
    Nhưng đi chỉ mất độ trong phút giờ.
    Người cõi ấy thường trưa mỗi bữa,
    Ði cúng đường Phật ở khắp nơi.
    Ði về trong buổi ngọ thời,
    Người nào cũng muốn thỉnh lời Như Lai.
    Nên ai cũng đồng giai Bồ Tát,
    Không người nào sa lạc phàm phu.
    Hạ ngươn kẻ phát tâm tu,
    Cầu về Cực Lạc là đầu nhập môn.
    Cõi ấy vốn người nhân thiện cả,
    Ai muốn sang phải dạ lương hiền.
    Cõi sen người phải như sen,
    Gần bùn mà chẳng ố hoen mùi bùn...
Người tu Tịnh Ðộ, ngoài tự lực, cần phải cầu thêm tha lực. Thế nào là tự lực và tha lực?

- Tự lực: vì sợ sanh tử mà phát tâm tu hành, giữ giới, niệm Phật.

- Tha lực: tự biết mình yếu đuối không phóng lên lưng ngựa nổi, mà tin rằng: "Nếu nương theo một vị Chuyển luân vương thì có thể đi trên hư không dạo khắp thiên hạ". Ðó là nhờ oai lực của Chuyển luân vương nên gọi là tha lực. Chúng sanh ở cõi Ta Bà khởi tâm lập hạnh niệm Phật, nguyện sanh Cực Lạc, ấy là tự lực. Kịp khi lâm chung được đức Phật A Di Ðà đến tiếp dẫn đặng vãng sanh, đó là tha lực.

Dĩ nhiên, người niệm Phật phải có cả tự lực, là sức tinh tấn niệm Phật của mình và tha lực là sự mật hộ của Phật; không ỷ lại, giải đãi, dễ dàng yên ổn như đi thuyền, buồm xuôi gió thuận.

Tới đây, chúng ta đã đi sâu vào pháp môn niệm Phật, tìm ra một hướng đi cho cuộc hành trình vạn dặm về quê hương. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ cho ta dành hết cuộc đời còn lại để chuẩn bị hành trang hướng về. Ðừng đòi hỏi chi cao xa và cũng đừng nói sao mà giản dị quá vậy! Xin thưa, tuy giản dị nhưng thử hỏi làm được mấy ai? Hay lại cho đây là pháp môn dành cho ông già bà lão hủ lậu, hoặc kẻ thiếu căn. Xin đừng lầm! Hãy xem lời tán thán của Ðại sư Ấn Quang:
  • Pháp môn cao cả lợi khắp ba căn, nhân đây các cõi đồng về, mười phương khen ngợi.
    Phật nguyện rộng sâu không từ một vật, nên được ngàn kinh đều chỉ, muôn luận tuyên bày.
Tiếc mình tài hèn sức mọn, không dám sánh vai cùng các học giả uyên thâm, giải bày biện luận, tuyên dương giáo nghĩa thượng thừa. Chỉ mong nương vào sức mình và sự trợ lực của chư Phật Tổ, dùng lời thô kệch quê mùa viết bài khảo luận ngắn này để hằng răn nhắc mình và sách tấn người đồng điệu, nếu nhận đây làm phương tiện hành trì và mục tiêu hướng về, thì hãy nghiêng mình xin: "NHẬN NƠI NÀY LÀM QUÊ HƯƠNG".
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.
Sửa lần cuối bởi Nguyenthu vào ngày 14/06/20 06:11 với 1 lần sửa.


BATKHONG1985
Bài viết: 1620
Ngày: 03/07/11 06:10
Giới tính: Nam
Đến từ: CHỖ TẤT CẢ MỌI NGƯỜI ĐẾN

Re: VỀ QUÊ HƯƠNG

Bài viết chưa xem gửi bởi BATKHONG1985 »

Trước tiến, xin hoan hỷ trước bài viết của Bác nguyenthu. Sau con xin góp vài lời trao đổi để học hỏi các bạn đồng tu.

Con thấy, việc tu Tịnh Độ thì phải lìa các ác pháp, hiểu rõ pháp hữu vi sanh tử, chuyên tâm niệm Phật, tâm chí hướng một lòng Tây Phương, làm được ắt sẽ vãng sanh nơi Cực Lạc Tây Phương.

Thấy vậy chứ không dễ đâu, như lìa các ác pháp tức là giữ giới thanh tịnh, tại gia giữ ít nhất là 5 giới, trong đó giới sát sanh được xem là khó nhất vì gắn với nghề nghiệp và việc thọ thực hàng ngày (nên ăn chay thôi). Tiếp theo phải hiểu rõ danh, tài, sắc, lợi dưỡng,... đều là phù du, tham đắm vào là sanh tử hoài không thôi, tham đắm mà cộng thêm nhiều tỗi lỗi thì sẽ phải thọ cảnh địa ngục hành hạ đâu khổ 24/24; nếu cứ mê lầm thì không niệm Phật được lâu, nghiệp chiêu cảm liền theo nghiệp dẫn mà không thể vãng sanh.

Kế đến chuyên tâm niệm Phật một hướng cầu Tây Phương. Có chuyên tâm hay không lại do quan niệm của cá nhân người tu hành. Có nhiều thứ chướng ngại khiến cho hành giả không thể hành trì chuyên tâm.
Thứ nhất, là người chưa đủ quyết tâm, ỷ lại lúc chết hoặc gần chết mới chịu niệm, cũng giống như muốn xây dựng một cây cầu bắc qua sông, thay vì lo làm từ sớm nhưng lại không làm đợi lúc nạn tới mới lo xây thì khả năng thành công không chắc lắm!
Thứ hai, sao lãng lòng tin, không xác định rõ chí quyết. Đó là những người, chưa rõ niệm Phật vãng sanh để làm gì. Chẳng hạn như nghe người khác nói Cực Lạc cũng giống cõi trời, nay chỉ cần tu thiện cũng được an vui nên niệm Phật chỉ cầu an vui hưởng lạc, người như vậy sẽ thối thất tâm niệm vãng sanh.
Hoặc là nghe người ta nói: Cực Lạc tại tâm chứ không phải đâu xa, cầu sanh đây sanh kia là trái vốn bản tâm vốn vô sanh. Người này tin theo đó, niệm Phật là phương tiện tham thiền công án giúp khai ngộ tâm tánh chứ không phát tâm nguyện sanh sang Tây Phương Cực Lạc. Họ làm vậy không sai, vì đó là pháp thượng thừa Thiền môn, chỉ có điều là có làm được trong đời này không thôi, đương nhiên phải là bậc thượng trí mới mong làm được: trước là rõ biết tự tâm, kế đó phải tiêu trừ các tập khí: sát, truộm, dâm, tham , sân , si cho sạch sẽ không còn bóng dáng, tuy biết tự tánh nhưng nếu các tập khí (tâm sai sử) như vậy hiện tiền, tự mình chưa nhập được diệt thọ tưởng định (Niết Bàn của các vị A LA HÁN) thì vẫn còn luân hồi sanh tử.

Vãng sanh tức là nhất định thành Phật mà là trong một đời tại Cực Lạc mà không cần phải trôi nổi đây kia. Chắc chắn như vậy nên chư Phật mười phương đều khuyên sanh sang Cực Lạc. Huống chi chúng ta là hàng phàm phu, nghiệp chướng và tập khí còn đó, với phương tiện vãng sanh này hoàn toàn có thể tu tập vãng sanh mà nhất định sẽ thành Phật không khác gì Thiền môn thượng thừa thì còn pháp nào lợi ích hơn chăng?!

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT


sotam26
Bài viết: 631
Ngày: 30/01/09 02:14
Giới tính: Nam
Đến từ: NVM
Được cảm ơn: 3 time

Re: VỀ QUÊ HƯƠNG

Bài viết chưa xem gửi bởi sotam26 »

Kính!
Bài Khảo luận của hiền hữu thật hay và hữu ích !
Ở tuổi 80 mà sức đọc viết của hiền huynh vẫn còn rất sung mãn !
Đây ( thân tâm của nguyễn thu) chính là bài học lớn nhất, rỏ ràng nhất cho người đi sau !
Chúc hiền huynh nhiều sức khỏe .
Nam mô bổn sư Thích ca Mâu Ni Phật.


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.20 khách