PHẬT THUYẾT VU LAN BỒN KINH.

Kính mời các bạn góp sức bảo tồn tất cả các tài liệu lịch sử Phật giáo Việt Nam và thế giới, tiểu sử tăng ni, và Phật tử có công trong việc hoằng truyền Phật pháp.
Nội qui chuyên mục
- Trong quá chứ ban quản trị diễn đàn đã chịu rất nhiều phiền toái, do những kẻ giả mạo chùa và đoàn thể từ thiện để kêu gọi giúp đỡ. Một lần nữa chúng tôi yêu cầu tất cả các thành viên không được gởi thư kêu gọi từ thiện lên diễn đàn và chúng tôi không chịu trách nhiệm nội dung đăng tải bởi thành viên.
Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

PHẬT THUYẾT VU LAN BỒN KINH.

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

(Trích: Tam Bảo Tôn Kinh, Thích Ca Phật Viện xuất bản và phát hành, Phật Lịch: 2.512, trang 74-80).
PHẬT THUYẾT
VU LAN BỒN KINH.

Tây Tần, Tam Tạng Trúc Pháp Hộ, dịch.
Văn như thị: Nhứt thời Phật tại Xá Vệ quốc, Kỳ thọ Cấp Cô Ðộc viên.

Ðại Mục Kiền Liên, thỉ đắc lục thông, dục độ phụ mẫu, báo nhũ bộ chi ân; tức dĩ đạo nhãn quan thị thế gian: Kiến kỳ vong mẫu sanh ngạ quỷ trung, bất kiến ẩm thực bì cốt liên lập.

Mục Liên bi ai, tức dĩ bát thành phạn, vãng hướng kỳ mẫu. Mẫu đắc bát phạn, tiện dĩ tả thủ chướng bát, hữu thủ sụy thực, thực vị nhập khẩu, hóa thành hỏa thán, toại bất đắc thực.

Mục Liên đại khiếu, bi hiếu thế khấp, trì huờn bạch Phật, cụ trần như thử.

Phật ngôn: "Nhử mẫu tội căn thâm kiết, phi nhử nhứt nhơn lực sở nại hà! Nhử tuy hiếu thuận, thinh động thiên địa, thiên thần địa kỳ, tà ma ngoại đạo, đạo sĩ, Tứ thiên vương thần, diệc bất năng nại hà! Ðương tu thập phương chúng tăng oai thần chi lực, nãi đắc giải thoát". Ngô kim đương thuyết cứu tế chi pháp, linh nhứt thiết nạn giai ly ưu khổ.

Phật cáo Mục Liên: "Thập phương chúng Tăng, thất nguyệt thập ngũ nhật, tăng tự tứ thời, đương vị thất thế phụ mẫu, cập hiện tại phụ mẫu ách nạn trung giả, cụ phạn bá vị, ngũ quả, cấp quán bồn khí, hương du, đính chúc, sàng phu ngọa cụ, tận thế cam mỹ, dĩ trước bồn trung cúng dường thập phương đại đức chúng Tăng.

Ðương thử chi nhựt, nhất thiết Thánh chúng, hoặc tại sơn gian thiền định, hoặc đắc tứ đạo quả, hoặc tại thọ hạ kinh hành, hoặc lục thông tự tại giáo hóa Thinh văn, Duyên giác, hoặc thập địa Bồ tát đại nhơn, quyền hiện Tỳ kheo tại đại chúng trung, giai đồng nhất tâm thọ bát hòa la phạn. Cụ thanh tịnh giới Thánh chúng chi đạo, kỳ đức huân dương.

Kỳ hữu cúng dường thử đẳng tự tứ Tăng giả, hiện thế phụ mẫu, lục thân quyến thuộc, đắc xuất tam đồ chi khổ, ứng thời giải thoát, y thực tự nhiên.

Nhược phụ mẫu hiện tại giả, phước lạc bá niên, nhược thất thế phụ mẫu sanh thiên, tự tại hóa sanh, nhập thiên hoa quang".

Thời, Phật sắc thập phương chúng Tăng, giai tiên vị thí chủ gia chú nguyện, nguyện thất thế phụ mẫu, hành thiền định ý, nhiên hậu thọ thực.

Sơ thọ thực thời, tiên an tại Phật tiền, tháp tự trung Phật tiền, chúng Tăng chú nguyện cánh tiên tự thọ thực.

Thời Mục Liên Tỳ kheo cập đại Bồ tát chúng, giai đại hoan hỷ, Mục Liên bi đề khấp thinh thích nhiên trừ diệt.

Thời Mục Liên mẫu, tức ư thị nhựt, đắc thoát nhất kiếp ngạ quỷ chi khổ.

Mục Liên phục bạch Phật ngôn: "Ðệ tử sở sanh mẫu đắc mông Tam Bảo công đức chi lực, chúng Tăng oai thần chi lực cố; nhược vị lai thế, nhất thiết Phật đệ tử, diệc ưng phụng Vu Lan bồn, cứu độ hiện tại phụ mẫu, nãi chí thất thế phụ mẫu, khả vi nhỉ phủ?"

Phật ngôn: "Ðại thiện khoái vấn! Ngã chánh dục thuyết, nhữ kim phục vấn.

Thiện nam tử! Nhược Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Quốc vương thái tử, đại thần tể tướng, tam công bá quan, vạn dân thứ nhơn hành từ hiếu giả, giai ưng tiên vị sở sanh hiện tại phụ mẫu, quá khứ thất thế phụ mẫu, ư thất ngoạt thập ngũ nhật, Phật hoan hỷ nhật, Tăng tự tứ nhật, dĩ bá vị phạn thực, an Vu Lan bồn trung thí thập phương tự tứ Tăng. Nguyện sử hiện tại phụ mẫu thọ mạng bá niên vô bệnh, vô nhất thiết khổ não chi hoạn, nãi chí thất thế phụ mẫu ly ngạ quỷ khổ, sanh nhơn thiên trung, phước lạc vô cực.

Thị Phật đệ tử tu hiếu thuận giả, ưng niệm niệm trung thường ức phụ mẫu, nãi chí thất thế phụ mẫu, niên niên thất ngoại thập ngũ nhật, thường dĩ hiếu từ, ức sở sanh phụ mẫu, vị tác Vu Lan bồn thí Phật cập Tăng, dĩ báo phụ mẫu trưởng dưỡng từ ái chi ân, nhược nhất thiết Phật đệ tử ưng đương phụng trì thị pháp".

Thời, Mục Liên Tỳ kheo, tứ bối đệ tử hoan hỷ phụng hành.
BÁO PHỤ MẪU ÂN CHÚ

Nam mô mật lật đa đá bà dạ tá ha (3 lần).

CỬ TÁN:

Vu lan chánh giáo,
Tự tứ gia thần.
Mục Liên ai khẩn cứu từ thân,
Chư Phật đại oai thần.
Thoát khổ ưu hoàng,
Vạn cổ hiếu danh xưng.

SÁM VU LAN
  • Đệ tử chúng con
    Vâng lời Phật dạy
    Ngày rằm tháng Bảy
    Gặp hội Vu Lan
    Phạm vũ huy hoàng
    Đốt hương đảnh lễ
    Mười phương tam thế
    Phật, Pháp, Thánh hiền
    Noi gương đức Mục Kiền Liên
    Nguyện làm con thảo
    Lòng càng áo não
    Nhớ nghĩa thân sanh
    Con đến trưởng thành
    Mẹ dày gian khổ
    Ba năm nhũ bộ
    Chín tháng cưu mang
    Không ngớt lo toan
    Quên ăn bỏ ngủ
    Ấm no đầy đủ
    Cậy có công cha
    Chẳng quản yếu già
    Sanh nhai lam lũ
    Quyết cùng hoàn vũ
    Phấn đấu nuôi con
    Giáo dục vuông tròn
    Đem đường học đạo
    Đệ tử ân sâu chưa báo
    Hổ phận kém hèn
    Giờ này quỳ trước đài sen
    Chí thành cung kính
    Đạo tràng thanh tịnh
    Tăng Bảo trang nghiêm
    Hoặc thừa tự tứ
    Hoặc hiện tham thiền
    Đầy đủ thiện duyên
    Dũ lòng lân mẫn
    Hộ niệm cho:
    Bảy kiếp cha mẹ chung con
    Hoặc còn tại thế
    Thân tâm an ổn
    Phát nguyện tu trì
    Đã qua đời
    Ác đạo xa lìa
    Chóng thành Phật quả
    Ngưỡng mong các đức Như Lai
    Khắp cõi hư không
    Từ bi gia hộ.
NAM MÔ ĐẠI HIẾU MỤC KIỀN LIÊN BỒ TÁT, MA HA TÁT.
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.
Sửa lần cuối bởi Nguyenthu vào ngày 02/09/20 15:52 với 2 lần sửa.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: PHẬT THUYẾT VU LAN BỒN KINH.

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Ý NGHĨA NGÀY LỄ VU LAN
Thích nữ Hằng Như
(Trích: NGUỒN ĐẠO số 105
Vu Lan 2018, trang 2-4).
- Nói đến lễ Vu Lan, thì mỗi người trong chúng ta, ai cũng biết và cũng đã từng đến chùa tham dự đại lễ này. Lễ Vu Lan là một lễ lớn đối với Tăng Ni. Hầu hết các chùa hay tự viện đều tổ chức lễ Vu Lan hàng năm. Trong thời pháp đón mừng đại lễ Vu Lan, chúng tôi xin chia sẻ cũng quý vị đề tài: "Ý Nghĩa Ngày Lễ Vu Lan". Các chùa khắp nơi trên thế giới đều long trọng tổ chức đại lễ Vu Lan, tạo cơ hội cho các Phật tử về chùa dâng hương cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền được khỏe mạnh bình yên và cha mẹ đời quá khứ được thoát khổ địa ngục, sanh về cõi Trời an vui. Cho nên hễ nói đến lễ Vu Lan là người ta nghĩ ngay đó là ngày lễ Báo Hiếu Cha Mẹ.
  • 1. LỄ VU LAN BÁO HIẾU
Không phải tự dưng cứ đến ngày Rằm tháng Bảy âm lịch hàng năm, Phật giáo long trọng tổ chức "Đại lễ Vu Lan Báo Hiếu" thật trang nghiêm, từ hình thức cho đến nội dung nhằm mang ý nghĩa nhân văn trên bình diện tâm linh và văn hóa của con người. Lễ hội này phát xuất từ sự tích Phật giáo được ghi lại trong kinh Vu Lan Bồn.

- Vu Lan: Danh từ gọi tắt của "Vu Lan Bồn", tiếng Phạn là "Ullambana". Ullam: dịch là "Treo ngược" (đảo huyền), ví cho sự thống khổ của người chết như bị treo ngược. Chữ "Bồn" tiếng Phạn là "Bana" tạm dịch là "cứu giúp". Như vậy chúng ta có thể hiểu từ "Vu Lan Bồn" có nghĩa là giải cứu người bị tội treo ngược.

- Báo Hiếu: Nghĩa là sự báo đáp, đền đáp công đức sinh thành dưỡng dục của người con đối với cha mẹ hiện tiền và cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp.

Theo trong kinh thì lễ Vu Lan của Phật giáo phát xuất từ thời đức Phật. Ngài đã dạy phương thức báo hiếu cho cha mẹ đời này và nhiều đời khác. Người đầu tiên tiếp nhận chính là Tôn giả Mục Kiền Liên, ngài là một trong mười vị đệ tử xuất chúng của đức Thế Tôn.
  • 2. BỒ TÁT MỤC KIỀN LIÊN CỨU MẸ THOÁT KHỎI KIẾP NGẠ QUỶ
Theo kinh "Vu Lan Bồn" thì ngày xưa, khi Bồ tát Mục Kiền Liên tu thành chánh quả, lúc tưởng nhớ mẫu thân, đã dùng tuệ nhãn kiếm tìm khắp nơi trong trời đất, liền thấy mẹ mình đang ở trong loài ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ rất khổ sở. Thương mẹ, ngài đã vận thần thông xuống cõi ngạ quỷ dâng bát cơm đầy cho mẹ. Rất tiếc, bà Thanh Đề hãy còn quá sân tham bởi ác nghiệp thọ báo còn quá nặng nêm khi bốc cơm đưa vào miệng thì cơm biến thành lửa. Tôn giả Mục Liên không còn cách nào cứu mẹ nên ngài liền quay về hỏi đức Thế Tôn.

Đức Phật dạy rằng: "Dù ông có thần thông quảng đại như thế nào cũng không đủ sức cứu mẹ ông, chỉ có một cách là nhờ sự hợp lực của chư Tăng khắp nơi, sau ba tháng an cư kiết hạ cùng tập trung chú nguyện mới có thể chuyển hóa được nghiệp lực, giúp mẹ ông thoát khỏi cảnh khổ".

- Nhưng bạch Thế Tôn, làm sao con thỉnh được chư Tăng khắp mười phương về để cúng dường cùng một lúc như vậy được?

Đức Phật dạy: "Ngày Rằm tháng Bảy là ngày Tự Tứ của chư tăng. Ngày đó dù các vị ở trong thiền định hay thọ hạ kinh hành, hay hóa độ nhân gian, cùng tập trung lại để cùng Tự Tứ. Đây là ngày thích hợp để cung thỉnh chư Tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó".

Tôn giả Mục Kiền Liên y theo lời Phật mà làm. Sau đó mẹ của ngài được giải thoát. Trong dịp này đức Phật cũng dạy: "Chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp) mà làm". Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời.

Kể từ những năm tháng đầu tiên, khi Phật giáo truyền vào Việt Nam, các chùa đã tổ chức lễ Vu Lan. Ngày nay lễ Vu Lan không còn đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng ca ngợi lòng hiếu thảo đối với mẹ không thôi mà đã trở thành "lễ hội" mang tình cách nhân văn nói lên lòng hiếu kính của tất cả mọi người đối với cả mẹ lẫn cha hiện tiền, hay ông bà cha mẹ đã quá vãng nhiều đời nhiều kiếp. Lòng trân trọng hiếu kính mẹ cha, phụng thờ tổ tiên ông bà, chính là sợi dây liên kết giữa người còn kẻ mất, là truyền thống cao đẹp nêu cao tình người của dân tộc Việt.
  • 3. Ý NGHĨA BÔNG HỒNG CÀI TRÊN NGỰC ÁO
Một nét đẹp trong ngày Vu Lan sau này là trong buổi lễ, có kèm theo chương trình "Bông Hồng Cài Áo". Trong buổi lễ thiêng liêng ấy, ai còn cha mẹ sẽ được cài lên ngực áo một đóa hoa hồng, ai mất cha mẹ được cài lên ngực đóa hồng trắng. Ý nghĩa thì hay, nhưng nếu nhận xét một cách sâu sắc thì chúng ta thấy có chỗ lấn cấn. Nếu trường hợp người tham dự buổi lễ còn cha mà mất mẹ, hay còn mẹ mất cha, thì ban tổ chức gắn hoa màu gì cho những vị này? Chúng tôi đề nghị ban tổ chức nên gắn lên ngực mỗi người hai đóa hoa nhỏ. Ai còn đủ cha mẹ thì cài lên ngực hai đóa hoa hồng. Nếu mất cha còn mẹ, hay mất mẹ còn cha, thì gắn một hoa hồng, một hoa trắng, để người được gắn hoa an ủi phần nào.
  • 4. TẠI SAO LÀM CON PHẢI CÓ HIẾU
Mỗi người chúng ta có mặt trên cõi đời này là nhờ vào tinh cha huyết mẹ. Mẹ cưu mang chín tháng mười ngày, nặng nhọc như đội núi, ngày đêm như bệnh nặng. Khi sanh nở thì gan ruột như bị xé rách đau đớn mê man, nên ơn sanh thành của cha mẹ kể sao cho xiết.

Người ta thường nói trong cuộc sống, không có hạnh phúc nào lớn hơn hạnh phúc còn cha mẹ, và không có bất hạnh nào lớn hơn bất hạnh của kẻ mồ côi. Điều này khi ai trải qua mới thấy thấm thía. Không có mẹ bên cạnh, ai lo bú mớm, tắm rửa, ẵm bồng chăm sóc chúng ta? Không có cha bên cạnh, ai lo tảo tần làm việc kiếm tiền nuôi nấng, dạy dỗ chúng ta? Lúc còn nhỏ chúng ta cần cha mẹ mỗi phút mỗi giây, ngay lúc khỏe mạnh cũng như lúc trái gió trở trời đau ốm. Khi lớn lên, ra đời chúng ta chạy đua theo đời, mê say sự nghiệp, bận lo lắng tô bồi cho hạnh phúc lứa đôi, hay bận lo chăm sóc con cái của riêng mình mà quên bẳng đi cha mẹ. Vì bận rộn nên chúng ta không cảm nhận rõ sự cần thiết cha mẹ bên cạnh chúng ta. Chỉ khi nào gặp cảnh ngộ không may, làm ăn thất bại, vợ bỏ, chồng bỏ, con hư, khi tám ngọn gió đời quật chúng ta nghiêng ngã, vùi dập chúng ta đến nỗi chúng ta không còn niềm tin đối với người xung quanh. Lúc đó chúng ta mới chợt tỉnh ra rằng, chúng ta còn cha mẹ. Cha mẹ lúc nào cũng vẫn là chiếc nôi ấm áp cho chúng ta quay về nương tựa. Cha mẹ đón nhận chúng ta vô điều kiện dù chúng ta thành công hay thất bại, dù chúng ta hạnh phúc hay khổ đau. Ân sủng thiêng liêng ấy, tình cảm cho đi bao la bất tận ấy, ta có thể tìm được nơi đâu, ngoài cha mẹ của chúng ta?

Cho nên việc phụng dưỡng cha mẹ không phải chỉ là trách nhiệm và bổn phận của người làm con, mà đó là một sứ mệnh thiêng liêng. Dù nỗ lực để tận hiếu nhưng công ơn cha mẹ rất khó mà đáp đền. Trong kinh Tăng Chi I, đức Phật dạy: "Có hai hạng người, này các Tỳ Kheo, ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, một bên vai cõng cha, làm vậy suốt một trăm năm cho đến khi các người một trăm tuổi. Nếu đấm bóp, tắm rửa và dẫu tại đây họ có đại tiểu tiện, như vậy cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha".

Hiếu đạo theo Phật giáo, không phải chỉ cung kính cha mẹ và phụng dưỡng cha mẹ về mặt vật chất là đủ, mà chúng ta cần phải khuyến hóa cha mẹ trở về chánh pháp để giúp cha mẹ thoát khỏi cảnh bị đọa lạc sau khi lìa đời. Đó mới là cách báo hiếu trọn vẹn, bởi vì trong kinh Hiếu Tử có nói: "Cúng dường tiền bạc vật chất cho cha mẹ không bằng khuyên lơn cha mẹ làm việc lành, bỏ việc ác. Nếu không thể cải hóa cha mẹ phụng trì Tam bảo, thời tuy có hiếu dưỡng cha mẹ cũng gọi là bất hiếu. Cha mẹ hung ngược, dâm dật, tà ngụy, trái đạo... người con phải hết sức ngăn cản mới gọi là con có hiếu".

Con cái sống hiếu đạo với cha mẹ tạo phước đức vô lượng chừng nào thì tội bất hiếu là tội lớn nhất chừng đó. Đức Phật xác định: "Điều ác nhất không gì hơn bất hiếu" (Kinh Nhẫn Nhục).

Tóm lại, Vu Lan Bồn là ngay lễ Báo Hiếu vô cùng cao đẹp của Phật giáo nói riêng và là ngày lễ hội báo hiếu nói chung của mọi người con hiếu trên thế gian này. Lễ Vu Lan mang một ý nghĩa thật thiêng liêng cao cả, giúp cho con cái nghĩ nhớ đến công ơn cha mẹ, khơi dậy trong lòng họ tinh thần báo hiếu đáng quý, đáng trân trọng. Riêng chúng ta là người con Phật nhận thức sâu sắc lời Phật dạy, đối với cha mẹ ngày nào cũng là ngày Vu Lan, vì cuộc đời vô thường, ai biết được một ngày nào đó chúng ta mồ côi cha mẹ, hay chính chúng ta lại là người đi trước cha mẹ. Cho nên báo hiếu cha mẹ, chúng ta báo hiếu hàng ngày chứ không phải chờ đến ngày lễ Vu Lan. Tuy nhiên hôm nay mùa Vu Lan lại về, thời gian này ghi đậm trong tâm chúng ta là mùa Báo Hiếu, vì thế chúng ta cùng nhau nỗ lực tinh tấn thực hành hạnh hiếu để báo đáp thâm ân của cha mẹ vậy.
  • Thích nữ HẰNG NHƯ
    (August, 16-2017).
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.13 khách