Phật Sự Trong Mộng

Nghiên cứu học hỏi tư tưởng Phật giáo bắc tông: Câu xá, thành thật, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Du già, pháp tướng tông, trừ hệ bát nhã, thiền và chuyên mục đã có.

Điều hành viên: phuoctuong

Hình đại diện của người dùng
gioidinhtue
Bài viết: 747
Ngày: 09/09/08 21:01
Giới tính: Nam
Đến từ: VietNam
Nghề nghiệp: Con Xin Dập Đầu Trăm Ngàn Lạy Cầu Xin Chúng Sanh Tin Phật Niệm Phật Cầu Vãng Sanh Tây Phương Thoát Khỏi Biển Luân Hồi Dài Vô Tận . Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật !
Được cảm ơn: 1 time

Phật Sự Trong Mộng

Bài viết chưa xem gửi bởi gioidinhtue »

Phật Sự Trong Mộng

Sám Hối Không Che Đậy Chưa Từng Có

Nguyên bản Hoa ngữ: Mộng Trung Phật Sự - Không Tiền Đích Vô Già Sám Hối (夢中佛事 - 空前的無遮懺悔)

Vajra Bodhi Sea số 267, tháng 8, 1992, trang 35 - 37

 


Pháp Hội Sám Hối Không Che Đậy (nguyên bản Hoa ngữ là Vô Già Sám Hối 無遮懺悔 – bvd) được tổ chức liên tục từ ngày 25 tháng 1, 1992 và hoàn tất vào ngày 22 tháng 7 (tức 23 tháng 6 âm lịch). Hòa Thượng yêu cầu mọi người tại Vạn Phật Thánh Thành cần để ý đến ngày này vì hai người xuất gia tại Thánh Thành đã lạy ba người huynh đệ đồng tu làm Thầy của họ vào ngày hôm đó. Hai người xuất gia này là một người từ Chicago tên Ching Sya (trước đây được đặt tên là Hằng Thuân) và một người từ Việt nam là Ching Er (trước đây được đặt tên Hằng Trường). Tin tức về việc họ lừa dối Hòa Thượng và quản trị sai lầm ngân quỹ của Chùa đã được xuất bản trên báo này trong phần Hoa ngữ trong các số từ 261 – 265.


Bởi vì Hòa Thượng không muốn ruồng bỏ họ và muốn ngăn họ khỏi bị đọa lạc thêm nữa nên ngài đã bảo họ rút thăm chọn từ tên của năm huynh đệ đồng tu. Kết quả họ đã rút được tên của Thầy Hằng Tả, Hằng Phong và Hằng Chương là những người Thầy mới của họ, và họ cũng được Pháp danh mới là Ching Sya (Thân Hạ) và Ching Er (Thân Nhĩ). Đây là cơ hội để họ có thể xuất gia trở lại và được làm người trở lại. Bài giảng nầy, Hòa Thượng gọi là Phật Sự Trong Mộng “ (Mộng Trung Phật Sự), chứa đựng ý nghĩa Phật Pháp thâm sâu, ban phát rộng lớn giáo pháp phương tiện. Những điểm chính của bài giảng của Hòa Thượng như dưới đây:


"Pháp này là bình đẳng, không có cao thấp. Phật pháp thì bình đẳng. Nguyên thủy không có thầy và không có trò. Không có sự phân biệt về thế hệ ở đây. Khi chúng ta trở thành Phật, tất cả chúng ta đều bình đẳng. Tuy nhiên chúng sanh trong thế giới Ta Bà có sự bám chấp rất to lớn: chúng ta bám chấp vào điều thiện, chúng ta bám chấp vào điều ác, một số trong chúng ta bám chấp vào Pháp hữu vi, một số bám chấp vào Pháp vô vi. Chúng ta tạo ra sự phân biệt trên và dưới, chia ra từng phẩm bậc. Đây chỉ là sự phân biệt các tên và loại khác nhau trên thế gian. Chúng ta càng phân biệt chừng nào, chúng ta càng đi xa Phật pháp chừng nấy.


Chúng ta chuyển từ lớn sang nhỏ, nhưng mặc dầu có sự khác biết về thế hệ, trong việc tu hành chúng ta vẫn muốn phát Bồ Tát nguyện theo Đại thừa. Điều này không giống như ngài Cưu Ma La Thập có vị thầy theo Tiểu Thừa. Sau đó Thầy của ngài quay lại và lạy đệ tử của mình là Cưu Ma La Thập làm Thầy của mình. Đây là chuyển từ nhỏ sang lớn. Tại sao lại làm như vậy? Đó là phá bỏ sự chấp trước của chúng sanh.


Tôi đã nói rằng tôi không nhận họ làm đệ tử, nhưng tôi không muốn từ bỏ họ, do đó tôi sẽ thoả thuận bằng cách yêu cầu họ theo những người Thầy khác. Ý nghĩa sâu xa đằng sau sự việc này là để chế phục tánh kiêu ngạo và xem thường kẻ khác. Mặc dầu họ sẽ lạy những người khác làm Thầy, nhưng họ sẽ được ở trong Đạo Tràng để lập công đức và tiêu trừ tôi chướng của họ. Bổn lai công đức lớn như thế nào đi nữa, thì tội chướng cũng lớn như thế, và dầu chúng ta có nhiều tội đến mấy đi nữa, công đức của chúng ta cũng lớn như vậy. Tại sao như vậy? Đức Phật Thi Khí có nói:

 

Khởi chư thiện pháp bổn thị huyễn,

Tạo chư ác nghiệp diệc thị huyễn.

Thân như tụ mạt tâm như phong,

Huyễn hóa vô căn vô thật tính.

 

Khởi bao thiện Pháp, vốn là huyễn.

Tạo các ác nghiệp, cũng là huyễn.

Thân như đống bọt, tâm như gió.

Huyễn hóa không rễ, không thực tính.


 

Nếu quý vị nhận ra điều này, thì đừng bao giờ phạm lỗi kiêu ngạo nữa. Lỗi này căn bản là hư huyễn, nhưng sự thật cũng là huyễn. Tại sao quý vị không tìm cái gì chân thật để làm? Tại sao phải làm điều giả, tìm cầu giả danh giả lợi? Thật ra, những việc chúng ta làm hôm nay cũng là huyễn, chúng ta chỉ trong mộng làm Phật sự. Mọi người đều đang trong giấc mộng. Chúng ta mộng thấy chúng ta đến, chúng ta mộng thấy chúng ta đi, nhưng không có gì cố định cả. Không có Pháp cố định. Đây gọi là A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.

Nếu trong giấc mộng chúng ta làm điều đúng thì chúng ta có công đức. Nếu làm điều sai thì tạo nghiệp chướng.” 

 

Chin Er: Con đã theo Sư Phụ mười năm, và bây giờ ý muốn tu hành của con mạnh mẽ nhất. Nếu con muốn làm lợi ích cho Đạo Tràng, con phải thay đổi cách suy nghĩ của con. Con rất biết ơn Sư Phụ đã cho con cơ hội để lạy các huynh đệ đồng tu làm thầy của con. Bằng cách này, tu hành từ vị trí thấp nhất, con không thể tranh danh lợi với họ, hoặc ganh tỵ chướng ngại. Đây là cơ hội tốt nhất cho con tu tập. Con rất cảm ơn Sư Phụ đã cho con pháp môn Hoa Nghiêm của Kinh Hoa Nghiêm. Trong tương lai con sẽ dựa vào Kinh Hoa Nghiêm để hoàn toàn thay đổi hành vi và suy nghĩ của con.


Chin Sya: Con xem thường ba huynh đệ đồng tu này nhiều hơn hai huynh đệ kia, vì vậy con đã rút thăm tên của họ làm thầy của con. Sự kiêu ngạo của con rất lớn. Bất cứ điều gì Sư Phụ biểu con làm, con sẽ làm. Điều đó được, điều đó được.

 

Ghi chú:

Một lần nọ, có một Phật tử hỏi:

"Hòa Thượng thường nói rằng:

Chân thật nhận lỗi mình,

Không bàn lỗi người khác,

Lỗi người là lỗi mình,

Đồng thể tức Đại Bi.


Thế nhưng tại sao Hòa Thượng lại thường công khai phê bình, bàn luận thị phi về người khác và đăng trong Kim Cang Bồ Đề Hải (Vajra Bodhi Sea - nguyệt san của Vạn Phật Thánh Thành)? Như vậy phải chăng là nói một đường, làm một nẻo?"

Hòa Thượng trả lời:

"Người sẽ bị đọa địa ngục là tôi chứ không phải ông. Nếu những gì tôi nói là đúng sự thật, thì đó không phải là thị phi; nếu không đúng sự thật, thì tôi chắc chắn sẽ bị đọa địa ngục. Nếu có kẻ nói rằng bậc đại tu hành không bị nhân quả, thì quả báo là 500 đời làm thân chồn (hồ ly).

Nếu tôi chối bỏ nhân quả--gọi đen là trắng, gọi trắng là đen, nói đúng thành sai, nói sai thành đúng - nói những điều không đúng thật, thì tôi sẽ bị đọa địa ngục Bạt Thiệt (rút lưỡi). Nếu tôi không nói sai, thì tôi không có tội.

Mạnh Tử có nói: ‘Ta há phải thích biện luận đâu! Ta cũng bất đắc dĩ đó thôi! Nếu cái đạo của Dương Tử và Mặc Tử không tắt đi, thì cái đạo của Khổng Tử chẳng được sáng rỡ vậy!’.

Tại sao tôi thích nói 'thị, phi’ (điều đúng và điều sai)? Vì trong Phật Giáo có quá nhiều 'thị, phi’!

Lại còn nào là hắc giáo (giáo phái đen), bạch giáo (giáo phái trắng), hoàng giáo (giáo phái vàng), hồng giáo (giáo phái đỏ) ... thảy đều biến thành nhiều màu sắc khác nhau, đến hoa cả mắt. Ngay cả đen cũng không biết mình là đen, trắng cũng chẳng hay mình là trắng. Cho nên, tôi muốn nói ra những điều mà người khác không dám nói; nếu quý vị có ai không hài lòng thì cũng không sao, tôi cũng chẳng bận tâm. Tôi là kẻ chuyên môn đả phá tà tri tà kiến của người khác!"

Từ đoạn đối thoại trên, chúng ta có thể thấu rõ được tâm từ bi bao la không đành lòng thấy chúng sanh bị đau khổ của Hòa Thượng. Đó gọi là "đại từ đại bi, gần như tàn nhẫn", và chính là thiện xảo phương tiện để giáo hóa chúng sanh của bậc Bồ Tát.

Hòa Thượng có lần viết bài thơ nói lên quyết tâm của Ngài:

"Tôi muốn nói lời thật,

Không sợ bị đánh, chửi.

Giết tôi, tôi chẳng sợ,

Giải thoát, có gì ngại?"

(Trích Thí Luận)

Ông CE rời khỏi Tăng Đoàn Vạn Phật Thánh Thành năm 1998. Về sau trong bài nói chuyện gọi là "Mô Hình Tu Toàn Diện", ông nói rằng:

Thật đau lòng khi đọc và nghe những điều không đúng về Hòa Thượng. Những điều này khác với sự thật. Những người gần Hòa thượng đều biết Hòa Thượng không quan tâm tiền bạc, chỉ chú trọng đạo đức. Những người làm ăn bất chính muốn cúng dường dù là những số tiền rất lớn, Hòa thượng đều không nhận. Trong bài Sư Phụ tường thuật về 4 môn đồ đại nghịch bất đạo (Vajra Bodhi Sea số 261, tháng 2, 1992 phần Hoa ngữ trang 17 - 18) ghi lại:


Ngài nói: ”Tôi mang bệnh hai năm rồi. Trong cơn bệnh, chiếc cầu thang cũng trèo không nổi, vậy mà chẳng có vị đệ tử nào quan tâm! Lần này tôi bị hôn mê hai tuần trong bệnh viện. Khi xuất viện, bệnh đã giảm 7, 8 phần. Thế rồi vảo ngày 14 tháng 01 , có 4 con quỉ đến gặp tôi đòi mạng. Chúng nó giả dạng người xuất gia, đến tranh luận với tôi, ép tôi phải nghe lời họ. Họ kết bè tụ đảng bao vây ức hiếp một lão già bệnh yếu, áp bức tôi làm điều tôi không muốn. Bốn con quỷ đòi mạng (truy mạng quỷ) này chính là bọn Hằng Thuân, Hằng Trường, Hằng Chiêu, và Hằng Tá. Việc làm của chúng chẳng khác gi khinh sư diệt tổ, giết cha hại mẹ, giết A La Hán, làm thân Phật chảy máu, phá hòa hiệp tăng, là tội ngỗ nghịch thập ác, không giải được bằng pháp sám hối. Bị cú “sốc” này bệnh cũ tôi lại tái phát. Tôi ăn chẳng được, ngủ chẳng yên. Thật là dụng tâm cay độc!".

Có ai thật sự lãnh hội tâm trạng đau buồn và thất vọng của Ngài! Ngài nói:”Tôi nuôi dưỡng các ông mười mấy năm nay, các ông trả ơn như thế đó phải không?” Một đả kích tàn nhẫn đối với một trưởng lão từ bi! Càng đáng trách hơn là sau khi ngỗ nghịch với Sư Phụ, ngày hôm sau nghịch đồ Hằng Trường, Hằng Thuân còn kết bè kết lũ ngao du sơn thuỷ mà chẳng tỏ chút gì áy náy, ngượng nghịu. Hành vi đại nghịch bất đạo này đáng lẽ không thể dung tha trong cõi trời đất, nhưng với tấm lòng độ lượng vô bờ của bậc thiện trí thức, Sư Phụ vẫn mở lòng từ bi hỷ xã, lân mẫn họ, cho họ một cơ hội phát lồ sám hối. Bắt đầu từ ngày 01 tháng 02 đến ngày 14 tháng 02, trước sau 14 lần, tổng cộng 36 tiếng đồng hồ, kết tập thành một loạt “Sám Hối Không Che Đậy”* đại yết ma chưa từng có trước đây.

 

Hòa Thượng thường nhắc nhở: Làm thiện mà muốn người ta biết mình làm thiện thì chưa phải là chân thiện, làm ác mà không muốn người ta biết mình làm ác đó mới là thật ác. Phật Giáo chủ trương làm thiện từ gốc là tu tâm (thế giới duy tâm tạo), tu tinh thần vô ngã. Những lần thiên tai nhân họa chiến tranh sắp xảy ra, Hòa Thượng kêu gọi đại chúng tụng Kinh, trì Chú hồi hướng công đức, bàn thân Hòa Thượng thì âm thầm nhịn ăn hồi hướng công đức (Vụ vịnh Cuba năm 1962, vụ sao chổi hướng về trái đất, vụ tranh chấp Trung Quốc - Đài Loan ...), không quảng cáo, không cần ai biết đến, không lưu vết tích ....

Trong bài Phật Sự Trong Mộng, Hòa Thượng nói rõ "Ý nghĩa sâu xa đằng sau sự việc này là để chế phục tánh kiêu ngạo và xem thường kẻ khác", và chính ông CE đã nói và được ghi lại trong bài đó: "Bằng cách này, tu hành từ vị trí thấp nhất, con không thể tranh danh lợi với họ, hoặc ganh tỵ chướng ngại. Đây là cơ hội tốt nhất cho con tu tập."

Chúng tôi có tạm dịch một phần nhỏ trong loạt bài Đại Sự Ký này để chúng ta hiểu rõ hơn. Về vấn đề ngậm miệng chịu cũng không đúng. Hòa Thượng đã cho mọi người cơ hội phát lồ sám hối, những ai thành tâm sám hối Hòa Thượng biết ngay, và trong loạt bài Đại Sự Ký, ông CE đã có cơ hội để nói rất nhiều và chính ông đã nói : "Sư Phụ biết mọi chuyện, cũng biết được ý nghĩ của con", các biên bản nay vẫn còn.

Biết về sau sẽ có những người lạm dụng danh nghĩa của mình, năm 1993 Hòa Thượng có ra thông báo lưu ý mọi người.

Chư Phật và Bồ tát biết rõ tâm niệm chúng sanh. Trong Vĩnh Gia Chứng Đạo Ca Thiển Thích Hòa Thượng nói rõ:

Ngoài xã hội thường thấy những chuyện như vậy. Lừa dối lẫn nhau, quí vị không thực lòng nói với tôi, tôi cũng không thực lòng nói với quí vị. Trong Phật giáo ta nên ngay thẳng thực thà, nói một là một, hai là hai; cái gì đúng thì bảo là đúng, cái gì không đúng thì bảo không đúng, chớ không thể biết rõ không đúng mà cứ cố biện bạch, đem cái lầm lỗi đẩy về phía người khác, như vậy là sai rồi. Quí vị không ngay thẳng, không chân thành, Bồ-tát sẽ không hoan hỷ, do đó chúng ta là người học Phật nhất định phải mang hết tấm lòng thực thà, thành tâm, từng giờ, từng khắc, cư xử sao cho chân thực, một chút xíu hư dối cũng không có. Ðành rằng tu nhẫn nhục là biểu thị một thái độ hoan hỷ, nhưng nếu trong lòng đương sục sôi giận dữ, như muốn đánh giết người ta mà bề ngoài thì giả dạng tươi cười, làm ra vẻ hiền lành dễ thương, cũng là sai rồi. Ðấy chẳng phải là nhẫn nhục, đó là giảo hạt, gian trá.

Trong lần Yết Ma thứ 6 trong Pháp Hội Sám Hối Không Che Đậy, Hòa Thượng nói:

"Ông lại nâng cao tôi lên, tôi không thích chuyện đó. Bốn người sám hối, chỉ có ông duy nhất là người tiếp tục nói láo! Ông nói là ông sẽ sửa đổi, tôi không tin tưởng! Nếu người khác biết thì ông mới nói, chỉ nói khi sự đã rồi, những điều người khác không biết thì ông không chút đề cập gì cả. Luôn luôn che dấu! ...".

thật đau lòng thay!

Hòa Thượng còn khai thị:

”Bài học này dạy chúng ta biết cái gì là chân lý. Phải có trạch pháp nhãn (con mắt chọn pháp), biết cái gì là đúng, cái gì là sai."

Trong bài Phật Sự Trong Mộng, Hòa Thượng ân cần nhắc nhở:

"Tại sao quý vị không tìm cái gì chân thật để làm? Tại sao phải làm điều giả, tìm cầu giả danh giả lợi? Thật ra, những việc chúng ta làm hôm nay cũng là huyễn, chúng ta chỉ trong mộng làm Phật sự. Mọi người đều đang trong giấc mộng. Chúng ta mộng thấy chúng ta đến, chúng ta mộng thấy chúng ta đi, nhưng không có gì cố định cả. Không có Pháp cố định. Đây gọi là A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.

Nếu trong giấc mộng chúng ta làm điều đúng thì chúng ta có công đức. Nếu làm điều sai thì tạo nghiệp chướng.” 

Trong Sáu Đại Tông Chỉ của Vạn Phật Thánh Thành có tông chỉ quan trọng là "Không nói dối". Trong Kinh Hoa Nghiêm - Phẩm Thập Hạnh nhắc đến một hạnh rất quan trọng là "Chân Thật Hạnh":

Bồ-Tát này quán-sát chư Bồ-Tát như huyễn, tất cả pháp như hóa, Phật xuất thế như bóng, tất cả thế-gian như giấc mơ, được tạng nghĩa-thân, văn-thân vô-tận, chánh-niệm tự-tại, trí-huệ tối-thắng quyết-định rõ biết tất cả các pháp, nhập tất cả tam-muội chân-thật-tánh, trụ nơi nhứt-tánh không hai.

Vì chúng-sanh đều chấp-trước nơi hai, nên Bồ-Tát này an-trụ nơi đại-bình-đẳng thành-tựu hành pháp tịch-diệt như vậy, được Phật thập-lực, nhập nhân-đà-la võng pháp-giới, thành-tựu Như-Lai vô-ngại giải-thoát, hùng-mãnh trong loài người, đại sư-tử hống, được vô-úy chuyển pháp-luân vô-ngại thanh-tịnh, được trí-huệ giải-thoát rõ biết tất cả cảnh-giới thế-gian, tuyệt dứt dòng sanh tử vào biển lớn trí-huệ, vì tất cả chúng-sanh mà hộ-trì chánh-pháp của tam-thế Phật, đến tột đáy nguồn thật-tướng của biển lớn tất cả pháp.

Bồ-Tát trụ nơi Chân-Thật-Hạnh này rồi, tất cả thế-gian : Trời, Người, Ma, Phạm, Sa-Môn, Bà-La-Môn, Càn-Thát-Bà, A-Tu-La v.v... có ai gần-gũi, thời đều làm cho được tỏ ngộ hoan-hỷ thanh-tịnh.

Đây gọi là Bồ-Tát Chân-Thật-Hạnh thứ mười.

Kinh Hoa Nghiêm - Phẩm Thập Hạnh

Một người nghe ông CE giảng và ghi lại:

Thiền định, trì chú để mở luân xa (số 1,2, 3: Sắc; số 4: Thọ; Tưởng số 5 và Thức ở luân xa số 7) mở rộng ra xã hội Sắc giới, lí trí thấu/thông suốt chân lí để tác động trở lại xã hội để đưa đến giải đáp tốt đẹp cho nhiều người nhất."

Thiền định, trì chú là để chế phục vọng tưởng, thấy lại tự tánh chân thật bất sanh bất diệt. Luân xa cũng chỉ là giả nhưng nguy hiểm, đừng nên thí nghiệm, khi động đến sẽ sanh nhiều huyễn cảnh. Bát Nhã Tâm Kinh nói rõ Quán Thế Âm Bồ tát dùng "trí tuệ bát nhã" để "chiếu kiến ngũ uẩn giai không", không dùng mở luân xa để phá ngũ uẩn, một quan niệm gán ghép và rất nguy hiểm, khiến sanh tâm mong cầu.

Trong bài gọi là Mô Hình Tu Toàn Diện, ông CE nói:

Mục đích chánh của tu hành là diệt trừ tham sân si, nguồn gốc sanh tử luân hồi. Đức Phật chỉ bày phương pháp diệt tham, sân, si là tu Giới, Định, Huệ. Mong cầu tìm phát triển phương pháp mở luân xa chính là vọng tâm tác quái, bỏ gốc theo ngọn, chỉ phỏng đoán rồi đem chúng sanh làm thí nghiệm, gieo tâm lý mong cầu mở luân xa trong lúc ngồi thiền (thật ra cũng không gọi là ngồi thiền vì thiền là tĩnh lặng quán chiếu, phương pháp của ông CE thì dẫn tư tưởng chạy vòng). Khi có tâm tham cầu mở luân xa trong lúc ngồi, thì lúc thấy cảnh giới sẽ cho là luân xa đang mở hay đã mở. Kinh Lăng Nghiêm - Phẩm Năm Mươi Ấm Ma nói rõ về các cảnh giới, nếu chấp là chứng thánh thì rơì vào tà ma: "Nếu không nghĩ mình chứng Thánh thì đó là trạng thái tốt, còn nếu nghĩ mình chứng Thánh thì liền rơi vào tà ma."

Hòa Thượng lưu ý mọi người:

Cho nên, quý vị được nghe Kinh Lăng-Nghiêm rồi thì có thể xem bộ Kinh này như tấm "kính chiếu yêu" vậy. "Kính chiếu yêu" là một kính tương tự như kính soi mặt, hễ đem kính này chiếu vào kẻ nào thì nguyên hình của kẻ ấy sẽ xuất hiện trên mặt kính. Những kẻ đội lốt người, bất luận là quái vật, heo tinh, trâu tinh, ngựa tinh, sơn yêu thủy quái, hoặc quỷ vương... hễ lấy kính này ra chiếu thì đều biết được chân tướng của chúng. Bây giờ quý vị nghe Kinh Lăng-Nghiêm, rồi, ai nói ra pháp gì thì quý vị đem pháp ấy so sánh với lời dạy trong Kinh là biết được họ nói đúng hay sai ngay. Do đó, bộ Kinh này cũng giống như một tấm "kính chiếu yêu" vậy. (Kinh Lăng Nghiêm - Phẩm Tứ Chủng Thanh Tịnh Minh Hối)

Hòa Thượng đưa ra Sáu Đại Tông Chỉ để kiểm soát thân tâm trên đường tu hành, giúp tránh lạc vào những ngã rẽ nguy hiểm:

Hãy tự hỏi mình có Tranh không?

Hãy tự hỏi mình có Tham không?

Hãy tự hỏi mình có Mong Cầu không?

Hãy tự hỏi mình có Ích Kỷ không?

Hãy tự hỏi mình có Tự Lợi không?

Hãy tự hỏi mình có Nói Dối không?

Không Tranh, Không Tham, Không Mong Cầu, Không ích Kỷ, Không Tự Lợi, Không Nói Dối giúp vun bồi đạo đức, nền tảng tu hành, là giúp chánh khí cho vũ trụ và đóng góp thiện tâm tích cực cho xã hội. Đây cũng là sáu kính chiếu yêu để biết rõ pháp và biết rõ người có thật sự tu hành hay không. Không nói dối chính là biểu thị tâm Đại Bi, không nỡ lòng dối gạt chúng sanh vì chúng sanh là cha mẹ đời quá khứ và là những vị Phật tương lai. Sáu Đại Tông Chỉ chính là Đại Bi Tâm, là Bồ Đề Tâm.

Trong Vĩnh Gia Chứng Đạo Ca Thiển Thích Hòa Thượng nhắc nhở đừng ham cái mới, chuộng cái lạ:

Bởi vậy chúng ta phải luôn luôn có chánh tín, để tránh những lối đi ngõ ngách, những lối hắc ám. Ham cái mới, chuộng cái lạ cũng là bệnh chung của các tín đồ Phật giáo, để cuối cùng chẳng thâu lượm được kết quả gì, khiến uổng phí cả thời gian, đáng tiếc biết bao. Thường thường quí vị cứ nghĩ rằng quí vị chẳng có thời gian cho Phật pháp, nhưng sao quí vị lại có thời gian để chạy tới chỗ của bàng môn tả đạo. Như vậy rất dễ bị trúng tà độc, hiện tại chúng đầy rẫy khắp mọi nơi làm cho quí vị bị mê hoặc, để rồi tương lai quí vị cũng biến thành quyến thuộc của ma, gây thêm thanh thế cho ma vương. Bởi vậy quí vị Phật tử, có lòng chánh tín, không nên ngã theo đường lệch lạc, chớ theo lối tiểu xảo đầu cơ, mà phải chất phác thật thà học hỏi Phật pháp. Ðó mới chính là kỷ phận của chúng ta.

Trong Thí Luận của ông Trần Do Bân có đoạn:

Hòa Thượng đã cảm khái rằng:

Phật Pháp vị diệt, Tăng tự diệt,

Đạo đức ưng tu, nhân bất tu,

Lão thật chân thành chiêu vật cơ,

Hư ngụy giảo hoạt thọ bao ưu.

Cử thế ngũ trược thanh thậm tiễn.

Chúng sanh tam túy tỉnh vô thu,

Ân cần ký ngữ Tăng thanh bối,

Chấn hưng Phật Pháp tại Tỳ Kheo.

Tạm dịch:

Phật Pháp chưa diệt, Tăng tự diệt,

Đạo đức cần tu, chẳng ai tu,

Thành thật chân chánh, bị chế diễu,

Gian ngoa xảo trá, được tán dương.

Thế giới Ngũ Trựơc híếm thanh tịnh,

Chúng sanh say Ba Độc chẳng tỉnh,

Ân cần nhắn nhủ Tăng Ni trẻ:

Chấn hưng Phật Giáo cậy Tỳ Kheo! 

Trong Phật Giáo không thể có 99%--nếu chỉ một phần nhỏ trong Phật Giáo là giả dối, thì đó không còn là "Chánh Pháp" nữa! Do đó chúng ta phải phân biệt thật rõ ràng, bởi vì trong các chùa chiền đều có cả "tà pháp và ngoại đạo". Phật Giáo có câu: "Thà cả ngàn năm chẳng vãng sanh, còn hơn một ngày trong ma đạo". Nếu chúng ta thiếu Trạch Pháp Nhãn của "Tứ Chủng Thanh Tịnh Minh Hối" (trong Kinh Lăng Nghiêm) e rằng chúng ta có thể trở thành quyến thuộc của loài ma mà chính mình lại không hay không biết!

Trong Đại Sư Ký có nói:

Rất mong những ai thành tâm muốn hộ vệ giáo pháp, phải soi xét phòng ngừa, luôn luôn hồi quang phản chiếu, đem Sáu Đại Tông Chỉ kiểm điểm từng tâm niệm của mình, như đang đứng trên vực thẳm, đang đi trên lớp băng mỏng. Xe trước ngã xe sau phải đổi vết. Nếu không chí thành phát tâm đại sám hối, đại tri ân, sửa lỗi làm lành thì sao học được bài học ân tình đầy máu lệ này?

“Danh lợi là duyên huỷ giới” những ai đạt đến “vô dục” mới có thể cương chính không xu thế, mới có thể giữ vững chánh niệm, điều này đối với người lập chí cầu pháp xuất thế lại càng hệ trọng hơn. Không nên có giây phút thất niệm, làm được thế mới không phụ lòng đại bi của vị ân sư đang chảy máu và mồ hôi để gìn giữ và pháp triển chánh pháp trong thời mạt thế.

Để biết thêm về đường hướng tu hành, về tâm huyết của Hòa Thượng và để phân biệt Chánh Pháp và Mạt Pháp xin xem thêm Vĩnh Gia Chứng Đạo Ca Thiển Thích do Hòa Thượng giảng và phần Thí Luận của ông Trần Do Bân.

Cầu mong chúng sanh có đầy đủ trạch pháp nhãn, sớm ly khổ đắc lạc, liễu sanh thoát tử.

 

- Không nói dối là bài chú hữu hiệu nhất!

- Nếu quý vị có thể không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, và không nói dối, thì đó chính là Chánh Pháp đang trụ thế vậy!

- Nếu quý vị không buông xả được ái dục, thì dầu cho quý vị xuất gia tám vạn bốn ngàn đại kiếp, quý vị cũng chỉ phí thời gian trong Đạo Phật và tạo nghiệp chướng với mỗi bữa ăn mình thọ dụng.

- "Đạo có sẵn ngay đó, đừng tìm cầu đâu xa." Nhưng người ta luôn luôn tìm con đường tắt; họ chạy loanh quanh tìm "mật pháp" để tu hành.

 

HT Tuyên Hóa

 http://www.dharmasite.net/PhatSuTrongMong.htm


“Tâm hiếu là tâm Phật,
Hạnh hiếu là hạnh Phật”
Nhiếp cả sáu căn
Tịnh niệm tiếp nối
Bất lập phương tiện
Tự đắc tâm khai
http://www.chuakimquang.com/vn/
http://www.dharmasite.net/KhaiThiveAiDuc.htm
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.22 khách