Sự Linh Ứng Của Địa Tạng Vương Bồ Tát

Nghiên cứu học hỏi tư tưởng Phật giáo bắc tông: Câu xá, thành thật, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Du già, pháp tướng tông, trừ hệ bát nhã, thiền và chuyên mục đã có.

Điều hành viên: phuoctuong

Hình đại diện của người dùng
123456789
Bài viết: 170
Ngày: 06/06/09 21:16
Giới tính: Nam

Sự Linh Ứng Của Địa Tạng Vương Bồ Tát

Bài viết chưa xem gửi bởi 123456789 »

Mời Các Bạn Nhấp Chuột Vào Đây Để Tải Về!

Sa Môn Thích Như Điển
Phương trượng Chùa Viên Giác
Hannover - Đức Quốc
dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Việt.
PL. 2552 / DL . 2008


Lời đầu sách

Năm 2007 khi chúng tôi đang nhập thất tại Úc
Châu thì có một Phật Tử tên là Huỳnh Hiệp
từ Hoa Kỳ có liên lạc qua bằng E-mail cho Thầy Hạnh
Tấn và nhờ tôi phiên dịch tác phẩm „Những mẩu
chuyện linh ứng của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát
tại Fuchù - Nhật Bản“ từ tiếng Nhật sang tiếng Việt.
Tôi bảo cứ gởi một số chuyện tiêu biểu sang Úc, tôi
dịch thử. Nếu đồng ý với cách dịch ấy thì tôi sẽ tiếp tục.
Sau một tuần lễ, tôi gởi trở lại 3 chuyện đầu đã dịch
của quyển một cho Phật Tử nầy và anh ta rất hoan hỷ
và nhờ tôi dịch tiếp cho đến hết quyển sách. Tôi trả lời
rằng: „Tôi rất sẵn sàng; nhưng tôi rất ít thì giờ; khi nào
xong tôi chưa biết; nhưng tôi sẽ cố gắng. Đồng thời
việc đánh máy sẽ giao cho các anh chị em thực hiện“.
Cầm quyển sách trên tay độ 400 trang A4 thấy
cũng hơi nhiều; nhưng thôi, cứ cố gắng vậy. Ông bà
mình thường nói: „Kiến tha lâu đầy tổ“ quả câu nầy
chẳng sai chút nào. Tôi mang quyển sách ấy đi theo
cùng với những chuyến hoằng pháp tại Ý, Hoa Kỳ, Đan
Mạch, Nga, Na Uy v.v… nghĩa là nơi nào ngoài giờ
giảng và hướng dẫn cho quý Phật Tử tu, tôi cố gắng
phiên dịch cho xong quyển nầy, ngay cả trong mùa An
Cư Kiết Hạ vừa rồi tại chùa Viên Giác Hannover tôi
cũng đã dành rất nhiều thời giờ cho việc phiên dịch
quyển sách nầy.
Mùa hè năm 2008 có Sư Cô Chơn Toàn giúp đỡ
đánh máy toàn bộ quyển sách nầy; nên bây giờ anh
Như Thân đã Layout và chú Sanh ở văn phòng chùa
Viên Giác sửa lại lỗi chính tả để hoàn thành quyển sách
và hôm nay thì sách đã trang trí xong, độ hơn 900 trang
A5 và kèm thêm những hình ảnh nữa; cho nên quyển
truyện rất dày, chắc phải đóng bìa cứng mới được. Do
vậy giá thành mỗi cuốn khi ấn tống có lẽ rất cao. Kính
mong quý Đạo Hữu ở Hoa Kỳ cũng như Âu Châu và
khắp nơi trên thế giới hỗ trợ cho việc in ấn nầy để sách
được ra đời, nhằm tô điểm thêm cho đức tin của người
con Phật ở nhiều phương điện khác nhau.
Khi nhắc đến Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát đa
phần chúng ta đều nghĩ đến „Kinh Địa Tạng“ cũng như
những mẩu chuyện tiếp độ cho những người chết qua
những câu chuyện được kể rải rác đó đây; nhưng trong
gần 300 câu chuyện của quyển sách nầy hơn 90 phần
trăm là Ngài đã cứu cho người sống, nhất là những
người bị bệnh hiểm nghèo, chính y khoa Nhật Bản bó
tay, người bệnh hay thân nhân họ khi đến cầu nguyện
nơi Ngài sẽ nhận được những phép mầu.
Chữ Địa Tạng tiếng Phạn gọi là Ksitigarbha. Chữ
Ksti có nghĩa là đất; garbha có nghĩa là tạng hay tàng
chứa. Đất có khả năng tàng chứa mọi vật, mọi thứ.
Điều nầy chứng tỏ rằng hạnh nguyện của vị Bồ Tát nầy
có sức kham nhẫn, chịu đựng giống như sự nhẫn nại
của đất vậy. Trong Ấn Độ giáo họ có thờ Thiên Tiên và
Địa Mẫu. Thiên Tiên thường thường là người nam; còn
Địa Mẫu đa phần là người nữ. Địa Mẫu của Ấn Độ giáo,
mà Phật Giáo đã từ từ đồng hóa thành vị Bồ Tát của
Phật Giáo qua hình thức là một người nam; nhất là khi
qua đến Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam, Đại Hàn
v.v… là tướng của một Tăng sĩ xuất gia đầu tròn áo
vuông, đầu đội mũ Tỳ Lư và ngồi trên lưng con Đề
Thính, tay cầm tích trượng. Đây chính là hình ảnh của
Ngài Kim Kiều Giác, là một Đông Cung Thái Tử triều
nhà Kim bên Đại Hàn, khi qua Trung Quốc và đến Cửu
Hoa Sơn vào đời thịnh Đường (thế kỷ thứ 7) để tìm
chơn thân và hạnh nguyện của Ngài Địa Tạng; nhưng
cuối cùng Ngài Kim Kiều Giác là hiện thân của Ngài
Địa Tạng khi Ngài viên tịch ở tuổi 88 tại Cửu Hoa Sơn.
Do vậy Cửu Hoa Sơn là một trong 4 địa danh sơn của
bốn vị Bồ Tát đang hùng cứ 4 dãy núi to lớn tại Trung
Quốc cho đến ngày hôm nay.
Khi dịch sách tôi cũng rất thận trọng. Vì lỡ mình
truyền đi những điều mê tín cho Phật Tử thì không nên;
do vậy vừa dịch ra tiếng Việt vừa kiểm lại xem thử ra
sao và tôi xin kết luận rằng: Sác suất của độ chính tín
hơn 80 phần trăm; 20 phần trăm còn lại dĩ nhiên là do
cái nầy có; nên cái kia nó sinh ra thêm. Như vậy cũng
không sai với nhân duyên trong giáo lý nhà Phật là mấy.
Dựa vào cơ sở nào để tôi nói rằng: Đây là quyển sách
và những câu chuyện đa phần là chánh tín ?
Xin thưa - Dựa vào văn hóa của người Nhật Bản
và dựa vào Đức Tin của con người. Đứng về phương
diện văn hóa mà nói thì kể từ thời Minh Trị Duy Tân
(1868) tất cả mọi người dân Nhật đều phải trải qua chế
độ „nghĩa vụ giáo dục“ có nghĩa là vào thời đó, bất cứ
ai cũng phải học xong Tiểu Học. Sau hơn 100 năm, vào
năm 1972 khi tôi có dịp sang Nhật Bản du học và vào
lúc ấy thì mọi người dân Nhật đều phải tốt nghiệp Tú
Tài 2; nghĩa là phải xong Trung Học đệ nhị cấp. Còn
bây giờ vào thời điểm 2008 nầy gần 130 triệu dân Nhật
hầu như không có người nào là không tốt nghiệp Đại
Học. Như vậy là một nước Á Châu theo Phật Giáo có
trình độ dân trí cao. Khi dân trí cao, dĩ nhiên y học
cũng phải cao theo; nhưng tại sao từ năm 1976 đến
năm 2008, gần 35 năm, và mỗi năm có khoảng một
triệu người Nhật đến đây cầu nguyện chữa bệnh; trong
đó hơn 70 phần trăm được lành bệnh, mà đa phần
những bịnh như ung thư, trĩ, phong thấp, tê liệt v.v…
mà Bác sĩ y khoa Nhật Bản đã chê, mà đến Ngài Địa
Tạng cầu nguyện lại sống thêm được 5 đến 10 năm nữa
và căn bệnh lại được trị lành hoàn toàn? Dĩ nhiên là
không ai có thể sống đến 100 năm hay mấy trăm năm
trên cuộc thế; nhưng đã có bịnh thì ai cũng mong muốn
chữa cho khỏi; nếu bịnh không khỏi, ví như có một hòn
đá cứ phải đeo mãi vào lưng thì khổ sở biết chừng nào.
Cách chữa bịnh của Ngài do con người cầu
nguyện mà có; chứ không phải Ngài ra toa thuốc cho
mọi người. Nếu có thì toa thuốc ấy chỉ là niềm tin và
câu thần chú của Ngài là: Án Ha Ha Ha Vỹ Sa Ma Lý
Sa Bà Ha“ mà thôi. Như vậy không có nghĩa là người
Nhật Bản không mê tín; nhưng ở đây tôi chứng minh là
độ mê tín ít hơn với những người ít học. Vì ít ra văn
hóa và y khoa hiện đại vẫn là nền móng căn bản cho sự
chữa trị theo quan niệm thông thường. Đa phần khi
người ta nghĩ đến niềm tin, người ta hay xoay qua thời
kỳ Trung Cổ hay thời kỳ khoa học chưa tiến bộ mấy;
nhưng Nhật Bản ngày nay là một trong những nước lớn
trên thế giới, mạnh mẽ ở nhiều phương diện như kinh
tế, khoa học, giáo dục, y khọc, giao thông v.v… nhưng
Đức Tin ở đây vẫn vượt thắng trên tất cả.
Riêng cá nhân tôi khi ở tuổi 59 vào năm ngoái
(2007) mỗi ngày ngồi dịch sách, kinh 5 đến 6 tiếng
đồng hồ và tối, sáng còn ngồi tụng kinh cũng như hành
trì độ hơn 2 tiếng nữa; nên cái lưng khiến nó không
tuân phục nữa. Nghĩa là mỗi ngày đều bị đau. Khi dịch
những mẩu chuyện linh ứng nầy tôi phát nguyện rằng:
„Nếu quả Ngài thật linh ứng thì xin cho con hết đau
lưng sau khi con dịch xong sách nầy và con sẽ tổ chức
một chuyến hành hương đến Nhật để đảnh lễ tham bái
và tạ lễ Ngài“. Quả thật như vậy. Sau khi dịch xong vào
tháng 6 năm 2008 cái lưng của tôi bớt đau độ 80 phần
trăm. Do vậy tôi xúc tiến tổ chức một phái đoàn sang
hành hương nước Nhật từ ngày 6 đến ngày 17 tháng 10
năm 2008. Chương trình dự trù đi Kanagawaken để
thăm và dự lễ đặt đá xây dựng Chùa Việt Nam nơi Hòa
Thượng Thích Minh Tuyền trụ trì, thăm Hachioji, chùa
Honryuji nơi tôi đã có cơ duyên tá túc từ năm 1972 đến
năm 1977, thăm Đại Học Teikyo, thăm tượng Phật Di
Đà cao 120 mét tại Ushikyu gần Tokyo. Tiếp theo là
thăm những chùa viện quanh vùng Yokohama và
Tokyo. Đặc biệt phái đoàn 32 người đến từ Âu Châu và
Mỹ Châu đã ghé thăm chùa Soojiji (Tổng Trì Tự) là
Tổng Bổn Sơn của Thiền Tào Động Nhật Bản. Tiện thể
tôi đã tặng dịch phẩm „Thiền Tào Động“ cho Ngài tác
giả IZUMA là thiền chủ tại đây. Sau đó phái đoàn đi
Kyoto để thăm chùa Tây Bổn Nguyện Tự, Thanh Thủy
tự và đồng thời thăm chùa Tổ Tịnh Độ Từ Ân Viện nơi
Ngài Pháp Nhiên khai sơn cũng như Ngài Thân Loan tu
Tịnh Độ. Tại đây chúng tôi có tặng một quyển sách
dịch về Tịnh Độ Tông Nhật Bản cho vị Sư trụ trì. Phái
đoàn tiếp tục đi Osaka và địa phương cuối cùng là
thành phố Fuchù ở Hiroishima.
Fuchù là một thành phố nhỏ nằm trong tỉnh lỵ
Hiroshima và Đức Địa Tạng không có đầu đang được
tôn trí trên một ngọn đồi rất quang đãng. Ngày xưa nơi
đây là đồng ruộng và bây giờ vẫn còn cảnh nông trang
bao bọc chung quanh; nhưng khi leo lên dốc để vào
đảnh lễ Ngài, lòng người con Phật đến đây từ xa hơn
nửa vòng trái đất, thấy dường như có cái gì đó thật cảm
động ở tận đáy lòng. Chúng tôi 32 người không ai bảo
ai, cả Tăng lẫn tục đều y áo chỉnh tề để làm lễ và sau
đó ai muốn cầu nguyện riêng cho mình và cho thân
nhân thì cứ việc hành trì. Hôm đó là sáng ngày 15
tháng 10 năm 2008. Mỗi người thỉnh một hay nhiều
chiếc khăn tay, trên đó có viết câu thần chú bằng tiếng
Nhật là: „Án Ha Ha Ha Vỹ Sa Ma Lý Sa Bà Ha“ và
đem khăn nầy đến cọ sát vào mình đá của Ngài nhiều
lần cũng như nói tên họ của người bịnh và đem về lại
nhà. Khi nào người bịnh đau cái gì và đau nơi đâu thì
để khăn ấy vào chỗ đau và tụng câu thần chú ấy, sẽ có
hiệu nghiệm ngay.
Dĩ nhiên là sự cầu nguyện đối với trong phái đoàn
cũng có hiệu nghiệm ngay. Bằng chứng là nhiều bà cụ
đi đến đây bằng xe lăn và gậy chống; nhưng bây giờ
khi leo lên dốc không cần xe lăn lẫn gậy chống nữa và
mãi cho đến khi về lại Đức cũng chưa lần nào dùng đến
gậy nữa. Quả là phép Phật nhiệm mầu là vậy. Trong
đoàn cũng có nhiều Thầy Cô và quý Phật Tử đi tam bộ
nhứt bái để đảnh lễ Ngài và cũng có nhiều người thấy
được ánh hào quang của Ngài xuất hiện giữa ban ngày.
Có người lấy nước suối uống; có người lấy bột nhang
mang về lại Âu Châu, lỡ cơ nhỡ có ai bị bịnh phỏng
hay bịnh khó trị, có khi còn dùng đến được nữa. Thực
tế thì „mọi pháp đều do nhân duyên sanh và mọi pháp
cũng đều do nhân duyên diệt“ cho nên sự đến, sự đi, sự
còn, sự mất… tất cả cũng chỉ là một hiện tượng mà thôi.
Ngay cả ba ngàn Đại Thiên Thế Giới lớn nhỏ nầy Đức
Phật nói trong kinh Kim Cang cũng chỉ là một hợp
tướng thôi. Đã là một hợp tướng, tức có khi tan rã. Lúc
ấy là lúc không đủ duyên. Như vậy trên cuộc đời nầy
đâu có cái gì miên viễn ngoài niềm tin đâu. Hãy tin sâu
và nguyện thiết thì tất cả mọi nguyện ước sẽ thành tựu.
Tiếng Đức có câu là: Alle Phänomen sind
unbeständig hay Alle Phänomen sind unsicher. Nghĩa
là „mọi hiện tượng đều không có thật tướng; mọi hiện
tượng đều không chắc chắn“. Đã gọi là hiện tượng thì
có gì đâu mà nắm chắc vào để cho khổ lụy tấm thân
nầy. Vì căn bản của nó là giả. Phật hay Bồ Tát là đúng
như các pháp vẫn thường hằng. Còn chúng ta cứ giong
ruổi mãi trong 6 nẻo luân hồi chưa biết lúc nào ra; nếu
không nhờ vào tha lực của Đức Phật A Di Đà hay sự
cứu khổ độ mê của Ngài Địa Tạng hay Đức Quan Thế
Âm Bồ Tát thì chúng ta vẫn còn mãi chìm đắm nơi
cảnh khổ của sanh tử luân hồi.
Tôi, anh, chị, em, con, cháu v.v... tất cả rồi cũng
sẽ trôi qua đi. Vì chúng ta mỗi người đến đây cũng chỉ
một thời gian ngắn để làm một số công việc, rồi đến
ngày cũng phải theo Phật về Tây. Vậy khi còn sống
chúng ta phải làm một cái gì đó cho thật có ý nghĩa, để
khi ra đi chúng ta chẳng có ân hận gì. Vì thực tế của
cuộc sống nầy nó cũng chỉ là một sự giả hợp mà thôi.
Mong rằng quý Đạo Hữu, Phật Tử khi đọc những
câu chuyện linh ứng nầy hãy ghi nhớ vào lòng và nếu
ai có nhân duyên hãy nên một lần đến đó để được đảnh
lễ Ngài và mong Ngài cứu độ.
Kính nguyện
Viết xong lời tựa vào ngày 15 tháng 12 năm 2008
tại Tu Viện Đa Bảo – Úc Đại Lợi, nhân lần nhập
thất thứ 6.
Dịch giả: Sa Môn Thích Như Điển


QUY Y PHẬT LƯỠNG TÚC TÔN!
QUY Y PHÁP LY DỤC TÔN!
QUY Y TĂNG CHÚNG TRUNG TÔN!
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.30 khách