KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG

Nghiên cứu học hỏi tư tưởng Phật giáo bắc tông: Câu xá, thành thật, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Du già, pháp tướng tông, trừ hệ bát nhã, thiền và chuyên mục đã có.

Điều hành viên: phuoctuong

thienquang
Bài viết: 266
Ngày: 13/04/09 20:45
Giới tính: Nam

Re: KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG

Bài viết chưa xem gửi bởi thienquang »

IV. NGÀI VĂN THÙ KÍNH XIN PHẬT PHÁT MINH HAI THỨ

Kinh:

Lúc ấy, Ngài Pháp Vương Tử Văn Thù Sư Lợi thương xót hàng tứ chúng, ở giữa đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, chắp tay cung kính mà bạch Phật rằng:

- Thưa Thế Tôn, các đại chúng đây không ngộ được chỗ Như Lai phát minh hai nghĩa Tức Là (Thị) và Chẳng Phải Là (Phi Thị) nơi hai thứ Cái Thấy và Sắc Không. Thưa Thế Tôn, nếu những hình tượng tiền trần sắc không trước mắt tức là cái Thấy thì phải có chỗ chỉ ra được. Còn nếu chẳng phải là cái Thấy thì lẽ ra không thể thấy được. Nay đại chúng không rõ nghĩa ấy về đâu, nên mới kinh sợ, chứ không phải căn lành đời trước kém thiếu. Kính mong Như Lai thương xót, phát minh cho rõ: Các vật tượng này và cái Thấy ấy vốn là vật gì mà ở trong đó không có các nghĩa Phải (Thị) cùng Chẳng Phải (Phi Thị)?

Phật bảo Ngài Văn Thù cùng tất cả đại chúng rằng:

- Mười phương Như Lai và các Đại Bồ Tát ở trong Tự Trụ Tam Ma Địa, thì trong ấy, Cái Thấy và Cái Được Thấy cùng các chỗ Tưởng Tướng đều như hoa đốm giữa hư không, vốn không chỗ có. Cái Thấy cho đến những Cái Được Thấy, tất cả vốn là Thể Bồ Đề sáng sạch nhiệm mầu. Làm sao ở trong đó lại có Phải hay Chẳng Phải?

Thông rằng: Đức Văn Thù là thầy của bảy vị Phật thời quá khứ, quen thuyết Như Lai Thiền, nên yêu cầu Thế Tôn phát minh ra các vật tượng và cái Thấy vốn là vật gì. Trước, Đức Thế Tôn đã dạy: Sao chẳng biết sắc thân cho đến núi sông, hư không, đại địa đều là vật ở trong cái Chân Tâm Diệu Minh này. Đã mở toang rõ ràng ra rồi, còn nói gì nữa! Vậy mà ở trong đó, bác bỏ vạn tượng thì mới có cái Chẳng Phải, không bác bỏ vạn tượng thì bèn có cái Phải. Hai tướng Phải, Chẳng Phải thật cùng cực vi tế, chỉ có cái Thấy chân chánh trực tiếp Thể Bồ Đề Vô Thượng mới có đường thoát thân. Cái Tâm Tánh Diệu Tịnh sáng suốt này tức là Tự Trụ Tam Ma Địa của Bồ Tát. Ở trong cái Tự Định này thì thoát hẳn căn trần nên cái Thấy cùng cái Được Thấy đều bất khả đắc.

Sắc Không là duyên cho cái Thấy, cho đến Tưởng Tướng là duyên của cái Ý, thuộc về sáu Trần. Thấy, Nghe, Hay, Biết thuộc về sáu Thức. Chứng Bồ Đề, không chỉ là Sở không, mà Năng cũng không. Nên nói: Vốn không chỗ có, Năng Sở đều không. Cái Thấy cùng cái Được Thấy, hiện là vắng lặng. Tức đó là cái Thể Bồ Đề sáng sạch nhiệm mầu, chẳng kịp luận bàn, chẳng dung phân biệt. Nhất Thiết Trí thanh tịnh, không hai, không hai phần, vì không riêng, không dứt, là vậy. Trong đó, làm sao có được phân biệt để mà nói: Cái này phải thật cái Thấy, cái này chẳng phải cái Thấy? Nếu gượng sanh Phải hay Chẳng Phải, thì cũng như mắt bệnh, vọng thấy Không hoa. Nơi Chân Tánh Bồ Đề, nào đâu dính dáng!

Ngài Thạch Sương ban đầu đến viếng Tổ Đạo Ngô, hỏi rằng:

- Như thế nào là “Chạm mắt là Bồ Đề”?

Tổ Ngô liền gọi:

- Sa di!

Sa di lên tiếng dạ.

Tổ nói: “Thêm nước vào tịnh bình đi!”

Chập lâu rồi hỏi lại Ngài Thạch Sương:

- Ông vừa mới hỏi cái gì thế?

Ngài Thạch Sương vừa định nói, Tổ Ngô bèn quay về phương trượng.

Ngài Thạch Sương bèn tỉnh ngộ.

Tổ Đơn Hà tụng rằng:

Buông tay trở lại, khéo làm Cơ!
Trong tiếng bình thường trí súng, cờ,
Hỏi trùng, định đáp, về phương trượng,
Câu ấy, phân minh lại chẳng ngờ.

Muốn biết cái đạo lý "Chẳng Ngờ", phải hỏi Ngài Thạch Sương mới được!

Về sau, có nhà sư hỏi Tổ Thạch Sương:

- Trong khoảng gang tấc, vì sao chẳng thấy mặt thầy?

Tổ Sương, cách cửa sổ, lên tiếng rằng:

- Đạo ta cùng khắp chẳng từng che!

Nhà sư lại đem đến hỏi Tổ Tuyết Phong:

- Cùng khắp chẳng che, ý chỉ thế nào?

Tổ Phong đáp:

- Có chỗ nào mà chẳng phải là Thạch Sương?

Tổ Sương nghe được rồi nói rằng:

- Cái lão già ấy bám vào để chết cho lẹ!

Tổ Phong nghe được, bèn nói:

- Tội lỗi của lão tăng vì chỉ dư một chữ Là, mà dẫn người vào trong hang Tình giải, may gặp Thạch Sương mổ xẻ, phanh phui.

Trong khoảng mảy lông, chẳng phải là bậc có mắt thì nào có biện ra nổi!


Tự đáy lòng con luôn luôn nhớ ơn Thầy.
TÂM BÌNH THẾ GIỚI BÌNH
Cầu mong sự bình an và sáng suốt đến với TẤT CẢ
thienquang
Bài viết: 266
Ngày: 13/04/09 20:45
Giới tính: Nam

Re: KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG

Bài viết chưa xem gửi bởi thienquang »

V. TÁNH THẤY KHÔNG CÓ PHẢI HAY CHẲNG PHẢI

Kinh:

Văn Thù, nay ta hỏi ông:

- Như ông chính là Văn Thù, vậy thì còn có Văn Thù nào tức là Văn Thù nữa hay không?

- Bạch Thế Tôn, đúng thế! Tôi chính thật là Văn Thù, không có cái gì tức là Văn Thù nữa. Tại sao thế? Nếu có cái "Tức Là" nữa thì thành ra hai Văn thù, nhưng giờ đây tôi chẳng phải không là Văn Thù. Trong đó, quả thật không có hai tướng Tức Là hay Chẳng Phải.

Thông rằng: Câu "Tôi chính thật là Văn Thù" trả lời nghĩa thứ nhất, bày ra cái Tâm Thể Bồ Đề sáng sạch, nhiệm mầu.

Câu: Không có cái gì tức là Văn Thù nữa, trả lời nghĩa thứ hai, phá cái chấp Sắc Không là cái Thấy.

Câu: Chẳng phải không là Văn Thù, trả lời nghĩa thứ ba, phá cái chấp Sắc Không chẳng phải là cái Thấy.

Nếu bảo rằng: Sắc Không là Chơn Kiến, thế là từ Vọng mà biện Chơn, do đó, đối với Cái Chơn của không Vọng thành ra hai nghĩa, nên nói: Nếu có Tức là Văn Thù thì thành ra hai Văn Thù.

Nếu bảo rằng: Sắc Không chẳng phải là Chân Kiến, thế mà toàn thể vọng cảnh là chân, nên mới nói: Giờ đây tôi chẳng phải là không Văn Thù.

Tổ Lạc Phổ bảo với đại chúng:

- Nay có một việc muốn hỏi các ông: Nếu nói là Phải tức là trên đầu chồng thêm đầu, nếu nói là Chẳng Phải, tức là chặt đầu mà cầu sống.

Thầy Đệ Nhất Thủ Tòa nói:

- Núi xanh thường cất bước, dưới mặt trời chẳng khêu đèn.

Tổ Phố nói:

- Đó là thời tiết nào mà nói lời ấy?

Khi ấy, có thầy Thượng Tọa Ngạn trả lời rằng:

- Lìa hai lối ấy, xin Hòa Thượng chớ hỏi!

Tổ Phố nói rằng:

- Chưa đúng trong đó. Nói lại đi!

Thầy Ngạn đáp:

- Ngạn này theo thì nói không cùng tận!

Tổ Phố nói:

- Ta chẳng kể ông cùng tận hay chẳng cùng tận!

Đáp:

- Ngạn theo hay không theo ấy, chỉ đối với Hòa Thượng.

Tổ Phố bèn thôi.

Ngài Tu Sơn Chủ kệ rằng:

Tức là cột, chẳng thấy cột,
Chẳng phải cột, chẳng thấy cột.
Thị , Phi đã bỏ hết,
Trong Thị Phi, mời dùng.

Thị trụ bất kiến trụ,
Phi trụ bất kiến trụ.
Thị Phi dũ khứ liễu,
Thị Phi lý tiến thủ.

Đối với hai tắc trên mà thấu thoát, thì Thị, Phi có thể tiêu tan hết!

Xưa, Ngài Phong Can muốn đi chiêm bái Ngũ Đài Sơn, hỏi Ngài Hàn Sơn và Thập Đắc rằng:

Các ông cùng ta đi thăm Ngũ Đài, tức là đồng lưu của ta; nếu chẳng cùng ta đi thăm Ngũ Đài thì chẳng phải là đồng lưu của ta!

Ngài Hàn Sơn hỏi:

- Ông đi Ngũ Đài làm gì?

Ngài Phong Can đáp:

- Lễ bái Văn Thù.

Ngài Hàn Sơn nói:

- Ông chẳng phải là đồng lưu của ta.

Ngài Phong Can một mình đi vào Ngũ Đài, gặp một ông lão, bèn hỏi:

- Chẳng phải là Văn Thù ư?

Đáp:

- Há lại có hai Văn Thù?

Ngài bèn lễ bái, chưa kịp đứng lên, bỗng nhiên chẳng còn thấy.

Tổ Triệu Châu nói thay rằng:

- Văn Thù, Văn Thù, lại Văn Thù! Ba phen bỏ Hạ, Ông Ca Diếp muốn bạch chùy đuổi ra. Vừa cầm dùi lên thì thấy có trăm ngàn, vạn, ức Văn Thù. Ông Ca Diếp dùng hết thần lực mà chùy không dỡ nổi. Đức Thế Tôn bèn hỏi Ông Ca Diếp: “Ông định đuổi Văn Thù nào?” Ông Ca Diếp không đáp được”.

Tổ Thiên Đồng nêu ra rằng:

- Ông Đầu Đà sắc vàng có tâm mà không có mật. Cứ hết lệnh mà làm! Chớ bảo trăm, ngàn, vạn, ức Văn Thù. Ngay cái Lão Cù Đàm mặt vàng ấy cũng phải đuổi ra! Nếu có thể như vậy thì không những dựng thẳng Chân Phong mà cũng khiến người sau biết rằng học trò của thầy tu ta khỏi cho rằng ông ngăn cản Phật Tổ chẳng được!

Khoái thay! Khoái thay! Phải nên như vậy mà thấy. Ắt là cái Tâm Thể Bồ Đề sáng sạch nhiệm mầu cũng không có chỗ bám níu, làm sao mà có được hai tướng Thị, Phi?

Kinh:

Phật dạy:

- Tánh Thấy mầu sáng này cùng các thứ Không, Trần cũng lại như thế. Vốn là Chân Tâm Bồ Đề Vô Thượng, tròn sáng, mầu sạch mà lầm nhận cho là Sắc, Không cho đến các thứ Thấy, Nghe. Như mặt trăng thứ hai. Hai mặt trăng ấy, cái nào là mặt trăng thật, cái nào chẳng phải là mặt trăng? Văn Thù! Chỉ có một mặt trăng thật, trong đó tự không có cái Tức Là mặt trăng hay cái Chẳng Phải là mặt trăng!

Thông rằng: Câu Vốn là Chân Tâm Bồ Đề Vô Thượng, tròn sáng mầu sạch mà lầm nhận là Sắc, Không cùng với các thứ Thấy, Nghe, cùng với câu ở đoạn trước: Mê muội thành ra hư không, trong cái hư không mê muội ấy, kết cái tối tăm thành ra có Sắc, Sắc xen lẫn với vọng tưởng, tưởng tướng làm thân, nhóm các duyên lay động bên trong, rong ruổi theo cảnh vật bên ngoài, rồi lấy cái tướng mờ mịt lăng xăng đó làm Tâm Tánh, thì chỗ sanh khởi giống nhau, đều do lấy vọng tưởng làm chỗ sùng mộ vậy. Vọng tưởng là gốc bệnh, như dụi mắt mà thấy vậy. Vốn là một Chân Tâm Mầu Sáng mà lấy cái thấy vọng tưởng phân biệt để nhìn, bèn có cái thấy sắc không, nghe thấy. Cái vọng thấy và cái vọng được thấy này há có thể lìa Chân Tâm mà có tự thể sao? Đã gọi nó là Sắc, Không, Nghe, Thấy thì cách Chân Tâm xa rồi vậy. Ví như vốn một mặt trăng chơn thật, mà dùng cái thấy phân biệt của sự dụi mắt mà nói là có mặt trăng thứ hai. Cái mặt trăng thứ hai này há có thể lìa ngoài mặt trăng thật mà có tự thể sao? Đã gọi nói là mặt trăng thứ hai thì cách xa mặt trăng thật rồi đó. Cho nên, ở nơi Sắc, Không, Nghe, Thấy mà vọng làm chuyện đo lường mò mẫm rồi cho Sắc, Không, Nghe, Thấy "tức là" Chân Tâm cũng không được, mà cho rằng Chẳng Phải Chân Tâm cũng không được! Lấy Vọng tìm Chơn: Chơn theo Vọng mà chuyển! Cũng như ở nơi mặt trăng thứ hai mà vọng làm chuyện tính toán mò mẫm, lấy đó cho rằng Tức Là mặt trăng thì không được, mà cho là Chẳng Phải mặt trăng cũng không được! Lấy cái dụi mắt tìm trăng, trăng tùy theo dụi mắt mà chuyển!

Cái Tâm này vốn Chơn, bởi tùy Vọng Tưởng mà đổi. Như mặt trăng vốn thật, bởi do dụi mắt mà dời. Chỉ dứt trừ vọng tưởng ắt chỉ còn một Tâm Thể tròn sáng nhiệm mầu, không thấy có sắc, không, không thấy cái thấy nghe, thì Phải, Chẳng Phải do đâu mà lập? Chỉ trừ sự dụi mắt, ắt độc một mặt trăng, xưa nay vẫn thế, có đâu mặt trăng thứ hai mà Phi mà Thị?

Chỗ này tức là đoạn văn trước nói: Tôi chính thật Văn Thù... Trong đó thật không hề có hai tướng phải cùng chẳng phải, nên đoạn này nói: Cũng lại như thế.

Xưa, Ngài Vân Nham đang quét sân.

Tổ Đạo Ngộ nói:

- Việc nhỏ mọn quá.

Vân Nham nói:

- Cần biết có cái chẳng nhỏ mọn.

Tổ Đạo Ngộ nói:

- Như thế ắt có mặt trăng thứ hai vậy.

Ngài Vân Nham đưa chổi lên, nói:

- Cái này là mặt trăng thứ mấy?

Tổ Đạo Ngộ bèn thôi mà bỏ đi.

Tổ Huyền Sa riêng nói rằng:

- Đích thị là mặt trăng thứ hai!

Tổ Trường Khánh rằng:

- Bị người ta xây ngược chổi che đến mặt, còn làm quái gì nữa!

Tổ Sa bèn thôi.

Tổ Vân Môn nói:

- Tôi thấy tớ thì ân cần.

Ngài Thiên Đồng tụng rằng:

Nhờ nhau như thế rõ môn đầu,
Được dụng, tùy nghi cũng tiện thôi.
Xương voi trước hang tay rắn múa,
Chỗ làm hồi nhỏ, già biết thẹn.

Tổ Tuyết Phong từng khai thị chúng rằng:

- Núi Nam có một con miết tỵ xà( ), tất cả các ông cần phải xem cho kỹ.

Tổ Vân Môn cầm cây gậy ném ra trước mặt, làm bộ sợ hãi.

Chỗ này há chẳng phải là: Tôi thấy tớ thì ân cần, sao? Cùng với Tổ Vân Nham đưa cây chổi lên nào có khác! Cho nên mới nói: Già biết thẹn, vậy.

Thiền sư Tây Viên Tạng một ngày kia tự nấu nước tắm. Có nhà sư hỏi:

- Sao chẳng sai Sa di?

Tổ Viên vỗ tay ba lần.

Vị sư kể lại với Tổ Tào Sơn.

Tổ Sơn nói:

- Cái vỗ tay, tựu trung là việc kỳ quái của Tây Viên. Một Ngón Tay Thiền của Câu Chi, cũng vì chỗ thừa đương mà chẳng chịu kham nhận vậy.

Vị sư lại hỏi:

- Ngài Tây Viên vỗ tay, há chẳng phải là chuyện một bên mé của con tôi, cái tớ sao?

Tổ Sơn nói:

- Phải.

Hỏi:

- Hướng thượng lại có chuyện hay không?

Tổ Sơn rằng:

- Có.

Hỏi:

- Như thế nào là chuyện hướng thượng?

Tổ Sơn nói:

- Cái đồ con tôi, cái tớ.

Xem cái lối đề xướng ấy của các vị lão túc, chính là sợ cho người nhận Tớ Làm Chồng, sa vào trong kiến giải mặt trăng thứ hai.

Kinh:

- Vậy nên, hiện nay các ông phát minh các thứ Xem Thấy và trần cảnh đều là vọng tưởng, thì không thể ở trong đó mà chỉ ra Phải hay Chẳng Phải. Nhưng do tất cả đều là Chân Tâm nhiệm mầu sáng suốt nên có thể làm cho các ông ra khỏi các nghĩa Chỉ được và Không chỉ được.

Thông rằng: Nếu chưa thấy Tánh thì Tánh ở trong cái Thấy, cùng tên là Kiến Tinh, đủ các thứ vọng tưởng phân biệt thì làm sao ra khỏi Tức là hay Chẳng Phải được. Nếu thấy Tánh, thì Tánh thoát ngoài cái Thấy, nên chẳng gọi là Thấy, Nghe, Hay, Biết. Tất cả phân biệt đều không, nên thoát ra ngoài sự Chỉ được hay Không chỉ được.
Câu: Không thể ở trong đó chỉ ra các nghĩa Phải và Chẳng Phải, thì như mặt trăng thứ hai: cái nào Tức là mặt trăng? Cái nào Chẳng Phải mặt trăng?

Câu: Nên có thể làm cho các ông ra ngoài các sự Chỉ được và Không chỉ được, thì như một mặt trăng thật, trong đó tự nhiên chẳng có thật hay giả.

Vật là cái được chỉ ra, như đoạn trước nói: Những cái chỉ ra được đều là Vật. Cái Thấy không có chỗ nào để chỉ ra, như đoạn trước nói: Chứ không phải là cái Thấy. Ông A Nan tuy có thể phát minh được hai nghĩa: Tiền trần chẳng phải là cái Thấy và Tiền trần tức là cái Thấy, nhưng còn bị Thị, Phi trói buộc, chẳng thể thoát ra, cũng do bởi vì không biết chỗ quy về của cái nghĩa này, chỗ đó là Thấy Tánh vậy.

Nếu thấy cái Chân Tánh tròn sáng, nhiệm mầu vốn hằng hằng giác ngộ, thì cái Thấy cùng cái Được Thấy vốn không chỗ có, chỗ nào có cái Chỉ Ra? Cái Thấy này cùng cái Được Thấy vốn là Tâm Thể Bồ Đề sáng sạch nhiệm mầu, thì chỗ nào mà chỉ ra chẳng được? Trong Thể Bồ Đề ấy, không có cái gì gọi là Phải hay Chẳng Phải, mới là con đường thoát thân (xuất thân). Chữ Xuất (thoát ra) ở chánh văn rất có ý vị. Sở dĩ ra được phải do chỗ này, nên kinh nói: Do Thị, chỉ rằng phải vào trong Kiến Tánh mới có thể ra được.

Có nhà sư hỏi Tổ Thiều Sơn:

- Chỗ thị phi không đến, còn có câu biện luận không?

Tổ đáp:

- Có

Nhà sư hỏi:

- Đó là câu gì?

Tổ Sơn nói:

- Một mảnh mây trắng chẳng lộ bày vẻ xấu.

Tổ Thiên Đồng nêu ra rằng:

- Khắp thân che chở, chẳng phạm tôn nghiêm. Bỏ địa vị lui về, ở một bên nâng đỡ. Cần nên uyển chuyển. Có thấy hình tướng của Thiều Sơn ở chốn nào? Nếu tận lực tìm cha, hãy hướng vào trong ấy!

Tổ Động Sơn kệ rằng:

Núi xanh: cha mây trắng,
Mây trắng: con núi xanh.
Mây trắng suốt ngày dựa,
Núi xanh vốn chẳng hay.
Dịch:
Thanh sơn bạch vân phụ,
Bạch vân thanh sơn nhi.
Bạch vân chung nhật ỷ,
Thanh Sơn tổng bất tri.

Tổ Thiều Sơn nói:

- Một mảnh mây trắng chẳng lộ bày vẻ xấu, vốn là đây.

Có vị tăng hỏi thị giả Cổ Phong Kiền:

- Như thế nào là nối bề ngoài?

Ngài Phong nói rằng:

- Chẳng nhờ việc trong nhà người khác.

Hỏi:

- Như thế nào là nối bề trong.

Ngài đáp:

- Nếu tìm cha, hãy hướng vào trong ấy!

Tổ Thiên Đồng nói:

- Tận lực tìm cha, hãy hướng vào trong ấy, vốn là chỗ này.

Lại Tổ Đầu Tử tụng rằng:

Mây trắng không hề đến đỉnh non,
Mắt đầy khói, ráng, cảnh muôn ngàn.
Một câu ngâm lạnh, ngàn xưa điệu,
Muôn trùng xanh biếc, mọc trăng non.

Phải biết rằng cái Tánh mầu sáng vốn hằng hằng Giác Ngộ, vượt ngoài Phải cùng Chẳng Phải, như mặt trăng thứ nhất. Phải rốt ráo được tông chỉ của Tông Tào Động mới được chỗ vi diệu.


Tự đáy lòng con luôn luôn nhớ ơn Thầy.
TÂM BÌNH THẾ GIỚI BÌNH
Cầu mong sự bình an và sáng suốt đến với TẤT CẢ
thienquang
Bài viết: 266
Ngày: 13/04/09 20:45
Giới tính: Nam

Re: KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG

Bài viết chưa xem gửi bởi thienquang »

MỤC BỐN:

PHÁ NHỮNG THUYẾT NHÂN DUYÊN, TỰ NHIÊN

I. NGHI TÂM TÍNH TỰ NHIÊN NHƯ THẦN NGÃ

Kinh:

Ông A Nan bạch Phật rằng:

- Thưa Thế Tôn, thật như chỗ Pháp Vương dạy: Cái Giác Duyên cùng khắp mười phương thế giới, lặng trong, thường trụ, tánh chẳng có sanh diệt. So với thuyết Minh Đế của nhóm Ông Phạm Chí Ta Tỳ Ca La, hay cái thuyết Chân Ngã cùng khắp mười phương của các nhóm ngoại đạo Đầu Khôi có gì là khác?

Thế Tôn cũng từng ở núi Lăng Già vì các Bồ Tát Đại Huệ mà giảng bày nghĩa này: Các ngoại đạo kia thường nói Tự Nhiên, còn Ta nói Nhân Duyên, chẳng phải cảnh giới của họ. Nay tôi xem cái Giác Tánh ấy, thấy là Tự Nhiên, chẳng phải sanh, chẳng phải diệt, lìa xa tất cả hư vọng điên đảo, hình như chẳng phải là Nhân Duyên, cũng không phải là Tự Nhiên của họ.

Xin Phật khai thị thế nào để chúng tôi khỏi lạc vào tà kiến, được cái Tâm Tánh chân thật, mầu sáng, giác ngộ.

Thông rằng: Chỗ nói Minh Đế của ngoại đạo, Thể chẳng sanh diệt, nói có Thần Ngã cùng khắp mười phương, chỉ là lấy cái Thức Thứ Tám làm Tông, chỉ được cái mùi vị vui thú mờ mờ mịt mịt, chớ chẳng phải có cái nhiệm mầu của Đại Viên Cảnh Trí. Đã có Thần Ngã, tức là căn bản sanh tử, sao được là cái Nhân Địa Chân Chánh?

Phật nói Nhân Địa Chân Chánh tức là Đệ Nhất Nghĩa Đế, lấy cái chẳng sanh chẳng diệt làm cái Nhân Địa tu hành, chẳng phải là cái nhân duyên thế tục.

Ông A Nan vừa mới tin được, bỗng khởi nghi mà nói: Hình như chẳng phải là Nhân Duyên, cũng không phải là Tự Nhiên của ngoại đạo, mà còn cho Giác Tánh là Tự Nhiên, nói rằng Giác Tánh lìa xa hai tướng Thị và Phi, lặng trong, thường trụ nên gọi là Tự Nhiên. Trước thì chấp cái Thấy Sông là chẳng Sanh Diệt, đã là chưa đạt đến cội gốc. Nay thì chỉ ra cái: Tánh lìa khỏi cái Thấy, cho đó là Tự Nhiên, lại càng chưa siêu thoát. Nên ông cầu xin Thế Tôn khai thị cho khỏi lạc vào những tà kiến hư vọng điên đảo của các thuyết Tự Nhiên và Nhân Duyên.

Tổ Trường Sa Sầm khiến vị tăng hỏi Hòa Thượng Hội:

- Khi chưa thấy Nam Tuyền thì như thế nào?

Ngài Hội im lặng hồi lâu.

Vị tăng hỏi:

- Sau khi thấy thì thế nào?

Ngài Hội nói:

- Không thể riêng có!

Vị tăng về thưa lại với Tổ Trường Sa. Tổ Sa nói:

Đầu sào trăm thước đã được ngồi,
Tuy rằng nhập được vẫn chưa Chân.
Đầu sào trăm thước cần tiến bước,
Mười phương thế giới hiện toàn thân.
Dịch:

Bách xích can đầu tọa để nhơn,
Tuy nhiên đắc nhập bất vi Chơn.
Bách xích can đầu tu tấn bộ,
Thập phương thế giới hiện toàn thân.

Vị tăng hỏi:

- Đầu sào trăm thước làm sao tiến bước?

Tổ Sa đáp:

- Núi Lãng Châu, sông Lễ Châu.

Vị tăng thưa:

- Dạ, chẳng am hiểu.

Tổ Sa rằng:

- Bốn biển, năm hồ vua trị trông.

Ngài Thiên Đồng tụng:

Một tiếng gà phá mộng ngọc nhân,
Nhìn lại cuộc đời sắc sắc bằng.
Có tin xuân sấm dục trùng nở,
Đào lý vô ngôn, tự thành đường (lối).
Đến thời tiết, gắng sức cày,
Ai ngại ruộng xuân bùn lút cẳng?

Cũng như họp nhau ngồi ở chỗ sạch sẽ, chẳng thể xuống nước, xuống bùn, ra tay ngang dọc bèn là cùng sanh diệt chống trái. Nên tuy là có nhập nhưng chẳng phải chân thật. Chỗ ngoại đạo gọi là Minh Đế, đại khái tựa hồ như đây.

Tổ Trường Sa nói:

- Mười phương thế giới hiện toàn thân. Ngoại đạo cũng nói có Thần Ngã cùng khắp mười phương. Chỗ nào chẳng đồng, thử tham coi!


Tự đáy lòng con luôn luôn nhớ ơn Thầy.
TÂM BÌNH THẾ GIỚI BÌNH
Cầu mong sự bình an và sáng suốt đến với TẤT CẢ
thienquang
Bài viết: 266
Ngày: 13/04/09 20:45
Giới tính: Nam

Re: KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG

Bài viết chưa xem gửi bởi thienquang »

II. CHỈ RA KHÔNG PHẢI LÀ TỰ NHIÊN

Kinh:

Phật bảo Ông A Nan:

- Nay Ta phương tiện chỉ bày chân thật bảo ông như thế, ông còn chưa ngộ mà lầm cho là Tự Nhiên!

A Nan, nếu chắc là Tự Nhiên, tự phải chỉ rõ thể tánh của Tự Nhiên. Ông hãy xét trong cái Thấy Diệu Minh đó, lấy cái gì làm tự thể? Cái Thấy đó lấy cái sáng làm tự thể ư? Lấy cái tối làm tự thể ư? Lấy hư không làm tự thể ư? Lấy cái ngăn bít làm tự thể ư?

A Nan, nếu cái sáng là tự thể thì lẽ ra không thấy cái tối! Nếu lấy cái không làm tự thể thì lẽ ra không thấy được ngăn bít. Như vậy cho đến lấy cái tướng tối làm tự thể thì đến khi sáng, thì cái Tánh Thấy phải diệt mất, làm sao còn thấy cái sáng?

Thông rằng: Nói rằng Tự Nhiên tức là nói tự thể vốn y nhiên thường trụ chẳng biến đổi. Vậy cái Tánh Thấy mầu sáng này lấy cái thấy sáng làm Tự Nhiên ư? Lấy cái thấy tối làm Tự Nhiên ư? Lấy thấy hư không làm Tự Nhiên ư? Lấy ngăn bít làm Tự Nhiên ư? Nếu tự nhiên thấy Sáng thì lẽ ra không thấy Tối! Nếu tự nhiên thấy hư không thì lẽ ra không thấy ngăn bít! Nếu tùy Duyên mà biến đổi thì cái Thể chẳng phải là Tự Nhiên vậy.

Hoặc nói cái Thấy ấy là cái thể của Tự Nhiên; sáng, tối, hư không, ngăn bít tùy duyên mà thấy, há chẳng phải Tự Nhiên ư? Nhưng giả sử không có sáng, tối, hư không và ngăn bít thì cái Thấy dùng vào đâu? Cái gọi là Tự Nhiên ấy đều thành đoạn diệt đấy thôi.

Ở đây chỉ bác bỏ là không thể lấy Tự Nhiên làm Tánh Thấy, chứ chẳng phải nói rằng cái Tánh Thấy do sáng, tối, không, bít mà có. Nếu luận về chỗ sanh khởi từ đâu thì Tánh Thấy tuy chẳng do sáng, tối, không, bít mà có, lại từ Bổn Giác Diệu Minh lưu xuất ra. Nhưng thế thì Bổn Giác Diệu Minh lấy gì làm tự thể, thật mở miệng chẳng nói được!

Tổ Thạch Sương ban đầu ở Tổ Quy Sơn làm người giã gạo. Một hôm, đang sàng gạo, Tổ Quy Sơn nói:

- Vật của thí chủ chớ làm rơi rớt.

Ngài nói:

- Chẳng có rơi rớt.

Tổ Quy Sơn nhặt được một hột gạo trên mặt đất, rồi nói:

- Ông nói chẳng rơi rớt, vậy cái này là cái gì?

Ngài Thạch Sương không đáp được.

Tổ Quy Sơn lại nói:

- Chớ khinh thường một hột gạo này. Trăm ngàn hột đều do một hột này sanh ra.

Ngài Thạch Sương nói rằng:

- Trăm ngàn hột từ một hột ấy sanh ra, chưa rõ một hột ấy từ chỗ nào sanh?

Tổ Quy Sơn ha hả cười lớn, quay về phương trượng.

Tối đến, Tổ Quy thượng đường nói:

- Này đại chúng, trong hột gạo có sâu, các người hãy xem cho kỹ!

Ôi! Tìm cầu tự thể của cái sanh ra này chẳng thể được! Chỗ nào để an lập cái tên Tự Nhiên đây? Cho nên gọi ấy là Tự Nhiên thì chẳng phải!


Tự đáy lòng con luôn luôn nhớ ơn Thầy.
TÂM BÌNH THẾ GIỚI BÌNH
Cầu mong sự bình an và sáng suốt đến với TẤT CẢ
thienquang
Bài viết: 266
Ngày: 13/04/09 20:45
Giới tính: Nam

Re: KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG

Bài viết chưa xem gửi bởi thienquang »

III. NGHI LÀ NHÂN DUYÊN

Kinh:

Ông A Nan thưa:

- Chắc là cái Tánh Thấy mầu nhiệm này Tánh nó chẳng phải là Tự Nhiên, thì nay tôi phát minh là nói do Nhân Duyên sanh, nhưng tâm trí còn chưa rõ, xin hỏi Như Lai, nghĩa lý thế nào cho hợp với Tánh Nhân Duyên?

Thông rằng: Ông A Nan thường nghe Thế Tôn lấy Nhân Duyên phá Tự Nhiên. Giờ đây, cái Tánh Thấy này đã chẳng phải là Tự Nhiên, ắt phải thuộc về Nhân Duyên. Bèn nghi cái nghĩa Nhân Duyên: vô thường, sanh diệt, đây có, kia không, thể chẳng thường khắp. Thế thì há đồng với Giác Tánh lặng trong thường trụ sao? Hành tướng trái nhau, làm sao hợp với Tánh Nhân Duyên? Cái nghi này rất vi tế. Luận Trung Quán nói: Không có vật gì từ Duyên mà sanh khởi. Không có vật gì theo Duyên mà diệt mất. Khởi chỉ là các Pháp khởi. Diệt chỉ là các Pháp diệt. Cũng như vẽ trên nước thành chữ, chưa từng sanh ra hay diệt mất. Như thế thì làm sao mà hợp với tính nhân duyên?

Thiền sư Báo Ân Minh thường nêu lên bài Minh ở tháp của Ngài Tuyết Phong mà hỏi các vị lão túc:

- Phàm từ Duyên mà có: trước sau đều thành, hoại. Chẳng từ Duyên mà có: trải kiếp vẫn lâu bền. Bền chắc với hư hoại, dẹp qua một bên! Ngài Tuyết Phong ngày nay ở tại chỗ nào?

Ngài Pháp Nhãn riêng nói rằng:

- Chỉ nay, đấy là thành, đấy là hoại!

Các bậc lão túc đương thời chẳng thể đối đáp.

Chỗ này há có thể lấy sự nông cạn mà dòm ngó sao?

*****

IV. TÁNH THẤY KHÔNG PHẢI LÀ NHÂN DUYÊN, RỜI CÁC DANH, TƯỚNG

Kinh:

Phật dạy. Ông nói Nhân Duyên, Ta hỏi ông:

- Nay ông do nhân bởi cái Thấy, Tánh Thấy hiện tiền. Vậy cái Thấy này nhân cái sáng mà có thấy? Nhân cái tối mà có thấy? Nhân hư không mà có thấy? Nhân ngăn bít mà có thấy?

A Nan, nếu cái Thấy nhân cái sáng mà có thì lẽ ra không thấy được tối; còn như nhân cái tối mà có thì lẽ ra không thấy được cái sáng. Như vậy cho đến nhân hư không, nhân ngăn bít thì cũng đồng như nhân cái sáng và cái tối.

Lại nữa, A Nan, cái Thấy ấy lại là nương cái sáng mà có thấy? Nương cái tối mà có thấy? Nương hư không mà có thấy hay nương ngăn bít mà có thấy? A Nan, nếu nương hư không mà có thấy thì lẽ ra không thấy được ngăn bít. Nếu nương ngăn bít mà có thấy thì lẽ ra không thấy được hư không. Như vậy cho đến nương cái sáng, nương cái tối cũng đồng như nương hư không, nương ngăn bít.

Nên, biết rằng cái Tinh Giác Diệu Minh như thế chẳng phải Nhân, chẳng phải Duyên, cùng chẳng phải Tự Nhiên, chẳng phải Không Tự Nhiên. Không có cái Không Phải hay Không Không Phải, không có Tức Là hay Không Tức Là, lìa cả thảy tướng, tức là cả thảy pháp. Nay ông làm sao ở trong ấy mà khởi tâm, dùng những danh tướng hý luận thế gian mà phân biệt cho được? Như lấy tay mà nắm bắt hư không, chỉ thêm tự làm nhọc mình. Hư không làm sao lại để cho ông nắm bắt?

Thông rằng: Nương vào vật là Nhân; theo với vật là Duyên. Nhân thì gần, Duyên thì xa, nên phân làm hai môn. Tánh Thấy hiện tiền, nếu nói là Thông Bít mà hiển bày, thì được; chứ nói: Tánh Thấy nhân sáng, tối, thông bít mà có, thì không được. Nói rằng Tánh Thấy duyên sáng, tối, thông, bít mà phát ra tác dụng, thì được, chứ nói: Tánh Thấy duyên sáng, tối, thông, bít mà khởi, thì không được.

Cho nên nói Nhân Duyên là sai. Vì sao thế?

Cái Tinh Giác Diệu Minh vốn không có hình tướng. Nếu nói là Nhân Duyên, là Tự Nhiên thì thuộc về tướng Nhân Duyên, tướng Tự Nhiên rồi. Bởi vậy, ban đầu nói: Chẳng phải Nhân, chẳng phải Duyên, cũng chẳng phải Tự Nhiên, là để trừ bỏ Tướng. Nhưng còn cái chẳng phải Tướng ở trong đó. Kế đến nói: Chẳng phải Không Nhân Duyên, chẳng phải Không Tự Nhiên, là để trừ bỏ Phi Tướng. Nhưng mà còn cái Không Phải Phi Tướng ở trong đó. Cuối cùng thì nói: Không có Không Phải hay Không Không Phải, không có Tức là hay Không Tức là. Đó là cái chỗ mà Phải và Chẳng Phải đều không tới được, chẳng cho phép sự luận bàn, chẳng dung tha suy tính, tức là cái thực tướng Tinh Giác Diệu Minh vậy.

Các tướng Phải hay Chẳng Phải kia đều là vọng tình biến kế phân biệt. Bản Thể Diệu Minh vốn không có chuyện đó, nên nói: Lìa cả thảy Tướng. Biến kế vọng tưởng phân biệt đã lìa thì đó là cái Thể Viên Thành Thật, chạm vào đâu là hiện bày trước mắt. Thế nên mới nói: Tức cả thảy Pháp.

Cổ Đức nói:

- Chỉ lìa vọng duyên tức Như Như Phật. Là nói chỗ này đây vậy.

Xưa, Tổ Sơ Sơn đến chỗ ở của Tổ Quy Sơn bèn hỏi:

- Thầy tôi có nói:

- Câu có, câu không, như dây leo bám cây. Bỗng nhiên cây ngã, dây khô, câu về chốn nào?

Tổ Quy Sơn ha hả cười lớn.

Sơ Sơn nói:

- Tôi mua vải làm giày, từ bốn ngàn dặm đến đây, Hòa Thượng đâu nên đùa cợt.

Tổ Quy Sơn gọi thị giả:

- Lấy tiền trả lại cho Ông Thượng Tọa này.

Rồi dặn rằng:

- Sau này sẽ có con rồng một mắt vì thầy mà chỉ phá cho.

Sau, Ngài Sơ Sơn đến Tổ Minh Chiêu, kể chuyện cũ.

Tổ Minh Chiêu nói:

- Ngài Quy Sơn, có thể nói là đầu chánh, đuôi chánh, chỉ vì chẳng gặp tri âm!

Ngài Sơ Sơn bèn hỏi:

- Cây ngã, dây khô, câu về xứ nào?

Tổ Chiêu nói:

- Lại khiến Quy Sơn phát tiếng cười mới.

Ngài Sơ Sơn ngay dưới lời nói có tỉnh ngộ, bèn nói:

- Thì ra trong cái cười của Quy Sơn vốn có chứa đao!

Ngài Thiên Đồng tụng rằng:

Dây khô, cây ngã, hỏi Quy Sơn,
Ha hả cười to, há chẳng màng?
Trong cười có dao sắc, nhìn ra được,
Không đường suy, nói, bặt cơ quan.

Dịch:
Đằng khô thọ đảo vấn Quy Sơn,
Đại tiếu kha kha khởi đẳng nhàn?
Tiếu lý hữu đao không đắc phá,
Ngôn tư vô lộ tuyệt cơ quan.

Tổ Quy Sơn trong chỗ ấy, trước sau chỉ có ha hả cười to, như một dấu ấn ấn ra. Ngài Sơ Sơn nói: Trong cái cười có đao!, bèn chụp được hư không vậy.

Tổ Thạch Củng hỏi Thầy Tây Đường:

- Ông có nắm bắt được hư không chăng?

Ngài Tây Đường đáp:

- Nắm bắt được.

Tổ Củng nói:

- Bắt thế nào?

Tổ Đường lấy tay chụp nắm hư không.

Tổ Củng nói:

- Ông chẳng biết chụp!

Tổ Đường hỏi lại:

- Sư huynh bắt như thế nào?

Tổ Thạch Củng nắm mũi Ngài Tây Đường kéo đi. Ngài Tây Đường nhịn đau, nói:

- Gã đại hung thần này kéo lỗ mũi người!

Liền muốn thoát ra.

Tổ Thạch Củng nói:

- Phải như thế mới bắt hư không được.

Nên chi, lấy danh tướng hý luận mà nắm bắt hư không: Ôi, khó thay! Khó thay!


Tự đáy lòng con luôn luôn nhớ ơn Thầy.
TÂM BÌNH THẾ GIỚI BÌNH
Cầu mong sự bình an và sáng suốt đến với TẤT CẢ
thienquang
Bài viết: 266
Ngày: 13/04/09 20:45
Giới tính: Nam

Re: KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG

Bài viết chưa xem gửi bởi thienquang »

V. BÁC NHÂN DUYÊN, TỰ NHIÊN

Kinh:

Ông A Nan bạch Phật rằng:

- Thưa Thế Tôn, nếu quả cái Tánh Diệu Giác chẳng phải Nhân, chẳng phải Duyên thế sao Thế Tôn thường chỉ dạy cho chúng Tỳ Kheo rằng Tánh Thấy có đủ bốn thứ Duyên, đó là: Nhân Hư Không, Nhân Ánh Sáng, Nhân Tâm Thức và Nhân Con Mắt. Nghĩa ấy thế nào?

Phật bảo:

- A Nan, Ta nói như thế, là nói về các tướng nhân duyên của thế gian, chẳng phải là Đệ Nhất Nghĩa. A Nan, Ta lại hỏi ông: Các người thế gian nói: Tôi thấy được, thì thế nào gọi là thấy? Thế nào gọi là không thấy?

A Nan thưa:

- Người đời nhân ánh sáng mặt trời, mặt trăng, đèn mà thấy mọi thứ hình tướng thì gọi là thấy. Nếu không có ba thứ ánh sáng đó thì không thấy được.

- A Nan! Nếu khi không có ánh sáng mà gọi là không thấy, thì lẽ ra không thấy tối. Nếu có thấy tối, thì đó chỉ vì không có ánh sáng chứ đâu phải là không thấy? A Nan, nếu trong khi tối, vì không thấy sáng mà gọi là không thấy, thì khi sáng, không thấy tướng tối, cũng gọi là không thấy. Như thế thì cả hai tướng sáng, tối đều gọi là không thấy cả. Còn nếu như hai cái sáng, cái tối tự lấn đoạt nhau, chứ không phải trong đó cái Tánh Thấy của ông có lúc không có. Như thế thì biết: cả hai lúc sáng và tối đều gọi là thấy, chớ sao lại nói là không thấy?

Thông rằng: Chỗ này, Thế Tôn trước là phá cái tướng Nhân Duyên của thế gian, sau là hiển bày cái Đệ Nhất Nghĩa Đế. Thế gian cho rằng cái Thấy nhân ánh sáng mặt trời, mặt trăng và đèn mà có. Nhưng không có ánh sáng mặt trời, mặt trăng và đèn đâu phải là không có cái Thấy, cũng là thấy Tối, thấy Sáng đó vậy. Sáng, Tối tự chúng thuộc về tiền trần, cái Thấy (Kiến Tinh) vốn không sanh diệt. Do đó mà nói: Cái Thấy của thế gian cũng là chẳng phải Nhân, chẳng phải Duyên, huống tiến đến chỗ này ư?

Thiền sư Cửu Phong Kiền thọ tâm ấn nơi Tổ Thạch Sương. Có nhà sư hỏi:

- Trong kinh có nói: Đủ ba duyên ánh sáng mới thành cái Thấy. Ba Duyên chưa có, có thành cái Thấy không?

Tổ Kiền nói:

- Duyên có sai khác, cái Thấy không thiếu hụt.

Vị sư hỏi:

- Đã không thiếu hụt, ở trong tối sao chẳng thấy vật?

Tổ Kiền nói:

- Tuy chẳng thấy vật, đâu phải không thấy tối?

Nhà sư hỏi:

- Lìa hết ba duyên, như thế nào là chỗ Chân Kiến?

Tổ Kiền nói:

- Giáp vòng trái đất, mặt trời đen tợ sơn đen.

Trong bài Tham Đồng Khế của Ngài Thạch Đầu có câu:

Ngay trong sáng có tối, chớ dùng tối gặp nhau! Ngay trong tối có sáng, chớ dùng sáng thấy nhau!

Chính là đồng với cái ý chỉ này. Đây thật là nào có đồng bậc với sáng tối, cần phải có mắt mới phân biệt được.


Tự đáy lòng con luôn luôn nhớ ơn Thầy.
TÂM BÌNH THẾ GIỚI BÌNH
Cầu mong sự bình an và sáng suốt đến với TẤT CẢ
thienquang
Bài viết: 266
Ngày: 13/04/09 20:45
Giới tính: Nam

Re: KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG

Bài viết chưa xem gửi bởi thienquang »

VI. CHỈ THẲNG TÁNH THẤY

Kinh:

- Cho nên, A Nan, bây giờ ông nên biết rằng: Khi thấy sáng, cái thấy chẳng phải là sáng. Khi thấy tối, cái thấy chẳng phải là tối. Khi thấy không, cái Thấy chẳng phải là không. Khi thấy ngăn bít, cái thấy chẳng phải là ngăn bít. Bốn nghĩa đó đã thành rồi, ông lại nên biết: khi Thấy mà có tướng Thấy, cái Thấy đó chẳng phải là Tánh Thấy. Cái Thấy mà do lìa tướng Thấy, đó là Tánh Thấy Siêu Việt (Kiến kiến chi thời, kiến phi thị kiến. Kiến do ly kiến, kiến bất năng cập.

- Vậy thì làm sao lại nói các tướng Nhân Duyên, Tự Nhiên hay Hòa Hợp?

Thông rằng: Chỗ này Đức Thế Tôn hiển bày Đệ Nhất Nghĩa Đế, cái gọi là Con Đường Bồ Đề Nhiệm Mầu. Kiến và Kiến Duyên đủ năm thứ nghĩa: Sáng, Tối, Hư Không, Ngăn Bít là bốn thứ; Kiến Duyên và Kiến Tinh (cái Thấy) là một thứ Vọng Kiến. Thế Tôn ở chỗ này mà lựa ra cái Kiến Tinh chẳng phải là bốn thứ Sáng, Tối, Không, Bít. Lấy bốn nghĩa này suy ra để rõ được cái Thấy lìa duyên trần mà vẫn tự có. Ngay ở đây lại lựa ra cái Chơn Kiến (Tánh Thấy) soi rõ Kiến Tinh, là cái mà cái Thấy không thể bì kịp. Đây chính là mặt trăng thứ nhất, cho nên cái Thấy vẫn còn là vọng. A ha! Cái Chơn Kiến còn lìa cả mọi tướng thấy thì chỗ nào có hơi thở, bóng dáng gì để theo đó mà mô phỏng ra nó? Nói Nhân Duyên, nói Tự Nhiên, nói Hòa Hiệp, há chẳng là hư vọng ư?

Tổ Bá Trượng hỏi vị tăng:

- Thấy không?

Đáp:

- Dạ, thấy.

Tổ Trượng rằng:

- Sau khi thấy thì như thế nào?

Đáp:

- Thấy chẳng có hai.

Tổ Trượng nói:

- Đã nói là thấy thì không hai, tức là không lấy cái Thấy mà thấy nơi Cái Vốn Thấy. Nếu Cái Vốn Thấy mà trở lại thấy, thì cái Thấy trước là đúng hay cái Thấy sau là đúng? Như nói: Khi Thấy mà còn có tướng Thấy, đó chẳng phải là Chơn Kiến. Thấy mà do lìa tất cả tướng Thấy, cái Thấy ấy là Siêu Việt. Bởi thế, chẳng hành cái Pháp Thấy, chẳng hành cái Pháp Nghe, chẳng hành cái Pháp Giác Ngộ, thì Chư Phật liền thọ ký.

Lại nữa, kinh Bảo Tích nói:

-Pháp Thân chẳng có thể lấy Thấy, Nghe, Hay, Biết mà tìm cầu. Chẳng phải là chỗ thấy của con mắt thịt, vì là không có Sắc. Chẳng phải là chỗ thấy của Thiên Nhãn vì không Hư Vọng. Chẳng phải chỗ thấy của Huệ Nhãn, vì lìa hình tướng. Chẳng phải chỗ thấy của Pháp Nhãn, vì lìa các Hành. Chẳng phải là chỗ thấy của Phật Nhãn, vì lìa hết thảy Thức. Nếu chẳng tạo ra các thứ Thấy như vậy, thì gọi đó là cái Thấy của Phật.

Xưa, thiền sư Thiệu Long ban đầu ra mắt Tổ Trường Lô, được chỗ đại lược. Nhân có người đưa đến bộ Ngữ Lục của Ngài Viên Ngộ, sư đọc mà than rằng:

- Nghĩ đến chua thì chảy nước miếng. Tuy chưa rửa sạch gan ruột, đã khiến người được vui sướng. Chỉ hận là chưa được giáp mặt chuyện trò.

Bèn từ giả Ngài Trường Lô mà qua chỗ Ngài Trạm Đường. Trước làm khách của Ngài Hoàng Long, hỏi Tổ Tử Tâm; kế đó tham yết Ngài Viên Ngộ.

Một hôm, đang nhập thất thì Ngài Viên Ngộ nói:

- Khi thấy mà có tướng Thấy, cái Thấy ấy không phải là cái Thấy Chân Thật. Thấy do lìa tướng Thấy, cái Thấy ấy siêu việt.

Rồi đưa tay lên mà nói:

- Thấy không?

Sư Long nói:

- Thấy.

Tổ Viên Ngộ nói:

- Trên đầu để thêm cái đầu!

Sư Long nghe thì tức thời khế ngộ.

Tổ Viên Ngộ quát nạt rằng:

- Thấy cái gì?

Thiệu Long đáp:

- Tre dày chẳng ngại nước chảy qua.

Tổ Viên Ngộ chấp nhận, khiến trông coi chỗ cất kinh.

Có người hỏi Ngài Viên Ngộ:

- Thiệu Long yếu như thế, sao làm nổi?

Ngài đáp:

- Con cọp ngủ đó!

Thiền sư Đức Sơn Quyên thượng đường dạy rằng:

- Khi thấy mà có tướng Thấy, đó chẳng phải là Chơn Kiến. Thấy do lìa tướng Thấy, đó là cái Thấy siêu việt”.
Rồi hét lên rằng: “Cá kình uống hết biển, lộ ra nhánh san hô.

Trong đại chúng bỗng có ông tăng bước ra, nói:

- Trưởng Lão thôi đừng nói chiêm bao, mới hứa cho y đủ một con mắt lẻ.

Người xưa ở nơi câu này (“Kiến kiến chi thời,...”) đều nhờ ngón tay mà thấy mặt trăng. Một hột thuốc Tiên biến đổi cốt phàm, quả chẳng dễ dàng!

Kinh:

- Hàng Thanh Văn các ông hẹp hòi không biết, chẳng có thể thông đạt Thật Tướng thanh tịnh. Nay ta khuyên dạy ông hãy khéo tư duy, chớ nên trễ nải trên đường Bồ Đề Mầu Nhiệm.

Thông rằng: Cái Thật Tướng thanh tịnh ai ai cũng sẵn đủ. Vậy tại sao hàng Thanh Văn chẳng có thể thông đạt ? Bởi vì chấp trước vậy. Cái ý thức chấp trước, chốn chốn đều thọ duyên theo. Chỉ có cái là không thể duyên với Bát Nhã. Nên Đức Thế Tôn thương xót, khuyên hãy khéo tư duy. Phải ở nơi Thấy mà lìa thấy, chứng Diệu Bồ Đề. Đó tức là chỗ chẳng phải cái Thấy đến được vậy.

Tổ Giáp Sơn nói:

- Trước mắt không có pháp. Trước mắt là ý, chẳng phải trước mắt là pháp. Đó chẳng phải là chỗ tai, mắt đến được. Diệu khế chỗ này.

Tổ Thiên Đồng nêu ra rằng:

- Cái lão Giáp Sơn mở banh cái bao bố, đem đồ châu báu thảy ra trước mặt các ông. Chính ngay khi đó thì làm sao đây? Trên đường chẳng lượm của rơi, người quân tử mới khen là tốt đẹp.

Ngay cái thoại đầu tuyệt diệu thế này mà còn chẳng cho giữ lại trong ngực, Thật là đến chỗ của Kiến do lìa kiến vậy.


Tự đáy lòng con luôn luôn nhớ ơn Thầy.
TÂM BÌNH THẾ GIỚI BÌNH
Cầu mong sự bình an và sáng suốt đến với TẤT CẢ
thienquang
Bài viết: 266
Ngày: 13/04/09 20:45
Giới tính: Nam

Re: KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG

Bài viết chưa xem gửi bởi thienquang »

MỤC NĂM:

CHỈ RA CÁI VỌNG THẤY

I. XIN CHỈ DẠY TÁNH THẤY CHẲNG DO THẤY

Kinh:

Ông A Nan bạch Phật rằng:

- Thưa Thế Tôn, như Đức Thế Tôn vì chúng tôi mà chỉ dạy về Nhân Duyên, Tự Nhiên, các tướng Hòa Hợp và Chẳng Hòa Hợp, tâm tôi còn chưa khai ngộ. Nay lại nghe Phật dạy: "Tánh Thấy chẳng do thấy", thì lại càng thêm mê muội. Cúi mong Phật thương xót, bố thí cho con mắt Đại Huệ, chỉ bày cho chúng tôi cái Giác Tâm sáng sạch.

Nói vậy xong, khóc lóc cúi lạy, vâng nghe lời dạy.

Khi ấy, Thế Tôn thương xót Ông A Nan và cả đại chúng, sắp muốn hiển bày pháp Đại Tổng Trì (Đà La Ni), các Tam Ma Đề là Con Đường Vi Diệu của sự tu hành, nên mới bảo Ông A Nan rằng:

- Ông tuy có trí nhớ mạnh mẽ, nhưng chỉ thêm phần đa văn, chứ nơi pháp Xa Ma Tha quán chiếu vi mật, tâm còn chưa rõ. Nay ông hãy nghe kỹ, ta sẽ vì ông phân biệt chỉ bày, cũng là khiến cho những kẻ hữu lậu mai sau được quả Bồ Đề.

Thông rằng: Tịch mà thường Chiếu, cho nên có thể soi rõ Kiến Tinh (cái Thấy) là hư vọng. Chiếu mà thường Tịch cho nên biết: “Tánh Thấy chẳng phải là cái thấy (Kiến phi thị kiến)”. Chỗ này mà hàng ngày chẳng viên dung ba Pháp Quán thì chưa dễ hiểu nổi.

Sư Thạch Môn Uẩn Huy làm vườn ở chỗ Tổ Thanh Lâm.

Một ngày kia đang đứng hầu, Tổ nói:

- Hôm nay ông làm gì?

Đáp:

- Trồng rau.

Tổ Lâm nói:

- Khắp pháp giới, đó là thân Phật, ông hướng chỗ nào trồng.

Sư đáp:

- Cày vàng chẳng động đất, mầm linh tại chỗ sanh.

Tổ Lâm hân hoan.

Hôm sau, Tổ Thanh Lâm vào vườn, gọi:

- Uẩn Xà Lê!

Sư Uẩn lên tiếng:

- Dạ.

Tổ Lâm rằng:

- Trồng thêm cây không ảnh, để lại cho người sau xem.

Sư Uẩn nói:

- Nếu là cây không ảnh, há để chịu trồng ư?

Tổ Lâm nói:

- Không chịu trồng thì để đó! Ông từng thấy nhánh lá nó không?

Đáp:

- Chẳng từng thấy.

Tổ Lâm:

- Đã chẳng từng thấy, sao biết nó chẳng chịu trồng?

Đáp:

- Chỉ vì nó chẳng từng thấy, cho nên nó chẳng chịu trồng.

Tổ Lâm rằng:

- Đúng vậy, đúng vậy.

Nếu ngộ được Tánh Thấy lìa mọi Tướng Thấy, thì tất cả Nhân Duyên, Tự Nhiên, Hòa Hợp do cái Thấy lập ra từ đâu mà sanh khởi?

Thiền sư Trí Cự ban đầu hỏi Tổ Tiên Tào Sơn rằng:

Người xưa nâng giữ cho người bên ngoài mé, kẻ học nhân này làm sao lãnh hội?

Tổ Sơn đáp:

- Lui bước liền tựu thành mình, muôn ngàn chẳng mất một!

Thiền sư Trí Cự, ngay dưới lời, liền tiêu tan hết kiến giải, mới từ biệt đi. Sau đó, tham học khắp nơi.Một hôm, đang xem kinh thì có vị sư hỏi:

- Tâm của Thiền Tăng chẳng treo nhẫn đến một chữ cái, đâu thể học nhiều?

Ngài đáp:

- Văn tự thì khác nhau, muôn pháp thể vốn không. Mê thì câu câu đều là ghẻ lở. Ngộ thì lời lời đều là Bát Nhã. Ví không lấy, bỏ, nào hại "Vẹn Tròn" kia.

Cho nên nhớ nhiều, đa văn mà được như Ngài Trí Cự thì cái gì mà chẳng có thể?


Tự đáy lòng con luôn luôn nhớ ơn Thầy.
TÂM BÌNH THẾ GIỚI BÌNH
Cầu mong sự bình an và sáng suốt đến với TẤT CẢ
thienquang
Bài viết: 266
Ngày: 13/04/09 20:45
Giới tính: Nam

Re: KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG

Bài viết chưa xem gửi bởi thienquang »

II. CHỈ RA HAI THỨ VỌNG THẤY

Kinh:

- A Nan, tất cả chúng sanh luân hồi trong thế gian đều do hai cái Vọng Thấy điên đảo phân biệt. Ngay nơi Tâm Tánh mà phát sanh, ngay theo nghiệp mà xoay vần. Thế nào là hai cái Vọng Thấy? Một là, cái Vọng Thấy Biệt Nghiệp của chúng sanh. Hai là, cái Vọng Thấy Đồng Phận của chúng sanh.

Thông rằng: Sắp nói rõ cái Kiến Tinh (cái Thấy) là hư vọng, nên dùng hai cái Vọng Kiến Biệt Nghiệp và Đồng Phận mà chỉ bày. Đã rõ Biệt Nghiệp là hư vọng thì cái hư vọng của Đồng Phận có thể suy ra vậy. Đã biết Đồng Phận là hư vọng, thì có thể suy ra cái hư vọng của Kiến Tinh. Biết Kiến Tinh là hư vọng thì rõ ngay Tánh Thấy chẳng hư vọng. Hiểu suốt chỗ này thì "Tánh Thấy chẳng phải là cái Thấy", có thể tự suốt nhiên không nghi ngờ gì nữa.

Thấy, Nghe, Hay, Biết cũng cùng là hư vọng điên đảo, vậy sao chỉ biện rõ ở "cái Thấy" mà thôi? Ở đoạn trước đã nói: Khiến cho ông bị trôi lăn là lỗi ở tâm và con mắt. Cho nên trôi nổi bôn ba theo sắc, chỉ có cái Thấy là khó trị nhất.

Ông A Nan bị Cô Ma Đăng Già mê hoặc, đó chẳng phải Cô Ma Đăng Già mê hoặc Ông A Nan, mà chính là do cái Vọng Thấy của A Nan làm nên bệnh. Huống gì cái Vọng Thấy lưu chuyển này lại thuộc về sanh diệt, mà cái Thấy Chân Thật (Chơn Kiến) thì chẳng thể trả về đâu, lặng trong thường trụ. Cho nên lấy cái Thấy của người mù mà thấy sắc, thì sắc chẳng đáng ưa! Lấy cái Thấy của thấy tối mà thấy ánh sáng, tức là cái Thấy vốn chẳng có sáng, có tối. Đạt thẳng đến cái gốc nguồn của mọi cái Thấy, thì rõ suốt cái Tánh Thấy vốn không có cái Thấy nào đến được, thế thì còn đâu cái lầm lỗi trôi lăn?

Xưa, Tổ Quy Sơn hỏi Ngài Ngưỡng Sơn:

-Chúng sanh trong đại địa, cái nghiệp thức mang mang, vốn không có gốc rễ, căn cứ. Ông làm sao biết kia có hay không có?

Ngưỡng Sơn đáp:

- Huệ Tịch này có chỗ nghiệm xét.

Khi ấy, có một vị tăng đi ngang trước mặt, Ngài Ngưỡng Sơn gọi:

- Thầy Xà Lê!

Vị tăng quay đầu lại.

Ngưỡng Sơn nói:

- Thưa Hòa Thượng, cái này chính là nghiệp thức mang mang, không có gốc rễ, căn cứ.

Tổ Quy Sơn nói:

- Đây thật là một giọt sữa sư tử, làm tiêu sáu đấu sữa lừa!

Ngài Thiên Đồng tụng rằng:

Một gọi, quày đầu biết ta không?
Lưới trăng thưa thớt lại thành cong, (như móc câu)
Con quí ngàn vàng vừa lưu lạc
Mờ mịt đường cùng chắc thấy sầu.
Một tắc này đây, gọi là Vọng Kiến Biệt Nghiệp thì được đó!

Ông Thượng Thơ Trần Tháo đang cùng những bạn đồng liêu ở trên lầu thì thấy có vài nhà sư đi tới. Có một vị quan nói:

- Những người đi tới đó đều là tăng hành cước.

Trần Tháo nói:

- Chẳng phải đâu.

Vị quan nói rằng:

- Sao biết chẳng phải?

Tháo nói:

- Chờ tới rồi thẩm nghiệm xem.

Chốc lát, các vị sư đi tới trước lầu. Ông Tháo đột nhiên kêu lớn:

- Thượng Tọa!

Các nhà sư đều ngẩng đầu lên.

Ông liền nói với các vị quan rằng:

- Chẳng tin đạo.

Các quan ngơ ngác.

Ngài Thiên Đồng nêu lên rằng:

- Trần Thượng Thơ ngay mặt mà nêu rõ, dối Ngài Trường Lô một điểm chẳng được!

Tức một tắc này, gọi là Vọng Kiến Đồng Phận thì được lắm! Nhưng nếu trong các vị sư, có vị khi nghe la mà chẳng quay đầu, ắt khiến Ngài Ngưỡng Sơn phải nhổ lưỡi ra và Ông Trần Tháo phải xin lỗi đấy.

Kinh:

- Thế nào là Vọng Kiến Biệt Nghiệp? A Nan, như người thế gian con mắt bị nhặm đỏ thì ban đêm nhìn ngọn đèn thấy có riêng một bóng tròn năm màu bao phủ. Ý ông thế nào? Cái bóng sáng tròn hiện ra nơi ngọn đèn đó là sắc của ngọn đèn hay sắc của cái Thấy ?

A Nan, nếu như đó là cái sắc của ngọn đèn thì sao những người không nhặm mắt lại không có thấy, mà chỉ có người nhặm mắt mới thấy cái bóng tròn? Nếu đó là sắc của cái Thấy thì cái Thấy đã thành sắc rồi, vậy người nhặm mắt thấy bóng tròn kia gọi là cái gì?

Lại nữa, A Nan, nếu cái bóng tròn ấy rời đèn mà riêng có, thì lẽ ra các bức bình phong, màn, bàn, ghế, cũng phải có bóng tròn. Còn nếu rời cái Thấy mà riêng có, thì lẽ ra không thể thấy được, cớ sao người nhặm mắt lại thấy cái bóng tròn ấy?

Vậy nên biết rằng: "Sắc thật ở nơi đèn, cái Thấy bị bệnh làm ra có bóng tròn." "Cái bóng tròn và cái thấy có bóng tròn" đều là bệnh nhặm. Cái Thấy Được Bệnh Nhặm thì vốn chẳng phải là bệnh.

Rốt cuộc, không nên nói rằng cái bóng tròn ấy là ngọn đèn hay là cái Thấy, vì ở trong đó, cái bóng tròn không phải từ ngọn đèn, cũng không phải từ cái Thấy. Cũng như mặt trăng thứ hai, chẳng phải mặt trăng thật, cũng chẳng phải là cái bóng của mặt trăng. Tại sao thế? Bởi thấy cái mặt trăng thứ hai là do dụi mắt mà có. Cho nên những người Trí không nên đi tìm cái căn nguyên của mặt trăng do dụi mắt mà thành là hình tướng hay chẳng phải hình tướng, là lìa cái Thấy hay chẳng phải cái Thấy. Bóng tròn cũng như thế: nó do nhặm mắt mà thành. Muốn gọi cái gì là ngọn đèn hay cái gì là cái Thấy cũng còn chẳng được, huống hồ phân biệt cái bóng tròn là không phải ngọn đèn hay không phải là cái Thấy?

Thông rằng: Sắp chỉ rõ rằng "Tánh Thấy chẳng phải là cái Thấy", nên lấy mắt nhặm làm ví dụ. Cái thấy bệnh của mắt nhặm thì vọng thấy có bóng tròn. Người không nhặm làm sao thấy có bóng tròn? Nhặm mắt đó là bệnh, nhưng cái Thấy Được Bệnh Nhặm thì chưa từng bệnh vậy. Đó là để so sánh với cái Thấy (Kiến Tinh) là hư vọng, nên vọng thấy có Tâm Cảnh. Cái Tánh Thấy thì không hư vọng, nên không thấy có Tâm Cảnh. Vậy thì cái Thấy là hư vọng chứ Tánh Thấy chưa từng hư vọng vậy. Nếu ở nơi chỗ vọng thấy có Tâm Cảnh lại sanh khởi thêm cái thấy về Nhân Duyên, Tự Nhiên, Thị Phi thì cũng giống như người nhặm mắt thấy cái bóng tròn rồi truy tìm cái căn nguyên phát sanh của nó!

Cho cái bóng lòa ấy là ngọn đèn, là cái Thấy tức nói cái bóng tròn do ngọn đèn, do cái Thấy mà có: đó là nghĩa Nhân Duyên.

Cho cái bóng lòa ấy chẳng phải ngọn đèn hay cái Thấy, là nói cái bóng tròn lìa ngọn đèn, lìa cái Thấy mà riêng có: đó là nghĩa Tự Nhiên.

Đã chẳng phải là Nhân Duyên, lại chẳng phải là Tự Nhiên, thời chỉ do mắt nhặm mà thành có bóng tròn vậy.
Cái nhặm mắt thấy có bóng tròn, và cái dụi mắt thấy mặt trăng thứ hai, đồng là một cái bệnh-thấy. Nếu suy xét cái chỗ phát sinh của mặt trăng thứ hai này là hình tướng hay là cái Thấy, lìa hình tướng hay lìa cái Thấy thì quả là mê muội thay! Cũng như nói cái bóng tròn là ngọn đèn, là cái Thấy, hay chẳng phải ngọn đèn, chẳng phải cái Thấy, thì gọi là người Trí được sao?

Ở hai trường hợp này, biết rõ là hư vọng, suy cứu cái nghĩa Nhân Duyên, Tự Nhiên còn không thể được huống gì trong cái Bổn Giác Minh Tâm chẳng phải là nhặm mắt hay dụi mắt các thứ, vốn không có tướng tròn hay mặt trăng thứ hai thì ở chỗ nào mà vọng lập ba thứ hý luận Nhân Duyên, Tự Nhiên!

Cho nên, lấy Nhân Duyên, Tự Nhiên, Hòa Hợp mà luận về cái Thấy, cũng còn trong bệnh nhặm mắt vậy thôi, người Trí không thế, vì đó là Biệt Nghiệp Vọng Kiến.

Tổ Quy Sơn thấy lửa đồng, hỏi Ngài Đạo Ngô:

- Có thấy lửa không?

Đạo Ngô nói:

- Dạ, thấy.

Tổ Sơn:

- Từ đâu khởi ra?

Đạo Ngô:

- Dẹp hết sự đi, đứng, nằm, ngồi xin thầy riêng đưa một câu hỏi xem?

Tổ Quy làm thinh.

Tổ Phật Giám nêu ra rằng:

Rực rực lửa đồng,
Người người đều thấy.
Chỉ có Đạo Ngô,
Thấy ra khắc hẳn.

Tổ Hương Lâm Viễn đang giãy cỏ, có vị tăng hỏi:

- Hãy xem nhà người đời mất lửa.

Tổ Viễn nói rằng:

- Lửa trong chỗ nào?

Vị tăng nói:

- Chẳng có thấy sao?

Tổ Viễn nói rằng:

- Chẳng thấy.

Vị tăng nói:

- Cái lão già mù này.

Khi ấy, chúng đều nói:

- Viễn Thượng Tọa thua rồi!

Sau Ngài Minh Giáo Khoan nghe chuyện, than rằng:

- Phải là huynh Viễn ta mới được.

Cái Thấy này xa khác lắm thay, chẳng rời Chánh Vị. Với cái Kiến Tinh của thế gian giống như bệnh nhặm mắt, làm sao sánh được?

Lại Tổ Quy Sơn, hỏi Ngài Đạo Ngô:

- Đi đâu về đó?

Ngài Đạo Ngô đáp:

- Thăm bệnh về.

Tổ Sơn:

- Bao nhiêu người bệnh?

Đáp:

- Có người bệnh, có người không bệnh.

Tổ Sơn:

- Người không bệnh có phải là Trí Đầu Đà?

Tổ Ngô nói:

- Nói được cũng chẳng ăn nhằm gì.

Tổ Thiên Đồng ở chỗ “Chẳng ăn nhằm gì”, tụng rằng:

Thuốc diệu nào từng qua miệng,
Thần y không thể cầm tay.
Nhược Tồn nó vốn chẳng phải Không,
Chí Hư nó vốn chẳng phải Có.
Chẳng Diệt mà sanh, chẳng mất mà thọ,
Siêu hết trước Phật Oai Âm.
Một mình bước sau Không Kiếp,
An bình thì trời che đất chở.
Vận chuyển thì thỏ chạy quạ bay.

Dịch:

Diệu dược hà tằng quá khẩu,
Thần y mạc năng trốc thủ,
Nhược Tồn dã cừ bổn phi vô.
Chí Hư dã cừ bổn phi hữu,
Bất Diệt nhi sanh, bất vong nhi thọ.
Toàn siêu Oai Âm chi tiền,
Độc bộ Kiếp Không chi hậu.
Thành bình dã thiên cái địa kình,
Vận chuyển dã ô phi thố tẩu.

Tắc này ở trong Chân Kiến mà nhổ sạch gốc bệnh. Bệnh với không bệnh cũng chẳng có liên quan gì, huống là phân biệt nhặm với chẳng nhặm!

Kinh:

- Thế nào là Vọng Kiến Đồng Phận? A Nan, cõi Diêm Phù Đề này, ngoài nước biển cả ra, trong đó đất liền có ba ngàn châu. Châu lớn chính giữa, bao quát từ Đông sang Tây có đến hai ngàn ba trăm nước lớn. Còn các châu nhỏ khác ở trong các biển, trong đó có châu đến hai trăm, ba trăm nước hoặc có mười, hai mươi cho đến ba mươi, bốn mươi, năm mươi nước.

- A Nan, nếu ở trong đó có một châu nhỏ chỉ có hai nước mà riêng người trong một nước đồng cảm ác duyên, thì chúng sanh trong nước đó thấy tất cả những cảnh giới không tốt. Hoặc thấy hai mặt trời, hoặc thấy hai mặt trăng, cho đến thấy nhiều ác tướng khác như Vựng, Thích, Bội, Quyết, Tuệ, Bột, Phi, Lưu, Phụ Nhĩ, Hồng Nghê. Chỉ nước đó thấy, còn chúng sanh nước bên kia thì không thấy mà cũng không nghe.

Thông rằng: Bộ Hiệp Luận nói Vựng là khí chung quanh mặt trời. Thích là điều xấu ở mặt trời, mặt trăng. "Bội, Quyết": khí xấu gần mặt trời. "Tuệ" là sao chổi. "Bột": một loại sao chổi. Phi là phi tinh, một loại sao từ dưới bay lên. "Lưu" là lưu tinh, một loại sao từ trên rơi xuống. "Phu" là phụ khí, khí giống như cõng mặt trời. Nhĩ là nhĩ khí, khí bên cạnh mặt trời như cái tai. "Hồng Nghê" là cầu vồng, cái sáng gọi là Hồng, cái tối gọi là Nghê”.

Sách Xuân Thu Truyện chép: năm Thứ Sáu đời vua Ai Công, nước Sở có điềm mây như con quạ đỏ ôm lấy mặt trời mà bay trong ba ngày. Vua sai hỏi Châu Thái Sử, Thái Sử nói: Ứng vào thân vua.

Ông Đỗ Dự bàn thêm:
- Mặt trời là vua của con người, yêu khí ôm lấy thì ứng vào vua. Chỉ có nước Sở thấy, thì vua nước khác không hề gì!

Đời Lỗ Châu Công, năm Thứ Hai Mươi Sáu, tháng Một nước Tề có sao chổi. Tề Hầu sai cầu đảo.

Ông Án Tử thưa:

- Vô ích, làm vậy là mê tín. Đạo trời chẳng thay đổi, đâu có hai mệnh thì cầu đảo làm gì? Đạo trời có sao chổi là để trừ uế khí. Nếu vua không có uế đức thì cầu đảo làm gì? Còn nếu có uế đức thì cầu đảo sao được?

Ông Đỗ Dự bàn thêm:

- Chỉ có nước Tề thấy, nước Lỗ không thấy.

Hai đoạn trên để nghiệm câu trong kinh:

- Có một châu chỉ có hai nước, mà riêng người trong một nước đồng cảm ác duyên thì chúng sanh trong nước đó thấy những cảnh giới không tốt.

Thật rõ ràng vậy.

Cảm ứng ác duyên có định nghiệp và bất định nghiệp. Định nghiệp thì không thể tránh. Bất định nghiệp thì có thể thay đổi.

Ví dụ, như Tổ đời Hai Mươi Ba, là Ngài Hạc Lặc Na tôn giả, biết trước vị Tổ đời Hai Mươi Bốn là Sư Tử tôn giả sẽ gặp nạn. Một hôm, bỗng nhiên Tổ chỉ về hướng Đông Bắc, hỏi rằng:

- Đó là khí tượng gì?

Tổ Sư Tử thưa:

- Tôi thấy khí như cái mống trắng khắp cả trời đất, lại có năm luồng hắc khí chạy ngang trong đó.

Tổ nói:

- Điềm đó thế nào?

Ngài Sư Tử thưa:

- Tôi không biết được.

Tổ dạy:

- Sau khi tôi mất năm mươi năm, nước Bắc Thiên Trúc sẽ có nạn nổi lên, chạm đến thân ông.

Sau này, Ngài Sư Tử tôn giả quả bị vua nước Kết Tân giết. Cánh tay phải của vua tự nhiên rụng xuống đất, bảy ngày sau thì chết.

Thái Tử Quang Thủ than rằng:

- Vua cha ta cớ sao tự mình chiêu lấy tai họa.

Bấy giờ có vị Tiên núi Bạch Tượng rõ sâu nhân quả nên rộng nói cho Thái Tử nghe việc đời trước, mở thoát lưới ngờ. Đây là chỗ gọi là định nghiệp không thể tránh được vậy.

Vua Tống Cảnh Công bị sao Hỏa Tinh nên lo sợ, mời Ông Tử Vi vào hỏi.

Ông Tử Vi nói:

Bị sao Hỏa Tinh là điềm trời phạt, họa ứng vào thân bệ hạ, nhưng có thể dời qua quan Tể Tướng.

Cảnh Công bảo:

- Tể tướng để trụ nước, nếu dời qua mà chết thời không nên. Thôi, để quả nhân xin tự gánh chịu vậy.

Ông Tử Vi nói:

- Có thể dời qua nhân dân.

Vua đáp:

- Dân chết rồi thì làm vua với ai. Thôi, để trẫm chết một mình.

Ông Tử Vi thưa:

- Có thể dời vào năm.

Vua đáp:

- Năm đói kém thì dân chết đói. Làm vua mà muốn giết dân để tự mình sống thì còn ai xem ta là vua nữa. Âu cũng là mạng đã hết của quả nhân vậy. Khanh chẳng nên nhiều lời.

Ông Tử Vi vội vàng quỳ xuống lạy mà tâu rằng:

- Hạ thần xin chúc mừng bệ hạ. Trời ở trên cao mà nghe dưới thấp. Vua đã có được ba lần lời nói của người nhân, trời ắt thưởng vua ba lần. Đêm nay chắc sao sẽ dời chỗ, vua sống thêm hai mươi mốt năm.

Cảnh Công nói:

- Khanh làm sao biết?

Ông Tử Vi thưa:

Vua có ba điều thiện thì được thưởng ba lần, do đó sao dời ba lần. Mỗi lần bảy năm, ba lần là hai mươi mốt năm. Nên tuổi thọ dài thêm hai mươi mốt năm. Nếu sai, hạ thần xin chịu chết.

Vua ưng chịu.

Đêm đó, sao dời ba lần như Ông Tử Vi đã nói. Đây là chỗ gọi là bất định nghiệp có thể chuyển dời vậy.

Tóm lại, định nghiệp và bất định nghiệp ở nơi Tự Tánh nào có thêm bớt, cũng là Như Huyễn. Chấp Huyễn mà cho là thật, thì chỉ vì vọng thấy vậy thôi.


Tự đáy lòng con luôn luôn nhớ ơn Thầy.
TÂM BÌNH THẾ GIỚI BÌNH
Cầu mong sự bình an và sáng suốt đến với TẤT CẢ
thienquang
Bài viết: 266
Ngày: 13/04/09 20:45
Giới tính: Nam

Re: KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG

Bài viết chưa xem gửi bởi thienquang »

MỤC SÁU:

CHỈ RÕ Ý NGHĨA TÁNH THẤY KHÔNG PHẢI LÀ CÁI THẤY, VIÊN MÃN BỒ ĐỀ.

Kinh:

- A Nan, nay Ta đem hai việc ấy lui tới, kết hợp mà chỉ rõ.

- A Nan, như cái Vọng Kiến Biệt Nghiệp của chúng sanh kia, thấy nơi ngọn đèn hiện ra bóng tròn, tuy giống như tiền cảnh mà thật ra là do bệnh nhặm của người ấy tạo thành. Nhặm thì mắt lòa, chẳng phải sắc tạo ra. Nhưng cái Thấy Được Bệnh Lòa vẫn không có lỗi lầm gì về sự thấy cả.

- So sánh với hiện giờ, ông dùng con mắt xem thấy núi sông, cõi nước và các chúng sanh, đều là do cái Bệnh Thấy từ vô thủy tạo thành. Cái Thấy và Cái Được Thấy hình như hiện ra tiền cảnh, thật ra vốn chỉ là cái Bệnh Lòa, thấy có năng kiến và sở kiến ở trong cái Giác Minh mà thôi.

- Những sự Thấy, Biết đều là bệnh nhặm, còn cái Bổn Giác Minh Tâm thấu suốt các duyên vốn không có bệnh nhặm. Cái Biết và Cái Được Biết đều là bệnh nhặm, còn cái Bổn Giác thì không ở trong bệnh nhặm. Đó là cái Tánh Thấy Hằng Thấy, làm sao gọi được là sự Thấy, Nghe, Hay, Biết?

- Vậy nên, nay ông nhìn thấy Ta, nhìn thấy ông, cùng mười loại chúng sanh trong thế gian đều là cái Thấy Nhặm, mà chẳng phải là cái Thấy Chân Thật thấy được bệnh nhặm. Cái Tánh Thấy Chân Thật kia vốn chẳng hề nhặm, cho nên không gọi là Thấy nữa.

Thông rằng: Lấy cái bóng tròn mà so với Tiền Cảnh, lấy mắt nhặm mà so với cái Bệnh Thấy, lấy cái Thấy Lòa mà so với cái Giác Minh, lấy cái Thấy Được Bệnh Nhặm so với Tánh Bản Giác thì không gì mà chẳng rõ. Dù văn nghĩa khúc mắc, nhưng không có chỗ nào không phát minh cái Thấy là bệnh nhặm, mà cái Tánh Thấy Hằng Thấy vốn chẳng hề nhặm. Cái Thấy và Cái Được Thấy, đó là Căn và Cảnh hòa hợp, mà hiện ra có núi sông, cõi nước và chúng sanh, cũng giống như sự hiện ra của Cảnh vật trước mắt, thật cũng chỉ như cái bóng tròn thấy nơi ngọn đèn. Bóng tròn chẳng do sắc tạo ra, thì các thứ trên cũng không phải do Cảnh tạo ra. Nguyên là cái Giác Minh của ta vọng thấy có chỗ duyên, như con mắt nhặm thì thành ra có bóng tròn.

Cái Giác Minh này vọng thấy, nhân ở Minh mà lập ra Cái Sở, rồi lại duyên bám theo ngoại cảnh, đó là bệnh nhặm. Còn cái Bổn Giác Minh Tâm nào rơi vào nơi chốn, thường giác các tướng sanh khởi của các duyên, chẳng đuổi theo các duyên mà trôi lăn, thì vốn chẳng hề nhặm. Vậy, nên biết do cái Giác Minh của ta duyên nơi tiền cảnh mà thành cái Sở Giác (Cái Được Biết). Cái Sở Giác là bệnh nhặm, mà cái Tánh Bổn Giác thật là "cái Thường Biết". Cái Bổn Giác Minh Tâm đã thường tỏ biết cái nhặm, biết cái nhặm là bệnh, vốn tự tại, nào có sa vào chuyện nhặm? Nói là: Cái Biết và Cái Được Biết đều là bệnh nhặm, nghĩa là cái Giác Minh của ta thấy có chỗ duyên bèn là bệnh nhặm, lấy cái Biết và Được Biết ấy làm duyên mà có. Nói là: Cái Bổn Giác không ở trong bệnh nhặm, là tương ưng với Cái Bổn Giác Minh Tâm thường rõ các Duyên, mà không có bệnh nhặm; ở nơi phù trần chưa khởi, chẳng sa vào cái nhặm của Thức Giới. Đây chẳng phải là cảnh giới của Thấy, Nghe, Hay, Biết cho nên nói: Đây thật là Tánh Thấy Hằng Thấy, sao gọi được là sự thấy, nghe, hay, biết?

Nếu lấy cái sự thấy, nghe, hay, biết mà cho đó là Tánh, thì chẳng khác nào lấy con mắt nhặm mà cho là con mắt trong sạch, sao mà thông cho nổi?

Ngài Tam Bình có bài kệ:

Chỉ Thấy, Nghe này chẳng phải Thấy, Nghe,
Tuyệt không thanh, sắc để trình ông.
Trong đây nếu rõ, toàn vô sự,
Thể, Dụng nào cần phân, chẳng phân.

Dịch:

Chỉ thử kiến văn phi kiến văn,
Vô dư Thanh, Sắc khả trình quân.
Cá trung nhược liễu toàn vô sự,
Thể, Dụng hà phòng phân, bất phân.

Tổ Vân Môn nêu ra:

- Ngay, Chỉ Thấy, Nghe này chẳng phải Thấy, Nghe: gọi cái gì là Thấy, Nghe?

Tuyệt không thanh, sắc để trình ông: có thanh, sắc nào ở nơi miệng?

Trong đây nếu rõ, toàn vô sự: có chuyện gì đâu?

Thể, Dụng nào cần phân, chẳng phân: lời nói là Thể, hay Thể là lời nói?

Ngài lại đưa cây trụ trượng lên mà nói:

- Trụ trượng là Thể, đèn lồng là Dụng, thế là phân hay chẳng phân? Chẳng thấy nói: Nhất Thiết Trí Thanh Tịnh, ư?

Sau, Ngài Bạch Vân Đoan nêu ra rằng:

- Vân Môn chỉ hiểu y theo khuôn sáo mà vẽ chân mày, viên thông thì chẳng thế!

- Ngay, Thấy, Nghe này chẳng phải Thấy, Nghe. Tuyệt không thanh, sắc để trình ông: mắt là mắt, tai là tai!
Trong đây nếu rõ, toàn vô sự. Thể, Dụng nào cần phân, chẳng phân: Bốn, năm trăm cành hoa liễu (trong) ngõ. Hai ba ngàn chỗ xướng ca lầu.

Ngài Thiên Đồng tụng rằng:

Thật gặp nhau, chẳng giao thiệp,
Sáu cửa mở toang, bốn đường tuyệt dấu.
Khắp cõi là quang minh, suốt thân không sau trước,
Sợi tơ chẳng bận chuyện con thoi,
Hoa mỹ tung hoành riêng ý khác.

Ngài Tam Bình riêng có một bài tụng:

Thấy, Nghe, Hay, Biết vốn chẳng (nguyên) nhân,
Đương Thể rỗng mầu, tuyệt vọng, chân.
Thấy Tướng, chẳng sanh si ái nghiệp,
Rỗng nhiên, toàn hết: Thích Ca Thân.

Lại nữa, Tổ Huệ Siêu thượng đường dạy rằng:

- Này các Thượng Tọa, Thấy, Nghe, Hay, Biết thì chẳng phải là Thấy, Nghe, Hay, Biết. Thể hội chăng? Cùng với các vị Thượng Tọa nói rõ lắm rồi đó, nhưng phải chờ chư vị ngộ mới được!

Hợp các đoạn trên để chú giải đoạn kinh này.

Kinh:

- A Nan, cái Vọng Kiến Đồng Phận của chúng sanh kia so với cái Vọng Kiến Biệt Nghiệp của một người thì một người đau mắt cũng đồng như một nước kia.

Người đau mắt thấy bóng tròn là do mắt nhặm hư vọng sanh ra; còn trong một nước kia hiện ra các điềm xấu là do ác duyên đồng phận của chúng sanh tạo nên. Cả hai đều là do cái Thấy hư vọng từ vô thủy sanh ra.

Suy ra, ba ngàn Châu trong cõi Diêm Phù Đề, cùng bốn biển lớn, Ta Bà thế giới, cho đến các cõi Hữu Lậu mười phương cùng các chúng sanh đồng ở trong Diệu Tâm Vô Lậu, nhưng do cái bệnh duyên hư vọng tạo thành Thấy, Nghe, Hay, Biết hòa hợp mà giả dối sanh ra, hòa hợp mà giả dối diệt mất. Nếu xa lìa các bệnh duyên hòa hợp và chẳng hòa hợp này, tức thì diệt trở lại được các nguyên nhân sanh tử, tròn đủ Thể Bồ Đề không sanh không diệt, đó là cái Bản Tâm Xưa Nay Trong Sạch, cái Vốn Giác Ngộ Thường Trụ Xưa Nay vậy.

Thông rằng: Lấy con mắt nhặm để hiển bày cái Vọng thì dễ, lấy cái điềm xấu mà hiển bày cái Vọng thì khó, cho nên lấy Biệt Nghiệp mà so với Đồng Phận vậy. Hơn nữa, cái Vọng là các điềm xấu trong Đồng Phận còn dễ biết, chứ cái Bệnh Duyên hư vọng là các cõi nước Hữu Lậu thì quả là khó tin. Cho nên lấy dễ mà suy ra khó vậy.

Chỗ thấy có núi sông, cõi nước cùng mười loại chúng sanh trong thế gian tuy thuộc hư vọng, nhưng đồng là cái Diệu Tâm Vô Lậu. Nói Diệu, tức là vật mà chẳng phải vật, tức là Cảnh mà chẳng phải Cảnh. Chỉ vì quay lưng lại với Giác mà hợp với Trần thì thành Hữu Lậu. Hữu Lậu thì bị vật chuyển, cùng với bệnh nhặm bèn đồng. Còn nếu trái với Trần, hợp với Giác thì vốn tự Vô Lậu. Vô Lậu thì chuyển được vật, tức đồng với không nhặm. Đồng một Giác Minh, mà Vô Lậu tức là Bổn Tâm Thanh Tịnh, Bổn Giác Thường Trụ; còn Hữu Lậu thì chẳng biết Chơn mà chạy theo Vọng, trôi lăn sanh tử, hòa hợp mà vọng sanh ra, hòa hợp mà vọng diệt mất. Tương ưng với đoạn trước: Ngay trong đó mà lại phát sanh, do Nghiệp bèn chịu xoay vần. Chơn, Vọng vốn hòa hiệp, mà nói riêng về Vọng bởi vì Chân Như đang ở trong phiền não vậy. Các tướng hòa hợp, tức là tại trong ba cõi mà lưu chuyển. Các tướng bất hòa hợp là cái kiến chấp chẳng sanh diệt, Tự Nhiên của ngoại đạo. Cả hai thứ duyên hòa hiệp và chẳng hòa hiệp này chính là gốc rễ, nguyên nhân của sanh tử, đều là cái vọng kiến điên đảo. Nếu cái Vọng Thấy mà tiêu tan, chỉ còn một Bổn Giác. Cũng như bệnh nhặm tiêu tan, thì chỉ còn một con mắt thuần túy sáng sạch. Há đó chẳng phải là Tánh Bồ Đề tròn đủ, bất sanh bất diệt sao? Đến trong cái Bồ Đề tròn đầy ấy rồi mới tin được: Thấy do lìa Thấy, Thấy ấy siêu việt, vậy.

Tổ Huyền Sa thượng đường dạy rằng:

- Tôi nay hỏi các ông, các ông đang đảm đương chuyện gì vậy? Ở thế giới nào mà an thân lập mạng đây? Có thấy ra được không? Nếu chẳng nhìn ra được thì khác nào dụi mắt sanh ra hoa đốm, thấy toàn chuyện hư vọng. Có biết thế không? Như nay trước mắt thấy đủ núi sông, đất đai, sắc, không, sáng, tối, vô vàn sự vật đều là hoa đốm điên cuồng nhọc mệt. Phải gọi tất cả những thứ đó là tri kiến điên đảo.

Phàm là người xuất gia, phải rõ Tâm, thấu đạt Cội Nguồn mới được gọi là Sa Môn. Nay các ông đã cạo đầu, khoác y làm nên hình tướng Sa Môn, tức là đã có phần tự lợi, lợi người mà nay chỉ thấy toàn là tối đen như mực, thì tự cứu còn chẳng xong huống là giải thoát cho người?

Này các nhân giả, nhân duyên với Phật Pháp là sự lớn lao, chớ có dễ ngươi, xúm nhau mà nói tầm phào cho qua ngày qua buổi. Tháng ngày khó được, tiếc thay cho bậc đại trượng phu! Sao chẳng tự tỉnh sát, nhìn xem đó là vật gì? Chỉ như đây là Tông Thừa từ xưa, là dòng giống Phật Đảnh. Bởi vì các ông chẳng kham nhận lãnh, nên tôi mới phương tiện khuyên răn: Cần theo cửa Ca Diếp mà nối gót đốn siêu.

Một cái cửa này vượt hẳn phàm Thánh, nhân quả, siêu việt thế giới Hải Diệu Trang Nghiêm của Phật Tỳ Lô, siêu việt các pháp môn phương tiện của Phật Thích Ca. Ngay đây là vĩnh kiếp: chẳng dạy cho các ông có được một vật gì để khởi lên nhãn kiến, sao chẳng tự mình gấp gấp nghiệm lấy? Để khỏi cần nói: Ta phải chờ hai, ba kiếp góp chứa nghiệp lành.

Này các nhân giả, Tông Thừa là cái việc gì mà chẳng thể do sự dụng công trang nghiêm của ông mới đắc, mà dù có tha tâm thông, túc mạng thông cũng không thể đắc? Hội chăng?

Như Đức Thích Ca ra đời làm ra biết bao nhiêu trò biến hóa giỡn đùa, thuyết Mười Hai Thời Giáo như xối nước, làm nên một trường Phật Sự. Thế mà đối với pháp môn này thì một điểm dùng cũng chẳng được, dùng một chút nghề như mảy lông cũng chẳng được! Biết chăng? Như đồng trong việc mộng, thì có nói cũng là nói mớ thôi. Bậc Sa Môn chẳng có ra đời, không cùng việc mộng, bởi vì rõ biết. Các ông có biết không? Rõ được tức là người Đại Giải Thoát, Đại Triệt Ngộ. Bởi thế mà siêu phàm vượt Thánh, ra khỏi sanh, lìa khỏi tử, rời xa nhân quả, siêu Tỳ Lô, vượt Thích Ca, chẳng bị phàm Thánh, nhân quả dối lừa, chốn chốn nơi nơi không người biết được ông. Hiểu thế chăng?

Đừng tham luyến hoài cái lưới ân ái sanh tử, bị nghiệp thiện, ác móc kéo lôi đi, chẳng có phần nào tự do. Dầu ông có luyện được cái thân, tâm giống như hư không chăng nữa, dù cho ông có đến được cái chỗ chẳng lay động của Tinh Minh trong trẻo đi nữa, thì cũng chẳng ra khỏi Thức Ấm. Cổ nhân gọi cái ấy như dòng nước chảy xiết, chảy xiết mà chẳng hay, nên lầm cho là yên tĩnh. Tu hành như đó mà đòi ra khỏi bờ cõi luân hồi thì không thể được, vẫn như trước mà bị luân hồi. Bởi thế, mới nói: Các Hành là vô thường, ngay cả công quả của Tam Thừa, thấy thế cũng nên sợ hãi. Nếu không có Đạo Nhãn thì chẳng có gì là rốt ráo. Đâu bằng như nay kẻ bạc địa phàm phu, chẳng dùng một tơ hào công phu, liền đốn siêu tức khắc. Biết rõ chỗ đặt hết tâm lực chăng? Trở lại cầu muốn cái gì? Xin khuyên các ông! Ngay đây đang chờ các ông đó! Không dạy các ông gia công tu luyện! Như nay mà chẳng như vậy còn chờ đến khi nào? Được không?

Rồi bèn xuống tòa.

Tổ Huyền Sa nhân đọc kinh Lăng Nghiêm mà phát minh Tâm Địa. Thốt lời, nhả khí mỗi mỗi đều hợp với kinh này. Ở nơi đấy mà tin nhập, liền ngay tròn đủ Bồ Đề Bổn Giác thường trụ, còn có vọng kiến nào là bệnh ư?

Kinh:

- A Nan, ông tuy đã ngộ cái Bản Giác Diệu Minh vốn chẳng phải Nhân Duyên, chẳng phải Tự Nhiên nhưng còn chưa rõ cái Bản Giác như thế không phải Hòa Hợp mà sanh, cũng không phải Không Hòa Hợp.

A Nan, nay tôi lại lấy tiền trần hỏi ông, bởi vì ông còn lấy hết thảy những tính Nhân Duyên Hòa Hợp của vọng tưởng thế gian mà tự nghi ngờ rằng chứng Tâm Bồ Đề cũng do Hòa Hợp mà phát khởi. Vậy thì hiện nay cái Thấy Mầu Sạch của ông là hòa với cái sáng? Là hòa với cái tối? Hòa với thông suốt? Hay hòa với cái ngăn bít? Nếu hòa với cái sáng, mà nay ông đang thấy sáng, thì cái sáng hiện đó, ở chỗ nào xen lẫn với cái Thấy? Cái Thấy, cái sáng có thể nhận rõ, còn hình tượng xen lộn thì như thế nào? Nếu cái sáng chẳng phải là cái Thấy thì làm sao thấy được cái sáng? Nếu cái sáng tức là cái Thấy thì làm sao thấy được cái Thấy? Nếu cái Thấy cùng khắp thì còn chỗ nào để hòa được với cái sáng? Nếu cái sáng cùng khắp thì lẽ ra không Hòa được với cái Thấy. Cái Thấy đã khác với cái sáng thì khi xen lẫn tất phải làm mất tính cách của cái sáng. Cái Thấy xen vào làm mất tính chất của cái sáng, mà nói hòa với cái sáng thì không đúng nghĩa. Đối với cái tối, cái thông suốt và cái ngăn bít thì cũng như vậy.

Lại nữa, A Nan, hiện nay cái Thấy Mầu Sạch của ông hợp cùng cái sáng, hợp với cái tối, hợp với cái thông suốt hay hợp với cái ngăn bít? Nếu hợp với cái sáng thì đến khi tối, cái sáng đã mất rồi, cái Thấy đó không hợp với cái tối thì làm sao thấy được cái tối? Nếu khi thấy tối mà không hợp với cái tối thì lẽ ra khi hợp với cái sáng, không thấy được cái sáng! Mà đã không thấy được sáng thì làm sao hợp với cái sáng và rõ biết cái sáng không phải là tối. Đối với cái tối, cái thông suốt, cái ngăn bít thì cũng như vậy.

Thông rằng: Cái Bổn Giác Diệu Minh chẳng phải Nhân Duyên, chẳng phải Tự Nhiên, Ông A Nan trước đã tỏ ngộ sơ qua là nó hình như chẳng phải là Nhân Duyên hay Tự Nhiên, nhưng lại chấp rằng ba duyên ánh sáng của thế gian họp lại thì thành ra cái Thấy. Ông còn nghi rằng chứng Bồ Đề Tâm hẳn do Hòa Hợp mà phát khởi.
Cái Thấy của thế gian kia không những thấy cái sáng, mà còn thấy cả cái tối, thì rõ ràng là không phải nhờ các duyên vậy. Huống là cái Bồ Đề Bổn Giác vốn thường trụ, lìa ngoài mọi cái Thấy, há có thể gọi là Hòa Hợp sao?

Nói là Hòa, thì như nước hòa với đất, trộn lẫn không phân biệt được. Nay cái Thấy và cái sáng, cái tối, cái thông suốt và cái ngăn bít làm sao hòa được? Cái Thấy thuộc về Hữu Tình, cái Cảnh thuộc về Vô Tình, rõ ràng có thể biện biệt. Như hai cái đó hòa trộn lẫn nhau thì làm nên hình trạng gì? Cái Thấy thì thấy được cái sáng, nên hình như là trộn lẫn được. Nhưng cái sáng thì không thể tự thấy, mà chỉ có cái Thấy mới có thể thấy, thì hai cái hẳn không thể trộn lẫn. Nếu có thể trộn lẫn, ắt là phải có chỗ chẳng cùng khắp, mà nay cái Thấy là Kiến Phần và cái Bị Thấy là Tướng Phần, mỗi cái đều tròn vẹn, đầy khắp pháp giới, còn chỗ nào để mà hòa đây? Giả sử có thể trộn lẫn, thì cái Thấy đã trộn lẫn với cái Cảnh, vậy còn đâu là cái Thấy nữa? Và cái Cảnh Tướng đã trộn lẫn với cái Thấy, thì không thể gọi là Cảnh Tướng. Cái Thấy cùng với Tướng Bị Thấy phải khác nhau, chẳng thể hòa vậy.

Nói là Hợp, thì như cái nắp và cái hộp hợp với nhau, nương nhau mà chẳng lìa. Nay thì cái Thấy cùng với tiền cảnh là sáng, tối, thông, bít làm sao hợp được? Vì nếu cùng cái sáng hợp thì không thể thấy cái tối. Đã không hợp với cái tối, mà có thể thấy được cái tối thì cũng phải không hợp với cái sáng mới có thể thấy được cái sáng. Còn nếu hợp với cái sáng thì không thấy được cái sáng vậy! Đã không thể thấy sáng thì không thể gọi là hợp nhau, làm sao lại cùng với cái sáng hợp được! Biết rằng Sáng chẳng phải tối, thì cả hai cái thấy sáng và cái thấy tối đều không hợp nhau được. Cái thấy hẳn là khác với tiền cảnh, không thể hợp được.

Đã là cái Kiến Tinh này thì sáng, tối, thông, bít đều chẳng phải là cái Thấy, nên mới nói là Trong Sạch (Tịnh). Nhưng sáng, tối, thông, bít chẳng có cái nào không phải là cái Thấy, nên gọi là Diệu. Nói Kiến Tinh là Diệu Tịnh vì nó là cái Tịnh Sắc Căn, chẳng dính dáng với vọng trần, chẳng phải do Hòa Hợp mà sanh ra, huống là cái Tánh Thấy vốn là Giác Ngộ, trong sạch cực cùng, mầu nhiệm cực cùng, há lại do căn trần hòa hợp mà hiện hữu ư?

Tổ Chương Kính thượng đường, nói:

- Tột Lý quên lời, người đời chẳng hiểu. Gượng ép tu tập việc ngoài, cho là công phu. Chẳng biết rằng Tự Tánh vốn không dính dáng đến trần cảnh, đó là cái pháp môn Vi Diệu Đại Giải Thoát. Vốn có cái gương hằng giác, không nhiễm ô, không ngăn ngại. Cái Quang Minh đó chưa từng mai một, vô thủy đến nay không hề đổi khác. Cũng như mặt trời, xa gần đều soi chiếu. Tuy đến các sắc tượng mà chẳng hòa hợp với tất cả, Linh Diệu Độc Sáng, chẳng nhờ rèn luyện. Chỉ vì chẳng biết nên đeo giữ hình tướng. Chẳng khác nào dụi mắt thấy không hoa, uổng tự nhọc nhằn, qua nhiều đời kiếp. Nếu liền phản chiếu thì không có được người thứ hai! Làm lụng bày biện này kia, nào chẳng kém hao Thật Tướng!

Ngài Không Thất Đạo Nhân Trí Thông nhân xem cuốn Pháp Giới Quán liền tỏ ngộ, làm hai bài kệ:

Bài Một:

Mênh mông trần thế một Tánh Như,
Dọc ngang xen lẫn ấn Tỳ Lô.
Toàn sóng là nước, sóng chẳng là nước,
Toàn nước thành sóng, nước tự mình!

Dịch:

Hạo hạo trần trung thể Nhất Như,
Tung hoành giao hỗ ấn Tỳ Lô.
Toàn ba thị thủy, ba phi thủy,
Toàn thủy thành ba, thủy tự thù.
Đây là nghĩa Chẳng Hòa Hợp.

Bài Hai:

Ta, Vật vốn không khác,
Trùng trùng gương, bóng đồng.
Sáng trong, siêu chủ bạn,
Tỏ tỏ, triệt Chân Không.
Một Thể trùm muôn pháp,
Trong lưới báu nhập nhau.
Trùng trùng, không cùng tận,
Động, tĩnh vốn viên thông.

Dịch:

Vật ngã nguyên vô dị,
Sum la cảnh tượng đồng.
Minh minh siêu chủ bạn,
Liễu liễu triệt Chơn Không.
Nhất Thể hàm đa pháp,
Giao tham đế võng trung.
Trùng trùng vô tận xứ,
Động tĩnh tất viên thông.

Đây lại là nghĩa Chẳng phải Không Hòa Hợp.

Kinh:

Ông A Nan bạch Phật rằng:

- Thưa Thế Tôn, như chỗ tôi suy nghĩ: cái Tâm Tánh này đối với các trần cảnh và các tâm niệm không Hòa Hợp chăng?

Phật dạy:

- Nay ông lại nói Tánh Giác không Hòa Hợp, thì ta lại hỏi ông: Cái Thấy Mầu Nhiệm này mà gọi là chẳng Hòa Hợp đó, là không hòa với cái sáng, là không hòa với cái tối, là không hòa với sự thông suốt, hay là không hòa với sự ngăn bít? Nếu không hòa với cái sáng, thì giữa cái Thấy và cái sáng phải có ranh giới. Ông nay hãy xét kỹ: chỗ nào là cái sáng? Chỗ nào là cái Thấy? Nơi cái Thấy, nơi cái sáng thì lấy từ đâu làm ranh giới? A Nan, nếu ở trong ranh giới của cái sáng chắc không có cái Thấy, hai cái không đến với nhau, cái Thấy tự chẳng biết được cái sáng ở đâu, thì ranh giới làm sao thành lập? Đối với cái tối, cái thông suốt, cái ngăn bít thì cũng như thế.

Lại cái Thấy mà gọi là chẳng có hòa hợp đó, là không hợp với cái sáng, không hợp với cái tối, không hợp với cái thông suốt, hay không hợp với cái ngăn bít? Nếu không hợp với cái sáng, tức là cái Thấy và cái sáng tánh trái ngược nhau, cũng như lỗ tai với cái sáng hoàn toàn không liên quan gì nhau. Nếu vậy thì cái Thấy không biết được cái sáng ở đâu, làm sao mà phân biệt ra được cái lẽ Hợp hay Chẳng Hợp? Đối với cái tối, cái thông suốt và cái ngăn bít thì cũng như thế.

Thông rằng: Chỗ Không Hòa Hợp mà Ông A Nan nghi ấy là hai pháp Chơn và Vọng, hình như chẳng có tương nhập, vì ông chưa có thể dung thông Chơn, Vọng làm một.

Tạm nói là Không Hòa, thì cái Thấy và cái sáng phải có ranh giới. Tạm nói là Không Hợp, thì cái Thấy và cái sáng, tánh tướng trái ngược nhau. Nay đều chẳng phải vậy, nên biết rằng chẳng phải Không Hòa Hợp.
Ở đoạn trước, Ông A Nan nói “Không thể ở nơi hình tướng của muôn vật trước mặt mà phân tách ra được cái Thấy có riêng tự tánh, lìa ngoài mọi vật”, thì cũng tương tự chỗ này. Đã nói Không Hòa Hợp là từ nơi sự diệu tịnh của cái Thấy mà nói, tịnh cho nên chẳng dung chứa sự xen tạp. Lại nói Chẳng phải Không Hòa Hợp, là từ riêng sự Diệu của cái Thấy mà nói, Diệu thì không chỗ nào mà không có.

Cuốn Bách Môn Nghĩa Hải nói:

- Thấu đạt Vô Sanh là hiểu rằng Trần Cảnh là Duyên của Tâm, và Tâm là Nhân của Trần Cảnh. Nhân Duyên hòa hiệp thì các huyễn tướng mới sanh ra. Do từ Duyên sanh, nên Vô Tự Tánh. Tại sao thế? Vì nay Trần chẳng thể tự duyên mà phải chờ có tâm. Tâm chẳng thể tự mình làm tâm, tất phải chờ có duyên Trần. Do nương nhau mà có, nên không thể định. Do đó, Duyên Sanh tức là Vô Sanh, chứ chẳng phải bỏ Duyên Sanh mà nói Vô Sanh.

Tổ Thiệu Tiên thượng đường, nói:

- Vo chẳng dính, đập chẳng tan, phơi nắng không khô, ngâm nước không thối. Một mực treo giữa Thái Hư, mặc người mắt lạnh cạnh bên nhìn.

Hòa Thượng Bì Thọ đang hơ lửa.

Ngài Đạo Ngô hỏi:

- Làm gì thế?

Tổ Thọ nói:

- Hòa hiệp.

Đạo Ngô:

- Như thế tức là ngay đó mà thoát ư?

Tổ Thọ rằng:

- Cách xa bao nhiêu thời gian rồi vậy?

Ngài Đạo Ngô phất tay áo, bỏ đi.

Một hôm, Ngài Đạo Ngô ở ngoài về, Tổ Bì Thọ hỏi:

- Từ đâu về đó?

Ngài Đạo Ngô đáp:

- Gần đây thôi.

Tổ Thọ rằng:

- Dùng sàng sảy hai miếng da đó làm gì?

Ngài Ngô:

- Mượn.

Tổ Thọ rằng:

- Kia có thì cho ông mượn, còn không thì làm sao?

Đạo Ngô:

- Chỉ vì có nên mới mượn.

Xem chỗ cử xướng của chư tôn túc như thế, thì cái Diệu Giác Nguyên đó cùng các duyên trần và các tâm niệm là Hòa Hợp hay chẳng Hòa Hợp? Cần có mắt mới được!


Tự đáy lòng con luôn luôn nhớ ơn Thầy.
TÂM BÌNH THẾ GIỚI BÌNH
Cầu mong sự bình an và sáng suốt đến với TẤT CẢ
thienquang
Bài viết: 266
Ngày: 13/04/09 20:45
Giới tính: Nam

Re: KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG

Bài viết chưa xem gửi bởi thienquang »

MỤC BẢY:

TÓM THU VỀ NHƯ LAI TẠNG

I. TÓM THU

Kinh:

- A Nan, ông còn không biết rằng hết thảy các tướng huyễn hóa của tiền trần ngay nơi chỗ mà sanh ra, tùy theo chỗ mà diệt mất. Hư huyễn vì mê vọng nên nói là tướng, chứ thật tánh chúng là Diệu Giác Minh Thể. Như vậy, cho đến năm Ấm, sáu Nhập, mười hai Xứ và mười tám Giới đều là:
- Nhân Duyên hòa hợp: in tuồng có sanh ra;
- Nhân Duyên chia lìa: in tuồng diệt mất. Quyết chẳng biết rằng sanh, diệt, đến, đi vốn là Như Lai Tạng Tánh thường trụ, mầu sáng, bất động, tròn khắp, tánh diệu Chân Như. Trong Tánh Chân Thường ấy mà tìm cầu cho ra tướng đến, đi, mê, ngộ, sanh, tử rốt là không được.

Thông rằng: Ở đây bày thẳng Đốn Môn, mở ra con đường Diệu Bồ Đề, tức là ngay trong phù trần huyễn hóa mà chứng Chân Như. "Trong Tánh Chân Thường mà tìm cầu cho ra tướng đến, đi, mê, ngộ, sanh, tử rốt là không được."

Các thứ Ấm, Nhập, Xứ, Giới chỉ có tướng huyễn vọng. Huyễn không tự tánh, nương Chân mà lập như hoa đốm khởi lên giữa hư không, toàn thể hoa đốm là hư không. Như sóng sanh trên nước, toàn sóng là nước. Cho nên kinh nói “Tánh của chúng thật là Diệu Giác Minh Thể”, Thể này chính là Pháp Thân. Tự nó gồm chứa vô lượng công đức nên gọi là Như Lai Tạng. Vốn chẳng đến đi, nên gọi là Thường Trụ. Vốn chưa từng mê muội, nên gọi là Diệu Minh. Vốn không sanh diệt, nên gọi là Bất Động. Vốn tự sẵn đủ nên nói là Tròn Khắp, Châu Viên. Một vị Thường Trụ nên Đến Đi bất khả đắc. Một vị Diệu Minh nên mê ngộ bất khả đắc. Một vị Bất Động nên sanh tử bất khả đắc. Một vị Tròn Khắp nên Chân Thường.

Cái gọi là Tánh Chân Như Mầu Nhiệm ở đây kỳ thật là cái “Xưa nay không một vật” vậy.

Có nhà sư hỏi Tổ Hoàng Bá:

- Kẻ học nhân này chẳng hiểu, Hòa Thượng chỉ bày như thế nào?

Tổ Hoàng Bá nói:

- Ta không có một vật nào hết. Từ xưa đến giờ chẳng từng đem ra một món vật cho người. Ông từ vô thủy đến nay chỉ vì bị người ta chỉ bày rồi tìm kiếm chuyện Khế Hợp, tìm kiếm chuyện Hiểu Ngộ. Như thế thì chẳng phải cả thầy trò đều lọt vào nạn vua sao? Ông chỉ cần biết rằng, một niệm chẳng thọ tức là không có cái Thân Thọ. Một niệm không tưởng đến tức là không có cái Thân Tưởng. Quyết chẳng có trôi theo sự tạo tác, tức là không có cái Thân Hành. Chẳng có nghĩ suy, so sánh, phân biệt tức là không có cái Thân Thức. Nay ông vừa khởi ra một niệm tức thì có ngay vòng Thập Nhị Nhân Duyên: Vô Minh duyên ra Hành, vừa Nhân vừa Quả; cho đến Lão, Tử cũng vừa Nhân vừa Quả.

Cho nên đồng tử Thiện Tài đi một trăm mười nơi cầu thiện tri thức, chỉ là hướng vào Thập Nhị Nhân Duyên mà cầu. Sau rốt gặp Đức Di Lặc. Đức Di Lặc lại chỉ đến gặp Đức Văn Thù. Văn Thù ấy, chính là cái Bổn Địa Vô Minh của ông. Nếu tâm tâm riêng khác, hướng ngoài mà tìm cầu thiện trí thức, thì một niệm vừa sanh liền diệt, vừa diệt liền sanh. Bởi thế, Tỳ Kheo các ông cũng sanh, cũng lão, cũng bệnh, cũng tử. Trả Nhân đền Quả xưa nay, tức là sự sanh diệt của năm Tụ. Năm Tụ là năm Ấm. Một niệm chẳng khởi tức là mười tám Giới bèn không, ngay thân là hoa trái Bồ Đề, ngay tâm tức là Bát Nhã. Nếu có chỗ dừng bám, thì ngay thân là xác chết, cũng gọi là quỉ giữ xác chết.

Lời nói này của Tổ Hoàng Bá chẳng phải làm sáng tỏ câu kinh “Hư huyễn vì mê vọng nên nói là tướng, chứ thật tánh của chúng chính là Diệu Giác Minh Thể” đó sao?

Ông Hạo Nguyệt cúng dường, hỏi Tổ Trường Sa:

- Rõ thì nghiệp chướng vốn là không. Chưa rõ, nợ xưa đành trang trải, vậy thì Tổ Sư Tử Tôn giả và Nhị Tổ Huệ Khả vì sao phải trả nợ xưa?

Tổ Sa nói:

- Đại Đức chẳng biết Bổn Lai Không.

Hỏi:

- Như thế nào là Bổn Lai Không?

Đáp:

- Là nghiệp chướng.

Hỏi:

- Như thế nào là nghiệp chướng?

Đáp:

- Là Bổn Lai Không.

Rồi Tổ Sa dùng bài kệ chỉ bày:

Giả Có, vốn chẳng Có,
Giả Diệt, cũng chẳng Không.
Nghĩa Niết Bàn, trả nợ,
Một Tánh, chẳng khác gì.

Dịch:
Giả Hữu nguyên phi Hữu,
Giả Diệt diệc phi Vô.
Niết Bàn, thường trái nghĩa,
Nhất Tánh, cánh vô thù.

Lời dạy này của Tổ Trường Sa chẳng phải làm rõ câu “Sanh diệt, đến đi đều vốn là Tánh Chân Như tròn khắp, bất động, mầu sáng, thường trụ của Như Lai Tạng” đó sao?

Lại Tổ Giáp Sơn về Tổ Định Sơn vừa đi vừa nói chuyện.

Tổ Định Sơn nói:

- Trong sanh tử mà không có Phật, thì không có sanh tử.

Tổ Giáp Sơn nói:

- Trong sanh tử mà có Phật thì chẳng mê sanh tử.

Hai bên chẳng chịu nhau, bèn có đến Tổ Đại Mai.

Giáp Sơn bèn thuật lại và hỏi chỗ thấy, hiểu của ai gần hơn.

Tổ Mai nói:

- Một gần, một xa.

Giáp Sơn lại hỏi:

- Cái nào gần.

Tổ Mai rằng:

- Thôi về đi, ngày mai đến.

Hôm sau, Giáp Sơn lại tới hỏi nữa.

Tổ Mai nói:

- Gần thì chẳng hỏi, hỏi thì chẳng gần.

Sau này, Ngài Giáp Sơn tự bảo:

- Lúc đó mất một con mắt lẻ.

Đây là một tắc, chẳng phải làm rõ câu “Trong Tánh Chân Thường mà cầu cho ra những cái đến đi, mê ngộ, sanh tử rốt là không được” đó sao?

Bản chú giải xưa cho rằng:

- Từ bảy chỗ trưng tâm và biện ra cái Thấy cho đến đây là rộng phá Chấp Ngã, là pháp Quán Không, Xa Ma Tha. Từ đây trở xuống là rộng phá Chấp Pháp, tức là pháp Quán Giả, Tam Ma Đề.
Đối với chỗ “Chỉ thẳng Tâm người, thấy Tánh thành Phật” còn cách xa một đoạn đường.

Như thế là chưa hiểu rằng pháp Diệu Xa Ma Tha mà Ông A Nan hỏi, thì ở đây, được đáp là Diệu Chân Như Tánh. Chỉ một chữ Diệu, thật khó hình dung, người ngộ tự biết lấy.


Tự đáy lòng con luôn luôn nhớ ơn Thầy.
TÂM BÌNH THẾ GIỚI BÌNH
Cầu mong sự bình an và sáng suốt đến với TẤT CẢ
thienquang
Bài viết: 266
Ngày: 13/04/09 20:45
Giới tính: Nam

Re: KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG

Bài viết chưa xem gửi bởi thienquang »

A. THU SẮC ẤM

Kinh:

- A Nan, thế nào năm Ấm vốn là Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh?

Thông rằng: Năm Ấm cũng gọi là năm Uẩn. Uẩn nghĩa là chứa nhóm, tích tụ. Ấm nghĩa là che đậy. Tích tụ hữu vi, che đậy Chân Tánh, cho nên cùng gọi là phạm vi của năm Ấm, rất là khó phá. Ở đây nói “Vốn là Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh” là nói suy từ gốc thì năm Ấm duyên khởi từ trong Như Lai Tạng mà lưu xuất ư? Hay là nói năm Ấm đều Không, tức hiển bày Tánh Diệu Chân Như ư? Điều này thuộc về Đốn Môn, tức là ở đoạn trước gọi là “Con Đường Diệu Tu Hành các Tam Ma Đề Đại Tổng Trì”. Chính là ở đây chỉ rằng: Ngũ Ấm tức là Như Lai Tạng, tức là Tánh Diệu Chân Như, không hai, không khác! Như thế thì dẹp tan Ngũ Ấm, cũng không có thứ lớp. Như luận về Lý Đốn Ngộ, phải ngay đây thấy được năm Ấm đều tự Vô Sanh, đều tự Tịch Tĩnh, cầu tướng năm Ấm rốt là không thể được. Thế thì năm Ấm đâu chẳng phải là Chân Như, mà Chân Như nào chẳng hề là Ngũ Ấm ư?

Có nhà sư hỏi Tổ Quy Sơn An rằng:

- Rời bỏ năm Ấm, thế nào là cái thân xưa nay?

Tổ An nói:

- Đất, Nước, Lửa, Gió, Thọ, Tưởng, Hành, Thức.

Vị sư nói:

- Cái đó là năm Ấm.

Tổ An nói:

- Cái đó chẳng phải năm Ấm.

Lại hỏi:

- Cái Ấm này đã hết mà cái Ấm kia chưa sanh, thì như thế nào?

Tổ An nói:

- Cái Ấm này chưa hết, Đại Đức là cái gì?

Đáp:

- Chẳng hiểu được.

Tổ An nói:

- Nếu hiểu cái Ấm này, bèn rõ Ấm kia.

Như theo Tổ An, quả là thấu suốt Ngũ Ấm vốn là Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh.

Kinh:

- A Nan, ví như có người dùng con mắt trong sạch xem hư không trong tạnh, chỉ thấy một hư không trong sáng, vắng lặng chẳng có gì. Người ấy khi không chẳng lay động con mắt, nhìn sững hồi lâu nên mỏi mắt, bèn ở nơi hư không riêng thấy hoa đốm loạn xạ, lại thấy có tất cả những tướng giả dối lăng xăng. Nên biết rằng Sắc Ấm cũng là như thế.

A Nan, các hoa đốm lăng xăng ấy chẳng phải từ hư không mà đến, chẳng phải từ con mắt mà ra. Thật vậy, A Nan, nếu nói từ hư không mà đến, đã từ hư không đến thì phải lại trở vào hư không. Nếu có ra, có vào như thế thì đã chẳng phải là hư không. Hư không mà chẳng phải trống rỗng thì tự nhiên không thể dung chứa hoa đốm sanh diệt ở trong ấy, cũng như thân thể A Nan không thể dung chứa được một A Nan khác.

Còn cho rằng hoa đốm từ con mắt mà ra, đã từ con mắt ra thì phải trở vào con mắt. Lại cái tính hoa đốm ấy đã từ con mắt mà ra thì lẽ ra phải có Tánh Thấy. Nếu có Tánh Thấy thì khi đã ra làm hoa đốm giữa hư không, phải trở lại thấy được con mắt. Nếu không có Tánh Thấy, thì khi đi ra phải che lấp hư không, khi trở vào phải che lấp con mắt! Hơn nữa, khi thấy hoa đốm, đáng lẽ con mắt phải không lòa, chứ sao thấy hư không trong sáng thì mới gọi là con mắt trong sạch?

Vậy, nên biết rằng: Sắc Ấm hư vọng, vốn chẳng phải tánh Nhân Duyên, chẳng phải tánh Tự Nhiên.

Thông rằng: Ngài Long Thọ có bài kệ:

Các pháp chẳng tự sanh,
Cũng chẳng do (cái) khác sanh.
Chẳng chung, chẳng không nhân,
Nên gọi là vô sanh.

Dịch:

Chư pháp bất tự sanh,
Diệc bất tùng tha sanh.
Bất cọng bất vô nhân,
Thị cố thuyết vô sanh.

Phàm các pháp chẳng tự sanh, vì chờ có các Duyên vậy. Chẳng do cái khác sanh, vì các Duyên đều vô tự tánh. Chẳng cùng sanh vì thể của trí và tu hành là không; vô tự tánh nên không hợp, không tán. Chẳng không Nhân, vì phải chờ tu hành giác ngộ mới hiển lộ, chứ chẳng phải tự nhiên mà thành.

Hãy biết rằng cái Diệu Giác Minh Thể này lìa ngoài hết thảy mọi lỗi lầm, vốn Tự Vô Sanh vậy. Từ năm Ấm, sáu Nhập, mười hai Xứ, mười tám Giới cho đến bảy Đại chẳng có chỗ nào không làm rộng sáng cái ý này. Ngộ được Vô Sanh tức là Con mắt thanh tịnh. Xưa nay vốn tự không hoa đốm, chỉ vì nhìn sững mà hoa mắt. Trái với Chân, hiệp với Vọng, bèn thấy có hoa. Hoa vốn không Thể, chẳng từ đâu sanh. Chỉ hết bệnh nhặm, hoa cuồng loạn tự diệt. Nếu ở nơi hoa đốm lăng xăng mà cho là có chỗ sanh ra, tức là tánh Nhân Duyên; nói là không có chỗ phát sanh, là tánh Tự Nhiên. Nay xét chỗ sanh ra, thì chẳng ở hư không mà sanh, cũng chẳng ở con mắt mà sanh, thì rõ là chẳng phải Nhân Duyên. Nếu quả là Tự Nhiên mà có thì khi thấy hoa đốm lẽ ra tự mình không có bệnh nhặm. Nếu không có bệnh nhặm mà thấy hoa đốm thì con mắt thấy hoa đốm phải gọi là con mắt trong sạch! Và thấy hư không trong sáng phải là con mắt nhặm! Thế, tại sao khi thấy hư không trong sáng lại gọi là con mắt trong sạch? Hoa đốm này chắc phải do bệnh nhặm mà sanh, chứ rõ ràng chẳng phải tự nhiên vậy!
Ôi! Hoa đốm đã thế, thì Sắc Ấm cũng thế. Vốn đều hư vọng, vốn vô tự tánh, tức Sắc tức Không. Cho nên gọi đó vốn là Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh vậy.

Đức Mã Tổ dạy chúng rằng:

- Ba cõi duy chỉ là Tâm, muôn hình vạn tượng đều là một Pháp Ấn. Phàm thấy sắc là thấy tâm. Tâm chẳng tự là tâm, nhân sắc mà có. Các ông chỉ tùy thời mà nói năng, thì sự tức là lý, đều không chỗ ngại. Đạo quả Bồ Đề cũng lại như thế. Nơi tâm sanh ra thì gọi là sắc. Biết sắc là không thì sanh tức là chẳng sanh. Nếu hiểu ý này mới khá tùy thời ăn cơm mặc áo, nuôi lớn Thánh Thai, mặc tình qua ngày qua buổi, còn chuyện gì đâu! Các ông thọ lãnh giáo pháp của ta, hãy nghe kệ rằng:

Tâm địa tùy thời nói,
Bồ Đề chỉ là thế.
Sự, lý đồng không ngại,
Đang sanh tức chẳng sanh.

Dịch:
Tâm địa tùy thời thuyết
Bồ Đề diệc chỉ ninh
Sự, Lý cu vô ngại
Đương sanh tức bất sanh.

Tổ Vân Môn dạy chúng rằng:

- Chân Không chẳng hoại Có. Chân Không không khác Sắc.

Có vị sư hỏi:

- Cái gì là Chân Không?

Tổ Môn nói:

- Ông có nghe tiếng chuông không?

Đáp:

- Đó là tiếng chuông.

Tổ Môn nói:

- Năm Lừa mộng thấy được sao?

Thiền sư Cao An Nhân dạy chúng rằng:

- Bình thường chẳng muốn hướng theo lời trước, câu sau mà cổ vũ đùa giỡn với nam nữ nhà người. Vì sao? Vì thanh chẳng phải thanh, sắc chẳng phải sắc.

Có vị tăng hỏi:

- Như thế nào là thanh chẳng phải thanh?

Đáp:

- Gọi là sắc được không?

Hỏi:

- Như thế nào là sắc chẳng phải sắc?

Đáp:

- Gọi là thanh được chăng?

Vị tăng làm lễ tạ.

Tổ Bèn nói:

- Hãy thử nói xem: vì ông mà nói? Hay đáp lại lời ông? Nếu có người rõ được thì có chỗ nhập.

Tổ Đơn Hà tụng rằng:

Sắc tự sắc, hề, thanh tự thanh,
Oanh non hót liễu, khói mong manh.
Cửa cửa đều thông về kinh quốc,
Nghiêng nghiêng ba đảo, biển đầy trăng.

Dịch:
Sắc tự sắc hề thanh tự thanh,
Tân oanh đề xứ liễu yên kinh.
Môn môn hữu lộ thông kinh quốc,
Tam đảo tà hoành hải nguyệt minh.

Cho nên, biết Sắc Ấm vốn là Tánh Diệu Chân Như, liền đạt Vô Sanh đó.


Tự đáy lòng con luôn luôn nhớ ơn Thầy.
TÂM BÌNH THẾ GIỚI BÌNH
Cầu mong sự bình an và sáng suốt đến với TẤT CẢ
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.26 khách