Hơi Thở Tinh Khôi
Hạnh phúc tròn trịa như đôi bàn tay
Nước bản thân đã là mầu nhiệm. Nhiều nơi trên thế giới đang hạn hán, hàng triệu người không có nước để uống, nói chi đến canh tác và trồng hoa màu. Hơn 70% sức nặng của cơ thể nhờ vào sự đóng góp của nước. Nước nuôi cơ thể tồn tại từ nhỏ đến lớn. Không có nước, con người khô cằn, mệt mỏi và chết dần chết mòn theo vô vọng. Nếu bây giờ người ta dành nhau từng giọt dầu, vài chục năm nữa, có thể người ta dành nhau từng giọt nước. Nước bốc hơi lên rồi lại rơi xuống, nhưng sẽ là thảm hoạ nếu nước bốc hơi nhưng không bao giờ rơi xuống nữa. Nước từ trên trời, nước từ lòng đất sâu, nước từ giữa không gian mênh mông. Nơi đâu cũng có nước. Bên trong và bên ngoài cơ thể đều là nước. Bản thân ta là nước và nước chính là ta. Giữ gìn sự trong sạch của nước là giữ gìn chính ta. Cho nên nước quý hơn vàng và kim cương. Không có vàng và kim cương vẫn có thể sống được. Không có nước sức mấy mà sống nổi. Nhiều người uống nước ừng ực hoặc phung phí nước. Nước là tài sản vô giá không có gì so sánh bằng. Vì vậy uống nước phải nhớ nguồn, chăm sóc cho nguồn, bảo vệ sự tinh khiết của nguồn, đồng thời đập tan mọi âm mưu làm khủng hoảng hay ô nhiễm nguồn nước. Khi uống nước, uống từng ngụm nhỏ, thân tâm có thể thư giãn nhờ vào việc uống nước. Bây giờ có đủ loại nước: nước ngọt, nước tăng lực, nước trà, nước thảo mộc… nhưng không có nước nào ngọt ngào như dòng nước trong, tinh khiết và mầu nhiệm. Nước thanh lọc cơ thể, tẩy trừ chất độc và ô uế. Uống nước dặn lòng từ bỏ năm dục. Uống nước chánh niệm như dùng nước rửa sạch các dục vọng trong cơ thể. Buông bỏ tất cả mọi dính mắc để được trong sạch như nước, thơm tho, huyền diệu như nước. Nước là sự kết tinh của hàng triệu hàng tỷ giọt cam lộ. Nhìn mưa rơi, người có tình thương rải tâm từ của mình vào cơn mưa, mưa sẽ biến thành cơn mưa cam lộ, mọi chúng sanh đều được hưởng, đều có duyên tu tập, sống an lành và giải thoát. Uống nước vào cơ thể là đón nhận dòng cam lộ của Bồ Tát Quan Thế Âm. Một giọt thôi đã quí nói chi đến một ly nước, một dòng sông, một con suối. Ý thức từng ngụm nước uống sẽ thấy thật hạnh phúc. Nước đã nuôi sống ta, biến ta thành con người rất tươi mát, đẹp đẽ và nguyện cứu độ hết chúng sanh như lời nguyện từ bi của Bồ Tát Quan Thế Âm.
1.3. Uống nước
Uống nước phải nhớ nguồn
Năm dục quyết phải buông
Từng giọt nước cam lộ
Cứu độ hết chúng sanh.
Uống nước hay đi tiểu đều phải tỉnh giác. Đi tiểu nếu chánh niệm vẫn có hạnh phúc như thiền ăn cơm hay thiền đi bộ. Tâm chỉ chú trọng vào việc đi tiểu như hành động đang tiểu tiện, dội nước, rửa tay và ra vào nhà vệ sinh. Bản thân không chê trách nhà vệ sinh sạch hay dơ, chỉ có tâm dơ hay sạch. Nếu dơ, biết là dơ, sạch, biết là sạch. Không đưa ra lời nhận xét hay đả kích. Vào nhà vệ sinh không suy nghĩ lung tung. Thực tập nhẹ nhàng như đi vào thiền đường. Đơn giản chỉ vì ngồi đâu cũng là thiền. Nếu có nơi uống nước thì phải có nơi xả nước. Có thiền đường thì phải có nhà vệ sinh. Cho nên không thể chấp nhận chỉ thực tập thu thúc sáu căn ở nơi sạch đẹp còn những nơi khác thì không. Hiện tại có tỉnh giác thì hiện tại hiện tiền mọi nơi, làm việc gì cũng thấy thành tựu. Ta cảm thấy mừng vui vì còn đủ sức để đi vệ sinh, quả thận còn tốt để thanh lọc chất thải và đôi chân còn vững để làm công việc này. Nhiều bệnh nhân trẻ tuổi hay người già không thể làm vệ sinh cá nhân, nói chi đến những việc khác. Bây giờ ta làm được, hãy biết sung sướng về điều đó. Sung sướng không có nghĩa là để cho sáu căn đắm say sáu trần. Sung sướng hiện tiền khi sáu căn nhận diện được sáu trần và buông bỏ mọi dính mắc vào sáu trần. Thu thúc sáu căn, con người hoàn toàn an tịnh trong sáu trần dù cho hoàn cảnh dao động như thế nào. Chánh niệm làm được hết những chuyện như vậy. Chánh niệm không cho tâm chạy theo cái gọi là sung sướng giả tạo hay lạc thú phi thời.
1.4. Đi tiểu
Đi tiểu không lăng xăng
Nhớ thu thúc sáu căn
Hiện tại năng tỉnh giác
Vội vã có cần chăng.
Đi cầu cũng vậy. Đi cầu là cơ hội cho ta thấy cuộc đời có trả có vay. Uống nước thì phải đi tiểu. Ăn cơm thỉ phải đi cầu. Uống và ăn là những thứ vay mượn. Đi tiểu và đi cầu là những thứ cho ra. Nếu chỉ có vay mà không trả thì đi bệnh viện. Bệnh viện bó tay coi như mất mạng. Nói vậy để thấy ăn uống phải cẩn trọng. Giới thứ năm của Năm giới Cư sĩ đã nói rõ cần thực tập chánh niệm trong việc ăn uống. Ăn uống như thế nào để thân tâm khỏe mạnh, bảo vệ môi trường và tôn trọng sự sống các loài. Bệnh tật có thể xuất phát từ việc ăn uống thiếu chánh niệm. Có vay phải có trả là bản chất của luật nhân quả. Luật này không ai đặt ra, không do đức Phật hay bất cứ phép mầu siêu nhiên nào mà nó là qui luật tự nhiên của vũ trụ, chi phối vạn vật, đức Phật chỉ khám phá và truyền đạt lại cho chúng sanh mà thôi. Khi biết rõ qui luật, đau khổ trong hiện tại không sợ, sung sướng trong hiện tại không chìm đắm. Mọi thứ đều có thể an nhiên, đồng thời xa lánh việc ác, chỉ làm việc thiện. Thuyền Bát Nhã lúc nào cũng có mặt trông chờ ta nhận diện, chỉ có ta vô tâm không chịu bước lên, mà đành đoạn bước lên thuyền dục vọng, thuyền si mê, thuyền sân hận… Sự sống chỉ sang trang khi mọi buộc ràng đều cởi bỏ. Quăng đi dục vọng, si mê, sân hận… đồng nghĩa với bước lên thuyền Bát Nhã. Bát Nhã chính là sự vắng bóng của dục vọng, si mê, sân hận… Bát Nhã cũng có nghĩa đâu phải diệt trừ những sai trái kia bởi vì thật sự điều sai trái làm gì có. Bản chất con người đã thanh tịnh thì đâu cần gì phải làm vắng bóng cái gì nữa. Chỉ cần biết vay thì trả, không vay thì không trả. Giống như duyên hợp thì hợp, duyên tan thì tan. Ăn cơm cũng như làm cho duyên hợp và đi cầu làm cho duyên tan. Nhưng khi đi cầu được cơ thể khỏe mạnh, bằng không bệnh tật xuất hiện và đau khổ hiện tiền.
1.5. Đi cầu
Có vay phải có trả
Khéo lên thuyền Bát Nhã
Sự sống đã sang trang
Thảy đi những buộc ràng.
Hồi nhỏ, tôi nhớ mẹ hay nhắc tôi rửa tay bằng xà phòng và trên ti vi cũng giáo dục trẻ em như vậy. Nhưng dù người lớn hay trẻ em rửa tay trước khi ăn thường hay nghĩ về bữa ăn mà không chú tâm vào rửa tay, và khi ăn thì lại chú tâm vào cái ti vi… Cứ thế cái tâm hay chạy trước cái thân một bước, bỏ mặc cái thân và lúc nào cũng có đủ khả năng không chung thủy với cái thân. Rửa tay chỉ để rửa tay thôi, rửa tay xong vẫn đủ thì giờ ăn cơm, thời gian rửa tay có bao giờ cà nanh ganh tỵ với thời gian ăn cơm đâu. Rửa sạch đôi bàn tay cho phép ta tiếp xúc với đôi tay dễ thương. Tổ tiên nằm trong đôi bàn tay đó. Bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa, một bài hát ca ngợi bàn tay như vậy. Nếu không chú ý đến bàn tay, em làm sao biết em kiêu sa. Để chút thời gian nhìn ngắm bàn tay để thấy bàn tay này sao mà mạnh mẽ lạ lùng. Bàn tay xây đắp con người, làm đường, trồng lúa, viết chữ đẹp, gìn giữ quê hương. Bao nhiêu kiệt tác tạo nên từ đôi bàn tay. Cho ngàn lượng vàng đổi lấy đôi bàn tay cũng không chịu. Tôi thích bàn tay của mẹ, dài, ốm và đầy xương xẩu, nhưng tôi vẫn thích vì bàn tay đó nuôi tôi trưởng thành. Em trai tôi thích bàn tay mẹ, đơn giản vì bàn tay đó gãi lưng cho nó. Nó sung sướng khi được mẹ gãi lưng. Nếu rửa tay chỉ chú ý đến món ăn gì trong bữa cơm thì sự thần kỳ của đôi tay không được nhận thấy. Đôi tay giơ cao sừng sững như Vạn Lý Trường Thành, cao ngất như tháp Eiffel và diễm lệ như đền Taj Mahal. Bàn tay nắn nót hình hài dân tộc. Ta mang cả dân tộc trên đôi bàn tay. Ta yêu thương bàn tay, ta yêu thương phút giây này. Hạnh phúc tròn trịa như đôi bàn tay. Tiếp xúc với bàn tay là tiếp xúc với hạnh phúc. Mẹ nắm tay dẫn con đến trường, hạnh phúc thay bàn tay mẹ. Ông nắm tay bà dẫn nhau qua năm tháng, hạnh phúc thay bàn tay thủy chung. Chồng nắm tay vợ đi trên con đường, hạnh phúc thay nghĩa vợ tình chồng. Bạn nắm tay bạn xoa dịu mọi nỗi đau, hạnh phúc thay tình nghĩa huynh đệ. Tận dụng thời khắc rửa tay để nâng niu đôi bàn tay, sự sống đang neo đậu ở đó, vui biết bao, hạnh phúc biết dường nào. Ta đã có đôi bàn tay, cầu mong gì cũng thành.
1.6. Rửa tay
Rửa sạch đôi bàn tay
Thương yêu từng phút giây
Bây giờ hãy tiếp xúc
Hạnh phúc đang tròn đầy.
(Theo sách: Hơi Thở Tinh Khôi - Tác giả: Thích Minh Thạnh)
Xem thêm tại: http://vn.myblog.yahoo.com/sc_minhthanh
Hạnh phúc tròn trịa như đôi bàn tay
-
- Bài viết: 40
- Ngày: 23/04/09 23:51
- Giới tính: Nam
- Đến từ: Vietnam
Đang trực tuyến
Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến. và 4 khách