GIÁO LÝ BỐN ÂN

Chia sẻ, thảo luận học hỏi ngũ giới, tám giới, thập giới, đạo đức, phương pháp giáo dục và những vấn đề liên quan.
Chánh Tín
Bài viết: 171
Ngày: 22/12/13 02:17
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Đại địa

GIÁO LÝ BỐN ÂN

Bài viết chưa xem gửi bởi Chánh Tín »

GIÁO LÝ BỐN ÂN


Biên soạn: Đại Sư Tinh Vân

Việt dịch: Tỳ kheo Thích Đức Trí


A. Ý NGHĨA GIÁO LÝ BỐN ÂN

Kinh dạy: “Các pháp do duyên sanh, các pháp do duyên diệt”. Tại thế gian này tất cả do nhân duyên hòa hợp mà có, vạn sự vạn vật đều có điều kiện nhân duyên mà tồn tại. Lấy điều kiện nhân loại đang sinh sống mà nói, cha mẹ sanh dưỡng chúng ta là nhân duyên người thân; thầy giáo dạy chúng ta là nhân duyên học vấn; mọi người gồm các tầng lớp nông, công, thương mại đều cung cấp phẩm vật sinh hoạt cho chúng ta là thuộc nhân duyên xã hội; hoàn cảnh sống không bị ô nhiễm là nhân duyên môi trường; đi đến công sở làm việc, đến trường thuận lợi là nhờ nhân duyên giao thông. Về đến nhà mở TV hay nghe máy ghi âm thì có thể thưởng thức ca khúc âm nhạc mỹ diệu là nhân duyên thấy nghe...Như thế thì có nhiều sự tổ hợp nhân duyên kỹ thuật mới có đời sống vui vẻ, hạnh phúc. Nhân loại tồn tại là như vậy, tất cả sự vật tồn tại gồm nhân duyên của nó cũng giống như vậy. Vạn sự vạn vật ở thế gian cũng nương vào nhiều nhân duyên điều kiện mới có thể sanh trưởng được. Các điều kiện nhân duyên này chính là cội nguồn của mọi hiện tượng đang tồn tại chứa đựng mọi ân đức. Con người từ khi mới sinh ra cho đến khi tuổi già đều thọ nhận nhiều nguồn ân đức mới thành tựu được. Chúng ta đang sống cũng nương nhờ vào nhiều ân đức, nhưng chủ yếu gồm có bốn: 1- Ân cha mẹ, 2- Ân chúng sanh, 3- Ân quốc gia, 4- Ân Tam bảo; cả thảy gọi là Bốn Ân.

B. NỘI DUNG CỦA GIÁO LÝ BỐN ÂN

I. ÂN CHA MẸ

Trên đời này, người sanh dưỡng và giáo dục chúng ta không ai khác hơn cha mẹ. Trong “Kinh Đại Thừa Bản Sanh Tâm Địa Quán” có dạy: “Nhờ ân đức giáo dưỡng của hai đấng song thân mà tất cả con cái đều được cuộc sống an lành, ân đức của cha cao như núi, ân đức của mẹ sâu như biển”. Trong “Kinh Lễ Bái Sáu Phương”, Đức Phật chỉ dạy rõ năm ân đức lớn của cha mẹ nuôi dạy con cái:

1. Dạy bảo con tận tình, ngăn ngừa con làm điều ác.

2. Dạy bảo con làm điều thiện, bồi dưỡng nhân cách con người cao thượng.

3. Thương con tha thiết, nuôi con ăn học thành tài.

4. Cưới vợ và gả chồng cho con, giúp con được mãn nguyện.

5. Tùy duyên giúp đỡ cho con xây dựng sự nghiệp ở đời.

Trong tâm con cái luôn xem ân đức của cha và mẹ mình đều có vai trò giống nhau, nhưng khác với cha là người mẹ có mang thai con mười tháng và ba năm cho con ăn và cho con bú; cho nên con cái xem công lao của mẹ rất nặng. Trong quyển hai của “Kinh Đại Thừa Bản Sanh Tâm Địa Quán” có nhấn mạnh mười ân đức của mẹ:

1. Trong thời gian mẫu thân mang thai, vì muốn bảo dưỡng sanh mạng con nên lòng mẹ lo lắng giữ gìn cẩn thận, khi có sự kiện vui vẻ trong đời sống cũng không đam mê ăn mặc gấm vóc sang trọng. Thời gian mang thai gặp nhiều sự khó nhọc chẳng có ngôn ngữ nào diễn đạt cho hết.

2. Trong khi sanh con vô cùng đau đớn như ngàn mũi dao cắt vào thân thể, thậm chí gặp trường hợp khó sanh phải chịu mất mạng.

3. Sau khi sanh con xong, tẩy tịnh ngũ căn, mẫu thân cần chăm sóc con mình cẩn thận.

4. Mẹ chăm sóc con chu đáo mọi bề, mọi thời khắc đều chú ý thời tiết thay đổi, ngăn ngừa cho con tránh gió và từng cơn nóng lạnh bất thường.

5. Thường dùng mọi cách để tạo điều kiện cho con học tập các lĩnh vực tri thức và phát huy tài năng.

6. Luôn cho con cái ăn mặc chỉnh tề và làm đẹp cho con.

7. Người mẹ bảo hộ cho con mọi thời, thậm chí lúc con gặp nguy nạn sẵn sàng hy sinh thân mạng để cứu giúp.

8. Dùng mọi cách khéo léo để giáo dục con học hành.

9. Một khi con làm điều sai quấy, mẹ dùng lời lẽ dịu dàng dạy bảo con.

10. Đem cả tài sản sự nghiệp để giao phó cho con mình.

Ân đức của cha mẹ cao như núi, sâu như biển cho nên trong kinh điển, Đức Phật nhiều lần tán dương. Như “Kinh Đại Thừa Bản Sanh Tâm Địa Quán” quyển hai có dạy: “Nếu như có người nam, người nữ vì báo ân cha mẹ trải qua một kiếp, mỗi ngày ba lần cắt thịt thân thể mình để nuôi cha mẹ vẫn chưa báo đáp được ân cha mẹ nuôi mình trong một ngày. “Luật Tứ Phần” quyển 12 có dạy: “Nếu có người trong một trăm năm, lấy vai phải cõng cha, vai trái cõng mẹ, chịu cảnh đại tiểu tiện trên thân và còn dùng đồ ăn, đồ mặc thượng hạng cúng dường cha mẹ, cũng không thể báo đáp hết công ơn cha mẹ, cho nên phải dốc hết tâm can cúng dường cha mẹ.”. Trong Kinh Phạm Võng có dạy: “Hiếu thuận là pháp tột cùng của Đạo, và nhấn mạnh hiếu hạnh là một Giới. Nhưng báo hiếu cha mẹ như thế nào, đại sư Liên Trì có phân thành ba loại:

1. Cung phụng vật chất để cha mẹ được no ấm, không bị đói lạnh thì gọi là tiểu hiếu.

2. Phấn đấu thành đạt ở đời rạng danh tổ tiên và gia tộc, khiến cha mẹ vui mừng và tự hào thuộc trung hiếu.

3. Trợ duyên cho cha mẹ trở về Chánh Đạo, xa rời ác đạo, giải thoát sanh tử và khiến cho thân nhân thoát ly ba đường khổ mới gọi là bậc đại hiếu.

Hai phương pháp báo hiếu trên thuộc đạo hiếu của thế gian. Lợi ích của nó chỉ thuộc trong một đời. Giả sử khuyên cả gia đình cùng hiếu thảo thì con cháu nương có phước lành, nhưng cuối cùng vẫn còn cái khổ tử biệt sanh ly. Gia nghiệp to lớn, tiền của dồi dào đi nữa thì cũng chỉ để cha mẹ được hưởng thụ giàu sang về vật chất mà thôi. Một khi vô thường đến, thiên tai nhân họa thì dù địa vị cao tột cũng bị mất hết trong chốc lát. Hiếu đạo tối cao là hướng dẫn cha mẹ có Chánh Tín với đạo lý. Không chỉ là tế độ trên phương diện tinh thần cho cha mẹ mà còn phát huy trí tuệ giác ngộ để xa rời ác đạo, giải thoát sanh tử. Phước đức đó rộng lớn vô lượng, là hiếu đạo xuất thế gian. Cho nên Kinh Tỳ Ni Mẫu quyển 2 có dạy: “Nếu như cha mẹ nghèo khổ trước hết cho thọ Tam Quy Ngũ Giới, Thập Thiện Giới, sau đó mới cúng dường tài vật.” Long Thư Tăng Quảng Tịnh Độ Văn quyển 6 có chép: “Thiền Sư Trường Lô Trách sáng tác Hiếu Hữu Văn 120 thiên, phần sau của thiên thứ 20 chủ yếu khuyên cha mẹ chuyên tu Pháp Môn Tịnh Độ. Chỉ có hiếu đạo xuất thế gian này mới triệt để giúp cho cha mẹ xa rời khổ đau, đạt được an lạc. Do vậy gọi là “Sự báo hiếu cao tột”.

Ân nghĩa cha mẹ rộng lớn bao gồm cả ân sư trưởng bên trong. Vì trên thế gian này, cha mẹ tuy sanh dưỡng chúng ta nhưng nếu không có các bậc Thầy thế gian thì chúng ta khó mà hiểu rõ đạo lý làm người. Cho nên người ta có câu nói là “Một ngày làm Thầy, gióng như công cha suốt đời” Nếu như không có các bậc Thầy xuất thế gian thì sẽ không hiểu được chân lý Phật Pháp, nên gọi họ là “cha mẹ Pháp Thân”. Một bậc Thầy đáng được học trò tôn kính là vì lấy 5 điều sau để giáo dục đệ tử:

1. Dùng lòng từ bi để dạy dỗ đệ tử sống đúng theo Chánh Pháp.

2. Dạy những điều học trò chưa được học, giúp tăng trưởng kiến thức.

3. Tùy theo sự nghi vấn để khéo léo giải nghĩa.

4. Chỉ rõ bạn tốt để học trò giao lưu.

5. Đem hết khả năng hiểu biết để truyền dạy cho học trò.

Sư trưởng hướng dẫn chúng ta đầy đủ đức hạnh, như giúp chúng ta có được một chiếc la bàn để định hướng giữa biển khơi mênh mông, không bị sai lạc; cho nên phải thường nhớ ân và báo ân.

Trong bài Kinh Đảnh Lễ Sáu Phương thuộc Kinh A Hàm đã dạy những phương pháp phụng sự Sư Trưởng, tóm tắc các điểm như sau:

1. Sư Trưởng đến thì phải đứng dậy đón tiếp, phải biết vâng lời Sư Trưởng.

2. Kính lễ cúng dường Sư Trưởng, và cung kính thọ giáo.

3. Phải hết lòng tôn kính và không làm trái ý Sư Trưởng.

4. Khi Sư Trưởng chỉ dạy, phải cung kính làm theo, không được trái lời.

5. Theo Sư Trưởng học đạo lý, siêng năng thực hành.

II. ÂN CHÚNG SANH

Thế nào gọi là ân chúng sanh? Luận Đại Trí Độ có dạy: “Chúng sanh là do năm ấm, các duyên giả hợp mà được tạo thành, cho nên còn gọi là “Tác chúng sanh”. Kinh Bất Tăng Bất Giảm có dạy: “Pháp Thân bị phiền não trói buộc, qua lại trong vòng sanh tử, gọi là chúng sanh”. Tóm lại, chúng sanh là do bị vô minh phiền não che lấp, luân chuyển trong luân hồi lục đạo. Chúng sanh và chúng ta có quan hệ với nhau, nhìn vào nhu cầu sinh hoạt vật chất trong đời sống hiện tại là biết; chúng ta ăn một bữa cơm là nhờ người nông dân cày cấy, nhờ người buôn bán vật thực, nhờ người nấu nướng; mặc một chiếc áo phải nhờ người may dệt; tất cả mọi cái sử dụng đều phải trải qua nhiều công phu khó nhọc của người khác. Khi chúng ta ở trong một căn nhà cũng nhờ ơn người trồng cây lấy gỗ, người thợ mộc, người kỹ sư thiết kế xây dựng, nhờ nhiều bàn tay tạo thành ngôi nhà chúng ta mới có chỗ ở an toàn. Ngay cả tiếng chim hót, tiếng trùng kêu, cá nhảy trong thế giới tự nhiên có tác dụng tô vẽ môi trường sống chúng ta. Mọi phương tiện ăn mặc đi lại cho đến tất cả các nhu cầu cần thiết trong cuộc sống đều do mười phương chúng sanh mang lại, vì thế chúng ta phải biết mang ơn. Nếu biết quán chiếu sẽ thấy rằng mối quan hệ giữa chúng ta và chúng sanh rất mật thiết. Kinh Tâm Địa Quán có dạy: “Phật dạy từ vô thỉ đến nay, tất cả chúng sanh lưu chuyển trong năm đường, trải qua trăm ngàn vạn kiếp đã từng làm cha mẹ của nhau”. Khuyến Phát Bồ Đề Tâm Văn có dạy: “Chúng ta và chúng sanh từ kiếp xa xưa đến nay, đời này đời nọ, đã từng làm cha mẹ của nhau, từng mang ơn lẫn nhau. Đời này vì chuyển kiếp hôn mê mà không nhận ra nhau, từ đó mà suy ra, làm sao mà không báo ân? Đời này mang lông đội sừng, biết đâu kiếp trước là con của chúng ta. Loài bò bay máy cựa ở kiếp này, biết đâu đã từng là cha của chúng ta. Cho nên Bồ Tát quán sát các loài giun dế đều đã từng là cha mẹ quá khứ, là các vị Phật tương lai. Cho nên thường nghĩ cách báo ân.”

Chúng sanh từ vô thỉ đến nay đã từng làm cha mẹ của chúng ta, có mang ân qua lại, kiếp này do bị vô minh chướng ngại nên không thể nhớ biết cha mẹ kiếp trước. Nhân vì trải qua nhiều kiếp có nhân duyên đại bi cho nên chúng ta phải biết ân đối với tất cả chúng sanh, xem tất cả người nam là cha lành, tất cả người nữ là mẹ hiền. Cho nên, không được sát sanh mà phải phóng sanh và làm điều lợi ích cho tất cả chúng hữu tình.

Kinh Địa Tạng có nói: “Tất cả chúng sanh khi chưa được giải thoát, tâm thức vô định, làm ác thì kết nghiệp ác, làm lành thì kết nghiệp lành, tùy cảnh mà sanh, lưu chuyển trong năm đường, không khi nào dừng nghỉ, trải qua nhiều kiếp, mê hoặc chướng nạn, như cá vào lưới, vừa thoát khỏi chỗ này lại liền bị sa vào chỗ khác.” Do vậy, để báo đáp thâm ân chúng sanh từ nhiều kiếp đến nay, điều quan trọng là phải phát tâm hành Bồ Tát Đạo, cứu giúp chúng sanh thoát khổ luân hồi lục đạo.

III. ÂN QUỐC GIA

Mặc dù cha mẹ sư trưởng sanh thành giáo dục chúng ta, bồi dưỡng Pháp thân của chúng ta; mười phương chúng sanh cho chúng ta những điều kiện thuận lợi trong cuộc sống và trong nhiều kiếp quá khứ đã từng làm cha mẹ của chúng ta, nhưng chúng ta còn phải mang ơn quốc gia chính phủ đã bảo hộ đời sống an toàn cho chúng ta. Một Nhà Nước nhân bản tuy không phải là tuyệt đối nhưng chắc chắn sẽ hướng dẫn cho người dân làm điều đúng đắn, sống theo Pháp Luật. Trong Kinh điển Phật Giáo thường đề cập đến phương thức lãnh đạo của Chính Phủ, tổng hợp các Kinh đó quy vào 7 điểm như sau:

1. Tôn trọng Pháp luật: Chính Phủ phải nên thiết lập đầy đủ các điều luật đúng theo pháp luật, tôn trọng pháp luật, phải lấy pháp luật làm đầu, phải nỗ lực bảo hộ đạo lý con người không cho hư hoại.

2. Chiêu hiền đãi sĩ: chính phủ nên biết tôn trọng các bậc nhân tài hiền đức, các bậc học giả, chuyên gia, các bậc Sa Môn, thường nên cùng với họ thảo luận những việc lớn của nước nhà, điều nên làm thì phải làm, điều nên bỏ thì phải bỏ.

3. Giúp đỡ những người nghèo khổ: Chính phủ nên giúp đỡ những người nghèo khổ neo đơn, chăm sóc những người bất hạnh không nơi nương tựa.

4. Giáo dục đạo đức xã hội: Chính phủ nên dùng đạo đức mười điều thiện để làm phương châm giáo dục con người, khiến cho xã hội có nền tảng đạo đức thuần thiện.

5. Phát triển kinh tế: Chính phủ luôn xem trọng đời sống kinh tế của nhân dân, dùng nhiều phương pháp nâng cao đời sống người dân, khắc phục hoàn cảnh thiếu thốn đói nghèo.

6. Vai trò ngoại giao và tiếp nhận văn minh: Chính phủ nên mở rộng quan niệm lãnh đạo, vận dụng tình thương và lý trí đón nhận mọi văn minh thế giới để xây dựng đất nước.

7. Chính sách dân chủ: Chánh phủ nên mở rộng các hội nghị dân chủ, thúc đẩy tính dân chủ để giải quyết lợi ích cho nhân dân.

Chúng ta nương tựa vào quốc gia mà sinh tồn, cho nên cần phải hợp tác hết lòng với công tác quốc gia xã hội. Nếu có năng lực nên giúp đỡ đất nước, như có kỹ năng phải cống hiến cho việc kiến thiết; có trí tuệ thì phải kiến nghị xây dựng; tóm lại nếu có tài lực thì phải tận lòng phụng sự quốc gia. Mỗi người từ cương vị và công việc của mình mà hết lòng báo đáp ân quốc gia.

IV. ÂN TAM BẢO

Tam Bảo là Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo; trong đó Pháp là chân lý, Phật là bậc phát hiện chân lý, Tăng là bậc xuất gia hoằng truyền chân lý. Tam Bảo khó mà có thể gặp được, là của báu hiếm có trong thế gian, là thuyền báu giải thoát thế gian. Tài vật ở đời chỉ giải quyết vấn đề đời sống vật chất cho con người. Tam Bảo có khả năng giải quyết vấn đề giải thoát sinh mệnh con người, giúp chúng ta thoát ly biển khổ, đạt đến Niết Bàn giải thoát.

Công đức của Tam Bảo vô lượng vô biên. Kinh Phật dạy rằng: “Tam Bảo xuất hiện ở thế gian làm lợi ích cho chúng sanh không ngằn mé. Công đức cao lớn của Tam Bảo núi báu không thể sánh, phước đức thâm sâu hơn đáy biển, trí tuệ vô ngại tựa như hư không. Tất cả chúng sanh, do nghiệp chướng phiền não đọa lạc trong biển khổ; Tam Bảo xuất thế như con thuyền lớn chuyên chở chúng sanh vượt qua biển khổ đến bờ giải thoát, cho nên ân Tam Bảo khó báo đáp.

Tam Bảo giúp chúng ta đạt được cứu cánh giải thoát, ân đức rộng lớn vô cùng vô tận, chúng ta nên báo đáp như thế nào? Trong “Kinh Pháp Hoa”, “Kinh Vô Lượng Thọ”, “Kinh A Hàm”, “Luận Thập Trụ Tỳ Bà Sa”, “Luận Thập Địa Kinh”, “Đại Nhật Kinh Cúng Dường Pháp Sớ’, “Đại Nhật Kinh Nghĩa Thích”, Pháp Hoa Văn Cú”.v.v… trong các Kinh Luận đó đều giảng rõ. Nay nói gọn vào các điểm sau:

1. Cúng dường Phật: Lễ bái, tán thán, tu sửa tâm ý; thường nhớ nghĩ công đức viên mãn, tướng hảo quang minh của Phật; cúng dường hương hoa, anh lạc, hương xoa, hương đốt, bảo cái, tràng phan, y phục, âm nhạc, tất cả các thứ trang nghiêm cúng dường tượng Phật.

2. Cúng dường Pháp:
Biên soạn sách báo tuyên dương giáo nghĩa Phật dạy, cung kính cúng dường, bố thí kinh sách, nghe kinh và nghe pháp, nghiên cứu Phật lý, tinh tấn tu trì, diễn thuyết Phật pháp, tuyên đọc kinh văn, tư duy giáo nghĩa, y giáo phụng hành; tất cả đều là thuộc cúng dường Phật Pháp.

3. Cúng dường Tăng: Cúng dường Tăng đoàn các món ẩm thực, y phục, đồ nằm, thuốc men trị bệnh; mục đích giúp chư Tăng Ni chuyên tâm hoằng pháp, thực hành công tác tịnh hóa nhân tâm. Trong các món cúng dường, pháp cúng dường cao thượng nhất, tức là thực hành giáo nghĩa và cung kính Tam Bảo.

C. KẾT LUẬN:

Nếu không có nhân duyên bốn ân, chúng ta không có đủ duyên tồn tại trên đời này; cho nên, đối với ân cha mẹ, sư trưởng, chúng sanh, Tam Bảo thường biết ơn và báo ân. Kinh dạy: “Người biết tri ân, tuy ở trong cảnh sanh tử mà căn lành không mất, nếu không biết tri ân thì thiện căn đoạn diệt, cho nên Đức Phật thường tán thán người biết tri ân và báo ân. Tri ân báo ân là đạo lý căn bản làm người. Con người là tối thượng trong của vạn vật, nếu không biết tri ân thì không hơn gì cầm thú, làm sao mà thoát ly sanh tử luân hồi?

Thông thường trong thế gian, có người quen sống vì lợi ích bản thân mình, muốn thu vào, không muốn cho ra, suy nghĩ chuyện lừa đảo, tranh giành quyền lợi, tạo ra nhiều điều thống khổ cho mình và người khác. Nếu chúng ta thường nhớ nghĩ vấn đề tri ân và báo ân để quán xét thì mở lòng bao dung tất cả, có trách nhiệm với chính bản thân mình thì chuyện thị phi, phiền não, tật đố, tham sân đều biến mất, từ đó con người sẽ có được đời sống hạnh phúc mỹ mãn.


Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.17 khách