Trở về với tình thương đậm sâu

Chia sẻ, thảo luận học hỏi ngũ giới, tám giới, thập giới, đạo đức, phương pháp giáo dục và những vấn đề liên quan.
Van hoa doanh nghiep
Bài viết: 40
Ngày: 23/04/09 23:51
Giới tính: Nam
Đến từ: Vietnam

Trở về với tình thương đậm sâu

Bài viết chưa xem gửi bởi Van hoa doanh nghiep »

Hơi Thở Tinh Khôi
Trở về với tình thương đậm sâu

Nếu rửa tay là một mầu nhiệm thì súc miệng là mầu nhiệm khác. Súc miệng để bảo vệ răng miệng, ai mà
không biết. Nhưng súc miệng bằng bài kệ chánh niệm thì còn giỏi hơn. Súc miệng cho tâm sáng bừng, giống như mua Sunlight trà xanh về rửa chén, chén sáng bừng. Tâm bị đủ thứ virus tấn công nên nhiều lúc phải chà sạch tâm bằng thuốc sát trùng. Chải răng cho sạch nhưng cũng chải cho tâm. Tâm sạch thì răng mới sạch. Tâm là nguyên nhân phát sinh ra lời nói. Lời nói từ dây âm thanh ở cổ họng phát ra tiếng nói từ miệng. Miệng là nơi vừa mới chải răng. Lời nói thơm tho thì chải răng có công hiệu. Dùng kem đánh răng mắc tiền, bàn chải hàng hiệu, đứng trong nhà vệ sinh mười sao nhưng lời nói ác ngữ thì việc chải răng kia vô ích. Chải răng cho lời nói đẹp, câu chữ vui tươi và chánh ngữ hiện trên môi. Chàng trai bị cô gái hút hồn vì đôi môi của cô ấy. Về nhà mơ tưởng đôi môi, mất ăn mất ngủ vì đôi môi, sức khỏe công việc sa sút vì đôi môi. Đôi môi có sức công phá chàng trai ghê gớm đến như vậy. Đến lúc không chịu nổi, anh đánh liều bắt chuyện với cô gái. Nhưng bao nhiêu chờ đợi bấy lâu không được đáp ứng. Lời nói của cô như một phù thủy trá hình, bao nhiêu chợ cá, chợ muối, chợ thịt cô đem ra áp dụng hết. Chàng trai chưng hửng và bật ngửa. Thần tượng sụp đổ. Người đẹp cách mấy cũng không bằng lời nói thơm tho. Súc miệng nhắc nhở thực tập chánh ngữ, gương mặt rạng rỡ, hành xử dễ mến và đem con người đến gần nhau.

1.7. Súc miệng

Súc miệng tâm sáng bừng

Thơm tho từng lời nói

Gói ghém từng câu chữ

Chánh ngữ hiện trên môi.

1.8. Rửa mặt

Rửa mặt rửa phiền não

Rửa bụi bậm trần gian

An lạc luôn chứa chan

Niềm vui trên ánh mắt.

1.9. Đánh răng

Đánh răng thật hạnh phúc

Nguyện sống đời tri túc

Tâm ý đẹp vút cao

Cùng gửi nhau lời chào.

Mỗi lần đi ra ngoài về, tôi thường thích rửa mặt bằng nước mát. Nước có tác dụng trị liệu và mát xa rất giỏi. Bây giờ người ta thích làm đẹp bằng mỹ phẩm nhưng nước là một thứ mỹ phẩm mà không loại nào có thể sánh bằng. Phả nước vào mặt, sự tươi mát thẩm thấu cả châu thân. Bao nhiêu bụi bậm và phiền não đều tan biến hết. Trần gian này có nhiều bụi bậm và phiền não nhưng nếu rửa sạch, trần gian sẽ có nhiều an lạc và niềm vui. Thiên đường hay địa ngục ở ngay trần gian này, không phải ở phương Tây, phương Đông, phương Nam hay phương Bắc. Nếu bụi bậm và phiền não chất đầy, hãy dọn dẹp và lau chùi nó đi, trần gian sẽ tươi sáng trong bình yên và hạnh phúc. Nhiều người tìm đến cái chết vì nghĩ rằng trần gian này thật ghê gớm và cố gắng tìm đến thế giới bên kia. Thế giới này tươi đẹp như vậy còn không cảm thấy hạnh phúc, làm sao chắc chắn được thế giới bên kia sẽ có hạnh phúc. An lạc có ngay đây, nếu anh hay chị muốn, tôi sẽ bán cho anh chị không lấy tiền, nhưng khi mua nó rồi anh chị hãy biết sử dụng và tận hưởng nó. Sống cuộc đời tri túc, biết rõ mình đang sống, ngắm nhìn những mầu nhiệm của sự sống thì sự sống là đây, ngay tại thế giới này, làm gì phải sầu khổ chi cho mệt. Hãy trao nhau những nụ cười thân thiện, lời chào thắm thiết, tình thương chân thành sẽ thấy yêu quý cuộc sống này. Cha mẹ cho ta sự sống, ta không có quyền tước bỏ nó dù bất cứ giá nào. Dùng khăn lau đi những phiền giận, không cho năng lượng của nó ra oai. Những phiền giận trong ngày được xóa bỏ chỉ bởi vài hành vi lau khô nước trên gương mặt. Có người rất tội nghiệp, họ để cho phiền giận đóng vảy, giăng cột điện và chất chứa rác rến trên mặt mà không chịu lau nó đi, khiến cho tâm thêm lận đận, tâm đâu phải để cưu mang những thứ như vậy. Tâm dùng để sống vị tha, cho nỗi buồn đi qua. Buồn hay vui do mình chọn và chẳng ai dại dột đi chọn nỗi buồn. Buồn ơi, chào mi. Tôi đọc lời tựa này ở đâu đó nhưng cảm nhận tác giả của nó có vẻ chân thành với nỗi buồn, chấp nhận nhưng không bi lụy. Biết tha thứ, thân tâm khỏe re, có thêm bạn bớt thù, cho phép gương mặt nghỉ xả hơi, mọi căng thẳng rong chơi hết. Nỗi buồn đến rồi sẽ đi, lau đi nỗi buồn trên gương mặt mang lại vẻ hiền hòa vốn có của nó. Ta cảm thấy dễ thương hơn trong ta và trong mắt mọi người.

1.10. Lau mặt

Lau mặt hết phiền giận

Tâm không còn lận đận

Cần mẫn sống vị tha

Cho nỗi buồn đi qua.

« Mẹ may cho chiếc áo xanh mong đời em thơm lành ». Tiếng hát Quốc Thiên làm tôi nhớ đến mẹ. Ngày xưa mẹ nhịn ăn để mua một cái áo trắng cho tôi đi học. Chiếc áo làm bằng xương bằng thịt bằng máu bị mất đi vì nhịn ăn của mẹ. Mặc áo mà thương mẹ. Người mẹ trong bài hát có thể thức thâu đêm may cho đứa con một chiếc áo xanh để che thân với cuộc đời. Ngày mai, con mặc chiếc áo mẹ may, tất cả tình thương con mẹ may thành áo, tình thương của mẹ bao bọc cả thân thể con. Bây giờ là một tu sĩ, tôi mặc chiếc áo màu nâu, mà tâm thầm tiếc không còn được mặc áo mẹ may. Mỗi khi mặc áo là mỗi lần mặc tình thương. Áo không rời thân nên tình thương không rời thân. Bốn tâm vô lượng Từ, Bi, Hỷ, Xả là tình thương to lớn đem lại hạnh phúc lâu dài cho thế gian. Từ là tình mến thương, ban niềm vui cho chúng sanh và giúp chúng sanh có được niềm vui trong sạch. Bi là tình xót thương nỗi khổ của muôn loài, hướng dẫn chúng sanh dứt trừ mọi đau khổ, dù lớn hay nhỏ đều dứt hết. Hỷ là vui với cái vui của chúng sanh, xây dựng niềm tin trong hiện tại và phát triển tâm bồ đề cao rộng. Xả là buông bỏ tất cả mọi chấp trước, thực tập tâm bình đẳng không phân biệt bất cứ ai và nuôi dưỡng tâm hồn cao thượng quảng đại. Người sống với tâm vô lượng chắc chắn có hạnh phúc vô lượng. Hạnh phúc này không mua được bằng tiền hay các trò giải trí thế gian mà phải thực tập. Người tu sĩ sớm tối nương vào chiếc cà sa như chim nương đôi cánh tung bay bầu trời xanh. Khoác chiếc cà sa, tu sĩ được nhắc nhở mình là tu sĩ, sống cuộc đời hoàn toàn trong sạch của tu sĩ. Cà sa là người bạn tu, bảo hộ và gìn giữ tâm. Đôi tay giang rộng ôm lấy hết chúng sanh, ôm lấy mọi nỗi khổ niềm đau, không chừa một ai. Chuyển hóa mọi nỗi đau thành ngàn lời ca thái bình. Tu sĩ chỉ nói lời ái ngữ, đẹp đẽ và dễ thương như lời ca. Lời ca bay xa, bay vào không gian và thời gian, đánh thức tâm bồ đề của chúng sanh, mang chúng sanh về với hiện tại giác ngộ. Tăng là bậc đạo hạnh, phước điền rộng lớn, năng lượng bao trùm nơi nơi. Nhìn thấy Tăng như nhìn thấy Phật. Người vô phước không có cơ hội nào nhìn thấy Tăng nói chi nhìn thấy bức tượng của đức Phật. Con người ai cũng có Phật tánh, Pháp tánh hay Tăng tánh, tức là có thể thực tập tiếp xúc với Niết Bàn trong phút giây hiện tại. Nếu làm được như vậy, chân trời mới rộng mở, con đường thênh thang, sự sống trào dâng trong từng tế bào cơ thể. Ngọc trong đá có thể tìm ra, hoa trên sa mạc có thể nở khi niềm tin hoàn toàn đặt vào Tam Bảo và toàn tâm toàn ý thực tập theo niềm tin đó. Tuy nhiên, niềm tin chỉ thành hiện thực khi đem nó ra thực tập, niềm tin suông chỉ vẽ vời bản ngã của mình, làm xói mòn Tam Bảo mà thôi.


1.11. Mặc áo tràng

Mặc chiếc áo màu nâu

Cho tình thương đậm sâu

Hành bốn tâm vô lượng

Nguyện hạnh phúc bền lâu.

1.12. Mặc áo cà sa

Sớm tối nương vào chiếc cà sa

Giang rộng đôi tay ngàn lời ca

Phước điền rộng mở chân trời mới

Niềm tin phơi phới nở muôn hoa.

Mang vớ là bài tập đơn giản nhưng không phải dễ. Khi mang vớ, tâm ta hay phóng về việc mang dép, mang giày hay mong muốn nhanh chóng bước đi. Tâm thường nằm trong tình trạng bị phóng đi dù đối tượng được chú ý tới ở tương lai gần. Nếu đem tâm trở về với đôi vớ đang được mang vào chân, đôi vớ có mặt và bàn chân có mặt. Có người không có cơ hội mang vớ vì không có tay không có chân. Mang vớ để thấy hạnh phúc vì còn có đôi tay nhiệm mầu và đôi bàn chân để đi. Lòng dặn lòng nuôi dưỡng ý chí chuyển hóa những khổ đau trong thân và tâm. Thân có nhiều bươn chãi và dồn nén hay những mất mát của thân làm tâm đau đớn. Tâm cũng vậy. Nhiều lúc tâm phải đối diện với sự ra đi của người thân, sự đòi hỏi quá mức về hưởng thụ hay bản năng phóng tới phóng lui. Quay về với hiện tại để thấy dù một phần thân thể bị mất nhưng vẫn may mắn còn sống, hay thân mệt mỏi được phép nghỉ ngơi và lắng dịu. Tâm nương theo hơi thở quay về với đôi tay hay đôi chân. Tâm gọi thầm, đây là tay ta, đây là chân ta. Nhờ vậy ta biết ơn thân thể cho cơ hội thực tập chánh niệm và làm nhiều việc. Khổ đau có mặt không phải để khổ hay đau. Khổ đau chỉ là quan niệm. Làm người không biết khổ đau có thể vô cảm. Tuy nhiên, ý thức về khổ đau chính là lúc khả năng làm vơi khổ đau. Chuyển hóa các khổ đau không phải bằng cách trốn chạy hay gây áp lực với nó, mà bằng thỏa hiệp, cho nó thời gian được vỗ về và tan đi. Có mặt của khổ đau thì có mặt của hạnh phúc. Hạnh phúc đơn giản là vắng mặt các khổ đau.

Khi bản thân không thể nương tựa chính mình thì tạm thời nương tựa tăng thân. Tu sĩ nương tựa tăng thân như con cái nương tựa cha mẹ. Cha mẹ là gia đình huyết thống và tăng thân là gia đình tâm linh. Tăng thân có một thứ năng lượng có thể giúp người tu sĩ còn non trẻ đứng vững trên đôi chân của mình. Xa rời tăng thân xem như bị mất gốc, giống như đứa con mất đi cha mẹ mình. Mang dép hay dùng đũa đều đi đôi, tu sĩ đi cùng với tăng thân. Hạnh phúc hay đau khổ của tu sĩ là hạnh phúc hay khổ đau của tăng thân. Nhưng nhờ có tăng thân, tu sĩ được che chở và an toàn. Tăng thân ở đâu, tu sĩ ở đó. Đường tu nhiều gian nan và lắm chông gai. Không có con đường hạnh phúc nào trải đầy hoa hồng. Nhưng chính chông gai đó, tu sĩ được gọt dũa, bị gai đâm, bị gây khó dễ và nhờ vậy trở nên mạnh mẽ, kiên cường. Vì sao thế ? Nếu ngã, tăng thân đỡ, nếu té, tăng thân nâng. Một mai tăng thân không còn, tu sĩ đủ sức vượt qua chính mình và nương tựa chính mình. Chánh niệm đưa sức mạnh tăng thân đi vào đời sống tu học. Ta trở thành yếu tố của tăng thân và ngay lúc này lại tiếp tục làm nhiệm vụ muôn thuở của tăng thân, làm nơi nương tựa cho người khác.

1.13. Mang vớ

Mang vớ phải chú ý

Nhớ điều phục tâm trí

Luôn nuôi dưỡng ý chí

Chuyển hóa những khổ đau.

1.14. Mang dép

Dép cũng như đôi đũa

Thường phải có cả hai

Đường tu dù chông gai

Tăng thân nơi nương tựa.

(Theo sách: Hơi Thở Tinh Khôi - Tác giả: Thích Minh Thạnh)

Xem thêm tại: http://vn.myblog.yahoo.com/sc_minhthanh


Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.3 khách