Hơi Thở Tinh Khôi
Ban Tặng Sự Tinh Khiết - Buông Bỏ Những Lo Toan
Tăng thân như chiếc nón che mưa nắng. Nón lá, mũ lưỡi trai, nón rộng vành hay nón bảo hiểm có khả năng làm dịu ánh nắng, ngăn cách cơn mưa và bảo vệ mái đầu. Đội nón nhắc nhở ta không nên để thân và tâm xa rời nhau, giống như nón phải đi liền với mái đầu.
Khiêm cung là bài thực tập đầu tiên bất cứ ai cũng phải làm. Khi nhìn người, ta có quyền nhìn ưu điểm và khuyết điểm nhưng cả hai yếu tố này đều có thể mang tính tích cực. Học hỏi từ ưu điểm để phát huy và học hỏi từ khuyết điểm để tránh. Nhờ khuyết điểm của người mà nhìn ra khuyết điểm hay ưu điểm của mình. Không sử dụng khuyết điểm của người khác để chỉ trích mà dành thời gian đó soi rọi bản thân. Ta chưa bao giờ hoàn thiện thật sự nên chớ vội lên tiếng khen mình chê người. Lắng nghe là cách học hỏi hay nhất. Người biết lắng nghe là người may mắn và thông minh vì suốt đời không bao giờ biết ngừng học. Khoe khoang bản thân chỉ là cách đem kiến thức ra phơi nắng, ngày nào đó sẽ khô và bốc cháy. Mớ kiến thức còn lại là đống tro tàn vô dụng, gió thổi làm bay đi tứ phía không còn lại gì. Khen mình chê người chỉ đề cao bản ngã, làm lu mờ con đường giải thoát và dễ dàng rơi vào tà kiến. Bản thân không rơi vào tranh cãi hay lạc vào thế hơn thua được mất. Chẳng có gì được cũng chẳng có gì mất. Nếu ai muốn thắng, hãy dành cho người thắng, đâu cần phải tranh cãi, đâu cần phải cạnh tranh.
Xá chào là cách thực tập khiêm cung thật hay. Ai cũng có thể trở thành Phật nên không thể khinh thường người nào. Lạy Phật năm vóc sát đất buông bỏ mọi ngạo mạn, xá chào người buông bỏ mọi khinh chê vì tương lai gần hay xa, người sẽ thành Phật. Chắp tay hình búp sen ban tặng cho người sự tinh khiết, thanh bạch và vững chãi. Người đáng cho ta được cung kính, người là vị Phật của tương lai và hiện tại người đang bước trên con đường thực tập giáo lý của Phật. Hạt giống của ngày hôm gieo trồng cho ngày mai. Hạt lúa gieo xuống để ngày mai gặt hái. Muốn được lúa tốt phải chọn giống tốt. Muốn ngày mai thành Phật, hãy thực tập vun bồi hạt giống Phật ngay hôm nay. Búp sen thơm ngát tỏa hương trong lòng bàn tay, ôm ấp khiêm cung, cung kính đến người. Khen hay chê chỉ là sự thăng trầm của tâm nhưng khiêm cung làm cho tâm cân bằng không bay nhảy. Tay phải và tay trái chắp lại nhau thì không còn phân biệt trái hay phải, cũng vậy, ta và người chỉ là một, thương người là thương chính mình. Mọi phân biệt đều không còn và tâm bình đẳng phát khởi. Thương người như thể thương thân. Ta và người nào có khác gì nhau, Phật và chúng sanh cũng chẳng khác gì nhau. Phật chẳng qua là chúng sanh đã giác ngộ, còn ta là chúng sanh vì vẫn còn mê muội. Dẹp bỏ mọi sai lầm và mê muội này sẽ giác ngộ và thành Phật thôi.
1.15. Đội nón
Chiếc nón che mưa nắng
Thân tâm không xa vắng
Khiêm cung gắng thực tập
Soi rọi vào bản thân.
1.16. Xá chào
Xá chào ban tặng niềm vui
Vị Phật tương lai ra đời.
Ở IDÉCAF nơi tôi học tiếng Pháp, nhiều người đi như bị ma đuổi hoặc không biết là mình đang đi. Nhưng ai cũng phải chú ý có một ông thầy tu đi chậm rãi thong dong giữa muôn vàn người hối hả. Tôi đi thiền hành khắp nơi, đến phòng giáo vụ, ra chỗ để xe, lên lớp học, thậm chí đi vệ sinh. Tôi hoàn toàn an trú trong bước chân của mình và lúc nào cũng thấy an lạc, nhẹ nhàng. Hạnh phúc khắp nơi, đâu chỉ ngồi ở thiền đường mới có hạnh phúc. Thời tiết nóng nực của mùa xuân đang giáp hè không làm tôi khó chịu mà điều này còn nhắc nhở tôi ý thức mình đang đi thiền hành nhiều hơn nữa. Chậm rãi thì không phải chảy mồ hôi nhễ nhại, thân tâm cũng khoan khoái. Nhiều học viên chạy như gió vào lớp học rồi ngồi xuống thở hổn hển. Làm vậy có ích gì, đi đứng an toàn vẫn hơn. Đi thiền lững thững giữa không gian, khung trời thơ mộng và sung sướng vì vẫn có thể bước đi. Hiện tại hiện tiền trong từng nhịp chân, ý thức được ta đang bước, ta đang đi, không cần sự hỗ trợ của chiếc gậy hay người dìu dắt. Đi chỉ để đi thôi, đâu cần phải tới nơi, nơi tới ở từng bước chân thì hà cớ gì phải mong mỏi. Nếu không mang giày dép, để mặt bàn chân tiếp xúc với mặt đất, ta thấy mình như đang trở về với đại địa. Da thịt này là một phần của đại địa và vì thế ta ôm lấy đại địa, cho phép đại địa nâng niu vỗ về ta. Mùi hương của đất hoà quyện cùng cỏ cây nuôi dưỡng ta rất nhiều, đất thật thơm và huyền diệu và đất chẳng bao giờ phân biệt nghèo hay sang. Quẳng đi những đôi giày thô cứng hay đôi cao gót thô kệch, bước chân vào đất mẹ để thấy đất mẹ hiền hoà thế nào. Khi chết đi, thân xác tan rã và trở về với đất, đất đón nhận hết tất cả mọi nhục thân, không chê bai, không kỳ thị. Đất dễ thương như vậy mà ta cứ làm đất hoen ố, đổ bao nhiêu thứ rác và cặn bã hoá chất, cho nó khô cằn và biến dạng. Tội nghiệp cho đất, thương quá đất ơi.
Bước chân phải rồi bước chân trái. Khi chân trái bước ta biết chân trái bước, khi chân phải bước ta biết chân phải bước. Thật an lạc và nhẹ nhàng làm sao. Đôi chân có công năng nhiệm mầu đưa ta trở về với đất, với hiện tại. Đất đai nhiều như thế nhưng có bao giờ ta biết đất đang có mặt cho ta hay không ? Từ đất, cây trái mọc lên, đồng lúa xanh mơn mởn và trẻ em nô đùa trong vườn. Nhìn hoa lan nở, hoa lan chính là đất đấy thôi. Ông bà hay nói quê cha đất tổ hay giữ gìn đất mẹ. Đất là máu mủ là ruột thịt. Đất nuôi lớn không biết bao nhiêu thế hệ.
Tiếng chuông chùa nhè nhẹ buông bỏ lại sau lưng những lo toan của thường nhật, nhắc nhở ta hãy buông thư và bước đi chánh niệm. Đi quá nhanh là dáng đi của thất thểu và sợ hãi. Đi chậm rãi là dáng đi của an nhiên tự tại. Mặt đất như có năng lượng truyền cho ta qua đôi chân niềm tin vào sự sống, thật thảnh thơi và tươi mát.
Niết Bàn nằm ở đôi bàn chân, nên không cần tìm cầu ở đâu nữa. Buổi sáng mặt trời mọc và buổi chiều trăng lại lên. Thiên nhiên kỳ vĩ biết bao, vậy mà ta không chịu đón nhận. Ta để cho hờn giận, ghen tuông, trách móc, bực bội, cạnh tranh, đua đòi... chiếm hết thì giờ. Đôi chân đi du lịch khắp nơi, qua Mỹ, qua Pháp, qua Nam Phi... nhưng chưa bao giờ đôi chân thực sự đi. Đôi chân trước đây chỉ làm công việc máy móc của nó chứ chưa quay về bản chất Niết Bàn của đôi chân. Đôi chân hay đánh mất mình, chỉ lo phục vụ quá khứ hay tương lai và khiến phút giây hiện tại bị quên lãng. Tội nghiệp hiện tại, hiện tại là món quà vô giá, là mặt trời trên cao, là vầng trăng dịu êm, là bàn tay mẹ, là tiếng cười trẻ thơ, là suối róc rách chảy, là ríu rít tiếng chim, là ngàn hoa đua nở,... Bởi vì vô tâm, ta để cho hiện tại bơ vơ, cằn cỗi và suy nhược. Đi thiền hành có khả năng làm mới hiện tại, đưa hiện tại lên ngôi và dìu dắt ta trở về. Bây giờ ta có ước hẹn với hiện tại, ở ngay đây trên mặt đất này ta có ước hẹn với hiện tại. Hiện tại nuôi dưỡng ta bao tháng ngày, sáng hay chiều, mùa mưa hay mùa khô. Ta không còn chạy theo tiếng gọi của người đàn ông hay người đàn bà, của tiền tài danh vọng, của đấu tranh quyền lợi hay của thế giới ảo viễn vong. Ta cứ tưởng không dứt ra được nhưng kỳ lạ thay, chỉ cần bước đi chánh niệm thôi, mọi tiếng gọi đó đều được buông bỏ.
1.17. Đi thiền hành (1)
Bàn chân chạm mặt đất
Trở về với đại địa
Chân phải rồi chân trái
Thật an lạc nhẹ nhàng.
1.18. Đi thiền hành (2)
Chân phải bước
Chân trái theo
Chân phải đều
Chân trái vững
Chân phải đứng
Chân trái buông
Nghe tiếng chuông
Đi thiền hành.
1.19. Đi thiền hành (3)
Từng bước cứ đi
Đạp vào sự sống
Không cần vội vã
Không cần hối hả
Niết Bàn là đây
Ở cuối chân mây
Mặt trời ló dạng
Khi đã chạng vạng
Trăng cũng vừa lên
Từng bước bỏ quên
Quá khứ tương lai
Hạnh phúc hiện tại
Bây giờ ở đây.
(Theo sách: Hơi Thở Tinh Khôi - Tác giả: Thích Minh Thạnh)
Xem thêm tại: http://vn.myblog.yahoo.com/sc_minhthanh
Ban tặng sự tinh khiết
-
- Bài viết: 40
- Ngày: 23/04/09 23:51
- Giới tính: Nam
- Đến từ: Vietnam
Đang trực tuyến
Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến. và 7 khách