Cuộc đời cho ta những tĩnh lặng

Chia sẻ, thảo luận học hỏi ngũ giới, tám giới, thập giới, đạo đức, phương pháp giáo dục và những vấn đề liên quan.
Van hoa doanh nghiep
Bài viết: 40
Ngày: 23/04/09 23:51
Giới tính: Nam
Đến từ: Vietnam

Cuộc đời cho ta những tĩnh lặng

Bài viết chưa xem gửi bởi Van hoa doanh nghiep »

Hơi Thở Tinh Khôi
Cuộc đời cho ta những tĩnh lặng


Thiền đường là nơi tập trung các tu sĩ lại với nhau cùng thực tập thiền, nhưng thiền đường đâu chỉ có trong chùa mà còn có ở nhà, công sở, văn phòng chính phủ hay thư viện trường học. Ở đâu cũng là thiền và mọi nơi đều là những bạn tu. Vào thiền đường lập tức theo dõi hơi thở. Gương mặt đức Phật nhắc nhở ta phải buông bỏ đi thôi, đâu có gì phải vướng mắc. Hơi thở giúp ta làm điều đó. Hơi thở vốn tinh khôi và mọi thứ đều có thể trở nên tinh khôi. Khi tâm hết vội vàng, nhiều người tưởng rằng tâm khép lại nhưng kỳ thực tâm đang mở ra đón nhận những bình yên của sự sống. Nhờ hơi thở, tâm trở về với thân, ôm ấp thân và khi thân an tịnh cũng là lúc tâm an tịnh. Thân và tâm đã là của nhau, nương vào nhau mà nắm lấy sự sống.

Đối với ngồi thiền, đó không phải là công việc hay trách nhiệm mà là nghỉ ngơi tích cực. Nếu cho rằng ngồi thiền để có hạnh phúc, để thấy cái này cái kia, để buông bỏ mọi thứ… thì đó không phải là thiền. Ngồi thiền chỉ để ngồi thiền, vậy thôi. Thiền không đưa ra danh sách mục đích vì cái gì có mục đích đều không phải thiền. Ép ngồi thiền càng sai hơn nữa, nhất là lúc mệt mỏi và căng thẳng quá mức. Khi nào thực sự thấy thanh thản và thoải mái hãy ngồi thiền. Đời sống tốc độ bắt con người ngồi thiền tốc độ. Nếu vậy ngồi thiền làm gì, ngồi thiền mà bực bội hay khó chịu thêm thì đừng có ngồi. Thiền chỉ là danh từ hay động từ nhưng nghe đến tên thôi, ta đã cảm thấy bình an rồi. Thở vào, ta thấy thật hạnh phúc vì được ngồi thở, ta cảm ơn hơi thở. Thở ra, hạnh phúc mang an lành hiện tiền, ta cám ơn cuộc đời cho ta những tĩnh lặng, những tuyệt vời. Sự sống trong hơi thở, tắt thở thì không còn sự sống. Theo dõi hơi thở vào ra để thấy sự sống ở trong ta và ta có trách nhiệm sử dụng hơi thở cống hiến cho sự sống. Có thể ta không chú ý đến hơi thở nhưng hơi thở lúc nào cũng chú ý đến ta và có mặt cho ta 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Đất trời thật thênh thang, hơi thở cũng vậy. Bấy lâu ta không hề biết hơi thở thênh thang như đất trời. Chỉ cần lắng nghe hơi thở thôi, ta sẽ thấy được che chở và dìu dắt, hơi thở kỳ lạ đến vậy.

1.20. Vào thiền đường
Vào thiền đường
Theo hơi thở
Tâm cởi mở
Hết vội vàng.

1.21. Ngồi thiền (1)
Thở vào thật hạnh phúc
Thở ra thật an lành.
Thở vào thở thật sâu
Thở ra thở thật chậm.
Thở vào thật nhẹ nhàng
Thở ra thật bình an.
Thở vào thật tĩnh lặng
Thở ra thật tuyệt vời.

1.22. Ngồi thiền (2)
Ngồi thiền trong buông thư
Theo dõi từng hơi thở
Vào ra cho đậm đà
Sự sống ở trong ta.

1.23. Ngồi thiền (3)
Ngồi thiền khắp mọi nơi
Hơi thở đang gọi mời
Thân tâm luôn sáng suốt
Thênh thang giữa đất trời.

Thực tập chánh niệm bằng tụng kinh được nhiều người áp dụng, tu sĩ cũng như cư sĩ. Nhiều bài kinh có tác dụng tưới tẩm hạt giống hạnh phúc, nâng cao ý thức tu tập, nuôi dưỡng tâm bồ đề, xây dựng các mối quan hệ lành mạnh và đời sống gia đình. Khi tụng, phải nhất tâm, tức là chỉ chú trọng vào việc tụng kinh, không nghĩ tới quá khứ hay tương lai. Tâm an trú vào việc tụng kinh và hạnh phúc vì có cơ duyên được gặp kinh và học theo lời kinh dạy. Kinh chỉ bày các phương tiện, phương pháp tu tập làm mới tâm, buông bỏ mọi chấp trước và đi về nẻo đường lành. Người có phước mới gặp được kinh, người phước kém cỏi dù nhìn thấy kinh vẫn không thèm đọc. Từng câu chữ trong kinh đều là tâm huyết của đức Phật, tổ sư và sư phụ. Duyên theo từng câu chữ để thấy ý nghĩa của kinh và đem áp dụng vào đời sống hàng ngày. Đọc kinh mà không áp dụng sẽ thành máy đọc và máy đọc nhiều khi hay và truyền cảm hơn người đọc. Kinh được in thành sách nhưng kinh sẽ là vô nghĩa nếu đem nó chứng minh cho kiến thức đồ sộ. Không thực tập lời kinh dạy thì uổng lắm, thà không đọc còn hơn, nếu đọc rồi thì thực tập ngay, không chần chờ không do dự. Không chỉ mình ta nghe kinh, tổ tiên, các chư thiên và hương linh đều có thể nghe được. Nhờ vậy nhiều người đều tu tập và thấm nhuần giáo lý của đức Phật. Đọc kinh nhắc nhở bản thân tu tập, tiếp xúc với Niết Bàn trong phút giây hiện tại. Chỉ cần đọc kinh thôi cũng đủ làm vơi bớt khổ đau của thân và tâm, đồng thời có thể nghĩ đến người mình muốn hồi hướng, năng lượng của chư Phật có thể được truyền đến người đó dễ dàng. Thực tập theo kinh còn mang lại sức mạnh nhiều hơn thế. Khi năng lượng tu tập to lớn, không những ta chuyển hóa được bản thân mà còn giúp được không biết bao nhiêu người.

Chuông là vị Bồ Tát giúp chúng sanh tỉnh thức. Chuông vang đến đâu, chúng sanh tỉnh thức đến đó, cho nên chuông làm nhiệm vụ của vị Bồ Tát cứu độ chúng sanh, đã là Bồ Tát nên phải xá chuông và thỉnh chuông, không thể đánh chuông được. Chuông có công năng kỳ diệu, mọi ngõ ngách nào sâu thẳm đến đâu cũng đều thẩm thấu tới. Ánh sáng có thể bị ngăn cản nhưng âm thanh thì không. Âm thanh của chuông dù nhà chùa hay nhà thờ đều ngân vang khắp nơi, làm thức giấc những cơn ngủ say. Sáng sớm hay đêm khuya nghe tiếng chuông, lòng ta lắng đọng, mọi phiền não gần như tiêu tan hết. Người có tâm địa xấu xa nghe chuông giật mình, quay đầu gặp bờ, không bươn chãi trong sóng to gió lớn nữa. Ta có chuông đồng hồ báo thức, đang ngủ say nghe tiếng chuông phải choàng dậy. Tiếng chuông chùa cũng vậy, một tiếng thỉnh lên đánh vào tâm bồ đề của con người, nguyện thành tâm hướng Phật, tu tập theo chánh pháp. Tình thương của Bồ Tát hiện thân trong tiếng chuông, như phản xạ có điều kiện, đến lúc con người hãy quay về chính mình. Tiếng chuông quan trọng đến vậy, xá chào chuông nguyện chuông hãy nhớ cứu độ chúng sanh. Ngoài kia thiên hạ đang chìm đắm, đang chạy theo đủ thứ xa xí phẩm, nghe chuông buông bỏ mọi thứ. Người phiền não nặng nghe chuông cũng cảm thấy an tâm. Trong trường học, tiếng chuông hay tiếng trống trường báo hiệu giờ tập hợp hay báo hiệu giờ ra về, tập hợp để tập sống ngăn nắp và ra về để tập đoàn tụ với gia đình.

1.24. Tụng kinh
Tụng kinh phải nhất tâm
Duyên theo từng câu chữ
Tìm về với chân như
Chỉ thể tính tuyệt đối.

1.25. Xá chuông
Chuông là vị Bồ Tát
Ngân nga khắp trần gian
Nguyện thức tỉnh khắp chốn
Phiền não đều tiêu tan.

(Theo sách: Hơi Thở Tinh Khôi - Tác giả: Thích Minh Thạnh)
Xem thêm tại: http://vn.myblog.yahoo.com/sc_minhthanh


Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.11 khách