Nuôi dưỡng hạnh phúc và trị liệu khổ đau

Chia sẻ, thảo luận học hỏi ngũ giới, tám giới, thập giới, đạo đức, phương pháp giáo dục và những vấn đề liên quan.
Van hoa doanh nghiep
Bài viết: 40
Ngày: 23/04/09 23:51
Giới tính: Nam
Đến từ: Vietnam

Nuôi dưỡng hạnh phúc và trị liệu khổ đau

Bài viết chưa xem gửi bởi Van hoa doanh nghiep »

Hơi Thở Tinh Khôi
Nuôi dưỡng hạnh phúc và trị liệu khổ đau


Thiền

Thiền nói theo tiếng phạn là dhyana giúp hành giả sống thực sự sâu sắc trong hiện tại, không lo lắng về quá khứ, không sợ hãi về tương lai, thân tâm được thanh lọc, phát triển trí huệ và từ bi, đồng thời mang bình yên và tự do trở lại cho sự sống. Người nào cũng có thể thực tập thiền, cho nên ai cũng có thể có hạnh phúc, vượt thắng mọi sợ hãi và sống trong hiện tại dễ dàng. Thiền mang chất liệu của Niệm, Định và Tuệ, ba chất liệu này được phát khởi khi thực tập thiền. Tuy ba tên gọi khác nhau nhưng đều bổ sung, hỗ trợ và làm nhân duyên cho nhau. Thiền gắn liền với hình ảnh của một tu sĩ ngồi nhắm mắt, tĩnh tọa và có vẻ trang nghiêm. Nhưng không chỉ có thế, thiền còn ở tư thế nằm, tư thế đứng, tư thế đi, làm việc, sử dụng vi tính, nghe điện thoại, tưới rau, chăm sóc cây, ăn cơm hay đi vệ sinh… Nếu ba chất liệu kia thực sự có mặt, chăm sóc cho ta và ngược lại cũng chăm sóc chúng, tức là ta đang thực tập thiền. Thiền không có nghĩa là chờ đợi hay đạt được mong ước. Thiền ngay bây giờ và ở đây. Không ai thực tập dùm ta mà chính ta phải làm công việc đó, công việc này không là nghĩa vụ hay quyền lợi, đó là chuyện bình thường đến mức tự nhiên. Thiền có tác dụng nuôi dưỡng và trị liệu thân và tâm: nuôi dưỡng hạnh phúc và trị liệu khổ đau. Người trẻ càng thực tập thiền càng thành công, không phải đợi đến già hay gần chết. Chùa chiền mọc lên dành cho người trẻ, các bài thực tập dành cho người trẻ. Người trẻ không biết hay không chịu thực tập thì uổng lắm. Còn trẻ phải biết lợi dụng thiền để hạnh phúc hiện tiền và kéo dài nó, già rồi mới thực tập thì hạnh phúc thật ngắn ngủi. Cũng vậy, thiền đâu nằm ở thiền đường, thiền còn nằm ở tất cả mọi nơi ta có mặt, như vậy hạnh phúc khắp nơi chứ đâu chỉ có ở thiền đường.

Niệm hay còn gọi là chánh niệm giúp ta ý thức chuyện đang xảy ra bên trong lẫn bên ngoài trong giây phút hiện tại. Sự sống chỉ thực sự có mặt trong hiện tại mà thôi và biết được hiện tại thì ta mới đang sống thật. Biết bao nhiều điều đang diễn ra với thân, với tâm và xung quanh. Ta không thể nào tiếp xúc toàn bộ nhưng ta có thể nhận diện điều làm ta chú ý nhiều nhất, nổi bật nhất, trân quý nhất hay quan trọng nhất. Trong phòng khách có ti vi đang bật và mẹ đang ngồi chung với ta. Dĩ nhiên ta đặt chánh niệm vào mẹ vì mẹ quan trọng hơn cả thảy. Khi niệm mẹ, mẹ hoàn toàn có mặt bên trong lẫn bên ngoài ta. Ta trở thành mẹ và mẹ trở thành ta. Ta biết mẹ thương ta và ta cũng thương mẹ. Nếu ta xem chiếc ti vi quan trọng hơn mẹ và niệm ti vi, mẹ lập tức biến mất khỏi cuộc đời mặc dù mẹ vẫn ngồi sờ sờ ra đó. Năng lượng niệm mạnh mẽ và cũng ghê gớm đến vậy. Khi theo dõi hơi thở, ta niệm hơi thở. Khi theo dõi bước chân, ta niệm bước chân. Khi theo dõi lặt rau, ta niệm lặt rau. Khi chú ý đến mẹ, ta niệm mẹ. Khi chú ý đến bực tức và nóng nảy, ta niệm bực tức và nóng nảy. Đối với bực tức và nóng nảy, nếu niệm liên tục, ta biết mình đang bực tức và nóng nảy, chất liệu chánh niệm làm ta buông bỏ nó, giúp nó thuyên giảm và chuyển hóa. Chánh niệm được thực tập mạnh mẽ, cái gì gọi là bực tức và nóng nảy không có điều kiện phát khởi và nếu như phát khởi, được nhận diện và hòa giải. Khi niệm đủ điều kiện, định phát khởi và đến lượt định đủ điều kiện, tuệ phát khởi. Tuệ ở đây giúp ta không sừng sọ hay hừng hẫy với bực tức và nóng nảy mà tuệ giúp ta biết chấp nhận, vui vẻ với số phận và thậm chí quay lại yêu thương ngay chính điều bực tức và nóng nảy kia.

Thiền Minh Sát

Thiền Minh Sát theo tiếng Pali gọi là Vipassana là việc thực tập thấu hiểu rõ ràng chính xác thân, tâm và những hiện tượng xảy ra bên trong và bên ngoài bản thân. Đây là bài thực tập cụ thể, chi tiết giúp hành giả tiếp xúc với thực tại cùng tột. Nhiều người thật dại dột khi chỉ trích, chê bai và thậm chí dùng lời lẽ ngăn cấm người khác thực tập Thiền Minh Sát nhưng không hề biết rằng biết bao nhiêu người thực sự hạnh phúc khi tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống trong hiện tại lúc thực tập loại thiền này. Thiền nào cũng chỉ là thiền, người học loại thiền A hay B đều có thể học hỏi với loại thiền C hay D, không nên chê bai lẫn nhau mà hãy dành thời gian thực tập và phát triển bản thân. Mỗi ngày ta thấy, nghe, ngửi, nếm, sờ đụng, suy nghĩ không biết bao nhiêu sự việc nhưng lại không ý thức được. Thiền Minh Sát giúp ta ý thức được chúng và thấy sự sống quá đỗi muôn màu. Ý thức mạnh mẽ tạo nên hiện tượng hiển nhiên của hiện tượng, ta biết cái đang là chính là thực tại cùng tột, dù chấp nhận hay không thực tại vẫn chỉ là thực tại. Thở vào bụng phồng lên, thở ra bụng xẹp xuống. Hoa mai nở hoa mai màu vàng, hoa mai tàn, màu vàng đậm lên rồi trở nên nâu và đen đi. Nhận biết rõ ràng hiện tượng, ta không khắc khoải về màu vàng của hoa mai và không tìm kiếm hay chờ đợi hoa mai về với đất. Màu vàng hay về với đất là bản chất vốn có của hoa mai. Thiền Minh Sát nếu thực tập vững vàng, ta sẽ thấy hạnh phúc khi hoa mai nở vàng ươm và cũng thấy hạnh phúc khi hoa mai về với đất, đất lại tiếp tục làm nhiệm vụ nuôi dưỡng cây mai và hoa mai mới lại xuất hiện.

Hành giả thực hành Thiền Minh Sát có thể nhẫn nhục cao. Nhiều người lầm tưởng nhẫn nhục chính là chịu đựng. Khi ngồi thiền phải ngồi im re mặc cho mũi cắn hay ngứa ngáy. Thật là sai lầm. Nếu chân tê cứng thì cứ việc đổi chân, nếu ngứa thì gãi và nếu mệt mỏi thì nghỉ ngơi. Nhẫn nhục là biết chấp nhận việc tê cứng, việc ngứa ngáy và việc mệt mỏi, đồng thời giải tỏa chúng bằng cách thắp lại ánh áng nội tâm trong việc thay đổi chân trong chánh niệm, gãi chỗ ngứa trong chánh niệm và nghỉ ngơi trong chánh niệm. Bài tập Thiền Minh Sát chỉ rõ ràng mọi thực tập dù dễ dàng hay khó khăn đều phải ý thức. Nhiều người cho rằng Thiền Minh Sát mang tính hình thức và sức mấy có thể tiếp xúc với sự sống ở hiện tại. Tội nghiệp cho họ khi buông những lời như vậy. Thiền nào cũng tiếp xúc với sự sống hiện tại và Thiền Minh Sát giúp cho việc tiếp xúc sự sống hiện tại chi tiết và sâu sắc hơn bao giờ hết.

Thiền Tứ Niệm Xứ

Thiền Tứ Niệm Xứ còn gọi là Thiền Minh Sát, là một pháp hành thiền quan trọng mà khi xưa hầu hết các tu sĩ đều thực tập không chỉ hỗ trợ cho việc đạt đạo quả mà còn thực tập sống trong thực tại cùng tột. Tứ Niệm Xứ nói đến bốn lĩnh vực quán niệm bao gồm: niệm thân, niệm thọ, niệm tâm và niệm pháp. Đối với niệm thân, hành giả chú ý theo dõi hơi thở vào ra trong chánh niệm. Thân tâm trở nên nhẹ nhàng, thanh tịnh và tỉnh giác chỉ duy nhất làm công việc là ý thức về hơi thở. Đối với niệm thọ, hành giả ý thức về các cảm giác phát sanh như mệt mỏi, đau nhức, ngứa ngáy, tê buốc… Chánh niệm về thọ đến mức thuần thục, hành giả trở nên thản nhiên với mọi cảm thọ, không hả hê với thọ lạc và không chán nản với thọ khổ. Đối với niệm tâm, hành giả nhận diệt các vọng tưởng và ý thức tính không đáng vướng mắc hay không đáng tham cầu của chúng. Mọi ham muốn hay chán ghét đều có thể vượt qua, đồng thời khả năng buông bỏ vượt trội lấn át mọi nhu cầu. Cuối cùng là niệm pháp, theo đó hành giả có thể đưa ra năm đề mục quán niệm: thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng. Với cách này, hành giả có thể thực tập thiền suốt ngày và hoàn toàn sống trong sự mầu nhiệm của thiền, luôn tỉnh thức, luôn biết mình.

Thiền Tứ Niệm Xứ còn gọi là Như Lai thiền vì chính đức Phật đã thực tập và đem giảng dạy lại cho các đệ tử của mình cách đây gần 26 thế kỷ. Bây giờ có nhiều loại thiền khác nhau nhưng tựu trung lại đều dựa trên căn bản của thiền Tứ Niệm Xứ, người nào phù hợp với loại thiền nào thì thực tập theo loại thiền đó, không nên có sự phân biệt hay chỉ trích, vì nếu như vậy chỉ làm hoen ố các dòng thiền mà thôi và đi ngược lại bản chất của thiền. Mục đích của thiền vẫn chỉ là thiền và có tác dụng sống sâu sắc trong hiện tại hay đi đến giải thoát. Thiền chỉ là tên gọi và thực tập là chủ yếu, đừng mất thì giờ vào các đàm luận và tranh cãi về thiền. Thực tập thiền phải nhận diện và buông bỏ vọng tưởng, muốn vậy phải có chánh niệm mà Tứ Niệm Xứ là phép hành căn bản. Khi ngồi thiền, hành giả còn có vọng tưởng nhìn cái này, thấy cái kia hay giác ngộ thành Phật thì không còn là thiền nữa, vì như vậy vọng tưởng sẽ ngăn cản việc tinh tấn hành thiền. Giác ngộ đâu phải là gì cao siêu, giác ngộ chỉ là ý thức cái đang là, biết cái đang là và cảm nhận đúng đắn về cái đang là. Giác ngộ không nằm trên mây, dưới lòng đất sâu hay khoảng không gian vô tận mà giác ngộ nằm ngay chỗ này, vào lúc này.

Nhiều người ăn không ngồi rồi chỉ lo bàn chuyện tu thiền này cao siêu hơn, tu thiền kia sức mấy giác ngộ, hoặc là pháp môn này tuyệt vời, pháp môn kia chẳng hay ho gì, hơn nữa, nên làm đệ tử của sư phụ này giỏi hơn làm đệ tử của sư phụ kia. Đi tu mà còn phân biệt như vậy thì đi tu làm gì, giống như người ở trong tu viện lúc nào cũng chê bai khinh người chẳng khác nào ở ngoài đời, còn người đời biết gìn giữ khiêm cung, ai cũng có thể học được thì chẳng khác gì người tu. Mặc chiếc áo cà sa hay áo tràng chưa chắc là người biết tu và mặc áo thường dân chưa chắc là người không biết tu. Với một bó rau muống, ta có thể chế biến hàng chục món ăn, thiền, pháp môn hay sư phụ cũng vậy có hàng chục loại và loại nào cũng có cái hay riêng. Bây giờ người tu giả dạng rất nhiều và người biết tu ẩn mình cũng không phải là ít. Người thao thao bất tuyệt giảng thuyết kinh điển chưa chắc tu giỏi và người âm thầm lặng lẽ nói ít chưa chắc tu dở. Người đời và thậm chí cả tu sĩ thích hình thức hơn nội dung, thích đẹp con mắt và khoái lỗ tai trong khi bản chất thực sự không chịu học và thực tập, cứ mãi tìm kiếm gì đó tận đâu đâu. Người tu theo Phật cần dẹp bỏ mọi tâm phân biệt. Các loại thiền, pháp môn hay sư tổ đều có mối liên hệ tương tức với nhau và có những đặc điểm chung, nếu không nói là đồng nhất. Tứ Niệm Xứ là bài thực hành giúp ta vượt thắng mọi phân biệt, cho dù tên gọi của nó là gì, đều là giả danh cả, chỉ có dấn thân vào thực tập thì mới giỏi.

(Theo sách: Hơi Thở Tinh Khôi - Tác giả: Thích Minh Thạnh)
Xem thêm tại: http://vn.myblog.yahoo.com/sc_minhthanh


Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Bing [Bot]17 khách