Trang 1 trên 1

Năng lượng của tâm từ

Đã gửi: 07/06/09 01:23
gửi bởi Van hoa doanh nghiep
Hơi Thở Tinh Khôi
Tiến trình của sự sống - Buông bỏ các ý niệm - Năng lượng của tâm từ


Nơi đâu cũng là thiền

Nói như vậy để thấy thiền có thể được thực tập khắp mọi nơi, nơi đâu ta có ý thức chánh niệm thì nơi đó ta đang thực tập thiền. Khi tôi viết cuốn sách này, tôi ý thức về nó, biết rằng mình đang viết sách, tôi đang làm một bài “thiền sách”. Chắc hẳn bạn sẽ ngạc nhiên khi tìm thấy trong cuốn này có khoảng 100 bài thiền khác nhau như thiền trái cây, thiền làm bánh chưng hay thiền học trò… Nghe có vẻ ngồ ngộ nhưng thực tập đi, bạn sẽ thấy rất vui và hạnh phúc. Thiền không chấp vào nơi thiền. Dĩ nhiên ngồi thiền ở nơi yên tĩnh sẽ dễ dàng hơn nhưng ở nơi ồn ào vẫn thiền được mới hay. Trong thiền đường, ngồi thiền là chuyện đương nhiên, nhưng ở sân vận động đang diễn ra trận đấu bóng ồn ào hay ở nhà máy dệt đang làm ra sản phẩm mà vẫn thiền thì thật tuyệt vời. Mang thiền đường vào sân vận động và nhà máy thì khắp nơi đều là chốn thiền môn.

Thiền nhưng không chấp vào thiền bởi vì có cái gì là thiền đâu, chẳng qua là theo dõi hơi thở, theo dõi tâm hành… rồi đặt cho nó cái tên thiền. Thiền như một tiến trình của sự sống, ý thức về sự sống chính là thiền. Tự tánh của con người vốn thanh tịnh nên cho rằng ngồi thiền để thanh tịnh thì chẳng bao giờ được thanh tịnh. Thiền đã là thanh tịnh rồi. Ăn cơm cũng thiền, uống trà cũng thiền, nấu nước cũng thiền và đi vệ sinh cũng thiền. Vậy hãy chỉ chỗ nào không phải thiền để có thể chấp vào? Nếu cho thiền là xa lánh thế gian thật là tội nghiệp. Thiền có công năng sống thực sự trong thế gian mãnh liệt nhất, sức sống của thiền thẩm thấu khắp nơi. Thiền bất động không có nghĩa là im re, không làm gì hết, như vậy là còn chấp vào tướng. Bất động tức là chẳng phân biệt gì, cái dở thì biết là dở, cái ngon thì biết là ngon, cái đẹp thì biết là đẹp, cái xấu thì biết là xấu, vậy thôi, không khen không chê, bởi vì dở hay ngon, đẹp hay xấu đều cùng bản chất. Giống như một hoa hậu và một người xấu xí trông có vẻ khác nhau đấy nhưng thật ra chỉ là một, chỉ là đất, nước, lửa, gió. Có người ngồi thiền im re, không nhúc nhích nhưng trong đầu diễn ra đủ thứ chấp, cái này đúng cái kia sai, người này chẳng hề bất động mà đang tán loạn, đau khổ vô chừng. Con người vì kẹt vào tướng quá nhiều mà sanh ra mê muội. Nhìn một người mặc áo nhà sư cho là nhà sư, nhìn người mặc áo thường dân cho là thường dân, có khi lầm to. Người mặc áo thường dân có khi là nhà sư và người mặc áo nhà sư có khi là quỷ dữ. Nhưng khi tâm không còn phân biệt, nhìn thấy nhà sư hay thường dân đều như nhau, người nào cũng đáng để tôn kính thì tâm không còn vọng động gì nữa. Tâm không để dao động bởi các ý niệm và quan điểm, giống như ý niệm đẹp hay xấu, ý niệm nhà sư hay thường dân. Còn kẹt vào ý niệm thì cái mình cho là thiền chỉ là hình thức. Nội dung của thiền không chất chứa ý niệm, không phán xét, không bày trò. Thiền đơn giản biết vậy hay vậy. Cảnh giới dù hạnh phúc hay đau khổ mà tâm không loạn thì đó là định. Nhiều người nói hạnh phúc mà không bày tỏ hay đau khổ mà không cảm nhận thành ra vô cảm. Định này thật ra lại là tình thương siêu đẳng, bởi vì nhờ định mà hạnh phúc biết hạnh phúc, đau khổ biết đau khổ và nhìn thấy bản chất thật của hạnh phúc hay đau khổ, nên không bị kẹt vào nó. Thế gian thường không biết rõ về hạnh phúc đích thực và đau khổ đích thực, tôn thờ hạnh phúc trá hình và đau khổ trá hình, hạnh phúc cho là đau khổ và đau khổ cho là hạnh phúc, lấy kẻ thù làm cha và lấy người thương bỏ đi. Tâm định nhận biết hạnh phúc và đau khổ về bản chất cũng vậy mà thôi, nên hạnh phúc và đau khổ chỉ là ý niệm.


Kinh Từ Bi và thực tập rải tâm từ

Đọc và thực tập theo Kinh Từ Bi có tác dụng nuôi dưỡng các hạt giống từ bi của hành giả. Từ và bi là hai trong bốn tâm vô lượng bất cứ người tu sĩ nào cũng có thể thực tập, nuôi lớn tâm hồn và vì chúng sanh mà hành trì. Tâm từ và tâm bi khiến cho các lỗi lầm, hờn giận và bạo động được nhìn thấy, tạo ra sự hối lỗi và muốn thay đổi. Bồ Tát tu hạnh nhẫn nhục thường lấy từ bi làm nền tảng cho việc đánh giá hay soi sáng bản thân.

Đối tượng của tâm từ là bản thân và chúng sanh. Muốn thực tập tâm từ, trước hết phải dễ thương với bản thân rồi mới tính đến chuyện dễ thương với chúng sanh. Rải tâm từ đến cho chúng sanh, giúp chúng sanh tiếp xúc được với năng lượng bình an, niềm vui và hạnh phúc. Tâm từ muốn được rải thì bản thân người thực hành phải tích lũy tâm từ. Không có tâm từ lấy gì mà rải. Hành giả sau khi hành thiền, tích lũy được nhiều tâm từ, là lúc thuận tiện để rải tâm từ. Vì thế, sau khi xả thiền, dành ít phút rải tâm từ cho chúng sanh, công đức từ hành thiền vì thế tăng lên gấp bội, không hề giảm đi chút nào mặc dù vừa mới thực hiện nghiệp vụ rải xong. Câu thần chú “Con xin rải tâm từ và hồi hướng phước báu cũng như công đức của con đến cho con, đến gia đình, tổ tiên, trong khu phố này, trong thành phố này, trong quốc gia này, trong địa cầu này, chúng sanh mười phương… Cầu nguyện cho các vị không có oan trái lẫn nhau, không có khổ thân, không có khổ thân, thân tâm luôn được an lạc và sống sâu sắc trong hiện tại” là câu thần chú rải tâm từ hay đến nỗi nhiều người tâm trí trở nên loạn cuồng vì không tin đó là sự thật và cho nó là hình thức viễn vong. Ấy vậy hành giả cảm thấy cực kỳ hạnh phúc và sung sướng khi làm được công việc như vậy và người được rải tâm từ cũng như hồi hướng đó trong phút chốc cảm thấy tâm hồn thư thái và dễ chịu. Năng lượng tâm từ bao trùm không gian và thời gian. Điều trước hết hành giả tích lũy được thêm tâm từ sau khi đọc câu thần chú.

Thực tập từ bi và rải tâm từ làm gia tăng tính hy sinh, chịu đựng và đạt hạnh nhẫn nhục. Người hay sân hận và thù hằn vì không có nổi tính chịu đựng, nói chi đến hy sinh và nhẫn nhục. Tính chịu đựng quá kém sẽ ngụp lặn trong ái ục và dễ dàng làm các điều bất thiện, mà trước hết gây khổ cho bản thân mình. Tâm từ rải ra phải toàn tâm toàn ý với mong muốn dốc toàn bộ từ tâm ra ban phát cho chúng sanh không cần giữ lại một chút mảy may. Thậm chí phát nguyện tâm từ tự động được rải và chúng sanh được tự do thụ hưởng mà không phải đợi hành giả thực hiện thao tác đọc câu thần chú. Rải tâm từ là một bài thực tập tiếp nối (follow-up) việc hành thiền và phát triển thành một bài thiền tập: thiền rải tâm từ. Bài thiền này khi thực tập miên mật có khả năng giúp hành giả buông bỏ mọi thứ nhanh chóng và dễ dàng, không còn kẹt vào gì nữa. Bồ Tát thực hành rải tâm từ tinh tấn và liên tục đến nỗi thân mạng không tiếc gì và mọi chí hướng đều vì chúng sanh mà làm. Người hành Thiền Minh Sát nên xem việc rải tâm từ là niềm vui và hạnh phúc. Nó tạo nhiều thuận duyên và điều kiện cho hành giả tinh tấn tu học. Tâm từ phát triển mạnh mẽ làm tâm bình đẳng hay không phân biệt phát khởi. Hạnh phúc của hành giả lớn đến nỗi hành giả vui sướng reo mừng và chẳng có gì có thể đánh đổi được. Tâm từ rải đi nhưng chẳng bao giờ vơi mà lúc nào cũng đầy ắp, thậm chí ngày càng nhiều hơn thế. Có khi hành giả bật khóc nức nở vì quá sung sướng khi nhìn thấy chúng sanh hưởng được niềm vui lâu dài do kết quả của việc rải tâm từ mang lại.

(Theo sách: Hơi Thở Tinh Khôi - Tác giả: Minh Thạnh)
Xem thêm tại: http://vn.myblog.yahoo.com/sc_minhthanh