Trang 1 trên 1

Đạo đức: Môn thi tốt nghiệp ở mọi cấp bậc giáo dục

Đã gửi: 14/08/09 18:20
gửi bởi Van hoa doanh nghiep
Kế Hoạch Chấn Hưng Nhân Loại
Đạo đức: Môn thi tốt nghiệp ở mọi cấp bậc giáo dục



Chưa bao giờ đạo đức học được giảng dạy như môn học chính thức trong trường học và dĩ nhiên nó không góp mặt vào các môn thi tốt nghiệp ở các cấp, kể cả bậc đại học. Trong khi đó đạo đức con người là nền tảng của tài năng. Người có tài và có đức giúp ích cho xã hội rất nhiều, người có tài nhưng không có đức trở thành kẻ phá hoại bậc nhất, và người không có tài cũng không có đức làm cho nhà tù thêm chật chội. Người không có tài nhưng có đức vẫn đóng góp vào hoà bình cho nhân loại và tự thân có thể làm những việc hợp sức mình. Tài đức song toàn thì còn gì bằng nhưng nếu xem cái tài quan trọng bao nhiêu, cái đức lúc nào cũng quan trọng hơn. Người có tài cách mấy nhưng không có đức, sức phá hoại trên diện rộng không thể lường trước được. Các nhà chính trị thường bàn cãi những vấn đề rất to lớn liên quan đến hoà bình nhân loại, tăng trưởng kinh tế, phát triển giáo dục nhưng không đưa ra được dự án chấn hưng đạo đức nhân loại. Không thể gọi một hệ thống giáo dục phát triển nhưng xem thường các giá trị đạo đức. Trường đại học Oxford được xem là danh tiếng nhưng nếu không đặt vấn đề đạo đức lên hàng đầu, điều gọi là danh tiếng kia cũng chỉ là danh tiếng mà thôi. Tất cả các trường học từ cấp mẫu giáo đến bậc đại học, thậm chí sau đại học đều lấy đạo đức làm nền tảng và biết đâu xem đó là môn thi tốt nghiệp. Nhưng vấn đề không phải là thi tốt nghiệp đạt bao nhiêu điểm, vấn đề bản thân người học trò có thực tập đạo đức hay không. Các nền giáo dục toàn cầu cứ châm mẫm vào việc đào tạo ra những học trò siêu hạng về tài năng nhưng chưa bao giờ dạy con người giành giải quán quân cho học sinh có đạo đức nhất. Dự án tốt nghiệp thạc sĩ và tiến sĩ đầy dẫy nhưng chưa có dự án nào nói về đề tài làm thế nào đưa bản thân và nhân loại đạt ngưỡng cửa của người đạo đức tột cùng.


Nền tảng của đạo đức mất đi xem như con người bị mất gốc và con người sống để thực tập các giá trị đạo đức nên nếu không làm được, danh từ con người cần phải thay đổi. Nền tảng của chính trị là con người nên người làm chính trị thực tập đạo đức hơn bao giờ hết. Không thể lý giải cho việc lãnh đạo con người nhưng lại không thực tập đạo đức. Lãnh đạo có đạo đức làm hình mẫu cho cả dân tộc noi theo, nhìn vào người dân là biết lãnh đạo có đạo đức hay không. Đội quân áo vàng và đội quân áo đỏ ở Thái Lan trong khoảng hai năm 2008 và 2009 suốt ngày kình nhau, gây ra không biết bao nhiêu bạo động trong xã hội khiến người dân bất an, nhìn vào hình ảnh này, biết ngay lãnh đạo của các đảng phái ở đây có đạo đức như thế nào. Biết lo cho dân, nhà chính trị không bao giờ kích động bạo lực, gây hận thù nội bộ và chia rẽ dân tộc, ngược lại, họ sẽ đoàn kết dù đối lập hay không đối lập, ổn định xã hội, tạo công ăn việc làm cho dân, đồng thời lắng nghe gắn bó với dân còn hơn ruột thịt. Thái Lan được xem là quốc gia Phật giáo với hầu hết người dân thực tập theo lời dạy đức Phật lại gây ra tình trạng đối nghịch nhau trong nội bộ là điều không thể chấp nhận được. Là đệ tử Phật cần đón nhận các quan điểm khác biệt, duy trì môi trường ôn hòa và cùng chung sống với nhau như anh em một nhà. Cần phải định nghĩa lại cái gọi là quốc gia Phật giáo. Một quốc gia có số lượng dân chúng đi theo Phật giáo chiếm tỷ lệ cao trong tổng số dân chưa chắc là quốc gia Phật giáo vì đã gọi là quốc gia Phật giáo thì cả quốc gia đó phải hoàn toàn sống trong hạnh phúc của hiện tại. Một quốc gia khác rất đông dân nhưng chỉ có khoảng vài trăm ngàn người theo đạo Phật, đồng thời vài trăm ngàn người này tác động đến toàn xã hội thực tập hạnh phúc, cả quốc gia an bình và hạnh phúc, quốc gia này mới xứng đáng gọi là quốc gia Phật giáo. Đất nước xây dựng chùa chiền và tập trung hàng vạn sư sãi nhưng chẳng tu hành gì cả thì tất cả điều đó đều mang tính chất trá hình. Phật giáo là sự thực tập, không phải mớ lý thuyết hỗn độn đem rao giảng khắp nơi, có thực tập mới có hạnh phúc. Anan kiến nghị tất cả các nền giáo dục toàn cầu nên áp dụng đạo đức Phật giáo giảng dạy trong nhà trường, đánh giá việc thực tập, nhất là các bài thực tập chuyển hóa khổ đau. Giới luật được gìn giữ nghiêm minh, xã hội Thái Lan sẽ ổn định, chính trường Thái Lan sẽ đẹp hơn, đồng thời người dân bày tỏ thái độ hợp tác, nếu có đấu tranh chỉ đấu tranh bằng con đường bất bạo động và ôn hòa mà thôi.

Trong một xã hội dân chủ, biểu tình được phép sử dụng nhằm nói lên quan điểm của mình, vạch trần tội ác và đề cao tiếng nói của số đông khi họ cảm thấy bị áp bức đến mức không thể nào chịu được nữa. Theo tinh thần đạo đức Phật giáo, người bị áp bức có quyền lên tiếng nhằm bảo vệ giá trị đạo đức của mình, không làm cho nó xói mòn và bản thân có đủ điều kiện tiếp tục thực tập đạo đức. Hạnh nguyện của Bồ Tát Địa Tạng là đập tan địa ngục, cứu các chúng sinh bị đoạ lạc thoát khỏi địa ngục và siêu thoát sinh về cõi trên để tiếp tục tu tập đến ngày thành Phật. Người trẻ có thể học theo hạnh của Bồ Tát Địa Tạng trong đó dám nói lên tiếng gọi công bình, bảo vệ quyền làm người và tôn trọng sinh mạng con người. Biểu tình trong ôn hòa theo tinh thần bất bạo động và chỉ ra cái sai để sửa đổi hơn là chỉ trích, lên án và miệt thị. Biểu tình nhưng gây mất trật tự xã hội, tạo ra thế đối đầu, làm phát khởi bạo lực và các bên càng xa nhau thì việc biểu tình có tác dụng đi ngược lại. Mọi thứ đều có thể hòa giải thông qua đối thoại. Chính quyền cần phải hiểu vì sao người dân biểu tình. Không ai tự nhiên ở không đi biểu tình đòi quyền này quyền nọ. Biểu tình xảy ra là do người dân và chính quyền không lắng nghe nhau. Nếu biết lắng nghe và sử dụng lời nói ái ngữ để đối thoại và tìm kiếm giải pháp hòa giải, dù có muốn cũng sẽ chẳng có biểu tình. Vấn đề không phải là có nên biểu tình hay không, vấn đề là bản thân nhà chính trị và người dân có hợp tác hay không. Nhà chính trị có đạo đức không sử dụng bạo lực để dẹp bỏ biểu tình và người dân có đạo đức không lợi dụng biểu tình để tạo ra thế bạo lực. Trong bản tuyên ngôn về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, con người có quyền bình đẳng như nhau và có quyền bảo vệ sự công bằng. Ở đâu có áp bức ở đó sẽ có đấu tranh, nhưng con đường đấu tranh bất bạo động và đấu tranh vì hoà bình vẫn hay hơn cả. Đạo đức là một trong những phẩm chất của người làm chính trị và cũng là tiêu chí đánh giá cho sự nghiệp chính trị. Quốc gia không có biểu tình hay chiến tranh không có nghĩa quốc gia đó có hoà bình, hoà bình không nằm ở những hình thức như vậy. Hoà bình thực sự có và đáng lý phải có khi nó đến từ trong tâm của con người. Tâm có đạo đức, tâm này có xu hướng hành xử hoà bình. Bản thân phía chính quyền và người dân khi thực tập những hành vi đạo đức, chắc chắn sẽ không bao giờ dẫn đến tình trạng biểu tình và trấn áp biểu tình. Một khi biểu tình không có, đòi hỏi về biểu tình hay trấn an biểu tình là những chuyện không cần phải nhắc đến.

Nền chính trị có đạo đức không bao giờ có kẻ thù. Một vị tổng thống, thủ tướng tổng bí thư hay tổng thư ký nào đó lên truyền hình tuyên bố nước này là kẻ thù, nước kia là bạn, nước nọ nằm trong vùng nghi ngờ… Nói chung còn phân biệt giữa thù và bạn thì học thuyết mà nhà chính trị đi theo chưa thực sự đem lại hòa bình cho nhân loại. Người có đạo đức không phân biệt thù và bạn, đồng thời đưa ra chính sách ngoại giao thân thiện với tất cả các nước. Việc tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nới lỏng lệnh cấm vận đối với Cuba vào khoảng tháng 4/2009 là bước đi cho thấy Hoa Kỳ sẵn sàng đối thoại và làm bạn với quốc gia đã từng được xem là kẻ thù. Chắc chắn người dân hai nước cảm thấy mừng vui và nếu như lệnh cấm vận hoàn toàn xóa bỏ, hai dân tộc dĩ nhiên có nhiều hạnh phúc rất lớn. Tha thứ sẽ không còn kẻ thù nữa, chấp nhận tất cả để có thể sống chung an lạc. Những hành động sai trái cần được chuyển hóa bằng con đường đạo đức và hoà bình hơn là sử dụng bạo lực và chiến tranh. Chủ nghĩa phát xít tại Nhật đã gây nhiều đau khổ cho một số quốc gia tại Châu Á, đây là sự thật không thể chối cãi nhưng khi tha thứ, các nạn nhân sẽ thấy nhẹ nhõm và nước Nhật biết làm mới mình giang đôi tay xây dựng hòa bình, khu vực Châu Á sẽ an lạc và thịnh vượng hơn nữa. Đã mang số kiếp con người, con người không thể nào tránh khỏi những khổ đau và bất hạnh. Tha thứ, con người trở nên cao cả và kẻ thù ngày nào có thể thành bạn bè. Chuyện đau thương đã qua xin hứa không bao giờ tái lập, kinh nghiệm đau thương đó xin lấy làm bài học xây đắp tình yêu thương giữa các quốc gia trong hiện tại. Khủng hoảng về kinh tế là thời điểm cần tận dụng để các quốc gia đứng gần lại, chia sẻ, hợp tác với nhau, xóa bỏ tất cả những rào cản. Rào cản do con người tạo ra, tại sao phải làm nô lệ cho những rào cản mà không chịu bứt nó đi. Nhà chính trị thực tập đạo đức biết yêu thương tất cả muôn loài, cho nên chỉ hành xử đạo đức với muôn loài. Chủ nghĩa cộng sản, tư bản hay trung lập chỉ là những tên gọi, quyền con người là quyền làm bạn với nhau, sống có đạo đức và xây đắp Địa Cầu thêm bền lâu.

(Theo sách: Kế Hoạch Chấn Hưng Nhân Loại - Minh Thạnh)
Xem thêm tại: http://vn.myblog.yahoo.com/sc_minhthanh

Re: Đạo đức: Môn thi tốt nghiệp ở mọi cấp bậc giáo dục

Đã gửi: 01/11/09 21:21
gửi bởi gioidinhtue
Ôi ước gì quốc gia nào cũng sáng suốt như vậy , ngày xưa con hay có điều ước là mún làm chính phủ để đem Phật giáo vào trường học và ai cũng phải học Phật hết , trong khắp nơi trên Phố hoặc radio ti vi ...đều là Phật giáo , như thế thật tuyệt ... nhưng chỉ là ước mơ mà thôi =D> tangbong