XẢ LY

Chia sẻ, thảo luận học hỏi ngũ giới, tám giới, thập giới, đạo đức, phương pháp giáo dục và những vấn đề liên quan.
Hình đại diện của người dùng
Thien Nhan
Bài viết: 2574
Ngày: 27/03/10 05:07
Giới tính: Nam

XẢ LY

Bài viết chưa xem gửi bởi Thien Nhan »

Tôn cảnh Lục có chép: " Tâm tạo chư Phật, tâm tạo chúng sinh, tâm tạo thiên đường, tâm tạo địa ngục."

•Tâm vọng động thì ngàn sự sai biệt tranh khởi,
•Tâm bình thì thế giới thản nhiên,
•Tâm phàm thì ba món độc trói buộc,
•Tâm thánh thì sáu món thần thông tự tại,
•Tâm không thì nhứt đạo thanh tịnh,
•Tâm hữu thì vạn cảnh tung hoành.


Tự mình đạp mây mà uống nước cam lồ, chẳng có ai cho mình. Nằm trong lửa hồng mà uống máu mủ cũng tự mình gây mê, không phải trời sanh ra, cũng không phải do đất mà có". ( PHPT. Tứ vô lượng tâm).

I. Trích dẫn:

Ở đời người ta thường cho hạnh phúc là có được cái này, cái kia: nhà lầu, xe hơi , có vợ đẹp, con ngoan , có tài sản , quyền thế , vv..
Khi chưa có thì muốn có , làm đủ mọi cách để cho có . Có rồi thì sợ mất hoặc xem thường rồi lại muốn có cái khác. Nếu có không được thì buồn phiền , bất mãn , khổ sở .

Người biết tu thì thấy "không có " là một hạnh phúc. Không có , ở đây là do trí tuệ quán chiếu thấy mọi sự phiền toái đều do ham muốn mà ra . Bởi thế , người tu không muốn có , nếu đã có rồi ,thì tập xả ly . Vì những thứ "có" trên thế gian này đều là ràng buộc .

Tuy nhiên , đối với những người chưa có , chưa thỏa mãn được những mong ước , thèm khát , còn mải mê còn chạy theo vật chất , thì "xả ly" là một việc khó làm , vì họ chưa có thì lấy gì mà xả bỏ .

II. Giữa có vật chất và không có vật chất

Trong khi đó có những người biết vật chất không mang đến hạnh phúc mà vẩn chạy theo vật chất , của cải, tài sản, danh lợi, tại sao?

- Bởi vì trong đời họ chưa được thỏa mãn, chưa cảm thấy có đầy đủ . Chỉ khi nào được rồi và trải qua kinh nghiệm thấy những thứ mà họ đã nhọc công tìm kiếm chỉ đem lại phiền toái và khổ đau thì lúc đó ý nghĩ " xả ly " mới xuất hiện .

III.

Trước hết có thân thì phải lo cho thân ăn, mặc ,ở , sống . Phải đi làm kiếm ăn , phải mua quần áo mặc , phải thuê nhà ở tránh mưa nắng . Khi thân đau ốm phải lo thuốc men , chạy chữa . Nếu có gia đình thì phải lo làm ăn buôn bán kiếm tiền nuôi vợ con . Suốt ngày chỉ lo suy nghĩ và làm đủ mọi chuyện cho cái "TA" và những thứ của ta .

IV.

Hạnh phúc " xả ly " tương đương với thiểu dục tri túc , có nghĩa là tâm không ham muốn , và luôn cảm thấy đầy đủ dù trong tay không có gì hết . Với người tu , không có sở hữu gì thật là một hạnh phúc . Nói như vậy có vẻ ngược đời , nhưng người tu là kẻ đi ngược giòng đời kia mà !
Xả ly giống như người đang mang gánh nặng trên vai mà đi , nay bỏ được gánh nặng xuống thì cảm thấy nhẹ nhàng sung sướng vô cùng . Người tu cần tập xả ly ,vì xả được chừng nào thì nhẹ chừng nấy . Xả ly không có nghĩa là phải vứt bỏ hết tài sản , của cải đang có .
Xả ly trước hết là xả bỏ sự ham muốn và buồn giận trong tâm , kế đến là xả bỏ sự bám víu vật chất bên ngoài . Tuy sống giữa tài sản ,vật chất , nhưng tâm không còn nhớ nghĩ những thứ đó là của ta , nếu có ai xin ,hoặc mất , thì xem như nhẹ gánh nặng.

V.

Tập xả ly tới mức cùng cực thì khi chết ta xem như trút hết gánh nặng, nhất là cái thân tứ đại già yếu , bệnh hoạn. Ta đã phải mang nó trên vai suốt cả cuộc đời , nay bỏ được nó , há không phải là sung sướng lắm sao ? Vì thế các Thiền sư đắc đạo khi chết đều vui vẻ an nhiên tự tại ra đi .

VI.

Khi đói thì ta thèm ăn , nhưng khi ăn thì đòi thứ này thứ kia rồi ăn cho cố , đau bụng ,nặng bụng, khó thở . Khi khát thì thèm uống , nhưng khi uống thì thích những thứ độc hại như rượu bia , rồi say mèm , ói mửa . Nhiều khi sinh ra ung thư hay sưng gan .

VII. Kết luận

Người tu là người đi tìm hạnh phúc chân thật , hạnh phúc này chỉ có khi tâm không còn bám víu , dính mắc , thèm khát mọi sự vật trên đời này . Như vậy hạnh phúc chính là sự giải thoát của tâm ý . Và muốn có giải thoát thì phải tập xả ly . Hãy nhìn vào tự tâm , xem mình còn bám víu , dính mắc , ưa ghét cái gì không ? Có người xả bỏ được vợ con nhưng lại dính mắc vào chùa chiền , xả bỏ được tài sản ,nhưng lại dính mắc vào danh lợi, địa vị . Xả bỏ được cái này nhưng lại dính mắc vào cái khác ! ( DÒNG ĐỜI VÔ TẬN _ TT Thích Trí Siêu )


Hình đại diện của người dùng
Thien Nhan
Bài viết: 2574
Ngày: 27/03/10 05:07
Giới tính: Nam

Re: XẢ LY

Bài viết chưa xem gửi bởi Thien Nhan »

Sự lạm bàn của một Phật tử: Qua bài này chúng ta nhận được bài học về "xả ly"
Chúng ta hiểu nghe biết thì dễ , nhưng hành không dễ dù biết muốn giải thoát thì phải xả ly nhưng xả ly hoàn toàn mọi phương diện , cũng không phải dễ .
Nếu đã có đầy đủ mà xả ly đã không dễ , còn nếu chưa có gì mà có sự thèm muốn nhưng không đạt được thì lại càng khó xả ly !
Tuy nhiên chưa xả ly được mà biết mình chưa xả ly được thì tốt hơn, là không nhận biết được điều này
Đọc DÒNG ĐỜI VÔ TẬN _ TT Thích Trí Siêu, Nếu người tu mà không biết xả ly thì khó mà thực hiện các pháp môn khác, bởi ác pháp bỏ đã đành, mà thiện pháp cũng phải bỏ. Ví như trong lúc hành thiền cũng phải xả thiền. Trong lúc đọc sách thì cũng cần nghĩ ngơi.

Nhưng những Hành giả thiếu "cái mình muốn" để muốn xả thì rất là khó. (Ví như người quá nghèo thì làm sao có tiền mà bố thí.) Còn những cái lớn hơn nửa, xả thân mạng vì lợi ích cho người khác thì càng khó hơn nửa. Bài này nói lên về cái "Dũng" của sự xả ly. Cô có đọc qua "Thuyết tam ban của Ngộ Ấn Thiền Sư chưa" >>> http://diendan.daitangkinhvietnam.or...hp?f=21&t=8817
Người gởi bài: Đối với người thiếu "cái mình muốn" để muốn xả thì thật là khó ư ?
Khó là tại vì mình muốn , chứ không phải tại khó vì "không có cái để xả " ,hay nói cách khác xả "cái mình muốn "
Nghĩa là đừng ham muốn gì nữa ?
Nếu được như vậy thì hay ?


Hình đại diện của người dùng
Thien Nhan
Bài viết: 2574
Ngày: 27/03/10 05:07
Giới tính: Nam

Re: XẢ LY

Bài viết chưa xem gửi bởi Thien Nhan »

Kinh Niệm Phật Ba La Mật

Pháp-sư Cưu-Ma-La-Thập dịch từ Phạn ra Hán.
HT. Thích-Thiền-Tâm dịch từ Hán-văn ra Việt-văn


4-. Thế Nào Gọi Là Xả Ly Tâm ?

Nầy Diệu-Nguyệt, người Niệm Phật trong khi xưng niệm danh hiệu Nam-mô A-Di-Đà Phật, phải phát khởi cái Tâm thái lìa bỏ tất cả. Sao gọi là lìa bỏ ? Lìa bỏ nghĩa là không trụ tướng mà niệm Phật, không nắm giữ mà niệm Phật, không tương ưng mà niệm Phật, không đối đãi mà niệm Phật, không chống trái mà niệm Phật, không cầu mong mà niệm Phật, không nhiễm duyên mà niệm Phật như thế gọi là lìa bỏ.

Người niệm Phật chỉ buộc tâm và ý vào danh hiệu Phật, chăm chú lắng nghe, mỗi câu rõ ràng, mỗi niệm phân minh. Quên cả thân, quên cả cảnh, quên cả cái ý thức tự biết Ta đang niệm Phật. Như thế mới gọi là lìa bỏ.

Lìa bỏ khổ, tập, diệt, đạo mà niệm Phật.

Lìa bỏ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mà niệm Phật.

Lìa bỏ bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí tuệ mà niệm Phật.

Lìa bỏ tín giải, hành chứng mà niệm Phật.

Lìa bỏ từ bi, hỷ xả mà niệm Phật.

Lìa bỏ không, vô thường, vô ngã mà niệm Phật.

Lìa bỏ bồ đề, niết bàn, giải thoát, giải thoát tri kiến, mà niệm Phật.

Lìa bỏ tất cả các pháp hữu vi, tất cả các pháp vô vi mà niệm Phật.

Lìa bỏ ngã và ngã sở.

Lìa bỏ luôn cả ý tưởng cầu mong vãng sanh, chí nguyện độ sanh, ý hướng thành Phật mà niệm Phật.

Niệm Phật với tâm Xả Ly như thế, mới được gọi là chân chánh niệm Phật
=================Nghi vấn===========

1. Người niệm Phật chỉ buộc tâm và ý vào danh hiệu Phật, chăm chú lắng nghe, mỗi câu rõ ràng, mỗi niệm phân minh. Quên cả thân, quên cả cảnh, quên cả cái ý thức tự biết Ta đang niệm Phật. Như thế mới gọi là lìa bỏ. Tại sao ? - Vì người niệm Phật thì chỉ biết niệm Phật và lìa bỏ tất cả mới không bị duyên theo trần cảnh.


2. Niệm Phật với tâm Xả Ly như thế, mới được gọi là chân chánh niệm Phật tức là hành giả đã vào cảnh giới của Thiền định.

3. Niệm Phật với tâm Xả Ly như thế, mới được gọi là chân chánh niệm Phật Về sự thì sau khi đã niệm Phật xong, hành giả phải xả hết luôn tạp niệm, mà chánh niệm cũng phải xả. (Như vậy, tâm của hành giả mới có sự thỏi mái khi xả niệm, an tịnh trong chánh Pháp. " Không tham cầu".)


Hình đại diện của người dùng
Thien Nhan
Bài viết: 2574
Ngày: 27/03/10 05:07
Giới tính: Nam

Chưa phải tu thật.

Bài viết chưa xem gửi bởi Thien Nhan »

Chưa phải tu thật.

Qua năm mới tụi con buông hết đừng giữ, cái gì đến với mình đều hỉ xả, đó là một năm vui; còn nếu không chịu hỉ xả, năm đó buồn hoài. Bao nhiêu đó tụi con đủ tu chưa?

Ni chúng một năm qua vui hay buồn? Vui là quyền lợi của mình, phải không? Vui thì khỏe mạnh, tu hành tinh tấn, hết khổ sầu. Đó là điều ai cũng muốn. Chỉ cần mình buông hết, những gì đến với mình đều buông xả, không quan trọng. Mai đây người này chết, người kia chết, ôm giận hờn làm gì. Xả hết thì vui tròn một năm, phải không?

Thầy chúc tụi con tròn một năm vui, không có gì buồn. Tội gì ôm ấp buồn phiền mất thời gian, bởi vì có gì đáng buồn đâu. Buồn nhất là mình tạo nghiệp ác đọa ba đường dữ. Nay bỏ hết, tinh tấn đi từ phàm lên Thánh, buồn sao được! Thật ra, chuyện tu hành đơn giản không có gì xa xôi, không có lý thuyết cao siêu. Tu vậy có thực tế không?

- Dạ, thực tế.

- Thực tế an vui mà không chịu làm, như vậy là khôn hay dại?

- Dạ, dại.

Đời người ngắn ngủi, mình phải vui và đem nguồn vui đó giáo hóa cho người hết khổ, còn buồn dàu dàu hoài làm sao dạy người ta hết khổ được. Muốn dạy người tu, mình phải vui lên, bỏ hết những phiền toái. Ngày nào cũng tu đều đều như vậy, nội tâm mình thảnh thơi nhẹ nhàng, kiểm lại mỗi ngày sẽ có tiến. Tất cả những điều hơn thua không có giá trị gì. Những thứ oan trái khổ đau không có thật mà xem nó quan trọng là khờ dại. Giả sử mai kia có ai chỉ vào mặt mình mắng chửi, chỉ cười thôi, đó là thứ thật. Còn nghe người ta nói bóng nói gió cũng giận, đó là thứ giả. Chỉ vào mặt mình mắng mà vẫn cười, ai nói gì cũng không bận tâm, tu là phải như vậy.

Nhiều khi chúng ta tu trên hình thức, đi đứng trang nghiêm, ăn nói đàng hoàng, chững chạc mà động tới thì buồn phiền. Đó là giả hiệu, chưa phải thứ thật.


Hình đại diện của người dùng
Thien Nhan
Bài viết: 2574
Ngày: 27/03/10 05:07
Giới tính: Nam

Re: XẢ LY

Bài viết chưa xem gửi bởi Thien Nhan »

Tâm vui là tâm khéo buông xả
Khi tụi con tu, bắt ngồi thiền nhiều quá, tụi con thấy khổ nhiều ít?

- Dạ vui! Không khổ.

- Sao bắt ngồi đau chân mà không khổ? Người ta vào Thiền viện thấy quí thầy quí cô, họ có những cái nhìn khác nhau. Hồi sáng có Phật tử nói, mấy cô ở đây như ở cảnh tiên, mấy cô là tiên cô. Có người lại nói, mấy cô ở đây hoài không được đi đâu hết, như ở tù. Tụi con nghĩ lời nào có lý hơn. Tiên hợp lý hay ở tù hợp lý? Tụi con kinh nghiệm bản thân, cái nào hợp lý hơn?

- Dạ, tụi con chịu làm Phật, không chịu làm tiên.

- Tụi con không chịu làm tiên hả? Người ta hay nói cảnh đẹp là cảnh tiên. Thấy ở đây đẹp cho là cảnh tiên. Thật ra, tất cả cảnh dù đẹp mấy, mà con người cứ đấu tranh với nhau cũng không tiên chút nào. Nếu như cảnh không đẹp mà nội tâm hòa vui với nhau thì đây chính là thiên đường rồi. Vì vậy trong sự tu, cảnh chỉ trợ lực ít thôi, nội tâm mình là chủ yếu. Làm sao nội tâm tụi con lúc nào cũng an vui không buồn phiền hờn giận, không bực bội với nhau, đó là được an lạc. Nếu tụi con buồn phiền, dù ở cảnh tiên hoa nở rực rỡ nhưng cũng như lò lửa. Tu là như vậy, không phải do cảnh bên ngoài mà được an ổn vui tươi, chính do nội tâm mình nhiều hơn.

Cho nên tự tụi con phải khéo buông xả. Cái nào thuộc về phiền não thì buông để tâm mình thanh thản. Cảnh yên, tâm thanh thản, tụi con sống ở đâu cũng an lạc. Còn được ở ngoài mà không được ở trong là chưa đủ; được trong không được ngoài cũng tốt, không sao. Chớ tin cậy bên ngoài quá không tốt. Cho nên tu không phải là đi tìm cảnh thuận mới tu được. Cảnh chỉ giúp một phần, trọng tâm là phải gột sạch những gì làm chướng sự an ổn vui tươi của mình.

Không phải chỉ quí cô ở đây mà các Phật tử cũng nên tập như vậy. Khi gặp cảnh chướng buông đi đừng giận. Tôi hay hỏi mấy cô ở đây tu khó hay dễ, có nhiều người nói khó. Tôi nói ngược lại, tu dễ. Bây giờ tôi giả sử có ai nói nặng các Phật tử một câu, vừa nghe hơi khó chịu, quí vị buông cho nó nhẹ nhàng. Biết rằng lời nói qua rồi mất, có thật đâu, buồn giận làm chi. Nhớ vậy rồi cười, tu như thế là khó hay dễ? Còn người dễ nổi giận, làm người khác buồn, phải suy nghĩ đủ thứ chuyện, kéo dài bao lâu mới hết?

Cứ nhớ lời nói qua rồi mất, cười thôi, mặc ai nói gì thì nói. Đó là biết tu, để lòng mình an ổn, không gây hận thù với ai. Nếu mình chấp lời nói, hơn thua với họ, gây oan trái rồi bày mưu tính kế để trả thù trả oán, tạo một chuỗi dài mười năm hai mươi năm khó chịu với nhau. Đó mới là khó tu! Còn tu buông xả rất dễ. Buông rồi nhẹ nhàng, họ không buồn mình, mình cũng không tức họ, hai bên đều hòa vui. Đó là tu. Vậy mà nhiều người không chịu tu như vậy.

Giả sử, ở trong gia đình làm ăn có được mất, khi được mình vui, khi mất mình buồn. Khi làm ăn thất bại, ngồi gác tay lên trán rầu hoài, có trở lại thành công được không? Thua keo này bày keo khác, không thèm buồn. Vậy là yên trong lòng. Biết đâu cái này thua cái khác lại thắng, cứ vui mà sống. Cuộc đời không bao lâu, lo rầu hoài vô ích. Nghĩ vậy là biết tu, nên không bệnh không khổ. Nếu không biết tu cứ bệnh khổ hoài, tối ngày lo được lo mất, ngồi than trời trách đất, lòng không an. Biết tu rồi mọi chuyện tùy duyên, nếu có lỡ thất bại thì thôi, làm lại cái khác, chớ đừng ngồi buồn, vô ích.

Vậy, người buông đi và người ngồi buồn hoài, ai khôn hơn ai? Đừng làm người dại chi cho uổng một đời, đã buồn còn sanh bệnh hoạn khổ đau, thấy ai cũng bực. Vậy là làm khổ cho mình, cho người. Buông đi sống thanh thản làm ăn. Chết còn không buồn, được mất buồn làm chi, nhớ như vậy là tu.

Khi ngồi thiền những tâm niệm lăng xăng buông nhẹ nhàng, không còn nghĩ đến được mất hơn thua, tâm mình an thì gương mặt buồn hay vui? Tu đem lại nguồn vui chân thật, lòng mình thanh thản, tự nhiên gương mặt tươi. Lúc nào suy nghĩ chuyện được mất hơn thua thì nó rối rắm, sanh bực bội, dễ quạu dễ tức. Bởi vậy, người nào tu hay, nhìn gương mặt tươi vui, còn người nào gương mặt dàu dàu chắc tu không khá!


Hình đại diện của người dùng
Thien Nhan
Bài viết: 2574
Ngày: 27/03/10 05:07
Giới tính: Nam

Re: XẢ LY

Bài viết chưa xem gửi bởi Thien Nhan »

Tu Bát Nhã là tu xả ly

Tụi con làm đủ mọi công tác, không xao xuyến nghĩ chuyện gì khác ngoài việc làm của mình, đâu cần phải kềm giữ. Làm việc một mình tu rất dễ, khi có hai ba người lại trở nên khó.

Nếu làm thinh hoài thì buồn, nên phải bày chuyện nói, bày ra rồi hứng, kéo hết chuyện này đến chuyện kia, chuyện năm trên năm dưới gì cũng lôi ra hết. Phải làm sao cả giờ làm việc đều chăn trâu kỹ, được vậy trâu mau thuần thục. Còn hay quên chăn thì trâu lâu thuần. Giờ ngồi thiền chỉ có giới hạn chừng mực, nên giờ ở ngoài tụi con phải khéo chăn. Lúc đầu chăn hơi khó, khi thuần thục sẽ dễ. Điều gì cần phải suy nghĩ để làm thì suy nghĩ, không cần thì thôi, đâu có gì bận bịu.

Tụi con nhớ, người tu nếu chưa thấy được ông chủ phải khéo vận dụng trí tuệ Bát-nhã. Khi gặp cảnh hay người làm phiền mình, cứ dùng trí tuệ Bát-nhã thấy rõ có gì đâu mà phiền! Thí dụ, có những niệm mạnh quá buông không được, nhìn lại xem đó là niệm gì. Gặp cảnh cho là quan trọng nên duyên theo, bây giờ nhớ cảnh đó không thật. Còn với người thì rõ năm uẩn đều không, có gì đâu phải bận bịu. Cảnh không thật, người cũng không thật. Cảnh và người không thật thì đâu có dính mắc mà nói buông không được.

Chỉ tại không vận dụng trí Bát-nhã, nếu vận dụng trí Bát-nhã thì không có gì khó buông. Thân mình nay mai cũng tan nát, không có gì quan trọng. Buông dễ thì tu mới mạnh, còn buông khó là tu yếu, bị giằng co lôi kéo hoài. Bởi vậy người tu ba mươi năm đầu thấy núi sông không phải là núi sông, sau mới thấy núi sông là núi sông. Còn tụi con thấy núi sông là núi sông thật hoài, có vận dụng trí Bát-nhã chưa? Hóa ra học qua rồi mất tiêu, lại sống với tâm chúng sanh. Nay biết sống với trí tuệ Bát-nhã, thấy gì cũng chỉ cười.

Hôm qua có ông nha sĩ ở Úc về thăm Thầy. Ông nói, khi coi kinh Kim Cang Bát-nhã thấy không có gì thật hết, cuộc đời này không có gì thật, kể cả ông ấy nữa. Nhìn cho thật kỹ thì thời gian cũng không thật, vì thời gian chỉ là một giả định. Trái đất quay đâu có gì thật. Tất cả không thật, tại sao mình chấp? Người ta là cư sĩ còn nói như vậy. Cho nên tụi con tu, khéo dùng trí Bát-nhã liên tục thì mọi phiền não đều rơi rớt hết.

- Thưa Sư ông, con xem trong kinh có dạy: Còn quán là còn nương theo lời Phật dạy, nên con không quán nữa. Như vậy có đúng không?

- Tụi con không nghe Sư ông nói có đầu có đuôi. Sư ông nói, nếu ai đã thấy được Ông chủ rồi thì khỏi dùng quán, nếu chưa thấy phải quán để dứt phiền não.

- Những lúc con quán thì buông vọng tưởng rất dễ, sau con coi trong kinh thấy nói như vậy nên hơi nghi ngờ.

- Tụi con không đặt đúng chỗ! Sử dụng đúng chỗ mới có hiệu nghiệm. Chừng nào thấy núi sông là núi sông mới thôi, còn nói núi sông không phải là núi sông thì còn phải tu nữa.

Người xưa gọi cửa Thiền là cửa Không – không môn. Cửa Không là Bát-nhã. Tu Thiền là tu bằng trí tuệ Bát-nhã, chớ không phải tu bằng lòng tin, nên nói là cửa Bát-nhã. Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ nói phẩm đầu là Bát-nhã, vì Ngài ngộ ở kinh Kim Cang. Từ đó mới thấy Bát-nhã rất hệ trọng. Tụi con chưa nhận được Ông chủ nên phải sử dụng Bát-nhã quán chiếu để thấy rõ cuộc đời, bản thân, không có gì phải chấp phải dính. Không chấp dính nên được tự tại.

Sở dĩ bỏ khó vì nghĩ: “câu nói đó nặng lắm”, nhớ hoài. Bây giờ dùng trí Bát-nhã: “câu nói đó qua rồi mất”, tự nhiên nhẹ nhàng. Tụi con hay đánh giá nó nặng mấy ký, thành ra mang nó nặng nề. Khó là tại mình mê lầm, cố chấp, rồi bám vào những gì bên ngoài cho là thật: thân thật, giá trị mình thật, cái gì cũng thật hết, đưa tới cố chấp. Cố chấp thì đau khổ.

Nếu tụi con xóa hết mê chấp thấy không có gì quan trọng, chỉ được hòn ngọc quí là việc tối trọng yếu của đời mình. Hiểu vậy, tụi con nhàn nhã, dù không nói tiên, nhưng tự nó cũng là tiên. Nếu mê chấp thì tiên lâu lâu cũng nhớ hồng trần, mà muốn về thăm hồng trần thì phải từ giã cảnh tiên.

Ở đây, tụi con chăn trâu suốt, nhớ sử dụng kiếm Bát-nhã. Có đứa nào không có kiếm Bát-nhã không?

- Dạ, đứa nào cũng có sẵn.

- Nếu sẵn thì phải sử dụng, thường mài không để nó lụt. Bởi nó lụt nên cắt không đứt. Biết sử dụng kiếm Bát-nhã, trên đường tu sẽ không có gì trở ngại. Đứa nào kiếm Bát-nhã lụt quá phải nhớ mài, bằng không nhiều sợi dây cắt không đứt. Tu đơn giản vậy thôi, sở dĩ có rắc rối là tại người ta không chịu buông.

Đúng ba năm Thầy xả cảng cho mấy đứa, thử coi bao nhiêu người đi, bao nhiêu người đăng ký không đi.

Mai mốt có mấy Xơ đến tập tu với tụi con. Thấy họ cũng tha thiết ngồi thiền, nghe nói có một, hai người lạy Phật, đọc Bát-nhã Tâm Kinh đến bài Sám hối cũng khóc. Vậy là có chủng duyên với Phật pháp. Tụi con tụng có khóc không?

- Dạ, lần đầu tụng cũng chảy nước mắt.

- Khóc có hai trường hợp: một là nghe lời Phật Tổ dạy trúng bệnh mình nên khóc, hai là nghe rồi mình nhớ lại đã phạm lỗi nhiều quá nên khóc.

Không biết tụi con khóc thuộc về cái nào. Nếu cảm lời Phật Tổ, đó là có duyên lành, còn phạm tội lỗi nhiều quá là khóc hối hận, khi xưa mình tạo tội, nghe lại lời Phật Tổ dạy mình thấy khổ đau. Cho nên khóc không phải một chiều một mặt, tuỳ theo duyên của mỗi người khác nhau.

Giá trị ngồi thiền ở chỗ lóng lặng vọng tưởng. Hết vọng tưởng đâu phải mất mình. Tất cả những tham, sân, si bệnh hoạn đều bắt nguồn từ quên tánh giác. Dẹp hết những cái đó thì tánh giác hiện bày, lúc ấy không muốn thành Phật cũng là Phật. Nếu không hiện bày dù ham làm Phật cũng không được, vì còn mê, không giác làm sao làm Phật. Hiểu vậy, mới biết tại sao tu mình phải ngồi thiền, phải buông xả những niệm xấu. Vì đó là gốc của phiền não, hễ theo nó là quên tánh giác.

Ví dụ bữa nào tụi con đang chuẩn bị làm món bánh ngon, lúc đó tụi con lo làm bánh, có còn nhớ niệm thân bất tịnh nữa không? Hay chỉ nhớ làm bánh sao cho khéo cho ngon, quên cái tu đúng như lẽ thật. Trái lại, khi tụi con ngồi thảnh thơi một mình, tâm tư lóng lặng mới thấy được lẽ thật, nào là Thập nhị nhân duyên, Tứ đế...

Cũng vậy, người đời chạy theo dục lạc thế gian, không bao giờ biết mình có tánh giác, biết thân này không thật. Khi rủ nhau đi nhậu, tiệc tùng, thì đâu biết thân này không thật. Chỉ khi ngồi thức tỉnh mới biết. Tụi con cũng vậy, ngồi nhắc chuyện năm trên năm dưới rồi cười chơi, lúc đó còn nhớ mình không? Những cái làm xao lãng sự tu hành phải xả bớt, phải hạn chế, để tâm tư mình thanh thản nghiền ngẫm giáo lý Phật. Càng thấm sâu mới thấy siêu thoát. Còn không, tu mà giống hệt người thế gian, lo ăn, lo mặc, cười giỡn cho vui.

Phải có thời giờ ngồi trầm tĩnh. Không cần tụi con phải ngồi thiền dưới gốc cây. Ngồi đây nhìn núi non không trầm tĩnh sao, lựa là phải ngồi gốc cây? Nhiều khi tụi con có những cái cầu kỳ. Lẽ thật thì cứ sống với lẽ thật. Nếu tâm mình yên, ngồi đâu cũng an ổn tốt đẹp, không cần lựa chọn chỗ thích hợp. Tu không phải suy nghĩ theo quan niệm của người thế gian. Ví dụ, bác sĩ bảo cần ngủ tám tiếng, trong đây ngủ có năm tiếng, có phải là trái với qui định của họ không? hay là siêu thoát hơn? Nếu tụi con ngồi chơi một mình mà tâm thanh tịnh, đó là nguồn an lạc, lựa là phải nói cười mới vui. Tâm hồn an lạc thanh tịnh thì ngay đây là Cực Lạc. Chỉ có ngồi ủ rũ rầu lo mới là bệnh. Tu phải khéo, trên đường đạo phải thật sự tỉnh giác, bước đi vững vàng.

Nhiều khi Thầy ngồi ngẫm lại cuộc đời thấy tức cười. Con người chúng ta như mấy vách đất, trong là bộ xương, giống như cái sườn cây lấy dây cột lại, rồi lấy đất đạp nhuyễn tô lên, đó là da thịt. Vách tường ngoài muốn dễ coi quét vôi lên. Mình cũng như vậy. Thân này hít vào thở ra, chẳng ở không chút nào, tưởng ngồi chơi chớ thật là làm hoài, đâu có gì sung sướng. Một lát đói, một lát khát. Vậy mà cho là cuộc sống có giá trị, thấy cũng tức cười. Con người cứ quay theo cuộc sống. Thí dụ muốn ăn cho thật ngon nên phải cực, phải tốn, hôm nay vô, ngày mai ra. Còn ăn rau luộc chấm tương thì khỏe, thảnh thơi mà không chịu, vì bị lệ thuộc nơi lưỡi. Làm cả ngày cực khổ, chiều ăn một bữa ngon là hết trơn, cũng chỉ vì một chút cảm giác ngon của cái lưỡi. Nếu ăn đơn giản thì đâu phải cực khổ.

Bởi vậy, thương người không phải ta đem của ra bố thí giúp đỡ mà phải giúp họ thoát mê lầm.

Giả sử, có người hay ăn hàng, xài bậy, rượu chè, không biết tiết kiệm nên thiếu trước hụt sau, tụi con thấy thương đem lại một, hai trăm ngàn giúp, giúp được bao lâu, giúp làm sao đủ? Chỉ làm sao nói cho họ hiểu được đạo lý, tự họ hạn chế, tự sửa đổi thì mới hết khổ. Mình không cho gì, nhưng đó là kế lâu dài nhất. Chúng ta hay nghĩ, người ta khổ đem lợi giúp cho họ hết khổ, chắc gì! Chỉ có đem lời Phật dạy cho người ta hiểu thật sâu, tự họ giải lấy, tự họ chuyển hóa, đó là chân thật nhất, gọi là bố thí pháp, quan trọng hơn. Hiểu vậy mới thấy giá trị người tu.

Thầy sở dĩ có chút phước là vì Thầy hay bố thí pháp, ngày nào cũng vậy không nhiều thì ít, một ngày hai hoặc ba thời. Bởi vậy, tưởng Thầy ở không chớ đâu ở không. Câu chuyện Thầy thường kể với Phật tử là “Ông trưởng giả có bốn người vợ”. Hồi sáng có nhóm Phật tử Sài Gòn lên, yêu cầu Thầy nói chuyện. Nếu nói lý thuyết họ khó nhớ, nên Thầy dẫn câu chuyện đó kể, thấy họ cười cười, Thầy biết chuyện này họ đã nghe rồi, nhưng Thầy cứ kể. Xong, Thầy giải thích nghiệp là sao, tại sao nghiệp không mất. Giải rồi họ nói: “Con có nghe chuyện này rồi, bây giờ nghe Thầy nhắc lại rất là thấm.”

Chuyện cũ nhưng mình khéo giải thích làm người ta thấm thêm. Nhiều khi ngại, sợ người ta nghe rồi nói lại bị trùng, nhưng kể thì cứ kể, miễn khéo chút thôi. Thiếu gì chuyện Thầy kể cho tụi con nghe lặp đi lặp lại hoài, nhưng cần vẫn cứ kể.


Hình đại diện của người dùng
Thien Nhan
Bài viết: 2574
Ngày: 27/03/10 05:07
Giới tính: Nam

Re: XẢ LY

Bài viết chưa xem gửi bởi Thien Nhan »

Thưa Thầy, mấy đứa con tu giống như leo núi.

- Ờ phải rồi! Núi này cao cả ngàn mét, không phải thấp. Bởi vậy chuẩn bị đôi chân cho vững, phải ném hết những thứ dính mắc cho nhẹ. Chân mạnh nhưng cũng phải buông hết, tay không leo mới nổi, còn nhiều dụng cụ tạp nhạp quá đi không nổi, leo một chút đổ mồ hôi ngồi quị xuống. Thầy thường nói, tu thật đơn giản vô cùng, tu là buông xả. Người ta cứ nghĩ tu là thêm này kia, nhưng ngược lại, tu Phật là buông bỏ.

Thầy thí dụ: Có người ăn trộm, cờ bạc, uống rượu, á phiện, đủ thứ xấu, bây giờ người xấu ác đó muốn trở thành lương thiện thì sao? Chịu khó bỏ rượu chè, cờ bạc, ăn trộm, bỏ hết những cái đó, gọi là người tốt. Bỏ hết chớ đâu có thêm gì. Không thêm gì mà trở thành người tốt. Cũng vậy, cái xấu căn bản nơi con người là tham, sân, si, thêm chi tiết nữa là mạn, nghi, ác kiến, hờn giận đủ thứ. Mình mang đầy, bây giờ chịu khó bỏ bớt. Tham, sân, si bỏ hết thì thành Thánh ngay. Lâu nay muốn làm Thánh lại không chịu bỏ phàm, đó là điều hết sức lầm lẫn. Hiểu rồi tu Phật rất dễ, chỉ là bỏ hết.

Thí dụ có người muốn leo lên ngọn núi cao, lấy cái giỏ to, bỏ đá sỏi nặng trĩu xách theo, một lát nặng quá leo không nổi. Người khác thấy vậy khuyên cái gì không cần bỏ bớt. Người này leo được một đoạn ngồi thở dốc, người kia bảo bỏ bớt nữa, chừng nào bỏ hết rồi đi mới tới nơi. Như vậy, chỉ cần bỏ thôi! Tụi con xét kỹ mới thấy mình thật là ngu si, muốn làm Thánh mà không chịu bỏ cái phàm. Phàm hết liền là Thánh đâu cần thêm gì. Nên Thầy nói tu Phật hết sức dễ, chỉ có một chữ bỏ. Giả sử trong túi mình đầy những thứ tạp nhạp, thấy thứ gì không cần thì quăng bỏ, dễ ợt! Nhưng không hiểu tại sao cứ tiếc bỏ không đành. Nếu khi leo núi mệt, có người đưa mình một giỏ nặng nhờ xách phụ, mình từ chối là phải. Còn việc buông bỏ đâu có gì trở ngại, mà vẫn không chịu buông.

Phật nói si mê là chỗ đó, cứ khư khư giữ cái làm khổ mình, vô lý không? Bây giờ hỏi tất cả tụi con, nóng giận làm khổ mình, vậy mà bảo bỏ có chịu không? Hay nói “tánh tôi nóng lắm” để tìm cách bào chữa. Thật là si mê! Tu Phật rất đơn giản không có gì huyền bí lạ lùng, đó là lẽ thật, nhưng ít ai thấy. Tất cả đã hiểu được chuyện ngồi thiền, hiểu tu Phật, Thầy không cần giảng nhiều.


tranmy
Bài viết: 7
Ngày: 02/04/13 18:25
Giới tính: Nữ
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Việt Nam

Re: XẢ LY

Bài viết chưa xem gửi bởi tranmy »

Chào bạn ThienNhan
Bạn viết nhiều
Hay bạn đăng nhiều bài , nhiều ý tưởng gởi gắm mông lung, xa xôi...
Nhưng vì không thể phân tích từng bài một
Nên trân mỹ chỉ xin được góp lời cùng bạn vài ý chính
Nếu bạn cho rằng :
_ Xả ly không cần ngồi thiền dưới gốc cây
_ Xả ly thì rất đơn giản không có gì huyền bí lạ lùng
_ Xả ly giống như đem quẳng những thứ tạp nhạp có trong túi áo mình không có gì khó
_Xả ly giống như người leo núi muốn leo cao thì quẳng bớt đồ mang theo
_ Xả ly không là xả bỏ hết tài sản của mình đang hiện có nắm giữ
_ Xả ly là niệm Phật nhất tâm
_Xả ly là bỏ tâm tham sân si , học hạnh bố thí
_,, v v..
Và ngay cả :
_ người đau bệnh nan y khổ sở với thân bệnh , muốn xả ly báo thân tức là muốn chết
_ Người đau khổ nội tâm muốn xả ly để chấm dứt kiếp sống để hết suy nghĩ khổ sở

Thì tm xin có ý kiến .Trên chỉ là xả ly ngoài da thôi , còn bên trong chưa thực sự là đã xả ly xong

Vì trân mỹ hiểu chữ "xả ly " không giống cách hiểu trên.
Đối với người mới biết đạo , thì xả ly là xả bỏ những gánh nặng đang mang trên thân tâm , hầu có được an lạc , thảnh thơi.Như những vị tỳ kheo của đức Phật , không có gì để mất thật là thảnh thơi; trong khi bác chăn bò thì luôn luôn phải đối đầu với lo âu bị mất trộm bò , hay bò đi lạc, thật là mất an lạc.
Ai thì cũng muốn được an lạc thân tâm , nên nghe nói xả ly như vậy đều ham.
Nhưng thật ra "xả ly" là gì ?
tm trích dẫn đoạn kinh sau để bạn làm y cứ :

"Lúc bấy giờ, Quán Thế Âm Bồ Tát liền đứng dậy, đảnh lễ bạch Phật:

- Con nhớ khi xưa, từ vô số hằng sa kiếp trước :

*có Phật Quán Thế Âm ra đời, con phát tâm Bồ Đề nơi Phật ấy,
*Phật dạy con (từ )Văn, Tư, Tu (nhập Tam Ma Địa) (Văn, Tư, Tu là Văn nơi tai, Tư nơi Tâm, Tu nơi Hạnh).

* Bước đầu ở trong sự nghe được nhập lưu (chẳng chạy theo lục trần)
*mà quên cái sở nghe (vong, sở: vong nghĩa là quên). Sở nhập đã tịch, thì hai tướng động và tịnh chẳng sanh,
* như thế dần dần tiến thêm, thì năng nghe và sở nghe đều hết;
* sự hết năng sở của nghe cũng chẳng trụ.
*Còn biết chẳng trụ thì còn năng giác và sở giác, nên phải Không cái năng giác sở giác, thì sự Không giác ấy mới cực viên tròn; năng giác sở giác được Không đến cùng tột, là nhập vào chỗ Không,
*nhập vào chỗ Không thì còn trụ nơi Không, nên năng không sở không cũng phải diệt.
* Năng sở của Không diệt rồi thì tất cả sự sanh và diệt đều hết, sanh diệt đã diệt, thì tịch diệt hiện tiền, thình lình siêu việt thế gian và xuất thế gian. Đến đây, khắp mười phương pháp giới đều sáng tỏ, được hai thứ thù thắng tròn đầy sáng tỏ:
l. Trên khế hợp với giác tâm vốn huyền diệu của mười phương chư Phật, với Như Lai đồng một Từ Lực (Phật độ chúng sanh cho vui, nhưng không có năng độ, gọi là Vô Duyên Từ).

2. Dưới khế hợp với tất cả mười phương chúng sanh lục đạo, với tất cả chúng sanh đồng một Bi Ngưỡng (chúng sanh cầu Phật độ lìa khổ, nhưng không có sở độ, gọi là Đồng Thể Bi).
Thế Tôn! Do con cúng dường Quán Âm Như Lai, Phật dạy con y tánh Văn như huyễn, huân tu Kim Cang Tam Muội. Vì với chư Phật đồng một Từ Lực, nên khiến con được thành tựu 32 ứng thân vào các quốc độ."


( Kinh Thủ Lăng Nghiêm )
Bậc giác ngộ trải qua quá trình như vậy , là được xả ly.
Tóm lại , "xả ly" chỉ là xả ly khi giác ngộ hoàn toàn.Phát tâm tu xả ly không là xả ly.
Các vị tăng ở trong rừng thiền định, ngày ăn một bữa, đi khất thực... .Chỉ lấy thiền địnhlàm niềm vui và đạt trí tuệ.
Tu nghiêm mật như vậy mới dễ đạt xả ly
Còn ngày nay người tu miệng thì nói "XẢ LY " , nhưng trong tâm còn đầy luyến ái vợ con, danh lợi, không bao giờ chịu thua mất tài sản, làm việc gì thì so đo tính toán không để mình bị thiệt .Bồ đề tâm cũng dễ thối thất .
Và tm nói vậy tuy trể nhưng vì lần đầu được đọc bài của đh
tm hiểu về xả ly như như vậy , nếu có khác với Bạn cũng xin Bạn vui lòng
Cám ơn diễn đàn đã cho tm phát biểu cùng ĐH Thien Nhan


xapxinh
Bài viết: 1
Ngày: 13/05/13 18:54
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: ha noi

Re: XẢ LY

Bài viết chưa xem gửi bởi xapxinh »

Nam mô adida phật


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.1 khách