Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh

Có những đoạn kinh luận đọc không hiểu, hiểu mà không thấu đáo, chẳng biết hỏi ai ? Mời đem vào đây để mọi người cùng nhau thảo luận học hỏi...

Điều hành viên: binh

Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

Pháp chiếu soi không cần phải thực hành liên tục, bởi lẽ nó là một phương pháp điều phục vọng tâm, được ví như một phương thuốc để trị bệnh. Khi bệnh hết thì thôi không dùng thuốc nữa.
    • a. Chiếu soi bằng cách nào?
Bí quyết chiếu soi nằm trong câu "Hồi quang phản chiếu".

Hồi quang là xoay ánh sáng bên ngoài trở vào trong chơn tâm, đừng để thấy những cảnh vật bên ngoài lôi cuốn mình. Nên nhớ rằng chơn tâm luôn luôn thanh tịnh, vì thế ngoại cảnh loạn động vừa được đưa vào liền trở nên thanh tịnh.

Phản chiếu là chiếu trở ngược lại ngoại cảnh với thứ ánh sáng thanh tịnh vừa được chơn tâm chuyển đổi để có thể thấy như thật tất cả hiện tượng.

Chiếu soi hai chiều như thế sẽ đưa đến kết quả là thấy mà như không thấy mà lại thấy tất cả như thật.

Để cụ thể hóa pháp chiếu soi, chúng tôi xin đưa ra một thí dụ như sau:

Nhận được một bức điện tín báo tin buồn, sau khi đọc xong, người đời thường xúc động vì đau khổ. Nhưng đối với người đã tu lâu pháp chiếu soi thì phản ứng tự nhiên của đương sự là ngưng thần tụ khí, lập tức nhìn trở lại vào chơn tâm trong vài phút, đầu óc không suy nghĩ gì cả. Do đó, y sẽ vượt qua cảm xúc đau khổ và sẽ biết rõ như thật những sự việc đã xảy ra được đề cập trong điện tín.

Mỗi khi đối pháp nghĩa là đối phó với các sự việc xảy đến cho mình, mà mình biết chiếu soi chúng ta chắc chắn sẽ vượt qua tất cả khổ đau như Tâm Kinh đã khẳng định.
    • b. Chiếu soi cái gì?
Chúng ta chiếu soi những tư tương nào mang bốn đặc tánh của thức thứ bảy, còn gọi là thức Mạt Na đó là ngã si, ngã mạn, ngã kiến, ngã ái mà hiện tướng hay tướng thô là tham, sân, si, thất tình, lục dục. Thất tình gồm có: hỉ, nộ, ái, ố, ai, dục, cụ; còn lục dục thì có: tài (tiền bạc), danh, sắc, thực, thùy (ngủ nghỉ), tật đố (ganh ghét) hoặc sáu thứ ham muốn của sáu căn.

Chúng ta không thể nào nhìn rõ được bốn thứ ngã của thức Mạt Na, nhưng chúng ta có thể thấy rõ tướng thô của chúng là thất tình, lục dục.

Bị liên tục chiếu soi thì thất tình, lục dục sẽ suy yếu và mất đi, bốn ngã sẽ được dứt trừ, thức Mạt Na liền dứt theo, thứ A lại da biến thành thức bạch tịnh (trong trắng) bởi là Mạt Na và A Lại Da tuy hai mà một.

Do ở chỗ thức Mạt Na là nơi nương tựa của sáu thức đầu (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức), một khi Mạt Na mất thì sáu thức này khi đối pháp sẽ không nhiễm một thứ tình nào trong thất tình.

Như thế người hành pháp chiếu soi mới có cái nhìn vạn pháp như thật.

Tóm lại, chúng ta hãy chiếu soi những tư tưởng nào mang tính chất của thất tình, lục dục, còn ngoài ra cứ để cho tạp niệm xẹt ra và biến mất trong đầu nhưng với điều kiện là chúng ta phải tỉnh táo để biết kịp thời các tạp niệm ấy.

Biết kịp thời tạp niệm sẽ làm cho tạp niệm tan biến. Đó là pháp chánh giác.

Trên đây, chúng tôi đã trình bày chi tiết pháp chiếu soi mà Tâm Kinh gọi là pháp chiến kiến. Tuy nhiên để giúp cho quý độc giả nắm vững lý do vì sao pháp này có công năng vi diệu trong vấn đề dứt trừ tâm chấp ngã, chúng tôi xin được phép giải thích thêm như sau, dựa trên động lực học (dynamique des forces).

Pháp chiếu soi còn được đặt nhiều tên khác như pháp tu nhĩ căn viên thông mà trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, Bồ tát Văn Thù, theo lệnh của đức Phật đã tự mình lựa chọn trong số hai mươi lăm pháp tu của hai mươi lăm vị Bồ tát và A La Hán, vì theo ngài pháp tu nhĩ căn viên thông của Bồ tát Quán Thế Âm là pháp dễ tu, dễ đắc nhứt, rất phù hợp cho các chúng sanh đời sau, ngay trong thời kỳ mạt pháp. Pháp tu Thiền này rất đơn giản, trong khi các loại thiền khác quá phức tạp, bởi lẽ người tu giờ phút nào cũng thực hành được, không cần phải có chỗ thanh tịnh, hoặc có đủ phương tiện cần thiết.
  • Thế nào là viên thông?
Viên thông không có nghĩa là nghe thật xa. Nếu hiểu như vậy thì các Bồ tát Tam Hiền (Thập Trụ, Thấp Hạnh, Thập Hồi Hướng), chư Hiền, chư Thần vốn là những vị có thể nghe thật xa, đều đã chứng đắc viên thông rồi rao?

Viên là tròn đầy, thông là thông suốt, không ngăn ngại. Do đo nhĩ căn viên thông hàm ý là khi nghe bất cứ âm thanh nào ở ngoại giới cũng như tiếng nói trong lòng mình, người tu cảm thấy rằng mình không bị lôi cuốn bởi sức quyến rũ của các âm thanh ấy.

Pháp chiếu soi hay pháp tu nhĩ căn viên thông còn được gọi là pháp lắng nghe, lắng nhìn vô sở thọ, bởi lẽ khả năng chiếu soi của lỗ tai là nghe, của mắt là nhìn, là thấy mà không cảm thọ, không bị lôi cuốn thì gọi là viên thông.

Tuy khác nhau về văn tự, nhưng cả ba pháp tu này đều có cùng một nghĩa.

Cách giải thích có khả năng thuyết phục nhứt vì sao hành pháp chiếu soi một cách thuần thục có thể giữ tâm bất nhiễm, vô trụ không bị cảm thọ hay bị lôi cuốn bởi ngoại cảnh hay bởi vòng tâm là cách giải thích áp dụng khoa động lực học.

Người tu thiền không chủ trương tận diệt mọi tư tưởng. Họ chỉ tìm cách dứt trừ tư tưởng tham, sân, si, thất tình, lục dục (chấp ngã, chấp pháp), khi đối cảnh, đối pháp hay những hình ảnh có sức quyến rũ được ghi trong ký ức. Họ chỉ muốn làm chủ tất cả những tư tưởng bất luận chơn hay vọng đang diễn biến trong tâm họ, nghĩa là chẳng những họ không để cho các tư tưởng chấp ngã và chấp pháp lôi cuốn khi họ đối pháp, mà còn tùy nghi sử dụng những tư tưởng ấy để làm lợi người và lợi mình. Đó là trường hợp của những vị Tổng Thống, Thủ Tướng biết khắc phục những tư tưởng vị kỷ, cống cao ngã mạn để tìm cách sử dụng địa vị của mình, hầu đem lại lơi ích cho mọi tầng lớp trong dân chúng.

Muốn khỏi bị lôi cuốn bởi ngoại cảnh hay bởi vọng niệm, trước tiên chúng ta phải tỏ thấu chúng khi đối cảnh, đối pháp.

Có đối pháp, tâm liền phát khởi. Tâm phát khởi là tâm bị động, tâm lắng nghe, lắng nhìn bên trong là tâm tịnh.

Tuy nói có hai tâm nhưng cả hai đều sử dụng một lực, đó là tâm lực nói chung, trung tính (neutre) không thiện không ác.

Vì chơn tâm hay chơn như trùm khắp, vừa ở nội tâm mỗi người chúng ta mà cũng vừa ở khắp cùng vũ trụ. Do đó, tâm lực của chúng ta cũng chính là lực của vũ trụ còn gọi là lực năng sanh của chơn như.

Khi đối pháp, nếu chúng ta sanh lòng tham, thì liền đó có một lực thúc đẩy chúng ta phải hành động.

Nếu chúng ta biết lắng nghe, lắng nhìn nội tâm, tất nhiên lực tham sẽ mất, khiến cho tư tưởng tham cũng lần hồi mất theo.

Vậy thì việc cần phải làm ngay là tập cho tâm lắng nghe, lắng nhìn có một lực thật mạnh, đủ sức để hàng phục các tư tưởng tham, sân, si, thất tình, lục dục. Lực thật mạnh ấy chính là tâm lực sẵn có ở nơi mình, từ trước đến giờ chỉ được các tư tưởng chấp ngã, chấp pháp sử dụng, nay nhờ áp dụng pháp chiếu soi nên nó được dồn về tâm lắng nghe.

Nếu thường xuyên đối pháp và mỗi lần đối pháp chúng ta có dịp huân tập lực lắng nghe, phát triển nó cho thật mạnh thì dĩ nhiên các lực tham, sân, si sẽ yếu dần cho đến cuối cùng không còn đủ sức, đủ ma lực để lôi cuốn chúng ta nữa. Chừng đó chúng ta đã được chuyển hóa thành những chủng tử trắng trong (bạch tịnh). Nếu quá trình chuyển hóa được hoàn tất thì chúng ta sẽ không còn bị nhiễm ô nữa tức là chúng ta được giải thoát.
  • Cách Thức Thực Hành Pháp Lắng Nghe
Mỗi buổi tối, khi trong nhà được yên tĩnh, chúng ta có thể nằm hay ngồi để tập lắng nghe tất cả mọi tư tưởng khởi phát trong tâm.

Chúng ta làm như vậy nhằm mục đích phát huy pháp chiếu soi cho thật bén nhạy, để khi đối pháp chúng ta kịp thời lắng nghe tiếng nói thanh tịnh của lòng mình.

Trong bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, tư thế có lợi nhứt là ngồi, vì nó giúp chúng ta dễ dàng theo dõi tư tưởng mà không bị hôn trầm, không bị mệt mỏi.

Sau khi đối pháp mà chúng ta dã áp dụng thuần thục pháp chiếu soi, chúng ta nên chuyển qua chiếu soi bốn tướng: ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả.

Mục đích của pháp chiếu soi bốn tướng là để thành tựu tâm không phân biệt, tâm bình đẳng. Chúng ta nên nhớ rằng mình và vạn pháp là một, không sai khác do ở chỗ có cùng một bản thể bất biến, năng sanh, sáng suốt và thanh tịnh. Phàm phu vì không nhận thức được điều này nên sanh tâm phân biệt mình và người, mình và chúng sanh và tâm phân biệt ấy được liên tục kéo dài trong thời gian và không gian. Đó là tâm phân biệt bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả mà các bộ kinh Phật thường đề cập đến.

Vọng tâm chấp ngã tức là chấp ngã tướng. Chữ tướng ở đây có nghĩa vừa là hình tướng vừa là ý nghĩa, khái niệm. Nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng cả ba tướng này đều được suy diễn từ ngã tướng. Chiếu soi bốn tướng tức là chiếu soi ngã tướng.

Ngã tướng gồm có thân và tâm, phát sanh từ vô minh.

Vì chấp thân tâm là Ta nên chúng sanh không đủ can đảm tự mình tiêu diệt ngã tướng, nên con người mới tham sống sợ chết.

Vì chấp tâm ta là thật, nghĩa là chấp những cái thấy (nhãn căn), nghe (nhĩ căn) hay còn gọi là cảm thọ (tỷ căn), thiệt căn (thân căn) và biết (ý căn) là của Ta, là do Ta nên người đời thường ra sức bảo thủ, bênh vực ý kiến về quan điểm của mình, từ đó mới sanh ra bao nhiêu mối bất hòa, tranh chấp.

Muốn chiếu soi rốt ráo ngã tướng, chúng ta cần phải tỏ thấu những biểu hiện của ngã tướng. Có hai cách biểu hiện:
  • Ngã tướng thô
Ngã tướng thô thường biểu lộ qua thất tình và lục dục. Đó là mười ba con ma luôn luôn theo đuổi chúng ta trong cuộc sống hằng ngày. Như khi bị người chửi mắng, rầy la, chúng ta hờn giận, như gặp lúc nguy hiểm, chúng ta đâm hốt hoảng, sợ sệt. Chúng ta muốn ăn thật nhiều, thật ngon, mặc đẹp, đúng thời trang, ở nhà sang v.v... đó là những thứ tham dục thường thấy.

Ngã tướng thô còn biểu hiện bằng cách phân biệt mình và người, mình và chúng sanh, người này người nọ, phân biệt nam nữ, tốt xấu v.v...

Ngã tướng thô còn được biểu lộ bằng các cuộc đấu tranh, để bênh vực những quan điểm, chủ thuyết của mình qua những điều thấy, nghe, hay, biết.
  • Ngã tướng vi tế
Sau một thời gian chiếu soi, ngã tướng thô có thể được dứt trừ mọi ý niệm phân biệt mình, người, chúng sanh thường xuyên vắng lặng.

Tuy nhiên ngã tướng vi tế khó bề dứt trừ vì nó khó phân biệt. Trong chương 10, kinh Viên Giác, đức Phật dạy cách đề phòng nó như sau:
  • Hễ còn biết mình thật có chứng đắc thì vẫn còn ngã tướng vi tế (chứng).
  • Nếu trong tâm mình còn một chút hiểu biết về việc chứng đắc ấy thì vẫn còn nhân tướng vi tế.
  • Khi cả hai tướng này được dứt trừ mà còn có cái tâm rõ biết thì vẫn còn chúng sanh tướng vi tế.
  • Cuối cùng cái tâm rõ biết ấy còn gọi là trí giác ngộ vẫn phải tiếp tục tu các pháp vô lậu trong một thời gian dài nữa để tự tiêu diệt, chừng đó thọ mạng tướng vi tế mới thật sự chấm dứt (giác).
Sở dĩ ngã tướng vi tế, khó dứt trừ vì nó thuộc về loại tam tế vô minh đã được đề cập ở phần trước. Đó là nghiệp tướng vô minh, chuyển tướng vô minh, và hiện tướng vô minh.

Bốn chữ Hán chứng, ngộ, liễu, giác mô tả trình tự giảm thiểu của tâm chấp ngã trên bước đường dài tu tập để đắc vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Sau khi thuần thục chiếu soi bốn tướng, nghĩa là sau khi tâm tư được yên lặng thì không cần phải tiếp tục hành pháp này nữa.

Chúng ta lại bắt đầu áp dụng pháp chiếu soi các quán hạnh về Mật Tông để phát khởi thần lực. Trong giai đoạn tu tập pháp này được gọi với cái tên là Bí Mật Pháp Thân Tỳ Lô, chúng ta mới ý thức được giá trị cao diệu của Mật Tông trong vấn đề đem tâm mình hòa hợp với tâm của vũ trụ. Thật vậy, khi tâm mình thường xuyên vắng lặng như hư không, thì tâm lực của mình còn gọi là tự lực lúc đó đã biến thành tha lực. Chừng ấy tự lực tức là tha lực, tha lực tức là tự lực, bởi lẽ chúng ta đã hoàn tất quá trình phát triển thần lực với bốn cột mốc dưới đây:
  • Cột mốc 1: Mắt thấy được hào quang và các hình tướng trong cõi vô hình, tai nghe được các thứ âm thanh từ thế âm, diệu âm, hải triều âm đến phạm âm.
  • Cột mốc 2: Tất cả hạnh nguyện của mình đều được như ý (tùy ý).
  • Cột mốc 3: Chẳng những các hạnh nguyện được tùy như ý mà còn được thể hiện trọn vẹn, đầy đủ (như ý túc).
  • Cột mốc 4: Cuối cùng tâm mình được hòa nhập với tâm của vũ trụ, với Viên giác.
Pháp chiếu soi là pháp sử dụng tánh thấy hay tánh nghe, nhứt là tánh nghe vì nhĩ căn có tới mười hai ngàn công đức, trong khi nhãn căn chỉ có tám trăm mà thôi.

Tóm lại, muốn được vô sở thọ khi lắng nghe thì không nên nghĩ thiện, nghĩ ác, tâm rỗng rang như hư không.

Trong khi giữ tâm rỗng rang, mà niệm khởi thì cũng mặc tình, chỉ cần tỉnh táo để kịp thời giác niệm là được, vì giác niệm thì niệm tan.

Sở dĩ pháp chiếu soi mang lại hiệu quả nhanh nhất vì nó bao gồm cả Định lẫn Huệ. Trời người và các hàng Nhị thừa vì lầm chấp Định, Huệ là hai pháp riêng biệt nên để mất đi cái diệu thể đồng nhứt, vì thế họ mới tiếp tục rơi vào quỹ đạo nhị nguyên đối đãi.
  • Vì sao pháp chiếu soi bao gồm Định, Huệ?
Bởi lẽ thấy rõ ràng tất cả các pháp là thấy được tướng và tánh của chúng, thấy đúng như tướng chân thật gọi là Huệ. Nơi các pháp mà tâm mình không bị nhiễm ô thì gọi là Định. Vì thế mới nói nơi Huệ có Định, nơi Định có Huệ.

Lắng nghe hay chiếu soi với tâm vắng lặng tức là hòa nhập được tánh Không của vạn pháp, là thấy được Phật tánh nơi lòng mình.

Pháp chiếu soi cuối cùng chỉ là pháp làm cho tâm được bình. Nếu tâm được bình rồi liền bỏ pháp. Tâm bình thường là đạo.

Gọi là bình thường vì đối với pháp, tâm không bị ô nhiễm. Tâm không bình thường khi gặp chi liền đam mê, tham đắm, từ đó phát khởi mọi thứ tham, sân, si, thất tình, lục dục.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

IV. BÀI KỆ BỐN CÂU XIỂN DƯƠNG PHÁP CHIẾU KIẾN CỦA BÁT NHÃ
Trong kinh Kim Cang Bát Nhã cũng như trong các kinh Đại Thừa khác, đức Phật thường đề cập đến bài kệ bốn câu, nhưng ngài không minh thị bài kệ nào. Do đó, từ xưa đến nay, có rất nhiều giới Phật tử vẫn thắc mắc về điều bí mật này.

Qua tham khảo một số sách, chúng tôi được biết Bồ tát Di Lặc, Bồ tát Văn Thù, Lục Tổ Huệ Năng và một vài luận sư cao thâm gần đây đã nói lên ý kiến của các ngài về bài kệ bí ẩn ấy.

Theo Bồ tát Di Lặc thì bài kệ là bốn tướng: Nhân, ngã, chúng sanh, thọ giả; còn Bồ tát Văn Thù thì cho rằng đó là thân không, tâm không, tánh không, pháp không. Lục Tổ Huệ Năng bảo đó là Trí Bát nhã ba la mật đa. Cũng có người cho rằng đó là Như như Bất động đúng như lời dạy cuối cùng của Phật trong kinh Kim Cang Bát Nhã về cách thuyết pháp không trụ tướng (không chấp nơi tướng như như bất động).

Ý kiến mỗi vị tuy khác nhau về văn tự, nhưng không khác nhau về ý nghĩa. Vì sao?

Bởi lẽ lìa bốn tướng là ngã không; thân, tâm, tánh, pháp đều không tức là đã dung nhiếp ngã không, pháp không rồi, còn trí Bát Nhã Ba la mật đa là tánh không, như như bất động là vô niệm, là tâm không.

Tất cả những ý kiến nói trên đều xoay quanh chữ Không của Bát Nhã, đều chứa đựng nội dung các pháp môn tu tập để trở về với cái chơn không mà diệu hữu.

Pháp môn chỉ là phương tiện để mỗi người chúng ta sử dụng trong quá trình tu giải thoát. Phần chánh yếu, phần chủ động là ở nơi ý chí của mỗi người, sau khi đã tỏ ngộ các đặc tánh của cảnh giới Chơn không mà Diệu hữu.

Sau một vài năm được sự hướng dẫn của Chân sư là ngài Padma AsamBhiya, vốn là vị hóa thân của Phật Quán Thế Âm, chúng tôi nghĩ rằng bài kệ bốn câu cần hiển thị của đặc tánh Bát Nhã hay của tánh Không.

Bốn đặc tánh của Bát Nhã tương đương với bốn đặc tánh của Niết Bàn, tương đương từng cái một như sau:

Bát Nhã:
  • - Thường hằng.
    - Năng sanh.
    - Chiếu soi.
    - Thanh Tịnh.
Niết Bàn:
  • - Thường.
    - Lac.
    - Ngã.
    - Tịnh.

    a. Đặc tánh Thường hằng:
Thân tứ đại luôn biến chuyển từng giây từng phút. Cứ mỗi giây có hằng triệu tế bào chết đi và hàng triệu tế bào khác được sanh ra để thay thế. Cơ thể chúng ta được hình thành bằng những tế bào, nếu phân tách sâu hơn nữa, có thể nói bằng những nguyên tử mà khoa học ngày nay đã khám phá ra được.

Giả thuyết nguyên tử là vi thể căn bản cuối cùng của vật chất thì thử hỏi với thời gian và không gian, cái vi thể ấy có bị hư hoại hay không?

Đặt thí dụ cho rằng các vi thế đó cũng có thể tan biến, vậy thì cái chỗ chứa đựng sanh ra chúng và khiến cho chúng phát triển, hóa hợp, biến dạng (chỗ ấy chính là chơn không), chỗ ấy có thể bị hoại diệt hay bị phủ nhận không? Chắc chắn là không?

Đề cập đến phần tâm trong thân người, còn gọi là tâm thức (khi thân này chết thì được gọi là thần thức), trong một ngày hết niệm này sanh liền có niệm khác nối tiếp. Chúng hằng biến chuyển như thác đổ trên nguồn. Cứ mỗi lần đối cảnh, đối pháp thì sanh tình, sanh thức, ý này mất, ý khác liền nổi lên. Pháp Diệt Tận Định hay pháp lìa thức chủ trương diệt hết mọi tư tưởng, nhưng nơi sanh ra tư tưởng, nơi mà chúng dựa vào để diễn biến liên tục, nơi đó có bị pháp Diệt Tận Định, làm tan biến hay không? Cũng chắc chắn là không?

Vậy thì rõ ràng, đặc tánh thường hằng của Bát Nhã vẫn hiện hữu ở nơi chúng ta cũng như ở nơi vạn vật.
  • b. Đặc tánh Năng sanh:
Trong cuộc sống hàng ngày, ai ai cũng phải giao tiếp thù tạc, và trong khi giao tiếp chúng ta thường bày tỏ ý kiến, cảm ngĩ của mình. Khi ngồi một mình, chúng ta cũng thường suy nghĩ, tính toán, thường tỏ ra yêu thích hay ghét bỏ điều này, điều nọ. Tất cả những tư tưởng luôn diễn bày trong tâm tư chúng ta, đó là những biểu hiện của đặc tánh năng sanh.

Đứng trước một sự việc, ở thời điểm trước, chúng ta có một suy nghĩ như thế này, nhưng ở thời điểm sau, chúng ta lại có một ý nghĩ khác. Mỗi lần suy tính thì mỗi lần chúng ta lại có cái gì mới, từ đó mới có những lời nói và hành động mới. Những đổi mới trong sinh hoạt cá nhân, gia đình, trong đời sống xã hội, tất cả những đổi mới ấy luôn luôn thể hiện tánh năng sanh, năng biến của vũ trụ.
  • c. Đặc tánh Chiếu soi:
Hễ có ánh sáng là có thấy, mà thấy được thì có thể biết, nghĩa là có thể phân biệt các dạng, các màu sắc v.v...

Cái tánh thấy được gọi là đặc tánh chiếu soi. Nhưng kẻ phàm phu, sau khi thấy biết, có thể mê thích, cũng có thể chán ghét, do đó cái thấy của họ không được trọn vẹn vì họ đã bị các cảnh, các pháp lôi cuốn.

Cái thấy không trọn vẹn đó gọi là Thức được hiểu theo nghĩa tri biết hạn hẹp. Nếu thấy biết trọn vẹn là thấy rõ cả tướng lẫn tánh của vạn pháp thì cái thấy đó gọi là Tuệ giác, hoàn toàn ứng hợp với đặc tánh chiếu soi.

Đặc tánh chiếu soi không lúc nào mà không có, dù trong lúc ngủ cũng như sau khi thân này chết đi.
  • d. Đặc tánh Thanh tịnh:
Từ trước đến nay đã có biết bao triết gia, biết bao tôn giáo nhận định rằng đời là ô trược, cần phải lìa đời bằng mọi cách để trở về với thế giới thanh tịnh.

Do ở chỗ ước mơ cái thế giới thanh tịnh ấy, được gọi với nhiều danh xưng như Thiên đàng, Nước Chúa, Cực Lạc, Niết Bàn v.v... nên rất nhiều người đã áp dụng đủ thứ phương tiện để đạt cho được mục tiêu. Nhưng hỡi ôi, bao nhiêu công phu tu tập chỉ đưa họ đến một thế giới ảo tưởng. Vì sao? Bởi lẽ cái lực của tâm ước mơ đã tạo ra lắm điều, lắm cảnh giới. Mỗi một loại Thiền thường bị vướng mắc trong một cảnh giới riêng biệt.

Trong các kinh Thủ Lăng Nghiêm, Viên Giác, vì từ bi thương xót nên Phật mới khuyên bảo chúng ta đề phòng ngũ ấm ma khi tu Thiền định.

Người tu thiền, khi thấy các cảnh giới hiện ra thì đừng vội cho rằng mình đã chứng đắc, mà nên cho đó là một sự tiến bộ nhỏ nhoi thôi. Bởi lẽ tất cả mộng tưởng, điên đảo chính là Ma vương vậy, và các cảnh giới biến hiện trong khi ngồi thiền, chính là các cảnh giới của ngũ ấm ma. Vì vậy các thiền gia nên canh chừng những mộng tưởng, điên đảo của mình, nghĩa là đừng bao giờ mong cầu điều gì cả. Được như vậy, thì cảnh giới ma liền biến mất.

Người đời thường cho rằng ông A nhiễm điều này, ông B nhiễm điều nọ. Thật ra chúng ta có nhiễm hay không?

Nếu nói con người có nhiễm thì như thế trái ngược với tánh Không hay sao?

Còn nếu nói không nhiễm thì cũng không đúng vì trên thực tế, người thế gian đều bị nhiễm. Chính điểm này là điểm thắc mắc chung của những ai tu học Đại thừa!

Phàm phu vì chấp ngã, chấ pháp vì còn đầy dẫy tham, sân, si nên tìm mọi cách ổn thỏa tánh hư tật xấu của mình, nhưng khi được thỏa mãn rồi thì họ không còn mê luyến, không còn nhiễm nữa.

Vậy thì rõ ràng, người đời có lúc nhiễm, có lúc không nhiễm.

Trong một lúc bất thần đối pháp, họ có thể sanh tâm tham luyến và cố giữ những sự vật họ tham luyến. Nói cố giữ chớ thật ra họ không bao giờ giữ được mãi.

Vì tâm chúng sanh luôn luôn biến chuyển, nên khi hết thích cái này liền sang thích cái khác. Năm ngoái thích xe Peugeot của Pháp, năm nay lại thích xe Mercedes của Đức; mỗi mùa các bà đua nhau đổi thời trang. Nói như thế để chứng minh rằng vì tâm con người có đổi thay nên ngoại cảnh và thế giới cũng phải theo đó mà đổi thay.

Nếu chúng sanh, thật sự nhiễm ô, bám chặt lấy một thứ tham dục nhứt định nào đó thì cảnh giới bên ngoài giữ mãi hình dáng cũ, làm gì có các hiện tượng, các tướng trạng vô vàn sai biệt như hiện nay?

Lấy hình ảnh một trái cầu đang lăn, mặt nó tiếp xúc với mặt bằng. Trong khi nó tiếp tục lăn thì nó không dính, không kẹt bụi bặm. Ngay khi trái cầu ngừng lăn thì bụi cát và đủ mọi thứ dơ bẩn liền bám dính vào. Đó là hình ảnh nhiễm ô, bất tịnh.

Con người cũng thế, nếu bám trụ vào một sự vật nào hay một điều gì thì gọi là nhiễm ô. Trong cuộc sống hàng ngày, tuy tiếp xúc với đủ hạng người (giống như trái cầu đang lăn) nhưng nếu chúng ta không chấp tướng, không bị thất tình lục dục lôi cuốn thì như thế chúng ta đã thành tựu pháp bất nhiễm, nghĩa là giữ tâm thanh tịnh vốn là đặc tánh thứ tư của Bát Nhã.

Để cụ thể hóa bốn đặc tánh ấy, chúng tôi xin mạo muội đề xuất một bài kệ bốn câu như sau, để giúp quý độc giả có cơ sở suy gẫm mỗi ngày:

Kệ rằng:
  • Pháp Hoa tâm ấy vốn Thường hằng
    Chơn lạc Năng sanh vạn khí căn
    Ngã thường cùng khắp sáng Soi chiếu
    Tịnh tánh Như như bất động thân.
Pháp Hoa Tâm là cái gì vô thỉ vô chung, sáng suốt nhứt, vi diệu nhứt, trong sạch nhứt của kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, đức Phật cũng đề cập đến tâm Kim Cang với dụng đích ám chỉ chơn tâm, Phật tánh, thường hằng, bất biến. Khí là khí giới, là vạn pháp. Căn là căn thân, là ngã. Khí căn ám chỉ ngã, pháp tức là con người, chúng sanh và vạn vật, vạn pháp.

Do tánh chất của niềm vui chơn thật (chơn lạc) nên chơn tâm mới sanh hóa ra muôn loài, muôn vật. Ngã là chủ tể mà cặp mắt ông chủ phải thấy biết mọi nơi. Do đó mới nói ngã là chiếu soi cùng khắp. Thân như như bất động là Pháp thân, là thực tướng, Vô tướng vô cùng thanh tịnh.

Với bài kệ trên, chúng tôi đã xiển dương bốn đặc tánh của chơn tâm để rồi nương theo đó mỗi ngày chúng ta quyết chí tu tập sao cho thâm nhập được nguyên lý nhứt như, tướng tức tánh, Sắc tức Không, thường hằng tức năng sanh, tịnh tức chiếu. Thâm nhập được nguyên lý này, chắc chắn chúng ta đã dứt trừ tâm phân biệt. Những gì trước kia bị phủ định nay trở thành chơn thật, phàm ngã biến thành chơn ngã. Địa ngục lúc đó là Niết Bàn, phiền não là Bồ đề, chúng sanh là chư Phật, tương đối là tuyệt đối. Chừng đó chúng ta là những con người mới, đã bỏ lớp áo cũ, nhị nguyên nay mặc chiếc áo mới, nhứt nguyên. Chúng ta là những người đã chết nay sống lại, chết là chết cái phàm ngã, sống lại là sống với chơn ngã, chơn tâm.

Thánh Kinh cũng nói: "Nếu con người không sống lại thì không thể nào thấy được cõi Chúa" (Si l'homme ne nait pas de nouveau, il ne peut pas voir le royaume de Dieu).

Phật pháp không lìa thế gian luôn gắn liền với thế gian, với loài người. Trong kinh Kim Cang, đức Phật từ các tướng muôn ngàn sai khác của vạn vật mà quyết tâm tìm kiếm nguồn gốc của chúng. Các tướng sai khác hay giả tướng ấy là mặt ngoài của các pháp duyên sanh, còn nguồn gốc của chúng hay mặt trong là Thể.

Biết được tướng và thể của vạn pháp, chư Bồ tát mới tìm cách điệu dụng các tướng ấy trong sự nghiệp cứu độ chúng sanh, cải hóa xã hội loài người. Đó là ba mặt của vạn vật, vạn pháp (Tướng, Thể, Dụng) trong đó mặt Diệu Dụng mới thật sự quan trọng đối với sự tiến hóa của tâm linh chúng sanh.

Thiện và ác, chơn và vọng, cả hai đều có cái dụng riêng biệt. Nhà tu còn gọi là địa ngục trần gian cũng có cái dụng của nó trong việc chuyển hóa tâm của những kẻ đau khổ hướng về đạo pháp.

Chúng ta phải ý thức rằng đau khổ, nghịch cảnh là những yếu tố rất cần thiết để thúc đẩy con người trở về nguồn cội.

Tinh thần diệu dụng của Phật pháp được Phật hiển thị trong các tam đoạn luận của kinh Kim Cang là nét đặc thù của hạnh Bồ tát. Các ngài diệu dụng mọi việc, mọi hoàn cảnh, không chấp tốt xấu, hành động không ngừng nghỉ với mục đích duy nhất là đem lại niềm tin và hoan lạc cho chúng sanh để từ đó dẫn dắt họ trở về với chơn lý, với đạo pháp. Đó là hạnh của trưởng giả Duy Ma Cật, trong kinh Duy Ma Cật, hạnh của Bồ tát Quán Thế Âm lúc nào cũng sẵn sàng cứu khổ, cứu nạn v.v...


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

V. PHỐI HỢP CHIẾU KIẾN VỚI PHÁP VÔ NIỆM
Niệm có hai nghĩa là nhớ đến những việ đã xảy ra trong quá khứ và nghĩ tưởng những gì đang và sẽ xảy ra. Vọng niệm thường được đề cập trong các kinh Phật là những ý nghĩ bất chợt hiện ra trong đầu, chúng không chơn thật, thuộc về nghĩa thứ nhì nói trên.

Niệm khác với Tư duy, vì niệm không có nghĩa là suy nghĩ, tìm tòi, phân tách, tổng hợp. Vì thế khi dạy về Bát chánh đạo, đức Phật phân biệt chánh tư duy khác với chánh niệm. Trong tinh thần tổng hợp, có thể định nghĩa chữ "Niệm" như sau:

Niệm là những ý nghĩ, tư tưởng, ký ức xẹt ra liên miên trong đầu óc mình, từ sáng đến tối, luôn cả trong giấc ngủ. Chúng là những khách không mời, thình lình đến, thình lình đi. Chúng là những chủng tử nằm sâu trong tạng thức hay thức A lại da luôn luôn chuyển biến tìm mọi cách để biến hiện ra ngoài. Đức Phật gọi chúng là những kẻ địch mà chúng ta nhận lầm làm con. Tiêu diệt chúng là giết con mình. Vì không dám giết con nên kẻ phàm phu phải chịu chìm đắm mãi trong vọng niệm, vọng tưởng.
  • Định nghĩa hai chữ Vô Niệm
Theo Bồ tát Mã Minh, Tổ Thiền thứ mười hai bên Ấn Độ vô niệm có nghĩa là chánh niệm, chơn niệm. Trong Pháp Bửu Đàn Kinh, phẩm 2: Bát Nhã, ngài Lục Tổ định nghĩa vô niệm như sau:
  • "Nếu thấy các pháp mà tâm chẳng nhiễm thì đó là vô niệm..., ở trong sáu trần mà không bị tạp nhiễm, đi lại tự do, thung dung vô ngại, tự tại giải thoát tức là hạnh vô niệm. Trái lại, nếu không nghĩ gì hết, nếu làm bặt hết các niệm, thì đó là pháp trói buộc, còn gọi là biên kiến chỉ thấy được một bên".
Vì thế vô niệm không phải là chẳng có niệm gì trong đầu. Sở dĩ gọi là vô niệm là vì khi đối pháp hoặc khi rảnh rỗi, chúng ta không có ý niệm phân biệt, so sánh chẳng hạn như không lấy bỏ, không khen chê, không vui không buồn, nghĩa là chúng ta không duyên theo pháp, theo niệm.

Nhơn đề cập đến chánh niệm, niệm tưởng chơn chánh, chúng tôi xin trình bày thêm quan niệm của chúng tôi về thức A lại da và các tâm sở của nó.

Bởi lẽ nếu chúng ta không thấu rõ điều này thì chắc chắn chúng ta không thể nào ứng dụng được niệm tưởng chân chánh.

A lại da là chủ tể chỉ đạo tất cả mọi suy tư kể cả những suy tưởng về tương lai cũng như những ký ức của quá khứ, bằng cách cho lưu chuyển và hiện hành các chúng tử.

Mỗi lần chúng ta đối cảnh, đối pháp, tất cả ý nghĩ, tình cảm, lời nói hay hành động của chúng ta đều được lưu trữ đưới dạng một chủng tử.

Sở dĩ chủng tử được duy trì, được biến đổi, là do sự tác động của một lực bên trong chủng tử có tên là A lại da.

Do đó, A lại da không có nghĩa là đơn thuần là cái kho để chứa các chúng tử.

Có nhiều môn phái vì chấp Không nên chủ trương buông bỏ mọi ký ức, quên hết mọi việc, mọi chuyện đã xảy ra trong quá khứ[/b].

Trên thực tế, khi đối pháp, các tâm sở của thức A lại da, còn gọi là niệm tâm sở mới bắt đầu hoạt động tức là chúng ta mới bắt đầu suy nghĩ, tính toán chuyện trước, chuyện sau, nhờ sử dụng cái lực của niệm tâm sở.

Không có lực ấy, làm sao chúng ta có thể nhớ lại chuyện trước để lấy đó làm kinh nghiệm suy tính và đối phó với các pháp hay cảnh trước mắt.

Trong các kinh điển, Phật bảo chúng ta tu tập niệm lực, vì nếu không có niệm lực, làm sao chúng ta có thể thành tựu được túc mạng thông? (nhớ lại các tiền kiếp của mình và của người).

Rõ ràng giữa A lại da và niệm lực có một sự liên hệ hết sức chặt chẽ. Niệm lực là tâm sở của A lại da.

Nhưng tiếc thay có nhiều người đến ngày nay vẫn hiểu khác!

Như vậy chánh niệm tức là vô niệm, là tưởng nhớ được hết những gì cần thiết đã có sẵn trong A lại da để giúp cho sự tư duy của mình đươc xứng với chơn tánh, tức là hoàn toàn bất nhiễm, vô trụ.

Đừng hiểu rằng chánh niệm là chỉ nhớ đến những việc lành, còn những việc ác thì không nhớ. Nên ý thức rằng những việc ác trong quá khư có tác dụng răn dạy, phản tỉnh chúng ta.

Trong một tiền kiếp, nếu chúng ta vì đã hành động quá ác mà bị đọa vào địa ngục, nay muốn nhớ lại tiền kiếp đó, chúng ta có dám nhớ đến hay không? Nếu không thì làm sao biết được nhân đời trước đưa đến quả báo đời này?

Lục Tổ nói niệm trước sanh, niệm sau không có thì gọi là vô niệm. Áp dụng pháp này, có người nghĩ rằng khi một niệm tưởng khởi phát, thì phải làm cho nó không khởi nữa.

Nếu áp dụng như vậy thì vô tình chúng ta đã rơi vào Nhị thừa.

Câu nói trên của Tổ phải được hiểu như sau: Khi khởi niệm tưởng các việc đã qua, để làm dữ kiện cho tư duy hiện tại, thì đừng để cho thất tình khởi theo niệm tưởng đó, nghĩa là đừng để bị lôi cuốn bởi những việc cũ mà mình đang nhớ lại. Đó mới gọi là niệm mà vô niệm.

Điều này ít có ai tin, nhưng đây là lối tu tập của Bồ tát từ xưa đến nay. Vì cái chỗ bí yếu ấy nên các ngài mới lần lượt nối tiếp nhau xuống thế để chỉ dạy pháp vô niệm, nhưng khổ thay chữ xưa không phong phú, lời văn không minh bạch, nên người tu Phật đâm ra mù mờ trong việc hành Thiền[/b].

Như vậy chúng ta mới thấy được tánh chất vi diệu của pháp Vô niệm trong quá trình tu tập Bát Nhã Ba la mật đa.

Trên đây chúng tôi đã trình bày về phần chánh niệm, vô cùng quan trọng. Nhưng còn một phần nữa cũng cần phải đào sâu vì nó cũng hết sức trọng yếu. Đó là pháp Giác niệm.

Chân sư chúng tôi dạy pháp này như sau:
  • Niệm khởi, niệm mê sanh hữu pháp
    Niệm khởi, lìa niệm sanh vô vi
    Giác niệm ấy thật pháp chi?
    Độn căn khó thấy huyền vi nhứt Thừa.

    Niệm sanh liền giác, không thủ xả
    Mê đi, giác ấy cũng lìa xa
    Pháp ấy chính thật Ma Ha
    Đêm ngày thưởng tỏ lòng tà, hiển chơn.
Muốn giác niệm cho kịp, chúng ta lúc nào cũng phải tỉnh táo, luôn hướng về nội tâm để biết được ngay khi niệm sanh trong đầu. Chúng ta chỉ cần giác niệm, chớ không cần ôm giữ hay buông bỏ, vì ôm giữ là chạy theo, là động, còn buông bỏ là đè bẹp, là tịnh[/b].

Phàm phu gặp việc thường động tâm, còn hàng Nhị thừa thì cố giữ tâm thanh tịnh, vì thế thường ra sức đè bẹp vọng niệm. Nên nhớ rằng vọng niệm như cỏ hoang dại, buổi đầu bị đá đè, nó không mọc được, nhưng lần hồi nó cũng mọc um tùm xung quanh tảng đá. Người tu pháp giác niệm, với thời gian sẽ thấy rằng vọng niệm ngày càng thưa thớt, ít xẹt ra trong đầu như trước kia, và các giấc chiêm bao cũng bớt dần đến cuối cùng không còn thấy nữa.

Vọng niệm cũng như các pháp khác đều phải qua một quy trình sanh, trụ, dị, diệt. Vọng niệm giống như một viên đá liệng xuống nước, ban đầu tạo ra một vòng tròn nhỏ trên mặt nước (sanh) sau đó vòng tròn ấy lớn rộng ra (trụ), rồi tạo thêm muôn ngàn lượn sóng (dị), cuối cùng sau khi đi xa chỗ liệng viên đá, các vòng tròn tan biến hết (diệt).

Vọng niệm thô là loại thuộc quy trình niệm trụ, niệm dị, niệm diệt dễ thấy và dễ chuyển hóa, nhưng vọng niệm vi tế thuộc quy trình niệm sanh rất khó nhận định, vì thế khó biết được.

Chư Bồ tát từ Bát địa trở lên, mặc dù đã hòa nhập với chơn tâm mà vẫn phải tinh tấn tu tập để chuyển hóa tất cả những vọng niệm chấp ngã vi tế mà chúng tôi đã nói ở phần trước, với bốn chữ chứng, ngộ, liễu, giác
.

Biết được quy trình sanh diệt của vọng niệm, chúng ta mới thấy rằng việc chuyển hóa chúng là một việc làm vô cùng phức tạp, khó khăn, đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức.
  • Tại sao phải phối hợp chiếu kiến với pháp vô niệm?
Chiếu kiến còn gọi là lắng nghe, lắng nhìn vô sở thọ là pháp song tu Định Huệ, bởi lẽ lắng nhìn, lắng nghe là kết quả của pháp tu Định, còn vô sở thọ là kết quả của pháp tu Huệ. Nếu tâm loạn động, không định thì làm sao chúng ta có thể lắng nghe, lắng nhìn? Nhờ hành thuần thục pháp tu Huệ Bát Nhã nên xuyên qua giả tướng bên ngoài của các pháp, chúng ta mới thấy được thực tướng hay tánh bên trong; mà thấy được tướng tánh viên dung chúng ta mới không bị các pháp làm nhiễm ô, lôi cuốn; tâm chúng ta lúc ấy không giao động, không sợ sệt, không lo buồn, nghĩa là vẫn an nhiên tự tại, tâm đó là tâm vô sở thọ. Vì thế mới nói trạng thái vô sở thọ là kết quả của công phu tu Huệ.

Như thế, pháp chiếu kiến hay pháp lắng nghe, lắng nhìn vô sở thọ tự nó đã đầy đủ rồi, tại sao lại phải hành thêm pháp vô niệm?

Như trên đã nói có nghĩa vừa là chánh niệm, vừa là giác niệm. Người tu Bát Nhã nếu không hành thêm pháp vô niệm thì làm sao có thể sớm chuyển hóa hết các vọng niệm trong tạng thức. Nên nhớ vọng niệm là biểu hiện của tâm chấp ngã vi tế.

Chân sư chúng tôi thường nhắc nhở như sau:
  • Tu hạnh "Ma Đi"
    Y nơi Bát nhã
    Chiếu kiến tâm ta
    Thất tình ló ra
    Gươm huệ liền chặt
    Vọng tâm đạo tặc
    Huệ tâm soi lòng
    Tâm tự sạch trong.
Ma đi là Samadhi, dịch nghĩa là Định. Bát nhã là trí huệ. Định Huệ song tu là pháp lắng nhìn, lắng nghe vô sở thọ.

Pháp này là pháp chiếu kiến, chiếu soi thất tình, lục dục.

Vọng tâm, vọng niệm sẽ được chuyển hóa lần hồi thành chơn tâm, chơn niệm, sau khi thành tựu hai pháp chánh niệm và giác niệm. Đó là lý do tại sao chúng ta phải phối hợp chiếu kiến với pháp vô niệm.
  • Nhưng phối hợp bằng cách nào?
Có hai trường hợp xảy ra trong ngày:

* Trong khi rảnh rỗi, chúng ta nên phối hợp chánh niệm với chiếu soi.

Chánh niệm gồm có niệm Phật A Di Đà, trì chú Bát Nhã, chú quán đảnh hay tâm chú, tư duy Phật pháp qua các quyển luận Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, Duy Ma Cật, Viên Giác, Kim Cang Bát Nhã, Tâm Kinh Bát Nhã v.v...

* Các đối tượng chiếu soi thường là thất tình, lục dục hay bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, và thọ giả hay cao hơn một bực là quán các hạnh Mật Tông.

* Trường hợp có công việc phải làm, chúng ta phải tập trung tư tưởng vào công việc của mình, không nghĩ vẩn vơ, không lo ra, không cợt đùa, không làm biếng. Nhờ tập trung tư tưởng được, chúng ta mới có thể đạt được năng suất cao trong công việc.

Nước Nhật sở dĩ được phát triển về mọi mặt, được xếp hàng đại cường quốc số một, số hai trên lãnh vực kinh tế như ngày hôm nay là nhờ áp dụng pháp môn Thiền còn gọi là ZEN với phương pháp tập trung tư tưởng trong mọi hoạt động hàng ngày. Anh tài xế taxi, một viên kỹ sư, một nhân viên hành chánh v.v..., bất cứ ai muốn hành một nghề nào có tính cách phục vụ lợi ích công cộng đều phải qua một lớp ZEN, do vậy khả năng tập trung tư tưởng của người Nhật mới được phát triển đúng theo sự đòi hỏi của nghề nghiệp.

Đến đây, chúng ta mới có thể hiểu được thâm ý của đức Phật, khi ngài trong phần kết thúc Tâm Kinh, đã đọc câu chú Bát Nhã. Ngài mật ý khuyên chúng ta nên trì niệm trong lúc rảnh rỗi, câu chú ấy để phối hợp uy tín tuyệt vời của nó với công năng của pháp chiếu soi hay pháp lắng nhìn, lắng nghe vô sở thọ.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

CHƯƠNG III
KẾT LUẬN
  • SẮC TỨC THỊ KHÔNG, KHÔNG TỨC THỊ SẮC
Sắc là sự, là tướng. Không là lý, là tánh. Lý sự, tánh tướng tuy hai mà là một, tuy một mà là hai. Đó là nguyên lý Như như. Sắc Không, tướng tánh chẳng rời nhau, dung nhiếp lẫn nhau.

Thấy như thật sự dung nhiếp ấy trong bất cứ sự việc, trong vạn vật và vạn pháp mới goi là chiếu kiến, chiếu soi rốt ráo, là hành thâm Bát Nhã Ba la mật đa.

Không thấy được sự dung nhiếp ấy tức là còn mê mờ trước các huyễn cảnh, huyễn tướng, huyễn pháp mỗi lúc mỗi hiện bày trước mắt chúng ta. Mà mê mờ thì trước sau rồi cũng bị lôi cuốn, bị nhiễm ô. Hậu quả là chúng ta không thể thành tựu được pháp bất nhiễm, pháp vô trụ, vô sở thọ của Bồ tát đạo.

Nhưng muốn thấy được tướng tánh nhất như, việc trước tiên mà người tu Bát Nhã phải làm cho được là phát huy định lực nơi tâm. Thường xuyên soi rọi tâm bằng cách lắng nhìn, lắng nghe bộ mặt ngàn xưa (bổn lai diện mục) hay tiếng nói thanh tịnh (diệu âm) của lòng mình, đó là phương thức hữu hiệu nhứt để phát huy định lực.

Nhờ có định lực người tu mới thực hành được Thiền quán. Thiền là cái công năng, cái năng lực trung gian giúp hành giả tỏ thấu được từng pháp quán và đưa quán ấy đến chỗ hiện thực; chẳng hạn như trong pháp quán ngũ uẩn giai không, hành giả phải thực hành pháp quán này cho đến khi ngộ nhập được đề mục quán, tức là thấy rõ trong thân xác thịt này còn có một vị chủ tể vô hình, vô tướng được gọi là chơn tâm, Phật tánh đang âm thầm ngự trị, thấy rõ vị chủ tể ấy để mà ngộ nhập, tức là để có những hành động, lời nói và tư tưởng ứng hợp với các đặc tánh của vị chủ tể ấy. Đó là ý nghĩa và mục tiêu của đề tài quán chiếu nói trên.

Vì thế Thiền quán là hậu quả của Định. Thiền quan rốt ráo mới có thể ngộ nhập, mà hễ ngộ nhập được thì mới có trí huệ.

Pháp môn Định Huệ song tu còn được gọi là pháp lắng nghe, lắng nhìn vô sở thọ, là pháp môn chánh yếu của tất cả thiền gia. Định Huệ tuy thấy hai nhưng thật ra chỉ là một. Hễ Định được bao nhiêu thì liền được Huệ bấy nhiêu. Cũng vậy, nếu Huệ được nhiều tức nhiên Định được sâu. Do đó mới nói Định tức Huệ, Huê tức Định.

Pháp chiếu soi phải được phối hợp với pháp vô niệm. Hành hai pháp này song song sẽ giúp hành giả chuyển hóa hết tất cả vọng niệm chấp ngã vi tế đã ẩn núp từ lâu trong tạng thức. Mà một khi các vọng niệm được chuyển hóa hết thì hành giả đã thành tựu được Vô ngã.

Tuy nói có nhiều pháp môn tu tập, nhưng tựu trung chỉ có một pháp môn tổng hợp mới có thể đưa đến giải thoát, đó là pháp môn Không, Vô tướng, Vô tác.

Không là chơn không mà diệu hữu, là bản thể vốn sanh ra tất cả mọi hiện tượng trên thế gian. Người tu tâm không chấp tướng trạng bên ngoài của các hiện tượng nên thầm nhận được nguyên lý nhứt như, viên dung tướng tánh, sự lý.

Vô tướng: Các hiện tượng đều là huyễn tướng, nên đối với người tu Bát Nhã không còn có sức lôi cuốn, vì hành thâm Bát Nhã hàm ý đã tạo được hai lực Định và Huệ quán, vốn là cái tâm lực có khả năng đối phó hữu hiệu những ma lực của thất tình, lục dục của ngoại cảnh. Vì thế người hành thâm Bát Nhã sẽ không chấp các tướng trạng bên ngoài cũng như các hình ảnh ở nội tâm. Đó là Vô tướng.

Vô Tác: Do ở chỗ người tu Bát Nhã không còn chấp tướng nên làm bất cứ việc gì, họ coi như không làm (vô tác), nhờ vậy mới thoát khỏi quy luật nhân quả.

Phàm phu chấp tướng Có là vị không tu tập chiếu kiến, không thường xuyên soi rọi nội tâm. Nhị thừa chấp tướng Không, chủ trương buông bỏ mọi sự, mọi việc, lúc nào cũng cố gắng đè bẹp mọi vọng niệm, ý niệm xẹt ra trong đầu.

Người tu Bát Nhã chẳng chấp có, chẳng chấp không, chẳng động, chẳng tịnh nên có cái nhìn như thật đối với vạn vật, vạn pháp, bởi lẽ:
  • Tịnh sa vào mê tánh
    Động đưa lối ba đường
    (*)
    Bờ giác khó bước sang
    Mau xa lìa lối ấy.
Không chấp tướng, tướng có, tướng không là một điệp khúc vang rền của Phật giáo từ khi sơ phát tâm cho đến lúc thành chánh quả.

Rất mong rằng tất cả chúng ta đều thành tựu chữ "Không" ngay trong cuộc sống thường nhật này, qua pháp Không, Vô tướng, Vô tác.

Để kết thúc, chúng tôi xin ghi lại bài kệ dưới đây tạm gọi là đề tài quán chiếu tặng quí độc giả:
  • Xử thế nhước đại mộng
    Hà vi chấp hữu, không?
    Tuyệt bất thủ ư tướng
    Thị như như bất động.
Tạm dịch:
  • Nhìn đời như đại mộng
    Làm gì chấp có, không
    Tuyệt đối không chấp nơi tướng
    Đó là "Như như bất động"
Tuy chơn như bất động và bất tịnh, nhưng khi cần để thực hiện sự nghiệp độ sanh, thì chư Phật và Bồ tát sẽ diệu dụng chơn như để thi thố hai mặt động và tịnh, thi thố mà như không thi thố, bởi lẽ tâm của các ngài là tâm bình đẳng, vô phân biệt, vô trụ, là tâm nhứt như Sắc Không một màu, là tâm Không vậy.

KỆ HỒI HƯỚNG
  • Bát Nhã Ba la lẽ nhiệm mầu
    Ai mà hiểu đặng giải thoát mau
    Gẫm suy hành dụng thường tinh tấn
    Ngộ giải Như Lai nghĩa nhiệm mầu.

    Nhiệm mầu nghĩa ấy rất cao sâu
    Luận giải Tâm Kinh chí quyết cầu
    Vô biên công đức xin hồi hướng
    Toàn thể chúng sanh thoát khổ sầu.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

CHÚ THÍCH:

(*) Ba đường: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.24 khách