Phá chấp & phá kiến

Có những đoạn kinh luận đọc không hiểu, hiểu mà không thấu đáo, chẳng biết hỏi ai ? Mời đem vào đây để mọi người cùng nhau thảo luận học hỏi...

Điều hành viên: binh

huuhoc
Bài viết: 150
Ngày: 05/09/11 11:22
Giới tính: Nam

Phá chấp & phá kiến

Bài viết chưa xem gửi bởi huuhoc »

Đây là bài viết nghiêm cứu Phật Pháp về pháp môn Tịnh độ của nhà văn Ngụy Nguyên, tôi đọc thấy hay hay nên mạo muội tự ý đăng vào chia sẻ mong nhà văn hoan hỉ.

Phá chấp & phá kiến.

Pháp môn nào cũng là phương tiện hướng chúng sanh đạt tâm thanh tịnh. Tâm càng thanh tịnh tự tánh càng hiển lộ, càng gần với tâm Phật….

I. Phá chấp


Giữa phá giới và phá chấp luôn có mối liên hệ mật thiết. Phá chấp lúc công phu hành trì chưa nhuần nhuyễn sẽ khiến người tu phá giới; từ đó dễ chừng phá kiến, lạc luôn vào đường tà.

Tịnh độ Chân tông phá chấp, trước hết là phá cái Ngã. Người niệm Phật thường chấp trước vào số lượng câu Phật hiệu và thời khóa công phu, chẳng hạn ta niệm mỗi ngày nhiều hơn ông nọ bà kia, dĩ nhiên sẽ được vãng sanh còn họ thì không; mỗi ngày ta chuyên trì ba bốn thời, họ chỉ một hai thời, thời gian công phu lại ngắn sao có thể bì với sự vãng sanh của ta. Đó dẫu sao vẫn là cái chấp dễ nhìn thấy. Hễ đã trì niệm, dẫu đạt đến vô niệm tự niệm thì vẫn còn đó cái Ngã đang niệm Phật. Tịnh độ Chân tông, biểu hiện rõ nhất trong Niệm Phật tông yếu hướng vào tha lực là ý muốn hành giả chỉ biết tinh tấn niệm Phật, còn vãng sanh là việc của Phật A Di Đà; cái Ngã vô tình sẽ bị phá mà hành giả không hay. Để thấy điều thâm sâu lại ẩn sau cái tưởng bình thường.
Người Việt Nam tu theo Pháp môn Tịnh độ khá nhiều, đây là điều đáng mừng, đúng như lời khuyên của Phật Thích Ca và chư Tổ. Tịnh độ Chân tông Nhật Bản và Tịnh độ ở Trung Quốc ít nhiều ảnh hưởng sâu rộng trong giới tu Tịnh độ nước ta. Đã chánh pháp, cao nhất đều là một. Ngài Pháp Nhiên (Nhật Bản) vốn nhận được khai thị về thế giới Cực Lạc từ Thiện Đạo đại sư, Tổ thứ hai của Liên Tông chư Tổ qua Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Sớ, trên cốt tủy này lập nên Tịnh độ ở Nhật Bản; vậy có gì khác nhau. Hễ bất cứ ai ở bất cứ quốc gia nào, nếu họ là cao tăng đại đức, là thượng nhân, là chư tổ, là người chứng quả, là người được Phật ấn chứng vãng sanh rõ ràng, chính là “sứ giả” của Phật, chính là thiện tri thức của giới Phật tử. Pháp ở họ có khác chăng là do không gian, tính cách con người và hoàn cảnh mỗi quốc gia có chút sai biệt, (nên Pháp đó cũng như bốc thuốc Bắc, cần tăng thêm chút này giảm chút kia). Một trong những cuốn Pháp tiêu biểu hợp với người Việt có lẽ là Tuyển Tập Pháp Niệm Phật của Thượng Nhân Pháp Nhiên, hay Sông lửa sông nước của Taitetsu Unno. Còn với người Việt, thiết nghĩ tinh thần Tịnh độ Chân tông như Niệm Phật tông yếu hay Thán dị sao khó thể áp dụng đại trà. Có vị sư còn so sánh Thán dị sao với Công án Thiền.

Mà công án phải dùng công phu tột đỉnh để hiểu, không thể dùng trí suy lường; bởi bản chất công án là bất khả tư nghì! Những công án là phương tiện thiện xảo của các Tổ dành cho kẻ đương cơ; Tổ biết trò đến mức đó rồi, liền tung ra cú đòn đích đáng, kiểu như chặt đứt ngón tay, đánh bằng tích trượng để trò hoát ngộ. Đây là độc chiêu, Tổ chỉ dùng với mức trò đã ở mức có thể so sánh như Huệ Năng trở lên và chỉ dành riêng với 1 trò duy nhất, khó thể dùng chiêu đó với trò khác.

Trong nhà Thiền các Tổ rất sợ trò rơi vào ấm ma. Diễn theo Kinh điển, nhất là tinh thần kinh Thủ Lăng Nghiêm, thường lúc đạt được chút xíu định, thiền sinh sẽ sanh tâm hoan hỷ, ấy là lúc ma lợi dụng mở ra tòa lâu đài khiến kẻ sơ cơ tha hồ vùng vẫy [trong hố thẳm]. Thậm chí chúng hiện ra hình Phật xoa đầu tán thán... Kinh Địa Tạng cũng đề cập việc oan gia trái chủ hiện thân quyến thuộc của kẻ lâm chung để dẫn họ vào cảnh giới xấu báo oán. Việc của hành giả là mau quay lại chánh niệm; trong Tịnh tông liền chú tâm ngay vào từng chữ “Nam mô A Đi Đà Phật” (niệm câu nào nghe rõ câu đó). Ở thế gian nghĩ thiện sẽ hơn nghĩ ác; nhưng muốn xuất thế gian đương nhiên đến nghĩ thiện cũng dần dà dứt luôn, bởi nghĩ gì cũng là vọng tưởng. Có vọng tưởng sẽ mở lối cho luân hồi lục đạo. Câu hồng danh sẽ [phải] sắc bén như lưỡi gươm trước tất thảy niệm ác lẫn thiện; mới có câu gặp tổ “giết” tổ gặp Phật “giết” Phật.

Nhiều người trích dẫn câu: "Phật là que cứt khô", là sai hoàn toàn ý Tổ. Công án như sau: Trò hỏi: Phật là gì? - đáp: Que cứt khô (thiển nghĩ không có 2 chữ Phật là). Đây không hề là lời đáp cho câu hỏi, mà cốt hướng tâm của hành giả ra khỏi "mạng lưới tư tưởng" lúc ấy; dù "tư tưởng" ấy là Phật thì cũng chẳng phải Phật thật, tức nếu đáp Phật là gì gì đó đều không thật nghĩa. Là câu Tổ như buột miệng nói ra, có thể lúc Tổ nhìn xuống đất và thấy que cứt khô, liền khai thị cho hành giả trực nhận sát na hiện tiền - là Phật; không phải lời nói - tư tưởng.

Một trường hợp: Phạm Công Thiện (PCT), một người đã có cảnh giới thuần tịnh của riêng mình trên đường đạo. Có lẽ quá hiếm những thiên tài như PCT, “lâm vào” công án lại thoát khỏi, phá được chấp ngã đi xuyên vào tự tánh. Nhưng. Ai say mê đọc tác phẩm của PCT thời ông chủ yếu dụng Trí mà không đọc PCT dụng Tâm giảng giải kinh A Di Đà và nguyên lý Phật học Đại thừa giai đoạn sau này, khác gì bất chấp hố thẳm cắm đầu mà đi. PCT từng miêu tả: “Đối với tuổi trẻ, đối với sự khủng hoảng hiện nay (thời điểm PCT viết tác phẩm xuất bản năm 1970), chỉ có những lối thoát sau đây: 1. lao vào đời sống và tự tạo trách nhiệm; 2. tự tử; 3. lao vào trụy lạc trác táng; 4. điên; 5. đi tu”. Những đoạn văn của PCT như trên sẽ ít nhiều khiến độc giả hiểu chưa đúng về ông. Nhất là với một PCT đã sống trọn trong Pháp quãng về già, cuối đời, ở đấy quá khứ gần như bị phủ nhận và chết hẳn. 4 tiêu chí trên, PCT không có ý xếp thứ tự điều nào đầu [trọng nhất], điều nào cuối [nhẹ nhất]. Nhưng nó tác động mạnh về mặt xã hội. Thử làm phép loại trừ để định hướng giới trẻ bây giờ (ở khía cạnh nếu ảnh hưởng nặng PCT, họ sẽ chọn lựa gì? Đi tu? - chắc chưa đủ duyên. Điên? - Bùi Giáng ư, sao đủ nội lực theo nổi? Tự tử - thật khùng nếu chưa thực sự là “thiên tài” nhiễm chủ nghĩa hiện sinh, hư vô. Chỉnh chu hơn chút, thử “lao vào đời sống và tự tạo trách nhiệm” (chữ trách nhiệm tức có ích với xã hội, cũng hiếm). Điều còn lại (lao vào trụy lạc trách táng) sẽ dễ được lựa chọn. Hoặc cũng có người chọn cùng lúc vài ba điều hoặc hết thảy).

PCT còn viết: “Đối với tôi danh từ quê hương chẳng có ý nghĩa gì cả”; thấy rõ PCT ảnh hưởng đậm nét nhà văn Henry Miller và hơn nữa là Thiền sư Krishnamurti - đó là sự phá bỏ chủ nghĩa quốc gia. Tuy nhiên sự phá bỏ của Krishnamurti là xuất thế gian pháp; còn ở trong thế pháp lại đòi phá bỏ là ngược với tinh thần Đạo Phật. H. Miller về sau cũng như PCT, đều trên Chánh đạo, và càng tiệm cận với con đường của Đức Phật họ càng nhận ra nhiều lầm lẫn trong quá khứ. Thế nên có lần H. Miller nói đại ý, tôi bây giờ không phải tác giả của những cuốn sách đang được tôn vinh trước đây. Còn PCT giai đoạn về già đã quay về với pháp môn Tịnh độ, “trở về sự im lặng”; trở về “chuyển động toàn diện của tâm thức trong ánh sáng bất tận của Phật A Di Đà”. PCT lúc này, “đọc bao nhiêu kinh điển Phật giáo trong mấy chục năm trời liên tục thì cũng không bằng chỉ mỗi sớm mỗi chiều niệm Phật xưng danh: Nam Mô A Di Ðà Phật”. Thấu chân lý, PCT học Phật chứ không Phật học nữa. Là bước chuyển mình vĩ đại từ Phật học (sở tri) qua học Phật (hành trì). “NAM MÔ A DI ÐÀ PHẬT” (Namo Amitàbhàya Buddhàya) trở thành tiếng kêu của kẻ Giác Ngộ, một kẻ buông thả tất cả mọi sự, buông bỏ thiện và ác, buông thả sự giác ngộ và vô minh, buông thả thiên đường và địa ngục. Niệm Phật xưng danh Phật cho đến chỗ Nhất Tâm Bất Loạn là pháp môn huyền diệu nhất để phá tan tất cả nghiệp lực, để được Vãng sinh Tây phương Cực Lạc”.

Trong giới tu hành tinh thần phá chấp là một vấn đề then cốt, nên thận trọng vẫn hơn. Chớ “cầm nhầm” chuyện các Tổ đại đức nhổ nước bọt vào tượng Phật; giết mèo; chẻ tượng Phật v.v, đều là những món không dành cho bất cứ ai ngoại trừ kẻ được Tổ dùng để khai ngộ). Nhắc lại sự phá chấp trong Chân tông Nhật Bản; có Thầy bảo trò, nếu con không ăn chay được thì ăn mặn mà niệm Phật; nếu con ở chùa không niệm Phật được thì về nhà lấy vợ mà niệm Phật v.v. Lời khai thị mang tinh thần phá chấp ấy chỉ dành cho trò ấy, ở căn cơ ấy mà thôi.

Tiếp xúc với những công án Thiền quá sớm sẽ mang hậu quả khó lường. Tinh thần phá chấp thấm vào tâm không được công phu hỗ trợ dễ khiến người tu hiểu lệch. A Di Đà Phật là Vô Lượng Quang, dĩ nhiên không nơi nào không soi thấu. Nhưng hiểu theo kiểu đâu cũng có Phật, không cần kiêng dè cung kính, nghiễm nhiên đưa cả hình ảnh Phật, kinh kệ vào phòng ngủ vốn nhơ nhớp, sẽ trực tiếp gieo chủng tử thảm khốc. Phật từ bi nào có giận ai, nói chi đến lôi ai vào ác đạo. Nghiệp lực tự gieo sẽ tự chuyên cảm lấy, nhất là nghiệp có tính làm hoen ố Phật pháp trước đại chúng. Từ đây chỉ phác lộ ra hai con đường: một là lên Cực Lạc, hai là xuống Địa Ngục. Tịnh độ là pháp môn đặc thù, vô cùng thiện xảo, có đới nghiệp. Mang nghiệp quá nặng liệu có nhẹ nhàng thăng tiến? Trên tinh thần đó các hiện tượng như bày tiệc rượu thịt, bài bạc ngay trong gian thờ Phật trở nên “không can gì”, lây lan phổ biến. Lại có những vị Phật được vẽ, khắc chạm chỉ có cái đầu không; đó là chuyện của nhà chế tác, xem như hình tượng nghệ thuật, ở đời khó thể trách, miễn sao gieo được thiện căn với người xem. Còn với người tu không thể thờ Phật với chỉ cái đầu. Nếu ai cho điều này bình thường, hãy thử in mỗi cái đầu của ông bà cha mẹ đặt lên bàn thờ xem có ổn không? Sẽ rõ.

Pháp môn Tịnh độ, phá chấp rốt cùng là phá cái ta đang niệm Phật để tâm trở về nguyên bản rỗng rang khơi nguồn tự tánh, luôn phải thực hành lúc giới luật đã được người tu một lòng trì giữ, nó như thành trì cuối cùng mở ra cảnh giới lộng lẫy tuyệt cùng.

II. Phá kiến

Những gì Đức Phật thuyết trong suốt cuộc đời là chân tướng vũ trụ; với cõi Ta bà [trước hết] là chân lý về kiếp người, ai nương vào tu hành sẽ vĩnh viễn thoát khổ đau. Phật giảng với rất nhiều căn cơ, nhiều cảnh giới, thậm chí có cảnh giới trong định cho hàng Bồ tát và chư Thiên, nên số kinh vô lượng, nghĩa cũng vô lượng. Ngay cả với một bộ kinh, lúc này giảng cho căn cơ thấp sẽ khác với hàng căn cơ cao hơn. Đơn cử đều khuyến tu lên Cực Lạc, pháp hội này Phật nói ngoại trừ ngũ nghịch thập ác, ở thời khác Ngài lại bảo hạng người này cũng được độ sanh. (Thực tế đã có minh chứng cụ thể; càng chứng tỏ túc nghiệp vô cùng quan trọng, càng củng cố thuyết tái sanh trong sáu nẻo). Không hiểu sẽ cho Phật “ba phải”, nói thế nào cũng được. Là do người ta dùng trí phàm soi Tâm Phật, lấy ngao lường biển. Giáo sư triết học Tây phương Phạm Công Thiện giai đoạn sau này lúc giảng kinh Đại Thừa đã đề cập chuyện nhiều học giả rất thích tranh luận chữ nghĩa; cãi lộn chữ nghĩa; biết chữ nghĩa để rồi bôi mất chữ nghĩa, chẻ chữ làm năm làm ba làm cho đại chúng rối bù. Rất nguy hiểm. Còn ông sống trong kinh điển, chìm trong kinh điển rồi rút ra mật ngôn: Tất cả bí ẩn, diệu thường nằm trong sáu chữ Nam mô A Di Đà Phật!

Một khi không trì công phu nhìn Pháp, lại dụng trí soi xét rốt cùng dùi tới kéo lui trong vòng luẩn quẩn. Rồi còn cho kinh này cao, kinh kia thấp. Thiển nghĩ, Phật giảng, kinh nào cũng cao nhất. Tịnh độ tông thù thắng, Thiền và các pháp môn khác cũng vậy. Pháp là chân lý vũ trụ sao có hơn thua. Pháp bất biến, nhưng nhân tâm luôn biến đổi, ngày càng loạn, thế nên mỗi thời có những phương tiện thiện xảo; (như thời Chánh pháp Giới luật thành tựu, thời Tượng Pháp Thiền thành Tựu, thời Mạt pháp Tịnh độ thành tựu). Bởi tâm quá nhiều vọng niệm ứng với xã hội loạn động nhiễu nhương, nói thời nay hành Thiền khó thành tựu hơn niệm Phật không có nghĩa tu Thiền không chứng. Người thiện căn sâu dày, từ nhỏ được gia huấn bởi Đệ tử quy, lớn lên đã nằm trong Thập thiện, giới luật nghiêm minh, lại sống giữa môi trường thuần tịnh, dĩ nhiên hành Thiền vẫn là cứu cánh.

Ngàn vạn pháp môn suy cho cùng cũng là phương tiện. Chân lý nếu không có phương tiện sẽ không đi đến đâu. Chân lý là con đường nhưng đến đích lại cần phương tiện. Căn tánh mỗi người mỗi khác, ngay cả với những người tu cùng một pháp môn. Tịnh độ tông đích của hành trì là đạt tâm thanh tịnh, từ đây sẽ sinh định phát huệ. Niệm Phật đạt vô niệm tự niệm dòng tâm thức sẽ kết thành phiến, vọng niệm khó sinh khởi. Một người bắt chân kiết già tĩnh tọa, tuyệt đối bất động, chỉ có tâm là “động” với A - Di - Đà - Phật, từng chữ một rõ ràng, chậm rãi theo chuỗi nối nhau. Thì đấy chính là Thiền. Giữa Phật giáo Nguyên Thủy và Phật giáo Phát triển có gì khác nhau đâu. Phật dạy: Ai tu Đại thừa mà không tu Tiểu thừa không phải đệ tử ta. Có Hòa thượng chuyên hoằng dương Tịnh độ vẫn khuyên người tu nếu không học Tiểu thừa nhất thiết phải lấy đạo Nho và đạo Giáo làm nền tảng cho Thập thiện nghiệp đạo, Sa di luật nghi, cụ thể là lấy Đệ tử quy và Thái thượng cảm ứng thiên để "trì giới". Nhiều vị cao tăng khác thuộc Đại thừa lại khuyên quán Tứ niệm xứ chế ngự lậu hoặc, không chấp thân này (vốn như bình quý đựng phân, là túi da hôi thối).

Phá ngã chấp. Một khi tâm khá nhuần nhuyễn câu Phật hiệu, tức không khởi tâm mà hồng danh cứ vang lên từng chuỗi nối nhau bất tận bất kể ngày đêm, thậm chí trong mơ; người tu không nhất thiết phải nghĩ đến thế giới Cực Lạc, không nhất thiết Phải nghĩ đến Phật A Di Đà. Về đâu, nhập vào cõi nào trong mười phương chư Phật là chuyện của Phật, không phải chuyện của hành giả đang niệm Phật. Đó là phá cái ta đang niệm Phật, phá cái ngã cuối cùng, là bước chân đầu tiên trong hành trình tiến đến Niết Bàn. Tu tịnh hiểu Thiền, cội gốc ở đây. Còn người không niệm Phật đến mức hồng danh tự phát khởi từng chuỗi trong vắt kết nối miên man an lạc, nên tu Thiền không hiểu Tịnh, cội gốc cũng là đây. Những thiền sư lỗi lạc như Thượng nhân Tuyên Hóa hay Ngài Quảng Khâm, những bậc đạt đến công phu Thiền cao thâm khó thể luận bàn cảnh giới đã một lòng khuyên người niệm Phật; sao quá nhiều người tu Thiền chưa đạt đến ngưỡng này không nhìn lại mình? Vạn Phật Thánh Thành ở Mỹ quốc (một đạo tràng thuần khiết nghiêm tịnh bậc nhất dựa trên tiêu chuẩn của Phật thời tại thế như tăng sĩ ăn ngày một bữa, hành trì từ 4 giờ sáng đến khuya…), trong công khóa của một người tu vẫn có trì chú, thiền và niệm Phật. Sự kết hợp này thật vi diệu. Ai đó đời này thuộc hàng thiểu trí chăng nữa song đời trước căn duyên sâu dày, tin Phật niệm Phật, tụng kinh bái sám, nên hiển nhiên thành đạo quả. Còn dẫu là đạo sư (tu các pháp môn khác) không tin “niệm Phật niệm Pháp niệm Tăng” làm nhân tố tối thắng thành Phật, cũng là điều hết sức bình thường; đáng trách là chê bai bài bác Tịnh độ, làm tổn hại Chánh Pháp, đồng nghĩa làm chướng ngại con đường của vô số chúng sanh đến với Phật.

Nhà Phật từ xưa có tiền lệ: ai tuyên bố chứng ngộ hoặc “bị lộ” mình tu chứng, liền nhập diệt. Nếu không, người nào chớm định sơ thiền tưởng đang trong cảnh giới Niết Bàn liền sanh ngã mạn, Phật tử tôn sùng họ quá mức kiểu như Phật tái lai không chừng [cùng nhau] trôi vào ác đạo. Lại nữa ma cũng có thần thông; chúng sanh theo ma quỷ ắt loạn! Đức Phật từng đạt tứ thiền song Ngài tỉnh táo biết mình chưa thật sự giải thoát, mới tìm con đường ra khỏi thập pháp giới khổ não. Thiền tức tỉnh giác trong từng niệm móng khởi. Thiền sinh nhập môn thường lấy một đối tượng nào đó quán tưởng, cột tâm. Vọng tưởng yếu dần ít dần là biểu hiện công phu tiến triển. Kinh Quán Vô Lượng Thọ thuộc Tịnh tông có đến 16 phép quán, một trong số đó niệm Phật được trọng dụng. Cách niệm hữu hiệu chư tổ gạn lọc qua thời gian là niệm từng chuỗi “A Di Đà Phật” mười câu một: 3 câu, rồi 3 câu tiếp, rồi thêm 4 câu nữa. Hết chuỗi liền quay lại từ đầu. Đang niệm bỗng tự hỏi câu thứ mấy, tức biết ngay tạp niệm xem vào, nên xóa ngay vòng đó niệm lại chuỗi khác, tâm sẽ ngày một trong lặng. Như có nói ở trên, người hạ thủ công phu ngày đêm sẽ đạt vô niệm tự niệm, tĩnh tọa thầm niệm trong tâm nhiều giờ liền rất an lạc. Đó là trạng thái của Thiền. Để nói rằng nếu hiểu và hành rốt ráo Tịnh tông, người ta sẽ thấy niệm Phật là phép thiền, còn là thiền thậm thâm. Nên người đắc Thiền sẽ không hề xem thường Tịnh, và người niệm Phật có công phu cũng không chê Thiền bởi hai sự này chẳng gì khác nhau.

Còn ai bảo niệm thần niệm thiên cũng như niệm Phật. Là cạn lý. Niệm Phật tâm phải tương ưng với tâm Phật (tức hành giả trước hết lấy Thập thiện, ngũ giới làm nền tảng). Niệm Phật là niệm sâu trong tâm, tâm niệm chứ không đơn thuần miệng niệm. Chớ nhìn vào hiện tượng bề nổi niệm Phật khơi khơi rồi cho Tịnh tông là pháp cầu may cầu phước cầu hộ trì chứng quả, một pháp tu dễ dãi yếm thế. Xin hãy nghe lời khai thị của cổ đại đức: “Miệng niệm Di Đà tâm tán loạn/ Đau mồm rát họng cũng uổng công”; “Niệm Phật có một trăm loại quả báo. Quả báo thứ nhất chính là đọa địa ngục” (là hạng vừa niệm Phật vừa hành lạc, vừa hành thập ác, bất kính Tam bảo, v.v). Ngày xưa Đạo Phật rất thịnh hành ở Ấn Độ. Một số tôn giáo vốn thờ đa thần ganh tị, không bài bác nổi nên dùng độc chiêu “bắt tay” đưa Phật vào cùng thờ chung với nhiều vị thần khác. Là một nguyên nhân thâm sâu khiến Đạo Phật một thời mất dần vị thế ở Ấn Độ. Việc niệm thần/thiên và niệm Phật tương đồng cần được nhìn nhận tỉnh táo để không đánh mất cơ hội giải thoát đối với chúng đồ thuộc tôn giáo khác, bởi bất cứ ai trên trái đất đều có thể nhận Phật Thích Ca làm Thầy một khi họ tin vào hạnh nguyện cứu độ, đánh thức Phật tánh trong mình.
Tâm như dòng chảy bất tận không lúc nào ngưng, dòng chảy đó là tạp niệm trong sáu cõi luân hồi. Tâm ấy được “cài” vào chánh niệm hồng danh mạnh mẽ lấn lướt tạp niệm Ta bà; đặc biệt vào thời điểm cận tử nghiệp, thần thức chẳng về cõi thanh cao thì hóa giáo lý của Phật đáng ngờ? Có bậc tôn túc cảnh tỉnh, lâm chung lại tơ hào bám víu, dẫu như sợi tơ nơi ngó sen thôi cũng dễ ở lại sân ga cuộc đời. Lý này khế hợp với người cầu vãng sanh Cực Lạc: một khi không buông nổi uế trược (ở nghĩa vật chất và tâm tưởng), sẽ về đâu nếu không lòng vòng trong lục đạo. Bây giờ tham sân vẫn có thể hối lỗi, bù đắp, bởi cậy còn thân này; lúc thân hoại mạng chung, thức ấy bồng bềnh chao liệng như chiếc lá khô, khởi sân hận tà niệm liền bay vèo vào địa ngục hoặc nhận thân rắt rết, khởi niệm tham liền đọa vào loài quỷ đói. Ngược lại buông thân kiến dục trần, ráo riết niệm Phật sẽ “bị” hút về chốn nào nếu không phải Cực Lạc.
Xưa nay trong Tịnh tông đếm sao hết người nương vào niệm Phật, được Phật hẹn trước ngày giờ vãng sanh. Còn gì đáng ngờ? Thiện Đạo đại sư trước lúc thị hiện tướng thành đạo, đã dặn đại ý: trừ Phật tái sanh (như Phật Di Lặc sau này chẳng hạn - NN) nói đừng tin có Cực Lạc; còn đến như Bồ tát có bảo niệm Phật là lầm lạc cũng chớ tin.

Thuần dụng trí, không thực hành rốt ráo người tu sẽ chấp chặt bổn tánh, không có chuyện Phật xuống rước người lâm chung. Đành rằng Phật không phải thần, nhưng Phật cao hơn trời người, là thầy dạy khắp trời người, trước hết sao không thể gọi là thần, hơn nữa Ngài còn có ứng, hóa thân. Chứng quả thánh trong cõi trần ai, thực chất chưa dễ ra khỏi Thập pháp giới, nên phải có không gian quá độ rồi từ đó tiến thẳng chứ không một bước lùi, Phật mới thả thuyền từ đưa người qua biển mê. Đó là về cõi Cực Lạc.

Pháp môn nào cũng là phương tiện hướng chúng sanh đạt tâm thanh tịnh. Tâm càng thanh tịnh tự tánh càng hiển lộ, càng gần với tâm Phật. Tâm thanh tịnh là tâm cận giải thoát, dẫu cho Niết bàn còn xa vời chăng nữa.

Nhụy Nguyên


Duyên khởi tâm sanh
Duyên diệt tâm diệt
Các pháp hành đều vô thường, đều khổ não,đều vô ngã
Hình đại diện của người dùng
binh
Điều Hành Viên
Bài viết: 8304
Ngày: 21/11/07 20:32
Giới tính: Nam

Re: Phá chấp & phá kiến

Bài viết chưa xem gửi bởi binh »

Niệm Phật toàn tâm
Tôi nghiệm ra rằng : Khi niệm Phật mà tâm không nghĩ gì, không chấp trước vào cái gì, chỉ niệm Phật và nghe thôi, thì tâm đạt trạng thái tròn đầy, viên mãn, phù hợp với câu "Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm" trong kinh Kim Cang.


Rồi tôi lại đứng lên và tiếp tục chiến đấu.
Tổ Ngẫu Ích đã nói :“Được vãng sanh hay chăng toàn là do có Tín - Nguyện hay không, phẩm vị cao hay thấp toàn là do trì danh sâu hay cạn”. Dù ngàn đức Phật xuất thế cũng chẳng thay đổi được lời phán định chắc như sắt này. Hễ Tin cho tới, dám chắc Tây Phương ông phải có phần
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.9 khách