Mi-tiên vấn đáp lược yếu - Phật pháp vấn đáp

Có những đoạn kinh luận đọc không hiểu, hiểu mà không thấu đáo, chẳng biết hỏi ai ? Mời đem vào đây để mọi người cùng nhau thảo luận học hỏi...

Điều hành viên: binh

Monggiac
Bài viết: 686
Ngày: 19/07/07 17:41

Mi-tiên vấn đáp lược yếu - Phật pháp vấn đáp

Bài viết chưa xem gửi bởi Monggiac »

Mi-tiên vấn đáp lược yếu.

Lời nói đầu

Bộ kinh Milindapanha xuất hiện vào khoảng năm trăm năm sau Phật Niết bàn (100 BCE-200 CE )[1], do ngài Pitakaculàbhaya [2] ở trung Ấn độ trước thuật bằng tiếng Pàli [3]. Tuy nhiên, theo một số tài liệu bản thảo đầu tiên có thể được viết bằng ngôn ngữ bắc Phạn (Sankrit) [4] dù vậy hiện tại chỉ có bản có ngôn ngữ Pali cổ nhất được bảo lưu tại Tích Lan. Trong khi đó theo T. W. Rhys Davids nhà học giả và dịch giả Pali danh tiếng trong quyển "Questions of Milinda" ông cho rằng "Mi-tiên vấn đáp" được viết ở bắc Ấn[5], là kinh đô của các đại chúng bộ.

Nội dung Kinh là cuộc đối thoại giữa vua Milinda và tỳ kheo Nàgasena, về giáo lý: “vô ngã, luân hồi, tái sanh, bản thể của Niết Bàn, sự xuất thế của Phật, tánh cách vô thượng của Phật v.v.” sđd, Ntcao, có đến 244 câu hỏi, mỗi câu hỏi là một đề tài mà người học Phật thường thắc mắc; lời đối đáp sắc bén, thâm sâu, trí tuệ; các ví dụ rất sinh động, cụ thể, bình dân, giản dị và dể hiểu. Nghiên cứu sâu vào văn bản cho ta thấy đây là bộ luận tóm tắc giáo nghĩa của Phật giáo Nam tông (Theravàda) là giáo pháp tinh yếu của Tam Tạng Pàli văn.

Trong bộ Na-tiên tỳ kheo kinh[6] HT Trí Thủ đã giới thiệu:

“Ðặc tánh của nó là chính ở những ví dụ rất khế lý và khế cơ mà Ngài Na Tiên đã khéo sử dụng để làm sáng tỏ các chủ điểm giáo lý căn bản của Phật Giáo Nguyên Thủy. Các ví dụ rất linh động ấy là hoàn toàn do ngài sáng chế để đóng góp vào chánh pháp và thúc đẩy bánh xe Chánh Pháp chuyển mau thêm.”sđd, Ntcao

Vì vậy ngài Giới Nghiêm[7]:

“Nhận thấy tầm mức quan trọng của bộ kinh… chúng tôi phải bỏ thời gian gần hai mươi năm để phiên dịch, trước sau phân thành ba quyển hầu cống hiến bạn đọc. Nay tuổi già sức yếu, biết tuổi thọ không còn mấy năm, chúng tôi ráng dành thì giờ soạn lại, gộp chung thành một quyển. Lần này cũng khá vất vả vì dường như chúng tôi phải làm lại từ đầu: viết lại lời tựa, chỉnh lại văn cú, lược bỏ các đoạn trùng lặp, sắp xếp lại chương mục, bỏ hết câu, chữ, kệ Pàli không cần thiết, chỉnh lại đây đó một số nghĩa, số từ cho chính xác hơn. Làm việc ấy, chúng tôi xem như một bổn phận của mình, những mong hoàn thành một dịch phẩm ít lỗi lầm so với dịch phẩm trước đây để đáp đền Tam Bảo thâm ân.”sđd, Mtgioi

Trong lời nói đầu của quyển "Na-tiên tỳ kheo kinh" dịch giả Cao Hữu Đính viết:

“Chính vì đặc điểm độc đáo ấy mà Na-tiên tỳ kheo kinh được Phật Giáo Tích Lan tôn thờ gần ngang hàng với thánh điển Ngũ bộ Kinh; Phật giáo Miến Ðiện thì xếp Milindapanhà vào thánh điển hẳn. Vào thế kỷ thứ V, luận chủ số một của Nam Tông là ngài Phật Âm (Buddhaghosa) thường trích dẫn kinh nầy để dùng làm luận cứ chứng minh cho các tác phẩm của ngài, và trên lục địa Ấn độ, một đại luận chủ khác là ngài Thế Thân (Vasubandhu) cũng nhắc đến kinh Milindaphanhà trong khi soạn bộ luận trứ danh của ngài là bộ A tỳ đạt ma Câu xá luận (Abhidharmakosa).”sđd,Ntcao

Về tên gọi kinh Milindapanha, đúng ra phải dịch là "Mi-lin-đà sở vấn" nhưng cũng có tên gọi phổ thông khác là "Na-tiên tỳ kheo" và “Milinda”.

Tuy nhiên bộ kinh này khá dài, vì vậy chúng tôi mạo muội, không ngại sức hèn toát yếu bộ luận trên cống hiến cho các bạn đọc (trên diễn đàn). Mặc dù toát yếu nhưng chúng tôi chỉ cắt (lượt bỏ) và ghép các đoạn văn lại cho ngắn gọn và liền mạch với nhau, mà không đưa thêm ý của mình vào, nếu có chúng tôi sẽ ghi chú. Dù cố gắng hết sức mình nhưng chúng tôi tin rằng sẽ còn nhiều khuyết điểm rất mong các bạn tận tình góp ý để bản toát yếu được hoàn hảo hơn. Trong bản toát yếu này chúng tôi gọi là Mi-tiên vấn đáp lược yếu.

Tài liệu sử dụng chính:

1. Mi Tiên Vấn Ðáp, dịch giả: HT Giới Nghiêm, ấn bản 2003
2. The Questions of King Milinda, translated by T. W. Rhys Davids Truy cập ngày: 31/8/2008
3. The Debate of King Milinda, bhikkhu Pesala, ấn bản 2001

Tài liệu phụ tham khảo:

1.Na Tiên Tỳ Kheo, Cao Hữu Ðính dịch Việt. Bản cũ không thấy ngày tháng.

Ngoài ra các sách tham khảo quan trọng khác chúng tôi sẽ bổ túc thêm khi dùng đến.

Ngoài ra bạn có thể tham khảo nguyên bản Pali của hội Tam tạng thánh điển Tích-lan (Sri Lanka Tripitaka Project)
2. Milindapanha 1 Truy cập ngày: 31/8/2008
3. Milindapanha 2, Truy cập ngày: 31/8/2008

Lời khuyến cáo: Mi-tiên vấn đáp toát yếu chỉ nên dùng để tham khảo và trước khi đọc một bản sớ giải, chú thích, toát yếu người đọc phải xem qua nguyên bản (tài liệu chính) trước, sau đó mới đọc các bản sớ giải hay toát yếu và chỉ nên xem các bản chú thích, toát yếu là loại tài liệu phụ.

Bản viết tắc
1. Mtgioi = bản dịch: Mi Tiên Vấn Ðáp, dịch giả Hòa thượng Giới Nghiêm, ấn bản 2003
2. Ntcao = bản dịch: Kinh Na Tiên Tỳ Kheo, Cao Hữu Ðính dịch Việt
3. Dbpesala = bản tiếng Anh: The Debate of King Milinda, bhikkhu Pesala, ấn bản 2001
4. Mdrhys = The Questions of King Milinda, translated by T. W. Rhys Davids

-------
1. Hinuber (2000), pp. 85-6, para. 179.
- The earliest part of the text is believed to have been written between 100 BCE and 200 CE.[1] The text may have initially been written in Sanskrit;[2] however, apart from the Sri Lankan Pali edition and its derivatives, no other copies are known. nguồn: http://en.wikipedia.org/wiki/Milinda_Panha
2. Là tên khác của Tỳ kheo Na-tiên, theo Mi Tiên Vấn Ðáp, dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm, ấn bản 2003
3. Kinh Na Tiên Tỳ Kheo, Cao Hữu Ðính dịch Việt
4. - Hinüber (2000), p. 83, para. 173, suggests, based on an extant Chinese translation of Mil as well as some unique conceptulizations within the text, the text's original language might have been Gandhari
5. Written in Northern India, at or a little after the beginning of the Christian era, and either in Sanskrit itself or in some North Indian Prakrit, it has been entirely lost in the land of its origin
6. Kinh Na Tiên Tỳ Kheo, Cao Hữu Ðính dịch Việt
7. Tăng Thống Giáo Hội Tăng Già Phật Giáo Nguyên Thủy (Theravàda) Việt Nam.


Nguyện cho tôi, mọi người, tất cả loài hữu tình, vô tình, loài có sinh mạng, có hơi thở, không hơi thở, chúng sanh trong mười phương, đều thoát khỏi hận thù, khổ đau, được sống trong an lạc, không làm tổn hại ai, biết chia sẻ và thương yêu nhau, rốt ráo đều được giác ngộ giải thoát.
Monggiac
Bài viết: 686
Ngày: 19/07/07 17:41

Re: Mi-tiên vấn đáp toát yếu - Phật pháp vấn đáp

Bài viết chưa xem gửi bởi Monggiac »

NỘI DUNG MI-TIÊN VẤN ĐÁP
(gồm 244 câu hỏi)

1. Danh

Đức vua Mi-lan-đà sau khi đảnh lễ Tăng chúng tám mươi ngàn vị cùng với đại đức Na-tiên, ngồi một nơi phải lẽ, đức vua khởi chuyện:

- Bạch đại đức, Trẫm muốn đàm luận với ngài vài điều được chăng?

- Tỳ kheo Na-tiên đã quan sát vị vua hữu danh đã từng làm cho các tôn giáo điên đảo từ bấy lâu nay. Quả thật là không hư truyền, vì ngài chưa từng gặp một người có tướng mạo phi phàm như thế. Nhưng với thắng dũng, thắng trí và thắng tuệ, ngài cảm thấy không khó khăn gì khi nhiếp phục đức vua này, rồi mỉm cười đáp:

- Tâu đại vương, ngài cứ hỏi, bần tăng sẽ nghe.

- Bạch đại đức, ngài tên gì?

- Tâu đại vương! Bần tăng tên là Na-tiên! Thầy tổ, huynh đệ, pháp hữu của bần tăng cũng gọi tên bần tăng như thế. Tuy nhiên, nó cũng chỉ là cái tên suông, chẳng liên hệ gì đến bần tăng cả. Chẳng có gì là "tôi" là "của tôi" như ngã chấp và tà kiến thế gian thường nhận lầm!

Đức vua Mi-lan-đà ngạc nhiên, đưa tay lên, phân bua với mọi người:

- Xin tất cả hãy làm chứng cho trẫm. Đại đức Na-tiên nói, chẳng có gì là "tôi" và "của tôi" cả. Mọi người nghe rõ rồi đấy chứ?

Rồi quay sang tỳ kheo Na-tiên , đức vua phản vấn:

- Bạch đại đức! Nếu không có cái gọi là "ta" và "của ta" thì những người bố thí cúng dường y bát, vật thực v.v... ai là người thọ nhận tứ sự ấy? Ai trì giới? Ai tham thiền? Ai chứng ngộ đạo quả và Niết bàn? Từ đó suy ra, những tội ác như sát sanh, trộm cắp… cho đến tội ngũ nghịch vô gián địa ngục, cũng chẳng có ai làm! Và nghiệp lành, nghiệp ác chẳng có ai tạo cả, lành dữ đều không có quả báo. Nếu thế có kẻ giết chết đại đức họ cũng không phạm tội giết người. Và hòa thượng tế độ cho đại đức cũng không có. Các vị đồng phạm hạnh gọi tên đại đức Na-tiên là gì đó cũng không có luôn. Vậy cái gọi là Na-tiên đó là ai? Mong đại đức giảng giải. Đại đức nghe rõ rồi đấy chứ.

- Tâu đại vương! Bần tăng nghe rõ rồi!

[Đức vua hỏi:]- Người nghe đó có phải là Na-tiên chăng?

- Tâu, không phải.

- Chẳng có gì là Na-tiên cả sao?

- Vâng, chính thế!

- Tóc, lông, móng, răng da, thịt, tủy, gân, xương...; sắc, thọ, tưởng, hành, thức; nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; ngũ uẩn họp lại là Na-tiên?

- Tâu, không phải.

Đến ngang đây chợt đức vua Mi-lan-đà cất giọng nói lớn:

- Bạch đại đức! Hồi nãy giờ trẫm đã cặn kẽ hỏi về ba mươi hai thể trược, lục căn, ngũ uẩn v.v... có phải là Na-tiên chăng, tất thảy đều bị đại đức phủ nhận. Vì khi quán tưởng từng phần, thì chẳng có gọi là Na-tiên cả. Thế tại sao, trước đây khi trẫm hỏi, đại đức bảo đại đức là Na-tiên? Té ra là đại đức nói dối!

Để cho ngạo khí và sự xao động trong tâm trí đức vua yên lắng lại một chút, đại đức Na-tiên mới chậm rãi nói:

- Tâu đại vương! Ngài là một bậc đế vương nhiều phước báu. Nhưng vì tâm cầu đạo, ngài chẳng quản đường xa, nên có lẽ ngọc thể cũng bất an. Lại nữa, từ hoàng cung đến đây mà sao đại vương không đi bằng xe mà lại đi bằng chân cho mệt?

- Bạch đại đức! Trẫm đến chùa bằng xe chứ! Chỉ đi bộ từ cổng, nhưng vào giảng đường mới đi bằng chân không!

- Thế ra đại vương tới đây bằng xe.

- Vâng, trẫm đến bằng xe.

- Vậy đại vương hãy nói cho rõ về cái xe ấy! Cái gì gọi là xe? Cái gọng, trục, cái bánh, thùng, mui, roi, dây cương, ách, căm… là xe?

- Không phải

- Vậy cái gì là xe?

Đức vua Mi-lan-đà im lặng.

Đại đức Na-tiên cất:

- Tâu đại vương! Bần tăng đã đưa từng bộ phận một, và hỏi rằng cái gì là xe thì đều bị đại vương phủ nhận. Mà quả thật, bần tăng cũng thấy vậy, chẳng có cái gì được gọi là xe trong tất cả các bộ phận chi tiết ấy. Tuy nhiên, đại vương là vị hoàng đế cao cả; quả thật là không thích đáng khi đại vương nói dối rằng, ngài đến đây bằng xe!

- Sau một hồi làm thinh, đức vua Mi-lan-đà nói:

- Đại đức biện luận hay lắm! Nhưng hãy nghe trẫm nói đây! Tất cả những bộ phận chi tiết như thùng, mui, căm, bánh, trục v.v... nếu nằm riêng lẻ thì không thể gọi là xe, nhưng chúng kết hợp toàn bộ lại thì giả danh gọi là xe, có phải thế chăng? Vậy trẫm bảo rằng, trẫm đến đây bằng xe đâu phải lời nói dối?

- Tâu đại vương! Cũng thế, tất cả những cái gọi là tóc, lông, móng, răng, da, ngũ uẩn, lục căn... nếu chúng nằm riêng lẻ thì làm sao được gọi là Na-tiên? Nhưng nếu được kết hợp lại thì giả danh gọi là Na-tiên! Bần tăng nói rằng, bần tăng tên là Na-tiên thì đâu phải lời nói dối?

Nghe đến đây, đức vua Mi-lan-đà vô cùng thích thú, hết lòng tán thán đại đức Na-tiên:

- Hay lắm! Hôm nay, lần đầu tiên trong đời cái lỗ tai của trẫm rất là hoan hỷ, đại đức có biết thế chăng?
Cả đại giảng đường vang lên tiếng "lành thay, lành thay" làm chấn động cả kinh đô Sàgala.
-----
Chúng tôi đã lược bỏ chọn vẹn chướng 0.1 tức phần giới thiệu. Vì vậy, trong câu hỏi đầu tiên chúng tôi để lại một chút giới thiệu về 2 nhân vật này. Những chữ câu trong [...] là chúng tôi thêm vào.


Nguyện cho tôi, mọi người, tất cả loài hữu tình, vô tình, loài có sinh mạng, có hơi thở, không hơi thở, chúng sanh trong mười phương, đều thoát khỏi hận thù, khổ đau, được sống trong an lạc, không làm tổn hại ai, biết chia sẻ và thương yêu nhau, rốt ráo đều được giác ngộ giải thoát.
Monggiac
Bài viết: 686
Ngày: 19/07/07 17:41

Re: Mi-tiên vấn đáp toát yếu - Phật pháp vấn đáp

Bài viết chưa xem gửi bởi Monggiac »

2. Tuổi hạ

- Đại đức năm nay được bao nhiêu tuổi hạ?

- Thưa, bần tăng tu mới được bảy hạ.

- 7 hạ ấy là đếm luôn cả đại đức vào trong, hay là chỉ đếm cái hạ không thôi? Con số 7 ấy là con số của đại đức hay con số của hạ?

- Đại đức Na-tiên đưa tay chỉ cái bóng của vua, rồi hỏi:

- Cái bóng kia là đại vương, hay người đang đối thoại với bần tăng đây là đại vương?

- Trẫm đây mới thật là trẫm, còn cái bóng kia nương nơi trẫm mà có. Nó có là bởi trẫm.

- Cũng thế, số 7 kia là số hạ lạp chứ không phải bần tăng, nhưng nó có được là do nương gá nơi bần tăng. Nó có là bởi bần tăng.

3. Thảo luận như một Trí giả hay như một Vương giả?


- Trẫm rất thích đàm đạo với đại đức, nhưng đại đức có hoan hỷ không?

- Tâu đại vương! Nếu đại vương đàm thoại với tư cách một Trí giả, thì bần tăng hầu đáp. Nếu đại vương trên tư cách là bậc Vương giả, bần tăng sẽ không thể hầu đối được.

- Phàm Trí giả nói chuyện với nhau, trao đổi hiểu biết, soi sáng cho nhau. Nếu có những lý lẽ đưa ra, dù đúng, sai, phải, trái v.v... bậc Trí giả không vì thế phiền lòng. Thắng, bại không làm họ chau mày, mà chính chân lý mới thuyết phục được họ. Đấy là phong thái của bậc Trí giả!

- Bậc Vương giả sống trong quyền lực, nhất hô bá ứng, nên thường bắt buộc kẻ khác chấp thuận quan điểm của mình. Nếu có ai đó nói một câu không vừa ý, bậc vương giả sẽ không hài lòng, dùng quyền uy của mình mà bắt tội. Những cuộc nói chuyện như thế rồi chẳng đi đến đâu. Đối thoại với bậc Vương giả thường rơi vào một chiều, phiến diện!

- Hay lắm, trẫm đã hiểu rõ rồi. Trẫm xem mình là người Trí giả để hầu chuyện với đại đức. Đại đức cứ nói tự nhiên, như đại đức nói chuyện cận sự nam, trẫm không bắt lỗi gì đâu!

- Ngài đã phán những lời rất đúng đắn, là lời của một bậc minh quân. Bần tăng sẽ hầu chuyện với Đại vương như là một bậc Trí giả


Nguyện cho tôi, mọi người, tất cả loài hữu tình, vô tình, loài có sinh mạng, có hơi thở, không hơi thở, chúng sanh trong mười phương, đều thoát khỏi hận thù, khổ đau, được sống trong an lạc, không làm tổn hại ai, biết chia sẻ và thương yêu nhau, rốt ráo đều được giác ngộ giải thoát.
Monggiac
Bài viết: 686
Ngày: 19/07/07 17:41

Re: Mi-tiên vấn đáp toát yếu - Phật pháp vấn đáp

Bài viết chưa xem gửi bởi Monggiac »

4. Thỉnh mời vào Hoàng cung

Hôm sau, đức vua bảo viên đại thần Antakàya đi mời thỉnh đại đức Na-tiên.

Viên đại thần Atakàya, đi bên cạnh đại đức Na-tiên, lân la hỏi chuyện:

- Bạch đại đức! Cuộc vấn đáp hôm qua hay quá nhưng tiếc là đệ tử còn lắm điều thắc mắc. Trước ngài bảo tên ngài là Na-tiên, sau đó ngài lại phủ nhận Na-tiên, và bảo không có Na-tiên?

Đại đức Na-tiên mỉm cười, nói:

- Vậy theo ngài, cái gì là Na-tiên?

- Thưa, hơi thở còn là sanh mạng còn, hơi thở duy trì sự sống. Chẳng hay hơi thở ấy có phải là Na-tiên không?

- Thế hơi thở kia có ra mà không có vô thì sao?

- Tâu, sẽ chết ạ!

- Những người thổi kèn, thổi sáo, thổi ống tiêu họ chỉ thổi ra, mà không thở vào thì sao?

- Đệ tử quả thật là không biết, mong đại đức chỉ giáo cho?

- Này Atakàya! Không có cái ngã trong hơi thở, hơi thở vào ra chỉ làm cái phần việc thở vô thở ra mà thôi; mắt, tai, mũi, lưỡi cũng vậy. Trong tất cả chúng chẳng có cái gì được gọi là chúng sanh, là thức tánh ở đấy cả. Chúng chỉ là "thân hành", ngài nên biết như vậy.

- "Thân hành" ấy nó trú ở đâu, bạch ngài?

- Nó trú trong ngũ uẩn, chính xác là trong "sắc uẩn"! Phân tích chi tiết toàn bộ sắc uẩn ấy, chúng chỉ là rỗng không, chẳng có gì được gọi là Na-tiên, ngài nên hiểu như thế!


Nguyện cho tôi, mọi người, tất cả loài hữu tình, vô tình, loài có sinh mạng, có hơi thở, không hơi thở, chúng sanh trong mười phương, đều thoát khỏi hận thù, khổ đau, được sống trong an lạc, không làm tổn hại ai, biết chia sẻ và thương yêu nhau, rốt ráo đều được giác ngộ giải thoát.
Monggiac
Bài viết: 686
Ngày: 19/07/07 17:41

Re: Mi-tiên vấn đáp toát yếu - Phật pháp vấn đáp

Bài viết chưa xem gửi bởi Monggiac »

5. Cứu cánh của Sa môn hạnh

- Vua hỏi: Sống đời xuất gia có gì lợi ích và cao thượng?

- Người sống đời xuất gia thành tựu được bốn điều lợi ích: Không còn bị sầu khổ bởi ngũ uẩn sanh, héo mòn, đau đớn, và diệt mất. (tức là không còn sầu khổ bởi sanh, lão, bệnh tử khổ).

Sự thay đổi, biến hoại, tiêu diệt của ngũ uẩn từ sanh, lão, bệnh, đến tử; người xuất gia hằng quán tưởng nên sẽ thoát khỏi sầu, bi, khổ, ưu, não chi phối đó là những lợi ích thù thắng!

- Khi người xuất gia không còn bị sinh lão bệnh tử của ngũ uẩn chi phối, vị ấy thân chứng trạng thái, siêu việt ý niệm, ngữ ngôn: cái ấy giả danh là Niết bàn; nơi không còn sanh tử, khổ đau! Đấy là sự cao thượng trên tất cả mọi sự cao thượng!

- Tất cả sa môn đều có nguyện vọng như thế sao?

- Tâu đại vương! Cứu cánh sa môn hạnh thì như thế, nhưng có bảy hạng người xuất gia: 1. Trốn luật vua, phép nước. 2. Thân cận giới quyền quý cao sang. 3. Mong quyền hành trong một ngôi chùa hay lãnh đạo đồ chúng. 4. Muốn kiếm miếng cơm manh áo. 5. Vì cô thân, trốn kẻ thù. 6. Vì mang công mắc nợ. 7. Vì sợ sanh tử luân hồi, muốn chấm dứt khổ đau, phiền não.

6. Tái sanh - Vô sanh

Vua lại hỏi:

- Điều kiện nào để một người bị tái sanh? Và điều kiện nào để một người được vô sanh?

- Tâu, người nào còn tham sân si, phiền não, người ấy còn tái sanh; người nào tiêu diệt được tham sân si, phiền não, người ấy sẽ vô sanh. Nếu còn phiền não, còn ham muốn sự sống thì còn tái sanh; ngược lại, sẽ vô sanh!


Nguyện cho tôi, mọi người, tất cả loài hữu tình, vô tình, loài có sinh mạng, có hơi thở, không hơi thở, chúng sanh trong mười phương, đều thoát khỏi hận thù, khổ đau, được sống trong an lạc, không làm tổn hại ai, biết chia sẻ và thương yêu nhau, rốt ráo đều được giác ngộ giải thoát.
Monggiac
Bài viết: 686
Ngày: 19/07/07 17:41

Re: Mi-tiên vấn đáp toát yếu - Phật pháp vấn đáp

Bài viết chưa xem gửi bởi Monggiac »

7. Chú tâm

- Tâm niệm đúng, chú tâm đúng có thể vô sanh chăng?

- Không đơn giản như thế! Bậc vô sanh phải thành tựu đầy đủ 3 pháp: 1) Chú tâm. 2) Trí tuệ. 3) Thiện pháp đầy đủ. Thiếu một chẳng thể vô sanh được.

8. Hành tướng của chú tâm và trí tuệ cùng sự khác nhau giữa chúng


- Muốn chú tâm phải cần có hai yếu tố: một là phải có sự nỗ lực ở bên trong; hai là phải nắm bắt, bắt dính được đối tượng.

- Trí tuệ và Hành tướng của trí tuệ ra sao?

- Hành tướng của trí tuệ là sự cắt đứt, tiêu diệt; như cắt đứt tham, sân, si, tiêu diệt phiền não.

- Đại đức hãy đưa ra một ví dụ thực tiễn, về chú tâm và trí tuệ.

- Khi người nông dân cắt lúa, họ bước xuống ruộng, tay trái gom lúa lại, tay phải cầm lưỡi hái rồi cắt!

- Cũng thế, bước xuống ruộng là sự nỗ lực; tay trái gom lúa là nắm bắt. Bắt gì? Bắt tham sân si, tùy miên kiết sử. Còn trí tuệ thì cắt lìa tất thảy phiền não, chấm dứt luân hồi, được vô sanh, chứng Niết-bàn.


Nguyện cho tôi, mọi người, tất cả loài hữu tình, vô tình, loài có sinh mạng, có hơi thở, không hơi thở, chúng sanh trong mười phương, đều thoát khỏi hận thù, khổ đau, được sống trong an lạc, không làm tổn hại ai, biết chia sẻ và thương yêu nhau, rốt ráo đều được giác ngộ giải thoát.
Monggiac
Bài viết: 686
Ngày: 19/07/07 17:41

Re: Mi-tiên vấn đáp toát yếu - Phật pháp vấn đáp

Bài viết chưa xem gửi bởi Monggiac »

9. Tất cả Pháp lành lấy Giới làm sở y

- Những gì được gọi là thiện pháp?

- Thiện pháp thì rất nhiều, nhưng Giới mới chính là nền tảng, là nơi an trú, tăng trưởng tất cả thiện pháp như ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ thần túc, bốn thiền, tám pháp giải thoát, một pháp định, ba pháp nhập định… Ví như đất là nơi các hột giống nảy mầm và lớn lên. Cũng vậy, giới là nơi nảy mầm, tăng trưởng của tất cả các thiện pháp. Một hành giả phải biết nương tựa Giới, phát triển cho đầy đủ, thanh tịnh thì các thiện pháp mới có cơ hội tựu thành.

- Xin cho ví dụ.

- Đại vương khi xây dựng kinh đô, ngài bắt đầu công việc như thế nào?

- Đầu tiên, lên một bản vẽ tổng quát toàn bộ hoàng thành: la thành, hào, các lối đi, chính điện v.v. sau đó san bằng và dọn dẹp toàn bộ mặt bằng rồi mới xây dựng.

- Cũng vậy, toàn bộ lâu đài, cung điện của đại vương được xây dựng như thế nào thì Giới cũng như thế ấy, phải trì giữ cho thanh tịnh thì các lâu đài Thiện pháp mới xây dựng trên đó được. Tứ thanh tịnh giới là chỗ trú của người xuất gia để thành tựu tín, tấn, niệm, định, tuệ cùng các thiện pháp tối thắng khác. Nhờ Giới mà tín sẽ vững chắc không xao động. Nhờ Giới mà tấn không thối thất. Nhờ Giới mà niệm không buông lơi. Nhờ Giới mà định tâm thêm kiên cố. Nhờ Giới mà tuệ càng thêm sáng tỏ.

Phật hằng giáo giới chư tỳ khưu: Giới năng sanh thiện pháp. Giới năng sanh định, định năng sanh tuệ. Có Giới là có tất cả. Nơi nào có Giới thì nơi ấy có tuệ. Nơi nào có tuệ thì nơi ấy có Giới.

Quả địa cầu là nơi sanh của các loài thảo mộc, động vật, muôn thú, người như thế nào; thì Giới là nơi sanh trưởng của ngũ căn, ngũ lực cũng như thế ấy cho đến các tầng Thánh quả cho đến quả vị tối thượng Chánh đẳng giác cũng từ Giới mà sanh ra.


Nguyện cho tôi, mọi người, tất cả loài hữu tình, vô tình, loài có sinh mạng, có hơi thở, không hơi thở, chúng sanh trong mười phương, đều thoát khỏi hận thù, khổ đau, được sống trong an lạc, không làm tổn hại ai, biết chia sẻ và thương yêu nhau, rốt ráo đều được giác ngộ giải thoát.
Monggiac
Bài viết: 686
Ngày: 19/07/07 17:41

Re: Mi-tiên vấn đáp toát yếu - Phật pháp vấn đáp

Bài viết chưa xem gửi bởi Monggiac »

10. Hành tướng của Tín ?

- Tín có hai công năng là làm cho tâm yên lặng, trong sạch và làm cho tâm luôn có khuynh hướng tiến về phía trước.

- Tín như cái màng chắn các bụi phiền não, không cho lan vào. Tức ngăn chặn khiến năm cái: hôn trầm thụy miên, buông lung phóng dật, sân, dục và nghi không phát sanh, nhờ vậy tâm được yên lặng, trong sạch. Ví như như quân binh vượt qua con rạch, nước bị quấy lên đục ngầu. Lúc bấy giờ đại vương muốn uống nước, bèn sai quân hầu lấy bình lọc nước đặt xuống lòng rạch. Bình lọc nước ấy có công năng gạn lọc tất cả bùn dơ đục vẩn, chỉ còn lại nước trong sạch như thế nào thì Tín cũng có công năng lọc sạch uế trược phiền não như thế ấy, tâu đại vương.

- Công năng thứ hai, tại sao lại có khuynh hướng tiến về phía trước?

- Ấy là vì người có Tín luôn luôn hướng theo thiện pháp mà đi tới, tự sách tấn mà vượt qua, vượt lên mãi. Như thấy người đắc quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán cho đến lúc giác ngộ, giải thoát mới thôi. Ví như trận mưa lớn ngập lụt tất cả đường sá, sông hồ. Một đoàn bộ hành e ngại chẳng dám vượt qua vì không biết mực nước nông sâu. Chợt có người thành thạo nhìn con rạch, ước lượng dòng chảy, chỗ cạn, chỗ sâu, rồi thản nhiên lội qua, mọi người theo dấu mà đi nhờ vậy mới tiếp tục được lộ trình. Người có Tín cũng như thế ấy, thấy người đi trước mình lội qua được dòng sông sinh tử, thì theo dấu người ấy để lội theo quyết bỏ "bờ mê". Những quả vị Thánh đều là mục đích cho người có Tín hằng nỗ lực để vươn tới, lướt tới cho thành tựu hẳn thôi.

11. Hành tướng của Tấn ?

- Tấn có công năng hộ trì các thiện pháp cho được vững chắc, tăng trưởng; không để cho thiện pháp hư mòn, tiêu hoại hoặc sụp đổ! Ví như một ngôi nhà muốn được vững bền, không bị xiêu ngã thì các cột, kèo cần phải chắc chắn. Ngôi nhà chính là thiện pháp; cột, kèo, đòn tay chống đỡ là Tấn.

- Ví như ra trận mà quân giặc quá mạnh, phải thêm viện binh mới thắng địch. Quân giặc mạnh ví như ác pháp mà viện binh chính là Tấn. Như vậy, Tấn có hai công năng, thứ nhất là hộ trì thiện pháp (ví dụ đầu) và thứ hai là tiêu trừ ác pháp (ví dụ sau), đúng như kệ ngôn Đức Thế Tôn đã thuyết:

"Này các thầy tỳ-khưu! Tấn là sức mạnh của bậc Thinh Văn, nó hộ trì thiện pháp và tiêu trừ ác pháp; làm cho tội lỗi tiêu hoại và phước đức phát triển. Có Tấn thì chẳng bao giờ lìa xa Chánh pháp."


Nguyện cho tôi, mọi người, tất cả loài hữu tình, vô tình, loài có sinh mạng, có hơi thở, không hơi thở, chúng sanh trong mười phương, đều thoát khỏi hận thù, khổ đau, được sống trong an lạc, không làm tổn hại ai, biết chia sẻ và thương yêu nhau, rốt ráo đều được giác ngộ giải thoát.
Monggiac
Bài viết: 686
Ngày: 19/07/07 17:41

Re: Mi-tiên vấn đáp toát yếu - Phật pháp vấn đáp

Bài viết chưa xem gửi bởi Monggiac »

12. Hành tướng của Niệm?

- Hai chức năng của niệm là nhắc nhở tâm và giúp tâm cầm nắm.

- Nhắc nhở tâm là bất cứ một pháp nào phát sanh, Niệm có bổn phận nhắc nhở tâm ghi nhận pháp ấy. Ghi nhận một cách thuần túy khách quan. Ví như người canh cửa của đức vua, y phải tự nhắc nhở mình thường xuyên là đừng có lơ đễnh nhiệm vụ, người nào đi vô đi ra phải biết. Như vậy, Niệm như là người canh cửa, như vị quan giữ kho.

- Cầm nắm là một pháp phát sanh, niệm không những nhắc nhở tâm ghi nhận pháp ấy mà còn "cầm nắm" trọn vẹn cái thiện, cái ác ấy nữa. Ví như người canh cửa của đức vua, thấy rõ người nào đi vô đi ra nhận biết đây là người được phép vào, đây là người không được phép vào. Chức năng thứ hai của Niệm trình cho biết các pháp lui tới tâm như thế nào, thiện, ác, tốt, xấu như vị người giữ cửa thành trình lên đức vua vậy.

13. Hành tướng của Định

- Định là quy tâm về một mối, là cột tâm, là tập trung tâm lại không cho loạn động. Trong tất cả thiện pháp, Định là chủ trì, Định là chỗ hướng về, Định là nơi tụ họp. Ví như đại vương dẫn 4 loại quân binh ra trận mạc. Bốn loại quân binh ấy sẽ y cứ nơi đức vua, là bậc thống lĩnh tối cao, đức vua là chủ trì, là tối thắng, là chỗ hướng về. Ví dụ này như thế nào thì các thiện pháp sẽ y cứ Định là bậc chủ trì như vậy, do Định mà phát sanh y như thế ấy; như Đức Thế Tôn đã thuyết:

"Này các thầy tỳ-khưu! các thầy hãy tinh cần tiến tu thiền định. Người nào có thiền định rồi, người ấy sẽ dễ dàng chứng đắc đạo quả, giác ngộ ba minh."

14. Hành tướng của Tuệ

- Hai chức chức năng của tuệ là cắt lìa hũy diệt và soi sáng tự chiếu.

- Chức năng thứ nhất đã lãnh hội rồi, vậy cho nghe chức năng thứ hai? Cái gọi là soi sáng tỏ tường ấy là gì?

- Khi Tuệ tâm phát sanh thì nó có công năng soi tỏ cho ta thấy rõ đâu là vô minh, khổ, nguyên nhân của khổ, đâu là con đường thoát khổ một cách rõ ràng. Ví như cầm cây đèn sáng đi vào căn nhà tối, ngọn đèn soi sáng đường đi, bàn, ghế, tủ, giường. Ngọn đèn sáng là Trí tuệ mà các vật dụng trong nhà là các thiện pháp, ác pháp trong tâm.

- Nhờ đèn sáng mà bóng tối tự lui, cũng vậy, nhờ Tuệ mà vô minh tự diệt.


Nguyện cho tôi, mọi người, tất cả loài hữu tình, vô tình, loài có sinh mạng, có hơi thở, không hơi thở, chúng sanh trong mười phương, đều thoát khỏi hận thù, khổ đau, được sống trong an lạc, không làm tổn hại ai, biết chia sẻ và thương yêu nhau, rốt ráo đều được giác ngộ giải thoát.
Monggiac
Bài viết: 686
Ngày: 19/07/07 17:41

Re: Mi-tiên vấn đáp toát yếu - Phật pháp vấn đáp

Bài viết chưa xem gửi bởi Monggiac »

15. Ngũ căn - riêng và chung

- Tín, tấn, niệm, định, tuệ và gọi là thiện pháp; chúng có tên gọi, chức năng, công dụng khác nhau. Vậy, chúng đứng độc lập, riêng biệt chẳng có cái "chung" gì cả sao?

- Cái chung ấy là chúng cùng về một mục đích, cùng thành tựu một lợi ích. Mục đích và lợi ích chính là ngăn các điều dữ, diệt phiền não. Ví như đại vương dẫn: bộ binh, tượng binh, mã binh, xa binh ra trận; tên gọi hình tướng, chức năng, công dụng khác nhau nhưng đều có một lợi ích, mục đích là đem vinh quang và chiến thắng cho đại vương!

16. Tương quan thân trước và sau

- Chúng sanh có nhiều loài như trời, người, bàng sanh... Khi chúng chết đi, thác sanh trở lại, thì trời vẫn là trời; người vẫn là người; loài hai chân thành loài hai chân…hay sao? Nghĩa là thân trước thân sau vẫn mang hình tướng cũ ấy?

- Từ khi thai nhi nằm trong bụng mẹ cho đến khôn lớn trưởng thành, trung niên, già lão. Vậy đứa bé và ông lão ấy là một hay hai người?

- Bần tăng sẽ trả lời rằng, lúc còn bé nhỏ là bần tăng, mà lúc lớn lên cũng là bần tăng chứ không phải người khác. Cái thân thay đổi từ bé đến già, nhưng vẫn tồn tục một sinh mạng ấy thôi. Ví như cây đèn đốt cháy từ đầu hôm đến sáng, đầu hôm thì đầy dầu, sáng thì cạn dầu. Vậy thì đầu hôm, giữa khuya và sáng là ba cây đèn khác nhau?

- Nó chỉ là một cây đèn cháy đỏ liên tục đầu hôm đến sáng.

- Tất cả chúng sanh cũng y như thế đó, tâu đại vương. Danh và sắc kết hợp thành thân và tâm tạo nên một sanh mạng hữu tình; tuy thân và tâm đều vô thường thay đổi nhưng nó vẫn duy trì sanh mạng đến lúc chấm dứt tuổi thọ nhưng vẫn là một con người ấy thôi.

17. Tái sanh và Vô sanh

- Thế người không còn tái sanh, có thể tự mình biết rõ điều đó chăng?

- Có thể được, ai thấy mình không còn gây nhân phiền não, không còn vô minh và ái dục thì người đó biết chắc mình không còn sanh lại trong ba cõi, sáu đường nữa. Ví như người làm ruộng, đầu mùa lo cày bừa, gieo mạ thì cuối vụ ông ta gặt lúa, cất lúa vào bồ. Năm sau, vì một lý do nào đó, người làm ruộng kia không còn cày bừa, gieo mạ nữa thì ông ta có còn gặt lúa, cất lúa vào bồ chăng, tâu đại vương?

- Có lúa đâu mà gặt, mà cất!

- Đúng thế! Cày bừa, gieo mạ là nhân; gặt lúa cất vào bồ là quả. Cũng thế, gây nhân cấu sanh, ái dục nên còn quả tái sanh; người tu hành đắc đạo tự biết mình không gây nhân cấu sanh, ái dục nên biết chắc rằng không còn tái.


Nguyện cho tôi, mọi người, tất cả loài hữu tình, vô tình, loài có sinh mạng, có hơi thở, không hơi thở, chúng sanh trong mười phương, đều thoát khỏi hận thù, khổ đau, được sống trong an lạc, không làm tổn hại ai, biết chia sẻ và thương yêu nhau, rốt ráo đều được giác ngộ giải thoát.
Monggiac
Bài viết: 686
Ngày: 19/07/07 17:41

Re: Mi-tiên vấn đáp toát yếu - Phật pháp vấn đáp

Bài viết chưa xem gửi bởi Monggiac »

18. Trí và Tuệ khác nhau như thế nào?

- Trí thuộc về nhận thức, hiểu biết; Tuệ là thấy rõ vô thường, khổ não, vô ngã. Trí là thông minh mà Tuệ là sáng suốt. Trí thuộc phạm trù hiểu và biết, Tuệ thuộc về cái thấy không còn lầm lẫn như vô thường cho là thường, vô ngã cho là ngã, khổ cho là lạc!

- Trí còn si mê, lầm lẫn; Tuệ thì hết si mê, lầm lẫn.

- Tuệ phát sanh thì si mê, lầm lẫn ấy đi đâu?

- Nó diệt mất. Ví như cầm cây đèn rọi vào hóc tối, ánh sáng hiện thì bóng tối tự tiêu.

- Còn Tuệ, nó mất chăng?

- Nó cũng diệt mất, nhưng công việc mà Tuệ đã làm, cho ta thấy biết chân tướng của cuộc đời, cho ta thấy rõ lý vô thường, khổ và vô ngã của pháp thì vẫn còn.

- Sao lạ vậy? Hãy cho ví dụ.

- Ví như một người đề phòng hỏa hoạn, sắm sẵn năm chum đầy nước. Khi hỏa tai, người ấy lấy nước trong năm chum đem ra sử dụng, dập tắt được lửa. Tai qua nạn khỏi, người ấy chẳng cần dùng năm chum nước ấy nữa. Cũng như thế, năm chum nước được ví cho ngũ căn: tín, tấn, niệm, định, tuệ; khi rưới tắt được lửa tham sân si, phiền não rồi, xong phận sự rồi nó sẽ tự diệt; nhưng không, vô tướng và giải thoát thì vẫn còn.

- Ví như vị lương y dùng năm loại dược thảo, bào chế ra phương thuốc trị bệnh cho bệnh nhân. Uống xong, lành bệnh; bệnh nhân lành, lương y không cần dùng thuốc như thế nào thì kiết sử phiền não đã diệt rồi ngũ căn tín, tấn, niệm, định, tuệ cũng không dùng nữa y như thế ấy. Chỉ còn lại niềm hạnh phúc chân thật thôi, tâu đại vương! Cũng như quân thắng trận, giặc bại trận ví như ác pháp, vô minh, ái dục. Người giác ngộ sẽ không còn sử dụng binh khí gì nữa mà chỉ thọ hưởng an lạc siêu thế thôi.


Nguyện cho tôi, mọi người, tất cả loài hữu tình, vô tình, loài có sinh mạng, có hơi thở, không hơi thở, chúng sanh trong mười phương, đều thoát khỏi hận thù, khổ đau, được sống trong an lạc, không làm tổn hại ai, biết chia sẻ và thương yêu nhau, rốt ráo đều được giác ngộ giải thoát.
Monggiac
Bài viết: 686
Ngày: 19/07/07 17:41

Re: Mi-tiên vấn đáp toát yếu - Phật pháp vấn đáp

Bài viết chưa xem gửi bởi Monggiac »

19. Bậc vô sanh còn đau khổ không?

- Một chút ít thọ khổ ấy cũng không có.

- Vậy thì trong đời này, các ngài chứng ngộ lý Vô sanh rồi có còn thọ khổ không?

- Khổ nơi thân thì còn mà thọ khổ trong tâm thì không. Vì thân còn bị sự biến hoại đổi khác do các định luật tự nhiên chi phối như sinh học, thời tiết, nắng mưa. Tâm không còn thọ khổ nữa là do đã dập tắt mọi nguyên nhân tạo tác đau khổ.

- Giác ngộ, giải thoát mà còn đau khổ nơi thân, thế sao không Niết-bàn?

- Tâu đại vương! Các ngài chưa Niết-bàn vì các ngài chẳng tham cầu sự sống mà cũng chẳng bất bình, chán ghét sự sống. Họ sống an nhiên, tự tại giữa cuộc đời, nhâm vận tùy duyên “Không, vô tướng, vô tác, Tùy hữu vi, vô vi”. Ví như trái cây chưa chín thì chẳng mong chín mau được bao giờ!


Nguyện cho tôi, mọi người, tất cả loài hữu tình, vô tình, loài có sinh mạng, có hơi thở, không hơi thở, chúng sanh trong mười phương, đều thoát khỏi hận thù, khổ đau, được sống trong an lạc, không làm tổn hại ai, biết chia sẻ và thương yêu nhau, rốt ráo đều được giác ngộ giải thoát.
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.17 khách