KINH KIM CƯƠNG

Có những đoạn kinh luận đọc không hiểu, hiểu mà không thấu đáo, chẳng biết hỏi ai ? Mời đem vào đây để mọi người cùng nhau thảo luận học hỏi...

Điều hành viên: binh

Hình đại diện của người dùng
VO_HUU_BAT_KHONG606
Bài viết: 2587
Ngày: 08/04/08 22:33
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: ...
Đã cảm ơn: 1 time

KINH KIM CƯƠNG

Bài viết chưa xem gửi bởi VO_HUU_BAT_KHONG606 »

http://tudien.daitangkinhvietnam.org/in ... 4%91a_kinh
Tôi được nghe rằng:
Một hôm đức Phật ở nước Xá-vệ tại rừng Kỳ-đà trong vườn Cấp Cô Độc cùng với 1250 vị Tỳ-kheo.
Khi ấy gần đến giờ ăn, đức Phật đắp y mang bát vào đại thành Xá-vệ khất thực. Trong thành ấy, Người theo thứ lớp khất thực xong, rồi trở về. Ăn xong, Người dẹp y bát, rửa chân, trải tòa ngồi.
Khi ấy trưởng lão Tu-bồ-đề, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, bày vai áo cà sa bên phải, cúi mặt quì xuống đất, chấp tay cung kính bạch đức Phật rằng: “Thế Tôn! Hiếm ai như Người luôn hộ niệm và phó chúc các vị Bồ-tát. Thưa Thế Tôn! Người thiện nam, người thiện nữ phát tâm Vô thượng Chính đẳng Chính giác nên làm sao trụ, làm sao hàng phục tâm kia?”
Đức Phật bảo: “Lành thay, lành thay! Này Tu-bồ-đề, đúng như lời ông nói, Như Lai luôn hộ niệm và phó chúc các vị Bồ-tát. Nay ông hãy lắng nghe cho kỹ, ta sẽ vì ông mà nói. Thiện nam, thiện nữ phát tâm Vô thượng Chính đẳng Chính giác nên như thế mà trụ, như thế mà hàng phục tâm kia.”
Tu-bồ-đề: “Xin vâng, bạch Thế Tôn! Con nguyện thích được nghe.”
Đức Phật: “Các vị Bồ-tát lớn nên hàng phục tâm như sau. Dù là loài chúng sinh nào- loài sinh bằng trứng, hay loài sinh bằng thai, hay sinh chỗ ẩm ướt, hay hóa sinh; loài có hình sắc, hay không hình sắc; loài có tưởng, hoặc không tưởng, hoặc chẳng có tưởng chẳng không tưởng- ta đều dẫn vào Vô dư Niết-bàn để được tự do. Tự do như thế vô lượng, vô số, vô biên chúng sinh. Nhưng thật ra không có chúng sinh nào được tự do. Vì sao? Vì nếu Bồ-tát còn có ý niệm về bản thân, người, chúng sinh, tuổi thọ tức thì chẳng phải là Bồ-tát.
Lại nữa, Tu-bồ-đề, khi Bồ-tát làm việc bố thí thì không dựa vào gì cả. Chẳng dựa vào hình hài, tiếng động, mùi, vị, xúc pháp. Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát nên như thế mà bố thí, chẳng trụ nơi tướng. Vì sao? Vì nếu Bồ-tát bố thí chẳng dựa vào tướng thì phúc đức không thể đo đếm được. Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Hư không ở phương Đông có thể đo đếm được chăng?”
Tu-bồ-đề đáp: “Bạch Thế Tôn, không ạ.” Phật lại hỏi : “Này Tu-bồ-đề, hư không phương Nam, phương Tây, phương Bắc, bốn phía trên dưới có thể đo đếm được chăng?” Tu-bồ-đề đáp : “Bạch Thế Tôn, không ạ.”
Đức Phật: “Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát không dựa vào tướng mà bố thí, thì phúc đức nhiều như hư không không thể đo đếm được. Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát nên làm như ta vừa bảo.”
“Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Có thể bằng thân tướng mà thấy Như Lai chăng?”
Tu-bồ-đề: “Bạch Thế Tôn, không ạ. Bởi vì Như Lai đã nói, thân tướng tức không phải thân tướng.”
Đức Phật: “Phàm những gì có tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng không có tướng, tức là thấy Như Lai đấy.”
Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn, liệu sau này sẽ có chúng sinh nào được nghe những lời nói như thế liền sinh lòng tin chân thật chăng?”
Phật bảo Tu-bồ-đề: “Chớ nói như thế. Sau khi Như Lai nhập diệt khoảng năm trăm năm, vẫn sẽ có người giữ giới, tu phước. Khi họ nghe những lời này sẽ sinh lòng tin cho đây là thật. Nên biết, người ấy đã gieo trồng căn lành không phải ở một kiếp đức Phật, hay hai, ba, bốn, năm kiếp đức Phật, mà là ở muôn kiếp đức Phật. Ai nghe lời này cho đến một niệm sinh lòng tin thanh tịnh, Như Lai ắt sẽ biết, ắt sẽ thấy chúng sinh ấy được phúc đức không kể xiết.”
“Vì sao? Vì các chúng sinh ấy không còn ý niệm về bản thân, con người, chúng sinh, tuổi thọ, không có ý niệm về pháp cũng không có ý niệm về phi pháp.”
“Vì sao? Vì nếu các chúng sinh ấy, tâm còn khăng khăng vào ý niệm là còn khăng khăng vào bản thân, con người, chúng sinh, tuổi thọ. Nếu còn khăng khăng nghĩ về pháp tức là còn khăng khăng vào bản thân, con người, chúng sinh, tuổi thọ. Nếu còn khăng khăng nghĩ về phi pháp tức là còn khăng khăng vào bản thân, con người, chúng sinh, tuổi thọ. Thế nên không nên khăng khăng vào pháp, mà cũng không nên khăng khăng vào phi pháp.”
“Bởi do nghĩa ấy, Như Lai thường nói: Tỳ-kheo các ông nên biết, ta nói pháp ví dụ như chiếc bè, pháp còn nên bỏ, huống là phi pháp.”
“Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Liệu Như Lai đã được Vô thượng Chính đẳng Chính giác chưa? Như Lai có dạy gì không?”
Tu-bồ-đề thưa: “Như con hiểu qua nghĩa Phật nói, không có thứ nhất định nào tên là Vô thượng Chính đẳng Chính giác, cũng không có lời nào nhất định Như Lai dạy. Vì sao? Vì lời Như Lai dạy đều không thể chấp, không thể nói, vì thế chẳng phải pháp cũng chẳng phải phi pháp. Vì sao? Vì tất cả bậc Thánh hiền đều do pháp vô vi mà trở nên khác thường.”
Phật lại hỏi: “Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Nếu có người dùng 7 báu đầy cả 3000 đại thiên thế giới để bố thí, thì liệu người ấy sẽ được phúc đức thật nhiều chăng?”
Tu-bồ-đề thưa: “Bạch Thế Tôn rất nhiều! Vì bản chất của phúc đức ấy lại chẳng phải là thứ phúc đức mà Như Lai có thể nói.”
Phật nói: “Nếu lại có người tin và làm theo kinh này, cho dù chỉ là bốn câu kệ, rồi vì người khác giảng lại, thì phúc đức của người này còn hơn phúc đức của người kia. Sao lại thế? Bởi vì, tất cả chư Phật và pháp Vô thượng Chính đẳng Chính giác của chư Phật đều từ kinh này ra. Này Tu-bồ-đề, Phật pháp tức là tất cả những gì chẳng phải Phật pháp.”
“Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Liệu một Tu-nhập-lưu có thể nghĩ: “ta được quả Nhập-lưu rồi” không?
Tu-bồ-đề thưa: “Bạch Thế Tôn, không ạ! Bởi vì, Tu-nhập-lưu mặc dù gọi là Nhập lưu, song không có chỗ nhập. Chẳng nhập sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Nhập-lưu ý là như vậy.”
Phật lại hỏi: “Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Liệu một Tu-nhất-vãng-lai có thể nghĩ: “ta được quả Nhất-vãng-lai” được không?”
Tu-bồ-đề thưa: “Bạch Thế Tôn, không thể ạ! Bởi vì, Nhất-vãng-lai dù có nghĩa tiến tới rồi quay lại một lần nữa, song thật ra không có tiến cũng chẳng có quay lại. Nhất-vãng-lai ý là như vậy.”
Phật hỏi tiếp: “Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Liệu một Bất-lai có thể nghĩ: “ta được quả Bất-lai rồi” không?”
Tu-bồ-đề thưa: “Bạch Thế Tôn, không ạ! Bởi vì, dù Bất lai có nghĩa là không quay lại thế giới này, song thực ra không có bất lai nào. Bất-lai ý là như vậy.”
Phật lại hỏi: “Liệu một A-la-hán có thể nghĩ: “ta được đạo A-la-hán” không?”
Tu-bồ-đề thưa: “Bạch Thế Tôn, không ạ! Bởi vì, thật ra không có thứ nào tên là A-la-hán. Bạch Thế Tôn, nếu A-la-hán mà nghĩ rằng ta được đạo A-la-hán, thì tức là còn giữ ý niệm về bản thân, người, chúng sinh, tuổi thọ. Bạch Thế Tôn! Phật thường bảo con được Vô tránh tam-muội, là bậc đệ nhất trong số người đó, là A-la-hán từ bỏ được nhiều dục vọng nhất. Bạch Thế Tôn! Con không hề nghĩ con là ly dục A-la-hán. Nếu con cho rằng con được đạo A-la-hán, thì tất nhiên Thế Tôn đã chẳng nói con là người ưa hạnh A-lan-na. Do Tu-bồ-đề thật không có sở hành, nên gọi là Tu-bồ-đề ưa hạnh A-lan-na.”
Đức Phật: “Thế Như Lai thuở xưa ở chỗ đức Phật Nhiên Đăng có đạt được gì không?”
Tu-bồ-đề: “Bạch Thế Tôn, không ạ! Như Lai ở nơi đức Phật Nhiên Đăng thực sự không đạt được gì.”
Đức Phật : Bồ-tát có tạo ra sự trang nghiêm nơi cõi Phật không?
Tu-bồ-đề : Bạch Thế Tôn, không ạ! Bởi vì, tạo ra trang nghiêm nơi cõi Phật thì không có sự trang nghiêm nơi cõi Phật. Trang nghiêm là như vậy.
Đức Phật: Thế nên các Bồ-tát lớn cũng nên như vậy. Hãy sinh tâm thanh tịnh, không nên trụ nơi sắc sinh tâm, không nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sinh tâm. Tu-bồ-đề, ví như có người thân to như núi chúa Sumeru, ý ông nghĩ sao? Thân ấy là lớn chăng?
Tu-bồ-đề: Rất lớn, bạch Thế Tôn! Bởi vì, lời Phật nói chẳng phải thân lớn, ấy gọi là thân lớn.
Đức Phật: Nếu có nhiều sông Hằng như số hạt cát trong một dòng sông Hằng, thì liệu số cát của tất cả các dòng sông Hằng ấy có thật là nhiều không?
Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, rất nhiều! Chỉ các sông Hằng còn nhiều vô số, huống là số cát kia.
Đức Phật: Nay ta bảo thật với ông, nếu có người thiện nam, thiện nữ đem 7 báu đầy dẫy 3000 đại thiên thế giới bằng số cát tất cả những sông Hằng kia ra bố thí thì được phúc nhiều chăng?
Tu-bồ-đề: Bạch Thế Tôn, rất nhiều!
Đức Phật: Nếu người thiện nam thiện nữ, tin, làm theo, rồi giảng lại cho người khác kinh này dù chỉ là bốn câu kệ thì phúc đức của người này còn nhiều so với của người kia. Lại nữa, bất cứ nơi nào có Kinh này được giảng, cho dù chỉ là bốn câu kệ, đều sẽ là nơi trời, người, a-tu-la đến cúng dường chẳng hạn như tháp miếu của Phật. Huống hồ những nơi có người trọn hay thụ trì đọc tụng, thì nơi đó sẽ còn được coi như đất thánh đến chừng nào. Này Tu-bồ-đề, nên biết người ấy đạt được pháp tối thượng, rất hiếm có. Nếu Kinh này ở chỗ nào, ắt chỗ ấy có Phật hoặc là những đệ tử lớn của Phật.
Tu-bồ-đề: Bạch Thế Tôn, tên của Kinh này là gì. Chúng con làm sao phụng trì?
Đức Phật: Kinh này tên là Kim cương cắt đứt ngộ nhận (Kim Cương Bát-nhã Ba-la-mật) vì nó có thể cắt đứt mọi ngộ nhận, ảo tưởng, nên giúp giải thoát. Hãy dùng tên như thế và cố gắng thực hành theo nghĩa sâu xa nhất của nó. Bởi vì, cái mà đức Phất gọi là nhận thức tối thượng và ưu việt thực ra lại không phải là nhận thức tối thượng và ưu việt. Như thế mới chính là nhận thức tối thượng và ưu việt. Này Tu-bồ-đề, Như Lai có dạy về pháp chăng?
Tu-bồ-đề: Bạch Thế Tôn, Như Lai không dạy về pháp.
Đức Phật: có phải trong 3000 đại thiên thế giới có rất nhiều hạt bụi không?
Tu-bồ-đề: Bạch Thế Tôn, rất nhiều!
Đức Phật: Này Tu-bồ-đề, Như Lai nói các hạt bụi không phải là hạt bụi. Thế nên chúng mới đúng là những hạt bụi. Như Lai nói đại thiên thế giới thực ra không phải đại thiên thế giới. Thế nên chúng mới thực sự là đại thiên thế giới. Thế, liệu có thể dựa vào 32 tướng mà nhận ra Như Lai chăng?
Tu-bồ-đề: Bạch Thế Tôn, không ạ! Không thể dựa vào 32 tướng mà nhận ra được Như Lai. Bởi vì, những thứ mà Như Lai gọi là 32 tướng không nhất thiết là 32 tướng. Thế nên, Như Lai mới gọi chúng là 32 tướng.
Đức Phật: Nếu có người thiện nam, người thiện nữ nhiều lần như cát sông Hằng đem thân mạng mình để bố thí thì phúc đức vẫn còn thua xa phúc đức của người tin, làm theo và chia sẻ kinh này cho dù chỉ là bốn câu kệ.
Khi ấy ngài Tu-bồ-đề nghe Phật nói kinh này, hiểu sâu được nghĩa thú, rơi lệ đầm đìa. Ngài bạch Phật rằng: Đức Thế Tôn! Thật là hiếm có. Từ ngày con được ơn Phật mà tuệ nhãn đến giời, chưa từng được nghe Phật nói kinh điển nào sâu xa như thế. Bạch Thế Tôn! Nếu lại có người được nghe, tin một lòng thanh tịnh vào kinh này, và hiểu được sự thật, thì người ấy hẳn sẽ thành tựu được công đức không ai sánh bằng. Bạch Thế Tôn! Hiểu được sự thật không nhất thiết nghĩa là hiểu. Thế nên, Như Lai mới bảo là hiểu được sự thật.
Bạch Thế Tôn! Nay con may được nghe kinh này, tin, hiểu, nghe theo và thực hành nó không phải chuyện khó. Song nếu đời sau, khoảng 500 năm về sau, nếu có chúng sinh nào được nghe kinh này, tin, hiểu, nghe theo và thực hành nó, người ấy hẳn sẽ vĩ đại và hiếm có. Bởi vì, người này sẽ không bị chi phối bởi ý niệm về bản thân, con người, chúng sinh, tuổi thọ. Bởi vì, ý niệm về bản thân không phải là ý niệm, ý niệm về con người, chúng sinh, tuổi thọ cũng không phải là ý niệm. Sở dĩ các đức Phật được gọi là đức Phật bởi vì họ không có ý niệm gì cả.
Phật bảo Tu-bồ-đề: Đúng thế, đúng thế! Nếu có người được nghe kinh này, không kinh, không hãi, không sợ, thì người ấy sẽ không ai bì được. Vì sao? Vì, những gì mà Như Lai gọi là tối thượng và siêu việt không nhất thiết phải là tối thượng và siêu việt. Thế mới có thể gọi là tối thượng và siêu việt.
Này Tu-bồ-đề! Cái mà Như Lai gọi là sự chịu đựng siêu việt lại không phải là sự chịu đựng siêu việt. Thế nên mới được gọi là chịu đựng siêu việt. Bởi vì, thuở xưa, khi ta bị vua Kalinga cắt đứt thân thể, ta không hề giữ ý niệm về bản thân, con người, chúng sinh, tuổi thọ. Nếu khi ấy, ta cứ giữ ý niệm về bản thân, con người, chúng sinh, tuổi thọ, thì ta đã hận ông ấy rồi.
Nhớ thuở quá khứ năm trăm đời, ta đã nhẫn nhục siêu việt nhờ không giữ ý niệm về bản thân, con người, chúng sinh, tuổi thọ. Thế nên, Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát muốn phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thì hãy nên từ bỏ tất cả các ý niệm có thể sinh tâm, dù là ý niệm về sắc, hay thanh, hay hương, hay vị, hay xúc. Hãy sinh tâm mà không có chỗ trụ.
Như Lai nói mọi ý niệm đều không phải là ý niệm, mọi chúng sinh đều không phải là chúng sinh. Này Tu-bồ-đề! Như Lai nói lời chân, lời thật, lời không dối, lời chẳng khác. Nếu Như Lai bảo đã đắc pháp, thì pháp này không thật, không hư.
Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát khi tâm vẫn trụ nơi ý niệm mà bố thí, thì sẽ như người đi vào nơi tối, không thể thấy gì. Còn nếu Bồ-tát khi tâm không trụ nơi ý niệm mà bố thí, thì như người có mắt lại thêm ánh sáng mặt trời chiếu soi, sẽ thấy mọi hình sắc.
Nếu đời sau có người thiện nam hay thiện nữ tin, đọc và làm theo kinh này, thì Như Lai với trí tuệ Phật ắt biết đến người ấy, và người ấy tất sẽ được quả phúc đức vô lượng vô biên.
Mặt khác, nếu có người thiện nam thiện nữ, mỗi buổi sáng nhiều như số cát sông Hằng đem thân mạng mình ra bố thí, mỗi buổi trưa nhiều như số cát sông Hằng lại đem thân mạng mình ra bố thí, mỗi buổi chiều nhiều như số cát sông Hằng cũng đem thân mạng mình ra bố thí, cứ như thế vô số kiếp đem thân mạng ra bố thí, thì quả phúc đức của người ấy vẫn còn thua xa quả phúc đức của người nghe kinh này, tin theo không chút nghi ngờ. Còn nếu người nào chép lại, tiếp nhận, giảng giải cho người khác kinh này, thì quả phúc đức không gì sánh bằng.
Này Tu-bồ-đề! Tóm lại, kinh này mang lại công đức và hanh phúc không thể đo đếm, không thể tưởng tượng được. Nếu ai đó có thể tiếp nhận, thực hành, giảng giải, chia sẻ kinh này cho người khác, Như Lai ắt biết người ấy, ắt thấy người ấy, và người ấy sẽ có quả đức không thể lường, không thể tính, không gì bằng. Những người như thế sẽ có thể gánh vác sự nghiệp trí tuệ tối cao viên mãn của Phật. Vì sao hỡi Tu-bồ-đề! Vì người nào thích những lời dạy nhỏ, cố giữ ý niệm về bản thân, con người, chúng sinh, tuổi thọ, thì người ấy không thể lắng nghe, tiếp nhận, đọc tụng, giảng giải cho người khác. Ở nơi nào có kinh này, thì ở đó tất cả trời, người, a-tu-la đều sẽ tới cúng dường. Nơi như thế chính là nơi linh thiêng và cần được cung kính làm lễ vây quanh, dùng các thứ hương hoa mà rải cúng.
Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Nếu có người thiện nam, thiện nữ đọc, tụng và thực hành kinh này bất chấp bị người khác khinh chê, thì những nghiệp chướng mà người này mắc phải ở kiếp trước và vì thế đáng lẽ phải bị đọa trong đường ác, sẽ được xóa bỏ, sẽ được quả Vô thượng Chính đẳng Chính giác. Này Tu-bồ-đề, ta nhớ thuở xưa, từ trước khi ta gặp đức Phật Nhiên Đăng, ta đã được gặp hàng triệu đức Phật, và vị nào ta cũng thờ phụng. Nếu sau này, ở đời mạt pháp mà vẫn có người đọc, tụng và thực hành kinh này thì quả đức người đó còn hơn quả đức cúng dường chư Phật của ta hàng trăm ngàn lần. Quả đức ấy không gì sánh được, không gì đo đếm được.
Này Tu-bồ-đề! Quả đức của thiện nam thiện nữ do việc đọc, tụng và thực hành kinh này ở đời mạt pháp lớn đến nỗi nếu ta cố giải thích cặn kẽ ắt sẽ có người hồ nghi, không tin, và tâm họ tất sẽ cuồng loạn. Tu-bồ-đề nên biết rằng, ý nghĩa của kinh này không thể nghĩ bàn thế nào cho đủ. Cũng như vậy, quả đức do đọc, tụng và thực hành kinh này không thể nghĩ bàn thế nào cho hết.
Khi ấy ngài Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Thiện nam, thiện nữ muốn phát tâm Vô thượng Chính đẳng Chính giác, thì cần dựa vào đâu, làm sao làm chủ được tâm mình? Phật bảo Tu-bồ-đề: Thiện nam, thiện nữ phát tâm Vô thượng Chính đẳng Chính giác nên làm thế này: Ta nên đưa tất cả chúng sinh tới bờ giác ngộ, nhưng giác ngộ tất cả chúng sinh rồi ta thực sự vẫn không nên cho rằng đã có chúng sinh được giác ngộ. Bởi vì, Bồ-tát mà còn giữ ý niệm về bản thân, con người, chúng sinh, tuổi thọ thì không phải là Bồ-tát thật sự. Sao lại thế? Vì Tu-bồ-đề ạ, thật ra làm gì có pháp phát tâm Vô thượng Chính đẳng Chính giác đâu. Tu-bồ-đề! Ông nghĩ sao? Như Lai ở nơi Phật Nhiên Đăng có pháp Vô thượng Chính đẳng Chính giác không?
Tu-bồ-đề: Bạch Thế Tôn, không có! Như chỗ hiểu của con qua nghĩa Phật nói, Phật ở nơi Phật Nhiên Đăng không có Vô thượng Chính đẳng Chính giác.
Đức Phật: Đúng thế, Tu-bồ-đề. Thật ra Như Lai không có một thứ gì gọi là Vô thượng Chính đẳng Chính giác. Nếu Như Lai có Vô thượng Chính đẳng Chính giác, thì đức Phật Nhiên Đăng ắt không thọ ký cho ta rằng: Ở đời sau, ông sẽ được thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni. Do thật không có Vô thượng Chính đẳng Chính giác, thế nên đức Phật Nhiên Đăng mới thọ ký cho ta. Vì sao? Như Lai tức là nghĩa Như của các pháp. Ai nói Như Lai có Vô thượng Chính đẳng Chính giác là sai, bởi vì thực tế không có Vô thượng Chính đẳng Chính giác nào cả. Này Tu-bồ-đề! Vô thượng Chính đẳng Chính giác mà Như Lai đạt được không phải thực mà cũng không phải hư. Thế nên Như Lai nói tất cả pháp đều là pháp Phật. Này Tu-bồ-đề! Cái mà chúng ta vẫn gọi là tất cả các pháp đó, thực ra lại không phải là tất cả các pháp. Thế nên, mới gọi là tất cả các pháp.
Này Tu-bồ-đề, liệu có thể đem thân người cao lớn ra so sánh được không?
Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn! Cái mà Như Lai gọi là thân người cao lớn thực ra lại không phải là thân người cao lớn.
Đức Phật: Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát cũng như thế. Nếu có Bồ-tát nói cho rằng mình phải giải thoát cho tất thảy chúng sinh, thì người ấy vẫn chưa phải là Bồ-tát. Bởi vì, không có tâm nào gọi là Bồ-tát cả. Thế nên Phật nói: tất cả pháp không bản thân, không người, không chúng sinh, không thọ giả. Này Tu-bồ-đề! Nếu có Bồ-tát nói ta phải trang nghiêm cõi Phật, thì người ấy vẫn chưa phải là Bồ-tát. Bởi vì, cái mà Như Lai nói trang nghiêm cõi Phật thực ra chẳng phải là cõi Phật trang nghiêm. Chính vì thế mới trang nghiêm. Này Tu-bồ-đề! Chỉ có Bồ-tát nào hiểu tường tận nguyên lý vô ngã vô pháp mới thực sự là chân Bồ-tát.
Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai có mắt thường không?
Tu-bồ-đề: Bạch Thế Tôn! Như Lai có mắt thường.
Đức Phật: Như Lai có mắt thần không?
Tu-bồ-đề: Bạch Thế Tôn! Như Lai có mắt thần.
Đức Phật: Như Lai có tuệ nhãn không?
Tu-bồ-đề: Bạch Thế Tôn! Như Lai có tuệ nhãn.
Đức Phật: Như Lai có pháp nhãn không?
Tu-bồ-đề: Bạch Thế Tôn! Như Lai có pháp nhãn.
Đức Phật: Như Lai có Phật nhãn không?
Tu-bồ-đề: Bạch Thế Tôn! Như Lai có Phật nhãn.
Đức Phật: Như trong sông Hằng có bao nhiêu cát, Phật có bảo đấy là cát không?
Tu-bồ-đề: Bạch Thế Tôn! Như Lai có bảo đấy là cát.
Đức Phật: Nếu có nhiều sông Hằng như số cát của một sông Hằng và có nhiều thế giới Phật như tất cả số cát của ngần ấy dòng sông Hằng, như thế có phải là rất nhiều thế giới Phật không?
Tu-bồ-đề: Bạch Thế Tôn, rất là nhiều!
Đức Phật bảo Tu-bồ-đề: Cho dù có bao nhiêu chúng sinh trong vô vàn thế giới Phật như thế, và dù mỗi chúng sinh lại có một tâm khác nhau, nhưng Như Lai cũng đều biết cả. Đó là vì, cái mà Như Lai gọi là các tâm khác nhau thực ra lại không phải là tâm khác nhau. Thế nên, gọi là tâm khác nhau. Sao lại thế? Vì, không thể nào thấu hiểu được tâm quá khứ. Tâm hiện tại và tâm tương lai cũng như thế.
Này Tu-bồ-đề, nếu có người đem châu báu đầy dẫy cả 3000 đại thiên thế giới để bố thí, thì người này có nhờ thế mà được rất nhiều quả đức không?
Tu-bồ-đề: Bạch Thế Tôn! Người này nhờ thế sẽ được rất nhiều quả đức.
Đức Phật: Này Tu-bồ-đề! Nếu quả đức là thứ cụ thể nào đó, thì Như Lai đã chẳng nói được nhiều quả đức. Do quả đức là thứ không thể hiểu thấu, nên Như Lai nói được phước đức nhiều.
Này Tu-bồ-đề, có thể thấy Phật dựa vào sắc thân đầy đủ của Người không?
Tu-bồ-đề: Bạch Thế Tôn, không thể! Bởi vì, thứ mà Như Lai gọi là sắc thân đầy đủ thực ra không phải là một sắc thân đầy đủ. Thế nên mới được gọi là sắc thân đầy đủ. Đức Phật: có thể thấy Như Lai dựa vào tướng đầy đủ của Người không?
Tu-bồ-đề: Bạch Thế Tôn, không ạ! Không thể thấy Như Lai dựa vào tướng đầy đủ của Người. Bởi vì thứ mà Như Lai gọi là tướng đầy đủ thực ra không phải là tướng đầy đủ. Chính vì thế, mới được gọi là tướng đầy đủ.
Đức Phật: ông chớ bảo Như Lai có ý niệm rằng: ta sẽ truyền giảng. Chớ nghĩ như vậy. Bởi vì, nếu ai đó nói Như Lai có truyền giảng tức là phỉ báng Phật, vì người đó chẳng hiểu ta. Này Tu-bồ-đề, giảng pháp mà không hề giảng mới gọi là giảng pháp.
Khi ấy ngài Tuệ Mạng Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, liệu trong tương lai có chúng sinh nghe giảng pháp này mà tin tuyệt đối không?
Đức Phật: Tu-bồ-đề, những chúng sinh ấy chẳng phải là chúng sinh, mà cũng chẳng phải không là chúng sinh. Này Tu-bồ-đề, thứ mà Như Lai gọi là chẳng phải chúng sinh mới thực sự là chúng sinh.
Tu-bồ-đề: Bạch Thế Tôn, Có đúng là không thể đạt được Vô thượng Chính đẳng Chính giác mà Phật đã đạt được? Đức Phật: Đúng thế, Tu-bồ-đề. Ta đâu có đạt được Vô thượng Chính đẳng Chính giác. Thế nên nó mới được gọi là Vô thượng Chính đẳng Chính giác.
Hơn nữa, chính giác này bình đẳng ở mọi nơi. Bởi vì nó không cao mà cũng không thấp nên mới được gọi là Vô thượng Chính đẳng Chính giác. Muốn được tâm giác này, thì mọi việc làm hữu ích đều phải theo tinh thấn không-bản-thân, không-người, không-chúng-sinh, không-tuổi-thọ. Này Tu-bồ-đề, thứ gọi là việc làm hữu ích ấy thực ra lại chẳng phải là việc làm hữu ích. Thế nên mới được gọi là việc làm hữu ích.
Này Tu-bồ-đề, nếu có người đem vô vàn châu báu bày chất cao như núi Tu-di ở cả 3000 đại thế giới để bố thí, thì quả đức của người ấy cũng chẳng bằng phần trăm, phần triệu quả đức của người biết cách tiếp thu, thực hành và chia sẻ Kinh Kim cương cắt đứt ngộ nhận này. Không con số toán học nào có thể so sánh được quả đức giữa hai người này.
Này Tu-bồ-đề, các ông chớ bảo Như Lai có ý niệm rằng: ta sẽ giác ngộ chúng sinh. Này Tu-bồ-đề, chớ nghĩ thế. Bởi vì, thực ra chẳng hề có một chúng sinh nào để mà Như Lai giác ngộ cả. Nếu Như Lai nghĩ rằng có chúng sinh, thì nghĩa là Như Lai còn giữ ý niệm về bản-thân, con-người, chúng-sinh, tuổi-thọ. Này Tu-bồ-đề, thứ mà Như Lai bảo là bản-thân chẳng phải như người phàm vẫn tưởng, lại chẳng phải là bản-thân. Này Tu-bồ-đề, Như Lai không coi bất cứ ai là người thường cả. Đó chính là tại sao Người gọi họ là người thường.
Này Tu-bồ-đề, liệu ai đó có thể dựa vào 32 tướng mà suy tưởng về Như Lai không?
Tu-bồ-đề: Có ạ, nên dùng 32 tướng để suy tưởng về Như Lai. Đức Phật: nếu dựa vào 32 tướng mà suy tưởng được Như Lai, thì Chuyển Luân Thánh vương cũng chính là Như Lai.
Tu-bồ-đề: Bạch Thế Tôn, con hiểu ý Người rồi. Không nên dựa vào 32 tướng để suy tưởng về Như Lai.
Khi ấy Thế Tôn nói bài kệ: Nếu do sắc thấy ta, Do âm thanh cầu ta, Người ấy đã nhầm đường, Không thể thấy Như Lai.
Này Tu-bồ-đề, nếu ông khởi nghĩ Như Lai được Vô thượng Chính đẳng Chính giác và chẳng cần thiết có các tướng, thì ông nhầm rồi. Tu-bồ-đề, chớ nên nghĩ thế. Chớ nên nghĩ rằng một khi đã đạt được Vô thượng Chính đẳng Chính giác, thì không được nghĩ rằng mọi thứ tâm đều không tồn tại, phải đoạn diệt. Đừng nghĩ thế. Người đã đạt được tâm Vô thượng Chính đẳng Chính giác thì không cho rằng mọi thứ tâm đều không tồn tại và phải đoạn diệt.
Này Tu-bồ-đề, nếu có Bồ-tát dùng thất bảo đầy cả 3000 đại thế giới, nhiều như cát sông Hằng, để đem bố thí, thì quả phúc của người đó vẫn chẳng bằng quả phúc của người hiểu và hết lòng tin vào sự thực là tất cả pháp đều vô ngã và có thể sống mang trọn sự thực này. Sao lại thế? Là vì các Bồ-tát không cần tích phúc đức.
Tu-bồ-đề: Bạch Thế Tôn, sao lại nói các Bồ-tát không cần tích phúc đức?
Đức Phật: Bồ-tát tích phúc đức mà chẳng để ý rằng mình đang tích phúc đức. Thế nên, Như Lai bảo Bồ-tát chẳng cần tích phúc đức.
Này Tu-bồ-đề, nếu có người nói Như Lai hoặc đến, hoặc đi, hoặc ngồi, hoặc nằm, người ấy không hiểu nghĩa của ta nói. Bởi vì, Như Lai nghĩa là không từ đâu đến, cũng không đi đâu. Thế nên mới được gọi là Như Lai.
Này Tu-bồ-đề, nếu có thiện nam, thiện nữ đem 3000 đại thế giới này nghiền nát thành bụi, thì số bụi có phải là rất nhiều không?
Tu-bồ-đề: Bạch Thế Tôn! Đúng là rất nhiều. Bởi vì, nếu hạt bụi có tồn tại thật, thì Phật đã không gọi chúng là hạt bụi. Cái mà Đức Phật gọi là hạt bụi thực ra không phải là hạt bụi. Thế nên mới gọi chúng là hạt bụi. Bạch Thế Tôn, cái mà Như Lai gọi là 3000 đại thế giới thực ra không phải là các đại thế giới. Thế nên mới gọi chúng là đại thế giới. Nếu có đại thế giới, thì đó là chẳng qua là hợp thành của những hạt bụi vì một nhân duyên nào đó mà thôi. Nhưng cái mà Như Lai gọi là hợp thành đó thực ra chẳng phải là một hợp thành. Thế nên mới gọi nó là một hợp thành.
Đức Phật: Cái gọi là một hợp thành ấy chỉ là do quen miệng thôi. Nó chẳng có cơ sở thực sự nào. Chỉ người thường mới nói kiểu quen miệng như thế.
Này Tu-bồ-đề, nếu có người nói: Phật nói góc độ bản thân, góc độ con người, góc độ chúng sinh, góc độ tuổi thọ, này Tu-bồ-đề, thì liệu người ấy đã hiểu nghĩa ta nói hay chưa? Tu-bồ-đề: Bạch Thế Tôn, người ấy chưa hiểu được nghĩa Như Lai nói. Bởi vì, thứ mà Như Lai gọi là góc độ bản thân, góc độ con người, góc độ chúng sinh, góc độ tuổi thọ thực ra chẳng phải là góc độ bản thân, góc độ con người, góc độ chúng sinh, góc độ tuổi thọ. Thế nên chúng mới được gọi là góc độ bản thân, góc độ con người, góc độ chúng sinh, góc độ tuổi thọ.
Đức Phật: Này Tu-bồ-đề, người có tâm Vô thượng Chính đẳng Chính giác cần biết rằng điều này đúng với mọi pháp, cần thấy rằng mọi pháp đều như thế, cần phải hiểu và tin mọi pháp nhưng lại không có ý niệm gì về pháp cả. Như thế mới gọi là ý niệm về pháp.
Này Tu-bồ-đề, nếu có người đem vô số châu báu có thể bày khắp vụ trụ này để bố thí, thì quả đức của người đó vẫn không bằng được quả đức của thiện nam, thiện nữ giác ngộ được kinh này, đọc, tụng, thực hành rồi giảng lại cho người khác kinh này cho dù chỉ là 4 câu kệ. Phải giảng giải cho người khác theo cách nào? Hãy đừng bám vào các tướng, thấy thế nào thì cứ như thế, đừng có phán xét gì. Vì cớ sao?
Mọi thứ hợp thành, Chỉ là mộng, sương, ánh chớp, Nên suy tư như thế, Sẽ thấy đúng như thế.
Sau khi nghe Đức Phật nói kinh này xong, trưởng lão Tu-bồ-đề và chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, tất cả thế gian trời, người, a-tu-la đều rất vui mừng, vâng, hiểu và làm theo.


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.26 khách