PHẬT DẠY PHÁP TU THIỀN Ba La Mật bằng cách nào

Có những đoạn kinh luận đọc không hiểu, hiểu mà không thấu đáo, chẳng biết hỏi ai ? Mời đem vào đây để mọi người cùng nhau thảo luận học hỏi...

Điều hành viên: binh

Đồng Nát
Bài viết: 2529
Ngày: 29/06/11 10:05
Giới tính: Nam
Đến từ: TP.Ho Chi Minh

PHẬT DẠY PHÁP TU THIỀN Ba La Mật bằng cách nào

Bài viết chưa xem gửi bởi Đồng Nát »

KINH ƯU BÀ TẮC GIỚI

Thích Quảng Minh dịch việt tangbong

---o0o---

XXVII. PHẨM THIỀN BA LA MẬT.

Thiện Sanh thưa:

Bạch Đức Thế Tôn! Vị Đại Bồ tát tu Thiền Ba la mật, phải tu tập thiền định bằng cách nào?

1.PHẬT ĐÁP LƯỢC VỀ TƯỚNG CỦA ĐỊNH.

Thiện nam tử! Thiền định tức là giới, từ bi, hỷ, xả, xa lìa các phiền não tu tập pháp lành, ấy là thiền định. Thiện nam tử! Nếu lìa thiền định hãy còn không được các việc đời, huống chi sự nghiệp xuất thế? Nên phải chí tâm tu tập.

2. PHẬT DẠY PHÁP TU THIỀN.

Bồ tát muốn được Thiền Ba la mật, trước phải thân cận vị Thiện tri thức chân chánh, tu tập các phương tiện tam muội, ấy là giới giới và nhiếp căn giới, dứt trừ sự sống tà nguỵ, sanh hoạt đúng như chánh pháp. Tuỳ thuận lời thầy dạy, đối với pháp lành không khởi tâm biết vừa đủ, lúc tu hạnh lành, tâm không dừng nghỉ. Thường ưa chỗ vắng lặng, xa lìa Ngũ cái[1] tâm ưa suy nghĩ, quán tội lỗi sanh tử, lúc tu pháp lành, chí tâm không bỏ phế, chánh niệm hoàn toàn, trừ những sự buông lung, xét nét lời nói năng, cùng giảm bớt sự ăn ngủ, tâm và thân đều thanh tịnh. Không nên gần bạn ác, cũng chẳng cùng người ác giao thiệp, không thích việc đời. Biết thời tiết và biết phương pháp, hiểu rõ tự thân, quán sát tâm lý, nếu có những ý tưởng mừng, buồn, giận, mềm yếu hay cứng cỏi, sau khi biết rõ có thể trừ diệt, cũng như thợ bạc khéo biết nguội nóng, không khiến cho hư hao. Ưa vị cam lồ, dù ở trong pháp thế gian, tâm không xao động, cũng như núi Tu di, không bị gió bốn phương lay chuyển. Chánh niệm bền chắc, cũng thấy và hiểu biết pháp hữu vi có nhiều tội lỗi, nếu người ưa tu tam muội như thế, không dừng nghỉ, nên biết người ấy có thể được hoàn toàn, ví dụ: Cọ cây lấy lửa, vì không dừng nghỉ, nên lửa kia dễ cháy.

3. NÓI CÔNG ĐỨC CỦA THIỀN ĐỊNH.

Thiện nam tử! Nếu lìa tam muội mà muốn được pháp thế gian và Bồ đề xuất thế, không có lý như thế. Thiện nam tử! Tất cả tam muội, tức là cội gốc của các pháp lành, do nhơn duyên ấy, phải nên nhiếp tâm. Như người cầm gương, thì thấy tất cả điều lành, dữ, thế nên tam muội gọi là Trang nghiêm của đạo Bồ đề. Thân tâm được an vui, gọi là tam muội; không tăng, không giảm, gọi là bình đẳng tam muội. Từ khi bắt đầu quán bộ xương[2], cho đến chứng được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đều gọi là tam muội. Tam muội như thế có bốn thứ: Một là từ sự ham muốn, hai là từ hạnh tinh tấn, ba là từ tâm niệm, bốn là từ trí huệ; do bốn điều kiện ấy, nên được phước vô lượng, tăng trưởng tất cả pháp lành. Hoặc có ba thứ: Một là từ nơi nghe, hai là do suy nghĩ, ba là do tu tập; từ nơi ba pháp này dần dần mà sanh. Lại có ba thời, nghĩa là: Lúc sanh khởi, tạm dừng và tăng trưởng. Thiện nam tử! Trong Dục giới có chủng tử tam muội, do nhơn duyên chủng tử ấy được ba thứ bồ đề. Tam muội như thế có thối thất, đình trụ và tăng trưởng, nếu ở trên cõi tứ thiền, thì tánh kia bền chắc, từ cõi sơ thiền cho đến cõi Phi tưởng phi phi tưởng, cõi trên thù thắng hơn cõi dưới, thứ lớp như vậy. Trong căn bản thiền[3] thời có hỷ lạc, chẳng phải trung gian thiền. Sáu phép thần thông[4] cũng thế, ở trong căn bản thiền, chẳng ở chỗ khác. Tam muội ấy gọi là trang nghiêm Bồ đề, nhơn nơi tam muội kia, có thể được Học đạo[5] và Vô học đạo[6], bốn vô lượng tâm, ba môn giải thoát, tự lợi và lợi tha, không lường thần túc, trí biết tâm người và có thể điều phục chúng sanh, vô lượng trí huệ, Ngũ trí tam muội[7], chuyển trình độ thấp kém, thành trình độ thông lợi, đoạn tất cả sanh, già, bịnh, chết, có thể được thành tựu nhứt thiết chúng trí. Biết hết mọi loài, thấy tự tánh các pháp, như xem miếng lụa mỏng[8].

4. TỨ VÔ LƯỢNG ĐỊNH.

Thiện nam tử! Người trí nên khởi quán như thế này: “Tất cả phiền não là kẻ oán thù lớn của ta”. Tại sao? Nhơn vì phiền não kia có thể phá hoại ta và người; do nhơn duyên ấy, ta phải tu tập tâm Từ bi, vì muốn lợi ích cho các chúng sanh, vì được vô lượng pháp lành thuần tuý. Nếu có người nói rằng: “Lìa Từ bi mà vẫn được pháp lành, không có lý ấy. Từ bi như thế có thể đoạn pháp ác, khiến cho chúng sanh thoát khổ được vui, hoại được cái nhơn trong dục giới. Lòng từ bi này nếu duyên nơi dục giới, thì gọi là Dục giới từ. Thiện nam tử! Chúng sanh nếu tu tập từ tâm người ấy sẽ được công đức vô lượng. Lúc tu từ tâm, nếu được đối với kẻ oán thù ban cho điều vui, ấy là tu từ. Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh tóm tắt có ba loại: Một, kẻ oán, hai, người thân, ba, hạng trung bình. Ba hạng như thế, gọi là cảnh duyên của Từ tâm. Người tu từ tâm, trước từ người thân mến sanh khởi, muốn khiến họ được hưởng sự an vui, khi quán đây đã thành tựu, mới đến kẻ oán thù. Thiện nam tử! Lúc khởi từ tâm, có khi nhơn giữ giới khởi, hay nhơn nơi Bố thí sanh, nếu có thể quán sát kẻ oán thù, khởi tư tưởng như con, ấy là được từ tâm. Thiện nam tử! Từ tâm chỉ có thể đoái nhìn đến, mà không cứu khổ, Bi tâm thì trái lại vừa lưu tâm đến, mà cũng vừa cứu khổ. Thiện nam tử! Nếu có thể quán sát kẻ thù hiềm, chỉ có điều lành chừng một mảy, vẫn không thấy các điều ác của họ, phải biết người ấy gọi là tập luyện từ tâm. Nếu kẻ oán thù kia, giả sử họ mắc phải bịnh khổ, hay đến thăm và chăm nom trị lành bịnh hoạn, cấp cho đồ cần dùng, nên biết người ấy khéo tu được từ tâm. Thiện nam tử! Nếu có thể tu nhẫn nhục, phải biết đó là nhơn duyên tu từ tâm. Từ tâm như thế tức là nhơn duyên của tất cả sự an vui. Nếu có thể tu từ tâm, nên biết người ấy phá được bao nhiêu nhơn duyên kiêu mạn, thật hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ, tu hành đúng như chánh pháp. Nếu người tu định nên biết người ấy tu phước đức Phạm thiên. Vì được thân Phạm Vương nên gọi là phước đức Phạm Vương. Hoặc người có thể quán tội lỗi sanh tử và công đức Niết bàn, người ấy dưới chân đạp nhằm phẩn bụi, ta phải nên kính đội. Người đó nhịn được sự khó nhịn, thí được của khó thí, làm được việc khó làm, người ấy có thể tu Tứ thiền, Tứ không và Bát giải thoát[9]. Hoặc nghỉ rằng: “Tất cả chúng sanh do Thân, khẩu, ý dữ, đời sau nếu thọ báo khổ não, ta đều lãnh thọ; hoặc ta có quả báo lành, đều khiến chúng sanh chung thọ cùng ta. Từ bi như thế, vì cảnh duyên rộng, nên được bao la, do cảnh duyên hẹp, nên tâm cũng hẹp. Từ bi có 3 hạng: Hạ, Trung, Thượng. Hoặc có ba thứ: Một là duyên kẻ thân; hai là duyên người oán, ba là duyên người thường thường; hoặc có ba duyên một là duyên sự tham lam, hai là duyên nơi chúng sanh, ba là duyên nơi loài cây, đá. Những duyên như thế, đều gọi là tam muội; Bi, hỷ, xả tâm cũng như thế.(...)

Trích lược KINH ƯU BÀ TẮC GIỚI
Thích Quảng Minh dịch việt tangbong
Nguồn http://www.quangduc.com/kinhdien/253kin ... ioi27.html


Đồng Nát
Bài viết: 2529
Ngày: 29/06/11 10:05
Giới tính: Nam
Đến từ: TP.Ho Chi Minh

Re: PHẬT DẠY PHÁP TU THIỀN Ba La Mật bằng cách nào

Bài viết chưa xem gửi bởi Đồng Nát »

(tiếp theo)
5. THIỀN BA LA MẬT.

Thiện nam tử! Có khi được thiền mà chẳng phải Ba la mật, có Ba la mật chẳng phải thiền, có người cũng thiền cũng Ba la mật, có hạng chẳng phải thiền chẳng phải Ba la mật. Thiền mà chẳng phải Ba la mật ầy là thiền của thế gian và các thiền định của Thinh văn, Duyên giác, Ba la mật mà chẳng phải thiền định tức là Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn. Cũng thiền cũng Ba la mật, gọi là Kim Cang tam muội; chẳng phải thiền chẳng phải Ba la mật, nghĩa là tất cả chúng sanh và Thinh văn, Duyên giác do nghe và suy nghĩ sanh ra pháp lành.

KẾT TẠI GIA THÙ THẮNG.

Thiện nam tử! Bồ tát có hai hạng: Một là tại gia; hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia tu thiền định thanh tịnh không khó, còn Bồ tát tại gia tu tập thiền định được thanh tịnh rất là khó. Tại sao? Vì người tại gia có nhiều nhơn duyên ác bó buộc vậy.

CƯƠNG YẾU:

PHẨM THIỀN ĐỊNH BA LA MẬT.

Thiền định: chú tâm giúp cho sự tu hành các pháp Ba la mật chuyên nhứt, có chuyên nhứt mới thành sự. Nếu tâm phân biệt nhiều thì việc làm không kết quả. Vì thế, cần phải tu thiền định để tâm được chuyên nhứt, đó là lý do mà Đức Phật tiếp nói phẩm Thiền Ba la mật sau phẩm Tinh tấn.

Phẩm thiền định Ba la mật. - Ông Thiện Sanh bạch Phật: “Bồ tát làm thế nào tu Thiền Ba la mật?”.

Đức Phật đáp có năm đoạn chánh.

1. Lược nói tướng trạng tu định. (Xem văn có thể hiểu).

2. Trình bày phương pháp tu định. Người muốn tu định, trước hết phải tìm thầy chơn chánh, tập tu các phương pháp thiền định. Như là phải thọ giới, phải gìn giữ các giác quan, đoạn các lối sống khổ, không chánh đáng; thường phải ở chỗ vắng lặng suy nghĩ đoạn phiền não, ít nói năng, bớt ngủ nghỉ, luôn luôn tập định không thể nghỉ được; như cọ cây lấy lửa, phải tiếp tục luôn thì lửa mới phát, người tập thiền định cũng thế.

3. Hiểu công đức của thiền định.- Thiền định là chánh nhơn thành Phật. Tam muội là cội gốc của tất cả pháp lành. Tu thiền định như cầm gương soi tất cả việc thiện ác; Thiền định có thể trang nghiêm đạo Bồ đề. Cho đến giải thoát sanh tử khổ, phá các chướng nhiễm, chứng thành nhứt thế chúng trí, cũng đều nhớ thiền định cả.

4. Bốn vô lượng thiền định.- Bốn thiền định này tức là từ, bi, hỷ, xả. Vì chúng sanh vô biên, thì bốn thiền định cũng phải vô lượng mới quán khắp cái nỗi khổ của mỗi từng lớp chúng sanh.

5. Thiền định cứu cánh.- Thiền định của Tiểu thừa và ngoại đạo không được cứu cánh. Chỉ có thiền định của Đại thừa Bồ tát mới cứu cánh viên mãn; nên thiền Ba la mật dành riêng cho Bồ tát mà thôi.

Kết luận phẩm này, Phật dạy: Hàng xuất gia dễ tu thiền định, còn tại gia khó tu, vì còn nhân duyên trần thế buộc ràng; phải tinh tấn nhiều mới tu được. tangbong



--------------------------------------------------------------------------------

[1] Ngũ Cái. Cái là chướng cái, là ngăn che chơn tánh, 1/ Tham dục, 2/ Sân, 3/ Nghi ngờ, 4/ Hôn trầm, 5/ Điệu cử.

[2] Cốt tưởng. Một trong cửu tưởng quán.

[3] Căn bản thiền. Thiền chánh thức của bốn cõi thiền định.

[4] Sáu phép thần thông. 1/ Thiên nhãn thông, 2/ Thiên nhĩ thông, 3/ Tha tâm thông, 4/ Thần túc thông, 5/ Túc mạng thông, 6/ Lậu tận thông.

[5] Học đạo. Đạo lý còn trong vòng học hiểu.

[6] Vô học đạo. Đạo lý đã đến chỗ hoàn thiện không còn thật hành nữa.

[7] Ngũ trí. Theo Hiển giáo thì chuyển tám thức thành bốn trí; còn theo Mật giáo thì thêm chuyển thức thứ 9 thành Pháp giới thể tánh trí. Cộng chung lại ngũ trí.

[8] Vị này đã thấy được tự tánh các pháp (chơn lý) nhưng chưa hoàn toàn thấu triệt, nên thấy như gián cách bởi miếng lụa mỏng.

[9] Bát giải thoát: Ở nơi nhơn tu gọi là Bát bội xả. Đến kết quả gọi là Bát giải thoát.


Đồng Nát
Bài viết: 2529
Ngày: 29/06/11 10:05
Giới tính: Nam
Đến từ: TP.Ho Chi Minh

Re: PHẬT DẠY PHÁP TU THIỀN Ba La Mật bằng cách nào

Bài viết chưa xem gửi bởi Đồng Nát »



Xin kèm theo video cho thiện hữu nào chưa xem hướng dẫn này của HT. THÍCH THANH TỪ các bước căn bản hành thiền. tangbong


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.20 khách