Trang 1 trên 1

Qui sơn cảnh sách

Đã gửi: 19/07/08 03:09
gửi bởi laitutran247
QUI SƠN CẢNH SÁCH

H.T THÍCH THANH TỪ

Lời Đầu Sách



Quyển Qui Sơn Cảnh Sách là một quyển luận của Thiền sư Linh Hựu. Do Ngài ở tại núi Qui, người đương thời nể trọng đức hạnh không dám gọi tên, nên dùng tên núi để gọi Ngài ; vì vậy Ngài có tên là Qui Sơn. Quyển luận này nhằm mục đích nhắc nhở người xuất gia phải nổ lực tu hành, để được giải thoát nên được đề tựa là Cảnh Sách; “Qui Sơn Cảnh Sách” là luận Cảnh Sách của Ngài Qui Sơn.
Đây là bộ luận mà trong thiền môn nói riêng, giới xuất gia nói chung, coi như kinh của Phật. Thế nên ai xuất gia vào chùa, trong thời gian đầu học làm Sa Di, đều phải học thuộc lòng ba quyển gọi là Phật Tổ Tam Kinh; Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Kinh Di Giáo, Qui Sơn Cảnh Sách.

Hai quyển đầu là lời Phật dạy được gọi là kinh thì đúng. Quyển Cảnh Sách của Ngài Qui Sơn đáng lý phải gọi là luận, tại sao lại gọi là kinh? Các vị thuở xưa thấy lời chỉ dạy sách tấn của Ngài rất thiết yếu, vừa thích hợp với chân lý, vừa phù hợp với căn cơ mọi người, nên các vị xem như lời Phật dạy, vì vậy mà gọi là kinh. Quyển Qui Sơn Cảnh Sách đối với tất cả những người xuất gia còn trẻ, trong thời tập sự đã phải học thuộc lòng rồi. Nhưng hôm nay tôi đem ra giảng, vì đây là tác phẩm của một thiền sư (Tổ Qui Sơn) thuộc đời thứ tư sau Lục Tổ:

1. Nam Nhạc Hoài Nhượng

2. Mã Tổ Đạo Nhất

3. Bá Trượng Hoài Hải

4. Qui Sơn Linh Hựu



Ngài sinh năm 771 tịch năm 853. Quyển sách này ra đời vào khoảng cuối thế kỷ thứ tám hoặc đầu thế kỷ thứ chín. Ngài giáo hóa trên núi Qui, nơi đây có hơn 1500 thiền sinh qui tụ tu tập, nên Ngài có lời cảnh sách để răn nhắc chung toàn chúng. Lời Ngài chẳng những có giá trị về đạo lý, mà còn có giá trị về văn chương, nên được trong thiền môn dùng để sách tấn toàn thể Tăng Ni. Bởi có giá trị như thế nên sau này có nhiều nhà giải thích:

1. Đời Tống, Ngài Thủ Toại chú đề tựa là “Qui Sơn Cảnh Chú” (1 quyển)

2. Đời Minh, Ngài Đạo Bá giải đề tựa là “Qui Sơn Cảnh Sách Chỉ Nam” Quyển này nằm trong bộ Phật Tổ Tam Kinh (1 quyển)

3. Đời Minh, Ngài Hoàng Tán chú, Ngài Khai Quýnh ký, đề tựa là “Qui Sơn Cảnh Sách Cú Thích Ký” (2 quyển). Tập sách này được các chùa đặc biệt dùng, vì cho lời giải của hai vị này đầy đủ nhất.

4. Đời Minh, Ngài Đại Hương chú giải đề tựa là “Cảnh Sách Chú” (1 quyển).

Dịch từ Hán sang Việt , có các vị:

1. Hòa Thượng Hành Trụ dịch từ quyển “Qui Sơn Cảnh Sách Cú Thích Ký” của Ngài Hoàng Tán và Khai Quýnh.

2. Pháp sư Kiểu dịch bản “Qui Sơn Cảnh Sách Chỉ Nam” của Ngài Đạo Bá.

3. Hòa Thượng Trí Quang dịch đề tựa là “Qui Sơn Cảnh Sách Văn” in trong tập luật Sa di và Sa di ni.

4. Thầy Hoàn Quan dịch trong Phật Tổ Tam Kinh.



Chánh văn “Qui Sơn Cảnh Sách” vừa cô đọng vừa có âm điệu, nên ở đây tôi giảng chánh văn để quí vị thấy giá trị văn chương và ý nghĩa cô đọng trong lời Ngài dạy.Trước giải thích tên luận .

Qui Sơn Cảnh Sách

“Qui Sơn” là ngọn núi Qui, nơi Thiền Sư Linh Hựu giáo hóa bốn chúng.
“Cảnh Sách” . Cảnh là đánh thức những người đang mê chưa ngộ. Người tu chúng ta tuy đã phát tâm xuất gia học đạo, song còn mê say trong dục lạc, thường quên lãng việc tu hành. Nên Ngài dùng phương tiện đánh thức chúng ta nhớ lại bổn phận và trách nhiệm của người xuất gia để nổ lực tiến tu, đó là cảnh. Sách nghĩa là roi da. Thường người cỡi ngựa muốn cho ngựa chạy nhanh, dùng roi da tróc tróc cho nó chạy. Cũng vậy, muốn sách tấn thúc đẩy người ta cũng phải dùng lời để răn nhắc cho tiến. Tông chỉ của bộ luận này, chủ yếu của Tổ là đánh thức người tu chúng ta nổ lực tiến tới chổ cứu cánh của người xuất gia.

http://www.thientongvietnam.net/kinhsac ... usach.html

Re: Qui sơn cảnh sách

Đã gửi: 19/07/08 03:47
gửi bởi laitutran247
Nay nên biết nghiệp chi phối lôi kéo con người như thế nào? Thí dụ một người có thói quen mở radio nghe nhạc, vào mỗi tối lúc 8 giờ, đêm nào cũng thế, thành thói quen. Bỗng một hôm radio hư không nghe được nhạc, người ấy cảm thấy buồn buồn, ngay lúc đó nhà hàng xóm mở radio, thói quen thúc đẩy người ấy tìm tới để nghe nhạc. Thói quen (nghiệp) không có hình tướng nhưng có sức mạnh thúc đẩy, chi phối con người làm theo nó. Đó là thói quen của tai. Bây giờ là thói quen của miệng, có người khi nghe nhạc thì miệng huýt sáo ca hát, tay chân nhịp theo điệu nhạc. Một hôm đến chỗ trang nghiêm. Lý đáng phải ngồi nghiêm chỉnh, nhưng ngồi một hồi cảm thấy buồn bèn nhịp đùi huýt sáo, vì đã thành thói quen rồi. Còn có những thói quen tệ hơn nữa là hút thuốc, ăn trầu, uống rượu, hút á phiện v.v… Vậy động lực nào bắt con người hút thuốc, ăn trầu, uống rượu? Có phải tại thói quen chăng? Thói quen trở thành tập nhiễm và có sức mạnh thôi thúc khiến con người làm theo nó. Nhà Phật gọi đó là nghiệp, chính nghiệp mình tạo rồi trói buộc và mình đi thọ sanh mà mình không hay biết, tưởng lý do này lý do kia bắt mình sinh ra đời, bắt mình chịu khổ.
Tất cả chỉ là cái duyên bên ngoài, mà động lực chính là nghiệp lành hay nghiệp dữ khiến cho mình khổ hay vui. Điều mà mọi người phải ghi nhớ là thân không tạo nghiệp ác mà tạo nghiệp thiện, miệng không nói lời hung dữ mà nói lời lành, ý không nghĩ ác mà nghĩ thiện; cứ như thế mà chuyển nghiệp thì mình làm chủ được mình không bị nghiệp sai sử. Và chúng ta có đủ can đảm, đủ sức mạnh xây dựng, sắp đặt cho cuộc sống ngày mai của chính mình và chịu đựng những gì xảy đến, mà không than trách ai cả. Nếu không hiểu như thế cứ để cho dòng định mệnh lôi cuốn tới đâu thì tới. Người hiểu rõ nghiệp và biết tu thì phải gắng mà chuyển nghiệp, người tu là những con thuyền vững lái, gió mặc gió, nước mặc nước, chúng ta cứ nhắm đích mà tiến, chớ để gió dập nước cuốn. Nói đến nghiệp là nói đến sức mạnh tự chủ, không phải là thái độ yếu đuối phó mặc cho số mệnh, để rồi việc không xong, hỏng thì đổ thừa cho nghiệp.
Đã biết cuộc đời là vô thường, ái là gốc luân hồi sanh tử. Tại sao vô chùa lại cột thêm dây ái khác, để rồi cũng buồn, giận, khóc, than? Như huynh đệ lâu lâu giận nhau cũng khóc… Cứ như vậy ngày qua tháng lại thì tu được cái gì? Giải thoát chỗ nào mà dám xưng ta đây là Thích tử, là người xuất gia, dạy đạo giải thoát, trong khi mình đang bị cột hằng trăm mối phiền não? Quí vị phải nhận thức kỹ điều này. Đừng phản bội lại lý tưởng siêu thoát của mình. Cạo tóc theo thầy học đạo, thì phải làm sao cho xứng đáng!
“Nội cần khắc niệm chi công”tức bên trong phải ghi nhớ phương pháp tu của mình, không bao giờ lơi lỏng. Như trong kinh Bát Nhã dạy hàng giờ hàng phút dùng Trí huệ Bát Nhã quán chiếu thấy ngũ uẩn lục trần đều không thật để đừng mê lầm.
“Hà nãi tài đăng giới phẩm, tiện ngôn ngã thị Tỳ Kheo”. Đến đây Tổ cho một roi quá đau. Thọ giới rồi xưng Tỳ Kheo vì sao lại bị quở? Tổ quở đây là quở bịnh ngã mạn. Là người xuất gia phải luôn giữ vững ý chí, bổn phận của mình, bên trong ghi nhớ pháp tu, bên ngoài mở rộng đức lục hòa, luôn luôn có ý chí cầu siêu thoát thế gian. Tại sao mới vừa thọ giới lại xưng ta là Tỳ Kheo, có ý tự cao ngã mạn? Vì thế mà Tổ quở… Rồi thì:


“Đàn việt sở tu, khiết dụng thường trụ”. Tiêu dùng của thí chủ bao nhiêu cũng không hài lòng, không biết xấu hổ, tiết kiệm, vì xưng ta là Tỳ Kheo nên mặc tình thọ hưởng của thường trụ. Như vậy thật là trái đạo, đã phản bội ý chí siêu thoát rồi. Đã không biết bổn phận lại nghĩ rằng: Mình thọ giới cao thì có quyền thọ nhận nhiều, mà không biết xấu hổ, không lo nỗ lực tu hành.
Khiết liễu tụ đầu huyên huyên, đãn thuyết nhân gian tạp thoại”. Là ăn xong rồi nhóm ba hợp bảy nói chuyện ồn náo, toàn những chuyện tạp nhạp ở thế gian. Tổ quở chúng ta không lo khắc niệm bên trong, ngoài tuyên dương pháp lục hòa mà chỉ nói toàn chuyện thế gian. Tệ đoan ấy hầu như đã lan tràn khắp chùa chiền. Chúng ta ít nghe bàn chuyện giải thoát mà chỉ bàn chuyện lẩn quẩn đâu đâu. Nếu chúng ta cứ bàn chuyện thế gian, mà chuyện thế gian là chuyện trong sanh tử thì làm sao chúng ta thoát khỏi sanh tử được. Chúng ta phải cố gắng làm sao thoát khỏi vòng sanh tử, để rồi chèo thuyền Bát Nhã cứu vớt chúng sanh, đó mới là bản hoài của người tu.
Hiện tại chúng ta tưởng bàn nói nhảm nhí, cười đùa đó là vui, nhưng đâu ngờ rằng chính đuổi theo cái vui tạp nhạp ấy là nhân khổ sau này.. Chúng ta chạy theo cái vui sanh diệt thế gian tức không tránh khỏi cái khổ sanh tử ở ngày mai.
Thọ dụng của thí chủ càng nhiều, thì lợi của thí chủ càng lớn. Đây là lời cảnh tỉnh lớn lao của Tổ. Nếu chúng ta thọ nhận của thí chủ càng nhiều thì thí chủ được lợi lớn, mà phần mình thì bị tổn giảm. Như trong kinh A-Hàm có đoạn nói: Một hôm Ngài A-Nan nằm mộng thấy có một cái hầm lớn, dưới hầm toàn là người tu, trên miệng hầm có một tấm ván bắt ngang, những người cư sĩ thong thả qua lại trên ấy. Bấy giờ Ngài A-Nan mới đem điềm chiêm bao nhờ Phật giải thích, Phật dạy: “Sau nay đệ tử của ta không biết giữ gìn giới pháp, chẳng gắng tu hành, thọ dụng của thí chủ quá nhiều mà không tu nên phải đọa, tức rơi xuống hầm. Còn những người thí chủ phát tâm làm phước cúng dường nên được sanh lên cõi lành, đó là hình ảnh của những người qua lại trên cầu”. Quí vị thấy như vậy có tủi không? Chúng ta tu là để độ thí chủ, đằng này trái lại người tu đi xuống, thí chủ đi lên. Họ phát tâm cúng dường thì họ có phước, còn mình không chịu tu thì họa tự mang. Chúng ta phải nên nhớ kỹ điều này. Ở đây Tổ muốn chỉ cho chúng ta thấy, nếu người được nhiều người dâng cấp rồi cho là mình có phước, ỷ lại vào phước báu của mình buông lung xài lớn, không biết xét nét, chẳng kể nổi khó khăn khổ nhọc của đàn na, thọ dụng càng nhiều thì thí chủ càng được lợi mà chính mình lại tổn hại. Thí như người mài dao và viên đá mài. Dao của người mài càng ngày càng bén, mà đá bị mài càng ngày càng mòn. Người thí chủ dụ cho con dao được mài, còn người tu chẳng khác nào viên đá, người nào đến mài dao cũng bén, còn viên đá thì thiệt thòi. Thế nên, đừng tưởng người ta cúng nhiều là vinh hạnh, mà phải thấy đó là tiêu mòn phước đức của mình.
Giả sử nay chúng ta thọ nhận của người mà chưa từng bố thí pháp cho họ, lỡ họ chết mất chúng ta có nợ họ hay không? Nếu nợ thì làm sao trả đây? Chúng ta nên nhận rõ điều này để tránh khỏi lo âu. Chúng ta nên ý thức rằng chúng ta là kẻ nợ của tất cả chúng sinh, chẳng phải nợ riêng của một người cúng dường ta mà thôi. Vì sao vậy? Khi quí vị tuyên bố xuất gia tức là đã gánh vác cái nợ lớn lao của toàn thể chúng sanh rồi. Vì bản nguyện của người xuất gia là tự cầu giải thoát và cứu độ chúng sanh. Tức chúng ta là người gánh vác đưa đón chúng sanh qua khỏi biển trầm luân, cho nên ai cũng là chủ nợ của mình hết. Vì thế mà tôi dám tuyên bố một câu mạnh mẽ rằng: “Tôi là kẻ nợ của tất cả. Song, lười trả lắm! Ai biết đòi mới trả”. Nhưng cái nợ của người tu khác người thế gian. Ngoài thế gian nợ thì họ kéo lưng, níu áo. Còn nợ của người tu, thì chuyển làm Thầy trò. Như vậy Phật tử cúng dường Tăng Ni, nếu họ chưa được độ trong hiện tại thì trong vị lai họ cũng sẽ được độ, vì họ đã có gieo duyên với Tam Bảo, đã có duyên thì thế nào cũng gặp nhau qua nghĩa Thầy trò, làm Thầy để độ trò, để cứu vớt họ qua khỏi luân hồi sanh tử. Thế nên, nếu là kẻ thực tu, quyết chí cầu giải thoát thì nợ của thí chủ bao nhiêu cũng không sợ, vì đó là gây duyên để độ người. Chỉ những ai nhát nhúa muốn an phận thì mới sợ lẽ đó, rồi nghĩ rằng: thôi mình làm tự túc sống, chẳng dính dáng gì đến ai hết. Phật gọi đó là ích kỷ chứ không phải vì chúng sanh. Nói tóm lại nợ hay không nợ cũng tại nơi mình. Chúng ta có thể là kẻ nợ chịu nhiều thống khổ nếu chúng ta không thực tu hành, không nhất tâm cầu giải thoát Ngược lại, chúng ta có thể là người độ thoát chúng sanh nếu chúng ta quyết chí tu hành giải thoát.
“Động kinh niên tải bất nghĩ khí ly. Tích tụ tư đa bảo trì huyễn chất”. Trải qua nhiều năm mà chẳng nghĩ lìa bỏ (việc thọ dụng quá nhiều). Chứa nhóm như thế để làm gì, chẳng qua cũng chỉ bảo trì thân hư giả này. Chúng ta đã thấy thân này tự tánh nó là không, duyên hợp giả có, thế mà trong chùa khi được đủ gạo ăn lại kiếm thêm mớ tiền, đủ tiền ăn năm này lại lo năm tới, để đau thì có tiền uống thuốc, đi đâu thì có tiền xe, tiền xài cứ thế lo hoài, lo mãi cho thân này mà sự tiến tu thì không có. Chẳng khác nào những kẻ mê lầm ở thế gian, lo cho có sự nghiệp lớn lao, chợt khi vô thường đến ăn năn không kịp, thật là đáng tiếc. Vì thế chúng ta phải hằng thức tỉnh, đừng nghĩ phải làm sao cho sung túc, chỉ cốt làm sao sống tạm qua ngày. Hãy nhớ đến hình ảnh đức Phật khi xưa, một bình bát trên tay, đến đâu thì vào xóm làng khất thực, ai có cho thì ăn, không cho thì bụng trống về ngủ, ngồi thiền cho qua ngày đó, hôm sau lại đi khất thực. Chẳng riêng gì Phật mà cả mấy ngàn Tăng cũng đều như thế. Các Ngài sống không có ngày mai, nhờ thế mà các Ngài luôn nghĩ đến giải thoát. Còn chúng ta vì có ngày mai, tháng tới, năm sau… cho nên quên mất chuyện giải thoát. Chúng ta bây giờ không thể theo hạnh khất thực như xưa mà chúng ta phải tìm kế sống. Vì hoàn cảnh ngày nay khác ngày xưa. Nhưng chúng ta phải sống thế nào cho hợp lẽ. Chỉ cần nghĩ hôm nay có sống, ngày mai có sống là đủ rồi đừng nghĩ đến sang năm nữa mà rối loạn, tâm không an định, tâm đã không an thì tu hành khó mà tiến bộ. Đây là chỗ cần yếu phải ghi nhớ.
Các Thầy Tu muốn tiến tu đạo nghiệp, trang nghiêm pháp thân thì ba việc thường phải chẳng đủ. Ba việc là ăn, mặc và ngủ. Chẳng đủ là hơi thiếu một chút, chớ không phải không ăn không mặc, không ngủ. Đôi khi chúng ta hiểu lầm nghe nói chẳng đủ rồi thức hoài không ngủ, hoặc nhịn đói không ăn…đó chỉ là gốc bịnh. Người thế gian thì ngày ba bữa lại thêm các món ăn chơi, chúng ta ăn ít hơn họ một chút thì sáng ăn sơ sài gọi là tiểu thực. Trưa ăn đầy đầy một chút gọi là ngọ trai. Chiều uống chút bột cho ấm bao tử, ngồi thiền khỏi xót ruột, ấy là thiếu đó. Nếu chiều ăn một bữa đầy bụng thì dư rồi. Thiếu một chút đó là để mình “tiến đạo nghiêm thân”. Mặc cho thế gian quần này áo nọ, chúng ta chỉ vài bộ vải bô cho ấm thân thôi. Về ngủ, người thế gian bảo phải ngủ 8 tiếng mới đủ sức khỏe, thì chúng ta ngủ khoảng 7 tiếng thôi. Ăn, mặc, ngủ ta đều bớt thì sự tu hành mới dễ tiến. Trên đường tu chúng ta phải luôn nhớ hạn chế bớt ba việc này.