Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Cùng nhau học hỏi những bài giáo lý căn bản và kiến thức Phật học phổ thông.
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

Hình ảnh

Tìm Hiểu & Học Tập
KINH PHÁP CÚ
(DHAMMAPADA)
Thiện Nhựt
2001&2002

Hình ảnh
  • Thân kính tặng:
    • - Anh chị Chung hữu Thế.
      - Anh chị Phùng Văn Tường.
      - Đạo hữu Diệu Nhẫn Nguyễn Tú Anh.
    Đã thường khuyến khích tôi trong việc chép lại kinh này.

    Thành tâm thân tặng các đạo hữu xa gần.
    • "Thà biết ít mà biết chắc,
      Khỏi tu mù và chẳng mắc tu lầm".
        • Thiện Nhựt.
Sửa lần cuối bởi battinh vào ngày 25/08/15 06:08 với 2 lần sửa.


Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

KINH PHÁP CÚ: TẬP I

VÀI LỜI XIN THƯA TRƯỚC
1. Kinh Pháp Cú, tiếng Pali là Dhammapada, là quyển thứ hai trong Tiểu Bộ Kinh (Khuddhaka Nikāya), thuộc Tạng Kinh (Suttanta Pitaka) trong Tam tạng Kinh điển (Tipitaka). Kinh nầy gồm có 423 bài Kệ, văn vần bằng tiếng Pali và 305 Tích chuyện, nhắc lại trong dịp nào đức Phật đã thốt lên các bài Kệ vừa nói.

2. Kinh Pháp Cú được dịch ra rất nhiều thứ tiếng; bản dịch Anh văn xưa nhứt là bản năm 1870 của Max Muller. Nhiều văn hào trên thế giới đã trích dẫn và xem lời Kinh như chơn lý của muôn đời.

3. Kinh Pháp Cú trước đây đã được nhiều vị đại sư Việt Nam dịch ra tiếng Việt. Gần đây có các bản: Kinh Pháp Cú của Hoà Thượng Thích Minh Châu (Saigon, 1977), Kinh Pháp Cú của Thượng Toạ Thích Trí Đức (Phật Học Viện Quốc Tế, 1985), Kinh Pháp Cú của Trưởng lão Narada, bản dịch Phạm Kim Khánh (Paris, 1984), Suối Nguồn Vi Diệu của Phạm Thiên Thư (Saigon 1971) và nhiều bản khác nữa mà tôi chưa được biết.

Nhận thấy các lời dạy quí báu của đức Phật được kết tập lại bằng lời thơ, có các Tích chuyện nêu rõ trong trường hợp nào đã xảy ra khiến đức Phật nói lên bài Kệ, tôi chẳng ngần ngại sự ngu dốt của mình, cố chuyển các lời văn trong Kinh sang văn vần tiếng Việt, dễ hiểu, dễ đọc, mục đích giúp cho các bạn đồng tu có được tài liệu để học tập. Cách tôi trình bày lại Kinh Pháp Cú chẳng giống y như trong Kinh Điển, nhưng tôi đã cố gắng giữ đúng ý nghĩa căn bản của lời Phật dạy, nói lại bằng lời lẽ thông thường, người chưa rành Phật pháp cũng có thể hiểu được.

Ngưỡng mong trên có các bực cao minh chỉ dạy thêm, chung quanh có các đạo hữu vui lòng khuyến khích, tôi thành tâm sám hối những lỗi lầm trong khi chép lại Kính Pháp Cú và cầu nguyện người đọc hưởng được nhiều lợi lạc trong khi học tập Kinh nầy.

Thiện Nhựt: Montreal, 2000-11-18.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

I. PHẨM SONG YẾU

1. TÍCH CHUYỆN VỊ TĂNG MÙ
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại Kỳ Viên Tự, nước Xá Vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến chuyện một vị tăng mù tên là Cát Khư.

Nguyên, lúc bấy giờ, vị Tăng mù Cát Khư đến đảnh lễ đức Phật. Chiều hôm ấy, ông đi kinh hành bên ngoài, vô ý đạp chết nhiều côn trùng. Sáng hôm sau, nhiều vị tăng trẻ tuổi thấy xác côn trùng, sanh ra hiểu lầm, cho rằng vị Tăng Cát Khư phạm giới sát sanh. Họ liền vào thưa trình với đức Phật. Phật hỏi: "Các ông có chính mắt trông thấy Cát Khư giết hại côn trùng không?" Các vị tăng đáp, không. Phật bảo: "Các ông chẳng thấy ông ta giết, cũng như ông ta đã chẳng thấy các côn trùng dưới chơn, khi đi kinh hành. Hơn nữa, Cát Khư đã chứng được quả vị A La Hán rồi, chẳng hề có ý định sát sanh, nên chẳng có phạm tội". Các vị tăng lại hỏi, vì sao vị Tăng đã chứng được quả vị A La Hán mà hai mắt lại bị mù, đức Phật mới kể lại câu chuyện xưa như sau:

Trong một đời về tiền kiếp, Cát Khư là một vị y sĩ có danh tiếng. Một người đàn bà bị đau mắt, đến thưa cùng ông: "Nếu ông chữa lành đôi mắt tôi, tôi nguyện tôi và các con cái của tôi sẽ làm nô lệ cho ông". Khi người đàn bà ấy đã lành mắt, lại muốn nuốt lời, bảo rằng đôi mắt còn tệ hơn trước. Cát Khư biết rõ người ấy nói dối mình, nên căm thù và đưa cho một thứ thuốc xoa vào mắt. Người đàn bà bất hạnh đó bị mù luôn. Vì tội ác nầy, Cát Khư phải sanh ra mù loà trong nhiều đời sống kế tiếp, cho đến hiện nay.

Sau khi kể xong, đức Phật liền đọc lên bài kệ:
  • Nơi muôn pháp, ý đi tiền đạo;
    Ý làm chủ, ý tạo cõi lòng.
    Ai đem tâm ý chẳng trong
    Nói năng, hành động, khổ đồng theo sau;
    Như xe chuyển bánh theo trâu kéo hoài.
    (Kệ số 001)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:

- Phẩm Song Yếu: Bộ Kinh Pháp Cú có 26 chương, mỗi chương gọi là một Phẩm. Phẩm đầu tiên nầy tên là [Song yếu: (Song = hai; yếu = quan trọng), gồm có nhiều bài kệ sắp thành từng cặp hai bài. Bài số 1 nầy được học chung với bài kệ số 2, ở phía sau; cả hai bài cùng có liên quan đến một ý nghĩa chung.

- Tăng: Đàn ông, con trai, vào chùa tu theo đạo Phật. Nếu là giới phụ nữ thì gọi là Ni.

- Cát Khư: Thiện Nhựt mạn phép đặt tên Việt cho vị tăng nầy, để dễ đọc; trọn tên vị A La Hán nầy bằng tiếng Pali là Cakkhupāla.

- Kỳ Viên Tự: Chùa Kỳ Viên, tên tiếng Pali là Jetavana. Nguyên Thái tử Kỳ Đà có khu vườn đẹp; ông Cấp Cô Độc muốn mua để cất tịnh xá cho Đức Phật và Tăng đoàn ở tu. Thái tử bảo, lót vàng lên khắp mặt đất, ông sẽ bán cho. Ông Cấp Cô Độc làm theo, còn các hàng cây cao chẳng thể lót vàng lên được. Thái tử cười, tặng cả khu vườn để xây tịnh xá. Vì thế, tịnh xá có tên là Kỳ Viên Tự (Kỳ = tên của Thái tử Kỳ đà; Viên = vườn; Tự = chùa). Trong các kinh, thường gọi nơi nầy là Kỳ Thọ Cấp Cô Độc Viên, nghĩa là ngôi chùa của Ông Cấp Cô Độc xây trong vườn có hàng cây của Thái tử Kỳ Đà.

- Xá Vệ: Một nước ở miền Bắc Ấn Độ ngày xưa, quê hương của đức Phật Thích Ca. Tên Pali là Sāvathi.

- Kinh hành: Kinh = kinh; hành = đi. Đi kinh hành là bước đi chầm chậm từng bước, trong tâm im lặng, hoặc vừa đi vừa niệm Phật. Còn gọi là thiền hành.

- Giới sát sanh: giới = điều răn cấm của người tu hành; sát = giết; sanh = sanh vật có mạng sống. Sát sanh là giết hại mạng sống, là điều răn cấm thứ nhứt trong giới luật của đạo Phật.

- Quả vị A La Hán: Quả = kết quả, khi tu thành công; vị = ngôi vị; A La Hán = tiếng Phạn là Arhat, tiếng Pali là Arahant, người đã chứng được quả vị thứ tư, cao nhứt trong hàng Thanh văn. Thanh văn là những vị đệ tử sống gần bên đức Phật, nghe giảng Pháp mà tu tập, để lần lượt chứng các quả vị:
  • (1) Tu Đà Huờn.
    (2) Tư Đà Hàm.
    (3) A Na Hàm, và
    (4) A La Hán.
Ba quả vị trước thuộc bực Hiền; quả vị A La Hán là bực Thánh, chẳng còn phiền não và hết phải sanh trở lại trong vòng Luân hồi.

- Tiền kiếp: Tiền = trước; kiếp = các đời sống: trước, sau và hiện tại, kể chung lại. Tiền kiếp là kiếp trước, đời sống trước khi sanh thành người vào đời thời nầy.

- Nô lệ = Đày tớ ở trọn đời với chủ, chẳng có tự do cá nhơn riêng.

- Muôn pháp: Muôn = mười ngàn, ở đây, chỉ số nhiều; pháp = tất cả sự sự, vật vật, có thể đặt tên để gọi. Ví dụ: cái xe, con trâu, người ta, ý nghĩ, lời nói, v.v... đều là pháp cả.

- Tiền đạo: Tiền = trước; đạo = đường; Ý muốn nói, trong mọi việc, ý khởi lên trước nhứt, dẫn đầu mọi việc khác.

- Kinh, kệ: Kinh = lời giảng về pháp tu của Phật hay Bồ tát, được ghi chép lại; kệ = bài thơ ngắn tóm tắt lại lời kinh đã giảng.

- Pháp Cú: Dịch chữ Pali là Dhammapada. Dhamma. Pháp = ở đây, có nghĩa là pháp tu, đường lối tu hành đi tìm Chơn Lý. Cú = câu văn. Kinh Pháp Cú nằm trong Tiểu Bộ Kinh, thuộc Kinh Tạng, trong Tam Tạng Kinh Điển. Kinh nầy ghi chép lại các bài kệ của Phật nói, nhơn một tích chuyện có thật xãy ra. Việc ghi chép nầy được thực hiện sau khi đức Phật đã lìa đời.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện mang hai ý nghĩa:

- Một, kể lại việc, vì mù chẳng thấy côn trùng ở dưới chơn, nên vị tăng chẳng phạm tội sát sanh khi đạp chết chúng, lúc đi kinh hành. Đức Phật bảo, vì chẳng có ý định sát sanh, nên chẳng phạm tội đó. Vậy, điều quan trọng trong tội lỗi, chính là ý ác khởi lên trước trong tâm.

- Hai, kể lại việc báo thù của vị y sĩ. Tại sao ông bị mù nhiều kiếp? Theo câu chuyện, chính ông có ác ý, muốn hại người đàn bà phải mù, để báo thù việc bà đã nói dối với ông. Ác ý đó là nguyên nhơn khiến cho ông phải chịu khổ sở vì mù loà, qua nhiều đời kế tiếp.

(2) Ý nghĩa của bài Kệ:

- Ý nghĩa quan trọng nhứt của bài Kệ là: trước khi nói năng hay hành động, từ trong tâm, ý đã khởi lên trước, khiến cho ta phải nói hay làm theo. Nếu có ý xấu, thì lời nói cùng việc làm, vì đó mà xấu theo. Rồi vì có ác ý, có lời xấu, có việc làm dữ, nên phải chịu hậu quả cũng xấu theo, là phải ]khổ sở. Hễ có ý chẳng trong sạch, rồi hành động, hay nói, sai lầm, thì sẽ phải khổ, theo sau liền, đâu tránh được. Diễn lại nghĩa nầy, giáo lý nhà Phật gọi đó là luật Nhơn quả: gây nhơn ác, chịu quả xấu.

- Hình ảnh quan trọng do bài Kệ gợi lên: Câu chót của bài Kệ gợi lên hình ảnh cái bánh xe lăn theo chơn con trâu kéo phía trước. Bánh xe chẳng thể ngừng, nếu con trâu phía trước đang bước tới. Đó cũng như, đã có ý ác sẵn rồi, thì lời nói, việc làm chẳng thể tốt đẹp được. Lại nữa, lời nói, việc làm đã xấu thì người nói hay làm sẽ phải chịu sự khổ sở về sau, chẳng có cách nào thoát khỏi. Hình ảnh bánh xe đang quay tượng trưng cho vòng Luân hồi (Luân = bánh xe; hồi = trở lại; quay hết một vòng rồi trở lại quay tiếp, chẳng ngừng). Còn ở trong vòng Luân hồi, là còn phải chịu cảnh sanh, già, bịnh, chết để rồi lại sanh trở lại, nối tiếp khổ mãi.
HỌC TẬP:
(1) Học thuộc lòng bài Kệ: Đặc biệt ghi nhớ: ý làm chủ, ý gây nên mọi việc khiến ta phải trôi lăn trong cảnh khổ của Luân hồi.

(2) Trong ba nghiệp: Nghiệp thân, nghiệp miệng và nghiệp ý thì ý nghiệp là quan trọng nhứt. Vì có nghiệp, nên con người phải chịu khổ trong cảnh Luân hồi. Vậy, phải làm sao cho nghiệp được trong sạch, mới dứt hết khổ. Dứt nghiệp bằng cách thanh lọc ý nghiệp trước.

(3) Tập thanh lọc tâm ý: Thanh lọc tâm ý là làm cho lòng mình được trong sạch. Bằng cách nào? Bằng cách dẹp bỏ những ý nghĩ xấu; hễ khi biết mình đang nghĩ quấy, phải liền dứt bỏ. Thí dụ như đang nhớ đến việc xấu của người, đó là tâm mình đang bị "dơ", dơ vì mình để chỗ xấu của người len lọt vào tâm mình. Ai làm xấu mặc ai, mình chỉ nghĩ tốt.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

2. TÍCH CHUYỆN THANH NIÊN ĐƯỢC SANH LÊN CÕI TRỜI
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại Kỳ Viên Tự, nước Xá Vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến Mã Thà, một chàng thanh niên dòng Bà la môn, được sanh lên cõi Trời.

Vào thời ấy, có một người Bà la môn giàu có, nhưng rất rít róng, chẳng ưa bố thí cho ai cả. Ông tên là A Đinh, chỉ có một đứa con trai, tên là Mã Thà. Ông hà tiện đến nổi chẳng chịu mua sắm vật trang sức cho con mà chính tay ông lại làm lấy, để khỏi phải tốn tiền công thợ. Khi Mã Thà đau nặng, ông chẳng chịu rước thầy thuốc để trị. Mãi cho đến khi bịnh tình quá trầm trọng, hết phương cứu chửa, ông liền đem giường con nằm ra để ngoài hàng ba, hướng về bàn thờ thần mưa ngoài sân, vì bụng ông sợ các người đến thăm viếng, nhìn thấy đến của cải trong nhà.

Sáng sớm hôm ấy, trong cơn thiền định thâm sâu, đức Phật quán thấy cảnh thương tâm của thanh niên Mã Thà đang nằm trước hàng ba ở nhà. Khi cùng với các đệ tử vào thành Xá Vệ để khất thực, đức Phật liền đi đến trước cửa nhà ông A Đinh và đứng dừng lại đó. Ngài phóng hào quang chiếu vào nhà, khiến cho Mã Thà phải chú ý, quay đầu ra ngoài và nhìn thấy Phật. Vì bịnh quá nặng, Mã Thà chỉ có thể dùng tâm tư của mình, hướng về Phật mà đảnh lễ. Thế cũng đủ! Ngay khi thở hơi cuối cùng, với tấm lòng kính mộ đức Phật sẵn trong tâm, Mã Thà liền được sanh lên cõi Trời Đao Lợi.

Từ trên cung Trời nhìn xuống, Mã Thà thấy cha mình đang đau buồn ở nghĩa điạ, chàng liền hiện thân xuống bên cha, như hồi còn sống. Mã Thà thưa với cha, kể lại vì sao mình đã được sanh lên cõi Trời sung sướng và thúc dục cha nên thỉnh đức Phật về nhà để dâng cơm cúng dường. Bấy giờ, trong nhà ông A Đinh mọi người đang bàn tán về việc, có thật hay chẳng có thật, chỉ cần dùng tâm ý kính mộ đức Phật là đủ để sanh lên Trời. Đoán biết được tâm trạng còn nghi ngờ của mọi người, tâm đức Phật liền triệu thỉnh Mã Thà từ cung Trời Đao Lợi. Mã Thà liền vâng lịnh, trong y phục đẹp đẽ của chư Thiên, hiện xuống nhà cũ, đứng giữa mọi người, kể lại nhờ tâm biết kính lễ đức Phật mà được sanh Thiên.

Bấy giờ, đức Phật liền đọc lên bài Kệ:
  • Nơi muôn pháp, ý đi tiền đạo,
    Ý làm chủ, ý tạo cõi lòng.
    Ai đem tâm ý sáng trong
    Nói năng, hành động, vui đồng theo sau;
    Khác nào bóng chẳng lìa hình.
    (Kệ số 002)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:

- Mã Thà: Thiện Nhựt mạn phép đặt tên Việt cho chàng thanh niên nầy, tên thật bằng tiếng Pali là Matthakundali.

- A Đinh: cha của Mã Thà; tên thiệt của ông là Adinnapubbaka.

- Bà la môn: giai cấp tu sĩ trong xã hội xưa ở Ấn Độ. Có bốn giai cấp, từ trên xuống dưới:
  • (1) Bà la môn, tu sĩ;
    (2) Sát đế lợi, vua, quan;
    (3) Phệ xá, buôn bán,
    (4) Thủ đà la, công nhơn.
- Bàn thờ thần mưa: theo tục lệ bên Ấn Độ, thờ thần mưa gió, đặt bàn thờ ngoài sân, cũng tựa như bình dân Việt có bàn thờ ông Thiên.

- Thiền định: ngồi Thiền và nhập định, nghĩa là lắng yên tâm tư trong cảnh vắng lặng, chẳng theo cảnh bên ngoài, chẳng bị ý bên trong trì níu.

- Quán: suy nghĩ sâu xa, nhìn thấy bằng tâm tư.

- Khất thực: khất = đi xin; thực = ăn. Đây là giới hạnh Đức Phật đặt ra, buộc mọi vị tỳ kheo phải mang bình bát đi ăn xin từng nhà, chớ chẳng được làm nghề khác để sanh sống. Hạnh khất thực khiến cho người tu hành dẹp bỏ được sự kiêu căng, cúi mình đi ăn xin, và có dịp gặp người thế tục để giảng dạy về pháp Phật.

- Hào quang: ánh sáng phát ra từ người tu hành đã chứng Đạo.

- Đảnh lễ: cúi đầu làm lễ, kính lạy. Mã Thà chỉ đảnh lễ Phật bằng ý nghĩ thôi, vì lúc ấy anh đang đau nặng.

- Cõi Trời Đao Lợi: cõi Trời nầy, tiếng Pali là Tavatimsa. Còn gọi là Cõi Tam thập tam thiên, nghĩa là cõi Trời có 33 cảnh: mỗi phương có 8 cảnh, do một vị Thiên đế cầm đầu, và ở trung ương có Vua Đế Thích ngự trị.

- Cúng dường: dưng phẩm vật lên để tỏ lòng kính trọng. Vốn do đọc trại ra chữ Hán Việt Cung dưỡng (= cung cấp và nuôi dưỡng).

- Kính mộ: kính= cung kính; mộ = ái mộ; kính mến.

- Triệu thỉnh: triệu = gọi đến; thỉnh = mời đến; cho gọi tới.

- Sanh Thiên: sanh lên cõi Trời.
B. NGHĨA Ý:

(1) Ý nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện mang hai ý nghĩa:

- Một, vì tỏ lòng kính lễ đức Phật, vào lúc sắp lìa đời, nên chàng thanh niên Bà la môn được sanh lên cõi Trời hưởng sự sung sướng. Theo kinh sách, được thác sanh vào cõi Trời, cuộc đời sẽ kéo dài lâu hơn ở trần gian, mọi nhu cầu đều được thoả mãn đầy đủ, chẳng phải lo việc ăn uống, sống trong cung điện huy hoàng và muốn đi đâu liền được đến đấy. Nhưng khi hưởng hết phước lành, chư Thiên bị suy thoái và còn phải chịu cảnh Luân hồi, trở lại cõi trần hay đọa vào các nẻo dữ. Người Phật tử biết chọn mục tiêu giải thoát hoàn toàn, chẳng lấy việc sanh lên Trời làm mục đích, mà chọn con đường đi đến Niết Bàn, chấm dứt cuộc tử sanh, sống tịch tĩnh trong niềm thường vui.

- Hai, thái độ đáng trách của ông A Đinh quá keo kiệt: con đau chẳng rước thầy thuốc; đến lúc con lâm nguy, lại đem ra bỏ ở hàng ba. Đó chính là vì bụng dạ quá rít róng hà tiện. Theo kinh sách, những người như thế, sẽ thác sanh vào hàng ngạ quỉ (= quỉ đói), luôn luôn bị đói khát. Để trị bịnh xan tham nầy, kinh sách dạy phải năng bố thí. Trong các hình thức bố thí, sự dâng cúng lễ vật đến các bực chơn tu là hình thức cao quí, chỉ thua việc pháp thí (= giảng dạy Chánh pháp cho kẻ khác biết được đường tu giải thoát) mà thôi. Thanh niên Mã Thà, vì thế, đã khuyên cha nên thỉnh Phật đến nhà mà cúng dường. Đó là việc tạo phước đức thật to lớn, khiến cho thí giả (= người đem của ra bố thí) được sanh lên cõi Trời vào đời sau.

(2) Ý nghĩa của bài Kệ:

- Ý nghĩa quan trọng nhứt của bài Kệ là: cũng như bài Kệ số 001, ý làm chủ, ý gây ra mọi việc, từ lời nói đến việc làm. Nếu đem tâm ý thanh tịnh mà nói lên, hoặc hành động, thì sẽ được vui hưởng điều lành.

- Hình ảnh do bài Kệ gợi lên: Câu chót của bài Kệ:

"Khác nào bóng chẳng lìa hình" đã diễn tả LUẬT NHƠN QUẢ rất rõ ràng bằng hình ảnh: NHƠN là hình, còn QUẢ là bóng, là ảnh. Khi có ánh sáng, ta chẳng thấy hình của vật nào mà chẳng có bóng của nó cả. Ở đời cũng vậy, chẳng có một sự việc nào làm nguyên nhơn gây ra mà chẳng có hậu quả của nó đi kèm theo. Chẳng có cách nào để tách rời bóng với hình ra, cũng chẳng có cách nào để khiến cho một nguyên nhơn chẳng gây ra ]hậu quả được.

Trong bài Kệ số 001, tâm ý chẳng trong sạch làm nguyên nhơn gây ra hậu quả xấu, còn gọi là ác báo.

Trong bài Kệ số 002, tâm ý sáng trong làm nguyên nhơn tạo nên thành quả tốt, còn gọi là phước báo.
HỌC TẬP:
(1) Học thuộc lòng bài Kệ: bài Kệ số 002 dễ nhớ, nhờ đã thuộc sẵn bài Kệ số 001; chỉ cần đổi: "tâm ý chẳng trong" ra "tâm ý sáng trong", và trước thì: "khổ đồng theo sau", còn sau thì đổi ra "vui đồng theo sau".

Và học thêm câu chót: "Khác nào bóng chẳng lìa hình", vốn là một câu thường nghe nói ở đời.

(2) Một cách thanh lọc tâm ý: Mô Phật! Ta thường thấy các cụ già: "Mô Phật", mỗi khi nghe một câu nói chẳng vừa ý mình: đó là cách làm cho mình chẳng nổi lên tức giận. Tiếng Mô Phật nầy chẳng nên thốt lên ngoài đầu môi chót lưỡi, mà khi nói, phải quay vào bên trong tâm mình, xem coi cơn giận nổi lên có còn đó hay không, hay đã bớt tức chút nào chưa. Người nào biết Mô Phật như thế là biết làm cho lòng mình trở nên trong sáng hơn.

Thường người ta cũng Mô Phật khi nghe một câu nói thiện lành. Đó là làm cho tâm mình đang trong sáng, lại càng trong sáng hơn.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

3. TÍCH CHUYỆN TRƯỞNG LÃO THI SA
Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Kỳ Viên Tự, ở nước Xá Vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến vị Tăng ngoan cố là Tôn giả Thi Sa.

Tôn giả Thi Sa vốn là con nguời dì của đức Phật, từng sống chung với đức Phật khi Ngài còn là Thái Tử. Đến khi trọng tuổi, tôn giả mới xuất gia, thường tự coi mình là một vị Tăng Trưởng lão. Thế nhưng đối với những nghĩa vụ của một tăng nhơn mới nhập đạo, Tôn giả thường hay xao lãng; lại luôn cãi vã náo loạn lên với các vị tăng trẻ tuổi. Nếu có ai khiển trách, thì Tôn giả khóc lên, chạy đi mét với đức Phật.

Một ngày kia, Thế Tôn hỏi ông: "Nầy Thi Sa, cớ làm sao mà ông ưu phiền đến nổi nước mắt chảy quanh mi như thế?" Thi Sa vừa cãi vã với một nhóm tăng nhơn xong, liền thưa với Phật rằng: "Nếu họ đến đây để gặp Thế Tôn, thì chắc con chẳng phải ưu phiền như vầy!" Vừa lúc ấy, các tăng nhơn ấy đến lễ bái Phật. Thi Sa liền thưa: "Bạch đức Đạo sư, các vị tăng nầy mới vừa khiển trách con đây".

Thế Tôn hỏi:

- Hiện tại, ông đang ở chỗ nào?

- Con đang ở tại Đại sảnh đường, Thế Tôn.

- Ông có thấy chúng tăng đi đến đây không?

- Con có thấy, Thế Tôn.

- Ông có đứng dậy nghinh tiếp họ không?

- Chẳng có, Thế Tôn.

- Ông có đưa tay ra mời, dắt họ vào trong hay không?

- Chẳng có, Thế Tôn.

- Nầy Thi Sa, ông chẳng nên có thái độ như thế, đối với những người đã vào Đạo trước ông. Ông nên hướng về họ mà ngỏ lời xin lỗi đi.

- Thế Tôn, con chẳng chịu xin lỗi họ đâu!

Chúng tăng liền thưa với đức Phật:

- Thế Tôn, vị tăng nầy rất là ngoan cố.

Thế Tôn đáp:

- Nầy chư tăng, ông ta ngoan cố như thế chẳng phải là lần thứ nhứt. Tại tiền kiếp, ông ta cũng đã tỏ ra rất ngoan cố rồi.

Chư tăng thỉnh cầu Phật cho biết về tiền kiếp, tôn giả Thi Sa đã ngoan cố như thế nào. Do đó, đức Phật mới kể lại câu chuyện xưa như sau đây:

Thuở xưa, có một vị tăng tu khổ hạnh tên là Đề Va La ngụ trên dãy Hi Mã Lạp Sơn. Vào đầu mùa mưa, ông quay về thành Ba La Nại để mua muối, dấm và định lưu lại đây hết bốn tháng mưa dầm. Tại cửa thành, ông gặp hai vị tăng nhơn trẻ tuổi, liền hỏi: "Các du tăng đến thành nầy, thường trú ngụ tại đâu?" Họ đáp, tại lò gốm. Đề Va La liền đi đến lò gốm, xin ngủ qua đêm tại đó, và được chủ lò gốm chấp thuận. Độ một lúc sau, lại có một vị du tăng khác, tên là Na Ra Đa, cũng đến xin tá túc. Hai người thi lễ với nhau rồi cùng tạm trú trong lò gốm bỏ trống về đêm.

Đến giờ đi ngủ, Na Ra Đa cẩn thận xem Đề Va La nằm ở đâu và cửa ra vào ở phía nào, rồi mới đi nghỉ. Thế nhưng một chập sau, Đề Va La lại đổi chỗ, đến nằm gần bên cửa cái. Về khuya, Na Ra Đa cần đi ra ngoài, chẳng để ý, đạp nhằm đầu của Đề Va La. Đề Va La hét lên:

- Ai đạp lên đầu ta vậy?

- Chính con là Na Ra Đa, con xin Sư phụ tha lỗi.

- Mi là một tên ác tăng, sống ở rừng rú, cứ nhè đầu ta mà đạp lên.

- Con chẳng biết Sư phụ đã đổi chỗ nằm, xin Sư phụ tha tội.

Na Ra Đa liền đi ra ngoài. Trong lúc đó, Đề Va La sợ bị đạp lần nữa, quay sang nằm chỗ khác. Lúc vào, Na Ra Đa cẩn thận tránh chỗ cũ, đi chầm chậm từng bước sờ soạng, nhưng lại rủi thay lần nầy lại đạp trúng ngay cổ của Đề Va La.

- Ai vậy?

- Chính con! Thật con chẳng biết Sư phụ lại dời qua bên nầy, xin Sư phụ từ bi tha tội cho con.

- Mi quả thật là tên ác tăng. Lúc đi ra, đạp đầu ta, lúc trở vào lại đạp cổ ta. Ta phải niệm chú nguyền rủa mi mới được.

- Muôn vàn xin Sư phụ từ bi hỉ xả mà tha tội cho con, xin đừng niệm chú.

Nhưng Đề Va La chẳng tha, cứ niệm chú:

- Nguyện đầu mi sẽ bể thành bảy mảnh vụn vào lúc mặt trời mọc.

Na Ra Đa trong cơn thiền định, nhận thấy chú ngữ lại có phản ứng quay ngược lại hại người đang trù rủa. Na Ra Đa liền vận thần thông khiến cho mặt trời chẳng mọc lên được. Lúc bấy giờ, Quốc vương thành Ba La Nại biết được chuyện tại sao mặt trời chẳng mọc, lền giận dữ và buộc Đề Va La phải xin lỗi, để cho mặt trời mọc. Nhưng Đề Va La nhứt định chẳng tuân lịnh, cứ tiếp tục niệm chú. Bấy giờ, Na Ra Đa mới thưa:

- Bạch Sư phụ, con sắp làm phép cho mặt trời mọc trở lại; nhưng đầu của Sư phụ sẽ bị bể. Sư phụ mau mau lấy đất sét trét lên đầu, rồi lặn xuống sông ngay, đến chỗ cạn mới trồi lên.

Đề Va La biết cơn nguy khốn sẽ xãy ra cho mình, liền vội lấy đất sét trét lên đầu và lặn xuống sông. Đến khi trồi lên, mặt trời chiếu rọi, lớp đất sét trên đầu liền bể tan thành bảy mảnh vụn, nhờ đó mà thoát chết.

Đức Phật kết thúc câu chuyện: "Đề Va La chính là Thi Sa ngày nay, vị Quốc vương là A Nan Đà, còn Na Ra Đa chính là Ta đây". Rồi đức Phật mới đọc lên hai bài Kệ như sau:
  • Nó mắng tôi, nó đánh đập tôi
    Nó thắng tôi, nó cướp đoạt tôi
    Ai ôm ấp mãi tâm niệm ấy
    Oán hận chẳng nguôi, nặng cõi lòng
    (Kệ số 003)

    Nó mắng tôi, nó đánh đập tôi
    Nó thắng tôi, nó cướp đoạt tôi
    Ai sớm vứt đi tâm niệm ấy,
    Oán hận liền nguôi, nhẹ cõi lòng.
    (Kệ số 004)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:

- Trưởng lão: trưởng = lớn; lão = già. Trưởng Lão = vị Tăng có nhiều tuổi Đạo (= dự một kỳ an cư kiết hạ vào mùa hè là thêm một tuổi Đạo)

- Tôn giả: tôn= tôn trọng; giả = người; bực đáng tôn kính.

- Thi Sa: tên thật bằng tiếng Pali là Tissa.

- Đề Va La: tên thật bằng tiếng Pali là Devala.

- Na Ra Đa: tên thật bằng tiếng Pali là Narada.

- A Nan Đà: tên thật bằng tiếng Pali là Ananda.

- Thái Tử: thái = lớn; tử = con; người con trai lớn của Vua, sau sẽ nối ngôi.

- Trọng tuổi: đã lớn tuổi; vào khoảng trên bốn, năm mươi trở lên.

- Xuất gia: xuất = đi ra; gia = nhà; rời nhà đi tu; trái nghĩa với chữ tại gia là còn ở nhà, tu tại gia.

- Ưu phiền: ưu = lo lắng; phiền = buồn lòng; buồn rầu.

- Khiển trách: quở trách, trách móc.

- Đại sảnh đường: đại = lớn; sảnh = phòng; đường = nhà; căn phòng lớn trong nhà, tức là phòng khách.

- Chúng tăng: chúng = số đông; tăng = tu sĩ theo đạo Phật.

- Nghinh tiếp: nghinh = chào đón; tiếp = tiếp đón.

- Thế Tôn: thế = thế gian; tôn = tôn trọng; bực được cả thế gian tôn trọng, tức là đức Phật. Các tỳ kheo gọi Phật là Thế Tôn; Phật tự xưng là Như Lai.

- Ngoan cố: cứng đầu, chẳng chịu vâng lời.

- Thỉnh cầu: cầu xin; tiếng để thưa với các vị đáng tôn trọng.

- Khổ hạnh: khổ = cực khổ; hạnh = hành động, hạnh kiễm; đây là lối tu hành ép xác chịu cực khổ nhiều.

- Ba La Nại: thành thị lớn ở Ấn Độ, còn có tên gọi là Vanarasi, hay là Bénarès. Chính ở một ngôi vườn gần thành nầy (vườn Lộc Uyển) Đức Phật đã giảng bài pháp đầu tiên (Kinh Chuyển Pháp Luân) cho năm anh em ông Kiều Trần Như nghe.

- Du tăng: du = đi đó đi đây; tăng = tu sĩ Phật giáo; các vị [du tăng đi khắp nơi để tìm thầy học đạo, chẳng ở một nơi nhứt định nào. Còn gọi là vị tăng hành cước.

- Tá túc: tá = nhờ vào, ở nhờ; túc = đêm; ở nhờ qua đêm.

- Thi lễ: thi = thi hành, làm; lễ = chào; làm lễ chào hỏi nhau.

- Sư phụ: thầy; thầy dạy Đạo (sư = thầy; phụ = cha).

- Ác tăng: ác= dữ; tăng = tu sĩ; tiếng để mạt sát nhà tu hành.

- Từ bi hỉ xả: theo nghĩa thông thường là hãy mở lòng thương mà tha tội cho. Theo nghĩa chuyên môn trong Phật học, Từ là đem sự vui đến cho kẻ khác; Bi là cứu giúp kẻ khác khỏi khổ đau; Hỉ là vui mừng khi thấy kẻ khác thành công; Xả là buông bỏ chẳng cố chấp. Trong Phật học, từ, bi, hỉ, xả, được gọi là Tứ vô lượng Tâm, nghĩa là bốn tấm lòng rộng rãi thương người (từ), cứu giúp người (bi), vui mừng khi thấy người sung sướng (hỉ), chẳng cố chấp lỗi của người (xả). Đây là đường lối tu hành của bực Bồ tát.

- Niệm chú: niệm = đọc ra tiếng hay đọc thầm; chú = còn gọi là chơn ngôn, chú ngữ, lời nói bí mật được tin tưởng là có hiệu lực thần bí.

- Nguyền rủa: trù ẻo; mong cho kẻ khác bị hại.

- Thần thông: phép lực siêu nhiên, thí dụ như bay trên không.

- Quốc vương: quốc = nước; vương = vua.

- Tâm niệm: tâm = lòng; niệm = ở đây, là ý nghĩ, tư tưởng.

- Oán hận: oán = oán thù; hận = hờn giận.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện có các ý nghĩa sau đây:
  • a. Bổn phận của người mới vào tu đối với người đã tu lâu: Để tỏ lòng kính trọng đối với người đã đi trước mình, người mới vào đạo phải kính nhường, đón chào, kính lễ và vâng lời. Vị Tăng Thi Sa đã thiếu sót trong bổn phận nầy, mặc dầu đã được Phật nhắc nhở.

    b. Sự ngoan cố chỉ đem hại lại cho người ngoan cố:

    - Thi Sa chẳng chịu xin lỗi với chúng tăng và chẳng đứng dậy chào đón, mời họ vào Đại sảnh đường, nên mới bị Phật quở trách.

    - Đề Va La cứ niệm chú để nguyền rủa Na Ra Đ, mặc dầu đã được xin lỗi, phải chịu hậu quả tai hại của lời chú quay ngược lại hại mình.

    - Người ngoan cố phải chịu đau buồn vì trong lòng bị ý tưởng xấu trì níu, khuấy rối, xúi dục làm điều quấy.

    c. Thái độ từ bi của vị Tăng Na Ra Đa: Nhờ thiền định quán thấy ảnh hưởng tai hại của chú ngữ sẽ xảy đến cho Đề Va La, Na Ra Đa đã vận dụng thần thông cho mặt trời chẳng mọc. Lại chỉ cách cho Đề Va La trét đất sét lên đầu, lặn xuống sông, để khỏi bị bể đầu. Đây là Na Ra Đa đã biết đem ơn mà trả oán.
(2) Ý nghĩa của hai bài Kệ: Ý nghĩa quan trọng của cả hai bài Kệ nầy là chỉ cách cho ta dẹp được niềm oán hận đang nung nấu trong tâm.
  • a. Tại sao sanh ra oán giận? Hai câu đầu của cả hai bài Kệ nêu rõ nguyên nhơn sanh ra oán giận:

    - "Nó mắng tôi": tôi sanh ra oán giận nó, vì lời nói của nó làm chạm tự ái của tôi.

    - "Nó đánh đập tôi": tôi sanh ra oán giận nó, vì hành động của nó xâm phạm đến thân của tôi.

    - "Nó thắng tôi": tôi sanh ra oán giận nó, vì nó hơn tôi.

    - "Nó cướp đoạt tôi": tôi sanh ra oán giận nó, vì nó đã giựt lấy tài sản của tôi.

    Tóm lại, chỉ vì nó đã xâm phạm đến tôi và những gì của tôi, mà tôi sanh ra oán giận. Tôi giận vì tôi thấy những gì tôi quí đang bị xâm phạm.

    b. Khi mình sanh ra giận hờn, thì lòng mình như thế nào?

    So sánh hai câu thứ ba và thứ tư ở cả hai bài Kệ, ta thấy:
    • (a) Thái độ khác nhau giữa người giận và người chẳng giận:
- "Ai ôm ấp mãi tâm niệm ấy": người giận cứ ghim chặt trong bụng mình lời nói và hành động của người đã xâm phạm mình;

- "Ai sớm vứt đi tâm niệm ấy": người chẳng giận biết gạt khỏi bụng mình lời nói và hành động của người đã xâm phạm mình.
    • (b) Kết quả về phía người bị chọc giận:
- "Oán hận chẳng nguôi, nặng cõi lòng": cơn giận khởi lên, chẳng những làm cho người giận tức tối lên, nó còn đè nặng cõi lòng nữa, nghĩa là, nó nung nấu, sôi sùng sục, kéo dài sự khó chịu cho đến chừng nào quên giận đi thì mới thôi.

- "Oán hận liền nguôi, nhẹ cõi lòng": cơn giận chẳng kịp nổi lên, lòng người bị chọc giận cảm thấy nhẹ nhàng và vui hơn, vì đã "thắng" được mình, khi biết người gây oán hận dầu có nói hay làm gì cũng chẳng thấm" vào trong mình mình được.
HỌC TẬP:
(1) Học thuộc lòng hai bài Kệ nầy. Học xong bài Kệ số 003, là thuộc luôn cả bài Kệ số 004. Tại sao? - Vì chỉ cần đổi có mấy chữ rất quan trọng nầy: đổi chữ ôm ấp ra thành chữ vứt đi; đổi chữ chẳng nguôi ra thành chữ liền nguôi; đổi chữ nặng cõi lòng ra thành chữ nhẹ cõi lòng.

(2) Làm sao mà "Vứt Đi" được để cho "Nhẹ Cõi Lòng?"

Học thuộc lòng hai bài Kệ thì chẳng quá khó; đổi mấy chữ ở bài Kệ số 003 ra mấy chữ ở bài Kệ số 004 cũng chẳng phải quá khó, nhưng từ "Nặng cõi lòng" mà trở nên "Nhẹ cõi lòng" thì chẳng phải dễ. Phải tu cả đời mới khiến cho lòng mình được thanh tịnh, nhẹ nhàng.

Tôi xin đề nghị vài cách "Vứt Đi cái Giận Hờn" như sau:

- Cách thứ nhứt: hãy tìm ngay một ly nước lạnh, chậm rãi uống từng ngụm và tự nói với mình: "Đừng có giận làm gì cho mệt!"

- Cách thứ hai: nếu chẳng có sẵn ly với nước, thì xin ngẩng đầu lên, nhắm mắt lại và chậm rãi hít vào một hơi dài, nghe luồng không khí đi sâu vào, rồi thở từ từ ra, cũng nghe hơi xuyên qua lỗ mũi; thở như thế đến năm, mười hơi thì có lẽ người đang nói nặng kia cũng phải... nín.

- Cách thứ ba: đừng nhìn vào người đang nói nặng, hãy nhìn vào bên trong lòng mình và thành tâm niệm nho nhỏ: Mô Phật! Chớ nên niệm ở đầu môi chót lưỡi, mà phải niệm chơn thành, nếu tưởng thấy được tượng Phật đang ngồi trên toà sen thì rất quí. Tôi chắc niệm chừng năm sáu tiếng như thế, người nói nặng kia cũng... bực mà nói: "Tao nói mầy có nghe không?" Ấy, đó là hiệu lực của câu niệm đấy! Cứ niệm tiếp tục, đừng trả lời, rồi thì chỉ còn tiếng Mô Phật, mà tiếng chửi bới im!

Trong ba cách nầy, tôi thấy cách thứ ba hiệu nghiệm nhứt. Không tin, xin mời bạn gặp dịp làm thử xem!

Nhưng mà, khi bạn đang giận, bạn đâu biết bạn giận để đi tìm nước uống, để thở dài hơi, để Mô Phật. Vậy chỗ khó là chính mình phải biết mình đang giận, để tìm cách khắc phục cơn giận. Làm sao biết?

(3) Câu hỏi: "Mình đang giận, làm sao biết mình đang giận?", nghe có vẻ lẩm cẩm, nhưng câu hỏi đó chứa một sự thật rất quan trọng, và câu trả lời chẳng phải dễ tìm thấy. Sự thật quan trọng đó là, khi giận người ta như điên lên, chỉ biết hướng về đối tượng mà trả thù cho hả cơn giận, chớ đâu có thời giờ quay vào bên trong lòng mình mà nhìn xem tâm mình đang sôi sùng sục như nồi cơm đang nấu trên bếp. Câu trả lời cho xác đáng chẳng dễ tìm là vì rất khó cho mình nhìn biết tâm mình một cách vô tư.

(4) Tại sao rất khó cho mình nhìn biết tâm mình một cách vô tư?

- Vì mình hay hướng ra bên ngoài, ít khi chịu quay vào bên trong để tự quán sát và tự phán xét mình. Nếu biết quay vào bên trong tâm mình, kinh sách gọi đó là phản quang tự kỷ, nghĩa là dùng ánh sáng của tâm trí mình quay về chiếu rọi lấy tâm trí của chính mình.

- Vì mình hay binh vực mình, ít khi chịu thẳng thắn nhìn lấy lỗi của mình, lại hay tìm cớ để bào chửa cho cái Ta của mình. Nếu biết quên được cái Ta đó, hay cao hơn nữa biết vứt bỏ luôn cái Ta đó, kinh sách gọi là thông đạt được lẽ Vô ngã của nhà Phật (vô = chẳng có; ngã = cái Ta). Và nếu chẳng những tâm trí biết được lẽ Vô ngã mà cả ý tưởng, lời nói và việc làm đều theo đúng lẽ Vô ngã, thì đang chứng đắc được điều quan trọng nhứt trong công việc tu hành: tu là tu tâm mình.

(5) Thế nào là "Tu là tu tâm mình?" - Tu chẳng phải là chỉ ăn chay, đi chùa, lạy Phật, tụng kinh, niệm Phật mà đủ. Các việc vừa kể rất cần thiết, nhưng chỉ là những hình thức giúp cho mình biết hướng về bên trong mình, tập sao cho tâm trí mình trở nên nhẹ nhàng, trong sáng hơn. Đến được mức tâm thanh tịnh là được GIÁC NGÔ và GIẢI THOÁT.

(6) Bốn bài Kệ đầu tiên trong Kinh Pháp Cú vạch ra rõ con đường TU TÂM cho ta. Hai bài Kệ số 1 và số 2 chỉ rõ Tâm Ý là nơi ta phải làm sao cho trong sáng lên. Hai bài số 3 và số 4 dạy cách vứt đi sự Sân Hận, để cho Tâm được nhẹ nhàng hơn. Có ba món độc làm cho Tâm nặng nề chẳng giải thoát được: Tham, Sân và Si. Con đường tu tâm là dẹp sạch ba món độc hại đó để được GIÁC NGỘ và GIẢI THOÁT. Chỉ có thế!


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

4. TÍCH CHUYỆN VỀ NỮ QUÁI KHA LY
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại Kỳ Viên Tự, nước Xá Vệ. Trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến việc hai người phụ nữ có mối thù truyền kiếp.

Vào thời xa xưa, một gia chủ kia có một người vợ hiếm hoi, chẳng sanh con cái. Bà sợ bị chồng phụ bạc, nên dàn xếp để cưới thêm một người vợ thứ cho chồng. Khi người vợ thứ có thai, người vợ lớn lén để thức ăn kỵ thai cho người vợ thứ ăn, thành ra bị hư thai. Đến khi thụ thai lần sau, người vợ lớn cũng ghen tức và dùng mưu kế cũ, khiến cho người vợ thứ phải chết. Trước khi lâm chung, người đàn bà bất hạnh đó phát lời thề là sẽ báo thù người vợ chánh và con cái của bà ta. Do đó, mối oan cừu nhiều đời khởi lên từ đấy.

Trong hai kiếp sống Luân hồi tiếp theo, cả hai người tái sanh, một đời, làm gà mẹ và mèo cái; một đời, làm nai cái với beo gấm. Đến đời sau nữa, một người được sanh vào một nhà quí tộc ở nước Xá Vệ; còn một người hiện thân làm nữ quái tên là Kha Ly.

Một ngày kia, nữ quái Kha Ly rượt đuổi theo người phụ nữ quí tộc đang bồng con trên tay. Bà mẹ sợ con bị hại, nghe nói có đức Phật đang giảng pháp tại Kỳ Viên Tự, mới ôm con chạy vào, đặt đứa con dưới chơn Phật để xin bảo hộ. Nữ quái Kha Ly đuổi theo đến cổng chuà, bị vị giữ cửa ngăn lại, chẳng cho vào. Đức Phật quán thấy thế, liền bảo người canh cổng cứ cho vào, để Ngài chỉ dạy cho cả hai người phụ nữ.

Sau khi hỏi đầu đuôi câu chuyện, đức Phật liền kể lại ngọn ngành mối thù truyền kiếp từ các đời trước của họ: hai người vợ, cùng có chung một chồng, ghen tức nhau; mèo cái giết hại gà con của mẹ gà; beo gấm ăn thịt nai tơ của nai cái, và cho đến nay, một người có con còn một người chạy theo bắt. Đức Phật liền giải thích cho họ biết, tâm sân hận làm cho oán thù càng ngày càng tăng gia; chỉ có thiện ý hoà giải và tình hữu nghị mới có thể chấm dứt hận thù. Cả hai cảm động nghe lời Phật dạy và nhờ đó mà vui vẻ với nhau, quên mối thù xưa.

Đức Phật liền bảo người mẹ bồng đứa con trao cho nữ quái. Bà mẹ ngần ngại một lát, rồi vâng lời. Nữ quái ôm lấy đứa con, hôn hít nó như con mình đẻ, rồi trả nó lại cho mẹ nó. Đến đây, mới thật chấm dứt hẳn mối thù giữa hai người.

Bấy giờ, đức Phật mới đọc lên bài Kệ:
  • Chuyện thù oán ở thế gian
    Nào ai đem oán dẹp tan được thù?
    Cứ theo định luật thiên thu,
    Bỏ lòng oán giận, oan cừu liền nguôi.
    (Kệ số 005)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:

- Nữ quái: Nữ = đàn bà, cô gái; quái = kỳ dị. Theo trong kinh, đó là một hạng chúng sanh, gọi là ngạ quỉ, nghĩa là quỉ đói.

- Gia chủ: Gia = nhà; chủ = chủ; chủ nhà.

- Hiếm hoi: Nói về người đàn bà chẳng sanh con được.

- Phụ bạc: Phụ = làm trái ngược; bạc = lạt lẽo; phụ ơn và bạc tình, nghĩa là chẳng thương mến, ghét bỏ.

- Vợ chánh, vợ thứ: Theo chế độ đa thê (= có nhiều vợ), người chồng, ngoài người vợ chánh thức, còn có thể cưới thêm nhiều người vợ thứ khác nữa. Vợ chánh có quyền làm bà chủ nhà; trong khi đó, vợ thứ đóng vai phụ thuộc như người ở trong nhà.

- Thụ thai: Mang thai trong bụng.

- Kỵ thai: Chất gây nguy hiểm đến tánh mạng của cái thai.

- Hư thai: Cái thai chết trước khi được sanh ra khỏi bụng mẹ.

- Lâm chung: Lâm = vào lúc; chung = hết; vào lúc sắp chết.

- Bất hạnh: Bất = chẳng có; hạnh = hạnh phước; xấu số, vô phước.; gặp chuyển rủi ro, nguy hiểm.

- Oan cừu: Thù oán.

- Tái sanh: Tái = một lần nữa; sanh = sanh đẻ; sanh lại lần nữa.

- Quí tộc: Quí = cao sang; tộc = dòng họ; nhà giàu sang.

- Kha Ly: Tên thật bằng tiếng Pali là Kālayakkhini.

- Bảo hộ: Che chở cho.

- Truyền kiếp: Truyền = chuyển tới; kiếp = đời sống; nhiều đời.

- Thiện ý: Thiện = lành; ý = tư tưởng; ý tưởng lành, tốt.

- Hòa giải: Hòa = yên lành; giải = mở ra; vui hòa với nhau, chẳng tranh chống nhau nữa.

- Hữu nghị: Hữu = bằng hữu, bè bạn thân; nghị = tình giao kết; tình bạn thân thiết với nhau.

- Thiên thu: Thiên = một ngàn; thu = mùa thu; ngàn thu, ngàn xưa.
B. NGHĨA Ý:

(1) Ý nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện kể lại mối thù nhiều đời giữa hai người đàn bà ghen tức nhau: một đời làm vợ chung một chồng, một đời làm mẹ gà và mèo cái, một đời làm nai cái và beo gấm, đến thời đức Phật, trở lại làm người. Nguyên nhơn chỉ vì một người có con, một người chẳng có, nên ganh tức hại mẹ con người kia. Nhờ đức Phật hòa giải, chỉ cho họ thấy, chẳng thể lấy oán mà báo oán, phải đem lòng thân hữu mà đối xữ với nhau thì thù hận mới tiêu tan.

(2) Ý nghĩa của bài Kệ: Lấy oán mà báo oán, oán oán kéo dài mãi mãi. Bỏ lòng oán giận thì mọi mối thù hận sẽ tiêu tan. Đó là định luật từ ngàn xưa và vẫn còn đúng đến ngàn sau.
HỌC TẬP:
(1) Hãy cắt đứt dây oan trái: người hại mình, mình hại lại, người lại trả thù, như thế, cả hai bị ràng buộc trong mối dây oan trái (= nợ oán). Muốn thoát khỏi sự ràng buộc nầy, chỉ có cách là chẳng nên thù oán ai, nên nhẫn nhục chịu đựng và có lòng tha thứ rộng rãi.

(2) Vài đề nghị:

- Bị người lấn, chớ xô lại; hãy tránh ra xa, cả hai đều vui cả.

- Bị người nói xấu, chớ tìm cách vạch lỗi người để bêu riếu vì người cũng sẽ làm như thế đối với mình. Kết-quả cả hai đều xấu và lại chẳng chịu nhìn mặt nhau trong niềm vui, hoá ra cả hai cùng khổ cả.

- Đem lòng thù ai khiến mình nặng lòng như mang một hòn đá.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

5. TÍCH CHUYỆN CHƯ TĂNG Ở CÔ SÂM BI
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại Kỳ Viên Tự, nước Xá Vệ, trong một kỳ giảng pháp, có nhắc việc chư Tăng ở Cô Sâm Bi tranh cãi nhau.

Lúc bấy giờ, chư Tăng ở Cô Sâm Bi chia rẽ nhau ra thành hai nhóm: một nhóm theo vị Giáo thọ chuyên giảng về Luật Tạng và một nhóm theo vị Giáo thọ chuyên giảng về Kinh Tạng. Họ tranh cãi với nhau luôn. Ngay cả đức Phật cũng chẳng thể khiến cho họ thôi cãi vã, do đó đức Phật mới rời bỏ họ, đi đến rừng Pà Li Lai, ngụ trong khu vườn Ra Khi Ta, sống qua mùa An cư kiết hạ một mình, được voi Pà Li Lai theo hầu cận.

Các thiện nam, tín nữ ở Cô Sâm Bi, nghe tin đức Phật đã rời Kỳ Viên Tự và khi biết được lý do tại sao Ngài lại ra đi, họ liền từ chối chẳng tiếp tục cúng dường, dưng thực phẩm cho các vị tỳ kheo còn ở lại nữa. Điều nầy khiến cho chư Tăng phải lâm vào cảnh khổ sở, vì lúc bấy giờ là mùa An cư kiết hạ, chư Tăng chẳng được phép đi ra ngoài khất thực. Bấy giờ, họ mới tỉnh ngộ và ý thức được lỗi lầm đã tranh cãi nhau. Họ bắt đầu hoà giải với nhau và chấm dứt sự chia rẽ. Nhưng các thiện nam, tín nữ vẫn chưa chịu kính nễ, cúng dường họ như xưa, cho đến khi nào họ đến sám hối tội lỗi trước đức Phật. Nhưng vì đức Phật ở xa và đang mùa an cư, nên chư Tăng phải sống qua ba tháng hè trong sự thiếu thốn.

Khi mùa an cư chấm dứt, Đại đức A Nan Đà mới hướng dẫn chư Tăng đến lễ Phật và trình lời thỉnh cầu của ông Cấp Cô Độc và tín chúng, khẩn khoản mời Phật quay về tịnh xá Kỳ Viên. Bấy giờ, đức Phật mới trở về, theo sau có cả các vị tỳ kheo. Khi về đến chùa Kỳ Viên, chúng Tăng đồng quì dưới chơn Phật, sám hối tội lỗi. Đức Phật mới quở trách họ đã cãi lời Ngài và dạy rằng, mọi người ai cũng sẽ chết, tranh cãi nhau ích lợi gì đâu. Rồi đức Phật liền nói lên bài Kệ sau đây:
  • Đời lắm kẻ chẳng ngờ sự chết
    Rình mọi người chẳng sót một ai.
    Kẻ nào sớm biết điều nầy,
    Hơn thua, tranh cãi, thôi ngay tức thì.
    (Kệ số 006)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:

- Cô Sâm Bi: Tên địa danh nầy theo tiếng Pali là Kosambi.

- Rừng Pà Li Lai: Tên khu rừng nầy bằng tiếng Pali là Pālileyyaka. Con voi theo hầu Phật ở rừng nầy có tên là Pālileyya.

- Vườn Ra Khi Ta: Tên khu vườn nầy bằng tiếng Pali là Rakkhita.

- Giáo thọ: Vị Tỳ kheo thông thạo Kinh điển, chuyên giảng dạy giáo lý cho các tỳ kheo khác.

- Luật Tạng: Luật = giới luật của Phật đặt ra cho các tín đồ tuân theo trong khi tu hành; Tạng = cái giỏ hay cái đãy đựng các quyển kinh sách. Luật Tạng là Tạng thứ nhứt của Tam Tạng Kinh điển trong Giáo pháp của đức Phật. Hai Tạng kia là: Kinh Tạng, gồm các quyển Kinh và Luận Tạng, gồm các bài luận giải thích rõ thêm về Kinh điển.

- An cư kiết hạ: An cư = ở yên; kiết hạ = qua mùa hạ. Vào ba tháng mùa hè ở Ấn Độ mưa nhiều, côn trùng sinh sản, nên đức Phật đặt ra khoá An cư Kiết hạ, để chư Tăng quay về chùa, ở yên trong ba tháng, chẳng đi ra ngoài, sợ đạp chết côn trùng. Trong thời kỳ nầy, chư Tăng lo tu tập, trao đổi kinh nghiệm. Cứ mỗi năm có dự một khoá an cư như thế, tỳ kheo được tăng thêm một tuổi đạo.

- Thiện nam, tín nữ: Thiện = lành, nam = đàn ông; tín = tin tưởng; nữ = đàn bà; chỉ đến những người tin theo đạo Phật, tu tại nhà và đến chùa giúp đỡ chư Tăng cùng cúng dường thực phẩm, thuốc men, lễ vật.

- Tỉnh ngộ: Tỉnh = thức tỉnh, biết ra; ngộ = hiểu ra được.

- Ý thức: Ý = ý nghĩ, tư tưởng; thức = biết; bắt đầu thấy và hiểu rõ trong lòng. Biết mà chẳng để ý, thì chẳng gọi là ý thức được.

- Hòa giải: Hòa = hòa thuận với nhau; giải = cởi mở ra, bỏ đìều chống đối; làm lành lại với nhau, hết thù oán.

- Cấp Cô Độc: Tên một vị trưởng giả giàu lòng từ thiện, thường cứu giúp những người cô đơn. Tên thật là Anāthapindika. Chính ông nầy đã mua đất và cất tịnh xá Kỳ viên để Phật và chư Tăng trú ngụ.

- Khẩn khoản: Thành tâm nài nỉ.

- Sám hối: Nhìn nhận lỗi đã làm và hứa chẳng tái phạm nữa.
B. NGHĨA Ý:

(1) Ý nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện mang hai ý nghĩa sau đây:
  • a. Vì cố chấp, các vị Tỳ kheo ở Cô Sâm Bi đã phạm lỗi tranh cãi nhau và chia rẽ: Vì cho rằng nhóm của mình theo Luật Tạng, hay theo Kinh Tạng, giỏi hơn nhóm kia, nên các vị Tỳ kheo mới sanh ra cãi vã để rồi khiến cho Tăng đoàn bị chia rẽ. Theo giới luật nhà Phật, kẻ gây sự chia rẽ trong Tăng đoàn, sẽ bị trục xuất; và khi mất đi, sẽ sa vào điạ ngục.

    b. Phản ứng của thiện nam, tín nữ đã thức tỉnh các vị Tỳ kheo ở Cô Sâm Bi: Khi các vị Tỳ kheo chia rẽ và tranh cãi nhau ồn ào, đức Phật đã khuyên can, nhưng họ vẫn cố chấp nên chẳng biết nghe theo. Đến khi các thiện nam, tín nữ thấy lỗi của họ, chẳng chịu tiếp tục cung dưỡng họ nữa, họ mới sáng mắt ra. Tỳ kheo là gương mẫu tu hành để cho dân chúng noi theo, nay lại bị dân chúng "dạy cho bài học về nhẫn nhục", nên các vị Tăng đành phải chịu khổ cực, thiếu thốn, trong suốt ba tháng mùa hè.
(2) Ý nghĩa của bài Kệ: Bài Kệ rất rõ ràng, chẳng có chữ nào khó, chứa đựng một sự thật vô cùng quan trọng: Cái chết đang rình sẵn, chờ đợi mọi người, chẳng sót một ai. Ai cũng biết là mình thế nào rồi cũng phải chết, thế mà lúc còn sống, cứ mãi lo tranh hơn thua nhau. Hơn nhau nơi lời nói nào có ích lợi chi lớn. Có biết đâu, đùng một cái Thần Chết đến, mọi việc đều buông xuôi! Lúc bấy giờ, nghiệp còn chưa dứt, phải chịu tái sanh trong vòng Luân hồi mãi mãi khổ sở triền miên. Thế nên, phải ngưng tranh cãi nhau ngay và lo đến việc tu hành cho thân tâm dứt nghiệp mà được giác ngộ và giải thoát.
HỌC TẬP:
(1) Học thuộc lòng bài Kệ nầy, và ôn lại bài Kệ số 005.

(2) Mỗi khi sắp cãi nhau với ai, nên nhớ lại: đừng tranh hơn thua nhau từ lời nói, mà phải biết Thần Chết đang chực sẵn kia, mình và người đang cãi với mình, chưa biết ai bị mời đi trước, thế thì còn mất thời giờ cãi vã nhau làm chi! Có ai cãi được với Thần Chết?


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

6. TÍCH CHUYỆN TRƯỞNG LÃO KHẢ LA
Vào một thời kia,đức Phật ngụ tại thành phố Sê Ta, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến chuyện hai anh em người buôn bán tên là Đại Khả La và Tiểu Khả La.

Hai anh em Khả La có dịp được nghe đức Phật giảng pháp ở thành phố Sê Ta, nơi họ trú ngụ. Đại Khả La hiểu được lời lẽ thâm sâu của đức Phật, nên mới thỉnh cầu đức Phật cho gia nhập Tăng đoàn. Người em là Tiểu Khả La cũng bắt chước anh, nhưng trong bụng lại nghĩ, hãy tạm tu trong một thời gian, rồi sẽ rủ anh trở về nhà mà hoàn tục.

Đại Khả La tu hành rất tinh tấn, thường đến nghĩa trang để quán tưởng về lẽ vô thường. Không bao lâu, Đại Khả La chứng đắc được đạo quả A La Hán. Bấy giờ, đức Phật và chư Tăng đang trú ngụ trong rừng Sim Sa Ba, gần thành phố Sê Ta. Các người vợ của Tiểu Khả La hay tin, mới chuẩn bị rước Phật và chư Tăng về nhà để dưng cơm cúng dường. Tiểu Khả La xin phép được về nhà trước để giúp lo sắp đặt chỗ ngồi cho đức Phật và chúng Tăng. Khi thấy chồng trở về, các bà vợ liền xin chồng cổi áo cà sa và mặc thường phục vào. Sau buổi lễ cúng dường, Tiểu Khả La ở lại nhà luôn.

Qua ngày hôm sau, các bà vợ cũ của Đại Khả La cũng muốn bắt chước mưu kế của các cô em bạn dâu là vợ của Tiểu Khả La, đến thỉnh đức Phật và chư Tăng về nhà cúng dường. Đại Khả La cũng theo chơn đức Phật về nhà cũ. Sau buổi lễ, Đại Khả La cũng lưu lại nhà, khi đức Phật và chư Tăng trở về tịnh xá. Bấy giờ, có một số tăng nhơn thắc mắc, tại sao Đại Khả La lại được phép ở lại nhà, và họ lo lắng rồi đây Đại Khả La cũng hoàn tục như người em. Lúc ấy, đức Phật mới bảo họ, hai anh em Khả La chẳng giống tánh nhau. Người em thì lười biếng, ham mê dục lạc, thường mong muốn có cơ hội để trở lại đời sống gia đình, còn người anh tu hành rất tinh tấn, dứt khoát với mọi ràng buộc ở thế gian.

Khi ấy ở nhà các bà vợ cũ muốn thay thường phục cho Đại Khả La, nhưng chẳng được, vì Đại Khả La, đã chứng đắc đạo quả, vận dụng thần thông, bay lên trên không và đáp xuống bên cạnh Phật khi Ngài vừa nói chuyện xong với các tăng nhơn còn thắc mắc về Đại Khả La.

Bấy giờ, đức Phật mới nói lên hai bài Kệ, như sau đây:
  • Ai chạy theo thú vui vật chất,
    Chẳng giữ gìn, kiểm soát giác quan,
    Chẳng điều độ việc uống ăn,
    Lại thêm lười biếng, chẳng năng lực gì,
    Bị Ma quân tức thì quật ngã,
    Như gió to nhổ cả cây mềm.
    (Kệ số 007)

    Ai khéo quán tấm thân bất tịnh,
    Khéo giữ gìn, chấn chỉnh các căn,
    Biết điều độ việc uống ăn,
    Vững tin Tam Bảo, siêng năng tinh cần,
    Ma nào khuấy, nếm phần thất bại,
    Như núi đá sao ngại gió to?
    (Kệ số 008)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:


- Các tên được Việt hóa cho dễ đọc:
  • Tiếng Việt = Tiếng Pali:

    - Đại Khả La = Mahakāla

    - Tiểu Khả La = Cūlakāla

    - Sê ta = Setabya

    - Sim Sa Ba = Simsapa.
- Hoàn tục: Hoàn = trở lại; tục = thế tục; đã đi tu rồi mà nay trở lại đời sống gia đình như trước.

- Vô thường: Vô = chẳng có; thường = thường hằng, luôn luôn như vậy hoài, chẳng bị hư hoại. Theo Lẽ Vô thường, thì chẳng có một sự vật nào trên thế gian nầy mà chẳng bị biến đổi, rồi suy hoại đi.

- Đạo quả: Đạo = con đường tu tập, đường lối tu hành; quả = quả vị, ngôi vị, khi tu hành đã thành công. Hai chữ đạo quả dịch từ chữ Pali là Magga (Đạo, con đường) và Phala (Quả, trái cây).

- Thường phục: Thường = thường ngày; phục = y phục, quần áo; thường phục ở đây là quần áo mặc lúc chưa đi tu.

- Chị em bạn dâu: Các người đàn bà làm vợ cho hai anh em ruột.

- Dục lạc: Dục = ham muốn; lạc = vui; thú vui. Dục lạc ở đây chỉ vào thú vui vật chất, do các giác quan mang lại, như ăn ngon, nghe hát...

- Giác quan: Giác = biết; quan = cơ quan, bộ phận. Ta có năm giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi và da trên thân.

- Điều độ: Giữ đúng chừng mực, không đi quá mức.

- Ma quân: Ma = loài Ma; quân = quân lính, quyến thuộc. Ở đây, chữ Ma quân có nghĩa là sự cám dỗ.

- Quán tấm thân bất tịnh: Quán = suy tưởng sâu xa về một vấn đề gì; thân bất tịnh = thân là tấm thân thể xác nầy; bất = chẳng; tịnh = trong sạch. Quán thân bất tịnh là suy tưởng về tấm thân vật chất nầy bên ngoài xem đẹp đẽ mà bên trong chứa nhiều chất dơ, như mủ, máu, đờm, dãi, nước tiểu, phẩn, v.v... Biết quán thân bất tịnh sẽ sanh ra nhàm chán, chẳng chạy theo thú vui vật chất của các giác quan trên thân nữa.

- Các căn: Căn = nơi phát sanh ra các cảm thọ và tư tưởng. Ta có năm giác quan, nhưng trong Phật học phân biệt đến sáu căn: nhãn căn (mắt), nhĩ căn (tai), tị căn (mũi), thiệt căn (lưỡi), thân căn (da trên thân) và ý căn (bên trong tâm).

- Tam Bảo: Tam = ba; bảo = vật quí báu. Tam Bảo là ba ngôi quí báu mà ta tìm về nương tựa:
  • a. Phật bảo tức là đức Phật;
    b. Pháp bảo tức là Giáo pháp của đức Phật đã giảng dạy và
    c. Tăng bảo tức là Tăng đoàn gồm các vị tu hành noi theo con đường của đức Phật.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện liên quan đến người đã xuất gia, nghĩa là những bực tu hành đã dứt bỏ mọi liên hệ với gia đình và ngoài xã hội. Tuy nhiên, đứng về phương diện của người Phật tử tại gia, chúng ta có thể tìm thấy các ý nghĩa sau đây:
  • a. Đi tu là việc khó, phải có đủ phước duyên mới xuất gia được: Hai anh em ông Khả La, một người đi tu luôn được, còn một người thì không, đó là vì quyết tâm của mỗi người khác nhau, một người đã dứt khoát cắt đứt sợi dây thân ái gia đình, một người còn ham mê các thú vui vật chất trong nhà. Người Phật tử trước khi quyết định xuất gia, phải xét cho cẩn thận xem lòng mình và hoàn cảnh mình có thuận tiện chưa.

    b. Thắng được sự quyến rũ là do quyết tâm: Trưởng Lão Khả La đã thắng được sự quyến rũ của các bà vợ cũ là do quyết tâm của Ngài chọn con đường giác ngộ và giải thoát. Còn ông Tiểu Khả La hoàn tục là vì ngã theo sự quyến rũ của các bà vợ; vả lại, khi đi tu, ông ta chỉ tính tu tạm một thời gian mà thôi, chưa dứt khoát hẳn với đời sống thế tục. Vào chùa tu trong một thời gian, rồi trở lại đời sống gia đình, với mục đích đền ơn cha mẹ và tạo cơ duyên tu hành cho kiếp sau, là việc đáng tán thưởng; ở các nước theo Phật Giáo nguyên thủy đều có tập tục nầy.

    c. Đức Phật biết chắc là Trưởng Lão Khả La sẽ trở lại chùa tu: Ngài biết chắc như thế, vì Ngài đã thấy rõ tánh tình và đạo hạnh của Trưởng Lão Khả La, người đã chứng đắc đạo quả A La Hán, mọi ham muốn đều đã dứt sạch.
(2) Ý nghĩa của hai bài Kệ: Bài Kệ số 007 ứng dụng cho Tiểu Khả La, bài sau chiếu vào Trưởng Lão Đại Khả La.
  • a. Những tật xấu khiến cho ta bị Ma quật ngã:

    - Ham thú vui vật chất (= ham mê dục lạc).
    - Chẳng kềm chế các giác quan, nhứt là mắt và tai (ham sắc đẹp, ham nghe lời khen, dụ dỗ).
    - Chẳng ăn uống điều độ (ham ăn ngon).
    - Lười biếng (thiếu sự cố gắng).
    - Chẳng năng lực gì (= sống buông lung, chẳng tinh tấn tu hành). Bị Ma cám dỗ, có nghĩa là mình hèn yếu, chẳng chống cự nổi với sự ham muốn.

    b. Những tánh tốt khiến cho ta khuất phục được Ma:

    - Quán thân bất tịnh (rồi nhàm chán thân dơ dáy, hết ham thú vui xác thịt).
    - Khéo diều phục các căn (chẳng chạy theo cảnh vật bên ngoài để bị quyến rũ).
    - Ăn uống điều độ (giữ gìn sức khoẻ, đủ sức chống lại mọi cám dỗ).
    - Vững tin ngôi Tam Bảo (tạo thêm sức mạnh tinh thần) và,
    - Siêng năng tinh cần (khiến cho sự lười biếng, ham vui bị khuất phục). Ma quân đến phá, bị thất bại, có nghĩa là chiến thắng được sự cám dỗ bên trong lòng mình.

    c. Hình ảnh do hai bài Kệ gợi lên:

    - Người ham dục lạc như cây mềm, bị ngọn gió to (sự cám dỗ như Ma đến phá) nhổ đứt cả gốc ngọn.
    - Người biết dứt bỏ dục lạc như vách đá kiên cố, gió to (của Ma quân đến khuấy) cũng chẳng làm gì nổi.
HỌC TẬP:
(1) Học thuộc lòng hai bài Kệ số 007 và số 008.

(2) Tập dứt bỏ từ từ năm tật xấu nói trong bài Kệ số 007: bắt đầu bằng việc ăn uống có điều độ, như sau bữa cơm chiều, trước khi đi ngủ, chẳng ăn quà bánh, nếu có đói thì uống ly sữa nóng cũng đủ. Kế đó, đến việc kiểm soát các giác quan, bắt đầu bằng hai con mắt, như nghe nói có cái gì lạ, đẹp, đừng cố chạy đi tìm xem. Còn các tật khác, xin hãy tự tìm thấy và tự mình bỏ lấy từ từ.

(3) Tập luyện thêm những đức tánh tốt nói trong bài Kệ số 008: nếu tập dứt bỏ được các thói xấu kể trong bài Kệ số 007, thì đương nhiên được các tánh tốt nói trong bài Kệ số 008. Riêng về vững tin ở Ngôi Tam Bảo, thì phải siêng đi chùa, đọc kinh và niệm Phật. Thông thường, người ta chờ xem lời cầu xin, khi lạy Phật, có linh nghiệm không rồi mới tin ở Phật, ở Pháp và ở Tăng. Đó là niềm tin chưa trọn vẹn, tin mà còn đòi cho có được phần thưởng! Một niềm tin trong sạch chẳng trông đợi ơn huệ nào của ai.Tin ở Phật, vì Phật là bực Đại giác ngộ. Tin ở Pháp, vì Pháp dạy ta đường hay nẻo phải. Tin ở Tăng, vì Tăng đang đi theo con đường chơn chánh của Phật. Thế thôi! Đừng chờ mong được gì rồi mới tin!

(4) Có Ma hay chẳng có Ma? Theo kinh sách thì có Ma:
  • a. Tử ma, là thần thức người chết vất vưởng, lang thang.
    b. Ngũ ấm ma là những khổ não do năm ấm trong thân tạo nên.
    c. Phiền não ma là những phiền não do tham, sân, si gây ra và
    d. Thiên ma tức là Ma Ba Tuần ở trên cung Trời Tha hóa Tự tại thường hiện xuống cám dỗ.
[/list] Nhưng nếu ta tin rằng mình đủ sức chống lại sự cám dỗ của lòng mình, thì việc có Ma hay không, có hề gì đâu?


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

7. TÍCH CHUYỆN VỀ ĐỀ BÀ ĐẠT ĐA
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại Kỳ Viên Tự, nước Xá Vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến chuyện Đề Bà Đạt Đa mặc áo cà sa.

Vào độ ấy, hai vị đại đệ tử của Đức Phật là các Tôn giả Xá Lợi Phất và Đại Mục Kiền Liên, từ Xá Vệ đến thành Vương Xá, để giảng đạo. Dân chúng ở thành Vương Xá tổ chức một lễ cúng dường, dưng thực phẩm lên hai vị Tôn giả và chư Tăng tháp tùng. Có một người tín chủ, nhơn dịp nầy, đem một khúc vải quí, giá đáng ngàn vàng, trao cho ban tổ chức, với lời dặn: đem bán đi để lấy tiền sung vào quỹ, nếu quỹ còn thiếu, bằng không thì đem vải dưng cho vị tỳ kheo nào mà ban tổ chức nhận thấy xứng đáng mặc vải ấy. Vì quỹ còn dư tiền, nên ban tổ chức đem dưng cho một vị tỳ kheo. Hai tôn giả Xá Lợi Phất và Đại Mục Kiền Liên sau đó rời Vương Xá trở về Xá Vệ, nên ban tổ chức mới đem trao cho Tôn giả Đề Bà Đạt Đa là người thường trú ở thành Vương Xá. Tôn giả Đề Bà Đạt Đa liền đem cắt may thành áo cà sa, và khoác lên đi đó đây với niềm hãnh diện.

Có một vị Tăng ở Vương Xá nhìn thấy Tôn giả Đề Bà Đạt Đa có vẻ khoe khoang về chiếc áo quí, khi đến đảnh lễ Phật, mới bạch cùng đức Phật. Đức Phật bảo, đấy chẳng phải là lần thứ nhứt Đề Bà Đạt Đa mặc chiếc áo cà sa mà mình chẳng xứng đáng mặc. Rồi Đức Phật mới kể lại câu chuyện xưa về Đề Bà Đạt Đa như sau:

Vào một thời xa xưa, Đề Bà Đạt Đa là một người thợ săn voi trong rừng. Trong khu rừng ấy có một đàn voi đông đảo, mỗi khi thấy một vị Bích chi Phật đi ngang qua, chúng liền qùi xuống đảnh lễ. Đề Bà Đạt Đa núp trong lùm cây, thấy thế, liền nghĩ ra một mưu kế để săn voi. Nhơn lúc vị Bích chi Phật cổi áo ra tắm bên bờ suối, Đề Bà Đạt Đa liền lấy trộm chiếc áo cà sa. Hôm sau, y lấy áo cà sa khoác lên mình, dấu mũi chiã nhọn bên trong, đi vào rừng. Đàn voi ngỡ là vị Bích chi Phật đi đến, liền quì xuống. Đề Bà Đạt Đa dễ dàng phóng chĩa ra giết thú. Ngày qua ngày, đàn voi càng thưa lần vì số voi bị giết, khiến cho con voi đầu đàn ngạc nhiên, và theo trông chừng mỗi khi có người vào rừng. Khi thấy voi cùng đàn bị phóng chĩa, voi đầu đàn vượt lên trước, dùng vòi quật ngã... người thợ săn gian trá. Nhìn thấy chiếc áo cà sa trên mình người thợ săn, voi đầu đàn ngừng lại, tha chết cho y.

Kể đến đây, đức Phật cho biết, vào thời ấy, con voi đầu đàn đó chính là tiền thân của đức Phật, và ngày nay Đề Bà Đạt Đa khoe khoang chiếc áo cà sa, đó chẳng phải là lần thứ nhứt mà một người chưa xứng đáng lại lạm dụng y phục của nhà tu hành chơn chánh.

Rồi đức Phật mới đọc lên hai bài Kệ sau đây:
  • Kẻ nào tâm vướng điều phiền não,
    Khoác lên thân chiếc áo cà sa,
    Thiếu kềm chế, chẳng thật thà,
    Còn chưa đáng mặc cà sa áo vàng.
    (Kệ số 009)

    Kẻ nào tâm sạch điều phiền não,
    Thân vững vàng, đạo hạnh cao xa,
    Biết kềm chế, lại thật thà,
    Là người xứng đáng cà sa mặc vào.
    (Kệ số 010)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:

- Các tên được Việt hóa cho dễ đọc:
  • Tiếng Việt = Tiếng Pali

    - Vương Xá = Rājagaha.

    - Xá Lợi Phất = Sariputta.

    - Đại Mục Kiền Liên = Maha Moggallāna.

    - Đề Bà Đạt Đa = Devadatta.
- Đại đệ tử: Đại = lớn; đệ = em; tử = con; ngưòi học trò lớn, người đệ tử lớn và giỏi. Đức Phật Thích Ca có mười người đại đệ tử, tôn giả Xá Lợi Phất là người trí huệ bực nhứt, tôn giả Mục Kiền Liên, thần thông đệ nhứt.

- Tôn giả: Tôn = tôn trọng; giả = người; người đáng tôn kính.

- Tháp tùng: Tháp = đi theo, gắn vào; tùng = theo; đi theo ai.

- Tín chủ: Tín = tin-tưởng; chủ = chủ; người tin Đạo, thường dưng cúng lễ vật vào chùa.

- Quỹ: Tiền trong hội, để chi phí chung cho hội.

- Thường trú: thường = luôn luôn ở đấy; trú = ở, ngụ. Vị Tăng thường trú tại môt chùa là vị Tăng ở luôn tại đó, chẳng đi chỗ khác.

- Bích chi Phật: Tiếng Pali là Paccekabuddha, bực tu hành đã giác ngộ và giải thoát như Phật, nhờ tu Tứ Diệu Đế, vào thời chẳng có Phật ra đời. Bích chi Phật chỉ tự mình giác ngộ mà chẳng đi giác tha, nghĩa là chẳng thuyết pháp, giảng dạy cho kẻ khác để họ cùng tu theo.

- Tiền thân: Tiền = trước kia; thân = thân hình; thân trước kia vào một đời xa xưa, trong cảnh Luân hồi.

- Lạm dụng: Lạm = dùng quá mức, chẳng phải của mình mà lại lấy dùng; dụng = dùng; lấy dùng quá mức, chẳng xứng đáng.

- Chơn chánh: Chơn = đúng như sự/thật; chánh = ngay thẳng. Nhà tu hành chơn chánh là người tu hành đàng hoàng, giữ đúng giới luật

- Phiền não: Phiền = buồn phiền; não = áo não, đau buồn. Trong bài Kệ, chữ phiền não nói đến ba món độc tham, sân, si làm cho tâm chẳng trong sạch mà sanh ra phiền não.

- Cà sa: Tiếng Pali là Kāsāya, áo màu vàng của các tu sĩ Phật giáo.

- Thật thà: Tánh ngay thẳng, chẳng có gian trá.

- Đạo hạnh: Đạo = đường lối tu hành; hạnh = tánh hạnh.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện mang các ý nghĩa sau đây:
  • a. Khi được biếu, chẳng nên nhận ngay nếu thấy mình còn chưa xứng đáng: Khúc vải được đem dâng cúng nhơn dịp hai vị đại đệ tử của Phật đến Vương Xá thuyết pháp. Nếu tôn giả Đề Bà Đạt Đa là người biết tự trọng thì phải hỏi rõ lý do và khước từ tặng phẩm. Đằng nầy, tôn giả đã nhận lấy, lại đem may áo cà sa quí để khoe khoang với mọi người, đó là điều đáng trách. Vì thế, Đức Phật mới bảo là chẳng xứng đáng mặc.

    b. Khoác áo cà sa, đội lốt nhà tu để gạt đàn voi, mắc hai tội:
    • (a) Lạm dụng y trang của nhà tu.
      (b) Lập mưu gian để hại kẻ khác.
    Xét theo giới luật của người tu tại gia, hai tội trạng ấy tương đương với tội trộm: mình chẳng phải nhà tu mà lạm dụng mặc áo nhà tu; dùng áo nhà tu để gạt gẫm kẻ khác nhẹ dạ tin mình là nhà tu. Người thợ săn Đề Bà Đạt Đa đã vướng hai tội ác đó.

    Trong lịch sử Phật học, Đề Bà Đạt Đa còn phạm nhiều tội khác nữa. Vào lúc đức Phật còn tại thế, Đề Bà Đạt Đa tái sanh vào dòng quí tộc, vốn là anh ruột của Tôn giả A Nan, và là em chú bác với Thái tử Tất Đạt Ta. Khi đi tu, Đề Bà Đạt Đa gây chia rẽ trong Tăng đoàn, đòi đức Phật nhường quyền cho y cai quản Tăng đoàn và đã ba lần mưu-sát Đức Phật. Theo Kinh sách, vì phạm các tội ác đó, Đề Đà Đạt Đa phải sa vào điạ ngục.

    c. Lòng nhơn từ của con voi đầu đàn: Khi sắp quật chết người thợ săn, để cho bầy voi khỏi bị sát hại nữa, con voi đầu đàn nhìn thấy chiếc áo cà sa, nên tha mạng cho Đề Bà Đạt Đa. Điều nầy cho thấy tấm lòng từ bi của đức Phật đã có từ trước khi sanh ra làm người.
(2) Ý nghĩa của hai bài Kệ:
  • a. Ba điều xấu chẳng xứng đáng mặc áo cà sa:

    - Tâm còn các phiền não tham, sân, si.
    - Thiếu kềm chế, tức là chẳng tuân hành giới luật.
    - Chẳng thật thà, tức là gian dối, thiếu sự ngay thẳng.

    b. Năm điều tốt khiến cho xứng đáng mặc áo cà sa:

    - Tâm sạch phiền não, chẳng còn khoe khoang.
    - Thân vững vàng đặt mình trong giới luật.
    - Đạo hạnh cao xa, tức là chơn chánh tu hành.
    - Biết kềm chế thân tâm.
    - Thật thà, ngay thẳng chẳng hề gian dối.
HỌC TẬP:
(1) Hai bài Kệ liên quan đến người xuất gia, Phật tử tại gia học thuộc lòng cũng tốt.

(2) Mỗi khi mặc áo tràng đi chùa, phải biết giữ gìn tư cách và lời nói, cho xứng đáng với chiếc áo mình mặc. Điều cần nhứt là trong tâm lúc ấy phải dẹp bỏ những tư tưởng khoe khoang và ganh ghét.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

8. TÍCH CHUYỆN HAI TÔN GIẢ XÁ LỢI PHẤT VÀ MỤC KIỀN LIÊN
Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại tịnh xá Trúc Lâm ở gần thành Vương Xá, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến vị thầy ngoại đạo của hai tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên.

Khi xưa, tôn giả Xá Lợi Phất quê ở làng Ưu Ba Thích và tôn giả Mục Kiền Liên ngụ tại làng Cô Ly Ta. Cả hai lúc bấy giờ còn là thanh niên, đi xem diễn trò ảo thuật; họ nhận thấy được sự huyễn hoá của mọi sự vật, nên quyết tâm đi tìm thầy để học đạo, hầu được giải thoát. Họ tìm đến vị du sĩ khổ hạnh ngoại đạo tên là San Dà Da ở Vương Xá, để thọ giáo. Nhưng cả hai chẳng thoả mãn về giáo lý của vị tu sĩ nầy, nên mới lên đường đi khắp nước để tầm sư học Đạo. Khi họ trở về quê cũ, vẫn chưa tìm được thầy, nên họ chia tay nhau, hẹn với nhau rằng, hễ ai gặp đúng được Thầy thì sẽ mách cho người kia cùng theo học.

Một hôm, tôn giả Xá Lợi Phất gặp được Trưởng lão Át Bệ và được Ngài đọc cho nghe bài Kệ, như sau:

(Bằng Hán văn, dịch từ chữ Phạn)
  • Chư pháp nhơn duyên sanh,
    Diệc tùng nhơn duyên diệt.
    Ngã Phật Đại Sa môn
    Thường tác như thị thuyết.

    (Tạm dịch ra Việt văn)
    Muôn pháp do nhơn duyên sanh
    Cũng do nhơn duyên mà diệt.
    Thầy ta, Phật Đại sa môn
    Thường nói rõ đúng như thế.
Nghe xong bài Kệ, tôn giả Xá Lợi Phất thấu rõ nghĩa thâm sâu, nên chứng đắc ngay đạo quả Tu đà hườn. Rồi đúng như lời ước hẹn trước kia, tôn giả Xá Lợi Phất đến gặp bạn mình là tôn giả Mục Kiền Liên, báo cho bạn biết mình đã chứng đạo quả Tu đà huờn và đọc lại bài Kệ trên cho bạn nghe, Nghe xong, tôn giả Mục Kiền Liên cũng chứng đắc đạo quả Tu đà hườn. Bấy giờ, cả hai nhớ đến vị thầy cũ là San Dà Da, mới tìm đến mời thầy cùng đi đến gặp Đức Phật. Nhưng San Đà Da từ khước.

Hai tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên liền cùng với năm trăm đồ đệ lên đường đến gặp đức Phật và xin xuất gia để gia nhập Tăng đoàn. Bảy ngày sau khi được làm lễ xuất gia, tôn giả Mục Kiền Liên chứng đắc được đạo quả A la hán, còn tôn giả Xá Lợi Phất cũng chứng đắc được đạo quả ấy vào nửa tháng sau. Đức Phật liền chọn hai vị tôn giả làm vị tỳ kheo cầm đầu chúng Tăng.

Hai vị đại đệ tử liền bạch lại với đức Phật việc thầy cũ của họ là San Dà Da, đã nói với họ, khi khước từ lời mời của họ để đến qui y với đức Phật. Ông ta nói: "Ta đã từ lâu làm thầy dạy Đạo cho rất nhiều đệ tử. Nay trở lại làm học trò, thì cũng như cái lu to trở thành cái ly nhỏ vậy. Thế gian rất hiếm người hiền trí, mà số người còn khờ dại lại rất đông đảo. Hãy để những người hiền trí đi đến với Đại Sa môn Gotama, và hãy để những kẻ khờ tiếp tục đến với ta. Thôi, hai trò cứ đi theo con đường đã chọn!"

Nghe xong, đức Phật liền vạch rõ sự tự phụ rỡm của San Dà Da đã khiến cho ông ta chẳng nhìn thấy được sự thật, ông ta lấy chỗ sai làm chỗ đúng, nên chẳng bao giờ đi đến sự thật được.

Rồi đó đức Phật đọc lên hai bài Kệ, như sau:
  • Họ lầm chỗ sai, làm chỗ đúng;
    Điều đúng đây, bảo cũng là sai.
    Họ xa Chơn lý dài dài,
    Bởi đem tà kiến mà cài vào tâm.
    (Kệ số 011)

    Họ xem đúng, đấy là chỗ đúng,
    Điều nầy sai, bảo cũng là sai.
    Họ gần Chơn Lý tuyệt vời,
    Bởi theo chánh kiến sáng ngờì trong tâm.
    (Kệ số 012)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Các tên được Việt hóa cho dễ đọc:
  • Tiếng Việt = Tiếng Pali.

    - Vương Xá: Rājagaha.

    - Trúc Lâm: Veluvana.

    - Ưu Bà Thích: Upatissa.

    - Cô Ly Ta: Kolita.

    - San Dà Da: Sanjaya.

    - Át Bệ: Assaji.
- Ảo thuật: Ảo = xem như thật mà chẳng phải thật; thuật = sự khéo léo. Ảo thuật là diễn trò lạ thường xem như thật mà là giả, như biến cái khăn thành con chim bồ câu, v.v.

- Huyễn hoá: Huyễn = ảo, xem như thật mà chẳng có thật, ví dụ như bóng trong tấm kiếng, hình trên mặt nước, v.v...; hoá = biến hoá, thay đổi, vô thường. Sự vật đều huyễn hoá có nghĩa là mọi sự vật trên thế gian nầy, tuy có đó, nhưng chẳng thường còn mãi, chẳng bền chắc, có đó rồi mất đó.

- Du sĩ: Ở đây, có nghĩa là tu sĩ chẳng có nơi trú ngụ, nay đây mai đó, đi lang thang, sống đời khổ hạnh, cầu giải thoát.

- Ngoại đạo: Ngoại = ngoài; đạo = đạo; ở đây nói ngoài Đạo Phật. Phật học dùng chữ ngoại đạo để chỉ đến các đạo khác hơn là đạo Phật.

- Át Bệ: Vị Trưởng Lão nầy là một trong năm người đầu tiên được nghe Phật giảng Kinh Chuyển Pháp Luân tại vườn Lộc Uyển, gần thành Ba La Nại, khi ngài vừa mới thành đạo. Vốn cùng với ông Kiều Trần Như, là bạn đạo cũ của thái tử Tất Đạt Ta.

- Nhơn duyên: Lý do, nguyên nhơn tạo nên; nhơn là chánh, còn duyên là phụ, cùng gây nên hậu quả.

- Diệ[: Tiêu mất đi.

- Đại Sa môn: Đại = lớn; Sa môn = phiên âm chữ Phạn Samona, có nghĩa là tu sĩ Phật giáo. Theo nghĩa chuyên môn, Sa môn có ba nghĩa:
  • a. Cần giả (= siêng làm điều thiện).
    b. Tức giả (= chăm dứt bỏ điều ác) và
    c. Bần giả (= cam chịu sự nghèo thiếu).
- Tu đà hườn: Tiếng Pali là Sotāpatti, nghĩa là người đã bước vào dòng nước Thánh (chữ Hán Việt là Nhập Lưu), chỉ còn phải tái sanh bảy lần nữa mà thôi; nên còn gọi là Thất Lai (thất = bảy; lai = đến). Đây là quả vị đầu tiên trong hàng Thanh văn (= các đệ tử sống gần bên Phật, nghe giảng kinh, tu theo Tứ Diệu Đế mà được giác ngộ và giải thoát).

- A la hán: Tiếng Pali là Arahant, quả vị thứ tư, cao nhứt trong hàng Thanh văn. Theo nghĩa chuyên môn, A la hán có nghĩa là:
  • a. Sát tặc (= giết giặc, đây là giặc phiền não, dứt phiền não).
    b. Ứng cúng (= xứng đáng nhận sự cúng dường của người và Trời).
    c. Vô sanh (chẳng còn tái sanh nữa, chứng đắc Niết bàn).
- Bạch: thưa với người trên. Các đệ tử khi thưa với Phật, gọi là Bạch Thế Tôn.

- Qui y: Qui = quay về; y = nương tựa. Qui y là tìm về nương tựa tinh thần, dựa theo đó để tìm đường giải thoát khỏi cảnh khổ của Luân hồi sanh tử. Tam Qui Y là nương tựa vào Tam Bảo (= ba ngôi báu: Phật, Pháp và Tăng).

- Gotama: Chữ Hán Việt dịch là Cồ Đàm, họ của đức Phật Thích Ca

- Tự phụ rỡm: Tự = chính mình; phụ = xem hơn; rỡm = giả dối. Tự phụ rỡm có nghĩa là tự cao, kiêu căng, làm phách.

- Chơn Lý: Sự thật, còn gọi là Chơn Như.

- Tà kiến: Tà = xiêng xéo, chẳng đúng; kiến = ý kiến; ý kiến sai

- Chánh kiến: Chánh = chơn chánh, đúng đắn. Chánh kiến trái ngược với Tà kiến.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện mang các ý nghĩa sau đây:
  • a. Hai tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, mặc dầu còn trẻ, đã sớm hiểu được lẽ huyễn hoá của mọi sự vật trên thế gian: Khi đi xem trò ảo thuật, thấy sự biến đổi giả dối và nghĩ đến sự vật ở đời cũng thế, có đó rồi mất đó, nên họ mới đi tìm Sự thật để giải thoát ra khỏi cảnh đau khổ của thế gian. Sự huyễn hóa của sự vật ở thế gian, trong Phật học gọi là Lẽ Vô thường; sâu hơn nữa là Lý Vô ngã của muôn pháp. Nói cách dễ hiểu, Vô thường là chẳng bền vững; Vô ngã là tánh rỗng rang.

    b. Bài Kệ do Trưởng Lão Át Bệ đọc, chứa một Sự thật vô cùng quan trọng: Muôn pháp đều do NHƠN DUYÊN mà SANH và DIÊT. Nói cho dễ hiểu, Sự thật đó là LÝ DUYÊN SANH, nghĩa là bất cứ sự vật gì trên trời đất cũng do nhiều sự vật khác kết hợp lại với nhau mà thành: đó là do nhơn duyên mà sanh ra; rồi khi các sự vật khác hết kết hợp vớí nhau nữa, thì sự vật đó phải mất đi: đó là do nhơn duyên mà diệt mất. Chớ chẳng phải do một đấng thần linh nào, hay Thượng đế nào, tạo ra và diệt đi cả.
Xin phân tách từng câu Bài Kệ Nhơn Duyên do ngài Át Bệ đọc:
    • (a) Muôn pháp do nhơn duyên sanh: Tất cả mọi sự vật trên thế gian đều do nhơn duyên kết hợp với các sự vật khác mà thành. Phải hiểu ngầm là chẳng phải do một vị nào đứng tạo ra cả.

      Thí dụ: Mưa xuống là do sức nóng của mặt trời làm nước bốc hơi, bay lên cao, gặp khí lạnh, đông lại rớt xuống thành mưa. Chớ chẳng phải do Ông Trời hay Long Vương nào phun nước. Vậy, nhơn duyên tạo nên mưa là sức nóng của mặt trời và khí lạnh ở trên cao.

      (b) Cũng do nhơn duyên mà diệt: Chẳng có một vật nào trên thế gian mà tự có một mình được, phải do nhiều vật khác kết hợp lại mà thành; nay nếu các yếu tố bên trong thôi kết lại với nhau thì vật ở bên ngoài phải tan rã. Đó là do nhơn duyên mà diệt. Phải hiểu ngầm là chẳng có một vị nào đứng ra làm cho tiêu diệt cả.

      Thí dụ: Nấu nướng bất cẩn để lửa bắt cháy vào vách, gặp gió thổi, cháy thiêu căn nhà, chỉ còn gạch ngói, than củi ngổn ngang. Đó là do nguyên nhơn bất cẩn, để lửa bén vào vách, khiến cháy mất ngôi nhà. Chớ chẳng phải có Bà Hỏa nào đến đốt cháy nhà cả.

      (c) Thầy ta, Phật Đại Sa môn: Đức Phật Thích Ca là thầy, giảng dạy Kinh Chuyển Pháp Luân cho năm anh em ông Kiều Trần Như, trong đó có ngài Át Bệ. Câu kệ nầy có nghĩa là lời nói ở hai câu Kệ trước là lời nói của đức Phật, vị tu hành đã hoàn toàn giác ngộ và giải thoát.

      (d) Thường nói rõ đúng như thế: Ý muốn nói, Sự thật nói trong bài Kệ, là một Sự thật đúng đắn, được nói rõ ràng, cần phải tin theo.

      Hiệu quả của bài Kệ là hai tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, khi nghe hiểu xong, liền chứng đắc quả vị Tu đà hườn. Nói cách khác, ai nghe hiểu được bài Kệ là đã bước đúng vào con đường của đạo Phật.
  • c. Thái độ tự phụ của San Dà Da đáng trách: đã làm thầy nhiều người rồi, nay chẳng lẽ trở lại làm học trò. Chẳng biết rằng sự hiểu biết minh mông, cần phải học hỏi thêm, sao lại để cái danh làm thầy giữ mình ở mãi trong sự ngu tối? Thái độ ngoan cố nầy đáng trách, vì như lời của đức Phật, ông ta lấy chỗ sai làm chỗ đúng, nên chẳng bao giờ đi đến Sự thật được.

    Nhưng lời lẽ của Sàn Dà Da có vẻ thật tình đôi chút: "Hãy để người hiền trí đến với Đại Sa môn Gotama, và hãy để những kẻ khờ tiếp tục đến với ta", cũng còn "khá" hơn các vị thầy tu ở đây, khi đệ tử bỏ đi chùa khác thì trách là "đi tu dạo", hoặc nguyền rủa học trò cũ bỏ đi là "sẽ bị đọa vào điạ ngục".
(2) Ý nghĩa hai bài Kệ số 011 và 012:
  • a. Bài Kệ số 011 nói về "tà kiến":

    Tà kiến là:
    • - Lấy chỗ sai làm chỗ đúng;
      - Điều đúng đây, bảo cũng là sai.
Tà kiến có rất nhiều, nhưng quan trọng nhứt về phương diện giải thoát, có hai tà kiến khiến con người phải trôi lăn mãi trong Luân hồi:
    • (a) Thường kiến: cho rằng con người có một linh hồn bất diệt, khi chết đi, linh hồn ấy sẽ tái sanh lại làm một người khác. Ai theo tà kiến nầy thì chẳng lo tu tập, cứ thọ hưởng các thú vui vật chất, vì nào có tội phước gì đâu, rồi sẽ được sanh lại làm người kia mà.

      (b) Đoạn kiến: cho rằng con người hễ chết đi là hết, chẳng còn gì cả; vậy ngay khi còn sống, hãy mau mau thọ hưởng, tu tập làm chi cho khổ tấm thân.
    b. Bài Kệ số 012 nói về "chánh kiến": Chánh kiến còn gọi là chánh tri kiến (tri = biết; kiến = thấy; ý kiến), trái ngược với tà kiến. Sự thấy biết đúng đắn nầy vốn có sẵn trong tâm thanh tịnh của mọi người, nhưng vì con người thường ôm ấp những ý kiến sai lầm, những tin tưởng dị đoan, những thành kiến cố chấp, cho nên chánh kiến bị che mờ.
Hai bài Kệ nói: "Bởi đem tà kiến mà CÀI vào tâm", và "Bởi theo chánh kiến SÁNG NGỜI trong tâm", ý muốn nói là tà kiến ở bên ngoài, tại mình dại dột đem nó mà "cài" dính vào tâm mình, khiến cho nó che mờ Sự thật mình chẳng thấy được. Còn chánh kiến, vốn có sẵn trong tâm thanh tịnh, luôn luôn rạng chiếu "sáng ngời" trong tâm nhưng tại mình chẳng lưu ý tới nó và nhứt là tại mình để cho tà kiến che mờ nó đi.
HỌC TẬP:
(1) Học thuộc lòng hai bài Kệ: Nếu khi học, để ý đến chỗ nào nói đến tà kiến, chỗ nào nói đến chánh kiến, thì mau thuộc hơn. Đặc biệt lưu ý đến chữ "cài vào tâm" và "sáng ngời trong tâm", để biết chận đứng tà kiến và làm cho chánh kiến rạng chiếu lên. Con đường giải thoát bằng Trí Huệ của Đạo Phật bắt đầu bằng hai bài Kệ nầy: nên học cho kỹ.

(2) Làm sao biết chắc đó là điều đúng, đấy là điều sai? Thông thường, ai cũng có sẵn lý trí để phân biệt được đúng với sai. Nhưng khi gặp những điều mà mình chẳng đủ sức phán đoán, phải thưa hỏi các vị tu hành chơn chánh, các thiện tri thức, tra cứu các Kinh sách.

(3) Làm sao biết phán đoán cho chắc? Tiêu chuẩn để xét xem đâu là điều tà, đâu là điều chánh: điều tà có hại cho mình, cũng có hại cho người; còn điều chánh phải vừa có lợi cho mình vừa có lợi cả cho người nữa. Về phương diện giải thoát, điều nào theo đúng Chánh-pháp của Đức Phật là chánh tri kiến, còn điều nào trái ngược với Chánh-pháp, đó là tà tri kiến. Vì thế, khi tụng đọc Kinh kệ, phải hiểu cho rõ nghĩa thâm sâu cùng cách ứng dụng lời Kinh vào đời sống hằng ngày.

(4) Chánh kiến đứng đầu trong Bát Chánh Đạo. Bát Chánh Đạo là con đường giải thoát, đưa đến ngôi vị Thánh, nên còn được gọi là Thánh đạo:
  • a. Chánh kiến.
    b. Chánh tư duy.
    c. Chánh ngữ.
    d. Chánh mạng.
    e. Chánh nghiệp.
    f. Chánh tinh tấn.
    g. Chánh niệm.
    h. Chánh định.
Nếu nói theo Tam học Giới, Định, Huệ, thì Chánh kiến và Chánh Tư Duy thuộc về Huệ học, cái học giúp ta mở rộng Trí Huệ sáng ngời. Và nhờ THÂN giữ Giới, mà TÂM được an Định, nên Trí Huệ mới sáng ngời lên.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

9. TÍCH CHUYỆN TÔN GIẢ NAN ĐÀ
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại Kỳ Viên Tự, nước Xá Vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến chuyện Tôn giả Nan Đà, em họ của đức Phật, người xuất gia ngay trước khi làm lễ thành hôn.

Lúc bấy giờ, đức Phật đến ngụ tại tịnh xá Trúc Lâm, gần thành Vương Xá. Vua cha là quốc vương Tịnh Phạn sai nhiều sứ giả đến mời đức Phật trở về thành Ca Tỳ La Vệ là nơi ngài đã sống qua trước khi thành Đạo. Đức Phật mới cùng các vị tỳ kheo, phần đông đã chứng đắc quả vị A la hán, rời Trúc Lâm trở về thăm quê hương. Khi đến ngoài thành Ca Tỳ La Vệ, ngày đầu tiên, đức Phật giảng pháp cho những thân nnhơn của ngài tụ tập nơi đây để chào đón ngài. Qua ngày thứ hai, đức Phật khi đi vào thành Ca Tỳ La Vệ, nói lên hai câu đầu của bài Kệ (bài số 168):
  • "Hãy hăng hái và đừng phóng dật
    Mà lãng xao hạnh khất sĩ nầy
    ..."
khiến cho vua Tịnh phạn nghe xong, chứng được quả vị Tu đà hườn.

Khi vừa đến hoàng cung, đức Phật nói tiếp hai câu đầu của bài Kệ (bài số 169):
  • "Đừng theo tà hạnh mà phóng dật
    Hãy nghiêm trì hạnh khất sĩ nầy
    ..."
khiến cho vua cha nghe xong, liền chứng được quả vị Tư đà hàm.

Sau bữa cơm trưa, đức Phật kể lại một tiền kiếp của các đức Phật, và có lời khen ngợi đến các đức tánh của công chúa Da Du Đà La là mẹ của Tôn giả La Hầu La.

Đến ngày thứ ba là lễ thành hôn của hoàng tử Nan Đà. Đức Phật đến trước cửa dinh để khất thực, hoàng tử Nan Đà ra tiếp đón, đức Phật lẵng lặng trao bình bát ấy cho hoàng tử, và quay đi. Hoàng tử Nan Đà tay cầm bát, chẳng biết phải làm sao, mới bước đi theo chơn đức Phật. Cô dâu là công chúa Dà Na vội chạy theo chú rể, khóc gọi hoàng tử Nan Đà trở lại. Nhưng khi đến Tịnh xá, hoàng tử Nan Đà lại được Phật thâu nhận vào làm tỳ kheo.

Khi đức Phật và đoàn tùy tùng trở về Kỳ Viên Tự, bấy giờ tỳ kheo Nan Đà cảm thấy đời sống tu hành thật là lạt lẽo, nhớ đến các thú vui ở Hoàng cung khi trước, trong tai còn văng vẳng tiếng kêu khóc, van lơn của cô dâu là công chúa Dà Na mong "chàng" sớm trở lại.

Biết rõ tâm trạng của Nan Đà, đức Phật liền dùng thần thông khiến cho tôn giả Nan Đà thấy được cảnh Trời Đao Lợi, với các nàng Thiên nữ còn đẹp hơn công chúa Dà Na bội phần. Đức Phật lại còn hứa, nếu Nan đà gắng côngtu tập theo Chánh pháp, sẽ giúp Tôn giả được kết bạn với các nàng tiên đó. Bấy giờ, các vị tỳ kheo khác theochế nhạo Tôn giả Nan Đà, là đi tu như người đi làm mướn mong được trả tiền công vậy. Tôn giả Nan Đà cảm thấy hổ thẹn, nên mới tìm nơi thanh vắng, nỗ lực tu tập theo Chánh pháp, gắng sức hành Thiền. Chẳng bao lâu, tôn giả chứng đắc quả vị A la hán. Bao nhiêu các sự thèm khát về thú vui vật chất đều được tiêu tan, và cùng theo đó mà giải kết lời hứa của Phật sẽ giúp Tôn giả kết duyên với các nàng Thiên nữ.

Các vị tỳ kheo khác vẫn tưởng tôn giả Nan đà còn chưa tìm thấy thích thú trong đời sống tu hành, nên lại hỏi Tôn giả, độ rày như thế nào. Tôn giả bảo, bây giờ chẳng còn ham các thú vui nhục dục, chẳng còn thiết gì đến đời sống gia đình nữa. Các vị Tỳ kheo ngờ rằng Tôn giả chưa nói lên sự thật, nên vào trình với đức Phật. Đức Phật liền bảo họ rằng, Tôn giả Nan Đà tánh tình trước kia cũng tựa như một ngôi nhà vụng lợp khiến cho bị mưa dột, nhưng nay trở thành một căn nhà khéo lợp, các khát vọng chẳng còn có cách nào mà len lỏi vào được.

Rồi, đức Phật liền nói lên hai bài Kệ, như sau:
  • Nhà vụng lợp, mưa xuyên qua mái;
    Tâm vụng tu, tham ái len vào.
    (Kệ số 013)

    Nhà khéo lợp, mưa rào chẳng dột;
    Tâm khéo tu, chận được ái tham.
    (Kệ số 014)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
Các tên được Việt hóa cho dễ đọc:
  • Tiếng Việt = Tiếng Pali:

    - Nan Đà: Nanda.

    - Tịnh Phạn: Suddhodana.

    - Ca Tỳ La Vệ: Kapilavatthu.

    - Da Du Đà La: Yasodharā.

    - La Hầu La: Rāhula.

    - Dà Na: Janapadakalyāni.
- Sứ giả: Sứ = sứ mạng, nhiệm vụ giao cho ai; giả = người; kẻ mang tin của một người đến cho ai.

- Phóng dật: Phóng = buông lung, chẳng kềm chế; dật = nghỉ ngơi. Kẻ phóng dật là kẻ lười biếng, sống buông lung, chẳng biết tự kềm chế, chẳng hăng hái; cứ vật vờ, vất vưởng.

- Lãng xao: Xao lãng, bỏ bê, quên mất chẳng nghĩ gì đến.

- Hoàng cung: Hoàng = hoàng đế, vua; cung = cung điện, đền đài. Lầu đài của vua chúa.

- Tà hạnh: Tà = xiêng xéo, xấu ác; hạnh = tánh- hạnh. Việc làm xấu.

- Nghiêm trì: Nghiêm = nghiêm trang, đúng đắn; trì = giữ gìn. Nghiêm trì là giữ đúng theo giới, chẳng thiếu sót, chẳng vi phạm.

- Thành hôn: Lễ cưới vợ.

- Tùy tùng: Tùy = theo, tùy thuộc vào; tùng = đi theo. Đoàn tùy tùng, ở đây, là những vị tỳ kheo đi theo Phật.

- Giải kết: Giải = cởi ra, mở ra; kết = ràng buộc, giao kết. Giảikết là được bãi bỏ lời hứa trước.

- Nhục dục: Nhục = thịt; thể xác; dục = ham muốn. Các thú vui về thể xác.

- Khát vọng: Khát = ao ước, mong mỏi nhiều; vọng = trông ngóng. Khát vọng cùng một nghĩa với chữ tham ái.

- Tham ái, ái tham: Tham = tham lam; ái = thương, thích. Tham ái là một tình cảm rất sâu đậm, ăn rễ trong tâm, nó thúc đẩy con người nghiêng về các thú vui vật chất, bám víu vào đời sống, khiến các chúng sanh phải trôi lăn mãi trong cảnh khổ của Luân hồi. Công việc tu hành để giải thoát, chính là chấm dứt sự tham ái nơi tâm.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện mang các ý nghĩa sau đây:
  • a. Hạnh Khất sĩ là hạnh cao quí từng được các đức Phật từ các đời trước đã thi hành:
Khi đức Phật Thích Ca thành đạo, ngài chẳng trở về ngay nơi thành Ca Tỳ La Vệ để thăm vua cha, nên vua Tịnh Phạn buồn lòng, mới sai sứ giả đi gọi. Khi đức Phật về đến Ca Tỳ La Vệ, ngài vẫn ôm bình bát đi khất thực. Vua Tịnh Phạn cho rằng Phật làm như vậy là làm nhục đến danh dự hoàng cung, vì trước đây Thái tử Tất Đạt Ta sống trên cung vàng điện ngọc, nay lại đi ăn xin như người nghèo khổ. Vì lẽ ấy, đức Phật mới nói đến hai bài Kệ, nhắc lại hạnh khất sĩ của các bực tu hành chơn chánh. Hạnh khất sĩ được đặt ra là để cho tỳ kheo dẹp bỏ lòng kiêu mạn, phải cúi mình xuống đi ăn xin và có dịp gặp được dân chúng để giảng dạy giáo pháp cho họ.

Hiệu lực rất lớn của hai bài Kệ đức Phật đọc lên cho vua Cha nghe, đã khiến vua Tịnh Phạn lần lượt chứng đắc được hai quả vị đầu tiên của hàng Thanh văn là quả vị Tu đà hườn và Tư đà hàm.
  • b. Món quà đức Phật tặng cho hoàng tử Nan Đà, nhơn ngày lễ thành hôn rất là quí báu:
Chiếc bình bát để đi ăn xin! Nếu xét theo ý nghĩa thông thường của thế tục, việc đức Phật đến gặp hoàng tử Nan Đà vào ngày thành hôn mới xem ra có vẻ là ... "ác" quá: Ai đời đám cưới người ta, lại đem tặng cái bát để đi ăn xin. Nhưng đứng về phương diện tu hành giải thoát, đó là món quà thật quí giá vô cùng! Chiếc bình bát của Phật, theo kinh sách, là do đức Đế Thích trên Trời đem dưng cho Phật; mang bình bát nầy đi khất thực là đi theo con đường giải thoát của đức Phật, tìm đến hạnh phước chơn thật và bền vững, thoát khỏi mọi ràng buộc, hơn rất xa các thú vui vật chất của đời sống gia đình.
  • c. Đi tu mà đòi trả công thưởng như người đi làm mướn:
Đức Phật khi hứa sẽ giúp cho Tôn giả Nan Đà kết bạn với các nàng thiên nữ, nếu Tôn giả chịu gắng sức tu hành theo Chánh pháp, ngài cũng biết trước rằng, khi chứng đắc được quả vị, Tôn giả chẳng còn ham mê thú vui thể xác để đòi được kết hôn với các Thiên nữ. Nhưng các tỳ kheo lại theo trêu chọc Tôn giả là đi tu như đi làm mướn đòi đền công bằng mấy cô tiên nữ. Điều nầy tuy có làm cho Tôn giả hổ thẹn, nhưng lại có hiệu quả tốt là khiến Tôn giả biết nỗ lực tu tập: xem như một nghịch duyên, mà thật ra là một trợ duyên, giúp cho Tôn giả nỗ lực, chuyên cần.

(2) Ý nghĩa của hai bài Kệ số 013 và 014:
  • a. Bài Kệ số 013 gợi lên hình ảnh một căn nhà vụng lợp sánh với tâm người vụng tu:
Nhà vụng lợp thì mưa xuyên qua mái, làm ướt chỗ ta trú ẩn ngày đêm. Tâm vụng tu, chẳng biết tự kềm chế, để cho sự thèm khát tức là tham ái len vào tâm, xúi dục ta chạy theo các thú vui vật chất tạm thời, mà quên đi mất mục tiêu tu hành giải thoát khỏi cảnh khổ.
  • b. Bài Kệ số 014 gợi lên hình ảnh căn nhà khéo lợp, tránh được mưa gió, sánh với tâm người khéo tu, biết phòng vệ lấy mình: Chỗ khéo của người biết tu hành là chẳng quên mục tiêu giải thoát, luôn luôn canh phòng tâm, chẳng để cho sự tham ái len vào, chận được nó khi nó mới nổi lên. Vậy, vụng hay khéo, chính là chỗ biết kềm chế tâm, chẳng cho chạy theo dục vọng.
HỌC TẬP:
(1) Học thuộc lòng bốn câu ở hai bài Kệ: để ý đến nghĩa của các chữ "vụng lợp", "khéo lợp" và "vụng tu", "khéo tu".

(2) Tuy tích chuyện và hai bài Kệ nói nhiều đến bực xuất gia, nhưng người tu tại nhà vẫn có thể ứng dụng để tu hành:
  • - Biết tự kềm chế thân mình: bắt đầu giữ gìn cẩn thận các giác quan, nhứt là mắt và tai; đừng chạy theo sắc đẹp, đừng giận khi nghe điều trái tai;

    - Biết tự kềm chế tâm mình: mỗi khi bị cám dỗ làm điều sái quấy, hãy tự nhắc lấy mình, đó là nhà mình đang bị dột đấy!


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

10. TÍCH CHUYỆN NGƯỜI ĐỒ TỂ THUẦN ĐÀ
Vào một thời kia, ddức Phật ngụ tại Tịnh xá Trúc Lâm, gần thành Vương Xá, trong một kỳ giảng pháp, có nhắc đến việc người đồ tể, giết thịt heo, tên là Thuần Đà.

Trong một ngôi làng chẳng xa thành Vương Xá có ông Thuần Đà chuyên nghề giết heo làm thịt bán. Tánh tình ông ta rất thô bạo, lại rất ghét việc bố thí làm phước. Suốt đời, ông ta chẳng làm được một việc gì có phước đức cả. Đến khi gần chết, ông ấy đau đớn, khổ sở rất nhiều trong cơn hấp hối. Ông rên la, tru tréo, tay chơn co quắp lại, lưng cong lên, trông như con heo bị người ta đâm vào cổ vậy. Trong suốt bảy ngày trời trước khi thở hơi cuối cùng, ông Thuần Đà phải chịu đau khổ như là đang ở trong cảnh địa ngục. Đến ngày thứ bảy, ông chết đi và bị tái sanh vào cảnh địa ngục Vô gián, chịu hình phạt chẳng ngừng.

Khi kể lại tích chuyện về ông Thuần Đà, đức Phật có nói lên bài Kệ sau đây:
  • Nay than thở, mai còn than thở,
    Kẻ ác tâm khổ sở hai đời.
    Hắn còn đau khổ lâu dài,
    Mỗi khi nhớ lại điều sai mình làm.
    (Kệ số 015)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Đồ tể: Đồ = giết chết; tể = làm thịt súc-vật. Ngưòi giết thịt thú vật để đem bán.

- Thuần Đà: Tên thật bằng tiếng Pali là Cundasūkarika.

- Thô bạo: Hung ác, dữ tợn.

- Hấp hối: Lúc sắp chết.

- Địa ngục: Địa = đất; ngục = nhà tù. Nơi mà các người đã có tội lúc còn sống, phải chịu hình phạt, trong cảnh tối âm u.

- Vô gián: Vô = chẳng; gián = ngưng nghỉ, gián đoạn. Nơi cảnh điạ ngục nầy, tội nhơn phải chịu hình phạt không ngừng, bị chết đi sống lại, chịu khổ, chết nữa, rồi sống lại để chịu khổ tiếp, qua nhiều năm, cho đến khi mãn nghiệp ác.

- Ác tâm: Ác = dữ, xấu; tâm = lòng. Người có bụng dạ xấu, dữ.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện rất giản dị, kể chuyện người làm nghề giết heo, bán thịt, chẳng làm phước, khi gần chết phải chịu khổ sở; khi chết đi phải sa vào địa ngục Vô gián.

Bình dân nước ta thường cho cảnh khổ của người đồ tể phải chịu lúc gần chết là quả báo nhãn tiền (= kết quả của việc ác đã làm vì giết heo, nay xảy ra trước mắt; nhãn tiền = trước mắt). Trong tích chuyện, ông Thuần Đà chẳng những chịu khổ ngay khi còn sống, mà chết đi phải chịu hình phạt trong địa ngục nữa. Đấy chẳng phải là muốn doạ cho ta sợ mà đừng có làm ác, nhưng theo Luật Nhơn Quả, hễ đã làm ác, sớm muốn gì cũng phải gánh lấy hậu quả xấu; ngay trong hiện tại, cũng đã khổ tâm, mỗi khi nhớ lại điều ác mình đã làm.

(2) Ý nghĩa của bài Kệ số 015: Bài Kệ rất rõ nghĩa: đã làm ác thì ngay đời nầy cũng đã chịu khổ; khổ vì nhớ lại điều mình làm quấy; và đến đời sau, còn phải chịu khổ dài dài. Vậy, phải cố giữ gìn tâm ý sao cho điều ác đừng len vào.
HỌC TẬP:
(1) Học thuộc lòng bài Kệ: để ý đến nghĩa của câu thứ hai:
  • "Kẻ ác tâm khổ sở hai đời".
(2) Phải biết chọn nghề cho đúng với CHÁNH MANG: Trong Bát Chánh Đạo, Chánh mạng là lối mưu sanh chơn chánh, đứng đắn để nuôi mạng sống mình và gia đình mình. Vì thế, cần tránh các nghề nầy: săn bắn, đồ tể, chài lưới, làm và bán võ khí, buôn người, bán rượu.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Đã khóa

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.26 khách