Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Cùng nhau học hỏi những bài giáo lý căn bản và kiến thức Phật học phổ thông.
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

225. TÍCH CHUYỆN CÁC TỲ KHEO TĂNG THƯỢNG MẠN
Vào một thời kia, đức Phật ngụ nơi rừng Đại Lâm, xứ Tỳ Da Ly, trong kỳ một giảng pháp, có đề cập đến một nhóm tỳ kheo tăng thượng mạn.

Thuở ấy, xứ Hoa Di đang bị đói kém, thực phẩm khan hiếm, dân chúng phải chịu đói khổ. Có một nhóm tỳ kheo đến bên bờ sông Lạc Thủy, sống qua mùa an cư kiết hạ ở xứ đó. Họ bàn luận cùng nhau làm cách nào để được dân chúng cúng dường thực phẩm đầy đủ. Họ kháo lên rằng trong nhóm có người nầy đã chứng được Đạo, người kia đã đắc được Quả, vị nọ thường vào Thiền định. Mỗi khi có dân chúng đến viếng, họ thưa gọi nhau bằng các quả vị, xưng tụng đạo hạnh lẫn nhau, khiến cho dân chúng lầm tin là họ đã thật sự chứng đắc, nên bớt phần thực phẩm trong nhà, đem dâng cúng dồi dào cho họ.

Mãn mùa an cư, chư Tăng quay về tịnh xá để đảnh lễ đức Phật. Ngài thăm hỏi chư tỳ kheo, đã trải qua mùa hè ra sao, tu tập như thế nào. Hầu hết các vị tu sĩ đều xanh xao vì thiếu ăn trong ba tháng; chỉ riêng có nhóm tỳ kheo sống bên bờ sông Lạc Thủy xem ra hồng hào, lại có phần mập mạp ra. Đức Phật hỏi họ: "Xứ Hoa Di đang đói kém, chư Tăng ở bên sông Lạc Thủy có gặp khó khăn trong việc ăn uống không?" Họ thưa, không. Đức Phật gạn hỏi lý do, họ liền thưa lại việc họ gọi nhau bằng các quả vị, nên được dân chúng tin tưởng cúng dường đầy đủ. Đức Phật hỏi lại: "Trong số các ông đây, ai đã thật sự chứng được Đạo, Quả?" Chẳng ai đáp có. Đức Phật liền quở trách họ: "Chưa chứng đắc mà bảo là đã chứng đắc, đó là tăng thượng mạn, tỳ kheo phải dẹp bỏ lòng ngã mạn mới chứng được Đạo, Quả".

Rồi đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:
  • Thà nuốt hòn sắt đỏ lửa hồng,
    Hơn ăn vật thực được cúng dường,
    Nếu chưa giữ được tròn giới hạnh:
    Nghĩ, nói, làm, xấu cả ba đường.
    (Kệ số 308)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Tăng thượng mạn: Tăng = gia tăng, thêm; Thượng = trên; Mạn = kiêu căng, quá tự cao. Tăng thượng mạn là nết xấu hay khoe khoang, của kẻ tu hành, chưa chứng đắc quả vị mà tự nhận đã chứng đắc.

- Rừng Đại Lâm, xứ Tỳ Da Ly: Khu rừng lớn, tiếng Pali là Mahāvana trong xứ Vesāli, miền Bắc của Ấn Độ xưa.

- Xứ Hoa Di, sông Lạc Thủy: Phiên âm và dịch gượng hai địa danh nầy; tiếng Pali là xứ Vaggis, sông Vaggumudā (= khả ái và an vui).

- An cư kiết hạ: An cư = ở yên; kiết hạ = qua mùa hè. An cư kiết hạ: ở Ấn Độ mùa hè, mưa dầm, côn trùng sinh sản nhiều, tỳ kheo chẳng đi ra ngoài để khất thực, ngại đạp chết côn trùng, lưu lại tịnh xá lo tu tập, sống nhờ sự cúng dường của các tín đồ. Cứ mỗi mùa an cư như thế, người tu tăng thêm một tuổi đạo, được gọi là lạp tuế.

- Đạo, Quả: Đạo = đường, đường lối, cách thức tu hành; Quả = kết quả việc tu hành đã thành công. Có bốn Đạo: Tu đà hườn hướng, Tư đà hàm hướng, A na hàm hướng, A la hán hướng và bốn Quả là Tu đà hườn quả, Tư đà hàm quả, A na hàm quả và A la hán quả.

- Thiền định: tu Thiền và đắc định; khi ngồi Thiền, tâm an định.

- Ngã mạn: Tự cao, phách lối, coi cái Ngã (= Ta) của mình là hơn hết.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại mưu mô của các tỳ kheo tăng thượng mạn, gọi nhau bằng các quả vị còn chưa xứng vì họ chưa chứng được, với mục đích là để dân chúng lầm họ đã đắc đạo mà cúng dường nhiều. Họ bị đức Phật quở về tội tăng thượng mạn đó.

(2) Ý nghĩa của bài Kệ số 308:

Bài Kệ khuyên các vị tu hành phải tự xét đức hạnh của mình có đầy đủ mới dám nhận lễ vật cúng dường của các tín đồ hiến tặng.
  • a. Hai câu đầu: Thà chịu đói khát chớ chẳng lạm nhận của cúng dường. Tại sao? Vì người đi tu mà lạm nhận, sẽ bị sa vào điạ ngục, để phải nuốt hòn sắt nóng đỏ.

    b. Hai câu chót nhắc nhở đến ba nghiệp: thân, miệng, ý có trong sạch, thì giới đức mới được tròn vẹn.
Hình ảnh


Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

226. TÍCH CHUYỆN THANH NIÊN KHÊ MA CA
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại chùa Kỳ viên, nước Xá vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến chàng thanh niên đẹp trai, tánh hay trăng gió, tên là Khê Ma Ca.

Khê Ma Ca là con nhà giàu có, gọi cư sĩ Cấp Cô Độc bằng bác. Dáng vóc đẹp trai, ăn nói duyên dáng, nên Khê được nhiều phụ nữ trong vùng mê say, do đó Khê đã phạm nhiều lần tội thông dâm với kẻ đã có chồng. Đã bị bắt quả tang cả ba lần, nhưng nhà chức trách nể nang cư sĩ Cấp Cô Độc, nên chẳng truy tố Khê về tội gian dâm. Nhưng lần phạm tội sau cùng, cư sĩ Cấp Cô Độc bắt dẫn Khê Ma Ca đến trình đức Phật. Đức Phật giảng cho Khê Ma Ca biết sự đồi bại của tội tà dâm và các hậu quả nặng nề mà gian phu, dâm phụ phải chịu.

Rồi đức Phật nói lên hai bài Kệ sau đây:
  • Bốn điều bất hạnh đang chờ chực
    Kẻ dễ duôi dâm dật vợ người:
    Mang tai hoạ, ngủ đâu yên giấc,
    Ba: bị trách; bốn: sa điạ ngục.
    (Kệ số 309)

    Mang tai hoạ, phải đọa vào đường dữ,
    Vui phút giây, đôi dâm đãng phập phồng;
    Vua lại ban hành cực hình xét xử.
    Vậy, đừng phạm tiết những ai có chồng.
    (Kệ số 310)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Khê Ma Ca: Tên chàng thanh niên nầy, tiếng Pali là Khemaka.

- Tánh hay trăng gió: Nghĩa bóng là ham thích thú vui với phụ nữ.

- Thông dâm, gian dâm, tà dâm: Dâm = sự giao hợp giữa trai gái. Gian dâm, tà dâm là tội phạm lấy vợ hay lấy chồng của kẻ khác. Giới thứ ba của người tu tại gia là cấm tà dâm, phải có lòng trung thành với nhau trong tình nghĩa chồng vợ. Đối với kẻ xuất gia, giới luật cấm hẳn việc dâm dục, phải sống độc thân.

- Bắt quả tang: Bị bắt tại trận, bị bắt đủ bằng cớ đang phạm tội.

- Nể nang: Vị bụng, vì kính nể mà bỏ qua chẳng nói đến.

- Truy tố: Đưa ra xét xử để trị tội.

- Đồi bại: Xấu xa, hư hỏng đáng phỉ nhổ.

- Gian phu, dâm phụ: Gian phu = đàn ông gian; Dâm phụ = đàn bà dâm đãng.

- Bất hạnh: Bất = chẳng; Hạnh = may mắn. Bất hạnh = chẳng may.

- Dễ duôi: Thiếu sự tự kềm chế, dễ theo điều quấy.

- Dâm đãng, Dâm dật: Chạy theo thú vui thể xác giữa trai gái.

- Cực hình: Hình phạt nghiêm khắc, nặng nề.

- Phạm tiết: Vi phạm trinh tiết; vì gian dâm khiến mất sự trung thành giữa vợ chồng.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc chàng Khê Ma Ca đẹp trai, con nhà giàu, ăn nói có duyên, ham thích việc gió trăng, phạm tội thông dâm cùng phụ nữ có chồng. Chàng được người bác là cư sĩ Cấp Cô Độc dẫn đến nghe đức Phật chỉ dạy về tội ác tà dâm cần tránh, để khỏi bị các hậu quả tai hại, trong đó có việc sa vào điạ ngục là nặng nề nhứt.

(2) Ý nghĩa của hai bài Kệ số 309 và 310:

Hai bài Kệ kể ra những hậu quả tại hại của tội tà dâm:
  • a. Hai câu đầu của bài Kệ số 309 báo bốn điều bất hạnh:

    b. Câu thứ ba nêu ra bốn hậu quả bất hạnh:

    (a) Mang tai hoạ, vì người chồng trả thù;
    (b) Ngủ chẳng yên giấc, vì cứ lo sợ lộ tội;
    (c) Bị trách phạt;
    (d) Sa vào địa ngục.

    c. Câu đầu của bài Kệ số 310: "Mang tai hoạ, phải đoạ vào đường dữ, đó là sa vào điạ ngục, chịu hình phạt nặng và lâu ở cõi âm.

    d. Câu "Vui phút giây, đôi dâm đãng phập phồng" cho thấy rõ thú vui thể xác rất ngắn ngủi, đâu bù lại sự lo lắng kéo dài, sợ lộ tội.

    d. Câu "Vua lại ban hành cực hình xét xử" nói rõ hình phạt ngay trong hiện đời nầy, bị tù tội theo luật lệ trong xã hội.

    e. Câu chót là lời kết luận: đừng phạm tội tà dâm.
Hình ảnh


Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

227. TÍCH CHUYỆN VỊ TỲ KHEO XEM NHẸ GIỚI CẤM NHỎ
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại chùa Kỳ Viên, nước Xá Vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến một vị tỳ kheo hay khinh thường các giới cấm nhỏ.

Thuở ấy, có một vị tỳ kheo vô ý cắt đứt một nắm cỏ, phạm vào giới luật cấm đốn cây, nhổ cỏ, trong Tăng đoàn. Mặc dầu vị ấy đã theo đúng thủ tục thú tội mình với bạn đồng tu rồi, nhưng trong tâm vẫn còn thắc mắc, lo ngại mình đã trót vi phạm giới luật. Một vị tỳ kheo khác nghe than thở, mới bảo: "Một vi phạm nhỏ vào giới luật, theo đúng thủ tục thú tội xong, thì kể như giới đức đã được thanh tịnh rồi, có chi mà phải thắc mắc. Vả lại, nhổ cỏ là việc nhỏ, chẳng quan trọng gì, nè, tôi thử nhổ cho bạn xem". Nói xong, vị ấy cúi xuống vừa bứt một nắm cỏ, miệng vừa cười.

Sự việc đó đến tai đức Phật. Ngài cho gọi vị tỳ kheo cố tình nhổ cỏ ấy đến quở trách và nói lên ba bài Kệ sau đây:
  • Ai vụng nắm cỏ Kusa,
    Bàn tay bị cỏ cắt đứt.
    Cùng thế ấy, đã xuất gia
    Hạnh Sa môn mà lơ là
    Ắt phải sa điạ ngục.
    (Kệ số 311)

    Một hành động làm cho có lệ,
    Giữ giới đức bị ô nhiễm tệ,
    Sống Phạm hạnh một cách khả nghi,
    Chứng được quả cao, đâu có lẽ!
    (Kệ số 312)

    Có điều cần phải làm, làm ngay,
    Làm hăng say, làm hết năng lực.
    Sống cuộc đời tu sĩ phóng dật,
    Chỉ làm tăng cát bụi tung bay.
    (Kệ số 313)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Khinh thường: Xem nhẹ, chẳng coi là quan trọng chi cho lắm.

- Cấm đốn cây, nhổ cỏ: Đây là một giới cấm Phật đặt ra, để tránh sự sát hại các loại côn trùng sống dưới mặt đất.

- Thủ tục thú tội: theo Luật tạng, các gIới luật được phân ra thành trọng cấm và khinh cấm. Các tội năng như tội dâm, tội sát sanh nếu phạm phải sẽ bị trục xuất khỏi Tăng đoàn. Các tội nhẹ, như nhổ cỏ, chỉ cần thưa thiệt với vị tỳ kheo đồng tu, tỏ lòng sám hối là đủ.

- Giới đức thanh tịnh: Giữ cho hạnh kiểm, thái độ của mình được đứng đắn, chẳng bị tội lỗi làm dơ bẩn.

- Cỏ Kusa: Một loại cỏ có mùi thơm, lá bén như lá xả.

- Xuất gia: Xuất = ra khỏi; Gia = nhà, gia đình. Bực xuất gia là người đã rời bỏ cuộc sống trong nhà, đi tu.

- Hạnh Sa môn: Hạnh = giới hạnh, hạnh kiểm; Sa môn = tu sĩ Phật giáo. Chữ Sa môn có ba ý nghĩa:
  • (1) Cần giả, siêng làm việc lành;
    (2) Tức giả, thôi chẳng làm việc ác;
    (3) Bần giả, nguyện chịu nghèo khổ để tu hành.
- Làm cho có lệ: Làm qua loa, chẳng chú tâm vào; như tụng kinh, miệng đọc thuộc lòng mà bụng lo ra, nghĩ đến việc... đi chợ.

- Ô nhiễm tệ: Ô = đen, dơ; Nhiễm = dính, lây; Tệ = xấu, dở.

- Phạm hạnh: Hạnh tu thanh tịnh, nguyện dứt bỏ hẳn sự dâm dục.

- Khả nghi: Đáng ngờ vực, khó tin được.

- Phóng dật: Buông lung, chẳng siêng năng, cố gắng chi cả.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Ý nghĩa của Tích chuyện là chớ xem thường mọi điều giới cấm, dầu nặng, dầu nhẹ, lúc nào cũng phải tuân phục. Vì nếu tỏ ra lơ là, giới đức sẽ bị nhiễm ô, mất sự thanh tịnh.

(2) Ý nghĩa của ba bài Kệ số 311, 312 và 313:

Bài Kệ số 311 khuyên ta chớ lơ là trong việc giữ gìn giới luật, vì nếu đã nguyện giữ mà lại phá giới, sẽ bị tội sa vào địa ngục. Hai câu: "Ai vụng nắm cỏ Kusa, Bàn tay bị cỏ cắt đứt" so sánh sự sắc bén của giới luật với lá cỏ bén Kusa; nếu chẳng khéo cầm giữ sẽ bị đứt tay.

Bài Kệ số 312 chê trách kẻ tu hành giữ giới luật một cách lấy lệ, làm cho có chừng vậy thôi. Thái độ lơ là nầy dễ khiến giới đức bị nhiễm ô, mất cả sự thanh tịnh. Hậu quả là chẳng thể nào chứng được đạo quả.

Bài Kệ số 313 khuyên nên tu hành cho thật tinh tấn:

- "Có điều cần phải làm, làm ngay": điều chi? Đó là việc giữ gìn giới đức thanh tịnh để chóng đến ngày giác ngộ và giải thoát.

- "Làm hăng say, làm hết năng lực": đấy là thái độ tinh tấn của người tu hành đang gắng sức, chẳng có lúc nào lơ là cả.

- "Sống cuộc đời tu sĩ phóng dật, Chỉ làm tăng cát bụi tung bay" Cuộc đời phóng dật, ở đây, là chẳng biết, chẳng chịu, khép mình vào kỷ luật của giới đức. Như thế chỉ làm tăng thêm tội lỗi, ví như cát bụi dơ bẩn tung bay lên, nêu gương xấu cho dân chúng.
HỌC TẬP:
Tuy Tích chuyện cùng ba bài Kệ nói đến các vị xuất gia tu hành, nhưng chúng ta cũng rút ra được những bài học nhỏ về việc giữ gìn giới luật cho người tu tại gia.

(1) Người Phật tử tu tại nhà phải giữ trọn ngũ giới gồm có:
  • a. Chẳng sát sanh;
    b. Chẳng trộm cắp;
    c. Chẳng tà dâm;
    d. Chẳng nói dối;
    e. Chẳng uống rượu.
Đây là năm điều căn bản của việc tu hành tại gia, có là bao, khi so sánh với 250 điều của tỳ kheo và 350 điều của tỳ kheo ni của các bực xuất gia.

(2) Xin kể vài điểm lơ là thường thấy trong việc giữ ngũ giới:

- Ăn chay là để tránh sát sanh; tối đói bụng, nói "Tối rồi, Phật đi ngủ, mình cứ ăn tô phở nhỏ cho hết xót ruột!"

- Cấm trộm cắp là để diệt lòng tham; trong sở sẵn giấy trắng, cứ lấy vài tờ ra viết thơ cho bạn, có hề chi!

- Cấm tà dâm là để giữ lòng trong sạch, lại thích làm bộ lỡ đụng nhè nhẹ vào người đẹp khác phái!

- Cấm nói dối là để tôn trọng sự thật; đi xa về kể chuyện thường thêm thắt vài chi tiết vẽ vời ra, cho câu chuyện thêm ... dòn!

- Cấm uống rượu là để trí óc được sáng suốt; trong buổi tiếp tân, pha rượu loảng nhâm nhi chơi, chút đỉnh mà, nào có hại chi đâu!
Hình ảnh


Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

228. TÍCH CHUYỆN NGƯỜI VỢ GHEN TUÔNG
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại chùa Kỳ Viên, nước Xá Vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến việc một người đàn bà tánh hay ghen tuông, hành hạ một đứa tớ gái.

Thuở ấy ở nước Xá Vệ có một người đàn bà tánh hay ghen tuông, nghi chồng mình tằng tịu với đứa tớ gái. Bà ta bắt đứa tớ, đem trói lại, tra khảo, rồi trong cơn ghen giận, bà xẻo tai, cắt mũi nó, đem giam nó vào phòng tối. Sau đó, bà theo chồng đến chùa để lạy Phật.

Một lát sau, thân nhơn của đứa tớ gái, đến nhà chủ để thăm nó, nghe tiếng nó rên la trong phòng tối, mới vào cởi trói cho nó và dẫn nó đến chùa, thưa trình cùng Phật. Bấy giờ đức Phật đang giảng pháp cho đông đảo tín đồ ngồi nghe. Sau thời pháp, thân nhơn đứa tớ gái trình Phật sự thể vì sao nó bị hành hạ tàn nhẫn như thế. Rồi họ chỉ vào thân thể tiều tuỵ, bị đánh đập nhiều vết thương tích trên mặt của đứa tớ gái cho mọi người trông thấy. Đức Phật bảo: "Nầy chư thiện nam, tín nữ, chớ nên làm điều ác, vì điều ác dầu dấu kín mấy đi nữa, cũng lộ ra sau nầy và đem lại đau khổ ray rứt cho người đã làm ác. Còn việc thiện dầu âm thầm làm, cũng mang lại hạnh phúc và yên vui".

Rồi đó đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:
  • Việc ác, tốt hơn, nên bỏ dứt,
    Trót làm sanh ray rứt trong lòng.
    Việc thiện, tốt hơn, làm lập tức,
    Chẳng hề hối tiếc khi làm xong.
    (Kệ số 314)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Ghen tuông: Nết xấu sợ chồng hay vợ mình thương yêu kẻ khác.

- Tằng tịu: Dan díu tình ái với kẻ khác một cách bất chánh.

- Tra khảo: Đánh-đập để vặn hỏi.

- Thân nhơn: Người thân trong gia-đình.

- Tín đồ: Tín = tin tưởng; Đồ = đồ đệ; học trò. Tín đồ = kẻ theo đạo.

- Thiện nam, tín nữ: Thiện = lành; Tín = tin tưởng; Thiện nam = đàn ông làm lành; Tín nữ = đàn bà tin đạo. Ở đây, chỉ các tín đồ.

- Ray rứt: Gây sự đau khổ kéo dài, ngấm ngầm bên trong tâm.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc người vợ ghen tuông đánh đập, hành hạ một đứa tớ gái vì nghi nó dan díu tình ái với chồng mình, rồi giam nó trong phòng kín. Nhưng nó được thân nhơn giải cứu, dẫn đến trình cùng đức Phật. Đức Phật bảo: "Việc ác dầu dấu kín, sớm muộn chi cũng lộ, rồi gây đau khổ ray rứt trong lòng người làm ác...".

Ý nghĩa của Tích chuyện là đừng vì ghen tuông mà có những hành động ác, hãy dẹp bỏ ngay sự sân hận.

(2) Ý nghĩa của bài Kệ số 314:

Bài Kệ số 314, chẳng nói đến việc đánh ghen trong Tích chuyện, chỉ phân biệt rõ hai hành- động thiện và ác:
  • a. Việc ác sanh ray rứt trong lòng: Tại sao? Vì người làm ác hối tiếc đã gây đau khổ cho người khác, trong lòng ray rứt chẳng nguôi. Do đó, phải dứt bỏ ngay việc ác, mỗi khi ác ý vừa khởi lên trong tâm.

    b. Việc thiện nên làm ngay lập tức: Tại sao? Nên làm, vì việc thiện đem an vui đến cho kẻ khác và cho mình. Phải làm ngay lập tức, vì nếu chần chờ làm việc thiện, cơ hội đi qua, sẽ mất dịp tạo thêm nghiệp lành cho bản thân.
Hình ảnh


Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

229. TÍCH CHUYỆN CÁC TỲ KHEO QUA MÙA AN CƯ NƠI BIÊN ẢI
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại chùa Kỳ Viên, nước Xá Vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến một nhóm Tỳ kheo qua mùa an cư tại một nơi xa xôi gần biên giới.

Thuở ấy, vào mùa an cư kiết hạ, có một nhóm Tỳ kheo đến cư trú tại một vùng gần biên giới. Trong tháng đầu của mùa mưa, họ được dân chúng trong vùng cung cấp đầy đủ thực phẩm và các tiện nghi khác.

Vào tháng thứ hai, vùng biên giới bị giặc giã đến cướp phá, nhiều người dân bị giặc bắt đi. Dân chúng vì phải lo phòng vệ cửa ải, cứu trợ người bị thương, xây dựng lại các nơi bị tàn phá, nên chẳng thể cung ứng đầy đủ cho chư Tăng. Vì thế, các tỳ kheo đã trải qua mùa an cư trong thiếu thốn, nhưng chẳng vì thế mà việc tu tập bớt phần tinh tấn.

Mãn mùa an cư, chư Tăng quay về chùa, tường trình lên đức Phật kết quả tu tập trong ba tháng hè vừa qua. Được biết chư Tăng gặp khó khăn nơi biên ải, đức Phật bảo: "Nầy chư tỳ kheo, rất khó mà có được đời sống vật chất đầy đủ đủ tiện nghi mà chẳng cần phải cố gắng. Cũng như dân chúng vùng biên thùy đã phòng vệ thị trấn của họ, gìn giữ cả bên trong thành cũng như bên ngoài ải, tỳ kheo phải biết phòng hộ thân tâm mình, cả bên trong lẫn bên ngoài".

Rồi đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó một số tỳ kheo nỗ lực tu tập mà chứng được quả vị A la hán:
  • Canh phòng cửa ải ngoài biên giới,
    Phải canh cả trong thành ngoài ải.
    Tự phòng vệ mình, nào có khác.
    Gặp dịp tốt học Pháp, chớ bỏ qua,
    Lỡ dịp, đau buồn khi sa cõi ác.
    (Kệ số 315)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Biên ải, Biên giới, Biên thùy: Biên = ngoài bìa, gần lằn ranh; Ải = đồn binh giữ giặc; Giới, Thùy = ranh giới. Biên ải là đồn lính đóng ngoài biên giới, để giữ vững biên thùy cho đất nước.

- An cư kiết hạ: An cư = ở yên; Kiết hạ = trải qua mùa hè. An cư kiết hạ là trong thời gian ba tháng hè, mưa dầm, các tỳ kheo chẳng ra ngoài đi khất thực, vì ngại đạp chết côn trùng đang sanh sản nhiều, lưu lại nơi tịnh xá để tu tập, sống nhờ sự cúng dường của tín đồ.

- Phòng vệ, phòng hộ: Phòng = đề phòng; Hộ = Vệ = giữ gìn.

- Cung ứng: Châu cấp cho đầy đủ; tiếp tế.

- Thị trấn: Thị = chợ, thành thị; Trấn = trấn giữ; nơi được canh chừng. Thị trấn là thành phố được tăng cường việc phòng thủ.

- A la hán: Quả vị thứ tư, cao nhứt của bực tu hành đã diệt hết các phiền não, vượt các chướng ngại, lìa bỏ mọi ham muốn, chứng được vô sanh (= chẳng phải tái sanh trong Luân hồi nữa), sống tự tại trong cảnh giới Niết Bàn. Tiếng Pali là Arahant.

- Pháp: Chánh pháp, lời dạy của Phật ghi trong Kinh kệ, chỉ rõ đường lối tu hành để được giác ngộ và giải thoát.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại mùa an cư kiết hạ của một nhóm tỳ kheo đến sống gần biên giới. Họ gặp phải khó khăn trong vấn đề ăn uống, vì dân chúng phải lo phòng vệ cửa ải, nên chẳng cung ứng đủ thực phẩm. Đức Phật nhơn chuyện đó, dạy các tỳ kheo phải biết phòng hộ thân tâm mình, cũng như dân chúng phòng vệ cửa ải, bên trong cũng như bên ngoài.

Ý nghĩa của Tích chuyện là việc phòng hộ thân tâm phải luôn luôn gìn giữ và điều phục tâm bên trong cũng như các căn bên ngoài.

(2) Ý nghĩa của bài Kệ số 315:

Bài Kệ số 315 khuyên ta nên phòng hộ thân tâm ta cũng như dân chúng vùng biên giới phòng vệ cửa ải, cả trong thành lẫn ngoài ải. Như thế, người tu hành phải, bên ngoài điều phục các căn, bên trong tỉnh giác, giữ chánh niệm trong tâm. Nhưng cách phòng vệ hữu hiệu và bền lâu nhứt, chính là việc học tập Chánh pháp; nếu có dịp được nghe Pháp mà bỏ qua, về sau hối tiếc đã quá muộn, khi đau khổ phải sa vào ba đường ác của cõi Luân hồi.
HỌC TẬP:
(1) Điều phục các căn như thế nào? Mắt đừng chạy theo cảnh; tai đừng mê âm thanh; mữi chớ quá thích mùi thơm; lưỡi chớ thèm vật ngon ngọt quá; tay chớ ham sờ vật êm láng; để giữ cho tâm yên.

(2) Điều phục tâm như thế nào? Luôn giữ chánh niệm theo hơi thở ra vào nhẹ nhàng, khiến cho tâm an tịnh, chẳng vọng-động.
Hình ảnh


Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

230. TÍCH CHUYỆN NHÓM LÕA THỂ NI KIỀN TỬ
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tai chùa Kỳ Viên, nước Xá Vệ, trong kỳ giảng pháp, có đề cập đến nhóm tu sĩ lõa thể Ni Kiền Tử.

Thuở ấy có nhóm tu sĩ lõa thể Ni Kiền Tử đi khất thực, tay cầm bình bát có miếng vải nhỏ che bên trên, mình chỉ quấn khố che hạ bộ. Các vị tỳ kheo trông thấy, bảo: "Các vị tu sĩ Ni Kiền Tử có khố che phía dưới, trông ra có phần trang nhã hơn các ẩn sĩ lõa lồ". Các tu sĩ Ni Kiền Tử đáp: "Chúng ta che phía dưới thân thể, chẳng phải là vì sợ xấu hổ đâu. Chúng ta lấy vải đậy bình bát lại là để tránh bụi bặm, vì trong bụi bặm vẫn có sự sống".

Khi trở về chùa, các vị tỳ kheo trình lại Phật những điều các tu sĩ Ni Kiền Tử đã nói. Đức Phật bảo: "Nầy chư Tăng, bọn Ni Kiền Tử chỉ che hạ bộ mà chẳng biết thẹn ở chỗ đáng thẹn, họ lại che bình bát, thẹn ở nơi chẳng đáng thẹn. Vướng mắc tà kiến như thế, họ sẽ sa vào đường dữ của Luân hồi".

Rồi đức Phật mới nói lên hai bài Kệ sau đây, vài người trong nhóm Ni Kiền Tử nghe hiểu được, mới xin quy y Tam Bảo:
  • Chẳng đáng hổ ngươi mà lại thẹn,
    Việc đáng thẹn mà lại trơ trẻn.
    Tà kiến đó, chúng sanh nào ôm ấp
    Sẽ đoạ vào cõi thấp, khi tái sanh.
    (Kệ số 316)
    Chẳng đáng sợ mà lại hãi hùng,
    Việc đáng ghê mà lại dửng dưng.
    Tà-kiến đó, chúng sanh nào ôm ấp,
    Sẽ đoạ vào cõi thấp, khi tái sanh.
    (Kệ số 317)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Loã thể Ni Kiền Tử: Lõa = lõa lồ, chẳng che đậy; Thể = thân thể; Ni Kiền Tử = phiên âm tên nhóm tu sĩ lõa thể, tiếng Pali là Nigantha.

- Khất thực: Khất = đi xin, Thực = ăn. Theo giáo lý nhà Phật, các tỳ kheo theo hạnh khất sĩ, hạ mình xuống đi xin ăn, để diệt lòng tự ái và có dịp gặp dân chúng để chỉ dạy Chánh pháp cho họ.

- Bình bát: Tô chén lớn như cái nồi, bằng sành, bằng gỗ hay bằng đồng, dùng đựng thức ăn khi xin được.

- Khố: mảnh vải nhỏ và dài, che phía dưới, chẳng mặc quần.

- Hạ bộ: Hạ = dưới, Bộ = bộ phận. Hạ bộ tức là bộ phận sanh dục.

- Đường dữ: Luân hồi có ba đường dữ, địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh.

- Hổ ngươi: Hổ thẹn, mắc cở.

- Trơ trẻn: Chẳng biết thẹn, chẳng biết mắc cở, chai lỳ lắm!

- Hãi hùng: Sợ hãi lắm, ghê sợ nhiều.

- Dửng dưng: Chẳng hề cảm động, chẳng động tâm, trơ trơ.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện mô tả thái độ chẳng đứng đắn của nhóm lõa thể Ni Kiền Tử, chẳng thẹn chỗ đáng thẹn, lại thẹn chỗ chẳng đáng thẹn. Đức Phật dạy, thẹn và chẳng biết thẹn như thế, cùng với sự sợ và chẳng sợ đúng chỗ là đang vướng phải hai tà kiến, sẽ đưa ta vào cõi thấp trong Luân hồi, khi tái sanh.

Ý nghĩa của Tích chuyện là phải gạt bỏ các tà kiến, biết thẹn và sợ hãi, khi lỡ làm việc ác.

(2) Ý nghĩa của hai bài Kệ số 316 và 317:

Hai bài Kệ giống nhau ở hai câu chót: đưa ta tái sanh vào đường thấp, và khác nhau ở chỗ thẹn và sợ chẳng đúng chỗ. Vướng vào hai tà kiến thẹn và sợ chẳng đúng chỗ nầy, là vì chẳng thông hiểu Chánh pháp, chưa phân biệt rõ điều chánh với điều tà.
HỌC TẬP:
Ứng dụng:

(1) Biết thẹn khi lầm lỗi; chẳng hề thẹn vì: màu da, nòi giống, tật nguyền, nghề lao động, cảnh nghèo khó.

(2) Biết sợ các điều ác mà tránh; chẳng hề sợ vì: ma nhát, bạo quyền, sự giàu sang của kẻ khác cùng sự kỳ thị.
Hình ảnh


Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

231. TÍCH CHUYỆN NHÓM NGƯỜI DỊ GIÁO
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại chùa Cây Sung, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến nhóm người theo Dị giáo.

Thuở ấy, những người theo Dị giáo thường dạy con cháu họ, chớ nên chơi đùa với những đứa trẻ theo Phật giáo, chẳng được vào chùa Kỳ Viên, chẳng nên chào kính các vị tỳ kheo. Một hôm, lũ trẻ nô đùa ngoài sân chùa, có một số khát nước, muốn nhờ các trẻ theo đạo Phật, vào chùa lấy nước đem ra cho chúng giải khát. Một đứa đi vào chùa, gặp đức Phật, Ngài bảo nó cứ trở ra mời bọn trẻ vào chùa mà uống nước. Cả bọn đồng vào trong. Sau khi chúng đã uống xong, đức Phật hỏi han từng đứa và nhơn đó tùy theo sự hiểu biết mỗi đứa mà giảng pháp cho chúng nghe. Bọn trẻ nghe hiểu, tỏ lòng quy ngưỡng ba ngôi báu: Phật, Pháp và Tăng.

Về nhà, mấy đứa trẻ rất thích thú, kể lại cho cha mẹ chúng nghe. Cha mẹ chúng phần đông ít học, hoảng sợ lên: "Thôi rồi, trẻ con nhà mình bị Phật quyến rũ, từ nay mình sẽ mang tiếng là phản đạo mất rồi". Họ khóc lên, kể lể; người hàng xóm nghe được, khuyên họ dẫn con lên chùa gặp đức Phật. Họ nghe lời, đến chùa Kỳ Viên, lại được đức Phật giảng cho nghe giáo lý rồi Ngài nói lên hai bài Kệ sau đây, khiến cho cả cha con người theo Dị giáo đều xin quy y Tam Bảo:
  • Chẳng sái quấy lại bảo là sai,
    Việc lỗi lầm, lại bảo đúng ngay.
    Tà kiến đó, chúng sanh nào ôm giữ
    Sẽ sa vào cõi dữ, khi tái sanh.
    (Kệ số 318)

    Sai, bảo là sai.
    Phải, bảo là phải.
    Ai biết giữ chánh kiến nầy
    Vào cõi lành, khi sanh lại.
    (Kệ số 319)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Dị giáo: Dị = khác; Giáo = tôn giáo. Dị giáo là tôn giáo khác với Đạo Phật; tạm dịch từ tiếng Pali là Titthi.

- Chùa Cây Sung: Tạm dịch từ tiếng Pali là Nigrodārāma, (Nigrodha là loại cây lớn như cây da, có trái giống trái sung).

- Quy ngưỡng: Quy = quay về; Ngưỡng = ngưỡng mộ, kính trọng.

- Quy y: Quy = quay về; Y = nương tựa. Quy y là tìm về nương tựa tinh thần vào ngôi Tam bảo.

- Cõi dữ: Có ba cõi dữ trong Luân hồi:
  • (1) Điạ ngục, ngạ quỉ (= quỉ đói), súc sanh (= thú vật). Cõi dữ, đường dữ, tiếng Pali: Duggati

    (2) Cõi lành: ba cõi lành:
    • a. Cõi Người;
      b. Cõi A tu la, thần linh (Asura);
      c. Cõi Trời. Cõi lành, đường lành, tiếng Pali là Suggati.
- Chánh kiến: Chánh = chơn chánh, đứng đắn; Kiến = kiến thức. Có chánh kiến là có kiến thức (= nghe thấy, hiểu-biết) thật đúng đắn. Chánh kiến đứng đầu trong Bát chánh đạo, con đường Thánh đưa ta đến cảnh giới Niết bàn. (Pali: Sammaditthi = Chánh kiến.)
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại cơ duyên rất may mắn của nhóm người ngoại đạo theo Dị giáo, được đức Phật dạy cho Chánh pháp, biết rõ con đường giác ngộ và giải thoát. Họ bỏ được tà kiến mê tín, noi theo Chánh kiến mà quy y Tam-Bảo.

Ý nghĩa của Tích chuyện: rời bỏ tà kiến của Dị giáo để theo Chánh kiến của đạo Phật giải thoát, đó chẳng phải là "phản đạo", mà là sự sáng suốt và can đảm biết thoát khỏi sự ràng buộc của mê tín.

(2) Ý nghĩa của hai bài Kệ số 318 và 319:

Hai bài Kệ nêu rõ sự khác nhau giữa tà kiến và chánh kiến: sai, bảo là sai; đúng, bảo là đúng. Tà kiến đưa ta vào cõi dữ, chánh kiến dắt ta theo đường lành. (Tưởng ta nên học thuộc lòng hai bài Kệ nầy).
Hình ảnh


Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

XXIII. PHẨM VOI

232. TÍCH CHUYỆN BÀ MÃ CAN DI HOA
Tích chuyện nầy hơi giống với Tích chuyện số (15): Hoàng hậu Sa Mã Hoa.

Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại tu viện Cô Si Ta, nước Cô Sâm Bi, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến bà Mã Can Di Hoa.

Thuở ấy ở nước Cô Sâm Bi có một thiếu nữ tên là Mã Can Di Hoa nhan sắc rất lộng lẫy, được nhiều vương tôn, công tử gấm ghé. Cha cô còn chưa ưng gả cho ai, đến khi ông trông thấy dáng mạo trang nghiêm của đức Phật, trên đường khất thực, ông liền ngỏ lời cầu thân cùng đức Phật. Đức Phật từ chối và bảo: "Đối với tấm thân bên trong đầy chất dơ bẩn, nước tiểu và phẩn, ta chẳng muốn để chơn ta đụng phải". Trước lời nói thẳng thắn của đức Phật, cha mẹ cô Mã Can Di Hoa sực tỉnh ngộ, hiểu được lẽ vô thường của sắc thân, chứng được quả vị A Na Hàm; nhưng cô Mã bị chạm tự ái, rất căm hận đức Phật, nguyện sẽ trả thù.

Về sau, cô Mã được chọn vào hoàng cung, vua Ưu Đề Na phong làm vương phi. Khi hay tin đức Phật và chư Tăng đến xứ Cô Sâm Bi, cô Mã liền cho thuê nhiều tay du đãng cứ đi theo sau lưng đức Phật, dùng lời thô tục mà nhục mạ Ngài. Tôn giả A Nan chịu chẳng nổi các lời bỉ ổi, hỗn láo với đức Phật như thế, mới xin Phật hãy rời thành Cô Sâm Bi đi sang xứ khác. Đức Phật từ tốn nói: ‘Nầy A Nan, đi sang nơi khác, rồi cũng bị nhục mạ nữa, thì phải làm sao? Chi bằng, cứ giải quyết vấn đề khó khăn ngay tại đây. Cũng như con voi xông pha tên đạn tứ phía ngoài mặt trận, ta vẫn thản nhiên kiên nhẫn hứng chịu các lời nói nhục mạ kia, từ cửa miệng của bọn người còn thiếu đạo đức!"

Rồi đức Phật nói lên ba bài Kệ sau đây, khiến cho bọn du đãng biết hối lỗi mà tự giải tán:
  • Như voi chiến xông ngoài trận mạc,
    Hứng lằn tên, mũi đạn tơi bời,
    Như Lai chịu phỉ báng mọi lời
    Của những người vẫn còn đức bạc.
    (Kệ số 320)

    Voi, ngựa thuần mới đem dự hội.
    Con nào nhuần nhã được Vua cởi.
    Quí nhứt, người đã luyện tinh thông
    Nhẫn nhịn chịu mọi lời chửi bới.
    (Kệ số 321)

    Ngựa rặc giống, la con thuần nết,
    Đại tượng ngà dài, đều quí hết.
    Nhưng tối thượng lại chính là người
    Trang nghiêm giới đức, tự điều tiết.
    (Kệ số 322)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Mã Can Di Hoa: Tên người đẹp nầy, tiếng Pali là Māgandiyā.

- Tu viện Cô Si Ta, nước Cô Sâm Bi: Tên ngôi chùa nầy, tiếng Pali là Ghositārāma, ở nước Kosambi, thuộc miền Bắc Ấn Độ xưa.

- Vương tôn: Cháu vua; Công tử = con quan.

- Gấm ghé: Muốn xin cưới làm vợ.

- Cầu thân: Nghĩa rộng ở đây là muốn gả con để làm thân với nhau

- Tỉnh ngộ: Tỉnh = hết mê; Ngộ = hiểu được Sự thật. Người tỉnh ngộ là người nhận ra trước mình lầm, nay biết được Sư thật.

- Sắc thân: Tấm thân vật chất.

- Vô thường: Chẳng bền chặt, hay biến đổi để đi đến hoại diệt.

- A na hàm: Quả vị thứ ba, còn được dịch là Bất lai, chẳng phải bị tái sanh vào cõi người nữa, sanh lên trời, tu tiếp để chứng A la hán. A na hàm, tiếng Pali là Anāgāmi.

- Vua Ưu Đề Na: Tên vua xứ Cô Sâm Bi, tiếng Pali là Udena.

- Vương phi: Vợ vua.

- Du đãng: Côn đồ, bọn du côn hay phá làng, phá xóm.

- Từ tốn: Nói năng chẫm rãi, điềm đạm, chẳng hề tức giận.

- Thản nhiên: Tâm yên tịnh, lời nói hiền hòa, lòng chẳng hờn-giận, dửng dưng.

- Kiên nhẫn: Bền chí.

- Nhục mạ: Nói lời xấu ác nặng nề để người nghe buồn lòng.

- Giải tán: Bỏ đi chỗ khác.

- Trận mạc: Bãi chiến trường, nơi đánh giết nhau.

- Đức bạc: Thiếu đức hạnh, đạo đức còn mỏng mảnh.

- Thuần: Nhuần nhã = được luyện tập kỹ lưỡng rồi, dễ sai khiến.

- Rặc giống: (Loài thú) chẳng lai giống, thuần một nòi, rất quí.

- La: Giống lai giữa ngựa và lừa.

- Đại tượng: Con voi lớn.

- Ngà: Một cặp răng nanh dài của voi, màu trắng đục, rất đẹp.

- Tối thượng: Tối = hết sức, bực nhứt; Thượng = cao, trên. Tối thượng là cao quí nhứt, chẳng chi hơn được.

- Tự điều tiết: Tự = chính mình; Điều = điều phục, điều khiển; Tiết = tiết chế, chế phục. Tự điều tiết là tự mình biết giữ lấy kỷ luật nghiêm khắc, chẳng để sơ hở mà phạm lỗi.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc bà Mã Can Di Hoa căm hận đức Phật đã chẳng khen bà đẹp, lại thẳng thắn nói lên Sự thật về tấm thân bất tịnh của bà, bên trong chứa nhiều chất dơ bản, nên bà mướn du đãng theo chủi rủa đức Phật. Ngài thản nhiên, kiên nhẫn chịu đựng các lời nhục mạ thô tục của bọn côn đồ mất dạy.

Ý nghĩa của Tích chuyện dạy ta phải biết nhẫn nhục khi nghe lời mắng nhiếc, chẳng hờn giận, chẳng để dạ thù oán.

(2) Ý nghĩa của ba bài Kệ số 320, 321 và 322:

Cả ba bài Kệ đều dạy ta nên nhẫn nhục, nghe lời nhục mạ mà chẳng khởi tâm lên tức giận, chẳng hề để dạ căm thù. Thái độ nhẫn nhục nầy được đức Phật so sánh với sự dõng mãnh của con voi trận, sẵn sàng hứng chịu lằn tên, mũi đạn chẳng chút nao núng.

Ý nghĩa của các bài Kệ khuyên ta nên cố gắng tập luyện cho tinh thông sự nhẫn nhục; đây là một đức tánh rất quí báu cho người tu hành: tự chiến thắng được lòng sân hận bên trong tâm mình, hơn là cố tranh thắng với người đang làm nhục mình. Tự chiến thắng đó mới là chiến thắng "tối thượng", vẻ vang nhứt.
Hình ảnh


Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

233. TÍCH CHUYỆN NGƯỜI QUẢN TƯỢNG
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại chùa Kỳ Viên, nước Xá Vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến một vị tỳ kheo trước kia làm nghề quản tượng.

Thuở ấy, có hai vị tỳ kheo đang đi dọc bờ sông A Xi Ra, trông thấy một người quản tượng dẫn voi xuống sông tắm. Con voi lún bùn, rút chơn lên chẳng được, người quản tượng lúng túng chẳng biết làm thế nào để kéo voi ra giữa dòng. Một vị tỳ kheo, nguyên trước làm nghề quản tượng, cười bảo vị đồng tu, mách cách thúc voi sao cho nó biết rút chơn khỏi bùn. Người quản tượng nghe thấy, liền làm theo lời chỉ dạy, con voi mới ngoan ngoãn ngâm mình xuống nước.

Khi về đến tịnh xá, vị tỳ kheo thuật lại tài khéo điều phục voi của bạn mình lên đức Phật nghe. Đức Phật bảo: "Nầy chư Tăng, chẳng phải khoe tài khéo huấn luyện voi mà kẻ tu hành sớm đến được cảnh giới Niết bàn. Chỉ những ai khéo tự huấn luyện mình mới sớm chứng được cảnh vô sanh, an lạc ấy".

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:
  • Chẳng phải cởi voi, ngựa ấy lên đàng,
    Mà ta đến được Niết bàn vô sanh.
    Chỉ có người tự ngã khắc phục
    Đến được mục tiêu, nhờ thuần thục.
    (Kệ số 323)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Quản tượng: Quản = cai quản, điều khiển; Tượng = voi lớn. Người quản tượng là kẻ chăn voi, huấn luyện voi.

- Sông A Xi Ra: Tên con sông nầy, tiếng Pali là Aciravatī.

- Mách: Chỉ bảo cho.

- Điều-phục: Điều = điều khiển; Phục = thâu phục. Điều phục voi là huấn luyện voi, bắt nó theo lịnh của mình.

- Cảnh giới Niết bàn: Cảnh giới = nơi, vùng, trong giới hạn; Niết Bàn: tiếng Phạn là Nirvana, tiếng Pali là Nibbana; đây là tâm trạng (chớ chẳng phải một cõi nào trong không-gian) của bực tu hành đã diệt xong các phiền não, chướng ngại, lìa mọi ham muốn, chứng được vô-sanh (= chẳng còn tái sanh trong Luân hồi), nay sống an vui.

- Mục tiêu: Mục = con mắt; Tiêu = cái mốc. Có nghĩa là mục đích.

- Tự ngã khắc phục: Khắc phục = thắng được và bắt theo lịnh của mình; Tự ngã = cái "Ngã", cái "Ta" của mình. Người đã khắc phục tự ngã của mình là người đã quên mình, xem thân tâm nầy tạm bợ, dẹp hết các phiền não và tuân theo giới luật đầy đủ.

- Thuần thục: Nhuần nhã, rành rẽ lắm rồi.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc một vị tỳ kheo, trước làm nghề quản tượng, nhơn đi dọc bờ sông, thấy một người chăn voi lúng túng chẳng biết làm sao thúc đẩy voi ra khỏi vũng bùn, để ra sông tắm. Vị ấy cười nói với bạn đồng tu cách thức phải điều phục voi làm sao cho nó ngoan ngoãn theo lịnh mình. Người chăn voi nghe được, làm theo, dắt voi khỏi chỗ sa lầy. Khi đức Phật nghe được sự việc đó, Ngài quở vị tỳ kheo cựu quản tượng và dạy rằng: "Chẳng phải nhờ điều phục voi mà ta đến Niết Bàn được, chỉ những ai biết điều phục tự ngã của chính mình mới chứng được Niết bàn an vui và tự tại".

Ý nghĩa của Tích chuyện: chớ xao lãng việc khắc phục tự ngã của mình, có tuân hành giới luật, nỗ lực tu tập mới chứng được Niết Bàn.

(2) Ý nghĩa của bài Kệ số 323:

1) "Chẳng phải cởi voi, ngựa ấy lên đàng, Mà ta đến được Niết Bàn vô sanh": vì Niết bàn chẳng phải là nơi chốn, mà là một tâm trạng của mình đã dứt hết phiền não, cho nên chẳng có voi, có ngựa, hay phương tiện chuyên chở nào, đưa ta đến cảnh giới ấy được.

2) "Chỉ có người tự ngã khắc phục": người khắc phục được tự ngã là người làm chủ được thân tâm mình, chẳng xem cái "Ta", và những sự vật "của Ta" là quí nữa.

3) "Đến được mục tiêu, nhờ thuần thục": mục tiêu nào? Đó là cảnh giới an vui tự tại của Niết bàn, khi tâm thanh tịnh đã dứt xong các phiền não, vượt mọi chướng ngại và lìa mọi ham muốn.
Hình ảnh


Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

234. TÍCH CHUYỆN NGƯỜI CHA GIÀ BỊ CÁC CON RUỒNG BỎ
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại Tịnh xá Trúc Lâm, gần thành Vương Xá, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến một cụ già bị bốn người con trai ruồng bỏ.

Thuở ấy, ở nước Xá Vệ có một vị Bà la môn nhà giàu có, sanh được bốn người con trai; gia tài lên đến tám mươi vạn đồng. Khi mỗi người con trai lập gia đình riêng, cụ tặng cho mười vạn đồng. Đến khi bà vợ chết, cụ còn được bốn mươi vạn. Các con mới thưa, cha nay già cả quá rồi, cứ đem số tiền chia cho chúng con, chúng con sẽ thay phiên nhau phụng dưỡng cha. Cụ nghe lời, đem của cải ra phân chia hết cho các con. Rồi cụ về ở chung với người con cả. Chưa đầy một tháng, người con dâu lớn đã bảo: "Cha có cho con trai trưởng của cha thêm vài ngàn đồng nào đâu, mà sao cha cứ ở lì tại đây mãi vậy? Bộ cha chẳng biết đường đi đến ở nhà mấy chú khác hay sao?" Nghe lời nói đó, tội nghiệp! cụ già tủi thân đi sang nhà người con thứ. Cũng vậy, chưa được ba tuần lễ, người con dâu thứ lại cũng nói với cụ những lời tương tợ như lời của chị dâu lớn. Cụ lại dọn sang nhà đứa con thứ ba, rồi đến đứa con út, mà cũng chẳng được đối xử khá hơn chút nào. Buồn lòng, cụ mang một cái bát, chống một cây gậy, đi xin ăn, lần bước đến chùa, vào thưa với đức Phật.

Sau khi nghe cụ kể lể nỗi lòng, bị các con lấy hết tiền, rồi hất hủi, đức Phật nói: "Nầy Bà la môn, nay ta dạy cho ông một bài thơ, cứ vừa đi xin, vừa đọc lên, nhứt là vào chỗ đông người:
  • Tôi nay có bốn người con,
    Miệng thưa "Cha!" ngọt, mà lòng chẳng thương.
    Nghe lời vợ, đuổi ra đường.
    Tay cầm chiếc bát, thân nương gậy nầy.
    Ai thương cảnh khổ già đây,
    Nhớ cho bát, gậy hơn bầy con hư!"
Cụ chống gậy, ôm bát, nghêu ngao hát cả ngày. Dân chúng nghe thấy, động lòng thương cụ và trách bốn người con trai quá bất hiếu, hất hủi cha già. Các người con hổ thẹn, rước cha về nhà, mỗi ngày mỗi ngưòi dâng một mâm cơm đầy đủ thức ăn ngon. Cụ chẳng dùng hết mỗi ngày đến bốn mâm, mới bảo con mang hai mâm đem vào chùa cúng dường đức Phật và chư Tăng. Nhơn đó, đức Phật giảng Chánh pháp cho họ nghe, Ngài lại nói đến lòng hiếu thảo của con voi rừng tên là Tài Hộ, bị bắt, bỏ cả ăn uống, lòng thường nghĩ đến voi cha, voi mẹ trong rừng xanh.

Rồi đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:
  • Voi tên Tài Hộ rất hung hăng,
    Khi phát dục tiết mùi hôi thối,
    Bị bắt nhốt, chẳng chịu uống ăn,
    Tưởng nhớ rừng voi, hằng mong mỏi.
    (Kệ số 324)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Ruồng bỏ: Đuổi đi, chẳng săn sóc, chẳng giúp đỡ chi cả.

- Bà la môn: Tiếng Pali là Brahmana, giai cấp tu sĩ ở Ấn Độ xưa.

- Phụng dưỡng: Chăm nuôi người bề trên.

- Con trai trưởng: Người con trai lớn nhứt trong nhà.

- Con thứ: Người con kế, sau người con trưởng.

- Hất hủi: Tỏ ra lạnh nhạt, chẳng đối xử tốt nữa.

- Bất hiếu: Bất = chẳng; Hiếu = lòng thương cha mẹ, biết lo săn sóc, phụng dưỡng cha mẹ.

- Cúng dường: Đọc trại hai chữ Hán Việt cung dưỡng; cung = cung cấp; dưỡng = nuôi dưỡng. Tiếng nhà chùa chỉ sự dưng cúng lễ vật

- Tài Hộ: Tên con voi nầy, dịch nghĩa chữ Pali là Dhanapāla. (Dhana = tài sản; pāla = bảo-hộ, giữ-gìn)

- Phát dục: Phát = khởi lên; Dục = dục tình, ý muốn giao hợp với kẻ khác phái. Đây nói về con voi đang khởi dục tình, muốn giao hợp, phát ra mùi hôi thối.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại một cụ già, vì chia hết tài-sản cho các con đến sống ở nhà các con. Vì nghe lời vợ cứ nói ra nói vào, các con cụ hất hủi cha, nên cụ buồn lòng cầm bát, chống gậy đi xin ăn. Cụ gặp đức Phật, được dạy cho một bài thơ về con bất hiếu, để đến chỗ đông người hát lên. Bị dân chúng chê bai, các người con hổ thẹn mới rước cha về nuôi dưỡng. Khi gặp các người con, Đức Phật kể lại chuyện con voi Tài Hộ, mặc dầu hung hăng, nhưng khi bị bắt, nó bỏ cả ăn uống, lòng chỉ nhớ nghĩ đến voi cha, voi mẹ trong rừng.

Ý nghĩa của Tích chuyện là làm con phải hiếu thảo với cha mẹ, kẻo lại thua con voi Tài Hộ, dầu là thú vật, còn biết thương cha mẹ.

(2) Ý nghĩa của bài Kệ số 324:

Ý nghĩa của bài Kệ là nêu lên lòng hiếu thảo của một con voi, để làm gương cho những kẻ hất hủi mẹ cha lúc tuổi già.
Hình ảnh


Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

235. TÍCH CHUYỆN VUA BA TƯ NẶC ĂN QUÁ NO
Tích chuyện nầy giống với Tích chuyện số (162).

Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại chùa Kỳ Viên, nước Xá Vệ, trong kỳ giảng pháp, có đề cập đến việc vua Ba Tư Nặc ăn quá no.

Thuở ấy, vua Ba Tư Nặc, xứ Câu Tát a, sau một bữa ăn rất thịnh soạn, đến chùa Kỳ Viên đảnh lễ đức Phật. Nhà vua ăn mỗi bữa cả mấy tô cơm, nhai cả đùi dê nấu cà ri. Khi ngồi nghe Phật giảng, nhà Vua buồn ngủ, đầu cứ gật lên gật xuống, hai mắt muốn sụp lại. Sau thời pháp, Vua thưa: "Bạch Thế Tôn, hôm nay vì ăn no quá, buồn ngủ, con cảm thấy nhọc mệt, chẳng chú tâm nghe pháp được." Đức Phật bảo: "Nầy Đại vương, những người tham ăn quá cũng đều cảm thấy nặng bụng và buồn ngủ như thế cả".

Rồi đức Phật nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó vua Ba Tư Nặc biết bớt ăn, bụng thon lại, hăng hái hoạt động và vui vẻ hơn xưa:
  • Người khờ lười biếng, tham ăn
    Vật vờ, vất vưởng, nằm lăn cả ngày.
    Giống như con lợn mập thây,
    Luân hồi phải chịu, biết ngày nào ra.
    (Kệ số 325)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Vua Ba Tư Nặc xứ Câu Tát La: Tên vị vua cai trị xứ nầy, tiếng Pali là vua Pasenadi, nước Kosala, ờ miền Bắc Ấn Độ xưa.

- Thịnh soạn: Nói về bữa ăn có nhiều thức ăn ngon.

- Đảnh lễ: Cúi đầu làm lễ ra mắt bực trưởng thượng.

- Thế Tôn: Thế = thế gian; Tôn = tôn trọng. Đức Phật được gọi là Thế Tôn, bực được cả thế gian tôn trọng.

- Vật vờ, vất vưởng: Lừ đừ, chẳng muốn làm gì cả, lười biếng.

- Luân hồi: Luân = bánh xe; Hồi = quay trở lại. Theo giáo lý nhà Phật, chúng sanh khi chết đi, lại sanh trở lại, để rồi lại chết nữa; cuộc sống lẩn quẩn chịu khổ nhiều, sướng ít đó gọi là Luân hồi, như bánh xe cứ quay một vòng rồi lăn trở lại mãi. Vì thế, người tu hành phải lo diệt hết các phiền não, dẹp mọi tham muốn, để chứng được vô sanh, dứt khoát ra khỏi cảnh tái sanh lẩn quẩn của Luân hồi, đó là giải thoát mọi khổ đau, được tự tại mãi trong cảnh an vui của Niết Bàn.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất giản dị, thuật lại vì ăn quá no, nên vua Ba Tư Nặc mệt mỏi và buồn ngủ, chẳng nghe được bài pháp của đức Phật.

Ý nghĩa của Tích chuyện là lời dạy của đức Phật, nên ăn uống vừa phải, chớ tham ăn và chớ lười biếng.

(2) Ý nghĩa của bài Kệ số 325:

Bài Kệ so sánh kẻ tham ăn, lười biếng như con heo ăn mập thây. Kẻ chỉ biết ăn cho sướng miệng, mập thây, sẽ mắc vòng Luân hồi, vì chẳng chọn con đường tu hành giải thoát: đó là ý-nghĩa của bài Kệ.
HỌC TẬP:
1) Ăn uống là để bồi bổ cơ thể; ăn quá mức, số dư tích trữ lại sẽ gây ra phì béo, chậm chạp và lười biếng. Tập cho trẻ con ăn-uống đúng giờ, bỏ thói ăn quà vặt.

2) Ngoài thức ăn vật chất ra, con người còn cần thức ăn về tinh thần: mỗi tuần siêng đi chùa, lạy Phật, nghe giảng kinh, đó là nuôi dưỡng, bồi bổ tinh thần. Nên dắt con cháu nhỏ theo khi đi chùa.
Hình ảnh


Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

236. TÍCH CHUYỆN SA DI SÀ NHU
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại chùa Kỳ Viên, nước Xá Vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến một vị Sa di tên là Sà Nhu.

Thuở ấy, Sa di Sà Nhu tuy còn nhỏ tuổi nhưng cũng thôngN thuộc nhiều kinh kệ. Một hôm, các vị tỳ kheo trong tuổi bảo Sa di Sà Nhu bước lên đài cao, ngồi tụng đọc kinh kệ cho đại chúng nghe. Sa di Sà Nhu vâng lời, sau khi tụng xong, chấp tay nói: "Nguyện đem công đức nầy hướng về tất cả các cha mẹ đời nầy, đời trước của đệ tử được hưởng nhiều phước lạc". Vào lúc đó, có một vị nữ phi thiên, vốn là mẹ của Sa Nhu trong tiền kiếp, nghe được lời hồi hướng, mới thốt lên rằng: "Lành thay! Lành thay! Nay được chia xẻ phước báu với con ta là Sà Nhu", Nhờ công đức hồi hướng đó mà vị ấy được các hàng phi thiên kính trọng.

Mấy năm sau, Sà Nhu thọ giới tỳ kheo một thời gian, lại bỗng nẩy ra ý định hoàn tục. Sà Nhu trở về nhà cũ, xin mẹ trao lại cho mình y phục của thường nhơn. Người sanh mẫu buồn lòng, thấy con có ý thoái chuyển, mới khóc mà nói rằng: "Nay con đã xuất gia, gia nhập Tăng đoàn, cầu đường giải thoát, sao con lại thối chí quay về cuộc sống khổ lụy của thế tục?" Cùng lúc ấy, vị phi thiên, mẹ trong tiền kiếp của Sà Nhu cũng nghe thấy, mới nghĩ, nếu con mình hoàn tục, mình sẽ bị các phi thiên khác chê cười; bà mới nhập vào Sà Nhu, khiến Sà Nhu té ngửa xuống, sùi bọt mép. Cả nhà hoảng hốt, cấp cứu, đến khi tỉnh dậy, Sà Nhu còn nghe tiếng mẹ cũ đang nói văng vẳng: "Con đừng hoàn tục, hãy mau trở lại chùa tu hành để tìm đường giải thoát, ra khỏi cảnh Luân hồi lận đận".

Sau đó, khi Sà Nhu trở về tịnh xá, các vị tỳ kheo khác trình sự việc lên đức Phật. Sà Nhu được gọi đến, nghe đức Phật dạy rằng: "Nầy tỳ kheo, chẳng nên trở lại cuộc sống buông lung của người thế tục. Con muốn được an vui, thì phải biết điều phục tâm ý, theo con đường Chánh đạo, như anh quản tượng dùng móc sắt răn dạy và kiểm soát con voi hung hăng".

Rồi đức Phật mời nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó Sà Nhu sực tỉnh, biết nỗ lực tu hành, chẳng bao lâu chứng được quả vị A la hán:
  • Ngày trước, tâm lang thang, lêu lổng,
    Đuổi theo thú vui cùng dục vọng.
    Ngày nay, bằng chánh niệm, kềm tâm
    Như quản tượng tay cầm móc dạy voi.
    (Kệ số 326)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Phi thiên: Phi = chẳng phải; Thiên = Trời. Phi thiên là hạng thần linh.

- Sa di: Tiếng Pali là Sāmanera, người mới vào chùa tập sự tu hành, chưa thọ giới tỳ kheo. Trong chùa thường gọi là chú tiểu.

- Sà Nhu: Tên vị sa di nầy, tiếng Pali là Sānu.

- Đại chúng: Đại = lớn; Chúng = số đông. Đại chúng là tiếng nhà chùa, chỉ số đông người đang ngồi nghe giảng pháp.

- Tiền kiếp: Tiền = trước; Kiếp = đời sống trước. Tiền kiếp là những đời sống trước, trước đời hiện nay.

- Hồi hướng: Hồi = trở về; Hướng = hướng về, quay về phiá. Hồi hướng là xin hướng công đức đến người mình đang cầu nguyện cho.

- Lành thay: lời khen đã làm việc thiện; dịch tiếng Pali là Sādhu.

- Hoàn tục: Hoàn = trở lại; Tục = đời sống thế tục. Hoàn tục là thôi chẳng đi tu nữa, quay về sống lại trong gia đình như trước.

- Sanh mẫu: Sanh = đẻ ra; Mẫu = mẹ; Sanh mẫu là người mẹ sanh mình ra trong cõi đời hiện nay.

- Thoái chuyển: Thoái = lùi lại; Chuyển = động chuyển; Thoái chuyển là đi thụt lùi; trở lại chỗ thấp kém. Đối nghĩa với chữ Tinh tấn.

- Tăng đoàn: Tăng = tu sĩ Phật giáo; Đoàn = đoàn thể. Một tăng đoàn gồm có ít nhứt bốn vị tăng sĩ tu chung. Tiếng Pali là Sangha.

- Khổ lụy: Khổ = đau khổ; Lụy = phiền lụy. Khổ-luỵ = phiền khổ.

- Thế tục: Thế = đời; Tục = thường; Thế tục là đời sống thường, có gia đình, chẳng tu hành.

- Cấp cứu: Cấp = gấp, mau; Cứu = cứu giúp. Cấp cứu là cứu ngay.

- Lận đận: Đau buồn, gặp nhiều khó khăn, khổ sở.

- Buông lung: Thiếu kềm chế, lười biếng; đồng nghĩa = phóng dật

- Tịnh xá: Tịnh = yên tịnh; Xá = nhà. Tịnh xá là ngôi chùa nhỏ.

- Điều phục tâm ý: Giữ gìn tâm chẳng cho khởi bụng quấy.

- Chánh đạo: Chánh = chơn chánh; Đạo = đường; tức là Bát chánh đạo, con đường Thánh tám ngành đưa ta ra khỏi cảnh Luân hồi.

- Dục vọng:Dục = muốn; Vọng = mong; Dục vọng là các ham muốn thấp hèn về vật chất.

- Chánh niệm: Chánh = chơn chánh, đứng đắn; Niệm = ý nghĩ. Người có chánh niệm đang làm, nói hay nghĩ việc gì, thì biết rõ và chú tâm vào việc đang làm, nói, nghĩ đó và chỉ việc đó mà thôi.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc vị Sa di Sà Nhu thông thuộc nhiều kinh kệ, sau khi thọ giới tỳ kheo một thời gian, lại muốn hoàn tục. Được cả hai bà mẹ, mẹ đương thời và mẹ kiếp trước, cản ngăn, Sà Nhu trở lại chùa. Nghe đức Phật dạy, phải kềm chế tâm ý mình như người quản tượng điều khiển voi, Sà Nhu nỗ lực tu hành, chứng được quả vị Thánh.

Ý nghĩa của Tích chuyện là đang tu mà có ý định hoàn tục, thì đó cũng như đang từ chỗ sáng mà quay về trong bóng tối, bỏ mất con đường giác ngộ và giải thoát để ra khỏi cảnh khổ của Luân hồi.

(2) Ý nghĩa của bài Kệ số 326:

Ý nghĩa của bài Kệ so sánh việc kềm chế tâm ý cũng như việc điều khiển voi bằng móc sắt; lòng phải cương quyết chẳng thối chí. Kềm tâm bằng cách nào? Luôn luôn giữ chánh niệm trong tâm.
  • a. Hai câu đầu: Ngày trước, tâm còn vọng động, chạy theo các thú vui cùng dục vọng (=ham muốn), để tâm thả lỏng;

    b. Hai câu chót: Ngày nay, biết dùng chánh niệm kềm tâm lại, như người quản tượng dùng móc sắt điều khiển con voi hung hăng.
Hình ảnh


Đã khóa

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.25 khách