Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Cùng nhau học hỏi những bài giáo lý căn bản và kiến thức Phật học phổ thông.
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

237. TÍCH CHUYỆN CON VOI GIÀ
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại chùa Kỳ Viên, nước Xá Vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến con già tên là Ba Vi Gia.

Voi Ba Vi Gia khi còn trẻ là một con voi chiến rất mạnh mẽ, nay đã già yếu. Một hôm, voi Ba Vi Gia ra bờ ao định xuống uống nước, rủi thay, chân bị sa lầy, chẳng rút ra khỏi bùn được. Vua Ba Tư Nặc xứ Câu Tát La hay tin, liền sai một người quản tượng đến giúp. Người quản tượng đến nơi, nhận ra voi chiến Ba Vi Gia, mới cho gọi đoàn quân nhạc tới. Rồi tiếng trống, tiếng kèn, tiếng chiêng khua vang lên thành một nhạc bản quân hành hùng dũng. Voi Ba Vi Gia cảm thấy như đang lâm trận, tinh thần hăng lên, nhẹ nhàng rút chơn ra khỏi vũng bùn, giữa tiếng hoan hô vang dậy.

Khi các tỳ kheo thuật lại sự việc trên, đức Phật bảo: "Nầy chư tỳ kheo, cũng như con voi rút chơn ra khỏi vũng bùn, các ông nên sớm thoát ra khỏi vũng sình kết sử".

Rồi đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó nhiều vị tỳ kheo nỗ lực tu tập, chứng được quả vị A la hán:
  • Trong chánh niệm, hãy tìm thích thú,
    Tâm ý nên hết lòng phòng thủ.
    Như voi sa lầy cố rút chơn ra,
    Hãy tự kéo khỏi vũng sình kết sử.
    (Kệ số 327)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Voi chiến Ba Vi Gia: Tên con voi đánh giặc nầy, tiếng Pali là Pāveyyaka.

- Sa lầy: Bị lún bùn, kẹt chơn dưới bùn chẳng rút ra được.

- Vua Ba Tư Nặc, xứ Câu Tát La: Tên vị vua nầy, tiếng Pali là Pasenadi, cai trị xứ Kosala, ở miền Bắc Ấn Độ xưa.

- Quân nhạc: Ban nhạc nhà binh.

- Chiêng: Một loại nhạc khí bằng đồng, hình giống cái mâm lớn

- Bản quân hành: Bản nhạc hành quân, tấu lên trong khi quân lính đi ra trận, để làm tinh thần chiến sĩ phấn khởi lên.

- Lâm trận: Sắp giao chiến, sắp đánh giặc.

- Chánh niệm: Ý nghĩ chơn chánh. Người giữ chánh niệm là người đang làm, nói, nghĩ gì, thì trong tâm chú ý, biết đến việc đang làm, nói, nghĩ đó và chỉ việc ấy mà thôi, chẳng lo ra đến chuyện khác.

- Kết sử: Kết = ràng buộc lại; Sử = sai sử, sai khiến. Kết sử còn được gọi là thúc thằng (thúc = trói-buộc; thằng = sợi dây), tiếng Pali là Sanyojana, là những tình cảm, tư tưởng có tánh cách ràng buộc, gây ra phiền não, và thúc dục ta làm đìều quấy.

Theo giáo lý Bắc tông, có mười kết sử, phân ra:
  • (1) Ngũ độn sử, năm mối kết sử thấp:
    • a. Thân kiến (= chấp thân nầy làm Ta, Pali: Sakkāyaditthi);
      b. Nghi (= nghi ngờ Chánh pháp, Pali: Vicikiccha);
      c. Giới cấm thủ (= tin vào các nghi thức cúng tế tà đạo, Pali: Silabhataparāmāsa);
      d. Tham (Kāmarāga);
      e. Sân (= giận hờn, Pali: Patigha).
    Diệt xong ngũ độn sử, chứng quả A na hàm.

    (2) Ngũ lợi sử, năm mối kết sử cao:
    • a. Sắc ái (= mê luyến cõi sắc giới; Pali: Rūparāga);
      b. Vô sắc ái (= mê luyến cõi vô sắc giới; Pali: Arùparāga);
      c. Mạn (= kiêu căng, Phạn: mano);
      d. Trạo (= giao động, bối rối; Pali: Uddaccha);
      e. Vô minh (= si mê; Pali: Avijja).
    Diệt xong nốt ngũ lợi sử, chứng quả A la hán.
Giáo lý Nam tông chia mười thúc thằng (= kiết sử, Pali: Sanyojana) ra:

- Ba thúc thằng đầu tiên, diệt xong, chứng quả vị thứ nhứt là Tu đà hườn (Pali: Sotāpatti);

- Hai thúc thằng kế tiếp, diệt xong, chứng quả vị thứ hai là Tư đà hàm (Pali: Sakādagāmi);

- Cả năm thúc thằng đầu tiên (= ngũ độn sử), diệt xong, chứng quả vị thứ ba là A na hàm (Pali: Anāgāmi);

- Cả năm thúc thằng chót (= năm lợi sử), diệt nốt, chứng quả thứ tư, cao nhứt là A la hán (Pali: Arahant).

Nhớ đủ cả mười kết sử thì khó, chỉ cần nhớ ba mối chánh, gọi là tam độc (= ba món thuốc độc): tham, sân, si.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại việc con voi Ba Vi Gia bị sa lầy, nhờ nghe tiếng quân nhạc, hăng hái tinh thần lên mà rút chơn ra khỏi vũng bùn. Nhơn chuyện nầy, đức Phật dạy các tỳ kheo cũng nên rút chơn mình ra khỏi vũng sình kết sử.

"Rút chơn ra khỏi vũng sình kết sử", có nghĩa là, đã diệt xong năm độn sử và năm lợi sử, tức là tất cả mọi phiền não đã tận diệt, như thế là đang chứng đắc được quả vị A la hán, thoát khỏi vòng tái sanh lẩn quẩn của Luân hồi, hoàn toàn được giải thoát.

(2) Ý nghĩa của bài Kệ số 327:

Ý nghĩa bài Kệ nhắc nhở đến công việc tu tập của vị tỳ kheo, diệt hết mười kết sử để chứng quả vị A la hán, thoát được vòng sanh tử lận đận của Luân hồi.

Xin phân tách từng câu bài Kệ:
  • a. Trong chánh niệm, hãy tìm thích thú: Lời khuyên nầy khó thực hiện được, nếu chẳng nỗ lực bền bỉ. Tại sao? Vì giữ chánh niệm thì phải luôn luôn chú ý đến bên trong tâm, mau mệt trí, dễ chán. Nhưng người hay xao lãng, lơ là, sống cũng như cái máy; chánh niệm khiến ta sống trọn vẹn với ta.

    b. Tâm ý nên hết lòng phòng thủ: Phòng thủ chống lại việc gì? Chống lại ác ý, vì ác ý xúi ta phải sa vào tội lỗi, tạo nghiệp dữ. Chống lại vọng tưởng, các ý vẩn vơ, dắt tâm đi lang thang, chạy theo ngoại cảnh, đuổi theo các thú vui thấp kém. Vậy phòng thủ tâm ý ở đây có nghĩa là thanh lọc tâm ý để sớm đạt được tâm thanh tịnh.

    c. Như voi sa lầy cố rút chơn ra: Voi phải tự mình nỗ lực rút lấy chơn ra; đây là ý Phật dạy ta phải tự mình nỗ lực, chớ chẳng phải chờ người khác đến ... cứu độ mình, cỏng giùm mình sang bờ giác.

    d. Hãy tự kéo khỏi vũng sình kết sử: Trong số mười món kết sử, quan trọng là ba món độc tham, sân, si vì chúng chi phối các món kia. Có hai món dễ trừ là:
    • (a) Nghi, hễ tin vào Chánh pháp thì hết nghi;
      (b) Giới cấm thủ, bỏ được mê tín dị đoan, đừng xin xâm, chẳng cúng ông Địa nữa, đâu có khó!
Hình ảnh


Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

238. TÍCH CHUYỆN CON VOI HẦU PHẬT
Tích chuyện nầy giống với Tích chuyện số (5).

Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại rừng Bà Li Lai, trong xứ Cô Sâm Bi, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến con voi Bà Li Gia.

Thuở ấy, chư Tăng ở Cô Sâm Bi chia rẻ thành hai nhóm, tranh cãi nhau: một nhóm cho rằng Giới luật là hơn, còn một nhóm bảo Kinh tạng mới quí. Họ cãi nhau sôi nổi, náo động cả nơi tu hành. Đức Phật đã nhiều lần ngăn cản chẳng được, Ngài bỏ đi, sống qua mùa hè một mình trong rừng, có con voi tên là Bà Li Gia phục vụ.

Mãn mùa an cư, Tôn giả A Nan cùng chư tỳ kheo đi vào rừng, thỉnh Phật trở về tịnh xá. Tôn giả A Nan thưa: "Bạch Thế Tôn, ba tháng mùa mưa, Thế Tôn ở một mình trong rừng, chắc thiếu thốn nhiều". Đức Phật bảo: "Nầy A Nan, đừng nói thế! Trong ba tháng qua, voi Bà Li Gia đã tận tụy phục vụ Như Lai, như một người bạn tốt. Được một người bạn tốt như thế, ta nên chung sống với nhau; còn nếu gặp bạn chẳng hiền, thà cứ sống lẻ loi một mình nơi rừng vắng còn hơn".

Rồi đức Phật nói lên ba bài Kệ sau đây:
  • Nếu gặp người hiền trí hạnh lành,
    Thích hợp nhau làm bạn đồng hành,
    Hãy sống chung vui và giác tỉnh,
    Mọi hiểm nguy sẽ vượt an lành.
    (Kệ số 328)

    Nếu chẳng gặp người đạo đức cao,
    Trí huệ nhiều đáng kết thâm giao,
    Thà như Vua bỏ nước vừa chinh phục,
    Như voi giữa rừng, hãy sống lẻ loi.
    (Kệ số 329)

    Chẳng thà phải sống cô đơn
    Còn hơn kết bạn với phường người ngu.
    Chẳng lo âu, khước từ ác hạnh,
    Sống thong dong như cảnh voi rừng.
    (Kệ số 330)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Rừng Bà Li Lai, xứ Cô Sâm Bi: Tên khu rừng nầy, tiếng Pali là Pālileyya, ở xứ Kosambi, miền Bắc Ấn Độ xưa.

- Voi Bà Li Gia: tên con voi nầy, tiếng Pali là Pālileyyaka.

- Giới luật, Kinh tạng: Tất cả kinh điển Phật giáo gọi là Tam tạng, gồm có:
  • (1) Luật tạng (= các giới luật, Vinaya);
    2) Kinh tạng (= các Kinh Kệ, Suttanta);
    (3) Luận tạng (= luận về Chánh pháp, Abhidhamma.)
(Tam = ba; Tạng = cái giỏ đựng sách; tiếng Pali Tam Tạng = Tipitaka).

- Mùa an cư: Trong ba tháng mùa mưa, chư Tăng chẳng đi ra ngoài, sợ đạp chết con trùng sinh sản nhiều, ở yên tu trong tịnh xá.

- Thế Ttôn, Như Lai: Các đệ tử Phật gọi Đức Phật là Thế Tôn (= bực được cả thế gian tôn trọng), và đức Phật tự xưng là Như Lai (= người đến đây như thế đó) khi nói chuyện với đệ tử.

- Hạnh lành: Đức hạnh hiền lành.

- Đồng hành: Cùng đi với nhau, bạn đường.

- Giác tỉnh, Tỉnh giác: Trong tâm luôn giữ chánh niệm, chẳng phút nào lơ là, hằng chú tâm.

- Kết thâm giao: Thâm = sâu đậm; Kết thâm giao là kết tình bạn thân mật, thấm thiết.

- Chinh phục: Đánh thắng, thâu phục được.

- Khước từ ác hạnh: Khước từ = rời bỏ; Ác hạnh = tánh dữ.

- Thong dong: Được tự do, chẳng bị ràng buộc.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc đức Phật rời tịnh xá vào rừng sống một mình, vì chư Tăng chẳng biết nghe lời Ngài để chấm dứt sự cãi vã quá ồn ào về Luật tạng và Kinh tạng. Mãn mùa an cư, Tôn giả A Nan khi thỉnh Phật trở về, có hỏi đức Phật ba tháng qua có bị thiếu thốn nhiều chăng. Đức Phật đáp, không, vì Ngài được Voi Bà Li Gia hết lòng hầu hạ. Nhơn đó đức Phật bảo, gặp bạn hiền nên vui chung sống; còn gặp kẻ dữ, thà sống lẻ loi một mình chốn rừng hoang.

Ý nghĩa của Tích chuyện: gặp bạn đạo tốt, nên chung sống; chớ kết thâm giao với kẻ kém đức hạnh.

(2) Ý nghĩa của ba bài Kệ số 328, 329 và 330:

Cả ba bài Kệ đều nói về sự lựa chọn bạn hiền để sống chung với nhau và tránh xa những người thiếu trí huệ và đức hạnh.

Xin phân tách từng câu trong mỗi bài Kệ.

Bài Kệ số 328:
  • a. Nếu gặp người hiền trí hạnh lành: Người hiền trí hạnh lành, ở đây, chính là bực thiện tri thức, đã thông hiểu Chánh pháp, đức hạnh cao dày; nếu gặp được, đó là cơ duyên may mắn lớn, nên theo học;

    b. Thích hợp nhau làm bạn đồng hành: Đồng hành, hiểu theo nghĩa rộng là chẳng những cùng đi chung một đường mà còn theo chung một lối tu hành, vì thế thích hợp với nhau, nên kết bạn ngay;

    c. Hãy sống chung vui và giác tỉnh: Nhờ hợp nhau nên cuộc sống chung vui vẻ; nhưng mỗi người phải tỉnh giác, luôn luôn chú ý, quán sát bên trong tâm mình, để giúp nhau tự kềm chế;

    d. Mọi hiểm nguy sẽ vượt an lành: Nhờ chung sức nhau nên khi gặp trở ngại, sẽ vượt qua an toàn. Trong việc tu hành, hiểm nguy to lớn nhứt là sự thoái tâm, chán nản; có bạn lành an ủi, sẽ nung chí lên.
Bài Kệ số 329:
  • a. Nếu chẳng gặp người đạo đức cao, Trí huệ nhiều, đáng kết thâm giao: đây là thiếu thuận duyên, chẳng có người xứng đáng, đầy đủ đức hạnh, để kết thân tình.

    b. Thà như Vua bỏ nước vừa chinh phục: đây là thái độ chẳng luyến tiếc những gì mình vừa có được thêm, dứt khoát bỏ ra đi.

    c. Như voi giữa rừng, sống lẻ loi: Tuy lẻ loi, nhưng được tự do, chẳng bị phiền lụy ràng buộc, đó là "người biết sống một mình".
Bài Kệ số 330:
  • a. Chẳng thà phải sống cô đơn, Còn hơn kết bạn với phường người ngu: Tuy sống đơn độc một mình, nhưng khỏi phải bị bọn người ngu theo phiền nhiễu, thì còn chi tốt hơn nữa.

    b. Chẳng lo âu, khước từ ác hạnh: đây là hai đức tánh quí trên đường tu: một là chẳng lo âu, vì tâm đã an định; hai là khước từ điều ác, khiến thân tâm thanh tịnh, sớm dứt được nghiệp dữ.

    c. Sống thong dong như cảnh voi rừng: Cảnh thong dong của voi rừng, đây chính là cảnh an nhiên, tự tại của bực đã chứng Niết Bàn.
Hình ảnh


Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

239. TÍCH CHUYỆN MA VƯƠNG CÁM DỖ PHẬT
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại một tịnh xá gần núi Tuyết sơn, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến việc Ma vương tới cám dỗ đức Phật.

Thuở ấy, đức Phật cư trú gần dãy Hi Mã Lạp Sơn. Ngài nhận thấy dân chúng trong vùng bị ngược đãi, các vị lãnh chúa thì tàn ác, bất công. Đức Phật nghĩ cách giúp đỡ dân chúng thoát khỏi cảnh bị đàn áp và khiến cho các vị lãnh chúa phải cai trị trong công bằng luật pháp. Bấy giờ, Ma vương đoán biết ý định của đức Phật, mới hiện lên thưa với Phật: "Bạch Thế Tôn, sao Ngài lại chẳng lên làm Vua, cai trị toàn dân trong thanh bình, an lạc!" Đức Phật nhìn biết Ma vương đến cám dỗ, mới đáp: "Nầy Ma vương hiểm độc, chớ có cám dỗ Như Lai. Giáo pháp của Như Lai chẳng giống với lời dạy của ông chút nào cả. Đây hãy lắng nghe Chánh pháp của Ta".

Rồi đó, đức Phật mới nói lên ba bài Kệ sau đây, Ma vương nghe xong, bẽn lẽn bỏ đi, biết chẳng khuấy rối nổi đức Phật:
  • Vui thay, gặp bạn khi cần!
    Vui thay, biết đủ với ngần nầy đây!
    Vui thay, thiện nghiệp dầy khi chết!
    Vui thay đau khổ diệt trừ xong!
    (Kệ số 331)

    Vui thay, phụng dưỡng mẹ già!
    Vui thay, hiếu kính với cha trên đời!
    Vui thay, phục-vụ Sa môn!
    Vui thay, thừa sự Thánh nhơn ra đời!
    (Kệ số 332)

    Vui thay, giữ giới tới già!
    Vui thay, tín niệm rất là bền lâu!
    Vui thay thành đạt trí mầu!
    Vui thay ác hạnh từ lâu khước từ!
    (Kệ số 333)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Ma vương: Vua Ma; theo kinh sách, đây là vị Thiên vương ở cõi Trời Tha hóa tự tại, thường thích đi cám dỗ kẻ khác làm điều quấy. Tiếng Pali là Māra.

- Hi Mã Lạp Sơn: Tuyết sơn = dãy núi cao nhứt thế giới (hơn tám ngàn mét), tuyết đóng quanh năm, dọc theo biên giới Ấn Độ và Trung hoa. Tiếng Pali là Himalaya.

- Ngược đãi: Ngược = bạo ngược, ác; Đãi = đối xử.

- Lãnh chúa: Vị vua chúa cai trị một vùng đất.

- Hiểm độc: Hiểm = ác ngầm; Độc = dữ ác. Kẻ hiểm độc hại ngầm người khác, mà làm bộ như thương yêu, giúp đỡ bề ngoài.

- Giáo pháp: Giáo = dạy; Pháp = phép. Giáo pháp, giáo lý, là lời dạy trong Đạo khuyên người tu hành.

- Chánh pháp: Chánh = chơn chánh, đứng đắn; Pháp = phép tu. Trong Phật học, chữ Chánh pháp chỉ lời dạy của đức Phật.

- Biết đủ với ngần nầy đây: biết đủ với những gì mình có, chỉ cần đến ngần ấy, chẳng tham đòi thêm. Biết đủ, tiếng Hán Việt là tri túc.

- Thiện nghiệp: Thiện = lành; Nghiệp = tất cả hành động, lời nói và ý nghĩ của một người, có ảnh hưởng đến vận mạng người ấy.

- Phụng dưỡng: Nuôi nấng, săn sóc.

- Hiếu kính: Tỏ lòng kính trọng và thương yêu, giúp đỡ.

- Sa môn: Phiên âm chữ Pali là Samana, nghĩa là tu sĩ Phật giáo. Có ba nghĩa:
  • (1) Cần giả, siêng làm lành;
    (2) Tức giả, ngưng làm ác;
    (3) Bần giả, nguyện chịu nghèo khó để tu hành.
- Thánh nhơn: bực Thánh, từ quả vị A la hán trở lên (thoát khỏi tái sanh của Luân hồi.) Tiếng Pali là Ariya. Đối nghĩa với phàm phu.

- Giới: Điều răn cấm trong Đạo. Tiếng Pali là Sila.

- Tín niệm: Tín = tin tưởng; Niệm = ý tưởng. Tín niệm là niềm tin; ở đây là niềm tin vững chắc vàoTam Bảo: Phật, Pháp và Tăng.

- Trí mầu: Trí huệ nhiệm mầu. Đây là Trí huệ Bát nhã Ba la mật, Prajna pāramitā, thường dịch là Trí Độ, cái Trí đưa ta đến bờ giác ngộ.

- Ác hạnh: Hạnh kiểm xấu ác; cùng nghĩa với ác nghiệp.

- Khước từ: từ bỏ hẳn.

- Phục vụ: Hầu hạ; giúp đỡ.

- Thừa sự: Nhận làm việc giúp cho ai.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc Ma vương đến cám dỗ đức Phật, thỉnh Ngài ra làm Vua. Đức Phật từ chối mối danh lợi nầy và giảng Chánh pháp cho Ma vương nghe.

(2) Ý nghĩa của ba bài Kệ số 331, 332 và 333:

Cả ba bài Kệ đều nói đến niềm vui của bực tu-hành theo con đường giác-ngộ và giải-thoát. Xin vạch các niềm vui đó ở mỗi bài Kệ:

Bài Kệ số 331: niềm vui sống yên, chết lành.
  • a. Vui thay, gặp bạn khi cần!: đây là niềm vui có được bạn hiền giúp đỡ mỗi khi cần đến;

    b. Vui thay, biết đủ với ngần nầy đây!: niềm vui tri túc, lòng thỏa mãn với những gì mình đang có, chẳng tham cầu đòi hỏi thêm.

    C. Vui thay, thiện nghiệp dầy khi chết!: lià đời mà vui vì biết thiện nghiệp sâu dầy của mình sẽ đưa mình đến cõi an lành.

    d. Vui thay đau khổ diệt trừ đã xong!: đây là niềm vui thoát khổ Luân hồi, vì đã diệt trừ mọi phiền não, chứng được vô sanh.
Bài Kệ số 332: niềm vui báo bốn trọng ân.
  • a. Vui thay, phụng dưỡng mẹ già; Vui thay hiếu kính với cha trên đời!: đây là niềm vui báo trọng ân của cha mẹ ngay khi còn sống.

    b. Vui thay phục vụ Sa môn; Vui thay, thừa sự Thánh nhơn ra đời!: đây là niềm vui báo trọng ân của Thầy, Tổ, được cúng dường các bực Hiền Thánh.
Bài Kệ số 333: niềm vui chuyên tu đến ngày viên mãn.
  • a. Vui thay, giữ giới tới già!: đây là niềm vui trọn được giới đức thanh tịnh suốt đời.

    b. Vui thay, tín niệm rất là bền lâu!: niềm vui có đức tin kiên cố.

    c. Vui thay thành đạt trí mầu!: niềm vui chứng Trí huệ Bát nhã Ba la mật đưa đến bờ giác ngộ và giải thoát.

    d. Vui thay, ác hạnh từ lâu khước từ!: niềm vui đã từ lâu hoàn toàn xa lánh con đường ác.
Hình ảnh


Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

XXIV. PHẨM THAM ÁI

240. TÍCH CHUYỆN CON CÁ VÀNG
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại chùa Kỳ Viên, nước Xá Vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến một con cá vàng rất đẹp nhưng miệng phát ra mùi hôi.

Thuở ấy, có người đánh cá bắt được một con cá vàng rất xinh đẹp, mới đem dâng cho Vua để lãnh thưởng. Đức Vua trầm trồ khen ngợi cá đẹp đang bơi lội tung tăng, bỗng cá trồi lên mặt nước đớp mồi, miệng mở ra, toả một mùi hôi nồng nặc. Vua lấy làm lạ, mới đem chậu cá đến chùa Kỳ Viên, thưa hỏi đức Phật. Đức Phật bảo, cá vàng nầy, thân hình dẹp đẽ nhưng miệng phát ra mùi hôi thúi, vì đang chịu quả báo của tội ác đã làm trong tiền kiếp. Rồi đức Phật mới kể lại chuyện xưa như sau:

Vào thời đức Phật Ca Diếp, có một vị tỳ kheo tên là Ca Bi La rất thông suốt Tam tạng Kinh điển. Ỷ mình có sức học cao, tỳ kheo Ca Bi La thường tỏ ra khinh mạn các bạn đồng tu. Mỗi khi có sự tranh luận nào về giáo lý, Ca Bi La khinh khỉnh nói với người đối thoại: "Đạo hữu đã hiểu biết giáo-lý đến mức nào?", ngầm khoe kiến thức sâu rộng của mình. Vào một dịp lễ Bố tát tụng giới, trong khi các tỳ kheo cùng đọc giới Ba la đề mộc xoa, Ca Bi La chẳng tụng theo, lại bảo: "Ta còn lạ gì với Luật tạng, Kinh tạng và Luận tạng; các ông chỉ biết đọc vanh vách, có hiểu được như Ta không?" Nói xong, Ca Bi La bỏ ra ngoài. Tuy có công chỉ dạy giáo lý cho các tỳ kheo khác, nhưng thái độ khinh mạn của Ca Bi La đã gây khó khăn nhiều trong việc truyền bá Chánh pháp. Vì tội ác nầy,Ca Bi La phải sa vào địa ngục, chịu hình phạt trong suốt thời đức Phật Ca Diếp. Nhưng nhờ có công giảng dạy giáo lý, nên khi mãn hạn ở địa ngục, được tái sanh vào hàng súc sanh, thành con cá vàng, có thân hình đẹp đẽ, nhưng miệng lại thở ra mùi hôi thối.

Kể đến đây, đức Phật hướng về các tỳ kheo, bảo: "Nầy chư Tăng, đối với Chánh pháp, chẳng những phải thông hiểu thấu đáo, mà còn phải thực hành cho tinh chuyên nữa".

Rồi đức Phật mới nói lên bốn bài Kệ sau đây:
  • Nơi người sống cuộc đời phóng dật,
    Như dây leo, ái dục tăng nhanh.
    Nhảy từ đời nầy sang đến đời khác,
    Như khỉ rừng ham trái cứ chuyền cành.
    (Kệ số 334)

    Trên đời, người bị ngập tràn,
    Lòng tham khát ái buộc ràng khít khao.
    Ái dục tăng mau như đám cỏ,
    Gặp được mưa rào mọc tràn lan.
    (Kệ số 335)

    Trên đời, người khắc phục xong
    Bụng tham khát ái khó hòng diệt tiêu.
    Ưu sầu, phiền muộn đều xa lánh
    Như nước rơi trên cánh lá sen.
    (Kệ số 336)

    Đây, điều lành Như Lai chỉ dạy
    Cho mọi người họp tại nơi đây.
    Hãy đào ái dục ngay tận rễ
    Như ngườì bứng xới rễ cỏ thơm.
    Chớ để Ma vương sớm hôm theo phá
    Như giòng nước lũ ngập cả bụi lau.
    (Kệ số 337)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Quả báo: Quả = hậu quả; Báo = báo ứng. Theo thuyết Nhơn Quả của nhà Phật, một hành động cố ý làm, chẳng những mang kết quả trong hiện tại, mà còn gây hậu quả về sau. Vì đã làm ác trong quá khứ, nên nay phải chịu điều khổ sở, đó gọi là quả báo xấu.

- Tiền kiếp: Tiền = trước; Kiếp = các đời sống; Tiền kiếp là các đời sống đã qua trước, trước đời hiện tại nầy.

- Đức Phật Ca Diếp: Vị Phật hiện ra thế gian trước đức Phật Thích Ca; tên tiếng Pali là Kassapa Buddha.

- Ca Bi La: Tên vị tỳ kheo nầy, tiếng Pali là Kapila.

- Tam Tạng Kinh điển: Tam = ba; Tạng = cái giỏ đựng kinh sách; Tam Tạng Kinh điển là tất cả kinh sách về giáo lý, được đức Phật giảng, ghi chép lại; gồm có
  • (1) Luật tạng: các giới luật răn cấm trong Đạo (Vinaya);
    (2) Kinh tạng: các bài kinh, kệ ghi lời Phật giảng dạy (Suttanta);
    (3) Luận tạng: các bài luận giảng về Chánh pháp (Abhidhamma). Tam tạng, tiếng Pali là Tipitaka.
- Khinh mạn: Khinh = chê, xem nhẹ; Mạn = tiếng Phạn là Mano, ngạo mạn, kiêu căng, quá tự cao. Kẻ khinh mạn xem thường người khác, quá tự cao, sanh ra phách lối trong lời nói và hành động.

- Đối thoại: Đối = đang ở trước mặt; Thoại = nói chuyện; Kẻ đối thoại là người đang nói chuyện với mình.

- Kiến thức; Kiến = thấy; Thức = biết; Kiến thức là sự hiểu biết.

- Lễ Bố tát tụng giới: Lễ Bố tát, tiếng Pali là Uposatha, cứ vào đầu tháng và giữa tháng các tỳ kheo họp lại để đọc tụng giới luật, nhắc nhở kỷ luật tu hành cho nhau, gọi là tụng giới.

- Giới Ba la đề mộc xoa: tiếng Pali là Pātimokkha, dịch tiếng Hán Việt là Biệt giải thoát, thường được gọi trong chùa là Giới bổn, tức là căn bản các giới luật của tỳ kheo và tỳ kheo ni.

- Chánh pháp: Chánh = chơn chánh, đứng đắn; Pháp = pháp tu; Phật học gọi Chánh pháp là giáo lý của chính đức Phật giảng dạy; tiếng Pali là Dhamma.

- Thực hành cho tinh chuyên: Đem lời Phật dạy ra áp dụng trong cuộc sống tu hành hằng ngày, cho nhuần nhã.

- Phóng dật: Buông lung, chẳng biết tự kềm chế; lười biếng.

- Ái dục: Ái = thích; Dục = muốn; Ái dục là tình cảm chẳng tốt, cứ ham muốn chạy theo các thú vui vật chất tạm bợ và thấp hèn.

- Khát ái: Khát = khao khát; Ái = mê thích; đây dịch chữ Tanhā của tiếng Pali, còn được dịch là Tham ái, tên Phẩm XXIV của Kinh nầy.

- Khắc phục: Thắng được.

- Ưu sầu: Ưu = lo lắng; Sầu = buồn bã.

- Bụi lau: Bụi cây lau, mọc ở ven sông như cây sậy.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại tiền kiếp của con cá vàng, thân đẹp mà miệng thúi. Nguyên tỳ kheo Ca Bi La vào thời đức Phật Ca Diếp, phách lối vì thông hiểu kinh kệ, phạm lỗi ngã mạn, khinh chê lễ Bố tát, bị sa điạ ngục, sau đó tái sanh làm con cá vàng.

Khi kể lại tiền kiếp của Ca Bi La, đức Phật dạy: Chánh pháp chẳng những phải thông suốt, mà còn phải đem áp dụng tu hành cho nhuần nhã nữa: đó là ý nghĩa của Tích chuyện, có phần nặng về luật Nhơn Quả; hễ lấy việc tu tập làm nhơn lành trong kiếp nầy, thì kiếp sau sẽ được hưởng quả tốt.

(2) Ý nghĩa bốn bài Kệ số 334, 335, 336 và 337:

Ý nghĩa chung của bốn bài Kệ nầy có liên quan đến Luật Nhơn Quả, do nguyên nhơn nào mà ta phải bị tái sanh chịu khổ trong cõi Luân hồi: đó là do lòng Tham ái cứ theo bám chặt, bấu víu mãi vào các thú vui tạm bợ của cuộc sống.

Xin phân tách ý nghĩa riêng từng bài Kệ:

Bài Kệ số 334: sống phóng dật sẽ khiến ta trôi lăn mãi trong vòng Luân hồi lận đận.
  • a. Nơi người sống cuộc đời phóng dật: sống buông trôi, chẳng tu hành, đó là nguyên nhơn sẽ khiến ta mắc vòng Luân hồi mãi.

    b. Như dây leo, ái dục tăng nhanh: lòng ham muốn cứ tăng mãi tựa như ngọn cây dây leo quấn quanh thân cây to, càng ngày lá càng thêm rậm rạp. Tại sao ái dục tăng? Vì lười biếng, sống buông lung.

    c. Nhảy từ đời nầy sang đến đời khác: đây là tả cảnh tái sanh, cứ sanh sanh, tử tử mãi chẳng ngừng, trong nhiều đời kiếp: đó là quả tái sanh của nhơn ái dục và phóng dật, nói ở hai câu trước.

    d. Như khỉ rừng ham trái cứ chuyền cành: hình ảnh sống động so sánh sự tái sanh chẳng dứt như con khỉ rừng ham trái, cứ chuyền mãi từ cành nầy sang cành khác, chẳng thôi.
Bài Kệ số 335: Khát ái ràng buộc con người vào Luân hồi.
  • a. Trên đời, người bị ngập tràn, Lòng tham khát ái buộc ràng khít khao: Ta cứ tưởng đời ta sống trong tự do, chẳng ngờ bị ràng buộc chặt chẽ bởi lòng tham, bám vào các thú vui vật chất tạm bợ.

    b. Ái dục tăng mau như đám cỏ, Gặp được mưa rào mọc tràn lan: hình ảnh sống động so sánh sự ái dục, ham theo dục vọng, càng được càng muốn thêm, với đám cỏ non gặp mưa rào mọc tràn lan.
Bài Kệ số 336: dứt được Khát ái là diệt tiêu hết phiền não.
  • a. Trên đời, người khắc phục xong, Bụng tham khát ái khó hòng diệt tiêu: sự Khát ái rất khó mà diệt cho tiêu, nhưng người nào khắc phục được nó sẽ chấm dứt được mọi phiền não do nó gây cho mình.

    b. Ưu sầu, phiền muộn đều xa lánh, Như nước rơi trên cánh lá sen: hình ảnh thơ mộng so sánh các ưu phiền chẳng còn vướng bận tâm người đã khắc phục được tham ái, cũng như nước đổ lên lá sen!
Bài Kệ số 337: Đức Phật dạy, đào bỏ Ái dục hết gốc rễ.
  • a. Đây, đìều lành Như Lai chỉ dạy, Cho mọi người họp tại nơi đây: đây là lời dạy quan trọng bực nhứt của Phật, chớ xem thường.

    b. Hãy đào ái dục ngay tận rễ, Như người bứng xới rễ cỏ thơm: phải đào xới hết gốc rễ của Ái dục cho tiệt hẳn, cũng như nhổ cỏ, phải nhổ sạch hết cả rễ cái, rễ con chằng chịt.

    c. Chớ để Ma vương sớm hôm theo phá, Như giòng nước lũ ngập cả bụi lau: nhổ chưa hết gốc rễ Ái dục, dễ bị sự cám dỗ (của Ma vương) lôi kéo, rồi cứ trôi lăn mãi trong vòng lẩn quẩn khổ đau của Luân hồi, như nước lụt ngập tràn cả bụi lau.
Hình ảnh


Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

241. TÍCH CHUYỆN CON HEO NÁI
Vào một thời kia, đức Phật trú tại Tịnh xá Trúc Lâm, gần thành Vương Xá, trong một kỳ giảng pháp có đề cập đến một con heo nái.

Thuở ấy, đức Phật cùng chư Tăng đi khất thực trong thành Vương Xá, bỗng Ngài mỉm cười, khi nhìn thấy một con heo nái đang ủi đất bên gốc cây. Về đến tịnh xá, Tôn giả A Nan thưa hỏi lý do. Đức Phật bảo: "Nầy A Nan, ông có thấy con heo đang ủi đất dưới gốc cây bên vệ đường, lúc nảy không? Vào thời đức Phật Câu Lưu Tôn, nó là một con gà mái, thường đứng bên hông chùa, nghe giảng Kinh, nên được tái sanh làm một nàng công chúa. Một hôm công chúa đi cầu, nhìn thấy các dòi bọ nhung nhúc bên dưới, quán tưởng đến tấm thân vô thường rồi cũng bị dòi, bọ đục khoét, mới phát tâm tu hành. Mãn đời đó, được sanh lên cõi Trời Phạm thiên làm thiên nữ. Hưởng hết phước, lại vì nghiệp báo ở tiền kiếp, phải tái sanh dưới thân hình con heo nái nầy. A Nan, ông có thấy chăng, nghiệp lành và nghiệp dữ đã lôi kéo ta phải trôi lăn, lên xuống, mãi trong cõi Luân hồi lận đận".

Rồi đức Phật mới nói lên sáu bài Kệ sau đây:
  • Như cây đốn còn gốc bền, rễ cứng
    Sẽ đâm chồi mọc lại vững như xưa,
    Gốc ái dục tùy miên chưa nhổ bứng,
    Khổ "sanh già chết" cứ mãi dây dưa.
    (Kệ số 338)

    Băm sáu dòng "ái dục" cuồn cuộn chảy,
    Đẩy mạnh người mê vào lạc thú.
    Tư tưởng ái tham vùng nổi dậy,
    Lôi cuốn người tà kiến như cơn lũ.
    (Kệ số 339)

    Dòng "ái dục" chảy tràn khắp chốn
    Khiến dây leo bám chặt, đâm chồi.
    Thấy rõ dây leo bò lổn ngổn,
    Với "dao" trí, đoạn hết gốc ngọn.
    (Kệ số 340)

    Trong chúng sanh, niềm vui cuộn chảy
    Từ lục trần, bị ái dục nhuốm dơ.
    Cầu hạnh phước, nhưng dục lạc mê mờ,
    Cảnh sanh già nên mới chịu lấy.
    (Kệ số 341)

    Ái dục bao vây, người vùng vẫy
    Như thỏ mắc lưới nhảy loanh quanh.
    Hễ còn bị ái dục hành,
    Là còn đau khổ tử sanh lâu dài.
    (Kệ số 342)

    Ái dục bao vây, người vùng vẫy
    Như thỏ mắc lưới, nhảy loanh quanh.
    Ly dục, tỳ kheo muốn đạt thành
    Ái dục, phải mau nhiếp phục vậy.
    (Kệ số 343)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Tịnh xá Trúc Lâm, thành Vương Xá: Ngôi tu viện nầy cất trong vuờn Trúc, gần thủ đô nước Ma Kiệt Đà (Magadha) do vua Tần Bà Sa La (Bimbisara) dâng cúng lên Phật và Tăng đoàn. Tên tiếng Pali là tu viện Veluvana, ở thành Rājagaha. (Tịnh = yên-vắng; xá = nhà)

- Khất thực: Khất = đi xin; Thực = ăn. Theo giới luật, tỳ kheo (còn gọi là Khất sĩ), chẳng được phép có nghề riêng để sanh sống, phải đi xin ăn, trước để dẹp lòng tự ái, hạ mình xuống đi xin kẻ khác, sau là để có dịp gặp dân chúng để chỉ dạy cách tu hành cho họ.

- Phật Câu Lưu Tôn: Vị Phật nầy là vị Phật thứ nhứt ở Hiền kiếp; tên bằng tiếng Pali là Kakusandha Buddha.

- Tái sanh: Tái = trở lại một lần nữa; Sanh = sanh ra. Theo thuyết Luân hồi trong đạo Phật, chúng sanh có nhiều đời sống, cứ sanh rồi chết đi, lại sanh nữa, mãi mãi chịu khổ đau trong vòng Luân hồi.

- Quán tưởng: suy nghĩ sâu xa.

- Vô thường: Vô = chẳng; Thường = hằng còn. Lẽ vô thường là Chơn lý, theo đó muôn vật có hình tướng phải chịu sự biến đổi mãi, để đi đến hoại diệt, chẳng thường còn luôn luôn được.

- Phát tâm tu hành: mới khởi lòng muốn tu gọi là phát tâm.

- Trời Phạm Thiên: cõi Trời thuộc cảnh Sơ thiền, trong Sắc giới.

- Thiên nữ: Thiên = Trời; Nữ = cô gái.

- Nghiệp báo: Nghiệp = những hành động đã qua; Báo = báo ứng. Theo thuyết nghiệp báo của nhà Phật, chúng sanh sẽ tuỳ theo hành động đã qua và ngày nay mà chịu lấy vận mạng mình, gọi là chịu nghiệp báo. Hễ làm lành, được nghiệp lành, sanh vào nơi sung sướng; còn làm ác, có nghiệp dữ, sẽ đầu thai vào nơi khổ sở.

- Luân hồi: Luân = bánh xe; Hồi = trở lại. Theo thuyết nhà Phật, chúng sanh cứ sanh ra, rối chết đi, rồi theo nghiệp báo tái sanh lại, để rồi lại chết nữa, cứ như thế mãi, cũng như bánh xe cứ lăn tròn vòng.

- Kệ: bài thơ ngắn, tóm tắt lời giảng của đức Phật.

- Ái dục: Ái = thích, thương; Dục = ham muốn. Ái dục là tình cảm thèm khát, ham muốn theo các thú vui vật chất tạm bợ ở đời. Tiếng Pali là Tanhā, còn được dịch là Tham ái.

- Tùy miên: Đang ngủ, nằm sẵn đấy chờ cơ hội sẽ nổi lên.

- Băm sáu dòng ái dục: Ba mươi sáu dòng ái dục, 36 thứ ham-muốn, bám víu. Tại sao có đến 36 dòng ái dục? Vì ái dục:
  • - Sanh ra từ sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý:... ... 6 dòng

    - Bám víu vào sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp:... 6 dòng

    - Khởi lên trong ba thời: quá khứ, hiện tại vị lai:...... ... x 3 thời

    Tổng cộng lại: (6 + 6) x 3 = 36 dòng ái dục.
- Lạc thú: Lạc = vui. Lạc thú là thú vui.

- Tà kiến: Tà = xiêng xéo, chẳng đúng; Kiến = ý kiến. Có hai tà kiến quan trọng:
  • ( 1) Thường kiến: cho rằng chúng sanh có linh hồn bất biến, thường còn, hễ đã sanh làm người rồi thì chẳng tái sanh làm thú vật đuợc;

    (2) Đoạn kiến: cho rằng chết là hết, chỉ có đời nầy thôi.
- Dao trí: Ví Trí huệ như con dao bén, cắt đứt được hết phiền não.

- Lục trần: Sáu trần, tức là sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp.

- Bị ái dục hành: Bị ái dục hành hạ, bị sự thèm khát thúc đẩy.

- Ly dục: Ly = lìa xa; Dục = ham muốn.

- Nhiếp phục:: Khuất phục, kềm chế, lấy lại quyền làm chủ.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại tiền kiếp của một con heo nái, trôi lăn trong vòng lẩn quẩn của Luân hồi. Trong một kiếp trước, vốn là một con gà mái, biết nghe kinh; sau sanh làm công chúa, phát tâm tu hành, nên được sanh lên cõi Trời; rồi vì hết phước và phải chịu nghiệp báo mới tái sanh vào hàng súc sanh, mang thân heo. Khi kể lại tiền kiếp đó, đức Phật dạy, phải tu để dứt nghiệp mới thoát khỏi vòng Luân hồi.

(2) Ý nghĩa của sáu bài Kệ, từ số 338 đến số 343:

Cả sáu bài Kệ đều nói về nguyên nhơn gây đau khổ cho chúng sanh trôi lăn trong Luân hồi chính là ái dục và khuyên ta nên đào bứng hết gốc rễ của lòng ham muốn chạy theo thú vui tạm bợ ở đời.

Xin phân tách để tìm ý nghĩa riêng từng bài:

Kệ số 338: gốc ái dục nhổ chưa hết rễ, còn chịu khổ dây dưa.
  • a. "Như cây đốn còn gốc bền, rễ cứng, Sẽ đâm chồi mọc lại vững như xưa": gốc còn rễ là còn mầm sống, đâm chồi trở lại, cũng như còn luyến tiếc là chưa dứt bỏ được ái dục (tham muốn);

    b. "Gốc ái dục tùy miên chưa nhổ bứng, Khổ sanh già chết cứ mãi dây dưa": Tùy miên là còn đang ngủ đó, chưa chết đâu; hễ còn ái dục là còn phải tái sanh, do đó còn phải chịu mãi cảnh khổ sanh, già, bịnh, chết trong cõi Luân hồi.
Kệ số 339: sức lôi cuốn của ái dục mạnh mẽ như cơn lũ lụt.
  • a. "Băm sáu dòng ái dục cuồn cuộn chảy, Đẩy mạnh người mê vào lạc thú": sáu căn bấu víu vào sáu trần qua ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai, tạo nên sức mạnh xô đẩy người mê đi tìm thú vui tạm bợ.

    b. "Tư tưởng ái tham vùng nổi dậy, Lôi cuốn người tà kiến như cơn lũ": vì sáu căn kẹt vào sáu trần khiến tà kiến bên trong tâm nổi dậy, lôi cuốn người mê chẳng khác nào cơn lụt to tràn ngập khắp nơi.
Kệ số 340: dùng "dao" Trí huệ cắt đứt hết gốc ngọn của ái dục.
  • a. "Dòng ái dục chảy tràn khắp chốn, Khiến dây leo bám chặt, đâm chồi": sức mạnh của ái dục khiến cho sự bấu víu của căn trần càng chặt chẽ, như dây leo đâm chồi, mọc lá, bám quanh thân cây;

    b. "Thấy rõ dây leo bò lổn ngổn, Với dao Trí đoạn hết gốc ngọn": Nhờ Trí huệ soi sáng thấy ái dục bám víu như các dây leo bò lổn ngổn, liền chặt đứt, liền đoạn hết cả gốc rễ của sự tham luyến. Nói cách khác, nhờ tỉnh giác, thắp sáng lên đuốc Tuệ, vung gươm Trí lên mà cắt đứt được ái dục.
Kệ số 341: lạc thú ở đời bị ái dục nhuốm dơ, nên phải chịu khổ.
  • a. "Trong chúng sanh, niềm vui cuộn chảy, Từ lục trần, bị ái dục nhuốm dơ": Cuộc sống trong Luân hồi khổ nhiều sướng ít, nhưng vẫn có niềm vui; tiếc thay, nguồn vui sống đó vì các căn bám víu vào các trần, nên bị ái dục làm nhiễm dơ;

    b. "Cầu hạnh phước, nhưng dục lạc mê mờ": việc tìm cầu hạnh phước trong cuộc sống là đìều chánh đáng, nhưng tiếc thay, con người lại bị mê mờ vì quá tham muốn các dục lạc, các thú vui vật chất thấp hèn và tạm bợ, nên phải khổ;

    c. "Cảnh sanh già nên mới chịu lấy": vì cố bám chặt vào các dục lạc vật chất còn chưa được thỏa mãn hết, nên cứ mãi chịu cảnh khổ của sanh già bịnh chết.
Kệ số 342: còn chưa thoát lưới ái dục là còn chịu khổ tử sanh.
  • a. "Ái ục bao vây, người vùng vẫy, Như thỏ mắc lưới, nhảy loanh quanh": con người bị ái dục bao vây nào khác chi con thỏ bị mắc lưới, cố vùng vẫy mà chẳng thoát ra được. Tại sao? Vì còn tiếc.

    b. "Hễ còn bị ái dục hành, là còn đau khổ tử sanh lâu dài": Ái dục hành hạ con người bằng cách thúc đẩy chạy theo các thú vui vật chất quá tầm tay, chẳng được thoả mãn nên chẳng những khổ trong hiện đời, mà còn phải trôi lăn mãi trong cảnh sống chết của Luân hồi.
Kệ số 343: muốn ly dục hoàn toàn, tỳ kheo phải diệt ái dục.
  • a. Hai câu đầu nhắc lại thí dụ thỏ mắc lưới ở bài Kệ 342 trước.

    b. "Ly dục, tỳ kheo muốn đạt thành, Ái dục, phải mau nhiếp phục vậy": đạt thành bực ly dục là chứng quả A la hán vô sanh, căn bản tu tập là phải mau diệt ái dục, dẹp bỏ hẳn sự tríu mến, luyến tiếc.
Hình ảnh


Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

242. TÍCH CHUYỆN TÊN TRỘM BỊ XỬ TỬ
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại Tịnh xá Trúc Lâm, gần thành Vương Xá, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến một tên trộm bị xử tử hình.

Thuở ấy, có một vị tỳ kheo làm đệ tử cho Tôn giả Đại Ca Diếp, tu tập đắc được bốn cảnh Thiền. Một hôm trong khi đi khất thực tại nhà người chú, thấy một người đàn bà, người ấy sanh lòng thương yêu muốn cưới, mới xin hoàn tục. Sau khi rời Tăng đoàn, vị ấy trở về nếp sống của thường nhơn, nhưng chẳng biết làm nghề chi để sanh nhai. Bị đuổi ra khỏi nhà, người ấy đi lang thang một dạo, rồi kết bè với bọn trộm. Chẳng may, cả bọn bị bắt và bị lên án tử hình.

Trên đường bị dẫn ra nghĩa địa để chém đầu, vị cựu tỳ kheo gặp được Tôn giả Đại Ca Diếp. Tôn giả trông thấy người đệ tử cũ sắp bị hành hình, mới dạy rằng: "Nầy đệ tử, con phải nên tập trung tư tưởng ngay để quán chiếu về lẽ thân tâm vô thường". Vị cựu tỳ kheo vâng lời, liền khẩn thiết quán tưởng. Trong khi các người đao phủ lo dọn dẹp pháp trường để hành quyết thì vị cựu tỳ kheo đã nhập định, gương mặt tươi tỉnh, chẳng có chút gì lo sợ như các tội nhơn khác đang kêu khóc. Dân chúng rất ngạc nhiên và các đao phủ dừng đao lại, chẳng dám chém vị cựu tỳ kheo. Họ trở về trình lại, đức Vua liền ra lịnh tha tội và sai dẫn vị ấy đến gặp đức Phật. Đức Phật liền đọc bài Kệ sau đây:
  • Lìa rừng "ái", hướng đến rừng "tu",
    Bỏ rừng "tu", trở lại nhà nầy.
    Xuất gia hoàn tục xem đây,
    Như người cổi trói lấy dây buộc mình.
    (Kệ số 344)
Sau khi lắng nghe bài Kệ, tâm vị cựu tỳ kheo quán chiếu tánh cách vô thường, bất toại nguyện và vô ngã của thân tâm năm uẩn nầy, nên chứng được quả vị Tu đà huờn. Khi được tự do khỏi tội, vị ấy liền xin phép thọ giới tỳ kheo trở lại, và tinh tấn tu tập, chẳng bao lâu chứng được quả vị A la hán.
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Tử hình: Tử = chết, Hình = hình phạt; Tử hình là xử tội chết.

- Tôn giả Đại Ca Diếp: Vị đại đệ tử của Phật Thích Ca, giỏi bực nhứt về hạnh đầu-đà; tên tiếng Pali là Mahà Kassapa.

- Bốn cảnh Thiền: tu Thiền lần lượt chứng được sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền.

- Hoàn tục: Hoàn = trở lại; Tục = thế tục, đời sống thường; Hoàn tục là nói đến các vị tỳ kheo rời chùa trở lại đời sống cũ với gia-đình.

- Tập trung tư tưởng: Gom ý lại, chú tâm vào một điểm duy nhứt.

- Thân tâm vô thường: Thân tâm nầy chẳng thường còn mãi, sẽ bị hư hoại, chết đi. Ở đây, biết đệ tử mình sắp bị xử chém, Tôn giả dạy như thế là để cho đệ tử khỏi lo sợ trước khi chết.

- Khẩn thiết: Khẩn = gấp; Thiết = tha thiết. Ở đây là cố làm hết sức.

- Đao phủ: Người cầm đao chém đầu tội nhơn.

- Nhập Định: Nhập = vào; Định = an ổn, ở yên. Khi tu Thiền, tâm dừng lại, chú vào đề tài quán tưởng, chẳng lo ra, chẳng bị cảnh bên ngoài lôi cuốn nữa, đó là đang nhập định.

- Xuất gia: Xuất = ra khỏi; Gia = nhà; Xuất gia là rời nhà đi tu.

- Vô thường: Chẳng thường còn, bị biến đổi để rồi hư hoại mất.

- Bất toại nguyện: Bất = chẳng; Toại = vừa ý; Nguyện = mong cầu. Tánh cách bất toại nguyện là chẳng đem lại sự vừa ý mong muốn.

- Vô ngã: Vô = chẳng; Ngã = Ta. Tánh cách vô ngã là chẳng có Ta, chẳng có chủ-thể, chẳng có linh hồn bất diệt ở nơi thân nầy cả.

- Thân tâm năm uẩn: Năm uẩn là:
  • (1) Sắc uẩn, thân thể xác;
    (2) Thọ uẩn, các cảm thọ;
    (3) Tưởng uẩn, các tư tưởng;
    (4) Hành uẩn, các hành động;
    (5) Thức uẩn, các hiểu biết.
Sắc uẩn là thân; bốn uẩn còn lại là tâm.

- Thọ giới tỳ kheo: làm lễ nhận tuân theo 250 giới của tỳ kheo.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc một vị tỳ kheo hoàn tục, theo bọn bất lương đi ăn trộm, bị bắt và kết tội tử hình. Trên đường ra pháp trường, người ấy gặp Tôn giả Đại Ca Diếp là thầy cũ dạy đạo. Tôn giả khuyên người đệ tử phải chí tâm quán tưởng thân tâm vô thường. Nhờ biết nghe lời thầy, khẩn thiết hành Thiền ngay lúc ấy, nên vị cựu tỳ kheo trở nên bình thản, gương mặt tươi tỉnh, chẳng chút lo sợ. Bọn đao phủ ngạc nhiên, chẳng dám chém, trình lại Vua. Vua ra lịnh dẫn đến gặp Phật. Nghe lời Phật dạy, vị ấy trở lại thọ giới tỳ kheo, chẳng bao lâu chứng được quả vị A la hán.

Ý nghĩa Tích chuyện là đã đi tu là chọn con đường giải thoát, mà lại hoàn tục, đó cũng như người được cổi trói rồi, nay lại lấy dây tự buộc mình lần nữa.

(2) Ý nghĩa của bài Kệ số 344:

Ý nghĩa của bài Kệ: đi tu là đang được giải thoát; còn hoàn tục là đang được cởi trói, mà lấy dây ra buộc mình lại.

Xin phân tách từng câu của bài Kệ:
  • a. "Lìa rừng ái, hướng đến rừng tu": Lìa rừng tham ái là lìa đời sống thế tục đầy tham ái, dục vọng và ràng buộc, tức là xuất gia; hướng đến rừng tu là bước vào con đường tu tập, để được giác ngộ và giải thoát.

    b. "Bỏ rừng tu, trở lại nhà nầy": Rời bỏ nơi đang tu hành yên tịnh mà trở lại căn nhà phiền não ồn ào trước kia, tức là hoàn tục.

    c. "Xuất gia, hoàn tục, xem đây, Như người cổi trói lấy dây buộc mình": Người xuất gia là người được cởi trói. Ai đã trói? Vợ, con, gia đình ràng buộc. Cái gì đã trói? Các thú vui vật chất trong đời sống thế tục, cảnh tranh đấu vì tiền tài, sự nghiệp, danh vọng đang trói. Đã được cởi các sợi dây ràng buộc rồi, nay quay về chốn cũ để tự trói mình lần nữa, đó là hành động thiếu suy xét, rất đáng tiếc.
Hình ảnh


Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

243. TÍCH CHUYỆN CÁC NGƯỜI TÙ BỊ XIỀNG XÍCH
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại chùa Kỳ Viên, nước Xá Vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến các người tù bị xiềng xích.

Thuở ấy, có ba mươi vị tỳ kheo đi khất thực trong thành Xá Vệ, trông thấy một đoàn người tù tội tay bị còng, chơn bị xích được dẫn đi ngang qua hàng phố. Lúc về chùa, khi trình lên đức Phật các điều đã trông thấy buổi sáng, có một vị tỳ kheo thưa với Phật: "Bạch Thế Tôn, chẳng biết còn có vật nào trói buộc bền chặt hơn còng, xiềng hay xích nữa chăng?" Đức Phật đáp: "Nầy chư tỳ kheo, xiềng xích bằng sắt đó trói buộc còn chưa chặt chẽ bằng khát vọng về thực phẩm, về y phục, về tài sản, về gia đình. Tham ái kềm kẹp con người nặng nề gấp trăm, gấp ngàn lần xiềng, xích sắt. Cho nên, người hiền trí mới cắt đứt tham ái, rời xa căn nhà phiền não mà gia nhập Tăng đoàn".

Rồi đức Phật nói lên hai bài Kệ sau đây:
  • Xiềng bằng sắt, bằng gỗ, bằng gai,
    Người trí bảo, chưa dai, chưa bền.
    Luyến lưu con thảo, vợ hiền,
    Ngọc ngà, trang sức là xiềng chặt hơn.
    (Kệ số 345)

    Ràng buộc đó thật bền, người trí bảo,
    Tuy mềm, nhưng trì nặng, thật khó tháo.
    Bực hiền trí dứt xong bao kiềm tỏa,
    Dục lạc khước từ, thoát khổ thế gian.
    (Kệ số 346)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Xiềng, xích: Sợi dây, thường bằng sắt, để cột trói.

- Còng: Cái khoá kẹp hai bàn tay chập lại nhau.

- Khát vọng: Ham muốn nhiều; đòi cho được.

- Tham ái: Tham muốn, thương thích, tríu mến đến quá mức.

- Tăng đoàn: nhóm tu sĩ Phật giáo từ bốn người trở lên.

- Xiềng bằng gai: Xiềng làm bằng dây gai (cây gai giống như cây bố, vỏ cây dùng dệt bao tải đựng lúa gạo).

- Hiền trí: Người tánh hiền lành và có trí huệ thông minh.

- Kiềm tỏa: Kiềm = cây kềm; Toả = ống khoá. Nghĩa bóng: trói buộc.

- Dục lạc: Dục = ham muốn; Lạc = vui; Dục lạc là ham sự vui thú.

- Khước từ: Từ chối, từ bỏ, lìa xa.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất đơn sơ, thấy các người tù bị còng tay, xích chơn đi ngang qua, vị tỳ kheo hỏi Phật, có vật trói buộc nào còn chặt chẽ hơn xiềng, xích chăng. Đức Phật đáp, sự tham ái, mê luyến tài sản và gia đình ràng buộc con người còn nặng nề hơn gấp trăm ngàn lần.

Ý nghĩa của Tích chuyện khuyên ta nên sớm cắt đứt sự tham ái, khước từ mọi ham muốn để chọn con đường tu hành giác ngộ và giải thoát.

(2) Ý nghĩa của hai bài Kệ số 345 và 346:

Hai bài Kệ nhập chung lại thành một bài dạy ta phải sớm cắt đứt sự tham ái, tríu mến bên trong tâm ta, ràng buộc chặt hơn xiềng xích.
  • a. "Xiềng bằng sắt, bằng gỗ, bằng gai, Người trí bảo, chưa dai, chưa bền": các loại xiềng xích bằng sắt, bằng gỗ, hay bằng dây gai còn chưa bền, chưa dai, vì còn có thể tháo ra được.

    b. "Luyến lưu con thảo, vợ hiền, Ngọc ngà, trang sức là xiềng chặt hơn": Thương con thảo, mến vợ hiền, quí tài sản, đó là điều chánh đáng; nhưng thương mến đến mức quá tưng tiu, chiều chuộng, giữ bo bo, đó là điều sai lầm khiến ta trở thành nô lệ mà chẳng hay biết; vì chẳng hay biết mình đang bị ràng buộc, nên sự ràng buộc mới bền, mới dai, chẳng hề nghĩ đến lúc nào nên tháo gỡ ra.

    c. "Ràng buộc đó thật bền, tuy mềm, nhưng trì nặng, khó tháo": sự luyến ái vì quá êm dịu nên chính mình chẳng chịu tháo gỡ ra, cho nên sức ràng buộc của nó tuy mềm nhưng trì nặng, đeo đẳng mãi.

    d. "Bực hiền trí dứt xong bao phiền não, Dục lạc khước từ, thoát khổ thế gian": đây là bực chứng quả A la hán ly dục (dứt mọi phiền não, dục vọng), thoát được khổ bị tái sanh ở cõi Luân hồi, hoàn toàn giải thoát, sống an vui trong cảnh Niết bàn vắng lặng.
Hình ảnh


Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

244. TÍCH CHUYỆN HOÀNG HẬU KHÊ MA
Tích chuyện nầy giống với Tích chuyện số (122) về công-chúa Gia Nhã Ba.

Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại Tịnh xá Trúc Lâm, gần thành Vương Xá, trong kỳ giảng pháp, có đề cập đến hoàng-hậu Khê Ma.

Bà Khê Ma là hoàng hậu của vua Tần Bà Ba La, nước Ma Kiệt Đà, rất hãnh diện về nhan sắc tuyệt đẹp của bà. Đức Vua muốn mời hoàng hậu đến viếng Tịnh xá Trúc Lâm và đảnh lễ Đức Phật. Nhưng hoàng hậu nghe nói đức Phật thường chẳng khen ngợi về sắc đẹp, nên bà tránh né chẳng muốn gặp Phật. Vua sai các nhạc sĩ tấu nhạc lên ca tụng cảnh trí thanh vắng và thơ mộng của Tịnh xá Trúc Lâm, khiến cho hoàng-hậu mê thích, mới cùng đức Vua lên đường đến lễ Phật. Bấy giờ, đức Phật đang giảng pháp. Ngài nhìn thấy bà Khê Ma, biết rõ tâm trạng hãnh dện sắc đẹp của bà, nên mới dùng thần thông biến ra một cô thiếu nữ trẻ, xinh tươi lộng lẫy, ngồi quạt hầu sau lưng đức Phật. Chỉ riêng có hoàng hậu mới nom ra cô thiếu nữ, hoàng-hậu càng ngắm, càng nhận ra nhan sắc của mình thua xa cô ấy. Bỗng, cô gái biến thành một người thiếu phụ trung niên với mấy sợi tóc bạc phất phơ trên trán. Chẳng mấy chốc, người thiếu phụ lại khòm lưng, tay cầm quạt chẳng muốn nổi, nét nhăn trên da mặt trông như một cụ già. Ô kià, cụ già đó lại ngã lăn ra chết, rồi thân thể sình chướng lên, dòi bọ đục khoét để lộ xương trắng hếu. Vừa lúc đó, bài pháp của đức Phật cũng chấm dứt. Tâm trạng của hoàng hậu biến đổi nhanh chóng, từ sự mê luyến tấm thân đẹp đẽ, chuyển sang sự ngao ngán thấy nhan sắc tàn phai quá mau lẹ, lẽ vô thường sớm đưa đến sự hoại diệt của thân tâm. Đức Phật soi thấy rõ tâm trạng đó của hoàng hậu, mới nói tiếp: "Nầy Hoàng hậu, Hoàng hậu có nhìn thấy nhan sắc lộng lẫy kia chẳng mấy chốc đã biến thành một đống xương trắng, để nhận ra lẽ vô thường của thân tâm không? M luyến nhan sắc chẳng bền vững kia chỉ khéo kéo ta vào khổ đau của Luân hồi".

Rồi đức Phật nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó hoàng hậu Khê Ma chứng được quả Tu đà huờn, về sau thọ giới tỳ kheo ni và được Phật mời cầm đầu Ni đoàn:
  • Người mê dục lạc rơi trở vào dòng,
    Như nhện chăng tơ lọt vào lưới nó.
    Bực hiền trí, ái tham đều cắt bỏ,
    Thoát mọi ưu phiền, cất bước thong dong.
    (Kệ số 347)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Khê Ma: Tên tiếng Pali là Khemā; Tần Bà Sa La = Bimbisara.

- Trúc Lâm: Veluvana; Vương Xá = Rājagaha; Ma Kiệt Đà = Magadha.

- Tâm trạng: Những gì đang xảy ra bên trong tâm của một người

- Thần thông: Khả năng mầu nhiệm, do định lực tu hành cao.

- Trung niên: Tuổi trung bình khoảng bốn, năm mươi; sồn sồn.

- Vô thường: Chẳng bền, hay biến đổi, để đi đến tiêu diệt.

- Ni đoàn: Đoàn thể nữ tu sĩ Phật giáo. Ni = tỳ kheo ni = Bhikkhuni

- Dục lạc: Dục = ham muốn; Lạc = vui. Dục lạc chỉ thú vui thấp.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Nhờ trông thấy sắc đẹp một cô thiếu nữ chóng tàn phai, trở thành một cụ già lụm cụm rồi lăn ra chết, Hoàng hậu Khê Ma sớm thức tỉnh. Bà nghe lời khuyên của đức Phật, lìa bỏ sự tham luyến vào thân tâm vô thường, gia nhập Ni đoàn, thoát khỏi cảnh khổ Luân hồi.

(2) Ý nghĩa của bài Kệ số 347:

Bài Kệ khuyên ta sớm cắt bỏ sự ái dục để chọn đường giải thoát.
  • a. Người mê dục lạc rơi trở vào dòng: Vì ham thú vui vật chất, tạm bợ, ta lọt trở lại vào dòng khát ái từ trong tâm ta chảy ra.

    b. Như nhện chăng tơ lọt vào lưới nó: ta bị chính tham ái của ta kéo vào cảnh khổ, nào khác chi nhện kia lọt vào lưới của nó.

    c. Bực hiền trí, ái tham đều cắt bỏ, Thoát mọi ưu phiền, cất bước thong dong: đây là bực tu hành đã chứng được quả vị A la hán: mọi ái tham cắt đứt, mọi phiền não dứt sạch, mọi chướng ngại vượt qua, thoát khỏi cảnh tái sanh trôi lăn trong vòng Luân hồi, nay được thong dong, tự tại trong cảnh giới Niết bàn an vui, vắng lặng.
Hình ảnh


Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

245. TÍCH CHUYỆN NGƯỜI DIỄN TRÒ NHÀO LỘN
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại chùa Kỳ Viên, nước Xá Vệ, trong kỳ giảng pháp, có đề cập đến chàng Úc Ga diễn trò nhào lộn.

Thuở ấy, có một đoàn hát xiệc đến trình diễn ở thành Vương Xá trong bảy ngày. Đủ bảy ngày, chàng Úc Ga, con nhà giàu có, đều theo coi, lòng mê tít nhan sắc của cô gái trẻ đẹp có tài nhào lộn trên đầu ngọn tre cao gần mười thước. Chàng xin cưới nàng, và bỏ nhà theo gánh xiệc. Vì chẳng có nghề gì để sanh sống, Úc Ga xin làm phu khuân vác đồ đạc, đẩy xe cho đoàn hát. Năm sau, sanh được một đứa con trai, vợ chàng thường hát ru con ngủ:
  • Con ơi, con ngủ cho say,
    Cha con ngu dốt cả ngày đẩy xe.
    Chẳng tài, chẳng học, chẳng nghề.
    Lớn lên, con chớ theo bề cha con.
Mỗi khi nghe giọng ru con của vợ, Úc Ga rất hỗ thẹn, mới xin người cha vợ dạy cho nghề nhào lộn. Chẳng bao lâu, học hành có tấn bộ, Úc Gia trình diễn cũng được nhiều người hoan hô.

Một hôm, Úc Ga đang nhún nhẩy trên ngọn sào tre, dân chúng vỗ tay tán thưởng, thì đoàn khất sĩ của đức Phật đi đến. Mọi người tranh nhau đảnh lễ Phật, chẳng ai màng nhìn tiếp trò nhào lộn. Đứng trên ngọn sào, lòng Úc Ga chán nãn, nhưng tai lại nghe lời đức Phật đang nói văng vẳng bên dưới: "Nầy chư thiện nam, tín nữ, chớ tham luyến vào thân tâm năm uẩn, hãy mau mau tìm lối thoát khỏi vòng tử sanh lận đận của Luân hồi".

Rồi đức Phật lại nói lên bài Kệ sau đây, khiến cho Úc Ga thức tỉnh, sau đó rời đoàn hát, xin thọ giới tỳ kheo, chẳng bao lâu chứng được quả vị A la hán:
  • Dĩ vãng bỏ qua,
    Tương lai chẳng ngại,
    Hiện tại chẳng màng.
    Bờ bên kia dòng sanh tử, vượt sang,
    Trí thanh tịnh, cùng với tâm tự tại,
    Cảnh Luân hồi sanh lão, chẳng trở lại.
    (Kệ số 348)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Úc Ga: Tên chàng trai nầy, tiếng Pali là Uggasena.

- Xiệc: Phiên âm chữ Pháp là cirque, gánh hát diễn trò nhào lộn.

- Trình diễn: Diễn trò cho dân chúng xem.

- Tán thưởng: Khen ngợi.

- Thiện nam, tí nữ: Thiện = lành, Nam = đàn ông; Tín = tin tưởng; Nữ = đàn bà. Thiện nam, tín nữ chỉ về dân chúng tin nghe theo đạo.

- Khất sĩ: Khất = đi ăn xin; sĩ = người; Khất sĩ, Tỳ kheo, Bhikkhu, là tu sĩ Phật giáo, đi xin để nuôi thân, chẳng được phép có nghề riêng.

- Luân hồi: Luân = bánh xe; Hồi = trở lại. Theo thuyết nhà Phật, chúng sanh có nhiều đời sống, mãn kiếp nầy sẽ tuỳ nghiệp mà sanh lại, để rồi lại chết đi, rồi lại tái sanh, cứ như thế mãi, cũng như bánh xe quay một vòng rồi lăn tiếp; đó là vòng sanh tử lận đận của Luân hồi.

- Thức tỉnh[/i]: Tỉnh ngộ, biết mình trước lầm, nay nghe nói mới hiểu ra được sự thật.

- Thọ giới tỳ kheo: Làm lễ nhận tuân theo giới luật của tỳ kheo mà tu hành. Tỳ kheo giới còn gọi là cụ túc giới, gồm có 250 điều răn cấm; trong khi đó người tu tại gia chỉ có 5 điều cấm mà thôi.

- Tự tại: Tự do, chẳng bị ràng buộc. Ngoài đời nói tự do, trong Đạo gọi tự tại.

- Sanh lão: Sanh già. Nói đủ bốn điều Khổ là: sanh, lão, bịnh, tử.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc thanh niên Úc Ga vì mê cô đào trong gánh xiệc, cưới cô và theo sống trong gánh hát, phụ giúp việc khuân vác. Sau chàng học được nghề nhào lộn; một hôm đang trình diễn, bỗng nghe đức Phật nói pháp, liền tỉnh ngộ, rời gánh hát đi tu, chứng được quả vị A la hán.

Ý nghĩa của Tích chuyện là lời dạy của đức Phật: chớ mê luyến thân tâm năm uẩn, phải chuyên tu để thoát khỏi Luân hồi.

(2) Ý nghĩa của bài Kệ số 348:

Đây là một trong các bài Kệ quan trọng nhứt của Kinh Pháp Cú, tưởng nên học thuộc lòng để ghi nhớ lời Phật dạy mãi.

Xin phân tách từng câu:
  • a. Ba câu đầu: Dĩ vãng bỏ qua, Tương lai chẳng ngại, Hiện tại chẳng màng: Sao lại bỏ qua dĩ vãng? Vì dĩ vãng đã qua rồi, có nhớ lại cũng chẳng sửa đổi được. Sao lại chẳng ngại tương lai? Vì tương lai còn chưa đến, dầu có ngại cho lắm cũng chẳng ích lợi chi, chỉ cần biết sẵn sàng đối phó là đủ. Còn hiện tại mà chẳng màng nữa, thì màng cái chi? Trong hiện tại biết mình đang tu tập đúng đường lối giải thoát, đó là điều đáng màng. Đang tu tập là đang gát qua bên cảnh vật hiện tại ở chung quanh, chỉ biết ngay trong giờ phút nầy đây, tâm ta đang hướng về bên trong, gột bỏ mọi phiền não, chận đứng mọi vọng tưởng, đó là điều đáng màng. Nói cách khác, hiện tại chỉ đáng màng, khi giữ được chánh niệm trong tâm.

    b. Bờ bên kia dòng sanh tử, vượt sang: Bờ bên kia là bờ giác ngộ. Vượt được dòng sanh tử là thoát khỏi cảnh tái sanh của Luân hồi. Trọn câu nầy nói đến sự tu của bực thánh, chứng quả vị A la hán.

    c. Trí thanh tịnh, cùng với tâm tự tại: đây là Trí huệ Bát nhã Ba la mật, và chơn tâm vừa thanh tịnh, vừa chẳng bị ràng buộc. Nói cách khác, tâm, trí ấy chính là tâm trí của bực đắc quả Thánh.

    d. Cảnh Luân hồi sanh lão, chẳng trở lại: đây là chứng đắc Niết Bàn, chẳng còn phải tái sanh mãi trong vòng Luân hồi để chịu khổ nữa.
    Hình ảnh


Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

246. TÍCH CHUYỆN NGƯỜI THIỆN XẠ
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại chùa Kỳ Viên, nước Xá Vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến một vị tỳ kheo mà kiếp trước là một chàng thiện xạ.

Thuở ấy, có một vị tỳ kheo sau khi đi khất thực, ngồi ăn trong một cái am vắng. Sau đó, khát nước, vị ấy mới lần vào một xóm nhà, xin nước uống. Một người đàn bà đem nước ra dâng, trông thấy dáng mạo đoan trang của vị tỳ kheo, bỗng nổi lên lòng thương yêu, muốn dùng cách để mê hoặc. Khi sắp ra đi, vị tỳ kheo được người đàn bà thỉnh ngày mai trở lại để nhận lễ cúng dường. Sáng hôm sau, đợi khi vị tỳ kheo thọ thực xong, người đàn bà lên tiếng than thở: "Bạch đại đức, nhà con vắng vẻ quá, chẳng có người đàn ông trông trước trông sau!" Vị tỳ kheo nghe hiểu được ý ngầm của người đàn bà, tuy ra về chùa, mà lòng còn vấn vương mơ tưởng.

Ngày qua ngày, vị tỳ kheo ấy lòng buồn bã, biếng việc tu hành, thân hình càng ngày càng tiều tụy. Các bạn đồng tu mới thưa trình sự việc lên đức Phật. Đức Phật bảo: "Nầy tỳ kheo, người đàn bà làm cho con tơ tưởng mãi trong tâm, vốn là vợ con trong tiền kiếp. Đời trước, con vốn là một nhà thiện xạ, bắn cung thật giỏi. Một hôm, hai vợ chồng đang đi trong rừng vắng, bỗng bị bọn cướp chận đường. Trong khi con nỗ lực chiến đấu với tên đầu đảng, thì vợ con nhìn thấy thân hình vạm vỡ của tướng cướp mà sanh lòng yêu. Con hô lên, bảo vợ đưa thanh gươm trong bịt để chém tên cướp; nhưng vợ con lại trao thanh kiếm cho kẻ thù. Kết quả là con bị giết chết và vợ con đi theo sống với tên đầu đảng. Người đàn bà ấy đã hại một đời con như thế, nay lại tìm cách quyến rũ con hoàn tục, phá luôn thêm cuộc đời tu hành giải thoát của con".

Rồi đức Phật mới nói lên hai bài Kệ sau đây:
  • Người bị ý chẳng lành kích thích,
    Ái tham nhiều, thấy sắc mê tít;
    Ái dục nơi người càng gia tăng,
    Ma vương trói buộc thêm chằng chịt.
    (Kệ số 349)

    Người dẹp ý chẳng lành an định,
    Tỉnh giác, thường quán thân bất tịnh,
    Ái dục nơi người bỏ dứt xong,
    Ma vương muốn trói, đừng có hòng.
    (Kệ số 350)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Thiện xạ: Thiện = giỏi; Xạ = bắn. Thiện xạ là người bắn giỏi.

- Am: Cốc, ngôi nhà nhỏ làm nơi thờ phượng.

- Đoan trang: Đẹp và trang nghiêm.

- Mê hoặc: Dụ dỗ vào đường quấy.

- Thọ thực: Thọ = nhận; Thực = ăn. Tiếng nhà chùa, nghĩa là ăn.

- Đại đức: Tiếng tôn xưng gọi bực tu hành.

- Ý ngầm: Ý dấu kín bên trong, chỉ nói mí, chẳng nói toạc ra.

- Tơ tưởng: Mơ tưởng đến hoài và có ý định về tình ái.

- Kích thích: Gây cảm xúc mạnh khiến cho phải hành động; xúi dục, thúc đẩy.

- Ái tham: Ái = thương, thích; Tham = ham muốn quá chừng. Chữ ái tham dùng dịch chữ Tanhā của tiếng Pali. Đây là nguyên nhơn gây ra đau khổ, tức là Tập đế trong Tứ diệu đế. Hễ diệt được ái dục, bứng hết gốc rễ của nó, thì thoát được khổ đau trong cõi Luân hồi, chẳng còn phải tái sanh nữa.

- Ái dục: Ái = thương, thích; Dục = ham muốn. Chữ ái dục được dùng để chỉ sự ham muốn chạy theo các thú vui vật chất thấp và tạm bợ.

- Tỉnh giác: Tâm chú ý luôn giữ chánh niệm, chẳng buông lung.

- Quán thân bất tịnh: Suy nghĩ sâu xa về tấm thân vật chất bên trong chứa nhiều chất dơ, như mủ, nước tiểu, để hết đắm say sắc đẹp.

- Ma vương = vua Ma; nghĩa rộng là sự cám dỗ, xúi làm bậy.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc một vị tỳ kheo bị một người đàn bà quyến rũ, lòng mơ tưởng đến sắc đẹp, muốn hoàn tục, nên tu hành biếng nhác, thân hể tiều tụy. Vị tỳ kheo được dẫn đến gặp dức Phật, nghe kể lại, trong tiền kiếp, người đàn bà ấy đã từng là vợ phản bội mình, trao gươm cho tướng cướp để giết chồng. Nay trong kiếp nầy, người ấy lại muốn phá hoại thêm cuộc đời tu hành của mình nữa, vị tỳ kheo tỉnh ngộ, dẹp bỏ ý hoàn tục, mà tinh tấn tu hành trở lại.

Ý nghĩa của Tích chuyện là khi ý bất thiện nổi lên trong tâm, phải dùng chánh niệm mà chận bỏ đi ngay.

(2) Ý nghĩa của hai bài Kệ số 349 và 350:

Bài Kệ số 349 nêu lên sự nguy hiểm của ý chẳng lành (= ý bất thiện), khiến ta bị Ma vương (= sự cám dỗ) lôi kéo theo con đường dữ. Ái tham, ái dục là những ý bất thiện đó.
  • a. Người bị ý chẳng lành kích thích, Ái tham nhiều, thấy sắc mê tít: Vì chẳng biết điều phục các căn, để mắt chạy theo sắc đẹp bên ngoài, nên ái tham bên trong tâm xúi dục theo con đường quấy.

    b. Ái dục nơi người càng gia tăng, Ma vương trói buộc thêm chằng chịt: Ái dục, sự ham muốn theo các thú vui vật chất càng ngày càng thêm chồng chất, đó là đang bị Ma vương (= sự cám dỗ) trói buộc chặt chẽ, khó thoát được.
Bài Kệ số 350 dạy ta cách cởi trói của Ma vương, tức là làm cách nào để khỏi bị cám dỗ theo các thú vui vật chất thấp hèn và tạm bợ.
  • a. Người dẹp ý chẳng lành an định: mỗi khi ý bất thiện nổi lên trong tâm, chánh niệm nhận ra được ngay, liền chận lại, đuổi đi, khiến cho tâm trở nên an định.

    b. Tỉnh giác, thường quán thân bất tịnh: đây là hai cách hữu hiệu, giữ tâm an định và chận ý bất thiện:
    • (a) Tỉnh giác: tâm luôn luôn chú ý vào mọi ý nghĩ khởi lên trong tâm;
      (b) Quán thân bất tịnh: thường suy nghĩ sâu xa về tấm thân bề ngoài xem đẹp mà bên trong chứa chất dơ, nên sanh ra nhàm chán, chẳng mê sắc dẹp nữa.
    c. Ái dục nơi người bỏ dứt xong, Ma vương muốn trói, đừng có hòng: Vì lòng ham muốn (= ái dục) đã dứt, đâu còn bị cám dỗ nữa.
Hình ảnh


Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

247. TÍCH CHUYỆN TÔN GIẢ LA HẦU LA BỊ MA KHUẤY
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại chùa Kỳ Viên, nước Xá Vệ, trong một kỳ giảng pháp có đề cập đến việc Ma vương khuấy phá Tôn giả La Hầu La.

Thuở ấy, có một nhóm đông đảo các tỳ kheo từ các phương xa, về chùa Kỳ Viên, đảnh lễ đức Phật. Để đủ chỗ an nghỉ về đêm, Tôn giả La Hầu La, con trai của Thái tử Tất Đạt Ta khi chưa đi tu, mới nhường chỗ của mình, ra ngủ ở ngoài cửa hương phòng của đức Phật. Đến khuya, Ma vương hiện lên làm một con voi to lớn, lấy vòi quấn chặt đầu Tôn giả rồi lại rống lên nhiều tiếng quái dị, để dọa nhát. Nhưng Tôn giả vẫn dửng dưng chẳng chút lo sợ, nao núng chi cả. Từ trong hương phòng, đức Phật biết được cảnh ấy, mới nói với Ma vương: "Nầy Ma vương hiểm độc, dầu cả hàng ngàn Ma vương như ngươi đến phá, có làm sợ hãi được con ta đâu. La Hầu La chẳng hề sợ hãi, thoát khỏi tham ái, luôn luôn tỉnh giác và sáng suốt".

Rồi đức Phật nói lên hai bài Kệ sau đây, khiến cho Ma vương biết đức Phật đã rõ được sự khuấy rối của mình, nên biến đi mất:
  • Mục tiêu cứu cánh, người đã chiếm,
    Hết sợ, ly tham, chẳng ô nhiễm,
    Nhổ mũi tên sanh tử độc hiểm,
    Thân nầy là thân chót Luân hồi.
    (Kệ số 351)

    Lìa ái dục, chẳng hề chấp thủ,
    Biện tài vô ngại đủ bốn thứ:
    Nghĩa, pháp, từ, thuyết có thứ tự;
    Thân nầy là thân chót Luân hồi,
    Vị ấy là Đại trí vĩ nhơn.
    (Kệ số 352)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- La Hầu La: Tên tiếng Pali là Rāhula, con của Thái tử Tất đạt ta (Sidharta) khi Ngài chưa đi tu thành Phật.

- Đảnh lễ: Cúi đầu lạy, làm lễ ra mắt bực trưởng thượng.

- Hương phòng: Căn phòng có hương thơm dành riêng cho đức Phật; tiếng Pali là Gandhakuti.

- Hiểm độc: Nguy hiểm và độc ác; tánh ác ngầm.

- Tỉnh giác: Tỉnh = hết mê; giác = biết. Người tỉnh giác luôn luôn bình tĩnh, chú ý đến mọi hành động, lời nói và ý nghĩ của mình; tâm giữ chánh niệm, chẳng hề buông lơi.

- Mục tiêu cứu cánh: Mục = con mắt; Tiêu = cái mốc nhìn để bắn vào; Mục tiêu là chỗ mình nhắm vào khi làm việc gì; gần nghĩa với chữ Mục đích. Cứu cánh: cứu = cánh = cuối cùng, kết quả chót. Mục tiêu cứu cánh, ở đây, là chứng đắc được quả vị A la hán, bực Thánh.

- Nhổ mũi tên sanh tử: Thoát khỏi cảnh sanh tử của Luân hồi.

- Chấp thủ: Nắm chặt, ôm cứng, bấu víu chẳng chịu buông bỏ đi.

- Biện tài vô ngại: Biện = hùng biện, tranh luận; Tài = tài giỏi; Vô = chẳng; Ngại = ngại ngùng, lo sợ. Biện tài vô ngại là có tài tranh luận với kẻ khác mà chẳng hề sợ hãi; cũng như tài hùng biện.

- Nghĩa: Ý nghĩa thâm sâu; Pháp = pháp tu; Từ = chữ, lời nói; Thuyết = nói. Bốn chữ Nghĩa, Pháp, Từ, Thuyết là bốn điều mà người nói pháp nắm vững, khi tranh luận với kẻ khác chẳng lo ngại bị thua.

- Thân chót Luân hồi: Đây là tấm thân cuối cùng, chẳng còn phải tái sanh để mang thêm thân nào khác nữa, vì chứng được pháp thân, thân vô hình, bất hoại và tự tại trong cảnh Niết bàn.

- Vĩ nhơn: Vĩ = to lớn, cao cả; Nhơn = người. Bực vĩ nhơn có tài năng lớn, có chí khí cao. Gần nghĩa với chữ Anh hùng.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất giản dị, Tôn giả La Hầu La bị ma nhát mà chẳng hề sợ hãi. Ý nghĩa của Tích chuyện dạy ta phải bình tỉnh, tỉnh giác mỗi khi bị cám dỗ, để theo đúng con đường thiện lành.

(2) Ý nghĩa của hai bài Kệ số 351 và 352:

Hai bài Kệ cùng nói đến bực Thánh, đã đạt được mục tiêu tu tập là chứng được quả vị A la hán, thoát khỏi vòng sanh tử của Luân hồi.

Xin lần lượt kể ra những đức tánh của bực đã chứng A la hán:

Kệ số 351:
  • a. Mục tiêu cứu cánh, người đã chiếm: mục tiêu đó là chứng được quả vị A la hán, bực Thánh.

    b. Hết sợ, ly tham, chẳng ô nhiễm: Ba đức tánh:
    • (a) Chẳng lo ngại;
      (b) Dứt tham ái;
      (c) Chẳng hề dính nhiễm điều dữ ác.
    c. Nhổ mũi tên sanh tử độc hiểm, Thân nầy là thân chót Luân hồi:chẳng còn bị tái sanh nữa trong cõi Luân hồi đau khổ nầy.
Kệ số 352:
  • a. Lìa ái dục, chẳng hề chấp thủ: Hai đức tánh:
    • (a) Bỏ hết mọi ham muốn các thú vui vật chất thấp hèn;
      (b) Dẹp bỏ mọi thành kiến, mọi tà kiến, chẳng bấu víu vào điều gì cả.
    b. Biện tài vô ngại đủ bốn thứ: Nghĩa, pháp, từ, thuyết có thứ tự: vì đã thấm nhuần Chánh pháp, lại được tài hùng biện, nên khi tranh luận, lúc giảng pháp, đều thành công mỹ mãn.

    c. Thân nầy là thân chót Luân hồi, Vị ấy là Đại trí vĩ nhơn: đó là vị Thánh dùng Trí huệ lớn (= Trí Bát nhã Ba la mật) mà vượt qua được vòng sanh tử của Luân, bỏ nhục thân, chứng pháp thân bất hoại.
Hình ảnh


Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

248. TÍCH CHUYỆN ẨN SĨ ƯU BA CA
Thuở ấy, khi đức Phật vừa thành Đạo dưới cội cây Bồ đề, Ngài nghĩ đến năm người bạn đạo cũ, muốn chỉ dạy cho họ đường lối tu hành mà Ngài đã thành công, mới đi đến vuờn Lộc Uyển, gần thành Ba La Nại để gặp họ.

Khi xưa, lúc còn theo lối khổ hạnh mỗi ngày chỉ ăn một nắm mè để sống, tu sĩ Cồ Đàm có năm người bạn, đứng đầu là ông Kiều Trần Như đi theo học đạo. Đến khi nhận thấy lối ép xác chẳng đưa đến kết quả mong muốn, tu sĩ Cồ Đàm trở lại ăn uống bình thường, mỗi ngày một bữa, các người bạn đạo tưởng Ngài đã thối chí nên bỏ đi. Nay thành Đạo, đức Phật muốn độ cho các bạn cũ thấy được con đường Trung đạo. Trên đường tìm đến vườn Lộc Uyển, đức Phật gặp một tu sĩ khổ hạnh tên là Ưu Ba Ca. Nhìn tướng mạo trang nghiêm, dáng đi thanh thoát của đức Phật, Ưu Ba Ca rất cảm phục, mới cất tiếng hỏi: "Chẳng hay Ngài đã theo học vị thầy dạy đạo nào?" Đức Phật liền đáp, Ngài tự tìm lấy con đường giải thoát, chẳng có thầy nào dạy cả.

Rồi đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:
  • Ta chinh phục, làu thông tất cả,
    Dứt trói buộc, ta đã thoát ly,
    Lậu hoặc, ái dục, ta còn gì?
    Tự ta, ta được thắng trí cao,
    Ta còn gọi ai là Thầy ta sao?
    (Kệ số 353)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Ẩn sĩ Ưu Ba Ca: Tên vị tu hành ở ẩn nầy, tiếng Pali là Upaka.

- Vườn Lộc Uyển, thành Ba La Nại: Vườn nai (Pali: Migaedāya), còn gọi là Vườn Tiên (Isipatana), gần thành Bénarès, nay là Vāranāsi.

- Khổ hạnh: Đường lối tu hành ép xác, ăn uống rất ít, thân gầy.

- Cồ Đàm: Họ của đức Phật Thích Ca, tiếng Pali là Gotama.

- Kiều Trần Như: Đệ tử đầu tiên của Phật, tiếng Pali: Kondana.

- Trung Đạo: con đường ở giữa, tránh xa hai cực đoan; khổ hạnh (ép xác) và lợi dưỡng (hưởng đủ mọi sung sướng vật chất).

- Lậu hoặc: Lậu = rỉ chảy; Hoặc = điều sái quấy. Lậu hoặc là các phiền não như tham, sân, si... từ trong tâm bộc lộ ra bằng việc quấy.

- Thắng trí: Trí vượt thắng tất cả; tức là Trí huệ Bát nhã Ba la mật.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất đơn sơ, đức Phật trả lời câu hỏi của ẩn sĩ Ưu Ba Ca: Ngài tự tìm lấy con đường giác ngộ và giải thoát, chẳng có thầy.

(2) Ý nghĩa của bài Kệ số 353:

Bài Kệ nầy, nếu thốt ra từ một người nào khác, sẽ mang ý nghĩa rất kiêu căng; nhưng đây là lời nói của đức Phật, nói lên Sự thật tự mình tìm ra con đường giải thoát, lời nói chơn thành của một bực Đại giác, chứng được Nhứt thiết chủng trí, thấu hiểu rõ tất cả mọi loài.
Hình ảnh


Đã khóa

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.24 khách