TIẾN TRÌNH GIẢI THOÁT

Cùng nhau học hỏi những bài giáo lý căn bản và kiến thức Phật học phổ thông.
jbxuanthanh
Bài viết: 4
Ngày: 02/03/08 21:42
Giới tính: Nam
Đến từ: TPHCM

TIẾN TRÌNH GIẢI THOÁT

Bài viết chưa xem gửi bởi jbxuanthanh »

TIẾN TRÌNH GIẢI THOÁT
Suy tư về bài thơ của Huyền Quang tôn giả
Phạm Xuân Thanh

Có thì có tự mảy may,
Không thì cả thế gian này cũng không.
Nhìn xem bóng nguyệt dòng sông,
Ai hay không có, có không là gì?

Sống trong cõi nhân sinh, con người hằng mong mỏi tìm kiếm hạnh phúc. Các phương thế tìm kiếm hạnh phúc của con người đều khác nhau, nó tuỳ thuộc vào quan niệm riêng tư mỗi người. Quan niệm cá nhân được thay đổi và phát triển nhờ vào tiến trình tìm kiếm, học hỏi và kinh nghiệm sống. Bởi thế, mức độ hạnh phúc cũng khác nhau và phát triển theo các giai đoạn khác nhau. Dầu có sự khác nhau về mức độ của hạnh phúc, nhưng chung quy cũng chỉ có một hạnh phúc cao nhất và viên mãn nhất mà thôi. Còn những hạnh phúc khác dầu đã gặp được nhưng cũng chỉ nhất thời và chưa phải là hạnh phúc đích thực. Với ý nghĩa này, Huyền Quang tôn giả đã viết lên một kinh nghiệm sống, kinh nghiệm về một tiến trình đi tìm hạnh phúc, tìm chân lý, tìm ý nghĩa sống, và tìm sự tận cùng của cuộc sống nhân sinh. Kinh nghiệm này mô tả tình trạng của các giai đoạn tu thân của một con người nói riêng và cũng là cuộc nhân sinh nói chung.
Có thể Huyền Quang đã đi tu theo con đường giải thoát của Phật giáo và ngài đã đạt tới trình độ Bát-Nhã. Khi đạt được Trí-huệ siêu-việt, ngài đã nghiệm lại các chặng đường tu thân nên đã viết ra bốn câu thơ sau đây để nói lên cái siêu việt, cái diệu hữu trong tinh thần Phật giáo.
“Có thì có tự mảy may,
Không thì cả thế-gian này cũng không.
Nhìn xem bóng nguyệt dòng sông,
Ai hay không có, có không là gì!”
Bốn câu thơ này là ba giai đoạn hay ba cấp độ của con người trong tiến trình giải thoát bản thân. Con người đi từ nhìn nhận thế giới là thực, đến việc từ chối và sau cùng là nhìn nhận sự hiện hữu huyền nhiệm của sự vật trên trần gian. Sau đây, chúng ta sẽ tìm hiểu bốn câu thơ mà Huyên Quang đã rút tỉa cho chúng ta.
“Có thì có tự mảy may”,
“Có thì có tự mảy may”, Huyền Quang đã nêu lên tâm trạng chung của con người khi còn sống trong cảnh thế gian này. Con người nói chung, ai cũng đã từng nhìn nhận thế giới sự vật, hiện tượng là thực, là có. Sự vật liên hệ với bản thân, con người đã nhìn nhận nó với một sự hiện diện hay tồn tại có sự gắn kết với con người. Sự gắn kết hay tương quan đó là con người được hiện hữu như thế nào là nhờ sự vật tác động đến bản thân cách nào. Điều này đã nói lên con người nhìn nhận thế giới sự vật là thật, là tồn tại, là cái làm cho mình có được một lý tưởng nào đó và là cái làm nên cao vọng của mình. Chính vì vậy, con người không ngừng ca tụng những kẻ nào có trong tay mọi thứ mà họ xem là quý giá. Những người có thì hằng canh cánh lo âu và tìm mọi cách để che chở và bảo vệ thứ mình có. Những người không có thì cũng lo âu buồn phiền than trách đời và bản thân, họ cũng xoay xở tìm mọi cách để có những thứ mình muốn mà thứ mình muốn thì không bao giờ dừng lại. Điều này chính là ái dục. Tức là, khi con người nhìn nhận thế giới là thực thì lòng dục muốn chiếm đoạt nó, muốn nó có cho mình.
Với tâm thức trên, Đức Phật Thích Ca đã nói về tình trạng này trong Tứ Diệu Đế. Ngài thuyết giảng như sau:
“Hỡi này các Tỳ-khưu, bây giờ, đây là chân lý cao thượng về sự khổ. Sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, tử là khổ, sống chung với người mình không ưa thích là khổ, xa lìa những người thân yêu là khổ, mong muốn mà không được là khổ, tóm lại, chính thân ngũ-uẩn là khổ”.
Ngài nói tiếp về nguồn gốc gây khổ như sau:
“Chính Ái-dục là nguyên nhân của sự tái sinh. Ai hợp với tâm thiết tha khao khát, bám bíu cái này hay cái kia. Chính là Ái, đeo níu theo nhục-dục ngũ trần; ái, đeo níu theo sự sinh-tồn; và ái, đeo níu theo ý tưởng không sinh-tồn”.
Khi con người nhìn nhận thế giới này là thật, với một quan niệm rằng con người sinh ra chỉ có đời này mà thôi, không có cuộc sống khác nữa thì con người sinh lòng tham. Tham lam thì đụng đến tha nhân gây lên sự chia rẽ, mất lòng dẫn đến ghen ghét, thù hận, buồn phiền dẫn đến “si”. Lòng tham cũng dẫn đến ích kỷ, chỉ lo đến cái tôi mà tôi đó là “sân”. Vì tham, sân, si mà con người sống trong cảnh đau khổ. Khổ vì sinh, vì bệnh, vì lão, vì tử, vì ngũ uẩn. Tức là con người bị sự vật thu hút, họ không có lối thoát, ai không có cách thoát ra khỏi vòng vây của sự vật thì luôn gặp sự khổ. Những kẻ đặt sự vật như một sự hiện hữu thực thì ắt sẽ từ chối sự sống bên kia cuộc đời, có nghĩa rằng chết là hết. Như thế, nhục dục ngũ trần luôn đeo bám con người, làm con người sống luẩn quẩn trong vòng khổ triền miên.
Sống trong tâm trạng đầy khổ ải như thế, có không ít người đã đứng ra bên ngoài, hay dừng lại so với tiến trình chạy theo thế gian để nhìn lại đời, nhìn lại con đường mình đã đi. Một khi đã nhìn lại và suy tư về cuộc đời, có nhiều người đã thoáng thấy mình đang theo đuổi những gì là hư vô trống rỗng. Vì thế, Huyền Quang đã viết lên câu thơ thứ hai:
“không thì cả thế gian này cũng không”.
Câu thơ này gợi lên tâm trạng của những người mới bước vào nhà tu, hay bước đầu của cuộc đời đi tìm con đường giải thoát. Có lẽ điều này cũng chính là kinh nghiệm của Huyền Quang rằng khi còn sống trong thế gian, theo đuổi thế gian thì đến lúc họ thấy mình đang đeo đuổi những gì là vô nghĩa, cho nên, họ đã lên đường đi tìm con đường thoát khổ. Bấy giờ, người tu trì thấy mọi sự trên thế gian này đều không tồn tại vĩnh hằng. Mọi sự biến dịch từ Sinh, Thành, Dị đến Diệt. Diệt cũng chưa phải là hết, nó sẽ xuất hiện một sự Sinh mới. Vì mọi sự không tồn tại, cái đẹp nhất hay xấu nhất cũng sẽ đến lúc phải chấm dứt. Nên, người xuất gia không cớ gì mà gieo mình trong dòng biển khổ là cuộc đời. Họ không bám bíu vào những thứ của cải hay danh vọng ở đời. Vì đời và những gì thuộc về nó đều nằm trong thời gian và không gian. Không-thời-gian cũng là vật chất mà thôi, nên nó cũng không vĩnh hằng được.
Vật chất giờ đây trở thành không, mọi sự trở thành không, cả thế gian đã trở thành không đối với người xuất gia lúc này. Vậy, họ xem cái gì là thực? cái gì tồn tại? Có phải là hư vô hết thảy hay không?
Để trả lời cho những câu hỏi ấy, giáo lý tiểu thừa đã nói điều này trong phần niết bàn tịch tịnh. Cái thực là Chân-tâm, là cái tồn tại trong cảnh vắng lặng, bình an. Vì hướng đến điều này mà người tu trì đã xem thế gian là không, không có thực.
Nếu đem điều này để so sánh với Kitô giáo và một vài triết thuyết phương tây, chúng ta thấy có một số điểm giống nhau. Trong sách Giảng Viên, ông coi mọi sự trên đời này đều là phù vân “phù vân trên mọi phù vân”. Thời Trung cổ Tây phương, có một quan niệm rằng đời này là tội lỗi, là cái làm nên sự chết. Bởi thế, nhiều người đã đánh phạt thân xác, hãm mình ép xác, coi thân xác như tù ngục của linh hồn. Quan niệm này đã nói lên sự hư vô của mọi sự vật trong trần gian, coi thế gian là xấu xa, đáng khinh, nên cần phải xa lánh và thoát ra ngoài mới có thể mong cứu vãn được linh hồn là cái tồn tại muôn đời. Với triết Phương tây, chúng ta thấy có thuyết Khắc kỷ. Có lẽ nó là một giáo phái khắc kỷ thì đúng hơn. Phái này coi thế giới là xấu xa, tội lỗi. Con người đã bị rơi vào trong thế gian như một tai nạn của các thần thánh trên trời. Do đó, chủ trương của họ là hướng về cái quê hương đích thật của họ là một thế giới tinh thần thuần tuý trên trời. Đại diện cho phái này có triết gia Diogence thuộc đế quốc Hilạp, ông sống vào thời tiền Socrate.
Một khi đã ra khỏi thế gian, đoạn tuyệt cách nào đó rồi với thế gian, người tu sĩ bắt đầu nhìn lại chặng đường của mình, ông thấy sự vật trong thế gian thấp thoáng của một dấu chỉ nào đó muốn gợi đến sự thực vĩnh cửu. Bởi thế, Huyền Quang viết câu thơ thứ ba như sau:
“Nhìn xem bóng nguyệt dòng sông”
“Nhìn xem bóng nguyệt dòng sông” đây là câu thơ mà Huyền Quang muốn giới thiệu một giai đoạn khác của người đi tu. Giai đoạn không còn tiêu cực nữa khi người tu sĩ nhìn về thế giới vật chất. Một thế giới tưởng chừng như trần tục, đau khổ và bất hạnh trong sự giam hãm của vật chất; đến một sự nhìn hoàn toàn hư vô và hoàn toàn không thật của thế giới, khiến người tu trì rời xa một cách tiêu cực. Đến đây, người tu trì đã khám phá ra thế giới như “bóng nguyệt”. Nhìn bóng nguyệt tuyệt đẹp dưới dòng sông, ai bị bóng nguyệt lôi cuốn mà nhảy vào chồm lấy, ắt phải chết chìm trong đó. Mặt khác, nhìn bóng nguyệt dưới sông, con người chiêm ngắm một ánh nguyệt thật trên trời cao. Vì có mặt nguyệt thật nên mới có bóng nguyệt giả trong dòng sông.
Cũng vậy, thế giới sự vật hiện tượng trong trần gian phản ánh một thế giới thực, thế giới có thực khác tồn tại vĩnh hằng. Thế giới này thì chóng qua như bóng nguyệt biến mất khi ánh dương lên vậy. Dầu chóng qua, nhưng người tu sĩ cũng nhờ đó mà biết được một thế giới thực, thế giới của bình an, tĩnh lặng và vĩnh hằng. Vì thế, con người không cớ gì mà phải xua đuổi thế gian, đoạn tuyệt với thế gian, nhưng nhìn nhận nó như một dấu chỉ hữu hình cho một thế giới siêu hình vĩnh hằng.
Long Thọ đã giới thiệu cho chúng ta một học thuyết Trung quán. Đây là một quan niệm nối kết với hai ý đối lập nhau mà câu thơ thứ nhất và câu thơ thứ hai đã trình bày. “Long thọ cho rằng đằng sau hiện tượng vô thường của vạn pháp có thực thể tuyệt đối, đó là bản thể siêu hình của vạn pháp” . Tuy rằng, chúng ta không thể dùng khái niệm về hiện tượng để nói được thực thể tuyệt đối như việc dùng bóng trăng để nói về mặt trăng thật thì quả là không thể nói được. Nhưng cách nào đó, không có ánh trăng thật trên trời cao thì không có bóng trăng dưới nước, cũng vậy, không có thực thể tuyệt đối thì không thể có hiện tượng vô thường này được.
“Nhìn xem bóng nguyệt dòng sông”, chúng ta có thể so sánh ý của câu thơ này với mức độ nào đó theo quan niệm của Kitô giáo hay không? Chắc hẳn là có, trong sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số nói về con đường nhận biết Thiên Chúa. Chúng ta có thể biết được Thiên Chúa, có nghĩa là nhận biết các thực tại của thế giới siêu hình mà Thiên Chúa như là chủ tể ngự trị, tồn tại và sáng tạo. Nhìn xem thế giới hữu hình, ta đặt câu hỏi, nó từ đâu đến? ai đã làm cho nó hiện hữu? Đặt câu hỏi như thế, chúng ta suy ra có một Đấng Tuyệt đối nào đó đã làm nên thế giới hữu hình này.
Nhìn vạn pháp vô thường mà biết được có thực thể tuyệt đối đó là một nỗ lực lớn của con người. Tuy nhiên, khi đã đắc đạo cao siêu, người tu sĩ còn đi xa hơn nữa như câu thơ thứ tư mà Huyền Quang viết như sau:
“Ai hay không có, có không là gì?”
Theo mặt chữ, đây là một câu hỏi, nhưng hàm ý một sự hiểu biết cao siêu. Câu hỏi không cần trả lời, nhưng ai có thể trả lời được, chỉ những người tu thân, tâm hồn thanh thoát mới có thể am hiểu được. Tuy vậy, chúng ta cũng có thể dùng ngôn ngữ để diễn tả phần nào về ý của câu thơ.
“Ai hay không có, có không là gì?”, câu thơ này diễn tả một trạng thái cao hơn, một giai đoạn cao hơn mà người tu sĩ đạt tới. Những giải thích thế giới vạn pháp giờ đây không phân biệt rành mạch giữa bản thể vô thường và bản thể tuyệt đối nữa. Ai biểu sự vật nó là thực, ai biểu không thực, thực không, không thực là gì? Bản thể hữu hình ở đời này đã trở nên huyền nhiệm trong trí của người đắc đạo. Họ có đã mở rộng tâm hồn đón nhận mà không chiếm hữu, có mà không sợ mất, mất cái đang có cũng không đau khổ, gắn bó mà không sợ chia ly, chia ly cũng không đau khổ. Mọi vật đã trở nên một sự diệu hữu, một sự hiện hữu huyền nhiệm không ai thấu hiểu. Sự hiện hữu của vũ trụ ai hay không có, những bức tranh của vũ trụ ai vẽ mà tài tình đến thế, những bản nhạc dao hưởng du dương của vũ trụ ai sáng tác mà hay đến thế. Sự hiện hữu của con người thật huyền nhiệm, ai đã thêu dệt nên con người và cuộc sống quả là phong phú và đầy huyền nhiệm.
Nhìn thế giới, người đắc đạo không từ chối, không ôm chồm cho bản thân, nhưng xem vạn pháp hiện hữu như những bản thể huyền nhiệm. Người giác ngộ nhìn vạn pháp hữu hình mà không dừng lại ở đó, các ngài còn nhìn thấy thế giới siêu hình vĩnh cửu ngự trị thật, có thật. Đó là vạn pháp siêu hình, là bản thể Chân-không hay Tính không. Đây là một thực tại tích cực, vắng lặng và bất biến. Bản thể ấy gọi là Chân-như hay Tính-không. Chân-không hay Tính-không vượt lên trên “hữu luận” và “không luận”, cũng vượt lên trên “sắc” và “không” để đạt đến một sự hiểu biết về Chân-không là có cái có diệu hữu.
Vậy, ai đã đạt đến trình độ Bát nhã, tức là trí huệ siêu việt thì không cần đến Tứ diệu đế nữa. Tứ diệu đế chỉ dùng cho những người ở trình độ phổ thông, còn người đắc đạo không cần vì họ đã nhìn nhận thực tướng của sự vật hiện tượng. Họ không phân biệt Ngũ uẩn, lục căn và lục giới nữa, với họ Tâm Bát nhã đã giải thoát họ, hay đã đưa họ vượt lên trên Không-thời gian. Họ không xa lánh sự vật cũng không ôm lấy sự vật cho mình, vì mọi sự đã trở thành Không, cái không diệu hữu. Sự vật thì nhiều và khác nhau nhưng Không chỉ có một, thuần nhất và tĩnh lặng đối với Trí huệ siêu việt.
Với quan niệm về Phật giáo của Long Thọ, hay câu thơ thứ tư mà Huyền Quang đã viết ở trên, chúng ta có thể so sánh với quan niệm của người Công giáo về việc nhìn thế giới hữu hình và thế giới siêu hình. Với người công giáo, khi nhìn vào vạn vật hữu hình, thế giới có khi là tạm bợ nhưng cũng rất huyền nhiệm. Thế giới siêu hình có khi thì xa xôi tách biệt nhưng cũng hiện hữu trong thực tại cách siêu hình, nhiều lúc, chúng ta cũng cảm nhận được. Thực tại và siêu hình là khác nhau, nhưng đồng hiện hữu trong thực tại. Tất cả đều huyền nhiệm và hòa quyện vào nhau nữa là đàng khác. Mọi sự vật, sự sống sinh sôi nảy nở trong vũ trụ là do bàn tay của hữu thể tuyệt đối làm nên và hướng cho sự vật tiến lên một mục đích. Hoặc nhìn về vũ trụ rộng lớn, chúng ta thấy một trật tự ngoài sức tưởng tượng của con người. Những trường hợp trong cuộc sống, người đạo đức đích thực đã vượt lên các sự kiện thường ấy. Họ không còn sống theo bản ngã nữa, nhưng cuộc sống của họ đã kết hợp giữa thế giới siêu hình và thế giới hữu hình. Như vậy, cái có thực hay không thực là gì đối với người đạo đức thật.
Bài thơ của Huyền Quang tôn giả chỉ có bốn câu nhưng đã mô tả được các gai đoạn của con người trong tiến trình hành đạo. Các giai đoạn rất rõ ràng đi từ tâm trạng của người phổ thông coi thế gian là thật, là có như chính nó là. Sâu hơn một bước là giai đoạn của người mới bước vào đời tu, hay giai đoạn của Tiểu thừa. Giai đoạn sâu nhất là của những người đạt Tâm Bát nhã, họ đã thấu hiểu được thực tướng của vạn pháp, đó là không, cái không khác với giai đoạn thứ hai, không là sự có, một sự không gọi là diệu hữu.
Con người đi tìm hạnh phúc, với sự hiểu biết khác nhau thì mục đích đi tìm cũng khác nhau và kết quả của hạnh phúc cũng khác nhau. Huyền Quang đã mô tả trong bốn câu thơ cho thấy, hạnh phúc của những người coi thế giới vạn pháp hữu hình là thực, đây chỉ là một hạnh phúc tạm bợ và không thật. Ngược lại, họ càng đi tìm hạnh phúc trong thực tại vật chất thì họ càng gặp cảnh đau khổ mà thôi. Nếu có được vật chất là hạnh phúc, khi họ gắng tìm cho có được vật chất thì hạnh phúc đã đánh mất hạnh phúc trước rồi. Với người từ chối thực tại hữu hình đời này thì tâm trạng của họ cảm thấy không thoải mái, vì họ phải đấu tranh triền miên để từ chối hoặc tránh né nó. Nhưng ai có thể trốn tránh được mọi sự kiện trong cuộc đời. Với người đạt đến trí huệ siêu việt, hạnh phúc của họ là sự thanh thoát, ngay cả hạnh phúc, họ cũng không chiếm lấy. Nếu còn có hạnh phúc tức là còn tâm hướng trong ngũ uẩn, lục căn và lục giới. Điều hạnh phúc ở trí huệ siêu việt là sự vượt lên các hiện tượng hữu hình, thế giới khả giác và thế giới ý niệm. Có vậy mới có hạnh phúc đích thực, tồn tại và vĩnh hằng.


hlich
Bài viết: 1217
Ngày: 09/12/08 14:16
Giới tính: Nam

Re: TIẾN TRÌNH GIẢI THOÁT

Bài viết chưa xem gửi bởi hlich »

>không có thực thể tuyệt đối thì không thể có hiện tượng vô thường này được

ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm

tangbong


thichtambinh1985
Bài viết: 295
Ngày: 12/07/07 01:29
Giới tính: Nam
Đến từ: vnn
Nghề nghiệp: Khi niệm hồng danh Ðức Quán Thế Âm, chẳng những miệng niệm phải rõ ràng mà tâm mình cần phải nhớ giữ cho sáng tỏ. Phải dùng tất cả sáu căn : mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý - mà niệm. Ðem toàn thân toàn ý chuyên chú mà niệm Ðức Quán Thế Âm. Ðó gọi là thâu nhiếp sáu căn, chuyên tâm thâm nhập.

Re: TIẾN TRÌNH GIẢI THOÁT

Bài viết chưa xem gửi bởi thichtambinh1985 »

Tham Ðắm Cảnh Giới Thì Chiêu Cảm Ma Chướng



Trong pháp tham thiền, người tu phải dấn bước thực sự, khổ công miệt mài, dũng mãnh tiến tới, tuyệt dối không lùi bước. Có hằng tâm như vậy mới là người tu thiền chân chánh.

Trong lúc tham, phải lấy sự nhẫn nại khắc phục mọi thứ đau, chân đau hay lưng đau cũng mặc. Muốn tới được khai ngộ thì phải nhẫn nại, bằng không thì không thể khai ngộ. Nhẫn nại ở đây bao gồm mọi thứ nhẫn, chịu đói, chịu khát, chịu đau, chịu hết thảy mọi thứ. Nhẫn được thì phá trừ được chấp ngã. Như không có ngã chấp thì khi quán sát tâm cũng không thấy tâm nữa; quán hình sắc bên ngoài thì hình cũng chẳng có; hướng xa hơn nữa thì vạn hữu cũng mất. Ðó là lúc, trong không có thân tâm, ngoài chẳng có thế giới, tất cả là không,

Cái "không" này cũng không thể chấp trước nó, bởi nếu còn tham đắm vào "không" thì cũng là một thứ chấp trước. Do đó, "không" cũng phải xả bỏ, mới có thể cùng thế giới hợp nhất, ta và hư không chẳng còn gì phân biệt. Nếu đưa cảnh giới này tới chỗ rốt ráo thì sẽ có định. Ðịnh chẳng phải là một trạng thái mơ hồ, mà ngược lại rất sáng suốt, như câu nói: như như bất động, liễu liễu thường tri, nghĩa là bất động nhưng không lúc nào là không biết hết mọi sự. Tham thiền chẳng phải là một dịp ngồi để suy tính, hay vì ham kiếm một cảnh giới nào. Có những loại vọng tưởng đó thì ma sẽ tới phá.

Trong Kinh Kim Cang có câu:

Hết thảy mọi tướng đều là hư vọng

Nếu thấy các tướng là chẳng phải tướng, tức thấy Như Lai.

Bởi vậy, người tham thiền không thể tham đắm vào cảnh giới, cũng không được cầu thần thông. Tham như vậy có thể bị tẩu hỏa nhập ma. Cũng không nên tham đắm danh lợi, kẻo có thể mắc vào vòng tà đạo, làm kẻ quyến thuộc của ma vương. Ðiều này quả là đáng sợ! Người tham thiền phải là vô chấp, vô tham, cho nên có câu nói: "Phật đến chém Phật, ma đến chém ma", và phải dùng kiếm báu của vua kim cương (trí huệ) để chém đứt mọi thứ. Cảnh giới tốt chẳng ham mà cảnh giới xấu cũng mặc. Ngàn vạn lần đừng ham những thành tựu nhỏ nhoi, đó chỉ là hiệu quả của công phu tu tập; sinh tâm tham đắm sẽ đi vào đường tà, chúng ta phải hết sức cảnh giác!

Trong lúc nhập thất, cái "ta" phải quên đi, người cũng quên đi, quên cả thời gian và không gian. Có câu nói: "Quét hết mọi pháp, ly hết mọi tướng", hết thảy đều không chấp, tất cả buông bỏ, tới lúc đó có thể đi vào cảnh giới Tứ thiền thiên.


Nếu tâm bạn còn tham muốn, ham thích, vương vấn chuyện gì, thì khi lâm chung việc đó sẽ hiện ra. Bấy giờ, nếu bạn thấy cảnh đó rồi nảy lòng yêu thích, sanh tâm truy đuổi nó, thì kết quả là bạn sẽ lọt thẳng vào vòng luân hồi! http://www.dharmasite.net/
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.21 khách