LỤC TỔ ĐẠI SƯ PHÁP BẢO ĐÀN KINH TÁN

Cùng nhau học hỏi những bài giáo lý căn bản và kiến thức Phật học phổ thông.
hlich
Bài viết: 1217
Ngày: 09/12/08 14:16
Giới tính: Nam

LỤC TỔ ĐẠI SƯ PHÁP BẢO ĐÀN KINH TÁN

Bài viết chưa xem gửi bởi hlich »

LỤC TỔ ĐẠI SƯ PHÁP BẢO ĐÀN KINH TÁN
(Bài tán dương kinh Pháp Bảo Đàn của Lục Tổ Đại sư)
Đại sư Khế Tung hiệu Minh Giáo
đời Tống soạn (Đ.48, tr. 346.)

Tán thán là lời tuyên dương, nói tóm tắt khi mở đầu kinh. Nội dung kinh Pháp Bảo Đàn là (lãnh vực) mà bậc Chí nhân (tức Lục Tổ) dùng tuyên dương cái tâm. Thế thì cái tâm đó là gì ? Đó chính là cái tâm vi diệu do Phật truyền lại vậy. Lớn lao thay cái tâm ! Từ khởi thuỷ biến hoá ra mà vẫn hằng thanh tịnh. Dù là phàm, dù là Thánh, dù là u, dù là hiển không mộtù ai là không được cái tâm ấy. Ở cương vị Thánh thì là sáng, ở địa vị phàm thì là tối. Tối là do biến đổi. Sáng là do trở về. Biến đổi, trở về tuy khác nhau mà cái tâm vi diệu vẫn là một. Ban đầu Đức Phật Thích Ca đem tâm này truyền cho họ Đại Quy. Họ Đại Quy tiếp tục truyền dần cho đến 33 đời thì đến Đại Giám (thụy hiệu của Lục Tổ). Thế rồi, Đại Giám tiếp tục truyền nữa càng ngày càng nhiều. Nếu bàn đến tâm thì thật là nhiêu khê. Cho nên tên gọi thì giống mà thực chất thì khác. Vì vậy mà bảo nghĩa tuy nhiều mà tâm chỉ là một. Nào là tâm (tim) máu thịt, nào là tâm duyên lự, nào là tâm tập khởi, nào là tâm kiên thật… Còn nói đến tâm sở của tâm thì lại càng nhiều vô số. Thế nên nói tên thì giống mà thực thì khác. Như gọi tâm chân như, tâm sinh diệt, tâm phiền não, tâm bồ đề… như các kinh đã phân loại nhiều không kể xiết. Vì vậy mà bảo là nghĩa thì nhiều mà tâm chỉ có một. Nghĩa thì có nghĩa giác ngộ, có nghĩa bất giác. Còn tâm thì có tâm chân thật, có tâm hư vọng. Đó đều là do phân tích cái tâm chân chánh mà có. Ở đây, cái tâm mà kinh Pháp Bảo Đàn muốn nói thì về phương diện nghĩa là giác ngộ, về phương diện thể là chân thật.

Ngày xưa, khi Thánh nhân sắp ẩn mình bèn dạy Quy Thị cái yếu lý truyền pháp ở ngoài giáo điển. [346b] Bởi vì người ta vướng mắc vào văn tự mà quên trở về nguồn gốc. Do vậy muốn cho người đời sau dựa vào gốc để làm chánh cái ngọn mà kinh Niết bàn nói : “Ta có Chánh pháp vô thượng đã phó chúc tất cả cho Ma ha Ca Diếp”.

Cái đạo của trời nhằm ở chỗ dung dị, cái đạo của đất nhằm ở chỗ đơn giản, còn cái đạo của Thánh nhân thì nhằm ở chỗ cốt yếu. Cốt yếu nghĩa là cực kỳ vi diệu. Cái đạo của Thánh nhân nhằm ở chỗ cốt yếu thì có thể làm khuôn mẫu cho cả pháp giới, làm chỗ tụ hội cho vô lượng nghĩa lý, làm bánh xe kiên cố cho Đại thừa.
Kinh Pháp Hoa há chẳng nói : “Phải biết rằng diệu pháp này là bí yếu của chư Phật”. Kinh Hoa nghiêm há chẳng bảo : “Dùng phương tiện nhỏ bé mà đạt được giác ngộ nhanh chóng”. Vì dựa vào điều cốt yếu cho nên đạo của Thánh nhân lợi ích mà lớn lao. Vì vậy, cương lĩnh của kinh Pháp Bảo Đàn là tôn vinh cái tâm yếu. Tâm hoặc là sáng, hoặc là tối, hoặc là không, hoặc là linh, hoặc là tịnh, hoặc là tỉnh. Thế thì, nó là một vật có hình tướng, hay không hình tướng ? Gọi nó là một vật cho nên nó biến hoá thành muôn vật. Gọi nó là muôn vật cho nên nó thống nhất thành một vật. Nhưng một vật mà vẫn là muôn vật, muôn vật mà vẫn là một vật. Đó gọi là điều có thể nghĩ bàn, còn như điều không thể nghĩ, thì cũng không thể nào bàn được. Thiên hạ gọi là huyền giải (âm thầm hiểu), gọi là thần hội (tự nhiên khế hợp), gọi là tuyệt đãi (dứt bặt so sánh), gọi là mặc thể (lặng lẽ thấu triệt), gọi là minh thông (mặc nhiên thông suốt)… Cứ một mặt lìa bỏ, loại trừ, loại trừ rồi loại trừ, thì cũng có thể đạt đến chỗ tinh vi. Đến được chỗ đó thì hiển nhiên phù hợp với bậc chí nhân. Thế thì ai mà lường được ! Suy rộng ra, nếu không dấn thân, thì không thể nào đạt được.

Tìm hiểu rồi suy nghiệm thì không có gì là không thỏa đáng. Giá như kiến tánh thì cái thấy rất là gần gũi (với chân tâm); giá như tu tâm, thì chỗ đạt được rất là chân chánh; giá như sùng thượng đức hạnh, biện biệt sai lầm thì chân vọng dễ hiển hiện; giá như xuất thế, thì Phật đạo chóng thành; giá như cứu đời, thì trần lao dễ dứt. Đó chính là tôn chỉ của kinh Pháp Bảo Đàn vậy. Thế nên nó lưu hành khắp thiên hạ mà đâu đâu cũng vui mừng tiếp đón.

Trong kinh nói “tức tâm tức Phật” (ngay tâm đó chính là Phật). Hạng người thiển cận không biết tự lượng sức mình, dùng cái mai gãy mà đào đất bèn cho đất cạn, nhìn trời qua chỗ nhà dột nên cho trời nhỏ. Chứ trời đất há như vậy ư ? Dù cho trăm nhà (chúng sinh) ai cũng tưởng mình đạt được (chân tâm), kỳ thật đâu có đúng. Còn bậc Chí nhân thì thông suốt, quán triệt, phù hợp với tinh thần của kinh điển là điều có thể thấy rõ. Chí nhân biến mà thông, nhưng nếu không dùng chữ nghĩa thì khó mà biểu đạt được nó. Thế nên, nói rõ ràng thì có cơ sở, có nghĩa lý; nói một cách bí mật thì không đầu, không đuôi. Những bậc căn cơ bén nhạy thì đạt đến chỗ sâu xa; những hàng căn cơ chậm lụt thì chỉ đạt đến chỗ nông cạn. Như vậy há có thể nghĩ được ư ! Có thể bàn được ư ! Khó được rốt ráo, đó là giáo lý viên đốn, là giáo lý tối thượng thừa, là thiền định thanh tịnh của đức Như Lai, là chánh tông của Bồ tát tạng vậy. [346b] Đó là điều mà luận sư gọi là huyền học chẳng rõ ràng lắm sao ! Thiên hạ gọi là tông môn chẳng đúng đắn lắm sao !

Kinh Pháp Bảo Đàn viết : “Định, tuệ là gốc, là đầu mối để đi đến đạo. Định nghĩa là tịnh, Tuệ nghĩa là sáng. Sáng dùng để quán, tịnh dùng để an. An được tâm mới có thể lãnh hội được bản thể của tâm. Quán rõ đạo mới có thể nói về đạo.

Nhất hạnh tam muội là tướng viên dung của pháp giới. Muôn điều thiện tuy sai khác nhưng chỉ bao hàm trong một hạnh mà thôi. Lấy vô tướng làm thể, là trân trọng tịnh giới; lấy vô niệm làm tông, là tôn vinh thiền định; lấy vô trụ làm gốc, là sùng thượng trí tuệ. Giới, Định, Tuệ là con đường trọng yếu đi đến Tam thừa. Diệu tâm là cơ sở vững chắc cho Giới, Định, Tuệ. Dùng một cái diệu tâm này mà dung thông cả ba pháp, nên gọi là Đại. Dùng giới vô tướng để tu hành thì mau đạt đến chánh giác. Còn 4 thệ nguyện lớn là:

1. Nguyện độ: độ khổ đau.
2. Nguyện đoạn: đoạn tập khí
3. Nguyện học: học đạo lý
4. Nguyện thành : thành tịch diệt.

Diệt mà không diệt gì cả, nên không có chi là không đoạn trừ.
Đạo lý mà không có chi là đạo lý, nên không có gì là không cứu độ.
Vô tướng sám là sám hối cái không thể sám. Tam quy giới là quy về làm một. Vì là một nên Tam Bảo xuất hiện. Nói Ma ha bát nhã là nói đến chỗ chí trung của tâm. Bát nhã là phương tiện của Thánh nhân, là đại trí của Thánh nhân. Cho nên được gọi là Tịch, là Minh, là Quyền, là Thật. Thiên hạ dùng cái Tịch có thể đoạn sạch các điều ác. Thiên hạ dùng cái Minh có thể kết tụ mọi điều thiện. Thiên hạ dùng Quyền biến có thể khuếch trương pháp hữu vi. Thiên hạ dùng chân Thật, có thể mở rộng pháp vô vi. Ôi! cùng cực thay Bát nhã !

Đạo của Thánh nhân nếu không có Bát nhã thì không thể làm sáng tỏ, không thể nào thành tựu. Công việc của thiên hạ nếu không có Bát nhã, thì không thể thích hợp, không thể nào thoả đáng. Bậc Chí nhân dùng Bát nhã để chấn chỉnh (cái tâm) thì không có gì là không viên mãn.

Pháp của Lục Tổ ta vì hàng thượng thượng căn mà nói thật là thích hợp. Vật nhỏ mà dùng vào việc lớn thì không thể đảm đương được; vật lớn mà trao cho người nhỏ thì thành ra có lỗi. Từ xưa đến nay âm thầm truyền trao phân phó đó là ý nghĩa của bí mật. Bí mật không phải là không nói mà là chứng ngộ một cách âm thầm. Đó là cái bí mật chân chánh. Những kẻ không hiểu lẽ này mà sinh tâm huỷ báng thì trăm đời ngàn kiếp sẽ đoạn tuyệt chủng tánh của Phật. Nhằm đề phòng sự quên mất tâm của thiên hạ đó là yếu chỉ vĩ đại của kinh Pháp Bảo Đàn: Gốc thì chánh, Vết thì rõ, Nhân thì chân, Quả thì viên. Các bậc Thánh đời trước, bác bậc thánh đời sau căn cứ vào đó mà phát khởi, căn cứ vào đó mà chỉ dạy, căn cứ vào đó mà trở về, thật bao la biết dường nào ! [347a] Tựa hồ sự trôi chảy của sông lớn, tựa hồ sự thông suốt của hư không, tựa hồ sự sáng soi của nhật nguyệt, tựa hồ sự vô ngại của hình bóng, tựa hồ trật tự của tiến hoá. Diệu mà đạt được nó thì gọi là Gốc; suy mà dùng được nó thì gọi là Dấu; dùng khái niệm không phải khởi thuỷ để làm đầu mối cho nó thì gọi là Nhân, dùng biểu tượng không phải thành tựu để thành tựu cho nó thì gọi là Quả. Quả không khác với nhân đó là chánh quả. Nhân không khác với quả đó là chánh nhân, dấu ắt chiếu cố đến gốc, đó gọi là đại dụng. Gốc ắt chiêm nghiệm đến dấu, đó gọi là Đại thừa. Thừa là khái niệm mà Thánh nhân dùng để ví dụ cho đạo. Nhằm đến công dụng nên Thánh nhân bắt đầu dạy bảo. Ôi! cái đạo của thánh nhân không gì hơn là Tâm. Sự dạy bảo của thánh nhân không gì hơn là Tu. Chuẩn bị tinh thần dấn thân vào đạo không gì hơn là Nhất tướng. Phép chỉ quán dựa vào việc thiện mà hoàn thành công đức không gì hơn là Nhất hạnh tam muội. Hỗ trợ cho tất cả giới luật không gì hơn là Vô tướng. Hoàn chỉnh tất cả Thiền định không gì hơn là Vô niệm. Thông suốt tất cả trí không gì hơn là Vô trụ. Sinh thiện, diệt ác không gì hơn là Giới vô tướng. Dốc lòng vì đạo, bồi đắp cho đức không gì hơn là 4 thệ nguyện lớn. Khéo quán sát lỗi lầm không gì hơn là Sám hối vô tướng. Làm cho đạo lộ chân chánh không gì hơn là Giới Tam quy. Làm ngay ngắn đại thể, bồi đắp cho đại dụng không gì hơn là Đại Bát nhã. Phát khởi niềm tin, dốc lòng với đại đạo, không gì hơn là Đại chí. Chỗ cùng lý tận tánh trong thiên hạ không gì hơn là Lặng lẽ trao truyền.

Muốn cho tâm không vướng lỗi, không gì hơn là Đừng huỷ báng. Lấy Định, Tuệ làm nhân tố khởi đầu đó là nền tảng của đạo. Dùng Nhất hạnh tam muội tu tập là cơ sở của công đức. Dùng vô niệm làm tôn chỉ thì thành tựu giải thoát. Lấy vô trụ làm cội gốc thì đạt được trí tuệ. Thấu triệt lý vô tướng thì dung thông với pháp thân. Dùng giới vô tướng để trì giới, đó là giới cao tột. Đem 4 nguyện lớn để lập nguyện, đó là nguyện cùng cực. Sám hối bằng phương pháp vô sám, đó là sám hối rốt ráo. Giới tam quy là giới trở về đường chánh. Ma ha trí tuệ là phạm trù to lớn của thánh phàm. Vì hạng người thượng thượng căn mà tuyên thuyết, đó là cách thuyết pháp trực tiếp. Trao truyền bằng im lặng là cách truyền pháp ưu việt, là nhằm để ngăn ngừa những kẻ huỷ báng.

Phàm là diệu tâm thì không phải do tu mà thành, không phải do chứng mà sáng. Vì, nó vốn đã thành rồi, đã sáng rồi vậy. Vì mê mất nguồn sáng phải làm sáng lại, nên mới có chứng. Vì đi ngược sự hoàn thiện, phải hoàn thiện lại, nên mới có tu. Lấy việc chẳng phải tu để mà tu, nên gọi là chánh tu. Lấy việc chẳng phải làm sáng tỏ để làm sáng rõ, nên gọi là chánh chứng. Bậc chí nhân khù khờ không tỏ lộ oai nghi mà đức độ thấm nhuần trời đất. Bậc chí nhân ung dung tựa hồ không giữ giới, mà đạo hạnh hiển bày khắp thiên hạ. Đó là vì dùng cái chánh tu mà tu, dùng cái chánh chứng mà chứng vậy. Thế nên bảo: Không tu, không chứng, [347b] không nhân, không quả. Những kẻ xuyên tạc chẻ sợi tóc làm tư, tranh nhau bàn luận, làm lệch lạc ý chỉ của bậc chí nhân.

Ôi! Bỏ Giới Định Tuệ thì đương nhiên rơi vào sự hỗn mang của chấp không, ta cũng chẳng biết phải làm sao nữa!

Than ôi! Các loài hàm thức để chìm lấp cái tâm mà làm dấy khởi cái thức. Thức và Nghiệp theo nhau như bóng với hình, chưa từng dừng lại bao giờ ! Khi nó phát ra thành hình tượng, thì người và vật sinh sản tràn lan trong trời đất, nào ai có thể đếm hết ? Được mang thân hình con người thì hàng vạn mới có một. Người mà có thể giác ngộ thì cơ hồ rất ít. Bậc thánh ấp ủ điều đó, vận dụng nhiều phương tiện để làm sáng tỏ, nhưng thiên hạ vẫn không thấy được. Thánh nhân muốn cứu đời, tuy dùng nhiều giải pháp để sửa đổi, nhưng thiên hạ vẫn không thức tỉnh. Người hiền thì bị trí làm rối loạn, kẻ bất tiếu thì bị ngu che khuất. Hạng bình thường thì bị vô ký làm cho hôn mê. Thế rồi, khi tiếp xúc với cảnh vật, phát sinh tình cảm, thì nào là mừng, giận, buồn, vui, chúng che khuất cả hàng muôn mối, có khác nào bước đi trong đêm tối mà không biết về đâu. Những ai theo lời dạy của thánh nhân thì kế thừa nó, phát huy nó. Còn những kẻ mù mờ mà có tham vọng viễn vọng thì gọi nó nào là có, nào là không; nào là chẳng có, chẳng không; nào là vừa có, vừa không. Đó là do không thấy nên bị khuất lấp khiến cho trọn kiếp không thể nào thông tỏ. Biển là do tại nước, rồng cá sống chết trong biển mà không hề thấy nước. Đạo là do ở tâm, (vậy mà) có người suốt ngày bàn về đạo mà không hề thấy tâm. Đáng thương thay ! Tâm quả là vi diệu, cao vời, khó tỏ, khó thấu cũng như vậy đó. Thánh nhân đã ẩn khuất, thiên hạ trăm đời tuy viết sách truyền bá Đạo mà chưa hề được chứng nghiệm. Thế nên kinh Pháp Bảo Đàn nêu ra tôn chỉ, chỉ thẳng tâm ấy, bấy giờ thiên hạ mới biết được tâm tánh của chính mình. Có khác nào vẹt mây mù chợt thấy trời xanh, lên núi cao nhìn khắp vũ trụ.

Kinh Niết bàn nói : “Từ khi bắt đầu ở vườn Lộc Uyển cho đến lúc kết thúc tại sông Bạt đề, trong vòng 50 năm ấy, chưa từng nói một chữ nào”, là nhằm chỉ rõ pháp chẳng phải là văn tự, để đề phòng những người căn cứ vào văn tự mà tìm cầu thật tướng.

1. Nói “y pháp không y người” là vì pháp thì chân mà người thì giả.
2. Nói “y nghĩa, không y ngữ” là vì nghĩa thì thật mà lời nói thì gỉa.
3. Nói “y trí, không y thức” là vì trí thì chánh mà thức thì vọng.
4. Nói “y kinh liễu nghĩa, không y kinh không liễu nghĩa” là vì kinh liễu nghĩa thì tận lý, còn kinh không liễu nghĩa thì chưa rốt ráo vậy.

Thế nên, Bồ tát mới tuyên thuyết Đại Niết bàn, [347c] những điều mình nói ra phù hợp với kinh điển vậy. Bậc Thánh nhân căn cứ vào bốn thứ y này mà ra đời. Người hộ trì chánh pháp cần phải thấu triệt. Vì thấu triệt nên bậc chí nhân suy cái gốc để làm thẳng cái ngọn. Điều mình nói ra phù hợp với kinh điển, nên bậc chí nhân nói kinh thì đúng là kinh. Y nghĩa, y kinh liễu nghĩa nên bậc chí nhân tuyên thuyết rõ ràng phù hợp với nghĩa, tương ưng với kinh. Y pháp, y trí, nên bậc chí nhân mật thuyết mà thông suốt, không bị chướng ngại, muốn chỉ rõ pháp chẳng phải là văn tự, nên bậc chí nhân vận dụng tôn chỉ mật truyền. Bậc chí nhân như cây cỏ mùa xuân càng ngày càng phát triển. Bậc chí nhân như ánh sáng mùa thu càng chiếu soi càng tỏ rõ. Thánh nhân truyền lệnh thì bậc chí nhân liền vâng theo. Phải là bậc chí nhân thì mới xứng đáng là môn đồ, và huân tập được đức độ thù thắng của thánh nhân.

Bậc chí nhân ấy ban đầu giả vờ như mình thấp kém, tự bảo là ta không biết văn tự thế tục. Cho đến khi thành nghiệp lớn, giáo hoá một phương, tuyên dương đại pháp để cứu đời thì càng tỏ ra khế hợp với công dụng của bậc Đại thánh nhân. Thế nên, đối với bậc cao đức, thượng trí thì khi sinh ra đã biết, mà vì muốn hiển bày diệu pháp nên mới bảo là mình không biết.

Trải qua gần 400 năm, giáo pháp lưu truyền khắp 4 phương không hề gián đoạn; nào là Đế vương, nào là Thánh hiền suốt 30 đời, càng tìm đến đạo của Tổ, thì càng thêm tôn kính, không ai là không đạt đến chỗ tận cùng của bậc Đại thánh nhân.

Trời đất im lặng đã lâu rồi, làm sao để được tương ưng với đạo !
Tôi hiểu đạo đâu có được bao nhiêu, nhưng may mắn như muỗi mòng uống được nước biển nên biết được chút ít hương vị. Xin mạo muội cúi đầu bộc bạch đôi điều, hầu để lại cho đàn hậu học.

tangbong

xin lỗi không biết dịch giả, đọc thật đã đời, cám ơn


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.44 khách