PHƯƠNG PHÁP KIẾN TÁNH

Cùng nhau học hỏi những bài giáo lý căn bản và kiến thức Phật học phổ thông.
hieuphuctien
Bài viết: 229
Ngày: 26/06/08 18:52
Giới tính: Nam

Re: PHƯƠNG PHÁP KIẾN TÁNH

Bài viết chưa xem gửi bởi hieuphuctien »

10. DUY TÂM TỊNH ĐỘ LÀ KIẾN TÁNH

CHƠN LÝ THUYẾT MINH

Từ xưa tới nay, đa số người tu về pháp môn Tịnh Độ, đều có cái chí nguyện cầu vãng sanh Tây phương. Chỉ có một số rất ít cầu “Duy tâm Tịnh Độ” mà thôi, đó là các nhà thâm Phật học. Tại sao Duy tâm Tịnh Độ không được phổ thông ? Bởi cái lẽ rất dễ hiểu : Một là Duy tâm Tịnh Độ đồng nghĩa với kiến tánh của Thiền tông, nên không bày ra các phương tiện chỉ giáo. Hai nữa, Duy tâm Tịnh Độ, thực ra chỉ có cái tên, chớ chưa thành một học thuyết cho vững vàng, không có bộ kinh nào làm căn bản đặng y theo đó mà giáo hoá.

Cái nghĩa Duy tâm Tịnh Độ trong kinh Duy Ma Cật có nói một đoạn, nhưng vì vắn tắt, không thể căn cứ theo đó mà lập thành học thuyết được. Bởi quyển kinh ấy không phải chủ ý nói về Duy tâm Tịnh Độ. Trong đó có câu này là rõ ràng với lý nghĩa Duy tâm Tịnh Độ : “Tuỳ theo lòng thanh tịnh của mình tức là cõi tịnh độ của Phật (Tuỳ kỳ tâm tịnh tức Phật độ tịnh).

Học thuyết Duy tâm Tịnh Độ : Duy tâm Tịnh Độ, nghĩa của nó sâu xa lắm, khó mà nói cho cùng tận được. Nếu bàn rộng, chỉ làm cho người xem rối trí mà thôi, vậy ở đây chúng tôi xin nói không hẹp quá, mà cũng không rộng quá :

Duy là chỉ có ; tâm là lòng ; tịnh là sạch ; độ là quốc độ. Nghĩa là cõi quốc độ trong sạch, là cái lòng của mình chớ không phải ở ngoài. Nói một cách khác cho dễ hiểu : Tây phương Tịnh Độ là cái lòng trong sạch của mình. Định nghĩa như vậy mới đúng cái nghĩa duy tâm.

Thế nào gọi là duy tâm ? Nghĩa là muôn sự muôn vật đều do Tâm sanh ra, ngoài Tâm không có muôn sự muôn vật. Muốn học Phật phải học tâm, muốn tu Phật phải tu tâm, muốn thành Phật phải thành tâm, hễ tâm thành thì Đạo thành.

Kinh Hoa Nghiêm có nói : Nếu người nào muốn biết cả thảy Phật ba đời, phải quán xét cái tánh của các pháp, thì biết rằng cả thảy đều do tâm tạo ra. (Nhược nhơn dục liễu tri tam thế nhứt thiết Phật ưng quán pháp giới tánh nhứt thiết duy tâm tạo).

Lý nghĩa duy tâm của Phật học chẳng phải cái nghĩa như “duy tâm luận” của các phái triết học khác. Theo Phật học, nếu lấy cái tổng tướng y chánh của mười cõi (sáu phàm bốn thánh) mà nói, thì là “duy tâm tạo.” Trái lại, phân biệt ra các pháp, thì gọi là “vạn pháp duy thức.”

Tâm với thức khác hay chẳng khác, điều ấy không có gì khó hiểu. Phần nhiều kinh Phật cho “thức” là vọng, đó là nói về chỗ sai biệt của tâm tướng, của hiện tượng v.v… Trái lại nếu theo chơn lý viên dung bình đẳng, thì kinh Thủ Lăng Nghiêm nói rằng : “Cái tánh của thức tức là tánh biết của bản minh, cái tánh bản giác diệu minh ấy thực ra là cái thức chớ không có gì lạ. Nhưng nó theo nghiệp duyên phát khởi cùng khắp pháp giới mà vẫn như như bình đẳng, không có năng sở. Cái thức ấy, theo duyên mà phát khởi, nên gọi là diệu, bình đẳng cùng khắp nên gọi là như. Thế thì cái tánh của thức đại, thật ra chỉ là tánh của diệu chơn như, của như-lai-tạng vậy.”

Xem thế, đủ biết rằng nói duy tâm hay duy thức, là tuỳ trường hợp phân biệt các pháp, lý, còn nói về như-lai-tạng, thì không có gì sai biệt.

Nói cái nghĩa “duy tâm” mà không nói phớt qua cái nghĩa “duy vật” thì không đủ nghĩa, tức là định nghĩa duy tâm chưa được rốt ráo. Duy vật nghĩa là chỉ có vật chất… hay nói rõ hơn, cái gì cũng do vật chất sanh ra, cho đến tinh thần cảm giác cũng là con đẻ của vật chất, là vật sanh tâm chớ chẳng phải tâm sanh vật.

Học thuyết duy tâm và học thuyết duy vật định nghĩa trái ngược nhau như thế, và ai cũng giành phần phải về mình, nên tranh biện nhau từ xưa nay tốn hao biết bao giấy mực mà chưa ngã ngũ.

Khoa học nói “Vật sanh tâm” đồng nghĩa với Phật học nói “Pháp sanh tâm.” Nhưng nghĩa lý của chữ Pháp rộng hơn chữ Vật rất nhiều, bởi nó trùm cả vũ trụ vạn hữu, trùm cả hư không thế giới, gọi là pháp. Nói “vật” hay “pháp” sanh tâm, cũng chưa đúng, bởi vì, mới thấy cái ngọn chớ chưa thấy gốc. Như thế thì khoa học chưa thấy đặng nguồn gốc sanh ra tinh thần và vật chất.

Phải biết rằng khoa học và Phật học nói “pháp sanh tâm” là nói cái tâm tướng, chớ chẳng phải nói cái tâm thể, tức là chưa nói tới cái nguồn gốc sanh ra vũ trụ vạn hữu. Nói tắt là tất cả tinh thần hay vật chất cũng đều do cái tâm thể sanh ra mới thành nghĩa duy tâm. Mà tâm thể là cái tâm chơn như, là bản thể của vũ trụ vạn hữu vậy.

Khoa học chỉ nhận thấy có vật sanh tâm, bèn cho rằng tinh thần là con đẻ của vật chất. Sự nhận định nầy, cũng như Phật học nói : “bóng duyên của ngoại cảnh lục trần sanh ra tâm.” Hay nói ngược lại “tâm là bóng duyên của ngoại cảnh lục trần.” Phật học còn cho ta biết thêm : Cái lý tâm sanh pháp, pháp sanh tâm, tâm pháp sanh lẫn nhau, thật là đầy đủ biết bao nhiêu lý nghĩa.

Theo Phật học thì tinh thần và vật chất là những cái hiện tượng của bản thể (tâm chơn như). Những cái hiện tượng nầy (tâm và vật) là tâm tướng, do cái nguồn gốc của nó là tâm thể sanh ra. Đó mới là đúng nghĩa của Duy tâm ; dầu cho thập phương thế giới hằng sa, dầu cho cõi tây phương cực lạc cũng không ngoài cái tâm chơn như ấy.

Đã nói tâm, thì dầu cho thiên đường, địa ngục, thiện ác, chơn vọng, tâm pháp sắc pháp, khí thế gian, tình thế gian, chúng sanh, Phật, v.v… đều là Tâm cả.

Chúng ta nên biết thêm rằng cõi Tây phương cũng là một cái dụng tướng của tâm bồ đề chớ không có gì lạ. Mà dụng tướng bồ đề thì tràn đầy khắp vũ trụ, làm ra căn thân và thế giới, làm ra chúng sanh, làm ra tinh tú địa cầu, v.v… Hiểu rõ như vậy mới rốt ráo hai chữ duy tâm, mới có thể chứng được Duy tâm Tịnh Độ.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm có nói : “Hư-không sanh trong chơn giác, như chút mây ở giữa trời.” Phải biết rằng hư-không ngậm chứa vô lượng vô biên thế giới, hư không lớn đến đỗi không có ngằn mé, thế mà so sánh với chơn như (chơn tâm diệu giác) cũng như một cụm mây nhỏ ở giữa trời, thật là không có lời lẽ nào bàn nói nữa được.

Nói tóm lại, Tịnh Độ duy tâm, ấy là chơn tâm của chúng sanh chớ không có gì lạ. Vì lẽ ấy, chứng được Duy tâm Tịnh Độ, là chứng được chơn tâm, chứng được chơn tâm là chứng được niết bàn. Thế thì niết bàn đồng nghĩa với Duy tâm Tịnh Độ vậy.

Duy tâm Tịnh Độ là niết bàn. Về lý thuyết niết bàn, dầu nói trọn quyển sách nầy cũng không hết. Vả lại, quyển sách nầy chẳng phải để bàn về lý nghĩa Niết bàn. Nhưng vì sự liên quan với Duy tâm Tịnh Độ, nên chúng tôi xin nói phớt qua niết bàn.

Niết bàn là gì ? Tức là chỗ cứu cánh, chỗ kết quả của sự tu hành. Tạm chia ra thì có bốn thứ Niết bàn từ thấp lên cao, hễ tu tới bực nào thì có niết bàn của bực ấy.

Hữu dư niết bàn (tiểu quả Thinh văn thừa).

Vô dư niết bàn (đại quả Thinh văn thừa).

Vô-trụ-xứ niết bàn (niết bàn của đại thừa Bồ tát).

Tánh tịnh niết bàn (niết bàn của chư Phật).

Trong bốn thứ niết bàn trên đây, ai tu bực nào thì chứng quả bực nấy. Hiểu nghĩa niết bàn như thế thì biết rằng, trong lúc đương tu học đây, cũng chứng được niết bàn, chớ chẳng phải đợi chết rồi mới nhập niết bàn.

Trong lúc đương tu mà chứng niết bàn được, thì trong lúc đương niệm Phật đây, cũng chứng Duy tâm Tịnh Độ được vậy. Bởi vì Duy tâm Tịnh Độ cũ như niết bàn đã nói ở trên. Chứng Niết Bàn từ thấp lên cao thế nào, thì Duy tâm Tịnh Độ cũng chứng từ thấp lên cao thế đó, có điều danh từ hơi khác, hơi lạ tai, vì chưa được phổ thông mà thôi. Ngày nay Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội, vì danh nghĩa cũng như vì chấn hưng Phật giáo, nên quyết tâm xương minh học thuyết nầy đặng phổ thông, nhứt là phương pháp kiến tánh của Thiền tông, phải đi đôi với Tịnh Độ tông, thì không có cái gì quí bằng.

Bốn bực tu chứng Duy tâm Tịnh Độ như sau :

Phàm thánh đồng cư Tịnh Độ (hữu dư niết bàn).

Phương tiện hữu dư Tịnh Độ (vô dư niết bàn).

Thực báo trang nghiêm Tịnh Độ (vô trụ xứ niết bàn).

Thường tịch quang Tịnh Độ (tánh tịnh niết bàn).

Nói tóm lại, hiện tiền chứng được Duy tâm Tịnh Độ, là niệm Phật đến một trong các chỗ như sau :

— tâm được thanh tịnh ;

— không trụ chấp các pháp ;

— lòng được bình đẳng đối với các pháp ;

— không thấy có ngã pháp sai biệt ;

— lòng không còn tam độc, hay chuyển tam độc (tham, sân, si) thành giới, định, huệ ;

— lòng được sáng suốt (trí huệ) ;

— lòng được chánh kiến ;

— lòng đã xả bỏ tất cả, dầu thân tâm cũng không chấp, v.v…

Chứng cõi Tịnh Độ Duy tâm như vậy là chứng Niết bàn chớ không có gì lạ, và nên biết rằng : Tuỳ theo trình độ tu học của mình mà chứng có cao thấp khác nhau.


Tây phương quê cũ sớm quay về
Hơi thở mạng người chớ trể mê !
Kiếp tạm có chừng nên quý tiếc
Đừng cho lỡ bước lạc sơn khê.


(Nhất Nguyên Đại Sư)
hieuphuctien
Bài viết: 229
Ngày: 26/06/08 18:52
Giới tính: Nam

Re: PHƯƠNG PHÁP KIẾN TÁNH

Bài viết chưa xem gửi bởi hieuphuctien »

11. TỰ-TÁNH DI-ĐÀ LÀ KIẾN TÁNH

CHƠN LÝ THUYẾT MINH

Tất cả chúng sanh đều có thể-tánh-giác, tức là thể thành A Di Đà. A Di Đà có nghĩa là vô lượng quang, vô lượng thọ (sáng suốt không lường, sống lâu không lường). Nhưng tại sao chúng sanh vẫn tối tăm mê lầm, vẫn trôi lăn từ đời nầy qua đời khác, quanh quẩn trong vòng lục đạo luân hồi, như không có vẻ gì gọi là vô lượng quang, vô lượng thọ ?

Bởi vì chúng sanh từ vô thỉ kiếp, trải bao Hằng sa số kiếp, quên mất thể tánh minh diệu A Di Đà bên trong của mình, vẫn là vô lượng quang minh, vô lượng thọ mạng, mảng chạy theo vật dục bề ngoài, chìm nổi nổi chìm, khi bỏ thân nầy lúc bắt thân khác, tập-nhiễm vô số trần cấu, sanh ra vô số tâm tướng, vô số nghiệp lực, che bít bản thể tịnh chiếu viên minh, làm cho sự ngu si mê lầm một ngày một chồng chất, cơ hồ không phương nào giải thoát. Đã vậy, trong lúc tu hành, không biết trực tiếp trau giồi tâm tánh, chỉ đeo theo sắc tướng thinh âm, chạy theo bóng chàng cúng kiếng lễ bái, tụng tán bề ngoài, rốt lại tuy nhiều năm tu hành, công phu cực khổ mà vẫn loanh quanh ngoài cửa Đạo, nên trong mình tuy sẵn có thể tánh A Di Đà mà chưa được tỏ ngộ. Có khác nào anh cùng tử tuy có ngọc trong mình mà không biết thọ dụng, lại đi tha phương cầu thực, có phải là trái ngược chăng ?

Tuy trải Hằng sa số kiếp, nổi chìm chìm nổi trong vòng lục đạo luân hồi, nhưng tánh thể A Di Đà không vì đó mà kém vẻ quang minh tịch chiếu, cũng như mặt nhựt tuy bị mây áng, mưa gió bão bùng triền miên, mà không bao giờ ánh sáng của nó lu mờ. Nó chỉ lu mờ trong khi bị ngoại vật che lấp đó thôi. Nếu thực lu mờ, sau khi mây vẹt làm sao có ánh sáng ? Cũng như thế, tánh thể A Di Đà mặc dầu bị các thói xấu tật hư che lấp : nào là tham, sân, si, sát, đạo, dâm, vọng, nào là nghiệp duyên phiền não v.v… nhưng vẫn luôn luôn không tối, ánh quang minh vẫn còn nguyên. Cho nên, sau khi dẹp các thói xấu tật hư rồi, thì thể tánh A Di Đà hiển hiện như thường.

Thể tánh A Di Đà là một cái thể tánh tự hữu hằng hữu, không phải trước sanh, không phải sau diệt, cứu cánh thường hằng bất biến, tuy bất biến mà vẫn tuỳ duyên, vô thỉ vô chung, vô cùng vô tận, chẳng thể nghĩ lường (bất khả tư nghị), đầy đủ tánh đức vô lậu (dụng tướng sáng suốt không mê lầm). Cũng như trong kinh có nói : “Tự tánh có nghĩa là đại trí huệ quang minh ; có nghĩa là biến chiếu pháp giới ; có nghĩa là hiểu biết chân thật ; có nghĩa là bổn tánh thanh tịnh ; có nghĩa là thường, lạc, ngã, tịnh ; có nghĩa là thanh lương bất biến tự tại, đầy đủ đức tánh chẳng lìa chẳng đoạn, chẳng khác, chẳng thể nghĩ nghị, nhiều hơn số cát sông Hằng, chẳng thiếu một món chi, nên gọi là Như-Lai-tạng, cũng gọi là Pháp thân Như Lai.” (Đại Thừa Khởi Tín Luận).

Thế nào là nghĩa đại trí huệ quang minh ? Nghĩa là vọng niệm không còn, vọng tâm chẳng khởi, mới có thể soi chiếu các pháp một cách như thật, đúng thực tướng, đúng chơn lý, chớ chẳng phải chiếu sáng như hào quang như đèn rọi mà gọi là Đại trí huệ quang minh.

***

Chúng ta đã biết Duy tâm Tịnh Độ là chơn tâm của chúng ta, thì cái lý tự tánh Di Đà cũng đồng nghĩa chớ không có gì khác. Bởi vì chơn tâm và bổn tánh là hai danh từ tuy khác tên mà đồng một nghĩa lý. Sở dĩ có khác tên là do Bát-nhã-tông gọi là Tâm, còn Pháp-tướng-tông thì gọi là Tánh. Hai danh từ nầy đều chỉ cái nguồn gốc bất sanh bất diệt, tức là nguồn gốc của vạn hữu vậy.

Vì cái lẽ tâm với tánh chẳng khác, cho nên hễ biết được Tâm của mình là Tịnh Độ, thì biết được tánh của mình là Di Đà. Dùng Tịnh Độ để chỉ bổn tâm, dùng A Di Đà để chỉ bổn tánh, làm cho người chưa tỏ ngộ rốt ráo, cho là hai món ấy khác nhau. Nhưng sau khi tỏ ngộ, hay là sau khi xem những lời giải thích ở đây, thế nào cũng được ngộ giải, không còn nghi pháp nữa.

Nói về bản thể đồng nhứt, thì bổn tánh của ta đồng nhứt với Phật A Di Đà. Nhưng nói về hiện tượng, tuy hiện nay chúng sanh có tánh thể A Di Đà, nhưng vì mê lầm bất giác mà tạo ra nghiệp tội, cho nên đối với thể tánh A Di Đà in tuồng có sai biệt, nhưng thật ra không khác. Khác, là vì hiện tượng mê lầm chuyển biến, nên thấy có khác. Đồng, là vì bản thể ấy chỉ có một. Vì khác, nên mới ra công tu hành, trau giồi quét sạch vô minh, vẹt màn nghiệp lực che bít, đoạn hoặc chứng chơn. Vì đồng, nên dám cả quyết mình sẽ được thành Phật sau khi phá vỡ vô minh nghiệp tướng.

Bổn tánh của Phật và bổn tánh của chúng sanh chỉ có một. Trong kinh Duy Ma, đức Văn Thù có nói : “Phải biết rằng phiền não* là giống Như Lai. Nếu không vào bể cả phiền não, thì làm sao chứng đặng nhứt thiết trí là điều quí báu nhứt ?” Nếu ai nói chúng sanh chẳng phải cùng một dòng giống với Phật, thì có lời nói của đức Thế Tôn khi mới thành Đạo để làm bằng : “Ta xem cả thảy chúng sanh đều có đầy đủ đức tướng Phật Như Lai.” (Ngã quán nhứt thiết chúng sanh cụ hữu Như Lai đức tướng Phật).

Nếu đã biết mình đồng một bản tánh với chư Phật thì chúng ta rán tu học cho thấy được bản tánh của mình bấy lâu nay bị che lấp, mới không uổng công học Đạo. Đức Ngũ tổ có nói rằng : “Không biết được bản tâm học Đạo vô ích. Nếu biết được bổn tâm, thấy được bổn tánh mới gọi là trượng phu, là thấy của Trời, Người, tức là Phật vậy.” Lại trong kinh Thập Địa có nói : “Trong thân mình của chúng sanh đều có Phật Kim cang, cũng thể như mặt trời luân chuyển trên không trung, cái thể của nó tròn sáng, soi chiếu khắp sơn hà đại địa, đó là hiển hiện cái nghĩa Duy tâm Tịnh Độ tự tánh Di Đà (Chúng sanh thân trung hữu Kim cang Phật, du như nhật luân, thể minh viên quảng đại vô biên, tức hiện Duy tâm Tịnh Độ tự tánh Di Đà).

Niệm A Di Đà thì phải y theo chơn như mà nói : Tánh mình không còn có chúng sanh, lẽ tất nhiên xa lìa chỗ mê nhiễm chúng sanh, niệm Phật mà được như vậy gọi là kiến tánh A Di Đà. Tánh mình không có chấp ngã, niệm Phật lìa được ngã chấp gọi là kiến tánh Di Đà. Tánh mình tịch diệt vô vi, niệm Phật đến chỗ vắng lặng không còn pháp tướng, gọi là kiến tánh A Di Đà. Tánh của mình xa lìa nội tướng sanh diệt vi tế, không một mảy động tác, nhưng nếu thi thố tướng dụng thì sáng suốt vô ngần, gọi là kiến tánh A Di Đà. Tánh mình vốn không sai biệt, dầu khởi tác cũng không lìa tướng dụng viên dung bình đẳng, niệm Phật được vậy, gọi là kiến tánh A Di Đà. Tánh mình vốn không chạy theo ngoại cảnh lục trần, nghĩa là không có chỗ trụ (vô sở trụ) lìa cả hai bên biên kiến, thành nghĩa tuyệt đãi trung đạo, niệm Phật được vậy gọi là kiến tánh A Di Đà. Tánh của mình chẳng dời đổi, vốn nó là thường trụ, tánh mình chẳng động lay, vốn nó là như như, chẳng thấy có thường trụ chẳng thấy có như như, niệm Phật được vậy gọi là kiến tánh A Di Đà. Tánh mình không tối, không thọ yểu, gọi là vô lượng thọ, vô lượng quang, tỏ ngộ được như vậy gọi là kiến tánh A Di Đà.

Kiến tánh A Di Đà một cách rốt ráo, đương xứ đó là Thường tịch quang Tịnh Độ, thọ dụng biết bao nhiêu sự mầu nhiệm.

[9. Phiền não cũng có nghĩa là chúng sanh.]


Tây phương quê cũ sớm quay về
Hơi thở mạng người chớ trể mê !
Kiếp tạm có chừng nên quý tiếc
Đừng cho lỡ bước lạc sơn khê.


(Nhất Nguyên Đại Sư)
hieuphuctien
Bài viết: 229
Ngày: 26/06/08 18:52
Giới tính: Nam

Re: PHƯƠNG PHÁP KIẾN TÁNH

Bài viết chưa xem gửi bởi hieuphuctien »

Chương tư

12. KẾT LUẬN

CHƠN LÝ THUYẾT MINH



Để kết luận giai đoạn hoàn toàn kiến tánh, là giai đoạn chứng quả niết bàn, xin có bài kệ trong kinh Lăng Già làm tâm ấn :

Thế gian ly sanh diệt,

Dụ như hư không hoa,

Tri bất đắc hữu vô,

Nhi hưng đại bi tâm.

Nhứt thiết pháp như huyễn,

Viễn ly ư tâm thức,

Tri bất đắc hữu vô,

Nhi hưng đại bi tâm.

Viễn ly “đoạn, thường,”

Thế gian hằng như mộng,

Tri bất đắc hữu vô,

Nhi hưng đại bi tâm.

Tri nhơn pháp vô ngã,

Phiền não cập nhĩ diệm, (sở tri chướng)

Thường thanh tịnh vô tướng,

Trí bất đắc hữu vô,

Nhi hưng đại bi tâm.

Nhứt thiết vô Niết bàn,

Vô hữu Niết bàn Phật,

Vô hữu Phật Niết bàn.

Viễn ly “giác” “sở giác”

Nhược “hữu” nhược “vô hữu”

Thị nhị tất câu ly.

Mâu Ni tịch tịnh quang.

Thị tắc viễn ly sanh.

Thị danh vi bất thủ,

Kim thế hậu thế tịnh.

Tạm dịch :

Thế gian lìa sanh diệt,

Ví như hoa đốm giữa hư không,

Trí chẳng đặng chấp có chấp không,

Nên khởi tâm đại bi.

Cả thảy pháp đều là giả dối,

Xa lìa nơi tâm thức,

Trí chẳng đặng chấp có chấp không,

Nên khởi tâm đại bi.

Xa lìa chấp đoạn chấp thường,

Thế gian hằng như mộng,

Trí chẳng đặng chấp có chấp không,

Nên khởi tâm đại bi.

Phải biết nhơn pháp đều vô ngã,

Phiền não cùng chướng sở tri,

Đều thường thanh tịnh vô tướng,

Trí chẳng chấp có chấp không,

Nên khởi tâm đại bi.

Cả thảy không Niết bàn

Không có Niết bàn của Phật,

Không có Phật ở Niết bàn.

Xa lìa năng giác và sở giác.

Bằng có bằng chẳng có,

Cả hai đều xa lìa.

Đức Thích Ca chứng cõi thường tịch quang,

Đó là xa lìa sự sanh tử,

Chẳng chấp có xa lìa sanh tử,

Đời nay đời sau tịnh.

Bài kệ trên đây, nếu người nào còn chấp thì không hiểu nổi. Nên biết rằng cái lý Trung đạo, là không trụ chấp vào đâu tất cả, cho đến không chấp có Phật có Niết bàn nữa. Cái nghĩa của bài kệ nầy như thế, chớ chẳng phải nói không có Phật không có Niết bàn. Nếu không có Phật không có Niết bàn thì chẳng cần phải tu sửa trau giồi vô minh. Thành Phật mà không được chấp mình có thành, chứng Niết bàn mà không chấp mình có chứng. Vì sao vậy ? Thì đây, chúng ta hãy xét xuôi và xét ngược bài kệ ấy :

Nếu chấp có Niết bàn tức nhiên chấp có Phật. Nếu chấp có Phật thì có tâm, nếu chấp có tâm thì chấp có pháp. Nếu chấp có pháp thì có đắc có chứng, có chứng đắc thì có tu ; chấp có tu thì chấp có ta, bởi vì nếu không ta, ai vô đó tu ? Xem thế thì thấy rằng từ chỗ chấp có Phật có Niết bàn, nó dắt mình trở lộn xuống thấp là có ngã chấp. Đó là bắt đầu từ Niết bàn mà đi lần xuống. Còn bắt dưới đi ngược lên thì từ chỗ ngã chấp mà nói rằng có tu, có tu thì có chứng, có chứng thì có đắc, có đắc thì có pháp, có pháp thì có tâm, có tâm thì có Phật, có Phật thì có Niết bàn. Nếu không chấp có tu, thì không chấp có chứng, không chứng thì không đắc, không đắc thì không pháp, không pháp thì không tâm, không tâm thì không Phật, không Phật thì không Niết bàn, y như bài kệ đã nói.

Hồi mới tu thì nói tức tâm tức Phật, khi đến chỗ rốt ráo, không chấp tâm mà cũng không chấp Phật. Làm chứng cho lý luận trên đây, trong Tâm Phật Tụng có bài kệ :

Phật tức tâm, tâm tức Phật,

Tâm, Phật tùng lai giai vọng vật.

Nhược tri vô Phật phục vô tâm,

Thỉ thị chơn như Pháp thân Phật.

Tạm dịch :

Phật là lòng, lòng là Phật,

Lòng và Phật, cả hai đều do vọng chấp.

Nếu biết không Phật cũng không lòng,

Ấy là chơn như, là Pháp thân Phật.

Nói tóm lại, bốn giai đoạn kiến tánh, tức là giác ngộ bốn tướng, một là diệt tướng, hai là dị tướng, ba là trụ tướng, bốn là vô minh nghiệp tướng. Đến giai đoạn phản giác, trừ được sáu lớp tâm nhiễm, sáu cái nhiễm tâm nầy cũng gọi là sáu cái tâm tướng căn bản của vô lượng tâm tướng. Chúng ta tu hành bằng cách phản giác, không khác nào một ngọn đuốc huệ dắt chúng ta vượt qua sáu cái ải si mê, thành bực chánh giác.

Chúng ta có không biết bao nhiêu tâm tướng mà kể ra cho hết, nhưng, trong khi tu hành chúng ta chỉ trừ sáu lớp nhiễm tâm mà thôi. Bởi vì, sáu thứ nhiễm tâm nầy là căn bản cho muôn ngàn tâm tướng.

Phần dưới đây cho chúng ta biết hễ nhiễm tâm nào thì có những tâm tướng gì :

Trong Đại thừa Khởi Tín Luận có nói sáu cái nhiễm tâm :

1. Chấp tương-ưng nhiễm : Do nhiễm tâm nầy nên có tâm Kể danh-tự tướng và tâm Chấp-thủ tướng. Đồng thời cũng có đủ luôn hai cái tâm Khởi-nghiệp tướng và tâm Nghiệp-hệ-khổ tướng.

(Trong khi phản vọng huờn chơn, nếu trừ được tâm chấp tương ương nhiễm thì phá được luôn bốn cái tâm tướng : Kể danh-tự tướng, Chấp-thủ tướng, Khởi-nghiệp tướng và Nghiệp-hệ-khổ tướng. Bực La hán và các vị Bồ tát về Thập Tín phá được nhiễm tâm nầy).

2. Bất-đoạn tương-ưng nhiễm : Do nhiễm tâm nầy mà có tâm Tương-tục tướng.

(Trong khi phản vọng huờn chơn, nếu trừ được tâm “Bất-đoạn tương-ưng nhiễm” thì phá được cái tâm tướng Tương-tục. Từ Thập Tín, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng đến Sơ địa Bồ Tát, trừ được nhiễm tâm nầy về phần thô).

3. Phân-biệt-trí tương-ưng nhiễm : Do nhiễm tâm nầy mà có tâm Trí tướng.

(Trong khi phản vọng huờn chơn, nếu trừ được tâm “Phân-biệt-trí tương-ưng nhiễm” thì trừ được tâm Trí tướng. Từ Nhị địa đến Thập địa trừ bỏ được nhiễm tâm nầy).

4. Hiện sắc bất-tương-ưng nhiễm : Do nhiễm tâm nầy mà có tâm Cảnh-giới tướng.

(Trong khi phản vọng huờn chơn, nếu trừ được tâm Hiện sắc bất-tương-ưng nhiễm thì phá được cái tâm Cảnh giới tướng. Từ Bát địa Bồ Tát trừ được về phần tế).

5. Năng-kiến-tâm bất-tương-ưng nhiễm : Do nhiễm tâm nầy mà có tâm Kiến tướng.

(Trong khi phản vọng huờn chơn, nếu trừ được nhiễm tâm Năng-kiến-tâm bất-tương-ưng nhiễm, thì phá được cái tâm tướng Năng kiến. Bực Cửu địa Bồ tát có thể trừ bỏ được nhiễm tâm nầy).

6. Căn-bản-nghiệp bất-tương-ưng nhiễm : Do nhiễm tâm nầy mà có tâm Vô minh nghiệp tướng.

(Trong khi phản vọng huờn chơn, nếu trừ được tâm Căn-bản-nghiệp bất-tương-ưng nhiễm thì phá được cái tâm tướng vô minh [vô minh nghiệp tướng]. Như Lai địa rốt ráo đoạn trừ).

Sáu lớp nhiễm tâm trên đây, phương tiện mà nói, nó khác với tâm tướng, chớ thật sự thì không khác, bởi vì cái tâm nhiễm nào nó cũng có cái tướng của nó hết. Theo các lớp nhiễm tâm trên đây, thì chúng ta thấy rằng muốn giải thoát phải huờn về chơn như, nghĩa là từ ngoài mà quày trở lại cội nguồn bên trong của bản giác là gốc tánh cũ, trải qua sáu cái ải si mê, đánh dẹp phiền não trần lao. Thật là một cái kỳ công hiển hách, nếu phải tu vòng quanh thì không biết vô lượng vô biên kiếp nào mới viên thành Phật quả. Thật là xứng danh cho Đạo vô thượng bồ đề...

Sáu lớp nhiễm tâm, chúng ta chú ý thấy ba lớp đầu gọi tương ưng nhiễm, ba lớp sau gọi là bất tương ưng nhiễm.

Thế nào gọi là tương ưng nhiễm ? Nghĩa là cái tâm ô nhiễm của mình do tương ưng với ngoại cảnh lục trần, tức là năng sở đối đãi, như tâm gặp cảnh, cảnh gặp tâm, hai bên duyên với nhau (hay tâm pháp duyên lẫn nhau) khăn khít nhau, kéo níu chi phối nhau, nên gọi là tương ưng nhiễm.

Thế nào gọi là bất tương ưng nhiễm ? Nghĩa là cái tâm nhiễm trong sâu của tạng thức sở dĩ mà có là tại nó không tương ưng với chơn tâm, nghĩa là nó xa lìa gốc tánh mới sanh ra cái nhiễm tâm ấy. Lần lần càng đi xa, thì càng có nhiều cái nhiễm tâm, hễ có nhiễm thì lẽ tự nhiên có tâm tướng. Thật tình đâu có cái hình nào mà không có bóng, đâu có cái hành vi nào mà không có tướng. Chỉ có một tánh giác mà phá sáu nhiễm tâm, chia ra có nhiều địa vị tu chứng, nhiều danh từ điên đầu rối trí. Theo Thiền tông thì không cần phân biệt tỉ mỉ những danh từ ấy, cứ việc lo cầu minh tâm kiến tánh, hay là lo giác ngộ lòng mình, đến sát na tối hậu, thể nhập chơn như bổn tánh là đủ, cho đến những quá trình tiến hoà cũng không cần biết làm chi. Mà thật ra, đến chỗ chứng được chơn như bổn tánh rồi dầu nói cái gì nữa cũng là thừa.

Nên biết rằng : Tuy chia ra bốn giai đoạn, nhưng nếu ai đủ sức tu học một giai đoạn chót cho đúng với ý nghĩa tu tắt của môn Đốn giáo cũng được. Hơn nữa, mặc dù bày ra các phương pháp thực hành, chớ bực cao thì không cần, bởi y lý mà tuỳ tiện khởi hành.

*

Ý kiến thô sơ, lời lẽ thiển cận, mong rằng các vị thạc đức thâm Phật học, nên phủ chánh cho những chỗ sơ sót, hầu sau nầy thành một quyển sách cần thiết cho pháp Thiền và pháp Tịnh Độ, thật là công đức vô lượng vậy.


Tây phương quê cũ sớm quay về
Hơi thở mạng người chớ trể mê !
Kiếp tạm có chừng nên quý tiếc
Đừng cho lỡ bước lạc sơn khê.


(Nhất Nguyên Đại Sư)
naicon
Bài viết: 60
Ngày: 02/10/07 21:29

Re: PHƯƠNG PHÁP KIẾN TÁNH

Bài viết chưa xem gửi bởi naicon »

hieuphuctien đã viết:GIAI ĐOẠN KIẾN TÁNH THỨ NHỨT
4. GIẢ DANH GIÁC
CHƠN LÝ THUYẾT MINH
Đại thừa Khởi Tín Luận có nói : “Ngoài tánh giác thì không có tâm bất giác vọng động. Vì lẽ ấy, nếu trừ tuyệt tâm bất giác, thì không có tự tánh chơn giác nào khác có thể tìm được.Bởi vậy cho nên, tánh hay biết danh nghĩa, tức là tánh giác của mình chớ không có gì lạ.” Đại ý trên đây nói : Ngoài vọng tâm không có chơn tâm, ngoài chơn tâm không có vọng tâm. Vì lẽ ấy, trong khi tu hành, nếu ra công trừ diệt vọng tâm, thì chơn tâm cũng không còn.
Chu choa ơi! Trích kinh luận kiểu này thì ... chết thiên hạ rồi! Xin hỏi khúc đó nằm ở đâu?

Tôi đọc trong Đại Thừa Khởi Tín (bản Hán cũng như bản Việt của CHT) chỉ có đoạn nói về phần BẤT GIÁC như sau : "Nếu lìa giác tánh thì không có bất giác. Vì có tâm vọng tưởng bất giác nên hay biết danh nghĩa mà nói chân giác. Nếu lìa tâm bất giác thì không có tự tướng chân giác có thể nói".

Nếu giải thích như thế thì nói thế nào với ngài Mã Minh về câu ngài cũng nói trong luận Đại Thừa khởi Tín ở phần sau : "Nói diệt chỉ là tướng của tâm diệt. Chẳng phải thể của tâm diệt.... chỉ là si diệt, nên tướng của tâm diệt theo, không phải tâm trí diệt ...". TƯỚNG, là chỉ cho tướng sanh diệt của vọng niệm. Tướng đó có diệt thì tâm trí vẫn còn. Cái sanh diệt dù không còn thì cái không sanh diệt vẫn còn. Như tướng sóng không còn nhưng thể ưởt vẫn còn ... Vì thế KHÔNG NÊN nói câu "Nếu ra công trừ diệt vọng tâm, thì chơn tâm cũng không còn" . Nói vậy là oan cho Tổ sư mà khác gì xúi chúng sanh nuôi vọng niệm
hieuphuctien đã viết:
Phần thực hành : Trong Đại thừa Khởi Tín Luận có nói : “Kẻ phàm phu biết niệm trước khởi ác, nên hay ngăn niệm sau, làm cho niệm sau không thể tiếp tục sanh thêm. Cách thức ngăn tâm sanh như vậy, tuy gọi là giác, nhưng chẳng phải thực giác.” Vì không thực giác, nên mới có cái danh từ Giả danh giác. Nhưng, nếu không có giả danh giác làm nấc thang đầu tiên, thì làm sao tiến tới Tương tự giác (giai đoạn kiến tánh thứ nhì), Tuỳ phần giác (giai đoạn kiến tánh thứ ba) và Cứu cánh giác (giai đoạn kiến tánh thứ tư).
Nói đến giai đoạn kiến tánh thứ hai, thứ ba ... như vậy cho giai đoạn BIẾT NIỆM DIỆT này là giai đoạn kiến tánh thứ nhất sao? Mô Phật! Luận đã nói tuy giác mà vẫn gọi bất giác, thì kiến tánh nổi gì ...

Thôi, nên nghiên cứu lại cuốn Đại thừa Khởi Tín này đi. Chân Hiền Tâm dịch, giải và trình bày thấy khó, nhưng qua Sharpe (biểu tượng con cọp) bên trang phattuvietnam thì bộ luận trở thành rõ ràng và rất hay.

Chữ KIẾN TÁNH không nên phương tiện nhiều quá, mất đi ý nghĩa thật sự của nó ...

Tánh : nghĩa của nó là không đổi. Trong một vật, hay một đối tượng v.v... thứ gì không đổi, thứ ấy gọi là tánh. Vậy từ TÁNH có thể dùng từ thô đến tế ...

Nhưng vì trong nhà thiền dùng chữ kiến tánh là thấy được tánh của vạn pháp. là muốn nói đến tánh không. Nên có lẽ cần cẩn trọng hơn trong cách dùng từ này. kinhle


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.32 khách