Không thể lấy phước mà kể là công đức được

Cùng nhau học hỏi những bài giáo lý căn bản và kiến thức Phật học phổ thông.
trungtamtutam
Bài viết: 525
Ngày: 05/08/10 20:36
Giới tính: Nam
Đến từ: Tâm
Nghề nghiệp: “Tâm hiếu là tâm Phật,
Hạnh hiếu là hạnh Phật”

Không thể lấy phước mà kể là công đức được

Bài viết chưa xem gửi bởi trungtamtutam »


LỤC TỔ ĐÀN KINH
[KINH PHÁP BẢO ĐÀN]
HÒA THƯỢNG TUYÊN HÓA Lược Giảng

Đọc @: http://www.dharmasite.net/KPBDLG1.htm
Audio ở hai dạng WMA và MP3 @: http://www.dharmasite.net/PhapAm.htm

Một phần trích ra từ sách:


VUA LƯƠNG VÕ ĐẾ CHẾT ĐÓI !

Thứ sử Vi Cừ hỏi:

Bạch Hòa Thượng, pháp của Ngài thuyết ra, có phải cùng một đạo lý với Ðại sư Ðạt Ma không?"

Ðại sư trả lời:

Ðúng vậy. Tôi giảng pháp môn dùng tâm ấn tâm, trực chỉ nhân tâm kiến tánh thành Phật của Ðại sư Ðạt Ma.

Thứ sử Vi Cừ nói:

–Con nghe nói Tổ sư Ðạt Ma lúc ban sơ từ Quảng Châu đến Nam Kinh hóa độ Lương Võ Ðế, Võ Ðế hỏi: "Trẫm suốt đời trùng tu xây dựng chùa chiền, độ rất nhiều Tăng Ni xuất gia (Lúc đó Hoàng đế rất hoan nghinh người đi xuất gia, tất cả tứ sự như ăn, mặc, thuốc men và chỗ ở đều do nhà vua cúng dường, lại nữa nhà vua rất cung kính, lễ bái các vị xuất gia. Quý vị xem, đây thật là quá tốt!). Tôi lại dùng công quỷ bố thí cho người nghèo, cúng dường trai Tăng, như thế trẫm có công đức gì?"

Quý vị phải biết! Lương Võ Ðế cái gì cũng muốn hơn người, vì thế lúc gặp Tổ sư Ðạt Ma, nhà vua không cầu pháp thoát ly sanh tử, mà chỉ muốn Tổ sư Ðạt Ma khen ngợi tán thán mình. Nhà vua sợ Tổ sư Ðạt Ma không biết công đức của mình, nào là tạo tự độ Tăng, bố thí cúng dường, vì thế nhà vua bèn tự giới thiệu: "Ở đây ở đó, trẫm đã xây dựng rất nhiều chùa chiền, trong chùa có rất nhiều vị xuất gia, họ xuất gia đều do trẫm tài bồi thành tựu cho, trẫm lại phát tâm rộng lớn bố thí cúng dường. Trẫm làm Hoàng đế không giống như những Hoàng đế khác, trẫm là vị Hoàng đế chuyên làm việc tốt, chuyên làm việc công đức. Ngài xem trẫm có bao nhiêu là công đức?"

Quý vị xem! Nhà vua không nghĩ đến việc cầu pháp liễu sanh tử, mà chỉ muốn khoe khoang công đức của mình. Giống như một vị cư sĩ kia, đi đâu cũng khoe rằng: "Quý vị có biết tôi là ai không? Tôi là người hộ trì Phật giáo rất đắc lực, rất mạnh mẽ, tất cả tiền bạc của tôi đều cúng dường Tam Bảo hết rồi." Kỳ thực ông ta sử dụng vào những cuộc vui chơi vô ích nhiều gấp trăm ngàn lần cúng dường Tam Bảo, nhưng lại không nói ra, mà chỉ nói mình cúng dường Tam Bảo, ngay cả tiền du hý cũng nói là cúng dường Tam Bảo. Ôi! Quý vị thấy có điên đảo hay không? Ðây là sự thật, có người tiêu xài bao nhiêu tiền bạc vào những cuộc ăn chơi bài bạc rượu chè thì không nói, nhưng nếu chỉ cúng dường Tam Bảo một đồng liền đi khắp nơi rêu rao. Những người này chắc chắn là đệ tử của Lương Võ Ðế.

Tổ sư Ðạt Ma nghe Lương Võ Ðế tự giới thiệu, tự khoe công đức, tự khoe mình, say đắm vào trong tự ngã như thế, nhưng Tổ sư Ðạt Ma là vị thánh nhân, Ngài không nói những lời nịnh bợ! Nếu là người bình thường vừa nghe nhà vua nói như thế, liền vội vàng nói: "Bệ hạ có công đức lắm đó! Công đức của bệ hạ độc nhất vô nhị, trên đời này không có người thứ hai." Nhưng Ðạt Ma là vị Tổ Sư, Ngài làm sao mà có dụng ý xấu chìu theo ý người được? Cho nên liền nói: "Không có công đức, thực không có công đức nào cả!"

Thứ sử Vi Cừ nói: "Ðệ tử chúng con không hiểu được ý này, kính mong Thượng nhân vì chúng con giải thuyết."

Sư nói: Thiệt không có công đức. Chớ nghi lời của Thánh nhơn đời trước. Võ Ðế lòng tà, không biết chánh pháp. Cất chùa độ tăng, đãi chay làm phước, ấy gọi là cầu phước. Không thể lấy phước mà kể là công đức được. Công đức ở trong Pháp thân, chớ chẳng phải ở chỗ tu phước."

Giảng:

Lục Tổ Ðại sư trả lời: "Thật không có công đức, các ông không nên hoài nghi lời của Tổ sư Ðạt Ma. Lương Võ Ðế tâm tà không chánh, chỉ biết háo danh hám tiếng, không hiểu chánh pháp. Cho nên những cái gọi là tạo tự độ Tăng, bố thí Trai Tăng, đó chỉ là gieo trồng phước điền, không thể đem phước nói là công đức. Công đức thuộc về Pháp thân, cho nên tu phước không phải là công đức."

Sư lại nói: Thấy tánh là công, giữ lòng bình đẳng là đức. Niệm niệm tâm không ngưng trệ, thường thấy Bổn tánh, diệu dụng chơn thật, ấy gọi là công đức. Bên trong giữ lòng khiêm hạ là công, bên ngoài hành động theo lễ là đức. Tánh mình lập ra muôn pháp là công, tâm thể lìa niệm là đức. Chẳng lìa tánh mình là công, ứng dụng không nhiễm trần là đức. Muốn tìm cái công đức Pháp thân, thì phải y theo đây mà tu hành. Thế mới là thiệt có công đức.

Giảng:

Lục Tổ Ðại sư lại nói:

–Công đức là gì? Kiến tánh là công, thấy tự tánh bổn lai của mình, thấy diệu tánh quang minh vốn có của mình. Nếu quý vị có công phu, thì có thể kiến tánh. Ví như ngồi thiền, ban đầu miễn cưỡng sau đó trở thành tự nhiên, lúc vừa mới ngồi thiền cảm thấy chân đau lưng nhức, nhưng lúc quý vị hàng phục, chiến thắng được cái chân nhức này, khi chân không còn đau nhức nữa, đó chính là công phu, chân vẫn còn đau thì không có công. Kiến tánh là gì? Tức là nhìn thấy bổn lai diện mục của mình, nhưng đòi hỏi quý vị phải tự mình tìm kiếm, tôi không thể nói với quý vị được. Nếu tôi nói cho quý vị nghe, đó vẫn là cái đắc từ bên ngoài. Quý vị cần phải tự tánh tự ngộ mới có thể được, nhưng sau đó cần phải do Thiện tri thức ấn chứng quý vị mới được, chớ không thể tự phong mình là quốc vương, là Bồ Tát. Giống như một kẻ hippy lúc trước đến đây, hút thuốc phiện làm cho đầu óc quay cuồng, rồi nói mình là Bồ Tát, thật ra đó chính là ma quỷ.

Bình đẳng chính là không có tâm ích kỷ tự lợi, tất cả đều là bình đẳng, chí công vô tư, đối với bất cứ người nào cũng không ích kỷ, tự tư tự lợi, mà là bình đẳng, chí công vô tư đối đãi tất cả chúng sanh. Nếu quý vị có thể chí công vô tư, liền có đức hạnh. Nếu quý vị niệm niệm không ngưng trệ, không chấp trước, thì có thể thường thường thấy được bổn tánh. Giống như Lục Tổ Ðại sư nói: "Nào dè tánh mình vốn thanh tịnh, nào dè tánh mình vốn không sanh diệt, nào dè tánh mình vốn tự đầy đủ, nào dè tánh mình vốn không động diêu, nào dè tánh mình năng sanh muôn pháp." Ðó cũng chính là diệu dụng chân thực, chính là công đức. Quý vị không tìm kiếm nơi mình mà lại giong ruổi tìm cầu bên ngoài, nói tôi đã tạo rất nhiều chùa, độ rất nhiều Tăng Ni, bố thí cho vô số người nghèo, cúng dường Tam Bảo Chư Tăng. Ðó đều là truy cầu bên ngoài. Bên ngoài là phước, mà không phải là công đức, lúc tự mình công đức viên mãn, thì có thể cùng Phật không sai khác.

Tâm của quý vị khiêm tốn không tự mãn, đó chính là công, mà không phải nói: "Các vị xem tôi giỏi hơn bất cứ người nào, các vị xem tôi có bản lãnh như thế, các vị xem tôi tinh thông Phật pháp hơn kẻ khác." Nếu không có thể khiêm tốn nhún nhường thì không có công. Cho nên chúng ta đối với mọi người, lời nói ra cần phải hòa nhã một chút, không giống như cây gậy, nói lời ra giống như đánh bể đầu người ta, một câu nói còn tác hại hơn so với việc lấy gậy sắt đánh người, nếu năng khiêm nhường thì sẽ không có xảy ra việc tổn thương hòa khí như vậy.

Tâm các vị nên khiêm tốn, nhìn thấy người khác đều tốt hơn mình, không nên tự mãn, cho nên nói "Mãn chiêu tổn, khiêm thọ ích (Tự mãn sẽ chuốt lấy tổn hại, khiêm nhường sẽ nhận được sự lợi ích)." Giống như một tách trà rót đầy rồi mà vẫn cứ rót thì sẽ tràn ra ngoài, không có ích lợi gì, đó gọi là mãn chiêu tổn. Khiêm thọ ích, khiêm chính là lịch sự lễ độ, thì sẽ được lợi ích. Không nên nói: "Các vị xem, tôi là lớn nhất, là số một, là thông minh tuyệt đỉnh." Phật pháp không sợ quý vị không hiểu rõ, mà sợ quý vị không thực hành. Không hiểu rõ không quan trọng, nhưng không thực hành thì không có ích lợi gì, cho nên bên ngoài thực hành lễ phép chính là đức.

Tự tánh có thể kiến lập tất cả vạn pháp, tất cả vạn pháp đều từ tự tánh kiến lập, đó chính là công. Bổn thể tự tâm của ông rời xa vọng niệm tà niệm, đó chính là đức. Ông thường hồi quang phản chiếu, nhìn thấy tự tánh thường sanh trí huệ Bát nhã, đó chính là công. Ông dùng trí huệ Bát nhã ứng dụng vô phương, biến hóa vô cùng, và không có chỗ chấp trước, không làm những việc ô nhiễm, đó là đức. Vì Pháp thân là do công đức thành tựu. Ông có công đức, Pháp thân liền thành tựu, nếu như ông muốn kiến lập công đức và Pháp thân thì cần phải y theo lời của tôi mà làm, đó mới là công đức chân chánh.

Người tu công đức, thì lòng chẳng nên khinh dễ người, mà phải cung kính khắp cả mọi người và muôn vật. Nếu lòng thường khinh dễ người, thì ngô ngã (cái của ta và ta) chẳng dứt, tức là mình không có công. Tánh mình giả dối, không chơn thật, tức là mình không có đức. Bởi ngô ngã tự đại, nên thường khinh dễ hết thảy.

Giảng:

Người muốn tu công đức, tâm không nên khinh thường người khác. Bất luận là người hay là súc sanh, chỉ cần là chúng sanh thì không nên khinh thường kiêu mạn, giống như Bồ Tát Thường Bất Khinh nhìn thấy ai cũng khấu đầu lễ báinói: "Tôi không dám khinh thường các ông, các ông đều thành Phật." Cho nên chính Ngài cũng thành Phật. Bồ Tát Thường Bất Khinh chính là Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, đó chính là Ngài hành Bồ Tát đạo trong kiếp quá khứ.

Lại nữa, cần phải cung kính tất cả chúng sanh. Nếu tâm thường khinh người, tật đố kẻ khác, sợ người khác giỏi hơn mình, sợ người khác thông minh hơn ta, cái ta và của ta ( tức ngô ngã) không đoạn trừ, đánh giá mình quá cao, giống như đã giảng trên đây: "Các vị xem tôi vĩ đại không, hiện nay không có chế độ quân chủ, nếu có, thì nhất định chức vị Hoàng đế phải do tôi làm, các vị không có phần, vì tôi thông minh hơn các vị, tôi có thể chi phối các vị, mà các vị không thể chi phối tôi," cho nên thường có cái ngô ngã tồn tại. Cái ta và cái của ta không đoạn trừ, không có cái của ta thì cũng có cái ta, hai cái này buông bỏ không được thì không có công, chính vì mình quá tự mãn.

Lại nữa, chính vì mình cũng không chân thực tu hành, cho nên tự tánh cũng hư vọng không chân thực. Bởi mình vốn không chơn thực, nên đến rốt cùng chính mình là thực hay giả đều không biết, đó gọi là tự tánh hư vọng. Không thực chính là tự mình không tin tưởng mình, giống như tôi khuyên bảo quý vị không nên uống rượu tại sao quý vị vẫn cứ uống? Tự mình không biết phải làm như thế nào, còn lại tạo nên tật xấu, đó gọi là tự tánh hư vọng. Mình không nhận thức chính mình – Tại sao lại như vậy? Chính vì mình không có đức hạnh, vì thiếu đức hạnh. Tại sao lại thiếu đức? Vì ngô ngã tự đại, đánh giá mình quá cao. Thậm chí đem mình sánh với Phật, giống như nói:"Vị Pháp sư tên đó đó… đã khai ngộ, tôi và ông ta thì giống nhau." Anh ta không nói anh ta khai ngộ, mà nói Pháp sư đó khai ngộ, nhưng anh ta và Pháp sư khai ngộ đó lại giống nhau, đó cũng chính là tự giới thiệu mình đã khai ngộ rồi, đó chính là ngô ngã tự đại, tuyệt đối không có công đức.

Chư Thiện tri thức! Niệm niệm không gián đoạn là công, lòng giữ công bình chánh trực là đức. Tự tu tự tánh là công, tự tu tự thân là đức.

Chư Thiện tri thức! Công đức phải thấy trong tánh mình, chớ chẳng phải tìm ở chỗ cúng dường và bố thí. Bởi vậy phước đức với công đức là khác nhau. Vua Võ Ðế không biết Chơn lý, chớ chẳng phải Tổ Sư ta lầm.

Giảng:

Quý vị Thiện tri thức! Cái gì là công? Tức niệm niệm của mình chánh niệm không gián đoạn, niệm niệm tu hành không ngừng nghỉ lâu ngày sẽ có công, cho nên nói ban đầu miễn cưỡng lâu ngày trở thành tự nhiên; tâm mình thường hành bình đẳng chánh trực, mà không có tất cả tướng cong quẹo, chính là đức. Quý vị tự tu tự tánh của chính mình, tức là lúc chưa kiến tánh cần phải tự mình tu tánh. Tu tánh tức là không sanh phiền não, ai đánh mình thì xem như đập vào tường vách, ai chửi thì xem người đó đang ca hát hoặc cho rằng họ đang nói tiếng ngoại quốc, giống như người ngữa mặt lên trời nhổ nước miếng, nước miếng rơi xuống mặt người đó. Người đó chửi quý vị, quý vị không để ý đến, thì cũng giống như người đó tự mắng mình vậy. Có người nói:

–Nếu đánh tôi, thân tôi đau nhức thì làm sao không đánh trả lại?

Cũng giống như ban đêm không có đèn, đụng đầu vào bức tường thì quý vị có đánh cho bức tường vài đấm không? Nếu đánh vài cái vào bức tường, thì ngược lại làm cho tay ông đau nhức thêm. Quý vị cần nên không để ý đến nó, giống như Bồ Tát Di Lặc nói:

"Già khờ mặc áo vá,
Cơm lạt bụng no nê,
Vá áo để che lạnh,
Vạn sự tùy duyên liễu.
Có người mắng Già khờ,
Già khờ chỉ nói tốt.
Có người đánh Già khờ,
Già khờ tự té xuống.
Nhổ đàm mặt Già khờ,
Cứ để nó tự khô.
Già cũng không phí sức,
Ông cũng không phiền não.

Ba la mật như thế,
Chính là diệu trung bảo.
Nếu hiểu nghĩa lý này,
Lo gì không đạo đắc."

Thật tuyệt! Nhưng mà không dễ dàng làm được, diệu trung bảo này không thể dễ dàng đạt đến.

Tự tu tánh thì không nổi giận, tự tu thân thì không làm việc xấu, không có dục tâm, tham tâm, sân tâm, si tâm, không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, đó là tu thân và cũng chính là đức.

Quý vị Thiện tri thức! Công đức phải tự kiếm trên thân của mình, chớ không phải giong ruổi bên ngoài tìm cầu, không phải bố thí cúng dường Tam Bảo liền nói ông có công đức. Ðó không có công đức, mà chỉ có phước. Cho nên phước đức và công đức có sự sai khác. Phước đức là do ông tạo phước nghiệp và tương lai sẽ thọ phước báo, mà công đức là ông lập tức nhận lấy, đương thời liền được lợi ích. Lương Võ Ðế không hiểu chân lý, chớ không phải Tổ sư Ðạt Ma của chúng ta giảng không đúng đạo lý, nói không có công đức. Lúc đó Tổ sư Ðạt Ma vốn muốn cứu độ Lương Võ Ðế, nhưng vì Võ Ðế quá tự cao tự đại, cho rằng mình là Hoàng đế, đã có vô lượng công đức. Tổ sư Ðạt Ma muốn phá chấp trước này của nhà vua, bèn nói nhà vua không có công đức. Lương Võ Ðế nghe như vậy trong tâm không vui, không còn xem trọng Tổ sư Ðạt Ma. Dù Tổ sư Ðạt Ma có giảng gì đi nữa, nhà vua cũng không nghe, cho nên Tổ sư Ðạt Ma bỏ đi. Quả nhiên sau đó không lâu, Lương Võ Ðế bị đói chết. Nếu nói nhà vua có công đức thì tại sao lại bị chết đói? Tổ sư Ðạt Ma muốn cứu vãn nghiệp tội, không để nhà vua chết đói, khiến cho nhà vua sanh tâm giác ngộ, nhưng đáng tiếc Lương Võ Ðế ngô ngã quá lớn, cho nên Tổ sư Ðạt Ma không thể cứu nhà vua được.

http://community.vietfun.com/showthread.php?t=595374


[color=#0000FF][b]“Tâm hiếu là tâm Phật,
Hạnh hiếu là hạnh Phật”
http://trungtamtutam.com/diendantuthien/[/b][/color]
trungtamtutam
Bài viết: 525
Ngày: 05/08/10 20:36
Giới tính: Nam
Đến từ: Tâm
Nghề nghiệp: “Tâm hiếu là tâm Phật,
Hạnh hiếu là hạnh Phật”

Không giữ Giới Luật thì cũng giống như chiếc bình không đáy

Bài viết chưa xem gửi bởi trungtamtutam »

II. Trì Giới, Nhẫn Nhục

٭Người tu hành phải tu tướng vô ngã, tu đến mức độ không còn cái "ta." Nếu không còn cái "ta" thì có thể nhẫn chịu được hết tất cả, cảnh giới nào đến tâm cũng đều không động, tự xem mình ví như hư không.

٭Thành Phật không phải dễ! Không chặt đứt tâm tham dục mà mong thành Phật thì không khi nào được. Người đời nay đa số đều thích cầu may, đi đường tắt, dễ dàng bị cuốn hút bởi những việc huyền ảo, lạ kỳ; do đó bị mê hoặc, lạc vào lưới ma.

٭Tại sao nói láo? Vì sợ mình bị mất quyền lợi, sự bị thua thiệt.

٭Nếu phạm giới dâm dục thì dễ dàng phạm giới sát hại, ăn cắp và nói láo. Vì thế, giới dâm dục bao gồm các giới sát hại, trộm cắp và nói láo.

٭Giữ Năm Giới, làm Mười Ðiều Lành thì được sanh lên cõi trời, cõi người. Nếu còn tâm tham lam, sân hận, ngu si, thì sẽ đọa lạc vài ba đường ác.

٭Nếu hiểu rõ Giới Luật thì có thể thâm nhập toàn cõi Phật Pháp. Nếu không hiểu Giới Luật thì giống như mây bay trên trời, lơ lơ lửng lửng, không có một điểm tựa căn bản.

٭Căn bản của Giới Luật chỉ có một điều, đó là không ích kỷ.

٭Tinh tấn trì Giới chủ yếu là ngay tại những nơi không ai thấy. Không phải chỉ tinh tấn trì Giới trước mặt người khác mà khi ở một mình cũng phải luôn luôn tinh tấn, siêng năng, nghiêm trì Giới Luật.

٭Chúng ta học Phật Pháp tức là học không não hại kẻ khác. Là Phật tử, phải nên ăn chay; vì nếu ăn thịt tức là làm tổn hại sinh mạng của những chúng sanh khác.

٭Ăn chay là phải chịu thiệt thòi vì không thể hưởng được của ngon vật lạ trong cuộc đời. Nhưng nếu không ăn chay mà lại ăn thịt loài vật thì sau khi chết phải tới địa phủ để thanh toán nợ nần. Tôi lấy lương tâm mà nói thật cho các vị biết rằng: Nếu mọi người không ham "khoái khẩu," không tham hưởng thụ, thì sau khi chết sẽ không phải ra tòa!

٭Người học Phật mà không giữ Giới Luật thì cũng giống như chiếc bình không đáy--đổ nước vào bao nhiêu thì chảy ra bấy nhiêu. Thế nên phải nghiêm trì Giới Luật thì từ từ sẽ đạt tới cảnh giới vô-lậu.

٭Cho dầu tu pháp môn gì đi nữa, chúng ta cần phải có tâm nhẫn nhục thì mới thành tựu. Nếu không có tâm nhẫn nhục thì không thể thành tựu trong bất cứ pháp môn nào.

٭Người xuất gia tu Ðạo gì? Tu Ðạo Nhẫn Nhục.

٭Nhẫn là hạt châu vô giá mà người người không biết đào tìm. Nếu biết cách dùng thì muôn sự đều tốt lành.

٭Người tu Ðạo cần phải nhẫn những gì mà kẻ khác không thể nhẫn, nhường nhịn những gì mà kẻ khác không thể nhường nhịn, ăn mặc những gì mà kẻ khác không thể ăn mặc--nói chung là phải thọ nhận những gì mà người khác không thể thọ nhận.

٭Khi chúng ta tu Ðạo, việc quan trọng nhất là không tranh. "Không tranh" tức là không cùng người khác tranh đua hơn thiệt, điểm tốt điểm xấu, hoặc tranh luận về việc đúng việc sai của kẻ khác.

٭Dẫu trong hoàn cảnh nào đi nữa, chúng ta cũng chớ tham lam thái quá. Phải thường biết đủ, nhẫn nhịn. Ðó là pháp vi diệu vô thượng mà mọi người lại quên đi! Thế nên, nếu không tranh, không tham thì phước thọ vô biên. Nếu vẫn còn tranh chấp, tham lam, nhiễu loạn, thì nghiệp tội đến với mình không ít, muốn thoát khỏi ba cõi cũng không cách gì thoát ra được.

Xem đầy đủ tại đây :

http://www.tinhdo.net/sachdao/158-phapn ... ml?start=2


[color=#0000FF][b]“Tâm hiếu là tâm Phật,
Hạnh hiếu là hạnh Phật”
http://trungtamtutam.com/diendantuthien/[/b][/color]
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.13 khách