Pháp sư Huyền Tráng

Cùng nhau học hỏi những bài giáo lý căn bản và kiến thức Phật học phổ thông.
Hình đại diện của người dùng
Thanh Tịnh Lưu Ly
Điều Hành Viên
Bài viết: 831
Ngày: 06/05/10 13:45
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hà Nội - Việt Nam
Nghề nghiệp: Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh

Pháp sư Huyền Tráng

Bài viết chưa xem gửi bởi Thanh Tịnh Lưu Ly »

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Thưa quý vị đồng tu !
Hôm trước có đạo hữu đã hỏi về Pháp sư Huyền Tráng nhưng bài viết đã vi phạm nội quy diễn đàn nên đạo hữu tôi đã di chuyển bài viết vào mục "các bài viết di chuyển".
Có thể trong các quý vị còn có người nhầm Pháp sư Huyền Tráng và Pháp sư Huyền Trang nên đạo hữu tôi gửi lại bài này để quý vị tiện theo dõi.
Pháp sư Huyền Tráng (602-664): Huyền Tráng là bậc danh tăng vào hàng kỳ vĩ của Phật giáo Trung Quốc. Hai sự nghiệp cầu pháp và dịch thuật trong cuộc đời ngài đều là siêu quần. Ðể thêm tư liệu tham khảo, chúng tôi xin nêu dẫn những dòng viết của học giả Nguyễn Hiến Lê trong sách "Sử Trung Quốc", tập 1, nhận xét về sự nghiệp cầu pháp và sự nghiệp dịch thuật của Pháp sư Huyền Tráng: "Huyền Tráng sinh năm 602 ở Hà Nam (xuất gia tu Phật từ năm 13 tuổi, học rộng, đi nhiều, có tinh thần nhận xét, phê phán. Chúng tôi thêm - ÐN). Năm thứ 3 đời Ðường Thái Tôn (629), một mình qua sa mạc Qua Bích dài non 500 cây số, tới nước Cao Xương, được vua nước đó rất trọng, rồi leo núi Thông Lĩnh cao 7.200 thước trong dãy Thiên Sơn, tiến theo đường chở lụa tới Thiết Môn Sơn, một nơi vô cùng hiểm trở. Từ đây, ông theo hướng Ðông Nam qua nhiều nước nhỏ, vòng qua Ðại Tuyết Sơn rồi vào Tây Trúc.

Ông thật là một nhà mạo hiểm, đời sau không chắc có ai hơn. Lại có tinh thần nhận xét của nhà khoa học, ghi rất kỹ và đúng những điều mắt thấy tai nghe ở các nơi ông đã đi qua. Ông đi một vòng nước Tây Trúc, coi hết các nơi có di tích của Phật Thích Ca, lại ở hơn 1 năm tại chùa Nalanda, một ngôi chùa lớn nhất, đẹp nhất, mà cũng là một trường đại học cổ nhất. Ông tả cảnh chùa đó, giọng bóng bẩy như giọng thi sĩ Tràng An. Ông học hết bộ Du Già luận, học thêm triết lý Bà la môn và Phạn ngữ, rồi đi chu du Tây Trúc tìm hiểu thêm các giáo phái khác... Tới đâu, ông cũng thuyết pháp được hoan nghênh, ai cũng muốn lưu ông lại. Lần về, ông theo một con đường khác, ghé nhiều nơi để giảng đạo. Năm 645 ông về tới Tràng An sau khi xa quê hương 16 năm, đi gần 30 ngàn cây số, qua 128 nước, đem về được 657 bộ kinh, không kể nhiều vật quý khác. Mới về nước được hơn 1 tháng, ông bắt tay ngay vào công việc dịch thuật đại quy mô và mải miết làm luôn trong 19 năm cho tới khi tắt thở. Ông tổ chức một ban dịch thuật, mời các vị cao tăng thông cả Hoa ngữ lẫn Phạn ngữ hợp tác. Công việc làm rất có phương pháp và kỹ lưỡng, soát đi soát lại nhiều lần... Ông dịch những kinh khó nhất và chỉ huy việc dịch những kinh khác. Tới năm 663, ông dịch được 600 quyển.

Ngoài ra, ông còn cho hậu thế:

- Bản dịch Ðạo đức kinh ra tiếng Phạn để giới thiệu triết học Trung Hoa với Ấn Ðộ.

- Bản dịch Ðại Thừa Khởi Tín luận từ Hoa ngữ ngược về Phạn ngữ. Nguyên bản chữ Phạn của Ấn Ðộ đã thất lạc từ lâu, nhưng ở Trung Hoa còn giữ lại được bản chữ Hán...

- Soạn một cuốn ngữ pháp Phạn, giản lược mà sáng sủa và đúng.

- Viết bộ Ðại Ðường Tây Vực ký gồm 12 quyển, chép những điều mắt thấy tai nghe trong chuyến đi thỉnh kinh. Bộ này chứa những tài liệu rất quý cho các nhà khảo cổ Ấn Ðộ và Trung Á sau này, được dịch ra nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Ðức, Nhật... và đã giúp các học giả Ấn sửa lại nhiều điều sai lầm trong lịch sử của họ về thế kỷ VII.

Công việc dịch kinh của ông chẳng những làm cho đạo Phật phát triển mạnh ở Ðông Á mà còn ảnh hưởng lớn đến ngôn ngữ và văn học Trung Hoa... Huyền Tráng tịch năm 664, 1 triệu người ở Tràng An và tứ xứ đi đưa linh cữu ông [56].

Về con số "600 quyển được dịch" vừa nêu trên, chúng tôi không rõ học giả Nguyễn Hiến Lê đã dựa theo tài liệu nào. Căn cứ nơi mục lục của ÐTKÐCTT, tổng số dịch phẩm của Pháp sư Huyền Tráng hiện còn trên 70 tên kinh, luật, luận, gồm 1.322 quyển, không chỉ dịch các bộ kinh, luận lớn như kinh Ðại Bát Nhã Ba La Mật Ða, 600 quyển [57], luận A Tỳ Ðạt Ma Ðại Tỳ Bà Sa, 200 quyển [58], luận Du Già Sư Ðịa, 100 quyển [59], luận A Tỳ Ðạt Ma Thuận Chánh Lý, 80 quyển [60], v.v... mà số bản kinh ngắn, rất ngắn cũng được Pháp sư dịch lại một cách kỹ lưỡng, như: Bát Nhã Ba La Mật Ða Tâm kinh [61]; kinh A Di Ðà (bản dịch của ngài Huyền Tráng mang tên là: Xưng Tán Tịnh Ðộ Phật Nhiếp Thọ kinh [62]; kinh Hiển Vô Biên Phật Ðộ Công Ðức [63] v.v... Vốn có những sở học và tâm đắc về hệ thống Pháp tướng ở Ấn Ðộ, lại là dịch giả các bộ kinh, luận như kinh Giải Thâm Mật [64], luận Du Già Sư Ðịa, luận Nhiếp Ðại Thừa [65], luận Thành Duy Thức [66], về sau được đệ tử là Ðại sư Khuy Cơ (632-682) phát huy, nên Pháp sư Huyền Tráng được xem là sơ tổ của tông Duy Thức ở Trung Hoa. Về đường hướng dịch thuật, Pháp sư đã đề xuất quan điểm "Ngũ chủng bất phiên" [67] và tạo nên một phong cách riêng. Các nhà nghiên cứu Phật học đã dùng từ Cựu dịch, Tân dịch để chỉ cho các công trình và lối dịch thuật kinh điển Phật giáo trước ngài Huyền Tráng (cựu dịch) và từ ngài Huyền Tráng trở về sau (tân dịch), đủ thấy phong cách dịch thuật ấy đã có một ảnh hưởng rất lớn. Ngoài ra, Tâm kinh Bát Nhã được xem là dịch phẩm thành công nhất của Pháp sư Huyền Tráng, tạo được sự gắn bó thân thiết đối với bao thế hệ người tu Phật.
Trích dẫn nguyên bản từ Giới thiệu tổng quát hệ thống kinh điển Hán tạng, trang nhà Đại tạng kinh Việt Nam, đường dẫn http://daitangkinhvietnam.org/nghien-cu ... n-tng.html

NAM MÔ TỊNH LƯU LY THẾ GIỚI DƯỢC SƯ LƯU LY QUANG NHƯ LAI


https://namo84000.org/
Bài kinh đầu tiên của Đức Phật là Tứ Diệu Đế, bài kinh cuối cùng cũng là Tứ Diệu Đế. Tứ Diệu Đế là cốt lõi, là nền tảng, là khung xương của hệ thống giáo lý Phật Pháp. Tứ Diệu Đế là sự thật tuyệt đối về nguyên nhân gốc rễ của khổ và là sự thật tuyệt đối về con đường để giải thoát khổ
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.30 khách