Không tự sám hối

Cùng nhau học hỏi những bài giáo lý căn bản và kiến thức Phật học phổ thông.
Vô Úy Thủ
Bài viết: 123
Ngày: 15/07/11 05:45
Giới tính: Nam
Đến từ: TP.Ho Chi Minh

Không tự sám hối

Bài viết chưa xem gửi bởi Vô Úy Thủ »

tangbong Chương 5

I. Chánh Văn

Ðức Phật dạy: "Người có lầm lỗi mà không tự sám hối để mau chấm dứt tâm tạo tội ấy, thì tội lỗi càng chồng chất vào thân như nước chảy về biển, dần dần trở nên sâu rộng. Nếu người có tội mà tự nhận biết tội, bỏ ác làm lành thì tội lỗi tự diệt, như bệnh được đổ mồ hôi dần dần sẽ khỏi bệnh".

II. Ðại Ý

Ðức Phật dạy người có tội phải sám hối thì tội mới tiêu diệt.

III. Giảng Nghĩa

1. Chú thích từ ngữ, thuật ngữ:

Sám hối: Sám là âm của chữ Sanscrit là Ksamayati. Ksamayati dịch là hối lỗi. Chữ Hối là chữ Hán, nghĩa là ăn năn về tội đã phạm. Ghép 2 chữ Phạn và Hán thành chữ Sám hối. Trong Phật học giáo khoa thư, Trung Hoa thường dịch là Sám ma (Ksama), nghĩa là Hối quá (hối lỗi), thực ra Ksama là thứ lỗi, tha thứ.

2. Giải thích nội dung:


Ðã là người thì không ai không có lỗi, điều quan trọng là người ấy có thấy được cái lỗi của mình và ăn năn hối lỗi hay không. Phật dạy có 2 hạng người cao thượng ở đời là: 1- người không có tội lỗi ; 2- người có tội mà biết hối lỗi. Có lỗi mà không biết hối lỗi thì tội lỗi càng tăng trưởng, bởi vì khi không biết hối lỗi thì mình yên chí mà tiếp tục lầm lỗi, còn biết lỗi thì hành vi tội lỗi sẽ dừng lại.

Như đã nói ở chương 4, ác nghiệp có 10 điều nhưng đều xuất phát từ ý nghiệp tức là từ tâm thức. Nếu ý được chuyển hóa thì thân và miệng sẽ chuyển theo. Tội đã do tâm tạo thì cũng do tâm mà diệt. Ðây là điều quan trọng và đặc biệt của Phật giáo. Tội lỗi là do con người tạo ra và cũng do con người diệt trừ, không do đấng thần linh nào có thể xóa tội cho con người.

Sám hối trong Phật giáo là điều tự giác tự nguyện và thay đổi tận gốc rễ, chứ không phải sám hối là để xóa đi lỗi cũ, mà cứ tạo thêm tội mới. Một người gây nên tội lỗi mà không sám hối về mặt tâm lý sẽ bất an, dẫn đến bất an về sinh lý và hoàn cảnh. Kinh Tăng Chi nói lên lộ trình của tâm thức của một người gây tội mà không hối lỗi như sau:

1. Có một người nghèo khổ.
2. Do nghèo khổ nên mắc nợ.
3. Mắc nợ không trả nổi nên tiền lời gia tăng.
4. Tiền lời gia tăng chưa trả nên chủ nợ hối thúc.
5. Bị hối thúc mà vẫn chưa trả nên chủ nợ phải theo sát gót, sợ con nợ bỏ trốn.
6. Cuối cùng, không có khả năng chi trả nên bị bắt trói.

"Người nghèo khổ" dụ cho người không biết Chánh pháp, Tà pháp điều nào thiện, điều nào ác. "Mắc nợ" tượng trưng cho người vì không biết tu thiện mà làm 10 điều ác. "Tiền lời gia tăng" nghĩa là khi làm ác, tâm muốn che giấu để đừng ai biết, tâm càng nặng nề thêm. "Bị thúc hối" bị mọi người xung quanh chỉ trích, xã hội ruồng bỏ. "Bị theo sát gót" nghĩa là chính nội tâm của mình ngày đêm bất an, lương tâm cắn rứt. "Bị bắt trói" nghĩa là bị hình phạt của xã hội hay bị hình phạt của địa ngục.

IV. Nhận Xét và Kết Luận

1) Người có tội lỗi mà tự biết tội để sám hối, đó là hạng người tốt.

2) Tội do ý nghiệp sanh, chuyển ý nghiệp thì tội diệt.

3) Oscar Widle: "Sự khác nhau giữa ông Thánh và kẻ phạm tội là mỗi ông Thánh có một quá khứ, mỗi kẻ phạm tội có một tương lai".

Ðiều quan trọng là biết Sám hối thì tâm thức sẽ thăng tiến, đạo nghiệp sẽ thành tựu. tangbong

Trích Kinh Tứ Thập Nhị Chương
Thích Viên Giác dịch và giảng
Nguồn http://www.buddhanet.net


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.11 khách