Pháp hải thích nghi 3

Thảo luận giáo lý và phương pháp hành trì pháp môn niệm Phật.

Điều hành viên: binh, battinh

BEBEBE
Bài viết: 164
Ngày: 30/06/08 19:10
Giới tính: Nam

Pháp hải thích nghi 3

Bài viết chưa xem gửi bởi BEBEBE »

Tác giả: Thích Tâm An
Pháp hải thích nghi

Hỏi: Phật pháp thường nói: “Giàu sang học đạo là khó”, tại sao nói như vậy?

Đáp: Chúng ta thường nói: “Tài, Sắc, Danh, Thực, Thùy”, năm món ngũ dục này là căn bản của địa ngục. Một khi giàu sang thì có “tiền tài”, phú quý thì có “danh vọng”. Như vậy, giàu sang phú quý là hai món trong năm món ngũ dục. Nếu có tài, có danh mà làm việc tốt thì đương nhiên càng trở nên tốt. Song, bệnh thông thường của chúng sinh là “tiền tài khó xả”, dù là tín đồ Phật giáo, kêu gọi họ cúng dường Tam Bảo cũng không dễ dàng. Bình thường, một người muốn làm việc thiện gì đó phải có chút danh vọng thì mới làm, không có danh không làm. Song, đem tiền làm việc ác dù cho phung phí đến đâu thì cũng xả được, cho nên giàu sang học đạo khó là như vậy, nói ngược lại tạo ác là dễ.

Giàu sang phú quý của nhân gian dễ dàng khiến cho con người hôn mê, tạo ác nghiệp. Nên biết, người tạo ác nghiệp phần lớn là người giàu sang. Người bần cùng ngược lại, không tạo nhiều ác nghiệp. Giống như người ngu đần lại là tốt. Người thông minh lại so bì với sự thông minh của người khác. Đương nhiên, học sự thông minh của người là tốt, so sánh thông minh với người ngu đần lại gấp trăm ngàn lần. Người có trí tuệ so với người thông minh lại gấp trăm ngàn lần nữa. Vì vậy, Phật pháp đề cao chánh trí tuệ. Có chánh trí tuệ mới có chánh kiến, có chánh kiến mới có tu chánh hạnh, thượng cầu Phật đạo hạ hóa chúng sinh.

Hỏi: Phật pháp có nói: “Tài thí, pháp thí, nhị thí đẳng vô sai biệt”. Tài thí là pháp hữu lậu, pháp thí là pháp vô lậu. Như vậy, làm sao nói không sai biệt được?

Đáp: Đương nhiên bố thí tài là hữu lậu, nhưng vì dụng công ở vô lậu, cho nên tài thí cũng là pháp thí, hai loại bình đẳng. Lấy thí dụ, như chùa Linh Nham, ban đầu nơi đây là ngọn núi hoang sơ, đầy dẫy cỏ cây. Do mọi người phát tâm bố thí tài, đóng góp xây dựng nên đạo tràng. Không có tiền làm sao xây dựng lên được, không có đạo tràng làm sao mọi người có thể nghe pháp, tu hành. Đạo tràng là nơi giúp người tu hành thanh tịnh, là nơi giải thoát sinh tử. Đó là thành tựu pháp công đức vô lậu.

Tuy tài thí thuộc về pháp hữu lậu, thế nhưng bạn dụng công ở vô lậu thì công đức tài thí cũng không thể nghĩ bàn, cũng bình đẳng với công đức pháp thí. Cho nên, Kinh Kim Cang nói: “Tất cả các pháp đều là Phật pháp”, dụng làm thiện công đức vô lượng, dụng làm ác thì tội nghiệp vô biên. Mọi người muốn trí tuệ phát sinh thì nên đem tiền bạc mà giúp cho người tự lợi lợi tha, không nên làm tự hại hại tha.

Chúng ta đem tiền bạc cúng dường Tam Bảo cầu sinh Tây phương, cầu công đức vô lậu, không sinh không diệt, đó là cầu vô vi pháp. Giá như bạn bố thí tài, lạy Phật, niệm Phật lấy những công đức đó, chỉ cầu cho gia quyến bình an, con trai thăng quan tiến chức, phát tài, con cái học tập thông minh… đó là cầu pháp hữu lậu, cầu phước phàm phu. Thật ra, chỉ cần bạn có công đức, đối với những việc không cầu mà tự nhiên được. Cây lớn đương nhiên là thu được quả, sao tự nhiên lại đi thu cành lá. Cũng như người nông phu, lẽ ra thu thóc gạo nhưng lại thu lấy hoa lúa, chỉ tìm bông lúa. Như vậy có trí tuệ không? Lại như người có tiền biết sử dụng tiền để kiếm lợi tức; người không có trí tuệ, có tiền lại không biết sử dụng, thậm chí đem tiền tạo tội nghiệp, rất oan uổng.

Như vậy, đòi hỏi bạn phải có trí tuệ. Có trí tuệ mới có thể tu phước đức, từ trong trí tuệ lại tu phước đức. Phước tuệ giống như xe có hai bánh. Chỉ có tuệ hoặc chỉ có phước, giống như xe chỉ có một bánh làm sao chạy được. Một bên lớn, một bên nhỏ đều có chướng ngại, cho nên phải quân bình giữa trí tuệ và phước đức.

Chúng ta đã hiểu cúng dường tài thí cho Tam Bảo bằng với công đức bố thí pháp thì mọi người nên cố gắng tiết kiệm đóng góp xây dựng đạo tràng, có đạo tràng thì có thể tiếp dẫn vô lượng chúng sinh. Như vậy, bố thí tài xây dựng đạo tràng cúng dường Tam Bảo lợi ích lớn như bố thí pháp.

Hỏi: “Thiện có thiện báo, ác có ác báo”, vì sao có loại nhân quả này tồn tại?

Đáp: Nhân quả ví như hai tay vỗ vào nhau sẽ phát sinh ra tiếng, tiếng đó là tự nhiên mà có. Như vậy, tay chúng ta có âm thanh hay không? Không có! Bạn lấy tay mình đem thí nghiệm phân tích cũng không có, một khi vỗ vào nhau tự nhiên có tiếng, vỗ lớn thì tiếng lớn, vỗ nhỏ thì tiếng nhỏ, không vỗ thì không có tiếng, định luật nhân quả là như vậy. Bạn gieo nhân lành thì gặt lấy quả lành, quả lành tự nhiên mà có; bạn làm ác phải thọ quả báo ác, cũng là tự nhiên. Bạn không làm thì không có, một khi làm là phải có quả báo.

“Thiện có thiện báo, ác có ác báo, nếu chưa có quả báo, là do thời gian chưa đến”. Người làm thiện chưa hưởng thiện báo trường thọ, phú quý, đó là thời gian chưa đến, nhất định sẽ có quả báo, không nên khổ tâm. Chư Phật, Bồ tát tuyệt đối là đại từ đại bi, chỉ cần bạn làm việc thiện, công đức vĩnh viễn tồn tại. Làm việc ác, không kể là bay lên trời, ở trong chợ, trốn trong núi cao, lặn dưới biển sâu, đều không thể trốn được, đến một lúc nào đó tự nhiên chiêu cảm quả báo. Một khi thọ quả báo khổ, bạn không thể trách trời hay oán người được.

Chúng ta cùng Phật đồng một thể Phật tính. Chỉ cần chúng ta có thể tu lục độ, tứ nhiếp pháp, tương lai nhân tròn quả mãn thì thành Phật. Bạn giữ ngũ thường: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, hoặc ngũ giới thì đảm bảo giữ được thân người. Ngược lại không giữ, chẳng những mất thân người mà còn rơi vào các đường khổ: ngạ quỷ, súc sinh, a tu la là khác. Bạn tu thập thiện sẽ thăng thiên. Tất cả vạn vật, muôn việc trong đó đều có nhân quả rõ ràng, đều là tu nhân mà cảm quả.

Phật pháp giảng nhân quả không nói là tự nhiên. “Tự nhiên” là đạo lý không thích hợp với Phật pháp. Phật pháp giảng mọi việc đều do nhân duyên sinh! Làm sao tự nhiên được? “Nhân” từ đâu mà sinh? Từ bản thể, vô tính mà sinh. Pháp pháp giảng vô tánh (không có tự tánh) vì tất cả các pháp là duyên khởi, đều là huyễn hóa. Hiện tiền tuy có mà không chân thật, song không được nói giả tướng là không thật có. Tánh của vô tính mới là bản thể chân thật. Giống như sóng từ nước biển mà sinh. Bản thể của nước biển là yên tĩnh, không có sóng, vì sao lại có sóng? Vì có gió, gió thổi thì nước mới dậy sóng, nếu không có gió thổi thì không có sóng. Tuy có sóng, nhưng sóng là hư giả, nên biết bản thể của sóng là nước. Phàm phu cũng là giả có, nếu phá trừ được gốc vô minh thì trở về với thật tướng của vô tính.
Thật tướng là vô hình, không thể thấy. Lại là vô tướng, không thể sờ mó được. Không thể thấy, không thể sờ thì thật tướng là không có gì, cũng không phải như vậy. Như hư không, tuy là rộng lớn vô biên, nhưng có mắt cũng không thấy, có tay cũng không nắm được, vậy bạn có thể phủ nhận hư không không có được không? Sở dĩ Phật bảo: “Vạn pháp vô tánh”, đó là chỉ cho bản thể của vạn vật, do nhiều nhân duyên hòa hợp lại mà thành, là tướng giả hợp, tướng giả hợp một khi phân ly cái gì cũng không có. Cho nên nói: “Các pháp vốn không” là vậy. Quả địa cầu tương lai cũng hủy diệt, tất cả mọi vật đều không còn, đều trở về hư không, song hư không thì vẫn tồn tại vĩnh viễn.

Hỏi: Kinh Hoa Nghiêm có phải là kinh điển của pháp môn Tịnh độ không? Có nên đọc hay không? Đọc Kinh A Di Đà và Kinh Hoa Nghiêm có mâu thuẫn với nhau không?

Đáp: Tịnh độ pháp môn được mở đầu bằng Kinh Hoa Nghiêm, đương nhiên là có thể đọc. Thật ra, tất cả các kinh điển Đại thừa đều có thể đọc được. Bạn muốn vãng sinh thượng phẩm, phải nên đọc tụng kinh Đại thừa. Đọc Kinh A Di Đà và Kinh Hoa Nghiêm không có mâu thuẫn. Kinh A Di Đà là tiểu kinh của Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Hoa Nghiêm là đại kinh của Kinh A Di Đà. Bạn xem trong hội Hoa Nghiêm có ngài Văn Thù và ngài Phổ Hiền Bồ Tát. Ngài Phổ Hiền lấy 10 đại nguyện vương chuyên quy Cực Lạc vãng sinh thượng phẩm. Chúng ta niệm Phật đạt được lý nhất tâm thì vãng sinh thượng phẩm, đạt được sự nhất tâm thì vãng sinh trung phẩm. Tán loạn không đạt nhất tâm thì sinh vào hạ phẩm, sinh vào cõi Phàm Thánh đồng cư độ.

Hỏi: Bồ tát Địa Tạng có phát nguyện: “Địa ngục chưa hết nguyện không thành Phật, chúng sinh độ tận mới chứng Bồ đề”. Song, chúng sinh không thể độ tận thì Bồ tát Địa Tạng có phải vĩnh viễn không thành Phật phải không?

Đáp: Phật pháp giảng người không thể thành Phật là người xiển đề. Xiển đề cũng có phân biệt thành hai loại: loại thứ nhất là tạo ngũ nghịch thập ác, loại hủy báng Phật pháp, phá giới làm ác, việc thiện không có làm, những người này tạm thời không có cơ hội thành Phật, gọi là Vô Thiện Căn Xiển Đề. Loại thứ hai là Đại Bi Xiển Đề, như Bồ tát Địa Tạng, phát tâm đại từ bi, chúng sinh không độ tận, nguyện không thành đạo Bồ đề, đó là do từ bi sinh ra, nên gọi Đại Bi Xiển Đề.

Tóm lại, đứng về công hạnh thành Phật mà nói, sở dĩ gọi độ hết chúng sinh mới thành Phật, không phải là chỉ cho độ tận hết pháp giới chúng sinh, mà là độ cho những chúng sinh nên độ thì có thể thành Phật. Địa Tạng Vương Bồ Tát, tuy phát đại nguyện, song chỉ độ cho những chúng sinh có thể độ, khiến cho phước huệ của họ viên mãn, đầy đủ tướng hảo thì có thể thành Phật. Phật pháp giảng pháp duyên khởi, vì duyên đầy đủ, thời gian đến, không muốn thành Phật cũng sẽ thành Phật. Sau khi thành Phật lại tiếp tục độ sinh.

Như việc đến chùa Linh Nham, bạn từ Đài Bắc đến, phải đáp xe từ 4 đến 5 giờ, đúng thời gian đó bạn mới có thể đến Linh Nham được. Vì vậy, nghe Phật pháp không nên chấp chặt bế tắc trên mặt văn tự, mà phải liễu giải nghĩa lý của nó.

Hỏi: Đức Phật nói “vô ngã”, đã là vô ngã, thì chúng ta tu hành để làm gì? Lúc đức Phật đản sinh, Ngài có nói: “Trên trời dưới đất chỉ có ta là độc tôn”, đã nói là vô ngã thì làm sao lại ngã ở đây? Như vậy có mâu thuẫn không?

Đáp: Không có gì là mâu thuẫn cả. Nói “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” và “vô ngã” là có đạo lý, do chưa hiểu, xem kinh điển thấy có nhiều mâu thuẫn. Vậy kinh điển có mâu thuẫn hay không? Nếu có mâu thuẫn thì Phật pháp có thể lưu truyền ở Trung Quốc gần 3000 năm không? Hiện tại, Phật pháp thế kỷ 21 là chân lý, đến thế kỷ 200 vẫn là chân lý. Chân lý là chân lý, mãi mãi đều là như vậy.

Bình thường, người ta có sự ngộ nhận rằng “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” là câu nói mà đức Phật tự tâng bốc mình, thật ra là hoàn toàn hiểu sai lầm về nghĩa lý. Có phải con người là cao quý nhất không? Con người là linh tánh của vạn vật. “Ngã” là chỉ cho nhân tính, nhân tính trong Phật pháp là Phật tánh. Muốn giữ gìn được nhân tính cũng không dễ dàng, phải giữ được ngũ thường, tám đức mới được gọi là có nhân tính. Giả như ngược lại, làm việc mà mang họa cho quốc gia, làm hại dân chúng, đó gọi là thú tánh. Một người bị người khác mắng: “Nó làm việc chẳng khác nào cầm thú”, thì người đó quá oan uổng. Như vậy, làm sao không có lỗi với cha mẹ? Làm sao xứng đáng với chính mình? Chúng ta vốn cùng với trời đất gọi là Tam Tài. Nhân tính nếu có học Phật thì chuyển thành Phật tánh. Phật tánh, nhân tánh, thú tánh đồng một thể tánh.

Đức Phật nói: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”. Người thế tục không thể hiểu được nghĩa cái “ngã” này. Vì họ lấy tiểu ngã làm ngã. Thực ra, Phật giảng “ngã”, ngã đây là chỉ cho chân lý, là chân đế, đây là cái hết sức tôn quý, mỗi một người đều có. Không phải đức Phật tự cho mình là số một, mà hiểu lầm cho Ngài tự cho mình là lớn, mà “ngã” đây là mỗi người đều có, nó rất cao quý. Đức Phật lại giảng mỗi người đều có thể thành Phật. “Phàm có tâm tánh đều có thể thành Phật”, có ai mà không tôn quý. Chúng ta đừng quên rằng, mỗi chúng ta đều có “đại ngã”, do đó bạn phải nên tận trung, tận hiếu vì linh hồn của đất nước.

Chân lý vốn vô danh, vì nó bao hàm tất cả các nghĩa mà tùy nhân duyên giả lập. Thật ra, chúng tôi nói “chân lý” là quá thừa, nó vốn không hình không tướng. Không hình không tướng, Phật pháp gọi là không của chân đế, chân đế tâm sở không thể suy tư, tâm đã không thể suy tư tưởng tượng được thì miệng làm sao lại có thể luận bàn. Vì vậy, tâm tưởng miệng nói đều không thể đạt được.

Đã là vô ngã thì chúng ta tu hành để làm gì? Thế gian có phân biệt tiểu ngã và đại ngã. Bạn không nên chấp trước mà phải hy sinh tiểu ngã để thành tựu đại ngã. Thành tựu đại ngã là việc lớn, bậc quân tử chú trọng ở phước lớn, không bàn cải đến việc nhỏ, tính toán việc nhỏ cũng chỉ là được phước báo nhỏ, phước báo nhỏ thì không làm được gì. Cũng như một người chỉ có nói đến việc đúng sai của người, thì người đó chỉ có phiền não, không có an lạc.

Có vô ngã, bạn sẽ không chấp trước thì mọi người khi cộng tác với bạn làm việc mới thành tựu. Một khi có ngã chấp, bạn có ý kiến của bạn, người ta có ý kiến của người ta, mọi người đều có ý kiến riêng của mọi người, thì thử hỏi việc làm sao thành công được! Bạn có ý kiến riêng là điều đương nhiên, song trong một đoàn thể mà có sự bất đồng về ý kiến thì tập thể đó khó mà phát triển được.

Lấy kinh nghiệm quá khứ mà nói, nhiều tín đồ Phật giáo muốn vì Tam Bảo mà làm việc, vì một người không thể làm, phải đoàn kết nhiều người mới làm được viên mãn. Song tâm người không đồng, mỗi người đều có ý kiến riêng, đều hỏng hết, việc tốt trở nên xấu, việc thất bại lại càng thất bại hơn. Vì vậy, Kinh Kim Cang nói: “Phải lấy vô ngã tướng và vô nhân tướng để tu tất cả các thiện pháp” Như vậy, chúng ta phải làm gì để có thể hiểu được chân đế, vô ngã! Phải vào cửa Bát nhã, xa lìa cái năng sở của phàm phu. Tất cả vạn pháp đều tùy duyên, như pha lê không nhiễm một bụi trần, thì ánh sáng sẽ chiếu soi rực rỡ.

Một người làm bất kể việc gì, chỉ cần có một điểm chấp trước, thì đã có sai lầm, có trói buộc, đã bị trói buộc thì không tránh được phiền não. Như mắt chúng ta, chỉ cần có hạt bụi là không thể thấy được. Chúng ta phải thành tựu cái ngã, tự tại như Kinh Bát Nhã nói, điều đó mới đúng.

Hỏi: Trì tụng chú Lăng Nghiêm, chú Đại Bi có phải trì tụng đúng thời, đúng lúc hay không?

Đáp: Phật giáo không có nói những việc này, đây là lời nói của ngoại đạo, không có Phật thì không có quỷ, đó là điều khó tránh. Phật giáo tụng kinh trì chú đúng là có quy định thời khóa, song không có quy định lúc nào nên tụng, lúc nào không nên tụng niệm. Giả sử như bạn chuyên trì chú Đại Bi hoặc chú Lăng Nghiêm, trong lúc tĩnh hoặc động đều có thể trì.

Lại có một quan niệm rất buồn cười nói rằng người Phật tử tại gia không được tụng Kinh Kim Cang, vì Kinh Kim Cang nói đến không. Một khi tụng, mọi người trong nhà đều nghĩ đến chết, đến không. Đây là quan niệm sai lầm, làm gì có việc như vậy. Chỉ có người phàm phu tự cho mình là thông minh, rồi tự mình tưởng tượng nói ra những lời làm rối loạn tâm người mà thôi. Cho nên, khi nghe bất kỳ việc gì, bạn nên cân nhắc điều đó hợp lý rồi hãy nghe.

Hỏi: Thọ Bát quan trai giới rồi, có được dùng xà bông thơm hay không?
Đáp: Trong lời văn của giới có ghi: “Không được xức phấn hoa hay dầu thơm vào thân mình”. Phàm là hương thơm tất cả đều không được dùng, bạn dùng nó để tẩy rửa chất bẩn thì có thể dùng, song trong lúc dùng tuyệt đối không được tham trước vào hương vị là được.

Hỏi: Thọ Bát quan trai giới, hương hoa không được dùng, tại sao dùng hương hoa để cúng Phật?
Đáp: Hai việc này tuyệt đối không giống nhau, làm sao có thể hỏi như vậy được? Kính thỉnh bạn tự mình suy nghĩ một phen, nếu không hiểu rồi đến hỏi.

Hỏi: Thọ Bát quan trai không được dùng quá ngọ. Như vậy, sau ngọ là mấy giờ mới có thể dùng lại được?

Đáp: Thời gian ngọ thông thường là từ 10 đến 12 giờ, đúng ngọ là 12 giờ. Song nếu vì thời gian không cho phép, bạn có thể dùng trước ngọ một giờ, là khoảng 11 giờ. Nhưng muốn giữ giới thanh tịnh thì bạn nên dùng đúng giờ.

Hỏi: Xin hỏi Hòa thượng, “Sái tịnh” nghĩa là gì? Mục đích của sái tịnh là gì?

Đáp: Sái tịnh là một nghi thức của Phật giáo, nhằm mục đích làm cho một nơi nào đó được thanh tịnh, giúp cho chúng sinh và oan hồn nơi đó được thanh tịnh, hộ trì Phật pháp. Phật pháp có lợi ích rộng lớn, trên đến thiên đường, dưới đến địa ngục. Chúng ta “sái tịnh” bằng chú Đại Bi, nước Đại bi có thể độ thoát cho oan hồn, khiến cho họ được có nơi an thân lập mệnh, và nơi sái tịnh biến thành đạo tràng Phật pháp thanh tịnh. Đạo tràng thanh tịnh mới có thể tu đạo, không thanh tịnh thì làm sao tu. Nơi nào có đạo tràng Phật pháp thanh tịnh thì nơi đó thân tâm con người thanh tịnh, không còn phiền não.

Tâm An
Dịch xong vào những ngày cuối hạ,
tại tổ đình Giác Nguyên


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.18 khách