Trang 1 trên 1

Pháp hải thích nghi 4

Đã gửi: 04/07/08 03:20
gửi bởi BEBEBE
Tác giả: Thích Tâm An

Cư trần học đạo

Hỏi: Con rất dụng tâm để bồi đắp cho con cái, song con của con rất hư, không hiếu thuận, không nghe lời. Vì sao con lại sinh ra những đứa con không hiếu thuận như vậy?

Đáp: Bạn muốn con cái hiếu thuận với mình thì trước tiên bạn phải hiếu thuận với cha mẹ bạn. Sinh con cái không hiếu thuận, cần phải phản tỉnh xem tự mình đã có hiếu thuận hay không. Bạn không gieo nhân tốt thì làm sao gặt hái quả tốt được. Làm đệ tử của Phật là phải giác ngộ, phải có chánh tư duy, phải sửa đổi lỗi lầm từ trước, sám hối tội bất hiếu kiếp trước. Nghe Phật pháp giác ngộ rồi, tự mình trước tiên phải thực hành hiếu thuận.
Cần phải nói rõ ràng hơn, các thành viên trong một gia đình đều do có nhân duyên nên mới tụ họp lại được, không phải vô cớ mà đến, mỗi một người đến để thọ báo. Cho nên nói: “Con vốn là nợ, nợ đến tìm nợ, không nợ không đến”. Con bạn vào nhà bạn chỉ có hai việc: Nếu không đến đòi nợ thì đến trả nợ. Thông thường đến đòi nợ thì nhiều, mà trả nợ thì ít. Người đến trả nợ thường là những đứa con hiếu thuận. Nếu sinh một đứa đến đòi nợ, vì đời trước bạn mắc nợ nó nên nó đến đòi, đó là bạn chiêu cảm lấy, vậy hận nó để làm gì? Bạn mắc nợ người đương nhiên là phải trả, trả hết rồi thì không có chuyện gì, không còn khổ não. Đời trước không có tu phước, tu huệ, đời nay muốn giàu sang phú quý, con cái đều là hổ mẹ sinh hổ con, không gieo nhân làm sao gặt hái được quả?

Đương nhiên làm người ai cũng muốn sinh về chỗ tốt, hy vọng con cái của mình đều thông minh, làm được chức lớn. Muốn là muốn như vậy, nhưng phải xem họ có phước báo hay không, không có phước báo thì càng cầu lại càng không được. Nếu con cái bạn có phước báo, tài giỏi, đến một lúc nào đó nhất định sẽ gặt hái quả phú quý. Có ai lại không hy vọng con của mình thành đạt? Song muốn xem con cái thành đạt hay không, nên xem căn tính của chúng như thế nào, không nên vọng tưởng.

Như vậy có thể nói rằng, con cái có thành công hay không là tùy theo khả năng phát huy của chúng. Bổn phận làm cha mẹ đương nhiên phải nâng đỡ con cái, song nếu bạn đã tận lực nâng đỡ dạy dỗ con bạn rồi mà chúng vẫn không tốt, như vậy thì đối với việc nói trên không nên cầu, vì càng cầu chỉ tăng thêm phiền não, tổn hại thân tâm. Thân tâm cần phải an lạc mới có thể học Phật, mới có thể tu đạo.

Nên dạy con cái biết làm phước, đó mới là việc tạo phước đức nhiều cho con cái. Nếu con cái vốn đã có phước rồi mà càng vun đắp thêm thì sẽ có cảm ứng ngay tức thời. Nếu không có phước thì cần phải vun trồng tích lũy cho nhiều, hạt giống thiện căn phước đức được nhiều thì lúc đi vào đời, làm việc gì cũng thành công.

Hỏi: Con dâu của con không tốt, trong nhà một ngày từ sáng sớm đã có rầm rì cãi nhau, con rất khổ não, vốn lại không có pháp tu hành, có phương pháp nào có thể cải biến được không?

Đáp: Chúng ta là tín đồ Phật giáo cần phải giác ngộ, giác ngộ thì có thể nhìn chính xác, xả bỏ đi tất cả những phiền muộn thì mới được đại tự tại, không cần phải phiền lo việc gia đình. Nếu không lầm, thì nhà nhà đều có kinh điển. Là tín đồ Phật giáo, bạn nên lấy kinh sách mà xem, tùy duyên tiêu nghiệp cũ, không nên vì những việc đó mà quá phiền khổ, nếu không thì làm sao tu hành được? Đương nhiên, trong nhà có quá nhiều phiền não, nhưng nếu bạn dùng trí tuệ quán sát, bạn có thể nhìn chính xác được những việc trong quá khứ hay không? Nói như vậy cũng giống như việc vừng và đậu xanh trộn chung vậy. Cũng tại mình có tâm lượng quá nhỏ nên mới có khổ não, nếu bạn đem tâm lượng mở rộng ra thì thấy không có việc gì.

Tục ngữ có nói: “Nhẫn một lúc, tránh được trăm điều dữ; nhịn một câu, tan thành mây khói; nhường một bước, biển rộng trời cao”. Nhiều sự việc chỉ cần bị người nói một câu hoặc nửa câu đã làm long trời lở đất. Thật ra, không có việc gì là lớn cả, chỉ có người ngu si mới tự chuốc phiền não, cho nên nói: “Thiên hạ vốn không việc, tự mình chuốc ưu phiền”. Nói đi nói lại, đều do mình nghiệp chướng nặng.

Trong một gia đình, mọi người đôi bên nên khen ngợi lẫn nhau, không nên hằng chỉ trích người, nhất là gia đình học Phật, nhất định cần phải tổ chức Phật hóa gia đình. Mọi người lấy quan hệ tương trợ hòa hợp làm quý, mới không phát sinh phiền não. Tại sao học Phật lại có nhiều phiền não? Đương nhiên học Phật là có khả năng tự tại, song bạn lại không đạt đến trí tuệ của Phật, nói đúng hơn là bạn không có thực hành những lời Phật dạy; thì dù bạn tin Phật cũng không đạt được tự tại như Phật.

Đã là người học Phật, không nên giống như người thế gian, cùng người khác cãi cọ, như vậy thì chẳng có tác dụng gì, mà chỉ chuốc thêm khổ não. Học Phật là gia đình phải hòa, vạn việc hưng thịnh. Phật hóa gia đình nhằm mục đích xây dựng gia đình hạnh phúc, sống đúng theo lời Phật dạy. Kinh Vô Lượng Thọ bạn không đọc, Kinh A Di Đà bạn cũng không đọc, chỉ lo đọc kinh khổ, kinh thị phi đấu đá hơn thua, thì làm sao mà không có phiền não?
Thật ra, muốn Phật hóa gia đình, là bạn không nên cùng nhau tranh cãi. Làm trượng phu là phải đặc biệt thương yêu giới nữ, không nên một ngày từ sáng đến chiều chỉ có cãi cọ. Bổn phận làm con là phải hiếu thuận với cha mẹ, bổn phận làm cha mẹ cần phải thương yêu con cái, nhất là bổn phận làm dâu phải biết hiếu thuận với cha mẹ chồng, và làm mẹ chồng cũng phải nên thương yêu dâu con. Thương yêu như thế nào? Nên xem con dâu như con cái trong nhà. Bạn không nên đem tâm phân biệt cô ấy chỉ là dâu, là người ngoài, khác với con cái. Dâu con càng nên xem cha mẹ chồng giống như cha mẹ mình, nếu được như thế, thử hỏi làm sao trong gia đình có khổ não được.

Làm dâu con, bạn nên cảm ơn mẹ chồng. Vì sao? Vì chồng của bạn là nhờ mẹ chồng nuôi dưỡng mới thành, bạn mới có người bạn trăm năm để nương tựa, thì việc khó xả đến đâu cũng có thể xả được. Đem con họ gả cho bạn, mẹ chồng bạn có ân đức lớn đối với bạn vô cùng. Nếu con dâu cung kính mẹ chồng, mẹ chồng đương nhiên sẽ thương yêu lại. Dù sao cũng không được nói: “Bà ấy là mẹ chồng, chứ đâu phải mẹ ruột của tôi!”, nói vậy thì bạn đã lầm rồi đấy! Chẳng những bạn tự chuốc khổ, mà trong nhà bạn cũng khổ theo.

Làm mẹ chồng, nên thương yêu con dâu như chính con mình vậy. Hiện tại, con dâu bạn tuy là người ngoài đến, song cô ấy từ bây giờ cũng đã là người trong một nhà, nên bạn cần phải thương yêu, chở che cho cô ấy. Con dâu hạnh phúc thì con bạn cũng có hạnh phúc; ngược lại, bạn không thương con dâu, dâu khổ thì phải chăng bạn đã tự làm hại con mình? Dâu con tốt, bạn nên tán thán “con dâu tốt, rất tốt”, dâu con không tốt, bạn cũng nên nói tốt, tự nhiên con dâu sẽ nghĩ: “Mẹ chồng mình thật từ bi”, rồi cô ấy sẽ sinh tâm hổ thẹn, sẽ tự sửa đổi lỗi lầm, vì thế cô ấy càng trở nên hiếu thuận. Thế nhưng, con dâu vốn tốt mà bạn nói cô ấy hư đốn, cô ấy sẽ nghĩ: “Mẹ chồng nói mình hư, mình sẽ hư luôn cho bà ấy xem!”, tâm phàm phu đều là như vậy. Thế nên, tự mình phải sửa đổi lỗi trước, mọi việc đầu tiên cần phải ở chính mình.

Hỏi: Mỗi khi con gặp bạn bè nói chuyện Phật pháp, mục đích là hy vọng họ tin Phật, song nói đôi lúc họ không hiểu, mà có khi hiểu rồi, họ cũng không tin thậm chí còn phản đối nữa là khác. Như vậy, đối với hạng người như trên, con nên có biện pháp như thế nào?

Đáp: Những người này có nghiệp chướng quá nặng, bạn nên vì họ mà niệm Phật A Di Đà, Quán Thế Âm Bồ Tát, cầu Phật và Bồ tát gia hộ cho nghiệp chướng của họ được tiêu trừ, khiến cho họ khai mở trí tuệ, tiếp thọ Phật pháp, tu học Phật pháp, tương lai làm lợi ích cho tất cả mọi người. Bạn cũng nên vì họ mà hành Bồ tát đạo, lấy công đức niệm thánh hiệu của bạn mà rộng bố thí cho tất cả chúng sinh. Đó là lấy một câu A Di Đà Phật mà niệm, rồi hồi hướng cho hết thảy chúng sinh, vì câu A Di Đà Phật vốn đầy đủ vô lượng công đức vô lậu. Theo phương diện hành Bồ tát đạo, bố thí là thiết yếu. Vì sao? Vì “chưa thành Phật đạo, trước nên gieo kết nhân duyên”, cùng mọi người rộng kết nhân duyên thì khi chúng ta nói, họ mới chịu nghe. Không kết duyên, tuy bạn có nói tốt như thế nào đi nữa, họ cũng không thể nghe thấy được. Đương nhiên, đối với người có trí tuệ chân chính, bạn chỉ cần nói lời chân lý, lời nói tốt, chẳng những họ sẽ nghe, sẽ phục tùng mà còn khởi tâm cung kính nữa là khác.

Vì vậy, chúng ta mới nên bố thí cho nhiều, tự mình bồi đắp phước đức trước, sau giúp người bồi đắp phước đức là việc tốt nhất. Chúng ta có thể lấy pháp thanh tịnh, pháp vô lậu hồi hướng cho tất cả chúng sinh, đó gọi là bố thí có công đức rộng lớn. Bố thí pháp là việc dễ làm, chỉ cần chúng ta chí tâm xưng niệm một câu Phật hiệu bố thí cho người, đó là một loại pháp thí. Nếu không có phước, không giàu sang, mà muốn bố thí tài thì khó, song thân thể nếu có sức khỏe, vì người hiến công hiến sức, vì người mà đỡ đành, đó gọi là thân làm tài thí, cũng được gọi là bố thí nội tài.

Hỏi: Nhà Phật cường điệu hành Bồ tát đạo cần phải bố thí, người đệ tử tại gia nên bố thí như thế nào mới tốt, mới lớn?

Đáp: Đó cũng là việc mà nhiều người muốn hỏi. Kỳ thực, việc tạo được công đức lớn là việc có thật, quan trọng để đạt được nó là phải bố thí đúng lúc, đúng vào lúc người ta cần mà bạn bố thí, thì công đức đó thật sự to lớn. Lúc người ta cần thiết bạn có thể cung cấp cho mọi người, mọi người sẽ rất cảm ơn bạn. Lúc người ta không cần, bạn có cần thiết cho họ không? Ví dụ lúc mọi người đang khát nước mà bạn lại cho ăn, đương nhiên người ta sẽ không ăn rồi! Ăn dĩ nhiên là tốt, song lúc người ta khát nước thì phải bố thí nước mới hợp; mọi người đang đói mà bố thí nước là không đúng lúc, bố thí cơm mới thật cần thiết.

Cũng như vậy, chúng ta là đệ tử Phật, cúng dường Tam Bảo cũng cần phải hợp thời. Hợp thời là gì? Là lúc nào cần cái gì thì cúng dường cái đó. Đương nhiên, nếu bạn không đủ khả năng, dù tâm có muốn cũng không làm được. Bình thường, tín đồ Phật tử thường nghĩ: “Cúng dường tượng Phật có công đức lớn”, cho nên đều đua nhau cúng tượng Phật. Cúng tượng Phật tất nhiên là công đức lớn, có thể được quả báo tướng tốt viên mãn, thân tâm an kiện, mọi người thấy đều sinh tâm hoan hỷ. Nhưng, nếu không có đạo tràng thì cúng tượng Phật để ở đâu? Nói như vậy, đạo tràng là yếu tố rất quan trọng, phải có đạo tràng mới có nơi để đặt tượng Phật mà lễ lạy, công phu.

Song, có đạo tràng rồi mà không có người đến trụ trì thì đạo tràng đâu có gì là hữu dụng. Con người là linh hồn của đạo tràng, có thể xem con người là quan trọng nhất. Có Phật lại cần có pháp, có pháp phải cần có người để hoằng dương, có người tán thán. Y theo đây mà nói thì cúng dường cho chư Tăng cũng rất quan trọng.

Chúng ta hiện đang ở trung gian của thời mạt pháp, đây là một mối nạn trong tám nạn lớn. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã diệt độ, đức Phật Di Lặc vẫn chưa ra đời, chúng ta giống như những đứa trẻ cô nhi đang lạc loài vậy, tại sao lại không chịu hoằng dương? Phật pháp tự mình không thể hoằng dương, cũng không thể tuyên dương. Việc đó hoàn toàn phải trông cậy vào chư Tăng. Cho nên nói, Tăng có thể hoằng đạo, Tăng có thể đảm trách gánh vác gia nghiệp của Như Lai, nhất là hiện tại Tăng bảo rất khiếm khuyết, nên chúng ta phải kính trọng Phật pháp, đặc biệt cần gìn giữ Tăng già, cúng dường Tăng, ủng hộ cho Tăng.

Nói đến việc cúng Tăng, không chỉ nói cúng dường hoa quả, tiền tài mà thôi, việc cúng dường ở đây tôi muốn nói là cái gì? Đó là các bạn đem con cái của các bạn đến chùa, theo các trưởng lão xuất gia, tương lai họ làm đại pháp sư, đảm đang gia nghiệp của Như Lai, rộng độ tất cả chúng sinh. Đó mới thật sự là cúng dường Tăng.

Nói rõ ràng hơn, nếu trong nhà các bạn có thanh niên trai tráng, nên khuyến khích họ xuất gia tu hành, đem công đức đó hồi hướng Tây phương, tương lai bạn có thể đồng được sinh Tây phương, đúng với kỳ vọng của đức Phật. Không có khổ vì thương yêu xa lìa, chỉ thọ vô lượng an lạc, không còn những sự tai ương nữa. Vào thời này mà không lo tu đạo bố thí, một khi ra đi rồi biết có gặp được hội chúng không?

Tôi thường nghĩ đến những người ngu, tiền của dư thừa mà không bố thí. Tiền của vĩnh viễn có ở bên mình hay không? Có tiền mà không bố thí thì có được hạnh phúc chân thật hay không? Có người không bố thí mà xuất gia tu hành, người này có phước không? Vì tình cảm mà tụ tập trong một nhà, oan uổng hoang phí cả một đời, sau cùng gặp vua Diêm La, dù cho có sống được 100 tuổi rồi thì cũng phải chết.

Người thông minh, đã có phước lại gặp được Tam Bảo, sao lại không đem thân cúng dường Tam Bảo, tự mình cùng người đồng được giải thoát, đó là việc tốt tại sao không làm!

Hỏi: Cúng dường cho phàm phu Tăng có công đức hay không?

Đáp: Cao Tăng truyện có chép: “Một lần nọ, Đường Thái Tông hỏi Đại sư Huyền Trang: “Cúng dường cho phàm phu Tăng có thể cầu được phước hay không?”. Huyền Trang Đại Sư đáp: “Có”, rồi nói bài kệ: “Rồng đất tuy không thể làm mưa, nhưng muốn cầu mưa phải tế rồng đất; phàm Tăng tuy không thể ban phước, nhưng muốn cầu phước tất phải cúng phàm Tăng”. Ýù bạn muốn nói cúng dường phàm phu thì cầu được phước gì hay không? Thật ra, phàm Tăng không phải là La Hán, song họ có 250 giới, có ba y khoác ở thân, đó là những thứ được trời người cung kính cúng dường, cầu đại phước báo.

Vì phàm phu Tăng chưa chứng quả A La Hán, vẫn còn tam độc tham, sân, si. Song tuy họ còn tam độc, nhưng không dám tạo sát, đạo, dâm. Vì sao lại không dám? Vì có giới luật. Họ biết phạm giới là hại người, mà hại người thì tự mình không được giải thoát, cho đến hủy hoại chúng giới. Phàm phu Tăng vì có công đức của trì giới, cho nên nhận thọ cúng dường của trời người, khiến người cúng dường được phước, do phước duyên đó có thể nhập vào đạo giải thoát.

Như lúc gặp trời hạn hán cầu mưa, muốn cầu Long Vương mưa xuống, thì phải đốt hương lễ lạy, trét bùn lên rồng, có tạo cảnh giả mới có thể khởi được thành tâm. Đó là điểm cần phải hiểu rõ. Người xưa có cách xử sự không như phàm phu chúng ta.

Hỏi: Bình thường người ta cho rằng, người xuất gia đối với thế gian là vô trách nhiệm. Nếu mọi người đều xuất gia hết, thì khổ não của gia đình làm sao đây, như vậy là không hợp lý rồi?

Đáp: Suy nghĩ nói ra như thế đều là của phàm phu phàm tình. Bạn nói: “Tôi xuất gia rồi, người trong nhà có làm họ hết thọ khổ không?”. Bạn cho rằng nếu bạn ở nhà thì họ không có khổ, có đúng như vậy không? Nói đúng hơn là bạn ở nhà thì họ cũng làm cho bạn khổ, bạn có tin không?

Tại sao Quán Thế Âm Bồ Tát lại lái thuyền từ, Thích Ca Mâu Ni Phật tám nghìn đời trở lại thế giới này? Như vậy, bạn sợ không có người cứu họ hay sao? Nghìn Phật, vạn Phật đều đến thuyết pháp, đến để độ chúng sinh! Lão Hòa thượng không nói pháp thì cũng có người khác nói pháp. Bạn nên phát tâm xuất gia và người nhà có thể nhờ vào công đức xuất gia của bạn mà được vạn sự bình an.

Hỏi: Phát tâm xuất gia có cần xem nhân duyên hay không?

Đáp: Đương nhiên là phải xem nhân duyên rồi. Phật pháp giảng vạn pháp do nhân duyên mà có, song nhân duyên do người tạo, tất cả đều do tâm. Nhân duyên không phải do tự nhiên mà có, không phải như ôm cây đợi thỏ mà thỏ có thể đến trong tay. Nếu bạn thực tâm muốn xuất gia, ngay nơi đó đã có thể tăng phước. Khi xưa, bậc đại trượng phu nghe đạo có thể có đầy đủ khả năng để thực hành; ngày nay, chúng ta nghe đạo lại chưa chịu thực hành, vậy phải đợi đến khi nào?

Hỏi: Nếu mọi người đều theo Hòa thượng xuất gia thì thế giới đây đâu còn người nữa?

Đáp: Xin nói với bạn, nếu mọi người đều xuất gia giống như tôi đây, thì thế giới này có biến thành thế giới thanh tịnh không? Khi đó, chúng ta không cần phải cầu sinh Tây phương làm gì, bởi ngay thế giới này trở thành cõi Tịnh độ rồi, vì mọi người đều tu phạm hạnh. Tu phạm hạnh cái gì? Là không có kết hôn mà tu hành thanh tịnh, đến lúc đó, con người đều sinh từ hoa sen. Như vậy, bạn còn sợ thế giới này không còn người hay sao? Thế giới này có còn khổ đau hay không? Như ở nhà giam, có người đến đó nói pháp khiến cho tù nhân xuất gia hết, nhà giam không còn một ai, lúc đó bạn muốn nhà giam đầy người có được không? Đó là cả một vấn đề.

Nói đến việc kết hôn, thuận tiện tôi nói cho quý vị biết, đã kết hôn là trở nên mê, không có biện pháp cải đổi, duy chỉ có người đại truợng phu mới có thể cải đổi. Thanh niên không kết hôn, họ không có phiền não, không có sự trói buộc, tự người đó rất có tự tại, giải thoát. Nếu đã kết hôn rồi, muốn tham gia Phật thất thì ông lại hỏi bà, bà lại hỏi ông. Được đến tham dự Phật thất là cả một vấn đề. Hai người một khi đã kết hôn rồi thì có rất nhiều việc, mà có nhiều việc thì có nhiều phiền não.

Hồi xưa, con gái lớn lên đương nhiên là phải lấy chồng, nương tựa vào chồng mà sinh sống. Hiện tại thì khác, người nữ đều sinh hoạt độc lập, việc gì bạn phải kết hôn để tìm phiền não? Với những thanh niên tốt, tinh thần không có nơi gởi gắm, không tin Phật thì đương nhiên kết hôn là chuyện thường tình. Song nếu tin Phật, có nơi nương tựa cho tinh thần rồi, thế tại sao không sớm quay về nhà? Về nhà, mà nhà ở đâu? Đó là nhà Phật pháp. Vào trong nhà Phật pháp, đem sức mạnh tinh thần mà cống hiến cho thế gian, như vậy đời người mới thật có ý nghĩa.

Con người là linh hồn của vạn vật. Kết hôn rồi, nhiều lắm là cũng chỉ vì một người, hai người, đời người là như vậy phải không? Sống thế thì không có ý nghĩa chút nào. Con người từ lúc lọt lòng mẹ, lớn lên đi học tiểu học, trung học rồi đại học, khó nhọc hơn 20 năm trường mới thành tựu sự nghiệp, vậy mà suốt cả cuộc đời đi hôm về sớm, chỉ lại vì một ông (bà). Khi kết hôn, nếu gặp đối tượng tử tế thì tốt, không tử tế thì phải ly hôn, từ yêu thương biến thành thù hận. Như vậy làm sao mà nói đây? Đó là tự mình đi tìm phiền não, tìm khổ.

Kết hôn là tự tìm khổ, mọi người nên chuyển ý niệm đó mà sớm tự tu độ người, được vậy rất tốt. Đối với phàm phu lấy khổ làm vui, cái vui của an lạc, của thanh tịnh thì khổ đau thế gian làm sao sánh kịp.

Đứng theo quan niệm thế gian, đã là vợ chồng thì ai lại không hy vọng sống hạnh phúc đến ngày răng long đầu bạc. Nhưng đều đáng sợ nhất là đồng sàng dị mộng, một ngày bắt đầu từ sớm đã có sự cãi cọ, giống như oan gia vậy. Kỳ thật quan hệ vợ chồng là oan gia, đó là mối nợ từ nhiều kiếp. Nói như vậy có sai không? Có hiểu được pháp thế gian không? Có người nói rằng: “Người xuất gia từ lúc nhỏ thì làm sao có thể hiểu được pháp thế gian?”. Thật ra, chính họ mới là người không hiểu được. Bạn đem Kinh Vô Lượng Thọ mở ra mà xem, quyển hạ toàn là nói đến pháp thế gian. Người thế gian thật đáng thương xót!

Hỏi: Như lão Hòa thượng đã nói quả quyết vừa qua, xuất gia mới có thể liễu sinh thoát tử, vãng sinh thế giới Cực lạc. Con hiện tại đã có gia đình, muốn xuất gia tu hành lại gặp rất nhiều chướng ngại, vì con đã gieo oan kết vợ chồng không thể giải trừ, vậy phải làm sao đây?

Đáp: Biện pháp có rất nhiều, chứ sao lại không có. Đại trượng phu thì có biện pháp, ngược lại phàm phu thì không. Oan kết đương nhiên dùng tay không thể mở được, bạn nên dùng kéo, dùng kéo không được thì dùng đến gươm, có gì là khó đâu. Căn bản là bạn có quyết tâm hay không. Tình cảm là mối nợ oan gia từ nhiều đời, là căn bản trói buộc con người, bạn phải quyết tâm mở nó ra. Hiếu kính với cha mẹ, giáo dục con cái tốt, thời thời tán thán người xuất gia học Phật, đến một lúc nào đó, tự dưng con cái bạn sẽ cho bạn xuất gia tu hành, đó là lúc bạn đã đầy đủ nhân duyên. Hy vọng bạn phải hạ quyết tâm.

Có câu: “Một người xuất gia, chín họ được siêu thăng”. Chỉ có chín họ siêu thăng thôi sao? Bạn xem đức Phật Thích Ca một mình xuất gia thành đạo, đến nay đã gần 3000 năm, toàn bộ năm châu đều có Phật pháp. Thế giới mong muốn hòa bình đều nên tin Phật pháp, chỉ khi nào mọi người tin Phật, học Phật thì lúc đó mới có hy vọng được. Không tin Phật thì càng đấu tranh lại càng hăng say, như vậy làm sao có hòa bình khi mà mọi người không có một chút nhẫn nhục! Muốn thế giới hòa bình đương nhiên phải có biện pháp, chỉ cần khéo dùng biện pháp là tốt. Thế gian không có gì việc gì là không có lỗi lầm. Nếu bạn dùng ác pháp thì tự chuốc phiền não. Mọi người đấu tranh, cuối cùng đều đi đến chỗ diệt tận.

Hỏi: Tự mình không xuất gia được thì nên làm sao đây?

Đáp: Hiện tại mọi người niệm Phật, đó là biện pháp xuất gia rất tốt. Vì sao phải niệm Phật? Bình thường chúng ta hay nói: “Vì đạo Bồ đề cầu sinh Tây phương, nên thiết thực phải xuất gia”. Xuất gia có hai loại: thứ nhất là cạo đầu đắp y, chỉ ra khỏi nhà thế tục mà thôi, giống như tôi đây vậy; thứ hai là hạng xuất gia tối cao vô thượng, còn gọi là ra khỏi nhà sinh tử, ra khỏi nhà chín giới. Giống như chúng ta có tín, nguyện lại có niệm Phật, ba tư lương tín, nguyện, hạnh đầy đủ thì lúc mãn báo thân này, sẽ đồng sinh về thế giới Cực lạc. Đó là việc cứu cánh ra khỏi nhà tam giới; hoa nở thấy Phật, thành Phật đạo, đó là ra khỏi nhà chín giới, đạt đến địa vị Phật thì cứu cánh đã viên mãn.

Mọi người nếu có tín, nguyện, lại có công phu niệm Phật, việc sinh về Tây phương nhất định vạn người tu vạn người đều được, đó là việc không thể dối người. Đức Phật nói pháp cứu cánh đều viên mãn, xem bạn có thể thực hành tốt hay không, bạn thực hành không tốt đương nhiên là không thể thành tựu. Thực hành tốt thì vạn người tu vạn người sẽ được vãng sinh Tây Phương, điều này không phải là không có thật, mà là do bạn thực hành không được tốt. Ví như người nấu cơm, nếu không nấu đúng theo phương pháp thì cơm sẽ không ngon; người không biết quét nhà thì nhà sẽ không sạch, nếu quét đúng phương pháp thì nhà sao lại không sạch!

Đạo lý niệm Phật cũng như vậy, pháp xuất thế gian hay pháp thế gian, nếu học đều phải dụng tâm cần mẫn mà làm, làm được thì vui, không làm được tất sinh phiền não, thậm chí lòng lại không cam chịu, giống như đem trâu cho uống nước vậy. Bạn một mặt tu hành, mặt khác tâm lại tham luyến trần thế, như vậy việc tu hành sẽ khổ, vì tâm bạn không thể nhập đạo đặng, lại để ý đến thế gian. Nếu vậy làm sao ra khỏi thế gian, làm sao sinh về Tây phương được?

Định luật nhân quả rất rõ ràng, bạn đã hiểu chưa?
Một lần nữa, xin nói với bạn rằng, niệm Phật cầu sinh Tây phương là chân chính xuất gia. Xuất tam giới gia, có thể thoát lục đạo luân hồi, cho đến có thể thành Phật, người người có thể thực hành niệm Phật. Pháp môn Tịnh độ khắp nhiếp ba căn, già trẻ, ngu dốt hay thông minh đều có thể tu, nam nữ đều có thể dự phần. Cạo đầu đắp y xuất gia chỉ là mới ra khỏi nhà thế tục nhưng vẫn còn ở trong tam giới, đời sống vẫn còn thọ khổ. Vì thế giới khổ nên phải tu, không tu tất nhiên vẫn còn bị đọa lạc. Hy vọng quý vị phát tâm tu!

Niệm Phật thì ai ai cũng có thể niệm được, tin Phật, học Phật ai ai cũng có thể tin, có thể học. Song việc xuất gia không là phải là việc dễ mà ai ai cũng có thể làm được. Trong giới luật Phật có chế, lục căn phải đầy đủ, ngũ quan (tai, mắt, miệng, lưỡi, tim) phải đoan chính, thân thể phải tráng kiện, trí não phải nhanh nhạy, lại phải có đạo tâm… đầy đủ các điều kiện trên mới có thể xuất gia. Nếu không thì bạn xuất gia chẳng những không làm cho Phật pháp hưng long, mà còn làm cho Phật pháp bại hoại, xuất gia như thế thật là oan uổng.

Sau khi xuất gia, cùng Phật, Pháp hợp thành Tam Bảo. Bạn trở thành thầy của trời người, thay thế Phật chuyển pháp luân, thay thế Phật để hóa độ chúng sinh. Cho nên các bạn cần phải ủng hộ Tăng bảo, vì hai loại Phật, Pháp bảo nhất định cần phải có Tăng bảo hoằng dương.

Hiện tại, người xuất gia rất ít, tín chúng lại nhiều. Năm châu rộng lớn, người thì nhiều, Tăng già nếu không nhiều thì làm sao có đủ khả năng gìn giữ Phật pháp? Giống như tôi đây, nếu có thể phân thân ra, việc làm cũng không thể hết. Ở Đài Loan có chùa Linh Nham, rồi có chùa ở ngoại quốc, có rất nhiều việc chờ đợi tôi làm, trong đó Đài Loan là gốc, vì ở Đài Loan mới có người xuất gia, cho nên quan trọng hơn cả. Người ngoại quốc phát tâm xuất gia rất ít, chỉ trông cậy vào trong nước.

Muốn có người thành đạo thì phải đào tạo nhân tài. Đương nhiên, phải có vật liệu mới có thể xây dựng được, không có vật liệu làm sao có thể kiến tạo được nhân tài? Chúng ta muốn con cái xuất gia, trước tiên phải giáo dục chúng cho tốt. Quá khứ có một quan niệm sai lầm rằng, đưa con cháu vào chùa xuất gia lúc còn nhỏ chúng sẽ không nghịch ngợm, những đứa không ra gì thì cho nó vào chùa. Như vậy, Phật pháp làm sao không hoại diệt.

Người xưa có câu: “Hảo hán không dùng binh, sắt tốt không làm kim”. Đó là một quan niệm rất sai lầm. Phải nói ngược lại là: “Hảo hán dùng binh, sắt tốt làm kim”, có như thế mới đánh thắng trận, làm kim mới tốt. Bạn xem làm rường cột mà lấy sắt non thì rất nguy hiểm. Vì vậy, chúng xuất gia thay thế Phật chuyển pháp luân cũng phải có chất liệu tốt. Cho nên, Tăng vững chắc chẳng những tuyển chọn người có năng lực, dù phải có thầy lành dạy dỗ, thiện hữu tương trợ, nhưng còn phải có đạo tràng quy củ để tham học.
Tôi nói như vậy các bạn nghe rồi lại sợ, biết mình không thể hành được. Đừng có sợ: “Tướng lĩnh vốn không nhờ dòng giống, nam nhi nhờ tự lực".
Nghe câu nói đó rồi, có một số người nữ sẽ cho rằng: “Hòa thượng nói việc đó là của nam nhi, chúng ta là con gái thì không có phần rồi!”, nghĩ như vậy là không đúng. Cổ nhân có câu nói rằng: “Trong nữ có trượng phu”, nữ nhi có khí tiết của nam nhi, có dũng cảm, nhưng nếu bạn đã là trượng phu đương nhiên không có khí tiết của nữ nhi.

Hỏi: Chúng con tham dự Phật thất tại chùa Trang Nghiêm ở Mỹ quốc, được Hòa thượng cùng các vị sư phụ cưu mang dạy dỗ. Song, sau khi về nhà rồi, lại hành động theo quán tính, con nên làm sao đây?

Đáp: Do vậy tôi mới khuyến khích mọi người xuất gia, đó là một đạo lý. Vì nơi đất Mỹ này có quá ít người xuất gia nên tôi mới trở về Đài Loan, vì còn người để độ. Vì vậy, các bạn nên phát tâm xuất gia, đó gọi là “làm đất để giữ nhân tài”.

Cư sĩ Thẩm (Thẩm Gia Trinh) xây dựng đạo tràng này, chẳng qua là một đạo tràng chỉ có cái xác, không có người trụ trì thì làm sao hoạt động. Nhân tài là linh hồn của đạo tràng, cho nên tôi khuyến khích mọi người xuất gia. Các bạn đều là những thanh niên tốt, các bạn không xuất gia thì ở thế gian làm gì? Ở thế gian, các bạn tu thiện thì khó mà ra khỏi cảnh khổ của tam giới. Xuất gia có thể tự lợi, lợi tha, liễu thoát sinh tử, cớ sao lại không làm.

Mỗi lần tôi nhìn các bạn thì lòng cảm thấy thương xót, muốn đưa các bạn về chùa Linh Nham ở Đài Loan tu. Tu khoảng tám năm sau rồi trở lại hóa độ cho người Mỹ, đó cũng là hoài bão của tôi muốn độ cho 200 vạn người xuất gia ở đại lục, từ đại lục lại tiếp tục hóa độ khắp các nước trên năm châu. Trước tiên là hóa độ Hoa kiều ở Mỹ, sau đó Hoa kiều ở các nước khác. Hiểu rõ được nền văn hóa của họ khiến cho họ có thể độ cho người ngoại quốc, tương lai trên năm châu đều có Phật pháp, thì chiến tranh có còn hay không? Không còn chiến tranh! Vì vậy, muốn thế giới hòa bình thì ngoài việc mọi người tu Phật ra, không còn một điều kiện thứ hai nào khác.

Mọi người nên nương theo Phật pháp tu trì, nỗ lực hoằng dương chánh pháp. Theo Hòa thượng về chùa Linh Nham, mười năm sau các bạn có thể trở lại độ chúng sinh, trở lại độ thoát cho cha mẹ anh em bạn! Nếu không thì họ sẽ mãi mãi chìm đắm trong sinh tử, không lẽ bạn nhẫn tâm không cứu độ mọi người sao?

Hỏi: Sau khi đả thất xong về nhà, con nên tu hành như thế nào?

Đáp: Đã tham dự bảy ngày đả thất, mọi người đã học qua phương pháp niệm Phật, trở về nhà nên dụng công giống như ở chùa Linh Nham. Nghĩa là buổi sáng khoảng 2 giờ 45 phút thức dậy, 3 giờ 15 phút tiến hành khóa lễ sáng. Vậy thì, bạn trở về nhà có thể thực hành như vậy không? Ở tại nhà dụng công, bạn không thể cùng mọi người thức dậy một lần, đa số các bà nội trợ luôn phải bận rộn với những công việc gia đình nên họ có thể thức dậy bất kỳ lúc nào; còn bạn, bạn nên luôn luôn thức trước một giờ so với người nhà.

Ban đầu bạn tập thức sớm hơn nửa tiếng, tập luyện dần dần, nung đúc sau đó tăng lên một tiếng, cũng có thể hai tiếng thì càng tốt. Đó là khoảng thời gian để bạn thức dậy đánh răng, chải đầu, chỉnh lý y phục, sau đó mới bắt đầu khóa lễ sáng. Xem kinh, bạn có thể dành nửa tiếng để đọc kinh, nửa tiếng lạy Phật. Về sau tiến bộ thêm thì dành một tiếng xem kinh và một tiếng lạy Phật càng tốt.

Nếu bạn lạy Phật mà ba nghiệp thân, khẩu, ý đều tinh tấn thì sẽ trừ được tội chướng, lại tăng phước huệ, là phương tiện thẳng tắt, là phương pháp tối an ổn. Mỗi ngày tối thiểu bạn phải lạy được 108 lạy, thực hành lâu ngày, thân thể nhất định sẽ tráng kiện, tội chướng sẽ tiêu trừ, phước huệ tăng trưởng, cho đến liễu sinh thoát tử, chứng thành Phật đạo. Đây là công phu rất cơ bản, không thực hành sẽ không có hy vọng.

Buổi sáng, ban đầu có thể tụng phẩm Phổ Môn, lạy Quán Thế Âm Bồ Tát. Về sau quen rồi, tùy theo thời gian mà bạn có thể gia tăng thời khóa, có thể đọc thêm chú Đại Bi 7 biến hoặc 14 biến, rồi 21 biến, công phu lâu dài tự nhiên sẽ có tiến bộ. Nếu có khả năng tụng thêm một quyển Kinh Vô Lượng Thọ hoặc Kinh Kim Cang, Bát Nhã Tâm Kinh cũng được. Như vậy, khóa lễ sáng nên tụng phẩm Phổ Môn, chú Đại Bi, Tâm Kinh hoặc Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Kim Cang, lại lễ Phật niệm Quan Thế Âm Bồ Tát là rất tốt. Người có hoàn cảnh tốt nên thiết lập một bàn thờ Phật, nhưng nếu hoàn cảnh không cho phép thì làm sao đây? Bình thường có thể dùng vải trải ra rồi để kinh sách, tượng Phật lên. Đến thời khóa, Thánh tượng và kinh sách sắp đặt lên một cái bàn, rồi một ly nước trong. Nếu hoàn cảnh cho phép, nhất định phải thiết lập bàn thờ, có đèn càng tốt. Mỗi ngày nên có nước, hoa quả. Nếu mỗi ngày không thể được, thì nên cúng vào ngày mùng 1 và 15. Ngoài việc cúng Phật, nên hiếu kính cha mẹ, thương yêu con cái, không nên hoang phí tiền bạc, hơn nữa khi dùng vật cúng thì nên cúng hoa quả, tự mình cầu phước huệ.

Khóa chiều nên làm như thế nào? Dùng cơm chiều xong, tắm rửa sạch sẽ, người bình thường hay xem tivi, và vì mê xem tivi nên xem mất hết hai, ba tiếng. Song, người học Phật với người thế tục khác nhau. Bạn không nên xem tivi, vì xem tivi đòi hỏi có nhiều thời gian, thay vì thời gian đó bạn nên xem Kinh A Di Đà, niệm Phật. Sơ bộ có thể thực hành như vậy là rất tốt.

Buổi chiều đọc Kinh A Di Đà, một khi thành thục rồi, muốn hạnh nghiệp tăng tiến, bạn có thể đọc thêm Kinh Vô Lượng Thọ hoặc phẩm Hạnh nguyện Phổ Hiền. Thực hành một thời gian lâu dài, công phu có tiến bộ, có thể đọc thêm Tịnh độ ngũ kinh càng tốt, chẳng những giúp cho bạn có tín, hạnh, nguyện kiên cố mà việc vãng sinh nhất định sẽ có phần.

Nếu mọi người ngồi xem Tivi, làm cho tâm không an tịnh. Tốt nhất, trước tiên bạn nên vào một gian phòng nào đó ngồi tĩnh tọa cho tinh thần an tịnh, đến lúc họ xem Tivi xong, đi ngủ rồi, thì lúc đó bạn mới xem kinh, lạy Phật trong một thời gian ngắn, sau đó bạn mới đi ngủ. Hành trì như vậy, lúc ngủ sẽ rất an ổn, bệnh hoạn rất dễ tiêu trừ, tinh thần khôi phục. Các bạn về nhà nên y theo đó mà tu hành, không nên đả thất rồi, về nhà tất cả đều phóng hạ, như vậy là “một ngày ấm, mười ngày lạnh”. Vậy, tuy tinh tấn cũng không tạo được kết quả, vì “dù nóng cũng thành lạnh”. Bạn đừng sợ mình không tinh tấn, chỉ cần bạn có thể giữ gìn công phu một năm 365 ngày đừng cho gián đoạn. “Vì giọt nước nhỏ lâu có thể xuyên thủng đá”, cho nên cái quý của người dụng công là phải thường hằng, có tâm hướng về Phật thất là tốt. Bình thường, nên chú trọng dụng công, đến lúc tham dự Phật thất cùng đại chúng đồng tu lại càng tinh tấn, tu học càng sung mãn.

Về nhà công phu, phải giữ hơi nóng, giống như cơm chín rồi phải giữ hơi nóng, không muốn sử dụng liền có thể tùy thời ăn được. Vì vậy, trở về nhà không nên giải đãi, phải nỗ lực dụng công. Chỉ cần bạn y theo trên mà thực hành thì quyết định vãng sinh sẽ có phần. Bạn nghe tôi rồi y theo đó mà làm, nếu không thể vãng sinh, thì tôi tìm bạn, mang bạn theo, song bạn phải thực hành, không y theo đó thực hành thì tôi không đến tìm bạn, đó là đại nguyện của tôi.

Hỏi: Chúng con là Phật tử tại gia, nên xem kinh gì là tốt, và nên xem như thế nào?

Đáp: Đương nhiên, xem kinh gì thì cũng có thể được, song nếu bạn hỏi tôi, theo tôi tốt nhất là bạn nên xem Kinh Vô Lượng Thọ. Kinh Vô Lượng Thọ là kinh chuyên giảng về pháp môn Tịnh độ niệm Phật, cùng với Kinh A Di Đà là cùng một hệ thống. Kinh A Di Đà là hình ảnh thu gọn cương yếu của Kinh Vô Lượng Thọ. Đọc Kinh Vô Lượng Thọ thì bạn có thể hiểu rõ ý nghĩa của Kinh A Di Đà, không đọc Kinh Vô Lượng Thọ thì có rất nhiều nội dung trong Kinh A Di Đà bạn sẽ không hiểu được.

Kinh Vô Lượng Thọ có hai quyển. Quyển thượng nói về nguyên nhân tại sao Phật A Di Đà phát tâm độ chúng sinh và đã thành tựu quốc độ Tây phương như thế nào? Vì sao phải thành tựu quốc Tây phương? Quyển hạ nói về pháp nhân gian, giảng về nguyên nhân tại sao cha mẹ, anh em, mọi người lại hiện hữu trên thế giới này. Xem kinh đó, trí tuệ bạn có thể sẽ khai mở, trí huệ phát sinh thì bạn có thể đoạn ác tu thiện, cho đến cảm ứng quả Phật.

Ban đầu xem một quyển bạn có thể chia làm 3 lần, xem thành thục rồi, buổi sáng xem một quyển, song khoảng thời gian xem không vượt quá một giờ.

Lúc xem, nên xem như thế nào? Lấy tâm chí thành xem từng câu, từng chữ rõ ràng. Ban đầu không cần phân biệt ý nghĩa của văn tự, đọc kinh là đang tu. Lúc đọc không nên dụng phàm tình, không cần phải tư duy ý nghĩa của văn kinh. Đừng cho tâm suy nghĩ, cứ chánh trực đọc là tốt. Xem kinh như vậy thì có thể tiêu trừ nghiệp chướng, tăng phước tuệ. Muốn hiểu rõ văn kinh, nên xem chú giải của kinh. Chú giải xem không hiểu, thì phải thân cận thiện hữu tri thức hỏi cho hiểu.

Hỏi: Tụng kinh không phải dụng tâm suy nghĩ, không cần phân biệt chữ nghĩa. Nếu tụng Kinh A Di Đà, lúc đọc kệ tán Phật, phải quán tưởng cảnh tượng huyễn tưởng thế giới Cực lạc. Như vậy, làm sao quán tưởng niệm Phật được?

Đáp: Thật ra, thế giới Cực Lạc xác thực là có, thật có Phật A Di Đà. Nếu bạn thật sự muốn quán tưởng thì phải quán niệm cho chính xác. Đọc 16 phép quán trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ thì sẽ rõ. Quán tưởng không phải là huyễn tưởng. Nếu bạn có một chút tâm tham phàm tình để quán tưởng thì đó là huyễn tưởng, là vọng tưởng hư vô. Vì vậy, tụng kinh phải lấy tâm không suy nghĩ mà tụng, đương nhiên tùy theo văn kinh mà cũng có thể nhập để quán, dựa trên văn kinh mà trực tiếp nhập quán, chỉ suy nghĩ theo văn kinh, không suy nghĩ một nghĩa lý gì khác. Quán tưởng lấy tâm chí thành mà quán, có tâm chí thành, chẳng những 16 pháp quán của kinh có thể đọc được rõ ràng mà còn có thể hiểu rõ được văn kinh, lại không quán tưởng sai, quán tưởng sai thì rơi vào đường ma, gặp ma quỷ. Trong kinh có nói, dựa theo văn kinh mà quán tưởng mới là chánh quán, lìa kinh mà quán đều là tà quán.

Theo tôi, tốt nhất bạn nên trì danh niệm Phật là an ổn nhất, không thì biến khéo thành vụng. Vậy, nên đem 16 pháp quán mà đọc cho thành thục, nghĩa kinh thông đạt rồi, thì cũng có thể dựa theo kinh mà quán.

Hỏi: Bàn về vấn đề xem kinh, kinh nói chỉ là cảnh giới của kinh, nhưng sao con lại không chứng được cảnh giới đó?

Đáp: Đó là điều đương nhiên rồi. Chúng ta không thể hoàn toàn biết được, nhưng bạn có thể hiểu được một, hai câu kinh, y theo đó thực hành, đó là đã thọ dụng. Xem kinh mà bạn hiểu, có thể giúp bạn đầy đủ tín tâm niệm A Di Đà Phật. Chí thành hoan hỷ mà niệm, như vậy là đúng, như vậy mới hợp với nguyện lực của đức Phật.

Hỏi: Con có rất nhiều bạn bè muốn học Phật, đối với những người sơ cơ học Phật, Hòa thượng có gì để nhắc nhở chỉ giáo cho họ hay không?

Đáp: Con người có ba hạng là thượng, trung và hạ. Nhìn chung, cả ba hạng người này đều có chung một đặc điểm là phàm phu. Đối với người bậc hạ, muốn độ họ thì không được dễ dàng. Người thượng căn họ có thể tự độ. Bình thường, hay độ người trung căn. Người trung căn, tất cả đều tùy trước nhân duyên mà chuyển, chỉ cần họ nghe giảng Phật pháp thì sẽ tiếp thọ, cho nên thân cận thầy lành, bạn tốt, đạo tràng là việc tất yếu.

Phật pháp là gì? Là tâm pháp. Mỗi người đều có tâm, “tâm tức Phật”. Thực ra, người người đều là Phật, vị lai sẽ thành Phật. Tâm chúng ta có “vạn năng”, nhất định có thể tu thành “vạn đức trang nghiêm”, đại từ đại bi như Phật. Cho nên, tu Phật đạo nhất định có thể thành Phật. Bạn xem Phật pháp rất tốt, rất cao, rất huyền diệu, người người đều có thể thực hành, nhưng chỉ do chúng ta mê lầm nên quên đi khả năng đó. Chỉ cần bạn nhắc nhở, mọi người sẽ tu thôi.

Hỏi: Chúng con là Phật tử tại gia, phương pháp tu hành thường không có “lý sự vô ngại”, chỉ biết đạo lý. Song sự tướng thường không có vô ngại, điểm này nên làm sao đây?

Đáp: Tu hành hoàn toàn phải dựa trên sự tướng, không ở nơi lý thể, đây là điểm bạn nên biết. Trên mặt lý mà bạn có quan niệm chính xác là tốt, trên phương diên tu sự bạn không làm tốt thì không thể thực hành. Tu hành cần phải lý sự vô ngại. Lý là chỉ cho cái chung quy, chúng ta chỉ cần hiểu đại ý không thể đạt đến. Giống như bạn chưa đến chùa Linh Nham, nghe mọi người nói đến tình hình, bạn không thể hình dung nó như thế nào. Nhưng hiện tại bạn đã đến, đã thấy được cảnh tượng, thì cái biết của bạn so với lần đầu tiên nghe mọi người kể là không giống nhau. Vì vậy, chỉ cần chúng ta dựa trên sự tu tập là tốt.

Hỏi: Hiện tại con đã sắp xếp cho mình một thời khóa nhất định, ví như mỗi ngày niệm Phật bao nhiêu đó. Song ngoài thời khóa đã quy định, con còn phải làm rất nhiều việc thế gian, khó tránh khởi tâm động niệm, thối đạo tâm, như vậy con phải làm sao đây?

Đáp: Chúng ta là tín đồ Phật giáo, làm việc thế gian, bạn chỉ cần có trí tuệ thù thắng, chánh trí luôn kiên cố, “tất cả các pháp đều là Phật pháp”, Kinh Kim Cang có phải chăng đã nói vậy? “Nhất thiết pháp thị Phật pháp”. Chỉ cần công việc đó là thiện, là việc tốt, việc đem đến lợi cho người, tất cả đều phải làm.

Có lẽ bạn sẽ hỏi: “Tất cả các pháp đều là Phật pháp, vậy tham, sân, si cũng là Phật pháp phải không?”. Tất nhiên như vậy, chẳng qua chúng ta tìm việc thiện mà làm. Bạn quả thật đạt đến viên mãn thì tham, sân, si cũng là Phật tánh, tam giải thoát tính. Lúc đó bạn có thể bàn luận về lý thể. Song hiện tại, cảnh giới đó cách quá xa chúng ta, chúng ta chỉ cần chí thành dựa trên sự tướng mà thực hành là tốt rồi.

Hỏi: Kinh Kim Cang có nói: “Lìa tất cả tướng, tu tất cả các thiện pháp”. Như vậy, tu học có phải là tu vô tướng?

Đáp: Đúng, con người chúng ta cái khổ nhất là do thấy có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh. Đem nhân tướng, ngã tướng, ngã chấp, pháp chấp mà phá trừ đi thì có thể tự tại an lạc mọi lúc mọi nơi. Nếu bạn đạt được như vậy thì tràn đầy giải thoát.

Hỏi: Nhưng chấp ngã khó phá, có phương pháp nào tốt để phá trừ ngã chấp hay không?

Đáp: Khó là khó song nhất định phải phá, phá trừ rồi mới có an lạc, hiện tại không có chấp trước là việc không thể tránh được, chỉ cần đừng quá chấp là tốt rồi. Không có chấp trước thì không có phiền não, có chấp trước là có khổ. Nói về nhân duyên, phàm là pháp thiện, đem đến lợi ích cho người, chúng ta nên tận lực giúp đỡ nhau mà làm, cùng người kết duyên.

Hỏi: Con có sắp xếp định khóa niệm Phật, song việc này so với việc phát Bồ đề tâm thì khó hơn.

Đáp: Không có gì là khó, Bồ đề là gì? Phàm tất cả những gì có lợi ích cho mình, cho người là việc tốt đều nên làm. Đó là có Bồ đề tâm, là hạnh Bồ đề. Có tâm mà không hành thì thành tựu được việc gì! Như bạn biết bố thí là tốt, nhưng không có tiền làm sao bố thí. Nếu có tiền thì bạn nên bố thí. Bố thí không phải là mấy nghìn, mấy vạn mà phải tùy thân phận, tùy năng lực mà làm mới tốt.

Hỏi: Con rất muốn được thân cận thiện hữu tri thức, song bản thân con bận rộn với công việc thế gian, không dễ dàng có thời gian để gặp, thiện hữu tri thức cũng rất bận rộn, cần phải làm sao để có phương tiện thính pháp?

Đáp: Tôi thường cảm khái: Thời đại này thật khó để thân cận thiện hữu tri thức, khó như việc lên trời. Vì hiện tại người xuất gia rất ít, thiện hữu tri thức tất cả đều bận rộn, bạn đến thính pháp, họ có thời gian ngồi lại cùng bạn bàn luận không? Có nhiều người đến thân cận thiện hữu tri thức chỉ có cách cúi đầu đảnh lễ mà thôi. Hơn nữa phải biết, muốn chân chính tu hành, được lợi ích chân thật của Phật pháp, không phải chỉ một, hai lần thính pháp là có thể thu hoạch được lợi ích, khai mở trí huệ, đó là việc không dễ dàng. Trừ khi bạn là người thượng căn, một khi nghe qua đã ngộ, ngộ tức là có thể hành. Nếu là người có căn tánh kém, như vậy thật đáng thương.

Muốn chân chính tu hành, thực tâm tham học, nhất định phải nương tựa thầy lành, không thể xa lìa thiện hữu tri thức. Giống như trẻ thơ không thể xa cha mẹ, chim con tập bay không thể lìa cành. Thiện hữu tri thức không chỉ là người chỉ dạy giáo lý, mà trong sinh hoạt của họ, tất cả những việc đi, đứng, nằm, ngồi, đều đang vì chúng sinh thuyết pháp. Người sơ học nếu giải đãi, xa lìa thiện hữu tri thức lại không có đạo tràng, dù cho tu hành,
cũng là nhắm mắt tu mù mà thôi.

Hỏi: Con là Phật tử tại gia, làm thế nào có được thời gian trường kỳ để thân cận thiện hữu tri thức, nhập đạo tràng?

Đáp: Hiện tại, ai ai cũng đều trải qua giáo dục. Bạn là Phật tử tại gia, bạn nên xem lời trích dẫn hay của cổ đức và thiện hữu tri thức, đó chính là thiện tri thức của bạn. Như “Ấn Quang Đại sư văn sao tinh lục”, sách này nên xem thường xuyên. Sách “Văn sao” xem qua một lần là có thể hiểu. Song “Tinh hoa lục” bạn phải xem đi xem lại cho kỹ mới có thể hiểu. Như buổi sáng bạn ăn cơm rồi, buổi trưa bạn không ăn có được hay không? Tất nhiên là không được. Việc xem sách cũng vậy, phải xem đi xem lại nhiều lần, để có kinh nghiệm thực tế mà thực hành.

Xem “Ấn Quang Đại Sư tinh hoa lục”, ban đầu khó tránh được việc không hiểu, phải xem thường xuyên tự nhiên sẽ hiểu. Cho nên nói: “Sách hay không thể trăm lần đọc, đọc nhiều ý nghĩa thâm sâu tự hay”. Trí tuệ khai mở thì có chánh tri kiến, nghe người khác nói có thể phân biệt được đúng sai, hơn nữa lại có thể biện minh được thiện tri thức thật giả. Không thì thiện tri thức chân chính, miệng tuy không nói, bởi họ xem khổ não là chuyện bình thường, nhưng bạn lại không cung kính. Trong khi, người tri thức giả mở miệng nói nhiều mà không có đạo đức, bạn lại đến với họ thì thật là hỏng bét rồi. Vì sinh tử là việc lớn, là căn bản, cho nên thân cận thiện hữu tri thức không thể coi thường được. Mọi người y theo đó mà làm thì sẽ không đi lầm đường, lạc lối.

Sách “Liễu Phàm tứ huấn” cũng nên xem, trong nhà nếu có con cháu nhỏ tuổi thì “Liễu Phàm tứ huấn”, “Thái Thượng cảm ứng biến” là những cuốn sách tốt nên dạy con cái tụng đọc. Ngày nay, người ta đem Nho học Mạnh Tử bỏ đi, không xem trong luân lý đạo đức. Một người không có ngũ luân, bát đức thì được xem là không có linh hồn, không đủ căn bản để làm người, làm sao lại đủ khả năng học Phật.

Hỏi: Những sách đó con đã xem qua, và cũng đã hiểu rõ rồi?

Đáp: Từ xưa đến nay, các bậc cao tăng, đại đức, đọc tụng, thọ trì một bộ kinh đều phải trải qua mười năm hoặc hai mươi năm công phu. Người thời nay chỉ đọc vài lần, thiện căn không thâm hậu, lại cao ngạo tự đại, xem qua kinh điển cho mình đã hiểu rồi, chỉ là đàm luận, bắt chước theo kinh, tự cho ta đây đã hiểu rõ ý tứ. Kinh điển đâu phải chỉ xem qua một lần là hiểu. Thật ra, người nói hiểu là không có hiểu. Người thật hiểu sẽ cho mình chưa hiểu.
Tu hành cũng phải như vậy, càng tu hành càng có tâm hổ thẹn, tự thấy mình không có tu hành. Chỉ có người không tu, mới tự cho mình tu rất tốt. Giống như người có đạo đức học vấn nhất định không tự cao tự đại, ngược lại rất khiêm hạ nhún nhường, “cúi đầu là bông lúa, ngẩng đầu là cỏ vực”, lúa càng chín càng cúi đầu, chỉ có lúa tẻ hư hoại, tạp hoa đầu mới ngẩng cao. Tu hành phải sinh tâm đại hổ thẹn, dụng tâm chí thành, không chỉ nói hay mà không thực hành, nhất định đi đứng, nằm, ngồi phải khế hợp tự thân. Bạn thật sự hiểu rồi phải không? Nếu vậy, xin chân thành chúc mừng bạn, hiểu rồi thì phải thực hành.

Muốn được lợi ích thiết thực của Phật pháp, chẳng những cần hiểu biết mà còn phải thực hành, chỉ đơn thuần liễu giải mà không công phu thực hành, làm sao có được trí tuệ chân chính? Không có đích thân thể nghiệm, chỉ đạt được tri thức sách vở mà thôi.

Hỏi: Như vậy, con phải tu hành như thế nào, thỉnh Hòa thượng chỉ giáo cho?
Đáp: Tu hành không phải việc xa xôi, phải theo thứ lớp mà thực hành, đó mới là đúng nguyên tắc tinh thần cầu học. Giống như niệm Phật, bạn nên lão thật trì danh niệm Phật, không cần kiêm tu các pháp quán tượng, quán tưởng, hay thật tướng niệm Phật. Thật tướng niệm Phật là gì? Là vô hình, vô tướng không thể sờ mó được. Bạn không có trí tuệ Bát nhã thì không thể tu được. Tu hành trong sáu thời không đạt được tự tại, gặp việc phóng hạ, xem tất cả như “trăng trong nước, ảnh trong mộng”. Không làm được như vậy, làm sao đủ trình độ tu quán tưởng hay quán tượng.

Hiện tại, chúng ta đều là phàm phu sinh tử tội chướng, thì phải lão thật trì danh niệm Phật, chí tâm lạy Phật, thọ trì ngũ giới, thường sinh tâm hổ thẹn. Một mặt học Phật tu hành, trong công tác nên y theo đó mà thực hành. Biết lợi dụng thời giờ giải trí, thị phi, thời giờ vọng tưởng mà niệm Phật thì đủ sức thành Phật. Nếu không nỗ lực dụng công tu hành thì ai sẽ giúp bạn đây.

Hỏi: Ngoài sách Ấn Quang Đại Sư văn sao ra, còn sách gì viết về pháp môn Tịnh độ có thể nghiên cứu hay không?

Đáp: Sách nói về pháp môn Tịnh độ thì thiên kinh vạn luận đều có. Sách đơn giản, cao xa có “Tịnh độ thập yếu” của Ngẫu Ích Đại sư. Chẳng qua, bình thường cư sĩ tại gia không có thời giờ nghiên cứu, nếu có thời giờ chuyên tâm tu học thì dựa vào sách này cũng được.

Thật vậy, chỉ cần chúng ta chân thật biết an phận mình ngu dốt, chỉ dựa theo khai thị trong “Văn Sao tập” mà tu hành, nhất định sẽ được vãng sinh. “Chỉ được thấy Di Đà, lo gì không khai ngộ”, nếu có phước báo, xuất gia chuyên tâm nghiên cứu pháp môn Tịnh độ thì đương nhiên rất tốt.