niệm Phật như thế nào

Thảo luận giáo lý và phương pháp hành trì pháp môn niệm Phật.

Điều hành viên: binh, battinh

bonnghia007
Bài viết: 22
Ngày: 13/07/13 06:25
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: phanrang

niệm Phật như thế nào

Bài viết chưa xem gửi bởi bonnghia007 »

chào các ĐH, bonnghia hằng ngày vẫn đi chùa niệm Phật thường xuyên, đều đều, nhưng ngặt nỗi chỉ là tự niệm thế thôi chứ chưa học hỏi từ ai. Nay bonnghia xin hỏi các đạo hữu niệm Phật như thế nào mới đúng Pháp, và khi niệm đúng sẽ cho ra những kết quả gì


BATKHONG1985
Bài viết: 1620
Ngày: 03/07/11 06:10
Giới tính: Nam
Đến từ: CHỖ TẤT CẢ MỌI NGƯỜI ĐẾN

Re: niệm Phật như thế nào

Bài viết chưa xem gửi bởi BATKHONG1985 »

DH niệm Phật với mục đích gì?

Nếu muốn vãng sanh sanh Tây Phương Cực Lạc thì hãy trì niệm về đức Phật A Di Đà.

Có ba hình thức trì niệm:
+ Trì danh niệm Phật: tức là, một lòng hướng Tây Phương, rồi chuyên tâm vào câu Phật Hiệu 'Nam Mô A Di Đà Phật" hoặc "A Di Đà Phật" (chữ Nam Mô nghĩa là kính lễ, cung kính). Cách này đơn giản, nên thực hành theo.

+Quán tưởng niệm Phật: khó hơn trì danh, có dạy trong kinh "Quán Vô
Lượng Thọ Phật". Chỉ cho ta mường tượng ra từng chi tiết của cảnh giới Cực Lạc.

+Thật Tướng Niệm Phật: khó hơn hết, niệm đến mức không danh không tướng.

Cả ba pháp này đều phải dựa vào tâm nguyện chân thành vãng sanh thì mới chắc chắn thành tựu. BK thấy, nên lấy pháp trì danh làm chủ đạo thực hành, khi nào tâm định tốt thì hãy tiến lên hai cách sau, nhưng mà vẫn giữ trì danh làm chủ cho toàn bộ cuộc đời tu tập.


Tái sanh là do VÔ MINH=không rõ bản chất của sắc, thọ, tưởng, hành, thức
Sang - hèn, đẹp - xấu, khổ - vui, ... là do THÂN, KHẨU, Ý đã tạo
Khéo tạo hưởng niềm vui, có ác sẽ nhận ác, tất thảy do nơi mình
Người trí cầu triệt Vô Minh, thanh tịnh THÂN, KHẨU, Ý, được an lành giải thoát
bonnghia007
Bài viết: 22
Ngày: 13/07/13 06:25
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: phanrang

Re: niệm Phật như thế nào

Bài viết chưa xem gửi bởi bonnghia007 »

cảm ơn ĐH batkhong, nhưng về lâu về dài thì niệm Phật có cần thầy chỉ dẫn không, như biết mình đang niệm tới giai đoạn nào đó, chứ niệm một mình e rằng khó biết mình đang ở đâu


Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: niệm Phật như thế nào

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

Bây giờ cứ niệm cho tinh chuyên sáu chữ "Nam Mô A Di Đà Phật" đừng mong cầu gì hết và đừng biết mình đang ở giai đoạn nào? Chỉ khi được vãng sanh rồi thì mới biết phẩm vị của mình. Được lên ngồi đài sen hạ phẩm cũng là quí rồi...

Pháp môn này ông già, bà cả cũng đều tu được không cần thầy chỉ dạy. Hổng tin tôi thì đi hỏi mấy cụ thì sẽ biết! Mà có hỏi thì mấy cụ cũng chỉ đáp: "Nam Mô A Di Đà Phật" mà thôi.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
bonnghia007
Bài viết: 22
Ngày: 13/07/13 06:25
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: phanrang

Re: niệm Phật như thế nào

Bài viết chưa xem gửi bởi bonnghia007 »

khi niệm Phật bonnghia thấy đầu óc thông suốt với cảnh trần, có cảm giác như nhìn gì cũng thấy thông suốt, xin hỏi các ĐH đó là hiện tượng gì ạ, có lợi hay có hại


Hình đại diện của người dùng
binh
Điều Hành Viên
Bài viết: 8304
Ngày: 21/11/07 20:32
Giới tính: Nam

Re: niệm Phật như thế nào

Bài viết chưa xem gửi bởi binh »

Đó là hiện tượng tốt, nhưng nếu nghĩ rằng mình đã chứng được thì trở thành có hại.


Rồi tôi lại đứng lên và tiếp tục chiến đấu.
Tổ Ngẫu Ích đã nói :“Được vãng sanh hay chăng toàn là do có Tín - Nguyện hay không, phẩm vị cao hay thấp toàn là do trì danh sâu hay cạn”. Dù ngàn đức Phật xuất thế cũng chẳng thay đổi được lời phán định chắc như sắt này. Hễ Tin cho tới, dám chắc Tây Phương ông phải có phần
Hình đại diện của người dùng
pucaquynhnga22
Bài viết: 1117
Ngày: 20/02/11 20:51
Giới tính: Nữ
Đến từ: TP.HCM

Re: niệm Phật như thế nào

Bài viết chưa xem gửi bởi pucaquynhnga22 »

bonnghia007 đã viết:chào các ĐH, bonnghia hằng ngày vẫn đi chùa niệm Phật thường xuyên, đều đều, nhưng ngặt nỗi chỉ là tự niệm thế thôi chứ chưa học hỏi từ ai. Nay bonnghia xin hỏi các đạo hữu niệm Phật như thế nào mới đúng Pháp,
- Niệm Phật hay tu bất kỳ pháp môn nào đi chăng nữa, nếu bạn thấy tham, sân, si, mạn (ngạo mạn), nghi, ác kiến giảm trừ thì đó là đúng pháp. Với điều kiện phải hướng đến giải thoát (nước biển duy nhất có vị mặn, Phật Pháp duy nhất vị giải thoát).
và khi niệm đúng sẽ cho ra những kết quả gì
1. Trước mắt thân tâm thường an lạc.
2.Tiếp theo thì trí tuệ được tăng trưởng, nghiệp nặng thì được nhẹ đi, nghiệp nhẹ được tiêu trừ.
3. Nếu cao hơn đạt niệm Phật thành phiến.
4. Cao hơn nữa đạt Nhất Tâm Bất Loạn.
5. Cao hơn thì đạt Lý Nhất Tâm Bất Loạn.

Bước 1 + bước 2 mà chưa đến bước 3, nếu tín nguyện hạnh đầy đủ và được trợ duyên cuối đời vẫn có cơ hội vãng sanh.
Bước 3 chắc chắn vãng sanh.
Bước 4 tương đương với Chứng A La Hán.
Bước 5 tương đương với "Minh Tâm Kiến Tánh, Kiến Tánh Thành Phật" bên Thiền Tông.

Đó là những gì học từ chư Thầy, chư Tổ, chứ QN thì bước 1 còn loèn quèn. :-P
khi niệm Phật bonnghia thấy đầu óc thông suốt với cảnh trần, có cảm giác như nhìn gì cũng thấy thông suốt, xin hỏi các ĐH đó là hiện tượng gì ạ, có lợi hay có hại
Là hiện tượng tu có kết quả, nhưng đừng quá để ý và tự mãn là được. :-P ĐH chí thành tín nguyện về Tây Phương nữa là ngon. :-P


[center][img]http://atoanmt.ucoz.com/sml/thanks_4.gif[/img][/center]
[center][b][color=#BF0000]Trần thế chỉ là chốn tạm nương
Cũng như quán trọ chốn ven đường
Mỗi người là khách dừng chân tạm
Rồi sẽ đi về chốn viễn phương.
[/color][/b][/center]
Nippon
Bài viết: 72
Ngày: 21/09/13 08:36
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Việt Nam

Re: niệm Phật như thế nào

Bài viết chưa xem gửi bởi Nippon »

Chào Bonnghia007
Tôi thấy câu hỏi của bạn rất đúng,
"nhưng về lâu về dài thì niệm Phật có cần thầy chỉ dẫn không, như biết mình đang niệm tới giai đoạn nào đó, chứ niệm một mình e rằng khó biết mình đang ở đâu"
Nếu không biết "mình đang ở đâu" thì sẽ rất dễ nhầm đường, lạc lối.
Tôi thấy Bài viết sau của Hòa Thượng Thích Trí Tịnh có thể có ích cho bạn.

KỆ NIỆM PHẬT Hòa-thượng Thích Trí Tịnh biên soạn

KỆ NIỆM PHẬT

Một câu A-Di-Đà
Không gấp cũng không huỡn
Tâm tiếng hiệp khắn nhau
Thường niệm cho rành rõ.

Nhiếp tâm là Định học.
Nhận rõ chính Huệ học.
Chánh niệm trừ vọng hoặc.
Giới thể đồng thời đủ.

Niệm lực được tương tục
Đúng nghĩa chấp trì danh
Nhất tâm Phật hiện tiền
Tam-muội Sự thành tựu.

Đương niệm tức vô niệm
Niệm tánh vốn tự không
Tâm làm Phật là Phật
Chứng Lý Pháp thân hiện.

Nam mô A-Di-Đà
Nam mô A-Di-Đà
Cố gắng hết sức mình
Cầu đài sen thượng phẩm.
Phật lịch 2500 – Dương Lịch 1956
Hân Tịnh Tỷ-Kheo
Thích Trí Tịnh biên soạn Ban biên tập vi tính & trình bày: http://www.thondida.com Cập nhật: 09-10-2008

“Một câu A-Di-Đà
Không gấp cũng không huỡn
Tâm tiếng hiệp khắn nhau
Thường niệm cho rành rõ”.


Khi hạ thủ công phu, ở nơi một câu hồng danh của Phật “Nam mô A-Di-Đà Phật” hay “A-Di-Đà-Phật”, niệm cho được vừa chừng, không quá mau (không gấp), cũng không quá chậm (không huỡn), là niệm cho đều đặn. Kế đó, phải giữ làm sao cho tiếng niệm Phật cùng với tâm phải hiệp khắn nhau, nghĩa là tâm phải duyên theo tiếng, tiếng phải nằm ở trong tâm, không để cho xao lãng theo một tiếng gì khác. Hễ nó thoạt rời đi thì phải nhiếp kéo trở lại liền, để cho nó trụ nơi cái tiếng, như vậy gọi là “tâm tiếng hiệp khắn nhau”. Nghĩa là cái tâm và cái tiếng không khi nào rời nhau, mà tâm và tiếng không rời nhau thì đó mới gọi rằng thiết thật niệm Phật. Chớ nếu trong lúc niệm Phật mà lại tưởng và niệm những việc khác, đó là niệm việc khác chớ đâu phải là thật niệm Phật. Nếu là thật niệm Phật thì trong tâm chỉ nhớ và tưởng Phật mà thôi. Bây giờ mình niệm danh hiệu Phật, tất nhiên là nhớ và tưởng ở nơi cái tiếng niệm Phật, cái hiệu của Phật, như vậy mới gọi là thiết thật niệm Phật. Thành ra, làm cái gì cũng phải cho thiết thật trúng cái đó, chớ nếu sai đi, tất nhiên khó có thể thành công được, do đó mới có câu “tâm tiếng hiệp khắn nhau”. Nên nhớ kỷ lắm mới được! Khi niệm Phật phải nhớ câu đó và phải làm cho đúng theo mới có lợi lạc. Nếu được tâm tiếng hiệp khắn nhau như vậy mới gọi là niệm đúng cách và thiết thật.

Giờ đây, phải “thường niệm cho rành rõ”. Tâm tiếng hiệp khắn nhau rồi, nhưng phải để ý cho nó rành. Rành là rành rẽ, tức là từ tiếng, từ câu không có lộn lạo; còn rõ là rõ ràng. Tiếng niệm Phật cho rõ ràng, hễ “Nam” thì rõ tiếng “Nam”, “A” thì rõ tiếng “A”, cho đến “Phật” thì “Phật”. Cái tiếng không trại đi, phải cho thật rõ, vì điều này rất cần lắm. Nếu niệm mà không nhận cho rành rẽ và rõ ràng, niệm một cách bơ thờ, về sau khi công phu được thuần thục, mà khi thuần rồi, cái niệm trong tâm nó tự nổi lên cũng không rành rõ, hơi trại đi. Còn nếu lúc nào mình cũng giữ cho rành rõ, thì khi thuần thục, trong tâm mình cũng nổi lên cái tiếng niệm Phật rõ lắm, điều này rất quan trọng. Nên nhớ chữ “thường”, nếu muốn được cái tâm mà về sau tự niệm lấy, không cần phải ép buộc nó mới niệm, phải thường, nghĩa là luôn luôn niệm cho được nhiều giờ và thời gian cho được tương tục nên gọi là thường. Chớ nếu trong một ngày, một đêm mà chỉ niệm có một hay hai tiếng đồng hồ thôi, còn 22 tiếng kia lại nghĩ việc này việc nọ thì biết bao giờ tâm mới thuần thục được! Phải tập cho nó niệm luôn, lâu ngày thành thói quen - tập quán. Nhưng bây giờ mình bận đủ các công việc, đâu phải như những vị rảnh rang cấm túc, kiết thất hay là tịnh niệm, tịnh khẩu chẳng hạn, vậy phải làm sao đây? Tất nhiên, trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi và lúc rảnh, phải bắt tâm mình nó niệm Phật, trừ khi nào tâm mình bắt buộc chú trọng đến những công việc gì khác, nhưng xong rồi phải nhớ niệm Phật lại. Ví như lúc mặc áo cũng niệm Phật được, bởi vì lúc đó cái tâm có thể rảnh để niệm Phật. Như lúc ngồi ăn cơm cũng vẫn niệm Phật được, hoặc lúc nằm nghĩ… chớ không phải chỉ niệm Phật lúc ở trước bàn Phật, có chuông, có mõ quỳ nơi đó. Nếu chỉ có như vậy thì thời gian ít lắm, không thể gọi là thường làm được, và nếu không làm được như vậy thì khó thuần thục, khó thành thói quen. Về công hạnh niệm Phật, điều đó cần phải nhớ lắm mới được.

“Nhiếp tâm là Định học.
Nhận rõ chính Huệ học.
Chánh niệm trừ vọng hoặc.
Giới thể đồng thời đủ”.


Trong một câu niệm Phật, gồm cả ba môn Vô lậu học mà các vị đệ tử của Phật cần phải thực hành, là Giới, Định, Huệ. Như vậy, trong câu niệm Phật đang thực hành đó, nó tương ưng với Giới, Định, Huệ là như thế nào? Đáng lẽ là bài kệ phải nói Giới trước rồi mới Định và Huệ, nhưng vì phải theo việc trình bày, thành ra phải để Giới về sau.

Trước hết là nhiếp tâm niệm Phật, không nghĩ việc gì khác, tâm trụ nơi câu niệm Phật thôi, đó là đang học về môn Định rồi. Đây là nói học về môn Định chớ không phải được Định. Nhưng đã học môn định thì tương ưng với Định, một ngày kia sẽ được Định. Đó là môn Vô lậu học thứ nhất, gọi rằng “Định học”.

Kế đó, trong lúc niệm Phật, tâm và tiếng hiệp khắn nhau, lại nhận rõ ràng và rành rẽ. Tất nhiên trong lúc đó, cái tâm nó sáng nên mới nhận được rành rẽ và rõ ràng, chớ nếu nó không sáng thì làm sao nhận được rành rõ. Cái sáng đó nó tương ưng với Huệ, đây là môn Vô lậu học thứ hai, gọi là “Huệ học”. Và trong lúc niệm Phật thì không có những vọng tưởng, tất nhiên không có những lỗi lầm là tương ưng với Giới. Đây là môn Vô lậu học thứ ba, gọi rằng môn học về Giới.

Đó là từ dưới đi lên trên, hay là bắt đầu từ trên trở xuống dưới thì nhiếp tâm thuộc về Định học. Tâm mình nhận rành rẽ và rõ ràng đối với câu niệm Phật là tâm sáng, tương ưng với Huệ học. Vọng niệm không khởi, chánh niệm hiện tiền, không có sự lỗi lầm trong lúc niệm Phật tức là tương ưng với Giới. Như vậy, trong lúc mình thực hành câu niệm Phật đủ cả ba môn Vô lậu học (Giới, Định, Huệ). Mà đã tương ưng với Giới, Định, Huệ rồi thì một ngày kia, khi câu niệm Phật được thuần, tất nhiên là thành tựu được cả ba môn Vô lậu học. Như vậy, mình thấy trong hiện đời, đã có sự lợi ích rất lớn là được điều nhiếp thân tâm đi vào nơi pháp lành, tương ưng với ba môn lậu học là ba điều mà đức Phật dạy: “Hễ đệ tử Phật, dù xuất gia hay tại gia đều phải tu tập và trong tương lai, tất nhiên nhờ ở nơi Tịnh nghiệp mình tu hành đó sẽ được vãng sanh về Cực Lạc thế giới, bảo đảm giải thoát thẳng đến lúc thành Phật không thối chuyển”.
Như vậy, pháp môn niệm Phật, nếu suy nghĩ kỹ, sẽ thấy lợi ích lớn biết chừng nào. Cần phải noi theo và thực hành cho đúng và cũng phải cố gắng khuyên những người có duyên với mình phải tín, phải nguyện và thực hành như mình để cho mình cùng tất cả mọi người đều được lợi ích nơi pháp môn Tịnh độ, niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc thế giới mà đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã dạy và đúng theo bản hoài của Ngài là muốn cho tất cả chúng sanh đều được thành Phật.

Tóm lại, mấy câu kệ trên nói về nơi hạ thủ công phu. Ở nơi một câu hồng danh của Phật “Nam mô A-Di-Đà Phật” hay là “A-Di-Đà-Phật”, niệm cho vừa chừng, không quá mau gọi là không gấp, không quá chậm gọi là không hưỡn và nơi đó phải nhiếp tâm theo cái tiếng niệm Phật. Tâm với tiếng đi đôi với nhau, gọi là tâm tiếng hiệp khắn nhau. Phải niệm cho được nhiều giờ trong ngày đêm. Khi niệm, cái tiếng phải cho nó rành rõ, nhận cho nó rành rõ, nên gọi rằng thường niệm cho rành rõ. Kế đó, mới hiệp một câu niệm Phật cho tương ưng với ba môn Vô lậu học Giới, Định và Huệ. Khi mình niệm thì nhiếp tâm, không cho tán tâm, tâm trụ nơi tiếng niệm Phật. Như vậy gọi rằng tâm duyên nơi một cảnh, nghĩa là cái tâm ở nơi một cảnh hồng danh của đức Phật, đó tất nhiên là học về môn Định. Và khi niệm đó thì trí rất sáng, nhận ra tiếng niệm Phật rõ ràng, từ câu rành rẽ. Trí sáng đó tất nhiên là tương ưng với môn Huệ học, lần lần trí huệ sẽ phát.

Trong khi mình niệm thì nhiếp tâm nơi chánh niệm, vọng niệm không xen vô, mà những lỗi lầm đều ở nơi vọng tâm phân biệt mà ra. Nay vọng tâm không có, tâm trụ ở chánh niệm, như vậy những lỗi lầm không có. Mà giới là chi? Tất nhiên là để ngăn, không cho ở nơi thân khẩu ý tạo tội lỗi. Giờ đây, thân khẩu ý trụ nơi câu niệm Phật là chánh niệm, không có những tội lỗi, thì tương ưng với Giới. Như vậy, trong một câu niệm Phật, lúc chuyên tâm đúng cách thì đầy đủ cả Giới Học, Định Học và Huệ Học. Khi Giới, Định, Huệ mà phát ra thành tựu đó là chứng quả Thánh.

Giờ đây, mới tiếp tục để tiến lần thêm ở nơi cái phần niệm Phật cho nó được nơi Sự Tam-muội, hay Lý Tam-muội, tức là chánh định niệm Phật về Sự và chánh định niệm Phật về Lý. Theo đúng như trong kinh nói: “Người niệm Phật mà được ở nơi Sự Tam-muội, thì khi lâm chung chắc chắn vãng sanh, vãng sanh rồi tức nhiên không mất phần Trung phẩm và nếu được gồm Lý niệm Phật nữa thì khi vãng sanh không mất phần Thượng phẩm. Thượng phẩm tức là bậc Đại Bồ-Tát. Trung phẩm là ngang hàng với bậc Thánh của Nhị thừa, thành ra không phải bậc thường được”. Đây theo nơi bài kệ để tuần tự giảng giải. Quý đạo hữu nên nghe kỹ và cố gắng, để mình đi được bước nào thì tốt bước nấy.

“Niệm lực được tương tục
Đúng nghĩa chấp trì danh
Nhất tâm Phật hiện tiền
Tam-muội Sự thành tựu”.


Khi niệm Phật nhiếp tâm đúng cách như vậy rồi, niệm mỗi ngày mỗi đêm, niệm được nhiều giờ, nhiều thời gian gọi rằng thường niệm. Đã thường niệm rồi, trải qua một thời gian tức nhiên cái tâm được thuần thục. Khi tâm được thuần thục rồi thì nó có cái trớn niệm Phật nơi tâm. Lúc đó thì không còn cần phải tác ý, không cần phải dụng công, nhưng nơi tâm vẫn cứ tiếp tục nổi lên tiếng niệm Phật. Nhớ kỹ là cái tâm nổi lên tiếng niệm Phật không có gián đoạn, nghĩa là đi, đứng, nằm, ngồi, gì cũng nhận thấy rằng tâm nó có cái tiếng niệm Phật, không cần phải dụng công tác ý gì hết, đó gọi rằng là được niệm lực tương tục, là sức chánh niệm nối tiếp. Cho nên biết rằng, lúc tác ý dụng công phải cố gắng lắm cái tâm mới chịu duyên theo tiếng niệm Phật, nhưng thật ra trong lúc đó, tâm có nhiều khi không ở nơi mình, cái miệng niệm Phật, tiếng có phát ra mà cái tâm nhiều khi nó nhận ra câu thứ nhất, câu thứ nhì thì lơ là, hay là trong câu niệm Phật đó nó nhận tiếng Phật tiếng “A” gì đó, tiếng “Mô” lại lơ là. Còn giờ đây tâm tự động niệm Phật, do sau khi niệm Phật được thường lâu ngày nó thuần thục. Nói lâu ngày đây, chớ như trình độ này, có người chỉ trong một ngày một đêm có thể được, nếu căn trí lanh lợi và tinh tấn. Có người chừng bảy ngày đã được rồi, còn người niệm Phật không được thường lắm thành ra lâu. Nếu được cái sức niệm Phật ở nơi tâm tự động nó niệm, gọi là bất niệm tự niệm đó là được cái chánh niệm nối tiếp luôn gọi là niệm lực được tương tục, mới đúng với cái nghĩa chấp trì danh hiệu mà trong kinh A-Di-Đà các đạo hữu thường tụng.

Thường thường, người tụng kinh A-Di-Đà ít có để ý, vì lời Phật nói ra không phải là thông thường, cần phải để ý lắm. Hễ Phật nói nhất tâm thì nhất định là cái tâm phải chuyên nhất thôi, không được xen gì hết mới gọi là nhất tâm. Còn Phật nói nhất niệm thì tức nhiên là cái niệm phải cột nó lại trong một chỗ mới gọi là nhất niệm. Giờ đây, Phật gọi rằng chấp trì danh hiệu thì tất nhiên ở nơi danh hiệu đức Phật, nơi hồng danh đức Phật A-Di-Đà hay là Nam mô A-Di-Đà-Phật, phải cầm cho chắc, không lúc nào rời và không để cái gì xen tạp vô, như vậy mới gọi rằng cái tâm nó chỉ nắm cầm hay là giữ chắc một câu niệm Phật không rời. Nếu giữ chắc không rời câu niệm Phật mới gọi là niệm lực được tương tục, dù không niệm tâm nó vẫn tự niệm, nói gọn lại là bất niệm tự niệm và cái chánh niệm nó được nối tiếp, nghĩa là tương tục. Đó mới thật là cái nghĩa chấp trì danh hiệu ở trong kinh A-Di-Đà. Nên cuối câu kệ gọi rằng: “Niệm lực được tương tục. Đúng nghĩa chấp trì danh”.

Khi niệm lực được tương tục, rồi nắm giữ danh hiệu của đức Phật mà không có một tạp niệm xen vô thì trong một thời gian, tâm nó dừng lại, lìa hết tất cả cảnh ngũ trần, là sắc, thanh, hương, vị, xúc nó không còn duyên nữa. Lúc đó, dù có con kiến cắn cũng không hay, nghĩa là lìa nơi xúc trần, dù có mùi hương thoảng cũng không biết là lìa nơi hương trần và cho đến có tiếng chi một bên cũng không nghe, có cái chi ở trước mắt cũng không thấy, dù lúc đó mở mắt, mà cái tâm chỉ duyên rành rẽ ở câu niệm Phật và chỉ có nhận câu niệm Phật mà thôi. Lúc đó, trong thì quên thân, ngoài không duyên theo cảnh, cái tâm nó đứng lặng là “nhất tâm bất loạn”. Khi được như vậy rồi, trong kinh Vô Lượng Thọ nói, lúc đó Phật thân hiện, Phật A-Di-Đà hiện cho đến Phật cảnh Cực Lạc hiện, nên câu kệ gọi rằng: “Nhất tâm Phật hiện tiền”. Đó là thành tựu được Sự Tam-muội. Câu kệ gọi là: “Tam-muội Sự thành tựu”. Chánh định thuộc về Sự, thì tâm mình chỉ trụ ở nơi câu niệm Phật. Trong quên thân, ngoài không duyên theo cảnh, và lúc đó, Phật và Thánh cảnh hiện, nó thuộc về sự tướng. Nếu người được ngang nơi đây thì sau khi vãng sanh, bảo đảm ở nơi Trung phẩm, tức nhiên ngang với hàng Thánh của Nhị thừa. Còn nếu được “niệm lực tương tục, đúng nghĩa chấp trì danh” ở trên là bảo đảm vãng sanh, nhưng mà trong phẩm vị thì chưa chắc phẩm nào, còn tùy theo ở nơi thiện căn công đức của người tu hành.

“Đương niệm tức vô niệm
Niệm tánh vốn tự không
Tâm làm Phật là Phật
Chứng lý Pháp thân hiện”.


Bây giờ, do nơi chánh định thuộc về Sự nên tâm đứng lặng, do tâm đứng lặng thành ra trí huệ phát. Trí huệ đây gọi là Vô lậu trí huệ hay là Thánh trí phát. Do nơi phát đó mà toàn thể tự tâm bổn tánh hiển hiện. Trong Thiền tông gọi là minh tâm kiến tánh. Lúc đó, đã thấy ở nơi bổn tánh rồi, mà bổn tánh không phải tánh riêng của một cái gì hết, nó là tánh của tâm mà cũng là tánh của pháp, nói chung của tất cả pháp. Mà đã là tánh của tất cả pháp rồi thì đương nhiên lúc niệm Phật, cái tâm nó trụ ở nơi câu niệm Phật, nơi Sự niệm Phật. Chính ở nơi Sự niệm Phật đó lại tỏ ngộ, thấy là vô niệm. Cho nên biết rằng, thể tánh chân thật của tất cả các pháp, nghĩa là không luận của tâm hay của sắc đều là cái tánh không tịch cả. Đã không tịch tất nhiên nó không có một sự gì và cũng không có một tướng gì hết. Cái thể tánh chơn thật nó như vậy. Do đó, mới tùy duyên mà có tất cả sự, tất cả pháp. Vì vậy, nên khi tỏ ngộ bổn tâm tự tánh rồi thì thấy cái chánh niệm mình đương niệm đó tức là vô niệm, gọi là “đương niệm tức vô niệm”.

Cái tánh của chánh niệm không phải mình làm cho nó không, bởi vì bổn lai (xưa kia) là không. Cũng như cái tánh của tất cả tâm, cái tánh của tất cả pháp, bổn lai nó là không tịch. Do đó, cho nên sợ rằng người học đạo không biết “cố ý mà dằn ép cái tâm”, phải nhận rằng ở nơi niệm cái tánh là không. Lúc đó, thấy cái niệm là không tánh mà cũng rõ biết rằng tánh của niệm bổn lai nó là không. Như vậy, mới thật là thấy thật tánh của niệm. Nếu thấy thật tánh của niệm thì thấy thật tánh của các pháp, bởi vì tất cả pháp đều là một tánh mà thôi.

Cho nên, thấy thật tánh của một pháp tất nhiên thấy được thật tánh của tất cả pháp. Nên hai câu kệ mới nói đương niệm, chính lúc đương niệm đó không phải bỏ niệm, mà giác ngộ là vô niệm. Giác ngộ vô niệm là chi? Tức là cái tánh niệm tánh không tịch, mà cái niệm tánh không tịch đó là tánh bổn lai của cái niệm, cho nên gọi rằng “niệm tánh vốn tự không”, chớ không phải là nó mới “không” đây, tại vì trước kia mình mê muội, mình theo sự tướng thấy nó thế này, thế kia đủ thứ hết.

Giờ đây, giác ngộ được rồi thì thấy bổn tánh không tịch, bổn tánh không tịch đó là bổn lai từ hồi nào đến giờ nó vẫn không tịch như vậy, chớ không phải mới, không phải do tu hành mới là không.
Kế đến câu: “Tâm làm Phật là Phật”

Đồng thời, lúc đó phải giác ngộ tâm của mình đây chính là chơn tâm thật tánh của mình. Vì rằng ở trên, hễ giác ngộ ở nơi tâm niệm đó rồi thì thấy rõ bổn tâm của mình làm Phật, và bổn tâm đó chính là Phật. Đó gọi là bổn tâm chân thật. Lúc đó, tất nhiên gọi rằng chi? Là đã chứng nơi Lý tánh, thành tựu Lý Tam-muội niệm Phật và đồng thời pháp thân Phật hiện. Ở trên về Sự Tam-muội, gọi rằng Phật hiện tiền, lúc đó có Phật ở ngoài mình mà hiện ra, rồi mình thấy Phật hiện. Còn giờ đây nơi thân tâm mình làm Phật là Phật. Nên biết rằng, sự tỏ ngộ đó không phải ở nơi trí suy luận mà tỏ ngộ, chính là Hiện lượng chứng trí lúc đó nhận như vậy, thấy như vậy, chứng như vậy chớ không phải là suy luận. Mà đã chứng ngộ ở nơi bổn tâm mình làm Phật và tức là Phật, vậy Phật và tâm không phải hai, chính tâm là Phật, Phật là tâm. Như vậy, tất nhiên là chứng nơi Pháp thân, gọi là Pháp thân hiện tiền. Lúc đó, Pháp thân Phật hiện, còn ở trên, nơi Sự Tam-muội mà Phật hiện đó là Phật sự tướng hiện, sắc thân Phật hiện, còn đây là “Pháp thân Phật hiện”. Nếu người được đến đây rồi, khi vãng sanh quyết định ở nơi Thượng phẩm, tức là một vị Đại Bồ-tát. Hiện tại, người ấy ở tại đây cũng là một vị Bồ-tát. Tầng bậc này đối với Thiền tông gọi là chứng tâm tánh. Sau khi minh tâm kiến tánh rồi, chứng tâm tánh gọi là đại triệt, đại ngộ. Nhưng ở nơi pháp môn niệm Phật thì hơn nơi Thiền tông, bởi vì Thiền tông đến khi minh tâm kiến tánh hay là chứng nhập tự tánh rồi, còn cần phải theo một thời gian rèn luyện để dứt trừ những nghiệp chướng phiền não. Còn người niệm Phật thì không như vậy. Bởi vì ngoài sự tỏ ngộ ra, còn có nguyện lực của Phật nhiếp trì, mà đã vào trong nguyện lực của Phật nhiếp trì rồi, tất nhiên chẳng những chứng ngộ nơi tự Pháp thân mà cũng ở vào nơi Pháp thân của đức Phật A- Di-Đà. Do đó, không luận nghiệp chướng phiền não, sau khi bỏ thân này rồi về Cực Lạc thế giới, được vãng sanh ở Thượng phẩm thì mấy cái đó tự mất. Thế nên, trong kinh Quán Vô Lượng Thọ có nói: “Người được vãng sanh về Thượng phẩm, bậc đó gọi rằng ở vào Sơ địa Bồ-tát”. Hiện tiền, sau khi sanh về có thể dùng cái trí lực và thần thông, hiện thân làm Phật trong 100 thế giới không Phật. Nghĩa là trong những thế giới nào không Phật thì vị Bồ-tát có thể hiện thân làm Phật để độ chúng sanh. Nên biết rằng, mỗi thế giới như vậy là có vô số tiểu thế giới hiệp lại, cũng như Ta-bà thế giới của mình có
1.000 triệu cái tiểu thế giới hiệp lại, nghĩa là 1.000 triệu cái thái dương hệ hiệp lại mới thành thế giới Ta-bà.

Do đó, lúc đức Thích-ca Mâu-ni thành Phật rồi, thì cái thân hiện ra gọi rằng “Thiên bá ức”, nghĩa là 1.000 trăm ức, 1.000 trăm lần ức. Một ngàn trăm lần ức đó là 1.000 tỷ. 1.000 tỷ thân Phật Thích-ca chớ không phải chỉ một thân Phật Thích-ca. Đó là nói một thế giới, mà đây vị Bồ-tát chứng Lý Pháp thân, nghĩa là ở nơi Lý Niệm Phật Tam-muội thành tựu rồi, vãng sanh về cõi Cực Lạc, trụ nơi bậc Sơ địa có thể dùng thần thông trí huệ hiện thân làm Phật ở trong 100 thế giới không Phật tế độ chúng sanh.

Mình thấy pháp môn niệm Phật, nếu bắt đầu từ dưới nhìn lên trên, và từ trên nhìn lần xuống dưới, đường đi rành rẽ hết sức là phân minh. Và ở nơi đó, mình thấy cũng không đến nổi quá khó, chỉ có khó là phải tin, quyết định thực hành, tinh tấn và không giải đãi mà thôi. Khó là có chịu nhất định để tu và quyết định tinh tấn hay không? Chỉ có khó nơi đó mà thôi. Theo pháp môn niệm Phật thì không có cái chi là khó lắm, không phải như các pháp môn khác. Vì các pháp môn khác do tự lực. Tự lực thành khó, và ở nơi các pháp môn khác mà đến chỗ chứng Lý Pháp thân hiện không phải dễ. Bên Thiền Tông thuộc về Vô tướng tu. Vô tướng tu đó khó nắm nơi đâu để làm cột trụ, để hạ thủ. Nếu sai một chút thì thuộc về hữu tướng, mà hữu tướng tất nhiên không phải của Thiền tông, sai rồi thì không thành tựu được. Còn như theo Pháp Hoa tông mà tu thì cũng phải tâm chỉ tâm quán, cái đó không phải dễ được. Theo Hoa Nghiêm tông thì thuộc về pháp quán rất khó. Theo như Duy Thức tông tu thì phải là Duy Thức quán, quán chẳng phải dễ. Đó là nói những pháp môn thuộc về tự lực tu.

Muốn được đến trình độ gọi là chứng Lý Pháp thân hiện thì phải ở các Tông thuộc về viên đốn Đại thừa. Nếu ngoài những Tông đó ra mà tu những Tông khác thì không thể đến các tầng đó được. Những Tông vừa kể trên tu chứng đến tầng này khó lắm, bởi vì thuộc về tự lực. Còn đây, ngoài tự lực ra, pháp môn niệm Phật này còn có tha lực, tức là nguyện lực của Phật nhiếp trì. Do đó, có sự dễ dàng hơn, bảo đảm hơn. Huống nữa ở trong pháp môn niệm Phật, nếu mình chỉ được ở nơi tầng công phu thấp nhất là có sự chuyên niệm được tương ưng với nghĩa chấp trì, thì bảo đảm vãng sanh. Nếu được vãng sanh rồi ắt dự vào hàng Thánh, được Bất thối chuyển nơi đạo Vô thượng. Dù rằng đối với các bậc mà được Sự Tam-muội niệm Phật hay Lý Tam-muội niệm Phật là còn thấp. Nhưng kỳ thật, khi đã được vãng sanh rồi đều dự vào hàng Thánh, được Bất thối chuyển, nhất là được về thế giới Cực Lạc, không có các sự khổ về già, bệnh, chết, không có các sự khổ như là những cảnh duyên nó làm mình xao động, hoặc là sự ép buộc ở nơi thời tiết, nhất là những việc ăn, việc mặc, làm mình bận rộn cả ngày đêm. Không có tất cả điều đó tất nhiên rảnh rang tu hành, mà trong khi rảnh rang đó lại có tiếng gió thổi, tiếng chim kêu, tiếng nước chảy đều phát ra tiếng nói pháp hết.
Hơn nữa, nơi Cực Lạc thế giới, như trong kinh Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ, kinh A-Di-Đà mà các đạo hữu thường tụng, thì các bậc Nhất sanh Bổ xứ Bồ-tát Thượng thiện nhơn là bạn, và người được vãng sanh sẽ ở chung với các bậc đó. Cho nên, trong kinh A-Di-Đà có nói: “Những người nào mà nghe nơi đây thì phải phát nguyện, nguyện sanh về Cực Lạc thế giới. Tại sao vậy? Vì đồng với các bậc Thượng thiện nhơn Nhất sanh Bổ xứ Bồ- tát câu hội một chỗ, ở chung một chỗ”.

Như vậy thì thấy, mình về bên đó rồi thì cùng ở chung với các bậc Đại Bồ- tát như Quán Thế Âm, Đại Thế Chí và vô số các vị Bồ-tát khác. Cung điện của mình ở đây, thì cung điện của các Ngài ở kia, muốn gặp lúc nào cũng được, muốn hỏi han lúc nào cũng tiện. Và hóa thân Phật ở khắp nơi trong thế giới Cực Lạc, không có chỗ nào không có hóa thân Phật hết. Thành ra, muốn thấy Phật lúc nào cũng được, trừ ra những bậc thuộc về Thượng phẩm, chứng Lý Pháp thân. Chừng đó, tất nhiên về thế giới Cực Lạc, mới thấy được Báo thân thật của Phật, còn những bậc dưới thì thấy hóa thân. Hóa thân thì cũng như báo thân, bởi vì sự thuyết pháp độ sanh của Phật thì hóa thân, báo thân đều giống nhau, nhưng cái thân có khác theo trình độ người: thân lớn, thân nhỏ, chỗ đẹp nhiều hay đẹp ít khác nhau, tùy theo cái trí lực ở nơi con mắt thấy nó sai khác, mà sự giáo hóa vẫn đồng.

Phật bao giờ cũng theo căn cơ mà thuyết pháp. Cho nên, trong kinh A-Di- Đà, Phật nói: “Người nào theo kinh này mà thọ trì, tu hành cùng những người đã phát nguyện, đương phát nguyện, sẽ phát nguyện vãng sanh về cõi nước của đức Phật A-Di-Đà, thời những người ấy đều đặng không thối chuyển nơi đạo vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”. Nghĩa là người đó sẽ được vãng sanh và được bảo đảm đi thẳng đến thành Phật. Do đó, thấy căn cơ của mình hiện tại đây, cũng như tất cả mọi người trong thời gian này mà rời pháp môn niệm Phật, quyết khó bảo đảm giải thoát lắm, đừng nói là bảo đảm thành Phật. Vậy các đạo hữu cũng nên cố gắng tự tu cho tinh tấn và cũng đem pháp môn niệm Phật chỉ dạy người khác và khuyên bảo người khác nên thực hành như mình!

NGUỒN ĐỌC THÊM: http://phatgiaovnn.com/upload1/bz/showt ... z2jE7A9J31


bonnghia007
Bài viết: 22
Ngày: 13/07/13 06:25
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: phanrang

Re: niệm Phật như thế nào

Bài viết chưa xem gửi bởi bonnghia007 »

cảm ơn các ĐH đã trả lời cho bài viết


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.41 khách