TỊNH ĐỘ CHỈ QUYẾT

Thảo luận giáo lý và phương pháp hành trì pháp môn niệm Phật.

Điều hành viên: binh, battinh

Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

TỊNH ĐỘ CHỈ QUYẾT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

TỊNH ĐỘ CHỈ QUYẾT
Tác Giả: Thích Minh Thành

LỜI NGỎ

Thuốc không luận quý hiếm hay thông thường, miễn chữa lành bệnh là thuốc hay. Pháp chẳng luận cạn, sâu, hóa giải được phiền não là diệu pháp. Do chúng sinh có nhiều bệnh, nên đức Phật mới lập ra nhiều pháp môn, nhưng tất cả giáo lý đều lấy giác ngộ làm đích đến.

Một câu A Di Đà thật rất giản đơn, dễ thực hành nhưng hiệu quả vô cùng nhanh chóng, nghĩa lý sâu rộng vô biên. Nói về chiều sâu, hàng thượng căn nương nơi đây thâm nhập tự tánh Di Đà, tỏ ngộ duy tâm Tịnh Độ. Nói về chiều rộng, hàng trung, hạ chỉ cần tin, nguyện và thực hành, thì hiện tại phiền não tiêu mòn, thân tâm an lạc; đến khi lâm chung giữ vững chánh niệm được vãng sinh. Như thế, chẳng phải là rất sâu xa, rộng lớn hay sao?

"Một pháp môn Tịnh Độ lợi khắp ba căn, thâu nhiếp cả Thánh lẫn phàm". Từng chữ, từng lời, từng câu nói của người xưa đều là chân thật, đều phát xuất từ tấm lòng đại bi vô hạn!

Quyển "Tịnh Độ Chỉ Quyết" do Thiền sư Đạo Bái trước tác, chỉ dạy rõ ràng lợi ích của pháp môn niệm Phật, lời lẽ sâu sắc, phá dẹp nghi ngờ, mở lối cho mọi người bước vào cánh cửa Tịnh nghiệp, thẳng tiến đến cõi Cực Lạc. Thiền sư Đạo Bái do tiếp nhận sự giáo hóa nơi ngài Nguyên Hiền nên quyển sách này vẫn không ngoài những lời khai thị về niệm Phật, giữ giới sát, thực hành phóng sinh. Hòa thượng thượng Trí hạ Tịnh cũng từng nói: "Đức Phật A Di Đà lập bốn mươi tám đại nguyện cứu độ chúng sinh là do tâm đại từ đại bi. Ngày nay chúng ta nên giữ giới sát, thực hành phóng sinh, như thế mới khế hợp với tâm từ bi của đức Phật". Niệm Phật chính là làm tâm mình thanh tịnh, phóng sinh chính vì trao dồi tâm từ bi nơi mỗi người. Lấy niệm Phật làm chánh hạnh, phóng sinh làm trợ hạnh, thì đường về Cực Lạc nào có xa xôi gì!

Chúng tôi thành kính tri ân: Hòa thượng thượng Trí Hạ Tịnh (viện chủ chùa Vạn Đức), Thượng tọa trụ trì chùa Bửu Liên, Đại đức trụ trì chùa Hoằng pháp, Đại đức trụ trì chùa Thiên Hưng. Cùng chư pháp hữu: Đại đức Pháp Đăng. Đại đức Tâm Huệ, Sa di Quang Hội, Phật tử Diệu Thiện, Tâm Hoa, Thiện Hòa... đã tận tâm giúp đỡ, nên quyển sách này sớm được hoàn thành.

Kính mong các bậc tôn đức và đạo hữu mười phương niệm tình chỉ giáo.
  • Thành kính tri ân vô lượng!
    Thích Minh Thành.
    Kính ghi.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.
Sửa lần cuối bởi Nguyenthu vào ngày 03/04/20 13:44 với 1 lần sửa.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: TỊNH ĐỘ CHỈ QUYÊT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

THIỀN SƯ ĐẠO BÁI
(1615-1702)

Thiền sư Đạo Bái, người đời Thanh, họ Đinh, tự Vi Lâm, hiệu Lữ Bạc, Phi Gia Tẩu. Quê ở Kiến An (nay là huyện Kiến Âu, tỉnh Phúc Kiến) Trung Quốc. Năm mười bốn tuổi vào chùa Bạch Vân, năm sau thì xuống tóc. Một hôm, thấy vị Tăng ở phòng bên cạnh chết, Sư tỏ ngộ đạo lý vô thường, bèn phát khởi ý chí rộng lớn, đi khắp mọi nơi học đạo.

Năm mười tám tuổi, được ngài Văn Cốc dạy: "Niệm Phật cuối cùng sẽ thành Phật", Sư tin sâu không nghi ngờ. Về sau, Sư theo học với Thiền sư Nguyên Hiền ở Cổ Sơn bốn năm. Sau đó, Sư đi khắp các giảng đường ở Hàng Châu trong năm năm, am tường được yếu chỉ của các kinh Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, Duy Ma, Hoa Nghiêm, kinh Viên Giác, Luận Khởi Tín, Duy Thức, và giáo lý tông Thiên Thai. Trở về đất Mân dựng am ở lại trên núi Đại Bách Trượng, độ mẹ xuất gia và cùng tu Tịnh nghiệp với mẹ trong năm năm. Năm thứ mười niên hiệu Thuận Trị (1653), nhập thất ba năm ở am Quảng Phước tại Kiến Ninh. Tháng 10 năm thứ 14 niên hiệu Thuận Trị (1657), Thiền sư Nguyên Hiền thị tịch. Sư kế nhiệm trụ trì, mở pháp đường thuyết pháp hơn mười năm.

Tháng 4 năm thứ 23 (1684) Khang Hy, Sư hoàn thành "Hoa Nghiêm Sớ Luận Toản Yếu" - 120 quyển. Năm thứ 26 Khang Hy (1687), Sư biên tập "Thiền Hải Thập Trân" - một quyển. Năm thứ 34 Khang Hy (1769), trước tác "Pháp Hoa Kinh Văn Cú Toản Yếu"- bảy quyển. Ngoài những tác phẩm trên, Sư còn trước tác rất nhiều bộ kinh khác, riêng về Tịnh Độ có các quyển: "Tịnh Độ Chỉ Quyết", "Tịnh Nghiệp Thường Khóa", "Tục Tịnh Độ Sinh - Vô Sinh Luận", "Phát Nguyện Văn Chú". Năm thứ 41 Khang Hy (1702), Sư thị tịch, hưởng thọ tám mươi tám tuổi.

Ngài Đạo Bái tiếp nhận sự khai thị của Thiền sư Nguyên Hiền, tỏ ngộ ý chỉ của Tổ sư từ Ấn Độ sang, chú trọng và phát huy sự tự ngộ. Ngài nói: "Phật không phải là Phật hình tướng bên ngoài, mà chính là tánh biết vốn có sẵn nơi mỗi người". Ngài còn nói: "Ngàn kinh muôn luận đều phá trừ chấp thân và chấp tâm. Hai chấp đã được phá trừ thì tánh Phật tự hiện. Chấp thân không còn thì huyễn thân, tức là Pháp thân. Chấp tâm không còn thì huyễn tâm chính là tánh Phật". Ngài cũng đề xướng dung thông Thiền, Giáo, Nho, Thích và nói phải từ lòng tin mà vào Phật pháp: "Tin, một là tin lời Phật; hai là tin tâm mình".
"…Hiện nay có những người không tin lời Phật, nhưng thật ra chẳng phải là không tin lời Phật, mà chính là chẳng tin tâm mình".

(Còn tiếp)
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: TỊNH ĐỘ CHỈ QUYÊT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

TỰA

Pháp môn phương tiện của Phật, Tổ rất nhiều, nhưng muốn tìm pháp thẳng tắt, giản dị, rộng lớn và tinh vi, thì không gì bằng pháp môn Tịnh độ. Người xưa bảo: "Trong biển sinh tử, niệm Phật bậc nhất", thật không phải lời nói giả dối!

Trong Kinh A Di Đà, chính đức Như Lai tuyên thuyết, chư Phật sáu phương cùng chung khen ngợi. Các Kinh Luận Đại thừa cũng đều khuyến tấn nhiều lần. Đến như các bậc Tông sư: Thiên Thai, Nam Nhạc, Trường Lô, Vĩnh Minh, Từ Thọ, Trung Phong… đều cực lực tán dương pháp môn niệm Phật.

Bởi vì, pháp môn này về mặt lợi mình thì có thể thành tựu trong một đời; về mặt lợi người thì đều có thể thâu nhiếp cả ba căn cơ; còn xét đến chỗ trở về thì phù hợp với ý chỉ của Thiền tông. Bảo rằng: "Thiền là Thiền của Tịnh độ, Tịnh độ là Tịnh độ của Thiền", thật là xác đáng!

Thời nay, Phật pháp dần suy, bậc chân tu hiếm thấy. Người tham thiền được chút ít hiểu biết liền vội luận bàn việc hướng thượng cao siêu, xem thường Tịnh hạnh. Thậm chí, họ còn xem những lời phá trừ chấp trước của Tổ sư là pháp thật. Khắp nơi đều như vậy không chịu nương về.

Người hiểu biết lấy làm lo lắng, bảo rằng: "Mọi người đã tự làm mất điều lợi ích, còn gây nên lỗi lầm phỉ báng chánh pháp. Thật đáng sợ thay!"

Đại sư Đạo Bái ở Bảo Phước, đích thân tiếp nhận pháp ấn của ngài Nguyên Hiền. Ở nơi đạo tràng hơn hai mươi năm, tông phong được truyền bá rộng rãi, mưa pháp thấm nhuần khắp xa gần, thật là biển Thiền trong một thời!

Ngoài những khi đề xướng Thiền học, Sư cực lực tán dương Tịnh Độ. Sư từng nói: "Lão tăng chí nơi tông môn, hạnh ở Tịnh Độ". Lời nói này thật sâu xa!

Ngài cùng Đại sư Thiên Thai, Vĩnh Minh đều là những bậc đã tự thân tu hành pháp niệm Phật, còn đem pháp ấy giáo hóa mọi người. Các vị này đều cùng một lối đi.

Tôi trước nay đắm chìm trong thế gian, hâm mộ cửa Phật muộn màng. Mùa xuân năm Tân Dậu, có nêu lên tám câu hỏi về Tịnh Độ nhờ Sư giải bày. Mùa Thu năm ấy, lại được Sư từ xa gửi đến quyển Tịnh Độ Chỉ Quyết. Trong đó, phần nhiều khai thị niệm Phật gồm những bức thư, lời hỏi, đáp, kệ tán, dẫn rộng lời Phật, Tổ để chứng minh, tạo niềm tin vững chắc cho mọi người, lời lẽ giản dị, nghĩa lý sâu xa.

Tôi kính cẩn đọc tới đọc lui, khen ngợi sách ấy thật là thiết yếu. Những người tu Thiền và Tịnh, ngay đây nếu biết quay về nhận lấy “quê xưa cảnh cũ” của chính mình, thì gọi Thiền hay gọi Tịnh đều là lời nói dư thừa. Nếu chưa được như thế, thì quyển sách này chính là thềm bậc của Tịnh bang, cũng là chiếc gương quý của biệt truyền vậy.
  • Tháng 5, năm Giáp Tý (1684),
    Niên hiệu Khang Hy,

    Đệ tử Cung Tích Viện.
    Kính ghi.
(Còn tiếp)
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: TỊNH ĐỘ CHỈ QUYÊT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

PHÁP NGỮ
KHAI THỊ TU TỊNH NGHIỆP CHO CƯ SĨ CUNG TÍCH VIỆN


Các Kinh thảy đều khen ngợi pháp môn niệm Phật. Trong kinh A Di Đà, chư Phật sáu phương đều hiện tướng lưỡi rộng dài che khắp ba ngàn thế giới nói lên lời thành thật. Đó chính vì sợ chúng sinh không tin nổi, nên các ngài mới làm như thế để bảo chứng cho lời nói đó không giả dối, và làm cho chúng sinh phát sinh lòng tin chắc chắn, bởi vì đây là pháp sâu rộng khó tin.

Kinh A Di Đà có nói: "Không thể dùng chút ít nhân duyên phước đức căn lành, mà được vãng sinh Tịnh Độ".

Pháp khó tin mà tin được thì biết người đó có nhiều nhân duyên, nhiều phước đức và nhiều căn lành.

Chỉ trong một môn niệm Phật mà bao gồm đầy đủ vô lượng pháp môn. Bởi vì Phật có ba thân, cõi có bốn loại. Người tu Tịnh nghiệp tùy theo sức mình mà tu hành:

- Hoặc niệm Phật Pháp Thân, nguyện sinh về cõi Thường Tịch Quang.

- Hoặc niệm Phật Báo Thân, nguyện sinh về cõi Thật báo Trang nghiêm.

- Hoặc niệm Phật Hóa Thân, nguyện sinh về hai cõi Phương Tiện Hữu Dư và Phàm Thánh Đồng Cư.

Tuy nói Phật có ba thân nhưng thật sự chỉ là một thân, nói có bốn cõi nhưng vốn chỉ là một cõi, vì đều lấy Pháp giới làm thể. Thế nên, hàng căn cơ viên đốn chỉ từ nơi một mà xuyên suốt tất cả. Như Đồng Tử Thiện Tài, ở núi Diệu Phong tham kiến vị thiện tri thức đầu tiên là Tỳ kheo Đức Vân được pháp Niệm Phật Tam Muội của ngài Phổ Hiền, đây chính là hạng người ấy.

- Niệm Phật Hóa Thân thì có Hòa thượng Đại Hạnh ở Cao Tề rất tôn sùng và chuyên tu trì theo pháp môn niệm Phật này. Ngài nói: "Tứ tự giáo chiếu". Nghĩa là nơi tâm thường luôn "tin nhớ", nơi miệng thường luôn "xưng kính".

Bảo rằng vãng sinh Tịnh Độ cần phải có lòng tin, ngàn người tin ngàn người được vãng sinh; muôn người tin, muôn người về Tịnh Độ.

Tâm luôn tin, miệng thường niệm danh hiệu Phật, thì chư Phật liền cứu, chư Phật liền độ. Tâm thường nhớ Phật, miệng thường niệm Phật, thân thường kính Phật, như thế mới gọi tin sâu. Dù cho sớm hay muộn, nhưng sau cùng cũng không còn lý do gì ở lại Ta Bà nữa. Đây chính là đứng về mặt Niệm Phật Hóa Thân, vãng sinh nơi cõi Phương Tiện và Đồng Cư. Vì vậy, nhắc nhở người mới phát tâm nên xem trọng và siêng năng thực hành.

- Niệm Phật Báo Thân thì sáu mươi vạn ức Na do tha hằng hà sa do tuần đều là thân của Phật. Vô lượng vô biên bất khả tư nghì A tăng kỳ kiếp là thọ mạng của Phật. Nước bốn biển trong ngần mắt biếc, năm Tu Di uyển chuyển bạch hào, ánh sáng không có bờ mé, quyến thuộc nhiều vô số. Người hầu cận bên trái là Bồ tát Quán Âm, bên phải là Bồ tát Thế Chí, vừa xưng danh hiệu thì diệt trừ được tội nặng của sự sinh tử trong tám mươi ức kiếp, thoáng nhìn Thánh tượng liền được tám vạn bốn ngàn tướng hảo.

Ôi! Đã bảo rằng thân Phật to lớn sáu mươi vạn ức Na do tha hằng hà sa do tuần thì Ta Bà cách Cực Lạc chẳng qua chỉ mười muôn ức cõi. Nếu vậy thì ba đường đen tối, sáu nẻo luân hồi, tất cả chúng sinh trong thế giới Ta Bà đều ở trong tâm của Phật A Di Đà, luôn luôn nuôi ta lớn, luôn luôn thâu nhận ta, luôn luôn phóng quang minh soi sáng ta. Không biết tại sao chúng sinh chẳng hay, chẳng tin, chẳng thấy?

Nếu người thiện nam có phước đức căn lành, thấy biết như thế, tin tưởng hướng về, phát nguyện rộng lớn, nguyện vãng sinh cõi nước ấy thì toàn thể dung thông, vừa khởi niệm liền đến ngay. Như vậy nào có xa xôi gì? Nếu có thể Niệm Phật Báo Thân được như thế, chắc chắc sinh về cõi Thật Báo Trang Nghiêm.

- Niệm Phật Pháp Thân, trong Luận Đại Thừa Khởi Tín nói: "Như trong Kinh nói nếu người chuyên niệm Phật A Di Đà ở thế giới Cực Lạc Tây phương; tu mọi căn lành để hồi hướng nguyện vãng sinh về thế giới ấy, thì chắc chắn được vãng sinh, vì thường thấy Phật nên rốt cuộc không thối chuyển. Nếu quán xét về Pháp thân chân như của đức Phật ấy và thường siêng năng tu tập, thì nhất định được vãng sinh, trụ nơi chánh định".

Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: "Phật A Di Đà là Thân Pháp Giới vào khắp trong tâm tưởng của tất cả chúng sinh. Thế nên, khi tâm các ông tưởng Phật, tâm ấy tức là ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Tâm này làm Phật, tâm này là Phật".

(Còn tiếp)
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: TỊNH ĐỘ CHỈ QUYÊT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Trời đất đồng cội gốc, muôn vật cùng một thể. Pháp thân của chư Phật là chân tâm bản giác của chúng sinh. Chư Phật không có chứng ngộ chi khác, chỉ là chứng ngộ chân tâm của chúng sinh.

Tâm, Phật và chúng sinh cả ba không khác biệt. Bảo rằng "tâm này làm Phật" là nói rõ do tâm biến hiện, từ nơi bản tánh mà tu hành. Bảo rằng "tâm này là Phật", nghĩa là ngoài tâm không có Phật, ngoài Phật không có tâm.

Pháp quán này không chỉ quán xét bản tánh, mà chính là nương vào quả Phật để hiển bày nơi bản tánh. Bởi vì đồng thể nên trước nói rõ Hóa Phật ở nơi tâm tưởng của ta, tiếp theo trình bày Pháp thân Như Lai chính là tâm thể bản giác của hành giả, không hai không khác.

Kinh Đại Phẩm Bát Nhã còn nói: "Tánh như của các pháp tức là Phật".

Kinh Kim Cang nói: "Như Lai nghĩa là tánh như của các pháp".

Đã biết "NHƯ" là Phật, mà tất cả pháp đều "NHƯ", thì pháp gì chẳng phải Phật. Cho nên vô minh, vọng tưởng điên đảo phan duyên của chúng sinh; cho đến non sông quả đất, cây cối rừng rậm, trâu ngựa heo dê, côn trùng vi tế đều là Pháp thân chân thật thanh tịnh của Phật A Di Đà. Hành giả nếu có thể Niệm Phật Pháp Thân như thế, thì trụ ở nơi chánh định, chắc chắn được sinh về cõi Thường Tịch Quang.

Kinh Duy Ma Cật nói: "Muốn được cõi nước thanh tịnh, nên làm thanh tịnh tâm mình. Tâm mình thanh tịnh thì cõi Phật thanh tịnh".

Nhưng phương pháp tịnh tâm thì không có thuật nào khác, chỉ có thâu nhiếp sáu căn, chuyên tâm niệm Phật là điều thiết thực nhất.

Thế nên, bậc cao đức ngày xưa nói: "Thanh châu gieo vào nước đục, nước đục không thể không trong. Danh hiệu Phật gieo vào tâm loạn, tâm loạn tất nhiên an định".

Tiên Sư nói:
  • "Tâm tịnh cõi Phật tịnh
    Lý này chẳng đổi dời
    Tơ sen nếu chưa đứt.
    Lôi kéo voi lớn đi".
(Tâm thanh tịnh thì cõi Phật thanh tịnh, lý này muôn vạn lần khó đổi dời. Nếu còn nghi ngờ sẽ chướng ngại sự tiến tu, cũng như sợi tơ sen nhỏ bé, nhưng có thể lôi kéo được voi lớn đi).

Đây đều là những lời chân thật.

Thân do cha mẹ sinh ra, tâm từ bóng duyên nơi sáu trần. Cả hai đều phải chịu sự sinh, trụ, dị, diệt, dời đổi trong từng niệm, biến hoại ở mỗi sát na, không thể nào nương tựa được lâu. Thế nên, tự mình cần nhìn thấu rõ thân tâm hiện giờ.

Bát Nhã Tâm Kinh nói: "Quán chiếu thấy năm uẩn đều rỗng không, vượt qua tất cả khổ đau".

Bài kệ của Phật Câu Lưu Tôn nói:
  • "Thấy thân không thật là thân thật
    Rõ tâm như huyễn là tâm thật
    Rõ được thân tâm vốn tánh không
    Người này với Phật nào khác biệt".
Hành giả tu Tịnh nghiệp, nên quán chiếu như thế, hiểu rõ như thế, quán xét thật tướng của thân tâm như thế, quán xét Phật cũng như thế. Bởi vì chúng sinh và Phật đều cùng một thể không hai, không khác.

Một bộ Kinh Hoa Nghiêm là lời nói đầu tiên trong năm thời của Như Lai, là lời bàn tột cùng xứng với tự tánh thênh thang bao dung rộng lớn và đầy đủ, mà sau cùng thâu về mười đại nguyện vương của ngài Phổ Hiền, dẫn về Cực Lạc. Thế nên biết, Cực Lạc là lối tắt dạo biển thế giới trang nghiêm Hoa Tạng, là ngôi nhà an ổn để các bậc Tam hiền Thập thánh, chư đại Bồ tát nghỉ ngơi. Phật tử chân chánh phải nên gắng sức tu hành không nên hứa hẹn lần hồi.

Hợp Luận của Lý trưởng giả thường lấy sự Quyền và Thật của Tịnh Độ để so sánh lẫn nhau, là bởi vì muốn dựa vào Lý mà nói để hiển bày Tam thừa, chỉ rõ Tịnh Độ ở phương khác là phương tiện quyền biến, còn Tịnh Độ duy tâm của giáo lý Nhất thừa trong kinh Hoa Nghiêm là chân thật.

Nhưng nếu chẳng có chân thật thì không thể lập bày quyền biến, chẳng có quyền biến thì không thể hiển bày chân thật. Quyền biến và chân thật đều để chỉ bày Tịnh Độ Hoa Nghiêm, còn Đông, Tây, Nam, Bắc, nhơ, sạch, lớn, nhỏ, mỗi sự mỗi vật đều là pháp giới vô tận luôn chứa đựng và dung thông lẫn nhau. Dùng Thập Huyền Lục Tướng dung thông mới vào được tận cùng đạo lý. Người đọc nên khéo được ý, đừng vướng mắc vào nơi ngôn ngữ.

(Còn tiếp)
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: TỊNH ĐỘ CHỈ QUYÊT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

DẠY THIỀN NHÂN ĐỨC CHƯƠNG

Thượng tọa Đức Chương trở về Duy Dương, ở vườn Cực Lạc, buông bỏ mọi việc để tiến tu Tịnh nghiệp. Lại không ngại mấy ngàn dặm xa xôi gửi thư đến, hỏi về pháp tu Tịnh Độ.
Tôi bảo: "Người tu Tịnh nghiệp trước phải nhìn thấu mọi thứ tệ ác trong cõi Ta bà đều là đau khổ, chẳng sinh tâm tham luyến.

Sau đó chuyên tâm hướng về Tịnh Độ, mỗi ngày đọc tụng kinh điển Đại thừa, dốc lòng niệm Phật, phát nguyện hồi hướng. Năm tháng tích lũy lâu dài, tự nhiên thành tựu Niệm Phật Tam Muội. Đó gọi là: "Muôn người tu, muôn người vãng sinh".

Tuy niệm Phật có đủ vô lượng pháp môn, nhưng chỉ có pháp Trì Danh Niệm Phật là thẳng tắt nhất. Kinh A Di Đà nói: "Chấp trì danh hiệu hoặc một ngày, hai ngày cho đến bảy ngày nhất tâm không loạn. Người ấy lúc sắp mạng chung, Phật A Di Đà cùng chư Thánh chúng hiện ra trước mắt. Người ấy lâm chung, tâm không điên đảo liền được vãng sinh cõi nước Cực Lạc", chính là nói điều này. "Nhất tâm không loạn" là nói pháp niệm Phật cần phải không mau không chậm, quan trọng là niệm cho mỗi chữ mỗi chữ rõ ràng, mỗi câu mỗi câu liên tục. Bởi vì không liên tục, thì ý niệm duyên theo ngoại cảnh, như thế không phải là nhất tâm. Không rõ ràng thì tâm liền mờ tối, rối loạn. Rời hai bệnh này, chính là khéo biết niệm Phật.

Nay bất luận là Sự hay Lý, chỉ đem một câu A Di Đà Phật hết lòng trì niệm, lòng tin chân thật tha thiết thì tự nhiên được tương ưng.

Chư Phật trong sáu phương đều hiện tướng lưỡi rộng dài che khắp ba ngàn thế giới, nói lời thành thật, chính vì sợ chúng sinh không tin nổi. Kinh Hoa Nghiêm quy hướng về mười đại nguyện vương của Bồ tát Phổ Hiền dẫn về Cực Lạc. Vì thế, ông nên luôn luôn nghiền ngẫm kỹ để bồi đắp lòng tin chân chánh, không thể xem thường!

(Còn tiếp)
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: TỊNH ĐỘ CHỈ QUYÊT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

THƯỢNG TỌA VIÊN HẠNH
Ở ÔN LĂNG THỈNH KHAI THỊ VỀ TỊNH ĐỘ


Sư bảo: "Hôm nay, do Thượng tọa Viên Hạnh ở am Bách Nguyên hướng dẫn các đạo hữu trong Liên Xã thiết lập trai đàn, mời Sơn tăng lên tòa khai thị pháp môn Tịnh Độ. Sơn tăng tuy chủ trì tông môn, nhưng thật ra tu trì Tịnh nghiệp trọn vẹn".

Khổng Tử nói:

"Chí của ta ở nơi Xuân Thu, mà hạnh thì ở nơi Hiếu Kinh".

Sơn tăng cũng trộm bảo:

"Chí của tôi ở Thiền tông, mà hạnh nơi Tịnh Độ".

Cho nên hôm nay, không quản ngại nhọc nhằn ở trước đại chúng, nhận lấy một phen bại trận, mặc cho người sáng mắt kiểm điểm. Đại chúng có biết hay chăng?

Tịnh Độ của Phật A Di Đà, chư Phật trong mười phương đều cùng nhau khen ngợi. Các Tổ sư bao đời khác miệng chung lời, nói rằng: "Đây là con đường thẳng tắt về nhà rất an ổn".

Không luận Tăng, tục, sang, hèn, nam, nữ, chỉ cần dốc hết tâm sức niệm Phật, thì nhất định được vãng sinh; vừa thấy Phật Di Đà liền vĩnh viễn bước lên hàng Bất thối chuyển, luôn luôn được nghe pháp, mỗi niệm mỗi niệm tiến đến Phật quả. Công đức lợi ích ấy thật chẳng thể nghĩ bàn!

Song, những người tham thiền gần đây không rõ ý chỉ, thường chấp Di Đà là tự tánh, Tịnh độ ở nơi tâm, không tin pháp môn Tịnh Độ, thậm chí còn truyền rộng tà thuyết này hủy hoại lòng tin của mọi người. Những kẻ ấy không chỉ tự mình sai lầm mà còn làm cho người khác sai lầm theo.

Thế nên đương thời, Thiền sư Diên Thọ ở chùa Vĩnh Minh, từng răn dạy sâu sắc những người không chứng ngộ chớ nên xem thường Tịnh độ. Ngài còn làm Tứ Liệu Giản, bảo rằng:
  • 1. Có Thiền, không Tịnh Độ
    Mười người, chín lạc lối
    Lúc Ấm cảnh hiện ra
    Liền theo đó mà đi.
Nghĩa là người chỉ thấu rõ lý Tánh, không phát nguyện vãng sinh. Ở lâu dài nơi Ta bà, thì có nỗi lo về Ấm cảnh, như năm mươi loại Ấm ma trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, chính là nói điều này.
  • 2. Không Thiền, có Tịnh Độ
    Muôn tu, muôn vãng sinh
    Chỉ được thấy Di Đà
    Lo gì chẳng khai ngộ.
Nghĩa là người tuy chưa thấu rõ lý tánh, chỉ cần một lòng niệm Phật và phát nguyện vãng sinh, khi đã gặp Phật A Di Đà thì tự nhiên khai ngộ.
  • 3. Có Thiền, có Tịnh Độ
    Như cọp mọc thêm sừng
    Đời nay làm thầy người
    Đời sau làm Phật Tổ.
Nghĩa là thấu rõ lý tánh lại tu Tịnh nghiệp, đây chính là nhân quả thù thắng vi diệu, lợi mình, Lợi người đời đời kiếp kiếp.
  • 4. Không Thiền, không Tịnh Độ
    Giường sắt với cột đồng
    Trải muôn kiếp ngàn đời
    Chẳng một ai nương tựa.
Nghĩa là đã không thấu rõ lý tánh, lại chẳng nguyện vãng sinh, mãi đắm chìm trong biển khổ, biết ngày nào ra khỏi.

Thiền sư Diên Thọ hết lời khuyên răn dạy bảo tới lui như thế, có thể thấy rằng: "Phật không thể không niệm, Tịnh Độ không thể không vãng sinh". Điều đó quá rõ ràng. Lẽ nào lại chấp suông vào sự hiểu biết cuồng dại, rồi tự để lại lo lắng cho mình về sau?

(Còn tiếp)
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: TỊNH ĐỘ CHỈ QUYÊT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Trong đại chúng tương đối cũng có người tin tưởng hướng về, nhưng chẳng qua chỉ thả trôi qua ngày, miệng tuy nói về Tịnh Độ nhưng tâm ràng buộc chốn Ta Bà. Cho nên, người niệm Phật thì nhiều như lông trâu, mà người vãng sinh lại ít như sừng lân. Không phải bảo rằng hoàn toàn không có, nhưng rất là hiếm. Do đó, Sơn tăng thường khuyên đệ tử tu Tịnh nghiệp, phải có đủ ba loại tư lương:
  • Một là phát khởi lòng tin vững chắc.
    Hai là tu hạnh chân thật.
    Ba là phát nguyện rộng lớn.
- Sao gọi là lòng tin vững chắc?

Nghĩa là phải tin cõi Ta Bà rõ ràng đau khổ, cõi Tây phương chắc chắn an vui. Phật A Di Đà, Bồ tát Quán Âm, Thế Chí hiện đang ở thế giới Ta bà này thâu nhận chúng sinh niệm Phật vãng sinh Tịnh Độ, điều đó thật sự không giả dối.

Lại phải tin rằng Phật A Di Đà là thân pháp giới ở khắp trong tâm tưởng của tất cả chúng sinh. Khi chúng sinh niệm Phật thì: "Tâm này tức là ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Tâm này làm Phật, tâm này là Phật". Như trong Kinh Hoa Nghiêm, Trưởng giả Giải Thoát nói: "Nếu ta muốn thấy Phật A Di Đà ở thế giới An lạc, tùy ý liền thấy ngay".

Tin được như thế mới là lòng tin vững chắc.

- Sao gọi là tu hạnh chân thật?

Nghĩa là người tu Tịnh nghiệp trước phải nhìn thấu được bản chất của thế gian, buông bỏ muôn duyên, suốt hai mươi bốn giờ, trong bốn oai nghi đem một câu A Di Đà Phật hết lòng trì niệm.

Điều quan trọng là niệm làm sao cho mỗi chữ, mỗi chữ rõ ràng; từng câu, từng câu liên tục. Niệm đến khi không còn phải nhớ niệm mà tự nơi tâm mình niệm, đó là niệm mà không niệm. Dù gặp đủ mọi cảnh duyên khác biệt, nhưng câu niệm Phật này vẫn rõ ràng hiện tiền. Trong sinh hoạt hằng ngày, niệm Phật như thế mới là hạnh chân thật.

- Sao gọi là phát nguyện rộng lớn?

Trên hội Hoa Nghiêm, Bồ tát Phổ Hiền sau khi phát mười nguyện lớn rồi, lại còn phát nguyện rằng:
  • "Nguyện con đến lúc sắp lâm chung
    Diệt trừ tất cả các chướng ngại
    Tận mặt gặp Phật A Di Đà
    Liền được vãng sinh cõi Cực lạc.
    Con đã vãng sinh cõi kia rồi
    Hiện tiền thành tựu nguyện lớn này
    Tất cả tròn đầy không thiếu sót
    Lợi lạc hết thảy các chúng sinh.
    Chúng hội Phật ấy đều thanh tịnh
    Con từ hoa sen nở sinh ra
    Tận mắt thấy Phật Vô Lượng Quang
    Hiện tiền thọ ký quả Bồ đề.
    Con được Như Lai thọ ký rồi
    Hóa thân vô số muôn ngàn ức
    Trí lực rộng lớn khắp mười phương
    Lợi ích tất cả các chúng sinh".
Phát nguyện như thế mới gọi là rộng lớn.

Bởi vì nếu nguyện không rộng lớn tức là nguyện nhỏ hẹp; hạnh không chân thật tức là hạnh giả dối; lòng tin không vững chắc tức là lòng tin nông cạn. Người như thế muốn được vãng sinh, thật rất khó khăn.

Nếu lòng tin đã vững chắc, hạnh lại chân thật; phát nguyện được rộng lớn, giống như thuận buồm xuôi gió tiến thẳng đến bờ kia, có gì gian nan hiểm trở?

Lại cần phải biết, thế giới Ta Bà, sáu nẻo luân hồi chịu mọi thứ đau khổ, chỉ vì một chữ "Ái". Thế giới Cực Lạc thọ hưởng đủ mọi niềm vui, nhất định tiến đến chỗ thành Phật là do một chữ "Tịnh". Thế nên, bậc cao đức ngày xưa nói:
  • "Ái không nặng, không sinh Ta Bà
    Niệm không tịnh, không sinh Tịnh Độ".
Do đó, người tu Tịnh nghiệp cần phải mạnh mẽ cắt đứt duyên ái, siêng năng tu tập tịnh niệm. Lúc tịnh niệm thành tựu, cũng chính là lúc hoa nở thấy Phật, đã thấy Phật rồi mới biết tuy trọn ngày niệm Phật, mà chẳng trái với vô niệm, rõ ràng vãng sinh vốn không trái với vô sinh.

Phàm và Thánh đều ở nơi vị trí của mình, mà đạo cảm ứng qua lại. Đông, Tây chẳng lại qua, mà thần thức siêu sinh Tịnh Độ. Nghiệp trói cột khổ đau chẳng thể buộc ràng, lửa trong kiếp thiêu chẳng thể đốt cháy. Trừ bỏ năm tướng suy hao trên cõi Trời, không còn tám nỗi khổ đau ở nhân thế. Gió thổi vi vu lay cành báu, sóng nước xao động lấp lánh ánh vàng. Thiên nhạc diễn thuyết pháp khổ, không, chim linh tuyên bày diệu pháp. Chẳng nhờ vào pháp thuật nào khác, chính là "quê xưa cảnh cũ" của chính mình. Các ông rõ biết hay chăng?

Tự chẳng muốn về, về liền được. Cảnh đẹp Ngũ Hồ có ai tranh?

Đại chúng đã đứng lâu rồi. Trân trọng!

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: TỊNH ĐỘ CHỈ QUYÊT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

  • KHAI THỊ CHO THƯỢNG NHÂN DUY TƯỜNG
Ngày xưa, Thế Tôn ở trong Tam thừa riêng biệt mở ra một môn Tịnh Độ, gọi là "lối tắt tu hành", cũng gọi là "vượt khỏi ba cõi theo chiều ngang". Vốn bảo rằng: "Niệm Phật vãng sinh rất dễ dàng".

Thời nay, người niệm Phật thì nhiều, người vãng sinh lại ít. Tại sao như thế? Bởi vì chẳng nhìn thấu Ta bà, chẳng tin nơi Cực Lạc. Ta bà tệ ác đủ mọi bức bách, có chỗ nào mà nhìn không thấu suốt. Cực Lạc thì Y báo, Chánh báo vô vàn thù thắng.

Chư Phật trong mười phương, các Tổ sư bao đời nhiều lần hết lời khuyên bảo tới lui việc vãng sinh, còn có chỗ nào mà không tin? Nếu thật sự không tin, không nhìn thấu suốt tức là chúng sinh ngu si không trí tuệ, mù tối, chỉ lo việc trước mắt, chẳng biết lo sợ về sau. Thế thì, nỗi khổ sau này chưa biết bao giờ kết thúc.

Chỉ có người trí mới nhìn thấu rõ mọi việc ở thế giới Ta bà, tin sâu chắc những điều nơi thế giới Cực Lạc. Sau đó buông bỏ muôn duyên, trong bốn oai nghi đều chuyên tâm trì niệm một câu "A Di Đà Phật" này.

Điều quan trọng là niệm làm sao cho mỗi chữ mỗi chữ được rõ ràng, từng câu từng câu đều đặn liên tục. Niệm đến khi chỉ còn tâm thanh tịnh không loạn động. Lúc hoa nở thấy Phật mới hay niệm tức là Phật, Phật tức là niệm; niệm chẳng phải niệm, Phật chẳng phải Phật; Di Đà và chính mình hoàn toàn là một, Cực Lạc, Ta Bà trở nên đồng nhất.

Sau đó đem pháp như thế để độ chúng sinh cũng như thế, nguyện đạt tới phẩm cao nhất trong chín phẩm, đầy đủ ba kỳ kiếp chỉ trong một đời, trên báo đáp được bốn ân, dưới cứu giúp ba cõi. Như thế mới là người Phật tử chân chánh.

Thời gian chẳng đợi người. Mỗi người nên tự cố gắng.

Trân trọng!
  • KHAI THỊ CHO VƯƠNG LIÊN THẬT
Sư bảo: "Ông thờ Phật, ăn chay, dốc lòng tu Tịnh nghiệp, còn mời Sơn tăng nói rõ yếu chỉ Tịnh độ để làm công cứ, mà ông có thể hội chăng?"

Nghiệp thiện, nghiệp ác đều do tâm tạo; uế độ, Tịnh Độ đều từ tâm sinh.

Do đó, Thế Tôn nói:

- Tâm ngay thẳng là Tịnh Độ của Bồ tát. Khi Bồ tát thành Phật, những chúng sinh không xiểm nịnh đến sinh trong thế giới của ngài.

- Tâm sâu xa là Tịnh Độ của Bồ tát. Khi Bồ tát thành Phật, những chúng sinh đầy đủ công đức đến sinh trong thế giới của ngài.

- Tâm Đại thừa là Tịnh Độ của Bồ tát. Khi Bồ tát thành Phật, những chúng sinh Đại thừa đến sinh trong thế giới của ngài.

Cho đến bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ đều là Tịnh Độ của Bồ tát.
Khi Bồ tát thành Phật, những chúng sinh đầy đủ Lục độ sinh về trong thế giới của ngài.

Thế nên nói: "Muốn được Tịnh độ nên làm thanh tịnh tâm mình. Tâm mình thanh tịnh thì cõi Phật thanh tịnh".

Dám hỏi: "Rốt cuộc làm sao để được tâm thanh tịnh? Ông có tỏ rõ hay chăng?"
  • Xưa nay không một vật
    Bụi bặm bám vào đâu?
    Vừa niệm A Di Đà
    Tịnh độ sen đã nở.
    Ngũ trược vốn thanh tịnh
    Tam kỳ chẳng an bày
    Người người trong nhà lửa
    Đều ngồi đài sen báu.

Trân trọng!

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: TỊNH ĐỘ CHỈ QUYÊT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

  • VĂN KHUYÊN NIỆM PHẬT
Nói về tình người, không ai chẳng chán khổ ưa vui, bỏ khổ lấy vui. Vậy mà hiện nay có nhiều sự khổ đau cùng cực, nhưng vẫn không biết chán nản rời bỏ; Lại biết có niềm vui tột bực mà chẳng biết ưa thích nhận lấy. Như thế không phải rất mê lầm hay sao?

Sự khổ đau cùng cực chính là nơi thế giới Ta Bà này, sinh, già, bệnh, chết đủ mọi bức bách.

Niềm vui tột bực chính là thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà ở phương Tây, có đầy đủ Y báo, Chánh báo thanh tịnh trang nghiêm.

Bậc cao đức ngày xưa, vì thấy chúng sinh mãi mê lầm không thấu suốt nguyên nhân đau khổ và an vui, nên mới so sánh giữa Ta Bà và Tịnh Độ. Nói rằng:

- Ở cõi này loài người bẩm thọ thân hình máu thịt, có sinh là có khổ; cõi kia thì chúng hữu tình đều hóa sinh nơi hoa sen, không còn sự khổ về sinh.

- Ở cõi này thời tiết đổi dời, con người lần lần đi đến cảnh già yếu; cõi kia không có sự thay đổi nóng, lạnh, chúng sinh không bị khổ suy già.

- Ở cõi này con người mang thân hữu lậu dễ sinh nhiều bệnh hoạn, cõi kia thì chúng sinh thân thể phước báo thanh tịnh, không có sự khổ về đau yếu.

- Ở cõi này ít ai sống đến bảy mươi, cơn vô thường mau chóng; cõi kia thì chúng sinh mạng sống đến kiếp vô lượng vô biên, không có sự khổ về chết.

- Ở cõi này con người bị sợi dây thân tình, ái luyến ràng buộc, chịu nỗi đau khổ vì chia lìa; nơi cõi kia chúng sinh đều là quyến thuộc Bồ đề, nên không bị khổ về ân tình chia cách.

- Ở cõi này có nhiều sự ganh ghét oán thù, nên khi gặp gỡ tất phải chịu nhiều nỗi phiền não khổ đau; nơi cõi kia toàn bậc thiện nhân nên không có sự khổ về oan gia hội ngộ.

- Ở cõi này con người phần nhiều nghèo khổ thiếu kém, tham cầu không thấy đủ; nơi cõi kia, sự thọ dụng về ăn, mặc, ở, các thứ trân báu đều được hóa hiện tự nhiên.

- Ở cõi này con người hình thể xấu xa, các căn không đủ; cõi kia chúng sinh tướng hảo trang nghiêm, thân thể có ánh sáng xinh đẹp.

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: TỊNH ĐỘ CHỈ QUYÊT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

- Ở cõi này chúng sinh xoay vần trong vòng sinh–tử; nơi cõi kia bậc thượng thiện nhân đều chứng Vô sinh pháp nhẫn (lý thể chân như thật tướng xa lìa sinh diệt).

- Ở cõi này tu hành khó thành đạo quả. Nơi cõi kia mọi người tiến lên ngôi Bất thối chuyển dễ dàng.

- Ở cõi này nhiều gò nổng hang hố, rừng rậm chông gai, đầy dẫy các tướng nhơ ác; nơi cõi kia vàng ròng làm đất, cây báu vút trời, lầu chói trân châu, hoa khoe bốn sắc.

- Ở cõi này rừng Ta La Song Thọ đã khuất bóng đức Phật, hội Long Hoa của Bồ tát Di Lặc còn xa diệu vợi; nơi cõi kia, Di Đà Thế Tôn hiện đang thuyết pháp.

- Ở cõi này chỉ mến danh lành của Bồ tát Quán Âm, Thế Chí; nơi cõi kia, chúng sinh thường làm bạn với các ngài.

- Ở cõi này bọn ma cùng ngoại đạo làm não loạn người tu hành chân chánh; nơi cõi kia, chỉ thuần là sự giáo hoá của Phật, tà ma không còn dấu vết.

- Ở cõi này tài sắc, âm thanh, danh lợi khiến người tu mê hoặc; nơi cõi kia có Y báo và Chánh báo thanh tịnh, hoàn toàn không có bóng người nữ.

- Ở cõi này ác thú, ma quái gào thét rùng rợn. Nơi cõi kia, chim, nước, cây rừng thường nói pháp mầu.

So sánh hai cõi, cảnh duyên hơn, kém nhau rất xa. Sự thù thắng của cõi Cực Lạc thật không sao có thể kể hết!

Nay đã nói rõ đến như thế, vậy mà người đời vẫn mịt mờ, không biết ưa thích niềm vui Cực Lạc, chán nản nỗi khổ ở Ta Bà, bỏ đây về kia. Đó đều do tập khí hư vọng nhiều đời che đậy tự tâm, trí tuệ chẳng phát sinh, nên xét lý không sáng tỏ.

Than ôi! Người không lo xa ắt có buồn gần. Người đời đều biết có ngày sẽ chết, nhưng chẳng vì điều đó mà chọn lựa nơi tốt đẹp cho thân sau, thật là một lối đi rất sai lầm. Cho nên, Thế Tôn ra đời, dùng nhiều thứ phương tiện khuyên người niệm Phật cầu vãng sinh Tịnh Độ, đều là chỉ dạy mọi người một con đường đi.

Kinh A Di Đà nói: "Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhơn nghe nói về Phật A Di Đà bèn chấp trì danh hiệu, hoặc một ngày hoặc hai ngày cho đến bảy ngày nhất tâm không loạn. Người ấy lúc sắp lâm chung, Phật A Di Đà cùng chư Thánh chúng hiện ra trước mắt.

Khi người ấy lâm chung, tâm không điên đảo liền được vãng sinh cõi nước Cực Lạc của Phật A Di Đà".

Một ngày, hai ngày cho đến bảy ngày dốc hết lòng niệm Phật, còn được vãng sinh. Thì huống chi một tháng, một năm, cho đến trọn đời dồn hết tâm sức để niệm Phật, chẳng lẽ không được vãng sinh hay sao?

Kinh Quán Vô Lượng Thọ còn nói: "Nếu có chúng sinh tạo nghiệp bất thiện, năm tội nghịch, mười điều ác. Do nghiệp ác, nên phải đọa vào đường ác. Nếu có thể chí tâm niệm Phật không dứt tiếng, đầy đủ mười niệm xưng Nam Mô A Di Đà Phật. Bởi xưng danh hiệu Phật, nên trong mỗi niệm mỗi niệm trừ được tội nặng của sự sinh tử trong tám mươi ức kiếp. Lúc mạng chung thấy hoa sen vàng giống như mặt trời ở trước mặt, chỉ trong khoảnh khắc liền được vãng sinh Cực Lạc".

Người tạo mười điều ác, chỉ trong khoảnh khắc niệm mười câu Phật, nương nguyện lực của Phật còn tiêu diệt tội lỗi được vãng sinh. Huống chi người có lòng tin chân chánh, niệm trăm câu, ngàn câu, muôn câu, cho đến niệm Phật nhiều vô số kể, mà không được tiêu diệt tội lỗi vãng sinh hay sao?

Thế nên, tôi khuyên tất cả người đời nên tranh thủ chút ít thời gian rảnh rỗi trong lúc bận rộn, mỗi ngày niệm Phật hoặc trăm, hoặc ngàn, hoặc muôn câu. Niệm xong rồi thì điền vào vòng tròn, hồi hướng Tịnh độ. Một năm đã mãn, sau đó tính chung lại xem niệm Phật được mấy muôn câu, ghi vào trong sổ, thọ trì suốt đời, dần dần tích lũy Tịnh nghiệp. Người ấy hiện tại được ánh sáng của Phật chiếu soi, tội diệt, phước tăng, về sau được ba vị Thánh ở Tây phương tiếp dẫn sinh về Tịnh Độ.

Hạnh chân thật, nguyện chân thật, nhân chân thật, quả chân thật. Nếu chịu tin theo đây mới là người bạn pháp chân thật.

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: TỊNH ĐỘ CHỈ QUYÊT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

  • VĂN KHUYÊN NIỆM PHẬT PHÓNG SINH

Con người sống ở trên đời này một trăm năm có bao lâu. Một hơi thở không trở lại liền qua đời khác, muôn thứ chẳng đem được, chỉ có nghiệp theo mình. Ngay lúc ấy dù muốn niệm một câu Phật, nhưng có được chăng? Muốn thả một sinh mạng có được chăng?

Thế nên, hôm nay tôi khuyên khắp tất cả mọi người, không luận sang, hèn, giàu, nghèo, nam, nữ, già, trẻ đều có thể xoay đầu nhìn lại để thấu rõ điều này, rồi tranh thủ thời gian rảnh trong một ngày niệm Phật ba thời, giảm bớt những việc phù phiếm uổng phí hơi sức. Ngoài ra còn phải cứu sinh mạng lúc nguy ách, để làm chánh nhân Tịnh Độ, gieo trồng hạt giống từ bi.

Bảo rằng niệm Phật, không phải niệm Phật nào khác, chính là niệm Phật A Di Đà ở thế giới Cực Lạc. Do đức Phật ấy từ xa xưa đã phát thệ nguyện lớn, thâu nhận những chúng sinh niệm Phật vãng sinh Tịnh Độ.

Phóng sinh, chẳng phải thả sinh mạng nào khác, đó chính là thả sinh mạng lục thân quyến thuộc nhiều đời của chính mình. Bởi vì chúng từ xa xưa đến nay đã từng cùng ta làm cha con, thân quyến, chỉ vì thay hình đổi dạng, nghiệp báo khác nhau nên không còn nhận ra nhau nữa.

Vì sao biết như thế?

Kinh A Di Đà nói: "Từ đây qua phương Tây cách mười muôn ức cõi Phật, có thế giới tên là Cực lạc. Đức Phật ấy hiệu là A Di Đà, hiện nay đang thuyết pháp… Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhơn nghe nói về Phật A Di Đà liền chấp trì danh hiệu. Hoặc một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, cho đến bảy ngày nhất tâm không loạn, thì người ấy lúc sắp lâm chung, tâm không điên đảo liền được vãng sinh cõi nước Cực lạc của Phật A Di Đà".

Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: "Nếu có chúng sinh có thể chí tâm niệm Phật không dứt, đầy đủ mười niệm xưng Nam Mô A Di Đà Phật. Do xưng niệm danh hiệu Phật, nên trong mỗi niệm, mỗi niệm diệt trừ tội nặng của sự sinh, tử trong tám mươi ức kiếp. Lúc mạng chung, thấy hoa sen vàng giống như mặt trời ở trước mặt, chỉ trong khoảnh khắc liền được sinh về thế giới Cực Lạc".

Kinh Lăng Nghiêm nói: "Nhớ Phật, niệm Phật trong hiện tại, thì tương lai nhất định thấy Phật".

Như những lời nói trong ba bộ Kinh trên, há chẳng phải là sự minh chứng của việc niệm Phật A Di Đà vãng sinh Tịnh Độ hay sao?

Kinh Hoa Nghiêm nói: "Đối với tất cả chúng sinh có mạng sống, nên thường phát sinh lòng từ bi lợi ích, chẳng có tâm ác làm hại chúng sinh. Huống gì đối với chúng sinh lại khởi tư tưởng cố ý sát hại".

Kinh Lăng Già nói: "Có vô lượng lý do không nên ăn thịt. Vì tất cả chúng sinh từ xưa đến nay do nhân duyên thường làm thân quyến của ta. Do là người thân, vì thế không nên ăn thịt".

Kinh Phạm Võng nói: "Vì lòng từ bi, nên thực hành phóng sinh. Phải suy nghĩ thế này: Tất cả người nam là cha ta; tất cả người nữ là mẹ ta, ta đời đời kiếp kiếp đều từ họ thọ sinh. Vì vậy chúng sinh trong sáu nẻo đều là cha mẹ của ta. Nếu ta giết chúng để ăn tức là giết cha mẹ ta vậy".

Như lời nói trong ba bộ Kinh trên, lẽ nào chẳng phải là sự minh chứng của việc phóng sinh, chính là thả quyến thuộc nhiều đời của mình hay sao?

Bậc cao đức ngày xưa bảo rằng: "Lời Phật nói không tin, vậy lời ai đáng tin? Đạo làm người mà không tu, thì tu đạo gì?"

Nay đã được sinh trong loài người, đã được nghe lời Phật nói mà không tin, không tu, thì tôi chẳng biết phải làm thế nào nữa?

Sự xấu kém và tốt đẹp giữa Ta Bà và Tịnh Độ; tội, phước và nhân, quả của việc sát sinh cùng phóng sinh, đều được ghi chép rộng rãi trong Kinh điển rồi, nên không cần phải nói nhiều ở đây.

Mong những bậc cao minh nên tự xem rộng, để chuyển hóa những người chưa tin. Nếu làm được như thế thì công đức vô lượng!

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.39 khách