THÀNH THẬT NIỆM PHẬT

Thảo luận giáo lý và phương pháp hành trì pháp môn niệm Phật.

Điều hành viên: binh, battinh

Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

THÀNH THẬT NIỆM PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

THÀNH THẬT NIỆM PHẬT
(Trích sách: Sơ Lược Tiểu Sử Ngài Hư Văn Hòa Thượng, soạn giả Thanh Lan Võ Ngọc Thành, năm 01.01.2009, trang 191-194)
Đệ tử làm lễ kỷ niệm ngày viên tịch của Sư Phụ là Ấn Quang Đại sư, Hư Vân hòa thượng tham lễ và thuyết pháp:

Đạo lý Phật pháp bảo: "Sư Phụ là Pháp thân Phụ Mẫu (tức là cha mẹ của Pháp thân mình chớ không phải nhục thân như cha mẹ đã sanh đẻ mình)".

Uống nước nhớ nguồn! Kỷ niệm ngày Thầy (Sư phụ), tức là đối với Pháp thân Phụ Mẫu tỏ lòng Hiếu, sánh với việc hiếu nhỏ ở thế gian lại còn có ý nghĩa hơn.

Nhớ lại: Lần thứ nhất, Hư Vân tôi với ngài Ấn Quang Lão Pháp sư gặp nhau vào năm Quang Tự thứ hai ở Phổ Đà Sơn. Lúc ấy ngài Hóa Văn Hòa thượng mời ngài Ấn Quang ở chùa trước giảng kinh A Di Đà.

Sau khi giảng kinh này, ngài Ấn Quang ở luôn trong chùa suốt hai mươi năm, đọc bộ Đại Tạng, không ra khỏi chùa một bước. Chỉ là việc đóng cửa tu hành kín đáo, cho nên đối với giáo nghĩa kinh tạng ngài hết sức tinh thâm. Tuy ngài hiểu rất sâu xa giáo nghĩa, mà trái lại, ngài duy lấy một câu "A Di Đà Phật" làm sự tu hành thường lệ. Tuyệt nhiên ngài chẳng thấy tự mình được thông hiểu sâu xa kinh giáo mà coi nhẹ pháp môn niệm Phật.

Chỗ thuyết pháp của Phật, không một pháp nào là chẳng để trị lành bệnh khổ của chúng sanh.

Pháp môn niệm Phật có tên gọi là vị thuốc A Da Đà, bao gồm chữa hết thảy các chứng bệnh. Tuy nhiên, có điều này, người tu hành phải nhớ và luôn phải có một cách chắc chắn, vững vàng: Chẳng kể tu một pháp môn nào, hành giả đều phải có một lòng tin (đức tin - Foi), nắm cho được vững vàng, thực hành đúng mức sâu xa mới có thể được lợi ích viên mãn.

Lòng tin có vững chắc thì niệm chú cũng có kết quả. Tham thiền cũng có thể thành, niệm Phật mới có lợi ích viên mãn. Cả thảy đều giống như thế.

Nếu đức tin không sâu, mà duy dựa vào chỗ thiện căn nhỏ bé của mình, học vấn của trí thông minh mỏng manh của mình, hoặc nhờ được mấy cái danh tướng, một mớ công án mà nói tướng, nói thánh, cao đàm hùng biện tứ tung, rồi loạn bàn cho cái này là phải, luận cho cái kia là sai..., thì chỉ làm lớn thêm nghiệp và thói quen, để rồi lần đến chỗ sanh tử, thì vẫn như cũ theo nghiệp mình lưu chuyển. Như vậy, há chẳng buồn sao?

Hôm nay các ông là đệ tử của ngài Ấn Quang Lão Pháp sư, làm lễ kỷ niệm ngài. Đó là kỷ niệm sự tu hành chân chính của ngài. Ngài Ấn Quang dẫm chân vào chỗ chân thật mà tu hành, một cách chân thực. Ngài thật là đủ để theo dõi dấu vết của các bậc Cổ Đức. Ngài hiểu rõ lý sâu mầu của chương "Phật Viên Thông của Đại Thế Chí Bồ tát", noi theo đó bắt đầu tu hành, được niệm Phật Tam muội mà hoằng dương một ngày. Chẳng từ bỏ sự khổ cực, mệt mỏi! Ngày nay, đích xác là không có người nào làm được như thế.

Người tu hành chân chính thì chẳng nổi dậy sự thấy phân biệt nhân ngã, chỉ lấy một câu danh hiệu Phật làm chỗ nương tựa để tu hành, làm cây gậy chống vững vàng mà đi.

Thế là: Buổi sáng niệm, buổi tối cũng niệm, lúc ngồi cũng niệm, làm việc cũng niệm, ngay lúc ăn uống cũng niệm, tiểu tiện cũng niệm..., trong khoảng thời gian niệm niệm chẳng quên, niệm niệm mật mật (khít khao, không gián đoạn).

Khi chỗ công phu của mình làm đã thuần thục thì cảnh giới Di Đà trong sạch hiện ngay trước mắt. Đây là Hư Vân nói lên trọn vẹn yếu chỉ của pháp môn niệm Phật (Tịnh Độ) cũng như pháp môn Trì Chú (Mật Tông) đến chỗ cứu cánh rốt ráo vậy.

Sự lợi ích bấy giờ thật là không bờ bến, mà tự mình có thể thân chứng được.

Chỉ cần phải có đức tin kiên cố nhất định. Nếu lòng mình chẳng kiên cố thì muôn việc chẳng thể thành.

Nếu ngày nay người ta bảo Tham thiền là tốt, bèn bỏ công phu niệm Phật đi Tham thiền. Ngày mai lại nghe nói học về giáo lý tốt, lại bỏ Tham thiền đi nghe giáo lý. Học Giáo lý chưa thông, lại niệm chú... Ô hô! Đầu nào cũng không xong đầu nào!

Món nợ nào cũng chẳng trả xong, tâm mình chẳng định, rồi bảo cho là Phật Tổ lừa dối chúng sanh, báng Phật, báng Pháp, tạo nghiệp không lành.

Ấy vậy, chúng ta phải kiên cố vững tin, tin chắc sự lợi ích của pháp môn Tịnh Độ, noi theo ngài Ấn Quang Pháp sư học chỗ "Thành Thật Niệm Phật", lập chí kiên cố, phát tâm dũng mãnh lấy Tây phương Tịnh Độ làm việc với đời mình.

Tham thiền cũng với Niệm Phật ở người mới phát tâm thì xem thấy là hai việc khác nhau. Nhưng ở người tu hành lâu ngày, đi sâu vào thì chỉ là một thôi.

Tham thiền là xách lên câu "thoại đầu", dứt ngay dòng sống chết. Đó cũng là lòng tin kiên cố nhất định mà tới. Nếu thoại đầu nắm chẳng vững chắc thì Thiền tâm, Tham thiền cũng chẳng thành.

Trái lại, nếu lòng tin kiên cố, nhất định ôm chắc, ôm chết một câu thoại đầu, chí đến chỗ uống trà không biết là trà, ăn cơm chẳng biết là ăn cơm, tới công phu thuần thục, thì căn trần thoát lạc, sự dụng lớn hiện ra, thì cùng với chỗ công phu niệm Phật thuần thục đến chỗ cảnh sạch hiện ra, là một thứ giống nhau, không gì sai khác của đôi bên pháp môn: Tham thiền và Tịnh Độ hay Thiền-Tịnh đó vậy.

Đến cảnh giới này rồi, lý và sự viên dung, tâm và Phật chẳng hay, Phật cũng "như" và chúng sanh cũng "như", chớ không có hai chữ "như" nào có sai biệt đâu?

Kết luận, xin khuyên tất cả ở đây đều là người Niệm Phật của pháp môn Tịnh Độ, chúng ta nên luôn giữ lấy một câu danh hiệu "A Di Đà Phật" làm chỗ nhờ cậy trọn đời của tự mình. Cứ thành thật tin tưởng, tinh tiến, vững vàng mà niệm: Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật! Nam Mô A Di Đà Phật!
  • Niệm Phật yếu như tế thủy trường lưu, niệm niệm bất đoạn, tâm cảnh nhất như, nó tựa thị tham thiền (Hư Vân Hòa thượng).
    (Niệm Phật phải yếu như giọt nước tuôn chảy dài không dừng, một mạch niệm niệm không gián đoạn, cho đến tâm bất loạn, thì bấy giờ cảnh bên ngoài, tâm bên trong là một vậy. Như thế là Tham thiền đó, có gì khác đâu).
Thiền Tịnh song tu cũng là thế đó thôi!
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.31 khách