MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT

Thảo luận giáo lý và phương pháp hành trì pháp môn niệm Phật.

Điều hành viên: binh, battinh

Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT
Triệt Ngộ Thiền Sư
Việt dịch và Lược giải: Hòa Thượng Thích Thiền Tâm
Hán 1:
  • Nhứt cú Di Đà
    Ngã Phật tâm yếu
    Thụ triệt Ngũ thời
    Hoàng cai Bát giáo.
Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Tâm yếu của Phật ta.
    Dọc năm thời thấu suốt
    Ngang tám giáo trùm xa.
Lược giải:

Một câu niệm Phật là tâm yếu của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Tâm yếu, cũng gọi là tông, là yếu chỉ tức sắc tức không của cảnh giới chân tâm, không thể dùng lời nói và tư tưởng để luận bàn suy nghĩ được. Năm thời là: Hoa Nghiêm, A Hàm, Phương Đẳng, Bát Nhã, và thời Pháp Hoa. Tám giáo là: Tạng, Thông, Biệt, Viên, Đốn, Tiệm, Bí mật và Bất định giáo. Dọc là chỉ cho chiều cao thuộc thời gian. Ngang chỉ cho chiều rộng thuộc không gian. Ý nói câu niệm Phật rất mầu nhiệm, về nghĩa lý bao trùm năm thời, tám giáo, về cao rộng suốt cả thời gian, không gian.

Hán 2:
  • Nhứt cú Di Đà
    Ý chỉ như hà?
    Bạn tri âm thường ít
    Mộc nhĩ thiên đa!
Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Ý chỉ diệu bao nhiêu?
    Bạn tri âm thường ít
    Kẻ tai gỗ riêng nhiều!
Lược giải:

Như bài kệ trên đã dẫn, ta thấy đại khái ý chỉ của câu niệm Phật cao diệu như thế nào! Cho nên Thành Thời Đại Sư đã nói trong một Đề Từ:
  • Mà trong A Di hồng danh thâm.
    Nghìn muôn khôn tìm ra tri âm!
    Thiên Như lòng từ soi chân đăng.
    Đưa người mau ra vòng mê lầm...
    Ôi câu hồng danh mầu thâm xa.
    Sâu cùng chư tông làng thiền na.
    Buông ra thâu vào đều như như.
    Tương tư mơ đầy trời Liên hoa!

Điệu đàn niệm Phật cao siêu mầu nhiệm như thế, trừ ra bậc tri âm, chớ kẻ tai gỗ làm sao nghe thấu? Vì thế nhiều kẻ đã lầm đánh giá niệm Phật là pháp thấp kém chỉ để cho kẻ ngu dốt, hạng người già cả tu hành. Thật đáng cảm xót vì cảnh ít tri âm, như lời một bậc tiền bối đã than:
  • Nga nga hồi chí tại cao sơn
    Dương dương hồ ý tại lưu thủy
    Đàn bá nha ít kẻ tri âm
    Những nghe qua xót trộm lại đau thầm
    Chung Kỳ mất đập cầm không muốn khảy!
(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Hán 3:
  • Nhứt cú Di Đà
    Đại ý phân minh
    Xà sanh cung ảnh
    Dược xuất kim bình.
Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Đại ý thật phân minh
    Rắn sanh từ cung ảnh
    Thuốc lấy ở kim bình.
Lược giải:

Một người tới nhà bạn thân chơi, cố giao rót trà ra chén mời uống. Lúc ấy vào khoảng đầu đêm, ánh đèn chấp chóa in bóng cung treo gần bên vào chén giống như con rắn đang lăn quăn chao động. Trong lúc không kịp suy nghĩ, người ấy uống vội hết chén trà, rồi chợt sanh lòng nghi là mình đã nuốt con rắn nhỏ vào bụng, nhưng không dám nói. Về đền nhà anh lo sợ, rồi phát bịnh. Sau bạn đến thăm, hỏi biết duyên cớ, mời đến nhà để dĩa đèn và chén trà chỗ cũ, chỉ cây cung treo gần bên, người ấy mới dứt hết mối nghi và lành bịnh. Thuở xưa người Ấn Độ khi luyện thuốc quí, thường dùng gương dầy hoặc ngọc thủy tinh tụ ánh sáng mặt trăng để lấy nước. Luyện xong lại cất thuốc vào bình bạc hoặc bình vàng, cho tăng thêm hiệu lực linh nghiệm. Đây ý nói câu niệm Phật rõ ràng là pháp viên đốn đi thẳng vào chân tâm, ngay lúc niệm Phật tức đã thể hiện Phật tánh, ví như thuốc quí lấy ra từ bình vàng. Kẻ không biết lầm hiểu niệm Phật là pháp Quyền giáo để dứt trừ vọng tưởng, hoặc pháp Tiệm giáo để gieo lần thiện căn. Như thế có khác gì anh chàng lờ lạc nghi ngờ lầm bóng cung là rắn đâu?

Hán 4:
  • Nhứt cú Di Đà
    Danh dị phương tiện
    Phổ nhiếp quần cơ
    Bàng thông nhất tuyến.
Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Phương tiện cực mầu lạ
    Nhiếp khắp hết căn cơ
    Rẽ thông vào Bát nhã.
Lược giải:

Ấn Quang Đại sư nói: "Tu các môn khác phải nhiều đời mới thoát luân hồi, và theo như Khởi Tín Luận thì phải trải qua một muôn đại kiếp tu hành liên tục mới vượt lên ngôi Bất thối chuyển. Ví như quan chức phải từ phẩm bậc nhỏ lần lượt thăng đến ngôi Tể tướng. Riêng môn niệm Phật là phương tiệm mầu lạ để mau thành Phật một đời được đới nghiệp vãng sanh thoát khỏi luân hồi, một kiếp đã bước lên ngôi Bất thối chuyển. Ví như Thái tử khi mới sanh ra, đã tôn quí vượt hẳn quần thần "Môn niệm Phật lại nhiếp tất cả căn cơ, dưới từ loài quỷ súc, hạng ngu tốt dốt nát tật nguyền, trên đến bậc Đẳng giác Bồ Tát như Văn Thù Phổ Hiền cũng có lời nguyện cầu sanh Tịnh Độ. Chữ "Nhất tuyến" đây là chỉ cho môn thiền Trực chỉ, tức đường lối thẳng vào Bát nhã chân tâm. Ngài Triệt Ngộ dùng từ ngữ này, bởi ngài là một "đại thiền sư". Lại "Nhất tuyến" cũng hàm chỉ cho đường lối đặc sắc nhiệm mầu của môn Tịnh Độ.

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Hán 5:
  • Nhứt cú Di Đà
    Khai vãng sanh môn.
    Thị đa phước đức
    Phi thiểu thiện căn.
Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Mở đường lối vãng sanh
    Đó là nhiều phước đức
    Chẳng phải ít căn lành.
Lược giải:

Từ khi Vi Đề Hy phu nhân chán cõi đời trược ác, cầu sanh về thế giới đẹp an vui, đức Thích Tôn mới nói ra môn Tịnh Độ mở đường lối vãng sanh, để hành giả được dễ dàng thuận tiến trên bước đường giải thoát. Muốn làm một bậc thượng thiện nhân cao quý ở cõi đẹp mầu như thế giới Cực Lạc, phải là người có nhiều phước đức căn lành. Theo kinh Vô Lượng Thọ: Chúng sanh nào đời này nghe nói Phật A Di Đà và cõi Cực Lạc, phát lòng tín nguyện, chí thiết niệm Phật cầu vãng sanh. Những chúng sanh đó trong tiền kiếp đã từng gặp nhiều đức Phật, và gieo trồng nhiều phước đức căn lành rồi.

Hán 6:
  • Nhứt cú Di Đà
    Lâm chung Phật hiện
    Tứ biện thân tuyên
    Lục phương cộng tán.
Dịch:
  • Một Câu A Di Đà
    Khi lâm chung Phật hiện
    Tứ biện khó thân tuyên
    Sáu phương đồng khen ngợi.
Lược giải:

Liên Trì Đại Sư nói: "Một câu A Di Đà gồm: Đại thiện căn, đại phương tiện, đại phước đức, đại trí huệ, đại giải thoát, đại từ bi. Câu niệm Phật đã có nhiều công đức lớn như thế, nên người niệm Phật mau diệt nhiều tội chướng, mau sanh nhiều phước huệ, khi lâm chung quyết định Phật sẽ hiện thân tiếp dẫn sanh về Cực Lạc. Cho nên chư Phật sáu phương hiện ra tướng lưỡi rộng dài, tiêu biểu cho sự tuyên thuyết pháp môn tối thượng thừa, mà ngợi khen công đức không thể nghĩ bàn của Tịnh Độ. Đã là pháp môn công đức không thể nghĩ bàn; thì đức Thích Ca Mâu Ni và chư Phật dù đã dùng Tứ biện tài là: Từ vô ngại biện, Nghĩa vô ngại biện, Pháp vô ngại biện và Lạc thuyết vô ngại biện, cũng không thể tuyên dương ngợi khen cho hết được.

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Hán 7:
  • Nhứt cú Di Đà
    Thành Phật tiêu chuẩn
    Dĩ niệm Phật tâm
    Nhập Vô sanh nhẫn.
Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Là thành Phật tiêu chuẩn
    Dùng tâm hạnh niệm Phật
    Chứng vào Vô sanh nhẫn.
Lược giải:

Niệm Phật chẳng riêng khi lâm chung được sanh về cõi Phật mà thôi. Trong hiện tại nếu hành giả nhiếp cả sáu căn, giữ cho tịnh niệm nối luôn, và có thể ngay đời này được ngộ đạo, chứng vào Vô sanh pháp nhẫn. Cho nên gọi: Niệm Phật là tiêu chuẩn thành Phật.

Hán 8:
  • Nhứt cú Di Đà
    Chứng tam bất thối
    Chỉ thử nhất sanh
    Tiện bổ Phật vị.
Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Chứng ba ngôi Bất thối
    Chỉ trong một đời này
    Được bổ lên Phật vị.
Lược giải:

Ba ngôi bất thối chuyển là: Vị bất thối, Hạnh bất thối, và Niệm bất thối. Cứ theo Thiên Thai Giáo, chứng được đệ nhất bất thối tâm trụ, mới lên ngôi vị bất thối. Chứng thập hồi hướng, lên ngôi hạnh bất thối. Và chứng sơ địa mới vào ngôi niệm bất thối. Nhưng ước theo đường lối phổ thông của Đại thừa giáo thì: Phá được kiến tư hoặc mới lên ngôi vị Bất thối. Phục đoạn Trần sa hoặc, lên ngôi hạnh bất thối. Và tiến phá vô minh hoặc mới vào ngôi niệm bất thối. Như thế chứng được ba ngôi bất thối thật không phải dễ! Theo các giáo môn khác, tất phải tu tập trải A Tăng kỳ số kiếp mới chứng nhập được. Với pháp môn Tịnh Độ, khi được vãng sanh kể như vĩnh viễn không còn bị thối chuyển nữa. Điều này, theo kinh giáo, gọi là Xứ bất thối. Từ Xứ bất thối, địa vị tam bất thối là cầm chắc trong tay, lần lượt sẽ tiến lên Phật quả. Cho nên kinh Di Đà nói: là bậc A bệ bạt trí (Bất thối chuyển). Chư thiện nhơn ở Cực Lạc sống lâu vô lượng vô biên A Tăng kỳ kiếp, chỉ trong một kiếp sanh về nơi đó đã dư thời gian chứng lên ngôi Nhứt sanh bổ sứ, được bổ và Phật vị rồi.

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Hán 9:
  • Nhứt cú Di Đà
    Mãn thập đại nguyện
    Khởi đắc Phổ Hiền
    Thác giáo liễu biện!
Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Tròn đầy mười thập nguyện
    Đâu phải đức Phổ Hiền
    Dạy lầm cho xong chuyện!
Lược giải:

Trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm Nhập Bất Tư Nghì Giải Thoát Cảnh Giới, sau khi đức Phổ Hiền nói mười đại Nguyện vương, ngài liền tự phát thệ và khuyên Thiện Tài đồng tử cùng hải chúng Bồ Tát trong biển thế giới Hoa Tạng, đều nên niệm Phật hồi hướng về Cực Lạc. Lời phát thệ như sau:
  • Tôi nguyện khi lúc sắp mạng chung
    Dứt trừ tất cả điều chướng ngại
    Diện kiến đức Phật A Di Đà
    Liền được sanh về Cõi An Lạc.
Tại sao thế? Vì muốn vào cảnh giới Bất tư nghì giải thoát, muốn thành tựu các công đức, muốn chứng Phật quả phải thật hành mười đại nguyện vương, và muốn không bị nhiều chướng duyên làm cho thối chuyển, muốn sớm mau hoàn mãn mười Đại nguyện vương ấy, tất phải cầu sanh Cực Lạc! Cho nên lời đức Phổ Hiền khuyên dạy chư Bồ Tát niệm Phật cầu về Cực Lạc không phải là điều dạy bảo cạn cợt lạc lầm, nói suông rồi cho xong chuyện! Mà chính đó là lời khuyên dạy tối quan yếu, bao gồm ý vị rất sâu sắc, phải suy gẫm nhiều mới thấu hiểu!

Hán 10:
  • Nhứt cú Di Đà
    Bạch ngưu giá cảnh
    Kỳ tật như phong
    Hành bộ bình chánh.
Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Xe gác ách trâu trắng
    Chạy lẹ như gió bay
    Bước đi thật bằng vững.
Lược giải:

Câu niệm Phật, đối với bậc cao, thì có niệm đồng với không niệm. Và mặc dù không nghĩ rằng mình là người hay niệm, đức Phật là vị được niệm, tâm niệm hằng rỗng không, nhưng cũng chẳng ngại gì câu niệm Phật thường hiển lộ rành rẻ rõ ràng. Như chư Bồ Tát, Tổ sư vẫn đi đứng, nằm ngồi, vẫn ăn cơm mặc áo, vẫn thuyết pháp tụng kinh, mà không thấy có các tướng ấy. Các ngài làm pháp hữu vi mà tâm vô vi, tâm tuy vô vi song vẫn làm tất cả pháp hữu vi. Như thế mới chẳng đọa vào lỗi "không và có", tiến lên cảnh giới Đại thừa. Cho nên đức Lục Tổ đã bảo:
  • Không niệm, niệm mới chánh
    Có niệm, niệm thành tà
    Có, không đều chẳng tưởng
    Ngồi được Bạch ngưu xa.
Cần nhận rõ: Không và Có trên đây, chẳng phải là không niệm Phật tụng kinh. Đây chính là niệm Phật đi vào cảnh giới chân không, chẳng tưởng nghĩ rằng mình có niệm hay không niệm. Với bậc kém hơn, tuy chưa thể ứng dụng được như thế, nhưng biết niệm Phật tức là đã tiến lên đường tu bằng phẳng, bước đi an ổn vững vàng, lần siêu vào cảnh giới Đại thừa. Như đã ngồi trên xe bạch ngưu, bước đi của nó thật bằng vững, không còn lo ngại chi nữa!

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Hán 11:
  • Nhứt cú Di Đà
    Như Lai tạng tâm
    Thủy ngoại vô lãng
    Khí nguyên thị kim.
Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Là tâm tạng Như Lai
    Ngoài nước đâu có sóng
    Xuyến, vàng vốn chẳng hai!
Lược giải:

Có một tu sĩ hỏi vị thượng tọa: "Niệm Phật để làm gì?" Ngài đáp: "Niệm Phật để thành Phật!" Tu sĩ ấy mỉm cười lui về, ý không công nhân. Tu sĩ đó không công nhận, vì ông chưa hiểu, và chưa ứng dụng được hạnh niệm Phật đi ngay vào Phật cảnh, tức vào tâm tạng của Như Lai. Theo trí phân biệt, ông chỉ chấp nhận và chỉ có thể ứng dụng câu niệm Phật để trừ vọng tưởng, lần lần chứng vào chân như mà thôi. Nếu theo tâm chấp tướng phân biệt, người ta thấy sóng với nước, xuyến cùng vàng khác nhau. Nhưng thật ra, các thứ đó chẳng phải một, cũng chẳng phải hai. Nếu các hành giả niệm Phật từ thí dụ này để tìm hiểu, tất sẽ xóa tan niệm phân biệt, dung hòa tâm với cảnh, thể nhập pháp môn bất nhị, đi ngay vào tạng tánh Phật, đại khái ý nghĩa như thế. Thuở xưa, một hành giả khi chứng ngộ vào cảnh giới này đã có bài kệ:
  • Bước đường vô vị đã cùng rồi
    Thấy sóng là đâu chỉ nước thôi
    Ông Triệu siêu quần chi lắm đó
    Mặt mày trông cũng thế mà thôi.
Hán 12:
  • Nhứt cú Di Đà
    Diệu chân như tánh
    Xuân tại hoa chi
    Tượng hàm cổ cảnh.
Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Lộ tánh diệu chân như
    Sắc xuân nơi hoa sáng
    Muôn tượng ẩn gương xưa.
Lược giải:

Thuở xưa, một vị Tăng tụng kinh Pháp Hoa đến câu: "Chư pháp tùng bản lai. Thường tịch diệt tướng" (Các pháp từ xưa nay. Tự tướng thường tịch diệt), bỗng sanh nghi không hiểu. Sau mấy năm tham thiền, ông chợt tỏ ngộ, liền viết tiếp thêm hai câu: "Xuân đáo bách hoa khai. Hoàng Oanh đề liễu thượng" (Xuân đến trăm hoa nở, Oanh vàng kêu liễu biếc). Câu niệm Phật đã thuần, hành giả sẽ thấy tánh chân như mầu nhiệm lồ lộ hiện bày, không thể dùng lời nói luận bàn, dùng tâm tư nghĩ suy phân biệt được. Cảnh trạng ấy sự sắc xuân hiện nơi trăm hoa đua nở sáng tươi, như oanh vàng kêu hót líu lo trên cành liễu sanh biết, chỉ dùng tâm thiên nhiên mới thể hợp được cảnh thiên nhiên. Nếu nghĩ suy phân biệt, tức là phiền não vọng động rồi, đâu còn chi là sáng suốt, trong đó in cảnh non nước trời mây, gương cùng cảnh tượng dung nhập nhau không nghĩ là đây là kia, là một là khác. Người niệm Phật khi ngộ vào tánh diệu chân như cũng như thế. Thời cận đại ở Trung Hoa, một đêm Hư Vân thượng nhân đang ngồi tịnh ngoài trời dưới ánh trăng sáng, vị Thiền sư đồng tham bước đến ướm hỏi thử:
  • Mắt cá vẫn nhiều, châu khó nhận
    Móng mây dễ lẩn ráng tươi hồng!
Thượng nhân liền đáp:
  • Gương hàm muôn tượng không kim cổ
    Chẳng thuộc âm dương sáng đại đồng.
Thiền sư nghe xong, gật đầu mỉm cười rồi bỏ đi.

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Hán 13:
  • Nhứt cú Di Đà
    Thanh tịnh thật tướng
    Tuyệt nghị, tuyệt tư
    Nan danh, nan trạng.
Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Cảnh thật tướng sạch trong
    Tuyệt bàn, tuyệt suy nghĩ
    Khó nói, khó hình dung.
Lược giải:

Lập lại ý trên, hành giả niệm Phật khi đi sâu vào tam muội, thể thật tướng của chân tâm lồ lộ hiện bày. Cảnh giới này chỉ đem tâm thanh tịnh khế hợp, không thể dùng lời nói diễn tả, dùng tâm niệm phân biệt để nghĩ ngợi phan duyên. Bởi thế nên khi Thủy Lão Hòa Thượng đến tham khấu với ý niệm cầu hỏi về chân tâm, vừa mới cúi lạy đã bị đức Mã Tổ đạp cho té lăn tròn. Thế mà Hòa Thượng tỏ ngộ, vỗ tay cười ha hả. Sự tỏ ngộ ấy chỉ đương nhân tự hiểu, như người uống nước lạnh nóng riêng mình biết lấy mà thôi. Cũng với y chỉ này, thuở xưa một vị tôn đức đem bài kệ như sau ướm hỏi các môn nhân:
  • Có pháp không sau trước
    Vô hình vốn lặng trang
    Hay làm chủ muôn vật
    Chẳng theo bốn mùa tàn.
Một đệ tử nghe xong, vội ứng tiếng thưa: "Đó là chân tâm!" Liền bị tôn đức rầy quở bác phá.

Hán 14:
  • Nhứt cú Di Đà
    Viên dung pháp giới
    Thục thể toàn chân
    Giao la vô ngại.
Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Dụng thông tròn pháp giới
    Soi lặng thể toàn chân
    Xen giăng khắp vô ngại.
Lược giải:

Như trên đã nói, khi hành giả chứng niệm Phật tam muội, căn trần dứt bặt tự tánh Di Đà dung thông tròn sáng khắp pháp giới. Cảnh tượng ấy lặng lẽ mà chiếu soi, chiếu soi mà lặng lẽ, toàn thể đâu đâu cũng là chân thật. Trong chân thể ấy, hằng sa vô biên thế giới xen giăng nhau, như vô số hạt châu nơi các mắt lưới của trời Đế Thích. Chân cảnh này rất đỗi sâu mầu, trong tứ pháp giới, thuộc về Sự sự vô ngại pháp giới, trong Thập huyền môn, thuộc về Nhân đà la võng cảnh giới môn.

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Hán 15:
  • Nhứt cú Di Đà
    Đại viên trí cảnh
    Thân độ ảnh hàm
    Trùng trùng yêm ánh.
Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Gương Đại Viên trí cảnh
    Thân độ bóng hàm nhau
    Lớp lớp mầu lập lánh.
Lược giải:

Đây là nói tiếp về công hạnh niệm Phật của hành giả khi chứng cùng cực chân cảnh tự tánh Di Đà. Chân cảnh này như thể gương tròn sáng không ngằn mé, bao gồm muôn tượng sum la, gọi là Đại Viên cảnh trí. Trong thể Đại viên ấy, "Thân" thuộc về phần Chân như tịch chiếu môn. "Độ" thuộc về phần thế giới sanh diệt môn, đều hàm chứa hình bóng lẫn nhau. Sự hàm ảnh đó như mỗi hạt châu nơi mắt lưới của trời Đế Thích, đều ngậm chứa hình bóng của vô số hạt châu khác. Cảnh hàm ảnh giữa Không với Không, Sắc cùng Sắc, Sắc và Không xen lẫn ngậm bóng nhau ấy, thật là lớp lớp tầng tầng, lấp lánh vô ngại nhiệm mầu khó bề diễn tả.

Hán 16:
  • Nhứt cú Di Đà
    Không Như Lai tạng
    Vạn pháp vị hình
    Nhất chân tuyệt tướng.
Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Là không Như Lai Tạng
    Vạn pháp dứt hình dung
    Nhất chân tuyệt sắc tướng.
Lược giải:

Tiếp theo ý nghĩa trên, cảnh giới tuy nhiên sum la như thế, song hành giả phải một tâm lặng lẽ thể nhập vào Không Như Lai Tạng. Tâm cảnh này dứt cả muôn pháp, tuyệt cả sắc tướng, chỉ là một thể nhất chân không còn phân biệt.

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Hán 17:
  • Nhứt cú Di Đà
    Viên mãn Bồ Đề
    Thiên cảnh vô thượng
    Vân biết dữ tề.
Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Tròn đủ Bồ Đề đạo
    Ráng mây đều ở thấp
    Lại không có trời cao.
Lược giải:

Khi hành giả đã thể nhập Không Như Lai Tạng, thì đạo Bồ đề tròn đủ, con đường giác ngộ đến mức cao tuyệt rồi. Cảnh giới ấy như trạng thái của người: "Một mình nằm nghỉ trên đỉnh non cao". Khi xưa ông Khấu Chuẩn đời nhà Tống, thuở bé theo cha lên núi Thái Sơn, đã đắc ý đọc lên bốn câu thi cũng mường tượng như hai câu sau của bài kệ trên:
  • Bất dữ quần phong ngũ
    Cảnh vô sơn dữ tề
    Cử đầu hồng nhật cận
    Hồi thủ bạch vân đề.
Tạm dịch:
  • Chẳng cùng muôn đảnh đồng bạn
    Lại không một núi dám qua
    Ngước mắt vầng hồng kề cận
    Cúi đầu mây bạc thấp xa!
Nhưng đó chỉ là khẩu khí của một vị Tể tướng, vì trên còn có vầng hồng, còn có Thiên Tử. Chưa bằng vua Hồng Võ đời nhà Minh lúc du ngoạn núi này, cũng tức cảnh hai câu:
  • Nhứt thượng, nhứt thượng, cánh nhứt thượng
    Vô hạn yên vân nhãn để thâu!
Tạm dịch:
  • Lên cao càng lúc càng cao tít
    Vô hạn trời mây dưới mắt nhìn.
Đây mới thật là khẩu khí của một bậc Thiên Tử, đứng trên muôn dân. Có thể mượn hai câu sau này để tạm hình dùng cảnh tượng giác ngộ tròn đầy cao tuyệt của một vị Pháp Vương đứng trên vạn pháp.

Hán 18:
  • Nhứt cú Di Đà
    Đại bát niết bàn
    Nhất luân minh nguyệt
    Vạn lý không hàn!
Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Là cảnh Đại tịch diệt
    Muôn niệm trống thanh lương
    Chỉ một vầng minh nguyệt!
Lược giải:

Khi đã vào thể nhiệm mầu cao tuyệt của Không Như Lai tạng, hành giả niệm Phật ở cảnh giới mà nhà Thiền gọi là "Chẳng cùng muôn pháp làm bạn" (Bất dữ vạn pháp vi lữ). Cảnh giới này như vầng trăng tròn sáng, chiếu soi muôn dặm, vắng lặng thanh thanh lương, là cảnh Đại tịch diệt hay Đại Bát Niết Bàn vậy. Đây cũng gọi là cảnh "Song vong", người chăn và trâu đều mất, phiền não cùng pháp trừ phiền não không còn. Như lời xưa đã diễn tả:
  • Soi lại người, trâu đã mất tung
    Dặm ngàn vắng lạnh nguyệt linh lung!
    Ý hay đoan bích như ai hỏi
    Cỏ biếc hoa tươi tự thắm hồng!
(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Hán 19:
  • Nhứt cú Di Đà
    Khai Bát nhã môn
    Thập hư vạn pháp
    Nhứt khẩu bình thôn.
Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Mở toang cửa Bát nhã
    Muôn pháp cõi thập hư
    Một miếng nuốt tất cả.
Lược giải:

Bát nhã là trí huệ. Thập hư có nghĩa: cõi hư không ở mười phương. Một câu Phật hiệu, nếu niệm cùng cực, tất mở toang được trí huệ và bao hàm muôn pháp ở mười phương hư không. Muốn một tiếng nuốt trọn muôn pháp cõi thập hư, bên trong hành giả phải tiêu trừ bốn đại năm uẩn thuộc ngã chấp, bên ngoài xả bỏ sáu trần cùng thời gian, không gian thuộc pháp chấp. Khi chuyên giữ một câu Phật hiệu, xả trừ quan niệm chấp thân tâm và thế giới như thế, đến lúc sức cực công thuần, tam của đương nhân bỗng mở rỗng rang, bao trùm muôn pháp khắp mười phương, như bọt nước hòa tan đồng sức hàm chứa cùng biển rộng. Đó gọi là một miếng nuốt tất cả. Thuở xưa cư sĩ Bàng Uẩn đến tham khấu đức Mã Tổ hỏi: "Thế nào là ý của Tổ Sư Đạt Ma từ Tây phương đến?" Mã Tổ đạp: "Đợi khi nào ông uống một hớp hết nước sông tây giang, ta sẽ nói cho biết!". Cư sĩ nghe xong bỗng đại ngộ. Hành giả niệm Phật nên theo dõi bước đại ngộ này, đừng quan thiệp vào lý giải.

Hán 20:
  • Nhứt cú Di Đà
    Hỏa ốc môn khai
    Tùng giả lý nhập
    Khoái tùy ngã lai.
Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Mở cửa nhà đẹp cao
    Gọi các hàng tùng giả
    Mau theo ta đi vào.
Lược giải:

Hoa ốc đây, chỉ cho cảnh trang nghiêm của thế giới Hoa Tạng. Khi hành giả chứng được Niệm Phật tam muội rồi, tâm cảnh rỗng rang, lần lần đi sâu vào biển thế giới Hoa Tạng, gồm vô biên quốc độ mầu đẹp trang nghiêm. Tự mình giác ngộ chứng được đức trí, lại dùng vô lượng phương tiện khuyên dẫn kẻ hữu duyên đồng bước theo vào nơi hoa ốc để thật hiện đức Bi...Đây là bản nguyện cao cả của người học đạo nghĩ bàn của môn niệm Phật, khuyên chúng sanh nên phát nguyện cầu sanh về Cực lạc. Từ xưa đến nay, chư Tổ cũng đã dẫn kinh viết luận rất nhiều, để tán dương môn Tịnh Độ. Tâm xót thương sâu rộng, lời khổ thiết khuyên răn của chư Phật, Bồ Tát, Tổ sư như thế, thật đã hết lòng hết sức. Ví như người đẩy thuyền chở nặng muôn hộc, dương cung cứng mạnh ngàn cân, sự dùng tâm vận lực đã đến mức điểm cuối cùng vậy.

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Hán 21:
  • Nhứt cú Di Đà
    Nhập vương tam muội
    Tợ địa quân kinh
    Như thiên phổ cái.

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Vào tam muội Bảo vương
    Như đất đều nâng đỡ
    Tợ trời che khắp miền.

Lược giải:

Niệm Phật tam muội cũng gọi là Bảo Vương tam muội. Khi chứng được tam muội này, diệt vô lượng tội chướng, tăng vô biên phước huệ, độ vô số chúng sanh, đức hóa lan rộng khắp mọi nơi như trời che đất chở. Từ nơi Niệm Phật Bảo Vương tam muội này, Bồ tát rưới vô lượng mưa pháp độ khắp chúng sanh. Như trong kinh Hoa Nghiêm, Đức Vân Bồ Tát đã bảo Thiện Tài đồng tử:

"Thiện nam tử! Chư đại Bồ Tát có vô biên hành môn trí huệ thanh tịnh. Đó là: Môn Trí Quang Phổ Chiếu Niệm Phật, thường thấy các thứ cung điện nghiêm sạch nơi tất cả quốc độ của chư Phật. Môn Linh Nhứt Thiết Chúng Sanh Niệm Phật, tùy nơi tâm ưa thích của các chúng sanh, đều khiến cho được thấy Phật và được thanh tịnh. Môn Lĩnh An Trụ Lực Niệm Phật, khiến cho được vào mười lực của Như Lai. Môn Linh An Trụ Pháp Niệm Phật, khiến cho thấy vô lượng chư Phật được nghe pháp mầu. Môn Chiếu Diệu Chư Phương Niệm Phật, thấy trong tất cả thế giới, các Phật hải đều đồng nhau không sai khác. Môn Nhập Bất Khả Kiến Xứ Niệm Phật, thấy tất cả cảnh vi tế trong các việc thần thông tự tại của chư Phật. Môn Trụ Ư Chư Kiếp Niệm Phật, trong tất cả kiếp thường thấy các việc làm của Như Lai không tạm mất. Môn Trụ Nhứt Thiết Thời Niệm Phật, trong tất cả thời thường thấy Như Lai đồng ở gần bên không xa lìa. Môn Trụ Nhứt Thiết Sát Niệm Phật, trong các quốc độ đều thấy thân Phật vượt hơn tất cả không chi sánh bằng. Môn Trụ Nhứt Thiết Thế Niệm Phật, tùy nơi tâm mình ưa thích, thấy khắp chư Như Lai trong ba đời. Môn Trụ Nhứt Thiết Cảnh Niệm Phật, khắp trong tất cả cảnh giới, thấy chư Như lai lần lượt hiện thân. Môn Trụ Tịch Diệt Niệm Phật, trong một niệm thấy chư Phật trong tất cả cõi thị hiện vào Niết bàn. Môn Viễn Ly Niệm Phật, trong một niệm thấy tất cả Phật từ chỗ mình ở đi ra. Môn Trụ Quảng Đại Niệm Phật, tâm thường quán sát mỗi mỗi thân Phật đầy khắp tất cả các pháp giới. Môn Trụ Vi Tế Niệm Phật, khoảng một đầu lông có bất khả thuyết Như Lai xuất hiện, đều đến tận nơi mà thừa sự. Môn Trụ Trang nghiêm Niệm Phật, trong một niệm thấy tất cả cõi đều có chư Phật thành Đẳng chánh giác hiện sức thần biến. Môn Trụ Năng Sự Niệm Phật, thấy tất cả Phật hiện ra nơi đời phóng ánh sáng trí huệ, chuyển bánh xe pháp. Môn Trụ Tự Tại Tâm Niệm Phật, tùy tâm mình ưa thích, tất cả chư Phật đều biết và hiện ảnh tượng. Môn Trụ Tự Nghiệp Niệm Phật, biết tùy theo nghiệp lành chứa nhóm của chúng sanh, hiện ra ảnh tượng khiến cho giác ngộ. Môn Trụ Thần Biến Niệm Phật, thấy Phật ngồi trên hoa sen tươi nở rộng lớn đầy khắp pháp giới. Môn Trụ Hư Không Niệm Phật, quán sát Như Lai có nhiều thân như mây, trang nghiêm pháp giới và hư không giới...".

Môn Niệm Phật xuất sanh nhiều tam muội và lợi ích khắp chúng sanh như thế, nên gọi là Vương tam muội, và như trời che đất chở.

Hán 22:
  • Nhứt cú Di Đà
    Đắc Đại tổng trì
    Chuyển nhứt thiết vật
    Sử thập nhị thì.

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Khiến được Đại tổng trì
    Chuyển hết tất cả vật
    Sử dụng mười hai thì.

Lược giải:

Đại Tổng Trì là sự thông suốt nắm giữ tất cả pháp với tầm mức lớn lao rộng rãi. "Muốn được tất cả, phải bỏ tất cả". Ví như tấm gương sáng lớn mà đem vật gì che áng ở trước, dù là một bình hoa đẹp, tất chỗ đó mất sự chiếu soi tự tại. Chơn tâm của chúng ta là tấm gương Đại viên cảnh trí, nếu chấp giữ một pháp nào, dù đó là Phật lý cao siêu mầu nhiệm, tất cũng sẽ bị kém mất sức chiếu soi tự tại, sự thông suốt tất cả pháp. Như thế làm sao được Đại tổng trì? Kinh nói: "Thấy biết mà giữ sự thấy biết là gốc vô minh. thấy biết không giữ sự thấy biết, đó mới chính Niết Bàn". (Tri kiến lập tri, tức vô minh bản. Tri kiến vô kiến, tư tức Niết Bàn). Cho nên chuyên nhứt câu niệm phật, xả bỏ tất cả, hành giả quyết sẽ được Đại tổng trì, Đại tam muội.

Kinh Lăng Nhgiêm nói: "Nếu chuyển được vật, tức đồng với Như Lai". (Nhược năng chuyển vật, tức đồng Như Lai). Chúng sanh tâm thường hướng ngoại, không biết các pháp là huyễn, cho nên bị cảnh lục trần xoay chuyển, như con trâu lâm cảnh xỏ vàm dắt đi, hằng chịu sự phiền não buộc ràng không được tự tại. Nếu quán xét các pháp là huyễn, giữ một câu Phật hiệu xoay chiếu vào trong, thì tâm lần lần thanh tịnh tự tại, sẽ làm chủ được các pháp, không còn bị các pháp sai sử làm chủ nữa. Đó gọi là "chuyển vật" là đồng với Như Lai. Trái lại, tức là bị vật chuyển, đồng với chúng sanh vậy.

Ấn Quang pháp sư bảo: "Một lòng không trụ, muôn cảnh đều nhàn!" (Nhứt tâm vô trụ, vạn cảnh câu nhàn). Khi tâm trụ nơi các pháp, thì thấy thời gian có lâu mau, bị cảnh giới làm cho loạn động, sanh niệm ưa, chán, ghét, thương, khổ, vui, cùng vô lượng phiền não. Như trên, khi hành giả giữ câu niệm Phật thanh tịnh, không để cho vật chuyển, thì trong mười hai thời của ngày đêm, hằng được nhàn nhã tự tại, tùy ý sử dụng mọi sự, việc nào đáng làm trước hoặc làm sau đều theo tuần tự, chẳng khác vị đông y sĩ tùy nghi sử dụng các hộc thuốc của mình.

Tóm lại, nếu khéo biết tu hành, thì cách tự tại sử dụng trong mười hai thời, sự làm chủ xoay chuyển các pháp, cho đến chứng đắc cảnh giới Đại tổng trì, then chốt đều do ở nơi câu niệm Phật.

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Nguyenthu
Bài viết: 667
Ngày: 19/03/20 05:08
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hoa Kỳ
Được cảm ơn: 15 time

Re: MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi Nguyenthu »

Hán 23:
  • Nhứt cú Di Đà
    Tánh bản tự không
    Tinh day cung Bắc
    Thủy tận triều Đông.

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Tánh thể vốn tự không
    Các sao chầu Bắc đẩu
    Muôn nước chảy về Đông.
Lược giải:

Một tín nữ đến thuật lại với bút giả: "Có vị Sư cô bảo con bỏ hết đừng nên niệm Phật nữa, hãy để lòng yên lặng cho tâm không cảnh không, mới mau ngộ đạo!" Bút giả nói: "Các pháp đều như huyễn, câu niệm Phật cũng như huyễn, tự thể của nó đã là không rồi, cần gì phải bỏ? Nếu muốn chứng được tâm không cảnh không, mà còn ngại câu niệm Phật, còn bác bỏ sự tướng, thì đó chính là thiên không hay ngoan không (cái không thiên lệch, trống rỗng, cứng chắc) của ngoại đạo, chớ chẳng phải ý nghĩa chân không của Phật pháp. Ý nghĩa chân không chân chánh của đạo Phật ở ngay nơi tất cả cái có thuộc mọi sự tướng, mà không chấp thấy là có (Chân không bất không, diệu hữu phi hữu). Chẳng phải riêng Sư cô ấy lạc lầm, trong hiện tại có rất nhiều vị tu học Phật pháp đã sa vào hầm hố đó. Thật là điều không may và đáng thương cảm!" Nay nhân tiện xin tạm mượn sự việc trên để giải thích về ý nghĩa "Tự không" của câu niệm Phật.

Theo quan niệm địa dư xưa, người Trung Hoa cho rằng vùng đất của loài người ở là một châu lớn, chỗ họ cư trú thuộc Trung Quốc. Phía Đông của châu ấy là biển cả, muôn dòng nước ở lục địa đều chảy ra đó. Người Việt Nam hấp thụ văn hóa Trung Hoa, cũng đồng với quan điểm ấy. Bởi thế cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm mới có câu: "Hồng Nhật đông thăng tri đại hải. Bạch Vân tây vọng thị thần châu". Và theo thiên văn học xưa, người Trung Hoa bảo rằng các vì sao đều chầu hướng về ngôi Bắc đẩu. Để dẫn giải cho Phật pháp, Triệt Ngộ đại sư cũng phương tiện mượn quan niệm thế gian ấy mà làm thí dụ. Bởi tất cả pháp đều từ nơi biển chân không lưu xuất, và đều tan về chân không. Bên tông Tịnh Độ gọi thể chân không đó là Tự tánh Di Đà. Bài kệ trên đại ý: Câu niệm Phật tánh vốn tu tiến chứng thể tánh ấy một cách viên mãn, sẽ thức ngộ muôn pháp từ nơi đó mà lưu xuất, lại cũng qui nhập về nơi đó. Như sao Bắc đẩu làm chủ muôn sao, muôn sao chầu về Bắc đẩu, biển Đông dâng nước vào các sông ngòi, nước sông ngòi đều đổ về biển Đông vậy.

Hán 24:
  • Nhứt cú Di Đà
    Pháp giới duyên khởi
    Tịnh nghiệp chánh nhân
    Bồ đề chủng tử.

Dịch:
  • Một câu A Di Đà
    Là duyên khởi pháp giới
    Chánh nhân của tịnh nghiệp
    Và chủng tử Bồ đề.

Lược giải:

Phật Pháp chia thành hai hệ: Không tông và Hữu tông. Không tông đề ra thuyết Chân như duyên khởi; Hữu tông đề ra thuyết A lại da duyên khởi. Dung nhập vào trung đạo, tức Nhứt chân pháp giới, thì Không và Hữu chẳng khác, Chân như tức A lại da. Đây ý nói câu niệm Phật là huyễn hữu, cũng lại là chân không, duyên khởi điểm của nó từ nơi pháp giới. Vậy câu niệm Phật là Pháp giới duyên khởi, gồm Chân như cùng Lại da duyên khởi, dung nhiếp cả Hữu Không. Bởi thế nên niệm Phật là chánh nhân của tịnh nghiệp. Tịnh nghiệp đây gồm bốn Tịnh độ mà tiêu điểm cuối cùng là cõi Thường Tịch Quang. Và niệm Phật cũng là hạt giống Bồ đề đưa đến sự toàn giác, gồm giác ngộ mình, giác ngộ chúng sanh, hạnh giác ngộ đầy đủ.

(Còn tiếp)
kinhle NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT kinhle
Vào đời đi theo nghiệp duyên,
Củi hết lửa tắt, về miền Tây Phương.


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Bing [Bot]34 khách